Nỗi đau của anh chị em chính là nỗi đau của chúng tôi
Paulus Lê Sơn, VNTB, 18/01/2019
Ngày 14/01/2019, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục tiên khởi tân giáo phận Hà Tĩnh, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, cùng với cha Giuse Lê Quốc Thăng, Thư ký Ủy ban đã đến viếng thăm, ủy lạo anh chị em lương-giáo dân oan vườn rau Lộc Hưng.
Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp tại vườn rau Lộc Hưng ngày 14/1/2019 - Ảnh: RFA
Trong lời chia sẻ, Giám mục Hợp nói : "Nỗi âu lo và hi vọng của người khốn khổ cũng là nỗi âu lo và hi vọng của Giáo hội. Trong những ngày đầu năm Tết Kỷ Hợi năm nay sẽ hội ngộ như thế nào, sẽ gặp nhau ở đâu. Đó là nỗi đau của ông bà và anh chị em cũng chính là nỗi đau của chúng tôi".
Giám mục cũng nhắc đến Hiến chế Vui mừng – Hy vọng của Công đồng chung Vatican II : Vui mừng và hy vọng của thế giới, của bà con Lộc Hưng là vui mừng và hy vọng của Giáo hội. Ngài nhấn mạnh : "Chúng tôi biết anh chị em tuân thủ pháp luật, nhưng vì những bức xúc do chính quyền gây ra trong những ngày giáp tết đoàn viên này".
Khi sự kiện nhà cầm quyền địa phương đập phá nhà cửa, tài sản của người dân Lộc Hưng hôm 4/1, thì Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Việt Nam đã viếng thăm, chúc lành cho bà con và mảnh đất này. Cùng một diễn biến ấy, Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Úc Châu đã gởi thư hiệp thông với anh chị em vườn rau Lộc Hưng và lên án chế độ cộng sản độc tài.
Những hình ảnh các vị mục tử nhân lành ở giữa đoàn chiên đang bị ba thù rình mồi cắn xé quả thật hết sức xúc động. Đó như sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa các tông đồ trước sự sợ hãi sau cái chết của Chúa trên Thánh giá. "Bình an cho anh em" mà Chúa trao cho các môn đệ như là một sự Phục sinh, là thần khí.
Giờ đây Giám mục Nguyễn Thái Hợp đến nhắc nhớ Hiến Chế Vui mừng và Hi vọng như là một cách thức tương tự khi xưa Chúa đã làm với các môn đệ của Ngài. Các Giám mục, các Linh mục đã đến với họ, tự mình đi vào trung tâm của tình trạng thê thảm mà người dân Lộc Hưng đang gánh chịu. Nỗi đau khổ khốn cùng và sợ hãi của người dân nơi đây cũng chính là nỗi đau của Chúa, của Giáo hội. Và các Ngài đến để trao ban bình an, hi vọng và đem lại sức mạnh để họ thực hành đời sống công bình cho chính mình và cho xã hội.
Đó cũng là tinh thần nói lên sự hiệp thông và đại kết trong Giáo hội Công giáo, sự hiệp thông mang tính phổ quát, hàm ngụ một chiều kích song đôi ; chiều kích hướng về, hiệp thông với Thiên Chúa và chiều kích hướng đến hiệp thông giữa con người với con người.
Chúng ta hẳn không quên câu nói nổi tiếng của Giám mục Phaolo Maria Cao Đình Thuyên, nguyên Giám mục Giáo phận Vinh khẳng định : "Chuyện của Thái Hà là chuyện của Giáo phận Vinh" để tỏ bày hiệp thông với Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà khi xảy ra biến cố nhà cầm quyền muốn cưỡng chiếm mảnh đất thuộc Giáo xứ Thái Hà, Hà Nội vào năm 2008.
Cũng chính trong biến cố Thái Hà, đã có nhiều anh chị em giáo dân Giáo xứ Lộc Hưng hiệp thông một cách mạnh mẽ và trọn vẹn bằng kinh nguyện, bằng sự lên tiếng, bằng sự hiện diện. Ngay thời điểm đó, người dân Lộc Hưng cũng bị rình rập, bị khủng bố bởi nhà cầm quyền địa phương, nhưng họ không quên Thái Hà mãi tận ngoài Bắc.
Giờ đây, họ lâm vào cảnh nhà cửa bị san phẳng, đất đai ruộng vườn bị phá nát, con đường kiếm kế sinh nhai bị chặn đứng, tài sản bao đời bỗng chốc bị cướp sạch bởi bàn tay vấy máu cộng sản thì ai đang bên họ, ai đồng hành cùng họ, ai dám liều thân vì họ ? Chắc chắn có nhiều người khắp nơi trong nước và hải ngoại, trong đó có những luật sư, các vị trí thức, những đấng bậc lãnh đạo tôn giáo đã, đang và sẽ đồng hành cùng người dân Lộc Hưng. Nhưng hình như vẫn chưa đủ, vẫn còn thiếu bóng dáng của những người cần phải có ?
Paulus Lê Sơn
Nguồn : VNTB, 18/01/2019
*******************
"Vườn rau" và "EVFTA"
Thục Quyên, VNTB, 18/01/2019
"Vườn Rau" nghe còn mường tượng là cái gì có thể hiểu được nên còn muốn đọc. Chứ "EVFTA", ngay cả dùng tiếng Việt Nam "Hiệp định Thương mại Tự do Việt nam-Liên minh Âu châu" thì cũng qúa xa lạ, đọc chắc cũng không hiểu, nên không đọc luôn cho rồi.
Vườn rau Lộc Hưng trước ngày bị cưỡng chế
Nhưng không phải chỉ có vậy. "Vườn Rau" và EVFTA có liên quan với nhau.
Cái tựa phản ảnh tình trạng đang rất bi đát của đất nước và con người Việt Nam.
"Vườn rau" Lộc Hưng
Người lưu tâm theo dõi diễn biến vụ việc này từ ngày 4/01/2019 (tới nay là 13 ngày) hầu như chỉ có thể đọc trong Facebook và trên vài báo mạng lề trái. Mỗi ngày tối thiểu phải đầu tư 1 tiếng đồng hồ để sàng lọc tin tức, nhưng tuy vụ việc xảy ra công khai trước mắt đám đông, những chi tiết xác thực rất hiếm, còn mong chi tìm được hai hay ba nguồn khác nhau để kiểm chứng ?
Vụ "Vườn Rau" quan trọng ở chỗ xảy ra sau một thời gian rất dài diễn biến, nạn nhân lại là một xóm đạo, với sự có mặt thường xuyên và trực tiếp của một số linh mục Công giáo Rôma.
Khi chùa Liên Trì bị đập nát ngày 8/09/2016, chùa là một trong những cơ sở nhỏ bé và hiếm hoi còn sót lại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, lúc đó còn dám phát quà cho thương phế binh của chế độ cũ, trợ giúp dân oan mất đất hay họp mặt các cựu tù chính trị hoặc các hội đoàn xã hội dân sự. Vị trụ trì, Hòa thượng Thích Không Tánh, đứng bất lực chứng kiến, lẻ loi cô độc như mọi người dân oan khác, vì Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất chỉ còn là một cái tên không chút sinh khí sau 40 năm đảng cộng sản cai trị đất nước. Trong khi gần đó, Nhà thờ Thủ Thiêm và tu viện Mến Thánh Giá còn được tồn tại (tới ngày nay), tưởng chừng nhờ nội lực tự bảo vệ của Giáo hội Công giáo Việt Nam với ảnh hưởng mạnh mẽ của Vatican, nhưng lại cũng chưa chắc sau vụ "Vườn Rau" này.
Lẽ dĩ nhiên Vườn Rau không phải là một cơ sở tôn giáo.
Nhưng là một xóm đạo, sống và hoạt động rất mật thiết với Văn phòng Công Lý Hòa bình Dòng Chúa Cứu Thế, và, như Liên Trì (nhưng mạnh hơn nhiều), là nơi nương tựa của một số thương phế binh chế độ cũ, dân oan mất đất, các cựu tù binh chính trị, một số thành viên của vài hội đoàn xã hội dân sự.
Việc san bằng Vườn Rau chỉ trong vài ngày thay vì 90 ngày như nhà cầm quyền dự tính, là do không gặp sự phản đối mạch lạc theo trình tự pháp luật của những chủ đất từ bao năm nay (trong đó có Giáo hội Công giáo Rôma), cũng như tại chỗ, đã không gặp sức chống cự bất bạo động nhưng mãnh liệt của vài trăm người dân sống tại đó.
Chuyện gì đã xảy ra nếu trước đó có sự theo dõi, đánh giá tình hình kỹ lưỡng, có sự suy nghĩ tổ chức đề phòng và chống cự khi có tình huống ? Chuyện gì đã xảy ra nếu vài trăm người dân Vườn Rau không bỏ mặc cho dăm ba người kêu gào mà cùng nhau ngồi xuống chặn đường công an và xe ủi đất ? Nếu thay vì vài trăm dân cư Lộc Hưng lại là vài ngàn, vài chục ngàn giáo dân, vài trăm linh mục ? Nếu những hồi chuông của 300 nhà thờ Công giáo Rôma tại Sài Gòn cùng đổ vang khi bạo lực tiến gần, thì chắc dân Sài Gòn khắp nơi, ngay cả các tòa lãnh sự, các đại diện những tổ chức quốc tế tại Sài Gòn, đều bắt buộc phải ghi nhận đang có sự oan khiên xảy ra giữa lòng thành phố. Liệu việc san bằng Vườn Rau có thể nhanh chóng và tốt đẹp ngoài sức tưởng tượng của kẻ chủ mưu hay không ?
EVFTA và giấc mơ của Tiến sĩ Nguyễn Quang A (1)
Định mệnh "Hiệp định Thương mại Tự do Việt nam-Liên Hiệp Châu Âu" EVFTA đang tùy thuộc sự kiện có được thông qua hay không bởi Hội đồng Châu Âu, rồi còn phải được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn.
Ngày 10/01/2019 Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW đã lên tiếng kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu hoãn bỏ phiếu về EVFTA vì lý do các yêu cầu về Nhân quyền chưa được đáp ứng mà sự đàn áp còn gia tăng trong suốt năm 2018. Lời kêu gọi này nhắc lại nỗ lực kêu gọi của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có "VETO! Mạng lưới những người bảo vệ Nhân quyền" vận động trực tiếp với những dân biểu các đảng phái thuộc Nghị viện Châu Âu và đưa ra một danh sách những đòi hỏi rất cụ thể.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A trong 2 bài viết trên FB ngày 11/01/2019 đã đăng lời kêu gọi của HRW nhưng đồng thời đưa ra ý kiến ngược lại "TÔI THÌ BẢO : HÃY KÝ NGAY VÀ THÔNG QUA NGAY EVFTA!" vì ông cho rằng sau khi EVFTA được ký và đi vào hiệu lực thì Liên Hiệp Châu Âu sẽ có một khí cụ để can thiệp hiệu quả, buộc chính quyền Việt Nam phải cải thiện nhân quyền.
Trên lý thuyết thì Tiến sĩ Quang A không sai, nhưng trên thực tế thì e rằng đây lại sẽ là một cái khí cụ vô ích vì chẳng ai dùng tới. Đó là chưa muốn nhắc tới những lỏng lẻo, yếu điểm của khí cụ này.
Hãy nhìn khu Vườn Rau giữa Sài Gòn, thủ đô của miền Nam Việt Nam, trở thành bình địa trong ít tiếng đồng hồ, để thấy có luật mà không thể dùng, hoặc không dùng được đúng lúc và đúng chỗ thì cũng vô ích. Người dân Việt Nam hoàn toàn không có chút nội lực nào cả để tự vệ, ngay cả khi liên quan trực tiếp đến miếng cơm manh áo hàng ngày của mình và gia đình mình. Thì ai ở đó để hiểu về những liên lạc phức tạp thương mại mà lên tiếng hay tranh đấu ?
Người Việt không có nội lực để gây sức ép thì Liên Hiệp Châu Âu nào phải bận lòng can thiệp vào những vi phạm Nhân quyền tại Việt Nam, mảnh đất thật xa vời với người dân của họ ? Chính phủ Liên Hiệp Châu Âu trước hết phải lo cho quyền lợi của Liên Hiệp Châu Âu. Đó là chuyện dĩ nhiên.
Vấn đề trước sau vẫn nằm nơi phía người dân Việt
Thật ra đa số người Việt không dốt hay tắc trách hơn những dân tộc khác, nhưng trong các quốc gia khác, những lớp người có ăn học, những chuyên viên các ngành nghề, lo giữ trách nhiệm tìm hiểu, suy nghĩ, lên tiếng, đóng góp, tác động vào những việc thuộc ngành chuyên môn của mình.
Việt Nam không có những lớp người có khả năng và có trách nhiệm đó.
Cứ đếm số những người Việt Nam có hiểu biết và quan tâm đến những Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, Hiệp định EVFTA...trong suốt thời gian họp bàn, thương lượng, thì ắt nhìn thấy tình trạng đi về đâu.
Sau khi Mỹ rút ra khỏi TPP, thì Hiệp định CPTPP được ký với 22 điểm bị tạm hoãn, trong đó có những điểm rất quan trọng liên quan đến Nhân quyền, Quyền của Người Lao động... Không hề thấy một người hay một nhóm người Việt Nam nào lên tiếng về sự kiện này.
Tiến sĩ Quang A có lý khi kêu gọi phải lên tiếng chống lại "bọn đã và đang phá hoại EVFTA bằng cách tăng gia vi phạm Nhân quyền", nhưng người dân cho tới nay chỉ nghĩ ra được phương cách than khóc hay lải nhải kiến nghị chỗ này chỗ kia, thì ăn thua gì ?
Trao đổi thương mãi như là ổ bánh hai bên ký kết chia nhau. Hai bên đều muốn thủ lợi là chính, bảo vệ quyền người dân là phụ. Dân Việt Nam không có sức ép lên nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thì chỉ còn cơ hội gây sức ép lên phía đối tác với họ là Liên Hiệp Châu Âu, là những nước coi trọng Nhân quyền và tuân thủ những luật lệ dân chủ. Không có khả năng để gây sức ép thì đừng hy vọng người khác tự ý, nghiễm nhiên gánh những khó khăn hộ mình.
Suy tính Liên Hiệp Châu Âu có mặt tại Việt Nam vẫn đỡ hơn là bỏ mặc Việt Nam cho Trung quốc chỉ đúng khi Việt Nam có một lực lượng có thể hợp sức và đồng thời ép Liên Hiệp Châu Âu thực tình đặt vấn đề can thiệp bảo vệ Nhân quyền và Môi sinh cao tương đương với những mối lợi kinh tế, thương mại của họ.
Bao nhiêu sự trợ giúp của Âu Châu và Mỹ mấy chục năm nay đã không đưa Việt Nam tới chỗ mong muốn, vì dân Việt vẫn quên là mình phải đóng vai chính, không thể mong ước Tự do Dân chủ sẽ đến như một món quà từ nơi khác.
Trong chiều hướng giấc mơ của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, hy vọng người Việt thử hết mình cộng tác với những nước đã ký CPTPP để xử dụng hiệp ước này như "CÂY GẬY lớn và hiệu quả để buộc chính quyền Việt Nam phải cải thiện nhân quyền".
Hoãn EVFTA là hết sức hợp lý
Trong năm 2019 nếu "CÂY GẬY" CPTPP có hiệu qủa thì Nghị viện Châu Âu sẽ nhìn thấy sự cải thiện nhân quyền tại Việt Nam, và mau chóng phê chuẩn EVFTA .
Chuông nhà thờ không đổ thì không ai biết xóm đạo bị nạn.
Mong rằng vài trăm vài ngàn tiếng nói từ Việt Nam cất lên để Hội đồng Châu Âu và Nghị viện Châu Âu biết người dân Việt Nam muốn gì ?
Thục Quyên
Nguồn : VNTB, 18/01/2019
Ghi chú :
Để có khái niệm về EVFTA xin đọc :
- https://boxitvn.blogspot.com/2018/09/evfta-co-hoi-hanh-ong-phan1.html
- https://baotiengdan.com/2018/09/06/evfta-co-hoi-hanh-dong-phan-2/
************************
Làm ơn cụ Tổng nói một lời ‘công đạo’
Minh Châu, VNTB, 18/01/2019
"Tôi thấy đa số dân bị cưỡng chế ở khu vườn rau Lộc Hưng chủ trương đòi hỏi ‘công lý’. Ý nguyện này không có gì khó khăn. Nếu thực hiện thì chỉ khẳng định những quyết tâm của cụ Tổng mà thôi... Làm ơn cụ Tổng nói một lời công đạo".
Vụ đập phá nhà dân ở khu vườn rau Lộc Hưng, phường 6, quận Tân Bình, Sài Gòn vẫn tiếp tục nóng đối với tất cả nhà dân nằm trên con đường Chấn Hưng, Hưng Hóa, khi suốt tuyến đường này vẫn rải đầy lực lượng công an, dân phòng, an ninh thường phục. Tất cả những ai đi qua đây mà dừng xe lại rồi đưa điện thoại lên để quay phim, chụp hình là lập tức bị lực lượng sắc phục lẫn thường phục ập tới cản ngăn. Nếu người dân phản ứng, họ sẽ bị thu luôn điện thoại.
Xin ghi nhận một số ý kiến từ cư dân Lộc Hưng, và khu xóm lân cận đó cũng trên địa bàn phường 6, quận Tân Bình.
* Ông Quang, người trồng rau : Sáng chủ nhật rồi, nhân viên chính quyền gặp tôi nói là lên phường để nhận tiền hỗ trợ 18 triệu đồng cho việc miếng đất trồng rau, chuồng gà của tôi nơi đây đã bị họ đập phá tan hoang. Quá vô lý, họ cướp công khai tài sản, gia cầm, hoa màu tôi trồng để bán mùa Tết thì sao gọi là tiền hỗ trợ ? Nếu từ đầu họ thương lượng với giá cả hợp lý, tôi nghĩ sẽ không ai phản ứng khi nơi đây sẽ có một dự án trường học tử tế.
Dĩ nhiên đó phải là xây dựng trường học, chứ không phải là cái cớ để sau đó chuyển đổi sang mục đích kinh doanh chung cư, căn hộ mà chính quyền đã từng toan tính nhiều lần ở khu đất vườn rau Lộc Hưng.
* Ông Nguyễn Minh Hùng, giáo viên môn tiếng Anh : Tôi từng thuê một căn nhà ở kề khu vườn rau Lộc Hưng để mở lớp dạy thêm, và tham gia lớp tình thương cho trẻ em nghèo khu vườn rau.
Tôi không am tường về luật đất đai, nhưng về chuyện xây dựng trường lớp nơi đây thì tôi thấy là trên cương vị Bí thư Thành ủy, đồng thời cũng từng là phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, rồi giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục, tin chắc ông Nguyễn Thiện Nhân biết rõ ràng là làm gì có chuyện chỉ với vật chất của một ngôi trường được xây dựng là có thể đạt chuẩn quốc gia, như tên của dự án trên tấm bảng đang cắm ở đất của bà con khu vườn rau Lộc Hưng, là "cụm trường học đạt chuẩn Quốc gia".
Tôi nghe nói ông Nguyễn Thiện Nhân cũng từng đứng lớp. Tôi muốn nói chi tiết hơn với thầy giáo Nguyễn Thiện Nhân rằng cụm từ "trường chuẩn quốc gia" đã trở thành nỗi ám ảnh không chỉ với ban giám hiệu các trường, mà với tất cả giáo viên như chúng tôi. Khi trường học nào đó được khoác trên mình danh hiệu "trường chuẩn quốc gia mức độ 1, 2 hoặc 3" như một điều hiển nhiên phải nổi trội hơn các trường khác, dù thực chất không có được điều đó.
Thế là mọi hoạt động ở trường phải chạy đua, phải gồng mình lên để theo kịp những cái danh vừa đạt được. Cứ như việc trường lên hạng, mọi thứ bỗng chốc buộc phải lên hạng theo. Như tỉ lệ học sinh khá, giỏi phải luôn đạt mức cao, thấp nhất cũng từ 75% trở lên ; học sinh lên lớp thẳng khoảng 99%...
Chẳng thế mà có trường mới chỉ năm ngoái thôi khi chưa được công nhận là "trường chuẩn quốc gia" thì học sinh yếu còn được phép lưu ban để học lại cho chắc. Nhưng năm nay các em không được phép ở lại, dù học sinh ấy có học yếu cỡ nào…
Nói dông dài như vậy để xin khẳng định một điều, là chắc chắn trong tất cả các văn bản pháp lý liên quan đến vấn đề giáo dục, không hề có ý niệm về xây cất một, hoặc cụm trường học đạt chuẩn Quốc gia như tấm bảng đang cắm trên đất của bà con vườn rau Lộc Hưng.
* Bà Nguyễn Thu Dung, giáo viên môn địa lý : Tôi có đứa em đang dạy mầm non ở khu dân cư 50 héc ta tại Cát Lái, quận 2. Xin mời thầy Nguyễn Thiện Nhân đến đây tham quan để biết thế nào là chuẩn quốc gia đối với trường học.
Trường mầm non Cát Lái nằm trong cụm các trường từ mầm mon, tiểu học đến trung học cơ sở, xây dựng rất bề thế ở phía sau trụ sở của Tòa cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trường mầm non này được thành lập 2001, với cảnh quan thoáng mát, môi trường học tập xanh - sạch - đẹp - an toàn. Tất cả phòng học, phòng chức năng đều đầy đủ trang thiết bị, phục vụ tốt việc chăm sóc, giáo dục cho hơn 336 trẻ đang theo học tại trường.
Đến tháng 11/2017, trường mầm non Cát Lái được công nhận đạt chuẩn Quốc gia và Kiểm định chất lượng giáo dục. Còn 2 trường nằm liền kề trong cụm thì chưa đạt chuẩn Quốc gia, mặc dù cơ sở rất rộng rãi, lớn hơn nhiều so vị trí tính xây dựng ở khu vườn rau Lộc Hưng.
Thầy Nguyễn Thiện Nhân ơi, họ phải mất tới 16 năm, trường mầm non Cát Lái mới có thể đạt chuẩn Quốc gia. Và thầy Nhân cũng lưu ý luôn là chuyện "chuẩn Quốc gia" này được tính theo niên hạn mỗi 5 năm, chứ không phải đạt một lần là… mãi mãi như tấm bảng cắm ở đất bà con vườn rau Lộc Hưng đâu.
* Bà Chinh, cựu Hội thẩm nhân dân : Khu đường Chấn Hưng và Hưng Hóa có chiều ngang hẹp. Trông nó giống con hẻm nhiều hơn. Thử tưởng tượng cảnh phụ huynh đón con mỗi khi tan trường đồng loạt ở 3 cấp từ mầm non đến trung học cơ sở, sẽ hình dung ra ngay chuyện kẹt xe, tắc đường khi họ phải len lõi chạy ra con đường chính Cách Mạng Tháng Tám nằm bên ngoài.
Mà thôi, đó là chuyện tương lai. Biết đâu giờ chót chính quyền đổi ý để xây dựng cái khác thì sao ?. Ngay lúc này, tôi thấy đa số dân bị cưỡng chế ở khu vườn rau Lộc Hưng chủ trương đòi hỏi ‘công lý’. Ý nguyện đó không có gì khó khăn. Nếu thực hiện thì chỉ khẳng định những quyết tâm của cụ Tổng mà thôi...
Làm ơn cụ Tổng nói một lời công đạo, xin đừng để tiếng oán than dậy trời khi ngày Tết đang đến gần. Thất nhân tâm lắm rồi.
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 18/01/2019
Từ chiếc giày của cô gái Thủ Thiêm
Viết từ Sài Gòn, RFA, 21/10/2018
Chuyện một công dân ném giày vào mặt nhà lãnh đạo, nếu ở quốc gia tiến bộ và lãnh đạo lương thiện thì đó là việc xấu, đáng chê trách, ngược lại, ở một quốc gia tụt hậu, tham nhũng và không có những lãnh đạo lương thiện, thì hành động ném dép vào mặt lãnh đạo trở nên phát sáng và nhận được sự hưởng ứng, cổ động, tung hô… Trường hợp cô gái trẻ tên Nguyễn Thị Thùy Dung ném giày vào mặt bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (Phó Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) trong cuộc tiếp xúc cử tri Thủ Thiêm ngày 20 tháng 10 năm 2018 là một ví dụ. Cô được nhân dân tung hô như mở cờ trong bụng. Tại sao có chuyện kì lạ này ?
Biên bản tạm giữ chiếc giày, hình FB Trương Châu Hữu Danh
Tại Việt Nam, chuyện ném giày, ném dép vào mặt lãnh đạo, cán bộ không phải là lần đầu. Trong một phiên tòa ở phía Bắc, người dân đã ném thẳng giày vào mặt thẩm phán, không những ném một lần mà ném tới ba, bốn lần, giày trúng phóc vào mặt thẩm phán, phiên tòa phải tạm ngưng, thẩm phán phải ngưng tuyên án để trốn vào bên trong dưới sự bảo vệ của công an và cán bộ… Nhưng vụ này chím xuồng, chỉ xuất hiện lai trên các trang mạng xã hội chứ không nổi đình nổi đám như vụ cô Thùy Dung ném giày vào mặt bà Quyết Tâm. Và ở cả hai vụ ném giày này, người bị ném đều tỏ ra tức tối, giận dữ, hằn học. Những người ném giày trong phiên tòa ở phía Bắc đều bị công an mời, cô Thùy Dung thị bị vây bắt, đánh tập thể.
Cái khác nhau giữa lãnh đạo tiến bộ và lãnh đạo kém cỏi nằm chỗ khi bị nhân dân ném vào mặt, nếu lãnh đạo tiến bộ, người ta phải xin lỗi vì mình đã chọc giận nhân dân, đã sai với nhân dân đến mức khiến cho nhân dân phản ứng thái quá. Còn với lãnh đạo kém cỏi, thường thì phản ứng tức giận, hằn học, thậm chí trả thù người đã ném mình. Và đương nhiên, lãnh đạo tiến bộ luôn biết quì xuống xin lỗi nhân dân, lãnh đạo thô thiển, kém cỏi thì xem nhân dân chẳng thua gì cỏ rác. Đó là những nét khác nhau cơ bản.
Có một điều đáng hổ ngươi cho bà Nguyễn Thị Quyết Tâm ở chỗ, cũng chính miệng bà từng khẳng định trong một phiên tiếp xúc báo chí năm ngoái rằng "Nhân dân không bao giờ chửi Đảng". Và bà Tâm là một đảng viên cấp cao của đảng Cộng sản, chứ không ai khác, chính bà đã bị nhân dân chất vấn, chửi thẳng lời và ném thẳng giày vào mặt (rất may cho bà là không trúng mặt mà chỉ rơi xuống bàn trước mặt !). Chỉ riêng chuyện này thôi cũng đủ nhận thấy cái tâm và cái tầm của một cán bộ cấp cao như bà Tâm. Một cán bộ làm chuyện mờ ám trong vấn đề đất đai của nhân dân, thơn thớt nói cười trước nỗi đau của nhân dân và sẵn sàng nói láo không biết ngượng miệng rằng nhân dân tin tưởng mình, không bao giờ chửi Đảng… Điều đó chỉ cho thấy bản thân bà Tâm chưa và không đủ tư cách làm một con người bình thường trong một xã hội bình thường.
Nhưng ở đây, bà Tâm được làm cán bộ cao cấp trong một xã hội bất thường. Một xã hội mà ở đó, kẻ cướp luôn miệng xưng mình là đầy tớ nhân dân, một xã hội mà ở đó, mọi thứ trái khoái, phi lý đều có thể diễn ra dưới sự che chở, bảo bọc của nhà nước, một xã hội mà tiếng kêu đau không còn đủ sức đánh vào lương tri nhà cầm quyền, dường như lương tri của họ đã chai lạnh, và người dân phải dùng đến bình gas, đốt, ném, dùng đến bạo lực thì nhà cầm quyền mới chịu nói chuyện một cách nghiêm túc trong sự giảo hoạt có chừng mực hơn của họ. Và đương nhiên sự nghiêm túc này cũng chẳng mang lại giá trị hay kết quả nào ngoài ý nghĩa lấp liếm, giảo hoạt và thêm một lần nữa lừa dối nhân dân.
Rõ ràng, có một thứ gì đó đã ăn quá sâu trong não trạng của người Cộng sản, họ dường như không còn biết thế nào là nói thật, tự trọng, danh dự hay bao dung. Bởi nếu biết những thứ đó, ắt hẳn bà Tâm sẽ không bao giờ hằn học với cô Thùy Dương. Trong tâm thế của một cán bộ cấp cao, chịu trách nhiệm về đời sống, quyền lợi của người dân, chiếc giày ném từ phía đối phương sẽ đóng vai trò thức tỉnh lương tri và trách nhiệm, khiến cho người ta phải suy tư nhiều hơn về bổn phận cũng như hình ảnh của mình trước nhân dân. Nhưng ở đây thì không phải vậy !
Cái "không phải vậy" này nghiễm nhiên đẩy chiếc giày tức dân của một người dân ném cán bộ vào lịch sử. Nó cho thấy bộ mặt thật của chế độ cầm quyền cũng như bộ mặt thật của những kẻ đang nắm quyền bính, đang làm mưa làm gió và đang ăn hại nhân dân méo tròn ra sao. Và cái lạ ở đây là khi một chiếc giày được ném vào mặt một nô bộc nhân dân xuất sắc, ưu tú của đảng thì liền sau đó là những tràn vỗ tay triền miên.
Nó cũng giống như người dân đã từng vỗ tay cho Đoàn Văn Vươn – Hải Phòng, tung hô hết lời với nhân dân Đồng Tâm – Hà Nội, nhân dân Phan Rí Cửa – Bình Thuận, và bây giờ là cô Thùy Dương, Sài Gòn. Rõ ràng có một điều gì đó đang biến chuyển, đi từ ngậm miệng tức tưởi sang chỗ đấu tranh kêu gào và tiến đến bứt phá và bây giờ là ném thẳng vào mặt. Thế mới hiểu thế nào là sức mạnh của nhân dân ! Một sức mạnh mà ở những quốc gia dân chủ tiến bộ, nó hoàn toàn không bao giờ cần dùng đến !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 21/10/2018 (VietTuSaiGon's blog)
*********************
Chiếc giày của chị Dương
Mặc Lâm, VOA, 21/10/2018
Chị Nguyễn Thùy Dương 28 tuổi, ngụ tại Q.2 vừa có một hành động vượt qua mọi suy nghĩ của người dân cả nước. Chị ném chiếc giày của mình đang mang vào bà Nguyễn Thị Quyết Tâm vào sáng ngày 20 tháng 10 trong một cuộc họp của thành phố với người dân oan Thủ Thiêm, khi bà Tâm trên bục giảng thuyết, cố gắng xoa dịu người dân oan trong giải pháp đền bù cho họ bằng việc tiếp tục hứa hẹn những điều mà họ đã nghe không biết bao nhiêu lần từ hơn hai mươi năm qua.
Chân dung chị Thùy Dương tại một buổi tiếp xúc cử tri tháng 6/2018, người được cho là đã ném giày vào bà Nguyễn Thị Quyết Tâm trong buổi tiếp xúc cử tri vào sáng ngày 20/10. (Ảnh chụp màn hình trên kênh Youtube Dân Oan Việt Nam)
Chiếc giày của chị Dương không trúng bà Tâm nhưng lại trúng vào tâm điểm của cả guồng máy chính trị mang tên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên người dân ném giày dép vào lãnh đạo, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên chiếc giày của chị Dương được chú ý nhiều đến thế. Chiếc giày như một thứ vũ khí của người dân đen, nó đơn sơ như thời kỳ Đảng Cộng sản vận động người dân dùng tầm vông vạt nhọn để chiến thắng quân thù. Chiếc giày tuy không nhọn và làm nguy hiểm tính mạng như tầm vông nhưng nó lại mang hình ảnh của những gì tệ hại nhất, mọi thứ nhơ bẩn đều nằm dưới gót của nó, vì vậy, nó mặc nhiên được xem là thứ vũ khí cần thiết khi người ta muốn hạ bệ một hình tượng, một chủ thuyết hay ngay cả một chế độ. Chiếc giày là hình ảnh gây ấn tượng khi nó được ném vào ai đó. Ở đây chị Thùy Dương ném vào bà Quyết Tâm, người phụ nữ quyền lực nhất thành phố. Bà Tâm được người dân xác định là không thuộc phe nước mắt bởi bà không biết khóc, vụ Nhà hát Giao hưởng là ví dụ mới nhất sau một loạt tuyên bố đầy tai tiếng của bà.
Nhưng chiếc giày của chị Dương không chỉ nhắm vào bà Quyết Tâm. Nó nhắm vào cả hệ thống quyền lực của Việt Nam. Thông điệp của nó là bọn dân cùng khổ của chúng tôi không còn sợ hãi guồng máy này nữa. Chiếc giày là tiếng nói chính thức không những của dân oan Thủ Thiêm mà là dân oan khắp nước. Những người sống không ra sống, chết không ra chết, đang vật vã trong những công viên, khu phố ngập ngụa sình lầy, dưới gầm cầu, trong nhà lồng chợ…..những con người ấy đã và đang kêu gào khản cổ nhưng không một ai trong guồng máy trả lời cho họ. Thủ Thiêm hai mươi năm. Đồng Nai hai mươi sáu năm, Long An, Bà Rịa, Văn Giang, Dương Nội, Nam Định… không biết bao nhiêu năm nữa. Chất chứa lâu và dày như thế liệu một chiếc giày có làm cho hệ thống này tỉnh giấc hay không ?
Nếu chính quyền không tỉnh thì người dân sẽ tỉnh.
Bởi họ sống quá lâu trong sợ hãi. Người dân không thể tưởng tượng ra được vào một ngày nào đó trong một buổi họp quan trọng, trong một công sở nguy nga lại có một phụ nữ 28 tuổi cũng cùng khổ như mình dám ném chiếc giày vào lãnh đạo thành phố. Người phụ nữ ấy là ai mà bạo gan như thế ? Đơn giản lắm, cô chẳng phải là anh thư nữ kiệt gì, cô chỉ là một người dân oan Thủ Thiêm mất đất, bị chính quyền lừa lọc quá lâu, quá nhiều lần. Sự nóng giận nhiều ngày đã biến thành phẫn nộ và từ đó chiếc giày được phóng ra bằng sức mạnh của sự oan ức, lầm than trong bao nhiêu năm tích tụ.
Chính quyền thành phố lần này tỏ ra khôn ngoan hơn khi không bắt giam chị như những lần khác, bởi họ biết bắt người dân oan Thủ Thiêm lúc này sẽ không khác nào đẩy sự cuồng nộ trở thành bão tố.
Chiếc giày của chị Dương làm người dân bình thường chợt tỉnh sau hơn bốn mươi năm sợ hãi chỉ biết cặm cụi mưu sinh và âm thầm tuân theo quy luật do người Cộng sản đưa ra, bất kể quy luật ấy bất công đến thế nào chăng nữa.
Nhiều năm qua, người dân đã biết chống lại công an giao thông khi bị bắt xe xử phạt những lỗi mà họ không vi phạm. Người dân đã biết bất tuân dân sự khi những BOT được dựng lên cốt để thu tiền một cách bất công nhưng ra vẻ hợp pháp. Người dân đã biết biểu tình chống ô nhiễm môi trường bất kể những hậu quả tàn độc mà họ phải nhận. Người dân cũng đã biết họ có quyền từ chối một tờ giấy triệu tập bất hợp pháp của công an cũng như không chấp nhận mở cửa cho an ninh khám nhà khi không có trát tòa. Họ đã biết dạy dỗ công an khi bị canh giữ tại nhà cũng như tố cáo hành vi bất hợp pháp của lực lượng an ninh bằng cách livestream công khai trên mạng xã hội.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (áo vàng) tiếp đón Tổng thống Mỹ Barack Obama nhân chuyến thăm của ông tới Việt Nam vào tháng 5/2016. Ảnh : AP Photo/Carolyn Kaster
Những cái biết ấy tuần tự xảy ra, nay họ biết thêm một điều nữa : người dân có thể ném giày dép vào lãnh đạo, giữa đám đông và giữa ban ngày.
Chiếc giày của chị Dương được ném đi bằng sức đẩy của bất công và bạo lực từ chính quyền thành phố. Bất công khi lấy đất của dân mà tiền bồi thường như của bố thí. Bạo lực khi cưỡng chiếm hàng ngàn căn nhà và đẩy người dân vào đường cùng của đêm tối. Chiếc giày của chị Dương không làm ai bị thương dù có bị ném trúng, nhưng chiếc giày có khả năng sát thương cả một chế độ khi chế độ ấy tiếp tục con đường bắt người dân hy sinh cho đảng trường tồn.
Chiếc giày của chị Dương rồi đây sẽ được người dân nhớ tới trong các cuộc trà dư tửu hậu. Bên gánh hàng rong, trong những quán cà phê chật chội cáu bẩn, hay trên những bàn nhậu vỉa hè. Người dân thấp cổ bé miệng tự dưng cảm thấy lớn lên bởi họ phát hiện rằng những người Cộng sản cũng là con người như họ, cũng biết sợ hãi và đầy rẫy hèn mọn, nhất là khi bị dân chúng nổi lên chống lại.
Đối với người trí thức, chiếc giày của chị Dương làm họ bứt rứt, bất an. Mặc cảm trước một người đàn bà 28 tuổi làm cho họ nhỏ bé và tổn thương. Nhỏ bé vì bất lực, tổn thương vì tự ái. Và biết đâu chiếc giày của chị Dương sẽ khiến họ bừng tỉnh và bước ra khỏi căn chòi "cầu an" mà họ tự nhốt mình bao năm nay một cách tự giác và đầy những bao biện.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 21/10/2018
*********************
Đường bay của một chiếc giày
Cánh Cò, RFA, 20/10/2018
Mạng xã hội bùng nổ thật sự khi một chiếc giày từ tay người dân Thủ Thiêm đã được ném thẳng vào bà Nguyễn Thị Quyết Tâm vào sáng 20 tháng 10 trong buổi họp dân Thủ Thiêm được gọi là tiếp xúc cử tri.
Chiếc giày của chị hôm nay tuy trượt nhưng nói lên rất nhiều điều
Chiếc giày của một người phụ nữ còn trẻ, chị là Nguyễn Thùy Dương sinh năm 1990 ngụ tại quận 2 thành phố Hồ Chí Minh, một trong hàng chục ngàn nạn nhân của khu đô thị mới Thủ Thiêm. Chị ném chiếc giày đi khi bà Quyết Tâm đang cố thuyết thục người dân rằng chính quyền thành phố sẽ giải quyết các bức xúc của họ bằng mọi cách. Và trong lúc câu chữ của bà chưa kịp "thuyết phục" thì chiếc giày, như một cách trả lời hàm xúc nhất mà một người dân tay không tấc sắt dám ném trả vào mặt cả hệ thống cầm quyền để chứng tỏ cho bọn tham quan ô lại biết rằng tận cùng của nỗi đau sẽ là những phản ứng.
Chiếc giày của chị hôm nay tuy trượt nhưng nói lên rất nhiều điều, mà điều lớn nhất là nó đã tập trung được toàn bộ oan ức, đau khổ, lầm than của cả một cộng đồng để ném vào chế độ này, một chế độ hoàn toàn không có trái tim lẫn khối óc.
Nếu có trái tim nó đã không công khai một dự án gây phẫn nộ như Nhà hát Giao Hưởng trong khi hàng ngàn người dân còn đứng đó dưới lòng đường chờ được trả lại vài mươi thước đất mà chúng đã cướp từ hơn 20 năm qua.
Nếu có khối óc nó đã không làm trò hề trên sự căm phẫn của quần chúng, không riêng gì dân Thủ Thiêm mà cả nước hiện đang dõi theo những con người bần cùng do chế độ tạo ra. Theo dõi, đồng cảm và nhất là cười khóc cùng dân chúng Thủ Thiêm. Cùng lên tiếng và cùng nổi giận.
Chính quyền thành phố vẫn tỏ ra ngoan cố và xem thường sự uất ức không còn giới hạn của người dân. Họ giàu có quá nên quên rằng chén cơm của người dân đang kiếm ra bằng mồ hôi có khi là nước mắt của họ thật khác xa với những xấp tiền dầy cộp được mang tới tận nhà dâng cho họ. Chén cơm bần hàn của người cùng khổ không thể bị chà đạp thêm nữa khi cả một tập đoàn tham nhũng xếp hàng bấm vào tin nhắn mà mỗi tin được cho là bố thí 20.000 cho người dân đen, và bỉ ổi hơn, bọn chúng chỉ giả vờ bấm còn tiền thật thì không. Hai chục ngàn tiền đồng lớn đến vậy sao hỡi những kẻ vô lương tâm đang đục khoét vào nỗi đau của dân chúng ?
Từ chỗ bắt đầu đến nơi kết thúc chỉ không đầy 30 thước, nhưng chiếc giày đáng được gọi là lịch sử vì đường bay của nó cần đến hai mươi năm để tiến tới mục tiêu. Trong hai mươi năm đằng đẵng ấy nó đồng hành cùng với những người dân oan sống và thở cùng hơi thở của họ để biết rằng Thủ Thiêm là nơi cuối cùng, là tận điểm của bọn cường hào ác bá đỏ.
Nó bay tới đống rác được gọi là chính quyền thành phố để đánh động đám ruồi nhặng đang bu vào ung nhọt Thủ Thiêm. Chiếc giày như một tia chớp của sự căm phẫn đã lên tới cực điểm và bà Quyết Tâm được chọn không hẳn người dân ghét vì mồm miệng điêu toa mà họ chọn vì bà là chiếc loa của tập đoàn cướp đất.
Cái loa ấy chỉ xứng đáng với một chiếc giày.
Đảng Cộng sản chắc sẽ thức tỉnh vì tác động của chiếc giày lên từng bộ phận trong đảng. Nó không chỉ là sự nhục nhã, đáng xấu hổ mà nó còn nhắc tới một sự thật mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang phải đối mặt : Sự sợ hãi của quần chúng nay đã không còn và chiếc giày vượt qua nỗi sợ ấy đã trúng đích nhắm của nó : Đảng Cộng sản Việt Nam, nơi phát sinh mọi oan khuất, bần cùng của người dân cả nước.
Sau sự cố bị ném giày đảng có lẽ sẽ buộc phải thay đổi chứ không còn im lặng trước bức xúc của quần chúng. Một là sẽ đàn áp bạo liệt, tàn nhẫn hơn, hai là sẽ làm lành, hòa dịu nhằm hạ nhiệt một lò lửa đang ngùn ngụt cháy là Thủ Thiêm
Chắc chắn trong hai họ phải chọn một, nhưng nếu chọn biện pháp đàn áp, khủng bố, trả thù hay ém chặt thông tin tiêu cực họ sẽ gặp thêm những phản ứng khác của dân chúng. Càng ém chặt thì sức bùng phá càng lớn và sức dân không có một lực lượng vũ trang nào chống lại nổi. Những bài học đàn áp trên khắp thế giới đã quá rõ để thấy rằng bạo lực, đàn áp nhân dân chỉ là con đường ngắn nhất khiến quần chúng nhanh chóng hiểu ra mình phải làm gì.
Nếu chọn con đường hòa dịu như cách chữa lửa thì đảng sẽ càng thất bại. Quá nhiều lần nói dối, quá nhiều lần hứa nhưng không làm mà Đồng Tâm là vụ mới nhất, đã khiến nhân dân khinh bỉ và không mấy ai còn tin vào những kịch bản tệ hại mà các diễn viên mập ú vì tham nhũng đang thủ vai người hòa giải. Khi dân không còn tin vào bất cứ lời nói nào của chính quyền thì chính quyền ấy chỉ nên làm một điều duy nhất : tự giải thể trước khi quá muộn.
Nếu không lần sau không phải là giày mà là đá tảng.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 20/10/2018 (canhco's blog)
******************
Cô bác không tin mà còn oán, ráng ngồi lại làm chi vậy mình ?
Đồng Phụng Việt, RFA, 21/10/2018
Mình à,
Vụ con nhỏ ở Thủ Thiêm gỡ giày liệng vào mặt mình làm tôi lo. Tôi biết da mặt mình… dày, giày đinh cũng chẳng thể làm trầy, thứ giày cao gót mỏng mảnh đó của đàn bà làm sao gây tác hại cho dung mạo của mình được nhưng mình đừng có chủ quan. Ai mà không biết một con én chẳng thể tạo ra được mùa… Xuân, song theo tôi, chiếc giày đó giống như cánh én dự báo mùa Xuân... Ả Rập sắp tới trên xứ này đó mình.
Cuộc họp của lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh với cử tri Thủ Thiêm hôm 20/10/2018. Bên góc phải là chiếc giầy được ném về phía cử tọa - Courtesy Vnexpress, FB, RFA edit
Mình bận trăm công, ngàn việc, không theo dõi mạng xã hội nên không biết, chỉ vài tiếng sau khi chiếc giày ấy chao lượn dù chỉ vài mét trong buổi đại diện của Đoàn Đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh tại Quốc hội tiếp xúc cử tri Thủ Thiêm, nó đã khiến cả triệu người hưng phấn. Hết thằng này đem chiếc giày bày ra trên trang cá nhân của nó, tới con kia dùng photoshop, gắn thêm vào đầu mình cái mũ an toàn có khung sắt bọc kín mặt. Rồi bà này biểu phải đưa chiếc giày đó vào bảo tàng, ông kia gọi nó là Tomadep… Tui biết mình không sáng dạ lắm nên lưu ý mình luôn nè. Tomadep là một kiểu ví von đểu giả đó mình.
Ờ, suýt nữa tui quên, cả đời mình chỉ học Lịch sử Đảng và Nghị quyết, chắc gì mình biết Tomahawk là chi ! Sẵn dịp này, tui giải ngố cho mình... Tomahawk là một thứ nửa búa, nửa rìu của đám thổ dân ở Bắc Mỹ. Nó vừa có thể dùng để đóng, vừa có thể dùng để bửa, khi cần còn có thể phóng như dao. Lợi hại dữ lắm. Sau một thời gian dùng Tomahawk như một loại công cụ cá nhân hỗ trợ công việc thuần túy lính tráng, đám lính Mỹ còn lấy Tomahawk đặt làm tên một loại hỏa tiễn. Tất nhiên Việt Nam không có Tomahawk nhưng giày, dép thì nhiều. Liệng dép, phóng giày như Mỹ xài Tomahawk cả theo kiểu thủ công lẫn theo hướng hiện đại dễ òm. Tomahawk thì mắc, đâu cỡ hai triệu đô một trái, xài phải tính nhưng giày, dép thì… khác, thành ra từ nay mình phải hết sức cảnh giác với Tomadep nghe. Tomadep giờ sẽ như hình với bóng của những người như mình đó mình !
Mình à,
Tui biết gỡ giày liệng vào mặt người khác là không văn minh nhưng mà cô bác hoan nghênh con nhỏ đó dữ lắm mình. Họ xem nó là anh thư, hành động liệng giày vào mặt mình được cô bác ca ngợi rần rần là anh hùng. Tên tuổi, hình ảnh của nó giờ nhan nhản trên mạng xã hội. Mình biết cô bác tiếc gì không ? Họ tiếc sao chiếc giày không trúng đích. Tiếc sao con nhỏ đó chỉ liệng có một chiếc ? Hàng chục ngàn người oằn lưng gánh oan khiên non hai thập kỷ, sao chỉ có nhõn một... Tomadep ? Tui biết mình giận nhưng thôi đừng giận. Thời thế khác rồi, trong bối cảnh như vầy, nhốt những đứa như vậy rõ ràng là hổng có… "sáng suốt", lập biên bản tạm giữ chiếc giày rồi thả nó mới là… "tài tình". Tui có lời khen mình, khôn, tuy... đột xuất vẫn là... khôn, muốn khách quan thì phải khen !
So cuộc gặp cử tri hôm thứ bảy 20 tháng 10 vừa rồi với cuộc gặp cử tri hồi 9 tháng 5, lần này, tui thấy mình đã khôn ra. Lần trước mình dại quá. Ai đời thiên hạ đang khóc vì uất, bu quanh mình mếu máo bày tỏ nỗi niềm, mình - dù gì cũng là đại biểu cho "ý chí, nguyện vọng" của dân - mà lại ngoác miệng ra cười. Mấy tấm ảnh đó tai hại dữ lắm nghe mình. Nó làm thiên hạ thấy mình đã ác mà còn ngu. Tui biết mình... đúng là như vậy nhưng làm lãnh đạo cũng cần khôn... chút đỉnh, che xong còn phải đậy, đằng này mình không che, không đậy lại còn phơi ra như phơi đồ lót rách giữa... quảng trường Ba Đình ! Thiệt tình…
Dẫu trong mắt mình, đám dân xứ này vừa ngu, vừa hèn nhưng mình phải biết thời thế khác xưa nhiều rồi. Chuyện chặt đầu cha chúng, lột da mẹ chúng, bịt miệng, bóp hầu, bạt tai, đá đít chúng mà vẫn buộc chúng đồng thanh "Ơn Đảng, ơn Nhà nước" thành cổ tích rồi. Cứ nghĩ giờ cũng như xưa mới có khúc xương Thủ Thiêm, mới có Tomadep đó mình. Tui biết, cả một đời đứng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, mình đâu có coi dân ra chi nhưng khinh dân là một chuyện, khơi khơi tỏ cho dân thấy mình khinh chúng lại là chuyện khác. Ai mà không biết mình là con Hai Bình, Bí thư Tây Ninh nhưng khơi khơi biểu dân kiểu con cán bộ tiếp tục làm lãnh đạo là hồng phúc dân tộc thì dại hơn cả... chó dại nữa đó mình !
Mình nè,
Tui biết làm lãnh đạo thì phải diễn, có thể ngoài Lịch sử Đảng và các Nghị quyết, bên trong hộp sọ của mình chẳng có gì, vì không vậy làm sao Đảng chọn - quy hoạch mình thành "nhân sự chủ chốt" nhưng mình diễn… hồn nhiên quá. Trẻ con hồn nhiên thì dễ thương nhưng lãnh đạo mà hồn nhiên thì chỉ có vài chỗ để chuyển công tác, không Biên Hòa thì Trâu Quỳ và cũng chỉ có chừng đó thôi mình à !
Hồi tháng 5, cô bác chỉ thẳng vào mặt mình, lên án mình bảo vệ đám tham quan, ô lại đẩy họ vào tuyệt lộ, đòi mình từ chức, mình nghĩ sao mà trả lời : "Xin thưa với cô bác là rất ray rứt. Nghe cô bác nói xót xa lắm. Khi cô bác còn ý kiến có nghĩa là còn tin…" ? Thiệt tình… Mình có biết câu trả lời đó khiến thiên hạ nhận ra mình trâng tráo đến mức không thể giáo dục, cải tạo được nữa, chỉ còn nước… cách ly vịnh viễn với nhân loại hay không ? Ray rứt, xót xa mà sao không làm gì suốt hàng chục năm ? Người ta kết án mình, xếp mình cùng một giuộc với đám tham quan, ô lại, bức hại họ, biểu mình đi chỗ khác mà mình lại khăng khăng khẳng định họ nói vậy là… "còn tin" mình, là sao ? Thiệt tình...
Mình nè ! Tiếp xúc cử tri loại như dân Thủ Thiêm đâu có giống các Đại hội Đảng, họp Thành ủy hay họp Quốc hội, họp Hội đồng nhân dân. Nói lấy được hết... được rồi ! Cách nay năm tháng, mình nói tới chuyện "cô bác còn tin", giờ Tomadep và phản ứng của cô bác sau Tomadep rõ ràng là không những cô bác không tin mà chỉ hận, vậy là tự mình nhét mình vào kẹt rồi đó mình. Cô bác muốn sao họ nói rồi, thậm chí ngoài nói, họ còn hành động, sao mình không hội ý với đồng chí, đồng đội ra... nghị quyết cùng… thoảng đi cho thoáng, ráng ngồi lại làm chi vậy mình ?
Đồng Phụng Việt
Nguồn : RFA, 21/10/2018
*****************
Loanh quanh bên chuyện dép/giầy
Tưởng Năng Tiến, RFA, 20/10/2018
Nhiều người nói tôi đi khiếu nại khi tóc còn xanh mà bây giờ nhìn xem tóc tôi đã bạc trắng.
Trần Thị Mỹ, cư dân Thủ Thiêm
"Một lần tôi quay cảnh ông thăm đồng bào nông dân ở Hải Dương, mùa hè năm 1957. Sáng sớm hôm ấy trời mưa to, trên đường còn lại những vũng nước lớn. Ðến một đoạn đường lầy lội ông tụt dép, cúi xuống xách lên. Trong ống ngắm của máy quay phim tôi nhìn rõ hai bên vệ cỏ không bị ngập. Tôi chợt hiểu : ông không đi men vệ đường bởi vì ông muốn chưng đôi dép.
Vì lòng kính trọng đối với ông, không muốn rồi đây người xem sẽ nhận ra trên màn ảnh lớn diễn xuất lộ liễu, tôi tắt máy. Nghe tiếng cái Eymo 35 đang kêu xè xè đột ngột im tiếng, ông ngẩng lên nhìn tôi, nhưng ngay đó ông hiểu ra" (Vũ Thư Hiên, Đêm Giữa Ban Ngày, California, Văn Nghệ, 1997).
Nhờ "lòng kính trọng" của tác giả đoạn văn thượng dẫn nên màn "chưng dép" của ông Hồ Chí Minh đã không gây ra điều tiếng eo sèo gì ráo. Thiệt là quý hoá và may mắn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có sự may mắn tương tự với dầy và dép. Cách đây hai năm, có hôm, nhật báo Người Việt ái ngại loan tin :
Từ chiều 25 Tháng Năm, trên các mạng xã hội lan truyền "chóng mặt" hình cán bộ vừa rời khỏi xe công vụ liền được một ông bảo vệ cõng đưa lên bậc tam cấp của hội trường, khiến dư luận "dậy sóng".
Tin Tuổi Trẻ cho biết, người được bảo vệ cõng trong hình là ông Nguyễn Ngọc Niên, tổng biên tập báo Nhà Báo và Công Luận của Hội Nhà Báo Việt Nam.
Tấm hình này được chụp trước bậc tam cấp của hội trường Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh vào sáng 25 Tháng Năm, nơi chuẩn bị tổ chức "hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết đại hội lần thứ XII đảng", dành cho trên 850 lãnh đạo các cơ quan báo chí, xuất bản của 25 tỉnh, thành phố phía Bắc.
Nói qua điện thoại với Tuổi Trẻ sau khi bức ảnh được phát tán trên mạng, ông Nguyễn Ngọc Niên cho biết không biết ai chụp và vì sao lại đưa bức ảnh này lên mạng…
Ảnh : CTV
Tôi cũng có nỗi thắc mắc tương tự : Chuyện có gì lạ đâu "vì sao lại đưa bức ảnh này lên mạng ?" Báo Dân Trí, số ra ngày 19 tháng 9 năm 2018, vừa cho hay :
"Cứ 7 lao động phải ‘nuôi’ 1 công chức, viên chức và người hưởng lương. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 01/07/2017, cả nước có hơn 3,8 triệu cán bộ công chức, viên chức và người hưởng lương, mức tăng 11,3% so với năm 2012. Nếu so sánh với tổng số lao động hơn 26,9 triệu lao động, bình quân cứ 7 lao động đang làm việc sẽ phải nuôi một cán bộ công chức, viên chức và người hưởng lương".
Toàn dân nai lưng nuôi nấng cán bộ trọn đời như thế mà có ai dám ta thán gì đâu. Thỉnh thoảng – vào lúc gió mưa – cõng mấy ổng/mấy bả thêm năm ba phút (cho khỏi ướt giầy) nào phải là chuyện lớn, đáng để phàn nàn. Điều cần phàn nàn, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan là : "Không có lý gì mà người dân và doanh nghiệp phải nộp thuế để nuôi các cán bộ gây cản trở cho mình và ‘lạnh tanh với sự phát triển của đất nước".
Bà Lan nói đúng nhưng e chưa đủ. Cán bộ nhà nước không chỉ "cản trở" công ăn việc làm của người dân, và "lạnh tanh với sự phát triển của đất nước" mà còn "ăn của dân không từ thứ gì" – kể cả đất đai. Trong vụ ăn đất ở Thủ Thiêm lại vừa có "sự cố" không hay, liên quan đến chuyện dép dầy, được fb Hoàng Minh mô tả là chiếc dép đi vào lịch sử :
"Cả nhà nuôi giấu cách mạng, cha là tù chính trị, nhưng cả nhà chị Nguyễn Thị Thùy Dung lại bị mất đất trong uất ức. Hôm nay, chị là một trong 5 người đến sớm nhất nhưng khi đăng ký ‘phiếu phát biểu’ lại là số 39 trong khi mọi người chỉ được phép phát biểu trong 120 phút. Những uất ức dồn nén vào chiếc dép hiệu Uyên (sản xuất tại quận 2) đã bay thẳng vào cán bộ".
FB Lê Luân Quang cho biết thêm đôi ba chi tiết :
"Đây là chiếc guốc của một cô gái trẻ ném thẳng vào mặt bà Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm tại Hội nghị tiếp xúc cử tri quận 2 vào sáng ngày 20/10/2018. Đây cũng là ngày lễ kỷ niệm Phụ Nữ Việt Nam trên toàn quốc.
Được biết, cô gái ấy tên là Nguyễn Thị Thùy Dung, người đại diện ‘bất đắc dĩ’ cho hàng ngàn dân oan bị chính quyền cướp đất tại Thủ Thiêm, Q2, mà họ đã khiếu kiện các cấp chính quyền lẫn chính phủ suốt 20 năm ròng nhưng không có kết quả. Đó là sự phản kháng trong bế tắc của đại diện cho cái nôi cách mạng...
Cũng như chiếc dép ném thẳng vào mặt Phó Chánh tòa cao cấp Trần Văn Tuân trong buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long, người bị tuyên án tử hình oan và ngồi tù 11 năm, ngày 25/4/2017. Chiếc guốc của chị Dung là một cuộc đấu tranh tự phát, thể hiện sự vùng lên cuối cùng trong nỗi cô đơn đầy tuyệt vọng.
Nhưng đó cũng là dấu ấn khởi đầu cho một vùng đất mà sự bùng nổ của nỗi uất hận vì bị đối xử bất công đã lên đến tột đỉnh của sự kiềm chế. Nó cũng đánh dấu cho sự ô nhục và bất lực của một chế độ không kiểm soát được quyền lực của băng nhóm tư bản đỏ tham tàn. Và cũng có thể, chiếc guốc này báo hiệu cho một sự suy tàn không thể cứu vãn của đế chế độc tài tàn bạo tại VN".
FB Khang Nguyên gửi theo đôi ba lời bình :
"Bất lực trước đất đai, nhà cửa bị ‘cưỡng chiếm’ ; bất mãn trước cách giải quyết kém cỏi, trơ trẽn của giới lãnh đạo, người dân đã chọi chiếc giầy vào mặt những kẻ này để bày tỏ sự bức xúc, nỗi bất mãn và sự xem thường những kẻ luôn mang tiếng rằng sẽ đại diện, mang lại công bằng cho họ.
Cái mà người ta vẫn thường đeo hàng ngày để bảo vệ đôi chân tránh đạp phải những thứ bẩn thỉu, nhơ nhuốc thì nay bay thẳng vào mặt chính quyền. Tôi nói thật, không có cái nhục nhã nào bằng khi kẻ quyền lại bị người dân khinh rẻ đến thế".
FB Uyên Vũ cũng thế : "Tuy chưa trúng đích nhưng khi chiếc dầy bay đi nó đã thoát thân phận để biểu thị cho lòng dân".
FB Thu Hồng Trần kết luận :
"Tôi thật sự sợ ! Không phải sợ chiếc chiếc giày sandal mà sợ lòng dân vì chính họ bảo không còn gì để mất... đêm nay không biết lãnh đạo có họp khẩn không ? Hay ngủ ngon ! ? Ái da ... tức nước thì bờ vỡ thôi !"
Chắc chưa thể vỡ ngay nay mai đâu nhưng cũng sắp rồi ! Câu hỏi cấp thiết cần đặt ra là nó "vỡ" rồi sao nữa ? What's next ? Dân Việt, dường như, không mấy ai bận tâm đến chuyện tương lai mà "dân chủ", theo lời của nhà báo Ngô Nhân Dụng, "không giống như món mì gói cứ đổ nước sôi vào là ăn được ngay".
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 20/10/2018 (tuongnangtien's blog)
********************
Cô Thùy Dương và cái dép cho bà Hội đồng
Ánh Liên, VNTB, 22/10/2018
Chiếc dép của người phụ nữ Thủ Thiêm (cô Nguyễn Thị Thùy Dương) bay vào bà Hội đồng như là hệ quả của sự bức xúc và căm phẫn liên quan đến sự chậm trễ và bao che của giới lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trong xử lý đất đai thời gian qua.
Chiếc dép đưa ra nhiều gợi mở về cái gọi là 'Hội đồng nhân dân' và lời hứa lãnh đạo. Ảnh : Youtube
Facebooker Thinh Nguyen nhấn mạnh, đó là sự phản kháng có văn hóa : Chúng ta đã quá quen với văn hóa nhẫn nhục, cần có văn hóa phản kháng, phản kháng có văn hóa.
Trước đó, báo giới chính thống giật tiêu đề : Chúng tôi đặt niềm tin còn sót lại vào Bí thư Nguyễn Thiện Nhân. Điều này không hàm ý rằng, người dân còn niềm tin, mà nó phản ánh sự cạn kiệt niềm tin trong dân, đặc biệt là nhóm lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, nổi bật là bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố.
Sự mất mát niềm tin này cũng đồng nghĩa với việc, người dân bị hủy hoại niềm tin vào cái gọi là HĐND – cơ quan quyền lực nhà nước cấp địa phương của Việt Nam. Nơi đặt ‘quyết tâm chính trị’ lên trên cả ‘nhân tâm người dân’ trong nhiều quyết định, từ quy hoạch đất đai Thủ Thiêm cho đến cái gọi là nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ đồng.
Trong buổi tiếp xúc với giới lãnh đạo thành phố, người dân Thủ Thiêm cũng bày tỏ thẳng, họ không cần cái 1.500 tỷ nhà hát, họ cần cơm ăn, áo mặc và giải quyết công bình trong sự vụ Thủ Thiêm. Bởi nhà hát, trong con mắt họ, là nhà hát dành cho giới nhà giàu, và bản chất của loại nhạc hàn lâm này là hoàn toàn không hiểu được, nhất là trong bối cảnh nỗi uất ức Thủ Thiêm vẫn chưa được giải tỏa.
Quay trở lại với chiếc dép và bà Hội đồng, chiếc dép này là lịch sử bởi nó phản ảnh tính thực tiễn của câu nói : con lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc của dân tộc. Nếu như việc chửi đảng và nhà nước không bị khép tội hình sự, thì có lẽ cuộc tiếp xúc vừa qua là sự tổng xỉ vả những căm hờn đối với giới lãnh đạo và đảng viên thuộc đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh.
Chiếc dép cũng cho thấy uy tín của bà Hội đồng, và cái gọi là Hội đồng nhân dân là con số 0 tròn trĩnh, nó lột tả trần trụi sự thật rằng, hội đồng đã không đại diện cho quyền lực nhân dân, nó chỉ đại diện cho lợi ích một số nhóm người nằm trong giới lãnh đạo thành phố. Do đó mới nảy sinh nhu cầu đề nghị Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân với tư cách là Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng đưa vụ việc Thủ Thiêm ra nghị trường Quốc hội., tất nhiên, trong tiếng vỗ tay của người dân.
Buổi họp với cử tri vừa qua cũng đáng chú ý khi mà bản thân một cử tri đã lên tiếng chỉ thẳng ‘nhóm lợi ích’ là Lê Thanh Hải (tức Hai Nhật, Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) và Tất Thành Cang (Phó Chủ tịch thường trực Thành phố Hồ Chí Minh). Nhưng đồng thời, nó cũng gián tiếp tố cáo ông Nguyễn Thành Phong, người từng có thời gian làm Bí thư Quận ủy Quận 2 (2007), chính quyền cơ sở có sai phạm trực tiếp trong xử lý đất đai tại Thủ Thiêm.
Mỗi người dân phát biểu luôn đi kèm tràng vỗ tay, bởi hơn ai hết họ biết rằng đó là ‘tiếng nói bên trong họ’, tiếng nói của sự thật và lương tri, của trách nhiệm và kỳ vọng. Người dân không cần xin lỗi, người dân cần sự thực thi của công bình xã hội, của sự lắng nghe tiếng nói của họ đúng mực.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đến tháng Mười một, những cá nhân sai phạm sẽ bị xử lý, nhưng đi kèm đó là hình thức ‘kiểm điểm’ đối với cá nhân sai phạm. ‘Kiểm điểm’ là hình thức đáng sợ nhất trong khâu xử lý vi phạm cán bộ mà người dân từng biết, nó được người dân hiểu như là sự dung túng về mặt thực thi luật pháp, bao che nhóm người nhà và tìm cách làm hài lòng dư luận theo một hướng đi nào đó.
Dư luận ngờ rằng, sẽ có một giải pháp được đưa ra trong tháng 11 trong đó xử lý cán bộ sai phạm chủ yếu là kiểm điểm, trong khi đó - chính quyền ông Nguyễn Thiện Nhân sẽ tìm cách tái định cư người dân và buộc người dân nhận bồi thường theo thời giá trước đó (thời điểm hoàn tất quy hoạch, bồi thường). Phương cách này nếu được triển khai, thì được xem là tối ưu đối với chính quyền thành phố, bởi họ vừa mang tiếng giải quyết, nhưng đồng thời cũng hợp thức hóa các sai phạm trước đó (tính chất là sẽ không bồi thường theo đúng thời giá hoặc giải quyết triệt để các sai phạm liên quan đến quy hoạch của nhóm lãnh đạo có liên quan) ?
Nhưng nếu giải quyết theo phương cách trên, thì người dân Thủ Thiêm vẫn sẽ trở về giai cấp vô sản thực sự. Từ nay, họ không chỉ mất đất, mà gồm cả mất dép, bởi nó giống như niềm tin còn sót lại đã theo chiếc dép bay theo giới lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 22/10/2018
Thiền Lâm, CaliToday, 17/07/2018
Tuổi Trẻ Onlile bị đình bản 3 tháng vì ‘gây mất đoàn kết dân tộc’ hay do cổ súy luật Biểu tình ?
Ảnh : VienDongDaily.com
Trong cách nhìn riêng của Cục Báo chí thuộc Bộ Thông tin và truyền thông, Tuổi Trẻ Online đã “có hành vi thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong bài viết có tựa ‘Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật Biểu tình’ trên báo vào ngày 19/6/2018, và thông tin gây mất đoàn kết dân tộc trong phần bình luận của bài viết ‘Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây ?’ ngày 26/5/2017”.
Nhưng về nội dung, bài viết ‘Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây ?’ trên Tuổi Trẻ Online lại hoàn toàn không có bất kỳ chi tiết nào mà có thể bị quy chụp lại ‘gây mất đoàn kết dân tộc’.
Trong khi quyết định kỷ luật Tuổi Trẻ Online do Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc ký không nêu dẫn chứng cụ thể về tại sao ‘gây mất đoàn kết dân tộc’, một facebooker là Lê Nguyễn Hương Trà đã cho biết có một nội dung trong phần bình luận của bạn đọc trên Tuổi Trẻ dưới bài “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây” bị đánh giá là chống phá chính quyền, đã được chụp lại với nội dung ‘Bắc kỳ cai trị Nam Kỳ mà !”.
Trong những năm gần đây, đặc biệt từ lúc viên thủ tướng muốn ‘trở về làm người tử tế’ là Nguyễn Tấn Dũng thốt lên câu ‘không thể cấm được facebook đâu các đồng chí à !’ trong khung cảnh ‘toàn đảng, toàn quân và toàn dân lập thành tích chào mừng đại hội 12’ vào gần cuối năm 2015, hiện tượng nhiều phản hồi bày tỏ bức xúc, phẫn uất và công khai chỉ trích nhiều chính sách của ‘đảng và nhà nước ta’ đã thể hiện ngay trên một số tờ báo nhà nước, nhưng chủ yếu chỉ bị Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin và truyền thông ‘nhắc nhở’ chứ những tờ báo này ít khi bị kỷ luật hay phạt tiền.
Phản hồi ‘Bắc kỳ cai trị Nam Kỳ mà !” xem ra vẫn còn quá ‘hiền’ so với nhiều phản hồi ‘chửi đảng’ và ‘chống chính quyền’ trên một số tờ báo nhà nước trong thời gian qua. Do vậy, khó có thể xem phản hồi ‘Bắc kỳ cai trị Nam Kỳ mà !” là nguyên nhân chính yếu dẫn đến việc Tuổi Trẻ Online bị đình bản, mà chỉ có thể xem phản hồi này là cái cớ để Bộ Thông tin và truyền thông bổ sung vào ‘chuyên án Tuổi Trẻ Online’ để có tính thuyết phục hơn về tính sai phạm khi thi hành kỷ luật tờ báo này.
Một khi ‘Bắc kỳ cai trị Nam Kỳ mà !” không phải là nguyên nhân chính thì nguồn cơn thâm sâu nhất khiến Tuổi Trẻ Online bị đình bản chính là bản tin đăng về Trần Đại Quang ‘cần luật Biểu tình’. Tức đây là một vụ kỷ luật đậm đặc yếu tố chính trị như vụ Petrotimes của Nguyễn Như Phong hai năm về trước.
Ngày 19/6/2018, bài báo “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình” với nội dung ban đầu là “Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có luật Biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này” – đăng trên báo Tuổi Trẻ – đã bị biến dạng chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi lên trang. Nội dung bài đã được sửa lại và không còn bất kỳ phát ngôn nào của Trần Đại Quang liên quan luật Biểu tình, mà chỉ còn thấy ông Quang ‘chuyên chính vô sản’ về những vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh là “do các đối tượng chống đối, kích động, lôi kéo”.
Tuổi Trẻ Online đã phạm vào một trong những điều húy kỵ nhất của chính thể độc đảng khi tờ báo này bày tỏ tinh thần cổ súy cho luật Biểu tình, lồng trong bối cảnh đại đa số dân chúng đã quá chán ghét chính quyền và chỉ chờ cơ hội thuận lợi là lao chân xuống đường.
Quyết định đình bản 3 tháng đối với một trong những tờ báo lớn nhất ở Việt Nam là Tuổi Trẻ Online, khó có thể hiểu khác hơn, chính là nhắm đến mục đích ‘Việt Nam luôn bảo đảm tự do báo chí’ và ngăn chặn làn sóng biểu tình mà không để tạo tiền đề cho ‘Mùa xuân Ả rập’ ở Việt Nam.
Nhưng với người dân Việt, việc có hay không luật Biểu tình không còn quá quan trọng. Từ năm 2011 và đặc biệt từ năm 2014 đến nay, người dân Việt Nam đã tự động xuống đường mà bất cần một khung luật nào cho phép. Trong cơn phẫn nộ và bế tắc tận cùng, trong nỗi thất vọng vượt quá giới hạn trước một chế độ đặc trưng quá tham nhũng, độc đoán và khiến phát sinh đủ thứ hậu quả xã hội trầm kha, ngày càng có thêm nhiều người dân vượt qua nỗi sợ của mình để bước ra đường, mở miệng và thét to những gì họ muốn.
Vào tháng Mười năm 2018, cuộc tổng biểu tình ở Việt Nam đã có nhân số gấp 10 lần cuộc biểu tình chống giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vào năm 2014, khi lên đến hàng trăm ngàn người và bùng nổ tại trên 50% tỉnh thành trong quốc gia.
Sau cuộc biểu tình ngày Mười tháng Sáu, có nhiều biểu hiện cho thấy Bộ Chính trị đảng và ông Trọng có thể đã bị rúng động, hoảng hốt và lo sợ về kịch bản ‘Mùa xuân Ả rập’ có thể diễn biến ngay tại Việt Nam, do đó đã có những động tác chỉ đạo sắt đá hiếm có nhằm cứu vãn tình thế trị.
Thiền Lâm
Nguồn CaliToday, 17/07/2018
Đình bản Tuổi Trẻ vì ai : Chủ tịch nước hay độc giả ?
Nguyễn Hùng, VOA, 17/07/2018
Trang mạng của Tuổi Trẻ hôm 16/7 nói lờitạm biệt độc giả trong ba tháng sau khi bị Cục trưởng Báo chí Lưu Đình Phúc ký quyết định xử phạt vì một bài viết được cho là sai sự thật và một bài đăng bình luận “gây mất đoàn kết dân tộc”.
RSF xếp hạng Việt Nam thứ 175 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí năm 2018. (Ảnh : RSF.org)
Trong cùng ngày Tuổi Trẻ cũng đăng đính chính với nội dung như sau :
“Báo Tuổi Trẻ Online ngày 19/06/2018 đăng bài viết "Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình".
“Trong bài viết này,Tuổi Trẻ Online có đăng : "Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị của cử tri cần có Luật biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này".
“Trên thực tế, khi tiếp xúc với cử tri tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/06/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang không phát biểu nội dung trên.
“Và trong bài viết trênTuổi Trẻ Online ngày 26/05/2017, Tuổi Trẻ Online đã đăng bài "Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây ?".
“Do trục trặc kỹ thuật trong quá trình chuyển đổi hệ thống, báo đã để xuất hiện comment (bình luận của bạn đọc) có nội dung không phù hợp với chủ trương biên tập củaTuổi Trẻ.
“Báo Tuổi Trẻ Online đã xóa bỏ comment trên.
“Báo Tuổi Trẻ Online xin chân thành cáo lỗi Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh và toàn thể bạn đọc.”
Điều đầu tiên có thể thấy là một trong hai bài bị xử phạt đã đượcđăng trên mạng từ hơn một năm trước nhưng nay mới bị lôi ra xử. Thậm chí hình phạt cho việc đăng bình luận của bạn đọc trong bàiSao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây bị phạt tiền tới 170 triệu đồng so với 50 triệu đồng tiền phạt đối với bài về phát biểu của Chủ tịch Trần Đại Quang.
Và cũng chính bình luận của độc giả đã khiến trang mạng của Tuổi Trẻ bị đình bản ba tháng chứ không phải tin ông chủ tịch nước nói về biểu tình mà Tuổi Trẻ nhận đã tự sáng tác ra.
Nhưng liệu có phải vậy không ? Có đúng chỉ vì một độc giả mà báo bị phạt hơn gấp ba số tiền phạt cho điều có thể nói là bịa ra phát biểu của chủ tịch nước ? Hơn thế nữa, thông tin được cho là bịa đặt không khiến báo mạng của Tuổi Trẻ bị đình bản mà đăng chính xác bình luận của người đọc lại khiến Tuổi Trẻ chết lâm sàng trên mạng.
Có thể đúng như vậy và cũng có thể không. Tôi từng phụ trách duyệt các bình luận của độc giả BBC để đưa vào cuối các bài viết liên quan và biết chắc công an Việt Nam ghét cay ghét đắng nhiều bình luận được đăng. Chắc hẳn họ đã vô cùng vui vì mấy năm gần đây BBC không còn mở phần bình luận cho độc giả ở cuối một số bài như trước khi mà có những bài thu hút một số lượng bình luận vô cùng nhiều.
Các quan chức Việt Nam nói chung chỉ thích bình luận khi các bình luận đó có lợi cho họ. Bằng không họ sẽ tìm đủ mọi lý do vô cùng mơ hồ để kết tội những người bình luận và cả những người đăng tải. Lý do có thể là “tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội chủ nghĩa” hay “gây mất đoàn kết dân tộc” như trong trường hợp của Tuổi Trẻ.
Nhưng cũng có thể bình luận của độc giả chỉ là cái cớ. Sự việc xảy ra đã hơn một năm và “gây mất đoàn kết dân tộc” không phải là điều hay được nhắc tới. Cục Báo chí cũng không nói bình luận của độc giả đúng hay sai. Nếu độc giả bình luận chính xác, Cục Báo chí có thể vi phạm Luật Báo chí vốn có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 mà theo đó cáccông dân có quyền “phản hồi thông tin trên báo chí”. Cục Báo chí cũng nói Tuổi Trẻ “có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính” đối với quyết định xử phạt. Nhưng báo đã chấp nhận bị đình bản thay vì khiếu nại hay khởi kiện, ít nhất về việc đăng bình luận của độc giả. Điều này cũng phần nào cho thấy những người làm báo ở Việt Nam muốn có sự tự do to như manh chiếu nhưng chính quyền chỉ cho độ bằng cái chén haytệ hơn nhiều.
Lúc 21g30 ngày 16/7/2018, trên tờ Tuổi Trẻ Online đăng thông báo sẽ dừng hoạt động trong vòng 3 tháng. Theo báo Tuổi Trẻ cho biết, việc bị đình bản là do phải thực hiện quyết định xử phạt hành chính do Cục báo chí, Bộ thông tin truyền thông đưa ra. Thông tin này đã khiến cho độc giả và dư luận trong nước hết sức băn khoan, vì Tuổi Trẻ là một tờ báo lớn ở quốc nội.
Báo Tuổi Trẻ tạm biệt độc giả trong 3 tháng. Ảnh chụp màn hình
Quyết định xử phạt đã được ông Lưu Đình Phúc-Cục trưởng Báo chí, Bộ Thông tin-Truyền thông ký cùng ngày. Bên cạnh việc đình bản 3 tháng đối với báo online, tờ Tuổi Trẻ còn bị phạt 220 triệu đồng. Lý do mà phía Cục báo chí đưa ra là vì :
– Thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong bài viết “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình” trong ngày 19/6/2018, khi ông Trần Đại Quang có biểu tiếp xúc với cử tri Sài Gòn.
– Thông tin tin gây mất đoàn kết dân trong trong phần bình luận (Comment) của bài viết “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây” đăng vào ngày 26/5/2017.
Từ những thông tin mà chúng tôi thu thập được, Cục Báo chí và Bộ Thông tin-Truyền thông ra quyết định xử phạt là làm theo chỉ thị từ Ban Tuyên giáo Trung ương. Việc báo Tuổi Trẻ bị xử phạt là điều mà nhiều người đã tiên liệu trước. Vì trước đó, 9/7, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Bộ Thông tin-Truyền thông đã tổ chức Hội nghị Sơ kết, trong đó có nhắc đến một số sai phạm mà báo chí mắc phải trong thời gian qua. Trong cuộc họp đó, Tuổi Trẻ là tờ báo được nhắc đến nhiều nhất vì đã mắc phải những “vi phạm rất nghiêm trọng” và đang cân nhắc đình bản 3 tháng cùng với việc nộp phạt hàng trăm triệu đồng.
Có tất thảy hơn 20 lỗi của báo Tuổi Trẻ do Ban tuyên giáo chỉ ra. Song, chủ yếu vẫn là 2 lỗi mà chúng tôi đã nêu trên. Đối với bài viết “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình” ra ngày 19/6/2018, từ các đồng nghiệp cho chúng tôi biết rằng, trong lần tiếp xúc cử tri tại Sài Gòn, chính miệng ông Trần Đại Quang đã nói như vậy. Tuy nhiên, không rõ vì nguyên nhân gì mà sau này ông chủ tịch nhà nước cộng sản Việt Nam lại chối biến, không thừa nhận mình đã nói ra. Đồng thời cùng với đó, một việc làm khiến giới quan sát chính trị ngạc nhiên là Ban tuyên giáo ra lệnh cho báo Tuổi Trẻ phải gỡ bài báo ấy xuống. Điều này cho thấy rằng, ông Trần Đại Quang đang bị các đồng chí của mình “truy sát”. Nhất cử nhất động của ông Quang đều bị soi để tìm ra các sai phạm. Điều đó cũng cho thấy quyền lực trong đảng của ông Quang cũng không còn được như trước.
Việc xử phạt tờ báo vì bài viết liên quan đến việc nhất thiết phải ban hành Luật biểu tình cho thấy rằng, chính quyền cộng sản Việt Nam đang rất sợ các cuộc biểu tình, và Quốc hội cộng sản Việt Nam đang cố gắng khất lừa người dân từ năm này sang năm khác. Cho dù từ nhiều năm trước đã có rất nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị phải soạn thảo ra Luật biểu tình.
Thời điểm mà cuộc tổng biểu tình trên khắp cả nước vẫn đang làm nóng hổi thì việc ông Trần Đại Quang phát biểu về Luật biểu tình đúng là “nhạy cảm”.
Báo Tuổi Trẻ buộc phải cải chính và xin lỗi ông Chủ tịch nước.
Về việc xử phạt báo Tuổi Trẻ vì “thông tin gây mất đoàn kết dân tộc trong phần bình luận” hết sức khôi hài. Vì sự việc đã xảy ra từ hơn một năm trước. Lỗi không nằm ở bài báo, mà nằm phần bình luận (Comment) mà độc giả đã viết trên báo Tuổi Trẻ Online. Trong bài “Trong quuy hoạch sao chưa thấy cao tốc cho miền Tây ?” phản ánh tình trạng giao thông ở miền Tây quá tệ hại, trong khi nơi này được coi là vựa lúa của cả nước. Chính từ giao thông quá kém nên kinh tế ở nơi này không phát triển. Trong khi đó, bao nhiều tiền của từ người dân đóng thuế đều mang ra ngoài Bắc để phát triển đường xá. Sự bất công này dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường.
Trong phần comment, một độc giả đã bình luận như sau : “Nam Kỳ đang bị bọn Bắc kỳ ngu dốt dai trị”. Bình luận đó không hiểu sao lại bị bộ phận kiểm duyệt báo Tuổi Trẻ Online cho xuất hiện trên báo và nhanh như cắt, Ban Tuyên giáo đã chụp hình lại comment trên và bị cho là “gây mất đoàn kết dân tộc”.
Có lẽ, gây mất đoàn kết dân tộc không ai khác là đảng cộng sản Việt Nam thông qua những chính sách mà họ ban hành. Từ sau 1975, tình trạng kỳ thị, trả thù những người từng phục vụ trong chế độc Việt Nam Cộng Hòa diễn ra rầm rộ. Đến cả con cái, những người vô can hoặc là nạn nhân trong cuộc chiến cũng trở thành kẻ thù của chế độ cộng sản Việt Nam. Con cái những người từng phục vụ trong chế độ cũ không được thi vào các trường đại học. Chưa hết, những giáo dân Công giáo cũng phải chịu sự trả thù từ chính quyền mới. Đó không phải là “gây mất đoàn kết dân tộc” thì là gì ?
Việc báo Tuổi Trẻ Online bị đình bản đã gây chấn động làng báo trong nước. Vì đây là một tờ báo lớn trong nước. Nó cũng khiến cho cho rất nhiều tờ báo khác lo lắng. Việc xử phạt báo Tuổi Trẻ là cách mà Ban Tuyên giáo đang muốn răn đe các tờ báo khác.
Vào thời điểm truyền thông mang xã hội phát triển, các tờ báo muốn có được độc giả, kiếm được nhiều quảng cáo thì chỉ còn cách đi theo con đường tự do ngôn luận, mang tin tức đến cho độc giả. Tuy nhiên, tự do ngôn luận là kẻ thù của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Do đó, việc làm báo ở trong nước rất khó khăn, người làm báo phải lách qua các khe cửa hẹp mới mong đưa đến độc giải những tin tức nóng hổi.
Khi độc giả càng ngày càng bỏ báo giấy thì việc đình bản 3 tháng đối với báo Tuổi Trẻ Online chính là đòn giáng mạnh xuống tờ báo này. Không chỉ tờ báo, mà còn có cả hàng trăm người đang làm việc ở đây.
Người Quan Sát
**********************
Đêm 16 Tháng Bảy, làng báo “lề phải” ở Việt Nam rúng động trước tin trang điện tử của báo Tuổi Trẻ (Tuổi Trẻ Online) bị đình bản ba tháng kèm theo số tiền phạt 220 triệu đồng (9.542 USD).
Truyền thông báo chí tại Việt Nam hiện nay vẫn nằm trong sự kiểm soát hoàn toàn của đảng cộng sản Việt Nam và không có báo chí tư nhân. (Hình : Getty Images)
Ngoài ra, theo lệnh xử phạt của Bộ Thông Tin Truyền Thông cộng sản Việt Nam, tờ báo này còn phải “cải chính, xin lỗi vì đăng hai nội dung thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu”.
Bản tin trên báo Pháp Luật ở Sài Gòn cho biết : “Theo quyết định do ông Lưu Đình Phúc, cục trưởng Cục Báo Chí, Bộ Thông Tin Truyền Thông ký, Tuổi Trẻ Online đã có hành vi thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong bài báo “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật Biểu Tình” đăng ngày 19 Tháng Sáu, 2018 và thông tin gây mất đoàn kết dân tộc trong phần bình luận của bài báo “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây ?” đăng ngày 26 Tháng Năm, 2017.”
Bản tin cũng cho biết quyết định xử phạt này có hiệu lực kể từ ngày ký (16 Tháng Bảy 2018).
Tuổi Trẻ là tờ báo lớn và có đông độc giả thuộc loại hàng đầu tại Việt Nam và lệnh xử phạt này không áp dụng cho tờ báo giấy (báo in) vốn được phát hành hàng ngày.
Cũng cần nhắc lại, chỉ sau vài giờ đăng, bài báo với tựa đề “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật Biểu Tình ,” ngay câu mở đầu bản tin, báo Tuổi Trẻ Online hôm 19 Tháng Sáu 2018, đưa tin : “Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc Hội Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có Luật Biểu Tình và hứa báo cáo Quốc Hội về nội dung này.”
Không bao lâu sau khu vừa đưa lên mạng, tờ Tuổi Trẻ đã vội vã rút xuống và thay nội dung bản tin về cuộc tiếp xúc của ông “đại biểu Quốc Hội – chủ tịch nước” Trần Đại Quang với các chi tiết khác, không có cái câu nói trên. Còn tựa đề mới của bản tin Tuổi Trẻ về ông Trần Đại Quang tiếp xúc cử tri ở Sài Gòn được thay vào đó là “Chủ tịch nước : Vụ việc tại Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh là do bị kích động.”
Còn ‘thông tin gây mất đoàn kết dân tộc trong phần bình luận của bài báo ‘Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây ?’ được đề cập trong lệnh xử phạt nhưng không nói chi tiết là câu ‘comment’ :”Bắc kỳ cai trị Nam kỳ mà !”
Trang ‘Tuổi Trẻ Online’ loan báo về việc bị đình bản trong 3 tháng . (Hình : Chụp qua màn hình)
Việc báo Tuổi Trẻ, cơ quan truyền thông của Thành Đoàn thành phố Sài Gòn, bỗng nhiên bị phạt gây hoang mang trong giới phóng viên. Vì bẵng đi một thời gian, người ta thấy Bộ Thông Tin Truyền Thông không còn phạt vạ cơ quan báo chí nào và có suy đoán nguyên do là vì ông Trương Minh Tuấn, người đứng đầu Bộ này, đang rối ren vì án kỷ luật “treo lơ lửng” trên đầu ông này do sai phạm trong thương vụ MobiFone mua AVG.
Việc phạt tiền và đình bản ‘Tuổi Trẻ online’ diễn ra trong bối cảnh làng báo “lề phải” gặp khó khăn do doanh thu quảng cáo và phát hành suy giảm sau mỗi năm. Tuy quyết định xử phạt Cục Báo Chí ghi là “Báo Tuổi Trẻ có quyền khiếu nại” nhưng người ta chưa từng thấy một cơ quan báo chí dám kiện quyết định xử phạt của Cục Báo Chí hay Bộ Thông Tin Truyền Thông.
Hồi Tháng Tư, 2018, báo Tuổi Trẻ, đình chỉ công việc của nhà báo Anh Thoa, trưởng phòng Truyền Hình để “làm rõ cáo buộc xâm hại tình dục một nữ cộng tác viên”. Đến nay, không có thông tin cập nhật về vụ việc này. (T.K.)
Facebook bị cáo buộc đã giúp Chính phủ Việt Nam trấn áp các nhà bất đồng (RFA, 12/04/2018)
Buổi chiều đối diện trước Quốc hội Hoa Kỳ, gương mặt của Mark Zuckerberg không giấu được sự căng thẳng khi bị bao vây giữa trùng trùng các phóng viên và các ánh mắt lạnh lùng của các thành viên thuộc ban điều trần về vụ tiết lộ thông tin người dùng facebook.
Nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam, Lã Việt Dũng, giới thiệu bức thư ngỏ của ông đã ký, gửi cho Mark Zuckerberg (Ảnh : Nguyễn Huy Kham / Reuters)
Gần cuối buổi, Mark đã nói "Một trong những điều hối tiếc của tôi, là đã chậm chạp xác định các hoạt động thông tin của Nga vào năm 2016". Mark xin lỗi vì đã tạo ra một công cụ mà theo ông ta là đã bị lợi dụng để đưa các tin tức giả, sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Mỹ và những nội dung kích động. Người đứng đầu công ty phát triển mạng xã hội đã xin lỗi vì đã làm ảnh hưởng đến 87 triệu dùng.
Vào thời điểm mà các ván cờ chính trị ở Mỹ đang đến lúc quan trọng nhất, dường như sự thú nhận này còn quan trọng hơn cả việc Thượng Nghị sĩ Ted Cruz đặt câu hỏi rằng Facebook có giữ được trung lập về chính trị hay không. Dĩ nhiên, Mark Zuckerberg nói là hoàn toàn trung lập.
Nhưng những gì ở Việt Nam có vẻ không giống như vậy, ít nhất từ bài viết của phóng viên Megha Rajagopalan, tờ BuzzFeed News dưới đây.
Bức thư ngỏ của các nhà hoạt động nhân quyền và các nhóm phương tiện truyền thông độc lập tại Việt Nam chỉ trích Mark Zuckerberg đã đến tay các nghị sĩ, trước các phiên điều trần của Quốc hội và Mỹ, giữa những lời phê phán từ khắ nơi trên thế giới đối với các chính sách kiểm soát nội dung của Facebook.
Hàng chục nhà báo, những người ủng hộ nhân quyền cũng như các nhóm xã hội dân sự ở Việt Nam đã lên tiếng chỉ trích Mark Zuckerberg, chủ nhân của Facebook bằng một bức thư ngỏ trước khi ông ra điều trần trước Quốc hội Mỹ.
Bức thư này nói rằng Facebook đã cho đóng nhiều tài khoản một cách bất hợp lý, và xóa nội dung liên quan đến công việc của các nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo, để phục vụ theo yêu cầu của chính phủ.
Làn sóng chỉ trích này cũng dậy sóng, từ phía các nhóm hoạt động nhân quyền như vậy tại các nước như Myanmar và Sri Lanka về những chính sách kiểm soát nội dung của Facebook. Trong trường hợp này, các lời phê phán nói rằng đã Facebook lại quá khoan dung với các tài khoản có ý gieo rắc bạo lực và tấn công các nhóm thiểu số.
Facebook cũng bị buộc tội hợp tác với các chính phủ áp bức.
Tại Campuchia, các quan chức chính phủ tiết lộ với BuzzFeed News rằng họ có đường dây liên lạc trực tiếp tới Facebook, là cách mà chính quyền nước này sử dụng để đưa tên khóa các tài khoản và hạ bài đăng xuống, bao gồm cả tên những người đang phê phán thủ tướng.
Zuckerberg phải ra điều trần trước các thành viên của hai ủy ban Thượng viện Hoa Kỳ về 'tính riêng tư, an toàn và dân chủ' sau một vụ bê bối về bảo mật dữ liệu lớn ảnh hưởng đến 87 triệu người sử dụng Facebook.
"Chúng tôi đã nhận thấy một sự gia tăng đáng ngại về số lượng các trang Facebook hoạt động bị khóa và nội dung bị xóa đi. Chúng tôi có bằng chứng cho thấy các lực lượng hoạt động trên mạng do chính phủ tài trợ, đứng đằng sau những báo cáo 'lạm dụng' dẫn đến việc Facebook bị tác động phải gỡ nội dung", Duy Hoàng, thành viên tổ chức chính trị Việt Tân, nói với BuzzFeed News.
"Thật không may, khi các nhà hoạt động liên lạc với Facebook, họ chỉ nhận được những phản hồi mơ hồ từ công ty này".
"Chúng tôi lo lắng về chuyện Facebook đang vô tình giúp đỡ chính quyền Hà Nội kiểm duyệt tự do ngôn luận", ông Hoàng nói thêm.
"Chúng tôi có một quy trình rõ ràng và kiên định đối với các yêu cầu từ chính phủ, không riêng gì ở Việt Nam mà chung cho cả thế giới, và chúng tôi báo cáo số lượng nội dung mà chúng tôi hạn chế vì vi phạm luật pháp địa phương trong Báo cáo minh bạch của chúng tôi", một người phát ngôn của Facebook nói khi được hỏi về bức thư ngỏ từ Việt Nam.
Công ty Facebook nói rằng cách đối đãi việc hoạt động với các nhóm xã hội dân sự cũng như chính phủ đều như nhau và công ty bị đối diện với những thách thức lớn ở mọi nơi. Facebook nói công ty có thể quyền hạn chế quyền truy cập ở các quốc gia khi nội dung hiển thị trên Facebook bị chính phủ nói là bất hợp pháp.
Ông Hoàng nói các nhóm xã hội dân sự như ông cảm thấy họ có mối quan hệ hợp tác tốt với Facebook cho đến khi các đại diện của công ty, bao gồm trưởng bộ phận quản lý chính sách toàn cầu, đã gặp Bộ trưởng Thông tin và truyền thông của Việt Nam hồi tháng Tư vừa rồi.
Cuộc họp này diễn ra sau khi chính quyền làm áp lực với văn phòng địa phương cúa công ty Facebook, đối với việc lấy quảng cáo, cho đến ki nào giải quyết các vấn gọi là 'nội dung độc hại', hãng tin Reuters đã tường thuật về chuyện này. Vào lúc đó, Việt Nam nói rằng Facebook đã đồng ý thiết lập một kênh trực tiếp cho bộ thông tin và truyền thông của Việt Nam, để nghe báo cáo về các nội dung bất đồng với chính phủ.
Nhưng phía Facebook cho biết cuộc họp chỉ đơn giản là thảo luận các chính sách, sản phẩm và chương trình của họ, và rằng không có chính sách nào của họ thay đổi sau cuộc họp, bao gồm cả quá trình để các chính phủ yêu cầu xóa bỏ nội dung. Các đại diện hai bên cũng thảo luận về sự hỗ trợ của Facebook đối với các doanh nghiệp nhỏ cũng như các vấn đề về kỹ thuật số.
Facebook nói rằng công ty tuân theo các điều khoản dịch vụ cũng như quy luật pháp riêng mà công ty đã công bố minh bạch các yêu cầu từ các chính phủ trong một báo cáo hàng năm được gọi là Báo cáo yêu cầu của Chính phủ toàn cầu.
Việt Nam hiện có khoảng 55 triệu người dùng Facebook, vào khoảng một nửa dân số. Khoảng 70 phần trăm người dân Việt Nam thường xuyên lên mạng internet.
Bức thư ngỏ từ Việt Nam, được ký bởi 16 nhóm hoạt động và các tổ chức truyền thông cũng như 34 nhân vật sử dụng Facebook nổi tiếng trong nước. Thư nói rằng các nhà báo công dân được nhiều người biết đến đã không thể đăng tải gì được trước hay trong cuộc xét xử các nhà hoạt động thuộc Hội Anh em Dân chủ vào ngày 5 tháng 4 vừa rồi.
"Chúng tôi hoan nghênh nỗ lực của Facebook chống lại hiện tượng thông tin sai lệch trong một xã hội tự do, nhưng cách làm của quý vị quá bao quát khiến gây nguy hại đến những nơi đang bị độc tài cai trị như Việt Nam. Việc này lại gây cản trở và khó khăn cho chính đối tượng mà quý công ty đang muốn phục vụ. Chúng tôi khẩn khoản kêu gọi quý vị mở cuộc đối thoại trực tiếp và thẳng thắn với các thành phần bị bị ảnh hưởng tại Việt Nam. Khi cách giải quyết của quý vị thiếu tinh tế, Facebook có nguy cơ trở thành đồng lõa với kiểm duyệt của nhà nước", trích thư ngỏ.
Tuấn Khanh
Nguồn :https://www.buzzfeed.com/meghara/facebook-vietnam-mark-zuckerberg ?utm_te...
Tham khảo :
Phản ứng với Facebook từ quốc gia khác, ngoài Việt Nam
Báo cáo minh bạch của Facebook
Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu Facebook truy tìm dữ liệu ra sao ?
*********************
Facebook "nối giáo" cho các chế độ chuyên chế Châu Á (RFI, 12/04/2018)
Những sai lầm của Facebook trong vụ công ty Cambridge Analytica thu thập thông tin cá nhân của hàng chục triệu người sử dụng đã buộc ông chủ Facebook phải liên tục xin lỗi, mà gần đây nhất là ngày 10/04/2018 trước Quốc hội Mỹ. Ông Mark Zuckerberg đã khẳng định là tập đoàn của ông đang xem xét lại trách nhiệm đối với người sử dụng và xã hội. Đây được xem là một điều cần thiết, trong bối cảnh một số quan sát viên đã nêu bật khả năng là nhiều chính quyền Châu Á sẽ vin vào những sai sót liên tiếp của Facebook để trấn áp mạng xã hội và quyền tự do ngôn luận tại nước họ.
Biểu tình chống chủ tịch-tổng giám đốc Facebook Mark Zuckerberg bên ngoài trụ sở Quốc Hội Mỹ tại Washington, ngày 10/04/2018. Reuters/Aaron P. Bernstein
Trên đây chính là nhận xét của tờ báo Nhật Bản Nikkei Asian Review ngày 05/04/2018 trong bài "Cuộc khủng hoảng Facebook nối giáo cho giới lãnh đạo chuyên chế tại Châu Á - Facebook crisis plays into hands of Asia's authoritarians".
Đối với tờ báo Nhật Bản, các công dân Châu Á đang phải sống dưới các chế độ mà mức độ chuyên chế nặng nhẹ khác nhau, và trong một số trường hợp, mạng xã hội là phương tiện duy nhất để họ có thể trao đổi một cách tự do quan điểm chính trị. Thế nhưng, những tiết lộ gần đây về việc Facebook chia sẻ trái phép dữ liệu của 87 triệu người sử dụng với một công ty phân tích, có thể tạo nên một lý do tốt để một số chế độ tăng cường kiểm soát các mạng xã hội.
Facebook đã từng bị chỉ trích vì đã để phát tán những thông tin không xác thực. Trong một bài phân tích ngày 23/03/2018, giáo sư James Crabtree, Đại Học Quốc Gia Singapore, đã ghi nhận : "những phát biểu bị cho là mang tính chất kích động hận thù hay là những gì bị cho là tin thất thiệt, cho dù là không được xác minh, cũng đều có thể được dùng làm cái cớ tốt cho việc trấn áp, đặc biệt là tại các quốc gia chuyên chế".
Cho đến nay, những dữ liệu bị thất thoát có vẻ như chủ yếu là của người Mỹ, nhưng Facebook gần đây đã công nhận là đa số hồ sơ cá nhân công khai của người sử dụng - ở mọi nơi - chứ không riêng gì ở Mỹ - đã bị giới tiếp thị dò xét và khai thác.
Tương lai của Facebook là ở Châu Á
Nếu tính theo số lượng người sử dụng, thì Châu Á hiện là thị trường lớn nhất của Facebook với 828 triệu người dùng, so với 609 triệu ở cả Châu Âu và Bắc Mỹ.
Dĩ nhiên, lợi nhuận bình quân theo đầu người mà Facebook thu được ở Châu Á hiện chỉ bằng vỏn vẹn 1 phần 10 lợi tức trung bình mà tập đoàn thu được ở Mỹ, nhưng triển vọng phát triển của Facebook trong tương lai là ở Châu Á, nhờ thu nhập ngày càng tăng lên trong vùng, và tiềm năng của những thị trường to lớn như Ấn Độ và Indonesia.
Theo tính toán của giáo sư Crabtree, chỉ tính riêng 2 năm vừa qua, Facebook đã có thêm 288 triệu người sử dụng ở Châu Á, nhiều hơn cả toàn bộ số khách hàng mới trên phần còn lại của thế giới. Tính tổng cộng thì con số 828 triệu người sử dụng Facebook đều đặn hàng tháng ở Châu Á chiếm đến 39% trên tổng số 2,1 tỷ người sử dụng mạng xã hội này trên toàn cầu.
Tại Châu Á, không phải là ở nước nào Facebook cũng phát triển. Ở Trung Quốc chẳng hạn, Facebook đã bị cấm để nhường chỗ cho đối thủ cạnh tranh là WeChat tung hoành. Nhưng tại phần còn lại ở Châu Á thì Facebook là một phương tiện thông tin có vị trí còn quan trọng hơn cả ở phương Tây, nhất là đối với thanh niên.
Tại Miến Điện chẳng hạn, số người sử dụng Facebook giờ đây đã tăng vọt lên mức 18 triệu người so với vỏn vẹn 1 triệu cách đây 5 năm. Nhà điều tra nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, bà Yanghee Lee, khi nói về Miến Điện, đã tóm lược tình hình như sau : ở Miến Điện, "mạng xã hội là Facebook, và Facebook là mạng xã hội".
Nhìn chung, số lượng hàng trăm triệu người sử dụng đã chứng tỏ tầm quan trong của trang mạng này ở Châu Á (ngoại trừ Trung Quốc).
Sơ hở của Facebook
Cho đến lúc này, Facebook đang phải gấp rút dập tắt ngọn lửa do chính mình nhúm lên tại phương Tây, đặc biệt là vụ để lộ thông tin về khách hàng của mình cho một công ty nghiên cứu đặc tính cử tri, công ty Cambridge Analytica, trụ sở tại Luân Đôn, có quan hệ với ban vận động tranh cử của ông Trump.
Báo New York Times từng nói đến một nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Nga đã tạo ra một ứng dụng nhằm xác định đặc điểm của một người nào đó, mà người sử dụng Facebook được thuê để thử nghiệm. Nhà nghiên cứu này đã khai thác dữ liệu của hàng triệu người và chia sẻ kết quả cho công ty Cambridge Analytica. Chủ tịch tổng giám đốc Facebook Mark Zuckerberg đã nói đến 87 triệu người sử dụng.
Cambridge Analytica phủ nhận việc đã sử dụng dữ liệu của Facebook để giúp đỡ ông Trump, nhưng dẫu sao thì đây chỉ là vụ mới nhất gây tai tiếng cho Facebook. Một vụ khác là tiết lộ theo đó trang mạng đã bị giới tuyên truyền do Nga đỡ đầu sử dụng để gây chia rẽ trong nội tình nước Mỹ trước cuộc bầu cử năm 2016.
Mark Zuckerberg rõ ràng đang trong thế ‘tứ bề thọ địch’. Trong vụ tai tiếng dữ liệu thất thoát và bị khai thác, vị chủ tịch tổng giám đốc trẻ chịu trận pháo chỉ trích ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Thế nhưng, các cuộc tấn công từ Mỹ và Châu Âu không che lấp được việc giờ đây Facebook còn bị đánh từ Châu Á. Và lỗi phần lớn là do chính bản thân Facebook.
Facebook phải đương đầu với những thiếu sót ở Châu Á
Vào tháng 3, Facebook đã bị ngăn chặn trong một thời gian ngắn tại Sri Lanka, sau khi bị chính quyền tố cáo là làm cho bạo động bùng lên giữa những nhóm tôn giáo khác nhau.
Cũng trong tháng Ba, nhà điều tra về nhân quyền Liên Hiêp Quốc, Yanghee Lee tố cáo trang mạng đã phát tán những phát biểu thù hận ở Miến Điện đối với người Rohingya.
Nhà điều tra Liên Hiệp Quốc đã đánh giá : "Tôi e ngại là Facebook đã trở thành một con thú vật và không còn đi theo ý định ban đầu nữa".
Tại Ấn Độ, Facebook cũng có vấn đề, khi bị quần chúng phản đối vào năm 2016 và bị buộc phải bỏ kế hoạch thiết lập dịch vụ internet "free basics" với giá cả khác nhau tùy dịch vu. Cư dân mạng tại chỗ rất bất bình.
Gần đây hơn, Facebook nằm trong mối quan ngại về thông tin thất thiệt (fake news), với chính quyền các nước như Singapore sẵn sàng đưa ra luật mới để chống lại việc loan truyền ‘tin giả’ trên mạng. Tại Malaysia thì Facebook, cùng với các tập đoàn như Google và Twitter cũng bị nhắm với lý do tương tự.
Facebook phải nhanh chóng dập lửa
Theo ông James Crabtree, những tai tiếng tại phương Tây, từ những cáo buộc liên quan đến việc để phát tán tin giả, thông điệp kích động hận thù, hay ‘fake news’ theo kiểu của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đặc biệt hệ trọng đối với Facebook ở Châu Á do vị trí quan trọng mà mạng xã hội này đang chiếm giữ trong tư cách là phương tiên thông tin liên lạc được ưa chuộng ở nhiều nước đang phát triển trong vùng.
Một số không nhỏ các quốc gia này, như Cam Bốt và Thái Lan, đang do những chế độ độc tài hay chuyên chế cai trị. Trước việc chính quyền giới hạn quyền tự do ngôn luận trên các phương tiện truyền thông truyền thống, người dân đã quay sang những mạng xã hội như Facebook mà chính quyền và cảnh sát khó kiểm soát, khó đối phó hơn. Ngay cả những nơi dân chủ hơn như Singapore, người dân cũng dùng Facebook hay WhatsApp (cũng của Facebook), nhiều hơn là Twitter.
Nhiều nước đang trỗi dậy ở Châu Á cũng thiếu những phương tiện truyền thông lớn có khả năng cung cấp thông tin khách quan, được kiểm chứng chặt chẽ cho công chúng rộng rãi.
Hai yếu tố trên cộng lại - sự yêu thích ngày càng tăng đối với Facebook trong bối cảnh thiếu vắng thông tin công khai xác tín - chỉ làm cho những vấn đề như loan tin thất thiệt thêm nguy hiểm. Điều này càng đúng đối với những quốc gia có vấn đề về cộng đồng thiểu số như Miến Điện và Sri Lanka, nơi mà các nhóm cực đoan sử dụng Facebook để truyền tải tư tưởng hận thù.
Facebook không phải là hoàn toàn mù quáng trước các vấn đề này và khi bị chỉ trích về hoạt động ở Miến Điện, tập đoàn từng giải thích là "đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ và nghiên cứu ngôn ngữ địa phương để giúp loại bỏ nhanh chóng những bài đăng có tính chất hận thù".
Facebook phân trần là đã đưa ra những quy định rõ ràng để nhận dạng những nội dung nguy hiểm và cũng làm việc với những hiệp hội xã hội tại chỗ để cảnh báo về những ‘fake news’ và nhiều vấn đề khác.
Tuy nhiên, đối với giáo sư Crabtree, Facebook cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc sửa chữa những sai lầm và bổ khuyết những thiếu sót ở Châu Á vì nếu không làm như vậy, các chính phủ tại chỗ chắc chắn sẽ bóp nghẹt Facebook bằng những quy định ngặt nghèo hơn. Những cáo buộc nhắm vào Facebook về việc giúp phát tán tin thất thiệt hay thông điệp kích động hận thù, ngay cả khi không về lời nói thù hận và tin giả mạo, ngay cả khi không có cơ sở, cũng có thể bị chính quyền, đặc biệt là tại các quốc gia chuyên chế, dùng làm cớ để biện minh cho các vụ trấn áp.
Một diễn biến như trên sẽ gây ra hai hậu quả : Người dùng Facebook bình thường tại chỗ sẽ mất đi một phương tiện hữu ích để thảo luận trực tuyến, còn Facebook sẽ mất đi hy vọng phát triển nhanh chóng ở Châu Á trong tương lai.
Mai Vân
******************
Bà Helena Lersch, Quản lý Chính sách công khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Facebook hôm 11/4 đã trả lời thư các nhà hoạt động và các tổ chức dân sự Việt Nam, cam kết bảo vệ quyền lợi của người dùng Facebook tại Việt Nam.
Trang mạng của Việt Tân công bố thư phản hồi của bà Lersch nói rằng : "Chúng tôi cam kết bảo vệ quyền lợi của người dùng Facebook tại Việt Nam, và cung cấp một nơi để người dùng có thể biểu đạt một cách tự do và an toàn".
Liên quan đến việc các nội dung trên Facebook bị chặn và tháo gỡ, đại diện của Facebook nói : "Cũng có lúc chúng tôi phải tháo gỡ hay chặn, không cho truy cập nội dung vì nó vi phạm luật pháp của một quốc gia nào đó, mặc dầu nội dung đó không vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng của chúng tôi. Chúng tôi có một thủ tục xử lý đã quy định rõ, không có gì khác biệt cho Việt Nam so với những nơi khác trên thế giới".
Hôm 9/4, hơn 50 các nhà hoạt động nhân quyền, blogger, và các tổ chức xã hội dân sự -trong đó có Việt Tân, đã gửi thư ngỏ cho ông Mark Zuckerberg, Giám đốc Điều hành của Facebook, kêu gọi trang mạng xã hội hàng đầu của Mỹ không thỏa hiệp với chính quyền Hà Nội trong việc ngăn chặn thông tin trên Facebook, dập tắt những tiếng nói bất đồng.
Trong thư phản hồi, Facebook nói công ty này đang xem xét lý do tại sao những người ký tên trong thư ngỏ từng bị tháo gỡ nội dung, hoặc tài khoản của họ bị chặn.
Cuối thư, Facebook cam kết : "Chúng tôi muốn tiếp tục làm việc với các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam và trên thế giới để bảo vệ cộng đồng của chúng ta không bị chính quyền can thiệp một cách không cần thiết hoặc quá mức".
Theo truyền thông Việt Nam, trong một cuộc gặp với bà Monica Bickert, Giám đốc Quản trị Chính sách Toàn cầu của Facebook vào tháng 4/2017, Bộ Trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông Trương Minh Tuấn nói rằng hai bên đã đồng ý hợp tác trong việc theo dõi và tháo gỡ thông tin "xấu", "độc hại" trên Facebook.
VOA tiếng Việt, 12/04/2018
Tổng bí thư Trọng tung ‘cú đấm thép’
Viễn Đông, VOA, 13/12/2017
Giới quan sát nhận định, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tung "cú đấm thép chưa từng có" trong vụ bắt giữ và truy tố ông Đinh La Thăng, và đây là "đòn cảnh cáo" những ai muốn thách thức mình.
Giới quan sát cho rằng phe bảo thủ ở Việt Nam, đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng, đang tìm cách "thanh trừng các đồng minh của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng".
Cựu quan chức từng nằm trong nhóm hơn chục người "chóp bu" đầy quyền lực ở Việt Nam "ngã ngựa" hôm 8/12 với tội danh "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" thời còn nắm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), gây rúng động người dân trong nước như thể hiện trên mạng xã hội.
Trong khi đó, ông David Brown, cựu nhân viên ngoại giao Mỹ ở Việt Nam, "không ngạc nhiên" trước diễn biến này, nhất là sau khi ông Thăng bị loại khỏi Bộ Chính trị hồi tháng Năm, rồi sau đó là vụ "bắt cóc" ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức, gây sóng gió quan hệ Hà Nội và Berlin.
Theo tìm hiểu của VOA tiếng Việt, ông Thanh nắm các vị trí quan trọng ở một công ty thành viên của PVN thời kỳ ông Thăng lãnh đạo tập đoàn nhà nước này, vốn từng đóng góp đáng kể vào ngân sách nhưng hiện lao đao vì giá dầu giảm thời gian qua.
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, người quan sát tình hình chính trường Việt Nam, cho rằng ông Thanh "được cho là con át chủ bài" trong hồ sơ về ông Đinh La Thăng".
Còn ông Brown nhận định rằng "nhiều khả năng, để tự cứu mình, ông Thanh đã cung cấp bằng chứng giới chức có thể sử dụng để chống lại ông Thăng và ông [Nguyễn Quốc] Khánh [cựu Chủ tịch PVN]".
Ông Khánh bị tước tư cách đại biểu quốc hội và bị bắt giam cùng ngày với ông Thăng với cùng tội danh.
Chuyên gia David Brown cho rằng Tổng bí thư Trọng "muốn làm trong sạch đảng khỏi những thành phần suy thoái và cơ hội nhằm khôi phục lại uy tín của đảng".
"Các vụ khởi tố ở PetroVietnam được 'dàn dựng' nhằm mục đích cảnh cáo bất kỳ ai muốn thách thức kế hoạch đó của ông Trọng. Câu hỏi đặt ra hiện nay là : ông Thăng và ông Khánh sẽ thú tội tới mức độ nào để tránh bị án nặng nhất ?", ông Brown nói.
Nếu bị kết tội, ông Thăng đối mặt với án có thể lên tới 20 năm tù giam, theo Bộ Luật hình sự.
Báo chí trong nước nhiều ngày qua đã khai thác triệt để vụ ông Đinh La Thăng, nhưng không thấy ý kiến của luật sư bào chữa cho ông hay người thân của cựu quan chức từng nắm nhiều trọng trách này.
Nhà hoạt động Tuấn viết trên Facebook : "Công chúng, bao gồm cả bạn bè người thân của ông [Thăng], sau một thời gian dài bị oanh tạc thông tin bởi hàng trăm tờ báo tập trung khai thác sai phạm của ông với vô số những lời lẽ đao to búa lớn, hẳn sẽ muốn đưa ông lên đoạn đầu đài ngay mà chẳng cần gì đến một phiên tòa. Lúc này, liệu ông có muốn được giữ quyền im lặng, được mời luật sư tham gia từ đầu, được giãy bày với báo chí thông qua luật sư và gia đình để rộng đường dư luận, được xét xử bởi một quan tòa độc lập - những quyền căn bản bình thường của bất kỳ công dân nào ở các nước dân chủ pháp trị ?".
Nhận xét rằng các diễn biến về ông Thăng, chuyên gia Brown cho rằng phe bảo thủ ở Việt Nam, đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng, đang tìm cách "thanh trừng các đồng minh của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng", người từng thất bại trong cuộc tranh giành quyền lực trước thủ lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam năm ngoái.
Nhận định này giống với các ý kiến của một số hãng thông tấn đang đặt văn phòng tại Việt Nam. Reuters hôm 9/12 đưa tin, những người chỉ trích chính phủ Việt Nam "bày tỏ nghi ngờ rằng cuộc chiến chống tham nhũng có động cơ chính trị" và "nhắm vào những người thân cận với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng".
Ít ngày sau khi các cựu quan chức dầu khí rơi vào vòng lao lý, trong một diễn biến khác cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng đang gia tăng cường độ ở Việt Nam, ông Lê Quang Thung, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Cao su Việt Nam, một công ty lớn của nhà nước, đã bị khởi tố hôm 12/12, nhiều năm sau khi đã về hưu.
Thời gian vừa qua, ông Trọng có những tuyên bố chống tham nhũng được báo chí chính thống và nhiều cư dân mạng trích dẫn lại như : "Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy" hay "đánh con chuột đừng để vỡ bình", "không phải xới tung lên tất cả, gây mất niềm tin, nghi kỵ lẫn nhau, rối loạn sẽ rất nguy hiểm".
Nhà nghiên cứu David Brown cho rằng ông Trọng "đang làm những gì ông cho là cần thiết để duy trì vị thế độc đảng".
Chuyên gia này nói thêm : "Nếu nó giống với những gì hiện diễn ra ở Trung Quốc [nơi hiện có chiến dịch "đả hổ diệt ruồi], đó là bởi vì cả hai đảng cùng đối mặt với các thách thức tương tự, chứ không phải bởi vì ông Nguyễn Phú Trọng nhận lệnh từ quốc gia láng giềng lớn ở phương bắc".
Viễn Đông
Nguồn : VOA, 13/12/2017
*******************
Chiến dịch chống tham nhũng có hiệu quả hay không ?
Kính Hòa, RFA, 11/12/2017
Những ý kiến cho rằng chiến dịch chống tham nhũng đang tiến lên
Vào tháng Năm, năm 2017, sau Hội nghị trung ương lần thứ năm của Đảng Cộng sản Việt Nam, một cựu ủy viên trung ương đảng giấu tên nói với đài RFA rằng chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang diễn biến một cách tích cực.
Ông Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, viên chức cao cấp nhất của Đảng Cộng sản bị bắt giữ. Ảnh chụp tại một phiên họp Quốc hội, 30/10/2017. AFP
Trong hội nghị này ông Đinh La Thăng, một Ủy viên Bộ chính trị bị cách chức, đồng thời mất luôn chức là người đứng đầu đảng bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh, vì những sai phạm của ông có liên quan đến việc quản lý tập đoàn dầu khí Việt Nam.
Đến tháng 10/2017, Đảng Cộng sản Việt Nam họp Hội nghị trung ương lần thứ sáu. Tại hội nghị này một viên chức cao cấp của đảng bị kỷ luật là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Ủy viên trung ương đảng, ông Nguyễn Xuân Anh bị kỷ luật vì những cáo buộc có liên quan đến việc nhận quà biếu, cũng như những sai phạm trong vấn đề quản lý đất đai.
Ngay sau vụ kỷ luật này, ông Trần Văn Lĩnh, nguyên thành viên Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng nói với đài RFA rằng bản án kỷ luật này là một hành động kịp thời và nghiêm khắc của Đảng Cộng sản.
Hai tháng sau đó ông Đinh La Thăng, bị bắt giam để điều tra về những việc liên quan đến những vụ án tham nhũng lớn của ngành ngân hàng và dầu khí.
Việc bắt giữ ông Thăng gây nên một sự chú ý rất lớn đến chiến dịch chống tham nhũng của Đảng Cộng sản trong hai năm qua vì ông Thăng là viên chức cao cấp nhất của Đảng Cộng sản bị công khai bắt giam cho đến nay. Trước đó trong một thời gian dài, nhiều cán bộ cao cấp của Tập đoàn dầu khí lần lượt bị bắt giam, mà trong đó nổi tiếng nhất là ông Trịnh Xuân Thanh, một cấp dưới của ông Thăng, được cho là đã bị cơ quan an ninh Việt Nam sang Đức bắt cóc mang về Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà quan sát chính trị Việt Nam, từ Singapore nói với báo mạng VNexpress bản Anh ngữ rằng vụ bắt ông Thăng, cũng như vụ kỷ luật ông Xuân Anh là chỉ dấu cho thấy chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam đang gia tăng cường độ.
Những ý kiến cho rằng chống tham nhũng chỉ là chuyện phe phái
Tuy nhiên có những ý kiến vẫn cho rằng những bản án kỷ luật hay bắt giam này vẫn là chuyện tranh giành quyền lực nội bộ, phe phái bên trong Đảng Cộng sản mà thôi. Một trong những người có ý kiến này là Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự ở Hà Nội.
Chuyện phe phái mà ông Nguyễn Quang A đề cập được cho là xung đột kéo dài từ lâu giữa một bên là ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng, với bên kia là những viên chức cao cấp của chính phủ dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Sau Đại hội đảng lần thứ 12 vào đầu năm 2016, ông Nguyễn Tấn Dũng mất hết quyền lực chính trị. Sau đó người ta thấy một loạt các quan chức được ông bổ nhiệm bị kỷ luật, thậm chí có người đã về hưu cũng bị cách chức như ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trường Bộ Công Thương. Và đến cuối năm 2017, đến lượt ông Đinh La Thăng, người được thăng tiến mạnh mẽ dưới thời Thủ tướng Dũng.
Những người nghi ngờ chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Trọng chỉ là một cuộc chiến phe phái đưa ra nhận định rằng chỉ có những quan chức liên quan đến cựu Thủ tướng Dũng mới nằm trong tầm ngắm. Nhiều vụ tình nghi tham nhũng khác như ở Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa,…vẫn không bị đụng đến.
Trong những vụ này nổi tiếng nhất là một quan chức tại tỉnh Yên Bái là ông Phạm Sỹ Quí, nguyên Giám đốc sở Tài nguyên & Môi trường của tỉnh này, với nhiều sai phạm về kê khai tài sản và quản lý đất đai, được dư luật đặt câu hỏi là số tiền khổng lồ ông Quí dùng để xây nhà đắt tiền có phải là tiền tham nhũng hay không.
Ngày 2 tháng 12, trước khi ông Thăng bị bắt vài ngày, gia đình ông Quí bị phạt 500 triệu đồng, nhưng cho đến nay chưa có một vụ điều tra nào liên quan đến ông được công bố cả.
Sau Hội nghị trung ương sáu, ông Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát chính trị nội bộ Việt Nam sống ở Sài Gòn cho chúng tôi biết rằng mặc dù đã nắm hết quyền lực nhưng cuộc chiến chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng vẫn rất là vất vả :
"Muốn làm cái này thì phải làm chuyện có liên quan đến tài sản của quan chức. Từ tháng Năm, ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra chủ trương là kiểm tra tài sản đến 1000 quan chức. Lúc đó bà Lê Thị Thủy là Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương, có thể nói là một kênh tuyên giáo của ông Nguyễn Phú Trọng đã tuyên truyền khá rầm rộ cho chuyện này. Nhưng mà cho tới nay vẫn không thấy chiến dịch này được triển khai tới mức độ nào. Trong khi đó thì lại có những bằng chứng rất rõ là dường như ông Nguyễn Phú Trọng lại lơ đi những vấn đề tài sản quan chức bị dư luận công phẫn lên án".
Ông Dũng cho rằng hiện nay việc chống tham nhũng của ông Trọng phải đối mặt với sự liên kết của nhiều cán bộ cao cấp có chân trong ngành tư pháp và lĩnh vực kinh tế, vì thế có những vụ việc tình nghi tham nhũng nhưng ông Trọng không thể làm gì được.
Chống tham nhũng ở Việt Nam thiếu một thể chế cần thiết
Mặt khác có những ý kiến cho rằng việc chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay không có một thể chế để cho việc ấy có hiệu quả.
Vào tháng 10 năm 2017, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một nhà nghiên cứu kinh tế ở Hà Nội nói với chúng tôi :
"Chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một chiến dịch sâu rộng, và cho đến nay đạt được rất nhiều tiến bộ về những trường hợp cụ thể. Nhưng chiến dịch đó không thấy có các thay đổi về mặt công khai minh bạch, về mặt giám định độc lập, về mặt giám sát quyền lực".
Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cũng có ngành tư pháp, cơ quan thực thi pháp luật, nhưng cơ quan này lại do Đảng Cộng sản lãnh đạo chứ không phải là một cơ quan độc lập.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét về vụ truy tố ông Đinh La Thăng :
"Đây là Đảng Cộng sản Việt Nam trị ông Thăng chứ không phải là tư pháp hay gì cả".
Trong tất cả những vụ án liên quan đến các quan chức cao cấp, đều là đảng viên Đảng Cộng sản, người ta thấy nổi bật lên là vai trò của cơ quan gọi là Ủy ban kiểm tra trung ương đảng, chứ không phải là tòa án.
Việc đề cao vai trò độc lập của ngành tư pháp bắt đầu được các nhân sĩ trí thức Việt Nam chính thức nêu lên vào năm 2013, khi 72 người ra lời kêu gọi thực hiện thể chế tam quyền phân lập. Nhưng kiến nghị này không được Đảng Cộng sản cầm quyền ghi nhận. Hiến pháp Việt Nam sửa đổi, công bố vào năm 2013, vẫn nói là Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn xã hội. Và việc này bị giới chỉ trích cho rằng là một việc tập trung quyền lực quá cao, dễ dàng tạo điều kiện cho tham nhũng.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói với chúng tôi vào tháng 10 năm 2016 :
"Hiện nay người ta vẫn đang thảo luận, có ý kiến phải chăng là nếu như muốn kiểm soát quyền lực thì vẫn phải thực hiện tam quyền phân lập, vẫn phải có một hệ thống giám sát quyền lực như là hệ thống tòa án hiến pháp, rồi là tòa án phải độc lập, chỉ hoạt động theo luật pháp thôi, và còn có những qui định khác như là phải công khai minh bạch, một nền báo chí tự do, tự chịu trách nhiệm, có tin thần xây dựng đối với đất nước. Thì tất cả những cái đó các nước khác người ta đã tổng kết rồi, vấn đề bây giờ là Việt Nam có thực hiện hay không mà thôi".
Trở lại vụ bắt giữ ông Đinh La Thăng, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, mặc dù đồng ý là việc chống tham nhũng đang gia tăng cường độ, nhưng ông cho rằng việc bắt giữ các quan chức cao cấp là chưa đủ, mà cần có sự thay đổi thể chế chính trị và pháp lý để có thể chống tham nhũng ở mọi mức độ.
Điều Tiến sĩ Hiệp đề cập cũng được vị cựu ủy viên trung ương đảng mà chúng tôi có dịp nói chuyện vào tháng Năm năm nay đồng ý, ông cho rằng phải hướng tới một thể chế tam quyền phân lập để có thể chống tham nhũng có hiệu quả. Nhưng ngay trong những ngày dư luận đang nóng lên về vụ bắt giữ ông Đinh La Thăng, Đảng Cộng sản lại ra một chỉ thị nói rằng những đảng viên nào đề cập đến tam quyền phân lập sẽ bị khai trừ khỏi đảng.
Kính Hòa
Nguồn : RFA, 11/12/2017
Ai cho Thăng được nói ?
Nguyễn Anh Tuấn, RFA, 08/12/2017
"Khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng" - không chỉ Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Vietnamnet mà hàng trăm tờ báo khác cũng đang loan tin này với cùng một tiêu đề, văn phong, và nội dung, theo một sự chỉ đạo nghiêm ngặt dễ thấy.
Ngày 10/05/2017, ông Đinh La Thăng thôi giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020 để giữ chức Phó ban Kinh tế trung ương - Ảnh minh họa
Chưa biết rồi những ngày tới đây báo chí sẽ khai thác những chi tiết nào nữa, tuy nhiên dám chắc một điều là cả 900 tờ báo sẽ chỉ một hướng tấn công ông ấy.
Những lời biện minh, giãi bày của ông Thăng, nếu có, cũng không thể nào xuất hiện trên truyền thông. Tiếng nói của ông rồi đây chỉ là một tự sự cô độc giữa bốn bức tường mà ngoài ông ra thì chỉ đến tai các điều tra viên - những người, trớ trêu thay, lại chỉ phớt lờ cười nhạt, trước khi lấy lời khai để hoàn thành một bản hồ sơ luận tội chiếu lệ cho ông.
Ông Thăng có thể có, hoặc được chỉ định, một luật sư. Cũng có thể thi thoảng được gặp vợ con, nếu những người đồng chí của ông chỉ mới cạn tàu chứ chưa ráo máng. Nhưng, ngay cả khi luật sư muốn bảo vệ ông bởi trách nhiệm nghề nghiệp, vợ con muốn nói tốt cho ông bởi tình nghĩa gia đình, thì vấn đề là tờ báo nào ở Việt Nam dám đăng những lời này ?
Kết cục không khó dự đoán. Công chúng, bao gồm cả bạn bè người thân của ông, sau một thời gian dài bị oanh tạc thông tin bởi hàng trăm tờ báo tập trung khai thác sai phạm của ông với vô số những lời lẽ đao to búa lớn, hẳn sẽ muốn đưa ông lên đoạn đầu đài ngay mà chẳng cần gì đến một phiên tòa. Lúc này, liệu ông có muốn được giữ quyền im lặng, được mời luật sư tham gia từ đầu, được giãy bày với báo chí thông qua luật sư và gia đình để rộng đường dư luận, được xét xử bởi một quan tòa độc lập - những quyền căn bản bình thường của bất kỳ công dân nào ở các nước dân chủ pháp trị ?
Bị nguyên một hệ thống trấn áp bằng truyền thông mà chẳng hề có quyền đáp lại một lời nào để tự bảo vệ mình, nhân quả dường như đến quá sớm với Đinh La Thăng khi chính ông từng một thời nằm trong nhóm chóp bu duy trì và vận hành hệ thống đó.
Đinh La Thăng đang có bi kịch của ông ấy. Nhưng nằm ngay trung tâm bi kịch đó tiềm ẩn một rủi ro chung cho tất cả chúng ta : Không phân biệt địa vị, nghề nghiệp, sang hèn, từ Ủy viên Bộ Chính trị đến anh bán hàng rong, chúng ta đều có thể là nạn nhân của một nền pháp quyền què quặt khi mà nhân quyền, dân quyền của chúng ta không được thượng tôn nghiêm ngặt như một điểm cốt lõi tạo thành cộng đồng quốc gia này.
Những ngày tới, ở vị trí nạn nhân của quyền lực, ông Thăng hẳn sẽ có cái nhìn khác về nhân quyền, dân quyền - những thứ mà lúc còn ở đỉnh cao quyền lực chắc ông đã từng cười nhạt khi nghe thấy. Nhưng có lẽ, mọi thứ đã quá muộn với ông rồi.
Liệu chúng ta có nên như ông ấy, chỉ đợi tới lúc trở thành nạn nhân mới bắt đầu nghĩ tới quyền của mình ?
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 08/12/2017 (nguyenanhtuan's blog)
***************
La Thăng cách Xi bao xa ?
Vũ Thạch, 08/12/2017
Mới nhìn, có vẻ việc ông Đinh La Thăng đang bị đánh dồn dập chẳng liên hệ gì tới Xi Jinping – Tập Cận Bình, ngoại trừ cái thủ thuật "đả hổ, diệt ruồi", tức dùng lý cớ diệt tham nhũng để trừ đối thủ, đang được hùng hổ đem ra ứng dụng tại Việt Nam.
Nhưng nhiều người lại bảo chính vì đứng xa Xi như thế mà không chỉ ông Thăng mà cả phe nhóm ông Nguyễn Tấn Dũng đang bị dồn vào chân tường và bị tỉa từng người : hết Vũ Huy Hoàng đến Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, và còn nhiều nữa.
Tại sao vậy ?
Chẳng phải cánh ông Nguyễn Tấn Dũng chống Tàu hay ghét xâm lược, nhưng họ đã thua trong cuộc chạy đua xin Bắc Triều phong vương trước Đại hội đảng XII năm 2016. Tập Cận Bình đã chọn và phe ông Nguyễn Phú Trọng thắng.
Kể từ ngày được chọn, sức mạnh của phe ông Trọng đã xoay ngược 180 độ như một phép lạ. Người dân cả nước nói chung và người dân Hà Nội nói riêng đã biết và còn nhớ rất rõ tại sao ông có biệt danh Trọng Lú. Không phải một ngày, một tháng mà trong suốt con đường chính trị dài nửa thế kỷ, ông Trọng có vô số các phát biểu dại dột thuộc loại "Tình hình biển Đông không có gì mới", hay "Lãnh đạo phải là người Bắc có lý luận"… Người ta cũng nhớ một ông Trọng mếu máo ở cuối Đại Hội Đảng XI, không kỷ luật được đồng chí X, vì ông Nguyễn Tấn Dũng đã nắm đa số ủy viên trung ương đảng.
Nguyễn Phú Trọng và Đinh La Thăng - Ảnh minh họa. Nguồn : internet
Cái gì đang biến Trọng Lú thành Trọng Thiên Tài ? Câu trả lời duy nhất thỏa đáng là : Tiền Trung Quốc và cố vấn Trung Quốc.
Thật vậy, chỉ có tiền Trung Quốc mới có đủ khả năng đánh bạt sức mua chuộc của phe ông Nguyễn Tấn Dũng. Nhìn cảnh đám ma mẹ ông Dũng vào tháng 12/2017, người ta đủ thấy toàn bộ đàn em ông Dũng đã đổi chủ. Bàn tay của các cố vấn Trung Quốc cũng hiện ra khá rõ khi so sánh các bước tiến hành của Đả hổ đập ruồi Trung Quốc với Lò đốt củi Việt Nam, tức theo đúng bài bản của Vương Kỳ Sơn – tay hung thần khủng khiếp nhất Trung Quốc hiện nay dưới trướng Tập Cận Bình. Nay ông Trần Quốc Vượng cũng đã được chính thức cho đóng vai trò của Vương Kỳ Sơn cho Việt Nam.
Cảnh này khá giống cơn ác mộng Cải cách điền địa Trung Quốc tiến sang thành Cải cách ruộng đất Việt Nam, với các đại cán, tiểu cán Trung Quốc điều khiển trực tiếp các cuộc đấu tố, quyết định trực tiếp các con số chỉ tiêu tiểu nông, trung nông, địa chủ cho từng địa phương… thời ông Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Diễn biến kế tiếp sẽ là gì trong những tuần, tháng trước mặt ? Ít ai nhìn các ông Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh mà không nghĩ đến 2 bia bắn kế tiếp : Đồng chí X và đồng chí C. Gia đình 2 ông đều đang có núi tài sản cao nhất nước ở cả trong và ngoài Việt Nam, cũng như còn nắm nhiều dữ kiện bí mật của các lãnh tụ đang nắm quyền.
Tại điểm này, có thể kết luận động lực chính đằng sau các chuyển động đang rung rinh mặt đất hiện nay là : Tiền Vốn đang có từ Bắc Kinh, và Tiền Lời sắp có từ các đồng chí cũ.
Vũ Thạch
Nguồn : Tiếng Dân, 08/12/2017
**********************
"Bắt Đinh La Thăng, vẫn là chuyện thanh trừng nội bộ"
Nguyễn Quang A, RFA, 08/12/2017
Ngày 8 tháng 12 năm 2017, ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, nguyên Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bị bắt tạm giam để điều tra về việc làm thất thoát tài sản tại Tổng công ty dầu khí Việt Nam.
Ông Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, viên chức cao cấp nhất của Đảng cộng sản bị bắt giữ. Ảnh chụp tại một phiên họp Quốc hội, 30/10/2017. AFP
Đây là một viên chức cao cấp nhất của Đảng cộng sản và chính phủ Việt Nam bị bắt một cách công khai trong lịch sử của Đảng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội trao đổi với Kính Hòa của Đài RFA quan điểm của ông qua sự kiện này.
Nguyễn Quang A : Người ta viện cái cớ là ông ấy là mất 800 tỉ, và chuyện liên quan đến một cái công ty gì đấy của ông Trịnh Xuân Thanh. Những thông tin như thế thì người ta đã đồn ở Hà Nội này từ trước khi Đại hội lần thứ 12 của Đảng cộng sản. Cho nên là theo tôi thì nó vẫn là tiếp tục của sự thanh trừng các bè phái. Cái chuyện tham nhũng, theo tôi thì nếu chống tham nhũng thật sự thì tất cả các ông ấy bị tù hết nếu làm nghiêm túc.
Kính Hòa : Nhưng chuyện bắt ông Thăng, từ chuyện truất phế ông ấy ra khỏi Quốc hội, rồi ông Phạm Minh Chính ký đình chỉ sinh hoạt đảng của ông Thăng, đều xảy ra trong một ngày, chuyện đó có gì đặc biệt không ?
Nguyễn Quang A : Chẳng có gì đặc biệt cả. Đây là Đảng cộng sản Việt Nam trị ông Thăng chứ không phải là tư pháp hay gì cả, bởi vì tất cả các lệnh đều từ đó mà ra. Quốc hội hay cho thôi Quốc hội đều do các ông ấy cả. Quyết định cho (ông Thăng) ứng cử Quốc hội mới có tháng Năm năm ngoái chứ đâu có gì là xa lắm.
Kính Hòa : Ông Thăng từng phụ trách Bộ Giao thông vận tải. Vừa rồi là chuyện BOT được truyền thông rộng rãi đưa tin, vậy liệu đó có phải là chuẩn bị dư luận cho việc bắt bớ này không ?
Nguyễn Quang A : Có thể hiểu như vậy cũng được. Thời ông Đinh La Thăng là thời nở rộ các BOT kiểu Cai Lậy. Nhưng tôi cũng phải nhấn mạnh là cái BOT còn nghiêm trọng hơn cái ở Cai Lậy vì nó rất là rõ ràng thì đã xảy ra hồi 20 năm trước, vào cái thời mà ông Thăng vẫn còn là kế toán trưởng hay giám đốc gì đó ở Tổng công ty Sông Đà.
Nhưng mà đúng là ông ấy dính đến chuyện rầm rộ BOT, mà BOT thì toàn bộ báo chí chính thống rồi trên mạng, đều phản đối, vậy tạo nên cái lý là bắt ông này là chính xác rồi, không có vấn đề gì cả.
Kính Hòa : Sau ông Đinh La Thăng thì ông nghĩ là có người nào nữa cao cấp hơn không ?
Nguyễn Quang A : Tôi không dám đoán. Tôi nghĩ hoàn toàn có thể, mà cũng có thể là không. Những chuyện như thế, những chuyện thanh trừng bè phái chắc chắn còn có nữa.
Nếu mà tương quan lực lượng giữa các bên nghiêng hẳn về một phía, thì tại sao không chặt đầu rắn cho nó xong.
Kính Hòa : Có nghĩa là có khả năng ông Nguyễn Tấn Dũng dính dáng đến tòa án ?
Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ là có thể nếu cán cân lực lượng xoay chuyển như vậy.
Kính Hòa : Có phải ông Đinh La Thăng là quan chức đảng cao cấp nhất bị bắt một cách hình sự như vậy trong lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam trong thời gian gần đây ?
Nguyễn Quang A : 20 năm trở lại đây thì đúng đây là trường hợp đầu tiên.
Kính Hòa : Trước đó có những quan chức cao cấp bị bắt, bị thanh trừng nhưng không có dư luận rộng rãi phải không ạ ?
Nguyễn Quang A : Đúng rồi. Trước kia thì đến quan chức cao cấp như vậy, bị bắt thì không có, mà là bị vô hiệu hóa, rồi về nhà ngồi chơi xơi nước, bị quản thúc tại gia thì có, chứ bị bắt một cách công khai thì không.
Kính Hòa : Ông vừa nói đến chuyện cán cân lực lượng có thể đưa đến truy đến cấp trên của ông Thăng là ông Nguyễn Tấn Dũng, như vậy có phải chuyện này sẽ phá một dư luận làm tiền lệ nói rằng các cấp cỡ đó, cỡ tứ trụ triều đình, thì không bị đụng chạm đến ?
Nguyễn Quang A : Vấn đề là họ thỏa hiệp với nhau đến mức nào. Vì quyền lợi chung thì họ có thể thỏa hiệp, và lúc đó thì xề xòa hết cả. Nhưng nếu tương quan lực lượng áp đảo hẳn về một phía thì lúc đó có thể diễn ra.
Kính Hòa : Dù sao đi nữa thì ông Đinh La Thăng trong dư luận Việt Nam là hình ảnh của một vụ tham nhũng rất là lớn. Thì với sự bắt bớ này, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đạt được một thành công là gầy dựng lại hình ảnh của đảng trong việc chống tham nhũng ?
Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng chắc chắn nó làm cho nhiều người tin rằng đây là một cuộc chống tham nhũng thật, mà Đảng cộng sản Việt Nam có thể làm được chuyện ấy. Cái cách tuyên truyền của người ta là như vậy.
Nhưng nếu nhìn ở khía cạnh khác thì đó là cuộc thanh trừng giữa các bên.
Ông (Trần Quốc) Vượng mấy ngày trước vừa ký một quyết định về việc khai trừ các thành viên của Đảng cộng sản Việt Nam. Ông ấy nêu hàng loạt các thứ để củng cố sự độc quyền của Đảng. Không nói đến tam quyền phân lập, không nói đến dân chủ, không nói đến xã hội dân sự. Cái việc đó chỉ củng cố sự tập trung quyền lực vào trong ban lãnh đạo của đảng hiện thời.
Càng tập trung như thế thì càng nảy ra tham nhũng. Chống tham nhũng là không thể ở một nơi không có pháp quyền, không có nền pháp trị. Bản thân các vị ấy ngồi trên pháp luật thì làm sao chống tham nhũng được. Từ khía cạnh ấy thì sự thành công cũng không có gì.
Kính Hòa : Xin cám ơn ông.
Kính Hòa thực hiện
Nguồn : RFA, 08/12/2017
*********************
Bắt và khởi tố Đinh La Thăng : ‘Chưa phải là hồi kết’
Cát Linh, RFA, 08/12/2017
Phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV diễn ra vào chiều tối ngày 8 tháng 12 với kết quả ông Đinh La Thăng bị thôi chức Đại biểu Quốc hội.
Ảnh ghép Bí thư thành Ủy thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng (trái) và cựu Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (phải). AFP
Chỉ vài giờ sau đó, những lời đồn đoán lẫn thắc mắc về số phận của ông Đinh La Thăng, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam PVN trong suốt 1 thời gian dài đã được sáng tỏ.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chiều ngày 8 tháng 12 ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Đinh La Thăng với Lý do để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Đinh La Thăng có phải là ngọn lửa cao trào thổi bùng lò chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hay không ?
Không ngạc nhiên
Tin tức được đưa ra theo hình thức "nhỏ giọt" từng diễn biến một. Trước tiên là kết quả phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tất cả ủy viên có mặt đồng thuận với nghị quyết cho thôi chức đại biểu quốc hội đối với ông Đinh La Thăng.
Vài giờ đồng hồ sau đó, báo chí trong nước đồng loạt đăng tải ngay quyết định của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an về việc khởi tố lệnh bắt tạm giam đối với ông Đinh La Thăng và có hiệu lực ngay lập tức.
Những sự việc này, tuy diễn ra cùng một lúc, mang tính chất rất đột ngột, nhưng với những người quan sát tình hình chính trị Việt Nam, thì họ không có nhiều ngạc nhiên.
Đưa ra đánh giá đầu tiên về sự việc này, Tiến sĩ kinh tế, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, từ Sài Gòn nói với chúng tôi rằng "Đây là nguyên uỷ viên Bộ Chính trị đầu tiên của Việt Nam bị bắt".
Nhận định thứ hai theo ông, tuy đã từng có 1 luồng dư luận đề cập đến việc Đinh La Thăng bị bắt giam, nhưng ngay chính cá nhân ông trước đây cũng chưa thể khẳng định về hình thức kỷ luật mà Đinh La Thăng sẽ nhận lãnh. Do đó, "1 nửa ngạc nhiên, 1 nửa không" là trạng thái ông đón nhận sự việc này.
"Tôi có phần ngạc nhiên. Đây là một kịch bản lặp lại của sự việc tháng 4 năm 2017. Cuối tháng 4 trong bối cảnh lúc đó có thông tin ông Thăng không bị hề hấn gì bởi cái vụ Tập đoàn dầu khí quốc gia. Đột ngột sau đó Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố kết quả kiểm tra đối với Đinh La Thăng về những sai phạm được coi là hết sức nghiêm trọng. Chỉ 2 tuần sau đó tại Hội nghị trung ương 5, Đinh La Thăng chính thức mất ghế Ủy viên Bộ Chính trị.
Kỳ này kịch bản lặp lại, cũng 2 tuần. Ngày 25 tháng 11 ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì 1 cuộc họp quan trọng của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương, đưa ra 1 thông tin công khai, là trong tháng Giêng và tháng Hai sẽ đưa ra xử 2 vụ, 1 là vụ Trịnh Xuân Thanh, 2 là vụ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia. Nhưng không đề cập đến ông Đinh La Thăng mà đề cập trực tiếp đến ông Trịnh Xuân Thanh.
Cho nên lúc đó có dư luận cho là Đinh La Thăng thoát".
Cũng "không ngạc nhiên lắm" là phản ứng của nhà báo tự do Nguyễn Vũ Bình. Theo phân tích của ông, nếu so sánh lại với sự việc của Trịnh Xuân Thanh từng làm ồn ào báo chí thời gian qua thì sẽ thấy ngay "việc gì đến sẽ đến".
"Tôi không ngạc nhiên lắm. Chỉ có chút thôi. Vì chuyện bắt ông Trịnh Xuân Thanh là nó rất là lớn, phải chịu hy sinh lợi ích bang giao quốc tế. Cho nên khi đã bắt Trịnh Xuân Thanh thì phải lôi đến tận gốc rễ của vấn đề. Mà khi đã lôi tận gốc rễ của vấn đề thì sẽ ra đến việc của ông Đinh La Thăng".
Ông Trịnh Xuân Thanh mà nhà báo Vũ Bình vừa nhắc đến là nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty xây lắp dầu khí, trực thuộc Tập đoàn dầu khi quốc gia Việt Nam. Trong thời gian làm việc tại đó từ 2011 đến 2013 ông bị cho là đã làm lỗ và thất thoát một số tiền lên đến 3200 tỉ đồng.
Sau đó ông lại được rút về Bộ Công thương rồi lại được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu giang. Đó là chức vụ cuối cùng của ông trước khi bỏ trốn sang Châu Âu và bị Chính phủ Việt Nam truy nã quốc tế vào tháng 9 năm 2016.
Ngày 31 tháng 7 năm 2017, báo chí trong nước đưa tin ông về nước đầu thú ở Bộ Công an Việt Nam, xuất hiện trên đài truyền hình nhà nước Việt Nam nói rằng ông đã phạm sai lầm và quyết định về nước đầu thú.
Tuy nhiên báo chí tiếng Việt và tiếng Đức tại Đức cho biết ông Trịnh Xuân Thanh đã bị nhân viên an ninh Việt Nam sang Đức bắt cóc đưa về nước qua đường Cộng hòa Czech. Nước Đức sau đó nói rằng ông Thanh bị bắt cóc trên lãnh thổ Đức và yêu cầu trả lại ông Thanh cho phía Đức. Yêu cầu này không được đáp ứng và Đức đã đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Cho đến nay Việt Nam vẫn không lên tiếng xác nhận hay phủ nhận việc có bắt cóc ông Thanh trên đất Đức hay không.
Cũng không khác với những nhận định trên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cho rằng sự việc này đối với ông là hoàn toàn nằm trong "đường đi có thể suy đoán được". Từ Hà Nội, ông nói với chúng tôi ông không hề ngạc nhiên.
"Không có gì ngạc nhiên vì bản chất của cuộc đấu đá phe phái, logic của nó phải là như vậy".
Chưa phải là hồi kết
Lý do bắt giam và khởi tố ông Đinh La Thăng được cho biết là vì có những vi phạm nghiêm trọng trong việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỉ đồng vào Ngân hàng Cổ phần Đại dương (OceanBank) và mất trắng số tiền này.
Cả PVN và Oceanbank đều là những cái tên "nặng ký" trong chiến dịch chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xướng và làm "Tổng tư lệnh".
Thế nhưng, Đinh La Thăng liệu có phải là cội rễ cuối cùng của 1 trong những đại án tham nhũng hay không ? Câu trả lời của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng là "chưa phải". Và ông cũng cho rằng việc bắt giam khởi tố Đinh La Thăng "chưa phải là cao trào của "Bản Giao hưởng Chống Tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng".
Ông Phạm Chí Dũng nói tiếp.
"Vấn đề Đinh La Thăng chỉ là tiền đề của 1 cuộc chiến sinh tử của ông Nguyễn Phú Trọng, của cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng, thể diện ông Nguyễn Phú Trọng và cũng là sự nghiệp chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng".
Tương tự với quan nhận định này là quan điểm của nhà báo Vũ Bình khi cho rằng Đinh La Thăng chưa phải là nhân tố kết thúc câu chuyện chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng.
"Theo tôi thì nó chưa kết thúc. Và nếu như logic của vấn đề phát triển, thì suy nghĩ của tôi là sẽ động đến cấp cao hơn ông Đinh La Thăng, chúng ta biết là người đã về hưu rồi. Đây là cuộc chiến có lẽ không khoan nhượng chứ không đơn thuần là đánh từ vai đánh xuống".
Thêm vào đó, nhà báo Vũ Bình không cho rằng đây là cuộc chiến chống tham nhũng. Vì theo ông, gốc rễ của tham nhũng là cơ chế, khi chưa thay đổi, giải quyết được cơ chế tất cả việc chống và đánh tham nhũng chỉ là tranh giành phe phái.
Tuy rằng theo nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, rất khó để đưa ra dự đoán về bước kế tiếp, nhưng theo quan điểm cá nhân ông, rất có thể hồi kế tiếp của việc này là con đường dẫn đến cửa nhà của "cấp cao hơn Đinh La Thăng và đã về hưu"
"Như vậy thì đường đi của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng rất có khả năng sẽ dẫn thẳng đến cửa nhà của ông Nguyễn Tấn Dũng, là cựu Thủ tướng".
Thế nhưng, ông nhấn mạnh suy nghĩ này "chỉ là 50/50". Phân tích rõ hơn, nhà báo Phạm Chí Dũng nói rằng "Việt Nam không phải là Trung Quốc, Nguyễn Phú Trọng không phải là Tập Cận Bình"
"Muốn làm việc lớn thì phải có cái đầu lớn, lá gan lớn và những cánh tay mạnh mẽ. Trong suốt gần 2 năm vừa qua, có thể nói thành tích chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng được coi là quá nhỏ bé, khiêm tốn so với Trung Quốc. Cho nên chuyện ông muốn làm 1 việc gì đó lớn phải đòi hỏi bản lĩnh ghê gớm lắm. Riêng đối với cá nhân tôi là sự nghi ngờ".
Chính vì vậy, tuy nói rằng sau Đinh La Thăng, con đường đi tiếp theo của ông Nguyễn Phú Trọng có thể sẽ dẫn đến trước cửa nhà của ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng ông Phạm Chí Dũng cũng nhấn mạnh là sẽ không dễ dàng như dư luận đồn đoán.
Qua tất cả những quan sát và phân tích của những người quan tâm đến tình hình chính trị Việt Nam hiện nay, câu hỏi "Sau Trịnh XuânThanh, sau Đinh La Thăng sẽ là ai ?" vẫn còn là một câu hỏi lớn.
Cát Linh
Nguồn : RFA, 08/12/2017
********************
Tương lai nào chờ Đinh La Thăng ?
RFA, 08/12/2017
Ngày 8/12/2017 cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Phó trưởng ban Kinh tế trung ương Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị với cáo buộc tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng khi ông còn là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Ông Đinh La Thăng khi còn làm Chủ tịch HĐTV PVN năm 2010 - AFP
Tội gì ?
Một nhà quan sát chính trị Việt Nam nói với Đài Á Châu Tự Do rằng tương lai án phạt mà ông Đinh La Thăng phải chịu phụ thuộc vào hai điểm trong quyết định truy tố ông Thăng là tội cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và điều tra về tham nhũng.
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà quan sát chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore nhận định.
Hà Hoàng Hợp : Nếu chỉ dính đến tội cố ý làm trái thì không bị xử tù quá 20 năm theo luật hình sự Việt Nam vào năm 2009. Còn theo luật hình sự năm 2015 sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2018 thì cái bộ luật ấy không còn tội cố ý làm trái. Nhưng bắt vào thời điểm bây giờ là ngày 8/12, thì dù có điều tra bao lâu đi chăng nữa thì họ vẫn phải xử theo tội này (làm trái quy định) vì luật vẫn có hiệu lực. Thế nhưng trong thông báo tạm giam có hai cụm từ họ giấu đi ở đằng sau là tham ô và nhận hối lộ thì cả hai tội này có khung án cao nhất là tử hình.
Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, trong thông báo khởi tố bắt tạm giam ông Thăng, tội danh được nhấn mạnh chính là tội làm trái quy định nhà nước.
Theo quyết định được thông báo hôm 8/12, ngoài tội cố ý làm trái, ông Đinh La Thăng còn bị điều tra trong vụ án tham nhũng ở Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC) gây thiệt hại gần 3,300 tỷ đồng. Đây là một trong số những vụ án tham nhũng được nói đến nhiều nhất trong năm 2017 liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
Tội danh của ông Thăng được nêu ra trong kết luận bao gồm gây thất thoát 800 tỷ đồng khi góp vốn vào ngân hàng Đại Dương, một trong 12 vụ đại án được xét xử trong năm qua, và chịu trách nhiệm là người đứng đầu khi để xảy ra những sai sót tại PVC.
Trước khi ông Thăng bị bắt, Thường vụ Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết đình chỉ tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Thăng, có nghĩa là tước bỏ quyền miễn trừ truy tố đối với ông.
Cùng lúc với bị việc bị bắt giam và truy tố, ông Thăng cũng bị đình chỉ sinh hoạt đảng.
Ông Thăng là trường hợp ủy viên trung ương đảng, nguyên ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên bị bắt giam và truy tố về tội kinh tế. Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, các trường hợp ủy viên trung ương và Bộ Chính trị trước đó bị kỷ luật không giống như trường hợp của ông Thăng và chủ yếu liên quan đến các vụ án an ninh chính trị và tư tưởng.
Bước cuối cùng
Việc truy tố và bắt giam ông Đinh La Thăng vào lúc này có thể không phải là quá ngạc nhiên đối với những người theo dõi tình hình chính trị Việt Nam thời gian qua.
Vào tháng 5 năm nay, tại Hội nghị trung ương 5, trên 90% ủy viên trung ương đã bỏ phiếu thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức ủy viên Bộ Chính trị khóa 12.
Vào thời gian vụ án PVC được đưa ra cùng với việc Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn sang Đức và sau đau đó bị bắt về Việt Nam hồi tháng 8 năm nay, đã có nhiều đồn đoán về khả năng ông Thăng, nguyên là cấp trên của ông Thanh ở dầu khí sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Blogger Osin Huy đức, người đã có nhiều bài viết về Đinh La Thăng trên facebook cá nhân được nhiều người theo dõi hồi tháng 9 viết rằng : "Nếu các cơ quan pháp luật muốn làm tới nơi thì quy mô của vụ án không chỉ xảy ra ở PVC mà là ở PVN, vấn đề không phải là Thuận hay Thanh mà là Thăng"
Vũ Đức Thuận nguyên là Tổng Giám Đốc PVC, người cùng bị khởi tố với Trịnh Xuân Thanh và 3 lãnh đạo chủ chốt khác của công ty vì tội tham nhũng hồi tháng 9 năm ngoái. Tính cho đến lúc này đã có tới hơn 20 lãnh đạo thuộc ngành dầu khí bị khởi tố vì liên quan đến các cáo buộc về tham nhũng.
Cùng ngày khi ông Thăng bị bắt, Cơ quan An ninh Điều tra, bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên bí thư đảng ủy PVN về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng.
Khoảng 2 tuần trước khi ông Thăng bị bắt, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đã họp và xác định sẽ sớm giải quyết vụ án ở PVC trong thời gian tới, mà cụ là xét xử Trịnh Xuân Thanh vào tháng 1 năm 2018.
Điều đáng chú ý là sau khi bị kỷ luật cảnh cáo và mất chức, ông Thăng được điều về làm Phó trưởng ban kinh tế trung ương làm dư luận thắc mắc tại sao ông Thăng vẫn chưa bị điều tra khởi tố. Tại sao đến lúc này cơ quan công an mới khởi tố và bắt tạm giam ông Thăng ?
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định : Người ta làm lâu thế là vì có nhiều nguyên nhân, vì họ phải cân nhắc các mối quan hệ bên trong nội bộ, chủ yếu là họ tìm đủ các bằng chứng để dẫn đến vụ bắt bớ này. Điều này nói lên rằng hệ thống tư pháp Việt Nam đã cân nhắc một cách khá thận trọng mọi thứ thế nhưng cũng cần phải nói là hệ thống tư pháp của Việt nam cũng như tất cả các hệ khác đều nằm dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam.
Theo tiến sĩ Hà Hoàng Hợp chính vì lý do đảng lãnh đạo tuyệt đối mà thông báo kỷ luật của ông Thăng không nhấn mạnh về vấn đề tham nhũng mà chỉ tập trung vào tội cố ý làm trái. Ông cũng nhận định có nhiều khả năng sau Thăng sẽ còn một số những lãnh đạo cao cấp khác có thể bị bắt.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo chống tham nhũng trung ương là người đã phát động chiến dịch chống tham nhũng rầm rộ từ hồi giữa năm ngoái. Ông cũng nói đến sự mất lòng tin của người dân vào đảng vì vấn đề tham nhũng. Tuy nhiên theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp việc bắt một quan chức cấp cao trong đảng như ông Thăng trong một vụ án tham nhũng không có nghĩa đảng sẽ lấy lại được niềm tin vì niềm tin đã mất thì có lấy lại cũng rất khó và phải lấy lại bằng cách khác.
Nguồn : RFA, 08/12/2017