Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

19/11/2019

Bị luận tội, Donald Trump sẽ ra điều trần về chính sách ngoại giao

RFI tiếng Việt

Hoa Kỳ : Donald Trump "dự kiến nghiêm túc ra điều trần" (RFI, 19/11/2019)

Trên mạng Twitter sáng 18/11/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố ông dự kiến nghiêm túc ra điều trần trong khuôn khổ thủ tục truất phế tổng thống đang được Hạ Viện tiến hành, mặc dù ông vẫn tố cáo cuộc điều tra của đảng Dân Chủ.

luantoi1

Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 15/11/2019. Reuters

Thông tín viên RFI tại Washington Anne Corpet tỏ ra dè dặt trước tuyên bố này :

"Nancy Pelosi, người phụ nữ dễ bị kích động, đã đề nghị tôi ra làm chứng trong cuộc điều tra dỏm về việc truất phế. Cho dù tôi không có làm gì sai, tôi sẽ dự kiến nghiêm túc làm điều đó", Donald Trump đã viết như trên trong tin nhắn Twitter.

Hôm Chủ nhật, trên đài truyền hình, bà Pelosi đã chỉ trích gay gắt những lời tố cáo không ngớt của tổng thống về thủ tục truất phế và đã cho rằng "nếu ông không đồng ý với những điều ông đã nghe thấy, thì ông nên đến làm chứng với lời tuyên thệ nói thật".

Ngay từ tuần trước, một dân biểu đã tuyên bố là nếu tổng thống muốn đến các buổi điều trần, thì ông rất vui mừng đón tiếp.

Nhưng trên thực tế, ít có cơ may ông Trump ra trước Hạ Viện : ông đã từ chối làm chứng, kể cả bằng lời nói, trong cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller, và cũng không cung cấp tài liệu mà Quốc Hội yêu cầu, đồng thời cấm cố vấn Nhà Trắng chấp thuận những triệu mời của Hạ Viện.

Cho dù vậy, phía đảng Cộng Hòa đã không ngớt tố cáo trong tuần qua là không có nhân chứng trực tiếp trong cuộc điều tra mà đảng Dân Chủ tiến hành, một sự thiếu vắng sẽ được bù đắp vào tuần này : Cựu đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu, ông Gordon Sondland, người đã trực tiếp thảo luận với tổng thống về Ukraina, sẽ ra điều trần vào ngày mai.

Mai Vân

****************

Ngoại trưởng Mike Pompeo không bảo vệ nền ngoại giao Mỹ (RFI, 18/11/2019)

Trong hai ngày thứ Tư 13 và thứ Sáu 15/11/2019, Hạ Viện Mỹ tiến hành lấy lời chứng từ các nhà ngoại giao Mỹ trong vụ "Ukrainagate". Bên cạnh việc chỉ trích chủ nhân Nhà Trắng thiết lập mạng lưới ngoại giao "song song", ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bị cáo buộc đã "không bảo vệ các thuộc cấp" của mình trong vụ tai tiếng này.

luantoi2

Tổng thống Mỹ Donald Trump và ngoại trưởng Mike Pompeo tại Nhà Trắng nhân chuyến thăm của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh 13/11/2019. Reuters/Tom Brenner

"Sự việc đã vượt quá thân phận ngoại giao của tôi và của hai hay ba người khác. Khi các nhà ngoại giao chuyên nghiệp bị bôi nhọ và bị làm suy yếu thì nền ngoại giao cũng bị ảnh hưởng tương tự. Tình trạng này sẽ nhanh chóng gây ra những tổn hại thật sự, nếu không muốn nói là đã xảy ra". Lời phát biểu này của nữ cựu đại sứ Mỹ tại Ukraina, bà Marie Yovanovitch, tại phiên điều trần công khai ngày thứ Sáu 15/11/2019 đã phản ảnh rõ một sự chống đối tiềm tàng và một cuộc khủng hoảng niềm tin thật sự tại bộ Ngoại Giao Mỹ.

Là rường cột của các chính sách đối ngoại chính quyền Donald Trump, ngoại trưởng Mike Pompeo cũng bị lung lay bởi thủ tục luận tội do phe Dân Chủ khởi động trong khuôn khổ cuộc điều tra vụ tai tiếng "Ukrainagate" : Một cuộc mặc cả lấy trợ giúp quân sự đổi lấy việc mở các cuộc điều tra nhắm vào đối thủ chính trị Joe Biden của tổng thống thống Mỹ.

Lãnh đạo ngoại giao Mỹ đã bị chỉ trích không bảo vệ nền ngoại giao Hoa Kỳ, đặc biệt là nữ cựu đại sứ Mỹ Yovanovitch trước những lời đe dọa của tổng thống Trump bất chấp nhiều lời cảnh báo từ nhiều thành viên từng là các cố vấn thân cận của chủ nhân Nhà Trắng.

Theo nhận định của Gilles Paris, thông tín viên báo Le Monde tại Washington, việc ngoại trưởng Pompeo luôn tìm mọi cách tỏ thái độ trung thành với tổng thống Trump và bản thân ông từ chối đảm nhiệm vai trò trụ cột của bộ Ngoại Giao, đã dẫn đến tình trạng nguyên thủ Mỹ có thể công khai lên án nữ cựu ngoại giao, mục tiêu tấn công của những tờ báo bảo thủ trong nhiều tháng.

Trong từng diễn tiến của vụ Ukrainagate, ngoại trưởng Mỹ đều giữ thái độ im lặng "đồng lõa". Ông Aaron David, cựu nhà đàm phán Trung Đông nghiêm khắc chỉ trích rằng "Rõ ràng ông Mike Pompeo không muốn bảo vệ các nhà ngoại giao chuyên nghiệp của mình tại bộ". Sự im lặng đến mức khó hiểu này đang biến ông thành vị "ngoại trưởng Mỹ tệ hại nhất" thời hiện đại.

Năm 2018, khi vừa nhậm chức, vị cựu nghị sĩ bang Kansas đã từng làm dấy lên nhiều tia hy vọng. Mối quan hệ thân cận của ông với Donald Trump được giới ngoại giao xem như là một lá chủ bài để vực dậy ánh hào quang của nền ngoại giao Mỹ, phần nào bị "thui chột" dưới thời Rex Tillerson.

Giới quan sát cũng nhìn nhận rằng tính khí thất thường, bất ổn của chủ nhân Nhà Trắng hiện nay đã phần nào giảm bớt các tham vọng của ông Pompeo. Trước những việc "đã rồi" của Donald Trump, ngoại trưởng Mỹ, đành phải hạ thấp vai trò, đóng vai một người lính "chữa cháy", tìm cách giảm bớt thiệt hại do những phát ngôn của tổng thống Mỹ.

Hình ảnh của nền ngoại giao Mỹ thời gian gần đây cũng bị lu mờ, bị đưa xuống hàng thứ yếu trong nhiều hồ sơ quốc tế. Từ cuộc đàm phán về cuộc khủng hoảng mới ở Syria tại thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, vụ ám sát lãnh đạo quân khủng bố Abou Bakr al Bagdadi tại Syria… đều vắng bóng lãnh đạo ngoại giao Mỹ.

Trong bối cảnh tổng thống Mỹ dồn lực để đối phó với thủ tục luận tội, có nhiều dấu hiệu cho thấy Mike Pompeo dường như đang nghĩ tới chuyện rút về cứ địa của ông, bang Kansas, vì vào tháng 11/2020, có bầu cử thượng nghị sĩ tại đây. Chỉ có điều, tờ báo địa phương Kansas City Star, ngày 26/10/2019 tỏ thái độ rất rõ ràng : Nếu muốn ra ứng cử, ông "nên từ nhiệm". Ngược lại, "nếu còn nhớ đến ngoại giao, ngài nên dồn hết tâm trí cho nền ngoại giao nước Mỹ".

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 499 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)