Cho đến hôm nay chúng ta có cơ sở để hy vọng đại dịch Covid-19 ở Việt Nam sẽ được khống chế một cách cơ bản vào khoảng giữa tháng 5, khi còn dưới 20 người vẫn đang phải điều trị và khoảng 30 ngày liên tục không xuất hiện ca nhiễm nào trong cộng đồng. Đó là một thành tích kỳ diệu, xứng đáng được cả thế giới ngưỡng mộ. Cũng vì vậy mà Chính phủ và các học giả đã bắt đầu bàn đến các cơ hội to lớn đang mở ra và đề xuất các giải pháp tận dụng để phát triển đất nước, như bạn đọc có thể thấy trên các phương tiện truyền thông đại chúng mấy ngày qua (xem các bài của Phạm Chi Lan, Trần Văn Thọ, Nguyễn Trung, Nguyễn Quang Dy, Vũ Minh Khương, Nguyễn Ngọc Chu v.v.).
Chừng nào dở bỏ được cái thói "kiêu ngạo cộng sản" của các nhà lãnh đạo "tự sướng" coi Việt Nam là "lương tâm của thời đại", là "rốn của vũ trụ" thì đất nước mới có thể phát triển - Ảnh minh họa
Tôi tán thành hầu hết các ý kiến ấy, sau đây chỉ xin được chia sẻ với bạn đọc ý kiến riêng của mình về một vài khía cạch khác.
1. Theo tôi cơ hội lớn nhất đối với chúng ta lần này là Cơ hội không để tuột mất cơ hội. Chắc các bạn còn nhớ những lời nhận xét đau lòng đại thể như "Việt Nam là đất nước không muốn phát triển (?!)", luôn đi liền với "Việt Nam là chuyên gia bỏ lỡ cơ hội". Trong bài viết gần đây, Giáo sư Trần Văn Thọ chỉ nhắc đến hai cơ hội vào năm 1975 và 1990 ; nhưng cựu Đại sứ Nguyễn Trung thì thấy nhiều hơn, bắt đầu từ khi xuất bản cuốn "Thời cơ vàng" (Nhà xuất bản Trẻ, 2010) cho đến tận gần đây, cứ mỗi lần xuất hiện một thách thức mới là Nguyễn Trung lại đau đáu một "cơ hội vàng" cho đất nước, nhưng rồi cứ mỗi lần hy vọng lại là một lần thất vọng… "Cái dớp bỏ lỡ cơ hội" này sẽ mãi mãi ám ảnh chúng ta chừng nào cái thói "kiêu ngạo cộng sản" của các nhà lãnh đạo (như Lê-nin đã nhận ra trong nội bộ đảng của mình từ ngay từ những năm đầu của Cách mạng tháng Mười, và Lý Quang Diệu viết về các nhà lãnh đạo Việt Nam sau 1975 trong hồi ký của mình) ; và chừng nào dân chúng vẫn còn "tự sướng" coi Việt Nam là "lương tâm của thời đại", là "rốn của Vũ trụ" như sau các chiến thắng năm 1954 và năm 1975. May thay lần này Covid-19 đã làm cho dân ta, nhất là tầng lớp tinh hoa, thấm thía rằng chẳng có gì là vĩ đại tuyệt đối cả, chẳng có gì là chắc chắn tuyệt đối cả ; nhưng sinh mạng và quyền được sống của mỗi con người, cũng như chủ quyền và lợi ích của mỗi quốc gia là tuyệt đối, là vĩnh cửu. Có lẽ vì vậy mà thói kiêu ngạo và ngông nghênh vỗ ngực tự hào hình như giảm hẳn. Đó là cơ sở để chúng ta tin rằng cái "dớp bỏ lỡ cơ hội" lần này sẽ được hóa giải. Mong lắm sao !
2. Cơ hội thứ hai mà Covid-19 mang lại cho chúng ta có thể là cơ hội ngàn năm có một : Cơ hội thoát Trung. Ở đây thoát Trung có ý nghĩa cụ thể là : Thoát khỏi âm mưu thâm độc và nhất quán của bè lũ cầm quyền Trung Hoa đại lục từ xưa đến nay nhằm thôn tính đất nước ta ; liên tục xâm phạm không gian sinh tồn gồm lãnh thổ và lãnh hải của dân tộc ta ; luôn tìm cách bóp nghẹt nền kinh tế và lũng đoạn hệ thống chính trị của đất nước ta ; đầu độc tinh thần và phá hoại nền văn hóa văn hóa - đạo đức của nhân dân ta. Có một bộ phận không nhỏ đồng bào ta, cả trong tầng lớp lãnh đạo và giới tinh hoa, vẫn còn mơ hồ, hoặc bị khống chế vì đã bị mua chuộc, nên không nhận ra hoặc không dám nói công khai ra sự thật kinh hoàng này ; không thoát ra khỏi cái vòng kim cô "đồng ý thức hệ", với "16 chữ vàng" và "bốn tốt" lừa mị thâm hiểm, của bọn cướp toàn cầu ngồi ở Trung Nam Hải. May thay Covid-19 làm cả thế giới bừng tỉnh, nhất là nước Mỹ, trước tham vọng của bè lũ bá quyền Bắc kinh đang vội vàng vươn lên thành bá chủ thiên hạ bằng những thủ đoạn hèn hạ nhất, độc ác nhất. Toàn thế giới giờ mới có dịp làm cho chiếc mo ô nhục che mặt bè lũ ấy rơi xuống đất, và đồng lòng lên án, tẩy chay và trừng phạt chúng. Có lẽ nào nhân dân ta lại không có cách gì tận dụng "cơ hội vàng" này để thoát khỏi nanh vuốt của những kẻ không bao giờ muốn Việt Nam trở thành một nước Độc lập, Tự cường ? Hình như có một nỗi sợ vô hình khi đối mặt bọn bá quyền Bắc Kinh vẫn bao trùm đâu đó. Nỗi sợ ấy hoàn toàn phi lý. Thời chống quân Nguyên, thế và lực của nước ta yếu hơn nhiều so với kẻ xâm lược, mà ông cha ta đâu có sợ ? Lúc ấy chỉ có lòng dân là cứu được nước, cũng như bây giờ chỉ có trên dưới một lòng nước ta mới vượt qua Covid-19 một cách đáng ghi nhận. Nỗi sợ sẽ làm ta dễ cam chịu. Hãy nhớ lời nhắn nhủ của Winston Churchill (Thủ tướng Anh thời chiến tranh Thế giới thứ hai) : "Một dân tộc tìm cách né tránh chiến tranh bằng cách chịu nhục, thì dân tộc đó sẽ lãnh đủ cả hai thứ : cả chiến tranh và sự nhục nhã". Mọi tín hiệu từ nhiều phía cho thấy đây là thời điểm thoát Trung thuận lợi nhất, chỉ cần thoát khỏi nỗi sợ hãi thôi.
Thời điểm thoát Trung thuận lợi nhất, chỉ cần thoát khỏi nỗi sợ hãi thôi. Ảnh minh họa
3. Cơ hội thứ ba mà Covid-19 đem lại, mà chúng ta phải quyết không để tuột khỏi tầm tay, cũng rất quan trọng. Đó là, cũng như đối với các nước khác, nó làm bộc lộ một cách bất ngờ nhất những điểm yếu và mạnh trong hệ thống quản trị đất nước để tìm được "đột phát khẩu" cho phát triển.
Tôi tán thành với ý kiến của Giáo sư Trần Văn Thọ cho rằng, điểm yếu nhất của nước ta hiện nay là nguy cơ tụt hậu và ông đề xuất giải pháp "Chống tụt hậu như chống giặc" để khắc phục "cái yếu nội lực Việt Nam là cơ cấu hành chánh, tinh thần trách nhiệm của quan chức, và sự tương tác không mấy thuận lợi của doanh nghiệp và dân chúng đối với các chính sách của nhà nước". Là người am hiểu và tinh tế ông chỉ nói đến thế, nhưng có lẽ ta nên hiểu rằng ông đang đề cập đến vấn đề cải cách thể chế chính trị mà bản thân đảng cầm quyền cũng từng nói, nhưng chưa làm được nhiều. Ông cũng nhắc đến ý kiến của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn mạnh trong thư gửi cho Bộ Chính trị năm 1995 rằng trong bốn nguy cơ đang phải đối mặt thì nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa là nguy cơ quan trọng nhất. 25 năm trôi qua mà nguy cơ ấy vẫn còn nguyên đó. Coi là tụt hậu là giặc thì các biện pháp thời chiến dễ được toàn dân đồng lòng và tuân thủ, thế thì biết đâu ta lại thắng to !?
Tuy vậy cũng nên nhớ lời nói chân thành của cố Phó Thủ tướng Nguyễn Cơ Thạch với Giáo sư Lê Xuân Khoa tại Mỹ năm 1990 : "Chúng tôi đánh nhau thì giỏi, nhưng quản trị [đất nước] thì tồi lắm ! Không phát triển đất nước được". Nếu còn sống đến tận hôm nay, liệu ông vẫn bảo lưu ý của mình ?
Chu Hảo
Nguồn : Viet-studies, 04/05/2020
Lô hàng 450.000 bộ đồ bảo hộ được xuất nhanh từ Việt Nam sang Mỹ đang trở thành đề tài tranh luận trong cộng đồng người Việt về "công trạng" thực sự là của ai trong việc tiếp ứng thiết bị y tế cho nước Mỹ giữa đại dịch. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lại nhìn thấy đây là bước khởi đầu của cơ hội "ngàn năm có một" để quốc gia Đông Nam Á thoát khỏi chiếc bóng của người láng giềng khổng lồ lâu nay đã kìm kẹp mọi lĩnh vực của Việt Nam.
Lô hàng 450.000 bộ đồ bảo hộ được xuất nhanh từ Việt Nam sang Mỹ đang trở thành đề tài tranh luận trong cộng đồng người Việt về "công trạng" thực sự là của ai trong việc tiếp ứng thiết bị y tế cho nước Mỹ giữa đại dịch
Lô hàng thiết bị bảo hộ đầu tiên do công ty Dupont của Mỹ tại Việt Nam sản xuất, và được dịch vụ FedEx chuyển nhanh về Mỹ hôm 8/4, dưới sự hỗ trợ cấp phép thủ tục của Việt Nam, đã trở thành sự kiện gây chú ý khi Tổng thống Hoa Kỳ trực tiếp đề cập đến và cảm ơn các bên liên quan.
‘Việt Nam sáng suốt, tử tế hơn’
Từ California, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng Việt Nam đã "sáng suốt" hơn Trung Quốc khi hai bên đứng trước tình huống tương tự như nhau.
Đó là trong bối cảnh các công ty của Mỹ tại hai quốc gia Châu Á đều đang nỗ lực hết sức để sản xuất và cung cấp khẩn cấp các vật tư, thiết bị y tế vốn đang khan hiếm trở lại nước Mỹ, nơi đang chứng kiến số lượng người nhiễm bệnh và tử vong vì dịch Covid-19 tăng lên hàng ngày.
Thế nhưng các công ty sản xuất trang thiết bị bảo hộ hàng đầu của Mỹ như 3M, Honeywell nói rằng Bắc Kinh đã cấm họ không được xuất khẩu các sản phẩm mà họ sản xuất tại Trung Quốc ra bên ngoài, dẫn đến việc Tòa Bạch Ốc xem xét khởi kiện Trung Quốc về hành động tích trữ đồ bảo hộ giữa lúc cả thế giới, trong đó có nước Mỹ, đang có nhu cầu khẩn cấp để cứu người giữa đại dịch.
Trong khi đó, tại Việt Nam, theo dòng tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump và thông tin từ Bộ Y tế và dịch vụ dân sinh Hoa Kỳ, thì lô hàng đầu tiên với 450.000 bộ đồ bảo hộ dành cho các nhân viên y tế tuyến đầu đã đến được bang Texas của Mỹ rất nhanh vào ngày 8/4 là nhờ sự hợp tác của hai công ty Hoa Kỳ cũng như sự hỗ trợ của "những người bạn tại Việt Nam".
"Tức là có hai cách giải quyết khác nhau : cách của Trung Quốc và cách của Việt Nam. Và tôi cho rằng cách của Việt Nam là sáng suốt", kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa nhận định với VOA.
Ông giải thích : "Thứ nhất, nó phù hợp với quy luật kinh doanh, làm ăn, buôn bán với nhau. Thứ hai, nó cho thấy chế độ tại Hà Nội hiện nay tử tế và không lưu manh như chế độ tại Bắc Kinh".
Đừng sai lầm như Trung Quốc
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế này, cách làm "vô nhân đạo" của Trung Quốc đang khiến cho cả thế giới "chấn động", nhất là hành động thu gom tích trữ vật liệu y tế, rồi bán lại các thiết bị không đạt chuẩn cho các quốc gia đang điêu đứng vì dịch bệnh, đã khiến cho thế giới phải xem xét lại mối quan hệ với Bắc Kinh.
"Tôi nghĩ đây là một cơ hội", ông Nguyễn Xuân Nghĩa nói. "Nếu lãnh đạo ở Hà Nội phân tích những sai lầm của Bắc Kinh để không phạm vào những sai lầm đó thì tôi cho rằng một trong những yếu tố quan trọng nhất là phải công khai hóa mọi dữ kiện để cho thấy thống kê và cách nhận định tình hình của chúng tôi là khả tín".
Kinh tế gia đang sống tại Mỹ nói trong bối cảnh cả thế giới đang rất hoài nghi về độ tin cậy thông tin và dữ liệu vốn "luôn luôn tốt" của các chế độ độc tài, thì Hà Nội nên "khai thác cơ hội này" để chứng minh cho các nước thấy Việt Nam không phải như vậy.
Theo ông Nguyễn Xuân Nghĩa, khi làm được như thế, Việt Nam sẽ "đạt được thắng lợi về mặt ngoại giao" trong lúc đang chịu nhiều tổn thất về kinh tế do dịch bệnh gây ra.
"Nếu thắng lợi về ngoại giao đó mà được thế giới đối chiếu, so sánh với trường hợp đầy khả nghi và quá lưu manh của Bắc Kinh, thì tôi cho rằng đấy là điều có lợi cho đất nước Việt Nam", ông Nguyễn Xuân Nghĩa nói.
‘Thấy rõ, tỉnh và đau hơn’
Cùng chung nhận định với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan – nguyên thành viên Ban nghiên cứu của chính phủ Việt Nam – cho rằng thời điểm cả thế giới đang đối phó với dịch Covid-19 lại là "cơ hội ngàn năm có một" cho Việt Nam để xem xét, đánh giá và cấu trúc lại mối quan hệ thương mại, kinh tế với các nước, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
"Đây là cơ hội lớn mà Việt Nam cần phải nắm bắt lấy. Vì nếu không nắm bắt được cơ hội lần này mà để nó tuột đi thì không biết đến bao giờ Việt Nam mới có thể thay đổi được tình trạng lệ thuộc vào Trung Quốc của mình", nhà nghiên cứu kinh tế của Việt Nam nói với VOA.
Theo bà Phạm Chi Lan, qua đại dịch này, Hà Nội đã "tỉnh hơn, thấy rõ hơn và thấy đau hơn về tất cả những tệ hại do tình trạng lệ thuộc vào Trung Quốc lâu nay", mặc dù trước nay vẫn nhận thức được những hệ lụy của tình trạng này.
"Trước đây dù Việt Nam có muốn nhưng các đối tác khác mà Việt Nam muốn lôi kéo vào lại chưa sẵn sàng thì chưa được. Nhưng lần này qua dịch cúm thì hầu hết các nước trên thế giới đều nhìn rõ ra vấn đề của họ trong quan hệ với Trung Quốc", bà Phạm Chi Lan nói.
Cả hai chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định rằng Việt Nam chắc chắn sẽ gặp khó khăn và buộc phải đánh đổi trong thời gian tới một khi quyết định chọn đi theo hướng "thoát Trung".
"Nhưng nếu lãnh đạo nhìn xa hơn một chút, thì đây là một cơ hội để Việt Nam dần dần thoát ra khỏi cái gọi là một nền kinh tế quá lệ thuộc vào Trung Quốc về đủ mọi mặt", từ nguồn nước bị chặn đứng gây khó khăn cho đồng bằng sông Cửu Long, nguồn nguyên vật liệu phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc, cho đến bài toán có nên xuất khẩu gạo hay không hiện nay, theo kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa.
Tuy nhiên, kinh tế gia ở Mỹ cho rằng tình hình nhiều nước trên thế giới đang xem xét lại chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc để điều chỉnh lại chính sách đầu tư là một thực tế diễn ra không chỉ trong một thời gian ngắn, mà sẽ kéo dài trong khoảng vài năm. Theo ông, quãng thời gian đó đủ để Việt Nam chuẩn bị để trở thành một trong những lựa chọn của các nước trong việc tìm nguồn thay thế Trung Quốc, nếu Hà Nội đưa ra được những quyết định đúng đắn ngay từ thời điểm này.
Hy sinh tăng trưởng, xây dựng nội lực
Trong khi đó, bà Phạm Chi Lan cho biết trong đề xuất mới đối với chính phủ Việt Nam, bà nói rằng Hà Nội nên chấp nhận giảm tăng trưởng trong ngắn hạn hoặc trung hạn để có thể phát triển bền vững hơn, trong đó có việc tập trung để "phát triển nội lực".
Lấy thí dụ ngành dệt may của Việt Nam, bà Phạm Chi Lan cho rằng Việt Nam đã "mải miết làm gia công cho Trung Quốc trong suốt 30 năm qua" mà không phát triển ngành công nghiệp phụ trợ được, để cho quốc gia láng giềng hưởng lợi phần lớn.
"Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam nghe thì to, gần 20 tỷ đô la, nhưng trên thực tế Việt Nam có được hưởng bao nhiêu đâu, chỉ mươi mười lăm phần trăm giá trị của gia công ở khâu may thôi, còn tất cả các khâu nguyên phụ liệu đầu vào phụ thuộc tất cả vào Trung Quốc", bà Phạm Chi Lan giải thích thêm.
Cựu cố vấn kinh tế của chính phủ Việt Nam cho biết bà đã kiến nghị với chính phủ đương nhiệm tại Việt Nam về việc tăng cường thúc đẩy quan hệ thương mại, kinh tế với các quốc gia trong các hiệp ước thương mại tự do (FTA) quan trọng như CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Châu Âu – Việt Nam) để có thể cùng các nước thành viên thực hiện mục tiêu chung là giảm bớt sự lệ vào Trung Quốc.
"Tất nhiên, không thể kỳ vọng Việt Nam thay thế hoàn toàn được Trung Quốc. Không một nền kinh tế nào đủ sức thay thế hoàn toàn Trung Quốc. Nhưng một số nước như Việt Nam, thí dụ như tôi có đề xuất là Việt Nam năm nay là Chủ tịch ASEAN thì nên đề xuất với các nước ASEAN một sáng kiến là cùng nhau xây dựng một số phần mới của chuỗi cung ứng, thay thế một phần trong nguồn cung của Trung Quốc để cung cấp sang các đối tác khác chẳng hạn, thì đấy là cách mà tôi nghĩ có lợi cho tất cả các bên liên quan".
Ngoài ra, theo bà Phạm Chi Lan, Việt Nam cần phải xem xét, đánh giá lại những tác động từ dịch Covid-19 để tái cơ cấu tất cả các ngành kinh tế. Chuyên gia này đưa ra ví dụ là ngành du lịch. Bà nói Việt Nam đã để cho du lịch phụ thuộc quá nhiều vào khách Trung Quốc, nên khi Trung Quốc bị dịch bệnh là ngay lập tức ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch Việt Nam, kéo theo tổn thất của ngành hàng không và tất cả các ngành dịch vụ khác.
"Việc đa dạng hóa các đối tác, không để tất cả trứng vào một giỏ thì phải áp dụng với tất cả các ngành của Việt Nam, bởi vì vừa qua nhìn lại thì thấy hầu như ngành nào cũng bị vấn đề lệ thuộc vào Trung Quốc, hoặc xuất khẩu hoặc nhập khẩu, và từ đó gặp khó khăn".
Bà Phạm Chi Lan cho rằng từ sự kiện 450.000 bộ đồ bảo hộ được xuất đi nhanh chóng sang Mỹ cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề thủ tục trong vòng 48 tiếng, đồng nghĩa với chấm dứt tình trạng "bôi trơn", vốn là một trong những yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.
"Muốn hay không thì Việt Nam cũng sẽ phải làm trong vòng vài năm nữa. Trong tình huống như bây giờ thì rất nên phát huy những cách như Việt Nam đã làm với Dupont và FedEx để cho các lô hàng đi được nhanh chóng, đến được nhanh nguyên liệu đầu vào và đi được nhanh sản phẩm đầu ra", chuyên gia kinh tế của Việt Nam đề nghị thêm.
Khánh An
Nguồn : VOA, 10/04/2020
Virus corona : Việt Nam chuẩn bị cho môi trường quốc gia, quốc tế thay đổi ?
Việc Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng 'tái xuất' cùng với việc Bộ Chính trị của Đảng cộng sản nhóm họp về ứng phó đại dịch Covid-19 được cho là một việc làm 'muộn còn hơn không' và phần nào giải tỏa được thắc mắc, băn khoăn của công chúng và dư luận, theo một nhà phân tích chính trị từ Hà Nội.
Đại dịch do virus corona gây ra cũng có thể khiến Việt Nam tái tư duy về nhận thức luận trong quan hệ với Trung Quốc. Ảnh minh họa
Trả lời phỏng vấn qua bút đàm với BBC News tiếng Việt, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, từ Viện các Vấn đề phát triển, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, trước hết nói về việc tái xuất của ông Nguyễn Phú Trọng.
Đinh Hoàng Thắng : Cuộc họp Bộ Chính trị được đón đợi đã diễn ra hôm 20/3. Muộn còn hơn không.
Việc suốt hơn hai tháng qua, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không xuất hiện, không có một tuyên bố nào về chống dịch bệnh được nhiều giới ở Việt Nam, kể cả thường dân lẫn xã hội dân sự cho là hiện tượng không bình thường. Tuyên bố của ông Trọng, phần nào giải toả được bức xúc này.
Thông thường, sự nhậy cảm, thái độ và những quyết sách kịp thời của các nhà lãnh đạo đối với những vấn đề lớn và phức tạp của quốc gia như đại dịch Covid-19 là cực kỳ hệ trọng. Nó sẽ xác lập được niềm tin của quần chúng vào vai trò lãnh đạo của đảng và nhà nước, điều hết sức cần thiết để đưa đất nước vượt qua những tình thế phức tạp và hiểm nghèo như hiện nay".
'Tuần lễ vàng' Covid-19 ?
Riêng đối với lời kêu gọi đóng góp nguồn lực thì tuyên bố của ông Trọng về chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất chống dịch, cũng như phát biểu trước đó của Thủ tướng Phúc tại lễ phát động toàn dân chống dịch khiến tôi nhớ lại ‘Tuần lễ vàng’ ngày xưa. Bối cảnh lịch sử có thể khác nhau, nhưng truyền thống tương thân tương ái của người Việt thì thời nào cũng có.
Tuy nhiên, việc huy động dân đóng góp tài chính và hiện vật vào lúc này đứng trước một số nan đề. Thứ nhất, người dân lẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang bươn chải hết sức khó khăn do đại dịch.
Không ai dám đòi hỏi chính quyền phải bỏ ra hàng trăm tỷ, ngàn tỷ usd như mấy nước kia, nhưng giờ là lúc đang căng thẳng hơn cả chiến tranh, mà lòng người thì lại bất an, không như thời ‘Tuần lễ vàng’ đâu.
Thứ hai, quy luật chiến tranh và quy luật thời bình vốn khác nhau. Người dân nay đã/đang bị chấn động bởi nhiều biến cố thời hậu chiến, vết thương mới chồng lên vết sẹo cũ. Nhất là phong trào dân oan trong mấy năm gần đây trải dài từ thành phố đến làng quê là thực tế không thể xem thường, sẽ tác động không nhỏ tới sự hưởng ứng của người dân.
Thứ ba, hiện nay, niềm tin của dân vào bộ máy chính quyền các cấp, vào các cán bộ của đảng và nhà nước có nhiều biểu hiện giảm sút do nạn tham nhũng và lạm dụng quyền lực của số không ít cán bộ đảng viên trong hệ thống công quyền gây ra.
Thứ tư, vận động dân quyên góp, phải được tiến hành song song với việc khắc phục hậu quả lâu dài về mọi mặt đối với người dân khi kinh tế quốc nội và quốc tế có thể đi vào chu kỳ khủng hoảng sâu. Lòng dân sẽ là
'Thoát Trung, giãn Trung' có khả thi ?
BBC : Cũng có ý kiến cho rằng Covid-19 là cơ hội để Việt Nam có thể 'thoát Trung' và 'giãn Trung', Tiến sĩ có đồng ý không ? Nếu có điều này có khả thi không ?
Đinh Hoàng Thắng : Vấn đề ‘giãn Trung’ hay ‘thoát Trung’ không phải là đòi hỏi mới. Nó là câu chuyện bức bách đã xuất hiện từ lâu trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội ở Việt Nam thời hội nhập. Nhưng nó cũng không chỉ là câu chuyện bức bách của riêng một mình Việt Nam.
Hãy nhìn Italy "lún" quá sâu vào "con đường tơ lụa" của Bắc Kinh và đã "dính chưởng" khủng khiếp như thế nào ! Đó là bài học cho mọi quốc gia. Italy từng cho phép 100.000 công nhân Trung Quốc từ Vũ Hán và Ôn Châu đến Italy làm việc trong các nhà máy, những người này di chuyển giữa Vũ Hán và Bắc Italy. Phải chăng chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên khi miền Bắc Italy hiện là điểm nóng của Âu Châu về bùng phát dịch ?
Tuy nhiên, nan đề ‘thoát Trung’ đáng tiếc cho đến nay vẫn chưa có đáp án khả thi, đối với cả Việt Nam lẫn thế giới. Nó lưỡng nan ở tầm vĩ mô, cả quốc nội lẫn quốc tế, trên cả lĩnh vực kinh tế lẫn địa-chính trị, nó bất an như chính câu hỏi "to be or not to be". Nó phản ánh trạng thái bế tắc, dằn vặt trên nhiều phương diện trong toàn các xã hội.
Bản thân một số nước Châu Âu cũng bị Trung Quốc ràng buộc bằng các mối lợi kinh tế. Riêng Việt Nam, vì nhiều lý do, vấn đề này càng cần phải được đặt ra như một ưu tiên cao hơn các nước khác.
Covid-19 mở ra cơ hội mới và rất có thể là cơ hội cuối cùng cho cả nước, từ người dân đến lãnh đạo Việt Nam bắt tay vào những hành động cụ thể. Chưa đề cập đến việc thoát những cái lớn, mà trước mắt, nên ưu tiên dứt điểm vấn đề buôn bán nhỏ lẻ qua biên giới, mà thực chất là một hình thức "cống nạp" các tài sản quốc gia thời hiện đại".
Thái độ hợp lý ?
BBC : Vừa rồi có ý kiến nói Việt Nam đã đối đầu với Covid-19 đầy tự tin. Tiến sĩ có bình luận như thế nào ?
Đinh Hoàng Thắng : Những kết quả bước đầu ở Việt Nam trong việc cô lập, cách ly hay tuyên bố chế tạo được những "bộ kít" mới trong xét nghiệm là đáng ghi nhận.
Trong mấy năm gần đây, ngành Y tế Việt Nam đã có sự quan tâm đầu tư cho lĩnh vực y tế cộng đồng, dịch tễ học và được sự giúp sức đáng kể của Hoa Kỳ trong việc tổ chức hệ thống các Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC). Các Trung tâm này cùng đội ngũ nhân viên y tế được đào tạo đã và đang phát huy tác dụng trong việc phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, đó là thời kỳ Việt Nam dồn lực cứu chữa chỉ cho 16 người nhiễm bệnh. Nếu mai đây, Covid-19 lan rộng ra cả nước với hàng trăm, hàng ngàn phơi nhiễm thì câu chuyện không giống như xử lý 16 người nữa.
Vì vậy, nếu ai đó lạc quan thái quá lúc này để các bạn cho là "ngạo nghễ" là điều không đáng có. Kinh Thánh dạy : "Kiêu ngạo đi trước sự hủy diệt… Khôn ngoan đến với người khiêm nhường".
Ngay cả ý kiến của những người có trách nhiệm ở các nước khác nhau, cũng thấy có những mâu thuẫn. Có những đánh giá khá tự tin, khá lạc quan, trong khi lại có các nhận xét cho rằng, không biết chúng ta có vượt qua được nạn dịch hay không. Riêng điều này đủ nói lên tính phức tạp của đại dịch này.
Tái tư duy về nhận thức luận thế nào ?
BBC : Cuộc chiến đấu đối phó với Covid-19 trên toàn cầu và khu vực vẫn đang diễn ra và chưa chấm dứt, tuy nhiên có điều gì mà các quốc gia và kể cả người dân ngay lúc này cần tái tư duy về mặt nhận thức luận (chính trị, xã hội, nhân văn, tâm lý, địa chính trị… ) hay không ? Nếu có thì nhận thức mới hàng đầu và quan trọng nhất ấy sẽ phải là gì ?
Đinh Hoàng Thắng : Theo nhiều dự báo, thế giới sau Covid-19 sẽ là một thế giới khác. Cuộc sống sau đại dịch chắc chắn sẽ thay đổi, khó quay lại như trước đây.
"Trời sập" vốn là một thành ngữ dân gian, nhưng thời Covid-19 có thể bổ túc thêm vào thành ngữ này nhiều nội hàm mới. Bạn phải chấp nhận một số quy định mà trước đây, bạn nghĩ chỉ khi "Trời sập" mới có thể xẩy ra.
Trước đây, bạn khó hình dung, triển khai các công cụ giám sát hàng loạt sẽ trở thành điều bình thường ở mọi quốc gia ? Hơn thế nữa, nó còn là một bước chuyển từ giám sát "trên bề mặt da" sang giám sát "dưới bề mặt da" (Xem ta có bị sốt hay không). Nếu các chính phủ bắt đầu thu thập dữ liệu sinh trắc học trên diện rộng, "người của nhà nước" sẽ hiểu chúng ta hơn chính chúng ta hiểu bản thân mình.
Các lý thuyết gia rồi sẽ ra các đầu sách liên quan đến quá trình tái tư duy về mặt nhận thức luận
Các lý thuyết gia rồi sẽ ra các đầu sách liên quan đến quá trình tái tư duy về mặt nhận thức luận. Từ "Virus Vũ Hán" đến "Covid-19" có lẽ là khủng hoảng lớn nhất đối với thế hệ chúng ta. Những quyết định mà người dân và các chính phủ đưa ra trong thời gian tới sẽ định hình diện mạo thế giới tương lai. Không chỉ hệ thống y tế bị ảnh hưởng lớn mà còn cả kinh tế và chính trị, tôn giáo và văn hóa…
Có thể chia sẻ với Yuval Harari, trong khủng hoảng, chúng ta đối mặt với hai lựa chọn đặc biệt quan trọng. Thứ nhất là chọn lựa giữa sự giám sát độc tài hay trao quyền cho công dân. Thứ hai là chọn lựa giữa sự cô lập mang tính dân tộc chủ nghĩa hay sự đoàn kết toàn cầu. Thay vì xây dựng một chế độ giám sát công dân, hiện vẫn chưa quá muộn để gây dựng niềm tin của người dân vào khoa học, chính quyền và báo chí.
Hẳn nhiên, nên tận dụng sức mạnh của công nghệ, nhưng công nghệ phải nhằm mục đích gia tăng sức mạnh cho người dân. Covid-19 đặt ra những vấn đề vượt khỏi các chuẩn mức cũ trên mọi địa hạt, từ chính trị, kinh tế đến đạo đức, tôn giáo.
Nếu bàn về nhận thức mới hàng đầu và quan trọng nhất đối với Việt Nam thì có thể tóm tắt :
i) Đại hội Đảng 13 tới đây sẽ là cột mốc lịch sử đáng nhớ nếu vượt thoát được cách chuẩn bị và tiến hành như xưa nay ;
ii) Chính phủ sẽ thiết lập phương án toàn diện cho giai đoạn "hậu Covid-19" ngay trong thời gian tập trung chống dịch ;
iii) Cả nước bắt tay chuẩn bị đối phó với một môi trường quốc gia và quốc tế thay đổi.
Khi môi trường thay đổi thì các hệ thống nhỏ và hệ thống lớn trong môi trường ấy chắc chắn sẽ không thể vận hành theo kiểu cũ. Đặc biệt, tính vượt trội của hệ thống lúc ấy sẽ hoàn toàn khác trước. Từ quan niệm truyền thống về địa-chính trị đến thể chế, từ tâm lý xã hội đến hành vi của mỗi cá thể… Tất cả, nếu muốn tồn tại, chứ chưa nói đến phát triển, đều phải thay đổi tận gốc rễ".
Nguồn : BBC tiếng Việt, 23/03/2020
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, từng là Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nguyên Vụ trưởng Bộ Ngoai giao Việt Nam, ông hiện là Giám đốc ban Thông tin và Hợp tác Quốc tế, Viện các vấn đề Phát triển, trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta).
Dịch Covid-19 : nguyên liệu các ngành sản xuất cạn kiện, doanh nghiệp tìm nguồn ở đâu ?
Thanh Trúc, RFA, 27/02/2020
Tại cuộc họp đánh giá tác động dịch bệnh Covid-19 đối với sản xuất trong nước, Bộ Công Thương Việt Nam loan báo nguyên liệu trong các ngành điện, điện tử và dệt may chỉ còn đủ cho sản xuất đến hết tháng 3/2020 mà thôi.
Hình minh họa. Hình chụp hôm 24/5/2019 tại một nhà máy may mặc ở Hà Nội - AFP
Vẫn theo Bộ Công Thương, nguyên liệu dệt may, da giày, túi xách cũng gặp tình trạng tương tự, nghĩa là chỉ đủ cho tháng Ba hay chậm lắm là đầu tháng Tư, dẫn đến khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ phải tạm dừng hoạt động.
Giải thích về việc này, Bộ Công Thương cho biết vì Trung Quốc là nước xuất khẩu nguyên liệu lớn nhất cho các ngành công nghiệp trên thế giới, nay đang bị dịch bệnh Covid-19 hoành hành khiến các ngành sản xuất, vận tải, hậu cần, phân phối, dịch vụ…qua Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đều bị tác động.
Bên cạnh đó, tình hình Covid-19 tại Hàn Quốc và Nhật Bản cũng ngày càng phức tạp khiến nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu từ hai nước này vào Việt Nam cũng sẽ bị giảm sút.
Số liệu mới nhất từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp- Thương mại, Bộ Công Thương cho thấy năm 2019 gần 30% hàng nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc.
Hình minh họa. Hàng hóa ở cửa khẩu Hữu Nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc hôm 20/2/2020 Reuters
Đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam và chủ một công ty may mặc ở Đồng Nai từ chối bình luận về tình trạng này với RFA.
Vấn đề được doanh nhân Diệp Thành Kiệt, chuyên gia May Mặc & Da Giày, phân tích :
"Cái đó hoàn toàn đúng. Bộ Công Thương một mặt dựa trên số liệu mà Bộ được báo cáo, một mặt dựa trên tổng hợp ý kiến các ngành, các hội, cho nên thông tin đó khá là chính xác.
Dĩ nhiên là tùy theo hoàn cảnh mỗi doanh nghiệp, có thể họ bị sớm hơn hoặc trễ hơn. Nhưng nói chung là nếu với tình hình như hiện nay, tức là chốt lại những điều kiện hiện nay ở Trung Quốc là mới mở cửa khoảng trên 50% các nhà máy, rồi Hàn Quốc hiện rơi vào dịch, nếu tình hình không cải thiện thì việc Bộ Công Thương công bố khoảng tháng Ba các doanh nghiệp, kể cả xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa, đều sẽ gặp khó khăn. Cái đó hoàn toàn đúng".
Doanh nhân Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc công ty phần mềm BKAV và điện thoại di động ở Hà Nội, đồng ý với thông tin của Bộ Công Thương rằng việc nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do thiếu nguyên liệu sản xuất là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra :
"Hiện nay chuỗi sản xuất của các nhà sản xuất trên toàn thế giới đều có sự phụ thuộc lẫn nhau. Một sản phẩm bây giờ thì linh kiện của nó có mặt ở rất nhiều nước. Ngay như Nhật Bản, nơi sản xuất rất nhiều linh kiện cho các thiết bị điện tử mà nếu tình hình Covid-19 cứ diễn biến xấu thì chắc chắn điều Bộ Công Thương nói là đúng"
"BKAV thì có nhiều mảng sản xuất và kinh doanh khác nhau. Mảng phần mềm thì không chịu ảnh hưởng rồi, thế còn phần cứng sản xuất điện tử chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Chúng tôi có sẵn linh kiện dự trữ, có thể không đến mức phải đóng cửa. Nhưng Bộ Công Thương nói thiếu đây là nói chung cả ngành trong quãng thời gian như vậy. Tất nhiên không doanh nghiệp nào là không lo lắng trong tình trạng như thế này. Phải chấp nhận thôi, tùy theo tình hình mà đối phó, mà chọn giải pháp tốt nhất".
Về phía doanh nghiệp, ông Diệp Thành Kiệt nói tiếp, bên cạnh nỗi lo về nguyên liệu đầu vào thiếu hụt thì còn nỗi lo khác là đầu ra của sản phẩm :
"Có lẽ nhiều doanh nghiệp cũng sẽ dần dần thấy được cái khó khăn về đầu ra của sản phẩm. Chứ còn thực ra đối với đầu vào của sản phẩm, tức là nguyên liệu, thì không chỉ Việt Nam hay một số nước khác mà kể cả Trung Quốc cũng sẽ gặp khó khăn. Bởi vì nếu không có biện pháp khắc phục thì chính sản xuất của Trung Quốc sẽ bị đình đốn trước".
Phát biểu tại cuộc họp đánh giá tác động của Covid-19 đối với sản xuất ở Việt Nam trong giai đoạn này, ông Trương Thanh Hoài, cục trưởng Cục Công Nghiệp, cũng cho biết thêm là nhiều nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu tại Trung Quốc đang ngừng sản xuất. Nếu còn hoạt động, ông nói tiếp, lượng nguyên phụ liệu sản xuất ra rất ít.
Vẫn theo lời ông, nếu dịch bệnh kết thúc và phía Trung Quốc nối lại sản xuất thì giá thành nguyên vật liệu có thể sẽ tăng lên, gây ảnh hưởng đến giá thành sản xuất sản phẩm trong nước.
Điều này được doanh nhân ngành May Mặc& Da Giày Diệp Thành Kiệt giải thích bổ sung :
"Cái mà chúng tôi lo ngại là hiện Covid-19 đã lây lan đến khu vực thị trường. Tức là trước đây nó nằm chủ yếu ở khu vực cung ứng mà đặc biệt là Trung Quốc, thì bây giờ nó đã lan đến nơi tiêu thụ rồi, thí dụ như Ý rồi một số nước Châu Âu. Chưa cần nó có thể lan ra khắp Châu Âu và Mỹ, nhưng với tâm lý hiện nay là người ta rất ngại tập họp đông và người ta giảm chuyện mua sắm đi, thì cái lo lớn hiện nay của chúng tôi là đầu ra của sản phẩm. Nói nôm na là thị trường tiêu thụ sẽ bị sút giảm. Đó là cái đáng lo mà tôi nghĩ cũng nên báo động để các doanh nghiệp phải lo tính toán ngay từ bây giờ".
Bộ Công Thương có thể đề ra biện pháp gì trong lúc này nhằm giúp các doanh nghiệp ngành điện, điện tử, dệt may, vốn có tổng lượng nhập khẩu phụ tùng, linh kiện và nguyên vật liệu từ ngoài vào khoảng trên dưới 50%. Theo chuyên gia May Mặc & Da Giày Diệp Thành Kiệt, các biện pháp của chính phủ không thể giải quyết được toàn bộ nhưng có thể giải quyết từng phần. Ông góp ý :
"Thứ nhất là khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tăng cường sản xuất nguyên liệu lên. Như đã nói thực sự mỗi ngành đều có một tỷ lệ nội địa hóa nhất định, vẫn có khả năng sản xuất ra nhất định chứ không phải là không có gì cả.
Tuy nhiên trong thời gian vừa qua chúng ta không cạnh tranh được với nguyên liệu nhập là do giá thành sản xuất của chúng ta cao hơn, hoặc do những điều kiện mua hàng, thí dụ khi doanh nghiệp mua nhập về xuất khẩu họ chỉ trả giá bán của bên người mà họ mua hàng, nhưng về đây họ không chịu các khoản thuế nhập khẩu hay là thuế VAT.
Còn trong trường hợp nếu nguyên liệu đó mà mua ở trong nước, khi mua thì doanh nghiệp bán hàng đã xuất hóa đơn có VAT. Việc này tôi nghĩ Bộ Công Thương đang có sự nghiên cứu có thể là dời lại, hoãn lại hay cho phép chậm, đó cũng là cách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất mua nguyên liệu trong nước, và các doanh nghiệp trong nước sẽ sản xuất ra nguyên liệu để bán cho trong nước.
Thứ hai là tìm giải pháp giữa Việt Nam với Trung Quốc bởi phần lớn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của Việt Nam nhập từ Trung Quốc :
"Làm sao để bàn về một cơ chế thông quan như thế nào mà nó thông thoáng hơn, trên tinh thần vừa bảo đảm hạn chế sự lây lan của bệnh dịch vừa bảo đảm được sự phát triển của kinh tế như thủ tướng chính phủ Việt Nam đã chỉ thị".
Mặt khác, ông Diệp Thành Kiệt khẳng định, đương nhiên các doanh nghiệp phải tự cứu mình trước.
Ông Nguyễn Tử Quảng nhận định về giải pháp cho các doanh nghiệp :
"Thế còn những công việc bị ảnh hưởng thì mình phải tìm các kênh khác nhau, chẳng hạn như hàng linh kiện thì phải chuyển đổi các nguồn khác nhau.
Tuy nhiên điều đấy không hề dễ vì cả 3 nước có nhiều kinh kiện như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, 3 nước đã cung cấp phần lớn rồi. Kể cả như các linh kiện của Mỹ thì cũng đặt sản xuất ở Trung Quốc, nên là cả ngành này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn. Mà không chỉ Việt Nam đâu, tất cả các công ty sản xuất công nghệ sẽ đều có vấn đề như vậy.
Hoặc các doanh nghiệp bán nội địa nên nhân cơ hội này mà chào hàng mạnh lên với các doanh nghiệp đang cần hàng, đó là cách tốt nhất trong giai đoạn hiện nay để mà khắc phục chứ không thể nói nó sẽ trở lại như bình thường được".
Theo ông Diệp Thành Kiệt thì mỗi ngành có cơ cấu nhập nguyên liệu khác nhau. Lấy thí dụ ngành Da Giày, đối với những nguyên liệu cao cấp thì phải mua từ bên ngoài nhiều hơn, còn với loại sản phẩm cấp trung hoặc thấp hơn một chút thì nhiều doanh nghiệp có thể chủ động khoảng hơn 65% và chỉ nhập khoảng 30 hay 40% mà thôi :
"Nhưng mà có những doanh nghiệp lệ thuộc nước ngoài từ khâu thiết kế đến khâu nguyên liệu thì có khi họ phải nhập đến 70 hay 80%. Ngành điện tử thì nói thẳng là chúng ta nhập rất nhiều, từ các con chip các linh kiện… Ở đây chúng ta chỉ làm được những phụ kiện bằng plastic, vỏ mộc hay là hộp thôi, chứ còn gần như nhập hết".
Nên chăng từ lúc này Việt Nam hãy hướng tới đa dạng hóa nguồn nguyên liệu nhập vào từ bên ngoài, là gợi ý của kinh tế gia Phạm Chi Lan.
Theo nhà nghiên cứu độc lập Phạm Chi Lan, với những FTA đã có cũng như EVFTA mới đây, hy vọngViệt Nam sẽ tự chủ được vấn đề sản xuất nguyên liệu cho chính mình, không tùy thuộc quá nhiều vào bất cứ một nguồn cung ứng nhất định nào nữa.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 27/02/2020
****************
Kinh tế Việt Nam có thể nhân dịch bệnh Covid-19 để ‘thoát Trung’ ?
Cơ hội thoát Trung
Trong một cuộc phỏng vấn với Trí Thứ Trẻ liên quan tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế Việt Nam, được đăng tải vào hôm 19/2, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh-Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân nhận định rằng kinh tế của Việt Nam bị ảnh hưởng ngay tức thì vì là quốc gia láng giềng với Trung Quốc và khi hai nước có tổng xuất nhập khẩu lên đến khoảng 4500 tỷ đô la Mỹ (USD).
Công nhân Việt Nam làm việc tại nhà máy sản xuất xe hơi Ford ở tỉnh Hải Dương. Hình chụp ngày 11/01/2017. AFP
Tiến sĩ Trần Hòang Ngân đưa ra số liệu kim ngạch xuất nhập khẩu hiện tại giữa Việt Nam và Trung Quốc là 117 tỷ USD, chiếm 23% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã có đến 20% xuất khẩu qua đất liền bị đóng băng và con số này chưa tính đến giao thương qua đường tiểu ngạch. Bên cạnh đó, lượng du khách Trung Quốc (chiếm đến 30% tổng số du khách nước ngoài) đang bị hạn chế vào du lịch Việt Nam trong thời điểm dịch Covid-19 không chỉ gây tác hại trong ngành du lịch mà còn dẫn đến hiệu ứng domino cho các chuỗi ngành khác liên quan như khách sạn, nhà hàng, hàng không…Trong lĩnh vực sản xuất, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân dự báo Quý II năm 2020 là giai đoạn rất khó khăn cho nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày, sản xuất điện thoại…vì nguyên liệu dự trũ đầu vào, mà chủ yếu nhập từ Trung Quốc bị cạn kiệt.
Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh khẳng định kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những bất lợi qua các trưng dẫn vừa nêu. Thế nhưng, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân cho rằng "đây là thời điểm để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế một cách mạnh mẽ hơn, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc từ nguyên liệu đầu vào đến thị trường hòa hóa đầu ra" cho giải pháp trung và dài hạn đối với nền kinh tế của Việt Nam.
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, vào tối ngày 25/2 nói với RFA rằng đề xuất này của Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân là hợp lý :
"Việt Nam từ trước đến nay vẫn có câu là ‘trong họa thì có phúc’, ‘trong nguy thì có cơ’. Trong diễn biến như thế này, thì đúng là có cơ hội để Việt Nam đổi mới, tái cơ cấu và thay đổi. Tôi nghĩ rằng sức ép đó cần phải biến thành những phương án cụ thể".
Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, bày tỏ đồng quan điểm với Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân về viễn cảnh kinh tế Việt Nam phải chủ động để "thoát Trung" :
"Nếu như Việt Nam thông minh nhìn xuyên suốt bàn cờ thế giới thì càng nên đi vào con đường đa phương hóa, đa dạng hóa hoạt động kinh tế và thương mại của mình, chứ không nên chỉ cố rút vào thị trường truyền thống cũ, mà thị trường đó mình càng lệ thuộc nhiều thì mình càng chết. Theo thiển kiến của tôi thì hướng đi tốt nhất của Việt Nam trong tình hình hiện nay là phải càng đi sâu về chủ trương và đường lối đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ kinh tế và thương mại của mình với tất cả các quốc gia".
Chuyên gia tài chính-ngân hàng độc lập, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho RFA biết rằng quan điểm của Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân đã được giới chuyên gia nhiều lần đề xuất với Chính phủ Việt Nam trong những năm vừa qua :
"Nhiều chuyên gia kinh tế yêu cầu Việt Nam thực hiện đa dạng hóa cả đầu vào và đầu ra. Đầu vào là thay vì Trung Quốc thì mình đi tìm những thị trường nhập khẩu như Hàn Quốc, Nhật và các thị trường ở vùng Đông Nam Á. Tận dụng vị thế của Việt Nam để nhập khẩu nhiều từ các thị trường ở Đông Nam Á và Châu Á-Thái Bình Dương và từ đó đưa ra xuất khẩu. Còn về xuất khẩu thì ngay cả thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam cũng phải được đa dạng hóa. Tại vì đến một thời điểm nào đó mà thị trường Mỹ gặp khó khăn thì xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp khó khăn".
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh xác nhận với RFA rằng mặc dù theo như Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu vừa trình bày. Tuy nhiên :
"Cho đến nay, tôi chưa thấy có một đề án về tái cơ cấu và đa phương hóa, đa dạng hóa mà công việc đó hiện nay là Bộ Công thương đang chịu trách nhiệm chủ trì về việc tìm kiếm thị trường mới. Các doanh nghiệp cũng đang rất nỗ lực. Nếu mà xây dựng một phương án tổng thể thì cần phải có Thủ tướng chỉ đạo và có sự tham gia của các bộ, các viện và các ngành".
"Giảm, hoãn thuế và gia hạn nợ cho doanh nghiệp"
Truyền thông trong nước vào ngày 26/2 dẫn nguồn từ Bộ Công thương cho biết, tại cuộc họp đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến các ngành sản xuất của Việt Nam, rằng các ngành điện, điện tử chỉ còn đủ linh kiện cho sản xuất nhiều nhất là đến cuối tháng 3. Tương tự, ngành dệt may, da giày, túi xách cũng chỉ còn nguyên liệu sản xuất đến đầu tháng 3 hoặc nhiều nhất là đến đầu tháng 4/2020 và có nhiều khả năng doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất.
Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho RFA biết giải pháp ngắn hạn mà Bộ Công thương đưa ra là có thể nhập bông vải sợi từ Ấn Độ hay nhập linh kiện điện tử từ Nhật Bản, Đài Loan để thay thế nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc.
Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân trong cuộc phỏng vấn với Trí Thức Trẻ còn nhấn mạnh một trong những giải pháp có thể giúp giảm thiểu tối đa tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế là cần phải ngay lập tức hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng được giảm, hoãn thuế, gia hạn nợ, khoanh nợ, khoanh lãi đối với khỏan vay ngân hàng.
Qua trao đổi với một số doanh nghiệp ở trong nước, Đài RFA ghi nhận nguyện vọng của họ mong muốn Chính phủ giảm lãi suất. Bà Nguyễn Thị Ba, nhân viên một công ty tư nhân ở Sài Gòn bày tỏ :
"Lãi suất phải giảm xuống. Hoặc có thể những hộ nuôi trồng nông sản, thủy hải sản cho người ta được giảm lãi suất hoặc không lãi suất trong thời gian 3 đến 6 tháng".
Một doanh nhân kinh doanh về phân bón và nông sản hữu cơ, ẩn danh, cho RFA biết người nông dân trồng cây ăn trái ở Việt Nam là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch bệnh Covid-19. Do đó :
"Phải giảm lãi suất và thậm chí là ưu đãi không lãi suất cho họ".
Ngân hàng Nhà nước, vào ngày 24/2 ban hànhcông văn số 1117/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho khách hàng do ảnh hưởng của dịch CCovid-19. Theo đó, các tổ chức tín dụng phải áp dụng thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và có dư nợ gốc và/hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong thời gian từ ngày 23-1/2020 đến ngày 31-3/2020.
Đài RFA nêu vấn đề với Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu rằng giải pháp Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân nêu ra cũng như đề nghị của khối doanh nghiệp về giảm lãi suất liệu có thể khả thi hay không ; trong khi chỉ vài ngày trước lúc Việt Nam công bố dịch Covid-19, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu từng nhận định năm 2020 sẽ là năm mà nhiều ngân hàng rất khó giảm lãi suất do gặp áp lực về chi phí vốn. Trả lời câu hỏi của RFA, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu khẳng định Chính phủ Việt Nam thực tâm muốn giảm lãi suất thì có thể thực hiện được.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu giải thích rằng Việt Nam hiện có hai thị trường vốn 1 và 2. Thị trường 1 là thị trường vốn của người dân và các thành phần kinh tế. Còn thị trường 2 là thị trường vốn của các ngân hàng với nhau. Việc giảm lãi suất có thể bắt đầu từ Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành (là loại lãi suất mà Ngân hàng Trung ương áp dụng trong hệ thống liên ngân hàng). Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh :
"Thế thì Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất áp dụng trên thị trường 2, trong đó có lãi suất tái cấp vốn, alxi suất omo, lãi suất chiết khấu. Đây là các lãi suất mà Ngân hàng Trung ương có thể tự định ra. Khi Ngân hàng Trung ương giảm lãi suất điều hành ở thị trường 2 thì có thể các ngân hàng có dòng vốn rẻ hơn và họ sử dụng dòng vốn đó cho thị trường 1 là thị trường cho vay. Ngân hàng Nhà nước giảm mặt bằng lãi suất, nhưng với liều lượng ít nhất vào khỏang 0,5% ; chứ còn như những lần trước với liều lượng 0,25% thì không đủ. Và cũng cần độ trễ vào khoảng 3 tháng thì mới lan tỏa sang thị trường 1".
"Tạo niềm tin rất lớn cho nhà đầu tư nước ngoài"
Tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế vào sáng ngày 25/2, bộ này thông báo 16 trường hợp nhiễm virus corona tại Việt Nam đã khỏi bệnh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tuyên bố rằng "có thể đánh giá Việt Nam đến nay kiểm soát được dịch Covid-19".
Tiến sĩ Trần Hòang Ngân, qua cuộc phỏng vấn với Trí Thức Trẻ, đã rất lạc quan nói rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá rất cao khả năng ứng phó với bệnh dịch của Việt Nam. Điều này mang lại niềm tin rất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam. Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân cũng lưu ý về xu thế chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc của các tập đoàn sản xuất lớn và Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế để thu hút các tập đoàn này đến đầu tư.
Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân còn khẳng định trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có cơ hội đón được nguồn đầu tư từ Châu Âu, với công nghệ tiên tiến chất lượng cao khi hai Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) có hiệu lực.
Mộ số vị chuyện gia, Đài RFA có dịp trao đổi, đồng thời cũng nhấn mạnh về thị trường EU rộng lớn, đầy tiềm năng cho Việt Nam trong tương lai.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, từ Na Uy, qua ứng dụng messenger chia sẻ với RFA ghi nhận của ông :
"Sau cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh ở Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư thêm ra các nước khác để đa dạng hoá danh mục đầu tư phòng ngừa rủi ro. Việt Nam nếu kiểm soát dịch bệnh tốt, cải thiện môi trường đầu tư, hạ tầng, thuế và cung cấp thêm nhân công có trình độ tay nghề thì sẽ trở thành một điểm đến cho các nhà đầu tư này".
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ còn đề cập đến trào lưu những người đến tuổi nghỉ hưu ở Mỹ và phương Tây muốn tìm một nơi thoải mái và rẻ tiền để sống lâu dài lúc về hưu. Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng :
"Nếu Việt Nam cải thiện các điều kiện xin visa sống lâu dài, bảo đảm quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài, miễn thuế đối với các thu nhập có nguồn gốc ở nước ngoài, và cải thiện hệ thống y tế sẽ khuyến khích nhiều người Âu, Mỹ chọn nghỉ hưu ở Việt Nam. Họ sẽ là những khách du lịch dài hạn, thậm chí trong nhiều trường hợp trở thành những nhà đầu tư. Làm được vậy sẽ giúp ngành du lịch đa dạng hoá nguồn khách du lịch, bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, tăng nguồn thu ngoại tệ, kích thích đầu tư trong nước".
"Nói thì dễ nhưng thực hiện không dễ"
Nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên gia kinh tế từng làm việc tại Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, vào ngày 25/2 lên tiếng với RFA rằng trước mắt dù dịch Covid-19 được kiểm soát tốt đến đâu thì :
"Sắp tới kinh tế Việt Nam đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này. Đầu tư địa ốc từ nước ngoài ở Việt Nam có thể sẽ giảm. Do đó, khu vực bất động sản sẽ cực kỳ khó khăn. Như vậy một số ‘đại gia’ trong ngành này sẽ phá sản và sẽ lôi kéo tình trạng khủng hoảng tài chính của Việt Nam".
Liên quan đề xuất Việt Nam "trong nguy có cơ" để nền kinh tế không còn quá phụ thuộc vào Trung Quốc, Tiến sĩ Vũ Quang Việt cho rằng "không hề đơn giản". Từ Hoa Kỳ, Tiến sĩ Vũ Quang Việt lý giải :
"Thí dụ ngay cả đến như Samsung có số lượng điện thoại bán trên thế giới có một nửa là sản xuất tại Việt Nam. Một phần các con chip trong điện thoại Samsung được sản xuất ở bên Trung Quốc. Có thể thêm một thời gian nữa thì Samsung tại Việt Nam sẽ gặp khó khăn vì dự trữ không còn nữa. Ngay cả bây giờ Nam Hàn cũng bị vấn đề tương tự như vậy.
Ví dụ có một tập đoàn nào đó muốn sản xuất sắt thép tại Việt Nam, mà Việt Nam không có những nguyên liệu sắt thép thì họ sẽ phải làm sao cho năng lượng, cho điện rất rẻ để người ta đưa vào (sản xuất). Đại khái với cách làm như vậy thì họ sẽ thu hút những công nghệ rất lạc hậu và rẻ tiền đưa từ Trung Quốc hoặc từ Hàn Quốc sang. Những chuyện như vậy, chúng ta thấy rồi.
Hay ví dụ như Tập đoàn Vingroup nhảy vào sản xuất xe hơi. Nhưng sau khi Hiệp định EVFTA được ký và thông qua thì ngay lập tức xe hơi nhập vào Việt Nam với thuế suất là 0. Bây giờ không phải chỉ là Vingroup thôi mà cả những công ty khác đầu tư sản xuất xe hơi ở Việt Nam sẽ phải giải quyết vấn đề như thế nào ?"
Các vị chuyên gia kinh tế Đài RFA tiếp xúc cùng có chung nhận định rằng sẽ rất khó để kinh tế Việt Nam không bị phụ thuộc vào Trung Quốc vì rất nhiều nguyên nhân như hàng hóa rất rẻ, thuận tiện cho việc chuyên chở giao nhận do ở sát biên giới, đặc biệt tập tục buôn bán và văn hóa kinh doanh của hai nước rất tương đồng với nhau…Tiến sĩ Nguyễn Hiếu khẳng định :
"Trung Quốc có rất nhiều lợi thế mà không dễ gì có thể thay thế được những lợi thế đó bằng những lợi thế của những quốc gia khác. Thành ra nói thì dễ nhưng việc thực hiện không phải là chuyện dễ, dù có thể khả thi".
*****************
Thái Lan áp thuế bán phá giá hơn 50% đối với thép Việt Nam
RFA, 25/02/2020
Ủy ban về phá giá và trợ cấp Thái Lan đã quyết định áp thuế chống bán phá giá từ 6,97% lên 51,61% đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam bị điều tra với cáo buộc đe dọa thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa.
Sản phẩm thép cuộn cán nguội. AFP
Đó là thông tin trích từ kết luận của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) Thái Lan được truyền thông trong nước loan đi hôm 25/2.
Tuy nhiên theo kết luận của phía Thái Lan, thuế chống bán phá giá nói trên sẽ được miễn áp dụng đối với nhập khẩu hàng hóa liên quan nhằm sản xuất phục vụ xuất khẩu, nhập khẩu với mục đích sử dụng đặc biệt, hoặc được xếp vào loại đặc biệt.
Mức thuế chống bán phá giá đối của Thái Lan đối với sản phẩm thép của Việt Nam được cho biết sẽ áp dụng tối đa trong năm năm, và sẽ được rà soát hàng năm nếu có yêu cầu chính thức từ phía các bên liên quan hoặc nếu cơ quan điều tra thấy cần thiết.
Cục Phòng vệ thương mại Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiếp tục xem xét tham gia các đợt rà soát để đảm bảo quyền và lợi ích.
Vào/2/2020, Thái Lan cũng đã áp thuế chống bán phá giá 14,35% đối với một số sản phẩm thép carbon nguội hoặc không nguội xuất khẩu từ Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng : "Covid-19 là cơ hội cải cách và tái cơ cấu kinh tế Việt Nam"
Các đoàn tàu nằm chờ ở ga Sài Gòn – Hoạt động chạy tàu trên toàn quốc đang dự kiến phải tạm dừng vì không có tiền trả lương cho nhân viên
Một chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nhận định với VOA rằng nền kinh tế Việt Nam đang hứng chịu những tác động tiêu cực trên nhiều mặt của dịch Covid-19, nhưng đây cũng là thời điểm thuận tiện để đẩy mạnh cải cách và tái cơ cấu nền kinh tế nhằm "ít phụ thuộc hơn vào một thị trường duy nhất".
Trước đó, ngày 12/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố báo cáo đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với kinh tế-xã hội Việt Nam. Trong báo cáo mới mới nhất, Bộ này đã giảm mức dự báo GDP xuống chỉ còn 5,96% nếu dịch bệnh kéo dài đến quý II, so với mục tiêu đặt ra trước đó cho cả năm là 6,8%.
"Một là ngành hàng không, đường sắt đều đã đình chỉ. Hai, khách du lịch từ Trung Quốc chiếm khoảng 37%, ở Quảng Ninh có thể chiếm tới 60%, thì bây giờ giảm sút rất nhiều, hầu như không còn. Ba, doanh nghiệp Việt Nam cần phụ tùng của Trung Quốc".
Ngoài ra, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thực trạng hàng ngàn công nhân Trung Quốc về quê ăn Tết vẫn chưa được phép trở lại Việt Nam làm việc cũng gây tác động không nhỏ lên các nhà máy và công trình tại Việt Nam, bên cạnh tình trạng ùn ứ nông sản trong những ngày qua vì các quy định hạn chế đi lại để phòng chống dịch.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2019 đạt 75,452 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong khi nhập khẩu chỉ đạt 41,414 tỷ USD.
Với nền kinh tế bị phụ thuộc gần 1/3 nhập khẩu từ Trung Quốc như vậy, tình trạng gián đoạn về nguồn nguyên vật liệu từ các nhà máy ở quốc gia láng giềng vì dịch Covid-19 đang đề ra những thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết thêm : "Doanh nghiệp dệt may đặt hàng từ sợi, vải, cho đến cúc từ các nhà máy của Trung Quốc. Đến hết tháng 2 này thì cạn dự trữ, nên nếu không giải tỏa được thì sẽ gặp khó khăn".
Sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc, ngoài cơ chế chính sách, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, còn do yếu tố mà ông gọi là "phụ thuộc tự nhiên".
Ông phân tích : "Trung Quốc ở ngay sát Việt Nam, với 1.400 km đường bộ và vịnh Bắc Bộ nên rất gần gũi. Hai, link kiện, hàng hóa của Trung Quốc có giá rẻ và họ đáp ứng rất nhanh những yêu cầu của Việt Nam. Ví dụ với hàng dệt may, nếu Việt Nam nhận được các hợp đồng đòi hỏi phải thay đổi kiểu vải, mẫu mã cúc… thì với các công ty ở Italy hay các nước khác thì rất khó khăn, nhưng với các doanh nghiệp Trung Quốc thì họ thích nghi rất nhanh"…
Vì vậy, việc các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua nhập nhiều hàng hóa, nguyên phụ liệu từ quốc gia láng giềng là điều khó tránh khỏi.
Saigon Centre được xem là một trong những trung tâm thương mại lớn nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh thu hút lượng lớn người dân đến đây mua sắm và giải trí dịp cuối tuần. Tuy nhiên, vào tối chủ nhật mà trung tâm này vắng vẻ một cách lạ thường.
"Rời xa Trung Quốc nào có dễ" – Đó là một câu cảm thán của một chủ doanh nghiệp lớn ngành giày dép và cũng là tựa đề một bài viết trên Thời báo Kinh tế Sài gòn ngày 23/2/2020 của ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Bita’s.
Không có cơ sở để kết luận toàn bộ kinh tế Việt Nam đều ảnh hưởng do dịch Covid-19. Tuy nhiên, với nền kinh tế mà doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 98% và lệ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc, tác động của việc tạm thời gián đoạn giao thương với "công xưởng thế giới" là một cơn ác mộng đối với họ.
Về con số GDP của quốc gia – chắc chắn sẽ giảm, hãy để các bộ ngành tính toán, đưa ra đánh giá. Riêng cá nhân tôi, sẽ nhìn vào cách thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về cơn dịch là khả quan hay nguy hiểm hơn để chẩn đoán tình hình kinh tế. Nói đúng hơn là để đánh giá trực tiếp sức khỏe của doanh nghiệp mình, và ngành hàng có liên quan là giày dép.
Chắc chắn, số ngành hàng và doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc không nhỏ hơn 50%. Đó là những ngành như dệt may, da giày, vật liệu trong xây dựng, sản xuất nông nghiệp, nguyên liệu phụ trợ…
Và dễ tổn thương nhất là các doanh nghiệp sản xuất nông sản. Họ lệ thuộc gần như 100% vào thị trường Trung Quốc, và đang khóc ròng, khóc không ra thành tiếng nữa.
Tân Sơn Nhất là Cảng hàng không quốc tế luôn rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng nhất cả nước. Chưa bao giờ sân bay này rơi vào vắng vẻ như những ngày vừa qua
Nếu soi cho kỹ, sẽ thấy chúng ta nhập chủ yếu là nguyên vật liệu, xuất chủ yếu nông sản và nguyên liệu thô.
Ngay vào cuối tháng 2 này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chắc cũng sẽ "ngáp ngáp", chết dần chết mòn rồi.
Về vấn đề tìm nguồn nguyên liệu thay thế từ nước khác và thị trường mới thay thế thị trường Trung Quốc thì sao ?
Nói thì quá dễ, nhưng với hơn 30 năm lăn lộn trên thương trường, tôi không thể tiếp tục đánh đố hay tưởng tượng hai chuyện đó giống như từ tay phải chuyển sang tay trái một cách dễ dàng được.
Hầu như mọi chủ doanh nghiệp đều cùng chung suy nghĩ của tôi. Tất cả đều "mắc kẹt" trong luồng chảy của chuỗi sản xuất, chuỗi kinh doanh.
Sự thể là như thế này : Đâu là nơi cung cấp nguyên vật liệu vừa nhanh, vừa rẻ, vừa ứng biến cho khách hàng uyển chuyển nhất ? Đó là Trung Quốc. Đâu là thị trường hao hao giống như Việt Nam cho phép thanh toán gối đầu, đổi trả, đền bù, đặt hàng từng chiếc đến từng tấn đều được, và cả sự thích nghi sáng tạo mẫu mã thật chớp nhoáng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ? Đó là Trung Quốc.
Vậy liệu việc lựa chọn một thị trường cung ứng nguyên vật liệu khác có đáp ứng được những yếu tố trên không ? Có đảm bảo được là "con dâu" ngoan, tốt, luôn "chiều chồng" như các nhà cung ứng Trung Quốc ?
Hình ảnh chụp ngày chủ nhật 23/02/2020 ở Trung tâm thương mại Vincom trên ở Gò vấp Thành phố Hồ Chí Minh, nơi luôn tập trung đông người nhưng nay vắng vẻ
Đó là chưa kể đến một thực tế khác : khi các nhà đầu tư Nhật Bản hay Hàn Quốc đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam gia công sản xuất, nguyên vật liệu cũng được họ mua của Trung Quốc.
Tất nhiên, ngay cả với việc phải chọn mua nguyên vật liệu các nước khác nhằm thay thế Trung Quốc thì cũng cần có thời gian, ít nhất là sáu tháng. Đó là khoảng thời gian nhằm đi lùng sục, tìm kiếm rồi trao đổi để họ cung ứng nguyên vật liệu đúng theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Chắc chắn, khi tìm được rồi, doanh nghiệp sẽ phải tính lại giá thành, sao cho giá không quá đắt so với hàng Trung Quốc, mà chất lượng lại tương đương để đảm bảo tính cạnh tranh.
Trong trường hợp, giá thành bị đội lên thì nó sẽ đồng nghĩa với việc không thể bán ra thị trường được, hoặc phải bỏ khá nhiều thời gian, công sức tiếp thị, thuyết phục khách hàng. Không dễ.
Một thực tế : dẫu cho doanh nghiệp năng động đến cỡ nào đi chăng nữa, cũng phải thay đổi toàn bộ kế hoạch. Họ còn phải giảm bớt chỉ tiêu, giảm bớt lao động, giảm giờ làm việc của khối gián tiếp ; cân đối nguyên vật liệu tồn kho…
Và hẳn cũng sẽ đẩy mạnh việc bán hàng qua mạng, tung nhân viên đi tìm khách hàng tận nhà. Giờ do có dịch, không mời khách hàng tập trung lại được, cho nên sẽ chủ động tìm tới khách để chào hàng.
Nói thế nào đi chăng nữa, doanh nghiệp cũng chỉ có thể xoay xở bó hẹp trong phạm vi ngành nghề của mình và tự bươn chải nhằm giải quyết khó khăn là chính.
Hình ảnh ở khu vực biên giới gần cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn hàng ngày có hàng trăm cửu vạn ngang nhiên cõng hàng lậu từ Trung Quốc về Việt Nam
Ở một góc độ "cao", Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn nữa, hành động ráo riết hơn nữa để hỗ trợ cho doanh nghiệp, ngay cả sau khi dịch được khắc phục. Bởi rõ ràng hậu quả để lại sẽ kéo dài đến hết năm 2020 là tối thiểu.
Bằng cách cắt giảm lãi suất ngân hàng thật mạnh, chứ không nhỏ giọt. Và tạm thời không thanh kiểm tra doanh nghiệp theo chỉ tiêu hàng năm nữa. Ngưng cả việc áp đặt một số luật lệ, quy định mới không mang tính hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo tôi được biết, Singapore và Đài Loan đã công khai việc giúp đỡ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của Covid-19. Phương thức hỗ trợ là giảm lãi suất, tiếp tục cho gia hạn các khoản vay, đáo hạn. Lãi suất cho vay của họ đã thấp, giờ lại còn giảm thêm ; điều kiện cho vay cũng không khó. Đối với Đài Loan, từ lãi suất 2,5%/năm xuống còn 1,2-1,5%/năm. Singapore cũng giảm từ 1,5% xuống còn 0,8-1%/năm.
Ở Việt Nam, các ngân hàng cũng nói sẽ giảm lãi suất, nhưng kèm theo đó là doanh nghiệp phải chứng minh rõ thiệt hại ; và mức lãi suất cũng cứ xoay quanh 7-9,5%/năm. Vậy cho nên doanh nghiệp Việt Nam thiệt thòi lắm.
Trước tình trạng "đóng băng" của nhiều ngành nghề, dịch vụ, sản xuất tại Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ Trung Quốc, một số ý kiến cho rằng đây cũng là một cơ hội tốt để Việt Nam "thoát Trung", giảm dần sự phụ thuộc về kinh tế vào quốc gia láng giềng.
Tại cuộc họp về phòng chống dịch cúm SARS-CoV-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định : Chính phủ chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân
"Thoát Trung" là đề tài đã được nhiều kinh tế gia của Việt Nam bàn thảo, vận động cũng như đưa ra các kiến nghị cho chính phủ, đặc biệt sau khi tình trạng phụ thuộc kinh tế quá nhiều vào một thị trường là Trung Quốc bắt đầu cho thấy những tác động tiêu cực lên kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, để làm được việc này, đòi hỏi Việt Nam phải có một nỗ lực lớn và cả chấp nhận những thiệt thòi ban đầu.
"Người Trung Quốc rất giỏi kinh doanh và họ có thể tranh thủ được các khách hàng Việt Nam bằng nhiều thủ thuật. Vì vậy nên trong thời gian sắp tới, khi Việt Nam muốn đa dạng hóa, đa phương hóa thì có lẽ cũng phải điều chỉnh một số mặt hàng và một số khách hàng, và có lẽ giá một số sản phẩm cũng không tránh khỏi phải tăng lên".
"Việt Nam có câu trong họa có phúc, trong nguy có cơ. Nhân tình hình này, kinh tế Việt Nam sẽ phải tái cơ cấu, phải đổi mới sản xuất, tìm kiếm thị trường mới, linh kiện, kênh hợp tác mới".
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh hy vọng giới hữu trách có thể biến "nguy" thành "cơ" để đẩy mạnh việc cải cách và tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, dựa vào những cơ hội đang mở ra từ việc hợp tác với Châu Âu, Mỹ và các quốc gia Châu Á khác.
Container xuất nhập khẩu qua cảng Cát Lái Thành phố Hồ Chí Minh
Trung quốc là một đất nước đã áp dụng triệt để Chủ nghĩa Cộng sản để cai trị hơn 1 tỷ người dân nước này. Những tiếng nói phản biện ôn hòa ở đại lục đều bị đàn áp, khủng bố và cầm tù.
Việt Nam vẫn cử các đoàn cán bộ cấp cao sang Trung quốc để học tập mô hình độc tài toàn trị này, để áp dụng lên người dân trong nước, Đảng đã loại bỏ những người thực tài để thay vào đó là những cá nhân chỉ biết "còn đảng còn mình" hòng mưu lợi cá nhân.
Giờ đây, hậu quả do sự thiếu hiểu biết của lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam đang đổ lên đầu hàng triệu người dân và doanh nghiệp Việt Nam. Họ sẽ tiếp tục phải bỏ mạng và phá sản trong thời gian tới, vì thứ virus nguy hiểm đến từ Trung quốc.
Trung Hiếu (Thành phố Hồ Chí Minh)
Nguồn : Thoibao.de, 24/02/2020
Ngay sau vụ Phạm Bình Minh không thốt nổi một từ về Trung Quốc tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ vào cuối tháng 9 năm 2019, hàng đàn công an Việt Nam đã được ‘tháo xích’ để canh chặn thô bạo hàng trăm người hoạt động dân chủ nhân quyền, không cho họ ra khỏi nhà vào ngày 1 tháng 10 năm 2019 - quốc khánh của ‘đảng anh’ Trung Quốc.
Ai còn mơ màng ‘đảng ta sẽ thoát Trung’ ? - Ảnh minh họa
Thay vì tố cáo Trung Quốc gây hấn ở Bãi Tư Chính, Phạm Bình Minh chỉ ấp úng ‘các bên liên quan’ về căng thẳng ở Biển Đông mà không một lần dám nhắc đến cái tên tàu Hải Dương 8 hay kẻ nào đứng sau hoạt động thách thức của tàu này. Thái độ cúi đầu cam chịu ấy đã khiến Minh cùng sếp của ông ta là Nguyễn Phú Trọng bị mạng xã hội chỉ trích và lên án dữ dội.
Nhưng Phạm Bình Minh không hề cô đơn. Trước đó, mạng xã hội cũng sôi lên bởi Thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc đã không một lần đủ can đảm nêu tên Trung Quốc khi ông ta dám nói về căng thẳng Biển Đông.
‘Hèn - Nhược - Tham - Ngu’ lại trở thành cụm tính từ mà mạng xã hội dành tặng cho chính thể độc tài ở Việt Nam.
Vụ khủng hoảng Bãi Tư Chính gây ra bởi ‘đồng chí tốt’ Bắc Kinh đã kéo dài đến ba tháng, nhưng với cảnh tượng không dám nổ súng cảnh cáo, không dám nhắc tên Trung Quốc và không dám kiện Trung Quốc, chóp bu Việt Nam đã khiến Bắc Kinh không chỉ ngày càng coi thường ‘vùng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’, mà còn giành ưu thế vượt mặt giới chóp bu Việt Nam trong hoạt động vận động quốc tế, cũng là nguồn cơn khiến Bắc Kinh tự tin và ngạo mạn khi đưa ra tuyên bố mang tính khẳng định về vùng chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính, và bây giờ còn muốn đuổi Việt Nam ra khỏi đó.
Thậm chí hoạt động ‘phản biện trong luồng’ và có vẻ chẳng mấy nguy hiểm của giới trí thức mang khuynh hướng thân chính quyền cũng bị cấm cản: buổi tọa đàm khoa học “Vùng biển bãi Tư chính và Luật pháp Quốc tế” do Viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (Viện PLD), trực thuộc Liên Hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) dự định tổ chức vào sáng ngày 22/9/2019 tại Hà Nội đã bị chính quyền hoãn đến sau ngày 5/10/2019, tức sau ngày quốc khánh 1/10 ở Bắc Kinh.
Nhưng sau 1/10 lại rất có thể là Hội nghị trung ương 11 của đảng cầm quyền. Có rất nhiều lý do mà chính quyền này thường nại ra để không cho phép hội thảo, tọa đàm về những vấn đề bị xem là nhạy cảm. Số phận của cuộc hội thảo về Bãi Tư Chính cũng vì thế sẽ còn rất chông chênh.
Rất tương đồng với tinh thần kiên định không hiện hình của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng mà do đó không phải trả bài cho dư luận xã hội về cách xử lý khủng hoảng Bãi Tư Chính, những động thái cấm cản giới hoạt động dân chủ nhân quyền và hoạt động hội thảo khoa học về chủ đề Biển Đông đã làm sáng mắt những người dân và trí thức vẫn còn mơ màng về ‘bản lĩnh cụ tổng’, về triển vọng ‘thoát Trung’ nhanh chóng của đảng cầm quyền.
Không, chưa có gì gọi là nhanh chóng với triển vọng ‘thoát Trung’. Thậm chí trong tình thế bị Trung Quốc đe dọa có thể gây chiến ở Biển Đông, và mối đe dọa này hữu hình chưa từng có, một số quan chức cao cấp Việt Nam mới chỉ lục tục ‘giãn Trung’, tức nhích xa một chút khỏi cái cái mạng nhện chẳng chịt độc hại mà trước đó họ đã tự nguyện đu dây và treo toòng teng lơ lửng trong đó.
Trong thực tế, Nguyễn Phú Trọng và những đồng đảng của ông ta sẽ chẳng thể sáng mắt nếu không bị Trung Quốc dồn vào chân tường và phải chịu một đòn vỡ mặt từ Bắc Kinh. Bởi ngay vào lúc này khi còn đang ‘vờn tàu’ mà chưa có tiếng súng nổ ở Bãi Tư Chính, ‘đảng em’ vẫn hy vọng Tập Cận Bình sẽ chỉ đe nẹt mà không ra đòn quá mạnh, vẫn toan tính có thể tiếp tục đu dây uốn éo giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và vẫn tiếp diễn trò dọa nạt phương Tây ‘nếu bị ép mạnh phải cải cách và cải thiện nhân quyền, Việt Nam sẽ ngả vào vòng tay Trung Quốc’.
Tất cả những chiêu trò đã trở nên nhàm cũ và ti tiện ấy rốt cuộc lại biến thành gậy ông đập lưng ông. Một tính toán của chóp bu Việt Nam về khả năng Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ vội vã hỗ trợ Hà Nội bằng hạm đội Thái Bình Dương và những hành động quân sự khác đã bị việt vị. Sau vài lần lên tiếng gián tiếp ủng hộ Việt Nam ở Biển Đông nhưng lại khiến Bộ Chính trị đảng Việt Nam tăng cường dựa dẫm vào Mỹ chứ không làm sao tự uốn thẳng lưng hơn được, Washington đã trở lại thói quen dè dặt, nhất là thận trọng trước thói ngả ngớn đu dây đã ăn vào bản chất của chế độ cộng sản đầy lươn lẹo ở Việt Nam.
Và EU cũng thế. Cho dù cả ba nước Anh, Pháp, Đức đều đã mở lời về vụ Bãi Tư Chính, nhưng không có một hành động nào đi kèm.
Tất cả đều đang chờ đợi ‘bản lĩnh Việt Nam’ sẽ trôi về đâu nếu đến cái tên Trung Quốc cũng chẳng dám hé môi.
Hội nghị trung ương 11 của đảng cầm quyền - nhiều khả năng diễn ra vào nửa đầu tháng 10 năm 2019 - cũng bởi thế vẫn có thể lâm vào tình trạng gà mắc tóc, y hệt những hội nghị trung ương vào những năm 2017 và 2018 là lúc mà Trung Quốc đã gây hấn tại Bãi Tư Chính lần đầu tiên và lần thứ hai. Vẫn khó có được ‘nội lực tự thân’ nào để giới chóp bu Việt Nam tìm ra giải pháp xử lý khủng hoảng bãi Tư Chính, thoát khỏi trạng thái u mê lầy lội và khỏi cảnh ngụp lặn trong trò chơi ‘Bốn Tốt’ với Trung Quốc.
Cùng lúc và thật bỉ bôi, tinh thần ‘thoát Trung’ lẽ ra phải có sẽ được thay thế bằng những cuộc đấu đá sát phạt không tiếc thương giữa các nhóm ‘đồng chí’ trong đảng cầm quyền ở Việt Nam tại Hội nghị trung ương 11. Giữa các nhóm quyền lực - tài phiệt mới với các nhóm quyền lực - tài phiệt cũ thời đại hội 12, và giữa các nhóm quyền lực - tài phiệt mới với nhau. Tất cả đều ‘miệng nam mô, bụng một bồ dao găm’.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 04/10/2019
Tôi thật vui mừng được thấy Giáo sư Lê Xuân Khoa đã hoàn toàn đồng cảm khi khơi dậy một cách ngắn gọn và khúc chiết cái chủ đề quan trọng bậc nhất mà tôi đã đề cập ròng rã hơn 10 năm nay : Muốn thoát Trung buộc phải thoát Cộng, nhưng hai việc ấy phải làm đồng thời !
Muốn thoát Trung buộc phải thoát Cộng, nhưng hai việc ấy phải làm đồng thời - Ảnh minh họa
Trước khi nói thêm một số điều liên quan xin nhắc tên một số bài đã lưu trong Thư viện Hà Sĩ Phu về chủ đề này :
- Vừa nội xâm, vừa ngoại xâm - phải làm gì trước ? (2007)
- Giải Cộng nhi thoát ! (2012)
- Muốn thoát Hán phải thoát Cộng (2014)
- Không thể "thoát Trung" mà không "thoát Cộng" (2014)
- Không dựng tượng đài ấy, không phải chỉ vì con số 1.400 tỷ ! (muốn thoát Cộng phải thoát Hồ !) (2015)
*
1. Thoát Cộng là thoát giặc Nội xâm
Dân bị mất quyền làm chủ đất nước vào tay người cầm quyền trong nước thì đó là nạn Nội xâm (xin tham khảo bài Xin đừng gọi Tham nhũng là Nội xâm).
Có người bảo : Dân ta vẫn có đầy đủ mọi thứ quyền công dân đấy chứ ? Toàn là quyền trên giấy thôi. Nói gì nhiều, chỉ nghe Tổng bí thư đảng nói "Quốc hội là nơi cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng" và lời Chủ tịch của Quốc hội, nơi tập trung quyền lực cao nhất của nhân dân, nói về việc thành lập ba đặc khu (3 nhượng địa của Tàu) rằng "Bộ Chính trị đã quyết thì Quốc hội phải bàn cách thực hiện, không bàn cãi gì nữa" là đủ rõ "quyền làm chủ" của dân vĩ đại đến đâu rồi !
Nhân dân chưa bao giờ được bốc lên cao như trong chế độ cộng sản, nào là người sáng tạo ra Lịch sử, nào là chủ nhân thật sự của đất nước, cán bộ chỉ là đày tớ của nhân dân. Nhưng Nhân dân chỉ làm nên Lịch sử để Đảng cộng sản cướp được chính quyền, chứ xong việc rồi, bây giờ "thằng dân" muốn làm nên Lịch sử thì hãy phải đi "học tập cải tạo" để thành công dân tốt của Đảng đã nhé !
Đảng lại chủ trương "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý" (Nhà nước toàn người của Đảng cộng sản lãnh đạo) ! Vậy là cả giải đất chữ S của tổ tiên nước nhà để lại nay do Đảng cộng sản độc quyền giữ "sổ đỏ" (dân chỉ được cho quyền sử dụng chứ không có quyền sở hữu). Ông chủ mà không được sở hữu "một mảnh đất cắm dùi " thì xách dép cho thằng đày tớ, rồi để họ hàng nhà dép lên tiếng như trường hợp cô Thùy Dương ở Thủ Thiêm. Đày tớ cầm "sổ đỏ" trong tay thì nó "sang nhượng " cho ai là rất đúng luật, đúng quy trình, còn cãi gì nữa ? Thế thì nhân dân đã mất nước, từ trong nước, trước khi bị ngoại bang xâm lược vậy !
2. Về quan hệ giữa thoát Trung và thoát Cộng
Như vậy, nhiệm vụ thoát Trung và thoát Cộng cũng có nghĩa là thoát nạn Nội xâm và nạn Ngoại xâm, cũng tức là chống nạn Cộng sản và nạn Bắc thuộc-Hán hóa.
Vì Việt Nam sa vào chủ nghĩa cộng sản nên mới đưa đất nước chui vào vòng tay Trung Quốc, ngược lại nếu Việt Nam ra khỏi quỹ đạo cộng sản thì Trung Quốc chẳng còn cớ ràng buộc gì, lợi thế gì để trói buộc Việt Nam.
Quan hệ giữa hai quốc nạn này, giữa hai nhiệm vụ này là quan hệ Nguyên nhân và Kết quả. Theo phép chữa bệnh thì diệt được nguyên nhân là chữa được bệnh : hết chế độ cộng sản là hết bệnh Bắc thuộc. Nhưng ở đây cả nguyên nhân (chế độ cộng sản) lẫn kết quả (nạn Trung Quốc xâm lược) đều là hai vật thể sống khổng lồ, quái ác và liên kết tương hỗ củng cố lẫn nhau, bảo vệ lẫn nhau để cùng hưởng lợi trên số phận của dân tộc Việt Nam. Nguyên nhân (chế độ cộng sản Việt Nam) bám chặt lấy kết quả (bành trướng Trung Quốc) và kết quả (bành trướng Trung Quốc) quay lại giữ chặt nguyên nhân (cộng sản Việt Nam).
Điều quái ác là, người giữ chế độ chính trị cộng sản ở Việt Nam không phải chỉ Đảng cộng sản Việt Nam mà chủ yếu là Đảng cộng sản Trung Quốc. Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay không muốn từ bỏ chế độ cộng sản đã đành, nhưng cho dù có muốn vì nước vì dân mà thoát ly chế độ thì Trung Quốc cũng không cho phép. Tôi đã có lần trả lời phỏng vấn rằng với những gì hai nước đã thiết kế, Trung Quốc có thể dùng tiền mua chuộc bất cứ một kẻ cầm quyền Việt Nam nào muốn thoát Trung, và nếu không mua được thì nó giết quách một cách thật dễ dàng (thân chư hầu khốn nạn như thế). Tóm lại, tuy thoát Trung là mục tiêu cấp bách và trọng yếu số 1 nhưng không thể thoát Trung mà chưa thoát Cộng, lại cũng không thể thoát Cộng trước rồi mới thoát Trung. Hai việc ấy phải làm song song, vấn đề là phối hợp hai việc ấy với nhịp điệu như thế nào ?
Nhưng Trời sinh ra tai họa nào cũng đồng thời cho luôn thuốc chữa nằm ở đâu đó. Trước đây, khi Trung Quốc chưa lộ rõ mặt xâm lược thì việc đấu tranh thoát Cộng trong nội bộ quốc gia là cực kỳ khó. Lúc ấy lên án một vấn đề dân chủ-nhân quyền là rất khó và ít hiệu quả, vì Đảng cộng sản thừa sức che đậy và trấn áp. Nhưng khi Trung Quốc lộ diện xâm lược, thì chính giặc Ngoại xâm chứ không ai khác đã giúp dân ta vạch rõ mặt thật của giặc Nội xâm mà Đảng cộng sản khó cãi được.
Hai việc lớn thoát Trung và thoát Cộng phải làm đồng thời là điều rất khó, nhưng mặt khác hai việc ấy lại tương hỗ nhau, tạo điều kiện cho nhau, làm dễ cho nhau. Gắn chặt hai việc ấy với nhau sẽ thành sức mạnh.
Hà Sĩ Phu
Nguồn : Boxit.vn, 18/12/2018
Việt Nam siết chặt quy định nhập chất thải, xem xét cấm xuất khẩu khoáng sản (RFA, 17/09/2018)
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc mới đây ký chỉ thị yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường không được cấp mới giấy xác nhận đối với các đơn vị nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu. Việc nhập khẩu chỉ được xem xét đối với các đơn vị nhập khẩu để sử dụng trực tiếp và chứng minh được nhu cầu sử dụng. Truyền thông trong nước loan tin này ngày 17/9.
Hình minh họa. Cảng Sài Gòn ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 6/3/2008 - AFP
Chỉ thị mới cũng giao Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan áp dụng các biện pháp ngăn chặn từ xa các lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng quy định pháp luật.
Quyết định mới này của Chính phủ được đưa ra sau khi Hải quan Việt Nam hồi tháng trước cho biết hàng ngàn container phế liệu đang nằm tại các cảng biển Việt Nam nhưng không có doanh nghiệp nào đến nhận, gây tình trạng quá tải và lo ngại về ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, vào hồi đầu tháng này, Bộ Tài chính gửi Bộ Công thương một đề xuất cấm xuất khẩu khoáng sản thô, tiến hành rà soát, đánh giá, hạn chế cấp phép khai thác khoáng sản xuất khẩu, kiểm soát khai thác khoáng sản.
Hiện Việt Nam vẫn chưa có chính sách nào được thực hiện liên quan đến việc cấm xuất khẩu khoáng sản. Theo Vietnam News, việc thực hiện chính sách cấm được cho là khó thực hiện vì vẫn chưa có định nghĩa thực tế về khoáng sản thô, khoáng sản qua chế biến, trong khi các loại nguyên liệu thô yêu cầu các mức chế biến khác nhau.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra quyết định chỉ đạo, yêu cầu hạn chế các dự án khai thác, tuyển và chế biến một số loại quặng như vàng, đồng, niken, molipden ở quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu gây tổn thất tài nguyên và ô nhiễm môi trường.
Báo cáo mới của Tổng cục Hải quan tính đến hết ngày 15/7 cho thấy cả nước xuất hơn 2 triệu tấn quặng, đạt kim ngạch 101 triệu USD. Trong số này, 1,5 triệu tấn được xuất sang Trung Quốc, chiếm tỷ lệ 75%.
*******************
Việt Nam tiêu thụ hơn 3.000 tấn các chất làm giảm tầng ozone (RFA, 17/09/2018)
Đến năm 2020, Việt Nam sẽ tiêu thụ hơn 3.000 tấn các chất hydrofluorocarbon (HFC) gây giảm tầng ozone nếu không tham gia phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali của Nghị định thư Montreal.
Các thành viên thuộc ban tổ chức chúc mừng phê chuẩn Sửa đổi Kigali hôm 15/10/2016 ở Kigali. AFP
Đây là kết luận được Tiến sĩ Lê Hoàng Lan, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Môi trường cho biết trong khuôn khổ lễ kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone, 16/9/2018, vừa diễn ra ở Hà Nội.
Theo bà Lan, đến năm 2020, Việt Nam sẽ góp vào phát thải khí nhà kính sử dụng HFC là khoảng hơn 4,6 triệu tấn CO2 tương đương ; đến năm 2030 là khoảng gần 7,7 triệu tấn CO2 tương đương.
Vì lý do này, Việt Nam sẽ không thể mua bán các chất HFC với nước đã phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali từ ngày 1/1/2033, vì Nghị định thư Montreal cấm buôn bán với các nước không phê chuẩn.
Nếu tham gia phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali, Việt Nam sẽ theo lộ trình loại trừ các chất HFC, ngưng mức tiêu thụ vào năm 2024 và bắt đầu loại trừ dần các chất HFC từ năm 2029, giảm dần đến năm 2045 còn 20% mức tiêu thụ cơ sở.
Hiện đã có 46 quốc gia phê chuẩn và đủ điều kiện để Sửa đổi, bổ sung Kigali có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Một khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào năm ngoái cho thấy có đến 55% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam được khảo sát sẵn sàng chuyển đổi công nghệ mới để loại bỏ chất HFC.
******************
Triển khai thí điểm tuyến đường bộ Việt Nam - Trung Quốc (RFA, 17/09/2018)
Bộ Giao thông và vận tải Việt Nam và Trung Quốc vào sáng ngày 17 tháng 9 tổ chức Lễ khởi hành phương tiện chạy thí điểm tuyến vận tải đường bộ quốc tế Hải Phòng-Hà Nội-Côn Minh.
Các xe khách khởi hành đi Côn Minh sáng 17/9/2018. Courtesy of baomoi
Truyền thông Việt Nam cho biết việc chạy thí điểm tuyến vận tải hành khách này và tuyến vận tải hàng hóa Thâm Quyến-Hà Nội được Bộ Giao thông và vận tải hai nước tổ chức nhằm thúc đẩy việc trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế thương mại giữa hai quốc gia, đồng thời giúp hai nước tìm hiểu các khó khăn trong quá trình hoạt động cũng như quy trình, thủ tục cấp phép cho phương tiện qua lại biên giới giữa hai nước.
Ngay sau Lễ khởi hành, hai bên đã trao đổi Giấy phép vận tải và thực hiện cấp Giấy phép vận tải cho các doanh nghiệp vận tải của hai nước.
Ngày 19/9/2018, lễ khởi hành phương tiện chạy thí điểm tuyến vận tải hàng hóa Thâm Quyến - Hà Nội sẽ được Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc tổ chức tại Thâm Quyến.
Trước đó, thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc ký năm 1994, Nghị định thư sửa đổi và Nghị định thư thực hiện Hiệp định ký năm 2011, Bộ Giao thông Vận tải hai nước đã tổ chức Lễ thông xe vận tải hàng hóa, hành khách và xe công vụ trên các tuyến Hải Phòng - Hà Nội - Côn Minh ngày 16/8/2012 ; Hà Nội - Nam Ninh, Hà Nội - Thâm Quyến ngày 22/8/2012 ; Cao Bằng - Bách Sắc ngày 18/7/2013 ; Lễ thông xe công vụ tại cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan ngày 9/6/2013.
Liên quan quan hệ Việt-Trung, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị hai nước Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác đôi bên cùng có lợi, tại phiên họp lần thứ 11 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung diễn ra hôm 16/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Phiên họp do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đồng chủ trì.
Ngoài phiên họp toàn thể, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Vương Nghị đã có cuộc họp hẹp về quan hệ hai nước và các vấn đề cùng quan tâm. Hai bên cho rằng kể từ sau phiên họp lần thứ 10 đến nay, hợp tác trên các lĩnh vực đạt được những tiến triển đáng khích lệ, giao lưu nhân dân diễn ra sôi động, tuy nhiên trong quan hệ giữa hai nước vẫn còn một số vấn đề tồn tại như : Nhập siêu thương mại của Việt Nam từ Trung Quốc còn lớn ; một số dự án doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng cần thúc đẩy nhanh hơn ; tiến độ thực hiện các khoản viện trợ không hoàn lại còn chậm.
Trước đó, ngày 14/9, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu đã tiến hành cuộc gặp giữa hai Tổng Thư ký Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc.
******************
Trung Quốc viện trợ Công an Việt Nam phòng lab công nghệ thông tin, dân mạng lo lắng (RFA, 16/09/2018)
Bộ Công an Việt Nam hôm 14/9 cho biết Bộ Công an Trung Quốc vừa viện trợ cho Cục Đối ngoại, Bộ Công an Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh một phòng lab giúp thu thập, khôi phục chứng cứ dữ liệu điện tử trong công tác phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Phòng lab được chính thức khánh thành vào ngày 14/9.
Bộ Công an Trung Quốc viện trợ Bộ Công an Việt Nam hệ thống thiết bị phòng thu thập, khôi phục chứng cứ ữ liệu điện tử - Courtesy Bộ Công An
Theo trang web Bộ Công an Việt Nam, việc lắp đặt phòng lab được thực hiện sau hai năm phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc cùng công ty công nghệ thông tin Lý Á của Trung Quốc.
Ngay sau khi thông tin này được báo chí trong nước đăng lại, cư dân mạng đã có nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng vì cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng phòng lab này để nghe lén, lấy trộm dữ liệu của Việt Nam.
Những lo lắng này của cư dân mạng Việt Nam không phải là không có lý do.
Hồi đầu năm nay, báo Le Monde của Pháp công bố một điều tra cho biết Trung Quốc đã lấy cắp dữ liệu từ mạng máy tính mà nước này cung cấp cho trụ sở của Liên Minh Châu Phi. Toà nhà trụ sở của Liên Minh Châu Phi tại Ethiopia được Trung Quốc giúp xây cho các nước châu Phi và hoàn tất vào năm 2012. Đây được coi như biểu tượng của mối quan hệ Trung Quốc - Châu Phi và là món quà mà chính phủ Trung Quốc tặng cho các quốc gia Châu Phi.
Sự việc Trung Quốc lấy trộm thông tin chỉ được phát hiện vào tháng 1/2017 khi các kỹ thuật viên phát hiện hàng đêm cứ vào khoảng từ 12 giờ đến 2 giờ sáng, việc sử dụng dữ liệu lên cao bất ngờ trong hệ thống máy tính của toà nhà mặc dù lúc đó không có ai làm việc ở trụ sở. Các điều tra sau đó cho thấy các dữ liệu bí mật của Châu Phi đã được copy và chuyển về các máy chủ ở Thượng Hải.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Minh Châu Phi đã bác bỏ cáo buộc này và gọi thông tin này là vô lý.
Mặc dù vậy, sau khi sự việc xảy ra, Liên Minh Châu Phi đã lẳng lặng mua máy chủ khác và từ chối sự giúp đỡ của Trung Quốc.
Hồi tháng trước, Australia cũng ra lệnh cấm hai tập đoàn công nghệ thông tin lớn của Trung Quốc là Huawei và ZTE cung cấp thiết bị cho hệ thống viễn thông mới của nước này vì lo ngại tình báo mạng của Trung Quốc.
Hoa Kỳ hồi đầu năm nay cũng thông qua một kế hoạch hạn chế việc các tập đoàn công nghệ thông tin của Trung Quốc bán các sản phẩm tại Mỹ vì lo ngại những thiết bị này sẽ đặt ra những mối nguy về an ninh cho Mỹ.
****************
Hà Nội lờ đề nghị khai thác dầu khí chung với Bắc Kinh (Người Việt, 16/09/2018)
Bắc Kinh đề nghị Hà Nội thảo luận khai thác dầu khí chung trên Biển Đông như "một cách tích cực" kiểm soát và quản lý các bất đồng trên biển vốn gai góc trong mối quan hệ song phương.
Người dân Hà Nội biểu tình chống Trung Quốc bá quyền bành trướng trên Biển Đông. (Hình : AFP/Getty Images)
Trong cuộc họp tổ chức ở Sài Gòn "lần thứ 11 Ủy Ban Chỉ Ðạo Hợp Tác Song Phương Việt Nam-Trung Quốc" ngày Chủ Nhật, 16 tháng Chín, 2018, Ủy Viên Quốc Vụ Viện Kiêm Ngoại Ttrưởng Trung Quốc Vương Nghị được Tân Hoa Xã thuật lời đề nghị "Cách tích cực nhất để quản lý và kiểm soát tranh chấp trên biển là thảo luận hợp tác dò tìm dầu khí. Và sự tưởng nhớ 10 năm kỷ niệm đánh dấu đặt trụ mốc biên giới trên bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam là thiết lập các khu vực hợc tác kinh tế xuyên biên giới thời gian sớm nhất".
Ngược lại với bản tin của Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của cộng sản Việt Nam chỉ tường thuật hai bên "nhất trí kiểm soát tốt bất đồng trên biển" khi viết rằng "Hai bên đã trao đổi thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước và "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc ;" thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển đạt kết quả thực chất ; thực hiện toàn diện, hiệu quả tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm bảo đảm môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC ; tiếp tục tinh thần hợp tác, xây dựng và tích cực cùng các nước ASEAN trao đổi các nội dung cụ thể, thực chất của Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC) ; kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông".
Lời lẽ hoàn toàn khác nhau của hai cơ quan thông tấn chính thức của hai nước cho người ta thấy dù các lãnh tụ và chức sắc cấp cao của Hà Nội và Bắc Kinh mỗi khi gặp nhau đều hô hò "thúc đẩy hiệu quả" và "nâng lên tầm cao mới" mối quan hệ mọi mặt giữa hai nước Cộng sản anh em, quan điểm về chủ quyền và tranh chấp biển đảo có vẻ vẫn dậm chân tại chỗ.
Trong cuộc họp nêu trên, Vương Nghị dỗ Hà Nội "liên tục bồi đắp sự đồng thuận, làm sâu sắc hơn nữa sự tin cậy lẫn nhau và giữ chặt lấy hướng đi đúng của mối quan hệ song phương". Cũng giống như nhiều lãnh tụ Hà Nội từng hô hò, ông Vương Nghị kêu gọi hai bên thi hành các thỏa hiệp đã được cấp cao của hai bên đồng thuận.
Trước khi ông Vương Nghị dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc sang Sài Gòn họp "Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương", ngày 20 tháng Tám, 2018, cộng sản Việt Nam cho Trần Quốc Vượng, thường trực ban bí thư của đảng cộng sản Việt Nam sang Bắc Kinh gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. TTXVN viết rằng ông Vượng cũng đã "đề nghị hai bên thực hiện thật tốt, hiệu quả nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước ; tiếp tục củng cố, tăng cường tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước thông qua trao đổi, tiếp xúc cấp cao ; tăng cường và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa hai đảng, hai nước ; thúc đẩy hiệu quả các lĩnh vực hợp tác, giải quyết thỏa đáng các vấn đề trên biển, giữ vững đà phát triển của quan hệ hai nước và môi trường hòa bình, ổn định của khu vực".
Các cuộc đàm phán về Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc bế tắc vì Bắc Kinh ngang ngược vẽ bản đồ với 9 vạch nối lại giống như hình "Lưỡi bò" chiếm hơn 80% Biển Đông và tuyên bố của họ "từ cổ xưa", bất chấp phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế khi họ bị Philippines kiện.
Cái vạch 9 đoạn "Lưỡi bò" hoặc vắt ngang hoặc trùm luôn khoảng 67 lô dầu khí của Việt Nam nằm bên trong phạm vi 200 hải lý đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bắc Kinh quyết liệt ngăn cản Hà Nội thăm dò và khai thác dầu khí tại những nơi này, thậm chỉ năm ngoái còn dọa sẽ đánh cướp các đảo của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu không từ bỏ ý định.
Nay Vương Nghị lại dỗ dành Hà Nội với lời lẽ bề ngoài có vẻ tử tế "đồng chí anh em" nhưng nếu đi vào điều kiện, chưa chắc không phải một loại thuốc độc bọc đường. Tuy nhiên, TTXVN lờ đề nghị của ông ta được hiểu như cách Hà Nội từ chối hay không dám viết gì về lời đối đáp của ông Phạm Bình Minh, đại diện cộng sản Việt Nam trong phiên họp kể trên, vì sợ quần chúng lại biểu tình như hồi tháng Sáu ? (TN)
*****************
Trung Quốc bơm tiền vào Go-Jek, mở rộng thị trường Đông Nam Á (VOA, 17/09/2018)
Hãng xe ôm Go-Jek của Indonesia đang tìm cách nâng mức đầu tư khoảng 2 tỷ đôla từ các nhà đầu tư hiện tại, bao gồm công ty lớn của Trung Quốc là Tencent Holdings Ltd và JD.com, để mở rộng thị trường ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, theo hãng tin Reuters.
Tài xế xe ôm Go-Jek ở thủ đô Jakarta của Indonesia.
Việc hãng Go-Jek kêu gọi nâng mức đầu tư diễn ra giữa lúc đối thủ chính Grab có trụ sở tại Singapore cũng đang mở rộng thị trường và phát triển mạnh ở Indonesia.
Cả hai hãng Go-Jek và Grab đều đang huy động hàng tỷ đôla và đang đầu tư hàng trăm triệu đôla vào cuộc đua giành quyền thống trị ở khu vực Đông Nam Á. Đây là khu vực với hơn 640 triệu người tiêu dùng và ngày càng có nhiều người bắt đầu sử dụng điện thoại thông minh để mua sắm, đi lại và thực hiện thanh toán online.
Một nguồn tin không tiết lộ danh tính cho biết : "Các nhà đầu tư Trung Quốc có rất nhiều tiền, nhưng tổng số tiền đầu tư phụ thuộc vào nhu cầu thị trường". Ngoài Tencent Holdings Ltd and JD.com, các nhà đầu tư hiện tại của Go-Jek là công ty cổ phần tư nhân Warburg Pincus và KKR.
Ra mắt vào năm 2011 tại thủ đô Jakarta, Go-Jek – một từ tiếng địa phương có nghĩa là taxi xe máy – đã phát triển từ dịch vụ gọi xe tới ứng dụng giúp các khách hàng thanh toán trên mạng cũng như đặt hàng mọi thứ từ thực phẩm, hàng tạp hóa, đến mát xa.
Trong tháng 5, Go-Jek cho biết họ sẽ đầu tư 500 triệu đôla vào Việt Nam, Singapore, Thái Lan và Philippines, sau khi hãng Uber bán các thị trường Đông Nam Á cho Grab.
Ông Nadiem Makarim, người sáng lập và giám đốc điều hành của Go-Jek, nói với Reuters hồi tháng trước rằng công ty đã nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư vì hãng tích cực mở rộng thị trường.
Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng uống trà với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 12/01/2017 tại Bắc Kinh. (Ảnh : TTXVN)
Hơn phân nửa trong tổng số 15 văn kiện về "hợp tác kinh tế" mà Việt Nam vừa ký kết với Trung Quốc trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy nền kinh tế của Việt nam càng ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, từ lĩnh vực ngân hàng, hàng không cho đến nông nghiệp.
Theo thông cáo chung mà hai bên đưa ra trong chuyến đi của ông Trọng tới thăm Trung Quốc, Việt Nam sẽ kết nối với Trung Quốc trong khuôn khổ chương trình hợp tác kinh tế "Hai hành lang, một vành đai" và lên "phương án tổng thể xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới". Theo phương án này, bảy tỉnh phía Bắc và 20 cửa khẩu của Việt Nam sẽ hoạt động tất bật hơn để đón lượng hàng hóa khổng lồ từ Trung Quốc. Chưa kể dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông và tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng cũng sẽ phục vụ cho mục tiêu này.
Ngoài ra, dân Việt Nam có khả năng sẽ trồng lúa Trung Quốc khi hai bên "tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lai tạo các giống lúa". Hơn nữa, không loại trừ khả năng Việt Nam nhận thanh toán xuất nhập khẩu của Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ thay vì đồng USD. Cuối cùng, ông Trọng kêu gọi các nhà đầu tư Trung Quốc xúc tiến các dự án hạ tầng tại Việt Nam.
Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc liên tục là "đối tác thương mại lớn nhất" của Việt Nam. Năm 2015, kim ngạch song phương đạt hơn 66,6 tỷ USD ; 10 tháng năm 2016 đạt 57,6 tỷ USD (tăng 5% so với cùng kỳ năm 2015). Tuy nhiên, việc Việt Nam xuất khẩu hơn 17 tỷ USD, nhập khẩu hơn 40 tỷ USD phản ánh sự mất cân bằng trong trao đổi thương mại Việt – Trung.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một chuyên gia về Chính trị và Bang giao Quốc tế của Đại học George Mason, đồng thời là một học giả của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn (CSIS) nhận định về sự lệ thuộc về kinh tế của Việt Nam đối với Trung Quốc :
"Vấn đề kinh tế giữa Việt Nam với Trung Quốc thì nhiều người ở Việt Nam, kể cả các kinh tế gia đều phàn nàn về cán cân mậu dịch không cân bằng và lo là Việt Nam phụ thuộc rất nhiều trong tương lai với Trung Quốc".
Theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam cần đa đạng hoá hơn nữa các quan hệ kinh tế quốc tế, bên cạnh mối quan hệ với Trung Quốc :
"Họ theo chính sách ngoại giao đa phương đa diện hóa, tìm cách quan hệ với các nước khác. Không có TPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) thì sức đẩy kinh tế bớt đi. Việt Nam có thể ký hiệp ước song phương với Mỹ, sử dụng những điều khoản thỏa thuận trong TPP. Đó là một giải pháp. Hoặc ký hiệp ước hợp tác với các nước Á Châu khác".
Trung Quốc đang muốn tận dụng cơ hội Mỹ rút khỏi TPP để thúc đẩy hai hiệp định lớn khác để thay thế TPP, như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hay Hiệp định Thương mại Tự do Châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).
Báo Kinh tế Đô Thị trích lời tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, nói rằng Việt Nam sẽ tăng cường quan hệ mậu dịch, xuất nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc là tất yếu trong khi Mỹ sắp tới đây có thể tăng cường bảo hộ mậu dịch trong nước.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định rằng quan hệ mậu dịch giữa hai nước hiện nay chủ yếu dựa trên đồng USD, tuy nhiên, hiện đồng Nhân dân tệ (NDT) đã vào giỏ tiền tệ của IMF và đồng tiền này ngày càng mạnh. Vì vậy, trong thời gian tới, việc thanh toán xuất nhập khẩu của Trung Quốc có thể sẽ bằng đồng NDT thay vì USD.
Chương trình hợp tác kinh tế "Một vành đai, một con đường" được Việt Nam cho là tâm điểm của "chiến lược toàn diện giữa hai nước được nâng lên một tầm cao mới trong bối cảnh tình hình mới". Nhưng trước thực tế địa lý Việt Nam và Trung Quốc "núi liền núi, sông liền sông", giới quan sát nói rằng những gì trao đổi tại cuộc "trà đàm" kéo dài tới 80 phút giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần vừa rồi là một dấu hiệu cho thấy Việt Nam khó ‘thoát Trung’.
Nguồn : VietnamNet, Kinhtedothi
Kinh tế Việt Nam tăng 6,2% năm 2016, còn khó khăn năm 2017
Thực trạng kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc là hiểm họa mà công luận đã lên tiếng từ nhiều năm nay. Mức độ lệ thuộc diễn ra ngày càng nặng nề dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đây là điều mà nhiều người cảm thấy khó lý giải, bởi họ tin ông Nguyễn Tấn Dũng không chỉ là nhân vật "chống Tàu" quyết liệt nhất trong ban lãnh đạo Việt Nam, qua những phát ngôn mạnh mẽ nhằm vào gã láng giềng khổng lồ "to xác, xấu bụng", mà còn là nhân vật quyền lực nhất Việt Nam suốt một thời gian dài.
Vì thế, không ít người đã vội hình dung ra viễn cảnh kinh tế nước nhà sẽ còn tồi tệ hơn khi đứng đầu chính phủ khóa XIV là một Nguyễn Xuân Phúc vốn bị coi là "phản bội" người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng.
Tuy nhiên, sau 9 tháng lèo lái nền kinh tế, xem ra chính phủ của tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhen nhóm hy vọng "thoát Trung" về mặt kinh tế, ít nhất là trên phương diện số liệu thống kê.
Nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2016 là 49,8 tỷ USD, chỉ tăng khoảng 300 triệu USD so với năm 2015, tức 0,6%. Nếu không tính năm 2009 (năm kinh tế Việt Nam suy thóa i và nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 3,5% trong bối cảnh tổng kim ngạch nhập khẩu giảm tới 13,34%) thì kể từ năm 2001, khi Việt Nam bắt đầu nhập siêu từ Trung Quốc, đây là năm mà giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc tăng thấp nhất. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 21,8 tỷ USD, tăng tới 4,7 tỷ USD so với năm 2015, tương đương 27,4%. Với tốc độ gia tăng ngoạn mục này, tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm tới 12,4%, mức cao nhất từ trước đến nay.
Nhờ nhập khẩu từ Trung Quốc hầu như không tăng, trong khi xuất khẩu sang thị trường này lại tăng mạnh, nên giá trị nhập siêu từ Trung Quốc năm 2016 chỉ còn 28 tỷ USD so với đỉnh cao 32 tỷ USD của năm 2015. Như vậy, giá trị nhập siêu từ Trung Quốc năm 2016 thấp hơn cả năm 2014. Và nếu không tính năm 2009 (năm cả tổng kim ngạch xuất khẩu lẫn tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đều giảm mạnh) thì kể từ khi Việt Nam bắt đầu nhập siêu từ Trung Quốc, đây là năm duy nhất nhập siêu từ Trung Quốc không những giảm mà còn giảm mạnh tới 13,6%.
Tỷ trọng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc do đó đã giảm từ đỉnh cao 29,9% năm 2015 xuống còn 28,7% năm 2016, thấp hơn cả con số của năm 2014 (29,5%).
Tuy thành tích trên đây của chính phủ Việt Nam "hậu Nguyễn Tấn Dũng" là khá ấn tượng, nhưng giá trị nhập siêu 28 tỷ USD từ Trung Quốc vẫn là quá lớn, gần như xoánhòa thành tích xuất siêu 29,4 tỷ USD sang thị trường Mỹ. Đặc biệt, tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới 28,7% tổng kim ngạch nhập khẩu là con số vẫn còn quá cao, nếu xét phần lớn số này là hàng hóa chất lượng thấp, độc hại, hoặc tiềm ẩn những hiểm họa lâu dài về an ninh quốc phòng.
Ngoài ra, việc tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu gia tăng tuy là điều đáng mừng trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài đây cũng là điều đáng lo ngại, khi phần lớn hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này là khoáng sản, nguyên liệu thô và nông sản. Đây là những loại hàng hóa hoặc gây ra hiện tượng "chảy máu khoáng sản", hoặc không có giá trị gia tăng cao và dễ bị phía Trung Quốc dở những mánh khoé quen thuộc để bắt chẹt, lũng đoạn thị trường, khiến các nhà xuất khẩu, đặc biệt là người nông dân, bao phen điêu đứng.
Dù hy vọng "thoát Trung" về kinh tế xem ra đã được chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhen nhóm, nhưng quãng thời gian 9 tháng vừa qua là chưa đủ để nói lên nhiều điều. Trong bối cảnh Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp bị tân Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức khai tử, động lực tăng trưởng dựa trên khai thác tài nguyên và nhân công giá rẻ đã đuối sức, nợ công tăng cao, ngân sách cạn kiệt, năm 2017 thực sự là một năm đầy thách thức đối với chính phủ Việt Nam. Nếu không đẩy mạnh cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng thị trường hóa , tư nhân hóa , phi tập trung hóa , phi điều tiết hóa thì khủng hoảng kinh tế là một nguy cơ thực tế.
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA tiếng Việt, 10/01/2017