Mỹ-Iran : Trump dọa tấn công 52 mục tiêu của Iran (RFI, 05/01/2020)
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran dường như chưa thể hạ nhiệt. Tổng thống Donald Trump ngày 04/01/2020 giận dữ đe dọa chính quyền Tehran sẽ "phản công mạnh" nếu Iran tiếp tục tấn công vào những mục tiêu của Hoa Kỳ.
Tổng thống Donald Trump đã nhắm tới 52 mục tiêu của Iran nếu Tehran tấn công các cơ sở của Mỹ. Ảnh ngày 03/01/2020. Reuters
Lời lẽ cứng rắn của nguyên thủ Mỹ được đưa ra ngay sau khi xảy ra hai vụ bắn rocket mới trong cùng ngày nhắm vào một khu căn cứ quân sự có lính Mỹ đồn trú và khu vực Xanh vốn được bảo vệ chặt chẽ nhất và cũng là nơi tọa lạc đại sứ quán Mỹ ở Baghdad.
Từ New York, thông tín viên đài RFI, Loubna Anaki giải thích thêm :
"52 điểm hiện trong tầm ngắm của Washington. Con số 52 còn là số con tin Mỹ bị giam cầm, rồi được thả tự do năm 1981 ở Tehran. Đó chính là những gì ông Donald Trump khẳng định trên mạng xã hội Twitter tối ngày 04/01.
Chữ viết in hoa, ông tuyên bố : ʺNhững mục tiêu này, cũng như là chế độ Iran sẽ bị đập tan nhanh chóng và mạnh mẽ nếu Tehran tiếp tục tấn công người Mỹʺ.
Cũng trong dòng tweet đó, một lần nữa, Donald Trump biện minh vụ hạ sát Qasem Soleimani… một lãnh đạo khủng bố. Theo tổng thống Mỹ, Soleimani đã chuẩn bị nhiều vụ tấn công mới. Donald Trump cảnh báo : "Hãy xem cái chết của ông ta như là một lời cảnh cáo dành cho các lãnh đạo Iran".
Kể từ sau cái chết của lãnh đạo Vệ binh Cách mạng, nhiều lời kêu gọi trả thù gia tăng không những ở Tehran mà cả ở những phe phái thân Iran tại Iraq. Theo ngoại trưởng Mike Pompeo, một trong những phe thân Iran chính dường như đã kêu gọi các binh sĩ Iraq từ bỏ vị trí bảo vệ an ninh cho đại sứ quán Mỹ và các căn cứ quân sự có lính Mỹ đồn trú."
Mỹ tăng cường an ninh tại nhiều thành phố
Vẫn theo thông tín viên Loubna Anaki, tại Mỹ nhiều thành phố lớn như New York, Los Angeles hay Chicago đã nâng mức báo động an ninh đề phòng Tehran trả đũa.
Tuy nhiên, chính quyền các thành phố vẫn bảo đảm rằng chưa có gì cho thấy có một mối nguy hiểm bắt đầu. Dù vậy, các chính quyền thành phố kêu gọi người dân Mỹ vẫn phải cẩn trọng với thông điệp như thường lệ : "Nếu quý vị thấy điều gì đó, hãy báo động ngay".
Minh Anh
*****************
NATO tạm ngưng huấn luyện các lực lượng Iraq (RFI, 05/01/2020)
Sau cái chết của tướng Iran, Qasem Souleimani, trong một đợt oanh kích do Mỹ tiến hành, Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO ngày 04/01/2020 thông báo tạm ngưng các hoạt động huấn luyện tại Iraq.
Thượng đỉnh NATO tại Watford- Luân Đôn. Ảnh ngày 04/12/2019. ludovic MARIN / POOL / AFP
Từ Bruxelles, thông tín viên đài RFI, Joana Hostein giải thích nhiệm vụ của NATO tại Iraq :
"Liên minh Bắc Đại Tây Dương đã tạm ngưng nhiệm vụ đào tạo các lực lượng Iraq vì lý do an ninh. Phát ngôn viên tổ chức quân sự này tuyên bố : An toàn cho nhân sự của chúng tôi tại Iraq là điều chính yếu. Chúng tôi sẽ có những biện pháp đề phòng cần thiết.
Hiện tại, có khoảng 500 cố vấn đào tạo thuộc các nước thành viên của khối và các nước đối tác, như Phần Lan, Thụy Điển và Úc đang có mặt tại Iraq. Quả thật, năm 2018, NATO khởi động một nhiệm vụ nhằm củng cố các lực lượng an ninh Iraq và ngăn cản sự trỗi dậy của nhóm khủng bố Daech ở Iraq.
Đó không phải là một nhiệm vụ chiến đấu. Liên Minh chủ yếu cố vấn cho bộ quốc phòng Iraq và hỗ trợ việc thiết lập các học viện quân sự chuyên nghiệp cho các lực lượng Iraq. Số nhân sự này của NATO đóng căn cứ ở Baghdad và nhiều thành phố lân cận. Nhiệm vụ của những người này giờ bị tạm ngưng chờ cho đến khi nào có lệnh mới."
Hoạt động ngoại giao nhộn nhịp
Trước nguy cơ Trung Đông xảy ra chiến sự giữa Mỹ và Iran sau cái chết của tướng Qasem Soleimani, ngoại trưởng ba nước Pháp, Nga và Trung Quốc có buổi hội đàm tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Trao đổi qua điện thoại với đồng nhiệm Nga, Serguei Lavrov ngày 04/01/2020, ngoại trưởng Vương Nghị cho biết "phản đối mọi sự lạm dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Phiêu lưu quân sự là điều không thể chấp nhận !".
Thông cáo của bộ ngoại giao Trung Quốc nhắc lại lời chỉ trích của ngoại trưởng Nga cho rằng "thái độ của Mỹ là bất hợp pháp và đáng bị lên án". Còn phía Pháp thì bày tỏ "hy vọng tất cả các bên liên lạc chặt chẽ sao cho vụ tấn công này không làm ảnh hưởng đến việc thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran".
AFP cho biết thêm, tổng thống Macron cũng có cuộc nói chuyện qua điện thoại với đồng nhiệm Iraq, đề nghị đôi bên "giữ liên lạc chặt chẽ nhằm tránh cho tình hình căng thẳng thêm nghiêm trọng và có thể hành động cho sự ổn định của Iraq cũng như cho toàn khu vực".
Minh Anh
******************
Khủng hoảng Mỹ-Iran : Luân Đôn điều chiến hạm hộ tống thương thuyền Anh (RFI, 05/01/2020)
Ngày 05/01/2020, bộ trưởng quốc phòng Anh thông báo, nhằm đề phòng Iran phong tỏa vịnh Ba Tư, Luân Đôn huy động Hải Quân hộ tống các thương thuyền treo cờ Anh lưu thông trong eo biển Ormuz, con đường vận chuyển dầu hỏa chiến lược thế giới.
Luân Đôn từng huy động Hải Quân bảo vệ tàu thuyền của Anh trên eo biển Ormuz. Ảnh tháng 7/2019. Royal Navy/Handout via Reuters
Theo tuyên bố của bộ trưởng quốc phòng Anh Ben Wallace sáng 05/01/2020 , tuần dương hạm HMS Montrose và khu trục hạm HMS Defender được lệnh tái thi hành nhiệm vụ bảo vệ các thương thuyền treo cờ Anh qua lại trong eo biển Ormuz. Nhiệm vụ này đã được thực hiện từ tháng 7 đến tháng 11/2019 sau khi tàu chở dầu của Thụy Điển mang cờ Anh bị Iran uy hiếp.
Sự kiện quân đội Mỹ hạ sát tướng Iran theo lệnh của tổng thống Donald Trump khiến tình hình căng thẳng thêm. Tehran đe dọa trả thù "đúng nơi và đúng lúc" .
Eo biển Ormuz nối liền vịnh Ba Tư và vịnh Oman là địa điểm dễ ra tay nhất vì chiều ngang chỉ rộng có 60 km.
Bộ trưởng quốc phòng Anh cho biết thêm "đã thảo luận và đồng ý với đồng nhiệm Mỹ Mark Esper". Quân đội Mỹ đã bị tấn công liên tục trong các tháng vừa qua và do vậy, theo luật quốc tế, Hoa Kỳ có quyền tự vệ chống lại những mối đe dọa sắp xảy đến.
Thủ tướng Anh bị đối lập lên án thiếu tinh thần trách nhiệm. Chính phủ chưa có phản ứng chính thức về vụ Hoa Kỳ hạ sát tướng Iran. Trong khi chờ đợi, ngoại trưởng Anh Dominic Raab, qua mạng xã hội, ủng hộ quyết định của Washington và kêu gọi Tehran ra khỏi tình trạng cô lập : Qasem Soleimani, theo ngoại trưởng Anh, là mối đe dọa cho hòa bình ở Trung Đông.
Tú Anh
****************
Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết chấm dứt hiện diện của lính nước ngoài (VOA, 05/01/2020)
Quốc hội Iraq hôm 5/1 thông qua một nghị quyết, thúc giục chính phủ chấm dứt sự hiên diện của binh sĩ nước ngoài ở Iraq và bảo đảm rằng họ không sử dụng đường bộ, đường không và lãnh hải vì bất cứ lý do gì, theo Reuters.
Hãng tin Anh dẫn nghị quyết có đoạn nói rằng "chính phủ cam kết chấm dứt yêu cầu hỗ trợ từ liên minh quốc tế trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo vì sự kết thúc các hoạt động quân sự ở Iraq và việc đã giành thắng lợi".
"Chính phủ Iraq phải làm việc để chấm dứt sự hiện diện của bất kỳ binh sĩ nước ngoài nào trên đất Iraq và cấm họ sử dụng đường bộ, không phận hoặc lãnh hải của Iraq vì bất kỳ lý do gì", nghị quyết có đoạn.
Theo Reuters, không giống như các đạo luật, các nghị quyết của quốc hội Iraq không mang tính ràng buộc đối với chính phủ.
Tuy nhiên, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi trước đó kêu gọi quốc hội chấm dứt sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài.
Quốc hội Iraq có động thái trên hai ngày sau khi chỉ huy quân sự Iran Qasem Soleimani bị giết hôm 3/1 trong một cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ nhắm vào đoàn xe của ông tại sân bay ở Baghdad.
******************
Iran : Biển người dự tang lễ tướng Qasem Soleimani (RFI, 05/01/2020)
Thi hài của tư lệnh lực lượng viễn chinh Iran Al Qods, bị Mỹ hạ sát tại Iraq, đã được đưa về quê nhà. Ngày 05/01/2020, đài truyền hình Irinn cho thấy một biển người tràn ngập đường phố Ahvaz, ở tây-nam Iran, đón tiếp linh cữu tướng Qasem Soleimani.
Biển người tại thành phố Ahvaz tiễn đưa tướng Qasem Soleimani, tư lệnh lực lượng viễn chinh Iran. Ảnh ngày 05/01/2020. Reuters
Sau nghi lễ từ biệt tại Baghdad hôm 04/01/2020 linh cữu của cố tư lệnh Al Qods về đến quê nhà vào sáng Chủ Nhật Tại Iran. Quốc tang ba ngày của nhân vật được vinh danh là "anh hùng dân tộc" bắt đầu tại Ahvaz, nơi Qasem Soleimani nổi danh qua các trận đánh chống Iraq trong thập niên 1980.
Quốc tang chính thức sẽ được tổ chức tại Tehran vào ngày 06/01/2020. Tiếp theo đó linh cữu sẽ được đưa về Machhad tại lăng của giáo chủ Reiza, truyền nhân đời thứ tám của tiên tri Mohamet (đông- bắc), sau đó là Qom ở miền trung và cuối cùng là lễ an táng tại Kerman nơi ông chào đời.
Tại Ahvaz, một rừng người mang cờ đỏ màu thánh tử đạo, chân dung người hùng quá cố và biểu ngữ đòi trả thù tràn ngập quảng trường Mollavi và các con đường chung quanh.
Theo thông tín viên Siavosh Ghazi, tang lễ chính thức được tổ chức rầm rộ tại Iraq và tại Iran cho thấy vai trò và ảnh hưởng của tướng Qasem Soleimani như thế nào tại Tehran và Baghdad.
Tư lệnh lực lượng Al Qods của Iran cùng nhân vật thân tín nhất, chỉ huy trưởng một phong trào dân quân Shia Iraq, bị quân đội Mỹ hạ sát theo lệnh của tổng thống Donald Trump. Đoàn xe bị trúng tên lửa của máy bay tự hành khi vừa rời phi trường Baghdad.
Ngay lập tức, Ayatollah Ali Khamenei thông báo bổ nhiệm tướng Esmaïl Qaani, trợ lý đặc trách các chiến dịch quân sự ngoài lãnh thổ của Al Qods lên làm tư lệnh. Esmaïl Qaani được giáo chủ Iran khen ngợi là một trong những cấp chỉ huy "nhiều huy chương nhất" của Vệ Binh Cách Mạng.
Tú Anh
*******************
Baghdad tổ chức lễ tang tướng Iran Soleimani, Tehran dọa trả thù Mỹ (RFI, 04/01/2020)
Ngày 04/01/2020, chính quyền Iraq đã tổ chức tang lễ cho viên tướng Iran Qasem Soleimani vừa bị thiệt mạng trong một vụ không kích của Quân Đội Mỹ ngày 03/01, gần sân bay Baghdad. Một đám đông hàng ngàn người đã tuần hành theo xe tang tại thủ đô Iraq, hô vang những khẩu hiệu đòi tiêu diệt nước Mỹ.
Người dân Iraq dự đám tang tướng Iran Qasem Soleimani và chỉ huy dân quân cấp cao Iraq Abu Mahdi al-Muhandis, thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ tại sân bay Baghdad. Ảnh chụp ngày 04/01/2020. Reuters/Thaier al-Sudani
Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, những người để tang, đa số trong quân phục dã chiến màu đen, mang theo cờ Iraq cũng như cờ của các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn và rất trung thành với tướng Soleimani. Những người này cũng để tang ông Abu Mahdi al-Muhandis, một chỉ huy dân quân cấp cao của Iraq đã thiệt mạng trong cùng cuộc tấn công của Mỹ.
Tham gia lễ tang có hầu hết các lãnh đạo quan trọng tại Iraq, từ thủ tướng từ nhiệm Adel Abdul-Mahdi, cựu thủ tướng Nouri al-Maliki, lãnh tụ phe nghị sĩ thân Iran tại Nghị Viện Iraq Hadi al-Ameri, và lãnh đạo nhiều nhóm theo hệ phái Hồi giáo Shia thân Iran. Thậm chí, một phiên họp của Quốc hội Iraq cũng bị dời qua Chủ Nhật 05/01 để các dân biểu có thể đi dự tang lễ viên tướng Iran.
Sau nghi thức tại thủ đô Iraq, chiều tối 04/01, quan tài của tướng Soleimani sẽ được đưa về Iran, nơi chính quyền đã quyết định ba ngày quốc tang. Lễ tang sẽ kết thúc vào thứ Ba 07/01 tại thành phố Kerman, quê hương của nhân vật này ở miền trung Iran.
Iran dọa Mỹ sẽ phải trả nợ máu
Tại Iran, phản ứng giận dữ sau khi viên tướng đầy uy tín của họ bị Mỹ tiêu diệt vẫn không ngừng gia tăng, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến toàn diện. Các lãnh đạo Iran đã đồng thanh lên tiếng khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ phải trả nợ máu.
Thông tín viên RFI Siavosh Ghazi từ Tehran tường trình :
"Hoa Kỳ đã có hành động quân sự chống lại Iran và phản ứng của chúng tôi chắc chắn sẽ là quân sự". Ông Majid Takhte Ravanchi, đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc, đã khẳng định như trên. Tuy nhiên, nhân vật này không nói rõ là phản ứng cụ thể là gì.
Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Tối Cao, tập hợp các lãnh đạo chính trị và quân sự hàng đầu của Iran, đã ra một tuyên bố cho biết rằng phản ứng của Iran sẽ là một phản ứng gay gắt và Washington sẽ phải gánh chịu hậu quả về hành động của mình.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, lãnh đạo ngành ngoại giao Iran nói rằng lãnh tụ tối cao Iran, giáo chủ Ali Khamenei, vốn đã gợi lên một sự trả thù khủng khiếp nhắm vào Mỹ, là người không bao giờ đưa ra một lời đe dọa vu vơ.
Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif nói nguyên văn như sau : "Khi Ayatollah Khamenei nói rằng phản ứng sẽ rất khủng khiếp thì thực tế sẽ rất khủng khiếp".
Lãnh đạo số hai của lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran đã khẳng định rằng tướng Qasem Soleimani đã bị giết trong một cuộc tấn công của Mỹ khi ông từ Syria qua Iraq theo lời mời của chính quyền Baghdad để thảo luận với các quan chức Iraq.
Iran đang chuẩn bị tổ chức tang lễ trọng thể cho tướng Soleimani, vào ngày 05/01 tại thành phố thánh Machhad, sau đó là lễ chính thức vào thứ Hai 06/01 tại Tehran với sự hiện diện của lãnh tụ Hồi giáo Tối Cao Iran và các nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước".
Trọng Nghĩa
Nội dung kết luận về những vi phạm của Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh (Tin Tức, 18/09/2017)
Đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng đã kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực ; thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh (phải) và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. Ảnh : Phương Hoa/TTXVN
Từ ngày 13 đến 16/9/2017, tại Hà Nội, Ủy ban kiểm tra trung ương đã họp kỳ 17. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương chủ trì kỳ họp.
Tại kỳ họp này, Ủy ban kiểm tra trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung chính sau :
I. Về kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và một số cá nhân
1. Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020 có các vi phạm, khuyết điểm sau :
- Chấp hành chưa nghiêm nguyên tắc sinh hoạt đảng, tự phê bình và phê bình ; vi phạm Quy định số 42 của Ban bí thư về nhiệm vụ và quan hệ công tác của thường trực tỉnh ủy, thành ủy và Quy chế làm việc của Thành ủy, đã ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Ban thường vụ Thành ủy.
- Việc xem xét, quyết định luân chuyển, bổ nhiệm một số cán bộ đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng.
- Không nghiêm túc thực hiện Thông báo kết luận số 156-TB/TW của Bộ Chính trị và Thông báo số 558-TB/UBKTTW của Ủy ban kiểm tra trung ương trong việc khắc phục vi phạm về công tác quản lý, sử dụng đất đai. Đã ra một số quyết định không đúng thẩm quyền, không đúng pháp luật, có nội dung liên quan đến việc cho doanh nghiệp sử dụng đất công sản, triển khai dự án…
- Buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự đô thị trên địa bàn Thành phố, để xảy ra nhiều vi phạm, gây bức xúc trong nhân dân.
- Quyết định chủ trương cho chỉ định thầu 4/6 dự án xây dựng trụ sở các cơ quan, vi phạm Luật Đấu thầu.
- Đồng ý tiếp nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng sai quy định.
2. Đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng có các vi phạm, khuyết điểm sau :
- Với cương vị là người đứng đầu Thành ủy, đồng chí chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020.
- Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt ; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền. Những việc làm của đồng chí đã gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Ban thường vụ Thành ủy.
- Kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm.
- Thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.
3. Đồng chí Huỳnh Đức Thơ, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng có các vi phạm, khuyết điểm sau :
- Cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015 -2020.
- Với trách nhiệm đứng đầu UBND Thành phố, đồng chí chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đất đai và trật tự đô thị.
- Chưa chủ động đề xuất với Ban thường vụ Thành ủy nhân sự ở một số cơ quan chính quyền Thành phố thuộc diện Ban thường vụ Thành ủy quản lý theo quy định.
Những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020, đồng chí Nguyễn Xuân Anh và đồng chí Huỳnh Đức Thơ là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến mức phải thi hành kỷ luật Đảng.
II. Về kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh và đồng chí Phạm Thế Dũng, nguyên Phó Bí thư tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai
1. Đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011-2016
- Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ ; vi phạm Quy chế làm việc của tỉnh ủy, của Ban cán sự đảng UBND tỉnh và các quy định của Ban thường vụ tỉnh ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo một số hoạt động của UBND tỉnh.
- Vi phạm quy định về công tác tổ chức cán bộ, đề nghị quy hoạch, bổ nhiệm một số nhân sự không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không đúng quy định.
- Buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu trách nhiệm để UBND tỉnh có nhiều vi phạm, khuyết điểm như :
+ Giao đất, cho thuê đất khi chưa có quy hoạch, không tổ chức đấu giá, vi phạm Luật Đất đai, gây thất thu ngân sách nhà nước.
+ Quản lý đầu tư xây dựng một số dự án từ nguồn ngân sách nhà nước vi phạm Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng.
+ Quyết định mở 05 cửa khẩu phụ, lối mở biên giới vi phạm Nghị định của Chính phủ.
2. Đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2016-2021
Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc của Ban cán sự đảng UBND tỉnh. Thiếu kiên quyết trong lãnh đạo, chỉ đạo, chấn chỉnh những vi phạm, khuyết điểm của UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 ; gia hạn hoạt động cửa khẩu phụ, lối mở biên giới vi phạm quy định của Chính phủ.
3. Đối với đồng chí Phạm Thế Dũng, nguyên Phó Bí thư tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai
- Chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011-2016.
- Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc của tỉnh ủy và Quy chế làm việc của Ban cán sự đảng UBND tỉnh trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao ; vi phạm Quy định số 51 và Quy định số 231 của Ban bí thư về quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ủy, thành ủy với các đảng đoàn, ban cán sự đảng.
- Vi phạm trong chỉ đạo, quyết định giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá và quyết định đầu tư các dự án sử dụng ngân sách nhà nước, khai thác mỏ ; mở các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới không đúng quy định của Chính phủ.
- Thiếu gương mẫu trong việc đề nghị bổ nhiệm một số người thân không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.
Những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011-2016 và đồng chí Phạm Thế Dũng là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến mức phải thi hành kỷ luật.
Ủy ban kiểm tra trung ương yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 và đồng chí Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc.
III. Xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban thường vụ Đảng ủy và một số thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
Ủy ban kiểm tra trung ương đã xem xét các vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhiệm kỳ 2005-2010, 2010-2015 và một số cá nhân như đã kết luận tại Kỳ họp thứ 16 của Ủy ban kiểm tra trung ương, gồm : Đồng chí Nguyễn Anh Dũng, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam ; đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty, nguyên Chủ tịch Hội đồng tư vấn Tập đoàn Hóa chất Việt Nam ; đồng chí Đỗ Quang Chiêu, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty ; đồng chí Đỗ Duy Phi, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Ủy ban kiểm tra trung ương nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam các nhiệm kỳ 2005-2010, 2010-2015 và các đồng chí nêu trên là nghiêm trọng.
Căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy ban kiểm tra trung ương quyết định thi hành kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn ; kỷ luật cảnh cáo đối với đồng chí Đỗ Quang Chiêu và đồng chí Đỗ Duy Phi.
Đề nghị Ban bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Nguyễn Anh Dũng.
Yêu cầu Đảng ủy Khối Doanh nghiệp trung ương xem xét thi hành kỷ luật đối với Ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam các nhiệm kỳ 2005-2010, 2010-2015.
IV. Xem xét, thi hành kỷ luật một số cá nhân thuộc Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ
Ủy ban kiểm tra trung ương đã xem xét các vi phạm, khuyết điểm của một số cá nhân thuộc Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ như đã kết luận tại Kỳ họp thứ 16 của Ủy ban kiểm tra trung ương, gồm : đồng chí Nguyễn Phong Quang, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Trưởng ban thường trực, nguyên Thủ trưởng Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo ; đồng chí Nguyễn Quốc Việt, Bí thư Đảng ủy, Phó trưởng ban chỉ đạo ; đồng chí Nguyễn Thanh Hải, nguyên Ủy viên chuyên trách, nguyên Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo ; đồng chí Nguyễn Văn Út, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo ; đồng chí Lê Thị Thu Hằng, nguyên kế toán trưởng ; đồng chí Sơn Thị Quanh Ni, thủ quỹ.
Ủy ban kiểm tra trung ương nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm của các đồng chí nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, của Ban chỉ đạo, gây dư luận bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy ban kiểm tra trung ương quyết định thi hành kỷ luật khai trừ đối với các đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Lê Thị Thu Hằng ; kỷ luật cảnh cáo đối với các đồng chí Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Văn Út ; kỷ luật khiển trách đối với đồng chí Sơn Thị Quanh Ni.
Đề nghị Ban bí thư xem xét thi hành kỷ luật đối với đồng chí Nguyễn Phong Quang.
V. Xem xét, kết luận kiểm tra tài chính đảng đối với Ban thường vụ tỉnh ủy Đắk Nông
Ban thường vụ tỉnh ủy Đắk Nông có một số vi phạm, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tài chính đảng ; buông lỏng quản lý, không chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc đầu tư, xây dựng Kho lưu trữ của tỉnh, để xảy ra vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện.
Ủy ban kiểm tra trung ương yêu cầu Ban thường vụ tỉnh ủy và thường trực tỉnh ủy Đắk Nông nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc ; xem xét, xử lý kỷ luật đảng theo thẩm quyền đối với các cá nhân có vi phạm trong quá trình xây dựng Kho lưu trữ. Tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, đề xuất hình thức xử lý theo quy định của Đảng đối với đồng chí Nguyễn Văn Thử, nguyên Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, báo cáo Ủy ban kiểm tra trung ương xem xét.
VI- Ủy ban Kiểm tra trung ương đã xem xét báo cáo kết quả giám sát đối với thường trực tỉnh ủy Lào Cai và một số cá nhân ; kiểm tra tài chính đảng đối với Ban thường vụ tỉnh ủy Kon Tum ; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng đối với Ban thường vụ tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Sóc Trăng.
Qua kiểm tra, giám sát, Ủy ban kiểm tra trung ương đã chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng rút kinh nghiệm, sớm có biện pháp khắc phục, sửa chữa trong thời gian tới.
VII. Cũng tại Kỳ họp này, Ủy ban kiểm tra trung ương đã xem xét, giải quyết tố cáo, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với 04 trường hợp theo thẩm quyền.
TTXVN
**************
Công bố vi phạm của Bí thư, Chủ tịch Đà Nẵng (Dân Trí, 18/09/2017)
Ủy ban Kiểm tra trung ương xác định, những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND Thành phố Huỳnh Đức Thơ là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến mức phải thi hành kỷ luật.
Ủy ban Kiểm tra trung ương vừa có thông báo chính thức về kết quả phiên họp thứ 17 của cơ quan này, (từ ngày 13 đến 16/9/2017, tại Hà Nội). Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng, chủ trì kỳ họp.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng, chủ trì phiên họp thứ 17 của Ủy ban
Ủy ban Kiểm tra trung ương xác định, Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020 có các vi phạm, khuyết điểm.
Trước hết là chấp hành chưa nghiêm nguyên tắc sinh hoạt đảng, tự phê bình và phê bình ; vi phạm Quy định số 42 của Ban bí thư về nhiệm vụ và quan hệ công tác của thường trực tỉnh ủy, thành ủy và Quy chế làm việc của Thành ủy, đã ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Ban thường vụ Thành ủy.
Việc xem xét, quyết định luân chuyển, bổ nhiệm một số cán bộ đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng.
Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng không nghiêm túc thực hiện Thông báo kết luận số 156-TB/TW của Bộ Chính trị và Thông báo số 558-TB/UBKTTW của Ủy ban kiểm tra trung ương trong việc khắc phục vi phạm về công tác quản lý, sử dụng đất đai. Đã ra một số quyết định không đúng thẩm quyền, không đúng pháp luật, có nội dung liên quan đến việc cho doanh nghiệp sử dụng đất công sản, triển khai dự án…
Thành ủy Đà Nẵng đã buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự đô thị trên địa bàn Thành phố, để xảy ra nhiều vi phạm, gây bức xúc trong nhân dân.
Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng chỉ rõ, quyết định chủ trương cho chỉ định thầu 4/6 dự án xây dựng trụ sở các cơ quan, vi phạm Luật Đấu thầu.
Ban Thành vụ Thành ủy thành phố cũng có khuyết điểm khi đồng ý tiếp nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng sai quy định.
Vi phạm của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ được xác định đến mức phải thi hành kỷ luật.
Về trách nhiệm của các lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng, trước hết là phần Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh - Ủy viên trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND thành phố, Ủy ban Kiểm tra trung ương xác định các vi phạm, khuyết điểm cụ thể.
Với cương vị là người đứng đầu Thành ủy, ông Xuân Anh phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt ; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền. Những việc làm của người đứng đầu Thành ủy Đà Nẵng được cho là đã gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Ban thường vụ Thành ủy.
Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng xác định ông Nguyễn Xuân Anh đã kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm.
Bí thư Nguyễn Xuân Anh còn thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 02 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.
Đối với Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ - Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Ủy ban Kiểm tra trung ương xác định, phải cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015 -2020.
Với trách nhiệm đứng đầu UBND Thành phố, ông Huỳnh Đức Thơ chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đất đai và trật tự đô thị.
Khuyết điểm của ông Thơ là chưa chủ động đề xuất với Ban thường vụ Thành ủy nhân sự ở một số cơ quan chính quyền Thành phố thuộc diện Ban thường vụ Thành ủy quản lý theo quy định.
Ủy ban kiểm tra trung ương kết luận, những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020, của Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến mức phải thi hành kỷ luật.
P.Thảo
--------------------------
Ông Nguyễn Xuân Anh sinh năm 1976, quê xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng). Ông có bằng tiến sĩ hệ chính quy, chuyên ngành quản trị kinh doanh tại California Southern University nhưng trường này chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận bằng, nên bằng cấp của ông không hợp pháp.
Từ năm 1999 đến tháng 8/2006, ông Nguyễn Xuân Anh là Phóng viên, Phó Ban, Trưởng ban Quốc tế Báo Thanh niên.
Từ 8/2006 đến 3/2008, giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố Đà Nẵng.
3/2008 - 4/2009, Phó Chủ tịch thường trực ủy ban nhân dân quận Liên Chiểu.
2009 – 2011, Phó Bí thư rồi Bí thư Quận ủy Liên Chiểu.
Ngày 20/06/2011, được Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng bầu giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
Ngày 2/4/2014, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng đã bầu ông Nguyễn Xuân Anh giữ chức Phó Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015.
Ngày 16/10/2015, cuộc họp phiên thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng khóa 21 đã bầu ông Nguyễn Xuân Anh giữ chức Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020.
Ngày 26/1/2016, ông Nguyễn Xuân Anh là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành trung ương Đảng Khóa XII (2016 – 2021).
Ngày 16/6/2016, kỳ họp thứ nhất, Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đã bầu ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố.
Ông Huỳnh Đức Thơ sinh năm 1962, quê phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng). Ông Thơ có bằng lý luận chính trị cao cấp. Ông là cử nhân chuyên ngành Kế hoạch hóa kinh tế quốc dân, cử nhân ngoại ngữ tiếng Anh và thạc sĩ chuyên ngành Khoa học quan hệ công chúng.
Ông Huỳnh Đức Thơ từng giữ chức Giám đốc Công ty Cung ứng và Phát triển kỹ thuật Đà Nẵng, nay là công ty cổ phần SEATECCO ; Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Đà Nẵng (DIEPZA) ; Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban thường vụ, Phó Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn nhiệm kỳ 2005 - 2010 ; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ngũ Hành Sơn nhiệm kỳ 2004 - 2009.
Tháng 1/2010, ông Thơ được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng.
Ngày 14/4/2014, ông được HĐND thành phố khóa VIII bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Tháng 10/2014, ông được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng bầu vào Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Ngày 26/1/2015, tại kỳ họp HĐND thành phố Đà Nẵng lần thứ 12 (bất thường) nhiệm kỳ 2011 – 2016, ông Huỳnh Đức Thơ đã được bầu làm Chủ tịch UBND thành phố thay cho ông Văn Hữu Chiến nghỉ hưu theo chế độ.
Ngày 16/6/ 2016, tại kỳ họp thứ nhất, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, ông Huỳnh Đức Thơ tái đắc cử chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021.
KH
******************
Đảng sẽ kỷ luật dàn lãnh đạo Đà Nẵng ? (BBC, 18/09/2017)
Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nói Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ có vi phạm "nghiêm trọng đến mức phải thi hành kỷ luật".
Thành phố Đà Nẵng (hình minh họa)
Cơ quan kỷ luật của Đảng Cộng sản vừa công bố kết luận về các "vi phạm" của dàn lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, đề nghị kỷ luật cả Bí thư và Chủ tịch thành phố.
'Thiếu trung thực'
Ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, bị liệt kê một loạt vi phạm, khuyết điểm :
"Với cương vị là người đứng đầu Thành ủy, đồng chí chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020.
- Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt ; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền. Những việc làm của đồng chí đã gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Ban thường vụ Thành ủy.
- Kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm.
- Thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng ôtô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội".
Về vấn đề bằng cấp của ông Nguyễn Xuân Anh, báo Tuổi Trẻ ngày 18/9 đưa tin rằng ông học thạc sĩ quản trị kinh doanh, trường California Southern University (Mỹ) từ 2001 đến 2002.
Ông Nguyễn Xuân Anh - Ảnh minh họa
Sau đó, từ tháng 3/2005 đến 12/2006 ông Nguyễn Xuân Anh lấy bằng tiến sĩ hệ chính quy, chuyên ngành quản trị kinh doanh cũng ở đại học này.
Tuy vậy, trường này chưa được Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam công nhận bằng, theo báo Tuổi Trẻ.
Vi phạm của Chủ tịch
Vi phạm của Chủ tịch UBND Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ được nêu là :
"Cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020.
- Với trách nhiệm đứng đầu UBND Thành phố, đồng chí chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đất đai và trật tự đô thị.
- Chưa chủ động đề xuất với Ban thường vụ Thành ủy nhân sự ở một số cơ quan chính quyền Thành phố thuộc diện Ban thường vụ Thành ủy quản lý theo quy định".
Ông Trần Quốc Vượng (trái) đang là Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương
Toàn bộ Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 cũng bị nêu đã có vi phạm :
"Chấp hành chưa nghiêm nguyên tắc sinh hoạt đảng, tự phê bình và phê bình ; vi phạm Quy định số 42 của Ban bí thư về nhiệm vụ và quan hệ công tác của thường trực tỉnh ủy, thành ủy và Quy chế làm việc của Thành ủy, đã ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Ban thường vụ Thành ủy.
- Việc xem xét, quyết định luân chuyển, bổ nhiệm một số cán bộ đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng.
- Không nghiêm túc thực hiện Thông báo kết luận số 156-TB/TW của Bộ Chính trị và Thông báo số 558-TB/UBKTTW của Ủy ban kiểm tra trung ương trong việc khắc phục vi phạm về công tác quản lý, sử dụng đất đai. Đã ra một số quyết định không đúng thẩm quyền, không đúng pháp luật, có nội dung liên quan đến việc cho doanh nghiệp sử dụng đất công sản, triển khai dự án…
- Buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự đô thị trên địa bàn Thành phố, để xảy ra nhiều vi phạm, gây bức xúc trong nhân dân.
- Quyết định chủ trương cho chỉ định thầu 4/6 dự án xây dựng trụ sở các cơ quan, vi phạm Luật Đấu thầu.
- Đồng ý tiếp nhận, sử dụng ôtô do doanh nghiệp biếu, tặng sai quy định".
Thông báo chính thức này thể hiện sự phê phán gay gắt từ cơ quan kỷ luật của Đảng, đứng đầu là Ủy viên Bộ Chính trị Trần Quốc Vượng.
Hội nghị Cấp cao APEC , với sự tham dự của các lãnh đạo quốc tế, sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng đầu tháng 11.
Chưa rõ liệu sẽ có sự thay đổi lãnh đạo tại Đà Nẵng trước hay sau sự kiện APEC hay không.
************************
Đảng kỷ luật nhiều sếp của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (BBC, 18/09/2017)
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) bị Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng Cộng sản kết luận có những vi phạm "nghiêm trọng" suốt từ 2005 đến 2015.
Ông Nguyễn Anh Dũng - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Tập đoàn Hóa chất Việt Nam được trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Kiếm toán Nhà nước" năm 2014
Thông báo ngày 18/9 của cơ quan kỷ luật Đảng Cộng sản nêu tên cả Chủ tịch hiện nay và hai cựu chủ tịch Hội đồng quản trị, cùng một cựu tổng giám đốc.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty, bị nặng nhất khi bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng.
Ông Tuấn đã nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 01 tháng 02 năm 2012.
Hai người bị kỷ luật cảnh cáo là ông Đỗ Quang Chiêu, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty và ông Đỗ Duy Phi, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Đương kim Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Nguyễn Anh Dũng còn chờ hình thức kỷ luật của Ban bí thư.
Trước đó, ngày 31/7, Ủy ban kiểm tra trung ương đã tuyên bố Ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010-2015 đã "gây hậu quả rất nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản của Nhà nước".
Thông cáo khi đó nói dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình liên tục thua lỗ với số tiền trên 2.500 tỷ đồng.
Nhiều dự án Tập đoàn đầu tư cũng không hiệu quả, trong đó có 4/5 dự án lỗ lũy kế trên 4.200 tỷ đồng.
Mỹ, Nhật, Úc lên tiếng chống Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông (RFI, 07/08/2017)
Trái với ngôn từ thận trọng của ASEAN, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc vào hôm 07/08/2017, đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông trong một thông điệp nhắm vào Trung Quốc. Thông cáo chung của ba nước đã phụ họa thêm cho lời kêu gọi của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á trong bản Thông Cáo Chung ASEAN công bố khuya hôm qua, yêu cầu các bên tranh chấp ở Biển Đông "tự kềm chế và không quân sự hóa" vùng biển này.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và ngoại trưởng Nhật Taro Kono (giữa) và tổng thứ ký ASEAN Lê Lương Minh tại diễn đàn ASEAN, Manila, Philippines ngày 7/8/2017. REUTERS/Mohd Rasfan/Pool
Sau cuộc họp bên lề các hội nghị của ASEAN tại Manila, ba ngoại trưởng Mỹ, Nhật và Úc đã không ngần ngại tố cáo các hành vi "bồi đắp đảo, xây dựng tiền đồn, quân sự hóa các thực thể đang bị tranh chấp" tại Biển Đông.
Ba nước cũng cho rằng mọi quy tắc ứng xử trên Biển Đông phải "mang tính chất ràng buộc về mặt pháp lý, có thực chất và hiệu quả".
Các ngoại trưởng Mỹ, Úc và Nhật còn kêu gọi Trung Quốc và Philippines tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye vào năm ngoái 2016 phủ nhận đại bộ phận các yêu sách của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Theo hãng tin Pháp AFP, lời lẽ trong bản thông cáo chung Mỹ-Nhật-Úc cứng rắn hơn nhiều so với bản Thông Cáo Chung của Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN được công bố khuya hôm qua. Văn bản của ASEAN đã không dám chỉ trích Trung Quốc, không nói gì về sự cần thiết của một bộ quy tắc ứng xử mang tính chất ràng buộc về pháp lý, cũng như hầu như hoàn toàn im lặng về phán quyết của tòa La Haye về Biển Đông.
Tuy nhiên, bản Thông Cáo Chung của các ngoại trưởng ASEAN cũng được một số nhà quan sát đánh giá là cứng rắn hơn với Trung Quốc so với dự thảo đầu tiên mà Philippines nước chủ nhà đưa ra. Ngôn từ cứng rắn hơn là do Việt Nam kiên quyết muốn đưa vào văn kiện chung của toàn khối một số câu chữ gợi đến hành vi bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, điều mà Bắc Kinh không hề muốn.
Tranh cãi đặc biệt gay gắt giữa Việt Nam và Cam Bốt, mà nhiều nguồn tin cho là kiên quyết bảo vệ lập trường Trung Quốc, đã ngăn chặn việc đúc kết bản Thông Cáo Chung ASEAN, và phải mất thêm 24 tiếng đồng hồ thì các nước mới tìm được đồng thuận.
Theo hãng tin Mỹ AP, Thông Cáo Chung Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN AMM-50 đã gián tiếp chỉ trích các hành động đắp đảo, xây đồn của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như gợi lên một cách mơ hồ phán quyết quốc tế về Biển Đông. Cả hai điểm này đều thiếu vắng trong dự thảo ban đầu của bản thông cáo chung.
Một cách cụ thể, phần nói về Biển Đông đã "ghi nhận những lo ngại của một số bộ trưởng ASEAN về vấn đề bồi đắp đảo và những hoạt động trong khu vực có thể làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và hủy hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực".
Bản thông cáo cũng "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và tự kềm chế"không có các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình.
Văn kiện này có lời lẽ mạnh mẽ hơn so với bản thông cáo chung Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN hồi tháng Tư, bị cho là đã xóa bỏ toàn bộ những yếu tố có thể làm Trung Quốc phật ý.
Trọng Nghĩa
***************
Trung Quốc 'bực bội vì hành động của Việt Nam ở ASEAN' (BBC, 07/08/2017)
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào phút chót đã hủy một cuộc họp với Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh cuối ngày thứ Hai 7/8 tại kỳ họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Manila.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc họp ở Manila ngày 6/8
Cả Bloomberg và báo South China Morning Post đưa tin này.
Ông Vương Nghị lẽ ra sẽ gặp ông Phạm Bình Minh bên lề cuộc họp ngoại trưởng ASEAN, nhưng một nhà ngoại giao Trung Quốc nói cuộc gặp không diễn ra, theo báo South China Morning Post.
Trung Quốc được cho là phật lòng vì từ ngữ trong bản thông cáo chung của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN. Thông cáo này bày tỏ quan ngại về bồi đắp lấn biển trên những hòn đảo có tranh chấp về chủ quyền, Bloomberg trích lời một số nguồn.
Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh ở Manila ngày 6/8
Trung Quốc cho rằng Việt Nam là nước đã vận động đưa từ ngữ này vào bản thông cáo.
Bản thông cáo nói một số ngoại trưởng trong nhóm ASEAN bày tỏ quan ngại về "bồi đắp lấn biển" và "các hoạt động ở khu vực, làm xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng, và có thể đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực".
Theo Bloomberg, một người phát ngôn trong phái đoàn Trung Quốc nói cuộc họp riêng giữa hai ngoại trưởng Việt Nam và Trung Quốc không phải là cơ hội duy nhất cho hai bên thảo luận.
Cả hai ngoại trưởng đều tham gia vào các cuộc gặp đa phương khác tại Manila, trong đó có cuộc họp giữa Trung Quốc và 10 ngoại trưởng ASEAN, vẫn theo Bloomberg.
Xu Liping, nhà nghiên cứu từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói Bắc Kinh phật lòng vì thái độ của Việt Nam.
"Việc hủy gặp có thể xem là cảnh báo cho Việt Nam", người này nói.
Tân Hoa Xã của Trung Quốc đăng bài nói nỗ lực của Việt Nam để có ngôn ngữ mạnh mẽ hơn của ASEAN là "đầu độc" tình hình trên Biển Đông.
********************
Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano chào đón bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 50 Manila, Philippines, ngày 05/08/2017.Reuters
Cam Bốt quyết liệt bảo vệ lập trường của Trung Quốc tại Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN. Cho đến trưa chủ nhật 06/08/2017, các nước Đông Nam Á họp tại Manila vẫn không tìm được một thái độ chung trước chính sách bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Các nguồn tin ngoại giao xác nhận với AFP là 10 ngoại trưởng ASEAN không thể công bố một bản thông báo chung như dự kiến sau cuộc họp ngày thứ Bảy 05/08/2017. Cuộc đàm phán vào sáng Chủ nhật cũng không đả thông được tình trạng bế tắc và chia rẽ nội bộ.
Trong khi Bắc Kinh tranh đoạt hơn 80% diện tích Biển Đông lấn sâu đến tận duyên hải của bốn nước Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, thì một lần nữa thành viên ASEAN Cam Bốt bênh vực Trung Quốc, cản trở các nước nạn nhân lên tiếng phản đối.
Theo các nguồn tin này, bản thân Việt Nam "không dám kích động", nước chủ nhà Philippines cố tìm "thỏa hiệp", còn Cam Bốt của thủ tướng Hun Sen thì tận lực "đạp thắng chân lẫn kéo thắng tay".
Cũng theo AFP, quan chức cao cấp của các phái đoàn ASEAN tiếp tục thảo luận về hồ sơ Biển Đông vào trưa hôm nay (06/08) trong khi các ngoại trưởng tham gia một loạt cuộc tiếp xúc với các đồng cấp Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương.
Tiếp theo sẽ là Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ASEAN (ARF) với sự tham dự của nhiều nước trong đó đặc biệt có Mỹ, Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên. Nhiều vấn đề quốc tế và khu vực như căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, tình hình Biển Đông và cuộc chiến chống khủng bố sẽ được đưa ra bàn luận.
Còn theo Reuters, trong cuộc họp báo, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố tình hình "biển Nam Hải có tiến triển" và 10 nước ASEAN cùng Trung Quốc sẽ bắt đầu tiến trình "thương lượng một bản quy tắc giao thông hàng hải ngay
Tú Anh
********************
ASEAN không có thông cáo chung 'do Việt Nam' (BBC, 05/08/2017)
Ngoại trưởng các nước ASEAN không đưa ra được thông cáo chung thường lệ cuối ngày làm việc thứ Bảy 5/8 vì không đạt được sự đồng thuận về ngôn từ liên quan các tranh chấp ở Biển Đông, hãng tin Anh Reuters cho hay.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh (áo xanh) đã nỗ lực vận động các nước ASEAN thay đổi lập trường về Biển Đông và Trung Quốc
Các nhà ngoại giao từ ba nước ASEAN nói sự chậm trễ là do Việt Nam muốn thông cáo đề cập việc cần tránh các hoạt động 'bồi đắp lấn biển' và 'quân sự hóa'.
Nhiều năm nay, Biển Đông luôn là vấn đề gai góc nhất cho các nước ASEAN. Các nước có quan điểm khác nhau về cách lên tiếng về sự khẳng định chủ quyền, các tòa nhà và quân sự hóa các đảo nhân tạo của Trung Quốc trong các vùng biển có tranh chấp.
Người phát ngôn bộ ngoại giao Phillipines Robespierre Bolivar không nói rõ lý do vì sao thông cáo chung bị chậm trễ. Ông chỉ nói thông cáo sẽ được phát khi các cuộc hội đàm đã kết thúc trong vài ngày tới.
"Thông cáo chung sẽ được đưa ra cùng tất cả các tuyên bố của ngài chủ tịch vào cuối tất cả các cuộc hội đàm", ông nói.
Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano và Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi thảo luận nội dung tài liệu dự thảo tại Kỳ họp thường niên các ngoại trưởng ASEAN tại Manila hôm 5/8/2017
Khó khăn của ASEAN trong việc nhất trí ngôn từ cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở thời điểm các nước trong khu vực chưa rõ liệu Mỹ có ưu tiên quan hệ với ASEAN, và nỗ lực kiểm soát những hoạt động hàng hải gây tranh cãi của Bắc Kinh.
Bản dự thảo thông cáo mà các nước thảo luận hôm thứ Năm 3/8 không có dẫn chiếu đến cả hai điều trên.
Trung Quốc hết sức nhạy cảm về chuyện các nước ASEAN nói tới việc nước này tăng cường khả năng quân sự ở các đảo ngoài Biển Đông. Một số nước thành viên ASEAN lo ngại phải chịu hệ lụy nếu họ làm phật lòng Trung Quốc.
"Chỉ còn Việt Nam là còn chưa đồng ý. Có thể, vào ngày mai, mọi chuyện sẽ được dàn xếp ổn thỏa", một nhà ngoại giao tham gia vào quá trình viết dự thảo thông cáo cho Reuters biết.
Trước khi kỳ họp chính thức bắt đầu, Việt Nam đã nỗ lực kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á có một lập trường mạnh mẽ hơn về 'sự bành trướng' của Trung Quốc ở Biển Đông.
Việt Nam vào tối 4/8 đã cố gắng vận động để bổ sung ngôn ngữ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong thông cáo chung của ASEAN, dự kiến sẽ đưa ra sau khi các ngoại trưởng Đông Nam Á kết thúc phiên hội đàm ngày 5/8.
Theo một bản dự thảo của AFP có được, Việt Nam vận động ASEAN thể hiện sự quan ngại sâu sắc về "việc xây dựng" trên biển, ám chỉ các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp trong những năm gần đây.
Bản đồ Biển Đông với hình Đường Chín Đoạn do Trung Quốc nêu ra để đòi chủ quyền toàn bộ vùng này
Việt Nam cũng muốn ASEAN nhấn mạnh trong tuyên bố rằng Bộ Quy tắc Ứng xử với Trung Quốc sẽ là "ràng buộc pháp lý".
Nhưng các nhà phân tích an ninh chỉ ra rằng khuôn khổ Bộ quy tắc Ứng xử chỉ đi vào thực hành 15 năm sau cuộc hội đàm và Trung Quốc sẽ sử dụng thời gian đó để củng cố tuyên bố chủ quyền với các hòn đảo nhân tạo.
Cuộc vận động diễn ra khi các bộ trưởng ngoại giao ASEAN có các cuộc hội đàm không chính thức vào khuya đêm thứ Sáu, 4/8.
Nhiều nhà ngoại giao nói rằng Việt Nam chắc chắn sẽ thất bại trong việc sử dụng ngôn ngữ cứng rắn phản đối Trung Quốc. Với việc đăng cai tổ chức diễn đàn, Philippines có tầm ảnh hưởng lớn.
Điều này cho thấy căng thẳng ngoại giao sẽ sôi sục tại thủ đô Philipines, với các nhà ngoại giao hàng đầu từ Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga và Bắc Hàn và các đối tác Châu Á - Thái Bình Dương khác cũng tham gia vào các cuộc hội đàm về an ninh hôm 6/8.
Quan ngại về đe dọa tới an ninh vùng được cho là sẽ làm lu mờ tranh chấp tại Biển Đông
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển quan trọng về chiến lược, bao gồm vùng biển sát bờ biển Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Trung Quốc trong những năm gần đây đã mở rộng sự hiện diện của mình trên biển bằng cách xây dựng các hòn đảo nhân tạo có khả năng giữ các căn cứ quân sự.
Cùng với Việt Nam, Philippines từng là nhà phê phán mạnh mẽ nhất về sự bành trướng của Bắc Kinh.
Nhưng dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, Manila đã tìm cách làm dịu tranh chấp với Trung Quốc để đổi lấy hàng tỷ đôla đầu tư và viện trợ.
Cơ sở của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập, theo ảnh chụp từ vệ tinh hôm 3/2017, cho thấy Bắc Kinh sẽ có khả năng triển khai máy bay chiến đấu và các thiết bị quân sự khác từ đảo nhân tạo này
Trung Quốc trong những năm gần đây cũng đã vận động thành công các quốc gia ASEAN khác, đặc biệt là Campuchia và Lào, để hỗ trợ vận động ngoại giao trong tranh chấp.
ASEAN được tổ chức vào cuối tuần này xác nhận khuôn khổ cho một bộ quy tắc ứng xử cho hành động cụ thể hơn với Trung Quốc.
Hai tổ chức gồm Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) và Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), lên tiếng phản đối ngay sau khi có tin về bản án 9 năm tù và 5 năm quản chế mà tòa án tỉnh Hà Nam tuyên đối với nhà hoạt động nữ Trần Thị Nga.
Nhà hoạt động Trần Thị Nga - Ảnh : Citizen
Ân Xá Quốc Tế cho đó là một bản án vô nhân đạo và kêu gọi Việt Nam phải ngay lập tức hủy bỏ án đó vì tù nhân lương tâm Trần Thị Nga không làm gì khác ngoài việc ôn hòa bảo vệ quyền con người.
Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á- Thái Bình Dương của Ân Xá Quốc Tế, ông Josef Benedict, nói rằng bản án tuyên cho bà Trần Thị Nga vào ngày 25 tháng 7 là lần tuyên án thứ hai trong vòng không đầy một tháng đối với một nhà hoạt động nữ chuyên bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam.
Ông Josef Benedict cho rằng cơ quan chức năng Việt Nam đang tăng cường nổ lực bỏ tù những nhà hoạt động ôn hòa trong nước. Chính quyền Hà Nội đang tiêu diệt những cá nhân can trường cũng như gia đình họ chỉ để nhằm đe dọa những người khác lên tiếng.
Đại diện của CPJ tại khu vực Đông Nam Á, ông Shawn Crispin, cũng kêu gọi Việt Nam phải chấm dứt biện pháp đàn áp đối với những blogger can đảm như bà Trần Thị Nga.
CPJ nhắc lại việc nhà hoạt động Trần Thị Nga bị giam giữ hơn 6 tháng trời trước khi bị đưa ra xét xử. Còn trước khi bị bắt bà này từng lên tiếng về tình trạng bị sách nhiễu trong nhiều năm. Vào năm 2014 bà bị tấn công bằng tuýt sắt khiến bị thương ở tay trái và chân phải.
Theo Ân Xá Quốc Tế thì hiện có hơn 90 tù nhân lương tâm tại Việt Nam và con số này đang tăng lên.
Tổ chức này kêu gọi Việt Nam phải chấm dứt ngay những hạn chế hà khắc đối với những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền.
Còn theo CPJ thì Việt Nam hiện bỏ tù ít nhất 8 nhà báo kể từ năm 2016 đến nay khi mà tổ chức này tiến hành thống kê hằng năm về tình trạng nhà báo bị tù tội khắp thế giới.
*************************
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius (g) dự lễ bàn giao xuồng tuần tra Metal Shark cho Cảnh Sát Biển Việt Nam ngày 22/05/2017 tại Quảng Nam. Ảnh minh họa
Trong một thông cáo đưa ra tại Hà Nội hôm nay, 26/07/2017, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius bày tỏ sự quan ngại của ông về việc nhà hoạt động Trần Thị Nga vừa bị kết án tù với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước”. Hôm qua, trong phiên xử sơ thẩm, Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Nam đã tuyên phạt bà Trần Thị Nga 9 năm tù và 5 năm quản chế, về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.
Trong bản thông cáo đưa ra hôm nay, đại sứ Mỹ tại Hà Nội Ted Osius đã bày tỏ sự quan ngại “sâu sắc” của ông việc bà Trần Thị Nga bị kết án tù với một tội danh “mơ hồ”. Thông cáo của đại sứ Mỹ cho biết Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam “trả tự do cho bà Trần Thị Nga và các tù nhân lương tâm khác, đồng thời cho phép mọi cá nhân ở Việt Nam được quyền tự do bày tỏ quan điểm và tự do tụ họp mà không sợ bị trừng phạt.”
Hoa Kỳ cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam “bảo đảm cho các hành động và các đạo luật, kể cả bộ Luật Hình sự, phải phù hợp với các điều khoản về nhân quyền được ghi trong Hiến Pháp của Việt Nam và với các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam.”
Theo cáo trạng, nhà hoạt động Trần Thị Nga bị kết tội “tuyên truyền chống Nhà nước” do trong khoảng thời gian từ tháng 9/2014 đến tháng 1/2017, bà đã trực tiếp lập các tài khoản Blog, Facebook cá nhân và trang YouTube với những nội dung “tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”, “truyền bá những tư tưởng phản động, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước”…
Bà Trần Thị Nga còn bị cáo buộc đã viết, dán nhiều biểu ngữ có nội dung “bôi nhọ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Công an, tẩy chay bầu cử Quốc hội và bầu cử Hội đồng Nhân dân”.
Tại phiên xử hôm qua, nhà hoạt động Trần Thị Nga đã không thừa nhận là đã vi phạm pháp luật.
Trước phiên xử hôm qua, tổ chức Phóng viên không biên giới, trụ sở tại Paris, cũng đã kêu gọi Hà Nội trả tự do cho bà Trần Thị Nga. Trả lời phỏng vấn đài RFI ban Pháp ngữ hôm nay, một đại diện của Phóng viên không biên giới, bà Catherine Monnet đã đưa ra phản ứng về việc kết án nhà hoạt động này :
“Bị kết án 9 năm tù và 5 năm quản chế chỉ vì đăng lên mạng những bài viết, những video clip để thông tin về tình trạng đàn áp quá mức của chính quyền, đây quả là một bản án hoàn toàn không tương xứng, chỉ nhằm mục đích răn đe những ai dám thách thức chế độ bằng cách thông tin về thực tế của đất nước, một đất nước vẫn nằm dưới sự cai trị khắc nghiệt của một đảng độc quyền, không chấp nhận bất cứ một chỉ trích nào.
Cần phải nhắc lại rằng Việt Nam hiện đứng hạng thứ 175 trên bảng xếp hạng 180 quốc gia trong bảng xếp hạng thế giới về tự do báo chí. Thực tế cho thấy rằng Việt Nam ngày càng khẳng định là nhà tù lớn hàng thứ hai thế giới đối với nhà báo, chỉ sau Trung Quốc.”
Thanh Phương
***************************
Bà Trần Thị Nga từng phản đối vụ bắt giữ blogger Mẹ Nấm vào tháng 10/2016. @hrw.org
Trên nguyên tắc, ngày mai 25/05/2017, một tòa án tại tỉnh Hà Nam, miền bắc Việt Nam, sẽ mở phiên xét xử bà Trần Thị Nga, bị bắt giữ vào tháng Giêng năm nay về tội « tuyên truyền chống nhà nước ». Trong một thông cáo công bố tại Bangkok hôm nay, 24/07/2017, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, trụ sở tại Mỹ, đã yêu cầu chính quyền Việt Nam hủy bỏ vụ án nhắm vào bà Nga.
Đối với Human Rights Watch, việc chính quyền đưa bà Nga ra tòa dựa trên điều 88 bộ Luật Hình Sự Việt Nam nằm trong chiến dịch « dập tắt tiếng nói chỉ trích… với cáo buộc ngụy tạo có mức án tù nhiều năm… », nhằm vào một người mà theo Human Rights Watch, đã « hoạt động vì quyền của người lao động từ nhiều năm nay... đấu tranh chống lại nạn lạm dụng như buôn người, công an bạo hành và cưỡng chế đất đai... tham gia các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường… ».
Bản thông cáo đã nhân vụ xử bà Trần Thị Nga bày tỏ thái độ quan ngại trước tình trạng mà Human Rights Watch gọi là « Những mối đe dọa mới đối với cộng đồng mạng đang gia tăng » tại Việt Nam, với « hơn 100 nhà hoạt động (nhân quyền) hiện đang thụ án tù vì đã thực thi các quyền cơ bản của họ, như tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và tôn giáo. ».
Trong bản thông cáo, ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách châu Á của Human Rights Watch kêu gọi « các nhà tài trợ nước ngoài sử dụng ảnh hưởng của mình để gây sức ép đòi thả bà Trần Thị Nga ngay lập tức » và yêu cầu Việt Nam « chấp nhận tiếng nói chỉ trích, thay vì tống những người chỉ trích vào tù ».
Báo chí trong nước hồi đầu năm, khi đưa tin về việc bắt giữ bà Trần Thị Nga đã ghi nhận tội danh của bà là « tuyên truyền chống nhà nước ». Bị bắt theo Điều 88, Luật Hình Sự, bà Nga bị cáo buộc « đưa một số video clip, bài viết tuyên truyền chống nhà nước » lên Internet.
Trọng Nghĩa
Theo nguồn tin báo chí, dường như Việt Nam đã dừng các hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng có tranh chấp ở Biển Đông, do bị Trung Quốc đe dọa.
Một trạm xăng của Repsol ở Madrid. Ảnh chụp ngy 13/07/2012. AFP PHOTO/ DOMINIQUE FAGET
Một nguồn tin từ ngành công nghiệp dầu khí ở Đông Nam Á nói với BBC là công ty Repsol của Tây Ban Nha, đang thực hiện dự án này, đã được lệnh rời khỏi khu vực.
BBC, hãng thông tấn duy nhất đưa ra thông tin này, cho biết là các động thái nói trên trùng hợp với nguồn tin ngoại giao Việt Nam.
Theo tin từ ngành dầu, vào tuần trước, chính phủ Việt Nam nói với Repsol rằng Trung Quốc đe dọa tấn công các cơ sở của Việt Nam tại vùng quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam không cho ngừng các hoạt động thăm dò.
Vào tháng trước, công ty Talisman-Vietnam, một chi nhánh của Repsol, bắt đầu các hoạt động thăm dò tại lô 136-03, cách bờ biển Việt Nam khoảng 400 hải lý. Trung Quốc gọi vùng này là Vạn An Bắc 21 (Wan-an Bei) và cũng cho phép một công ty thăm dò. Có thông tin nói là đó công ty Brightoil, nhưng doanh nghiệp này đã cải chính.
Hồi đầu tháng Bẩy, theo nhiều nguồn tin, việc Hà Nội cho phép thăm dò tại lô 136-03 ở Biển Đông dường như đã làm cho quan hệ Việt-Trung căng thẳng và có thể đây lý do tướng Trung Quốc Phạm Trường Long (Fan Chang Long), đã rút ngắn chuyến công du Việt Nam hồi cuối tháng Sáu và hai nước đã hủy bỏ chương trình giao lưu quốc phòng biên giới.
Vẫn liên quan đến Biển Đông, Trung Quốc vừa khai trương một rạp chiếu phim trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, nơi đang có tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc.
Theo báo South China Morning Post, truyền thông Trung Quốc hôm qua, đưa tin là rạp chiếu phim « Ẩn Long Tàng Tam Sa «, của tập đoàn truyền thông Hải Nam, đã khai trương hôm thứ Bẩy, 22/07 để phục vụ cho khoảng 200 người dân và binh sĩ sống trên đảo này.
Trung Quốc đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa hồi tháng Giêng 1974, lúc đó do chính quyền Việt Nam Cộng Hòa quản lý.
Trung Quốc đẩy mạnh việc xây dựng các cơ sở hạ tầng trên các đảo để khuyến khích người dân ra sinh sống tại các vùng có tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời, Bắc Kinh cũng tiến hành bồi đắp các đảo nhân tạo để xây dựng các cơ sở quân sự, hậu cần, nhằm tăng cường kiểm soát có khu vực các tranh chấp với các nước khác.
RFI tiếng Việt
**************************
Các nhà bình luận và phân tích nhận định rằng nếu thực sự Việt Nam đã yêu cầu công ty Talisman-Vietnam ngừng thăm dò dầu khí ở vùng biển tranh chấp trên Biển Đông sau khi nhận lời đe dọa từ Bắc Kinh, thì điều này vô cùng bất lợi đối với Việt Nam, cho thấy Việt Nam đã ‘lùi bước’ và tỏ thái độ ‘hèn nhát’ trong vụ tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.
Bản đồ Biển Đông
Từ Melbourne, Australia, bà Ann Đỗ, một người theo dõi sát vấn đề Biển Đông từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nói với VOA-Việt ngữ :
“Nếu Việt Nam lùi hay rút lui dự án này do sợ sự đe dọa vũ lực của Trung Quốc thì có nghĩa là Việt Nam đã thua hoàn toàn về mặt xác lập chủ quyền của mình”.
Talisman-Vietnam là công ty con thuộc tập đoàn năng lượng Repsol của Tây Ban Nha. Trước đây trong tháng này, công ty đã bắt đầu khoan thăm dò ở một vị trí cách bờ biển Việt Nam khoảng 400 kilomet.
Hôm 24/7 BBC dẫn một nguồn giấu tên nói rằng Hà Nội mới đây đã ‘ra lệnh’ cho công ty rời khỏi lô Lô 136-03, theo cách đặt tên của Việt Nam, phía Trung Quốc gọi lô này Vạn An Bắc 21 (Wan-an Bei 21). Đây là khu vực nằm trong đường “chín đoạn” do Trung Quốc vạch ra và tuyên bố chủ quyền.
Giàn khoan HD 981 của Trung Quốc
Theo nguồn tin của BBC, hồi tuần trước Bắc Kinh đã cảnh báo Hà Nội rằng họ sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu hoạt động khoan vẫn tiếp tục tại địa điểm này.
Bà Ann cho biết dự án khai thác tại lô 136-03 đã trì hoãn trong ba năm qua và vừa rồi được Repsol tái khởi động, thuê tàu khoan nước ngoài và triển khai dự án vào tháng trước.
“Dự trù Repsol đã bỏ ra 300 triệu đôla cho mỏ này. Nếu khai thác không thành công thì buộc phía Việt Nam đền bù hợp đồng và uy tín hợp tác sẽ suy giảm. Phía Việt Nam cũng muốn đẩy tốc độ khai thác dầu khí để tăng nguồn thu ngân sách. Thu thì chưa thấy, bây giờ thấy thiệt hại trước mắt - vì khả năng đền hợp đồng rất là cao”.
Cho đến nay, Hà Nội vẫn chưa lên tiếng xác nhận hay phủ nhận tin của BBC.
Hôm 25/7 giáo sư Carl Thayer nói với VOA rằng vào ngày 15/7 ông được một nguồn tin đáng tin cậy từ Hà Nội cho biết Việt Nam đã chỉ đạo một công ty con của Repsol ngừng khoan dầu tại lô 136-03 trên Biển Đông.
Hôm 23/7, nhà báo độc lập Trương Huy San ở thành phố Hồ Chí Minh đã dự báo “có thể Repsol sẽ phải ngưng mọi hoạt động ở đây vì các sức ép đến từ Trung Quốc”, và ông nhận định rằng “nhưng lần này thì có vẻ như Hà Nội đang đơn độc”. Tuy nhiên, ông không cho biết nguồn đưa tin dự báo này.
Nhà báo độc lập có bút danh Huy Đức viết : “việc Hà Nội cho Repsol khoan thăm dò ở lô 136-03 không chỉ như một dự án khai thác dầu-khí đơn thuần mà còn để khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển này”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội cho rằng nên chờ một thời gian nữa để đánh giá xác thực thông tin do tác giả BBC Bill Hayton đưa. Tuy nhiên, ông nói nếu đúng như thế thì việc này cho thấy sự hèn nhát của Việt Nam :
“Nếu đúng như thế thì đây là một hành động hèn nhát. Nhưng vì thiếu thông tin, nên chúng ta không nên đánh giá một cách vội vã như vậy. Cũng có những tin nói rằng việc thăm dò đã kết thúc, đã thu thập được đầy đủ dữ liệu, xong việc rồi thì rút. Nếu đúng như vậy thì chúng ta lại đánh giá khác đi”.
Trao đổi với VOA, Facebooker Quốc Võ nói : “không phải do việc Việt Nam cho dự án của Repsol rút lui, mà là bị áp lực từ phía nào đó, có thể từ phía Tây Ban Nha và Repsol, dù rằng trên danh nghĩa là Việt Nam bỏ theo như báo chí loan”.
Ông cho biết thêm rằng Tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy Trung Ương Trung Quốc, vào tháng trước đã đột ngột cắt ngắn chuyến thăm Hà Nội sau khi thăm Madrid, nơi đặt trụ sở của tập đoàn Repsol Exploitation. Tướng Long là người đã nói với phía Việt Nam rằng “các đảo trên biển Nam Hải là của Trung Quốc từ ngàn xưa”.
Ông Quốc Võ nói : “Ai là người chủ động đã gây ra vụ này, trong khi báo chí nước ngoài loan tin này trước, chứ không phải báo chí lề phải trong nước ?”.
Nhà quan sát Ann Đỗ, người thường xuyên trao đổi thông tin với nhà báo Bill Hayton của hãng tin BBC, nhận định rằng việc Việt Nam rút dự án này cho thấy sự bất lực của chính quyền do Đảng lãnh đạo trước sự hung hăng bá quyền của Trung Quốc :
“Dân chúng sẽ thấy Đảng và Chính phủ không còn khả năng bảo vệ quốc gia và lãnh thổ được nữa. Chính họ cũng cảm thấy bất lực trước sự hung hăng của Trung Quốc”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói các nhà bình luận cũng nên thận trọng trong việc đánh giá hành động của Việt Nam khi thông tin chưa thật sự rõ ràng, đặc biệt trong tình cảnh khó lường ở Biển Đông :
“Trong tình hình thông tin chưa thật rõ ràng và đầy nhạy cảm, khó lường giữa các cường quốc trên Biển Đông, nhất là với sự hung hăng của Trung Quốc và khả năng có thể xảy ra các cuộc đụng độ, thì chúng ta nên thận trọng trong việc đánh giá”.
Luật sư Lê Công Định viết trên Facebook : “Việc khẳng định chủ quyền vùng thềm lục địa cho đến nay được Việt Nam thực hiện khéo léo qua ký kết và thực hiện các hợp đồng khai thác dầu khí với các công ty khai thác dầu phương Tây”.
Nay trước áp lực và đe dọa tấn công từ Bắc Kinh, nhà nước Việt Nam đành yêu cầu tập đoàn Repsol dừng khai thác mỏ dầu nhiều tiềm năng mà có người cho là nằm trên thềm lục địa của Việt Nam. Do đó, khả năng bảo vệ chủ quyền trong chính sách Biển Đông hiện tại có vẻ như khó có thể thực hiện, theo kết luận của luật sư Lê Công Định.
**************************
Việt Nam đề nghị công ty Talisman-Vietnam ngừng thăm dò dầu khí ở vùng tranh chấp trên Biển Đông sau khi nhận những lời đe dọa từ Bắc Kinh, theo một bài viết do BBC đăng tải vào sáng 24/7.
Một dàn khoan của tập đoàn Repsol Tây Ban Nha
Talisman-Vietnam là công ty con trong tập đoàn năng lượng Repsol của Tây Ban Nha. Trước đây trong tháng này, công ty đã bắt đầu khoan thăm dò ở một vị trí cách bờ biển Việt Nam khoảng 400 kilomet. Nhưng BBC dẫn một nguồn giấu tên nói rằng Hà Nội mới đây đã ‘ra lệnh’ cho công ty rời khỏi khu vực đó.
Vẫn theo bài viết của BBC, hồi tuần trước Bắc Kinh đã cảnh báo Hà Nội rằng họ sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu hoạt động khoan vẫn tiếp tục.
Đến hết buổi chiều ngày 24/7, giờ Việt Nam, không có thông tin chính thức nào từ Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng như trên báo chí chính thống trong nước xác nhận hay phủ nhận tin tức kể trên của BBC.
VOA cố gắng liên lạc với một đại diện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để tìm hiểu, nhưng vị này không trả lời, kể cả với điều kiện không nêu tên.
Nơi công ty con của Repsol hoạt động được cho là Lô 136-03, theo cách đặt tên của Việt Nam. Trung Quốc gọi đó là Vạn An Bắc 21 (Wan-an Bei 21). Có tin Trung Quốc đã cho một công ty nước ngoài thuê chính lô này, nhưng không rõ đó là công ty nào.
Một nhà phân tích đề nghị không nêu tên ước tính rằng Repsol đã chi khoảng 300 triệu đôla cho dự án của họ ở lô này.
Thông tin về việc Việt Nam đề nghị Repsol ngừng khoan đã được một số người có tầm ảnh hưởng lớn chia sẻ trên mạng xã hội, thu hút hàng nghìn lời bình luận. Chiếm đa số là những người bày tỏ ý kiến rằng đây là “một bước lùi” hay “một thất bại của Việt Nam”.
Luật sư Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu Biển Đông ở thành phố Hồ Chí Minh, cũng chung suy nghĩ với luồng ý kiến đó. Nhưng ông cho rằng do thông tin còn chưa đầy đủ, nên chưa thể nói đây là một bước lùi về mặt chiến thuật hay về chiến lược của Việt Nam.
Mặc dù vậy, quyết định của Việt Nam sẽ có những hệ lụy tồi ngay lập tức, theo lời ông Việt :
“Việt Nam mà hủy hợp đồng với Repsol, Việt Nam chắc là phải bồi thường số tiền rất là lớn, bởi vì hợp đồng dầu khí thường là vài trăm triệu đô. Thứ hai, ảnh hưởng đến các quốc gia, các công ty khác như thế nào, thì đây cũng là tác động lớn về tâm lý. Họ phải xem xét vấn đề rủi ro rất là cao. Ngoài cái việc có dầu hay không, sức ép chính trị sẽ ảnh hưởng đến tương lai của hợp đồng đó. Cái độ rủi ro này nó cao. Họ sẽ ngại ngần khi tham gia”.
Nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng sự ngại ngần của các công ty và các nước khác sau động thái của Việt Nam sẽ càng làm Việt Nam đơn độc trong tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc.
Đất nước có dân số lớn nhất thế giới và đứng thứ hai về sức mạnh kinh tế đòi chủ quyền về hầu hết Biển Đông. Nơi xa nhất trong “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh vẽ ra trên bản đồ để đòi chủ quyền nằm cách bờ biển miền nam Trung Quốc tới hơn 1.600 kilomet.
Vùng biển là nơi có trữ lượng dầu khí dồi dào, đồng thời có nhiều tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới đi qua.
Việt Nam phản đối tuyên bố của Trung Quốc. Hà Nội cũng đòi chủ quyền về nhiều phần chồng lấn với Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngoài ra, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền về một số phần trong vùng biển.
Động thái được cho là nhượng bộ nhanh chóng mới đây của Việt Nam - dù còn cần thêm thông tin xác thực - đã làm ngạc nhiên nhiều nhà quan sát.
Dàn khoan HD 981 của Trung Quốc
Ông Hoàng Việt nhận định về những khó khăn ở phía Việt Nam :
“Tôi nghĩ là Việt Nam cũng đã tính đến cái bước này, tính đến cái nước Trung Quốc sẽ phản ứng. Chỉ có điều là cách thức của Trung Quốc phản ứng như thế nào thì nó là một vấn đề. Trung Quốc họ có rất nhiều chiêu trên Biển Đông. Chỉ có điều họ ra chiêu gì, vào lúc nào thì rất khó để mà đoán biết trước. Trung Quốc kiên quyết không xuống thang, và cái tham vọng của họ rất lớn ở Biển Đông. Trong trật tự quốc tế mới này, Trung Quốc vẫn đang có lợi, cho nên Trung Quốc không dại gì mà xuống thang”.
Việc Việt Nam lùi bước trước các đe dọa của Trung Quốc, một khi được xác thực, sẽ là tin xấu cho Philippines và Indonesia, hai nước mới đây có những động thái mạnh bạo ở vùng biển có nhiều căng thẳng.
Trong tháng 7, Manila tỏ ý có thể nối lại việc khoan dầu khí ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) sau 3 năm đình chỉ.
Còn Jakarta trong cùng tháng đã đặt lại tên một phần trong vùng đặc quyền kinh tế của họ ở Biển Đông là Biển Bắc Natuna. Indonesia cũng tuyên bố có thể sử dụng hải quân bảo vệ việc thăm dò tài nguyên.
Đức : Đụng độ dữ dội giữa người biểu tình và cảnh sát bên lề thượng đỉnh G20 (RFI, 07/07/2017)
Hôm 07/07/2017, hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 khai mạc tại thành phố Hamburg của Đức dưới sự bảo vệ an ninh chặt chẽ. Khoảng 20.000 cảnh sát từ khắp nước Đức đã được điều động đến thành phố cảng này để đối phó với nguy cơ khủng bố và bạo động.
Xe cảnh sát bị người biểu tình đốt cháy ở Hamburg, Đức, bên lề thượng đỉnh G20. Ảnh ngày 07/07/2017. Reuters
Các vụ đụng độ lại nổ ra bên lề hội nghị thượng đỉnh G20. Những người biểu tình đã đốt nhiều xe của cảnh sát. Theo hãng tin DPA, cảnh sát Đức vừa công bố bản tổng kết mới về các vụ đụng độ đêm qua, với 111 người bị thương bên phía cảnh sát. Tổng cộng đã có 29 người biểu tình bị câu lưu và 15 người bị tạm giam.
Theo nhà chức trách Đức, sẽ có đến 100 ngàn người biểu tình trong nhiều ngày tới. Hôm nay, những người biểu tình lại cố làm rối loạn buổi khai mạc thượng đỉnh bằng cách chặn đường các phái đoàn dự hội nghị. Cảnh sát Đức đã dùng vòi rồng và hơi cay để giải tán các đoàn biểu tình.
Nghiệp đoàn cảnh sát GdP hôm nay đã lên án các vụ tấn công của những nhóm cực đoan hung dữ, đã cố tình nhắm vào cảnh sát, làm ảnh hưởng đến các cuộc tuần hành ôn hòa của hàng chục ngàn người khác. Các vụ bạo động của những nhóm cự đoan này có nguy cơ làm rối loạn thượng đỉnh G20.
Từ Hamburg, thông tín viên Pascal Thibault gởi về bài tường trình :
"Khoảng 20 000 cảnh sát đã được huy động để bảo vệ thượng đỉnh G20. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của thành phố này, lực lượng an ninh được huy động nhiều như thế. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi vì sao mà một hội nghị thượng đỉnh lớn như thế lại được tổ chức ngay giữa một thành phố nổi tiếng là nơi có một phe cực tả rất mạnh.
Ông Andreas Blechschmidt, người phát ngôn dự án "Rote Flora" (Thực vật đỏ), biểu tượng của phong trào này, cho biết : "Phong trào cực tả vẫn khẳng định từ những năm 1970 rằng chúng tôi đã không công nhận độc quyền của Nhà nước về bạo lực, rằng chúng tôi vẫn có phương án sử dụng bạo lực như là phương tiện đấu tranh".
Đó là những hành động bạo lực mà cảnh sát đã dự trù sẽ đối phó. Nhóm thành viên cực tả tại Hamburg có sự tiếp sức của những thành phần cực đoan khác từ khắp nước Đức và từ nước ngoài.
Ông Timo Zill, phát ngôn viên của cảnh sát Hamburg nói rằng : "Chúng tôi ước tính số người biểu tình bạo động là khoảng từ 7 đến 8 nghìn người. Đó là lý do tại sao chúng tôi mở một trại giam với sức chứa lên tới 400 người trong thời gian diễn ra thượng đỉnh G20. Những thẩm phán có mặt tại chỗ và có thể đưa ra quyết định ngay lập tức".
Thách thức là rất lớn. Sự thành công của thượng đỉnh G20 đang bị đe dọa. Những vụ bạo động quy mô lớn có nguy cơ phủ bóng đen lên kết quả hội nghị".
Thanh Phương
********************
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu ở Quảng trường Krasinski, Warsaw, Ba Lan. Ảnh chụp ngày 6 tháng 7 năm 2017. AFP
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào ngày 6 tháng 7 lại một lần nữa thúc giục các quốc gia thuộc khối NATO tăng thêm chi phí quốc phòng .
Trong cuộc họp báo chung với người tương nhiệm Ba Lan Andrzej Duda tại Warszawa, tổng thống Donald Trump nói rằng đã qua rồi thời kỳ mà các nước thuộc NATO bỏ qua trách nhiệm tài chính của họ.
Vào tháng 5 vừa qua, người đứng đầu tân chính phủ Hoa Kỳ cũng khiến các quốc gia NATO khó chịu khi không công khai ủng hộ nguyên tắc phòng thủ chung được đề ra trong thỏa ước NATO.
Tòa Bạch Ốc vừa qua cho biết tổng thống Trump sẽ dùng chặng dừng chân tại thủ đô Ba Lan để cho thấy cam kết đối với NATO ; dù rằng trước đây ông có chỉ trích cho rằng các nước trong liên minh không chi 2% tổng sản phẩm nội địa GDP cho quốc phòng.
Cũng trong tháng 5, nhiều quốc gia NATO tỏ ra khó chịu khi tổng thống Donald Trump không nói rõ ủng hộ đối với nguyên tắc phòng thủ chung được đề ra trong thỏa ước NATO.
Tại Warszawa lần này, ông Trump cũng không trực tiếp nhắc đến nguyên tắc đó ; nhưng phát biểu là Hoa Kỳ đang cùng Ba Lan giải quyết thái độ gây bất ổn của Nga.
Phần tổng thống Ba Lan thì cho biết là ông tin tưởng tổng thống Donald Trump sẽ nghiêm túc quan tâm đến an ninh của đất nước Ba Lan.
************************
Thế yếu của tổng thống Trump tại thượng đỉnh G20 (RFI, 06/07/2017)
Nhiều hồ sơ nhậy cảm chờ đợi nguyên thủ 20 cường quốc phát triển nhất thế giới tại thượng đỉnh G20 mở ra trong hai ngày 7 và 08/07/207 tại Hamburg, Đức. Công luận và báo chí Mỹ không chờ đợi tổng thống Donald Trump gặt hái được nhiều thắng lợi ngoại giao.
Ảnh ghép tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và tổng thống Mỹ Donald Trump : Ít hy vọng sưởi ấm quan hệ song phương - REUTERS
Lần đầu tiên một tổng thống Hoa Kỳ đến dự G20 trong hoàn cảnh tế nhị. Chính sách ngoại giao của tổng thống Trump bị các đối tác chỉ trích. Có quá nhiều bất đồng giữa ông Trump với 19 đối tác còn lại của G20. Trong số đó phải kể đến khủng hoảng Syria, vấn đề Ukraine và nhất là hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Chủ trương bảo hộ mậu dịch của Donald Trump gây sóng gió trong đối thoại với Đức, hay Trung Quốc và kể cả Canada. Quyết định rời khỏi hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP là cái gai trong quan hệ giữa Washington và Tokyo. Với Pháp, việc từ bỏ thỏa thuận chống biến đổi khí hậu là rạn nứt khó có thể hàn gắn trong cuộc tiếp xúc với tân tổng thống Emmanuel Macron.
Một nhược điểm khác của tổng thống Trump lần này tại G20 là mối quan hệ giữa ban tham mưu của ứng cử viên Donald Trump với Nga.
Báo chí Mỹ không tin Donald Trump sẽ đạt được những thắng lợi ngọai giao tại G-20, nhất là với Putin hay Tập Cận Bình.
Phân tích của nhà báo Phạm Trần từ thủ đô Washington.
Nhà báo Phạm Trần-Washington, ngày 06/07/2017.
06/07/2017 Nghe
Phạm Trần, Thanh Hà
Việt - Mỹ họp về việc nhận lại công dân Việt Nam bị trục xuất (RFA, 07/07/2017)
Hoa Kỳ và Việt Nam có buổi họp đầu tiên ở Hà Nội vào ngày 5 tháng 7 liên quan đến vấn đề nhận trở lại công dân Việt Nam, một trong những cam kết đã đưa ra trong bản tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ vào ngày 31 tháng 5, 2017.
Biểu tượng của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) tại trụ sở ICE ở Washington DC. AFP photo
Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội đưa ra vào ngày 7 tháng 7.
Buổi họp do nhóm làm việc song phương chủ trì. Đây là nhóm được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thiết lập vào ngày 31 tháng 5, 2017.
Theo thông cáo này, Bộ Công an Việt Nam đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của Bộ ngoại giao và văn phòng chính phủ. Đại diện Hoa Kỳ có Bộ An ninh Nội địa và Bộ ngoại giao.
Trong Bản tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ làm việc tích cực với phía Hoa Kỳ để sớm đưa trở lại những người Việt Nam đã nhận được lệnh phải rời khỏi Hoa Kỳ lần cuối lấy cơ sở là Hiệp định Việt Nam - Hoa Kỳ về nhận trở lại công dân năm 2008.
***********************
Hai nữ dân oan mãn án tù (RFA, 07/07/2017)
Hai trong số 3 phụ nữ bị tuyên án từ 3 đến 4 năm tù do cầm cờ vàng đi biểu tình trước tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ ở Sài Gòn hồi năm 2014 vừa mãn án vào ngày 7 tháng 7. Hai phụ nữ này là bà Nguyễn Thị Trí và Nguyễn thị Bé Hai.
Bà Ngô Thị Minh Ước, bà Nguyễn Thị Trí và bà Nguyễn Thị Bé Hai tại Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh năm 2014. Courtesy of tand.hochiminhcity.gov.vn
Còn lại người thứ ba, bà Ngô Thị Minh Ước, phải tiếp tục thi hành bản án 4 năm 3 tháng.
Cả 3 dân oan nói trên đều bị truy tố tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự.
Vào chiều tối ngày 7 tháng 7, một trong hai người vừa mới được mãn án là bà Nguyễn thị Bé Hai cho Đài Á Châu Tự do biết như sau :
Hồi sáng nay cán bộ quản giáo ở An Phước đưa về tới thị trấn Hòa Thành luôn. Sức khỏe bây giờ cũng đỡ tại vì hôm trước vô mình bị sốc qua cũng bịnh giữ lắm, tính để ngày mai qua bịnh viện khám tổng quát. Tôi nhà cửa không có, mất đất mất đai rồi tù tội rất oan, quá oan luôn.
*******************
Báo cáo LHQ : Việt Nam chót bảng Đông Nam Á về an ninh mạng (VOA, 07/07/2017)
Báo cáo Chỉ số An ninh Toàn cầu năm 2017 của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), thuộc Liên Hiệp Quốc, xếp hạng Việt Nam ở vị trí 101 trong số 195 quốc gia trên thế giới, đứng cuối bảng trong số các quốc gia Đông Nam Á về an ninh mạng.
ITU xếp Việt Nam ở vị trí 101 trong số 195 quốc gia trên thế giới trong Báo cáo Chỉ số An ninh Toàn cầu 2017.
Tiêu chí xếp hạng của ITU dựa trên cơ sở pháp lý, kỹ thuật và các thể chế kỹ thuật, khả năng nghiên cứu, đào tạo và hợp tác trong việc chia sẻ thông tin.
Việt Nam hiện có hơn một nửa trong số 92 triệu dân sử dụng mạng internet.
Những năm gần đây, Việt Nam luôn bị xếp vào danh sách các nước có nguy cơ cao về an ninh mạng.
Hãng an ninh mạng Kaspersky cho biết trong năm 2016, Việt Nam là quốc gia có số người gặp sự cố máy tính cao nhất trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, với tỷ lệ 68%. Trong khi đó, báo cáo của Microsoft cho thấy Việt Nam luôn nằm trong top 5 quốc gia trên thế giới bị mã độc tấn công dữ dội.
Những vụ tấn công vào hệ thống thông tin của các sân bay quốc tế như Nội Bài, Tân Sơn Nhất trong thời gian qua đã làm tăng thêm quan ngại về lỗ hổng an ninh mạng tại Việt Nam.
Trong báo cáo vừa được ITU công bố, Singapore đứng đầu về Chỉ số An ninh Toàn cầu năm 2017, trong khi các nước khác trong khu vực như Malaysia và Thái Lan đều lọt vào Top 20.
Các nước xếp vị trí tiếp theo trong số 10 nước có mức độ an ninh mạng cao là Mỹ, Malaysia, Oman, Estonia, Maurituis, Australia, Georgia, Pháp và Canada.
Trung Quốc đứng thứ 34 trong bảng xếp hạng.
Báo cáo của tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc nói chỉ có 38% các quốc gia trên toàn cầu có chiến lược an ninh mạng công khai, trong khi chỉ có khoảng 12% đang phát triển chiến lược về an toàn không gian mạng.
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng an ninh mạng không chỉ là mối quan tâm của chính phủ, mà còn cần sự hợp tác của khu vực tư nhân và người sử dụng mạng.
(Theo ITU, China Daily, VnEpress)
Xu hướng bảo hộ của Donald Trump có thể khiến G20 dậy sóng (RFI, 07/07/2017)
Một tháng sau hội nghị thượng đỉnh G7 ở Sicilia đã cho thấy bất đồng lớn giữa Hoa Kỳ và các đồng minh về khí hậu và thương mại, hôm nay 07/07/2017 hội nghị G20 khai mạc tại thành phố cảng Hamburg của Đức, với sự hiện diện của lãnh đạo các quốc gia giàu nhất thế giới. Vấn đề kinh tế vẫn là lãnh vực có thể gây tranh cãi.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đón tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hamburg, ngày 06/07/2017, trước hội nghị thường đỉnh G20. Steffen Kugler/Courtesy of Bundesregierung/Handout
Từ Hamburg, đặc phái viên RFI Mounia Daoudi tường trình :
"Hơn tám năm sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính, nền kinh tế thế giới rõ ràng đã hồi phục. Tăng trưởng đã quay lại dù hãy còn mong manh. Nhiều tiến triển quan trọng đã đạt được trong việc đấu tranh chống trốn thuế, gian lận ; và việc chỉnh đốn các hoạt động của ngân hàng đã giúp giảm mạnh mối đe dọa về một cuộc khủng hoảng tài chính mới.
Nhưng sự kiện ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng đã khiến kinh tế thế giới chìm vào bất định. Trước hết về tài chính, vì chính quyền Mỹ dường như quyết tâm hủy bỏ các quy định được đặt ra dưới thời ông Obama, bất chấp mọi hậu quả.
Kế đến là về thương mại. Nước Mỹ của ông Donald Trump muốn có chính sách bảo hộ, bác bỏ quá trình toàn cầu hóa một cách cân bằng mà các đối tác của ông trong nhóm G20 tìm cách xúc tiến.
Quan điểm này gây lo ngại cho các định chế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB). Hôm qua các định chế này đã kêu gọi các nước G20 hành động để tăng cường thương mại quốc tế, nhắc nhở rằng cuộc sống của hàng trăm triệu người lệ thuộc vào đó".
Thụy My
***********************
Các nguyên thủ quốc gia lãnh đạo 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới khai mạc hội nghị hai ngày tại thành phố Hamburg, Đức hôm thứ Sáu 7/7, nhằm tìm kiếm những thỏa hiệp và đáp án cho một loạt vấn đề, từ quy định thị trường tài chính, chống khủng bố, biến đổi khí hậu, chuỗi cung ứng cho tới nỗ lực chống đại dịch.
Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel hôm 6/7 nói bà hy vọng các nhà lãnh đạo có thể đi đến thỏa hiệp và tìm giải pháp cho nhiều vấn đề, mặc dù triển vọng tìm được những điểm đồng thuận chung về vấn đề biến đổi khí hậu và thương mại không có gì là chắc chắn.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong thời gian qua đã có nhiều bất đồng với các lãnh đạo thế giới khác từ khi Mỹ rút ra khỏi hiệp định khí hậu Paris năm 2015, một thỏa thuận có mục đích hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và từ khi Hoa Kỳ theo đuổi chính sách "Nước Mỹ Trên hết" về thương mại quốc tế.
Ông Trump nói ông có các kế hoạch "táo bạo" để áp mức thuế cao hoặc hạn ngạch nhập khẩu thép, lời đe dọa mới nhất và có thể nghiêm trọng nhất, để bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ, gây bất an cho các thành viên của nhóm G-20.
Ngày hôm nay, 7/7, cũng chứng kiến cuộc gặp trực diện đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cộng đồng tình báo Mỹ đã kết luận rằng ông Putin đã đích thân chỉ đạo một chiến dịch nhằm làm mất uy tín cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái, và gây tổn hại cho uy tín cho cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump.
Sáng hôm 7/7, trước hội nghị thượng đỉnh G-20, ông Trump tải trên Twitter dòng tin nhắn sau đây :
"Tôi sẽ là một đại diện tốt cho đất nước chúng ta và sẽ tranh đấu cho lợi ích quốc gia ! Truyền thông tin giả không bao giờ tường trình chính xác về tôi, nhưng ai quan tâm ? Chúng ta sẽ ‘MAGA’"
MAGA LÀ chữ viết tắt của khẩu hiệu ‘Make America Great Again’ có nghĩa là ‘Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại’, khẩu hiệu của chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump.
Trong bài diễn văn hôm thứ Năm 6/7 tại thủ đô Warsaw, Ba Lan, ông Trump tố cáo Nga là có "hành vi gây bất ổn" xen lấn vào các vấn đề thế giới, một cáo buộc mà Moscow bác bỏ.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G-20, ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau vào thời điểm Washington đang tăng áp lực lên Bắc Kinh để kiềm chế Bắc Triều Tiên sau vụ phóng thử một phi đạn đạn đạo liên lục địa. Hoa Kỳ còn dọa sẽ áp dụng các biện pháp chế tài thương mại đối với Trung Quốc.
Trong khi đó, cảnh sát đã sử dụng vòi rồng để giải tán hàng chục người biểu tình chống chủ nghĩa tư bản, phong tỏa các ngả đường ở thành phố Hamburg. Ước lượng sẽ có hơn 100.000 người biểu tình có mặt tại Hamburg để phản đối hội nghị, trong số đó khoảng 8.000 người được coi là thuộc cánh tả của Châu Âu có chủ trương bạo động.
Phố cảng Hamburg ở phía Bắc nước Đức phải tăng cường thêm cảnh sát đến từ khắp nước. Được biết có tới 20.000 nhân viên cảnh sát tuần tra trên các đường phố, không phận và trên các tuyến đường thủy.
*******************
BBC Tiếng Việt giới thiệu 5 chủ đề chính liên quan đến G20 năm nay :
Ra đời năm 1999, G20 tụ họp 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, với trên 80% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu.
Ngoài Hoa Kỳ, Anh, Đức, Pháp, Ý, Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, G20 còn có Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Cộng hòa Nam Phi, Ả Rập Saudi, Argentina và Nga.
Con số này mới chỉ là 19 nên G20 còn một thành viên nữa là Liên Hiệp Châu Âu, vốn bao gồm một loạt nước nêu trên.
Sau khi bị "trục xuất" khỏi G8 vì vấn đề Ukraine, G20 là diễn đàn lớn quan trọng còn lại để Nga tham gia.
G20 cũng là hội nghị toàn cầu cao cấp duy nhất có một quốc gia Asean, và một quốc gia trong Thế giới Ả Rập tham gia.
Nhưng với sự mở rộng ra các khu vực kinh tế khác, G20 không còn là "20 nền kinh tế lớn nhất thế giới nữa".
Kinh tế Hà Lan (không trong G20) hiện đã nhỉnh hơn Thổ Nhĩ Kỳ và to gấp mấy lần nền kinh tế Cộng hòa Nam Phi.
Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng được mời dự G20 vì Việt Nam tuy không nằm trong G20 nhưng sẽ đăng cai hội nghị APEC cuối năm nay tại Đà Nẵng.
Dự kiến 100 nghìn người cũng sẽ biểu tình tại thành phố cảng của Đức để chống biến đổi khí hậu, lên án một số quyết định của Tổng thống Donald Trump, và nêu nhiều vấn đề khác.
Theo cảnh sát Đức, có ít nhất 8000 trong số người dự kiến biểu tình "chuẩn bị gây ra bạo động" và họ đã tịch thu nhiều dao, gậy tại các nơi ở Hamburg.
Đức cho biết sẽ đưa 20 nghìn nhân viên cảnh sát ra phố ở Hamburg trong hai ngày hội nghị.
Nghị trình chính của G20 là "tăng trưởng bền vững cho Châu Phi, quyền lực kinh tế của phụ nữ" và tạo việc làm cho thanh niên.
Thất nghiệp trong giới trẻ đang là vấn nạn tại Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ kỹ thuật số cũng là các chủ đề được bàn tới.
Chủ đề di dân và người tỵ nạn cũng sẽ được các nước Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ bàn đến.
Tuần qua, có những hôm hàng nghìn người từ Trung Đông và Bắc Phi ào vào Ý bằng thuyền, khiến EU phải lên tiếng yêu cầu mọi nước thành viên hỗ trợ cho Rome.
Một trong số các nghị trình giới vận động nêu ra là làm sao để giáo dục được đầu tư nhiều hơn.
Họ đề nghị tăng đầu tư vào công việc học và giảng dạy cho toàn bộ trẻ em trên thế giới chứ không phải cho một nhóm thiểu số được ưu đãi.
Nhà kinh tế Pháp, Thomas Picketty gần đây nói rằng tại một quốc gia phát triển như Ý, số tiền đầu tư vào giáo dục chỉ có 1% GDP, ít hơn sáu lần cho với tiền chính phủ Ý bỏ ra để trả lãi suất cho các món nợ công.
Điều này làm tiêu tan hy vọng tạo ra một thế hệ trẻ có kiến thức toàn cầu và có việc làm.
4. Trump và các vấn đề chính trị
Trước khi sang Đức dự G20, ông Donald Trump sẽ thăm Ba Lan để được đón mừng.
Kevin Ponniah của BBC News viết Tổng thống Trump chọn thăm Ba Lan vì nước này luôn đánh giá cao đồng minh Hoa Kỳ.
Đến Warsaw hôm thứ Năm 06/07, ông Trump sẽ được đám đông do đảng cầm quyền thiên hữu (PiS) ở Ba Lan chở bằng xe bus đến đón mừng, khác với cảnh tại Hamburg vào thứ Sáu, khi ông sẽ bị biểu tình phản đối.
Ông Trump và lãnh đạo "không ngai" của Ba Lan, Jaroslaw Kaczynski cũng muốn ngăn "làn sóng" của phe thiên tả, tự do chủ nghĩa, theo Kevin Poniah.
Nhưng nhìn chung, tổng thống Mỹ nào cũng được hoan nghênh chào đón ở Ba Lan.
"Trừ khi họ làm điều gì đó quá tệ, còn thì mọi tổng thống Hoa Kỳ đều được người Ba Lan mến mộ và chào đón", theo giáo sư Aleks Szczerbiak, chuyên gia về chính trị Ba Lan tại Đại học Sussex, Anh Quốc.
Nhưng trước khi sang Ba Lan, ông Trump đã "tranh thủ" nhắn tin trên Twitter phê phán Trung Quốc về Bắc Hàn.
Điều này có nguy cơ làm cuộc gặp mặt với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hamburg không suôn sẻ.
Trước khi sang Đức, vào hôm thứ Ba, ông Tập đã gặp lãnh đạo Nga, Vladimir Putin ở Moscow để đồng ý về quan điểm với Bắc Hàn, nước vừa thử thành công tên lửa đạn đạo.
Thủ tướng nước chủ nhà, bà Angela Merkel muốn thúc đẩy hai nghị trình chính là Biến đổi Khí hậu và Tự do Thương mại.
Tuần này, ngay trước G20, EU tiến lại gần việc thông qua hiệp định tự do thương mại với Nhật Bản và Nghị viện EU đồng ý về một thỏa thuận nâng tầm hợp tác với Cuba và tạm không nhắc đến nhân quyền ở nước này.
Hôm thứ Tư 05/07, hai ngày trước lễ khai mạc G20, bà Merkel đã phát biểu về hai chủ đề này và bóng gió phê phán cách nhìn của Tổng thống Donald Trump.
Bà nói thế giới cần hợp tác chứ không phải là sân chơi theo kiểu "được ăn cả, ngã về không".
Nhưng cũng có ý kiến khác.
Bà Natalie Nougayrede, cây bút Pháp, nguyên biên tập viên điều hành tờ Le Monde viết trên báo The Guardian ở Anh (01/07/2017) rằng nhiều người chuẩn bị đến Hamburg biểu tình chống ông Donald Trump.
Nhưng các giới tại EU lại như quên hay không dám biểu tình phản đối ông Tập Cận Bình cũng sẽ có mặt ở thành phố cảng của Đức, bà Nougayrede viết.
Bà Nougayrede nói nếu họ quan tâm thật sự về nhân quyền thì nên đòi để Trung Quốc cho tù nhân Lưu Hiểu Ba ra nước ngoài chữa ung thư, điều Trung Quốc bác bỏ.
Bà nói nhiều người không thích ông Trump nhưng nền dân chủ Mỹ đủ khoẻ để giải quyết vấn đề Trump còn Trung Quốc vẫn là nước không tôn trọng các giá trị nhân đạo của Châu Âu.
Mà giải Nobel Hòa bình cho ông Lưu Hiểu Ba lại được Châu Âu trao tặng, bà Nougayrede viết.
*********************
Cựu Đại sứ Anh tại Hoa Kỳ, ông Christopher Meyer viết trên tờ Telegraph hôm 06/07 rằng tham vọng dùng G20 để thay đổi thế giới là chuyện không thể xảy ra.
Và Tuyên bố Hamburg cũng chỉ là "văn kiện dài lê thê, trang trọng" do Đức dàn xếp, theo nhà ngoại giao Anh.
Ai cũng có thể ký vào Tuyên bố Hamburg và đi về mà không cần thực hiện, ông Meyer viết.
"Họ sẽ đề cao cảm hứng về những thứ phù phiếm như thương mại toàn cầu, biến đổi khí hậu. Các trưởng đoàn chỉ việc đặt bút ký vào và đây là thứ ngoại giao rẻ rúng nhất, khoả lấp mọi quyền lợi trái ngược nhau của các nước tham gia".
Cũng vì nghị trình chung quá rộng, báo chí chú ý hơn đến các cuộc gặp, những cái bắt tay.
Cuộc gặp lần đầu "mặt đối mặt" lúc chiều thứ Sáu, 07 tháng 7 giữa ông Donald Trump và Vladimir Putin được chú ý nhiều nhất.
Nó đã diễn ra, và sau cái bắt tay xã giao, hai lãnh đạo Mỹ và Nga đã ngồi xuống một giờ liền để rồi cam kết cải thiện quan hệ hai bên.
Bị nghi là được Kremlin hỗ trợ trong bầu cử, ông Trump cũng khó có thể tỏ ra quá thân thiện với ông Putin.
Hy vọng của Moscow là để Washington bỏ cấm vận kinh tế cũng khó đạt được ở một diễn đàn quá đông người tham dự.
Cuộc gặp tưởng như có thể diễn ra giữa lãnh đạo hai nước Châu Á đông dân nhất nhì thế giới thì sẽ không xảy ra.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng ông Tập Cận Bình không gặp Thủ tướng Narendra Modi vì "không khí chưa phù hợp".
Rõ ràng là không khí vùng núi Bhutan và Sikkim đang khiến hai nước chung rặng Himalayas xung khắc.
Nhưng ông Modi cũng có một lịch trình dày đặc gặp riêng bảy lãnh đạo các quốc gia khác nhau, gồm cả Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc.
Trước khi ông Phúc sang Đức dự G20 có những đồn đại trên một số trang mạng tiếng Việt nói bà Angela Merkel "không đón ông" vì lý do nhân quyền xuống cấp tại Việt Nam.
Nhưng trên thực tế, bà Thủ tướng Đức không chỉ đón ông Phúc một lần mà hai lần, trong hai ngày liên tiếp.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng có mấy ngày làm việc bận rộng với nhiều cuộc gặp song phương.
Đón Thủ tướng Lý Hiển Long hôm 07, ông Tập trấn an Singapore bằng lời hứa "quan hệ hai bên sẽ chỉ tốt lên", sau một thời gian Singapore cảm thấy bị Trung Quốc cô lập vì nghiêng về phía Hoa Kỳ và ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Dù không tham gia G20, Singapore lại tổ chức chuyến công tác sang Đức của Thủ tướng Lý Hiển Long kéo dài gần một tuần vào đúng thời gian diễn ra G20.
Ông Lý Hiển Long dự kiến sẽ gặp Tổng thống Donald Trump ngay ở Hamburg.
Trong ngày thứ Sáu, ông Tập Cận Bình có lịch nói chuyện với Thủ tướng Theresa May của Anh Quốc.
Dự án điện nguyên tử Hinkley Point C ở Anh, ký kết khi ông Tập sang thăm cuối 2015, nay bị ngưng trệ vì đội vốn.
Đó không phải là mở đầu tốt cho cuộc gặp khi mà bà May đã ở vị thế yếu đi sau bầu cử lại rất muốn có các hợp đồng lớn với Châu Á để bù lại khoản bất định ở Châu Âu do Brexit.
Các nhóm thiên tả chống Trump biểu tình từ trước và va chạm với cảnh sát.
Họ tổ chức cả biểu tình đóng giảm xác chết biết đi 'Zombie' để nói lên vấn đề con người.
Điều làm hai ông Trump và Putin có thể cùng vui là cả hai bị các nhóm biểu tình lên án.
Nhưng phiền toái duy nhất từ biểu tình, được cho phép diễn ra ở khu xa hội nghị là trong chiều thứ Sáu là một số người đã chặn được lối ra vào khách sạn khiến đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, Melania Trump không đi đâu được.
*********************
G20 : Modi gặp ông Phúc tránh ông Tập (BBC, 07/07/2017)
Hội nghị G20 tại Hamburg là dịp để các lãnh đạo quốc tế gặp nhau trực tiếp nhưng hai nhà lãnh đạo Ấn Độ và Trung Quốc sẽ không nói chuyện vì căng thẳng biên giới.
Thủ tướng Narendra Modi đã đến Hamburg chuẩn bị dự G20 và các cuộc họp song phương
Báo Times of of India trích lời quan chức phái đoàn của Thủ tướng Narendra Modi nói ông "không có lịch gặp ông Tập Cận Bình".
Trong ngày 07/07, trước khi G20 khai mạc, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho hay "không khí chưa phù hợp cho cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Narendra Modi".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Gopal Baglay, cùng trong phái đoàn của ông Modi sang thăm Israel trước khi đến Đức dự G20, cũng nói :
"Thủ tướng sẽ thăm Hamburg từ 06 đến 08 tháng Bảy để dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và bên lề cuộc họp ông sẽ gặp Tổng thống Argentina Mauricio Macri, các thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Anh Quốc Theresa May và Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc".
Trong lịch làm việc của ông Modi không có họp với lãnh đạo Trung Quốc.
Căng thẳng trên bộ và trên biển
Căng thẳng biên giới được cho là lý do khiến quan hệ Trung - Ấn xuống dốc.
Vùng Doka La có tên Ấn Độ mà Bhutan gọi là Doklam nhưng Trung Quốc nói là của họ và đặt tên cho vùng đất là Donglang.
Bhutan và Trung Quốc đã thảo luận tìm cách giải quyết nhưng Bhutan vốn không có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đã nhờ Ấn Độ hỗ trợ cả về quân sự và ngoại giao.
Theo các báo Ấn Độ, một bài báo gần đây trên trang Hoàn cầu Thời giáo của Trung Quốc đe dọa "nghĩ lại chính sách với Sikkim và Bhutan" chính là một lời đe dọa "thổi lên tâm lý bài Ấn" ở Sikkim (một bang của Ấn Độ) và Bhutan.
Trước cuộc gặp của hai thủ tướng Ấn Độ và Việt Nam tại Hamburg, các báo Ấn Độ đăng lại bản tin của Reuters cho hay Việt Nam gia hạn hai năm khai thác lô 128 cho công ty dầu ONGC Videsh của Ấn Độ.
Một phần của lô dầu này nằm trong "đường chín đoạn" mà Trung Quốc nêu ra để đòi chủ quyền tại Biển Đông, theo Reuters.
Báo Ấn Độ, tờ Deccan Herald trên trang web hôm 06/07 nói đến chuyến thăm của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đến Dehli trong bối cảnh "Trung Quốc hung hăng trong vùng Châu Á".
Bài báo viết "Ấn Độ và Việt Nam đã thảo luận những bước đi cụ thể và khả thi để bảo vệ quyền lợi nước mình", đồng thời tăng cường quan hệ song phương".
Trung Quốc luôn phản đối các dự án khai thác dầu Ấn Độ ký với Việt Nam tại một số địa điểm trên Biển Đông mà Bắc Kinh nói thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Trung Quốc.
Ấn Độ nói rằng nước này đang hợp tác với Việt Nam theo đúng luật quốc tế, và muốn sự hợp tác đó tiếp tục phát triển, PTI nói.
Trong chuyến đi kéo dài từ ngày 3 đến 5/7, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam đã có các cuộc gặp gỡ tay đôi với giới lãnh đạo Ấn Độ, trong đó có cuộc gặp với Tổng thống Pranab Mukherjee và Ngoại trưởng Sushma Swaraj.
Quan hệ giữa Dehli và Hà Nội có truyền thống lâu dài, từ thời Jawahalal Nehru và Hồ Chí Minh.
Nhưng gần đây, Ấn Độ quan tâm nhiều hơn đến vùng Đông Nam Á.
Oanh tạc cơ Mỹ lại bay trên Biển Đông (RFI, 07/07/2017)
Theo thông báo của Không lực Hoa Kỳ hôm nay, 07/07/2017, hai oanh tạc cơ B-1B của Mỹ đêm qua đã bay trên không phận Biển Đông để xác quyết rằng đây là lãnh thổ quốc tế, cho dù Trung Quốc khẳng định chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng này.
Ảnh minh họa : oanh tạc cơ B-1B Lancer của Mỹ. Reuters
Trước khi bay đến Biển Đông, hai chiếc oanh tạc cơ nói trên đã tập huấn cùng với các chiến đấu cơ phản lực của Nhật tại vùng biển Hoa Đông, nơi mà Tokyo đang tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên không quân của hai nước thao dượt chung vào ban đêm.
Phản ứng về việc hai oanh tạc cơ Mỹ bay ngang qua Biển Đông, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm nay tuyên bố là Bắc Kinh vẫn chống lại việc "lợi dụng quyền tự do lưu thông hàng không để gây tổn hại cho an ninh của Trung Quốc".
Hành động biểu dương sức mạnh của 2 oanh tạc cơ Mỹ diễn ra ra vào lúc căng thẳng gia tăng sau khi Bắc Triều Tiên thông báo thử nghiệm thành công một tên lửa liên lục địa có thể bắn tới lãnh thổ lục địa của Hoa Kỳ. Washington hiện đang gia tăng áp lực để đòi Bắc Kinh giúp chặn đứng chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Cũng hôm nay, Hạm đội 7 của Mỹ cùng với hàng không mẫu hạm USS Nimitz bắt đầu các cuộc tập trận chung mang tên Malabar 2017 với quân đội Ấn Độ và Nhật Bản ở vùng Vịnh Bengal. Cuộc tập trận chung sẽ diễn ra trên biển và trên bờ biển.
Thanh Phương
********************
Hôm thứ Sáu 7/7, không quân Mỹ cho hay hai máy bay ném bom của Mỹ đã bay ngang qua vùng biển đang trong vòng tranh chấp trên Biển Đông, để khẳng định khu vực này là lãnh thổ quốc tế, bất chấp Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền trên hầu hết các tuyến hàng hải trong khu vực.
Theo Reuters, hai máy bay ném bom B-1B Lancer xuất phát từ đảo Guam của Hoa Kỳ hôm thứ Năm, giữa lúc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị cho một một cuộc gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Đức.
Dự kiến hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về việc Trung Quốc có thể làm gì để kiểm soát các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên.
Trong khi ông Trump mưu tìm sự tiếp tay của Bắc Kinh để tăng áp lực đối với Bắc Triều Tiên, thì quân đội Mỹ vẫn tiếp tục khẳng định quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, một điều có thể khiến Trung Quốc phẫn nộ.
Khi được hỏi về việc hai máy bay ném bom Mỹ bay ngang qua Biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói không có vấn đề gì với tự do hàng hải hay hoặc quyền được bay ngang trên không phận Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Ông Sảng nói :
"Trung Quốc kiên quyết phản đối các quốc gia riêng lẻ viện lẽ thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không để phô trương lực lượng quân sự, phương hại tới chủ quyền và an ninh của Trung Quốc".
Bộ Quốc phòng Trung Quốc, trong một văn bản ngắn gửi cho hãng tin Reuters, nói Trung Quốc luôn theo dõi và "giám sát hiệu quả các hoạt động quân sự của các nước liên quan bên cạnh Trung Quốc".
Văn bản này còn có đoạn viết :
"Quân đội Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, cũng như hoà bình và ổn định khu vực".
Hoa Kỳ trong thời gian qua đã chỉ trích việc Trung Quốc củng cố các cơ sở quân sự trên các bãi cạn và các hòn đảo nhỏ mà Trung Quốc đã bồi đắp và xây trong Biển Đông, vì lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng các cơ sở này để bành trướng phạm vi chiến lược.
Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền trên một phần Biển Đông, tuyến hàng hải quốc tế nơi qua lại của lượng hàng hóa trị giá 5 tỷ đôla mỗi năm.
Nguồn : Reuters
************************
Tàu sân bay Trung Quốc lần đầu tiên ghé cảng Hồng Kông (RFI, 07/07/2017)
Chiếc Liêu Ninh, hàng không mẫu hạm đang hoạt động của Trung Quốc, đã vào cảng Hồng Kông hôm nay, 07/07/2017, trong một chuyến thăm đầu tiên được đánh giá là nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nhân dịp kỷ niệm 20 năm vùng nhượng địa trở về dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc.
Tàu Sân Bay Liêu Ninh Trung Quốc vào Hồng Kông. Ảnh ngày 07/07/2017. Reuters
Theo hãng tin Mỹ AP, chiếc Liêu Ninh đã ghé cảng quân sự Hồng Kông với hai khu trục hạm và một hộ tống hạm đều thuộc loại được trang bị tên lửa dẫn đường.
Nhiều biện pháp an ninh nghiêm ngặt đã được áp dụng : Không phận khu vực chung quanh căn cứ hải quân Hồng Kông đã trở nên vùng cấm bay từ hôm nay, 07/07, cho đến thứ Ba 11/07. Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, mọi loại phi cơ có người lái cũng như không người lái, thậm chí diều hay bong bóng cũng bị cấm trong khu vực này.
Điểm đáng chú ý là chính quyền đã phát 2000 vé để lên viếng các tàu, dành riêng cho cư dân Hồng Kông. Theo hãng AP, Bắc Kinh đã dùng chuyến ghé cảng của tàu Liêu Ninh để đánh vào lòng tự hào dân tộc nơi cư dân Hồng Kông, để họ thấy hãnh diện trước những thành tựu của Trung Quốc và công nhận chính quyền trung ương.
Nỗ lực này được đưa ra trong bối cảnh 20 năm sau khi trở về dưới trướng Trung Quốc, người dân Hồng Kông cảm thấy quyền tự do của họ ngày càng bị siết chặt, những cam kết về "một đất nước hai chế độ" đã không được tôn trọng.
Nhiều người đã cho rằng Bắc Kinh ngày càng siết chặt quyền kiểm soát trên Hồng Kông, bác bỏ mọi yêu cầu cải tổ dân chủ, đồng thời mở rộng quyền kiểm soát, khống chế các phương tiện truyền thông, báo chí.
Trọng Nghĩa
*********************
Đây là chuyến đi đầu tiên bên ngoài Trung Quốc đại lục, đóng vai trò một trong các sự kiến đánh dấu 20 kỷ niệm Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc.
Chuyến đi theo sau chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần trước, chuyến thăm đầu tiên của ông trong cương vị chủ tịch.
Nhiều cuộc biểu tình phản đối đã nổ ra trong suốt chuyến thăm nhưng ông Tập cảnh cáo bất cứ thách thức nào đối với chính quyền trung ương Bắc Kinh là "không thể cho phép".
Tình hình chính trị Hong Kong diễn ra căng thẳng hơn trong vài năm gần đây với nhiều lời kêu gọi cho việc tự chủ và thậm chí là độc lập.
Sự xuất hiện của chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh được xem như là một màn phô bày sức mạnh của Bắc Kinh nhưng nhiều người ở Hong Kong đã xếp hàng để lấy vé tham quan miễn phí con tàu.
Con tàu được theo sau bởi ba tàu chiến khác, và sẽ bỏ neo ở gần đảo Thanh Y của Hong Kong trong 5 ngày.
Vào đầu tháng 7, Bộ Quốc phòng Đài Loan nói đã triển khai các phi cơ phản lực bay phía trên chiếc hàng không mẫu hạm của Trung Quốc khi tàu này đi qua eo biển nằm giữa hòn đảo tuyên bố tự trị này và Trung Hoa lục địa.
Một tuyên bố từ phía Đài Bắc nói rằng hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và các tàu hộ tống đã đi vào vùng nhận dạng phòng không của Đài loan hôm thứ Bảy và được trông đợi là sẽ ra khỏi khu vực vào tối Chủ Nhật.
Tuyên bố nói không có điều gì bất thường được phát hiện, và việc triển khai phi cơ là nhằm theo dõi quá trình di chuyển của tàu Liêu Ninh trong vùng biển này.
Đây là lần thứ ba trong những tháng gần đây Liêu Ninh di chuyển sát Đài Loan, nơi mà Trung Quốc luôn coi là một phần lãnh thổ của mình.
Hai lần trước diễn ra vào hồi tháng Mười Hai và tháng Giêng, trong các hoạt động mà Trung Quốc gọi là thao luyện định kỳ.
Trung Quốc hiện mới chỉ có một hàng không mẫu hạm đang hoạt động là chiếc Liêu Ninh mua từ Ukraine về rồi tân trang.
Chiếc hàng không mẫu hạm mới ra mắt được cho là sự nâng cấp đáng kể so với chiếc Liêu Ninh vốn được sản xuất từ 25 năm trước, từ thời Liên Xô.
Nó được coi như một dạng tàu tập huấn để chuẩn bị cho việc ra tàu hàng không mẫu hạm mới..
Trung Quốc gần đây đang hiện đại hóa các lực lượng có vũ trang trong lúc nền kinh tế nước này phát triển nhanh.
Hồi tháng Ba, Bắc Kinh công bố nâng ngân sách quốc phòng lên 7% trong năm nay, là năm thứ hai liên tiếp đưa ra mức tăng dưới 10% sau gần 20 năm đẩy mạnh ngân sách quốc phòng ở quy mô lớn.
*************************
Nga và Trung Quốc chống gia tăng trừng phạt Bắc Triều Tiên (RFI, 07/07/2017)
Tại New York, ngày 05/07/2017, Hội Đồng Bảo An họp khẩn về hồ sơ nóng Bắc Triều Tiên tiếp tục bắn thử tên lửa đạn đạo. Tất cả các thành viên Hội Đồng Bảo An đều lên án Bình Nhưỡng vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, nhưng lại bất đồng về phương án gia tăng trừng phạt Bắc Triều Tiên.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley trong phiên họp khẩn ngày 05/07/2017 về Bắc Triều Tiên. Reuters
Hoa Kỳ và Pháp thông báo chuẩn bị một nghị quyết gia tăng các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng. Nga và Trung Quốc kêu gọi nối lại đối thoại với Bắc Triều Tiên thay vì gia tăng trừng phạt.
Thông tín viên RFI Grégoire Pourtier tại New York, tường trình :
"Về vấn đề Bắc Triều Tiên, căng thẳng đã vượt qua ngoài bán đảo Triều Tiên và biển Nhật Bản. Ngày hôm qua, tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, các cuộc khẩu chiến giữa đại diện Mỹ và Nga đã cho thấy không một giải pháp nào có được sự nhất trí hoàn toàn.
Moskva cho biết muốn đối thoại với Bình Nhưỡng, trong khi Hoa Kỳ thì đã chuẩn bị một văn kiện tăng cường trừng phạt.
Trong khi chưa có gì bảo đảm việc bỏ phiếu thông qua nghị quyết mới thì bà đại sứ Mỹ Nikki Haley quả quyết rằng mọi phương án đều đã được chuẩn bị. Bà nói :
"Lực lượng quân sự lớn của chúng tôi nói lên một trong những khả năng của chúng tôi. Chúng tôi sẽ sử dụng khả năng đó, nhưng chúng tôi không thích đi theo hướng này. Chúng tôi có các phương tiện khác để đáp trả những ai đe dọa chúng tôi và những ai gieo rắc đe dọa. Mỹ có thể hành động mạnh trong lĩnh vực thương mại".
Qua diễn đàn này, bà Nikki Haley cũng ngầm tố cáo Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì các trao đổi buôn bán với Bắc Triều Tiên.
Cách đây vài tháng được ông Donald Trump đánh giá như là trung gian tiềm tàng, Bắc Kinh giờ đây bị Washington đe dọa bằng các biện pháp trả đũa thương mại.
Đại sứ Trung Quốc đã đáp lại rằng những lời lẽ hiếu chiến là không cần thiết. Chính việc triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa Mỹ trên đất Hàn Quốc vài tháng trước đây đã góp phần làm leo thang căng thẳng trong vùng".
Anh Vũ
Biển Đông : Việt Nam dùng dầu khí công phá đường lưỡi bò Trung Quốc (RFI, 07/07/2017)
Việt Nam đang nổi lên thành nước bạo dạn nhất trong việc chống lại yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông, thông qua hai hành động cụ thể nhắm vào đường lưỡi bò Trung Quốc, với vũ khí là quyền thăm dò dầu khí. Mỹ và Ấn Độ là hai phía hỗ trợ Việt Nam.
Một giàn khoan dầu của tập đoàn Ấn Độ ONGC ( ảnh : en.wikipedia.org)
Mới nhất là sự kiện được tiết lộ hôm 06/07/2017, theo đó Hà Nội đã triển hạn giấy phép thăm dò lô 128 ngoài khơi miền Trung Việt Nam, cho tập đoàn Ấn Độ ONGC Videsh. Trước đó là thông tin về việc Hà Nội cho phép Talisman-Việt Nam - một liên doanh giữa ba tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tây Ban Nha và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất – khởi sự khoan dò tại lô 136-06, xa hơn xuống phía nam. Cả hai lô này đều bị Bắc Kinh cho là của họ vì nằm bên trong đường 9 đoạn – còn gọi là đường lưỡi bò – mà Trung Quốc trưng ra để khẳng định chủ quyền.
Theo trang mạng Mỹ The American Interest hôm qua, quả đúng là với hai động thái liên tiếp đó, Việt Nam tiếp tục đóng vai trò "đối thủ hàng đầu" của Trung Quốc tại Biển Đông. Theo tác giả bài viết trên trang mạng Mỹ, thời điểm Việt Nam bật đèn xanh cho các hành động đó không có gì là ngẫu nhiên.
Việc Việt Nam triển hạn cho ONGC Videsh tiếp tục thăm dò lô 128 được quyết định ngay sau khi ngoại trưởng kiêm phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh kết thúc 4 ngày công du Ấn Độ, nơi ông đã thảo luận về an ninh và hợp tác kinh tế, với một đối tác vốn không ngần ngại tái khẳng định rằng mọi nước cần phải bảo vệ quyền "tự do hàng hải và pháp luật quốc tế" ở Biển Đông.
Theo ghi nhận của Reuters, chống lại tham vọng của Trung Quốc muốn khống chế toàn bộ Biển Đông là điều được Hà Nội và New Delhi chia sẻ, và trong một vài năm gần đây, Ấn Độ đã tăng cường giúp Việt Nam nâng cao năng lực quốc phòng, cung cấp tầu tuần tra, huấn luyện phi công và thủy thủ tàu ngầm, cho Việt Nam tiếp cận thông tin vệ tinh để giám sát vùng biển của mình.
Chính trong chiều hướng kháng lại Trung Quốc đó, mà Việt Nam và nhất là Ấn Độ, đã tiếp tục hợp tác thăm dò lô 128, dù nơi đó được cho là sẽ không mang lại nhiều lợi ích về kinh tế.
Lý do tiếp tục hợp tác là "chiến lược", như một quan chức Ấn Độ từng xác nhận với Reuters. Có thể hiểu chiến lược là duy trì sự hiện diện cụ thể tại một nơi mà Trung Quốc đòi chủ quyền, mặc nhiên chọc thủng đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Ý nghĩa chiến lược "cắt đứt đường lưỡi bò" cũng có thể được thấy qua việc Việt Nam bật đèn xanh cho liên doanh Talisman Việt Nam khoan dò tại lô 136-06 mà Trung Quốc từng nhận là của họ và giao quyền khai thác cho hãng Brightoil ở Hồng Kông.
Những động thái được cho là bạo dạn của Việt Nam chống lại Trung Quốc trên Biển Đông cũng đã được giới quan sát lồng vào trong bối cảnh tân chính quyền Mỹ của ông Donald Trump liên tiếp thực hiện hai chuyến tuần tra "bảo vệ quyền tự do hàng hải" trên Biển Đông, thách thức Trung Quốc khi cho chiến hạm tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của các thực thể mà Bắc Kinh trấn giữ, cả ở Trường Sa lẫn Hoàng Sa.
Song song với các sự kiện đó, hai chiến hạm Mỹ cũng đã cập cảng Cam Ranh từ hôm qua, bắt đầu các hoạt động diễn tập với Hải Quân Việt Nam. Ý nghĩa quan trọng của sự kiện này chính là địa điểm diễn tập là Cam Ranh.
Đây là hoạt động đã được lên kế hoạch từ trước, nhưng ý nghĩa chống Trung Quốc được nêu bật vì diễn ra chỉ vài ngày sau khi một tàu chiến của Hoa Kỳ áp sát đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa.
Cho đến gần đây, Trung Quốc đã gần như được tự do tung hoành ở Biển Đông. Với việc Việt Nam hành động mạnh mẽ hơn chống lại các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, và các cường quốc lớn như Hoa Kỳ Ấn Độ, Nhật Bản, can dự nhiều hơn, câu hỏi mà tờ The American Interest đặt ra là liệu cục diện có sẽ thay đổi được hay không ?
Trọng Nghĩa
***********************
Việt Nam đã tiến hành khoan dầu tại một khu vực mà Trung Quốc nói thuộc chủ quyền của họ trên Biển Đông và hành động này được cho là nguyên nhân khiến phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, Tướng Phạm Trường Long, đột ngột cắt ngắn chuyến thăm viếng Hà Nội gần ba tuần trước đây, các nguồn tin cho hay.
Một nhà quan sát từ Hoa Kỳ nói với VOA rằng sau phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực (PCA) về vụ kiện của Philippines thì Trung Quốc không có lý do để ngăn cản Việt Nam thăm dò khai thác dầu khí trên vùng biển thuộc thềm lục địa của mình.
Bản tin của đài BBC dẫn lời ông Ian Cross thuộc công ty tư vấn về dầu hỏa Moyes & Co có trụ sở tại Singapore cho biết tàu khoan Deepsea Metro 1 đã bắt đầu khoan trên vùng biển nằm cách bờ biển Việt Nam khoảng 400km hôm 21/6.
Cũng theo bản tin này, hành động này của Hà Nội dường như là lý do khiến cho ông Phạm Trường Long đã đột ngột hủy tham dự cuộc giao lưu quốc phòng biên giới giữa hai nước Trung-Việt.
Tạp chí "The Diplomat" chuyên về các vấn đề quan hệ quốc tế của Mỹ dựa vào các nguồn tin riêng của họ cũng cho biết rằng cuộc Giao lưu Quốc phòng Biên giới lần thứ tư giữa hai nước đã bị hoãn đột ngột hồi tháng trước với nguyên do là phía Bắc Kinh bất bình với việc Hà Nội nối lại việc thăm dò dầu khí trên Biển Đông.
Tuy nhiên, truyền thông chính thức của cả Việt Nam và Trung Quốc đều không đề cập bất cứ điều gì về việc này. Thông báo chính thức của cả hai phía cho biết ông Phạm hủy bỏ tham dự cuộc giao lưu do "những vấn đề trong việc sắp xếp công việc".
Tàu khoan Deepsea Metro 1 hoạt động theo hợp đồng với công ty quốc tế Talisman-Vietnam. Khu vực Việt Nam thăm dò là lô 136-03 theo cách gọi của Việt Nam trong khi Trung Quốc gọi là lô Vạn An Bắc. BBC cũng dẫn lời một nguồn tin trong ngành cho biết Talisman-Vietnam đã bị từ chối cấp phép khoan dầu trong ba năm qua do lo ngại làm Bắc Kinh tức giận.
Tờ "Diplomat" thì cho rằng vụ việc Tướng Phạm Trường Long đột ngột cắt ngắn chuyến thăm là bước lùi lớn nhất trong quan hệ song phương kể từ cuộc khủng hoảng giàn khoan vào tháng 5/2014.
Tờ báo này dẫn một nguồn tin giấu tên từ Việt Nam cho biết ông Phạm đã "nêu vấn đề Việt Nam khoan dầu với các nhà lãnh đạo Việt Nam, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và yêu cầu Việt Nam dừng khoan dầu ở lô 136-03.
Các nguồn tin Việt Nam cho hay vị lãnh đạo Việt Nam không được tiết lộ danh tính được cho là đã "mạnh mẽ bảo vệ chủ quyền của Việt Nam" trước yêu cầu của ông Phạm, và chính cuộc trao đổi này giữa Tướng Phạm và vị lãnh đạo Việt Nam đã khiến ông Phạm Trường Long hủy tham dự cuộc giao lưu quốc phòng đã được lên kế hoạch từ trước.
Theo phân tích của phóng viên Bill Hayton của BBC, người nhiều năm theo dõi những diễn biến trên Biển Đông, thì nguyên nhân Hà Nội có hành động quả quyết trước Bắc Kinh là vì Hà Nội có lẽ cho rằng Trung Quốc đang thúc đẩy ý tưởng "Một Vành đai, Một Con đường" (OBOR) cũng như Hiệp định đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP) trong khi Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp diễn ra vào mùa thu năm nay nên họ khó lòng leo thang căng thẳng trong khu vực.
Trao đổi với VOA, GS Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine, Hoa Kỳ, nói rằng vùng biển mà Việt Nam thăm dò thuộc thềm lục địa của Việt Nam và phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đã nói rằng Trung Quốc không có chủ quyền trên Biển Đông nên "Trung Quốc không có lý do gì để nói vấn đề ở đây là vấn đề tranh chấp".
"Trung Quốc chỉ ỷ thế mạnh để lấy thịt đè người", ông Long nói.
"Lúc trước Việt Nam còn nhân nhượng Trung Quốc nhưng bây giờ đã có phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế thì Việt Nam thấy rằng Việt Nam có lý do để theo đuổi phán quyết của tòa án ở The Hague", ông nói thêm.
**********************
Cả Việt Nam và Ấn Độ đều đang có những bất đồng với Trung Quốc về vấn đề biên giới, lãnh thổ.
Hôm 6/7, Trung Quốc lên tiếng tuyên bố 'vững vàng giữ chủ quyền' ở Biển Đông sau khi Việt Nam cho tiến hành khoan tìm dầu tại vùng biển có tranh chấp.
Trên bộ, đã xảy ra tình trạng đối đầu quân sự Trung-Ấn tại vùng Sikkim kéo dài suốt bốn tuần qua trên một phần đường biên giới chung kéo dài 3.500km giữa hai nước.
Trong cuộc phỏng vấn với PTI, được thực hiện trong chuyến thăm mới đây tới Ấn Độ, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam cho biết hai nước đã thảo luận về tiến độ triển khai các thỏa thuận cấp cao giữa hai bên nhằm tạo điều kiện phát triển quan hệ song phương "một cách mạnh mẽ".
Ông Phạm Bình Minh nhắc tới hoạt động đầu tư của các hãng Ấn Độ vào Việt Nam, đáng kể là hãng ONGC Videsh hoạt động khai thác dầu khí ở thềm lục địa của Việt Nam.
Trung Quốc luôn phản đối các dự án khai thác dầu Ấn Độ ký với Việt Nam tại một số địa điểm trên Biển Đông mà Bắc Kinh nói thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Ấn Độ nói rằng nước này đang hợp tác với Việt Nam theo đúng luật quốc tế, và muốn sự hợp tác đó tiếp tục phát triển, PTI nói.
Trong chuyến đi kéo dài từ ngày 3 đến 5/7, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam đã có các cuộc gặp gỡ tay đôi với giới lãnh đạo Ấn Độ, trong đó có cuộc gặp với Tổng thống Pranab Mukherjee và Ngoại trưởng Sushma Swaraj.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ sau đó ra thông cáo nói hai bên nhấn mạnh việc ủng hộ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và tự do bay, tự do thương mại, dựa trên luật pháp quốc tế.
Hai bên lặp lại quan điểm trong bối cảnh cùng ghi nhận nội dung phán quyết mà Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague (PCA) đưa ra hồi tháng Bảy năm ngoái, theo đó bác yêu sách của Bắc Kinh về đường chín đoạn trên Biển Đông.
Hồi 9/2016, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện, sau khi mối quan hệ Đối tác Chiến lược được thiết lập hồi 2007.
Việc nâng cấp quan hệ này, ông Phạm Bình Minh được PTI dẫn lời, đã tạo khung hoạt động quan trọng cho sự hợp tác song phương sâu rộng trong toàn bộ các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng an ninh, kinh tế thương mại, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, và các lĩnh vực khác.
Về mặt kinh tế, Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
*********************
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (trái) và người tương nhiệm Ấn Độ Sushma Swaraj bắt tay tại New Delhi vào ngày 4 tháng 7 năm 2017. AFP photo
Việt Nam vừa gia hạn hợp đồng cho phép công ty ONGC Videsh của Ấn Độ khoan tìm kiếm, khai thác dầu ở một khu vực khác ngoài biển Đông nơi Trung Quốc cũng đòi chủ quyền.
Giám đốc điều hành hãng ONGC Videsh cho biết hồi đầu tuần này Việt nam đã đồng ý một hợp đồng mới có thời hạn hai năm, theo đó công ty ONGC Videsh được khoan tìm kiếm ở lô 128 ngoài khơi miền trung Việt Nam. Một phần của lô dầu khí này bị đường chữ U do Trung Quốc vẽ ra trên biển Đông đi qua.
Hãng tin Reuters trích lời của một lãnh đạo cao cấp giấu tên của công ty ONGC cho biết việc Ấn Độ quan tâm đến lô dầu khí này mang tính chiến lược nhiều hơn là thương mại vì khu vực này có nhiều rủi ro trong khi tiềm năng khai thác không phải là cao. Người này nói thêm là Việt Nam muốn công ty Ấn độ ở đó vì những lo ngại về sự can thiệp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hồi năm 2006, tập đoàn Dầu khí Việt Nam PetroVietnam đã cho phép Ấn Độ được khoan thăm dò tại khu vực này. Hợp đồng này hết hạn vào giữa tháng 6 vừa qua.
Hồi năm 2012, báo chí Ấn Độ loan tin cho biết Ấn Độ sẽ rút khỏi hai lô thăm dò ở Việt Nam là lô 127 và 128 với lý do được ONGC đưa ra là trữ lượng tiềm tàng tại các lô này thấp hơn dự kiến. Vào lúc đó, Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối việc Việt Nam cho phép công ty Ấn Độ khai thác dầu tại đây.
Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian gần đây được cho là căng thẳng sau khi Việt Nam cho phép một số công ty nước ngoài khai thác dầu ngoài khơi nơi Trung Quốc cũng đòi chủ quyền. Hãng tin Reuters mới đây cho biết công ty Odfiell Drilling Ltdl, đang tiến hành khoan thăm dò từ hồi giữa tháng trước ở lô 136/3 ở phía nam vùng biển Đông.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng mới đây lên tiếng phản đối các hoạt động khai thác dầu khí đơn phương trên vùng nước mà Trung Quốc đòi chủ quyền. Ông này nói Trung Quốc hy vọng các nước sẽ hành động dựa trên nguyên tắc hòa bình và ổn định của khu vực và không làm gì để gây phức tạp thêm tình hình.
Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, Tướng Phạm Trường Long mới đây đã cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 6 vừa qua để phản đối việc Việt Nam cho phép công ty nước ngoài khai thác dầu.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, lãnh đạo hai nước Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục có những thảo luận nhằm tìm cách tăng cường hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia.
Trả lời báo PTI của Ấn Độ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cho biết nhân chuyến thăm 4 ngày đến Ấn Độ, ông đã gặp các giới chức lãnh đạo Ấn Độ để thảo luận việc thực hiện những thỏa thuận cấp cao ký giữa hai nước nhằm tạo một khuôn khổ giúp các quan hệ phát triển hơn nữa về chất.
Ông Phạm Bình Minh cho biết nhiều công ty Ấn Độ đang đầu tư ở nhiều dự án khác nhau tại Việt Nam trong đó có việc tìm kiếm khai thác dầu khí.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng nói việc nâng cấp quan hệ hai nước từ đối tác chiến lược năm 2007 lên đối tác chiến lược toàn diện năm 2016 đã tạo ra khuôn khổ quan trọng trong hợp tác song phương ở nhiều mặt bao gồm chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, khoa học, giáo dục….
Hiện Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam. Thương mại song phương hai chiều hiện đạt 7 tỷ đô la. Tổng vốn đầu tư trực tiếp từ Ấn Độ vào Việt Nam tính đến cuối tháng 5 năm 2017 là 772 triệu đô la với 145 dự án.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sang thăm Ấn Độ lần này nhân cuộc họp cấp Bộ trưởng giữa Ấn Đô và ASEAN diễn ra vào ngày 4 tháng 7 vừa qua.
********************
Việt Nam gia hạn việc nhượng quyền khai thác dầu mỏ cho Ấn Độ tại Biển Đông và bắt đầu khoan thăm dò tại một khu vực khác đang tranh chấp với Trung Quốc, các động thái có thể làm gia tăng căng thẳng tranh chấp chủ quyền tại vùng biển trọng yếu này.
Mọi việc diễn ra vào thời điểm nhạy cảm trong mối quan hệ Việt-Trung.
Việt Nam tuyên bố chủ quyền một số nơi trên Biển Đông và Ấn Độ vừa mới phái chiến hạm theo dõi Eo biển Malacca, nơi hầu hết nguồn cung cấp năng lượng và thương mại của Trung Quốc đi qua.
Việt Nam gia hạn cho công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh thêm hai năm nữa để thăm dò khu vực 128 trong một văn thư gởi đến công ty tuần này, giám đốc điều hành công ty quốc doanh ONGC Videsh cho Reuters biết.
Một phần của khu vực này nằm trong đường lưỡi bò 9 đoạn mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Đây là thủy lộ với hơn 5.000 tỉ đô la hàng hóa qua lại mỗi năm mà Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng tuyên bố có chủ quyền.
Một giới chức cao cấp của ONGC Videsh, yêu cầu được dấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề, nói khu vực này được chú trọng về chiến lược hơn là thương mại, bởi việc khai thác dầu tại đây được xem là ‘năm ăn năm thua’ vì trữ lượng trung bình.
"Việt Nam cũng muốn chúng tôi có mặt ở đây vì sự can thiệp của Trung Quốc tại Biển Đông", giới chức này nói.
Công ty quốc doanh PetroVietnam từ chối bình luận về vụ việc. Việt Nam cấp phép cho công ty Ấn lần đầu tiên vào năm 2006, nhưng giấy phép hết hạn vào giữa tháng 6 năm nay.
Xa hơn về phía nam của lô 128, công tác khoan dò đã khởi sự tại một lô cùng sở hữu bởi công ty quốc doanh dầu khí của Việt Nam, công ty Repsol của Tây Ban Nha và công ty Mubadala Development Co của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Công ty Deepsea Metro I, do Odfjell Drilling Ltd điều hành đã bắt đầu khoan tìm tại đây từ giữa tháng trước nhân danh công ty Repsol SA của Tây Ban Nha, công ty này cũng có quyền khai thác tại khu vực kế cận 07/03.
Odfjell từ chối bình luận về vị trí rõ ràng của giàn khoan, nhưng dữ liệu về hàng hải cho thấy đây là lô 136/3, cũng nằm trong khu vực mà Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền.
PetroVietnam không đưa ra lời bình luận.
Khi được hỏi về hoạt động này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói Trung Quốc phản đối bất cứ nước nào "thực hiện đơn phương, các hoạt động bất hợp pháp về dầu mỏ và khí đốt tại vùng biển Trung Quốc có chủ quyền".
Ông Cảnh nói tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng : "Chúng tôi hy vọng là các nước liên hệ có thể hành động trên căn bản gìn giữ hòa bình và ổn định trong vùng và không làm việc gì làm tình hình phức tạp thêm".
Tướng Trung Quốc Phạm Trường Long đã cắt ngắn chuyến đi thăm Việt Nam và một hội nghị hữu nghị tại biên giới Việt-Trung đã bị hủy bỏ vào thời điểm việc khoan dầu bắt đầu.
Tranh chấp chủ quyền trên biển càng chứng tỏ sự thiếu tin cậy lẫn nhau kéo dài nhiều thế kỷ giữa Trung Quốc với Việt Nam, dù hai nước cùng chia sẻ ý thức hệ cộng sản và thương mại song phương đang gia tăng.
*************************
Biển Đông : Hà Nội triển hạn cho Ấn Độ tìm dầu ở lô bị Bắc Kinh yêu sách (RFI, 07/07/2017)
Việt Nam vừa triển hạn thêm hai năm giấy phép cho một tập đoàn dầu hỏa Ấn Độ quyền thăm dò và khai thác một khu vực ở Biển Đông bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Thông tin này đã được tập đoàn Ấn Độ có liên quan tiết lộ ngày hôm qua, 06/07/2017 với hãng tin Anh Reuters.
Biển Đông : Lô 128 mà tập đoàn Nhà nước Ấn Độ ONGC Videsh được giấy phép thăm dò.Ảnh chụp màn hình (twitter.com)
Theo ông Narendra K. Verma, giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí Nhà Nước Ấn Độ ONGC Videsh, Việt Nam đã chính thức gởi công văn gia hạn thêm 2 năm giấy phép cho tập đoàn Ấn Độ này thăm dò lô mang ký hiệu 128 ngoài khơi bờ biển miền Trung Việt Nam.
Việt Nam cấp phép cho tập đoàn Ấn Độ lần đầu tiên vào năm 2006, sau đó triển hạn tiếp tục, và giấy phép hiện hành đã hết hạn vào giữa tháng 6 năm nay.
Vấn đề đối với lô 128 là một phần của lô này nằm bên trong đường 9 đoạn mà Trung Quốc vạch ra để đòi chủ quyền tại Biển Đông
Một quan chức cao cấp của ONGC Videsh, xin giấu tên, đã công nhận rằng việc gia hạn quyền khai thác lô 128 mang ý nghĩa chiến lược và chính trị hơn là kinh tế, thương mại vì tiềm năng dầu khí tại khu mỏ này chỉ khiêm tốn, trong lúc rủi ro lại cực cao. Quan chức này xác định : "Việt Nam cũng muốn chúng tôi tiếp tục ở đó vì những hành động can thiệp của Trung Quốc ở Biển Đông".
Riêng tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) thì đã từ chối bình luận sự kiện này.
Theo hãng Reuters, việc Việt Nam gia hạn giấy phép cho tập đoàn ONGC Videsh thăm dò lô 128, chắc chắn sẽ bị Trung Quốc phản đối, vào lúc mà mới đây, Hà Nội đã khiến Bắc Kinh bực tức khi cho khởi sự khoan dò tại lô 136-06 xa hơn về phía Nam, một khu vực mà Trung Quốc đã cấp phép khai thác cho một tập đoàn Hồng Kông có hai quan chức cao cấp đảng Cộng Sản Trung Quốc lãnh đạo.
Sau khi thông tin này bị tiết lộ, vào hôm qua, 06/07/2017, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã lên tiếng cho rằng Bắc Kinh phản đối bất kỳ quốc gia nào "tiến hành các hoạt động đơn phương và bất hợp pháp về dầu khí tại vùng biển Trung Quốc có chủ quyền".
Trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Trung Quốc lại kêu gọi các nước có liên can "hành động trên cơ sở gìn giữ hòa bình và ổn định trong vùng và không làm việc gì khiến cho tình hình phức tạp thêm".
Trước đó, giới quan sát đã gắn liền việc Tướng Trung Quốc Phạm Trường Long cắt ngắn chuyến đi thăm Việt Nam và hủy bỏ chương trình giao lưu quốc phòng biên giới Việt-Trung với sự kiện Việt Nam cho tiến hành khoan dò tại lô 136-06.
Trọng Nghĩa