Pháp và "ngoại giao Rafale" tại Châu Á
Các hợp đồng bán vũ khí, nhất là các chiến đấu cơ, vẫn là biểu hiện rõ rệt nhất cho các tham vọng địa chính trị của Pháp, qua một chuyến đi của không quân Pháp mùa hè vừa qua tại Châu Á. Đó là ghi nhận của nguyệt san Le Monde diplomatique tháng 12/2018, trong một bài viết với hàng tựa "Ngoại giao Rafale".
Chiến đấu cơ Pháp Rafale tham gia tập trận tại Úc, căn cứ không quân Darwin, ngày 24/07/2018.Australian Defence Force/Handout via REUTERS
"Lần cuối cùng mà chúng tôi đến đây, đó là để thả bom". Một sĩ quan không quân Pháp đã nói như vậy khi ca ngợi cuộc hạ cánh "lịch sử" của 3 chiếc Rafale, những chiến đấu cơ đầu tiên của Pháp đáp xuống miền bắc Việt Nam kể từ năm 1954.
Theo Le Monde diplomatique, cuộc gặp gỡ giữa các tướng lãnh không quân Việt, Pháp đã diễn ra trong khuôn khổ chuyến công tác Pegase (triển khai lực lượng không quân quy mô tại Đông Nam Á), mà không quân Pháp tiến hành từ ngày 19/08 đến 04/09/2018. Trong mỗi nước mà họ đến thăm (Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Ấn Độ), 3 chiếc Rafale, 1 chiếc máy bay vận tải quân sự A400M và 1 chiếc A310 lo về hậu cần, đã chứng tỏ cho thấy là Pháp có thể triển khai được những gì để giúp cho các đối tác.
Le Monde diplomatique cho biết đây là chiến dịch đầu tiên của không quân Pháp tại Châu Á, buộc họ phải thích ứng với một môi trường xa lạ. Về mặt văn hóa và chiến lược, đối với quân đội Pháp, Châu Á là vùng quen thuộc của các thủy thủ, trong khi không quân thì nắm rõ vùng Châu Phi và Trung Đông hơn.
Tại Djakarta và Kuala Lumpur, các sĩ quan cao cấp của không quân Indonesia và Malaysia đã được mời lên chiếc Rafale, thậm chí được cho lái thử. Tại hai nước này, cũng như tại Việt Nam, các quan chức quân sự và dân sự đã được lên xem bay biểu diễn trên chiếc phi cơ vận tải quân sự A4000M. Trong suốt chuyến đi, các phi công Pháp đã không ngừng nhắc đi nhắc lại : Pháp cũng là một cường quốc Châu Á.
Theo Le Monde diplomatique, khi đem theo những chiến đấu cơ Rafale, Pháp cũng nêu lên khả năng lập liên minh với các nước Đông Nam Á, nhưng để chống lại ai ? Đa số các quân đội trong vùng đều lo ngại Trung Quốc. Ai cũng nghĩ đến những căng thẳng ở vùng Biển Đông. Trong hai chặng Malaysia và Việt Nam, không quân Pháp đã đề nghị bay sát vùng không phận mà Bắc Kinh khẳng định chủ quyền.
Nhiều phương án đã được dự trù, cứng rắn nhất là triển khai toàn bộ phi đội, gồm cả 3 chiếc Rafale, bay tại khu vực không phận đang tranh chấp. Giải pháp ôn hòa nhất là đi theo những đường bay của hàng không dân dụng, cách xa các khu vực tranh chấp. Cuối cùng, phủ tổng thống Pháp đã chọn phương án ôn hòa. Đại sứ quán Pháp ở Bắc Kinh đã muốn chọn phương án cứng rắn, nhưng các nhà ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ sự phẫn nộ với Bộ Ngoại giao Pháp, yêu cầu nước Paris đừng "tiếp tay" cho Anh Mỹ.
Theo Le Monde diplomatique, trong khoảng thời gian từ 2008-2017, đa số nước mà không quân Pháp ghé thăm trong khuôn khổ Pegase cũng chính là những nước mua vũ khí Pháp nhiều nhất. Riêng tại Đông Nam Á, Singapore chiếm hạng 8 trong số các nước mua vũ khí Pháp nhiều nhất, Malaysia hạng 11 và Indonesia hạng 15.
Nước Pháp bị chia rẽ vì thuế
"Pháp chống lại Pháp". Với hàng tựa này trên trang nhất, tuần báo L’Express cảnh báo về tình trạng chia rẽ trầm trọng giữa hai khối tại Pháp, một bên là những người được hưởng lợi từ thành quả của toàn cầu hóa và bên kia là những người bị thua thiệt, bị lãng quên.
Trong bài viết tựa đề : "Nỗi bất mãn về thuế khóa của những kẻ bị lãng quên trong nền Cộng Hòa", tờ báo cho biết, được thổi bùng lên do việc tăng giá xăng dầu, sự phẫn nộ đã âm ỉ từ nhiều tháng qua, nhất là tại những vùng mà Nhà nước bỏ rơi. L’Express trích lời Sylvaine, một cư dân ở thị trấn Blanc, tỉnh Indre, than thở : "Chúng tôi đã mất trụ sở tòa án, chi nhánh Pôle emploi (cơ quan tìm việc làm), bây giờ cả nhà bảo sanh cũng đóng cửa luôn. Các dịch vụ công lần lượt biến mất". Đồng hương Noelle thì nuốt giận nói : "Họ không thèm nghe chúng tôi, thì chúng tôi lên Paris để lên tiếng cho họ nghe".
Theo L’Express, nghịch lý là ở chỗ đó : những người phản đối điều mà họ gọi là "trấn lột thuế" thường là những người đã bất mãn vì Nhà nước đóng cửa trường học và trạm bưu điện ở địa phương họ. Thực tế đúng là tỷ lệ của toàn bộ các khoản đóng góp bắt buộc, tức toàn bộ các thuế tính trên GDP, ở Pháp đã lên tới 45,3% năm 2017, theo số liệu của Viện Quốc gia Thống kê và Nghiên cứu kinh tế (INSEE), một kỷ lục mới. Cũng năm ngoái, toàn bộ số tiền đóng thuế và đóng góp xã hội mà dân Pháp phải trả đã vượt qua ngưỡng 1.000 tỷ euro (chính xác là 1.038 tỷ), theo báo cáo gần đây của Ủy ban Tài chính Hạ viện. Con số này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng lên tới 1054 tỷ năm 2018 và 1070 tỷ năm 2019.
Thuế nhiều như thế để làm gì vậy ? Một số người nóng nảy đã vội thẳng thừng bác bỏ mô hình xã hội Pháp. Nhưng họ quên rằng tại Pháp, tuy hệ thống an sinh xã hội ngày càng bị mất đi hiệu quả, Nhà nước vẫn bảo đảm được những phúc lợi xã hội như giáo dục miễn phí từ năm 3 tuổi, bảo hiểm y tế cho tất cả mọi người, trợ cấp cho người thất nghiệp, thu nhập tối thiểu cho người già…
Vấn đề là càng ngày dân Pháp càng bớt đồng tình với thuế, trong khi sự đồng tình này chính là nền tảng cơ bản của nền Cộng Hòa, nhất là trong tầng lớp trung bình và tầng lớp bình dân. Theo kết quả nghiên cứu của nhà xã hội học Alexis Spire, càng xuống phía dưới nấc thang xã hội, tâm lý bất mãn về thuế càng tăng. Chính những người có thu nhập thấp và có bằng cấp thấp nhất nghĩ rằng thuế hiện nay là quá cao và bất công.
Sự cách biệt trong cái nhìn về thuế còn gắn liền với sự cách biệt giữa các vùng lãnh thổ. Cũng theo điều tra của nhà xã hội học Spire, khi được hỏi Pháp có phải là quốc gia mà người dân đóng quá nhiều thuế hay không, chỉ có 39% dân Paris là "hoàn toàn đồng ý", trong khi tỷ lệ này ở các vùng nông thôn lên tới 58% và ở các thành phố nhỏ là 62%.
Serebrennikov : Lại một đạo diễn gây khó chịu cho Putin
Chuyển sang nước Nga, tuần báo L’Obs kỳ này dành đến 3 trang để nói về Kirill Serebrennikov, một đạo diễn cũng đang gây khó chịu cho tổng thống Vladimir Putin.
Tại Liên hoan phim Cannes kỳ năm ngoái, chiếc ghế của Serebrennikov đã bị bỏ trống, vì đạo diễn Nga bị chế độ Putin quản thúc tại gia nên không thể đến Pháp, nhưng bộ phim "Leto" (Mùa hè) của ông, tham gia tranh giải, đã nói thay cho ông. "Leto" nói về Kino, nhóm nhạc rock nổi tiếng nhất của thời kỳ perestroika. Viktor Tsoi, một trong những người sáng lập nhóm nhạc thì được xem là biểu tượng của sự thay đổi. Sau khi anh qua đời vì tai nạn xe hơi, ngay cả tờ Pravda năm 1990 cũng đã đưa hàng tựa : "Vị anh hùng cuối cùng của Nga".
Nhưng thật ra trong phim "Leto", Serebrennikov quan tâm nhiều hơn đến nhân vật Mike Naumenko, một thành viên khác nhóm nhạc Kino. Giống như Serebrennikov, Naumenko cũng là gương mặt tiêu biểu của xu thế đổi mới, nhưng thừa biết đổi mới đó sẽ chỉ là ảo tưởng. Từ hơn một năm nay, Serebrennikov đã bị chính quyền khóa miệng và giờ đây đang chờ ngành tư pháp của Putin quyết định số phận của mình.
Là giám đốc Nhà hát Gogol từ năm 2012, Serebrennikov đã hiện đại hóa hoạt động của nhà hát nổi tiếng này, biến nó thành một nơi sáng tạo độc đáo. Nhưng càng thành công, vị đạo diễn này càng gây khó chịu cho chính quyền Putin. Một số bộ phim của ông không ngần ngại đả kích những thành phần cuồng tín trong Giáo hội Chính Thống Giáo, trong khi đây chính là chổ dựa của Putin. Serebrennikov ủng hộ nhóm Pussy Riot, đấu tranh cho quyền của giới đồng tính.
Hậu quả là ngày 23/05/2017, đạo diễn Nga đã bị triệu tập lên với tư cách nhân chứng, nhà của ông bị khám xét để điều tra về một vụ biển thủ công quỹ. Theo L’Express, vụ Serebrennikov chính là phản ánh cuộc đối đầu giữa phe cứng rắn và phe ôn hòa trong chính quyền Putin.
Khủng hoảng đức tin tại Ba Lan
Về tôn giáo, tờ L’Express tuần này đưa chúng ta đến Ba Lan, nơi mà thành công của bộ phim "Kler" (Tu sĩ) , đặt công luận nước này đối diện với những tội lỗi của Giáo hội đầy thế lực, 13 năm sau khi giáo hoàng John Paul đệ nhị qua đời.
Với 5 triệu lượt người vào xem chỉ trong vòng một tháng, đây là thành công điện ảnh đứng hàng thứ ba tại Ba Lan kể từ khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ. Theo L’Express, thành công này của đạo diễn Wojciech Smarzowski không phải là vô cớ. Kể từ sau cái chết của vị giáo hoàng gốc Ba Lan năm 2005, Giáo hội Công giáo không còn là một đề tài cấm kỵ ở Ba Lan nữa. Đối với Marek Lisinski, người đã bị một linh mục lạm dụng tình dục vào năm 13 tuổi, "Kler" coi như là một phim tài liệu. Tất cả những cảnh ấu dâm trong phim đều là chuyện có thật.
L’Express cho biết, ngày 07/10 vừa qua, tức là khoảng 10 ngày sau khi phim được trình chiếu, hiệp hội "Hãy đừng sợ" (tên đặt theo câu nói nổi tiếng của Giáo hoàng John Paul đệ nhị), do ông Marek Lisinski sáng lập, đã tổ chức một cuộc tuần hành chưa từng để lên án nạn ấu dâm trong Giáo hội Công giáo Ba Lan. Khoảng 200 người đã xuống đường và kéo đến tòa tổng giám mục với các biểu ngữ như "Hãy bỏ tù bọn ấu dâm".
Cuộc biểu tình này, cũng như thành công của phim "Kler", đã thúc đẩy ngày càng nhiều người mạnh dạn lên tiếng tố cáo những hành vi ấu dâm của các linh mục. Nhưng theo thẩm định của Marek Lisinski, có thể sẽ chỉ có khoảng 60 vụ là được đưa ra tòa và con số các vụ được công khai hóa chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Theo L’Express, im lặng kể từ khi phim "Kler" được trình chiếu, Hội đồng Giám mục Ba Lan ngày 19/11 vừa qua đã lên tiếng xin lỗi "Chúa, các nạn nhân bị lạm dụng tình dục, gia đình của họ, vì những vết thương mà các linh mục gây ra"... Hội đồng Giám mục cho biết là ở mỗi giáo xứ nay đều có một người đại diện thu thập những thông tin về các vụ ấu dâm, hỗ trợ các nạn nhân và gia đình của họ, đồng thời chuyển những ca đã được xác nhận đến Tòa Thánh và viện công tố để xử lý theo giáo luật và pháp luật.
Kinh doanh cần sa
Trang nhất của tuần báo Courrier International tuần này được dành cho đề tài kinh doanh cần sa, nhân sự kiện ngày 17/10 vừa qua, sau nhiều bang của Mỹ, đến lượt Canada hợp pháp hóa cần sa sử dụng vào mục đích giải trí (để phân biệt với cần sa dùng để chữa bệnh).
Thuế đánh vào cần sa sẽ là một nguồn thu dồi dào mà nhiều nước cũng rất quan tâm, kể cả những nước ở Châu Á, vốn có chính sách rất khắc nghiệt đối với người hút cần sa. Courrier International trích dịch một bài trên nhật báo Mỹ The Wall Street Journal, cho biết, với việc Canada hợp pháp hóa cần sa, các nhà sản xuất rượu bia đang tự hỏi họ có nên đầu tư vào lĩnh vực này nữa hay không. Mối lo lớn nhất của các công ty trong lĩnh vực này là người ta sẽ uống ít rượu bia hơn nếu có thêm nhiều nước hợp pháp hóa cần sa. Theo tờ báo này, giá cổ phiếu các công ty kinh doanh cần sa đã tăng vọt và các công ty khởi nghiệp start-up trong lĩnh vực này cũng đang mọc lên như nấm. Buôn bán cần sa thu lời nhiều, nhưng cũng có thể bị lỗ nặng.
Trong khi đó, theo nhật báo Visao của Bồ Đào Nha được Courrier International trích dịch, do có khí hậu nóng và khô, Bồ Đào Nha đang thu hút rất nhiều nhà sản xuất cần sa của Bắc Mỹ. Họ dự tính sẽ cung cấp cho toàn Châu Âu, đầu tiên là cung cấp cần sa dùng để chữa bệnh. Hiện giờ việc sản xuất, buôn bán và tiêu thụ cần sa vẫn bị cấm ở Bồ Đào Nha. Nhưng kể từ năm 2001, hút cần sa không còn bị coi là một tội hình sự nữa, mà người vi phạm chỉ bị phạt tiền. Còn các thuốc có chất cần sa thì phải có giấy phép của cơ quan y tế, và chỉ được bán ở hiệu thuốc theo toa bác sĩ.
Đối với các nhà sản xuất Bắc Mỹ, Bồ Đào Nha là một cửa ngõ để thâm nhập thị trường Châu Âu, một thị trường béo bở với dân số đông gấp hai lần dân số Canada và Hoa Kỳ, vì trong số 41 quốc gia trên thế giới đã cho phép cần sa vào mục đích chữa bệnh, có đến 25 nước là ở Châu Âu.
Còn theo tờ nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, ngay tại Châu Á, các chốt chặn cũng đã bắt đầu được tháo gỡ, từ Nepal đến Hàn Quốc, từ Thái Lan đến Trung Quốc. Tờ báo viết : "Châu Á trừng trị rất nghiêm khắc việc tiêu thụ và buôn ma túy, nhưng nay pháp luật tại nhiều nước đã thay đổi, vì cần sa, sau một thời gian bị xem là tai họa cho giới trẻ, nay trở thành một nguồn thu hấp dẫn.
Thanh Phương
Biển Azov : Mặt trận thứ ba của Nga và "chiến lược con lửng"
Thời sự quốc tế nổi bật nhất là về cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Kiev tố cáo Moskva tấn công theo kiểu đặc trưng vốn có và nhấn mạnh là về mặt pháp lý, 3 chiếc tàu của Ukraine khi đó không đi trên vùng biển của Nga
Trong bài viết "Biển Azov, mặt trận thứ ba của Nga", Le Monde nhận định xung đột đóng băng có thể được làm nóng lên bằng cách mở ra mặt trận mới, và đó chính là điều Nga vừa mới thực hiện. Chủ Nhật 25/11, ba chiếc tàu của Ukraine ngoài khơi Crimea đã bị Nga nhắm bắn và bắt giữ.
Mọi việc sau đó, theo Le Monde, diễn ra đúng kiểu cổ điển. Nga tố cáo Hải quân Ukraine gây sự cố sau khi đã cân nhắc kỹ càng vì biết rằng những chiếc tàu của nước này sẽ bị Hải Quan Nga chặn xét. Trong khi đó, Kiev tố cáo Moskva tấn công theo kiểu đặc trưng vốn có và nhấn mạnh là về mặt pháp lý, 3 chiếc tàu của Ukraine khi đó không đi trên vùng biển của Nga. Ba trong số các thủy thủ Ukraine bị Nga bắt giữ đã xuất hiện trên truyền hình Nga tối hôm thứ Ba, 12 người bị xử tạm giam 60 ngày. Diễn tiến vụ việc kiểu này cũng khá quen thuộc.
Như vậy là 5 năm sau vụ ủng hộ phe nổi dậy ở quảng trường Maïdan, 4 năm rưỡi sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, rồi sau đó là cuộc chiến ở Donbass khiến 10.000 người thiệt mạng, nay Moskva đã mở mặt trận thứ ba trong cuộc chiến chống Ukraine. Lần này là nhằm thôn tính biển Azov, "không hơn, không kém".
Diễn tiến này không làm các nhà quan sát - vốn quan tâm đến tình hình ở thành phố cảng Mariupol, Ukraine - ngạc nhiên. Hồi tháng 10, đặc phái viên của báo Le Monde, Benoît Vitkine, đã mô tả cặn kẽ cách mà Nga siết chặt gọng kìm quanh các cảng biển Azov của Ukraine kể từ khi Moskva cho xây trái phép cây cầu nối từ Crimea đến Nga gần eo biển Kertch. Được khánh thành hồi tháng 05, với sự hiện diện của tổng thống Nga Vladimir Putin, chiều cao của cây cầu đã được tính toán kỹ để cản trở nhiều tàu vận chuyển hàng đến hai cảng của Ukraine hay đến đó nhập hàng.
Chiến lược của Nga rất rõ ràng : bóp nghẹt dần dần vùng lãnh thổ này của Ukraine bằng cách ngăn cản các hoạt động nhập hàng hay xuất khẩu qua đường biển, nhất là trong bối cảnh các trận chiến ở vùng xung đột phía bắc thành phố Mariupol khiến sân bay địa phương phải đóng cửa và vận chuyển đường bộ trở nên phức tạp.
Cách nay 2 tuần, tổ chức tư vấn European Council on Foreign Relations đã cử một nhóm công tác tới vùng biển Azov. Báo cáo của họ mang tính tiên liệu : Biển Azov có nguy cơ biến thành mặt trận thứ ba. Moskva dường như quyết tâm đẩy lui Ukraine khỏi vùng biển này, bằng cách khiến các các cảng của Ukraine ở biển Azov phải đóng cửa. Nguy cơ xảy ra một vụ đụng độ trực tiếp giữa Ukraine và Nga là có thực. Ukraine sợ rằng Nga sẽ tấn công quân sự từ phía biển, nơi mà Ukraine dễ tổn hại nhất, nhưng nguy cơ này lại không được quốc tế chú ý đúng mức.
Lời tiên đoán nói trên đã đưa ra, nhưng ngoài các nước vùng Baltic và Ba Lan, vốn thường rất nhạy cảm trước các hành động của Nga, thì "sự chú ý của quốc tế" vẫn chỉ là sự chờ đợi. Phương Tây kêu gọi hai bên xuống thang, giảm căng thẳng. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã điện đàm kêu gọi nguyên thủ Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Ukraine Petro Porochenko hành động hợp lý.
Trong khi đó, tổng thống Ukraine Porochenko cho thông qua thiết quân luật một tháng tại các vùng miền nam nước này. Phản ứng khá chậm, nhưng tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua 28/11 đột nhiên dọa hủy cuộc gặp với đồng nhiệm Putin, dự kiến được tổ chức ở Buenos Aires, bên lề thượng đỉnh G20, vào cuối tuần này.
"Chiến lược con lửng"
Trong khi đó Nga lại cho rằng chẳng có gì xảy ra hết. Cần hòa giải ư ? Nhưng mà để làm gì ? Ngoại trưởng Nga phát biểu như vậy từ Paris hôm thứ Ba. Còn tại Berlin, trong một cuộc họp báo, Alexeï Pouchkov, chủ tịch một ủy ban của Quốc hội Nga, cho rằng cảm xúc mà vụ này tạo ra là "hơi thái quá một chút" và khẳng định "sau một tuần, mọi chuyện sẽ được quên đi".
Cách nay một năm, một chuyên gia Nga lưu ý trong một bài viết được tổ chức Carnegie ở Moskva đăng tải là chính sách đối ngoại của Nga là thực hiện "chiến lược con lửng". Con lửng vốn là loài vật "thông minh và hung dữ, nó dùng nanh và vuốt vượt quá cả sức mạnh thực sự của mình. Nó có thể tấn công các con vật ngay từ khi nhìn thấy nếu chúng là một mối đe dọa thực sự với nó, kể cả sư tử, hổ báo hay cá sấu Mỹ. Con lửng không thể giết những con vật đó, nhưng có thể đẩy lui chúng. Con lửng cũng có trí nhớ đáng ngạc nhiên : nó nhớ tất cả những con vật đã tấn công nó, và nó báo thù".
Thông điệp của tác giả nói trên cho thấy vụ việc giữa Hải quân Nga - Ukraine hôm 25/11 không phải là một sự cố. Việc Nga khám soát tàu của Ukraine là sự phô trương sức mạnh nhằm thể hiện rằng Moskva làm chủ lối vào biển Azov.
Quan chức Nga Pouchkov trấn an quốc tế rằng đó không phải là một giai đoạn thù hằn mới mà chỉ là "sự tiếp nối". Le Monde kết luận đó là một tin xấu cho Kiev và các đồng minh phương Tây của Ukraine, vì trong khi những nỗ lực của các nước này nhằm tìm kiếm một lối thoát cho cuộc xung đột ở Donbass vẫn giậm chân tại chỗ, thì Moskva không những không mở lối thoát mà ngược lại còn lao sâu hơn vào xung đột.
Đức : Nước xếp cuối bảng Châu Âu về hiến nội tạng
Trong lĩnh vực xã hội, nhìn sang nước Đức, báo công giáo La Croix cho biết "Đức muốn tăng mức cho hiến nội tạng" bằng cách thay đổi luật. Bộ trưởng Y tế Đức cho biết hiện có 10.000 bệnh nhân đang chờ được ghép nội tạng, trong khi cả năm 2017, Đức chỉ ghi nhận có 769 người đồng ý hiến nội tạng sau khi qua đời. Đức hiện đang đứng cuối bảng ở Châu Âu về tỉ lệ người hiến tặng nội tạng. Trong khi ở Tây Ban Nha và Pháp, lần lượt cứ 1 triệu dân thì có 40 người và 28 người đăng ký hiến nội tạng, thì con số này ở Đức chỉ là 9,3 người.
Theo luật hiện hành ở Đức, chính quyền chỉ cho phép dùng nội tạng của một người vừa qua đời cho các ca cấy ghép nếu khi còn sống người này đã đăng ký hiến nội tạng. Hiện mới chỉ có 36% người Đức đăng ký. Để cải thiện tình hình, bộ trưởng Y tế Đức đề xuất thông qua một đạo luật giống như đạo luật đang được áp dụng ở khoảng 20 nước Liên Hiệp Châu Âu, trong đó có Pháp, theo đó mỗi công dân được cho là đương nhiên sẽ hiến nội tạng sau khi qua đời, trừ khi là họ chủ động làm thủ tục ngay từ khi còn sống là sẽ không hiến nội tạng.
Đề xuất của bộ trưởng Y tế Đức sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội vào đầu năm 2019. Hiện nhiều người phản đối đề xuất của bộ trưởng Đức vì cho rằng làm như vậy là vi phạm "quyền tự quyết" của công dân. Sự phản đối ở các tổ chức công giáo Đức khá mạnh mẽ. Họ không muốn biến một hành động nhân văn thành một nghĩa vụ bắt buộc về pháp lý và một sự trói buộc về đạo đức. Nhiều tổ chức ủng hộ tăng ý thức về việc hiến nội tạng nhưng nhấn mạnh đó không thể là một sự bắt buộc.
Một nhóm dân biểu thì đề xuất là chính phủ phải cung cấp thông tin về việc hiến tạng, mỗi khi công dân làm một thủ tục hành chính quan trọng, chẳng hạn xin cấp lại thẻ căn cước, vừa đảm bảo công dân có quyền lựa chọn, nhưng cũng góp phần làm tăng tinh thần trách nhiệm và đạo đức của người dân.
Miến Điện : Bất cứ ai chỉ trích Aung San Suu Kyi đều bị tình nghi
Nhìn sang Châu Á, trong bài viết "Miến Điện : Bất cứ ai chỉ trích Aung San Suu Kyi đều bị tình nghi", đặc phái viên của báo Libération tại Rangun nhận định ba năm sau khi bà Aung San Suu Kyi đắc cử lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, niềm hy vọng của dân chúng đã tiêu tan, các vụ vi phạm quyền tự do ngày càng nghiêm trọng. Sự thiếu hành động của đảng của bà Aung San Suu Kyi có thể khiến bà phải trả giá đắt trong kỳ bầu cử vào năm 2020.
Vụ bắt hai nhà báo Reuters chỉ là một trong số nhiều vụ nhà báo bị bắt giam, quấy rối hay sát hại dưới chế độ của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Theo Athan, một tổ chức phi chính phủ ở Miến Điện, số phóng viên và nhà hoạt động tranh đấu bị tư pháp quấy nhiễu dưới chế độ của bà Aung San Suu Kyi đã tăng gấp ba lần so với thời tổng thống Thein Sein (2011-2016).
Lãnh đạo Trung tâm Thanh niên và Kết nối xã hội cho rằng "quá trình chuyển giao dân chủ đang tụt lùi và Miến Điện đang tiến gần đến một chế độ phát-xít", làn sóng tôn giáo cực đoan đang dâng cao, trong khi không ai có thể chỉ trích các quan chức Nhà nước cấp cao.
Aung Min, đạo diễn, nhà làm phim có nhiều phim bị kiểm duyệt vì nói tới các đề tài nhạy cảm, cho đặc phái viên Libération biết : "Từ sau kỳ bầu cử 2015, Miến Điện bước vào thời tuyên truyền về dân chủ, bà Aung San Suu Kyi được coi là hiện thân của nền dân chủ, vì thế bất cứ ai chỉ trích bà đều bị xếp vào diện đáng nghi".
Chỉ có rất ít nhà đối lập dám chỉ trích nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyivề sự thiếu vắng cải cách chính trị và sự thất bại của tiến trình hòa bình với các sắc tộc thiểu số. Những người ủng hộ khôi nguyên Nobel Hòa Bình 1991 thì biện minh rằng công cuộc cải cách đất nước gần như là điều không thể vì phe quân sự chiếm tới 25% số ghế ở Quốc hội.
Tuy nhiên, lãnh đạo Trung tâm Thanh niên và Kết nối xã hội khẳng định đảng của bà Aung San Suu Kyi vẫn chiếm đa số ở Quốc hội, nếu họ muốn thì vẫn có thể làm được nhiều điều, vấn đề là họ không chịu lắng nghe các nhà tranh đấu, nhất là giới trẻ, họ cho rằng họ biết nhiều hơn nhân dân.
Việc đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ mất lòng tin yêu của người dân, nhất là ở giới trẻ, đang bộc lộ ngày càng rõ nét. Không quá quan tâm đến các quyền tự do vốn bị nhiều người cho là trừu tượng, giới trẻ đặc biệt lo ngại về tình hình kinh tế, nhất là vì hệ thống ngân hàng, vốn đã có bước nhảy vọt dưới thời tổng thống Thein Sein, nay lại tụt hậu và cản trở các nhà đầu tư. Ngân sách cho quân đội còn cao hơn ngân sách cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
Trang nhất các báo Pháp
Về trang nhất các báo Pháp, thời sự trong nước được nhiều tờ báo quan tâm. Phong trào đấu tranh "Áo Vàng" vẫn là đề tài đáng chú ý trên trang nhất báo Le Monde : "Tổng thống Macron khó thuyết phục phong trào Áo Vàng". Le Monde cũng giành trang nhất cho hồ sơ thiết bị cấy ghép y khoa đang làm rúng động dư luận, với câu hỏi "Giới công nghiệp len vào phòng phẫu thuật bằng cách nào ?" Còn báo công giáo La Croix chạy tít "Khi truyền thông trở thành một mục tiêu" và nhận định giới lãnh đạo chính trị và người biểu tình ngày càng tấn công nhiều nhà báo.
Trong khi đó, báo Libération nói về vấn nạn nhà cũ nát ở thành phố Marseille : "Marseille : Hoạt động kinh doanh nhà ổ chuột". Còn báo kinh tế Les Echos đề cập tới việc triển khai thu thuế tận gốc tại Pháp : "Thuế khấu lưu xuất hiện trên bảng lương". Số tiền thuế tạm truy thu từ gốc, kể từ tháng Giêng 2019, sẽ được ghi trên bảng lương tháng 11 của 8 triệu người làm công ăn lương.
Nhìn rộng ra Liên Hiệp Châu Âu, báo Le Figaro nhận định : "Di dân : dự án của Liên Hiệp Quốc gây chia rẽ Châu Âu".
Thùy Dương
G20 : Trung Quốc "run rẩy" chờ đợi cuộc gặp Trump-Tập
Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào cuối tuần này tại Argentina là chủ đề chiếm nhiều giấy mực nhất của báo chí Pháp hôm nay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29/11/2018 trước khi lên đường đến hội nghị G20 tại Argentina, "thượng đài" với Tập Cận Bình. Reuters/Jim Young
Thông tín viên Le Monde tại Bắc Kinh nhấn mạnh : "Trung Quốc lo sợ trước cuộc gặp Trump-Tập".
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc chừng như thực sự run rẩy chờ đợi kết quả bữa ăn tối giữa chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị G20. Trong trường hợp tốt đẹp nhất, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra từ vài tháng qua có thể chấm dứt, nhưng chẳng ai tin vào điều này.
Nếu né được thuế mới, đã là tốt cho Trung Quốc
Washington không ngừng gia tăng áp lực. Mới hôm thứ Tư 28/11, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer tố cáo "chính sách hung hăng của Trung Quốc gây thiệt hại nặng nề cho người lao động Mỹ", nhất là thuế hải quan "cao khủng khiếp" đánh vào kỹ nghệ xe hơi Hoa Kỳ. Ông Donald Trump còn tuyên bố sẵn sàng tăng thuế đánh vào 200 tỉ đô la hàng Trung Quốc hiện nay từ 10% lên 25%, và áp thuế toàn bộ số 267 tỉ đô la còn lại.
Tại Bắc Kinh, chẳng ai khẳng định là ông Tập sẽ né được các sắc thuế mới, và nếu đạt được điều này thì đã là một thành công. Cũng có thể ông Trump loan báo đánh thuế nhưng sau đó hủy bỏ nếu Trung Quốc thực hiện những cải cách mà Mỹ đòi hỏi. Hôm thứ Tư trong chuyến thăm cấp nhà nước ở Tây Ban Nha, Tập Cận Bình hứa hẹn sẽ mở cửa thêm thị trường Hoa lục, cải thiện điều kiện đầu tư và tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Nhưng vấn đề là ở đó : cho đến nay, Bắc Kinh liên tục đưa ra những lời hứa hẹn nhưng phương Tây chờ mãi chẳng thấy gì. Ông Tập cũng lờ đi việc tài trợ cho các tập đoàn quốc doanh khổng lồ, mập mờ về tài chính và độc quyền trong các lãnh vực quan trọng như ngân hàng, viễn thông.
Dù có thỏa thuận, sẽ chỉ là hưu chiến ?
Le Monde ghi nhận, hôm thứ Ba 27/11, thứ trưởng Khoa học Công nghệ Từ Nam Bình (Xu Nanping) đã có hành động bất thường là mời khoảng 15 phóng viên ngoại quốc đến dùng tiệc trà để phân trần về ba điểm.
Trước hết, theo ông, Bắc Kinh còn lâu lắm mới theo kịp Mỹ về công nghệ, và nếu có tiến bộ nhanh thì đó là nhờ các nỗ lực của chính người Trung Quốc. Ông Từ Nam Bình không hề nhắc đến việc Trung Quốc đã hưởng lợi rất nhiều khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001.
Cuối cùng ông nói rằng Washington than phiền thâm hụt thương mại mà lại muốn cấm xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao sang Trung Quốc, vì Mỹ xuất siêu trong lãnh vực này – một "nghịch lý", theo ông. Vị thứ trưởng mỉa mai, như vậy sẽ kích thích Trung Quốc nỗ lực nâng tầm. Tập đoàn kiểu mẫu là Hoa Vi (Huawei) phát triển trên khắp thế giới nhờ công nhân "làm việc như điên". Tuy nhiên Le Monde nhắc nhở, đây chính là tập đoàn viễn thông bị Washington cho vào tầm ngắm, tố cáo dọ thám cho Bắc Kinh.
Một cuộc xung đột địa chính trị kéo dài 15-20 năm ?
Phía sau giọng điệu hòa nhã, thông điệp của ông Từ Nam Bình có vẻ đã rõ : Trung Quốc sẽ không nhượng bộ đáng kể trước Mỹ. Nhà kinh tế Alicia Garcia-Herrero, phụ trách về Châu Á của Natixis ở Hồng Kông nhận định : "Cho dù có tìm ra một thỏa thuận, thì chỉ là hưu chiến thay vì giải quyết dứt điểm chiến tranh thương mại. Lý do rất đơn giản : Hoa Kỳ và Trung Quốc đang trở thành hai đối thủ cạnh tranh chiến lược, và còn sẽ tiếp tục như thế trong tương lai".
Trong bài "Tại G20, Trung Quốc và Hoa Kỳ thanh toán lẫn nhau", La Croix dự báo cuộc đối mặt Trump-Tập sẽ làm mờ nhạt đi tất cả những chủ đề khác. Với câu hỏi trung tâm mà các nhà quan sát đều đặt ra : cuộc gặp này sẽ dẫn đến xung đột, hay là còn có khả năng đạt được một thỏa thuận nào đó ?
Nhà kinh tế Christian Saint-Etienne nhấn mạnh : "Nếu có được thỏa thuận, thì chỉ là bề ngoài, từng phần và ngắn hạn. Những gì diễn ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vượt quá cạnh tranh thương mại đơn thuần. Đó là một cuộc đối đầu trên mọi phương diện giữa hai siêu cường nhằm thống trị thế giới. Một cuộc xung đột địa chính trị, hứa hẹn sẽ kéo dài từ 15 đến 20 năm".
Mỹ đang ở thế thượng phong
Theo La Croix, hiện giờ rõ ràng Washington "trên cơ" rất nhiều. Chỉ số tăng trưởng (3%), thất nghiệp (4%), và việc tăng 10% thuế hải quan quyết định hồi tháng Chín lên 176 tỉ đô la hàng Trung Quốc nhập khẩu cũng đã khiến cho ngân sách nhà nước thêm rủng rỉnh. Một nghiên cứu của Viện IFO (Đức) ước lượng những biện pháp bảo hộ đã giúp giảm 17% thâm hụt thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, mang về 16 tỉ euro cho chính quyền liên bang. Và ông Donald Trump còn rất nhiều đạn dược : tăng mức thuế và áp thuế toàn bộ hàng Trung Quốc.
Tuy nhiên ông Sébastien Jean, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế (CEPII) cho rằng : "Sức khỏe dồi dào của nền kinh tế Mỹ hiện nay là nhờ cải cách thuế, nhưng lại làm tăng thâm hụt ngân sách và nợ công. Người tiêu dùng và các nhà sản xuất Mỹ lệ thuộc vào thị trường Hoa lục sẽ phải trả giá". Ông Julien Marcilly, kinh tế gia trưởng COFACE kết luận : "Chiến tranh thương mại chỉ gây thiệt hại, trực tiếp hoặc gián tiếp".
Trước tình hình đó, Châu Âu tất nhiên không khỏi lo ngại. Người ta hy vọng ít nhất có thể thúc đẩy hiện đại hóa WTO – được đưa vào chương trình nghị sự theo đề nghị của Pháp. Và theo một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm với G20, thì "một sự đồng thuận tối thiểu về điểm này đã có thể coi là chiến thắng, trong hoàn cảnh hiện nay".
Trump mong thuyết phục cử tri, Tập không muốn tỏ ra sợ Mỹ
Les Echos cho rằng cơ hội "hưu chiến" về thương mại, dù chỉ từng phần, là rất nhỏ nhoi.
Tổng thống Donald Trump cần có được những nhượng bộ từ Tập Cận Bình để thuyết phục được các cử tri trung thành với mình, rằng cuộc chiến thương mại sắp mang lại kết quả. Cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua cho thấy một số vùng Trung Tây vốn đóng góp rất lớn vào chiến thắng của ông Trump trước đây, bị ảnh hưởng thuế quan nhiều nhất, có vẻ sẵn sàng quay lưng.
Về phía Tập Cận Bình, cũng cần chứng tỏ không sợ hãi trước Mỹ. Mục tiêu chính của cuộc gặp này đối với Bắc Kinh là tránh được việc Mỹ tăng thuế kể từ ngày 1 tháng Giêng như ông Trump đã đe dọa, khi đó 200 tỉ đô la hàng Trung Quốc phải chịu mức thuế 25% thay vì 10%.
Nhà nghiên cứu Ding Yifan, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển trực thuộc chính quyền Trung Quốc dự báo : "Có thể sẽ được giảm nhẹ mức thuế, nhưng không có nghĩa là tình hình trở lại bình thường". Ông "không quá lạc quan" về kết quả, nhất là do chính sách thất thường của Mỹ.
Trung Quốc không từ bỏ "Made in China 2025"
Các kinh tế gia của Nomura trong báo cáo hôm qua 29/11 nhận xét : "Bắc Kinh rất mong cuộc gặp Trump-Tập thành công, nhưng rõ ràng lại không muốn có những nhượng bộ theo đòi hỏi của Donald Trump".
Bắc Kinh có thể cam kết nhập thêm hàng Mỹ hoặc mở cửa thêm thị trường, nhưng "đa số những hứa hẹn tương tự cũng đã được đưa ra trong những cuộc đàm phán trước". Và khó có khả năng Trung Quốc "cam kết cụ thể" về chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, sáng tạo. Washington vào đầu tuần đã cho biết thất vọng với câu trả lời của Bắc Kinh, và có thể sẽ tăng thuế nhập khẩu xe hơi từ Trung Quốc từ 25% lên 40% cho ngang với mức thuế đánh vào xe Mỹ hiện nay.
Cũng không loại trừ một thỏa thuận khiêm tốn. Wall Street Journal nêu ra khả năng Washington cam kết không đánh thêm thuế mới, đổi lại Bắc Kinh cam đoan dỡ bỏ thuế hải quan trên một số mặt hàng, chủ yếu là nông sản. Nhưng không một nhà quan sát nào tin rằng hai nguyên thủ sẽ giải quyết được những bất đồng chính yếu.
Trung Quốc không muốn từ bỏ kế hoạch "Made in China 2025" đang bị Hoa Kỳ "chiếu tướng", và cuộc thương chiến khiến Bắc Kinh muốn đạt được tự cung tự cấp trong một số lãnh vực chủ chốt.
Cuộc gặp Trump-Tập như vậy, trừ khi có bất ngờ, theo Les Echos, sẽ kết thúc mà không có tuyên bố lẫn họp báo chung. Như vậy mỗi nguyên thủ tha hồ diễn dịch kết quả của bữa ăn tối làm việc theo ý mình.
G20 : Thượng đỉnh của mọi căng thẳng
Nhìn rộng ra, bên cạnh võ sĩ ngôi sao Donald Trump đến Buenos Aires với quyết tâm so găng cùng Tập Cận Bình, Les Echos cho rằng G20 kỳ này là "hội nghị thượng đỉnh của mọi căng thẳng". Tranh chấp thương mại, đấu tranh chống biến đổi khí hậu, bất đồng địa chính trị đa dạng… sẽ nằm trong chương trình nghị sự.
Trong bài "G20 với Donald Trump, chủ nghĩa đa phương đơn độc", Libération ví von, bàn hội nghị G20 không lớn hơn chiếc bàn họp của 27 nước Châu Âu, hay ở Liên Hiệp Quốc, nhưng có thể sẽ rung chuyển nhiều đợt.
Đặc biệt là sự hiện diện của thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed Bin Salmane (MBS). Vị thái tử trẻ nhận được một món quà tẩm thuốc độc vô tiền khoáng hậu : một thẩm phán Argentina đang xem xét đơn kiện về tội ác chống nhân loại do Human Rights Watch đệ trình. Sự kiện này chưa từng diễn ra đối với một nguyên thủ đến dự G20. Nếu nhiều nguyên thủ khác sẽ cố tránh chụp hình chung với ông, MBS ít nhất vẫn phải tiếp xúc với tổng thống Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về cuộc chiến tranh ở Yemen.
Tựa chính báo Pháp
Về thời sự trong nước, Le Monde đề cập đếntình trạng chia rẽ trầm trọng trong đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất. Les Echos tìm cách lý giải vì sao giá nhà tiếp tục gia tăng, đặc biệt là ở thủ đô Paris. Libération quan tâm đến môi trường, đặt vấn đề "Có nên sinh đẻ ít hơn để bảo vệ hành tinh ?". Nhật báo công giáo La Croix nói về việc các giáo khu trợ giúp cho những tu sĩ bị ảnh hưởng bởi tai tiếng lạm dụng tình dục. Le Figaro nhìn sang Trung Đông, chạy tựa "Những nạn nhân bị quên lãng trong cuộc chiến Yemen".
Thụy My
Trump - Kim : Từ "tay ấp mặn nồng" chuyển thành "đọ sức"
Le Figaro (27/11/2018) có bài viết nhận định về tiến triển quan hệ Mỹ – Bắc Triều Tiên. Tờ báo hóm hỉnh chạy tựa "Giữa Trump và Kim, mối diễm tình chuyển thành cuộc đọ sức". Các cuộc thương lượng giữa hai bên đang sa lầy, nhưng tổng thống Mỹ vẫn bám lấy hy vọng có một bước đột phá trong hồ sơ hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại khách sạn Capella, đảo Sentosa, Singapore, nơi tổ chức cuộc họp thượng đỉnh 12/06/2018Anthony Wallace/Pool via Reuters
Thứ Tư ngày 21/11, Hoa Kỳ thông báo giảm quy mô cuộc tập trận chung hàng năm Foal Eagle với Hàn Quốc vào năm tới nhằm không gây ảnh hưởng đến tiến trình ngoại giao mong manh được khởi động vào tháng Sáu năm nay tại Singapore.
"Trò chơi chiến tranh" này luôn bị Bình Nhưỡng xem như một sự chuẩn bị "xâm chiếm", một chiếc gai gây căng thẳng giữa hai miền. Quyết định trên của Mỹ cho thấy thiện chí của Nhà Trắng tiếp tục theo đuổi các cuộc đàm phán với chế độc độc tài, bất chấp các kết quả nhợt nhạt trong lĩnh vực hạt nhân. Với chuyên gia Robert Kelly, giảng dậy tại trường Đại học Quốc gia Busan, "Hoa Kỳ đang rơi vào bế tắc. Bắc Triều Tiên cho lại không bao nhiêu".
Nhưng trong nhãn quan của chế độ Bình Nhưỡng, những nỗ lực của họ đã không được đền đáp xứng đáng. Bởi vì, Hoa Kỳ vẫn từ chối nhượng bộ trước một đòi hỏi quan trọng nhất của Bắc Triều Tiên : giảm nhẹ một phần cấm vận. Kết quả là Bình Nhưỡng bất ngờ hủy cuộc gặp ba bên ở cấp ngoại trưởng dự kiến tổ chức tại New York ngay sau cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ.
Sự việc cho thấy Bình Nhưỡng không tin tưởng vào Washington và ngày càng tỏ ra mất kiên nhẫn. Bắc Triều Tiên đe dọa mở lại chương trình thử tên lửa đạn đạo, tạm ngưng từ đầu năm nay. Tuần rồi, "Lãnh đạo Tối cao" còn phát đi hình ảnh đang giám sát một vụ thử "vũ khí chiến thuật tối tân". Vụ thử vũ khí đầu tiên từ đầu năm 2018 này được xem như là một lời cảnh báo dành cho tổng thống Mỹ.
Một mặt, Bình Nhưỡng tỏ ra có thiện chí muốn đàm phán với Hoa Kỳ khi đơn phương tuyên bố đóng cửa bãi thử tên lửa Dongchang Ri. Mặt khác, chế độ vẫn có thái độ cứng rắn, đòi hỏi Hoa Kỳ phải có "đáp trả tương xứng" trước khi nhắm đến việc đóng cửa trung tâm hạt nhân Yongbyon. Nhưng chiến lược phản công này vẫn làm nhiều nhà quan sát lo ngại về khả năng hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế ngày 13/11/2018 đã công bố 13 khu căn cứ tên lửa tầm ngắn bí mật của chế độ Bình Nhưỡng. Do vậy, theo nhận định của chuyên gia Chun Yungwoo tại Diễn đàn Tương lai Bán đảo Triều Tiên, được tổ chức ở Seoul, "Kim Jong-un đang áp đặt nhịp độ. Các nhượng bộ mà ông ấy đưa ra chỉ là những con ngựa chết mà ông ấy không còn cần đến nữa".
Dù vậy, lãnh đạo Kim Jong-un cũng không muốn cắt đứt cầu nối với vị tổng thống Mỹ khó lường. Việc giám sát vũ khí chiến thuật bí mật rất có thể chỉ là một khẩu đại bác tầm dài, không nằm trong phạm vi "chiến lược" của các cuộc đàm phán hạt nhân. Việc đưa ra thông báo rất có thể chỉ có mục đích đối nội nhằm trấn an giới quân nhân bị chưng hửng vì những phát biểu mới mẻ của nhà lãnh đạo độc tài trẻ, khi xoay lưng lại với chính sách Songun, nghĩa là "ưu tiên cho quân đội" được đề ra từ thời cha ông là Kim Jong-il.
Le Figaro lưu ý ở Bình Nhưỡng cũng như Washington, những người do dự lo ngại là Kim Jong-un và Donald Trump đều đi quá nhanh và đang tìm cách cản trở tiến trình xích lại gần giữa hai bên. Tại Nhà Trắng, xung quanh tổng thống Mỹ có rất nhiều người nghi kỵ, điển hình là cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, từ lâu chủ trương đường lối thay đổi chế độ. Đây chính là điểm khiến cho tổng thống Moon Jae-in lo sợ.
Câu hỏi đặt ra : Liệu rằng các nỗ lực của tổng thống Moon Jae-in có bị "xôi hỏng bỏng không" như là những gì ông Jimmy Carter đã từng làm trong quá khứ ? Tài liệu được công bố cho thấy ngay từ năm 1979, tổng thống Mỹ đã tìm cách đàm phán với hai miền Triều Tiên để vãn hồi hòa bình nhưng bất thành chỉ vì sự nghi kỵ của lãnh đạo hai miền Nam-Bắc Triều Tiên lúc bấy giờ.
Đối đầu quân sự Nga - Ukraine
Căng thẳng Nga – Ukraine đột nhiên bùng phát là đề tài được một số nhật báo quan tâm đến. Le Monde và La Croix lần lượt thông báo "Leo thang căng thẳng nghiêm trọng giữ Kiev và Moskva tại Hắc Hải" và "Thủy chiến giữa Nga và Ukraine". Ngày Chủ Nhật 25/11/2018, hải quân Nga bắt giữ ba tầu chiến Ukraine sau một cuộc va chạm nhẹ.
Trước cuộc khủng hoảng quân sự và ngoại giao nghiêm trọng này, Libération cho biết "Tổng thống Ukraine Porochenko chuyển sang phản công", ban hành "thiết quân luật" như hàng tít thông báo trên trang nhất của Le Figaro.
Nhân vụ việc này, La Croix có bài xã luận kêu gọi quốc tế "Hãy ủng hộ Ukraine". Nhật báo giải thích : "Từ năm năm nay Ukraine là luôn trên tuyến đầu đối mặt với chủ nghĩa quân sự của Nga. Sự cố hải quân giữa hai nước hôm Chủ Nhật mang đến một bằng chứng mới. Moskva chẳng bao giờ chấp nhận thiện chí của người dân Ukraine muốn tách rời khỏi tầm ảnh hưởng của Nga và tham gia Liên Hiệp Châu Âu. Điều này họ đã từng bày tỏ trong các cuộc biểu tình của phong trào Maidan tại Kiev trong suốt mùa đông năm 2013.
Để trả đũa, điện Kremlin đã sáp nhập bán đảo Crimea, kéo dài cuộc xung đột đòi ly khai tại vùng Donbass và tìm cách biến vùng biển Azov, nằm giữa hai nước, thành một không gian khép kín dưới sự kiểm soát của Nga. Các phương pháp gây hấn này chỉ nhằm mục đích gây bất ổn tại Ukraine và kềm hãm các cải cách của chính quyền Kiev".
Đàm phán Nga – Ukraine : Ngày nào mới có ?
Về điểm này, nhà báo Renaud Girard, trên Le Figaro không có cùng một quan điểm. Ông cho rằng thật là "nguy hiểm khi để cho cuộc xung đột trở nên tồi tệ hơn". Tác giả nhắc lại việc sáp nhập bán đảo Crimea tuy không gây ra chết chóc, nhưng hai cuộc chiến ở Donbass (mùa hè năm 2014 và đầu đông năm 2015) giữa quân đội Ukraine và phe đòi ly khai đã khiến hơn 10.000 người thiệt mạng.
Pháp và Đức, trong vai trò trung gian hòa giải, đã đưa ra sáng kiến đàm phán Minsk. Theo đó, chỉ cần chính quyền Kiev ban lệnh ân xá và trao quyền tự quyết cho phe nổi dậy để đổi lấy việc thu hồi các đường biên giới quốc tế.
Một cuộc mặc cả khó có thể đạt được bởi vì cả Nga và Ukraine đều mang nặng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và có những đường hướng chính trị quá khác biệt.
Người dân Ukraine mơ đến một ngày được gia nhập mái nhà chung Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng đó lại một cơn ác mộng đối với Nga. Điện Kremlin luôn ám ảnh trước nỗi lo NATO sẽ mở rộng sang hướng đông. Họ muốn ngăn chặn điều đó. Đối với Nga, một lãnh thổ Ukraine bị "què cụt" sẽ không còn ý định gia nhập khối NATO.
Hơn nữa, Moskva đã mất niềm tin vào phương Tây. Nga chỉ trích khối này "nuốt lời hứa" mà George H. Bush đã từng nói với Mikhail Gorbatchev nhân Hội thảo An ninh và Hợp tác Châu Âu ngày 20/11/1990 tại Paris. Theo đó, phương Tây cam kết là không mở rộng NATO sang các nước nằm trong khối Hiệp ước Warsawa, một khi Nga chấp nhận rút quân.
Cuối cùng theo tác giả, vẫn còn có thể đưa ra một cuộc mặc cả khác : Washington nên từ bỏ ý định mở rộng khối NATO, và Moskva phải bỏ học thuyết cũ kỹ "tầm ảnh hưởng". Một điều mà ai cũng biết. Nhưng ngày nào và phải có thêm bao nhiêu nạn nhân nữa để tiến hành cuộc thương lượng này thì đến giờ đây vẫn còn là một điều bất định.
Tai tiếng thiết bị cấy ghép y khoa
Lĩnh vực y khoa có hai sự kiện đáng chú ý. Le Monde trên trang nhất báo động "Thiết bị cấy ghép y khoa : Một vụ tai tiếng toàn cầu". Một cuộc điều tra tập hợp hơn 250 nhà báo thuộc 59 cơ quan truyền thông quốc tế, đối tác của Hội Nhà Báo Điều Tra Quốc Tế (ICIJ), trong đó có báo Le Monde cho thấy các khuyết điểm của các thiết bị y khoa cũng như thiếu sự theo dõi và quản lý của các cơ quan quản lý y tế trên thế giới.
Hệ quả là nhiều tai nạn có liên quan đến các thiết bị điều trị y khoa đã xảy ra. Chỉ riêng tại Mỹ các nhà điều tra thống kê có hơn 5,48 triệu sự cố, trong đó có khoảng 82.000 ca tử vong và 1,7 triệu trường hợp tổn thương từ các loại thiết bị chữa trị y khoa như ống bơm insulin, các mảnh ghép xương hông, máy kích hoạt tim… Nhưng chỉ một bộ phận rất ít, chưa tới 10% bệnh nhân là được bồi thường thiệt hại.
Báo Le Monde trong bài xã luận đề tựa "Implant Files : Một cuộc điều tra ngoại hạng" chỉ ra hai khe hỡ trong việc dùng các thiết bị cấy ghép.
Đầu tiên hết là công tác quản lý lỏng lẻo các thiết bị điều trị y khoa, không chặt chẽ như với các loại thuốc. Các vụ tai tiếng rời rạc trước đây như "miếng độn ngực giả PIP", dụng cụ tránh thai Essure… là hệ quả đương nhiên của một hệ thống quản lý tồi, chứ không phải là những ca gian lận lẻ tẻ. Nhật báo tự hỏi đã có bao nhiêu thiết bị y khoa và loại nào đã được cấy ghép tại Pháp. Hiện tại không một cơ quan chức năng nào biết được con số chính xác.
Thứ hai, sự cố xảy ra nhưng không được theo dõi. Le Monde cho rằng việc thiếu minh bạch trong thu thập dữ liệu hay chiếm hữu dữ liệu giám sát còn làm cho hệ thống theo dõi trên thị trường thêm phần phức tạp. Xung đột lợi ích là thước đo vận hành. Hồ sơ không hoàn chỉnh được cho là có thể tiếp nhận, thiếu nghiên cứu nghiêm túc sơ khởi trước khi cấp giấy phép… Trên phương diện này, rõ ràng các cơ quan chức năng đáng bị chê trách.
Sau thực vật, động vật đến lượt người "biến đổi gien" ?
Một sự kiện khác cũng gây chấn động giới y khoa : Một nhà khoa học Trung Quốc ngày 26/11/2018 thông báo cho ra đời một cặp song sinh bé gái "biến đổi gien" bằng kỹ thuật chỉnh sửa Crispr-Cas9. Một kỹ thuật do hai nhà khoa học, Emmanuelle Charpentier, người Pháp và đồng nghiệp Mỹ, cô Jennifer Doudna đồng phát hiện năm 2015.
Le Figaro nghi ngờ đặt câu hỏi : Phải chăng một nhà khoa học Trung Quốc đã thật sự cho ra đời hai đứa trẻ "biến đổi gien" ? Bởi vì, kết quả nghiên cứu của nhà khoa học Trung Quốc, ông Hạ Kiến Khuê (He Jiankui), nhà nghiên cứu kiêm giáo viên thỉnh giảng trường đại học Khoa học và Công nghệ phương Nam Trung Quốc (SUSTC), thành phố Thẩm Quyến vẫn chưa thể kiểm chứng được.
Nhưng thông báo của ông trên mạng Youtube đã dấy lên một cuộc tranh luận trong giới nghiên cứu trên thế giới cũng như là ngay từ trong nước. Giới khoa học chỉ trích Hạ Kiến Khuê là đã vi phạm đạo đức y sinh. Sự kiện này đặt thế giới trước một thách thức lớn như nhận xét của La Croix.
"Trẻ biến đổi gien : Tội ác, Lừa dối hay Tiến bộ ?" là câu hỏi báo Le Figaro nêu lên trong mục Ý kiến. Nhật báo khẳng định việc tiến hành thí nghiệm biến đổi gien trên người sớm muộn gì cũng sẽ diễn ra, nhất là tại Trung Quốc, quốc gia có những luật lệ ít mang tính ràng buộc hơn.
Kỹ thuật chỉnh sửa gien mà nhà khoa học Trung Quốc sử dụng là có thật. Công nghệ Crispr này đã từng được sử dụng nhiều lần, đặc biệt là tại Trung Quốc (ở 86 người) nhằm thử nghiệm các phương pháp trị liệu mới chữa trị một số bệnh nặng. Có thể nói, công nghệ "cắt dán gien" Crispr mở ra nhiều hướng điều trị đầy hứa hẹn chống lại một số chứng bệnh di truyền hay một số chứng ung thư.
Vấn đề là cho đến lúc này, kỹ thuật Crispr chỉ dùng để thay đổi một vài tế bào của một cơ quan cụ thể chưa bao giờ được sử dụng để chỉnh sửa tất cả các tế bào của cả cơ thể, nhất là đối với tế bào mầm, để tạo ra tinh trùng hay noãn bào. Việc một phôi thai đã bị biến đổi gien bằng kỹ thuật Crispr có nguy cơ truyền tiếp cho những thế hệ sau những gien đã bị chỉnh sửa.
Chính từ mối quan ngại trên mà các nhà khoa học trong lĩnh vực này, vào tháng 12/2015, trong một hội thảo quốc tế về gien đã đạt được thỏa thuận : Không sử dụng Crispr trong mục đích chỉnh sửa các tế bào mầm trước khi có được một đồng thuận cả trên phương diện khoa học lẫn đạo đức. Bởi vì các nhà khoa học quan ngại rằng lợi ích của những biện pháp chỉnh sửa trên phôi thai này vẫn chưa rõ ràng, và rủi ro tiềm tàng thì lại quá nhiều.
Trang nhất các báo Pháp
Phong trào "Áo vàng an toàn" tiếp tục là đề tài chính trên trang nhất một số nhật báo Pháp. Tờ Les Echos chạy hàng tít lớn, in đậm "Chuyển đổi sinh thái : Macron ở bước ngoặt". Libération dành nửa trang nhất, mỉa mai nhận định "Macron tái nhợt đối mặt với áo vàng". Vào lúc "hồi 3" của phong trào diễn ra ở Paris hôm thứ Bảy 24/11, nguyên thủ Pháp muốn kiểm soát lại tình hình khi công bố chính sách môi trường ngày hôm nay. Nhật báo thiên tả dành 4 trang báo cho chủ đề này.
Cũng trên trang nhất, Libération thương tiếc một đạo diễn gạo cội người Ý, qua đời ngày 26/11/2018, thọ 77 tuổi. Tờ báo đề tựa "Bernado Bertolucci, nhà điện ảnh vô giới hạn".
Le Figaro theo dõi "vụ Ghosn", cựu lãnh đạo liên minh sản xuất xe ô tô Renault-Nissan khi cho rằng "vẫn tồn tại những cáo buộc không rõ ràng". Một tuần sau vụ bắt giữ ngoạn mục Ghosn tại Tokyo, tư pháp Nhật Bản chưa nêu rõ các tội danh nhắm vào vị chủ tịch bị phế truất của liên minh Renault-Nissan.
Phương Tây đề phòng với Hoa Vi của Trung Quốc
Ngày càng có nhiều quốc gia đề phòng tập đoàn cung cấp trang thiết bị viễn thông Trung Quốc Hoa Vi (Huawei).
Quảng cáo công nghệ 5G của Hoa Vi (Huawei) tại triển lãm PT, Bắc Kinh, ngày 26/09/2018. Reuters/Stringer
"Hoa Vi chịu sức ép ngoại giao gia tăng từ mọi phía", theo nhật báo kinh tế Les Echos, vì chính quyền Mỹ tích cực vận động hành lang để loại tập đoàn của Trung Quốc khỏi các mạng truyền thông trong tương lai.
Hoa Kỳ và Úc cấm Hoa Vi tham gia thị trường mạng 5G tại hai nước này do lo ngại rủi ro về an ninh mạng. Chưa dừng ở đó, theo thông tin của Washington Post vào tuần trước, chính quyền Washington đang thuyết phục các đồng minh (Đức, Ý, Nhật Bản) ngừng hợp tác với Hoa Vi. Ngoài ra, chính quyền Mỹ còn hứa trợ giúp thêm tài chính để phát triển cơ sở hạ tầng cho các dự án ngừng sử dụng trang thiết bị của tập đoàn Hoa Vi. Lý do là cả Mỹ và Úc sợ rằng các sản phẩm của Hoa Vi bị chính quyền Bắc Kinh lợi dụng vào mục đích gián điệp, nghe lén...
Tại Châu Âu, Đức cũng đang xem xét để loại Hoa Vi khỏi dịch vụ cung cấp mạng 5G. Tương tự, Paris từ giờ cũng tỏ ra dè chừng với Hoa Vi dù tập đoàn Trung Quốc hoạt động tại Pháp từ hơn 15 năm nay. Trước đó, vào tháng 07/2018, Anh Quốc đã tiến hành quá trình kiểm tra độ tin cậy của các hệ thống, trong khi Hoa Vi cũng hoạt động rất mạnh ở thị trường Anh Quốc. Riêng tại Mỹ, chính quyền Washington, từ vài tháng nay, đi theo chiến lược loại Hoa Vi khỏi thị trường, thông qua một đạo luật cấm chính quyền mua trang thiết bị của tập đoàn Trung Quốc, tuy nhiên, Hoa Vi chỉ chiếm một thị phần nhỏ tại Mỹ.
Dù Hoa Vi trấn an rằng hoạt động hoàn toàn độc lập với Nhà nước Trung Quốc, nhưng dường như lời trấn an chưa đủ thuyết phục. Washington lo ngại cho tình hình tại các nước mà Mỹ đặt căn cứ quân sự. Dù Mỹ có vệ tinh riêng đảm bảo việc truyền tin nhạy cảm, nhưng một phần lớn khối lượng thông tin vẫn được trung chuyển qua các mạng thương mại. Mối lo ngại này là có cơ sở và trở nên nghiêm trọng hơn vì Hoa Vi đã trở thành nhà cung cấp trang thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, chiếm 22% thị phần toàn cầu, và là nhà cung cấp điện thoại thông minh thứ 2, chỉ sau Samsung.
Phát triển mạng 5G mở ra một cuộc chiến thương mại mới vì các nước sẽ phải mua trang thiết bị. Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc cũng đang tranh giành thị trường này. Một quan chức Mỹ giải thích với nhật báo Washington Post rằng những biện pháp đề phòng này trước hết là vì mục đích an ninh, trong bối cảnh Trung Quốc bị cáo buộc ngày càng gia tăng tấn công tin tặc trên thế giới. Ông nói : "Chúng tôi chia sẻ quan ngại của mình với một số nước bị đe dọa an ninh mạng trong cơ sở hạ tầng viễn thông. Khi các nước này hướng đến phát triển mạng 5G, chúng tôi nhắc lại mối lo ngại này".
Giờ thì phải chờ xem khuyến cáo của Washington có thật sự được lắng nghe, vì trên thực tế, hiện chỉ có một nhà cung cấp trang thiết bị cho mạng 5G, đó lại là Hoa Vi, theo ông Neil McRae, phụ trách thiết kế mạng của nhà cung cấp viễn thông Anh BT.
Quyền lợi của Trung Quốc ở Pakistan bị tấn công
"Lợi ích của Trung Quốc tại Pakistan bị tấn công". Lần đầu tiên, phong trào ly khai Quân Đội Giải Phóng Balochistan tiến hành một cuộc tấn công ngoài tỉnh Balochistan và nhắm vào các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Karachi.
Theo thông tín viên của báo Le Monde, đây là cái giá mà Trung Quốc phải trả cho sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ tại Pakistan, nơi Bắc Kinh đầu ti 62 tỉ đô la vào vành đai kinh tế. Nằm ở phía tây nam Pakistan, tỉnh Balochistan có nguồn dầu khí và khoáng sản dồi dào nhất Pakistan nhưng lại nghèo nhất nước. Bạo lực liên tục hoành hành trong vùng từ phía phe ly khai, tấn công thánh chiến và bị quân đội Pakistan trấn áp.
Dự án xây dựng vành đai kinh tế Trung Quốc càng khiến người dân phẫn nộ, một mặt do không tạo đủ việc làm cho dân địa phương vì Trung Quốc đưa nhân công sang, mặt khác do "Trung Quốc là đồng minh của một chính phủ và một quân đội chuyên áp bức họ", theo phân tích của chuyên gia Malik Siraj Akbar.
Đường sá, cảng biển được xây dựng trong khi người dân quanh khu cảng Gwadar không có nước sạch và bị đuổi khỏi những vùng đất của họ. Đây là lý do mà phe ly khai Balochistan coi "sự hiện diện của Trung Quốc trong vùng như một cuộc xâm lược thứ hai (người dân Pakistan ở các vùng khác được coi là những kẻ thực dân thứ nhất). Người dân Balochistan yêu tự do, Balochistan không giống như Tân Cương".
Trung Quốc cũng phải đối mặt với nguy cơ khủng bố ở Pakistan. Nhưng theo trấn an của thủ tướng Imran Khan, "những biến cố như vậy sẽ không thể phá hoại quan hệ Pakistan-Trung Quốc. Mối bang giao này còn mạnh hơn cả dãy núi Himalaya và sâu hơn cả biển Ả Rập".
Đài Loan : Đảng Dân Tiến cầm quyền thất bại trong bầu cử địa phương
Cuộc bầu cử địa phương tại Đài Loan, với thất bại của đảng Dân Tiến cầm quyền, thậm chí ngay cả tại thành phố Cao Hùng, cứ địa của đảng từ vài thập niên, được hai nhật báo Les Echos và Le Figaro đưa tin.
"Tại Đài Loan, tổng thống cấp tiến bị trừng phạt", theo Le Figaro. Trong bài viết "Tại Đài Loan, đảng cầm quyền bị thất bại nghiêm trong trọng cuộc bầu cử", nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng đảng Dân Tiến phải trả giá vì những khó khăn mà tầng lớp trung lưu Đài loan đang phải đối mặt, sức mua bị chững lại trong khi giá cả tăng, đặc biệt là bất động sản.
Một bài học khác đối với đảng Dân Tiến là vai trò của Bắc Kinh trong đợt vận động tranh cử. Rất nhiều người dân Đài Loan bị thuyết phục rằng nền kinh tế địa phương xấu đi là vì quan hệ với Hoa lục căng thẳng hơn dưới thời tổng thống Thái Anh Văn.
Theo Les Echos, để có thể giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, bà Thái Anh Văn nên lắng nghe tiếng nói của dân : san bằng xung đột với Trung Quốc để thổi luồng sinh khí mới cho nền kinh tế, nhưng cũng không được quá hòa hoãn với người láng giềng khổng lồ. Ngoài ra, bà Thái Anh Văn còn có nhiệm vụ rất tế nhị là xoa dịu ý đồ độc lập của một bộ phận dân chúng.
Anh và Liên Hiệp Châu Âu ký giấy ly hôn
Tất cả các nhật báo Pháp, trừ Le Monde do ra từ hôm trước, đều đưa tin về cuộc chia tay trong êm ấm (soft Brexit), được ký ngày 25/11/2018, giữa Liên Hiệp Châu Âu và Anh Quốc.
"Brexit : thỏa thuận ly hôn giữa Luân Đôn và Bruxelles" là hàng tựa trên trang nhất của Les Echos. Đây là thỏa thuận tốt nhất có thể cho cả hai bên, nhưng thủ tướng Theresa May sẽ còn phải đối mặt với sóng gió tại Nghị Viện Anh vào tháng 12 để được bật đèn xanh đi đến phê chuẩn thỏa thuận Brexit.
Ngoài thông tin về việc "Khối 27 đóng dấu ly hôn với Luân Đôn" trên trang nhất, Le Figaro đề cập đến quá trình đàm phán "không sai lầm của nhà thương thuyết bền bỉ Michel Barnier" từ tháng 10/2016. Uy tín của ông Barnier có thể được tóm tắt trong nhận định của một nhà ngoại giao : "Trong một cuộc đàm phán khó khăn như vậy, mà trong vòng hai năm, ông ấy có được niềm tin từ Liên Hiệp Châu Âu và phía đối tác Anh chưa bao giờ thật sự tìm cách lay chuyển ông".
Bên cạnh hình ảnh thủ tướng Anh Theresa May vẫy tay tạm tiệt, trang nhất của Libération đưa tít lớn "Brexit : Hẹn sớm gặp lại" với "những giọt nước mắt" theo tiêu đề bài xã luận. Hơn một thế kỷ gắn bó, cùng trải qua những thời điểm khó khăn, tăm tối trong lịch sử qua hai cuộc chiến, vụ ly hôn kỳ lạ khiến mỗi bên đều muốn rơi nước mắt. Điều có thể an ủi là hiện mọi mối quan hệ vẫn chưa bị cắt đứt hết vì thủ tướng Anh muốn ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu nhưng không từ giã hẳn.
La Croix đề cập đến "những cuộc đàm phán về Brexit bước vào một giai đoạn mới" để xây dựng mối quan hệ tương lai giữa hai bên. Những hồ sơ được ưu tiên là đánh bắt hải sản, cạnh tranh công bằng.
Về mặt ngư nghiệp, Bruxelles và Luân Đôn cam kết ký một thỏa thuận chậm nhất là vào ngày 01/07/2020 liên quan đến hoạt động trong các vùng biển và phân bổ quota đánh bắt. Về thương mại, Anh Quốc sẽ phải duy trì các quy định gần với quy định của Liên Hiệp Châu Âu về các mặt xã hội, môi trường, thuế khóa nhằm đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp hai bên.
Paris thất thủ trước phong trào "Áo vàng" chống tăng thuế xăng dầu
Hồi hai của phong trào "Áo vàng" (Gilets jaunes) chống tăng thuế xăng dầu diễn ra trên khắp nước Pháp ngày 24/11 là một chủ đề khác được các nhật báo chú ý.
Đại lộ Champs-Elysées ở Paris, bị cấm biểu tình, vẫn tràn ngập mầu áo vàng. Rào chắn bị lôi ra làm chướng ngại vật, bàn ghế của nhiều tiệm cà phê bị đốt phá, một vài cửa hàng thương hiệu nổi tiếng bị hôi của… Theo trang nhất của Les Echos, "Thiệt hại kinh tế do phe "Áo vàng" rất nặng nề". Một cuộc họp diễn ra trong hôm nay (26/11) tại Bộ Kinh tế trong bối cảnh giai đoạn mua sắm dịp lễ cuối năm đang cận kề. Libération thì cho rằng bộ trưởng Nội vụ Castaner lại cố giảm bớt quy mô của các vụ bạo lực và phá hoại trên đại lộ Champs-Elysées.
Nhật báo Le Figaro nhận định "Giữa Macron và "Áo vàng", cuộc đọ sức càng rõ nét" cùng với bài nhận định "Bạo lực trên đại lộ Champs-Elysées : Phân tích tình trạng hỗn loạn", vì ngoài khoảng 3.000 người biểu tình, còn có hơn 100 kẻ chuyên đập phá trà trộn trong đám đông.
Với La Croix, cần phải nối lại đối thoại, phải "tái cân bằng các chính sách để giảm bớt sứt mẻ xã hội". Xã luận của nhật báo công giáo cho rằng "từ hơn một năm rưỡi nay, Emmanuel Macron đã dũng cảm tiến hành cải cách. Hiện nay, tổng thống Pháp cũng cần dũng cảm như thế để hướng tới công bằng".
Bài phát biểu của tổng thống Pháp vào ngày mai (27/11) về Kế hoạch Năng lượng đang được chờ đón. Xã luận của Le Monde cho rằng phải "làm sáng tỏ chính sách năng lượng của chúng ta". Luật chuyển đổi năng lượng được thông qua năm 2015 nhắm đến hai mục tiêu : đối đầu với thách thức biến đổi khí hậu bằng cách giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính ; đa dạng hóa hỗn hợp điện bằng cách giảm bớt phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân.
Để đạt được hai mục tiêu trên, chính phủ Pháp hành động trên nhiều mặt trận. Thứ nhất, giảm mức tiêu thụ năng lượng của các tòa nhà (chiếm 45% và phát thải 19% khí gây hiệu ứng nhà kính), bằng cách cải thiện và phát triển quỹ nhà "sạch" sử dụng ít năng lượng. Tiếp theo là giảm lượng khí thải do phương tiện giao thông, phát thải đến 29% khí CO2, nhờ một số biện pháp như phát triển phương tiện sử dụng điện, đi chung xe, sử dụng xe đạp, giao thông công cộng. Cuối cùng, là sản xuất điện. Tại Pháp, điện hạt nhân chiếm đến 75% thị phần và gần như không thải khí CO2. Từ giờ đến trước năm 2022, bốn nhà máy nhiệt điện cuối cùng ở Pháp sẽ bị đóng cửa. Việc cần làm là lập được dự án hỗn hợp điện cho 10 năm tới.
Bài xã luận cho rằng cần phải dấn thân vào con đường đầy tham vọng này để cho phép Pháp bù đắp thời gian đã mất trong lĩnh vực này.
Thu Hằng
Thượng đỉnh APEC 2018 tan vỡ vì cạnh tranh Mỹ-Trung ?
Đáng quan tâm tuần này là một bài phân tích trên tạp chí Anh The Economist về sự kiện được tờ báo này gọi là "Thượng đỉnh APEC nổ tung vì cuộc tranh đua giữa các siêu cường", cụ thể là giữa Mỹ và Trung Quốc, với "phó tổng thống Mỹ Mike Pence và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy là cách họ nhìn thế giới khác nhau biết bao".
Lãnh đạo các nước tham dự thượng đỉnh APEC 2018 tại Papua New Guinea chụp ảnh chung, ngày 17/11/2018. Reuters/David Gray
Đối với The Economist, diễn biến sôi động của Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC năm 2018 quả là chưa từng thấy, vì hội nghị này nổi tiếng là nhàm chán, một diễn đàn chỉ để nói suông, với thông cáo chung đúc kết hội nghị của lãnh đạo 21 thành viên thường tập hợp những nội dung vô vị. Chính trong bối cảnh đó mà việc Thượng Đỉnh APEC ở Papua New Guinea không nhất trí được trên một bản thông cáo chung là một sự kiện đáng nói.
Theo ghi nhận của phóng viên tuần báo Anh, sự ganh đua Mỹ-Trung được thấy rõ ngay tại thủ đô Port Moresby của đảo quốc vùng Thái Bình Dương, chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh.
Trung Quốc và thói chuộng "bê tông"
Ngoài khơi là bóng dáng đặc thù của những chiếc tàu tuần duyên Mỹ, chăm lo bảo đảm an ninh cho các cuộc họp. Trên bờ thì sừng sững tòa nhà 23 tầng mang tên Noble Centre do một công ty nhà nước Trung Quốc xây dựng. Công ty này không ngần ngại khoe rằng đây là dinh thự "hiện đại nhất" của thành phố. Hai hình ảnh này gợi lên một bên là uy lực của Mỹ, và bên kia là thói chuộng bê tông của Trung Quốc.
Đối với The Economist, quả đúng là Bắc Kinh rất thích xây dựng. Món tiền 50 triệu đô la do Trung Quốc tài trợ đã được chi vào việc xây cất một trung tâm hội nghị, kịp dùng cho thượng đỉnh APEC, với một con đường mới nối liền trung tâm này với sân bay. Các biểu ngữ dọc hai bên đường ca ngợi Sáng Kiến Một Vành Đai, Một Con Đường, một dự án tâm đắc của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trên chiếc du thuyền được dùng làm nơi họp các lãnh đạo APEC, ông Tập khẳng định rằng Sáng Kiến Nhất Đới - Nhất Lộ của ông không phải là một câu lạc bộ khép kín, cũng không phải "một cái bẫy, như đã bị một số người chụp mũ", một lời đả kích rõ nét nhắm vào Mỹ và nhiều nước phương Tây, đã xem sáng kiến của Trung Quốc là một cái bẫy nợ.
FOIP của Mỹ chống BRI của Trung Quốc
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, thì đưa ra một ý tưởng khác : một vùng "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Theo ông, cách làm của Mỹ hoàn toàn không phải là để cho các đối tác bị chết đuối "trong một biển nợ". Hoa Kỳ, theo ông Pence, "không ép buộc hoặc làm phương hại đến nền độc lập của nước khác... không cung cấp một vành đai bóp nghẹt hoặc một con đường một chiều". Rõ ràng đây là một lời đả kích trực diện sáng kiến "vành đai và con đường" của ông Tập.
Trong bài phát biểu của mình, phó tổng thống Mỹ đã hai lần gợi lên khái niệm "Ấn Độ-Thái Bình Dương", và không hề nhắc đến "Châu Á-Thái Bình Dương", như để nhấn mạnh kích thước của kế hoạch mà Washington đang chuẩn bị để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh. Theo The Economist, tiền được Mỹ hứa hẹn tuy nhiên vẫn còn rất ít so với ngân quỹ mà Trung Quốc đổ vào Một Vành Đai, Một Con Đường.
Đạo luật BUILD, được Quốc hội Mỹ thông qua tháng 10/2018 đã tạo ra một cơ quan mới - Tập Đoàn Tài Chính Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ - để thúc đẩy việc phát triển ở các nước nghèo. Thế nhưng, quy mô cam kết tài chính của cơ quan này - 60 tỷ đô la - còn rất nhỏ. Chỉ riêng cho Pakistan chẳng hạn, Trung Quốc đã cam kết nhiều hơn.
Trong cuộc tranh đua Mỹ-Trung nói trên, ít ra là Papua New Guinea đã được hưởng lợi : Mỹ, Úc và Nhật Bản sẽ hợp tác để cung cấp điện cho 70% hộ gia đình tại đảo quốc này từ nay đến năm 2030. Hiện chỉ có 13% trong số này là có điện.
Theo nhận định của The Economist, các thành viên APEC rất hoan nghênh trợ giúp phát triển, nhưng đang tự hỏi là cuộc đua tranh giữa hai siêu cường sẽ dẫn đến đâu.
Trung Quốc với kiểu ngoại giao"làm trận làm thượng"
Mỹ đã tuyên bố đã giúp Úc mở rộng căn cứ hải quân trên đảo Manus của Papua New Guinea. Điều này khiến Trung Quốc bực tức nhưng đã trấn an những nhà chiến lược Úc, đang lo ngại trước khả năng Papua New Guinea rơi vào quỹ đạo của Bắc Kinh.
Nhưng quan trọng hơn hết là mọi nước đều lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng thêm gay gắt. Tại APEC, các quan chức APEC Trung Quốc, vốn quen kiểu ngoại giao "làm trận làm thượng" đã cản trở việc soạn thảo một tuyên bố chung.
Trung Quốc chủ yếu phản đối một lời kêu gọi do Mỹ đề nghị, có lẽ là nhằm vào Trung Quốc, kêu gọi các thành viên chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và những cung cách làm ăn không công bằng. Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã xông vào văn phòng ngoại trưởng Papua New Guinea để đòi xóa bỏ đoạn kêu gọi đó. Đến khi hội nghị APEC, ở phiên họp cuối cùng, phải công nhận thất bại do các hành vi cản trở đó, phái đoàn Trung Quốc đã vỗ tay hoan hỉ.
Đối với The Economist, những hành vi thô lỗ như vậy - trong đó có cả việc quan chức Trung Quốc cấm nhà báo không phải người Trung Quốc theo dõi cuộc họp của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương - hầu như không giúp ích gì cho uy tín của Bắc Kinh.
Các nước nhỏ trong khu vực rất ghét bị kẹt giữa hai cường quốc. Không phải tất cả đều hài lòng về thái độ cứng rắn mới của Mỹ đối với Trung Quốc, nhưng họ sẽ bất mãn hơn nữa nếu Hoa Kỳ hoàn toàn vắng bóng.
Phong trào Áo Vàng tại Pháp : Có lợi cho phe cực hữu
Về thời sự nước Pháp, phong trào Áo Vàng - Gilets Jaunes - đã đặc biệt được tuần báo L’Obs quan tâm dành cho trang bìa với một hồ sơ đặc biệt hơn một chục trang ở bên trong.
Trên ảnh một người mặc áo phản quang màu vàng, biểu tượng của phong trào đấu tranh xã hội vừa bùng lên tại Pháp, tuần báo Pháp chạy tựa lớn : "Sau phong trào Áo Vàng là ý đồ lợi dụng của thành phần dân túy", cụ thể là của hai lực lượng cực hữu của bà Marine Le Pen, và cực tả của ông Jean-Luc Mélenchon.
L’Obs đã trích lời chuyên gia Jérôme Fourquet, giám đốc bộ phận Ý Kiến của viện thăm dò dư luân Ifop ghi nhận : "Đây không phải là một phong trào do đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia (hóa thân của Mặt Trận Quốc Gia) đề xướng, nhưng trong các cuộc biểu tình, số lượng cảm tình viên cực hữu bầu cho Mặt Trận Quốc Gia chiếm một tỷ lệ vượt trội so với các thành phần khác. Tại các tỉnh Aisne, Haute-Marne, Vaucluse, lãnh địa của Mặt Trận Quốc gia, lượng người tham gia phong trào đấu tranh rất đông đảo".
Ai sẽ hưởng lợi nhân cuộc bầu cử các nghị sĩ Châu Âu sắp tới đây ? Theo ông Fourquet, bà Marine Le Pen, lãnh đạo phe cực hữu đã lăn xả vào cuộc đấu, trong lúc ông Mélenchon có biểu hiện khá miễn cưỡng, không muốn đẩy mạnh phong trào đã khởi sự từ ngày 17/11. Theo chuyên gia này, các cuộc thăm dò ý định bầu nhân cuộc bầu cử Châu Âu sắp tới đều cho thấy là đảng cực hữu thoát thai từ Mặt Trận Quốc Gia, về đầu với 20-21%, trong khi phe cực tả của Nước Pháp Bất Khuất chỉ được 11-12%.
Nhận định về phong trào Áo Vàng, nhà nghiên cứu khoa học chính trị Jérôme Sainte-Marie, khi trả lời phỏng vấn của tuần báo L’Express, đã ghi nhận sự vắng bóng của các công đoàn truyền thống vốn là động lực chính của các cuộc đấu tranh xã hội trước đây.
Theo nhà nghiên cứu này, "cử tri thường bầu cho đảng cực hữu bao gồm những lao động cá thể, những người thường xuyên cần phải sử dụng đến xe của mình, và tầng lớp lao động nghèo, rất nhạy cảm khi bị tăng thuế. Thêm vào đó, chiêu bài chống chống hệ thống, chống thành phần ăn trên ngồi trước rất được lòng các thành phần này. Tất cả những yếu tố đó quyện lại vào nhau đã thu hút các cảm tình viên cực hữu đến với phong trào Áo Vàng".
Phong trào Áo Vàng Pháp : Bạo phát nhưng sẽ bạo tàn ?
Theo chuyên gia Sainte-Marie, phong trào Áo Vàng hiện nay có "dáng dấp của phong trào nổi loạn của nông dân nghèo thời xưa. Trong lịch sử, những cuộc nổi dậy đó thường mang tính chất bạo phát, bạo tàn, bùng lên một cách tự phát, đôi khi rất dữ dội, nhưng thường diễn ra trong một khoảng thời gia cực kỳ ngắn. Ông cho rằng phong trào Áo Vàng có lẽ sẽ không kéo dài được lâu".
Quan điểm lạc quan trên đây tuy nhiên không được tuần báo Courrier International chia sẻ. Trong bài xã luận mang tựa đề "Những chiếc áo vàng và tầng lớp bên trên, một sự chênh lệch nguy hiểm", tờ báo Pháp đã gắn liền hai sự kiện gần như là đồng thời, phong trào Áo Vàng chống tăng thuế nhiên liệu tại Pháp, với vụ Carlos Ghosn, một lãnh đạo doanh nghiệp Pháp thuộc diện nổi tiếng nhất, bị Nhật Bản bắt giữ vì bị tình nghi trốn thuế.
Đối với Courrier International, hai sự kiện này nêu bật vực thẳm chia cách những người biểu tình chống lại việc tăng một vài xu tiền thuế trên diesel, và bên kia là những tầng lớp bên trên, có bổng lộc hậu hĩnh. Kế hoạch 2 tỷ euro của nhà nước Pháp để giảm nghèo, đã không che khuất được 5 tỷ euro bị cho là quà tặng cho giới giàu có nhất.
Courrier International cảnh cáo chính quyền Pháp là không nên xem thường phong trào Áo Vàng này vì những gì từng xẩy ra tại Ý vào năm 2013, với phong trào "ba chĩa" của các nông dân vùng Sicilia, tập hợp đủ mọi thành phần, từ giới tài xế xe tải, sinh viên, cho đến những người thất nghiệp. Tương tự như những gì đang xẩy ra với phong trào Áo Vàng tại Pháp, họ gây tắc tắc nghẽn đường xá và phát động những cuộc biểu tình đột xuất.
Theo tác giả người Ý Leonardo Bianchi, những cuộc biểu tình ở Ý là "một tín hiệu cảnh báo"từ "những người không còn tin tưởng vào bất kỳ đảng phái chính trị nào". Đà vươn lên của thủ lãnh dân túy Salvini và những người giống ông ta khác đã bắt nguồn từ đó, với hệ quả mà ngày nay ai cũng biết.
Macron với những lựa chọn hệ trọng
Những khó khăn của chính quyền Pháp hiện nay cũng được tạp chí Le Point đưa lên trang nhất, với chân dung của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bên trên tựa lớn "Những lựa chọn hệ trọng".
Câu hỏi mà tuần báo Pháp đặt ra là rốt cuộc tổng thống Pháp sẽ là "Hollande (cựu tổng thống Pháp) hay Thatcher (cố thủ tướng Anh) ?". Đối với Le Point, trước phong trào phản kháng của những người Áo Vàng, lần đầu tiên từ ngày nhậm chức đến nay, ông Macron có dấu hiệu đang ở trong thế thủ.
Trong bài phân tích bên trong, Le Point cho rằng tổng thống Pháp phải có quyết tâm thúc đẩy các cải cách đã dự trù. Tạp chí Pháp trích dẫn ông Peyrelevade, cựu lãnh đạo ngân hàng Crédit Lyonnais, hoan nghênh các cải tổ của tổng thống Pháp trong lãnh vực đào tạo chuyên môn và huấn nghệ, nhưng lại tiếc rằng là ông Macron đã tự hạn chế mình về ngân sách.
Theo ông Peyrelevade, lẽ ra tổng thống Pháp phải mạnh dạn đẩy xa hơn nữa tuổi về hưu, vì lẽ tiền chi cho hưu bổng tại Pháp cao hơn tất cả mọi nơi khác : chiếm đến 14% thay vì 10% GDP ở vùng đồng euro. Đối với vị cựu lãnh đạo ngân hàng này : "Khi duy trì tuổi hưu ở mức 62, ông Macron đã cúp nguồn tài nguyên chính của mình".
Tóm lại, theo ông Peyrelevade, các kế hoạch cải tổ kinh tế của ông Macron trong nhiệm kỳ 5 năm này kể như đã chấm dứt, và ba năm còn lại sẽ chỉ là "những năm bất động" mà thôi.
Cuộc đua giành Châu Phi
Riêng tạp chí Pháp Courrier International tuần này đã dành trang bìa cho lục địa đen Châu Phi, với một hồ sơ phân tích về "Cuộc đua tranh giành Châu Phi".
Theo tạp chí Pháp, trong nhiều năm gần đây, một đạo binh mới của nước ngoài - từ Trung Quốc, Brazil, cho đến Nga, Thổ Nhĩ Kỳ - đang đặt chân lên lục địa rộng lớn này mà cho đến gần đây là vùng đất của các thế lực thực dân cũ (như Pháp, Anh) và Hoa Kỳ. Nếu Trung Quốc đã thâm nhập vùng Phi Châu từ cả hơn một chục năm trước đây, thì giờ đây nhưng một loạt nước khác đã bám gót Bắc Kinh.
Dù là các nước vùng Vịnh hay Trung Đông chen nhau ở vùng Sừng Châu Phi hay là các tập đoàn Trung Quốc thâu tóm khoáng cobalt - không thể thiếu trong việc chế tạo xe hơi chạy bằng điện - ở Congo, hay Ấn Độ đã trở nên nước hàng đầu nhập dầu thô của Nigeria, trước cả Mỹ, những tác nhân mới này hoạt động khắp Châu Phi.
Người Châu Phi, theo Courrier International, không xem đấy là các hành vi thực dân, mà coi sự quan tâm trở lại đối với lục địa của họ là một cơ hội bằng vàng giúp họ tiến vào một giai đoạn phát triển mới cắt đứt với những quan hệ mà họ xem là gia trưởng đối với các nước thực dân cũ.
Trọng Nghĩa
Brexit : Đoàn kết làm nên sức mạnh của Châu Âu
Thời sự trong nước là chủ đề lớn trang nhất nhiều báo Pháp. Le Figaro chạy tựa : "Chính phủ rung chuyển bởi phong trào "Áo vàng" được lòng dân". Le Monde dành trọng tâm cho vấn đề thuế thu nhập đang ngày càng gây bất bình. Libération đưa hình ảnh nhiều phụ nữ giương cao khẩu hiệu chống bạo lực tình dục, và loan báo phong trào #NousToutes kêu gọi biểu tình khắp nước Pháp ngày mai, để bảo vệ các nạn nhân. Các thương lượng cuối cùng trước thượng đỉnh lịch sử về cuộc ly dị giữa Liên Âu và Anh Quốc, dự kiến Chủ Nhật 25/11/2018, là một trọng tâm khác.
Ông Michel Barnier, trưởng đoàn đàm phán Liên Âu về Brexit (phải) và người phụ trách Brexit của Anh, ông Dominic Raab, Bruxelles, ngày 31/08/2018. Reuters/Eric Vidal
Sau hơn một năm rưỡi đàm phán và ít tháng trước hạn chót, 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu và nước Anh rốt cuộc gần đạt được thỏa thuận, cho phép cuộc ly dị diễn ra trong trật tự. Cho dù đến tận thời điểm hiện tại khả năng Brexit suôn sẻ chưa phải hoàn toàn được bảo đảm, thế nhưng việc chính phủ Anh và Liên Âu đã có được một thỏa thuận sơ bộ cho phép lạc quan. Và có thể coi đây là một thành công. Nhật báo kinh tế Les Echos có bài xã luận mang tựa đề "Brexit : Đoàn kết làm nên sức mạnh".
Con đường cheo leo, hai bên là vực thẳm
Bài viết của Les Echos mở đầu với ghi nhận đầy hình ảnh ví cuộc hành trình của 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu hiện nay như "đi trên đỉnh núi", hai bên bờ là vực thẳm. Cho đến giờ, cộng đồng Châu Âu vẫn tiếp tục con đường khổ ải này, bất chấp sự công kích, lôi kéo của nhiều thế lực bên ngoài, mà một trong các ví dụ tiêu biểu là chính quyền Mỹ của Donald Trump. Trong bầu không khí thù địch này, Liên Âu đã tỏ ra hết sức gắn bó.
Trong vấn đề Brexit, có một sự tương phản nổi bật giữa một bên là các phân hóa, mâu thuẫn trong nội bộ nước Anh, và bên kia là ý thức đoàn kết tập thể của Châu Âu, cho đến nay được thể hiện một cách chuẩn xác qua vai trò của trưởng đoàn đàm phán, chính trị gia người Pháp Michel Barnier. Les Echos nhấn mạnh là một số đòi hỏi quá cứng rắn như của Tây Ban Nha trong vấn đề chủ quyền tại Gibraltar, hay trong vấn đề đánh cá chung tại vùng biển nước Anh… đã không cản trở toàn bộ các thành viên Liên Âu giữ vững tinh thần kỷ luật và đoàn kết chặt chẽ. Ưu tiên hiện tại là tránh mọi động thái có thể gây thêm khó khăn cho thủ tướng Anh Theresa May, có thể dẫn đến một cuộc ly hôn không thỏa thuận.
Ngày Chủ Nhật tới, những điều kiện cho cuộc ly hôn sẽ chính thức được chính phủ các nước thông qua. Điều mà cách nay ít tuần còn bị coi là điều không tưởng. Giai đoạn còn lại đầy rẫy chông gai. Cụ thể là Quốc hội Anh có thể bỏ phiếu chống. Tuy nhiên, nếu mọi việc diễn tiến thuận lợi, Liên Âu và Anh sẽ chia tay theo giải pháp "Brexit mềm", và các nước Châu Âu sẽ đứng ở thế mạnh.
Les Echos cũng nhấn mạnh đến "một hồ sơ nóng bỏng khác" cho thấy đoàn kết và sự kiên định làm nên sức mạnh của Liên Âu. Đó là hồ sơ ngân sách nước Ý. Trong hồ sơ này, Ủy Ban Châu Âu cũng đứng ở một vị thế hết sức khó khăn, như đi bên bờ miệng vực. Les Echos đánh giá Liên Âu tiếp tục đoàn kết, tỏ ra mềm dẻo, để ngỏ cánh cửa cho nước Ý điều chỉnh lại dự kiến ngân sách, chứ không đe dọa trừng phạt tức thời. Cách xử lý của Liên Âu nhận được hưởng ứng tích cực từ phía thị trường.
Thêm một hồ sơ thứ ba nữa cho thấy Liên Hiệp Châu Âu đang đi đúng hướng. Đó là tiến một cách từ từ nhưng vững vàng nhắm đến cái đích củng cố khu vực đồng euro, với dự án ngân sách của vùng, vừa được cặp Pháp-Đức đề xuất, và dự kiến sẽ được khối 27 nước phê chuẩn vào tháng tới. Les Echos khép lại bài viết với nhận định của ủy viên kinh tế Liên Âu, chính trị gia Pháp Pierre Moscovici : "Tranh đấu và thuyết phục sẽ là công việc phải làm thường xuyên… Nhưng đó cũng chính là lịch sử của Liên Hiệp Châu Âu".
Brexit : Thương lượng cuối cùng trước thượng đỉnh lịch sử
Cho dù viễn cảnh thỏa thuận Brexit có nhiều khả năng sẽ được thông qua hôm Chủ Nhật, khả năng đổ bể là rất nhỏ, nhưng đàm phán giữa Luân Đôn và Bruxelles vẫn tiếp tục trong những giờ cuối. Hôm qua, thứ Năm 22/11, hai bên đạt được thêm một bước tiến nữa, đó là thông qua dự thảo "Tuyên bố chính trị" cho phép xác định quan hệ tương lai giữa Liên Âu và Anh Quốc, sau khi cuộc ly hôn chính thức có hiệu lực vào ngày 30/03/2019. Một bất đồng khác đã có được giải pháp. Đó là hai bên có thể kéo dài giai đoạn chuyển tiếp, vốn hết hạn vào 31/12/2020. Thời gian được thỏa thuận là 2 năm, từ tháng Giêng 2021 đến tháng Giêng 2023 (Dự thảo "Tuyên bố chính trị" Brexit dài 26 trang được tranh luận quyết liệt là nội dung một bài viết khác trên La Croix).
Một điểm gai góc hàng đầu còn lại là số phận của vùng đất hẹp tại eo biển Gibraltar, cửa ngõ vào Địa Trung Hải, mà Tây Ban Nha mong muốn mọi quyết định về tương lai của vùng đất này phải có tiếng nói của Madrid. Một số vấn đề khác như quyền đánh cá chung tại các vùng biển Anh Quốc, đổi lại nước Anh được bán hải sản ở lục địa, được tách riêng và sẽ tiếp tục được thương lượng cho đến ngày 20/07/2020.
Le Monde dành một hồ sơ dài mô tả kỹ lưỡng các điểm chính của dự thảo thỏa thuận dài 585 trang, với nhiều phụ lục và ba phần riêng dành cho ba vùng địa lý Ireland, Gibraltar và Chyprus. Ba ưu tiên được nhấn mạnh. Thứ nhất là tránh để lập lại đường biên giới giữa Ireland và vùng Bắc Ireland (thuộc Anh), kết quả của thỏa thuận hòa bình năm 1998. Thứ hai là bảo vệ quyền lợi của các kiều dân Anh và Liên Âu, với tổng số ước tính 4 triệu người. Và thứ ba là Luân Đôn bảo đảm toàn bộ các cam kết về tài chính đối với Liên Hiệp Châu Âu.
Le Monde lưu ý, thỏa thuận với Anh Quốc, nếu đạt được, là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử của Liên Hiệp Châu Âu : Vừa cắt đứt vô số các quan hệ giữa hai bên trong lịch sử 46 năm nối kết, nhưng cũng vừa phải bảo đảm được nhiều quan hệ không đứt đoạn giữa Anh với Liên Âu. "Tuyên bố chính trị" nói trên sẽ đảm nhiệm vai trò này.
Trưởng đoàn đàm phán Châu Âu Michel Barnier thường xuyên nhắc lại là Anh Quốc "vẫn luôn là bạn, là đối tác, là đồng minh của chúng ta". Tuy nhiên, kể từ nửa đêm ngày 29/03/2019, Luân Đôn sẽ mất toàn bộ các quyền hạn của một thành viên Liên Hiệp Châu Âu, như nước này vẫn có từ gần 50 năm qua.
Pháp : Phong trào chống tăng thuế xăng được ủng hộ mạnh
Cuộc khủng hoảng về thuế xăng dầu tiếp tục dâng cao tại Pháp thách thức uy tín của chính phủ là một chủ đề lớn khác của các báo Pháp hôm nay. Theo một thăm dò dư luận của Odoxa cho Le Figaro, 77% người Pháp được hỏi đánh giá là phong trào "Áo vàng", phản đối chính sách tăng giá xăng, dầu của chính phủ, là "có cơ sở". Hồi thứ Bảy tuần trước phong trào Áo vàng đã phong tỏa nhiều trục đường tại Pháp để phản đối, và tiếp tục kêu gọi một lần xuống đường tương tự vào ngày mai thứ Bảy.
Trong vòng một tuần, tỉ lệ ủng hộ phong trào Áo vàng đã tăng thêm 3 điểm. Bên cạnh đó, hai phần ba người Pháp cho rằng phong trào cần phải tiếp tục sau ngày hành động dự kiến vào ngày mai. Vẫn theo điều tra dư luận nói trên, 60% người Pháp cho rằng phong trào xã hội này không mang tính bạo lực, 77% cho họ là "dũng cảm", 78% cho rằng họ tranh đấu vì "lợi ích chung". 82% người trả lời hy vọng tổng thống Pháp hủy bỏ sắc thuế này. Le Figaro nhấn mạnh là những con số nói trên cho thấy chiến lược bôi nhọ phong trào của chính phủ đã thất bại.
Theo Les Echos, đối mặt với phong trào phản đối dâng cao, phủ tổng thống Pháp hứa hẹn "các biện pháp mạnh". Hôm thứ Ba tới, tổng thống Emmanuel Macron sẽ thông báo "một kế hoạch mới", cho phép cuộc chuyển đổi sang Kinh tế Xanh với cái giá hợp lý khiến xã hội "có thể chấp nhận được". Nhà nước sẽ đầu tư thêm tiền để hỗ trợ những gia đình khó khăn, bị việc tăng thuế ảnh hưởng, đồng thời sẽ thảo luận rộng rãi với các công dân, về những vấn đề gây bất đồng.
Tổng thống Macron bỏ lỡ cuộc cải cách thuế các-bon như thế nào ?
Le Figaro có bài phân tích "Tổng thống Pháp đã bỏ lỡ cuộc cải cách thuế các-bon như thế nào ?". Le Figaro so sánh cách làm của tổng thống Macron với các tổng thống tiền nhiệm để cho thấy đương kim tổng thống đã đốt cháy giai đoạn, bỏ qua những lời tư vấn của các chuyên gia, để khiến cho cuộc cải cách, vốn là điều cần thiết, đang phải hứng chịu các phản đối dữ dội từ phía xã hội. Theo Le Figaro, trước khi đắc cử ứng cử viên Macron đã được tư vấn về việc cần phải lập ra một ủy ban để xây dựng một cơ sở khoa học cho cuộc chuyển đổi sang kinh tế Xanh hết sức phức tạp và khó khăn này. Tuy nhiên, sau khi đắc cử tổng thống Macron đã làm ngược lại, không lập ủy ban khoa học, không ủy ban tư vấn. Lộ trình tăng giá xăng dầu được quyết định một cách đơn giản ngay tại Bộ Tài chính trong mùa hè 2017, với mục tiêu bù đắp cho việc giảm thuế dự kiến trong nhiệm kỳ 5 năm.
Le Figaro cũng thừa nhận là tổng thống Pháp có làm theo lời khuyên của một số chuyên gia Bộ Tài chính, theo đó, cần dành một phần của khoản tiền này để hỗ trợ những người gặp khó khăn do giá tăng. Tuy nhiên, số tiền được chi ra chỉ vào khoảng vài trăm triệu euro, và chỉ đến khi gặp phải áp lực của phong trào Áo vàng, chính phủ mới quyết định chi thêm 500 triệu euro.
Về chủ đề này, La Croix có bài phóng sự dẫn lại trực tiếp tiếng nói của hai công dân Pháp, bị chính sách tăng thuế xăng dầu, ảnh hưởng nặng nề.
Đài Loan : Cuộc bỏ phiếu dưới áp lực
Về thời sự Châu Á, Les Echos giới thiệu với độc giả cuộc bầu cử giữa kỳ Đài Loan ngày mai, với tựa đề "Đài Loan, hòn đảo dưới áp lực". 19 triệu cử tri Đài Loan được kêu gọi đi bầu các lãnh đạo từ cấp phường xã, đến vùng. Đây được coi là một trắc nghiệm quan trọng đối với tổng thống Thái Anh Văn, đảng Dân Tiến, chủ trương giữ nguyên trạng, không đòi độc lập, nhưng cũng không siết chặt quan hệ với Bắc Kinh. Đảng Dân Tiến hiện nắm 13 trên tổng số 22 vùng. Một số thành phố lớn như Cao Hùng (Kaohsiung) hay Đài Chung (Taichung) có thể bị mất vào tay đảng đối lập Quốc Dân Đảng, thân Bắc Kinh.
Bên cạnh bầu cử lãnh đạo địa phương, cử tri Đài Loan cũng bỏ phiếu trong nhiều cuộc trưng cầu dân ý khác. Bắc Kinh theo dõi sát diễn biến bỏ phiếu ở Đài Loan. Phẫn nộ với chính quyền Trung Quốc, cử tri Đài Loan có thể bỏ phiếu thông qua nhiều biện pháp mang tính biểu tương, như chấm dứt tên gọi "Trung Hoa – Đài Bắc" của đoàn thể thao, để thay bằng "Đài Loan".
Les Echos cũng cho biết, với tình trạng tăng trưởng kinh tế chững lại hiện nay, tổng thống Thái Anh Văn đang ở trong tình thế khó khăn. Bên cạnh đó, chính quyền Trung Quốc không ngừng có các biện pháp cô lập hòn đảo về ngoại giao.
Cũng Les Echos có bài phỏng vấn ngoại trưởng Đài Loan – mang tựa đề "Đất nước tôi không thuộc Cộng hòa nhân dân Trung Hoa" - khẳng định vùng lãnh thổ này trên thực tế là một nhà nước độc lập, có tổng thống được bầu lên bằng con đường dân chủ, có quân đội, có đồng tiền riêng. Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan một mặt khẳng định "không tuyên bố độc lập", sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc, để bảo vệ hòa bình và ổn định hai bên bờ eo biển, nhưng mặt khác kêu gọi các quốc gia dân chủ hậu thuẫn Đài Loan. Ngoại trưởng Joseph Wu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của phong trào đòi độc lập đang sôi động tại Đài Loan.
Mỹ : Lời qua tiếng lại giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Tòa án tối cao
Về Hoa Kỳ, La Croix có bài xã luận đáng chú ý về chuyện "Lời qua tiếng lại giữa tổng thống Trump và chánh án Tòa án tối cao", điều chưa từng xảy ra. Hôm thứ Tư vừa qua, sau khi bị tổng thống chỉ trích, chánh án Tòa án tối cao Hoa Kỳ John Roberts - một người vốn được coi là cùng phe với ông Trump - đã phản ứng mạnh mẽ, khi khẳng định Tòa án tối cao có một dàn thẩm phán tuyệt vời và tận tụy hết mình vì việc công. Và không thể có các thẩm phán thân tổng thống, dù trong bất kỳ nhiệm kỳ nào.
Chánh án Tòa án tối cao Hoa Kỳ cũng tái khẳng định là một nền dân chủ không thể chỉ được quy về các cuộc bầu cử, mà còn phải dựa trên nguyên tắc căn bản, đó là tam quyền phân lập, tách biệt giữa hành pháp, tư pháp và lập pháp.
Khí hậu : Quốc gia đầu tiên dọa kiện các tập đoàn dầu lửa
Trong lĩnh vực môi trường, Les Echos cho hay, đảo quốc Vanuatu đang xem xét kiện các tập đoàn dầu lửa, các định chế tài chính và chính phủ nhiều nước, vì các thiệt hại do nước biển dâng cao và thiên tai bất thường gia tăng, mà Vanuatu phải gánh chịu. Quần đảo Vanuatu có 260.000 dân, sinh sống tại 82 đảo nhỏ. Đây là lần đầu tiên một quốc gia đe dọa khởi kiện các doanh nghiệp, bị coi là thủ phạm của biến đổi khí hậu.
Hôm thứ Tư 21/11 vừa qua, ngoại trưởng Vanuatu, đảo quốc nam Thái Bình Dương thông báo tin trên trong cuộc họp qua mạng của Diễn đàn các quốc gia dễ tổn thương với biến đổi khí hậu (Climate Vulnerable Forum), bao gồm 48 nước.
Gần hai tuần trước thượng đỉnh Khí hậu COP24 tại Ba Lan, nhóm các nước dễ bị tổn thương muốn rung thêm một tiếng chuông cảnh báo để đánh động cộng đồng quốc tế. Theo thông báo của Tổ chức Khí tượng Thế giới, mức độ khí thải năm 2017 tiếp tục tăng so với năm trước 2016.
Trọng Thành