Hơn hai mươi năm qua, dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã đẩy người dân tại đây trở thành tha phương cầu thực. 14.600 hộ dân với hơn 60.000 nhân khẩu đã dời đi để nhường chỗ cho siêu dự án này. Những lời hứa mật ngọt ban đầu đã khiến không ít người hy vọng có cuộc sống tươi đẹp hơn khi được là công dân của Khu Đô thị mới vì nhà nước hứa sẽ dành riêng 160 hecta để cất nhà cho những gia đình bị giải tỏa. Họ chưa kịp vui thì tin… buồn ập tới, họ không được phân lô trong khu vực của Đô thị mới Thù Thiêm mà được UBND thành phố cấp một ít tiền hỗ trợ để mua đất tái định cư tận trên Bình Trưng, Cát Lái, Thạnh Mỹ Lợi và Nam Rạch Chiếc, cách xa quê quán của họ hơn mười cây số.
Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay sức chứa quá nhỏ. Ảnh : TL
Người dân Thủ Thiêm lúc ấy nhận được mức đền bù 18.380.000 VND một mét vuông vào năm 2009, và họ cay đắng khi biết được rằng chủ đầu tư có đất của họ đã bán lại với giá 350 triệu đồng một mét vuông. Cảm giác bị bóc lột tận xương trên con đường luân lạc đeo đẳng hơn 20 năm, sự uất ức đè nặng lên từng gia đình cho dù họ có cố tìm quên trong đời sống mới.
Hàng trăm hộ không chấp nhận sự bóc lột tàn tệ đã bám trụ lại và bị dồn vào những căn nhà ổ chuột để chờ đợi. Chờ đợi gì sau bao năm mòn mỏi khiến họ quên mất, cái họ đang sống cùng là những căn nhà không thể gọi là nhà, nó có 20 m2 cho một hộ gia đình có đến 8 tới 10 nhân khẩu. Ai đã từng xem phim Slumdog Millionaire (Triệu phú ổ chuột) của Ấn Độ sẽ hiểu thế nào là khu ổ chuột, nhưng cái khác nhau là tại Ấn Độ người nghèo vì nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân bị chính quyền lấy đất và đẩy họ vào sống tại khu ổ chuột thì hoàn toàn không có.
Đất Thủ Thiêm đã có người tự sát vì oan ức, đã có hàng chục người trở thành mất trí vì uất hận, đã có hàng trăm người bỏ công ăn việc làm chỉ để đi khiếu kiện, ngay cả ra tận Hà Nội họ cũng chấp nhận vì họ hiểu rằng phía sau những tờ giấy mà họ nhận được từ chính quyền thành phố là những âm mưu, những trò lách luật, những ve vuốt lẫn hăm dọa trên chữ nghĩa phải được trả lại sự thật. Họ tin vào một điều gì rất mơ hồ, không phải là Đảng mà nhiều gia đình Thủ Thiêm từng bảo bọc, không phải là niềm tin Cách mạng mà cách đây hơn 40 họ gắn bó. Họ khiếu kiện vì biết chắc chắn bị bọn cường hào đỏ áp bức, mà bị áp bức thì phải tranh đấu, đó là thuộc tính của con người.
Hầu như năm nào thì vụ Thủ Thiêm cũng được mang ra mổ xẻ nhằm làm dịu cơn đau của những nạn nhân mất đất. Mỗi lần như vậy người dân lại thấy thêm một thủ thuật của chính quyền trong vấn đề hứa hẹn. Đại biểu Quốc hội đơn vị Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, người gắn bó với vụ án Thủ Thiêm không phải vì sự oan khuất của họ mà bởi bà là chiếc loa của thành phố, gần như phát ngôn viên chính thức về mọi vấn đề mà thành phố đưa ra.
Chiều ngày 9 tháng 5 năm 2018 có lẽ là buổi chiều mà người dân Thủ Thiêm nhớ đời sau hơn 20 năm lặn lội kêu gào trả lại công lý cho họ. Lần đầu tiên trong gần 7 tiếng đồng hồ, hàng chục người dân đã nhìn thẳng vào mặt chủ tọa đoàn tra vấn về những gì mà UBND thành phố đã cướp đoạt bất hợp pháp tài sản của họ. Hàng chục phụ nữ khóc lóc như gia đình có người lìa trần chỉ để hỏi bà Nguyễn Thị Quyết Tâm tại sao bao nhiêu năm rồi mà đơn thư của họ không được giải quyết. Có người bất tỉnh trong buổi chất vấn, có người dứ nắm đấm vào mặt những người đại diện cho chính quyền, nói chung, khi xem lại video do VTC thực hiện người xem cảm nhận rất rõ mảnh đất Thủ Thiêm hôm nay thấm đẫm oan khuất đến mức nào.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm như thường lệ, không tỏ vẻ bối rối trước sự giận dữ của đám đông quần chúng. Không những thế bà còn "tâm sự" : "Cô bác hỏi có day dứt không, xin thưa là tôi rất day dứt. Nghe cô bác nói vậy, xót lắm. Chính quyền giải quyết vấn đề lớn mà cô bác chưa đồng tình và khiếu nại, nghĩa là còn tin chúng tôi. Tôi cam đoan khi nào còn một ý kiến phản ánh thì vẫn còn đeo bám giải quyết vấn đề ở Thủ Thiêm".
5 tháng sau ngày bà phát biểu về ý nghĩa của hai chữ day dứt, chưa người dân Thủ Thiêm nào nhận được tờ giấy có chữ ký của bà cho biết vụ Thủ Thiêm đã được tiến triển tới đâu. 5 tháng sau ngày ấy là một sự chờ đợi mỏi mòn của người mất đất, và hôm nay bà Quyết Tâm đã qua báo chí cho biết bà hoàn toàn ủng hộ dự án xây Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.
Bà ủng hộ vì theo bà, người dân Khu đô thị mới Thủ Thiêm rất cần nhà hát Giao Hưởng này.
Không khó để nhận ra "Quyết Tâm" tên của bà, từ nay đã trở thành "Nhẫn tâm" dưới mắt người dân. Không những tại Thủ Thiêm mà trên khắp nước, bởi nơi nào người dân còn tấm lòng thiện lương sẽ phát hiện ngay sự nhẫn tâm của bà trong câu nói tưởng chừng rất "vô tội vạ" cốt đánh bóng, tuyên truyền cho nhà nước một dự án như hàng ngàn dự án vô bổ khác trên khắp đất nước này.
Nước mắt và tiếng than khóc của người dân Thủ Thiêm đã và sẽ còn ám ảnh cho bất cứ ai nhớ tới. Trong cái nhà hát đạt tiêu chuẩn quốc tế ấy có tiêu chuẩn nào được tính cho sự ác độc, tàn bạo của kẻ cầm quyền hay không ?
Người dân nào sẽ vào cái nhà hát "Giao hưởng" ấy khi nó mọc lên từ hoang tàn của lòng nhân đạo và nỗi ám ảnh bị cướp bóc còn hằn sâu trong lòng người mua vé vào xem.
Người Cộng sản xem ra rất phù hợp với hai câu thơ khuyến khích những hoạt động cách mạng trong xu thế hiện đại :
"Bất nhân nào cũng vượt qua
Nhân dân nào cũng đánh thắng"
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 08/10/2048 (canhco's blog)
Cựu bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải có mặt tại lễ Quốc tang ở Hà Nội và cả Ninh Bình trong buổi chiều hạ huyệt vần vũ mưa. Nếu sắp tới đây ông Nguyễn Thiện Nhân lại ra Bắc, liệu ‘bố già’ Hai Nhựt (tên thường gọi của ông Lê Thanh Hải) có phải cam chịu làm củi đốt lò đang dần nguội lạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ?
Chân dung cựu Phó Chủ tịch TPHCM Nguyễn Hữu Tín vừa bị khởi tố. Ảnh : cafeF
Giới luật sư có thân chủ là những dân oan bị ‘bố già’ Hai Nhựt cướp đất ở bán đảo Thủ Thiêm, đang lo lắng rằng liệu với xáo trộn nhân sự đàng sau hậu trường chính trị vào tháng 10 cận kề, liệu vụ Thủ Thiêm lại bị xếp xó như suốt hơn hai mươi năm qua ?
Sếp của ông 'anh Năm Tín' là ai ?
Cựu phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín đang đối mặt pháp lý trong vụ án Vũ ‘nhôm’. Nói luôn, ông sếp ở thời quyền uy hét ra lửa đó của ông Nguyễn Hữu Tín chính là ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ tháng 5 năm 2004 đến tháng 12 năm 2008, ông Nguyễn Hữu Tín là Thành ủy viên, phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, từ tháng 10 năm 2001 đến tháng 4 năm 2004, ông Tín là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 5-2004, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải đã ‘rút’ ông Tín lên làm phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong giới làm ăn, người ta hay gọi ông Nguyễn Hữu Tín là ‘anh Năm’
Trung tuần tháng 11/2013, ‘anh Năm’ đã đặt bút ký quyết định giao 375.757m2 ‘đất sạch’ [đất đã giải tỏa xong] không thu tiền sử dụng đất, thuộc quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh để đầu tư xây dựng bốn tuyến đường chính trong Khu đô thị này theo hình thức hợp đồng BT (Build - Transfert) : Đại lộ vòng cung (tuyến R1) có diện tích đất là 175.721,6m2 ; đường ven hồ trung tâm (tuyến R2) có diện tích 79.218m2 ; đường ven sông Sài Gòn (tuyến R3) có diện tích 81.956,5m2 ; đường vùng Châu thổ, đường Châu thổ, đường ven sông - khu dân cư (R4) có diện tích 38.860,9m2.
Chiều dài 4 tuyến đường là 11,9km, tổng đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Như vậy, trung bình 1 km làm đường tiêu tốn 1.000 tỷ đồng, mức đầu tư 'kỷ lục' chưa từng có tại Việt Nam.
Bánh ít đi, bánh quy lại. Ông Nguyễn Hữu Tín đồng ý sẽ cấp cho công ty Đại Quang Minh phần đất có diện tích gần 79 ha đóng trên địa bàn phường Thủ Thiêm và phường An Lợi Đông. Khi đó, hiện trạng phần đất được cấp này đang sử dụng để xây dựng dự án trọng điểm, là xương sống nằm trong tổng thể dự án Khu đô thị Sala, nơi có giá nhà đất đắt đỏ nhất hiện nay...
Giới làm ăn chắt lưỡi nói rằng, 4 tuyến đường được định giá xây dựng như vậy tưởng chừng là siêu đắt ; tuy nhiên, bản thân hiện trạng các tuyến đường ấy - có thể thấy chủ yếu phục vụ cho khu đô thị Sala. Cũng chính nhờ các tuyến đường đó, mỗi mét vuông đất tại khu đô thị trên được "đội giá" lên theo thời gian.
Trong thương vụ này, xem ra Đại Quang Minh được ông Nguyễn Hữu Tín ưu ái. Dĩ nhiên sự ưu ái ấy trước tiên cần phải nhận được sự gật đầu của ‘bố già’ Hai Nhựt, đương kiêm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (ông Lê Thanh Hải làm Bí thư Thành ủy suốt hai nhiệm kỳ liền kề).
Những con rối trong tay ‘bố già’ Hai Nhựt ?
Công bằng mà nói, với thế lực danh gia bên vợ của ông Lê Thanh Hải, gần như toàn bộ cấp phó (tính luôn cả chủ tịch Lê Hoàng Quân) thời mà ‘bố già’ Hai Nhựt làm vua một cõi ở Sài Gòn, đều dính tới những tố cáo về sai phạm trong quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dĩ nhiên những tình tiết này không hề được Thanh tra Chính phủ nhắc đến trong "kết luận kiểm tra" công bố hồi đầu tháng 9/2018.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Lê Thanh Hải và ông Võ Văn Thưởng
Trong vụ quy hoạch Thủ Thiêm, đầu tháng 6 năm 2007, ông Nguyễn Hữu Tín, phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã tách bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư thành dự án riêng bằng Quyết định số 2466/QĐ-UBND ký ngày 5/6/2007. Quyết định này xác định, tổng diện tích đất thu hồi là 772,3 ha với tổng số 10.406 hộ gia đình và 47 cơ quan đơn vị, trụ sở hành chính, 14 trường học, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Trong khi đó, đối với khu đất nằm ngoài ranh dự án khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm, ngày 17/1/2008, phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín ký ban hành Quyết định 222/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 để làm Khu đô thị chỉnh trang kế cận Khu đô thị mới Thủ Thiêm với diện tích gần 336 ha, bao gồm 80 ha chỉnh trang đô thị. Đến đây, 80 ha vốn không thuộc ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã "hợp thức hóa" vào Khu đô thị chỉnh trang kế cận.
Nói thêm, 28 dự án phân lô, bán nền nằm trong khu vực 80 ha chỉnh trang, chính là một phần trong số 160 ha đất tái định cư của dân đã bị xẻ thịt, chia phần cho các công ty tư nhân.
Thật ra những diễn biến về chuyện ban hành các văn bản pháp lý nói trên của ông Nguyễn Hữu Tín, hay Nguyễn Văn Đua, Nguyễn Thành Tài vẫn là nhằm để thực hiện theo kịch bản của ‘bố già’ Lê Thanh Hải – một người rất khôn ngoan, khi hiếm hoi đặt bút ký những quyết định liên quan trực tiếp tới quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm.
Hồ sơ vụ việc cho thấy ngày 22/3/2002, Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh phát hành Công văn đánh số 78/TB-VP, đóng dấu ‘hoả tốc’, truyền đạt ý kiến kết luận của ông Lê Thanh Hải như sau : "Xác định diện tích đất dành cho tái định cư phục vụ đền bù giải toả cho khu đô thị mới Thủ Thiêm phải đảm bảo đủ 160 ha theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, không nhất thiết tập trung ở một địa điểm, có thể bố trí từ 3 đến 4 địa điểm trên địa bàn quận 2".
Công văn hỏa tốc về ‘lệnh miệng’ này là cái cớ để hợp thức hóa về mặt ‘đánh lận con đen’ trong pháp lý cho việc băm nát, thay đổi hoàn toàn so với quy hoạch chi tiết mà trước đó UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã thuê công ty SASAKI thiết kế và được Bộ Xây dựng thẩm định.
Với ‘lệnh miệng’ nói trên, khu tái định cư của người dân đã bị "đánh bật" ra khỏi quy mô 930 ha đã được chính phủ phê duyệt. Điều đó đồng nghĩa với việc ông Lê Thanh Hải tự quyền điều chỉnh cả về quy mô và phạm vi quy hoạch, trái với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 367/TTg.
Và nói như lời than oán của mấy trăm gia đình là nạn nhân trong chuyện quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm, chính ông Lê Thanh Hải và phe nhóm chống lưng ông ta ở cấp Trung ương, đã phá vỡ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm ngay từ trong trứng nước.
Dư luận đồn đoán ông Trần Đại Quang có liên can trong vụ Vũ ‘nhôm’ mà ‘anh Năm’ Nguyễn Hữu Tín đang đối mặt tố tụng hình sự. Trong những gương mặt đến dự lễ Quốc tang vừa rồi, trên khuôn hình trực tiếp VTV, liệu có sự hiện diện của ai đó đã giúp ‘bố già’ Lê Thanh Hải một tay che trời : ông Ba Dũng, bà Bảy Thư… ?
Trần Thành
Nguồn : VNTB, 29/09/2018
Hai hiện tượng vừa tương đồng vừa "bất đồng" vừa diễn ra cùng lúc tại "mặt trận Thủ Thiêm" ở Sài Gòn.
Từ ‘đánh giả’ đến ‘đánh thật’
Ngay sau ngày 7 tháng Chín năm 2018 là thời điểm cơ quan Thanh tra Chính phủ chính thức công bố kết luận kiểm tra vụ khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhiều tờ báo nhà nước một lần nữa đồng loạt đăng tải không chỉ tin tức về bản kết luận kiểm tra này mà còn viết bài mổ xẻ nhằm truy cứu trách nhiệm của những cơ quan và quan chức trong giới lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều dấu hiệu và biểu hiện "ăn đất". Hiện tượng này là rất tương đồng với làn sóng báo chí ồ ạt đăng tải rất nhiều tin bài về Thủ Thiêm vào đầu tháng Năm năm 2018 ngay sau khi tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm bất ngờ bị vài phóng viên phát hiện là đã không cánh mà bay trong suốt nhiều năm trời.
Tuy thế, cuộc "khởi nghĩa Thủ Thiêm" của báo chí nhà nước vào tháng Năm năm 2018 đã chỉ tồn tại trong vỏn vẹn một tuần lễ. Sang tuần thứ hai, như bị một nốt giáng đột ngột, bản giao hưởng Thủ Thiêm bất thần biến mất khỏi mặt báo nhà nước. Khi đó, nhiều thông tin cho biết chính Ban Tuyên giáo trung ương của Ủy viên Bộ Chính trị Võ Văn Thưởng – nhân vật mà vào tháng Năm năm 2017 từng hé ý muốn "đối thoại với những cá nhân bất đồng" nhưng lại tuyệt đối câm lặng từ đó đến nay – đã chỉ đạo báo chí phải "câm miệng" vụ Thủ Thiêm.
Lê Thanh Hải bị người dân và cả một số công chức gọi là "Hải Heo", là một trong những kẻ bị dư luận xã hội căm ghét nhất và lên án nhiều nhất. (Hình : Báo Thanh Niên)
Cũng vào thời gian trên đã dậy lên nghi ngờ của người dân nghi ngờ về một "bí mật cung đình" không hẳn là thuyết âm mưu : sau khi đã có kết quả kiểm tra hoặc thanh tra và được báo chí đồng loạt lên tiếng tạo thành một cơn địa chấn đủ mạnh trong lòng xã hội, một thế lực chính trị – lợi ích nào đó sẽ lấy kết quả đó để tống tiền và ngã giá với những quan chức sắp bị tống vào "lò". Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc đó, lối thoát duy nhất của những quan chức tham nhũng là phải "ói ra", tức phải nhả ra nhiều lô đất vàng tại khu vực Thủ Thiêm cho nhóm lợi ích mới với giá cực thấp hoặc "cho không".
Nếu chịu "ói ra", sẽ chẳng có quan chức "ăn đất" nào phải trả giá, hoặc cùng lắm chỉ bị "cách hết mọi chức vụ trong quá khứ" như một động tác ma mị đối với dân chúng. Và cũng chẳng có đồng tiền bồi thường nào đến tay dân oan, mà tất cả sẽ chui vào túi của những kẻ tống tiền. Người dân cũng nghi ngờ phải chăng vào khoảng thời gian báo chí bị "khóa miệng", một nhóm quyền lực – lợi ích mới đang bí mật đàm phán với nhóm quyền lực – lợi ích cũ để "chuyển giao với giá rẻ" một phần lớn hoặc toàn bộ đất vàng ở Thủ Thiêm ?
Mối nghi ngờ trên càng trở nên có cơ sở khi kết luận thanh tra Thủ Thiêm đã nhiều lần bị giấu biến mà không công bố, mà trong khoảng thời gian gần đây nhất đã hai lần bị hoãn công bố sau thời điểm cam kết ngày 15 tháng Sáu và ngày 15 tháng Bảy.
Cũng vào thời gian trên, song song với một bản báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mà nội dung của nó là hoàn toàn vô trách nhiệm, không thừa nhận bất kỳ sai phạm nào trong vụ Thủ Thiêm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một kết luận chỉ đạo về vụ Thủ Thiêm, trong đó ông Phúc dường như đã cố tình bỏ qua việc làm rõ tính pháp lý của Quyết định 367 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm vào năm 1996 và quyết định ký vượt quyền của Phó Chủ tịch chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua vào năm 2005 khi "thay thế" Quyết định 367 trên. Ông Phúc cũng tỏ thái độ rất lập lờ khi chấp nhận 99% diện tích giải tỏa của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, tức chấp nhận cả phần ít nhất 140 đất giải tỏa lố mà đã đẩy đuổi cưỡng chế hàng chục ngàn người dân khỏi mảnh đất sinh nhai duy nhất của họ. Ông Phúc cũng hoàn toàn không đề cập một từ nào về sự biến mất vô cùng khó hiểu của tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm được phê duyệt vào năm 1996. Ông Phúc lại chỉ dùng từ "sai sót" đối với trách nhiệm của giới quan chức Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi vụ Thủ Thiêm có quá nhiều dấu hiệu của hành vi "cố ý làm trái" và tham nhũng…
Nguyễn Văn Đua bị "tố" là đã ký một quyết định về quy hoạch Thủ Thiêm mà đã vượt quyền khi phủ nhận cả quyết định trước đó của thủ tướng chính phủ. (Hình : Youtube)
Nhưng đến đầu tháng Chín năm 2018, hiện tượng có vẻ lạ lùng là bản kết luận kiểm tra vụ Thủ Thiêm của thanh tra chính phủ với tinh thần "được sự đồng ý của thủ tướng", đã như thể lột xác, trở thành bản kết luận kiểm tra chi tiết nhất trong toàn bộ lịch sử 15 năm ròng rã khiếu nại của hàng ngàn người dân Thủ Thiêm, tuy vẫn không có một cái tên quan chức sai phạm nào được nêu ra trong kết luận kiểm tra này.
Bản kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm đã được công bố, công khai toàn văn là một chỉ dấu khá rõ ràng cho thấy sau một thời gian "cân nhắc", Bộ Chính trịị hoặc ít ra cũng phải là một phần đa số trong "siêu bộ" này, đã quyết định "đốt lò" vụ Thủ Thiêm mà không để bị dư luận xã hội và mạng xã hội chỉ trích Bộ Chính trị "ăn tiền" của giới quan chức "ăn đất" ở Sài Gòn khiến vụ Thủ Thiêm chìm xuồng.
Vậy là hiện tượng "bất đồng" vào lúc này so với trước đây đang lộ ra : nếu vào tháng Năm năm 2018 có thể chỉ là "diễn" hay "đánh trận giả", thì nay lại có khuynh hướng "đánh thật".
Lên ‘bàn mổ’ và ‘của thiên trả địa’
Báo Thanh Niên, vẫn là tờ báo Thanh Niên ấy, tờ báo mà vào đầu năm 2017 đã nổ phát súng đầu tiên vào Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam và một ủy viên bộ chính trị khi đó là Đinh La Thăng, giờ đây rút tít : "Sai phạm tại Thủ Thiêm, những ai liên quan ?". Theo báo này, kể từ khi Thủ tướng ký Quyết định số 367 phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm vào thời điểm 4 tháng Sáu năm 1996 đến nay, quá trình triển khai dự án trải qua 4 đời chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, gồm : ông Võ Viết Thanh (1996–2001), ông Lê Thanh Hải (2001–2006), ông Lê Hoàng Quân (2006–2015) và đương nhiệm là ông Nguyễn Thành Phong.
Như vậy là đã khá rõ ràng : sau một thời gian bị "xem xét tư cách đảng viên", sắp tới rất có thể một số gương mặt quan chức dính dáng trực tiếp đến vụ "ăn đất" ở Thủ Thiêm sẽ bị đưa lên "bàn mổ".
Cách đây 4 tháng, đã có những tờ báo chỉ mặt điểm tên các quan chức đứng đầu bảng về liên đới trách nhiệm phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm trong quá khứ : Nguyễn Văn Đua – Phó chủ tịch ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Thanh Hải – Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó là bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi từ Phó chủ tịch thành phố trở thành Phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vào thời Lê Thanh Hải làm bí thư, Nguyễn Văn Đua đã nắm khối an ninh nội chính và mau chóng trở thành một "sát thủ" đối với giới hoạt động dân chủ nhân quyền ở Sài Gòn. Nguyễn Văn Đua bị "tố" là đã ký một quyết định về quy hoạch Thủ Thiêm mà đã vượt quyền khi phủ nhận cả quyết định trước đó của Thủ tướng chính phủ.
Còn Lê Thanh Hải – vào thời còn là Chủ tịch thành phố, đã "dọn đường" cho việc thay đổi quy hoạch Thủ Thiêm giải tỏa lố sang 160 hécta đất mà trước đó dùng làm khu vực tái định cư cho dân, đẩy đuổi thêm nhiều ngàn người dân Thủ Thiêm khỏi nơi ở và cũng là chỗ sinh nhai duy nhất của họ.
Ở Sài Gòn, cái tên Lê Thanh Hải bị người dân và cả một số công chức gọi là "Hải Heo", là một trong những kẻ bị dư luận xã hội căm ghét nhất và lên án nhiều nhất.
Tiếp đến là Tất Thành Cang – người được xem là "đệ tử ruột" của anh Hai (Lê Thanh Hải), bị người dân tố cáo là có công giúp Lê Thanh Hải cướp đất Thủ Thiêm và đàn áp dã man dân oan nơi đây. Sau khi Lê Thanh Hải về hưu, Tất Thành Cang trở thành Phó Bí thư thường trực Thành phố Hồ Chí Minh và lại dính đậm ở một vụ "ăn đất" khác : Cang là người chỉ đạo vụ công ty Tân Thuận của thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bán trái phép với giá bèo 32 hécta đất Nhà Bè cho tư nhân.
Cuộc tháo chạy tán loạn của đàn chuột bắt đầu…
Khoảng một tháng trước khi xuất hiện bản kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm của thanh tra chính phủ, trên mạng xã hội chợt hiện lên một loạt bài viết của một tác giả ẩn danh, trực chỉ vào hai nhân vật Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, và Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, với những hồ sơ kèm theo để mô tả một cách có bằng chứng về việc hai quan chức này đã không chỉ "ăn đất" ở Thủ Thiêm như thế nào mà còn "ăn" cả những vụ khác và nơi khác. Chỉ có điều, loạt bài viết trên, không hiểu vì nguyên do tế nhị gì, đã không đề cập đến "Hai – Ba – Sáu"’… (Hai Nhật – tức Lê Thanh Hải, Ba Đua – tức Nguyễn Văn Đua, Sáu Cang – tức Tất Thành Cang).
Tất Thành Cang, bị người dân tố cáo là có công giúp Lê Thanh Hải cướp đất Thủ Thiêm và đàn áp dã man dân oan nơi đây. (Hình : Báo Tiền Phong)
Một số người phân tích đứng ở góc độ khách quan cho rằng loạt bài viết trên là nhằm "thí chốt" và chạy tội cho giới quan chức dư sức ăn nhưng quá kém sức chịu. Hoặc là một trò "đánh lộn tầm bậy" trong nội bộ giới lãnh đạo cao cấp trong thành ủy và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.
Quả thật, gần đây đã xuất hiện trên mạng xã hội một số bức ảnh được chụp từ cự ly gần về những "lều đày tớ" quá đồ sộ và hoàng tráng của Tất Thành Cang và Nguyễn Văn Đua, hay cảnh Sáu Cang ăn nhậu với một số quan chức và báo chí cánh hẩu ngay trong nhà khách thành ủy… Chỉ có người trong nội bộ "‘đảng ta" mới có thể chụp gần như vậy.
Trong khi đó, Lê Thanh Hải kín đáo tung tích hơn. Nhưng rất nhiều người dân và công chức ở Sài Gòn cho rằng đây mới là "chuột cống" với vô số nhà cửa và đất đai tích góp được qua 15 năm làm chủ tịch thành phố và bí thư thành ủy. Vài tờ báo đã bắt đầu nêu đích danh trách nhiệm Lê Thanh Hải trong vụ Thủ Thiêm.
Có một điểm thú vị là vào thời gian này cách đây tròn một năm, Đà Nẵng đã diễn ra cuộc chiến "hai cọp một rừng" giữa Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh với Chủ tịch Thành Phố Huỳnh Đức Thơ và liên quan đến "Thượng tá tình báo Công an Phan Văn Anh Vũ", kéo theo cuộc chiến loạn xạ giữa hai bè đảng tại "thành phố đáng sống nhất Việt Nam" này.
Sau Đà Nẵng, hẳn đang tiếp đến "đảng bộ anh hùng Thành phố Hồ Chí Minh" – như dự báo từ trước của không ít người. Đã đến lúc "của thiên trả địa", đã đến thời của những quan chức cướp đất của dân, "đi lên từ đất", phải "ói ra", nhưng cũng chưa chắc cứu nổi sinh mạng của chúng.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 16/09/2018
Ngày 15/5 vừa qua, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho Thanh tra Chính phủ làm rõ khiếu nại của người dân Thủ Thiêm về việc bị thu hồi đất không đúng qui định. Tuy nhiên lời kêu cứu của họ suốt gần 20 năm không được cơ quan chức năng nào giải quyết.
Hình chụp từ trên cao khu đô thị Thủ Thiêm - RFA
Đến ngày 7 tháng 9, kết luật của Thanh tra Chính phủ về vụ việc Thủ Thiêm mới được công bố. Theo đó việc thu hồi đất đối với phần diện tích 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 ở Thủ Thiêm để thực hiện một số dự án khu đô thị là chưa đủ cơ sở pháp lý, không đúng với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.
Tuy nhiên những người dân trong cuộc vẫn cho rằng kết luận của Thanh Tra Chính Phủ vẫn chưa bóc tách đến nơi đến chốn mọi sai phạm. Mạng Việt Nam Express ngày 10 tháng 9 trích lời ông Hoàng Thăng Long thuộc khu phố 5, phường An Khánh nêu rõ : "Kết luận này chưa rõ ràng. Cái cốt lõi thì lại không đi vào mà cứ nói về 4,3ha. Chỉ có 9 hộ bị ảnh hưởng trong diện tích đó, còn thực tế hơn 100 hộ dân chúng tôi thuộc 5 khu phố, 3 phường đều nằm ngoài ranh quy hoạch, mới vác đơn đi tố cáo".
RFA liên lạc với bà Hương, một "nạn nhân" của khu quy hoạch đô thị Thủ Thiêm và được bà cho biết ý kiến về kết luận của Thanh tra Chính phủ :
"Cái kết luận này của Thanh tra Chính phủ chơi nước đôi thôi. Hài lòng thì không hài lòng, nhưng có 1 vấn đề thấy cũng được chút xíu, đó là những người còn lại nằm ngoài ranh thì được tái định cư trong hai phường, là Bình An và Bình Khánh. Còn nằm ngoài ranh thì đang đề nghị để thu hồi luôn. Cái này thì mình thấy không được".
Bà Hương cho biết người dân không bằng lòng với kết luận thanh tra này, với lý do đưa ra là "trước sau gì họ cũng bênh nhau".
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho RFA biết suy nghĩ của ông đối với kết luận này :
"Những sai phạm nghiêm trọng trong vấn đề đền bù giải toả ở khu đô thị mới Thủ Thiêm thì quan điểm của tôi là phải chỉ ra đúng người đúng tội phải chịu trách nhiệm. Người chịu trách nhiệm phải là người cao nhất của Tp HCM qua các thời kỳ. Phải kỷ luật vì đây là 1 việc rất quan trọng đẩy hàng chục ngàn người phải sống vất vưởng trong vòng 20 năm chứ không phải sai sót hành chính, rõ ràng có ý đồ, có nhóm lợi ích chi phối cố tình làm sai. Không thể nào khoả lấp được mà phải làm đến nơi đến chốn".
"Nếu không trị được tham nhũng, không trị được việc làm trái trong vấn đề khu đô thị mới Thủ Thiêm thì đừng hô hào chống tham nhũng".
Theo ông Đinh Kim Phúc, trước áp lực của dư luận và quần chúng, những người mất đất khiếu kiện gần 20 năm qua, thì đây chỉ là một động thái nhằm làm yên dư luận chứ không mang tính giải quyết nghiêm túc, trên nền tảng của pháp luật.
Về ranh giới quy hoạch, Thanh tra Chính phủ cũng kết luận việc UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 năm 1998 bao gồm điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền. Diện tích này bị giảm 23,3 ha so với quyết định 367 của Thủ tướng phê duyệt và "thừa" 4,3 ha ở Khu phố 1, phường Bình An.
Cũng từ 1 bài viết của báo mạng Vnexpress ngày 9 tháng 9 trích lời Nguyên kiến trúc sư trưởng Tp HCM ông Lê Văn Năm cho biết trước khi ký quy hoạch tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị Thủ Thiêm, ông có trình lên lãnh đạo thành phố. Sau đó, lãnh đạo giao lại cho ông ký . Đó là thời điểm năm 1998.
Cộng đồng mạng xã hội những ngày qua có nhắc đến 1 nhân vật có tên gọi "Hai Nhựt" và cho rằng nếu không xét xử, truy tố người này đối với vụ án Thủ Thiêm thì chiến dịch chống tham nhũng là vô nghĩa.
Nhân vật này được ông Đinh Kim Phúc cho biết :
"Là ông Lê Thanh Hải, nguyên Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Thành uỷ Bộ Chính trị. Quy trách nhiệm cho vấn đề cố tình sai phạm hay tham ô hay nhóm lợi ích thì chúng ta phải truy từ các đời của chủ tịch ở Thành phố Hồ Chí Minh, từ Võ Viết Thanh, cho đến Lê Thanh Hải cho đến Lê Hoàng Quân. Vấn đề là phải làm rõ trách nhiệm coi là thuộc thời kỳ nào ? Thuộc người nào chứ không thể nói chung chung là văn phòng Kiến trúc sư trưởng, rồi xuống UBND Quận 2, rồi Ban đền bù, giải toả…Các cấp đó là cấp thừa hành. Còn đây là chủ trương, là lệnh của cấp trên. Người nào ra lệnh, người nào làm trái thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ý kiến của tôi là phải truy tố".
Bản đồ Thủ Thiêm Photo : RFA
Đó là ý kiến của người "đứng ngoài khu ranh giới", còn với người dân mất đất mang đơn khiếu hàng chục năm ròng rã như bà Hương, cho biết :
"Mình mong mỏi từ bên phía nhà nước phải xử những người làm sai, coi pháp luật không ra gì hết, muốn đập nhà ai thì đập, thích thì đập, buồn thì đập, vui cũng đập, coi tính mạng và tài sản của người ta như đồ chơi đồ bỏ. Nói chung giống như là ăn cướp vậy. Người ta đau khổ bao nhiêu năm trời.
Tui nói làm gì làm cũng phải xử ông Can, Vũ Hoài Phương, Đặng Trung Kiên. 4 người đó tội lỗi nhất trước mắt dân. Vì những người kia ký, mình biết sai, mình ở dưới mình còn làm ác hơn thì phải xử thôi, phải moi ra đến cùng cực thôi".
Cho đến nay, ngoài thông tin về kết luận của Thanh tra Chính phủ được công bố là "có nhiều sai phạm" thì hoàn toàn chưa có một biện pháp hay hình thức kỷ luật nào được đề nghị từ phía lãnh đạo nhà nước.
Chưa thể biết được khi nào người dân Thủ Thiêm mới được nhìn thấy một bản án công bằng cho những mất mát của họ, nhưng với bà Hương, thì mỗi ngày, bà chứng kiến rất nhiều những người dân mất đất Thủ Thiêm điên điên dại dại, lang thang vất vưởng ở những khu đất bị san bằng như sau một trận càn bằng bom mìn thời chiến tranh.
Nguồn : RFA tiếng Việt, 13/09/2018
Những người dân Thủ Thiêm đã bị phớt lờ và thường bị đối xử như thể họ không hề tồn tại.
Erik Harms
Từ Varsovie, nhà báo Mạc Việt Hồng vừa gửi đến độc giả của trang Đàn Chim Việt một câu chuyệ́n (nghe) hơi ngộ nghĩnh :
"Tôi đã từng đi xin giấy phép chặt một cây sồi trong chính mảnh vườn của nhà mình. Sự việc diễn ra vào năm 2011. Thủ tục này mất đúng 3 tuần. Khi tới quận kê khai đơn xin chặt cây, họ đã đặt ra những câu hỏi rất chi tiết như : Đó là cây gì, cao khoảng bao nhiêu, đường kính gốc bao nhiêu cm ?
Nhưng có một câu hỏi, hoàn toàn bất ngờ và ‘đương sự’ ấp úng không trả lời được, vì thực sự không biết, không chú ý. Đó là : Trên cây có tổ chim hay không ?
Sau đó vài tuần, một nhân viên hành chính quận tới thực địa. Ảnh ngó nghiêng chiếc cây rồi dùng một ống nhòm soi lên ngọn. Cây không có tổ chim. Và nhờ đó, gia đình tôi đã được phép chặt nó.
Vâng. Cơ quan hành chính Ba Lan ‘rỗi hơi’ vậy đó...".
Những di dân da trắng ở Hoa Kỳ đều có nguồn gốc từ Châu Âu nên dân Mỹ cũng "rỗi hơi" không kém. Năm 1996, tiểu bang California bán 90 mẫu đất – vốn là khuôn viên của bệnh viện tâm thần Agnews, nơi mà tôi đã được gửi đến thực tập cả năm thưở còn đi học – cho công ty Sun Microsystems khai thác.
Tiền trao, cho múc xong rồi thiên hạ mới khám phá ra là trong khu đất này có vài cây cổ thụ, vốn là nơi trú ngụ của một loài cú (burrowing owls) có tên trong danh sách cần được bảo vệ. Để giải quyết vấn đề chính quyền tiểu bang đồng ý mua lại một khoảnh đất thích hợp cho chim cú nương thân, với sự trự giúp tài chính của cả thành phố San Jose lẫn công ty Microsystems.
Phú qúi sinh lễ nghĩa chăng ?
E cũng không hẳn thế đâu. Trong phim Seven Years in Tibet, tôi nhớ có đoạn Đức Đạt Lai Lạt Ma bầy tỏ sự quan ngại về sinh mệnh của giun dế khi ngài nhìn thấy phu phen đang đào đất làm nền để xây tu viện. Mà Tây Tạng thì có giầu sang hay phú qúi (mẹ) gì.
Năm ngoái, sau vài tháng đi giang hồ vặt (và tiêu sài đến đồng bạc cuối cùng) tôi buộc phải quay về với ... mái ấm gia đình. Vì ở townhouse nên taxi đỗ sau nhà, ga ra đã mở sẵn, vừa xách ba lô ra khỏi xe đã thấy con gái đứng ngay cửa cười toe nhưng lại đưa ngón trỏ lên miệng, và bàn tay còn lại thì xua lia (xua lịa) ra dấu im lặng và dừng bước ...
Tôi đứng yên ngơ ngác... Gần cả phút con bé mới chạy ào ra đón bố, giọng hớn hở :
- Có đôi chim gi đến làm tổ trong giàn bông giấy bố ơi. Chim con nở rồi. Chim mẹ vừa tha mồi về nên nếu bố bước vào ngay sẽ làm nó sợ !
- Sau đó, "ái nữ" phổ biến ngay qui luật mới của gia đình vì nhà chúng tôi vừa có thêm mấy "thành viên" nữa :
- Từ nay, mỗi khi muốn ra sân sau tôi phải dòm chừng. Nếu chim bố hay chim mẹ đang tha mồi về tổ thì dừng bước ngay, chờ cho chim con ăn xong mới được tiếp tục...
- Từ nay, tôi phải hút thuốc ở sân trước vì khói thuốc có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của lũ chim non.
- Từ nay, tôi phải ....
Ah, đù !
Tôi mới rời nhà một khoảng thời gian ngăn ngắn mà khi quay lại đã bị "tịch thu" nguyên cả cái sân sau. Nói là cái sân (nghe cho nó bảnh) chứ thực ra chỉ là mảnh đất nhỏ xíu xiu, vừa vặn để giồng một cây ngọc lan và giàn bông giấy. Chấm hết.
Sân trước rộng nhưng là đất chung với nhiều căn khác. Chúng tôi chỉ sở hữu cái townhouse (cũng chung vách với nhà kế cạnh) bé tí teo, mua theo kiểu trả góp, và vẫn còn nợ ngân hàng cả đống tiền chứ không phải ít. Tài sản rất nhỏ hẹp, bấp bênh như thế mà con bé vẫn vui vẻ mang chia sẻ với lũ chim trời (ơi) không biết từ đâu đến.
Cái kiểu "rỗi hơi" của người dân Ba Lan, Hoa Kỳ (và ngay cả con cái trong nhà) khiến tôi cũng hơi bị ... lây lan, rồi suy nghĩ lan man tới những vụ "thu hồi đất" ngang xương nơi quê hương đất nước của mình. Tiến sĩ Erik Harms (tác giả cuốn Luxury and Rubble Civility and Dispossession in the New Saigon) nhận xét như sau :
"Những người dân Thủ Thiêm đã bị phớt lờ và thường bị đối xử như thể họ không hề tồn tại".
Lạ nhỉ ?
Trước khi cho phép nhà báo Mạc Việt Hồng đốn hạ một cái cây – trong khu vường của chính chủ nhân – nhà nước Ba Lan đã cử nhân viên đến tận nơi, dùng ống nhòm săm soi, sợ có dăm ba con chim mất ổ. Còn chính phủ Việt Nam hiện hành thì giải tỏa nguyên cả bán đảo Thủ Thiêm mà sáu chục ngàn cư dân ở phần đất này đều "bị phớt lờ và thường bị đối xử như thể họ không hề tồn tại" vậy !
Cảnh sống tạm cư ở Thủ Thiêm. Ảnh : Lê Quân
Tác giả Lê Hồng Hà nhận diện :
"Ở Thành phố Hồ Chí Minh, ‘bộ tứ’ Lê Thanh Hải – Nguyễn Văn Đua – Tất Thành Cang – Lê Hoàng Quân cũng cùng nhau ‘xẻ thịt’ đất đai Sài Gòn, bất chấp tất cả".
Bốn vị quan chức cao cấp này đều là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam khiến tôi không khỏi tôi băn khoăn tự hỏi cái đảng này chủ trương thế nào, và giáo dục họ ra sao để tất cả đều có thể trở thành những kẻ "bất chấp" (và bất nhân) đến vậy ?
Trước khi đốn hạ vài cái cây cổ thụ thiên hạ còn lo cho bầy cú, sợ chúng mất nơi nương náu. Vậy mà mấy ông đảng viên cộng sản Việt Nam ("vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh") lại có thể nhẫn tâm cướp đất của cả trăm ngàn lương dân, và đẩy họ vào cảnh bần cùng (hay màn trời chiếu đất) một cách lạnh lùng và thản nhiên như thế – được sao ?
Gần hai mươi năm sau, sau khi cả đống nước sông – cùng nước suối, nước mưa, nước mắt… – đã ào ạt chẩy qua cầu và qua cống, cho đến lúc vụ cưỡng chế đất Thủ Thiêm sắp chìm xuồng (tới đáy) thì thì bỗng có tin vui giữa giờ tuyệt vọng : Ban Bí thư Thành ủy và Đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đến thăm và làm việc với dân chúng Thủ Thiêm.
Ông Nguyễn Thiện Nhân "vi hành" giữa vòng vây an ninh ở Thủ Thiêm hôm 16 tháng. Ảnh : từ trangviet-studies
Thật là quí hóa !
Thế là dàn đồng ca của Bộ Thông Tin thi nhau hợp xướng, cứ như thể là chuyện cưỡng chế đất đại ở Thủ Thiêm mới xẩy ra hồi tuần vừa rồi, hay tháng trước vậy thôi :
- Người dân Thủ Thiêm đem bản đồ cỡ lớn trình Đại biểu quốc hội ...
- Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân "vi hành" đến khu ở của cư dân Thủ Thiêm...
- Ông Nguyễn Thiện Nhân : Sẽ gặp dân cho đến khi giải quyết xong bức xúc ...
- Người dân Thủ Thiêm trào nước mắt tại buổi gặp Đại biểu quốc hội...
- Bà con Thủ Thiêm mong tin vui từ Bí thư Nguyễn Thiện Nhân
Không dưng, tôi cũng muốn "trào nước mắt" khi chợt nhớ đến một bản nhạc đã xưa :
Mùa Xuân trên thành phố Hồ Chí Minh quang vinh
Ôi hạnh phúc biết bao, bao năm vẫn đợi chờ
Mà niềm vui như đến bất ngờ
Niềm vui, cũng như ngày vui, thường ngắn. Hai tháng sau, sau "chuyến vi hành" của ông Nguyễn Thiện Nhân, bản tin của trang Tiếng Dân – đọc được vào hôm 8 tháng 9 năm 2018 – có đoạn (xem) rất não lòng :
"Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết quả kiểm tra liên quan đến việc khiếu nại của người dân ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Sài Gòn. Sự việc liên quan tới nhiều vấn đề nhức nhối, người dân khiếu kiện suốt 20 năm qua, thế nhưng Thanh tra Chính phủ chỉ cho ra báo cáo đúng 10 trang giấy".
Mười trang giấy sơ sài, cùng vài "đề nghị" rất chung chung và rất mông lung !
Ngay từ khi nhà đương cuộc Hà Nội có quyết định "lật lại hồ sơ Thủ Thiêm", nhà báo Phạm Chí Dũng đã bầy tỏ nghi ngại rằng đây chỉ là một cách mà các đồng chí lãnh đạo "mượn lò" để tống tiền nhau thôi ! Tương tự, FB Bùi Văn Thuận cũng vừa miảa móc : "Lại đánh nhau nữa à ?".
Tôi không hoàn toàn chia sẻ với quan điểm bi quan của nhị vị thức giả thượng dẫn nhưng rất đồng ý (và "nhất trí") với nhận xét của FB Trần Đức Anh Sơn :
"Câu chuyện ‘dân oan mất đất’ ở Thủ Thiêm, đã khiến họ đau đớn, cực nhục, oán hận trong suốt 20 năm qua không phải là duy nhất. Đã, đang và sẽ có hàng vạn vụ Thủ Thiêm khác diễn ra ở khắp mảnh đất hình chữ S này. Tất cả chỉ vì cái việc xác định ‘đất đai thuộc sở hữu toàn dân’, và bị những kẻ đại diện cho ‘quyền sở hữu đó’ ăn cướp để chia chác và bán cho những nhóm lợi ích. Chúng chính là kẻ cướp. Những kẻ cướp được cấp license để cướp".
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 12/09/2018 (tuongnangtien's blog)
Kết luận kiểm tra có thể dùng làm căn cứ để khởi kiện hành chính ?
Trong Luật Thanh tra không có nội dung nào liên quan đến cụm từ "kiểm tra". Như vậy, giả dụ như trong trường hợp "kiểm tra" của cơ quan Thanh tra Chính phủ cho thấy có các sai phạm, thì người dân có thể căn cứ vào đó để khởi kiện một vụ án hành chính ?
Câu hỏi tiếp theo đặt ra là sắp tới đây, liệu Tổng Thanh tra Chính phủ có ký một quyết định về thanh tra toàn diện vụ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm ?
Thủ Thiêm và kết luận thanh tra - Ảnh minh họa
Cần "thanh tra" chứ không phải chỉ "kiểm tra"
Mục đích của thanh tra bao giờ cũng rộng hơn, sâu hơn đối với các hoạt động kiểm tra. Đặc biệt, đối với các cuộc thanh tra để giải quyết khiếu nại, tố cáo thì sự khác biệt về mục đích, ý nghĩa giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra càng rõ hơn nhiều.
Thông thường khiếu nại, tố cáo phản ánh sự bức xúc, bất bình của nhân dân trước những việc mà nhân dân cho là quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm, cho nên mục đích của hoạt động thanh tra không còn chỉ là xem xét, đánh giá một cách bình thường nữa. Với mục đích rõ ràng hơn, rộng hơn, khi tiến hành thanh tra, Đoàn thanh tra sẽ áp dụng những biện pháp nghiệp vụ sâu hơn, đi vào thực chất đến tận cùng của vấn đề như : xác minh, thu thập chứng cứ, đối thoại, chất vấn, giám định...
Đặc biệt, quá trình thanh tra các Đoàn thanh tra còn có thể áp dụng những biện pháp cần thiết để phục vụ thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra, để tác động lên đối tượng bị quản lý. Nôm na về thẩm quyền xử lý, nếu qua hoạt động kiểm tra thấy đối tượng của kiểm tra có sai phạm, hoặc chưa thực hiện đúng các quy định của ngành, thì người kiểm tra có thể hướng dẫn "uốn nắn" nghiệp vụ, thông báo rút kinh nghiệm, yêu cầu khắc phục, sửa chữa.
Nhưng hoạt động thanh tra thì không có chức năng này, mà trên cơ sở hành lang pháp lý quy định về chức trách nhiệm vụ của đối tượng thanh tra để đánh giá, kết luận về kết quả công tác của đối tượng thanh tra.
Nếu đối tượng thanh tra có hành vi vượt giới hạn hành lang pháp lý đó, thì thanh tra không hướng dẫn mà yêu cầu xử lý trách nhiệm người vi phạm. Đây chính là lý do mà trong văn bản mang tên "Thông báo Kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh", do ông Đặng Công Huẩn, phó Tổng Thanh tra Chính phủ ký ngày 04-09-2018 [tải về tại http ://bit.ly/2x2Td03], không đề cập bất kỳ cá nhân nào có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc ban hành các văn bản liên quan quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Kết luận kiểm tra có thể dùng làm căn cứ để khởi kiện hành chính ?
Thông thường, đứng trước các quyết định hành chính có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người phải thi hành, thì để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, họ có thể khởi kiện vụ án hành chính ra tòa án để giải quyết.
Nếu quyết định hành chính bị ban hành trái với quy định của pháp luật, thì tòa án có thể ban hành bản án bằng việc hủy quyết định nói trên. Khi bản án có hiệu lực pháp luật, thì các bên phải thi hành. Lúc này đất sẽ lại thuộc về quyền sử dụng của người trước đó bị thu hồi.
Như vậy, về nguyên tắc thì những người dân ở Thủ Thiêm đã bị chính quyền Thành phố Hồ Chí Minhgây thiệt hại qua việc nhân danh quy hoạch để thu hồi đất trái quy định pháp luật, thì họ có quyền đòi trả lại như nguyên trạng. Thế nhưng đây lại là điều bất khả thi, khi với thời gian kéo dài suốt 20 năm, các phần đất này đã được chính quyền chia năm, xẻ bảy và bán cho các nhà đầu tư. Một phán xét của Tòa có thể sẽ giúp giải quyết gút mắc đó.
"Thông báo Kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh", là một văn bản có thể bổ sung vào hồ sơ kiện tụng của người dân Thủ Thiêm.
Tuy nhiên trong trường hợp các hộ dân đã di dời, hoặc bị cưỡng chế di dời và chấp nhận phương án đền bù, giờ mới biết mình là nạn nhân của việc làm sai pháp luật trong quy hoạch do chính quyền Thành phố Hồ Chí Minhgây nên, thì họ sẽ được tính toán lại việc đền bù thiệt hại vật chất, và cả đời sống tinh thần ra sao ?
Số tiền đền bù bổ sung nếu có, thì được lấy từ đâu, vì cái sai ở đây được gây ra từ những quan chức cụ thể, chứ không phải sai sót từ hành lang pháp lý để có thể dùng ngân sách để giải quyết.
Chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm được quy hoạch giữ lại, tuy nhiên về sau chính quyền tự sửa quy hoạch được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, dẫn đến việc cưỡng chế đập bỏ chùa Liên Trì vào ngày 8-9-2016 là một đơn cử.
Nên chăng khởi tố vụ án hình sự với các bị cáo là những quan chức, cựu quan chức đã sai phạm trong quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Số tài sản sở hữu hiện có của những quan chức, cựu quan chức này sẽ được tòa phán xét để dùng làm nguồn tài chính khắc phục hậu quả mà chính các quan chức này đã gây ra.
Lưu ý, việc đền bù như nói trên còn nhận được sự điều chỉnh của Luật Hôn nhân và Gia đình ; có nghĩa mặc dù những quan chức, cựu quan chức không đứng tên sở hữu bất kỳ tài sản nào, song vợ, con ruột của họ vẫn phải chịu trách nhiệm đền bù thay cho chồng, cha của họ. Dĩ nhiên ở đây cũng cần xem xét tới các nội dung liên quan của Luật phòng, chống tham nhũng, phiên bản sửa đổi 2012.
Trần Thành
Nguồn : VNTB, 12/09/2018
Kể từ thời điểm ngày 7 tháng 9 năm 2018 khi cơ quan Thanh tra Chính phủ chính thức công bố kết luận kiểm tra vụ khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở Sài Gòn, vụ Thủ Thiêm cũng mang chiều hướng chính thức trở thành một đại án quốc gia - còn lớn hơn nhiều so với số tiền suýt bị thất thoát đến hơn 8.000 tỷ đồng trong vụ ‘Mobifone mua AVG’.
Vụ Thủ Thiêm : Hàng chục nhà báo, người dân ‘vây’ trụ sở tiếp dân.
Hố khác biệt giữa hai bản kết luận
Động thái Thanh tra Chính phủ công bố kết luận kiểm tra vụ Thủ Thiêm và ngay lập tức được báo Thanh tra - ‘cơ quan ngôn luận’ của ngành thanh tra đăng tải toàn văn bản kết luận này, cùng lúc được báo chí nhà nước ồ ạt đưa tin bài, có ý nghĩa tương đương với hành động cũng Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra vụ ‘Mobifone mua AVG’ vào đầu tháng Ba năm 2018 để mở màn cho chiến dịch khởi tố bắt giam một số quan chức liên quan ba tháng sau đó, dù cho đến nay hai cựu bộ trưởng thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn vẫn được xem là ‘hạ cánh an toàn’ mà chưa phải tra tay vào còng.
Đã có một hố khác biệt lớn giữa bản kết luận kiểm tra trên của Thanh tra chính phủ với ‘kết luận kiểm tra’ cũng của cơ quan này về vụ Thủ Thiêm vào tháng Bảy năm 2018 nhưng chưa bao giờ được công bố.
Vào ngày 15 tháng Bảy năm 2018 - thời điểm được chính phủ Việt Nam hứa hẹn sẽ công bố chính thức bản kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm vốn đã kéo dài suốt hai chục năm trời của nước mắt, máu và cả nhiều cái chết uất nghẹn của dân oan nơi đây, không phải hệ thống báo đảng và báo nhà nước công bố bản kết luận này, mà nội dung kết luận kiểm tra khu đô thị mới Thủ Thiêm của thanh tra chính phủ dài 17 trang lại được đăng tải trên… Facebook Lê Nguyễn Hương Trà.
Tình hình có vẻ không bớt đen tối hơn là bao. Kết luận trên vẫn ghi nhận "thành tích" của thành ủy và Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh trong việc giải tỏa 99% "đất sạch", trong khi chỉ đề cập một cách hết sức sơ sài đến diện tích giải tỏa lố 160 hécta theo tố cáo của người dân Thủ Thiêm. Còn phần kiến nghị xử lý của bản kết luận này lại hoàn toàn không nêu ra, như thể cố tình tránh né, bất kỳ cái tên nào của giới quan chức "ăn đất", đặc biệt là bí thư thành ủy thời đó là Lê Thanh Hải, bí thư quận 2 thời đó là Tất Thành Cang, Nguyễn Văn Đua - phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố vào thời đó…
Trước đó khi sắp diễn ra kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018, nước mắt dân oan và áp lực quá lớn của dư luận xã hội cùng cái lò lây lất khói của Tổng bí thư Trọng đã buộc đảng bộ và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh không thể nhắm mắt làm ngơ. Thế nhưng, bản báo cáo của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cho Chính phủ về vụ Thủ Thiêm đã hoàn toàn ‘xù’ trách nhiệm. Bản báo cáo này đã hoàn toàn không giải thích thỏa đáng về những dấu hỏi rất lớn mà dư luận xã hội và báo chí công phẫn nêu ra. Bản báo cáo này cũng không thừa nhận bất kỳ cái sai nào thuộc về trách nhiệm của đảng bộ và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, mà chỉ thòng một câu ‘UBND TP đang xem xét, trao đổi với Thanh tra Chính phủ để thống nhất hướng xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ’.
Còn Thủ tướng chính phủ ?
Cùng thời điểm Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát ra báo cáo trên, như thể ‘hiệp đồng tác chiến’, vào trung tuần tháng Năm năm 2018 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một cuộc họp chính phủ về vụ Thủ Thiêm. Tuy nhiên trong kết luận chỉ đạo của mình, Thủ tướng Phúc dường như đã cố tình bỏ qua việc làm rõ tính pháp lý của Quyết định 367 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm vào năm 1996 và quyết định ký vượt quyền của Phó chủ tịch chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua vào năm 2005 khi ‘thay thế’ Quyết định 367 trên. Ông Phúc cũng tỏ thái độ rất lập lờ khi chấp nhận 99% diện tích giải tỏa của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, tức chấp nhận cả phần ít nhất 140 đất giải tỏa lố mà đã đẩy đuổi cưỡng chế hàng chục ngàn người dân khỏi mảnh đất sinh nhai duy nhất của họ.
Ông Phúc cũng hoàn toàn không đề cập một từ nào về sự biến mất vô cùng khó hiểu của tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm được phê duyệt vào năm 1996. Ông Phúc lại chỉ dùng từ ‘sai sót’ đối với trách nhiệm của giới quan chức Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi vụ Thủ Thiêm có quá nhiều dấu hiệu của hành vi ‘cố ý làm trái’ và tham nhũng…
Sau đó, trong suốt kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018, cả bà chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lẫn ông Phúc đã tuyệt đối ‘cấm khẩu’ về vụ Thủ Thiêm.
Thậm chí kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018 đã kết thúc với một kết luận bất ngờ và rất đáng nghi ngờ : ban lãnh đạo thường vụ quốc hội cho rằng ‘do nội dung không nằm trong chương trình nên đề nghị của một số đại biểu Quốc hội về việc giám sát tối cao năm 2019 về tình hình và kết quả thanh tra, điều tra, xử lý, xét xử các vụ vi phạm nghiêm trọng như : AVG, Thủ Thiêm, tập đoàn Mường Thanh, các dự án thua lỗ, đội vốn nhiều… chưa được Quốc hội bổ sung vào chương trình giám sát năm 2019’.
Kết luận trên là hoàn toàn phản dội với một trong những kiến nghị khẩn thiết của dân oan thủ Thiêm và cử tri Sài Gòn thông qua đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM : Quốc hội Việt Nam và Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phải giám sát thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Cử tri đề nghị việc thực hiện Dự án phải đúng quy định pháp luật, phải công khai, minh bạch. Nếu chính quyền thấy sai thì cần đối thoại với dân, cùng giải quyết và sửa sai, xác định rõ trách nhiệm cũng như xử lý nghiêm các trường hợp làm sai.
Từ hiện tượng ‘lột xác’, nhìn lại Ngô Văn Khánh
Vào lúc này, hiện tượng có vẻ lạ lùng là bản kết luận kiểm tra vụ Thủ Thiêm của Thanh tra chính phủ như thể lột xác, trở thành bản kết luận kiểm tra chi tiết nhất trong toàn bộ lịch sử 15 năm ròng rã khiếu nại của hàng ngàn người dân Thủ Thiêm. Trong đó có những kết luận được xem là lần đầu tiên có vẻ hợp lòng dân :
- Kết luận rằng 4,3 ha đất ở của dân ngoài ranh quy hoạch nhưng lại bị quy hoạch. Tuy nhiên bản kết luận đã không nhắc tới khiếu nại của hơn 100 hộ còn lại, cũng không làm rõ việc xử lý khu 4,3 ha khi diện tích này đã nằm ngoài ranh quy hoạch nhưng không để dân ở tại chỗ mà lại tái định cư ;
- Quy hoạch chi tiết 1/2000 của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh là không đúng thẩm quyền ;
- Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và chính quyền Quận 2 thu hồi đất của dân khi chưa đủ cơ sở pháp lý ;
- Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và chính quyền Quận 2 không lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng ;
- Có đến 113,9 ha trong tổng số160 ha tái định cư chưa được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch, bố trí tái định cư ;
- Vụ Thủ Thiêm đã phá vỡ quy hoạch tổng thể ;
- Kiến nghị xử lý sai phạm nhiều cơ quan, đơn vị như Công ty Đo đạc Địa chính – Công trình, Kiến trúc sư trưởng, Sở Địa chính, Ủy ban nhân dân Quận 2 và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh…
Tuy không có một cái tên quan chức nào được nêu ra trong kết luận kiểm tra của Thanh tra chính phủ, nhưng bản kết luận này vẫn có thể được xem là ‘quyết liệt’ nhất từ trước đến nay, nếu đối chiếu với vụ ‘thanh tra’ Thủ Thiêm vào năm 2015 do Phó Tổng Thanh Tra Chính Phủ Ngô Văn Khánh ‘cầm đầu’.
Vào thời gian đó, có những dấu hiệu khuất tất khiến nhiều người dân Thủ Thiêm nghi ngờ rằng đã có một sự móc ngoặc giữa đoàn thanh tra chính phủ của Ngô Văn Khánh với giới quan chức nhiều tiền lắm của ở Sài Gòn. Rốt cuộc, hàng núi hồ sơ khiếu kiện và tố cáo của dân oan Thủ Thiêm đã bị quẳng vào một xó xỉnh nào đó, nước mắt dân oan vẫn tiếp tục tuôn ra, máu của dân oan vẫn tiếp tục đổ, còn Ngô Văn Khánh trở về Hà Nội, để từ đó báo chí càng bất ngờ khi phát hiện những tài sản ngồn ngộn mới cứng của nhân vật này.
Cho tới nay, vẫn chẳng ai thấy mặt mũi kết luận thanh tra mà Phó Tổng Thanh Tra Chính Phủ Ngô Văn Khánh đã thực hiện tại dự án Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm.
Trong số những quan chức liên quan và phải chịu trách nhiệm hình sự một khi vụ Thủ Thiêm được khởi tố điều tra, cựu phó tổng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh là một cái tên không thể bỏ qua. Cho dù vào thời gian đó Ngô Văn Khánh có cho công bố kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm chăng nữa, dư luận vẫn tin chắc rằng ông Khánh đã làm nhẹ đi rất nhiều các sai phạm ghê gớm của giới quan chức từ Sài Gòn đến các bộ ngành trung ương mà do đó bản kết luận này về thực chất là "ăn bẩn".
Có trở thành đại án quốc gia ?
Sau vô số tiếng khóc xé ruột của người dân Thủ Thiêm và cả những cái chết tự treo cổ vì phẫn uất tột cùng của người dân nơi đây, cuối cùng những nạn nhân của nạn cướp đất cũng có hy vọng được bồi thường tạm gọi là ‘thỏa đáng’ trong thời gian tới, lấy lại một phần công lý đã bị cướp đoạt bởi ‘Hai - Ba - Sáu’… (Hai Nhật - tức Lê Thanh Hải, Ba Đua - tức Nguyễn Văn Đua, Sáu Cang - tức Tất Thành Cang).
Những nội dung kết luận vi phạm trên cũng là một cú đánh vỗ mặt dành cho Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân - quan chức mà trong thực tế chưa hề có bất cứ hành động nào giúp đỡ dân oan Thủ Thiêm ngoài những lời hứa có cánh và chỉ muốn ‘lùa’ người dân vào các khu tái định cư cho êm chuyện.
Trong vài tháng qua và cho đến tận gần đây, vẫn có một luồng dư luận có vẻ được tung ra từ nội bộ ‘đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh’ cho rằng ‘vụ Thủ Thiêm êm rồi’ do ‘thế lực anh Hai vẫn còn mạnh lắm’.
Nhưng cái cách mà Thủ tướng Phúc chỉ đạo cho Thanh tra chính phủ kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm theo hướng ‘trảm’ chứ không phải thỏa hiệp đã vừa ghi một điểm chính trị có thể quan trọng cho ông Phúc trên cung đường chinh phục chức vụ tổng bí thư tại đại hội 13 vào năm 2021, nếu quả thực ông Phúc muốn thế và sẽ còn có đại hội đó, cũng vừa khiến phần lớn giới chóp bu Thành phố Hồ Chí Minh từ cựu chức đến đương chức từ ‘sụm bánh chè’ đến ‘tâm thần phân liệt’.
Liệu bản kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm đã được công bố, công khai toàn văn có phải là tín hiệu cho thấy sau một thời gian nữa, bản kết luận này sẽ được Thanh tra chính phủ chuyển cho cơ quan điều tra của Bộ Công an, để khi đó, Thủ Thiêm sẽ chính thức trở thành một đại án quốc gia với những cái ‘tội phạm ăn đất’ khủng khiếp chưa từng có trong triều đại cộng sản ở Việt Nam ?
Giờ đây, nước mắt của dân oan Thủ Thiêm đã đổ ra quá nhiều, đã trở nên khô cạn và nhường chỗ cho cặp mắt cảnh giác cao độ trước những động thái của chính quyền. Người dân luôn sợ họ bị biến thành nạn nhân của một trò lừa gạt mới.
Bởi dù Thanh tra chính phủ đã công bố kết luận và đã thỏa mãn được một số nội dung chính, nhưng vẫn chẳng có gì đảm bảo là vụ việc sẽ không một lần nữa bị cho chìm xuồng nếu xảy đến một chiến dịch ‘đi đêm’ giữa các nhóm lợi ích mới và cũ, để sau đó một số nội dung về vi phạm và mức độ vi phạm trong kết luận thanh tra sẽ bị ‘hô biến’.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 11/09/2018
Tròn 4 tháng sau khi bị ‘khóa miệng’ đột ngột bởi Ban Tuyên giáo trung ương và một thế lực chính trị kèm lợi ích nào đó, một lần nữa các tờ báo nhà nước lại được cho ‘mở miệng’ để đăng tải kết luận kiểm tra của Thanh tra Chính phủ về vụ khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở Sài Gòn.
Người dân kêu gào nhưng báo chí nhà nước luôn bị bịt miệng. Ảnh : Zing.vn
Nhưng xem ra sau lần bị ‘khóa miệng’ vào tháng Năm năm 2018, nhiều tờ báo nhà nước đã cảm thấy nỗi nhục ê chề khi bị biến thành một thứ công cụ - không chỉ công cụ chính trị cho chế độ cầm quyền - mà còn gián tiếp trở thành công cụ ‘tống tiền truyền thông’ cho một nhóm lợi ích cá mập nào đó.
Vào tuần đầu tiên của tháng Năm, 2018 đã xảy ra hiện tượng các tờ báo nhà nước được bật đèn xanh và do đó được "mở miệng" gần như không hạn chế và một vài Facebooker ẩn danh liên tiếp tung bài "đánh" phe nhóm Lê Thanh Hải.
Khi đó, thậm chí có những tờ báo còn dám chỉ mặt điểm tên các quan chức đứng đầu bảng về liên đới trách nhiệm phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm trong quá khứ : Nguyễn Văn Đua – phó chủ tịch ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Thanh Hải – chủ tịch và sau đó là bí thư thành ủy.
Lê Thanh Hải là quan chức bị dân oan Thủ Thiêm tố cáo ghê gớm nhất về "cướp đất vàng" ở Thủ Thiêm. Vào thời đó, người được xem là "đệ tử ruột" của ông Hải là Tất Thành Cang là bí thư quận 2 đã có nhiều biểu hiện tiếp tay rất đắc lực cho các nhóm lợi ích để cưỡng chế đẩy đuổi dân nghèo Thủ Thiêm ra khỏi mảnh đất duy nhất của họ.
Nhưng sang tuần tiếp theo của tháng Năm đã xảy ra một hiện tượng kỳ lạ : cũng báo chí nhà nước và cũng những tờ báo vừa lên tiếng mạnh mẽ nhất về vụ Thủ Thiêm, đã im bặt như thể bị ai đó ‘khóa miệng’.
Sau này mới biết chính Ban Tuyên Giáo Trung Ương đã chỉ đạo không cho báo chí đăng tiếp vụ Thủ Thiêm.
Phải chăng sau một thời gian làm đình đám và muốn "đốt lò" vụ Thủ Thiêm, Nguyễn Phú Trọng phát hiện ra vụ này liên đới quá nhiều quan chức, không chỉ quan chức đã về hưu mà cả những quan chức đương nhiệm và còn là quan chức cao cấp, nên ông Trọng đã phải vội vã cho Ban Tuyên giáo trung ương chỉ đạo báo chí "câm miệng," còn "lò" tạm ngừng hoạt động và đang tính toán lại làm sao để "đập chuột nhưng không vỡ bình ?".
Và phải chăng đã có sự thỏa hiệp, hay nói trắng ra là "đi đêm" giữa các nhóm quyền lực – lợi ích mới với nhóm quyền lực – lợi ích cũ để "chuyển giao lợi ích" và đương nhiên cho chìm xuồng vụ Thủ Thiêm cùng đổ sạch biển nước mắt của dân oan ?
Có lẽ ‘rút kinh nghiệm sâu sắc’ từ vụ bị ‘khóa miệng’ vào tháng Năm năm 2018, vào lần này nhiều tờ báo nhà nước không còn quá nhiệt tình khi thông tin về kết uận thanh tra Thủ Thiêm của thanh tra chính phủ, cho dù so với những kết luận thanh tra trước đây thì bản kết luận này là chi tiết hơn nhiều và cũng chỉ ra được một số sai phạm của các cơ quan quản lý, tuy vẫn né tránh nêu đích danh tên họ quan chức.
Báo chí nhà nước đã có quá nhiều bài học bị ‘việt vị’ và bị ‘khóa miệng’ bởi một chế độ ‘Việt Nam luôn bảo đảm quyền tự do ngôn luật và tự do báo chí’. Thủ Thiêm chỉ là một trong rất nhiều minh họa, bởi còn rất nhiều vấn nạn từ chính trị đến tham nhũng và lỗ hổng kinh tế mà báo chí nêu ra nhưng sau đó đã bị Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin và truyền thông cấm cản triệt để và hết sức thô bạo.
Vào năm 2015 khi xuất hiện hiện tượng trang mạng Chân Dung Quyền Lực, một nhà báo nhà nước và chính là đại tá an ninh Nguyễn Như Phong đã thốt lên một triết lý để đời ‘Làm nhà báo cứ phải như con chó ấy !’.
Trong thực tế, tỷ lệ số tờ báo nhà nước còn mang tính phản biện hoặc có hơi hướng phản biện chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số 850 tờ báo mà có thể tuyệt đại đa số ban biên tập của những tờ báo này đã và vẫn mang quan niệm ‘Làm nhà báo cứ phải như con chó ấy !’.
Ngay cả những giọt nước mắt ‘thương vay khóc mướn’ của một số tờ báo về vụ Thủ Thiêm trong tháng Năm năm 2018 cũng bị đặt nghi ngờ là ‘nhận tiền để khóc’.
Có thể vì lý do quá tế nhị trên, những tờ báo thật sự muốn phản biện cũng không còn quá nặng lòng với vụ Thủ Thiêm bởi mối nghi ngờ nặng nề vào bất kỳ động thái thanh - kiểm tra và điều tra nào của các cơ quan ‘có trách nhiệm’ nhưng rất dễ nặng mùi tiền bạc của các nhóm quyền lực chính trị và lợi ích tư bản đỏ.
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 10/09/2018
Thanh tra kết luận nhiều sai phạm ở Thủ Thiêm (RFA, 08/09/2018)
Thanh tra Chính phủ hôm 7/9 chính thức công bố kết luận thanh tra về khu đô thị mới Thủ Thiêm, cho thấy nhiều sai phạm trong đền bù và quy hoạch.
Hình minh hoạ. Những ngôi nhà dân bị đập phá giải tỏa ở Sài Gòn để xây đô thị mới - AFP
Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng diện tích là 930 ha, nằm bên bờ sông Sài Gòn. Từ khoảng đầu những năm 2010, thành phố đã bắt đầu tiến hành việc giải toả, xây dựng khu vực này thành một khu đô thị mới với ước mong biến nó thành một nơi giống như Phố Đông ở Thượng Hải. Việc di dời, giải tỏa đã ảnh hưởng đến khoảng 14.600 hộ dân với hơn 60.000 người. Nhiều người dân ở đây từ 20 năm nay đã khiếu kiện lên trung ương về việc giải toả, quy hoach mà họ cho là sai trái của chính quyền địa phương.
Theo kết luật mới của thanh tra chính phủ, việc thu hồi đất đối với phần diện tích 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 ở Thủ Thiêm để thực hiện một số dự án khu đô thị là chưa đủ cơ sở pháp lý, không đúng với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.
Kết luận thanh tra cũng cho thấy việc thực hiện đề bù, giải phóng mặt bằng một số trường hợp đang khiếu nại chưa phù hợp quy định, chư đúng thời điểm thu hồi đất.
Về ranh giới quy hoạch, Thanh tra Chính phủ cũng kết luận việc UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 năm 1998 bao gồm điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền.
Thanh tra chính phủ nêu rõ, việc khiếu nại của người dân về ranh giới quy hoạch đối với 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 nằm ngoài ranh giới quy hoạch Khu đô thị mới được Thủ tướng phê duyệt là có cơ sở, cần sớm được xem xét và có giải pháp giải quyết.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong thẩm định, lưu trữ hồ sơ, bản vẽ, trong phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, thu hồi đất, đền bù, tái định cư
*****************
Ông Lê Văn Lung.
Sáng 8/9, hàng chục người dân Thủ Thiêm đã dậy rất sớm, đi mua báo rồi tụ tập tại một quán nước trò chuyện sôi nổi xoay quanh kết luận Thanh tra Chính phủ về một số nội dung liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ông Hoàng Thăng Long (người dân Thủ Thiêm) cho biết, từ khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ ông ngồi đứng không yên, mong trời sáng để mua báo, gặp bà con để tiếp tục chia sẻ, bàn bạc.
"Tôi rất vui khi đọc được thông tin kết quả của thanh tra về Thủ Thiêm. Tối qua, nhiều người dân đã gọi thoại điện động viên nhau, nghẹn ngào, thậm chí là khóc.
Cả gia đình tôi đã nghĩ đến viễn cảnh, cơ quan chức năng sẽ giúp những người dân Thủ Thiêm giải quyết khiếu nại, đưa lại cuộc sống bình yên.
Các kết luận của Thanh tra thì tôi chưa hài lòng lắm nên chúng tôi và người dân sẽ tiếp tục kiến nghị để mọi chuyện rõ tàng", ông Long bày tỏ.
Một góc khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trong khi đó, ông Lê Văn Lung (đường Trần Não, quận 2, đại diện cho 71 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án) tỏ ra vui mừng khi Thanh tra Chính phủ đưa ra kết luận.
"Từ hôm qua đến giờ tôi nhận được hàng trăm cuộc điện thoại của người dân Thủ Thiêm sau khi biết được kết luận của Thanh tra Chính Phủ. Nhiều người tỏ ra vui mừng vì Thanh tra đã làm việc, giải quyết khiếu nại của bà con hàng chục năm nay.
Tôi cũng không ngủ được vì phải đối chiếu hồ sơ pháp lý có trong tay với kết luận của Thanh tra Chính phủ. Được người dân tin tưởng nên tôi sẽ cố gắng hết sức nghiên cứu để đòi lại quyền lợi hợp pháp của người dân Thủ Thiêm", ông Lung nói.
Theo ông Lung, kết luận của Thanh tra Chính có một số thông tin chưa đầy đủ về quy hoạch. Tuy nhiên đó chỉ mới là báo cáo thanh tra, để có hiệu lực thì phải trình cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng ý.
"Thanh tra Chính Phủ khi thanh tra chưa gặp người dân dẫn đến có những kết luận chưa đúng, chưa đủ. Chúng tôi đã chuẩn bị những hồ sơ, tài liệu pháp lý để tiếp tục trình lên cơ quan chức năng. Đất của chúng tôi phải thuộc về chúng tôi", ông Lung chia sẻ.
Ông Lung nói những đơn vị, cơ quan chức năng, cá nhân làm có liên quan đến sai phạm về quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, đề nghị xử lý nghiêm.
Ông Lung chia sẻ với PV.
Trước đó, ngày 7/9, Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, kết luận xác định 4,3 ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An, quận 2, nằm ngoài ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 367/TTg. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư với phần diện tích 4,3 ha này là chưa đủ cơ sở pháp lý.
Về khu tái định cư 160 ha, Thanh tra Chính phủ cho rằng UBND Thành phố đã vi phạm các quy định của pháp luật trong việc lập, trình, phê duyệt quy hoạch và thu hồi đất. Hậu quả là không đủ đất để bố trí tái định cư theo quy hoạch, dẫn đến việc đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm bị đình trệ do khiếu kiện kéo dài.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra đó, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh xác định rõ, cụ thể về trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm. Đồng thời, rà soát từng trường hợp cụ thể để có cách giải quyết phù hợp.
Viết Dũng
***********************
Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hồ Chí Minh được cho là phê duyệt quy hoạch trái thẩm quyền, khi chưa được Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh tăng, giảm diện tích quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm
Sáng nay, nhiều người dân Thủ Thiêm gặp nhau nói chuyện về kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án khu đô thị Thủ Thiêm.
Ông Lê Văn Lung, người đại diện cho 9 hộ dân khu phố 1, phường Bình An, quận 2 chia sẻ, kết luận thanh tra đã chỉ ra các sai phạm ở dự án Thủ Thiêm, tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa đồng ý ở một số nội dung.
Theo ông, kết luận của Thanh tra Chính phủ về 4,3ha ở khu phố 1, phường Bình An, quận 2 không nằm trong ranh quy hoạch theo quyết định của Thủ tướng thì những hộ dân này phải được hưởng quyền lợi về bồi thường, giải phóng mặt bằng theo luật Đất đai năm 2003, chứ không phải bồi thường theo luật Đất đai năm 1998 mà trước đó Ban bồi thường giải phóng mặt bằng thực thi.
Ông Lê Văn Lung chỉ ra 4,3 ha nằm ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm
"Nếu đã nói nằm ngoài ranh thì phải bồi thường cho người dân theo giá thị trường, vì chính quyền Thành phố sai chứ không phải người dân sai" - ông Lung nhận định.
Ông Lung cũng nói thêm trong tay người dân có nhiều tài liệu chứng minh không chỉ có 4,3 ha mà còn rất nhiều diện tích với hàng nghìn hộ dân của 3 phường giáp ranh cũng nằm ngoài ranh giới thu hồi và đề nghị Thanh tra Chính phủ xem xét lại vấn đề này.
Nhiều người dân Thủ Thiêm cho biết sẽ tiếp tục đi tới cùng sự việc.
Trong khi đó, luật sư Hà Huy Sơn - người đại diện cho một số hộ dân khiếu nại, kiến nghị về quyền lợi của họ lên UBND Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, kết luận thanh tra mới chỉ ra được cái 4,3 ha thu hồi là ngoài ranh giới của quy hoạch, còn những vấn đề như quy hoạch chưa đúng thẩm quyền, cơ sở thực hiện quy hoạch thế nào lại chưa được nhắc tới.
"Kết luận chưa giải quyết tận gốc những sai phạm của dự án Thủ Thiêm, chưa chỉ ra người chịu trách nhiệm sai phạm, chưa nêu ra được biện pháp khắc phục những trường hợp người dân bị thu hồi, giải tỏa không đúng theo quyết định của Thủ tướng" – luật sư Sơn nhận định.
Ông cũng thắc mắc, việc kiến nghị, khiếu nại từ xưa tới nay của người dân bị chính quyền Thành phố bác bỏ thì tới nay, không biết có công khai xin lỗi người dân hay không.
"Chủ tịch UBND Thành phố ủy quyền ký"
Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ có nói vào năm 1998, Kiến trúc sư trưởng Thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó bổ sung vào quy hoạch khoảng 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Kiến trúc sư trưởng Thành phố đã phê duyệt quy hoạch trái thẩm quyền, khi chưa được Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh tăng, giảm diện tích.
Trao đổi với VietnamNet, Kiến trúc sư trưởng Thành phố lúc ấy là ông Lê Văn Năm nói đang ở Đồng Tháp và chỉ biết kết luận của Thanh tra Chính phủ thông qua báo chí.
Ông Lê Văn Năm (đứng). Ảnh : Đại học Xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh
Ông cho biết đã nghỉ hưu hơn 20 năm nên sẽ phải liên hệ với Sở Quy hoạch Kiến trúc để rà soát lại các vấn đề. Tuy nhiên, ông chắc chắn 1 điều là các giấy tờ ông ký liên quan tới dự án khu đô thị Thủ Thiêm đều được lãnh đạo Thành phố khi ấy ủy quyền.
"Tôi trình quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm và lãnh đạo Thành phố giao lại cho tôi ký. Các văn bản về Thủ Thiêm có nhiều ban ngành cùng xem xét, chứ không phải riêng mình tôi" - ông Năm khẳng định.
"Thanh tra Chính phủ nói trái thẩm quyền, nhưng theo tôi cảm nhận là không trái. Vì cái này Chủ tịch UBND Thành phố giao cho tôi ký" - nguyên Kiến trúc sư trưởng Thành phố cho biết thêm.
Thạch Quý
Nếu căn cứ vào Bộ luật hình sự 2015, Điều 229. "Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai", đã có thể khởi tố vụ án hình sự trong sai phạm về quy hoạch ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Báo chí trong nước khai thác công bố của Thanh tra chính phủ về những sai phạm trong vụ Thủ Thiêm
Chiều ngày 7/9, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chính thức công bố kết luận kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về khu đô thị mới Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh).
Những sai phạm được điểm danh (trích)
Kết quả kiểm tra cho thấy :
- Các văn bản trên (như : tờ trình, văn bản thẩm định của UBND Thành phố, Bộ Xây dựng và Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ) nêu không đầy đủ, cụ thể về ranh giới, vị trí quy hoạch, nhất là "các hồ sơ kèm theo" theo quy định tại Nghị định số 91/CP ngày 17/8/1994, Thông tư số 25/BXD-KTQH ngày 22/8/1995 và Quyết định số 322/BXD-ĐT ngày 28/12/1993 như : toàn bộ phần bản vẽ gồm sơ đồ hiện trạng ; các loại bản đồ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hạ tầng, điện, nước, môi trường và các loại văn bản thuyết minh, thỏa thuận...
Dẫn đến, qua thời gian dài cùng với công tác lưu trữ không tốt của các cơ quan liên quan (Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ…), UBND Thành phố và các sở, ngành không cung cấp đầy đủ được các hồ sơ, tài liệu chính thức kèm theo Quyết định số 367/TTg, nhất là các bản đồ quy hoạch 1/5000.
- Kiểm tra tại Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Sở Quy hoạch – Kiến trúc Thành phố chỉ cung cấp được 02 loại bản đồ quy hoạch 1/5000 gồm :
1. Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng 1/5000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm ghi ngày 12/6/1995 có đóng dấu của các đơn vị liên quan (Công ty Dịch vụ phát triển Đô thị - UDESCO là đơn vị lập, Sở Xây dựng và Kiến trúc sư trưởng Thành phố cho thấy : có một số lô đất, trong đó có phần diện tích khoảng 4,3 ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An chỉ thể hiện ở bước nghiên cứu, đề xuất quy hoạch ; trên bản đồ quy hoạch không thể hiện các chỉ tiêu kiến trúc, quy hoạch (số lô, diện tích, hệ số sử dụng đất…) là không đúng so với quy định tại Quyết định số 322/QĐ-BXD ngày 28/12/1993 của Bộ Xây dựng quy định về việc lập các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị.
2. Bản đồ quy hoạch sử dụng đất (từ 5 đến 10 năm) với tỷ lệ 1/5000 lập ngày 20/11/1995 có đóng dấu của các đơn vị liên quan như nêu trên, nhưng không xác định một phần Khu phố 1, phường Bình An thuộc phạm vi lập quy hoạch.
Như vậy, phần diện tích khoảng 4,3 ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An không có trong ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm (phần lõi với diện tích 770 ha) được phê duyệt tại Quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, nội dung này cũng được Thanh tra Thành phố thực hiện thanh tra năm 2008 và đã có Kết luận, theo đó, UBND Thành phố đã xác nhận, báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 484/UBND-ĐTMT ngày 07/9/2009.
Về quy hoạch chi tiết 1/2000
Căn cứ Văn bản số 2704/CV-UB- QLĐT của UBND Thành phố về việc giao nhiệm vụ phê duyệt quy hoạch 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ngày 16/9/1998, Kiến trúc sư Trưởng Thành phố có Quyết định số 13585/KTST-QH phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm với diện tích Khu đô thị mới là 748 ha (gồm : 618 ha đất và 130 ha mặt nước sông Sài Gòn) có vị trí phía bắc, phía nam, phía tây giáp sông Sài Gòn, phía đông giáp phần còn lại của phường An Khánh.
Kết quả kiểm tra cho thấy :
- Theo quy định tại Nghị định số 91/NĐ-CP ngày 17/8/1994, thẩm quyền phê duyệt quy hoạch 1/2000 đối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc UBND Thành phố, nhưng UBND Thành phố đã giao cho Kiến trúc sư trưởng phê duyệt, trong đó,giảm khoảng 26,3 ha (có bao gồm 03 ha mặt nước) so với Quyết định số 367/TTg, nguyên nhân là do : đã giao đất cho 05 doanh nghiệp đầu tư dự án kinh doanh nhà ở, khu vui chơi, giải trí, thương mại với tổng diện tích 23,3 ha thuộc phường Bình An, Quận 2 trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch và bổ sung vào trong ranh quy hoạch khoảng 4,3 ha thuộc một phần khu phố 1, phường Bình An hiện nay.
Việc làm này của Kiến trúc sư trưởng Thành phố là không đúng thẩm quyền khi chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh tăng, giảm diện tích, theo đó, ranh quy hoạch Khu đô thị mới đã thay đổi về phía bắc thuộc Khu phố 1, phường Bình An tăng 4,3 ha, giảm 26,3 ha, vi phạm quy định tại Nghị định số 91/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ.
- Quyết định số 13585/KTST-QH ngày 16/9/1998 của Kiến trúc sư trưởng Thành phố, trong đó, ghi vị trí giới hạn không đúng so với bản đồ và thực địa, cụ thể : quyết định nêu "Phía Bắc giáp sông Sài Gòn (quận Bình Thạnh) và xa lộ Hà Nội ; phía Nam giáp sông Sài Gòn (quận 7) ; phía Đông giáp phần còn lại phường An Khánh, Quận 2 : phía Tây giáp sông Sài Gòn (trung tâm quận 1)".
Nhưng theo bản đồ và thực tế đúng phải là : "Phía Bắc giáp sông Sài Gòn (Quận Bình Thạnh) và một phần phường An Khánh, Bình An, Quận 2 ; Phía Nam giáp sông Sài Gòn (Quận 7) ; Phía Đông giáp phần còn lại của phường Bình Khánh, Quận 2 ; Phía Tây giáp sông Sài Gòn (Quận 1)". Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến người dân khiếu nại về ranh quy hoạch và đền bù, giải phóng mặt bằng.
- Trước đó, ngày 15/01/1998, UBND Thành phố đã có Quyết định số 255/QĐ-UB-QLĐT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch các khu vực không bán nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn Quận 2, trong đó quy định 06 khu vực được quy hoạch không bán nhà thuộc sở hữu nhà nước (gồm : Khu trung tâm thành phố mới ; Khu quy hoạch An phú – An Khánh ; Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc ; Ga Thủ Thiêm ; Khu công nghiệp Cát Lái và Khu biệt thự Thảo Điền – An Phú), nhưng không xác định cụ thể quy mô diện tích của từng khu vực. Theo đó, người dân đã cho rằng Khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 không có trong quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, phát sịnh khiếu nại.
Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 91/NĐ-CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ, Quyết định số 255/QĐ-UB-QLĐT không phải là căn cứ xác định ranh quy hoạch, thu hồi và giao đất Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Về thu hồi đất
Ngày 04/01/2002, UBND Thành phố có Văn bản số 70/UB-TH đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo Quyết định số 367/TTg là 930 ha, trong đó, khu đô thị mới 770 ha đất và khu tái định cư 160 ha, nhưng không xác định ranh giới, vị trí khu tái định cư.
Ngày 22/02/2002, căn cứ văn bản nêu trên của UBND Thành phố, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 190/CP-NN cho phép UBND Thành phố căn cứ Quyết định số 367/TTg thu hồi 930 ha đất gồm : 770 ha đất để xây dựng khu đô thị mới và 160 ha khu tái định cư nằm ở vị trí thuộc 05 phường An Khánh, An Lợi Đông, Bình An, Bình Khánh và Thủ Thiêm.
Căn cứ Quyết định số 367/TTg và Văn bản số 190/CP-NN của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố đã có Quyết định số 1997/QĐ-UB ngày 10/5/2002 về việc thu hồi và giao đất xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó : thu hồi 621,4 ha đất nằm trong quy hoạch tại các phường An Khánh, An Lợi Đông, Bình An, Bình Khánh và Thủ Thiêm thuộc Quận 2 và giao cho Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm tổ chức bồi thường và quản lý đầu tư xây dựng.
Qua kiểm tra cho thấy :
UBND Thành phố căn cứ vào Quyết định số 367/TTg và Văn bản số 190/CP-NN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thu hồi 4,3 ha đất thuộc khu phố 1, phường Bình An để thực hiện một số dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm là chưa đủ cơ sở pháp lý, dẫn đến, thiếu căn cứ thực hiện, không xác định đúng, đủ diện tích đất phục vụ tái định cư theo quy hoạch, cần rà soát và có giải pháp giải quyết phù hợp.
Cần khởi tố vụ án theo Điều 229, Bộ luật hình sự
Nội dung về điều luật hình sự này có nội dung như sau :
"1. Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm :
a) Đất trồng lúa có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 30.000 mét vuông (m2) ; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2) ; đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 40.000 mét vuông (m2) ;
b) Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp ;
c) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm : a) Có tổ chức ; b) Đất trồng lúa có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 70.000 mét vuông (m2) ; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2) ; đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 40.000 mét vuông (m2) đến dưới 80.000 mét vuông (m2) ; c) Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 7.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 5.000.000.000 đồng đến dưới 15.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp ; d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm :
a) Đất trồng lúa có diện tích 70.000 mét vuông (m2) trở lên ; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên ; đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích 80.000 mét vuông (m2) trở lên ;
b) Đất có giá trị quyền sử dụng đất được quy thành tiền 7.000.000.000 đồng trở lên đối với đất nông nghiệp hoặc 15.000.000.000 đồng trở lên đối với đất phi nông nghiệp.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".
Tuy nhiên trong phần "Kiến nghị xử lý", bản kết luận kiểm tra nói trên chỉ đưa ra đề xuất là xem xét xử lý hành chánh, không thấy đề cập đến các dấu hiệu sai phạm vốn phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật hình sự.
Giơ cao đánh khẻ là vậy !.
Trần Thành & Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 09/09/2018