Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong mắt người phương Tây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có vẻ giống như hóa thân của chế độ độc tài độc nhân trị. Quan điểm ấy có lý do chính đáng.

xi1

Tập Cận Bình đã củng cố vị trí của mình trong Đảng cộng sản Trung Quốc, đặt mình vào cùng vị trí với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Ảnh minh họa Tập Cận Bình được hiển thị trên một màn hình lớn phía trên các vũ công biểu diễn trong buổi dạ tiệc đánh dấu 100 năm thành lập của Đảng cộng sản Trung Quốc. © Getty Images

Kể từ khi đảm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc tới nay, ông xóa bỏ cơ chế chia sẻ quyền lực giữa các phe phái trong Đảng, biến một trong những tổ chức chính trị lớn nhất thế giới thành một khối thống nhất. Tại bất cứ nơi nào cũng có thể thấy lời nói, tư tưởng và hình ảnh của ông. Trong một bài phát biểu năm 2016, ông sử dụng các từ ngữ của Mao Trạch Đông, nói Đảng cộng sản Trung Quốc đang lãnh đạo "Đông Tây Nam Bắc Trung" của Trung Quốc. Có lẽ ông dùng câu nói này để nói về chính mình.

Hiện nay Tập Cận Bình đã chuẩn bị xong xuôi, tại Đại hội lần thứ 20 Đảng cộng sản Trung Quốc khai mạc vào ngày 16/10/2022, ông sẽ nhận được nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba trong vai trò nhà lãnh đạo tối cao.

Việc ông có thể tập trung nhiều quyền lực như thế mà không bị thách thức là điều chưa từng có tiền lệ, thậm chí khó chấp nhận đối với một số người. Người ta có lý do để cho rằng Trung Quốc quá phức tạp, quá rộng lớn, đồng thời quá tư bản chủ nghĩa, khiến nước này khó tránh được một hình thức đa nguyên chính trị nào đó. Mạng xã hội, giai cấp trung lưu không ngừng phát triển và sự hiện đại hóa nói chung chắc hẳn sẽ đưa xã hội đi theo hướng ấy. Thế nhưng, Tập Cận Bình đã đưa Trung Quốc đi theo hướng ngược lại, và dường như còn có thể vươn xúc tu của mình ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Nhưng làm thế nào chuyện đó có thể xảy ra tương đối dễ dàng mà không có đổ máu như vậy ? Chuyện này chắc hẳn không thể chỉ dựa vào ý tưởng kỳ lạ đột phát từ một cá nhân.

Cho dù mọi sự chú ý đều tập trung vào một cá nhân Tập Cận Bình, nhưng xét cho cùng thì cuộc đời, sứ mệnh và tư tưởng chính trị của ông đều không thuộc về cá nhân ông, mà là thuộc về Đảng cộng sản Trung Quốc. Đúng là có một nhà độc tài đang thống trị Trung Quốc đương đại, nhưng người cai trị chính là Đảng cộng sản Trung Quốc mà Tập Cận Bình đang phục vụ, chứ không phải là cá nhân ông. Hơn nữa, cũng như những người khác, ông bị chính đảng ấy bắt làm tù nhân theo một phương thức kỳ lạ nào đó.

Địa vị của Tập Cận Bình trong lịch sử Trung Quốc phụ thuộc vào việc ông có thể đảm bảo sự thống trị của Đảng cộng sản Trung Quốc sau khi ông nghỉ hưu sẽ kéo dài bao lâu, chỉ có như vậy thì Đảng cộng sản Trung Quốc mới thực hiện được mục tiêu căn bản của họ : phục hưng đất nước vĩ đại phù hợp với tên gọi có từ thời cổ của nó – "Trung Quốc", tức "Trung tâm thế giới".

Trong thế kỷ 19 và 20, Trung Quốc bị các cường quốc phương Tây cướp đoạt, năm 1912 đế chế Trung Quốc sụp đổ rồi bị Nhật Bản xâm lược. Kể từ đó tới nay, Trung Quốc thường xuyên tiến hành chuẩn bị sứ mệnh kể trên. Đảng cộng sản Trung Quốc giải quyết được vấn đề đất nước bị chia cắt. Quyền lực của Tập Cận Bình xuất phát từ mục tiêu dân tộc chủ nghĩa của Đảng cộng sản Trung Quốc : rửa sạch những nỗi nhục trong quá khứ, phục hồi sức mạnh quốc gia, thu hồi các lãnh thổ "để mất" như Đài Loan. Có lẽ chủ nghĩa phục thù là sức mạnh thúc đẩy Tổng thống Nga Putin, nhưng đối với Trung Quốc thì chủ nghĩa đó là con đường sống.

Tập Cận Bình là con trai Tập Trọng Huân, một nhà lãnh đạo lớp trước của Đảng cộng sản Trung Quốc, ông học được từ cha mình một bài học : Cho dù Đảng đối xử với mình thế nào thì mình vẫn phải giữ được niềm tin đối với Đảng.

Tập Trọng Huân từng bị thanh trừng trong thời kỳ Mao Trạch Đông, bị giam lỏng nhiều năm, cho tới khi Mao Trạch Đông qua đời mới được phục hồi. Trong thời gian cách mạng văn hóa, Hồng Vệ Binh khám nhà Tập Trọng Huân ; một người chị của Tập Cận Bình bị chết trong loạn lạc. Mọi người trong gia đình họ Tập bị đưa ra các cuộc họp đấu tố, bị công kích cá nhân. Mẹ Tập Cận Bình còn bị buộc tố cáo Tập Cận Bình. Về sau, Tập Cận Bình hưởng ứng lời kêu gọi "Học tập nông dân" của Mao Trạch Đông, xuống nông thôn sống 7 năm.

Quãng đời ấy làm cho Tập Cận Bình trở nên kiên cường, cũng làm ông kiên định niềm tin của mình. Một báo cáo mật năm 2009 của Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc cho biết : Một người bạn trong thời kỳ khó khăn ấy của Tập Cận Bình nhớ lại rằng Tập Cận Bình hồi trẻ có hình ảnh một người tràn đầy niềm tin vào vận mệnh của mình. Là thành viên của nhóm "Thái tử đảng", ông coi việc lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc là quyền lợi sinh ra đã có của mình, phải "tập trung toàn bộ sức chú ý vào việc đó". Người bạn ấy nói, Tập Cận Bình tin tưởng sâu sắc rằng chỉ Đảng cộng sản Trung Quốc mới có thể thực hiện được sự phục hưng vĩ đại của Trung Quốc, ông không bị các lợi ích vật chất làm xói mòn. Vấn đề là ở chỗ liệu ông có thể chống lại được cảm giác say sưa do quyền lực mang lại hay không.

Năm 2012, khi Tập Cận Bình đảm nhiệm chức Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, lúc này Trung Quốc đã hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình tư bản chủ nghĩa, nhưng cũng đã xuất hiện các vấn đề mới. Mười năm dưới sự lãnh đạo của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào là mười năm lỡ mất cơ hội, dường như Đảng cộng sản Trung Quốc quên mất sứ mệnh vĩ đại phục hưng dân tộc. Các quan chức địa phương tham nhũng như những tiểu bạo chúa thống trị địa bàn của mình, các biện pháp áp bức tàn khốc, nạn tham nhũng trắng trợn, điều kiện lao động tồi tệ, vấn đề ô nhiễm nặng nề đã dẫn đến sự phản kháng gay gắt.

Trong mấy năm đầu sau khi nhậm chức, Tập Cận Bình tập trung lực lượng làm phong trào chống tham nhũng, nhưng phong trào này thường hay bị bên ngoài coi là cái cớ để tiêu diệt đối thủ. Tuy vậy, mục đích chính của ông là thay đổi Đảng cộng sản Trung Quốc, làm cho nó trở nên có hiệu quả cao hơn, khôi phục hình ảnh của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Có điều đáng chú ý là hầu như Tập Cận Bình chưa gặp bất cứ trở lực lớn nào. Cho dù Mao Trạch Đông làm người ta kính trọng và sợ hãi, nhưng từng có người phản đối chính sách không tưởng mang tính phá hủy lớn của Mao. Công cuộc cải cách thị trường của Đặng Tiểu Bình từng gặp lực cản, Giang Trạch Dân không thể không ứng phó với các thế lực muốn tiến hành cải cách lớn hơn. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, ngoại trừ những tin đồn về sự bất mãn nội bộ thỉnh thoảng tung ra và một số lời phê bình đến từ tầng lớp thấp, hầu như trong Đảng không có bất cứ ý kiến phản đối nào.

Nguyên nhân một phần là sức mạnh của sứ mệnh chủ nghĩa dân tộc. Sức hút của chủ nghĩa dân tộc đối với công dân Trung Quốc vượt xa khái niệm trừu tượng của chủ nghĩa Mác Lê. Tình cảm tự hào yêu nước thể hiện trong thời gian Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh hồi tháng Hai năm nay là tình cảm chân thành. Khi Mỹ và các nước khác đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch COVID-19, do lòng tự tôn bị tổn thương, người Trung Quốc từ đáy lòng tỏ ra tức giận. Ngay cả những người Trung Quốc chán ghét sự cai trị của Đảng cộng sản Trung Quốc cũng vẫn rất yêu đất nước mình.

Vận may của Tập Cận Bình là ông có thể vươn lên dựa vào nền tảng tiến trình do các vị tiền bối thực hiện. Nhưng ông cũng có bản lĩnh của mình. Mọi người từng cho rằng Internet sẽ đe dọa sự cai trị chuyên chế tập trung hóa, thế nhưng Chính phủ Tập Cận Bình bằng cách sử dụng các biện pháp như thuật toán, công nghệ nhận diện và giám sát điện tử quy mô lớn, đã bảo vệ được quyền lực của Đảng cộng sản Trung Quốc trên phạm vi rộng lớn hơn. Trong phần lớn thời gian của thế kỷ 20, Trung Quốc từng là quốc gia lạc hậu về kỹ thuật, nhưng hiện nay là quốc gia chuyên chế có kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới.

Phong cách cứng rắn được mọi người chú ý của Tập Cận Bình không hoàn toàn là mục tiêu, dã tâm hoặc giá trị bản ngã của cá nhân ông (mặc dầu có thể ông chắc chắn có những cái đó). Trung Quốc đã lớn mạnh trở lại ; trách nhiệm duy nhất của Tập Cận Bình là không làm hỏng sự nghiệp ấy. Đây là lý do vì sao ban lãnh đạo của ông không muốn gặp rủi ro, đã đàn áp mạnh mẽ những người bất đồng chính kiến. Sự trấn áp có hệ thống ở Tân Cương là biểu hiện cực đoan nhất niềm say mê giữ ổn định của ông, thậm chí bất chấp sự phê bình của quốc tế và rủi ro trong nước chịu đau khổ. Chính sách "Zero Covid" không chút thỏa hiệp của ông cũng xuất phát từ nguyên nhân đó.

Những điều kể trên cùng với các ví dụ về thi hành kỷ luật và kiểm soát khác giống như mệnh lệnh của sĩ quan chỉ huy, phát ra để chuẩn bị cho trận kịch chiến cuối nhằm giành được thắng lợi cuối cùng : thực hiện sự phục hưng vĩ đại của Trung Quốc, thậm chí có lẽ sẽ có ngày vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tập Cận Bình và các đồng sự trong Đảng hiểu rằng chỉ một sai lầm là có thể làm hỏng tất cả.

Dĩ nhiên Tập Cận Bình cũng có ngày sẽ không cầm quyền nữa. Nhưng phẩm chất đặc biệt trong sự lãnh đạo của ông – xây dựng hình ảnh công chúng của nhà lãnh đạo Trung Quốc đương nhiệm, giữ cho nó tránh được mọi sự đe dọa, và tập trung tinh thần sức lực vào việc làm cho Trung Quốc trở nên lớn mạnh, được tôn trọng, thậm chí làm mọi người sợ hãi – sẽ tiếp tục tồn tại. Đảng cộng sản Trung Quốc đã đầu tư quá nhiều công sức vào mục tiêu to lớn này.

Kerry Brown

Nguyên tác : "Xi Jinping Is a Captive of the Communist Party Too", New York Times, 10/10/2022.

Nguyễn Hải Hoành biên dịch, có tham khảo bản tiếng Trung của New York

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 17/10/2022

Kerry Brown là giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại King’s College, London, cựu quan chức ngoại giao Anh, và là tác giả của một số cuốn sách viết về chính trị Trung Quốc, trong đó có cuốn "The World According to Xi".

Published in Diễn đàn

Tập Cận Bình, hiện thân cho sự thống trị toàn diện của Đảng với xã hội Trung Quốc

Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc chuẩn bị khai mạc ngày Chủ nhật này, với quyền lực trọn vẹn nằm trong tay Tập Cận Bình. Liên Hiệp Quốc thêm một lần nữa ra nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine. Đình công lớn đòi tăng lương trong ngành năng lượng tại Pháp. Kỷ niệm 5 năm phong trào #Me Too, tố cáo nạn bạo hành tình dục. Trên đây là một số chủ đề lớn của báo chí Pháp hôm nay, thứ Sáu 14/10/2022.

xi1

Ông Tập Cận Bình, lãnh đạo tối cao của Trung Quốc. Reuters - Pool

"Hoàng đế của một nước Trung Hoa đang hụt hơi" là nhan đề trang nhất nhật báo kinh tế Les Echos. Ông Tập Cận Bình gương mặt tròn trịa mũm mĩm, miệng nhoẻn cười, hai tay cầm lá phiếu màu trắng chuẩn bị thả vào thùng phiếu màu đỏ rực, mang quốc huy Trung Quốc. Phía sau là quốc kỳ Trung Quốc cũng toàn một màu đỏ rực. Hình ảnh trang nhất Les Echos nhấn mạnh đến cuộc bỏ phiếu.

Tập Cận Bình bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử kết quả đã biết trước

Nhưng ông Tập Cận Bình không chờ cuộc bỏ phiếu. Theo Les Echos, lãnh đạo Trung Quốc 69 tuổi "trong vòng 10 năm đã tập trung toàn bộ quyền lực trong tay, đoạn tuyệt với phương pháp lãnh đạo tập thể trước đó, đặt xã hội dân sự trong vòng kiểm soát chặt chẽ về tư tưởng". Tuy nhiên, giờ đây lãnh đạo tối cao Trung Quốc "phải đối phó với một môi trường kinh tế khó khăn hơn nhiều. Mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư của Trung Quốc đang hụt hơi".

Les Echos có lẽ là một trong những tờ báo có nhiều bài nhất về Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc. Nói về Đảng cộng sản Trung Quốc, nhưng trước hết và chủ yếu là về ông Tập Cận Bình. Bài "Lãnh đạo Trung Quốc trở thành ‘người đứng đầu mọi lĩnh vực’" cho biết ông Tập Cận Bình là hiện thân cho sự chi phối của Đảng cộng sản trên tất cả. Từ Nhà nước đến quân đội, các lĩnh vực dân sự, giáo dục, từ đông sang tây, từ nam chí bắc, tất cả đều nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Theo cựu chuyên gia về Trung Quốc Christopher Johnson của CIA, việc ông Tập từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã nỗ lực kiểm soát toàn bộ các lĩnh vực phản ánh chính "nguyên tắc tổ chức của chế độ". Không chỉ các lĩnh vực thuộc nhà nước, mà toàn bộ xã hội, từ truyền thông, các tổ chức phi chính phủ, đến các tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp tư nhân… Kiểm soát bằng các biện pháp truyền thống, và các công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo, tiền điện tử, mã QR, y tế…).

"Áp đặt quyền thống trị với bàn tay sắt"

Một mặt kiểm soát, mặt khác đàn áp mọi phản kháng, và loại trừ mọi quan điểm khác biệt trong nội bộ. "Trung Quốc : Tập Cận Bình áp đặt quyền thống trị với bàn tay sắt" là một bài khác của Les Echos. Theo nhật báo kinh tế Pháp, việc Tập Cận Bình nắm quyền thêm một nhiệm kỳ thứ ba, thêm 5 năm nữa là điều chắc chắn. Cuối tháng 9, tình hình đã hoàn toàn ngã ngũ, ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Vương Hộ Ninh (Wang Huning) –  "nhà lý luận của Đảng" – tuyên bố "lý do căn bản khiến các mục tiêu của Đảng và Nhà nước gặt hái được các thành công là do sự lãnh đạo của tổng bí thư Tập Cận Bình, định hướng tư tưởng Tập Cận Bình". Theo giáo sư Jean-Pierre Cabestan, Đại học Hồng Kông, gần như không có khả năng các phe phái khác có đại diện trong Bộ Chính trị hay Ban Chấp hành Trung ương, ngoại trừ những người trung thành với ông Tập.

Viễn cảnh thành công mà lãnh đạo tối cao Trung Quốc đặt ra là rất lớn : quy mô của nền kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi vào năm 2035, với tỉ lệ tăng trưởng dự kiến hơn 4% những năm tới. Les Echos nhấn mạnh đến 4 lĩnh vực công nghệ cao mà Trung Quốc hy vọng đuổi kịp phương Tây : máy bay chở khách, điện hạt nhân, thương mại điện tử, vũ trụ.

"Gót chân Asin" của Tập

Tuy nhiên, điều Les Echos muốn nhấn mạnh là thách thức với lãnh đạo tối cao Trung Quốc. Bài xã luận của Les Echos với tựa đề "Gót chân Asin của Tập" nhấn mạnh đến các điểm yếu chết người. Điều đầu tiên mà tờ báo nhấn mạnh là việc "ông quan cộng sản này đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích của đất nước, và mục tiêu kiểm soát người dân lên trên sự thịnh vượng của xã hội".  Việc triệt hạ toàn bộ các đối thủ trong nội bộ, khiến thách thức chính trị không còn là vấn đề với Tập, kinh tế mới là điểm yếu chết người. Theo xã luận Les Echos, "tâm lý hoang tưởng" khiến Tập Cận Bình "dường như đã bóp chết tất cả những gì thành công tại Trung Quốc, như tập đoàn Tencent, Alibaba cho đến Didi". Khủng hoảng trầm trọng đến mức mà phụ nữ Trung Quốc ngày càng không muốn sinh con. Có thể nói "một cuộc cách mạng thầm lặng" đang diễn ra (dự kiến có thể giảm tới 400 triệu dân trong 30 năm tới). Nợ công và tư cũng là một vấn đề khổng lồ khác của Trung Quốc.

Tập Cận Bình "đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích đất nước"

Les Echos cũng có bài phỏng vấn nhà đầu tư David Baverez, hoạt động tại Hồng Kông từ hơn 10 năm nay. Bài "Tập Cận Bình đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích của Trung Quốc" nhấn mạnh đến thất bại của Bắc Kinh trong chính sách thúc đẩy một mô hình kinh tế mới dựa vào đầu tư và tiêu thụ nội địa, được tìm kiếm từ hơn 10 năm nay. Theo chuyên gia này, đúng là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ngày càng dựa nhiều hơn vào tiêu thụ nội địa, nhưng một phần lớn tăng trưởng dựa vào lĩnh vực bất động sản, vốn đang rơi vào đại khủng hoảng từ ít năm trở lại đây. 

Trong những năm gần đây, các công ty xây dựng nhà ở đã không thể hoàn tất việc xây dựng hàng triệu căn hộ, mà người mua đã trả trước, với tổng số vốn 5.000 tỉ đô la. Lý do là thiếu tiền. Bắc Kinh vừa thông qua một kế hoạch cứu trợ tương đương chỉ 30 tỉ đô la.

Sức mạnh quân sự sẽ tạo uy thế cho Tập Cận Bình

Nhà đầu tư Pháp nhấn mạnh là "cái mà ông Tập Cận Bình quan tâm không phải là tăng trưởng, mà là khẳng định sức mạnh". Chỉ một con số cho thấy tính chất huyễn tưởng về mục tiêu kinh tế mà Đảng cộng sản Trung Quốc đặt ra : hiện tại Trung Quốc mới chỉ sản xuất được 5% linh kiện bán dẫn, trong lúc đặt dự phóng sẽ tự chủ đến 45% bán dẫn vào năm 2025. Người phương Tây thường tính cho 10 năm hay 15 năm, nhưng Tập Cận Bình chỉ quan tâm đến nhiệm kỳ 5 năm tới.

Theo chuyên gia Pháp, ông Tập biết sẽ không thể được bầu lại một nhiệm kỳ thứ tư 5 năm nữa do thành tích về kinh tế. Như vậy để tiếp tục tại vị, chế độ Tập Cận Bình sẽ tập trung khẳng định sức mạnh quân sự trong nhiệm kỳ 3 này. Nhiều khả năng là Tập Cận Bình sẽ tìm cách thuyết phục rằng "chỉ có ông ta mới là người duy nhất đủ sức lấy lại Đài Loan".

"10 hồ sơ nóng" với Tập Cận Bình

Đại hội của Đảng cộng sản Trung Quốc : Tập Cận Bình, người nắm quá nhiều quyền lực là một tựa chính của Libération hôm nay. Nhật báo vạch ra "10 hồ sơ nóng" với Tập Cận Bình.

Thứ nhất là Đài Loan. Bắc Kinh muốn "tái thống nhất" nhưng Đài Loan không chấp nhận. Chính quyền Thái Anh Văn khẳng định không từ bỏ các quyền tự do, chế độ dân chủ, và nền độc lập trên thực tế của mình. 

Hồ sơ nóng thứ hai là "các căng thẳng với Mỹ". Đối đầu Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện nay đang ở mức chưa có kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ (1979).

Cuộc xâm lăng của Nga tại Ukraine cũng là một thách thức lớn khác với Bắc Kinh. Trung Quốc khẳng định "tình hữu nghị không giới hạn" với Nga, nhưng trên thực tế, Bắc Kinh buộc phải thận trọng.

Ngoài ra những bất đồng với Liên Âu, các đàn áp tàn bạo tại Tân Cương, việc quân sự hóa ở Biển Đông đặt Trung Quốc trong thế đối đầu với Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác…

Tập Cận Bình : con người xảo quyệt

Libération cũng có một bài viết khác phân tích về con đường đưa Tập Cận Bình đến thượng đỉnh quyền lực. Tờ báo nhận định "Tập Cận Bình đã xây dựng cho mình hình ảnh về một nhà lãnh đạo gần gũi với dân chúng, và tỏ ra là người không thể thay thế, bất chấp những lệch hướng hiện nay". Libération thừa nhận sự "khôn khéo trong ứng xử" của Tập Cận Bình đã thành công trong việc "che giấu tham vọng phục thù dưới ngoại hình của một người đàn ông đẫy đà, tốt bụng".

Nhà báo François Bougon ôn lại, khi Tập Cận Bình kết thúc nhiệm kỳ thứ nhất, năm 2017, kế hoạch Hán hóa toàn khốc tại vùng Tân Cương đã bắt đầu được triển khai, "nhưng tại phương Tây, người ta vẫn chưa ý thức được tính chất diệt chủng" của kế hoạch đàn áp nhắm vào cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi.

Libération tìm cách giải mã khía cạnh "cuồng tín", tự coi như người có sứ mạng cứu thế của Tập Cận Bình trong việc lãnh đạo tối cao Trung Quốc gắn liền cuộc đời riêng của mình với số phận của nước Trung Hoa. "Lập trường cực đoan về ý thức hệ" của Tập Cận Bình có thể coi là nguyên nhân dẫn đến các hành động tàn bạo như trên.

Phương Tây bị Tập Cận Bình đánh lừa

Le Monde cũng có bài nhấn mạnh đến dự đoán sai lầm của phương Tây về bước chuyển hướng độc tài của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cách đây hơn 10 năm. Nhật báo Pháp ôn lại thời điểm 2009, ba năm trước khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hoàn toàn tỏ ra tin tưởng là "lãnh đạo tương lai của Trung Quốc một người hết sức thực tế, thực dụng, không bị chi phối bị ý thức hệ". Một sai lầm mà Le Monde đánh giá là "khủng khiếp".

Ngay từ tháng 4/2013, một tháng sau khi trở thành chủ tịch Trung Quốc, Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã bí mật phổ biến một tài liệu căn bản về "lĩnh vực ý thức hệ", do đích thân Tập Cận Bình soạn thảo. Văn bản tranh đấu ý thức hệ quan trọng nói trên vạch ra 7 lĩnh vực mà chế độ cộng sản Trung Quốc cần chống lại một cách không khoan nhượn, trong đó có "các giá trị phổ quát" (nhân quyền), nền dân chủ lập hiến phương Tây, xã hội dân sự, quan điểm tự do báo chí phương Tây… Mục tiêu là chống lại các đe dọa từ phương Tây và "các cuộc cách mạng màu".

Kiểm soát hoàn toàn truyền thông là cái đích cụ thể đặt ra. Truyền thông trên Internet được coi là "trường đấu ý thức hệ". Le Monde nhấn mạnh là Tập Cận Bình đã thực thi kế hoạch này một cách triệt để. Hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền, luật sự bị bắt bớ, giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba phải chết trong trại giam. Một đỉnh điểm của cuộc "tranh đấu ý thức hệ" này trên lĩnh vực quan hệ quốc tế, là tuyên bố chung "hợp tác không giới hạn" với Nga, ít tuần trước khi Nga tấn công Ukraine, trong đó Bắc Kinh và Moskva cùng hướng đến một kẻ thù chung là phương Tây.

Chiến lược an ninh mới của Mỹ coi Bắc Kinh là kẻ thù dài hạn nguy hiểm nhất

Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ công bố hôm 12/10, gần 2 năm sau khi tổng thống Biden lên nắm quyền, cũng được giới thiệu trên Le Monde La Croix, cho hay, nếu như nước Nga là kẻ thù nguy hiểm trước mắt cần phải kiềm chế, thì Trung Quốc là một "đối thủ duy nhất" mang tính hệ thống, quốc gia duy nhất có khả năng "thay đổi triệt để trật tự thế giới hiện nay".

Nga – Trung muốn lật ngược trật tự thế giới hiện hành, nhưng không đề xuất giải pháp

Nghị quyết Liên Hiệp Quốc lên án Nga là chủ đề xã luận của Le Monde, với nhan đề "Liên Hiệp Quốc đối mặt với chủ nghĩa đế quốc Nga".

Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, theo Le Monde, dù chỉ mang tính biểu tượng, nhưng là một biểu tượng quan trọng. Hai chỉ dấu đáng chú ý có thể rút ra từ cuộc bỏ phiếu lần thứ ba lên án xâm lăng Nga.

Thứ nhất là việc lên án cuộc xâm lăng của Nga không chỉ duy nhất là "mối quan tâm của một phương Tây, đang suy yếu". Thực tế cho thấy đây cũng là quan tâm của các nước phía nam, đặc biệt là Châu Mỹ Latinh, Cận Đông. Nghị quyết đã nhận được 143 phiếu, nhiều hơn 2 phiếu so với lần trước.

Chỉ dấu quan trọng thứ hai là, Trung Quốc - một đại cường có ý định đóng vai trò hàng đầu trên trường quốc tế - rút cục "đã náu mình trong lá phiếu trắng ít vẻ vang". Ấn Độ cũng tương tự.

Le Monde phản biện lại các ý kiến chỉ trích, cho rằng "trật tự quốc tế được xác lập theo sáng kiến của Hoa Kỳ, vào thời điểm thế chiến Hai kết thúc đã hết thời, và cần phải có các điều chỉnh cần thiết để tương ứng với các tương quan mới trên thế giới. Nhưng vấn đề là các bên phản đối đã đưa được những giải pháp nào để thay thế ?".

Le Monde khép lại bài viết với nhận định : thông điệp mà tổng thống Nga đưa ra hôm 30/09 chủ yếu là "chống lại phương Tây", cùng với Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc chiến tại Ukraine cho thấy rõ "tính chất đế quốc" của chính quyền Nga. Liên minh Nga – Trung muốn lật ngược lại hoàn toàn trật tự quốc tế hiện nay không hứa hẹn gì cho "sự ổn định quốc tế", và việc cổ vũ cho một nền chính trị độc đoán không hề bảo đảm các quan hệ cân bằng trong quan hệ với các quốc gia khác.

5 năm phong trào #Me Too

5 năm phong trào #Me Too tố cáo bạo hành tình dục là chủ đề chính của La Croix hôm nay. Những bàn tay mang hai chữ "#Me Too, tay da trắng, da đen, da nâu, da vàng vươn thẳng lên trời, trên phông màu đỏ rực là bức hình trang nhất của nhật báo công giáo."Một cuộc tranh đấu đã bắt rễ" là nhan đề chính. Theo La Croix, 5 năm kể từ khi phong trào khởi động đến nay, việc bảo vệ các phụ nữ là nạn nhân bạo lực vẫn luôn là vấn đề thời sự hàng ngày.

La Croix có bài phóng sự về chủ đề này gửi từ nông thôn Vendée, miền tây nước Pháp, nơi công luận đa số vẫn còn tỏ ra thờ ơ, thậm chí ngờ vực đối với một phong trào bị coi là cực đoan.  Báo Le Monde cũng có nhiều bài nhân dịp 5 năm phong trào #Me Too. Sử gia Laure Murat ôn lại những đảo lộn lớn lao do việc nhiều người phụ nữ dám cất lên tiếng nói.

Pháp : Đình công mở rộng

Bãi công đòi tăng lương trong ngành năng lượng trong bối cảnh giá cả năng lượng tăng vọt tại Pháp là chủ đề chính của Le Monde. Trang nhất Le Monde chạy tựa "Chính phủ bị mắc bẫy trong cuộc khủng hoảng giá xăng đầu". Le Monde còn có nhiều bài khác về chủ đề này như "Cuộc khủng hoảng mà chính phủ không muốn đối diện", hay "Đằng sau cuộc bãi công của nhân viên ngành xăng dầu là thất bại của đối thoại".

Nhật báo thiên tả Libération dành chủ đề chính trang nhất cho cuộc bãi công. Dòng tựa "Bãi công. Xăng khiến phong trào phản kháng lan rộng". Libération thông báo, "tiếp theo lĩnh vực dầu khí, nhiều ngành nghề khác cũng tham gia đình công, một ngày tranh đấu toàn quốc được tuyên bố vào thứ Ba". Xã luận Libération cũng ghi nhận sự phân hóa trong nội bộ liên đảng cầm quyền, với việc 35 nghị sĩ Modem và 19 thuộc đảng của tổng thống đã bỏ phiếu thông qua trong đêm một đề nghị sửa đổi luật liên quan đến đánh thuế vào các khoản lợi nhuận cao. Ngược lại với quan điểm của chính phủ. Theo Libération, những người bãi công không chỉ bảo vệ quyền lợi của mình, mà còn tranh đấu cho quyền lợi của nhiều nhân viên khác.

Về phần mình, nhật báo kinh tế Les Echos có hồ sơ trang nhất về hậu trường của cuộc đọ sức trong lĩnh vực năng lượng, khiến nước Pháp lâm vào cảnh thiếu xăng trầm trọng. Sau hơn hai tuần xung đột, ban lãnh đạo của tập đoàn TotalEnergies đã chấp nhận tiếp các nghiệp đoàn, chấp nhận tăng lương 6% trong năm tới, và rút một khoảng tiền thưởng tương đương một tháng lương cho nhân viên. Phần phụ trương của Les Echos nói đến việc bắt đầu có sự đối thoại tại tập đoàn TotalEnergies.

Trọng Thành

Published in Châu Á

Trung Quốc : 10 năm cầm quyền, Tập Cận Bình không chỉ tái kiến tạo quân đội mà cả Châu Á – Thái Bình Dương

Minh Anh, RFI, 11/102022

Trong vòng một thập niên dưới quyền lãnh đạo của Tập Cận Bình, Trung Quốc đã xây dựng một lực lượng hải quân hàng đầu thế giới, tái cấu trúc đội quân chuyên nghiệp lớn nhất hành tinh và phát triển cả một kho vũ khí hạt nhân, đạn đạo khiến các đối thủ phải e sợ. Nhưng sự "nhào nặn, đẽo gọt" này của Trung Quốc có nguy cơ đẩy cả vùng Châu Á – Thái Bình Dương lao vào chạy đua vũ trang cuồng nhiệt.

tap1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nâng ly ở tiệc chiêu đãi tại Đại Lễ Đường Nhân Dân trước kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 30/09/2022. AP - Ng Han Guan

Từ "bảo tàng" trở thành một trong những quân đội hùng mạnh trên thế giới

AFP nhắc lại, trong vòng nhiều năm liền, Quân đội Giải phóng Nhân dân bị đánh giá là lạc hậu và không hiệu quả. Một sử gia còn ví quân đội Trung Quốc như là "một viện bảo tàng quân sự lớn nhất thế giới", được trang bị bằng những loại vũ khí cũ kỹ từ thời Liên Xô, rồi tham nhũng hoành hành. Thời đó, quân đội chủ yếu dựa vào pháo binh với những kết quả không mấy gì hào quang trên những chiến trường ngoài lãnh thổ, như cuộc chiến Triều Tiên (400 ngàn binh sĩ thiệt mạng theo phương Tây, trong khi Bắc Kinh công bố 180 ngàn), hay cuộc đối đầu đẫm máu với Việt Nam năm 1979.

Từ những năm 1990, dưới thời ông Giang Trạch Dân, vốn dĩ tỏ ra rất ấn tượng trước những kỳ công quân sự Mỹ được phô diễn trong trong cuộc chiến Vùng Vịnh và cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần ba, các cuộc cải cách quân đội đã bắt đầu.

Tuy nhiên, chỉ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền chỉ huy quân đội thực sự năm 2013, Trung Quốc gia tăng củng cố năng lực quân sự. Ngân sách cho quốc phòng của Trung Quốc tăng đều đặn từ 27 năm qua. Giờ đây, Hải quân Trung Quốc có một đội tầu ngầm, tầu chiến, hàng không mẫu hạm hùng hậu nhất nhì thế giới. Quân đội Trung Quốc có trong tay hàng trăm tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa, cũng như là hàng nghìn chiến đấu cơ. Đến mức, Karl Thomas, chỉ huy hạm đội 7 của Mỹ từng tuyên bố trước báo giới rằng "nếu Trung Quốc muốn hăm dọa và bố trí tầu chiến xung quanh Đài Loan, họ có thể dễ dàng làm điều đó".

Thời hoàng kim của Hải quân Mỹ sắp hết ?

Theo Lầu Năm Góc, trong cùng khoảng thời gian này, kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh tăng mạnh, và chúng có thể được trang bị cho cả bộ binh, không quân và hải quân. Bulletin of the Atomic Scientists cho biết Trung Quốc ngày nay có khoảng 350 đầu đạn hạt nhân, tăng gấp hai lần so với thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Các cơ quan tình báo Mỹ dự đoán, kho dự trữ này của Trung Quốc rất có thể sẽ đạt mức 700 đầu đạn từ đây đến năm 2027. Nhiều hầm chứa tên lửa hạt nhân hiện đang được xây dựng tại vùng tây bắc Trung Quốc.

Cũng theo một báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2021, được AFP trích dẫn, Trung Quốc là "đối thủ duy nhất có khả năng phối hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để tạo thành một thách thức lâu dài cho hệ thống quốc tế ổn định và mở rộng". Cũng theo báo cáo này, "Bắc Kinh đang định hình lại trật tự thế giới sao cho phù hợp với hệ thống chính trị chuyên chế và các lợi ích quốc gia của mình".

Triển vọng này của Trung Quốc khiến các nước trong khu vực lo sợ. Hàn Quốc và Úc ra sức tăng cường năng lực hải quân. Việc Canberra ký kết hiệp ước liên minh AUKUS mua tám tầu ngầm hạt nhân từ Mỹ và Anh là một minh chứng. Quân đội Úc còn tìm cách trang bị các loại vũ khí siêu thanh, tên lửa đạn đạo tầm xa hay oanh tạc cơ tàng hình, có khả năng tấn công bất kỳ nơi đâu trên thế giới mà không lo bị phát hiện…

Tương tự, các nước láng giềng gần gũi với Trung Quốc như Philippines, Việt Nam, Ấn Độ đều lần lượt tăng ngân sách quốc phòng. Đặc biệt, Nhật Bản năm nay đã tăng ngân sách kỷ lục vì cho rằng môi trường an ninh "ngày càng bạo lực".

Malcolm Davis, cựu quan chức quốc phòng Úc, hiện cộng tác với Viện Chiến lược Chính trị Úc kết luận : "Tất cả các tác nhân chủ chốt trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương phản ứng nhanh nhất có thể trước đà hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc (…) Điều này phản ảnh nhận thức, theo đó, Trung Quốc mỗi lúc có nhiều thế mạnh kiến tạo lại khu vực theo ý của mình. Thời kỳ mà hải quân Mỹ "làm mưa làm gió" tại những vùng biển phía Tây Thái Bình Dương đang đến hồi kết thúc".

Minh Anh

Nguồn : RFI, 11/10/2022

***********************

Tình báo Anh : Trung Quốc thống trị công nghệ, "mối đe dọa lớn" cho phương Tây

Minh Anh, RFI, 11/10/2022

Lãnh đạo cơ quan tình báo và an ninh của Anh (GCHQ), hôm 11/10/2022, cảnh báo phương Tây trước việc Trung Quốc tìm cách sử dụng thế thống trị công nghệ nhằm mục đích theo dõi. Theo cơ quan này, đây là một "mối đe dọa to lớn" và phương Tây cần phải hành động khẩn cấp.

tap2

Trí tuệ nhân tạo là trọng tâm của tham vọng quyền lực toàn cầu của Trung Quốc. (Mark Schiefelbein / AP / SIPA)

Theo AFP, lời cảnh báo này của ông Jeremy Fleming được dựa trên các đánh giá từ các chuyên gia về quốc phòng cho rằng chính quyền Trung Quốc tìm cách "tận dụng" lợi thế công nghệ của họ như hệ thống vệ tinh và tiền ảo.

Ông Fleming, đứng đầu cơ quan tình báo Anh từ năm 2017, kêu gọi Anh Quốc và các đồng minh nên cùng nhau khẩn cấp phản ứng trước những mối đe dọa này, theo như thông cáo của cơ quan này được công bố hôm qua 10/10/2022. 

Hãng tin Pháp lưu ý, phát biểu trên của lãnh đạo tình báo Anh được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc chuẩn bị phát hành đồng tiền kỹ thuật số, "nhân dân tệ ảo". Ý định này của Bắc Kinh khiến nhiều chuyên gia lo lắng, đánh giá rằng các chế độ toàn trị rất có thể sẽ sử dụng công nghệ này vào mục đích theo dõi và kiểm soát. 

Ông Fleming khẳng định, một loại tiền tệ như thế có thể sẽ "cho phép Trung Quốc vượt qua được phần nào các trừng phạt quốc tế hiện nay đang được áp dụng nhắm vào chế độ tổng thống Nga Vladimir Putin". 

Trung Quốc đã hoàn thiện hệ thống định vị Beidu qua vệ tinh hồi năm 2020 để cạnh tranh với GPS của Mỹ. Theo lãnh đạo an ninh Anh, "Trung Quốc hiện đang trang bị năng lực chống vệ tinh hùng mạnh với mục tiêu là nhằm ngăn chặn các quốc gia khác tiếp cận không gian trong trường hợp có xung đột".

Minh Anh

Nguồn : RFI, 11/10/2022

Published in Diễn đàn

Bilahari Kausikan : Tập đã mắc 3 sai lầm trong chính sách đối ngoại

Ken Moriyasu, Nguyễn Thị Kim Phụng, Nghiên cứu quốc tế, 19/10/2022

Cựu quan chức ngoại giao hàng đầu Singapore nói rằng Bắc Kinh đã tính toán sai về sự suy yếu của Mỹ.

basailam1

Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ cố gắng kéo dài nhiệm kỳ của mình với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước.

Tại đại hội toàn quốc của Đảng cộng sản Trung Quốc khai mạc vào ngày 16/10, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ cố gắng kéo dài nhiệm kỳ của mình với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước.

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã thay đổi đáng kể sau 10 năm cầm quyền của ông, chuyển sang một lập trường tự tin và quyết đoán hơn so với những người tiền nhiệm.

Nikkei Asia vừa có cuộc trò chuyện với cựu đại sứ Bilahari Kausikan, nguyên thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Singapore, về phong cách của nhà lãnh đạo Trung Quốc và diễn biến tình hình căng thẳng Mỹ-Trung trong những năm tới.

Kausikan cũng từng là đại diện thường trực của Singapore tại Liên Hiệp Quốc và đại sứ tại Nga. Ông hiện là Chủ tịch Viện Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Quốc gia Singapore.

Dưới đây là bản biên tập của cuộc phỏng vấn.

basailam2

Đại sứ Bilahari Kausikan

Hỏi : Ông đánh giá chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình như thế nào ?

Đáp : Trung Quốc đã phạm phải ba sai lầm rất cơ bản. Sai lầm lớn đầu tiên là họ đã từ bỏ cách tiếp cận ‘ẩn mình chờ thời’ của Đặng Tiểu Bình quá sớm. Điểm khởi đầu là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Nó dẫn đến sự khoe khoang quá mức. Đây là một sai lầm không thể sửa chữa bởi một khi anh đã khoe khoang, thì sau đó, dù anh có im lặng đi chăng nữa, mọi người vẫn sẽ không quên những gì anh đã nói.

Sai lầm thứ hai cũng xảy ra vào khoảng năm 2008. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thực sự bắt đầu tin vào tuyên truyền của họ. Họ cho rằng Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung đang trên đà suy yếu tuyệt đối và không thể phục hồi được. Mỹ có thể đang suy yếu một cách tương đối và họ có rất nhiều vấn đề, đó là sự thật. Nhưng sự suy yếu ở đây là tương đối, không phải tuyệt đối.

Khoảng một tháng trước, Giáo sư Đại học Bắc Kinh Vương Tập Tư (Wang Jisi) đã trả lời một cuộc phỏng vấn, trong đó ông đưa ra một lập luận rất quan trọng. Ông nói rằng đừng tin là Mỹ đang suy yếu tuyệt đối ; Mỹ chỉ suy giảm tương đối so với Trung Quốc vì Trung Quốc đang phát triển ; Mỹ vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối so với các nước lớn khác.

Vương rất dũng cảm khi dám nói ra điều đó, bởi vì nó mâu thuẫn trực tiếp với những gì sếp của ông đã nói – rằng phương Đông đang trỗi dậy.

Sai lầm thứ ba là mối quan hệ đối tác ‘không giới hạn’ với Nga. Nga sẽ là ‘cục nợ vĩnh viễn’ đối với Trung Quốc. Nga sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Trung Quốc có thể có được một phần năng lượng giá rẻ, nhưng như chúng ta thấy, Trung Quốc đang lo lắng về việc bị vướng vào rắc rối ở thời điểm có quá nhiều vấn đề kinh tế trong nước và tăng trưởng đang chậm lại.

Đó là những sai lầm lớn về vĩ mô.

Hỏi : Là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, ông nhận xét thế nào về đường lối ngoại giao chiến lang của Bắc Kinh ?

Đáp : Các nhà ngoại giao nên biết cứng rắn nếu cần, để đạt được mục tiêu của họ. Ngoại giao không phải chỉ là làm người tốt và lịch sự. Đây là điều tôi thường nói với các nhà ngoại giao trẻ của đất nước mình. Công việc của các bạn là thúc đẩy lợi ích quốc gia của Singapore. Tất nhiên, hãy cứ tốt bụng và lịch sự, nhưng nếu bắt buộc thì vẫn phải cứng rắn, sử dụng bất kỳ phương tiện nào cần thiết, ngay cả khi điều đó có nghĩa là bạn trở thành kẻ xấu. Nhưng vấn đề là các bạn làm vậy để thúc đẩy mục tiêu của mình.

Đối với ngoại giao chiến lang, tôi không thấy có lợi ích nào của Trung Quốc được thúc đẩy. Thực tế thì, tôi nghĩ rằng những lợi ích đó còn bị thiệt hại. Tuy nhiên, các chiến lang thực ra đang nói chuyện với những người ngồi ở Bắc Kinh, chứ không nhất thiết là với người ngoài.

basailam3

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Quốc hội Đài Loan ở Đài Bắc, vào ngày 3/8. © Reuters

Hỏi : Khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan, nhóm diều hâu – với đại diện là các nhà ngoại giao chiến lang – đã khiến nhiều công dân Trung Quốc mong đợi một hành động nào đó nhắm vào máy bay của Pelosi, điều đó rất nguy hiểm. Ông nghĩ thế nào về chuyện này ?

Đáp : Pelosi có nên đến thăm Đài Loan hay không là một vấn đề khác. Chuyến đi của bà không đạt được điều gì, ngoại trừ việc kích động nhiều cảm xúc. Nhưng anh nói đúng, xung đột có thể tình cờ xảy ra. Khi anh kích động quần chúng thì đến một lúc nào đó, anh sẽ thấy mình mắc kẹt trong những lời tuyên truyền của chính anh. Nếu anh không đáp ứng được kỳ vọng của mọi người, anh sẽ trông như một kẻ yếu thế.

Hỏi : Liệu căng thẳng Mỹ-Trung có sẽ là tin tức chủ đạo trong 10 năm tới ?

Đáp : Anh vừa nói là 10 năm. Còn tôi nghĩ sẽ lâu hơn thế nữa. Căng thẳng Mỹ-Trung sẽ là đặc điểm cấu trúc mới, làm tâm điểm cho các quan hệ quốc tế. Ví dụ tương tự là tình quan hệ quốc tế đã xoay quanh quan hệ Mỹ-Xô suốt hơn 40 năm trong Chiến tranh Lạnh. Nhưng tôi cho rằng quan hệ Mỹ-Trung phức tạp hơn quan hệ Mỹ-Xô.

Tôi không thích thuật ngữ ‘Chiến tranh Lạnh mới.’ Nó thể hiện sai bản chất của mối quan hệ này. Mỹ và Liên Xô từng dẫn đầu các hệ thống riêng biệt, và đó là cuộc cạnh tranh giữa các hệ thống. Về cơ bản, đó là một cuộc cạnh tranh nhị phân, A hoặc B. Hai hệ thống gần như không có kết nối với nhau.

Trong mối quan hệ Mỹ-Trung, cả hai nước đều là những bộ phận quan trọng của một hệ thống duy nhất. Họ được kết nối với nhau, và với Nhật Bản, Singapore, Châu Âu, cũng như với tất cả các quốc gia khác, thông qua một hiện tượng mới – đó là chuỗi cung ứng với mức độ phức tạp và phạm vi mà tôi không nghĩ rằng chúng ta đã từng chứng kiến trong lịch sử.

Với tôi, rất khó để tin rằng mạng lưới này có thể tách thành hai hệ thống riêng biệt. Sẽ có sự tách biệt một phần. Nó đã xảy ra trong lĩnh vực công nghệ, internet, nhưng tôi không nghĩ sẽ có sự tách biệt hoàn toàn. Cái giá là quá đắt.

Tôi có thể cho anh một ví dụ. Chúng ta đều biết chất bán dẫn là một điểm yếu lớn của Trung Quốc. Và tôi nghĩ người Trung Quốc sẽ rất, rất khó để bắt kịp. Thậm chí tôi có thể nói rằng Trung Quốc gần như không thể bắt kịp với các công nghệ cao cấp vì ranh giới phân loại vẫn đang dịch chuyển. Những gì được xem là cao cấp ngày hôm nay sẽ không còn là cao cấp sau một năm nữa.

Tuy nhiên, lý do cơ bản khiến họ rất khó bắt kịp và phải mất rất nhiều thời gian để bắt kịp là tất cả hoặc hầu hết các bộ phận quan trọng nhất của chuỗi cung ứng đều do Mỹ, bạn bè, hoặc đồng minh của Mỹ kiểm soát. Một số loại vật liệu, một số loại hóa chất đang nằm trong tay Nhật Bản. Các loại máy công cụ để thiết kế là của người Hà Lan. Các loại máy công cụ khác lại thuộc về các nước Châu Âu khác. Các nhà chế tạo chất bán dẫn lớn đang nằm ở Đài Loan, Hàn Quốc, và Mỹ. Và còn rất nhiều bộ phận nhỏ lẻ khác, và những bộ phận quan trọng nhất do Mỹ kiểm soát

Mặt khác, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ 40% sản phẩm bán dẫn. Làm sao có thể cắt giảm 40% sản lượng của công ty mà không gây ra tổn hại nghiêm trọng ? Cạnh tranh trong cùng một hệ thống khó hơn nhiều so với cạnh tranh giữa các hệ thống. Anh chỉ cần cắt kết nối của Liên Xô với mọi thứ. Nhưng anh thực sự không thể làm điều đó với Trung Quốc. Anh cần phải phân định rõ ràng hơn.

Thứ hai, tôi không nghĩ rằng cuộc cạnh tranh sẽ kết thúc một cách rõ ràng. Tại sao ? Bởi vì người Trung Quốc có thể muốn thống trị hệ thống duy nhất này, còn người Mỹ muốn duy trì sự thống trị của mình. Nhưng không ai trong số họ muốn phá hủy nước còn lại, bởi vì tiêu diệt một bên đồng nghĩa với phá hủy toàn bộ hệ thống, và cái giá phải trả sẽ rất đắt.

Thế nên cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ kéo dài hơn nhiều so với Chiến tranh Lạnh, đó là điểm mấu chốt. Chúng ta sẽ phải học cách sống chung với nó.

Hỏi : Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chuẩn bị sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và sàng lọc đầu tư để Trung Quốc không đuổi kịp và vượt qua Mỹ về các công nghệ chủ chốt. Ông nghĩ sao về điều này ?

Đáp : Giờ đây, chúng ta phải cẩn trọng xem xét loại chất bán dẫn nào mình sẽ bán cho Trung Quốc. Anh chỉ nên bán cho Trung Quốc loại chất bán dẫn chỉ có thể dùng trong máy giặt. Điều đó tốt thôi, tại sao lại không ? Nhưng đừng bán cho họ những thứ có thể được sử dụng trong tên lửa dẫn đường chính xác. Mọi chuyện sẽ trở nên rất, rất phức tạp. Rất, rất kỹ thuật. Từng trường hợp phải được nghiên cứu kỹ càng.

Điều tôi đã nghe từ các công ty công nghiệp – bao gồm các công ty công nghiệp Nhật Bản và các công ty công nghiệp Đức – là dù họ vẫn làm việc ở thị trường Trung Quốc, nhưng họ sẽ không ngây thơ. Không thể nói rằng, ‘Tất cả các công ty Nhật Bản sẽ quay về Nhật Bản, sẽ đến Singapore, Việt Nam". Điều đó chỉ đơn giản là không thể. Ngay cả khi anh muốn làm điều đó, sẽ phải mất rất nhiều năm. Đó không phải là việc có thể được thực hiện nhanh chóng.

Ken Moriyasu

Nguyên tác : "Xi’s China has made 3 foreign policy mistakes : Bilahari Kausikan", Nikkei Asia, 12/10/2022

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 19/10/2022

**************************

Ba sai lầm của Tập Cận Bình trong chính sách đối ngoại

Ken Moriyasu, Thanh Hà, RFI, 12/10/2022

Trước thềm Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc 2022, cựu đại sứ Singapore Bilahari Kausikan nêu bật ba sai lầm trong chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình. Bài nhận định được đăng trên báo tài chính Nhật Asia Nikkei ngày 12/10/2022.

sailam1

Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình. Ảnh ngày 15/09/2022 tại Samarkand, Uzbekistan AP - Alexandr Demyanchuk

Là một nhà ngoại giao lão luyện, nguyên là thứ trưởng ngoại giao Singapore, đại sứ Singapore tại Moskva, ông Bilahari Kausikan đánh giá : về phong cách, ông Tập Cận Bình trong thập niên cầm quyền vừa qua đã "quá tự tin và hung hăng". Về thực chất nhà lãnh đạo quyền lực nhất tại Trung Quốc từ sau Mao Trạch Đông đến nay đã phạm ba sai lầm "nghiêm trọng" trong chính sách đối ngoại.

Sai lầm cơ bản thứ nhất là đã quá "hấp tấp" từ bỏ cách tiếp cận của Đặng Tiểu Bình, theo phương châm "ẩn mình để chờ thời". Với khủng hoảng tài chính thế giới 2008 Trung Quốc đã thực sự khẳng định vị trí của mình trên bàn cờ thế giới về kinh tế và đã lầm tưởng là có thể dễ dàng qua mặt nước Mỹ nói riêng, phương Tây nói chung.

Sơ hở thứ hai bắt nguồn từ đánh giá sai lệch về "biến cố khủng hoảng tài chính 2008" : Bắc Kinh tự ru ngủ với giả thuyết là phương Tây đang suy đồi và sẽ không vươn dậy được trở lại. Nhà ngoại giao Singapore, Bilahari Kausikan ghi nhận phương Tây chỉ "đổ dốc một cách tương đối. Đó không phải là một sự sụp đổ tuyệt đối". Mãi đến gần đây, giáo sư của Đại học Bắc Kinh, Wang Jisi mới nhìn nhận điều đó. Hơn nữa dù rằng Mỹ có lao dốc "đi xuống", so với Trung Quốc, nhưng cũng phải hiểu rằng, chưa chắc là Hoa Kỳ đã "đổ dốc". Trong khí đó thì Trung Quốc là một quốc gia đang vươn lên và đang "trỗi dậy" và vẫn theo chuyên gia Trung Quốc này, thì "trong nhiều lĩnh vực Hoa Kỳ vẫn chiếm thế thượng phong một cách tuyệt đối". Tiếc rằng "thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng" và "sự thật đó không vừa ý ông Tập Cận Bình".

Sai lầm thứ ba trong 10 năm lãnh đạo đất nước ông Tập đã mắc phải, theo quan điểm của nhà ngoại giao Singapore và cũng từng là đại sứ tại Moskva này, là khi Bắc Kinh tuyên bố "tình bạn vô bờ bến" với Nga. Theo ông Bilahari Kausikan, Nga sẽ vĩnh miễn mang nợ Trung Quốc và sẽ càng lúc càng lệ thuộc vào Bắc Kinh. Như đã thấy, Trung Quốc có thể mua năng lượng của Nga với giá rẻ nhưng đồng thời càng lúc càng lo lắng khi mà chiến tranh Ukraine gây khó khăn cho kinh tế của Trung Quốc và tăng trưởng của quốc gia đông dân này bị chậm lại.

Ken Moriyasu

Nguyên tác : Xi's China has made 3 foreign policy mistakes : Bilahari Kausikan, Nikkei Asia, 12/10/2022

Thanh Hà lược dịch

Nguồn : RFI, 12/10/2022

Published in Diễn đàn

"Cải cách và mở cửa là con đường duy nhất cho Trung Quốc", Tống Bình nói.

laothanh01

Kẻ thù truyền kiếp của Tập Cận Bình là Tống Bình (Song Ping), phải, người 19 năm trước đã đối đầu với Giang Trạch Dân. (Nikkei dựng phim / Kyodo / Reuters)

Ở tuổi 105, Tống Bình (Song Ping) là quan chức về hưu cao tuổi nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc. Nổi tiếng với việc từng thúc ép cựu chủ tịch Giang Trạch Dân phải nghỉ hưu hoàn toàn, mới đây, Tống đã xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên sau nhiều năm.

Do tuổi cao nên ông chỉ xuất hiện trong một đoạn video. Nhưng hành động đó đã gây xôn xao chính giới Trung Quốc trước thềm đại hội toàn quốc của đảng, sẽ khai mạc vào ngày 16/10.

Trong thông điệp chúc mừng một sự kiện diễn ra vào ngày 12/09, vị lão thành trăm tuổi đã nói rằng chính sách cải cách và mở cửa "là con đường duy nhất dẫn đến sự phát triển và tiến bộ của Trung Quốc đương đại, và là con đường duy nhất để hiện thực hóa giấc mơ Trung Hoa".

Đây là những lời mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói cách đây gần 5 năm. Tống đã khéo léo sử dụng lời nói của chính Tập để gửi một thông điệp đến nhà lãnh đạo cao nhất.

Tập Cận Bình đã đưa ra nhận xét này trong bài phát biểu đầu năm mới được công bố vào ngày 31/12/2017, đánh dấu kỷ niệm 40 năm ngày cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đưa ra chính sách cải cách và mở cửa. Nhưng Tập hiếm khi lặp lại nhận xét đó.

laothanh02

Tống Bình tham dự phiên khai mạc đại hội đảng lần gần nhất, tại Đại lễ đường Nhân dân hồi tháng 10/2017. © Getty Images

Trong giai đoạn gần đây, Tập đã chuyển sang các chính sách kinh tế của riêng mình, chẳng hạn như "thịnh vượng chung" và "ngăn chặn bành trướng tư bản vô trật tự".

Bước sang nhiệm kỳ thứ ba, Tập muốn chứng tỏ rằng ông đã vượt qua Đặng về thành tích. Điều quan trọng là phải mở đường cho nhiệm kỳ thứ tư, và nhiều khả năng, là trở thành nhà lãnh đạo trọn đời.

Tuy nhiên, Tống Bình đã lên tiếng cảnh báo. Sinh năm 1917, từ trước khi Đảng cộng sản Trung Quốc được thành lập, ông đã ngầm thể hiện rằng chính sách cải cách và mở cửa của Đặng Tiểu Bình phải được bảo vệ bằng mọi giá.

Đó là một động thái ngoan cường và nguy hiểm về mặt chính trị.

Tống từng là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị dưới thời Đặng, sau cuộc đàn áp ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Ông cũng từng là thư ký cho cựu Thủ tướng Chu Ân Lai.

Ông nắm rất rõ bản chất phức tạp của cuộc cạnh tranh giữa các phe phái trong đảng.

laothanh03

Cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình (trái) và Chu Ân Lai, thủ tướng đầu tiên của Trung Quốc, nói chuyện trên Khán đài Thiên An Môn ở Bắc Kinh. © AP

Thông điệp của Tống đã bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc vào giữa tháng 9, khi Tập có chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi bắt đầu đại dịch – tới Kazakhstan và Uzbekistan.

Sau khi Tập trở về Bắc Kinh, nhà chức trách bắt đầu xóa bỏ các đoạn có liên quan đến cải cách và mở cửa trong phát biểu của Tống.

Điều trớ trêu là họ lại đang xóa chính những lời mà Tập đã nói cách đây vài năm. Đến cuối tháng 9, rất nhiều bài báo liên quan đã không còn xem được. Chuyện này cho thấy sự tức giận và thù hằn của Tập.

Tuy nhiên, Nhật báo Cam Túc, cơ quan ngôn luận của tỉnh ủy Cam Túc, đã cho đăng một bài bình luận táo bạo, trong đó công khai thông điệp của Tống, dù chỉ dừng lại ở việc nhắc đến tên ông.

Tống Bình từng là quan chức hàng đầu của Cam Túc. Bài bình luận viết rằng cải cách và mở cửa "là con đường duy nhất dẫn đến sự phát triển và tiến bộ của Trung Quốc đương đại".

Trong khi đó, các tờ báo liên quan đến Đảng cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh và các khu vực khác đều im lặng.

Cam Túc nổi tiếng với Hang Mạc Cao, một di sản thế giới được UNESCO công nhận ở Đôn Hoàng. Tỉnh này cũng rất quan trọng về mặt chính trị.

laothanh04

Hang Mạc Cao là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận ở Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc. © EPA / Jiji

Theo một trí thức sinh ra ở Cam Túc và am hiểu chính trị địa phương, Tống Bình rất có mắt nhìn người và đã giúp cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, 79 tuổi, và cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo, 80 tuổi, thăng tiến vào các chức vụ ở Bắc Kinh sau khi hai người này phục vụ ở Cam Túc.

"Tống vẫn thân thiết với Hồ và Ôn", nhà trí thức nói. "Cần đặc biệt chú ý đến mối quan hệ của ông với Hồ.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa, Hồ Cẩm Đào sống ở Cam Túc từ năm 1968 đến năm 1982. Ông đã tỏa sáng trong khi làm công việc về sản xuất điện và cung cấp nước. Ông cũng đã kết hôn vào khoảng thời gian đó.

Ôn Gia Bảo, người sinh cùng năm với Hồ, khi đó cũng đang làm việc trong lĩnh vực liên quan đến địa chất ở Cam Túc.

laothanh05

Hồ Cẩm Đào (trái), Thủ tướng Lý Khắc Cường, Tập Cận Bình, và Ôn Gia Bảo chụp ảnh cùng nhau tại phiên bế mạc của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc ở Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 17/03/2013. (Ảnh của Reuters)

Đặng Tiểu Bình đã thăng cấp đặc biệt cho Hồ, theo sự tiến cử của Tống, và vào năm 1992, để ông tham gia Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng. Hồ vừa 49 tuổi khi tham gia ủy ban này.

Ôn, một đồng minh của Hồ, người từng là thủ tướng trong chính quyền Hồ, cũng được Tống Bình lựa chọn vì tài năng của mình. Ôn sau này cũng chủ trương cải cách chính trị.

Thông điệp về cải cách và mở cửa đến từ Cam Túc là rất đáng chú ý, và đã khiến người ta suy đoán rằng bộ ba Tống-Hồ-Ôn đang gửi đi một thông điệp.

Thông điệp nhằm cảnh báo Tập đừng nên đi quá xa với các chính sách và thay đổi nhân sự của mình, thay vào đó hãy đề bạt một nhà lãnh đạo trẻ hơn, người bảo vệ chính sách cải cách và mở cửa, vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị.

laothanh6

Tập Cận Bình và Hồ Xuân Hoa © Kyodo

Trong số các ứng cử viên hiện tại, chỉ có một người phù hợp với yêu cầu này : Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa, 59 tuổi.

Hồ Cẩm Đào và Hồ Xuân Hoa (không có quan hệ họ hàng) lần lượt được gọi là "Đại Hồ" và "Tiểu Hồ". Hồ Xuân Hoa thuộc phe Đoàn phái do Hồ Cẩm Đào lãnh đạo.

Mười chín năm trước, vào mùa hè năm 2003, một nhóm đảng viên lão thành, bao gồm cả Tống Bình, đã kêu gọi Giang Trạch Dân nghỉ hưu hoàn toàn. Ở thời điểm đó, Giang đã nhường chức tổng bí thư kiêm chủ tịch nước cho Hồ Cẩm Đào, nhưng vẫn giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương đầy quyền lực.

Mãi đến mùa thu năm 2004 – gần một năm rưỡi sau yêu cầu của các vị lão thành do Tống dẫn đầu – Giang mới thực sự từ bỏ chức vụ quân sự của mình.

Lời kêu gọi duy trì cải cách và mở cửa gần đây của Tống có lẽ cũng sẽ không sớm được hồi đáp.

Thông điệp của Tống được đưa ra 4 tháng sau khi Văn phòng Trung ương Đảng ra thông báo kêu gọi những đảng viên cao tuổi đã nghỉ hưu không được chỉ trích ban lãnh đạo đương nhiệm.

Ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, thông báo này cảnh cáo.

Nửa năm trước khi thông báo được đưa ra, đã xảy ra một vụ bê bối lớn. Ngôi sao quần vợt nổi tiếng Trung Quốc, Bành Soái, cáo buộc một vị lão thành trong đảng – cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ – đã lạm dụng tình dục mình.

Vụ việc liên quan đến mối quan hệ của Bành và Trương đã trở thành chủ đề quốc tế trước thềm Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh. Nhưng đối với chính trị trong nước ở Trung Quốc, nó còn mang một ý nghĩa khác.

Nó tạo cho Tập một cái cớ hoàn hảo để giám sát và thu thập thông tin về các nhà lãnh đạo đảng đương nhiệm cũng như đã nghỉ hưu.

Vụ bê bối của Bành Soái đã tạo điều kiện thuận lợi cho nỗ lực của Tập nhằm củng cố quyền lực của mình hơn nữa.

laothanh06

Vụ bê bối của Bành Soái tạo cho Tập một cái cớ hoàn hảo để đặt cả các lãnh đạo đảng đương nhiệm và đã nghỉ hưu vào tầm ngắm. © Reuters

Thông điệp video của Tống Bình là một đòn phản công chống lại thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng.

Cách chính quyền Tập xử lý vụ bê bối của Bành, thông báo "không được chỉ trích", và hành động công khai bảo vệ cải cách và mở cửa của Tống có liên quan mật thiết với nhau.

Chẳng bao lâu nữa, Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương khóa 19, nơi các quyết định cuối cùng về chương trình của Đại hội Đảng lần thứ 20 sẽ được đưa ra. Những quyết định này bao gồm cả các thay đổi về nhân sự.

Tập đã không vội vàng xuất hiện trước công chúng sau khi trở về từ chuyến thăm Kazakhstan và Uzbekistan. Ông hẳn là đã bận rộn với việc chuẩn bị cho cuộc đọ sức cuối cùng với những kẻ thù chính trị của mình.

Thông điệp của Tống Bình, phản ánh nội tình cuộc tranh giành quyền lực hiện nay ở Trung Quốc, chắc chắn là một vấn đề lớn đối với Tập.

Katsuji Nakazawa

Nguyên tác : "105-year-old party elder sends blunt message to Xi", Nikkei Asia, 22/09/2022

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 04/10/2022

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Published in Diễn đàn

Thứ Bảy 24/09/2022, những tin đồn điên rồ nhất bất thình lình rộ lên trên mạng xã hội. Theo đó, đảo chính đã xảy ra ở Bắc Kinh. Tập Cận Bình, lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc đã bị bắt và quản thúc tại gia, một tướng quân đội dường như đã nắm quyền lãnh đạo đất nước.

tap1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự tiệc chiêu đãi tại Đại Lễ Đường Nhân Dân trước kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh ở Bắc Kinh, ngày 30/09/2022. AP - Ng Han Guan

Chuyện không tưởng này đặc biệt làm náo động giới truyền thông Ấn Độ trước khi được Newsweek, một tuần báo Mỹ nghiêm túc, cẩn trọng đưa lại. Tuy nhiên, tin thổi phồng này cũng đã nhanh chóng nhường chỗ cho thực tế : Tập Cận Bình vẫn còn đó, hơn bao giờ hết trên đỉnh cao quyền lực và đang chuẩn bị nắm quyền thêm một nhiệm kỳ thứ ba tại một đất nước mà các cuộc đảo chính không hề tồn tại.

Sau nhiều ngày lắng dịu, những lời đồn thổi lại bùng lên. Vậy chúng từ đâu mà ra ? Chiến dịch này trông giống như một trò tung tin giả được sắp xếp cẩn thận, rất có thể ngay từ thượng tầng lãnh đạo mà cũng không chắc có thể chứng minh được. Nhà báo Pierre-Antoine Donnet, cựu thông tín viên hãng thông tấn Pháp tại Bắc Kinh, trên trang mạng Asialyst đưa ra hai giả thuyết để giải đáp. RFI tiếng Việt xin giới thiệu.

**********

Trước tiên, tác giả nhắc lại, tin đồn bắt đầu lan truyền trên các mạng xã hội lúc 9 giờ sáng tại Bắc Kinh. Theo đó, Tập Cận Bình đã bị lật đổ và bị quản thúc tại Trung Nam Hải, trung tâm quyền lực của Đảng cộng sản Trung Quốc. Tin đồn còn được thêu dệt bằng nhiều chi tiết nhằm làm tăng thêm tính xác thực, chẳng hạn : hầu như không có chiếc máy bay nào bay qua không phận Bắc Kinh và một phần lớn lãnh thổ, trong khi một đoàn xe tăng dài 60km đổ về Bắc Kinh.

Một ứng dụng chuyên biệt còn cung cấp một hình ảnh thoạt nhìn không thể phủ nhận : Không có chuyến bay nào được ghi nhận trong vòng nhiều giờ ở ngoại ô thủ đô Trung Quốc, trong khi một đoạn video do một người lái xe ghi lại cho thấy hàng chục chiếc xe tăng bên làn đường ngược chiều của đường cao tốc. Người ta còn nghe rõ ràng người lái xe này bình luận trực tiếp : "Nhưng chuyện gì xảy ra vậy ? Sao lại có nhiều xe tăng ở bên kia đường cao tốc ?". Nhưng người ta không thể xác định được cả người lái xe, biển số xe, lẫn ngày quay đoạn video cũng như là nơi ghi hình.

Nhưng điều đó đủ để cho những lời bình luận tuôn trào trên các mạng xã hội ở Ấn Độ. Một số còn khẳng định rằng thế giới đang chứng kiến trực tiếp sự sụp đổ của nhân vật quyền lực nhất hành tinh, rằng chế độ Trung Quốc đã đổi chủ. Một số tài khoản Twitter, có đông người theo dõi như chính khách Ấn Độ Subramanian Swamy (10 triệu người theo) hay nữ nhà báo Laurie Garrett từng đoạt giải Pulitzer, còn cho rằng chủ tịch Tập Cận Bình là nạn nhân của cuộc đảo chính và đang bị các đối thủ trong nội bộ Đảng cộng sản bí mật giam giữ.

Nữ nhà báo này còn khẳng định : "Máy bay hoàn toàn biến mất khỏi không phận Trung Quốc và có tin đồn về một cuộc đảo chính do tướng Lý Kiều Minh tiến hành nhằm lật đổ Tập Cận Bình". Nhưng như giải thích của tờ India Today, vụ việc bẩn thỉu này cho thấy rõ mặt trái của chiếc mề đay OSINT, nguồn thông tin tình báo mở, cho phép bất kỳ một ai tiếp cận nhiều nguồn dữ liệu chính thức khác nhau và có thể tự rút ra các kết luận cả tốt cũng như xấu, theo ý của mình.

Đại hội Đảng cộng sản : Một thời điểm hoàn hảo ?

Theo nhà báo Pierre-Antoine Donnet, tin đồn này được đưa ra trong một bối cảnh đặc biệt : Chính sách chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt gây bất mãn trong dân chúng. Nhiều thông tin không thể kiểm chứng còn cho là ngày càng có nhiều tiếng nói chỉ trích trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Đảng cộng sản nhắm vào ông Tập Cận Bình, bị chỉ trích có những sai lầm nghiêm trọng, từ cách xử lý đại dịch cho đến thái độ quá mềm yếu đối với Hoa Kỳ trong suốt chuyến thăm Đài Bắc của bà Nancy Pelosi. Rồi tăng trưởng kinh tế sụt giảm còn là một nỗi bất bình khác, khiến thất nghiệp tăng cao, đặc biệt ở giới trẻ, làm dấy lên bóng ma bất ổn xã hội.

Mặt khác, tin đồn này xuất hiện đúng vào thời điểm gần đến ngày diễn ra Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ XX, dự kiến được tổ chức vào ngày 16/10/2022, nhằm quyết định việc tái đắc cử cho ông Tập Cận Bình, một điều gần như chắc chắn, cũng như là sự gia nhập của một thế hệ lãnh đạo chính trị mới trong những bộ máy quyền lực bí ẩn của Đảng cộng sản Trung Quốc. Có thể nói, thời điểm này là hoàn hảo để bắt đầu một tin đồn có đảo chính. Rõ ràng ngày được chọn cũng không phải là một sự ngẫu nhiên : Đó là một sáng thứ Bảy vào lúc một sự yên lặng tương đối ngự trị trên các mạng xã hội Trung Quốc và nước ngoài, bất chấp sự hỗn loạn truyền thông do cuộc chiến ở Ukraine do Nga tiến hành từ ngày 24/02/2022.

Dù vậy, nhiều nhà quan sát về Trung Quốc dày dạn kinh nghiệm tỏ ra cảnh giác trước những phán xét vội vã về sự kiện đã không được nhiều nguồn tin chính thức ở Bắc Kinh xác nhận. Trong số này, ông Nathan Ruser, một nhà nghiên cứu thuộc cơ quan tư vấn Viện Chiến Lược Úc (Australia Strategic Institute) lưu ý : "Không có bằng chứng nào về một cuộc đảo chính tại Trung Quốc và chẳng có lý do gì bộp chộp nghĩ rằng có thể có một cuộc đảo chính. Một thập niên củng cố chính trị của ông Tập Cận Bình không thể nào bị lật đổ mà chỉ giải thích đơn giản bằng một cuộc lỡ hẹn và vài chuyến bay bị hủy".

Tuần báo Passe-Muraille nhấn mạnh : "Điều thu hút sự chú ý của chúng tôi là cách thức tin đồn này được lan truyền thông qua vài mạng xã hội. Tin đồn này hôm 21/9, đã bắt đầu từ những nhóm Twitter Trung Quốc gần gũi với các mạng lưới chống Đảng cộng sản Trung Quốc hay có liên hệ đến phong trào Pháp Luân Công. Ở đây chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả, các mạng lưới Pháp Luân Công và những Hoa kiều bất đồng chính kiến đều ưa thích chuyện thâm cung bí sử.

Điều ngạc nhiên là tin đồn này đã được khuếch đại thông qua một loạt các tài khoản ở Ấn Độ với nhiều quy mô khác nhau, gần như đẩy chúng lên thành tin tức thời sự nóng nhất trong ngày. Nếu như kiểu tin tức "lá cải" này có thể thách thức chúng ta, chính bởi vì mạng xã hội Twitter và thế giới thu nhỏ của "China Watching" có thể thẩm thấu với kiểu nội dung này. Ngoài ra, trong giai đoạn trước Đại hội Đảng cộng sản, hãy nhớ rằng các giả thuyết của chúng ta chẳng khác gì những cuộc đánh cược thể thao".

Và giả thuyết này còn có một giá trị khác. Phong trào Pháp Luân Công và những điểm tiếp nhận như tờ báo Đại Kỷ Nguyên (Epoch Times) và kênh truyền hình Tân Đường Nhân (New Tang Dynasty), đóng trụ sở tại Hoa Kỳ thường xuyên có những quan điểm cực đoan đối với quyền lực Trung Quốc. Nhà báo Pierre-Antoine Donnet nhắc lại rằng nếu như Pháp Luân Công là một giáo phái, thì các thành viên của phong trào này bị đàn áp nghiêm trọng ở Trung Quốc.

Như thời kỳ "Trăm hoa đua nở" năm 1957 ?

Bên cạnh đó còn có nhiều giả thuyết khác. Trong số này có thể có cả một chiến dịch đưa tin giả dường như được ngay chính những người thân cận của ông Tập Cận Bình thực hiện nhằm mục đích làm lộ diện những người chống đối tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc trước ngày khai mạc Đại hội để rồi sau đó dễ dàng trừ khử.

Kỹ thuật này đã từng được đích thân Mao Trạch Đông sử dụng khi ông khởi động chiến dịch chính trị nổi tiếng năm 1957 : "Bách hoa vận động". Chiến dịch này dựa trên khẩu hiệu "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng", đã mời gọi giới trí thức mở lời để tham gia một cuộc tranh luận lớn về tương lai của Trung Quốc, cũng như là những biện pháp chính trị nào nên thực hiện để cho phép cuộc tranh luận này diễn ra. Chẳng mấy chốc, rất nhiều trí thức tin rằng đã đến lúc có thể bày tỏ, đã tin vào lời hứa này và do vậy đã bất cẩn. Nhưng mưu kế của Mao là làm thế nào có thể xác định được những người phản đối để rồi sau đó trừng phạt họ. Đó chính là những gì đã xảy ra.

Chiến dịch "Trăm hoa" đã được tiến hành từ tháng Hai đến tháng Sáu năm 1957. Mao Trạch Đông, vì muốn thiết lập uy quyền của mình đối với Đảng cộng sản Trung Quốc, bị suy yếu từ sau Đại hội lần thứ VIII, và vì để cải thiện mối quan hệ giữa Đảng cộng sản và người dân trong bối cảnh quốc tế đầy nguy hiểm, nên đã kêu gọi một đợt "Diên An chỉnh phong vận động". Không bao lâu ngay sau khi phát động chiến dịch, làn sóng phản đối bùng nổ. Đảng nhanh chóng phản ứng và phát động một cuộc đàn áp dữ dội khiến hàng trăm ngàn nạn nhân bị bỏ tù, bị đi đày và đôi khi bị hành quyết.

Matthew Fulco, một cây bút bình luận kỳ cựu về tình hình chính trị Trung Quốc, có trụ sở tại Đài Loan, từng có một bình phẩm hóm hỉnh trên tài khoản LinkedIn của mình như sau : "Đối với tất cả những ai trong không gian mạng này hay hiện hữu thực sự, những người đang gây ra mọi sự cãi vã và gây rắc rối (tầm hấn tư sự - xunxin zishi – một thuật ngữ thường được sử dụng ở Trung Quốc để kết tội mọi nhà bất đồng chính trị), bằng cách cho lan truyền những lời đồn đãi thái quá về một nhà lãnh đạo vĩ đại của dân tộc, thật là đáng xấu hổ. Nhưng trên thực tế, chẳng còn chút nghi ngờ, Tập Cận Bình vẫn đầy quyền lực và lúc này đây vẫn đang làm việc, ngay cả khi ông ấy ẩn mình trước công chúng. Đảng cộng sản Trung Quốc chẳng phải đã tái khẳng định rằng ông Tập đang đứng đầu danh sách các đại biểu tham gia Đại hội Đảng lần thứ XX đấy sao !"

Bài học Lâm Bưu

Quả thật, Tập Cận Bình tái xuất hiện trước công chúng vào thứ Ba 27/09/2022 nhân chuyến tham quan một triển lãm tại thủ đô Bắc Kinh, lần xuất hiện đầu tiên kể từ sau khi trở về từ Samarkand, nơi ông đã gặp gỡ đồng nhiệm Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, theo Matthew Fulco, điều ở đây là "Tập đã khoác lên mình cái vẻ bề ngoài như những người tiền nhiệm Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình theo hướng ông ấy cuối cùng, đã đạt được điều ông muốn từ các đối thủ trong Đảng. Giống như Mao và Đặng từng muốn như thế, Tập Cận Bình muốn có nhiều quyền lực hơn bất kỳ ai khác và do đó, sẽ cực kỳ khó khăn loại bỏ ông ta. Là những nhà quan sát về Trung Quốc, chúng ta đôi khi có xu hướng nhầm lẫn kỳ vọng của chúng ta đối với nền chính trị Trung Quốc so với thực tiễn. Một trong số ví dụ gần đây là vài người trong số chúng ta đã bắt đầu nghĩ rằng đại dịch xuất phát từ Vũ Hán sẽ làm lung lay Tập Cận Bình. Rủi thay, ngược lại, ông ta đã trở nên mạnh mẽ hơn khi thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng y tế này".

Do vậy, chúng ta phải thận trọng hơn về tương lai của Trung Quốc và nhà lãnh đạo của nước này. Quả thật, khi quan sát lịch sử đất nước này từ năm 1949, dường như chưa bao giờ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa biết đến một cuộc đảo chính thật sự. Đúng ra là có giai đoạn Lâm Bưu, người mà bộ máy tuyên truyền của Đảng đã tự mãn khẳng định rằng có âm mưu chống Mao Trạch Đông năm 1971. Và nhân vật này có một kết cục tồi tệ bởi vì chiếc máy bay chở ông, loại máy bay ba động cơ do Liên Xô sản xuất nhưng sơn mầu Trung Quốc đã bị rơi lúc sáng sớm ngay 13/09/1971, gần vùng Ondorhaan, cách Hồi Hột, thủ đô của Nội Mông 400 km.

Theo tuyên bố chính thức, đó là do thiếu nhiên liệu nhưng có nhiều khả năng bị bắn hạ theo lệnh của Người Cầm Lái Vĩ Đại. Từ lâu bị xem như là kẻ phản bội, Lâm Bưu được hồi phục nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập quân đội Giải Phóng Nhân Dân năm 2007. Chân dung của ông được treo bên cạnh 9 vị nguyên soái khác, những người thành lập quân đội Trung Quốc tại bảo tàng quân sự ở Bắc Kinh.

Minh Anh

Nguồn : RFI, 05/10/2022

Published in Diễn đàn

Tập Cập Bình, một Stalin "made in China"

Đức Tâm, RFI, 08/09/2022

Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 sẽ khai mạc ngày 16/10/2022. Tổng bí thư Tập Cận Bình chắc chắn tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Tuần báo Pháp Le Point ngày 14/07/2022 có bài "Tập Cận Bình, một phiên bản Stalin sản xuất tại Trung Quốc" của Luc De Barochez. RFI xin giới thiệu.

tap1

Ảnh tư liệu : Tổng bí thư Tập Cận Bình vẫy tay chào các tân ủy viên Bộ Chính Trị Đảng cộng sản Trung Quốc, tại Đại lễ đường Nhân Dân, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 25/10/2015. AP - Ng Han Guan

Liên Xô đã thua trong chiến tranh lạnh bởi vì đã quay lưng lại với những lời dạy của Joseph Stalin. Trung Quốc phải "thấm nhuần" những bài học này để đối đầu với Hoa Kỳ : đó là lập luận của nhân vật số 1 Trung Quốc, Tập Cập Bình. Sự nhục nhã do Liên Xô sụp đổ năm 1991 đã đóng vai trò chủ chốt trong quan niệm của ông Tập về thế giới. Trong thời gian qua, các cán bộ đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc buộc phải xem bộ phim tài liệu nhan đề Chủ nghĩa hư vô lịch sử và sự tan rã của Liên Xô. Bộ phim khẳng định rằng Nikita Khrushchev đã mở đường dẫn tới thảm họa khi tiến hành chiến dịch bài Stalin năm 1956.

Tập Cận Bình, người tự xếp mình ngang hàng với Mao Trạch Đông, đã có cái nhìn ngưỡng mộ Stalin giống như Mao trước đây. Người sáng lập ra Cộng hòa nhân dân Trung Hoa rất trung thành với nhà độc tài Xô Viết, cho dù Mao đã bị Stalin làm mất mặt nhiều lần trong chuyến công du Moskva. Tuy nhiên, sau khi Mao qua đời, Đảng cộng sản Trung Quốc không phải lúc nào cũng đi theo hướng này. Vào bước ngoặt của thế kỷ, ở Bắc Kinh, người ta thiên về ý kiến cho rằng chế độ ở Moskva, bị sơ cứng trong thời kỳ chiến tranh lạnh, không có cải cách chính trị, đã không đủ khả năng thích ứng, điều này dường như giải thích cho thất bại của Mikhail Gorbachev vào cuối những năm 1980.

Tôn sùng cá nhân

Kể từ khi lên cầm quyền, năm 2013, Tập Cận Bình đã áp đặt một quan điểm hoàn toàn khác. "Nghị quyết lịch sử" mà ông Tập cho thông qua, vào năm 2021, tại hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, đã hoàn toàn hướng tới sự cần thiết duy trì vai trò thống trị của Đảng và việc Đảng kiểm soát người dân, nhằm chống lại "các âm mưu" của phương Tây. Theo gương Stalin, Tập Cận Bình sử dụng thanh trừng để loại bỏ các những người đối lập và củng cố quyền lực bên trong Đảng. Ông thiết lập sự tôn sùng cá nhân không kém gì sự tôn sùng dưới thời Bolsheviks, giam cầm hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải huấn, giống như Stalin đã cho đi đày người Tatars vùng Crimea hay người Đức vùng Volga ; tiến hành các đợt trấn áp tư tưởng hà khắc kể từ khi xẩy ra thảm kịch Thiên An Môn năm 1989. Ông Tập đã thẳng tay bác bỏ những đòi hỏi dân chủ của những người biểu tình Hồng Kông, áp dụng chế độ kiểm soát xã hội đối với người dân chưa từng thấy trong Lịch sử.

Ngày nay tại Trung Quốc cũng giống như ngày xưa tại Liên Xô, Đảng cộng sản không phải đối mặt với ly khai, cạnh tranh tư tưởng. Ngay cả xã hội dân sự, nếu như các tổ chức của nó không thuần phục và nằm dưới sự kiểm soát của Đảng, thì cũng chỉ là con ngựa thành Troy (nội gián) của các thế lực tư bản chống cộng sản và do vậy chống Trung Quốc. Văn hóa, nghệ thuật và văn học chỉ có quyền tồn tại nếu như phục vụ các mục tiêu của Đảng và nhồi sọ quần chúng.

Quảng bá mô hình Trung Quốc

Tuy vậy, Tập Cận Bình không phải là Stalin. Không phải vì sự tàn bạo thực sự của lãnh đạo Trung Quốc còn rất thấp so với nhà lãnh đạo gốc Gruzia và hàng triệu người chết do các chính sách của ông ta gây ra. Mà cái chính là tham vọng quốc tế của hai người không có cùng bản chất. Stalin đấu tranh cho một cuộc cách mạng cộng sản toàn thế giới, làm cho từng nước ngả vào không gian Xô Viết. Stalin không ngừng ủng hộ tư tưởng đập phá, lật đổ của chủ nghĩa cộng sản. 

Còn Tập Cận Bình – theo như những gì mà người ta biết – thì không bao giờ hăng hái kích động thay đổi chế độ ở bên ngoài Trung Quốc, còn Hồng Kông không phải làm một ngoại quốc. Tuy nhiên, một trong những nét của cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc đó là Bắc Kinh đầu tư vào việc quảng bá mô hình của Trung Quốc trên thế giới, một mô hình kết hợp giữa các đại công ty của Nhà nước và sự kiểm sát người dân. Một mô hình được giới thiệu như một giải pháp cho chủ nghĩa tự do phương Tây, gìn giữ độc lập dân tộc và nhất là sự yên bình của những kẻ chuyên quyền, tạo thuận lợi cho các giai cấp trung lưu làm giàu nhanh chóng. Và ở đây, người ta tìm ra được sợi dây xuyên suốt từ Stalin tới Tập Cận Bình, sợi dây nối liền Đảng Cộng Sản Liên Xô với người em của nó là Đảng cộng sản Trung Quốc đã lớn mạnh : đó là niềm tin tưởng dấn thân vào cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống lại chủ nghĩa tự do phương Tây. Một cuộc đấu trranh chỉ có thể kết thúc với sự thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản.

Đức Tâm

Nguồn : RFI, 08/09/2022

************************

Đảng cộng sản Trung Quc s sa điu l trong đi hi đng vào tháng 10

Reuters, VOA, 09/09/2022

Đảng cộng sản cm quyn ca Trung Quc s sa đi điu l vào tháng ti, khi din ra đi hi đng được t chc 5 năm mt ln, s kin thường gn vi các thay đi v lãnh đo. Đng thái sa điu l sp ti được mt s nhà phân tích cho rng có th s cng c quyn lc và v thế ca Ch tch Tp Cn Bình trong đng.

tap6

Hình nh Ch tch Tp Cn Bình trên đường ph Trung Quc vào dp đi hi ca đng cng sn cm quyn, tháng 10/2017.

Hãng thông tn nhà nước Tân Hoa xã hôm th Sáu 9/9 cho biết B Chính tr đã tho lun v d tho điu l đng sa đi trong mt cuc hp do ông Tp ch trì, nhưng không nêu c th v nhng thay đi.

Có nhiu d báo là ông Tp s phá v tin l ti đi hi khai mc vào ngày 16/10 và nm chc nhim k lãnh đo th ba kéo dài 5 năm, cng c v thế ca ông là nhà lãnh đo quyn lc nht Trung Quc k t thi Mao Trch Đông, người sáng lp nước Cng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Điu l ca Đảng cộng sản Trung Quc được sa đi ln gn đây nht là vào năm 2017 đ tôn vinh "Tư tưởng Tp Cn Bình v Ch nghĩa xã hi đc sc Trung Quc", mt đng thái đã đánh du v thế ca ông Tp.

Nhng nhà quan sát chính tr cho rng có mt kh năng sa đi là cm t k trên s được viết ngn li thành "Tư tưởng Tp Cn Bình", nâng tm vóc ca nó lên ngang vi "Tư tưởng Mao Trch Đông".

Cũng có th có mt s sa đi na, và điu này cũng được coi là nâng cao quyn lc ca ông Tp, đó là đưa vào điu l cm t "Hai cơ s". Cm t này mi xut hin gn đây, có nghĩa là đng xác lp ông Tp làm "ct lõi" và tư tưởng ca ông làm nguyên tc ch đo.

Mt sa đi ít có kh năng din ra nhưng có mt s chuyên gia bàn đến, đó là điu l đng có th tái lp chc v ch tch đng có v trí ti cao, chc v này đã b đưa ra khi điu l vào năm 1982.

Điu l đng ch có th được sa đi trong k đi hi 5 năm mt ln.

(Reuters)

Nguồn : VOA, 09/09/2022

**********************

Freedom House : Trung Quốc tăng tốc chiến dịch toàn cầu để khuynh đảo truyền thông nước ngoài

RFA, 08/09/2022

Theo báo cáo  mới công bố ngày hôm nay, 8/9/2022 của Freedom House , một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, Trung Quốc đang thực hiện một chiến dịch đồng bộ nhằm thao túng truyền thông thế giới. Báo cáo này được viết bởi bốn tác giả và có sự đóng góp của hơn 30 nhà nghiên cứu trên khắp thế giới.

tap2

Biểu đồ nỗ lực thao túng truyền thông toàn cầu của Bắc Kinh, theo khảo sát của Freedom House - Freedom House

Lý do không khảo sát Việt Nam

Trả lời câu hỏi của RFA về phương pháp luận nghiên cứu của bản Báo cáo, và vì sao Báo cáo không đề cập đến trường hợp Việt Nam, Angeli Datt, nhà phân tích cấp cao chuyên trách về Trung Quốc, Hong Kong, và Đài Loan của Freedom House, một trong số đồng tác giả của bản Báo cáo, cho biết "Chúng tôi tập trung vào những nước được đánh giá là "tự do" hoặc "tự do một phần" trên thế giới. Chính vì lý do này, chúng tôi không khảo sát Việt Nam".

Nhìn một cách tổng quan, theo Báo cáo, ở quy mô toàn cầu, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Đài Loan là ba nước mà Trung Quốc dồn nhiều nguồn lực để thao túng truyền thông. Ở Đông Nam Á, từ đầu năm 2019 đến cuối năm ngoái, hai nước Hồi giáo Indonesia và Malaysia dễ bị chiến dịch thao túng truyền thông quốc tế của Bắc Kinh ảnh hưởng hơn cả, còn Philippines tỏ ra kiên cường hơn trước chiến dịch của họ. 

Mục đích và chiến thuật của Đảng cộng sản Trung Quốc

"Bắt đầu từ đầu những năm 2000, thực hiện theo chỉ thị của các nhà lãnh đạo cao nhất, các quan chức của Đảng cộng sản Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ đô la vào một chiến dịch đầy tham vọng hơn để định hình nội dung và tường thuật truyền thông trên khắp thế giới và bằng nhiều ngôn ngữ", báo cáo của Freedom House cho biết.

Đến khi uy tín toàn cầu của Trung Quốc và vị chủ tịch của nó ngày càng suy giảm trên toàn cầu, Đảng cộng sản Trung Quốc đã đẩy mạnh chiến dịch gây ảnh hưởng trên các phương tiện truyền thông nước ngoài, đặc biệt tập trung vào những nước có nền dân chủ nghị viện.

"Trong khảo sát của mình, chúng tôi nhận thấy rằng Đảng cộng sản Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực ảnh hưởng ở 18 quốc gia và 16 quốc gia phải đối mặt với mức độ ảnh hưởng cao hoặc rất cao" – Tiến sĩ Angeli Datt cho biết.

"Chúng tôi đã quan sát các chiến thuật bí mật và có tính cưỡng bách mà chính phủ Trung Quốc và các lực lượng tay sai của họ đã sử dụng, chẳng hạn như bắt nạt trên mạng, các chiến dịch thông tin sai lệch và triển khai mạng lưới tài khoản giả mạo để quảng bá các luận điểm của Bắc Kinh. 

Mục đích của Đảng cộng sản Trung Quốc khi thực hiện chiến dịch này là bóp méo dư luận ở các quốc gia trên thế giới, chống lại sự lên án khắp toàn cầu đối với các hành vi xâm phạm nhân quyền ở Trung Quốc và các chính sách ở nước ngoài, sau khi các cuộc biểu tình ở Hồng Kông nổ ra, những hành động tàn bạo đối với người Duy Ngô Nhĩ và cách thức xử lý đại dịch Covid-19 được phơi bày". 

Theo nhà nghiên cứu Angeli Datt, bộ máy tuyên truyền của Đảng cộng sản Trung Quốc gồm có các phương tiện truyền thông nhà nước, các quan chức ngoại giao và các tổ chức truyền thông ở nước sở tại có hợp tác với Trung Quốc thông qua các thỏa thuận chia sẻ nội dung. 

Họ tập trung vào việc quảng bá hình ảnh tích cực của Trung Quốc, các mối quan hệ song phương, các công ty và hoạt động của Trung Quốc ở nước ngoài. Ở một số quốc gia, như Đài Loan, Úc, Anh, Mỹ và Ấn Độ, họ đã phổ biến những bài viết công kích chính quyền địa phương, các chính sách và thể chế của họ. 

Freedom House phát hiện thấy ở tất cả 30 quốc gia mà mình khảo sát là các phương tiện truyền thông nhà nước hoặc các nhà ngoại giao Trung Quốc đã phổ biến thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm, chủ yếu là về các hành vi xâm phạm nhân quyền ở Tân Cương, các cuộc tấn công vào các quyền dân sự và chính trị ở Hồng Kông, cũng như cố gắng gây nhầm lẫn về nguồn gốc của dịch bệnh Covid-19.

Đánh giá một cách tổng quan về chiến dịch thao túng truyền thông toàn cầu của Bắc Kinh, nhà nghiên cứu Angeli Datt giới thiệu một nhận xét trong Báo cáo : "Chính phủ Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, đang đẩy nhanh một chiến dịch lớn nhằm gây ảnh hưởng đến các hãng truyền thông và công chúng truyền thông trên khắp thế giới. Họ một mặt tiếp tục các công cụ của ngoại giao công chúng truyền thống, mặt khác đã thực hiện nhiều hoạt động mới, có tính bí mật, cưỡng bách và có khả năng dùng cả biện pháp hối lộ".

tap3

Hai tờ báo ủng hộ Bắc Kinh ở Hong Kong với các quảng cáo từ các công ty và doanh nghiệp hàng đầu ca ngợi việc lựa chọn ông John Lee làm Trưởng đặc khu Hong Kong hôm 9/5/2022. AFP

Khả năng đáp trả của các nước 

"Theo phương pháp luận và hệ thống tính điểm mới mà chúng tôi đã phát triển, Nigeria phải đối mặt với nỗ lực gây ảnh hưởng ở cấp độ cao thứ tư và dễ bị ảnh hưởng nhất bởi ảnh hưởng của Bắc Kinh". Báo cáo cho biết.

Ba quốc gia khác phải đối mặt với nỗ lực ảnh hưởng ở mức độ cao hơn - Đài Loan, Mỹ và Anh - đều có khả năng phục hồi và đáp trả rất cao. Báo cáo của Freedom House chấm điểm đánh giá họ thuộc mức độ "kiên cường". 

Nhà nghiên cứu Angeli Datt chia sẻ với RFA : 

"Trong số các quốc gia Đông Nam Á mà chúng tôi khảo sát, Malaysia phải đối mặt với "mức độ ảnh hưởng cao" của chiến dịch truyền thông của Trung Quốc. Chúng tôi xếp họ vào nhóm "dễ bị ảnh hưởng của Đảng cộng sản Trung Quốc". 

Indonesia phải đối mặt với "mức độ ảnh hưởng cao" nhưng lại có khả năng phục hồi và đáp trả cao hơn. Tuy vậy, Báo cáo của Freedom House vẫn cho rằng nước này "dễ bị ảnh hưởng bởi chiến dịch truyền thông của Đảng cộng sản Trung Quốc". 

Philippines bị Trung Quốc tập trung nguồn lực nhằm "gây ảnh hưởng truyền thông ở mức độ cao" nhưng họ lại có khả năng phục hồi và đáp trả mạnh mẽ trước chiến dịch truyền thông đó, nên được Báo cáo xếp vào mức độ "kiên cường".

Ở Indonesia, Malaysia và Philippines, Trung Quốc đã mời và tài trợ cho nhiều nhà báo, những người có ảnh hưởng, các nhà lãnh đạo Hồi giáo, chính trị gia và sinh viên tham gia các chuyến đi đến Tân Cương. Một số người đã lặp lại các luận điểm của Bắc Kinh, phủ nhận các hành vi xâm phạm nhân quyền ở đó. Tuy vậy, theo Báo cáo, những nỗ lực này của Trung Quốc không xoa dịu được những lo ngại của cộng đồng người Hồi giáo ở nhiều nước Đông Nam Á.

Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều quốc gia đã phản kháng một cách đáng kể chiến dịch thao túng truyền thông của Trung Quốc, nhưng các chiến thuật của Bắc Kinh cũng đồng thời trở nên tinh vi hơn, hung hăng hơn và khó bị phát hiện hơn.

Con đường phía trước 

Trong buổi ra mắt bản Báo cáo ngày hôm nay, Sarah Cook, một trong những tác giả của Báo cáo và là Giám đốc nghiên cứu của Freedom House về Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan, cho rằng Trung Quốc lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của các nền dân chủ để thực hiện thao túng truyền thông, và nhiều nền dân chủ dường như đang bất lực trước những nỗ lực này của Bắc Kinh. Ở nhiều quốc gia, các hành động có hại của một số nhà lãnh đạo chính trị hoặc chủ sở hữu phương tiện truyền thông đang làm suy yếu khả năng phòng thủ tự nhiên của nền dân chủ, trước sức ảnh hưởng của chế độ độc tài ấy.

Tuy nhiên, các nhà báo và các nhóm xã hội dân sự đang điều phối các nguồn lực một cách sáng tạo, nhằm tìm cách cản trở các nỗ lực thao túng truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây là một thời điểm quan trọng. Các chính phủ và xã hội trên toàn thế giới nên tăng cường tính minh bạch và bảo vệ quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận. Mặc dù Trung Quốc lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của các nền dân chủ để lũng đoạn truyền thông, nhưng chiến lược đáp trả đúng đắn không phải là siết lại quyền tự do đó mà là tự do dân chủ hơn nữa. Dân chủ hơn, chứ không phải là siết chặt hơn, là lời giải cho thách thức mà chiến dịch kiểm soát tin tức và thông tin trên khắp thế giới của Bắc Kinh đặt ra cho các nền dân chủ.

Nguồn : RFA, 08/09/2022

************************

Tập Cận Bình chọn Trung Á cho chuyến công du đầu tiên thời hậu Covid-19

Trọng Nghĩa, RFI, 06/09/2022

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến thăm Kazakhstan vào ngày 14/09/2022 tới đây. Trong một buổi họp báo vào hôm qua, 05/09, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Kazakhstan đã xác nhận như trên. Chuyến thăm quốc gia vùng Trung Á này là chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Tập kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.

tap4

Ngày 05/09/2022, Bộ Ngoại giao Kazakhstan thông báo chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ công du Astana ngày 14/09. © Reuters/Yoan Valat POOL

Ngay sau Kazakhstan, chủ tịch Trung Quốc sẽ qua Uzbekistan, một nước Trung Á khác, để dự hội nghị của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải, nơi ông sẽ có cuộc tiếp xúc với tổng thống Nga Vladimir Putin.

Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh, Stéphane Lagarde ? cho biết thêm chi tiết :

2 năm, 7 tháng và 26 ngày là khoảng thời gian mà Tập Cận Bình không rời Trung Quốc : Tình hình này đủ để cho thấy rằng chuyến thăm nước ngoài đầu tiên sắp tới đây của chủ tịch Trung Quốc rất được chờ đợi.

Tại Astana, ông Tập Cận Bình sẽ gặp tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, 8 tháng sau cuộc bạo loạn ở Kazakhstan đã bị quân đội Nga trấn áp.

Chuyến đi đầu tiên này cho thấy tầm quan trọng mà nền ngoại giao Trung Quốc dành cho Trung Á, nơi các đoàn tàu trong con đường tơ lụa mới của Trung Quốc đi qua.

Chuyến công du cũng có mục tiêu chiến lược, với "trật tự thế giới mới" mà Bắc Kinh bảo vệ bên cạnh đồng minh Nga. Tại hội nghị của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải ở Samarcand, Uzbekistan, vào ngày 15-16/09, Tập Cận Bình và Vladimir Putin sẽ một lần nữa phô trương một mặt trận thống nhất trước các nền dân chủ phương Tây, trước khi gặp lại nhau tại Indonesia vào tháng 11 cho hội nghị thượng đỉnh G20.

Chuyến công du ngoại quốc đầu tiên này cũng là một tín hiệu cởi mở gửi đến thế giới. Trước Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc dự kiến vào ngày 16/10, chế độ Cộng Sản không muốn đưa ra hình ảnh một Trung Quốc giống như Bắc Triều Tiên.

Lần xuất ngoại đầu tiên này của chủ tịch Trung Quốc cũng là một thông điệp nội bộ gửi tới người Trung Quốc, mà phần đông vẫn chưa lấy lại hộ chiếu kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu : Các chuyến du lịch ngoại quốc đang được tái lập và Tập Cận Bình, vốn có ý định kéo dài nhiệm kỳ của mình nhân Đại hội lần thứ XX, đang năng nổ hơn bao giờ hết.

Trọng Nghĩa

**********************

Trung Quốc bị tố cáo thu thập mẫu DNA để "kiểm soát" dân Tây Tạng

Chi Phương, RFI, 06/09/2022

Chính quyền Trung Quốc tăng cường các chính sách kiểm soát, bao gồm cả việc thu thập DNA của cư dân tại nhiều khu vực ở Tây Tạng, theo báo cáo của tổ chức Human Rights Watch công bố ngày 05/09/2022. 

tap5

Ảnh minh họa : Quảng trường Potala tạ Lhasa thủ phủ Tây Tạng (Ảnh chụp 29/10/2010). Reuters/Ben Blanchard

Báo cáo của tổ chức phi chính phủ Theo dõi Nhân quyền, Human Rights Watch, chỉ ra rằng Trung Quốc thu thập DNA hàng loạt tại nhiều quận ở khu tự trị Tây Tạng."Người dân không thể từ chối cung cấp DNA và cảnh sát không cần bằng chứng phạm tội để lấy DNA của họ", báo cáo trên khẳng định. 

Giám đốc văn phòng nghiên cứu về Trung Quốc của Human Rights Watch, bà Sophie Richardson lên án chính phủ Trung Quốc vốn đã thực hiện các chính sách đàn áp người Tây Tạng thì "hiện nay, chính quyền còn đang lấy máu của người dân, theo đúng nghĩa đen, mà không có sự đồng thuận từ họ, nhằm mục đích tăng cường khả năng giám sát người dân trong vùng này". 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HWR đã xác định việc thu thập mẫu máu DNA được thực hiện ở 14 địa phương khác nhau trong 7 tỉnh của Tây Tạng. Hơn nữa, có những thông tin chỉ ra rằng Trung Quốc đang tiến hành thu thập DNA trên toàn khu vực. Tại một số vùng, chính quyền Bắc Kinh thu thập các mẫu máu để lấy DNA từ trẻ tại các trường mẫu giáo với trẻ từ 5 tuổi trở lên. 

Human Rights Watch cũng lưu ý rằng từ những năm 2010, cảnh sát Trung Quốc đã tiến hành thu thập DNA trên diện rộng ở những nhóm người mà họ coi là "có vấn đề". Chiến dịch thu thập DNA ở Tây Tạng diễn ra trong bối cảnh Tập Cận Bình phải đối mặt với các áp lực quốc tế về việc giám sát và đàn áp người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, có thể cấu thành "tội ác chống lại loài người". 

Bị sáp nhập vào Trung Quốc năm 1951, Tây Tạng như là một "cái gai trong mắt" của Bắc Kinh. Từ nhiều năm qua Trung Quốc bị chỉ trích vì chính sách "cai trị" người dân Tây Tạng, bao gồm cả việc cố gắng loại bỏ lãnh tụ tinh thần của khu vực tự trị - Đạt Lai Lạt Ma. 

Chi Phương

Published in Diễn đàn

Bắc Kinh hiện đã chẳng còn lý lẽ nào để bào chữa cho cuộc khủng hoảng việc làm tiềm tàng – và việc tái sinh các chính sách thời Mao.

vieclam1

Chỉ số xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh nhất trong ba năm - Ảnh minh họa : Containers hàng hóa xuất khẩu ứ đọng trên đại thương cảng Thượng Hải tháng 3/2019

Trung Quốc, thường được mệnh danh là "công xưởng của thế giới", chiếm khoảng 30% sản lượng sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, có một mặt hàng mà Trung Quốc không thể sản xuất đủ nhanh : việc làm cho hàng triệu sinh viên mới tốt nghiệp đại học.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng, gần 1/5 số người ở Trung Quốc trong độ tuổi từ 16 đến 24 hiện đang thất nghiệp, và hàng triệu người khác đang trong cảnh ‘bán thất nghiệp’. Một khảo sát cho thấy trong số 11 triệu sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp đại học vào mùa hè này, chưa đến 15% đã nhận được lời mời làm việc vào giữa tháng 4. Trong khi tiền lương của các công nhân người Mỹ hoặc Châu Âu tăng vọt, sinh viên tốt nghiệp Trung Quốc năm nay có lẽ sẽ kiếm được ít hơn 12% so với nhóm tốt nghiệp năm 2021. Thậm chí, nhiều người trong số này có thể còn kiếm được ít hơn các tài xế xe tải – đấy là nếu họ đủ may mắn tìm được việc làm.

Nói một cách đơn giản, Trung Quốc đang có nguy cơ rơi vào khủng hoảng việc làm. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết rõ điều đó – và đã tìm cách ứng phó bằng các đề xuất chính sách gợi nhớ về quá khứ, như gửi sinh viên thành thị đến làm việc ở nông thôn. Vấn đề đối với Đảng cộng sản Trung Quốc ngày nay là những phương sách từ quá khứ sẽ chẳng còn mấy tác dụng, dù cho nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có sửa chữa các chính sách gây ra cuộc khủng hoảng tài khóa của đất nước ông nhanh đến mức nào.

Những rủi ro từ cuộc khủng hoảng việc làm hiện hữu đang ở mức cao nhất đối với Tập, người đang muốn tiếp tục giữ chiếc ghế tổng bí thư tại Đại hội Đảng lần thứ 20 vào mùa thu năm nay. Nó cũng là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng hệ thống kế hoạch hóa tập trung của Trung Quốc hoàn toàn không được trang bị đủ để nuôi dưỡng, tuyển dụng, và giữ chân những nhân tài hàng đầu, ngay cả khi Trung Quốc đã tăng tốc đổi mới công nghệ để cố gắng vượt qua Mỹ.

Cũng giống như nhiều quốc gia khác, Trung Quốc từ lâu đã phải đối mặt với chu kỳ tăng trưởng và suy thoái việc làm. Trong nhiều thập niên, các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc đã chứng tỏ khả năng vượt trội trong việc đánh bại các mối đe dọa thất nghiệp từ rất lâu trước khi chúng lộ diện. Một vài trong số những mối nguy này là do các chính sách kinh tế của Đảng cộng sản Trung Quốc, chẳng hạn như cuộc đàn áp ngành công nghiệp giáo dục trị giá hàng tỷ đô la. Các đợt khủng hoảng khác bắt nguồn từ các sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của Bắc Kinh, như khủng hoảng tài chính phương Tây 2008-2009 và theo sau là sự sụt giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc trên toàn cầu. Nhận thức được mối đe dọa đối với sự ổn định của chế độ do tình trạng thất nghiệp hàng loạt ở thành thị gây ra, Đảng cộng sản Trung Quốc đã liên tục tìm cách giải quyết sớm những thách thức này, thường đưa ra những thỏa thuận lớn với người dân Trung Quốc để ngăn chặn thảm họa chính trị.

Chẳng hạn, sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, Đảng cộng sản Trung Quốc đã khích lệ giới trẻ bằng cách hứa hẹn những cơ hội gần như vô hạn trong bối cảnh của đợt bùng nổ kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử nước này. Những lo ngại của Đảng cộng sản Trung Quốc về tình trạng bất ổn xã hội không dẫn tới việc hình thành một mạng lưới an sinh xã hội mạnh mẽ, mà tạo ra một hệ thống giáo dục đại học có giá cả phải chăng, đến nỗi nợ sinh viên hầu như không tồn tại ở Trung Quốc. Tính đến năm 2020, sinh viên tại 10 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc chỉ phải trả khoảng 800 đô la học phí hàng năm, so với mức 50.000 đô la tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ. Một thập niên sau cú sốc Thiên An Môn, khi Trung Quốc đang đối mặt với thị trường việc làm thắt chặt và chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Đảng cộng sản Trung Quốc đã tiến xa hơn, luật hóa một chương trình mở rộng tuyển sinh đại học dài hạn được thiết kế để kích thích nền kinh tế Trung Quốc. Kết quả : tỷ lệ nhập học đại học tăng vọt 47% trong năm đầu tiên triển khai chương trình.

Nhưng cuộc khủng hoảng việc làm hiện tại lại khác. Nó không có nhiều điểm chung với thời điểm lạc quan năm 1990, mà có sự tương đồng với thời kỳ Đại Nhảy vọt của Mao Trạch Đông, lần cuối cùng nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng. Hồi đó, khi công chúng ngày càng chỉ trích các chính sách kinh tế của ông, Mao đã triển khai chiến dịch hạ phóng (hsia-fang) khét tiếng nhằm giảm bớt nạn thất nghiệp ở thành thị bằng cách cưỡng chế, buộc hàng chục triệu thanh niên chuyển từ các thành phố đông đúc của Trung Quốc về vùng nông thôn. Chiến lược của Mao bắt nguồn từ thực tế rằng mỗi năm hàng triệu học sinh tốt nghiệp trung học sẽ đến tuổi đi làm ở các thành phố lớn nhất của Trung Quốc, nhưng số lượng công việc chỉ bằng một nửa số lượng người tốt nghiệp. Hạ phóng cũng cung cấp cho Mao một vỏ bọc rất cần thiết để chia tách những kẻ chống đối tư tưởng của ông, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để tách thanh niên Trung Quốc khỏi gia đình của họ, mà về bản chất là ràng buộc họ với đảng. Tập, cùng với hàng triệu đồng niên của mình, đã trải qua nhiều năm vất vả ở vùng nông thôn – mãi cho đến khi Mao qua đời, và sự phản đối kịch liệt của công chúng dẫn đến việc chấm dứt chiến dịch hạ phóng vào năm 1980.

Đảng cộng sản Trung Quốc sau đó đã coi các chính sách hạ phóng của Mao là một "thảm họa", một lời chỉ trích hiếm hoi trong lịch sử. Tuy nhiên, điều đó đã không ngăn được Tập làm sống lại các thành tố chính sách thời Mao. Cách đây vài năm, Tập đã công bố các chương trình mới nhằm khuyến khích học sinh ở thành thị đến làm tình nguyện ở các vùng nông thôn trong kỳ nghỉ hè. Các chương trình tương tự dành cho sinh viên đại học cũng sớm được thực hiện, đỉnh điểm là một nghị quyết của Đảng cộng sản Trung Quốc mới ban hành gần đây, trong đó đề cập đến các khoản trợ cấp khởi nghiệp hưởng một lần, các khoản vay do chính phủ hậu thuẫn, cùng nhiều ưu đãi thuế khác dành cho sinh viên tốt nghiệp đại học khởi nghiệp kinh doanh tại nông thôn Trung Quốc. Công bằng mà nói, những chương trình này vẫn chưa mang tính bắt buộc. Nhưng các chương trình của Mao cũng không bắt buộc, chí ít là ở giai đoạn đầu.

Một điểm tương đồng khác với thời Mao đó là Tập đã nhận ra quy mô của cuộc khủng hoảng việc làm hiện nay của Trung Quốc quá trễ. Suốt nhiều năm, Tập vẫn hy vọng rằng việc tăng cường đô thị hóa, tăng chi tiêu (bằng nợ vay) để xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, và các cải cách cơ cấu ít ỏi sẽ giúp hồi sinh sự tăng trưởng đang suy yếu của Trung Quốc. Giờ đây, sau nhiều thập niên xây dựng hệ thống giáo dục đại học nhằm đáp ứng nhu cầu chính trị thay vì nhu cầu thị trường, theo lời đối thủ chính trị của Tập đồng thời cũng là Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Khắc Cường, Trung Quốc phải đối mặt với một thị trường việc làm "phức tạp và nghiêm trọng", dường như đang có nguy cơ sụp đổ dưới sức nặng của các cuộc phong tỏa zero-Covid không hồi kết của Tập.

Cuộc khủng hoảng việc làm của Tập đã trở nên tồi tệ hơn do cuộc đàn áp mạnh tay của ông đối với những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc, dẫn đến tình trạng sa thải hàng loạt trong chính ngành công nghiệp mà Tập tuyên bố sẽ thúc đẩy giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước. Những người tìm việc cũng sẽ không lựa chọn lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn, vốn cũng đang là ngành sa thải hàng loạt nhân công, khi các tập đoàn xây dựng của Trung Quốc tính đến số nợ ngày càng tăng và việc không ai muốn mua các trái phiếu doanh nghiệp đầy rủi ro của họ. Sau khi nhận ra rằng việc làm ở các nhà máy Trung Quốc đã đạt đỉnh từ nhiều năm trước, những người lao động nhập cư không có tay nghề đã dần chuyển sang các công việc thuộc khu vực dịch vụ cấp thấp, chủ yếu là trong nền kinh tế hợp đồng thời vụ. Do các vị trí tuyển dụng trong nhà máy có lẽ sẽ không thể phục hồi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, tình trạng thất nghiệp trầm trọng nhiều khả năng sẽ khiến tiền lương sụt giảm, trong lúc các công nhân đang tuyệt vọng cố gắng cạnh tranh để giành lấy những công việc cần ít hoặc không cần kỹ năng.

Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy người dân Trung Quốc đang đạt đến ngưỡng chịu đựng của mình. Tháng 7 năm nay, các cuộc biểu tình bạo lực đã nổ ra bên ngoài nhiều ngân hàng Trung Quốc sau khi các tài khoản bị đóng băng mà không có lời giải thích. Cùng tháng đó, các gia đình ở 24 trong số 31 tỉnh của Trung Quốc đã tẩy chay việc thanh toán thế chấp cho các dự án căn hộ chưa hoàn thành. Kết quả khảo sát cho thấy khoảng 10.000 người Trung Quốc giàu có, với khối tài sản khoảng 48 tỷ đô la, đang tìm cách rời khỏi nước này. Đảng cộng sản Trung Quốc đã lựa chọn một phản ứng nửa vời đối với loạt khủng hoảng này, cho tiến hành một số cải cách. Nhưng rõ ràng là tình trạng bất ổn vẫn tiếp diễn, và niềm tin mong manh giữa Đảng cộng sản Trung Quốc và người dân sẽ còn rạn nứt.

Lịch sử cho thấy rằng Tập rất có thể sẽ có một lựa chọn chính sách bất ngờ, dù những thay đổi lớn trước đại hội đảng vào mùa thu năm nay có lẽ khó xảy ra. Về lý thuyết, và tương tự như việc Mao củng cố ảnh hưởng của đảng-nhà nước trong cuộc sống hàng ngày của người dân Trung Quốc, Tập có thể ra lệnh cho các doanh nghiệp nhà nước tiến hành các chiến dịch tuyển dụng khổng lồ, tốn kém, và không hiệu quả nhằm giải quyết bất ổn chính trị gây ra bởi đám đông sinh viên ra trường đang thất nghiệp. Ông có thể sẽ đưa hàng trăm nghìn công nhân vào tổ hợp công nghiệp-quân sự rộng lớn của Trung Quốc, dù việc điều chỉnh các kỹ năng không phù hợp của nhóm công nhân mới tuyển dụng này sẽ tốn kém về thời gian và tiền bạc. Tập cũng đã cử các phái viên cải thiện các mối quan hệ bị tổn hại nặng nề của Trung Quốc với Liên minh Châu Âu và Australia, một phần nhằm củng cố cơ sở sản xuất của Trung Quốc, nhưng những nỗ lực như vậy khó có thể thành công nếu Bắc Kinh tiếp tục ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine của Moscow.

Vẫn chưa rõ liệu Mỹ và các quốc gia khác có thể tận dụng cơ hội này để biến thặng dư chất xám của Trung Quốc thành lợi thế cho mình hay không, có thể bằng cách sửa đổi các quy định về di cư để thu hút những cá nhân xuất sắc nhất của Trung Quốc đến định cư lâu dài ở phương Tây. Trong Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh, các chương trình tương tự đã làm suy yếu các đối thủ của phương Tây bằng cách thu hút những bộ óc hàng đầu tìm kiếm nơi ẩn náu khỏi sự áp bức của Đức Quốc Xã và Liên Xô, dù các chương trình và quy trình kiểm tra lý lịch mới sẽ cần được cập nhật để đối phó với bộ máy gián điệp của Trung Quốc.

Trong khi đó, Tập có thể sẽ sớm phải đối mặt với những giới hạn thực tế trong nỗ lực tôn vinh di sản của Mao. Dù quan điểm chính thức của Đảng cộng sản Trung Quốc nói rằng trải nghiệm thời kỳ hạ phóng của Tập giúp ông lưu tâm nhiều hơn đến những lo ngại của dân thường và giúp thế hệ của ông trở thành xương sống của một nước "Trung Quốc mới", điều đó không chắc sẽ có thể xoa dịu giới trẻ ngày nay, khi họ phải đối đầu với cuộc "đại nhảy lùi’ sắp tới của chính họ.

Craig Singleton

Nguyên tác : "Xi’s Great Leap Backward", Foreign Policy, 04/08/2022

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 23/08/2022

Craig Singleton là nghiên cứu viên cấp cao về Trung Quốc tại Quỹ Bảo vệ các Nền dân chủ và là một cựu quan chức ngoại giao Mỹ.

Published in Diễn đàn

Hơn ba tháng trước Đại hội thứ 20 của đảng Cộng Sản Trung Quốc, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn phải tiếp tục có thêm nhiều nỗ lực để bảo đảm kiểm soát được tình hình, trước thềm sự kiện chính trị quan trọng này.

xi1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lời chúc mừng năm mới trên truyền hình vào ngày 31 tháng 12 năm 2021. (Nguồn : GT)

Trong một phân tích đăng tải trên Asialyst, trang mạng chuyên về thời sự chính trị Châu Á, nhà chính trị học Alex Payette, giám đốc Groupe Cercius, trung tâm tư vấn chiến lược và địa chính trị, nhấn mạnh đến việc các phản kháng trong nội bộ đang buộc người được coi là lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, tổng bí thư, chủ tịch nước Tập Cận Bình, phải huy động nhiều phương tiện, từ pháp lý cho đến truyền thông, hay kỷ luật nội bộ đảng, đặc biệt với mục tiêu răn đe các phe phái khác trong nội bộ. RFI xin giới thiệu một số nét chính trong bài nhận định "Chine : Xi Jinping proche d’une "victoire boiteuse" au XXème Congrès du Parti ?", Asialyst, 13/07/2022.

***

Quan chức địa phương tung hô Tập Cận Bình : Dấu hiệu "bất ổn định ngấm ngầm"

Bài phân tích của Alex Payette bắt đầu với việc mô tả không khí thành công tại các Đại hội đảng ở cấp tỉnh và các địa phương cấp dưới. Việc bầu chọn các đại biểu đi dự Đại hội đảng toàn quốc dường như diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp. Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt mà tác giả ghi nhận, đó là một số lãnh đạo cấp tỉnh đã bày tỏ sự trung thành với cá nhân ông Tập Cận Bình hơn mức bình thường, thông qua các tuyên bố công khai, hay qua các bài viết. Cụ thể là bí thư tỉnh tây bắc Thanh Hải, trong một bài viết công bố ngày đầu tháng 6. Bí thư tỉnh Sơn Đông, vào giữa tháng 6. Bí thư tỉnh Hồ Nam, vào cuối tháng 6. Cũng vào cuối tháng 6, lãnh đạo thành phố Thiên Tân tái khẳng định vai trò "lãnh đạo hạt nhân" (tức vị trí lãnh đạo tối cao, theo cách gọi mới trong đảng CS Trung Quốc) của ông Tập.

Thông thường, những phát biểu như trên gây ấn tượng là ông Tập có được đông đảo người trung thành tại các địa phương, đặc biệt là ở cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc các lãnh đạo địa phương phô trương lòng trung thành với Đảng và với cá nhân nhà lãnh đạo tối cao như trên có thể coi là một con dao hai lưỡi với chính bản thân họ. Cụ thể như hồi tháng 4/2022, một lãnh đạo tỉnh Quảng Tây đã cho ra mắt một "cuốn sách Đỏ" để ca ngợi ông Tập Cận Bình. Hành động này nhắc lại phong trào sùng bái lãnh tụ Mao Trạch Đông trước đây với cuốn Mao tuyển màu đỏ ("Mao chủ tịch ngữ lục"), một hành động dễ được coi như một nỗ lực sùng bái cá nhân mới, gây phản cảm. Theo nhà nghiên cứu Alex Payette, việc diễn ra dồn dập sáng kiến cá nhân của một số lãnh đạo địa phương ca ngợi quá mức như trên là điều "bất thường" trước dịp Đại hội đảng, phần nào cho thấy không khí "bất ổn định ngấm ngầm" trong nội bộ chính quyền Trung Quốc. Bởi, thông thường một lãnh đạo "đủ mạnh" có được sự ủng hộ của các chức sắc cao cấp cấp trung ương chắc chắn sẽ không cần đến người ta phải tung hô ủng hộ rầm rộ tại các hội nghị cấp tỉnh.

Chuyên gia Alex Payette cũng đặc biệt lưu ý đến việc ông Tập Cận Bình tìm cách kiểm soát chặt hai lĩnh vực trọng yếu là quân đội và hệ thống tuyên huấn.

"Chiến khu Tây Bộ" và "Hoạt động quân sự phi chiến tranh"

Quân đội là cái đích ông Tập Cận Bình nhắm đến kiểm soát trọn vẹn. Trong chuyến đi thị sát tại tỉnh Tứ Xuyên hồi đầu tháng 6, khi dừng chân ở thủ phủ Thành Đô, chủ tịch - tổng bí thư Tập Cận Bình đã không triệu tập các cuộc họp của đảng hay của chính quyền địa phương. Ngược lại, ông Tập cùng với phó bí thư Quân ủy Trung ương đã triệu tập một cuộc họp của "Chiến khu Tây Bộ" (một trong 5 đại quân khu của Trung Quốc). "Chiến khu Tây Bộ" là quân khu lớn nhất trong năm đại quân khu. Các chỉ huy quân sự và chính trị của quân khu này thường xuyên được thay thế trong những năm gần đây. Người đứng đầu "Chiến khu Tây Bộ" được thăng hàm thượng tướng dưới thời Tập Cận Bình.

"Chính quyền trên đầu ngọn súng" là châm ngôn của cố lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc Mao Trạch Đông. Ông Tập cũng tiếp tục đi theo đường hướng nay. Theo Alex Payette, ông Tập Cận Bình ắt hẳn phải dựa vào quân đội để sẵn sàng đối phó trước hết với các phe phái phản kháng trong nội bộ, có thể tập hợp thành một "mặt trận chống đối", bao gồm những người phản đối chính sách Zero Covid nghiệt ngã, người phản đối chính sách ủng hộ chính quyền Nga, bất chấp cuộc xâm lăng Ukraine, bị cộng đồng quốc tế lên án, hay chính sách khiến nền kinh tế quốc gia rơi vào khủng hoảng hiện nay.

Một tài liệu đặc biệt của chính quyền Trung Quốc vừa được công bố cách nay ít tuần về "Đề cương về các hoạt động quân sự phi chiến tranh" đã được giới quan sát nhìn nhận chủ yếu trong liên hệ với Đài Loan, như một động thái mở đường về mặt pháp lý cho một can thiệp quân sự bên ngoài lãnh thổ. Tuy nhiên, "‘Đề cương về các hoạt động quân sự phi chiến tranh" rất có thể hướng đến mục tiêu chính mang tính "chính trị nội bộ". Theo Alex Payette, tài liệu này cho phép đưa quân đội can thiệp vào các hoạt động như "chống khủng bố", "đàn áp các bạo động", "các hoạt động gây rối loạn trật tự công cộng", "kiểm soát biên giới"… Điểm được nhấn mạnh hàng đầu trong các hoạt động này là "chống khủng bố" và "chống bạo loạn".

Thay thế hàng loạt lãnh đạo Tuyên huấn 

Chuyến thị sát tại Thành Đô với việc tổ chức các cuộc họp với Chiến khu Tây Bộ và Đề cương các hoạt động "quân sự phi chiến tranh" là các ví dụ rõ ràng cho thấy ông Tập Cận Bình đang nỗ lực nắm chặt hơn nữa việc kiểm soát bộ máy vũ trang để buộc tất cả những ai bất đồng trong nội bộ phải dè chừng. Alex Payette nhấn mạnh đến một trong các đối thủ nội bộ hàng đầu trong nỗ lực này của ông Tập Cận Bình là thủ tướng Lý Khắc Cường. Quân đội có thể sẽ tiếp tục được điều động tham gia vào các hoạt động trấn áp, duy trì an ninh, như trong đợt phong tỏa Covid vừa qua tại Thượng Hải.

Về mặt tuyên huấn, chuyên gia Payette cũng chú ý đến việc Tập Cận Bình vừa bổ nhiệm mới nhiều lãnh đạo hệ thống tuyên huấn, từ lãnh đạo hệ thống phát thanh, truyền hình, cho đến Trường Đảng Trung ương. Việc bổ nhiệm Lý Thư Lỗi (Li Shulei), một trong những cận thần của ông Tập, là một chỉ dấu đáng chú ý. Mục tiêu là sẵn sàng gửi đi các tín hiệu răn đe trong nội bộ nhắm vào một số ít phương tiện truyền thông vẫn do đối thủ trong nội bộ nắm giữ như tạp chí "Bán Nguyệt Đàm" (Banyuetan) (tạp chí Bán Nguyệt Đàm do Tân Hoa Xã phát hành từ năm 1980), cũng như các quan điểm bất đồng được truyền đi qua đường tin đồn. Chuyên gia Payette dự đoán đấu tranh về ngôn luận trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ tiếp tục mạnh từ đây đến cuối tháng 8, đặc biệt liên quan đến những bất đồng từ phía các thành phần thuộc thế hệ Thái tử Đỏ (tức con cái các lãnh đạo cấp cao thời đầu) hay những giới chức cao cấp thuộc "chính quyền cũ" (từ dùng để chỉ vây cánh cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân).

Trong bối cảnh hiện nay, các quan chức nào mạo hiểm cố tình thảo luận về các vấn đề chính trị nội bộ của đảng trong công luận, hay trong các nhóm nhỏ, sẽ có nguy cơ bị Ủy Ban Kỷ Luật của đảng "viếng thăm".

Quan hệ với các doanh nghiệp tư nhân : Đe dọa lơ lửng

Chuyên gia Alex Payette đặc biệt chú ý đến một số tín hiệu mạnh khác của Tập Cận Bình gởi đến các phe phái khác. Ngày 17/06, Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc họp, với chủ đề chính là tiếp tục áp dụng lượt thứ 8 điều tra về tham nhũng trong nội bộ đảng. Thông điệp rất rõ ràng : các quan chức của đảng phải chịu trách nhiệm cả về các hành vi của những người trong gia đình, cụ thể liên quan đến các hoạt động "doanh nghiệp tư nhân". Các cán bộ lãnh đạo – trước khi được thăng chức – sẽ phải rút ra khỏi các hoạt động kinh tế tư nhân, và có nghĩa vụ khai báo về các liên hệ mà họ biết của các thành viên trong gia đình (bố mẹ, vợ chồng, con cái) với các hoạt động kinh doanh tư nhân.

Theo chuyên gia Payette, điều vốn được coi là bình thường tại phương Tây đã gây ra một cơn chấn động trong nội bộ đảng Cộng Sản tại Trung Quốc. Đây được coi là hành động tấn công có chủ đích nhắm vào thế hệ "Thái tử Đỏ", và những người trung thành với Giang Trạch Dân, đặc biệt trong đó có có nhiều trùm tài phiệt, nắm giữ quyền lực lớn trong kinh tế từ những năm 1990. Đe dọa treo lơ lửng này có khả năng buộc nhiều nhân vật cộm cán phải im tiếng trước thềm Đại hội đảng.

Ba vụ án

Chuyên gia Payette cũng đặc biệt chú ý đến ba phiên tòa quan trọng, trong đó có vụ xử tỉ phú Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) ("mất tích" cách nay 5 năm), người có liên hệ mật thiết với nhiều chức sắc cao cấp và vụ cựu thứ trưởng Công An Tôn Lập Quân (Xun Lijun), bị bắt cách nay hai năm (vụ thứ ba là vụ xử cựu bộ trưởng Tư Pháp Phó Chính Hoa – Fu Zhenghua).

Vụ xử tỉ phú Tiêu Kiến Hoa ngay trước thềm Đại hội đảng nhắc lại hai vụ án chấn động, vài tháng trước các Đại hội đảng lần trước : vụ Bạc Hy Lai năm 2012 (Đại hội 18), và vụ Tôn Chính Tài 2017 (Đại hội 19). Vụ Tiêu Kiến Hoa – được đưa ra đúng vào lúc chế độ cộng sản Trung Quốc bắt đầu áp dụng lượt điều tra về tham nhũng thứ 8 trong nội bộ - đe dọa đưa nhiều quan chức cao cấp vào nhà tù Tần Thành (Qincheng), Bắc Kinh (Tần Thành là nơi giam giữ tù nhân chính trị và quan chức cao cấp).

Ba vụ xử nói trên được đưa ra trước Đại hội đảng gửi đi tín hiệu gì ? Theo chuyên gia Payette, có nhiều thông điệp. Bên cạnh thông điệp răn đe rõ ràng, cũng có cả thông điệp hòa dịu. Việc cựu thứ trưởng công an họ Tôn được giảm đi tội danh "lập phe phái" chống đối, và việc tội danh về "kinh tế" được nhấn mạnh, có thể được coi như một cử chỉ khoan dung từ phía lãnh đạo tối cao. Phán quyết từ các vụ án này có thể mang lại nhiều chỉ dấu về quan hệ giữa các phe phán trong nội bộ chế độ chính trị Trung Quốc.

Ngành Công an chưa chắc trong vòng kiểm soát

Thêm một chỉ dấu, mà theo nhà nghiên cứu Payette, cho thấy Tập Cận Bình khó khăn trong việc nắm trọn vẹn quyền lực, đó là việc thay thế bộ trưởng Công An. Quyết định có vẻ như khá bất ngờ, vì trước đó bộ trưởng tiền nhiệm vẫn được coi là chắc chắn tại vị. Dường như lần đầu tiên, ông Tập đưa được người thực sự thân tín nắm bộ Công An, ông Vương Hiểu Hồng (Wang Xiaohong). Việc bổ nhiệm diễn ra ngày 24/06 chỉ ít tuần sau khi bùng nổ vụ rò rỉ tài liệu quy mô lớn liên quan đến các đàn áp tại Tân Cương (các tài liệu Xinjiang Files – Hồ sơ Tân Cương - được liên minh của 14 cơ sở truyền thông quốc tế tung ra ngày 24/05/2020).

Các tài liệu rò rỉ trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc cho thấy hệ thống đàn áp quy mô lớn nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ, và mệnh lệnh trực tiếp xuất phát từ cá nhân lãnh đạo tối cao họ Tập (theo chính một văn bản do bộ trưởng Công An tiền nhiệm Triệu Khắc Chí [Zhao Kezhi] ký tên). Chuyên gia Payette nhấn mạnh : vụ rò rỉ quy mô về Tân Cương có thể là hệ quả của "các đấu đá nội bộ". Tiếp theo đó là vụ rò rỉ thông tin liên quan đến gần tỉ dân Trung Quốc (từ bộ máy công an thành phố Thượng Hải), diễn ra chỉ 6 ngày sau khi Vương Hiểu Hồng nhậm chức.

Vụ tử vong bất ngờ đầu tháng 7 do "bệnh" của lãnh đạo Công An tỉnh Hồ Bắc (Lưu Tỉ Văn - Liu Wenxi), chỉ ít tuần sau khi được bổ nhiệm, cũng cho thấy có thể có sự đối đầu dữ dội giữa các phe phái, mà quan chức nói trên là một nạn nhân. Bởi thông thường sức khỏe của những người sắp được bổ nhiệm vào các chức vụ cao cấp là điều được theo dõi rất chặt chẽ tại Trung Quốc. Ông Lưu Tỉ Văn được bổ nhiệm với sứ mạng lập lại trật tự, sau khi bùng lên vụ hành hung "Đường Sơn Thị" (tỉnh Hồ Bắc), địa điểm nổi tiếng với nhóm tội phạm, nạn tham nhũng, và giới chức địa phương "ỳ trệ". Cựu lãnh đạo Công An tỉnh Hồ Bắc vốn được coi là một nhân vật thân tín với tân bộ trưởng Công An Vương Hiểu Hồng.

Kịch bản "Giang Trạch Dân" ?

Căn cứ trên các yếu tố vừa quan sát, chuyên gia Payette dự báo kịch bản có nhiều xác xuất trở thành hiện thực là Tập Cận Bình sẽ phải có nhiều thỏa hiệp với các phe phái chống đối. Phe Tập Cận Bình giương cao "thanh gươm" của các quy định nội bộ và của Ủy Ban Kỷ Luật, "trong lúc các phe phái khác tăng cường các tuyên truyền phản đối. Tuy nhiên hiện tại chưa bên nào dám vượt qua lằn ranh đỏ như Chu Vĩnh Khang hồi 2012 (nguyên ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị, bộ trưởng Công An họ Chu bị bắt hồi 2014)". Lợi ích chung của các bên là "tránh sự sụp đổ của đảng". Ông Tập vẫn sẽ được tung hô và tiếp tục nắm quyền tại Đại hội 20, nhưng sẽ phải chuẩn bị cho kịch bản rút dần, rút một cách an toàn ra khỏi vị trí lãnh đạo tối cao, tương tự như Giang Trạch Dân trước đây.

Alex Payette

Nguyên tác : "Chine : Xi Jinping proche d’une "victoire boiteuse" au XXème Congrès du Parti ?", Asialyst, 13/07/2022.

Trọng Thành tóm lược

Nguồn : RFI, 19/07/2022

Published in Diễn đàn

Một danh hiệu mới – "lãnh tụ vĩnh cửu" – đã xuất hiện ngay trước mật nghị mùa hè ở Bắc Đới Hà.

xi1

Một cuộc chiến đang diễn ra gay gắt trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc liệu có nên nâng Tập Cận Bình lên vị trí giống Mao hay không. (Ảnh của Ken Kobayashi)

Một tập tài liệu chính trị được phát hành ở một vùng nông thôn của Trung Quốc đã khiến nhiều người phải bất ngờ, vì nó sử dụng một cụm từ chưa từng được dùng trước đây để ca ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình.

Đó là sự kết hợp của "vĩnh cửu" và "lãnh tụ" (lingxiu).

Bản thông cáo được ban hành sau Đại hội Đảng bộ Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây lưu ý rằng : cần phải trung thành với nhà lãnh tụ cốt cán, "ủng hộ lãnh tụ mãi mãi, bảo vệ lãnh tụ, và đi theo lãnh tụ".

Từ "mãi mãi" là một ẩn ý về lãnh đạo trọn đời, trong khi "lãnh tụ" là một danh hiệu chỉ được sử dụng bởi Mao Trạch Đông.

Văn kiện ngày 17/04 không được ban hành ở Bắc Kinh, thủ đô và trung tâm chính trị của Trung Quốc, mà ở Quảng Tây, một khu vực ở phía nam, giáp biên giới với Việt Nam.

Để ca ngợi Tập, người kiêm luôn chức Tổng bí thư đảng, thông cáo đã sử dụng ngôn ngữ thách thức những lý lẽ thông thường của đảng, chưa kể đến việc điều lệ đảng cấm các lời lẽ sùng bái cá nhân.

Có một lý do rõ ràng cho hành động tung hô này. Đại hội Đảng bộ Quảng Tây ngày 22/04 đã nhất trí bầu Tập làm đại biểu tham dự đại hội toàn quốc thường niên tối quan trọng của đảng, sẽ được tổ chức vào mùa thu năm nay.

Không có quy tắc nào liên quan đến khu vực mà lãnh đạo tối cao của đảng sẽ đại diện tại đại hội toàn quốc. Tại đại hội toàn quốc gần đây nhất, được tổ chức 5 năm trước, Tập là đại biểu đến từ tỉnh Quý Châu nghèo khó ở phía tây nam.

Hồi ấy, Trần Mẫn Nhĩ, người mà ai cũng biết là phụ tá thân cận của Tập, đang giữ chức vụ lãnh đạo cao nhất của Quý Châu. Sau đó, Trần chuyển đến Trùng Khánh để tiếp quản vị trí bí thư thành phố từ tay người bị ‘thất sủng’ Tôn Chính Tài, và được thăng chức vào Bộ Chính trị gồm 25 thành viên.

xi01

Trần Mẫn Nhĩ là bí thư tỉnh Quý Châu vào năm 2017, khi đại hội đảng Quý Châu chọn Tập Cận Bình làm đại biểu dự đại hội toàn quốc. Sau đó, ông được đề bạt vào Bộ Chính trị gồm 25 thành viên. (Nguồn ảnh : Akira Kodaka)

Quảng Tây, hiện đang ở vị trí tiên phong trong nỗ lực mở đường cho Tập trở thành lãnh tụ vĩnh cửu, cũng vừa mới phát sóng một bộ phim tài liệu ca ngợi nhà lãnh đạo.

Tại đại hội toàn quốc sắp tới của đảng ở Bắc Kinh, Tập sẽ tham dự phiên họp của khu vực Quảng Tây cùng với các đại biểu từ khu vực này. Do đó, Quảng Tây đã trở nên gắn bó chặt chẽ với vận mệnh chính trị của Tập.

Trước đây, chức danh lãnh tụ là danh hiệu độc quyền của người cha lập quốc Mao Trạch Đông. Trong trường hợp của Mao, tên gọi phổ biến hơn là "lãnh tụ vĩ đại".

Việc sử dụng các cụm từ như "lãnh tụ vĩnh cửu" và "lãnh tụ của nhân dân", cho thấy Tập đang nhắm tới việc giành được vị trí "chủ tịch đảng" mà Mao đã giữ cho đến cuối đời.

Trong một diễn biến khác, một điệp khúc ca ngợi Tập đã vang lên ở Hắc Long Giang, một tỉnh miền đông bắc, giáp với Nga.

Ngày 02/05, tại đại hội ở tỉnh này, đảng đã thông qua một nghị quyết cũng mang dấu ấn sùng bái cá nhân. Nó cam kết biến lòng trung thành với lãnh tụ thành lối sống vì phát triển và thịnh vượng.

Lưu Ninh, bí thư của Quảng Tây, và Hứa Cần, người giữ chức vụ tương tự ở Hắc Long Giang, đều tương đối trẻ, ít nhất là so với chính trường Trung Quốc. Ra đời trong những năm 1960, họ đã được đào tạo về khoa học và kỹ thuật.

Các nhà phân tích lưu ý rằng kể từ khi thời kỳ Tập Cận Bình bắt đầu, nhiều quan chức có chuyên môn là kỹ sư đã được bổ nhiệm vào các vị trí chủ chốt. Theo lẽ thường, họ là những người dễ tuân phục về chính trị.

xi02

Tập Cận Bình vẫy tay chào trong lúc đứng trên bức chân dung khổng lồ của cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông vào cuối sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, vào ngày 07/01/2021. © Reuters

Nhưng liệu những thông cáo như vậy có thể củng cố vị trí của Tập hay không ? Mọi chuyện không hẳn dễ dàng như vậy.

Rõ ràng đã có sự kháng cự từ nhiều thành phần khác nhau trong đảng – những cán bộ lớn tuổi, những người không thuộc phe cánh của Tập, và những trí thức tự do.

Trong một trường hợp, bộ phận tuyên truyền của đảng ở Nam Ninh, thủ phủ của Quảng Tây, đã xuất bản một tập sách đỏ để giúp mọi người nghiên cứu hệ tư tưởng Tập Cận Bình, "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới".

Nhưng tập sách này lại gợi lên ký ức về "Những câu nói của Chủ tịch Mao Trạch Đông", còn được gọi là "hồng bảo thư", mà các sinh viên Hồng Vệ Binh cấp tiến ủng hộ Mao trong Cách mạng Văn hóa (1966-1976) vẫn thường trích dẫn.

Chuỗi hoạt động biểu dương Tập ở Quảng Tây có sự hỗ trợ của một người phụ tá, Hoàng Khôn Minh, Trưởng ban Tuyên truyền của đảng. Nhưng có lẽ ông đã cố gắng quá mức để ghi điểm với chủ tịch.

Hình ảnh của "hồng bảo thư" hiện không có trên các công cụ tìm kiếm của Trung Quốc ; chúng đã bị xóa sạch.

Người ta tin rằng quan chức hàng đầu phụ trách tư tưởng và tuyên truyền, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Vương Hỗ Ninh, đã nhúng tay vào việc kiềm chế các hành động thái quá, sau khi thảo luận rõ ràng với Tập.

Đây không phải là lần đầu tiên xu hướng nâng cao địa vị của Tập xuất hiện.

Năm năm trước, tại đại hội toàn quốc năm 2017, Thái Kỳ, một phụ tá thân cận của Tập và quan chức cấp cao nhất của Bắc Kinh, đã ca ngợi sếp của mình là một "lãnh đạo thông thái".

Dù ở thời điểm đó, không có nhiều đảng viên chú ý đến lời nói này, nhưng nhận xét của Thái thực chất là một phần trong quá trình chuẩn bị cho việc sửa đổi hiến pháp quốc gia vào tháng 03/2018. Bản sửa đổi hiến pháp cuối cùng đã loại bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ 5 năm đối với chức vụ chủ tịch nước Trung Quốc, theo đó mở đường để Tập trở thành lãnh tụ trọn đời.

xi03

Tại đại hội toàn quốc lần trước của đảng, Thái Kỳ đã ca ngợi Tập Cận Bình là một lãnh tụ thông thái. © Reuters

Sau khi loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ, một chiến dịch ngắn trong đó ông Tập được gọi là "lãnh tụ của nhân dân" đã xuất hiện vào mùa hè năm 2018.

Nhưng nó đã nhanh chóng bị dỡ bỏ. Ẩn sau bước thay đổi này là sự quan ngại lan rộng của những cán bộ lão thành trong đảng, và các phe phái không chính lưu về sự sùng bái cá nhân ; những lời lẽ kiểu này rõ ràng đã bị cấm bởi điều lệ đảng.

Một vòng tròn tương tự đang được lặp lại, nhưng lần này các phụ tá đã nhận thức được rằng nỗ lực nâng cấp và xác lập địa vị của Tập không nhất thiết sẽ tiến triển thuận lợi. Giờ đây, họ lựa chọn một bước đi bất thường.

Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ban thư ký phụ trách các công việc của Tập, đã đưa ra một thông báo đanh thép, trong đó yêu cầu các đảng viên cao tuổi đã nghỉ hưu phải cẩn trọng trong phát ngôn trong giai đoạn trước khi diễn ra đại hội đảng. Vào ngày 15/05, phương tiện truyền thông nhà nước đã tiết lộ thông báo này trong mục "sự kiện gần đây".

Đó là một nỗ lực để bịt miệng những cán bộ lão thành – như các cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và các cán bộ hưu trí khác. Một quan chức thuộc Ban Tổ chức của đảng đã giải thích chi tiết nội dung chỉ thị.

"Họ không được tranh luận về các chủ trương chính trị lớn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà không có lý do chính đáng … không được truyền bá các quan điểm tiêu cực về chính trị [và] không được tham gia vào các hoạt động tổ chức xã hội bất hợp pháp".

xi04

Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, và các cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân đến Cổng Thiên An Môn để tham gia một cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh vào tháng 10/2019. © Reuters

Ai vi phạm "sẽ bị kỷ luật nghiêm".

Thông báo xuất hiện trên trang nhất của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng, là lời cảnh báo từ chính quyền Tập rằng mọi ý kiến đều sẽ bị theo dõi và kiểm soát – ngay cả ý kiến của các cán bộ lão thành.

Có một cách giải thích là Tập không có lựa chọn nào khác ngoài hành động này, bất chấp nguy cơ tiết lộ cho công chúng về cuộc giằng co ác liệt đang diễn ra trong nội bộ đảng, với hy vọng lật ngược thế cờ theo hướng có lợi cho ông.

Vào khoảng thời gian thông báo được đưa ra, Tân Hoa Xã và các hãng truyền thông nhà nước khác đã khởi động lại một chiến dịch gắn tên tuổi Tập với chức danh "lãnh tụ của nhân dân".

Những diễn biến chính trị thay đổi nhanh chóng này cho thấy ‘nghi lễ’ mùa hè thường niên đang đến gần : Mật nghị ở Bắc Đới Hà, khi các nhà lãnh đạo đảng đương nhiệm lắng nghe tiếng nói của những thành viên lớn tuổi đã nghỉ hưu tại một khu nghỉ mát bên bờ biển.

Không biết cuộc họp năm nay sẽ diễn ra như thế nào, khi dịch Covid-19 vẫn còn lan tràn.

Văn phòng Trung ương Đảng – nơi ban hành thông báo yêu cầu các thế hệ đã nghỉ hưu phải biết giữ miệng – được đứng đầu bởi Đinh Tiết Tường, một quan chức được cho là tài cán mà Tập đã gặp trong thời gian ở Thượng Hải.

xi05

Đinh Tiết Tường (Ảnh chụp màn hình từ trang web của Nhân dân Nhật báo)

Người ta tin Đinh sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đối thoại đầy khó khăn của Tập với các cán bộ lão thành của đảng, những người có quan điểm mạnh mẽ. Nếu thành công trong vai trò này, ông có thể mang về cho mình cơ hội thăng tiến, có lẽ là vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Tập vẫn đang hướng tới một danh hiệu trao cho ông sự vĩ đại và nhiều phụ tá thân cận đang cạnh tranh nhau để giúp chủ tịch thành công trong việc đạt được mục tiêu này. Họ đang tham gia vào một cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt để có thể sinh tồn. Đương nhiên, họ sẽ được phân thành người thắng và kẻ thua.

Và người sống sót sẽ được quyết định trong những tuần sắp tới.

Katsuji Nakazawa

Nguyên tác : "Xi shushes party elders as he marches toward 3rd term", Nikkei Asia, 09/06/2022

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 15/06/2022

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cao cấp của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Published in Diễn đàn