Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

dimanche, 15 septembre 2024 23:33

Chuyến tông du thứ 45 của Giáo hoàng

Hành trình dài của hòa bình, đối thoại và tình yêu thương

Ở tuổi 88, Giáo hoàng Francis (Phanxico) vừa kết thúc chuyến tông du dài nhất đến 4 nước, ngay cạnh, nhưng không bao gồm, Việt Nam.

francis1

Giáo hoàng Francis đeo vòng hoa khi ngài đến dự buổi đối thoại liên tôn với giới trẻ tại Catholic Junior College, Singapore, 13/9/2024.

Dài nhất, rộng nhất, hiện đại và hoang sơ nhất

Đây không chỉ là chuyến đi dài nhất về quãng đường mà còn được coi là sâu rộng nhất, mang ý nghĩa sâu sắc cả về tôn giáo và xã hội. Trong suốt 11 ngày, từ ngày 2 đến 13 tháng 9, Ngài đã đến Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore với hành trình gần 20.000 dặm.

Ngài đã băng qua Jakarta, thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới ở Indonesia và đặt chân đến Singapore, được coi là sạch nhất thế giới ; Ngài chứng kiến những nơi môi trường bị tàn phá tan hoang và cả những vùng hoang sơ như "vườn Địa đàng" ở quốc đảo Papua New Guinea.

Đây là chuyến thăm quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt khi Ngài đến với một quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới là Indonesia, và một quốc gia có tỷ lệ người Công giáo cao nhất thế giới sau Vatican, là Đông Timor ; nơi "tận cùng thế giới" ở Papua New Guinea và một trong những thành phố hiện đại nhất là Singapore.

Về nội dung thì Đối thoại Liên tôn, Hòa bình, Phẩm giá và Môi trường có lẽ là điểm nhấn quan trọng nhất trong chuyến đi lần này của Ngài.

Indonesia : Đối thoại liên tôn và Tuyên bố chung Istiglal

Chặng đường đầu tiên là Indonesia, quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới với 242 triệu tín đồ. Tại đây, có lẽ Đối thoại Liên tôn là ưu tiên quan trọng và rõ rệt nhất của Giáo hoàng khi Ngài nhiều lần nhấn mạnh rằng không thể xây dựng hòa bình nếu không có sự hiểu biết và hợp tác giữa các tôn giáo khác nhau.

Ngài đã trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm khuôn viên Đền thờ Hồi giáo Istiqlal lớn nhất ở Đông Nam Á với sức chứa lên đến 250.000 người, chỉ đứng sau Mecca và Medina về quy mô và mức độ ảnh hưởng.

Lãnh đạo của hơn 1,4 tỷ tín đồ Công giáo đã ngồi tại đó cùng Đại giáo sĩ Hồi giáo Nassaruddin Umar để thúc đẩy sự khoan dung và ôn hòa tôn giáo. Ngay trong ngôi đền đó, các Ngài đã cùng lên án "tình trạng mất nhân tính ngày càng trầm trọng" cũng như vấn đề "xung đột và bạo lực đang trở nên phổ biến".

Hai bên đã đồng ký tên vào một văn bản quan trọng là: "Tuyên bố chung Istiqlal". Văn bản quan trọng với sự ghi danh vào phía dưới của đại diện 6 tôn giáo được công nhận ở Indonesia là : Hồi giáo, Tin lành, Công giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo và Khổng giáo, thể hiện tính thống nhất của các tôn giáo trong nhận thức và hy vọng sẽ xô đẩy đến hành động quyết liệt.

Trả lời AFP, vị Đại giáo sĩ nhấn mạnh : "Chúng tôi có hai thông điệp chủ yếu. Thứ nhất là nhân loại là một, không thể chia cắt. Thứ hai là phải hành động để cứu lấy môi trường".

Papua New Guinea và Laudato Sí

Sau Indonesia là Papua New Guinea , một quốc đảo ven bờ Thái Bình Dương, với khoảng 2 triệu người Công giáo trong số gần 10 triệu dân sinh sống trên 600 hòn đảo và nói hơn 800 ngôn ngữ khác nhau (chiếm 12% tổng số ngôn ngữ trên thế giới).

Tại đây, Giáo hoàng đã thăm toàn quyền Sir Bob Bofeng Dadae, làm lễ công cộng, gặp gỡ giới trẻ và thăm các nhóm xã hội dân sự.

Đội chiếc mũ lông chim Thiên đường, biểu tượng cho quốc gia, Ngài nói về những nhà truyền giáo đã đến đây từ thế kỷ thứ 19 và vẻ đẹp của đất nước nhỏ bé này : "Anh chị em không thể không kinh ngạc trước những màu sắc, âm thanh, hương thơm và cảnh tượng hùng vĩ của thiên nhiên tràn ngập sự sống, gợi lên hình ảnh của Vườn địa đàng".

Tuy nhiên, hiện nay đất nước này đang phải đối mặt với vấn nạn khai thác tài nguyên quá mức. Nhiều khu rừng nguyên sinh ở Papua New Guinea đang bị đốn hạ để mang gỗ chảy ngược lên những quốc gia đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc.

Papua New Guinea có lẽ là nơi phản ánh rõ nét nhất Thông điệp Laudato Si , về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Với nguồn cảm hứng từ tông hiệu Thánh Francis Assisi, Giáo hoàng đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ và khẩn cấp đối với "tất cả những người có thiện chí" để đáp lại "tiếng kêu của trái đất và tiếng kêu của người nghèo".

Giữa chuyến thăm của Ngài, Việt Nam quằn mình trong bão lũ. Những hậu quả thảm khốc gợi  cho chúng ta cảm giác về một sự trả thù của mẹ thiên nhiên. Chúng ta càng thấm thía những lời kêu gọi của Giáo hoàng về trách nhiệm bảo vệ ngôi nhà chung trong thông điệp Laudato Sí.

Đông Timor : Tuổi trẻ, nụ cười và niềm hy vọng truyền giáo "ngược"

Sau Papua New Guinea là Đông Timor.

Đứng tại địa điểm mà 35 năm trước Giáo hoàng Gioan Phaolo 2 (John Paul II) đã làm lễ, khi Đông Timor còn thuộc Indonesia, Giáo hoàng Francis đã vinh danh một quốc gia nhỏ bé với lịch sử đẫm máu nhưng vinh quang trên con đường đi tìm sự độc lập cho riêng mình.

Trong bài giảng Ngài nói rằng  tuổi trẻ của Đông Timor là một món quà của "năng lượng, niềm vui là lòng nhiệt thành của dân tộc". Ngài dựa vào Kinh thánh để nói về một tương lai của "hy vọng và vui mừng, nơi mà áp bức và chiến tranh sẽ bị xóa bỏ vĩnh viễn" (Is 9,1-4)

Một ý nghĩa lớn lao khác trong bài diễn từ của mình là Đức Thánh Cha tin rằng Giáo hội Công giáo có thể học hỏi được nhiều người dân Châu Á.

Gần 500 năm truyền giáo đến vùng đất này, có lẽ những giáo sĩ đầu tiên không ngờ rằng bây giờ Châu Á đang là một trong những nơi có số lượng giáo dân tham dự thánh lễ đông đảo và dự phần vào đời sống đức tin mạnh mẽ nhất trên hành tinh.

Giữa lúc các quốc gia Châu Âu đang ít người tham dự thánh lễ , nhiều nhà thờ chỉ còn là những di tích của các chuyến thăm quan du dịch thì Châu Á, đặc biệt là Phillipines, Việt Nam và Đông Timor, đang chật kín người tham dự vào ngày Chúa Nhật.

Các nhà truyền giáo Châu Âu đầu tiên đã gieo hạt giống tin mừng ở Châu Á gần 800 năm trước, giờ đây có thể nhìn hoa trái sinh sôi khi nhiều linh mục, tu sĩ tại đây đã lên đường để truyền bá đức tin trên khắp các châu lục.

Nhiều tu sĩ, linh mục đã phục vụ giáo dân tại các nước Phương Tây như Hoa Kỳ, Úc Châu và cả Châu Âu.

Singapore : Đối thoại liên tôn và nền hòa bình bền vững

Chặng dừng cuối cùng của Giáo hoàng trong chuyến Tông du thứ 45 này là Singapore, nơi Ngài tiếp nối thông điệp quan trọng về Bảo vệ môi trường và Đối thoại liên tôn.

Đức Phanxico đã hội kiến với Tổng thống Singapore và Thủ tướng Lawrence Wong, sau đó phát biểu trước các cơ quan chính phủ và ngoại giao đoàn tại Đại học Quốc gia.

Ngài cũng đã có một thánh lễ công cộng tại Sân Vận động quốc gia Singapore với khoảng 50.000 người tham dự. Tại đây, Giáo hoàng cũng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giới trẻ trong việc thúc đẩy đối thoại và xây dựng một tương lai hòa bình bền vững.

Ngài cũng đã thăm nhà dưỡng lão St. Theresa để bày tỏ tình yêu thương và sự quan tâm đối với những người già neo đơn trong xã hội. Singapore là đất nước có sự đa dạng tôn giáo cho nên tại đây Ngài đã có cơ hội để kêu gọi sự hợp tác giữa các tín ngưỡng khác nhau, cùng xây dựng một nền hòa bình và tình yêu thương.

Sự tiếc nuối : Chuyến đi Việt Nam không thể xảy ra

Việt Nam là một quốc gia đông dân và có dân số Công giáo lớn thứ 3 tại Đông Nam Á. Một chuyến viếng thăm của Đức thánh cha từ lâu là niềm mong ước của toàn thể tín hữu Việt Nam và của chính Giáo hoàng.

Mặc dù lời mời chính thức đã được đưa ra, nhưng do những xáo trộn về chính trị ở thượng tầng và những trở ngại về ý thức hệ, cũng như các quan hệ phức tạp khác, mà chuyến thăm đã không thể được tiến hành trong tháng 9 này.

Dù không thể đến Việt Nam, Giáo hoàng đã gửi lời cầu nguyện và ủng hộ tinh thần tới cộng đồng Công giáo tại đây. Đặc biệt, khi nghe tin về những thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra, Ngài đã gửi thư bày tỏ "đau buồn và tình liên đới" với những nạn nhân ở Việt Nam.

Tóm lại chuyến đi thăm dài của Đức giáo hoàng Phanxico đến bốn quốc vừa qua là một hành trình đầy ý nghĩa, không chỉ với cộng đồng Công giáo mà còn với toàn thể thế giới.

Ngài đã mang đến một thông điệp về tình yêu thương, hòa bình và trách nhiệm chung trong việc bảo vệ hành tinh đẹp đẽ nhưng đang bị tàn phá dữ dội này.

Chuyến đi cũng nhắc nhở chúng ta về sự dữ và sự lành hằng hiện hữu trong lương tâm mỗi người.

Lê Quốc Quân

Nguồn : VOA, 15/09/2024

Additional Info

  • Author Lê Quốc Quân
Published in Diễn đàn

Giáo hoàng Francis, người thường có vẻ thích thú với việc làm người khác bất ngờ và bối rối, lại một lần nữa tiếp tục điều này.

giaohoang01

Giáo hoàng Francis được chào đón tại Nhà Toàn quyền ở Port Moresby (Vatican Media Divisione Foto)

Trong những năm qua, đã có nhiều lần Giáo hoàng Francis dường như cho thấy ông đang chậm lại, nhưng chỉ để một lần nữa tăng tốc những hoạt động của mình.

Đã gần 88 tuổi, Giáo hoàng bị đau ở đầu gối khiến việc đi lại trở nên khó khăn, những vấn đề ở ổ bụng do viêm túi thừa và dễ mắc phải các vấn đề về hô hấp sau khi bị cắt bỏ gần hết một trong hai lá phổi.

Mùa thu năm ngoái, Giáo hoàng Francis cho biết các vấn đề về sức khoẻ cho thấy chuyện công du ở nước ngoài trở nên khó khăn hơn. Ngay sau đó, ông đã hủy chuyến đi đến Các Tiểu vương quốc ả rập thống nhất (UAE), khiến đồn đoán gia tăng về tình trạng sức khoẻ của ông.

Nhưng đó là chuyện của quá khứ.

Hiện Giáo hoàng Francis đang trong chuyến công du nước ngoài dài nhất sau 11 năm 6 tháng đăng quang. Một chuyến đi với nhiều hoạt động, Timor-Leste, Indonesia, Papua New Guinea và Singapore - những nước có tín đồ Công giáo chiếm thiểu số.

Tại sao Giáo hoàng lại có chuyến công du dài và xa xôi như vậy ?

Các tín đồ nói chính niềm đam mê đã thôi thúc Giáo hoàng.

"Giáo hoàng rõ ràng có sức bền lớn và điều này được thúc đẩy bởi niềm đam mê tuyệt đối của ông đối với sứ vụ", linh mục Anthony Chantry, Giám đốc Tổ chức từ thiện của Giáo hoàng có tên Misio, người vừa được bổ nhiệm làm việc trong văn phòng truyền bá Phúc âm của Tòa thánh Vatican, nói.

"Giáo hoàng nói với chúng tôi về sứ mệnh bền bỉ để tiếp cận người khác, để làm gương".

Truyền bá Phúc âm

Khái niệm "sứ mệnh" của Kitô giáo đã phát triển qua nhiều thế kỷ. Mặc dù vẫn liên quan đến việc truyền bá Tin Mừng, nhưng hiện nay mục tiêu chính của sứ mệnh này tập trung vào các vấn đề bình đẳng xã hội và các hoạt động từ thiện".

Trong chuyến công du của mình, Giáo hoàng Francis đã gặp gỡ những người truyền giáo, bao gồm một nhóm từ Argentina hiện đang ở Papua New Guinea.

Trong nhiều chuyến đi trên khắp Châu Á bao gồm chuyến đi này, ông đi gần Trung Quốc, quốc gia có sự ngờ vực sâu sắc về Giáo hội, về sứ mệnh và động cơ của tổ chức này.

Giáo hoàng thường xuyên nhấn mạnh về tầm quan trọng của truyền bá Phúc âm cho mỗi tín đồ Công giáo. Thế nhưng ở nhiều nơi trên thế giới, vẫn còn khó tách bạch giữa khái niệm "nhà truyền giáo" và "truyền giáo" với những khái niệm về sự thực dân hóa của Châu Âu.

Khi số lượng các tín đồ Công giáo ở Châu Âu giảm đi, có phải "sứ mệnh" và "truyền giáo" ở Châu Á và Châu Phi là về sự mở rộng của Giáo hội tại các nơi đó hay không ?

"Tôi nghĩ rằng những gì ngài đang giảng dạy là Phúc âm của tình yêu, không gây hại cho ai. Ngài không cố gắng kêu gọi sự ủng hộ cho Giáo hội, đó không phải là mục đích của việc truyền giáo", linh mục Anthony nói.

"Điều đó không thể so sánh với việc truyền đạo để dân cải đạo, điều mà từ lâu chúng tôi đã không làm. Đó không phải là chương trình của Đức Thánh Cha và không phải là chương trình của Giáo hội. Những gì chúng tôi làm là chia sẻ và giúp đỡ người khác theo bất kỳ cách nào chúng tôi có thể, bất kể họ có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng.’"

Linh mục Anthony nói một người truyền giáo Thiên Chúa giáo trong thời đại ngày nay, mà Giáo hoàng Francis là một điển hình, là thực hiện những việc tốt và lắng nghe, nhưng đôi khi, "lúc cần thiết", cũng thách thức các ý tưởng.

"Chúng tôi tin Chúa sẽ làm phần việc còn lại, và nếu điều đó dẫn đến việc người dân chấp nhận Chúa Jesus Kitô, điều này sẽ tuyệt vời. Và nếu điều này giúp người dân trân trọng tâm linh của họ - văn hóa của chính họ - hơn nữa, thì tôi nghĩ đây là một thành công khác".

Chắc chắn Giáo hoàng đã nói nhiều về sự hòa hợp giữa các đức tin và tôn trọng các đức tin khác. Một trong những hình ảnh gây ấn tượng trong chuyến công du hiện tại của ông là hình ảnh ông hôn tay Đại Giáo sĩ Nasaruddin Umar của Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal ở thủ đô Jakarta và đặt tay của vị giáo sĩ này lên má ông.

giaohoang02

Một trong những hình ảnh ấn tượng nhất trong chuyến công du hiện tại của Giáo hoàng Francis là cảnh ông hôn tay Đại Giáo sĩ Nasaruddin Umar của Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal ở thủ đô Jakarta của Indonesia

Giáo hoàng đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt tại quốc gia có nhiều tín đồ theo Đạo Hồi nhất trên thế giới này.

Giáo hoàng Francis sẽ kết thúc chuyến đi marathon ở quốc gia cuối cùng là Singapore, có 3/4 dân số là người gốc Hoa, và có cộng đồng thiểu số theo Công giáo tham gia nhiều vào các sứ mệnh truyền đạo ở những khu vực có đời sống khó khăn hơn.

Trong hàng thế kỷ qua, cho đến nay, Singapore đã trở thành một trung tâm chiến lược trong khu vực của Giáo hội và những gì Giáo hoàng Francis nói và làm ở đó có thể đang được theo dõi chặt chẽ tại Trung Quốc, đặc biệt bởi những tín đồ Công giáo sống tại đó. Thật khó để có con số thật, nhưng ước tính khoảng 12 triệu tín đồ Công giáo tại quốc gia này.

Việc không có số liệu rõ ràng, một phần bởi vì những tín đồ Công giáo của Trung Quốc đã bị chia rẽ giữa Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc và giáo hội ngầm trung thành với Tòa thánh Vatican phát triển dưới chế độ cộng sản.

Để cố gắng đoàn kết giữa hai nhóm này, Giáo hoàng Francis đã bị cáo buộc làm hài lòng Bắc Kinh và bỏ mặc những tín đồ Công giáo trong các phong trào ngầm, những người không chịu chấp nhận sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc và phải đối mặt với những mối đe dọa bị đàn áp.

Lộ trình thận trọng

Các thỏa thuận đạt được trong những năm gần đây giữa Vatican và Bắc Kinh dường như đã dẫn đến một tình trạng, đó là chính phủ Trung Quốc bổ nhiệm các giám mục Công giáo và Giáo hoàng phải công nhận họ.

Trung Quốc nói đây là vấn đề về chủ quyền và trong khi Giáo hoàng Francis khẳng định ông có quyền quyết định cuối cùng - mặc dù thực tế không hoàn toàn như vậy.

"Giáo hoàng sẽ không phải lúc nào cũng làm hài lòng mọi người, nhưng tôi nghĩ Đức Thánh Cha thật sự muốn cho thấy rằng Giáo hội không phải là mối đe dọa đến một quốc gia", Linh mục Anthony Chantry nói. "Giáo hoàng đang bước trên một lộ trình cẩn trọng và đầy khó khăn, nhưng tôi nghĩ là Giáo hoàng đang ra sức gầy dựng một mối quan hệ với sự tôn trọng với chính phủ Trung Quốc".

Dù đúng hay sai, tất cả đều nhằm mục đích thu hút nhiều người hơn vào vòng tay của Giáo hội.

Một số người tiền nhiệm của Giáo hoàng Francis đã có thái độ cứng rắn hơn nhiều, dường như chấp nhận một cộng đồng Công giáo toàn cầu nhỏ hơn nhưng ‘thuần khiết’ hơn, thay vì phải nhượng bộ trong các mối quan hệ đối ngoại hoặc trong cách Giáo hội nhìn nhận, chẳng hạn về vấn đề ly hôn hoặc đồng tính".

Trong khi một số giáo hoàng rõ ràng cảm thấy thoải mái hơn trong việc nghiên cứu và thần học hơn là công du và có đám đông vây quanh, một số người, trong vai trò của họ, lại nghiêng về chính trị.

Rõ ràng khi công du, Giáo hoàng Francis đôi khi trông có vẻ mệt mỏi và mất sức trong các sự kiện ngoại giao, ông ấy nhanh chóng lấy lại sức khi nhiều tín đồ đến gặp ông và và được tiếp thêm năng lượng từ những người không phải là quan chức, đặc biệt là giới trẻ.

Chắc chắn đây không phải là một giáo hoàng tránh xa ánh đèn sân khấu - việc được mọi người vây quanh.

Có thể nói đây là sứ mệnh, nhưng dường như điều này đã chảy trong máu của ông.

Linh mục Anthony Chantry nói rằng chuyến đi mới nhất, dài nhất của Giáo hoàng chỉ là một sự tiếp nối, cho thấy Giáo hoàng cảm thấy Giáo hội nên tương tác với tín đồ Công giáo và không thuộc Công giáo như thế nào.

"Toàn bộ mục tiêu là chúng ta phải mở rộng vòng tay với người khác. Chúng ta phải làm cho mọi người cảm thấy được chào đón. Tôi nghĩ ngài (Giáo hoàng Francis) làm điều đó rất tốt, nhưng tôi không nghĩ ngài đang cố gắng lấy lòng hay ghi điểm cho bản thân, đó chỉ là con người của ngài.’

Có rất ít việc Giáo hoàng đã làm kể từ khi ông được bầu vào năm 2013 mà không làm khó chịu cho những người theo chủ nghĩa truyền thống Công giáo - những người thường cảm thấy rằng tinh thần tiếp cận cộng đồng của ông đã đi quá xa.

Các hành động của ông trong chuyến đi này khó có thể thay đổi điều đó.

Aleem Maqbool

Nguồn : BBC, 09/08/2024

Additional Info

  • Author BBC tiếng Việt
Published in Quốc tế

Giáo hoàng và lãnh đạo Hồi giáo Indonesia ra tuyên bố chung vì Hòa bình và Môi trường

Trọng Thành, RFI, 05/09/2024

Hôm nay, 05/09/2024, tại thủ đô Jakarta của Indonesia, giáo hoàng Francis và một lãnh đạo Hồi giáo Indonesia đã ký một tuyên bố chung kêu gọi chống việc "lợi dụng tôn giáo" để kích động xung đột và "có các hành động kiên quyết" để bảo vệ môi trường thiên nhiên.

tongdu1

Giáo hoàng Francis (ngồi) và đại giáo sĩ Hồi giáo Indonesia, Nasaruddin Umar tại Jakarta, Indonesia, ngày 05/09/2024. AP - Yasuyoshi Chiba

Theo AFP, trong "Tuyên bố chung Istiqlal", tên của thánh đường Hồi giáo Istiqlal, lớn nhất Đông Nam Á, giáo hoàng Francis và đại giáo sĩ Nasaruddin Umar đã bày tỏ lo ngại về "tình trạng mất nhân tính ngày càng trầm trọng" gắn liền với việc "xung đột và bạo lực trở nên phổ biến". Trả lời AFP, đại giáo sĩ Jakarta nhấn mạnh "chúng tôi có hai thông điệp chủ yếu. Thứ nhất là nhân loại là một, không thể chia cắt. Thứ hai là phải hành động để cứu lấy môi trường".

"Tuyên bố chung Istiqlal" là một sự kiện quan trọng hàng đầu trong chuyến tông du ba ngày của nhà lãnh đạo Giáo hội Công Giáo tại thủ đô của Indonesia, quốc gia đứng đầu thế giới về số tín đồ Hồi giáo, với hơn 241 triệu người. Đại diện của tất cả sáu tôn giáo được công nhận ở Indonesia, gồm Hồi giáo, Tin Lành, Công Giáo, Phật Giáo, Ấn Độ Giáo và Khổng Giáo, đồng ký tên vào Tuyên bố chung Istiqlal vì hòa bình và môi trường. 

Theo giới quan sát, việc ký kết Tuyên bố chung Istiqlal nói trên với lãnh đạo Hồi giáo Indonesia nằm trong nỗ lực thúc đẩy đối thoại liên tôn giáo, đặc biệt là với Hồi giáo, mà giáo hoàng chủ trương. Năm 2019, giáo hoàng Francis từng ký kết một văn bản thúc đẩy nhân loại đoàn kết với đại giáo sĩ Al-Azhar, ở Abu Dhabi, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.

Sau chặng đầu tiên Indonesia, giáo hoàng Francis sẽ đến các nước Papua New-Guinea, Đông Timor và Singapore.

Trọng Thành

*************************

Tại Indonesia, giáo hoàng kêu gọi chống "chủ nghĩa cực đoan và thái độ thiếu khoan dung"

Thanh Phương, RFI, 04/09/2024

Indonesia là chặng đầu tiên trong chuyến tông du Đông Nam Á và Thái Bình Dương của giáo hoàng Francis. Hôm nay, 04/09/2024, tại thủ đô Jakarta, ngài đã kêu gọi "tăng cường đối thoại liên tôn giáo" để chống "chủ nghĩa cực đoan và thái độ thiếu khoan dung". 

tongdu2

Giáo hoàng Francis và tổng thống Indonesia Joko Widodo trong buổi gặp với các nhà lãnh đạo Indonesia, xã hội dân sự và các cơ quan ngoại giao, tại phủ tổng thống ở Jakarta, Indonesia, ngày 04/09/2024. AP - Willy Kurniawan

Giáo hoàng Francis đã đưa ra lời kêu gọi trong bài phát biểu trước các đại diện chính quyền Jakarta và ngoại giao đoàn. Đối thoại liên tôn giáo là một trong những chủ đề chính của chuyến thăm Indonesia kéo dài 3 ngày. Ngày mai, ngài dự kiến gặp đại diện của 6 tôn giáo chính thức được công nhận tại nước này.

Trước đó, vào đầu buổi sáng hôm nay, giáo hoàng Francis, với vẻ khỏe mạnh và tươi cười, đã được tổng thống mãn nhiệm Joko Widodo đón tiếp trọng thể tại điện Merdeka (phủ tổng thống). Ngài đã có cuộc hội đàm riêng với nguyên thủ quốc gia Indonesia. Giáo hoàng cũng đã đến chào xã giao bộ trưởng Quốc Phòng Prabowo Subianto, người sẽ kế nhiệm ông Widodo vào tháng 10 tới sau khi đắc cử tổng thống vào tháng 2 năm nay.

Theo hãng tin AFP, khi tiếp giáo hoàng, tổng thống Widodo đã tuyên bố : "Tinh thần tự do và khoan dung là điều mà Indonesia và Vatican muốn loan truyền, nhất là trong một thế giới ngày càng bị xáo trộn". 

An ninh đã được tăng cường cho chuyến thăm Jakarta của giáo hoàng. Chính quyền đã huy động khoảng 4.000 binh lính và cảnh sát cùng với các tay súng thiện xạ, đồng thời phong tỏa một số trục lộ.

Trong những thập niên gần đây, Indonesia đã phải đối phó với Hồi giáo cực đoan, mà cao điểm là các vụ khủng bố bằng bom trên đảo Bali năm 2002, khiến 202 người thiệt mạng. Sau các vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử Indonesia này, chính quyền Jakarta đã trấn áp mạnh mẽ các phong trào Hồi giáo cực đoan. 

Indonesia, quốc gia có đến 17.500 đảo, là nước có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất thế giới, 242 triệu tín đồ, tức 87% dân số, trong khi cộng đồng Công Giáo chiếm chưa tới 3% dân số, chỉ khoảng 8 triệu giáo dân.

Thanh Phương

Additional Info

  • Author Trọng Thành, Thanh Phương
Published in Châu Á

Chuyến thăm Việt Nam của giáo hoàng Francis đang được chuẩn bị

Liên quan đến thời sự Châu Á, nhật báo công giáo La Croix ngày 10/04/2024 có bài viết đáng chú ý đề cập đến quan hệ Vatican và Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam của tổng giám mục Paul Richard Gallagher, bộ trưởng ngoại giao của Tòa Thánh từ ngày 09 đến 14/04.

giaohoang1

Giáo hoàng Francis đứng giữa Giám mục Hồng Kông và người tiền nhiệm của ngài, ngày 3/9/2023 tại Ulaanbaatar, Mông Cổ - © / Vatican Media AFP

Nhật báo công giáo nhận thấy, "chuyến thăm đánh dấu một giai đoạn mới cho việc tái lập quan hệ song phương giữa quốc gia cộng sản và Vatican" đã bị cắt đứt từ năm 1975 và quan trọng hơn chuyến đi còn nhằm chuẩn bị cho khả năng một chuyến tông du của giáo hoàng tới Việt Nam.

Tờ báo cho hay sau tổng giám mục Gallagher, thời gian tới đây quốc vụ khanh của Tòa Thánh, hồng y Pietro Parolin sẽ tới Việt Nam để làm các công tác tiền trạm cho chuyến đi của Giáo hoàng. Chính tổng giám mục Gallagher hồi tháng Giêng đã nói : "Tôi nghĩ là chuyến đi sẽ diễn ra. Giáo hoàng Francis cũng muốn tới Việt Nam và cộng đồng công giáo cũng mong mỏi rất nhiều điều đó".

Hiện tại Vatican chưa xác nhận điều gì, nhưng theo La Croix, chuyến thăm này có thể diễn ra trong khuôn khổ vòng tông du hơn chục ngày của Giáo hoàng tới một loạt các quốc gia : Indonesia, Papuasia New-Guinea, và có khả năng cả Đông Timor và đảo quốc Singapore, được dự trù vào cuối tháng 8 đầu tháng 9.

Tờ báo cho biết, chính giáo hoàng cũng đã tỏ ý muốn thăm Việt Nam. Trên chuyến bay thăm Mông Cổ trở về giáo hoàng đã nói đùa "nếu tôi không đến đó thì chắc chắn sẽ có ông Jean XXIV đến" trước khi ngài nhấn mạnh : "Chắc chắn một chuyến đi như vậy sẽ diễn ra (...), Việt Nam là một trong những trải nghiệm đối thoại rất tốt đẹp mà Giáo hội đã có được trong thời gian qua".

Thực tế thì đã có nhiều sáng kiến để nối lại quan hệ giữa Hà Nội và Vatican. Từ năm 2009, hai bên đã thiết lập nhóm công tác chung. Mới đây nhất là trong cuộc gặp của nguyên chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng với giáo hoàng tại Vatican hồi tháng 7 năm ngoái, hai bên đã đạt thỏa thuận đặt văn phòng đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam. Trước đó các liên lạc giữa Vatican và Việt Nam đều thông qua văn phòng đại diện tại Singapore.

Chuyên gia về công giáo Châu Á, Michel Chambon nhận định : "Hoạt động của Giáo hội Công giáo ở Việt Nam rất sống động, năng động, đặc biệt trong lĩnh vực xã hội, phong phú, giữa một trong những xã hội đang tiến bộ nhanh nhất khu vực".

La Croix ghi nhận, trong những thập kỷ gần đây, chính sách ngoại giao kín đáo của Giáo hội đã giúp dỡ bỏ những hạn chế về số lượng chủng sinh và linh mục được thụ phong. Tuy nhiên, chính quyền vẫn nắm quyền hạn chế số lượng và quy mô của các giáo xứ và tổ chức các cuộc tham vấn trước khi bổ nhiệm các giám mục. Ông Michel Chambon cho biết thêm : "Một số chủ đề vẫn còn gây tranh cãi, chẳng hạn như đòi đền bù tài chính cho đất đai của các Giáo hội bị chính phủ tịch thu, hoặc việc mở các trường tiểu học và trung học trong nước".

Liên Âu cải cách kiểm soát di dân

Tiếp tục với chủ đề chính của La Croix : "Di dân : Liên Hiệp Châu Âu muốn siết chặt biên giới". Hôm nay, Nghị Viện Châu Âu xem xét Hiệp ước về di dân và tị nạn, một vấn đề luôn nan giải của Liên Âu từ nhiều năm nay.

Xã luận của La Croix phân tích, thực chất của các văn kiện được nghị viện xem xét là Liên Âu muốn phân định rõ giữa di dân và người xin tị nạn. Một trong những điều khoản chính là dự trù lập những trại tạm giữ những người xin tị nạn ở gần biên giới nơi có dòng người nhập cư hợp pháp tràn vào đông, trước khi xét duyệt và trả những người bị từ chối trở lại nơi xuất phát.

Ngoài ra, văn kiện còn quy định việc phân bổ giữa các nước thành viên Liên Âu về trách nhiệm đón tiếp người nhập cư được chấp nhận tị nạn.

Mục tiêu của văn kiện là ngăn chặn người nhập cư không kiểm soát được, đồng thời vẫn bảo đảm tôn trọng các giá trị nhận đạo chung là che chở cho những người yêu cầu được bảo vệ vì cuộc sống bị đe dọa trong đất nước họ. Nhưng có vẻ như các nhà chính trị Châu Âu còn hướng tới mục tiêu khác, đó là cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu tới đây. La Croix nhấn mạnh : Không phải ngẫu nhiên cuộc bỏ phiếu hôm nay diễn ra 9 tuần trước cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu (09/06). Trong khi mà nhập cư là lá bài chủ của các đảng cực hữu ở Châu Âu để thuyết phục lôi kéo cử tri.

Chiến tranh Ukraine : Người Đức bị cáo buộc dính líu với Nga

Liên quan đến chiến tranh tại Ukraine, vẫn trên nhật báo La Croix có bài : "Hai công ty Đức bị cáo buộc tham gia tuyên truyền của Nga ở Mariupol". Sự việc liên quan đến những vật liệu xây dựng có hình hiệu (logo) của hai công ty Đức đã được phát hiện trong các công trình tái thiết khổng lồ thành phố Mariupol của Ukraine, bị Nga chiếm đóng. Chính quyền Đức đang nỗ lực xác minh tính hợp pháp của vụ việc này.

Theo thông tín viên của La Croix tại Đức, gần hai năm trước, vào ngày 21/5/2022, thành phố Mariupol của Ukraine thất thủ, sau ba tháng bị Nga bắn phá khốc liệt khiến hơn 20.000 người thiệt mạng. Moskva nắm quyền kiểm soát Mariupol sau khi đã tàn phá 90% thành phố cảng và 3/4 cư dân ở đây đã bỏ đi. Ngay sau đó, tổng thống Nga Vladimir Putin hứa sẽ xây dựng lại thành phố mà chính ông đã ra lệnh cho biến thành cát bụi.

Tuy nhiên, tuần trước, kênh truyền hình nhà nước Đức ARD đã tiết lộ sự tham gia của 2 công ty Đức vào dự án tái thiết này. Với những bằng chứng là hình ảnh và báo cáo hoạt động, tạp chí Monitor xác nhận sự hiện diện của tấm thạch cao và bê tông đúc sẵn mang nhãn hiệu Knauf với logo của tập đoàn WKB Systems.

Trước những cáo buộc như vậy này, WKB Systems vẫn giữ im lặng. Mặt khác, công ty Knauf đã công bố một thông cáo báo chí phủ nhận thông tin.

Ukraine với chiến thuật tiêu hao nhiên liệu

Vẫn về chiến tranh Ukraine, trên trang báo Les Echos có bài : "Các cuộc tấn công của Kiev vào các nhà máy lọc dầu Nga gây thiệt hại nặng nề cho Moskva".

Tờ báo cho hay : Cuộc chiến tiêu hao nhiên liệu Nga do quân đội của Kiev tiến hành là một trong những thành công thấy rõ nhất trong những tháng gần đây, đến mức Moskva buộc phải tạm thời cấm xuất khẩu xăng dầu và phải nhờ đến sự giúp đỡ của các đồng minh.

Kể từ đầu năm, hàng chục máy bay không người lái của Ukraine đã nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng nhiên liệu của Nga, đôi khi ở các khu vực xa biên giới. Một chiến lược thắng lợi khi Moskva buộc phải tạm thời cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel kể từ ngày 1/3 trong thời hạn sáu tháng.

Cuối tháng 3, các cuộc không kích của Ukraine đã khiến Nga mất 14% hoặc 15% công suất lọc dầu, theo ước tính của Reuters và NATO. Cơ quan này tiết lộ thêm rằng Nga đã yêu cầu Kazakhstan sẵn sàng cung cấp 100.000 tấn xăng trong trường hợp tình trạng thiếu hụt trở nên trầm trọng hơn do các cuộc tấn công này. Về phần mình, Belarus cũng sẽ đồng ý giúp Nga tự cung cấp xăng nếu cần thiết.

Chiến thuật của Kiev còn gây ra hệ quả ở mặt trận. Theo tình báo Anh, Nga đã phải đưa các hệ thống phòng không hiện đại về bảo vệ xung quanh các nhà máy lọc dầu, nên các vị trí của Nga trên mặt trận sẽ được bảo vệ kém hơn. Và những khó khăn về hậu cần do thiếu nhiên liệu có thể gây ra có thể gây ra sự chậm trễ trong việc vận chuyển quân.

Vì sao xe hơi điện Trung Quốc làm ùn tắc cảng Châu Âu ?

Liên quan đến kinh tế, Le Figaro có bài viết với hàng tựa : "Xe hơi điện sản xuất tại Trung Quốc làm tắc nghẽn các cảng Châu Âu".

Bài báo cho hay, các cảng của Châu Âu giờ đang trở thành bãi đậu cho các xe hơi điện chế tạo tại Trung Quốc. Hiện tượng không hẳn cho thấy xe hơi điện Trung Quốc đang bán rất chạy ở Châu Âu. Vấn đề là ở chỗ những nhà chế tạo xe hơi Trung Quốc, những người mới nhảy vào thị trường, không dự trù được hết vấn đề giao thông để vận chuyển xe của họ về các đại lý bán hàng hoặc họ không thuê được xe vận tải vì nhiều lý do khác nhau.

Một yếu tố khác là các nhà chế tạo xe Trung Quốc không bán được hàng nhanh như dự liệu nên mới bị dồn ứ lại cảng, trong khi các hãng xe điện Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu sang Châu Âu. Riêng trong năm 2023 đã tăng 58%. Ở một số cảng của Châu Âu, xe điện Trung Quốc nằm chết dí ở sân cảng đến cả gần 2 năm trời.

Daesh đe dọa tấn công Champions League UEFA

Le Figaro cho biết tổ chức Nhà nước Hồi giáo vừa tung lên internet đe dọa sẽ tấn công các sân vận động tổ chức các trận đấu sắp tới của Champions League (Cúp C1 bóng đá Châu Âu) ở các thủ đô Madrid, Luân Đôn và Paris. Những đe dọa như thế này không có gì mới, nhưng phản ứng của cơ quan an ninh của các thành phố trên chứng tỏ nguy cơ khủng bố Hồi giáo cực đoan ở Châu Âu là có thực và không hề nhỏ, đặc biệt từ sau vụ tấn công rạp hát Crocus City Hall ở ngoại ô Moskva hôm 22/03.

Hàng nghìn cảnh sát sẽ được huy động ở Pháp, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh ngay hôm nay, ngày diễn ra các trận tứ kết lượt đi của Champions League. Pháp đã nâng mức báo động khủng bố lên mức cao nhất từ đầu tháng, thông báo tăng cường lực lượng bảo vệ trận cầu trên sân Parc des Princes tối nay giữa câu lạc bộ Paris Saint-Germain và Barcelona

Tại Tây Ban Nha, mức báo động khủng bố nâng lên cấp 4 trên 5, Bộ Nội vụ cho biết họ đã tăng cường an ninh với hơn 2.000 đặc nhiệm từ cảnh sát quốc gia và Lực lượng Bảo vệ Dân sự. Các biện pháp tương tự cũng được triển khai tại Luân Đôn. Trong mọi trường hợp xảy ra, điều có thể thấy ngay lúc này là những kẻ tuyên truyền của Nhà nước Hồi giáo đã đạt được một phần mục tiêu là gây hoang mang lo sợ.

Anh Vũ

Additional Info

  • Author Anh Vũ
Published in Quốc tế
dimanche, 31 juillet 2022 08:54

Đồng hành

"Đồng hành" : đó là chủ đề được viết bằng hai thứ tiếng Anh "Walking Together" và Pháp "Marcher Ensemble" mà tôi xem là nổi bật nhứt trong chuyến viếng thăm Canada mới đây của Đức Phanxicô, nhà lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Công giáo trên toàn thế giới. Là một tín hữu công giáo, tôi thường theo dõi điều được gọi là các "chuyến tông du" của các vị giáo hoàng. Theo dõi để lắng nghe các lời giảng dạy của những người được xem là có một uy tín lớn trong lãnh vực tinh thần. Theo dõi để hiểu biết lịch sử và văn hóa của những đất nước được các vị giáo hoàng viếng thăm và dĩ nhiên, qua đó, gặp gỡ và bày tỏ sự cảm thông hay đúng hơn học hỏi để biết tỏ ra cảm thông đối với người dân các nước đó.

pape1

Đức Phanxicô đi đến tận nơi đã diễn ra tội ác để nói lên hai tiếng xin lỗi và bày tỏ sự sám hối.

Mãi cho đến giữa thập niên 1960, được nhìn thấy một vị giáo hoàng bằng xương bằng thịt là một ân huệ hiếm có trong đời của một người công giáo. Năm 1929, dưới thời nhà độc tài Benito Mussolini (1883-1945), Ý và Tòa thánh Vatican đã ký một thỏa ước qua đó Ý nhìn nhận Vatican như một quốc gia. Nhưng cũng kể từ đó, nhà lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Công giáo bị giam hãm trong bốn bức tường của Điện Vatican chẳng khác nào một tù nhân. Năm 1964, Đức Phaolô VI đã làm một bước đột phá lịch sử khi ra khỏi điện Vatican để hành hương đến Thánh Địa, nơi chào đời của Chúa Giêsu. Kể từ đó, lên đường viếng thăm các nước được những người kế vị Đức Phaolô VI xem như một truyền thống phải tuân giữ.

Trong hầu hết các chuyến viếng thăm được gọi là "mục vụ" của các vị giáo hoàng, các tín hữu công giáo tại những nước được viếng thăm có dịp "chiêm ngưỡng" dung nhan của người mà họ thường cung kính gọi là "Đức Thánh Cha" và lắng nghe từng lời giảng dạy của các ngài. Nhưng với riêng tôi, dường như trong chuyến viếng thăm Canada lần này, Đức Phanxicô không đến đó để giảng dạy cho bằng bày tỏ sự sám hối. Chính Ngài gọi chuyến viếng thăm là một cuộc hành hương sám hối. Trong nhiều dịp khác nhau, kể từ năm 2000, các vị giáo hoàng không ngừng nói lên lời xin lỗi vì những tội ác của "con cái Giáo hội" qua suốt dòng lịch sử của Giáo hội tại rất nhiều nơi trên thế giới. Nhưng những lời xin lỗi ấy chỉ được thốt lên trong những nghi thức trang trọng được cử hành ở trung tâm của Giáo hội là Roma. Nay, Đức Phanxicô đi đến tận nơi đã diễn ra tội ác để nói lên hai tiếng xin lỗi và bày tỏ sự sám hối. Trong một cuộc gặp gỡ với những người bản địa Canada tại Thành phố Edmonton, Tỉnh bang Alberta hôm thứ Hai 25 tháng Bảy vừa qua, ngài đã đội trên đầu chiếc mũ làm bằng lông chim đặc trưng của người thổ dân và lập lại nhiều lần hai tiếng xin lỗi.

Lời xin lỗi của Đức Phanxicô được đưa ra gần nơi đã từng có một trường nội trú dành cho trẻ em người bản địa. Với hệ thống trường nội trú dành cho trẻ em bản địa, trong suốt một giai đoạn kéo dài trên 150 năm, Chính phủ Canada đã tách biệt trẻ em bản địa khỏi gia đình của chúng với mục đích xóa bỏ văn hóa và truyền thống của các em và áp đặt văn hóa của người da trắng lên các em.

Một trong những nỗ lực đồng hóa này là trao phó các trường nội trú cho các Giáo hội Kitô Giáo, trong đó nổi bật nhứt là các linh mục và tu sĩ công giáo. Những nhà truyền giáo này đã ép buộc các trẻ em thổ dân phải gia nhập Kitô Giáo và đồng hóa các em vào nền văn hóa Canada. Tính chung đã có khoảng 150.000 trẻ em từ các bộ lạc của người bản địa đã bị bắt đi và đưa vào 139 trường nội trú, hầu hết do Giáo hội Công giáo điều hành. Năm 2015, một bản báo cáo của Ủy ban Sự thật và Hòa giải đã phanh phui những câu chuyện về các trẻ em bản địa "bị lạm dụng về thể lý và tính dục." Những nấm mồ vô danh được khai quật trong các trường nội trú cũng cho thấy tính cách mờ ám của nhiều cái chết của trẻ em bản địa. Bản báo cáo khẳng định rằng hệ thống các trường nội trú dành cho các em bản địa không được thiết lập để "giáo dục" các em mà "chính là để cắt đứt mối liên hệ của các em với nền văn hóa và bản sắc của các em". Bản báo cáo kết luận rằng hoạt động của các trường nội trú này "có thể được mô tả như một cuộc diệt chủng văn hóa" (1).

Hai tiếng xin lỗi rất chân thành của Đức Phanxicô đã tạo ra một niềm cảm xúc sâu xa nơi nhiều người dân bản địa Canada. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng lời xin lỗi và sám hối ấy chưa đủ. Như được nhìn thấy trên một tấm biểu ngữ được treo trước Vương cung Thánh đường Sainte Anne de Beaupré ở Québec hôm thứ Năm 28 tháng Bảy vừa qua, một số người bản địa đã yêu cầu Đức Phanxicô "Hãy hủy bỏ học thuyết"  (Rescind the Doctrine). "Học thuyết" mà những người biểu tình muốn ám chỉ là "Học thuyết khám phá" (Doctrine of Discovery). Đây là học thuyết được các giáo hoàng ở Thế kỷ 15 đề ra trong một số sắc lệnh để khuyến khích các vua, đặc biệt là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha lên đường chinh phục đất đai của các dân tộc bản địa, cách riêng tại Mỹ Châu, xóa bỏ văn hóa của họ và  áp đặt lên họ  Kitô Giáo cũng như nền văn hóa của người da trắng ở Âu Châu. Theo linh mục dòng tên Ricardo da Silva, "mặc dù giáo hoàng và Tòa thánh Vatican đã thoát ra khỏi tâm lý coi người bản địa và những người không theo Kitô Giáo là thua kém các Kitô hữu da trắng Âu Châu, lời kêu gọi thu hồi "học thuyết khám phá" vẫn chưa được đáp ứng" (2).

pape2

"Học thuyết khám phá" quả là một vết nhơ của Kitô Giáo nói chung, chứ không riêng của Giáo hội Công giáo La Mã.

Cùng với những cuộc thập tự viễn chinh và tòa điều tra vào thời Trung Cổ, "học thuyết khám phá" quả là một vết nhơ của Kitô Giáo nói chung, chứ không riêng của Giáo hội Công giáo La Mã. Dù chưa công khai "hủy bỏ học thuyết khám phá", nhưng khi đến tận nơi để nói lên lời xin lỗi với người dân bản địa ở Canada, Đức Phanxicô có lẽ đã nhìn nhận những lỗi lầm và tội ác, không phải chỉ của "con cái Giáo hội" trong suốt dòng lịch sử, mà còn của chính Giáo hội. Qua lời xin lỗi của nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo hoàn vũ, tôi nghe vọng lại lời tự thú mà Giáo hội trên khắp thế giới lập lại mỗi ngày, từng phút từng giây ở mỗi đầu thánh lễ "Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng".

Trong chuyến viếng thăm Canada lần này, Đức Phanxicô đã không "giảng dạy" hay dẫn giải về một điểm cao siêu nào trong giáo lý của Giáo hội Công giáo.  Nhưng với tôi, lời xin lỗi và cử chỉ khiêm tốn của ngài cũng đủ là một thông điệp rất có giá trị cho thời đại này: tự cho mình chiếm giữ sự thật và áp đặt lên người khác niềm tin tôn giáo và văn hóa của mình,  không những là một hành động "diệt chủng văn hóa" mà còn là một tội ác dẫn đến vô số những tội ác khác.

Tôi không biết các tín hữu Kitô, đặc biệt là người công giáo Mỹ có theo dõi chuyến viếng thăm Canada của Đức Phanxicô và nhận ra thông điệp ngài muốn nhắn gởi không. Cốt lõi của thông điệp và của chính Kitô Giáo lúc nào cũng là sám hối, khoan nhượng và cảm thông !

Một bài phân tách  trên trang mạng của Đài CNN mà tôi đọc được cách đây mấy hôm (3) đã ghi lại một số hình ảnh rất đặc trưng của cuộc bạo loạn trong tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6 tháng Giêng. Một trong những hình ảnh đó là cảnh  3 người đàn ông, mắt nhắm nghiền và đầu cúi xuống, đứng cầu nguyện trước một cây thập giá bằng gỗ sần sù. Ở một nơi khác, một người đàn ông cầm trên tay một quyển Kinh Thánh, áp chặt vào ngực như một chiếc thuẩn vững chắc. Rải rác trong đám đông, nhiều người giương lên những tấm bản có viết dòng chữ "Chúa Giêsu giải cứu" và đưa nắm tay lên trời.

pape3

Một hình ảnh rất đặc trưng của cuộc bạo loạn trong tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6 tháng Giêng là cảnh 3 người đàn ông, mắt nhắm nghiền và đầu cúi xuống, đứng cầu nguyện trước một cây thập giá bằng gỗ sần sù.

Thoạt nhìn qua, những hình ảnh như thế tưởng chỉ gợi lên những cuộc biểu dương tôn giáo bên ngoài một giáo đường nào đó. Nhưng đây không phải là những hình ảnh thường được thấy trong những buổi cầu nguyện ngoài trời, mà là điều mà nhiều người gọi là một cuộc nổi dậy của Kitô Giáo. Đây chính là hình ảnh của những người đã tấn công vào Điện Capitol để lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020.

Đây là lần đầu tiên, với cuộc bạo loạn này, nhiều người Mỹ ý thức được rằng Hoa Kỳ đang đối diện với Phong trào Dân tộc  Kitô giáo da trắng. Phong trào này sử dụng ngôn ngữ của Kitô giáo để nói lên sự thù nghịch đối với người Mỹ gốc Phi Châu và những người di dân da màu khác để thiết lập một nước Mỹ của người da trắng theo Kitô giáo.

Một biểu ngữ khác được nhìn thấy trong cuộc bạo loạn Ngày 6 tháng Giêng có in hình một lá cờ Mỹ với hàng chữ đi kèm : "Giêsu là Đấng Cứu Thế của tôi, Trump là Tổng thống của tôi". Xóa bỏ hàng rào tách biệt tôn giáo và chính trị là điểm nổi bật của Phong trào Dân tộc Kitô giáo. Một trong những niềm tin cốt lõi của phong trào này là : Hoa Kỳ đã được thành lập như một quốc gia Kitô giáo, tất cả các nhà lập quốc đều là những tín hữu Kitô Tin Lành thuần thành và Chúa đã chọn Hoa Kỳ để đóng một vai trò đặc biệt trong lịch sử. Thật ra, trong hàng ngũ các nhà lập quốc không thiếu những người vô thần hay thuộc những Giáo hội không phải là Tin Lành. Hơn nữa cho rằng Hoa Kỳ được thành lập như một quốc gia Kitô giáo và nhờ vậy được phồn thịnh là quên rằng quốc gia này có được phồn thịnh ở khởi đầu là nhờ sự đóng góp công lao mồ hôi nước mắt và ngay cả máu của người nô lệ gốc Phi Châu cũng như từ đất đai ăn cướp của người dân bản địa.

pape4

"Giêsu là Đấng Cứu Thế của tôi, Trump là Tổng thống của tôi".

Những băng hình đã được thu giữ từ cuộc bạo loạn cho thấy những người tham gia cuộc bạo loạn tuyên xưng và tôn thờ một Chúa Giêsu hoàn toàn đối nghịch với Đấng mà Kinh Thánh gọi là "Hoàng tử của Hòa Bình", một Đấng Cứu Thế chỉ đi giảng dạy và cứu rỗi bằng một con đường duy nhứt là khoan nhượng, cảm thông và tha thứ. Xét cho cùng, đó cũng chính là con đường cứu rỗi của mọi tôn giáo đích thực cũng như mọi nền đạo đức của con người.

"Đồng hành" : chủ đề của chuyến viếng thăm Canada vừa qua quả là chìa khóa để xây dựng một xã hội thực sự hài hòa. "Đồng hành" là chấp nhận và tôn trọng những khác biệt về ngôn ngữ, màu da, văn hóa , tôn giáo và ngay cả những quan điểm chính trị của người khác. Thiếu sự tương nhượng và cảm thông, thì suy đồi đạo đức là điều không thể tránh khỏi. Các chế độ độc tài, đặc biệt là độc tài toàn trị, cai trị bằng cách đồng bộ hóa người dân. Trung Quốc là một điển hình. Chế độ cộng sản này muốn xây dựng một "xã hội hài hòa" bằng cách áp đặt triệt để ý thức hệ cộng sản lên người dân. Trong cuốn sách có tựa đề "Chúng tôi bị hài hòa hóa : cuộc sống bị nhà nước theo dõi tại Trung Quốc" (We have been harmonized : life in China’ surveillance State) nhà báo người Đức Kai Strittmatter đã nói đến "hệ thống tín dụng xã hội" trong xã hội Trung Quốc hiện nay. Nhất cử nhất động của người dân đều bị theo dõi và "cho điểm". Bất đồng chính kiến được xem là hành vi "tồi tệ" nhứt trong mọi hành vi xấu.

pape5

Nhất cử nhất động của người dân Trung Quốc đều bị theo dõi và "cho điểm"

Điều gì đã xảy ra trong một xã hội mà người dân bị "hài hòa hóa" và theo dõi cặn kẽ như thế ? Tác giả đã trích dẫn "một cuộc thăm dò toàn cầu được thực hiện năm 2017 về điều gì khiến người dân lo lắng nhứt. Đa phần những người được khảo sát ở các quốc gia đều lo ngại nhất về tình trạng thất nghiệp, nạn tham nhũng hay bất bình đẳng. Trung Quốc là nơi duy nhất mà người dân xem "suy thoái đạo đức" (moral decline) là mối lo lắng hàng đầu"(4).

"Đồng hành" hay khoan nhượng, cảm thông là chìa khóa để xây dựng một xã hội hài hòa. Đó cũng chính là thước đo nhân cách của một con người.

Chu Văn

(30/07/2022)

Chú thích :

1. Scott Neuman, The pope’s apology in Canada was historic, but for some Indigenous people, not enough NPR, July 25,2022.

2. Ricardo da Silva, S.J , Could pope Francis revoke the 15th century ‘Doctrine of Discovery’ used to justify colonizing Indigenous peoples?  America, the Jesuit ReviewJuly 28, 2022, bản dịch của Trần Giao Thủy,  DCVonline July 29, 20022.

3. John Blake, An ‘Imposter Christianity’ is threatening American democracy CNN July 24, 2022.

4. Y Chan, Đọc "xã hội hài hòa" của Trung Quốc : Biết để soi mình, hiểu để rùng mình, Luật Khoa 19/07/2022

Additional Info

  • Author Chu Văn
Published in Văn hóa

Bảo vệ sinh thái : Giáo hoàng lên án giới tài chính, kêu gọi "cách mạng"

Khủng hoảng do đại dịch Covid-19 tiếp tục là chủ đề chính của các tuần báo Pháp. L’Obs tìm nguyên nhân giải thích tình trạng tiêm chủng chậm trễ tại Pháp. Tuần san Courrier International dành chủ đề chính cho nạn nhân hàng đầu của khủng hoảng y tế. Đó là phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ thuộc các nhóm xã hội yếu thế. Nhưng khủng hoảng y tế - xã hội không thể tách khỏi khủng hoảng khí hậu – môi trường.

francis

Giáo hoàng Francis via Reuters - VATICAN MEDIA

Tuần báo L’Obs đặc biệt chú ý đến cuộc gặp ngày 15/03/2021 tại Vatican, giữa Giáo hoàng Francis với một số chính trị gia, nhà hoạt động xã hội Pháp, với chủ đề chính : Tìm nguồn lực tài chính cho công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh. Tuần báo L’Obs phỏng vấn đạo diễn Cyril Dion và nghị sĩ Châu Âu Pierre Larrouturou. Nghị sĩ Pierre Larrouturou là người phụ trách báo cáo về dự luật Ngân sách 2021 (bao gồm ngân sách về chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh), chuẩn bị trình lên Nghị Viện Châu Âu.

Ông Pierre Larrouturou là tác giả cuốn "Aujourd’hui, l’esprit se révolte. Crise sociale, crise climatique : 7 solutions pour éviter l'effondrement" (Giờ đây, những ai có ý thức đều phẫn nộ. Khủng hoảng xã hội, khủng hoảng khí hậu : 7 giải pháp để tránh sụp đổ) (xuất bản 2020). Còn đạo diễn Cyril Dion là người bảo trợ cho Hội nghị Công dân vì Khí hậu Pháp, mà các đề xuất sẽ được đưa ra thảo luận trước Quốc hội Pháp đầu tuần tới. Đạo diễn Dion là tác giả bộ phim về môi trường "Demain" (Ngày mai), đoạt giải điện ảnh Cesar cho phim tài liệu hay nhất năm 2016.

Bài phỏng vấn, mang tựa đề "Giáo hoàng, Tài chính và Khí hậu", cho biết các nhà hoạt động Pháp đã thông báo với giáo hoàng Francis về dự luật Khí hậu tại Pháp và các thương lượng hiện nay tại Nghị Viện Châu Âu về tài chính cho nền kinh tế Xanh. Đây là một cơ hội không thể bị bỏ lỡ. Giáo hoàng Francis tái khẳng định quan điểm của ngài. Theo đó, tình trạng tê liệt của nhiều chính phủ hiện nay trong vấn đề khí hậu là do áp lực của giới tài chính, đặt lợi ích kinh tế của họ lên trên lợi ích chung.

Giáo hoàng nhấn mạnh là nhân loại đã bỏ lỡ hai cơ hội : khủng hoảng tài chính 2008 và Thỏa thuận khí hậu Paris 2015, để có các đột phá. Kẻ gây cản trở chủ yếu là các "thế lực tài chính hùng mạnh" đặt lợi ích của họ lên trên hết. Cần phải có một cuộc "cách mạng" xã hội trên quy mô toàn cầu là ý tưởng mà cả hai phía chia sẻ, bên Đức giáo hoàng, cũng như phía các nhà hoạt động Pháp.

Giáo hoàng Francis đặt nhiều hy vọng vào giới trẻ, nhưng Giáo hội Công giáo cũng có các nguồn lực riêng. Theo nghị sĩ Pierre Larrouturou, nhiều lãnh đạo quốc tế hàng đầu, như tổng thống Mỹ, thủ tướng Đức lắng nghe nhà lãnh đạo Vatican, bên cạnh đó mạng lưới các tu sĩ Dòng Tên hoạt động rất mạnh về môi trường.

Nhân loại có chấp nhận đâm đầu xuống vực thẳm ?

Vấn đề trước hết nằm ở nhận thức. Nghị sĩ Châu Âu lưu ý, để giải quyết bế tắc hiện nay trong việc tìm nguồn tài chính cho công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh, vấn đề chủ yếu không thuộc lĩnh vực kỹ thuật, mà là thuộc lĩnh vực ý thức của con người, lĩnh vực của triết học và tâm linh, của niềm tin. Câu hỏi chủ yếu cần đặt ra là : Liệu nhân loại biết mình đang sắp đâm đầu xuống vực thẳm, vẫn quyết định đi tới hay không ?

Vận mệnh của nhân loại sẽ được quyết định chỉ trong vòng 20 hoặc 30 năm tới. Nghị sĩ Châu Âu nhấn mạnh là nhân loại sẽ kịp thoát hiểm, nếu có đủ nguồn lực tài chính cho công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh. Đánh thuế vào các giao dịch tài chính mang lại một nguồn quan trọng. Tại Châu Âu, mọi thứ đã sẵn sàng cho việc này, và ở Mỹ, chính quyền Joe Biden cũng đang suy nghĩ về hướng này để có nguồn chi cho kế hoạch khổng lồ "Green Deal" (tức thỏa thuận chuyển sang kinh tế Xanh).

Nghị sĩ Châu Âu thông báo với Giáo hoàng về biến chuyển mới tại Châu Âu trong các vận động lập ra sắc thuế đánh vào các giao dịch tài chính (TTF), với hy vọng có thể mang lại cho Châu Âu khoảng 60 tỉ euro/năm. Thương thuyết giữa 27 nước Liên Âu đã nối lại từ cuối tháng 2. Bỉ - vốn có quan điểm chống lại – đã bắt đầu thay đổi lập trường, Đan Mạch và Ba Lan cũng tương tự, nhưng Pháp vẫn giữ quan điểm phản đối.

Theo nghị sĩ Pierre Larrouturou, "toàn thế giới đang theo dõi phản ứng của Pháp và Châu Âu". Pháp và Liên Hiệp Châu Âu đã khẳng định rõ ràng các mục tiêu đầy tham vọng về Khí hậu, vì vậy, "nếu để xảy ra tình trạng "greenwashing" (tức "nói một đằng làm một nẻo" hay "treo đầu dê bán thịt chó") thì đây sẽ là điều rất nguy hiểm".

Phụ nữ : Người trả giá đắt nhất cho Covid

Nạn nhân hàng đầu của khủng hoảng đại dịch Covid-19 là phụ nữ. Đặc biệt là phụ nữ thuộc các nhóm xã hội yếu thế. Làm thế nào để giải quyết tình trạng này là chủ đề chính của tuần san Courrier International. "Thất nghiệp, cuộc sống bấp bênh, việc nhà quá tải… Từ Hoa Kỳ cho đến Nhật Bản, khắp nơi phụ nữ phải trả giá đắt cho khủng hoảng". Tuần san Courrier International tổng hợp tình hình, giới thiệu các ghi nhận về thực trạng và giải pháp trên báo chí nước ngoài. Từ vài tháng trở lại đây, trên báo chí nước ngoài, liên tục xuất hiện nhiều bài vở về tình cảnh khốn khổ của phụ nữ. The Washington Post cho biết hai triệu rưỡi phụ nữ Mỹ mất việc làm, trong lúc báo Hồng Kông South China Morning Post cho biết từ đây cho đến sang năm, sẽ có thêm 47 triệu phụ nữ lâm vào cảnh thất nghiệp.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng, theo nhà báo Mỹ Hanna Rosin. Trong bài viết trên tạp chí New York Magazine, nữ ký giả nhận định : các điều kiện của phụ nữ hiện nay bị tụt lùi một bước dài, trở về tương tự như trong những năm 1980. Chỉ trong vòng một năm, các tiến bộ của ba thập niên tan biến.

Một số nước công nghiệp phát triển, như Hoa Kỳ, cũng là nơi dịch bệnh hoành hành mạnh nhất, đã đưa ra hàng loạt biện pháp hỗ trợ tài chính quy mô. Kế hoạch 1.900 tỉ euro tổng thống Mỹ vừa ban bố hôm 11/03, tập trung đầu tư cho phụ nữ và trẻ em.

Courrier International dành 6 trang để giới thiệu bài phỏng vấn nhà tư tưởng nữ quyền Mỹ gốc Ý Silvia Federici, trên New York Times, người được coi là một trong những nhà tư tưởng nữ quyền quan trọng nhất của thế kỉ XX. Cách đây nhiều thập niên, nhà tư tưởng Mỹ đã báo động về thực trạng lao động của người phụ nữ trong gia đình bị hạ thấp ý nghĩa, các xã hội tư bản nhìn chung đã không thừa nhận lao động đặc biệt này. Lao động của người phụ nữ trong gia đình không chỉ liên quan đến việc mang thai, đẻ con, giáo dục con cái, mà còn là tất cả mọi công việc đóng góp vào việc duy trì sức khỏe, vào bữa ăn hàng ngày, vào tất cả những gì liên quan đến sự phát triển của các thành viên trong gia đình.

Theo nhà tư tưởng Mỹ, có rất nhiều điểm có thể làm để cải thiện tình trạng phụ nữ : nỗ lực thay đổi tận gốc rễ chế độ tư bản hiện nay (vốn chủ yếu dựa trên nguyên tắc tìm kiếm lợi nhuận), ngăn chặn việc thương mại hóa các lĩnh vực xã hội (từ y tế, nông nghiệp, đến trông nom trẻ…). Theo bà Silvia Federici, cuộc khủng hoảng hiện nay cũng là cơ hội để xây dựng các hình thức đoàn kết, tương trợ xã hội mới. Bài phỏng vấn của New York Times mang tựa đề : "Silvia Federici : người đã dự báo tất cả". 

Báo Hồng Kông South China Morning Post đặc biệt nhấn mạnh là tình trạng nghèo khó trở nên nghiêm trọng hơn với phụ nữ và trẻ em, không thể đảo ngược được, nếu không có các chính sách lớn, từ phía chính phủ các nước. Báo Hồng Kông nêu trường hợp một phụ nữ Việt Nam, như một ví dụ cho thấy người phụ nữ phải gánh chịu các thiệt hại kép. Cô Dương Thị Huyền, 28 tuổi, vốn là giáo viên dạy yoga, kể từ tháng 2/2020, không còn tìm được việc làm, trong bối cảnh dịch bệnh, do các trung tâm yoga thích tuyển dụng nam giới, do nam có điều kiện đầu tư cho công việc hơn. Người giáo viên yoga này giờ phải chuyển sang bán quần áo trên mạng, để kiếm chút đỉnh tiền nuôi con, tuy nhiên, công việc cũng không chạy vì khách hàng giờ đây cũng mua sắm ít hơn.

Pháp : Nguyên nhân khiến chiến dịch tiêm chủng sa lầy

Nước Pháp trầy trật đối phó với đại dịch là chủ đề chính của L’Obs. "Vac-xin : Cuộc chiến kỳ lạ" là tựa trang bìa của tuần báo L’Obs. L’Obs truy tìm nguyên nhân khiến chiến dịch tiêm chủng bị sa lầy tại Pháp.

Bài xã luận L’Obs ghi nhận nguyên nhân đầu tiên là quan điểm "quá thận trọng" của chính phủ Pháp, chọn con đường tiêm chủng với tốc độ được xác định là vừa phải, để không gây phản ứng chống đối từ phía những người ngờ vực vac-xin. Việc chính phủ tập trung trước hết cho các nhóm dân cư có nguy cơ cao, rồi dần dần mở rộng, nhìn chung được đánh giá là chính sách đúng đắn về mặt dịch tễ học, nhưng do áp dụng cứng nhắc, nến khiến các cơ sở y tế địa phương không rảnh tay lựa chọn các biện pháp mềm dẻo hơn, để nhanh chóng có nhiều người được tiêm chủng. Ngoài việc điều hành chiến dịch tiêm chủng trong nội bộ nước Pháp, Châu Âu bị chỉ ra như một nguyên nhân chính, khi toàn khối lâm vào tình trạng thiếu vac-xin.

Vẫn về đại dịch Covid-19 tại Pháp, tuần báo L'Express có bài phỏng vấn nhà dịch tễ học Dominique Costagliola, chỉ trích mạnh mẽ phong cách điều hành của tổng thống Macron, mà theo bà, đã không biết lắng nghe các nhà dịch tễ học thực sự. Theo nhà dịch tễ học nổi tiếng này, nước Pháp có nguy cơ tiếp tục phải đối mặt với làn sóng dịch mới vào cuối năm nay, đầu sang năm. Để ngăn chặn được làn sóng mới, phải đạt được mức tiêm chủng cho từ 80-90% cho nhóm dân cư có nguy cơ cao, tức nhóm cao hơn 50 tuổi. Mà tỉ lệ này là khó đạt được vào tháng 9 tới, với tốc độ tiêm chủng hiện nay. Nhà dịch tễ học Dominique Costagliola đoạt giải thưởng lớn của INSERM năm 2020, vì các đóng góp của bà trong cuộc chiến chống Covid-19.

Tranh cử tổng thống Pháp

Về chính trị nước Pháp, Chủ đề chính của Le Point tuần này là tham vọng ra ứng cử tổng thống Pháp của chính trị gia đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (LR), ông Xavier Bertrand, chủ tịch vùng Hauts-de-France.

Covid-19 : Món "lộc trời cho" với chế độ cộng sản Việt Nam

Cũng về Covid, nhưng tại Việt Nam, L'Express có bài phân tích : "Đối với chế độ cộng sản Việt Nam, đại dịch Covid-19 là một cơ hội trời cho". Trái ngược với nhiều quốc gia phát triển, Việt Nam là một quốc gia được coi là ốc đảo bình yên, với số lượng chính thức ca nhiễm Covid chỉ là hơn 2.500, và 35 người chết trong một năm. Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong đại dịch. Theo L'Express, "thành công" của chính quyền Việt Nam cơ bản là do tái sử dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ dân cư vốn có của chế độ cộng sản, các biện pháp của thời chiến, vào mục tiêu y tế. Đó là truy lùng nhanh nhất những ai tiếp xúc với người bị nhiễm virus, hoặc có nguy cơ lây nhiễm, và tiến hành các biện pháp cách ly mạnh tay. Nhìn chung, việc áp dụng trở lại các biện pháp của chế độ cộng sản thời chiến cũng khiến cho chính quyền hiện tại tăng cường khả năng kiểm soát xã hội. Chính vì vậy, L'Express gọi đại dịch Covid-19 là "một cơ hội trời cho" với chế độ cộng sản Việt Nam.

Miến Điện : Trung Quốc có thể mất tất cả với chính sách bắt cá hai tay

Về thời sự chính trị Châu Á, đáng chú ý có bài "Miến Điện : Trung Quốc có thể mất tất cả với tập đoàn quân sự" của báo Nhật được Courrier International giới thiệu. Bài viết của báo The Diplomat, Nhật Bản, vạch rõ thái độ hai mặt của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng Miến Điện hiện nay, và hệ quả gậy ông đập lưng ông của thái độ này. Nhưng không chỉ Trung Quốc thiệt hại. Toàn bộ khu vực sẽ phải gánh chịu hậu quả, nếu tập đoàn quân sự tiếp tục chính sách đàn áp.

Nguyên tắc của Bắc Kinh lâu nay là "không can thiệp vào công việc nội bộ" của nước khác, với Trung Quốc, đảo chính và khủng hoảng chính trị tại Miến Điện chỉ là công việc nội bộ của Miến Điện. Với quan điểm này, Trung Quốc đã không ủng hộ các dự thảo tuyên bố của Hội đồng Bảo an lên án đảo chính. Tuy nhiên, trước tình hình ngày một trở nên tồi tệ hơn tại Miến Điện, với số người chết do bạo lực quân đội tăng lên hàng ngày, Trung Quốc không thể giữ nguyên thái độ không can thiệp. Dù sao hành xử của Bắc Kinh hiện nay là cố gắng duy trì tính hai mặt : một mặt chấp nhận một phần các lên án quốc tế nhắm vào tập đoàn quân sự Miến Điện, mặt khác vẫn duy trì nguyên tắc không can thiệp.

Theo The Diplomat, sở dĩ Bắc Kinh bảo vệ đến cùng nguyên tắc "không can thiệp vào công việc nội bộ" của nước khác, do lo sợ đến lượt mình, Trung Quốc cũng sẽ bị quốc tế gây áp lực mạnh hơn trong các hồ sơ nhân quyền (như Tân Cương, Tây Tạng hay Hồng Kông). Theo một số nguồn tin rò rỉ từ nội bộ, đầu tháng 3 vừa qua, chính quyền Bắc Kinh đã có đàm phán bí mật với tập đoàn quân sự để bảo vệ an toàn cho các đường ống dẫn dầu nối liền Miến Điện với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Tuy nhiên, sự an toàn của các cơ sở kinh tế của Trung Quốc tại Miến Điện có lẽ khó được bảo đảm, nếu tình hình tồi tệ hơn.

Vấn đề là thái độ nước đôi của Bắc Kinh, dung túng tập đoàn quân sự, không chỉ khiến lợi ích kinh tế của Trung Quốc tại Miến Điện bị tổn hại, mà khiến toàn khu vực có thể chịu hậu quả dây chuyền.

Trọng Thành

Additional Info

  • Author Trọng Thành
Published in Quốc tế

Vatican : Giáo hoàng gây "dao động" tinh thần cho giáo dân

Tòa thánh Vatican gia hạn hiệp định tạm thời với Trung Quốc ; Ý kiến của đức giáo hoàng về hôn nhân đồng tính ; Sân sau của Putin bất ổn ; Covid-19 bất chấp giới nghiêm ; Dư âm vụ giáo viên môn sử-địa Samuel Paty bị khủng bố Hồi giáo sát hại là những chủ đề trên báo Pháp hôm nay 23/10/2020.

pope1

Giáo hoàng Francis trong chuyến tông du Philippines, ngày 18/01/2015.  AP - Aaron Favila

"Samuel Paty, gương mặt của Cộng Hòa Pháp", Le Monde nhắc lại tuyên bố của tổng thống Emmanuel Macron trong buổi lễ tưởng niệm nhà giáo bị chặt đầu lên trang nhất. Tình trạng lây lan của Covid-19 đã đến đâu ? Thủ tướng Pháp nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng là tựa chính của Le Figaro. Đồng nghiệp Les Echos đăng bức ảnh đường phố vắng tanh vào giờ giới nghiêm để minh họa cho viễn cảnh bi quan "kinh tế nguy ngập".

Giáo hoàng gây sóng : Đồng tính kết hôn có trái với giáo lý Công giáo ?

"Luật kết hợp dân sự cho hai người đồng tính", đức giáo hoàng thật sự muốn nói gì ? Tựa của La Croix dẫn đầu cho một loạt bài phân tích không riêng gì của nhật báo công giáo, cùng với quyết định gia hạn hiệp định tạm thời với Bắc Kinh, đó là hai chủ đề có nguy cơ gây chia rẽ trong nội bộ Công giáo.

Vào đầu, nhật báo công giáo cho biết trong cuốn phim tài liệu truyền hình, giáo hoàng tỏ ý mong muốn các cặp đồng tính phải được bảo vệ qua một đạo luật "kết hợp dân sự" trong những nước chưa có luật này. "Từ lúc còn là giám mục và từ khi làm giáo hoàng, đức cha Francis chưa bao giờ ủng hộ hôn nhân đồng tính. Hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ".

Vấn đề là niềm mong muốn này đã gây ra tranh luận : Phải chăng giáo lý của Giáo hội đang có chuyển biến ? Nhật báo công giáo mời hai cây bút thần học lý giải. Đức ông Pierre Debergé thẩm định khi đức giáo hoàng trình bày là ngài không có quyền phê phán khi có một người đồng tính tìm đến Chúa thì đó là phát biểu phát xuất từ đáy lòng của một linh mục. Giáo hội phải lưu tâm đến mọi hoàn cảnh của nữ giới và nam giới trong thời đại chúng ta, phải mở vòng tay đón tiếp và không xô đuổi bất kỳ ai.

Linh mục Laurent Lemoine, cây bút thần học thứ hai kêu gọi phải tìm hiểu đức giáo hoàng muốn nói gì. Còn quá sớm để kết luận là Francis chuyển hướng. Giáo hội nên quyết định ngưng chống đối tính chính đáng của những cặp đồng tính sống chung dưới mái nhà. Công đồng Vatican II kêu gọi là "phải nhìn nhận thực tế của trần thế". Giáo hội cũng nên phát khởi một công trình nghiên cứu thần học để tạo điều kiện cho các cặp và gia đình đồng tính, không chỉ được bao dung, mà còn phải được chấp nhận một cách chân thật trong cộng đồng xã hội. Để kết luận, tác giả thẩm định là tuyên bố của đức giáo hoàng không gây hệ quả gì cho quyền lực của Tòa Thánh.

Theo Le Monde, lời chia sẻ của đức giáo hoàng trong phim tài liệu bị phe bảo thủ xem là "chệch hướng" và công khai phản đối. Giám mục Thomas Tobin (Rhode Island) Hoa Kỳ phản ứng : "Tuyên bố của đức giáo hoàng đi ngược lại giáo lý bất di bất dịch của Giáo hội về kết hợp dân sự của những người cùng giới tính. Giáo hội không thể ủng hộ quan hệ, một cách khách quan, là chuyện phi luân lý".

Nhật báo thiên tả Libération cũng đặt câu hỏi theo lối chơi chữ : Giáo hội có sẵn sàng "kết hợp" với đức giáo hoàng hay chưa ? Điều chắc chắn là Tòa Thánh lo ngại nội bộ rạn nứt.

Tòa Thánh triển hạn với Bắc Kinh một thỏa thuận gây tranh cãi

Vì ước mơ muốn đi sang Trung Quốc mà đức giáo hoàng công nhận 8 giám mục do Bắc Kinh tấn phong. Nhật báo thiên hữu cho độc giả biết ai là người chủ xướng : Hồng y Pietro Parolin, ngoại trưởng của Tòa Thánh.

Đây là vấn đề không những gây tranh cãi mà còn làm giáo dân thất vọng. Theo Le Figaro, bất chấp mọi phản đối, Giáo hoàng Francis bám chặt vào ước mơ Trung Quốc, bật đèn xanh tái triển hạn thảo thuận với chính quyền cộng sản Bắc Kinh về vấn đề bổ nhiệm giám mục.

Trong bối cảnh gặp đối kháng trong lãnh vực địa chính trị, bị Mỹ và nhiều nước chỉ trích về vụ dịch Covid, quyết định này, do Hồng y Pietro Parolin, kiến trúc sư của chính sách thân thiện với Bắc Kinh thông báo, là một tin mừng cho chính quyền Trung Quốc trong nỗ lực "ve vãn" nhà nước Châu Âu cuối cùng còn thủy chung với Đài Loan.

Muốn theo dấu chân của linh mục Dòng Tên Matteo Ricci, truyền bá đạo Thiên Chúa vào triều đình Trung Hoa ở thế kỷ 16, Giáo hoàng Francis chấp nhận 8 giám mục do Bắc Kinh bổ nhiệm, đổi lại có ít nhất hai vị do Tòa Thánh bổ nhiệm phải được Bắc Kinh nhìn nhận.

Thế nhưng, từ hai năm nay, tình hình vẫn căng thẳng. Những giáo dân thuộc Giáo hội thầm lặng tiếp tục bị chính quyền ngược đãi như tín đồ hạng hai. Điển hình là giám mục Vinh Sơn Quách Hy Cẩm, giáo phận Mân Đông, Phúc Kiến bị buộc phải nhượng quyền cai quản cho giám mục nhà nước Chiêm Tự Lộc, ngày 04/10 hai tuần trước khi Trung Quốc được "tin mừng".

Trong nội bộ Giáo hội, nhiều người đã công khai cáo buộc Tòa Thánh đầu hàng. Hồng y Trần Nhật Quân ở Hồng Kông tố cáo ngoại trưởng Pietro Parolin "nói dối và tự che mắt" trước thảm nạn của giáo dân Hoa lục như biện pháp cấm thiếu niên theo đạo từ năm 2018.

Chủ tịch Tập Cận Bình, trong tham vọng kiểm soát toàn bộ dân chúng ở mọi giai tầng, đã ghi "tư tưởng" của mình vào Hiến Pháp. Hồng y Trần Nhật Quân cảnh báo Tòa Thánh : "Trung Hoa hóa tôn giáo không mang ý nghĩa hội nhập văn hóa mà thật sự là biến đảng thành đạo. Đảng cộng sản là thần linh và đảng trưởng là thượng đế". Chính bầu không khí "siết chặt ý thức hệ này" cản trở ước mơ của lãnh đạo Giáo hội hoàn vũ theo dấu chân thừa sai Dòng Tên Matteo Ricci. Chuyến công du Trung Quốc của giáo hoàng khó có thể được thực hiện trước nhiều năm cho dù Tòa Thánh đã im lặng trước chính sách đàn áp ở Hồng Kông và Tân Cương.

Thái Lan : Lý Tiểu Long can thiệp chiến thuật

Về thời sự Châu Á, Le Monde phân tích diễn biến mới tại Thái Lan : thủ tướng Thái lúng túng trước phong trào đấu tranh biến đổi không ngừng như Triệt quyền đạo của Lý Tiểu Long, chiến thuật của giới trẻ Hồng Kông.

Quyết định nhượng bộ của thủ tướng Chan O-Cha hủy bỏ tình trạng khẩn cấp và giả vờ như nhận lỗi không xoa dịu được phong trào tranh đấu. Sinh viên Thái không chấp nhận hành động đàn áp thô bạo của cảnh sát hôm thứ Sáu tuần trước trong khi phe biểu tình chỉ tụ tập một cách ôn hòa.

Chưa biết trong nhữg ngày tới tình hình sẽ diễn biến ra sao về phía chính quyền bởi vì theo nhận định của Le Monde, chính phủ Chan O-Cha ngày càng lúng túng không biết đối phó ra sao, không có một chiến lược đồng bộ đối đầu với một phong trào đa hình, đa dạng, bắt chước phong trào phản kháng tại Hồng Kông chống Trung Quốc : Biểu tình được tổ chức theo nguyên lý dòng nước của cố tài tử điện ảnh phim võ hiệp Lý Tiểu Long. Cụ thể, mỗi ngày, trên Tweet và các mạng xã hội khác nhau, thanh niên Thái cho điểm hẹn ở nhiều nơi tại thủ đô, thường là gần các trạm xe điện. Từ đó, họ nương theo các ngả đường, tuần hành luồn lách cảnh sát.

Một nhượng bộ khác của chính quyền được phóng viên Le Monde cho là quan trọng, đó là tiếp theo tuyên bố của thủ tướng Thái cam kết tôn trọng tự do ngôn luận, tòa án hình sự đã bác một quyết định của bộ Kinh tế Kỹ thuật Số "cấm đài Voice TV hoạt động" và trong phán quyết, tòa cho phép mọi "cơ quan truyền thông chuyên nghiệp có quyền trình bày quan điểm hay thông tin đúng theo đạo lý nghề nghiệp".

Chiến thuật lách né của Joe Biden

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng bước vào giai đoạn cuối với cuộc tranh luận sau cùng giữa hai ứng cử viên. Báo chí Pháp chưa kịp lên khuôn. Le Monde phân tích chiến thuật "tránh đòn" của Joe Biden.

Theo dõi hoạt động của cựu phó tổng thống Mỹ, thông tín viên Gilles Paris nhấn mạnh đặc điểm : Tin cậy vào điểm tín nhiệm trong công luận, ứng cử viên đảng Dân chủ, tỏ ra rất kín đáo, để cho Donald Trump loay hoay trong khủng hoảng y tế.

Kín đáo theo nghĩa tránh những đề tài gây tranh cãi như không cho ý kiến về câu hỏi có nên thêm thẩm phán trong Tối Cao Pháp Viện hay không ? Hay là cố tình tránh né các câu hỏi liên quan đến con trai Hunter Biden, sau một bài báo của New York Post.

Cũng liên quan đến bầu cử tổng thống Mỹ, Le Figaro bình luận rộng rãi về tin tình báo Mỹ tố cáo Nga và Iran can thiệp, tung tin giả làm hại Donald Trump. Iran và Nga rõ ràng là muốn Joe Biden đắc cử.

Vành đai an toàn của liên bang Nga căng thẳng

Moskva bị ép đẩy vì những biến động ngoài tầm kiểm soát. Tuy nhiên, không nên xem thường khả năng ứng phó "nguội" của Putin. Theo Les Echos, càng ngày tình hình ở các quốc gia sát nách Nga càng bất ổn từ Belarus, Kyrgyzstan cho đến Armenia và Azerbaijan.

Ba mươi năm sau khi đế quốc cộng sản tan rã, khủng hoảng chính trị ở Belarus, Kyrgyzstan và xung đột ở Thượng Karabakh làm người ta nghi ngờ ảnh hưởng thật sự của đàn anh Moskva. Một nguồn tin thân cận với Điện Kremlin nhìn nhận mối lo : Putin không thích các cuộc biểu tình phản kháng vì nó phủ nhận tính chính đáng của các chế độ đương quyền. Tình trạng bất ổn là một phản đề (biện chứng) đi ngược lại những gì tổng thống Nga chờ đợi.

Tuy nhiên, một nhà ngoại giao Châu Âu cảnh báo : không nên xem thường khả năng đối phó của Putin. Ông ta không thích phản ứng dưới sức ép.

Cuối cùng, Le Figaro dành một trang thể thao để mừng sinh nhật 80 tuổi của cầu vương Pélé, một huyền thoại bóng đá vượt thời gian.

Tú Anh

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Giáo hoàng Francis kêu gọi bảo đảm an ninh cho vùng Trung Đông (RFI, 25/12/2019)

Trong thông điệp truyền thống Urbi et Orbi nhân ngày lễ Giáng sinh hôm nay, 25/12/2019, giáo hoàng Francis đã kêu gọi cộng đồng quốc tế "bảo đảm an ninh cho vùng Trung Đông, đặc biệt là tại Syria". Từ ban công chính của đại giáo đường Thánh Phêrô ở Roma, Ngài còn kêu gọi giúp đưa Liban ra khỏi khủng hoảng.

pape1

Giáo hoàng Francis đọc thông điệp truyền thống Urbi et Orbi tại đại giáo đường Thánh Phêrô ở Roma, ngày 25/12/2019. Vatican Media/ Handout via Reuters

Trong thông điệp, giáo hoàng Francis lên án hành động của những nhóm cực đoan tại Châu Phi, nhất là ở Burkina Faso, Mali, Niger và Nigeria. Ngài cũng an ủi những người tại Châu lục này đang bị bách hại vì đức tin tôn giáo của họ, nhất là những nhà truyền giáo và những giáo dân bị bắt cóc.

Giáo hoàng cũng không quên tình hình tại nhiều quốc gia Châu Mỹ "đang trải qua nhiều xáo trộn xã hội và chính trị", bày tỏ hy vọng là người dân Venezuela nhận được sự trợ giúp mà họ cần đến.

Hôm qua, trong thánh lễ nửa đêm tại đại giáo đường Thánh Phêrô ở Roma, giáo hoàng Francis mời gọi mọi người xem tình yêu thương như là một món quà, chứ không phải là thứ để đổi chác.

Từ Roma, thông tín viên Eric Sennanque gởi về bài tường trình :

"Trong bài giảng, giáo hoàng Francis nhắc lại rằng việc Chúa Giêsu sinh ra tại Bethléem mời gọi chúng ta được bao bọc bởi sự dịu dàng của một hài nhi yếu đuối, đấng mà tín hữu Kitô Giáo còn gọi là hoàng tử của hòa bình. Giáo hoàng nhấn mạnh, Noel đặc biệt nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa yêu thương mỗi con người, vô điều kiện.

Ngài nói : "Trong đêm thánh này, trong vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa, chúng ta cũng khám phá lại vẻ đẹp của chúng ta, bởi vì chúng ta được Thiên Chúa yêu thương. Dù tốt dù xấu, dù khỏe mạnh hay đau yếu, dù vui hay buồn, trong mắt Chúa, chúng ta đều trông rất đẹp : không phải vì điều chúng ta làm, mà vì chúng ta là như thế".

Những lời giảng đó mang ý nghĩa đặc biệt đối với Emmanuel, đến từ Nigeria, rất vui sướng sau khi dự thánh lễ nửa đêm :

"Đất nước chúng tôi đang gặp nhiều bất ổn chính trị, phải đối phó với khủng bố Boko Haram, đó là một thông điệp gởi đến cho mỗi người trong chúng ta, Noel là thời khắc của hòa bình, của niềm vui. Chúa Kitô đã sinh ra vì mọi người : dù gốc gác từ đâu, dù theo tôn giáo nào, dù là Hồi giáo hay Thiên Chúa giáo, điều mà Chúa mong muốn, đó là tất cả chúng ta sống trong hòa bình và đoàn kết".

Nhiều khách hành hương và du khách hôm nay vẫn ở lại quảng trường Thánh Phêrô để nghe thông điệp Giáng sinh của giáo hoàng Francis và được ngài ban phép lành urbi et orbi".

Thanh Phương

*****************

Tuyệt vọng của người Kitô giáo ở Trung Đông, hố sâu chia cách về tôn giáo ngày càng lớn (RFI, 25/12/2019)

Tại Trung Đông, cộng đồng Thiên Chúa giáo từ Iraq đến Syria, từ Cisjordanie đến Ai Cập ngày càng mai một. Ngay tại chiếc nôi của Kitô giáo, những tín đồ của Chúa Giêsu bị truy bức. Các vụ khủng bố tấn công nhắm vào các nhà thờ tại các quốc gia với đa số dân theo đạo Hồi thường xuyên nổ ra trước sự im lặng của phương Tây cũng như của thế giới Hồi giáo.

pape2

Giáo dân dự lễ Giáng sinh tại Nhà Thờ Thánh Giu Se, Cairo, Ai Cập, ngày 24/12/2019 Reuters/Amr Abdallah Dalsh

Chuyến tông du của đức giáo hoàng Francis hồi tháng 2/2019 trên một vùng lãnh thổ của Hồi giáo liệu có hy vọng đảo được ngược thế cờ ? Trong một thế kỷ cộng đồng Kitô giáo trong khu vực này đang từ 20 % dân số rơi xuống còn chưa đầy 3 %. Tại Iraq hay Cisjordanie, tại thánh địa Bethlehem cũng như trong vùng được mệnh danh là "thung lũng của Thiên Chúa giáo tại Syria" giáo dân lần lượt phải bỏ xứ ra đi. Trong chưa đầy hai thập niên, cộng đồng theo đạo Thiên Chúa tại Iraq đang từ một triệu rưỡi nay chỉ còn chưa đầy 300.000. Từ ở Liban đến các vùng lãnh thổ của người Palestine, đâu đâu các tín đồ của chúa Kitô cũng sống trong sợ hãi.

Tổ chức tự nhận là một Nhà nước Hồi giáo từng tàn sát người theo đạo Thiên Chúa tại Syria hay Iraq. Các nhà thờ của cộng đồng người Copte ở Ai Cập từng là mục tiêu tấn công đẫm máu.

Năm 2003 khi Hoa Kỳ can thiệp vào Iraq, triệt hạ Saddam Hussein, một số người Thiên Chúa giáo tại đây từng hy vọng được sống trong một nền dân chủ. Từ đó tới nay, chính trị tại quốc gia Trung Đông này triền miên đi từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác. Gọng kềm nhắm vào cộng đồng Thiên Chúa giáo từ ở thành phố Bassora trù phú cho tới vùng đồng bằng Ninive ở miền bắc Iraq. Năm 2016, một nhà bình luận trên báo Le Figaro của Pháp thậm chí đã cay đắng cho rằng "tại đồng bằng Ninive này, chính sách thanh lọc tôn giáo đã thành công ngoài mong đợi". Tác giả, Adrien Jaulmes, không ngần ngại quy trách nhiệm cho cả các chính quyền tại các nước Hồi giáo. Ông viết : "Daech khi ra tay sát hại các tín đồ của Chúa Giêsu thực ra chỉ là một bước kế tiếp trên con đường đã được "nhiều tác nhân khác" đã vạch ra. Mục tiêu của những người này là xua đuổi khỏi những vùng đất mà chính đạo Thiên Chúa đã ra đời".

Ở vào đầu thế kỷ 20, với sự đồng lõa của người Kurdistan, đế chế Ottoman đã tiến hành một cuộc diệt chủng nhắm vào người Armenia. Gần với thời đại của chúng ta hơn, cuộc nội chiến Liban kéo dài trong vòng 15 năm ở vào thập niên 1980 không hơn không kém là một xung đột mang màu sắc tôn giáo. Dù vậy tới nay, Liban là một ngoại lệ. Đây là nơi duy nhất tại Trung Đông quyền lực hiện còn trong tay một người theo đạo Thiên Chúa và chính quyền nước này coi thế cân bằng trong guồng máy lãnh đạo giữa các tôn giáo là một ưu tiên. Nhưng ngay tại nơi này đây cũng chỉ là một thế "cân bằng rất dễ vỡ".

Trong mắt nhà sử học Jean-Pierre Valogne, chuyên nghiên cứu về các cuộc xung đột tôn giáo, "lịch sử oai hùng của Kito giáo tại Trung Đông đã quá nhiều lần bị gột tẩy, và bóp méo để rồi những người Thiên Chúa giáo bị xua đuổi khỏi mảnh đất họ từng sinh ra. May mắn lắm thì cộng đồng tôn giáo này mới được chấp nhận như những người con ghẻ, nếu không muốn nói là họ thường bị coi là những người xa lạ". Một cây bút khác của tờ Le Figaro, Renaud Girard tiếc là mỗi lẫn, ở bất cứ nơi nào trên thế giới cộng đồng Hồi giáo bị đàn áp, bị cướp đi quyền được sống, thì các nước phương Tây có truyền thống Thiên Chúa giáo luôn bước lên tuyến đầu. Nhưng không thấy quốc gia Hồi giáo nào lên tiếng trước các vụ thảm sát nhắm vào người Kitô giáo tại Trung Đông.

Phương Tây khi thì lên tiếng bảo vệ cộng đồng Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương lúc thì đòi Miến Điện trả lời về tội diệt chủng người Rohingya. Xa hơn nữa thì Anh, Pháp và Mỹ từng can thiệp quân sự khi chính quyền Serbia theo đạo Thiên Chúa sát hại 7.000 người Hồi giáo, đốt phá các đền thờ ở Sebrenica năm 1995.

Thanh Hà

*******************

Hàng ngàn người dự Thánh lễ tại Bethlehem (RFI, 25/12/2019)

Theo truyền thống vào khuya 24/12/2019, hàng trăm ngàn tín đồ trên thế giới tập hợp về thánh địa Bethlehem, nơi Chúa sinh ra đời dự lễ nửa đêm. Năm nay giáo dân thêm hân hoan, sau sự kiện một mảnh của chiếc nôi từng thuộc về chúa Giêsu sau hơn 1300 năm lưu lạc tại Châu Âu đã trở về lại thánh địa Jerusalem rồi được đưa về Bethlehem hồi tháng 11/2019. Trong bài giảng, tổng giám mục Jerusalem nhấn mạnh đến thông điệp hòa bình và lòng vị tha.

pape3

Tổng giám mục Jerusalem Pierbattista Pizzaballa chủ trì lễ tại Nhà Thờ Giáng sinh, ở Bethlehem, ngày 25/12/2019 Reuters/Mussa Qawasma/Pool

Thông tín viên đài RFI Guilhem Delteil tường trình :

"Hàng năm từ các lớp lãnh đạo của Palestine đến các nhà ngoại giao, phóng viên của nhiều quốc gia trên thế giới đều tập hợp về đây dự Thánh lễ nửa đêm. Năm nay, tổng giám mục Jerusalem biến sự kiện này thành một diễn đàn để trình bày tầm nhìn của ngài về thế giới chúng quanh, đặc biệt là về những xáo trộn trong khu vực.

Trong bài giảng, đức tổng giám mục Pizzaballa kêu gọi thế giới cùng nhau phát huy tinh thần của Bethlehem, đặt mình vào thân phận của những người khác. Theo tổng giám mục Pizzaballa, đến nay tinh thần này vẫn còn thiếu vắng trên vùng thánh địa. Ngài cũng đã mạnh mẽ lên án thái độ cam chịu và chấp nhận những mối chia rẽ trong quần chúng xuất phát từ những ý đồ chính trị.

Tổng giám mục Jerusalem không quên những người Thiên Chúa giáo trên dải đất Gaza. Năm nay, một lần nữa chỉ có rất ít người được chính quyền Israel cấp giấy phép đến Bethlehem chào đón Giáng sinh. Nhưng theo lời tổng giám mục Pizzaballa, "dường ở bất cứ nơi trên thế giới, các tín đồ của Chúa cũng bị bạo hành và sách nhiễu". Ngài kêu gọi tất cả hãy chấp nhận "sự hiện hữu của những người chung quanh, dù họ có khác chúng ta, bất luận đấy là người Do Thái, là các tín đồ Hồi giáo hay Thiên Chúa giáo".

Thanh Hà

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Việt Nam cấm xuất cảnh một linh mục trong đoàn dự thánh lễ với Giáo hoàng (VOA, 21/11/2019)

Linh mục Nguyn Đình Thc nói vi VOA rng ông b chính quyn Vit Nam cm xut cnh hôm 20/11 vì "yêu cu bo v an ninh quc gia và trt t an toàn xã hi" khi ông tháp tùng đoàn linh mc và giáo dân trong giáo phận Vinh đi Tokyo d mt thánh l nhân chuyến thăm ca Giáo hoàng Phanxico đến Nht.

giaohoang1

Biên bản của Công an Cửa khẩu Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cấm xuất cảnh Linh mục Nguyễn Đình Thục ngày 20/11/2019. Photo Facebook Nguyen Dinh Thuc.

Linh mục Nguyn Đình Thc chia s :

"Tôi không hiểu ti sao là lý do ‘an ninh quc gia’ khi tôi cùng mt đoàn có 15 người đi d thánh l vi Đc Thánh cha ch phi là vic gì đâu là li gi là ‘an ninh quc gia ?

"Tôi thấy công an, chính quyn Vit Nam rt t tin ! H mun cm ai thì h cm. H chng có lut l gì, hay mt lý do gì cho chính đáng."


VOA chư
a liên lc được vi Công an XNC sân bay Ni Bài đ tìm hiu thông tin việc linh mc Nguyn Đình Thc b cm xut cnh.

Hãng tin AFP trích lời linh mc Nguyn Đình Thc, giáo x Song Ngc, nói rng chính quyn nhm mc tiêu vào ông vì nhng hot đng bo v nn nhân ô nhim môi trường trong v nhà máy Formosa x thi gây thiệt hại các tnh min Trung, trong đó có Ngh An, t năm 2015.

Linh mục cho VOA biết đây là ln th hai ông b cm xut cnh :

"Năm 2017, khi tôi đi Úc cũng bị cm xut cnh và trong biên bn có ghi rng vic cm xut cnh do yêu cu ca Công an Ngh An. Sau đó, tôi có đ ngh gp lãnh đo Công an Ngh An nhưng h c hn ln hn la mãi.

"Lần này cũng vy. H bo rng nên v làm việc vi chính quyn đa phương đ gii quyết !"

Theo Vatican News, Giáo Hoàng Phanxico đang đi thăm Thái Lan bốn ngày, và s sang thăm Nht t ngày 23 đến 26/11. Nhà lãnh đo Công giáo La Mã theo d trù s ch trì mt thánh l ti mt sân vn đng thành phố Nagasaki và mt thánh l th hai ti sân vn đng Tokyo Dome.

*******************

Khoảng 12g30 hôm 20/11, Giáo hoàng Francis đặt chân xuống sân bay Quân sự tại Bangkok trong sự chào đón long trọng của nước chủ nhà Thái Lan.

pope1

Giáo Hoàng Francis đặt chân xuống sân bay quân sự tại Bangkok vào 12g30 ngày 20/11/2019

Chuyến viếng thăm Bangkok, Thái Lan chính thức của vị lãnh đạo khoảng 1,2 tỷ tín đồ Công giáo trên khắp thế giới, từ 20 đến 23/11, không chỉ được cộng đồng Công giáo người Thái tưng bừng đón chào.

Hàng ngàn giáo dân Việt Nam, từ mấy hôm nay, đã đến Bangkok, nô nức chờ giây phút được nhìn thấy Giáo hoàng, dù từ rất xa, và họ chắc chắn sẽ phải chen chúc với khoảng 70.000 người tham dự khác.

Sau chuyến thăm Thái Lan từ 20/11-24/11, Giáo hoàng Francis sẽ thăm Nhật Bản. Ông sẽ trở thành vị Giáo Hoàng thứ hai thăm hai nước này sau 35 năm, kể từ chuyến thăm đầu tiên của Giáo hoàng John II vào năm 1984.

pope2

Học sinh Thái Lan chào đón Giáo hoàng Francis

Đây được coi là cơ hội hiếm có để cộng đồng Công giáo tại Thái Lan và các nước lân cận diện kiến Giáo hoàng. Cộng đồng Cơ đốc giáo Việt Nam cũng tham dự một số sinh hoạt trong dịp này.

Chủ đề chính trong chuyến thăm lần này của Giáo hoàng Francis là nêu bật sứ mệnh bảo vệ môi trường và hòa bình.

Hoạt động của Giáo hoàng tại Thái Lan

Công tác đón tiếp Giáo hoàng đã được nước chủ nhà Thái Lan chuẩn bị từ lâu.

Ban tổ chức lập ngay kênh thông tin có tên popevisitthailand trên website, Facebook, Youtube, và Instagram, trong đó thông tin chi tiết và cập nhật liên tục hoạt động chuẩn bị và đón tiếp, đồng thời cung cấp các hình ảnh nóng hổi của chuyến thăm.

Một lễ "Đếm ngược" (Count-down) online được thực hiện trên các kênh này, tính từng giây tới thời điểm máy bay chở Giáo hoàng hạ cánh xuống sân bay quân sự của Hoàng gia Thái Lan hôm 20/11.

An ninh được thắt chặt tại các tuyến đường chính và các địa điểm nơi Giáo hoàng ghé thăm. Trong những ngày này, nhiều tuyến đường bị phong tỏa.

pope3

Một trong nhiều đoàn giáo dân từ Việt Nam vừa bay sang Thái Lan để chào đón Giáo hoàng Francis hôm 20/11/2019

Người tham dự sự kiện phải đăng ký với Ban tổ chức trước đó hơn một tháng. Do số lượng chỗ có hạn, không phải ai cũng được cấp thẻ.

Một số hoạt động trong chuyến thăm của Giáo Hoàng Francis không mở cửa cho truyền thông và công chúng, như các cuộc gặp riêng biệt với Thủ tướng Thái Lan, Đức Tăng Thống Somdet Phra Maha Muniwong, và với Vua và Hoàng hậu Thái Lan.

Sự kiện mở cửa cho công chúng và báo chí là Thánh Lễ chiều 21/11, dự kiến có sự tham dự của khoảng 70.000 người, trong đó khoảng 6.000 người là người Việt.

Additional Info

  • Author BBC tiếng Việt
Published in Châu Á

Ấu dâm trong Công giáo : Giáo hoàng khiến giới bảo vệ trẻ em "thất vọng" (RFI, 24/02/2019)

Hôm Chủ Nhật 24/02/2019, trong phiên kết thúc hội nghị giám mục toàn thế giới bài trừ lạm dụng tình dục trẻ em, Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi "một cuộc chiến tổng lực" chống tệ nạn này. Tuy nhiên, giới bảo vệ các nạn nhân tỏ ra thất vọng trước các kêu gọi chung chung của người đứng đầu Tòa thánh.

giaohoang1

Khép lại hội nghị bốn ngày chưa từng có về nạn ấu dâm trong Giáo hội Công giáo, giáo hoàng Phanxicô kêu gọi "một cuộc chiến tổng lực" ®CTV via Reuters

Trong tuyên bố khép lại hội nghị bốn ngày chưa từng có về nạn ấu dâm trong Giáo hội Công giáo, người đứng đầu Vatican đã so sánh các chức sắc của Giáo hội có hành động như vậy như là "công cụ của quỷ Sa Tăng". Theo Reuters, Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh là Giáo hội sẽ không quản ngại trong việc nỗ lực đưa ra công lý các thủ phạm trong Giáo hội lạm dụng tình dục trẻ em.

Người lãnh đạo Giáo hội đã dành một phần chính của bài phát biểu, kéo dài hơn nửa giờ đồng hồ, cho các thống kê của Liên Hiệp Quốc, và một số tổ chức khác, cho thấy nạn bạo hành tình dục là một thực trạng phổ biến trên thế giới, gần như ở khắp nơi, nhưng "phổ biến nhất là trong các gia đình". Giáo hoàng Phanxicô khẳng định nạn ấu dâm là điều khủng khiếp, dù xảy ra trong hay ngoài Giáo hội. Tội ác này phải được "xóa khỏi Trái đất này", ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, về các biện pháp cụ thể, giới bảo vệ nhân quyền bày tỏ vẻ thất vọng khi Giáo hoàng Phanxicô chỉ nhấn mạnh đến việc tăng cường thực thi các chỉ dẫn đã có, mà các hội đồng giám mục trên toàn thế giới đang bắt đầu áp dụng. Bà Anne Barret-Doyle, đại diện của nhóm bishop-accountability.org (được coi là hiệp hội phổ biến các thông tin về nạn ấu dâm trong Giáo hội đáng tin cậy nhất và đầy đủ nhất thế giới), cho biết hết sức thất vọng, bởi công luận đã từng trông đợi Tòa thánh sẽ có một "chương trình táo bạo và cương quyết",nhưng ngược lại, Giáo hoàng đã chỉ đưa ra các lời hứa hẹn chung chung, và những đề xuất đã được nhắc lại nhiều lần.

Trước đó, tổng giám mục Brisbane, Úc, tuyên bố Giáo hội Công giáo đã trở thành "kẻ thù lớn nhất" của ông, vì che giấu các hành động ấu dâm của giới tăng lữ. Lời lẽ của tổng giám mục Mark Coleridge rõ ràng là nghiêm khắc hơn nhiều so với tuyên bố của Giáo hoàng.

Lên án nạn hủy tài liệu và chỉ trích nguyên tắc bí mật

Giới quan sát đặc biệt chú ý đến điểm nổi bật của ngày làm việc hôm qua 23/02, các tiết lộ của hồng y Marx, chủ tịch Hội đồng giám mục Đức, về nạn tiêu hủy tài liệu, gây bất lợi cho các nạn nhân. Hồng y người Đức cùng một số giới chức cao cấp của Giáo hội cũng lên tiếng chỉ trích nguyên tắc bí mật của Tòa thánh trong việc xử lý các thủ pham.

Đặc phái viên Geneviève Delrue tường trình từ Vatican :

"Phát biểu nói trên sẽ đi vào lịch sử. Ngày làm việc thứ ba và cũng là ngày làm việc cuối cùng được dành cho chủ đề minh bạch. Chính tổng giám mục Munich đã nói rõ về tầm quan trọng của sự minh bạch, và đặc biệt là vấn đề lưu trữ các thông tin liên quan đến quản lý hành chính trong nội bộ Giáo hội Công giáo. Tổng giám mục Munich nhắc lại là : trong vấn đề các vụ lạm dụng tình dục, việc nhiều tài liệu bị tiêu hủy đã dẫn tới chỗ nạn nhân bị bịt miệng.

Tổng giám mục Munich tố cáo việc quyền của các nạn nhân bị chà đạp và bị phó mặc cho quyết định của một số cá nhân. Ông cũng phê phán nguyên tắc bí mật của Giáo hội liên quan đến việc xử lý các vụ lạm dụng tình dục đối với người vị thành niên.

Vẫn về chủ đề minh bạch và sự thật, một nữ tu người Niger, bà Veronica Opennibo, đã chất vấn toàn thể hội nghị, khi đặt câu hỏi : Tại sao chúng ta đã im lặng quá lâu như vậy ? Vị nữ tu nói trên cũng nêu ra một số vụ lạm dụng tình dục đầu những năm 1990 tại một số tu viện ở châu Phi.

Bà kết luận là các lý do nghèo đói và bạo lực tại một số nước phía nam không thể cho phép giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của nạn lạm dụng tình dục".

Trọng Thành

**********************

Giáo hoàng so sánh tội ấu dâm với nghi lễ hiến tế tà giáo BBC, 24/02/2019)

Giáo hoàng Francis vào cuối hội nghị thượng đỉnh của Giáo hội La Mã về nạn ấu dâm cam kết sẽ có hành động cương quyết nhằm xử lý tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em.

giaohoang2

Giáo hoàng Francis cam kết sẽ có hành động cương quyết nhằm xử lý tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em. Ảnh Reuters

Hành vi tội lỗi của các giáo sỹ là "công cụ của quỷ Satan", Giáo hoàng nói, và nói Ngài sẽ đối diện với từng vụ việc "một cách hết sức nghiêm túc".

Việc lạm dụng tình dục trẻ em, Ngài nói, khiến Ngài nghĩ tới những hoạt động tôn giáo cổ theo đó trẻ em bị đem hiến tế trong những nghi lễ tà giáo.

Các giám mục nay cần phải rà soát và củng cố các nội dung chỉ dẫn nhằm ngăn chặn tình trạng này và trừng phạt những kẻ thủ ác, Đức Giáo hoàng nói thêm.

Giáo hoàng phát biểu một cách chung chung, nhưng các nạn nhân sẽ muốn thấy các bước đi chi tiết trên thực tế được công bố rõ ràng, phóng viên BBC chuyên theo dõi chuyện Vatican, James Reynolds nói.

Giáo hoàng nói gì ?

"Tôi được gợi nhớ về hoạt động tôn giáo tàn độc vốn từng lan tràn khắp nơi trong nhiều thế kỷ, theo đó đem hiến tế con người - mà thường là trẻ em - trong những nghi lễ tà giáo", Ngài nói vào lúc kết thúc hội nghị thượng đỉnh kéo dài bốn ngày tại Vatican.

"Sự vô nhân đạo trong hiện tượng diễn ra trên toàn cầu này thậm chí đã trở nên nghiêm trọng hơn, bê bối hơn trong Giáo hội, bởi điều này đi ngược lại chức phận đạo đức và đạo lý của Giáo hội".

"Kẻ đã dâng mình cho Chúa, được Chúa chọn để dẫn dắt các linh hồn tới nơi được cứu rỗi, lại để bản thân mình bị khuất gối trước những cám dỗ của dục vọng cá nhân hoặc sự bệnh hoạn cá nhân, như vậy đã trở thành công cụ của quỷ Satan. Trong các vụ lạm dụng, chúng ta thấy rằng bàn tay của quỷ không buông tha kể cả sự thơ ngây của trẻ em".

Ngài hứa hẹn sẽ không còn tình trạng che đậy tội lỗi nữa, và nói toàn bộ những kẻ phạm tội sẽ bị đưa ra trước công lý.

Ngài cũng nhấn mạnh rằng lạm dụng tình dục trẻ em là một vấn nạn toàn cầu, "một hiện tượng diễn ra tràn lan ở mọi nền văn hóa, mọi xã hội".

"Kẻ đã dâng mình cho Chúa, được Chúa chọn để dẫn dắt các linh hồn tới nơi được cứu rỗi, lại để bản thân mình bị khuất thân trước những cám dỗ của dục vọng bản thân hoặc của sự bệnh hoạn bản thân, như vậy đã trở thành công cụ của quỷ Satan. Trong các vụ lạm dụng, chúng ta thấy rằng bàn tay của quỷ không tha cho kể cả sự thơ ngây của trẻ em".

Ngài hứa hẹn sẽ không còn tình trạng che đậy tội lỗi nữa, và nói toàn bộ những kẻ phạm tội sẽ bị đưa ra trước công ly.

Ngài cũng nhấn mạnh rằng lạm dụng tình dục trẻ em là một vấn nạn toàn cầu, "một hiện tượng diễn ra tràn lan ở mọi nền văn hóa, mọi xã hội".

Hội nghị thượng đỉnh bàn chuyện gì ?

Là một sự kiện chưa từng diễn ra, hội nghị có tên 'Việc bảo vệ những người chưa thành niên trong Giáo hội' có sự tham dự của người đứng đầu toàn bộ các hội nghị giám mục quốc gia từ hơn 130 nước.

Những giáo sỹ tham dự hội nghị được trao một lộ trình gồm các gợi y về việc làm thế nào để xử ly tình trạng lạm dụng, chẳng hạn như đưa ra quy tắc ứng xử bắt buộc dành cho các giáo sỹ, huấn luyện mọi người biết cách phát hiện tình trạng lạm dụng, và thông báo cho cảnh sát.

Những người tới có mặt tại Vatican cũng được nghe lời khai của các nạn nhân, hầu hết đều giấu tên, nói về các vụ lạm dụng và về việc che giấu hành vi phạm tội.

Một phụ nữ từ châu Phi nói cô đã bị buộc phải phá thai ba lần sau khi bị lạm dụng trong nhiều năm tuổi tên bởi một tu sỹ, kẻ không chịu dùng biện pháp tránh thai.

Một nạn nhân khác từ châu Á nói cô bị dâm ô hơn 100 lần.

Giáo hoàng bị áp lực tới mức nào ?

Khi được bầu chọn lên làm giáo hoàng hồi 2013, Ngài đã kêu gọi có "hành động mang tính quyết định" về vấn đề này, nhưng những người chỉ trích thì nói Ngài đã hành động chưa đủ mức trong việc buộc các giám mục bị cho là đã che đậy cho cách hành vi phạm tội của tu sỹ dưới quyền phải chịu trách nhiệm.

Hàng ngàn người được cho là đã bị các giáo sỹ lạm dụng trong nhiều thập niên, và Giáo hội bị cáo buộc là đã che đậy cho các hành vi phạm tội trên toàn thế giới.

Các nạn nhân nói cần có trình tự mới để bảo vệ cho các đối tượng chưa thành niên.

Giáo hoàng Francis hiện đang bị áp lực nặng nề trong việc phải dẫn dắt và tạo ra những giải pháp khả thi cho điều mà Giáo hội đang bị chỉ trích mạnh mẽ - cũng là điều mà một số người nói rằng đã khiến cho uy tín đạo đức của Giáo hội bị sứt mẻ.

Published in Quốc tế
Trang 1 đến 2