Một ngày trước khi tòa tuyên án trong vụ xử "gây rúng động" dư luận, có ý kiến cho rằng ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh dường như đang "cầu xin" Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "nương tay".
Ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh tại tòa.
Trong khi ông Thăng "nghẹn ngào" nói rằng "cảm nhận được sự nhân văn sâu sắc của tổng bí thư" với tuyên bố "xử lý cán bộ không phải dập cho người ta không ngóc lên được" thì ông Thanh lại "rưng rưng" xưng "cháu" và "bác" để "xin lỗi" ông Trọng, theo báo chí Việt Nam.
Luật sư Trần Thu Nam nói với VOA Việt Ngữ rằng hành động của các bị cáo từng có thời "thét ra lửa" có gì đó "không bình thường".
Ông nói thêm : "Câu chuyện nghẹn ngào tôi đã từng gặp nhiều rồi. Ở những người từng có chức vụ, quyền hạn lớn mà nghẹn nào thì tôi ít gặp. Cũng dễ hiểu thôi, họ đang ở cái thế hơn người, quyền lực rất lớn, và hiện nay rơi xuống đáy vực, cho nên có thể họ bị sốc vì tinh thần, vì rất nhiều các vấn đề khác. Cũng có thể đó là một cái nghệ thuật để mà gây ra thương cảm cho hội đồng xét xử và hoặc là lấy lòng dư luận rồi của những người đằng sau đó nữa".
Ông nhận định tiếp rằng đấy có thể là "những cái bấu víu cuối cùng để động lòng trắc ẩn của một người cao nhất trong Bộ Chính trị, mong vớt vát gì đó, có thể mức án nó sẽ nhẹ đi".
Luật sư Nam nói thêm : "Ông Thăng chắc cũng bị một cái sức ép khác. Bản thân em ruột của ông cũng bị bắt, và bị khởi tố về tội tham ô. Nếu như không có vụ án đó, ông Thăng ông sẽ mạnh mẽ hơn. Phải chăng là tất cả việc ông gạt bỏ sĩ diện để mà nhún nhường trong vụ án này, nhận hết trong vụ án này để nhằm mục đích giúp cho em ông ấy ?"
Cùng quan điểm với ông Nam, luật sư Hà Huy Sơn nhận định rằng việc hai bị cáo "nghẹn ngào", "ăn năn" vì "muốn được tòa người ta thương cảm tình cảnh để người ta giảm án thôi".
Ông nói thêm : "Tôi là luật sư trong nhiều vụ án của những người bất đồng chính kiến thì tôi thấy rằng mặc dù những người đó họ bị giam giữ rất là khắc nghiệt nhưng khi ra tòa thì họ vẫn rất thanh thản, và có những người họ còn hát ở tòa, chứ người ta không có khóc như ông Đinh La Thăng hay Trịnh Xuân Thanh".
Ông Đinh La Thăng bị dẫn giải ra tòa.
Về việc nguyên ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng và cựu quan chức tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh nhiều lần nhắc tên ông Trọng trong phần tự bào chữa, luật sư Sơn nhận định :
"Theo hiến pháp của Việt Nam quy định, đảng có quyền cao nhất và trong thực tế cũng là như vậy. Trong tình hình hiện nay, qua báo chí, ông Nguyễn Phú Trọng có quyền lực cao nhất, nên ông Thăng, ông Thanh nhắc tới ông Nguyễn Phú Trọng, theo tôi hiểu, đây cũng là một lời cầu xin gì đó với ông Trọng".
Trả lời VOA Việt Ngữ, bà Petra Isabel Schlagenhauf, luật sư người Đức của ông Thanh, từng bày tỏ lo ngại rằng thân chủ của mình "không được xét xử công bằng" vì các phát ngôn trước đây của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chưa rõ là cựu quan chức tỉnh Hậu Giang có đề cập tới việc này trước khi bị Việt Nam "bắt cóc ở Berlin" và "bị đưa về nước" như theo lời cáo buộc của phía Đức hay không.
VOA Việt Ngữ có liên lạc với luật sư Nguyễn Văn Quynh, một trong những người bào chữa cho ông Thanh, nhưng ông từ chối trả lời do "phiên tòa đang tiếp diễn".
Chúng tôi không thể liên lạc được với các luật sư đại diện cho ông Đinh La Thăng để hỏi ý kiến về các nhận định liên quan tới ông Trọng.
Tòa dự kiến sẽ ra phán quyết trong vụ xử về tội "cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" và "tham ô" vào ngày 22/1.
Trong khi ông Thăng bị đề nghị mức án tới 15 năm tù thì ông Thanh bị đề nghị án chung thân, và trong phần tự bào chữa, cả hai đều bày tỏ mong muốn làm "ma tự do", chứ không mong làm "ma tù".
Nhận định với VOA Việt Ngữ, giới quan sát cho rằng Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tung "cú đấm thép chưa từng có" trong vụ ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh.
Trong tuyên bố được cho là thể hiện quyết tâm lúc ông Thanh đang trốn lệnh truy nã ở Đức, ông Trọng từng nói rằng cựu quan chức tỉnh Hậu Giang này "ghê gớm, móc ngoặc, dây dợ rồi bỏ trốn đi nước ngoài, nhưng không trốn được đâu", theo báo chí trong nước.
Còn về ông Thăng, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam từng tuyên bố rằng cựu Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh này "vào tội nào sẽ [bị] xử lý tiếp" theo "đúng quy định của pháp luật".
Viễn Đông
Nguồn : VOA tiếng Việt, 21/01/2018
Phát hiện thêm quan chức Việt Nam từng lấy bằng tiến sĩ từ trường đại học Mỹ ở California, hiện là tâm điểm của trong vụ bê bối liên quan tới Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.
Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.
Tiến sĩ Donald Hecht, người sáng lập và là chủ tịch của trường Southern California University for Professional Studies (SCUPS) [nay gọi là California Southern University (CSU)], tiết lộ với VOA Việt Ngữ rằng chính cơ quan điều tra và thông báo các sai phạm của ông Anh từng thông qua bằng cấp mà trường trao cho một quan chức của Tổng Thanh tra Chính phủ.
Ông Hecht nói với VOA Việt Ngữ : "Tiến sĩ Mai Quốc Bình, Phó Tổng thanh tra Chính phủ, tốt nghiệp tiến sĩ Quản trị Kinh doanh (DBA) từ trường SCUPS và Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từng điều tra việc học của ông Bình và chấp thuận [bằng cấp] lúc ông ấy được bổ nhiệm chức vụ này".
VOA Việt Ngữ không thể liên lạc để xác nhận với ông Bình, hiện đã nghỉ hưu, về chuyện bằng SCUPS của ông.
Ông Hecht nói thêm rằng không chỉ có hàng trăm người có chức quyền Việt Nam từng nhận bằng từ SCUPS, còn có nhiều cá nhân và các lãnh đạo khả kính của Campuchia và Trung Quốc "cũng nhận bằng" từ trường của ông.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen được cho là từng nhận bằng danh dự từ SCUPS.
Ông cho biết thêm : "Thủ tướng [Campuchia] Hun Sen, [cựu] đồng Thủ tướng Ranarith và [cố] chủ tịch đảng [Nhân dân Campuchia] Chia Sim từng nhận bằng tiến sĩ danh dự từ SCUPS. Chủ tịch của một số ngân hàng lớn nhất ở Trung Quốc từng tốt nghiệp từ trường SCUPS".
Sau khi VOA tiếng Việt tuần trước dẫn lời ông Hecht đăng tin về việc trường SCUPS từng hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội và được Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ Giáo dục và đào tạo) cho phép cấp bằng ở Việt Nam, nhiều tờ báo ở trong nước đã vào cuộc điều tra về sự liên đới này.
Theo báo Tuổi Trẻ, năm 1999, Bộ Giáo dục và đào tạo đồng ý cho Đại học Bách khoa Hà Nội hợp tác đào tạo từ xa trong lĩnh vực quản trị kinh doanh ở mục sau Đại học với SCUPS, với khuyến cáo rằng "đây là chương trình thử nghiệm và đào tạo từ xa, nên đại học phía Việt Nam "phải phối hợp các cơ quan hữu trách để quản lý tốt chương trình".
Ủy ban Kiểm tra Trung ương hôm 18/9 thông báo rằng một trong các vi phạm của ông Anh là "kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định".
Bí thư thành ủy Đà Nẵng từng nhận bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh Doanh (MBA) năm 2002 và tiến sĩ Quản trị Kinh doanh (DBA) năm 2006 từ SCUPS, tức trước thời điểm trường này được chứng nhận chất lượng năm 2010.
Ông Nguyễn Xuân Anh (trái), ông Huỳnh Đức Thơ (giữa) và nguyên bí thư Đà Nẵng Trần Thọ (phải) tại kỳ họp Hội đồng nhân dân (Ảnh chụp từ báo Người Lao động)
Ngoài ông Anh, VOA tiếng Việt đã tìm thấy lý lịch của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ở Việt Nam ghi phần học vấn là tiến sĩ tại SCUPS.
Trong khi đó, tờ Dân Việt hôm 22/9 dẫn lời Đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, "nếu tiến hành tổng rà soát bằng cấp của các cán bộ công chức, cơ quan chức năng có thể sẽ khui ra nhiều trường hợp cán bộ lãnh đạo sử dụng bằng cấp chất lượng còn thấp hơn so với trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh". Tuy nhiên, chưa rõ ông Vân dựa vào dữ liệu nào để đi tới nhận định này.
Báo này năm 2013 cũng đã đăng tải một bài viết về chuyện "dư luận xôn xao" việc một phó hiệu trưởng một trường đại học có tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh "sử dụng bằng giả" của SCUPS.
Trong một diễn biến liên quan tới chuyện bằng cấp của quan chức Việt Nam, nhiều tờ báo ở trong nước hôm 25/9 đưa tin về việc "đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng vừa chuyển đơn của công dân tới Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kiểm tra, xác minh bằng cấp của ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương". Trả lời tờ Dân Trí sau đó, ông Hiển nói rằng "mình học thật, có bằng thật".
Viễn Đông
Nguồn : VOA, 25/09/2017
Truyền thông trong nước đồng loạt im tiếng về bộ phim tài liệu gây chú ý ở Mỹ, giữa lúc có tin nói rằng "The Vietnam War" (Chiến tranh Việt Nam) bị kiểm duyệt ở Việt Nam vì có các chi tiết "nhạy cảm" về các cố lãnh đạo như ông Hồ Chí Minh.
Đạo diễn Ken Burns (trái) và ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Mỹ, trong một sự kiện về chiến tranh Việt Nam năm 2016.
Trả lời VOA Việt Ngữ hôm 18/9 về thông tin nói rằng bộ phim "không thể được công chiếu rộng rãi ở quốc gia cựu thù của Mỹ", ông Brian Moriarty, đại diện truyền thông của nhóm làm phim, cho biết rằng họ "đã có hai buổi chiếu thành công ở Việt Nam, và có thể chiếu các đoạn clip cho những người từng được phỏng vấn trong bộ phim".
Ông nói thêm rằng do "không có các thông tin cụ thể", ông "không thể bình luận" về các tin tức trên Facebook nói rằng Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan chuyên trách của Đảng Cộng sản Việt Nam về đường lối thông tin và báo chí, đã "cấm" truyền thông đưa tin vì "The Vietnam War" có "các chi tiết nhạy cảm về sự kiện Tết Mậu Thân 1968, về ông Hồ Chí Minh, ông Lê Duẩn, hay ông Võ Nguyên Giáp".
Ông Moriarty nói thêm rằng người dân ở Việt Nam "vẫn có thể xem trên mạng bộ phim tài liệu với phụ đề tiếng Việt" trên trang web của kênh PBS. Ông cũng khẳng định rằng "chúng tôi có người ở Việt Nam đã kiểm tra và xác nhận điều này".
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius viết rằng "dù nhiều người trong số các bạn có thể không đồng tình với tất cả những gì được thể hiện trong bộ phim, chúng ta cần cân nhắc một điều, như bộ phim đã nói ‘Trong chiến tranh, không có sự thật nào là duy nhất’"
Trên Facebook hôm 17/9, đúng ngày bộ phim được chiếu trên hệ thống truyền hình công ở Mỹ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius viết : "Để xây dựng một tương lai tươi sáng và công bằng, chúng ta cần thừa nhận và thành thực về quá khứ".
"Dù nhiều người trong số các bạn có thể không đồng tình với tất cả những gì được thể hiện trong bộ phim, chúng ta cần cân nhắc một điều, như bộ phim đã nói ‘Trong chiến tranh, không có sự thật nào là duy nhất’. Khi chúng ta chấp nhận điều này, chúng ta có thể khép lại quá khứ để tiến về phía trước, làm sâu sắc mối quan hệ giữa hai dân tộc chúng ta và xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người", nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở Việt Nam viết thêm.
Chưa rõ lý do vì sao phần đông báo chí Việt Nam lại không đăng tin về phim tài liệu dài tập, phải mất một thập kỷ mới hoàn thành và đang thu hút sự quan tâm của công chúng Hoa Kỳ. VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với Ban Tuyên giáo Trung ương để phỏng vấn.
Ông John McCain được cho là muốn "xem các câu chuyện của người Bắc Việt".
Theo kết quả tìm kiếm trên mạng, duy nhất, chỉ có tờ Thanh Niên cuối tháng trước đưa tin về việc "Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức buổi chiếu và thảo luận trích đoạn khoảng 90 phút của bộ phim tài liệu dài 18 tiếng ‘The Vietnam War’ (Chiến tranh Việt Nam)".
Tờ nhật báo thuộc top nhiều người đọc ở Việt Nam viết thêm rằng "đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim Lynn Novick có mặt tại Việt Nam để giao lưu và tham gia phần thảo luận cùng các khách mời, khán giả trong buổi chiếu".
Nhà văn Khải Đơn, một trong những người tham dự, kể lại trên Facebook cá nhân : "Cô gái rất trẻ giơ tay hỏi nữ đạo diễn Lynn Novick : ‘Tại sao trong những trích đoạn được xem, tôi chỉ thấy những nhân vật được phỏng vấn từ miền Bắc Việt Nam ? - Vậy trong bộ phim tài liệu sắp chiếu có những người từ miền Nam được trả lời phỏng vấn không ?’... Lynn Novick mỉm cười nói : "Có, chúng tôi có phỏng vấn những người từ miền Nam. Nội dung đó sẽ có đầy đủ khi bạn xem bộ phim được công chiếu trên trang web của PBS".
Nữ ký giả từng có thời gian làm việc cho hãng BBC ở Bangkok viết tiếp : "Câu trả lời của Lynn đào thêm một ngờ vực khó chịu khác : Có nghĩa là đoạn phim được chiếu giới thiệu ngày hôm đó đã đi qua bàn tay kiểm duyệt thô bạo và thiếu độ lượng - trước khi nó xuất hiện được dưới những ánh mắt trẻ măng đã rất thành tâm muốn hiểu cuộc chiến tranh Việt Nam theo nhiều hơn một nghĩa của cờ đỏ hay cờ vàng…".
VOA Việt Ngữ đã liên hệ với Lãnh sự quán Mỹ ở TP HCM để hỏi xin đoạn ghi âm về sự kiện này nhằm kiểm chứng thông tin mà nhà văn Khải Đơn đưa ra, nhưng được cho biết rằng buổi chiếu không được ghi lại.
Bà Lynn Novick (ngoài cùng bên phải) trong một sự kiện công bố "The Vietnam War".
Trong một buổi thảo luận về "The Vietnam War" ở New York tuần trước, đồng đạo diễn Ken Burns tiết lộ rằng Thượng nghị sĩ John McCain, cựu tù binh chiến tranh ở Việt Nam, "muốn xem câu chuyện của người Bắc Việt".
Phim tài liệu gồm 10 tập, kéo dài 18 tiếng, được cho là "khám phá khía cạnh con người trong cuộc chiến qua lời kể của gần 80 nhân chứng từ mọi phía".
Cựu Ngoại trưởng John Kerry, từng tham chiến ở Việt Nam, tuần trước cũng nói rằng "nếu có một điều gì có thể giúp hàn gắn những sự chia rẽ trong xã hội Mỹ, khiến những người phản chiến có thể ôm lấy các cựu chiến binh đã cầm súng tại Việt Nam, thì đó là phim tài liệu ‘Chiến tranh Việt Nam’".
Giới quan sát cho rằng mối quan hệ từng được coi là "môi hở, răng lạnh" giữa Hà Nội và Bắc Kinh đang ở trong "giai đoạn sóng gió nhất" trong nhiều năm.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nhà lãnh đạo Trung Quốc thăm Việt Nam cuối năm 2015.
Mối bang giao Việt – Trung, theo nhận định của giáo sư Carl Thayer, "đang ở mức thấp nhất kể từ giai đoạn tháng Năm tới tháng Bảy năm 2014", khi hai quốc gia ở thế đối đầu quanh giàn khoan dầu HD 981 mà Hà Nội nói là Bắc Kinh đưa vào Vùng Đặc quyền Kinh tế của mình.
"Trung Quốc không chỉ hủy các hoạt động giao lưu hữu nghị quốc phòng trên biên giới mà tin cho hay, còn đe dọa sử dụng vũ lực nếu Việt Nam tiếp tục khoan thăm dò dầu khí ở Bãi Tư Chính [ở Trường Sa]. Việt Nam đã phải ngưng hoạt động của công ty Repsol của Tây Ban Nha tại đó", ông Thayer cho biết.
"Một cuộc gặp giữa bộ trưởng ngoại giao hai nước bên lề cuộc họp bộ trưởng thường niên của ASEAN ở Manila hôm 7/8 đã bị hủy. Hồi cuối tháng Tám, tin tức xuất hiện về chuyện các chuyên gia mạng cùng các hacker của Trung Quốc đã tấn công vào các hệ thống của doanh nghiệp và chính phủ của Việt Nam".
Tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy Trung Ương Trung Quốc, đột ngột cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam hồi tháng Sáu.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), các quan chức tham dự cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN ở Manila đầu tháng trước suýt nữa không thể ra được một thông cáo chung vì những bất đồng liên quan tới việc đề cập tranh chấp Biển Đông do vấp phải sự phản đối từ Campuchia và nước chủ nhà Philippines, trong khi Việt Nam thúc đẩy việc sử dụng ngôn từ mạnh hơn.
Cơ quan Sáng kiến Hàng hải của CSIS viết tiếp trong một bài phân tích rằng Trung Quốc đã phản đối tuyên bố mạnh hơn và cáo buộc Việt Nam "là nước duy nhất lấn biển ở Biển Đông".
Trong một động thái mà các nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh không còn "kiêng dè" Hà Nội, CSIS dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng "tại thời điểm này, nếu hỏi ai thực hiện việc lấn biển, thì dứt khoát không phải Trung Quốc. Có lẽ nước nêu lên việc này làm chuyện đó".
Theo ông Thayer, cho dù quan hệ hai nước có chiều hướng đi xuống, Việt Nam tiếp tục theo đuổi chính sách "vừa hợp tác vừa đấu tranh" với Trung Quốc.
Giáo sư nghiên cứu về chính trường Việt Nam đề cập tới chuyện hồi tháng Tám, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã tới Washington để gặp người đồng nhiệm James Mattis và củng cố hợp tác quốc phòng, mà đáng chú ý nhất là thông báo rằng Việt Nam sẽ đón một hàng không mẫu hạm tới cập cảng quốc tế Cam Ranh vào năm tới.
Ông cũng nói tới chuyện cuối tháng trước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm Indonesia và Miến Điện. Trong khi ở Jakarta, ông Trọng đã cụ thể kêu gọi đoàn kết ở khu vực về vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Ngày 31/8, phản ứng trước cuộc diễn tập quân sự của Trung Quốc ở cửa Vịnh Bắc Bộ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã "hết sức quan ngại", và kêu gọi Trung Quốc "chấm dứt và không lặp lại các hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông",và "đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, để nêu rõ lập trường của Việt Nam".
Ít ngày sau đó, hôm 6/9, Việt Nam một lần nữa lại phản đối cuộc tập trận bắn đạn thật của Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa.
Theo Giáo sư Carl Thayer, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ hơn như "mạnh mẽ phản đối hành động này của Trung Quốc, nghiêm túc yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, không lặp lại các hành động tương tự, không làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực và Biển Đông".
Tuy nhiên, sau đó, Trung Quốc đã bác bỏ chỉ trích của Việt Nam, nói "không làm gì sai" và đồng thời kêu gọi "bên có liên quan nên xem xét các cuộc tập trận một cách bình tĩnh và hợp lý".
Du khách Trung Quốc thăm Vịnh Hạ Long ở Việt Nam.
Trong khi đó, trong cùng thời gian, theo Giáo sư Thayer, số du khách Trung Quốc tới Việt Nam "tăng mạnh, đầu tư tăng và thương mại hai chiều đạt 25,5 tỷ đôla trong quý đầu tiên".
"Nhiều khả năng hiện trạng này sẽ tiếp diễn cho tới khi Trung Quốc tổ chức đại hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu vào ngày 18/10", nhà nghiên cứu nói với VOA tiếng Việt từ Australia.
Tờ Hoàn cầu Thời báo có tư tưởng dân tộc của Trung Quốc từng đăng một bài xã luận trong đó nhắc tới chuyến thăm Mỹ và Nhật của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hồi cuối tháng Năm và đầu tháng Sáu.
Bài báo có đoạn : "Các chuyến thăm liên tiếp tới Mỹ và Nhật Bản cho thấy sáng kiến của Việt Nam nhằm đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề khu vực".
Hoàn cầu Thời báo viết tiếp rằng "đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Việt Nam cần phải ve vãn các nước khác ngoài khu vực nhằm khống chế Trung Quốc ở Biển Đông và bảo vệ các quyền lợi của mình".
Một trang web không rõ nguồn gốc mang tên của Chủ tịch Trần Đại Quang nằm trong "top" những trang web được nhiều người đọc nhất Việt Nam, giữa lúc có nhiều đồn đoán về sức khỏe của nhân vật trong "tứ trụ" đầy quyền lực ở Hà Nội.
Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang trong chuyến thăm Nga hồi cuối tháng Sáu.
Theo trang web xếp hạng Alexa thuộc công ty bán hàng trực tuyến Amazon, trandaiquang.org hiện đứng thứ 32 trong danh sách các trang mạng "ăn khách" nhất, vượt qua cả các trang tin chính thống như Đài tiếng nói Việt Nam.
Ngoài ra, theo Google, tên của ông Quang cũng "trending" [thịnh hành] với các cụm từ được tìm nhiều như "Trần Đại Quang đi đâu", "Trần Đại Quang bị bệnh" hay "Trần Đại Quang đi chữa bệnh".
Về lý do vì sao một trang mạng không rõ chủ sở hữu lại thu hút được nhiều người đọc, nhà báo tự do Huỳnh Ngọc Chênh nhận định với VOA tiếng Việt :
"Giới bình dân Việt Nam thì phần lớn, người ta không hiểu đó là trang fake [giả]. Người ta nghĩ đó là của ông Trần Đại Quang, của ông Nguyễn Tấn Dũng thật. Người ta thấy cái tên đó là người ta vào đọc. Số người người ta hiểu biết đó là trang giả nó ít lắm. Thứ hai nữa, vào Google ‘search’ [tìm] cái tên, thì những trang đó nó ra ngay. Những trang lãnh đạo như vậy, thường người ta vào tìm trên Google nhiều. Thứ ba nữa, những trang đó đánh vào cá nhân người này, đánh vào cá nhân người khác, tung cái tin này, tin khác, thì những cái đó đang thu hút sự quan tâm của giới bình dân".
Công cụ đếm trên trandaiquang.org, mà VOA tiếng Việt không thể kiểm chứng độc lập, cho thấy rằng trung bình có hơn một nghìn người ghé trang này cùng lúc, và tổng cộng có hơn 500 triệu người đã truy cập để đọc tin tức, đa số là từ Việt Nam và Mỹ.
So với các quan chức hàng đầu khác trong "bộ tứ quyền lực" còn gồm tổng bí thư, thủ tướng và chủ tịch quốc hội, trang mang tên Chủ tịch Quang "nổi" nhất.
Trang có tên ông Nguyễn Tấn Dũng từng được nhiều người đọc dịp Đại hội Đảng 12 năm ngoái.
Trước khi bắt đầu Đại hội Đảng năm ngoái, mà giới quan sát cho rằng có sự cạnh tranh vị trí lãnh đạo giữa thủ tướng khi ấy là ông Nguyễn Tấn Dũng và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trang web vô thừa nhận mang tên ông Dũng cũng thu hút được nhiều người đọc.
Việt Nam thời gian qua đã yêu cầu một số trang web nước ngoài như Google hay Facebook xóa bỏ các video hay thông tin bị Nhà nước coi là "xấu, độc", "giả mạo", "thất thiệt" hay "bôi nhọ lãnh đạo".
Việt Nam từng yêu cầu một số hãng gỡ bỏ tin và video "nói xấu Đảng".
Theo tìm hiểu của VOA Việt Ngữ qua trang web cung cấp dịch vụ tra cứu thông tin liên quan tới tên miền Whois, trandaiquang.org được tạo từ đầu năm 2011, và người đại diện đăng ký tên miền này có địa chỉ ở Mỹ.
Khi được hỏi vì sao một trang web tung nhiều tin chưa kiểm chứng lại tồn tại lâu như vậy, blogger Chênh nhận xét :
"Hầu hết các ủy viên trung ương trở lên đều có trang fake [giả] như vậy hết. Duy nhất hồi trước có đính chính là ông Nguyễn Bá Thanh là ông đính chính là trang đó không phải trang của ông. Trang mang tên Nguyễn Bá Thanh không phải của ông. Còn hầu hết không thấy ai đính chính. Mấy trang như Trần Đại Quang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng vào rất dễ, không bị chặn. Những trang khác bị chặn rất nhiều. Những trang của các nhà báo tự do, của những người đấu tranh, nhân quyền dân chủ, ngay cả BBC, VOA cũng bị chặn ở Việt Nam. Theo cá nhân tôi, đó là những trang làm giả bởi một nhóm, một tổ chức nào đó, chứ không phải cá nhân".
Sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh cũng được dư luận quan tâm năm 2015.
Hai năm trước, tin tức về sức khỏe của nguyên Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cũng "nóng" trong dư luận.
Sau một thời gian để cho tin đồn về chuyện ông "qua đời vì bị đầu độc" lấn lướt trên mạng Internet trong nhiều ngày, báo chí Việt Nam đã phải vào cuộc, dẫn lời các quan chức bác bỏ thông tin mà họ gọi là "sai sự thật" và "xuyên tạc".
Theo ông Huỳnh Ngọc Chênh, những đồn thổi trên mạng về sức khỏe của chủ tịch Việt Nam đã cũng đẩy trang web mang tên ông nổi lên :
"Tôi thấy mọi người ở trên Face [Facebook] đang rạo rực về chuyện các lãnh đạo bị bệnh. Tôi gặp gỡ mọi người bên ngoài cũng bàn luận cái chuyện này rất sôi nổi. Có cái gì đó nó không rõ ràng ở chỗ sức khỏe của ông Trần Đại Quang. Dư luận đồn, ‘ông ấy như này, như kia’ thì ngã bệnh. Mọi người suy diễn ra chuyện này, chuyện khác. Cái trang Trần Đại Quang được vào nhiều nhất cũng vì lý do đó".
Tin tức về bệnh tình của Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang được cho là xuất phát trên trang Facebook cá nhân của blogger Osin Huy Đức, người cũng từng đưa đúng tin "Trịnh Xuân Thanh về [nước]".
Osin Huy Đức từng đưa đúng tin về vụ Trịnh Xuân Thanh.
Hôm 10/8, Facebooker này viết : "Đại tướng Trần Đại Quang đi chữa bệnh từ tối 25-7-2017. Sự vắng mặt của ông ở trong Nước suốt hơn hai tuần qua đã tạo ra một khoảng trống cho các lời đồn đoán. Đây có thể chỉ là lựa chọn cá nhân. Các nhà lãnh đạo vốn vẫn hy vọng vào kết quả điều trị để xuất hiện trở lại trước công chúng một cách hoành tráng. Chuyện này từng xảy ra với Chủ tịch nước Lê Đức anh".
Chiều 16/8, VOA Việt Ngữ đã gọi điện tới Văn phòng Chủ tịch nước và Ban Bảo vệ, Chăm sóc Sức khỏe Trung ương Việt Nam, nhưng không nhận được câu trả lời.
Theo Hiến pháp Việt Nam sửa đổi năm 2013, một trong các nhiệm vụ của Chủ tịch nước Việt Nam là "thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân", nhất là "công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh".
"Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước. Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới", hiến pháp viết tiếp.
Báo chí trong nước hôm 15/8 đưa tin rằng "Chủ tịch nước Trần Đại Quang hôm nay gửi điện mừng quốc khánh tới nguyên thủ các nước Ấn Độ và Liechtenstein". Tuy nhiên, các hình ảnh đăng kèm được chụp từ các sự kiện xảy ra nhiều tháng trước.
Trong một diễn biến liên quan đến sức khỏe lãnh đạo trong nước, sau khi xuất hiện đồn đoán về bệnh tình của ông Đinh Thế Huynh, nhân vật số 5 ở Việt Nam, Đảng cộng sản Việt Nam đầu tháng này đã buộc phải lên tiếng xác nhận ông đang "điều trị bệnh", nhưng không nói rõ bệnh gì và ở đâu, đồng thời cử ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, tạm thời làm Thường trực Ban Bí thư.
Viễn Đông
Nguồn : VOA, 16/08/2017
Giới quan sát nhận định rằng Việt Nam đang ngày càng trở nên "đơn thương độc mã" chống Trung Quốc trong lòng ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á), và việc bị Berlin cáo buộc "bội tín" sau vụ "bắt cóc" ông Trịnh Xuân Thanh về nước càng khiến Hà Nội rơi vào thế đơn độc.
Nhà quan sát Nguyễn Anh Tuấn, người từng xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, nhận định: "Mọi nỗ lực của Việt Nam kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông ít nhất sẽ bị Đức (và cả Liên minh Châu Âu mà nước này đang dẫn dắt) phớt lờ hoặc coi là lố bịch một khi Việt Nam đã chứng tỏ họ sẵn sàng bất chấp luật pháp quốc tế để đạt được mục đích của mình, ngay trên đất Đức, ngay trên đất Châu Âu".
"Theo đó, lập luận chính của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông sẽ trở nên yếu ớt vô cùng ; và họ cũng chẳng còn tư thế nào phản đối việc Trung Quốc chơi luật rừng trên biển, khi đây cũng là thứ luật mà họ vừa áp dụng ngay trước mắt cộng đồng quốc tế", nhà hoạt động xã hội này viết trên Facebook cá nhân.
Cuối tuần qua, ít ngày sau khi bị Đức lên án, Hà Nội vận động các nước ASEAN có quan điểm mạnh mẽ hơn chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Việt Nam cũng muốn các quốc gia trong khối nhấn mạnh tới tính ràng buộc về mặt pháp lý của khung bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông, nhưng vấp phải sự phản đối của một số quốc gia nhận viện trợ lớn của Trung Quốc như Campuchia và Philippines.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (thứ tư từ trái sang) tại hội nghị của ASEAN ở Philippines hôm 5/8.
Khi được hỏi rằng liệu có phải Trung Quốc đã lợi dụng việc Việt Nam bị mất lòng tin với Đức trong vụ Trịnh Xuân Thanh để lấn tới, tìm cách cô lập Hà Nội trong vấn đề Biển Đông, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nói rằng "không nên gắn cái nọ với cái kia".
Ông nói thêm : "Vụ Trịnh Xuân Thanh không tác động gì tới quan hệ quốc tế của Việt Nam đâu. Với Đức, hai bên có thể có một số mâu thuẫn và sẽ tự dàn xếp. Còn có dính gì tới Trung Quốc ? Trung Quốc bây giờ đang ‘tả xung, hữu đột’ trong lò bát quái về Đại hội 19 [diễn ra cuối năm nay]. Trung Quốc không hài lòng với cách tiếp cận của Việt Nam. Bây giờ chỉ còn Việt Nam chủ trương rằng COC phải thúc đẩy, nhưng phải có tính ràng buộc, và phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Điều đó Trung Quốc không muốn".
Cựu đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển nhận định rằng Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị "muốn lập thành tích để chuẩn bị cho đại hội đảng mà trong đó có việc giải quyết ổn thỏa với ASEAN về COC".
Tại Philippines, bên lề hội nghị của khối, theo truyền thông nước ngoài, ông Vương đã hủy cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong khi cổng thông tin chính phủ Việt Nam đăng ảnh hai quan chức quốc gia láng giềng bắt tay nhau, nói rằng đây là cuộc gặp "bên lề" hôm 7/8.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Trường cho rằng các nước ASEAN "không chú ý" tới vụ Trịnh Xuân Thanh vì mỗi nước ASEAN đều có rất nhiều vấn đề gai góc", "quá phụ thuộc" và "bị sức ép của Trung Quốc", trong khi Bắc Kinh "lobby [vận động] thông qua COC".
Một nghi phạm Trung Quốc bị bắt ở Mỹ và giải về nước.
Từ chuyện Trịnh Xuân Thanh, chuyên gia về quan hệ quốc tế này liên tưởng tới việc Trung Quốc dẫn độ hàng nghìn người về nước cũng như vị thế của Việt Nam.
Ông nói thêm : "Khoảng 3.200 đến 3.500 người Trung Quốc bị dẫn độ từ nước ngoài về mà các nước đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, bởi vì sức ép của Trung Quốc nó lớn quá và phải thuận theo Trung Quốc. Còn Việt Nam chẳng có lực gì lớn nên nói người ta cũng không nghe. Thôi thì nhiều khi cũng phải làm đại đi một cái để mà thực hiện những chủ trương trong nước của mình cho nó chắc chắn. Chứ nói chống tham nhũng mà lại không chống được tham nhũng thì nó khó chịu".
Trong một bài viết hôm 2/8, báo điện tử VietNamNet viết bài về chuyện "quan tham Trung Quốc bỏ trốn rồi đầu thú hệt như Trịnh Xuân Thanh", trong đó nói với việc bà Dương Tú Châu, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Chiết Giang, một người nằm trong danh sách 100 quan tham bị Bắc Kinh "truy nã đỏ quốc tế", mới về nước "đầu thú" sau 13 năm lẩn trốn ở nước ngoài.
Sau khi bị Đức cáo buộc "bắt cóc" ông Thanh, Việt Nam lên tiếng nói "lấy làm tiếc" về tuyên bố của Berlin, đồng thời nhấn mạnh rằng cựu quan chức tỉnh Hậu Giang này về nước "tự thú".
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng mới chỉ nói "lấy làm tiếc" về tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Đức hôm 9/8 đăng ý kiến của Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel, trong đó nhấn mạnh rằng Đức "sẽ không dung thứ" dù "trong bất kỳ hoàn cảnh nào".
Trên Facebook, đại sứ quán Đức ở Hà Nội cũng đăng bài phỏng vấn của ông Gabriel với tờ Stuttgarter Nachrichten, trong đó ông nói rằng Berlin "sẽ không để yên" chuyện này.
Trả lời câu hỏi về chuyện liệu chính phủ Việt Nam có sẵn lòng nhanh chóng đưa ông Trịnh Xuân Thanh trở lại Berlin, nhà ngoại giao hàng đầu của Đức nói: "Chúng tôi đã thông báo với chính phủ Việt Nam về quan điểm rõ ràng cũng như các kỳ vọng của chúng tôi. Tới nay, vẫn chưa có hồi đáp chính thức. Nhưng chúng tôi có quyền tiến hành các biện pháp tiếp theo, nếu cần".
Tuy nhiên, ông không nói rõ các bước đi kế tiếp sẽ là gì, dù nhấn mạnh rằng "cộng đồng doanh nghiệp Đức lo sợ vì một số người có chức quyền ở Việt Nam rõ ràng đã không tôn trọng quan hệ đối tác với Đức hay vấn đề pháp quyền".
Viễn Đông
Nguồn : VOA, 09/08/2017
Trung Quốc đắc lợi từ vụ Trịnh Xuân Thanh?
Ông Ngải Vị Vị, nghệ sĩ trực ngôn của Trung Quốc, mang chân dung của nhiều nhà hoạt động Việt Nam tới thủ đô Hoa Kỳ, trong cuộc triển lãm kéo dài nhiều tháng, dự kiến thu hút hàng trăm nghìn người tới xem.
"Trace" (Dấu vết) chiếm trọn tầng hai của bảo tàng đương đại Hirshhorn nằm cách Quốc hội Mỹ, nơi nhiều dân biểu từng lên tiếng kêu gọi tự do cho các công dân Việt có tên trong triển lãm, vài dãy phố.
Cuộc trưng bày bao gồm 176 bức chân dung được ghép bằng các miếng LEGO của các nhà hoạt động và các tù nhân lương tâm hay những người ủng hộ tự do ngôn luận trên khắp thế giới.
Trong số 33 nước, Việt Nam thuộc top các quốc gia có nhiều công dân trong triển lãm nhất với 16 người, chỉ đứng sau Trung Quốc, Iran và Bahrain.
Các nhà hoạt động Việt trong mắt nghệ sĩ Ngải Vị Vị
Có thể thấy những hình ảnh của các tù nhân người Việt hiện vẫn bị cầm tù hoặc đã được phóng thích như hòa thượng Thích Quảng Độ, nhà bất đồng chính kiến Trần Huỳnh Duy Thức, luật sư Lê Quốc Quân, ông Nguyễn Văn Hải (tức blogger Điếu Cày) hay nhà báo tự do Tạ Phong Tần.
Blogger Điếu Cày cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông "rất xúc động" khi thấy hình ảnh chân dung của mình trong mắt của ông Ngải Vị Vị.
Ông cho rằng triển lãm "tập hợp tất cả những tiếng nói của những người đấu tranh dân chủ trên thế giới" này sẽ "phát động phong trào mạnh mẽ hơn".
Ông Ngải Vị Vị cho biết đã thai nghén "Dấu vết" sau những trải nghiệm của chính bản thân. Người nghệ sĩ đã có nhiều triển lãm ở các bảo tàng có tiếng trên thế giới từng bị bắt, thẩm vấn, quản thúc tại gia và bị cấm ra nước ngoài trong suốt nhiều năm trời vì thể hiện quan điểm trái chiều với nhà nước.
Một phần của cuộc triển lãm là mảng giấy dán tường khổ lớn in hình ảnh các camera an ninh, còng số 8 cũng như logo của Twitter, các biểu tượng cho sự giam cầm, theo dõi và các đoạn tweet thách thức chính quyền Trung Quốc của ông Ngải.
Cuộc trưng bày "Dấu vết", với tổng cộng khoảng 1,2 triệu miếng LEGO được sử dụng, kéo dài từ tháng Sáu tới tháng Một năm 2018.
Ông Ngải Vị Vị đã gọi các nhà hoạt động bị bắt bớ vì động cơ chính trị trên khắp thế giới là "những người hùng của thời đại chúng ta".
Trong một động thái cho thấy sự nhạy cảm của vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, một Việt Kiều từ tiểu bang California chỉ đồng ý trả lời VOA tiếng Việt với điều kiện không nêu tên và không quay phim vì "người thân vẫn còn ở Việt Nam" và "sợ bị bắt khi đến phi trường".
Người đàn ông tới thăm Washington DC ngắn ngày cho biết rằng ông tình cờ thấy các khuôn mặt người Việt, nhưng ông đã "cảm phục mấy người đó".
Đây là lần đầu tiên các tác phẩm của ông Ngải Vị Vị được đưa tới thủ đô nằm ở bờ Đông của Hoa Kỳ, sau khi xuất hiện lần đầu tiên ở thành phố San Francisco, bờ Tây nước Mỹ năm 2014, thu hút gần 1 triệu người tới xem.
Và lần này, theo ước tính, con số người tới triển lãm cũng sẽ không ít hơn, và vì thế, nhiều người sẽ biết tới các số phận của các nhân vật bị đọa đày khắp nơi, trong đó có Việt Nam.
Hà Nội lâu nay vẫn bác bỏ các cáo buộc của các tổ chức nhân quyền về chuyện tống giam và bịt miệng những tiếng nói bất đồng, nhấn mạnh chỉ bắt những ai vi phạm pháp luật.
Trong sổ lưu bút, một người tới xem triển lãm ghi : "Đừng bao giờ xem nhẹ tự do của bạn. Hãy nhớ tới tên của họ. Chúng ta vẫn chưa tự do".
Viễn Đông
Nguồn : VOA, 07/07/2017