Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tuần trăng mật Mỹ-Trung dường như đã kết thúc (RFI, 01/07/2017)

Quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã trở nên gay gắt hôm 30/06/2017. Bắc Kinh tức giận vì Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, và trừng phạt một ngân hàng Trung Quốc bị cáo buộc có liên hệ với Bắc Triều Tiên.

mytrung1

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago, Florida ngày 06/04/2017. REUTERS/Carlos Barria/File Photo

Các quyết định của Mỹ và phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc tương phản hẳn với không khí tương đối thân mật từ sau cuộc gặp gỡ với chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, tại tư dinh của nhà tỉ phú tại Florida.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu 30/6 tuyên bố : "Chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ có thể chỉnh đốn lại hành vi sai trái, để đưa quan hệ Mỹ-Trung trở lại con đường đúng đắn, phát triển một cách vững chắc và ổn định".

Bắc Kinh nhấn mạnh "kiên quyết chống lại" các biện pháp trừng phạt của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đối với một ngân hàng Trung Quốc. Ngân hàng Đan Đông (Dandong) bị Washington cáo buộc rửa tiền cho Bắc Triều Tiên, và từ nay không thể kết nối với hệ thống tài chính Mỹ.

Trung Quốc cũng "cực lực phản đối" việc chính quyền Trump cho phép bán cho Đài Loan 1,3 tỉ đô la vũ khí. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trả đũa : "Ngay cả trong thời bình, chúng ta cũng đừng bao giờ quên rằng Đài Loan bị đe dọa nặng nề. Hòa bình chưa bao giờ có được, và không bao giờ được lơi lỏng việc bảo vệ đất nước chỉ vì hiện đang bình yên".

Ông Lục Khảng còn đả kích các phát biểu "vô trách nhiệm" của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Washington bày tỏ quan ngại về việc tôn trọng các quyền tự do ở Hồng Kông, trong dịp kỷ niệm 20 năm cựu thuộc địa Anh được trao trả cho Trung Quốc.

Giáo sư Lâm Hòa Lập (Willy Lam), trường đại học Trung Quốc ở Hồng Kông nói với AFP : "Chừng như tuần trăng mật, được bắt đầu với lời hứa của Bắc Kinh sẽ làm điều gì đó về vấn đề Bắc Triều Tiên, đã kết thúc hẳn rồi. Tôi nghĩ rằng ông Trump muốn dùng lá bài Đài Loan để thúc đẩy Trung Quốc hành động nhiều hơn về Bắc Triều Tiên, và có thể cả biện pháp thương mại nữa".

Nhưng đối với giáo sư James Reilly, chuyên về quan hệ quốc tế ở trường đại học Sydney, "nay ít có khả năng Trung Quốc làm điều gì đó về hồ sơ Bắc Triều Tiên, do vụ Mỹ trừng phạt và bán vũ khí".

Tổng thống Donald Trump đã kịch liệt đả kích chính sách thương mại của Trung Quốc, trong thời gian tranh cử. Giọng điệu của ông nhẹ nhàng hẳn đi sau khi gặp ông Tập Cận Bình : ông Trump cần sự giúp đỡ của Trung Quốc để thúc đẩy Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình nguyên tử và đạn đạo. Nhưng tổng thống Mỹ tuần rồi phải cau mày, trong một tin Twitter ông Trump khẳng định các nỗ lực của Trung Quốc không có kết quả.

Ngân hàng Đan Đông của Trung Quốc bị Hoa Kỳ cáo buộc là đã tạo điều kiện cho các giao dịch của những công ty có liên can đến việc phát triển hỏa tiễn đạn đạo Bắc Triều Tiên.

Bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin nhấn mạnh, các trừng phạt này không chủ ý nhắm vào Trung Quốc. Nhưng ông cảnh báo : "Nếu chúng tôi phát hiện một hoạt động nào khác, thì sẽ trừng phạt thêm các định chế khác. Không có ai ngoại lệ cả".

Trung Quốc là láng giềng và là nước duy nhất ủng hộ Bắc Triều Tiên cả về ngoại giao lẫn kinh tế. Bắc Kinh coi việc thương lượng là phương cách duy nhất để thúc đẩy Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình đạn đạo và nguyên tử, khuyến khích Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên nhượng bộ lẫn nhau nhưng không đứng về bên nào.

Tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng hành xử tương tự. Trên chuyến bay đưa ông đến công du Hoa Kỳ, Moon Jae-in tuyên bố Seoul và Washington cần phải đưa ra những nhượng bộ với Bắc Triều Tiên, nếu nước này chấp nhận một số điều kiện – theo báo chí Hàn Quốc. Ông Moon nói : "Tuy không tưởng thưởng Bắc Triều Tiên về những hành động đáng phê phán, nhưng Hàn Quốc và Hoa Kỳ cần phải cùng nhau xem xét nên đề nghị với Bình Nhưỡng những gì để đổi lấy việc đóng băng chương trình nguyên tử của họ".

Hôm thứ Sáu 30/06/2017, tổng thống Donald Trump tuyên bố "thời kỳ kiên nhẫn với Bình Nhưỡng đã kết thúc", khẳng định Hoa Kỳ sẽ phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc, Nhật Bản và các đối tác khác trên thế giới để có được "một tổng thể các biện pháp ngoại giao, kinh tế và an ninh". Ông không nhắc đến Trung Quốc.

Tuần trăng mật Mỹ-Trung đã thực sự trôi qua rồi chăng ?

Thụy My

***********************

Đài Loan 'lạc quan' về tàu hải quân Mỹ trở lại (BBC, 01/07/2017)

Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 29/6/2017 bày tỏ lạc quan sau khi Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ thông qua một điều khoản nhằm tái lập các chuyến thăm thường xuyên của các tàu Hải quân Hoa Kỳ tới Cao Hùng hoặc "các cảng thích hợp khác" ở Đài Loan, thời báo Đài Bắc hôm 30/6 đưa tin.

mytrung2

Đài Loan hoan nghênh và lạc quan về các trao đổi và hợp tác mới với Hải quân Hoa Kỳ ở khu vực.

Điều khoản này cũng cho phép Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tiếp nhận các chuyến "thăm, đậu" của tàu Đài Loan ở khu vực thuộc phạm vi hoạt động của Bộ chỉ huy này.

Ủy ban Quân vụ hôm thứ Năm đã bỏ phiếu cho phép việc trao đổi này như một phần của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Hoa Kỳ năm tới, mà sẽ được đệ trình lên Thượng viện để xem xét.

"Động thái này cho thấy Hoa Kỳ coi trọng trao đổi quân sự với Đài Loan. Bộ Ngoại giao hoan nghênh mọi hình thức hợp tác nhằm nâng cao năng lực quốc phòng của Đài Loan và mang lại sự ổn định cho khu vực," Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố.

Công ty Cảng Quốc tế Đài Loan, phụ trách hoạt động tại các cảng biển của quốc gia, cho biết Bộ Quốc phòng có các bến riêng tại một số cảng.

Nếu các tàu quân sự từ các quốc gia khác cần dừng tại Đài Loan, họ sẽ phải liên lạc với Bộ Quốc phòng cho phép đậu tại bến tàu của bộ này, Công ty Cảng Quốc tế Đài Loan cho biết thêm và nói rằng các tàu quân sự sẽ không neo đậu tại các bến mà các tàu thương mại sử dụng.

Bộ Quốc phòng có thể yêu cầu sự hỗ trợ của Công ty nếu bến tàu của họ không thể đón tàu chiến lớn hơn, hãng này bổ sung.

Thông điệp của Mỹ ?

Các cảng Chi-lung, Cao Hùng, Su-ao và Đài Trung có các cơ sở quân sự, theo Cảng vụ Đài Loan.

Một tàu sân bay nhỏ của Hoa Kỳ từng vào cảng Chi-lung trước đây, mặc dù không neo đậu lại, theo một quan chức Phó lãnh đạo Cục Cảng vụ Đài Loan, người từng là sinh viên của Đại học Quốc gia Đài Loan ở Chi-lung, khi Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ cập cảng tại đó.

Chỉ có Cảng Cao Hùng có thể chứa các tàu sân bay lớn, đi vào qua lối cảng thứ hai, vẫn theo quan chức này.

mytrung3

Giới quan sát tiếp tục chú ý theo dõi các chuyển động về hợp tác quân sự và quốc phòng của Mỹ tại Châu Á và biển Thái Bình Dương thời gian qua và tới đây.

Các cảng Chi-lung, Cao Hùng, Su-ao và Đài Trung có thể chứa các khu trục hạm loại 9.000 tấn trang bị hỏa tiễn, như tàu USS Fitzgerald, mà đầu tháng này đã có va chạm với tàu chở hàng ACX Crystal treo cờ Philippines tại Vịnh Tokyo, Phó lãnh đạo Cục Cảng vụ Đài Loan cho biết thêm.

Trong một diễn biến riêng biệt liên quan chuyển động và hợp tác quân sự của Hoa Kỳ ở khu vực, theo báo Straitstimes hôm 30/6, Hoa Kỳ sẽ có một cuộc tập trận chung với Australia với 33.000 quân tham dự, sự kiện dự kiến kéo dài một tháng ở ngoài khơi Sidney.

Tuy địa điểm tập trận ở xa các vùng biển tranh chấp của Châu Á nhưng giới chức Hoa Kỳ nói thẳng rằng đây là một thông điệp mà họ muốn gửi đến các đồng minh, đối tác và cả đối thủ của Mỹ.

Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuần này xác nhận Mỹ vẫn bán vũ khí trị giá 1,42 tỷ USD cho Đài Loan, và điều này ngay lập tức khiến Trung Quốc phản ứng.

Đại sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải nói quyết định của Washington bán vũ khí cho Đài Bắc "làm tổn hại niềm tin" song phương Mỹ - Trung.

Cũng có tin Hoa Kỳ áp đặt lệnh trừng phạt lên một số công ty trong ngành vận tải và ngân hàng của Trung Quốc "vì có hoạt động chống lệnh cấm vận" nhằm vào Bắc Hàn.

*********************

Donald Trump : Hoa Kỳ đã "hết kiên nhẫn" với Bắc Triều Tiên (RFI, 01/07/2017)

mytrung4

Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Hàn Quốc, Moon Jae-in trong buổi họp báo chung tại Nhà Trắng, Washington, ngày 30/06/2017. REUTERS/Jim Bourg

Ngày 30/06/2017, lần đầu tiên tiếp tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-In tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng cảnh cáo chế độ "nguy hiểm và tàn bạo" của Bắc Triều Tiên rằng Hoa Kỳ đã "hết kiên nhẫn". Ông Trump không loại trừ khả năng nào, khẳng định đã có trong tay "nhiều phương án" để đáp lại các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Từ Washington, thông tín viên Jean-Louis Pouret gởi về bài tường trình :

"Ông Donald Trump rất muốn biết lập trường của tân lãnh đạo Hàn Quốc, một người sẵn sàng đối thoại với miền Bắc hơn tổng thống tiền nhiệm. Nhưng hai vị tổng thống Mỹ - Hàn có chung mối quan ngại trước mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Sau cuộc hội đàm với tổng thống Hàn Quốc, ông Donald Trump đã lên tiếng cảnh cáo chế độ Kim Jong-Un : "Chiến lược kiên nhẫn với Bắc Triều Tiên đã thất bại. Thật tình mà nói, chúng tôi đã hết kiên nhẫn. Chúng tôi kêu gọi các cường quốc khác trong khu vực cùng với chúng tôi thi hành các biện pháp trừng phạt. Mục tiêu của chúng tôi là hòa bình, an ninh và ổn định cho khu vực".

Tổng thống Mỹ tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ làm việc chặt chẽ với Hàn Quốc, Nhật Bản và các đối tác khác về các biện pháp ngoại giao, kinh tế và an ninh.

Trong một thời gian dài, ông Trump đã trông chờ vào Trung Quốc để gây áp lực lên Bắc Triều Tiên, nhưng ông đã thất vọng. Cho nên, tổng thống Mỹ đã thể hiện sự bất bình bằng cách ban hành các biện pháp trừng phạt một ngân hàng Trung Quốc có liên hệ với ngành công nghiệp hạt nhân Bắc Triều Tiên, đồng thời cho phép bán cho Đài Loan số vũ khí với tổng trị giá gần 1 tỷ rưỡi đôla".

Thanh Phương

Published in Quốc tế

Trung Quốc phá vỡ một đường dây mua bán rác y tế (RFI, 13/06/2017)

Thêm một vụ tai tiếng mới trong giới y khoa Trung Quốc. Sau 6 tháng điều tra, cảnh sát đã bắt giữ 12 người đứng đầu đường dây buôn bán rác y tế. Vụ tai tiếng được tập san Trung Quốc Outlook tiết lộ. Năm ngoái một vụ tai tiếng khác liên quan đến thuốc chích ngừa quá hạn đã khiến giới chức trách rất bối rối.

tq1

Tập san Trung Quốc Outlook tiết lộ tai tiếng mới về đường dây mua bán rác y tế. Getty Images

Thông tín viên RFI, Heike Schmidt tại Bắc Kinh tường thuật :

"Một mùi hôi tanh xộc vào mũi khi các nhà điều tra đi vào sân sau của một nhà máy ở Cổ Bồi (Gupei), tỉnh Hồ Nam. Tờ Outlook mô tả tìm thấy : 50 tấn ống chích đã sử dụng, túi đựng máu và những vật khác chồng chất, chờ được xử lý. Những người thợ thì không đeo găng tay mà cũng chẳng có khẩu trang.

Một khi rửa sạch, phân loại, cắt ra từng mảnh, những chất thải này được mang bán lại cho những nhà sản xuất dược phẩm hay sản xuất thức ăn. Kẻ buôn thu lợi không nhỏ : một tấn nhựa mua vào 260 euro có thể bán lại hơn gấp đôi.

Vào tháng 12/2016, vụ buôn bán rác y tế đã gây phản ứng không ít trên báo chí. Ở Nam Kinh, các con buôn đã bán lại 3.000 tấn rác cho giới bất lương để biến chế thành đồ chơi và đĩa nhựa.

Thay vì trả những khoản tiền lớn để xử lý rác y tế, các bệnh viện nhắm mắt làm ngơ để nhân viên bán những chất thải này cho những con buôn vô lương tâm".

Mai Vân

*******************

Panama cắt đứt ngoại giao với Đài Loan để bắt tay với Trung Quốc (RFI, 13/6/2017)

Panama quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để có quan hệ chính thức với Trung Quốc, đối tác kinh tế quan trọng của quốc gia Trung Mỹ này. Trong bản thông cáo chung ngày 13/06/2017, Panama công nhận "chỉ tồn tại một nước Trung Hoa".

tq2

Ngoại trưởng Panama bà Isabel de Saint Malo (T) và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh nâng ly chào mừng quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ảnh ngày 13/06/2017. REUTERS/Greg Baker/Pool

Thông cáo chung thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ giữa hai nước được ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và đồng nhiệm Panama Isabel Saint Malo de Alvarodo ký tại Bắc Kinh. Cũng kể từ ngày ký thông cáo chung, "Panama cắt đứt quan hệ ngoại giao và cam kết ngừng mọi liên hệ chính thức với Đài Loan". Cùng lúc, tại Panama, tổng thống Juan Carlos Varela đọc diễn văn trên truyền hình thông báo tin này với "toàn thế giới".

Thông báo được đưa ra chỉ một tuần sau khi Trung Quốc khởi công xây một cảng container cùng với hệ thống ống dẫn khí tự nhiên tại tỉnh Colon, miền bắc Panama. Trung Quốc cũng là nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất tại vùng tự do mậu dịch Colon, được đánh giá là một trong những vùng lớn nhất Châu Mỹ La Tinh.

Đài Loan vô cùng tức giận về quyết định của Panama. Phủ tổng thống Đài Loan "lên án mạnh mẽ Bắc Kinh thao túng chính sách gọi là "một nước Trung Hoa" để tiếp tục làm suy yếu không gian quốc tế của Đài Loan bằng mọi phương tiện".

Vẫn theo Đài Bắc, "cách hành động này không chỉ de dọa đến sự tồn vong của người dân Đài Loan, mà còn là một lời khiêu khích có chủ đích nhắm vào hòa bình, ổn định tại eo biển Đài Loan và trong vùng".

Từ khi lên nhậm chức tổng thống, bà Thái Anh Văn không thừa nhận nguyên tắc "một nước Trung Hoa" của Bắc Kinh, trái hẳn với người tiền nhiệm Mã Anh Cửu trong nhiệm kỳ 2008-2016.

*********************

Panama thiết lập quan hệ với Trung Quốc (RFA, 13/06/2017)

Panama, một nước nhỏ ở Trung Mỹ, hôm 13 tháng 6 đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc sau nhiều thập niên không chấp nhận chính sách một Trung Hoa trong đó coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời khỏi Hoa Lục.

tq3

Phó Tổng thống và Bộ trưởng ngoại giao Panama Isabel de Saint Malo (trái) và Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Wang Yi ký một thông cáo chung về thiết lập quan hệ ngoại giao ở Bắc Kinh vào ngày 13 tháng 6 năm 2017. AFP photo

Tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng cộng sản Trung Quốc cho biết Panama là nước thứ ba trên thế giới thay đổi quan điểm về vấn đề Trung Quốc và Đài Loan kể từ sau khi Đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn thắng cử ở Đài Loan hồi năm ngoái. Báo này cảnh báo sẽ còn các nước khác theo sau Panama như một hiệu ứng domino. Tờ báo cũng gọi đây là cái giá mà bà Thái Anh Văn phải trả vì thái độ của bà đối với Hoa Lục.

Căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan đã tăng cao thêm trong thời gian gần đây sau cuộc gọi chúc mừng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump của bà Thái Anh Văn vào hồi cuối năm ngoái sau cuộc bầu cử tại Mỹ.

Published in Châu Á

Đài Loan : Đất lành cho các tôn giáo

Về Châu Á, căng thẳng gia tăng xung quanh bán đảo Triều Tiên, nguy cơ chiến tranh lơ lửng là tâm điểm thời sự số một. Chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ tới Nga trong bối cảnh xung đột tại Syria nóng thêm một nấc, sau vụ không kích của Hoa Kỳ nhắm vào một sân bay Syria là một chủ đề lớn khác. Nhưng trước hết xin giới thiệu một bài viết đáng chú ý "Đài Loan : Hàng không mẫu hạm của các tôn giáo", do đặc phái viên của báo La Croix gửi về từ Đài Bắc.

dailoan1

Trụ sở Hội Phật giáo Từ Tế (Tzu Chi) tại Đài Loan. Ảnh minh họa. Flickr by Ryan Ho @ pastwind

Đài Loan là "một vườn ươm tôn giáo" là nhận định của bài viết. Tất cả mọi tôn giáo đều có cơ hội phát triển mạnh mẽ tại đây. Từ Công giáo, một tôn giáo chiếm hơn 1% dân số, đến các phong trào Khổng Giáo, Đạo Giáo hay Phật giáo mới, phần lớn bắt nguồn từ văn hóa truyền thống Trung Hoa. Đặc điểm nổi bật là không khí cởi mở của các hoạt động tôn giáo ở Đài Loan.

La Croix đưa độc giả đến với Đại học Công giáo Fu Jen ở Đài Bắc (Fu Jen/Phụ Nhân có nghĩa là "Giúp cho đạt đến đức nhân". Cụm từ trích trong Luận Ngữ, một cuốn kinh của đạo Nho). Khoa thần học của Đại học này, mỗi năm dành một nửa số ghế cho sinh viên đến từ Hoa Lục. Liên tục từ bảy năm nay, mỗi năm khoảng 30 linh mục, nhà tu hành Trung Quốc đến Đài Bắc để theo học khóa thần học ba năm, được Vatican công nhận. Trong số các sinh viên Trung Quốc, có những người thuộc Giáo hội được Nhà nước công nhận, có người thuộc Giáo hội thầm lặng.

Trong số 26.000 sinh viên Đại học Công giáo Fu Jen, nhóm sinh viên trên chỉ như muối bỏ bể. Nhưng theo người phụ trách khoa, cha Louis Gendron theo dòng Tên, một người Canada, "không có ai trong số họ từ chối quay về Trung Quốc. Một số người thậm chí tiếp tục giảng dạy tại chủng viện ở Trung Quốc".

Theo chân phóng viên La Croix, độc giả có thể đến với cộng đồng người bản xứ Amis, được coi là một trong "13 bộ tộc bản địa đầu tiên", sinh sống tại Đài Loan cách đây bảy thế kỷ, trước khi người Hoa Lục tới. Cộng đồng Amis bắt đầu theo đạo Thiên Chúa từ ba thế hệ. La Croix gặp một linh mục trẻ, đến từ Ấn Độ, nói được tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc và Amis, và tất nhiên là Tamul, tiếng mẹ đẻ của ông. Linh mục trẻ gốc Ấn Độ chia sẻ một nỗi lo lớn của ông là giới trẻ Amis hiện nay không còn gắn bó nhiều với đức tin Công giáo, như các thế hệ trước.

La Croix chú ý đến một linh mục người Pháp Yves Moal, được mệnh danh là "Abbé Pierre" của Đài Loan (tu viện trưởng Pierre là một nhà tôn giáo Pháp, đã qua đời, rất nổi tiếng về các hoạt động từ thiện). Kể từ năm 1966 đến nay, ông dấn thân vào các hoạt động trợ giúp người tàn tật, bảo vệ môi trường. Uy tín của Yves Moal rất lớn tại đảo quốc. Linh mục Pháp vừa được trao tặng quốc tịch Đài Loan.

Nở rộ nhất là các phong trào Phật giáo

Ví Đài Loan như "một hàng không mẫu hạm của các tôn giáo" là hình ảnh của nhà nghiên cứu Pháp Sébastian Billioud, Đại học Paris Diderot. Chuyên gia về các tôn giáo Trung Quốc nhận xét : "Tại Đài Loan, tôn giáo là một quyền lực mềm (soft power)", "các phong trào mạnh nhất là Phật giáo và mang tính quốc tế".

Hội Phật giáo Từ Tế (Tzu Chi), xuất xứ từ Đài Loan, do pháp sư Chứng Nghiêm (Cheng Yen) nay đã trở một phong trào nhân đạo có ảnh hưởng rộng trên thế giới. Phong trào, ít được biết đến tại Châu Âu này, hiện có hai triệu tình nguyện viên, 10.000 nhân viên, 10 triệu mạnh thường quân tại 96 quốc gia. Riêng tại Đài Loan, phong trào có khoảng 1.200 quán ăn chay, sáu bệnh viện và hai kênh truyền hình.

Ông Chad Liu, vốn theo Công giáo, phát ngôn viên của Từ Tế, chia sẻ : các thành viên của phong trào muốn thực hành một đạo Phật dấn thân, cứu người, những nơi nào có tai ương, kể cả tại Hoa Lục, các tình nguyện viên Từ Tế sẵn sàng có mặt. "Tu học để phụng sự, phụng sự để tu học" là tâm niệm của ông.

Bán đảo Triều Tiên : Hàn Quốc lo ngại chiến tranh

Vẫn tại Châu Á, ngược lên phía đông bắc vài ngàn cây số, căng thẳng xung quanh bán đảo Triều Tiên dâng cao chưa từng thấy kể từ nhiều năm nay. Le Monde cho biết "Nguy cơ căng thẳng leo thang giữa Trum và Kim Jong-un. Nhật Bản và Hàn Quốc lo ngại đối đầu".

Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đổi kế hoạch đi Úc, tiến vào vùng biển Triều Tiên, Hoa Kỳ không loại trừ khả năng dùng biện pháp quân sự, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thử tên lửa nhân dịp sinh nhật Kim Nhật Thành ngày 15/4 tới. Mà điều này là gần như chắc chắn.

Trong khi Hoa Kỳ tỏ ra cứng rắn, "dường như không có gì cho thấy chế độ Bắc Triều Tiên run sợ". Seoul là phía lo ngại nhất về các hệ quả, nếu xung đột bùng phát. Trong khi đó, một lần nữa Hàn Quốc "cảm thấy bất lực", khi không hề được đồng minh Hoa Kỳ tham khảo ý kiến. Ứng viên tổng thống Moon Jae-in, người có nhiều khả năng đắc cử phê phán việc hai lãnh đạo Mỹ - Trung bàn bạc riêng rẽ về hồ sơ Bắc Triều Tiên.

Báo chí Hàn Quốc cũng "lấy làm tiếc về việc chính phủ không có thông tin gì về ý định của Mỹ". Tờ báo bảo thủ Joong Ang ví tình trạng hiện nay với năm 1994, khi chính quyền Mỹ của Bill Clinton chuẩn bị kế hoạch tấn công các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng. Báo trung tả Hankyoreh nói thẳng : "chính quyền Trump có thể đưa bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh".

Vẫn theo Le Monde, hiện tại lãnh đạo Trung Quốc chưa hề có cam kết gì cụ thể để giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, trong khi Bắc Kinh được coi là thế lực duy nhất có thể có ảnh hưởng đến Bình Nhưỡng.

Án tử hình : Amnesty tố thái độ giả dối của Trung Quốc

Liên quan đến Trung Quốc, tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International lên án thái độ giả dối của chính quyền Bắc Kinh trong lĩnh vực án tử hình, nhân dịp công bố báo cáo mới nhất về tình trạng án tử hình trên toàn thế giới, trong đó số lượng người bị tử hình tại Trung Quốc nhiều hơn tất cả các nước còn lại.

Số lượng án tử hình là con số được giữ bí mật tại Trung Quốc. Theo Amnesty, trong thời gian gần đây, chính quyền Bắc Kinh, một mặt tiếp tục coi đây là vấn đề bí mật quốc gia, mặt khác, tìm cách chứng tỏ minh bạch và có xu thế giảm bớt án tử hình.

Để tỏ ra minh bạch, Tòa án tối cao Trung Quốc kể từ năm 2007 được giao nhiệm vụ đưa ra quyết định cuối cùng. Theo các số liệu của Amnesty, nếu như từ năm 2011 đến 2016, có 701 trường hợp được Tòa án ra quyết định thi hành, thì năm 2014, chỉ có 85 trường hợp. Thế nhưng, nếu thống kê các trường hợp bị tử hình được báo chí Trung Quốc thông tin thì con số này lên đến 931 người.

Tổng thư ký Amenesty lên án Trung Quốc "giả điếc trước các yêu cầu minh bạch số lượng người bị hành quyết, mà Liên Hiệp Quốc liên tục đưa ra", cùng lúc đó là việc nhỏ giọt tung ra "một số tiết lộ" và "các tuyên bố không thể kiểm chứng".

Amnesty cũng tố cáo Trung Quốc sử dụng tội danh khủng bố để kết án tử hình nhiều người tranh đấu thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ, theo đạo Hồi. 4% số người bị hành quyết trong những năm 2011-2016 là người Duy Ngô Nhĩ, trong khi cộng đồng này chỉ chiếm 0,7% dân số.

Bắc Kinh treo thưởng bắt gián điệp

Lo sợ bị phản kháng tại các vùng xa xôi, chính quyền Trung Quốc cảm thấy không yên ngay chính tại thủ đô. Theo Le Monde, Bắc Kinh vừa quyết định treo thưởng từ 10.000 đến 500.000 yuan (tương đương 1.400 euro đến 68.000) cho những ai cung cấp thông tin về các gián điệp nước ngoài.

Cách nay một năm, Bắc Kinh đã sôi động với chiến dịch áp phích "Những mối tình nguy hiểm", báo động về những nguy cơ do liên hệ tình cảm với người nước ngoài. Áp phích được dán khắp các đường phố, trạm xe điện ngầm. 

Theo Le Monde, tố cáo gián điệp là một biện pháp từng được sử dụng nhiều trong thời kỳ "Cách mạng Văn hóa"(những năm 1960), với mục tiêu kích động tinh thần dân tộc.

Lần này, thông cáo của thủ đô Bắc Kinh được đăng tải trên tờ Nhân dân nhật báo nhấn mạnh : "việc huy động đông đảo dân chúng tham gia" chiến dịch này "cho phép xây được một bức trường thành sắt thép" chống lại "các thế lực thù địch".

Tillerson đến Nga thuyết phục Kremlin từ bỏ Assad

Chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ tới Nga là tâm điểm thời sự quốc tế. Le Figaro cung cấp hai góc nhìn. Đứng từ phía Hoa Kỳ, có bài "Lãnh đạo ngoại giao Mỹ tới Nga để thuyết phục bỏ rơi Assad".

Cuộc hội kiến giữa hai ngoại trưởng Mỹ-Nga hôm nay hứa hẹn sẽ căng thẳng, sau cuộc không kích bất ngờ của Mỹ nhắm vào một sân bay của chính quyền Syria nhằm trả đũa vụ "tấn công bằng vũ khí hóa học". Nga đã thông báo hủy bỏ cuộc gặp dự kiến của ngoại trưởng Mỹ với tổng thống Putin. Trong khi đó, hôm qua, Washington thông báo sẽ tiến hành điều tra về khả năng Nga đứng đằng sau trong vụ này.

Tuy nhiên, theo Le Figaro, nhiều chuyên gia Hoa Kỳ vẫn tỏ ra thận trọng trước viễn cảnh được dự báo là hết sức u ám trong quan hệ song phương. Một điều ít được chú ý, đó là chính tổng thống Nga cũng đã cảm thấy lập trường cứng rắn của tổng thống Syria ngăn cản đàm phán tiến triển. Chính ở điểm này mà Washington và Moskva có thể đạt được một thỏa hiệp.

Đằng sau cuộc đấu khẩu sôi động giữa ngoại giao hai nước, ngoại trưởng Mỹ - Nga có thể đàm phán để gây áp lực bắt buộc ngừng bắn, và hậu thuẫn mạnh hơn cho vòng đàm phán tại Genève sẽ nối lại vào tháng 5 tới, để thảo ra một giải pháp chính trị cho vấn đề Syria.

Cũng về vấn đề này, trong một bài viết khác, Le Figaro nhận xét : Moskva hiện tại đang rất tức giận, và sẵn sàng trả đũa Hoa Kỳ một cách tương thích. Sau ngoại trưởng Mỹ, chính quyền Nga sẽ tiếp các ngoại trưởng Syria và Iran tại Moskva.

Ngày N-11 bầu cử tổng thống Pháp : Sáu khả năng để ngỏ

Mười một ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Pháp, báo Libération có bài bình luận trên trang nhất với vẻ hóm hỉnh : "Một phụ nữ, ba đàn ông, và sáu khả năng".

Người phụ nữ là ứng cử viên cực hữu Mặt Trận Quốc Gia Marine Le Pen. Ba người đàn ông là ba trong số bốn người đứng đầu trong danh sách ứng cử viên vào vòng hai, theo các thăm dò dư luận. Cựu bộ trưởng Kinh Tế Emmanuel Macron, lãnh đạo phong trào Tiến Bước không tả-không hữu, cựu thủ tướng François Fillon, lãnh đạo cánh hữu và trung hữu, và lãnh đạo phong trào cực tả Nước Pháp Bất Khuất Jean-Luc Mélenchon.

Bởi cả bốn người đều có cơ hội lọt vào vòng hai, nên có đến sáu kịch bản chung kết, thay vì kịch bản từ nhiều tháng nay : Marine Le Pen đối mặt với một hay hai trong số những ứng viên nhiều triển vọng nhất.

Vẫn về bầu cử tổng thống Pháp, trong khi Le Figaro dành trang nhất để lên án dự án "điên rồ" của Mélenchon, người được mệnh danh là lãnh đạo Chavez (Venezuela) của nước Pháp, thì Le Monde xem xét kỹ lưỡng, so sánh cam kết của các ứng cử viên tổng thống trong các vấn đề "thuốc lá, rượu, dược phẩm và thực phẩm".

Trọng Thành

Published in Châu Á

Donald Trump đặt Đài Loan vào một tình thế tế nhị

Nhân chuyến công du Hoa Kỳ của thủ tướng Nhật Shinzo Abe, tờ Le Figaro hôm nay điểm qua những hồ sơ lớn mà chính quyền Trump phải giải quyết, trong đó đặc biệt có vấn đề Đài Loan.

dailoan1

Tổng thống Mỹ Donald TrumpREUTERS/Kevin Lamarque

Với hàng tựa "Đài Loan trong tình thế tế nhị", tờ Le Figaro mở đầu bài viết với câu hỏi : "Phải chăng Donald Trump đã tặng một món quà tẩm độc cho tổng thống Đài Loan khi nhận cú điện thoại của bà, vài tuần sau khi đắc cử tổng thống Mỹ ?".

Khi muốn bảo đảm sự yểm trợ quân sự của Hoa Kỳ, bà Thái Anh Văn thừa biết rằng hành động này sẽ khiến Bắc Kinh phẫn nộ. Nhưng chắc là bà không ngờ rằng vị tỷ phú Mỹ sẽ dùng Đài Loan như là món hàng trao đổi trong tương quan lực lượng với Trung Quốc.

Trong vai trò bia đỡ đạn, Đài Bắc có nguy cơ chịu áp lực ngày càng mạnh từ Hoa lục vào lúc quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã trở nên căng thẳng kể từ khi bà Thái Anh Văn lên làm tổng thống. Thật ra, theo Le Figaro, chính quyền hiện nay ở Đài Loan không hề muốn cắt đứt mọi liên hệ với Bắc Kinh, trong khi vẫn tìm kiếm sự bảo vệ của Mỹ.

Trong kịch bản tồi tệ nhất, Đài Loan thậm chí sẽ bị Trung Quốc trừng phạt kinh tế, bị Hoa Kỳ bỏ rơi, nếu Bắc Kinh chấp nhận những thỏa hiệp với Mỹ, như nhận định của chuyên gia Valérie Niquet, đặc trách Châu Á của Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược (FRS), được Le Figaro trích dẫn.

Một bộ phận người dân Đài Loan đang sợ rằng Trung Quốc sẽ dùng vũ lực để thống nhất đảo này với Hoa lục, mà tổng thống Mỹ, vốn theo xu hướng biệt lập, sẽ không can thiệp. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định rằng Hoa Kỳ có thể, một mặt duy trì áp lực lên Bắc Kinh và mặt khác, tăng cường quan hệ không chính thức với Đài Loan, nhất là về mặt quân sự.

Hy Lạp lại gây lo ngại

Về Châu Âu, Libération đặc biệt quan ngại về nguy cơ Grexit đang trở lại, tức là nguy cơ mà Hy Lạp cũng sẽ ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu do khủng hoảng nợ công.

Mặc dù người dân Hy Lạp từ nhiều năm qua đã thắt lưng buộc bụng, nhưng chính phủ Athens vẫn đang vất vả cố đạt được những mục tiêu mà các chủ nợ đề ra. Theo Libération từ nhiều tháng qua, đàm phán giữa Hy Lạp và các chủ nợ giậm chân tại chỗ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo rằng cho dù thực hiện đầy đủ những cải tổ đã được thông qua trong khuôn khổ kế hoạch trợ giúp của quốc tế, về dài hạn, nợ công cũng như nhu cầu tài chính của Hy Lạp sẽ "bùng nổ".

Chính vì vậy mà theo Libération, ở Hy Lạp nay người ta lại nói đến viễn cảnh nước này ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (Grexit), giống như Anh Quốc (Brexit). Theo lời một nhà nghiên cứu được Libération trích dẫn, người dân Hy Lạp chưa muốn ra khỏi khu vực euro ngay bây giờ, nhưng số người ủng hộ phương án này đang gia tăng đều đặn.

Báo động về Hồi giáo cực đoan tại Bỉ

Vẫn tại Châu Âu, tờ Le Figaro chú ý đến tình trạng Hồi giáo cực đoan chi phối ngày càng nhiều đền thờ và trung tâm Hồi giáo ở Bỉ.

Đó là báo động của một tổ chức độc lập đặc trách thẩm định dùm chính phủ Bỉ nguy cơ khủng bố tại vương quốc này. Trong một báo cáo mật vào tháng 11/2016 và vừa được báo chí Đức công bố, tổ chức OCAM cho biết là ngày càng có nhiều đền thờ và trung tâm Hồi giáo chịu ảnh hưởng của hệ phái wahabisme, tức Hồi giáo cực đoan. Hiện tượng này cũng diễn ra trên "mặt trận" truyền hình và Internet. Các tu sĩ theo xu hướng ôn hòa không thể chống cự được và ngày càng bị thua trong "trận chiến" này tại một quốc gia có đến 800 ngàn người Hồi giáo.

Theo Le Figaro, nhiều nghị sĩ Quốc hội Bỉ đã yêu cầu công khai nguồn tài chính cho những nơi thờ phượng, với hai quốc gia bị nhắm đến nhiều nhất là Ả Rập Xê Út và các quốc gia vùng Vịnh. Những nước này đào tạo các tu sĩ Hồi giáo và tài trợ trực tiếp cho các trung tâm Hồi giáo ở Bỉ.

Thật ra thì những chuyện đó người ta cũng đã biết từ lâu, nhưng cái mới, theo nhấn mạnh của tổ chức OCAM, là có mối liên hệ rõ ràng giữa Hồi giáo cực đoan với khủng bố.

Đức lo ngại xu hướng bảo hộ mậu dịch

Năm 2016, Đức đã đạt mức thăng dư mậu dịch kỷ lục, nhưng kết quả đó lại gây khó khăn cho cường quốc kinh tế hàng đầu Châu Âu này trước các đối tác thương mại. Đó là vấn đề được Les Echos đề cập đến.

Theo số liệu thống kê được công bố hôm qua, trong năm 2016, Đức đã đạt mức thặng dư lên tới 253 tỷ đôla, nhưng chính quyền Berlin lại không dám tỏ ra đắc thắng, trong bối cảnh mà chính sách kinh tế của nước này bị tân tổng thống Mỹ Donald Trump cho là "không công bằng" và bị chủ nhân mới của Nhà Trắng dọa chiến tranh thương mại.

Theo Les Echos, chính phủ Đức ý thức mối nguy hiểm từ sự trỗi dậy trở lại của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, đe dọa đến mô hình kinh tế của nước họ. Sau Brexit và Donald Trump, nay Berlin lo ngại đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia thắng cử ở Pháp. Cho nên, họ lại rất mừng khi thấy từ tháng 11 đến tháng 12/2016, xuất khẩu của Đức đã sụt đến 33%, trong khi nhập khẩu vẫn ổn định !

Daesh và cuồng tín tôn giáo

Tờ nhật báo công giáo La Croix hôm nay báo động về tình trạng cả trăm thánh địa ở miền Bắc Iraq đã bị lực lượng Daesh xâm phạm hoặc phá hủy.

Tờ báo nhắc lại rằng, kể từ khi chiếm miền bắc Iraq vào năm 2014, tổ chức Nhà Nước Hồi giáo muốn xóa bỏ mọi vết tích các nhiều thiểu số tôn giáo ở Iraq. Một báo cáo của chính quyền địa phương của vùng Kurdistan Iraq đã liệt kê hàng trăm tòa nhà thiêng liêng bị phá hoại hoặc bị xóa hoàn toàn khỏi bản đồ, tại vùng ranh giới giữa vùng Kurdistan với các tỉnh nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền trung ương Bagdad.

Trong số đó có đến khoảng 50 nhà thờ Hồi giáo, cho thấy là lực lượng Daesh tấn công cả vào những nơi thờ phụng Hồi giáo mà họ cho là không "thuần khiết". Đau nhất là đền thờ Jonas, được xây từ trước Công nguyên, đã bị những kẻ Hồi giáo cuồng tín đặt mìn giật sập. Phần hầm của đền thờ này, nơi trước đây là một cung điện và chưa bao giờ được khai quật, đã bị các chiến binh Nhà nước Hồi giáo, cướp phá sạch.

Như vậy là cho dù đã chiến bại,     có thể ăn mừng một chiến thắng của họ : sửa đổi lại địa lý tôn giáo của Iraq, đặc biệt là địa lý của Hồi giáo, nay không còn tính chất đa dạng ở địa phương nữa.

Chính trị và kỳ thị tôn giáo, đẳng cấp tại Ấn Độ

Sự phân biệt đẳng cấp vẫn đè nặng lên bầu cử ở Ấn Độ. Đó là đề tài mà La Croix nêu lên qua bài viết của thông tín viên tờ báo này từ New Delhi, nói về cuộc vận động tranh cử ở bang Uttar Pradesh.

Cử tri tại bang đông dân nhất Ấn Độ, với 200 triệu người, sẽ bầu hội đồng lập pháp mới, từ ngày 11/02 đến 08/03. Đây là một cuộc trắc nghiệm quan trọng đầu tiên, nếu không muốn nói là quan trọng nhất, trong số 5 cuộc bầu cử địa phương đầu năm nay.

Theo La Croix, cũng như vào mỗi lần tranh cử tại quốc gia Ấn Độ giáo này, các ứng cử viên lại dùng chiêu bài phân biệt cộng đồng, đẳng cấp và tôn giáo. Chiến lược này vẫn rất phổ biến, mặc dù về mặt chính thức không ai thừa nhận việc này.

Tờ La Croix cho biết, tuy Tòa án Tối cao Ấn Độ năm nay đã muốn áp đặt tính chất "phi tôn giáo" của bầu cử, nhưng thói quen tranh cử khó mà bị xóa đi tại một bang mà tổ chức xã hội chủ yếu vẫn dựa trên đẳng cấp. Ứng cử viên này thì hứa sẽ ban hành lệnh giới nghiêm tại các vùng có đông người Hồi giáo, ứng cử viên kia thì cam kết sẽ không cho các tín đồ Hồi giáo đi bỏ phiếu

Pháp và năng lượng tái tạo

Về năng lượng, tờ Libération hôm nay dành đến hai trang để nói về gỗ, năng lượng tái tạo được sử dụng nhiều nhất ở Pháp, qua bài phóng sự ở vùng Côte d’Or.

Tờ báo nhắc lại rằng, từ thuở xa xưa, khi biết làm ra lửa, nhân loại đã sử dụng củi làm năng lượng. Hiện nay, trên thế giới cũng như ở Pháp, củi là năng lượng tái tạo hàng đầu, chiếm tỷ trọng 40% tổng năng lượng tái tạo, hơn nhiều với thủy điện (20 %), điện gió (8%) và điện Mặt trời (3%). Mục tiêu mà Pháp đề ra là nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên đến 23% vào năm 2020 và trong đó củi vẫn chiếm hàng đầu.

Theo Libération, để năng lượng củi tiếp tục phát triển, không thể chỉ dựa vào nhu cầu sử dụng cá nhân, mà còn phải gia tăng sử dụng củi trong các hệ thống sưởi của các chung cư, nhà máy, trong nông nghiệp hoặc trong ngành dịch vụ.

Trang nhất các báo

Trên trang nhất số đề ngày hôm nay, tờ Le Monde chú trọng đến ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron, đang bị thúc ép phải công bố chương trình tranh cử của ông.

Với hàng tựa "Aulnay. Cây dùi cui ô nhục", tờ Libération trở lại vụ cảnh sát Pháp đánh đập dã man một thanh niên mà họ bắt giữ ở thị trấn ngoại ô Paris này, gây nên một làn sóng bạo động mới.

Nhật báo công giáo La Croix thì đăng bài phóng sự của phóng viên tờ báo này về những thánh địa bị lực lượng Nhà Nước Hồi giáo phá hủy ở miền Bắc Iraq.

Le Figaro thì nêu bật mối nghi ngại của dân Pháp đối với các loại thuốc chích ngừa và nguy cơ các dịch bệnh sẽ trở lại nếu số người được chích ngừa sụt giảm.

Nhật báo kinh tế Les Echos thì quan tâm đến bảo hiểm nhân thọ tại Pháp, nay không còn được hưởng những lãi suất cao như trước đây nữa.

Thanh Phương

Published in Quốc tế

Trong bức thư gửi đến Đức Giáo hoàng Francis, Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan bày tỏ hy vọng đất nước của bà sẽ có một thời kỳ mới sống chung hòa bình với Trung Quốc đại lục.

taiwan1

Tổng thống Đài Loan, Bà Thái Anh Văn nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Tân cử Hoa Kỳ Donald Trump hôm 2/12/2016. Courtesy president.gov.tw

Vatican là một trong một số ít các quốc gia vẫn duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, mặc dù Đức Giáo Hoàng đang cố gắng để hàn gắn rạn nứt qua nhiều thập niên với Trung Quốc, nơi người Công giáo bị phân chia thành hai nhóm, một là những tín hữu trung thành với Vatican và nhóm thứ hai là thành viên của các nhà thờ do chính phủ kiểm soát.

Bà Tổng thống Thái Anh Văn bị Trung Quốc cho là có ý định tuyên bố độc lập cho Đài Loan, vốn là điều tối kỵ đối với Bắc Kinh nhất là sau khi bà gọi điện chúc mừng Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng như việc bà được chính phủ Mỹ gián tiếp đón tiếp khi quá cảnh Mỹ.

Bức thư gửi Đức Giáo Hoàng được đánh giá là gián tiếp xoa dịu Trung Quốc khi Bắc Kinh có những động thái mạnh mẽ điều tàu Liêu Ninh lảng vảng trên vùng biển gần Đài Loan cùng lúc báo chí Trung Quốc luôn lên tiếng đòi trừng phạt đảo quốc này.

Published in Châu Á
jeudi, 19 janvier 2017 15:11

Khi con buôn xài lá bài Đài Loan !

Trong cuộc phỏng vấn dành cho kênh Fox News hôm Chủ nhật 11/12/2016, ông Trump nói : "Tôi không biết tại sao chúng ta lại phải tuân theo chính sách Một Trung Quốc nếu như chúng ta không đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về các chủ đề khác, kể cả thương mại".

Bình luận gia John Sudworth của BBC News nhận định rằng Donald Trump từng cảnh báo ông ta sẽ cứng rắn đối với Trung Quốc. Thế nhưng nay chúng ta thấy chính sách của ông bắt đầu định hình : sử dụng Đài Loan làm lá bài trao đổi.

conbuon1

Donald Trump và Thái Anh Văn

Trước khi tìm hiểu việc dùng là bài Đài Loan để trao đổi của tập đoàn kinh doanh Donald Trump, chúng ta cần nhìn qua trong tiến trình lịch sử, Mỹ đã sử dụng lá bài Đài Loan để đối đầu với Trung Quốc như thế nào.

Khi "đồng minh" trở cờ

Cuộc nội chiến giữa Trung Hoa Quốc dân đảng và Đảng cộng sản Trung Quốc kéo dài từ tháng 4 năm 1927 đến cuối năm 1949. Ngày 23/4/1949 Hồng quân Trung Quốc chiếm Nam Kinh, thủ đô của Quốc dân đảng. Ngày 1/10/1949, Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, thủ đô đặt tại Bắc Bình, nay đổi là Bắc Kinh.

Mặc dầu được Mỹ giúp, chính quyền Quốc dân đảng không kháng cự nổi, cứ "di tản chiến thuật" liên tục : Ngày 23 tháng 4 rút khỏi Nam Kinh chạy xuống Quảng Châu, ngày 15 tháng 10 bỏ Quảng Châu về Trùng Khánh, ngày 25 tháng 11 bỏ Trùng Khánh chạy về Thành Đô, cuối cùng ngày 10/12/1949 bỏ Thành Đô chạy ra Đài Loan. Kể từ đó, cả hai bên đều tuyên bố mình đại diện cho toàn bộ Trung Quốc.

Sau đây là những diễn biến tiếp theo :

1. Lúc đầu, Hoa Kỳ tiếp tục công nhận chính phủ Trung Hoa Quốc dân đảng (Đài Loan) và không công nhận chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc). Mặc dầu Đài Loan chỉ là một hòn đảo bé tí teo, chính phủ Đài Loan vẫn được công nhận là hội viên của Liên Hiệp Quốc và là một một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc với quyền phủ quyết. Nhiều quốc gia cũng đi theo Hoa Kỳ.

2. Năm 1972, khi cần "hợp tác kinh doanh" với Đảng cộng sản Trung Quốc để giải quyết vấn đề kinh tế của Mỹ, theo đề nghị của Mỹ, ngày 25/10/1971 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết số 2758 về "vấn đề khôi phục quyền lợi hợp pháp của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trong tổ chức Liên Hiệp Quốc". Theo nghị quyết này, chính phủ Trung Quốc sẽ thay thế chính phủ Đài Loan tại Liên Hiệp Quốc.

3. Ngày 15/12/1978, Hoa Kỳ và Trung Quốc ký kết Thông cáo thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày 16/12/1979, Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter tuyên bố Hiệp ước phòng thủ giữa Hoa Kỳ và Đài Loan kết thúc vào ngày 31/12/1978 và Hoa Kỳ bắt đầu công nhận chính phủ Trung Quốc kể từ ngày 1/1/1979. Tổng thống lâm thời Tưởng Kinh Quốc của Đài Loan tố cáo Hoa Kỳ phản bội và nhấn mạnh tuyệt đối không đàm phán với Đảng cộng sản Trung Quốc.

Dựa vào tuyên bố nói trên, chính phủ Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Chính phủ Đài Loan. Đa số các nước có chủ quyền cũng đã đi theo Mỹ, công nhận chính phủ Trung Quốc là đại diện hợp pháp duy nhất của toàn bộ Trung Quốc và thiết lập quan hệ ngoại giao với chính phủ này. Nhưng có 21 nước hội viên của Liên Hiệp Quốc và Tòa thánh Vatican vẫn giữ các quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan.

Chính việc công nhận Đài Loan này đã gây khó khăn cho Vatican khi cần tái lập bang giao với Trung Quốc, vì Trung Quốc đòi hỏi Vatican phải từ bỏ Đài Loan mới nối lại bang giao.

Sau khi cắt đứt quan hệ ngoại giao, Hoa Kỳ lập Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan để tiếp tục hoạt động như một đại sứ quán, dù không được hưởng các đặc quyền ngoại giao theo luật bang giao quốc tế. Nhiều nước cũng đã thành lập Văn phòng Kinh tế hay Văn phòng Văn hóa tại Đài Bắc và hoạt động giống Viện Hoa Kỳ.

4. Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Luật Taiwan Relations Act, có hiệu lực từ ngày 10/4/1979 bắt buộc Hành pháp Hoa Kỳ phải bảo vệ Đài Loan nếu bị Trung Quốc tấn công.

Tranh luận giữa Mỹ và Trung Quốc

Năm 1982, dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, khi thấy Hoa Kỳ bán quá nhiều võ khí cho Đài Loan, Trung Quốc bắt đầu phản đối. Trung Quốc muốn Hoa Kỳ cam kết sẽ giảm dần và ngưng bán vũ khí cho Đài Loan. Sau nhiều tháng thương lượng căng thẳng với sự tham gia trực tiếp của Phó Tổng thống George H. Bush, hai bên đồng ý một bản thông cáo chung ngày 17/8/1982 với ngôn từ khá tổng quát, theo đó Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình trong quan hệ xuyên eo biển Đài Loan, và Hoa Kỳ cam kết tôn trọng chủ quyền và chính sách "Một nước Trung Hoa" của Trung Quốc. Quan niệm "Một nước Trung Hoa" có từ đó.

Cùng lúc đó, Tổng thống Reagan đã đưa ra 6 đảm bảo an ninh cho chính phủ Đài Loan, thường được gọi là Sáu Không :

1. Không đặt ra thời điểm ngưng bán vũ khí cho Trung Hoa dân quốc.

2. Không đồng ý tham vấn trước với Trung Quốc về việc bán vũ khí cho Trung Hoa dân quốc.

3. Không đóng vai trò trung gian đàm phán giữa Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa dân quốc.

4. Không đặt lại Luật Quan hệ với Đài Loan.

5. Không thay đổi chính sách về chủ quyền liên quan đến Đài Loan.

6.- Không gây áp lực lên Trung Hoa dân quốc để buộc họ đàm phán với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Với những bảo đảm như trên, chúng ta thấy Hoa Kỳ có thể sử dụng lá bài Đài Loan mỗi khi muốn thương lượng một vấn đề nào đó với Trung Quốc.

Những rắc rối tiếp theo

Từ ngày có bản thông cáo chung 17/8/1982, nhiều chuyện rắc rối đã xảy ra, chúng tôi chỉ xin tóm lược các vụ chính.

1. Tháng 6/1995, khi ông Lý Đăng Huy sang Đại học Cornell của Hoa Kỳ phát biểu về "Tiến trình dân chủ hóa Đài Loan", Trung Quốc đã bắn thử một loạt hỏa tiễn về phía Đài Loan, rơi xuống vùng biển cách đảo Bành Gia do Đài Loan kiểm soát chỉ 50 km để cảnh cáo. Đài Loan tiếp tục vận động xin gia nhập trở lại Liên Hiệp Quốc trong làn sóng ủng hộ họ Lý ra tranh cử tổng thống.

conbuon2

Đảo Đài Loan

Tháng 3/1996, Trung Quốc bắn hai hỏa tiễn M9 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân qua Đài Loan. Một trái bay qua bầu trời gần Đài Bắc và rơi xuống cách Cao Hùng chỉ 30 hải lý. Ngay lập tức, Tổng thống Bill Clinton điều hai hàng không mẫu hạm USS Nimitz và USS Independence tới gần Đài Loan.

2. Tháng 8 năm 2002, Tổng thống Trần Thủy Biển của Dân tiến đảng tại Đài Loan nêu ra chính sách "Nhất biên nhất quốc" (One Country on each side) tại Tokyo, nhấn mạnh rằng Đài Loan có thể "đi trên con đường riêng của Đài Loan" và rằng "rõ ràng rằng hai bên bờ eo biển là các quốc gia riêng biệt". Những lời tuyên bố đó đã bị Trung Quốc và một số đảng đối lập ở Đài Loan chỉ trích mạnh mẽ.

3. Năm 2014 Quốc hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật "Taiwan Relations Act Affirmation and Naval Vessel Transfer Act of 2014" cho phép Mỹ bán 4 hộ tống hạm cho Đài Loan, mỗi chiếc trị giá 10 triệu USD.

4. Đầu năm 2015, Hoa Kỳ thiết đặt "Hệ thống Phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối" (THAAD-Terminal High Altitude Area Defense) nhằm kiểm soát đạn đạo xuất phát từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

5. Hôm 8/12/2016 Quốc hội Mỹ thông qua "Luật Ủy nhiệm quốc phòng" (National Defense Authorization Act), kèm theo một khoản tiền khổng lồ 618,7 tỷ USD. Luật quốc phòng mới nói Hoa Kỳ cần "trao đổi quân sự cấp cao" với Đài Loan, hòn đảo bị Bắc Kinh cho là một tỉnh của họ. Đài Loan cũng muốn có thêm võ khí mới để răn đe Trung Quốc.

Ngày 9/12/2016, phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lập tức yêu cầu Hoa Kỳ "xử lý vấn đề Đài Loan một cách cẩn trọng" và không "kéo lùi lịch sử".

Trump tạo "chiến tranh ảo" với Trung Quốc

Cuôc điện đàm giữa bà Thái Anh Văn và Donald Trump ngày 2/12/2016 đã tạo thành sóng gió. Lúc đầu ông Trump nói trên Twitter rằng bà Thái Anh Văn đã gọi cho ông để chúc mừng ông thắng cử. Còn nhóm làm việc của Trump nói ông Trump đã chúc mừng bà Thái trở thành tổng thống Đài Loan trong cuộc bầu cử hồi tháng 1. 

Nhưng theo tờ Washington Post, những người có liên quan cho biết quá trình thực hiện chiến lược về Đài Loan đã được chuẩn bị kỹ càng nhắm mục tiêu dùng bà Thái Anh Văn và Đài Loan để tạo một đấu trường với Trung Quốc.

Tạo đấu trường để làm gì ?

Trên đài VOA của chính phủ Hoa Kỳ ngày 30/12/2016, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Brookings nói về nội các của Donald Trump như sau : "Đây sẽ là một Tòa Bạch Ốc hoạt động như một tập đoàn kinh doanh. Chúng ta vừa bầu chọn một CEO ra điều hành đất nước".

Khi một nội các bị biến thành một tổ chức kinh doanh, sẽ coi vấn đề kinh doanh quan trọng hơn các vấn đề khác. Vậy kế hoạch làm ăn của nhóm con buôn Trump sắp đến sẽ là gì ?

Răng của Donald Trump tuy chưa sún, nhưng vì đầu óc ấu trĩ và cái mồm lép xép của ông ta đã để lộ ra gần hết các kế hoạch mà nhóm kinh doanh của ông sắp làm. Như chúng tôi đã nói, trong cuộc phỏng vấn dành cho kênh Fox News hôm Chủ nhật 11/12/2016, Trump nói : "Tôi không biết tại sao chúng ta lại phải tuân theo chính sách Một Trung Quốc nếu như chúng ta không đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về các chủ đề khác, kể cả thương mại".

Nhìn chung, những chính sách mà Donald Trump sẽ thực hiện trong thời gian tới để phục vụ tập đoàn tài phiệt dầu mỏ gồm các điểm chính sau đây :

1. Tại Châu Âu, tìm mọi cách bỏ cấm vận cho Nga để công ty ExxonMobil có thể khai thác dầu mỏ ở Nga và chuyển qua bán tại các nước Liên Hiệp Âu Châu. Donald Trump đã nói với báo Times của Anh và báo Bild của Đức hôm 16/1/2017 rằng ông quan niệm NATO đã "lỗi thời", chính sách đón nhận người nhập cư của Thủ tướng Đức là "một sai lầm", Liên Hiệp Châu Âu sẽ tan rã, sẽ có những quốc gia khác theo gương Luân Đôn chia tay với Liên Hiệp. Lời phát biểu này cho thấy Donald Trum muốn phá bỏ NATO và Liên Âu để có thể bỏ cấm vận cho Nga, giúp ExxonMobil có thể làm ăn tại đó một cách dễ dàng hơn.

2. Tại Trung Đông, Trump muốn hợp tác với Nga tiêu diệt ISIS để công ty ExxonMobil có thể quay lại khai thác dầu mỏ ở Iraq, nước có dầu mỏ đứng thứ ba trên thế giới.

3. Tại Đông Nam Á, Trump sẽ dùng lá bài Đài Loan để thương lượng với Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc để cho ExxonMobil có thể thăm dò và khai thác dầu khí ở một vùng cách bờ biển Quảng Nam khoảng 88 km. ExxonMobil đã đến thăm dò ở đó năm 2011 và khám phá ra một mỏ dầu khí lớn, nhưng bị Trung Quốc làm áp lực nên phải ra đi. Hôm 13/1/2017, ExxonMobil đã quay lại ký với PetroVietnam một hiệp ước khai thác dầu khí ở vùng nói trên. Dự án 10 tỉ USD mang tên Cá Voi Xanh với hy vọng có thể đem lại cho Việt Nam từ 17 đến 20 tỷ USD mỗi năm nếu Trung Quốc không gây trở ngại.

Giáo sư Lại Nhạc Khiêm cho rằng "Đài Loan sẽ trở thành một quân bài lớn hơn trong quan hệ Mỹ - Trung" và "Hoa Kỳ sẽ dùng Đài Loan để buộc Trung Quốc phải nhượng bộ trong các vấn đề Bắc Hàn, Iran và Syria, đồng thời nhằm kiềm chế Trung Quốc". Chúng tôi không tin lá bài Đài Loan lớn như vậy.

Những chuyện khác như Obamacare, xây bức tường… chỉ là trò múa rối để dánh lạc hướng dư luận.

Tờ Trung Hoa Nhật Báo gọi ông Trump là tân binh ngoại giao, ám chỉ vì không phải là chính trị gia nên vị tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ không hiểu biết những quy luật của ngoại giao, và viết thêm rằng Trung Quốc có thể bỏ qua cho ông Trump vì hiện ông mới là tổng thống đắc cử, nhưng sẽ không tha thứ cho ông Trump sau khi ông chính thức trở thành tổng thống Hoa Kỳ.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng cộng sản Trung Quốc gọi ông Trump là "ngô nghê như một đứa trẻ".

Đây là những tính toán của các con buôn. Chưa biết "các cuộc thương lượng" sẽ như thế nào và đi tới đâu, vì không có chuyện nào dễ dàng cả.

Dân Đài Loan thật sự muốn gì ?

Một cuộc thăm dò dư luận cho biết 23 triệu dân Đài Loan vẫn muốn giữ nguyên trạng mối quan hệ với Trung Quốc như hiện nay, mặc dù Đài Loan có 98% người gốc Hán và 2% gốc bản địa. Vì thế, Đảng Dân chủ cấp tiến dù đang có ưu thế chính trị cũng khó tuyên bố Đài Loan là một quốc gia độc lập.

conbuon3

Thủ đô Đài Bắc về đêm

Càng ngày càng có nhiều người Đài Loan không còn muốn theo đuổi biểu tượng "Trung Hoa dân quốc" của Quốc dân đảng và cũng không muốn thống nhất với Trung Quốc cộng sản. Họ tuần hành dưới khẩu hiệu bằng tiếng Anh "Taiwan is not China" (Đài Loan không phải Trung Quốc) để nói cho thế giới biết cảm xúc của họ.

Khác với người Việt đấu tranh, khi Mỹ còn công nhận Đài Loan thì Đài Loan là "tiền đồn chống cộng của thế giới tự do". Người Tàu ở Đài Loan cũng như ở Mỹ đều cương quyết chống cộng đến chiều và cả đến sáng mai luôn. Nhưng khi Mỹ "xoay trục" về Trung Quốc, thực hiện "hòa giải hòa hợp" và "xóa bỏ hận thù"..., Đài Loan liền theo Mỹ ngay. Mỹ đi tới đâu Đài Loan đi tới đó, biến Thượng Hải thành một Đài Bắc thứ hai kể từ năm 1989. Hiện Trung Quốc đại lục là đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan. Trong vòng hai thập niên trở lại đây, các doanh nghiệp Đài Loan đã đầu tư ít nhất 83 tỷ USD vào Trung Quốc đại lục và có khoảng 40.000 công ty Đài Loan đang hoạt động tại đây.

Tại Trùng Khánh ngày 29/6/2010, Trung Quốc và Đài Loan đã ký Hiệp định khung Hợp tác kinh tế (ECFA). Đây là một trong những thỏa thuận quan trọng nhất của hai bên kể từ 1949. Nhở "trở cờ đón gió" nhanh nên Đài Loan ngày càng trở nên giàu mạnh.

Thỉnh thoảng Mỹ tạo ra "một cuộc chiến tranh ảo" (illusive war) giữa Đài Loan và Trung Quốc để bán vũ khí cho Đài Loan, nhưng vì quyền lợi của các bên, cuộc chiến thật sự sẽ không xảy ra.

Ngày 19/01/2016

Lữ Giang

Published in Diễn đàn

Trung Quốc muốn chặn phái đoàn Đài Loan dự lễ nhậm chức của ông Trump (Một Thế Giới, 19/01/2017)

dailoan1

Ông Yu Shyi-kun, một cựu quan chức của Đài Loan sẽ dẫn đầu nhóm người Đài Loan mừng lễ nhậm chức của ông Trump

Ngày 18/1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết rằng Washington không nên cho phép một phái đoàn Đài Loan (Trung Quốc) dự lễ nhậm chức của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump vào ngày 20/1.

Tuyên bố của Trung Quốc một lần nữa cho thấy sự rạn nứt trong quan hệ giữa Bắc Kinh với chính phủ mới của Mỹ. Ông Trump đã điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và tuyên bố muốn đàm phán lại chính sách "một Trung Quốc".

Trung Quốc đáp lại chỉ trích mạnh những động thái của lãnh đạo mới của Mỹ đồng thời nhấn mạnh họ sẽ không đàm phán về vấn đề chính sách "một Trung Quốc".

Một phái đoàn của Đài Loan do ông Yu Shyi-kun, một cựu quan chức của Đài Loan dẫn đầu cùng nhiều nhà lập pháp sẽ dự lễ nhậm chức của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump, theo cơ quan Ngoại giao của hòn đảo tự trị.

Việc Đài Loan gửi phái đoàn đến lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ là một hành động thường lệ trong nhiều năm qua. Phát ngôn viên của bà Thái cũng cho biết phái đoàn này chỉ đến tham dự sự kiện và không có tiếp xúc với ông Trump cũng như các cố vấn của ông.

Dù vậy, Trung Quốc xem Đài Loan là một tỉnh ly khai nên không có quyền ngoại giao hoặc thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước khác.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh là Bắc Kinh phản đối bất kỳ hành động nào được cho là "can thiệp hoặc gây tổn hại quan hệ Trung - Mỹ".

"Chúng tôi một lần nữa kêu gọi các bên liên quan ở Mỹ không cho phép chính quyền Đài Loan gửi một phái đoàn sang Mỹ tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống và không mở các kênh liên lạc chính thức với Đài Loan", bà Hoa Xuân Oánh nói.

"Trung Quốc đã xác định được vị trí chính xác và không nhầm lẫn đi đâu được với chính quyền của Mỹ và nhóm của ông Trump", bà Hoa nói thêm.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Cui Tiankai sẽ đại diện Trung Quốc đến tham dự sự kiện nhậm chức của ông Trump, bà Hoa thông báo.

Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ kế hoạch sử dụng vũ lực để thống nhất lãnh thổ, chiếm lại Đài Loan. Bắc Kinh hiện nghi ngờ lãnh đạo mới của hòn đảo có tư tưởng đòi độc lập cho Đài Loan, động thái được xem là lằn ranh đỏ trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Tuần trước khi quá cảnh tại Mỹ sau chuyến thăm các nước Trung Mỹ, bà Thái nói rằng bà muốn chung sống hòa bình với Trung Quốc. 

Trái với ông Trump, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã nhiều lần tái cam kết duy trì chính sách "một Trung Quốc", theo đó Washington thừa nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

Ái Vi (theo Reuters)

********************

Trung Quốc yêu cầu Mỹ không cho phái đoàn Đài Loan dự lễ nhậm chức tân Tổng thống Trump (RFA, 19/01/2017)

dailoan2

Tổng thống đắc cử Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence tại Washington, DC vào ngày 17 tháng một năm 2017. AFP photo

Trung Quốc thúc giục Hoa Kỳ không nên cho phái đoàn đại diện Đài Loan tham dự lễ nhậm chức của Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump, sẽ diễn ra vào ngày thứ sáu 20 tháng giêng này.

Yêu cầu vừa nêu được phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra trong cuộc họp báo thường lệ ở Bắc Kinh ngày hôm nay, nói rằng Đài Bắc cố ý cử người sang Washington với mục đích can thiệp hay gây ảnh hưởng bất lợi cho mối quan hệ Mỹ-Trung.

Đây không phải lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc lên tiếng phản đối và cũng không phải lần đầu tiên Đài Loan cử đoàn đại diện đến Washington để dự lễ nhậm chức của tân tổng thống Mỹ, nhưng lần này chuyện bùng nổ lớn vì sau ngày đắc cử, Tổng Thống Đắc Cử Trump đã nhận điện thoại chúc mừng của Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn, sau đó ông còn đưa ra phát biểu với nội dung cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ xem xét lại chính sách "Một Trung Quốc", nếu Bắc Kinh tiếp tục hạ giá đồng bạc để trục lợi khi đưa hàng xuất khẩu sang Mỹ.

Đầu tuần này, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho hay phái đoàn sẽ do Cựu Thủ Tướng Du Tích Khôn hướng dẫn. Đoàn còn có một cố vấn an ninh và một số nghị sĩ.

Hôm nay, một viên chức của văn phòng Tổng Thống Đài Loan cũng nói trong thời gian có mặt tại Washington, phái đoàn đại diện Đài Bắc sẽ không gặp viên chức nào trong chính phủ Trump.

***********************

Đài Loan sẽ xiết chặt quan hệ kinh tế với Mỹ (VOA, 18/01/2017)

dailoan3

Tổng thng Đài Loan Thái Anh Văn.

Đài Loan sẽ tìm cách tăng cường hp tác kinh tế vi M da trên nn tng hin nay, truyn thông Đài Loan dn li Tng thng Thái Anh Văn tuyên bố ngày 17/1.

Bà Thái đưa ra phát biu này trong cuc hp vi Ch tch Hi đng Thương mi M-Đài Loan, Paul Wolfowits, ti Văn phòng Tng thng. Ông Wolfowitz dn đu phái đoàn lãnh đo doanh nghip M sang thăm Đài Loan trong tun này.

u ý rng cuc gp din ra ch vài ngày trước khi Tng thng tân c M Donald Trump nhm chc, bà Thái khng đnh Đài Loan s tìm cách tăng cường các mi quan h kinh tế-thương mi song phương trên nn tng vng chc mà đôi bên đã gy dng.

Tổng thng Thái Anh Văn nói Đài Loan s duy trì là một trong nhng đi tác quan trng, đáng tin nht ca Hoa Kỳ.

Vẫn theo li nhà lãnh đo Đài Loan, M và Đài Loan có các mi quan h hu ngh lâu đi và cùng chia s nhng li ích và giá tr chung.

Trưởng đoàn lãnh đo doanh nghip M thăm Đài Loan, ông Wolfowitz, cho biết s làm mi cách có th đ h tr các mc tiêu ci cách kinh tế và t do hóa thương mi ca Đài Loan.

Chuyến thăm Đài Bc do Ch tch Ch tch Hi đng Thương mi M-Đài Loan dn đu ln này nhm phát huy các mi quan h kinh doanh-mu dịch vi Đài Loan.

Trước đó hôm 13/1, mt s dân biu ng h Đài Loan ti H vin Hoa Kỳ đã cùng nhau gii thiu d lut khuyến khích các chuyến thăm qua li gia M và Đài Loan ti mi cp nhm ‘tăng tiến quan h đi tác thiết yếu’ gia đôi bên.

********************

Đài Loan tập trận giả định bị Trung Quốc tấn công (VOA, 18/01/2017)

dailoan4

Máy bay chiến đu F-16 ca Đài Loan.

Đài Loan ngày 17/1 tháng 1 bắt đu tp trn hai ngày theo kch bn chng li mt cuc tn công ca Trung Quc gia lúc chính ph tìm cách trn an công lun trước các mi quan h đang suy thoái vi Bc Kinh.

Các lực lượng vũ trang ca Đài Loan tp trung ti trung bộ Đài Loan cho cuc tp trn hàng năm vi các binh sĩ thc tp các k năng chiến đu bng xe tăng, trc thăng tn công và pháo binh.

Phát ngôn viên Bộ Quc phòng Đài Loan tuyên b "Quân đi có nhng bin pháp tích cc đ đi phó vi tình hình ti eo biển Đài Loan và Bin Đông nên công chúng có th yên tâm. Chúng ta s cng c hun luyn 365 ngày mt năm".

Bắc Kinh xem Đài Loan như là mt tnh ly khai thuc "mt nước Trung Hoa" và có th thng nht vi Hoa lc bng vũ lc nếu cn.

Trung Quốc đã gia tăng các cuộc tp trn trong nhng tun l gn đây sau khi bt bình v cuc đin đàm gia Tng thng Đài Loan, Thái Anh Văn, và Tng thng tân c Hoa Kỳ Donald Trump.

Vào năm 1979, Hoa Kỳ chuyển hướng công nhn ngoi giao vi Trung Quc thay vì Đài Loan.

Ông Trump cũng làm Bắc Kinh ni gin khi cho rng chính sách "mt nước Trung Hoa" có th tr thành mt con bài mc c trong các cuc thương thuyết v thương mi.

Hoa Kỳ là đồng minh hùng mnh nht ca Đài Loan và là ngun cung cp vũ khí cho đo này.

Cuộc tập trận ngày 17/1 được tiến hành vi gi thuyết có mt cuc tn công ca Trung Quc theo kch bn là các chiến hm ca Bc Kinh đã vượt qua đường ranh nm gia Eo bin Đài Loan.

Binh sĩ Đài Loan trấn đóng gn h thng phi đn phòng không Avenger do M chế to trong cuc tp trn ti thành ph Đài Trung trong khi các lc lượng đc bit tiến theo đi hình băng rng vi xe tăng bn bom khói và nghin nát mt chiếc xe.

Sự kin này din ra sau khi tàu sân bay duy nht ca Bc Kinh vượt qua eo bin hi tun trước, một hành đng được xem là đ biu dương sc mnh.

Tàu sân bay Liêu Ninh không vào hải phn Đài Loan nhưng vào mt khu vc nm trong phm vi vùng phòng không ca Đài Loan.

Hôm 10 tháng 12 năm ngoái, máy bay quân sự ca Trung Quc áp sát Đài Loan ln th nhì trong vòng chưa đy mt tháng.

Ngoài cuộc tp trn, không quân Đài Loan ngày 17/1 xác nhn là 143 máy bay F-16 ca Đài Loan đang được nâng cp, vi nhng khí tài được công ty hàng không không gian Hoa Kỳ Lockheed Martin chế to máy bay này cung cp.

Dự án do chính phủ tài tr có tên "Phoenix Rising" vi ngân khon 3,47 t đô la và nhm mc tiêu hoàn tt trong vòng 6 năm ti.

Bộ trưởng Quc phòng Phùng Thế Khoan nói máy bay F-16 V có th sánh ngang vi máy bay tàng hình Thành Đô J-20 ca Trung Quc, dù truyền thông Trung Quc cho rng s so sánh này là "o tưởng".

Theo truyền thông đa phương Đài Loan, loi máy bay F-16 V s được trang b ra-đa đ phát hin máy bay tàng hình, cũng như các h thng đin t hàng không và phi đn tân tiến hơn.

Bộ trưởng Phùng mới đây cnh báo v nhng đe da ngày càng tăng t Trung Quc và kêu gi cnh giác cao, thúc đy gii tr trên đo gia nhp quân đi.

******************

Đặc Khu Trưởng Lương Chấn Anh khẳng định Hồng Kong thuộc về Trung Quốc (RFA, 18/01/2017)

dailoan5

Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh đọc diễn văn tại Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kong ngày 18 tháng 1 năm 2017. AFP photo

Trong bài diễn văn cuối cùng đọc trước Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kong, ông Đặc Khu Trưởng Lương Chấn Anh nhấn mạnh Hồng Kong là một phần đất không thể tách rời khỏi Trung Quốc.

Ông nói rõ đừng bao giờ mơ tưởng chuyện Hồng Kong sẽ tuyên bố độc lập hoặc sẽ tách rời khỏi Hoa Lục, nói thêm là cả thế giới đều biết và đều công nhận Hồng Kong thuộc về Trung Quốc.

Ông Đặc Khu Trưởng Lương Chấn Anh cũng kêu gọi người dân đặc khu chấp nhận tiến trình bầu cử do Bắc Kinh soạn thảo, tức cử tri được quyền bỏ phiếu chọn người lãnh đạo theo danh sách ứng cử viên đã được Trung Quốc chấp thuận.

Bài diễn văn được các nhà phân tích chính trị xem là nhắm nhắn gửi những nhà hoạt động dân chủ, đeo duổi mục tiêu Hồng Kong trở thành một quốc gia độc lập.

Published in Châu Á

vuotbien1

Ảnh chụp màn hình bài báo của thông tấn xã Đài Loan cho thấy cảnh 40 thuyến nhân Việt Nam đang bị lực lượng biên phòng Đài Loan cầm giữ tối 6/1/2017. Screenshot of CNA

Chiếc tàu cá Đài Loan chở 46 người, trong đó 40 là người Việt Nam, 6 người kia là chủ tàu và thủy thủ, bị tuần duyên bản xứ phát hiện và bắt giữ tối ngày 6 tháng một tại vùng biển Nghi Lan gần một cảng cá lớn của Đài Loan.

Qua Đài Loan để làm gì ?

Nhà chức trách Đài Loan công bố tin tức và hình ảnh những người Việt nhập cư Đài Loan trái phép bằng đường biển trong một cuộc họp báo. Thông tin được trình chiếu lại trên hệ thống truyền hình Đài Loan.

Một công nhân Việt Nam ở Đài Trung, yêu cầu được giấu tên, cho đài Á Châu Tự Do biết trong số những người Việt bị bắt có người nhà và người quen của cô :

Tại vì hôm đấy em xem video thì em nhận ra được chị của em với một anh bạn đi cùng với chị của em ở trong video đấy, em biết là chuyến tàu đã bị bắt. Người ta nói là bắt ở Yilan, đi 40 người mà mỗi người hết 6.000 Đô, bây giờ mất hết mà người cũng không biết ở đâu. Em không biết làm thế nào mà em rất sợ, không biết chị em bây giờ đang ở đâu.

Bạn em bảo bây giờ nên gọi cho cha, cha tên là cha Hùng, thì may ra cha giúp chứ em ở đây cũng chẳng biết ai mà cũng chẳng nhờ được ai. Em chỉ mong chị em bình an và về lại quê thôi.

Người mà chị công nhân vừa nói tới, linh mục Nguyễn Văn Hùng, giám đốc văn phòng trợ giúp pháp lý cho công nhân và cô dâu Việt đến Đài Loan, nói rằng đây không phải lần đầu tiên chuyện người Việt vượt biển đến Đài Loan xảy ra, tuy nhiên đây là lần đầu tiên có một lúc 40 người bị bắt như vậy :

Đây là sự tiếp nối việc nhập cảnh lậu của người Việt Nam đến Đài Loan bằng thuyền. Chuyện như vậy thỉnh thoảng xảy ra nhưng không phải một lần 40 người như lần này. Tôi nghĩ lần này là lần người nhập cư bất hợp pháp bị bắt nhiều nhất.

Khoảng thời gian trước thì người Việt Nam, có người làm nghề đánh cá, một số không phài người đánh cá, họ mua tàu đến Đài Loan xong rồi bỏ tàu nhảy xuống biển và họ bơi vô. Nhưng lần này họ có thuyền của người Đài Loan đưa từ Trung Quốc qua. Khi tàu này còn cách Yilan chừng 9 hải lý thì bị tuần duyên Đài Loan phát hiện, họ bí bắt và đưa ra cuộc họp báo. Tôi được biết một người từ Việt Nam đi theo dạng này phải trả khoảng 6.000 Đô Mỹ, Đi như vậy thì không được bảo đảm sẽ đi đến nơi hoặc trong trường hợp bị trả về thì được hoàn trả lại tiền.

Vẫn theo lời linh mục Nguyễn Văn Hùng, nếu nhập cảnh lậu mà không bị bắt đi nữa thì những người Việt này vẫn là những lao động bất hợp pháp rất vất vả ở Đài Loan :

Những người này sẽ lên các vùng núi, làm việc trong các nông trại của người Đài Loan, đó là những gì mà tôi biết.

Được hỏi nhà chức trách nước sở tại sẽ xử lý như thế nào đối với 40 người nhập cảnh lậu bị bắt tuần trước, linh mục Nguyễn Văn Hùng nói theo chỗ ông biết thì :

Thông thường bên cơ quan thi hành luật pháp họ chuyển cái án này lên tòa án. Trong thời gian điều tra thì không ai được tiếp xúc trừ khi những người này có luật sư vào thăm. Sau khi họ ra tòa một lần, xử án xong thì người ta đưa những người này đến các trại giam dành cho người nhập cư bất hợp pháp. Trong khi ở các trại giam thì những người này phải tự lo kiếm tiền mua vé máy bay để về nước.

Trước kia văn phòng cũng có đi thăm viếng những trường hợp như thế này. Cho những người không có thân nhân ở Đài Loan thì văn phòng cũng giúp cho họ tiền máy bay để họ có thể trở về Việt Nam.

Những người bị bắt ở Nghi Lan đã khai như thế nào được chị công nhân giấu tên kể lại như sau :

Họ hỏi là tại sao đến Đài Loan, sang bên này hết bao nhiêu tiền thì người bạn của chị em nói là đi từ Việt Nam sang Trung Quốc đóng 1.500, xong đi từ Trung Quốc sang Đài Loan là đóng 4.500, tất cả là 6.000 (Đô La).

Em cũng đã khuyên chị em là đừng có đi bởi vì sợ người ta lừa, nhưng chị nói là những bạn của chị ở quê vừa rồi cũng đi nhiều lắm mà sang đến bên này cứ gọi điện cho chị nói là sang đi không sao đâu. Chị em ở Vĩnh Phúc còn anh kia thì ở Hà Tĩnh, hầu như chúng em tuyền ở vùng quê thôi, phần đa là người miền Bắc với miền Trung nhiều.

Vì sao họ phải ra đi ?

TAIWAN-VIETNAM-FISHING-POLLUTION-FORMOSA

Lao động Việt tại Đài Loan biểu tình phản đối công ty Formosa hôm 10 tháng 8 năm 2016. AFP photo

Nghèo, không tiền, không việc làm là lý do những người ra đi viện tới để biện minh cho hành động vượt biên của họ :

Bởi vì ở quê bọn em làm ăn khó khăn lắm, kiếm được đồng tiền rất chi là cực khổ, làm ruộng chẳng được bao nhiêu, chẳng có đủ ăn nữa.

Thực ra sang đây cũng khổ lắm, tuyền đi theo người ta, đàn ông đi xây nhà, mình đi phụ vữa với lại dọn dẹp trong công trình người ta xây nhà. Cực khổ lắm nhưng một tháng người ta cũng trả cho được khoảng độ 1.000 Đô, suông sẻ thì làm cũng nhanh hơn ở quê, gởi về Việt Nam thì được nhiều hơn.

Vài năm trở lại đây có những người trong nước, không chỉ vượt biển qua Đài Loan mà còn đi xa hơn, tới tận Australia hay New Zealand. Điển hình là vụ vượt biên gồm 21 người đi từ cảng Long Hải, tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu, hồi tháng Năm 2016, bị tàu hải quân Australia bắt trả về Việt Nam.

Theo giới thẩm quyền Australia thì Việt Nam cam kết không trừng phạt và bỏ tù những người bị trả về mà sẽ tạo điều kiện công ăn việc làm đồng thời cho con cái họ đi học bình thường.

Thế nhưng hôm 13 tháng Mười Hai 2016, tòa án Bà Rịa Vũng Tàu mở phiên sơ thẩm xét xử 4 bị cáo can tội dùng thuyền đưa 21 người vượt biển đến New Zealand nhưng bị cơ quan chức năng Australia bắt trả về Việt Nam.

Kết quả người tên Nguyễn Giao Thông bị 3 năm 6 tháng tù giam, người thứ hai tên Nguyễn Tuấn Kiệt 30 tháng tù giam. Hai bị can còn lại mỗi người 18 tháng tù cho hưởng án treo.

Trước đó, tháng Năm 2016, tòa án La Ghi tỉnh Bình Thuận mở phiên xét xử vụ 46 người, trong đó có trẻ em mà cháu nhỏ nhất là 4 tuổi, dùng thuyền vượt biển đến Australia hồi tháng Bảy năm 2015. Tàu của họ bị hải quân Úc chận bắt và sau đó gởi trả về về Việt Nam. Khi đó Australia cũng được Việt Nam hứa sẽ không trả thù. Sau đó tòa Bình Thuận tuyên phạt án tù đối với nhóm 4 người tổ chức vụ vượt biên này.

Luật sư Võ An Đôn, nhận bào chữa cho cả hai vụ án vừa kể, nói rằng những người vượt biên trình bày chỉ muốn một cuộc sống tốt hơn cho họ và con cái của họ.

Trở lại vụ 40 người Việt nhập cảnh lậu Đài Loan, đã bị bắt giữ hôm thứ Sáu ngày 6, chị công nhân giấu tên ở Đài Trung có người thân trong số những người bị bắt, bày tỏ :

Em khuyên mọi người đừng có bao giờ đi như vậy nữa, rất nguy hiểm. Ở quê chị em đã bị môi giới lừa mất bốn năm nghìn đô rồi, sang đây bây giờ lại năm sáu nghìn đô nữa.

Sang đây bất hợp pháp, ốm đau cũng chẳng được khám, rất nhiều người bõ mang bên này, sợ ơi là sợ.

Linh mục Nguyễn Văn Hùng cũng cho hay đang theo dõi trình tự pháp lý của vụ việc để có thể giúp đỡ hỗ trợ phần nào cho nhóm 40 người bi bắt mới nhất này ở Đài Loan.

Thanh Trúc, phóng viên RFA

Published in Việt Nam

Báo Trung Quốc : Bắc Kinh sẽ ‘trả đũa’ nếu ông Trump không tôn trọng chính sách một Trung Quốc (VOA, 09/01/2017)

dailoan1

Tổng thng Đài Loan Thái Anh Văn trên đường thăm các nước Nam M

Hoàn Cầu Thi Báo ca nhà nước Trung Quc cnh báo Tng thng đc c M Donald Trump rng Bc Kinh s "tr đũa" nếu ông không tôn trng chính sách mt Trung Quốc. Li cnh báo được đưa ra ch vài gi sau cuc dng chân gây tranh cãi ca Tng thng Đài Loan Thái Anh Văn Houston, M.

Tổng thng Đài Loan Thái Anh Văn đã gp g các nhà lp pháp cp cao ca đng Cng hòa M trong chng dng thành ph Houston hôm Chủ nht trong chuyến đi ti Trung M, nơi bà s đến thăm Honduras, Nicaragua, Guatemala và El Salvador. Bà Thái cũng s dng chân San Francisco, M, vào ngày 13 tháng 1 khi quay tr v Đài Loan.

Trung Quốc đã yêu cu Hoa Kỳ không cho phép bà Thái nhp cnh hoc có các cuc gp chính thc cp đ quc gia, theo chính sách mt Trung Quc.

Bắc Kinh lâu nay xem Đài Loan là mt tnh phn lon ca Trung Quc và Ðài Loan không đ tiêu chun đ thiết lp quan h nhà nước vi nhà nước. Đây là mt vn đ nhy cảm đi vi Trung Quc.

Một bc nh đăng trên trang Tweeter ca Thng đc bang Texas Greg Abbott cho thy trong cuc hp ca ông vi bà Thái có c M, c ca bang Texas và c ca Đài Loan trên bàn hp. Hôm th Hai, văn phòng ca bà Thái cho biết bà cũng đã nói chuyện đin thoi vi Thượng ngh sĩ M John McCain, người đng đu y ban Thượng vin đy quyn lc ph trách v vn đ vũ trang. Bà Thái cũng đã gp g Thượng ngh sĩ Ted Cruz ca bang Texas.

Bài xã luận trên t Hoàn Cu Thi Báo, cơ quan ngôn lun của đng Cng sn Trung Quc, hôm 8/1 khuyến cáo :

"Việc tôn trng nguyên tc (mt Trung Quc) không phi là mt yêu cu bt thường ca Trung Quc đi vi các tng thng M, nhưng nghĩa v ca các tng thng M là duy trì mi quan h M - Trung và tôn trng trật t hin hu khu vc Châu Á-Thái Bình Dương".

Tờ báo Trung Quc cnh báo thêm rng "Nếu ông Trump t b chính sách mt Trung Quc sau khi nhm chc, người dân Trung Quc s yêu cu chính ph tr đũa. Không có s thương lượng".

Hồi tháng trước, Bc Kinh đã giận d phn đi ông Trump v vic nhn cuc gi đin thoi chúc mng ca bà Thái Anh Văn và đt nghi vn v cam kết ca Hoa Kỳ đi vi quan đim ca Bc Kinh là Đài Loan thuc v Trung Quc.

********************

Tổng thống Đài Loan gặp chính khách Mỹ, Trung Quốc giận dữ (RFI, 09/01/2017)

dailoan2

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (giữa) tại phi trường Taoyuan ngày 7/01/2017, khi lên đương công du Trung Mỹ và quá cảnh Hoa Kỳ.

Bắc Kinh hôm nay, 09/01/2016 đã lên tiếng "kiên quyết phản đối" cuộc tiếp xúc giữa tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz tại Houston, tiểu bang Texas (Hoa Kỳ) hôm 08/01 vừa qua. Cuộc gặp được tổ chức nhân dịp tổng thống Đài Loan quá cảnh nước Mỹ trên đường công du một số quốc gia Châu Mỹ La Tinh. Trung Quốc cũng bật đèn xanh cho báo chí đe dọa "trả thù" Washington và Đài Bắc.

Trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng xác định : "Chúng tôi cực lực phản đối lãnh đạo Đài Loan viện cớ quá cảnh để tiếp xúc với các quan chức Mỹ, và âm mưu phá hoại quan hệ Trung-Mỹ". Phát ngôn viên này đồng thời kêu gọi Mỹ tuân thủ chính sách một nước Trung Hoa và "thận trọng xử lý" các vấn đề liên quan đến Đài Loan.

Trước đó, trong một bản thông cáo, thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz, cựu ứng viên tổng thống đảng Cộng Hòa đã bị thua ông Donald Trump trong vòng bầu cử sơ bộ, cho biết là ông đã gặp bà Thái Anh Văn ở thành phố Houston vào cuối tuần qua, và hai bên đã thảo luận về các thương vụ vũ khí, trao đổi ngoại giao và quan hệ kinh tế.

Thượng nghị sĩ bang Texas còn tiết lộ việc Bắc Kinh gây sức ép đối với ông để không tiếp xúc với nữ tổng thống Đài Loan. Trên vấn đề này, ông Ted Cruz nói thẳng : "Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa cần phải hiểu rằng ở Mỹ, chính chúng tôi là người tự quyết định về việc đón tiếp và gặp gỡ khách của mình".

Ông nói tiếp : "Người Trung Quốc đâu có cho Mỹ quyền phủ quyết đối với những người mà họ gặp. Chúng tôi sẽ tiếp tục gặp bất cứ ai, kể cả người Đài Loan, nếu như chúng tôi thấy phù hợp".

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã quá cảnh Houston hôm 08/01 trên đường đi thăm Honduras, Nicaragua, Guatemala và El Salvador, các nước vùng Châu Mỹ La Tinh đã công nhận Đài Loan là quốc gia độc lập. Ngay trước lúc lãnh đạo Đài Loan lên đường, Bắc Kinh đã liên tiếp đòi Mỹ phải cấm cửa, không cho lãnh đạo Đài Loan quá cảnh, điều đã bị Hoa Kỳ bác bỏ.

Dĩ nhiên là ngoài việc lên tiếng phản đối về mặt ngoại giao, Bắc Kinh đã bật đèn xanh cho báo chí đả kích Mỹ và Đài Loan.

Theo hãng tin Pháp AFP, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã lên tiếng dọa Mỹ rằng Bắc Kinh đã "chuẩn bị đầy đủ" cho việc phá vỡ quan hệ với Hoa Kỳ, nếu ông Trump từ bỏ chính sách một nước Trung Hoa.

Không chỉ nhắm vào Mỹ, tờ báo theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan của đảng Cộng Sản Trung Quốc còn đe dọa rằng Hoa Lục có thể có những động thái gây áp lực quân sự lên Đài Loan, và sẽ "giáng một đòn mạnh" vào kinh tế Đài Loan.

Sau khi kết thúc vòng công du Châu Mỹ La Tinh, nữ tổng thống Đài Loan trên đường về sẽ lại quá cảnh Hoa Kỳ ngày 13/01), nhưng tại San Francisco.

Trọng Nghĩa

*************************

Trung Quốc cảnh cáo ông Trump sau khi Mỹ cho Tổng thống Đài Loan quá cảnh (RFA, 09/01/2017)

dailoan3

Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn trước khi khởi hành công du các nước Trung Mỹ và quá cảnh Hoa Kỳ. Ảnh chụp tại sân bay Taoyuan, Đài Loan hôm 7/1/2017. AFP photo

Bài bình luận mới nhất đăng tải trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo xuất bản tại Bắc Kinh cảnh báo Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump phải tôn trọng chính sách chỉ có một nước Trung Hoa, dọa sẽ có biện pháp trả đũa nếu ông Trump không làm điều này.

Lời cảnh báo được đưa ra sau khi Tổng Thống Thái Anh Văn của Đài Loan quá cảnh ở Houston, Texas hôm thứ Bảy vừa rồi, nhân chuyến công du các nước Trung Mỹ có quan hệ ngoại giao với Đài Bắc.

Bài bình luận có đoạn viết, và chúng tôi xin được trích nguyên văn như sau : "Nếu sau ngày lên nắm quyền ông Trump không giữ đúng cam kết về chính sách chỉ có một nước Trung Hoa, người dân Trung Quốc sẽ yêu cầu chính phủ phải trả thù, không có chỗ cho sự mặc cả", nhắc lại "trách nhiệm của các Tổng Thống Mỹ là phải duy trì mối quan hệ Mỹ- trung và trật tự hiện tại của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương".

Mặc dù ông Trump chưa tuyên thệ nhậm chức, nhưng quan hệ giữa ông với Trung Quốc đang ở giai doạn khó khăn, sau khi ông lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh cố ý trục lợi khi đưa hàng xuất khẩu sang Mỹ, ngoài ra ông còn nhận điện thoại chúc mừng của bà Thái Anh Văn, cũng như tỏ ý cho thấy sẵn sàng gặp bà Tổng Thống Đài Loan sau ngày ông nhậm chức.

Hôm nay trong cuộc họp báo thường lệ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng nói đến điều này, cho rằng ông Trump và tân chính phủ Mỹ phải thật thận trọng, không nên để chuyện Đài Loan gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.

Tại Houston, bà Thái Anh Văn đã gặp Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Mỹ Ted Cruz và Thống Đốc bang Texas là ông Greg Abbott. Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh cũng lên tiếng phản đối những cuộc gặp này, nhưng theo lời Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz, Trung Quốc không có quyền cấm các quan chức Mỹ gặp gỡ với bất kỳ ai, kể cả gặp với các quan chức Đài Loan.

Published in Châu Á

40 người Việt Nam bị bắt vì vượt biên vào Đài Loan (RFA, 07/01/2017)

vuotbien2

Ảnh chụp màn hình bài báo của thông tấn xã Đài Loan cho thấy cảnh 40 thuyến nhân Việt Nam đang bị lực lượng biên phòng Đài Loan cầm giữ tối 6/1/2017. Screenshot of CNA

40 thuyền nhân Việt Nam cùng với 6 thủy thủ người nước ngoài đã bị chận bắt ngoài khơi bờ biển Nghi Lan tối thứ Sáu 6/1/2017, lực lượng biên phòng Đài Loan cho biết tin này hôm nay.

Thông tấn xã trung ương Đài Loan CNA trích dẫn giới chức biên phòng nước này cho biết, 40 di dân bất hợp pháp từ Việt Nam, gồm 25 nam và 15 nữ, đã được phát hiện trong hầm chiếc tàu đánh cá Đài Loan chỉ cao có 1,2m.

6 người còn lại là thủy thủ của chiếc tàu cá.

Chiếc tàu cá bị chận bắt khi còn cách bờ biển thành phố Nghi Lan phía đông bắc Đài Loan, khoảng 9,2 hải lý ; sau khi biên phòng Đài Loan nhận được tin báo về chiếc thuyền chở di dân lậu.

Cơ quan Biên phòng Đài Loan cho biết, theo lời khai của những thuyền nhân Việt Nam này, để vượt biên đến Đài Loan, họ đã tìm cách sang Trung Quốc bằng đường bộ. Sau đó họ thuê thuyền đánh cá chở sang Đài Loan.

Các thuyền nhân này cũng khai rằng họ phải trả từ 4.000 đôla đến 6.500 đôla mỗi người để được chở sang Đài Loan. Và mỗi chuyến vượt biển như vậy thường kéo dài 4 ngày.

Theo cơ quan biên phòng Đài Loan, đây là vụ bắt giữ thuyền nhân Việt Nam với số lượng lớn nhất từ trước tới nay.

Hiện tất cả 40 thuyền nhân Việt Nam và 6 thủy thủ bị bắt đã được chuyển sang cơ quan công tố Đài Loan để điều tra.

******************

Đài Loan bắt 40 người Việt định vượt biên trái phép (BBC tiếng Việt, 09/01/2017)

Bas du formulaire

vuotbien1

Nhà chức trách bắt một tàu đánh cá với 40 người Việt ở trên đang tìm cách vào Đài Loan bất hợp pháp - Ảnh minh họa - AFP/GETTY IMAGES

Báo chí Đài Loan cho hay nhà chức trách bắt một tàu đánh cá với 40 người Việt ở trên đang tìm cách vào Đài Loan bất hợp pháp.

Sự việc xảy ra đêm 6/1 ở ngoài khơi Nghi Lan, theo báo Taipei Times.

Trên chiếc tàu cá Wun Shun Man số 66 bị bắt hôm 6/1 có tất cả 46 người - 25 đàn ông và 15 phụ nữ Việt Nam, cộng với thuyền trưởng và 5 thuyền viên.

40 người chen chúc trong hầm tàu cao có 1m2.

Theo cơ quan tuần duyên Đài Loan, chiếc tàu này đăng ký ở Cao Hùng, bị bắt cách bờ biển Nghi Lan 17km sau khi giới chức được thông báo về các thuyền nhân bất hợp pháp.

Phó chỉ huy cơ quan tuần duyên phía Bắc Thẩm Đại Vĩ nói với báo chí rằng thuyền trưởng họ là Trần cùng hai thuyền viên người Đài Loan và ba thuyền viên người Indonesia đã bị bắt để điều tra về vi phạm Luật Nhập cư.

Ông Thẩm cũng nói những người này từ Việt Nam sang Trung Quốc rồi lên tàu cá Đài Loan và đã lênh đênh trên biển bốn ngày.

Họ phải trả từ 4.000 tới 6.500 USD mỗi người để vượt biên tới Đài Loan.

Theo ông Thẩm Đại Vĩ, nhiều người Việt hay tìm đường vào Đài Loan bằng cách góp tiền mua thuyền ở Trung Quốc, sau đó khi đã tới Đài Loan họ bỏ lại thuyền ngoài biển.

Đây là con số thuyền nhân bị bắt nhiều nhất ở Đài Loan trong một đợt từ trước tới nay.

Tháng trước, Việt Nam trao bốn nghi phạm trộm cước viễn thông mang quốc tịch Đài Loan cho Trung Quốc, khiến Đài Bắc phản đối.

Published in Việt Nam