Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Từ cộng sản sang tư bản phi dân chủ, Trung Quốc ưu tiên cho công nghệ

phi1

Huawei Connect, sự kiện về trí tuệ nhân tạo (AI) thường niên được tổ chức tại Thượng Hải ngày 18/09/2019. Reuters/Aly Song

Le Monde trong loạt bài về sự thay đổi của thế giới từ 1989 đến 2019, đề cập đến "Sự báo thù của Trung Quốc". Năm 2008, Bắc Kinh phô trương thành tựu về kinh tế cho toàn thế giới nhân Thế vận hội, và từ 2012, Tập Cận Bình tranh giành với Hoa Kỳ vị thế hàng đầu về công nghệ, đồng thời củng cố quyền lực.

Lâu nay Châu Âu và Hoa Kỳ vẫn có cái nhìn khoan hòa và lạc quan về một Trung Quốc đang trỗi dậy, chấp nhận cho Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tổng thống Mỹ Bill Clinton tin rằng kinh tế thị trường và internet sẽ mang lại dân chủ cho người dân Hoa lục.

Nhưng Trung Quốc đã chuyển đổi từ cộng sản sang tư-bản-không-dân-chủ, một sự kiện chưa có tiền lệ, và năm 1989 của Trung Quốc trái ngược hẳn với những gì diễn ra ở Đông Âu và các nước thuộc khối Liên Xô cũ. Hôm 04/06/1989, khi Công đoàn Đoàn Kết giành thắng lợi rực rỡ trong cuộc bầu cử ở Ba Lan, tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, những chiếc xe tăng đã đè bẹp mùa xuân của sinh viên trong biển máu. Nếu có bài học nào mà Trung Nam Hải rút ra được từ năm 1989 của Châu Âu, thì đó là không nên chấp nhận số phận của nhà lãnh đạo Liên Xô Gorbachev.

Tuy vậy sau vụ thảm sát Thiên An Môn, Trung Quốc tiếp tục tham vọng. Nhà văn Dư Hoa (Yu Hua) giải thích : "Sự kiện 1989 đã giết chết say mê chính trị của người dân Trung Quốc, sau đó chỉ còn lại đam mê làm giàu". Và năm 2008 là dịp phô bày sức mạnh cho thế giới nhân Thế vận hội Bắc Kinh, trước bốn tỉ người theo dõi trên truyền hình.

Công xưởng thế giới giờ đây chứng tỏ những tham vọng to lớn hơn. Đặng Tiểu Bình chứng tỏ tầm nhìn xa khi gởi hàng ngàn sinh viên ra các nước phương Tây học hỏi những công nghệ tiên tiến. Nay thì hàng trăm ngàn người từ Hoa lục đang theo học những trường đại học Mỹ, Đức, Anh…nhất là về công nghệ. Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính đã tiếp sức cho phong trào hồi quy (hai gui) : thu hút nhân tài từ phương Tây về nước.

Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã giúp Tập Cận Bình tiến xa hơn, "Đại nhảy vọt" đối với ông Tập là các công nghệ của tương lai, ưu tiên cho trí thông minh nhân tạo (AI) và tin học lượng tử, với các phương tiện khổng lồ. Cuốn sách best-seller gần đây của tác giả Lý Khai Phục (Kai Fu Lee), từng là giám đốc sáng lập của Google Trung Quốc dự báo trong 10 năm nữa, Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ. Tuy nhiên Kevin Rudd, cựu thủ tướng Úc bác bỏ, khẳng định Washington vẫn bỏ xa Bắc Kinh về AI. Tác giả Graham Allison thì nhận xét, một nhà nước độc tài có ưu thế so với nhà nước dân chủ, khi lợi dụng được sự tự do trao đổi các sáng tạo. Trong khi đó nhà tỉ phú George Soros thẳng thừng cảnh báo mối nguy khi IA nằm trong tay những chế độ tàn bạo như Trung Quốc.

Trong cuộc diễn binh đại quy mô nhân quốc khánh 1/10 vừa qua, nhà nghiên cứu François Godement đã phải kinh ngạc về những thiết bị quân sự hiện đại, lẫn sự hiện diện khắp nơi của chân dung hoàng đế đỏ Tập Cận Bình.

Thương chiến làm kinh tế Trung Quốc sa sút

Tuy nhiên trên lãnh vực kinh tế, Les Echos e ngại về tình trạng "Sản xuất công nghiệp Trung Quốc đang chậm lại".

Một think tank chính thức của Trung Quốc ước lượng tăng trưởng chỉ khoảng 5,8% trong năm tới, trong khi Bắc Kinh hy vọng từ 6 đến 6,5%. Được Cục Thống kê công bố hôm qua 14/11/2019, sản xuất kỹ nghệ, doanh số bán lẻ và đầu tư đều u ám hơn dự kiến, do tác động của cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ. Cơ quan NIFD thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng cần phải dựa vào cải cách về cơ cấu, chứ không chỉ tái thúc đẩy về tiền tệ và ngân sách. Bắc Kinh còn đối mặt với thâm hụt ngân sách ngày càng nặng nề, và như vậy sẽ phải phát hành nhiều công trái.

Hồng Kông : Xu hướng bạo lực chỉ có lợi cho Bắc Kinh

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Figaro mô tả "Hồng Kông tê liệt vì phong trào phản kháng" và bày tỏ lo ngại "Khi chuyển sang bạo lực, người biểu tình đã giúp thêm lý lẽ cho Bắc Kinh". Les Echos nhận xét : "Hồng Kông : Chính quyền đe dọa, nền kinh tế tiếp tục bị tê liệt".

Hôm qua, lần đầu tiên kể từ khi khởi đầu cuộc khủng hoảng, chính quyền Hồng Kông đã ra lệnh đóng cửa các trường học từ mẫu giáo cho đến trung, tiểu học. Biện pháp này trước đây chỉ được áp dụng trong trường học bão tố hay các thiên tai khác. Nhiều trường đại học đã thay thế các bài giảng bằng các buổi họp trên mạng và hoãn lại các kỳ thi. Lần đầu tiên từ khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã phải nhận thất bại cay đắng. Tuy nhiên các hành động bạo lực của một số người biểu tình tạo thuận lợi cho cuộc chiến hao mòn mà Bắc Kinh đã chọn lựa. Không có được đầy đủ thông tin do kiểm duyệt, công chúng Hoa lục đồng loạt lên án "những kẻ nổi dậy" Hồng Kông.

Sri Lanka bị sập bẫy Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc

Về quan hệ của Bắc Kinh với quốc gia Châu Á Sri Lanka, Les Echos nhận xét "Colombo bị sập bẫy Con đường tơ lụa mới". Sri Lanka có vị trí chiến lược trong kế hoạch đại quy mô của Trung Quốc vì nằm tại một trong những tuyến đường hàng hải chính ở Ấn Độ Dương. Tuy nhiên việc chính quyền nước này xích lại gần Bắc Kinh đã gây ra nhiều chỉ trích.

"Colombo Financial District" chỉ mới là một trảng cát rộng lớn trên "Galle Face Green", khu công viên dọc theo bãi biển. Một hòn đảo nhân tạo hoang vu gần 2,7 kilomet vuông, với 1.200 công nhân trong đó có 300 người Trung Quốc đang làm việc. Họ đào kênh, trồng lên những cây cọ, và chuẩn bị làm đường. Từ nay đến năm 2021, những tòa tháp bằng kính sẽ mọc lên.

Các công ty Trung Quốc đang xây dựng cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ Con đường tơ lụa mới do ông Tập Cận Bình ra sức thúc đẩy. Nhưng tại Sri Lanka, họ xây cả một thành phố mới.

"Colombo Financial District" hay còn gọi là "Port City", được triển khai bởi China Harbour, chi nhánh của một tập đoàn quốc doanh Trung Quốc đã đầu tư vào 1,4 tỉ đô la, chiếm phần lớn trong đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Sri Lanka. Nhà đầu tư nói rằng sẽ tạo ra 80.000 việc làm. Nhưng nhà phân tích Paikiasothy Saravanamuttu của Center for Policy Alternatives ở Colombo nhận xét : "Chính phủ trông cậy vào thành phố tài chính quốc tế này, nhưng tôi không biết được mấy người Sri Lanka có đủ trình độ để một ngày nào đó làm được công việc loại này. Còn tất cả những khách sạn và tòa nhà kia : liệu có đủ khách du lịch và cư dân để lấp đầy hay không ?".

Dự án này còn bị chỉ trích về môi trường : để xây lên hòn đảo nhân tạo, phải đào đắp hàng mấy chục triệu mét khối cát ở ngoài khơi Sri Lanka, đẩy nhanh tốc độ xói mòn bờ biển. Dưới thời tổng thống Mahinda Rajapakse, Sri Lanka thân thiết hơn với Trung Quốc. Bắc Kinh cho vay hàng tỉ đô la cho những dự án hạ tầng, mà giờ đây đang đặt ra vấn đề về hiệu quả. Sân bay Mattala ở miền nam hầu như không có ai sử dụng, và đến năm 2017, Sri Lanka không trả được nợ, phải nhượng cho Bắc Kinh cảng Hambantota trong 99 năm ! Hambantota đã trở thành biểu tượng cho bẫy nợ của Bắc Kinh.

Nhà phân tích trên nói tiếp : "Người Trung Quốc không hề đặt điều kiện khi cho vay tiền, phe ông Rajapakse tha hồ sử dụng, nhưng như vậy các nhà lãnh đạo Sri Lanka đã bị lệ thuộc vào Bắc Kinh". Và dù ai chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày mai 16/11/2019 với 35 ứng cử viên, cũng sẽ phải tiếp tục bắt tay với đối tác Trung Quốc.

Nước Mỹ không nên dành cho các tổng thống già nua

Nhìn sang Hoa Kỳ, Les Echos trích lời một giáo sư Mỹ trên The Wall Street Journal : "Không, nước Mỹ không phải dành riêng cho những tổng thống già nua".

Có nên ấn định tuổi tối đa để làm tổng thống hay không ? Giáo sư Derek Muller của trường đại học Pepperdine ở Malibu (California) đặt câu hỏi. Cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg, 77 tuổi, có thể tham gia vào đội ngũ ứng cử viên tổng thống lớn tuổi ở Mỹ. tháng trước, ông Bernie Sanders, 78 tuổi đã phải nhập viện. Những người thân cận ông nói là bị đau ngực, nhưng rốt cuộc là một cơn đau tim. Bà Hillary Clinton, năm nay 68 tuổi, kỳ bầu cử trước cũng đã bị đặt vấn đề về sức khỏe.

Còn sức khỏe tâm thần cũng rất đáng quan tâm, mà theo giáo sư Derek, cử tri không thể nào biết được. tháng Giêng năm 2017, Donald Trump ở tuổi 70 đã trở thành tổng thống Mỹ cao tuổi nhất lúc bước vào Nhà Trắng. Nếu tái đắc cử vào tháng 11/2020, ông Trump sẽ đánh bại kỷ lục của Ronald Reagan : khi đắc cử nhiệm kỳ thứ hai năm 1984, ông Reagan "chỉ" có 73 tuổi.

Đã hẳn là các ứng cử viên trẻ hơn cũng có thể bị đau tim hay ung thư, nhưng nguy cơ tăng lên cùng với tuổi tác. Cựu tổng thống Jimmy Carter năm nay 95 tuổi, khẳng định rắng ở tuổi 80 ông không thể nào lãnh đạo được nước Mỹ. Hiến pháp Hoa Kỳ quy định tối thiểu phải 35 tuổi nếu muốn làm tổng thống Mỹ, nhưng tuổi tối đa không được đề cập đến. Để so sánh, tại Pháp, vị tổng thống cao niên nhất là Auguste Thiers, 74 tuổi lúc bước vào điện Elysée năm… 1871.

Bolivia : Ý hướng độc tài đã khiến Evo Morales bị lật đổ

Tại Châu Mỹ la tinh, bài xã luận của Le Monde phân tích "Những sai lầm của ông Evo Morales ở Bolivia".

Việc Evo Morales đắc cử năm 2006 là một sự kiện lịch sử : lần đầu tiên một người gốc thổ dân lên làm tổng thống Bolivia. Trong nhiệm kỳ của ông, số người nghèo giảm đi phân nửa, nạn mù chữ và bất bình đẳng giảm xuống, GDP tăng lên. Tuy nhiên vị tổng thống cải cách này đã không chống chọi được ý hướng độc tài.

Đảng mang tên Phong trào hướng về chủ nghĩa xã hội (MAS) của ông tập trung mọi quyền lực trong tay, không quan tâm đến tầng lớp trung lưu thành thị và giới trẻ. Ông Morales phạm sai lầm lớn năm 2016, khi bất chấp kết quả trưng cầu dân ý - mà chính ông đã có sáng kiến tổ chức - phản đối việc tranh cử thêm nhiệm kỳ thứ tư. Nghi ngờ gian lận đè nặng lên cuộc bầu cử hôm 20/10, và trước phong trào phản kháng của người dân, ông tỏ ra ngạo mạn.

Báo cáo của Tổ chức các quốc gia Châu Mỹ (OEA theo tiếng Pháp) khẳng định bầu cử "gian lận trầm trọng", là phát súng ân huệ cho tổng thống Bolivia. Chính lúc đó quân đội yêu cầu ông Morales từ chức, phe cực hữu nổi lên, gạt ra ngoài lề ứng cử viên cánh trung Carlos Mesa từng về nhì. Cách thức mà phó chủ tịch Thượng Viện, bà Jeanine Anez tự phong tổng thống lâm thời là rất đáng ngại, những vụ đụng độ và các cuộc biểu tình phân biệt chủng tộc diễn ra. Từ nơi tị nạn là Mêhicô, Evo Morales tuyên bố sẵn sàng trở về Bolivia. Theo Le Monde, đây lại là một sai lầm nữa : Morales nên quy ẩn để giúp bạo lực lắng xuống, và có được một giải pháp hợp hiến.

Pháp, một năm sau khủng hoảng Gilets Jaunes

Tựa chính các báo Paris hôm nay tập trung vào các vấn đề xã hội của nước Pháp, đặc biệt là kỷ niệm một năm phong trào Áo Vàng (Gilets Jaunes). Trang nhất La Croix đăng ảnh một người biểu tình Áo Vàng với hàng chữ trên lưng áo "Nước Pháp giận dữ - 17/11/2018". Les Echos chạy tựa "Gilets Jaunes, Lịch trình mới của Macron" : Một năm sau, tổng thống Pháp muốn đoàn kết người dân, không muốn tỏ ra án binh bất động.

Le Figaro nhận xét chính quyền lo ngại một loạt những hành động phản kháng : bệnh viện, giới sinh viên, cảnh sát, lính cứu hỏa, nhân viên thuế vụ, và nhất là cuộc đình công của ngành đường sắt phản đối cải cách hưu bổng ngày 5/12 sắp tới. Libération chú trọng đến "Bạo lực cảnh sát" dù đã có những lời cảnh báo của cuộc khủng hoảng Gilets Jaunes. Riêng Le Monde giải thích "Vì sao các thị trưởng tự tin trở lại" : trên 62% cho rằng được người dân đánh giá tốt.

Bài xã luận của La Croix nói về "Những bài học của một cuộc khủng hoảng". Cả một nước Pháp mà các chính khách và truyền thông đã bỏ quên bất ngờ xuất hiện. Một nước Pháp sống bên lề các thành phố lớn, không quá nghèo khổ nhưng cũng gặp những khó khăn. Một nước Pháp muốn có tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu nhưng cảm thấy bị thiệt thòi. Những vấn đề được Gilets Jaunes đưa ra ánh sáng đã có được một số lời đáp rời rạc, cuộc tranh luận toàn quốc mùa đông năm ngoái đã giúp tổng thống Macron chứng tỏ năng lực của mình. Tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm để tái lập lòng tin, nối lại mối liên hệ với nhiều vùng đất khác nhau, và theo tờ báo, cuộc khủng hoảng Áo Vàng vẫn chưa kết thúc.

Les Echos cho rằng thất bại của Áo Vàng đã được báo trước vì không thể hình thành được một phong trào chính trị hay xã hội, đưa ra những yêu sách theo trật tự, không xuất hiện những thủ lãnh chân chính. Mất phương hướng, Áo Vàng bèn "ăn theo" đợt đình công phản đối chính sách hưu của ngành đường sắt ngày 5/12 tới. Đây là một nghịch lý, vì như vậy họ đã chuyển sang đấu tranh cho những người được ưu tiên về hưu bổng so với các ngành khác.

Nhật báo kinh tế Les Echos cũnglưu ý một khía cạnh tiêu cực khác : "Phong trào Áo Vàng đã để lại dấu vết trong mạng lưới ngân hàng". Trụ sở bị phá hoại, cướp bóc, phóng hỏa, máy rút tiền bị phá hư, nhân viên bị đe dọa… gần 800 chi nhánh ngân hàng đã bị thiệt hại. Bị tấn công, các ngân hàng cố gắng tìm ra lời giải cho cuộc khủng hoảng xã hội, chẳng hạn cam kết không tăng các loại phí trong năm 2019.

Thụy My

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Châu Á

Bắc Kinh đang sử dụng phương tiện truyền thông và các khóa đào tạo nhà báo quốc tế để "kể câu chuyện Trung Quốc". Đây là một phần trong chiến dịch tuyên truyền toàn cầu với quy mô và tham vọng đáng kinh ngạc của nước này.

tq1

Trụ sở Truyền hình Trung ương Trung Quốc (bên phải) tại Bắc Kinh. Photograph : Ed Jones/AFP/Getty Images

Khi chọn lọc sơ yếu lý lịch của các ứng viên, đội tuyển dụng cho trung tâm thông tin mới tại London trực thuộc đài phát thanh và truyền hình quốc gia Trung Quốc đã gặp một vấn đề đáng phải ghen tị : rất, rất nhiều ứng viên. Gần 6.000 người đang ứng tuyển chỉ cho 90 công việc "đưa tin từ quan điểm của Trung Quốc". Thậm chí, một nhiệm vụ đơn giản là đọc qua tập hồ sơ ứng tuyển cũng mất gần hai tháng.

Với các nhà báo phương Tây, vốn đang vô cùng chán nản khi tình trạng cắt giảm ngân sách vẫn chưa có hồi kết, Hệ thống Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (China Global Television Network – CGTN) đã mở ra một viễn cảnh đầy hứa hẹn khi mang lại các khoản lương cạnh tranh, cơ hội làm việc tại các studio vô cùng hiện đại tại Chiswick, phía Tây London. CGTN, đơn vị được đổi tên vào năm 2016 và đóng vai trò là cánh tay quốc tế của Hãng Truyền hình Trung ương Trung Quốc (China Central Television – CCTV) 2016, là nhân tố nổi bật nhất trong quá trình mở rộng truyền thông nhanh chóng của Trung Quốc trên thế giới. Theo như phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình, mục tiêu của CGTN là "kể câu chuyện của Trung Quốc một cách tốt đẹp". Trên thực tế, kể câu chuyện của Trung Quốc một cách tốt đẹp rất giống việc phục vụ cho các mục tiêu ý thức hệ của quốc gia này.

Trong nhiều thập kỷ, chính sách của Bắc Kinh trong việc định hình hình ảnh quốc gia thường mang tính phòng thủ, đối phó và chủ yếu hướng tới độc giả trong nước. Biểu hiện dễ thấy nhất của những nỗ lực này là việc Bắc Kinh loại bỏ một số nội dung trên các phương tiện truyền thông trong nước : Các tạp chí nước ngoài được ấn bản với một số trang bị lược bỏ, màn hình kênh tin tức BBC nhấp nháy chuyển đen khi đưa tin về các vấn đề nhạy cảm như Tây Tạng, Đài Loan hoặc vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Bắc Kinh đã sử dụng nhiều công cụ thô bạo như kiểm duyệt trong nước, có hình thức phản đối chính thức tới trụ sở của các tổ chức tin tức và trục xuất phóng viên khỏi Trung Quốc.

Nhưng từ khoảng một thập kỷ trở lại đây, Trung Quốc đã triển khai một chiến lược tinh vi và quyết đoán hơn, ngày càng tập trung vào các độc giả quốc tế. Trung Quốc đang cố gắng tái định hình môi trường thông tin toàn cầu bằng túi tiền khổng lồ của mình dưới các hình thức – tài trợ cho các bài báo PR, bài báo thương mại và các thông tin tích cực từ những người ủng hộ. Trong khi bên trong Trung Quốc, báo chí ngày càng bị kiểm soát chặt chẽ, ở bên ngoài Bắc Kinh lại đang tìm cách trục lợi bằng việc khai thác các điểm yếu của tự do báo chí.

Hình thức đơn giản nhất là trả tiền để các bài báo tuyên truyền của Trung Quốc xuất hiện trên nhiều báo quốc tế uy tín như tờ Washington Post. Chiến lược này cũng tồn tại dưới nhiều hình thức khôn ngoan khác như lồng ghép nội dung từ Hệ thống Phát thanh Quốc tế của Trung Quốc (CRI) – một đài phát thanh của nhà nước – lên sóng của các hãng phát thanh-truyền hình mà tưởng như độc lập trên khắp các quốc gia thế giới, từ Úc cho đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, tại Mỹ, các nhà vận động hành lang, với sự hậu thuẫn của các tổ chức do Trung Quốc chống lưng, đang tìm cách huy động tiếng nói từ người ủng hộ được biết đến với tên gọi "người phát ngôn bên thứ ba" nhằm mục đích chuyển tải thông điệp của Bắc Kinh, và tìm cách thay đổi nhận thức của dư luận về cách thức Trung Quốc cai trị Tây Tạng. Trung Quốc cũng đang ve vãn các nhà báo trên khắp thế giới bằng các hình thức như tổ chức các chuyến du lịch được chi trả trọn gói, hay có lẽ tham vọng nhất là cung cấp các chương trình đào tạo miễn phí chuyên ngành truyền thông cho bậc sau đại học, tổ chức nhiều khóa đào tạo phóng viên nước ngoài hàng năm để "nói câu chuyện Trung Quốc một cách tốt đẹp".

Kể từ năm 2003, sau quá trình sửa đổi một văn bản chính thức trong đó phác thảo các mục tiêu chính trị của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), cái gọi là "chiến tranh truyền thông" đã trở thành một phần công khai trong chiến lược quân sự của Bắc Kinh. Mục tiêu là tạo ảnh hưởng tới quan điểm của công chúng các nước, từ đó tác động tới chính phủ nước ngoài phải hoạch định chính sách theo hướng có lợi cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo nhà phân tích từng làm việc cho CIA Peter Mattis, hiện là nghiên cứu viên của chương trình Trung Quốc tại Quỹ Jamestown, một cơ quan nghiên cứu tại Washington chuyên về an ninh, "quan điểm của họ về an ninh quốc gia là phòng ngừa trong thế giới của các ý tưởng". "Nỗ lực thúc đẩy chiến dịch tuyên truyền này là để loại bỏ hoặc phòng ngừa các quyết định đi ngược lại với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa".

Đôi khi chiến dịch này cũng sử dụng các biện pháp kiểm duyệt truyền thống, như : Đe dọa, gây áp lực lên các cơ quan báo đài đăng tải những quan điểm này hoặc đơn giản hơn là mua luôn các cơ quan báo đài đó. Bắc Kinh ngày càng kiên nhẫn, sử dụng các công ty tư nhân để gia tăng kiểm soát hạ tầng kỹ thuật số toàn cầu. Các công ty của Trung Quốc hiện đi đầu trong việc chuyển đổi từ truyền hình analog sang truyền hình kỹ thuật số tại một số khu vực ở châu Phi, triển khai các vệ tinh truyền hình và xây dựng hệ thống cáp quang và trung tâm dữ liệu – một dạng "con đường tơ lụa kỹ thuật số" để truyền tải thông tin tới toàn thế giới. Theo hướng này, Bắc Kinh đang tăng cường kiểm soát không chỉ các nhà sản xuất tin tức, các nền tảng sản xuất thông tin mà còn cả các cách thức thu phát tín hiệu.

Dù các biện pháp tuyên truyền chủ động của Bắc Kinh thường bị đánh giá thấp do cách làm vụng về và nội dung tẻ nhạt, nhưng qua 5 tháng điều tra, chúng tôi đã phải ngạc nhiên trước sự chi tiết và tham vọng vẽ lại trật tự thông tin toàn cầu của Trung Quốc. Đây không chỉ là trận chiến để giành lượng truy cập. Trên hết, đây là trận chiến về ý thức hệ và chính trị, khi Trung Quốc quyết tâm tăng cường "quyền lực diễn ngôn" để chống lại những gì mà họ coi là sự thống trị của truyền thông phương tây vốn luôn ở thế áp đảo trong nhiều thập kỷ qua.

Cùng thời điểm đó, Bắc Kinh cũng đang tìm cách dịch chuyển trọng tâm toàn cầu về phía đông, truyền bá ý tưởng về một thế giới mới với hình ảnh Trung Quốc trỗi dậy ở trung tâm. Dĩ nhiên, các chiến dịch nhằm tạo ảnh hưởng không phải điều gì mới mẻ ; Mỹ và Anh cùng các nước khác cũng liên tục dụ dỗ các nhà báo, chào mời bằng các cám dỗ như những chuyến công tác miễn phí, đặc quyền tiếp cận các quan chức cấp cao. Đối với các lãnh đạo Trung Quốc, những người coi báo chí là "mắt, tai, lưỡi và họng" của Đảng Cộng sản, truyền thông vừa là một chiến trường của cuộc "chiến tranh thông tin toàn cầu" vừa là một vũ khí tấn công.

Nhà báo điều tra người Nigeria Dayo Aiyetan vẫn nhớ về cuộc gọi ông nhận được một vài năm sau khi CCTV mở trung tâm châu Phi tại Kenya năm 2012. Aiyetan đã thành lập một trung tâm báo chí điều tra uy tín của Nigeria, và ông đã vạch trần những thương gia Trung Quốc buôn gỗ trái phép ở Nigeria. Ông nhận được một lời đề nghị hấp dẫn : Làm việc tại văn phòng mới của một hãng truyền hình quốc gia Trung Quốc, và ông sẽ kiếm được khoản thu nhập ít nhất gấp đôi hiện nay. Mức thu nhập và sự ổn định của loại công việc kiểu này đã khiến Aiyetan phải cân nhắc, nhưng cuối cùng ông quyết định không chấp nhận bởi trung tâm báo chí của ông mới chỉ vừa đi vào hoạt động.

Châu Phi đã trở thành phép thử cho chiến dịch mở rộng quy mô quốc tế đầu tiên của truyền thông Trung Quốc. Những nỗ lực này được đẩy mạnh sau Olympic năm 2008, khi các lãnh đạo Trung Quốc giận dữ trước làn sóng tin tức mang tính chỉ trích, đặc biệt là các tin tức quốc tế về nhân quyền và các cuộc biểu tình ủng hộ Tây Tạng, được truyền tải rộng rãi tới thế giới song song với hình ảnh ngọn đuốc Olympic. Trong năm tiếp theo, Trung Quốc thông báo sẽ dành 6,6 tỷ USD để củng cố sự hiện diện truyền thông trên toàn cầu. Hoạt động quốc tế lớn đầu tiên là thành lập CCTV ở châu Phi, và cơ quan này đã ngay lập tức tuyển chọn các nhân vật danh tiếng như Aiyetan.

Đối với các nhà báo địa phương, CCTV hứa hẹn các khoản tiền hấp dẫn và cơ hội "kể câu chuyện châu Phi" tới khán giả toàn cầu mà không cần tuân thủ lối kể chuyện của phương Tây. Sau khi được thuyết phục về làm việc tại CCTV từ KTN, một trong những kênh truyền hình hàng đầu của Kenya, nhà báo người Kenya Beatrice Marshall cho biết, "điều mà tôi thích là chúng tôi đang kể câu chuyện từ quan điểm của mình". Sự hiện diện của cô đã củng cố uy tín của đài, và cô tiếp tục nhấn mạnh sự độc lập về mặt biên tập của các nhà báo.

Vivien Marsh, một học giả thỉnh giảng tại Đại học Westminster, người có thời gian nghiên cứu các bản tin của CCTV châu Phi, tỏ ra nghi ngờ về những tuyên bố này. Khi phân tích các bản tin CCTV về dịch bệnh Ebola năm 2014 tại Tây Phi, Marsh thấy rằng 17% các câu chuyện về Ebola có đề cập tới Trung Quốc, nhìn chung đều nhấn mạnh vai trò của nước này trong việc hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ tới khu vực và hỗ trợ y tế. Theo Marsh, "Họ đang cố gắng đưa ra các bản tin tích cực". "Nhưng với tôi, họ đã đánh quên uy tín của nghề báo khi mô tả Trung Quốc như một bậc phụ huynh nhân từ". Mục tiêu của các tờ báo này không phải nói câu chuyện châu Phi, thay vào đó nhấn mạnh sức mạnh, sự hào phóng và vai trò trung tâm của Trung Quốc trong các vấn đề toàn cầu. (Bên cạnh các kênh bằng tiếng Anh của nước này, CGTN hiện có tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Ả Rập và các kênh bằng tiếng Nga.)

Trong sáu năm qua, CGTN dần mở rộng tầm với ra toàn châu Phi. CGTV xuất hiện trên sóng TV tại các quốc gia quyền lực trong khối Liên minh Châu Phi, tại "thủ phủ chính trị châu Phi" Addis Ababa, và phát sóng miễn phí cho hàng nghìn ngôi làng hẻo lánh tại nhiều nước châu Phi, trong đó bao gồm Rwanda và Ghana, thông qua StarTimes, một công ty truyền thông Trung Quốc có mối quan hệ chặt chẽ với nhà nước. Các gói rẻ nhất của StarTimes gồm các kênh của Trung Quốc và châu Phi, ngược lại việc tiếp cận BBC hoặc al-Jazeera tốn kém hơn, vượt quá khả năng chi trả của phần lớn người xem. Bằng cách thức như vậy, tác động của các kênh này là nhằm mở rộng lượng khán giả tiếp cận các chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc, hiện đang chiếm khoảng 10 triệu trong tổng số 24 triệu lượt thuê bao truyền hình trả tiền tại châu Phi. Mặc dù các nhà phân tích trong ngành công nghiệp truyền hình tin rằng những con số này có khả năng bị thổi phồng, nhưng các đài truyền hình thực sự lo ngại rằng StarTimes đang dồn các công ty địa phương buộc phải ra khỏi một số thị trường truyền thông của châu Phi. Vào tháng 9, Hiệp hội Phát sóng Độc lập Ghana cảnh báo rằng "Nếu StarTimes được phép kiểm soát hạ tầng truyền tín hiệu kỹ thuật số và không gian vệ tinh của Ghana… Ghana về cơ bản sẽ cho phép Trung Quốc kiểm soát không gian và nội dung phát sóng".

Đối với các nhà báo không phải người Trung Quốc tại châu Phi và những nơi khác, làm việc tại các hãng truyền thông quốc gia Trung Quốc đồng nghĩa với việc được hưởng những khoản thù lao đáng kể và các cơ hội mới. Khi CCTV mở trụ sở tại Washington vào năm 2012, ít nhất là 5 phóng viên đã và đang làm tại trụ sở của BBC tại Mỹ Latinh đã gia nhập hãng này. Một trong số đó, Daniel Schweimler, hiện nay đang làm việc tại al-Jazeera, nói rằng kinh nghiệm của anh ta tại đó là thú vị và hầu như không có rắc rối, dù vậy anh ta không nghĩ rằng nhiều người đã thực sự được nghe các câu chuyện của anh ta.

Nhưng với các nhà báo làm việc tại Xinhua, cơ quan báo chí của nhà nước, số lượng khán giả tiếp cận được những câu chuyện của họ lại lớn hơn rất nhiều. Chính phủ hỗ trợ khoảng 40% chi phí của Xinhua. Tờ báo này tạo ra doanh thu theo cách thức tương tự các cơ quan tin tức khác – như tờ Associated Press – bằng cách bán các câu chuyện cho các tờ báo trên toàn thế giới. Theo lời của một cựu nhân viên Xinhua yêu cầu giấu tên để tự do bày tỏ quan điểm và tránh bị trả đũa, "Câu chuyện của chúng tôi không được 1 triệu người xem. Chúng được 100 triệu người xem". Xinhua được thành lập năm 1931, nhiều năm trước khi Đảng Cộng sản cầm quyền tại Trung Quốc. Với tư cách là cơ quan phát ngôn của đảng, các bài boa của Xinhua tràn ngập các biệt ngữ được sử dụng để tuyên truyền các định hướng mới và giải thích sự chuyển đổi chính sách của Đảng. Nhiều mục báo cũng được dành cho các bài phát biểu văn bia và các hoạt động hàng ngày của Chủ tịch Tập Cận Bình, từ việc ông đang gặp Tổng thống Togo, kiểm tra các loại rau quá kích cỡ hay đang nói chuyện phiếm với các công nhân tại nhà máy sản xuất chuột đồ chơi.

Mô tả công việc tại Xinhua, cựu nhân viên này nói rằng : "Bạn sẽ phải nghĩ rằng đó là việc viết lách sáng tạo. Bạn kết hợp báo chí với một thể loại viết sáng tạo". Một cựu nhân viên khác, Christian Claye Edwards, làm việc cho trụ sở Xinhua tại Sydney từ năm 2010 đến 2014 nói rằng : "Mục tiêu của họ là rất rõ ràng, đó là thúc đẩy một chương trình nghị sự riêng biệt của Trung Quốc". Ông giải thích thêm : "Mục tiêu không gì khác hơn là tìm các lỗ hổng trong hệ thống và khai thác chúng". Một ví dụ đó là tìm cách làm nổi bật bản chất hỗn loạn và khó đoán của chính trị Úc – thay 6 vị Thủ tướng trong 8 năm, sử dụng đây như một lập luận để làm suy giảm lòng tin vào nền dân chủ tự do. "Một phần nhiệm vụ của tôi là tìm cách thức để tạo ra loại ảnh hưởng đó. Những chỉ dẫn như vậy không bao giờ được viết thành văn bản, tôi không bao giờ được đưa cho những mệnh lệnh".

Giống như các cựu nhân viên của các công ty truyền thông quốc gia Trung Quốc khác, Edwards nhận thấy rằng, đa phần công việc của anh là hướng tới dư luận trong nước, hoặc truyền tải thông điệp cho thấy sự trung thành để lấy lòng các quan chức cấp cao. Mục tiêu mở rộng sức mạnh mềm quốc tế của Trung Quốc chỉ là thứ yếu. Nhưng kể từ khi Edwards ngừng công việc năm 2014, Xinhua bắt đầu hướng ra ngoài ; một dấu hiệu của điều này là sự tồn tại của tài khoản Twitter – với 11,7 triệu người theo dõi – mặc dù Twitter bị cấm tại Trung Quốc.

Nhìn chung, các tổ chức truyền thông quốc gia của Trung Quốc không cần phải kiểm duyệt một cách quá gắt gao, bởi phần lớn các nhà báo nhanh chóng cảm nhận được câu chuyện nào là phù hợp và thủ thuật nào là cần thiết. "Tôi nhận ra rằng chúng tôi là các công cụ tuyên truyền mềm – nhưng cũng chỉ ở mức như BBC, hoặc al-Jazeera, và chắc chắn không giống như RT", theo Daniel Schweimler, người từng làm việc cho CCTV tại Nam Mỹ trong khoảng hai năm. "Chúng tôi đùa rằng chúng tôi sẽ không bị Bắc Kinh hay DC can thiệp miễn là Đạt-Lai Lạt-Ma không bao giờ ghé thăm".

Khi Đạt-Lai Lạt-Ma tới thăm Canada năm 2012, một nhà báo tại trụ sở Ottawa của Xinhua, Mark Bourrie, ở vào một tình huống vô cùng khó xử. Vào ngày diễn ra chuyến thăm, Bourrie được yêu cầu sử dụng đặc quyền tham dự các cuộc họp báo tại nghị viện để tham gia cuộc họp báo của vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng này, và tìm ra điều gì đã xảy ra bên trong cuộc họp kín giữa Đạt-lai Lạt-Ma với Thủ tướng lúc đó, Stephen Harper. Khi Bourrie hỏi liệu thông tin anh thu thập được sẽ được sử dụng cho một bài viết nào đó hay không, ông chủ trả lời không. Sau này anh viết, "ngày hôm đó tôi cảm thấy rằng chúng tôi là gián điệp". "Đó là thời điểm tôi nhận thấy cần phải đặt ra giới hạn cho mình". Ông trở về văn phòng và từ chức. Hiện nay với tư cách là một luật sư, Bourrie từ chối bình luận về câu chuyện này.

Trải nghiệm của ông không phải là trường hợp cá biệt. Ba cá nhân độc lập khác cũng từng làm việc tại hãng truyền thông quốc gia Trung Quốc nói rằng đôi khi họ viết các báo cáo mật, và biết rằng chúng sẽ không được xuất bản trên các trang tin mà chỉ dành cho các quan chức cao cấp. Edwards, người viết một báo cáo như vậy về kế hoạch đô thị của Adelaide – coi đây là "mức thấp nhất của hình thức đưa tin nghiên cứu cho các quan chức Trung Quốc", về cơ bản là cung cấp thông tin tình báo mức rất thấp cho chính phủ.

Ranh giới mỏng manh giữa nghề báo, công việc tuyên truyền, chiến dịch truyền bá ảnh hưởng và thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc khiến Washington quan ngại. Vào giữa tháng 9/2018, Mỹ yêu cầu CGTN và Xinhua đăng kí theo Đạo luật Đăng ký Đại diện cho Cơ quan nước ngoài (Fara), yêu cầu các cơ quan đại diện cho lợi ích cho các nước bên ngoài với mục đích chính trị hoặc bán chính trị phải làm rõ mối quan hệ của họ, cũng như hoạt động và phương thức thanh toán. Gần đây, người quản lý chiến dịch của Trump, Paul Manafort, bị cáo buộc vi phạm đạo luật này khi không đăng ký với tư cách là nhà vận động nước ngoài liên quan tới công việc của ông tại Ukraine. Một uỷ ban quốc hội năm ngoái đã có nhận định, "việc thu thập thông tin tình báo Trung Quốc và chiến tranh thông tin được cho là có sự tham gia của nhân viên của các tổ chức truyền thông quốc gia Trung Quốc".

"Để Nước ngoài Phục vụ Trung Quốc" là một trong những chiến dịch ưu tiên của Chủ tịch Mao, trong đó nổi bật nhất là quyết định cho phép nhà báo Mỹ Edgar Snow tiếp cận vào những năm 1930. Cuốn sách theo sau đó, "Red Star Over China" (tạm dịch : Ngôi sao Đỏ trên bầu trời Trung Quốc), đã đóng vai trò quan trọng để giành lấy sự cảm thông của phương tây đối với Đảng Cộng sản. Trong cuốn sách, Đảng Cộng sản đã được mô tả là tổ chức tiến bộ và chống phát xít.

Tám thập kỷ sau đó, "để nước ngoài phục vụ Trung Quốc" không chỉ là việc cho phép tiếp cận nội bộ Trung Quốc để đổi lấy các xuất bản phẩm có lợi, mà còn cả việc sử dụng các công ty truyền thông có nhân viên nước ngoài để phục vụ lợi ích của Đảng. Năm 2012, trong một chuỗi các buổi họp báo tại Bắc Kinh liên quan tới cuộc họp thường niên của nhánh lập pháp Trung Quốc – Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, các quan chức chính phủ liên tục mời các câu hỏi từ một người phụ nữ Úc trẻ tuổi, lạ lẫm với các phóng viên nước ngoài ở Trung Quốc. Cô ta nổi bật vì thông thạo tiếng Trung và liên tục đưa ra các câu hỏi đơn giản.

Hóa ra người phụ nữ trẻ đó – tên là Andrea Yu – đang làm việc cho một hãng truyền thông có tên là Tập đoàn Truyền thông Toàn cầu CAMG, có trụ sở tại Melbourne. Tập đoàn này do một doanh nhân địa phương Tommy Jiang thành lập, tỷ lệ sở hữu trong CAMG là tấm màn che cho mối liên hệ của công ty đối với chính phủ Trung Quốc : Nhóm Tư vấn Truyền thông Thế kỷ Guoguang, có trụ sở tại Bắc Kinh, đang nắm 60% giá trị tập đoàn này thực ra là lại là thuộc sở hữu của Tập đoàn Radio Quốc tế Trung Quốc (China Radio International – CRI), một hãng truyền thông quốc gia của Trung Quốc. Một công ty khác của Jiang tên là Ostar cũng đang quản lý ít nhất 11 trạm phát thanh tại Úc. CAMG và công ty này lấy nội dung của CRI và sản xuất các show truyền hình có nội dung tốt về Bắc Kinh để bán cho các hãng truyền thông cộng đồng khác, nhắm vào cộng đồng dân cư Úc nói tiếng Quan thoại vốn đang có quy mô không nhỏ.

Sau khi báo chí Bắc Kinh buộc tội Yu là "phóng viên nước ngoài giả mạo", người về cơ bản là đang làm việc cho chính phủ Trung Quốc, cô nói với người phỏng vấn : "Ngày đầu mới vào công ty, tôi chỉ hiểu một chút về mối liên hệ của công ty này với chính phủ. Tôi chẳng biết gì về mối quan hệ này cả". Cô rời CAMG sau đó, nhưng sự việc tương tự xảy ra tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc hai năm sau với một người Úc nói tiếng Trung khác làm việc cho CAMG, Louise Kenney, người công khai phản bác các cáo buộc gọi mình là "chim mồi".

Việc sử dụng các đài phát thanh nước ngoài để chuyển tải các nội dung được chính phủ phê duyệt là chiến lược mà chủ tịch CRI gọi là jie chuan chu hai – "mượn tàu ra đại dương". Năm 2015, Reuters đưa tin CAMG là một trong ba công ty vận hành hệ thống ngầm gồm 33 đài phát sóng tại 14 quốc gia. Ba năm sau đó, cũng theo thông tin từ websites này, các công ty kể trên, bao gồm Ostar, hiện vận hành 58 đài phát sóng tại 35 các quốc gia. Chỉ riêng tại Mỹ, theo như bài phát biểu đầy tính gay gắt gần đây của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, nội dung CRI được hơn 30 hãng truyền thông phát, tuy vậy khó có thể biết những nội dung này đến được với ai hoặc mức độ ảnh hưởng của các nội dung này là đến đâu.

Bắc Kinh cũng sử dụng cách tiếp cận "mượn tàu" tương tự để in ấn các xuất bản phẩm. Tờ China Daily bằng tiếng Anh của chính phủ Trung Quốc đã đạt thỏa thuận với ít nhất 30 tờ báo nước ngoài, bao gồm New York Times, Wall Street Journal, Washington Post và tờ Telegraph của Anh để hàng tháng đưa khoảng bốn hoặc tám trang China Watch lên các tờ báo này. Phần phụ lục này áp dụng một cách tiếp cận tuyên truyền theo khuôn mẫu, thường thấy của Trung Quốc ; các tiêu đề gần đây bao gồm "Tây Tạng đã chứng kiến 40 năm thành công rực rỡ", "Tập Cận Bình đưa ra các biện pháp mở cửa" và tất nhiên là cả – "Chủ tịch Tập khen ngợi các đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc".

tq2

Khó có thể lấy được các số liệu, nhưng theo một báo cáo, hàng năm tờ Daily Telegraph được trả 750.000 euro để chèn nội dung China Watch một tháng một lần. Thậm chí tờ Daily Mail còn có một thỏa thuận với cơ quan ngôn luận bằng tiếng Trung của chính phủ Trung Quốc, tờ Nhân dân nhật báo, trong đó đưa các bài báo giật gân kiểu Trung Quốc như câu chuyện về các cô phù dâu say khướt sau bữa tiệc, hay mẩu chuyện người mẹ trẻ bán đứa con của mình cho kẻ buôn người để mua mỹ phẩm. Những thỏa thuận chia sẻ nội dung như vậy là một lý do đằng sau các khoản chi tiêu khổng lồ của China Daily tại Mỹ ; hãng này đã chi 20,8 triệu USD để giành ảnh hưởng tại Mỹ kể từ năm 2017 ; nếu không tính các chính phủ nước ngoài, đây là tổ chức chi khoản tiền lớn nhất tại Mỹ.

Mục đích của chiến lược "mượn tàu" có lẽ là nhằm tạo uy tín cho nội dung mà Trung Quốc muốn chuyển tải do khó biết được bao nhiêu độc giả thực sự quan tâm và sẽ mở các tin tức mang đậm tính tuyên truyền này. Theo Peter Mattis, "rõ ràng, một phần mục tiêu là nhằm mang lại tính chính danh". "Nếu nội dung xuất hiện trên tờ Washington Post, nếu nội dung xuất hiện trên nhiều tờ báo khác trên thế giới, thì ở một khía cạnh nào đó, độ tin cậy của các quan điểm được chuyển tải sẽ tăng lên".

Vào tháng 9, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích thực tiễn này, cho rằng Trung Quốc đang thúc đẩy "các thông điệp giả" nhằm gây khó dễ cho ông trước cuộc bầu cử giữa kỳ. Sự tức giận của ông nhắm thẳng vào nội dung China Watch trên tờ Des Moines Register có trụ sở ở Iowa. Ông cho rằng nội dung này được thiết kế nhằm làm giảm sự ủng hộ của nông dân Mỹ với chiến tranh thương mại. Ông đăng trên tweet rằng "Trung Quốc đang chèn các quảng cáo tuyên truyền vào tờ Des Moines Register và các tờ báo khác, làm các quảng cáo này trông giống như tin tức. Điều này là bởi chúng tôi đang đánh bại họ về Thương mại, và các thị trường mở, người nông dân sẽ hưởng lợi khi cuộc chiến này kết thúc !"

Trong kỷ nguyên của Chủ tịch Tập Cận Bình, tuyên truyền đã trở thành một hình thức kinh doanh. Trong bài phát biểu năm 2014, người phụ trách tuyên truyền Liu Qibao ủng hộ cách tiếp cận này, nói rằng các quốc gia khác đã sử dụng thành công các lực lượng thị trường để xuất khẩu sản phẩm văn hóa của họ. Động lực kiếm tiền từ hoạt động tuyên truyền mở ra cơ hội để những nhà kinh doanh chiều lòng các lãnh đạo cấp cao, thông qua quan hệ đối tác với các công ty truyền thông của chính phủ hay hỗ trợ những cơ quan "chân rết" của Trung Quốc ở nước ngoài. Theo bà Anne-Marie Brady tại Đại học Canterbury, chiến dịch được ủng hộ này hiện nay không chỉ là "mượn các tàu nước ngoài" mà là mua đứt chúng.

Ví dụ dễ thấy nhất là vào năm 2015, khi người đàn ông giàu nhất Trung Quốc giành quyền sở hữu tờ báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post – SCMP), tờ báo 115 tuổi của Hồng Công nổi tiếng vì tính độc lập trong biên tập và nội dung bản tin sắc bén. Jack Ma, người sở hữu đế chế thương mại điện tử có giá trị 420 tỷ USD, đã không phủ nhận đề xuất mua lại SCMP xuất phát từ các quan chức đại lục. Jack Ma phát biểu vào tháng 12 năm 2015, "nếu tôi bận tâm về những điều người khác nghĩ, làm sao tôi có thể làm được mọi việc ?" Cùng thời điểm đó, phó chủ tịch điều hành của Alibaba, Joseph Tsai tuyên bố rõ, dưới sự lãnh đạo mới, SCMP sẽ cung cấp một góc nhìn khác của Trung Quốc so với truyền thông phương Tây : "Rất nhiều nhà báo làm việc tại các cơ quan truyền thông phương Tây có thể không ủng hộ hệ thống quản trị tại Trung Quốc và điều đó phá hỏng quan điểm của họ trong việc đưa tin. Chúng tôi có góc nhìn khác, chúng tôi tin rằng sự vật, hiện tượng nên được thể hiện như chính bản thân chúng".

tq3

Jack Ma, CEO tập đoàn Alibaba và là chủ sở hữu tờ South China Morning Post. Photograph : STR/AFP/Getty

Nhiệm vụ điều hành sứ mệnh này thuộc về một CEO 35 tuổi tên là Gary Liu, một người bản địa California nói tiếng Quan thoại có bằng Harvard. Trước đây, Gary Liu là giám đốc điều hành của hãng tin kỹ thuật số Digg và trước đó từng làm việc trong đội ngũ kinh doanh của công ty nhạc livestream Spotify. Khi chúng tôi nói chuyện qua Skype, Liu có vẻ không thoải mái khi được hỏi về việc SCMP đã thực hiện tầm nhìn của Tsai đến mức độ nào. Theo Liu, "những người sở hữu nói theo cách của họ, và tờ báo cũng có sứ mệnh của riêng mình". "Và sứ mệnh của chúng tôi là đưa tin về Trung Quốc một cách công bằng, khách quan, và nỗ lực hết sức để phản ánh đầy đủ một câu chuyện rất, rất phức tạp". Vai trò của tờ báo, như ông thấy, là để "dẫn dắt các cuộc đối thoại toàn cầu về Trung Quốc". Và để đạt được mục tiêu đó, Liu đang được cung cấp các nguồn tài nguyên quan trọng. Các nhân viên nói về các khoản chi tiêu "không thể tin nổi". Một nhân viên đã mô tả số người ứng tuyển cho vị trí mới "giống như đi thử vai cho bộ phim sử thi cổ trang của Mỹ Ben Hur".

Dù dưới sự lãnh đạo mới, SCMP vẫn thể hiện sự sắc bén khi đưa tin về Trung Quốc, tiếp tục có các phân tích chính trị chi tiết và các bản tin nguyên gốc về những vấn đề nhạy cảm như các luật sư nhân quyền, các vụ đàn áp tôn giáo. Dù các trang báo không sao chép nội dung từ Xinhua, những người hoài nghi đùa rằng chính tờ báo đang biến thành một thể loại như tờ Trung Quốc Nhật báo (China Daily), với danh tiếng ngày càng tăng nhờ các câu chuyện về Tập Cận Bình, các nhà biên tập ủng hộ Bắc Kinh và các bài bình luận mang thông điệp chính trị. Những điều này kết hợp với các tin tức liên tục, nâng tầm ông chủ Jack Ma như "Khổng Tử thời hiện đại".

Có hai câu chuyện đã bị chỉ trích kịch liệt. Đầu tiên, vào năm 2016, SCMP đưa tin về cuộc phỏng vấn một nhà nhân quyền trẻ tên là Zhao Wei, đã bị cảnh sát bắt giữ một năm trước đó. Trong cuộc phỏng vấn, câu trả lời của nhà hoạt động này, trong đó nội dung là phủ định các hành vi trong quá khứ của mình, giống như hành động theo "chủ nghĩa tự phê bình" trong thời Mao Trạch Đông. Những lo ngại về việc cô nói ra trong tình trạng bị ép buộc được khẳng định một năm sau đó, khi cô thừa nhận đã "thú nhận thẳng thắn" sau khi bị giam giữ trong một nhà giam bị kiểm soát chặt chẽ trong vòng 1 năm – "Không nói chuyện. Không đi dạo. Tay, chân và mọi tư thế đứng ngồi của chúng tôi… tất cả chuyển động của cơ thể bị hạn chế triệt để".

Sau đó, đầu năm 2018, SCMP chấp nhận "một cuộc phỏng vấn do chính phủ sắp xếp" với nhà bán sách Gui Minha, một công dân Thụy Điển, một trong năm người bán các sách nhạy cảm chính trị đã biến mất năm 2015 tại nhà riêng ở Thái Lan – và sau đó lại xuất hiện trong trại giam của cảnh sát Trung Quốc năm 2016. Cuộc phỏng vấn của SCMP được tiến hành trong một cơ sở giam giữ, và Gui xuất hiện bên cạnh các cảnh sát.

Nhưng Liu quả quyết rằng, trong giai đoạn anh ta điều hành, tờ báo không phạm bất cứ sai lầm nào. Anh nói rằng tờ báo được mời đến – không phải bị ép buộc – để đưa tin các câu chuyện này. Trong trường hợp của Gui, Liu khẳng định rằng quyết định đưa ra dựa trên chuẩn mực của nghề báo : "Đội ngũ lãnh đạo biên tập cấp cao họp lại với nhau và tuyên bố : Điều quan trọng đối với chúng ta là phải xuất hiện. Nếu không, khả năng rất cao là các câu chuyện khác được đưa tin sẽ không mô tả đầy đủ tình hình. Trên thực tế, nhiều bản tin khác không nhắc tới thực tế các nhân viên an ninh đứng bên cạnh Gui Minhai khi bắt đầu và kết thúc cuộc phỏng vấn". Liu nhấn mạnh "có sự khác biệt quan trọng giữa cách thức chúng ta đưa tin về một vấn đề và cách chúng ta nghĩ rằng tuyên truyền nhà nước sẽ viết về vấn đề đó". Nhưng nhiều người ở Hồng Công tỏ ra thất vọng vì một tạp chí từng được coi là chính thống lại thay mặt chính phủ Trung Quốc để đưa tin về một lời thú nhận bị cưỡng ép.

Đối với những người trong cuộc, thậm chí các tin tức mang tính chỉ trích mạnh trong một tờ báo của Trung Quốc cũng là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn. Theo Stephen Vines, người có đóng góp cho tờ SCMP trong một thời gian dài, "tất cả đều là mánh khoé đánh lừa". "Điều này rất nguy hại nhiều thông tin trong đó có vẻ như là sự thật". Vào tháng 11, Vines tuyên bố ông sẽ không viết cho tờ báo này. Một nhà báo hiện nay của SCMP mô tả về "vỏ bọc của tự do báo chí", và cho rằng, "không phải là việc các bài viết bị gỡ hay bị thay đổi. Đó là việc chúng sẽ nằm ở đâu và cách thức chúng được quảng bá. Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã khiến những điều này trở nên rất dễ dàng. Bạn viết bất cứ điều gì bạn muốn, nhưng người khác sẽ kiểm soát những gì chúng ta thấy". SCMP đã phản ứng với những chỉ trích của công chúng về sự kiểm duyệt một cách gắt gao, thậm chí mở một chuyên mục bình luận trong đó một nhà biên tập cao cấp đổ lỗi các cáo buộc kiểm duyệt "chỉ nhằm để nhạo báng các nhân viên cũ".

Tiền của Trung Quốc cũng được đầu tư vào truyền thông in ấn ở những quốc gia xa xôi, như Nam Phi, tại đó các công ty liên kết với Trung Quốc có khoảng 20% cổ phần ở Independent Media, tập đoàn truyền thông lớn thứ hai tại Nam Phi, hiện đang quản lý khoảng 20 tờ báo nổi tiếng. Trong những trường hợp như vậy, tác động của Bắc Kinh đối với các hoạt động thường nhật có thể là không đáng kể, nhưng cũng có một số điều không thể nói ra. Một nhà báo Nam Phi có tên Azad Essa gần đây nhận ra khi viết bài tại chuyên mục bình luận của anh ấy trên tờ Independent Media trong đó chỉ trích việc Trung Quốc giam giữ một loạt người Duy Ngô Nhĩ (Uighurs), thì khoảng vài tiếng sau đó, chuyên mục của anh ta đã bị hủy. Công ty đổ lỗi rằng để thiết kế lại tờ báo, cần có một số thay đổi về chuyên mục của các nhà bình luận.

Nhưng Essa đã nói thẳng trong một bản tin mà sau đó anh viết cho tờ Foreign Policy rằng "giới hạn đỏ là rõ ràng và không thể đàm phán. Do sự phụ thuộc về kinh tế với Trung Quốc và các cuộc khủng hoảng trong phòng tin nên chả ai muốn giải quyết vấn đề này cả. Và đây chính là môi trường truyền thông mà Trung Quốc muốn các đồng minh châu Phi học theo". Điều này không chỉ đúng với châu Phi, mà còn với các tập đoàn truyền thông của Trung Quốc trên thế giới.

Những ngày này, Úc trở thành một chiếc đĩa petri [bài test – ND] cho ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài. Trung tâm của cuộc tranh cãi là tỷ phú người Trung Quốc Huang Xiangmo, người có mối quan hệ với chính trị gia Đảng Lao động Sam Dastyari và khiến Dastyari phải từ chức năm 2017. Ba năm trước đó, Huang cung cấp nguồn tài trợ hạt giống 1,8 triệu đô la Úc để thành lập Viện Quan hệ Úc Trung Quốc (Australia China Relations Institute – ACRI), một viện chính sách có trụ sở tại Đại học Công nghệ Sydney. ACRI, dưới sự dẫn dắt của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Bob Carr, có mục tiêu thúc đẩy "một góc nhìn tích cực và lạc quan về quan hệ Úc – Trung Quốc".

Trong hai năm qua, ACRI đã phát động chương trình tổ chức các chuyến tham quan học tập tại Trung Quốc cho ít nhất 28 nhà báo danh tiếng Úc, cho họ tham gia các chuyến đi được bao trọn gói với nhiều đặc quyền tiếp cận. Kết quả là đã có nhiều bài báo đầy cảm xúc được xuất bản sau đó. Đa số các bài báo này – trong đó các tác giả chú thích họ là "các vị khách của ACRI" hoặc "các vị khách của Hiệp Hội Nhà báo Trung Quốc" – lại tương đồng một cách đáng ngạc nhiên với các ưu tiên chiến lược của Bắc Kinh. Giống như các bài viết ca tụng quy mô và sự hiện đại của Trung Quốc, các bài báo này khuyên Úc không nên quay lưng với Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc, và không nên công khai chỉ trích chính sách Biển Đông của Trung Quốc, hoặc bất cứ điều gì liên quan tới vấn đề này.

Những nhà quan sát chuyên sâu tin rằng kế hoạch này đang nâng tầm việc đưa tin về Trung Quốc tại Úc. Khi tóm lược chuyến đi đầu tiên do ACRI tổ chức về các thách thức kinh tế của Trung Quốc, nhà kinh tế Stephen Joske đã thất vọng khi gần như không có góc nhìn phản biện. Theo ông, "Các nhà tinh hoa Úc có rất ít trải nghiệm thực với Trung Quốc". "Hiện không có các bình luận đủ uy tín và họ [các nhà báo do ACRI bảo trợ] đã lấp đầy khoảng trống đó bằng các thông tin rất, rất một chiều".

Các thành viên trong chuyến tham quan học tập không hạ thấp tầm ảnh hưởng của ACRI. Một phóng viên giấu tên phát biểu, "tôi thấy chuyến đi thật thú vị". "Tại Úc, các bài nghiên cứu/báo cáo về Trung Quốc thông thường chẳng đề cập đến gì ngoài việc đây là một đất nước theo hệ thống đơn đảng và là đảng cộng sản. Có nhiều điều tích cực đang diễn ra ở Trung Quốc liên quan đến lĩnh vực công nghệ, kinh doanh và thương mại, nhưng những thực tế này không được ghi nhận một cách tích cực". Những người khác cảnh giác hơn với chuyến đi. Theo phóng viên kinh tế của ABC Peter Ryan, người tham gia chuyến đi được ACRI tài trợ năm 2016, "bạn tiếp tục những chuyến đi này và biết rằng bạn đang sắp sửa đón nhận quan điểm của họ [Trung Quốc]".

ACRI phản hồi các câu hỏi của chúng tôi về chuyến đi thông qua một tuyên bố cho rằng chuyến đi đó "không là gì" so với các chuyến đi khác do Mỹ và Israel tổ chức. Tuyên bố có đoạn : "ACRI không vận động các nhà báo viết gì. Họ được tự do chọn quan điểm nào mà họ muốn". Người phát ngôn cũng xác nhận Hiệp hội Nhà báo Trung Quốc – một cơ quan của đảng Cộng sản có nhiệm vụ "kể các câu chuyện Trung Quốc, phổ biến quan điểm của Trug Quốc" – đã tài trợ bằng hiện vật cho các chuyến đi. Về phần mình, Huang Xiangamo nói rằng anh ta không tham gia vào các hoạt động của ACRI.

ACRI là một người chơi tương đối mới trong trò chơi này. Kể từ năm 2009, Qũy Trao đổi Trung Quốc – Mỹ (China-United States Exchange Foundation – Cusef), do nhà triệu phú Hồng Công Tung Chee-hwa – một cựu giám đốc điều hành – dẫn dắt, đã đưa 127 nhà báo từ 40 cơ quan báo chí Mỹ tới Trung Quốc, đi cùng với đó là các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ. Bởi Tung có chức vụ trong chính quyền – phó chủ tịch một cơ quan tư vấn trong chính phủ Trung Quốc, Hội Khuyến nghị Chính trị Nhân dân Trung Quốc – Cusef được đăng ký là một "cơ quan đại diện nước ngoài" (foreign principal) theo Đạo luật Đăng ký các Cơ quan nước ngoài (Fara).

Một bức tranh mô tả cách thức Cusef định hướng thông tin về Trung Quốc tại Mỹ có thể được tìm thấy trong các hồ sơ của Fara, được dựng bởi một công ty PR làm việc cho tổ chức này từ năm 2009. BLJ Worldwide, đại diện cho Tổng thống Bashar al-Assad của Syria, gia đình Gaddafi, nhà thầu World Cup cho Qatar, đã tổ chức hoạt động tham quan cho các nhà báo và tạo lập một nhóm người mà họ gọi là "các nhà ủng hộ bên thứ ba" để lan toả các tin tức tích cực về Trung Quốc tại Mỹ. Chỉ riêng trong năm 2010, mục tiêu của BLJ là đưa trung bình ba bài báo mỗi tuần trên các phương tiện truyền thông Mỹ, tại một số tạp chí như Wall Street Journal ; tờ này đã được trả khoảng 20.000 đô la một tháng. Trong một ghi chép từ tháng 11 năm 2017, BLJ liệt kê 08 nhà ủng hộ bên thứ ba, những người "có thể hợp tác bằng việc viết các bài phản biện, đưa ra lập luận ủng hộ cho Cusef, và có khả năng trả lời phỏng vấn với một số hãng truyền thông nhất định". Hồ sơ của Fara cũng chỉ ra rằng trong năm 2010, BLJ đã thảo luận về các biện pháp nhằm tác động tới cách mà trẻ em Mỹ được giáo dục về vấn đề Tây Tạng, trong đó vai trò của Trung Quốc bị chỉ trích mạnh mẽ. Sau khi xem xét bốn bộ sách giáo khoa cấp ba, BLJ đề xuất "một cách tiếp cận quyết liệt, phản biện dựa trên thực tế để bảo vệ và thúc đẩy các hoạt động của Trung Quốc tại Khu vực Tự trị Tây Tạng".

Trong thập kỷ qua, Cusef đã mở rộng hoạt động của tổ chức, đề xuất các kế hoạch ngoại giao văn hóa đầy tham vọng để tác động tới công chúng Mỹ. Theo một ghi chép vào tháng 1 năm 2018, một trong các dự án bao gồm kế hoạch xây dựng "thị trấn có tên là Gung-Ho tại Detroit" của Trung Quốc. Bản ghi chép đề xuất tham vọng tái phát triển cả một thành phố để thể hiện sự sáng tạo của Trung Quốc, trong đó sử dụng thiết kế từ cả hai quốc gia, với ngân sách 8-10 triệu đô la. Bản ghi chép này thậm chí gợi ý cả việc xây dựng một chương trình truyền hình thực tế sau khi cộng đồng Gung-Ho trở thành "một ẩn dụ sống động về triển vọng quan hệ Mỹ – Trung". Trong bối cảnh tình hình Detroit có nhiều bất ổn, bản ghi chép kết luận , "các hãng truyền thông sẽ rất khó có thể chỉ trích dự án này".

Cusef trả lời các câu hỏi về các hoạt động của mình bằng một tuyên bố : "Cusef hỗ trợ các dự án thúc đẩy sự giao thiệp và hiểu biết giữa nhân dân Trung Quốc và Mỹ. Tất cả các chương trình và hoạt động vận hành trong khuôn khổ luật pháp và chúng tôi cam kết tuyệt đối rằng sẽ triển khai các công việc của mình với sự liêm chính ở mức cao nhất". BLJ không phản hồi yêu cầu bình luận.

Việc Trung Quốc chủ động dụ dỗ các nhà báo đã vượt khỏi khuôn khổ các chương trình tham quan học tập ngắn hạn, mở rộng ra cả các chương trình dài hạn hơn dành cho các phóng viên từ các quốc gia đang phát triển. Những động thái này được chính thức hóa dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Ngoại giao Công chúng Trung Quốc được thành lập năm 2012. Các mục tiêu là cực kỳ tham vọng : Đào tạo khoảng 500 nhà báo người Mỹ Latinh và Caribbean trong 05 năm, và 1.000 nhà báo châu Phi mỗi năm vào năm 2020.

Thông qua những dự án này, các phóng viên nước ngoài không chỉ được dạy ở Trung Quốc mà còn được dạy về quan điểm của Trung Quốc về báo chí. Một chỉ đạo của chính phủ bị rò rỉ, có tên là Tài liệu số 9, thậm chí còn định nghĩa mục tiêu cuối cùng của truyền thông phương Tây là "khơi thông một cánh cửa để thâm nhập vào bên trong ý thức hệ của chúng ta". Sự khác biệt về các giá trị báo chí được nhấn mạnh thêm trong một loạt các video của CGTV phát hành năm ngoái, trong đó các nhà báo Trung Quốc danh tiếng cáo buộc các nhà báo không phải người Trung Quốc đang bị "tẩy não" bởi "các giá trị báo chí phương Tây". Đây là những người bị coi là vô trách nhiệm và khiến xã hội bất ổn.

Thông qua việc trao học bổng cho phóng viên nước ngoài, Bắc Kinh đang hướng tới việc đào tạo thế hệ trẻ các nhà báo quốc tế. Một thành viên hiện nay của chương trình này là nhà báo người Philippines Greggy Eugenio, đang hoàn thành chương trình học về truyền thông được chi trả toàn bộ chi phí cho các phóng viên đến từ các quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc – một sáng kiến nhằm thúc đẩy cơ sở hạ tầng toàn cầu. Trong 10 tháng, Eugenio đã học và đi du lịch vòng quanh Trung Quốc theo các chuyến đi được tổ chức sẵn, cũng như có 06 tuần thực tập tại hãng truyền hình quốc gia. Anh tham dự các lớp học ngôn ngữ, văn hóa, chính trị và truyền thông mới hai lần một tuần tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, và anh dự định học thạc sĩ về truyền thông.

Eugenio nói trong một email, "Chương trình này liên tục mở ra trong tôi rất nhiều định nghĩa sai lầm mà tôi từng nghĩ về Trung Quốc". "Truyền thông tại Trung Quốc vẫn hoạt động tốt và người dân ở đây đánh giá cao công việc của họ". Trong thời gian ở Trung Quốc, anh đã viết các câu chuyện cho hãng truyền thông nhà nước Philippines News Agency và khi anh hoàn thành vào tháng tới, anh sẽ trở về vị trí là cây bút trong đội truyền thông của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Một số quan sát viên lập luận, sự mở rộng của các hệ thống tuyên truyền như RT tại Nga và Press TV của Iran đã bị thổi phồng, hầu như không tác động tới báo chí toàn cầu. Nhưng cuộc chơi của Bắc Kinh lớn hơn và đa dạng hơn. Tại Trung Quốc, nước này đang xây dựng một hệ thống truyền hình lớn nhất thế giới bằng việc kết hợp ba hệ thống TV và radio – vốn đã có quy mô rất lớn – thành một kênh duy nhất, tên là Tiếng nói Trung Quốc (Voice of China). Cùng với đó là sự cải tổ về hệ thống, trong đó trách nhiệm tuyên truyền đã được chuyển từ các cơ quan nhà nước sang Đảng Cộng sản. Ở nước ngoài, tận dụng sự chuyển dịch từ công nghệ analog sang truyền hình kỹ thuật số, Trung Quốc đã sử dụng các "chân rết" như StarTimes để sang quyền kiểm soát đối với hệ thống truyền thông toàn cầu, trong khi vẫn tiếp tục xây dựng các đường cao tốc kỹ thuật số mới. Theo Sarah Cook của tổ chức Freedom House, "điểm nổi bật không phải là Trung Quốc cố gắng kiểm soát tất cả các nội dung – mà là cố gắng kiểm soát các nút thắt chủ chốt trong dòng thông tin". "Điều này không nhất thiết là một mối đe dọa trong thời điểm hiện tại, nhưng một khi bạn kiểm soát các nút thắt thông tin này, bạn có thể sử dụng chúng khi bạn muốn".

Sự phô trương sức mạnh như vậy cho thấy biểu hiện mới của sự quyết đoán. Trong chiến tranh thông tin, câu châm ngôn nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình "giấu mình chờ thời" đã qua. Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc nhận thấy nước này cần sức mạnh diễn ngôn tương xứng với vị thế toàn cầu mới của mình. Mới đây, một nhóm các chuyên gia nổi tiếng nhất về Trung Quốc của Mỹ đã công bố một báo cáo nêu quan ngại về việc Trung Quốc triển khai sức mạnh ngày càng quyết đoán. Dù nhiều chuyên gia trong số đó đã dành hàng thập kỷ để thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc, nhưng họ đã kết luận : "Tham vọng trong các hoạt động đầu tư tài chính của Trung Quốc, xét về cả chiều rộng, chiều sâu và mức độ, đòi hỏi sự xem xét kỹ lưỡng hơn nhiều so với trước đây".

Khi Bắc Kinh và các "chân rết" của quốc gia này mở rộng phạm vi, họ đang khai thác các lực lượng thị trường để bịt miệng đối thủ. Sức mạnh diễn ngôn dường như là một trò chơi có tổng bằng không đối với Trung Quốc và những quan điểm chỉ trích Bắc Kinh hoặc là sẽ được dụ dỗ theo phe Trung Quốc hoặc là sẽ bị bịt miệng, sẽ bị lãng quên và sẽ bị nhấn chìm trong đại dương các thông điệp tích cực do chính những chiếc thuyền Bắc Kinh "mượn" hoặc "mua" đưa ra. Khi các ông lớn truyền thông của phương tây đang gặp khó khăn, chủ nghĩa đế quốc truyền thông của riêng Trung Quốc trỗi dậy, và trận chiến cuối cùng có thể không phải là giành lấy các phương tiện sản xuất thông tin mà chính là thay đổi cơ bản nền báo chí.

Louisa Lim & Julia Bergin

Nguyên tác : Inside China's audacious global propaganda campaign, The Guardian, 07/12/2018

Thùy Linh biên ịch

Quang Tiệp hiệu đính

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 30/10/2019

Louisa Lim là giảng viên cao cấp tại Trung tâm Thúc đẩy nghề báo, Đại học Melbourne, nguyên là phóng viên hãng tin NPR và BBC trụ sở tại Bắc Kinh. Julia Bergin là nhà nghiên cứu của The Little Red Podcast. Bài viết được đăng trên The Guardian.

Published in Diễn đàn

Nêu tên Trung Quốc còn không dám thì làm sao dám kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế ? Thói ươn hèn mãn tính là tác nhân của căn bệnh nhũn não dài hạn và mất đứt lãnh thổ.

noi1

‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri 3 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ thuộc Hà Nội vào sáng ngày 15/10/2019.

"Làm sao giữ đất nước yên bình, tiến lên nhưng đồng thời giữ đất nước độc lập thế mới là giỏi. Cha ông ta cũng thế thôi, các cụ khôn khéo lắm. Cố gắng giữ quan hệ nhưng cái gì về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ta không bao giờ nhân nhượng" - ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng nói với các đại biểu thuộc đơn vị bầu cử số 1 khi ông ta tiếp xúc cử tri 3 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ thuộc Hà Nội vào sáng ngày 15/10/2019.

Phát ngôn trên xảy ra trong bối cảnh tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc và các tàu hộ vệ cho tàu này đã quần thảo đến hơn 3 tháng ở không chỉ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Bãi Tư Chính, mà còn tiến sâu vào vùng lãnh hải Việt nam ở các tỉnh Bình Thuận, Phan Rang, Phú Yên…, với nhiều lần di chuyển đan áo mà có lần chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 150 -160 km.

Lời huấn thị của Nguyễn Phú Trọng đã mâu thuẫn, mâu thuẫn khủng khiếp với với thực tế mất chủ quyền và đang dần mất nước.

Không chỉ nhân nhượng, mà về thực chất Đảng cộng sản Việt Nam đã để mặc cho kẻ thù biến vùng lãnh hải chủ quyền của Việt Nam thành ‘vùng biển đang tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam’, bộc lộ sự ươn hèn không thể chấp nhận được.

Sự mâu thuẫn trên đã thêm một lần nữa, trong nhiều lần, củng cố tính logic của tình trạng Nguyễn Phú Trọng ‘ngậm hột thị’ kể từ khi tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Thậm chí sau khi đã bị dư luận xã hội và mạng xã hội chỉ trích lãn lên án dữ dội về thái độ ‘hèn với giặc, ác với dân’, kết quả của Hội nghị trung ương 11 của đảng cầm quyền đã thật ảo não : dù kéo dài trong suốt một tuần lễ, hội nghị 11 đã chỉ như mê nhảm khi Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn bế mạc hội nghị trên với sự lồng ghép câu ‘thần chú’ : "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế", sau khi đã phát biểu khai mạc Hội nghị 11 bằng cách thập thò ‘phân tích dự báo tình hình Biển Đông’.

Nhưng không một lần dám nhắc đến Bãi Tư Chính và cái tên Trung Quốc.

Nêu tên Trung Quốc còn không dám thì làm sao dám kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế ?

Thói ươn hèn mãn tính là tác nhân của căn bệnh nhũn não dài hạn và mất đứt lãnh thổ.

Cứ mỗi năm ở Biển Đông, mỗi tháng ở Hoàng Sa và mỗi ngày ở bãi Tư Chính trôi qua, cơ hội của "đảng em" Việt Nam để kiện "đảng anh" Trung Quốc ra tòa án quốc tế lại càng thêm ít ỏi và khó thắng.

Hội nghị trung ương 11 và cá nhân Nguyễn Phú Trọng đã cung cấp thêm một bằng chứng hùng hồn về tinh thần ‘không kiện Trung Quốc’ như thế - tiền đề dẫn tới tương lai mất trắng toàn bộ lãnh thổ Việt Nam vào tay kẻ thù.

Nhìn lại, cuộc tiếp xúc cử tri ngày 15/10 của Nguyễn Phú Trọng là bất thường, vì trước đây ông ta thường gặp cử tri sau một kỳ họp quốc hội.

Một tuần lễ trước cuộc tiếp xúc cử tri trên là một hội thảo khoa học về Bãi Tư Chính, với thành phần gồm nhiều trí thức phản biện mà bị đảng cầm quyền cho là ‘phản động’.

"Hiện nay có một số phần tử cố tình kích động, to tiếng lên, lên gân lên, ra vẻ ta là anh hùng, ra vẻ ta là yêu nước, vậy còn T.Ư Đảng, Chính phủ, Tổng bí thư không yêu nước à ? Vô trách nhiệm à ?" - Nguyễn Phú Trọng nói như chì chiết trong cuộc tiếp xúc cử tri ngày 15/10.

Rõ ràng Trọng đã tìm cách trả đũa ‘thế lực phản động’ đã dám chỉ trích ông ta và Đảng cộng sản Việt Nam là hèn nhát.

Nhưng với không ít người dân thì từ ‘hèn nhát’ vẫn còn quá lịch sự. Nếu Nguyễn Phú Trọng đủ can đảm đóng vai một gã xe ôm thì chỉ trong vài giờ đồng hồ, ông ta có thể nghe được quá nhiều từ ‘bán nước’ mà người dân dành tặng cho chế độ độc tài và ‘kiên định không kiện Trung Quốc’ của Trọng. 

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 18/10/2019

Published in Diễn đàn

Ngày 1/10/2019, Bắc Kinh tổ chức kỷ niệm rầm rộ 70 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Cuộc diễn binh hoành tráng thể hiện sức mạnh Trung Quốc trước đối thủ Hoa Kỳ như để chứng minh "giấc mơ Trung Hoa" đang ở trong tầm tay. Sự kiện đã thu hút sự chú ý không chỉ truyền thông trên khắp thế giới, mà còn cả giới quan sát chính trị Trung Quốc.

congsan0

Chủ tịch Trung Quốc trong tiệc mừng kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ngày 1/10/2019, tại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh. Reuters/Thomas Peter

Trên diễn đàn báo Le Figaro, trong bài viết "Chế độ cộng sản Trung Quốc nghĩ mình hùng mạnh, nhưng khó khăn trầm trọng đang đợi họ" (Le régime communiste chinois se croit tout puissant, mais de graves difficultés l’attendent), chuyên gia Pháp về chủ nghĩa cộng sản Thierry Wolton nhận thấy cái cảm giác huy hoàng của chế độ Bắc Kinh chỉ là đánh lừa những thực tại đầy khó khăn tích tụ đang chờ đợi đảng cộng sản Trung Quốc ở phía trước.

RFI Tiếng Việt giới thiệu bài viết của chuyên gia Thierry Wolton, tác giả của nhiều nghiên cứu về chủ nghĩa cộng sản.

Tác giả đặt vấn đề : "Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949, ngày 1/10 này tròn 70 tuổi : Đó có phải là tuổi đã trưởng thành hay là khởi đầu thời kỳ lão hóa của một chế độ vẫn tự nghĩ mình là bất di bất dịch ? Câu hỏi có vẻ như hơi khiếm nhã, trong khi mà đất nước này đang tỏ ra rất cường tráng".

Sự chung sống chưa từng có giữa chính quyền cộng sản với kinh tế thiên hướng tư bản chủ nghĩa. Để chứng minh điều này tác giả Thierry Wolton so sánh Trung Quốc với Liên Bang Xô Viết, một đế chế cộng sản từng một thời hoàng kim, giờ đã biến mất.

"Liên Xô cũng đã từng có kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng 10 đầy kiêu hãnh, trước khi sụp đổ vài năm sau đó. Vào lúc bấy giờ, không một ai nói tiên đoán được Liên Xô sẽ có kết cục như vậy. Chế độ Xô Viết khi đó có Mikhail Gorbachov, một tổng bí thư trẻ (ít ra là so với những người tiền nhiệm của ông), đã hứa hẹn ''công khai'' với Glasnost và ''mở cửa'' với Perestroika".

Sức hấp dẫn của Gorbachev đã thuyết phục được giới tinh hoa phương Tây về chính trị, kinh tế cũng như truyền thông. Phương Tây tin tưởng lãnh đạo Liên Xô cả về tinh thần và tiền bạc, theo tác giả Wolton. "Còn nhân vật số 1 Trung Quốc hiện nay, Tập Cận Bình thì chẳng có gì gọi là hấp dẫn, lôi cuốn. Ông ta thậm chí chưa bao giờ cam kết cải cách chế độ, ông sử dụng thành thạo cây gậy cũng như củ cà rốt để áp đặt phần còn lại của thế giới. Một sự khác biệt lớn khác, đó là nền kinh tế Liên Xô từ lâu đã cho thấy dấu hiệu kiệt sức, vì thế mà Gorbachev phải cải tổ. Còn Trung Quốc ngày nay tìm cách chinh phục thị trường mới nhiều hơn là hấp dẫn các nhà đầu tư phương Tây".

Tương đồng giữa Liên Xô và Trung Quốc ở tuổi 70

Chuyên gia Thierry Wolton ghi nhận :

"Tuy nhiên vẫn có những tương đồng giữa hoàn cảnh của Liên Xô ngày trước và các vấn đề hiện nay của Trung Quốc để có một chút ngờ vực về sự trường tồn của chế độ Trung Quốc.

Dưới sự lãnh đạo của Liên Xô, thế giới cộng sản đã mở mang phi thường trong thập niên 1970. Không dưới chục nước Á và Phi đã chọn con đường Marx–Lenin, thường là bằng phương thức vũ trang. Thập kỷ này đánh dấu sự chi phối của Kremlin vào Đông và Trung Âu, khu vực mà Liên Xô chinh phục được sau Thế chiến thứ 2.

Các chế độ xã hội chủ nghĩa đã được các nước phương Tây thừa nhận bằng thỏa thuận Helsinki ký hồi mùa hè năm 1975. Với Moskva, các thỏa thuận mất nhiều thời gian đàm phán có giá trị như sự thừa nhận đế chế của họ.

Thành công đó cuối cùng đã quay trở lại chống chính Liên Xô. Tự do đi lại và hệ tư tưởng giữa Đông và Tây nằm trong các điều khoản thỏa thuận được phê chuẩn đã cung cấp cho các nhà ly khai chất liệu để đòi được tự do hơn nữa. Tổng đình công ở Ba Lan, Hiến Chương 77 ở Tiệp Khắc, phong trào phản kháng ở Rumani, Hungary… Những biến động đòi nhân quyền như vậy đã làm lung lay dần dần đế chế Xô Viết. Hai năm sau kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Mười rầm rộ ở Moskva năm 1987, Đông Âu đã tìm được tự do, 4 năm sau Liên Xô biến mất.

Sự sụp đổ đó, hiển nhiên có nhiều nguyên nhân - kinh tế, xã hội, niềm tin, vv… Như vậy là thắng lợi vẻ vang của Kremlin ở Helsinki năm 1975 đã báo hiệu khởi đầu của một cái kết.

Các lãnh đạo Trung Quốc đã theo dõi, nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân Liên Xô sụp đổ và đã rút ra bài học. Trong một xã hội phân hóa và nhất là vì nhu cầu kinh tế, Gorbachev đã chọn cách "tế sớm cho khỏi ruồi". Cởi mở chính trị mà ông thực thi với hy vọng thu hút tín dụng của phương Tây cuối cùng đã cuốn trôi chế độ.

Bắc Kinh đã chọn ngược lại : Mở cửa kinh tế, nhưng đóng cửa chính trị. Tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc từ 4 thập kỷ qua, phần lớn nhờ đầu tư nước ngoài, đồng thời đi kèm theo là gia tăng chi phối của đảng cộng sản đối với xã hội Trung Quốc, thường lại là bằng chính các phương tiện công nghệ mới du nhập từ phương Tây".

Chuyên gia Wolton phân tích tiếp : "Việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới 2001 đã đánh dấu thành công lớn của mở cửa kinh tế. Từ đó, đất nước nay đã có thể hưởng mọi lợi ích của thị trường tự do mà vẫn giữ chế độ toàn trị. Chính sự thành công này, có nguy cơ đến một lúc nào đó chống lại Trung Quốc, giống như thành công của Hiệp định Helsinki cuối cùng đã phá hủy dần dần Liên Xô trước đây.

Đầu tư nước vào Trung Quốc : Cuộc thập tự chinh của công ty nước ngoài

Trung Quốc ngày nay có mặt trên khắp các thị trường thế giới, thế như họ lại không mở hoàn toàn biên giới cho các doanh nghiệp nước ngoài. Ban đầu được coi là miền đất hứa, đầu tư vào Trung Quốc thực tế là một cuộc thập tự chinh đối với số đông các công ty phương Tây. Họ phải vượt qua bao nhiều trở ngại : thuế má, hạn ngạch sản xuất, thụ tục quản lý mập mờ, tham nhũng… Rất nhiều trong số các công ty đã phải tìm đường ra đi, khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc xuống còn một nửa từ 10 năm nay.

Cuộc chiến thuế quan do Donald Trump phát động vì Bắc Kinh cạnh tranh bất chính, đang càng làm phức tạp thêm ván bài kinh tế vốn vẫn lệ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu này. Trung Quốc giờ đang phải trả giá cho những gì họ thu lợi được từ kinh tế toàn cầu hóa . 

Chế độ đã đặt cược vào tăng trưởng kinh tế, nghĩ rằng dân trở nên giàu có đã bù đắp cho thiếu vắng tự do. Giờ đây, kinh tế chững lại, có lẽ phải từ bỏ mô hình mà theo đó, công dân Trung Quốc không có quyền gì khác ngoài quyền tiêu dùng.

Hành động thắt chặt chính trị của Tập Cận bình đã làm tổn hại hình ảnh của chế độ. Dư luận thế giới đã quên một điều là đất nước này đang sống dưới một Nhà nước đảng trị đầy quyền lực.

Giờ đây với "con đường tơ lụa mới" và sự chi phối lũng đoạn nguồn tài nguyên quặng mỏ của Châu Phi, Bắc Kinh đang làm cho thế giới lo ngại. Trung Quốc lại gây nên nỗi sợ cũ, nhất là đối với các nước có chung đường biên giới với họ. Ngay cả ở phần đất tự trị Hồng Kông, người dân đã quyết định không để mất những phần tự do còn lại. Phong trào phản kháng này chẳng phải đang gợi nhắc lại điều đã diễn ra ở Đông Âu trong những năm 1980 ?

Các chế độ độc đoán, chuyên quyền vẫn tự tin là họ trường tồn vĩnh cửu. Sự sụp đổ của Liên Xô đã cho thấy, chế độ này có thể biến mất nhanh như khi nó đăng quang. Sinh nhật thứ 70 của Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, trong đầu các lãnh đạo, lẽ ra phải đánh dấu thắng lợi huy hoàng của chế độ nhưng lại diễn ra trong bầu không khu u ám, có thể đó là điềm báo khởi đầu của thời suy tàn".

Thierry Wolton

Nguyên tác : "Le régime communiste chinois se croit tout puissant, mais de graves difficultés l’attendent", Le Figaro Vox Tribune, 01/10/2019

Nguồn : RFI, 02/10/2019

Published in Diễn đàn
mercredi, 02 octobre 2019 16:10

Tập Cận Bình và “bẫy Thucydides”

Việc Tập Cận Bình vừa công khai đưa Trung Cộng trở lại thời Mao, tức một người trị muôn người, cho thấy tham vọng làm vua của y mà báo chí quốc tế phân tích sau đại hội đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 đã thành sự thật.

Con đường đi của Tập về tham vọng không khác gì mục đích của Hitler đối với châu Âu. Giống Hitler, họ Tập thích phô trương.

Đại hội đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 thu hút 3068 phóng viên báo chí, trong số đó có 60% là báo chí quốc tế. Những vấn đề được thảo luận không chỉ các thành tựu trong quá khứ mà các nhà phân tích gọi là “sự trổi dậy của Trung Quốc phiên bản 1”, mà còn các chiến lược phát triển trong tương lai được gọi là “sự trỗi dậy của Trung Quốc phiên bản 2”, hay thời đại Tập Cận Bình. Khác với “phiên bản 1” tập trung vào phát triển kinh tế, phiên bản 2 sẽ mở rộng đến vai trò của Trung Cộng trong hệ thống thế giới đang tồn tại.

TCB1

Nói vậy chứng tỏ khái niệm “Bẫy Thucydides” đã in sâu vào suy nghĩ của họ Tập từ lâu.

Giống Hitler trong giai đoạn đầu của thập niên 1930, họ Tập ca ngợi hòa bình và hữu nghị dù tại lục địa bộ máy tuyên truyền đang ngày đêm đun sôi lò lửa dân tộc cực đoan Đại Hán.

Hitler phát biểu trước Quốc Hội Đức Quốc Xã năm 1932: “Đức Quốc, và đặc biệt là chính phủ Đức hiện nay không có mong muốn nào khác hơn là được sống trong điều kiện hòa bình và thân hữu với các nước láng giềng… Tôi muốn nhân dân Đức học hỏi để thấy những thực tế lịch sử của các quốc gia khác, trong đó một người hoang tưởng có thể muốn chúng rơi vào quên lãng, nhưng không thể bị lãng quên”.

Tập Cận Bình phát biểu cùng một giọng điệu tại Liên Hiệp Quốc tháng 9, 2015: “Chúng ta nên xây dựng một tinh thần hợp tác qua đó các quốc gia đối xử nhau công bằng, cam kết để tham khảo lẫn nhau và bày tỏ sự hiểu biết hỗ tương.

Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền củng cố Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Tương lai của thế giới tùy thuộc vào sự đóng góp của mọi quốc gia. Tất cả quốc gia đều bình đẳng. Những nước lớn, mạnh, giàu không nên hiếp đáp các nước nhỏ, nghèo và yếu”.

Nhưng khác Hitler, họ Tập đi sau, khôn ngoan hơn, học kinh nghiệm thất bại của Đức Quốc Xã, có thời gian và vốn liếng để chuẩn bị các phương án chinh phục ngắn hạn cũng như lâu dài.

Trong diễn văn đọc tại Seattle tối 22 tháng 9, 2015, Tập Cận Bình phát biểu: ”Không có cái gì gọi là ‘Bẫy Thucydides’ trong thế giới cả. Nhưng nếu các cường quốc tiếp tục phạm phải các sai lầm chiến lược, họ tạo ra bẫy cho chính họ”.

Nói vậy chứng tỏ khái niệm “Bẫy Thucydides” đã in sâu vào suy nghĩ của họ Tập từ lâu.

“Bẫy Thucydides” là gì mà đã làm Tập Cận Bình quan tâm nhiều như vậy?

“Bẫy Thucydides” phát xuất từ câu nói của sử gia Thucydides (460 BC-400 BC) rút ra sau khi nghiên cứu và hoàn thành bộ sử Lịch sử Chiến tranh Peloponnesian (History of The Peloponnesian).

Nguyên văn câu nói của Thucydides: “Sự trổi dậy của Athens và nỗi lo lắng được lan truyền mạnh ở Sparta sẽ làm cho chiến tranh không thể nào tránh khỏi” (It was the rise of Athens and the fear that this inspired in Sparta that made war inevitable.)

Chiến tranh Peloponnesian mà sử gia Thucydides nhắc đến xảy ra giữa hai liên minh thành phố trong thời Cổ Hy Lạp, một bên là Delian do Athens lãnh đạo và Peloponnesian do Sparta lãnh đạo và kéo dài 27 năm với phần thắng cuối cùng thuộc về Sparta.

Đề án “Thucydides’s Trap” tại Harvard Kennedy School tổng kết 16 xung đột xảy ra trong lịch sử thế giới. Trong số đó chỉ có 3 xung đột là tránh được chiến tranh và 13 xung đột khác đã dẫn tới chiến tranh.

Nói một cách dễ hiểu lãnh đạo của các quốc gia trong 13 cuộc chiến đó đã rơi vào “bẫy Thucydides”. Thế chiến thứ nhất và thế chiến thứ hai là hai trường hợp rơi vào bẫy trầm trọng nhất.

Áp dụng vào quan hệ cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Cộng, câu nói của Thucydides có thể viết lại cho thích hợp: “Sự trổi dậy của Trung Cộng và nỗi lo lắng được lan truyền mạnh tại Mỹ sẽ làm chiến tranh Mỹ-Trung không thể nào tránh khỏi.”

Hai mệnh đề mang tính điều kiện “sự trổi dậy của Trung Cộng” và “sự lo lắng đang lan truyền mạnh tại Mỹ” đều là thực tế xảy ra trong suốt ba chục năm qua từ khi các chính sách đổi mới kinh tế của Đặng Tiểu Bình đầu thập niên 1980.

Để làm giảm “sự lo lắng đang lan truyền mạnh tại Mỹ”, họ Tập dùng miếng mồi kinh tế để lấy lòng và trấn an nỗi lo của giới tư bản Mỹ.

Đảng cộng sản Trung Quốc có thừa tiền đang đầu tư tại các ngân hàng lớn trên thế giới. Tính theo tổng sản lượng nội địa Trung Cộng, nền kinh tế Trung Cộng năm 2016, theo ước tính từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) , được xếp vào hạng thứ hai, sau Mỹ, với trên 11 trillion dollars. Những phương tiện xa xỉ này Hitler không có trước thế chiến thứ hai.

Ngoài Mỹ, họ Tập cũng dùng vũ khí kinh tế để mua chuộc, đe dọa các quốc gia đối phương hay có khả năng trở thành đối phương tại Á Châu.

Họ Tập biết phần lớn các quốc gia đang có chung biên giới và quan hệ kinh tế với Trung Cộng, ngoại trừ Lào, cộng sản Việt Nam và Bắc Hàn, đều là các nước dân chủ và tồn tại trên các nguyên tắc dân chủ.

Khái niệm “trung lập” hay “bang giao bình đẳng”, hay “hợp tác cùng có lợi” không tồn tại một khi chiến tranh khu vực hay thế giới xảy ra, nhất là các quốc gia trong vùng độn (buffer states) hay nằm trên trục chiến tranh như Việt Nam.

Theo tinh thần của diễn văn đọc trước đại hội đảng cộng sản Trung Quốc, mục đích tối hậu của Tập Cận Bình là thống trị Á Châu và ảnh hưởng thế giới.

Trung Cộng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nhà nước cộng sản, sẽ là quốc gia quan trọng nhất trên thế giới. Danh từ “cường quốc” được lập lại nhiều lần trong diễn văn của họ Tập.

Tuy nhiên, họ Tập muốn đạt đến mục đích bành trướng đó mà không phải đương đầu trong các xung đột quân sự với Mỹ và các quốc gia đồng minh Nhật, Hàn hay có khả năng trở thành đồng minh như Úc, Ấn, khối ASEAN và cả Cộng đồng Châu Âu có quyền lợi tại Á Châu. Cho đến nay, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông vẫn là điểm nóng nhất trong quan hệ giữa các nước trong vùng.

Nhiều nhà phân tích đồng ý, nếu biết Tập sợ vướng “Bẫy Thucydides” thì thay vì mềm dẻo, hòa hoãn với Tập Cận Bình như Neville Chamberlain đã làm đối với Adolf Hilter, lãnh đạo các quốc gia có quyền lợi bị va chạm phải tỏ ra cứng rắn và có những biện pháp trả đũa thích đáng trước mọi hành vi bành trướng dù rất nhỏ của Tập Cận Bình trên Biển Đông.

Nguồn FB Trần Trung Đạo

Published in Diễn đàn

Những trang sử đẫm máu của Đảng cộng sản Trung Quốc

Sử gia Hà Lan Frank Dikotter đánh giá 70 năm trước, Đảng cộng sản Trung Quốc đã giành lấy chính quyền nhờ một cuộc "chinh chiến khốc liệt". Trung Quốc đã trải qua giai đoạn "đẫm máu nhất" dưới những năm tháng Mao Trạch Đông.

trang1

Ảnh tư liệu : Binh sĩ và xe tăng của quân đội Trung Quốc tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, ngày 09/06/1989 Reuters/Richard Ellis

Độc giả của báo Le Monde chú ý nhiều đến bài viết mang tựa đề "Trung Quốc là một Nhà nước bắt mọi người mất trí nhớ". Vào lúc Bắc Kinh kỷ niệm rầm rộ 70 năm ngày Đảng cộng sản Trung Quốc lên cầm quyền, nhà sử học người Hà Lan, Frank Dikotter, mở lại những trang sử đẫm máu nhất trong bảy thập niên qua, từ khi Mao Trạch Đông "giải phóng" đất nước năm 1949 cho đến ngày nay.

Le Monde giới thiệu : Giáo sư Dikotter giảng dậy tại đại học Luân Đôn và Hồng Kông. Ông là tác giả của ba tập nghiên cứu về lịch sử Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông.

Theo tác giả, nhìn lại giai đoạn những người cộng sản Trung Quốc giành được chính quyền, Bắc Kinh nói đến một cuộc "giải phóng dân tộc" mà đã quên mất rằng, con đường chinh phục quyền lực của Mao trước hết là một cuộc "chinh chiến khốc liệt". Kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến, Mỹ bỏ rơi Quốc Dân Đảng và Tưởng Giới Thạch từng là đồng minh của Washington trong chiến tranh. Ngược lại ở Moskva, Staline giúp Mao củng cố đội quân để tiến về thủ đô Bắc Kinh. Năm 1948, từ tháng 5 đến tháng 10, phe cộng sản phong tỏa thành phố Trường Xuân (tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc) ở phía bắc Vạn Lý Trường Thành. 160.000 dân cư Trường Xuân chết đói. Không muốn cùng chung số phận với Trường Xuân, các thành phố khác lần lượt đầu hàng. Cuối năm 1949 lá cờ đỏ phất phới bay tại Tử Cấm Thành.

Mao Trạch Đông và Đảng cộng sản trên đỉnh cao quyền lực. Dân Trung Quốc "được" đưa đi cải tạo để trở thành những "công dân mới". Những thành phần bị liệt vào diện "vô phương cứu chữa" bị "thanh lọc" : 2 triệu người bị xóa tên.

Tháng 8/1952 báo cáo do chính bộ trưởng công an thời đó là Lê Thụy Khanh soạn thảo ghi rõ : trong vòng một năm, chính quyền đã xử tử 301.800 người tại vỏn vẹn 6 tỉnh. Cũng trong thời gian đó tất cả những tổ chức từ thiện, các hội đoàn, các tập thể tôn giáo... đều bị khai tử.

1956 là thời điểm các doanh nghiệp tư nhân bị cướp mất tài tài sản. Ở nông thôn, tất cả các hoạt động đều phụ thuộc vào các hợp tác xã. Hai năm sau, Mao khởi động bước "Đại Nhẩy Vọt" với hậu quả kèm theo là hàng chục triệu dân Trung Quốc chết đói, hay vì kiệt sức, sau những năm tháng sống trong những điều kiện khắc nghiệt. Nhưng Mao không dừng lại ở đó mà tiếp tục với cuộc Cách Mạng Văn Hóa và một lần nữa trong suốt 10 năm trời Trung Quốc lại rơi vào cảnh hỗn loạn chưa từng thấy : Anh em, cha con trong cùng một gia đình, thầy trò, bạn bè, đồng nghiệp đấu tố lẫn nhau. Những năm tháng kinh hoàng đó chỉ dừng lại vào năm 1976 khi Mao qua đời. Khi đó đời sống của người dân còn cơ cực và thảm hại hơn so với thời điểm 1949.

Đảng cộng sản hồi sinh

Với ngần ấy những sai lầm Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn tồn tại, bởi theo nhà sử học Frank Dikotter, Bắc Kinh đã cởi trói kinh tế, biến tăng trưởng và những thành tựu kinh tế thành những công cụ để "củng cố quyền lực của Đảng, để đàn áp không thương tiếc tất cả những đòi hỏi cải tổ chính trị".

Trong khi đó, phương Tây từng mơ tưởng rằng, thịnh vượng hơn, người dân Trung Quốc từng bước đòi hỏi tự do và dân chủ. Phép lạ kinh tế của Trung Quốc sẽ mở đường cho tiến trình đổi mới về chính trị tại nước đông dân nhất địa cầu. Tây phương đã lầm to.

Không một người thừa kế nào của Mao muốn chia sẻ quyền lực. Ngược lại từ Đặng Tiểu Bình đến Tập Cận Bình ngày nay vẫn miệt mài "tập trung quyền lực".

Hồng Kông : Vị đắng ngày lễ Quốc khánh Trung Quốc

Bắc Kinh muốn phô trương thanh thế nhân kỷ niệm 70 năm Đảng cộng sản Trung Quốc cầm quyền, thế nhưng đối với đa số dân Hồng Kông mồng 1 tháng 10 là một ngày "đen tối".

Đây là nội dung bài phóng sự trên báo La Croix. Đặc phái viên Dorian Malovic ghi nhận Tập Cận Bình đang lo ngại các cuộc biểu tình tại đặc khu hành chính Hồng Kông làm hỏng "ngày lễ hội" vào thứ Ba này. Bắc Kinh muốn lễ Quốc khánh năm nay là cơ hội để phô trương thanh thế, để khơi dậy niềm tự hào của gần một tỷ rưỡi người dân Trung Quốc sau những năm tháng chiến tranh, đói khổ nay đã vươn lên thành cường quốc kinh tế thứ hai của thế giới.

Còn tại Hồng Kông phong trào phản kháng không thuyên giảm. Một giáo sư Anh ngữ nói với phóng viên của La Croix : Bà không cảm thấy hãnh diện với sức mạnh của Trung Quốc mà trái lại vô cùng lo lắng. Bởi Trung Quốc mạnh được là nhờ quân đội, thế nhưng hình ảnh của quân đội Trung Quốc gắn liền với cảnh tượng phong trào dân chủ Thiên An Môn tháng 6/1989 bị dìm trong biển máu.

Vickie Lui, một luật sư 36 tuổi cho biết, hàng năm bà vẫn đón xem pháo hoa vào dịp lễ Quốc khánh, nhưng năm nay chỉ "còn lại vị đắng". 22 năm sau ngày nhượng địa của Anh Quốc được trao lại cho Trung Quốc, quyền tự do của người dân Hồng Kông đã bị thu hẹp lại. Mồng 1 tháng 10 trở thành một ngày "tang tóc", nhất là khi bố mẹ bà đã từng sang Hồng Kông định cư để thoát khỏi ách cộng sản. Còn với Man, 22 tuổi, chưa từng được sống dưới thời kỳ Hồng Kông thuộc Anh Quốc, Man tâm sự với báo La Croix là "không hãnh diện chút nào sống tại một đất nước do hoàng đế Tập Cận Bình cai trị. Hồng Kông là một quốc gia tách biệt" với Hoa Lục.

Chirac, người của công chúng

Người dân Pháp vĩnh biệt cố tổng thống Jacques Chirac : Chirac "trong mắt" những người dân bình thường đến tiễn đưa ông. Tựa của ba tờ Libération thiên tả, Le Figaro thân hữu và tờ báo công giáo La Croix.

Trang nhất báo Libération đăng bức ảnh dòng người xếp hàng dài trước điện Invalides đợi vào viếng cố tổng thống Pháp. Tờ báo mời 5 nhân vật chia sẽ một kỳ niềm về Jacques Chirac. Cựu bộ trưởng và cũng là người đã soạn thảo nhiều bài diễn văn cho cố tổng thống Pháp, bà Christine Albanel, kể lại rằng ông Chirac luôn "rất lo âu" mỗi lần đọc một bài phát biểu quan trọng. Đặc biệt là lần ông phải thông báo với quốc dân về cái chết của người tiền nhiệm François Mitterrand đầu năm 1996, hay trước đó, trong phát biểu thừa nhận trách nhiệm của Nhà nước Pháp trong đợt càn quét người Do Thái ở Vel d'Hiv dưới thời Đức quốc xã.

Riêng cựu ngoại trưởng Anh, Denis Macshane, ông kể lại giai thoại bị Chirac "tịch thu mất ổ bánh mì và lon bia" sau một cuộc họp tại Hội Đồng Châu Âu. Số là trong giờ giải lao ăn trưa, ông MacShane mua được ổ bánh mì và lon bia nhưng còn đang mải nói chuyện với ngoại trưởng Đức, thì tổng thống Chirac bất ngờ xuất hiện và kêu to "Đói quá, có gì ăn không ? " thế là ngoại trưởng Anh bèn phải nhường khẩu phần của mình cho nguyên thủ Pháp. Có máu hài hước, ông Chirac nhiệt tình tung hô : "Cảm ơn Vương quốc Anh !"

Le Figaro nghiêm túc hơn, đăng bức ảnh ông Chirac đang bắt tay một Vladimir Putin còn rất trẻ trước thềm điện Elysée. Bên cạnh là hàng tựa : "Putin tri ân vị tổng thống yêu mến văn hóa Nga nhất trong số các nguyên thủ Pháp".

Tờ báo nhắc lại dưới thời tổng thống Jacques Chirac, Nga và Pháp đã nhiều lần "cùng chí hướng" trên những hồ sơ quan trọng của thế giới. Thí dụ như là cả Paris lẫn Moskva cùng phản đối Mỹ can thiệp quân sự vào Irak năm 2003. Cũng tổng thống Chirac đã trịnh trọng mời ông Putin đến dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày quân đội đồng minh đổ bộ lên Normandie. Cử chỉ này nhằm nhấn mạnh đến vai trò quyết định của Liên Xô trong cuộc chiến chống Đức quốc xã, chấm dứt Thế chiến thứ hai.

Tờ La Croix nhấn mạnh đến những mối quan hệ cá nhân tổng thống Chirac từng gây dựng được với các lãnh đạo trên thế giới, "bất luận đó là những nhà dân chủ hay độc tài". Cựu đại sứ Pháp tại Nga Claude Blanchemaison nói đến một mối quan hệ đặt trên nền tảng của "sự tin tưởng và tôn trọng" lẫn nhau giữa Chirac với Putin. Tờ báo này cho biết thêm dù đã rời khỏi điện Elysée, ông Jacques Chirac vẫn đều đặn nhận được những tập thơ bằng tiếng Nga mà tổng thống Vladimir Putin gửi biếu, hay những két bia Đức mà người gửi không ai khác ngoài thủ tướng Angela Merkel.

Trump trong thế thủ

Nhìn sang Hoa Kỳ, tổng thống Trump tuyên bố "chúng ta trong tình trạng chiến tranh". Đó không là một cuộc chiến chống ngoại xâm, chống các tệ nạn xã hội mà chỉ đơn thuần là tâm trạng của chủ nhân Nhà Trắng vào lúc ông bị phe đối lập chuẩn bị thủ tục truất phế sau những tiết lộ về việc Donald Trump gây áp lực với đồng nhiệm Ukraine để triệt hạ một đối thủ chính trị.

Xã luận của báo Le Monde cho rằng, điều nguy hiểm ở đây, là tổng thống Hoa Kỳ "khai chiến với các định chế chính trị của Hoa Kỳ". Tổng thống Trump đã nhiều lần công khai đả kích từ tư pháp đến đến cơ quan cảnh sát, ngành tình báo Hoa Kỳ và thậm chí gọi báo chí là "kẻ thù của dân tộc"... Bây giờ ông lại tố cáo đối lập "tấn công", khiêu chiến với ông. Trump kích động thành phần cử tri trung thành để chống lại các định chế quốc gia. "Quá rõ là Donald Trump ngày càng làm xấu đi hình ảnh của một vị tổng thống tại một đất nước dân chủ" như Hoa Kỳ.

Có điều tất cả các tờ báo Paris đều nhìn nhận : không dễ truất phế vị tổng thống Mỹ thứ 45 này. La Croix trong bài xã luận lo ngại rằng, chính trường Mỹ càng sôi sục, Nhà Trắng sẽ lại càng lơ là với các hồ sơ quan trọng của quốc tế.

Cũng về Hoa Kỳ nhưng báo Les Echos chú ý đến hiện tượng "kinh tế Mỹ bị chựng lại, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn". Theo các thống kê mới nhất tại các bang California, Texas hay Virginia , hố sâu ngày càng lớn. Tình trạng này cũng đã được phát hiện thấy tại các vùng nông thôn ở những bang như Arkansas hay Nebraska. Nông dân Mỹ nghèo đi vì thu nhập của công việc đồng áng không còn đủ để nuôi sống gia đình. Một số tiểu bang lại không có hệ thống trợ cấp xã hội. Hiện tượng xã hội này sẽ là một yếu tố mà các ứng viên tổng thống Mỹ năm 2020 phải tính tới.

Thanh Hà

Published in Châu Á

Trung Quốc đã làm chủ công nghệ chế tạo vũ khí hiện đại ?

Thanh Hà, RFI, 28/09/2019

Ngày Quốc Khánh Trung Quốc mồng 1 tháng 10 không thể thiếu một lễ diễu binh. Trong bối cảnh quan hệ với Mỹ đang xấu đi và các hiệp định quốc tế về nguyên tử đang bị "xét lại", cuộc diễu binh năm 2019 tại Bắc Kinh sẽ được tổ chức "trọng thể nhất và hoành tráng nhất trong lịch sử của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa".

tq1

Máy bay của Không quân Trung Quốc tập dượt cho lễ diễu binh Quốc Khánh 01/10. Ảnh chụp tại Bắc Kinh ngày 22/09/2019. Reuters/Jason Lee

Trong bài nghiên cứu đăng trên trang mạng của Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (Fondation pour la Recherche Stratégique, FRS) ngày 24/09/2019, hai tác giả Antoine Bondaz và Stéphane Delory khẳng định : Trung Quốc sẽ phô trương tên lửa đạn đạo quy ước và tên lửa đạn đạo hạt nhân hiện đại nhất vào ngày Quốc Khánh 01/10/2019. Trong số này sẽ có nhiều tên lửa mới nhất, với khả năng phán ứng rất nhanh. Thông điệp của Bắc Kinh là Trung Quốc đã nắm bắt công nghệ cao và đang đi tiên phong ngay cả trong lĩnh vực chế tạo vũ khí.

Antoine Bondaz và Stéphane Delory trước hết nhắc lại Tập Cận Bình cho tổ chức diễu binh thường xuyên hơn những người tiền nhiệm.

Từ năm 1949 đến 2009, Trung Quốc tổ chức tổng cộng 14 cuộc diễu binh. Từ khi lên cầm quyền năm 2013, ông Tập Cận Bình không mấy khi bỏ lỡ cơ hội để phô trương mức độ trung thành của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân với Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Lãnh đạo họ Tập đã cho tổ chức lễ duyệt binh năm 2015, 2017, 2018 và hai lần trong năm 2019. Các đợt diễu binh rầm rộ này nhằm quảng bá cho hình ảnh của một nước Trung Quốc đang "hồi sinh", một "quốc gia thịnh vượng với một đội quân hùng mạnh", "tầm cỡ quốc tế".

Vậy lần này, Trung Quốc sẽ phô trương những loại vũ khí tối tân nào ?

Hai đồng tác giả đã dựa vào ảnh vệ tinh chụp được từ căn cứ quân sự Dương Phương (Yang Fang), ngoại ô tây bắc Bắc Kinh, trong lúc các quân nhân tập dợt chuẩn bị cho cuộc diễu binh 01/10/2019. Từ năm 2015, đây là địa điểm để tập dợt, chuẩn bị cho mỗi cuộc diễu binh.

Qua ảnh vệ tinh, hai tác giả của bài nghiên cứu khẳng định Trung Quốc sẽ phô trương ít nhất 36 tên lửa xuyên lục địa và hầu hết trong số này là những loại tên lửa đời mới nhất sắp hoặc vừa được đưa vào hoạt động, như trường hợp của loại tên lửa DF-41 hay DF-31AG. Nếu căn cứ vào báo cáo của bộ Quốc Phòng Mỹ, lần này Trung Quốc sẽ "trưng ra đến hơn 1/3 số lượng tên lửa xuyên lục địa" mà Bắc Kinh đang nắm giữ.

Ngoài ra sẽ có loại tên lửa hạng nặng DF-5B/C với tầm bắn 12.000 km. Đặc điểm của loại vũ khí đôi khi bị các nhà quân sự phương Tây coi là "lỗi thời" này nằm ở chỗ chúng có khả năng mang những đầu đạn hạt nhân thu nhỏ do Trung Quốc chế tạo.

Quan khách trên quảng trường Thiên An Môn nhân ngày Quốc Khánh Trung Quốc năm 2019 lần đầu tiên sẽ trông thấy tên lửa địa đối không liên lục địa lớp JL-2. Loại vũ khí này đã được Hải Quân Trung Quốc sử dụng từ một vài năm gần đây, nhưng chưa bao giờ được cho ra mắt công chúng. Theo các chuyên gia Pháp, việc trưng ra đến 8 tên lửa JL-2 lần này nhằm "khoe khả năng can thiệp và răn đe của Trung Quốc trên biển".

Cùng với tên lửa tầm xa, còn phải kể đến một loạt tên lửa hành trình, tên lửa tầm ngắn, tầm trung và nhất là tên lửa siêu thanh (DF-17)... Hai nhà nghiên cứu Pháp cho rằng, chỉ riêng trong lĩnh vực phát triển tên lửa siêu thanh không mang tính chiến lược DF-17, dường như cả Nga lẫn Mỹ cũng đang bị Trung Quốc qua mặt.

Không Quân Trung Quốc cũng được trang bị những phương tiện tối tân không kém, nào là máy bay không người lái siêu thanh WZ-8, nào là drone tàng hình Sharp World.

Thông điệp của Bắc Kinh là gì ?

Với tất cả những phương tiện tối tân như vậy Trung Quốc muốn chứng minh điều gì ? Nghiên cứu của FRS lưu ý : thứ nhất, từ hình thức đến nội dung, cuộc diễu binh mừng Quốc Khánh 2019 là cơ hội để Bắc Kinh chứng minh đã có những bước tiến dài trên con đường hiện đại hóa quân đội, nhanh chóng cải tạo và nâng cấp các phương tiện phòng thủ từ hạt nhân đến các loại vũ khí quy ước.

Thứ hai là các loại vũ khí hiện đại của Trung Quốc có khả năng phản ứng vừa nhanh, vừa chính xác, qua đó Bắc Kinh ngầm nhắn nhủ các quốc gia trong khu vực nên suy nghĩ kỹ trước khi muốn mạo hiểm đọ sức với Trung Quốc.

Điểm thứ ba là chính quyền của ông Tập Cận Bình phô trương các loại vũ nguyên tử để chứng minh rằng, ngay cả trong lĩnh vực này, Trung Quốc không thua kém Mỹ và Nga. Điểm này rất quan trọng trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung đang dâng cao. Bắc Kinh muốn Washington hiểu rằng Trung Quốc không dễ để Hoa Kỳ hù dọa.

Sau cùng, qua cuộc diễu binh 2019, Trung Quốc để cho Hoa Kỳ và các nước đồng minh hiểu rằng, về vũ khí và quốc phòng, chớ ai mong đợi Bắc Kinh tự trói tay với những hiệp định đa phương. Trung Quốc sẽ không đàm phán với một ai về bất cứ mảng nào trong ngành công nghiệp chế tạo vũ khí.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 28/09/2019

****************

Trung Quốc sẽ tham gia Hiệp ước Buôn bán Vũ Khí

Thanh Phương, RFI, 28/09/2019

Theo hãng tin Reuters, ngày 28/09/2019, bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo là nước này sẽ nhanh chóng gia nhập Hiệp ước Buôn bán Vũ Khí mà Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ rút khỏi.

tq2

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong buổi họp báo về quan hệ ngoại giao với đảo quốc Kiribati, bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York, ngày 27/09/2019. Reuters/Mark Kauzlarich

Hiệp ước Buôn bán Vũ khí, được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 2013, nhằm kiểm soát việc buôn bán vũ khí giữa các nước trên toàn cầu và tránh để các loại vũ khí rơi vào tay những chế độ vi phạm nhân quyền.

Hiện có 104 quốc gia tham gia vào hiệp ước này. Về phần Hoa Kỳ, tổng thống vào thời đó là Barack Obama đã ký, nhưng hiệp ước này vẫn chưa được Thượng viện Mỹ phê chuẩn và bị Hội Súng Quốc Gia (National Rifle Association) chống đối. Vào tháng 04/2019, chính tại một cuộc họp của hội này, tổng thống Donald Trump đã thông báo sẽ rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp ước Buôn bán Vũ khí.

Phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hôm 27/09, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Vương Nghị cho biết là Bắc Kinh đã khởi động các thủ tục tư pháp để gia nhập Hiệp ước Buôn bán Vũ khí. Cùng ngày, đến lượt bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo nước này sẽ nhanh chóng gia nhập hiệp ước "ngay khi có thể được", vì "đây là trách nhiệm của Trung Quốc" và cũng nhằm thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh "ủng hộ chủ nghĩa đa phương".

Bắc Kinh không bao giờ công bố các số liệu về xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc. Nhưng theo thẩm định của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, trong thời gian từ 2014 đến 2018, Trung Quốc đã là quốc gia xuất khẩu vũ khí đứng hàng thứ năm thế giới. Trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc đã bán vũ khí cho 53 nước, nhiều nhất là cho Pakistan, và kế đến là cho Bangladesh.

Theo hãng tin Reuters, các chuyên gia cho rằng, sau nhiều năm Bắc Kinh gia tăng chi tiêu quân sự và đổ nhiều vốn vào các công ty trong nước, nay vũ khí do Trung Quốc chế tạo có chất lượng không thua gì của Nga và phương Tây.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 28/09/2019

******************

Nhật Bản : Hiểm họa Trung Quốc còn lớn hơn cả Bắc Triều Tiên

Trọng Nghĩa, RFI, 27/09/2019

Trong Sách Trắng thường niên về quốc phòng vừa được chính phủ Nhật Bản công bố ngày 26/09/2019, Trung Quốc đã soán ngôi của Bắc Triều Tiên trở thành hiểm họa lớn nhất của Nhật Bản.

tq3

Tên lửa Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3) của lực lượng phòng vệ Nhật Bản tại căn cứ không quân Yokota của Mỹ, Fussa, ngoại ô Tokyo, ngày 29/08/2017. Reuters/Issei Kato/File Photo

Đối với Tokyo, sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh đã thay thế thái độ hiếu chiến của Bình Nhưỡng trong tư cách là mối đe dọa cho Nhật, bất chấp các dấu hiệu cho thấy là Bắc Triều Tiên có thể là đã sở hữu tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân.

Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, trong tài liệu vừa thông qua, phần nói về Trung Quốc đã nằm ngay sau phần thẩm định về Hoa Kỳ, đồng minh số một của Nhật. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chiếm vị trí thứ hai này, và như vậy, đã đẩy chương nói về Bắc Triều Tiên xuống vị trí thứ ba.

Về phần Nga, quốc gia từng được Nhật Bản coi là mối đe dọa chính trong thời Chiến tranh Lạnh, năm nay đứng ở vị trí thứ tư.

Theo Sách Trắng vừa thông qua, Nhật Bản đã phải tăng chi tiêu quốc phòng với tỷ lệ 10% trong 7 năm qua để đối phó với đà vươn lên về quân sự của cả Bắc Kinh lẫn Bình Nhưỡng, trong đó có việc trang bị cho mình hệ thống phòng thủ chống lại tên lửa của Bắc Triều Tiên.

Bình Nhưỡng đã tiến hành một loạt các vụ thử nghiệm tên lửa tầm ngắn mà Tokyo cho rằng đang được phát triển nhằm tránh được hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis của Nhật.

Còn để đối phó với đà hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc, Nhật Bản đang đặt mua chiến đấu cơ tàng hình do Mỹ sản xuất và các loại vũ khí tối tân khác.

Một cách cụ thể, trong yêu cầu ngân sách mới nhất, quân đội Nhật Bản đòi 115,6 tỷ yên (1,1 tỷ đô la) để mua 9 chiếc F-35, trong đó có sáu phiên bản có thể dùng phi đạo ngắn lúc cất cánh ngắn và hạ cánh theo chiều thẳng đứng (STOVL) để dùng trên trực thăng mẫu hạm được cải tiến thành tàu sân bay.

Về Trung Quốc, Sách Trắng Quốc Phòng 2019 của Nhật Bản nêu rõ việc Bắc Kinh đang phát triển các vũ khí như máy bay chiến đấu tàng hình và hàng không mẫu hạm để giúp Trung Quốc mở rộng quy mô và địa bàn hoạt động.

Nếu trước đây, hoạt động của quân đội Trung Quốc thường chỉ quanh quẩn ven bờ, giờ đây Bắc Kinh thường xuyên cho phi cơ và chiến hạm đi tuần tra gần các hải đảo Nhật Bản ở phía tây Okinawa, và đi ra khu vực Tây Thái Bình Dương.

Sách Trắng Quốc Phòng khẳng định rằng các cuộc tuần tra của Trung Quốc ở trên vùng biển và vùng trời gần lãnh thổ Nhật Bản là một mối "quan ngại về an ninh quốc gia".

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 27/09/2019

Published in Diễn đàn

Việt Nam hủy sơ tuyển thầu quốc tế cao tốc Bắc-Nam : ưu tiên trong nước (VOA, 24/09/2019)

Trang Facebook mang tên Thông tin Chính phủ ca Vit Nam thông báo rng B Giao thông và vận tải hôm 24/9 quyết đnh hy vic sơ tuyển nhà thầu quc tế cho 8 đon ca cao tc Bc-Nam, thay vào đó s t chc đu thu trong nước.

bacnam1

Cao tốc Bc-Nam là d án trng đim ca Vit Nam

Trong tháng 6 và 7, Bộ Giao thông và vận tải "chm thu" 60 b h sơ d sơ tuyn nhà đu tư quc tế cho 8 d án xây các đon cao tc, trang Thông tin Chính phủ cho hay. Kết qu là 4 d án không có nhà đu tư vượt qua sơ tuyn, 2 d án có duy nht 1 nhà đu tư vượt qua sơ tuyn, 1 d án có t 2 nhà đu tư, và 1 d án có 3 nhà đu tư vượt qua sơ tuyn.

"Như vy, s lượng nhà đu tư vượt qua sơ tuyn không nhiu, tính cạnh tranh không cao", theo thông báo đăng trên Thông tin Chính ph.

Từ kết qu k trên, B Giao thông và vận tải ra quyết đnh "hy sơ tuyn theo hình thc đu thu rng rãi quc tế", thay vào đó, b điu chnh h sơ mi sơ tuyn phù hp vi hình thc "đu thu rng rãi trong nước" đ la chn nhà đu tư thc hin 8 d án thuc D án đường b cao tc Bc-Nam phía Đông, vn theo Thông tin Chính ph.

Bản thông báo nói thêm rng quyết định ca b đc bit nhm đến "phát huy ni lc, to điu kin cho các doanh nghip trong nước" tham gia đu tư và "phát trin năng lc doanh nghip Vit Nam" trong lĩnh vc xây dng kết cu h tng.

8 đoạn cao tc được đ cp trên chy qua các tnh Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Qung Tr, Tha Thiên-Huế, Khánh Hòa, Đng Nai, Tin Giang và Vĩnh Long. D kiến tng mc đu tư cho các đon này là khong hơn 100.000 t đng.

Quyết đnh ca B Giao thông và vận tải nhanh chóng được mt lượng người đông đo chia sẻ trên mng xã hi, thu hút nhiu li khen ngi dành cho b. H cho rng b đã "lng nghe", "cu th" sau khi có nhiu tiếng nói phn đi vic các nhà thu Trung Quc xây dng h tng Vit Nam, trong bi cnh các công ty Trung Quc gây ra vô s điu tiếng trong lĩnh vc này.

bacnam2

Đồ hc ca d án cao tc Bc-Nam. (nh chp màn hình Người Lao Đng)

Nhà báo Nguyễn Như Phong, tng là lãnh đo các báo Petrotimes và Công an Nhân dân, nói vi VOA rng tht d hiu v thái đ ca người dân sau mt lot các công trình bê bi ca các nhà thu Trung Quc mà ni bt là d án đường st đô th Cát Linh-Hà Đông "đội giá, quá chm, cht lượng rt xu" Hà Ni.

Theo nhà báo kỳ cựu này, sc ép dư lun có tác đng ln đến quyết đnh mi đây ca B Giao thông và vận tải. Ông Phong nói :

"Dư lun lo ngi rng Trung Quc s thng thu và s xy ra nhng v tương t như v đường st trên cao Cát Linh-Hà Đông. Mng xã hi va ri đã lên tiếng khá tích cc. Điu rt mng là lãnh đo B Giao thông và vận tải đã biết lng nghe. S không có ai tha nhn rng ‘chúng tôi hủy kết qu thu là có mt phn tác đng ca mng xã hi’. H s không nói cái điu y đâu, t chúng ta hiu ly thôi".

Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng cho rng tiếng nói công lun có tm quan trng đáng k trong vn đ này. Ông Doanh nói với VOA :

"Đường [cao tc] Bc-Nam rt quan trng, mt công trình có tính cht ct lõi, nn tng đ thúc đy s phát trin kết cu h tng Vit Nam li rơi vào tay Trung Quc thì làm cho công lun hết sc lo ngi. Tôi hoan nghênh quyết đnh ca B Giao thông và vận tải là đã hủy kết qu đu thu ln trước và ln này ch đu thu các công ty trong nước".

Cả tiến sĩ Lê Đăng Doanh và nhà báo Nguyn Như Phong đu bày t tin tưởng rng các công ty Vit Nam có đ năng lc v thi công ln tài chính đ thc hin các d án. Ông Doanh nói thêm là trong trường hp cn huy đng vn thêm, các tp đon trong nước có th bán trái phiếu doanh nghip vi s tr giúp, hướng dn t Ngân hàng Nhà nước.

Qua bản thông báo đăng trên trang Thông tin Chính ph, B Giao thông và vận tải cũng nhn mnh rng quyết định ca b v thay đi cách thc sơ tuyn có liên quan đến "bi cnh thế gii và khu vc tiếp tc có nhng din biến phc tp". Cùng lúc, đng thái ca b còn nhm "đm bo an ninh quc phòng", vn theo bn thông báo, song B Giao thông và vận tải không cung cp thêm chi tiết.

Liên hệ đến các din biến căng thng Bin Đông gia Vit Nam và Trung Quc trong 2 tháng qua, nhà nghiên cu Lê Hng Hip thuc Vin ISEAS - Yusof Ishak đt Singapore đt câu hi phi chăng quyết đnh ca B Giao thông và vận tải là "mt trong nhng bin pháp đáp trả ca Vit Nam đi vi các hành đng gây hn ca Trung Quc Tư Chính ?"

Như tin đã đưa, Trung Quc điu tàu kho sát đa cht đến hot đng ti Bãi Tư Chính nm trong vùng đc quyn kinh tế ca Vit Nam hi đu tháng 7. Từ đó đến nay, tàu ca Trung Quc thc hin 3 đt kho sát, gây ra mt s cuc đu khu ngoi giao gia hai nước láng ging.

Có tin đợt kho sát th 3 va kết thúc. Trang Facebook mang tên D án Đi s ký Bin Đông cho biết đi tàu Trung Quc gm tàu Hi Dương Đa Cht 8 và 4 tàu h tng đã "bt ng ri khi vùng đc quyn kinh tế ca Vit Nam v Đá Ch Thp" vào sáng sm ngày 22/9.

Góp tiếng nói bình lun v vic B Giao thông và vận tải hy kết qu sơ tuyn nhà thu cho các đon cao tc Bc-Nam, tiến sĩ toán Nguyn Ngc Chu, một Facebooker có khong 40.000 người theo dõi, khng đnh "chính truyn thông xã hi đã đưa tiếng nói ca hàng chc triu người dân Vit Nam đến vi lãnh đo nhà nước, đ ri cui cùng s sáng sut đã chiến thng".

Nhìn ra bình diện rng hơn, v tiến sĩ mong lãnh đạo nhà nước Vit Nam cn tiếp tc lng nghe ý kiến ca hơn 95 triu người dân Vit, nht là v các vn đ ti quan trng gm "bo v ch quyn bin đo" và "chn đường đi cho Đt Nước".

*****************

Đấu thầu trong nước Dự án cao tốc Bắc Nam : Vì quyền lợi dân tộc ? (RFA, 24/09/2019)

Sau khi Bộ Giao thông và vận tải công khai số nhà đầu tư tham gia sơ tuyển 8 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, trong đó nhà đầu tư Trung Quốc chiếm 16, Hàn Quốc 5, Pháp 2… người dân và các chuyên gia kinh tế đều lên tiếng về việc nhà thầu Trung Quốc "phủ sóng" cao tốc Bắc Nam.

bacnam3

Nhà báo Hồ Bất Khuất chia sẻ ý kiến của ông sau khi Bộ Giao thông và vận tải, vào ngày 24/09/19 thông báo chỉ đấu thầu trong nước 8 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam. Courtesy : Ảnh chụp màn hình Facebook Ho Bat Khuat

Sau một thời gian đón nhận nhiều luồng ý kiến khác nhau về dự án này, ngày 24/9, Bộ Giao thông và vận tải chính thức tuyên bố chỉ đấu thầu trong nước với 8 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Dư luận nói gì trước thông tin vừa nêu ?

Chính phủ lắng nghe dân

Trong số rất nhiều ý kiến chia sẻ qua mạng xã hội niềm hân hoan trước thông tin của Thứ trưởng Bộ Giao thông và vận tải Nguyễn Ngọc Đông, vào ngày 24 tháng 9, xác nhận với truyền thông rằng chỉ đấu thầu trong nước với 8 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc-Nam, nhà báo Hồ Buất Khuất bày tỏ trên trang Facebook cá nhân rằng Chính phủ đã biết nghe dân khi hủy đấu thầu quốc tế Dự án cao tốc Bắc-Nam.

Vào tối cùng ngày, nhà báo Hồ Bất Khuất còn lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do :

"Theo tôi thấy đấy là một dấu hiệu phản biện xã hội, nhất là các ý kiến được bày tỏ qua mạng xã hội, thì Chính phủ cũng đã lắng nghe. Đương nhiên là Chính phủ thì người ta nói chung như vậy, nhưng có một số người nghe rồi dần dần người ta thuyết phục. Hơn nữa, tôi thấy trong dân chúng, người ta gần như thống nhất là nếu để cho nhà thầu nước ngoài vào thì không có lợi cho an ninh quốc gia. Chính vì vậy, Chính phủ đã thông qua một quyết định mà tôi cho là sáng suốt và đây là tin vui nhất từ Chính phủ trong thời gian gần đây".

Đài RFA ghi nhận quả đúng là "một tin vui" cho người dân Việt Nam, nhất là những người dân gồm nhiều thành phần trong xã hội đã từng thiết tha lên tiếng cũng như ký tên vào kiến nghị thư để kêu gọi Chính phủ Việt Nam không cho đấu thầu quốc tế vì lo sợ các nhà thầu Trung Quốc sẽ "chiếm" Dự án cao tốc Bắc-Nam - một trong những dự án trọng điểm của đất nước, khi hệ lụy trước mắt từ Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông do vay vốn và nhà thầu Trung Quốc đảm trách là một minh chứng rõ ràng nhất.

Bên cạnh đó, cũng không ít ý kiến còn cho rằng động thái mới của Bộ Giao thông và vận tải được xem như thêm một phản ứng của Hà Nội đối với Bắc Kinh, sau khi vào cuối tháng 8 có thông tin cho biết Việt Nam dự định trở thành quốc gia ASEAN đầu tiên cung cấp mạng 5G mà không dùng kỹ thuật của Tập đoàn Trung Quốc Huawei, trong bối cảnh hai quốc gia láng giềng "4 tốt-16 chữ vàng" đang xảy ra căng thẳng leo thang ở bãi Tư Chính ngoài Biển Đông.

Nỗi lo vẫn còn đó

Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam chạy dọc theo phía Đông của Việt Nam sát với biển Đông kéo dài từ tỉnh Lạng Sơn đến tỉnh Cà Mau, có chiều dài 2.109 km. Dự án Cao tốc Bắc-Nam bao gồm 11 dự án, trong đó có 3 dự án là đầu tư công và 8 dự án còn lại sẽ được xây dựng theo mô hình hợp tác công tư (PPP). Tổng mức đầu tư của Dự án cao tốc Bắc-Nam là 118.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước Việt Nam góp vốn 55.000 tỷ đồng cho ba dự án đầu tư công: hỗ trợ toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng và góp một phần vốn xây dựng công trình để bảo đảm tính khả thi của dự án. Dự án được dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Kể từ khi thông tin về Dự án cao tốc Bắc-Nam được phổ biến rộng rãi trên phương tiện truyền thông, từ tháng 3 năm 2019 cho đến nay, dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm vì những ý kiến đóng góp từ giới chuyên gia cho đến những người dân với Chính phủ Việt Nam rằng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về "yếu tố Trung Quốc" trong dự án này.

Mặc dù vậy, hồi đầu tháng 6 vừa qua, Bộ Giao thông và vận tải cho biết đối với 8 dự án thành phần theo hình thức đối tác công-tư sau khi áp dụng hình thức đấu thầu quốc tế đã được nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia bao gồm 24 nhà đầu tư Việt Nam, 16 nhà thầu Trung Quốc, 5 Hàn Quốc,1 của Pháp, 1 Singapore và 1 từ Philippines.

Diễn tiến tiếp theo vào ngày 4 tháng 9, Thứ trưởng Bộ Giao thông và vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định với báo giới rằng kết quả nhà đầu tư trúng thầu tuyến cao tốc Bắc Nam "không thể công bố do đây là tài liệu mật".

Tuyên bố này của ông Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dư luận. Và tuyên bố mới nhất vào ngày 24/9 cũng của thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã phần nào làm "yên lòng" dân.

bacnam4

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng ban lãnh đạo thực hiện nghi lễ khởi công cao tốc Cam Lộ-La Sơn ngày 16/09/19. Courtesy of Bộ Giao thông và vận tải

Thế nhưng, Đài RFA ghi nhận vẫn còn đó những ý kiến lo ngại một số các nhà thầu tại Việt Nam không thể làm tốt cho dự án trọng điểm cao tốc Bắc-Nam. Chẳng hạn như Tổng Công ty Thành An là một công ty trúng thầu tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn, dự án đầu tiên trong 11 dự án thành phần của Dự án cao tốc Bắc-Nam vừa được khởi công hôm 16 tháng 9. Tổng Công ty Thành An từng nằm trong danh sách mà Thanh tra Chính phủ trong năm 2018 thanh tra liên quan Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến lo ngại các nhà thầu Việt Nam không đủ nguồn vốn và có thể sẽ vay vốn Trung Quốc với những ràng buộc phải mua nguyên vật liệu của các công ty Trung Quốc hay phải để cho công ty của Trung Quốc tham gia vào Dự án cao tốc Bắc-Nam.

Từ Sài Gòn, Kỹ sư Xây dựng Trần Bang, người từng khẳng định với RFA rằng những công ty tại Việt Nam có đủ khả năng để xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam, vào tối ngày 24 tháng 9 nói rằng vẫn tiềm ẩn "Yếu tố Trung Quốc" trong các công ty Việt Nam trúng thầu Dự án cao tốc Bắc-Nam nếu như nguồn vốn, cổ phần (cổ phiếu)... không minh bạch, cũng như không được giám sát tốt. Kỹ sư Trần Bang nhấn mạnh :

"Các công ty đấu thầu phải công khai minh bạch: tức là quá khứ đã từng làm qua những công trình gì và tiến độ, chất lượng, thậm chí nguồn vốn và năng lực của công ty cũng phải công khai…thì đó mới là đấu thầu công khai. Chứ không thì chỉ giảm một phần nào đó (phản đối của người dân), thậm chí là che đậy".

Trong khi đó, từ Paris, Pháp quốc, ông Nguyễn Gia Kiểng, cựu Phụ tá Tổng trưởng Kinh tế của Việt Nam Cộng Hòa, một nhà quan sát tình hình kinh tế thế giới cho rằng quyết định của Bộ Giao thông và vận tải chỉ đấu thầu trong nước là quyết định theo chiều hướng đúng với điều kiện :

"Điều mà chúng ta cần phải làm là nên chia ra hàng vài chục khúc hay cả trăm khúc và mỗi khúc trao cho một công ty khác nhau. Có thể có những công ty có điều kiện thuận lợi vì có khả năng nên có thể được trúng thầu nhiều khúc. Điều đó là không nên đấu thầu cả dự án đường cao tốc Bắc-Nam cho một công ty. Không có vấn đề đó mà phải chia ra làm nhiều khúc và mỗi khúc phải đấu thầu riêng".

Liên quan những ý kiến lo ngại, ông Nguyễn Gia Kiểng nêu lên quan điểm cá nhân rằng :

"Thế còn những dư luận lo ngại, ví dụ như nói công ty của việt Nam không đủ sức đấu thầu thì điều đó có nghĩa là từ trước đến giờ họ không phải là những công ty xây dựng đúng nghĩa và nếu vì thiếu vốn mà họ phải mua hay mua chịu của Trung Quốc một số vật liệu thì đó là nợ giữa Trung Quốc đối với một công ty tư nhân của Việt Nam. Dân tộc và đất nước Việt Nam không có trách nhiệm cho việc đó".

Đối với nhà báo Hồ Bất Khuất thì ông khá là lạc quan, vì :

"Thông tin như thế là có, nhưng tôi nghĩ riêng với cao tốc Bắc-Nam thì sẽ khác và không như thế được vì dư luận xã hội, người ta tập trung và chú ý cũng như sự giám sát của người dân sẽ tăng lên".

Một số những người quan tâm đến Dự án cao tốc Bắc-Nam mà Đài RFA tiếp xúc đều đồng quan điểm rằng trước dấu chỉ Chính phủ Việt Nam lắng nghe ý nguyện của người dân thì họ hy vọng Dự án cao tốc Bắc-Nam sẽ được xây dựng trên tinh thần minh bạch, công khai vì dự án này không chỉ mang ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về mặt chính trị, ngoại giao, đó là sự đồng lòng và đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân Việt Nam.

*****************

Việt Nam chọn nhà thầu trong nước làm một số cao tốc Bắc – Nam (RFA, 24/09/2019)

Đại diện Bộ Giao thông và vận tải Việt Nam, ông thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông vào ngày 24 tháng 9 được truyền thông dẫn lời : "Sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan, Bộ Giao thông vận tải đã chính thức lựa chọn chỉ đấu thầu trong nước với tám dự án thành phần dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) của cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đây là dự án lớn, quan trọng và nhận được sự quan tâm của cả xã hội, cả hệ thống chính trị trong và ngoài nước".

bacnam5

Hình minh họa. Một đoạn đường cao tốc ở Cao Bằng. AFP

Ông Nguyễn Ngọc Đông đưa ra đánh giá là các dự án đó chưa hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, cạnh tranh không lớn. Xét bối cảnh quốc tế rất phức tạp, cân nhắc khả năng cũng như phát huy nội lực của doanh nghiệp trong nước nên Bộ Giao thông- Vận tải có báo cáo với các cơ quan khác nhau, thống nhất đấu thầu cạnh tranh trong nước để lựa chọn nhà đầu tư trong nước.

Hồi tháng 7/2019, công luận quan ngại trước tin doanh nghiệp Trung Quốc nộp hồ sơ tham gia sơ tuyển 7/8 các dự án thành phần thuộc đai dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Mạng báo VietnamFinance dùng từ ‘phủ sóng’ đối với sự có mặt hầu như khắp các dự án thành phần được mở thầu của doanh nghiệp Trung Quốc.

Tiếp đó, ông Nguyễn Ngọc Đông khi trả lời báo chí hôm 4/9/2019 đã khẳng định kết quả nhà đầu tư trúng thầu tuyến cao tốc Bắc Nam "không thể công bố do đây là tài liệu mật". Theo ông Đông, theo quy định của pháp luật về đấu thầu, quá trình đánh giá, thẩm định, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo chế độ hồ sơ mật, không cung cấp cụ thể được (!?).

Vào thời điểm đó, trả lời RFA,ông Lê Văn Triết, cựu Bộ trưởng Thương Mại, nhận định :

"Nhà thầu cao tốc Bắc - Nam mà ‘mật’ thì tôi thấy không đúng, bởi vì cao tốc Bắc - Nam là điều mà mọi người quan tâm, nhà nước quan tâm, nhân dân quan tâm… trong và ngoài nước quan tâm. Vì cao tốc Bắc - Nam liên quan vấn đề an ninh của cả nước, và hết sức liên quan khả năng của nền kinh tế, triển vọng của đất nước, mọi người quan tâm mà bây giờ Trung Quốc nhận thầu mà lại nói mật là bậy rồi, tôi không tán thành chuyện này là mật".

Được biết dự án đường cao tốc bắc-nam đã được Quốc hội Việt Nam thông qua, dự kiến trong giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư 11 dự án thành phần với chiều dài 654 km, tổng vốn đầu tư hơn 100.000 tỉ đồng, trong đó ba dự án đầu tư công (những đoạn được cho là không hấp dẫn với nhà đầu tư) và tám dự án BOT.

Tám dự án xây dựng tuyến cao tốc Bắc- Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT gồm các dự án Mai Sơn- Quốc lộ 45 : Quốc lộ 45-Nghi Sơn ; Nghi Sơn- Diễn Châu ; Diễn Châu-Bãi Vọt Nha Trang-Cam Lâm ; Cam Lâm- Vĩnh Hảo ; Vĩnh Hảo- Phan Thiết và Phan Thiết- Đồng Nai.

Ba dự án đầu tư công gồm Cao Bồ-Mai Sơn ; Cam Lộ- La Sơn và Cầu Mỹ Thuận.

Vào ngày 16 tháng 9, Bộ Giao thông và vận tải đã khởi công dự án đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn với nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ. Đoạn này dài 98 km với tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng. Đây là dự án đầu tiên của 11 dự án thành phần thuộc dự án lớn đường cao tốc bắc- nam phía đông giai đoạn 2017-2020 được khởi công.

*******************

Việt Nam hủy đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc Nam (BBC, 24/09/2019)

Bộ Giao thông và vận tải Việt Nam nói muốn 'phát huy nội lực' cho các doanh nghiệp xây dựng kết cấu hạ tầng ở trong nước.

caotoc1

Bộ Giao thông và vận tải nói mọi thông tin về các bước thực hiện tiếp theo sẽ được kịp thời cung cấp để toàn thể nhân dân được biết và giám sát.

Thông cáo Báo chí của Bộ Giao thông và vận tải mô tả bộ này "nhận thức rất rõ đây là Dự án trọng điểm của Quốc gia, có vai trò quan trọng và ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ Giao thông vận tải cho biết nhận được 60 bộ hồ sơ dự tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế sau hai tháng nhưng "số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao".

"Sau khi đánh giá trách nhiệm pháp lý quy định tại hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế đã phát hành và Luật đấu thầu, trên cơ sở thống nhất của các cơ quan liên quan, Bộ Giao thông vận tải quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông," thông cáo viết.

Dự án cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đi qua 20 tỉnh thành phố với 11 dự án gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư được. Bộ Giao thông vận tải phê duyệt là 102.513 tỷ VND.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông được dẫn lời nói bộ này chính thức chính thức lựa chọn chỉ đấu thầu trong nước với 8 dự án thành phần dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) của cao tốc Bắc - Nam phía đông.

"Tính cạnh tranh [đấu thầu quốc tế] không cao, rất ít nhà đầu tư nước ngoài tham gia ở đây, nên để phát huy nội lực thì lựa chọn như vậy", ông Đông nói thêm. "Luật pháp cũng cho phép chủ đầu tư cân nhắc các yếu tố an ninh - quốc phòng khi tổ chức đấu thầu".

Truyền thông trong nước cho hay phần phần đầu tiên của cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn đi qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã được khởi công xây dựng vào ngày 16/9.

Bộ Giao thông vận tải nói mọi thông tin về các bước thực hiện tiếp theo "sẽ được kịp thời cung cấp để toàn thể nhân dân được biết và giám sát".

Dự án Cao tốc Bắc Nam gây chú ý nhiều sau khi gần 120 văn nghệ sĩ vào giữa năm nay cùng ký vào bản kiến nghị không để Trung Quốc đầu tư và dự thầu.

Ông Nguyễn Công Khế, cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên khi đó ủng hộ bản kiến nghị này do những "bẫy nợ, bẫy kỹ thuật…."và đặc biệt là lĩnh vực An ninh quốc phòng và phòng thủ phía Đông đất nước".

"Và qua nhiều kinh nghiệm cho thấy, ta sẽ khó kiểm soát nổi nạn hối lộ, đút lót, tham nhũng, đi đêm...mà ta đang dày công bài trừ chúng trong thời gian vừa qua, bước đầu đang có kết quả khả quan," ông Khế viết trên Facebook cá nhân.

Nhà báo tự do Phan Thị Châu từ Thành phố Hồ Chí Minh hôm 20/06 nói với BBC rằng hầu hết các công trình do Trung Quốc thực hiện ở Việt Nam đều kém chất lượng, không đảm bảo tiến độ và luôn đội vốn lên quá cao so với giá thầu lúc ban đầu."

Trong khi đó blogger, phóng viên tự do Thanh Ngọc nói với BBC nói về khả năng nhà thầu Trung Quốc "bỏ giá thầu rẻ nhất và "lại quả" mức cao để thắng thầu là không lạ."

Published in Diễn đàn

Dự án cao tốc Bắc-Nam và nỗi lo Trung Quốc

Thanh Phương, RFI, 23/09/2019

Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam vẫn gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam liên quan đến vấn đề đấu thầu quốc tế, vì nhiều người sợ là dự án mang tính chiến lược này lại lọt vào tay các công ty Trung Quốc.

bacnam1

Một đoạn đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai chạy qua tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 01/11/2014AFP PHOTO / HOANG DINH NAM

Ngày 16/09/2019, Việt Nam đã khởi công dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 98km nối Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, với tiền đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, dự kiến hoàn thành vào năm 2021.

Đây là phần đầu tiên của đại dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau khoảng 2.100 km, chạy qua 32 tỉnh, thành phố và được đầu tư theo 3 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 (2017 - 2020), Việt Nam dự kiến đầu tư xây 654 km, gọi là tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, chia làm 11 phần, trong đó có 3 phần là dự án đầu tư công, như trường hợp của đoạn đường Cam Lộ - La Sơn. Tám dự án còn lại sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Hiện chính phủ Việt Nam đang sơ tuyển các nhà đầu tư cho 8 dự án đó trong khuôn khổ đấu thầu quốc tế.

Theo kế hoạch, Bộ Giao thông và vận tải tổ chức sơ tuyển quốc tế và dự kiến là trong tháng 09/2019 sẽ công bố kết quả sơ tuyển. Từ tháng 10/2019 họ sẽ thực hiện đấu thầu qua việc mời thầu và đến tháng 3/2020 mới công khai kết quả đấu thầu, để tháng 4/2020 ký hợp đồng dự án, sau đó dự án này sẽ được triển khai.

Nhưng cho tới nay người ta vẫn chưa biết kết quả sơ tuyển thầu đường bộ cao tốc Bắc-Nam, bởi vì theo lời thứ trưởng Bộ Giao thông và vận tải Nguyễn Ngọc Đông tại cuộc họp báo của chính phủ ngày 04/09, đây là "tài liệu mật, không thể công bố".

Tuyên bố của vị thứ trưởng nói trên càng không giải tỏa được mối quan ngại rằng dự án cực kỳ quan trọng này lọt vào tay các nhà thầu Trung Quốc.

Mối quan ngại này đã được nêu lên trong một bản kiến nghị đề ngày do 118 văn nghệ sĩ nổi tiếng trong nước ký ngày 5/6/2019 gửi đến lãnh đạo Việt Nam, yêu cầu không để Trung Quốc làm đường cao tốc và đường sắt cao tốc Bắc Nam. Kiến nghị yêu cầu : "Để có nguồn vốn lớn cho đầu tư, Nhà nước nên chủ động khai thác tiềm năng, tài lực nội tại của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong nước, nhất là các doanh nghiệp tư nhân mà đến nay họ đã trở thành một lực lượng mạnh".

Bản kiến nghị viết thêm : "Còn nếu không đủ lực, trong trường hợp cần kết hợp với doanh nghiệp nước ngoài, thì nên thận trọng cân nhắc kỹ lưỡng về mọi mặt. Đặc biệt, trong tình hình cụ thể của giai đoạn này, chúng ta không thể chấp nhận trao những con đường xương sống của đất nước, hay bất cứ đoạn nào của những con đường này, vào tay những nhà đầu tư và nhà thầu Trung Quốc".

Tuy không tham gia ký tên vào bản kiến nghị nói trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Hà Nội, cũng đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này trên báo chí Việt Nam. Trả lời RFI Việt ngữ, bà Phạm Chi Lan giải thích :

"Tôi lên tiếng về việc này vì tôi thấy là đưa ra 8 dự án đó được đưa trong một thời gian rất gấp gáp. Khi thay mặt bộ Giao Thông báo cáo với Thường vụ Quốc Hội vào cuối tháng 4 về tiến triển của dự án đó, thứ trưởng bộ Giao Thông có cho biết là các công ty, các doanh nghiệp Việt Nam không đủ điều kiện để tham gia. Với các quy định hiện hành, một số nhà đầu tư quốc tế như Nhật Bản, Pháp, Anh, v.v… thì không mặn mà, và chỉ có các nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm, muốn tham gia.

Khi thấy thông tin đó được đăng trên báo chí Việt Nam, tôi đã lên tiếng ngay lập tức, cho rằng việc này cần phải xem lại : những quy định được đưa ra như thế nào mà khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam bị loại ra ngay từ đầu, không đủ điều kiện để tham gia ? Những điều kiện đó là điều kiện gì, khắc nghiệt đến mức nào mà doanh nghiệp Việt Nam không tham gia được ?

Tám dự án đó có độ dài bình quân của mỗi dự án chỉ khoảng độ 60 km, với khổ rộng của đường chỉ là từ 4 đến 6 làn xe. Tôi nghĩ các doanh nghiệp Việt Nam đã làm nhiều dự án còn lớn hơn thế nữa, họ toàn toàn có khả năng tham gia. Ở đây có thể bất ổn nằm ở ngay chính các quy định của nhà nước đưa ra như thế nào đó để loại họ ra ngay từ đầu. Điều đó là bất công, phi lý đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ hai, tôi cũng thắc mắc là tại sao các nhà đầu tư khác lại không mặn mà ? Phải chăng là các quy định đó không đủ độ minh bạch cần thiết để cho các nhà đầu tư khác có thể yên tâm mà tham gia ? Tại sao chỉ có các nhà đầu tư Trung Quốc mặn mà ? Như vậy, cách thiết kế và đưa ra các dự án này phù hợp với cách làm của người Trung Quốc hơn, như họ đã từng tham gia và thắng thầu trong dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Trong bài của tôi, tôi cũng nói rõ là nếu như tham gia theo kiểu đường sắt Cát Linh- Hà Đông, tức là rơi vào tay Trung Quốc, thì ở đây nó bất ổn ngay từ đầu, từ cách ra đầu bài, đến toàn bộ quá trình chọn thầu và giám sát, để cho nó trở thành một dự án tệ hại như vậy. Với kinh nghiệm, với bài học rất xấu của đầu tư Trung Quốc về dự án giao thông đó, không nên để cho các dự án này chỉ rơi vào tay các nhà đầu tư Trung Quốc.

Sau khi bài báo của tôi được đăng trên nhiều kênh báo chí và đặc biệt là khi bài báo đến tay thủ tướng Phúc qua báo chí, thì thủ tướng đã ra chỉ thị và sau đó, bộ Giao Thông đã điều chỉnh lại quy định, theo cách để cho các các doanh nghiệp Việt Nam có thể liên doanh với nhau hoặc hợp vốn với nhau để đủ khả năng tham gia đấu thầu".

Trả lời kiến nghị nói trên của các nghệ sĩ, vào đầu tháng 7, bộ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định : "Chủ trương này được nghiên cứu đầu tư trên tinh thần độc lập, tự chủ, không liên quan đến chính sách của bất cứ quốc gia nào". Vị bộ trưởng còn bảo đảm là việc đấu thầu sẽ được tổ chức "theo quy định của pháp luật về đấu thầu, xem xét chặt chẽ tất cả các điều kiện, tiêu chí của các hồ sơ dự thầu ; không chỉ quan tâm đến giá thầu mà còn xem xét các điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, uy tín…".

Tuy nhiên, đối với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, các luật lệ, quy định về việc đấu thầu quốc tế cho dự án đường cao tốc Bắc – Nam phải thật rõ ràng, minh bạch :

"Sau này, trên một số kênh khác, khi góp ý về cách làm PPP ở Việt Nam, tôi cũng đưa ra vấn đề tương tự : phải làm cho luật pháp và các quy định thật rõ ràng, minh bạch và có đủ thời gian cần thiết để cho các nhà đầu tư khác nhau có thể có được thông tin đầy đủ, hiểu đúng nhau về các yêu cầu của các dự án và từ đó họ có thể tham gia.

Thứ hai là Việt Nam cũng không nên đặt vấn đề đấu thầu chỉ căn cứ trên giá rẻ. Nếu nhà đầu tư nào đã chào giá rẻ, thì sau này cứ phải đúng giá đó mà làm, chứ nếu đội giá lên thì nhà đầu tư phải chịu, chứ không phải chính phủ Việt Nam chấp nhận trả thêm tiền nhiều lần, hoặc thời gian kéo dài quá lâu như trường hợp đường sắt Cát Linh – Hà Đông".

Sau khi bộ Giao Thông sửa đổi các quy định, đã có thêm các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sơ tuyển trong cuộc đấu thầu, nhưng theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thời gian vẫn còn quá ngắn để các doanh nghiệp Việt Nam kịp chuẩn bị :

"Theo những thông báo ban đầu của bộ Giao thông, sau khi đã điều chỉnh (các quy định), số doanh nghiệp Việt Nam tham gia sơ tuyển vòng đầu trong cuộc đấu thầu cho 8 dự án này đã có tăng lên, nhưng cũng không thật nhiều.

Tôi cũng tiếc là thiếu những gương mặt của những nhà đầu tư lớn trong khu vực tư nhân của Việt Nam, mà ban đầu mọi người nghĩ là họ hoàn toàn có khả năng tham gia. Tôi cho ở đây có vấn đề là thời hạn quá ngắn, bởi vì khi điều chỉnh lại, như bộ trưởng Giao thông báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp tháng 5, thời gian còn lại để nộp đơn xin dự thầu chỉ kéo dài đến trước tháng 8 thôi, bởi vì tháng 8 là khóa thầu rồi và họ sẽ bất đầu sơ tuyển.

Thời gian quá ít thì ngay cả các doanh nghiệp Việt Nam có muốn ngồi lại bàn với nhau để hợp vốn, hợp doanh, xem xét năng lực của các bên tham gia, ai mạnh về mặt gì và cùng nhau góp vốn như thế nào, thì họ cũng không có đủ điều kiện để hoàn tất những việc đó, để nộp đơn dự thầu với tất cả những lý lẽ và những điều kiện mang tính thuyết phục cao nhất.

Thứ hai, có lẽ họ cũng không có đủ thời gian để các nhà đầu tư lớn đưa vào kế hoạch tính toán của họ. Thông thường, các doanh nghiệp lớn, làm ăn quy củ, thường có một kế hoạch dài hạn, bỏ một số vốn khoảng vài nghìn tỷ vào một dự án mà trong một thời gian quá ngắn, ví dụ như chỉ có 3 tháng để quyết định, thì họ không đủ thời gian xem xét cần thiết. Khi tôi tìm hiểu một số nhà đầu tư, ví dụ như Nhật Bản, thì đúng như tôi phán đoán, đối với họ, thời gian quá ngắn, thành ra họ không quan tâm đến việc tham gia.

Thông thường, đối với những dự án như vậy, họ phải mất hàng năm trời để điều tra xem có đáng làm hay không, địa hình cụ thể những đoạn đường mà họ định tham gia như thế nào, điều kiện tự nhiên ra sao, yêu cầu kỷ thuật như thế nào, vốn liếng cần bao nhiêu, ứng dụng công nghệ nào cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đoạn đường, cũng như yêu cầu của phía Việt Nam, từ đó họ tính toán xem có đảm bảo lợi ích kinh tế để tham gia hay không.

Một vài khía cạnh về chính sách của Việt Nam cũng có thể làm cho họ băn khoăn, ví dụ như các vấn đề về tỷ giá. Như vậy là cả nhà đầu tư Việt Nam lẫn nhà đầu tư Nhật Bản hoặc của một số nước khác đều có thể rơi vào tình huống là quá ít thời gian để có thể đọc và hiểu kỹ "đầu bài" mà bộ Giao Thông đưa ra, để từ đó quyết định là có nên tham gia hay không.

Một vấn đề khác, như đã nói ở trên, cho tới nay, bộ Giao thông vẫn chưa công bố danh sách các doanh nghiệp đã lọt qua vòng sơ tuyển, cho nên bà Phạm Chi Lan tỏ vẻ quan ngại :

"Khi họ công bố các doanh nghiệp nộp vào vòng sơ tuyển, họ cũng nói là có tới khoảng 30 doanh nghiệp là của Trung Quốc và hơn 30 doanh nghiệp là của Việt Nam và các doanh nghiệp khác. Lúc bấy giờ trên báo chí, bản thân tôi và nhiều người khác đã yêu cầu là đã công bố danh mục này thì phải công bố kết quả sơ tuyển : những doanh nghiệp nào trúng sơ tuyển, doanh nghiệp nào không. Tại sao những doanh nghiệp này lọt vào sơ tuyển và tại sao những doanh nghiệp kia bị gạt ra, thì phải công bố rõ. Rất tiếc là cho tới nay chưa thấy có thông tin đó".

Nói chung, mối quan ngại của nhiều người, trong đó có chuyên gia Phạm Chi Lan, vẫn là nguy cơ dự án đường cao tốc Bắc – Nam, một dự án chiến lược, rơi vào tay Trung Quốc, vào lúc Bắc Kinh đang gia tăng sức ép lên Việt Nam trên Biển Đông :

"Với tính chất của nó về an ninh quốc phòng, cũng như ý nghĩa về kinh tế, đặc biệt là trong tình hình hiện nay, khi mà Trung Quốc đang quấy rối Việt Nam ở Biển Đông một cách càng ngày càng trắng trợn, xâm lấn cả vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì Việt Nam tuyệt đối không thể để cho Trung Quốc làm các dự án bên trong lãnh thổ Việt Nam. Kẻ cướp ở trước cửa nhà thì không thể để nó vào trong nhà mình để làm những việc khác. Cho nên, Việt Nam không thể để cho các nhà thầu Trung Quốc tham gia vào bất cứ dự án nào trong 8 dự án PPP của đường cao tốc Bắc-Nam cũng như tham gia vào cung cấp gì cho 3 dự án đầu tư công, vì điều đó sẽ gây thêm sức ép và những rũi ro rất lớn cho Việt Nam về mặt an ninh quốc phòng".

Ngoài dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, Việt Nam còn dự kiến sẽ xây đường sắt cao tốc Bắc Nam, một dự án rất lớn, với tổng vốn đầu tư theo dự kiến của bộ Giao thông là khoảng 60 tỷ đôla. Dự án này vừa qua cũng gây nhiều tranh cãi khi bộ Kế hoạch và đầu tư đưa ra phương án có thể số vốn đầu tư sẽ giảm xuống còn 32 tỷ đôla, nếu có cách làm khác đi.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, rất nhiều người, trong đó cũng có bà, ủng hộ ý tưởng đó của bộ Kế Hoạch – Đầu Tư, thậm chí bà Phạm Chi Lan cho là còn có thể tiết kiệm hơn nữa, nếu có cách làm hợp lý hơn về các mặt. Tuy nhiên, bà cũng đề nghị là dự án này nên được gác lại sau năm 2030 hãy tính đến, bởi vì hiện nay điều kiện về tài chính, cũng như nhu cầu thật sự đối với đường sắt cao tốc này chưa có. Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, bây giờ chỉ nên tập trung vào sửa con đường sắt hiện có, để bảo đảm an toàn hơn, sử dụng cùng với hệ thống đường bộ, đường thủy, đường ven biển. Độ khoảng 10 năm nữa, khi mà điều kiện kinh tế và trình độ kỹ thuật cho phép, thì lúc bấy giờ mới đặt lại vấn đề này.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 23/09/2019

*******************

Cao tốc Bắc Nam : Nhà thầu ‘ta’ hay nhà thầu ‘lạ’ cũng… rứa

Trân Văn, VOA, 23/09/2019

Nhiều người Vit th phào khi ch có các doanh nghip ca "ta" đu tư và thi công đon cao tc t Cam L (Qung Tr) đến La Sơn (Tha Thiên – Huế).

bacnam2

Lời phn đi nhà thu Trung Quc xây cao tc mi Vit Nam xut hin trên mt din đàn mng, 28/5/2019

Đoạn cao tc Cam L - La Sơn dài khong 100 cây s là 1/11 đon cao tc cn thi công đ hoàn tt tuyến cao tc chy sut t Bc vào Nam.

Theo chính phủ thì h thng công quyn s dùng ngân sách đu tư 3/11 đon góp phn cu thành cao tc Bc Nam, 8/11 đon còn lại s được thc hin theo hình thc BOT.

Đoạn cao tc Cam L - La Sơn là mt trong s 8 đon được đu tư theo hình thc BOT. Tng vn đu tư cho đon này khong 7.700 t đng.

Có nhiều lý do khiến người Vit âu lo và đòi gii hu trách không vay, không giao bất kỳ công trình giao thông nào Vit Nam cho nhà đu tư, nhà thu Trung Quc.

Thể theo nguyn vng ca đng chí, đng bào, h thng chính tr, h thng công quyn Vit Nam đã chn hai liên danh thun… Vit, thc hin đon Cam L - La Sơn ca cao tốc Bc Nam : Liên danh th nht gm hai doanh nghip là Công ty Đu tư Xây dng 703 và Tng Công ty Thành An. Liên danh th hai gm ba doanh nghip là Tng Công ty Xây dng Trường Sơn, Công ty Xây dng Dch v Thương mi 68 và Công ty Đu tư xây dng Xut nhập khu 168 Vit Nam.

Nếu tuyến metro Cát Linh – Hà Đông đã to thêm mt trái đng qua vic vay vn Trung Quc, s dng nhà thu Trung Quc và dù rt… ráng nhưng c h thng chính tr, h thng công quyn ln dân chúng Vit Nam vn khó mà nut cho trôi thì giao các đoạn ca cao tc Bc Nam cho nhng nhà đu tư, nhà thu thun… Vit liu có… ngt hơn không ? Khng đnh là không thì võ đoán vì công trình xây dng đon Cam L - La Sơn ch mi khi công nhưng ai dám bo là… có vì qu s… "ngt" hơn ?

***

Trong năm doanh nghiệp thuc hai liên danh được chn tham gia đu tư, thi công đon Cam L - La Sơn có hai doanh nghip thuc B Quc phòng là Tng Công ty Thành An và Tng Công ty Trường Sơn. Tuy cui năm ngoái, B Quc phòng thông báo gii th "14 ‘l đoàn công binh dự b đng viên’ thuc by tng công ty" (36, 319, Đông Bc, Lũng Lô, Thái Sơn, Thành An, Trường Sơn) (1) nhưng v bn cht, vn liếng, phương tin, nhân lc ca các tng công ty này vn rút t ngun dành cho quc phòng !

So với Trung Quc, Thành An và Trường Sơn nếu không hơn thì có l cũng bng ngoi nhân c v năng lc thi công ln mc đ thin lương. C hai tng công ty này cùng vi Tng Công ty 789 (cũng thuc B Quc phòng) là 3/5 nhà thu thc hin đon quc l chy ngang Phú Yên và Bình Đnh. Dẫu đon đó ca quc l 1 ch chng 140 cây s, ngn gn 8.000 t và ngay trong thi hn bo hành, trên mt đường có ti 5.300 h, , gây ra đ th thit hi, k c thit hi nhân mng nhưng không nhà thu nào thèm sa cha (2)...

Ba doanh nghiệp còn li thuộc hai liên danh được chn tham gia đu tư, thi công đon Cam L - La Sơn cũng thế. Công ty Đu tư Xây dng 703 chính là bn đng hành vi Tng Công ty Trường Sơn trong thi công đon cao tc Đà Nng – Qung Ngãi (3), vn ni tiếng vì va khánh thành đã lún, lõm, bề mt b thành vô s h, , cu b nt, thm, (4)… Mun biết chi tiết hơn v cht lượng đon cao tc tr giá 34.500 t đng này thế nào, c dùng google !

Còn Công ty Xây dựng Dch v Thương mi 68 ? Doanh nghip này ni tiếng vì "đu đâu, thng đó". Một s t báo Vit Nam tng thú nhn, h không hiu ti sao Công ty Xây dng Dch v Thương mi 68 liên tc thng các gói thu ln (chng 15 gói thu, tng giá tr khong 1.600 t) trong đ mi lĩnh vc! Gn đây, Công ty Xây dng Dch v Thương mi 68 tiếp tc thng gói thu xây dng đường sá Thành phố Hồ Chí Minh tr giá 200 t mà báo gii ví von là "gói thu cm ca báo chí" (5)…

Doanh nghiệp cui cùng trong s năm doanh nghip tham gia hai liên danh thc hin đon Cam L - La Sơn: Công ty Đu tư xây dng Xut nhp khu 168 cũng thuc loi ly lng vì tên tui gn cht vi Tng Công ty Thái Sơn ca Đinh Ngc H (Út Trc) trong mua – bán các gói thu (6). Công ty Đu tư xây dng Xut nhp khu 168 cũng l doanh nghip mà tên tui gn cht vi tr hn, nhiu hng mục chưa nghim thu đã hư khi tham gia thc hin tuyến tránh Pleiku thuc d án đường H chí Minh (7)…

***

Ý tưởng dùng vn ca Trung Quc và nhà thu Trung Quc đ hoàn tt cao tc Bc Nam tng khuy đng dư lun, khiến đng chí, đng bào xúc đng mnh. Chẳng phải công chúng, báo gii mà ngay c các chuyên gia cũng phn đi tiêu chun chn thu (phi có sn khon vn ti thiu là 20% tng giá tr d án, tìm được ngân hàng hoc t chc tín dng nào đó khng đnh cho vay phn còn li). H tiêu chun chn thu để doanh nghip Vit Nam có th tham gia, tr thành… nguyn vng chung (8) !

Cho dù càng ngày càng nhiều người Vit bt bình vì cách thc la chn nhà đu tư cho các d án giao thông theo hình thc BOT : Thiếu c năng lc tài chính ln thi công, cht lượng công trình tồi, d án tr thành gánh nng mà c kinh tế ln xã hi khó kham (do có th vay hơn 90% tng giá tr d án, nhà đu tư biến h thng ngân hàng thành con tin, vì vy được thu phí cao, thi gian thu phí bt hp lý so vi sut đu tư,…) nhưng ý tưởng chọn Trung Quc đã đy công chúng đến ch t nguyn ng h nhà đu tư – nhà thu "ta" !

Nhìn một cách tng quát, ý tưởng chn Trung Quc đã thúc đy đng chí, đng bào "đi xá" cho nhà đu tư – nhà thu "ta". Vin cnh ti t nếu dùng vn Trung Quc, nhà thầu Trung Quc khiến đng chí, đng bào b qua chuyn chính ph s dùng ngân sách h tr các nhà đu tư - nhà thu "ta" hoàn tt nhng đon thuc cao tc Bc Nam theo hình thc BOT đ nhà đu tư, nhà thu "ta" thu… phí ! Chưa k đó còn có th là cơ hi đ nhà đầu tư - nhà thu "ta" va nhn tin h tr ca chính ph, va tăng phí các d án BOT khác (9).

Không rõ ý tưởng chn Trung Quc – gióng lên hi chuông cnh báo d án, công trình rơi vào tay Trung Quc - có quan h thế nào vi D lut v Đu tư theo hình thức đi tác công tư (PPP) mà chính ph va trình y ban Thường v Quc hi đ xin ý kiến. Theo đó, đ nhà đu tư – nhà thu "ta", mnh dn tranh thu trong các d án thuc loi PPP, chính ph cam kết s "chia s" đến 50% phn thiếu ht nếu doanh thu thực tế thp hơn doanh thu d kiến. Điu mà ông Phan Thanh Bình, Ch nhim y ban Văn hóa - Giáo dc - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đng ca Quc hi, xem là bt hp lý vì "thua l thì nông dân phi ráng chu, còn nhà đu tư – nhà thu BOT thì được… chia sẻ" (10).

***

Rõ ràng, vốn Trung Quc, nhà thu Trung Quc là mt th… "v dưa" không người Vit nào mun vp đ quc gia, dân tc trượt dài như đã và đang phi trượt theo nhng d án kiu như Tuyến metro Cát Linh – Hà Đông. Song nhà đu tư – nhà thu "ta" có khá hơn hay cũng ch là mt th v như… "v da" ? Liu có k nào dùng "v dưa" đ d đng chí, đng bào t nguyn chn… "v da" không? Chưa rõ nhưng ít nht có mt điu đã rõ là nếu h thng chính tr, h thng công quyn hin ti vn có quyn la chn như trước nay thì đường chúng ta đi s còn vô s loi v do chính h chn và bày ra. Tránh được v này s đng nhm v kia, không t thương cũng trng thương!

Trân Văn

Nguồn : VOA, 23/09/2019

Chú thích

(1) https://vnexpress.net/thoi-su/bo-quoc-phong-giai-the-hang-loat-don-vi-3860230.html

(2) https://tuoitre.vn/tam-dinh-chi-can-bo-cam-cua-6-nha-thau-de-o-voi-tren-quoc-lo-1-20181217113030727.htm

(3) https://baodautu.vn/2400-ty-dong-xay-88km-duong-cao-toc-da-nang-quang-ngai-d2293.html

(4) https://thanhnien.vn/thoi-su/cao-toc-da-nang-quang-ngai-tri-gia-hon-34500-ti-dong-gio-ra-sao-1099021.html

(5) https://baodauthau.vn/dau-thau/chan-dung-nha-thau-trung-goi-thau-cam-cua-bao-chi-105646.html

(6) http://danviet.vn/tin-tuc/sai-pham-cua-cong-ty-ut-troc-tai-du-an-acv-dau-tu-bo-giao-thong-van-tai-lam-ngo-972901.html

(7) https://baotainguyenmoitruong.vn/ban-doc/duong-ho-chi-minh-tuyen-tranh-pleiku-chua-nghiem-thu-da-gap-su-co-1266658.html

(8) https://tuoitre.vn/dau-thau-cao-toc-bac-nam-nha-dau-tu-trong-nuoc-gap-bat-loi-20190812080934284.htm

(9) https://tuoitre.vn/bo-xay-dung-de-nghi-khong-dung-ngan-sach-cuu-du-an-bot-20190703143618074.htm

(10) https://m.thanhnien.vn/thoi-su/nong-dan-thua-lo-thi-bao-rang-chiu-ma-bot-lai-chia-se-rui-ro-doanh-thu-1126793.html

Published in Diễn đàn

Trung Quốc tẩy não trẻ em Duy Ngô Nhĩ từ tiểu học để đồng hóa

Trang nhất Libérationhôm 06/09/2019đăng ảnh các trẻ em Duy Ngô Nhĩ với dòng tựa lớn "Trung Quốc đang đày đọa các em này", và dành bốn trang lớn để tố cáo tình trạng "Người Duy Ngô Nhĩ bị giam hãm từ lúc mới đến trường".

taynao1

Người Duy Ngô Nhĩ bị giám sát nghiêm ngặt trên đường phố Kashgar, Tân Cương. Ảnh chụp ngày 23/03/2017. Reuters/Thomas Peter

Bài xã luận của Libération mang tựa đề "Không thể dung thứ", đặt câu hỏi, có ai biết được trẻ em bị tách khỏi cha mẹ đang bị cải tạo, chỉ vì là người Duy Ngô Nhĩ ? Ai biết được chính quyền Trung Quốc đã phá vỡ cơ cấu gia đình, khi buộc con cái phải tố cáo khi thấy cha mẹ cầu nguyện hoặc ăn chay ?

Nếu tình trạng của người Tây Tạng gây xúc động cho cộng đồng quốc tế, thì việc người Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp lại không được quan tâm. Tệ hơn nữa, để giữ quan hệ (chủ yếu là kinh tế) với Bắc Kinh, chủ đề này không được nhắc đến trong các cuộc họp song phương, đa phương.

Cho dù không được vào Tân Cương, hai nhà báo của Libération đã có được nhiều nguồn thông tin cho thấy một cuộc thanh lọc đang diễn ra. Cả một dân tộc đang bị đồng hóa, kể cả trẻ em mới 8 tháng. Bị tách rời khỏi gia đình, không được nói bằng tiếng mẹ đẻ, bị xúi giục phản bội lại người thân… trẻ em Duy Ngô Nhĩ đang bị tẩy não.

Nỗ lực biến trẻ em Duy Ngô Nhĩ thành người Hán

Tờ báo mô tả những trường tiểu học và mẫu giáo mang những cái tên đẹp đẽ, nhưng được bao bọc bằng những hàng rào điện 10.000 volt, những chiếc loa phóng thanh phát ra những bài tuyên truyền và các bốt gác của công an trong sân trường. Thông qua hệ thống nội trú bắt buộc, hàng trăm ngàn trẻ em Duy Ngô Nhĩ đang là nạn nhân của chủ trương chuyển đổi cả một thế hệ người Hồi giáo trẻ thành người Hán.

Nhà dân tộc học Sabine Trebinjac của CNRS nhận định : "Trung Quốc muốn tạo ra những trẻ em người Hoa hoàn hảo. Việc tách rời các em khỏi gia đình là nhằm mục đích cắt đứt khỏi nền văn hóa dân tộc, tăng cường việc diệt chủng".

Từ khi Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), cựu bí thư Tây Tạng lên nắm quyền ở Tân Cương tháng 8/2016, thiểu số người Duy Ngô Nhĩ, người Hồi, Kazakhstan, Kirghizstan bị đàn áp dữ dội. Vùng đất giàu tài nguyên chiếm 1/6 diện tích Trung Quốc bị giám sát bằng công nghệ cao với vô số camera, các dữ liệu sinh trắc bị cướp, điện thoại bị cài phần mềm gián điệp và người dân bị cấm di chuyển nếu không có giấy phép đi đường.

Dân chúng bị cấm uống rượu, cấm để râu dài, cấm đặt tên Hồi giáo cho con mới sinh… và chỉ cần gọi điện thoại ra nước ngoài cũng đủ để vào tù vì tội "cực đoan tôn giáo". Thậm chí còn bị kết án tử hình, như nhà địa lý học Tiyip Taspholat, hiệu trưởng trường đại học Tân Cương, mùa thu vừa rồi bị cáo buộc "nuôi dưỡng sự gắn bó thầm lặng với nền văn hóa" Duy Ngô Nhĩ.

Bên cạnh việc cầm tù, từ 2007 diễn ra chiến dịch bắt đi cải tạo hàng loạt. Có ít nhất một triệu người dân địa phương, dù giàu hay nghèo, là nông dân hay giảng viên đại học, nghệ sĩ, vận động viên, tiểu thương, Hồi giáo, không tôn giáo hoặc có khi Công giáo, đã bị tống vào các trại cải tạo được canh gác nghiêm ngặt. Trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trời, chen chúc sau những bức tường cao, trong những xà-lim chật kín, họ phải học thuộc lòng "tư tưởng Tập Cận Bình". Trại viên phải lao động nặng nhọc với thù lao tượng trưng.

Học sinh Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức vào nội trú từ lớp 4

Nhờ cuộc điều tra tỉ mỉ của nhà nghiên cứu độc lập người Đức, Adrian Zenz, công bố vào tháng Bảy trên Political Risk, ngày nay người ta biết rằng cả trẻ em cũng bị giam hãm. Ông Zenz khẳng định với Libération"Việc tẩy não thiếu nhi Duy Ngô Nhĩ nằm trong một chiến dịch tương đương với người lớn. Tại một số trường, các em bé từ 8 tháng đến 1 tuổi mà cha mẹ bị đi cải tạo, phải ở luôn trong trường, mặc dù còn có những người thân khác. Các học sinh vẫn còn cha mẹ thì phải nội trú từ thứ Hai đến tối thứ Sáu, không được gặp gia đình".

Chế độ nội trú là bắt buộc kể từ lớp 4, và theo nhà nghiên cứu trên, có thể hàng trăm ngàn trẻ em Duy Ngô Nhĩ đang bị giữ trong các trường. Tại một số quận phía nam Tân Cương, số lượng các bé đi nhà trẻ và mẫu giáo tăng gấp bốn, số giáo viên gấp 12 lần so với tỉ lệ trung bình cả nước.

Tháng 2/2017, khi các ảnh vệ tinh cho thấy các trại cải tạo cho người lớn mọc lên, chính quyền ra lệnh xây dựng 4.387 trường mẫu giáo "song ngữ" (cần phải hiểu là không có tiếng Duy Ngô Nhĩ). Mục tiêu là đón nhận 562.900 học sinh mới từ nay đến 2020, trong khi sĩ số hiện nay đã là 759.000 em. Các giáo viên dạy tiếng Hoa được tuyển mộ trên toàn quốc, và riêng tại Kachgar có 5 triệu dân đủ chủng tộc, đã có đến 11.917 giáo viên tiếng Hoa được tuyển trong năm 2018.

"Mục tiêu của Bắc Kinh là buộc trẻ em chối bỏ bản sắc của mình, một số bé còn quên luôn tiếng mẹ đẻ" - nhà thơ kiêm ngôn ngữ học Duy Ngô Nhĩ Abduweli Ayup tố cáo. Ông tị nạn tại Na Uy sau khi bị bắt năm 2013 vì đã mở một trường dạy song song tiếng Duy Ngô Nhĩ với tiếng Anh và tiếng quan thoại. Một trong các bạn của Ayup, là cán bộ cao cấp ngỡ rằng được ưu tiên, hè năm ngoái đi nghỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Công an ập đến nhà buộc vợ ông phải chọn "hoặc là chồng hoặc là đảng", rốt cuộc người chồng phải ly dị bằng tin nhắn, từ đó đến nay không còn tin tức vợ con.

Diệt chủng văn hóa

Bị sách nhiễu lúc đang ở tận Pháp, Bỉ, Canada, người Duy Ngô Nhĩ không dám công khai tố cáo vì sợ người thân còn ở Tân Cương bị liên lụy. Tiến sĩ toán Gene Bunin đã lập ra cơ sở dữ liệu "Xinjiang Victims Database", và đã thu thập được trên 5.000 bằng chứng đàn áp thông qua các video, mạng xã hội, bản sao các công văn… Đây có thể là cơ sở phục vụ cho các nhà báo, nhà nghiên cứu, nhưng mục đích chính là thúc đẩy dân tộc này lên tiếng. Nhiều người Duy Ngô Nhĩ tị nạn ở nước ngoài coi đi coi lại các video tuyên truyền của Bắc Kinh với hy vọng tìm kiếm người thân ở Tân Cương.

Bắc Kinh trông cậy vào việc giảm tỉ lệ sinh sản nơi người Duy Ngô Nhĩ do các cặp vợ chồng bị tách rời, để Hán hóa Tân Cương. Chính sách đặc miễn cho phép có nhiều con ở Tân Cương đã bị hủy bỏ năm 2017, phố biến việc "kế hoạch hóa gia đình", và khuyến khích hôn nhân dị chủng với người Hán chính gốc, nhiều khi được trả tiền. Chính sách đồng hóa này rất tốn kém : Shohrat Zakir, phó bí thư đảng ủy Tân Cương tiết lộ chính quyền trung ương đã chuyển cho vùng này 210 tỉ euro từ 2012 đến 2018.

Tỉ lệ người Hán ở Tân Cương năm 1949, khi quân Mao Trạch Đông tràn vào xâm chiếm, chỉ có 6%, nay là 45% và chỉ tiêu đưa ra là 70% dân số.

Đối với Kyle Matthews, giám đốc viện nghiên cứu về diệt chủng ở Montréal, thì có thể gọi việc giam giữ hàng loạt, trấn áp trí thức, phá hủy những cơ sở tôn giáo của cả một dân tộc là một dạng diệt chủng, theo Công ước Liên Hiệp Quốc mà Trung Quốc có ký kết. Nhà nghiên cứu Adrian Zenz thì cho rằng đây là "diệt chủng văn hóa" một cách âm thầm.

Chính sách giam hãm trẻ vị thành niên cũng vi phạm Công ước về quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc mà Trung Quốc ký kết năm 1992. Theo đó, "tại những nước có nhiều sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ khác nhau, trẻ em không thể bị tước quyền thụ hưởng nền văn hóa của mình, hành đạo, hay sử dụng tiếng mẹ đẻ".

Hồng Kông rút dự luật dẫn độ : "Quá trễ và quá ít !"

Cũng liên quan đến Trung Quốc, thông tín viên Le Monde tại Hồng Kông cho biết việc rút lại dự luật dẫn độ là "quá ít, quá trễ" để làm dịu đi cơn phẫn nộ.

Đây là cảm giác chung của nhiều người biểu tình. Một áp-phích trên mạng do những người phụ trách truyền thông của phong trào đăng lên, tổng kết : "Ba đôi mắt đã bị hư, 1.183 vụ câu lưu, trên 100 người bị khởi tố, hai vụ tấn công khủng bố và vô số vụ bạo lực cảnh sát, 8 mạng người đã hy sinh, và quý vị nghĩ rằng rút lại dự luật là đã đủ ?"

Một phát ngôn viên của phong trào biểu tình, có bí danh kháng chiến là "Miss Chan", đội nón bảo hộ và che mặt, tuyên bố trong cuộc họp báo bất ngờ vào ban đêm : "Chúng tôi thậm chí chẳng cần thay đổi khẩu hiệu, hãy đáp ứng đủ năm yêu sách của người dân. Hôm nay chính quyền đã đáp ứng một, vậy còn lại bốn yêu sách nữa". Theo cô, giải pháp của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga là "chữa hoại thư bằng băng keo".

Bà Lâm đã bác bỏ yêu cầu ân xá cho tất cả những người biểu tình có nguy cơ bị khởi tố, lập ủy ban điều tra độc lập về bạo lực cảnh sát. Bà chỉ hứa mở đối thoại trực tiếp với người dân và nghiên cứu sâu hơn những bất toàn của xã hội. Bên cạnh khát vọng dân chủ, Hồng Kông còn là thành phố mà bất bình đẳng vô cùng lớn, đặc biệt là nhà đất hoàn toàn ngoài tầm với, vì nằm trong tay một số gia tộc giàu sang.

Mối nguy dân túy tại Anh

Nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay phân tích về thị trường địa ốc Pháp đang tăng giá vùn vụt. La Croix dành trang nhất cho nhận xét của bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire "Chủ nghĩa tư bản thế kỷ 20 không còn đất sống", ông cổ vũ Châu Âu nên trở thành một "lục địa tư bản có trách nhiệm". Le Figarolo ngại về tình hình "Căng thẳng trở lại giữa Iran và Hoa Kỳ".

Le Mondechú ý đến "Chiến lược Brexit của thủ tướng Anh Boris Johnson", với bài xã luận báo động về "Mối nguy dân túy tại Anh".

Chỉ sáu tuần lễ sau khi lên nắm quyền cuối tháng Bảy, thủ tướng Boris Johnson liên tiếp chịu đựng những thất bại ở Nghị Viện. Chiến lược của ông bây giờ là mô tả các nghị sĩ bất đồng ý kiến như những kẻ phản bội lại Brexit để làm họ mất phiếu của cử tri, với những từ ngữ của thời chiến như "đầu hàng", "hợp tác với địch".

Boris Johnson muốn đóng vai "nhân dân Brexit" chống lại giới tinh hoa ở Luân Đôn đã "bán mình" cho Liên Hiệp Châu Âu. Theo Le Monde, đây là một chiến lược nguy hiểm không chỉ cho Anh quốc : chủ nghĩa dân túy làm băng hoại các nền dân chủ là một tin xấu cho toàn Châu lục.

Argentina : Các bài học của Macri cho Macron

Còn đối với Pháp, Les Echoscảnh báo "Argentina : Các bài học của Macri cho Macron". Tổng thống Argentina, Mauricio Macri đang thất bại trong việc chống lại dân túy, và đây là kinh nghiệm mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron cần rút ra.

Ông Macri đắc cử tổng thống Argentina năm 2015 với nhiều điểm tương tự như Macron : một chính khách cánh trung chống mị dân, nhà cải cách thực dụng muốn vừa tự do hóa nền kinh tế, vừa bảo đảm phúc lợi xã hội. Nhưng nền kinh tế Argentina đang đi xuống, lạm phát lên tới mức 50%, nợ công tăng gấp đôi, đồng peso mất 2/3 giá trị so với đồng đô la.

Argentina không phải là Pháp : là một trong 10 nước giàu nhất thế giới cách đây một thế kỷ, đất nước này dần dà suy sụp mà các tổng thống dân túy từ Juan Peron đến Cristina Kirchner không gượng dậy nổi. Không có một tổng thống dân chủ xã hội nào kết thúc được nhiệm kỳ, người cuối cùng là Fernando de la Rua năm 2001 đã phải tẩu thoát khỏi Dinh tổng thống bằng trực thăng để chạy trốn đám đông giận dữ.

Theo tờ báo, có ba bài học cho ông Macron. Thứ nhất, các nhà cải cách luôn cô đơn, thứ hai, những thói quen xấu từ nhiều thập niên trước luôn tồn tại, và thứ ba, cần cải cách một cách nhanh chóng và sâu sắc.

Thụy My

Published in Châu Á