Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Tuyệt mật’ ngân sách an ninh quốc phòng của Việt Nam (RFA, 18/09/2017)

Việt Nam bấy lâu nay không công khai ngân sách dành cho quốc phòng và an ninh.

anninh2

Công an Việt Nam trong một cuộc biểu tình phản đối Formosa tại Hà Nội hôm 1/5/2016 - AFP

Tiêu cực bên trong ?

Các con số về ngân sách chi cho an ninh quốc phòng của Việt Nam lâu nay đều là số liệu thống kê, tính toán do các tổ chức quốc tế đưa ra. Chẳng hạn Viện Nghiên cứu Hòa bình Thế giới Stockholm (SIPRI) từng ước tính rằng năm 2015 Việt Nam chi 4,4 tỉ đô la cho quân sự và dự trù con số sẽ tăng lên 5 tỷ đô la trong năm 2016 và 6,2 tỷ đô la năm 2020.

Trong một lần trả lời báo chí trong nước về ngân sách quốc phòng, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài Chính – Ngân sách của Quốc hội nói với đại ý rằng không thể công bố cụ thể con số ngân sách chi cho quốc phòng là do có nhiều khoản chi không thể tính vào được. Cụ thể ông giải thích rằng các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính có quan hệ mật thiết với nhau nên không thể tính cụ thể từng lĩnh vực chi bao nhiêu.

Trao đổi với RFA từ Sài Gòn, Tiến sĩ Kinh tế Phạm Chí Dũng, người từng có 30 năm làm việc trong ngành quân đội cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến sự che giấu ngân sách quân đội, công an là do tiềm ẩn nhiều tiêu cực phía sau. Ông nói :

Nguyên nhân thứ nhất là do não trạng trước đến giờ là họ bưng bít và bảo mật. Tức là họ đưa ra các danh sách về bảo mật, tối mật, tuyệt mật của từng ngành một, mà nếu căn cứ theo đó thì không có một điều gì có thể công bố ra ngoài. Huống chi đây là vấn đề tài chính, có thể coi là tuyệt mật, tức là không công bố.

Thứ hai, khi mà không công bố ra thì thường có điều kiện để xin nhiều hơn và tiêu cực nhiều hơn.

Trong một bài phân tích mới đây của TS Vũ Quang Việt nguyên Vụ trưởng Vụ tài khoản Quốc gia Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, ông đánh giá một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng bội chi ngân sách kéo dài ở Việt Nam là do chi tiêu cho quân đội và đặc biệt là công an quá lớn. Bằng các phương pháp tính toán chuyên môn, ông cho biết số lượng công an ở Việt Nam hiện nay lên đến 600 ngàn người. Tỷ lệ công an/ người dân ở Việt Nam cao hơn cả Trung Quốc và gần gấp đôi Mỹ. Ông cũng sử dụng các con số chính thức do Việt Nam công bố để tính toán và cho ra kết luận là năm 2014, Việt Nam chi 12% ngân sách cho ngành công an, 9% ngân sách cho quân đội. Trong khi đó Mỹ chỉ chi 2% ngân sách cho cảnh sát.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS cũng bày tỏ bức xúc khi ngành quân đội, công an được "nuôi" bằng tiền thuế của nhân dân nhưng người dân lại không hề hay biết các con số cụ thể về ngân sách chi cho các ngành này :

Rất đáng tiếc hai lực lượng này đều mang danh nhân dân : quân đội nhân dân, công an nhân dân và sứ mệnh cũng được họ nói là để phục vụ nhân dân, nhưng chỉ gần đây người ta mới nói toạc móng heo ra là quân đội để phục vụ Đảng, còn công an thì còn Đảng còn mình. Có lẽ vì vậy nên Đảng cộng sản Việt Nam phải tìm cách giấu nhẹm đi những chi tiêu cho quân đội và công an.

anninh3

Các quan chức ngành quốc phòng trong buổi lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Ảnh chụp ngày 20/12/2014 Courtesy of AFP

Ông nói rằng việc chi cho quân đội để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chi cho công an để bảo vệ trật tự xã hội là rất cần thiết mà bất cứ quốc gia nào cũng phải làm. Tuy nhiên, ông nhận thấy nhiều khoản chi trong ngành công an của Việt Nam là "phi lý, phản dân tộc và có hại cho đất nước" :

Không chỉ chi cho chuyện giữ trật tự là chính, mà còn chi cho việc đàn áp, trấn áp người dân, và bẻ gãy tất các những tiếng nói không đồng nhất với tiếng nói của Đảng. Tôi nghĩ đó là những chi phí rất có hại cho đất nước và dân tộc này.

Trông hòng vào dân !

Trong bài phân tích của Tiến sĩ Vũ Quang Việt, ông cũng bày tỏ lo ngại rằng lực lượng công an của Việt Nam rất lớn nhưng ngoài hoạt động thuần túy là giữ gìn trật tự xã hội, họ còn tham gia vào các hoạt động dân sự và hành chính nên rất dễ sinh ra tình trạng lạm quyền để tham nhũng. Ông cho rằng lực lượng công an to lớn có thể đang là lực lượng làm bất ổn xã hội, ngày càng làm mất niềm tin vào chế độ chính trị.

Năm 2016, Liên minh Minh Bạch Ngân sách Budget Transparency cho biết Việt Nam có điểm minh bạch ngân sách rất thấp so với mức trung bình toàn cầu, xếp thứ 18 trên tổng số 100 trong bảng xếp hạng. Đại diện Trung Tâm Phát Triển Hội Nhập, gọi tắt là CDI, cho rằng thứ hạng 18 là mức thấp, chứng tỏ công chúng Việt Nam rất ít được nhà nước cung cấp thông tin về ngân sách quốc gia.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng giải pháp minh bạch tài chính từ trước đến nay đã được đưa ra rất nhiều lần rồi nhưng thực hiện không đến nơi đến chốn. Ông nói thậm chí người ta còn dùng cả các khoản hỗ trợ minh bạch hóa để tham ô, "đút ngăn kéo". Trước thực trạng như vậy, ông nghĩ rằng chỉ còn một cách duy nhất là người dân lên tiếng tạo sức ép với Nhà nước phải minh bạch ngân sách quốc phòng, an ninh vì chính dân là người tạo nên những ngân sách đó :

Giải pháp cuối cùng bây giờ chỉ còn lại nhân dân thôi. Lấy liên hệ về BOT vừa rồi là chỉ định thầu, một tiêu cực vô cùng lớn ở trong đó. Bây giờ nhân dân với tư cách đóng thuế, đóng phí đã đòi hỏi phải minh bạch hóa chuyện đầu tư, bỏ vốn, thi công công trình và thu phí. Vậy thì, công an và quân đội cũng vậy !

Tiến sĩ Nguyễn Quang A đồng tình với quan điểm là người dân gây sức ép cho nhà nước phải minh bạch ngân sách. Tuy nhiên ông nói rằng, khi nào còn chế độ độc đảng thì khi ấy việc này còn khó thực hiện :

Để yên cho một mình "ông Đảng" độc quyền này làm thì hiển nhiên ông ấy sẽ tìm mọi cách để giấu. Cho nên người dân phải đòi, phải lên tiếng cho một chế độ dân chủ thực sự, có sự cạnh tranh chính trị tức là có nhiều đảng khác nhau cạnh trạnh để nắm quyền điều hành đất nước. Và, đảng này sẽ tìm cách giám sát đảng kia. Đồng thời, người dân, các tổ chức xã hội dân sự cũng phải nêu lên tiếng nói giám sát của mình.

Vừa rồi Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với giá xăng dầu và nói là để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau trong đó có ngân sách cho an ninh quốc phòng. Đề xuất này gặp phải nhiều sự phản đối từ phía người dân.

******************

An ninh Việt Nam bị cáo buộc tấn công đối lập ở nước ngoài (RFA, 19/09/2017)

Vào ngày 14 tháng Chín Đảng Việt Tân, trụ sở tại Hoa Kỳ, ra thông cáo báo chí cho biết một đảng viên của đảng này bị nhân viên an ninh Việt Nam tạt acid tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia.

anninh1

Lực lượng an ninh Việt Nam tại một phiên tòa xử một người nông dân đòi đất vào tháng 11 năm 2016.  AFP

Đây là lần thứ hai trong thời gian vài tháng cơ quan an ninh Việt Nam bị cáo buộc là có những hoạt động phi pháp tại nước ngoài.

Vào cuối tháng 7, ông Trịnh Xuân Thanh một cựu quan chức Việt Nam đang xin tị nạn tại Đức bị phía Berlin cho là bị an ninh Hà Nội sang bắt cóc ông này.

Theo ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn nhân của Đảng Việt Tân, thì vào tối ngày 2 tháng Chín, bốn thành viên của đảng Việt Tân đang đi ngoài đường ở thủ đô Phnom Penh thì bị kẻ lạ ngồi trên xe gắn máy tấn công bằng acid. Một trong bốn người là ông Nguyễn Ngọc Đức, có quốc tịch Pháp bị thương nặng phải đưa về Pháp điều trị.

Sau khi cáo buộc của đảng Việt Tân được đưa ra chúng tôi có liên lạc với Bộ Nội vụ Campuchia, để hỏi về khả năng có nhân viên an ninh của Việt Nam hoạt động ở nước này, nhưng email bị trả về, không liên lạc được.

Còn phát ngôn nhân Đảng Việt Tân, ông Hoàng Tứ Duy, nói với chúng tôi :

"Chúng tôi có bằng chứng là có bàn tay của an ninh đằng sau vụ này. Vào lúc này thì chúng tôi xin chưa chia sẻ thông tin đó, nhưng đó là những bằng chứng cụ thể về vai trò của an ninh cộng sản Việt Nam".

Ông Hoàng Tứ Duy nói thêm rằng đây là lần đầu tiên đảng viên Việt Tân bị tấn cộng trên một lãnh thổ nằm ngoài Việt Nam.

Một đảng chính trị khác cũng có cơ sở tại hải ngoại là đảng Vì Dân thì nói rằng họ đã bị tấn công bên ngoài lãnh thổ Việt Nam trước đây. Bà Anh Trinh, một ủy viên trung ương của đảng này nói rằng vào năm 2013, Chủ tịch đảng này là ông Nguyễn Công Bằng khi đang hoạt động nhân đạo tại thủ đô Campuchia cũng đã bị tấn công bằng dao, thủ phạm chạy thoát, và đại diện chính quyền sở tại có hứa làm sáng tỏ vụ việc nhưng cuối cùng không có kết quả gì.

Chúng tôi có hỏi một người Việt Nam đang làm đại lý du lịch tại Campuchia về hoạt động của cơ quan an ninh Việt Nam tại đây thì người này nói là không thấy gì đặc biệt.

"Tôi không biết những chuyên đó, tôi qua đây chỉ sinh sống kiếm tiền thôi, những vấn đề đó tôi không rành, mà tôi thấy vấn đề an ninh bình thường chứ không thấy gì, người Việt Nam qua đây sinh sống bình thường".

Nhưng theo bà Anh Trinh thì hoạt động của cơ quan an ninh Việt Nam tại xứ Chùa Tháp rất mạnh, bà cho biết rằng sau khi rời khỏi Việt Nam một thời gian, trở lại hoạt động tại Campuchia, bà đã bị chính nhân viên an ninh Việt Nam từng bắt giữ bà tại Việt Nam, theo dõi bà tại Campuchia.

Bà nói tiếp rằng cơ quan an ninh Việt Nam có thể tổ chức một mạng lưới chỉ điểm trong cộng đồng người Việt sinh sống tại Campuchia :

"Những người dân có thể vì tiền, họ bị mãnh lực đồng tiền chi phối đời sống của họ, làm cho họ có thể trở thành chỉ điểm. Mà nếu mình không khéo thì các tổ chức hoạt động cho nhân quyền dân chủ có thể lọt vào lưới của họ, lộ những kế hoạch của mình. Đó là những kinh nghiệm mà tổ chức của tôi đã trải qua".

Liên quan đến chuyện hoạt động của cơ quan an ninh Việt Nam ở nước ngoài, gần đây chuyện gây chú ý công luận nhiều nhất là việc cơ quan an ninh Việt Nam được cho là đã bắt cóc một nguyên cán bộ cao cấp của nhà nước Việt Nam tại Đức là ông Trịnh Xuân Thanh khi ông này đang xin tị nạn tại Đức. Ông Trịnh Xuân Thanh vốn bị cáo buộc tội tham nhũng tại Việt Nam, và vụ việc này đã gây căng thẳng về ngoại giao giữa Đức và Việt Nam cho đến nay.

Một người Việt Nam sống tại Đức là ông Lê Trung Khoa, nhà báo đầu tiên đưa tin vụ bắt cóc ông Thanh, có viết trên trang Facebook của ông rằng ông bị một số người Việt Nam theo dõi ông tại Đức.

Trở lại chuyện đảng viên Việt Tân bị tấn công tại Campuchia, chúng tôi có gọi đến Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ để hỏi về vụ việc thì được trả lời :

"Hiện nay chúng tôi không có thông tin gì về chuyện đó".

Theo ông Đặng Xương Hùng, nguyên là một nhà ngoại giao Việt Nam tại Châu Âu đang tị nạn chính trị tại Thụy Sĩ, thì những hoạt động của cơ quan an ninh Việt Nam chưa chắc đã được thông báo cho các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài.

Kính Hòa

Published in Việt Nam

Đầu tháng 9 năm 2017, Trưởng ban Đối ngoại trung ương đảng cộng sản Việt Nam là ông Hoàng Bình Quân sang thăm Hoa Kỳ, và đề nghị Washington công nhận Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế thị trường.

VIETNAM-US-CATFISH-VENDOR

Cá da trơn của Việt Nam, một mặt hàng xuất khẩu quan trọng vào thị trường Mỹ. AFP

Việc công nhận như vậy có lợi gì cho Việt Nam ? Và Việt Nam có thực sự là một quốc gia có nền kinh tế thị trường hay không ?

Sau đây là ý kiến một số chuyên gia trong nước về vấn đề này.

Việt Nam liên tục vận động các quốc gia công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường

Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam nêu vấn đề công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường với Hoa Kỳ. Trong chuyến thăm Washington vào tháng Sáu năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đưa ra lời đề nghị này với ông Wilbur Ross, Bộ trưởng thương mại Mỹ.

Kể từ lúc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (gọi tắt là WTO) vào năm 2007 đến nay, Việt Nam đã liên tục vận động các quốc gia thành viên công nhận mình là quốc gia có nền kinh tế thị trường. Theo các bản tin của báo chí Việt Nam vào ngày 13 tháng Chín thì đã có 57 nước công nhận Việt Nam là có nền kinh tế thị trường. Nhưng hai đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam là Cộng đồng Châu Âu (gọi tắt là EU) và Hoa Kỳ vẫn không xem Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, trong đó Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam.

Theo thỏa thuận gia nhập tổ chức WTO của Việt Nam, thì đến năm 2018, tổ chức này sẽ cứu xét xem là Việt Nam có phải là quốc gia hội đủ những điều kiện của một nền kinh tế thị trường hay không.

Trong thời gian đó, Việt Nam được đối xử như một quốc gia không có nền kinh tế thị trường. Và trong tình cảnh đó khi có những tranh chấp về xuất khẩu hàng hóa phá giá, các nước như Mỹ, EU sẽ sử dụng một quốc gia khác được xem là có kinh tế thị trường làm qui chiếu, xem như tương đồng với Việt Nam. Việc lựa chọn như vậy thường là bất lợi cho Việt Nam.

Ngay khi ông Hoàng Bình Quân đang có mặt ở Mỹ, Hiệp hội chế biến thủy sản Việt Nam ra thông cáo phản đối Bộ thương mại Mỹ áp thuế chống phá giá lên các mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam. Việc tương tự cũng đã từng xảy ra đối với mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ.

Nói về chuyện các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ bị đánh thuế chống phá giá, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành hiện sống ở Hà Nội cho biết :

"Thực ra đối với vấn đề nuôi tôm, nhà nước không có bao cấp, cũng chẳng tài trợ cái gì. Đó là cái cách bên Mỹ biện hộ cho nước Mỹ cái chuyện bảo hộ ngành tôm của Mỹ thôi, chứ thật sự nó không có thật".

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, từng làm cố vấn kinh tế cho chính phủ Việt Nam thì khi thị phần của hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Mỹ vượt mức 8% thì các doanh nghiệp Mỹ sản xuất cùng mặt hàng đó sẽ tìm cách kiện để áp thuế chống phá giá lên hàng Việt Nam. Ngoài các mặt hàng hải sản, các mặt hàng khác của Việt Nam cũng hay bị chuyện này là giày dép và quần áo, những ngành sử dụng rất nhiều nhân công của Việt Nam. Ông nói tiếp :

"Nếu Việt Nam có được công nhận kinh tế thị trường thì việc vận dụng các biện pháp đó sẽ bị hạn chế rất nhiều, hoặc không còn có khả năng được sử dụng".

Kinh tế thị trường

Để được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Việt Nam phải thỏa mãn ba điều kiện, đó là đồng tiền của Việt Nam phải được chuyển đổi tự do, nhà nước không can thiệp vào các quyết định của doanh nghiệp, và quan trọng nhất là sự cạnh tranh công bằng.

"Hoa kỳ yêu cầu nền kinh tế đó là một nền kinh tế hoàn toàn cạnh tranh, bình đẳng, không có ưu đãi, không coi trọng bất kỳ thành phần kinh tế nào. Trong khi đó Việt Nam vẫn coi kinh tế nhà nước là kinh tế chủ đạo, yêu cầu kinh tế nhà nước cạnh tranh bình đẳng. Nhưng cho đến nay kinh tế nhà nước vẫn chiếm phần lớn các tín dụng, chiếm phần lớn những dự án ODA, phần lớn những dự án nhà nước giao".

Việt Nam đã bắt đầu công nhận những nguyên tắc của thị trường vào năm 1986, khi bắt đầu mở của và cải cách nền kinh tế. Tuy nhiên cho đến nay các nhà lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam vẫn thường xuyên lên tiếng nói rằng Việt Nam có những doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo của nền kinh tế, hoặc họ nói rằng Việt Nam sẽ xây dựng nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, điều mà các nhà quan sát và chuyên gia kinh tế đôi khi rất khó giải thích. Cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam là ông Bùi Quang Vinh, từng nói vào năm 2014 rằng không có cái gọi là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận xét rằng đã có một sự điều chỉnh về cách vận hành nền kinh tế Việt Nam ngã sang hướng thị trường, nhưng chưa đầy đủ. Ông nói :

"Chính phủ của ông Phúc cũng đã chuyển hướng rằng lĩnh vực tư nhân sẽ đóng góp nhiều hơn trong kinh tế. Vừa rồi trong những cuộc họp thì Thủ tướng mong muốn là lĩnh vực tư nhân đóng góp 60% trong tổng sản lượng quốc nội. Như vậy là doanh nghiệp nhà nước vẫn còn đóng đến 40% chứ chưa hẳn đã là một nền kinh tế thị trường thực thụ. Cho nên cái việc mình đi đến các nước như Mỹ, rồi Châu Âu để xin thì tôi thấy không có ổn".

Một quốc gia có hệ thống kinh tế, chính trị tương đồng với Việt Nam là Trung Quốc, sau khi gia nhập tổ chức WTO vào năm 2001, cho đến nay vẫn chịu cảnh bị đối xử như là một quốc gia không có nền kinh tế thị trường. Hồi cuối năm 2016 cả Hoa Kỳ, EU, và Nhật Bản đều quyết định rằng Trung Quốc không phải là quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh lo ngại về thời điểm WTO xem xét tính thị trường của nền kinh tế Việt Nam đã gần kề, mà những trở ngại từ hai đối tác lớn nhất là Mỹ và EU vẫn chưa vượt qua được :

"Sang năm Việt Nam sẽ đàm phán chuyện WTO, có thể những nước kia sẽ ủng hộ, nhưng nếu hai cái khối kinh tế này đưa ra những chứng minh như vậy, thì có lẽ là Việt Nam sẽ khó khăn".

Theo tác giả Lê Sỹ Giảng viết trên tờ báo về kinh tế của Việt Nam là tờ Kinh tế Sài Gòn, vào năm 2016, ngay sau khi EU không công nhận Trung Quốc là nước có nền kinh tế thị trường, thì trường hợp của Trung Quốc sẽ được đem ra làm án lệ để EU không công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường.

Điều đó có nghĩa là các sản phẩm của nông dân Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU, dù hoàn toàn mang tính thị trường, không nhận trợ cấp nào của chính phủ cả, vẫn tiếp tục bị đánh thuế cao ở các thị trường này.

Kết thúc cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Kiến Thành cho rằng thay vì đi xin các đối tác công nhận mình có nền kinh tế thị trường, Việt Nam nên thực sự nổ lực cải cách nền kinh tế của chính mình theo hướng dân doanh, tự do hóa để thật sự có một nền kinh tế thị trường lành mạnh.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 13/09/2017

Published in Diễn đàn

Đầu tháng Chín năm 2017, ông Vũ Trọng Kim, ủy viên Ủy ban tư pháp của Quốc hội Việt Nam nói rằng Việt Nam có nhiều cơ quan chống tham nhũng nhưng việc chống tham nhũng không có hiệu quả.

VIETNAM-EGYPT-DIPLOMACY

Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng. AFP

Việt Nam là quốc gia chỉ có duy nhất một đảng lãnh đạo là đảng cộng sản. Các cơ quan được đảng này thành lập để chống tham nhũng là gì ? Hoạt động như thế nào ?

Cấu trúc kỷ luật và chống tham nhũng của đảng

Theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, người từng có nhiều năm làm việc trong hệ thống tổ chức của đảng cộng sản Việt Nam thì trong tổ chức của đảng cộng sản Việt Nam có hai bộ phận lo về vấn đề kỷ luật :

"Thực ra chỉ có hai cái tên ngang cấp với nhau, một là Ban kiểm tra trung ương đảng, hai là Ban nội chính trung ương đảng. Đây là hai ban cơ cấu của đảng. Còn Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng là một bộ phận phối thuộc của Ban nội chính trung ương. Tức là Trưởng Ban nội chính trung ương đồng thời là Phó ban thường trực của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, và cơ cấu này nó được duy trì xuống các đảng bộ tỉnh thành, tức là thành ủy, tỉnh ủy cũng có ban nội chính, và trong ban nội chính đó lại có ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng".

Trên trang web của đảng cộng sản Việt Nam nhiệm vụ của Ban kiểm tra trung ương là giám sát kỷ luật đảng của các đảng viên ở mọi cấp. Hiện nay Ban này có 21 thành viên, do ông Trần Quốc Vượng, một ủy viên Bộ chính trị làm Chủ nhiệm.

Cũng theo trang web của đảng cộng sản Việt Nam, Ban nội chính trung ương có nhiệm vụ đề xuất những định hướng về pháp luật cho đảng. Ban này cũng theo dõi tổ chức và hoạt động của những cơ quan thuộc ngành tư pháp như Viện kiểm sát, Tòa án, Thanh tra, Hội luật gia Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam. Đặc biệt Ban này có nhiệm vụ đề xuất với Bộ chính trị định hướng, chủ trương xử lý một số vụ việc quan trọng. Ban này có một Trưởng Ban là ông Phan Đình Trạc, và một Phó Ban là ông Võ Văn Dũng.

Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng thọat đầu là một bộ phận của Chính phủ Việt Nam có nhiệm vụ theo dõi những vụ tham nhũng trong chính phủ, nhưng sau đó lại được giao về cho Đảng cộng sản phụ trách. Ông Phạm Chí Dũng nói tiếp :

"Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng thì nguyên thủy của nó là thuộc về chính phủ. Nếu tôi nhớ không lầm thì vào năm 2013, cái Ban này được chuyển về cho Bộ chính trị quản lý, tức là đảng quản lý, và nó trở thành một cái ban của đảng. Hay nói chính xác là nó là một bộ phận phối thuộc với Ban nội chính trung ương đảng. Tổng bí thư phụ trách trực tiếp vụ này".

Đứng đầu ban này chính là Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, và ngoài ông ra còn có 15 người khác. Tất cả những người này, cùng với 21 người của Ban Kiểm tra trung ương, hai trưởng và phó ban của Ban Nội chính, đều là Ủy viên trung ương đảng.

Như vậy là có hai bộ phận của đảng cộng sản lo về hai lĩnh vực có liên quan nhau, một là Ban kiểm tra trung ương lo về kỷ luật đảng, còn thứ hai là Ban Nội chính với cơ quan phụ thuộc của nó là Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng có nhiệm vụ về pháp luật trong xã hội.

Trong cơ cấu chính trị của Việt Nam hiện nay, tất cả các chức danh quan trọng của nhà nước đều là do đảng viên cộng sản phụ trách, vì vậy các tội phạm tham nhũng lớn cũng đều là đảng viên cộng sản. Như vậy khi một quan chức phạm tội tham nhũng, họ sẽ bị kỷ luật bởi hai bộ phận, đó là Ban kiểm tra trung ương kỷ luật họ về mặt đảng, và Ban Nội chính sẽ xem xét tội tham nhũng.

Dù rằng tất cả đều qui về một mối là đảng cộng sản, nhưng khi các cơ quan chính phủ vận hành trong xã hội, cũng sẽ nảy sinh ra những trường hợp như một nhân viên công an không phải là đảng viên nhưng lại đi theo dõi một quan chức tham nhũng là đảng viên. Chính vì vậy nên đã có một sắc lệnh của đảng được gọi là Chỉ thị 15, không cho phép các cơ quan điều tra theo dõi đảng viên khi không được phép của cơ quan đảng.

Bất lực của hệ thống và lo ngại không muốn cải cách

Trong phần trả lời Đài RFA về vụ án ngân hàng Đại Dương đang diễn ra có liên quan đến các quan chức nhà nước của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự tại Hà Nội nói ông e rằng vụ án sẽ không đụng tới những quan chức cao cấp hơn vì những quyết định của họ đã được sự đồng ý với chính những người đang phụ trách công việc chống tham nhũng.

Một chuyên gia kinh tế là bà Phạm Chi Lan có nói với chúng tôi rằng trong cơ cấu một đảng cầm quyền hiện nay rất khó chống tham nhũng vì sự hoạt động của các nhánh quyền lực của nhà nước không độc lập với nhau :

"Hiện nay thì cả 3 nhánh quyền đều chịu sự lãnh đạo của một đảng, nhiều khi không phân định được rõ trách nhiệm giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nếu cả ba nhánh quyền lực mà không hoạt động độc lập hơn và có kiểm soát lẫn nhau, giám sát lẫn nhau thì nó sẽ có rất nhiều trở ngại".

Theo quan sát của một số chuyên gia, trong đó có Giáo sư Vũ Tường, từ Đại học Oregon, Hoa Kỳ, thì từ khi Việt Nam chấp nhận cải cách kinh tế từ năm 1986 cho đến thời gian gần đây, thì người ta thấy một sự dịch chuyển quyền lực từ những người thuần túy làm công tác đảng sang những người làm trong chính phủ, dù tất cả đều là đảng viên cộng sản.

Nhưng sự dịch chuyển đó dường như đã dừng lại khi vào năm 2013 Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng bị lấy khỏi tay Thủ tướng.

Theo ông Phạm Chí Dũng thì việc chuyển Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng về cho đảng lãnh đạo là vì ông Nguyễn Phú Trọng không tin việc chống tham nhũng của chính phủ, lúc ấy do ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng.

Trong hiện trạng đó các vụ án tham nhũng được nhiều nhà quan sát xem là những cái cớ để các phe nhóm quyền lực trừng phạt nhau.

Theo Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, một người bất đồng chính kiến sống ở Đà Lạt, thì những mâu thuẫn giữa những người thuần túy làm công tác đảng và những người có liên quan đến kinh tế trong đảng sẽ không chấm dứt :

"Một nửa đảng, không được làm kinh tế thị trường, không có ăn, còn cái nửa của chính phủ, tiếp xúc với kinh tế thì được ăn, thế là hai cái nửa đấy đánh nhau. Do đó tôi nghĩ rằng cái mâu thuẫn đánh nhau xuất phát từ nguyên lý. Họ tìm một sinh lộ, lúc đầu tiên chủ nghĩa xã hội theo kinh điển bị bế tắc, thế là họ tìm một cái sinh lộ tức là họ nối với kinh tế toàn cầu để họ làm kinh tế thị trường. Nhưng chính cái lối thoát đấy lại là tử lộ vì hai cái nửa ấy mâu thuẫn với nhau thôi".

Vào năm 2013, trước khi đảng cộng sản Việt Nam cho ra đời một bản hiến pháp mới, 72 nhân sĩ trí thức Việt Nam đã công khai yêu cầu sửa đổi hiến pháp theo hướng chấp nhận đa đảng, tách rời ba nhánh quyền lực hành pháp, tư pháp, và lập pháp ra để các hoạt động của nhà nước có hiệu quả hơn, trong đó có việc chống tham nhũng. Nhưng kiến nghị ấy bị từ chối.

Các quan chức của đảng cộng sản Việt Nam cũng bắt đầu nói nhiều đến cải cách thể chế. Nhưng họ không đề cập đến việc tách các nhánh quyền lực ra với nhau. Trong một bài phỏng vấn đăng trên trang mạng VTC của đài truyền hình kỹ thuật số, ông Nhị Lê, Phó Tổng biên tập tạp chí cộng sản, khi được hỏi rằng có phải nguồn gốc của tham nhũng là do thể chế không, thì ông trả lời rằng không có thể chế nào dung nạp tham nhũng cả. Chúng tôi có tìm cách liên lạc với ông Nhị Lê để hỏi rõ câu trả lời của ông, nhưng không liên lạc được.

Trong một bài viết trên báo An ninh Thủ đô vào tháng Tám năm 2013, tác giả Bùi Văn Học cho rằng Việt Nam không cần tam quyền phân lập, tức là tách rời ba nhánh quyền lực ra với nhau, với lý do, theo ông Bùi Văn Học là vì quyền lực ở Việt Nam là do nhân dân nắm giữ, không thể chia cắt được.

Lập luận này tức khắc bị sự chống đối của Nhóm 72 trí thức nhân sĩ đề nghị tam quyền phân lập vào năm 2013, quan niệm rằng nếu không phân chia quyền lực ra thì sẽ dẫn đến chuyện lạm quyền, tham nhũng, không thể giải quyết được.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 14/09/2017

Published in Diễn đàn

Gần đây Chủ tịch nước Trần Đại Quang có một bài viết nói rằng phải kiểm soát các thông tin độc hại trên Internet.

xhds1

Hình ảnh chống đường lưỡi bò của Trung Quốc trên một trang Facebook cá nhân. Hà Nội, 2011.  AFP

Báo chí Việt Nam cũng loan tin chính phủ Hà Nội đề nghị các đại công ty như Facebook và Google hợp tác trong vấn đề ngăn chận thông tin bị gọi là độc hại.

Sau đây là một số ý kiến cho rằng Việt Nam không thành công trong ý định ngăn chận mạng xã hội.

Một ước vọng cũ xưa

Một người sử dụng mạng xã hội Facebook rất tích cực tại Sài Gòn là anh Nguyễn Lâm Duy nhận xét về bài viết của Chủ tịch Trần Đại Quang :

"Thực ra việc thắt chặt thông tin trên mạng xã hội, trên internet nói chung thì đảng cộng sản đã thực hiện rất là lâu rồi ở Việt Nam, đặc biệt là thắt chặt thông tin do chính quyền quản lý, đưa ra cái cách họ đưa tin như thế nào. Đã có việc xét xử hay kết án tù rất nặng nề những người phát biểu trên mạng. Bài viết mới đây được cho là của ông Trần Đại Quang về việc thắt chặt những thông tin độc hại trên internet thì không có gì mới".

Anh nói rằng đối với nhà nước Việt Nam hiện nay thì những tin tức có thể làm ảnh hưởng tới hình ảnh của đảng cộng sản, hay những lời phê bình chỉ trích nhà cầm quyền cũng được Đảng cộng sản Việt Nam xếp vào loại thông tin độc hại.

Một người dùng Facebook tại Hà Nội là anh Nguyễn Chí Tuyến nói thêm là một số người nghi ngờ rằng bài viết của Chủ tịch Trần Đại Quang là một bài viết cũ cách đây vài năm được dùng lại. Anh cũng có nhận xét rằng khuynh hướng kiểm soát tư tưởng con người vốn là một đặc điểm của đảng cộng sản nên họ lúc nào cũng muốn kiểm soát thông tin và quan điểm của mọi người.

Anh Nguyễn Chí Tuyến là một thành viên rất tích cực của một tổ chức xã hội dân sự NoU, hoạt động bảo vệ môi trường, giúp đỡ người nghèo, đấu tranh chống sự chèn ép của Trung Quốc trên Biển Đông. Các thành viên nhóm này sử dụng phương tiện mạng xã hội rất tích cực để tổ chức các hoạt động của mình.

Anh Tuyến nhận xét cách mà người Việt Nam hiện nay bày tỏ quan niệm của mình trên mạng xã hội :

"Ở một góc độ nào đó, mạng xã hội ở Việt Nam lại thể hiện thật hơn là cuộc sống thật. Tức là người ta tìm thấy một sự can đảm, một sự cởi mở, hay là một luồng sinh khí tiếp sức cho người ta, làm cho người ta dám bày tỏ quan điểm một cách sòng phẳng, hơn là người ta dám bày tỏ những quan điểm ấy trong các cuộc họp hay là những cái đơn từ, xảy ra trong đời sống thực của người ta".

Mô hình Trung Quốc

Theo một số nguồn tin khác nhau thì hiện Việt Nam có đến hơn 52 triệu tài khoản Facebook, mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam. Điều này trái ngược hẳn với Trung Quốc, nước láng giềng có cùng mô hình chính trị do đảng cộng sản độc quyền cai trị. Trung Quốc đã không cho phép các mạng xã hội nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc, mà thành lập riêng các mạng xã hội cho riêng mình.

Khi được hỏi liệu mô hình Trung Quốc có được Việt Nam áp dụng hay không, anh Nguyễn Chí Tuyến cho biết :

"Những gì Trung Quốc làm để cai trị người dân, hay quản trị đất nước, tùy theo cách hiểu, thì phía Đảng cộng sản Việt Nam đều học hỏi theo họ. Nhưng mà học là một chuyện, còn có đem về thực hiện được trên đất nước Việt Nam trong thời điểm hiện tại hay không lại là một chuyện khác.

Điều đó rất là khó đối với một đất nước như Việt Nam. Có thể là những người cầm quyền Việt Nam, Đảng cộng sản Việt Nam cũng muốn làm điều đó, nhưng mà với tiềm lực và vị thế của Việt Nam, cũng như là qui mô dân số, lãnh thổ, thì họ không thế làm giống như Trung Quốc được".

Anh Nguyễn Lâm Duy đồng ý điều này và nêu một dẫn chứng là cách đây vài năm chính phủ Việt Nam đã nổ lực thành lập một mạng xã hội riêng cho mình có tên gọi Việt Nam Go, nhưng hoàn toàn thất bại.

Ngoài ra vào năm 2013, Việt Nam cũng đưa ra một công cụ tìm kiếm trên internet với sự hợp tác với nước Nga mang tên Cốc Cốc, nhưng cho đến nay vẫn không thấy công cụ này được người Việt Nam sử dụng một cách phổ biến.

Trong thời gian gần đây, có tin từ báo chí Việt Nam nói rằng các công ty lớn từ nước ngoài như Facebook và Google đồng ý hợp tác với Chính phủ Việt Nam để ngăn chận những thông tin độc hại. Từ đó có lo lắng rằng các công ty này sẽ cho chính quyền Việt Nam kiểm soát tài khoản trên mạng xã hội của người dùng Việt Nam.

Anh Nguyễn Lâm Duy nói các công ty đó không nên làm như vậy :

"Những công ty như Facebook hay Google không nên đánh đổi quyền lợi của người tiêu dùng với những lợi nhuận mà họ có thể có bằng cách đạt được thỏa thuận nào đó với chính quyền, làm tổn hại đến quyền tiếp cận thông tin của khách hàng".

Anh Nguyễn Chí Tuyến cho biết một số nhà báo nước ngoài tại Hà Nội nói với anh rằng các công ty này chưa có một thỏa thuận nào rõ ràng. Trong bài phân tích ngày 30 tháng Tám, hãng tin Reuters cũng cho rằng các áp lực của chính phủ Việt Nam lên hai công ty Facebook và Google chỉ có tác dụng một cách giới hạn, mặc dù hai công ty này từ chối không trả lời hãng tin Anh quốc về vấn đề này.

Anh Nguyễn Chí Tuyến cho rằng :

"Chính phủ Việt Nam, Đảng cộng sản Việt Nam chưa đủ tầm để mặc cả với các công ty kia, như là đảng cộng sản Trung Quốc, nhà cầm quyền Trung Quốc. Cho nên họ muốn nhưng không thể thực hiện được".

Cũng từ Trung Quốc, tin cho hay mới đây Bắc Kinh bắt buộc tất cả những người sử dụng mạng xã hội của Trung Quốc phải công khai danh tính của mình khi ghi tên sử dụng mạng xã hội. Khi được hỏi liệu điều này sẽ được Việt Nam làm theo không, anh Nguyễn Lâm Duy đáp :

"Đó là một cái luật mà Trung Quốc áp đặt lên một công ty do chính quyền kiểm soát. Tôi nghĩ là trong tương lai gần chính quyền Việt Nam có thể bắt tất cả những người dùng Facebook sử dụng tên thật trên trang mạng xã hội này, vì công ty này ở nước ngoài hoạt động trên luật pháp của nơi mà họ đóng công ty. Tôi không nghĩ rằng yêu cầu đó của Việt Nam sẽ được Facebook đáp ứng".

Bên cạnh những điều mà hai anh Tuyến và Duy cho rằng vượt qua ngoài khả năng của Chính phủ Việt Nam trong việc kiểm soát hoặc ngăn chận mạng xã hội, Reuters còn cho biết các công ty Việt Nam có nhu cầu sử dụng mạng xã hội rất lớn trong hoạt động thương mại của họ, điều đó dẫn đến việc ngăn chận mạng xã hội tại Việt Nam là không thể được.

Một yếu tố khác nữa là chính các giới chức chính quyền cũng sử dụng mạng xã hội, xem đó như một kênh để thu thập thông tin, như hai nhà báo tại Việt Nam là Trương Duy Nhất tại Đà Nẵng, và Phạm Chí Dũng tại Sài gòn cho chúng tôi biết.

Anh Nguyễn Chí Tuyến nhận xét :

"Mặc dù họ có thể nói mạng xã hội nó làm một điều gì đó nó không tốt đẹp, hay là tác động xấu, tiêu cực đến cuộc sống con người nọ kia, nhưng họ lại theo dõi rất kỹ, mà nói theo ngôn ngữ đời thường là họ hóng, họ hóng tin tức trên mạng xã hội".

Anh Nguyễn Lâm Duy cho biết là sau khi dự án xây dựng tượng đài hàng ngàn tỉ đồng tại tỉnh Sơn La bị chỉ trích mạnh mẽ từ mạng xã hội, nhà nước Việt Nam dường như đã dừng lại dự án này.

Theo một số nhà hoạt động xã hội thì để ngăn chận những điều bất lợi cho mình gây ra bởi mạng xã hội, chính quyền Việt nam hiện nay sử dụng biện pháp ngăn chận một cách không thường xuyên, khi có các sự kiện được xem là nhạy cảm chính trị.

Người quản trị trang Facebook mang tên Nhật ký Yêu nước, không muốn nêu danh tánh, thì nói với chúng tôi rằng việc ngăn chận mạng xã hội chỉ tạo điều kiện cho người sử dụng Việt Nam ngày càng thành thạo hơn trong việc sử dụng các công cụ vượt tường lửa mà thôi.

Kính Hòa RFA

Nguồn : RFA, 30/08/2017

Published in Diễn đàn

Bộ sách lịch sử mới của Viện sử học Việt Nam thay đổi cách gọi ngụy quân ngụy quyền bằng Việt Nam Cộng Hòa, để chỉ chính quyền miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

chien1

Xe tăng của bộ đội cộng sản tiến vào dinh Độc Lập, Sài Gòn, 30/4/1975, kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam.  AFP

Sự kiện này được nhiều người ca ngợi, nhưng cũng bị khá nhiều ý kiến chỉ trích bên trong Việt Nam.

Những ý kiến khác nhau

Nhà báo Võ Văn Tạo và nhà văn Thùy Linh đều cho rằng việc dùng tên Việt Nam Cộng Hòa thay cho ngụy quân ngụy quyền là điều rất tích cực cho việc hòa hợp hòa giải dân tộc. Cả hai người đều lớn lên ở miền Bắc trước năm 1975, nhà báo Võ Văn Tạo, hiện sống ở Nha Trang, từng là bộ đội cộng sản tham chiến trong chiến tranh Việt Nam, còn nhà văn Thùy Linh, sống ở Hà Nội, từng tốt nghiệp trường an ninh của nhà nước Việt Nam.

Bà Thùy Linh nói rằng việc thay đổi như vậy làm cho những người Việt từng đối nghịch nhau có thể dễ dàng nói chuyện với nhau hơn.

Ông Võ Văn Tạo cho biết một nhà báo của báo Quân đội nhân dân, tờ báo nổi tiếng có quan điểm cứng rắn của đảng cộng sản, cũng nhận được yêu cầu của cấp trên là dùng từ Việt Nam Cộng Hòa từ đây trở về sau. Tuy nhiên ông Tạo cũng thận trọng cho rằng việc đổi tên này chỉ mới là quan điểm của giới sử học, chứ chưa có một quan điểm chính thức nào của nhà nước Việt Nam được công bố.

Tuy vậy cũng có những ý kiến chỉ trích rất mạnh việc dùng danh xưng Việt Nam Cộng Hòa thay cho ngụy quân ngụy quyền. Một người tên là Lê Ngọc Thống viết trên mạng xã hội rằng nếu như sau năm 1954 có hai chính quyền tại Việt Nam thì đâu còn gì là giải phóng miền Nam nữa ! Trong những bài viết của mình ông Thống nói rằng ông từng là sĩ quan hải quân của quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong nhóm ý kiến chỉ trích, mạnh mẽ nhất là bài viết được cho là của ông Trung tướng về hưu Nguyễn Thanh Tuấn. Ông Tuấn yêu cầu phải thu hồi bộ sách lịch sử mới xuất bản, và những người biên soạn bộ sử mới là vô trách nhiệm, làm không công cho Mỹ phá hoại đất nước.

Nhà văn Thùy Linh nhận xét về nhóm ý kiến chỉ trích này :

"Những con người đã trải qua chiến tranh, gắn cuộc đời họ với chiến tranh, mang tâm thế của người chiến thắng, thì cái số đó, thậm chí thế hệ trẻ hơn, họ đã bị nhồi sọ, nếu họ không chấp nhận chuyện đấy thì tôi cũng không có gì ngạc nhiên. Mà cái số đấy rất đông trong xã hội, điều đó cũng không có gì ngạc nhiên. Bởi vì bao nhiêu năm nay họ đã được dạy dỗ với cái nhìn như thế rồi, và thậm chí có khá nhiều người đã đi học nước ngoài, họ cũng không chấp nhận được là phía bên kia chiến tuyến, hay những người đã thất bại, lại có thể đứng ngang hàng với họ".

Bà nói thêm rằng những người bên phía thắng cuộc trong cuộc chiến tranh Việt Nam lại đang ở một cái thế tự ti về địa vị kinh tế, xã hội của mình, nên sự phản kháng với những thay đổi cũng là một cách để giúp họ tự tin hơn.

Chúng tôi hỏi chuyện hai người thuộc thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh Việt Nam.

Anh Nguyễn Quang Bách, tốt nghiệp Học viện báo chí tuyên truyền, hiện sống ở Hà Nội, cho biết quan điểm của anh :

"Quan điểm cho rằng Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia độc lập sau hiệp định Geneva thì chắc chắn là xuyên tạc lịch sử. Còn cái ý kiến đổi tên gọi ngụy quân ngụy quyền do Mỹ tạo ra và huấn luyện để phá hiệp định Geneva, thì nếu có đổi tên thì cũng không xóa được lịch sử và bản chất ngụy quyền ngụy quân. Có khi đổi tên đi thì tai hại hơn vì dân sẽ không tin những nhà sử học khách quan nữa, đành rằng với chủ trương hòa hợp dân tộc thì không nên bêu rếu, hận thù đối với ai đã làm việc và đi lính trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa".

Chị Nguyễn Như Ngọc, tốt nghiệp ngành kinh tế tài chính, hiện làm việc tại Sài Gòn thì lại cho rằng việc đổi tên gọi như vậy mang ý nghĩa tốt :

"Với tôi thì tôi nhìn chuyện đó đỡ khắc khe hơn so với lớp người trước. Nếu dùng từ ngụy quân ngụy quyền thì nặng, cũng như cái từ Việt cộng vậy, nghe rất nặng. Theo tôi thì thay đổi như vậy thì theo chiều hướng viết về những người xưa bớt sự thù hằn hơn".

Nội chiến hay không nội chiến

Việc tranh cãi về tính chất của cuộc chiến Việt Nam vẫn còn đang diễn ra, có ý kiến cho rằng đó là một cuộc nội chiến, còn quan điểm chính thống của nhà nước Việt Nam hiện nay thì cho rằng đó là cuộc chiến tranh chống xâm lược.

Vào dịp 30 tháng Tư năm 2013, trong một lần hỏi chuyện nhà sử học Dương Trung Quốc, đồng thời là đại biểu Quốc hội Việt Nam, ông cho rằng khó có thể nói cuộc chiến Việt Nam là nội chiến vì có sự tham gia quá lớn của quân đội nước ngoài.

Nhà báo Võ Văn Tạo lại có cái nhìn khác :

"Tôi nghĩ rằng ông Dương Trung Quốc lập luận như vậy thì ông có cái lý của ông ấy, bởi vì cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam bắt đầu từ những năm 1950, kết thúc ngày 30 tháng Tư năm 1975, pha trộn cả hai dạng. Thứ nhất có chống ngoại xâm bởi vì có hay không thì người ta cũng phải thừa nhận một thực tiễn khách quan là vào thời điểm cao nhất của cuộc chiến tranh, năm 1968, có đến nửa triệu quân viễn chinh Mỹ ở Việt Nam. Thứ hai là cũng trong giai đoạn đó, tại địa bàn miền Nam Việt Nam, trong quốc gia Việt Nam này, có hai phe đánh nhau thì cũng có thể gọi nó là một cuộc nội chiến. Nếu chống ngoại xâm thì chỉ đến tháng Giêng năm 1973, người Mỹ ký hiệp định Paris rồi rút quân, họ làm rất nghiêm túc, như vậy ít nhất cái giai đoạn từ đó đến 30 tháng Tư năm 75 cũng là nội chiến".

Ông Tạo cũng nói thêm rằng sự can thiệp của người Mỹ tại miền Nam Việt Nam không mang tính chất của một cuộc chiến chiếm đất, làm thuộc địa như người Pháp trước đây, mà là với mục đích để ngăn chận chủ nghĩa cộng sản đang bành trướng trên thế giới vào thời gian đó.

Bạn trẻ Nguyễn Như Ngọc cũng nhìn về cuộc chiến tranh Việt Nam tương tự như ông Võ Văn Tạo :

"Về cuộc chiến đó, tôi nghĩ là đó vẫn là cuộc chiến tranh chống xâm lược, bởi vì có sự tiếp tay của nước ngoài vào cuộc chiến tranh đó. Nhưng tôi vẫn thấy nó là cuộc nội chiến vì vẫn có dân Việt Nam mình (đánh nhau) trong đó".

Trở lại với bộ sách lịch sử mới ra đời, một số nhà nghiên cứu biển Đông, trong đó có ông Nguyễn Nhã nói rằng việc thừa nhận chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sẽ giúp cho việc đấu tranh về chủ quyền biên giới hải đảo của Việt Nam thuận tiện hơn. Luật sư Lê Công Định thì cho rằng điều đó không ảnh hưởng gì đến tính kế thừa của hai nhà nước nối tiếp nhau, nhưng ông cũng cho rằng nếu thực sự những người cầm quyền hiện nay đổi thái độ về chính thể miền Nam trước năm 1975, điều đó có lợi cho việc hòa hợp hòa giải dân tộc.

Anh Nguyễn Quang Bách thì nói rằng :

"Về mặt pháp lý đấu tranh chủ quyền, thì Việt Nam vẫn dùng tên chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, chứ không dùng ngụy quân ngụy quyền. Nhưng mà để giáo dục lịch sử, mà lịch sử do người thắng tạo nên, thì chúng ta vẫn dùng ngụy quân ngụy quyền cũng chẳng ảnh hưởng gì đến chuyện hòa hợp hòa giải dân tộc".

Nói về việc hòa hợp hòa giải dân tộc nhà văn Thùy Linh cho rằng :

"Còn rất lâu mới có thể hòa giải và hòa hợp, kể cả những người Việt ở nước ngoài, thì tôi thấy cái tâm lý chống cộng cực đoan nó cũng kinh khủng như những người cộng sản chống Việt Nam Cộng Hòa".

Sau khi bài phỏng vấn Luật sư Lê Công Định về sự tồn tại của Việt Nam Cộng Hòa như là một thực tế lịch sử, một bạn đọc tại quận Cam California viết trên trang web của chúng tôi một cách trào lộng, xin được trích nguyên văn như sau :

Không cần thay đổi. Gọi ngụy thì đã sao. Tôi đã quen và yêu cái từ "ngụy" rồi. Bác sĩ "ngụy" là những người thầy thuốc giỏi, tận tụy phục vụ bệnh nhân, đầy y đức. không gây khó khăn kiếm chác tiền bạc bệnh nhân. Thầy giáo "ngụy" là thầy giáo giỏi về chuyên môn, dày đạo đức. Học sinh "ngụy" là những học sinh lễ độ với thầy, kính yêu bè bạn... Nói chung, những gì thuộc về "ngụy" đều tốt. Cứ giữ cái từ "ngụy" đi. Tôi hãnh diện là người dân ngụy, là người lính ngụy phục vụ cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa mà có kẻ gọi chúng tôi là Ngụy.

Kính Hòa RFA

Nguồn : RFA, 23/08/2017

Published in Diễn đàn

Trong những văn liệu lịch sử chính thống của nhà nước cộng sản Việt Nam hiện nay, người ta thấy nhắc đến những người gọi là Tờ Rốt Kít trong khoảng thời gian trước và sau năm 1945, xem họ như là những người phản cách mạng. Đôi khi cũng thấy nhắc đến tên gọi "bọn Đệ Tứ", với ý nghĩa là một bọn phản cách mạng chống lại Đệ Tam quốc tế của những người cộng sản.

cm1

Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội, tháng Tám, 1945. AFP

Tờ Rốt Kít hay Đệ Tứ là ai ? Họ có mặt ở Việt Nam như thế nào ? Có vai trò gì ? Và bị đàn áp ra sao ?

Đệ Tứ và Trotskyism là gì ?

Đệ Tứ quốc tế là một phong trào cộng sản do ông Leon Trotsky, người Nga thành lập tại Liên Xô, vào năm 1924, đối lập với ban lãnh đạo của đảng cộng sản Liên Xô lúc đó. Phong trào này còn được gọi là Đệ Tứ, để phân biệt với Đệ Tam, do Stalin lãnh đạo.

cm2

Leon Trotsky

Ông Trotsky chủ trương rằng cách mạng chống lại chủ nghĩa tư bản phải được thực hiện đồng loạt khắp nơi trên thế giới, trong khi Đệ Tam quốc tế chủ trương rằng cách mạng phải thực hiện qua từng bước, và Liên Xô sẽ là quốc gia cách mạng đầu tiên, rồi sau đó sẽ lãnh đạo cách mạng thế giới.

Về mặt thể chế, theo bà Phan Thị Trọng Tuyến, chủ trương của những người Đệ Tứ mang tích cách dân chủ hơn :

"Về mặt lý thuyết thì Stalin chủ trương tập trung dân chủ, tức là một đảng nắm hết mọi quyền. Những đảng phái khác, hay là khuynh hướng khác phải phục tùng. Theo Trotsky thì tập trung VÀ dân chủ chứ không phải một đảng nắm hết. Và ngay dưới thời Lenin cũng có hai ba khuynh hướng, và họ nghe lẫn nhau".

Tuy nhiên theo bà Tuyến thì người ta cũng không biết những người Đệ Tứ sẽ thiết lập nên một chế độ như thế nào, vì họ bị những người cộng sản Đệ Tam tiêu diệt hết. Ông Trotsky đã phải lưu vong ngay sau khi thành lập phong trào của mình, và cuối cùng ông bị một nhân viên mật vụ của Đệ Tam quốc tế ám sát trong nhà riêng tại Mexico vào năm 1940.

Những tên tuổi Tờ Rốt Kít Việt Nam

Trong thời gian lưu vong ông Trotsky viết báo, viết sách, và cũng đã có một số người theo tư tưởng của ông, nhất là tại các quốc gia Châu Âu. Từ Pháp, tư tưởng Đệ Tứ đã được một số người mang về Việt Nam, tạo nên một khuynh hướng cộng sản Đệ Tứ tại Việt Nam trước năm 1945.

Có thể kể một vài tên tuổi nổi tiếng của những người Đệ Tứ Việt Nam là các ông Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch… Từ Pháp về Việt Nam, họ hoạt động như là những thầy giáo, nhà báo… để tuyên truyền chống lại sự cai trị của người Pháp ở Việt Nam. Tờ báo nổi tiếng của họ mang tên Đấu Tranh tại Nam Kỳ.

Đa số những người Đệ Tứ bị giết chết, mất tích trong khoảng thời gian trước và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Thủ phạm được cho là những người cộng sản làm nòng cốt của mặt trận Việt Minh lúc đó :

Bà Phan Thị Trọng Tuyến nói :

"Những người Đệ Tứ bị những người Đệ Tam, tức là Việt Minh, lùng giết sau Cách mạng tháng Tám là chuyện có thật, vì họ theo đường lối của Đệ Tam, là Stalin. Stalin đã truy lùng Trotsky và giết được Trotsky. Việt Minh cũng không làm gì khác hơn là áp dụng đường lối của Stalin".

Trên trang web của đảng cộng sản Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều bài viết vào thời kỳ những năm trước Cách mạng tháng Tám đả kích rất mạnh mẽ những người Đệ Tứ. Trong một bài viết vào tháng Tám, năm 1937 của tác giả Châu Dân, người ta thấy nói rằng chủ nghĩa của Trotsky là chủ nghĩa phản cách mạng, bọn Đệ Tứ là bọn tiên phong của bọn tư sản ở Đông Dương.

Bà Trọng Tuyến nói tiếp :

"Ở Việt Nam thì cũng y hệt như vậy, để diệt hết những người Trotskyist, hoặc phe quốc gia, thì Việt Minh gọi họ như là chó săn, theo phát xít Nhật, tất cả những lời lẽ đó đều giống hệt lời lẽ của Stalin đã ra lệnh cho các đảng cộng sản vào năm 1937, và Hồ Chí Minh vào năm 1939 gửi từ bên Tàu về trong nước cho các đảng viên cộng sản".

Tuy nhiên đảng cộng sản Việt Nam chưa bao giờ nhìn nhận là họ đã ra tay sát hại những người Đệ Tứ. Bà Phan Thị Trọng Tuyến nói tiếp về cái chết của ông Tạ Thu Thâu, lãnh tụ nổi tiếng nhất của những người Đệ Tứ Việt Nam :

"Cộng sản Việt Nam không bao giờ nhận là họ đã giết. Họ đổ thừa người này, đổ thừa người kia. Tôi có đọc được một tài liệu của cộng sản địa phương tại Quảng Ngãi, họ nói họ bắt và giết được (Tạ Thu Thâu). Trong khi sách vở lịch sử chính thống viết về Cách mạng tháng Tám thì dùng những chữ rất ngắn và mơ hồ, tức là một nửa sự thật thôi, ví dụ như : Ta bắt được lãnh tụ của bọn Trotskyist tại Dĩ An, vì bọ chúng theo phát xít, thân Nhật".

Theo bà Tuyến, có khoảng 400 người theo Đệ Tứ bị mất tích hoặc sát hại trong giai đoạn cách mạng tháng Tám năm 1945, khi họ tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại Đông Dương. Bà Tuyến nói rằng thủ phạm cụ thể của những vụ sát hại này là ai không quan trọng, mà quan trọng là đã có chủ trương tiêu diệt những người Đệ Tứ từ cấp lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam :

"Người ta nghĩ rằng Hoàng Quốc Việt đã ra lệnh bắt giết Tạ Thu Thâu ở Quảng Ngãi, vì ông này, về Nam cùng một lúc với Tạ Thu Thâu. Họ biết là những người cộng sản tại địa phương có thể dám giết những người như Tạ Thu Thâu, những thủ lãnh, có tăm tiếng ở miền Nam, thành ra nếu không có lệnh từ trên thì họ không thể giết được. Nhưng Việt Minh lúc đó, và đảng cộng sản sau này đều nói là do cấp dưới làm sai".

Theo bà Tuyến, trong các lá thư gửi về cho những đảng viên cộng sản từ Trung Quốc của ông Hồ Chí Minh, ông có nói rằng sẽ tiêu diệt những người Đệ Tứ bằng những cái chết chính trị. Nhưng bà đặt câu hỏi rằng cái chết chính trị đó đã được những người cộng sản Việt Nam hiểu như thế nào ?

Có ít nhất hai nhân vật Đệ Tứ được đặt tên cho các con đường tại Sài Gòn trước năm 1975 là ông Tạ Thu Thâu và ông Phan Văn Hùm, vì chính quyền miền Nam trước năm 1975 xem họ như những nhà ái quốc, và là nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản. Các con đường này đều bị đổi tên sau khi những người cộng sản Việt Nam giành được quyền cai trị toàn bộ Việt Nam sau tháng Tư năm 1975.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 17/08/2017

Published in Diễn đàn

Tháng Tám năm 2017, trên các trang tin thời sự của báo chí trong nước, người ta thấy vắng bóng hai ông, Đinh Thế Huynh, Trưởng Ban tuyên giáo trung ương, và ông Trần Đại Quang, Chủ tịch nước. Cả hai ông đều là Ủy viên Bộ chính trị, cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng cộng sản Việt Nam.

baove1

Ông Đinh Thế Huynh (thứ nhất bên trái) đứng cạnh ông Trần Đại Quang, tại Đại hội đảng lần thứ 12, tháng Giêng, 2016. AFP

Có nhiều tin đồn rằng hai ông bị bệnh phải đi điều trị ở nước ngoài.

Tin đồn về sự đấu đá phe phái

Chuyện thông tin không rõ ràng về sức khỏe của các vị lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam không phải là lần đầu tiên được nói đến qua trường hợp của hai ông Đinh Thế Huynh và Trần Đại Quang hiện nay. Vào năm 2015, ông Nguyễn Bá Thanh, lúc đó là Trưởng ban nội chính trung ương, bị bệnh, đi nước ngoài trị bệnh, nhưng thông tin không hề được công bố suốt nhiều tháng, làm dấy lên nhiều lời đồn đoán rằng ông bị bệnh hiểm nghèo, thậm chí đã chết vì bị ám sát.

Trường hợp ông Võ Văn Kiệt, cựu Thủ tướng, mất vào năm 2005 cũng vậy, việc chậm trễ công bố thông tin đã làm dấy lên tin đồn là ông bị ám sát.

Nhận xét về những lời đồn đoán chung quanh sức khỏe của hai ông Đinh Thế Huynh, và Trần Đại Quang, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ nghiên cứu, thuộc Ban Dân vận trung ương nhận xét :

"Cái này chưa biết nó như thế nào, nên không thể nói theo dư luận hiện nay được, nhưng xung đột lợi ích giữa các nhóm là rõ, âm mưu tiêu diệt lẫn nhau là có thật, nhưng hai trường hợp này phải chờ thêm".

Sự nghi ngờ về việc ám hại nhau giữa các nhóm quyền lực khác nhau được quan sát thấy trên mạng xã hội trong thời gian hiện nay sau khi người ta thấy hai ông Đinh Thế Huynh và Trần Đại Quang vắng bóng, mà chỉ có một thông tin được báo chí Nhà nước Việt Nam đưa ra vào đầu tháng Tám, nói ông Trần Quốc Vượng, một Ủy viên Bộ chính trị tạm thời đảm nhận công việc của ông Huynh ở bộ này.

Một nhà bất đồng chính kiến Việt Nam là Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, hiện sống ở Đà Lạt nói :

"Nó có uẩn khúc thì họ mới phải giấu, chứ ốm đau bình thường thì giấu làm gì. Có uẩn khúc họ hại nhau thế nào đó thì mới giấu. Tóm lại cái chính thể lừa dân, họ cứ nói đoàn kết chứ trong nội bộ họ phân ly kinh khủng".

Ban bảo vệ sức khỏe trung ương và đấu tranh nội bộ

Mặc dù các thông tin về sức khỏe của các vị lãnh đạo ít được công bố như vậy, nhưng đảng cộng sản Việt Nam lại có cả một tổ chức gọi là Ban bảo vệ sức khỏe trung ương đảm trách việc chăm sóc sức khỏe cho các vị lãnh đạo.

Nhà báo Phạm Chí Dũng, sống ở Sài Gòn và từng làm việc nhiều năm trong guồng máy của đảng nói với chúng tôi về Ban bảo vệ sức khỏe này :

"Ban bảo vệ sức khỏe trung ương là một ban mềm, tôi dùng từ mềm trong ngoặc kép, của Bộ chính trị. Đây là Ban có chức năng nhiệm vụ chuyên chăm sóc sức khỏe cho các thành viên, và những người thuojc diện quản lý của Bộ chính trị, và Ban bí thư. Vai trò của họ giống như một Bộ y tế, giống như một Bộ y tế của Trung ương đảng, chuyên chữa trị cho Trung ương đảng thôi".

Ngoài ra ở các cấp đảng thấp hơn ở các tỉnh và thành phố lớn cũng có những ban bảo vệ sức khỏe như vậy.

Một bác sĩ giấu tên từng làm việc ở Ban bảo vệ sức khỏe trung ương, nói với chúng tôi rằng khi các cán bộ lãnh đạo bị bệnh và được Ban bảo vệ sức khỏe trung ương điều trị, thì họ không có quyền công bố bệnh tình của bệnh nhân mà phải có quyết định từ cấp lãnh đạo cao hơn. Theo bác sĩ này thì việc chẩn đoán bệnh tình của các cán bộ lãnh đạo là một trong những cách mà các phe phái khác nhau dùng để loại đối thủ chính trị của mình vì lý do sức khỏe. Thậm chí, ông nói rằng có những trường hợp bệnh nhân khám bệnh và nhận thuốc từ các bệnh viện bên ngoài, phải được sự cho phép của Ban bảo vệ sức khỏe trung ương mới được uống.

Theo nhà báo Phạm Chí Dũng và những người biết về hoạt động của Ban bảo vệ sức khỏe này của đảng thì hiện nay vai trò của ban này ngày càng mờ nhạt. Ông Dũng nói :

"Nhưng mà sau này với sự phát triển của các bệnh viện tư, rồi máy móc theo chiều sâu, mang tính chất chuyên sâu nhiều hơn, thì các Ban bảo vệ sức khỏe tỉnh ủy, thành ủy và trung ương phần lớn không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho cán bộ. Vai trò lớn nhất của họ, theo tôi hình dung không phải là việc điều trị chữa bệnh một cách có kết quả như là các bệnh viện bên ngoài, mà là sự im lặng trong việc bảo mật những thông tin về sức khỏe của những cán bộ do Bộ chính trị, Ban bí thư quản lý".

Theo người bác sĩ từng làm việc ở Ban bảo vệ sức khỏe trung ương thì các lãnh đạo cao cấp sau này thường đi nước ngoài chữa trị.

Trong trường hợp của ông Nguyễn Bá Thanh, vào tháng giêng năm 2015, Ban bảo vệ sức khỏe trung ương lần đầu tiên ra thông báo về sức khỏe của ông, trong đó nói ông bị bệnh từ tháng Năm năm 2014, và đi Mỹ chữa trị, tức là bảy tháng trước đó. Ông Thanh mất một tháng sau khi bệnh tình của ông được công bố.

Vào năm 1969, ông Hồ Chí Minh, người thành lập Nhà nước cộng sản Việt Nam mất vào ngày 2 tháng Chín, nhưng cái chết chỉ được công bố sau đó là ông mất vào ngày mùng ba tháng Chín, và ngày này được xem là ngày chính thức tổ chức kỷ niệm ngày ông Hồ mất trong một thời gian dài.

Ông Nguyễn Khắc Mai nói về trường hợp này :

"Trường hợp ông Hồ thì người ta nói là để cho dân ăn tết độc lập, vào ngày mùng hai tháng Chín, nên dời lại không làm hỏng ngày lễ độc lập. Cho nên họ hoãn lại việc tuyên bố, đó là thủ đoạn chính trị thôi. Nhưng mà rồi cái chết thì trước sau cũng chết, làm như thế cũng vô nghĩa".

Nhìn rộng ra trong thế giới các quốc gia cộng sản xưa và nay, chuyện giữ bí mật sức khỏe hay cái chết của các vị lãnh đạo là một chuyện rất phổ biến. Ông Hà Sĩ Phu nhận xét :

"Ngay từ thời xa xưa, thời Stalin và Lenin cũng đã có những việc như thế này. Bản thân chủ nghĩa cộng sản phi khoa học, đầy bất hợp lý ở bên trong, nên nếu họ mở ra công khai thì mọi thuẫn nó phơi bày ra, họ tan rã thôi".

Nhà báo Phạm Chí Dũng thì nói rằng khuynh hướng giữ kín thông tin về sức khỏe cũng như sự sống chết của các cán bộ lãnh đạo cộng sản cũng nằm trong khuynh hướng độc đoán của sự cai trị của những đảng cộng sản mà thôi.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 16/08/2017

Published in Diễn đàn

Vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức đã dẫn đến việc trục xuất một nhân viên của sứ quán Việt Nam tại Đức, được cho là nhân viên của cơ quan an ninh Việt Nam.

anninh1

Hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh được đưa lên truyền hình Việt Nam, nói rằng ông đầu thú. AFP

Hoạt động của cơ quan an ninh Việt Nam trong các phái bộ ngoại giao ở nước ngoài như thế nào ?

Nhân viên an ninh trong vỏ bọc ngoại giao

Ông Đặng Xương Hùng, một cựu viên chức Bộ ngoại giao Việt Nam từng làm việc trong các cơ quan lãnh sự Việt Nam tại Thụy Sĩ, nói với chúng tôi về vị trí của nhân viên an ninh Việt Nam bên trong các tòa đại sứ :

"Thông thường thì các sứ quán Việt Nam tại nước ngoài bao giờ cũng có một nhân viên an ninh của Bộ Công an chuyển sang, núp dưới danh nghĩa có hàm ngoại giao, thường giữ chức Bí thư thứ nhất, thường làm nhiệm vụ báo chí, cũng như là làm cái nhiệm vụ quản lý cộng đồng người Việt, tức là cái gọi là "người Việt yêu nước", hay là những tổ chức mà Việt Nam gọi là phản động chống lại chính quyền. Ở các sứ quán đều có một suất như vậy, và lần lượt người phía an ninh đưa người sang Bộ ngoại giao, làm thủ tục như một cán bộ ngoại giao, đi như một cán bộ ngoại giao".

Ông Hùng cho rằng việc có mặt một nhân viên an ninh trong sứ quán cũng là một thông lệ trong ngành ngoại giao trên thế giới, miễn là nhân viên đó hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của nước sở tại.

Vào năm 2014, ông Đặng Xương Hùng nộp đơn cho chính phủ Thụy sĩ xin tị nạn chính trị, và ông sống ở đất nước này cho đến nay.

Ông Hùng cho biết là các nhân viên an ninh có hai nguồn thu nhập, thứ nhất là từ các chi phí visa của các cơ quan lãnh sự Việt Nam, vì những người này thường phụ trách cả việc cấp phát visa vào Việt Nam, và nguồn thu nhập thứ hai của họ là từ Bộ Công an :

"Họ có một khoản tài chính do chính phía Bộ Công an cấp cho những nghiệp vụ của họ, và tiền đó không phải là của Bộ ngoại giao, của Bộ Tài chính cấp cho Bộ Ngoại giao, mà đó là tiền của phía Bộ Công an gọi là chi phí nghiệp vụ. Tôi cũng thường nghe họ nói đó là một chi phí đặc biệt dùng cho những hoạt động ví dụ như mua chuộc, cho những người nào có thông tin tốt cho phía an ninh Việt Nam".

Sau khi vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức được tiết lộ, một viên chức của sứ quan Việt Nam phụ trách báo chí là ông Nguyễn Đức Thoa bị phía Đức yêu cầu rời khỏi đất Đức, vì được cho rằng dinh líu tới vụ bắt cóc. Theo ông Hùng thì ông Thoa có hàm Đại tá công an.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi là liệu các viên chức ngoại giao cao cấp của Việt Nam có biết tới kế hoạch bắt cóc hay không, ông Hùng nói :

"Theo tôi thì 50/50, cũng không loại trừ khả năng là các ông ấy không biết. Cũng có thể đó là một chuyên án đặc biệt chỉ có Bộ Công an biết, hoặc là một cái chuỗi thông tin chỉ đi qua một số người thôi, đi thẳng đến nơi hành động".

An ninh Việt Nam và cộng đồng người Việt hải ngoại

Theo ông Đặng Xương Hùng thì ảnh hưởng của các hoạt động của an ninh Việt Nam trong các cộng đồng người Việt tại hải ngoại mạnh nhất là tại các quốc gia Đông Âu theo cộng sản trước năm 1989, nơi có một cộng đồng đông đảo những du học sinh, hay người xuất khẩu lao động ra đi từ nước Việt Nam cộng sản, còn ở các quốc gia phương Tây như Mỹ, Canada, Tây Âu,… thì yếu hơn nhiều. Chính vì lý do đó, theo ông Hùng, việc chuyển ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam đã được thực hiện qua ngã Cộng hòa Séc, một nước cộng sản Đông Âu trước kia. Thông tin ông Thanh được đưa qua Cộng hòa Séc để mang về Việt Nam được luật sư của ông Thanh là ông Victor Pfaff nói với hãng tin Reuters vào hôm 3 tháng Tám, 2017.

Sáng 10 tháng Tám, giờ Châu Âu, tờ báo Spiegel của Đức loan tải rằng có một nhân viên người Việt của sở di trú Đức bị tình nghi có liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.

Nhà báo Lê Trung Khoa của tờ Thoibao, bằng Việt ngữ tại thủ đô Berlin cho chúng tôi biết :

"Thông tin trên tờ Spiegel đã tiết lộ rằng có một người tên là T. hiện làm nhân viên cho Sở Di trú Đức, có điều kiện vào các ngân hàng dữ liệu, xem dữ liệu của toàn bộ những người tị nạn, kể cả người Việt Nam. Họ nghi ngờ rằng phải chăng những thông tin đó được ông này đưa ra ngoài và có thể là để cho người ta biết địa chỉ lưu trú của ông Trịnh Xuân Thanh đăng ký ở Đức, để mật vụ Việt Nam có thể ập đến bắt".

Cũng ông Lê Trung Khoa cho chúng tôi biết rằng Sở Di trú Đức cho ông biết rằng người đàn ông tên T. mà tờ Spiegel nêu tên, vừa bị cho nghỉ việc trong ngày 10 tháng Tám, vì nghi vấn tiết lộ bí mật.

Chúng tôi chưa có một nguồn tin khác để xác định việc này. Khi gọi điện tới tòa Đại sứ Việt Nam tại Đức thì được trả lời rằng tòa Đại sứ không có thông tin gì cả.

Theo ông Lê Trung Khoa, sự việc này sẽ có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng người Việt tại Đức :

"Rất nhiều hội đoàn ở đây có liên quan đến Sở Di trú ngạc nhiên là tại sao nhiều người Việt Nam ở đây biết thông tin nội bộ của họ. Qua việc này có lẽ họ lờ mờ hiểu ra rằng có một bàn tay ở bên trong, đưa thông tin ra, làm bất lợi cho những hội đoàn có đăng ký ở Đức".

Trở lại quan hệ giữa Bộ ngoại giao Việt Nam và các nhân viên an ninh Việt Nam, ông Đặng Xương Hùng cho rằng vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Đức, chứng tỏ rằng Bộ Ngoại giao đã không có tiếng nói mạnh như cơ quan an ninh của Việt Nam. Nhưng mặt khác ông Hùng cũng cho rằng ảnh hưởng của cơ quan an ninh Việt Nam trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại nói chung ngày càng giảm, vì hình ảnh cai trị của đảng cộng sản trong nước đã sụt giảm.

Cho đến giờ này thì trước cáo buộc bắt giữ người bất hợp pháp của chính phủ Đức, Việt Nam chỉ có ra tuyên bố lấy làm tiếc, nói rằng ông Thanh đã về nước đầu thú, nhưng không công nhận cũng như phủ nhận hành động bắt cóc.

Tin cuối cùng chúng tôi nhận được từ báo Spiegel là cơ quan Công tố của Đức tình nghi rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã bị cầm giữ trong Sứ quán Việt Nam trước khi được đưa đi.

Kính Hòa RFA

Nguồn : RFA, 10/08/2017

Published in Diễn đàn

Ngày 24 tháng 7, 2017, nhà báo Bill Hayton của hãng tin BBC cho biết theo các nguồn tin từ ngành dầu khí quốc tế và giới ngoại giao Việt Nam, Hà Nội đã dừng chuyện thăm dò dầu khí trên thềm lục địa của mình do bị Bắc Kinh đe dọa tấn công các căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.

Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng xịt vào tàu tuần duyên Việt Nam, trong vụ khủng hoảng giàn khoan 981, mùa hè 2014.

Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng xịt vào tàu tuần duyên Việt Nam, trong vụ khủng hoảng giàn khoan 981, mùa hè 2014. AFP

Các nhà quan sát trong và ngoài nước nhận định gì về diễn biến mới nhất này trên Biển Đông ?

Việt Nam sẽ bị tổn thất nặng về kinh tế

Khi được tin này, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, hiện làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore cho biết :

“Tôi khá là ngạc nhiên, vì Việt Nam khá là quyết tâm trong việc thăm dò trên thềm lục địa của mình, bây giờ Trung Quốc đe dọa, và chưa xảy ra đối đầu đã quyết định dừng hoạt động khai thác. Việt Nam đã nhún nhường tương đối nhiều trong trường hợp này. Tôi nghĩ là điều này tạo một tiền lệ đáng lo ngại trong thời gian tới. Nếu Trung Quốc tiếp tục dùng biện pháp đe dọa như vậy, và Việt Nam tiếp tục nhượng bộ, thì nó đe dọa rất lớn lợi ích kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông».

Một nhà quan sát nước ngoài là ông Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam, làm việc tại Học viện quốc phòng Hoàng gia Úc, cũng cho rằng sự rút lui của Việt Nam ảnh hưởng xấu đến lơi ích kinh tế của mình, ông viết trên trang blog của ông :

Việc Việt Nam cho ngừng khoan tham dò ở lô 136-03 có hậu quả lâu dài. Các công ty dầu khí nước ngoài sẽ xem xét mối nguy này là nghiêm trọng và sẽ đòi hỏi Việt Nam phải bảo vệ hoặc không thì họ sẽ bỏ đi. Nếu Việt Nam ngừng vĩnh viễn việc khoan thăm dò thì điều này sẽ có ảnh hưởng lâu dài đối với các hợp đồng dầu khí hiện tại với các công ty nước ngoài và điều quan trọng hơn cả là với an ninh năng lượng tương lai của Việt Nam.

Khu vực Việt Nam đang tiến hành thăm dò dầu khí nằm trên vùng Biển Đông Nam của Việt Nam, trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tính từ đất liền. Việt Nam gọi là bãi Tư Chính. Nhưng theo quan điểm của Trung Quốc vùng này lại thuộc chủ quyền của họ với đường đứt khúc chín đoạn mà họ tự tuyên bố, chiếm 90% diện tích Biển Đông, và Bắc Kinh gọi là Vạn An Bắc.

Vào giữa tháng Sáu, các cơ quan truyền thông quốc tế loan báo là Trung Quốc đã điều nhiều tàu xuống vùng biển này để gây sức ép, nhưng phía Việt Nam được cho rằng đã từ chối rút khỏi vùng biển này, và cuộc tranh cãi đã làm một nhân vật quân sự cấp cao của Trung Quốc là tướng Phạm Trường Long cắt ngắn chuyến thăm Hà Nội lúc đó.

Thạc sĩ Hoàng Việt, một những người nghiên cứu Biển Đông hiện sống ở Sài Gòn nói rằng nếu Việt Nam rút giàn khoan thăm dò của mình ra khỏi khu vực này, thì đó là một bước lùi :

“Chắc có lẽ trong bối cảnh hiện tại, với sự đe dọa của Trung Quốc, chính quyền Việt Nam thấy cần phải cân nhắc, và có lẽ đó là một bước lùi. Nhưng để xem thế nào, nếu nó là bước lùi chiến thuật thì không sao, nhưng nếu lùi hẳn thì là chuyện khác, nó cho thấy sự thắng thế của Trung Quốc, ngày càng mạnh ở Biển Đông, bất chấp tất cả, kể cả luật pháp quốc tế».

Trao đổi với chúng tôi sau khi diễn biến mới này được loan tin, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới của chính phủ Việt Nam, cũng nhắc lại quan điểm pháp lý khác nhau giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời ông cũng cho rằng vùng Biển Đông đang có những tranh chấp về quyền lợi kinh tế, và địa chính trị rất nguy hiểm. Ông nói rằng nếu Việt Nam thực sự rút lui, thì có thể có lý do như sau :

“Về lý do chính trị, trong bối cảnh hiện nay, như mọi người biết rồi, Trung Quốc là một nước luôn tìm mọi cách để độc chiếm Biển Đông. Câu chuyện hiện nay ai cũng biết họ tìm mọi cách, thủ thuật thủ đoạn, quân sự, ngoại giao, thậm chí kinh tế để gây sức ép. Trước tình hình đó, có nguy cơ xảy ra xung đột, xảy ra chiến tranh. Trước tình hình đó, các chính trị gia bảo vệ lợi ích quốc gia, sự tồn vong của quốc gia của họ cũng cần phải có những xử lý thật mềm mỏng, khôn khéo, đừng tạo ra mồi lửa của cuộc chiến tranh».

Trung Quốc vẫn quyết tâm duy trì đường lưỡi bò, và đe dọa vũ lực

Căng thẳng mới giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn ra chỉ sau khi Phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông ra đời hơn 1 năm. Phán quyết này phủ nhận tính pháp lý của đường chín đoạn mà Trung Quốc tự vạch ra trên Biển Đông. Mặt khác Phán quyết này không công nhận thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế xung quanh các hòn đảo đá không thể duy trì sự sống dài lâu cho con người, vì vậy tất cả các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa, dù ai làm chủ, cũng không có vùng đặc quyền kinh tế xung quanh nó.

Nếu theo phán quyết đó thì khu vực bãi Tư Chính là vùng đặc quyền kinh tế chỉ của Việt Nam mà thôi, vì nó được tính từ đất liền của Việt Nam.

Tin nói về quyết tâm của Việt Nam trong tháng Sáu vừa qua về chuyện thăm dò dầu khí ở bãi Tư Chính, cũng như thái độ khá im lặng của Trung Quốc những tháng sau khi Phán quyết được công bố hồi tháng Bảy năm 2016, có nhiều ý kiến được đưa ra là Trung Quốc cũng có phần nào tôn trọng Phán quyết của tòa trọng tài quốc tế dù ngoài mặt phản đối.

Diễn biến mới được Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận định :

“Một lần nữa khẳng định rằng họ tìm cách bác bỏ phán quyết của tòa trọng tài. Tôi nghĩ một hành động khác nghiêm trọng hơn là họ đe dọa sử dụng vũ lực, theo như bản tin của BBC, họ đe dọa tấn công các đảo của Việt Nam ở Trường Sa».

Điều đáng ngạc nhiên là nếu đó là một hành động nghiêm trọng thì tại sao cả phía Việt Nam lẫn Trung Quốc đều không chính thức đưa tin ?

Giải thích điều đó Thạc sĩ Hoàng Việt nói với chúng tôi :

“Có thể tuy Việt Nam không đưa ra thông báo chính thức vì vẫn e dè Trung Quốc, tức là cái cách Trung Quốc họ muốn không làm rùm beng vấn đề này. Nhưng tin tức lộ ra cho thấy chính quyền Việt Nam vẫn đưa ra thông tin mặc dù chưa chính thức».

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhắc lại sự kiện giàn khoan của Trung Quốc mang số hiệu 981 được đưa vào thềm lục địa Việt Nam hồi tháng Năm năm 2014, làm dấy lên một phản ứng rất dữ dội từ phía người dân Việt Nam, đập phá các nhà máy của Trung Quốc, Đài Loan làm chủ, gây tổn hại rất lớn về kinh tế. Cho nên theo Tiến sĩ Hiệp, Việt Nam muốn kiểm soát thông tin để giữ ổn định, nhưng đây là một điều lợi bất cập hại :

“Điều này cũng có thể có lợi là giúp giữ ổn định trong nước, tuy nhiên nó cũng gây ra một hậu quả tiêu cực là nó không minh bạch về mặt thông tin, gây ra những đồn đoán, hoài nghi trong công luận. Nó có thể làm suy yếu cái tính chính danh của chính phủ trong nhận thức của người dân, liên quan đến việc bảo vệ lợi ích quốc gia, liên quan đến chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông».

Chuyện căng thẳng diễn ra hồi tháng Sáu, trong đó tướng Phạm Trường Long của Trung Quốc bỏ về giữa chừng không được hai nước đưa tin, lúc đó Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp có nói với đài RFA rằng có thể hai bên đang tìm cách giải quyết xung đột một cách kín đáo, khi chúng tôi nhắc lại chuyện này, Tiến sĩ Hiệp cho rằng trong diễn biến mới, nếu chuyện Việt Nam bị áp lực buộc phải rút giàn khoan ra khỏi bãi Tư Chính thực sự xảy ra, thì Việt Nam nên nêu nó ra, ở các diễn đàn an ninh khu vực, thậm chí sử dụng các biện pháp pháp lý quốc tế để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trên Biển Đông.

Published in Diễn đàn

Ngày 14 tháng 7 năm 2017, 13 tổ chức phi chính phủ đã làm kiến nghị gửi chính phủ Việt Nam đề nghị dừng lại việc đổ bùn nạo vét xuống biển Bình Thuận. Một tuần sau đó, Hội nghề cá Việt Nam cũng lên tiếng phản đối chuyện này.

Ngày 02/06/2016, các tổ chức xã hội dân sự đã có cuộc gặp gỡ tại Nghệ An, để thảo luận về thực trạng và tiến trình phát triển xã hội dân sự tại Việt Nam

Đó là dấu hiệu cho thấy các tổ chức dân sự và phi chính phủ hiện nay ở Việt Nam ngày càng đóng vai trò của mình.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, hiện sống ở Hà Nội, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Việt Nam mang những màu sắc rất đa dạng, từ những tổ chức có đăng ký hoạt động với nhà nước, đến các nhóm đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền, luôn bị nhà nước xem là bất hợp pháp. Theo ông cả trăm ngàn tổ chức như thế hoạt động trên mọi lĩnh vực và vùng miền trong cả nước.

Vẫn theo ông Nguyễn Quang A, nhà nước Việt Nam muốn xếp những tổ chức của đảng cộng sản như Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản,… vào trong danh sách những tổ chức phi chính phủ, nhưng ông A nói rằng những tổ chức này hoạt động bằng ngân sách nhà nước, và ông gọi đó là các GONGO, tức là mang danh phi chính phủ nhưng do nhà nước dựng nên và điều khiển.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A là người nghiên cứu về xã hội dân sự Việt Nam, ông đã từng thành lập một tổ chức tư vấn, phản biện chính sách độc lập mang tên là IDS, sau đó bị giải tán vì một chỉ thị kiểm soát các tổ chức phản biện, đưa ra dưới thời cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Các NGO đã làm được nhiều việc trong những năm qua

Mặc dù bị chi phối bởi nhà nước Việt Nam, nhưng điều đó không có nghĩa là các tổ chức này hoàn toàn lệ thuộc vào nhà nước. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia về môi trường hiện làm việc ở Đại học Cần Thơ, cho biết các tổ chức NGO dù có đăng ký với nhà nước, nhưng thường rất quan tâm đến các vấn đề môi trường, và đời sống của cộng đồng dân cư :

“NGO rất nhạy cảm đối với các dự án liên quan đến cộng đồng, bởi vì NGO làm việc với người dân, với cộng đồng nhiều hơn. Họ phải dùng tiếng nói của họ bằng cách này hay cách khác, họ mời các nhà khoa học, họ tổ chức ra những mạn đàm, họ viết trên báo, đưa ra những kiến nghị để chính quyền thay đổi những chính sách hay thay đổi những quyết định”.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn là thành viên của tổ chức Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, một trong các NGO tham gia ký kiến nghị yêu cầu nhà nước Việt Nam dừng lại việc đổ bùn nạo vét xuống biển Bình Thuận.

Đánh giá các hoạt động như vừa nêu trên của các NGO đăng ký với chính quyền ở Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng :

“Rất là quan trọng, vì những hội đấy là những hội chuyên nghiệp. Họ là những người được đào tạo và rất chuyên nghiệp. Và càng ngày họ càng có vai trò quan trọng. Và tôi nghĩ là rất cần khuyến khích những hội như thế hoạt động. Bởi vì xã hội dân sự nó rất là rộng chứ không chỉ bao gồm một nhóm người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền”.

Cá nhân Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng tham gia các hoạt động của các nhóm đấu tranh vì nhân quyền chẳng hạn như tổ chức No-U, ra đời từ những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, nhưng không được nhà nước công nhận. Ông nói rằng hiện nay các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam, đôi khi nhìn những tổ chức NGO có đăng ký với nhà nước bằng một ánh mắt không thiện cảm.

“Những tổ chức đấy không phải là tay sai của chính quyền. Rất đáng tiếc một số anh em hoạt động nhìn họ như những tổ chức GONGO. Họ mời người này người kia vào tham dự, thì đấy là cái cách thực hiện, chiến thuật hoạt động của họ. Họ muốn trôi chảy thì cũng phải thế này thế kia. Mình nghĩ họ hoạt động độc lập chứ không phải là tay sai”.

Ông đưa ra ví dụ một tổ chức tên gọi là RED, nghiên cứu về chuyện bạo hành các nhà báo. Tổ chức này mời các thành viên chính phủ Việt Nam đến họp với họ, bao gồm cả các quan chức của Ban tuyên giáo trung ương, cơ quan tuyên truyền của đảng cộng sản.

Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn, thành viên của nhóm Hà Nội Xanh, tiến hành những hoạt động bảo vệ môi trường, nói về tổ chức của mình, một tổ chức không có đăng ký hoạt động :

“Chúng tôi hình thành từ phong trào Hà Nội xanh, từ con người cho đến phương châm hành động, khi chúng tôi phát triển lên thành một tổ chức thì chúng tôi cũng biết khả năng được cấp phép hoạt động là không thể. Nên ngay từ đầu chúng tôi đã xác định là hoạt động độc lập”.

Tuy nhiên nhận xét về hoạt động của các NGO có đăng ký, dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn nói :

“Để đạt được mục tiêu làm được nhiều việc, họ phải chính thức đăng ký để có trụ sở, để chính danh, để có thể vận động các bên liên quan trong hệ thống chính trị. Khi mà như vậy thì họ phải chịu cấp phép, và chịu áp lực tránh công an rút giấy phép, cho nên họ cũng bị hạn chế. Tuy nhiên tôi trân trọng họ, tin rằng họ luôn hướng đến sự thúc đẩy những giá trị văn minh”.

Ngoài các NGO, còn có các hội nghề nghiệp ở Việt Nam. Ý kiến về tính độc lập của các hội này là những ý kiến khác nhau. Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn thì cho rằng họ là cánh tay nối dài của đảng cộng sản, trong khi đó thì Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng cũng có thể xem họ là các tổ chức dân sự :

“Nó tùy từng hội. Có những hội khá độc lập. Có những hội do một ông quan chức nào đấy, một ông Thứ trưởng về hưu, thì những hội do những quan chức lập ra như thế, thì nhiều khi họ cũng xin xỏ cái bộ chủ quản của họ cái gì đấy. Khả năng độc lập của họ kém đi. Ngay trong các hội nghề nghiệp cũng là một cái phổ tương đối là rộng. Có những ông khá là độc lập, có những ông thực sự là vô tích sự”.

Chia sẻ quan điểm này là Tiến sĩ Lê Anh Tuấn :

“Thực ra nói về tính độc lập thì ở Việt Nam cũng phải để nó trong ngoặc kép chút xíu. Có những cái họ độc lập, có những cái họ lệ thuộc phần nào vào chính quyền. Ví dụ như Hội nông dân, hay Hội nghề cá. Trong các hội nghề nghiệp này họ cũng tư vấn các nhà khoa học, giúp cho họ cơ sở khoa học, đề nghị nhà nước xem xét”.

Ông đưa ra ví dụ những lần Hội nghề cá và Hội nông dân Việt Nam phản đối những dự án có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường, như chuyện dìm bùn nạo vét ở Bình Thuận, hay phản đối dự án nhà máy giấy ở tỉnh Hậu Giang, có nguy cơ làm ô nhiễm sông Cửu Long.

Sự tự nguyện và nguồn lực từ bên ngoài

Ngoài chuyện xin giấy phép, các tổ chức NGO còn phải đối mặt với vấn đề kinh phí hoạt động. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nói :

“Có một số cái nhà nước cho phép, một số cái nhà nước kiểm soát. Đó cũng là điều khó khăn. Ngoài ra họ không có nguồn tài chính dồi dào như các cơ quan nhà nước để làm nghiên cứu. Họ dựa vào sự tự nguyện của các thành viên, hay nhờ các nhà khoa học cố vấn cho họ. Mà không phải ai cũng nhận lời vì sợ đụng chạm các cơ quan nhà nước, hay các công ty tập đoàn lớn. Nhưng cũng có những nhà khoa học quan tâm đến môi trường, sinh thái, sinh kế của người dân thì cũng góp tiếng nói trong các vấn đề này”.

Một số các NGO Việt Nam nhận được tài trợ từ các tổ chức nước ngoài, ví dụ như OXFAM, Cộng đồng châu Âu, Quĩ Fort, Quĩ Toyota, nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, chuyện này không hề dễ dàng, vì họ luôn bị kiểm soát chặt chẽ từ chính phủ :

“Họ luôn luôn soi cái thủ tục để mà xét duyệt dự án, để được nhận tiền thì họ hành các tổ chức NGO lên bờ xuống ruộng. Các NGO bị kềm kẹp một cách mệt mỏi và khó khăn. Các NGO có thể nhận tiền từ nước ngoài nhưng các thủ tục ấy rất là phức tạp”.

Quan sát hoạt động của các tổ chức NGO trong hai chục năm qua, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng sự hình thành và hoạt động của các tổ chức dân sự, phi chính phủ Việt Nam là rất tốt.

Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn thì cho rằng các tổ chức NGO được cấp giấy phép của chính phủ cũng đã tham gia vào các hoạt động trước kia bị xem là nhạy cảm, chẳng hạn như trong cuộc biểu tình chống chặt cây xanh tại Hà Nội cách đây hai năm, một NGO có giấy phép của nhà nước đã cùng nhóm Hà Nội Xanh của ông tổ chức cuộc tuần hành.

Tuy nhiên ông Tuấn lại bi quan cho rằng trong thời gian từ đầu năm 2017 đến nay, các tổ chức dân sự không có giấy phép lại bị đàn áp mạnh mẽ hơn trước, mặc dù những hoạt động như đưa kiến nghị, phản biện xã hội trên báo chí, hay mạng xã hội của các NGO có vẻ khởi sắc và cấp thời hơn.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 21/07/2017

Published in Diễn đàn
Trang 8 đến 8