Tập Cận Bình đưa người thân vào vị trí chủ chốt (RFI, 05/03/2018)
Như thông lệ, đầu tháng 3/2018 này, tại Trung Quốc diễn ra hai hội nghị chính trị lớn, của Quốc hội và Chính Hiệp (tức Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân), định chế mà một số nhà quan sát ví như một dạng "Thượng Viện" của Trung Quốc. Những gì đáng chú ý trong hai kỳ họp Quốc hội và Chính Hiệp đầu tiên tiếp theo Đại hội thứ 19, đưa ông Tập Cận Bình lên đỉnh cao quyền lực ? Theo báo chí Châu Á và quốc tế, bên cạnh khả năng Hiến pháp Trung Quốc sẽ được sửa đổi để mở đường cho ông Tập thâu tóm toàn bộ quyền bính, một vấn đề chính yếu là nhiều nhân vật thân cận với Chủ tịch Trung Quốc sẽ được đưa vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt.
Ông Vương Kỳ Sơn (P), người được coi là sẽ trở thành phó Chủ tịch Trung Quốc, phiên khai mạc Quốc hội Trung Quốc, Bắc Kinh, ngày 05/03/2018. Reuters/Jason Lee
Những vị trí chủ chốt nào ?
Theo báo Nhật Nikkei Asian Review, ông Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), trợ tá đắc lực của Tập Cận Bình trong cuộc chiến "chống tham nhũng", còn được gọi là "đả hổ, diệt ruồi", rất nhiều khả năng sẽ được bầu làm phó Chủ tịch nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Trong Đại hội thứ 19, hồi tháng 10/2017, Vương Kỳ Sơn không được tái bổ nhiệm làm ủy viên thường vụ Bộ chính trị, do đã quá tuổi quy định, cho dù vào thời điểm đó đã có nhiều đồn đoán về việc nhân vật này tiếp tục tại vị.
Vương Kỳ Sơn là người đứng đầu Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương của đảng cộng sản Trung Quốc, cơ quan nắm quyền sinh, quyền sát trong cuộc "chiến chống tham nhũng", mà nhiều người cho cũng là phương tiện để ông Tập Cận Bình loại trừ các thế lực đối lập trong đảng. Dưới thời Vương Kỳ Sơn, Bạc Hy Lai (Bo Xilai), ủy viên Bộ chính trị đầy quyền uy, bí thư Trùng Khánh, từng được coi là người có khả năng trở thành lãnh đạo tối cao, đã bị hạ bệ, và tiếp theo đó là Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai), cũng là người đứng đầu Trùng Khánh, và cũng từng được coi là ứng viên kế nhiệm lãnh đạo họ Tập.
Ngoài vị trí phó Chủ tịch nước, Nikkei còn chú ý đến bốn chức phó thủ tướng và dự đoán chắc chắn sẽ có một số nhân vật thân cận với Tập Cận Bình, vừa được bầu làm ủy viên thường vụ Bộ chính trị trong kỳ Đại hội 19. Ngoài ra, còn năm ủy viên Quốc Vụ, cấp lãnh đạo trong chính phủ quan trọng hơn bộ trưởng.
Ứng viên số một vào hai chức vụ rất quan trọng khác, lãnh đạo ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý tài chính, là những nhân vật rất thân cận với Tập Cận Bình : ông Lưu Hà (Liu He) hiện là kinh tế gia trưởng của chính phủ, và ông Quách Thụ Thanh (Guo Shuqing), hiện là Chủ tịch cơ quan kiểm soát lĩnh vực ngân hàng của chính phủ Trung Quốc.
Thêm nhiều tỉ phú công nghệ tin học
Báo chí đặc biệt chú ý đến hai thay đổi lớn khác trong hàng ngũ các đại biểu tham dự hai kỳ họp Quốc hội và Chính Hiệp của Trung Quốc (người Trung Quốc thường gọi là "lưỡng hội"). Trước hết, đó là số lượng các đại biểu tỉ phú tuy giảm mạnh so với khóa trước, nhưng ngược lại nhìn chung tổng tài sản của nhóm tỉ phú lại gia tăng, và đặc biệt rất nhiều tỉ phú trong ngành công nghệ cao, trước hết là công nghệ tin học, trí tuệ nhân tạo, người máy.
Theo AP, theo một báo cáo điều tra của Hurun, chuyên xếp hạng các doanh nhân Châu Á, công bố ngày 02/03, trong số hơn 5.000 đại biểu Trung Quốc, có 152 người "siêu giàu", so với 209 người của khóa trước. Tuy nhiên tổng tài sản của nhóm này là 4.100 tỉ nhân dân tệ (tức 650 tỉ đô la), tăng một phần năm so với năm trước. 28 đại gia trong số 100 người giàu nhất Trung Quốc có mặt trong danh sách các đại biểu.
Sự hiện diện của nhiều tỉ phú trong hàng ngũ các đại biểu cho thấy tầng lớp doanh nhân giàu có vẫn là đối tượng "hoan nghênh" của chế độ cộng sản, cho dù trong những năm qua, Bắc Kinh liên tục có nhiều chính sách được coi là "quyết liệt" nhắm vào các công ty tư nhân, đặc biệt trong vấn đề chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài. Cho dù lo ngại vì những thay đổi chính sách, nhưng nhìn chung, đối với các doanh nhân tư nhân Trung Quốc, thì việc tham gia vào nhóm "tinh hoa chính trị" này vẫn là một phương tiện thăng tiến, bởi đa số họ đều hiểu rằng "đảng kiểm soát tất cả".
Đứng đầu nhóm các tỉ phú là ông Pony Mã Hóa Đằng (Ma Huateng), Chủ tịch tập đoàn Tencent/Đằng Tấn - điều hành ứng dụng trực tuyến nổi tiếng WeChat hay Vi Tín (Weixin) (với gần một tỉ người sử dụng), với tổng tài sản 47 tỉ đô la. Người đứng thứ hai trong nhóm này là Lý Thư Phúc (Li Shufu), Chủ tịch Geely - một trong các tập đoàn xe hơi lớn nhất Trung Quốc, cũng là ông chủ hãng xe hơi Volvo Thụy Điển, và vừa mua lại 10% cổ phần của tập đoàn xe hơi Đức Daimler. Tổng tài sản của doanh nhân họ Lý ước tính 17 tỉ đô la.
Theo giáo sư Sun Xin chuyên về doanh nghiệp Trung Quốc và Đông Á ở trường King’s College, Luân Đôn, hầu hết các gương mặt mới được bổ nhiệm vào vị trí cố vấn ban kinh tế của cơ quan Chính Hiệp đầu xuất thân từ các công ti công nghệ. Quyết định này của chính quyền Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh chủ trương chuyển hướng kinh tế dựa vào hiện đại hóa công nghiệp và cách tân công nghệ, hơn là các lĩnh vực như bất động sản và năng lượng truyền thống.
Một gương mặt tiêu biểu cho thế hệ công nghệ mới nổi lên là ông Richard Lưu Cường Đông (Liu Qiangdong), nhà sáng lập và Chủ tịch tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc JD.com, hay Đinh Lỗi (Ding Lei), ông chủ của NetEase, công ti trò chơi điện tử và quảng cáo trên mạng đứng thứ hai Trung Quốc.
Hàng loạt đại gia bất động sản giã từ "lưỡng hội"
Theo báo Hồng Kông South China Morning Post, một điểm đặc biệt đáng chú ý thứ hai trong lĩnh vực này là sự ra đi của hàng loạt đại biểu - đại gia bất động sản, tổng cộng hơn 20 người, trong đó có đại gia Hồ Bảo Sâm (Hu Baosen), ông chủ tập đoàn Jianye, hay Hồ Á Quân (Wu Yajun), lãnh đạo Longfor Properties…
Theo nhà nghiên cứu độc lập Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou), ở Bắc Kinh, được SCMP dẫn lại, việc hàng loạt đại gia bất động sản vắng mặt là một chỉ dấu cho thấy đường lối chống "đầu cơ" bất động sản của ông Tập Cận Bình bắt đầu có hiệu lực. Theo chuyên gia Hồ Tinh Đẩu, "càng nhiều đại gia bất động sản trỗi dậy, điều đó có nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc không sung sức", "ít người muốn đầu tư vào các hoạt động kinh tế thực sự, vào các ngành công nghiệp quốc gia" và bất động sản cũng là "ổ tham nhũng", bởi lĩnh vực này liên quan đến hàng trăm kế hoạch xây dựng của chính phủ.
Trong số các đại gia bất động sản trụ lại được, có tỉ phú Hứa Gia Ấn (Hui Kayan), chủ tập đoàn Evergrande Group, được biết đến như là người đã bỏ ra 1,7 tỉ đô la trong hai năm qua, để giảm nghèo đói tại một thành phố tỉnh Quý Châu, một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc, và hứa hẹn sẽ giúp một triệu dân Trung Quốc thoát nghèo. Tỉ phú Hứa Gia Ấn có tài sản ước tính 41 tỉ đô la.
Sửa đổi Hiến pháp : Nhiều dấu hỏi đặt ra về Hội nghị trung ương 3 bất thường
Theo phân tích của nhà báo Charlotte Gao, trong một bài viết đăng tải hôm 01/03 trên trang mạng The Diplomat, cho đến nay chưa rõ là Quốc hội Trung Quốc có thông qua yêu cầu của ban lãnh đạo đảng hủy bỏ quy định làm Chủ tịch nước không quá hai nhiệm kỳ hay không trong lần họp này.
Ngay trước kỳ họp Quốc hội và Chính Hiệp, Bắc Kinh tổ chức bất thường hội nghị trung ương lần thứ ba (Đại hội 19), bình thường sẽ chỉ diễn ra vào cuối năm. Trên thực tế việc tổ chức thêm một kỳ hội nghị lần thứ ba, chỉ sau hội nghị lần thứ hai có một tháng, là điều "không bình thường". Điều không bình thường nữa là cả hai hội nghị thứ ba và thứ hai đều đã không hề có thông báo chính thức về việc yêu cầu sửa đổi Hiến pháp liên quan đến vấn đề nhiệm kỳ Chủ tịch, như thông tin được đăng tải rộng rãi trên nhiều phương tiện truyền thông tại Trung Quốc, vốn được coi như quan điểm chính thức của Ban Chấp Hành Trung Ương (Tân Hoa Xã, ngày 25/02/2018).
Theo Charlotte Gao, nhìn chung đây là chuyện "rất đáng ngạc nhiên". Hiện tại rất ít thông tin lọt ra từ hội nghị này. Nhà báo Charlotte Gao dẫn lời nhà bình luận chính trị độc lập Chương Lập Phàm (Zhang Lifan), ở Bắc Kinh, trong vấn đề này, có hai khả năng hoàn toàn trái ngược.
Thứ nhất là Ủy ban trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc có thể đã "hoàn toàn nhất trí" trong đảng về đề nghị sửa đổi Hiến pháp ngay trong hội nghị lần thứ hai trước đó, vì vậy không cần nhắc lại vấn đề này. Giả thuyết thứ hai, cũng rất có thể, là đã xảy ra "nhiều tranh luận quyết liệt" về việc sửa đổi Hiến pháp trong nội bộ Ủy ban trung ương. Điều này cũng có nghĩa là ông Tập Cận Bình cho đến khi Quốc hội khai mạc vẫn chưa thuyết phục được toàn bộ ban lãnh đạo đảng.
Quá trình ra quyết định của chế độ cộng sản Trung Quốc vốn luôn nằm trong vòng bí mật. Kết quả của kỳ họp Quốc hội sẽ cho biết khả năng nào là đúng.
Điều rõ ràng nhất, đó là cũng như thông lệ, thông báo của hội nghị lần thứ ba hứa hẹn sẽ tăng cường sự lãnh đạo của đảng "trong mọi lĩnh vực" và mục tiêu của cuộc cải cách hiện nay là để làm sao tất cả mọi cơ quan, từ chính phủ cho đến "các tổ chức nhân dân", "tổ chức xã hội", "doanh nghiệp" đều làm việc dưới "sự lãnh đạo thống nhất" của Đảng cộng sản.
Trọng Thành
******************
Trung Quốc cảnh báo Hong Kong và Đài Loan (RFA, 05/03/2018)
Trung Quốc hôm 05/03 tỏ rõ lập trường cứng rắn về sự gia tăng bất đồng quan điểm tại Đài Loan và Hong Kong.
Trong báo cáo trước quốc hội Trung Quốc vào ngày hôm nay, 5/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường cảnh báo Trung Quốc "sẽ không bao giờ dung túng cho bất kỳ kế hoạch ly khai nào" ở Đài Loan. AFP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc không thay đổi quan điểm Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc dù cho có bất kỳ sự thay đổi chính trị nào tại đây.
Trong báo cáo trước quốc hội Trung Quốc vào ngày hôm nay, 5/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường cảnh báo Trung Quốc "sẽ không bao giờ dung túng cho bất kỳ kế hoạch ly khai nào" ở Đài Loan, trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Báo cáo cũng cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục duy trì nguyên tắc "một Trung Quốc" và thúc đẩy quan hệ "tăng trưởng hoà bình" với Đài Loan theo thỏa thuận vào năm 1992, rằng chỉ có một Trung Quốc mà không nêu rõ Bắc Kinh hay Đài Bắc là đại diện chính thức.
Ông Lý Khắc Cường nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ "thống nhất Đài Loan trong hòa bình" bởi Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ đang chờ thống nhất.
Ngoài ra, báo cáo cũng cảnh báo những bất đồng đang xảy ra ở Hong Kong và Macau là những nơi có quy chế một nhà nước hai hệ thống.
Mặc dù báo cáo năm nay của Trung Quốc vấn nói đến một quốc gia hai hệ thống nhưng Trung Quốc không còn nhấn mạnh đến việc áp dụng quy chế này như trước kia.
******************
Chiến thuật đưa Brunei vào ‘Con đường Tơ lụa thế kỷ 21’ của Trung Quốc (VOA, 06/03/2018)
Trên một hòn đảo nhỏ nằm ngoài khơi phía bắc của Brunei ở Biển Đông, hàng ngàn công nhân Trung Quốc đang xây dựng một khu phức hợp lọc dầu và hóa dầu và một cây cầu nối khu liên hợp với thủ đô Bandar Seri Begawan.
Sultan Hassanal Bolkiah thị sát quân đội Brunei ở thủ đô Bandar Seri Begawan ngày 15/7/2006. Trung quốc nói Brunei là một quốc gia quan trọng trên 'Con đường Tơ lụa thế kỷ 21' của Bắc Kinh.
Theo tường thuật của Reuters, khi hoàn thành, giai đoạn đầu tiên của khu phức hợp trị giá 3,4 tỷ USD trên đảo Muara Besar, do Tập đoàn Hengyi của Trung Quốc điều hành, sẽ là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay ở Brunei, xuất hiện vào thời điểm mà quốc gia phụ thuộc vào dầu khí cần đến nó nhất.
Trữ lượng dầu mỏ và khí đốt của Brunei dự kiến sẽ cạn kiệt trong vòng hai thập niên. Các nhà phân tích nói khi công việc sản xuất sụt giảm, các công ty dầu mỏ sẽ không đầu tư nhiều vào các cơ sở hiện có, gây thêm trở ngại về sản lượng. Kết quả là thu nhập từ dầu mỏ của Brunei, vốn là hầu bao của gần như tất cả các chi tiêu của chính phủ Brunei, đang sụt giảm đều đặn.
Với tình trạng thất nghiệp đang tăng trong giới thanh niên hiện nay, nhà lãnh đạo Brunei, Sultan Hassanal Bolkiah, đang cố gắng cải cách nhanh nền kinh tế và đa dạng hóa nguồn thu nhập, trong lúc tiếp tục cuốc chiến chống lại tham nhũng và trấn áp giới bất đồng chính kiến.
Sự xuống dốc của Brunei được phản ánh trong lĩnh vực tài chính. HSBC đã rút khỏi Brunei năm ngoái, trong khi Citibank ra đi vào năm 2014 sau 41 năm. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc lại mở chi nhánh đầu tiên tại quốc gia Hồi giáo này vào tháng 12 năm 2016.
Dự án Muara Besar hứa hẹn sẽ mang lại hơn 10.000 việc làm, ít nhất một nửa trong số đó sẽ dành cho các sinh viên mới tốt nghiệp, Reuters dẫn nguồn truyền thông Brunei cho biết. Tuy nhiên, thông báo cho biết hàng ngàn công nhân Trung Quốc đã được chuyển đến để xây dựng khu phức hợp đã làm một số cư dân địa phương tức giận.
Con đường tơ lụa trên biển
Hengyi Industries, công ty địa phương xây dựng nhà máy lọc dầu, không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. Thông tin từ trang web cho biết công ty được thành lập vào năm 2011 và có trụ sở tại Bandar Seri Begawan dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn đầu của khu phức hợp nhà máy lọc dầu và hóa dầu tại Muara Besar vào cuối năm nay.
Thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei là nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh của khối ASEAN năm 2013. Brunei là một trong số các quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.
Giai đoạn 2 trị giá 12 tỷ USD sẽ dành cho việc mở rộng công suất nhà máy lên tới 281.150 thùng/ ngày và xây dựng các đơn vị sản xuất 1,5 triệu tấn ethylene/năm và 2 triệu tấn paraxylene/năm.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp Hoa Kỳ về đầu tư toàn cầu của Trung Quốc, tổng đầu tư của Bắc Kinh tại Brunei ước đạt 4,1 tỷ USD.
Con số này có phần chắc sẽ tăng lên khi Trung Quốc đẩy mạnh dự án "Vành đai và Con đường", còn gọi là "Con đường tơ lụa của thế kỷ 21", dự kiến liên kết Trung Quốc với Đông Nam Á, Châu Phi và Á-Âu qua mạng lưới các cảng, đường, đường sắt và các khu công nghiệp.
"Brunei là một quốc gia quan trọng trên Con đường Tơ lụa thế kỷ 21", Đại sứ Trung Quốc tại Brunei Yang Jian nói trong lễ khai trương một liên doanh điều hành cảng container lớn nhất ở Brunei vào tháng 2 năm 2017.
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tổng đầu tư nước ngoài của Hoa Kỳ ở Brunei trong năm 2012 chỉ có 116 triệu USD. Trong khi đó, Trung Quốc đầu tư khoảng 205 tỷ USD vào Đông Á trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2017, theo báo cáo về Đầu tư Toàn cầu của Trung Quốc.
Bắc Kinh đang gia tăng những khoản đầu tư này trong lúc đấu với bốn quốc gia Đông Nam Á, bao gồm cả Brunei, trong tranh chấp chủ quyền trên các đảo, đá ở Biển Đông
Jatswan Singh, giáo sư Đại học Malaya ở Kuala Lumpur, tác giả của 4 cuốn sách về Brunei, nhận định : "Việc xây dựng quan hệ tốt đẹp và đưa ra các khoản đầu tư lớn là một phần trong chiến lược của Trung Quốc để chia cắt các nước Đông Nam Á nhằm đảm bảo không có sự đồng thuận về các vấn đề Biển Đông".
Brunei không bình luận công khai về tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông.
*************************
Manila : Muốn khai thác chung Bãi Cỏ Rong, Trung Quốc phải công nhận chủ quyền của Philippines (VOA, 05/03/2018)
Một thẩm phán của Philillpines phát biểu hôm 5/3 rằng bất kỳ một thỏa thuận nào giữa Philippines và một công ty Trung Quốc để khai thác khí đốt tại Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) trên Biển Đông sẽ là bất hợp pháp trừ khi Trung Quốc công nhận chủ quyền Philippines đối với khu vực đó, theo hãng tin Reuters.
Tập đoàn Dầu khi Quốc gia Trung Quốc (CNOOP).
Gần đây Manila đã xác định hai khu vực trong thủy lộ nhộn nhịp là địa điểm phù hợp để thăm dò khai thác chung. Hai nước tìm cách giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp ngoại giao và pháp lý nhưng không đề cập đến vấn đề chủ quyền.
Cả hai nước đều có tuyên bố chủ quyền đối với Bãi Cỏ Rong, nhưng luật pháp quốc tế nói rằng bãi này nằm trong Khu vực Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Philippines. Trung Quốc nói rằng Bãi Cỏ Rong nằm trong cái gọi là đường chín đoạn do Bắc Kinh đặt ra, trong đó tuyên bố quyền lịch sử đối với cả khu vực.
Ông Antonio Carpio, quyền thẩm phán hàng đầu của Tòa án Tối cao, cho biết việc Bộ Năng lượng Philippines trao đổi với Tập đoàn Dầu khi Quốc gia Trung Quốc (CNOOP) là hợp pháp.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hinh ANC, ông Carpio nói : "Không có vấn đề gì nếu CNOOC công nhận rằng đó là vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi. Nhưng nếu CNOOC không công nhận thì việc đó lại có vấn đề".
Ông Carpio phát biểu như vừa nêu với tư cách là một chuyên gia về luật pháp quốc tế và là người ủng hộ nhiệt thành cho chủ quyền lãnh hải của Philippines.
Trung Quốc là nước ký kết Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), nhưng không công nhận một phán quyết của tòa án La Hague năm 2016 trong đó vô hiệu hóa đường chín đoạn của Trung Quốc.
Tuần trước, ông Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines cho biết bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào giữa Manila và Bắc Kinh cần phải được thống nhất với một công ty, chứ không phải là với chính phủ Trung Quốc.
Hôm 5/3, ông Roque cho biết Philippines và Trung Quốc sẽ phải ký một hiệp định để cùng tham gia thăm dò và khai thác khí đốt tại Bãi Cỏ Rong.
Tuần này, Hội nghị Kỳ Ba của Ban Chấp hành Trung ương Khóa 19 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc có phiên họp bất thường từ ngày 26 tới 28 để lập tức thông báo từ hôm Chủ Nhật 25 việc tu chỉnh Điều lệ Đảng và Hiến pháp nhằm mở rộng hạn kỳ lãnh đạo của Chủ tịch và Phó Chủ tịch quá hai nhiệm kỳ 10 năm. lãnh đạo kéo dài có thể gây quan ngại cho nhiều quốc. Sau Đại hội đảng của Khóa 19 vào tháng 10 năm ngoái, người ta không ngạc nhiên về việc Tổng bí thư Tập Cận Bình ra sức thâu tóm quyền lực, nhưng sự kiện mới công bố về kỳ hạn lãnh đạo kéo dài có thể gây quan ngại cho nhiều quốc gia khác. Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về biến cố này.
Tập Cận Bình tân hoàng đế Trung Quốc ? Ảnh The Economist
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong chương trình Diễn đàn Kinh tế. Thưa ông, quý thính giả của chúng ta cùng Nguyên Lam mong là ông đã bình phục sau nhiều tuần chuẩn bị Hội Xuân Mậu Tuất cho Quận Cam tại miền Nam California và kỳ này xin đề nghị ông phân tích cho biến cố vừa xảy ra tại Bắc Kinh khi ông Tập Cận Bình có thể làm Chủ tịch Trung Quốc sau hai nhiệm kỳ 10 năm như các vị tiền nhiệm trước đây. Thưa ông, chuyện ấy là gì vậy ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta khởi sự từ bối cảnh trước. Thông thường, đảng Cộng Sản Trung Quốc có khóa họp năm năm tổ chức một lần vào mùa Thu và mất cả năm chuẩn bị để hơn hai ngàn đại biểu thay mặt gần 90 triệu đảng viên trên toàn quốc bầu lên một Ban chấp hành trung ương có hơn 200 Ủy viên chính thức và chừng 170 ủy viên dự khuyết. Tới cuối khóa họp thì Ban chấp hành trung ương có kỳ họp đầu tiên để thông báo kết quả họp hành thật ra được Bộ chính trị gồm mấy chục Ủy viên soạn trước theo nguyên tắc gọi là "dân chủ tập trung". Nôm na là một đảng độc quyền có thể bầu lên một Ban chấp hành trung ương vài trăm người và Ban Chấp Hành đề cử 25 Ủy viên Bộ chính trị và bảy hay chín người trong cơ chế tối cao là Thường vụ Bộ chính trị để quyết định thay cho gần một tỷ 400 triệu người dân. Trên cùng là Tổng bí thư đảng sẽ lãnh đạo Nhà nước, Quân đội và các cơ chế kỷ luật nhuốm mùi pháp luật.
Thứ nữa, đầu năm sau Đại hội đảng Khóa 19, Ban chấp hành trung ương họp kỳ hai vào hai ngày 18-19 tháng Giêng vừa qua để khai triển quyết định của đảng cho bộ máy nhà nước thi hành qua hai hội nghị hay "lưỡng hội" là Đại hội Nhân dân Toàn quốc, là Quốc hội, và một cơ chế tư vấn là Hội nghị Hiệp thương Chính trị hay Chính Hiệp sẽ họp vào đầu tháng Ba này. Điều bất thường là sau đó một tháng, Ban chấp hành trung ương khóa 19 lại họp kỳ thứ ba để thông báo việc nới rộng thời hạn lãnh đạo của ông Tập Cận Bình qua hai nhiệm kỳ năm năm.
Nguyên Lam : Thưa ông, đấy là một bối cảnh mà ông gọi là bất thường. Theo ông nghĩ thì chuyện gì đã xảy ra trong nội tình lãnh đạo của Trung Quốc ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Văn hóa chính trị Trung Quốc là sự bí hiểm gói kín trong bí mật nhưng thật ra vẫn chỉ là chuyện tranh đoạt quyền lực thôi. Thông thường thì Ban chấp hành trung ương của một khóa có nhiều kỳ họp nhưng hai kỳ họp cách nhau một tháng là triệu chứng bất tường.
Giới quan sát quốc tế cho là sau Hội nghị Kỳ Hai vào tháng trước thì từ hôm 26 tháng Giêng đã có việc tu chỉnh Hiến pháp để nới rộng nhiệm kỳ cho họ Tập. Nhưng khi Hội nghị Kỳ Ba lại được đột ngột triệu tập trong ba ngày 26 tới 28 tháng này, với quyết định tu chỉnh Hiến pháp được công bố hôm Chủ Nhật 25 mà Tân Hoa Xã lại cho ghi ngày là 26 tháng Giêng thì nhiều người tin là Tập Cận Bình dùng Ban chấp hành trung ương thay vì Bộ chính trị hay Thường vụ Bộ chính trị để nới rộng quyền lực của mình. Lý do là trong hai cơ chế tập trung nói trên, ông ta không được đa số Ủy viên ủng hộ nên mới dùng Ban chấp hành trung ương là nơi ông có hậu thuẫn cao hơn. Nếu đúng như vậy thì ta nên kết luận ngược, rằng lãnh đạo Trung Quốc đang thiếu ổn định và thống nhấy ý kiến.
Nguyên Lam : Thưa ông, ngay sau Đại hội Khóa 19 vào tháng 10 vừa qua, người ta đã thấy hai sự lạ. Thứ nhất là Điều lệ đảng và Hiến pháp chính thức công nhận "Tư tưởng Tập Cận Bình về Xã hội Chủ nghĩa với Màu sắc Trung Hoa". Thứ hai là Đảng không đề cử một người làm Phó Chủ tịch nước, là nhân vật sẽ kế tục ông Tập Cận Bình sau khi nhiệm kỳ hai chấm dứt vào năm 2023. Phải chăng hai sự kiện ấy đã báo trước việc Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực ngang tầm Chủ tịch Mao Trạch Đông và còn hơn cả lãnh tụ Đặng Tiểu Bình, ông nghĩ sao ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi còn thấy sự lạ thứ ba là trong báo cáo chính trị dài hơn ba tiếng của Đại hội 19, Tập Cận Bình nhiều lần nói đến "các mâu thuẫn cơ bản của kỷ nguyên mới". Ông ta thấy ra nhiều vấn đề khá nguy ngập và muốn tập trung quyền lực để giải quyết sau năm năm lãnh đạo từ Đại hội Khóa 18 vào cuối năm 2012 mà không xong. Điều ấy cũng có nghĩa là cùng với việc chuyển hướng cải cách chưa thành và chiến dịch diệt trừ tham nhũng lên tới cấp cao nhất, các phe phái bên trong đã đồng ý với việc tập quyền thay vì duy trì tinh thần thỏa hiệp theo nguyên tắc đồng thuận do Đặng Tiểu Bình đề ra. Bây giờ, sau khi củng cố quyền hành trong không gian và mở rộng hơn nữa vào thời gian, Tập Cận Bình đang lấy rất nhiều rủi ro cho bản thân nếu ông ta thất bại. Nhưng trái ngược, đấy lại là cơ hội cho các nước cảnh tỉnh, vì vậy, tôi cho rằng đây là một tin vui !
Nguyên Lam : Có lẽ thính giả của chúng ta đã quen với cách nhìn trái ngược của ông, nhưng thưa ông, tại sao ông lại coi đây là một tin vui ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin có hai phần giải thích, về đối ngoại và nội chính. Thế giới và truyền thông cứ ngợi ca phép lạ kinh tế Trung Quốc mà không thấy sự thật là lãnh đạo Bắc Kinh coi dư luận và luật lệ quốc tế tựa cái dép rách. Năm ngoái, tại thượng đỉnh kinh tế Davos và Đại hội đồng Liên hiệp Quốc, Tập Cận Bình thủ vai vô địch về hợp tác quốc tế và toàn cầu hóa dù vẫn trực tiếp can thiệp vào kinh tế quốc dân và coi thường các xứ khác. Thí dụ là cấm vận kinh tế Nam Hàn vì tội dám trang bị hệ thống võ khí phòng thủ, hoặc xen lấn vào nội tình chính trị của Úc.
Trước đó thì phủ nhận phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực trong vụ tranh chấp chủ quyền trên các hải đảo với xứ Philippines. Mới tháng Bảy năm ngoái thì xóa bỏ các cam kết từ năm 1985 với Vương quốc Anh về quyền tự trị của Hong Kong trong khi quân sự hóa nhiều cụm đá nổi đã cưỡng chiếm của các lân bang như Việt Nam hay Philippines. Người ta lầm tưởng Bắc Kinh tận dụng "quyền lực mềm" là lợi ích kinh tế để tranh thủ thiên hạ chứ cứng mềm, âm thầm hay ngang ngược là động thái họ vẫn làm từ nhiều năm qua, để nhắm vào mục tiêu bá quyền tại Đông Á trong vài chục năm tới.
Nguyên Lam : Theo ông, sau vụ tăng cường quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình thì liệu rằng các quốc gia khác có nhìn ra sự thể ấy hay chưa ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Các nước ở xa có thể than vãn nạn chà đạp tự do và dân quyền do Tập Cận Bình tiến hành từ nhiều năm qua nhưng cho rằng thà như vậy mà còn có ổn định để làm ăn. Các quốc gia ở gần thì không quên yếu tố an ninh lồng trong nhiều sáng kiến kinh tế của Bắc Kinh, như Con Đường Tơ Lụa hay các ngân hàng đầu tư và phát triển. Việc Tập Cận Bình mở rộng quyền hạn để thực hiện mục tiêu chiến lược trong vài thập niên tới là điều trở thành rõ rệt hơn.
Vì vậy, tôi cho rằng các nước sẽ thận trọng hơn với Hiệp ước Đối tác Toàn diện Khu vực hay RCEP mà Bắc Kinh đang vận động nhằm thay thế Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương RCTPP của 11 quốc gia không có Hoa Kỳ. Thời điểm lật ngửa lá bài quyền lực của Tập Cận Bình càng khiến nhiều quốc gia quan ngại, như qua phản ứng của Hoa Kỳ, Nhật, Ấn Độ và Úc cùng một số nước khác trên cái trục Ấn Độ Thái Bình Dương. Cũng vậy, người ta hiều ra vỉ sao Hoa Kỳ có lập trường cứng rắn hơn trong quan hệ mậu dịch với Bắc Kinh sau khi khẳng định trong chiến lược quốc phòng mới mối nguy xuất phát từ Trung Quốc.
Nguyên Lam : Hồi nãy, ông nói đến hai phần giải thích, về đối ngoại thì như vậy, về nội chính thì ông nhận định thế nào ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Từ sau Đại hội Khóa 18, họ Tập đã củng cố quyền lực và sau năm năm lãnh đạo đã loại bỏ mọi đối thủ của mình cho tới Đại hội Khóa 19 vừa qua. Bây giờ, ông hoàn tất kế hoạch tập quyền cho tới sau năm 2023. Điều ấy có nghĩa là ông tìm ra hậu thuẫn trong đảng để giải quyết nhiều bài toán quá lớn của Trung Quốc mà ông ta gọi là "mâu thuẫn cơ bản".
Nhưng, như các lãnh tụ tập quyền là Tần Thủy Hoàng Đế, Hán Vũ Đế, Khang Hy hay Càn Long, Tập Cận Bình không thể lãnh đạo một mình. Ông ta phải có vây cánh, nhất là trong một thế giới đã có quá nhiều đổi thay khiến lãnh tụ phải ứng phó bén nhạy và hữu hiệu hơn. Nếu không, chính quyền lực tuyệt đối ấy sẽ trở thành gánh nặng và là trách nhiệm của lãnh tụ. Nạn lão hóa dân số và trai thiếu gái thừa, tình trạng ô nhiễm môi sinh, gánh nợ chất núi với đà tăng trưởng tất yếu giảm sút sau ba chục năm cải cách, v.v… là loại bài toán mới mà các thế hệ lãnh đạo trước không gặp.
Nguyên Lam : Như vậy thì quyền lực tuyệt đối cũng có mặt trái của nó, thưa ông, có phải vậy không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đã thế, quyền lực tuyệt đối lại dễ đưa tới tệ sùng bái cá nhân, là đặc sản chính trị Châu Á, khiến lãnh tụ chỉ tin vào hệ thống báo cáo tuyên truyền của mình mà che kín tầm nhìn. Trên một lãnh thổ bát ngát có quá nhiều dị biệt và mâu thuẫn chằng chịt, trường hợp sai lầm rất dễ xảy ra mà cơ hội sửa sai lại thu hẹp vì quần chúng vô quyền không có tiếng nói. Nếu thất bại, và nhiều phần là như vậy, Tập Cận Bình không thể đổ lỗi cho ai khác mà cũng chẳng có điều kiện giảm khinh. Đấy là lúc mà các thế lực kia mai phục và chờ đợi….
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 28/02/2018
Chủ tịch Trung Quốc trọn đời Tập Cận Bình : 1,4 tỉ người vì một người
Hầu như các báo Paris hôm nay 27/02/2018 đều chú ý đến sự kiện Đảng cộng sản Trung Quốc (Đảng cộng sản Trung Quốc) chuẩn bị bãi bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với chủ tịch nước. Le Monde chạy tựa trên trang nhất "Tập Cận Bình, chủ tịch vĩnh viễn", còn Le Figaro nhấn mạnh cũng trên trang bìa "Sự chệch hướng mao-ít của Tập Cận Bình".
Pa-nô với chân dung và lời huấn thị của chủ tịch Tập Cận Bình trên đường phố Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 26/02/2018. Reuters/Thomas Peter
Thông tín viên Le Figaro tại Bắc Kinh mở đầu bài viết "Tập Cận Bình, sẵn sàng trở thành ‘hoàng đế trọn đời’ của Trung Quốc" bằng lời chế giễu của một cư dân mạng : "Mẹ tôi bắt tôi hứa phải cưới vợ trước khi ông Tập Cận Bình kết thúc nhiệm kỳ, bây giờ thì tôi khỏe re rồi…".
Bóng ma Mao lại ám ảnh : Số phận hơn 1 tỉ người nằm trong tay một người
Được nói đến từ nhiều tháng qua, giờ thì khả năng ông Tập trở thành hoàng đế Trung Quốc vĩnh viễn đã trở thành hiện thực, khiến không ít người lo ngại quốc gia này quay lại với bóng ma mao-ít. Nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông đến nay, giờ đây có thể tại vị cho đến bao giờ tùy thích. Đề nghị của Trung ương Đảng, trừ khi có "động đất", sẽ được Quốc hội thông qua.
Le Figaro cho biết, các chuyên gia lo ngại sự thiếu vắng mọi tiếng nói phản biện trước tình trạng tôn sùng cá nhân lãnh đạo, sẽ khiến chế độ Bắc Kinh trở nên độc đoán hơn. Nhà chính trị học Lâm Hòa Lập (Willy Lam) ở Hồng Kông cảnh báo, một sự quay lại với chủ nghĩa mao-ít sẽ là một thảm họa, khi một người duy nhất có toàn quyền quyết định số phận của gần 1,4 tỉ con người. Nhà chính trị học Trung Quốc Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou), trả lời Le Monde qua điện thoại, cũng có ý kiến tương tự.
Chuyên gia về Trung Quốc Jean-Pierre Cabestan cũng ở Hồng Kông "hy vọng Tập Cận Bình sẽ lắng nghe các cố vấn, nếu không Trung Quốc sẽ đại nguy". Nhưng thật rủi ro khi muốn phản đối một nhà lãnh đạo tập trung mọi quyền lực trong tay, và "tư tưởng" được ghi trong điều lệ Đảng.
Trước đó "hoàng đế đỏ" đã đưa ra dấu hiệu rõ ràng khi không chỉ định người kế vị trong Đại hội Đảng vừa qua, đi ngược lại quy định bất thành văn lâu nay của Đảng cộng sản Trung Quốc. Nhưng cũng theo ông Cabestan, Tập Cập Bình, đã gây thù chuốc oán quá nhiều với chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" đại quy mô, "không có chọn lựa nào khác ngoài việc bám chặt lấy quyền lực". Và ông Tập cũng là người duy nhất, với bàn tay sắt, "có thể tiến hành các cải cách đã loan báo để tránh các vụ phản kháng của xã hội", trong lúc kinh tế đang chậm lại.
Đàn áp, cái giá cho "Giấc mơ Trung Hoa" ?
Hiện giờ Tập Cận Bình "khủng bố" các địch thủ, khiến họ chỉ mong mỏi một cuộc khủng hoảng kinh tế hay địa chính trị làm ông ta suy yếu đi. Còn dân chúng, ngày ngày bị guồng máy tuyên truyền nhồi nhét, thì ủng hộ một nhà lãnh đạo đã hứa hẹn "giấc mơ Trung Hoa" : một siêu cường "hiện đại", có đội quân "ngang tầm thế giới".
Nhưng cái giá phải trả rất cao, nhất là khi Tập Cận Bình đã bóp nghẹt xã hội dân sự ngay từ khi mới lên cầm quyền cuối 2012. Chuyên gia về lịch sử Trung Quốc Sam Crane, thuộc Williams College, Hoa Kỳ cho rằng ông Tập sẽ tiếp tục chính sách đàn áp : báo chí, tôn giáo, tổ chức phi chính phủ đều bị giám sát nghiêm ngặt và tất cả những tiếng nói đối lập đều bị dập tắt hoặc bỏ tù.
Dù vậy vẫn có nhiều phản ứng trên mạng xã hội. Nhiều cư dân mạng đăng những lời bình cay độc – và nhanh chóng bị chính quyền xóa đi – so sánh với họ nhà Kim ở Bắc Triều Tiên, tại vị cho đến khi chết. Số khác đăng ảnh gấu Winnie, mà vóc dáng rất giống Tập Cận Bình, đội vương miện hoặc cắm đầu vào hũ mật, với chú thích "Nếu bạn thích gì thì cứ bám chặt vào".
Le Monde cho biết thêm, có người nêu ra những câu nói của triết gia Đức Hannah Arendt về chủ nghĩa toàn trị, người khác lại nhắc đến Viên Thế Khải (Yuan Shikai), viên tướng, đại thần nhà Thanh đã xưng đế vào năm 1915, trong nỗ lực thảm hại để tái lập nền quân chủ. Một bức ảnh trên WeChat thay chân dung Mao Trạch Đông trên Thiên An Môn bằng Tập Cận Bình.
"Đảng lãnh đạo" được chính thức ghi vào Hiến Pháp
Ngoài vấn đề nhiệm kỳ chủ tịch nước, Quốc hội Trung Quốc sắp họp cũng chuẩn bị sửa đổi vài chục điều khoản trong Hiến Pháp, cho phù hợp với mục tiêu đầy tham vọng của ông Tập : "kỷ nguyên mới của chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa". Bên cạnh đó là việc thành lập tân ủy ban giám sát. Siêu bộ chống tham nhũng này sẽ mở rộng ở tầm quốc gia các đặc quyền của Ủy ban Kỷ luật Trung ương Đảng. Là vũ khí thanh trừng của ông Tập, nay Ủy ban không chỉ có quyền đối với các đảng viên mà tất cả cán bộ nhà nước.
Vấn đề đối với Tập Cận Bình là bảo đảm vị trí lãnh đạo của Đảng trong Hiến Pháp, lâu nay chỉ được nói sơ qua trong lời mở đầu. Điều 1 Hiến Pháp nay ghi rõ "Vai trò lãnh đạo của Đảng là chủ chốt trong chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa". Theo Le Monde, chừng như ông Tập đã chiến thắng trong cuộc đấu tranh nội bộ, vì lúc mới nhậm chức ông đã kêu gọi đấu tranh chống Hiến Pháp kiểu phương Tây, được cho là "mối nguy hàng đầu trong bảy nguy cơ mà Đảng phải đối phó".
Tập đại đế chuẩn bị đội ngũ cận thần
Les Echosghi nhận "Đại đế Tập Cận Bình chuẩn bị bố trí người của mình" vào những chức vụ quan trọng - một hành động mà chiến dịch kiểm duyệt mạng xã hội và tuyên truyền về bỏ hạn chế hai nhiệm kỳ, đã khiến dư luận bị đánh lạc hướng. Trong số đó có chức thủ tướng và thống đốc Ngân hàng Trung ương.
Ông Lý Khắc Cường có thể tiếp tục được giữ chiếc ghế thủ tướng. Trong năm năm qua, ông chỉ là cái bóng bên cạnh ông Tập, và không có ảnh hưởng gì trên các hồ sơ kinh tế, mà theo truyền thống vốn là lãnh vực dành riêng cho thủ tướng. Ông Lý lại càng mất thế hơn trước sức mạnh đang lên của Lưu Hạc (Liu He), nhà kinh tế được đào tạo ở Harvard, thân cận với Tập Cận Bình. Theo South China Morning Post, Lưu Hạc có thể trở thành phó thủ tướng phụ trách kinh tế, và theo Reuters, còn có khả năng thay Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan) làm thống đốc Ngân hàng Trung ương.
Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), cánh tay mặt chống tham nhũng của ông Tập, dù đã quá tuổi làm ủy viên thường trực Bộ Chính trị, có thể lại tiếp tục đóng một vai trò quan trọng khác : phó chủ tịch nước, một chức vụ không bị hạn chế nhiệm kỳ. Một ủy viên thường trực mới lên là Lật Chiến Thư (Li Zhanshu) thì được cho là sẽ trở thành tân chủ tịch Quốc Hội.
Bắc Kinh hiện đại hóa, xua đuổi người nhập cư
Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng trên lãnh vực xã hội, Le Monde trong bài "Công trường vĩ đại của Bắc Kinh mới", nói về các quận ngoại vi đang chuẩn bị mọc lên những thành phố mới toanh, nhằm làm giảm áp lực dân số và giúp thủ đô Trung Quốc bớt ô nhiễm.
Các đại đô thị phải đối mặt với cơ sở hạ tầng xuống cấp, vì chỉ tính toán theo số người có hộ khẩu, thấp hơn rất nhiều so với số cư dân thực sự. Vấn đề môi trường, thiếu nước và kẹt xe từ lâu vẫn là nỗi lo của các nhà quy hoạch Bắc Kinh. Nhưng lần này chính quyền đã dùng đến các biện pháp triệt để, trục xuất hàng trăm ngàn người nhập cư vào cuối năm ngoái.
Theo thống kê năm 2016, có khoảng 8,1 triệu người không có hộ khẩu Bắc Kinh, có giấy cư trú từ sáu tháng trở lên. Số lượng này trong năm 2017 đã giảm xuống vì các vụ trục xuất. Nhiều người vẫn giữ hộ khẩu ở quê để phòng thân, tuy nhiên có đến 40% người dân nông thôn bị mất đất vì chính quyền địa phương cưỡng chế.
Apple chấp nhận trữ iCloud tại Trung Quốc
Về công nghệ, phụ trang kinh tế của Le Figaro cho biết "Apple thuận theo yêu sách của Trung Quốc về dữ liệu" : Các thông tin về khách hàng Trung Quốc sẽ được lưu trữ tại Hoa lục.
Đây là điều kiện tiên quyết để thâm nhập thị trường trên 1,3 tỉ dân. Kể từ ngày 28/2, tập đoàn Mỹ sẽ chuyển các hình ảnh, tài liệu, tin nhắn… mà tất cả những người sử dụng Trung Quốc lưu trong iCloud cho Hoa lục, theo luật mới của Bắc Kinh về an ninh mạng.
Apple khẳng định "không ai có thể đột nhập vào hệ thống". Tuy nhiên trên thực tế chính quyền Trung Quốc có thể dễ dàng tham khảo kho dữ liệu trên lãnh thổ của mình, nhờ thay đổi cách quản lý các chìa khóa mã hóa. Trong khi cho đến nay, những "hạt vừng kỹ thuật số" này luôn được lưu trữ tại Hoa Kỳ. Có nghĩa là bất kỳ chính phủ nào muốn xâm nhập một tài khoản iCloud đều phải được tư pháp Mỹ cho phép.
Được cho là nhằm "chống khủng bố", giới nhân quyền lo sợ Bắc Kinh sẽ sử dụng công cụ này để truy bức các nhà ly khai. Một nhà đấu tranh đồng thời là cổ đông Apple nói với Reuters, sự kiện Apple còn nguy hiểm hơn vụ Yahoo ! chuyển giao dữ liệu cho Trung Quốc hồi năm 2005. Đó là vì các dữ liệu iCloud rất đầy đủ, và được kích hoạt tự động.
Trung Quốc thả vòi bạch tuộc sang Ấn Độ Dương
Nhìn sang "Gwadar, hải cảng trong mơ của người Pakistan", Le Figaro nhận định, từ khi Trung Quốc quyết định bành trướng sang cảng Gwadar thuộc tỉnh Baloutchistan trên biển Ả Rập, chính quyền Islamabad bắt đầu mơ đến một tương lai đầy hứa hẹn. Tuy nhiên theo tờ báo, tương lai này không phải toàn màu hồng.
Cảng Gwadar được cho China Overseas Ports Holding Company thuê trong 40 năm. Số tiền 55 tỉ đô la được Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC – China Pakistan Economic Corrido) đổ vào không phải là viện trợ cho không, mà Pakistan phải trả nợ và cổ tức cho tập đoàn Trung Quốc, trong khi dự trữ ngoại hối của Pakistan không nhiều.
Hơn nữa, theo lời đồn đãi thì một quân cảng của Trung Quốc sẽ được thiết lập tại đây : Gwadar là vị trí rất tốt cho các tàu chiến từ Bắc Kinh, để tăng cường sự hiện diện tại Ấn Độ Dương.
SNCF, hậu Merkel, Syria : Tựa chính báo Pháp
Về thời sự nước Pháp, Le Monde chạy tựa trang nhất "Cải tổ công ty đường sắt Pháp SNCF : Sự cầu viện đến nghị định", còn nhật báo kinh tế Les Echos chú trọng đến "Cú sốc của một sự cải tổ cấp tốc".
Tại Châu Âu, Le Figaro cho biết "Cánh hữu Đức chuẩn bị cho thời kỳ hậu Merkel" : cuộc chạy đua giành chức vụ người kế nhiệm thủ tướng Angela Merkel đã bắt đầu. Về tình hình Trung Đông, La Croix giải thích "Vì sao cuộc xung đột Syria cứ kéo dài mãi" : với sự tham gia của rất nhiều nhân tố khu vực và quốc tế, cuộc chiến bắt đầu từ tháng 3/2011 đã vượt hẳn khỏi tầm tay người Syria.
Trên lãnh vực điện ảnh, Libération dành trang nhất cho bộ phim bom tấn "Black Panther",mà theo tờ báo là đánh dấu một bước ngoặt của điện ảnh Mỹ, với hầu hết diễn viên là người da đen.
Thụy My
Liệu ông Tập có rời sân bóng sau 2023 ? (BBC, 28/02/2018)
Gia hạn nhiệm kỳ cho Chủ tịch nước Tập Cận Bình sẽ là "trò hề", theo ý kiến nêu công khai của ông Lý Đại Đồng, cựu tổng biên tập một tạp chí của Trung Quốc.
Có ý kiến nói kiến nghị sửa Hiến pháp sẽ cho phép ông Tập Cận Bình cầm quyền quá nhiệm kỳ Chủ tịch nước thứ nhì dự kiến kết thúc năm 2023
Nhà báo từng phụ trách tạp chí Băng Điểm của nhật báo Đoàn Thanh niên Trung Quốc đã gửi thư tới Đoàn Đại biểu Quốc hội Bắc Kinh, nơi ông cư trú, phản đối đề nghị gia hạn các nhiệm kỳ chủ tịch và phó chủ tịch nước.
Nếu được thông qua, sửa đổi Hiến pháp về nhiệm kỳ "quá ba lần" này sẽ cho ông Tập Cận Bình cầm quyền quá năm 2023.
Các báo quốc tế đã nói đây là động thái giúp ông Tập Cận Bình trở thành nhân vật số một "như Mao Trạch Đông".
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã lên tiếng bảo vệ cho đề nghị sửa hiến pháp về nhiệm kỳ của lãnh đạo cao nhất, và ca ngợi ông Tập Cận Bình.
Báo China Daily nói bỏ hạn chế về nhiệm kỳ là cần thiết để "hoàn thiện hệ thống lãnh đạo Đảng và Nhà nước".
Nhật Báo Quân Giải phóng thì viết động thái này là "cần thiết và đúng lúc vô cùng".
Ông Lý Đại Đồng nói "ông đã quá già để sợ hãi"
Nhưng khi trả lời BBC Tiếng Trung qua điện thoại từ Bắc Kinh hôm 27/02/2018, nhà báo Lý Đại Đồng nói ông "đã quá già để mà sợ hãi".
Ông giải thích vì sao ông nhắn trên mạng WeChat cho đoàn đại biểu Quốc hội từ thành phố Bắc Kinh, nói việc gia hạn nhiệm kỳ "sẽ chỉ gieo mầm nội loạn".
"Là công dân Trung Quốc, tôi có nghĩa vụ phải cho các đại biểu Quốc hội biết quan điểm của mình. Tôi không quan tâm các đại biểu có hành động gì hay không. Nhưng không thể mặc định là cả nước đều đồng ý với kiến nghị sửa Hiến pháp. Người ta chỉ bị buộc im lặng".
"Tôi không thể chịu được việc này nữa. Tôi đã thảo luận với các bạn bè và chúng tôi đều bực bội. Chúng tôi muốn nói lên sự phản đối của mình".
Ông cũng cho hay, trên nguyên tắc, các đại biểu Nhân dân Đại hội Toàn quốc nhận tin nhắn của ông là đại diện cho vài triệu cử tri thủ đô, gồm có ông.
"Tôi thể hiện ý kiến của mình bằng cách an toàn, hợp pháp".
Tên của ông Tập Cận Bình đã được ghi vào điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc với "tư tưởng" của ông thành một phần văn kiện Đảng.
Con người ông Tập trở thành 'hạt nhân trung tâm' của tổ chức hơn 90 triệu thành niên này sau kỳ đại hội cuối 2017
Các vấn đề lịch sử
Mao Chủ tịch từng là nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc nhưng bị cho là gây ra Cách mạng Văn hóa thảm khốc, làm hàng triệu người chết
Sinh năm 1952, từng làm tổng biên tập Băng Điểm (Freezing Point), một tuần báo thuộc Nhật báo Đoàn Thanh niên, ông Lý Đại Đồng bị đuổi việc năm 2006.
Lý do trực tiếp là 'án báo chí' khi Băng Điểm đăng một bài nghiên cứu đặt lại vấn đề về nhà Thanh và phong trào Nghĩa Hòa Đoàn (Boxing rebellion).
Nhưng theo báo nước ngoài như The Guardian, nguyên nhân chính khiến ông Lý Đại Đồng bị sa thải là vì ông liên tục đòi quyền tự do thông tin ở Trung Quốc.
Hiện ông viết cho trang OpenDemocracy có trụ sở tại London nhưng các bài báo không được phép xuất hiện trên mạng ở Trung Quốc.
Những vấn đề lịch sử thường được trí thức Trung Quốc lật lại để nói lên các chủ đề hiện đại.
Ông Tập Cận Bình trở thành 'hạt nhân trung tâm' của Đảng cộng sản Trung Quốc sau kỳ đại hội cuối 2017
Ngay khi xuất hiện ý tưởng để ông Tập Cận Bình "gia hạn" nhiệm kỳ sau 2023, có ý kiến đã ví ông với Viên Thế Khải thời cuối nhà Thanh.
Blogger có nick Zhang Chaoyang viết trên mạng xã hội : "Đêm qua, giấc mơ phục hồi chế độ phong kiến của Viên Thế Khải đã trở lại trên quê hương".
Từ một sứ quân đầy quyền lực, Viên Thế Khải sau khi Thanh triều bị lật đổ, đã làm Tổng thống nền Cộng hòa Trung Hoa năm 1912.
Sang năm 2015, ông tuyên bố lập vương triều Hồng Hiến theo Khổng giáo và tự xưng làm Đại Hoàng Đế.
Triều đại của ông Viên Thế Khải chỉ tồn tại được 83 ngày.
*********************
‘Hoàng đế Tập Cận Bình’ : Việt Nam mừng hay lo ? (VOA, 27/02/2018)
Việc Trung Quốc tìm cách sửa đổi hiến pháp, mở đường cho ông Tập Cận Bình "nắm quyền vĩnh viễn", và theo nhiều người, có thể "lên ngôi hoàng đế", gây chú ý dư luận tại nước láng giềng Việt Nam.
Ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam cuối năm ngoái.
Nếu đề xuất của Đảng cộng sản Trung Quốc được thông qua, ông Tập sẽ tại vị sau nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2023.
Dưới thời kỳ nắm quyền của ông Tập, những năm qua, mối quan hệ "môi hở răng lạnh" giữa hai nước cộng sản "núi liền núi sông liền sông" trải qua không ít sóng gió, nhất là liên quan tới vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã, một người nghiên cứu về quan hệ Việt - Trung, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng sự kiện ở nước láng giềng phương Bắc cũng sẽ khiến "Việt Nam bị ảnh hưởng".
"Có ông Tập Cận Bình hay không thì nó vẫn có thách thức. Nhưng ông Tập Cận Bình còn giữ quyền thì thách thức nhiều hơn vì ông ấy cứng rắn", sử gia nghiên cứu về Biển Đông nói.
"Tinh thần Đại Hán từ thời ông Mao Trạch Đông, chứ đâu có chỉ Tập Cận Bình. Ông Tập Cận Bình ông ấy làm ráo riết thôi. Tôi vẫn cho là càng có nguy cơ thì lại càng có thời cơ. Nguy ở Biển Đông tạo ra thời cơ nếu ta nắm được".
Khi được hỏi thời cơ này là gì, ông Nhã cho rằng Việt Nam có thể trở thành một "cường quốc biển", nhưng không nói cụ thể.
Dưới thời kỳ nắm quyền của ông Tập, Trung Quốc gia tăng củng cố chủ quyền ở Biển Đông bằng việc xây và quân sự hóa các đảo nhân tạo.
Những năm gần đây, Trung Quốc gia tăng củng cố chủ quyền trên Biển Đông, trong đó có việc quân sự hóa nhiều hòn đảo nhân tạo mới xây dựng, gây quan ngại đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, quốc gia này cũng tái cơ cấu quân đội, tăng chi tiêu cho quốc phòng và theo báo chí Trung Quốc, ông Tập còn từng đưa một nhân vật thân tín tới đảm nhiệm trọng trách tại một tỉnh nằm ở vị trí chiến lược giáp với Việt Nam.
Đề xuất trên đã làm bùng nổ cuộc tranh luận trên mạng ở Trung Quốc, và thậm chí có người còn ví ông Tập với dòng họ Kim ở Bắc Hàn, khiến Bắc Kinh phải ra tay xóa các chỉ trích, chặn một số bài báo và tung ra các bài viết ca ngợi đảng, theo Reuters.
Truyền thông nhà nước Việt Nam cũng đăng tải nhiều bài viết về quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Trung Quốc, và báo điện tử VnExpress chạy tít : "Sửa hiến pháp, Trung Quốc có thể giúp ông Tập nắm quyền lực tuyệt đối".
Bạn đọc Dương Ngô Quý viết trên trang Facebook của VOA Việt Ngữ : "Nguy cơ Trung Quốc trở thành 1 nước phát xít ngày càng rõ ràng. Dù yếu, Việt Nam cũng phải chuẩn bị tinh thần để đối phó với 1 nước Trung Quốc phát xít".
Về tình thế mà nhiều người cho là "tiến thoái lưỡng nan của Việt Nam", tiến sĩ Nhã nói : "Thời nào mà chả có Lê Chiêu Thống. Không sao bởi vì thời nào cũng có Quang
Hà Nội dường như tìm cách hàn gắn quan hệ với Bắc Kinh bằng các màn bắn đại bác để chào đón ông Tập tới Việt Nam, và lần mới nhất là cuối năm ngoái, khi nguyên thủ Trung Quốc chính thức thăm Hà Nội, ít giờ sau Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người chủ trì buổi lễ tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, với nghi thức được cho là dành cho lãnh đạo cấp cao nhất, và nhiều bức ảnh đăng tải trên truyền thông Việt Nam cho thấy ông đã nắm chặt cổ tay và cười tươi với nhà lãnh đạo Trung Quốc khi quan chức này bước ra khỏi xe.
Viễn Đông
***********************
Đảng cộng sản Trung quốc dọn đường để Tập Cận Bình kéo dài thời gian quyền lực (RFA, 26/02/2018)
Truyền thông Trung Quốc hôm chủ nhật ngày 25/2 loan tin cho biết Đảng Cộng sản Trung quốc đã đề nghị sửa đổi hiến pháp để kéo dài giới hạn nắm quyền với các lãnh đạo, mở đường cho Chủ tịch Cập Tận Bình làm thêm nhiệm kỳ thứ ba hoặc lâu hơn.
Người dân đi bộ ngang qua một áp phích hình chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên một con đường ở Bắc Kinh vào hôm 26/2/2018. AFP
Hiến pháp của Trung Quốc hiện giờ chỉ cho phép Chủ tịch nước được ở tại chức không quá hai nhiệm kỳ là 10 năm. Với sự thay đổi mới, nếu được thông qua, Chủ tịch Tập Cận Bình (64 tuổi), người kiêm luôn chức Tổng Bí thư đảng, sẽ có thể lãnh đạo đảng và quân đội cho đến khi qua đời.
Theo dự kiến đề xuất này sẽ được đưa ra quốc hội thảo luận vào tháng tới.
Đề xuất mới của Đảng cộng sản Trung Quốc cũng bao gồm việc đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào hiến pháp Trung Quốc. Trước đó, trong đại hội đảng hồi tháng 10 năm ngoái, tư tưởng Tập Cận Bình đã được đưa vào điều lệ đảng.
Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức vào năm 2013. Từ khi nhậm chức đến nay, ông nổi tiếng với chiến dịch đả hổ diệt ruồi chống tham nhũng rộng khắp ở Trung Quốc, mà theo nhiều nhà phân tích quốc tế thực chất là việc loại trừ các đối thủ tiềm tàng của mình trong đảng.
Trong đại hội đảng cộng sản Trung Quốc diễn ra vào năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã được bầu nắm nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp.
Ngoài ra, tại đại hội đảng, khác với những người tiền nhiệm, ông Tập Cận Bình cũng không giới thiệu người sẽ kế nhiệm mình sau hai nhiệm kỳ. Điều này đã làm dấy lên những đồn đoán là ông sẽ ở lại chức vụ nhiều hơn 2 nhiệm kỳ.
Một số nhà phân tích quốc tế cho rằng việc Đảng cộng sản Trung Quốc rỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ với chức Chủ tịch nước cho ông Tập Cận Bình cũng đồng nghĩa với việc tạo ra bất ổn trong nước như đã từng diễn ra dưới thời của Chủ tịch Mao Trạch Đông.
*****************
Trung Quốc : Đổ xô mua cổ phiếu có tên gợi ra hoàng đế Tập Cận Bình (RFI, 26/02/2018)
Các nhà đầu tư Trung Quốc, nổi tiếng là mê tín dị đoan, hôm nay 26/02/2018 chen chúc trên các thị trường chứng khoán địa phương để mua cổ phiếu của các công ty nào có các từ "hoàng đế" trong tên gọi, vào lúc việc sửa đối Hiến Pháp có thể giúp ông Tập Cận Bình trở thành chủ tịch Trung Quốc suốt đời.
Ảnh minh họa : Bảng giá trên thị trường chứng khoán Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 09/02/2018 - Reuters/Aly Song
Đảng cộng sản Trung Quốc đã đề nghị bỏ điều khoản trong Hiến Pháp giới hạn chủ tịch nước chỉ có thể làm hai nhiệm kỳ. Như vậy Tập Cận Bình, chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ năm 2013, có thể tiếp tục là người đứng đầu chế độ đến bao lâu cũng được, như một "hoàng đế đỏ".
Thường là ít suy nghĩ và hay theo đuôi đám đông, hàng triệu nhà đầu tư nhỏ đang chiếm đa số trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, trong đó có nhiều người về hưu, rất quan tâm đến đề nghị sửa đổi Hiến Pháp, được tiết lộ hôm qua, Chủ nhật 25/02/2018.
Khoảng năm, sáu doanh nghiệp có từ "đế" hay "hoàng đế" trong tên tiếng Hoa của công ty, bỗng dưng thấy giá cổ phiếu của mình tăng vọt hôm nay trên các thị trường chứng khoán Thượng Hải, Thâm Quyến…
Cổ phiếu của công ty cung cấp thẻ chứng minh Shenzhen Emperor Technology vào cuối phiên giao dịch tăng 7%, sau khi đã tăng đến 9% trước đó.
Được niêm yết tại Thượng Hải, cổ phiếu công ty sản xuất chân gà tẩm gia vị Jiangxi Huangshanghuang (Hoàng đế của các hoàng đế) tăng 2,93% ; trong khi Harbin Viti Electronics (tên tiếng Hoa là Uy Đế Điện Tử hay Weidi, tức "hoàng đế đầy uy lực") tăng 4,43%.
Vatti Corporation (Hoa Đế, tức hoàng đế Trung Hoa), nhà sản xuất máy giặt và điện tử gia dụng, có cổ phiếu tăng 1,74% trên thị trường chứng khoán Thâm Quyến, trong lúc Shanghai Emperor of Cleaning Hi-Tech (Thượng Hải Tiển Bá) tăng 4,43%.
Nhìn chung, các cổ phiếu này tăng ở mức cao so với mặt bằng chung : chỉ số của thị trường chứng khoán Thượng Hải chỉ tăng có 1,23% hôm nay.
Đôi khi thiếu thông tin, chỉ phản ứng theo các dòng tít lớn trên báo chí, người chơi chứng khoán Trung Quốc thường lao vào mua các cổ phiếu mà họ chỉ biết mỗi cái tên, được cho là "hên", mà không quan tâm đến năng lực kinh tế thực sự.
Khi ông Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ, có một công ty mà cái tên khi đọc lên bằng tiếng Hoa nghe giống như "Trump đại thắng" bỗng thấy giá cổ phiếu tăng vọt.
Còn hơn thế nữa : do kinh tế chậm lại, vào năm 2014 và 2015 khoảng mấy chục tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng và khai thác khoáng sản đã đổi tên nghe rất kêu, trong khi các hoạt động công nghệ cao chỉ chiếm một tỉ lệ hết sức nhỏ trong doanh số công ty. Thủ thuật này đôi khi giúp giá cổ phiếu tăng lên, bất chấp kết quả kinh doanh tồi tệ của họ.
Thụy My
*********************
Duy trì quyền lực cho Tập Cận Bình, nước cờ rủi ro của Đảng cộng sản Trung Quốc (RFI, 26/02/2018)
Đời sống chính trị Trung Quốc đang đứng trước bước ngoặt lớn với việc Trung ương Đảng Cộng Sản nước này thông báo dự án cải cách xóa bỏ quy định giới hạn hai nhiệm kỳ lãnh đạo đất nước đã được ghi trong Hiến pháp. Theo các nhà phân tích, phủ nhận mô hình kế thừa quyền lực, yếu tố vốn đã tạo sự ổn định chính trị cho chế độ độc đảng Trung Quốc từ nhiều thập kỷ qua, có thể sẽ chứa đựng những rủi ro cho Tập Cận Bình cũng như đảng của ông.
Các món quà lưu niệm với chân dung chủ tịch Tập Cận Bình được bày bán tại Thiên An Môn, ngày 26/02/2018. Reuters/Thomas Peter
Ông Tập Cận Bình chính thức lên nắm đỉnh cao quyền lực ở Trung Quốc từ năm 2013. Theo quy định của Hiến pháp Trung Quốc và cũng như đã thành tiền lệ trong đảng thời hậu Mao Trạch Đông, ông Tập Cận Bình sẽ phải rời khỏi chức vụ lãnh đạo vào năm 2023, tức là sau hai nhiệm kỳ 5 năm. Với đề xuất sửa đổi Hiến pháp theo hướng không giới hạn hai nhiệm kỳ lãnh đạo, thông báo hôm Chủ nhật (25/02/2018), Đảng cộng sản Trung Quốc đã mở đường để ông Tập Cận Bình sẽ còn ở lại lâu dài trên đỉnh cao quyền lực.
Đề xuất này, như một chỉ đạo của đảng, sẽ được thông qua trong phiên họp toàn thể của Quốc Hội vào tuần tới. Quốc Hội Trung Quốc trong dịp này cũng dự kiến đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào Hiến pháp, một danh dự mà cho đến giờ chỉ duy nhất dành cho Mao Trạch Đông, người tự tôn vinh là "Người cầm lái vĩ đại" của nhân dân Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích chính trị Trung Quốc, thì ý đồ phá luật để duy trì quyền lực cho cá nhân ông Tập Cận Bình sẽ không phải không có rủi ro cho đảng Cộng sản. Bà Simone van Nieuwenhuizen, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Sydney nhận xét, "giới hạn hai nhiệm kỳ đã được quyết định nhằm bảo đảm một sự ổn định nhất định. Nếu được giữ lại hơn 10 năm, Tập Cận Bình chắc chắn sẽ bị giới chính trị ưu tú và cả người dân soi xét rất kỹ".
Tất nhiên, nhiều người sẽ liên tưởng ngay tới trường đoạn lịch sử đấu đá nội bộ tranh giành quyền lực khốc liệt và ngột ngạt dưới thời Mao Trạch Đông. Hơn nữa, dự án cải cách Hiến pháp vừa được thông báo cũng đặt vấn đề xét lại nguyên tắc "lãnh đạo tập thể" do Đặng Tiểu Bình áp đặt trong đảng từ những năm 1980, nhằm tránh tập trung quyền lực tuyệt đối vào một người như đã diễn ra dưới chế độ Mao.
Nhìn lại hai lãnh đạo tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Ông Giang nắm quyền từ 1993 đến 2003, ông Hồ lên kế thừa từ 2003-2013 rồi chuyển giao sang cho ông Tập. Mỗi người tiền nhiệm của ông cũng chỉ hoàn thành hai nhiệm kỳ rồi rút vào hậu trường dành chỗ cho thế hệ lãnh đạo mới. Các lần chuyển giao quyền lực về cơ bản đều đã diễn ra suông sẻ cho dù trong hậu trường trước lúc vỗ tay ở hội trường lớn, các màn tranh giành cũng đã diễn ra không thiếu phần ác liệt.
Giờ đây, mới chưa đi qua hết nhiệm kỳ đầu, ở tuổi 64, ông Tập Cận Bình đã làm được nhiều việc mà những người tiền nhiệm ông không làm được trên phương diện thâu tóm quyền lực. Ông Tập tỏ cho thấy làm một lãnh đạo quyền thế, độc đoán.
Ông củng cố chế độ bằng gia tăng trấn áp đối kháng, bóp nghẹt xã hội dân sự. Ông phát động chiến dịch chống tham nhũng, lợi dụng loại bỏ các thành phần chống đối trong nội bộ, ông áp đặt đưa "tư tưởng Tập Cận Bình" vào trong điều lệ đảng, gây mầm cho tệ sùng bái cá nhân nảy nở trở lại.
Khi đã thâu tóm được mọi quyền lực trong tay, ông Tập Cận Bình dấn thêm bước nữa để có thể đi xa hơn trên con đường quyền lực.
Nhà nghiên cứu chính trị, Jonathan Sullivan, thuộc Đại học Nottingham, Anh Quốc phân tích : "Việc giới hạn số lượng nhiệm kỳ đã cho phép thể chế hóa sự chuyển tiếp ở đỉnh cao quyền lực và tránh cho Đảng cộng sản Trung Quốc sa đà đi theo các triều đại bạo chúa, hoặc dẫn tới một thời kỳ suy tàn tai họa… Gỡ bỏ mọi giới hạn có thể gây rủi ro cho sự ổn định về lâu dài".
Một nguy cơ khác của sự tập trung tuyệt đối quyền lực vào tay ông Tập, theo bà Susan Shirk, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Đại học California, tại San Diego, đó là Tập Cận Bình có thể sẽ có những quyết định sai bởi xung quanh toàn những kẻ xu nịnh, không ai dám làm ngược lại ý của ông ta.
Bên cạnh đó, tập trung quyền lực vào một người có thể sẽ khơi dậy sự chống đối phản kháng ngầm ngay trong nội bộ đảng. Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đã tước đi quyền hành và lợi ích của gần một triệu cán bộ đảng. Có ai dám chắc có bao nhiêu người bị ông Tập kỷ luật đã tâm phục khẩu phục mà không có ý đồ chống đối hay phục thù. Ngay cả những người đã tránh được tai bay vạ gió trong cuộc thanh trừng vừa qua cũng không khỏi không có phản ứng tự vệ.
Theo như nhận định của chuyên gia Susan Shirk thì nguy cơ đối với ông Tập còn ở chỗ giới chính trị ưu tú sẽ có hình thức "nổi dậy" theo cách của họ. Bởi tầng lớp này sẽ rơi vào trong hoàn cảnh hiểm nghèo sau cuộc cải cách nhằm để ông Tập Cận Bình không chia sẻ quyền lực cho ai.
Anh Vũ
********************
Trung Quốc kiểm duyệt phản ứng của người dân về tin Tập Cận Bình tại chức (RFA, 26/02/2018)
Ngay sau khi có tin Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có thể ở tại chức nhiều hơn 2 nhiệm kỳ, nhiều người dân Trung Quốc đã lên mạng để bày tỏ ý kiến.
Một người đàn ông nhìn các tấm áp phích có hình vẽ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các trích dẫn của ông tại một chợ ở Bắc Kinh vào ngày 26 tháng 2 năm 2018. AFP
Một người viết trên mạng weibo rằng Trung Quốc sắp trở thành một Bắc Hàn, nơi gia tộc họ Kim đã nắm quyền suốt từ những năm 1940 đến nay.
Một bình luận khác trên mạng viết xe đã đổi hướng, ý muốn nói Trung Quốc đang quay trở lại thời kỳ độc tài kiểu Mao Trạch Đông.
Những người dùng mạng Trung Quốc cũng đăng hình ảnh gấu Pooh ôm bình mật ong.
Hình ảnh gấu Pooh thường được so sánh với hình ảnh của Chủ tịch họ Tập và vì vậy đã bị kiểm duyệt trên internet tại Trung Quốc.
Một ngày sau khi tuyên bố của Đảng cộng sản Trung Quốc được đưa ra, người ta thấy việc tìm kiếm những từ như "thêm nhiệm kỳ" bị cắt bỏ, không thể tìm kiếm trên mạng.
Trong khi đó truyền thông nhà nước cũng vào cuộc để bình luận.
Tờ Hoàn cầu Thời báo có bài bình luận viết rằng thay đổi mới không có nghĩa là Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ nắm quyền mãi mãi. Tuy nhiên bài viết lại không phân tích lý do cụ thể.
Tờ Nhân dân Nhật báo của đảng đăng bài viết dài của Tân Hoa Xã cho rằng phần đông người dân Trung Quốc ủng hộ những thay đổi trong hiến pháp. Bài báo cũng trích lời của những người dân lên tiếng ủng hộ thay đổi này.
Tuy nhiên tài khoảng wechat của tờ Nhân dân Nhật báo sau khi đăng những bình luận tích cực về đề nghị thay đổi đã tắt phần bình luận hoàn toàn vào hôm chủ nhật. Phần bình luận được bật trở lại vào hôm thứ hai với tràn ngập những lời ca ngợi đảng.
Trung Quốc đề nghị sửa hiến pháp để Tập Cận Bình tiếp tục nắm quyền sau 2023 (BBC, 25/02/2018)
Đảng cộng sản Trung Quốc vừa đề nghị bỏ điều khoản giới hạn thời gian cầm quyền của chủ tịch nước ở mức hai nhiệm kỳ 5 năm trong hiến pháp nước này.
Ông Tập Cận Bình lên chức chủ tịch Trung Quốc năm 2013 và hiện dự tính sẽ thôi giữ chức này năm 2023
Động thái này sẽ cho phép Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục làm lãnh đạo sau khi ông đến thời hạn thôi giữ chức.
Đang có đồn đoán lan rộng rằng ông Tập sẽ muốn tiếp tục giữ chức chủ tịch nước sau năm 2023.
Tại Đại hội đảng cộng sản Trung Quốc năm ngoái, ông Tập đã khẳng định vị trí của mình như một lãnh đạo quyền lực nhất sau cố Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Tư tưởng của ông cũng được ghi vào điều lệ đảng, và trái với thông lệ, không có người kế nhiệm nào được tiết lộ.
Chủ tịch Tập Cận Bình trong một cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Macron hôm 9/1/2018.
Chúng ta biết gì về động thái này ?
Thông báo này được Tân Hoa Xã đưa tin hôm Chủ nhật 25/2.
"Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề nghị bỏ câu quy định Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 'không phục vụ quá hai nhiệm kỳ kế tiếp' khỏi Hiến pháp", Tân Hoa Xã viết.
Cơ quan ngôn luận này không đưa thêm chi tiết, nhưng đề nghị đầy đủ sẽ được công bố sớm.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh các quan chức hàng đầu của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản sẽ họp tại Bắc Kinh vào thứ Hai 26/2.
Đề nghị này sẽ được trình trước các nhà lập pháp trong phiên họp toàn thể của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc, dự tính bắt đầu vào ngày 5/3.
Chuyện này có ý nghĩa gì ?
Ông Tập đã giữ chức chủ tịch nước từ năm 2013, và theo quy định hiện hành, ông sẽ phải nghỉ vào 2023.
Truyền thống giới hạn thời gian giữ chức chủ tịch nước trong 10 năm bắt đầu từ những năm 1990, khi lãnh đạo kỳ cựu ông Đặng Tiểu Bình tìm cách tránh tình trạng hỗn loạn đã diễn ra trong thời kỳ Mao và những năm tiếp theo.
Hai người tiền nhiệm của ông Tập đều tuân thủ thời hạn này. Nhưng kể từ khi lên cầm quyền năm 2013, ông Tập đã cho thấy ông sẵn sàng viết luật riêng cho mình.
***************
Chủ tịch Tập Cận Bình nắm quyền ‘vĩnh viễn’ ? (VOA, 25/02/2018)
Đảng cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc hôm 25/2 đã đề xuất bỏ điều khoản giới hạn thời kỳ nắm quyền hai nhiệm kỳ của chủ tịch trong hiến pháp nước này, mở đường cho ông Tập Cận Bình nắm quyền vĩnh viễn, theo Reuters.
Ông Tập Cận Bình trong lễ đón tại Hong Kong năm 2017.
Hãng tin Anh đưa tin rằng thông báo được Tân Hoa Xã loan tải không đưa ra nhiều chi tiết.
Hãng tin nhà nước này nói rằng đề xuất trên, còn đề cập vị trí phó chủ tịch, đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng công bố.
Theo hiến pháp Trung Quốc, ông Tập, 64 tuổi, phải rời chức chủ tịch sau hai nhiệm kỳ 10 năm.
Kể từ khi nắm quyền hơn 5 năm trước, ông Tập đã giám sát việc cải tổ đảng, trong đó có việc hạ bệ các quan chức cấp cao từng được coi là không thể chạm tới trong cuộc chiến chống tham nhũng sâu rộng.
Cải cách hiến pháp cần được quốc hội, vốn sẽ nhóm họp vào ngày 5/3 tới, thông qua. Theo Reuters, cơ quan lập pháp này gồm toàn những thành phần trung thành với đảng nên đề xuất trên sẽ không bị ngăn chặn.
Hiện có nhiều đồn đoán rằng ông Tập muốn tại vị sau hai nhiệm kỳ. Chưa thấy xuất hiện một nhân vật có tiềm năng lên thay thế ông Tập khi Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc kết thúc hồi tháng 10 năm ngoái mà ông Tập được bầu tiếp làm người lãnh đạo đảng và quân đội.
Trong kỳ họp này, tên của Chủ tịch Tập đã được ghi trong điều lệ của Đảng cộng sản Trung Quốc, nâng vị thế của ông lên ngang hàng với Mao Trạch Đông, người sáng lập Trung Quốc.
Điều lệ sửa đổi bao gồm khái niệm "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với đặc trưng Trung Quốc cho thời đại mới".
Khái niệm này đưa Đảng cộng sản lên hàng đầu trong cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc, từ việc giám sát nền kinh tế và an ninh quốc gia đến việc ra hướng dẫn về đạo đức cho người dân.
*******************
Trung Quốc : Tập Cận Bình chuẩn bị lãnh đạo suốt đời (RFI, 25/02/2018)
Chân dung ông Tập Cận Bình trên đường phố Thượng Hải, Trung Quốc, 24/10/2017. Reuters/Aly Song
Đảng cộng sản Trung Quốc "đề nghị" Quốc hội sửa Hiến Pháp để chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục nắm quyền sau hai nhiệm kỳ. Tin do Tân Hoa Xã loan báo ngày Chủ nhật 25/02/2018.
Theo Tân Hoa Xã, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đưa ra đề nghị. Thứ nhất là bỏ quy định ghi trong Hiến Pháp "một chủ tịch và phó chủ tịch không thể lãnh đạo hơn hai nhiệm kỳ". Đề nghị thứ hai là "đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào Hiến Pháp".
Hai đề nghị sửa đổi này sẽ được đưa ra Quốc hội nhân khóa họp toàn thể thường niên khai mạc vào ngày 5/3 tới đây.
Theo phân tích của AFP, đảng cộng sản Trung Quốc đang dọn đường cho Tập Cận Bình, lẽ ra phải về hưu vào năm 2023, cầm quyền đến trọn đời.
AFP nhắc lại là từ khi ngồi vào ghế lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã dần dần thâu tóm quyền lực, trừng phạt hơn 1 triệu đảng viên qua chiến dịch chống tham nhũng đồng thời để loại trừ các đối thủ tiềm tàng. Chính sách tôn sùng cá nhân họ Tập cũng được phát động song song với chiến lược đàn áp những tiếng nói tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền.
Tập Cận Bình đến Việt Nam dự APEC với vị thế như một hoàng đế, Tập được đón tiếp nổi trội hơn các nguyên thủ các quốc gia khác. Tập được cộng sản Việt Nam đón với một nghi lễ cao nhất có bắn 21 phát đại bác chào mừng.
Nghi lễ bắn 21 phát đại bác chào mừng Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc ngày 12/11/2017
Trước đây Obama có đến Việt Nam, một nguồn tin bên trong nói rằng Trung Quốc đã đề nghị phía Việt Nam không bắn đại bác chào đón Obama. Không rõ sự thật đến đâu, nhưng phía Việt Nam tiếp đón Obama và Trump đều không có màn nghi thức này.
Vào hội nghị APEC năm 2006, phía Trung Quốc có ý kiến thay đổi một vài điều trong chương trình APEC tổ chức tại Hà Nội. Ông Phạm Gia Khiêm bộ trưởng ngoại giao lúc đó có kể lại rằng, phía Việt Nam nói rằng việc thay đổi như thế phải được tất cả nước tham dự đồng ý, vì thế Việt Nam không thể làm theo ý Trung Quốc.
Năm tiếp theo sau đó, năm 2007 tại Hà Nội và Sài Gòn liên tiếp nổ ra nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc xây dựng thành phố Tam Sa trên đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là sự kiện lịch sử bởi không ai hình dung Việt Nam có biểu tình và nhất là biểu tình phản đối Trung Quốc. Các cuộc biểu chống Trung Quốc ở Việt Nam kéo dài nhiều năm, đến khoảng năm 2013 khi quyền lực tập trung dần về tay Nguyễn Phú Trọng thì các cuộc biểu tình biến mất hẳn. Quan hệ Việt Trung tương đồng với quyền lực của Nguyễn Phú Trọng. Quyền lực của Trọng càng lên bao nhiêu thì các cuộc biểu tình chống Trung Quốc càng ít đi bấy nhiêu và cuối cùng khi Trọng đạt tột đỉnh quyền lực thì các cuộc biểu tình mất hẳn.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư chủ trì ký kết văn kiện hợp tác với Trung Quốc nhiều nhất trong lịch sử Việt Nam. Trong lần gặp tháng 11 năm 2017 này dưới sự chủ trì của Tập và Trọng, hai bên đã ký kết 19 văn kiện hợp tác. Bao gồm 12 cái mới và 7 cái cũ đã thỏa thuận song (1).
Trước đó vào tháng 1 năm 2017 khi sang Trung Quốc, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký 15 văn kiện hợp tác với Trung Quốc (2).
Đó là chưa kể những văn kiện ký kết giữa Trọng và Tập năm 2015 khi Tập đến Việt Nam, trong đó có một văn kiện gần như cam tâm làm tay sai cho Trung Quốc, văn kiện có tên là "Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2016-2020".
Buổi họp về "Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2016-2020" ngày 18/01/2017
Tất cả đều biết rằng kế hoạch đào tạo cán bộ này chỉ có một chiều, tức Trung Quốc đào tạo cán bộ Việt Nam chứ không có chuyện Việt Nam đào tạo cán bộ Trung Quốc. Những cán bộ Việt Nam làm nòng cốt đều phải qua Trung Quốc đào tạo để Trung Quốc có điều kiện khống chế và nhồi nhét tư tưởng nô lệ thần phục Trung Quốc, đây là một dạng tuyển chọn và huấn luyện tay sai cấp cao, một dạng bán nước theo kiểu đào tạo tư duy bán nước. Nó sẽ làm cho những quan chức bộ ngành, đầu tỉnh khi được Trung Quốc đào tạọ,sau này ở vị trí của mình quản lý sẵn sàng ký kết những văn bản bán nước ở cấp bộ, ngành, địa phương.
Cuộc xử lý kỷ luật bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh do Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo đầy gấp gáp và chóng vánh, với những lý do mà hàng chục bí thư tỉnh uỷ khác như Thanh Hoá, Hải Dương, Yên Bái… còn vi phạm mức độ trầm trọng hơn nhiều lần khiến người ta không khỏi hoài nghi vì dính tới việc lãnh sự quán Trung Quốc gần hai năm không mở được ở Đà Nẵng. Vào năm 2015 khi sang Trung Quốc, Tập đã chỉ đạo Nguyễn Phú Trọng sớm tạo điều kiện cho việc mở lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng. Ngay sau khi phế truất Nguyễn Xuân Anh, hai ngày sau phía Trung Quốc công bố đã mở được lãnh sự quán sau gần hai năm không chọn được địa điểm, thời gian gần 2 năm Trung Quốc không tim được điểm mở lãnh sự quán cũng là thời gian gần 2 năm Nguyễn Xuân Anh là bí thư ở Đà Nẵng. Đây là một món quà mà Nguyễn Phú Trọng dâng cho Tập Cận Bình trong chuyến đến Việt Nam dự APEC tại Đà Nẵng lần này. Nó cũng là thông điệp gửi các cường quốc khác rằng sự hiện diện và ảnh hưởng của Trung Quốc ở Việt Nam đã lớn mạnh đến mức nào, mọi ve vãn đổi hướng Việt Nam về phương Tây đều không hiệu quả.
Trong chuyến Tập Cận Bình đến Việt Nam lần này, người ta thấy sự ganh đua nịnh bợ Tập giữa Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Phú Trọng. Dường như Phúc cũng muốn tiến cử mình ra mắt thiên triều trong ưu điểm sẵn sàng thần phục làm nô lệ trung thành hơn Trọng. Phúc đã không tiếc lời ca ngợi Tập là một lãnh tụ tối cao mang lại hạnh phúc, huy hoàng cho Trung Quốc. Phúc báo cáo tình hình và dự kiến chính phủ do Phúc lãnh đạp đã làm gì và sẽ làm gì, cuối cùng Phúc nhấn mạnh cam kết Việt Nam sẽ theo đường lối ngoại giao trung thành và không làm ảnh hưởng đến Trung Quốc.
Với cặp tổng bí thư, thủ tướng như Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc như hiện nay, nếu Tập Cận Bình bỏ qua cơ hội không tận dụng hai kẻ háo danh và tham làm quyền lực này, y hẳn có lỗi với dân tộc Trung Hoa, một dân tộc cả mấy ngàn năm ước mơ thần phục được Nam Việt.
Hàng chục văn kiện đã được Nguyễn Phú Trọng ký cấp tập với Tập Cận Bình, riêng trong năm 2017 đã gần 30 văn kiện. Nguyễn Phú Trọng ráo riết như vậy để làm gì. ? Trọng đang nỗ lực xây dựng quyền lực cho mình nhiều hơn để thỏa lòng ham muốn quyền lực và danh vọng của Trọng trở thành lãnh tụ ở Việt Nam như một Hồ Chí Minh thứ hai. Bất chấp mọi tư cách cuả nhà nước, Trọng ngang nghiên chủ trì đón tiếp Tập Cận Bình với nghi lễ cao nhất, có quân danh dự đón tiếp, tự chủ trì ký kết. Qua đó cho thấy Trọng đang muốn gấp rút được kiêm nhiệm cả chức tổng bí thư và chỉ tịch nước.
Với những gì mà Nguyễn Phú Trọng đang điên cuồng phục vụ Tập Cận Bình, người Việt Nam không nên nói đến chuyện thoát Trung hoặc chống Trung Quốc làm gì cho xa vời.
Hãy làm sao trước mắt thoát được bè lũ tay sai Trung Quốc là Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc đang đè trên đầu nhân dân trước đã.
Người Buôn Gió
Nguồn : fb.nguoibuongio, 18/11/2017
(1) http://vtv.vn/trong-nuoc/viet-nam-trung-quoc-ky-ket-va-trao-19-van-kien-hop-tac-20171112184805591.htm
(2) http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/good-n-not-good-in-15-coop-agreements-of-vn-cn-01192017094714.html
Chỉ mất 5 năm phát động chiến dịch "chống tham nhũng" từ năm 2012 ở Trung Quốc, Tập Cận Bình đã không chỉ trở thành chủ tịch nước kiêm tổng bí thư, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, trở thành một cách thực chất chứ không phải dựa vào hơi hám của chủ nghĩa hình thức, mà còn được ghi tên mình vào Điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc tại đại hội 19 với "tư tưởng Tập" - sánh ngang với "tư tưởng Mao" của hơn nửa thế kỷ trước.
Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình tại Hà Nội, 12 tháng 11.
Từ "chống tham nhũng" đến tập quyền
Cùng thời gian đó, "người em" Nguyễn Phú Trọng dù có thâm niên làm tổng bí thư đảng hơn Tập Cận Bình cả năm trời, cũng không ít lần rụt rè khẽ khàng phát ngôn về "chống tham nhũng", nhưng phải đến giữa năm 2016 mới chính thức phát động chủ trương "việc cần làm ngay" - được hiểu như một cách lặp lại chiến thuật của Nguyễn Văn Linh khi ông Linh còn là tổng bí thư đảng vào năm 1986, để "việc cần làm ngay" là một trong những động tác chính trị nhằm hỗ trợ cho chiến dịch "chống tham nhũng" của ông Trọng…, lại đã chưa "làm nên cơm cháo" gì, cho dù ông Trọng đã nắm được vai trò Bí thư quân ủy trung ương từ trước và sau đại hội 12 của đảng cộng sản Việt Nam vào đầu năm 2016 và thậm chí còn "tự cơ cấu" vào Đảng ủy công an trung ương vào cuối năm đó.
Ở Trung Quốc, mặc dù mục đích thật sự của Tập Cận Bình là hoặc chống tham nhũng, hoặc thanh trừng phe phái hay tập quyền cá nhân, hoặc cả hai hay ba mục tiêu này vẫn nằm trong diện tranh cãi của giới phân tích chính trị cho tới nay, nhưng dù gì sau 5 năm thực hiện chiến dịch chống tham nhũng trong nội bộ, Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn đã đạt được kết quả kỷ luật hơn 1 triệu quan chức vi phạm.
Trong khi đó, thành tích "chống tham nhũng" của Nguyễn Phú Trọng đã ấn tượng đến mức cho đến tận cuối năm 2016, các cơ quan tư pháp Việt Nam vẫn "chỉ phát hiện 5 trường hợp kê khai không trung thực trong số hơn 1 triệu công chức kê khai tài sản".
Quá khó để so sánh thành tích vừa chống tham nhũng vừa thanh lọc nội bộ của thể chế Việt Nam với Trung Quốc. Nhưng chính cái hố phân cách quá lớn ấy lại rất tỷ lệ thuận với khoảng khác biệt về mức độ thực quyền của Tập Cận Bình với Nguyễn Phú Trọng.
Chỉ có bản lĩnh mới làm nên hình ảnh và quyền lực
Không nên đổ lỗi cho "hoàn cảnh khách quan" khi nhắc đến hố phân cách trên.
Hoàn cảnh chủ quan của Nguyễn Phú Trọng là ông chỉ kém thua Tập Cận Bình ở chỗ chưa nắm được vai trò chủ tịch nước. Tuy nhiên, người ta nhớ rằng khi tiến hành chiến dịch chống tham nhũng và thanh trừng nội bộ mang tính đảo lộn trong 5 năm qua, Tập Cận Bình đã ít khi hiện ra với vai trò chủ tịch nước - một chức danh chỉ thường để tiếp khách quốc tế và công du đối ngoại, mà Tập đã nắm và chi phối được cả Thường vụ Bộ chính trị cùng gần hết các ủy viên bộ chính trị, kể cả một số người thuộc phe của tổng bí thư cũ là Giang Trạch Dân.
Tất nhiên ông Trọng cần đến chức danh chủ tịch nước để có thể chính danh như một nguyên thủ quốc gia, được chính thức gặp gỡ với giới chính khách quốc tế mà không phải dựa vào cuộc vận động "tăng cường quan hệ kênh đảng" như suốt từ năm 2014 đến nay.
Nhưng chỉ có bản lĩnh mới làm nên hình ảnh và quyền lực. Trong khi Tập Cận Bình không chỉ tống những viên tướng lĩnh cao cấp dát vàng trong nhà của công an và quân đội Trung Quốc vào sau chấn song nhà tù mà còn trực tiếp chỉ huy các đại chiến khu với một quyền uy tuyệt đối, Nguyễn Phú Trọng có vẻ vẫn quá trầy trật khi chỉ mới "tiếp quản" Bộ Quốc phòng và "tiếp cận" Bộ Công an, dù đại hội 12 "loại Nguyễn Tấn Dũng" đã trôi qua từ lâu.
Đó là một ẩn số rất lớn trong cái phương trình hỗn tạp của chính trị Việt Nam : nếu không nắm được lực lượng vũ trang thì cho dù có trở thành chủ tịch nước, Nguyễn Phú Trọng phỏng sẽ làm được gì ?
Ở Trung Quốc, Tập Cận Bình gần đây thậm chí còn dám dùng đến những cụm từ "trị đảng"và "trị quân" mà không lo ngại đó sẽ là một xự xúc phạm mà có thể gây nên phản ứng từ nội bộ đảng hay lực lượng vũ trang.
Còn ở Việt Nam, không thiếu dư luận trong nội bộ càm ràm "đảng một bên, công an một bên". Một trong những minh họa có tính thuyết phục nhất cho lời càm ràm này là thật chẳng hiểu ra sao ngay sau khi nhà báo Huy Đức bất ngờ đưa tin "Trịnh Xuân Thanh đã về" vào cuối tháng Bảy năm 2017, Bộ trưởng công an Tô Lâm lại có đến hai lần khẳng định như thể thanh minh với báo giới nhà nước là ông ta "không biết gì". Cho tới lúc này và sau hàng loạt cáo buộc của Nhà nước Đức về "mật vụ Việt Nam đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin", cũng chẳng biết Bộ Công an đã có vai trò gì hoặc chẳng có gì cả trong vụ Trịnh Xuân Thanh.
Thế còn quân đội ?
Dường như trong thực tế, Tổng bí thư Trọng có vẻ "thân" với cánh quân sự hơn là công an. Sau khi viên đại tướng thứ trưởng bộ quốc phòng Đỗ Bá Tỵ bất ngờ được điều sang làm phó cho nữ chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ngay trước đại hội 12, bộ trưởng quốc phòng mới thay cho "tướng chữa bệnh" Phùng Quang Thanh là Ngô Xuân Lịch có vẻ đã giúp cho ông Trọng được một ít công việc, có được một chút kết quả hơn là bên công an.
Trước đây, Trung Quốc có cơ cấu các quân khu và quân đoàn tương tự như Việt Nam. Nhưng kể từ lúc Tập Cận Bình chỉ đạo lập ra các đại chiến khu, quyền lực của họ Tập đã trở nên thống soái toàn diện. Tình trạng chiến tranh được quyết định bởi chính Tập, tất nhiên có tham khảo với một mức độ vừa phải đối với Quốc hội, Chính hiệp và các cơ quan khác.
Vậy chẳng lẽ Việt Nam cũng cần có "đại chiến khu" ?
Vì sao Nguyễn Phú Trọng chưa một lần mặc quân phục ?
Có một so sánh thú vị là sau suốt 6 năm trời từ lúc trở thành tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng đã chưa từng một lần mặc quân phục để duyệt danh dự hàng quân như cách mà Tập Cận Bình đã làm, cho dù Tập cũng xuất thân từ vị thế một quan chức thư lại như Trọng.
Trong khi đó, tuy xuất thân là sĩ quan công an, vào tháng Mười năm 2017 Trần Đại Quang đã hiện ra với một bề ngoài hoàn toàn khác : chỉ một ngày sau khi Nhà Trắng phát đi thông cáo báo chí về việc Tổng thống Trump sau khi dự Hội nghị APEC ở Đà Nẵng sẽ đến Hà Nội để có một cuộc gặp chính thức với chủ tịch nước, người ta chợt nhận ra ông Quang trong bộ quân phục rằn ri đến thăm một đơn vị bộ đội ở gần Hà Nội.
Như thể Trần Đại Quang vừa phát đi một tín hiệu dứt khoát, hoặc ít nhất cũng mong muốn như thế, về hình ảnh và quyền lực của mình.
Không hiểu vô tình hay hữu ý, khẩu khí "chống tham nhũng" của ông Nguyễn Phú Trọng lại bất ngờ dịu hẳn vào thời điểm trên. Cũng không biết có phải ngẫu nhiên hay không, Ủy ban Kiểm tra trung ương của người mới được bổ sung làm "thành viên thường trực ban bí thư" là Trần Quốc Vượng, từng được ông Trọng khen "làm việc gì ra việc nấy", đã lắng bặt trong chiến dịch "kiểm tra tài sản 1000 quan chức" dù chỉ mới phát ngôn mà chưa có bất kỳ dấu hiệu nào về phát động thực hiện.
Vậy làm sao để Trần Quốc Vượng có thể trở nên "Vương Kỳ Sơn Việt Nam" ?
"Làm việc gì ra việc nấy" ?
Sau công an, Ủy ban Kiểm tra trung ương chiếm vai trò then chốt trong chiến dịch "chống tham nhũng" của Tổng bí thư Trọng. Nhưng trong tình cảnh hiện thời khi mối quan hệ giữa bên đảng với công an ở Việt Nam chưa ngọt ngào như những gì mà Tập Cận Bình đã tập quyền ở Trung Quốc, người ta thấy vai trò nổi bật nhất trong thời gian qua chính là Ủy ban Kiểm tra trung ương.
Từ năm 2015 đến nay, đã có vài lần Tổng bí thư Trọng cùng Ủy ban Kiểm tra trung ương sang Bắc Kinh để "học tập". Khi đó, Vương Kỳ Sơn đã trở nên quá nổi tiếng ở Trung Quốc, không chỉ với vai trò được xem "thực chất là số 2 sau Tập", mà còn bởi ông trở thành quán quân về chính khách có số lần nhiều nhất bị mưu toan ám sát.
Cứng rắn, lạnh lùng, ít nói và có lẽ không thiếu tàn nhẫn, Vương Kỳ Sơn đã thực sự trở thành thanh kiếm lẫn lá chắn bảo vệ cho Tập Cận Bình và cho chế độ độc đảng độc trị ở Trung Quốc, cho dù ông ta phải nghỉ hưu tại đại hội 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhưng cho tới giờ, Trần Quốc Vượng ở Việt Nam lại chưa có gì chứng tỏ ông có thể làm được như Vương Kỳ Sơn, hoặc chí ít cũng trở thành "học trò" của họ Vương.
Dù phong trào "chống tham nhũng" đã trôi qua hơn một năm, vẫn chẳng có tin tức nào, dù chỉ ở mức đồn đoán, cho thấy Trần Quốc Vượng có nguy cơ bị ám sát.
Kể cả sắp tới đây, nếu Ủy ban Kiểm tra trung ương được "kiêm" cả bộ máy và chức danh cao nhất của Thanh tra chính phủ trong chủ trương "nhất thể hóa" của Tổng bí thư Trọng, cũng chẳng có gì bảo đảm là Trần Quốc Vượng sẽ trở nên một nhân vật "làm việc gì ra việc nấy", ngoài việc lãnh nhiệm cái ghế của Thường trực ban bí thư Đinh Thế Huynh đổ bệnh mãi không chịu khỏi.
Ba năm hay ngắn hơn ?
Vai trò, vị thế và tương lai chính trị của Nguyễn Phú Trọng cũng bởi thế khá chông chênh.
Nếu không tính đến sự kiện đại hội giữa nhiệm kỳ vào khoảng giữa năm 2018 mà ông Trọng có thể sẽ phải đối diện với một lực lượng nội bộ muốn "Trọng nghỉ", ông chỉ còn khoảng ba năm cho một núi việc cùng ưu tư "làm sao để lại dấu ấn sử xanh", nhất là khi gần đây chợt hiện ra vài tác giả thuộc hàng ngũ "người Bắc có lý luận" đã xướng danh Nguyễn Phú Trọng theo cách chưa từng có : "Sĩ phu Bắc Hà", "Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo" và cả "Minh quân".
Ba năm là một thời gian có thể tạm đủ cho những cái đầu và cánh tay như Tập Cận Bình, nhưng lại là quá ngắn hoặc bất khả đối với những người mà từ sáu năm qua vẫn ngắn ngủn về chiều dài thành tích, dù chỉ trên phương diện tập quyền cá nhân mà chưa nói gì đến việc "lo cho dân cho nước".
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 13/11/2017
Tập Cận Bình, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa sắp sang Việt Nam dự cuộc họp APEC - Hội nghị kinh tế Châu Á Thái Bình Dương. Ông Tập xuất ngoại lần này ngay sau cuộc Đại hội đảng Cộng sản Trung quốc lần thứ XIX, được coi như một sự kiện lớn lao nhất của nước lớn này trong năm nay, một thắng lợi to lớn của cá nhân ông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong đại hội, ông Tập đã đọc một bài diễn văn dài hơn 30 ngàn từ, trong 3 tiếng rưỡi, khiến ông Giang Trạch Dân ngồi ở hàng đầu phải ngáp dài và nhiều lần nhìn đồng hồ tay, tỏ ý sốt ruột.
Tại đại hội, ông Tập được suy tôn là lãnh tụ vĩ đại, ngang hàng với ông Mao khai sinh ra nước Trung Hoa mới của triều đại cộng sản, được ghi tên trong Điều lệ của đảng, đang dắt dẫn Trung quốc trên con đường là cường quốc hàng đầu của thế giới trong thời gian không xa, vào năm 2049 – kỷ niệm tròn một thế kỷ ra đời nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa năm 1949, vào giữa thế kỷ XXI, được nhấn mạnh trong khẩu hiệu đẹp đẽ "Bách niên mục tiêu".
Ông Tập đã nêu bật nội dung của "Chủ nghĩa Xã hội mang màu sắc Trung quốc", đưa Trung quốc trở lại là nước bá chủ khu vực và thế giới thời xa xưa của Tần Thủy Hoàng, Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông và Tống Tổ, đứng ở hàng đầu thế giới về tổng sản phẩm xã hội, nâng cao nhanh thu nhập và sản phẩm tính theo đầu người.
Ông Tập quảng bá cho "Giấc mộng Trung hoa trong thời đại mới", với "con đường tơ lụa mới" và "vành đai ven biển lớn", xây dựng thàng công Trung quốc thành "Quốc gia hùng cường tươi đẹp".
Ông Tập Cận Bình thực hiện giấc mộng Trung Hoa bằng con đường nào ? biện pháp nào ?
Có thể tóm tắt là đảng cộng sản Trung quốc sẽ thực hiện mục tiêu trên bằng "đường lối toàn trị của một đảng duy nhất", theo phương châm "lấy đảng trị nước," không nhắc gì đến Hiến pháp, luật pháp, đến tự do ứng cử, bầu cử, đến các quyền tự do của người dân, đến nhân quyền của 1,3 tỷ nhân dân Trung quốc.
Theo tinh thần của đại hội, các tổ chức xã hội dân sự đều đặt dưới quyền lãnh đạo của đảng cộng sản Trung quốc.
Các nhà bình luận chính trị thế giới đều hầu như nhất trí cho rằng ông Tập Cận Bình đã không che dấu ý đồ trở thành lãnh tụ vĩ đại loại lớn nhất cùng ngang hàng với Mao Trạch Đông, đó là "khát vọng vĩ nhân", không chịu thua kém ai.
Ông Tập đang thay thế quyền uy của lãnh đạo tập thể bằng "uy quyền cá nhân không hạn chế", để nhiều người cho rằng sau Đại hội XIX, ông Tập đã trở thành "Hoàng Đế Đỏ," "Hoàng Đế của Trung hoa Cộng sản". Cho đến tổng thống D. Trump của Hoa Kỳ cũng nhận định ông Tập là Hoàng Đế.
Giấc mộng vàng Trung Hoa của ông Tập liệu có thành hiện thực ?
Khó, khó khăn lắm, nếu không nói là đó là một sự hoang tưởng, một sự toan tính chủ quan, xa rời thực tế, xa rời thời đại, xa rời mong muốn của đông đảo người dân Trung Quốc.
Cần nhớ lại lời khuyên của ông Đặng Tiểu Bình trước khi trút hơi thở cuối cùng cho các cận thần lúc đó, tóm tắt trong 4 chữ "thao quang dưỡng hối", với nội dung là trong vòng 30, 40 năm hãy lẳng lặng phát triển, nín thở qua sông, chớ để lộ tham vọng, ý đồ lớn của mình. Vì xa gần, xung quanh Trung quốc có quá nhiều đối thủ hùng mạnh nguy hiểm, luôn sẵn sàng ngăn cản sự phát triển lớn mạnh của Trung quốc, nhất là về quân sự. Đó là Hoa Kỳ, là Âu Châu, Úc Châu, là Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nước Đông Á, Đông Nam Á. Họ sẽ phong tỏa các bí mật kỹ thuật hiện đại, các sáng kiến phát minh mới, các loại vũ khí tân tiến, các bằng sáng chế bí mật… Trong khi đó về không quân, tên lửa hiện đại, nhất là về hải quân hiện đại Trung quốc còn rất xa, rất lâu mới bằng được mức Hoa Kỳ hiện nay, (có mặt như hải quân hiện chỉ bằng 1/6).
Hơn nữa mức sống của nhân dân nói chung còn thấp, mức sống nhân dân vùng nội địa (như Tây Tạng, Tân Cương ở phía Tây và Tây Bắc) lại càng thấp so với vùng duyên hải, các thành quả phát triển giành cho ngân sách quốc phòng ngày càng cao, tệ nạn quan liêu, tham nhũng lan tràn quy mô lớn vẫn còn nặng nề, lấy đâu ra phần để cải thiện cuộc sống của hàng tỷ nhân dân ?
Trung quốc dưới ông Tập sẽ là nước "đảng giàu, nước mạnh lên, dân đói khổ ô nhục như nô lệ".
Điều rất rõ khát vọng dân chủ của nhân dân lục địa ngày càng mạnh mẽ thời mở rộng cửa, giao lưu, thông tin quốc tế tràn ngập, tuổi trẻ ngày càng có khát vọng tự do, khi nền kinh tế tư nhân đã chiếm trên 60% giá trị, chế độ "độc tài cá nhân", chế độ toàn trị của hoàng đế họ Tập sẽ không dễ gì được đông đảo nhân dân Trung quốc chấp nhận. Hồng Kông đến nay vẫn một mực cứng đầu duy trì quyền tự do cố hữu với cả một thế hệ trẻ kiên cường. Đài Loan đang có xu hướng đòi độc lập, giữ vững quy chế "một nước, 2 chế độ", gắn bó quân sự với Hoa Kỳ bất chấp mua chuộc và đe dọa của lục địa chĩa sang hàng ngàn tên lửa.
Không phải ngẫu nhiên mà phong trào đòi dân chủ của Trung quốc vẫn kiên trì dù bị đàn áp khốc liệt. Các nhà giàu bỏ chạy ra nước ngoài. Phong trào thoát Cộng vẫn diễn ra, phong trào Pháp Luân Công vẫn dai dẳng.
Cho nên nền độc tài cá nhân, chế độ toàn trị phản dân chủ của ông Tập cận Bình đã làm cho ông Tập trở thành một nhân vật nguy hiểm về nhiều mặt, nguy hiểm vì đường lối bá quyền, bành trướng, xâm lược (cả về quân sự, kinh tế và văn hóa) đối với mọi khu vực, từ phía Đông, phía Nam, phía Tây, cho đến Châu Phi, Châu Mỹ la tinh.
Xin nhớ Trung quốc cách đây không lâu đã từng động binh gây sự vũ trang xung đột với Liên Xô cũ, với Ấn Độ, với Việt Nam, Triều tiên, Miến điện...
Hiện nay đã hình thành "tứ giác kim cương" gồm Hoa Kỳ - Nhật Bản - Ấn Độ - Úc Châu công khai hình thành để ngăn chặn Trung quốc. Họ chỉ chờ Việt Nam tự nguyện gia nhập.
Ông Tập cũng là nhân vật nguy hiểm cho nhân dân Trung quốc, mà khát vọng tự do, khát vọng phát triển để cải thiện cuộc sống khỏi nghèo đói, môi trường khỏi bị tàn phá nặng nề, đã bị ông Tập hy sinh một cách phũ phàng cho tham vọng vĩ nhân hão huyền của ông ta.
Xin nhớ trong bài diễn văn tràng giang đại hải của ông Tập, vắng hẳn bóng của nhân dân, vắng hẳn các khái niệm dân chủ, nhân quyền, ngoài một câu lơ lửng vuốt đuôi không có nội dung : "Đặt lợi ích của nhân dân ở vị trí tối cao" (!).
Mong rằng bộ Chính trị, các nhà lãnh đạo đảng, Nhà nước Việt Nam hãy cùng các tổ chức xã hội dân sự ngoan cường nhận diện cho thật rõ vị khách nguy hiểm nổi bật sắp sang nước ta nhân dịp cuộc họp APEC sắp đến.
Nguồn : VOA, 04/11/2017
Tập Cận Bình dẫn Trung Quốc đi về đâu ?
Tại sao Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn cố bám vào Trung Quốc ?
Trái ngược với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2016, người Việt Nam trên toàn thế giới (chứ không riêng gì ở Mỹ) chia thành hai phe, người ủng hộ bà Hillary Clinton, người ủng hộ Donald Trump, tranh cãi nhau kịch liệt, không ai chịu nhường ai, bất phân thắng bại, kể cả sau khi có kết quả là ông Trump đắc cử. Thế nhưng trong Đại hội 19 của Đảng cộng sản Trung Quốc vừa kết thúc hôm 24/10/2017 thì hầu như không mấy người Việt Nam quan tâm.
Qua Đại hội 19, Tập Cận Bình để lộ quyết tâm lãnh đạo một mình một nước Trung Quốc rộng lớn
Điều đáng nói nhất là không chỉ người người dân Việt Nam không quan tâm đến đại hội 19 của Trung Quốc mà ngay cả Đảng cộng sản Việt Nam, là tổ chức gắn liền vận mệnh của mình vào Trung Quốc cũng không thấy nói gì nhiều ngoài một vài bài báo dịch từ báo Trung Quốc. Tại sao lại có chuyện lạ như vậy ?
Chúng ta có thể điểm sơ qua một vài điểm "bất thường" của đại hội này.
1. Trung Quốc đã tỏ ra ôn hòa một cách ngạc nhiên
Trái với bản tính hung hăng vốn có (nhất là với các nước có đường biên giới chung với Trung Quốc), trong đại hội này Tập Cận Bình nói rằng "Trung Quốc trở thành hùng cường không đe dọa bất kỳ quốc gia nào".
Ông Tập không nhắc gì đến chuyện gây hấn với các nước khác ngoài tuyên bố "đừng có ai tin rằng Trung Quốc sẽ bỏ qua một tấc đất chủ quyền của mình, chúng ta sẽ không dung thứ cho bất cứ ai, bằng cách nào, vào thời điểm nào, muốn tách một tấc đất ra khỏi Trung Quốc". Thực chất của câu nói này chỉ là để ve vãn tinh thần dân tộc của người Trung Quốc mà thôi, thực tế là nó đã làm cho hình ảnh của Trung Quốc xấu đi trong con mắt các quốc gia láng giềng.
Giọng điệu của ông Tập hoàn toàn mềm mỏng với thế giới và với Mỹ. Thông điệp của ông có thể giải nghĩa là "thế giới hãy để chúng tôi được yên để chúng tôi tiếp tục cai trị Trung Quốc" !
Đảng cộng sản Việt Nam và không ít người dân Việt Nam vẫn run sợ trước một Trung Quốc đầy sức mạnh. Thật sự Trung Quốc không mạnh như chúng ta nghĩ. Một nước mạnh là một nước đầy tự tin để chinh phục thế giới chứ không phải co cụm lại để cố thủ.
Nhiều người Việt lo rằng Trung Quốc sẽ "thôn tín" Việt Nam vào năm 2020 ! Sẽ không có chuyện đó ! Giả sử ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam có đem dâng Việt Nam cho Trung Quốc thì Trung Quốc cũng sẽ không nhận. Riêng nội bộ Trung Quốc, nhất là các vùng bị sát nhập vào Trung Quốc bằng vũ lực trước đây như Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông… cũng đủ làm đau đầu chính quyền Trung Quốc và họ đã phải duy trì một lực lượng an ninh đồ sộ để kiểm soát các khu vực này. Họ không dại gì để ôm thêm một vùng đất mới là Việt Nam, một quốc gia láng giềng có truyền thống chống đối Trung Quốc suốt hơn 2000 năm qua.
Tuy nhiên nhu cầu khống chế Việt Nam để Việt Nam nằm trong quĩ đạo của Trung Quốc là hiện hữu và có thật. Trung Quốc rất muốn kiềm chế Việt Nam thông qua Đảng cộng sản Việt Nam, họ muốn biến Việt Nam thành một bãi rác, theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
2. Trung Quốc đang nguy ngập
Đúng như tác giả Bùi Quang Vơm nhận định qua bài viết "Tư tưởng của Tập Cận Bình có gì khác thường không ?" (1), chính Đảng cộng sản Trung Quốc đã chọn và đặt ông Tập Cận Bình lên ngôi Hoàng đế chứ không phải ông Tập chinh phục (hoặc khuất phục) được Đảng cộng sản Trung Quốc như nhiều người nghĩ. Sự việc này thú nhận rằng Trung Quốc đang nguy ngập và bối rối. Có lẽ một sự phân rã Trung Quốc đang bắt đầu. Đảng cộng sản Trung Quốc trong cơn tuyệt vọng đã lấy quyết định đặt sự ổn định lên trên tất cả. Và để làm được điều đó thì họ phải cho ông Tập và ban lãnh đạo đảng cộng sản một thứ uy quyền tuyệt đối để có thể ổn định được nội bộ.
Chúng ta đừng quên rằng Trung Quốc là một đế quốc hơn là một quốc gia. Thế nào là một đế quốc ? Đế quốc là một nhóm nhiều quốc gia, bị/được một quốc gia mạnh nhất lãnh đạo (khống chế). Như vậy Đảng cộng sản Trung Quốc là nhân tố chính để khống chế (hay trói buộc) các vùng/miền khác nhau của Trung Quốc lại với nhau. Sự phát triển không đồng đều giữa các vùng/miền của Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng, khoảng 300 triệu người dân Trung Quốc sống ở vùng duyên hải có đời sống sung túc khác xa với gần một tỉ người sống sâu trong đại lục. Hố ngăn cách giàu nghèo càng lớn thì bất mãn xã hội càng gia tăng và đến một lúc nào đó các mâu thuẫn này lên đến đỉnh điểm thì cách mạng sẽ nổ ra và đây là các cuộc "cách mạng đường phố" vô cùng nguy hiểm, nó sẽ phá hủy tình tự dân tộc và gây ra một sự đổ vỡ kinh hoàng.
Khi phải co cụm lại để tự vệ thì điều đó chứng tỏ Trung Quốc đang có nguy cơ hỗn loạn. Tản quyền là một nét đậm của thế giới dân chủ. Mỹ, Đức, Áo, Thụy Sĩ… đã chọn lựa mô hình liên bang nhằm trao nhiều quyền tự quyết hơn cho các vùng miền và họ đã thành công. Trung Quốc đang phải làm điều ngược lại.
"Tư tưởng của Tập Cận Bình" là đảng cộng sản phải kiểm soát tất cả, từ kinh tế, chính trị đến quân sự… Đây là một bước thụt lùi vĩ đại so với thời Đặng Tiểu Bình. Đặng là người có chủ trương tách dần đảng ra khỏi chính quyền. Thành tựu của Tập trong 5 năm qua là phục hồi tư tưởng và văn hóa Khổng giáo bằng cách dựng lên hàng trăm Viện Khổng Tử trên khắp thế giới cộng thêm việc khôi phục lại Con đường tơ lụa trên biển và trên đất liền, với tên gọi mới "Một vành đai, một con đường" (Nhất đái nhất lộ). Cả hai chương trình này đã, đang và sẽ bị phá sản, vì Bắc Kinh đang đổ ra không biết bao nhiêu ngàn tỷ USD để xây dựng nhưng cho đến nay vẫn chưa hoàn tất. Bánh xe của lịch sử là tiến về phía trước chứ không phải quay ngược lại quá khứ.
Khi Trung Quốc quyết tâm đặt sự ổn định lên trên hết thì điều này đồng nghĩa với việc chấm hết các quyền tự do và dân chủ. Ổn định và sáng tạo là hai điều mâu thuẫn với nhau. Sáng tạo, sáng kiến và phát minh chỉ có thể hình thành và nuôi dưỡng trong một xã hội tự do, dân chủ và cởi mở. Một xã hội khép kín và thiếu tự do sẽ không có đất sống cho sự sáng tạo.
3. Ô nhiễm môi trường đã vượt ngưỡng báo động
Vấn đề nghiêm trọng nhất đối với Trung Quốc hiện nay đó là thể chế chính trị lạc hậu và nạn ô nhiễm môi trường. Trung Quốc đã đặt mục tiêu phát triển kinh tế bằng mọi giá bất chấp sự xuống cấp của môi trường.
Thiên nhiên và môi trường Trung Quốc đang bị hủy hoại từng ngày từng giờ. Một ví dụ là Trung Quốc đã đầu tư hàng trăm tỉ đôla Mỹ để sản xuất các tấm pano điện mặt trời nhưng không thể dùng được vì mặt trời tại Trung Quốc đã bị khói các nhà máy nhiệt than che khuất. Người Trung Quốc không còn nhìn thấy mặt trời. Họ cũng không thể hít thở không khí trong lành. Nhiều công ty đóng chai không khí sạch để bán cho người Trung Quốc đang ăn nên làm ra ở đất này. Nhiều nơi tại Trung Quốc thì "ngày cũng biến thành đêm" (2), (3).
Trung Quốc đã quyết định đóng cửa các nhà máy điện nhiệt than và các nhà máy khai thác bô-xít, luyện kim (bằng cách tống chúng sang Việt Nam)… Tuy nhiên mọi sự vẫn không thể dừng lại vì tăng trưởng kinh tế hoang dại bất chấp môi trường vẫn là "quyết tâm chính trị" sống còn với Đảng cộng sản Trung Quốc. Sắp tới đây, không chỉ người giàu Trung Quốc tìm cách chạy ra nước ngoài mà ngay cả những người thuộc tầng lớp trung lưu cũng tìm cách tháo thân. Nhiều người Trung Quốc đã lùng mua bất động sản tại Việt Nam, Lào, Campuchia để sau này sinh sống cũng vì lẽ đó.
4. Không có các con số về sự tăng trưởng
Bản báo cáo chính trị của ông Tập đạt kỷ lục vì kéo dài hơn ba tiếng rưỡi đồng hồ nhưng lại không hề nhắc đến các con số về sự tăng trưởng trong 5 năm qua. Đảng cộng sản Trung Quốc không có gì để nói về điều đó dù rằng các báo cáo của họ luôn được thổi phồng và che đậy. Hai công ty kiểm định tài chính có uy tín trên thế giới là Moody’s và S&P (Standard & Poor) đều hạ bậc tín nhiệm của Trung Quốc từ "ổn định" xuống "tiêu cực" (vào tháng 9/2017), trước đại hội 19 hơn một tháng (4).
Theo số liệu của Bloomberg, tổng nợ của Trung Quốc, bao gồm nợ của các ngân hàng và doanh nghiệp, nợ của các hộ gia đình và nợ công, hiện ở mức khoảng 260% GDP. Dòng tiền của các nhà đầu tư quốc tế lẫn các doanh nhân Trung Quốc đang ồ ạt tháo chạy khỏi Trung Quốc mới là con số chuẩn xác về tình hình sức khỏe của kinh tế Trung Quốc.
Một tin đáng chú ý là tân thủ tướng New Zealand vừa đắc cử đã công bố lệnh cấm người nước ngoài mua nhà tại đảo quốc này, trong đó chủ yếu là nhằm vào đa số khách hàng từ Trung Quốc (5).
"Giấc mơ Trung Hoa" mà ông Tập cố vẽ ra hình như không thuyết phục được dòng người bỏ đất nước ra đi. Đáng nói là những người ra đi đều thuộc tầng lớp trung lưu trở lên. Họ mang theo tiền của và cả trí tuệ chứ họ không đi tay không.
5. Không có kế hoạch về bảo hiểm xã hội
Đối phó với dân số ngày càng già đi và cùng với đó là chương trình "an sinh xã hội" là bài toán đau đầu cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Trung Quốc không là ngoại lệ. Chúng ta đừng quên rằng Trung Quốc đã tạo ra được một "phép màu kinh tế" thời gian qua là nhờ vào khối "nô lệ" hơn một tỉ người dân. Trung Quốc (và cả Việt Nam) đang báo động về tình trạng giảm sút dân số. Mới đây ông bí thư Nguyễn Thiện Nhân phải kêu gọi chị em phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh hãy đẻ nhiều hơn nữa "vì thành phố, vì đất nước" (6).
Trung Quốc là một quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu. Để nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững thì việc phát triển thị trường nội địa phải được chú trọng. Trung Quốc hiểu điều này nhưng lại không thực hiện được vì người dân Trung Quốc vẫn tiết kiệm để đề phòng rủi ro như ốm đau bệnh tật hay thất nghiệp. Người dân chỉ mạnh tay chi tiêu khi họ có niềm tin vào tương lai tức là khi hệ thống an sinh xã hội có thể đảm bảo cho cuộc sống về già của họ. "Giấc mơ Trung Hoa" của ông Tập lại không đả động gì đến điều đó.
Vì sao đến giờ này Đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn cố bám vào Trung Quốc ?
Tinh thần dân tộc, lòng yêu nước và "khái niệm về quốc gia" trên thế giới đang bị xét lại một cách gay gắt. Tình yêu đó phải là hai chiều. Cuộc trưng cầu dân ý, tách khỏi Tây Ba Nha của vùng Catalunia là một ví dụ. Người dân vùng này đòi tự trị chỉ vì lý do kinh tế chứ không phải vì bị đàn áp hay mất tự do. Họ giàu có hơn các vùng khác của Tây Ba Nha và họ không muốn chia sẻ sự sung túc của họ. Một lý do đó là tình tự dân tộc của họ đã bị bào mòn dưới thời cai trị của chế độ độc tài Franco và 4 năm nội chiến…
Quốc gia Việt Nam phải được định nghĩa như một tình cảm, một không gian liên đới và là một dự án tương lai chung - Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
Trong "Dự án chính trị" Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên định nghĩa về quốc gia như sau : "Quốc gia là một tình cảm, một không gian liên đới và là một dự án tương lai chung". Nếu thiếu một trong ba thứ đó thì người dân trong các quốc gia sẽ không có lý do để yêu nước và nỗ lực cống hiến, hy sinh vì tổ quốc. Người Việt Nam chỉ có mỗi "tình cảm" với đất nước Việt Nam vì đó là quê hương, là nơi "chôn nhau cắt rốn" chứ họ không hề có "sự liên đới" hay "một dự án tương lai chung" nào. Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi người dân Việt Nam (hay Trung Quốc) không yêu nước và không gắn bó với tổ quốc kể cả tầng lớp tinh hoa hay giới lãnh đạo.
Chúng ta cũng cần biết một điều rằng, người dân trong các tỉnh của Trung Quốc không coi người tỉnh khác như là đồng bào. Trong suốt dòng lịch sử, sự thống nhất của Trung Quốc đã chỉ được duy trì bằng bạo lực. Trung Quốc không có tinh thần dân tộc, chính vì thế mà các nước nhỏ như Mông Cổ và Mãn Thanh đã có thể thống trị Trung Quốc trong hàng trăm năm mà không bị coi như ngoại xâm.
Điều đáng ngạc nhiên và cần nói nhất đó là trong lúc Trung Quốc đang bối rối và nguy ngập thì Đảng cộng sản Việt Nam vẫn lấy quyết định tiếp tục lệ thuộc một cách mù quáng vào Trung Quốc để duy trì sự tồn tại của chế độ. Trung Quốc không mạnh như ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam tưởng. Bất cứ lúc nào Trung Quốc cũng có thể vỡ ra thành nhiều quốc gia nhỏ. Trung Quốc chỉ là một bức tường giấy mong manh nên họ rất lo sợ dân các nước láng giềng có dân chủ. Tuy thế Trung Quốc cũng phải bỏ rơi Bắc Triều Tiên, một đồng minh thân cận, ít nhất cũng là trên mặt ngôn ngữ và dư luận quốc tế. Trung Quốc và cả Nga đều không muốn bị nhìn nhận như là các quốc gia bao che cho một nhà nước khủng bố.
Đảng cộng sản Việt Nam vẫn cố gắng bơi ngược dòng lịch sử và nguy hiểm nhất là họ vẫn tiếp tục khiêu khích người dân Việt Nam bằng việc tăng cường đàn áp bắt bớ các tiếng nói bất đồng chính kiến. Một sinh viên, học giỏi và xuất sắc trong mọi mặt nhưng vì "ngây thơ" muốn giúp đảng chống tham nhũng nên phải nhận một bản án 6 năm tù giam và 4 năm quản chế, đó là Phan Kim Khánh (Đại học Thái Nguyên). Chính quyền vẫn tiếp tục cưỡng chế thu hồi đất đai của người dân khắp nơi và đặc biệt nhất là việc dùng "Hội Cờ Đỏ" như kiểu Hồng Vệ binh bên Trung Quốc để đe dọa và tấn công giáo dân ở Nghệ An.
Trong lúc Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đang cố gắng kêu gọi hòa giải dân tộc và xiển dương tinh thần bất bạo động thì Đảng cộng sản Việt Nam lại tiếp tục nuôi dưỡng và khoét sâu lòng hận thù giữa các thành phần dân tộc bằng bạo lực. Những hành động mù quáng này sẽ khiến công cuộc hòa giải dân tộc sau này gặp rất nhiều khó khăn. Thiếu viễn kiến và thiếu những con người có tấm lòng, ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam sẽ dẫn dắt đất nước và dân tộc Việt Nam đi vào đêm đen.
Nếu trí thức Việt Nam vẫn không chịu tỉnh thức và ủng hộ cho các tổ chức đối lập dân chủ để làm đối trọng, kiềm chế sự "tác yêu tác quái" của Đảng cộng sản Việt Nam, và nếu những đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam có tấm lòng và ưu tư với đất nước không chịu "xuất đầu lộ diện" để bắt tay với các tổ chức đối lập đứng đắn, cùng tìm một giải pháp mới thay thế cho giải pháp cộng sản thì đất nước Việt Nam sẽ không có tương lai.
Việt Hoàng
(31/10/2017)
(1) https://www.thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/4450-t-t-ng-c-a-t-p-can-binh-co-gi-khac-th-ng-khong
(2) http://nld.com.vn/khoa-hoc/o-nhiem-toi-muc-ngay-bien-thanh-dem-o-trung-quoc-20170103165607431.htm
(3) http://dantri.com.vn/the-gioi/o-nhiem-khong-khi-o-trung-quoc-vuot-quy-chuan-cua-who-100-lan-20161220143211871.htm
(4) http://vneconomy.vn/the-gioi/sp-ha-diem-tin-nhiem-trung-quoc-lan-dau-tien-sau-18-nam-20170922092957496.htm
(5) http://www.bbc.com/vietnamese/business-41754134
(6) http://dantri.com.vn/su-kien/bi-thu-nguyen-thien-nhan-tha-thiet-mong-phu-nu-tphcm-nang-ty-suat-sinh-20170704153925591.htm
Trong một đoạn video được phổ biến online hôm tháng Sáu vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin của Nga và các cố vấn của ông ngồi đối diện với Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc. Chủ tịch nước Trung Quốc ngồi một mình, chờ toán phụ tá của ông tới. Với một cái tặc lưỡi đầy thán phục và kiểu Bố Già Godfather, ông Putin nắm hai nắm tay lại và nói hai chữ "odin boyets". Hai chữ đó tiếng Nga có nghĩa là "chiến sĩ đơn độc", hay "người hùng cô đơn".
Tập Cận Bình là một "odin boyets" - Ảnh minh họa (AFP)
Ông Putin có lẽ không ngờ là ông đúng đến mức nào. Theo sau đại hội của họ, Đảng Cộng sản Trung Quốc cho ông Tập một vị thế chỉ có thể thua ông Mao Trạch Đông mà thôi. Ông Tập nay đứng một mình trên đỉnh quyền lực của đảng ông và của Trung Quốc.
Những quan sát viên bên ngoài, kể cả Tổng thống Donald Trump, vốn sẽ sang Trung Quốc vào tháng tới, có vẻ hết sức thán phục khả năng của ông Tập thu thập tước hiệu và danh xưng, kể cả chính thức đưa tên mình vào điều lệ đảng.
Trong một cái tweet hôm Thứ Tư, ông Trump chúc mừng chủ tịch Trung Quốc về sự "vinh thăng phi thường" và sau đó nói với Fox News : "Nay một số có thể gọi ông ấy là Vua Trung Quốc".
Rõ ràng là ông Tập có được một năm thật tốt, mở đầu với bài diễn văn hôm tháng Giêng của ông ở Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới ở Davos, Thụy Sĩ. Ở đó, ông tìm cách diễn tả Trung Quốc như là một công dân trách nhiệm của thế giới quyết tâm chống lại nạn hâm nóng toàn cầu và bảo vệ một hệ thống mậu dịch quốc tế mở. Vài ngày sau, Tổng thống Trump đăng quang, chào đón chính sách "America First" trong bài diễn văn nhậm chức.
Kể từ bài diễn văn ở Davos, ông Tập chủ trì trên ba tam cá nguyệt của tăng trưởng kinh tế mạnh, thanh trừng vài chục đối thủ chính trị tiềm tàng về những cáo buộc tham nhũng. Trong tuần qua, đại hội đảng lần thứ 19, mà như ông Trump nhận xét, có thể diễn tả tốt hơn là một sự đăng quang, chỉ là chiến thắng mới nhất của một năm đầy phép lạ hay như tờ Financial Times nói "annus mirabilis".
Nhưng giữa tất cả những ồn ào về "lãnh tụ quyền hành nhất kể từ Mao", có lẽ cũng nên nhớ lại Davos 2016.
Nay thì chuyện đó có vẻ như là từ một thế kỷ trước, nhưng vào tháng Giêng, 2016, thị trường cổ phiếu và tiền tệ của Trung Quốc đang hỗn loạn, dự trữ ngoại tệ đang sụt giảm ở mức $100 tỷ một tháng, và đã có một sự im lặng như tờ từ trung ương. Chỉ có hai viên chức cấp thấp của Trung Quốc được gửi đến Davos.
Rồi có ba diễn biến hoàn toàn tình cờ xảy ra. Một phần do những cú sốc thị trường từ Trung Quốc, bà Janet Yellen, chủ tịch Fed, quyết định trì hoãn việc tăng lãi suất ở Hoa Kỳ, vốn giúp giải tỏa áp lực xuất huyết đang tăng ở Trung Quốc. Khi bà Yellen đến Thượng Hải hồi tháng Hai, 2016 cho hội nghị G20, có thể nói là lúc đó bà, chứ không phải ông Tập, mới là người có uy quyền nhất Trung Quốc.
Vài tháng sau, Anh quyết định rút lui khỏi Liên Hiệp Âu Châu, và tháng Mười Một, ông Trump tạo cú sốc cho thế giới với sự thắng thế trong các cử tri đoàn Hoa Kỳ. Ở bất cứ một quốc gia dân chủ nào khác ngoài Hoa Kỳ thì ông không thắng nổi vì ông thua phiếu bầu trực tiếp từ dân chúng. Những nhà phân tích và đầu tư vốn đang âu lo về khả năng của các nhà làm chính sách Trung Quốc đột nhiên có những quan ngại lớn hơn từ các nơi khác.
Kết quả là, số rất nhiều người đưa ra những dự đoán đường thẳng cho các chiều hướng kinh tế toàn cầu vốn đã được coi như là thần thánh vào đầu năm 2016 trông ra có vẻ chả có gì đúng cả. Việc đó cũng có thể xảy ra cho những ai nay tiên đoán về sự thăng tiến và thăng tiến mãi của ông Tập khi ông đi vào năm thứ sáu nắm quyền.
Đối nghịch với ông Tập là ông Mao Trạch Đông và ông Đặng Tiểu Bình, người kiến tạo ra chiến lược "cải tổ và mở cửa" cho Trung Quốc, cai trị đảng Cộng Sản và nhân dân Trung Quốc trong 42 năm và 17 năm. Họ là những nhà cách mạng dày chiến công, và dầu tốt hay xấu, uốn nắn những người khác theo ý chí cứng rắn của các nhà cách mạng như họ. Ông Tập không có những đối thủ bao quanh có đủ khả năng như vậy.
Ông Đặng Tiểu Bình đặc biệt không cần một danh xưng hay một tu chính điều lệ đảng nào để bày tỏ quyền lực. Năm 1992, khi đã từ bỏ cả chức vụ "chủ tịch hội chơi cờ Bridge Trung Quốc", ông đơn phương một mình thúc đẩy một quyết tâm tái tục cải tổ vốn đã đưa Trung Quốc trên con đường trở thành cường quốc mậu dịch lớn nhất thế giới và nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới. Ông đâu có cần ai nêu danh gì đâu. Lúc đó ông rút ra khỏi ngay cả khu lãnh tụ ở Trung Nam Hải, về ở một căn nhà nhỏ ở Bắc Kinh, ấy vậy mà bất cứ một điều gì các "lãnh tụ" cũng phải hỏi ý kiến ông. Tên tuổi và những lý thuyết phát triển của ông chỉ được đưa vào điều lệ đảng sau khi ông qua đời, bởi vì những đàn em yếu kém hơn mà ông đã truyền lại sự nghiệp.
Tạp chí The Economist, trong một số gần đây, gọi ông Tập Cân Bình là "người quyền uy nhất địa cầu này". Tờ tạp chí nổi tiếng này nhắc lại là Tổng thống Trump đã nói ông Tập "có lẽ là người quyền thế nhất" Trung Quốc từ một thế kỷ nay. Nhưng theo họ, "ông Tập Cận Bình là lãnh tụ nhiều quyền uy nhất thế giới" ngày nay.
The Economist viết : "Tuy chắc chắn, nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn đứng thứ nhì về tầm cỡ so với Hoa kỳ và quân đội của họ, tuy đã ngày càng có nhiều bắp thịt, không so sánh nổi. Nhưng sức mạnh kinh tế và súng ống đạn dược không phải là tất cả. Lãnh tụ của thế giới tự do (ý chỉ ông Trump) có một thái độ hẹp hòi tùy tiện đối với người ngoại quốc và có vẻ không có khả năng thi hành nghị trình của mình trong nước. Hoa Kỳ vẫn còn là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, nhưng lãnh tụ của Hoa Kỳ yếu trong nước và ít hữu hiệu ở ngoại quốc hơn bất cứ người tiền nhiệm nào của ông, một phần không nhỏ bởi vì ông chê bai những giá trị và liên minh vốn đặt nền tảng cho ảnh hưởng của Hoa Kỳ".
Tờ báo tiếp : "Chủ tịch của quốc gia độc tài lớn nhất thế giới, ngược lại, đi một cách vênh váo ở ngoại quốc. Sự kiểm soát của ông tại Trung Quốc chặt chẽ hơn bất cứ lãnh tụ nào kể từ ông Mao. Và trong khi Trung Quốc của ông Mao rối loạn và nghèo thảm hại, Trung Quốc của ông Tập là một động cơ chế ngự cho tăng trưởng toàn cầu".
Có lẽ như The Economist nói, so với ông Trump hay ngay cả với ông Putin, ông Tập quả là "người quyền hành nhất". Nhưng người hùng cô đơn của Trung Quốc vẫn còn phải lâu lắm nữa mới có thể dám nhận là ngang hàng với ông Đặng chứ đừng nói đến ông Mao.
Lê Phan