Tin tặc Trung Quốc nấp trong các cơ sở hạ tầng "nhạy cảm" của Mỹ đợi thời cơ
Thanh Hà, RFI, 08/02/2024
Trong báo cáo công bố hôm 07/02/2024, Cơ quan An ninh Mạng và Cơ sở Hạ tầng Mỹ CISA báo động "nhiều toán tin tặc được nhà nước Trung Quốc yểm trợ thường xuyên đột nhập" một số cơ sở hạ tầng thiết yếu của Hoa Kỳ "từ 5 năm nay". Đánh cắp bí mật quốc gia chỉ là một trong những mục tiêu của các nhóm này.
Một cuộc điều tra do công ty bảo mật Mandiant thực hiện cho thấy, các tin tặc có liên hệ với Trung Quốc có khả năng đứng sau việc khai thác lỗ hổng bảo mật phần mềm trong tính năng bảo mật email của công ty an ninh mạng Barracuda Networks, gây ảnh hưởng đến các tổ chức công và tư nhân trên toàn cầu. AP - Kiichiro Sato
Mỹ lo ngại tin tặc Trung Quốc "sẵn sàng tiến hành các cuộc tấn công lợi hại" trong trường hợp hai siêu cường thế giới lao vào chiến tranh. Những toán tin tặc đó là ai, hoạt động như thế nào và lợi hại đến đâu ?
Theo các phương tiện truyền thông Mỹ chưa bao giờ sáu cơ quan an ninh của chính quyền Liên Bang, trong đó có từ CISA, Cơ quan An ninh Quốc gia NSA và Cục Điều tra Liên bang FBI…, lại đưa ra báo động "mạnh mẽ" như vậy. Ngoài Mỹ, nhiều đối tác của Hoa Kỳ trong lĩnh vực tình báo và an ninh mạng từ Canada, New Zealand và Anh Quốc cũng đã đưa ra các báo động tương tự.
Báo động của CISA hôm qua khiến mọi người nhớ lại sự kiện tháng 5/2023, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ NSA từng khẳng định, Bắc Kinh yểm trợ nhóm tin tặc Volt Typhoon được cho là có các hoạt động nhắm vào "nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu của Hoa Kỳ". Các chiến dịch tấn công mạng tương tự do Trung Quốc tiến hành, có khuynh hướng "mở rộng ra toàn thế giới". Tập đoàn phần mềm Microsoft báo động là căn cứ quân sự Mỹ tại đảo Guam đặc biệt được tin tặc Trung Quốc quan tâm.
Từ đó đến nay, các giới chức Mỹ đã liên tiếp cảnh báo về mức độ nguy hiểm của các toán tin tặc Trung Quốc. Washington càng lúc càng lo ngại rằng sự hiện diện của tin tặc Trung Quốc trong các cơ sở hạ tầng thiết yếu của Hoa Kỳ sẽ "có sức tàn phá tai hại" trong một cuộc đối đầu quân sự Mỹ-Trung. Cuộc xung đột đó có thể nảy sinh nếu như Bắc Kinh xâm chiếm Đài Loan và Mỹ yểm trợ hòn đảo này.
Hiện tại, theo điều tra của CISA, các nhóm tin tặc được "nhà nước Trung Quốc bảo trợ" đã nhắm vào hệ thống máy chủ của các tập đoàn Mỹ trong lĩnh vực "thông tin, năng lượng, giao thông và xử lý rác, nước thải". Tin tặc Trung Quốc thường can thiệp một cách "chớp nhoáng", tránh hiện diện lâu trong các máy chủ của đối phương để không bị phát hiện.
Cơ quan an ninh mạng CISA của Mỹ cũng chú ý đến trường hợp của Volt Typhoon. Nhóm này được cho là "chủ yếu nhắm tới các công ty phân phối nước, các công ty vận tải của Mỹ". Họ thường đánh cắp mật khẩu của các nhân viên Hoa Kỳ để "đột nhập" vào hệ thống tin học của những mục tiêu họ nhắm tới.
Một điểm nổi bật khác trong báo cáo vừa được cơ quan an ninh mạng của Hoa Kỳ tiết lộ đó là Trung Quốc đã "gài tin tặc" vào các hệ thống của Mỹ từ "5 năm nay" và trong thời gian đó họ "có đủ phương tiện để theo dõi" các mục tiêu cần nhắm tới.
Điều nguy hiểm ở đây là Trung Quốc chuẩn bị sẵn để "có khả năng can thiệp, phá hoại trong trường hợp cần thiết", tức là khi nổ ra xung đột về "địa chính trị hay quân sự". Vào tuần trước, giám đốc FBI trong một cuộc điều trần ở Hạ Viện tiết lộ chính phủ Mỹ đã "vô hiệu hóa mạng lưới tin tặc Volt Typhoon" cánh tay của nhà nước Trung Quốc hoạt động nhắm vào "nhiều cơ sở hạ tầng dân sự của Mỹ"
Đương nhiên Bắc Kinh cực lực phản bác mọi cáo buộc từ Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ. Đại sứ Trung Quốc tại Washington hôm qua khẳng định Bắc Kinh "không khuyến khích, hỗ trợ, không dung thứ cho mọi hành vi tấn công tin học"
Năm 2023, cũng Trung Quốc, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Uông Văn Bân, đã cho rằng cáo buộc của Mỹ về việc Bắc Kinh yểm trợ các toán tin tặc là "hoàn toàn không có cơ sở" ; chỉ nhằm "bôi nhọ thanh danh" của Trung Quốc. Thậm chí trong lĩnh vực dọ thám hay tấn công tin học Mỹ mới là những chuyên gia "bậc thầy".
Trong mọi trường hợp, sự kiên nhẫn của các nhóm tin tặc Trung Quốc đang thực sự khiến các giới chức an ninh Mỹ lo ngại, đặc biệt là trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tháng 11/2024. Thêm vào đó là bối cảnh địa chính trị càng lúc càng nóng lên ở nhiều nơi, đặc biệt là tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Không phải tình cờ mà Cơ quan An ninh Mạng và An ninh Cơ sở Hạ tầng Mỹ CISA trong báo cáo gần đây nhất kết luận : "Trung Quốc càng lúc càng quyết tâm giành quyền kiểm soát một số cơ sở hạ tầng của Mỹ và đấy không chỉ nhằm đánh cắp bí mật quốc gia" .
Tất cả những cảnh báo nói trên đều để lộ nhược điểm của Hoa Kỳ trên mặt trận an ninh mạng. Trong thế giới ảo và trong thời kỳ "công nghệ số", ít nhất là từ bầu cử tổng thống 2016 đến nay, nước Mỹ luôn sợ các tổ chức tin tặc can thiệp dưới nhiều hình thức khác nhau làm thay đổi kết quả bầu cử.
Thanh Hà
****************************
Citizen Lab : Hơn 100 trang mạng tại 30 nước tuyên truyền cho Trung Quốc
Trọng Thành, RFI, 08/02/2024
Theo hãng tin Reuters, một viện nghiên cứu chuyên giám sát thông tin trên mạng thuộc Đại học Toronto, Canada, hôm qua, 07/02/2024, đã công bố báo cáo về một công ty Trung Quốc, có quan hệ gần gũi với chính quyền Bắc Kinh, đứng sau 123 trang mạng, "giả danh báo chí địa phương", hoạt động tại 30 quốc gia ở Châu Âu, châu Mỹ và Châu Á. Những trang mạng này bị cáo buộc phổ biến các quan điểm có lợi cho chính quyền Trung Quốc, với nhiều thủ đoạn, trong đó có việc tung tin bịa đặt.
Bên trong Citizen Lab, "Hacker Hothouse" bảo vệ bạn khỏi Big Brother
Báo cáo của viện giám sát kỹ thuật số và thông tin trên mạng Citizen Lab chỉ đích danh công ty Trung Quốc Haimai (Hải Mại) chuyên về "quan hệ công chúng" đứng sau chiến dịch tuyên truyền này. Báo cáo của Citizen Lab nhấn mạnh đến việc các trang mạng nói trên tự giới thiệu là các trang thông tin địa phương, ví dụ như trang mạng mang tên Roma Journal, bề ngoài giống một hãng tin địa phương của Ý, với các thông tin nổi bật như "triển vọng chính trị của thủ tướng Ý", "hội khinh khí cầu ở một tỉnh phía bắc nước Ý" hay "một buổi ra mắt sách." Tuy nhiên, mục "Thông cáo báo chí" ở một góc trang chủ đăng lại một loạt bài viết trên truyền thông nhà nước Trung Quốc về các chủ đề, như đóng góp của Trung Quốc cho phục hồi kinh tế toàn cầu và nỗ lực đổi mới công nghệ của Trung Quốc. Theo báo Ý Il Foglio, trang mạng Roma Journal không phải là một cơ quan báo chí hợp pháp tại Ý.
Công ty Haimai đã không trả lời câu hỏi của Reuters. Hãng tin Anh cũng không thể liên lạc được với số điện thoại của công ty đăng tải trên trang nhà.
Tuyên truyền trước mắt ít gây hại, nhưng hậu quả có thể "vô cùng lớn"
Phần lớn nội dung trên các trang mạng, mà Citizen Lab tìm thấy, có nguồn gốc từ dịch vụ thông tin báo chí mang tên Times Newswire, dịch vụ mà các chuyên gia công ty an ninh mạng Mandiant năm ngoái xác nhận là một trung tâm của chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc nhắm vào người dân Mỹ. Trong số các nội dung có lợi cho Bắc Kinh, có nhiều "thuyết âm mưu" chống Mỹ và các đồng minh, chẳng hạn như đổ lỗi cho các nhà khoa học Mỹ làm rò rỉ virus gây bệnh Covid-19.
Viện nghiên cứu Citizen Lab cho biết chiến dịch này đã bắt đầu từ giữa năm 2020. Theo Reuters, rất hiếm khi các nhà điều tra liên kết được các hoạt động tuyên truyền như vậy với một cơ sở cụ thể của Trung Quốc. Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Hàn Quốc (NCSC), một bộ phận của cơ quan tình báo quốc gia, trong một báo cáo vào tháng 11/2023, cũng ghi nhận các liên hệ giữa 18 trang mạng thông tin với công ty Haimai nói trên.
Báo cáo của Viện Citizen Lab kết luận "chiến dịch mà công ty Haimai đứng sau là một ví dụ về hoạt động gây ảnh hưởng sâu rộng phục vụ cả lợi ích kinh tế và chính trị của Bắc Kinh". Citizen Lab kêu gọi cảnh giác, vì đằng sau các thông tin về cơ bản được đánh giá là "vô hại", các cơ sở mạo danh báo chí địa phương đang âm thầm gieo rắc các thông tin sai lệch, "rút cục sẽ gây ra các ảnh hưởng vô cùng lớn khi một trong số các thông tin sai lệch đó được truyền thông chủ lưu hoặc một số nhân vật chính trị hàng đầu chấp nhận".
Trọng Thành
*************************
Hà Lan cáo buộc Trung Quốc xâm nhập hệ thống mạng quân sự
Phan Minh, RFI, 07/02/2024
Các cơ quan tình báo Hà Lan hôm qua, 06/02/2024, thông báo đã phát hiện một phần mềm gián điệp của Trung Quốc trong mạng tin học mà quân đội Hà Lan sử dụng.
Ảnh minh họa về an ninh mạng. © Business Wire
Theo hãng tin Anh Reuters, đây là lần đầu tiên Hà Lan công khai tố cáo những hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng về an ninh quốc gia đang gia tăng giữa hai nước. Bộ trưởng Quốc Phòng Hà Lan Kajsa Ollongren cho biết : "Điều quan trọng là phải công khai thông tin để công chúng biết đến hoạt động gián điệp kiểu này của Trung Quốc, vì điều này sẽ giúp tăng cường khả năng phòng vệ đối với những hoạt động đó".
Các cơ quan tình báo Hà Lan (MIVD và AIVD) cho biết tin tặc Trung Quốc đã đặt phần mềm gián điệp vào hệ thống mạng của quân đội Hà Lan mà 50 nhân viên sử dụng cho những hoạt động nghiên cứu của bộ Quốc Phòng. Họ nhấn mạnh sự việc này nằm trong khuôn khổ hoạt động gián điệp rộng lớn của Trung Quốc chống lại Hà Lan và các đồng minh của Hà Lan.
Tuy vậy, báo cáo hôm qua của tình báo Hà Lan không nêu rõ tin tặc đã tìm cách lấy những thông tin gì. Báo cáo cũng cho biết Hà Lan không chịu thiệt hại nặng nề, bởi hệ thống này tách biệt với hệ thống mạng chính của bộ Quốc Phòng. Trong một báo cáo khác vào tháng 04/2023, cơ quan MIVD cho biết Trung Quốc đang tìm cách mua lại công nghệ vũ trụ của Hà Lan một cách bất hợp pháp.
Bắc Kinh hôm nay, 07/02, khẳng định không có liên quan đến hoạt động gián điệp mạng nói trên, xem những cáo buộc của Amsterdamlà "vô căn cứ".
Phan Minh
Hoa Kỳ lại cảnh báo nguy cơ Trung Quốc tấn công tin tặc
Anh Vũ, RFI, 26/05/2023
Theo hãng tin Reuters, đến lượt Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 25/05/2023 lên tiếng cảnh báo về khả năng Trung Quốc tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm các cơ sở hạ tầng trọng yếu, đặc biệt là các đường ống dẫn dầu khí, cũng như hệ thống đường sắt của Hoa Kỳ.
Hôm 24/05/2023, Microsoft đã phát hiện một chiến dịch tin tặc quy mô lớn mà họ đặt tên là Volt Typhoon. AP - Michel Spingler
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, khẳng định trong cuộc họp báo hôm qua 25/05 tại Washington : "Cộng đồng tình báo Mỹ nhận định có khả năng gần như chắc chắn Trung Quốc tiến hành chiến dịch tấn công tin tặc có thể sẽ làm rối loạn hoạt động của các cơ sở hạ tầng trọng yếu tại Hoa Kỳ, trong đó bao gồm các hệ thống dẫn dầu khí và đường sắt". Quan chức Mỹ nhấn mạnh là chính phủ và các cơ quan bảo vệ dịch vụ công của Hoa Kỳ phải hết sức cảnh giác.
Năm 2021, một hệ thống đường ống dẫn dầu của Mỹ đã bị tấn công tin tặc, gây rối loạn các hoạt động cung cấp nhiên liệu cho phần bờ đông nước Mỹ.
Hôm thứ Tư 24/05, các chuyên gia phân tích của Microsoft đã phát hiện một chiến dịch tin tặc quy mô lớn, mà họ đặt tên là Volt Typhoon, "có thể gây rối loạn hệ thống hạ tầng cơ sở giao thông liên lạc trọng yếu từ Hoa Kỳ đến khu vực Châu Á". Các cơ quan tình báo Mỹ, Anh và nhiều nước đồng minh thân cận khác đã phát báo động, đồng thời các công ty an ninh mạng chủ chốt của Mỹ cũng đã xác nhận nguy cơ tấn công tin tặc nói trên.
Trong một diễn biến khác liên quan đến quan hệ Mỹ - Trung, theo AFP, tại cuộc gặp lãnh đạo bộ Thương Mại của hai nước tại Washington hôm qua, bộ trưởng Thương Mại Mỹ, Gina Raimondo đã bày tỏ quan ngại với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Văn Đào (Wang Wentao) về một loạt biện pháp hạn chế mà Bắc Kinh vừa ban hành hôm Chủ Nhật đối với các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc. Cụ thể đó là lệnh cấm sử dụng chip bán dẫn của công ty Mỹ Micron, vì lý do "an ninh quốc gia".
Bang giao giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới vẫn tiếp tục căng thẳng trên mọi lĩnh vực, từ ngoại giao, quân sự, kinh tế, cho đến công nghệ. Washington và Bắc Kinh đã nối lại các cuộc tiếp xúc cấp cao trong những tuần gần đây, với hy vọng hạ nhiệt quan hệ song phương.
Anh Vũ
************************
Tình báo phương Tây : Tin tặc Trung Quốc tấn công cơ sở hạ tầng thiết yếu của Mỹ
Thanh Hà, RFI, 25/05/2023
Báo cáo của Cơ Quan An Ninh Quốc Gia Mỹ NSA được công bố hôm 24/05/2023 khẳng định Bắc Kinh yểm trợ nhóm tin tặc Volt Typhoon được cho là có các hoạt động nhắm vào "nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu của Hoa Kỳ". Các chiến dịch tấn công mạng tương tự do Trung Quốc tiến hành có khuynh hướng "mở rộng ra toàn thế giới". Tập đoàn phần mềm Microsoft báo động căn cứ quân sự Mỹ tại đảo Guam đặc biệt được tin tặc Trung Quốc quan tâm.
Camera giám sát ở gần văn phòng của Microsoft ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 20/07/2021. © AP - Andy Wong
Trong thông cáo chung, các giới chức đặc trách về an ninh của Mỹ và các đối tác trong nhóm Ngũ Nhãn Five Eyes (gồm Canada, Anh, Úc, New Zealand và Hoa Kỳ) cảnh báo "một nhóm có liên kết với Volt Typhoon, một tổ chức tin tặc được nhà nước Trung Quốc bảo trợ" đã tiến hành hàng loạt chiến dịch nhắm vào "nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu của Mỹ". Nhóm này có thể "áp dụng những kỹ thuật tương tự đối với toàn thế giới".
Trong một thông cáo khác, tập đoàn phần mềm của Mỹ Microsoft đi sâu hơn vào chi tiết khi cho rằng, từ giữa 2021, Volt Typhoon đã rất năng động. Đảo Guam, nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự trong vùng Thái Bình Dương, là một trong những mục tiêu chính của nhóm tin tặc này. Mục tiêu của tin tặc Trung Quốc nhằm "gây nhiễu các hệ thông viễn thông chủ chốt giữa Hoa Kỳ với các đối tác Châu Á trong trường hợp xảy ra khủng hoảng" ở vùng Thái Bình Dương.
Vẫn theo thông cáo hôm 24/05/2023 của Microsoft, Volt Typhoon đột nhập vào khá nhiều lĩnh vực, như "viễn thông, công nghiệp, dịch vụ công cộng, ngành xây dựng, các hoạt động hàng hải, các cơ quan hành chính của chính phủ, công nghệ thông tin và cả giáo dục". Tin tặc Trung Quốc dường như vừa do thám, vừa duy trì khả năng để có thể thâm nhập vào các cơ sở thiết yếu của Mỹ mà không bị phát hiện, đồng thời giữ những cổng vào đó "lâu chừng nào tốt chừng nấy". Volt Typhoon sử dụng một phần mềm cho phép tấn công mà "không để lại vết tích".
Jen Eastrly, giám đốc Cơ Quan An Ninh Cơ Sở Hạ Tầng và An Ninh Mạng của Mỹ, được AFP trích dẫn, trực tiếp nhắm vào chính quyền Bắc Kinh. Bà khẳng định "từ nhiều năm nay, Trung Quốc tiến hành các hoạt động do thám nhằm đánh cắp bản quyền và giữ liệu nhạy cảm của các tổ chức then chốt trên toàn thế giới". Trung Quốc "càng lúc càng sử dụng những công cụ tinh vi" để thực hiện mục tiêu này. Giới trong ngành đồng loạt cho rằng qua việc "lột mặt nạ" Volt Typhoon, Mỹ và phương Tây nâng cao khả năng tự vệ trước các hoạt động tin tặc.
Trung Quốc tố cáo Five Eyes "tung tin thất thiệt"
Bắc Kinh đã ngay lập tức có phản ứng. Họp báo hôm 25/5, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh lên án Mỹ và bốn nước đồng minh lao vào một chiến dịch "bóp méo thông tin làm phương hại đến quyền lợi của Trung Quốc". Theo bà, báo cáo của an ninh Hoa Kỳ căn cứ trên những "thông tin không đầy đủ", nhân viên tình báo của nhóm Ngũ Nhãn hoạt động một cách "thiếu chuyên nghiệp". Đây không hơn không kém, là một "chiến dịch tập thể do Mỹ khởi động, bóp méo thông tin để phục vụ những mục đích địa chính trị".
Thanh Hà
Mỹ giới thiệu dự luật ghi nhận đóng góp của người Hmong trong chiến tranh Việt Nam
VOA, 25/09/2020
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Tammy Baldwin, một thành viên của Ủy ban Phân bổ Ngân sách của Thượng viện, vừa giới thiệu Dự luật công nhận di sản của các cộng đồng người tị nạn và người nhập cư từ Đông Nam Á như người Hmong và người Thượng vì những đóng góp, hỗ trợ và bảo vệ của họ đối với quân đội Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam.
Tammy Baldwin giới thiệu
"Người Mỹ mang ơn cộng đồng người tị nạn và nhập cư từ Việt Nam, Lào và Campuchia vì sự phục vụ và hy sinh của họ trong cuộc xung đột chết chóc ở Đông Nam Á. Chúng ta phải tôn vinh những nỗ lực và việc làm đúng đắn của những người hiện vẫn đang gánh chịu hậu quả của chiến tranh", Thượng nghị sĩ Baldwin nói trong thông cáo báo chí về Dự luật Gỡ bỏ bom mìn chưa nổ và Ghi nhận Di sản chiến tranh hôm 24/9.
Nữ thượng nghị sĩ Mỹ cho biết bà đã nghe từ rất nhiều người ở bang Wisconsin của bà và đã gặp những người sống sót sau khi bị tai nạn từ bom mìn trong chiến tranh Việt Nam nên thấy cần phải làm nhiều hơn nữa để bù đắp những mất mát, đau thương của chiến tranh còn sót lại, trong đó có việc rà soát và gỡ bom mìn tại Việt Nam, Lào và Campuchia.
Thông cáo nói thêm rằng nhiều cộng đồng người Hmong, người Chăm, Campuchia, Iu-Miên, Khmu, Lào, Thượng và người Việt đã chiến đấu và hy sinh cùng binh sĩ Hoa Kỳ trong cuộc chiến ở Đông Nam Á vào những năm 1960 và 1970, bị thương vong cao nhưng thường rất ít hoặc không được công nhận.
Ghi nhận việc thành viên của các cộng đồng trên đã cứu sống hàng nghìn người bằng cách sơ tán những người gặp nạn của quân đội Mỹ và đồng minh, giải cứu các phi công Mỹ bị bắn rơi trong lãnh thổ của đối phương, thông cáo nói : "Vì sự hỗ trợ của họ đối với Hoa Kỳ trong cuộc xung đột, các thành viên của các cộng đồng đó đã phải đối mặt với sự đàn áp nặng nề từ các nước sở tại với hơn ba triệu người bị buộc phải chạy trốn và tị nạn ở các nước khác".
Dự luật cũng đề cập đến tình trạng bom mìn còn sót tiếp tục gây thương vong cho khoảng 105.000 người ở Việt Nam kể từ năm 1975.
Ngoài đề nghị công nhân và tôn vinh những đóng góp, hy sinh của các cộng đồng Đông Nam Á đối với quân đội Mỹ, Dự luật do Thượng nghị sĩ Baldwin giới thiệu cũng đề nghị khoản hỗ trợ tài chính 100.000.000 đô la cho mỗi năm tài chính, kể từ năm 2021 đến 2025, cho các chương trình hỗ trợ nhân đạo nhằm tiến hành các cuộc điều tra về vật liệu nổ và vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, Lào và Campuchia ; rà phá bom mìn và nâng cao năng lực, giáo dục rủi ro và hỗ trợ cho các nạn nhân tại 3 quốc gia trên.
Dự luật được ủng hộ bởi nhiều tổ chức các cộng đồng như Di sản Chiến tranh (LoW), HALO Trust (Hoa Kỳ), Asian American Alliance (Liên minh người Mỹ gốc Á), Chiến dịch vì trách nhiệm và Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, tổ chức Hòa giải & Chữa lành Cựu chiến binh Việt Nam...
********************
Hoa Kỳ ‘truy nã hacker Trung Quốc đánh mạng chính phủ Việt Nam’
BBC, 26/09/2020
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ mới đây cho biết đã bắt 2 nghi phạm người Malaysia và phát lệnh truy nã 5 hacker là công dân và sống ở Trung Quốc.
Tin tặc điện tử - Ảnh minh họa
Thông cáo ngày 16/9 của Mỹ cho hay 5 hacker Trung Quốc đã từng tấn công mạng liên quan 100 công ty ở Mỹ và nước ngoài.
Đáng quan tâm, các hacker này cũng bị cáo buộc từng xâm nhập được vào mạng vi tính thuộc chính phủ Việt Nam và Ấn Độ.
Nhóm này cũng đã tấn công nhưng không thể xâm nhập mạng của chính phủ Anh.
Hai doanh nhân người Malaysia bị bắt ngày 14/9 theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc thông đồng với các hacker Trung Quốc để thu lợi từ việc tấn công các công ty video game của Mỹ.
Cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ nói rằng các tin tặc Trung Quốc đã tấn công mạng lưới vi tính thuộc chính phủ Việt Nam, Ấn Độ và Anh.
Họ dùng các công cụ như Acunetix, SQLMap và Cobalt Strike.
Khoảng tháng Chín 2018, nhóm này đã xâm nhập được vào các máy tính của chính phủ Việt Nam.
Năm 2019, nhóm này cũng vào được các trang mạng và server thuộc chính phủ Ấn Độ.
Nhóm này cũng bị Mỹ cáo buộc tấn công các tài khoản của các nhà hoạt động đòi dân chủ ở Hong Kong.
Ngoài ra, nhóm tin tặc còn tìm cách tấn công các công ty làm video game, để kiếm tiền.
Tại một buổi họp báo công bố cáo trạng, điệp viên FBI James Dawson nói : "Các hoạt động tội phạm kiếm tiền này diễn ra với sự đồng tình ngầm của chính phủ Trung Quốc".
Theo cáo buộc, nhóm hacker này sống ở Trung Quốc, làm việc cho một công ty có tên Chengdu 404.
Theo báo công nghệ Wired, có thể Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc bắt đầu sử dụng các nhóm hacker tư nhân theo sau thỏa thuận năm 2014, khi Mỹ và Trung Quốc cam kết ngừng hoạt động tin tặc nhắm vào các công ty tư nhân.
Adam Meyers, từ công ty CrowdStrike, bình luận : "Có thể các tin tặc tạo ra một công ty làm thuê cho Bộ An ninh Trung Quốc. Bằng cách đưa hợp đồng ra bên ngoài, người ta có thể kiếm cớ phủ nhận liên quan".
Cả năm tin tặc Trung Quốc đều chưa bị Mỹ bắt giữ.
Bộ Tư pháp Mỹ nói cáo trạng vẫn gửi ra thông điệp cứng rắn cho tin tặc Trung Quốc và cho các cơ quan nhà nước Trung Quốc rằng Mỹ sẽ bắt họ chịu trách nhiệm.
Nhóm hacker liên quan đến quân đội Trung Quốc thu thập tài liệu tình báo từ chính phủ các nước Đông Nam Á (RFA, 09/05/2020)
Một nhóm hacker của Trung Quốc đã có các hoạt động gián điệp mạng để thu thập thông tin, dữ liệu nhắm vào các cơ quan chính phủ và công ty công nghệ ở một số nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, theo cáo buộc của công ty về an ninh mạng của Israel có tên Check Point Research trong một báo cáo mới được công bố.
Nhóm hacker có tên Naikon đã sử dụng phần mềm có tên Aria-body để nhắm vào các cơ quan chính phủ và công ty công nghệ tại - Hình minh họa.
Theo báo cáo, nhóm hacker có tên Naikon đã sử dụng phần mềm có tên Aria-body để nhắm vào các cơ quan chính phủ và công ty công nghệ tại các nước Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Myanmar, và thậm chí cả Australia.
Theo báo cáo của Check Point Research, nhóm hacker đã sử dụng cửa hậu của Aria-bodyđể thâm nhập các máy tính, "thu thập các tài liệu từ các máy tính và mạng bị nhiễm trong các cơ quan chính phủ, lấy dữ liệu từ các ổ nhớ rời, chụp ảnh màn hình, thu thập thông tin khi người dùng sử dụng bàn phím ở máy tính, và tất nhiên cả việc thu thập dữ liệu bị đánh cắp cho mục đích gián điệp".
Check Point Research không chỉ ra liệu nhóm Naikon có thuộc chính phủ Trung Quốc hay không.
Tuy nhiên, trong một báo cáo được công bố vào tháng 9 năm 2015 của hai công ty Mỹ là Defense Group và ThreatConnect, Naikon có liên quan đến Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Theo hai công ty này, Naikon đã thực hiện giám điệp mạng cho PLA liên quan đến vấn đề Biển Đông.
Trong nhóm các nước bị ảnh hưởng bới Naikon theo báo cáo mới, ngoài 3 nước không có liên quan đến tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc là Australia, Myanmar và Thái Lan, tất cả các nước còn lại đều đang có những đòi hỏi về chủ quyền ở Biển Đông nơi Trung Quốc cũng đòi chủ quyền đến gần 90% diện tích vùng biển.
BenarNews thuộc Đài Á Châu Tự Do đã gửi thư xin phản ứng từ Đại sứ quán Trung Quốc về cáo buộc mới liên quan đến nhóm Naikon nhưng chưa nhận được phản hồi.
Giới chức các nước Thái Lan, Indonesia cho biết các nước này đang tìm hiểu thêm về thông tin này.
********************
WHO : Covid-19 có thể ‘âm ỉ’ tại Châu Phi (VOA, 09/05/2020)
Khoảng 190.000 người tại Châu Phi có thể chết vì Covid-19-10 trong năm đầu của đại dịch và căn bệnh này có thể "âm ỉ" trên lục địa này nhiều năm, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo.
Một phụ nữ Nam Phi mang khẩu trang ngừa lây nhiễm Covid-19 tại Diepsloot gần Johannesburg.
Có khoảng 44 triệu người trong số 1,3 tỉ dân của lục địa có thể bị lây nhiễm trong cùng một thời gian, cơ quan y tế Liên hiệp quốc ước lượng, căn cứ theo mẫu tiên đoán 47 nước Châu Phi.
Tuy nhiên con số ước lượng lây nhiễm và tử vong căn cứ vào giả thuyết là không có biện pháp chế ngự nào cả.
Trên thực tế có 43 nước Châu Phi đã thi hành các biện pháp để giảm bớt sự lây lan của virus, từ đóng cửa cả nước, đến hạn chế tại những thành phố lớn cho tới ra lệnh giới nghiêm, đóng cửa trường học và cấm tụ tập tại nơi công cộng.
Có hơn 52.000 ca lây nhiễm được xác nhận và 2.074 ca tử vong liên hệ đến virus được các nước Phi Châu loan báo, theo con số được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi công bố ngày 8/5. Tổng số các ca đã tăng hơn 42% trong tuần qua.
Bệnh này dường như lây lan chậm hơn tại Châu Phi hơn là Châu Âu, theo phúc trình của WHO. Các giới chức nói điều này có thể do theo dõi yếu kém hay những đường dây chuyển vận kém phát triển.
"Trong khi Covid-19 không lây lan cấp số nhân tại Châu Phi như ở các nơi khác trên thế giới, nhưng sẽ âm ỉ lây lan tại những điểm nóng", bác sĩ Matshidiso Moeti, giám đốc khu vực của WHO tại Châu Phi nói tại trụ sở ở Brazzaville, nước Cộng hòa Congo. Chuyên gia này nói dịch bệnh bùng phát có phần chắc sẽ lên đến cao điểm trong vòng 1 tháng sau khi virus bắt đầu lây lan rộng rãi trong các cộng đồng.
"Covid-19 có thể trở thành một bộ phận trong đời sống của chúng ta trong vài năm tới trừ phi có một phương pháp mạnh mẽ được nhiều chính phủ trong vùng thực hiện. Chúng ta cần xét nghiệm, theo dõi, cách ly và chữa trị", bác sĩ Moeti nói trong một cuộc gọi video.
Châu Phi có dân số hầu hết dưới 20 tuổi, có thể chứng kiến tỉ xuất lây nhiễm chậm, ít ca nặng và ít chết hơn do virus được biết là ảnh hưởng nặng nề lên người lớn tuổi với tỉ lệ tử vong cao hơn.
Tuy nhiên Châu Phi có thể chứng kiến bùng phát kéo dài lâu hơn trong vài năm, theo như cuộc nghiên cứu. Algeria, Nam Phi và Cameroon cũng như một vài nước Châu Phi nhỏ hơn có nguy cơ cao hơn nếu không đặt ưu tiên vào các biện pháp chế ngự, cuộc nghiên cứu cho biết.
Có khoảng 5,5 triệu người Châu Phi phải nằm bệnh viện vì Covid-19 làm cho căng thẳng nặng nề những nguồn lực y tế của nhiều nước.
Châu Phi có trung bình 9 giường chăm sóc đặt biệt trong 1 triệu người, theo cuộc thăm dò mới đây của WHO. Đây là một điều không thích ứng một cách đau lòng", báo cáo nói.
Tầm quan trọng của việc thúc đẩy mạnh mẽ các biện pháp chế ngự là thiết yếu, khi việc lây nhiễm rộng rãi và lâu dài của virus có thể làm quá tải trầm trọng hệ thống y tế của chúng ta", bác sĩ Moeti nói. "Ngăn chặn bùng phát ở mức độ cao tổn phí hơn là các biện pháp phòng ngừa đang được các chính phủ thực hiện để chế ngự sự lây lan của virus".
Cách ly xã hội và rửa tay thường xuyên là chìa khóa của những biện pháp chế ngự virus tại Châu Phi.
Tin tặc, vận động hành lang : Trung Quốc lũng đoạn chính trường Úc
Thông tín viên của Le Monde ở Sydney cho biết "Trung Quốc tấn công vào Quốc hội Úc bằng tin tặc và vận động hành lang".
Tin tặc - Ảnh minh họa.REUTERS/Kacper Pempel/Illustration/File Photo
Theo tiết lộ của hãng tin Reuters hôm 16/9, dẫn ra năm nguồn thạo tin, thì cơ quan tình báo Úc nhận định Trung Quốc là thủ phạm các vụ tấn công tin học vào Quốc hội và ba đảng chính của Úc. Hồi tháng Hai Canberra đã nhìn nhận hệ thống vi tính của Quốc hội Úc có bị xâm nhập, có lẽ là từ một chính phủ nước ngoài, nhưng không nêu tên. Báo cáo của tình báo Úc khuyến cáo nên giữ bí mật để không ảnh hưởng đến quan hệ với Bắc Kinh, đối tác thương mại hàng đầu của Úc.
Hoạt động gián điệp hay nhằm gây ảnh hưởng ? Hervé Lemahieu, giám đốc chương trình Quyền lực và ngoại giao Châu Á của Lowy Institute ở Sydney cho rằng các biện pháp tương tự của gián điệp có thể được khai thác để lũng đoạn chính trị.
Trong những năm gần đây, chính phủ Úc gia tăng nỗ lực để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại đây. Ông Lemahieu cho biết : "Ngay từ năm 2017, Canberra đã cấm các đảng phái nhận tiền từ nước ngoài và đòi hỏi các nhà vận động hành lang phải khai báo tất cả mọi quan hệ với chính quyền nước khác. Một năm sau, chính phủ Úc cấm Hoa Vi (Huawei) tham gia mạng lưới 5G". Ông kết luận : "Úc nói ít, làm nhiều".
Từ tuần trước, dân biểu đảng Tự Do Liệu Thiền Nga (Gladys Liu), người gốc Hoa đầu tiên vào được Hạ Viện đã "biết đá biết vàng" với không khí nghi kỵ về trọng lượng của Bắc Kinh trong nội tình nước Úc. Báo chí Úc tiết lộ bà Liệu Thiền Nga, sinh tại Hồng Kông và định cư ở Úc năm 1985, từng là thành viên của hai hiệp hội Trung Quốc trong khu vực có liên quan đến Mặt trận Tổ quốc ở Hoa lục, từ 2003 đến 2015. Tổ chức đầy quyền lực này có nhiệm vụ thu phục các đồng minh không cộng sản tại các nước, đặc biệt là trong cộng đồng người Hoa.
Bà Liệu phải giải thích trong các cuộc tranh luận kịch liệt ở Quốc hội, theo yêu cầu của đảng Lao Động đối lập, là bà không biết ai đã ghi tên bà vào hội, và khẳng định đã ra khỏi các tổ chức này. Thủ tướng Scott Morrison, mà đảng Tự Do của ông đã hưởng được các món quyên góp lớn – khoảng 1 triệu đô la Úc (620.000 euro) – nhờ bà Liệu Thiền Nga và mạng lưới của bà, tố cáo đây là chiến dịch "vu khống".
Trường hợp Hoàng Hướng Mặc (Huang Xiangmo) gây ồn ào nhất trong các vụ Bắc Kinh can thiệp vào chính trường Úc, và vẫn chưa kết thúc. Hôm thứ Ba 17/9, chính quyền Úc đã phong tỏa bốn tòa nhà sang trọng của đại gia địa ốc Trung Quốc. Ông này không những bị từ chối cho nhập tịch mà tư cách thường trú nhân cũng bị chấm dứt, do là trung tâm cuộc điều tra về các món tiền đóng góp bất hợp lệ cho đảng Lao Động, qua vụ này một thượng nghị sĩ là Sam Dastyari đã phải ra đi.
Trung Quốc-Vatican, năm thứ nhất
Cũng liên quan đến người khổng lồ Châu Á, nhật báo công giáo La Croix có bài viết mang tựa đề "Trung Quốc – Vatican, năm thứ nhất".
Ngày 22/09/2018, Tòa Thánh và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận tạm thời về việc phong chức cho các giám mục tại Trung Quốc. Một năm sau, thỏa thuận này đã được dần dà áp dụng, cho dù chính sách tôn giáo của Trung Quốc vẫn nặng nề.
Nhà báo Gianni Valente của hãng tin Vatican, chuyên về Trung Quốc nhận xét : "Việc Đức giáo hoàng là người quyết định cuối cùng trong việc chọn lựa giám mục đã làm thay đổi rất nhiều". Ông nhìn nhận rằng thỏa thuận này "không hoàn hảo và không giải quyết được mọi vấn đề", tuy nhiên "từ nay tất cả các giám mục Trung Quốc được Roma công nhận - một cuộc cách mạng vì đây là vướng mắc trong suốt 70 năm qua".
Không có các ứng dụng Google, smartphone Hoa Vi như "cục gạch" đắt tiền
Về kinh tế, Les Echos đề cập đến việc Hoa Vi hôm qua tại Munchën (Munich), Đức đã giới thiệu hai mẫu điện thoại mới là Mate 30 và Mate 30 Pro, nhưng không có các ứng dụng của Google.
Mười bốn ăng-ten 5G, 4 cảm biến chụp ảnh, có thể cài đặt siêu chậm để quay lại một con chim ruồi nhỏ bé đang vỗ cánh… hai sản phẩm công nghệ tuyệt vời này lại không có được Google Mobile Services do bị Mỹ trừng phạt.
Bị Washington cho vào danh sách đen hồi tháng Năm, Hoa Vi không còn được sử dụng Android, hệ điều hành dùng cho tất cả các smartphone của hãng này từ năm 2009, cũng như Play Store, nơi tập trung mọi ứng dụng. Hoa Vi thay thế bằng Huawei Mobile Services, có khoảng 45.000 ứng dụng, và đang làm phong phú thêm : dành đến 1,5 tỉ đô la để kích thích các lập trình viên lập ra những ứng dụng mới cho mình.
Tuy nhiên rất khó bán cho người tiêu dùng Châu Âu các điện thoại không cài sẵn những ứng dụng quen thuộc. Hiện nay Hoa Vi có 570 triệu người sử dụng hàng tháng, nhưng hầu hết ở Trung Quốc, nơi mà các ứng dụng Facebook, Google không thể vào được vì Bắc Kinh kiểm duyệt. Nhà phân tích Neil Mawston kết luận : "Tại Châu Âu, smartphone nếu không có Gmail hay Google Maps, chỉ là một cục gạch quá đắt tiền. Nội dung chính là vua !"
OCDE : Tăng trưởng toàn cầu thấp nhất từ 10 năm qua
La Croixhôm nay 20/09/2019 nói về những làng quê đã thu hút thêm được cư dân, nhân dịp thủ tướng Edouard Philippe trình bày kế hoạch để hỗ trợ cho các hoạt động tại miền quê nước Pháp vốn thường bị bỏ rơi. Tương tự, Le Figaro chạy tít "Kế hoạch của chính phủ để xoa dịu thị trưởng các vùng quê". Libération quan tâm đến việc Netflix, dịch vụ truyền dữ liệu video theo yêu cầu, sau năm năm đặt chân lên đất Pháp đã thỏa thuận với kênh Canal+ để hình thành một gói thuê bao chung với giá rẻ.
Nhìn chung kinh tế toàn cầu, Le Monde chạy tựa "Tăng trưởng thế giới : Chẩn đoán gây sốc của OCDE". Les Echos giải thích "Tăng trưởng : Vì sao thế giới lo ngại". Mức tăng trưởng của thế giới năm nay chỉ ở mức 2,9%, thấp nhất kể từ 10 năm qua, theo dự báo của Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OCDE) công bố tại Paris hôm qua.
Kinh tế gia trưởng Laurence Boone cổ vũ cho việc nhà nước đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhất là lãi suất đang rất thấp. Về trung hạn, thế giới còn thiếu 6.000 tỉ đô la mỗi năm cho giao thông, giáo dục, y tế, điện, viễn thông… Đầu tư ít, nhưng doanh nghiệp tư nhân lại đang nợ nần rất nhiều – một câu hỏi mà OCDE đang tìm lời giải đáp.
Tuy vậy kịch bản của OCDE vẫn còn nhiều bất định. Tổ chức này chưa tính đến tác động từ giá dầu sau vụ tấn công vào các cơ sở dầu lửa của Ả Rập Xê Út tuần trước. Và Brexit vẫn còn mơ hồ, một "no deal" sẽ khiến tất cả phải trả giá đắt.
Thế giới bên bờ vực khủng hoảng nguyên tử
Một lời cảnh báo khác : "Thế giới đang bên bờ vực khủng hoảng hạt nhân". Theo Les Echos, việc từ bỏ các hiệp ước quan trọng về giải trừ vũ khí nguyên tử giữa Nga và Hoa Kỳ là mối đe dọa lớn lao cho thế giới.
Washington với sự ủng hộ của 28 đồng minh NATO tố cáo Moskva vi phạm hiệp ước INF khi cho thử nghiệm, chế tạo và triển khai một loại hỏa tiễn hành trình địa-địa cơ động (SSC-8). Và lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh lạnh, đến lượt Mỹ cho thử một hỏa tiễn tầm trung.
Một hiệp ước khác là New Start Strategic Arms Reduction Treaty, năm 2010 được tổng thống Barack Obama và đồng nhiệm Nga thời đó là Dimitri Medvedev ký kết, sẽ hết giá trị vào năm 2021 và có thể sẽ không được gia hạn. Mục tiêu là giới hạn số bom mang đầu đạn nguyên tử của mỗi nước là 1.550. Cho đến nay cả tổng thống Donald Trump lẫn Vladimir Putin đều chưa thấy đả động đến việc đàm phán.
Còn một nỗi lo nữa : hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), năm tới sẽ đúng 50 "tuổi". Một hiệp ước hầu như toàn cầu, vì chỉ có Israel, Ấn Độ và Pakistan không phê chuẩn, còn Bắc Triều Tiên thì rút lui. Trong khi đó tổng thống Donald Trump đã đơn phương rút khỏi hiệp ước nguyên tử Iran ký kết hồi tháng 7/2015.
Ngày nay, trên thế giới không còn là sự đối đầu lưỡng cực Mỹ-Liên Xô, mà mối đe dọa đã trải rộng với việc Trung Quốc bước vào sân chơi, chế tạo ra các loại vũ khí nguyên tử chiến thuật. Một tình thế đảo lộn, mà Châu Âu đang phải đứng ngoài cuộc chơi.
"Bây giờ là 12 giờ đêm kém 2 phút trước Ngày phán xử cuối cùng", tựa một bài báo hồi đầu tháng Giêng của "Bulletin of the Atomic Scientists". Chuyên gia François Heisbourg, Quỹ nghiên cứu Chiến lược (FRS) khẳng định, nếu tổng thể các hiệp ước trên đây đã giúp tránh được một cuộc chiến tranh nguyên tử, thì hãy còn rất ít thì giờ để ngồi lại vào bàn đàm phán.
Ben Ali, ông vua mất ngôi của Mùa Xuân Ả Rập qua đời
Tại Bắc Phi, sự kiện cựu tổng thống Tunisia qua đời ở tuổi 83 ở quốc gia ông tị nạn là Ả Rập Xê Út, được nhiều tờ báo chú ý. Ông Ben Ali chạy trốn sang đây từ đầu năm 2011, sau 23 năm trị vì bằng bàn tay sắt, do người dân nổi dậy trong cuộc Cách mạng hoa lài. Libération có bài viết "Tunisie : Ben Ali, sự sụp đổ cuối cùng", còn Le Figaro mô tả "Ben Ali, vị vua mất ngôi của Tunisie".
Les Echos cho biết, tư pháp Tunisia năm 2018 đã kết án khiếm diện nhà cựu độc tài 200 năm tù vì nhiều tội danh trong đó có sát nhân, tham nhũng, tra tấn. Cùng với sự sụp đổ của chế độ độc tài Ben Ali, là cả một hệ thống mafia đã giúp cho ông cướp bóc rất nhiều của cải đất nước.
Sau năm nhiệm kỳ liên tiếp – nhờ sửa đổi Hiến pháp để dỡ bỏ hạn chế về số nhiệm kỳ và tuổi tác – Zine El Abidine Ben Ali bị đám đông phẫn nộ truy lùng. Ông phải nhanh chóng đào tẩu cùng với bà vợ hai Leila Trabelsi, phu nhân xuất thân là thợ uốn tóc nối tiếng xài sang, tham lam, vơ vét cho cả dòng họ…bị cả nước Tunisie căm ghét. Người dân sẽ không nhỏ một giọt nước mắt nào cho ông.
Françoise Sagan : Buồn ơi chào mi !
Trên lãnh vực văn chương, các báo đều chú ý đến một tiểu thuyết của Françoise Sagan, ra mắt đúng 15 năm sau khi nhà văn nữ hiện sinh của Pháp qua đời, do con trai độc nhất của bà cho xuất bản.
Bản thảo chưa hoàn chỉnh được con trai nhà văn, Denis Westhoff tìm được trong một ngăn kéo, với rất nhiều khoảng trống được chừa do có những từ người đánh máy không hiểu rõ lời bà Sagan. Cuốn tiểu thuyết mang tên "Les Quatre Coins du Cœur" (tạm dịch "Bốn góc trái tim", được in 80.000 bản, là tác phẩm cuối cùng của nhà văn từng gây sóng gió trên văn đàn lúc mới 18 tuổi, với cuốn tiểu thuyết đầu tay "Bonjour Tristesse" ("Buồn ơi chào mi").
Thụy My
Trung Quốc tăng cường kiểm soát Biển Đông với tàu tiếp tế mới (RFI, 17/09/2019)
Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát Biển Đông với một tàu tiếp tế mới có tầm hoạt động bao phủ toàn bộ vùng biển này.
Quần đảo Hoàng Sa, Biển Đông. Ảnh chụp ngày 27/07/2012STR / AFP
Vừa được cho chạy thử đến đảo Phú Lâm vào cuối tháng 8, tàu tiếp tế "Tam Sa 2", có trọng tải lên tới hơn 8.000 tấn, có thể chạy 6.000 km mà không cần được tiếp nhiên liệu và có thể chở đến 400 người, theo khẳng định của Tân Hoa Xã. Theo giới phân tích, chiếc tàu tiếp tế khổng lồ này sẽ tham gia vận chuyển các thiết bị đến quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang kiểm soát toàn bộ, và có thể là đến cả quần đảo Trường Sa.
Trước "Tam Sa 2", tàu "Tam Sa 1", do cùng một công ty đóng, đã được đưa vào sử dụng năm 2015 ở Biển Đông, nhưng tàu này chỉ có trọng tải 7.800 tấn.
Jay Batongbacal, giáo sư hàng hải quốc tế, Đại Học Philippines, được đài VOA trích dẫn ngày 16/09/2019, nhận định, với tàu tiếp tế mới, Trung Quốc đang mở rộng khả năng hoạt động ra toàn bộ các vùng ở Biển Đông. Theo vị giáo sư này, triển khai tàu "Tam Sa 2" ra các vùng đang tranh chấp thậm chí còn có ý nghĩa biểu tượng. Điều này còn quan trọng hơn ở chỗ là họ vẫn bỏ xa các nước khác trong khu vực.
Còn theo ông Andrew Yang, tổng thư ký Hội đồng Trung Quốc của Đài Loan, tàu tiếp tế mới sẽ tăng cường khả năng hỗ trợ hậu cần cho các binh sĩ đồn trú trên các đảo ở Biển Đông. Ông Andrew Yang dự báo, rất có thể là Bắc Kinh sẽ đóng thêm nhiều tàu kiểu như vậy để luân phiên sử dụng ở Biển Đông. Tân Hoa Xã cũng xác nhận là công ty đóng tàu «Tam Sa 2" và "Tam Sa 1" đang dự trù đóng một vận tải thứ ba "để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho các binh sĩ và nhân viên trên các đảo".
Các nước tranh chấp khác không có được sức mạnh quân sự và trình độ công nghệ như Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc vào năm ngoái đã triển khai các oanh tạc cơ đến tận quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh cũng đang có kế hoạch triển khai các nhà máy hạt nhân trên biển năm 2020, theo bộ Quốc Phòng Mỹ.
Đài Loan thỉnh thoảng có đưa tàu vận tải đến quần đảo Trường Sa, nhưng Đài Bắc chỉ nắm giữ một đảo lớn ở quần đảo này. Hải quân Việt Nam cũng có các tàu vận tải, nhưng Việt Nam thường dùng các tàu cá nhỏ hơn để vận chuyển trên Biển Đông, theo ghi nhận của ông Collin Koh, chuyên gia về an ninh hàng hải, Đại Học Công Nghệ Nanyang, Singapore. Ông Collin Koh cho rằng Trung Quốc có thể cản trở các chuyến tiếp tế của các các tàu nhỏ như vậy.
Thanh Phương
******************
Trung Quốc sẽ dùng tàu vận tải mới cực lớn để tiếp tế cho Hoàng Sa ? (VOA, 16/09/2019)
Một tàu vận tải cỡ lớn mới có thể sẽ được Trung Quốc dùng để vận chuyển tiếp liệu đến các cứ điểm mà Bắc Kinh đã xác lập trong khu vực Biển Đông đầy tranh chấp.
Tàu Sansha 2 cập cảng ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, vào ngày 20/8/2019. Ảnh: Chinanews.com
Kể từ năm 2010, Trung Quốc đã khiến cho các nước quanh Biển Đông lo sợ khi Bắc Kinh bồi đắp và xây dựng các đảo nhỏ trong khu vực thành các cơ sở cho quân đội sử dụng.
Brunei, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam và Philippines đều có tuyên bố chủ quyền trong vùng biển mà Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền trên khoảng 90% diện tích.
Theo tường thuật của Tân Hoa Xã, tàu vận tải Sansha 2 của Trung Quốc đã hoàn thành thử nghiệm vào tháng 8.
Con tàu được cho biết là "có thể hoạt động bao trùm toàn bộ Biển Đông", và có trọng lượng rẽ nước hơn 8.000 tấn sẽ phục vụ cho cả dân sự lẫn quân sự.
Các nhà phân tích dự đoán con tàu sẽ được dùng để đưa thiết bị ra quần đảo Hoàng Sa – nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng Trung Quốc đang kiểm soát – và có thể ra xa hơn tới quần đảo Trường Sa.
Giáo sư Jay Batongbacal, giảng dạy về hàng hải quốc tế tại trường đại học Philippines, nói Trung Quốc "đang mở rộng khả năng ở mọi nơi".
Ông cho rằng "việc triển khai trong các khu vực tranh chấp mang tính biểu tượng nhiều hơn. Điều này quan trọng hơn đối với họ, vì họ có thể đi trước các nước trong khu vực".
Tàu vận tải cực lớn
Tàu vận tải thứ hai của Trung Quốc có trọng lượng rẽ nước đặc biệt lớn, có thể sẽ được dùng để vận chuyển đạn dược, thực phẩm, nước và máy phát điện cho các đảo nhỏ mà Trung Quốc hiện đang kiểm soát, theo ông Andrew Yang, Tổng thư ký của Hội đồng Nghiên cứu Chính sách cao cấp ở Đài Loan cho biết.
Ông Adrew Yang nói tàu vận tải mới nhất sẽ "tăng cường hỗ trợ hậu cần" cho các binh sĩ đóng trên các đảo nhỏ.
"Họ có quân đội hoạt động và đồn trú ở đó. Vì vậy, chắc chắn họ cần một hệ thống hỗ trợ hậu cần nhiều khả năng hơn", ông Yang nói thêm.
Chuyến vận hành thử nghiệm tàu Sansha 2 hồi cuối tháng 8 đã đưa con tàu đến Đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Theo Tân Hoa Xã, con tàu có thể đi được 6.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu và chở được tới 400 người.
Trung Quốc đang vận hành một đường băng quân sự trên đảo Phú Lâm và bố trí binh sĩ tại đó.
Tàu vận tải được sử dụng trên đảo cách đây 11 năm chỉ có thể chở 2.540 tấn.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Hoa Kỳ, Trung Quốc đã xây đường băng và các nhà chứa máy bay quân sự trên ba đảo nhỏ của quần đảo Trường Sa.
Ưu thế của Trung Quốc
Các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông đều thiếu kỹ năng và sức mạnh quân sự so với Trung Quốc.
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đứng thứ ba thế giới, đã đưa máy bay ném bom đến quần đảo Trường Sa vào năm ngoái.
Theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trung Quốc còn có kế hoạch triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển vào năm 2020.
Giáo sư Batongbacal nói tàu vận tải mới đánh dấu công nghệ mới nhất của Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng có thể sẽ sản xuất thêm nhiều con tàu cùng loại để có thể luân chuyển, theo dự báo của ông Yang.
Tân Hoa Xã cho biết nơi làm tàu Sansha 2 và Sansha 1 trước đó có kế hoạch sẽ bắt đầu làm tàu vận tải thứ ba để "cung cấp dịch vụ tốt hơn cho nhân sự đồn trú trên các đảo".
Ông Yang nói Đài Loan thỉnh thoảng đưa tàu đến Trường Sa nhưng Đài Loan chỉ có một đảo trong quần đảo này.
Hải quân Việt Nam có tàu vận tải nhưng thường sử dụng các tàu đánh cá nhỏ hơn cho các công việc vận tải trên Biển Đông, chuyên gia Collin Koh chuyên nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore nói.
Theo ông, Trung Quốc có thể gây gián đoạn các hoạt động tiếp tế của các tàu nhỏ hơn.
"Vấn đề ở đây là liệu các nước có tuyên bố chủ quyền khác có thể tái tục tiếp tế cho các đơn vị đồn trú của họ không bị gián đoạn, theo cách mà Trung Quốc đang tận hưởng ở Biển Đông hay không", ông Koh nói.
Hoa Kỳ và Trung Quốc, từng là kẻ thù trong Chiến tranh Lạnh và là đối thủ kinh tế thời hiện đại, bắt đầu tăng số lượng tàu thuyền đi qua Biển Đông vào năm 2017 dưới thời Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Washington không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng luôn cổ xúy cho vấn đề tự do hàng hải trên thủy lộ này.
*********************
Biển Đông : Manila chiều ý Bắc Kinh, Duterte bị tố bán "tương lai" đất nước (RFI, 16/09/2019)
Trước khi lên đường đi Trung Quốc vào cuối tháng 8/2019, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tỏ thái độ cứng rắn trên vấn đề Biển Đông, liên tiếp bắn tin là sẽ nêu bật phán quyết Tòa Trọng tài Thường trực PCA tại La Haye với đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hội đàm giữa hai phái đoàn Philippines (T) và Trung Quốc, tại Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 29/08/2019.@ How Hwee Young/Pool via Reuters
Thế nhưng, sau chuyến công du, ông đã công khai loan báo việc Bắc Kinh tiếp tục phủ nhận phán quyết, nhưng đã hào phóng đề nghị cùng Manila đồng khai thác dầu khí tại vùng biển có tranh chấp, điều mà nguyên thủ Philippines đã chấp nhận. Quyết định bắt tay khai thác chung đã khiến ông Duterte bị chỉ trích là bán nước cho Trung Quốc.
Sau khi từ Bắc Kinh trở về, phát biểu với báo chí hôm 10/09/2019, ông Duterte xác nhận là đã nêu vấn đề phán quyết với ông Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm ngày 29/08 tai Bắc Kinh, và đã được nhắc lại rằng Trung Quốc vẫn phủ nhận phán quyết đó. Lãnh đạo Trung Quốc đã khuyên ông là hãy gác bỏ phán quyết quốc tế để cùng nhau khai thác dầu khí trong vùng Biển Đông có tranh chấp,và Bắc Kinh "sẵn lòng" cho Manila hưởng 60%, chỉ lấy 40% mà thôi.
Báo chí Philippines đã trích nguyên văn lời của tổng thống Philippines khoe rằng chủ tịch Trung Quốc đã hứa : "Chúng tôi sẽ rộng lượng chia cho quý vị 60%".
Trước các nhà báo, ông Duterte cho biết là ông đồng ý với đề nghị của Trung Quốc, và sẽ không nói đến phán quyết Biển Đông để có thể thúc đẩy hợp tác khai thác dầu khí với Bắc Kinh.
Phớt lờ phán quyết về Biển Đông là "bán tương lai" Philippines
Quyết định của tổng thống Philippines đã lập tức bị dư luận trong nước phản đối, điển hình là lời tố cáo bán nước, cụ thể là "bán tương lai" đất nước, đến từ phó tổng thống Leni Robredo, một người từ lâu luôn chỉ trích thái độ cầu hòa và chạy theo Trung Quốc của tổng thống Duterte.
Theo báo mạng Philippines Rappler, bà Leni Robredo hôm 12/09, đã ra một thông cáo cực lực đả kích tổng thống Duterte về quyết định của ông là "sẽ lờ đi" phán quyết năm 2016 về Biển Đông của Tòa Trọng tài Quốc tế La Haye (Hà Lan), để cùng Trung Quốc thăm dò dầu khí.
Nữ phó tổng thống Philippines cho rằng : "Bảo đảm một tương lai tốt hơn cho con em chúng ta có lẽ là một trong những trách nhiệm quan trọng nhất, khó nhất của bất kỳ chính quyền nào. Bán tương lai này để lấy một thỏa thuận về dầu khí với Trung Quốc là một cách nhục nhã để thoái thác trách nhiệm đó".
Đối với bà Leni Robredo, thông báo của ông Duterte rất đáng thất vọng, và hết sức vô trách nhiệm.
Việt Nam đã chứng minh là có thể đấu tranh với Trung Quốc
Phó tổng thống Philippines đồng thời phản bác lại lập luận thường được ông Duterte nhắc đi nhắc lại là khẳng định chủ quyền trên Biển Đông sẽ dẫn đến chiến tranh với Trung Quốc.
Bản thông cáo mà bà Robredo công bố viết : "Một lần nữa, như một số lãnh đạo đáng kính đã làm trước đây, tôi phải nói rõ : ĐIỀU ĐÓ KHÔNG ĐÚNG (câu được viết hoa). Chiến tranh không phải là phương tiện duy nhất để chúng ta khẳng định quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta, đó là điều mà các nước láng giềng Việt Nam và Indonesia mới đây và (trước đây) đã nhiều lần chứng minh".
Bà Robredo cũng nêu vấn đề : "Tại sao bản thân tổng thống (Duterte) và chính quyền của ông Duterte lại phá hoại chiến thắng của Philippines ở Tòa án La Haye chống lại Trung Quốc ?"
Bắc Kinh rộng lượng chia sẻ tài nguyên vốn dĩ là của Manila
Trên mạng Twitter, nhiều nhà quan sát không ngần ngại mỉa mai câu nói của tổng thống Duterte khoe rằng chính ông Tập Cận Bình đã hứa cho Philippines hưởng 60%.
Một chuyên gia Singapore về Biển Đông ghi nhận : Tập Cận Bình hứa một cách rộng lượng là sẽ cho Duterte 60% để thưởng công cho việc bỏ qua phán quyết của PCA, nhưng vẫn giữ 40%, một khoản trước hết phải nói là không hề thuộc về Trung Quốc.
Một nhà quan sát khác nói rõ thêm, "phương châm của Trung Quốc khi giao dịch với các bên yêu sách Biển Đông khác là : Cái gì của ta vẫn là của ta... Cái gì của ngươi thì chúng ta chia. Là bên vượt trội về kinh tế và quân sự, bạn có thể áp đặt điều kiện của mình cho đối phương".
Một nhà quan sát thứ ba thì nhắc lại lời hứa của Tập Cận Bình là không quân sự hóa Biển Đông, với những thực tế mà ngày nay ai cũng thấy.
Giả vờ cứng rắn để biện minh cho chủ trương nhượng bộ
Riêng đối với giáo sư Richard Javad Heydarian, một chuyên gia Philippines tên tuổi về Châu Á Thái Bình Dương, tác giả một công trình nghiên cứu về ông Duterte, thì ngay từ đầu, tổng thống Philippines đã quyết định bắt tay với Trung Quốc, bất chấp các hành vi ngang ngược của Bắc Kinh đối với nước ông, bất chấp dư luận bất bình ở trong nước.
Trong bài phân tích đăng ngày 29/08/2019 trên trang web của cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc tế CSIS tại Washington, giáo sư Heydarian đã cho rằng việc ông Duterte lên tiếng cứng rắn, đòi đề cập đến phán quyết Biển Đông trước ngày lên đường đi Trung Quốc chỉ là một thủ đoạn che mắt dư luận nhằm biện minh cho quyết định thúc đẩy các thỏa thuận với Trung Quốc liên quan đến Biển Đông.
Đó là những thỏa thuận mà hậu quả là trao cho Trung Quốc một phần tài nguyên ngư nghiệp và năng lượng trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines (EEZ), những thỏa thuận gây tranh cãi, nếu không muốn nói là phi pháp, vốn sẽ có hậu quả tai hại cho toàn khu vực.
Theo ông Haydarian, tổng thống Duterte đã bộc lộ rõ ý đồ này trong Thông điệp quốc gia (22/07/2019) khi ông cố tình lọc lựa một vài điểm trong phán quyết của Tòa Trọng Tài để biện minh cho quyết định của ông cho phép ngư dân Trung Quốc tự do hoạt động và đánh bắt trong vùng biển Philippines.
Trích dẫn "quyền đánh bắt cá truyền thống" của Trung Quốc xung quanh bãi cạn Scarborough, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Duterte đã tìm cách biện minh cho thỏa thuận miệng của ông với Trung Quốc về ngư nghiệp, có khả năng bao gồm toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, vi phạm Hiến Pháp Philippines.
Ông Duterte cũng đã trích dẫn có chọn lọc một số quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển về chia sẻ tài nguyên để bảo vệ chính sách gây tranh cãi của mình, đặc biệt là chủ trương cho Trung Quốc đồng khai thác năng lượng tại vùng Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và đường chín đoạn của Trung Quốc.
Thỏa thuận đó có khả năng vi phạm không chỉ Hiến Pháp Philippines, mà cả phán quyết của Tòa Trọng Tài, đã vô hiệu hóa đường lưỡi bò khi cho rằng Trung Quốc không có yêu sách chính đáng đối với các nguồn năng lượng trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Tóm lại, đối với giáo sư Heydarian, khi chiều ý Trung Quốc và chấp nhận chia sẻ tài nguyên năng lượng tại Bãi Cỏ Rong với Trung Quốc, Duterte chỉ hợp pháp hóa các yêu sách quá mức của Trung Quốc trong khu vực và khuyến khích các hành động gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông. Quyết định này sẽ khóa chặt Philippines vào các thỏa thuận chia sẻ tài nguyên dài hạn với Trung Quốc, trái với cả Hiến Pháp Philippines lẫn luật pháp quốc tế.
Mai Vân
*******************
Tình báo Úc : Trung Quốc đứng đằng sau loạt tấn công tin học nhắm vào Quốc hội (RFI, 16/09/2019)
Hãng tin Anh Reuters ngày 16/09/2019 trích dẫn 5 nguồn tin thông thạo từ Cơ quan Tình báo của Úc xin được giấu tên quy trách nhiệm cho Bắc Kinh trong loạt tấn công tin học nhắm vào Quốc hội và ba đảng chính trị lớn tại Canberra trước cuộc bầu cử hồi tháng 5/2019.
Ảnh minh họa. REUTERS/Kacper Pempel/Illustration/File Photo
Theo các nguồn tin trên, từ tháng 3/2019, một báo cáo của Cơ quan Tình báo mạng ASD đã đưa ra kết luận :" Trách nhiệm thuộc về bộ Công An Trung Quốc".
Canberra vào tháng 2/2019 cho biết Quốc hội Úc bị tin tặc đột nhập. Thủ tướng Morsisson nói đến một vụ tấn công "tinh vi và có khả năng là do một chính quyền nước ngoài tiến hành". Cơ quan tình báo mạng của Úc được giao nhiệm vụ điều tra và đã nhanh chóng phát hiện thêm là không chỉ có Quốc hội bị tấn công, mà cả ba đảng lớn là đảng Lao Động đối lập, liên minh cầm quyền là Tự Do và Liberal National cũng là nạn nhân của các nhóm tin tặc. Các dân biểu Úc không thuộc ba đảng này bình an vô sự.
Đợt tấn công tin học xảy ra trước khi nước Úc bầu lại Quốc hội vào tháng 5/2019.
Theo hai trong số năm nguồn tin thông thạo của Úc, giới điều tra đã phát hiện thủ phạm đã dùng mã số từng được Trung Quốc sử dụng trong quá khứ và quả quyết rằng tình báo Trung Quốc thực sự nhắm vào các tổ chức chính trị của nước Úc.
Reuters nhấn mạnh đến thái độ thận trọng của chính quyền Úc trong hồ sơ này. Bộ Ngoại giao Úc yêu cầu báo cáo của cơ quan tình báo mạng cần được giữ bí mật, tránh làm phương hại đến quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh đặc biệt là quan hệ thương mại. Văn phòng của thủ tướng Scott Morrisson trước mắt từ chối trả lời Reuters về chủ đề nhậy cảm này. Bản thân Cơ quan Tình Báo Mạng – ASD cũng không bình luận về tin trên.
Thanh Hà
Lo ngại Trung Quốc, Đức siết chặt đầu tư nước ngoài (RFI, 19/12/2018)
Chính phủ Đức hôm nay 19/12/2018 đã siết chặt hơn việc kiểm soát vốn đầu tư từ các nước ngoài Châu Âu trong những lãnh vực chiến lược, vào thời điểm Trung Quốc ngày càng tỏ ra thèm muốn những ngành kỹ nghệ mũi nhọn của nền kinh tế lớn nhất Châu Âu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tại Bắc Kinh ngày 10/12/2018. FRED DUFOUR / AFP
Nghị định do chính phủ của bà Angela Merkel ban hành giảm ngưỡng vốn đầu tư nước ngoài mà Berlin có thể mở điều tra, từ 25% xuống còn 10%, tại các lãnh vực được đánh giá là nhạy cảm như quốc phòng, viễn thông, khí đốt, điện, nước, truyền thông.
Bộ trưởng Thương mại Peter Altmaier giải thích, Đức muốn giám sát chặt hơn những cơ sở hạ tầng mang tính chiến lược, xem xét "những ai muốn mua, và hậu quả sẽ như thế nào".
Lâu nay Đức luôn hấp dẫn các nhà đầu tư với nền kỹ nghệ quốc tế hóa, gồm nhiều công ty vừa và nhỏ đứng hàng đầu về công nghệ cao. Trong những năm gần đây Berlin và một số thủ đô Châu Âu bắt đầu lo lắng, khi các phi trường, hải cảng, các công ty công nghệ trở thành mục tiêu của các tập đoàn Trung Quốc.
Hồi tháng Hai, Đức không phản đối việc tỉ phú Trung Quốc Lý Thư Phúc (Li Shufu) mua 10% vốn của tập đoàn xe hơi Daimler. Nhưng đến tháng Bảy, do không thể ngăn chận việc một nhà đầu tư Trung Quốc mua 20% vốn của mạng lưới điện 50Hertz, Berlin đã phải cho ngân hàng quốc gia mua lại số cổ phần này.
Cuối tháng 11, quan ngại càng tăng lên với việc ông Till Reuters, chủ tịch hội đồng quản trị công ty KUKA chuyên sản xuất robot, bất ngờ bị ông chủ Trung Quốc là tập đoàn Midea sa thải, sau hai năm mua lại công ty nổi tiếng của Đức.
Hôm nay, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã phản đối "các dấu hiệu sai lạc gởi đến thế giới", "trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và đơn phương ngày càng nặng nề", và bày tỏ hy vọng Đức "mở cửa cho các nhà đầu tư, kể cả Trung Quốc".
Liên đoàn Kỹ nghệ Đức (BDI) cũng lo ngại trước việc chính phủ Đức siết nguồn đầu tư ngoài Châu Âu. Tuy nhiên, bộ Thương Mại nhắc lại, từ năm 2004, hàng năm Berlin vẫn cấp phép cho khoảng 80 đến 100 dự án của các nhà đầu tư ngoài Liên Hiệp Châu Âu.
Thụy My
*******************
Giới chuyên gia nghi tin tặc Trung Quốc thâm nhập mạng lưới ngoại giao Châu Âu (RFI, 19/12/2018)
Có thể tin tặc Trung Quốc đã xâm nhập mạng lưới liên lạc ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu ít nhất trong ba năm, đánh cắp hàng ngàn bức điện ngoại giao. Vụ tấn công tin học quy mô này được New York Times tiết lộ tối qua 18/12/2018.
Ảnh minh họa Reuters/Edgar Su/Files
Tờ báo Mỹ được công ty an ninh mạng Area 1 cung cấp trên 1.100 bức điện ngoại giao, sau khi phát hiện vụ xâm nhập. Các nhà điều tra của Area 1 tin rằng các tin tặc này do quân đội Trung Quốc tuyển dụng.
Các bức điện ngoại giao bị đánh cắp phản ánh mối quan ngại của Châu Âu trước chính sách của tổng thống Donald Trump, những khó khăn khi làm việc với Nga, Trung Quốc, hay nguy cơ Iran lại tái khởi động chương trình nguyên tử.
Trong một bức điện, các nhà ngoại giao Châu Âu đánh giá cuộc gặp thượng đỉnh tại Helsinki hồi tháng Bảy giữa tổng thống Nga và đồng nhiệm Mỹ Donald Trump là một "thành công (ít nhất là cho ông Putin)".
Một bức điện khác được viết sau cuộc họp ngày 16/7 tại Phần Lan, nêu ra một cuộc đối thoại giữa các viên chức Liên Hiệp Châu Âu và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, so sánh các thủ thuật hăm dọa Bắc Kinh của ông Donald Trump với một "cuộc đấu võ đài mà mọi cú đòn đều được phép".
Tin tặc cũng len lỏi vào các mạng lưới của Liên Hiệp Quốc, nghiệp đoàn Mỹ AFL-CIO, nhiều Bộ Ngoại giao và bộ Tài Chính của các nước trên thế giới.
Tư pháp Mỹ cho rằng tin tặc Trung Quốc có liên quan đến chiến dịch "Cloudhopper" nhắm vào các nhà cung cấp công nghệ và khách hàng của họ.
Về phía Đức, cơ quan an ninh mạng BSI hôm nay 19/12 cũng cảnh báo nhiều công ty Đức có thể là nạn nhân của tin tặc, và các hoạt động tấn công từ Trung Quốc đang tăng lên. Hồi tháng Chín, giám đốc cơ quan phản gián Đức đã báo động việc Nga, Trung Quốc và một số nước có thể xâm nhập vào máy tính các công ty để đánh cắp thông tin kỹ nghệ.
Trình độ công nghệ cao của Đức lâu nay vẫn hấp dẫn tin tặc, và tờ Süddeutsche Zeitung hôm nay cho biết tin tặc tập trung vào "những công ty xây dựng, nghiên cứu về vật liệu, và một số công ty thương mại lớn". Theo tờ báo, tuy dạng tấn công "Cloudhopper" còn khá hiếm tại Đức, nhưng tập trung vào mục tiêu hơn và gây thiệt hại nhiều hơn so với tin tặc Nga.
Thụy My
*********************
Hoa Vi khẳng định không có bằng cớ làm gián điệp cho Trung Quốc (RFI, 19/12/2018)
Chủ tịch tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi (Huawei) hôm 18/12/2018 bác bỏ mọi liên hệ với cơ quan tình báo của Bắc Kinh, vào lúc đang đối mặt với làn sóng tẩy chay các thiết vị viễn thông 5G của tập đoàn này tại phương Tây.
Ảnh minh họa : Logo Hoa Vi (Huawei) trong một cuộc triển lãm ở Thượng Hải, 14/06/2018. Reuters/Aly Song/File Photo
Ông Hồ Hậu Côn (Ken Hu) trong cuộc họp báo tại trụ sở của Hoa Vi tại Thâm Quyến tuyên bố : "Không có một bằng cớ nào cho thấy Hoa Vi đe dọa an ninh quốc gia của bất cứ nước nào".Ông khẳng định là tập đoàn không hề nhận được yêu cầu của chính quyền Trung Quốc đòi cung cấp dữ liệu.
Năm 2018 là một năm đầy khó khăn cho Hoa Vi. Hoa Kỳ thuyết phục các đồng minh không sử dụng thiết bị của tập đoàn này, và Canada đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính Hoa Vi theo yêu cầu của Mỹ. Thiết bị của tập đoàn viễn thông Trung Quốc trong những tháng gần đây liên tục bị từ chối sử dụng tại Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Anh, Pháp, Đức, và Nhật cũng đang xem xét lại.
Danh sách này vừa được nối dài hôm 17/12 với việc cơ quan an ninh mạng của Cộng hòa Sec khẳng định các phần mềm và thiết bị của Hoa Vi là mối đe dọa cho an ninh quốc gia.
Hoa Vi hôm qua quyết định mở cửa phòng thí nghiệm cho các nhà báo tham quan và tổ chức họp báo để phân bua. Theo ông Hồ Hậu Côn, tập đoàn ký được 25 hợp đồng thương mại cho điện thoại di động 5G, đã giao trên 10.000 trạm thu phát sóng, tuy nhiên ông không chịu nói chi tiết về các khách hàng.
Hồ Hậu Côn khẳng định Hoa Vi sẽ đầu tư 2 tỉ đô la trong năm năm tới cho an ninh mạng, qua việc củng cố các thiết bị, hiện đại hóa công việc nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên theo các chuyên gia, những món đầu tư sẽ trở thành vô ích nếu Hoa Vi tiếp tục bị cho đứng ngoài lề các thị trường phương Tây.
Về việc bà Mạnh Vãn Châu bị bắt và quản thúc tại Canada, ông Hồ Hậu Côn không muốn bình luận. Đặc biệt là dù Hoa Vi kín tiếng, nhưng các phản ứng dữ dội của Bắc Kinh sau vụ bắt giữ này càng làm tăng thêm nghi ngờ về mối liên hệ giữa tập đoàn với chính quyền Trung Quốc.
Thụy My
Năm 2018 : Trump và Kim khuấy động thế giới (RFI, 15/12/2018)
Năm 2018 kết thúc với những biến động địa chính trị và xã hội đầy bất trắc. Viễn cảnh hòa bình mong manh cho bán đảo Triều Tiên ; Quan hệ Mỹ – Bắc Triều Tiên vẫn bất định ; Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung kéo dài dai dẳng ; và Xã hội Pháp đảo lộn vì phong trào Áo Vàng. Trên đây là những sự kiện đáng chú ý trong năm 2018.
Tổng thống Mỹ, Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong-un tại thượng đỉnh Singapore ngày 12/06/2018. Susan Walsh/Pool via Reuters/File Photo
Liên Triều : Anh em gặp nhau ba lần
"Khi bước chân qua lằn ranh phân định, tôi mới biết là giới tuyến này không hề bị một vật to lớn nào đó cản trở cả. Có điều là phải đến 11 năm sau, thời khắc lịch sử này mới diễn ra một cách dễ dàng như vậy. Thế nên, khi bước qua đường ranh giới, tôi đã tự hỏi tại sao phải mất đến ngần ấy năm mới có được giây phút này ? Và tại sao điều đó lại khó khăn đến như thế ?"
Lãnh đạo Kim Jong-un, ngày 27/04/2018, đã xúc động phát biểu như trên tại cuộc gặp thượng đỉnh Bắc Triều Tiên – Hàn Quốc diễn ra tại khu phi quân sự Bàn Môn Điếm, bên phía Hàn Quốc. Đây là lần thứ ba lãnh đạo hai nước Nam – Bắc Triều Tiên gặp nhau kể từ sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc và là cuộc gặp đầu tiên giữa Kim Jong-un và Moon Jae-in. Cuộc gặp này được tổ chức sau khi Kim Jong-un trong bài phát biểu đầu năm bất ngờ thông báo muốn tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang 2018.
Với giới chuyên gia, thông báo này là "một đòn tấn công ngoại giao ngoạn mục". Bởi vì, tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên căng thẳng tột độ, tưởng chừng chiến tranh sắp xảy ra sau nhiều tháng khẩu chiến dọa dẫm giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Thành công của thượng đỉnh "Moon – Kim lần I" cũng được giới phân tích đánh giá là "một cú đột phá ngoại giao". Việc chọn thời điểm diễn ra thượng đỉnh cũng không phải là một sự ngẫu nhiên như nhận xét của ông Cleo Thement, viện Đông Á, trường Ecole Normale Supérieure của Lyon, từng có thời gian đến giảng dậy tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng, khi trả lời phỏng vấn ban Tiếng Việt đài RFI ngày 26/04/2018.
"Tổng thống Hàn Quốc được bầu vào tháng 05/2017 và điều này đã dẫn đến việc chính quyền Hàn Quốc thay đổi chính sách trong quan hệ với Bắc Triều Tiên. Chính quyền Hàn Quốc trước đó rất bảo thủ và chống đối mạnh mẽ mọi tiến trình cải thiện quan hệ Nam-Bắc Triều Tiên.
Về phần mình, Bắc Triều Tiên đã quyết định hoàn tất việc phát triển các chương trình nguyên tử và tên lửa đạn đạo, để tạo thế mạnh khi tiến hành thương lượng với Hàn Quốc và sau đó với Hoa Kỳ".
Tình hình bán đảo Triều Tiên bỗng nhiên cũng hạ nhiệt với các lần thượng đỉnh II (5/2018) và III (9/2018) tiếp theo. Những hình ảnh phát đi cho thấy cảnh lãnh đạo hai miền thân mật bắt tay, ôm chầm lấy nhau ; cử chỉ thân thiện của Kim Jong-un mời lãnh đạo Hàn Quốc bước qua lằn ranh phân định giới tuyến hay hình ảnh tổng thống Moon và phu nhân cùng thăm đỉnh núi thiêng Paektu với lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã mang lại nhiều hy vọng nhưng cũng chứa đựng đầy hoài nghi.
Bởi vì không ai có thể tiên liệu được rằng những hình ảnh đầy xúc động đó có thể tiếp tục duy trì tình trạng hạ nhiệt này cho bán đảo đến tận bao giờ.
Thượng đỉnh Singapore : "Kỳ phùng địch thủ"
Một hình ảnh khác cũng gây ấn tượng không kém trong năm 2018 chính là cái bắt tay lịch sử giữa tổng thống Mỹ, Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong-un, tại thượng đỉnh Singapore, ngày 12/06/2018.
"Con đường dẫn đến cuộc gặp này không mấy gì dễ dàng. Những định kiến xưa cũ và các thói quen trong quá khứ đã dựng nên nhiều cản trở cho tiến trình. Nhưng chúng ta đều đã vượt qua và ngày hôm nay chúng ta đều có mặt ở đây".
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã có phát biểu như trên nhân cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore. Cuộc gặp được cho là kết thúc tốt đẹp với lời hứa phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên của lãnh đạo Kim Jong-un. Thế nhưng, lời cam kết này đã không thuyết phục được giới chuyên gia.
Vài ngày trước khi diễn ra thượng đỉnh, trang mạng 38 vĩ tuyến bắc tiết lộ các hình ảnh cho thấy dường như trung tâm nghiên cứu hạt nhân Yongbyon của Bắc Triều Tiên đã được mở rộng và đang gia tăng các hoạt động làm giầu chất uramium.
Do vậy theo quan điểm của bà Jenny Town, điều phối viên trang mạng 38 Vĩ tuyến bắc, thế giới nên cảnh giác trước những gì Kim Jong-un hứa hẹn tại thượng đỉnh Singapore :
"Đây mới là trung tâm chính trong chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên cùng với một lò phản ứng chất plutonium, nhiều nhà máy làm giầu chất uranium, những nơi sản xuất ra chất uranium cực kỳ đậm đặc. Chính ở đó họ sản xuất chất liệu hạt nhân dùng để chế tạo bom nguyên tử. Bởi vì, các hình ảnh vệ tinh của chúng tôi cho thấy một số chương trình mở rộng vốn được khởi động NGAY TRƯỚC thượng đỉnh kể từ giờ đã vào giai đoạn hoàn tất.
Chính các bước cải thiện này sẽ củng cố hơn nữa khả năng sản xuất nguyên liệu phân hạch của họ. Đây là bằng chứng cho thấy nên ngừng những lời nói hoa mỹ, không nên bằng lòng về một tuyên bố và nên nhanh chóng đàm phán một thỏa thuận thật sự : Cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đây không phải là một thỏa thuận, mà một mục tiêu. Chừng nào chưa có những chỉ thị rõ ràng từ trên ban xuống, chừng ấy họ vẫn sẽ tiếp tục hoạt động như chưa có chuyện gì xảy ra".
Tóm lại, thượng đỉnh Trump – Kim tại Singapore chỉ mới là màn mở đầu cho một tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên "dài hơi" và "bất định". Bởi lẽ, bên nào cũng khăng khăng giữ nguyên lập trường và luôn trong trạng thái nghi kỵ lẫn nhau.
Nhưng đối với Bắc Triều Tiên đây cũng là một bước đi quan trọng. Hình ảnh cái bắt tay lịch sử đó phần nào giúp Bình Nhưỡng phá đi thế cô lập ngoại giao do quốc tế mà Hoa Kỳ đứng đầu dựng nên từ nhiều năm qua.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung : Truyện dài nhiều tập
Năm 2018 còn mang đậm dấu ấn bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Từ mấy tháng nay, Trung Quốc và Hoa Kỳ lao vào một cuộc chiến thuế quan vô tiền khoáng hậu.
Chính quyền Washington cáo buộc Bắc Kinh cạnh tranh không lành mạnh, không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, đánh cắp công nghệ, tấn công tin tặc… nên đã thiết lập một hàng rào thuế quan nghiêm ngặt chưa từng thấy nhắm vào hàng nhập khẩu Trung Quốc. Và ngược lại, Bắc Kinh không chịu lép vế, đáp trả tương xứng đánh thuế nhiều mặt hàng nhập khẩu của Mỹ.
Cuộc chiến tưởng chừng sẽ kéo dài sang năm mới, thì đột nhiên hai bên thông báo hưu chiến trong vòng 90 ngày bên lề thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Achentina.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, thương mại chỉ là bề nổi, vì ẩn sau cuộc đọ sức Mỹ - Trung này là một mặt trận khác : Cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng và giành quyền thống trị các công nghệ tương lai. Hơn bao giờ hết thế độc tôn lãnh đạo của Mỹ trên thế giới bị đe dọa.
Về điểm này, mục tạp chí Tiêu điểm thời sự ngày 13/12/2018 của ban Tiếng Việt có trích dẫn nhận xét của ông François Godement, giám đốc Hội Đồng Quan Hệ Quốc Tế, Thượng viện Pháp, khách mời của chương trình Địa chính trị của RFI, phân tích :
"Trung Quốc bắt đầu trỗi dậy từ năm sau khi Mao qua đời và với cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình năm 1978. Trong một thời gian dài với khẩu hiệu "náu mình chờ thời" (thao quang dưỡng hối). Giới lãnh đạo sau đó tuyên bố theo chính sách "phát triển" trong tinh thần hiếu hòa.
Họ còn cân nhắc giữa "phát triển và trỗi dậy" và tuyên bố là chỉ phát triển trong tinh thần hòa bình. Thế rồi, đến khi Tập Cận Bình lên nắm quyền thì mọi việc sáng tỏ hơn : Trung Quốc "trỗi dậy trong mọi lãnh vực", đó là kết quả của một quá trình chạy đua vũ trang rất, rất dài. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc vượt trội các quốc gia láng giềng. Do vậy, Hoa Kỳ mới lo ngại.
Thế giới đã qua rồi thời kỳ sống chung với một siêu cường với nền kinh tế thị trường hùng mạnh hơn bất cứ nước nào lại có thêm sức mạnh quân sự (Mỹ). Ngày nay, thế giới có thêm một nước Trung Quốc với tham vọng làm bá chủ thế giới từ công nghệ cho đến thương mại, một nước Trung Quốc "dân tộc chủ nghĩa", bảo hộ thị trường và đang cạnh tranh ngang tầm với Hoa Kỳ trong một số lãnh vực".
Pháp : "Vô địch bóng đá" và "vô địch bạo động"
Cuối cùng, nhìn sang nước Pháp. Năm 2018 có lẽ sẽ năm đáng nhớ. Bởi vì chẳng có quốc gia nào có một cảm giác buồn vui lẫn lộn như tại Pháp năm nay. Tháng 7 người dân Pháp hoan hỉ đón nhận chiếc cúp vô địch bóng đá thế giới thứ hai.
Theo nhận định của chuyên gia Pascal Boniface trên đài RFI trong một chương trình phát thanh hồi tháng Bảy, trong bối cảnh nền kinh tế, chính trị và xã hội u ám hiện nay, thắng lợi của đội nhà đã mang đến cho đất nước một luồng sinh khí mới.
"Bởi vì thành thực mà nói, tình hình nước Pháp không mấy tốt đẹp, về kinh tế, xã hội, bị chia rẽ, bầu không khí ảm đạm, rồi các vụ khủng bố… Pháp là một nước bi quan, rất bi quan. Các cuộc điều tra cho thấy dân Pháp còn bi quan hơn cả dân Afghanistan, Irak và đó là một nghịch lý.
Do vậy, dân Pháp cần có những dịp cùng vui chung, quây quần tụ tập, không phải để chống nhau mà để chia sẻ niềm vui. Đó không phải là một sự tập hợp của một tầng lớp nào, một cộng đồng nào, mà của tất cả mọi người. Những dịp như vậy rất hiếm có.
Thành thực mà nói, ngoài bóng đá, tôi không thấy có điều gì có thể tạo được niềm vui chung như vậy. Tại Paris, đã bao nhiêu lần có tới hơn một triệu người xuống đường cùng nhau chia sẻ niềm vui ? Có lẽ là vào dịp Paris được giải phóng khỏi sự xâm chiếm của ngoại bang, hồi tháng 05/1968 chống lại các cuộc đình công, hồi tháng 01/2015 để phản đối các vụ khủng bố.
Tháng 07/2018, Pháp đoạt Cúp vô định bóng đá thế giới, người dân xuống đường trong bầu không khí tích cực, lễ hội, chứ không phải như một số sự kiện trước : xuống đường để tưởng niệm, bày tỏ đau thương hay phản đối".
Pháp : Áo Vàng phá hỏng tiệc cuối năm
Thế nhưng, niềm vui đó người dân Pháp đã không hưởng trọn vẹn. Từ bốn thứ Bảy liên tiếp, thế giới được chứng kiến những cảnh tượng chưa từng thấy kể từ sau đợt bạo động sinh viên mùa xuân năm 1968. Paris hoang tàn như có nội chiến. Khải Hoàn Môn, điểm tham quan lịch sử, biểu tượng của nước Pháp bị phá hoại, bị bôi nhọ. Đại lộ Champs – Elysées như là một bãi chiến trường. Gạch lát đường, song sắt bảo vệ cây bị cậy phá. Các cửa hiệu thương hiệu cao cấp thì bị cướp phá. Hàng quán thì bị đập vỡ…
Vì đâu nên nỗi ? Paris nạn nhân của một làn sóng phản đối mang tên Áo Vàng. Từ chuyện bất bình về việc giá nhiên liệu tăng, hàng trăm ngàn người dân Pháp đã khoác chiếc "Áo Vàng", chiếc áo an toàn giao thông, xuống đường biểu tình phản đối chính phủ trên nhiều mặt : sưu cao thuế nặng, đời sống đắt đỏ, sức mua giảm…
Một người dân ở vùng Haute-Loire bức xúc trả lời phóng viên đài RFI :
"Để đi chợ, chúng tôi buộc phải đi từ 20-30 km. Chúng tôi phải làm sao đây ? Bởi vì ở trong làng giờ không có dịch vụ nào hết. Mỗi lần muốn làm việc gì đều phải dùng đến xe, trong khi có những thứ mà lẽ ra thị trấn nhỏ bé này vẫn có thể làm được. Và như vậy cũng có thể tạo ra việc làm".
Trước nguy cơ phong trào lan rộng, tổng thống Emmanuel Macron buộc phải lên tiếng nhượng bộ, khẩn cấp đề ra các biện pháp "chữa cháy" : bãi bỏ việc tăng thuế nhiên liệu, miễn thuế thu nhập và mức đóng góp xã hội cho tiền lương phụ trội, hoãn tăng mức đóng góp xã hội CSG đối với những người về hưu có thu nhập thấp hơn 2000 euro/tháng, đồng thời tăng tiền trợ cấp cho người có số giờ làm việc thấp, dẫn đến việc tăng lương tối thiểu thêm 100 euro/tháng.
Liệu rằng những biện pháp "chữa cháy" đó có xoa dịu được cơn bất bình của người dân hay chưa ? Câu trả lời giờ phải đợi đến ngày thứ Bảy 15/12/2018 này, bởi vì trong bối cảnh khủng bố ở Strasbourg hôm thứ Ba 11/12 làm ba người chết và 13 người bị thương, nhiều người thuộc phe Áo Vàng do dự có nên tiếp tục xuống đường hay không.
Minh Anh
****************
Tin tặc Trung Quốc đánh cắp được sơ đồ tên lửa của Hải Quân Mỹ (RFI, 15/12/2018)
Vào lúc mối quan ngại về gián điệp công nghiệp Trung Quốc tăng cao, nhật báo Mỹ Wall Street Journal ngày hôm qua 14/12/2018 tiết lộ : Tin tặc Trung Quốc đã đột nhập vào mạng tin học của các nhà thầu của Hải Quân Mỹ để đánh cắp hàng loạt thông tin, từ dữ liệu bảo trì chiến hạm cho đến các sơ đồ tên lửa.
Ảnh minh họa : Phi đội không quân trên tàu sân bay USS Carl Vinson hoạt động tuần tra thường lệ trong vùng Biển Đông hôm 14/02/2018. AYEE MACARAIG / AFP
Theo các quan chức chính phủ Mỹ và giới chuyên gia, các hành vi này đang thúc đẩy một tiến trình rà soát từ trên xuống dưới các lỗ hổng trong hệ thống an ninh mạng của Hoa Kỳ.
Theo Wall Street Journal, trong vòng 18 tháng qua một loạt sự cố xẩy ra đã bộc lộ nhiều điểm thiếu sót trong việc bảo đảm an toàn dữ liệu, và một số quan chức đã coi đấy là những chiến dịch tấn công mạng hiểm hóc nhất mà thủ phạm có liên quan tới Bắc Kinh.
Theo các quan chức Mỹ, toàn bộ các ngành trong lực lượng võ trang Hoa Kỳ bị tấn công, nhưng các nhà thầu cung cấp cho Hải Quân và Không Quân Mỹ là các mục tiêu ưu tiên của tin tặc muốn đánh cắp dữ liệu về các loại công nghệ học tối tân.
Một quan chức ghi nhận là trong năm vừa qua, các nhà thầu cung cấp cho Hải Quân Mỹ - chính cũng như phụ - đã đặc biệt phải gánh chịu những vụ tấn công đáng ngại, với các dữ liệu bị đánh cắp thường là thông tin cực kỳ nhậy cảm và bí mật về công nghệ quân sự tiên tiến.
Theo một quan chức, một vụ đánh cắp nghiêm trọng được báo cáo vào tháng 6, liên quan đến các sơ đồ chế tạo tên lửa chống hạm siêu âm dùng cho các tàu ngầm Mỹ. Tin tặc đã nhắm vào một nhà thầu có hợp đồng với Trung Tâm Tác Chiến Dưới Biển của Hải Quân Mỹ, trụ sở tại Newport (bang Rhode Island).
Tin tặc cũng đã nhắm vào các trường đại học có phòng thí nghiệm quân sự, đang nghiên cứu phát triển công nghệ tiên tiến dùng cho Hải Quân hoặc các ngành khác.
Trước tình trạng nói trên, bộ trưởng Hải Quân Mỹ Richard Spencer đã yêu cầu rà soát các điểm yếu về an ninh mạng vốn đã tạo điều kiện cho đối phương tiếp cận được các thông tin tối quan trọng.
Trọng Nghĩa
************************
Trung Quốc phản đối dự luật của Mỹ về Tây Tạng (VOA, 15/12/2018)
Trung Quốc hôm 14/12 kịch liệt phản đối một dự luật có liên quan đến Tây Tạng do Thượng viện Mỹ thông qua mới đây, đồng thời kêu gọi chớ ban hành thành luật.
Một kiểu biểu tình vì nhân quyền ở Tây Tạng
Tại một cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đưa ra tuyên bố này phản hồi việc Thượng viện Mỹ trong tuần này thông qua Đạo luật Tiếp cận Tương hỗ Tây Tạng 2018.
Dự luật giờ được chuyển đến Nhà Trắng cho Tổng thống Donald Trump ký thành luật nhằm tăng cường khả năng tiếp cận Tây Tạng cho các nhà báo, nhà ngoại giao và du khách Mỹ bằng cách từ chối nhập cảnh Mỹ các quan chức Trung Quốc bị xem là chịu trách nhiệm cấm đoán tiếp cận Tây Tạng.
"Dự luật này can thiệp chuyện nội bộ của Trung Quốc và liều lĩnh không thèm đếm xỉa đến sự thực cũng như đi ngược lại những chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế".
Nhấn mạnh rằng các vấn đề liên quan đến Tây Tạng là chuyện nội bộ của Trung Quốc không nước nào có thể can thiệp, ông Lục nói bất cứ người nước ngoài nào muốn đến thăm Khu Tự trị Tây Tạng đều có thể nộp đơn xin qua các kênh thông thường.
Ông Lục nói đông đảo du khách trong và ngoài nước đến thăm Tây Tạng mỗi năm để du lịch hay đi làm ăn và rằng gần 40.000 công dân Mỹ đã đến Tây Tạng kể từ năm 2015, trong đó có lãnh đạo phe thiểu số ở Hạ viện, nhiều thượng nghị sỹ và các tổ chức khác.
Tin tặc Trung Quốc xâm nhập các công ty quốc phòng Mỹ liên hệ với Biển Đông (RFI, 16/03/2018)
"Nhiều xí nghiệp trong lãnh vực kỹ thuật phòng thủ có liên quan đến Biển Đông, nhất là của Mỹ, đang bị tin tặc Trung Quốc tấn công trong thời gian gần đây". FireEye, công ty an ninh điện toán Mỹ thông báo vụ việc này vào hôm nay 16/03/2018.
Bắc Kinh được cho là đã đổ bộn tiền để đầu tư xây dựng lực lượng tin tặc hùng hậu - Ảnh : AFP
"Mục đích của nhóm tin tặc Trung Quốc có bí danh là TEMP Periscop dường như là tìm thông tin có lợi cho chính phủ Trung Quốc. Họ tấn công vào các công ty công nghiệp hàng hải Mỹ hoạt động tại Biển Đông hoặc cung cấp dịch vụ cho đối tác hoạt động trong khu vực này". Trên đây là tuyên bố của ông Fred Plan, chuyên gia của công ty bảo vệ an ninh mạng FireEye (Mắt lửa) ở Los Angeles, được báo chí Hồng Kông đăng tải.
Theo nhà phân tích này, nhóm tin tặc Trung Quốc tìm kiếm những dữ kiện có giá trị chiến lược phục vụ mục tiêu tình báo quốc gia như là tầm ra-đa hay làm thế nào để một hệ thống dò tìm có thể phát hiện ra một hoạt động trên biển.
Theo South China Morning Post, FireEye đã theo dõi nhóm tin tặc TEMP Periscop từ năm 2013 nhưng không xác nhận nhóm này có quan hệ với các cơ quan nào của chính quyền Trung Quốc cũng như danh tính các "thực thể" bị tấn công.
Phần lớn các công ty bị tấn công có cơ sở tại Mỹ nhưng trong danh sách nạn nhân cũng có một số xí nghiệp ở Châu Âu và ít nhất là một công ty ở Hồng Kông, theo chuyên gia Fred Plan.
Đợt tấn công bắt đầu tăng tốc trong tháng Hai và vẫn đang tiếp diễn cho dù giữa Washington và Bắc Kinh đã có một thỏa thuận "không tấn công vào công ty dân sự", ký kết vào năm 2015 để giảm bớt tệ nạn gián điệp kinh tế.
Một năm trước đó, Hoa Kỳ truy tố 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc vì đánh cắp bí mật thương mại của một số công ty Mỹ trong lĩnh vực điện và thép : Westinghouse Electric Co và United States Steel Corporation.
Tú Anh
********************
Việt Nam và Úc nâng cấp quan hệ lên hàng đối tác chiến lược (RFI, 15/03/2018)
Nhân dịp thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc công du Úc và tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Úc, vào hôm nay, 15/03/2018, tại Canberra, lãnh đạo hai nước đã chính thức ký kết bản tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ song phương lên hàng đối tác chiến lược.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (T) và thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tại trụ sở Quốc hội Úc, tại Canberra, ngày 15/03/2018. AAP/Mick Tsikas/via Reuters
Theo hãng tin Úc AAP, đến Canberra từ hôm qua 14/03, thủ tướng Việt Nam đã được tiếp đón long trọng vào sáng hôm nay tại thủ đô nước Úc, trước khi có cuộc hội đàm song phương với đồng nhiệm Úc Malcolm Turnbull. Với thỏa thuận thành lập quan hệ đối tác chiến lược được hai bên ký sau đó, Việt Nam và Úc sẽ tăng cường các mối quan hệ quốc phòng, an ninh, thương mại, đầu tư, phát triển và du lịch.
Phát biểu với báo giới, thủ tướng Úc Turnbull cho rằng việc nâng cấp quan hệ là "một cách thích hợp để đánh dấu 45 năm quan hệ ngoại giao". Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược là một bước tiến đáng kể tính từ năm 2009, khi hai nước bắt đầu thiết lập Quan Hệ Đối Tác Toàn Diện.
Điều được giới quan sát chú ý là bản tuyên bố chung về Quan Hệ Đối Tác Chiến Lược Việt-Úc có đoạn nói rõ mối quan tâm của cả hai nước về vấn đề Biển Đông :
"Hai bên tái khẳng định cam kết thúc đẩy an ninh và an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật, bao gồm tuân thủ và thực thi nghiêm túc các nghĩa vụ pháp lý quốc tế ; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và thông qua các cơ chế thích hợp do ASEAN dẫn dắt. Theo đó, hai bên tiếp tục quan ngại về tình hình Biển Đông và khẳng định tiếp tục phối hợp tích cực nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định tại khu vực. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả và ràng buộc giữa ASEAN và Trung Quốc, phù hợp với luật pháp quốc tế".
Trong một bài nhận định hôm 13/03/2018 về chuyến công du New Zealand và Úc của Thủ tướng Việt Nam, giáo sư Carl Thayer thuộc Học Viện quốc phòng Úc cho rằng sau khi thỏa thuận Đối Tác Chiến Lược được ký kết, hai bên cần nhanh chóng đưa ra kế hoạch hành động cho những năm tới, và nên tăng cường hợp tác về quốc phòng và an ninh.
Ông giải thích :
"Việt Nam đã được Úc chọn là một đối tác chiến lược quan trọng để đóng góp cho hòa bình và an ninh khu vực đặc biệt là trong khuôn khổ ASEAN. Hợp tác quốc phòng và an ninh sẽ đứng thứ hai sau hợp tác kinh tế trong quan hệ đối tác chiến lược.
Úc sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực đặc biệt trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Rất có thể các bộ trưởng quốc phòng từ hai phía sẽ gặp nhau thường xuyên hơn. Úc sẽ tiếp tục gửi các tàu hải quân tới Việt Nam trong những chuyến thăm hữu nghị.
Điều quan trọng hơn là Úc sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam để đạt được kết quả thực tế tại các diễn đàn khu vực đa phương, như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Diễn đàn Khu vực ASEAN".
Trọng Nghĩa
Trung Quốc tăng cường tấn công mạng chính phủ Việt Nam (VOA, 24/08/2017)
Một nhóm hacker của chính phủ Trung Quốc đã tấn công các quan chức chính phủ Việt Nam qua mạng để giành lợi thế trong các thương thảo về thương mại sắp tới.
Báo cáo của FireEye cho biết một nhóm hacker Trung Quốc tấn công vào chính phủ Việt Nam nhằm lấy lợi thế trong các cuộc thương thảo về thương mại sắp tới.
Báo cáo của công ty an ninh mạng FireEye gửi cho VOA hôm 24/8 phát hiện ra hoạt động gián điệp mạng nhắm vào chính phủ Việt Nam bằng các email giả mạo liên quan đến các chủ đề kinh tế của ASEAN và APEC nhằm lấy thông tin từ người nhận. Dựa trên những tương đồng về hành động thâm nhập mạng trước đây, FireEye khẳng định hoạt động này được tiến hành từ Trung Quốc có liên quan tới nhóm Bolo.
Chuyên gia nghiên cứu cao cấp về tình báo mạng của FireEye Fred Plan cho VOA biết do những lý do địa chính trị, đặc biệt khi các vấn đề biển Đông và cạnh tranh kinh tế đang tăng cao, Việt Nam sẽ tiếp tục là mục tiêu của các hacker Trung Quốc.
"Họ dùng phần mềm độc hại 008S Trojan để tấn công tài khoản của các quan chức chính phủ Việt Nam qua các email có gắn kèm các tài liệu về các vấn đề kinh tế của ASEAN cũng như các cuộc họp APEC ở Việt Nam từ đầu năm nay để đánh cắp mật khẩu và thông tin người dùng".
Các tệp tin nhiễm độc mà hacker Trung Quốc gửi cho các quan chức chính phủ Việt Nam, được FireEye phát hiện, nhằm thu thập thông tin về chính sách thương mại để có lợi thế trong các cuộc thương lượng sắp tới.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc luôn tìm cách theo dõi hệ thống máy tính của các chính phủ nước ngoài. "Họ muốn biết về các đề tài thảo luận của các cuộc thương lượng về thương mại cũng như của các nhà ngoại giao trước khi bước vào thương lượng", theo Adam Segal, một chuyên gia về chính sách Trung Quốc và giám đốc chính sách an ninh mạng của trung tâm nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Quốc tế có trụ sở ở New York và Washington DC nói với BuzzFeed.
Đồng tình với quan điểm này, giáo sư Carl Thayer của học viện Quốc phòng Úc nói "Trung Quốc, cũng giống như nhiều quốc gia khác, không ngại ngần gì về việc ăn trộm hay thâm nhập bất hợp pháp vào các bí mật thương mại của các nước khác".
Nhà phân tích chính trị và quốc phòng của khu vực nói với VOA rằng đây sẽ là một mối đe dọa thường trực đối với bất kỳ nhà ngoại giao nào của khối ASEAN về cả khía cạnh thương mại và chiến lược chính trị.
TPP đổ bể sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương và điều này làm cho các hiệp định thương mại do ASEAN và APEC hậu thuẫn là đích nhắm của Trung Quốc.
Báo cáo của FireEye kết luận rằng hoạt động của hacker Trung Quốc nhằm thu thập thông tin về các chính sách kinh tế thương mại từ quan chức chính phủ Việt Nam để có được lợi thế về chính trị. Sau khi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đổ bể, các hiệp định thương mại tự do được khối ASEAN và APEC hậu thuẫn sẽ trở thành mục tiêu được nhắm đến. Trung Quốc coi Việt Nam là một đối thủ trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu trong khu vực.
Việt Nam đã tổ chức các cuộc họp APEC từ đầu năm nay và sẽ là nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương vào cuối năm nay với sự tham dự của tổng thống Mỹ Donald Trump. Trung Quốc cũng đang vận động sự ủng hộ cho hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RECEP) do họ khởi xướng.
Nhà phân tích Plan của FireEye và giáo sư Thayer đều cho rằng Việt Nam ý thức được mối đe dọa an ninh mạng từ Trung Quốc đặc biệt từ vụ tấn công hệ thống máy tính của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines vào tháng 7 năm ngoái, không lâu sau khi tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông.
Trung Quốc từng tấn công hệ thống điều hành của hãng hàng không quốc gia Việt Nam làm tê liệt 2 sân bay lớn ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 7/2016.
"Những cuộc tấn công mạng vào các sân bay của Việt Nam năm ngoái chỉ là ví dụ gần đây nhất. Các website chính phủ bị tấn công và làm tê liệt. Chỉ trước đại hội Đảng 12 vào tháng 1/2016, một người Việt Nam đã bị kết án vì cung cấp những thông tin mật cho Trung Quốc", theo giáo sư Thayer.
Trong con mắt của các cơ quan an ninh Úc và Mỹ, Trung Quốc được coi là một trong những nước hung hăng nhất trong hoạt động gián điệp kinh tế thông qua điệp viên và gián điệp mạng, theo giáo sư Thayer.
Nói với VOA, chuyên gia phân tích Plan của FireEye cho biết hoạt động này đã tăng trong những năm qua và sẽ tiếp tục tăng khi Việt Nam nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc. Và mặc dù các hacker Trung Quốc dùng các thủ thuật rất phổ biến là "spear phishing" nhưng chính phủ Việt Nam cần thận trọng và nâng cấp hệ thống máy tính cũng như đào tạo về an ninh tốt hơn cho các quan chức chính phủ. Giáo sư Thayer cũng nhận định rằng trong bối cảnh mạng toàn cầu làm cho việc bảo vệ các bí mật quốc gia khó khăn hơn, không phải quốc gia nào cũng có đủ khả năng luôn cập nhật với các hệ thống an ninh máy tính tốt nhất.
Theo thống kê từ một nghiên cứu cách đây 3 năm của nhóm chống lừa đảo ăn cắp thông tin trên mạng APWC, Trung Quốc đứng sau 85% các cuộc tấn công bằng phương pháp phishing trên toàn cầu.
**********************
Việt Nam là mục tiêu tấn công của tin tặc Trung Quốc (RFA, 23/08/2017)
Máy tính của các viên chức thương mại và ngoại giao Việt Nam đang là mục tiêu tấn công dồn dập của tin tặc Trung Quốc.
Hình minh họa AFP
Công ty an ninh mạng FireEye cho biết như vậy và giả định rằng các tin tặc Trung Quốc này được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn.
Thủ đoạn được bọn tin tặc thực hiện là gửi email có cài mã độc đến máy tính của các viên chức, từ đó có thể đánh cắp các kế hoạch thương lượng thương mại hay ngoại giao.
Một chuyên gia về Trung Quốc làm việc ở thủ đô Washington của Mỹ nói rằng đối với các nhà ngoại giao của quốc gia Đông Nam Á thì tin tặc Trung Quốc là một mối đe dọa thường xuyên. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia cạnh tranh với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, từ việc khai thác dầu khí ở Biển Đông cho đến chủ quyền các hòn đảo nhỏ ở vùng biển này.