Gọi là xới lại Thủ Thiêm theo một kịch bản nào đó, vì văn bản ghi ngày ‘chấp bút’ 25/1, tức mồng Một Tết, song phải đến ngày 5/2, tức chỉ vài hôm nữa là rằm tháng Giêng, các nội dung liên quan về một dự án đất đai ở khu đô thị mới Thủ Thiêm mới được báo chí thông tin, khi mà mùa dịch viêm phổi Vũ Hán đang hoành hành tại Việt Nam.
Đơn cầu cứu khẩn cấp của Chủ tịch Novaland gửi ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ngày 25/01/2020
Sự khẩn thiết và cấp bách trước nguy cơ mất tính thanh khoản được thể hiện qua nhiều chi tiết trong lá đơn cầu cứu, do Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn ký, gửi đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Lá đơn đề ngày 25/1, tức mồng Một Tết, ngày đầu tiên của năm mới Canh Tý. Rất có thể đây cũng chính là văn bản ‘khai bút’ đầu năm của Chủ tịch Tập đoàn Novaland (Mã chứng khoán : Novaland-NVL) – một trong những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Dấu công văn đến cho thấy, nó đến Bộ Xây dựng vào ngày 3/2 (thứ Hai tuần này), mất 8 ngày kể từ khi viết. Hẳn ông Bùi Thành Nhơn đã nghĩ rất lung và nâng lên đặt xuống nhiều lần trước khi gửi. Nếu được gửi vào ngày viết hay sau kỳ nghỉ Tết, lá "đơn cầu cứu khẩn cấp" này phải đến sớm hơn, bởi các cơ quan nhà nước đã bắt đầu làm việc trở lại từ thứ Năm tuần trước (30/1).
Trong đơn, Novaland bày tỏ "đã kiệt sức", cần sự hỗ trợ vì đang bị mất tính thanh khoản. Tập đoàn địa ốc lớn bậc nhất Việt Nam khẩn cầu Bộ trưởng Xây dựng cho công ty con của họ là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển quốc tế Thế kỷ 21 (Century 21) được tiếp tục thực hiện dự án Khu dân cư tại lô đất rộng 30,224 ha thuộc phường Bình Khánh, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh ; tức là ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo Novaland, dự án đã đủ điều kiện bán hàng và số vốn bỏ vào đầu tư lên đến 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên việc tạm dừng dự án có khả năng khiến cổ phiếu của doanh nghiệp mất dần tính thanh khoản, dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp, trong đó có thể dẫn đến phát sinh hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu cho hệ thống ngân hàng… (1).
Cánh nhà báo am tường vụ việc ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho rằng ở văn thư ‘khóc lóc’ ngay đầu năm mới của Novaland chắc chắn đàng sau nó có vài ‘ông lớn’ nào đó đang sụt sùi. Trước khi những kiện tụng, tranh chấp, bê bối của ‘thảm họa Thủ Thiêm’ kéo dài suốt hơn 20 năm qua được chính phủ giải quyết ổn thỏa, chắc chắn không Bộ trưởng nào dám tự đưa ra một quyết định khác cho nhà đầu tư, dù gật hay lắc.
Đất Thủ Thiêm dù được bê tông hóa cao độ thì vẫn đang là một vũng lầy khổng lồ cả kinh tế, chính trị lẫn an ninh trật tự xã hội mà không ai muốn dây vào để bị nhận chìm. Gửi đơn gây áp lực đòi giải cứu kinh tế của Novaland e khó mà được giải quyết khẩn cấp như họ kỳ vọng.
Bà Nguyễn Thùy Dương, một người dân đeo đuổi vụ ‘khiếu kiện’ Thủ Thiêm suốt thời gian vừa qua, nói rằng khu đất đó là đất xương máu của dân Thủ Thiêm đang kiện tụng.
Dự án tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm chuyển sang thành dự án nhà ở thương mại. (Ảnh : Quang Nhựt/TTXVN)
"Novaland đi cầu cứu mà đọc xong thấy giống đe dọa nếu không cho Novaland tiếp tục phát triển dự án thì khiến các nhà đầu tư nước ngoài mất niềm tin ? Hóa ra các nhà đầu tư nước ngoài có niềm tin vào việc phối hợp cướp đất của doanh nghiệp và chính quyền ở Việt Nam à ?
Tiếp tục đe dọa : "Nguy cơ nợ xấu 50.000 tỷ đồng tới các hệ thống ngân hàng". Một Novaland mà 50.000 tỷ thử hỏi còn bao nhiêu doanh nghiệp ‘tay không bắt cướp’ đe dọa nhà nước ? Và nền kinh tế Việt Nam thật sự là nền kinh tế bong bóng ?
Tiếp, 250.000 khách hàng biểu tình đòi trả nhà gây mất an ninh trật tự ? 250.000 khách mua nhà của Novaland chắc không phải dân nghèo ít học, chí ít cũng đủ ăn, đủ chữ ? Tại sao từ đầu không kiểm tra kỹ doanh nghiệp nhà đầu tư ? Giờ lòi ra đây là con cá mập cắn vốn nợ ngập đầu ? Các bộ, sở, phòng quản lý thế nào, báo cáo ra sao mà có tới 250.000 người mua nhà không sổ ? Suy ra Novaland nợ bao nhiêu thuế ? Trong khi nhà đã lấy tiền gần đủ ? Nới tay cho doanh nghiệp, cướp của dân. Giờ đây, doanh nghiệp quay lại đe dọa thì quá là khủng khiếp…".
Hạ tầng giao thông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh : Quang Nhựt/TTXVN)
Dường như ‘lá đơn cầu cứu’ với chuyện dùng khách hàng làm con tin uy hiếp Chính phủ ở đây của Novaland, đang là cú áp phe gì đó chốn hậu trường của mùa ‘làm nhân sự Đảng’ cho nhiệm kỳ mới của đảng cầm quyền tại Việt Nam.
Thủ Thiêm vẫn tiếp tục nóng, bất chấp đang trong mùa dịch viêm phổi Vũ Hán.
Lynn Huỳnh
Nguồn : VNTB, 06/02/2020
Thông tin mới đây cho biết, Ủy ban dân nguyện của Quốc hội sẽ tham gia vào công tác giám sát việc giải quyết các vấn đề của dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Bà con Thủ Thiêm đã đấu tranh đòi đất bị tịch thu từ 20 năm nay
Từ hơn 20 năm trước, khu dân cư Thủ Thiêm được quy hoạch xây dựng thành một khu đô thị mới. Suốt thời gian hàng chục năm sau đó, hàng vạn cư dân bị thu hồi đất đẩy ra khỏi chỗ ở.
Những mong về một khu đô thị mới sầm uất đẹp đẽ ở đâu chưa thấy, nhiều diện tích vẫn là bãi cỏ hoang cùng những nền móng công trình dang dở.
Tới nay nhìn lại lịch sử về thu hồi đất sẽ thấy được nhiều điều.
Đoàn Đại biểu Quốc hội trong một lần gặp bà con Thủ Thiêm
Khởi đầu
Luật đất đai đầu tiên của Việt Nam được ban hành vào năm 1987, sau thời điểm đất nước bước vào thời kỳ cải cách mở cửa 1986 đúng một năm.
Nói là luật đất đai đầu tiên vì trước đó cũng có Luật cải cách ruộng đất năm 1953, tuy cũng liên quan đến đất đai, nhưng là những chế định theo kiểu khác.
Điều đáng chú ý ở Luật đất đai năm 1987 là quy định rất ít ỏi về việc thu hồi đất.
Toàn văn bản luật chỉ có 6 lần thuật ngữ "thu hồi đất" được sử dụng.
Và trường hợp phải thu hồi đất thì cũng vì lý do rất đặc biệt.
Luật quy định : Trong trường hợp có nhu cầu khẩn cấp của chiến tranh hoặc chống thiên tai thì việc thu hồi đất do Uỷ ban nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên quyết định theo đề nghị của cơ quan chỉ huy quân sự hoặc cơ quan chỉ huy chống bão lụt.
Theo đó, lý do về thu hồi đất gắn liền với tình trạng nguy cấp như chiến tranh, chống thiên tai hay bão lụt.
Đến Luật đất đai năm 1993 chế định về thu hồi đất bắt đầu có sự thay đổi.
Luật quy định : Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước thu hồi đất đang sử dụng của người sử dụng đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại.
Cụm từ "trong trường hợp thật cần thiết" cho thấy nhận thức khi đó việc thu hồi đất vẫn được đặt trong những trường hợp bối cảnh đặc biệt, chứ không đại trà. Nhưng nó sẽ sớm mất đi trong những văn bản luật đất đai sau này.
Trừ đi cụm từ đó, đoạn văn còn lại trong điều luật được duy trì sử dụng đã trở thành quen thuộc cho đến tận ngày nay. Đó là việc thu hồi đất sẽ mở rộng vì các mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Cũng nên biết là Luật đất đai năm 1993 sử dụng 11 lần thuật ngữ "thu hồi đất".
Biến đổi nhảy vọt
Sau một thời gian đất nước hội nhập, phát triển kinh tế thị trường, xã hội biến đổi, nhận thức của các ban ngành về nguồn lực quốc gia, lợi ích kinh tế, và ưu thế thể chế, đã đưa đến sự biến đổi căn bản nhất của chính sách pháp luật về đất đai.
Theo đó, tất cả các vấn đề khác chỉ còn là phụ, việc thu hồi đất trở thành vấn đề trọng tâm, được quan tâm nhất trong luật đất đai, và trở thành vấn đề nóng bỏng nhất trong đời sống xã hội.
Luật đất đai năm 2003 sử dụng đến 72 lần từ "thu hồi đất", phát triển nhảy vọt từ con số 11 lần được sử dụng ở Luật đất đai năm 1993 trước đó.
Nhưng nó vẫn chưa là gì so với Luật đất đai năm 2013 sử dụng đến 167 lần thuật ngữ "thu hồi đất".
Tần suất mức độ sử dụng thuật ngữ này cho thấy tính quan trọng và tầm ảnh hưởng chi phối của vấn đề trong toàn bộ văn bản pháp luật về đất đai.
Trao quyền rộng rãi
Thu hồi đất mặc dù là vấn đề ảnh hưởng trực diện đến lợi ích sát sườn của người dân, nhưng sự trao quyền rộng rãi trong việc thu hồi đất lại cho thấy mức độ xem nhẹ quyền lợi của người dân ra sao.
Chế định thu hồi đất theo Luật đất đai năm 2003, được quy định trong luật và các nghị định hướng dẫn thi hành luật, quy định rộng rãi các trường hợp được thu hồi đất.
Nghị định 84 năm 2007 cho phép việc thu hồi đất để thực hiện các dự án như khu dân cư, trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp, khu thương mại dịch vụ tổng hợp, khu du lịch, khu vui chơi giải trí ngoài trời.
Thẩm quyền thu hồi đất cũng trao rộng rãi cho nhiều cấp chính quyền.
Trong đó Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện được ban hành văn bản về chủ trương thu hồi đất hoặc văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư.
Tức là việc thu hồi đất thực hiện dự án được quyết định bởi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện.
Sự trao quyền rộng rãi như vậy đã tạo ra vấn nạn về thu hồi đất và khiếu kiện đất đai nóng bỏng suốt mười mấy năm qua.
Suốt thời gian đó, nhiều ý kiến của các Luật sư, các Chuyên gia và Đại biểu Quốc hội, đã phản ánh những sai trái bất cập khi nhà nước thu hồi đất của người dân giao cho doanh nghiệp làm thương mại kinh tế.
Đúng ra nhà nước chỉ thu hồi đất cho những dự án an ninh quốc phòng mà thôi, còn lại doanh nghiệp muốn làm dự án kinh tế thì phải tự thỏa thuận chuyển nhượng đất với người dân.
Đến Luật đất đai năm 2013 đã có sự cải thiện theo hướng thu hẹp phạm vi những trường hợp nhà nước thu hồi đất và thu hẹp phạm vi cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất.
Những dự án như trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp, chủ đầu tư sẽ phải tự thỏa thuận với người dân để có đất làm dự án.
Tuy vậy nhiều dự án với tính chất "lợi ích công" vẫn nằm trong danh mục được nhà nước thu hồi đất giao cho doanh nghiệp, như dự án khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới, cụm công nghiệp, khu sản xuất…
Theo đó nhiều doanh nghiệp vẫn nương tựa và có mối quan hệ cộng sinh với chính quyền địa phương để thu lợi.
Nhưng có thêm một ràng buộc, là việc thu hồi đất cho những dự án này sẽ phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận, thay vì quyền quyết định thuộc về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện như trước đó.
Bà con Thủ Thiêm biểu tình đòi đất
Vẫn còn lỗ hổng
Mặc dù chế định về thu hồi đất nói riêng và pháp luật về đất đai nói chung liên tục được chỉnh sửa, ngày càng chặt chẽ hơn, nhưng những bất cập lỗ hổng vẫn còn, và theo đó quyền của người sử dụng đất vẫn rủi ro kém được bảo vệ.
Luật đất đai năm 2013 quy định việc thu hồi đất thực hiện một số dự án sẽ phải do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận. Nhưng vấn đề đặt ra là, với những dự án đã được phê duyệt cấp phép đầu tư từ trước đó, mới triển khai được một phần, phần còn lại của dự án sau năm 2013 mới triển khai tiếp thì sao.
Phần dự án triển khai sau này việc thu hồi đất có phải thông qua Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận không ?
Một ví dụ như từ năm 2007 Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp làm dự án cụm công nghiệp An Ngãi, nằm ở xã An Ngãi, huyện Long Điền.
Sau 10 năm dự án triển khai chỉ có một công ty thuê đất làm xưởng, nhiều diện tích đất bỏ trống, nhưng đến năm 2017 chính quyền địa phương lại tiếp tục thu hồi đất của các hộ dân.
Vậy phần dự án triển khai sau này, lúc này việc thu hồi đất có phải thông qua Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận như quy định mới không ?
Bất công vẫn cao đầy
Cũng trong dự án này, người dân cũng thắc mắc, tôi cũng đang mở kho bãi kinh doanh, tại sao lại phải giao đất cho doanh nghiệp làm cụm công nghiệp ?
Tại sao chúng tôi có đất lại bị mất rồi muốn có mặt bằng sản xuất lại phải đi thuê ?
Những điều đó cho thấy, bất công vẫn còn cao đầy, mặc cho chế định về thu hồi đất liên tục được chỉnh sửa.
Và thực tế là khi nào vẫn còn chế định về thu hồi đất, kể cả vì lợi ích công cộng, thì bất công cũng vẫn xảy ra, vì tại sao một số nhỏ lại phải hy sinh lợi ích của mình vì những người khác ?
Để đảm bảo lẽ công bằng thì luật đất đai sẽ phải tiến hóa lùi.
Sẽ phải giới hạn lại thật hạn hẹp những trường hợp được thu hồi đất như trước đây, chỉ thực hiện trong trường hợp thật cần thiết hoặc chỉ vì tình trạng nguy cấp như chiến tranh, chống thiên tai hay bão lụt mà thôi.
Lược lại lịch sử như thế để thấy những bất công, soi chiếu vào vụ việc ở Thủ thiêm thì thấy.
Nay với việc Ủy ban dân nguyện của Quốc hội tham gia vào công tác giám sát các vấn đề của dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, sẽ mở ra hy vọng cho các vấn đề dân nguyện của người dân được lắng nghe chấp nhận.
Ngô Ngọc Trai
Nguồn : BBC, 11/12/2019
---
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Luật sư Ngô Ngọc Trai từ Hà Nội.
Vụ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm : Vì sao không giải quyết qua tố tụng tòa án ?
Trong vụ việc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhóm bà Lê Thị The và 19 công dân đại diện cho 71 hộ, cho rằng Thanh tra Chính phủ không làm rõ khiếu nại 5 khu phố thuộc 3 phường nằm ngoài ranh quy hoạch.
Khu tạm cư của nhiều người dân Thủ Thiêm tại phường Bình Khánh.
Ai sẽ phân xử đúng – sai ?
Nhóm của ông Nguyễn Hồng Quang và 27 công dân đại diện cho 1.059 người dân, yêu cầu làm rõ các thiệt hại của người dân Thủ Thiêm trong đền bù và giải tỏa ; xem xét lại mức giá bồi thường và bố trí tái định cư cho người dân.
Không chỉ nhóm bà Lê Thị The, ông Nguyễn Hồng Quang, mà hai nhóm khác là nhóm ông Nguyễn Văn Thạch đại diện cho 41 công dân thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2, và nhóm ông Đoàn Văn Phương cùng 23 công dân đại diện cho 82 người, đều chung khẳng định 5 khu phố thuộc 3 phường nằm ngoài ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, và có tính thống nhất của hệ thống văn bản và bản đồ quy hoạch ; yêu cầu trả lại 160ha tái định cư cho người dân theo quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ.
"Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận về các tổ chức, cá nhân qua các thời kỳ liên quan việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các phần việc liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm". Đó là nội dung được Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Trần Lưu Quang cùng tổ đại biểu quốc hội đơn vị số 1, đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tại buổi tiếp xúc với cử tri quận 1, 3, 4 tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận 3 hôm 15/10/2019.
Tuy nhiên tin tức trên báo chí cho thấy ở phiên họp ngày 18-11, tại Hà Nội của Thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, dưới sự chủ trì của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đã không có nội dung nào liên quan tới vấn đề của khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cũng lâm vào thế việt vị ở vụ Thủ Thiêm, khi ông đã phải khất liên tục với dân chúng về thời hạn giải quyết dứt điểm vụ việc này.
Vì sao không chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang cơ quan tòa án ?
Luật Tổ chức tòa án nhân dân, Điều 2.1 ghi : "Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác".
Điều 2.7 của luật này, ghi : "Trong quá trình xét xử vụ án, Tòa án phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức ; cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời Tòa án kết quả xử lý văn bản pháp luật bị kiến nghị theo quy định của pháp luật làm cơ sở để Tòa án giải quyết vụ án".
Như vậy, rõ ràng thay vì trút gánh nặng lên vai của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cần thiết chuyển những vụ việc như khu đô thị mới Thủ Thiêm sang cho tòa án giải quyết.
Những thiếu sót, khiếm khuyết của hệ thống chính sách luật pháp về đất đai, cũng sẽ được cơ quan thực hiện quyền tư pháp này đưa ra các đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam ; đặc biệt sẽ giúp rất nhiều trong tham mưu cho ông Nguyễn Phú Trọng – Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.
Đã có ‘án lệ’
Hiện tại hầu hết ở các văn phòng luật sư tại Sài Gòn đều có tập bản án mang tên : "20 bản án tòa án tuyên hủy Quyết định hành chính của UBND các cấp về đất đai".
Trong tập bản án này, có thể xem xét một số vụ án có tình tiết tương tự như các vụ khiếu nại của người dân Thủ Thiêm : "UBND thu hồi đất vì lý do vi phạm mục đích sử dụng đất. Thu hồi sai thẩm quyền, sai căn cứ nên bị hủy" - Bản án số : 347/2019/HC-PT, ngày 11-6-2019, Tòa án nhân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. "Thu hồi đất không đúng trình tự thủ tục. Chưa xác định đất bị thu hồi có thuộc dự án hay không" - Bản án số : 01/2019/HC-ST, ngày 17-01-2019. Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai.
"Chủ tịch UBND chưa ra Quyết định cưỡng chế nhưng lại thực hiện cưỡng chế tháo dỡ nhà" - Bản án số : 66/2019/HC-PT, ngày 21/05/2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng. "Giao đất khi đất đang được quản lý sử dụng bởi cá nhân khác mà chưa có quyết định thu hồi đất đúng quy định pháp luật" - Bản án số : 67/2019/HC – PT, ngày 26/02/2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.
"Hô biến" 160 ha tái định cư theo Quyết định 367/TTg ngày 4-6-1996 mà Thủ tướng phê duyệt quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, là một trong những căn nguyên tạo nên thảm kịch mòn mỏi suốt 20 năm trên bán đảo Thủ Thiêm. Lộ trình phá vỡ quy hoạch Thủ Thiêm có vết hằn của những cái bóng quyền lực, ở các cơ quan lãnh đạo của Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều nhiệm kỳ.
Phải chăng, Thủ Thiêm, vẫn vắng một "Bao Công" để thành án ?
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 20/11/2019
Người dân Thủ Thiêm vẫn tiếp tục ‘đòi’ đất gay gắt (Người Việt, 18/11/2019)
Dưới áp lực gay gắt của người dân ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm về việc khiếu kiện đòi lại đất, "Ban Tiếp công dân trung ương" phải yêu cầu Tổng Thanh tra Chính phủ "giải quyết dứt điểm khiếu nại, sớm tổ chức đối thoại với người dân".
Người dân năm khu phố thuộc 3 phường ở Thủ Thiêm nộp đơn khiếu kiện tại Ủy Ban Nhân Dân quận 2, Sài Gòn. (Hình : VietNamNet)
Theo báo VietnamNet ngày 18/11/2019, ông Nguyễn Hồng Điệp, trưởng " Ban Tiếp công dân trung ương" đã có phúc trình đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ "nghiên cứu các nội dung khiếu kiện và đưa ra các biện pháp giải quyết dứt điểm khiếu nại, sớm đối thoại với người dân Thủ Thiêm, quận 2, Sài Gòn".
Phúc trình cho biết ngày 4/9/2018, sau khi Thanh Tra Chính Phủ có văn bản thông báo kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của người dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ủy Ban Nhân Dân ở Sài Gòn và trưởng Ban Tiếp công dân trung ương tổ chức nhiều đợt tiếp xúc với các gia đình khiếu nại. "Tuy nhiên, công dân không đồng ý với thông báo và liên tục kéo ra Hà Nội khiếu kiện với lý do văn bản 1483 của Thanh Tra Chính Phủ chưa làm rõ phần diện tích năm khu phố thuộc ba phường nằm ngoài ranh quy hoạch", phúc trình nêu.
Trước những khiếu kiện này, từ ngày 30 Tháng Giêng cho đến ngày 3 Tháng Chín vừa qua, Ban Tiếp công dân trung ương, nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn và Thanh Tra Chính Phủ có nhiều buổi tiếp xúc với người dân, ra nhiều văn bản thông báo, trả lời các khiếu nại liên quan.
Nhưng theo ông Nguyễn Hồng Điệp, các gia đình "vẫn không đồng ý và tiếp tục khiếu nại với thái độ gay gắt, bất bình. Đồng thời, người dân dự định kéo đông người ra các cơ quan trung ương trong thời gian diễn ra kỳ họp Quốc Hội để lưu trú và khiếu nại".
Để giảm áp lực, ngày 18 và 19/10 vừa qua, ông Điệp đã tiếp bốn đoàn đông người tại Sài Gòn để "lắng nghe và vận động người dân không ra Hà Nội khiếu nại".
Người dân Thủ Thiêm luôn gay gắt đòi quyền lợi tại các buổi tiếp xúc với nhà cầm quyền. (Hình : VietNamNet)
Cũng theo ông Điệp, tại các buổi tiếp, người dân trình bày các nội dung khiếu nại liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cụ thể, nhóm do bà Lê Thị The và 19 người dân đại diện cho 71 gia đình, cho rằng "Thanh tra Chính phủ không làm rõ khiếu nại năm khu phố thuộc ba phường nằm ngoài ranh quy hoạch. Yêu cầu thành lập Đoàn Thanh tra Liên ngành để thanh tra toàn diện Khu đô thị mới Thủ Thiêm".
Nhóm ông Nguyễn Văn Thạch đại diện cho 41 người thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2 yêu cầu : "Thanh Tra Chính Phủ, các bộ ngành và Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức đối thoại với người dân khu phố theo ý kiến chỉ đạo của phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình. Đề nghị chính quyền địa phương cung cấp các văn bản, bản đồ liên quan đến kết luận khu phố 1 nằm trong ranh hay ngoài ranh".
Còn nhóm ông Đoàn Văn Phương và 23 người đại diện cho 82 gia đình yêu cầu : "Thanh tra Chính phủ phải chủ trì đối thoại với người dân năm khu phố thuộc ba phường, cung cấp các nội dung liên quan đến kết luận 1483 và làm rõ việc thất lạc bản đồ, đồng thời kiểm tra 160 hécta đất tái định cư nằm ở đâu để trả lại cho người dân…"
Trong khi đó, nhóm ông Nguyễn Hồng Quang và 27 người đại diện cho 1.059 gia đình : "Yêu cầu làm rõ các thiệt hại của người dân Thủ Thiêm trong đền bù và giải tỏa. Xem xét lại mức giá bồi thường và bố trí tái định cư cho người dân".
Nhóm này đòi "khẳng định năm khu phố thuộc ba phường nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm và có tính thống nhất của hệ thống văn bản và bản đồ quy hoạch. Yêu cầu trả lại 160 hécta đất tái định cư cho người dân theo Quyết Định 367 của thủ tướng".
Tin cho biết, trước đó ông Trương Hòa Bình đã có chỉ đạo Thanh tra Chính phủ phối hợp với các Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân thành phố Sài Gòn "kiểm tra nội dung khiếu nại của người dân năm khu phố thuộc ba phường. Đồng thời, tổ chức đối thoại đề ra biện pháp giải quyết và báo cáo kết quả cho thủ tướng trước ngày 1/1/2020". (Tr.N)
***************
Bộ trưởng Mỹ ‘quan ngại’ thâm hụt thương mại 40 tỷ đôla với Việt Nam (VOA, 18/11/2019)
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross mới bày tỏ "quan ngại" ngay tại Hà Nội về mức thâm hụt thương mại hàng chục tỷ đôla với Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên một thành viên nội các Mỹ lên tiếng ngay tại Việt Nam về mức thâm hụt trị giá hàng chục tỷ đôla, sau khi Tổng thống Trump hồi tháng Sáu năm nay cáo buộc Việt Nam là quốc gia "lợi dụng tồi tệ nhất" trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ.
"Trong vòng 25 năm qua, thương mại giữa hai quốc gia đã tăng trưởng theo cấp số nhân. Hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam đã tăng hơn bốn lần trong vòng một thập kỷ qua, đạt 10 tỷ đôla năm 2018. Và Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho hàng hóa của Việt Nam", ông Ross phát biểu hôm 8/11 trong bữa tiệc trưa do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Tập đoàn BRG đồng tổ chức, nhân chuyến thăm Việt Nam.
"Tuy nhiên, chúng tôi quan ngại về thâm hụt thương mại 40 tỷ đôla. Chúng tôi muốn làm việc với chính phủ Việt Nam để giảm mức thâm hụt thương mại này".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng từng phản hồi với VOA tiếng Việt về chỉ trích của ông Trump, nói rằng chính quyền Hà Nội đang "thúc đẩy nhập khẩu các mặt hàng Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu" cũng như "cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn hoạt động tại Việt Nam".
Theo Cơ quan Thống kê của Hoa Kỳ, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam vượt quá 20 tỷ đôla kể từ năm 2014 và tính tới tháng Chín năm nay, đã tăng lên mức gần 41 tỷ đôla.
Theo cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ ở Hà Nội, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink hôm 7/11 đã chào đón phái đoàn thương mại do ông Ross dẫn đầu, với sự tham gia của giám đốc điều hành từ 17 công ty hàng đầu của Hoa Kỳ đến Hà Nội.
Đại sứ quán Mỹ cho biết thêm rằng chính quyền của Tổng thống Trump "vẫn cam kết về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó tất cả các quốc gia đều có chủ quyền, vững mạnh và thịnh vượng", và chuyến công du một số nước Đông Nam Á của ông Ross "cũng phản ánh cam kết mạnh mẽ của Bộ trưởng trong viêc thúc đẩy sự hỗ trợ của khu vực tư nhân Hoa Kỳ nhằm phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và dựa trên cơ chế thị trường".
Trong bài phát biểu tại Hà Nội, Bộ trưởng Thương mại Ross thông báo rằng vào tháng Tư năm 2020, một phái đoàn thương mại được coi là lớn nhất của Mỹ sẽ lần đầu tiên có chặng dừng chân ở Việt Nam.
Ngoài ra, ông Ross cũng lên tiếng quảng bá và kêu gọi các công ty Việt Nam cân nhắc đầu tư ở Hoa Kỳ.
"Có rất nhiều các lợi ích vô hình khác từ việc đầu tư ở Mỹ như chất lượng đời sống rất cao ; sự đa dạng văn hóa… 15.372 sân golf. Và quý vị sẽ không đơn độc : Có 2,1 triệu người Mỹ gốc Việt", ông Ross nói.
"Hoa Kỳ cam kết vì sự thành công của Việt Nam. Chúng tôi sẽ làm việc với quý vị để gây dựng mối quan hệ sâu sắc và lâu dài với các công ty cũng như người tiêu dùng Mỹ", Bộ trưởng Ross nói.
"Đổi lại, chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam tiếp nhận hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, và rằng cộng đồng doanh nghiệp làm việc để tạo ra các điều kiện để mọi công ty có thể thành công".
Trong chuyến thăm Việt Nam cuối năm 2017, Tổng thống Trump đã trực tiếp mời chào lãnh đạo Việt Nam mua thiết bị quân sự của Mỹ, nhất là máy bay và tên lửa.
"Chúng tôi mong muốn nước ngài mua thiết bị từ Hoa Kỳ. Chúng tôi sản xuất thiết bị tốt nhất. Chúng tôi sản xuất máy bay và thiết bị quân sự tốt nhất. Các tên lửa thì thuộc loại không ai có thể cạnh tranh nổi", ông Trump nói với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
"Như tôi đã nói, một quả tên lửa gần đây đã được bắn từ Yemen vào Saudi Arabia. Và một trong những hệ thống tên lửa của chúng tôi đã bắn hạ nó… như không có chuyện gì xảy ra. Chúng tôi sản xuất các tên lửa tốt nhất trên thế giới, các máy bay [quân sự] tốt nhất trên thế giới, các máy bay thương mại tốt nhất trên thế giới".
Tổng thống Mỹ nói tiếp rằng "vì thế, chúng tôi muốn Việt Nam mua của chúng tôi, và chúng ta phải xóa bỏ việc mất cân bằng thương mại", mà ông Trump khi đó nói là lên tới 32 tỷ đôla.
Viễn Đông
Tình thế nhóm quan chức "ăn đất" trong vụ quy hoạch và cưỡng chế giải tỏa ở dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang có chiều hướng diễn biến tồi tệ hơn, song trùng với lực thúc ép liên tiếp của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương để đạt được kết quả phải "ói ra".
Nhiều người dân mong đợi kế hoạch giải quyết Thủ Thiêm có kết quả tốt, để những gia đình bị ảnh hưởng vì có nhà đất bị thu hồi, giải tỏa sớm ổn định cuộc sống. (Hình : Thanh Niên)
Vẫn ngụy biện trên những xác người
Vào cuối tháng 6/2018, một trong những nội dung kết luận trong bản kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm của cơ quan Thanh tra chính phủ là buộc chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phải hoàn trả ngân sách số tiền 26.300 tỷ đồng (hơn 1,1 triệu USD) sai phạm trong công tác bồi thường giải tỏa, nếu không trả được đến hạn cuối vào ngày cuối năm 2019 thì Thanh tra chính phủ sẽ chuyển vụ việc này cho Cơ quan điều tra.
Có thể xem yêu sách trên như một "tối hậu thư", bởi đó là lần đầu tiên con số khổng lồ 26.300 tỷ đồng được Thanh tra chính phủ công bố chính thức trong kết luận thanh tra và cho "PR" trên diện rộng các tờ báo nhà nước, còn trước đó tại bản kết luận kiểm tra (chứ không phải kết luận thanh tra) cũng của Thanh tra chính phủ vào tháng 9/2018, đã hoàn toàn không đề cập đến số tiền sai phạm ấy.
Nhưng Thành phố Hồ Chí Minh đào đâu ra số tiền 26.300 tỷ đồng để hoàn trả ngân sách trung ương ?
Trong bối cảnh rất có thể bị chính phủ thúc ép, vào tháng 8/2019, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã phải có văn bản trả lời vụ "26.300 tỷ đồng", do chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Thành Phong ký, nêu trong văn bản gửi thủ tướng. Theo đó, "Thành phố Hồ Chí Minh tạm ứng hơn 26.000 tỷ đồng để đầu tư vào Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, tính đến ngày 30/09/2018. Số tiền này chủ yếu để chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng nên không thể thu hồi hoàn trả ngân sách như thông báo ngày 26/06/2019 của Thanh tra Chính phủ".
Thế nhưng cái cách giải thích của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh lại thật giống với việc giới quan chức nơi đây đã "ém" hàng núi hồ sơ khiếu nại tố cáo của dân oan Thủ Thiêm, đùn đẩy việc xử lý đơn thư này cho các cơ quan trung ương, cũng như hàng núi vụ việc tham nhũng từ "triều đại" chủ tịch thành phố và sau đó là Bí gthư thành ủy Lê Thanh Hải kéo dài đến dàn quan chức đương chức mà một số trong số đó được xem là "đệ ruột" của ông Lê Thanh Hải.
Rốt cuộc, không chỉ tấm bản đồ quy hoạch gốc Thủ Thiêm 1/5000 đã bị một bàn tay đen tối nào đó giấu nhẹm hoặc phi tang để mãi vẫn không được tìm ra, mà bao nhiêu hậu quả từ vụ giải tỏa lố đến 150 hécta đất ở Thủ Thiêm, với giá bồi thường rẻ mạt kèm thêm nhiều vụ "khuyến mãi" những xác dân tự treo cổ vì quá phẫn uất…, vẫn không hề được làm rõ cho đến ngày hôm nay.
Sự thật nào ?
Dù chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh nêu lý do là không thể thu lại từ các hộ dân đã nhận tiền bồi thường, nhưng sự thật là hoàn toàn trái ngược. Bởi sự thật là khi áp giá bồi thường trước đây, các quan chức Thành phố Hồ Chí Minh lúc đó đã tính "đơn giá" xây dựng cho các doanh nghiệp thấp hẳn so với giá thị trường, từ đó làm cơ sở tính giá bồi thường còn thấp và tệ hơn nhiều cho người dân bị giải tỏa.
Khi đó, đã chẳng có bất kỳ quy hoạch nào được giới quan chức "ăn đất" cho công khai trước người dân, dẫn đến mức giá bồi thường cho dân chỉ một vài triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường vào thời điểm đó đã lên đến hàng trăm triệu đồng/m2, còn hiện thời là từ 150 – 200 triệu đồng/m2.
Do đó, bản chất vấn đề hiện thời là muốn có số tiền 26.300 tỷ để trả lại ngân sách trung ương thì phải truy ngược lại các doanh nghiệp được "thầu" Thủ Thiêm và tính lại đơn giá xây dựng tại các doanh nghiệp này, không phải theo "giá nội bộ" mà phải đúng giá thị trường. Nếu cơ chế tính lại này được vận hành rốt ráo và có hiệu quả, đảng của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ có ngay không chỉ 26.300 tỷ đồng mà các doanh nghiệp cùng giới quan chức phải "ói ra", mà có thể còn nhiều hơn nữa.
Thủ Thiêm là một khu vực được giới bất động sản Sài Gòn xem là cực kỳ đắc địa, là khu "đất vàng" chỉ cách khu trung tâm Quận Nhất có ba trăm thước bề rộng mặt sông Sài Gòn. Vào thời điểm công bố đền bù lần đầu tiên cho dân, giá đền bù chỉ từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng một thước vuông đất, trong khi giá thị trường khi đó đã lên đến vài ba chục triệu đồng một thước vuông. Với mức giá thị trường hiện thời và ứng với khoảng 150 hécta đất giải tỏa lố – mà hoàn toàn có thể xem là "giải tỏa ăn cướp", các doanh nghiệp đầu tư vào Khu Đô Thị Thủ Thiêm và giới quan chức ăn theo có thể thu lời ngay cho riêng tiền chênh lệch đất ít nhất 250.000 tỷ đồng, tương đương gần 11 tỷ USD !
Việc chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phải trả lời sớm về vụ 26.300 tỷ đồng cho thấy Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương Nguyễn Phú Trọng không còn kiên nhẫn chờ đến hạn chót cuối năm 2019, mà đang chỉ đạo gấp rút để buộc Thành phố Hồ Chí Minh phải bồi hoàn tiền cho ngân sách, cũng là một trong những mục đích trọng tâm trong chiến dịch "đốt lò" của ông ta : thu hồi tài sản tham nhũng càng nhiều càng tốt để có tiền nuôi lực lượng "còn tiền còn đảng" và "còn đảng còn mình".
Cũng bởi thế, mối nguy hiểm đang ngày càng tiệm cận các doanh nghiệp ở Thủ Thiêm và nhóm quan chức "ăn đất" thời kỳ đó như "Hai - Hai – Ba – Sáu" ; Hai Nhựt - tức Lê Thanh Hải, Hai Quân – tức Lê Hoàng Quân, Ba Đua – tức Nguyễn Văn Đua, Sáu Cang – tức Tất Thành Cang, cùng hàng chục quan chức sở ngành liên quan.
Làm sao để được "sống ở nơi rất xa xôi ?"
"Ói ra" hay "quyết tâm thu hồi tài sản tham nhũng" đã trở thành chủ trương của đảng, khởi nguồn từ năm 2017 bởi "người đốt lò vĩ đại" Nguyễn Phú Trọng – một động thái nhái lại những gì mà ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn đã làm ở Trung Quốc.
Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ chưa đầy 10% trong thời gian trước đó là quá thấp và khiến ông Trọng không thể hài lòng khi, mà mục tiêu là phải bắt quan tham "ói ra" ít nhất 50% số tài sản đã "nuốt" thì mới thu hồi được một phần tiền để "hô hấp" cho đảng. Một chục ngàn tỷ đồng hoặc thậm chí nhiều gấp vài ba lần như thế mà lũ "Hai - Hai – Ba – Sáu" phải "ói lại" vào ngân sách đảng để thoát khỏi xà lim sẽ giúp đảng có đủ tiền để nuôi đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức, với 30% trong số đó bị xem là vô tích sự, trong… ba ngày.
Nhất là Lê Thanh Hải.
Đã từ lâu, ông Lê Thanh Hải không chỉ bị xem là "tội phạm" ghê gớm trong vụ "ăn đất" Thủ Thiêm mà đã đẩy hàng chục ngàn gia đình ở khu vực này vào cảnh bị cướp đất, màn trời chiếu đất và bị biến thành dân oan đất đai bất đắc dĩ, hàng chục năm trời rồng rắn kéo nhau đi khiếu nại tố cáo từ Nam chí Bắc, mà còn được một số dư luận đồn đoán là "một trong những quan chức cộng sản giàu nhất Việt Nam". Thậm chí còn có dư luận cho rằng nếu ông Nguyễn Phú Trọng làm kiên quyết vụ Thủ Thiêm và buộc ông Lê Thanh Hải phải "ói ra" thì có thể "hốt" cho ngân sách trung ương từ 3 tỷ USD đến 5 tỷ USD.
Vào tháng 8/2019, khi chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phải muối mặt tổ chức họp báo để "nhận sai" nhiều vụ việc ở Thủ Thiêm, một chi tiết đáng chú ý là buổi họp này đã cho ra một thông tin : "Với những cán bộ cấp cao, thì phải theo thẩm quyền của trung ương. Trung ương cũng đang triển khai các công việc để đánh giá lại thực tế vai trò trách nhiệm của ai, do vậy hôm nay tôi chưa thể nói vấn đề xử lý sai phạm hay ai sai phạm".
Thông tin trên là logic với một thông tin khác nằm trong bản kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ về một danh sách quan chức cao cấp "ăn đất" Thủ Thiêm, không được công bố công khai trong kết luận này, đã được Thanh tra chính phủ gửi kín cho Ủy ban Kiểm tra trung ương và Thường trực Ban bí thư.
Sau "tối hậu thư" vụ 26.300 tỷ, số phận của ông Lê Thanh Hải và những đồng sự cấp dưới thời ông ta còn làm chủ tịch thành phố và bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh không còn được tính bằng quý mà là bằng tháng.
Trong những tháng tới, nếu nhóm "ăn đất" này không thể khắc phục được hậu quả, nghĩa là chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh không thể tìm được 26.300 tỷ đồng để hoàn trả lại ngân sách trung ương theo kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ đã công bố như một tối hậu thư vào tháng 6/2019, ông Lê Thanh Hải sẽ khó có cơ may thoát khỏi án tù như ông Đinh La Thăng, trừ khi ông ta tìm được kế sách để trở thành "có những đồng chí đang sống ở nơi rất xa xôi", tức đã "ra đi tìm đường cứu nước" có thể ở Mỹ, Canada hoặc những quốc gia khác – như tiết lộ không biết có ẩn ý gì của Phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan tại buổi họp báo thông tin vụ Thủ Thiêm vào tháng 8/2019.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 25/08/2019
"Hai Nhựt" là bí danh của ông Lê Thanh Hải, một cựu ủy viên Bộ Chính trị, và là người gây nhiều nợ máu với cư dân trong dự án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải và Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Họp mặt truyền thống Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh : VIỆT DŨNG
"Hồi anh Hai còn là bí thư quận 5, cấp trưởng phó phòng bên chính quyền như tụi tôi dễ gì gặp được ổng. Sáng, ổng ngồi trong xe hơi chạy thẳng vào trụ sở, đầu tóc luôn láng mướt là một đặc điểm nổi bật của anh Hai. Trong các văn bản, tôi nghe bên văn thư nói là ổng có thói quen bút phê và để cấp phó ký phát hành. Ổng ít ký trực tiếp. Sau này lên ủy ban trên thành phố, ổng cũng giữ thói quen này nên trong vụ Thủ Thiêm, tìm một quyết định nào có chữ ký của Hai Nhựt là khó lắm…". Ông Đ., nguyên phó Phòng Công nghiệp quận 5, kể.
Chiều ngày 14/8 tại họp báo ở Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị quận 2 về thực hiện kết luận thanh tra Chính phủ vụ Thủ Thiêm, ông Võ Văn Hoan – phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh có trả lời báo chí chung chung rằng, "Trung ương đang xem xét vai trò, trách nhiệm cụ thể của từng cựu lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh theo diện trung ương quản lý liên quan đến sai phạm ở Thủ Thiêm".
Các vị cựu lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh được cho là liên quan đến quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý, gồm có : ông Trương Tấn Sang (1992 - 1996), ông Võ Viết Thanh (1996 - 2001), ông Lê Thanh Hải (2001 - 2006), ông Lê Hoàng Quân (2006 - 2015). Liên đới có 25 phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh qua các thời kỳ.
Trong danh sách vừa nêu thì ông Lê Thanh Hải được cư dân Thủ Thiêm tố cáo đích danh là ‘đầu dây mối nhợ’, là kẻ thủ ác gây bao cảnh lầm than, kể cả những cái chết tức tưởi của người dân Thủ Thiêm.
Đại diện cư dân Thủ Thiêm nói rằng ở cuộc họp báo chiều 14/8, chính quyền đã cố tình tạo ra luồng thông tin là nằm ngoài ranh quy hoạch chỉ có khoảng 4,39 ha, khu phố 1, phường Bình An, để sau đó báo chí rút tít tựa như kiểu ‘chính quyền ban ơn’ : "Vụ Khu đô thị mới Thủ Thiêm : Phương án bồi thường có lợi cho dân" – báo Thanh Niên. "Khắc phục vi phạm Thủ Thiêm : Người dân khu 4,3 ha được bồi thường có lợi" – báo Tuổi Trẻ. "Bồi thường có lợi nhất cho người dân Thủ Thiêm" – báo Pháp Luật. "Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bồi thường theo hướng có lợi cho người dân ở Thủ Thiêm" – Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
"Hồ sơ toàn bộ vụ việc cho thấy phần đất tại 5 khu phố thuộc phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh, quận 2 đều nằm ngoài ranh quy hoạch, chứ không chỉ khu 4,3 ha". Những nhà báo ‘đeo bám’ vụ quy hoạch Thủ Thiêm đều chung nhận định như vậy, nên họ ngờ vực nội dung cuộc họp báo do ông Võ Văn Hoan chủ trì, có dấu hiệu làm nhẹ đi tội trạng của Hai Nhựt.
Trong kết luận kiểm tra của Thanh tra Chính phủ công bố ngày 07/09/2018, về việc khiếu nại của công dân ở dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, thì dưới ‘triều đại của Lê Thanh Hải’ (sau khi rời ghế chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Hai Nhựt ngồi tiếp vào ghế Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh suốt gần 10 năm), sai phạm không chỉ ở con số 4,39 ha.
Theo đó, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã bỏ qua phần thủ tục luật định là lập, thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung 1/5000 đối với khu tái định cư, mà trực tiếp ban hành quy hoạch chi tiết 1/2000 đối với 42 ha thuộc khu tái định cư.
Không chỉ vậy, tổng diện tích đất đã được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch, bố trí tái định cư phục vụ cho khu đô thị mới Thủ Thiêm chỉ có 46,1 ha, còn thiếu 113,9 ha như phê duyệt của Chính phủ, và sau đó thì ém nhẹm luôn.
Đáng nói là trong phạm vi 5 phường ngoài ranh khu đô thị mới Thủ Thiêm, mặc dù đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch khu tái định cư 160 ha, nhưng chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã giao đất cho 51 dự án để đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng, khu vui chơi giải trí, công trình công cộng... với tổng diện tích khoảng 144,6 ha. Hậu quả là không còn đủ đất để bố trí tái định cư theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.
Chưa kể là một số dự án sau kiểm tra đã phát hiện chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh không thực hiện lập, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 trước khi giao đất, nhưng vẫn được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 để các dự án tiến hành đầu tư xây dựng.
Trong dự án thu hồi đất ở khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh tại quận 9 cũng được coi là một phiên bản khác của Thủ Thiêm dưới ‘triều đại Hai Nhựt’.
Luật sư Trần Thành nhận định khá gay gắt, rằng với các quy định pháp luật trước đây cũng như hiện nay, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để xử lý các sai phạm tại Thủ Thiêm một cách công bằng cho người dân Thủ Thiêm, mà không cần phải chờ đợi kết luận hay chủ trương gì từ trung ương. Vấn đề nằm ở chỗ người có trách nhiệm giải quyết có đủ bản lĩnh để xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật hay không ?
"Nếu đúng như lời của ngài phó chủ tịch Võ Văn Hoan, ‘Trung ương đang xem xét vai trò, trách nhiệm cụ thể của từng cựu lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh…’, thì sòng phẳng ở đây là truy cứu luôn trách nhiệm về quản lý nhân sự của Bộ Chính trị và Ban Bí thư tương ứng với từng thời kỳ lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh. Giáo bất nghiêm, sư chi đọa. Lẽ đó nên không thể chỉ có sai phạm mỗi ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Hải trong vụ Thủ Thiêm". Luật sư Trần Thành kết luận.
Người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam thời kỳ ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Hải gây nợ máu với cư dân Thủ Thiêm là Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.
Trích thông cáo báo chí họp báo về tiến độ, kết quả thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, chiều 14/08/2019 :
"2. Về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư : UBND thành phố đã thành lập ngay Tổ công tác liên ngành do chủ tịch UBND quận 2 làm tổ trưởng để nghiên cứu, rà soát hồ sơ bồi thường, điều kiện, hoàn cảnh và đề xuất chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với hộ gia đình, cá nhân và tổ chức bị thu hồi đất, theo đó :
2.1 Về phương án giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với phần đất diện tích khoảng 4,39 ha, khu phố 1, phường Bình An nằm ngoài ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm :
UBND thành phố đã chỉ đạo Tổ công tác liên ngành và các đơn vị có liên quan xây dựng lại phương án thực hiện, theo đó phải đảm bảo các nguyên tắc : Đủ cơ sở pháp lý, phù hợp với thực tiễn và được đại đa số người dân đồng thuận. Trước khi xây dựng phương án phải tổ chức tiếp xúc lại với 331 hộ dân để xác định rõ bao nhiêu hộ dân chấp thuận hoán đổi đất, bao nhiêu hộ dân nhận tiền làm cơ sở thực hiện xây dựng phương án.
Hiện nay, chủ tịch UBND quận 2 (tổ trưởng Tổ công tác) đã thực hiện xong việc tiếp xúc 305/331 (26 hộ chưa đến tiếp xúc, bao gồm bốn hộ dân đã nhận thư mời). Trên cơ sở kết quả tiếp xúc với các hộ dân nêu trên, Tổ công tác đã hoàn chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân tại phần diện tích nêu trên, báo cáo UBND thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố trong phiên họp bất thường gần nhất thông qua, làm cơ sở để triển khai thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân trong phần đất diện tích khoảng 4,39 ha, khu phố 1, phường Bình An theo quy định".
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 16/08/2019
Tương lai của nhóm quan chức cao cấp ăn đất Thủ Thiêm đang trở nên mờ mịt và nguy khốn hơn hẳn năm 2018. Vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn trách nhiệm hữu hạn một thành viên (SAGRI) Lê Tấn Hùng vừa bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt khẩn cấp vào ngày 6/7/2019 vì ‘ăn bẫm’ 13,3 tỷ đồng lại rất có thể dẫn đến ông anh ruột là ‘bố già’ Lê Thanh Hải - từng một thời là chủ tịch và bí thư Thành phố Hồ Chí Minh đầy tai tiếng và cả tội ác ngút trời ở vùng đất Thủ Thiêm.
Lê Thanh Hải, hàng sau bên trái, lúc còn đương chức.
Có gì khác trong kết luận 2109 với 2018 ?
Ít hôm trước khi em trai Lê Thanh Hải bị bắt, cơ quan Thanh tra chính phủ đã công bố kết luận thanh tra về vụ khiếu tố khổng lồ ở Thủ Thiêm.
Bản kết luận trên tuy chẳng thèm đả động gì đến việc bồi thường và trả lại đất cho hàng chục ngàn người dân bị cưỡng chế giải tỏa theo kiểu luật rừng, tan nhà nát cửa và bị biến thành dân oan đất đai bất đắc dĩ, cũng không trả lời được những câu hỏi như "Cơ sở nào kết luận 4,3 ha của phường Bình An nằm ngoài ranh ?", "160 ha tái định cư biến đi đâu và rơi vào túi nhũng kẻ nào ?", "Tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm biến đi đằng nào ?"…, nhưng lại khá chi tiết khi quy trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong việc quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, làm thất thoát ngân sách nhà nước, phá vỡ quy hoạch chung theo Quyết định 367, thu hồi tiền của các dự án về cho nhà nước… Về tầm vóc và chiều sâu, bản kết luận thanh tra này là sắc bén hơn nhiều so với bản kết luận kiểm tra - cũng của Thanh tra chính phủ - được ban hành vào tháng 9 năm 2018 theo cung cách ‘cho có’ và ‘chẳng chết ai’.
Chi tiết đắt giá nhất liên quan đến chuyện sống chết là ngoài kết luận thanh tra Thủ Thiêm được công bố, Thanh tra chính phủ còn có một văn bản không công khai đề cập đến những quan chức sai phạm thuộc diện quản lý của Ban bí thư và Bộ chính trị. Văn bản này chắc chắn đã được Thanh tra chính phủ gửi cùng kết luận thanh tra cho Ủy ban Kiểm tra trung ương, Thường trực Ban bí thư và ‘tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng.
Những cái tên nào có thể nằm trong văn bản không công khai trên ?
"Hai - Ba - Sáu…"
Ở Sài Gòn, cái tên Lê Thanh Hải (bí danh Hai Nhựt) bị người dân và cả một số công chức gọi là "Hải Heo", là một trong những kẻ bị dư luận xã hội căm ghét nhất và lên án nhiều nhất.
Vào thời còn là chủ tịch thành phố, Lê Thanh Hải đã "dọn đường" cho việc thay đổi quy hoạch Thủ Thiêm giải tỏa lố sang 160 hécta đất mà trước đó dùng làm khu vực tái định cư cho dân, đẩy đuổi thêm nhiều ngàn người dân Thủ Thiêm khỏi nơi ở và cũng là chỗ sinh nhai duy nhất của họ.
Tiếp đến là Nguyễn Văn Đua (Ba Đua) - cựu phó chủ tịch ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi từ Phó chủ tịch thành phố trở thành Phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vào thời Lê Thanh Hải làm bí thư, Nguyễn Văn Đua đã nắm khối an ninh nội chính và mau chóng trở thành một "sát thủ" đối với giới hoạt động dân chủ nhân quyền ở Sài Gòn. Nguyễn Văn Đua bị "tố" là đã ký một quyết định về quy hoạch Thủ Thiêm mà đã vượt quyền khi phủ nhận cả quyết định trước đó của thủ tướng chính phủ.
Đặc biệt là Tất Thành Cang (Sáu Cang) - người được xem là "đệ ruột" của anh Hai (Lê Thanh Hải), bị người dân tố cáo là có công giúp Lê Thanh Hải cướp đất Thủ Thiêm và đàn áp dã man dân oan nơi đây. Sau khi Lê Thanh Hải về hưu, Tất Thành Cang trở thành phó bí thư thường trực Thành phố Hồ Chí Minh và lại dính đậm ở một vụ "ăn đất" khác : Cang là người chỉ đạo vụ công ty Tân Thuận của thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bán trái phép với giá bèo 32 hécta đất Nhà Bè cho tư nhân.
Gần đây đã xuất hiện trên mạng xã hội một số bức ảnh được chụp từ cự ly gần về những "lều đày tớ" quá đồ sộ và hoàng tráng của Tất Thành Cang và Nguyễn Văn Đua, hay cảnh Sáu Cang ăn nhậu với một số quan chức và báo chí cánh hẩu ngay trong nhà khách thành ủy… Chỉ có người trong nội bộ "‘đảng ta" mới có thể chụp gần như vậy.
Trong khi đó, Lê Thanh Hải kín đáo tung tích hơn. Nhưng rất nhiều người dân và công chức ở Sài Gòn cho rằng đây mới là "chuột cống" với vô số nhà cửa và đất đai tích góp được qua 15 năm làm chủ tịch thành phố và bí thư thành ủy. Nhiều tờ báo đã bắt đầu nêu đích danh trách nhiệm Lê Thanh Hải trong vụ Thủ Thiêm.
Ngoài ra, còn phải kể đến cái tên Lê Hoàng Quân (Hai Quân) - cựu chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, là nhân vật có tiếng là ‘ngoan hiền dễ bảo’ và được ‘anh Hai Nhựt’ đặt vào cái ghế chủ tịch.
Chưa kể đến một số quan chức khác như hai cựu phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh là Nguyễn Hữu Tín và Nguyễn Thành Tài đang nằm trong xà lim, Vũ Hùng Việt cũng là cựu phó chủ tịch thành phố được xem là đã ‘hạ cánh an toàn’…
"Song kiếm hợp bích"
Một động thái đáng chú ý khác là sau khi bản kết luận thanh tra Thủ Thiêm được Thanh tra chính phủ công bố, nhiều tờ báo nhà nước đã một lần nữa, kể từ thời ‘viết như chưa từng được viết’ vào tháng 5 năm 2018, mạnh miệng bóc xé trách nhiệm của các quan chức ‘ăn đất’, đặc biệt là về Lê Thanh Hải cùng nhiều dấu hỏi liên quan đến từng vụ việc được nêu trong kết luận thanh tra.
Tuy nhiên động thái thông tin báo chí về Thủ Thiêm vào năm nay có vẻ khác biệt khá nhiều năm 2018. Nếu vào tháng 5 năm 2018, báo chí quốc doanh chỉ được giới tuyên giáo trung ương cho ‘mở miệng’ vừa vặn một tuần lễ và ‘bắt câm mồm phải câm mồm’ vào ngay tuần lễ sau đó, thì đợt tin bài về Thủ Thiêm vào tháng 6 và lan sang tháng 7 năm 2019 có vẻ ‘bền vững’ hơn, trong khi chưa có dấu hiệu Ban Tuyên giáo trung ương can thiệp thô bạo và ‘ngăn sông cấm chợ’ như thường thấy trong rất nhiều vụ việc trước đây.
Cũng khác với năm 2018 khi chính phủ bị xem là chểnh mảng đáng nghi ngờ, thái độ về vụ Thủ Thiêm của các quan chức Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng, Trương Hòa Bình - Phó thủ tướng thường trực phụ trách nội chính, kể cả Phạm Bình Minh - Phó thủ tướng ‘thường’ kiêm Bộ trưởng ngoại giao là ‘sâu sát’ hơn vào năm 2019.
Nếu vào năm 2018, chính phủ của Nguyễn Xuân Phúc còn có biểu hiện như thể ‘đá’ toàn bộ trách nhiệm xử lý vụ Thủ Thiêm cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, thì vào năm nay có thể ông Phúc đã được ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng từ giường bệnh nhắc nhở, hoặc chính ông Phúc và cấp phó là Trương Hòa Bình đang muốn lấy điểm chính trị, trong bối cảnh nội bộ đảng cầm quyền đang dần nóng rẫy cuộc đua tranh được giới thiệu nhân sự vào Bộ chính trị cho đại hội 13, mà khả năng nhiều khung nhân sự đó sẽ phải hoàn thành tại Hội nghị trung ương 12 sẽ diễn ra vào cuối năm 2019.
Tình hình trên, cùng những biến động nội hàm của bàn cờ chính trị, đang khiến cho ‘bè lũ ăn đất Thủ Thiêm’ gần với ‘cẩu đầu trảm’ hơn bao giờ hết. Giờ đây, chủ thể tấn công vụ Thủ Thiêm không chỉ là Ủy ban kiểm tra trung ương như năm 2018, mà còn xuất thế từ phía những cơ quan chống tham nhũng của chính phủ.
Thế ‘song kiếm hợp bích’ đang hình thành.
Trong bối cảnh đó, rất nhiều người cho rằng không thể là ngẫu nhiên khi Lê Thanh Hải chợt xuất đầu lộ diện - ngay sau khi Thanh tra chính phủ thông báo kết luận thanh tra về vụ Thủ Thiêm - trong "Hội Thảo Khoa Học 50 năm thực hiện di chúc thiêng liêng của chủ tịch Hồ Chí Minh" do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh của Nguyễn Thiện Nhân tổ chức…
"Hãy đối xử với bị cáo như một con người !" ?
Kẻ quyền biến một thời ấy một lần nữa đã xoay sở để được ‘lên lớp’ : ‘còn có một bộ phận cán bộ đảng, đảng viên dao động về phẩm chất chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa ", suy thoái, sa sút về phẩm chất đạo đức…" - như một hành động công khai thách thức công luận và lương tâm xã hội.
Nhưng cũng không ít người nhắc lại một câu chuyện gần tương tự về Trương Minh Tuấn - cựu bộ trưởng thông tin và truyền thông. Cho đến đầu năm 2019, ngồi trên cái ghế mới Phó trưởng ban tuyên giáo trung ương, Trương Minh Tuấn vẫn nghiễm nhiên là tác giả của một cuốn sách về ‘chống diễn biến hòa bình’ và vẫn răn dạy báo chí về ‘học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, ông ta đã chính thức được ‘mời ở lại’ sau một lần bị triệu tập đến trại giam Bộ Công an - chỗ dừng chân không thể thiếu trước khi ra tòa nhận án ‘bóc lịch’.
Rồi không biết là vô tình hay hữu ý, chỉ vài ngày sau khi hiện ra ‘tấm gương đạo đức’ Lê Thanh Hải, em ruột ông ta là Lê Tấn Hùng đã không những bị Bộ Công an trực tiếp bắt mà còn bị di lý ra Hà Nội trong cùng ngày, phát ra một thông điệp vỗ mặt về việc ‘trung ương’ không hề tin tưởng các cơ quan điều tra và tư pháp của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh - vốn vẫn còn đầy rẫy người của ‘anh Hai Nhựt’ cài cắm trong suốt 15 năm thống trị.
Cho đến giờ phút này, kịch bản vụ Thủ Thiêm chìm xuồng là gần như không thể. Vấn đề còn lại chỉ là Lê Thanh Hải và nhóm quan chức cao cấp ‘ăn đất’ trong Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phải chịu hậu quả đến mức nào - xử lý kỷ luật đảng hay sẽ theo chân Đinh La Thăng để phải gào lên trong một phiên tòa lịch sử "Hãy đối xử với bị cáo như một con người !"…
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 08/07/2019
Mục sư Nguyễn Hồng Quang, một người dân oan tại Thủ Thiêm và từng đi khiếu kiện tại Hà Nội, xác nhận với chúng tôi việc tài trợ tiền cho bà con về là có nhưng vì nguyên nhân khác chứ không phải vì lời hứa đối thoại có thể diễn ra vào cuối tháng.
Người dân bức xúc và khu đô thị mới Thủ Thiêm. RFA Edited
"Bà con Thủ Thiêm liều chết, 4g sáng tới nhà ông Nguyễn Phú Trọng, văn phòng Chủ tịch nước kêu oan rồi ông Trương Hòa Bình, Nguyễn Xuân Phúc, Thanh tra Chính phủ kêu oan hơn 2 tháng rồi, chặn xe lao ra đường, xô xát rồi lực lượng an ninh va chạm với người dân Thủ Thiêm nên với cảnh như vậy họ bực mình nên chỉ đạo thành phố ra đưa về và Ban Tiếp công dân có trách nhiệm tiếp, cho về thôi chứ còn giải quyết vấn đề thủ thiêm thì nói hoài nói hoài cũng không giải quyết được gì."
Một cư dân khác tại khu vực Thủ Thiêm, quận 2 nhận định vụ việc.
"Hồi trước tết Thanh Tra Chính phủ ra thì họ đòi đối thoại thì bây giờ người ta đã cho cuối tháng 7 này sẽ có đối thoại, đi lên cùng tranh luận ai trong ranh và ngoài ranh, ai trong để qua bên, ngoài một bên và phải có bằng chứng, dẫn chứng đầy đủ thuyết phục nhưng theo chị nó cũng vậy thôi vì đã 1 lần kết luận và 1 lần khẳng định rồi."
Ông Nguyễn Thiện Nhân Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từng hứa có kết luận và giải quyết cho người dân Thủ Thiêm dứt điểm vào tháng 11/2018. Ông này từng khẳng định những hộ gia đình nào nếu không nằm trong ranh qui hoạch của dự án thì không phải di dời đi đâu cả, và ông kêu gọi người dân Thủ Thiêm ủng hộ thành phố vì thành phố không gạt dân, thành phố muốn người dân trước mắt có cuộc sống tốt hơn.
Lời hứa hẹn gần đây vào hôm 19/6 tại buổi tiếp xúc cử tri Thủ Thiêm do ông Phan Nguyễn Như Khuê, phó đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố, đưa ra. Nguyên văn lời ông này là "Giải quyết chậm ngày nào là có tội với dân ngày đó, chúng tôi nhận rõ trách nhiệm của mình. Tổ đại biểu đã trao đổi liên tục với Tổng Thanh tra Chính phủ. Tôi tin là cuối tháng 6 sẽ công bố kết luận thanh tra về Thủ Thiêm".
Ông Hồ Tấn Thiện, một trong số người đại diện cho bà con Thủ Thiêm cho biết ý kiến về những lời hứa từ phía lãnh đạo thành phố.
"Hứa lần này không biết bao nhiêu lần rồi, chưa có tin đâu tại vì hai lần kết luận của thanh tra chính phủ không đề cập đến đơn tố cáo khiếu nại của bà con chúng tôi. trong hai lần thanh tra không có lần nào tiếp xúc với bà con để lấy chứng cứ ai đúng ai sai, cái này chỉ kết luận 1 phía bên chính quyền, lấp liếm, lừa lọc hứa hẹn hết lần này đến lần khác. Gia đình tôi sống trên mảnh đất với hai mươi mấy nhân khẩu, 6 hộ khẩu, 6 căn nhà bị đập sạch tôi chưa lấy một xu, chưa ký một tờ giấy lộn và chưa nhận 1 ngàn và nhiều năm nay tôi tốn hơi bị nhiều tiền để đi tố cáo khiếu nại. Hứa thì dân nghe thì mừng, nghe thì khoái, nghe thì thích nhưng thật chất lời hứa này chưa chắc giải quyết thấu đáo cho bà con."
Đồng thời, ông Thiện khẳng định việc chính quyền công bố sai phạm, xử lý cán bộ nhà nước trong kết luận của Thanh Tra Chính Phủ đưa ra hôm 26 tháng 6 là việc của cơ quan công quyền, còn phía người dân chỉ mong quyền lợi chính đáng được giải quyết.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang chỉ rõ cách thức cần thực hiện trong vụ dân Thủ Thiêm khiếu kiện về đất đai.
"Rất nhiều lần chính quyền hứa nhưng không thực hiện lời hứa, chỉ cần một cuộc họp nếu chính quyền quyết tâm một lời hứa thì chính quyền giải quyết vấn đề khu đô thị mới Thủ Thiêm trong vòng 1 nốt nhạc, tích tắc là xong. Không phải vì tiền mà là vì bao che lẫn nhau né tránh lẫn nhau không chịu xử lý thôi chứ hứa nhiều lần rồi, đừng dùng kế hoãn binh kéo dài thời gian nữa chỉ cần hứa một lần thôi."
Ông Hồ Tấn Thiện nhắc lại cách mà chính quyền thành phố Hồ Chí Minh thực hiện lâu nay trong vụ kiện của dân Thủ Thiêm :
"Những lần hứa hẹn chỉ đưa ra hướng thôi chứ chưa có một lần nào được giải quyết, chưa một lần nào mời dân họp, họ đưa ra 10 phương pháp để giải quyết nhưng tất cả bà con đều không đồng thuận, đưa vô trong ranh hết mà đưa vô ranh toàn tính ba cái đất tào lao không. Nhiều lần hứa hẹn, bí thư, chủ tịch cũng hứa, rồi xin lỗi lung tung nhiều lắm, chưa có tiếp xúc chỉ có báo chí dư luận xạo xạo mà thôi chứ chưa có tiếp xúc."
Những người dân trong cuộc cho rằng chính vì sự né tránh, không nhìn thẳng vào sai trái nên vụ việc Thủ Thiêm cứ lẩn quẩn với những hứa hẹn mà người dân không còn tin nữa.
Hòa Ái
********************
Thành phố Hồ Chí Minh lại hứa giải quyết cho dân Thủ Thiêm (RFA, 05/07/2019)
Gần 30 người dân Thủ Thiêm ra Hà Nội khiếu kiện về việc bị cưỡng chế dù nhà của họ nằm ngoài ranh qui hoạch đã trở về thành phố Hồ Chí Minh.
Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ trên cao. RFA
Truyền thông trong nước vào ngày 5 tháng 7 dẫn phát biểu của Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp Công dân Trung ương như vừa nêu. Ngoài ra tin còn nói cơ quan này tạm ứng tiền để những người dân Thủ Thiêm ra Hà Nội khiếu kiện mua vé máy bay để về lại thành phố.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang người dân oan tại Thủ Thiêm và từng khiếu kiện tại Hà Nội xác nhận với chúng tôi rằng, việc ban tiếp công dân tài trợ tiền là có.
"Cái đó có, tôi cũng từng ra Hà Nội khiếu kiện và cũng được ứng tiền vé máy bay về, theo thông tin được biết là họ đã được ứng tiền và chắc ngày mai họ sẽ về, đã có thỏa thuận gì đó hoặc biên bản nào đó giữa Trung ương và dân oan Thủ Thiêm sẽ giải quyết như thế nào đó và thường họ sẽ cho một cái biên bản rồi cầm biên bản về đợi."
Ông còn cho hay, Ban tiếp công dân tạm ứng với số tiền khoảng 2 triệu đồng, vừa đủ tiền mua vé máy bay về Thành phố Hồ Chí Minh và một chuyến xe từ Hà Nội ra tới sân bay Nội Bài.
Số gần 30 người dân Thủ Thiêm được cho biết ra Hà Nội khiếu kiện từ ngày 20 tháng 5 khi Quốc Hội Việt Nam khai mạc kỳ họp gần nhất.
Vào ngày 4 tháng 7 UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết vừa có kiến nghị Thanh Tra Chính phủ và Ban Tiếp Công dân Trung ương giải thích, thuyết phục các hộ dân Thủ Thiêm đang khiếu kiện ở Hà Nội về đối thoại với thành phố. Lãnh đạo thành phố cho biết chính quyền thành phố đang phối hợp với Thanh Tra Chính phủ kiểm tra, làm rõ các nội dung của báo cáo thanh tra về dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm để đối thoại với các hộ dân vào cuối tháng 7 này.
Hiện vẫn còn khoảng 115 hộ dân Thủ Thiêm đang ở Hà Nội để khiếu kiện ròng rã nhiều năm nay, Theo truyền thông trong nước.
Hôm 26/6 vừa qua Thanh Tra Chính phủ công bố một báo cáo thanh tra, xác định sai phạm đến 26.000 tỷ đồng tạm ứng liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thanh Tra Chính phủ chuyển kết luận thanh tra đến Uỷ ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu trong kết luận thanh tra.
Tuy nhiên, theo những người dân ở Thủ Thiêm, kết luận của thanh tra vẫn chưa làm rõ những yêu cầu của người dân về việc làm rõ ranh giới khu dân cư nằm ngoai ranh khu đô thị mới Thủ Thiêm, cũng như hành vi đập phá nhà dân nằm ngoài ranh giới này.
Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm được bắt đầu vào đầu những năm 2000 với việc giải toả trắng nhiều khu dân cư. Dự án đã làm ảnh hưởng đến khoảng 16.000 hộ dân và 60.000 người. Nhiều người dân Thủ Thiêm cho rằng chính quyền thành phố đã giải toả sai và đền bù rẻ mạt cho người dân. Vụ việc dẫn đến những khiếu kiện kéo dài của hàng trăm hộ dân suốt 20 năm nay.
Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần tổ chức đối thoại với người dân Thủ Thiêm nhưng đều không thể giải quyết được dứt điểm những yêu cầu, thắc mắc của người dân.
******************
Thành phố Hồ Chí Minh lại hứa giải quyết cho dân Thủ Thiêm (RFA, 05/07/2019)
Gần 30 người dân Thủ Thiêm ra Hà Nội khiếu kiện về việc bị cưỡng chế dù nhà của họ nằm ngoài ranh qui hoạch đã trở về thành phố Hồ Chí Minh.
Một căn nhà ở Thủ Thiêm nằm trơ trọi giữa um tùm lau sậy, ngổn ngang đất đá của nhà cửa đã bị đập phá thời gian qua. RFA
Truyền thông trong nước vào ngày 5 tháng 7 dẫn phát biểu của Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp Công dân Trung ương như vừa nêu. Ngoài ra tin còn nói cơ quan này tạm ứng tiền để những người dân Thủ Thiêm ra Hà Nội khiếu kiện mua vé máy bay để về lại thành phố.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang người dân oan tại Thủ Thiêm và từng khiếu kiện tại Hà Nội xác nhận với chúng tôi rằng, việc ban tiếp công dân tài trợ tiền là có.
"Cái đó có, tôi cũng từng ra Hà Nội khiếu kiện và cũng được ứng tiền vé máy bay về, theo thông tin được biết là họ đã được ứng tiền và chắc ngày mai họ sẽ về, đã có thỏa thuận gì đó hoặc biên bản nào đó giữa Trung ương và dân oan Thủ Thiêm sẽ giải quyết như thế nào đó và thường họ sẽ cho một cái biên bản rồi cầm biên bản về đợi."
Ông còn cho hay, Ban tiếp công dân tạm ứng với số tiền khoảng 2 triệu đồng, vừa đủ tiền mua vé máy bay về Thành phố Hồ Chí Minh và một chuyến xe từ Hà Nội ra tới sân bay Nội Bài.
Số gần 30 người dân Thủ Thiêm được cho biết ra Hà Nội khiếu kiện từ ngày 20 tháng 5 khi Quốc Hội Việt Nam khai mạc kỳ họp gần nhất.
Vào ngày 4 tháng 7 UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết vừa có kiến nghị Thanh Tra Chính phủ và Ban Tiếp Công dân Trung ương giải thích, thuyết phục các hộ dân Thủ Thiêm đang khiếu kiện ở Hà Nội về đối thoại với thành phố. Lãnh đạo thành phố cho biết chính quyền thành phố đang phối hợp với Thanh Tra Chính phủ kiểm tra, làm rõ các nội dung của báo cáo thanh tra về dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm để đối thoại với các hộ dân vào cuối tháng 7 này.
Hiện vẫn còn khoảng 115 hộ dân Thủ Thiêm đang ở Hà Nội để khiếu kiện ròng rã nhiều năm nay, Theo truyền thông trong nước.
Hôm 26/6 vừa qua Thanh Tra Chính phủ công bố một báo cáo thanh tra, xác định sai phạm đến 26.000 tỷ đồng tạm ứng liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thanh Tra Chính phủ chuyển kết luận thanh tra đến Uỷ ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu trong kết luận thanh tra.
Tuy nhiên, theo những người dân ở Thủ Thiêm, kết luận của thanh tra vẫn chưa làm rõ những yêu cầu của người dân về việc làm rõ ranh giới khu dân cư nằm ngoai ranh khu đô thị mới Thủ Thiêm, cũng như hành vi đập phá nhà dân nằm ngoài ranh giới này.
Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm được bắt đầu vào đầu những năm 2000 với việc giải toả trắng nhiều khu dân cư. Dự án đã làm ảnh hưởng đến khoảng 16.000 hộ dân và 60.000 người. Nhiều người dân Thủ Thiêm cho rằng chính quyền thành phố đã giải toả sai và đền bù rẻ mạt cho người dân. Vụ việc dẫn đến những khiếu kiện kéo dài của hàng trăm hộ dân suốt 20 năm nay.
Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần tổ chức đối thoại với người dân Thủ Thiêm nhưng đều không thể giải quyết được dứt điểm những yêu cầu, thắc mắc của người dân.
Vụ Vinashin trải qua 11 lần thanh tra, kiểm toán vẫn chỉ phát hiện những sai phạm "nhỏ lẻ" đến khi rõ sự thật thì hơn 4 tỷ USD của dân thành tro bụi.
Xóm Thủ Thiêm ở Hà Nội.
Từ khi làm nghề báo đến nay tôi tiếp xúc với rất nhiều bản kết luận thanh tra của đủ các cơ quan cục, tổng cục, bộ, ngành, huyện, tỉnh đến trung ương và thấy đa số nội dung được viết rất lủng củng, hỗn tạp,từ ngữ mơ hồ...
Từ đó tôi ấn tượng những người làm nghề thanh tra rất kém về ngôn ngữ, tư duy logic cũng như nghề bác sĩ chữ viết xấu, khó đọc...
Tuy nhiên, thời gian gần đây nhất là qua thư ngỏ của kiến trúc sư Trần Thanh Vân gửi chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận xét bản kết luận thanh tra của thanh tra Hà Nội về vụ Đồng Tâm là "làm rối trí người đọc" rồi đến vụ Thủ Thiêm, ngẫm lại quá khứ tôi khẳng định, chính mình là kẻ ngộ nhận. Những bản kết luận thanh tra kia không phải là sản phẩm của sự ngu dốt về ngôn ngữ, trình bày văn bản hay là thủ đoạn ma giáo, khốn nạn của bọn "phán xét" thiên hạ ?
Qua nhiều vụ thanh tra thì thấy : Khi có vụ việc tham nhũng, sai phạm bị lộ không thể bao che buộc cấp trên phải ra lệnh thanh tra thì ngoài cố tình dây dưa tạo thời gian cho bọn tham nhũng chuẩn bị đối phó, dư luận "nguội dần" rồi "cứt trâu hóa bùn"... thì có vẻ một thủ đoạn nữa của thanh tra là thiết kế bản kết luận thanh tra làm sao để "rối trí người đọc", hạ thấp sự nghiêm trọng của vụ việc, định hướng sang lĩnh vực nhẹ hơn có lợi cho tham nhũng và tất nhiên hành vi ma giáo ấy không phải là vô tư. Nay thử nhìn lại vài vụ như vụ Thủ Thiêm và Đồng Tâm...để xem những ông vua phán xét thiên hạ kết luận thanh tra như thế nào.
Vụ Thủ Thiêm
Nếu xắp xếp các sự kiện : Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh tự tiện thay đổi quy hoạch của chính phủ đến việc đồng loạt "mất bản đồ" quy hoạch "gốc" từ trung ương đến các sở, ngành, địa phương, rồi cưỡng chế các gia đình trong 160 ha, 4,3 ha "ngoài ranh" để chiếm đất vàng, biển thủ ngân quỹ đền bù, giao đất vàng không đấu thầu với giá rẻ mạt, tăng giá làm đường lên tận "mây xanh"... để nhà đầu tư thu lợi bất chính khổng lồ, thiệt hại cho dân, cho nước vô bờ bến... thì thấy cả một kế hoạch cướp bóc, vơ vét hết sức tinh vi,tàn bạo, liều lĩnh của bè lũ tham nhũng từ trung ương đến địa phương.
Vụ tham nhũng có tổ chức này đã giảm thiệt hại nếu ngay từ đầu "tai, mắt"chính phủ không nhùng nhằng, lấp lửng rồi đình chỉ thanh tra năm 2015. Không hiểu lãnh đạo chính phủ thời đó thông đồng với chúng hay họ bị lừa để mặc kệ hàng vạn dân sống lang bạt, nheo nhóc, lần lữa thỉnh cầu, kiện cáo vô vọng trong suốt hai chục năm qua.
"Cóc kêu mãi cùng thấu trời", những ngày này các cỡ quan chức không thể làm ngơ lại lệnh thanh tra chính phủ thanh tra vụ Thủ Thiêm một lần nữa và dù giữa "thanh thiên bạch nhật"hàng nghìn, vạn, triệu... con mắt đỏ dồn, tiếng oan "dậy đất", trong các cuộc tiếp xúc với dân cán bộ bị sỉ vả, ném dép vào mặt nhưng bản kết luận thanh tra của chính phủ do Đặng Công Huẩn trưởng đoàn có nội dung vẫn "rất lập lờ, đánh rối con chữ, đánh loãng sai phạm, đánh lận thông tin... nói lan man... con số rất xạo…" (Lời nhà báo Trương Châu Hữu Danh).
Đặc biệt bản kết luận thanh tra không đếm xỉa gì đến nội dung cốt lõi là quyền lợi của người dân, chỉ nhấn mạnh vào số tiền thất thoát phải bồi hoàn và nghênh ngang phán như quan tòa : "trong quá trình xử lý trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra nếu đương sự khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm trước ngày 31/12/2019 thì mới chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra" - một thái độ bao che quá trắng trợn cho vụ lộng hành tham nhũng khủng khiếp. Họ không thể không biết, chỉ riêng việc "đồng loạt mất bản đồ quy hoạch gốc" đã xứng đáng một vụ hình sự nghiêm trọng rồi !
Đọc bản kết luận của Thanh tra chính phủ này máu trong tôi như sôi lên vì sự ngang nhiên giỡn mặt thiên hạ của họ.
Vụ Đồng Tâm
"Nghệ thuật" văn bản kiểu trên cũng thể hiện trong kết luận thanh tra của thanh tra Hà Nội trong vụ Đồng Tâm. Vụ này rất đơn giản : Năm 1980 phó thủ tướng Đỗ Mười cắt 208 ha đất của tỉnh Hà Sơn Bình (nay thuộc ngoại thành Hà Nội) để làm sân bay Miếu Môn trong đó có 47,36 ha thuộc đất xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức với bồi thường hoa màu 150.312 VND. Tuy nhiên, đến nay hơn 38 năm dự án sân bay không thực hiện và đơn vị quản lý D31 quân chủng Phòng không Không quân cho 14 hộ dân thuê đất, làm nhà trong 47,36 ha đó. Năm 2015, 2016 thành phố Hà Nội cùng với doanh nghiệp Viettel cần số đất dự án sân bay để sử dụng và họ nói 59 ha đất cánh đồng Sênh của dân Đồng Tâm liền kể mảnh đất 47,36 ha là "đất quốc phòng" thuộc dự án sân bay Miếu Môn.
Nếu theo pháp luật thì thành phố Hà Nội và Viettel muốn lấy đất quốc phòng sân bay Miếu Môn thì phải xin chính phủ, chính phủ đồng ý thì quân đội giao cho Viettel theo đúng thẩm quyền... Theo đó, căn cứ vào bản đồ, đo đạc cứ lấy của Đồng Tâm 47,36 ha thuộc diện tích sân bay Miếu Môn ở xã Đồng Tâm giao cho Viettel thì không có chuyện gì. Thế nhưng lãnh đạo Hà Nội lại điều động lực lượng vũ trang tranh chấp cánh đồng Sênh của dân Đồng Tâm mà theo bản đồ và nhiều bằng chứng khác nó nằm ngoài diện diện tích đã thu hồi cho sân bay dẫn đến tranh chấp, công an đánh, bắt người trái pháp luật, một vùng quê vốn yên ả mấy năm qua luôn trong tình trạng căng thẳng tột độ.
Bị dân phản ứng quyết liệt, thanh tra Hà Nội đã thanh tra rồi ra bản kết luận thanh tra hết sức kỳ lạ. Họ "đánh tráo" 47,36 ha của xã Đồng Tâm bị cắt làm đất quốc phòng vào 59 ha cánh đồng Sênh. Có sự chớ trêu : Ở khu đất 47,36 ha đất quốc phòng lấy từ xã Đồng Tâm D31 cho 14 hộ dân thuê sản xuất, làm nhà trong đó và ở cánh đồng Sênh 59 ha đất nông nghiệp cũng có 14 hộ dân được các đời lãnh đạo xã, hợp tác xã Đồng Tâm cho họ làm nhà, canh tác, chuyển, nhượng... đã bị dân Đồng Tâm kiện cáo nhiều năm qua...
Thế là bản kết luận thanh tra của thanh tra Hà Nội cứ "trộn" hai khu đất này với nhau rồi đưa nhiều chuyện khác, vụ khác nói lung tung vào văn bản "diện tích đất tăng lên do thi công...hồi trước đo đạc không chính xác.., kiện cáo của dân đang được giải quyết, những cá nhân sai phạm đã hầu tòa…" và những câu cực kỳ vô nghĩa như "toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng..." làm cho người chưa nghiên cứu thật kỹ thì không sao hiểu nổi.
Việc làm "rối trí người đọc" này của thanh tra Hà Nội cũng được sự hậu thuẫn của Thanh tra chính phủ. Ngày 25/4/2019 phó tổng thanh tra chính phủ Nguyễn Văn Thanh đã công bố kết quả "rà soát, kiểm tra kết luận thanh tra tại xã Đồng Tâm..." đã công nhận "Thanh tra Hà Nội thanh tra đúng thẩm quyền, chính xác...".
Đây là hành vi vô trách nhiệm của Thanh tra chính phủ vì họ không hề khảo sát thực tế, gặp gỡ một bên nguyên đơn tranh chấp là nhân dân Đồng Tâm để đối chiếu tài liệu, văn bản, bản đồ, thực địa, xem các giấy tờ, biên lai nộp thuế nông nghiệp từ ngày hợp tác xã đến nay tại cánh đồng Sênh... mà chỉ ngồi trong phòng lạnh bàn bạc với một bên tranh chấp là Thanh tra Hà Nội để khẳng định một kết luận liên quan đến quyền lợi của hàng vạn người dân Đồng Tâm.
Những bản kết luận thanh tra ma giáo không chỉ bao che cho tôi phạm mà những người khiếu nại, thiệt hại cũng rất khó để phản bác thanh minh vớ cơ quan thẩm quyền.
Phải chăng hành vi thiết kế những bản kết luận thanh tra mơ hồ làm "rối trí người đọc", giảm nhẹ sự nghiêm trọng, kéo dài sai phạm... đã góp phần tạo ra những thiệt hại khủng khiếp cho nhân dân ở vô số các vụ tham nhũng. Vụ Vinashin trải qua 11 lần thanh tra, kiểm toán vẫn chỉ phát hiện những sai phạm "nhỏ lẻ" đến khi rõ sự thật thì hơn 4 tỷ USD của dân thành tro bụi.Vậy, còn bao nhiêu vụ như thế nữa, có bao nhiêu quan chức thanh tra giàu cỡ như Trần Văn Truyền, Ngô Văn Khánh... ?
Nguyễn Đình Ấm
Nguồn : VNTB, 06/07/2019
Kết luận Thanh tra Thủ Thiêm vừa được Thanh tra Chính phủ công bố vào chiều ngày 26 tháng 6 năm 2019, trong đó chỉ ra những sai phạm cụ thể ở Thủ Thiêm. Và Thanh Tra Chính Phủ nêu yều cầu là nếu không khắc phục được vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31/12, thì hồ sơ sẽ bị chuyển sang Cơ quan Điều tra.
Bản Kết luận Thanh tra Thủ Thiêm vừa được Thanh tra Chính phủ công bố vào chiều ngày 26/06/2019. RFA Edited
Tuy nhiên, tại sao có sai phạm, nhưng không đề nghị khởi tố vụ án hình sự, mà chỉ nộp lại các khoản thiệt hại ?
Cụ thể theo kết luận của Thanh Tra Chính Phủ, lãnh đạo Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành điều lệ quản lý xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa đầy đủ, kịp thời ; không thực hiện việc lập các dự án theo thứ tự ưu tiên và trình duyệt theo qui định theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, các sở, ngành như Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm… còn sai phạm trong giao đất, cho thuê đất trước khi đầu tư xây dựng hạ tầng, chỉ định nhà đầu tư không đúng quy định…
Với những sai phạm này, Thanh Tra Chính Phủ kết luận, Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh phải thu hồi, hoàn trả ngay khoản tiền hơn 26 ngàn tỷ đồng tạm ứng từ ngân sách nhà nước đã đầu tư vào Thủ Thiêm. Ngoài ra phải sớm có giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp, để trả nợ hơn 4 ngàn tỷ đồng vay từ ngân hàng đã đầu tư cho Thủ Thiêm…
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật - Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, khi trao đổi với RFA qua tin nhắn hôm 1/7/2019 cho rằng, có thể thấy Thanh tra Chính phủ đã phát hiện ra nguyên nhân và hậu quả của sự việc này. Thế nhưng theo luật sư Bình, không hiểu tại sao lại kết luận nếu không khắc phục được các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31/12 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, mà không đề nghị các cơ quan chức năng xem xét khởi tố vụ án hình sự ngay bây giờ luôn.
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, những vị này đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Còn việc khắc phục hậu quả chỉ là tình tiết giảm nhẹ mà thôi. Ông giải thích thêm với RFA qua điện thoại :
"Dựa theo kết luận của thanh tra chính phủ, với sai phạm làm thiệt hại số tiền rất lớn, là một dấu hiện hình sự rõ ràng, nên cần thiết khởi tố vụ án luôn, để bắt tạm giam những người làm ra sai phạm này trong từng thời kỳ như thế nào. Chứ không phải đợi đến ngày 31/12/2019, mới chuyển cho các cơ quan chức năng nếu không khắc phục được hậu quả. Ở đây giả sử, đến thời điểm đó các đối tượng sai phạm này bỏ trốn thì sẽ như thế nào. Lúc này trách nhiệm sẽ thuộc về ai ? Và tôi nghĩ nhất thiết phải cần các biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc các biện pháp tạm giam tạm giữ khác để đảm bảo thi hành án".
Luật sư Bình cho rằng, số tiền thất thoát và thiệt hại cho ngân sách Nhà nước trong vụ Thủ Thiêm là rất lớn, cho dù đến 31/12 thì có thể cũng sẽ không bao giờ truy thu được. Hơn nữa hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 357 Bộ luật hình sự và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 360 là quá rõ ràng, không thể chối cãi được. Giả sử bằng cách nào đó, đến thời điểm 31/12/2019 mà mọi chuyện đều được khắc phục êm đẹp thì liệu vụ việc này sẽ không ai bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay sao ?
Đô thị mới Thủ Thiêm chụp từ trên cao Photo : RFA
Tuy nhiên, khi trao đổi với RFA từ Sài Gòn hôm 1/7 liên quan vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng kết luận của Thanh tra Chính phủ không trái trình tự pháp luật :
"Trong Điều 357 Bộ luật hình sự, có một cái tội là lạm quyền trong khi thi hành công vụ, tội này quy định người nào vụ lợi hay động cơ cá nhân khác, mà vượt quyền hạn của mình, làm trái công vụ, gây thiện hại từ 10 triệu đến dưới 100 triệu hoặc gây thiệt khác đối với nhà nước cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân, thì phạt tù từ 1 đến 7 năm. Luật cũng quy định mức hình phạt này sẽ tăng lên theo định lượng của số tiền vi phạm. Tuy nhiên, luật hình sự quy định, nếu người nào gây thiệt hại bằng tiền và khắc phục hậu quả đó, thì đây là tình tiết giảm nhẹ. Còn không khắc phục sẽ xử lý hình sự. Đó chính là đề nghị của Thanh tra chính phủ trong vụ Thủ Thiêm. Nên tôi cho rằng nếu không khắc phục thì phải xử lý theo điều luật tôi vừa nói".
Theo điều 357 Bộ luật hình sự 2015, có hiệu lực ngày 01/01/2018, và sửa đổi năm 2017, ngoài những điều luật mà luật sư Hậu vừa nêu, thì nếu phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng.
Khoản 3, điều 360 Bộ Luật hình sự 2015 quy định, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376, thì người có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 7 đến 12 năm.
Trong khi sai phạm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm gây thiệt ngân sách lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, thì lo lắng của Luật sư Diệp Năng Bình không phải là không có căn cứ.
Theo luật sư Bình, ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm cá nhân, ai đặt bút ký, ai chi sai, ai làm thất thoát ngân sách nhà nước, thì người đó phải chịu trách nhiệm, chứ không phải tập thể. Hoặc nếu một tập thể làm sai thì phải chịu trách nhiệm hết một tập thể. Ông nói tiếp :
"Tôi vẫn sợ thời gian qua, các đối tượng có chức có tiền, khi khởi tố vụ án thì đã cao chạy xa bay, gây bức xúc dư luận rất nhiều. Theo tôi phải có biện pháp, nhất định không để như Trịnh Xuân Thanh hay vụ Nhật Cường Mobile ở Hà Nội. Cần xử lý nghiêm để bảo đảm thi hành án".
Ông Cao Văn Ca, cư dân phường Bình Khánh, Quận 2, cũng là một dân oan mất đất ở Thủ Thiêm, khi trao đổi với RFA hôm 1/7/2019, đưa nhận định liên quan đế vấn đề này :
"Đó là điều hoàn toàn phi lý, kết luận như vậy là cố tình vi phạm rồi, cố tình chà đạp luật pháp rồi, cố tình coi thường luật pháp để tư lợi, cái đó là đủ khởi tố rồi, khởi tố rồi mới khắc phục hậu quả. Giờ mà khắc phục hậu quả rồi tính tha cho họ sao ? Chuyện đó là không thể chấp nhận được, người dân chúng tôi rất bức xúc, chúng tôi yêu cầu chính phủ phải khởi tố liền, bắt tạm giam liền".
Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, nếu không có biện pháp nghiêm ngặt với những cá nhân vi phạm trong vụ Thủ Thiêm, nếu họ bỏ trốn thì lòng tin của người dân đối với nhà nước sẽ bị xói mòn nghiêm trọng.
Hơn 20 năm qua, nhiều hộ dân tại Thủ Thiêm bị di dời mà không được bồi thường một cách hợp lý, chưa kể trong đó rất nhiều người bị cưỡng chế lấy nhà mà không được đền bù, khiến họ rơi vào thảm cảnh. Người dân Thủ Thiêm đã nhiều lần khiếu nại từ cấp thành phố đến trung ương, nhưng chỉ nhận được hứa hẹn của các vị lãnh đạo. Cho đến cuối tháng 6 năm 2019, thanh tra chính phủ có công bố kết luận sai phạm tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, tuy nhiên cũng chưa có thông tin gì liên quan việc đền bù thiệt hại cho người dân Thủ Thiêm.
Trung Khang
Nguồn : RFA, 01/07/2019