Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Quyền ra đi tìm một vùng đất hứa là của tất cả mọi người, đặc biệt là đến nước Mỹ, đất nước được mệnh danh là thế giới tự do

ghet1

Người phụ nữ gốc Việt Tien Nguyen, 30 tuổi và con trai Ethan - 16 tháng tuổi - cầm cờ Mỹ tại một lễ tuyên thệ trở thành công dân Hoa Kỳ ở Los Angeles, California, Mỹ, hôm 17/12/2013 - Reuters/Lucy Nicholson

Phong thủy thế nào, chỉ quay đi quay lại vài tháng không gặp, nhoằng một phát tính lại cả ba bốn người quen, bạn bè của tôi-đều công việc ổn định, thu nhập sống tốt ở Việt Nam - đã sang Mỹ.

Giấc mơ Mỹ chưa bao giờ tắt

Người chưa có gia đình thì đi theo chồng.

Người đã có gia đình con cái thì bốc hết cả nhà đi.

Người một mình nuôi con sau ly hôn cũng đã gác chân chụp ảnh cảnh rừng thu lá vàng rụng rơi trong khi ở nhà nấu cơm chờ con đi học về.

Mỗi người một cách, người rất dễ dàng nhanh chóng, người phải đi đường vòng… nhưng đều đã sang Mỹ, một cách chính thức và bình an. Không phải làm "thùng nhân" do họ đều có nghề nghiệp chuyên môn và tài chính để bắt đầu cuộc sống mới ở Mỹ một cách hợp pháp.

Và lạ lùng là, mặc dù đã có cuộc sống rất ổn định tại Việt Nam, nhưng khi biết họ đã sang Mỹ, hầu như tất cả mọi bình luận của người quen, bạn bè dưới bài post trên trang mạng cá nhân đều mang nội dung chúc mừng.

Mừng điều gì vậy ?

Mừng vì đời sống ở Mỹ cao hơn Việt Nam nhiều lần, kiếm tiền tốt hơn, hưởng thụ cuộc sống vật chất sung sướng hơn ?

Mừng vì được sống trong môi trường kinh doanh lành mạnh hơn Việt Nam, khi không phải lập cả cái sớ dài như trái đất đến mặt trăng những chức vụ phải đút lót hối lộ để được yên ổn làm ăn, từ chú công an khu vực, em cán bộ kiểm tra phòng cháy chữa cháy đến sếp ngành ngang, ngành dọc ?

Mừng vì từ nay không phải chạy trường, không phải nghĩ mua quà tặng thầy cô, vì con cái có môi trường học tập hứa hẹn giúp nó tìm ra và phát triển những thế mạnh sở trường nhất của nó, vì nó sẽ có được tấm thẻ công dân toàn cầu ?

Mừng vì môi trường sống trong lành, nhiều cây xanh, sông thì sạch hồ thì trong, thiên nhiên và con người gần gũi ?

Mừng vì được tự do suy nghĩ và biểu đạt ?

Hóa ra cuộc sống trong nước tuy đã khấm khá hơn rất nhiều so với thời mới thống nhất đất nước, nhưng số người ra đi-tuy không đến nỗi kiểu cái cột điện mà có chân thì nó cũng đi-nhưng vẫn không hề ít. Thậm chí, được định cư ở Mỹ có thể gọi là một giấc mơ hồng, và giấc mơ ấy chưa bao giờ tắt đi.

Quyền ra đi tìm một vùng đất hứa là của tất cả mọi người, đặc biệt là đến nước Mỹ, đất nước được mệnh danh là thế giới tự do, nơi con người được sống và phát triển tự do nhất có thể. Những tưởng người đồng cảm nhất, dễ dàng chia sẻ niềm vui đó nhất chính là những đồng hương đã sang đất hứa từ trước. Thế nhưng tưởng vậy mà hổng phải vậy.

Ghét đồng bào nhất chính là đồng hương

Chị họ tôi lấy chồng, theo chồng sang Mỹ sinh sống từ rất nhiều năm trước. Trước khi qua Mỹ, chị đã là giáo viên, rồi nhân viên công tác xã hội của một tổ chức Anh rất lớn, hoạt động trên toàn thế giới. Qua đến Mỹ, chị vẫn tiếp tục công việc, thường xuyên đi đi về về ở một số nước Châu Á như Thái Lan, Lào, Philippines, Malaysia. Chồng chị là nhân viên kinh doanh bất động sản. Cứ thế việc ai nấy làm, chủ nhật hay ngày lễ mà chị có mặt ở Mỹ thì đi nhà thờ.

Dù ít giao tiếp với cộng đồng Việt Nam vì đặc thù công việc hay vắng nhà, nhưng chị rất quảng giao, chu đáo và khéo léo trong việc giữ mối quan hệ với mọi người. Thế mà chả hiểu vì sao, có lẽ vì không biết chị làm việc gì nhưng thấy chị cứ (có tiền) đi đi về về Châu Á suốt, bắt đầu có tin đồn chị là cộng sản nằm vùng (!)

Ối giời ơi chắc ai cũng biết ảnh hưởng của tin đồn kiểu này trong một số nhóm người có thù hận sâu sắc với cộng sản rồi đó. Chị tôi bị tẩy chay, ngấm ngầm và công khai. Bị lườm nguýt, nói xấu, khiêu khích khi người ta đụng mặt chị ở nhà thờ.

Một người bạn của tôi sang Mỹ và tiếp tục làm việc trong ngành truyền thông. Khi đứng tên để chịu trách nhiệm xuất bản nguyệt san Tết, bạn tôi nhận được rất nhiều lời khuyên của cả đồng nghiệp trong công ty lẫn bạn đọc bên ngoài. Họ góp ý không nên dùng những từ đang phổ biến ở Việt Nam mà nên dùng những từ được sử dụng trước 1975, ví dụ không dùng "máy bay, sân bay, đường băng" mà phải dùng "phi cơ, phi trường, phi đạo". Không dùng "bóng đá" mà phải gọi "túc cầu". Không "chữa cháy" mà phải "cứu hỏa". Không được "diễu binh, diễu hành" mà phải là "diễn binh, diễn hành". Không được dùng "tài khoản" mà phải là "trương mục", không được nói "triều cường" mà phải nói "thủy triều"…

Còn vô số từ ngữ khác mà bạn tôi được khuyên dùng, để "mọi người biết mình là người quốc gia chân chính, chỉ dùng chữ (của) Việt Nam, không dùng chữ (của) Việt cộng. Để mọi người không hiểu lầm mình là cộng sản nằm vùng" (cũng lại cộng sản nằm vùng !).

Khổ một nỗi, những từ mà các cố, các ông, các bác, các chú yêu cầu dùng thì nó đã thuộc về một thời xa xưa, không còn phổ biến trong ngôn ngữ Việt đương đại nữa. Nếu cứ khăng khăng từ chối những từ ngữ đang được dùng phổ biến ở Việt Nam thì người đọc ở Việt Nam, hay người đọc trẻ ở Mỹ, ở các nước khác dần dần sẽ thấy xa lạ và không hiểu được.

ghet2

Những người tham dự một buổi lễ ở Little Saigon, California hôm 4/2/2017. AP Photo/Nick Ut

Một phản ứng thường thấy khác là người qua trước cười cợt, chế giễu người qua sau là "quê", "cù lần" vì chưa thông thuộc nhiều điều nơi cuộc sống mới.

Nào đâu sự gần gũi, thân tình, sẻ chia, hướng dẫn… như những người Mỹ hay người dân các nước khác đã đối xử với người Việt Nam khi họ mới đặt chân sang tị nạn.

Đồng hương nơi xứ người đã vậy. Đồng bào trong nước cũng chẳng rộng lòng hơn tí nào.

"Nhìn lại bờ nước non mình muối mặn"

Nhạc sĩ Châu Đình An viết như vậy trong bài Đêm chôn dầu vượt biển, tả nỗi lòng xót xa quặn thắt của người phải bỏ nước ra đi. Giờ thì người bên kia đại dương vẫn xót xa quặn thắt, nhưng là xót xa vì những lời chửi rủa của người ở lại bên bờ nước non mình.

Mới đây có những nghệ sĩ Việt Nam sang Mỹ sinh sống như vợ chồng diễn viên xiếc Quốc Nghiệp – ca sĩ Ngọc Mai, người mẫu Trang Trần. Trước đó có Kasim Hoàng Vũ. Còn rất nhiều người khác nhưng dư luận gần đây đổ dồn vào ba người này, nên tôi xin phép chỉ phân tích về họ.

Thiệt là tôi cũng ngạc nhiên khi thấy Quốc Nghiệp bồng con đi biểu diễn ở (hình như là) sân chùa, chỉ có vài chục khán giả, có lẽ trong một dịp vui nhỏ của cộng đồng Việt Nam.

Vì ở Việt Nam, họ nổi danh lắm. Quốc Nghiệp (và anh trai mình, cũng là diễn viên xiếc), được gọi là hoàng tử xiếc. Ngọc Mai thì chạy show ná thở sau khi thắng giải quán quân tại games show Ca sĩ Mặt nạ. Sau lưng họ còn là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại dầu xoa, cao xoa bóp thảo dược của gia đình, do cha mẹ của Quốc Cơ-Quốc Nghiệp làm chủ. Ông Giang Kiếm Thanh (người cha) vốn là một võ sĩ đồng thời là lương y cộng tác lâu năm với Bệnh viện Y học cổ truyền TP HCM. Dựa trên danh tiếng về những thành tích thể thao (chồng đầu đi cầu thang), Quốc Cơ và Quốc Nghiệp còn có một doanh nghiệp riêng tên là Giang’s, cũng bán cao xoa thảo dược và một số mỹ phẩm-dược phẩm. Quốc Cơ kín đáo hơn em trai, còn Quốc Nghiệp và Ngọc Mai thì phủ sóng truyền thông, luôn xuất hiện trong đồ hiệu đẹp đẽ đắt tiền, tại những sự kiện góp mặt đông đúc nhiều ngôi sao trong giới biểu diễn, báo chí khai thác từng ngóc ngách đời sống. Nên khi thấy ảnh Quốc Nghiệp diễn tại "sân chợ", có những người Việt Nam rất khoái tỉ, vào châm biếm, giễu cợt hết lời.

ghet3

Hai nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ và Quốc Nghiệp sau một buổi biểu diễn phá kỷ lục Guinness về leo thang chồng đầu ở Nhà thờ Girona hôm 22/12/2016. Pau Barrena / AFP

Hay mới đây là vụ ca sĩ Kasim Hoàng Vũ bế tắc tài chính khiến một số nghệ sĩ Việt Nam ở hải ngoại phải tổ chức show quyên góp tiền giúp đỡ anh để trả tiền phẫu thuật chữa bệnh. Cứ như đã bị đổi người : Kasim bây giờ suy nhược bệnh tật, mắt sâu hõm, khuôn mặt vêu vao vàng vọt, không còn chút nào dấu tích của chàng ca sĩ có dòng máu lai, da nâu bóng, mái tóc quăn đen để dài buộc túm sau gáy, đôi mắt to đen rõ nét và vóc người khỏe mạnh ngày nào ở Việt Nam.

Thời đó Kasim Hoàng Vũ làm mưa làm gió các sàn diễn, các chương trình tivi, báo chí về nghệ sĩ, sống rất sung túc. Kasim Hoàng Vũ đi Mỹ vì lý do gì không rõ, chỉ biết anh nói với truyền thông anh sống rất giàu có. Kasim khoe có nhà hàng, tiệm nail, studio riêng, mấy ngôi nhà toàn thuộc loại cao cấp mắc tiền trong những khu biệt lập ở Mỹ, ngoài ra còn nhiều bất động sản khác.

Thế nhưng các thông tin này không trùng với thông tin mà diễn viên hài Thúy Nga chia sẻ khi làm show cho Kasim Hoàng Vũ. Cô Thúy Nga nói Kasim Hoàng Vũ chỉ có một ngôi nhà, quán ăn cũng do mình anh tự nấu bếp và đôi lúc kiêm cả phục vụ nên thu nhập không đủ để trả tiền phẫu thuật.

Cũng giống như vụ Quốc Nghiệp – Ngọc Mai, dưới các thông tin về Kasim Hoàng Vũ, rất nhiều bình luận bằng tiếng Việt rất hả hê. Họ nói có những ca sĩ cùng thời với Kasim Hoàng Vũ, thậm chí không nổi tiếng bằng anh thời điểm đó nhưng ở Việt Nam sinh sống nên đã tích cóp được khối tài sản đủ sống giàu có cả đời, mấy tỷ tiền chữa bệnh chỉ là cái bọt nước. So với những người đó, Kasim Hoàng Vũ sống quá nghèo khổ lay lắt. Ai biểu ham đi Mỹ ?

Cựu người mẫu Trang Trần cũng gặp thị phi y như Kasim Hoàng Vũ. Khi còn ở Việt Nam, Trang Trần làm chủ quán bún đậu mắm tôm rất đắt khách và bán hàng online, ngoài ra không biết có làm thêm nghề gì nữa không. Nhưng trên mạng xã hội, Trang Trần luôn thể hiện cuộc sống giàu có và cực kỳ tự do. Đến khi sang Mỹ thì – không biết là sự thực hay cô cố ý làm các video như vậy để hút người xem – Trang Trần kể mình và mẹ chồng phải đi nhổ lông gà thuê, được người ta trả công và cho đầu gà, chân gà, trứng, lòng gà về ăn với vẻ mặt rất thỏa thuê. Hay việc cô phải đi dọn WC thuê để kiếm tiền. Việc cô đi lấy thức ăn từ thiện, cười sung sướng khoe được đến mấy pounds thịt bò. Gia đình chồng và gia đình cô thì cùng sinh sống ở nhà thuê trong khu nhà dưới mức trung bình ở Mỹ.

Trang Trần vốn đã bị nhiều người ghét vì thói quen ăn nói tục tằn thô lỗ khi ở Việt Nam nên rất nhiều người ở cả Việt Nam lẫn Mỹ thấy khoái trá khi cô lâm vào cảnh nghèo khó.

Nhưng không hiểu sao, cuối cùng, mọi nhận xét đều bị chụp vào lý do chính trị : không ít người – mà dân mạng gọi là "bò đỏ" hỉ hả chửi Kasim Hoàng Vũ, chửi Quốc Nghiệp – Ngọc Mai, chửi Trang Trần cái tội hám Mỹ, mê Mỹ, tìm mọi cách qua Mỹ, giờ thì sáng mắt ra chưa.

Dân Việt mình giỏi nhất là chửi nhau

Những ngày tháng ngay sau thời điểm 1975, hàng triệu người Việt Nam chọn cách ra đi, phần nhiều là vì lý do chính trị. Những sĩ quan và một số công chức trong chế độ Việt Nam Cộng hòa bị đi tù, vợ con không có việc làm, đời sống vô cùng khó khăn. Đến khi đời sống dễ thở hơn một chút thì cái lý lịch có cha mẹ người thân là nhân viên chế độ Việt Nam Cộng hòa tiếp tục gây cản trở con đường vào đại học hay lựa chọn một số ngành nghề đặc biệt của họ. Vì thế, tuy bề ngoài có thể là lý do kinh tế nhưng bản chất của việc phải liều mình vượt biên đều có căn nguyên sâu xa là từ chính trị cả.

ghet4

Những người Việt tị nạn đang đợi được đưa lên tàu của Pháp ở Biển Đông hôm 8/7/1979. AFP / Francois Grangie

Nhưng mấy chục năm đã qua, đến thời điểm này, việc đi Mỹ định cư đã không chỉ còn hoàn toàn liên quan đến chính trị nữa. Như đã nói ở trên, có rất nhiều lý do về kinh tế, giáo dục, môi trường, điều kiện sống, sum họp gia đình, tài chính, y tế… khiến một cá nhân hay gia đình chọn sang Mỹ.

Ngược lại, cũng có không ít người phương Tây chọn Việt Nam là ngôi nhà thứ hai, ở lại định cư lâu dài. Nhiều người sung sướng khoe những trải nghiệm của họ về thời tiết nắng ấm, thức ăn ngon, rau trái tươi, con người thân thiện và nhiều cơ hội làm ăn, kinh doanh.

Mà đấy chính là một trong những quyền tối thượng của con người. Con người có quyền chọn sống ở nơi nào họ cảm thấy phù hợp nhất, hạnh phúc nhất. Có thể con đường tìm kiếm hạnh phúc không hoàn toàn bằng phẳng, không trải hoa hồng, nhưng chỉ kẻ uống nước mới biết nước lạnh hay nóng, chỉ có người trong cuộc mới biết họ nên trả cái giá bao nhiêu cho những điều họ muốn có, có xứng đáng không.

Đã là đồng hương đi trước, sinh sống trước ở một đất nước tự do thì càng phải học lấy giá trị tinh thần tối cao ấy của nước Mỹ. Càng phải tôn trọng sự tự do lựa chọn của những đồng hương khác. Và càng biết ơn sự giúp đỡ nhiệt tình, vô vị lợi của những người dân Mỹ khi mình mới chân ước chân ráo sang Mỹ mấy chục năm trước, thì đến lượt mình càng phải chứng tỏ tấm lòng rộng rãi chân thành ấy với những đồng bào của chính mình, để tiếp nối những nghĩa cử, giúp nó trường tồn.

Còn những người trong nước, nếu đã yên vui và bằng lòng với những gì mình đang có trên quê hương mình, thì việc mỉa mai châm chọc người có lựa chọn khác chỉ thể hiện sự thiển cận, nhỏ nhen và sâu xa hơn, là sự tự ti trong đáy lòng. Tự ti nên mới phải cố vùi dập người khác khi họ chẳng liên quan gì đến mình, mới hân hoan hể hả khi họ gặp khó khăn, để tự chứng minh (hay an ủi) với bản thân rằng mình khôn hơn, tài giỏi, đúng đắn hơn người khác.

Gần 50 năm đã qua kể từ thời điểm 1975. Hầu hết các vết thương đã lành. Mà không lành thì sao ? Thì càng phải chữa cật lực cho nó lành, để mà tiếp tục cuộc sống trong tâm thế hướng đến tương lai. Thế mà người Việt vẫn cứ cắn xé nhau vì những lý do rất ruồi bu như đã kể.

Thế mà vỗ ngực tự xưng con rồng cháu tiên cái gì ? Con … giun thì có, nên mới mãi mãi cứ trườn bò trong lòng đất, tự mình rúc vào những nơi tối tăm, chối từ ánh sáng.

Nguyễn Nhơn

Nguồn : RFA, 16/11/2024

Tham khảo :

https://ngoisao.vnexpress.net/kasim-hoang-vu-se-phai-cat-toan-bo-xuong-ham-4805134.html

https://www.facebook.com/watch/?v=496787546492413

https://kenh14.vn/xon-xao-hinh-anh-nghi-quoc-nghiep-bieu-dien-tai-my-215240920161532101.chn

https://kenh14.vn/giai-dap-thac-mac-vi-sao-kasim-benh-nang-van-phai-nau-an-kiem-tien-2152409261019314.chn4https://kenh14.vn/kasim-hoang-vu-bi-cu-dan-mang-phan-ung-gay-gat-chuyen-gi-day-215240926185044325.chn

Additional Info

  • Author Nguyễn Nhơn
Published in Diễn đàn

Một bộ phận nhỏ kiều bào chưa thực sự mở lòng, xóa bỏ định kiến

RFA, 21/04/2024

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, kiêm Chủ nhiệm ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng có bài trả lời phỏng vấn trước Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 sẽ diễn ra ở Hà Nội từ ngày 21-24/8.

vn1

Những phụ nữ trong trang phục áo dai Việt Nam cầm cờ Việt Nam Cộng Hòa diễu hành ở Washington hôm 26/5/2013 – Nicholas Kamm / AFP

Báo quốc tế dẫn lời bà Hằng cho hay công tác vận động Người Việt Nam ở nước ngoài mặc dù đã có bước đột phá, nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn do "một bộ phận nhỏ kiều bào chưa thực sự mở lòng, xóa bỏ định kiến".

Một số khó khăn, thách thức khác được bà Thu Hằng cho biết là việc bổ sung, hoàn thiện, triển khai một số cơ chế chính sách, quy định pháp luật liên quan đến Người Việt Nam ở nước ngoài còn chưa đáp ứng được đòi hỏi của tình hình.

Các chính sách, quy định liên quan Người Việt Nam ở nước ngoài như quốc tịch, nhà đất, đầu tư, xuất nhập cảnh… mặc dù đã có nhiều bước chuyển tích cực, chỗ này chỗ khác vẫn còn thiếu đồng bộ trong xây dựng và triển khai…

Ngoài ra, việc thu hút nguồn lực Người Việt Nam ở nước ngoài chỉ tập trung vào nguồn lực kinh tế, chưa phát huy hiệu quả nguồn lực tri thức và vai trò của kiều bào trong việc quảng bá thương hiệu quốc gia, cũng như thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức.

Cựu phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao cũng cho hay, công tác thông tin, tuyên truyền chưa tiếp cận được giới trẻ.

"Do đó, một bộ phận bà con vẫn chưa tiếp cận được nguồn thông tin chính thống về tình hình đất nước, chưa có nhận thức đúng, đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước", bà Hằng khẳng định.

Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam cũng kỳ vọng Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới năm nay sẽ là một hội nghị "Diên Hồng" tập trung trí tuệ tập thể, tăng cường đại đoàn kết dân tộc, phát huy nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của kiều bào cho sự phát triển của đất nước, nhất là trong những lĩnh vực trọng điểm, các vấn đề phát triển xanh, bền vững của đất nước,…

Nguồn : RFA, 21/08/2024

****************************

Tăng tỷ lệ sinh bằng cách tăng trách nhiệm xã hội với dân ?

RFA, 20/08/2024

Thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn là kiến nghị của Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhằm cải thiện tỷ lệ sinh vùng đô thị. Bà Lan yêu cầu thí điểm từng bước biện pháp trên khi tỷ lệ sinh ở vùng đô thị đang xuống rất thấp. Đề nghị của bà Lan, được truyền thông loan trong ngày 16/8, nhận không ít phản ứng từ người dân.

vn2

Ngày xưa người ta hay nói trời sinh voi sinh cỏ còn giờ thì không có đâu - Ảnh minh họa

Tại sao tỷ lệ sinh thấp ?

Một phụ nữ không muốn nêu tên ở Đà Nẵng, hôm 20/8/2024 cho RFA biết ý kiến :

"Ở Việt Nam việc kết hôn không phụ thuộc vào từng người dân mà hoàn toàn phụ thuộc vào kinh tế, học thức, thu nhập cá nhân, vùng miền… Họ không muốn kết hôn vì họ không hội tụ đủ những thứ đó hoặc họ sẽ bị phân biệt đối xử đến nỗi không ai muốn lấy… là chính chứ không phải họ thiếu ý thức hay không có trách nhiệm với xã hội".

Người phụ nữ này đưa ra một số lý do khiến tỷ lệ sinh thấp, trong đó trách nhiệm của Nhà nước là rất lớn :

"Khi mà kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế đầy đủ và hoàn hảo thì hôn nhân là chuyện bình thường, đó là trách nhiệm của Nhà nước. Hơn nữa hãy để ý vùng sâu, vùng xa, nông thôn thì tỷ lệ kết hôn vô tội vạ rất cao, kể cả những tục tảo hôn, sinh đẻ không có kế hoạch, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Nhà nước. Cần có sự giáo dục cho mọi người nhất là lứa trẻ về ý thức hệ, trách nhiệm với hôn nhân và gia đình, đó cũng là trách nhiệm của bản thân đối với xã hội. Việt Nam đang thiếu đủ thứ thì không nên đòi hỏi công dân những điều vô lý".

Một bà mẹ hai con ở Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 20/8 cho biết thêm một lý do mức sinh thấp ở vùng đô thị :

"Cuộc sống bây giờ không phải có tiền là đủ, cơm áo gạo nhà cửa, đủ thứ chuyện mưu sinh. Thứ hai sống theo vật chất nhiều quá, chạy theo để mà lo kiếm tiền, khi sinh con phải cho con học như thế nào, khó khăn đủ thứ về nơi ở. Ngày xưa thì dù gì cũng có thể lo được cái nhà nhỏ, còn giờ như công nhân thì làm gì có thể có nhà ở, toàn đi mướn không thôi nên thành ra họ không dám sinh con. Ngày xưa người ta hay nói trời sinh voi sinh cỏ còn giờ thì không có đâu".

"Thu nhập thấp, thất nghiệp tràn lan, cuộc sống khó khăn như vậy thì ai mà dám sinh con. Cần lo việc làm cho người dân trước khi lo cho họ sinh đẻ" cũng là một trong những ý kiến mà người dân nêu lên khi truyền thông loan tin về kiến nghị của bà Bộ trưởng Y tế.

Theo số liệu của Cục Dân số - Bộ Y tế, tổng tỷ suất sinh năm 2023 của Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, tiếp tục giảm so với năm 2022 là 2,01 con/phụ nữ và ở dưới mức sinh thay thế. Trong khi Việt Nam đặt kế hoạch 2,1 con/phụ nữ.

Trong đó, vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, mức sinh tiếp tục xuống sâu, chỉ khoảng 1,5 con/phụ nữ.

Cần một chính sách đúng đắn

Với kiến nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, hiện công tác tại Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khi trả lời RFA hôm 20/8/2024 nhận định :

"Theo tôi điều này cũng là bình thường. Một số nước khác cũng đã áp dụng hình thức tương tự, nếu không kết hôn thì sẽ phải nộp một khoản phí nào đấy. Vì họ không thực hiện trách nhiệm chung chăm sóc đối với xã hội, nên phải chi trả cho thế hệ sau để tạo nguồn nhân lực cho đời sau. Vì nếu không có con cái chăm sóc thì xã hội phải chăm sóc. Tất nhiên những khía cạnh về xã hội cần phải đẩy mạnh, thế nhưng cả về mặt kinh tế cũng cần một chính sách nào đấy để thúc đẩy sinh con…".

Tuy vậy, theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, điều quan trọng nhất là làm sao giải quyết được câu chuyện phát triển kinh tế, hỗ trợ tương xứng :

"Thật ra việc muốn tăng tỷ lệ sinh là một xu hướng tất yếu của toàn cầu. Bất kỳ nước nào trên thế giới khi điều kiện kinh tế phát triển, trở thành các nước thoát nghèo, thì lúc đó tỷ lệ sinh cũng tăng… Tuy nhiên trường hợp của Việt Nam người ta nói là ‘chưa giàu… đã già’, tức là tốc độ già hóa nhanh và tốc độ sinh cũng giảm nhanh, tạo một sức ép quá lớn cho xã hội nói chung và cho quản lý nhà nước nói riêng".

Bộ Y tế từng ban hành Thông tư số 01/2021 hướng dẫn một số nội dung để địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ, khuyến khích duy trì vững chắc mức sinh thay thế. Theo đó, các tỉnh thuộc vùng mức sinh thấp sẽ hỗ trợ tiền hoặc hiện vật cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi.

Theo Bộ này, một số tỉnh đã triển khai thông tư này điển hình như tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ… Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mức sinh những địa phương này hiện chưa cải thiện. Mức sinh ở Cần Thơ năm 2023 là 1,44 con/phụ nữ, còn năm 2022 là 1,73 ; Hậu Giang 1,52 con/phụ nữ vào năm 2023, năm trước là 1,51con/phụ nữ.

Nguồn : RFA, 20/08/2024

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam

Sau 20 năm chiêu dụ kiều bào về giúp nước không thành công, Đảng cộng sản Việt Nam lại tung ta Dự án "Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới" vào dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024.

kieubao1

Thủ tướng Phạm Minh Chính với kiều bào tiêu biểu dự chương trình Xuân Quê hương 2023. Ảnh : Dương Giang/TTXVN

Đây là lần thứ tư, từ khi có Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/03/2004, một quyết định nhằm mưu tìm đầu tư, hợp tác khoa học, kỹ thuật và tổ chức các hội, đoàn người Việt ở nước ngoài, đặt dưới quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam được tung ra.

Quyết định số 1334/QĐ-TTg, ngày 10/11/2023 do Phó Thủ tướng chính phủ Trần Lưu Quang  ký ban hành nhằm : "Huy động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gắn với mục tiêu phát triển của Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội Đảng lần XIII đã đề ra ; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước ; củng cố sức mạnh, tiềm năng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho đất nước".

Chi tiết hơn, Quyết định mới đưa ra một số "mục tiêu" cụ thể như :

- "Tăng cường thống nhất nhận thức người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực ngày càng quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, từ đó xây dựng các định hướng, chủ trương, biện pháp mang tính tổng thể, cơ bản, lâu dài nhằm thu hút và phát huy tối đa nguồn lực này. Tạo môi trường, cơ chế trong nước để người Việt Nam ở nước ngoài yên tâm gắn bó, phát huy nguồn lực của mình với đất nước".

- "Xây dựng hành lang pháp lý để người Việt Nam ở nước ngoài cơ bản được hưởng môi trường pháp lý tương đương với người trong nước khi tiến hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh, khoa học-công nghệ, văn hóa thể thao, nhân đạo".

- "Tạo khuôn khổ, cơ chế bền vững khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển đất nước trên các lĩnh vực phù hợp với nguồn lực của cộng đồng ; đẩy mạnh phát huy hiệu quả nguồn lực của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài thúc đẩy chuyển giao tri thức và kỹ năng ; thu hút và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động, du học sinh trở về ; triển khai hiệu quả các sáng kiến, đóng góp từ thiện nhân đạo, xã hội của các cá nhân, tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài tại Việt Nam ; phát huy vai trò cầu nối của người Việt Nam ở nước ngoài trên các lĩnh vực khoa học-công nghệ, kinh tế, thương mại, văn hóa, xã hội…".

Những "mục tiêu" này không mới vì cùng đặt trọng tâm vào công tác lôi kéo khoảng 70.000 trí thức-chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài về giúp Việt Nam, song song với các dự án đầu tư của Việt kiều.

Quyết định mới cũng tái khẳng định :

- "Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho kiều bào về thăm quê hương, thân nhân, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học - công nghệ, hoạt động văn hóa - nghệ thuật, từ thiện, xã hội, du học sinh, lao động trở về lập nghiệp…".

- "Tiếp tục tăng cường cảnh giác, kiên quyết đấu tranh đối với các âm mưu và hành động khống chế cộng đồng, lợi dụng cộng đồng để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"

- Tăng cường thống nhất nhận thức người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực ngày càng quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, từ đó xây dựng các định hướng, chủ trương, biện pháp mang tính tổng thể cơ bản, lâu dài nhằm thu hút và phát huy tối đa nguồn lực này. Các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch về thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài. Thiết lập cơ chế triển khai, phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở và trên phạm vi toàn quốc, trong và ngoài nước.

- Tạo môi trường, cơ chế trong nước để người Việt Nam ở nước ngoài yên tâm gắn bó, phát huy nguồn lực của mình với đất nước. Xây dựng hành lang pháp lý để người Việt Nam ở nước ngoài cơ bản được hưởng môi trường pháp lý tương đương với người trong nước khi tiến hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh, khoa học công nghệ, văn hóa thể thao, nhân đạo...".

Tổ chức – kiểm soát hội đoàn

Trong lĩnh vực tổ chức hội đoàn, mục tiêu chính trị quan trọng của chủ trương nắm bắt cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Quyết định mới yêu cầu :

- "Phấn đấu 100% các địa bàn có đông cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thành lập được các hội, đoàn".

- "Hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phát triển, có vị thế ở sở tại ; tăng cường sự gắn kết, giao lưu trong nước giữa người Việt Nam ở nước ngoài với các tổ chức nhân dân, hội đoàn trong nước".

Nhưng tại sao Đảng cộng sản Việt Nam lại thất bại trong công tác tổ chức các tổ chức thân cộng ở nước ngoài để nối kết với các tổ chức trong nước ?

Lý do là vì đại đa số người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là những người phải tìm mọi cách ra đi tìm tự do sau ngày 30/04/1975, đã biết rõ chân tướng không thành thật của đảng cầm quyền. Hơn nữa, việc đãi ngộ trí thức Việt kiều và du học sinh thành đạt vẫn còn nhiều hạn chế và kỳ thị cũng đã hạn chế số chuyên viên về nước. Ngay cả khối du sinh ra nước ngoài ăn học theo ngân sách nà nước cũng tìm đường ở lại nước ngoài.

Theo báo Sức khỏe và Đời sống ngày 17/10/2023, "tính đến hết năm 2022, số lượng học viên mà Bộ Giáo dục và đào tạo cử đi học bằng ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2022 là 11.657 người. Trong số này có "khoảng 7.186 người tốt nghiệp về nước" làm việc. Số người ở lại nước ngoài là 4.471 người".

Lý do du học sinh, gồm cả sinh viên tự túc, đã "một đi không về" có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng là nhu cầu việc làm trong nước không phù hợp với kiến thức du sinh. Ngoài ra, căn bệnh kỳ thị "mới cũ", "trong đảng-ngoài dân" và tham nhũng đã khiến cho nhiều người quyết định ở lại nước ngoài làm việc.

Ngoài ra, với chủ trương độc quyền và độc tài cai trị, Đảng cộng sản Việt Nam đã bóp chết tự do, chà đạp dân chủ và vi phạm nghiêm trọng các quyền con người, kể cả tự do tín ngưỡng và tôn giáo khiến du sinh "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" không muốn quay về.

Nhằm đảo ngược tình trạng "chảy máu chất xám ngay trên sân nhà", Quyết định 1334/QĐ-TTg, ngày 10/11/2023 đã tập hợp 13 bộ, ngành và tổ chức hội đồng nhân dân vào cuộc đấu tranh chiếm lấy nguồn lợi "tri thức" và "tài lực" của trên 5 triệu người Việt Nam đang sinh sống tại 30 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới.

Đứng đầu kế hoạch gồm các bộ Ngoại giao, Công an, Tư pháp, Kế hoạch và đầu tư, Công thương, Thông tin và truyền thông, Bộ Lao động thương binh và xã hội.

Ngoài ra còn có Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tuy nhiên, hãy còn qúa sớm để đánh giá thành công hay thất bại của dự án "Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới", nhưng với kinh nghiệm của 20 năm thi hành Nghị quyết 36 đến Kết luận 12 của Bộ Chính trị, vấn đề không còn là "đổi mới" phương pháp làm việc nữa mà cần phài có đội ngũ lãnh đạo mới với một thể chế chính trị có dân chủ và tự do được nhân dân đồng tình ùng hộ.

Phạm Trần

(30/01/2024)

Additional Info

  • Author Phạm Trần
Published in Diễn đàn

Người Việt ở nước ngoài và vấn đề duy trì ngôn ngữ, bảo tồn văn hóa

Kể từ biến cố lịch sử 30/4/1975 cho đến nay, cộng đồng người Việt đã có mặt ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, và tại một số quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Anh, Pháp, Đức… cộng đồng người Việt đã có được những thành công bước đầu về kinh tế, nhiều người đã hội nhập và trở thành bác sĩ, kỹ sư, luật sư, thẩm phán, dân biểu, nghị sĩ… Thời gian qua đi, thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra và lớn lên ở nước người, càng dễ hội nhập và thành công hơn, nhưng mặt khác, số lượng người Việt thế hệ thứ hai, thứ ba nói, đọc, viết tốt tiếng Việt, hiểu được lịch sử, văn hóa Việt, quan tâm đến tình hình vận mệnh Việt Nam cũng ngày càng ít…

nguoiviet1

Giới trẻ gốc Việt ở Mỹ trong trang phục truyền thống. Ảnh minh họa

Nhận xét về tình trạng giới trẻ Việt ở nước ngoài không còn nhiều người sử dụng tốt tiếng Việt cũng như văn hóa Việt đang bị mai một dần, nhà báo Từ Thức (trước 1975, là Tổng thư ký nguyệt san Đối Thoại của sinh viên Đại học Văn Khoa Sài Gòn, đặc phái viên của Việt Tấn Xã (Việt Nam Cộng Hòa) trong suốt cuộc hội đàm về Việt Nam tại Paris, cộng tác với Bách Khoa, Văn… sau 75, cộng tác với nhiều báo, websites tại hải ngoại, hiện sống tại Paris) nói :

"Đó là một điều đáng tiếc. Đánh mất bản sắc, văn hóa cũng như đánh mất chính mình. Việc thế hệ thứ 2, thứ 3 và sau này giữ được ít nhiều bản sắc của dân tộc là chuyện cực kỳ khó, khi lớp trẻ học trường ngoại quốc, liện hệ suốt ngày với bạn bè, đồng nghiệp nước ngoài. Ngoài vấn đề ngôn ngữ, bảo tồn tiếng Việt, một chuyện khác, ít phụ huynh làm, là giải thích ý nghĩa của văn hóa Việt Nam cho lớp trẻ. Nhưng việc này cũng cần tìm hiểu, suy nghĩ, thảo luận với nhau, bởi vì không phải cái gì của dân tộc cũng tốt. Có cái phải gìn giữ, có cái phải bỏ. Đó là việc làm chung của một cộng đồng lành mạnh.

Một việc khác, đơn giản hơn, cũng rất ít người làm: giải thích cho lớp trẻ hiểu lịch sử Việt Nam cận đại, chiến tranh Việt Nam, di cư 54, boat people 75. Không hiểu lịch sử, nhất là lịch sử sống của cha mẹ, lớp trẻ coi Việt Nam là một cái gì trừu tượng, xa lạ. Kinh nghiệm cho thấy lớp trẻ sống ở hải ngoại rất tò mò, muốn hiểu những gì cha mẹ đã từng trải, chịu đựng".

Ông Nguyễn Gia Kiểng (cựu kỹ sư, chuyên viên kinh tế chế độ Việt Nam Cộng Hòa, thành viên Ban lãnh đạo Tập hợp Dân chủ Đa Nguyên, hiện sống tại Paris) cũng nói :

"Không còn sử dụng được tiếng Việt đồng nghĩa với mất căn cước Việt Nam, bởi vì ngôn ngữ là cốt lõi của căn cước dân tộc. Không nói được tiếng Việt thì người ta cũng không hiểu được nước Việt Nam và dần dần cũng mất đi sự gắn bó. Đây là mất mát rất lớn.

Chiến thắng cộng sản ngày 30/04/1975 đã là một thảm kịch lớn cho đất nước nhưng nó cũng đã tạo ra cho Việt Nam một cộng đồng người Việt hải ngoại mà trước đó chúng ta không có. Quan sát các nước vừa trỗi dậy ta có thể thấy các cộng đồng hải ngoại luôn luôn có đóng góp quan trọng quyết định. Đó là những con mắt của một dân tộc để quan sát thế giới và học hỏi. Đó cũng là những nguồn tiếp liệu về vốn đầu tư và kiến thức. Trong số khoảng 4 triệu người Việt ở nước ngoài có ít nhất nửa triệu người trẻ tốt nghiệp đại học trong đủ mọi ngành. Cộng đồng người Việt hải ngoại là một tài nguyên vô cùng quý báu và cần thiết cho tương lai mà chúng ta đang mất đi. Chúng ta cần một thức tỉnh lớn để đảo ngược khuynh hướng tai hại này".

Trước câu hỏi phải làm gì trước hiện trạng này, nhà báo Từ Thức nói :

"Việc này phức tạp, khó trả lời trong vài câu. Nhưng chuyện đầu tiên là ý thức. Ý thức rằng bản sắc dân tộc là lẽ sống còn, nhất là đối với một dân tộc đang bị Tàu xâm lăng trên mọi lãnh vực, kể cả, nhất là lãnh vực văn hoá. Khi đã có ý thức, những sáng kiến sẽ tới"

Kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng :

"Thế hệ trẻ hải ngoại có hai thành phần chính. Một thành phần là con em của những người tỵ nạn cộng sản sau 1975. Thành phần thứ hai là con em của những ra đi trong hai thập niên 1980 và 1990 sau khi Việt Nam đã mở ra với thế giới, đi theo chính sách xuất khẩu lao động, hay du học, hay luồn lách để ra được nước ngoài. Hai thành phần này tuy khác nhau trên nhiều mặt nhưng có một điểm chung là cha mẹ họ đều có những kỷ niệm không đẹp đối với quê hương cũ và do đó không cố gắng để ràng buộc họ với đất nước. Hơn nữa trong tuyệt đại đa số họ lớn lên trong các nước dân chủ và càng thấy xa lạ, thậm chí dị ứng, đối với chế độ độc tài trong nước. Kết quả là họ không quan tâm tìm hiểu đất nước và ngôn ngữ Việt Nam, rồi căn cước Việt Nam mờ nhạt dần.

Điều mà chúng ta cần là hòa giải đất nước Việt Nam với cộng đồng người Việt hải ngoại để cho tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại có lý do để yêu nước. Điều này chỉ có một chế độ dân chủ mới làm được. Tôi tin rằng đất nước ta sẽ có dân chủ trong một tương lai không xa. Trong khi chờ đợi các cha mẹ và anh chị cần ý thức rằng giữ bản sắc dân tộc cho con em là một nghĩa vụ tình cảm".

Trong số các cộng đồng người Việt ở nước ngoài, cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ là đông nhất, xấp xỉ hai triệu người, trong đó California là nơi có đông người Việt sống nhất. Chính vì vậy, vấn đề dạy tiếng Việt hay gìn giữ bản sắc văn hóa cũng thuận lợi hơn. Ông Tạ Trung (kỹ sư, từng làm việc trong ngành Quốc phòng và Không gian Hoa Kỳ tại các hãng Hughes Aircraft, Boeing và Raytheon trong gần 40 năm ; ông cũng được biết trong cộng đồng người Việt tại Nam California là nhà giáo dục và nhà lãnh đạo cộng đồng) cho biết :

"Ở khu vực Little Saigon, chúng tôi có 2 trường Việt ngữ là Trung tâm Việt ngữ Hồng Bàng và Trung tâm văn hóa Việt Nam, mỗi cuối tuần cũng khoảng 7-800 em học sinh mỗi trường, ngoài ra có khoảng chừng 50 trung tâm Việt ngữ nữa bên Phật giáo, Công giáo, Cao đài, Hòa hảo…

Bên cạnh việc giảng dạy Việt ngữ, chúng tôi cũng sinh hoạt trong đoàn văn nghệ Lạc Hồng, trên dưới khoảng 100 người, phần lớn là các em trẻ, vô đây học đàn tranh, đàn bầu, đàn cò, thổi sáo… Tới giờ phút này là các em thế hệ thứ 7 rồi, có những em ra trường là bác sĩ, kỹ sư, dược sĩ… nhưng khi chúng tôi tổ chức những chương trình văn nghệ hàng năm thì các em vẫn trở về cùng làm việc với đoàn, cũng như giúp cho các em nhỏ. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy tinh thần các em học đàn tranh, đàn bầu cũng khá đông, vì vấn đề học Việt ngữ là cha mẹ bắt học, nhưng còn học đàn tranh, đàn bầu là các em tự nguyện. Ngay cả những điệu vũ nữa, sau này có những em học giỏi rồi tự cải biên cho hội nhập với cộng đồng Mỹ hơn, chúng tôi rất mừng vì điều đó chứng tỏ các em thẩm thấu được những tinh hoa, những điều tốt đẹp trong âm nhạc truyền thống của mình và tự cải biên, cải tiến, và chúng tôi rất hoan nghênh tinh thần đó".

Ở những quốc gia khác thì không được như vậy. Ví dụ như ở Pháp, về việc giảng dạy tiếng Việt, kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng cho biết :

"Tại thủ đô Paris có một số hội đoàn mở những lớp dạy tiếng Việt hàng tuần. Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris là một thí dụ. Hội từ thiện Măng Non cũng tổ chức những lớp dạy tiếng Việt hàng tuần và dùng học phí thu được để giúp học sinh nghèo tại Việt Nam. Tôi cũng có nghe nói tới một vài lớp dạy tiếng Việt khác. Tuy vậy nói chung những cố gắng này vẫn còn ở rất xa mức độ mà nhu cầu giữ gìn bản sắc Việt Nam đòi hỏi. Ở các tỉnh theo chỗ tôi biết cố gắng giảng dạy tiếng Việt còn rất yếu".

Nhà báo Từ Thức nói them :

"Ở Pháp, những hoạt động nhằm bảo tồn văn hóa cũng có, nhưng chỉ là những sinh hoạt lẻ tẻ. Vì người Việt ở Pháp, tương đối ít, không sống tụ họp với nhau, không cùng chung quan điểm hay quá khứ, có loạt đến Pháp từ thời thuộc địa, loạt đến du học từ miền Nam trước 75, loạt đến với làn sóng boat people sau 75, và những người sau này, đa số mới giầu, đến từ Việt Nam cộng sản. Trong bối cảnh đó, rất khó có những sinh hoạt chung, thường trực. Khác với ở Mỹ, Úc, hay Canada, nơi người Việt sống trong cộng đồng, gần gũi nhau, cùng chung một quá khứ (bi kịch rời bỏ Việt Nam Cộng Hòa). Tại những nơi này, dạy trẻ em tiếng Việt tương đối dễ hơn, nhất là ở những gia đình có ông bà nội, ngoại chỉ nói, vì chỉ biết tiếng Việt, với con cháu".

Nhà báo Từ Thức có vẻ ưu tư về ngôn ngữ :

"Hai dòng người Việt, ở ngoại quốc và trong nước, càng ngày càng xa nhau, vì suy nghĩ khác nhau, nhưng cũng vì ngôn ngữ càng ngày càng bất đồng. Lớp trẻ sáng chế ra ngôn ngữ của họ, đó là hiện tượng tại các nước khác, một cách thoát ly khỏi ảnh hưởng của cha mẹ, nhưng ở Việt Nam, chữ nghĩa mới lố bịch, vô nghĩa, vì thiếu văn hoá. Trên các media, các tài liệu chính thức, tiếng Việt ngày nay cũng thay đổi rất nhiều, từ từ-ngữ tới văn phong. Sau 75, nhà cầm quyền dùng những chữ khác hẳn người Việt miền Nam : xưởng đẻ, thư giãn, phản cảm, tham quan, hoành tráng, siêu mẫu...

Đó không phải là chuyện tình cờ. Trong lịch sử, chuyện thống trị bằng ngôn ngữ là chuyện thường xẩy ra. "Phe thắng cuộc" muốn xóa bỏ quá khứ, xóa bỏ văn hóa miền Nam, việc làm đầu tiên là đốt sách, là thay đổi ngôn ngữ".

Ở Anh, nơi có khoảng 60 000 người Việt sinh sống, trong đó hơn 65% là từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung trở ra Bắc, ra đi vì lý do kinh tế là chính, cũng không có một trung tâm dạy tiếng Việt bài bản cho trẻ em gốc Việt; các hoạt động, sự kiện văn hóa nếu có, chủ yếu là do Đại sứ quán Việt Nam kết hợp với các hội đoàn, doanh nghiệp có mối quan hệ với đại sứ quán tổ chức hoặc các hội đoàn sinh hoạt theo tôn giáo, tín ngưỡng… Nhưng vì những lý do khác nhau, không phải gia đình người Việt nào cũng tham dự những sự kiện này. Phong tục tập quán, bản sắc Á Châu có lẽ chỉ còn tùy vào từng gia đình, có ý thức gìn giữ và giáo dục cho con cháu đến đâu.

Ở các nước Bắc Âu, nơi số lượng người Việt ít hơn, chừng 20 000-30 000 người, thì còn khó hơn. Anh Sơn Nguyễn hiện sống tại Copenhagen, Đan Mạch cho biết, trước đây chính phủ Đan Mạch khuyến khích trẻ em người nhập cư học tiếng mẹ đẻ của mình. Ví dụ như trẻ em gốc Việt. Nếu có người Việt đồng ý đứng ra dạy tiếng cho trẻ em, nhà trường cho mượn lớp học vào cuối tuần, phụ huynh đóng góp tiền xăng, thầy sẽ dạy miễn phí cho các em biết đọc, biết viết. Nhưng sau này chính phủ không khuyến khích, cộng đồng nào muốn cho con em học thì tự lo, hoặc cha mẹ phụ huynh tự dạy ở nhà. Ở các ngôi chùa, nhà thờ thì vẫn có lớp dạy tiếng Việt. Còn sinh hoạt văn hóa thì mỗi năm cũng chỉ có ngày Tết Âm lịch, Tết Trung thu, là đồng bào cố gắng tổ chức, mặc áo dài, có chương trình cúng tế, múa lân, ca hát, nấu những món ăn Việt Nam, hoặc ngày Tết Trung thu cho trẻ con. Bên Phật giáo thì tổ chức ngày lễ Vu Lan, Phật đản, bên Công giáo thì Giáng sinh, Phục sinh… Ở đâu nói chung cũng thế.

Kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng :

"Tôi có dịp đi thăm nhiều nước và ở đâu cũng có một nhận xét đáng buồn là cộng đồng người Việt hải ngoại mất căn cước dân tộc quá nhanh, nhanh hơn tất cả mọi cộng đồng hải ngoại mà tôi được biết. Lý do là vì chúng ta vừa không coi trọng bản sắc dân tộc lại vừa có khả năng hội nhập rất nhanh vào xã hội tiếp cư. Đây là một sai lầm lớn, ngay cả cho thành công cá nhân. Tiếng mẹ đẻ không chỉ là một phương tiện giao tiếp mà còn là một cách suy nghĩ đã được in vào trí óc của mỗi người từ khi ra chào đời. Không thạo ngôn ngữ của mình thì chúng ta cũng không phát triển đầy đủ được khả năng của mình, ngay cả nếu tốt nghiệp đại học".

Thực tế, cộng đồng di dân người Việt, có thể không có những xung đột gay gắt về tôn giáo hay sắc tộc như một số cộng đồng di dân khác, nhưng sự chia rẽ trong người Việt lại do lý do chính trị, do hậu quả của lịch sử để lại. Từ chuyện màu cờ cho đến ngôn ngữ, chữ viết, quan điểm chính trị, nên khó mà đoàn kết với nhau, từ đó sức mạnh bị giảm đi. Bàn chuyện gì làm với nhau cũng khó, chuyện duy trì ngôn ngữ, bảo tồn bản sắc văn hóa cũng vậy.

Nhưng không phải ai cũng bi quan. Anh Sơn Nguyễn vẫn tự tin là bằng vào những hành động cụ thể như thờ cúng ông bà, giỗ, Tết, cách ăn ở của cha mẹ, ông bà trong gia đình, những điều đó sẽ có ảnh hưởng đến suy nghĩ, cách sống của con cái, còn tiếng Việt, cha mẹ ít người biết cách dạy mà cũng không thể ép con cái học, nhưng có những em tự nhiên khi trưởng thành hơn bỗng muốn quay lại học thêm, biết thêm về ngôn ngữ, tìm hiểu về nước mình. Kỹ sư Tạ Trung cũng nói :

"Sau gần 30 năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa, tôi cũng nhận thấy con em sinh ra trên đất Mỹ không quan tâm nhiều đến vấn đề văn hóa, lịch sử của Việt Nam và khi đi học tiếng Việt thì phần lớn cũng là vì ý muốn của cha mẹ hơn là ý muốn của các em. Tuy nhiên, khi lớn lên, sau khi tốt nghiệp đại học thì nhiều em lại có khuynh hướng muốn tìm tìm hiểu về nguồn gốc của mình, nhiều em muốn trở về Việt Nam xem thực tế cuộc sống tại Việt Nam như thế nào.

Cuối cùng theo tôi nghĩ công tác bảo tồn phát huy văn hóa Việt Nam là một công tác lâu dài và đòi hỏi sự kiên nhẫn. và chúng tôi vẫn luôn có niềm tin là mặc dù các em sinh trưởng ở đây sẽ mất đi phần lớn nguồn gốc, quên đi phần lớn ngôn ngữ của mình nhưng có những em vẫn luôn luôn tìm về nguồn cội, vẫn luôn luôn tiếp tục con đường của chúng tôi là bảo tồn và phát huy văn hóa của người Việt ngay tại hải ngoại này"

Song Chi

Nguồn : RFA, 15/11/2022

Additional Info

  • Author Song Chi
Published in Quan điểm

Phong trào vận động dân chủ ở Mỹ đang bị phá sản vì nạn cuồng Trump

Phong trào vận động dân chủ ở hải ngoại có từ ngày nhiều người Việt rời bỏ quê hương trốn tránh cộng sản ra nước ngoài sinh sống từ 1975. Hàng ngàn hội đoàn được thành lập, trong đó có những tổ chức tranh đấu cho nhân quyền, tự do báo chí và tự do tôn giáo. 

Thuở ban đầu

trump1

Trong thời gian đầu, hoạt động vận động dân chủ tỏ ra rất có hiệu quả. Người Việt hải ngoại ở Mỹ phổ biến cho thế giới biết những vi phạm nhân quyền của chính quyền cộng sản Việt Nam, vận động ngoại giao để đòi chính quyền cộng sản Việt Nam thả một số tù nhân lương tâm, đặt điều kiện nhân quyền trong các hiệp ước thương mại, chống tra tấn, đòi quyền tự do thành lập nghiệp đoàn lao động, ủng hộ phong trào dân chủ ở trong nước, trợ giúp những nhà đấu tranh dân chủ, vận động làm luật Sergei Magnitsky Rule of Law Accountability Act of 2012 trừng phạt những viên chức trong các chế độ độc tài vi phạm nhân quyền. Có những việc làm chưa thành công như đòi lại tài sản của người Mỹ gốc Việt bị chính quyền cộng sản Việt Nam tịch thu và Luật Nhân quyền Việt Nam. 

Hoạt động vận động dân chủ của người Việt nước ngoài tỏ ra có hiệu quả và họ đã làm ăn khá giả đến nỗi những nhà lãnh đạo chính quyền cộng sản Việt Nam phải đổi giọng gọi người Việt ở hải ngoại là "khúc ruột ngàn dậm" hay "một bộ phận không thể tách rời của nước Việt Nam". Ngoài ra vào 2004, chính quyền cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 36 để vận động người Việt ở nước ngoài bất chống đối chính quyền Hà Nội và chiêu dụ họ mang tiền về Việt Nam. 

Mười năm gần đây

trump2

Tuy nhiên trong những năm gần đây nẩy sinh những phần tử cực đoan với những hành động lố lăng, đã gây trở ngại cho phong trào vận động dân chủ làm cho phong trào này bắt đầu đi xuống. Phần lớn việc làm của những phần tử này chỉ bao gồm những việc như chào cờ vàng, phủ cờ vàng, nhưng sẵn sàng chụp mũ nhũng người không chống cộng theo lối của họ là cộng sản. 

Nhà báo Điếu Cầy, Nguyễn Văn Hải, người được mời vào Tòa Nhà Trắng họp với Tổng thống Obama, từng bị chụp mũ là cộng sản nằm vùng. Ca sĩ Đỗ Nguyễn Mai Khôi cũng bị khép vào tôi tương tự khi sang Mỹ trình diễn âm nhạc và từng bị đấu tố trong buổi họp báo của cộng đồng người Việt vùng Hoa Thịnh Đốn. Trước đó Mai Khôi đã từng được mời gặp Tổng thống Obama tại Hà Nội và sau đó được giải thưởng nhân quyền quốc tế Vaclav Havel tại Oslo, được báo Washington Post mời viết bài và Facebook mời sang Mỹ thảo luận về tình trạng báo chí và tự do ngôn luận ở Việt Nam. 

Khi ông Donald Trump lên làm tổng thống, những phần từ này như diều gâp gió, ăn nói vung vít và có những hành vi chống cộng ngày càng cực đoan, tồi tệ hơn và gây chia rẽ trong cộng đồng. Họ mơ tưởng rằng Trump là người sẽ đánh sập Tầu cộng và kế tiếp là chế độ cộng sản Việt Nam sẽ xụm theo vì không còn ai để nương tựa. Do đó, họ tôn thờ và bênh vực tuyệt đối Trump, chống lại cả phe đối lập là đảng Dân chủ, chụp mũ đảng này là cộng sản. 

Gần đây, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quyền bị chụp mũ là làm gián điệp cho chính quyền cộng sản Việt Nam vì bà đã lên tiếng phê bình rất đúng đúng những lời tuyên bố sai lầm và tai hại của Tổng thống Trump về đại dịch Covid-19 và khuyên mọi người hãy nghe lời các chuyên viên y tế. Một thỉnh nguyện thư gửi tới Nhà Trắng để đòi trục xuất Mẹ Nấm về Việt Nam tuy thất bại nhưng cũng đã thu được 9.703 chữ ký.

Chính lối chống cộng cực đoan ồn ào, phần lớn do các ông các bà "HO" chủ xướng, đã làm cho phong trào vận động dân chủ ở Mỹ mất chính nghĩa và bị khinh miệt, tuổi trẻ xa lánh. Tổng thống Trump từng lên tiếng sỉ nhục cuộc chiến tranh chống cộng sản và bảo vệ tự do của Việt Nam Cộng Hòa. Ông nói "Tôi không bao giờ thích cuộc chiến đó cả. Tôi nghĩ đó là một cuộc chiến tồi tệ. Đáng lẽ Hoa Kỳ không nên tham dự vào". Tuy nhiên không một tổ chức HO hay cựu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa nào dám lên tiếng phản bác. 

Chống cộng cao siêu

trump3

Ngoài việc chào cờ, phủ cờ, lâu lâu lại có màn họp báo hay hội thảo về việc phục hồi Hiệp định Paris 1973 để đòi chính quyền cộng sản Việt Nam trả lại miền Nam Việt Nam, tái lập lại Việt Nam Cộng Hòa rồi đòi Trung Quốc trả lại Hoàng Sa và Trường Sa. Phong trào này kéo dài đã hơn 10 năm qua, phí công, tốn của, không đạt được kết quả nào, nhưng đã thu hút được cả một số trí thức tên tuổi của miền Nam gồm một vài người viết thư riêng cho Tổng thống Trump để kêu gọi ông giúp đỡ như Luật sư Lê Trọng Quát và Linh mục Vũ Minh.

Mới đây nhất, vào đầu năm nay, một tổ chức có tên là Ủy ban Vận động tái họp Hội nghị quốc tế về Hiệp định Paris 1973 đã được thành lập để vận động một hội nghị quốc tế để xử lý những vi phạm của Trung Quốc tại Biển Đông. Ủy ban này gồm hai nhân vật chính là Luật sư Lâm Chấn Thọ và Linh mục Bùi Phong. Một thỉnh nguyện thư do Ủy ban soạn thảo đã được đệ trình Tòa Bạch Ốc vào ngày 15/3/2020 để xin chính quyền Trump cứu xét triệu tập lại hội nghị quốc tế này. Sau 30 ngày vận động, thỉnh nguyện thư này chỉ thu thập được 10.046 chữ ký, không đủ tiêu chuẩn cần thiết 100.000. 

Theo nội dung của một cuộc hội thảo giữa những thành viên của Ủy ban Vận động tái họp Hội nghị Paris, một sư đoàn Thủy quân Lục chiến Việt Nam được chuẩn bị thành lập để tái chiếm Trường Sa và Hoàng Sa khi Tổng thống Trump đồng ý. Tuy nhiên kế hoạch này bị trì hoãn vì Tổng thống Trump quá bận bịu về tình hình chính trị nội bộ nước Mỹ do đảng Dân chủ gây ra. Tin này xem ra là tin vịt vì không thể kiểm chứng.

Ngoài ra, ở Mỹ có tới bẩy (7) chính phủ lưu vong đã được thành lập, đứng đầu là các nhân vật sau đây : Đào Minh Quân, Nguyễn Hữu Chánh (đã giải tán), Nguyễn Bá Cẩn (đã giải tán), Nguyễn Ngọc Bích (thay thế bằng Hồ Văn Sinh), Nguyễn Thế Quang, Lê Trọng Quát và Trần Dần. Những chinh phủ này đã làm được những gì thì mọi người đã thấy. 

Những người tôn thờ Trump là ai ?

trump4

Từ khi ông Trump lên làm tổng thống Hoa Kỳ, phong trào chống cộng sôi nổi trở lại nhờ Tổng thống Trump phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Do đó, nhiều người Việt trong và ngoài nước tôn thờ ông Trump và mơ tưởng ông sẽ đánh sập Trung Quốc. Trong số những người này có Giáo sư Lê Xuân Khoa và cựu Chuẩn tướng Thiết giáp Trần Quang Khôi ca tụng ông là cứu tinh của Việt Nam.

Giáo sư Lê Xuân Khoa viết trên mạng BBC như sau (1) : "Do quyết tâm của Tổng thống Trump ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc khởi sự từ Biển Đông và các nước Đông Nam Á, đại đa số người Việt yêu nước đều đặt niềm tin cậy vào vị Tổng thống sừng sỏ nhất của Hoa Kỳ như một vị cứu tinh của dân tộc Việt Nam trước hiểm họa Trung Quốc và chế độ độc tài công sản Việt Nam.Tôi cũng mừng thấy Hoa Kỳ có một nhà lãnh đạo dũng mãnh chống lại mọi thủ đoạn bất chính của Trung Quốc và có khả năng giúp cho Việt Nam thoát Trung và thoát Cộng". 

Cựu Đại tá Nguyễn Cao Quyền ca ngợi Tổng thống Trump hết mình : "Ông không chỉ là một vị tổng thống có tài nhất kể từ ngày lập quốc mà còn là một vị cứu tinh cho dân tộc Hoa Kỳ" (2). 

trump5

Hễ ai chống Tổng thống Trump hay chính sách của ông, kể cả Bill Gates, bất kể về vấn đề gì, đều bị những người tôn thờ Trump chụp mũ là cộng sản, thậm chí nói ăn tiền của Trung Quốc hoặc chống Trump hãy về Việt Nam sống với cộng sản. Họ không thấy được sự khác biệt giữa một nước Hoa Kỳ và một tổng thống và ở một quốc gia tư do, người dân có quyền tự do phê bình chính phủ dù người cầm đầu được dân bầu lên. Mai mốt Trump mất chức tổng thống, đảng "Cộng sản Dân chủ" lên, những người tôn thờ Trump sẽ đi đâu ? 

Hầu hết những người tôn thờ Trump xem ra không tranh luận được, chỉ biết chửi bậy có lẽ vì họ ít học, kiến thức hẹp hòi. Họ không có đủ khả năng Anh ngữ để đọc những nguồn tin quốc tế, kiếm chứng những tin tức họ nghe được từ những nguồn tin Việt hay từ Fox News. Những người nào có can đảm phê bình thẳng thắn Tổng thống Trump thì đã không sợ bị chụp mũ. 

trump6

Ở hải ngoại có một số tổ chức chính tri của người Việt, nhưng đa số không chú ý đến những biến cố xẩy ra trên đất Mỹ nếu không trực tiếp liên quan đến Việt Nam. Mạng lưới nhân quyền Việt Nam không lên tiếng về vụ ông Geoge Floyd bị giết hay phong trào "Mạng sống của người da đen quan trọng". Tổ chức này cũng hoàn toàn giữ yên lặng khi Mẹ Nấm là người được giải thưởng của Mạng lưới nhân quyền Việt Nam vào năm 2017 bị nhóm tôn thờ Trump kết tội làm gián điệp cho chính quyền cộng sản Việt Nam và làm thỉnh nguyện thư để yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ trục xuất bà về Việt Nam. 

Phong trào Giới trẻ thế giới vì nhân quyền là một trong những tổ chức chính trị năng động cũng án binh bất động. Ngay cả Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, là một trong những chính đảng tương đối có thực lực và năng động, cũng không lên tiếng. Riêng Hội Người Mỹ gốc Việt cấp tiến (Progressive Vietnamese American Organization - PIVOT) đang chuẩn bị ra một tuyên cáo. Qua những bài báo phổ biến trên Facebook, PIVOT đã quyết liệt chống kỳ thị sắc tộc và bênh vực công lý cho ông George Floyd. Sứ mạng của PIVOT là tiếp cận và tạo sức mạnh cho người Mỹ gốc Việt trong quốc gia Hoa Kỳ công bằng và đa dạng. Hội này giới hạn hoạt động trong lãnh vực chính trị nội bộ Hoa Kỳ.

Những người tôn thờ Trump chống chính quyền cộng sản Việt Nam vi phạm nhân quyền, nhưng chính họ kỳ thị người da đen, người Mễ, chửi cả vợ chồng Obama là "thằng nhọ nồi" và "con khỉ đen". Trong những biểu tình tại California đòi công lý cho ông George Floyd, người Mỹ gốc Châu Phi bị cảnh sát đè cổ đến chết vì nghẹt thở, phần lớn người Việt tham dự thuộc giới trẻ. "Tôi không thể hiểu vì sao người lớn lại thờ ơ đến tình hình thời sự và dân quyền như vậy". Cô Nicole Nguyễn tham dự biểu tình đã đặt câu hỏi với phóng viên báo Người Việt như vậy.

trump7

Họ quên rằng chính những người da đen bị bán sang Mỹ làm nô lệ đã cam go tranh đấu trong khoảng bốn thế kỷ, chống lại nạn kỳ thị chủng tộc để ngày nay, tình trạng bất công đã được cải thiện đáng kể và những người tới đất nước Hoa Kỳ sau này đã được hưởng. Nhóm người Việt ăn cháo đá bát này cũng quên rằng chính những người da đen vào giữa thập niên 1970 đã kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ tiếp nhận người tị nạn Việt Nam. 

Những người tôn thờ Trump từng là người tị nạn cộng sản, nhưng chính họ đã quay lại chống di dân, chống người tị nạn một cách không thương tiếc. Họ ủng hộ cả việc xây bức tường biên giới tốn kém nhưng không có hiệu quả. 

Những người tôn thờ Trump chửi chính quyền cộng sản Việt Nam là tuyên truyền xuyên tạc sự thật, nhưng chính những người này qua những hệ thống truyền hình trên Facebook và YouTube đã tung tin giả để bênh vực Tổng thống Trump. Đi xa hơn nữa, họ bêu xấu cả đảng Dân chủ. Khi ông George Floyd, một người Mỹ da đen, bị cảnh sát đè cổ đến chết vì ngạt thở, giảo nghiệm tử thi chứng minh như vậy, những người tôn thờ Trump tung tin ông Floyd chết vì thuốc cocaine ngoài ra còn mang đời tư của ông này ra bêu xấu để làm giảm tội cho kẻ sát nhân. Khi những cuộc biểu tình đòi công lý cho ông Floyd nổ ra khắp nước Mỹ và tại nhiều thành phố trên thế giới, họ tung ra tin rằng đảng Dân chủ tung tiền ra xúi dục những cuộc biểu tình này làm mất uy tín của Tổng thống Trump, nhiều người cò chủ trương dùng võ lực kể cả quân đội để dẹp biểu tình. 

Chính những người tôn thờ Trump tung ra tin coronavirus là do đảng Dân chủ bịa đặt để hại Tổng thống. Nghe theo lời kêu gọi của ông Trump, họ xúi dục người Việt đi biểu tình rất sớm đòi mở cửa kinh tế, đòi mở cửa các tiệm làm móng tay, chụp mũ Thống đốc Gavin Newsom của California là bạo chúa, trong khi hàng ngàn người vẫn bị chết vì Covid-19 mỗi ngày. Tới ngày hôm nay, California vẫn còn ở trong giai đoạn I của kế hoạch mở cửa. Các dịch vụ thương mại như làm móng tay, cắt tóc, rạp hát, phòng thể dục đã được dự trù cho mở cửa vào giai đoạn III.

Nhóm người Việt tôn thờ Trump quả là quái thai của thời đại. Chính nhóm người này đã làm cho phong trào vận động dân chủ đang dần dần bị phá sản vì những hành động cực đoan và phi lý.

Nguyễn Quốc Khải

(14/06/2020)

(1) Giáo sư Lê Xuân Khoa, "Suy nghĩ về cuộc bầu cử 6/11", BBC, 05/11/2018

(2) Nguyễn Cao Quyền : "Dưới thời D.Trump Hoa Kỳ đã lấy lại oai phong và sự thịnh vượng chỉ sau 20 tháng", Việt Thức, 20/01/2019

Additional Info

  • Author Nguyễn Quốc Khải
Published in Diễn đàn

Tháng Tư đối vi người Vit hi ngoi vn là mt dp k nim bun trong 45 năm qua. Vi hàng triu người đó là ngày "nước mt, nhà tan". Nhưng năm nay người Vit Hoa Kỳ, Châu Âu, Úc và nhiu nơi khác còn đi mt vi mt tháng Tư đen v bnh dch.

avril1

Hoa Kỳ là nơi có đông người Vit t nn nht và cũng li là nơi có s người nhim vi-rút corona mi ln nht thế gii. Cho ti hết tháng Ba, s ca nhim Hoa Kỳ đã vượt quá 185.000 trong đó hơn 3.800 người t vong theo Trung tâm kiểm soát và phòng nga dch bnh CDC. Bang California, nơi có th ph Little Saigon ca người Vit ti Hoa Kỳ cũng li nm trong năm bang đng đu v s trường hp nhim dch vi s thng kê tiến gn ti 7.000. Tuy nhiên con số này còn thua xa s gn 76.000 ca New York và gn 19.000 New Jersey, hai bang đng đu danh sách. Điu đáng lo ngi là s ca nhim Hoa Kỳ được d đoán s lên ti hàng triu trong nhng tun ti đây và s người chết thm chí có thể lên tới 100.000, theo chuyên gia về bnh truyn nhim hàng đu ca Hoa Kỳ, Tiến sĩ Anthony Fauci. Nhưng ông Fauci cũng nói khó mà có th d đoán chính xác vì tt c các d đoán đu da trên nhng mô hình mà người ta dựng lên t nhiu d đoán.

Dịch bnh hin nay cũng đã khiến cho đám tang của mt trong nhng người hùng ca tháng Tư 45 năm v trước, Thiếu tướng Lê Minh Đo, diễn ra ch vi s tham d ca những người trong gia đình. Mt ln na con vi-rút gc cng sn li gây ra s hoang mang và đo ln hiếm có trong lch s.

Nếu Trung Quc đ sng vi-rút t Vũ Hán vì thói quen kim duyt và trn áp thì Hoa Kỳ và phương tây nói chung lúc đu đã dùng cách chn dịch vi nhng "k thù cũ" trong khi con corona mi nguy him hơn nhiu. Trong trn chiến này, cũng ging như tng xy ra Vũ Hán, mt trong nhng vũ khí thiếu ht chính là máy th và phòng cp cu bên cnh các b xét nghim. Dù đa s người nhim corona không gặp vn đ gì nghiêm trng, trong nhiu trường hp corona mi tn công thng vào phi khiến nhiu bnh nhân mt kh năng t ly dưỡng khí đ duy trì s sng. Vic thiếu máy th đã khiến ngành y tế mt s nơi phi ưu tiên máy cho nhng người có nhiu khả năng sng sót. S người cn được h tr y tế và s người t vong ln đã khiến Tng thng Trump và nhiu lãnh đo phương Tây khác buc phi đưa ra nhng bin pháp hn chế t do đi li ca người dân dù h cc chng đã mi phi làm như vy. Ti Florida, bang có số ca nhim ln th năm Hoa Kỳ vi hơn 6.700 người, một mc sư đã b bt gi vì tổ chc hai thánh l hôm 29/3 vi s tham gia ca hàng trăm người.

Cũng tại Florida, mt ph n mt chng 39 tui vì corona nói rằng chng bà không có bnh nn nào khác và đã mun được xét nghim ngay t đu. Nhưng chính vì không có bệnh nn, mi 39 tui và không đi đâu xa trong thi gian gn đây nên không ai xét nghim cho ông. Dù vy, bn ngày sau ông đã được xét nghim ti mt trm mà người ta có th ly mu khi lái xe qua. Kết qu dương tính và các bác sĩ khuyên ông nhà và ch ti vin khi khó th. Chín ngày sau khi có triu chng đu tiên, nhp tim ca ông Conrad Buchanan xung thp và rt khó th. Gia đình đưa ông ti bnh vin và người ta đã gn máy tr th cho ông, điu mà người v nói bà không được tham vn và bà cũng tin rằng ông Buchanan s không bao gi đng ý nếu ông đ tnh táo. Đêm đó ông b tc đng mch phi và đã ra đi bn ngày sau đó. Bà Buchanan gi đang mun điu tra nhng quyết đnh ca các bác sĩ đi vi chng bà vì nghi rng h không thc s hiu nhng gì họ làm.

Một trong nhng điu gây lo ngi hin nay Hoa Kỳ và cũng như 180 nước đã có bnh dch là vi-rút corona mi có th tn ti trên b mt st và nha ti vài chc tiếng. Có nhng nhóm trên Facebook chia s đường dn tlời khuyên ca mt bác sĩ Michigan rằng thm chí cn phi ty trùng các đ ăn mua t siêu th.

Hiện ti cách chng dch và công ngh chng dch ca mi nước mi khác. Hàn Quc được ca ngi vì có công ngh xét nghim hàng đu và quan chức nước này nói hơn 120 nước đã đ ngh Seoul tr giúp. Chỉ riêng chuyn có cn đeo khu trang hay không thì Châu Á cũng đi đu và gi s người phương tây đeo khu trang dn nhiu lên. Li khuyên ở Hoa Kỳ và Châu Âu là ch nhng người đã nhim Covid-19 mi phi đeo khu trang. Nhưng nhiu người nhim corona mi li không h có triu chng gì và có th lây lan c khi không có triu chng. Bi vy tht khó biết ai nên đeo khu trang, ai không và có lẽ vì vy nhà nhà Châu Á đeo khu trang. Trong nhng ngày va qua mt nhóm Facebook ca người Vit Tacoma cũng chia sẻ hình nh mt c già hơn 90 tui may khẩu trang để đem tng cho những ai cn. Còn nhóm cNgười Vit Massachusetts đăng li tin một cp v chng gc Vit tăng c kho thiết b y tế cho bnh vin đa phương. Tháng Tư này s còn nhiu tin xu nhưng nhng tin tt lành này s làm cho người ta có ch bu víu trong lúc khó khăn.

Nguyễn Hùng

Nguồn : VOA, 01/04/2020

Additional Info

  • Author Nguyễn Hùng
Published in Diễn đàn

Kiểm điểm lại những chặng đường đã qua nhân dịp kỷ niệm 45 năm người Việt hải ngoại

Những hình ảnh dưới đây tóm lược một phần lịch sử của người Việt ở hải ngoại mà các tổ chức cựu quân nhân có ảnh hưởng lớn trong sinh hoạt công đồng Việt ở khắp nơi. 

Nhìn về quá khứ để rút kinh nghiệm cho tương lai. Ảo tưởng đưa đến sai lầm. Chỉ có sự sáng suốt mới giúp chúng ta đi đúng hướng. 

Kết luận là quyền của mỗi người. Nhưng theo nhận xét của tôi lịch sử của người Việt xa quê hương buồn nhiều hơn vui. Một vài sĩ quan được thăng cấp, một số ông tướng mới ra đời sau 1975 là những màn hài kịch cười ra nước mắt. 

Phục hồi Hiệp Định Paris 1973 để tái lập Việt Nam Cộng Hòa và rồi đòi Trung Quốc trả lại Hoàng Sa và Trường Sa là một chuyện hoang tưởng. Không ít người Viêt mắc bệnh này như các ông Lâm Chấn Thọ, Lê Trọng Quát, Trần Thanh Hiệp, Lý Tòng Bá, Nguyễn Văn Chức (cựu thiếu tướng), Nguyễn Ngọc Bích, Hồ Văn Sinh, Phan Văn Song và nhóm Việt Thức của Lưu Nguyễn Đạt … Rất tiếc họ có ăn học mà không biết cách phòng ngừa bệnh hoang tưởng. 

Cho tới nay hải ngoại có tới sáu chính phủ lưu vong : Đào Minh Quân, Nguyễn Hữu Chánh - Nguyễn Khánh, Nguyễn Bá Cẩn - Nguyễn Văn Chức, Nguyễn Ngọc Bích - Hồ Văn Sinh, Lê Trọng Quát và Trần Dần. Một phường bát nháo. Quốc tế không biết ủng hộ ai. Khi Trump đánh Việt cộng sập, dân không biết chọn ai. 

Ông Trần Quang Khôi có thể là một tướng thiết giáp giỏi, về lãnh vực này tôi xin miễn bàn vì không là nghề của tôi, nhưng khi ông tuyên bố Tổng thống Trump là vụ cứu tinh của Việt Nam, sẽ đánh sập Tầu cộng và Việt cộng chứng tỏ ông là một người khá ấu trĩ về chính trị. 

Chiến tranh thương mại làm cho kinh tế của cả hai quốc gia Trung Quốc và Hoa Kỳ khốn đốn. Khu vực nông nghiệp của Hoa Kỳ sập tiệm. Khu vực kỹ nghệ của Hoa Kỳ rơi vào tình trạng co cụm. Người tiêu thụ Mỹ phải trả hầu hết thuế nhập cảng hàng Trung Quốc chứ không phải các công ty Trung Quốc. Chính ông Trump là người muốn tìm lối thoát ra khỏi bế tắc của cuộc chiến thương mại với Trung Quốc bằng giải pháp "giai đoạn I". Hi vọng ông Trần Quang Khôi chỉ cần sống thêm vài năm nữa để chính mắt ông nhìn thấy kết quả. 

Đại tướng Douglas MacArthur từng nới "Người lính già không bao giờ chết. Họ chỉ phai mờ dần". Trong số những người lính này, nhiều người đã vĩnh viễn ra đi, chỉ còn lại hai người chính còn sống là ông Võ Đại Tôn và ông Trần Quang Khôi. Chúng ta không biết những nhân vật này có cơ may nhìn thấy thành quả hay nhận biết thất bại của họ hay không. Nhưng lịch sử sẽ phê phán họ.

Nguyễn Quốc Khải

(23/02/2020)

haingoai1

haingoai2

haingoai3

haingoai4

haingoai5

haingoai6

haingoai7

haingoai8

haingoai9

haingoai10

haingoai11

haingoai12

haingoai13

Additional Info

  • Author Nguyễn Quốc Khải
Published in Tư liệu

Josh Hoskins, 32 tuổi, huấn luyện viên bóng bầu dục (football) của Trung học Knightdale (hạt Wake, tiểu bang North Carolina), mới bị mất việc vào đầu tháng 11/2019 chỉ vì một lời nói đùa mang tính kỳ thị trong bữa tiệc ăn mừng chiến thắng của đội banh do ông huấn luyện.

racism1

Tại một quán nhậu, cao hứng, Josh Hoskins phát biểu : "Sức mạnh trắng ! Knightdale ! Tôi vẫn yêu… các bạn da đen !

Trong buổi tiệc chúc mừng đội banh Trung học Knightdale chiến thắng đội banh của Trung học Corinth Holders High, tại một quán nhậu, cao hứng, Josh Hoskins phát biểu : "Sức mạnh trắng ! Knightdale ! Tôi vẫn yêu… các bạn da đen ! (1)".

Câu nói ấy chỉ 15 giây và trong số những người vây quanh John Hoskins lúc đó, có một số người da đen là bạn của Hoskins, chẳng ai cho rằng đó là miệt thị nhưng video clip mà Hoskins đưa lên mạng xã hội Instagram sau đó, vẫn bị lên án, đến mức Instagram phải xóa bỏ.

Trả lời phỏng vấn của đài 11-ABC ở Raleigh, North Carolina, Josh Hoskins phân trần, ông chưa bao giờ kỳ thị ai vì chủng tộc, câu ông đã nói chỉ là nói đùa, những người da đen - bạn ông hiểu điều đó nên không có ai phản ứng...

Tuy nhiên Ban Giám hiệu trường Knightdale và cấp trên của trường này không thể bỏ qua. Cathy Moore, Giám đốc Khu học chánh địa phương nói với Chi nhánh 11 - đài ABC : Không may là truyền thông và mạng xã hội chỉ cho người ta thấy một phần chứ không phải toàn bộ sự việc. Josh Hoskins là người trưởng thành, phải hiểu rõ điều đó để tránh ngôn ngữ không thích hợp".

Cuối cùng, Hoskins phải viết thư cho Hiệu trưởng Trung học Knightdale và Ban Huấn luyện, xin lỗi về hành động của mình, đồng thời xin từ chức huấn luyện viên để tránh làm xao lãng sự tập luyện của đội footbal.

Josh Hoskins từ chức vì hiểu rằng, dù bị hiểu lầm, trước sau gì dư luận cũng sẽ đến mức mà giới hữu trách phải sa thải ông, từ nay đến khi đó, ông khó mà có thể làm việc thoải mái, hiệu quả như trước nữa.

Chỉ vài ngày sau, trong cộng đồng người Việt ở Mỹ xẩy ra chuyện Hoàng Đức Chân Như, phóng viên của đài Á Châu Tự Do (RFA) viết trên FB một stt biểu lộ sự kỳ thị người da đen, nhục mạ cựu tổng thống Barack Obama, vu khống đảng Dân Chủ thiên cộng và nuôi dưỡng khủng bố.

Chuyện xảy ra với Josh Hoskins và với Hoàng Đức Chân Như của đài Á Châu Tự Do (RFA) có sự khác biệt rất lớn về bản chất nhưng kết quả giống nhau là cả hai cùng mất việc.

racism2

Chân Như thì cố tình giới thiệu quan điểm của mình, cho rằng người da đen thấp kém và miệt thị những người có sự khác biệt về quan điểm chính trị (ủng hộ đảng Dân chủ).

Trong một email trả lời những người ký tên yêu cầu RFA có biện pháp kỷ luật với Chân Như, ban giám đốc RFA đã viết như sau : "…hững hành vi như vậy là không thể chấp nhận được tại RFA, tuy nhiên theo chính sách, nội quy điều hành, chúng tôi không công bố các chi tiết về nhân sự cũng như hình thức kỷ luật nhân viên" (2).

Mặc dù đài RFA từ chối, không công khai cho biết hình thức kỷ luật Chân Như nhưng theo các nguồn tin ngoài lề từ RFA, Chân Như đã bị sa thải. Tài khoản email của Chân Như Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser. tại hệ thống email của RFA đã bị đóng, tất cả email gửi tới địa chỉ này đều bị trả về, facebook của Chân Như cũng không còn active, tất cả stt đều bị xóa, chỉ còn vài hình ảnh về mùa thu.

Hoskins chỉ vì vô ý nói đùa, còn Chân Như thì cố tình giới thiệu quan điểm của mình, cho rằng người da đen thấp kém và miệt thị những người có sự khác biệt về quan điểm chính trị (ủng hộ đảng Dân chủ).

Dù muốn hay không thì RFA vẫn phải sa thải Chân Như. Nếu để Chân Như tiếp tục làm việc thì không thể giải thích tại sao lại chứa chấp một nhân viên hàm hồ, tư tưởng lệch lạc, hành xử sai trái dù là chỉ trên mạng xã hội và ở góc độ cá nhân. Giữ Chân Như chẳng khác gì tuyên chiến với hệ thống chuẩn mực mà người Mỹ muốn gìn giữ, bảo vệ cả bằng luật pháp.

Bị sa thải vì kỳ thị màu da, kích động sử dụng bạo lực đối với những người khác biệt quan điểm chính trị của mình, cuộc đời của Chân Như sẽ rẽ sang hướng khác. Lý do sa thải sẽ là một vết chàm không thể xóa được, Chân Như sẽ khó mà tìm được một công việc khác, kể cả những công việc hết sức đơn giản, chỉ đòi hỏi sức mạnh của cơ bắp.

Tại Mỹ, xin làm gì, ở đâu, cũng sẽ bị hỏi có bao giờ bị nơi làm việc đuổi hay chưa ? Lý do ? Khai gian thì gặp rắc rối còn khai thật thì sẽ không nơi nào muốn hoặc dám nhận. Bởi quan niệm và luật pháp Mỹ, nhận một người có tiền sự như Chân Như sẽ giống như mua… vạ để dành.

Dẫu sống tại Mỹ nhưng dường như nhiều người Việt không biết hoặc không lường trước điều này. Quan niệm Mỹ là xứ sở tự do, muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm đã tước bỏ cơ hội của nhiều thanh niên khi dính vào các vụ xô xát nhỏ, bị cảnh sát lập biên bản, cha mẹ họ không biết để lưu ý họ : Tiền sự sẽ nằm trong hồ sơ cá nhân đến… 40 năm. Tương tự, thanh toán nợ thẻ tín dụng trễ cũng có thể tước bỏ cơ hội để vào một số nơi, được làm một số loại việc đòi hỏi phải trung thực, nghiêm cẩn...

Theo trang FB cá nhân, Chân Như sinh ra ở Việt Nam, lớn lên ở Mỹ. Chân Như được hấp thụ nền giáo dục, khai phóng, tự do, nhân bản, chắc chắn hệ thống trường học Mỹ không dạy Chân Như suy nghĩ theo kiểu như ông ta đã bày tỏ trên facebook.

Kiểu suy nghĩ, nhận định như thế xuất phát từ đâu ? Trang facebook của Chân Như có không ít bạn và nhiều người "like" những suy nghĩ như suy nghĩ khiến Chân Như bị sa thải, hoặc chia sẻ, bày tỏ những suy nghĩ y hệt như thế. Điều đó vừa buồn cười, vừa tội nghiệp. Nước Mỹ không phải như vậy. Nghĩ như vậy là sai !

Hãy hình dung một ngày nào đó, ai đó dịch những điều bạn viết kiểu như Chân Như, đưa cho hàng xóm sống quanh bạn xem, kể cho đồng nghiệp nơi bạn làm việc biết,... Nếu tất cả những người mà bạn qua lại, tiếp xúc hàng ngày biết bạn - một di dân nhưng lại khinh bỉ các sắc dân khác cũng là di dân, ủng hộ sự miệt thị những người da đen, kêu gọi vũ trang để răn đe, dạy dỗ những người không ủng hộ đảng Cộng hòa thì bạn có thể sống ung dung không ?

Đó là về mặt xã hội, ở khía cạnh luật pháp, công khai bày tỏ sự thù ghét về màu da, chủng tộc, giới tính…, kêu gọi sử dụng bạo lực để chống khác biệt chính kiến chính là vi phạm pháp luật. Thù ghét ai chỉ vì màu da, sắc tộc thuộc tội hình sự, hình phạt rất nặng.

Những người Việt sống ở Mỹ có đầu óc kỳ thị người da đen, Mễ... nên lấy trường hợp Chân Như làm bài học. Hãy bỏ thời gian tìm hiểu cho tới nơi, tới chốn để suy nghĩ xem có nên nói cho sướng miệng, viết cho sướng tay hay không ?

Thạch Đạt Lang

(19/11/2019)

(1) White power ! Knightdale ! I still love you n…igger

(2) Nguyên văn : "…such conduct unacceptable at RFA". It is however our policy not to divulge details of personnel and disciplinary decisions".

Additional Info

  • Author Thạch Đạt Lang
Published in Diễn đàn

Theo cách thức bầu cử hiện nay Việt kiều song tịch mất quyền ứng cử Quốc hội.

Còn theo Hiến pháp 1967 Việt Nam Cộng Hòa người Việt hải ngoại có đầy đủ quyền bầu cử và ứng cử kể cả chức vụ cao nhất là Tổng thống.

Cần phân biệt rõ người Việt hải ngoại đại đa số là người tị nạn chính trị. Khác hoàn toàn với Việt kiều là những công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

baucu1

Bỏ phiếu bầu Đại biểu quốc hội - Ảnh minh họa

Luật chơi hiện hành

Theo BBC tiếng Việt, ông Nguyễn Văn Thân, Đại biểu quốc hội Việt Nam, là một trong những đại biểu công khai phát biểu ủng hộ Dự luật Đặc khu, khiến một số người Việt tại Ba Lan bất đồng ý kiến và vào ngày 16/6/2018 đã biểu tình trước cửa nhà ông tại quận Ochota ở thủ đô Warsaw để phản đối.

Ông Nguyễn Văn Thân du học Ba Lan từ thập niên 1980 nhiều người tin rằng ông đã nộp đơn xin và đã có quốc tịch Ba Lan. Một biểu ngữ trong cuộc biểu tình yêu cầu điều tra làm rõ việc có phải Đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Thân có song tịch Việt Nam và Ba Lan hay không ?

Ông Phạm Quốc Khánh, quyền Chánh văn phòng đoàn Đại biểu quốc hội Thái Bình cho BBC biết, ông "không rõ về vấn đề quốc tịch (Ba Lan) của ông Thân", vì "ông Thân là đại biểu do trung ương gửi về và hồ sơ của ông Thân do Ban công tác Đại biểu quốc hội nắm, nên đoàn Đại biểu quốc hội Thái Bình không biết".

Vào tháng 7/2016, Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường "có đến hai quốc tịch", một của Việt Nam, một của Malta và bà Hường bị tố cáo phải làm đơn xin thôi làm đại biểu quốc hội.

Việt Nam hậu cộng sản

Trong trường hợp Việt Nam thay đổi thể chế cách hay nhất là tạm thời sử dụng Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa 1967 làm căn bản cho việc ứng cử và bầu cử.

Theo Hiến pháp 1967 công dân là những người sinh ra tại Việt Nam thống nhất có chủ quyền từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau.

Điều 13.2 quy định "Mọi công dân đều có quyền bầu cử, ứng cử và tham gia công vụ trên căn bản bình đẳng theo điều kiện và thể thức luật định".

Điều 32.1 về quyền ứng cử Dân biểu những công dân : "Có Việt tịch từ khi mới sanh, hoặc đã nhập Việt tịch ít nhất bảy (7) năm, hoặc đã thủ đắc hoặc hồi phục Việt tịch ít nhất năm (5) năm tính đến ngày bầu cử".

Điều 34 quy định : "Được quyền ứng cử Nghị sĩ những công dân đủ ba mươi (30) tuổi tính đến ngày bầu cử, hội đủ các điều kiện dự liệu trong đạo luật bầu cử Nghị sĩ và các điều kiện qui định ở Điều 32".

Điều 53.1 quy định quyền ứng cử Tổng thống hoặc Phó Tổng thống những công dân hội đủ các điều kiện sau đây : "Có Việt tịch từ khi mới sanh ra và liên tục cư ngụ trên lãnh thổ Việt Nam ít nhất mười (10) năm tính đến ngày bầu cử. Thời gian công cán và lưu vong chánh trị tại ngoại quốc được kể như thời gian cư ngụ tại nước nhà".

Như vậy mọi người Việt hải ngoại và cả Việt kiều đều có quyền bầu cử và ứng cử vào Quốc hội.

Định nghĩa lưu vong chánh trị

Người Việt hải ngoại dù là thuyền nhân, vượt biên đường bộ, đi theo diện HO hay ở lại các quốc gia thuộc Liên Xô và Đông Âu khi thể chế cộng sản các quốc gia này sụp đổ đều có chung một đặc thù là tị nạn chính trị.

Những người được gia đình bảo lãnh hay sinh ra ở hải ngoại vẫn được xem là những người tị nạn chính trị.

Một số người khác ra đi chính thức nhưng có những việc làm về thông tin, văn hóa, chính trị trái ý với nhà cầm quyền cộng sản không thể trở về cố hương đều có thể được xem là "lưu vong chánh trị".

Nói tóm lại, theo Hiến pháp 1967, đa số người Việt hải ngoại có đầy đủ quyền bầu cử và ứng cử kể cả các chức vụ cao nhất là Tổng thống.

Một Hiến pháp mới cho Việt Nam

Khi thể chế tại Việt Nam thay đổi sẽ có những bước chuyển tiếp, trong đó có việc bầu ra Quốc hội Lập hiến soạn thảo một Hiến pháp mới cho Việt Nam.

Một hiến pháp như thế đầu tiên phải có việc ứng cử và bầu cử vào Quốc hội Lập hiến. Như đã trình bên trên người Việt hải ngoại có quyền ứng cử và bầu cử Quốc hội Lập hiến này.

Hiến pháp mới nên dựa trên tinh thần nhân bản và hòa đồng dân tộc với những điểm tương tự như Hiến pháp 1967.

Nguyễn Quang Duy

20/06/2018

Melbourne, Úc Đại Lợi

Published in Văn hóa

Đối vi người Vit xa quê hương, Tết là nhng ngày quan trng nht đ h có th t hp, thăm hi và tham gia các hot đng cng đng.

tet1

Hình minh họa - Gói bánh chưng là mt hot đng mang đm bn sc văn hóa Tết ca người Vit.

Ngày Tết còn là dp đ tìm hiu và duy trì nhng nét đp ca văn hóa truyn thng Vit Nam, nht là đi vi các bn tr người M gc Vit.

Từ San Jose, California - nơi tp trung rt đông người Vit đnh cư, ch Tiên Bùi không khi xúc đng khi nh li những ngày Tết khi ch còn nh :

"Cuộc sng ca mình tri qua nhiu giai đon. Trước 75 [năm 1975] thì ăn Tết vui hơn. Sau 75 thì b gii hn nhiu th, nhà mình cũng nghèo đi, cho nên Tết cũng mt vui phn nào. Chng hn như ba má mình có th mua nhiu nước ngọt hơn cho c nhà, nhưng sau 75 thì không có nhng cái đó na thì mình thy bun vì mình còn nh mà. Sau đó khi qua M, vì chưa v li được Vit Nam nên mi cái Tết là mt ln mình nm nh nhà. Mình nh nhà lm. Mình ch sinh hot trong cng đng nh vì lúc đó người Vit ít, không có nhng hi ch Tết ln như bây gi. Mình đến các trung tâm sinh hot mà cng đng thuê hoc chùa, mình ch đi ti đó ri mình biết là có Tết".

Sau vài năm định cư ti M, nhóm ca ch Tiên Bùi bt đu góp sc t chc hi ch Tết cho sinh viên, giúp cng đng vui Tết và nh Tết.

Giờ đây sau hơn 30 năm, ch Tiên Bùi vn đng hành cùng các bn tr t chc hi ch Tết sinh viên San Jose.

Chị nói : "Các em tr và sinh viên làm hi ch Tết cũng rt quy mô. Đó là tinh thn ca người trẻ, h làm đ phc v gii tr, cho nên có nhiu hng khi và mi l".

Năm ngoái, chị Tiên Bùi đã dng mt làng Vit Nam và t chc đám cưới đu xuân trong khu vc hi ch Tết được rt nhiu người yêu thích. Tết năm nay, ch s t chc mt gian hàng triển lãm đồ gm c ca Vit Nam 500 năm v trước.

Mục đích ca vic t chc các hi ch Tết sinh viên nhm giúp các em nh hiu v văn hóa và không quên ci ngun, do vy năm nay đã có khong 500-600 em hc sinh, sinh viên tình nguyn tham gia.

Anh Jason Nguyễn, 29 tui, người đã đng ra t chc 3 hi ch Tết sinh viên, chia s vi VOA v điu đã thôi thúc anh góp phn duy trì Tết Vit :

"Mình cố gng làm ra mt chương trình Tết có ý nghĩa v văn hóa. Bây gi có chút sc thì mình mun to ra mt nn tng cho gii tr sau này. Nếu mi năm Tết đến mình có mt chương trình văn hóa mà mi người đ ý đến thì s sôi ni và không khí Tết cũng vui v, m cúng hơn, và đ cho nhng người không phi người Vit Nam có th biết thêm v văn hóa ca người Vit".

Theo anh Jason, những hot đng như vy rt quan trng đi vi các bn tr gc Vit M. Nếu các bn không được tiếp xúc vi văn hóa Vit thì s đánh mt bn sc ca mình.

Anh nói : "Nếu không có cái gì đ đưa cho gii tr tiếp xúc thì dn dn sau này h s mt đi c nền văn hóa của mình, mt đi luôn tiếng Vit, mt đi luôn cách sng ca người Vit Nam. Vic này rt nguy him. Khi mình không còn văn hóa na thì chc cũng không còn người Vit na".

Đối vi anh Jason, vic góp phn duy trì bn sc văn hóa Vit là điu bt buộc phi làm ch không phi cn thiết hay không cn thiết, và anh bt đu vic đó t chính gia đình nh cùng vi v và mt cô con gái ca mình.

Lam Thủy

Nguồn : VOA tiếng Việt, 25/01/2017

Additional Info

  • Author Lam Thủy
Published in Văn hóa
Trang 1 đến 2