Belarus : Lãnh đạo đối lập thách thức tổng thống Lukashenko
RFI, 22/08/2020
Lãnh đạo đối lập và ứng cử viên tổng thống trong cuộc bầu cử vừa qua, bà Svetlana Tikhanovskaya, vào hôm 21/08/2020, đã tuyên bố là dân chúng Belarus "sẽ không còn chấp nhận" sự lãnh đạo của ông Lukashenko, trong lúc mà chính quyền đang truy bắt đối lập.
Lãnh đạo đối lập, ứng viên tổng tống Belarus, Svetlana Tikhanovskaya (giữa) cùng người ủng hộ trong ngày bầu cử hôm 09/08/2020 tại Minsk, Belarus. Reuters – Vasily Fedosenko
Trước báo giới tại Vilnius, Litva, nơi bà tị nạn từ ngày 11/08, bà Tikhanovskaya tuyên bố : "Tổng thống Lukashenko bây giờ phải biết là chúng ta cần một sự thay đổi. Dân chúng Belarus sẽ không bao giờ chấp nhận sự lãnh đạo hiện nay".
Bà Tikhanovskaya không công nhận kết quả bầu cử ngày 09/08 mà ông Lukashenko tuyên bố chiến thắng với 80% phiếu bầu. Bà cho biết là sẽ trở về Belarus "khi cảm thấy được an toàn". Bà cũng hy vọng là người dân được lắng nghe và sẽ có bầu cử mới.
Theo hãng tin Anh Reuters, trả lời kênh truyền hình Belsat TV, bà Tikhanovskaya cho biết bà sẽ không ứng cử trở lại trong trường hợp có bầu cử mới (Tin này chưa được kiểm chứng từ các nguồn khác).
Hôm thứ Năm chính quyền Belarus bắt đầu truy tố "Hội đồng Điều phối" mà phe đối lập đã lập ra với lý do "gây hại cho an ninh quốc gia". Hai thành viên của hội đồng này, luật sư Maxim Znak và Olga Kovalkova, đã đệ đơn kiện lên Tòa Án Tối Cao để không công nhận kết quả bầu cử. Hôm qua, luật sư Maxim Znak đã ra trước chính quyền ở Minsk để trả lời thẩm vấn.
Tối qua, hàng ngàn người lại tập hợp tại Minsk, làm môt dây chuyền người đến tận nhà tù Okrestina, nơi giam cầm những người biểu tình bị bắt. Lực lượng an ninh hiện diện nhưng không can thiệp.
Nhân vật số 2 Bộ Ngoại giao Mỹ đến Nga và Litva
Theo tin độc quyền của Reuters, trích dẫn hai nguồn thạo tin vào hôm 21/08 thì nhân vật số 2 của ngành ngoại giao Mỹ, thứ trưởng Stephen Biegun sắp đến Nga và Litva để bàn về một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hậu bầu cử ở Belarus. Mục tiêu là ngăn sự can thiệp của Nga.
Chuyến đi được lên kế hoạch của ông Biegun cho thấy Mỹ muốn đóng một vai trò lớn hơn trong hồ sơ Belarus. Hoa Kỳ và Châu Âu đều tố cáo bầu cử tổng thống đầy rẫy gian lận. Ngoại trưởng Mỹ hôm thứ Năm thúc giục tổng thống Lukashenko chấp nhận đề nghị giúp đỡ của quốc tế để mở đối thoại với đối lập đồng thời gián tiếp cảnh báo Nga là không nên can thiệp.
Mai Vân
**********************
Belarus : Tổng thống Lukashenko hình sự hóa hoạt động của phe đối lập
RFI, 21/08/2020
Tại Belarus, cuộc khủng hoảng vẫn chưa có lối thoát : Người dân vẫn tiếp tục phong trào biểu tình. Hôm qua 20/08/2020, chính quyền Minsk thông báo khởi động thủ tục tố tụng hình sự về tội vi pham an ninh quốc gia nhắm vào "Hội đồng điều phối" về chuyển giao quyền lực do phe đối lập thành lập.
Nguời dân biểu tình phản đối kết quả bầu cử tổng thống và đòi thả tù chính trị, Minsk, Belarus, ngày 16/08/2020. Reuters - Vasily Fedosenko
Luật sư của nhà đối lập Svetlana Tikhanovskaya, sáng hôm 21/08 phải đến gặp các nhà điều tra. Nếu bị kết tội, các thành viên của "Hội đồng điều phối" có thể phải lãnh tới 5 năm tù giam.
Còn bà Svetlana Tikhanovskaya, từng là ứng viên trong kỳ bầu cử tổng thống Belarrus vừa qua, hiện đang phải sống tị nạn tại nước láng giềng Litva,
Theo Elena, một nhà hoạt động ở Minsk, việc chính quyền hình sự hóa các hoạt động của phe đối lập là nhằm làm suy giảm uy tín của phe này. Còn đối với giảng viên, nhà nghiên cứu Anna Colin Lebedev tại Đại học Nanterre, Pháp, tổng thống Lukashenko muốn làm mất tính hợp pháp của các nhà đối lập ; làm mất uy tín của "Hội đồng điều phối" để tổ chức này không trở thành một diễn đàn đối thoại. Tình hình càng thêm căng thẳng khi bộ trưởng quốc phòng Belarus hôm qua tuyên bố với các sĩ quan : "Chúng ta có thể có một cuộc nội chiến".
Tối hôm qua, nhiều người dân vẫn tập hợp biểu tình trước trụ sở Nghị Viện tại thủ đô Minsk, cũng như ở nhiều thành phố khác đòi có sự thay đổi từ phía chính quyền. Cho đến nay, tổng cộng đã có 3 người biểu tình thiệt mạng, hàng chục, hàng trăm người bị thương, hơn 6.700 người bị bắt, nhiều người bị đánh đập, tra tấn khi bị tạm giam và hiện giờ vẫn còn khoảng 70 người mất tích.
Theo hãng tin Reuters, nhà đối lập Svetlana Tikhanovskaya kêu gọi người ủng hộ duy trì và mở rộng phong trào đình công tại các nhà máy xí nghiệp để buộc tổng thống Alexander Lukashenko tổ chức lại cuộc bầu cử tổng thống.
Hoa Kỳ ủng hộ nguyện vọng của người dân Belarus
Về phản ứng của Hoa Kỳ, hôm qua Washington bày tỏ thái độ ủng hộ đối với "nguyện vọng của người dân Belarus" trong việc lựa chọn các nhà lãnh đạo đất nước và con đường phát triển riêng mà không có sự can thiệp của nước ngoài. Trong một thông cáo, ngoại trưởng Mike Pompeo tái khẳng định cam kết ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Belarus nhưng đề nghị chính phủ Belarus đối thoại với Hội đồng điều phối quốc gia do phe đối lập thành lập để thúc đẩy một tiến trình chuyển tiếp chính trị.
Washington còn cứng rắn chỉ trích những hành vi bạo lực nhắm vào người biểu tình ôn hòa và giới nhà báo. Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi chính phủ Belarus trả tự do ngay lập tức cho những người bị bắt giữ phi pháp, lên danh sách những người bị coi là mất tích và để Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu OSCE làm trung gian hòa giải giữa tổng thống Lukashenko và người dân.
Thùy Dương
*********************
Khủng hoảng Belarus : Châu Âu kêu gọi tinh thần trách nhiệm của Nga
RFI, 20/08/2020
Cứng rắn đối với Minsk nhưng cởi mở với Moskva với hy vọng tổng thống Putin hợp tác trong tinh thần xây dựng giải quyết khủng hoảng chính trị tại Belarus : đó là kế hoạch cương nhu của Châu Âu hầu tránh tái diễn kịch bản Ukraine gây tổn hại cho mọi phía.
Ngay trước trụ sở bộ Nội Vụ Belarus, tại Minsk, một người giương áo phông in hình lãnh đạo đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya, với hàng chữ : "Tổng thống của chúng tôi", để phản đối kết quả cuộc bầu cử tổng thống. Ảnh chụp ngày 19/08/2020. Reuters – Vasily Fedosenko
Châu Âu tay thép tay mời
Trong bối cảnh phong trào phản đối tổng thống Lukashenko đã kéo dài gần hai tuần lễ, Liên Hiệp Châu Âu quyết định đứng về phía đối lập, không công nhận tính hợp pháp của chính quyền Belarus và chuẩn bị trừng phạt một loạt quan chức cao cấp, qua cuộc họp thượng đỉnh ngày 19/08/2020.
Song song với thái độ cứng rắn đối với Minsk, Châu Âu nỗ lực vận động Nga đóng vai trò tích cực giải quyết khủng hoảng mà cuộc bầu cử gian lận là giọt nước làm tràn ly nước bất mãn đã đầy tại Belarus.
Theo thông tin riêng của báo Le Monde, ngày 20/08/2020, một ngày trước thượng đỉnh 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu, trong cuộc điện đàm với lãnh đạo Nga Vladimir Putin, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị để cho Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu (Organization for Security and Co-operation in Europe - OSCE) đứng ra làm trung gian hòa giải. OSCE đang đóng vai trò quan trọng duy trì hòa bình ở miền đông Ukraine. Cơ quan Châu Âu này, được xem là mái nhà chung, vì có Nga và Belarus là thành viên.
Được biết, Putin không khước từ đề nghị của Macron nhưng yêu cầu có thêm thời gian để "suy nghĩ". Tổng thống Nga cũng không ủng hộ tỷ lệ 80% của Lukashenko và cũng không công kích phong trào phản kháng đang lan rộng. Trái lại, chủ nhân điện Kremlin cho biết quân đội Nga đồn trú ở biên giới với Belarus sẵn sàng can thiệp nếu tình hình an ninh tồi tệ.
Nga ở thế chủ động
Thái độ thận trọng hay câu giờ của Nga không khỏi làm Châu Âu lo ngại kịch bản xấu nhất là âm mưu của chính quyền Belarus gây bạo động để đánh phá uy tín của đối lập và tạo cớ đàn áp trong nước và cho Nga có lý do can thiệp quân sự, như theo yêu cầu của Lukashenko.
Tuy nhiên, cũng theo phân tích của Le Monde, phản ứng để ngỏ các đối sách của Putin cho phép Paris hy vọng vào một giải pháp đàm phán, với sự trợ giúp của Moskva. Với điều kiện là không để cho Nga hiểu lầm rằng Belarus đã được NATO hay Liên Hiệp Châu Âu cam kết cho gia nhập .
Hồ sơ Belarus là một thử thách mới trong cuộc đối thoại chiến lược với Nga được chính thức hóa cách nay đúng một năm khi tổng thống Macron tiếp đồng nhiệm Putin tại pháo đài Brégançon, nơi nghỉ mát của các vị tổng thống Pháp khi tại chức. Nhưng 12 tháng qua, các hồ sơ nóng, từ Donbass cho đến tị nạn Syria và tin tặc đều không tiến triển mấy.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, người được xem là kiến trúc sư của chính sách đối ngoại Nga, cảnh báo : "Ai cũng biết cuộc cờ hiện nay là địa chiến lược, là cuộc chiến đấu vì không gian hậu Xô viết từ khi Liên Xô tan rã. Bằng chứng cụ thể là Ukraine".
Paris xem tuyên bố "răn đe" trên đây của ngoại trưởng Nga là phản ứng tự nhiên trong bối cảnh khủng hoảng, theo một nhà ngoại giao Pháp "cao cấp" được Le Monde trích dẫn.
Nhưng giải pháp nào cũng bất toàn
Chắc chắn một điều là Putin không bao giờ để cho Belarus, lệ thuộc vào Nga từ năng lượng, kinh tế cho đến chính trị, ra khỏi quỹ đạo của Moskva. Vấn đề là sử dụng phương án nào có lợi nhất trong bối cảnh Nga đang gồng gánh nhiều cuộc xung đột trên lưng ?
Không như Ukraine, người dân Belarus gần gũi với văn hóa Nga, nói tiếng Nga, không ghét Nga. Putin có nên dùng vũ lực ?
Nhưng thay thế Lukashenko bị dân tẩy chay, đối lập thành lập một chế độ dân chủ sát nách nước Nga, thì cũng không phải là giải pháp tối ưu đối với một người muốn làm tổng thống Nga đến mãn đời.
Tú Anh
*********************
Belarus : Bruxelles phủ nhận kết quả bầu cử, kêu gọi chuyển tiếp chính trị
RFI, 20/08/2020
Trong cuộc họp qua video ngày thứ Tư 19/08/2020, về cuộc khủng hoảng chính trị tại Belarus, lãnh đạo 27 nước Liên Hiệp Châu Âu khẳng định lập trường ủng hộ phong trào phản kháng tại Belarus. Bruxelles quyết định không công nhận kết quả bầu cử 09/08 theo đó tổng thống Lukashenko tái đắc cử với tỷ lệ hơn 80%, trừng phạt đích danh những quan chức đàn áp đối lập và tổ chức gian lận phiếu.
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel trong cuộc họp qua video hội nghị, Bruxelles, Bỉ, ngày 19/08/2020. Olivier Hoslet/Reuters
Từ Bruxelles, thông tín viên Joana Hostein tường thuật :
"Ủng hộ nhân dân Belarus, đó là ưu tiên số một của các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu trong cuộc họp thượng đỉnh bất thường hôm thứ Tư 19 tháng 08. Ủy Ban Châu Âu thông báo một ngân khoản 53 triệu euro để giúp xã hội công dân, truyền thông độc lập cũng như các bệnh viện đang bị thiếu thốn vì đại dịch Covid.
Đây không phải là món tiền mới mà thật ra lấy từ ngân sách dự trù viện trợ cho chính quyền Belarus. Một chính quyền mà Liên Hiệp Châu Âu không công nhận nữa, theo tuyên bố một cách cương quyết của chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel : "Chấm dứt dùng bạo lực. Chúng tôi không công nhận kết quả bầu cử do chính quyền loan báo. Chúng tôi kêu gọi đối thoại quốc gia không loại trừ bất cứ ai".
Hơn bao giờ hết, Liên Hiệp Châu Âu chống lại Alexander Lukashenko, nắm quyền từ 26 năm nay và bị dân phản đối từ khi tái đắc cử vào ngày 09 tháng 08.
Châu Âu muốn có một cuộc chuyển tiếp chính trị nhưng không kêu gọi tổ chức lại bầu cử : " Nhân dân Belarus có quyền tự quyết định tương lai của mình", chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel nhấn mạnh.
Một số "khá đông" lãnh đạo của chế độ sẽ bị trừng phạt. Chính xác là những quan chức chỉ huy đàn áp và gian lận kết quả bầu cử".
Trong lúc Liên Hiệp Châu Âu họp thượng đỉnh, tổng thống Lukashenko chỉ thị cho cảnh sát ngăn chận "hổn loạn" trong nước và quân đội tăng cường bảo vệ biên giới.
Tú Anh
*******************
Lãnh đạo Belarus lệnh cho cảnh sát dập tắt biểu tình
VOA, 19/08/2020
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 19/8 đã lệnh cho lực lượng cảnh sát dập tắt các cuộc biểu tình tại thủ đô Minsk, theo Reuters.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.
Hãng tin Anh cho rằng quyết định trên có thể làm leo thang căng thẳng sau hơn một tuần xảy ra các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối ông nắm quyền.
Trong khi đó, Liên minh Châu Âu tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về cuộc khủng hoảng ở Belarus, bác bỏ kết quả ông Lukashenko tái đắc cử trong cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi hôm 9/8.
Ngoài ra, tổ chức của Châu Âu này cũng thông báo các biện pháp trừng phạt tài chính những quan chức mà khối này cho là gây gian lận bầu cử và đàn áp các cuộc biểu tình.
Ông Lukashenko đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong 26 năm nắm quyền.
Ông này đã đổ lỗi cho các quốc gia bên ngoài khuấy động bất ổn và người biểu tình nhận tiền từ hải ngoại.
Theo Reuters, cảnh sát hôm 19/8 đã giải tán một cuộc tuần hành và bắt hai người tại một xưởng máy kéo ở Minsk.
Các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Belarus đã chạm đến một sự đồng cảm sâu sắc, đầy cảm xúc đối với tất cả người dân Trung và Đông Âu, những người đã trải qua các cuộc cách mạng rất ôn hòa diễn ra khắp khu vực vào năm 1989. Với lòng dũng cảm, phẩm giá và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, những đám đông khổng lồ tập hợp hôm Chủ nhật ở Minsk không khác nhiều so với những người biểu tình đã tràn ngập Alexanderplatz ở Đông Berlin và Quảng trường Wenceslas của Praha vào tháng 11 năm đó.
Điện Kremlin không hề ảo tưởng về sự sụp đổ tính chính danh của Lukashenko. Ảnh minh họa
Rõ ràng, bước ngoặt hướng về phía tự do vốn đã biến năm 1989 trở thành một năm huy hoàng trong lịch sử hiện đại của Châu Âu nay đã chùn bước ở một số quốc gia trong khu vực. Nhưng ở Belarus, hóa ra những người dân bình thường cũng ước ao chính những thứ mà những người dân khu vực đã mong muốn 31 năm về trước. Họ muốn nhìn thấy sự ra đi của một nhà độc tài, Alexander Lukashenko, người đã bêu rếu những người biểu tình là "lũ chuột" và "kẻ cướp", chứng tỏ rằng ông ta hoàn toàn lạc lõng, rời xa xã hội của mình, tương tự như nhà độc tài Nicolae Ceausescu của Romania trước khi bị lật đổ.
Thật không may, khả năng người dân Belarus tự giải phóng mình sẽ khó có thể có một kết thúc có hậu như vậy. Đây là một quốc gia nhỏ với 9,5 triệu dân, bị nhốt trong một "nhà nước liên hiệp" với Nga, nước láng giềng khổng lồ của họ, và rất dễ bị áp lực từ Moskva. Belerus giáp với Latvia, Litva và Ba Lan, tất cả đều là thành viên của NATO. Trong bất cứ trường hợp nào, Nga cũng sẽ không khoan nhượng với một Belarus không thân thiện.
Điều này không có nghĩa là sẽ có nguy cơ Nga can thiệp quân sự, một nỗi sợ mà Andrej Babis, thủ tướng Cộng hòa Séc, đã nêu lên, gợi nhớ lại cách mà Khối Warszawa đã xâm lược Tiệp Khắc để đè bẹp phongtrào Mùa xuân Praha năm 1968. Các cuộc biểu tình ở Belarus khác với cuộc cách mạng Maidan năm 2014 ở Ukraine, vốn dẫn đến những phản ứng trả thù từ Moskva. Cuộc nổi dậy của Ukraine nhắm vào Viktor Yanukovich, một vị tổng thống độc tài băng đảng tương tự Lukashenko. Nhưng nó cũng mang những hơi hướng dân tộc chủ nghĩa bài Nga nhất định.
Các cuộc biểu tình trên đường phố ở Kiev đã được "quân sự hóa" để phản ứng lại việc chế độ Yanukovich sử dụng bạo lực, nhưng chúng được thúc đẩy phần lớn là bởi mong muốn gắn kết tương lai của Ukraine với EU và thậm chí là cả NATO. Tổng thống Nga Putin đã trả đũa bằng cách sáp nhập bán đảo Crimea và khuấy động một cuộc xung đột ly khai ở miền đông Ukraine.
Những điều này không xảy ra trong trường hợp của Belarus. Các cuộc biểu tình ở đây không ủng hộ phương Tây hoặc chống Nga. Chúng nhằm thúc đẩy quyền công dân, ủng hộ sự thật và chống Lukashenko. Nếu xét các báo cáo từ các phương tiện truyền thông nhà nước của Nga về các sự kiện ở Belarus, có thể thấy Điện Kremlin không hề ảo tưởng về sự sụp đổ tính chính danh của Lukashenko.
Việc can thiệp quân sự để bảo vệ ông ta sẽ là một sự lãng phí nguồn lực và uy tín của nước Nga. Một phản ứng thông minh hơn sẽ là cho phép lặp lại các sự kiện hồi năm 2018 ở Armenia. Ở đó, một cuộc cách mạng bình dân đã đưa Nikol Pashinyan lên nắm quyền, người với tư cách thủ tướng đã khôi phục các quy trình dân chủ nhưng cẩn thận để tránh gây xung đột với Điện Kremlin.
Liệu có nguy cơ sẽ diễn ra một quá trình "lây lan dân chủ" từ Belarus sang Nga hay không ? Tại thành phố Khabarovsk ở miền viễn đông nước Nga, cách Minsk bảy múi giờ, hàng chục nghìn người đã tham gia các cuộc biểu tình trên đường phố kể từ đầu tháng Bảy. Cuối tuần trước, một số người trong số đó đã hô vang khẩu hiệu "Belarus muôn năm !" Nhưng chính trị Nga có nhịp điệu riêng của nó. Sự bất bình của công chúng đối với chủ nghĩa Putin đang gia tăng, nhưng nếu tăng hơn nữa thì đó là do tình hình ở Nga chứ không phải vì những gì diễn ra ở Belarus.
Đối với người dân Belarus, mối nguy hiểm tiềm tàng có thể xảy ra là Lukashenko và các lực lượng an ninh ủng hộ ông có thể cố gắng tự tiến hành một cuộc đàn áp. Ở đây, có thể rút ra một bài học so sánh nghiệt ngã từ năm 1989 – không phải ở Đông Âu, mà là ở Trung Quốc. Vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn giết chết những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Bắc Kinh vào tháng 6 năm 1989 là một lời nhắc nhở rằng một số hệ thống độc tài sẽ không hề e ngại dùng bất cứ biện pháp nào để đè bẹp đối thủ của họ. Trong số các nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên chúc mừng ông Lukashenko về "chiến thắng" trong cuộc bầu cử gian lận của Belarus vào ngày 9 tháng 8 có chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, năm 1989 cũng mang lại nhiều bài học đáng khích lệ hơn. Như ở Belarus ngày nay và Serbia vào năm 2000, khi nhà lãnh đạo chuyên chế Slobodan Milosevic bị lật đổ, phong trào ủng hộ dân chủ ở Đông Đức năm 1989 đã được thúc đẩy bởi các cuộc bầu cử gian lận trắng trợn. Đảng cộng sản cầm quyền tuyên bố đã giành được gần 99% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử địa phương ở Đông Đức vào tháng 5 năm đó.
Đến tháng 10, khi các cuộc biểu tình gia tăng, các thành viên khát máu nhất của chế độ đã sẵn sàng thực hiện cái gọi là "giải pháp Trung Quốc" và bắn hạ những người biểu tình ôn hòa ở thành phố Leipzig. Kếhoạch thảm sát đã được ngăn chặn vào phút cuối, một phần không nhỏ nhờ vào lòng dũng cảm và đạo đức của một quan chức đảng ở Leipzig, người từ chối sử dụng bạo lực.
Các chính phủ phương Tây không có nhiều đòn bẩy để gây ảnh hưởng lên các sự kiện ở Belarus. Họkhông cần phải cố gắng đưa nước này vào các hệ thống liên minh phương Tây. Nhưng họ có thể và nên thể hiện rõ sự ủng hộ của mình đối với một quá trình chuyển đổi chính trị giúp Belarus loại bỏ Lukashenko và cho phép một chính phủ được bầu cử tự do lên nắm quyền.
Đến cuối cùng, Belarus sẽ lột bỏ được lớp vỏ độc tài. Đây là giai đoạn đáng tự hào nhất trong lịch sử quốc gia này kể từ khi họ giành được độc lập vào năm 1991. Svetlana Alexievich, tác giả người Belarus từngđoạt giải Nobel văn học năm 2015, đã ghi lại khoảnh khắc xúc động này : "Tôi chỉ đơn giản là cảm thấy được tình yêu thực sự đối với người dân đất nước tôi trong vài tuần qua. Đây là một dân tộc hoàn toàn khác, và xuất hiện một sức mạnh hoàn toàn mới trong bản thân họ".
Tony Barber
Nguyên tác : "Belarus sheds the carapace of dictatorship", Financial Times, 18/08/2020.
Phan Nguyên biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 20/08/2020
Trên trang nhất các tờ báo Pháp ra ngày hôm nay, 20/08/2020 có hai chủ đề lớn đã đẩy toàn bộ các hồ sơ khác xuống hàng thứ yếu : Cuộc đảo chánh quân sự tại Mali và quyết định của Liên Hiệp Châu Âu can thiệp vào Belarus. Điểm được các báo nêu bật là Châu Âu đã đứng ra bênh vực phong trào biểu tình chống bầu cử gian lận và trừng phạt giới lãnh đạo tại Minsk, nhưng lại cố tránh khiêu khích Nga.
Trong bài viết mang tựa đề : "Belarus : Châu Âu rón rén vì ngại khiêu khích Moskva", Le Figaro nhận thấy thách thức thực sự đối với Châu Âu là tránh được kịch bản Nga sáp nhập Crimea của Ukraine vào năm 2014.
Cố lôi kéo Nga vào một giải pháp cho Belarus
Đối với 27 nước Liên Âu, không thể chỉ ngồi yên quan sát, nhất là nếu Belarus xích lại gần Nga. Nhưng cũng không thể can thiệp quá mạnh, xen quá mức vào nội tình Belarus để thêm củi lửa cho Lukashenko. Châu Âu không quên tuyên bố của Moskva, đã nói đến hành động "can thiệp của thế lực ngoại bang" tuy không nêu đích danh Châu Âu.
Theo Le Figaro, chính việc lo ngại Nga đưa quân can thiệp đã thúc đẩy Bruxelles tổ chức cuộc họp bất thường. Và cũng không lạ gì khi Charles Michel, Emmanuel Macron và Angela Merkel đều đã nhấc điện thoại để trao đổi với Vladimir Putin, và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu đã ghi nhận tuyên bố của điện Kremlin là Nga không có ý muốn can thiệp quân sự vào Belarus.
Về tiến trình chính trị, Châu Âu yêu cầu chính quyền Belarus tiến hành một cuộc đối thoại quốc gia, nhưng tránh kêu gọi bầu cử lại, mà chỉ hỗ trợ cho nguyện vọng dân chủ của người dân Belarus. Và Châu Âu cũng không còn nghĩ đến việc làm trung gian hòa giải. Trách nhiệm này được giao phó cho Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu OSCE mà Nga cũng là một thành viên.
Putin trong tư thế cân nhắc hơn thiệt
Về phần Libération, tờ báo thiên tả này La Croix có cái nhìn hơi khác đồng nghiệp Le Figaro. Bài viết "Belarus : Châu Âu xen vào, Nga kín đáo", nhấn mạnh đến việc Châu Âu đã không công nhận thắng lợi của ông Lukashenko, trong lúc mà Putin, dù chính thức ủng hộ đồng minh của mình, nhưng không quá lộ liễu.
Tờ báo ghi nhận là thủ tướng Đức và tổng thống Pháp đã thúc giục ông Putin gây sức ép với Lukashenko để ông chấp nhận đối thoại với đối lập và từ bỏ việc sử dụng vũ lực. Phủ tổng thống Pháp thì kêu gọi một sự "phối hợp" giữa Nga và Châu Âu để tìm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Belarus.
Về phía Nga, ông Putin vẫn tiếp tục ủng hộ đồng minh chính trị, kinh tế, quân sự lâu năm của mình nhưng chỉ chỉ trích một cách nửa vời việc Châu Âu can thiệp vào công việc nội bộ Belarus.
Đối với Libération, tuy có những tuyên bố bực dọc, gây lo ngại trong những ngày qua, Nga lúc này có vẻ không sẵn sàng "lội nước" để cứu vãn chế độ sắp sụp đổ của Lukashenko.
Tờ báo trích dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng "Putin đang cân nhắc lợi hại sao cho không phải trả giá cao. Hậu thuẫn cho Lukashenko có lợi lộc gì không? Hay là tác động đến tiến trình chuyển tiếp, gây ảnh hưởng với lãnh đạo tương lai và cả tương lai của đất nước" mà ông không muốn thấy thoát khỏi ảnh hưởng Nga.
Ý kiến chung các chuyên gia là khi nào cuộc phán kháng ở Belarus không có màu sắc bài Nga và thẳng thừng thiên Châu Âu thì Putin sẽ không can thiệp.
Bài phân tích về quyết định của Liên Hiệp Châu Âu liên quan đến Belarus đã được Le Figaro lồng vào hồ sơ chung về cuộc gặp thượng đỉnh Pháp-Đức mở ra hôm nay tại Pháp mà tờ báo nêu bật trên trang nhất trong hàng tựa chính : "Merkel và Macron chăm lo cho một Châu Âu đang chịu nhiều áp lực".
Le Figaro đã điểm qua những vấn đề đang khiến hai lãnh đạo hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu nhức đầu : Không kể đến kế hoạch vực dậy kinh tế cần phải triển khai, thủ tướng Đức và tổng thống Pháp còn phải phối hợp hành động trên hồ sơ Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Brexit, Mali, bên cạnh nhiều hồ sơ khác nữa.
Theo tờ báo, sau cú phối hợp ngoạn mục đã cho phép thông qua kế hoạch vực dậy kinh tế Châu Âu thời hậu Covid vào cuối tháng 7, Angela Merkel và Emmanuel Macron gặp nhau lại vào hôm nay ở Brégançon tại Pháp, nơi tổng thống Pháp đang nghỉ hè.
Đối với Le Figaro, lời mời của ông Macron cho thấy tầm quan trọng mà ông dành cho quan hệ cá nhân với thủ tướng Đức, với biết bao thách thức đang chờ đợi hai nhà lãnh đạo : Cụ thể hóa đề án vay mượn của Châu Âu với bao nhiêu là cuộc thảo luận kỹ thuật phức tạp, phối hợp đáp án chung trước dịch Covid-19 đang tăng lây nhiễm trở lại, gọt dũa các giải pháp của Liên Âu trước tình hình Belarus, đưa ra cùng một tiếng nói đối với Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng sức ép lên Hy Lạp, chuẩn bị cho tình huống không có thỏa thuận về Brexit với Luân Đôn…
Theo Le Figaro, quả là đối với Paris và Berlin, các tình trạng khẩn cấp đang dồn dập, trong bối cảnh giữa hai lãnh đạo không phải lúc nào cũng dễ nhất trí, đặc biệt là trên hồ sơ Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp.
Trên các vấn đề này, Le Figaro cho rằng tổng thống Pháp có thể khai thác mối ưu tư hiện này của bà Merkel, muốn dựa trên đầu tàu Pháp-Đức để trau chuốt di sản Châu Âu của mình.
Một trong những chủ đề bao trùm trang nhất các báo Pháp ra ngày hôm nay là cuộc đảo chánh tại Mali, một nước Châu Phi đồng minh của Pháp đang vất vả chiến đấu chống các nhóm thánh chiến Hồi giáo.
Dưới hàng tựa lớn trang nhất : "Tại Mali, một cuộc đảo chánh khiến Pháp lo ngại", Le Monde đã tóm lược sự kiện, theo đó tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keïta, còn được gọi theo tên tắt là IBK, tại chức từ năm 2013, đã bị lật đổ hôm 18/08 trong một cuộc đảo chánh quân sự. Ông đã bị một nhóm quân nhân bắt giữ vào buổi trưa, đến tối thì loan báo quyết định từ chức trên đài phát thanh và truyền hình quốc gia.
Le Monde ghi nhận là giới quân nhân đảo chánh khẳng định là họ muốn thiết lập một tiến trình "chuyển tiếp chính trị dân sự" sau khi vị tổng thống bị phản đối dữ dội từ nhiều tháng nay bị lật đổ. Một phát ngôn viên của phe đảo chánh cũng cho biết là giới chỉ huy cuộc đảo chánh sẽ tôn trọng các cam kết quốc tế của nước Mali.
Đối với tờ báo Pháp, Paris hiện đang lo ngại rằng cuộc khủng hoảng bùng lên ở Mali sẽ tạo ra một khoảng trống chính trị tại một quốc gia đồng minh của Pháp trong cuộc chiến chống các nhóm thánh chiến đang hoành hành ở vùng ba biên giới Mali, Burkina Faso và Niger.
Trong bài viết trang trong mang tựa "Sau cuộc đảo chính ở Mali, Pháp lo ngại an ninh trong khu vực sẽ tiếp tục xấu đi", Le Monde nêu bật các lý do khiến Paris lo lắng : Đó là việc Mali là một quốc gia không có toàn vẹn lãnh thổ, với quyền lực trung ương quá yếu, nhưng lại là một đồng minh của Pháp trong cuộc chiến chống lại các nhóm thánh chiến và là một nhân tố then chốt trong khu vực Châu Phi nói tiếng Pháp.
Chiến dịch Barkhane của Pháp dứt khoát bị tác động
Nhật báo công giáo La Croix cũng dành tựa chính trang nhất cho tình hình Mali, nhưng nhìn thấy là nước này đã tiến thêm "một bước vào chốn mịt mù".
Đối với La Croix, sau khi bị giới quân nhân đảo chánh lật đổ, tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keïta đã tuyên bố từ chức, giải tán chính phủ và Quốc hội. Trong lúc đó thì phe đảo chánh đã lên tiếng kêu gọi thiết lập một "tiến trình chuyển tiếp chính trị dân sự" với mục tiêu là tổ chức được một cuộc "tổng tuyển cử đáng tin cậy" thể hiện tính dân chủ và yêu cầu hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.
Theo La Croix, đây là một "tiến trình chuyển tiếp đầy nguy cơ" do việc người dân đã mất niềm tin nghiêm trọng đối với giới chính trị Mali, trong lúc đất nước này tiếp tục bị các nhóm thánh chiến Hồi giáo đe dọa.
Boubacar Traoré, giám đốc Văn Phòng Tham Vấn về an ninh Châu Phi Afriglob cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay tại Mali là làm sao "tạo lại tính chính đáng cho Nhà nước và áp đặt được quyền lực quốc gia" trên người dân vốn đã phải liên tục trải qua những cuộc khủng hoảng chính trị.
Đối với nước Pháp, La Croix ghi nhận là cuộc đảo chánh đã đặt ra một thách thức mới cho chiến dịch Barkhane mà Pháp đang tiến hành chống thánh chiến Hồi giáo tại Mali.
Cho dù ngay trong những phát biểu đầu tiên, phe đảo chánh ở Mali đã nhấn mạnh đến tính bền vững của các hoạt động quốc tế đang diễn ra ở Mali, thì cho dù không bị đe dọa, nhưng chiến dịch Barkhane vốn bao trùm vùng 3 biên giới Mali, Burkina Faso và Niger sẽ gặp thêm trở ngại trong một môi trường bất ổn và biên giới bị khép kín.
Đảo chánh ở Mali : 7 năm lãng phí ?
Đề tài Mali cũng hiện diện trên trang nhất tờ báo thiên tả Libération, dù không phải là chủ đề số một, dưới dạng một câu hỏi ngắn gọn : "Đảo chánh tại Mali : Đe dọa hay hy vọng ?".
Trong một hồ sơ dài 4 trang bên trong, Libération giải thích rõ ràng hơn. Cuộc đảo chánh là một mối đe dọa vì đánh dấu sự thất bại của cộng đồng quốc tế trong việc ổn định đất nước.
Libération nhắc lại rằng vào năm 2012, tại Mali cũng đã xẩy ra một cuộc đảo chánh quân sự, lật đổ chế độ của tổng thống Amadou Toumani Touré, với hệ quả là đẩy miền bắc Mali vào vòng tay các nhóm thánh chiến. Pháp đã phải tung chiến dịch Serval để can thiệp và tái chiếm miền bắc. Sau đó, Ibrahim Boubacar Keïta, được bầu lên làm tổng thống Mali rồi được bầu lại vào mùa hè năm 2018.
Thế nhưng, tình hình Mali vẫn không yên, miền bắc Mali không những chưa được bình định mà giờ đây, đến lượt miền trung Mali cũng bị lực lượng thánh chiến liên tục tấn công. Và chế độ IBK, bị người dân phản đối ngày càng dữ dội, đã lại bị cuộc đảo chánh quân sự hôm thứ Ba vừa qua lật đổ một cách dễ dàng.
Tuy nhiên theo Libération, cuộc đảo chánh lần này dường như lại được cả phe đối lập lẫn người dân Mali ủng hộ vì họ rất chán ngán chế độ tệ hại đương quyền, và đây chính là dấu hiệu hy vọng.
Về Châu Á, Libération nhìn về Thái Lan với biểu tình sôi sục và ghi nhận trong hàng tựa : Người Thái đòi hỏi "cải tổ chế độ quân chủ".
Tờ báo phỏng vấn bà Christine Cabasset, thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Đương Đại, để tìm hiểu thêm về những cuộc biểu tình của sinh viên Thái Lan gần đây, chưa từng thấy về quy mô cũng như đòi hỏi, sẵn sàng tố cáo nền quân chủ Thái Lan. Hôm Chủ nhật 16/08 vừa qua, đã có 10.000 người xuống đường, điều chưa từng thấy từ năm 2016.
Theo chuyên gia Cabasset, những người biểu tình có 4 yêu sách chính: Trước tiên họ đòi hỏi giải tán Quốc hội, tức là muốn thủ tướng Prayuth ra đi; họ cũng muốn có một Hiến pháp mới, vì Hiến pháp hiện tại là do chế độ quân phiệt soạn ra; đòi hỏi thứ 3 là chấm dứt sách nhiễu đối lập. Riêng yêu sách thứ tư là điều chưa từng có từ trước đến nay : Cải tổ chế độ quân chủ.
Theo bà Christine Cabasset, đòi hỏi thứ tư còn mang tính lịch sử. Quốc vương hiện tại Rama X, lên ngôi tháng 5/2019. Người cha, quốc vương Rama IX - đã trị vì suốt 69 năm - rất được kính trọng, nhưng quốc vương mới không có được hào quang này. Ông sống phần lớn thời gian tại Đức và bị chỉ trích về cuộc sống xa hoa.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Pháp, phải lưu ý người Thái không đòi bãi bỏ nền quân chủ mà chỉ muốn hiện đại hóa, muốn Quốc hội có quyền kiểm soát nhà vua, hoàng gia và tài sản của vua.
Vấn đề là ở Thái Lan, chỉ trích chế độ quân chủ là việc làm rất nguy hiểm. Chiếu theo luật khi quân nghiêm khắc hiện hành, thì mọi chỉ trích có thể dẫn đến án tù giam.
Mai Vân
Belarus : Khế ước xã hội tan vỡ, phụ nữ dẫn đầu phong trào phản kháng
Đàn áp đối lập và tuyên truyền không chỉ là công cụ giúp ông Lukashenko ngự trị lâu dài, mà còn nhờ bảo đảm được phần nào an ninh kinh tế và xã hội. Khế ước xã hội giữa nhà độc tài và dân chúng nay đã rạn vỡ. Phụ nữ vốn đứng ngoài chính trị, nay đóng vai trò trung tâm của phong trào phản kháng.
Đông đảo người dân biểu tình tại Minsk ngày 16/08/2020 phản đối kết quả bầu cử tổng thống Belarus, đòi ông Lukashenko từ chức và trả tự do cho tù chính trị. © Reuters/Vasily Fedosenko
Belarus : Công nhân phải hy sinh nhiều khi đình công
Thông tín viên của La Croix tại Minsk nói về các khó khăn của công nhân Belarus khi đình công. Uy tín của tổng thống Alexander Lukashenko đã bị sụp đổ trong giới công nhân vốn được chế độ ưu đãi, tuy nhiên lời kêu gọi đình công chỉ được hưởng ứng một cách chừng mực.
Ông Lukashenko sẽ phải nhớ mãi vụ bị bẽ mặt ở nhà máy chuyên sản xuất máy cày MZKT, bài diễn văn của ông bị cắt ngang bởi những tiếng hô "Cút đi !". Lukashenko yêu cầu các cận vệ và những người xung quanh tắt điện thoại di động, nhưng đã trễ, cảnh này được lan truyền rộng rãi trên Nexta, tờ báo đấu tranh trên mạng. Người đứng đầu một nghiệp đoàn độc lập nhận xét, điều duy nhất mà chính quyền lo sợ là công nhân nhà máy, vì họ có tổ chức tập thể.
Chế độ nay chuyển sang phản công : các giám đốc ra lệnh nếu không làm việc sẽ bị sa thải. Người công nhân một khi mất việc thì không nơi nào khác dám nhận. Đối với một số chức trách, còn bị cấm làm việc cho tư nhân trong vòng 5 năm. Nhiều người cấp quản lý có hợp đồng một năm, sẽ không được gia hạn nếu tham gia đình công. Quân đội và lực lượng đặc biệt của bộ Nội Vụ là những thành lũy cuối cùng của Lukashenko, theo Le Figaro.
Khế ước xã hội giữa chế độ độc tài và nhân dân Belarus tan vỡ
Le Figaro đăng bài phân tích của chuyên gia Anna Colin Lebedev : "Belarus : Làm thế nào mà khế ước giữa nhà độc tài và nhân dân đã tan vỡ". Đàn áp đối lập và tuyên truyền không chỉ là công cụ giúp ông Lukashenko ngự trị lâu dài, mà còn nhờ bảo đảm được phần nào an ninh kinh tế và xã hội. Nhưng nay hợp đồng mặc nhiên này đã bị cắt ngang.
Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, khác với ba nước Baltic láng giềng, Belarus không có được bản sắc dân tộc rõ rệt vì chỉ có được một thời gian độc lập ngắn ngủi năm 1918, rồi lại bị Sa hoàng cai trị và sau đó là Liên bang Xô viết. Cũng như Ukraine khi độc lập Belarus là một quốc gia đa sắc tộc và sử dụng hai thứ tiếng song song. Tiếng Belarus được giảng dạy trong nhà trường và dùng trong các văn bản, nhưng tổng thống phát biểu với quốc dân bằng tiếng Nga, và Nga cũng là thứ tiếng dùng để giao tiếp hàng ngày.
Lên nắm quyền từ năm 1994, Alexander Lukashenko lập ra chế độ đàn áp. Các nhà đối lập bị bỏ tù hoặc phải đi lưu vong, án tử hình vẫn được duy trì. Tuy nhiên trong thập niên 90, khi Nga và các nước láng giềng rơi vào vòng xoáy tự do kinh tế hỗn loạn, người dân không còn phúc lợi xã hội và mất đi niềm tin vào tương lai, Belarus giữ lại một phần của mô hình Liên Xô cũ - coi trọng công nông – nhưng không ý thức hệ cộng sản.
"Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" theo kiểu Belarus cho phép mở công ty tư nhân nhưng các kỹ nghệ và nông trang lớn do quốc doanh nắm giữ, duy trì các chế độ xã hội cho người dân. Tuy có những khuyết điểm như lệ thuộc vào Nga, cứng nhắc, tiền lương thấp, nhưng ổn định. Dù độc tài, nhưng Belarus vẫn mở cửa biên giới và không kiểm soát internet nghiêm ngặt như Trung Quốc.
Đối thủ nam giới bị cấm tranh cử, phụ nữ dẫn đầu phong trào phản kháng
Trong những năm gần đây, kinh tế sa sút dần, chính quyền bám vào mô hình cũ trong khi xã hội công dân tân tiến và có học thức, hướng ngoại. Đại dịch corona ập đến, ông Lukashenko từ chối phong tỏa làm cho người dân lo sợ và phẫn nộ, khiến họ nhớ lại Nhà nước từng nói dối trong thảm họa nguyên tử Tchernobyl năm 1986, mà Belarus là nạn nhân chính. Khế ước xã hội giữa nhà độc tài và dân chúng đã rạn nứt.
Phụ nữ vốn đứng ngoài chính trị, nay đóng vai trò trung tâm của phong trào phản kháng. Vì là phụ nữ, Svetlana Tikhanovskaya được chính quyền cho đăng ký tranh cử do không đánh giá cao. Vì là phụ nữ, bà được người dân ủng hộ, họ nhìn thấy mình ở một ứng cử viên ôn hòa, phi chính trị, xa lạ với giới cầm quyền. Thường được mô tả như một bà nội trợ, thực ra Tikhanovskaya là một trí thức trẻ năng động, là thông dịch viên.
Tuy nhiên theo Le Figaro, không nên coi đây là một cuộc cách mạng của nữ giới. Nếu đối lập được đại diện bằng ba khuôn mặt phụ nữ, thì đó là vì nam giới bị cấm tham gia tranh cử. Bản thân Tikhanovskaya cũng tuyên bố không có tham vọng chính trị, và sẽ rời quyền lực một khi có bầu cử tự do.
Liệu trừng phạt có thể làm chế độ Belarus nhượng bộ hay không ? La Croix đặt câu hỏi, khi hôm nay 27 nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu (EU) họp tại Bruxelles bàn về hồ sơ này. Theo chuyên gia Alexandra Goujon, thì rất khó.
Tổng thống Belarus chưa bao giờ tìm cách xích lại gần EU, vì cái giá phải trả cho dân chủ và nhân quyền, theo ông ta là quá đắt. Kinh tế và đối ngoại của Belarus hoàn toàn hướng về Nga và các nước Liên Xô cũ, và mỗi khi cần đa dạng hóa đối tác, thì đó là các nước mới trỗi dậy chứ không phải EU. Ngược lại, mục tiêu của EU cũng không phải là cô lập Belarus, mà tài trợ cho những chương trình hỗ trợ xã hội công dân.
Sự thức tỉnh chậm chạp của nước Đức
Còn tại Tây Âu, Le Monde đề cập đến "Sự thức tỉnh chậm chạp về địa chính trị của nước Đức". Thái độ của Donald Trump và Tập Cận Bình đã thúc đẩy bà Angela Merkel phải lao vào các vấn đề quốc tế.
Ngày mai đến dinh thự mùa hè Brégançon theo lời mời của tổng thống Pháp, bà Merkel sẽ bàn bạc với ông Emmanuel Macron về các hồ sơ Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon… Đức đang dần phải quan tâm hơn về địa chính trị, do quan hệ với Hoa Kỳ xuống cấp, Trung Quốc ngày càng hung hăng và cuộc khủng hoảng Châu Âu liên quan đến đại dịch virus corona.
Việc tổng thống Donald Trump rút đi 11.900 quân là một cú sốc cho nước Đức, vốn từ 70 năm qua vẫn nhờ vào sự bảo đảm an ninh của Mỹ. Trung Quốc là một cường quốc khác đã buộc Đức phải ra khỏi logic thương mại đơn thuần. Berlin vẫn im lặng khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông. Mãi đến một tháng sau, khi cuộc bầu cử Nghị Viện Hồng Kông bị dời lại một năm, Đức mới ngưng hiệp định dẫn độ với Trung Quốc. Một động thái cứng rắn nhưng trễ tràng : Canada, Anh, Úc, New Zealand đã ra tay trước đó.
Ngay từ năm 2013, tuần báo Anh The Economist đã nhận định : "Sau hai lần đưa Châu Âu vào trận đại chiến, nhiều người Đức nghĩ rằng nghĩa vụ của đất nước là trở thành một nước Thụy Sĩ lớn : thịnh vượng về kinh tế, khiêm tốn về chính trị. Nhưng ngày nay, mối nguy cho Châu Âu không phải là một sự lãnh đạo quá mạnh của Đức, mà là quá yếu !"
Thay đổi có thể diễn ra sau sự ra đi của bà Angela Merkel, đại diện cuối của một thế hệ bước vào chính trường trong thời điểm tối hậu của chiến tranh lạnh. Trước hết, vì một số ứng viên cho chức chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) chủ trương một chính sách đối ngoại năng động hơn. Tiếp đến, đảng Xanh, có thể là đối tác của CDU-CSU trong liên minh cầm quyền tương lai, muốn cứng rắn hơn với Trung Quốc. Cuối cùng, do sự chuyển biến của dư luận quần chúng Đức, nhất là lớp trẻ : 52% người Đức dưới 30 tuổi muốn nước Đức nhận lãnh trách nhiệm nhiều hơn trong các vấn đề quốc tế.
Joe Biden ngả sang tả để đoàn kết đảng Dân chủ
Nhìn sang nước Mỹ, La Croix nhận định "Để đoàn kết trong đảng, Joe Biden phải ngả sang cánh tả". Chương trình hành động của ông có những ý tưởng mang dấu ấn rất rõ của ông Bernie Sander.
Hồi tháng Hai, ông Joe Biden đề nghị tái chinh phục "linh hồn nước Mỹ". Theo ông, nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump chỉ là một sự cố của lịch sử, một dấu ngoặc sẽ nhanh chóng khép lại để có thể tiếp bước người tiền nhiệm Obama. Trong khi các đối thủ kêu gọi những biện pháp cực đoan hơn, Biden chủ trương tiến dần từng bước một. Nhưng sáu tháng sau, chương trình hành động của ông sẽ được thông qua trong đại hội kỳ này tỏ ra tham vọng hơn là "nhiệm kỳ Obama thứ ba".
Trên nhiều chủ đề quan trọng như biến đổi khí hậu hay kinh tế, Joe Biden đã "tả khuynh" rất rõ. Ông hiểu rằng nếu chỉ chống Trump, thì không đủ để chiến thắng vào tháng 11 tới. Từ tháng Năm, một nhóm "đặc nhiệm" đã được thành lập để tìm cách hòa giải các xu hướng khác nhau trên sáu chủ đề (tư pháp, kinh tế, y tế, nhập cư, khí hậu, giáo dục). Chẳng hạn nâng mức lương tối thiểu lên 15 đô la một giờ, từ nay đến năm 2026 ; hay ấn định giảm khí thải carbone của các nhà máy nhiệt điện vào năm 2035 thay vì 2050.
Nhà nghiên cứu Célia Belin nhận định phe Dân chủ ngày nay thiên tả hơn trước, chủ yếu là do ảnh hưởng của thế hệ trẻ. Trung tâm của đảng thì ngả sang tả, nhưng Dân chủ chiếm được Hạ Viện là nhờ các dân biểu ôn hòa đã giành được ghế của phe Cộng hòa. Thế nên Joe Biden phải cố giữ thăng bằng giữa hai xu hướng khác nhau.
Quy định đeo khẩu trang ở nơi làm việc của Pháp và những vấn đề đặt ra
Trang nhất Le Monde hôm nay nói về "Giao thông : Đường sắt là trung tâm kế hoạch tái thúc đẩy". Libération "Quay lại với vụ thảm sát" tại một nhà bảo sanh ở Kabul, Afghanistan cách đây ba tháng. La Croix nhận xét "Joe Biden hòa giải phe Dân chủ". Ở trang trong, Belarus, bầu cử Mỹ là các đề tài quốc tế được đề cập nhiều nhẩt.
Về lãnh vực xã hội Pháp, Le Figaro chạy tựa "Đối mặt với Covid-19, phải phổ cập việc đeo khẩu trang". Tương tự với Les Echos "Đeo khẩu trang tại công ty : Pháp chọn biện pháp cứng rắn". Quy định buộc phải mang khẩu trang ở nơi làm việc kể từ ngày 01/09/2020 là đề tài được tất cả các báo Paris chú ý bàn luận.
Libération dẫn lời bộ trưởng Lao Động Elisabeth Borne cho biết, trong số 60 ổ dịch được xác định, có 37 liên quan đến các công ty trong đó có 8 ổ dịch là lò sát sinh, 20 liên quan các lao động độc lập hay tự doanh. Le Figaro nhấn mạnh, khẩu trang là vũ khí quan trọng để tránh lây nhiễm, vì nhiều người mang virus không có triệu chứng. Điển hình là thành phố Iéna (Jena) của Đức có tỉ lệ lây nhiễm sụt giảm một cách ngoạn mục nhờ buộc đeo khẩu trang. Tuy nhiên cần phải bảo đảm việc cung ứng, và một số chính khách Pháp đòi hỏi phân phát khẩu trang miễn phí cho người dân.
La Croix trích ý kiến của ông Benoît Serre, phó chủ tịch Hiệp hội quốc gia các giám đốc nhân sự (ANDRH). Theo đó, các biện pháp mới nhằm phổ biến việc đeo khẩu trang, vì hầu hết các công ty đều sử dụng open space (văn phòng mở), hiếm khi có việc nhân viên ngồi một mình một phòng, chưa kể đến flex office (không có văn phòng dành riêng). Tuy không phản đối lý do vệ sinh, nhưng ông Serre cho rằng như vậy hoạt động còn rất lâu mới có thể trở lại bình thường. Le Figaro cho biết giới chủ và nghiệp đoàn mong muốn áp dụng quy định một cách linh hoạt.
Xã luận của Les Echos cho rằng khẩu trang là một ngoại lệ mới của Pháp. Tờ báo phê phán, quy định này làm cho làm việc tại nhà sẽ trở thành phổ biến một cách lâu dài, như một số đại công ty như Google ở Mỹ hay PSA ở Pháp đã đi bước trước. Cuộc cách mạng lặng lẽ này sẽ làm thay đổi tất cả, từ bàn ghế, cách bố trí nơi làm việc, tổ chức di chuyển, người quản lý phải học cách điều khiển từ xa. Nhiều người Pháp sẽ cần đến nhà ở thích hợp hơn để làm việc, đây là vấn đề khó giải quyết cho những ai lương thấp.
Thụy My
Tổng thống Belarus, ông Alexander Loukashenko hôm nay 17/08/2020 tuyên bố ông có thể chia sẻ quyền lực, nhưng vẫn bác bỏ đề nghị tổ chức bầu cử lại. Nhà đối lập Svetlana Tikhanovskaya đang lưu vong ở Litva cho biết sẵn sàng lãnh đạo đất nước.
Tuyên bố trên đây của ông Loukashenko được đưa ra sau khi trên 100.000 người hôm qua 16/08/2020 đã xuống đường tại Minsk, đòi hỏi tổng thống phải ra đi. Đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Belarus.
Đáp lại lời kêu gọi của bà Svetlana Tikhanovskaya, đối thủ của ông Loukashenko, người dân Belarus xuống đường không chỉ tại thủ đô Minsk mà còn tại nhiều thành phố khác. Theo trang tin độc lập Tut.by, đây là cuộc biểu tình quy mô nhất kể từ khi Belarus độc lập năm 1991. Mặc trang phục màu trắng, người biểu tình giơ cao hàng ngàn lá cờ hai màu trắng và đỏ của đối lập, hô vang các khẩu hiệu đòi tổng thống phải từ chức.
Đến trưa, ông Loukashenko, 65 tuổi, cầm quyền từ 26 năm qua, bất ngờ xuất hiện tại quảng trường Độc Lập ở Minsk trước 10.000 người ủng hộ. Ông bác bỏ lời kêu gọi của đối lập về việc tổ chức một cuộc bỏ phiếu mới, sau kỳ bầu cử ngày 09/08 trong đó ông được 80% số phiếu, tuy nhiên bị tố cáo gian lận. Ông cáo buộc ý đồ "nước ngoài áp đặt một chính phủ" cho Belarus. Bên cạnh tổng thống là con trai ông, Nikolai Loukashenko, được cho là người kế nhiệm tương lai.
Việc ông Alexander Loukashenko đắc cử bị cáo buộc gian lận hàng loạt, trong bối cảnh ứng cử viên đối lập Svetlana Tikhanovskaya rất được ủng hộ. RIA Novosti cho biết ứng dụng Telegram ở Belarus đã mở một cuộc thăm dò nặc danh, kết quả cho thấy 53% người sử dụng đã bầu cho Tikhanovskaya, chỉ có 2% bỏ phiếu cho ông Loukashenko.
Nhiều người trong giới tinh hoa đã ngả theo đối lập : các phóng viên đài truyền hình nhà nước, nhà nghiên cứu, doanh nhân, và cả các nhà ngoại giao. Đặc biệt truyền thông nhà nước đưa tin về cuộc biểu tình chống chính phủ hôm qua một cách khách quan hoặc mang màu sắc tích cực.
Nhà đối lập Svetlana Tikhanovskaya, 37 tuổi, đang lưu vong ở Litva, hôm nay tuyên bố sẵn sàng lãnh đạo đất nước. Bà nhắc lại rằng tuy "không muốn trở thành chính khách", nhưng định mệnh đã khiến bà "đứng trên tuyến đầu chống bất công". Bà đòi hỏi tổ chức một cuộc bầu cử công bằng, trả tự do cho tù nhân chính trị, và loan báo thành lập một ủy ban chuyển tiếp quyền lực.
Trong bốn cuộc biểu tình nổ ra sau bầu cử, đã có hai người thiệt mạng và vài chục người bị thương. Tuy nhiên nhà cầm quyền tỏ ra nhượng bộ : loan báo thả 2.000 trong số 6.700 người bị câu lưu, và không có ai bị bắt trong các cuộc biểu tình khổng lồ hôm qua.
Điện Kremlin hôm qua cho biết sẵn sàng trợ giúp về quân sự nếu cần thiết, trong khuôn khổ hiệp ước song phương và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO hay OTCS theo tiếng Pháp) gồm sáu nước Liên Xô cũ. Như vậy ông Loukashenko được sự hỗ trợ của đồng minh cũ, tuy quan hệ gần đây căng thẳng vì tổng thống Belarus tố cáo Nga muốn biến nước mình thành chư hầu.
Cũng trong hôm qua, tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu (EU) tiếp tục ủng hộ "hàng trăm ngàn người" biểu tình chống chế độ Belarus, còn Anh hôm nay tuyên bố không chấp nhận kết quả bầu cử vừa qua. EU đã có biện pháp trừng phạt các quan chức Belarus có liên quan đến gian lận bầu cử và đàn áp.
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel hôm nay loan báo 27 nhà lãnh đạo EU sẽ họp khẩn vào thứ Tư 19/08 để bàn về tình hình Belarus.
Thụy My
**********************
Người dân Belerus tiếp tục duy trì sức ép, một tuần sau cuộc bầu cử tổng thống bị tố cáo gian lận. Chiều thứ Bảy 15/08/2020, biểu tình diễn ra trên khắp nước, công nhân xí nghiệp tham gia đình công chống tổng thống Lukashenko bám trụ thêm nhiệm kỳ thứ sáu. Bác bỏ đề nghị làm trung gian hòa giải của các láng giềng, Ba Lan, Litva và Latvia, nhà độc tài gọi điện thoại cầu viện điện Kremlin.
Minks loan báo được Moskva cam kết "yểm trợ về an ninh" đối phó với làn sóng phản kháng gây bất ổn. Tuy là đồng minh truyền thống của Minks, Moskva phản ứng dè dặt.
Từ Moskva, thông tín viên Etienne Bouche phân tích :
"Cho đến hiện tại, điện Kremlin giữ thái độ không mấy quan tâm đối với cuộc khủng hoảng chính trị tại Belarus. Ngoại giao Nga có đề cập đến sự can thiệp vào nội tình Belarus, nhưng Moskva vẫn im lặng. Vladimir Putin cũng không lên tiếng ủng hộ Alexander Lukashenko. Hai nhà lãnh đạo mới điện đàm với nhau hôm thứ Bảy. Sau cuộc trao đổi này, phủ tổng thống Nga công bố một bản thông cáo tóm tắt : "Hai bên bày tỏ tin tưởng vào một giải pháp nhanh chóng cho cuộc khủng hoảng" . Đối với điện Kremlin thì không nên "để cho các thế lực phá hoại khai thác các vấn đề này trong mục đích gây hại cho mối hợp tác đôi bên cùng có lợi".
Ván bài của Moskva là làm sao bảo toàn quyền lợi của Nga tại Belarus và các cam kết song phương. Nhật báo Nga Nezavissimaya Gazetta lưu ý mức độ thiệt hại tài chính, nếu quan hệ Nga- Belarus bị cắt đứt. Trên các đài truyền hình, các quan điểm khác biệt nhau về những sự kiện xảy ra dường như là một tín hiệu khác cảnh báo chính quyền Minks là "Kremlin không sẵn sàng cứu Lukashenko bằng mọi giá". Tổng thống Belarus đang gặp nguy khốn hơn bao giờ hết".
Theo Le Monde, phụ nữ Belarus lên tuyến đầu trên mạng xã hội cũng như trong các cuộc biểu tình với hoa, cờ và bong bóng đủ màu trên tay. Tại nhiều cơ quan nhà nước, cờ Belarus được kéo xuống, thay thế bằng cờ của đối lập.
Hãng Reuters cho biết hôm nay, đại sứ Belarus tại Slovakia, Igor Leshchenya, tuyên bố "ủng hộ việc lắng nghe nguyện vọng của những người biểu tình".
Đang công du tại Ba Lan, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và chính Phủ Ba Lan kêu gọi chính quyền Minks đối thoại với xã hội công dân và đáp ứng nguyện vọng của người dân Belarus.
Tú Anh
Tình hình Belarus vẫn là điểm nóng được tất cả các báo Pháp hôm nay đề cập đến, bên cạnh hồ sơ Yemen và nạn sa thải hàng loạt nhân viên sau phong tỏa.
Sự thách thức của nhà độc tài
"Belarus : Công nhân đình công, biểu tình không ngừng nghỉ", đặc phái viên củaLibération tóm tắt. Các hoạt động phản kháng liên tiếp diễn ra, một tuần sau khi nhà độc tài Alexander Lukashenko tiếp tục nhiệm kỳ thứ sáu, và tỏ ra khiêu khích hơn bao giờ hết.
"Chúng ta đã bầu cử xong rồi. Trừ phi các vị giết tôi, thì không có cuộc bầu cử nào khác !". Để đưa thông điệp này đến các công nhân đình công, ông Lukashenko dùng trực thăng bay đến nhà máy MZKT. Ông tuyên bố : "Nếu các bạn khiêu khích, tôi sẽ xử lý một cách thô bạo". Trước một công chúng liên tục hô to "Hãy ra đi !" dù đã được an ninh chọn lọc kỹ càng, ông thách thức "Cứ tha hồ hô đi".
Khoảng 30 nhà máy quốc doanh đã đình công. Công nhân các nhà máy BelAZ, nhà máy Belarus MTZ lớn nhất nước cũng xuống đường, các hầm mỏ Belaruskali, một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới về potasse ngừng hoạt động, hai tập đoàn truyền thông Nhà nước đình công và các nhà báo đi biểu tình. Mọi giới đều có một mục tiêu chung : dân chủ.
Bị cô lập, Lukashenko cố chia rẽ đối lập
Le Figaro nhận thấy ông "Lukashenko ngày càng bị cô lập". Đối mặt với những đợt biểu tình không hề giảm sút, tổng thống Belarus cố gắng câu giờ và chia rẽ phe đối lập.
Ông Lukashenko cho biết cần có Hiến pháp mới và đề nghị với công nhân MZKT : "Chúng ta sẽ tổ chức trưng cầu dân ý, ban hành Hiến pháp mới và theo đó tôi sẽ nhường lại quyền hành, chứ không phải dưới áp lực của đường phố". Tổng thống sau đó lặp lại đề nghị này với người dân.
Theo Alexander Baunov, tổng biên tập trang phân tích Carnegie.ru : "Nếu Lukashenko nói đến cải cách Hiến pháp, là để cố gắng chia rẽ đối lập, giữa những người ôn hòa sẵn sàng chia sẻ quyền lực và những người cứng rắn hơn". Tuy nhiên "Không ai tin rằng ông ấy sẽ tổ chức một cuộc chuyển giao ôn hòa". Đối lập luôn nghi ngờ ý đồ của Lukashenko.
Cựu bộ trưởng văn hóa Belarus : "Tôi xấu hổ trước bạo lực"
Trả lời phỏng vấn của Le Monde, ông Pavel Latushko, cựu đại sứ Belarus tại Pháp, cựu bộ trưởng văn hóa cho biết ông đã bỏ sang phe đối lập vì xấu hổ trước bạo lực của chính quyền.
Ông Latushko cho biết hôm thứ Sáu tuần trước, khi xem đi xem lại các video trấn áp người biểu tình được phổ biến trên Telegram, ông vô cùng xấu hổ trước sự thô bạo này. Trong Đệ nhị Thế chiến, Belarus đã mất đi một phần ba dân số, nhưng ngoài thời kỳ đó, lịch sử đất nước chưa bao giờ có bạo lực. Đồng thời ông bộ trưởng cũng hãnh diện trước sự can đảm của người dân Belarus, và cảm thấy không thể đứng ngoài. Khi từ chức, ông nhận được vô số lời khích lệ trên mạng xã hội, trên đường phố, kể cả từ các viên chức cao cấp hay giới chức an ninh.
Cựu bộ trưởng khẳng định đa số giới tinh hoa không còn ủng hộ chế độ, vì hiểu rằng đất nước sẽ suy sụp. Cho dù ông Lukashenko cố giữ được ghế đi nữa, Belarus sẽ mất đi lớp trẻ trước tình hình kinh tế tệ hại và thiếu tự do chính trị hiện nay. Theo ông, quân đội vẫn trung thành với tổng tư lệnh nhưng sẽ không làm gì chống lại nhân dân, còn cảnh sát thì e ngại sẽ bị ảnh hưởng nếu chế độ bị lật đổ.
Một phong trào phản kháng chín chắn, linh hoạt
Trong bài "Sự chín chắn của cả một dân tộc", Le Monde nhận định, không thân Châu Âu cũng không thù nghịch với Nga, phong trào đấu tranh Belarus muốn kết thúc một mô hình cai trị không chấp nhận bất kỳ sự phản kháng nào.
Chế độ Lukashenko nói rằng đây là âm mưu của thế lực thù địch, rằng lực lượng NATO đang áp sát biên giới, nhưng người dân thấy rõ chỉ là luận điệu của một tổng thống muốn bám ghế bằng mọi giá.
Tại các nước Liên Xô cũ đã từng diễn ra "cách mạng hoa hồng" ở Gruzia (2003), "cách mạng cam" ở Ukraine (2004 và 2014), "cách mạng hoa uất kim hương" ở Kyrghyzstan (2005)… nhưng phương Tây chưa hề nghĩ rằng một sự thay đổi sẽ diễn ra tại Belarus với một chế độ đàn áp, quan hệ chặt chẽ với Nga .
Thực tế cho thấy phong trào đấu tranh Belarus linh hoạt như ở Hồng Kông : không có trung tâm chỉ huy trừ vài khuôn mặt nổi bật, mà là nhiều đầu mối độc lập. Nơi thì tuần hành, nơi thả bong bóng, chỗ khác nắm tay nhau tạo thành chuỗi người dọc theo những con đường. Người ta xuống đường trong đồng phục áo trắng y tế hay nón bảo hộ công trường, các ban giám đốc không còn chỉ đạo được ai.
Chế độ đã sai lầm khi lại để cho Alexander Lukashenko tái đắc cử với tỉ lệ 80%, cũng như những lần trước. Gian lận quy mô, bắt bớ hàng ngàn người chỉ làm cho đối lập thêm mạnh. Phong trào đấu tranh không thân phương Tây cũng không chống Nga, chỉ đòi hỏi các quyền công dân. Họ thống nhất với các yêu sách : trả tự do cho những người bị bắt, chấm dứt đàn áp, những kẻ có trách nhiệm phải trả lời trước pháp luật, tổ chức bầu cử công bằng.
Về phía Moskva không thể chấp nhận cho Minsk rời xa về địa chính trị. Một Belarus dân chủ hóa sẽ đầy đe dọa cho Nga, trong lúc khoảng mấy chục ngàn người ở vùng Viễn Đông vẫn biểu tình chống đối. Nhưng công khai can thiệp vào Belarus lại đầy rủi ro : đa số người dân sẽ chống lại Nga. Một sự chọn lựa không dễ dàng cho Kremlin.
Lằn ranh đỏ cho cách mạng Belarus : NATO
Trên trang Ý kiến của Le Figaro, tác giả Renaud Girard phân tích "Lằn ranh đỏ của cuộc cách mạng Belarus".
Chừng như sắp đến hồi kết của ông Lukashenko : giới trẻ có học được sự ủng hộ của công nhân các nhà máy quốc doanh, tại một đất nước vẫn duy trì nền kinh tế theo kiểu Liên Xô cũ ; các phóng viên đài truyền hình nhà nước đình công. Tình hình giống như ở Serbia vào đầu tháng 10/2000, chỉ còn chờ đợi giới quân nhân, cảnh sát tham gia, như đã diễn ra với nhà độc tài Ceaucescu của Romania tháng 12/1989, hay Milosevic của Serbia.
Từ đầu cuộc khủng hoảng, Lukashenko đã nhiều lần kêu gọi sự trợ giúp của ông Vladimir Putin, nhưng điện Kremlin không mấy hăng hái. Các thông cáo chỉ nhắc lại những điều khoản của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO hay OTSC theo tiếng Pháp) gồm 6 nước Liên Xô cũ, cùng bảo vệ nhau chống lại sự tấn công của nước ngoài. Thế nhưng chẳng có nước ngoài nào gây hấn với Belarus. Ông Putin không mấy ưa ông Lukashenko, và hơn nữa, gần đây tổng thống Belarus đã tưng bừng đón tiếp ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đến đề nghị bán khí đốt Mỹ cho Belarus.
Có lẽ ông Putin sẽ từ chối gởi quân đến đàn áp biểu tình. Nhưng để tránh một chiến thắng vẻ vang của phong trào phảng kháng, ngoại giao Nga sẽ vận động hậu trường cho một sự chuyển giao êm thắm, ông Lukashenko được thay thế bằng một nhân vật ôn hòa được cả đối lập lẫn Moskva chấp nhận.
Nga chỉ vạch ra một lằn ranh đỏ cho cách mạng Belarus : không gia nhập NATO. Trong cuộc cách mạng Maidan, Putin sợ rằng đối lập Ukraine sẽ xua đuổi hạm đội Nga ở Sébastopol, thay thế bằng lực lượng NATO. Nhưng sau khi sáp nhập Crimea, ông Putin đã phạm sai lầm chiến lược là đưa quân sang Donbass mùa hè 2014, gây ra tâm lý chống Nga dữ dội mà trước đó hầu như rất hiếm hoi. Nếu rút được kinh nghiệm, lần này Putin sẽ không can thiệp thô bạo vào Belarus. Kinh tế sa sút do giá dầu giảm, Nga cần tô điểm lại hình ảnh, không phải với việc diễn lại xe tăng đàn áp Mùa xuân Praha 1968, mà với một vũ khí hòa bình : vac-xin chống virus corona.
Thái Lan : Giới trẻ không còn muốn nhà vua đứng trên pháp luật
Còn tại Thái Lan, Le Figaro và Le Monde cùng có chung nhận định là phong trào biểu tình lần này nhắm vào quốc vương vốn xưa nay bất khả xâm phạm.
Đây là điểm mới rất quan trọng, tại một đất nước có luật khi quân nghiêm khắc nhất thế giới. Giới sinh viên đòi hỏi hủy bỏ tội danh này, tài sản của vua không lẫn lộn với hoàng gia, và quốc vương không công nhận các vụ đảo chính trong tương lai, tóm lại là không xen vào chính trị nữa.
Tuy trên nguyên tắc thì Thái Lan là nước quân chủ lập hiến, nhà vua có vai trò biểu tượng như nữ hoàng Anh, nhưng trên thực tế vua Thái Lan lại có quyền lực rất lớn, nhất là đối với quân đội và toàn bộ hệ thống chính trị. Việc vua Rama X từ đầu đại dịch virus corona luôn ở Đức và Thụy Sĩ, lại càng khiến người dân bất bình. Vị vua 67 tuổi ham chơi này, từ khi lên ngôi năm 2016 luôn muốn mở rộng quyền hành chính trị, nhưng lại né tránh các nghĩa vụ. Cuộc biểu tình ngày 10/08 làm rúng động hoàng gia và phe bảo thủ : những người trẻ đòi hỏi "Không ai được đứng trên pháp luật".
Thủ tướng Prayut lo ngại khi phong trào đấu tranh chuyển sang hướng này. Cuối tuần rồi ông lên truyền hình nói rằng sinh viên đã vượt qua lằn ranh đỏ, nhưng rốt cuộc nhìn nhận "tương lai thuộc về lớp trẻ". Về phần vua Rama X, tuần rồi trở về Thái Lan nhân sinh nhật cựu hoàng hậu Sirikit, tỏ ra bực tức trước tình hình mới.
Chưa ai thấy được lối ra cho phong trào. Người Thái vẫn còn bị ám ảnh bởi vụ thảm sát năm 1976, khi quân đội và các nhóm cực hữu dìm cuộc biểu tình sinh viên trường đại học Thamasat trong biển máu. Một khuôn mặt sinh viên tranh đấu nói với Le Monde : "Chuyến tàu dân chủ đã rời ga, và không gì có thể làm con tàu dừng lại được".
Virus corona mang lại lợi thế cho Joe Biden
Nhìn sang nước Mỹ, Le Mondenhận xét "Joe Biden hưởng lợi trong chiến dịch tranh cử nhờ Covid-19".
Đại hội của đảng Dân chủ hầu như hoàn toàn diễn ra trên mạng. Cho đến nay, ông Biden đã hưởng lợi từ tình hình chưa từng thấy này. Trong đợt bầu cử sơ bộ của Dân chủ, ông chưa bao giờ thu hút được đám đông, người đến dự toàn hoan nghênh các đối thủ của ông. Con virus đã làm sớm chấm dứt chiến dịch vận động, và giúp cho ứng cử viên tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ tránh được cuộc chạy đua marathon đầy mệt mỏi. Sự kín tiếng của ông khiến các chiến lược gia thời Obama lo ngại, nhưng rồi đại dịch đã đứng về phía Biden trong thời kỳ phong tỏa.
Thụy My
Phong trào phản kháng ngày càng mạnh tại Belarus và thái độ thận trọng của Nga là chủ đề nóng của báo chí Pháp ngày 17/08/2020.
Bước ngoặt ở Belarus
Nhân dân xuống đường, tựa của La Croix với ảnh một phụ nữ, nắm tay đưa cao cùng với 200.000 người biểu tình hôm Chủ Nhật. Libération minh họa "Bước ngoặt ở Belarus" với bức ảnh một thanh niên choàng lá cờ trong rừng người trùng điệp. Le Monde đăng một loạt bốn bài : Lukashenko đối mặt với một cuộc đình công lớn chưa từng thấy đòi lật đổ chế độ độc tài. Một phóng viên Nga kể lại 24 giờ trong bàn tay cảnh sát Belarus cùng với hàng trăm người biểu tình bị tra tấn trong một nhà giam. Tại Nga, chính quyền và đối lập cũng theo dõi diễn biến tình hình tại nước láng giềng.
Liên Hiệp Châu Âu phải hỗ trợ đối lập
Le Monde giải thích vì sao phải can thiệp và Liên Hiệp Châu Âu phải ngăn chặn "cuộc chiến chống nhân dân" ở Belarus, tựa của bài xã luận.
Mỗi buổi chiều, tại Minsk và các thành phố lớn, người dân Belarus cùng nhau nối vòng tay lớn đối đầu với lực lượng cảnh sát chống bạo động của nhà độc tài Lukashenko từ khi kết quả bầu cử tổng thống ngày 09/08/2020 được thông báo : 80,2%. Đối thủ Svetlana Tsikhanovkaya, chồng bị giam, bản thân bị đe dọa, phải chạy sang Litva lánh nạn, sau khi can đảm thách thức nhà độc tài qua thùng phiếu. Tỷ lệ 9,9% theo kết quả chính thức, là hoàn toàn phi lý nếu thấy những đám đông ủng hộ diễn văn tranh cử và quan sát cuộc kiểm phiếu. Lựu đạn cay, dùi cui, vòi rồng, đạn cao-su, đạn thật, bắt giam hàng ngàn người là cách trả lời của chế độ đang hụt hơi đáp lại cuộc tranh đấu ôn hòa của người dân không còn chấp nhận một chế độ độc tài và gian lận. Sau khi nhấn mạnh đến lập trường ôn hòa chừng mực của nữ ứng cử viên Svetlana Tsikhanovkaya, chỉ mong có một điều duy nhất là tổ chức bầu cử tự do, và thái độ bình tĩnh của người biểu tình, phản ánh tinh thần trách nhiệm và quyết tâm của đối lập bài xã luận nhận định : thế nhưng, nếu không được bên ngoài trợ giúp thì phong trào xuống đường một mình khó có thể cảnh tỉnh được Lukashenko, lãnh đạo Belarus đến nhiệm kỳ sáu, lắng nghe tiếng nói của lý trí.
Theo nhật báo độc lập, Liên Hiệp Châu Âu đừng có tiếp tục hy vọng thuyết phục Lukashenko xa rời ảnh hưởng của điện Kremlin, tiến hành cải cách để hết bị Châu Âu trừng phạt.
Nhà độc tài Belarus đã chứng tỏ là một cao thủ đi dây, sử dụng Bruxelles chống Moskva và ngược lại.
Putin, cũng trong tình trạng "tái đắc cử vất vả", tuy nhanh chóng chúc mừng nhưng sự giúp đỡ của Moskva gắn liền với điều kiện Belarus phải "tăng cường hội nhập" vào Liên bang Nga.
Trong phương trình này, Liên Hiệp Châu Âu phải lên án chính sách đàn áp của chế độ, phải ủng hộ khát vọng dân chủ của người dân muốn tổ chức bầu cử tự do. Liên Hiệp Châu Âu phải sẵn sàng ban hành các biện pháp trừng phạt chế độ Lukashenko để nhanh chóng chấm dứt một điều không thể dung thứ được là chiến tranh chống lại nhân dân ngay trong lòng Châu Âu, Le Monde thúc giục.
Liệu Lukashenko hết thời ?
"Nga thận trọng" còn "Lukashenko bám trụ, phản kháng tăng tốc", "Dân chúng động viên với qui mô lớn". Với các tựa trên đây, Le Figaro trở lại tình hình hôm Chủ Nhật : Ít nhất 200.000 người xuống đường nhưng Lukashenko nhất định không nhượng bộ, không đối thoại.
Rất có thể đây chỉ là cứng rắn bên ngoài theo nhật báo thiên hữu. Tại Belarus, loan truyền nhiều tin đồn về sức khỏe không mấy tốt của cựu giám đốc nông trường thời Liên Xô cũ. Gần đây, Lukashenko ít xuất hiện trước công chúng, thường hủy bỏ nhiều cuộc hẹn. Trong buổi mít-tinh phản biểu tình trong ngày Chủ Nhật, ông động viên tinh thần phe nhà trong hơi thở yếu. Tình trạng phe Lukashenko bỏ hàng ngũ bắt đầu đầu lan rộng : đại sứ tại Slovakia, rồi cựu bộ trưởng văn hóa nguyên là đại sứ tại Paris, hàng chục nhà báo các đài truyền hình nhà nước…
Le Figaro nêu câu hỏi : vì sao những người hiểu biết bộ máy quyền lực của nhà độc tài dám bỏ hàng ngũ mà không sợ bị trừng phạt nếu họ không biết Lukashenko hết thời ?
Trong bài "Nga thận trọng đối với chế độ Minsk", nhật báo thiên hữu trích một nhận xét ví von : Lukashenko là một chiếc va-li không quai xách của Putin, cất vào tủ không dễ mà mang đi thì khó.
Bản thân tổng thống Nga cũng bị đe dọa nếu đường phố làm chao đảo chế độ ở Belarus. Trên La Croix, chuyên gia Nga Andrei Kolesnikov cho rằng chuyện gì xảy ra được ở Minsk thì cũng có thể sẽ có thể xảy ra tại Moskva. Trong những cuộc biểu tình ở miền Viễn Đông chống chính quyền trung ương vào thứ Bảy mỗi tuần đã xuất hiện biểu ngữ "Hoan hô Belarus".
Thái Lan : Tuổi trẻ cũng hết sợ
Trang thế giới, nhật báo công giáo La Croix đưa độc giả đến Thái Lan với phong trào dân chủ thế hệ mới qua bài "Tuổi Trẻ Thái Lan chống vua và chính quyền quân nhân".
Cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật huy động 10.000 sinh viên tại nhiều đại học để đòi cải cách dân chủ.
Môi trường chính trị truyền thống đã hết màu mỡ, theo chuyên gia Pháp Sophie Boisseau du Rocher, tác giả một bài phân tích dài "Con đường tơ lụa Trung Quốc tại Đông Nam Á". Thái Lan giờ đây sống trên miệng núi lửa chính trị trên đó có thành phần đặc quyền, vua và quân đội đang nhảy múa.
Nhờ vào internet, tuổi trẻ Thái Lan ý thức và quyết tâm kết liễu tình trạng áp bức do tầng lớp chính trị gia, quân nhân và vương triều điều khiển. Thái Lan là một nước giàu nhưng dân thì nghèo. Những người trẻ không còn sợ khi lến tiếng tố giác, bà Charuwan Lowira-Lulin, nhà nghiên cứu nhân chủng học Thái Lan nhận định dứt khoát.
Trung Đông : kẻ thù của kẻ thù là bạn
Thời sự Trung Đông và vùng Vịnh nổi bật nhất là tin Israel và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất thiết lập bang giao.
Người Palestine choáng váng sau khi Israel và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất thắt chặt quan hệ, tựa của Le Figaro.
Le Monde trong bài "Cùng chung quyền lợi chống Iran" phân tích là từ 1994, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Israel từng bước thực hiện đường lối chính trị "thực dụng, lạnh lùng và thâm hiểm". Với phương châm "kẻ thù của kẻ thù chúng ta là bạn ta", Israel đánh nước cờ độc đáo, không cản trở liên hiệp Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất mua chiến đấu cơ F16 của Mỹ để canh tân quân đội theo mong ước của thái tử Mohamed Ben Zayed, nay được xem là người nắm quyền lực tại Abu Dabi.
Mục đích của các nước vùng Vịnh công nhận Nhà nước Do Thái là để thành lập một mặt trận chung vững chắc nhất có thể chống Iran. Đối với Israel, để tạo được một chiến tuyến chung này, chỉ cần "tạm ngưng" sáp nhập một phần lãnh thổ Palestine ở Cisjordanie.
Thỏa thuận Israel và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất còn chôn vùi kế hoạch Abdallah (quốc vương Jordan) năm 2002. Theo đó, khối Ả Rập chỉ công nhận Israel với điều kiện Palestine phải được quyền lập quốc với lãnh thổ là Cisjordanie và Gaza, với thủ đô là Đông Jerusalem. Thế là hết, dân Palestine bị đâm một nhát dao vào lưng. Mất lá chủ bài để đàm phán, ước mơ lập quốc càng xa tầm tay người Palestine.
Covid 19 : mỗi ngày một vài hệ quả không ngờ
Bầu cử Mỹ : Bưu điện trong cơn bão tố. Tổng thống Donald Trump bị cáo buộc cắt giảm ngân sách của cơ quan liên bang này với mục đích chính trị cản trở cử tri bầu qua bưu điện, Le Figaro viết.
Con đường tơ lụa của Trung Quốc bị lún cát Covid 19. Phóng sự trên trang kinh tế của Le Figaro cho biết vì sao nhiều đại dự án của Tập Cận Bình bị siêu vi corona làm tê liệt. Thiếu tiền, thiếu nhân công, thiếu vật liệu là một số hệ quả. Chưa hết, công cụ chính trị của Trung Quốc nhằm đối đầu với mô hình Tây phương đang gây lo ngại cho nhiều nước nằm trên trục "Một vành đai, Một con đường" của Bắc Kinh.
Cũng liên quan đến đại dịch Covid 19, Le Figaro, Les Echos và La Croix cùng một tựa "đeo khẩu trang bắt buộc trong xí nghiệp kể từ đầu tháng 9".
Như một con chim én báo hiệu mùa xuân, nhật báo kinh tế chạy tựa trên trang thị trường : tại Wall Street, khủng hoảng gần như chấm dứt. Vì sao trong bối cảnh nhân viên bị sa thải hàng loạt, thất nghiệp, công ty khánh tận mà giới đầu tư lại lạc quan ? Câu trả lời của Les Echos : thật ra, chỉ có lãnh vực công nghệ học được hưởng lợi trong giai đoạn khủng hoảng y tế và phong tỏa chống dịch.
Hoàng Xuân Vinh
Le Monde, trang đặc biệt mùa Hè, dành nguyên một trang báo để giới thiệu một nhà vô địch thể thao Việt Nam : Hoàng Xuân Vinh, huy chương vàng Thế vận Rio, bộ môn bắn súng cự ly 10 mét.
Tú Anh
Hôm 14/08/2020, Liên Hiệp Châu Âu quyết định ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào các quan chức Belarus đàn áp người biểu tình, gian lận trong kiểm phiếu. Lãnh đạo đối lập Belarus kêu gọi nhân dân tiếp tục biểu tình, phản kháng ôn hòa trong kỳ nghỉ cuối tuần.
Theo AFP, chiều hôm qua, "Liên Âu quyết định sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt, nhắm vào các quan chức, thủ phạm gây ra các hành động bạo lực, bắt bớ và gian lận liên quan đến bầu cử" tổng thổng Belarus. Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde thông báo tin trên, sau cuộc họp qua cầu truyền hình với các đồng nhiệm Châu Âu. Một danh sách các quan chức bị trừng phạt sẽ được lập ra. Các biện pháp trừng phạt có hiệu lực sau khi các quốc gia thành viên Liên Âu thông qua danh sách này.
Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn tố cáo "chủ nghĩa khủng bố Nhà nước tại Belarus, điều không thể chấp nhận được tại Châu Âu thế kỷ 21". Quốc vụ khanh Pháp phụ trách Châu Âu, Clément Beaune, cho biết Paris "triệt để cam kết thực hiện việc trừng phạt có trọng điểm nhắm vào các thủ phạm, và ủng hộ người Belarus thực thi các quyền tự do của mình".
Liên Âu thúc đẩy chính quyền của tổng thống Lukashenko đàm phán theo kế hoạch ba điểm, do Ba Lan, Litva và Estonia đề xuất, trong đó có đề nghị tổ chức bầu cử lại, với sự giám sát của các quan sát viên quốc tế.
Cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật 08/08, với kết quả chính thức là tổng thống Alexander Lukashenko tái đắc cử với 80% số phiếu, đã bị phe đối lập Belarus tố cáo là gian lận. Từ đó đến nay, ngày nào cũng có các cuộc xuống đường phản đối kết quả bầu cử. Phong trào phản kháng bị cảnh sát đàn áp dữ dội. Tính đến hôm qua, có khoảng 150 người biểu tình bị thương được chăm sóc tại bệnh viện, ít nhất 2 người chết do bị cảnh sát đàn áp.
Nhiều nhân chứng cho AFP biết về các điều kiện giam giữ tồi tệ, bị bỏ đói, không cho nước uống (có lúc 50 người bị đẩy vào một phòng giam thông thường chỉ dành cho 4 tù nhân), nhiều người bị đánh đập, chích điện. Tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International cho biết có một số người biểu tình "bị lột trần, đánh đập tàn bạo và đe dọa cưỡng hiếp".
Tổng thống Lukashenko kêu gọi "kiềm chế" với người biểu tình
Hôm qua, chính quyền Minsk tỏ dấu hiệu muốn xuống thang, khi tuyên bố sẵn sàng "đối thoại mang tính xây dựng". Tính đến tối hôm qua, hơn 2.000 người biểu tình đã được phóng thích, trên tổng số khoảng từ 6.700 đến hơn 7.000 người bị bắt. Tổng thống Lukashenko kêu gọi lực lượng an ninh "kiềm chế" trước người biểu tình.
Lãnh đạo đối lập, Svetlana Tikhanovskaya, từng là ứng cử viên tổng thống và hiện giờ đang tị nạn tại Litva, kêu gọi người dân "biểu tình ôn hòa" trên khắp cả nước trong hai ngày nghỉ cuối tuần. Bà Svetlana Tikhanovskaya, 37 tuổi, giáo sư tiếng Anh, buộc phải rời Belarus sau khi bị chính quyền đe dọa, theo thông tin từ những người ủng hộ bà. Lãnh đạo đối lập Svetlana Tikhanovskaya chỉ mới tham gia vào chính trường, khi ra ứng cử, kế tục chồng bà, một ứng cử viên tổng thống Belarus bị chính quyền bỏ tù từ tháng Năm.
Bất chấp đàn áp dữ dội, phong trào phản kháng tiếp tục. Phong trào phản đối chính quyền Lukashenko còn lan sang cả giới tinh hoa trong chính quyền. Nhiều phóng viên báo đài Nhà nước thông báo từ nhiệm, hơn 1.000 nhà khoa học lên tiếng phản đối "bạo lực".
Belarus giao "32 lính đánh thuê" Nga cho Moskva
Cho đến nay, chính quyền Lukashenko luôn nhận được sự hậu thuẫn của Moskva. Nga tố cáo nước ngoài can thiệp vào nội bộ Belarus. Tuy nhiên, quan hệ giữa Belarus và Nga cũng căng thẳng. Hôm qua, Moskva thông báo đã đón nhận được 32 người Nga từng bị chính quyền Belarus cáo buộc là lính đánh thuê, gây bất ổn tại Belarus và bắt giữ hồi cuối tháng 07/2020.
Trọng Thành
*********************
Sau khi Alexander Lukashenko đắc cử tổng thống Belarus nhiệm kỳ thứ 6 trong cuộc bầu cử hôm Chủ nhật (09/08) vừa qua, nước cộng hoànhỏ thuộc Liên Xô cũ nằm lọt giữa Ba Lan và Nga này đang phải đối mặt với bạo lực leo thang bởi làn sóng biểu tình chống tổng thống Lukashenko và các cuộc trấn áp của chính quyền Minsk.
Giới quan sát đang chú ý tới các phản ứng của Liên Hiệp Châu Âu, nhưng cũng không thể bỏ qua được Nga, một đối tác đặc biệt của Belarus. RFI giới thiệu bài viết trên báo Le Monde số ra ngày 080/8/2020 về mối quan hệ phức tạp giữa Moskva và Minsk.
Trước những công kích của Alexander Lukashenko, Moskva vẫn lạnh lùng làm ngơ. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, tổng thống Belarus đã tỏ thái độ chống nước Nga của ông Vladimir Putin rõ rệt hơn. Bằng giọng diệu gay gắt, ông tố cáo người anh em trong Liên Xô cũ can thiệp vào kỳ bầu cử tổng thống nhằm làm mất ổn định chế độ Minsk. "Chúng ta sẽ không bỏ mặc đất nước. Nền độc lập có được là rất đắt, nhưng nó đáng giá như vậy", hôm 04/08/2020, ông Alexander Lukashenko đã tuyên bố trong diễn văn trước quốc dân. Ông đã công khai nhằm vào nước Nga.
Đó là một thái độ quay ngoắt, trong quá khứ tổng thống Belarus từng thách thức phương Tây và tự cho đất nước ông như "thành lũy cuối cùng trước cả Moskva". Ông Lukashenko chắc hẳn đã quan sát những gì diễn ra với Crimea, bị Moskva sáp nhập năm 2014, và tiếp đó là Donbas. Ông sợ Nga sẽ lặp lại kịch bản Ukraine với Belarus. Tuy nhiên từ trước tới giờ, Alexander Lukashenko chưa bao giờ nhằm vào Moskva dữ dội như vậy. Hôm 24/06 vừa rồi ông ta còn ở bên cạnh Vladimir Putin trên Quảng trường Đỏ dự cuộc diễu hành kỷ niệm cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống phát xít. Dưới ánh mặt trời ở Moskva ông vẫn tỏ thái độ tin cậy với chủ nhà mặc dù những căng thẳng giữa hai nước vẫn dai dẳng từ cuối năm 2019 nhất là từ sau cuộc đàm phán về việc Nga bán khí đốt cho Belarus với gia ưu đãi đã thất bại.
Một tháng sau đó, gặp khó khăn vì làn sóng phản kháng chưa từng có dấy lên tại thủ đô Minsk, Alexander Lukashenko bị nghi ngờ đã muốn khích động tinh thần dân chúng bằng cách tìm kiếm một kẻ thù của đất nước để chứng tỏ vai trò người cha của dân tộc. "Ông ta đã thay đổi, lấy Nga làm mục tiêu hơn là phương Tây. Chỉ có thể chống lại Moskva thì ông mới có thể dẫn dắt một cuộc đột kích như vậy", Anatoly Lebedko, một đối lập cựu trào ở Belarus nhận xét. Cuộc đột kích ở đây ám chỉ đến vụ bắt giữ hôm 29/07 gần Minsk 33 "chiến binh" thuộc quân đánh thuê Nga của nhóm Wagner, tới Belarus nhằm làm "mất ổn định tình hình trong giai đoạn diễn ra chiến dịch bầu cử tổng thống". Đây là giải thích của các cơ quan truyền thông phục vụ cho Alexander Lukashenko. Bản thân ông cũng tố cáo có âm mưu tổ chức "cuộc thảm sát" tại Minsk. "Thật khó tin ! Tổng thống muốn dàn dựng vai trò bảo vệ quốc gia trước một mối đe dọa tưởng tượng", Anatoly Lebedko tỏ phẫn nộ nói.
Tại Moskva, giờ là lúc kiềm chế. Vladimir Putin đã không đích thân bình luận gì về những công kích của Minsk. Từ nhiều năm qua, tổng thống Nga vẫn duy trì một mối quan hệ phức tạp với đồng nhiệm Belarus, mối quan hệ vừa hữu hảo thân tình như những lần hai ông cùng chơi khúc côn cầu trên băng ở Sochi, vừa căng thẳng như trong các cuộc đàm phán ở Kremlin về việc bán khí đốt.
Chỉ có phát ngôn viên của ông Putin lên tiếng phủ nhận các cáo buộc của Minsk về vụ 33 lính đánh thuê nói trên cũng như về mưu đồ làm mất ổn định láng giềng. "Hiển nhiên là không phải như vậy vì Nga và Belarus vẫn là đồng minh, đối tác gần gũi nhất", ông Dmitri Peskov nhấn mạnh. Với chuyện bán khí đốt hạ giá, vay ngân hàng và các khoản viện trợ khác, Moskva vẫn bảo đàm duy trì cho nước láng giềng một mức sống nhân tạo. Một nửa GDP của Belarus phụ thuộc vào Nga. Nước Nga cũng là điểm đến chủ yếu của hàng xuất khẩu Belarus, trong khi mà nước này không có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
"Thay vì can thiệp trên thực địa, Moskva hoàn toàn có lợi khi để cho tình hình ở Minsk tồi tệ đi", một nhà ngoại giao cao cấp của Châu Âu giải thích, đồng thời nhắc lại là Kremlin trong quá khứ đã có ý đồ hội nhập Belarus vào Nga : "Đồng minh Lukashenko vẫn có thói quen đi lắt léo giữa Liên Hiệp Châu Âu và Nga, nhất là từ năm 2016, với việc thả tù chính trị để để đánh đổi lấy việc Châu Âu bỏ trừng phạt. Nếu như cuộc bầu cử diễn ra không tốt đẹp, có gian lận, giam giữ đối lập, Minsk sẽ không còn nói chuyện được với Châu Âu nữa. Khi đó Alexander Lukashenko sẽ buộc phải quay sang Vladimir Putin…".
Một phân tích được nhiều người ở Moskva chia sẻ : Giờ Kremlin trong thế thuận lợi, ngồi nhìn mọi việc diễn ra ở Minsk, quan sát đối lập nổi lên cùng sự suy yếu của người đồng minh của mình, để sau đó chiếm thế thượng phong.
"Kremlin không ưa gì những công kích chống Nga của Alexander Lukashenko, nhưng vẫn muốn duy trì ông ta. Bởi vì Kremlin sợ những kịch bản có thể phản lại chính mình", Andrei Kortounov, giám đốc cơ quan tư vấn các vấn đề quốc tế Russian Council nhận định. "Trường hợp xấu nhất, đó là một cuộc cách mạng theo kiểu Maidan ở Ukraine. Nhưng vậy Nga không chỉ mất đi một đồng minh mà còn bị đòn nặng về chính trị : Nếu việc chính quyền bị đường phố lật đổ có thể xảy ra ở Belarus, đất nước anh em thời Xô Viết, thì điều đó cũng có thể diễn ra ở Nga. Một sự đe dọa thực sự với Vladimir Putin khi mà các cuộc bầu cử của ông cũng không được trong sạch cho lắm so với cuộc bầu cử của Alexander Lukashenko".
Một kịch bản khác : Có biến động như đã diễn ra ở Acmenia hồi mùa xuân 2018, đưa những lãnh đạo khác lên nắm quyền. Tầng lớp ưu tú được trẻ hóa ở Ereva không chống Nga nhưng cũng không còn đồng điệu với các lãnh đạo của Mátxcơva. "Nếu điều này lặp lại ở Minsk, thì đó cũng sẽ là tin xấu đối với Kremlin", Andrei Kortounov khẳng định. Bởi vậy mà mặc cho có các bất đồng, Vladimir Putin và Alexander Lukashenko đã học được cách lợi dụng lẫn nhau.
(Theo Le Monde)
Nguồn : RFI, 14/08/2020
**********************
Hôm nay, 14/08/2020, ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei tuyên bố là nước này sẵn sàng có các cuộc thảo luận "mang tính xây dựng và khách quan" với các đối tác nước ngoài về cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi và các vụ bạo động sau bầu cử.
Theo hãng tin AFP, ngoại trưởng Belarus đã tuyên bố như trên với đồng nhiệm Thụy Sĩ Ignazio Cassis, vào lúc quốc tế đang gia tăng áp lực đối với chính quyền Minsk.
Bộ Ngoại Giao Đức, quốc gia hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu, hôm qua đã khẩn cấp triệu đại sứ Belarus lên để bày tỏ thái độ bất bình về các hành động đàn áp những người biểu tình phản đối kết quả cuộc bầu cử vừa qua, mà phe đối lập tố cáo là có nhiều gian lận.
Trước đó, bên lề một cuộc gặp với đồng nhiệm Na Uy tại Berlin, ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã tuyên bố : "Rõ ràng là việc đàn áp thô bạo và bắt giữ những người biểu tình ôn hòa, những nhà báo ở Belarus là điều không thể chấp nhận được trong Châu Âu của thế kỷ 21". Berlin vẫn chủ trương là Liên Hiệp Châu Âu trong cuộc họp hôm nay ban hành các biện pháp trừng phạt chính quyền Minsk.
Về phần ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, hôm qua ông đã kêu gọi Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu hợp tác để giải quyết khủng hoảng chính trị ở Belarus.
Cũng hôm qua, các chuyên gia về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã lên án những vụ bạo hành của cảnh sát Belarus và các vụ bắt giam quy mô lớn ở Belarus sau cuộc bầu cử tổng thống. Họ kêu gọi cộng đồng quốc tế phải gia tăng áp lực đối với chính quyền Minsk.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga hôm qua lên án điều mà họ gọi là những mưu toan của nước ngoài nhằm "làm mất ổn định" Belarus.
Cuộc bầu cử hôm Chủ nhật, với kết quả chính thức là tổng thống Alexander Lukashenko tái đắc cử với 80% số phiếu, đã bị phe đối lập Belarus tố cáo là có nhiều gian lận. Từ Chủ nhật đến nay, ngày nào cũng có các cuộc xuống đường phản đối kết quả bầu cử, bị cảnh sát đàn áp dữ dội. Cho tới nay, theo số liệu chính thức, đã có hơn 6.700 người biểu tình bị bắt. Bất chấp đàn áp của cảnh sát, hôm qua, phong trào phản kháng vẫn tiếp diễn dưới hình thức tạo các chuỗi dây chuyền người ở nhiều nơi tại thủ đô Minsk, cũng như với các cuộc tuần hành ôn hòa.
Tối qua, chính quyền Belarus thông báo trả tự do cho hơn 1.000 người biểu tình, với điều kiện không được tiếp tục tham gia các cuộc tập hợp không được phép. Đồng thời bộ trưởng Nội Vụ Iouri Karaev đã xin lỗi về những bạo hành của cảnh sát đối với "những người đi đường", không dính gì đến biểu tình.
Thanh Phương