Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa công bố nguyên nhân khiến tàu đánh cá mang số hiệu QNg 90819 của ông Nguyễn Minh Hùng, ngụ tại thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, chìm vào sáng 6 tháng 3, tại vùng biển quanh đảo Đá Lồi, thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 11/8/2012 : những ngư dân đảo Lý Sơn chuẩn bị ra khơi - AFP
Theo đó, con tàu mang số hiệu 44101 của cảnh sát biển Trung Quốc đã dùng vòi rồng, buộc tàu đánh cá QNg 90819 phải rời khỏi nơi đang thả neo. Trong quá trình di chuyển do bị xua đuổi, tàu QNg 90819 va phải đá ngầm và chìm. Năm ngư dân bám vào xác tàu của họ, trôi giạt trên biển trong ba giờ và thoát chết nhờ được một tàu đánh cá khác vớt.
Trong thông báo phát hành ngày 21 tháng 3, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đã cử người trao công hàm cho đại diện của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, phản đối tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, đe doạ tính mạng, gây thiệt hại về tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.
Chẳng ai tin Trung Quốc sẽ xử lý nghiêm chỉ huy tàu hải cảnh 44101 và những cảnh sát biển đã gây ra tai nạn cho tàu đánh cá QNg 90819, cũng như bồi thường thoả đáng cho những ngư dân Việt Nam là nạn nhân trong vụ tai nạn mới nhất. Trên thực tế, cho dù các tàu của lực lượng vũ trang Trung Quốc hoạt động trên biển Đông liên tục gây ra đủ thứ tai họa cho ngư dân Việt Nam nhưng theo Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Trung Quốc chưa bao giờ bồi thường cho ngư dân Việt Nam mất mạng hay tán gia, bại sản.
Chiếc tàu đánh cá mang số hiệu DNA 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm đang neo đậu tại một cơ sở sữa chữa tàu ở Đà nẵng. Ảnh minh họa ; chụp hôm 02/6/2014. AFP
Tuy Trung Quốc đang kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa nhưng cả quần đảo này lẫn vùng biển quanh nó luôn được khẳng định là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đó cũng là lý do trước nay, vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa vẫn là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Tuy nhiên có một điểm đáng lưu ý là dù thuộc chủ quyền của Việt Nam, vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa chỉ có sự hiện diện của các tàu đánh cá Việt Nam. Hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam chưa bao giờ léo hánh tới chốn này.
Về nguyên tắc, hải quân là lực lượng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, cảnh sát biển (hải cảnh) là lực lượng thực thi luật pháp của cả quốc gia lẫn quốc tế trên biển, kiểm ngư là lực lượng giám sát – bảo vệ nguồn lợi hải sản của một quốc gia tại vùng biển mà quốc gia đó có chủ quyền, song trên thực tế, chỉ có hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư Trung Quốc tung hoành ngang dọc tại biển Đông. Thậm chí cứu nạn – vốn thuần túy nhân đạo – dẫu có lực lượng riêng nhưng Việt Nam cũng ủy quyền cho ngư dân giúp lẫn nhau !
Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 2/6/2014 : một bên tàu cá DNA 90152 bị tàu Trung Quốc đâm hỏng AFP
Con tàu mang số hiệu 44101 của hải cảnh Trung Quốc không chỉ gieo rắc kinh hoàng cho ngư dân Việt Nam tại biển Đông (cả vùng biển quanh quần đảo Hòang Sa lẫn quần đảo Trường Sa), sự hiện diện thường xuyên của con tàu này tại biển Đông đã được nhiều tài liệu nghiên cứu về nỗ lực độc chiếm biển Đông của Trung Quốc ghi nhận. Ví dụ như Báo cáo số 2 của Ryan D. Martinson, làm việc tại Viện Nghiên cứu hàng hải Trung Quốc của Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ (1).
Trước giờ, hải quân nhân dân Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam, Kiểm ngư Việt Nam ở đâu để cuối cùng, trong mắt báo giới, các chuyên gia ngoại quốc, những con tàu như 44101 của hải cảnh Trung Quốc lại được ví von là "khách thường trực ở khu vực quần đảo Hoàng Sa" (Frequent Guest of the Paracels), bất kể cả quần đảo Hoàng Sa lẫn vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa vẫn được khẳng định như đinh đóng cột là thuộc "chủ quyền không thể tranh cãi" của Việt Nam ?
***
Cho dù có rất nhiều "khách thường trực" ở các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa nói riêng, cũng như biển Đông nói chung và những "khách thường trực" này vẫn thường xuyên truy đuổi tàu đánh cá Việt Nam, đe dọa hủy diệt cả tính mạng lẫn tài sản của ngư dân Việt Nam nhưng hồi trung tuần tháng 1, tại Hội nghị Quân chính, đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chỉ dặn dò các viên chức quốc phòng hữu trách đặc biệt lưu ý đến việc xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tuyệt đối trung thành với đảng. Chủ động, nhạy bén, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các biểu hiện giảm sút niềm tin, mơ hồ, mất cảnh giác. Không để suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ (2).
Hình minh hoạ. Cảnh sát biển Việt Nam theo dõi máy bay trực thăng của Tuần duyên Nhật cất cánh từ tàu của Tuần duyên Nhật trong một cuộc diễn tập chung ngoài khơi Đà Nẵng hôm 16/6/2017 AFP
Cho dù tàu đánh cá mang số hiệu QNg 90819 bị tàu mang số hiệu 44101 của cảnh sát biển Trung Quốc rượt đuổi, bị chìm, vừa mới xảy ra tuần trước (ngày 6 tháng 3) song tuần sau (ngày 14 tháng 3), khi tham dự Hội nghị Tổng kết 24 năm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam chỉ yêu cầu các viên chức hữu trách trong lĩnh vực quốc phòng : Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc, toàn diện. Chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện và phối hợp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các vụ việc phức tạp, các vi phạm pháp luật liên quan đến công trình quốc phòng và khu quân sự. Rà soát và xử lý nghiêm những sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng (3).
*
Với một Chủ tịch Nhà nước, một Thủ tướng như thế, rõ ràng "quân đội ta" vẫn tiếp tục là… "vô đối" với những đồng bào, đồng chí dao động về tư tưởng, thoái hóa, biến chất về chính trị. Bảo vệ chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc – vốn là nhiệm vụ chính yếu của quân đội bất kỳ quốc gia nào – vẫn không quan trọng bằng "phối hợp chặt chẽ với công an và các lực lượng khác đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực gây nguy hại cho sự lãnh đạo toàn diện, tuyết đối của đảng". Chẳng hề gì khi hai từ "vô đối" vốn vẫn được xem như không có đối thủ, như vô địch, như bất bại lại không thể dùng để ngăn chặn dã tâm của ngoại bang, kể cả khi "khách" vẫn tiếp tục "thường trực" tại biển Đông, vẫn ngang dọc ở Hoàng Sa, ở Trường Sa như chốn không người. Quân đội ta "vô đối" trong… nội trị thì vẫn là… "vô đối" ! Ngoại giao có ngược lại, mềm mỏng, kiên nhẫn đối thoại, dứt khoát không đối đầu, phi lý cũng chẳng… sao !
Đồng Phụng Việt
Nguồn : RFA, 23/03/2019
Chú thích :
Trong không khí sặc sùi mùi chiến tranh, Trung Quốc bằng sức mạnh kinh tế của mình đã ra các yêu sách để phân ly nhóm nước trong cộng đồng ASEAN. Từ việc Brunei tăng cường sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc thông qua các thỏa thuận tài chính và thương mại. Đến Philippines đã hợp tác với Trung Quốc sau khi bị lôi vào Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Đảo nhân tạo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa 21/04 2017.
Mới đây, trong một phản ứng được cho là "có phần mạnh mẽ" liên quan đến vấn đề Biển Đông, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã trao công hàm phản đối và đề nghị Trung Quốc bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam. Đồng thời, liên quan đến những thông tin khác nhau về việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông báo cho biết đã cứu hộ một tàu cá Việt Nam, trong khi cơ quan tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam cho biết tàu cá này đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm.
Những phản ứng có liên quan này là chuỗi phản ứng vượt ra khỏi thông lệ "nước lạ, quan ngại" của Bộ ngoại giao Việt Nam trước sự gia tăng căng thẳng tại Biển Đông.
Mới đây, trang The Diplomat đã đăng tải bài viết của Tiến sĩ Scott N. Romaniuk, một Nghiên cứu sinh tại Viện Trung Quốc, Đại học Alberta. Theo ông Scott N. Romaniuk, Bắc Kinh đang chuyển sang giai đoạn tiếp theo về quân sự hóa trên Biển Đông (với sự mở rộng 1,35 triệu dặm vuông trên vùng biển tranh chấp này), đưa Biển Đông trở thành một ngòi nổ về tranh chấp an ninh trong tương lai.
Và vào năm 2019, Bắc Kinh có thể sẽ củng cố mạnh hơn lợi ích của mình ở Biển Đông thông qua việc sử dụng các sức mạnh quân sự và chính trị song song với việc duy trì sự đe dọa, đến từ các cuộc tuần tra quân sự và triển khai máy bay giám sát, tàu khu trục tên lửa dẫn đường,…
Bắc Kinh đang muốn thống trị Biển Đông, điều này rõ ràng là như thế. Và khi lợi ích của Trung Quốc vẫn bị coi là đe dọa bởi các quốc gia như Mỹ, thì sự tăng cường quân sự Biển Đông sẽ tiếp tục là xu hướng then chốt trong thời kỳ tới.
Trung Quốc đã mở rộng căn cứ quân sự, thiết lập đồn trú trên các bãi cạn chiến lược, làm thay đổi hoàn toàn cán cân chiến lược quân sự tại vùng Biển Đông. Và điều này hoàn toàn không phải là trò đùa, mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn tuyên bố rằng, Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa Biển Đông.
Vũ khí, máy bay chiến đấu, lực lượng bộ binh, tên lửa đất đối không, tên lửa chống hạm, radar gây nhiễu,.. tiếp tục được huy động về Biển Đông như một cách thể hiện sức mạnh quân sự của nước này.
Trong không khí sặc sùi mùi chiến tranh, Trung Quốc bằng sức mạnh kinh tế của mình đã ra các yêu sách để phân ly nhóm nước trong cộng đồng ASEAN. Từ việc Brunei tăng cường sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc thông qua các thỏa thuận tài chính và thương mại. Đến Philippines đã hợp tác với Trung Quốc sau khi bị lôi vào Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Và Việt Nam, quốc gia nhiều năm tìm cách hòa hiếu với Trung Quốc, với sức ép liên tục từ năm 2008 đến nay, và là quốc gia tranh chấp chủ quyền nhiều nhất với Bắc Kinh trở thành một đối tượng chính trong hiện trạng bị cô lập tại Biển Đông. Điều duy nhất mà Việt Nam có thể phá vỡ thế bế tắc trong vấn đề này chính là việc tiến hành hợp tác quân sự đối với các quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ, và Mỹ,… điều mà Hà Nội tiến hành một cách dè dặt.
Hà Nội hay bất kỳ quốc gia nào khác trong ASEAN luôn bị chế ngự bởi quan điểm rằng, bất kỳ quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương nào dám chế ngự tham vọng kiểm soát toàn bộ Biển Đông của Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với chiến tranh với Trung Quốc.
Nhưng nếu không chế ngự tham vọng kiểm soát của Trung Quốc, thì không chỉ Hà Nội hay nhóm ASEAN bị thương tổn, mà ngay cả giá trị của các nước Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, hay Mỹ và các quốc gia Tây Âu cũng bị đe dọa. Bởi nó khóa chặt "quyền tự do hàng hải" trên con đường được cho là tuyến hàng hải thương mại có giá trị lớn trên thế giới. Và giờ đây, trước sự "trỗi dậy hòa bình" của Bắc Kinh, Biển Đông trở thành nơi có nguy cơ tiềm tàng đối đầu quân sự mở ; một tình huống sẽ dẫn đến một tác động tàn phá trên thị trường tài chính và hội nhập kinh tế của khu vực, theo quan điểm của ông Panos Mourdoukoutas, giảng viên tại ĐH Columbia trên Forbes.
Điều này cho thấy rằng, việc Hà Nội mạnh mẽ lên tiếng trong thời kỳ gần đây không chỉ đến từ nhu cầu nội tại trong nước, mà Hà Nội cảm nhận rõ ràng về nguy cơ mất chủ quyền quốc gia trước sức nóng của Bắc Kinh, trong bối cảnh thờ ơ của các nước ASEAN. Một nguy cơ mà có thể khiến cho chính Đcộng sản Việt Nam có thể mất đi việc họp Hội nghị Đảng trong tương lai.
Ở phương diện khác, sự lớn tiếng làm rõ hành động của Trung Quốc trên Biển Đông về mặt ngoại giao cũng cho thấy xu hướng gần gũi hơn với các nước Tây phương, trong khía cạnh hợp tác quân sự, trong tương lai của Hà Nội ?. Và nguy cơ chiến tranh có thể hỗ trợ hình thành một liên minh trong tương lai, phá vỡ nguyên tắc ngoại giao bấy lâu nay của Việt Nam ?
An Viên tóm lược
Nguồn : VNTB, 23/03/2019
Nguyên tác : Scott N. Romaniuk & Tobias Burgers : China’s Next Phase of Militarization in the South China Sea, The Diplomat, 20/03/2019
Sau Hải quân, Không quân, tới lượt Lục quân Mỹ gia tăng chuẩn bị cho việc đối phó với các tình huống có thể xảy ra ở Biển Đông.
Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan trong một cuộc diễn tập cùng Lực Lượng Phòng Vệ Biển Nhật Bản. Hình minh họa.
Tại một cuộc họp báo được tổ chức vào ngày 19 tháng 3 ở Hawaii, Đại tướng Robert Brown, Tư lệnh Lục quân tại khu vực Thái Bình Dương, khẳng định : Toàn bộ quân đội Mỹ, kể cả Lục quân phải chuẩn bị để cùng ứng phó với tất cả các diễn biến ở Biển Đông. Cho dù không hề muốn xung đột nhưng vẫn phải tăng tập luyện, nâng cao khả năng phối hợp để đối phó với tất cả các tình huống có thể xảy ra ở khu vực Thái Bình Dương (1).
Lục quân Mỹ hiện có 85.000 quân nhân đồn trú ở khu vực Thái Bình Dương (Alaska, Washington, Hawaii, Nam Hàn). Để có thể ứng phó tức thời với những diễn biến không mong muốn ở Thái Bình Dương, Lục quân Mỹ dự trù sẽ điều động cả những đơn vị đồn trú tại những nơi khác ở Mỹ đến khu vực Thái Bình Dương, tham gia vào những cuộc tập trận với đồng minh, làm quen với khu vực này.
Đại tướng James McConville, Phó Tham mưu trưởng Lục quân, nói với báo giới rằng, chưa thể xác nhận số lượng quân nhân sẽ được luân chuyển theo dạng ngắn hạn đến khu vực Thái Bình Dương, có thể là 5.000, cũng có thể là 10.000. Con số đó sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh, qui mô các cuộc tập trận nhưng chắc chắn là Lục quân sẽ chuẩn bị để có thể ứng phó với các diễn biến ở khu vực Thái Bình Dương. Pacific Pathways năm nay là một phần của kế hoạch phát triển năng lực cơ động, viễn chinh đa khu vực.
***
Từ 2014 đến nay, Pacific Pathways – "Những con đường ở Thái Bình Dương" đã trở thành hoạt động thường niên của Lục quân Mỹ.
Thông qua các Pacific Pathways, Lục quân Mỹ điều động binh sĩ đến Úc, Nhật, Nam Hàn, Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Mông Cổ để tập trận với quân đội của những quốc gia này.
Đến 2016, Pacific Pathways bắt đầu có thêm hướng ngược lại. Quân đội Canada, Nhật, Singapore gửi các đơn vị của họ tới Mỹ, tập trân chung với các đơn vị của Mỹ tại Alaska, Washington và Hawaii.
Mục tiêu của các Pacific Pathways là phương thức thắt chặt quan hệ giữa Lục quân Mỹ với quân đội các quốc gia đồng minh và các quốc gia hiện là đối tác của Mỹ tại châu Á. Pacific Pathways chính là một phần trong kế hoạch chuyển trục sang châu Á của Mỹ.
Quân đội Mỹ không giấu diếm mục tiêu của Pacific Pathways : Giúp quân đội Mỹ hiện diện ở nhiều nơi mà không cần xây dựng thêm các căn cứ mới. Nhờ các Pacific Pathways Lục quân Mỹ có thể luyện tập khả năng triển khai ở bên ngoài lãnh thổ Mỹ.
Chẳng riêng Mỹ, nhiều quốc gia châu Á hoan nghênh Pacific Pathways vì lợi ích của chính họ. Các Pacific Pathways giúp Hoa Kỳ có thể điều động các đơn vị tới hỗ trợ những quốc gia này khi cần.
Tướng Brown trở thành Tư lệnh Lục quân tại khu vực Thái Bình Dương hồi tháng 5 năm 2016. tháng 8 năm 2016, tướng Brown cho biết, ông đã gặp gỡ giới chỉ huy quân đội của khoảng 20 quốc gia châu Á để thảo luận về Pacific Pathways.
Vào thời điểm đó, ông tướng này bảo rằng, một số quốc gia muốn quân đội của họ có cơ hội tham gia nhiều đợt Pacific Pathways hơn, một số quốc gia khác muốn quân đội của họ tham gia vào hướng ngược lại của các Pacific Pathways.
Tướng Brown từng bày tỏ hy vọng Lục quân Mỹ có thể luyện tập ở nhiều địa điểm mới, gia tăng sự lựa chọn trong việc thực hiện các Pacific Pathways. Việt Nam và Nepal hiện là hai trong số những địa điểm mới mà Lục quân Hoa Kỳ nhắm tới (2).
***
Giống như Trung Quốc tại châu Á, trong mắt nhiều dân tộc ở châu Âu, Nga không chỉ đắc tội với tiền nhân của họ trong quá khứ mà còn là một ẩn họa ở hiện tại và tương lai.
Ba Lan là một trong những quốc gia ở châu Âu luôn phải dè chừng Nga. Nga bắt đầu xâm chiếm lãnh thổ Ba Lan từ năm… 981. Các cuộc chiến giành – giữ lãnh thổ, chủ quyền diễn ra liên tục. Ba Lan nhiều lần bị đặt dưới ách thống trị của Nga, thậm chí xứ sở này từng bị xóa tên trên bản đồ châu Âu vào cuối thế kỷ thứ 18. Nhiều thế hệ Ba Lan dùng máu để giữ chủ quyền, giành độc lập từ Nga nhưng "ác mộng Nga" cho quốc gia, dân tộc chưa dừng.
Đầu thế kỷ 20, chỉ một thời gian rất ngắn sau khi giành được độc lập, Ba Lan đối diện với một thảm họa mới : Cộng sản Liên Xô. Máu người Ba Lan lại đổ. Với sự hỗ trợ của Đảng Cộng sản Ba Lan, trong 20 năm từ 1918 đến 1938, Hồng quân Liên Xô tràn vào Ba Lan, chà đi, xát lại xứ sở này nhiều lần. Hơn 100.000 người bị giết. Nhiều gia đình bị cưỡng bức rời khỏi Ba Lan và đưa đến Kazackstan.
Năm 1939, Liên Xô và phát xít Đức đạt được một thỏa thuận bí mật (Hiệp ước Molotov – Ribbentrop) : Phát xít Đức sẽ làm ngơ để Liên Xô xâm chiếm Ba Lan và Liên Xô sẽ làm ngơ để phát xít Đức vẽ lại bản đồ châu Âu. Hồng quân Liên Xô tràn vào Ba Lan, bắt 22.000 người (bao gồm các tu sĩ, khoa học gia, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, sĩ quan quân đội, cảnh sát, doanh nhân,…), vốn được xem như tinh hoa của dân tộc Ba Lan, đưa hết về Liên Xô.
Trong tháng 4 và tháng 5 năm 1940, toàn bộ 22.000 người bị giết và chôn trong các khu rừng ở Katyn (tỉnh Slomensk, Nga). Tháng 4 năm 1943, sau khi đuổi Liên Xô ra khỏi Ba Lan và tràn vào Liên Xô, phát xít Đức khám phá, tố cáo tội ác này của Liên Xô với cộng đồng quốc tế nhằm cô lập Liên Xô… Song phải đến năm 2004, Liên bang Nga – kế thừa Liên Xô – mới thừa nhận và năm 2010, Quốc hội Nga mới lên án Stalin và các viên chức Liên Xô dính líu đến vụ thảm sát (3).
Không may cho dân tộc Ba Lan là đến đó, "ác mộng Nga" vẫn chưa tan. Trên con đường "giải phóng nhân loại khỏi chủ nghĩa phát xít", Liên Xô đi qua và dựng lên hàng loạt chính quyền cộng sản tại các quốc gia Đông Âu, trong đó có Ba Lan. Chính quyền cộng sản ở Ba Lan sụp đổ năm 1989 nhưng đến 1993, Liên Xô mới chịu rút hết quân đội khỏi Ba Lan.
Năm 2013, BBC thực hiện một cuộc khảo sát tại Ba Lan xem dân chúng Ba Lan nghĩ gì về Nga, 49% xem Nga là ẩn họa phải dè chừng. Năm 2014, sau khi Liên Xô "thu hồi" bán đảo Crimea vốn là lãnh thổ của Ukraine, tỉ lệ dân Ba Lan xem Nga là ẩn họa đối với xứ sở của họ tăng lên 80% (4). Không phải tự nhiên mà chính phủ Ba Lan liên tục đề nghị NATO điều động quân đội của khối này đến đồn trú tại Ba Lan. Cũng không phải tự nhiên mà Nga liên tục răn đe cả Ba Lan lẫn NATO.
Nga càng hung hãn, chính phủ và dân chúng Ba Lan càng thêm lo âu vì tương quan lực lượng giữa hai bên quá chênh lệch. Để cân bằng, Ba Lan ráo riết vận động chính phủ Mỹ xây dựng một căn cứ cho quân đội Mỹ trú đóng như đang trú đóng tại nhiều quốc gia khu vực Tây Âu. Không chỉ vận động, Ba Lan còn cam kết chi hai tỉ Mỹ kim để xây dựng một căn cứ như thế cho Mỹ trên đất Ba Lan (5).
***
Cho đến giờ vẫn chưa thấy thông tin nào liên quan đến chuyện Việt Nam tham gia các Pacific Pathways. Đề nghị của Mỹ với Việt Nam : Hợp tác thành lập một hệ thống kho dự trữ quân nhu, quân cụ tại Việt Nam để quân đội Mỹ có thể có đủ vật dụng thực hiện ngay các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo, ứng phó với thiên tai trong khu vực dường như chưa có tiến triển nào mới.
Dẫu nỗ lực đẩy mạnh hợp tác về an ninh – quốc phòng với nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, song hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn khăng khăng khẳng định sẽ tiếp tục duy trì "chính sách ba không" : Không liên minh quân sự. Không cho bất kỳ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Không sử dụng quan hệ song phương nhắm vào một quốc gia khác.
Tự thân "chính sách ba không" không sai, cũng chẳng xấu, thậm chí là nhất thiết phải như thế nếu có thể bảo đảm được sự tự chủ, bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ.
Vấn đề nằm ở chỗ, "chính sách ba không" lại do những cá nhân nhất mực khẳng định : Việt Nam và Trung Quốc có một "di sản quý báu là sự tương đồng ý thức hệ" với "đặc trưng cùng do đảng Cộng sản lãnh đạo" nên "tạo ra mối quan hệ đặc biệt", "chi phối cách ứng xử của cả hai", thành ra "nếu có được một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" (6) - soạn thảo.
Cứ so sánh việc thực thi "chính sách ba không" với thực tế ắt sẽ thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam có bảo đảm được sự tự chủ, bảo vệ được chủ quyền hay không.
Do cách chuyển ngữ, không nhiều người Việt biết rằng, nền tảng của chủ nghĩa phát xít (Nazism – National Socialism) là chủ nghĩa xã hội nhưng đề cao vai trò quốc gia, không chú trọng tới "tinh thần quốc tế vô sản". Tên đầy đủ của đảng Quốc xã, lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối nhà nước phát xít Đức là Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Quốc gia Đức (National Socialist German Workers' Party). Cho dù Đảng Quốc xã và đảng Cộng sản Liên Xô có "sự tương đồng ý thức hệ" nhưng di sản rõ ràng không… quý báu chút nào.
Tương tự, nếu đọc lịch sử Ba Lan chắc chắn sẽ nhận ra ngay lập tức, từ thập niên đầu tiên của thế kỷ 20 cho đến cuối thập niên 1980, Liên Xô là "một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn luôn ở bên cạnh Ba Lan để ủng hộ và hợp tác cùng có lợi" nhưng "sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội" ở Ba Lan luôn luôn đẫm máu và nước mắt. Dân Ba Lan đã từng hết sức tuyệt vọng khi những người cộng sản Ba Lan là tác nhân khiến 80% sĩ quan quân đội Ba Lan là… công dân Liên Xô.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 22/03/2019
Chú thích :
(3) https://en.wikipedia.org/wiki/Katyn_massacre
(4) https://en.wikipedia.org/wiki/Poland-Russia_relations
(6) http://tuoitre.vn/khong-ai-quen-loi-ich-quoc-gia-dan-toc-527794.htm
Trung Quốc lên kế hoạch lập "căn cứ hậu cần chiến lược" ở Hoàng Sa (RFI, 19/03/2019)
Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 18/03/2019, thành phố Tam Sa, thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc vừa cho biết sẽ đẩy mạnh một kế hoạch biến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và hai đảo nhỏ lân cận thành một căn cứ hậu cần chiến lược nhằm phục vụ cho các hoạt động tại Biển Đông. Đây là kế hoạch do chính quyền trung ương Bắc Kinh chỉ đạo.
Khu dành cho báo chí tại Diễn đàn Bác Ngao Châu Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, ngày 10/04/2018 Reuters/Joseph Campbell
Theo South China Morning Post, chính quyền thành phố Tam Sa, đơn vị được Bắc Kinh giao trách nhiệm quản lý Biển Đông, hôm thứ Sáu 15/03 vừa qua đã tổ chức một cuộc họp bàn về kế hoạch phát triển địa phương này, theo đó các đảo Phú Lâm, và hai đảo nhỏ Duy Mộng (Drummond) và đảo Cây (Tree) thuộc Hoàng Sa sẽ trở thành một "căn cứ hậu cần và dịch vụ chiến lược quốc gia thiết yếu" .
Chủ trì cuộc họp, bí thư thành ủy Tam Sa Trương Quân (Zhang Jun) đã nhấn mạnh là kế hoạch xây dựng trên theo đúng tinh thần bài diễn văn của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm ngoái (2018), cũng như một chỉ thị của chính phủ trung ương đưa ra vào tháng 4 cùng năm nhân 30 năm ngày thành lập tỉnh Hải Nam.
Theo SCMP, kế hoạch biến Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm trọn từ tay Việt Nam vào năm 1974 thành căn cứ hậu cần chiến lược của Bắc Kinh tại Biển Đông được tiết lộ trong bối cảnh hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng bị thế giới theo dõi, trong lúc Hoa Kỳ đã tăng cường hoạt động nhằm ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc trong vùng.
Hôm 12/03 vừa qua, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cực lực chỉ trích Trung Quốc về việc "xây đảo nhân tạo trái phép trên tuyến hàng hải quốc tế", và dùng các "biện pháp cưỡng bức" để ngăn chặn các dự án phát triển năng lượng của nước khác ở Biển Đông.
Bắc Kinh đã lập tức tố cáo Washington, với phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho rằng đó là những tuyên bố "vô trách nhiệm", của một "quốc gia ngoài khu vực" đã liên tiếp tìm cách gây bất ổn định trong khu vực.
Tư lệnh Hạm Đội 7 : Sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông bất chấp Trung Quốc
Trong bối cảnh khẩu chiến Mỹ-Trung về Biển Đông tiếp tục gay gắt, tư lệnh Hạm Đội 7 của Hoa Kỳ, phó đô đốc Phillip Sawyer, vào hôm qua, 18/03 đã khẳng định trở lại rằng Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông bất chấp các hành vi hung hăng và khiêu khích của Trung Quốc.
Theo hãng tin Mỹ AP, phó đô đốc Mỹ đã nêu ví dụ về hành động nguy hiểm của một chiến hạm Trung Quốc, cắt ngang đường đi của khu trục hạm Mỹ USS Decatur vào tháng 9 năm 2018, khi con tàu đang tuần tra bên trong vùng 12 hải lý quanh đá Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa đang do Trung Quốc kiểm soát. Đối với ông Sawyer, hành động của tàu Trung Quốc là ví dụ về một "cách hành xử thiếu chuyên nghiệp" của Trung Quốc mà ông phản đối.
Tuyên bố trong cuộc họp báo tại Philippines sau chuyến thăm của soái hạm Mỹ USS Blue Ridge, tư lệnh Hạm Đội 7 nhấn mạnh rằng các hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ sẽ tiếp tục cho đến khi không còn những yêu sách tuyên bố chủ quyền quá đáng trên thế giới.
Trang mạng GMA của Philippines thì nêu bật tuyên bố của tư lệnh Hạm Đội 7 Hoa Kỳ phản đối âm mưu của Trung Quốc gạt Mỹ ra khỏi các cuộc tập trận với các quốc gia Đông Nam Á. Đối với ông Sawyer, kế hoạch của Bắc Kinh là điều không thể chấp nhận được và là một hành động vi phạm luật pháp quốc tế.
Trọng Nghĩa
******************
Trung Quốc nêu kế hoạch phát triển căn cứ hậu cần- dịch vụ tại Hoàng Sa (RFA, 19/03/2019)
Kế hoạch xây dựng cái được mệnh danh là ‘thành phố đảo’ trên Phú Lâm và hai đảo nhỏ Cây và Duy Mộng thuộc Hoàng Sa sẽ được phía Trung Quốc đẩy nhanh trong thời gian tới.
Hình chụp vệ tinh đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa hôm 25/1/2018 - Courtesy of AMTI (CSIS)
Bí thư thành phố Tam Sa chủ trì một cuộc họp diễn ra hôm thứ Sáu tuần rồi và nêu rõ kế hoạch trên trang chủ của thành phố này.
Tam Sa, một phần của tỉnh Hải Nam, được Trung Quốc thành lập vào năm 2012.
Mạng báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng loan tin vừa nêu vào ngày 18 tháng 3 dẫn phát biểu của bí thư Thành phố Tam Sa rằng cần lập kế hoạch phát triển toàn diện một cách cẩn thận đối với các đảo và bãi đá tại Hoàng Sa. Kế hoạch này dựa trên những chức năng khác nhau, xét đến mối quan hệ bổ sung giữa chúng.
Bí thư Thành phố Tam Sa cho biết thêm là kế hoạch phát triển được thực hiện theo tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm ngoái và một chỉ thị của chính phủ trung ương đưa ra nhân kỷ niệm 30 năm thành lập đặc khu kinh tế Hải Nam vào tháng tư năm 2018.
Tuy bí thư Tam Sa không cho biết rõ chi tiết kế hoạch phát triển đề ra ; ông này cho rằng Tam Sa phải có những bước tích cực và thể hiện những sáng kiến của thành phố nhằm có thể đáp ứng mong mỏi của lãnh đạo đảng.
Cuộc họp về kế hoạch phát triển ‘thành phố đảo’ như vừa nêu được tiến hành vào khi những hoạt động của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông tiếp tục bị cộng đồng quốc tế để mắt đến. Phía Hoa Kỳ đã cho tàu chiến và máy bay ném bom chiến lược B-52 đi qua vùng này để đối trọng lại hoạt động bị cho là ‘quyết đoán’ của Bắc Kinh tại vùng biển tranh chấp có tuyến đường hàng hải quan trọng này.
Vị bí thư Tam Sa nói rõ mục tiêu xây dựng thành phố đảo là biến Phú Lâm, mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng, và hai đảo Cây và Duy Mộng thành một căn cứ hậu cần và dịch vụ chiến lược chính của đất nước.
*******************
Các lực lượng quân đội Châu Âu sẽ có thêm hoạt động tại Ấn Độ-Thái Bình Dương (RFA, 19/03/2019)
Các quốc gia Châu Âu sẽ củng cố sự hiện diện tại khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương, gồm cả gia tăng các chiến dịch hải quân, nhằm đối trọng lại với hoạt động ‘quyết đoán’ của Trung Quốc tại vùng biển này.
Hình minh họa. Hình chụp hôm 19/5/2017 của Hải quân Mỹ : tàu chiến của Hải quân Mỹ ở Biển Đông - AFP
Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng loan tin ngày 19 tháng 3 dẫn nguồn từ giới phân tích và một nguồn tin ngoại giao như vừa nêu.
Cụ thể Liên Minh Châu Âu đã khởi sự dấu ấn tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đây là phát biểu của bà Liselotte Odgaard, một chuyên gia tại Viện Hudson ở Washington, đưa ra hôm 18 tháng 3.
Theo bà Liselotte Odgaard, Liên Minh Châu Âu đã có một đường lối chính sách chung như đối trọng lại sự quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông và ủng hộ tự do hàng hải ; tuy thế vẫn chưa thể đi sâu vào những sáng kiến chính sách cụ thể. Do đó những nhóm quốc gia trong liên minh sẽ thực hiện và đó là điều mà giới chuyên gia nhận thấy đang gia tăng.
Hoạt động bồi lấp nên những đảo nhân tạo và quân sự tại Biển Đông do phía Trung Quốc tiến hành lâu nay gây quan ngại cho Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh. Liên Minh Châu Âu và một số nước thành viên lâu nay lặp đi, lặp lại quan ngại này.
Ân Độ cũng quan ngại về sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương.
Biển Đông có tuyến đường hàng hải mà lượng hàng hóa đi qua mỗi năm được thống kê lên đến chừng 3 ngàn tỷ đô la Mỹ ; chiếm thứ ba tổng mậu dịch toàn cầu.
Trung Quốc đơn phương vạch ra đường đứt khúc 9 đoạn để tuyên bố chủ quyền gần như trọn Biển Đông. Đây là nơi có tuyên bố chủ quyền của các nước khác trong khu vực ngoài Trung Quốc và Đài Laon ; gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ lên án Trung Quốc ngăn chặn các nước khai thác dầu khí ở Biển Đông (RFA, 14/03/2019)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm thứ Tư, ngày 13/3 lên tiếng chỉ trích Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo là đã đưa ra những tuyên bố vô trách nhiệm liên quan đến việc Trung Quốc ngăn cản các nước khai thác năng lượng ở Biển Đông.
Hình minh họa. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại một buổi họp báo hôm 12/2/2019 ở Warsaw, Ba Lan - AFP
Mặc dù không chỉ đích danh Hoa Kỳ, nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các nước trong khu vực có đủ năng lực giải quyết các tranh chấp theo cách của mình, còn các nước bên ngoài khu vực nên kiềm chế không tạo thêm khó khăn và khuấy động tình hình. Ông Lục Khảng cũng nói là Trung Quốc đang đàm phán với các nước Đông Nam Á để giải quyết những tranh chấp ở vùng Biển Đông.
Trước đó, vào ngày 12/3, phát biểu tại một hội nghị tại Houston, Texas, trước những người đứng đầu các công ty dầu khí và đại diện lĩnh vực dầu khí đến từ nhiều nước, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng Trung Quốc đang ngăn chặn việc khai thác năng lượng ở Biển Đông qua các biện pháp xâm lấn, ngăn cản các nước khác ở khu vực Đông Nam Á tiếp cận với nguồn dự trữ năng lượng có giá trị ước tính lên đến 2,5 nghìn tỷ đô la. Ngoại trưởng Pompeo cũng chỉ trích việc Trung Quốc cho xấy lấp các đảo nhân tạo ở vùng nước tranh chấp mà theo ông không phải chỉ đơn giản là biện pháp an ninh.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết, để đối phó với Trung Quốc, chính phủ Mỹ đẩy mạnh an ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á.
Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra. Tòa Trọng tài Quốc tế ở the Hague hồi năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này nhưng phía Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của tòa.
Việt Nam trong những năm vừa qua đã chịu nhiều sức ép từ phía Trung Quốc khi tìm cách khai thác dầu ngoài khơi Việt Nam. Một số những lô dầu khí mà Việt Nam muốn khai thác dù nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng cũng nằm trong vùng đường đứt khúc 9 đoạn.
Điển hình nhất là vụ công ty dầu khí Repsol của Tây Ban Nha bị ngưng việc khoan tìm dầu khí ở lô 07/03 thuộc mỏ Cá Rồng Đỏ ngoài khơi Việt Nam hồi tháng 3 năm 2018 sau khi đã bị ngưng khai thác tại một lô khác là 136/03 cũng thuộc mỏ Cá Rồng Đỏ hồi năm 2017. Việc ngưng khai thác được cho là vì sức ép từ Trung Quốc.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) hồi tháng 1 vừa qua cũng cho biết căng thẳng ở Biển Đông sẽ tiếp tục ảnh ưởng đến hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam trong năm nay với dự báo sản lượng khai thác dầu thô trong năm 2019 của Việt Nam sẽ giảm 11,45% so với năm ngoái.
****************
Mỏ Cá Tầm cho ra dòng dầu đầu tiên (RFA, 14/03/2019)
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đón dòng dầu đầu tiên từ Mỏ Cá Tầm sau hơn 1 tháng chính thức khai thác dầu thô tại đây.
Giàn khai thác CTC1-WHP được khởi công chế tạo từ tháng 3/2018, là hạng mục quan trọng nhất trong Dự án phát triển khai thác mỏ Cá Tầm thuộc Lô 09-3/12. Courtesy of vietsov.com.vn
Lễ đón mừng dòng dầu đầu tiên từ mỏ Cá Tầm được tổ chức tại thành phố Vũng Tàu hôm 8/3 vừa qua.
Đây là dự án thuộc Liên doanh Dầu khí Việt- Nga (Vietsovpetro).
Trao đổi với truyền thông trong nước, PVN cho biết đã gặp nhiều khó khăn khi thi công mỏ Cá Tầm, nhưng Vietsopetro đã vượt qua và cho ra dòng dầu đầu tiên.
Bên cạnh việc xây lắp, Vietsovpetro cũng hoàn thiện các giếng thăm dò để đưa vào khai thác.
Theo ước tính của PVN, tổng trữ lượng thu hồi của toàn mỏ Cá Tầm đã được nâng lên gần 11 triệu tấn dầu.
Trước đó, vào ngày 28/1, PVN thông báo cho biết sản lượng ban đầu tại mỏ Cá Tầm là 1.630 tấn mỗi ngày.
Theo PVN, Mỏ Cá Tầm nằm trong lô 09-3/12 (khoảng 160km về hướng Đông Nam của Việt Nam) và đã được nối với các cơ sở ở lô 09-1 bên cạnh, nơi có mỏ dầu lớn nhất cả nước là Bạch Hổ.
Mỏ Cá Tầm là dự án dầu khí mới nhất được đưa vào hoạt động tại Việt Nam sau nhiều năm kể từ năm 2014 khi giá dầu trên thế giới giảm mạnh. Việc đưa mỏ Cá Tầm vào hoạt động được nhận định có ý nghĩa lớn đối với Việt Nam khi sản lượng dầu thô ở các mỏ chính của Việt Nam đang giảm.
Mỏ Cá Tầm là dự án hợp tác phát triển giữa Vietsovpetro thuộc PVN, Tập đoàn sản xuất thăm dò dầu khí (PVEP) và Tập đoàn Bitexco. Nhiều ý kiến đánh giá cho rằng việc một tập đoàn tư nhân như Bitexco với tư cách nhà đầu tư góp phần tham gia khai thác dầu khí của đã tạo ra một nước ngoặt mới, lần đầu tiên dự án khai thác dầu khí tại Việt Nam có đầy đủ các thành phần kinh tế tham gia.
Mới hồi đầu tháng 1, PVN đã tuyên bố rằng vấn đề căng thẳng ở Biển Đông sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác ngoài khơi trong năm nay.
Hết máy bay ném bom, tới tàu chiến Mỹ băng qua Biển Đông (VOA, 15/03/2019)
Tàu chỉ huy của Hải quân Hoa Kỳ USS Blue Ridge vừa băng qua Biển Đông trong khi chỉ huy tàu tái khẳng định lập trường của Washington, sẽ tiếp tục "điều tàu và máy bay qua lại trên Biển Đông, và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép", bất chấp Trung Quốc phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ trên vùng biển đang trong vòng tranh chấp.
USS Blue Ridge, tàu chỉ huy của Hạm đội 7, Hải quân Hoa Kỳ ghé thăm cảng Manila, Philippines ngày 13/03/2019. (U.S. Navy photo by Mass Communication Specialist 3rd Class Dylan McKay)
Hãng tin AP dẫn lời Đại tá hải quân Eric Anduze, chỉ huy trưởng của USS Blue Ridge, nói với các nhà báo có mặt trên chiếc tàu chỉ huy của Hạm đội 7, rằng chuyến đi này là nhằm tái khẳng định quan hệ liên minh chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và Philippines. Chiến hạm này đang neo trong Vịnh Manila hôm thứ Tư 14/3.
Hãng tin AP dẫn lời Đại tá Anduze, phát biểu :
"Hai nước chúng ta có một lịch sử lâu dài… Chúng tôi có mặt ở đây để khẳng định với các bạn rằng quan hệ đối tác của chúng ta vẫn vững mạnh hơn bao giờ hết".
Trả lời câu hỏi của nhà báo, liệu tàu của ông có gặp tàu hải quân Trung Quốc trong khu vực hay không, Đại tá Anduze đáp rằng có, ông nói thêm rằng "tất cả những sự tương tác giữa hai bên đều an toàn và có tính cách chuyên nghiệp", ông không cho biết thêm chi tiết nào khác.
Một lần nữa, người chỉ huy soái hạm Blue Ridge nhấn mạnh :
"Chúng tôi sẽ điều tàu bè, máy bay qua lại và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp cho phép".
Taiwan News dẫn lời Phó Đô đốc Hải quân Phil Sawyer, Hạm trưởng của Hạm đội 7, nói trong một thông cáo, rằng mục đích của chuyến đi thăm Manila của soái hạm Blue Ridge là để "củng cố sự cam kết của cả hai nước cho một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Trong chuyến đi thăm Manila vào đầu tháng này, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng nhắc đến cam kết của Hoa Kỳ, đảm bảo Biển Đông sẽ vẫn mở rộng cho tất cả các hoạt động giao thông đường thủy. Ông tuyên bố Trung Quốc "không phải là một mối đe dọa" có thể đóng cửa các tuyến hàng hải tại đây.
Phản ứng từ Bắc Kinh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng Trung Quốc và các nước xung quanh Biển Đông cam kết sẽ duy trì hòa bình và ổn định khu vực để thương thuyết hầu đạt được một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển, nhằm tránh leo thang tranh chấp.
Lúc đó ông Lục Khảng nêu đích danh Hoa Kỳ, nói rằng người Mỹ "không nên can thiệp và gây rối" ở Biển Đông.
Ông Lục Khảng nói :
"Nếu các nước bên ngoài khu vực, như Hoa Kỳ chẳng hạn, thực sự nghĩ tới hòa bình và an sinh của dân trong khu vực, thì họ không nên gây rối trong khu vực".
Theo Military.com, chiến hạm Blue Ridge được coi như trung tâm chỉ huy các hoạt động tác chiến xa bờ của quân đội Mỹ, và được trang bị hệ thống máy tính và hệ thống thông tin liên lạc hiện đại nhất của hải quân Mỹ. Tàu có chiều dài 194m, rộng 33m. Thủy thủ đoàn gồm hơn 1000 người. Trong các tình huống khẩn cấp, tàu Blue Ridge có thể chở tới 3.000 người.
****************
Lần thứ hai trong vòng 10 ngày, Mỹ điều B-52 đến Biển Đông (RFI, 14/03/2019)
Hai chiếc B-52H của Không lực Mỹ đã bay tuần tra ở Biển Đông ngày 13/03/2019. Đây là lần thứ hai, trong vòng mười ngày, Mỹ điều oanh tạc cơ đến vùng biển đang có tranh chấp này.
Ảnh minh họa : Hai oanh tạc cơ B52 của Không Quân Hoa Kỳ @media.defense.gov
Trong thông cáo gửi tờ The Diplomat, Không Lực Hải Quân Thái Bình Dương (PACAF) cho biết "hai oanh tạc cơ B-52H đã rời căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam để tiến hành tập luyện tuần tra thông thường trong vùng lân cận Biển Đông vào ngày 13/03/2019".
Vẫn theo thông cáo trên, chiến đấu cơ Mỹ thường xuyên hoạt động trong vùng Biển Đông để ủng hộ các đồng minh, đối tác của Mỹ và một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do. Cả hai máy bay ném bom đã được một chiếc Boeing KC-135 tiếp nhiên liệu giữa không trung.
Còn trên biển, theo AP, chiến hạm USS Blue Ridge, thuộc Hạm đội 7 Hoa Kỳ, đã đi qua vùng Biển Đông để tiếp tục khẳng định mong muốn của Mỹ bảo vệ quyền được "đi lại, bay trên không phận và hoạt động tại những nơi mà luật pháp cho phép" nhằm thách thức việc Trung Quốc luôn phản đối sự xuất hiện thường xuyên của Hải Quân Mỹ ở Biển Đông.
Sau đó, chiến hạm USS Blue Ridge đã ghé thăm cảng Manila, Philippines ngày 13/03. Phát biểu trước báo giới trên chiến hạm, chỉ huy Eric Anduze nhấn mạnh : "Chúng tôi ở đây để nói rằng quan hệ đối tác này (Mỹ-Philippines) mạnh mẽ hơn bao giờ hết".
Trung Quốc cũng có thể phải đối mặt với thái độ kiên quyết hơn của Nhật Bản trong việc bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang có tranh chấp với Bắc Kinh. Theo trang Asia Times ngày 13/03, trong vòng 10 năm, Nhật Bản sẽ hạ thủy 12 tầu trinh sát và giám sát thế hệ mới để thay thế đội tầu đang tuần tra quanh quần đảo Senkaku/Điều Ngư. Đội tầu mới sẽ có lượng giãn nước khoảng 1.300 tấn, với thủy thủ đoàn 30 người.
Thu Hằng
*****************
Hoa Kỳ cho máy bay ném bom bay qua khu vực Biển Đông hai lần trong vòng 10 ngày (RFA, 14/03/2019)
Hai máy bay ném bom chiến lược B-52 của Hoa Kỳ lại được điều bay qua khu vực Biển Đông vào ngày thứ tư 13 tháng 3. Đây là lần thứ hai chỉ trong vòng 10 ngày hoạt động bay như thế được tiến hành bất chấp phản đối từ phía Trung Quốc.
Pháo đài bay B-52 của Hoa Kỳ tại khu vực Tây Thái Bình Dương - AFP
Thông cáo báo chí của Không Lực Hải Quân Thái Bình Dương nêu rõ hai pháo đài bay chiến lược B-52H Stratofortress cất cánh từ Căn cứ Andersen ở đảo Guam và tham gia vào chương trình huấn luyện thường kỳ trong khu vực Biển Đông trước khi trở về lại căn cứ Andersen.
Thông cáo nói tiếp hoạt động thường lệ của máy bay Hoa Kỳ tại khu vực Biển Đông là để hỗ trợ cho các đồng minh, đối tác cũng như bảo đảm một khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Chương trình huấn luyện thường kỳ như vừa nêu được cho biết khởi sự từ năm 2004 khi các loại chiến đấu cơ ném bom B-1, B-52 và B22 được luân phiên tham gia xuất phát từ căn cứ trên đảo Guam. Chương trình này được gọi là ‘sự hiện diện liên tục của pháo đài bay’ của Không lực Hoa Kỳ.
Giáo sư Tôn Triết (Sun Zhe), đồng chủ tịch chương trình Trung Quốc tại Đại học Columbia, được dẫn lời rằng ý đồ rõ ràng của Hoa Kỳ trong việc cho pháo đài bay chiến lược B-52 thay vì máy bay do thám như loại EP-3 tham gia huấn luyện tại khu vực Biển Đông là nhằm kiềm chế Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp này.
Vào ngày 4 tháng 3 vừa qua, hai máy bay B-52H của Mỹ cũng cất cánh từ Căn cứ Andersen ; một chiếc tham gia huấn luyện tại khu vực Biển Hoa Đông và một chiếc tại Biển Đông.
Ngày 19/02/2019, Genie Nguyễn của Voice of Vietnamese Americans phỏng vấn Dr. Patrick Cronin về tình hình Biển Đông sau khi ông tham dự cuộc họp với các nước ASEAN tuần trước đó.
Tiến sĩ Patrick Cronin – Asia Pacific Security Chair, Hudson Institute. (Photo courtesy of Doanh Vu)
Genie Nguyễn : Thưa Tiến sĩ, được biết ông vừa tham dự hội nghị tại Đông Nam Á. Xin ông vui lòng chia sẻ nhận định về tình hình Biển Đông, các khó khăn Trung Quốc gây ra cho Đông Nam Á và Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc.
Patrick Cronin : Tôi đã có cuộc thảo luận sâu rộng cả ở Phi Luật Tân và Nam Dương. Tại Nam Dương, chúng tôi tham dự một cuộc Hội Thảo với tất cả các thành viên của ASEAN – Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á. Thật khó tóm tắt tất cả các điều thảo luận trong vài phút .
Tôi nghĩ vấn đề Biển Đông là đề tài chính. Và an ninh hàng hải. Cả hai liên quan đến kinh tế, sự quan trọng của tất cả mọi thứ từ cá đến tài nguyên biển, đến sự giao thương, nhưng cũng tối quan yếu cho sự độc lập và chủ quyền của các nước Đông Nam Á.
Tiến sĩ Dewi Fortuna Anwar, một trong những trí thức được kính trọng nhất tại Nam Dương, và là một trong những người sáng suốt nhất tôi biết, diễn tả rất đúng sự thách thức các nước Đông Nam Á phải đối mặt để bảo vệ quyền tự chủ về chiến lược của mình trong tương lai. Phải có sự hợp tác với các nước bên ngoài, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, nếu Đông Nam Á không muốn bị ép buộc phải chấp nhận một bản Quy tắc ứng xử Biển Đông ngược với quyền lợi của họ .
Một trong những quan tâm tại Đông Nam Á hiện nay là Trung Quốc đã thay đổi chiến thuật đối với Quy tắc ứng xử tại Biển Đông. Sau nhiều năm cố tình kéo dài thời gian thương thảo về Bộ Quy tắc ứng xử, bây giờ Bắc Kinh lại hối hả thúc đẩy một Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông thuận lợi cho mình và theo luật lệ của mình.
Trung Quốc cho thấy hai ưu tiên then chốt của họ trong bản nháp Quy tắc ứng xử :
1. Trung Quốc muốn có quyền phủ quyết các tập dượt quân sự hay chuyển binh của các lực lượng quân đội bên ngoài khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là quân đội Hoa Kỳ, như các cuộc diễn tập tự do hàng hải của Hoa Kỳ. Chúng tôi đã thực tập 15 cuộc cuộc diễn tập tự do hàng hải này từ năm 2015. Các cuộc diễn tập này được chia đều ra giữa các đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với một lần tại Scarborough Shoal. Nhưng nếu Trung Quốc có thể ngăn cản các cuộc cuộc diễn tập tự do hàng hải này, thì họ có thể uy hiếp các lực lượng Hải Quân của các quốc gia Đông Nam Á một cách dễ dàng, tùy tiện, và họ biết chắc như vậy .
2. Trung Quốc muốn kiểm soát sự khai thác tài nguyên và phát triển. Việt Nam có kinh nghiệm này đầu tiên, năm 2014 với giàn khoan dầu Hải Dương 981 mà Trung Quốc đã ngang ngược đặt trong hải phận Việt Nam. Việt Nam đã bị Trung Quốc bắt nạt. Họ sử dụng chiến thuật đâm tàu. Tôi còn nhớ đã từng thăm một chiếc tàu cá Việt Nam bị đâm bởi Trung Quốc, với "chiến lược bắp cải", khi họ sử dụng nhiều vòng vây hàng hàng lớp lớp, bắt đầu là những tàu biển có trang bị, giả dạng làm ngư dân, nhưng không hề có lưới hay dây câu vì họ không thực tâm câu cá. Họ là những lực lượng bán quân sự, bao quanh họ là lực lượng tuần dương, mà dưới quyền Tập Cận Bình trực thuộc quyền chỉ huy quân sự, không phải dân sự, và rồi sau cùng là lực lượng hải quân chính quy của Trung Quốc. Như vậy đây chính là một cách uy hiếp, dọa nạt, một cách kiểm soát mà Trung Quốc thực thi.
Tôi vừa ở Phi Luật Tân, và chúng tôi thấy tận mắt họ sử dụng chiến thuật này hôm nay, tại Phi Luật Tân, tại Thitu và Pegasa, hai đảo nhỏ của quần đảo Trường Sa. Người Phi đang tìm cách sửa lại đường bay của họ trên rặng Pegasa. Trung Quốc đã bồi cát với mức độ chưa từng thấy, rồi quân sự hóa các đảo nhân tạo này, gồm cả 3 đường bay quân sự vĩ đại tại Trường Sa, mỗi sân bay dài bằng phi trường Changi của Singapore, phi trường hiện đại nhất Đông Nam Á. Đáng lẽ để yên cho Phi Luật Tân sửa lại đường bay của họ, Trung Quốc phát động chiến dịch "vòng vây bắp cải" này, hàng hàng lớp lớp, dân quân ở 2 dặm sát bờ biển, rồi lính tuần dương, rồi hải quân Trung Quốc, 95 chiến thuyền tụ lại trong tháng 12. 95 chiến thuyền đối với những người Phi Luật Tân nhỏ bé trên đảo, đó có phải là dọa nạt và uy hiếp không ?
Rồi Trung Quốc nói : "Chúng tôi muốn viết lại luật lệ". Đó là những điều họ muốn viết trong Bộ Quy Luật Ứng Xử. Họ không muốn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào có thể bảo vệ chủ quyền, độc lập, và được thịnh vượng. Họ muốn các nước Đông Nam Á phải van lạy Bắc Kinh.
Việt Nam đã luôn đi đầu trong việc phản đối Trung Quốc, và điều tôi lo sợ, đây là điều đúc kết chính trong cuộc thảo luận về Biển Đông vừa qua, là Việt Nam sẽ bị cô lập bởi các nước Đông Nam Á khác, các thành viên của ASEAN - Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Bởi vì Tổng thống Duterte tại Manila đã bị mua chuộc bởi Trung Quốc, và ông ta là người thực tế, do đó ông ta sẽ cân nhắc các lựa chọn của mình, và nếu thấy không thể đánh lại Trung Quốc, thì ông ta sẽ theo Trung Quốc, sẽ bị kéo theo.
Trong khi ấy, thì Thái Lan – một đồng minh khác của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á lại đang nhận nhiều đầu tư lớn từ Trung Quốc, và đang sắp có cuộc bầu cử năm nay. Thái Lan cũng đang giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2019. Việt Nam sẽ là Chủ tịch ASEAN năm tới. Như vậy mọi chuyện có thể được sắp xếp cho năm nay, hay năm tới, và Việt Nam sẽ ở trong thế vô cùng khó xử, hoặc chấp nhận Bộ Quy tắc ứng xử mà tất cả các thành viên khác đều đồng ý trừ Việt Nam, hay sẽ bị thất bại trong vai trò Chủ tịch ASEAN.
Chính vì thế mà chúng ta cần bảo đảm rằng Việt Nam không bị cô lập và bị rơi vào thế khó xử kia.
Tôi xin đổi đề tài. Tổng thống Trump vừa đến Hà Nội. Ông đã thăm Việt Nam hai lần, trong hai năm, nhiều hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào. Tổng thống Trump đã chứng tỏ sự hỗ trợ của ông cho một bang giao Việt – Mỹ đang phát triển mạnh mẽ, xây dựng từ chính quyền trước đến chính quyền này. Đây là một khuynh hướng rất tốt, rất tích cực và quan trọng cho quan hệ Việt – Mỹ.
Nói chung, tại Đông Nam Á, tôi nghĩ Hoa Kỳ có thể làm nhiều hơn, có nhiều cơ hội lắm. Chúng ta cần có một vị thứ trưởng ngoại giao đặc trách Á Châu, một đại sứ tại Singapore, một đại sứ tại ASEAN… Nhưng đó chỉ là những điều nhỏ. Tôi nghĩ điều chính là chúng ta đang đi đúng hướng, và chúng ta cần cùng làm việc với khối dân Đông Nam Á trẻ trung đầy sức sống này, vì họ chính là trung tâm của một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Genie Nguyễn : Ông có nghĩ rằng chính quyền Việt Nam đã hợp tác đúng mức với Hoa Kỳ trên các lãnh vực an ninh quốc phòng, hay họ vẫn nghiêng về Trung Quốc nhiều hơn ?
Patrick Cronin : Tôi nghĩ Việt Nam có chính sách đối nội khác với chính sách đối ngoại.
Về đối ngoại và an ninh, chính sách của chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục đi sát hơn với Hoa Kỳ, làm việc với Nhật Bản, làm việc với các nước bên ngoài. Thực ra, họ tiếp tục chính sách cân bằng các thế lực với rất nhiều nước khác, để Trung Quốc không thể có quá nhiều ưu thế.
Về chính sách đối nội thì phức tạp hơn. Chúng ta rất mong được thấy Việt Nam cải thiện một cách nghiêm túc. Tôi nghĩ chúng ta cũng cần phải thực tế hơn về sự thay đổi ấy sẽ diễn ra thế nào. Tôi không nghĩ rằng bất cứ ai tại Hoa Kỳ muốn thúc giục Việt Nam thay đổi, nhưng chúng ta thực lòng muốn thấy dân Việt được thịnh vượng, có tự do, và không bị đẩy vào sự áp đặt như ở Trung Quốc. Hiện nay Trung Quốc đang gia tăng sự đàn áp lên dân chúng, không chỉ ở Tân Cương, mà nói thẳng ra là những trí thức, luật sư nhân quyền, đủ thứ người tại Trung Quốc bị đàn áp. Chúng ta muốn thấy Việt Nam chuyển đổi ngược với hướng đi của Trung Quốc. Bởi vì dân chúng Việt Nam rất kỳ diêu. Như chúng ta nghe thấy Tom Rose nói hôm nay, những người tỵ nạn Mỹ gốc Việt đã đóng góp rất nhiều vào xã hội Hoa Kỳ.
Chúng ta đã chia sẻ một lịch sử chuyển từ chiến tranh sang bình thường hóa quan hệ rồi trở thành bạn thân. Chúng ta có thể tiếp tục phát triển tương quan này lên đến mức độ chiến lược. Việt Nam cần Hoa Kỳ. Hoa Kỳ rất muốn xây dựng quan hệ chiến lược với Việt Nam. Do đó tôi hy vọng rằng chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam sẽ dần dần tương hợp với sự phát triển quan hệ này.
Genie Giao Nguyen
Nguồn : Voice of Vietnamese Americans, 13/03/2019
Trung Quốc sẽ làm gì khi Hoa Kỳ gia tăng hiện diện ở Biển Đông? (RFA, 12/03/2019)
Trung Quốc trong năm 2019 tăng chi tiêu cho ngân sách quốc phòng 7,5% và tốc độ tăng chi quốc phòng cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực Biển Đông leo thang.
Hình chụp vệ tinh các cơ sở quân sự được Trung Quốc xây dựng trên đá Chữ Thập, Trường Sa tính đến năm 2017 Courtesy AMTI (CSIS)
Vấn đề được nêu ra, liệu rằng Trung Quốc sẽ có động thái quân sự nào khi Mỹ và đồng minh tăng cường hiện diện ở vùng biển Châu Á-Thái Bình Dương? Đài RFA ghi nhận ý kiến của giới chuyên gia trong phần sau.
Trung Quốc chuẩn bị cho chiến tranh ?
Tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thường niên vào ngày 5 tháng 3, Trung Quốc cho biết chi khoảng 177 tỷ đô la Mỹ (USD) cho quốc phòng của nước này trong năm 2019. Mặc dù tỉ lệ tăng 7,5% trong năm nay thấp hơn tỉ lệ tăng 8,1% trong năm ngoái, tuy nhiên tốc độ tăng chi cho quốc phòng của Trung Quốc được nói là cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Trước đó vào ngày 3 tháng 3, The Wall Street Journal đăng tải một bài xã luận của ký giả Mark Helprin, thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR)-một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại và các vấn đề quốc tế của Hoa Kỳ với nội dung khẳng định trong khi Washington tập trung vào những nơi khác thì Bắc Kinh đang chuẩn bị cho chiến tranh.
Ký giả Mark Helprin cho rằng Trung Quốc đang tiến hành một trò chơi dài hạn mà tập trung vào phát triển quân sự và bành trướng, mặc dù nền kinh tế của Trung Quốc có chiều hướng suy thoái. Ký giả Mark Helprin lập luận không giống như Hoa Kỳ tập trung vào các mục tiêu ngắn, Trung Quốc chơi một trò chơi dài, trong đó mục tiêu chính là mối tương quan thuận lợi của các lực lượng theo thời gian và biện pháp quan trọng nhất là năng lực quân sự.
Tác giả bài xã luận nhấn mạnh đến việc phát triển vũ khí của Trung Quốc trong thời gian qua, đặc biệt liên quan đến vũ khí hạt nhân bởi mối đe dọa đến từ Bắc Triều Tiên mà quốc gia Cộng sản khép kín này được cho là lệ thuộc vào Trung Quốc. Ký giả Mark Helprin chỉ ra Trung Quốc là nước đứng thứ 3 toàn cầu về sở hữu hạt nhân với 228 tên lửa hạt nhân, sau Mỹ và Nga cùng với 55 tàu ngầm tấn công nên thực tế cho thấy Trung Quốc có thể tấn công các căn cứ của Mỹ ở Nam Hàn, Nhật Bản và đảo Guam, thậm chí bắn tên lửa hạt nhân đến lãnh thổ đất liền của Mỹ.
Từ Pháp quốc, ông Nguyễn Gia Kiểng, cựu Phụ tá Tổng trưởng Kinh tế của Việt Nam Cộng Hòa, một nhà quan sát tình hình kinh tế thế giới, lên tiếng với RFA rằng nhìn lại Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Bắc Hàn được xem như lệ thuộc vào Trung Quốc kể từ khi Trung Quốc điều động một lực lượng lớn quân đội đến giúp đỡ, giải vây ở sông Áp Lục (Yalu River). Ông Nguyễn Gia Kiểng nêu lên quan điểm của mình :
"Cho nên sự lệ thuộc của Chính quyền cộng sản Triều Tiên vào Trung Quốc là một lẽ dĩ nhiên, một sự thực hiển nhiên. Chúng ta không phải quan ngại nếu Triều Tiên không thỏa hiệp được với Mỹ thì Triều Tiên sẽ lệ thuộc hơn nữa vào Trung Quốc không ? Triều Tiên đã lệ thuộc và hoàn toàn lệ thuộc Trung Quốc. Tôi nghĩ ngay cả Triều Tiên không thể chế bom nguyên tử, nếu không có sự thỏa thuận và giúp đỡ của Trung Quốc. Có thể Triều Tiên chỉ là ‘một cái xưởng’ chế tạo bom nguyên tử, còn người thực sự chế tạo mới là Trung Quốc".
Trả lời câu hỏi của Đài Á Châu Tự Do rằng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có tác động gì đến mối quan ngại như của ký giả Mark Helprin nêu ra hay không, ông Nguyễn Gia Kiểng nhận định :
"Với lãi suất là 3,3%, trung bình mỗi năm Trung Quốc phải trả tiền lãi của các khoản vay vào khoảng 1000 tỷ đô la Mỹ (USD). So với 1000 tỷ đó thì 30 tỷ tiền thuế mà ông Trump đánh vào hàng hóa của Trung Quốc sẽ không thiệt hại bao nhiêu. Đó là tôi nói thiệt hại tối đa ở mức 30 tỷ USD. Vậy thì chúng ta không nên coi cái gọi là ‘cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung’ là quan trọng".
Tác giả của bài xã luận có nhan đề, tạm dịch là "Hoa Kỳ đang nhượng lại vùng Thái Bình Dương cho Trung Quốc", ký giả Mark Helprin cho rằng thật sự là khó hiểu khi hiện tại Hoa Kỳ không nhận thấy được các mối quan hệ sức mạnh căn bản mà Trung Quốc chú trọng tập trung vào và nếu như Hoa Kỳ càng kéo dài lổ hổng này, cũng như không gửi một tín hiệu nào trong lúc Bắc Kinh gia tăng sức mạnh quân sự thì rõ ràng vùng biển Tây Thái Bình Dương của Mỹ cuối cùng sẽ trở thành một cái hồ của Trung Quốc.
Chiến lược đối trọng của Mỹ ở Thái Bình Dương
Các tàu chiến Mỹ (Arleigh Burke, USS McCampbell) dẫn đường cho các tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ và Nhật Bản trong cuộc tập trận chung ở Guam hôm 21/1/2016 - Courtesy : U.S. NAVY
Đài RFA ghi nhận hồi trung tuần tháng 10 năm ngoái, trong cuộc phỏng vấn với chương trình Hugh Hewitt nổi tiếng của Hoa Kỳ, cố vấn an ninh Mỹ John Bolton cảnh báo Trung Quốc đã lợi dụng trật tự thế giới quá lâu trong khi Hoa Kỳ đã thất bại trong việc đối phó với Trung Quốc.
Trong một diễn biến liên quan, tại buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, diễn ra vào ngày 12 tháng 2, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, Đô đốc Philip Davidson nhấn mạnh Mỹ cần chú trọng hơn nữa trong việc hợp tác với đồng minh và đối tác trong bối cảnh Trung Quốc "quân sự hóa" ở Biển Đông. Đô đốc Philip Davidson cho rằng Hoa Kỳ phải chấp nhận môi trường ở Biển Đông đang thay đổi rất nhanh chóng nên đòi hỏi những cách tiếp cận mới. Đô đốc Philip Davidson cho biết thêm Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương đang có những cuộc thương thảo với các đối tác và đồng minh về những cơ hội có thể ở đó cũng như tăng cường hợp tác trong diễn tập quân sự, trong tuần tra ở Biển Đông và trong đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) với Trung Quốc.
Mới đây nhất, vào ngày 7 tháng 3, báo mạng sputniknews.com, của Nga dẫn lời của Đô đốc Philip Davidson tuyên bố trong cùng ngày rằng Hoa Kỳ ghi nhận các hoạt động quân sự của Trung Quốc gia tăng trong năm 2018 ở Biển Đông với các tàu, chiến đấu cơ và máy bay ném bom nhiều hơn những năm trước đó. Đô đốc Philip Davidson lập luận rằng hoạt động này gây nguy hiểm cho hoạt động thương mại và thông tin tài chính diễn ra ở khu vực Biển Đông.
Mặc dù tuyên bố như vừa nêu, tuy nhiên Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương của Hoa Kỳ từ chối cho biết số liệu về lực lượng tuần tra tự do hàng hải của Hoa Kỳ sẽ tăng lên hay không trước sự gia tăng hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong khi đó, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà quan sát độc lập làm việc tại Singapore nói với RFA rằng cần có cái nhìn khách quan trong việc đánh giá các diễn tiến ở khu vực Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng ký giả Mark Helprin có cái nhìn bi quan trong bài xã luận đăng tải trên tờ The Wall Street Journal :
"Họ quá bi quan về các tác động của chính trị và địa chiến lược cũng như an ninh toàn cầu từ phía Mỹ. Thứ hai là họ đánh giá quá cao về vai trò và kết quả mà Trung Quốc có thể đạt tới trong tương lai. Một bên là Mỹ thì đánh giá quá thấp. Còn một bên đánh giá quá cao Trung Quốc. Các bài viết như thế thì không thấy dẫn chứng mà nhận định và bình luận thì rất thiếu sót".
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhắc lại Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã tiến hành "Chính sách xoay trục Châu Á-Thái Bình Dương", cho thấy rằng người Mỹ không bỏ vùng Tây Thái Bình Dương, đặc biệt là Biển Đông. Tiếp đến Chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn theo "Chính sách xoay trục’ này và tăng cường các hoạt động tuần tra về tự do hàng hải; đồng thời còn lập ra một cơ chế an ninh mới gọi là ‘Cơ chế an ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương", bao trùm cả Châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhấn mạnh :
"Trong vòng gần 2 năm qua vẫn chưa thấy qua cơ chế này có hoạt động nào lớn, nhưng rõ ràng có ý nghĩa. Đặc biệt là vào hôm mùng 4 tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã tái khẳng định hiệp định hòa bình với Philippines rằng nếu có một nước nào đó tấn công Phi, tức là tấn công nước Mỹ và nước Mỹ sẽ đánh trả. Đây là một tuyên bố rất mạnh mẽ.
Sự nhất quán trong chính sách của các nước lớn, kể cả Hoa Kỳ lẫn của các nước nhỏ thì trước hết họ phải quan tâm đến lợi ích quốc gia của nước họ trước. Lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ ở Biển Đông là thứ nhất họ phải bảo vệ bằng được con đường vận chuyển hàng hóa đi qua Biển Đông hơn 5.000 tỷ USD, trong đó hơn một nửa lượng hàng hóa Mỹ đi qua khu vực này, còn lại là của các nước đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Úc, kể cả Philippines… và những nước bạn của Hoa Kỳ như Singapore, Đài Loan và cả Việt Nam… Mỹ với trách nhiệm của một nước đang đứng ở tuyến đầu trong việc đảm bảo trật tự an ninh quốc tế đã hình thành từ lâu và đến bây giờ vẫn chưa có gì thay đổi cả thì không có lý do gì mà họ không đảm bảo quyền lợi quốc gia của họ trong bối cảnh ở khu vực Biển Đông mà có lợi ích của quốc gia đó. Nếu nói như thế thì có thể thấy rằng việc can dự của Hoa Kỳ vào Biển Đông là có cơ sở về mặt chính trị cũng như chiến lược, dựa trên nền tảng đảm bảo an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Không thể giảm đi mà chỉ có tăng lên thôi".
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp khẳng định vai trò của Mỹ và Trung Quốc ở vùng biển Thái Bình Dương đều quan trọng, thế nhưng ông cho rằng giấc mơ làm chủ khu vực này của Trung Quốc sẽ rất khó trở thành hiện thực.
Còn ông Nguyễn Gia Kiểng lập luận trong tương lai không xa, chiến lược "Sáng kiến vành đai và con đường" mà Trung Quốc tung ra sẽ khiến cho nền kinh tế của nước này lâm vào khủng hoảng, vì vay tiền với lãi suất cao và cho vay lại với lãi suất thấp và rất có triển vọng không đòi lại được. Do đó, một khi kinh tế của Trung Quốc bị khủng hoảng thì sẽ dẫn đến khủng hoảng chính trị và hậu quả là tuy mối nguy Trung Quốc có thật, nhưng sẽ giảm đi chứ không tăng lên.
****************
Trung Quốc mời hải quân thế giới tham gia thao diễn vào tháng Tư (RFI, 12/03/2019)
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Quân đội Trung Quốc đã mời nhiều nước gởi chiến hạm đến tham gia cuộc thao diễn hải quân, dự trù vào tháng 04/2019.
Tầu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trong một cuộc diễn tập ở Biển Đông. Ảnh chụp tháng 12/2016.Reuters
Theo nhật báo Hồng Kông The South China Morning Post (SCMP) ngày 11/03/2019, một nguồn tin Trung Quốc tiết lộ rằng có thể cả Pháp lẫn Nga đều gởi tàu sân bay đến tham gia.
Trích dẫn các chuyên gia quân sự Trung Quốc, SCMP cho rằng cuộc thao diễn hải quân được dự trù nhằm mục tiêu phô trương sức mạnh của Trung Quốc, đồng thời nêu bật quan hệ "hữu nghị" của Trung Quốc với các nước vào lúc Bắc Kinh đang cố gắng tô điểm cho hình ảnh của mình trong tư cách một cường quốc đang trỗi dậy.
Cuộc thao diễn hải quân vào tháng Tư, cùng với lễ duyệt binh vào tháng 10 sẽ là hai sự kiện hoành tráng nhất mà quân đội Trung Quốc sẽ tổ chức nhân dịp lễ quốc khánh thứ 70 năm nay.
Theo SCMP, trong bối cảnh đang càng lúc càng bị quốc tế giám sát do các hành động của họ trên Biển Đông trong những năm gần đây, hải quân Trung Quốc muốn tranh thủ cơ hội này để tiếp cận với các đối tác dưới một hình ảnh thân thiện hơn.
Một nguồn tin Trung Quốc tiết lộ với tờ báo Hồng Kông rằng "rất có khả năng" Pháp sẽ phái tàu sân bay Charles-de-Gaulle (CDG) đến tham gia cuộc thao diễn, trong lúc Nga cũng đang xem xét việc gửi chiếc hàng không mẫu hạm Đô đốc Kuznetsov.
Theo hãng tin Pháp AFP, chiếc CDG hiện đang ở phía đông Địa Trung Hải, yểm trợ cho chiến dịch tấn công vào Baghouz, cứ địa cuối cùng của tổ chức Nhà Nước Hồi giáo ở miền Đông Syria, với 20 chiến đấu cơ Rafale trên tàu tham gia vào các phi vụ trinh sát và oanh kích khi cần thiết. Theo kế hoạch sau đó, chiếc CDG sẽ băng qua kênh đào Suez để qua vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Cuộc thao diễn sẽ diễn ra ngày 23/04 trên Hoàng Hải ngoài khơi Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết đã mời hải quân hơn 10 nước tham gia. Một nguồn tin thân cận với hải quân cho biết là Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ cử tàu chiến tham gia.
Vào năm 2009, Trung Quốc đã từng tổ chức một sự kiện lớn để kỷ niệm 60 năm ngày thành lập binh chủng hải quân của họ. Khi ấy, đã có hải quân của 14 nước tham gia, trong đó có khu trục hạm USS Fitzgerald của Mỹ, tuần dương hạm Varyag từ Nga, cùng một số tàu đến từ Pháp, Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Pakistan.
Năm 2019, có thể Trung Quốc sẽ phô trương một hoặc cả hai chiếc hàng không mẫu hạm của họ : chiếc Liêu Ninh, một tàu sân bay cũ của Nga được tân trang, và chiếc thứ hai chưa có tên, Type 001A do Trung Quốc tự đóng, cũng được chế tạo theo mô hình tàu Liêu Ninh.
Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt, nhân cuộc thao diễn lần này, có thể là Bắc Kinh cũng sẽ cho trình làng khu trục hạm thế hệ mới của họ, loại 055, được thiết kế để hộ tống tàu sân bay Type 001A khi nó đi vào hoạt động cũng như loại tàu đổ bộ lớn thế hệ mới, Type 075, có khả năng mang theo 30 máy bay trực thăng, và có thê tấn công các loại tàu nổi cũng như tàu ngầm.
Một loại vũ khí khác có thể được Trung Quốc phô trương là loại tàu ngầm tấn công hạt nhân, có khả năng phóng tên lửa đạn đạo, Type 094.
Trọng Nghĩa
**********************
Trung Quốc sắp duyệt binh phô trương sức mạnh hải quân (RFA, 12/03/2019)
Hải quân Trung Quốc sẽ tiến hành cuộc duyệt binh lớn chưa từng có nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập. Dịp này một số nước cũng được mời cử chiến hạm đến tham dự.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trong một cuộc diễn tập vào tháng tư 2018 - AFP
Mạng báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng vào ngày 11 tháng 3 loan tin dẫn lại thông báo của Bộ quốc phòng Trung Quốc như vừa nêu.
Theo đó ngày 23/4/2019 sẽ là ngày Hải quân Trung Quốc tổ chức cuộc duyệt binh tại vùng biển Hoàng Hải, ngoài khơi thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. Dự kiến lễ duyệt binh được chủ trì bởi Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình cũng là chủ tịch Quân Ủy Trung Ương. Đây được cho là cơ hội để Hải quân Trung Quốc ‘phô trương thanh thế, đánh bóng hình ảnh’.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay đã mời Hải quân của hơn 10 nước tham gia cuộc duyệt binh, trong đó có Hải quân Pháp, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tin nói Hải Quân Pháp chắc sẽ cử Hàng không Mẫu Hạm Charles de Gaulle tham gia ; và Nga cử Hàng không Mẫu hạm Kuznetsov dự sự kiện lớn sắp tới của Hải Quân Trung Quốc.
Hải quân hai nước Nhật và Hàn Quốc cũng sẽ đưa chiến hạm tham gia cuộc duyệt binh của Hải quân Trung Quốc.
Nhà phân tích Hải quân Lý Giới tại Bắc Kinh tiết lộ cả hai tàu sân bay Liêu Ninh và Type 001A cùng nhiều chiến hạm mới khác của Trung Quốc như tàu khu trục Type 055, tàu đổ bộ Type 075 và tàu ngầm mang tên lửa đạn dạo sẽ xuất hiện trong đội duyệt binh. Theo nhà phân tích này thì đây sẽ là cuộc duyệt binh lớn nhất lịch sử Hải quân Trung Quốc.
Giới quan sát nhận định, với cuộc duyệt binh quy mô lần này, Trung Quốc dường như muốn gởi thông điệp tới Hoa Kỳ rằng quân đội nước này vẫn duy trì chiến lược gia tăng sức mạnh quân sự, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Hồi tháng tư năm ngoái, Chủ tịch họ Tập cũng có mặt chứng kiến cuộc phô diễn Hải quân Trung Quốc tại Biển Đông.
Chuyên gia Lý Giới nhận định rằng việc Trung Quốc chỉ trong thời gian một năm lại cho tiến hành cuộc duyệt binh Hải quân chứng tỏ lãnh đạo Bắc Kinh nhận thấy tầm quan trọng của phát triển quyền lợi biển của Trung Quốc.
*******************
Cố vấn an ninh Mỹ : Không để Trung Quốc biến Biển Đông thành tỉnh mới (RFI, 11/03/2019)
Trong bài trả lời đài truyền hình Mỹ Fox News hôm 10/03/2019, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton đã tuyên bố rằng các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là điều "hoàn toàn không thể chấp nhận được". Hoa Kỳ, theo ông Bolton, sẽ tiếp tục có những hoạt động nhằm ngăn Bắc Kinh biến Biển Đông thành "một tỉnh mới của Trung Quốc".
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn trên đài Fox News. Ảnh tại Washington, 5/03/2019. Reuters/Leah Millis
Theo hãng tin Mỹ AP, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đã khẳng định với phóng viên Maria Bartiromo của đài Fox News rằng "vấn đề an ninh mang tính chất hiện sinh của thế kỷ 21" đối với Mỹ là làm sao xử sự với Trung Quốc.
Ông Bolton xác định : "Trái ngược với mọi cam kết mà trước đây họ đã đưa ra, theo đó họ sẽ giải quyết các yêu sách lãnh thổ bằng đàm phán hòa bình, (Trung Quốc) đang chiếm lấy các bãi đá, rạn san hô và đảo (ở Biển Đông) và xây dựng các căn cứ quân sự trên đó".
Đối với cố vấn an ninh Mỹ, đó là điều "hoàn toàn không thể chấp nhận được". Và đó là lý do tại sao chúng ta (tức là Mỹ) tiếp tục thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải và xem xét những cách khác để ngăn chặn có hiệu quả nỗ lực tạo ra một tỉnh mới của Trung Quốc".
Theo ghi nhận của AP, dưới thời tổng thống Mỹ Donald Trump, Washington đã tăng gia nhịp độ của các chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải ở Biển Đông, nhằm thách thức các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc và khẳng định quyền của quân đội Mỹ được cho phi cơ và tàu thuyền đến hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế, theo cách lý giải của Mỹ, cho phép.
Ông John Bolton là một người nổi tiếng "diều hâu" trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông được cử làm Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ sau khi tướng HR McMaster từ chức vào tháng 4/2018.
Trọng Nghĩa
Việt Nam lại lên tiếng về tầm quan trọng của Biển Đông (RFA, 07/03/2019)
Thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam tham gia Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 16 (ACDFM-16) diễn ra sáng ngày 7/3 tại Pattaya, Thái Lan.
Thái Lan trao cờ Chủ tịch ACDFM cho Việt Nam. Courtesy of nhandan.com.vn
Tại hội nghị ông này lên tiếng nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông và đề nghị lực lượng thực thi pháp luật trên biển và hải quân các bên liên quan tăng cường hợp tác, nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định vùng biển trong khu vực.
Truyền thông trong nước loan tin ngày 7/3, trích phát biểu của Thượng tướng Phan Văn Giang nói thêm rằng những thách thức an ninh trên biển như tranh chấp chủ quyền, tranh chấp tài nguyên, cướp biển… sẽ tiếp tục đe dọa an ninh trên biển khu vực Đông Nam Á.
Tin cho biết, Việt Nam sẽ là nước Chủ tịch luân phiên của Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN tiếp theo được tổ chức vào năm 2020.
Vẫn liên quan đến tình hình biển Đông, trong cuộc phỏng vấn với đài ABS-CBN ở Manila, Philippine ngày 7/3, ông Mahathir Mohamad, Thủ tướng Malaysia nói rằng Trung Quốc nên xác định "cái gọi là quyền sở hữu" của mình ở khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông để các nước có tuyên bố chủ quyền khác có thể thu được nguồn lợi từ vùng biển giàu tài nguyên này.
Trung Quốc là nước hiện tuyên bố chủ quyền chừng 90% Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mà Bắc Kinh đơn phương vạch ra. Đường này thường được gọi là đường lưỡi bò và bị Manila kiện ra Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế- PCA ở La Haye. Vào ngày 12 tháng 7 năm 2016, PCA tuyên bố đường đứt khúc 9 đoạn không có giá trị cả về pháp lý lẫn lịch sử ; tuy nhiên Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa như thế.
Ngoài Trung Quốc và Đài Loan còn có Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam cùng có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.
****************
Tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa (VOA, 07/03/2019)
Chiều 6/3, Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn của Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết, 1 tàu cá của ngư dân ở tỉnh Quảng Ngãi đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa.
Trang VietnamNet loan tin tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Photo VietnamNet
Báo Thanh Niên trích thông báo của Văn phòng này cho biết sự việc xảy ra lúc 10 giờ 10 phút ngày 6/3, tàu cá tỉnh Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90819 TS với 5 thuyền viên trên tàu đã bị tàu Trung Quốc BKS 44101 đâm chìm.
Truyền thông trong nước dẫn lời người nhà của ngư dân Nguyễn Minh Hùng, chủ tàu QNg 90819TS, cho biết tàu xuất bến ra Hoàng Sa hành nghề lặn mới được 4 ngày thì bị tàu Trung Quốc tông chìm. Tàu của ông Hùng được biết đã nhiều lần bị tàu Trung Quốc xua đuổi, bắt bớ trước đây.
Trước đó, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết tàu đang di chuyển trong khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cách Đà Nẵng khoảng 198 hải lý về hướng đông, thì bị tàu Trung Quốc đâm chìm hôm 6/3.
Tàu chỉ còn nổi phần mũi, 5 ngư dân trên tàu đã bám vào mũi tàu và chờ cứu hộ, theo báo Zing.
Báo VnExpress cho biết đến trưa cùng ngày, 5 ngư dân đã được một tàu cá khác của Việt Nam cứu vớt an toàn, và rời khu vực bị nạn.
Vào tháng 5 năm ngoái, 7 ngư dân trên một tàu cá cũng ở tỉnh Quảng Ngãi đã bị một tàu Hải giám Trung Quốc nhấn chìm trong vùng biển gần đá Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Việt Nam tuyên bố là nước đầu tiên chiếm hữu, thực thi chủ quyền liên tục qua nhiều giai đoạn lịch sử với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, từ giữa thế kỷ XX, Trung Quốc nhiều lần đánh chiếm Hoàng Sa, đến năm 1974 thì chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo này, theo VnExpress.
*****************
Tàu cá Việt Nam lại bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa (RFA, 06/03/2019)
Một tàu cá Quảng Ngãi vào sáng ngày 6 tháng 3 bị một tàu Trung Quốc đâm chìm tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, ngư trường truyền thống của người đánh cá Việt Nam.
Chiếc tàu đánh cá mang số hiệu DNA 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm đang neo đậu tại một cơ sở sữa chữa tàu ở Đà nẵng. Ảnh minh họa ; chụp hôm 02/6/2014. AFP
Văn Phòng Ủy Ban Quốc Gia Ứng phó Sự cố, Thiên tai & Tìm kiếm Cứu nạn vào tối ngày 6 tháng 3 xác nhận vụ việc vừa nêu với báo chí trong nước.
Tin cho biết vào khoảng 10 giờ sáng ngày 6 tháng 3, chiếc tàu cá mang số hiệu QNg-90819 của ngư dân Nguyễn Minh Hùng, cư ngụ tại thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 44101 đâm chìm tại vùng biển cách thành phố Đà Nẵng chừng 198 hải lý về phía đông. Đây được cho biết là khu vực Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Trên tàu có 5 ngư dân và họ đã cố bám vào phần nổi của tàu sau khi bị đâm chìm. Sau chừng hai tiếng đồng hồ một tàu cá cũng của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đến cứu 5 nạn nhân.
Tình trạng ngư dân Việt Nam đi đánh bắt tại Biển Đông, đặc biệt khu vực Quần Đảo Hoàng Sa, trong những năm qua bị tàu Trung Quốc sách nhiễu, đập phá, cướp hải sản, ngư lưới cụ, đâm chìm và thậm chí bắn chết người từng xảy ra.
Có một giai đoạn, truyền thông Việt Nam chỉ gọi thủ phạm gây nên những vụ việc như vừa nêu đối với ngư dân Việt Nam là ‘tàu lạ’. Trong vụ việc mới xảy ra ngày 6 tháng 3, cơ quan chức năng Việt Nam và truyền thông trong nước gọi đích danh là tàu Trung Quốc.
Nếu hiểu chiến tranh là để hủy diệt nhằm thôn tính đất đai, tài nguyên, thì xứ mình vẫn chiến tranh suốt mấy mươi năm quá đó chứ. Giặc là ai à ? Trung Quốc đó. Họ cướp tài nguyên dầu khí của Việt Nam ở biển Đông. Họ gieo rắc cái chết dần mòn trong dân chúng do ô nhiễm bởi công nghệ lạc hậu từ phương Bắc thi nhau trút vào Việt Nam. Và họ cũng từng dùng súng đạn để xâm lược Việt Nam...
Tàu cá Trung Quốc, Philippines căng thẳng gần đảo Thị Tứ ở Biển Đông 6/3/2019
Chiều ngày 5/3, nhiều bản tin trên báo chí Việt Nam bắt đầu nhuốm mùi thuốc súng, khi diễn tả lại một bản tin nước ngoài nói rằng lính Trung Quốc dưới màu áo dân sự là ngư dân, đã vây quanh đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng hiện do Philippines khai thác ngư trường. Phía Trung Quốc cấm mọi tàu cá của các quốc gia khác bén mảng ở đảo Thị Tứ.
Trong một diễn biến khác, báo chí Việt Nam cũng rút tít đầy mạnh mẽ "Đài Loan tuyên bố 'sẵn sàng chiến đấu vào bất kỳ thời điểm nào'" trong bản tin được trích dẫn từ Reuters, mà bản tin gốc tiếng Anh vốn có tít rất hiền lành : "Rise in China's defense budget to outpace economic growth target".
"Trung Quốc đã liên tục tuyên bố rằng họ sẽ không từ bỏ việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, do đó chúng tôi luôn phải thận trọng" - ông Tô Trinh Xương nhấn mạnh trong ngày 5/3 khi được hỏi về mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc.
"Chúng tôi không ngán chiến tranh và sẽ luôn sẵn sàng chiến đấu vào bất kỳ thời điểm nào" - hãng tin Reuters dẫn lời người đứng đầu cơ quan hành pháp Đài Loan khẳng định [*].
Ba năm về trước, trong bản tin phát hành nội bộ đầu tháng 1 năm 2016 của nhóm nghiên cứu thị trường chứng khoán của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã đưa ra cảnh báo với sự giảm tốc ngày càng rõ rệt của kinh tế Trung Quốc, quốc gia này có thể "xuất khẩu khủng hoảng" sang các nước khác, đặc biệt là những nước có quan hệ thương mại lớn và gần gũi về mặt địa lý, trong đó có Việt Nam.
Ở thời điểm đó, Việt Nam chỉ có 4 mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt giá trị tiền tỷ USD. Mặt hàng xuất khẩu lớn nhất không phải là nông sản, mà là máy tính và sản phẩm điện tử (dĩ nhiên là gia công) với giá trị 2,6 tỷ USD, tiếp đến là xơ và sợi dệt với 1,4 tỷ USD.
Phía nhóm nghiên cứu của Vietcombank đã viết trong báo cáo của mình, khuyến cáo rằng cần theo dõi sát sao những rủi ro từ Trung Quốc. Tuy nhiên tính từ đó đến nay, dường như Trung Quốc đã ‘khống chế’ phần lớn các hoạt động kinh tế, bao gồm lãnh vực nông nghiệp của Việt Nam. Chỉ cần mới đây họ cắt giảm hạn ngạch nhập khẩu gạo từ Việt Nam, lập tức giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long rớt thảm hại.
Trung tuần tháng 11 năm ngoái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 6 cảnh báo về chuyện làm ăn giữa Việt Nam – Trung Quốc.
Có thể tóm tắt như sau :
Thứ nhất, Việt Nam vẫn chịu thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc. Mức thâm hụt dù đã giảm trong thời gian gần đây, song đà giảm chưa có tính bền vững.
Thứ hai, những năm gần đây xuất hiện hiện tượng ngày càng nhiều doanh nghiệp trong nước câu kết với doanh nghiệp Trung Quốc làm giả xuất xứ Việt Nam cho hàng hóa Trung Quốc.
Thứ ba, thống kê thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc không đầy đủ, thiếu kịp thời và chi tiết. Hạn chế về thống kê đã hạn chế đáng kể khả năng đánh giá, điều chỉnh chính sách thương mại kịp thời của Việt Nam với Trung Quốc.
Thứ tư, phương thức thu mua của đối tác Trung Quốc có biến động đáng kể và đảo chiều tương đối nhanh tại một số thời điểm, ảnh hưởng đến cung - cầu và khai thác bền vững một số mặt hàng và/hoặc tại một số địa phương.
Thứ năm, chất lượng các dự án FDI từ Trung Quốc chưa cao, khó đáp ứng được yêu cầu phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn.
Thứ sáu, các dự án sử dụng ODA và vốn chính thức khác từ Trung Quốc chưa giúp cải thiện đáng kể năng lực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và các đối tác Việt Nam nói riêng.
Vốn vay ODA Trung Quốc tại Việt Nam thường có lãi suất 3%/năm, cao hơn mức lãi vay từ các thị trường khác như Nhật Bản (0,4-1,2% tùy vào thời hạn vay) ; Hàn Quốc (0-2% tùy theo điều kiện đấu thầu) hay Ấn Độ (1,75%/ năm). Chưa kể, vay vốn từ Trung Quốc sẽ phải chịu phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%. Đối với vay thương mại, dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (Nghệ An) với mức đầu tư 2 tỉ đô la Mỹ, phải vay vốn Trung Quốc với mức lãi suất vay từ nguồn tín dụng thương mại là 10,86%/năm.
Theo các chuyên gia từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có ít nhất 5 vấn đề sau đây cần phải được các quan chức 'chóp bu' lưu ý để làm tốt trọng trách của mình :
Một, hãy quan tâm đến hiệu quả kinh tế thực sự của các dự án lớn ;
Hai, nên chú trọng vòng đời vận hành của các dự án, hơn là chăm chăm vào chi phí bỏ thầu thấp của Trung Quốc ;
Ba, tránh việc trở thành con nợ chung thân của Trung Quốc với các điều khoản vay nặng nề như lâu nay ;
Bốn, hãy vì tương lai giống nòi để chú trọng vấn đề môi trường ;
Năm, ‘giọt máu đào hơn ao nước lã’, hãy đảm bảo sinh kế của người dân tại những nơi có dự án Trung Quốc.
Tuy nhiên đến nay phía những nhà lãnh đạo cao nhất Việt Nam như ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Xuân Phúc dường như vẫn thờ ơ các nội dung cảnh báo đó. Người ta chưa thấy báo chí đăng tải một phát biểu nào về mối nguy Bắc thuộc đang hiện diện tại Việt Nam từ các quan chức hàng VIP ấy.
Giả dụ thần Kim Quy là có thật, hôm nào đó vì ngộp thở quá do hồ Gươm ô nhiễm, Kim Quy trồi lên thoi thóp rồi nói rằng : "Giặc không còn sau lưng nữa, mà đang chung giường với bệ hạ đó !"…
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 07/03/2019
Chú thích :