Biển Đông : Tầu chiến Mỹ lại tuần tra Hoàng Sa, thách thức yêu sách của Trung Quốc (RFI, 29/05/2020)
Ngày 28/05/2020, một khu trục hạm của Hải Quân Mỹ lại tuần tra vì tự do lưu thông hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam. Đây là lần thứ hai liên tiếp trong vòng một tháng, Hải Quân Mỹ thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.
Tàu chiến Mỹ USS Mustin (trái) và chiến hạm Nhật Bản JS Kirisam trong một lần thao dượt chung tại Biển Đông ngày 21/04/2015. U.S. Navy/Handout via Reuters
Trong một thông cáo, trung úy Anthony Junco, phát ngôn viên Hạm đội 7 của Hải Quân Mỹ, cho biết : "Ngày 28/05 (giờ địa phương), tầu USS Mustin (DDG 89) đã khẳng định các quyền và quyền tự do hàng hải tại quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Khi tiến hành chiến dịch trên, Hoa Kỳ đã chứng tỏ rằng vùng biển này không nằm trong đòi hỏi chủ quyền vùng biển quốc gia của Trung Quốc".
Theo một quan chức Hải Quân Mỹ, được trang CNN trích dẫn, khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Mustin lớp Arleigh Burke đã đi vào vùng 12 hải lý của đảo Phú Lâm (Woody Island) và đá Tháp (Pyramid Rock) thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Phía Trung Quốc cho biết đã điều tầu đến nhận dạng, theo dõi và cảnh báo tầu USS Mustin. Trong một thông cáo được trang China Daily trích dẫn, phát ngôn viên Chiến khu Nam Bộ Trung Quốc lên án "Quân đội Mỹ là nguồn gốc của những rắc rối và hỗn loạn ở Biển Đông".
Philippines, Việt Nam muốn giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông
Trong khi đó, Mỹ cáo buộc Trung Quốc lợi dụng dịch Covid-19 để củng cố yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và bắt chẹt các nước trong khu vực, đặc biệt là với Việt Nam, Philippines và Malaysia.
Tuy nhiên, giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp với Trung Quốc, duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực vẫn là ưu tiên của Việt Nam và Philippines, theo nội dung cuộc điện đàm tối 26/05 giữa thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Sau Việt Nam và Malaysia, đến lượt Indonesia phản đối "đường 9 đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông trong một công hàm gửi tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Gueterres ngày 26/05. Theo công hàm mà trang Wion (28/05) tra cứu được, "Indonesia tái khẳng định bản đồ "đường 9 đoạn" hàm ý đòi hỏi chủ quyền lịch sử, không có cơ sở pháp lý quốc tế và tương đương với việc đảo lộn UNCLOS 1982".
Thu Hằng
****************
Tàu khu trục USS Mustin tiến gần quần đảo Hoàng Sa (RFA, 28/05/2020)
Hôm 28/5, Hải quân Hoa Kỳ đã điều tàu khu trục USS Mustin mang tên lửa hành trình, thuộc lớp Arleigh Burke tiến gần quần đảo Hoàng Sa. Bộ Quốc phòng Mỹ loan tin vừa nói cùng ngày.
Tàu khu trục USS Mustin mang tên lửa hành trình, thuộc lớp Arleigh Burke (phải) trong một lần diễn tập trước đây. (Ảnh minh họa) - AFP
Trung úy Anthony Junco, phát ngôn viên của Hạm đội 7, Hải quân Hoa Kỳ, cho biết cụ thể vào ngày 28/5, tàu USS Mustin (DDG 89) đã khẳng định các quyền tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Khi tiến hành hoạt động này, Hoa Kỳ đã chứng minh rằng các vùng biển này nằm ngoài những gì Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền một cách hợp pháp.
Trong khi đó theo South China Morning Post dẫn lời một phát ngôn viên của quân đội nước này rằng Hải quân Trung Quốc hôm 28/5 đã đuổi tàu USS Mustin của Mỹ khi tàu này xâm phạm vùng biển chủ quyền của Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Tây Sa ở Trung Hoa Nam Hải, theo cách gọi của Trung Quốc. Tức Hoàng Sa ở Biển Đông.
Cách đây đúng một tháng vào ngày 28 tháng tư ,chiến hạm USS Barry của Hoa Kỳ cũng có chuyến đi qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa trong khuôn khổ chiến dịch tự do hàng hải- FONOP.
Hiện Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa.
Hải quân Hoa Kỳ đã nhiều lần điều tàu chiến tiến gần các khu vực tranh chấp, trong một nỗ lực nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
***************
Tàu chiến Mỹ lại thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông (VOA, 28/05/2020)
Hải quân Hoa Kỳ lại một lần nữa thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, với việc điều tàu khu trục USS Mustin mang tên lửa có điều hướng thuộc lớp Arleigh Burke đi gần quần đảo Hoàng Sa hôm thứ Năm 28/5.
Tàu USS Mustin của Mỹ đi qua Biển Đông hồi năm 2015
Hải quân Hoa Kỳ đã hai lần điều tàu chiến đi như vậy trong một nỗ lực nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong tháng trước, và cũng thực hiện một cuộc hành quân như vậy gần Hoàng Sa hồi tháng 3.
Sự gia tăng nhịp độ các hoạt động này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh về một loạt các vấn đề, bao gồm các nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm kiểm soát Hong Kong và trách nhiệm của họ đối với dịch virus corona.
"Vào ngày 28/5 (giờ địa phương), tàu USS Mustin (DDG 89) đã khẳng định các quyền đi lại và tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế", Trung úy Anthony Junco, phát ngôn viên của Hạm đội 7, Hải quân Hoa Kỳ, cho biết trong một tuyên bố.
"Khi tiến hành hoạt động này, Hoa Kỳ đã chứng minh rằng các vùng biển này nằm ngoài những gì Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền một cách hợp pháp", tuyên bố của phía Mỹ nói thêm.
Trong khi đó, tin tức từ phía Trung Quốc dẫn lời một phát ngôn viên của quân đội nước này nói rằng Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc hôm 28/5 đã "đuổi" tàu USS Mustin của Mỹ khi con tàu "xâm phạm vùng biển chủ quyền của Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Tây Sa [tức Hoàng Sa] ở Trung Hoa Nam Hải [tức Biển Đông]".
Cả Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa.
Hoa Kỳ lâu nay vẫn nói rằng Bắc Kinh đã quân sự hóa các đảo trên Biển Đông với việc triển khai các thiết bị quân sự và xây dựng các cơ sở quân sự.
Quân đội Hoa Kỳ gần đây cáo buộc Trung Quốc tìm cách lợi đại dịch virus corona để giành lợi thế quân sự và kinh tế trong khu vực.
(CNN, Thời báo Hoàn cầu)
Chiến lược quốc gia chính của Trung Quốc từ nay đến năm 2045 là tăng cường sức mạnh mềm, hiện đại hóa quân đội, và trở thành một nước có sức ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Donald Trump- Nguyễn Phú Trọng - Tập Cận Bình (Ảnh minh họa)
Để làm được điều này, Trung Quốc sẽ nỗ lực làm giảm ảnh hưởng và sự hiện diện của Mỹ, làm suy yếu các đồng minh của Mỹ, bắt nạt các nước láng giềng và giành quyền kiểm soát trên Biển Đông.
Thông tin này được bà Bonnie Glaser, Cố vấn Cấp cao về Châu Á và Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đưa ra tại cuộc trao đổi trực tuyến tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội với báo giới hôm 27/5 về chủ đề An ninh Khu vực Biển Đông giai đoạn Covid-19.
Theo bà Bonnie Glaser, mục tiêu quốc gia của ông Tập Cận Bình đến năm 2045 là đưa Trung Quốc trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, có ảnh hưởng toàn cầu, là lãnh đạo tiên phong về đổi mới, với lực lượng quân đội hùng mạnh nhất.
Liệu Trung Quốc có đang tranh thủ đại dịch Covid-19 để tăng cường gây sức ép trên Biển Đông nhằm tăng tốc cho tham vọng bá chủ của mình ? Và Việt Nam, các nước có chung lợi ích trong khu vực, cùng các cường quốc như Mỹ, có thể làm gì để đương đầu với Trung Quốc ?
BBC News tiếng Việt ghi lại các điểm chính mà bà Bonnie Glaser đưa ra để trả lời câu hỏi của báo giới quanh các vấn đề này.
Trung Quốc lợi dụng Covid-19 để tăng cường hoạt động trên Biển Đông ?
Theo bà Bonnie Glaser, quan điểm này được một số người đưa ra, nhưng bà cho rằng những gì Trung Quốc tiến hành trên Biển Đông trong thời gian dịch bệnh không có gì khác với những gì họ đã làm trước đây.
"Ví dụ như việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò tới khu vực ngoài khơi Malaysia, việc đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương tới khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam, rõ ràng không có sự liên quan của Covid-19. Đó là những thứ mà Trung Quốc đã luôn luôn thực hiện. Thậm chí việc Trung Quốc đánh chìm tàu cá Việt Nam vừa qua cũng không phải là cái gì mới. Trung Quốc thỉnh thoảng vẫn đánh chìm các tàu cá nước ngoài nếu họ nghĩ các tàu cá này có vẻ khiêu khích họ theo cách nào đó".
"Hành động của Trung Quốc đôi khi có thể hiểu được rằng, không phải họ đang tận dụng tình huống, mà là việc họ phản ứng lại các tình huống mà họ cho là khiêu khích họ từ các nước khác".
Việt Nam và chính sách với Mỹ ?
Trước câu hỏi Việt Nam có nên và có thể nâng tầm quan hệ đối tác toàn diện vỡi Mỹ thành quan hệ đối tác chiến lược, trong khi luôn tuyên bố trung thành với chính sách '4 không', bà Bonnie Glaser cho hay :
"Việt Nam không phải là nước duy nhất có chính sách 'không liên lết với nước này để chống nước kia'. Nhiều nước trên thế giới cũng có chính sách tương tự. Mỗi nước phải tự xác định đi theo lập trường nào. Bạn có thể thiết lập quan hệ quân sự với nước này, và thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với nước kia, chẳng hạn với Mỹ, đó là một ví dụ, mà không phải chống lại Trung Quốc".
"Việt Nam có thể cho phép lực lượng cứu trợ của Mỹ hoạt động tại nước mình khi có thảm họa thiên nhiên, hoặc tham gia diễn tập quân sự với Mỹ. Những hoạt động này cũng gửi tín hiện tới Trung Quốc về các lo ngại chung mà các nước chia sẻ, như về sự bắt nạt của Trung Quốc với Việt Nam và các nước khác trong việc khai thác năng lượng ở vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông".
"Mỗi nước cần tìm ra cho mình một 'khu vực an toàn' để ra tín hiệu rằng không liên kết với nước này để chống nước kia, nhưng vẫn có thể hợp tác cùng các nước khác để bảo vệ lợi ích của mình. Tôi cho rằng điều này cũng đã được nhìn thấy trên thực tế, qua việc Mỹ gửi tàu sân bay thăm cảng ít nhất hai lần tới Việt Nam vừa qua. Việt Nam có thể xem xét mở rộng hoạt động này với Mỹ. Vì đó là tín hiệu gửi tới Trung Quốc rằng Việt Nam vẫn có lựa chọn khác, nếu Việt Nam thực sự muốn tác động và thay đổi thái độ của Trung Quốc".
Ý nghĩa việc Mỹ mời Việt Nam tham gia RIMPAC 2020
Theo bà Bonnie Glaser, tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) là hoạt động hợp tác tập trận chung của các nước có chung quan điểm, cùng chia sẻ các nguyên tắc chung về tôn trọng trật tự thế giới, chia sẻ mối quan tâm chung về các giải pháp hòa bình, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nước theo luật quốc tế. Các nước này cùng nhóm lại, cùng tập luyện các kỹ năng cần thiết phục vụ cho lực lượng hải quân. Do đó đây là cơ hội "rất quan trọng cho Việt Nam".
"Bởi đây là cơ hội quan trọng để Việt Nam ra tín hiệu rằng Việt Nam muốn trở thành một thành viên linh hoạt với nhóm các nước có cùng chí hướng, mà không cần phải chính thức 'liên kết' với nước nào. Mà chỉ là một nhóm các nước có mối quan tâm chung cùng nhóm lại để nâng cao các kỹ năng, năng lực hải quân cần thiết. Đây thực sự là cơ hội tốt cho Việt Nam".
Vai trò Chủ tịch ASEAN giúp gì cho Việt Nam ?
Bà Bonnie Glaser đánh giá rằng việc Việt Nam trở thành Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc năm 2020 là cơ hội tốt để đương đầu với Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên có một số bất lợi mà Việt Nam cần vượt qua để phát huy tốt vai trò của mình do đây là thời điểm dịch Covid-19 đang hoành hành.
"Luôn luôn có cơ hội cho các nước đóng vai trò Chủ tịch ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Thật không may là năm nay chúng ta lại đang đối mặt với dịch bệnh Covid-19, và điều này có vẻ như làm chậm lại các tiến trình đàm phán COC. Nhưng hi vọng là Việt Nam vẫn có thể tổ chức các cuộc đàm phán để hợp tác online với các quốc gia khác".
"Tôi hi vọng là sẽ có thêm các quan điểm chung được củng cố giữa các quốc gia ASEAN về việc làm thế nào để đối phó với Trung Quốc. Đó là một thách thức lớn. Nhưng ASEAN cần phải nói chuyện với nhau về cái gì là quan trọng nhất của một bộ COC. Bởi vì nếu chỉ đơn giản đàm phán COC với Trung Quốc mà không hiểu được cái quan trọng nhất là gì thì Trung Quốc có thể nắm quyền điểu khiển giữa và trong các quốc gia ASEAN, có thể gây chia rẽ các quốc gia ASEAN".
"Trung Quốc không quan tâm tới việc phục vụ một ASEAN thống nhất và đoàn kết, mà muốn một ASEAN chia rẽ và yếu kém. Do đó tôi hi vọng Việt Nam sẽ đóng vai trò của mình để củng cố một ASEAN mạnh mẽ hơn, để thúc đẩy một số quan điểm, và đưa đối thoại COC quay trở lại, để đảm bảo rằng có một số phản ứng chống lại một số đòi hỏi của Trung Quốc, chống lại một số ngôn ngữ mà Trung Quốc cố gắng đưa vào COC có thể gây bất lợi cho lợi ích của các quốc gia ASEAN thành viên", bà Bonnie Glaser nói.
Việc kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế
"Theo tôi hiểu thì đây là một chủ đề mà Việt Nam đã nghĩ tới nhiều năm qua. Nhiều thông tin đã được thu thập, củng cố, và tôi được cho biết rằng Việt Nam luôn sẵn sàng bất cứ lúc nào, ngay khi có quyết định cuối cùng, để đưa vụ việc ra tòa", bà Bonnie Glaser nhận định.
"Tôi chắc chắn rằng đã có những tranh luận ở Việt Nam về cái lợi, cái hại, cái được, cái mất của quyết định này… Và đó phải là quyết định cuối cùng mà Việt Nam cần tự mình đưa ra. Tôi cho rằng đó cũng là điều mà Trung Quốc lo lắng. Do đó nó thực sự tùy thuộc việc Việt Nam cần làm rõ ràng rằng có đúng là họ muốn đưa vụ việc ra tòa hay không. Và nếu Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào chủ quyền biển của Việt Nam thì đến một lúc nào đó Việt Nam cần phải thực hiện điều này".
Mỹ sẽ tiến xa tới mức nào trong việc đối đầu với Trung Quốc ?
Theo bà Bonnie Glaser, không có một tiêu chuẩn chuẩn mực nào cho phản ứng của Mỹ với Trung Quốc. Bà phân tích :
"Tôi không nghĩ chính phủ Mỹ chuẩn bị trước rằng họ sẽ tiến bao xa trong việc đối đầu với Trung Quốc. Đó hẳn phải là bước cuối cùng mà Mỹ thực hiện. Bởi vì luôn có tính ngẫu nhiên trong các tình huống".
"Nếu Trung Quốc muốn dùng vũ lực để chống lại một nước nào đó thì Mỹ hẳn sẽ xem xét xem có tham gia vào không ? Một kịch bản mà tôi nghĩ tới là Trung Quốc dùng vũ lực quân sự để chặn tự do hàng hải trên khu vực tranh chấp trên Biển Đông, thì Mỹ sẽ phải xem xét để ra tín hiệu rằng các hành động này là không thể chấp nhận được".
"Quyết tâm rõ ràng hơn hiện nay của Mỹ là sẵn sàng hơn trong việc hứng chịu các rủi ro có thể có với Trung Quốc hơn là Mỹ từng trong quá khứ. Tuy nhiên cũng rõ ràng rằng, Mỹ không muốn kết thúc trong xung đột leo thang hay trong các vụ đụng độ, va chạm với Trung Quốc... Mỹ muốn thấy sự khác biệt giữa hai bên được đặt xuống bàn thảo trong hòa bình, qua đối thoại. "
"Trung Quốc cũng vậy, họ không muốn làm căng thêm xung đột với Mỹ. Các mục tiêu quốc gia của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu họ dự vào một cuộc chiến tranh với Mỹ. Trung Quốc muốn thắng mà không phải chiến tranh, dù điều này không có nghĩa là Trung Quốc không có các hành động khiêu khích".
Bắc Kinh muốn gây ảnh hưởng tới Việt Nam trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 13 ?
Bà Bonnie Glaser cho hay bà không phân tích nội bộ chính trị của Việt Nam, nhưng bà tin rằng "Trung Quốc luôn muốn, và ngày càng cố gắng gây ảnh hưởng đến nội bộ chính trị của các nước khác".
"Ví dụ tốt nhất là Úc. Chúng ta có thể thấy Trung Quốc đã rất kiên quyết trong việc can thiệp vào xã hội và chính trị nước này. Trong đó vài năm trước, Trung Quốc đã dùng tiền để xây đắp quan hệ với các chính trị gia trong Quốc hội Úc. Từ đó, Úc đã thông qua Đạo luật cấm các khoản đóng góp tài trợ chính trị từ nước ngoài có hiệu lực từ đầu tháng 1/2019. Đó chỉ là một ví dụ. Chúng ta có thể nhìn thấy vô vàn các ví dụ như vậy".
"Covid-19 đã thực sự cho thấy một sự quyết tâm mới của Trung Quốc trong việc dùng tin giả và chính sách ngoại giao 'chiến binh sói' để buộc tội các quốc gia khác. Điều này thực sự đáng kinh ngạc, nó vốn không phải là điều chúng ta thường thấy trong quá khứ. Trung Quốc đã rất nỗ lực truyền bá các tin giả như ai tạo ra virus, ai là người khởi xướng, thậm chí tới mức họ còn truyền tin rằng Pháp bỏ mặc cho người dân chết trong nhà thương. Bằng cách nào đó họ nghĩ rằng những thông tin này phục vụ cho lợi ích của họ".
"Do đó, chúng ta đang thấy các cách sáng tạo hơn của Trung Quốc trong nỗ lực can thiệp vào nội bộ chính trị Việt Nam, có thể qua truyền thông, qua can thiệp vào Facebook, Twitter… Việt Nam nên dự đoán trước những gì Trung Quóc có thể làm, và cố gắng xây dựng các rào chắn ở bất cứ lĩnh vực nào có thể để đảm bảo hệ thống chính trị đủ sức bền, đủ sức chịu đựng, và không dễ bị tổn thương từ các hoạt động can thiệp chính trị của Trung Quốc".
******************
Báo Trung Quốc : 'Cần sẵn sàng bỏ Mỹ, xây dựng nội lực, chiến đấu lâu dài'
BBC, 28/05/2020
Thừa nhận 'cuộc chiến về Hong Kong' đang diễn ra, Hoàn cầu Thời báo nói việc 'tách khỏi' Hoa Kỳ không làm Trung Quốc sợ hãi vì nước này chuẩn bị "chiến đấu lâu dài".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường bấm nút bỏ phiếu về luật an ninh Hong Kong ngày 28/5 tại Bắc Kinh
Cùng lúc, có ý kiến bên ngoài cho rằng ông Tập Cận Bình chọn "giải pháp cứng" với Hong Kong để thổi lên sự ủng hộ cho chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa.
Vào thời gian Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật an ninh để trực tiếp giải quyết làn sóng biểu tình mà Trung Quốc gọi là "các nhóm bạo loạn, ly khai" ở Hong Kong, tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng CS Trung Quốc có bài xã luận lên án Mỹ.
Bài tiếng Anh của Global Times (27/05/2020) có tựa đề "Era of US intimidating China over" (Thời đại Hoa Kỳ dọa nạt Trung Quốc đã qua), nói thẳng về một loạt vấn đề trong quan hệ hai bên.
Đầu tiên là về Hong Kong, tờ báo thừa nhận "cuộc chiến đang diễn ra về Hong Kong" và thách thức Hoa Kỳ "tung ra bất cứ lá bài nào họ có trong tay".
Vấn đề Hong Kong được Trung Quốc đặt trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung xấu đi, điều mà một số chính trị gia Phương Tây gọi là 'decoupling' (tách đôi, chia ra) sau nhiều năm hai bên cùng dựa vào nhau để phát triển.
Nay, tờ báo Đảng ở Trung Quốc nói "decoupling' nếu diễn ra ở bất cứ lĩnh vực nào thì Trung Quốc sẵn sàng ứng phó ở lĩnh vực đó.
Điểm thua thiệt của Trung Quốc là lĩnh vực công nghệ cao, tờ báo nói.
Tuy nhiên, Trung Quốc "sẽ vận động toàn dân tộc" để đạt mục tiêu có nền kinh tế công nghệ cao, nhưng đã làm khi tự chế ra bom nguyên tử trước đây.
Đằng sau sự sẵn sàng đối đầu này là cảm xúc "bị bắt chẹt" :
"Nhiều người Trung Quốc nay hiểu rằng một số chính trị gia Mỹ đang chặn cổ Trung Quốc (nguyên văn : seizing China by its throat). Cuộc cạnh tranh dài hạn giữa Trung Quốc và Mỹ là không thể tránh khỏi. Trước sự hung hăng của Mỹ, Trung Quốc cần có tâm lý bình tĩnh, và sẵn sàng lâm chiến trong cuộc chiến lâu dài với Hoa Kỳ".
Tờ Hoàn cầu Thời báo cũng nhắc rằng Trung Quốc "có vũ khí nguyên tử để răn đe" và có lực lượng quân sự khiến Hoa Kỳ không dám tấn công.
Tờ báo thừa nhận chính sách của Trung Quốc sẽ là hướng nội, xây dựng nội lực (internal vitality).
"Chúng ta đã thiết kế ra hệ thống sản xuất hoàn chỉnh, và xây dựng khả năng công nghệ tạo các bước đột phá. Chúng ta cũng có thị trường nội địa rộng lớn. Thật không thể nào cô lập, trói buộc một quốc gia như thế".
Bài cũng nói nếu xảy ra chiến tranh tài chính, Hoa Kỳ sẽ thua thiệt nhiều hơn. Cùng lúc, Trung Quốc sẵn sàng chống đỡ mọi tấn công từ bên ngoài.
Bài xã luận khẳng định cuối cùng thì chỉ có Trung Quốc mới cạnh tranh được với Trung Quốc, nhờ vào "khả năng linh hoạt cao và sức sống bền vững".
Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc thời Tập Cận Bình
Nhiều ý kiến của các nhà bình luận quốc tế gần đây tập trung lý giải vì sao Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình lại chọn "giải pháp cứng" (nguyên văn : nuclear option) với Hong Kong.
Theo Benjamin Wilhelm, viết trên trang World Politics Review thì chính phủ Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề Hong Kong sớm hơn hạn 2047.
Trên thực tế, với Luật an ninh mới, Bắc Kinh xóa bỏ công thức "Một quốc gia, hai chế độ" cho Hong Kong đồng ý với Anh sau khi nhận Hong Kong năm 1997.
Với đại dịch Covid-19 làm kinh tế Trung Quốc "rơi vào suy thoái" và các vấn đề quốc tế bề bộn, gồm cuộc đương đầu trong thương chiến với Mỹ chưa xong, ông Tập phải dựa vào lá bài dân tộc chủ nghĩa.
Tuy nhiên, cách làm này sẽ không chỉ kết thúc ở Hong Kong, theo ông Wilhelm.
"Nếu Tập thành công trong việc áp dụng chế độ trực trị với Hong Kong và hóa giải được cơn bão tại đây, thì như Brian C.H. Fong, nhà bình luận từ Hong Kong viết...cơn sốt dân tộc chủ nghĩa Trung Hoa sẽ càng được nước, và tham vọng sẽ nổi lên, vươn ra các vùng ven, nhất là Đài Loan và Biển Đông".
Hải quân Mỹ chuẩn bị bàn giao tàu tuần duyên John Midgett cho Việt Nam (VOA, 22/05/2020)
Hoa Kỳ tiếp tục chuẩn bị tàu tuần duyên USCGC John Midgett để chuyển giao cho Cảnh sát biển Việt Nam.
Tàu USCGC John Midgett (WHEC-726) sẽ được bàn giao cho Cảnh sát Biển Việt Nam. Photo defense-studies.blogspot
Trang Defense-studies.blogspot cho biết phù hiệu của tàu USCGC John Midgett vừa được sơn trắng và thay vào đó sẽ là phù hiệu của Cảnh sát biển Việt Nam.
Theo trang DVIDS của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, tàu John Midgett sẽ dự kiến được loại biên và bàn giao cho Cảnh sát biển Việt Nam vào cuối năm 2020.
Tàu John Midgett dự kiến được loại biên vào tháng 3/2020, nhưng do dịch Covid-19 nên lễ loại biên đã bị hoãn, theo một thông cáo của đại tá Michael Cribbs, chỉ huy tàu.
Cũng theo trang DVIDS, chuyên cung cấp các thông tin bằng hình ảnh cho báo chí, vào tháng 1/2020, các thành viên của đoàn công tác trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã có chuyến thăm tàu tuần tra USCGC John Midgett tại cảng Seattle, bang Washington.
Đây sẽ là chiếc tàu tuần tra lớp Hamilton thứ hai phía Mỹ bàn giao cho Cảnh sát biển Việt Nam, theo tin từ Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội. Chiếc thứ nhất là tàu Cảnh sát biển 8020, trước đây là tàu tuần tra USCGC Morgenthau, được bàn giao cho phía Việt Nam cuối năm 2017.
Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper công bố sẽ sớm bàn giao tàu tuần duyên thứ hai cho Cảnh sát biển Việt Nam.
Hôm 20/5, khi dẫn báo Thanh Niên loan tin tàu John Midgett sắp được bàn giao cho Việt Nam, Đại sứ quán Hoa Kỳ viết trên Facebook : "Hoa Kỳ cam kết hợp tác cùng Việt Nam nhằm tăng cường năng lực an ninh biển để hỗ trợ cho lợi ích chung của chúng ta trong việc thúc đẩy tự do hàng hải, thịnh vượng kinh tế cũng như an ninh năng lượng, hòa bình và ổn định trong khu vực".
Truyền thông Việt Nam cho biết việc bổ sung một tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton được đánh giá là sẽ giúp nâng cao đáng kể năng lực của Cảnh sát biển Việt Nam trong việc thực thi pháp luật trên các vùng biển chủ quyền.
**********************
Mỹ tố cáo Trung Quốc tiếp tục đe dọa và cưỡng ép ở Biển Đông (RFA, 21/05/2020)
Một báo cáo vừa đệ trình lên Quốc hội Hoa Kỳ có nội dung Trung Quốc tiếp tục chiến thuật đe dọa và cưỡng ép ở Biển Đông.
Hình chụp hôm 4/9/2019 của Hải quân Mỹ : tàu USS Montgomery trong cuộc tập trận giữa Mỹ và ASEAN ở vịnh Thái Lan. AFP
Truyền thông trong nước, dẫn nguồn từ website của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết báo cáo vừa nêu có tên "Tiếp cận chiến lược của Mỹ đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa", được thực hiện theo Đạo luật Ủy quyền quốc phòng 2019, và vừa gửi đến Quốc hội Hoa Kỳ vào hôm 20/5/2020.
Tin nói rằng Mỹ, trong bản báo cáo, đã tố cáo Trung Quốc vi phạm các cam kết về kinh tế và thương mại quốc tế, cũng như tạo ra các thách thức an ninh và làm tổn hại giá trị của Hoa Kỳ đang theo đuổi.
Liên quan vấn đề thách thức an ninh của Trung Quốc, báo cáo ghi rõ rằng Bắc Kinh khiêu khích và cưỡng ép quân sự lẫn bán quân sự ở Hoàng Hải, biển Hoa Đông, Biển Đông, eo biển Đài Loan và khu vực biên giới Trung Quốc-Ấn Độ. Những động thái này hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của Bắc Kinh như phản đối sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không can thiệp vào chuyện nội bộ nước khác, hay giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình.
Trong bản báo cáo, Chính quyền Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh rằng quân đội Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện quyền di chuyển và hoạt động ở bất kỳ khu vực nào luật quốc tế cho phép, bao gồm Biển Đông. Đồng thời, Mỹ cũng sẽ hợp tác và hỗ trợ các đối tác và đồng minh nhằm chống lại những hành động lấn át của Trung Quốc.
Báo giới quốc nội, vào ngày 21/5, dẫn nguồn của Fox News loan tin rằng Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về khu vực Đông Nam Á, ông Reed Werner, hôm 19/5 cho biết Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có những cuộc chạm trán "không an toàn" ở Biển Đông trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng.
Ông Werner liệt kê đã có ít nhất 9 sự cố liên quan đến máy bay chiến đấu của Trung Quốc và máy bay Mỹ trên không phận Biển Đông kể từ giữa tháng 3. Hồi tháng trước cũng tại khu vực Biển Đông, một tàu hộ tống của Trung Quốc đi cùng một nhóm tàu sân bay của nước này đã có động thái "không an toàn và không chuyên nghiệp" gần tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mustin của Hải quân Mỹ.
Ông Werner cho hay Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá xu hướng hiện tại của Trung Quốc rất đáng lo ngại và quân đội Mỹ đã tìm cách tăng cường sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tàu Hải quân Mỹ cũng đã tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trong những tháng gần đây tại vùng Biển Đông, trước những động thái thách thức của Bắc Kinh trong yêu sách về chủ quyền phi lý ở khu vực này.
********************
Trung Quốc : Trồng được rau ở Phú Lâm là ‘thắng to’ trong khẳng định chủ quyền (VOA, 22/05/2020)
Trung Quốc vừa thu hoạch 1,5 tấn rau tại căn cứ quân sự lớn nhất của mình ở đảo Phú Lâm, tờ báo nhà nước Trung Quốc, Hoàn cầu Thời báo, đưa tin.
Hải quân Trung Quốc tuần tra trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng do Trung Quốc kiểm soát trên thực tế.
Cuộc thu hoạch vừa rồi được xem là "một chiến thắng to lớn" của Bắc Kinh trong cuộc chiến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, báo của Trung Quốc viết. Đó là vì theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), những nơi duy trì được khả năng cư trú của con người, có nền kinh tế độc lập, không phụ thuộc vào nhập khẩu từ bên ngoài thì đủ điều kiện để trở thành đảo chính thức.
Hiện không có căn cứ quân sự và đảo nhân tạo nào của Trung Quốc trên Biển Đông đáp ứng tiêu chuẩn trên. Vì vậy, tất cả các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng nhằm khẳng định chủ quyền đều bị cho là "đá" hoặc các thực thể "phi đảo" trong phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực năm 2016.
Việc biến các đảo nhân tạo thành đảo chính thức là vấn đề lâu nay của Bắc Kinh, vì tất cả các khu định cư mà Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông đều thiếu nước ngọt và đất trồng.
Trung Quốc đã nỗ lực xây dựng các nhà kính và mang đất đai màu mỡ từ đất liền đến, nhưng cho đến gần đây đều thất bại trong kế hoạch "tự túc lương thực" cho các căn cứ trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa và Đá Chữ Thập ở Trường Sa.
Dự án canh tác trên nền cát của đảo Phú Lâm là một dự án của quân đội Trung Quốc phối hợp với một trường đại học nghiên cứu hàng đầu của nước này - Đại học Giao thông Trùng Khánh.
Theo tờ báo Trung Quốc, nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc "biến cát thành đất màu" để tạo môi trường màu mỡ cho thảm thực vật, mở đường cho nông nghiệp với khả năng "tự cung tự cấp" trên các đảo, đá mà Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền xung đột với các nước khác.
Ngoài trồng trọt, Bắc Kinh cũng nỗ lực trong việc xây dựng khả năng sản xuất điện và lọc nước biển thành nước ngọt, triển khai một loạt ưu đãi như cấp nhà ở, trợ cấp… để thu hút người dân đến sống trên các đảo tranh chấp, theo RFA.
Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục thực hiện các hành động gây hấn, lấn át Việt Nam và các quốc gia láng giềng nhằm khẳng định chủ quyền trên Biển Đông, bất chấp tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu.
Hiện Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa bình luận gì về dự án canh tác của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm.
Vạch cho Trung Quốc thấy đâu là "giới hạn" ở Biển Đông ?
Trương Nhân Tuấn, 22/05/2020
Rất ít khi thấy Bộ Quốc phòng Việt Nam lên tiếng về vấn đề chủ quyền biển đảo. Điều này cũng bình thường, vì thái độ của quốc gia thường được thể hiện qua các động thái của Bộ Ngoại giao. Chuyện xảy ra vào tuần rồi, trước diễn đàn Quốc hội. Đại diện Bộ quốc phòng lên "trả lời cử tri" về các chất vấn liên quan tình hình biển đảo.
Lực lượng hải quân Việt Nam - Ảnh minh họa
Theo tôi ý kiến của Bộ Quốc phòng trong thời điểm này có nhiều ý nghĩa.
Báo chí ghi lại nội dung : "Bộ Quốc phòng Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, giữ vững 21 đảo (33 điểm đóng quân) ở quần đảo Tiến sĩ và các giàn DK".
Việt Nam như vậy đã "bỏ qua" lịnh cấm đánh cá của Trung Quốc từ 1999 đến nay, ở vùng biển phía bắc vĩ tuyến 13°.
Phải chăng Việt Nam muốn vạch ra cho Trung Quốc thấy đâu là "giới hạn" của Việt Nam ở Biển Đông ?
Tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay đang rất căng thẳng. Cái bẫy Thucydide có thể "khởi động", bất cứ lúc nào có hành vi "sai lầm" của một bên. Đài loan và biển Đông có thể là "đòn bẫy" làm thay đổi hiện trạng khu vực (và sắp xếp lại trật tự thế giới).
Một số các giới hạn, nếu Trung Quốc vượt qua, Việt Nam sẽ đứng về phía Mỹ và phát động chiến tranh. Đó là :
1/ Trung Quốc không được đặt vùng "nhân dạng phòng không - ADIZ" trên vùng biển dưới vĩ tuyến 13° ở Biển Đông.
2/ Trung Quốc không được chiếm các đảo Tiến sĩ hiện do Việt Nam chiếm đóng.
3/ Trung Quốc không được xâm phạm vùng kinh tế độc quyền 200 hải lý của Việt Nam, đặc biệt vùng nam vĩ tuyên 13°...
Ý kiến của Bộ Quốc phòng Việt Nam trước diễn đàn Quốc hội có thể xem như là "thông điệp" của Việt Nam cho Trung Quốc : Các anh làm gì ở vùng bắc vĩ tuyến 13° tôi không quan tâm. Mấy anh vượt qua lằn ranh 13° là không được.
Điều chắc chắn là Trung Quốc sẽ ra tuyên bố vùng "nhận diện phòng không - ADIZ" vùng biển Hoa Nam (tức biển Đông). Chỉ là thời điểm khi nào thì thích hợp và khi nào thì Trung Quốc có khả năng làm việc đó.
Logic thì Trung Quốc sẽ tuyên bố vùng ADIZ phù hợp với ranh giới "đường lưỡi bò" dưới biển. Điều khó khăn là làm thế nào xác định cụ thể "ranh giới" của đường này ? Vô phương ! Trong khi Trung Quốc chưa kiểm soát được các đảo Trường Sa. Và giả sử khi Trung Quốc kiểm soát tất cả các đảo Tiến sĩ thì tiềm năng không quân và hải quân Trung Quốc chưa đủ để bảo vệ một không gian và vùng biển lớn lao như vậy.
Luật và tập quán quốc tế nhìn nhận "vùng nhận diện phòng không" của một quốc gia tương ứng với ranh giới trên đất liền và ranh giới dưới biển (200 hải lý tính từ bờ, hay từ các đảo) của quốc gia này.
Lằn ranh vĩ tuyến 13° vì vậy có thể sẽ là ranh giới "tạm thời" phía nam của vùng "nhận diện phòng không - ADIZ" của Trung Quốc vùng biển Hoa Nam.
Nếu Trung Quốc tôn trọng giới hạn này thì Việt Nam "chưa lựa chọn phe nào" trong cuộc chiến Mỹ-Trung.
Nhưng ý kiến của BQP cũng là cách để "trả lời" Trung Quốc qua công hàm gởi LHQ ngày 17 tháng tư năm 2020. Nội dung công hàm này Trung Quốc nhắc lại các "cam kết" của VNDCCH năm 1958 là "nhìn nhận" chủ quyền của Trung Quốc ở HS và TS. Trung Quốc cho biết họ sẽ sử dụng mọi biện pháp để thu hồi các đảo TS.
Để ý, trước nay mỗi khi phía Trung Quốc nhắc công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng thì Việt Nam "im lặng". Giàn học giả "đỉnh cao" của Việt Nam không có lý lẽ nào "xuôi tai" để "tham mưu" Bộ Ngoại giao phản biện lại ý kiến của Trung Quốc.
Dĩ nhiên khi bên dùng lý lẽ hết ý thì phải giao cho bên cầm súng thôi.
Nhớ lại Hiệp định sơ bộ 1946. Ông Hồ Chí Minh đã phạm sai lầm trầm trọng, làm mất chủ quyền của Việt Nam tại Nam kỳ đồng thời đưa Việt Nam vào vòng lệ thuộc Pháp. Nhiều sử gia Việt Nam phê bình ông Hồ : để sửa chữa sai lầm gây ra do Hiệp ước sơ bộ 1946, ông Hồ đưa đất nước vào chiến tranh. Ông Hồ lấy máu của thanh niên Việt Nam để "rửa" cái sai lầm của mình.
Thì bây giờ cũng có thể xảy ra tương tự như vậy. Đảng cộng sản Việt Nam sẽ đưa đất nước vào chiến tranh để sửa chữa những sai lầm của họ.
"Học giả đỉnh cao" hết ý không có nghĩa Việt Nam không còn lý lẽ.
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong, 22/05/2020
********************
Biển Đông : 'Nếu Đông Nam Á cứ đi hai hàng, Trung Quốc sẽ hưởng lợi'
Bùi Thư, BBC, 22/05/2020
Nhà nghiên cứu Raul Pedrozo, chuyên gia luật quốc tế từng nhiều năm làm việc cho Hải quân Mỹ, nói các nước Đông Nam Á cần đứng lên chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hàng không mẫu hạm Mỹ Theodore Roosevelt
"Có những lúc, các quốc gia Đông Nam Á phải lựa chọn giữa việc tiếp tục thỏa hiệp hay cùng nhau đứng lên. Trung Quốc là kẻ bắt nạt. Cách duy nhất để chống lại kẻ bắt nạt là đẩy lùi nó và đứng lên bảo vệ lợi quyền của mình", ông Raul Pedrozo trao đổi với BBC News tiếng Việt hôm 21/5.
Cựu sĩ quan hải quân từng làm cố vấn luật cho Bộ tư lệnh Thái Bình Dương cũng nói rằng các hoạt động của Hải quân Mỹ tại Biển Đông sẽ tiếp diễn để "trấn an bạn bè và đồng minh cũng như chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc".
'Không để Trung Quốc bắt nạt'
Gần đây, Trung Quốc gần đây đã gia tăng các hoạt động đáng chú ý tại Biển Đông khiến nhiều nước Đông Nam Á lo ngại. Nổi cộm nhất là hoạt động của tàu thăm dò, nghiên cứu hồi năm 2019 và đầu năm nay trong các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hoặc thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia.
Việc Trung Quốc điều máy bay quân sự ra đá Chữ Thập ở Trường Sa, ban lệnh cấm đánh bắt cá, tăng cường hoạt động của tàu chiến, tàu sân bay… là những bước đi gây quan ngại khác.
Cùng thời gian trên, Mỹ cũng gia tăng sự hiện diện và các hoạt động tại Biển Đông dù nước này đang chật vật đối phó với đại dịch Covid-19.
"Các chiến dịch Tự do Hàng hải của Mỹ (FONOPS) tại Biển Đông đã tăng trong một năm qua. Năm tài chính 2019, Mỹ triển khai 7 FONOPS ; chỉ mới 8 tháng đầu năm tài chính 2020 (tính từ 1/10/2019 - PV), Mỹ đã tiến hành 7 FONOPS. Tuy nhiên, các hoạt động khác của tàu và máy bay vẫn giữ mức tương đương với các năm trước", giáo sư Pedrozo chia sẻ.
Ông Raul Pedrozo từng phục vụ trong Hải quân Mỹ, là cựu giáo sư luật quốc tế tại Đại học Chiến tranh Hải quân (U.S. Naval War College), cố vấn luật quốc tế của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, trợ lý đặc biệt của Thứ trưởng phụ trách chính sách Bộ Quốc phòng. Năm 2014, ông từng công bố công trình dày 142 trang về tranh chấp tại Biển Đông.
"Mỹ là một quốc gia Thái Bình Dương và chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương như chúng tôi vẫn làm lâu nay để trấn an bạn bè và đồng minh, ngăn chặn sự bắt nạt của Trung Quốc và duy trì trật tự dựa trên luật lệ vốn đã mang lại hòa bình và thịnh vượng cho khu vực trong 75 năm qua", Giáo sư Pedrozo nói thêm và cho biết ông không thấy đây là một sự thay đổi trong chiến lược hải quân của Hoa Kỳ.
Ý kiến trên khác với nhận định của Timothy Heath, chuyên gia quốc phòng cấp cao của Rand Corp., trên CNN trước đó, rằng việc duy trì sự hiện diện thường trực tại Biển Đông gợi ý về một chiến lược mới của Lầu Năm Góc nhằm khiến đối phương không bao giờ thoải mái.
Vào ngày 7/5, Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, cũng nói rằng Mỹ sẽ đứng cạnh các nước bạn bè và đồng minh để chống lại sự đàn áp và các yêu sách phi pháp đối với vùng biển quốc tế và các tài nguyên.
"Chúng tôi cam kết tuân thủ một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông và chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do hàng hải cũng như thượng tôn pháp luật", ông Aquilino nói trong một thông cáo của Hải quân.
"Đảng cộng sản Trung Quốc phải chấm dứt mô hình cưỡng bách người dân Đông Nam Á trong vấn đề khai thác dầu mỏ, khí đốt và thủy sản ngoài khơi".
Phát biểu của Đô đốc Aquilino nằm trong chuỗi các hoạt động truyền thông vốn được đẩy lên mạnh mẽ khác thường của Hải quân Mỹ thời gian gần đây.
Theo chuyên gia Pedrozo, sở dĩ các chiến dịch này được truyền thông mạnh hơn là do "hành vi bá đạo của Trung Quốc".
"Trung Quốc trực tiếp ngăn chặn các quốc gia Đông Nam Á thực thi chủ quyền và khai thác tài nguyên thiên nhiên trong EEZ của họ cũng như ở vùng biển quốc tế", ông nói. "Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện một cách hòa bình hoạt động hàng hải và hàng không, theo nguyên tắc tự do và hợp pháp, và sẽ tiếp tục bay, đi lại trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".
Đối với các quốc gia Đông Nam Á, theo ông Pedrozo, cách duy nhất buộc Trung Quốc ngừng "hành động bắt nạt" là cùng nhau đứng lên.
"Nếu các quốc gia Đông Nam Á cứ đi hai hàng, Trung Quốc sẽ tiếp tục hưởng lợi. Cho dù Trung Quốc gây sức ép thông qua hoạt động quân sự và áp lực kinh tế, các quốc gia trong vùng phải chống lại hành động đó, thách thức Trung Quốc về mặt ngoại giao. Các nước cần hợp tác với nhau để bảo vệ chủ quyền và tài nguyên. Đầu hàng trước sự lấn tới của Trung Quốc sẽ gây tổn hại cho an ninh quốc gia của tất cả các quốc gia Đông Nam Á", ông cảnh cáo.
'Hợp tác hải quân với Việt Nam phát triển nhanh'
Việt Nam và Mỹ từng có quá khứ đối đầu, nhưng theo ông Pedrozo, hợp tác quân sự giữa hai nước trong thời gian qua "đã phát triển nhanh chóng", đặc biệt là về hải quân.
"Hoa Kỳ và Việt Nam chia sẻ lợi ích chung trong việc thúc đẩy một trật tự dựa trên luật lệ nhằm bảo vệ chủ quyền, nguồn lợi kinh tế và quyền cá nhân của tất cả các quốc gia", ông nói.
Chuyên gia Pedrozo cũng đưa ra các ví dụ cụ thể về hợp tác hải quân :
"Năm 2017, Mỹ đã chuyển giao một tàu tuần tra bờ biển lớp Hamilton cho Việt Nam, hiện đang thực hiện nhiệm vụ an ninh hàng hải ở Biển Đông. Một tàu thứ hai cũng sẽ sớm được bàn giao. Năm 2018, tàu USS Carl Vinson đã có chuyến thăm lịch sử đến Đà Nẵng. Cũng trong năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), cuộc tập trận hàng hải lớn nhất thế giới. Năm 2018, Mỹ đã chuyển 12 tàu tuần tra nhanh Metal Shark cho Cảnh sát biển Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ bảo an hàng hải. Vào năm 2020, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã thăm Đà Nẵng, là tàu sân bay thứ hai của Hoa Kỳ đến Đà Nẵng trong vòng hai năm".
Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink và Đô đốc John C. Aquilino, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ tham gia buổi thăm của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tại Đà Nẵng hôm 5/3.
Quan trọng hơn, theo ông Pedrozo, Mỹ cũng đang cung cấp sự trợ giúp và thiết bị để Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải, chống lại các hoạt động vi phạm do tàu cá và tàu của chính quyền Trung Quốc thực hiện trong vùng lãnh hải hoặc EEZ của Việt Nam.
"Hoa Kỳ hoan nghênh các tuyên bố công khai của Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không cho tất cả các quốc gia trên Biển Đông", ông nhấn mạnh.
Chuyên gia Pedrozo cũng đánh giá "việc tiếp cận vịnh Cam Ranh sẽ mang lại lợi ích lớn cho Hải quân Hoa Kỳ và sẽ gửi một tín hiệu rõ ràng đến Trung Quốc rằng Việt Nam đã chán ngấy với hành vi bắt nạt và ác ý của Trung Quốc". Tuy nhiên, ông không cho rằng Việt Nam đã sẵn sàng để một cường quốc nước ngoài đặt căn cứ hải quân trên lãnh thổ của mình.
"Có lẽ điều này sẽ xảy ra vào một ngày nào đó, nhưng không phải trong tương lai gần", ông nói.
'Úc có vai trò lớn tại Biển Đông'
Ngày 18/5, trả lời phỏng vấn tờ Economic Times, Cao ủy Úc tại Ấn Độ Barry O'Farrell nói : "Tàu chiến và máy bay Úc sẽ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông và ủng hộ các nước khác có hành động tương tự".
Ông cũng bày tỏ quan ngại về hành vi quân sự hóa các thực thể tranh chấp ở Biển Đông.
Trước đó, hôm 22/4, Bộ Quốc phòng Úc cho hay tàu hộ vệ tên lửa HMAS Parramatta đã tập trận với các tàu chiến Mỹ ở Biển Đông.
"Duy trì một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở không phải là trách nhiệm riêng của Hải quân Hoa Kỳ", chuyên gia Pedrozo nhận định. "Tất cả các nước cùng chia sẻ trách nhiệm đó. Hoa Kỳ khuyến khích tất cả các quốc gia hỗ trợ nhau bảo vệ quyền và tự do hàng hải của cộng đồng quốc tế trên bề mặt, trong lòng biển và trên bầu trời các đại dương".
Ông Pedrozo nói rằng Úc là một trong những đồng minh đáng tin cậy và có giá trị nhất của Mỹ, và Hải quân Mỹ đánh giá cao hoạt động tập luyện chung với Hải quân Hoàng gia Úc.
Tàu HMAS Parramatta của Hải quân Hoàng gia Úc mới đây đã tham gia các hoạt động tại Biển Đông
"Hoa Kỳ hoan nghênh việc triển khai tàu HMAS Parramatta gần đây ở Biển Đông và việc tàu này tham gia tập trận chung với các tàu USS America, USS Bunker Hill và USS Barry ngoài khơi Malaysia", ông nói.
Theo ông Pedrozo, đây chỉ là một trong nhiều ví dụ về sự cam kết và việc tiếp tục hiện diện của Úc trong khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Năm 2019, một đội gồm bốn tàu của Hải quân Hoàng gia Úc đã được triển khai ba tháng tới khu vực, trong khuôn khổ chiến dịch Endeavour 2019 Ấn Độ-Thái Bình Dương, tham gia các cuộc diễn tập hải quân đa quốc gia và huấn luyện quân sự với Ấn Độ, Sri Lanka, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Bùi Thư
Nguồn : BBC, 22/05/2020
Hải quân, không quân Mỹ liên tiếp hành động để đẩy lùi Trung Quốc ở Biển Đông (VOA, 20/05/2020)
Trong tháng 5 này, lực lượng tàu ngầm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Hoa Kỳ, tuyên bố rằng tất cả các tàu ngầm tiền phương của họ đều đồng loạt tiến hành "các hoạt động ứng phó dự phòng" ở Tây Thái Bình Dương để hậu thuẫn chính sách "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" của Lầu Năm Góc.
Một tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ đến Philippines (ảnh tư liệu, 2014)
Động thái này là để chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cũng phần nào bác bỏ quan niệm cho rằng Hải quân Hoa Kỳ đã bị suy yếu vì đại dịch virus corona chủng mới đang diễn ra, theo National Interest.
Trung Quốc trong khoảng 2 tháng gần đây bị cáo buộc là gia tăng việc củng cố các đảo nhân tạo và "bắt nạt" các quốc gia khác trong khu vực giữa lúc phần lớn thế giới tập trung vào chống đại dịch.
Tàu ngầm Mỹ đến Biển Đông
National Interest dẫn lại một phóng sự của Honolulu Star-Advertiser cho hay ít nhất 7 tàu ngầm Mỹ, nhưng cũng có thể nhiều hơn, trong đó có 4 tàu ngầm tấn công đóng quân ở đảo Guam, tàu USS Alexandria đóng quân ở San Diego và các tàu đóng quân ở Hawaii, tham gia vào hoạt động biểu dương sức mạnh của hải quân Hoa Kỳ trong khu vực, đồng thời cũng cho thấy rõ rằng Lầu Năm Góc có thể tiến hành các hoạt động linh hoạt và không thể đoán trước được.
Thông thường, ít khi người ta nhìn thấy các tàu ngầm Mỹ. Vì vậy, khi Hải quân Hoa Kỳ quảng bá về sự hiện diện của lực lượng tàu ngầm, điều đó có nghĩa là Hải quân Hoa Kỳ có chủ ý đưa ra một thông điệp với đối phương. Ngoài ra, trong trường hợp này, động thái của Mỹ cũng có thể nhằm thể hiện rằng Mỹ vẫn linh hoạt tuy phải đối phó với đại dịch.
Hải quân Mỹ tuyên bố rằng các tàu ngầm của họ đang tiến hành huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và sử dụng các khả năng tác chiến trong lòng biển để hỗ trợ cho một loạt các nhiệm vụ.
"Lực lượng tàu ngầm của chúng tôi đã chứng minh hết lần này đến lần khác là họ sẵn sàng hoạt động mọi lúc, mọi nơi", Tư lệnh Lực lượng tàu ngầm, Chuẩn Đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ Blake Converse nói, theo bản tin của National Interest.
Ông khẳng định : "Lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Thái Bình Dương vẫn có sức mạnh sát hại, đa năng và sẵn sàng chiến đấu ngay tối nay".
Tàu ngầm được xem là một phần quan trọng trong việc duy trì cán cân sức mạnh ở khu vực Tây Thái Bình Dương bao gồm Biển Hoa Đông và Biển Đông, và lực lượng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) của Hải quân Hoa Kỳ vẫn là trọng tâm trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Ba trong số các tàu ngầm thuộc Hạm đội 7 của Hoa Kỳ đã tham gia một cuộc tập trận tác chiến tiên tiến trong tháng này ở Biển Philippines, trong đó bao gồm thực hiện các hoạt động an ninh hàng hải, kịch bản chiến đấu trên mặt nước và trong lòng biển.
Lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương của Mỹ có năng lực tác chiến chống ngầm, chống hạm, tấn công chính xác vào các mục tiêu trên mặt đất, hoạt động tình báo, do thám, trinh sát và cảnh báo sớm, cũng như có khả năng tác chiến đặc biệt và răn đe chiến lược trên toàn thế giới.
"Hoạt động của chúng tôi là một minh chứng rằng chúng tôi sẵn sàng bảo vệ lợi ích và quyền tự do của chúng ta theo luật pháp quốc tế", Chuẩn Đô đốc Blake Converse, chỉ huy lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương, đóng quân ở Trân Châu Cảng, nói trong một thông cáo hôm 8/5.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tại Guam, tháng 4/2020
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tái xuất
Sức mạnh của Hải quân Mỹ tiếp tục hồi phục với việc tàu sân bay Theodore Roosevelt sẽ ra khơi trở lại vào cuối tuần này, trước ngày lễ Chiến sĩ Trận vong 25/5, các quan chức Hải quân cho biết hôm thứ 19/5, được Fox News dẫn lại.
Trước đó, dịch virus corona làm chiếc tàu chiến khổng lồ bị loại khỏi vòng chiến đấu trong gần hai tháng vì hơn 1.000 thủy thủ có kết quả xét nghiệm dương tính.
Kể từ khi tàu sân bay này phải quay về cảng, Trung Quốc dường như đã lợi dụng tình hình và tăng cường quấy rối quân đội Hoa Kỳ cũng như các đồng minh của Mỹ trong khu vực trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, bản tin của Fox News viết.
Kể từ giữa tháng 3, cùng thời điểm tàu sân bay Mỹ tấp vào đảo Guam, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã quấy rối máy bay trinh sát Mỹ ít nhất 9 lần trên Biển Đông, ông Reed B. Werner, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng chuyên trách Đông Nam Á, nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox News.
Các hành vi khiêu khích của Trung Quốc đã không chỉ diễn ra trên trời.
Ông Werner cũng nhắc đến vụ quấy rối đối với tàu khu trục mang tên lửa có điều hướng USS Mustin đóng quân ở Nhật Bản hồi tháng trước khi tàu này ở gần một nhóm tàu sân bay tấn công của Trung Quốc đang tuần tra qua Biển Đông. Một tàu hộ tống của Trung Quốc đã chạy "một cách không an toàn và không chuyên nghiệp" gần tàu của Mỹ, ông Werner nói với Fox News.
Trong một cuộc phỏng vấn với AP hôm 18/5, nói từ tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, Thuyền trưởng Carlos Sardiello bày tỏ rằng ông tự tin về khả năng con tàu sẽ có thể thực hiện nhiệm vụ sau 2 tháng tạm dừng hoạt động ở đảo Guam.
Ông nói : "Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã chuẩn bị các điều kiện để có xác suất thành công cao, chúng tôi sẽ ra khơi và thực hiện nhiệm vụ của mình", theo tin của AP.
Các quan chức khác của Mỹ không muốn nêu tên cho AP biết trong vài ngày tới nếu mọi việc suôn sẻ, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt sẽ tiến hành các hoạt động hải quân ở khu vực Thái Bình Dương trong một khoảng thời gian trước khi trở về cảng nhà ở San Diego.
Một máy bay ném bom B-1 của Mỹ
Không lực Hoa Kỳ nhập cuộc
Không lực Hoa Kỳ cũng không đứng ngoài cuộc, theo tin của South China Morning Post. Quân chủng này của Mỹ gần đây tăng cường các chuyến bay bằng máy bay ném bom B-1B Lancer bên trên các vùng biển gần Trung Quốc.
Các chuyến bay đó diễn ra giữa lúc cả Hải quân lẫn Không quân Mỹ đều gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, Eo biển Đài Loan và Hoàng Hải trong năm nay.
South China Morning Post dẫn lại thông báo mới nhất của Không lực Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương đăng trên Twitter hôm thứ Ba 20/5 cho biết các máy bay ném bom B-1 đã thực hiện một phi vụ ở Biển Đông, chỉ vài ngày sau khi huấn luyện cùng Hải quân Hoa Kỳ gần Hawaii.
Phi vụ này "thể hiện độ tin cậy của lực lượng không quân Hoa Kỳ để xử lý một môi trường an ninh đa dạng và bất định".
Không lực Hoa Kỳ đã triển khai 4 máy bay ném bom B-1B và khoảng 200 lính không quân từ Texas đến căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam vào ngày 1/5. Không lực Hoa Kỳ cho biết việc điều động này là nhằm hỗ trợ cho Không lực ở Thái Bình Dương và để tiến hành huấn luyện và hoạt động với các đồng minh và đối tác.
Không lực Hoa Kỳ đã điều hai chiếc B-1B Lancer tiến hành chuyến bay hai chiều kéo dài 32 giờ ở bên trên Biển Đông vào ngày 29/4.
Lực lượng này luân phiên triển khai các máy bay ném bom B-1, B-2 và B-52, ba loại máy bay ném bom chiến lược của không quân, bên cạnh các máy bay quân sự khác bay qua vùng biển tranh chấp gần Trung Quốc.
Ông Song Zhongping, một nhà bình luận về các vấn đề quân sự, có văn phòng ở Hong Kong, được South China Morning Post dẫn lời nói rằng các chuyến bay thường xuyên của B-1 và B-52 không chỉ nhằm thể hiện sự hiện diện của quân đội Mỹ mà còn là những cuộc thao dượt hướng tới những trận chiến tiềm tàng trong tương lai.
"B-1, đang dần thay thế B-52, cần phải bay quanh vùng biển để biết rõ các điều kiện chiến trường", ông nói.
"Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng lún sâu vào một cuộc cạnh tranh toàn diện và tình hình còn xấu hơn thời Chiến tranh Lạnh Xô-Mỹ. Không thể loại trừ rủi ro xung đột quân sự ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan. Và các nguy cơ vẫn đang tăng lên", ông Song nói.
*******************
Máy bay ném bom của Mỹ bay qua Biển Đông (VOA, 20/05/2020)
Không lực Hoa Kỳ cho biết mới triển khai máy bay ném bom B-1B Lancer đi "làm nhiệm vụ" trên vùng Biển Đông.
Một chiếc B-1B Lancer của Mỹ.
"Các máy bay B1 đã làm nhiệm vụ trên Biển Đông, chỉ vài ngày sau khi huấn luyện với hải quân Mỹ gần Hawaii, thể hiện sự tín nhiệm của không quân Mỹ nhằm xử lý môi trường an ninh bất trắc và đa dạng", Không lực Mỹ ở Thái Bình Dương viết trên Twitter hôm 18/5, nhưng không cho biết cụ thể.
Theo tờ South China Morning Post, Mỹ gia tăng các chuyến bay của B-1B Lancer trên các vùng biển gần Trung Quốc trong bối cảnh gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Bắc Kinh "trên mọi phương diện".
Tờ báo này cũng dẫn lời các nhà quan sát quân sự Trung Quốc cảnh báo về các nguy cơ xung đột quân sự giữa hai nước, nhất là khi không quân cũng như hải quân Mỹ năm nay tăng cường các hoạt động ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, Eo biển Đài Loan và Hoàng Hải.
South China Morning Post đưa tin rằng Không lực Mỹ đã triển khai 4 máy bay ném bom B-1B và khoảng 200 phi công từ Texas tới căn cứ không quân Andersen ở Guam hôm 1/5 để hỗ trợ lực lượng không quân Mỹ hoạt động ở Thái Bình Dương cũng như nhằm tiến hành các đợt huấn luyện với đồng minh và đối tác.
Tờ báo đưa tin thêm rằng Bắc Kinh và Washington vẫn tiếp tục khẩu chiến về cách xử lý đại dịch Covid-19 và nhất là về nguồn gốc của virus đã làm gần 325 nghìn người thiệt mạng trên toàn thế giới.
Việc đổ lỗi cho nhau càng làm trầm trọng thêm sự căng thẳng trong quan hệ song phương, vốn đã ảnh hưởng tới một loạt các vấn đề từ báo chí, thương mại, công nghệ tới quân sự, theo South China Morning Post.
*******************
Cuộc đối đầu West Capella, bước tiến trong chính sách Biển Đông của Mỹ (RFI, 20/05/2020)
"Một cuộc đối đầu năm nước" vừa qua đã diễn ra xung quanh một giàn khoan của Malaysia trên Biển Đông, giữa lực lượng Malaysia, Trung Quốc, Việt Nam, Hoa Kỳ và Úc. Trang War On The Rocks ngày 18/05/2020 phân tích trong bài "Học được gì trên Biển Đông qua phản ứng của Hoa Kỳ trong vụ đối đầu West Capella".
Tuần dương hạm USS Gabrielle Giffords (LCS 10) hoạt động gần giàn khoan dầu West Capella ngày 13/05/2020. Ảnh do Bộ tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương (Hải quân Mỹ) công bố. © US Navy/MC2 Brenton Poyser
Chiến dịch West Capella
Khi tập đoàn dầu khí Petronas của Malaysia thuê giàn khoan West Capella để khai thác tại vùng biển chồng lấn mà Malaysia và Việt Nam cùng yêu sách chủ quyền, Trung Quốc bèn điều chiếc tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi) cùng với một đoàn tàu hải giám và dân quân biển đến (địa điểm West Capella hoạt động nằm bên trong đường lưỡi bò do Bắc Kinh vẽ ra).
Đáp lại, Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện gần West Capella trong gần một tháng. Trước hết là tàu tuần duyên tác chiến USS Gabrielle Giffords đã từng được điều đến khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương từ tháng 9/2019, nay tuần tra từ ngày 26 đến 28/04. Ngày 29/04, hai oanh tạc cơ B-1B của Không quân Mỹ cất cánh từ căn cứ Ellsworth ở South Dakota, tiến hành phi vụ 32 tiếng đồng hồ trên Biển Đông.
Chưa đầy một tuần sau, chiến hạm USS Montgomery và USNS Cesar Chavez lên đường tuần tra trong khu vực (USS Montgomery là tuần dương hạm thứ hai được điều đến từ Singapore). Các oanh tạc cơ B-52 và B-2 thực hiện nhiệm vụ răn đe chiến lược ở khu vực mà Bộ tư lệnh Châu Âu và Ấn Độ-Thái Bình Dương chịu trách nhiệm vào ngày 07/05. Ngày 08/05, thêm hai oanh tạc cơ khác cất cánh từ căn cứ Guam, bay qua Biển Đông. Theo ít nhất một báo cáo, các phi vụ được tiến hành ở gần West Capella, và các phi cơ này thuộc phi đội viễn chinh thứ 9.
Lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương ngày 08/05 loan báo tất cả các tàu được triển khai trong chiến dịch phòng bị. Vì tàu ngầm chỉ hoạt động dưới nước, để nhấn mạnh thêm thông điệp, Đệ thất hạm đội tung ra bức ảnh một chiếc tàu ngầm đang nổi lên trên mặt biển. Kèm theo là thông báo ba tàu ngầm này cùng với các chiến hạm và chiến đấu cơ tiến hành tập trận tại Biển Philippines ngày 09/04.
Hải quân Mỹ cũng có hai hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải và di chuyển ngang eo biển Đài Loan vào thời kỳ này. Cuối cùng, khi West Capella đã hoàn thành nhiệm vụ, chiếc USS Gabrielle Giffords đi qua một lần cuối.
Lực lượng phối hợp của Mỹ đã chứng tỏ năng lực chiến đấu tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, giữa các phương tiện đã được triển khai trước đó và lực lượng được điều gấp từ Hoa Kỳ.
Vì sao lại đơn phương hành động ?
Xuất hiện đầy ấn tượng, nhưng vì sao Hoa Kỳ không phối hợp với các đối tác trong khu vực, đặc biệt là Malaysia ?
Trong nhiều năm qua, Malaysia vẫn im lặng trước những hành động lấn lướt của Trung Quốc trên biển, do cựu thủ tướng Mahathir Mohamad cho rằng Biển Đông "không nên có những chiến hạm lớn". Malaysia ngại đối đầu trực diện với Trung Quốc, vừa do lực lượng hải quân yếu, vừa do kinh tế quá lệ thuộc vào thị trường Hoa lục.
Malaysia duy trì các yêu sách quá đáng, đi ngược lại với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà Hoa Kỳ từng thách thức qua các chuyến tuần tra vì tự do hàng hải trước đó. Khi lực lượng Mỹ tiến về phía nam, các chính khách và cơ quan quốc phòng Malaysia không chắc chắn là để giúp mình hay lại phản ứng trước các yêu sách. Tác giả bài viết cho rằng lẽ ra có thể tránh được sự nhập nhằng này.
Hoa Kỳ đã cung ứng mạng lưới thông tin an toàn cho Malaysia thông qua Sáng kiến An toàn Hàng hải Ấn Độ-Thái Bình Dương, và chắc cũng đã trang bị mạng lưới tương tự trên đất liền cũng như các chiến hạm. Trong khi việc hợp tác trên biển có thể gây rủi ro với một số đối tác như Malaysia, vụ West Capella là cơ hội tốt cho việc chia sẻ thông tin và hình ảnh qua mạng lưới mà Hoa Kỳ đã đầu tư, nhưng Mỹ đã bỏ qua.
Một cách giải thích khác cho sự thiếu phối hợp, là Hoa Kỳ cho rằng Malaysia sẽ rất dè dặt, nên cứ tự mình hành động. Tại Biển Đông, chính quyền Malaysia luôn đứng bên lề trong khi các đối tác khác của Mỹ ngày càng kiên quyết hơn. Thế nên có thể hoạt động rầm rộ của Hoa Kỳ nhắm đến một công chúng rộng rãi trong khu vực, hơn là chỉ nhằm vào Malaysia.
Việt Nam và Indonesia đã chứng tỏ không ngại ngần đầy lùi các khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông, và theo lời đồn đãi thì Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra trước tòa quốc tế. Đây là thời điểm tốt để Hoa Kỳ công khai bày tỏ sự ủng hộ các nước trong khu vực. Không một bên yêu sách chủ quyền nào quên được sự do dự của chính quyền Obama khi Trung Quốc xâm chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines, thế nên càng cần phải xóa nhòa đi ký ức tệ hại này, vào lúc Hoa Kỳ muốn chứng tỏ là người bảo đảm an ninh cho khu vực.
Bắc Kinh dịu giọng trước sự hiện diện quân sự rầm rộ của Mỹ
Ngoài tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc, không có bằng chứng nào cho thấy hoạt động của lực lượng viễn chinh Mỹ làm trầm trọng thêm tình hình gần tàu khoan dầu West Capella. Một khu trục hạm lớp 052 B Guangzhou của Trung Quốc đã đi ngang khu vực này cùng lúc với chiến hạm USS Mỹ, nhưng nhìn chung, phản ứng của Bắc Kinh trước sự hiện diện của Mỹ khá khiêm tốn. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc thông báo không có sự đối đầu nào gần West Capella, và tình hình Biển Đông "cơ bản ổn định".
Với sự tham gia của Úc, các tuyên bố của Mỹ ngày càng mạnh hơn. Ban đầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ các nước ASEAN, đồng thời tố cáo những hành động hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông ngày 22/04. Bộ Quốc Phòng có phần chậm chạp hơn trong tuyên truyền. Chuyến hải hành đầu tiên của USS Gabrielle thậm chí còn không được trực tiếp nêu ra, trong thông cáo báo chí không ghi rõ nơi làm nhiệm vụ là Biển Đông.
Tuy nhiên đến đầu tháng Năm, các thông cáo cho biết cụ thể các oanh tạc cơ, chiến hạm và tàu ngầm được triển khai cùng với máy bay không người lái. Ngày 06/05, lực lượng Hải quân Thái Bình Dương loan báo việc tuần tra cùng với Úc, bị ngưng vì đại dịch virus corona, sắp được tái lập. Điều này chứng tỏ có sự phối hợp giữa Bộ Ngoại giao và Quốc Phòng, kể cả Bộ tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, Bộ chỉ huy chiến lược Hoa Kỳ (USSTRATCOM), Đệ thất hạm đội và các lực lượng tác chiến trực thuộc.
Bài học rút ra từ chiến dịch West Capella
Sau khi tàu khoan dầu West Capella kết thúc hợp đồng và rời khỏi khu vực tranh chấp, vụ này cần được coi là một bước tiến trong cách thức của Mỹ nhằm đối đầu với Trung Quốc và trấn an các đồng minh. Một sự hiện diện hiệu quả của nhiều lực lượng cùng với công tác tuyên truyền sẽ phải là căn bản cho các tiến triển trong tương lai. Tuy nhiên Hoa Kỳ cần phải thông tin rõ hơn để tránh cho các đối tác khỏi lo ngại, đồng thời tạo cơ hội hợp tác.
Nhìn lại vụ đối đầu West Capella vừa qua, rõ ràng Hoa Kỳ đã chứng tỏ năng lực phối hợp chiến đấu trước thái độ hiếu chiến của hải quân Trung Quốc. Chiến dịch phối hợp kéo dài nhiều tuần lễ của lực lượng viễn chinh Mỹ đã dập tắt những chỉ trích là Hoa Kỳ chỉ "dạo chơi" trong khu vực.
Tuy không được Malaysia "mời" vào, nhưng rõ ràng Mỹ đã chứng tỏ quyết tâm đối phó với sự bành trướng trên biển của Trung Quốc, vào thời điểm gay gắt nhất. Chỉ có Hoa Kỳ mới phối hợp được giữa các lực lượng từ các căn cứ trong nước và hải ngoại để đáp ứng ngay lập tức hoặc dài ngày, nhằm hỗ trợ cho các đồng minh và đối tác. Chỉ đáng tiếc là không được thông tin rõ, gây băn khoăn cho các nước liên quan.
Câu khẩu hiệu "ủng hộ tự do hàng hải và hàng không" thường được sử dụng đã trở nên nhàm tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Phó đô đốc Bill Merz, chỉ huy trưởng Đệ thất hạm đội đưa ra một thông điệp cụ thể hơn : "Hoa Kỳ ủng hộ các nỗ lực của các đồng minh và đối tác trong việc theo đuổi hợp pháp các lợi ích kinh tế của họ".
Tờ báo kết luận, cho dù một loạt các hoạt động trên là một bước tiến trong chính sách của Mỹ về Biển Đông, không thể có thành công thực sự nếu không có sự cam kết và ủng hộ đáng kể đối với các quốc gia yêu sách chủ quyền trong khu vực, trong cuộc chiến đấu nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế biển và chủ quyền.
Thụy My
*******************
Mỹ-Trung căng thẳng : Quân đội Trung Quốc muốn tăng ngân sách quốc phòng ít nhất 7,5% (RFI, 20/05/2020)
Thế lực ly khai tại Tân Cương, Tây Tạng, xu hướng độc lập tại Đài Loan, nhưng đứng đầu là nguy cơ xung đột với Mỹ là những lý do giúp quân đội Trung Quốc được tăng ngân sách ít nhất 7,5% trong hai năm liên tiếp, theo nguồn tin của báo Hồng Kông 19/05/2020.
Đoàn đại biểu quân đội Trung Quốc rời Đại Lễ Đường Nhân Dân sau cuộc họp trù bị của Quốc hội, Bắc Kinh, ngày 04/03/2019 Reuters - Aly Song
Theo South China Morning Post, trước ngày Quốc hội Trung Quốc họp thường niên vào thứ Sáu tới đây, các tướng lãnh Trung Quốc chờ mong được thông báo tăng ngân sách, ít nhất là 7,5% như năm 2019 hoặc nhiều hơn thế nữa.
Quân đội Hoa lục cho biết cần thêm vũ khí, tài nguyên để đối phó với nhiều mối đe dọa cùng lúc : tình hình bất trắc biến đổi không ngừng bên ngoài lẫn bên trong lãnh thổ. Nhưng đứng đầu các mối đe dọa là quan hệ căng thẳng với Mỹ ngày càng leo thang, tiến gần đến nguy cơ xung đột.
Hai hồ sơ nóng thấy rõ là tình hình biển Đông và đại dịch Covid-19.
Theo quan điểm của Bắc Kinh, Hoa Kỳ đã gia tăng hoạt động quân sự trên không và trên biển "sát cửa" Trung Quốc từ đầu năm đến nay nhiều gắp ba lần so với nguyên một năm 2019.
Một cựu sĩ quan Trung Quốc nay là nhà bình luận quân sự tên Tống Trọng Bình (Song Zhong Ping) phân tích trên South China Morning Post : Bắc Kinh cảm thấy an ninh đang bị Mỹ và nhiều nước khác đe dọa ngày càng nguy hiểm. Do vậy, quân đội Trung Quốc cần thêm ngân sách để tiếp tục hiện đại hóa và tập trận.
Ngân sách quân đội Hoa lục, theo nguồn tin chính thức, là 177 tỷ đô la trong năm 2019.
Tú Anh
*********************
Cuộc đối đầu West Capella, bước tiến trong chính sách Biển Đông của Mỹ (RFI, 20/05/2020)
"Một cuộc đối đầu năm nước" vừa qua đã diễn ra xung quanh một giàn khoan của Malaysia trên Biển Đông, giữa lực lượng Malaysia, Trung Quốc, Việt Nam, Hoa Kỳ và Úc. Trang War On The Rocks ngày 18/05/2020 phân tích trong bài "Học được gì trên Biển Đông qua phản ứng của Hoa Kỳ trong vụ đối đầu West Capella".
Tuần dương hạm USS Gabrielle Giffords (LCS 10) hoạt động gần giàn khoan dầu West Capella ngày 13/05/2020. Ảnh do Bộ tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương (Hải quân Mỹ) công bố. © US Navy/MC2 Brenton Poyser
Chiến dịch West Capella
Khi tập đoàn dầu khí Petronas của Malaysia thuê giàn khoan West Capella để khai thác tại vùng biển chồng lấn mà Malaysia và Việt Nam cùng yêu sách chủ quyền, Trung Quốc bèn điều chiếc tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi) cùng với một đoàn tàu hải giám và dân quân biển đến (địa điểm West Capella hoạt động nằm bên trong đường lưỡi bò do Bắc Kinh vẽ ra).
Đáp lại, Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện gần West Capella trong gần một tháng. Trước hết là tàu tuần duyên tác chiến USS Gabrielle Giffords đã từng được điều đến khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương từ tháng 9/2019, nay tuần tra từ ngày 26 đến 28/04. Ngày 29/04, hai oanh tạc cơ B-1B của Không quân Mỹ cất cánh từ căn cứ Ellsworth ở South Dakota, tiến hành phi vụ 32 tiếng đồng hồ trên Biển Đông.
Chưa đầy một tuần sau, chiến hạm USS Montgomery và USNS Cesar Chavez lên đường tuần tra trong khu vực (USS Montgomery là tuần dương hạm thứ hai được điều đến từ Singapore). Các oanh tạc cơ B-52 và B-2 thực hiện nhiệm vụ răn đe chiến lược ở khu vực mà Bộ tư lệnh Châu Âu và Ấn Độ-Thái Bình Dương chịu trách nhiệm vào ngày 07/05. Ngày 08/05, thêm hai oanh tạc cơ khác cất cánh từ căn cứ Guam, bay qua Biển Đông. Theo ít nhất một báo cáo, các phi vụ được tiến hành ở gần West Capella, và các phi cơ này thuộc phi đội viễn chinh thứ 9.
Lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương ngày 08/05 loan báo tất cả các tàu được triển khai trong chiến dịch phòng bị. Vì tàu ngầm chỉ hoạt động dưới nước, để nhấn mạnh thêm thông điệp, Đệ thất hạm đội tung ra bức ảnh một chiếc tàu ngầm đang nổi lên trên mặt biển. Kèm theo là thông báo ba tàu ngầm này cùng với các chiến hạm và chiến đấu cơ tiến hành tập trận tại Biển Philippines ngày 09/04.
Hải quân Mỹ cũng có hai hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải và di chuyển ngang eo biển Đài Loan vào thời kỳ này. Cuối cùng, khi West Capella đã hoàn thành nhiệm vụ, chiếc USS Gabrielle Giffords đi qua một lần cuối.
Lực lượng phối hợp của Mỹ đã chứng tỏ năng lực chiến đấu tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, giữa các phương tiện đã được triển khai trước đó và lực lượng được điều gấp từ Hoa Kỳ.
Vì sao lại đơn phương hành động ?
Xuất hiện đầy ấn tượng, nhưng vì sao Hoa Kỳ không phối hợp với các đối tác trong khu vực, đặc biệt là Malaysia ?
Trong nhiều năm qua, Malaysia vẫn im lặng trước những hành động lấn lướt của Trung Quốc trên biển, do cựu thủ tướng Mahathir Mohamad cho rằng Biển Đông "không nên có những chiến hạm lớn". Malaysia ngại đối đầu trực diện với Trung Quốc, vừa do lực lượng hải quân yếu, vừa do kinh tế quá lệ thuộc vào thị trường Hoa lục.
Malaysia duy trì các yêu sách quá đáng, đi ngược lại với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà Hoa Kỳ từng thách thức qua các chuyến tuần tra vì tự do hàng hải trước đó. Khi lực lượng Mỹ tiến về phía nam, các chính khách và cơ quan quốc phòng Malaysia không chắc chắn là để giúp mình hay lại phản ứng trước các yêu sách. Tác giả bài viết cho rằng lẽ ra có thể tránh được sự nhập nhằng này.
Hoa Kỳ đã cung ứng mạng lưới thông tin an toàn cho Malaysia thông qua Sáng kiến An toàn Hàng hải Ấn Độ-Thái Bình Dương, và chắc cũng đã trang bị mạng lưới tương tự trên đất liền cũng như các chiến hạm. Trong khi việc hợp tác trên biển có thể gây rủi ro với một số đối tác như Malaysia, vụ West Capella là cơ hội tốt cho việc chia sẻ thông tin và hình ảnh qua mạng lưới mà Hoa Kỳ đã đầu tư, nhưng Mỹ đã bỏ qua.
Một cách giải thích khác cho sự thiếu phối hợp, là Hoa Kỳ cho rằng Malaysia sẽ rất dè dặt, nên cứ tự mình hành động. Tại Biển Đông, chính quyền Malaysia luôn đứng bên lề trong khi các đối tác khác của Mỹ ngày càng kiên quyết hơn. Thế nên có thể hoạt động rầm rộ của Hoa Kỳ nhắm đến một công chúng rộng rãi trong khu vực, hơn là chỉ nhằm vào Malaysia.
Việt Nam và Indonesia đã chứng tỏ không ngại ngần đầy lùi các khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông, và theo lời đồn đãi thì Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra trước tòa quốc tế. Đây là thời điểm tốt để Hoa Kỳ công khai bày tỏ sự ủng hộ các nước trong khu vực. Không một bên yêu sách chủ quyền nào quên được sự do dự của chính quyền Obama khi Trung Quốc xâm chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines, thế nên càng cần phải xóa nhòa đi ký ức tệ hại này, vào lúc Hoa Kỳ muốn chứng tỏ là người bảo đảm an ninh cho khu vực.
Bắc Kinh dịu giọng trước sự hiện diện quân sự rầm rộ của Mỹ
Ngoài tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc, không có bằng chứng nào cho thấy hoạt động của lực lượng viễn chinh Mỹ làm trầm trọng thêm tình hình gần tàu khoan dầu West Capella. Một khu trục hạm lớp 052 B Guangzhou của Trung Quốc đã đi ngang khu vực này cùng lúc với chiến hạm USS Mỹ, nhưng nhìn chung, phản ứng của Bắc Kinh trước sự hiện diện của Mỹ khá khiêm tốn. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc thông báo không có sự đối đầu nào gần West Capella, và tình hình Biển Đông "cơ bản ổn định".
Với sự tham gia của Úc, các tuyên bố của Mỹ ngày càng mạnh hơn. Ban đầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ các nước ASEAN, đồng thời tố cáo những hành động hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông ngày 22/04. Bộ Quốc Phòng có phần chậm chạp hơn trong tuyên truyền. Chuyến hải hành đầu tiên của USS Gabrielle thậm chí còn không được trực tiếp nêu ra, trong thông cáo báo chí không ghi rõ nơi làm nhiệm vụ là Biển Đông.
Tuy nhiên đến đầu tháng Năm, các thông cáo cho biết cụ thể các oanh tạc cơ, chiến hạm và tàu ngầm được triển khai cùng với máy bay không người lái. Ngày 06/05, lực lượng Hải quân Thái Bình Dương loan báo việc tuần tra cùng với Úc, bị ngưng vì đại dịch virus corona, sắp được tái lập. Điều này chứng tỏ có sự phối hợp giữa Bộ Ngoại giao và Quốc Phòng, kể cả Bộ tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, Bộ chỉ huy chiến lược Hoa Kỳ (USSTRATCOM), Đệ thất hạm đội và các lực lượng tác chiến trực thuộc.
Bài học rút ra từ chiến dịch West Capella
Sau khi tàu khoan dầu West Capella kết thúc hợp đồng và rời khỏi khu vực tranh chấp, vụ này cần được coi là một bước tiến trong cách thức của Mỹ nhằm đối đầu với Trung Quốc và trấn an các đồng minh. Một sự hiện diện hiệu quả của nhiều lực lượng cùng với công tác tuyên truyền sẽ phải là căn bản cho các tiến triển trong tương lai. Tuy nhiên Hoa Kỳ cần phải thông tin rõ hơn để tránh cho các đối tác khỏi lo ngại, đồng thời tạo cơ hội hợp tác.
Nhìn lại vụ đối đầu West Capella vừa qua, rõ ràng Hoa Kỳ đã chứng tỏ năng lực phối hợp chiến đấu trước thái độ hiếu chiến của hải quân Trung Quốc. Chiến dịch phối hợp kéo dài nhiều tuần lễ của lực lượng viễn chinh Mỹ đã dập tắt những chỉ trích là Hoa Kỳ chỉ "dạo chơi" trong khu vực.
Tuy không được Malaysia "mời" vào, nhưng rõ ràng Mỹ đã chứng tỏ quyết tâm đối phó với sự bành trướng trên biển của Trung Quốc, vào thời điểm gay gắt nhất. Chỉ có Hoa Kỳ mới phối hợp được giữa các lực lượng từ các căn cứ trong nước và hải ngoại để đáp ứng ngay lập tức hoặc dài ngày, nhằm hỗ trợ cho các đồng minh và đối tác. Chỉ đáng tiếc là không được thông tin rõ, gây băn khoăn cho các nước liên quan.
Câu khẩu hiệu "ủng hộ tự do hàng hải và hàng không" thường được sử dụng đã trở nên nhàm tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Phó đô đốc Bill Merz, chỉ huy trưởng Đệ thất hạm đội đưa ra một thông điệp cụ thể hơn : "Hoa Kỳ ủng hộ các nỗ lực của các đồng minh và đối tác trong việc theo đuổi hợp pháp các lợi ích kinh tế của họ".
Tờ báo kết luận, cho dù một loạt các hoạt động trên là một bước tiến trong chính sách của Mỹ về Biển Đông, không thể có thành công thực sự nếu không có sự cam kết và ủng hộ đáng kể đối với các quốc gia yêu sách chủ quyền trong khu vực, trong cuộc chiến đấu nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế biển và chủ quyền.
Thụy My
Đại dịch Covid-19 là cơ hội cho nỗ lực của Trung Quốc nhằm kéo các nước Đông Nam Á lại gần hơn về phía mình. Vì vậy, trong việc xử lý xung đột ở Biển Đông, hành động cho để nhận và một cử chỉ hào phóng nào đó có thể là cách thức hữu hiệu để Bắc Kinh giành được lòng tin và sự tôn trọng từ các nước láng giềng nhỏ hơn.
Tập trận trên Biển Đông giữa hải quân Mỹ và Nhật Bản - Ảnh minh họa (c7f.navy)
Đối với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang phải vật lộn với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19), việc Trung Quốc hứa hẹn cung cấp 100 triệu khẩu trang và 10 triệu bộ quần áo bảo hộ, cùng với các trang thiết bị y tế hết sức cần thiết khác, là một điều may mắn bất ngờ. Việc cung cấp những trang thiết bị này, qua kênh viện trợ và kênh thương mại, đã được Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cam kết tại Hội nghị trực tuyến đặc biệt mới đây giữa ASEAN và 3 đối tác khu vực – Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Một động thái khác đáng hoan nghênh là việc Trung Quốc cam kết xây dựng cơ sở phục hồi sau Covid-19 với số vốn ban đầu trị giá 5 tỷ USD theo đề xuất của Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do nước này dẫn dắt.
Tuy nhiên, cũng có những động thái không được hoan nghênh như việc các tàu cá Trung Quốc, được các tàu của lực lượng Cảnh sát biển nước này hộ tống, đã đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia hồi tháng 2 vừa qua, và việc một tàu khảo sát của Trung Quốc, được nhiều tàu khác hộ tống, mới đây đã đi vào vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, gần Việt Nam, Brunei và Malaysia. Ngoài ra, đầu tháng 4, một tàu cá của Việt Nam đã bị đâm chìm ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp sau khi va chạm với một tàu Hải cảnh Trung Quốc, với việc hai bên cùng cáo buộc đối phương đâm vào tàu của mình.
Việt Nam, Brunei và Malaysia cùng với nước thân hữu trong khối ASEAN là Philippines đã có những tuyên bố chủ quyền cạnh tranh với Trung Quốc đối với các cấu trúc địa hình khác nhau ở vùng biển đông đúc và giàu tài nguyên này. Trung Quốc và Indonesia không có các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ chồng lấn, nhưng Bắc Kinh khẳng định vùng biển xung quanh quần đảo Natuna là khu vực đánh cá truyền thống của Trung Quốc và ngư dân của họ có quyền đánh cá ở đó, cho dù khu vực này nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia.
Việc Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với Biển Đông vào thời điểm các nước trong khu vực đang phải vật lộn với đại dịch và dễ bị tổn thương chắc chắn sẽ khiến ASEAN lo ngại, cho dù họ đang hào hứng tiếp nhận sự giúp đỡ y tế từ người láng giềng khổng lồ này.
Trong khi các nước khác vẫn đang trong vòng vây đại dịch, tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đã thuyên giảm và nền kinh tế nước này đã bắt đầu bước vào tiến trình tái khởi động. Đây là thời điểm thuận lợi để Trung Quốc nắm lấy cơ hội mà đại dịch mang lại nhằm cải thiện quan hệ với khu vực Đông Nam Á vốn đang trong trạng thái căng thẳng do những tranh chấp lãnh thổ những năm gần đây, như họ đã làm trong cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997-1998. Tuy nhiên, những hành động gây sức ép cùng những tuyên bố chủ quyền trên biển vào thời điểm này đã làm cho những nỗ lực của Bắc Kinh trở nên vô ích.
Giành được thiện cảm trong khủng hoảng
Trong những năm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á, mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á đã bị hủy hoại bởi những tranh chấp lãnh thổ giữa họ ở Biển Đông. Điều này bắt đầu vào năm 1995, khi Philippines phát hiện ra rằng Hải quân Trung Quốc đã và đang xây dựng các cấu trúc cố định trên Đá Vành Khăn (Mischief Reef), một đảo san hô vòng cách hòn đảo Palawan của Philippines 217 km. Đảo san hô này đều được Trung Quốc, Philippines, Việt Nam và Đài Loan tuyên bố chủ quyền.
Trung Quốc nói rằng họ xây dựng các cấu trúc này làm nơi cư trú cho các ngư dân, nhưng trên thực tế đó là hành động chiếm đóng đảo san hô này. ASEAN nhận được nhiều lời cảnh báo tới mức các ngoại trưởng trong khối đã phải họp tại Singapore để đưa ra tuyên bố chung bày tỏ lo ngại sâu sắc trước diễn biến tình hình và kêu gọi sớm đưa ra giải pháp.
Tuy nhiên, đến cuối những năm 1990, mọi việc giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ASEAN đã thay đổi. Yếu tố làm thay đổi cuộc chơi là cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á. Việc đồng tiền các nước trong khu vực, trong đó có Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Singapore, thay nhau mất giá đã dẫn đến suy thoái kinh tế trên toàn khu vực.
Trong lúc các cường quốc phương Tây như Mỹ còn chậm chạp trong việc dang tay giúp đỡ, Bắc Kinh đã làm được một số việc và giành được thiện cảm của các quốc gia chịu tác động của khủng hoảng. Thứ nhất, Bắc Kinh đã không phá giá đồng nhân dân tệ cho dù điều này có thể giúp bảo vệ tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu từ Trung Quốc so với hàng xuất khẩu từ các nước chịu tác động của khủng hoảng, bởi vậy tránh gây thêm sức ép cho những nền kinh tế này. Thứ hai, Trung Quốc đã viện trợ 4 tỷ USD cho các nước trong khu vực thông qua Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) – tổ chức này đã cung cấp các khoản vay để ổn định các nền kinh tế gặp khó khăn – và thông qua các kênh song phương.
Đồng thời, theo các nhà phân tích, trong cuộc khủng hoảng tài chính này, Trung Quốc cũng có cách tiếp cận linh hoạt, bớt hung hăng đối với những tranh chấp ở Biển Đông. Trong khi trước đó Bắc Kinh từ chối tiến hành các cuộc đàm phán bất chấp lời kêu gọi từ các nước ASEAN, thì vào năm 1999 Trung Quốc đã bắt đầu đối thoại với ASEAN về vấn đề Biển Đông. Kết quả của những cuộc đàm phán này là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 không mang tính ràng buộc. Tuyên bố này đặt ra các tiêu chuẩn về hành vi ứng xử để duy trì hòa bình ở những vùng biển tranh chấp. Đây cũng là khúc dạo đầu cho Bộ quy tắc ứng xử (COC) mang tính ràng buộc pháp lý để giải quyết các tranh chấp.
Trong bầu không khí nồng ấm hơn sau cuộc khủng hoảng tài chính, Trung Quốc và ASEAN cũng đã bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán vào năm 2000 về một thỏa thuận thương mại tự do, nhất trí về thỏa thuận khung vào năm 2002. Năm 2003, hai bên cũng đã bước vào mối quan hệ đối tác chiến lược. Sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á là một thập kỷ quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN trở nên gần gũi hơn bao giờ hết trong khi những tranh chấp lãnh thổ được xếp lại và hai bên thăm dò khả năng cùng phát triển các khu vực tranh chấp. Điều này diễn ra vào thời điểm Mỹ đang bận rộn với cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq, Afghanistan và ít can dự hơn vào khu vực Đông Nam Á.
Những tranh chấp quay trở lại
Tuy nhiên, những tranh chấp ở Biển Đông đã quay trở lại. Năm 2009, Malaysia và Việt Nam cùng đệ trình lên Liên hợp quốc kiến nghị về việc mở rộng thềm lục địa của họ theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Trung Quốc đã bác bỏ kiến nghị này với lập luận rằng họ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các hòn đảo Biển Đông và các vùng biển gần kề khi đưa ra tấm bản đồ "đường 9 đoạn" đáng hổ thẹn bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông.
Căng thẳng gia tăng đã dẫn tới những xung đột như cuộc đối đầu năm 2012 giữa tàu giám sát của Trung Quốc và Hải quân Philippines ở bãi cạn Scarborough và cuộc đối đầu năm 2014 giữa các tàu của Việt Nam và Trung Quốc ở vùng biển ngoài khơi bờ biển Việt Nam sau khi Trung Quốc triển khai một giàn khoan dầu ở khu vực này.
Về kinh tế, Trung Quốc đã cạnh tranh với một số nước thành viên ASEAN về đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, Thỏa thuận thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc dường như đem lại cho Trung Quốc nhiều lợi ích hơn so với một số nước thành viên ASEAN, khiến những nước này không hài lòng.
Việc Trung Quốc xây dựng các hòn đảo nhân tạo trên các bãi đá và đảo san hô cũng như đặt các cơ sở quân sự trên những hòn đảo này đã làm gia tăng căng thẳng. Mặc dù các bên tuyên bố chủ quyền khác như Việt Nam và Philippines cũng tiến hành cải tạo và quân sự hóa các đảo mà họ chiếm giữ, nhưng quy mô và mức độ cải tạo và quân sự hóa của Trung Quốc lớn hơn rất nhiều, gây lo ngại không chỉ cho các nước thành viên ASEAN mà còn cho các cường quốc khác như Mỹ và Nhật Bản.
Tuy nhiên, sau khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết năm 2016 bác bỏ những tuyên bố chủ quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông, và khi tình trạng đối địch giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng dưới thời Tổng thống Donald Trump, Bắc Kinh đã tìm cách đàm phán về COC với ASEAN, điều mà họ đã trì hoãn trong nhiều năm. Hai bên đã đạt được một số tiến bộ với việc nhất trí về bản dự thảo vào năm 2019.
Việc Trung Quốc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong khu vực những năm gần đây thông qua sáng kiến "Vành đai và Con đường" cũng đã góp phần cải thiện quan hệ kinh tế giữa hai bên. Giờ đây, với sự bùng phát của dịch Covid-19, Trung Quốc một lần nữa có cơ hội để cải thiện quan hệ và gia tăng ảnh hưởng đối với khu vực Đông Nam Á, như họ đã làm trong năm 1997.
Trung Quốc đã cam kết cung cấp trang thiết bị y tế và cử các chuyên gia y tế đến một số nước ASEAN. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể làm nhiều hơn thế. Mặc dù cũng phải vật lộn với dịch bệnh trong nước vẫn chưa đạt đỉnh nhưng Mỹ, đối thủ của Trung Quốc trong khu vực, vẫn đang trợ giúp cho khu vực Đông Nam Á cả về chuyên gia lẫn tài chính. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, có văn phòng ở 6/10 nước ASEAN, đang hỗ trợ và tư vấn các nước về cách thức đối phó với đại dịch.
Mỹ cũng đã cam kết viện trợ 18,3 triệu USD cho các nước ASEAN để giúp các nước này chuẩn bị các phòng thí nghiệm có thể tiến hành xét nghiệm trên quy mô lớn, tạo điều kiện cho việc trao đổi thông tin về nguy cơ dịch bệnh, thực hiện các kế hoạch đối phó với tình huống khẩn cấp liên quan đến sức khỏe cộng đồng tại các điểm kiểm soát biên giới, đào tạo và trang bị lực lượng phản ứng nhanh trong điều tra và truy vết tiếp xúc, cùng nhiều hoạt động khác.
Phó giáo sư Lý Minh Giang thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Đại học công nghệ Nanyang, Singapore cho rằng Trung Quốc có thể trợ giúp về kỹ thuật và công nghệ cũng như tài chính. Nước này cũng có thể giúp xây dựng các cơ sở y tế như các bệnh viện dã chiến đã được triển khai nhanh chóng ở thành phố Vũ Hán, tâm dịch của Trung Quốc trong thời gian vừa qua.
Mặc dù đại dịch cũng đem lại cơ hội để Trung Quốc khẳng định tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình, nhưng hành động này sẽ là phản tác dụng sau những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kéo khu vực này đến gần quỹ đạo của mình hơn. Ngày càng có nhiều người ở Châu Á lo ngại việc Trung Quốc có thể tận dụng thời điểm dịch bệnh đang tác động đến các lực lượng tiền tuyến của Mỹ trong khu vực để đẩy nhanh những tham vọng của mình ở Đông Nam Á. Tàu sân bay Theodore Roosevelt của Mỹ, được triển khai ở Thái Bình Dương, đã bị dịch bệnh tấn công, với hàng trăm ca nhiễm trong đoàn thủy thủ 5.000 người.
Ông Lye Liang Fook, chuyên gia Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore cho rằng nếu Trung Quốc muốn gây ảnh hưởng đối với Đông Nam Á thay vì chỉ chi phối khu vực này thông qua sức mạnh tuyệt đối của mình, thì họ cần phải nhạy cảm hơn với những lo ngại và lợi ích của các nước trong khu vực.
Trong việc xử lý xung đột ở Biển Đông, hành động cho để nhận và một cử chỉ hào phóng nào đó có thể là cách thức hữu hiệu để Bắc Kinh giành được lòng tin và sự tôn trọng từ các nước láng giềng nhỏ hơn. Do đó, thay vì tranh giành với ngư dân của khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, hay đuổi các ngư dân nước ngoài ở các vùng biển tranh chấp và thanh minh cho những hành động như vậy bằng lập luận rằng đây là những vùng biển đánh cá truyền thống của ngư dân Trung Quốc (chúng cũng là những vùng đánh cá truyền thống của các ngư dân ở các nước xung quanh những vùng biển này), Bắc Kinh có thể bắt đầu bằng việc thăm dò khả năng ký kết các thỏa thuận đánh cá với các nước ASEAN.
Kể từ thời điểm có được một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc – chứ không phải một bộ quy tắc ứng xử không mang tính ràng buộc được Bắc Kinh ủng hộ – có tính bao trùm nhằm duy trì các vùng biển mở đến khi đạt được mục tiêu duy trì ổn định và hòa bình ở Biển Đông sẽ là một chặng đường dài.
Minh Anh giới thiệu
Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 19/05/2020
Goh Sui Noi, biên tập viên Đông Á, phóng viên cao cấp tại The Straits Times. Bài viết được đăng trên báo The Straits Times.
Bộ Quốc phòng ‘sẵn sàng đấu tranh với các nhóm tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển’ (VOA, 18/05/2020)
Trả lời câu hỏi của cử tri về vấn đề Biển Đông, Bộ Quốc phòng Việt Nam hôm 18/5 tuyên bố với những đầu tư nâng cao tiềm lực quốc phòng trong những năm qua, các lực lượng của Việt Nam "sẵn sàng đấu tranh với các nhóm tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển".
Tàu cảnh sát biển Việt Nam (phải) và tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông vào thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 đến vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền vào năm 2014.
Nhắc lại 4 lần Trung Quốc đưa tàu khảo sát và các tàu bảo vệ xâm phạm vùng biển Việt Nam từ ngày 4/7 - 24/10 năm ngoái, Bộ này nói hành động của Trung Quốc "vi phạm nghiêm trọng" chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
Bộ này khẳng định chủ trương của Việt Nam là "kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, giữ vùng 21 đảo (33 điểm đóng quân) ở quần đảo Trường Sa, DKI ; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao và pháp lý với chuẩn bị phương án quân sự, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo", theo Dân Trí.
Trước thực tế Trung Quốc "không từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông", tăng cường củng cố sự hiện diện và khả năng kiểm soát trên thực địa, Bộ Quốc phòng cho biết thường xuyên chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác nắm tình hình trên các vùng biển, tổ chức lực lượng kịp thời xử lý các tình huống để không bị động, bất ngờ và kịp thời báo cáo, đề xuất với Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng.
Vẫn theo Bộ này, Việt Nam trong những năm qua đã gia tăng mua sắm các trang thiết bị vũ khí hiện đại, vũ khí công nghệ cao để nâng cao khả năng nắm tình hình và quản lý các vùng biển, đồng thời thường xuyên tổ chức tuần tra, diễn tập… để không bị động và xử lý tốt các tình huống diễn ra trên biển.
Nêu sự kiện Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 đến khu vực bãi Tư Chính vào năm ngoái, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho rằng nhờ "kiên trì xử lý bình tĩnh, đấu tranh kiên quyết với Trung Quốc, triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, dư luận, pháp lý và giữ vững trên thực địa", nên đã "buộc Trung Quốc phải rút tàu" khỏi vùng biển của Việt Nam trong khi vẫn kiểm soát tốt được tình hình an ninh và trật tự xã hội.
Trong khi đó, theo nhận định của chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam ở Quảng Châu, Zhang Mingliang, với tờ South China Morning Post, thì việc tàu Trung Quốc rút lui "không chắc là có liên quan đến những bình luận của Việt Nam".
Theo chuyên gia này, "lý do chính là nó đã hoàn thành công việc", như tuyên bố chính thức của Bắc Kinh về việc rút tàu Hải Dương 8. Nhưng cũng có thể xem động thái rút tàu của Trung Quốc "như một nỗ lực để giảm căng thẳng với Mỹ", chuyên gia Zhang Mingliang nhận xét thêm.
Những tuyên bố mới nhất của Bộ Quốc phòng Việt Nam được đưa ra giữa bối cảnh Trung Quốc gần đây liên tục thực hiện các động thái gây hấn, lấn áp Việt Nam và các quốc gia láng giềng nhằm khẳng định chủ quyền trên Biển Đông, bất chấp tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu.
Trả lời cử tri về việc cần có "biện pháp kiên quyết hơn nữa" với hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho rằng đây "vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, lâu dài".
"Do đó, quan điểm chung của ta là quán triệt tinh thần kiên quyết, kiên trì, ‘dĩ bất biến, ứng vạn biến’", Vietnamnet dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng nói.
********************
Bộ Quốc phòng : Người Trung Quốc ‘lợi dụng kẽ hở’, nắm các khu đất ‘trọng yếu’ ở Việt Nam (VOA, 18/05/2020)
Người Trung Quốc đang nắm trong tay hơn 162.000 hectare đất của Việt Nam, trong đó có những nơi trọng yếu thuộc vùng "biên giới" hoặc "ven biển", Bộ Quốc phòng Việt Nam mới đây cho biết, theo báo chí trong nước.
Một khu đất ven biển dài 1 km và rộng 30 ha ở Đà Nẵng do người Trung Quốc nắm giữ (ảnh tư liệu, 2015)
Thông tin kể trên được đưa ra trong báo cáo của Bộ Quốc phòng gửi tới Quốc hội để trả lời cử tri, sau khi có những người ở Hải Phòng bày tỏ lo ngại về việc người Trung Quốc thu mua đất của Việt Nam, Tuổi Trẻ, Thanh Niên và VietnamNet tường thuật trong các hôm 17 và 18/5.
Bộ Quốc Phòng Việt Nam nói tính đến tháng 11/2019, có 149 doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc hoặc liên doanh với Trung Quốc đầu tư vào các dự án ở khu vực biên giới hoặc ven biển thuộc 22 tỉnh của Việt Nam.
Vẫn báo cáo của bộ, được Tuổi Trẻ, Thanh Niên và VietnamNet trích đăng, cung cấp thông tin rằng tình trạng người Trung Quốc "tập trung sở hữu đất đai" nổi bật lên ở các tỉnh, thành là Đà Nẵng với 22 trường hợp, Quảng Ninh 17 trường hợp, Hải Phòng 16 trường hợp, Bình Định 9 trường hợp, Hà Tĩnh và Bình Thuận mỗi tỉnh 5 trường hợp.
Qua các trích dẫn của Tuổi Trẻ, Thanh Niên và VietnamNet, dường như Đà Nẵng được Bộ Quốc phòng tập trung nhấn mạnh nhất, khi báo cáo của bộ nêu ra 2 cá nhân và 7 doanh nghiệp Trung Quốc hoặc "có yếu tố sở hữu Trung Quốc" đã "núp bóng" một số công dân hay doanh nghiệp Việt Nam để sở hữu hoặc thuê hàng trăm nghìn mét vuông đất ven biển, thậm chí sát cạnh sân bay Nước Mặn, từng là sân bay quân sự.
"Hầu hết các lô đất đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ", báo cáo của Bộ Quốc phòng đưa ra nhận xét, đồng thời khẳng định rằng cử tri và dư luận xã hội thấy "đáng ngại" về việc cơ quan chức năng Đà Nẵng cấp chứng nhận quyền sử dụng 21 lô đất cho người Trung Quốc là "có cơ sở".
Mặc dù luật Việt Nam không cho phép công dân và doanh nghiệp nước ngoài sở hữu đất ở Việt Nam, song Bộ Quốc phòng chỉ ra trong báo cáo của mình rằng người Trung Quốc dựa vào 2 cách chính để sở hữu các lô đất ở Đà Nẵng.
Cách thứ nhất, họ thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam. Ban đầu, người Trung Quốc góp vốn thấp hơn người Việt Nam, trong khi phần góp vốn của người Việt chủ yếu là giá trị của đất. Ở giai đoạn này, doanh nghiệp do người Việt điều hành. Sau một thời gian, bằng nhiều cách, phía Trung Quốc tăng vốn và giành quyền điều hành doanh nghiệp, vì vậy, phần tài sản góp vốn là đất của phía Việt Nam trở nên thuộc quyền sở hữu của phía Trung Quốc.
Trong cách thứ hai, người Trung Quốc đầu tư tiền cho công dân Việt Nam, chủ yếu là người Việt gốc Hoa, để mua đất. Bộ Quốc phòng đưa ra dẫn chứng là có một số trường hợp công dân thuộc diện "kinh tế khó khăn" nhưng lại đứng tên sở hữu 10 đến 12 lô đất.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Trường, khẳng định với VOA rằng việc người Trung Quốc nắm giữ đất ở Việt Nam gây ra những rủi ro :
"Trong hoàn cảnh tất cả các nước nhỏ cạnh các nước lớn, với quan hệ mạnh-yếu, chúng ta cũng biết rằng bỏ tiền ra mua đất chẳng hạn thì cũng là một kiểu gây tác động nhất định đến kinh tế, đến đời sống xã hội rồi thậm chí kể cả vấn đề an ninh".
Các công dân Trung Quốc phạm pháp bị chính quyền Đà Nẵng bắt giữ hôm 6/6/2019. Photo Da Nang TV
Để củng cố cho quan điểm của mình, giáo sư Đặng Hùng Võ dẫn lại một loạt những vụ việc từng được báo chí điều tra, đưa tin, bao gồm việc một số doanh nghiệp Trung Quốc đưa đông đảo công dân của họ vào Việt Nam lao động bất hợp pháp ; hay việc họ thiết lập các khu dân cư, các điểm kinh doanh tách biệt, theo hình thức tự trị, chỉ sử dụng ngôn ngữ và phương thức thanh toán của Trung Quốc, Việt Nam không thu được gì và ngay cả công an Việt Nam cũng không thể đi vào trong các khu đó.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Trường cảnh báo rằng tình trạng như vậy một mặt gây ra bất công về kinh tế cho người Việt Nam, mặt khác tiềm ẩn những nguy cơ như đó có thể là những nơi "chứa chấp vũ khí, súng ống", đe dọa đến trật tự xã hội, an ninh, quốc phòng của Việt Nam.
Liên hệ tới tình hình Biển Đông, giáo sư Đặng Hùng Võ cảnh báo với VOA rằng những "tụ điểm" người Trung Quốc trên đất Việt Nam có thể bị Trung Quốc biến thành những cái cớ :
"Cách thức cư xử của Trung Quốc ở Biển Đông, mọi người Việt Nam rất khó chịu, thậm chí là phẫn uất vì chuyện bắt nạt ở Biển Đông. Thế thì trên đất liền thì sao ? Có thể bây giờ chưa xảy ra, nhưng cũng có thể sẽ xảy ra, thì cách thức nó sẽ như thế nào ? Khi mà về tương quan lực lượng quân sự và cách thức hành xử, thì như câu chuyện trên Biển Đông, thì thấy rất rõ".
Theo Tuổi Trẻ, Thanh Niên và VietnamNet, Bộ Quốc phòng cho biết họ đã báo cáo và đề xuất chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các tỉnh, thành rà soát, đánh giá tổng thể các dự án đầu tư của nước ngoài, nhất là dự án liên quan đến Trung Quốc tại khu vực biên giới, biển, đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.
Bộ cũng đề nghị cần "kịp thời phát hiện, điều chỉnh những bất cập" của luật Đầu tư, luật Đất đai và cơ chế quản lý, cấp phép các hoạt động đầu tư nhằm hạn chế sơ hở, không để cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng hoạt động.
Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng chính quyền Việt Nam có thể "khó xử lý" về mặt pháp lý khi người Trung Quốc "đội lốt" người Việt để nắm giữ đất ở Việt Nam. Ông nói với VOA :
"Không thể dùng luật pháp, không thu hồi được, bởi vì là không vi phạm điều luật nào trong việc nhận chuyển quyền [sử dụng đất] khi cái người đó là người Việt Nam. Thế thì tôi cho rằng giải pháp lúc này không phải là giải pháp pháp luật. Mà giải pháp lúc này tôi nghĩ đến cùng chỉ có mỗi một cái là người Việt Nam đừng ai làm chuyện này [tiếp tay cho Trung Quốc]. Đó là giải pháp tốt nhất".
Báo cáo trả lời cử tri của Bộ Quốc phòng được đưa ra ở thời điểm hiện nay cung cấp một bức tranh trái ngược với những phát ngôn trước đó của một số quan chức cao cấp.
Hồi tháng 6/2018, Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà nói trước Quốc hội rằng bộ của ông "chưa phát hiện người nước ngoài mua đất" và mong đại biểu Quốc hội "thấy ở đâu người nước ngoài mua đất thì báo cho bộ" để nhà chức trách điều tra xem "bằng cách nào họ mua được".
Lâu hơn nữa, hồi tháng 10/2015, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khi gặp cử tri ở Hà Nội đã khẳng định : "Không có chuyện người nước ngoài vào Việt Nam mua đất".
https://youtu.be/FbVHOD2gQgI
Trong một hội thảo trực tuyến mới đây do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Philippines tổ chức, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn - Viện trưởng Viện biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam cho biết vì lý do Đại dịch Covid-19, nên tiến trình đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN cho việc tìm kiếm một Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (Viết tắt là COC) đang bị ngưng trệ.
Hình chụp hôm 2/1/2017 : máy bay J-15 của Trung Quốc cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh trong cuộc tập trận ở Biển Đông/AFP - Hình minh họa
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, các quốc gia tập trung nguồn lực đối phó đã tạo ra bối cảnh thuận lợi cho Bắc Kinh thúc đẩy tham vọng của mình. Trong khi Trung Quốc tiếp tục thể hiện sự hung hăng cho tham vọng độc chiếm Biển Đông, các nước láng giềng ASEAN có nguy cơ mất cả các quyền chủ quyền lẫn chủ quyền quốc gia. Hành vi hung hăng ở Biển Đông là một phần trong trò chơi dài hơi nhằm kiểm soát tất cả những gì Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Nằm ở phía Nam của Biển Đông, với tầm quan trọng chiến lược cùng ngư trường phong phú, quần đảo Trường Sa là "tài sản" mơ ước và trở thành đối tượng tranh chấp của một số quốc gia trong khu vực. Xa hơn về phía Bắc là quần đảo Hoàng Sa giàu tiềm năng hải sản và trữ lượng dầu khí lớn. Trong khi Việt Nam khẳng định chủ quyền thì Trung Quốc ngang nhiên chiếm quyền sở hữu và quân sự hóa toàn bộ Hoàng Sa và một phần của Trường Sa.
Các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, kiên trì phản đối việc Trung Quốc "thuộc địa hóa" các quần đảo này suốt thời gian dài. Tuy nhiên, dường như Trung Quốc cố tình phớt lờ trước làn sóng phản đối từ các nước láng giềng, tiếp tục sử dụng các chiến thuật bắt nạt khi gần đây ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông trong 4 tháng. Bất chấp Trung Quốc che giấu mục đích của động thái này với lý do "bảo vệ" nguồn cá, nhưng như quan điểm của Việt Nam và Philippines, bản chất của hành vi này là cách Trung Quốc khẳng định quyền lực và kiểm soát khu vực.
Ngư dân Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ quyết định của Trung Quốc. Bắc Kinh đáp trả khi tuyên bố ngư dân Việt Nam không có quyền đánh bắt cá ở Biển Đông - động thái cho thấy thái độ kiêu ngạo, hung hăng của Trung Quốc. Ngư dân Việt Nam và Philippines kêu gọi chính phủ hai nước chống lại Trung Quốc. Philippines hiện đang giữ vai trò điều phối quan hệ Trung Quốc - ASEAN. Tuy nhiên, với thực tế Philippines đang vay lượng vốn khổng lồ của Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến "Vành đai và Con đường", cho nên chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte thậm chí không có bất kỳ một "lời xì xào" về vấn đề này.
Cho đến nay, chỉ có Mỹ mạnh mẽ chỉ trích hành động của Trung Quốc cũng như có hành động thực tế. Trung Quốc tham vọng thống trị cả về kinh tế và lãnh thổ bằng phương thức lén lút, đe dọa và bắt nạt mà không phải là chiến tranh. Bắc Kinh không sợ bất kỳ quốc gia nào, ngay cả Mỹ. Ngay cả các nước phương Tây cũng phản ứng một cách yếu ớt đối với tham vọng đế quốc của Trung Quốc, ai có thể cáo buộc Bắc Kinh ?
Tháng 8/2019, Anh, Đức và Pháp đã ra tuyên bố chung, lên án mạnh mẽ tham vọng thực dân của Trung Quốc trên biển và kêu gọi các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc tăng cường hợp tác. Cho đến nay, Trung Quốc đã phớt lờ chỉ trích của nhóm này và tiếp tục cuộc chơi tại Biển Đông theo cách của mình.
Hình chụp hôm 5/5/2016 : hạm đội Biển Nam Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa/AFP - Ảnh minh họa
Trung Quốc "phớt lờ" chủ nghĩa thực dân mang tính phá hủy của mình do nhiều quốc gia tham gia "Sáng kiến Vành đai và Con đường" rơi vào tình cảnh mắc nợ về kinh tế. Chính nền kinh tế suy yếu đã khiến các nước này phải im lặng. Các nước phương Tây bỏ qua việc Trung Quốc chiếm đóng lâu dài ở Tây Tạng trong nhiều thập kỷ qua là một minh chứng cảnh báo thực tế những chính phủ này đã từ bỏ câu chuyện chính trị của Trung Quốc.
Ở Đông Nam Á lục địa, ngày càng có nhiều người e sợ các hoạt động của Trung Quốc trên sông Mekong. Trung Quốc đã xây 11 con đập dọc theo con sông này và có kế hoạch xây thêm 8 con đập khác, gây cảm giác bất an về mức tưới tiêu và sản lượng lúa gạo tại các khu vực canh tác màu mỡ ở hạ nguồn các con đập.
Xa hơn nữa, hoạt động tăng cường của Hải quân Trung Quốc gần Đài Loan và việc Trung Quốc vây bắt các nhà hoạt động dân chủ Hong Kong gần đây đang làm dấy lên sự lo ngại trên khắp Đông Nam Á rằng Trung Quốc đang lợi dụng đại dịch để phô trương sức mạnh trong khi các nước còn lại trên thế giới dồn hết tâm trí vào vấn đề trong nước. Khi những nhận thức này dần định hình, các nước Đông Nam Á sẽ tìm cách gia tăng phí tổn cho sự bành trướng của Trung Quốc, trong đó có việc cố gắng thúc đẩy hơn nữa sự can dự của Mỹ trong khu vực cả về kinh tế lẫn quân sự.
Trung Quốc đã bắt đầu một giai đoạn mới của chiến dịch xâm lược nhằm kiểm soát Biển Đông. Mục tiêu của cường quốc kinh tế số hai thế giới lần này chính là ngăn cản và gây áp lực lên các cuộc đàm phán về COC đang diễn ra giữa Trung Quốc với 10 quốc gia ASEAN. Kết quả của các cuộc đàm phán này có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc tế tại khu vực Biển Đông trong nhiều thập kỷ tới. Bắc Kinh mưu toan nỗ lực khẳng định quyền kiểm soát vùng biển chiến lược này để giành được lợi thế trước ASEAN, tạo đòn trong các cuộc đàm phán quan trọng.
Trung Quốc đã để lộ rõ bản chất cốt lõi mưu toan này : Khẳng định "đường 9 đoạn" trong tưởng tượng và việc xây dựng các cấu trúc đảo nhân tạo. Chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế chi phối hành xử ở Biển Đông đang bị đe dọa. Nếu Washington chủ động tác động đến nội dung cuối cùng của COC, động thái này có thể giúp đưa đến một thỏa thuận được ủng hộ.
Một trong những điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán là phạm vi địa lý của COC. Dự thảo COC hiện tại không đề cập đến phạm vi mà nó sẽ áp dụng. Văn bản này chỉ tuyên bố rằng COC không phải là một công cụ để giải quyết tranh chấp lãnh thổ và các bên không được can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.
Bằng cách thiết lập sự kiểm soát về hành chính và pháp lý đối với hầu hết Biển Đông, Bắc Kinh có thể tham gia các cuộc đàm phán với tư thế chủ động và có quyền lực trên thực địa. Đảng cộng sản Trung Quốc có thể tuyên bố vùng biển, các thực thể và các đảo do nước này quản lý nằm dưới sự kiểm soát chỉ của nước này và không có tranh chấp. Điều này giảm thiểu phạm vi áp dụng của COC và cho phép Bắc Kinh điều chỉnh bản quy tắc này trước khi được hoàn tất.
Quan điểm chính thức của Washington là muốn có bản COC có ý nghĩa và hiệu quả, có thể bảo vệ quyền của các bên thứ ba và hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Việc Mỹ nhấn mạnh lập trường trong các cuộc họp chính thức với giới lãnh đạo ASEAN và khuyến khích các đối tác xem xét cẩn thận ngôn ngữ của COC thể hiện sự ủng hộ của Washington về một bản quy tắc ủng hộ lợi ích quốc gia của Mỹ tại Biển Đông. Việc Mỹ coi trọng vấn đề này về mặt ngoại giao cũng gián tiếp tiếp thêm sức mạnh cho các nước ASEAN trước sự chèn ép từ Bắc Kinh trong dự thảo đàm phán.
Cho đến nay, nhiều quốc gia ASEAN đã tỏ ý tôn trọng và viện dẫn Phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài trong Vụ Philippines kiện Trung Quốc. Trong số đó có Indonesia, Malaysia, Singapore, Việt Nam. Đặc biệt trong Công hàm gửi lên Liên Hợp Quốc của Philippines cũng viện dẫn Phán quyết này. Điều này cho thấy những triển vọng trong việc có thể đưa nội dung Phán quyết 2016 vào trong Dự thảo COC.
Một số báo chí nước ngoài cho biết, Việt Nam đang xem xét đệ trình yêu cầu làm rõ các quyền của mình theo Phụ lục VII của UNCLOS tương tự như vụ kiện của Philippines năm 2013 đối với Trung Quốc. Các văn bản đàm phán cho thấy COC đảm bảo nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia theo luật pháp quốc tế. Điều này khẳng định tầm quan trọng của động thái pháp lý từ Hà Nội. Chính vì vậy, Washington cần hỗ trợ về mặt pháp lý cho Hà Nội trong vấn đề này.
Nếu Washington ủng hộ Hà Nội, điều này có thể ảnh hưởng đến các điều khoản của thỏa thuận COC. Washington nên hỗ trợ khía cạnh chuyên môn về pháp lý cũng như tìm kiếm trong kho lưu trữ của mình các tài liệu có thể giúp củng cố cơ sở pháp lý của Hà Nội.
Ngoài ra, Washington cần tăng cường thể hiện và thực thi các cam kết đối với khu vực. Những động thái này sẽ đẩy mạnh quyết tâm ASEAN đấu tranh với sự chèn ép của Trung Quốc trong đàm phán COC.
Nguyễn Thảo Như
Nguồn : RFA, 16/05/2020
Bắc Kinh : Hà Nội 'không có quyền' bình luận về lệnh đánh bắt cá trên Biển Đông (VOA, 12/05/2020)
Trung Quốc phản pháo lại sự chống đối của Việt Nam về lệnh đánh bắt cá mà Hà Nội gọi là "đơn phương" mới được Bắc Kinh ban hành cho hơn ba tháng mùa hè.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông - Ảnh minh họa
Theo Tân Hoa Xã, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 11/5 tuyên bố rằng Việt Nam "không có quyền bình luận về lệnh đánh bắt cá vào mùa hè này của Trung Quốc trên vùng Biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là Biển Đông) vì các biện pháp này thuộc quyền hành chính của Trung Quốc".
Phát ngôn của ông Triệu Lập Kiên được đưa ra 3 ngày sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lên tiếng phản đối "quyết định đơn phương" của Trung Quốc. Bà Hằng hôm 8/5 đề nghị phía Trung Quốc "không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông".
Lệnh cấm của Bắc Kinh có hiệu lực trong vòng 3 tháng rưỡi, từ ngày 1/5 cho đến 16/8, và lực lượng hải cảnh Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhất để ngăn chặn "mọi hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp".
Lệnh cấm này được Bắc Kinh đưa ra sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc lợi dụng sự tập trung của cộng đồng quốc tế vào đại dịch virus corona để bành trướng trên Biển Đông.
Tân Hoa Xã cho biết, lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm vừa được ban hành áp dụng cho vùng hải lý phía bắc trên vĩ tuyến 12 của biển Nam Trung Hoa – tức Biển Đông. Hơn 50.000 tàu đánh cá của Trung Quốc sẽ ngừng hoạt động trong thời gian lệnh cấm.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội hôm 8/5 cho rằng ngư dân Việt Nam "hoàn toàn có quyền đánh bắt cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam".
Ông Lập nói với các phóng viên tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 11/5 rằng không thể tranh cãi về việc Tây Sa – mà Việt Nam gọi là Hoàng Sa – là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Người phát ngôn này nhấn mạnh rằng việc tiến hành lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng biển có liên quan của Biển Đông là một biện pháp hợp lệ của Trung Quốc nhằm thực hiện các quyền hành chính và các nghĩa vụ quốc tế có liên quan theo luật pháp. Theo ông Lập, biện pháp này có lợi cho việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và sự phát triển bền vững trên Biển Đông.
Người phát ngôn BNG Trung Quốc nói rằng Việt Nam "không nên khuyến khích ngư dân của mình vi phạm các quyền và lợi ích của Trung Quốc cũng như làm suy yếu sự phát triển bền vững của các nguồn lợi thủy sản" trên Biển Đông.
Theo Tuổi Trẻ, Hội Nghề cá Việt Nam vào tuần trước đã gửi công văn tới Văn phòng Chính phủ và nhiều bộ sở khác để "kịch liệt phản đối hành động hết sức phi lý của phía Trung Quốc".
*********************
Trung Quốc nói Việt Nam 'không có quyền' phản đối lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông (BBC, 12/05/2020)
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Hai nói Việt Nam không có quyền bình luận về lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè của Trung Quốc ở vùng biển Biển Đông vì biện pháp này thuộc về quyền hành chính của Trung Quốc, theo Tân Hoa Xã.
Năm 2019, ngư dân Việt Nam được chính phủ động viên ra khơi bám biển trong thời gian TQ áp lệnh cấm đánh bắt cá, nhưng các tàu có giấy phép khai thác chung trên biển được khuyến cáo không đi quá sang phía Đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đưa ra phát biểu này sau khi người đồng cấp Việt Nam lên tiếng phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của nước này và yêu cầu Trung Quốc không "làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông".
Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm của Trung Quốc trong năm nay bắt đầu vào ngày 1/5 và dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 16/ 8 ở vùng biển phía bắc, trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến vùng biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, một phần khu vực Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough, theo tin từ truyền thông Việt Nam.
Còn theo Tân Hoa Xã, hơn 50.000 tàu đánh cá sẽ bị cấm hoạt động tại khu vực nói trên trong thời gian kéo dài ba tháng rưỡi.
Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ tăng cường tàu chấp pháp giám sát hai tới ba lần một ngày để bắt và xử phạt các trường hợp tàu cá bị coi là vi phạm.
Trong bài phát biểu, ông Triệu Lập Kiên nói rằng "không thể chối cãi rằng Quần đảo Hoàng Sa là một phần của lãnh thổ Trung Quốc", đồng thời nhấn mạnh rằng Trung Quốc có quyền chủ quyền và quyền tài phán ở vùng biển có liên quan của Biển Đông theo luật pháp quốc tế và luật pháp trong nước của Trung Quốc.
"Thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè ở vùng biển có liên quan của Biển Đông là một biện pháp hợp pháp của Trung Quốc để thực hiện các quyền hành chính và thực thi các nghĩa vụ quốc tế có liên quan theo luật pháp", ông này nói. Ông nói thêm rằng biện pháp này có lợi cho việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phát triển bền vững ở Biển Đông.
"Việt Nam không nên khuyến khích ngư dân xâm phạm quyền và lợi ích của Trung Quốc và làm suy yếu sự phát triển bền vững của nguồn lợi thủy sản ở Biển Đông", ông Triệu Lập Kiên nói, theo trích dẫn của Tân Hoa Xã.
Khu vực Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá ở Biển Đông theo đồ họa Google được VnExpress công bố
Việt Nam nói gì ?
Tuần trước, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho biết : Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.
Hôm 04/5/2019, bà Lê Thị Thu Hằng nói :
"Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc".
Hồi năm 2019, Trung Quốc cũng đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá tương tự. Và sau khi lệnh này được dỡ bỏ sau ba tháng rưỡi, Trung Quốc cho hơn 3. 000 tàu cá của mình ra khơi, khiến căng thẳng trong khu vực gia tăng.
Cùng lúc đó, hồi tháng 8/2019, tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc cùng một số tàu hộ tống đã quay trở lại khu vực Bãi Tư chính thuộc Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam sau một thời gian ngắn rút đi, khiến bầu không khí tưởng chừng đã dịu đi chút ít giữa Bắc Kinh và Hà Nội trở nên căng thẳng trở lại.
Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm được Trung Quốc bắt đầu đưa ra từ năm 1999.
Lệnh này, theo Trung Quốc, là nhằm để bảo vệ các nguồn tài nguyên biển và môi trường sinh thái.
Tuy nhiên, Việt Nam luôn phản đối và coi đây là lệnh cấm bất hợp pháp.
Quyền đánh bắt cá đã trở thành một trong những vấn đề gây căng thẳng giữa Trung Quốc và một số nước khác trong khu vực.
Hồi năm 2019, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã rút lại thỏa thuận miệng mà ông nói đã hứa với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi 2016, theo đó cho phép ngư dân Trung Quốc vào đánh bắt ở vùng biển có tranh chấp quanh khu vực bãi Cỏ Rong.
Lệnh cấm đánh bắt cá năm 2020 của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông đã leo thang, khi Trung Quốc bị cáo buộc lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để tăng cường các hoạt động tại vùng biển này.
Ngay trước lệnh đánh bắt cá, Trung Quốc đã tiến hành khai thác khí tự nhiên trên Biển Đông, đưa tàu và máy bay tới diễn tập, khánh thành hai trạm nghiên cứu ở Đá Subi và Đá Chữ Thập. Trung Quốc cũng cho đánh chìm tàu cá của Việt Nam, và ra quyết định nâng cấp đơn vị hành chính của quần đảo mà nước này gọi là Tây Sa, Nam Sa thành quận Tây Sa, quận Nam Sa, thuộc thành phố Tam Sa - nằm trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Trước đó, trả lời BBC News tiếng Việt hôm 4/5, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên lãnh đạo Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam nói rằng ngoài tiếp tục lên tiếng phản đối, Việt Nam cần cung cấp và trang bị thêm cho ngư dân một số biện pháp nâng cao hơn để giúp cho việc tự bảo vệ và đấu tranh pháp lý hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Đức Huy cho VOA biết sau sự kiện này, ban tổ chức sẽ tiếp tục có những buổi trao đổi với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các dân biểu về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.
Ngày 11/5 đánh dấu ngày bác sĩ bất đồng chính kiến Nguyễn Đan Quế vào năm 1990 ra công bố Tuyên ngôn củ a Phong trào đấu tranh bất bạo động cho Nhân quyền tại Việt Nam.
Từ năm 1994, ngày này được Quốc hội Mỹ công nhận là Ngày Nhân quyền Việt Nam để nhấn mạnh sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ và khuyến khích các quyền tự do căn bản của công dân tại Việt Nam được quốc tế công nhận.
Kể từ 1995, Ngày Nhân Quyền Việt Nam 11/5 được tổ chức hằng năm tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ.
Biển Đông : Trung Quốc toan tính gì khi lập 2 ‘quận’ mới cho ‘Tam Sa’ ?
Thụy My, RFI, 13/05/2020
AMTI : Trung Quốc gia tăng mở rộng sự hiện diện về mặt hành chính trên Biển Đông một cách âm thầm, nên ẩn giấu phía sau là những hậu quả thực sự cho các quốc gia yêu sách khác. Việc lập hai "quận" mới cho "thành phố Tam Sa" không chỉ mang tính biểu tượng.
Đảo Phú Lâm, nơi có miếu thần Hoàng Sa thời vua Minh Mạng, nay trở thành thủ phủ "thành phố Tam Sa". Ảnh vệ tinh của AMTI. © AMTI
Ngày 18/04/2020, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ra quyết định lập hai "quận" mới trực thuộc "thành phố Tam Sa" (Sansha), đặt trụ sở tại đảo Phú Lâm (Woody Island) trên quần đảo Hoàng Sa - cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1974.
Một số nhà quan sát có thể cho rằng việc lập hai "quận" mới này chỉ mang tính biểu tượng mà thôi. Tuy nhiên theo nhận định của cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược (CSIS) ngày 12/05/2020, động thái này sẽ cải thiện việc quản lý hành chính và thúc đẩy các chính sách mới của Trung Quốc về Biển Đông.
Đảo Phú Lâm chiếm của Việt Nam thành đại bản doanh
Cái gọi là "Thành phố Tam Sa" được Bắc Kinh lập ra từ tháng 7/2012, trực thuộc tỉnh Hải Nam. "Thẩm quyền" của "thành phố" này được cho là trải rộng khắp 280 đảo, bãi cát ngầm, rạn san hô và các thực thể khác, cùng với các vùng biển xung quanh, tổng cộng lên đến gần 800.000 dặm vuông biển và đất liền.
Khu vực này bao trùm phần lớn yêu sách của Trung Quốc trong khuôn khổ đường 9 đoạn tự vẽ, gồm quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, cùng với bãi Macclesfield và bãi cạn Scarborough (mà Trung Quốc gọi là quần đảo Trung Sa).
Việt Nam và Philippines phản đối, cho rằng hành động đơn phương của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của hai nước láng giềng tại vùng biển tranh chấp.
Từ năm 2012, đảo Phú Lâm nói riêng và "thành phố Tam Sa" nói chung đã phát triển rất nhanh chóng. Trong tám năm qua, đã mở một trường học, thu hút được nhiều đầu tư, xây dựng các cơ sở hạ tầng mới như cầu cảng, nhà máy lọc nước biển. Du lịch nở rộ, kinh tế đa dạng hóa, hậu cần và viễn thông phát triển, nhiều nhà ở kiên cố được dựng lên và khuyến khích định cư.
Đảo Phú Lâm và các thực thể khác được cho là thuộc quyền tài phán của "thành phố Tam Sa" là nơi đặt các hệ thống vũ khí, và các cơ quan của "địa cấp thị" này phối hợp trong việc phát triển và hoạt động của lực lượng dân quân biển Trung Quốc. Và nay trên các thực thể đa dạng của "Tam Sa" đầy dẫy các hệ thống thiết bị tình báo, giám sát hiện đại.
Việc thành lập hai "quận" mới Tây Sa (Xisha) tại Hoàng Sa và Nam Sa (Nansha) ở Trường Sa là sự tiếp tục quỹ đạo phát triển của "Tam Sa".
Vai trò "Tây Sa" và "Nam Sa"
Trong cách tổ chức của Trung Quốc, các địa cấp thị bao gồm các quận và phường trực thuộc, có bộ máy chính quyền của từng cấp. Thế nên khi Quốc vụ viện lập ra hai quận mới cho "thành phố Tam Sa", cũng đồng thời lập ra hai chính quyền cấp quận mới. Đó là "Tây Sa khu" đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, và "Nam Sa khu" đặt tại Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thuộc Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm năm 1988.
Ngoài việc nắm "quyền tài phán" trên quần đảo Hoàng Sa, chính quyền "Tây Sa khu" cũng quản lý luôn "quần đảo Trung Sa" (Zhongsha), trong khi chính quyền "Nam Sa khu" sẽ quản lý quần đảo Trường Sa. Vì chính quyền do đảng chỉ đạo, nên quận ủy cũng sẽ hiện diện tại các quận mới.
"Tây Sa" và "Nam Sa" giúp mở rộng năng lực hành chính của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhà nước đảng trị từ lâu đã tìm cách tăng cường hiệu quả quản trị trên các lãnh thổ yêu sách tại vùng biển này.
Đầu tiên Bắc Kinh cho thành lập ủy ban đảng và chính quyền tại đảo Phú Lâm từ tháng 3/1959 (đảo Phú Lâm bị Trung Quốc bí mật chiếm đóng năm 1956, và quản lý toàn bộ hòn đảo sau trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974), có quyền tài phán như "thành phố Tam Sa" hiện nay. Đến cuối năm 2008, đảng và chính quyền Phú Lâm lập ra 18 ban hành chính chức năng và 20 định chế công mới.
Khi "thành phố Tam Sa" ra đời tháng 7/2012, các tổ chức chính quyền mới đã thay thế các bộ phận cũ. Từ năm 2012, Tam Sa liên tục đưa ra các hình thức quản trị địa phương mới, trong đó có ít nhất 4 ủy ban công tác và ủy ban quản lý, cũng như 10 ủy ban thường trú khu phố. Do đó việc lập thêm hai quận Tây Sa và Nam Sa là bước đi mới nhất trong một kế hoạch dài hạn của Trung Quốc nhằm bành trướng trên Biển Đông.
Các tổ chức của "thành phố Tam Sa" là trợ thủ cho sự hiện diện của Trung Quốc trên Biển Đông, thông qua việc thực hiện chức năng điều phối và hoạch định chính sách quan trọng. Có thể kể : định ra chính sách thuế và công nghiệp địa phương, hỗ trợ hoạt động dân quân biển, đưa vào vận hành các tàu mới, điều phối nguồn lực dân sự và quân sự. Bên cạnh đó là cải thiện điều kiện sống, lập các chương trình tuyên truyền, thiết trí các hệ thống viễn thông mới…
Những người được giao điều hành "Tam Sa" sẽ có tám năm bận rộn với việc biến đảo Phú Lâm và các thực thể khác thành trung tâm cho các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông. Hai quận "Tây Sa" và "Nam Sa" sẽ cung cấp người quản lý, nhân sự và nguồn lực cần thiết cho việc xây dựng và thực thi chính sách địa phương ở mức độ rộng lớn hơn, qua đó nâng cao năng lực hành chính tổng thể của "thành phố Tam Sa".
Cạnh tranh giữa hai "quận" mới ?
Việc bổ sung thêm hai quận mới cho "thành phố Tam Sa" còn có thể thúc đẩy các chính sách mới về Biển Đông. Được cho là "Tây Sa" và "Nam Sa" sẽ quản lý về địa lý và chính trị tại hai khu vực khác nhau, hai cơ quan này rốt cuộc có thể theo đuổi các lợi ích khác biệt.
"Tây Sa khu" sẽ quản lý một khu vực tương đối ổn định trên Biển Đông, tại đó Trung Quốc đã có sự hiện diện dân sự đông đảo. Còn "Nam Sa khu" sẽ phụ trách một khu vực tranh chấp nóng bỏng, với nhiều lực lượng quân sự, chấp pháp và dân quân biển. Do vậy các nhà quản lý sẽ phải áp dụng các chính sách phù hợp với đặc điểm của địa phương mình.
Chẳng hạn, chính quyền "Tây Sa khu" có thể thúc đẩy việc tổ chức cho du khách Trung Quốc đến tham quan quần đảo Trường Sa, một thủ thuật đầy khiêu khích nhằm phát triển kinh tế địa phương, dân sự hóa sự hiện diện ở Trường Sa và xác quyết chủ quyền.
Hai quận này có cạnh tranh lợi ích với nhau hay không và ở mức độ nào, còn tùy thuộc vào quyền tự chủ tương đối của họ đối với chính quyền "thành phố Tam Sa". Do hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông là kết quả tương tác giữa nhiều nhân tố trung ương và địa phương khác nhau, nên sự thay đổi quan hệ giữa các cấp hành chính của "Tam Sa" cần được theo dõi chặt chẽ.
AMTI kết luận, vì Trung Quốc gia tăng mở rộng sự hiện diện về mặt hành chính trên Biển Đông một cách âm thầm, nên ẩn giấu phía sau là những hậu quả thực sự cho các quốc gia yêu sách khác. Các quận mới sẽ cung cấp các nguồn lực xây dựng và thực thi chính sách bổ sung cho "thành phố Tam Sa", giúp những người lãnh đạo theo đuổi các chủ trương cụ thể.
Nằm ở tuyến đầu tranh chấp Biển Đông, "thành phố Tam Sa" và các tổ chức hành chính trực thuộc chịu trách nhiệm hằng ngày đều phải thúc đẩy lợi ích về lãnh thổ của Trung Quốc. Thế nên việc tăng cường năng lượng hành chính cho "Tam Sa" sẽ nâng cao vị trí tổng thể của Trung Quốc trên vùng biển náo động này. Các quốc gia đòi hỏi chủ quyền, đặc biệt là Việt Nam, cần phải chú ý "nhất cử nhất động" trong chính sách bành trướng Bắc Kinh.
Thụy My
Nguồn : RFI, 13/05/2020
******************
Tiền đồn quân sự Trung Quốc ở Biển Đông - Thách thức của cộng đồng quốc tế
David Geaney, Nghiên cứu Biển Đông, 13/05/2020
Trong khi thế giới đang chật vật đương đầu với đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra, Trung Quốc tiếp tục củng cố các đảo mà nước này tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, mà không có bất kỳ phản ứng nào từ cộng đồng quốc tế.
Hình ảnh các cấu trúc của Trung Quốc và một phi đạo trên rạn san hô Subi nhân tạo tại nhóm đảo Trường Sa ở Biển Đông chụp ngày 21 tháng 4 năm 2017 từ một chiếc C-130 của Không quân Philippines. (Francis Malasig / AP)
Ngay cả vụ đâm chìm tàu cá của Việt Nam cũng chỉ xuất hiện phản ứng tối thiểu từ cộng đồng quốc tế, cho dù Philippines và quân đội Mỹ đã đưa ra tuyên bố phản đối vụ việc này.
Trước đại dịch Covid-19, chiến lược "chiến tranh không khói súng" của Trung Quốc đã dẫn đến việc "gần như bình thường hóa" sự tăng cường sức mạnh quân sự và các yêu sách "đường chín đoạn" của Bắc Kinh trên Biển Đông. Kể từ năm 2013, "Vạn lý Trường Thành Cát" (do cựu Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris đặt tên) thậm chí đang ngày càng trở nên ghê gớm hơn. Cùng với việc bất tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở La Hay liên quan tới việc bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn", rõ ràng Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên quyết đưa ra các yêu sách của họ.
Bất chấp điều này, Mỹ, Liên hợp quốc (LHQ) và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể cùng nhau nhanh chóng hành động để ngăn chặn việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các đảo mà nước này tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã có các đường băng và hàng chục nhà chứa máy bay chiến đấu trên một số đảo, cũng như tên lửa hành trình chống hạm, hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa. Trung Quốc đã tận dụng những hòn đảo này để khởi động các chiến dịch gây sức ép ở quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và thậm chí cả biển Natuna (do Indonesia tuyên bố chủ quyền).
Mặc dù họ đã kiềm chế việc triển khai hàng loạt máy bay chiến đấu đến các căn cứ trên đảo, nhưng trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột, các phi đội chiến đấu cơ có khả năng nhanh chóng tổ chức và sử dụng các cơ sở quân sự này làm căn cứ tiền tiêu. Sau đó, Trung Quốc có thể sử dụng các hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa và chống hạm được lắp đặt gần đây để hạn chế các cuộc xâm nhập vào Biển Đông, qua đó ngăn chặn hữu hiệu kẻ thù khi bắt đầu chiến sự. Trên thực tế, những hòn đảo này nên được coi là mối đe dọa hiện hữu đối với Đài Loan, vì chúng giảm nhẹ sự răn đe do Mỹ lãnh đạo nhằm vào nỗ lực thống nhất đảo Đài Loan bằng vũ lực của Đại lục.
Mỹ, LHQ và ASEAN nên hợp tác để đối phó các công sự này của Trung Quốc trên Biển Đông, vì mỗi bên đều bị tổn hại nếu không hành động. Mỹ nên khuyến khích hợp tác giữa các quốc gia ASEAN và xây dựng các mối quan hệ dân sự, kinh tế, ngoại giao và quân sự mạnh mẽ hơn với mỗi nước để giúp giảm bớt áp lực từ Trung Quốc cũng như trấn an các nước này bằng sự hỗ trợ của Mỹ. Nhiều quốc gia Đông Nam Á đã dự đoán và hy vọng Mỹ và LHQ sẽ thực thi hơn nữa phán quyết năm 2016 của PCA, và một mối quan tâm lâu dài hơn trong khu vực này sẽ mang lại một sự thay thế đáng hoan nghênh đối với "người hàng xóm nguy hiểm" ở phương bắc.
Các hòn đảo này tạo điều kiện cho Trung Quốc thiết lập các căn cứ, qua đó có thể hăm dọa các quốc gia ASEAN từ bỏ yêu sách của mình hoặc phục tùng các yêu sách của Bắc Kinh. Các lực lượng bán quân sự và tàu cá Trung Quốc lợi dụng các căn cứ trên đảo làm nơi tập trung để quấy rối và thậm chí đánh chìm các tàu thương mại của các nước ASEAN. Cần có một phản ứng phối hợp của cộng đồng quốc tế để hạn chế sự thành công của Học thuyết Monroe phiên bản Trung Quốc trên toàn Châu Á.
LHQ hiện có vai trò sống còn trong việc đảm bảo rằng Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền của các quốc gia thành viên khác. LHQ cần phải có hành động gây sức ép đối với bất kỳ quốc gia nào không tuân thủ luật pháp hoặc không ủng hộ hệ thống quốc tế. Sự ủng hộ và tham gia ngày càng gia tăng của LHQ trong các hoạt động tuần tra tự do hàng hải sẽ giúp tạo áp lực quốc tế bền vững đối với Trung Quốc để chấm dứt việc nước này tiếp tục quân sự hóa Biển Đông.
Đàm phán song phương luôn đặt các nước vào thế bất lợi trước Trung Quốc, song các cuộc đàm phán đa phương sẽ giúp ASEAN có thêm sức mạnh thương lượng. Trung Quốc sẽ cố gây áp lực với từng quốc gia, nhưng nếu các thành viên ASEAN hợp tác với nhau, họ có thể khiến các cuộc đàm phán đa phương tăng thêm áp lực đối với Trung Quốc, qua đó ngăn chặn sự quấy rối và xâm lấn lãnh thổ hơn nữa của Bắc Kinh.
Indonesia và Việt Nam có thể rất phù hợp để đóng vai trò lãnh đạo trong việc điều phối một phản ứng thống nhất của ASEAN với Washington. Mỹ có thể hạn chế việc mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Châu Á bằng một thỏa thuận đa phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ và các quốc gia ASEAN, tương tự như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ban đầu được thực thi vào năm 2015, nhưng với nhiều thành tố chính trị và quân sự hơn. Nếu không có một sáng kiến ASEAN thống nhất được hỗ trợ bởi Mỹ và các đồng minh chủ chốt, các quốc gia Châu Á sẽ phải đối mặt với tình trạng khó xử khi cố gắng chống lại các nỗ lực gây áp lực, hăm dọa của Trung Quốc. Trước đại dịch Covid-19, điều quan trọng hơn bao giờ hết là Mỹ cần phải ủng hộ ASEAN vì Trung Quốc đang chờ đợi để nhanh chóng "giúp đỡ" trong khi củng cố tầm ảnh hưởng và thắt chặt sự kìm kẹp đối với khu vực này.
Hiện Mỹ, LHQ và ASEAN đều bị đe dọa bởi trạng thái gần như bình thường trong hành động xâm lược và quân sự hóa các đảo của Trung Quốc trên Biển Đông. Cần phải có một nỗ lực phối hợp và thống nhất để chống lại các tác động đang diễn ra của các căn cứ đảo này đối với thương mại quốc tế, luật pháp quốc tế và an ninh Đông Nam Á. Nếu việc Trung Quốc mở rộng vòng ảnh hưởng và dấu tích quân sự ở Biển Đông không bị ngăn chặn một cách hiệu quả, thì Mỹ sẽ mất ảnh hưởng đáng kể ở Châu Á và gặp khó khăn trong việc chống lại chủ nghĩa phiêu lưu kinh tế và quân sự của Trung Quốc, qua đó gây nguy hiểm cho các đồng minh chủ chốt cũng như những lợi ích của chính nước Mỹ.
Minh Anh giới thiệu
Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 13/05/2020
David Geaney là Đại úy Không quân Hoa Kỳ, từng là diễn giả về sự trỗi dậy của Trung Quốc cho Hiệp hội Nghiên cứu Quốc tế. Bài viết được đăng trên DefenseNews