Năm 2013, Trúc Mai bắt đầu quay bộ phim Les Rivières (Những dòng sông) sau khi một người cậu nói rằng những người phụ nữ trong gia đình chị toàn gặp trắc trở đường tình duyên, vừa lúc chị mới chia tay chồng.
Áp phích phim Les Rivières (Những dòng sông) của Mai Hua. Mai Hua
"Lời nguyền" dường như bắt nguồn từ đời bà cố của Trúc Mai, một phụ nữ rất đẹp, có nhiều người theo đuổi, nhưng cuối cùng lại bị chính người chồng thời đó bán cho một người Pháp. Những thế hệ phụ nữ sau này trong gia đình cũng lận đận trong đường tình duyên : hoặc bị làm vợ lẽ rồi bị bỏ rơi, hoặc không được kết hôn với người mình thương hoặc bị chồng đánh. Cuộc đời họ không phải lúc nào cũng êm đềm, phẳng lặng, mà có lúc quanh co như những dòng sông.
Nhưng Trúc Mai có một cô con gái. Bản năng của một người mẹ thôi thúc Trúc Mai phải làm gì đó để định mệnh không lặp lại. Chị bắt đầu tìm hiểu về nguồn cội gia đình, một gia đình thuần Việt, trong khi chị lại sinh ra và lớn lên ở Paris, hấp thụ hai luồng văn hóa.
Từng quay phim về sự đa dạng của vẻ đẹp theo đúng nghĩa rộng với những con người và ngành nghề khác nhau, lần đầu tiên, Trúc Mai ghi lại hình ảnh những người thân trong gia đình, thực ra chỉ là bốn người phụ nữ, bốn thế hệ khác nhau : bà ngoại, mẹ, Trúc Mai và con gái, trong những lúc vui, lúc buồn hay giận dữ.
Mối quan hệ giữa "mẹ và con gái" có những lúc thăng, lúc trầm nhưng luôn gắn bó, mà theo Trúc Mai, khi trả lời RFI tiếng Việt, là nhờ thừa hưởng truyền thống Việt Nam.
"Sinh ra ở Pháp, có bố mẹ là người Việt và với văn hóa được hấp thụ, nên khó biết được phần nào trong tôi là Việt, phần nào là Pháp. Đúng là khi lớn lên ở Pháp, tôi không nói tiếng Việt nữa, tôi đã để mất rất nhiều trong phần văn hóa Việt này. Nhưng bộ phim thì lại rất "lai" mà có lẽ sẽ không thể nào có được trong một nền văn hóa thuần Pháp.
Tôi nghĩ rằng tình cảm gia đình, sự phục hồi và khả năng luôn tái sáng tạo mối quan hệ mẹ-con của chúng tôi, dù có nhiều lúc thăng trầm, là điều gì đó khó có thể thành hiện thực trong một nền văn hóa nơi gia đình không phải là một yếu tố mạnh. Trong văn hóa Việt Nam, gia đình là điều gì đó rất rất thiêng liêng".
Đạo làm con, truyền thống Việt
Mỗi thế hệ phụ nữ trong gia đình, vượt lên số phận, định mệnh, trở thành một "nữ anh hùng" trong mắt người kia. Có thể thấy đạo hiếu làm con trong truyền thống gia đình Việt Nam qua những thước phim đầy xúc động, đặc biệt là cách Hồng Loan, mẹ của Trúc Mai chăm sóc mẹ của bà.
"Bà ngoại tôi từ Việt Nam về Pháp trong tình trạng sức khỏe rất xấu. Bà như sắp chết nên chúng tôi quyết định đưa về Pháp để mẹ tôi, làm bác sĩ, có thể chăm sóc bà. Và mẹ tôi đã chữa khỏi bệnh cho bà một cách gần như thần kỳ. Tôi thấy thật mầu nhiệm vì tôi không nghĩ bà sẽ qua khỏi. Mẹ tôi, trong vai trò là bác sĩ, thì không thấy có gì là kỳ diệu cả, nhưng cũng nhờ vào tình thương yêu mà mẹ tôi trao hết cho mẹ của bà. Tình cảm đó có thể không phải đến một cách nhanh chóng, mạnh mẽ đến như vậy.
Khi ngoại gần như sống những ngày cuối cùng, mẹ tôi đã chăm sóc bà vô cùng tận tình. Mẹ tôi đưa ngoại về nhà sống, đây là điều khó khăn khi mẹ tôi lúc đó cũng 65 tuổi. Tôi thấy mẹ tôi thật sự dũng cảm và táo bạo. Lúc đó, tôi không suy nghĩ nhiều nhưng giờ nhìn lại, tôi thấy mình cũng có thể rơi vào hoàn cảnh đó trong 50 năm nữa, với con gái mình. Để xem chuyện gì sẽ đến !"
Người xem có cảm giác như Trúc Mai, qua mỗi cảnh quay, quan sát cách mẹ chăm sóc bà ngoại, dường như để chuẩn bị cho mối liên kết trong tương lai giữa chị và mẹ, giữa chị và con gái.
"Khi bố mẹ nhiều tuổi hơn, nhiều người nói rằng con cái trở thành bố mẹ của bố mẹ họ vì họ phải chăm sóc, vì bố mẹ họ có thể không còn tự lập được. Tôi chờ xem chuyện gì sẽ đến. Hiện tại tôi chưa biết thế nào vì điều đó còn tùy thuộc rất nhiều vào mẹ tôi. Nhưng tôi không chắc là bà muốn tôi trở thành mẹ của bà.
Ban đầu, giữa mẹ tôi và tôi không có đối thoại và bộ phim khiến tôi trưởng thành. Và trưởng thành cũng có nghĩa là có thể tự tạo cho mình những điều mà người ta không có trong quá khứ, khi còn nhỏ. Bộ phim đã giúp mẹ và tôi có được điều đó, giúp chúng tôi thực sự hiểu nhau rõ hơn. Người ta cứ nghĩ rằng mối quan hệ ruột thịt giúp chúng ta hiểu rõ nhau nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy. Một mối liên hệ ruột thịt níu kéo chúng ta về mặt văn hóa, theo kiểu quan hệ như trong phim là mối liên hệ bẩm sinh mẹ và con. Nhưng thực ra, không hẳn như vậy mà mối quan hệ đó phải được vun vén và dần hình thành. Chính bộ phim đã giúp chúng tôi làm điều đó ! Và để hình thành được mối liên hệ, thì phải hiểu nhau, và để hiểu được nhau thì phải nói thật. Đó là lúc rất thiêng liêng và giờ chúng tôi vẫn làm thế".
Bốn thế hệ (từ trái sang phải) : Tâm, Trúc Mai, Hồng Loan (mẹ Trúc Mai), Marthe - Nhật Lệ (bà ngoại). Ảnh chụp từ YouTube. Ảnh chụp màn hình YouTube
Mẹ, người phụ nữ anh hùng…
Nhìn cách mẹ chị chăm sóc ngoại, người xem thấy chính mình ở trong đó, với hàng loạt câu hỏi : Mình sẽ ra sao khi về già ? Mình có được may mắn chăm sóc như vậy không ? Có ai đó dồn hết tình yêu thương cho mình đến như vậy không ? Từ một người ốm liệt giường, mất trí nhớ, bà ngoại của Trúc Mai hồi sinh… và nhờ vào cô con gái của bà.
"Mẹ tôi thật sự là một phụ nữ anh hùng. Đối với tôi, bà luôn như vậy ! Dù cũng có những lúc thăng trầm giữa chúng tôi, nhưng bà luôn là nguồn cảm hứng không tưởng vì đó là một người phụ nữ luôn đứng dậy, một người chữa trị cho người khác, một người đã quyết định dành cả cuộc đời để chăm sóc người khác. Đó là một người phụ nữ vô cùng dũng cảm, can đảm không thể tin nổi. Dĩ nhiên, đó là những điều đã tạo cho tôi rất nhiều cảm hứng, đủ để tôi được trở thành chính mình, không hẳn được anh hùng như vậy, nhưng nhân văn và can đảm".
Trúc Mai trăn trở về "lời nguyền" như có từ xa xưa. Trong phim, người ta chỉ thấy bốn người phụ nữ, bốn thế hệ, chăm sóc cho nhau. Chị đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi : Liệu người phụ nữ có thể vẫn sống tốt mà không cần đàn ông hay không ?
"Tôi nghĩ rằng về mặt văn hóa, người ta bị nhồi nhét ý nghĩ là phụ nữ không thể là gì nếu không có đàn ông. Đối với tôi, bộ phim là một bước tiến giúp tôi cảm nhận được thâm tâm của mình, và dĩ nhiên không phải là tôi không có ý nghĩa gì nếu không có đàn ông. Tôi thấy là khi tìm hiểu những người phụ nữ bất hạnh trong gia đình, tôi lại tìm được một sức mạnh, một điều quý giá không tưởng.
Đúng là chúng ta phải bỏ những định kiến của quá khứ, không phải để gây chiến về giới tính, mà để tất cả mọi người luôn vui tươi, hạnh phúc hơn và nhân văn hơn. Vì vậy, chúng ta phải thoát khỏi được những vai trò, kiểu có những người phải làm thế này, những người khác phải làm thế kia, để mọi người cùng đứng dậy, sát bên nhau, tay trong tay, tiếp theo là có thể đối thoại với nhau. Và mẹ và tôi đã làm được như vậy !"
Để tiếng nói của phụ nữ được lắng nghe…
Sau sáu năm, Les Rivières (Những dòng sông) chính thức ra mắt công chúng năm 2019. Sáu năm "phiêu lưu" đã làm thay đổi Trúc Mai. Từ đi tìm nguồn cội nỗi bất hạnh mà chị nghĩ "thừa hưởng" từ gia đình, Trúc Mai trở thành người đấu tranh vì nữ quyền : "Mai của năm 2013 không giống với Mai của năm 2020", như chị trả lời phỏng vấn báo Le Figaro (17/02/2020).
"Bộ phim này đã khiến tôi thay đổi hoàn toàn. Hơn nữa, đó là một trong số những chủ đề của phim : Đâu là nghệ thuật hoặc là cách tự tạo cho mình số phận riêng ? Làm thế nào bộ phim làm được điều đó ? Và khi tôi bắt tay thực hiện dự án, thì vẫn chưa có phong trào MeToo. MeToo chưa tồn tại, nên người ta chưa có kiểu chia sẻ những trải nghiệm dữ dội. Tiếp theo, vào năm ngoái (2019) khi bắt đầu chia sẻ bộ phim, tôi nhận ra rằng xung quanh tôi, trong môi trường văn hóa nghe nhìn hầu hết là đàn ông, và đặc biệt tại Pháp lại là đàn ông da trắng.
Vì thế đối với tôi, cần phải lên tiếng, để những câu chuyện đặc biệt, ví dụ ở đây là bốn thế hệ phụ nữ Việt Nam sống ở Pháp, có thể được thuật lại và chấp nhận những giá trị phổ quát, vì không chỉ có mỗi phụ nữ Việt Nam sống tại Pháp, mà còn có rất nhiều phụ nữ có nguồn gốc khác nhau, mầu da khác nhau, và dĩ nhiên là có cả đàn ông.
Điều quan trọng là cuối cùng người phụ nữ cũng có thể nói ra câu chuyện của họ, để nam giới có thể nghe được, bởi vì, một xã hội mà không nghe câu chuyện của một phần dân chúng chỉ vì họ sinh ra là phụ nữ, bởi vì họ sinh ra là da đen hay da vàng, thì mất đi một phần nhân loại. Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng. Và điều quan trọng nữa là phụ nữ Việt Nam sống tại Pháp có thể kể những câu chuyện gần gũi tất cả mọi người, chứ không chỉ trong một bộ phận chủng tộc hay giới tính".
Đây là cách riêng của Trúc Mai để cổ vũ cho nữ quyền. Một bộ phim giúp Trúc Mai hóa giải những khúc mắc trong lòng, nhưng cũng là hành động dấn thân về chính trị.
https://youtu.be/N64cewtsyNA
Thu Hằng thực hiện
Nguồn : RFI, 08/03/2020
Phim Les Rivières được chiếu tại :
- Rạp Les Trois Luxembourg (Paris) từ ngày 21/01/2020.
- Cineclub Yda (Paris, quận 13) ngày 22/03/2020.
Khi nhắc về một trong những giá trị truyền thống của dân Việt Nam, nhiều người thường tự hào cho rằng đó là tôn trọng chữ lễ ; là "bách hạnh hiếu làm đầu"… Liệu điều đó có còn đúng ?
Giáo dục đạo đức : xin hãy dừng chủ nghĩa Mác – Lê - Ảnh minh họa (Dân Trí, 10/12/2018)
(Ghi chép trong một hội luận ‘bỏ túi’ ở quán cà phê tại Sài Gòn của nhóm thân hữu, xoay quanh chuyện lan man về chữ "Hiếu - Lễ" hôm nay)
Lẽ hiển nhiên, không hẳn tất cả đều như thế. Tuy không thuộc dạng "quạt nồng ấp lạnh" kiểu nhị thập tứ hiếu ngày xưa trong tuồng tích bên Tàu, nhưng còn nhiều lắm những trường hợp hiếu thảo với ông bà, cha mẹ ; biết kính trên nhường dưới… hay chăm chỉ, cần cù siêng năng trong những công việc phụ giúp gia đình.
Thế nhưng, theo dòng chảy của mỹ từ "công nghiệp hóa, hiện đại hóa", một số người như đang dần ‘biến chất’, phá vỡ truyền thống của dân tộc. Có người đổ thừa rằng, xã hội ngày một phát triển, thì cũng cần phải thay đổi cho phù hợp. Ý kiến này không sai nhưng chưa trúng. Tại sao cái nhơn nghĩa lại bỏ đi trong khi cái sai quấy nuông chiều bản năng lại được coi là bình thường ?.
"Cô ấy nuôi bà ngoại trong bệnh viện 115, người già mà, hay quên, với lại đủ thứ bệnh nữa, nên yếu. Biết rằng cũng có trường hợp bệnh nhân ‘nhõng nhẽo’, thế nhưng hành động của cô cháu gái làm mình lắc đầu luôn. Cô ấy la bà ngoại như la con của cổ, nạt nộ đủ điều. Bà ngoại không thể tự ăn, tay run run, làm đổ đồ ăn. Cổ cũng la.
Rồi cổ than thở là vô nuôi tốn thời gian, tốn công sức… chả được gì. Mình ở trong bệnh viện 45 phút là nghe cổ chửi hết 35 phút rồi. Còn 10 phút kia, cổ nói chuyện với thân nhân khác. Nhiều lúc ngẫm lại câu nước mắt chảy xuôi thấy sao đúng quá trời đất !". Người bạn có tên Nam Phương kể lần vào thăm bệnh hôm trung tuần tháng 6 rồi.
"Đọc báo, coi truyền hình, nghe đài, rồi tận mắt, thấy những trường hợp con cái hỗn hào với cha mẹ, cầm dao đâm người thân vì game ; nghiện xì ke về nhà chì chiết mẹ, đòi tiền để mua thuốc chích… thấy sao nản quá. Tui lo không biết sau này có dạy được con mình không nữa ?. Gia đình dạy kỹ hiếu lễ, nhưng ra ngoài xã hội mà như thế, không biết có bị nhiễm không ?. Cha mẹ sinh con trời sinh tính nữa.."., Ngọc, một phát thanh viên chia sẻ.
Nguyên nhân là do đâu ? Là bởi gia đình, nhà trường, hay xã hội ? (hay do cả ba ?).
"Lúc còn nhỏ, tui thường được ông bà, cha mẹ dạy nhiều về chữ lễ, chữ nghĩa lắm. Khi thấy thầy cô tới, đứng lại cúi đầu chào ; gặp đám tang thì cởi nón ; vô bàn ăn thì phải đợi người lớn ngồi trước, gắp trước, nhỏ hơn mới được ăn ; không được lựa đồ ăn trong mâm khi có nhiều người…. Còn bây giờ, nhiều người hay xuề xòa cho qua. Thậm chí, khi mình nói khéo, còn bị ghét nữa kìa". Minh, một biên tập viên báo chí góp chuyện.
Sách Luân lý giáo khoa thư ngay từ chương thứ nhất "Bổn phận đối với gia tộc", đã dạy cho con em biết thế nào là lễ, nghĩa ; biết thế nào là kính trọng, yêu mến, vâng lời, giúp đỡ cha mẹ…. Và Luân lý giáo khoa thư cùng với Quốc văn giáo khoa thư đã từng là bộ sách giáo khoa được Nha học chính Đông Pháp cho giảng dạy ở các trường tiểu học trong những thập niên đầu thế kỷ 20 trên toàn cõi Việt Nam.
Tiếc rằng, đến nay, đã mai một. "Mình kêu đứa em sinh năm 2003 đọc, thẩm thấu. Mà nó có thèm đọc đâu, nó toàn coi mấy cái clip không có nội dung gì để học trên youtube", Ngọc tiếp tục chia sẻ.
"Dĩ nhiên, gia đình là cái điều kiện tiên quyết, nhưng theo tui thì giáo dục ở học đường góp một phần không nhỏ. Một quốc gia không coi trọng giáo dục, coi các môn xã hội như một dạng "học bài trả nợ" thì làm sao mà các em có thể phát triển toàn diện đạo đức lẫn tri thức ? Thạc sỹ ngữ văn còn viết sai chính tả, thì hỏi dạy ai ?
Tui tự hỏi, tại sao lại không duy trì những giá trị tốt đẹp của miền Nam xưa, mà lại du nhập các giá trị bạo lực trong giáo dục ? Tuy không còn dã man như thời cải cách ruộng đất ngoài Bắc xã hội chủ nghĩa, nhưng xét ra thì gần nửa thế kỷ qua cũng nhiều cảnh tương tự. Ngày đó thì đấu tố ông bà, cha mẹ ; anh em trong nhà bán nhau vì danh lợi. Ngày nay thì vì tiền có thể làm tất cả mọi thứ, kể cả đấu tố nhau như vụ đang xảy ra ở dòng tộc nhà bà Tư Hường". Biên tập viên Minh bức xúc.
"Tui có thằng cháu họ vừa học xong lớp 12, cũng trường nổi tiếng của quận Tân Phú – Sài Gòn, nhưng sao về nhà, nó hỗn quá, đòi ‘chơi tay đôi’ với người nhà luôn. Cả nhà tui thắc mắc là không biết ở trường tiết đạo đức học gì mà ra tệ hại đến thế. Giở sách Giáo dục công dân ra, toàn là mấy bài gì mà chủ nghĩa duy vật rồi duy tâm, Mác - Lê. Thế là từ đó, tui ngộ ra nguyên nhân luôn…". Ông Vinh, một bảo vệ ở quán cà phê, góp chuyện.
Ông Vinh nói rằng sau tháng tư, 1975, chính quyền từ miền Bắc vào đã tổ chức những cuộc đấu tố gọi là ‘đánh tư sản’. Không đến nỗi khốc liệt như miền Bắc hồi nào, nhưng nó đã làm cho giềng mối làng xóm dần rạn nứt, kỷ cương pháp luật giờ đây phải chìu theo sức mạnh quyền lực của nhóm người nào đó.
"Như hồi mấy tháng trước, phòng Giáo dục quận Tân Bình cho các em học sinh khu phường 6 lên đấu tố chính cha mẹ của các em trong vụ chính quyền cưỡng chế không theo trình tự luật định đối với khu vườn rau Lộc Hưng… Chưa kể chuyện đúng – sai về nội dung đấu tố, với một nền giáo dục khuyến khích con cái tố cáo cha mẹ ngay trên chốn học đường, thì giáo dục ấy có lẽ chỉ có với những quốc gia độc đảng, tùy tiện thích làm gì thì làm !". Ông Vinh nhận xét.
Có thể nói, giáo dục là một đề tài muôn thuở. Con số báo cáo từ Bộ Giáo dục và đào tạo hồi đầu năm 2019 cho biết, hiện nay Việt Nam chi 5,8% GDP cho giáo dục, nếu tính cả đóng góp của gia đình thì con số này đạt 8% GDP [1]. Tuy nhiên tính hiệu quả trong sử dụng số tiền đó như thế nào trong vấn đề giáo dục, có lẽ là chuyện cần có một ‘kiểm toán’ tử tế.
Một quốc gia mà giáo dục đạo đức đang có nhiều vấn nạn như lát cắt bàn luận kể trên, cho thấy cần thay đổi từ cấp thượng tầng quản lý, bởi "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài".
Trúc Mai
Nguồn : VNTB, 27/06/2019
(1) Diễn đàn Giáo dục thế giới - EWF, tổ chức tại Vương quốc Anh, 01/2019
44 năm trước là cuộc chiến huynh đệ tương tàn, còn bây giờ người miền Nam đang gây biết bao oán thán, biết bao tội nghiệt cho chính người Nam bộ…
Nụ cười miền Tây Nam bộ
Hồi còn con nít, tôi thường được nghe ông bà, cha mẹ nói rằng người miền Nam nhân từ, thẳng thắn, tôn trọng chữ lễ, cái nghĩa lắm. Tiếng dạ, thưa, cảm ơn, xin lỗi luôn sẵn khi cần. Người miền Nam nhân từ, thật thà, một khi họ đã quý mến ai rồi thì họ coi như người trong nhà. Luôn sẵn sàng giúp đỡ người khó khăn.
Những con người "mang gươm đi mở cõi", chốn rừng thiêng luôn đầy rẫy những hiểm nguy, những con người miền Nam đoàn kết, tương trợ lẫn nhau vượt qua. Ngẫm lại, đó có lẽ là khí phách, hồn vía của miền Nam.
Nói chuyện với một người miền Nam, có thể đôi khi bạn cảm thấy họ sao bỗ bã quá. Thế nhưng, đó là đặc tính của người miền Nam. Họ bộc trực kiểu như câu thơ của một thi nhân xứ Huế :
"…Yêu ai cứ bảo là yêu. Ghét ai cứ bảo là ghét. Dù ai ngon ngọt nuông chiều. Cũng không nói yêu thành ghét. Dù ai cầm dao dọa giết. Cũng không nói ghét thành yêu…"
("Lời mẹ dặn", Phùng Quán).
Theo thời gian, đứa con nít rồi cũng thành người lớn. Đến lúc này thì tôi chợt cảm thấy một số người miền Nam sao xấu xí đến lạ lùng (!?). Chỉ là một ông trưởng ấp thôi cũng có thể hách dịch quyền hành, chèn ép người nông dân. Ở cấp cao hơn, trình độ học vấn cũng ‘tiến sĩ’, cũng ‘đi Tây, đi Tàu’, thế nhưng lại có "người miền Nam nói giọng Bắc" đã đẩy biết bao nhiêu người dân rơi vào cảnh không nhà khi Tết cận kề.
Có một chút quyền lực trong tay, họ gây bao nhiêu là đau khổ cho dân nghèo, bất chấp người đó có là hàng xóm, là chính bà con mình đi chăng nữa. Giọt máu đào hơn ao nước lã, giờ đây sao thật mỉa mai. Mới chỉ 44 năm thôi mà !
"Trong mấy cuộc họp tổ dân phố, bà con ở đây góp ý liên tục, yêu cầu phải coi lại nhà máy, chứ ngày nào cũng nghe mùi hôi, riết bệnh chết luôn !", anh Ba, một người dân sống ở gần nhà máy Lee & Man của Trung Quốc mở ở thị trấn Mái Dầu, tỉnh Hậu Giang kể.
"Nghĩ coi, ở chỗ khác, người ta còn làm đường cho dân đi, làm sao cho dân tiện. Còn nơi đây, có sẵn cầu rồi, thông thương hay qua lại tiện lợi cho người dân vô cùng. Rồi mấy ổng viện lý do này, lý do nọ phá cầu. Có thèm hỏi ý kiến của người dân đâu ?". Dì Tư, cư dân địa phương gần khu vực cầu sắt Phú Long, nơi giáp ranh Sài Gòn – Lái Thiêu oán trách.
"Mình có nói, có lên tiếng cũng vậy à. Họ ghi nhận cho vui, chứ có thèm nghe dân đâu nè !", ông Hoàng chia sẻ khi nói về cầu sắt Phú Long nối hai bờ sông Sài Gòn - Bình Dương bị tháo dỡ. "Họ" ở đây chính là các vị quan chức ‘toàn giọng miền Nam’ ở hai địa phương Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương.
"Trạm BOT gây bức xúc cho người dân. Mình lấy máy ra chụp hình, mấy nhân viên ở trạm còn thách thức 'có ngon kêu nhà báo xuống đi, cũng chẳng làm gì được đâu' (!?). Mình tự hỏi không biết có ai chống lưng cho họ hay không mà dám phách lối đến như thế ?". Ông Bằng, một tài xế kể. Các ông bà chủ trạm BOT ở miền Nam, phần đông là người đến từ miền Bắc, nhưng mấy nhân viên có mòi dựa hơi chủ rồi lên mặt thách thức với dân chúng, buồn là họ đều ‘giọng miền Nam’.
Nguyên nhân từ đâu mà những "người miền Nam" ấy lại đánh mất những giá trị nhân bản làm nên tính cách dân Nam bộ, để rồi trở thành xấu xí như vậy ? Phải chăng do lỗi của giáo dục ? Hay từ gia đình ? Hay do quyền lực đã làm mờ mắt những con người đó ?
Dẫu thế nào hay ra sao đi chăng nữa, tôi vẫn tin một điều, những gì đã là thuần phong mỹ tục thì vẫn sẽ trường tồn. Những con người "xấu xí" kia chỉ là một phần nhỏ trong hàng triệu những con người miền Nam. Nhưng buồn thay, họ lại là những người… có quyền lực sinh sát.
Chợt nhớ đến câu thơ như lời tự trào của Nguyễn Trãi : "Phúc chu thủy tín dân do thủy" (lật thuyền mới biết sức dân như nước). [Quan hải 關海, ‘Đóng cửa biển’, Nguyễn Trãi. Bài này nói về Hồ Quý Ly chống giặc Minh giỏi, nhưng trong cai trị không được dân ủng hộ, do đó cuối cùng phải thất bại].
Trúc Mai
Nguồn : VNTB, 23/06/2019
"Vì sao Phú Quốc muốn lên thành phố trước khi làm đặc khu ?" là chủ đề mà nhóm biên tập viên truyền hình ở một công ty truyền thông tại Sài Gòn, đi tìm câu trả lời khi đặt chân đến huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Quần đảo An Thới phía nam đảo Phú Quốc nhìn từ cáp treo - Ảnh: K.NAM. Ảnh minh họa
Mô hình chính quyền nông thôn không còn phù hợp ?
Đây là một trong những viện dẫn mà ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nêu trong Tờ trình số 40/TTr- UBND gửi Thủ tướng Chính phủ xin thành lập thành phố Phú Quốc. Đây là thủ tục đầu tiên để làm lại Đề án thành lập thành phố Phú Quốc cho phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
Theo nội dung Tờ trình, hiện tại diện tích đất nông nghiệp ở Phú Quốc còn rất ít do chính quyền quy hoạch và đưa vào khai thác đất kinh doanh du lịch, đất dân cư. Người dân nhập cư đến từ hai tỉnh miền Bắc là Hải Phòng và Hải Dương vào Phú Quốc rất nhiều. Hai đại gia bất động sản là Lê Viết Lam – Sun Group, và Phạm Nhật Vượng – Vingroup gần như chi phối toàn bộ các dự án đất đai ở Phú Quốc.
Ông chủ của Vingroup còn nhận được ưu ái đặc biệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi Chính phủ chấp thuận cho việc sòng bạc của Vingoup khai trương hồi đầu năm nay tại Phú Quốc được đón nhận khách Việt Nam vào đánh bạc. Nói thêm, năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt việc di dời vị trí xây casino Phú Quốc từ ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm sang địa điểm mới liền kề với khu nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư, thuộc Bãi Dài, xã Gành Dầu.
Có rất nhiều dự án biệt thự, căn hộ cao cấp đã hoàn thành ở huyện đảo này tiếp tục rao bán. Nếu đạt tỷ lệ phủ kín khách hàng ở những dự án đó, Phú Quốc hứa hẹn sẽ có sức ép dân cư đủ mạnh để phá vỡ hình ảnh của một đảo ngọc với rừng cây bạt ngàn, nơi sở hữu 99 ngọn núi trải dài từ phía bắc đảo và thấp dần về phía nam. Tất cả các con sông lớn như sông Dương Đông, sông Cửa Cạn đều bắt nguồn từ những con suối nhỏ trên núi chảy xuống.
Tại Tờ trình số 40/TTr-UBND, UBND tỉnh Kiên Giang còn cho biết, huyện đảo Phú Quốc vốn được định hướng xây dựng thành đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt của cả nước. Tuy nhiên, đến nay Quốc hội chưa thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, nên chưa có cơ sở thành lập.
Lẽ ấy, UBND tỉnh Kiên Giang mong muốn thành lập thành phố Phú Quốc, và khi Quốc hội thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, thì tỉnh Kiên Giang sẽ đề xuất thành lập đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Phú Quốc trên cơ sở thành phố Phú Quốc.
Theo ghi nhận, trong khi chờ đợi lên thành phố và giấc mơ đặc khu, giờ thì Phú Quốc đang có rất nhiều rác thải từ sinh hoạt dân dụng đến du lịch. Rác trên bờ chất thành "núi", rác dưới sông, rác trên mặt biển, rác trên khắp các tuyến đường,… là những gì mà Phú Quốc đang đối mặt.
Còn nói theo báo cáo, thì Phú Quốc hiện tại mỗi ngày có hơn 200 tấn rác thải ra môi trường, đây là một con số khổng lồ đối với một hòn đảo đang chuẩn bị lên thành phố trong thời gian chờ đợi sẽ thành đặc khu hành chính ; với những sòng bạc đang được bắt đầu cho việc hướng tới như đặc khu hành chính Macau ở Trung Quốc.
Nước mắm và những thế lực ngầm ở Phú Quốc
Vùng biển Phú Quốc/Vịnh Thái Lan nổi tiếng có cá cơm than. Nghề làm nước mắm Phú Quốc khác hẳn các vùng miền khác, là ngư dân đánh bắt cá cơm than cho việc làm nước mắm, sẽ thực hiện công đoạn tẩm chượp số cá cơm than này ngay trên tàu – nghĩa là ướp tươi còn máu trong thân cá, mà không chờ về đất liền.
Nước mắm Phú Quốc được ngâm ủ trong những thùng gỗ lớn bằng gỗ bời lời có tại rừng Phú Quốc, hoặc thay thế bằng vên vên hoặc chai do bời lời khó tìm. Kích thước thùng từ 1,5 - 3m đường kính, cao từ 2 - 4m, ủ được từ 7 - 13 tấn cá. Mỗi thùng được niềng bằng 8 sợi đai, mỗi sợi bện bằng 120 sợi song mây lấy từ núi Ông Tám và Bắc Đảo.
Nhà thùng nước mắm Phú Quốc sản xuất theo công thức muối và cá được đời trước truyền cho đời sau đã hàng trăm năm. Mỗi nhãn hàng nhà thùng có các bí quyết riêng. Điểm chung là đều sử dụng muối của biển Bà Rịa - Vũng Tàu, và thời gian ủ chượp trong các thùng gỗ từ 12 đến 15 tháng. Riêng loại ‘nước mắm hạ thổ’ có thời gian đến 3 năm rưỡi.
Tuy nhiên du khách đi máy bay đến Phú Quốc muốn trực tiếp mua đặc sản nước mắm từ các nhà thùng nơi đây, sẽ bất ngờ khi bận về, phía hải quan cảng hàng không quốc tế Phú Quốc sẽ làm khó dễ lúc đóng kiện hành lý ký gửi.
"Tránh phiền phức, hãy chọn mua nước mắm hiệu Khải Hoàn. Họ bao luôn việc vận chuyển lên máy bay, giá lại rẻ hơn nhiều hiệu nước mắm khác !". Nhiều chủ nhà nghỉ, mách nước khách như vậy.
Cũng theo các chủ nhà nghỉ, cái lạ nữa là nếu khách đi máy bay của hãng Vietjet Air thì thoải mái khi ký gửi nước mắm, muốn bao nhiêu lít cũng được, chẳng có nhân viên hải quan sân bay Phú Quốc nào hoạch họe khó dễ, và bắt phải đóng thêm các khoản tiền dịch vụ bao bì.
Cái lạ nữa là mặc dù Thông tư 13/2019/TT-BGTVT "quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam" và Quyết định số 1531/QĐ-CHK, "Về Danh mục vật phẩm nguy hiểm cấm, hạn chế mang theo người, hành lý lên tàu bay", đều không có điều khoản nào về ‘cấm vận chuyển nước mắm’ ký gửi, song trên thực tế thì Hãng hàng không Vietnam Airline không chấp nhận du khách mang nước mắm Phú Quốc lên máy bay với cả 2 hình thức xách tay và ký gửi.
Hãng Jetstar Pacific Airlines thì cho ký gửi nước mắm Phú Quốc với mức hạn chế mỗi hành khách chỉ được 3 lít, và phải chịu thêm các khoản phí dịch vụ bao bì của hải quan sân bay Phú Quốc.
Dường như đang có những luật lệ riêng trong kinh doanh ở cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, nơi chuẩn bị sẽ lên thành phố trước khi là đặc khu.
Trúc Mai
Nguồn : VNTB, 17/06/2019
Dường như đang có bàn tay nào đó đang cố tạo ‘hot trend’ để thông qua đó muốn đánh tiếng với thế giới rằng, ở Việt Nam đang có quyền tự do ngôn luận nhiều đến mức người ta lạm dụng để làm mọi chuyện… xàm xí.
Vlogs và nghi vấn bàn tay bẩn
‘Hiện tượng bà Tân Vlog’ đang nổi lên thành một xu hướng (hot trend) mới của giới xem youtube và facebook ở Việt Nam là một đơn cử.
Một video blog hay video log, thường được nói gọn thành Vlog, là một dạng của blog trong đó phương tiện truyền tải là qua video ; và là một dạng của truyền hình trên nền tảng web đang rất phổ biến.
Vlog có khả năng truyền đạt nhiều thông tin hấp dẫn người nghe, người xem hơn là dạng viết (text). Nói một cách dễ hiểu, chẳng những không cần người xem phải chăm chú đọc từng dòng chữ trên máy tính, hoặc chiếc điện thoại thông minh, mà còn có thể vừa làm việc vừa nghe, dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các thông tin.
Sẽ có một thắc mắc, với những tính năng như vậy thì người xem chỉ cần xem truyền hình là đủ, vừa có màn hình to, vừa có thể chỉnh âm thanh lớn. Điều này không sai, nhưng Vlog tiện dụng hơn khi người ta có thể xem các video ở bất kỳ nơi đâu và bất kỳ lúc nào. Và cũng chính vì điều này, Vlog đến gần hơn với người dân Việt Nam.
"Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các bạn để các bạn quay những clip như thế này. Điều đó giúp chúng tôi dễ kiếm cơm hơn. Như trước đây, có một anh lên quay làm Vlog, đưa lên mạng, nhờ vậy nhiều người biết đến các dịch vụ mà chúng tôi mang đến, chứ không phải chỉ dừng ở chuyện chạy xe ôm quen thuộc". Ông Bảo, một tài xế xe ôm ở núi Cậu, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương chia sẻ.
"Cũng hy vọng có nhiều người quay núi Cậu, quảng bá cho bà con biết ở Bình Dương mình có một địa điểm du lịch luôn", ông Khương, một tài xế xe ôm khác bày tỏ.
Không những giúp quảng bá, đem đến nhiều thông tin cho người đọc, người xem, Vlog còn đem đến nguồn thu nhập cho người làm video. Những lượt đăng ký, những lượt xem (view), những quảng cáo trên video đã được Youtube trả bằng hiện kim cho người sử dụng (Youtuber). Có lẽ, cũng chính vì điều này, thị trường youtube ở Việt Nam phát triển khá mạnh với đủ loại "thượng vàng hạ cám".
"Youtube ở Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, theo mình thấy, không phải chê hay phân biệt nhưng các clip nào nội dung nhảm, ba xàm hoặc nhân vật nào lên chửi chửi là lượt view tăng cao. Làm các clip trên youtube mà nội dung bày bản như được học, hoặc nghiêm túc là chả có ai coi. Cho nên, mình và bạn mình phải làm các nội dung lai lai, vừa nhảm vừa nghiêm túc, khéo léo đan xen vào nhau. Nhưng cũng không được nhiều người biết đến", một du học sinh chuyên ngành truyền thông, tu nghiệp từ Anh Quốc về, nhận xét.
Trở lại với ‘bà Tân Vlog’, điều gì đã thu hút người xem đến mức ‘bà Tân’ đạt được "top 3 kênh YouTube tăng sub nhanh nhất thế giới" ? [1]. Loạt video của ‘bà Tân’, người xem tìm đến không hẳn vì nội dung đó có gì đặc biệt. mà nhiều người muốn so sánh cũng như tìm hiểu trong đó có gì, tại sao một video với bối cảnh đơn giản, không có gì đặc biệt lại thu hút đến thế ? Các Youtuber khác săm soi tìm điểm để học tập. Rồi những fanpage đưa những video đó lên để câu view, câu like cho page. Và chính vì hành động này, vô hình trung, họ đang lan truyền cho nhiều người khác.
Bên cạnh đó, tò mò vốn là bản tính của mỗi con người. Khi thấy (hoặc nghe) một ai đó xem (hoặc chia sẻ) cái gì khác bình thường, nhiều người thường tìm hiểu, tìm lời lý giải, lý giải không được họ đố bạn bè. Đây cũng là một trong những nguyên nhân vì sao kênh được nhiều người đăng ký ủng hộ.
Và khi người ta nghe, người ta thấy điều gì đó thú vị, người ta lại bắt chước theo. Đã có rất nhiều người bắt chước theo ‘bà Tân’ từ câu chào có phần ngập ngừng của bà: Bà chào các cháu của bà nhé, cho tới các sản phẩm của bà cái gì cũng siêu to, siêu khổng lồ, rồi thì bà đã nấu gần 60 nồi bánh chưng đang được mọi người lặp lại để chọc nhau cười.
Và gần đây thì mốt đặt tên : Bà (Ông) + tên + vlog đang thành một xu hướng (trend) mới cho các kênh Youtube nữa.
Điều này xem chừng vô thưởng vô phạt. Tuy nhiên, với thị hiếu của người xem youtube như thế thì… "Cảm thấy buồn, những video mang đầy tính giá trị nhân bản, học hỏi được nhiều thứ, hoặc khám phá, biết được cảnh đẹp, làng nghề của đất nước mình thì không được nhiều người xem. Không đánh đồng tất cả, đồng ý là youtube mang tính giải trí cao, song youtube cũng có thể kênh đem đến cho người xem nhiều kiến thức, thông tin lắm chứ". Ông Hai, một thầy giáo về hưu ở Sài Gòn chia sẻ.
Một số biên tập viên truyền hình ở Sài Gòn thì có góc nhìn nặng nghi vấn. Dường như ở đây trong câu chuyện Vlog thời thượng đang tràn ngập các clip xàm xí, song trong những giao ban vào sáng thứ ba hàng tuần, cơ quan tuyên giáo vẫn không đưa ra một định hướng tuyên truyền nào liên quan.
Điều đó cho thấy nhà chức trách đang có vẻ tận dụng những hình thức truyền thông ấy, một mặt để làm chứng cứ nói với thế giới rằng, Việt Nam đang có tự do ngôn luận, tự do bày tỏ mọi chính kiến. Mặt khác, khi người dân sa đà vào những clip xàm xí trên Vlog, người ta sẽ tạm quên đi bức xúc giá điện tăng, xăng tăng, BOT hút máu dân... ; quên đi luôn cả việc thắc mắc vì sao kỳ họp Quốc hội này lại vắng bóng vị đại biểu là Tổng bí thư – Chủ tịch nước.
Căn cứ của nghi vấn đó là tại sao các video hay, có nội dung hấp dẫn, được đầu tư lại ít lượt xem, trong khi các sản phẩm lố lăng, nhảm nhí lại thu hút được cả triệu lượt xem, được youtube hỗ trợ quảng bá ở các vị trí bắt mắt ? Liệu có bàn tay bẩn thỉu nào đó từ chính phủ đã ‘tác động’ trong vấn đề này ? Ví dụ như sử dụng ‘lực lượng 47’- đội ngũ dư luận viên để tạo làn sóng ảo cho một số Vlog trong chuyện đánh lừa thuật toán của nền tảng mạng xã hội youtube…
Trúc Mai
Nguồn : VNTB, 29/05/2019
Thời gian gần đây, cái tên Masan có vẻ khá nóng với việc dính vào các vấn đề lùm xùm như câu chuyện ‘tiêu chuẩn nước mắm’, đến việc tương ớt Chinsu dính phốt ở Nhật ; gần đây nhất, là tương ớt Chinsu với hình ảnh "cái lăng Ba Đình". Có ý kiến cho rằng với hàng loạt xì căng đan đó, dường như Masan đang rơi vào chu kỳ khủng hoảng mới ?
Masan và "lăng Ba Đình"
Xem ra ý kiến trên cũng là lẽ thường tình, bởi kẻ gieo gió ắt gặt bão. Ở các chợ, những người tiêu dùng giờ đây không còn ưu tiên mua hàng của Masan như lúc trước. Một tiểu thương xác nhận : "Các bà nội trợ đi chợ thấy mình bán nước tương Chinsu, họ hỏi mình bộ bà không thấy báo chí đăng tin tức nước tương của nó có hóa chất độc hại hay sao mà còn bán ?".
"Thấy ghê thấy bà, ăn vào bệnh chết. Cái chuyện nước mắm pha hóa chất, nghe đã thấy ghê rồi. Giờ đây lại còn chuyện nước tương. Nhớ hồi đó, nước tương của Masan còn dính vào vụ chất 3MCPD gây ung thư nữa chứ", ông Hai, một người tiêu dùng ở Tân Phú, Sài Gòn chia sẻ.
Dính vào hàng loạt những vấn đề như thế, chưa giải quyết xong, Masan lại thêm xì căng đan "lăng Ba Đình". Có ý kiến, đó chỉ đơn thuần là rủi ro trong kinh doanh. Giải thích vấn đề này, Masan cho rằng là lỗi của PG (1).
Với một doanh nghiệp bề thế và lắm chiêu trò như Masan, liệu có đơn giản là thế ?
Có thể nói, nhìn kiểu hình được xếp bởi các mặt hàng của Masan là khó có thể hình dung được cụ thể, rõ ràng đó là hình lăng Ba Đình. "Những công trình có mái, có cột, người ta tha hồ nhìn ra các kiến trúc khác nhau, có thể là một tòa tháp, một ngôi đền hay một Khuê Văn Các không chừng. Cũng có thể nhìn ra lăng ở Ba Đình nhưng đâu có dễ dàng khẳng định điều đó là đúng hay sai ?, ông Ba, một người tự giới thiệu là dân Sài Gòn, nhưng 44 năm qua chưa có dịp ra Hà Nội, chia sẻ.
Có lẽ cũng lường trước những thắc mắc như ông Ba, nên Masan đã cẩn thận treo lên những chai tương ớt Chinsu của trò 'ráp hình' cái tên "Chủ tịch Hồ Chí Minh" cho mọi người khỏi nhầm lẫn dị nghị (nhất là thời điểm hiện nay khá nhạy cảm về vấn đề sức khỏe của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng !).
Theo ghi nhận của người viết, hoạt động truyền thông và bày biện ở điểm bán hàng, một chương trình để được tiến hành phải thông qua được hết các bước phê duyệt trình tự từ các cấp của công ty ; từ người đưa ra ý tưởng, bộ phận truyền thông, bộ phận marketing, tới bộ phận tiến hành nằm ở đội ‘sales’ siêu thị. Như vậy, với một công ty có bề dày kinh nghiệm tiếp thị như Masan, thì vấn đề nằm ở chỗ là do lỗi của nhân viên PG, cũng tương tự như một quy định ban hành sai sót, thường đổ lỗi do "gã đánh máy" (!?).
Có ý kiến cho rằng rất có thể đây là chiêu trò giải quyết khủng hoảng, qua việc hành động của Masan tựa như đang hướng dư luận sang một khía cạnh khác, chuyển sự ghét bỏ của người tiêu dùng từ góc nhìn về một sản phẩm không tốt với sức khỏe, sang một sản phẩm được trưng bày với hình tượng dễ đưa đến ý kiến về sự phản cảm ; bởi dù gì đi nữa thì lăng tẩm vẫn là nơi để an nghỉ chứ không phải nơi dùng cho tiếp thị, quảng cáo.
Chính điều này tạo một hiệu ứng cho người tiêu dùng là sẽ tạm quên đi ấn tượng về sản phẩm có nhiều hóa chất, thay vào đó là một ấn tượng tiêu cực khác nhẹ nhàng hơn. Rồi sau đó, nhịp sống vẫn cứ trôi, người dân sẽ dần lãng quên. Masan sẽ từ từ lấy lại thị trường được họ cho là chỉ đang tạm mất (!?).
Chiêu trò trong kinh doanh là muôn hình vạn trạng. Tuy nhiên, dầu có như thế nào đi chăng nữa, thì sự thật vẫn mãi là sự thật, cây kim trong bọc có ngày cũng sẽ lòi ra, bởi "trăm năm bia đá thì mòn - nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ"…
Trúc Mai
Nguồn : VNTB, 23/04/2019
Chú thích :
(1) PG là là chữ viết tắt Promotion Girl, nghĩa là người mẫu quảng cáo hay còn gọi là promotion model, show girl, promotion girl hay promotion boy. Đây là nhân viên có nhiệm vụ quảng cáo, tiếp thị, lễ tân thực hiện các dịch vụ đại diện cho các thương hiệu, bằng cách trực tiếp tương tác với người tiêu dùng tiềm năng.
Phải chăng đó là hệ lụy của một nền quản trị quốc gia thiếu sự cạnh tranh của một đất nước cả trăm triệu dân, nhưng vẫn quen thuộc câu cửa miệng : "Đảng và Nhà nước lo" ?
Đã có đảng và nhà nước lo !
Lướt một vòng các trang báo điện tử, các newfeed trên Facebook những tuần lễ đầu tháng ba, có lẽ thấy nhiều nhất vẫn là câu chuyện của cô giáo ở La Gi và câu chuyện về nước mắm.
Bên bàn cà phê, giới trẻ cũng ít nhiều bàn luận về nước mắm kèm vẻ hoài nghi trình độ của các quan chức Hà Nội. Bởi, "nước mắm", một từ mà tự điển Larousse vẫn giữa nguyên là "nuoc mam", với giải thích là cá được ủ muối cho ra một dung dịch gọi là "nước mắm". Nay thì các quan chức Hà Nội lại đưa ra một định nghĩa khác, "nước mắm" là sự pha trộn giữa các loại hóa chất tạo mùi, màu, chống mốc, hương nhân tạo, chất điều vị và thành phần được gọi là "tinh nước mắm". Còn hiểu thế nào là "tinh nước mắm" thì không có giải thích.
Nước mắm là thứ gia vị không thể thiếu trong bữa cơm gia đình. Thế nhưng vì sao người lao động dường như ít quan tâm hơn so chuyện xì căng đan tình dục của cô giáo ở La Gi, Bình Thuận ? Phải chăng đó thuộc nhóm vấn đề liên quan "Đảng và Nhà nước" lo ?
Nhiều ý kiến cho rằng với thuyết âm mưu, "Đảng và Nhà nước" muốn cậy truyền thông đẩy mạnh những tình tiết kịch tính trong vụ "vòng tay học trò" ở một trường phổ thông trung học xứ biển Bình Thuận. Thời điểm này, về đối ngoại, "Đảng và Nhà nước" đang phải đối mặt với các phiên giải trình về nhân quyền tại Uỷ ban nhân quyền Liên Hợp Quốc. Thế nhưng xem ra lại có hiệu ứng ngược, khi mang so sánh câu khẩu hiệu huấn thị trước đây thường được treo ở nhiều lớp học về "sánh vai được với các cường quốc năm châu được hay không…". Bởi cách nào để sánh vai, khi giáo dục lại sản sinh ra những ‘cổ máy cái’ là cô giáo trong ‘vòng tay học trò’, còn thầy giáo thì ấu dâm như chuyện ở trường tiểu học Lương Thế Vinh, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh…
Với một nền giáo dục dường chừng cứ mãi tuột dốc như vậy, có phần nguyên do từ một số quan chức đã không làm đúng bổn phận của mình. Bởi nếu làm đúng, thì nước mắm phải là cá, chứ không phải là hóa chất pha chế, đóng chai rồi quảng cáo, tăng chiết khấu để bán đầy ở chợ. Bởi nếu làm đúng, thì với các vụ án có dấu hiệu hình sự như ‘vòng tay học trò’, như thầy giáo ấu dâm, cưỡng dâm học trò…, cơ quan thực thi pháp luật phải vào cuộc ngay từ đầu, chứ không phải vì mục đích đẩy lên để ‘pha loãng dư luận’ cho một sự kiện chính trị nào đó, rồi thả nổi cho dư luận mặc tình dèm pha.
Nhiều khi lại chẳng có thuyết âm mưu nào ở đây. Trong chuyện nước mắm, ý kiến cho rằng liệu có thể gọi thứ nước chấm như Masan đang sản xuất từ pha chế các loại hóa chất, là nước mắm hay không ? ; hay đó là hành vi của nước chấm mang tên nước mắm để đánh lừa người tiêu dùng ? Đó là thứ nước mắm giả cầy ?
"Có lẽ vậy, nếu không thì các quan chức Hà Nội đâu có làm đủ mọi cách để cho ra đời bộ tiêu chuẩn nước mắm đánh đồng sản xuất thủ công nước mắm nhà thùng gồm cá, muối với thứ nước pha hóa chất cùng ‘tinh nước mắm’ nhưng vẫn đường hoàng gọi là nước mắm !". Một chuyên gia hóa thực phẩm của trường Đại học Khoa học, nhận xét. Thứ nước mắm hóa chất này lại đang được bảo kê bằng bộ tiêu chuẩn chất lượng mà "Đảng và Nhà nước" nhăm nhe ban hành.
Phê phán vậy thôi chứ thật tế thì Việt Nam là xứ ngoại lệ, cái gì cũng có thể giả. Giả trở thành thật. Giả trở thành "chính qui", thành "lãnh đạo". Còn những cái thật, học thật làm sao bằng "học giả" kiểu đó… Kiểu như mai này nước mắm thật, truy ra từ bộ tiêu chuẩn mà các quan chức sắp đưa ra, các nhà thùng có thể ‘phạm’ đủ thứ qui cách. Người làm nước mắm cha truyền con nối hơn hai trăm năm qua, có thể bị ‘hầu tòa’ như chơi…
"Người ta sống ở quê, người ta ăn từ nhỏ với mùi nước mắm đó. Cho nên khi lớn lên người ta vẫn nhớ cái mùi nước mắm thơ ấu. Đi đâu xa, người ta ngửi cái mùi nước mắm, là người ta nhớ ngay. Bây giờ những người Việt xa xứ, cũng cả 3 triệu người chứ đâu có ít, họ cũng từng ăn nước mắm, và đang ăn nước mắm… Chẳng lẽ bây giờ họ ngửi cái mùi nước mắm công nghiệp để mà nhớ quê... Nước mắm đủ mọi miền, đều có thể xuất ra nước ngoài, và đều có thể đáp ứng được cái nhu cầu ẩm thực, và cả cái nhu cầu tình cảm của những người Việt xa xứ !". Chuyên gia hóa thực phẩm, thạc sĩ Vũ Thế Thành, chia sẻ kèm tuyên bố chắc nịch như vậy.
Nếu có một nền tảng giáo dục tử tế, chắc chắn các quan chức Hà Nội không vì ‘lợi ích nhóm’ để mà đưa ra những chính sách mặc kệ dân tình ta thán. Phải chăng đó là hệ lụy của một nền quản trị quốc gia thiếu sự cạnh tranh ; của một đất nước cả trăm triệu dân, nhưng vẫn quen thuộc câu cửa miệng : "Đảng và Nhà nước lo" ?
Trúc Mai
Nguồn : VNTB, 17/03/2019
"Bình Dương bệnh nhiều lắm, vô bệnh viện quá trời rồi, như xóm tui nè, hết người này chết vì bệnh đến người kia chết vì bệnh. Mà phần nhiều là ung thư. Vậy mà lại dám ngang ngược nói đã xử lý ô nhiễm thành công", ông Hai Kem chia sẻ... đầy giận dữ.
Nguồn nước thải ô nhiễm tại Bình Dương - Ảnh minh họa
Ông Hai Kem bực bội còn là vì mới đây ông Dũng ‘lò vôi’ đã ‘nổ’ đại ý rằng "Chúng tôi đã thử nghiệm đầu tiên tại Bình Dương. Chúng tôi mong được thực hiện việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải bằng vi sinh trên phạm vi cả nước". Đại gia Dũng ‘lò vôi’ khẳng định sẽ đầu tư 10.000 tỷ đồng trên cả nước và phần lớn dành cho Đà Nẵng để xử lý ô nhiễm nguồn nước.
Do phát triển quá nhanh ?
Tường thuật của báo chí cho biết, phát biểu tại buổi Tọa đàm mùa Xuân 2019 do Thành ủy, UBND Thành phố Đà Nẵng tổ chức sáng 1/3, ông Huỳnh Uy Dũng (tức Dũng ‘lò vôi’, Chủ tịch Tập đoàn Đại Nam) cho biết sau những thành công ở Bình Dương, ông chọn Đà Nẵng là quê hương thứ hai để đầu tư. Và dự án đầu tiên của ông là xử lý ô nhiễm nguồn nước ở Đà Nẵng.
Ông Huỳnh Phi Dũng (tên lúc chưa đổi) còn được biết đến là chủ các khu công nghiệp Bình Đường, Sóng Thần 1, 2 và 3 ở tỉnh Bình Dương.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển kéo theo đó là sự dần biến mất của những cánh đồng và được thay thế bởi các khu công nghiệp. Chúng có mặt ở nhiều nơi : từ Dĩ An cho đến ‘thành phố mới Bình Dương’ ; từ Bến Cát cho đến Bàu Bàng… Việc phát triển ồ ạt các khu công nghiệp tuy có ưu điểm là sẽ đem công việc đến cho nhiều người dân : "Giờ bà con bỏ quê miền Tây lên Bình Dương làm công nhân nhiều lắm", anh Xuân, một thợ làm tầm vông ở miệt Ba Chúc, Thất Sơn của tỉnh An Giang nhận xét. Thế nhưng hệ lụy giờ quá rõ, các khu công nghiệp buông lõng các chuẩn định về xử lý chất thải đã gây ra ô nhiễm môi trường ngày thêm trầm trọng.
Một trong những điển hình cho sự ô nhiễm ở Bình Dương, đó chính là kênh Ba Bò. Dù nhiều lần cam kết thực hiện quyết liệt xử lý ô nhiễm cứu con kênh Ba Bò, nhưng tình hình đâu vẫn hoàn đấy.
"Có thời gian tui đi làm bên đó. Nước kênh hay có bọt màu trắng lắm. Xung quanh thì đầy các khu công nghiệp. Có cả mấy khu công nghiệp của ông Dũng ‘lò vôi’ chỗ đó nữa. Tui cũng không biết nguyên nhân là do dân xả rác hay do khu công nghiệp xả thải, hay do cả hai. Nhưng nhìn chung kênh Ba Bò ô nhiễm thì cũng lâu rồi, thấy cũng hô hào giải quyết, nhưng rốt cuộc đâu cũng hoàn đó". Ông Hai Kem kể.
Trở lại với câu chuyện ông Dũng ‘lò vôi’. Hạ tuần tháng 2/2019, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu chủ đầu tư khu công nghiệp Sóng Thần 1 và 2 sớm xây dựng 2 tuyến thoát nước độc lập cho từng khu công nghiệp và tăng cường kiểm tra giám sát nguồn xả thải ra kênh Ba Bò.
Chính quyền đã… ‘chào thua’ ?
Ô nhiễm là thế. Song đối với những khu vực "xa mặt trời" như trong Bàu Bàng, chính quyền địa phương tựa như "vua một cõi". Nhóm cộng tác viên Việt Nam Thời Báo cho biết : "Thời gian cá ở hồ Từ Vân chết, bọn tôi có đến tận nơi tìm hiểu. Bọn tôi vào nhà người dân để hỏi thăm, để ghi hình. Người dân thì chịu chia sẻ đó, nhưng không dám lên hình. Họ nói, cá chết là có liên quan đến chính quyền địa phương che giấu. Nghe đâu là do doanh nghiệp xả thải nên cá mới chết".
Công bằng mà nói, bên cạnh những lý do từ các nhà máy, ô nhiễm còn xuất phát từ chính người dân. Có những người vì ham muốn ‘thêm một chút’ nên sẵn sàng phun, xịt các loại thuốc trừ sâu, thuốc hóa học vào các loại cây trồng, rau củ. Nguồn nước ngầm có thể sẽ phải đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm.
"Họ phun, xịt đủ thứ. Rồi theo hướng gió xuống nhà mình, rồi thấm vào mạch nước ngầm, lâu ngày dài tháng rồi bệnh. Đó là chưa kể bông, trái ăn vào bệnh nữa. Với mấy trái có vỏ dày như cam, bưởi, để một thời gian rồi bán, còn đỡ đỡ. Còn mấy trái như chôm chôm, thuốc nó dính vào mấy cái lông, thấm vào bên trong. Ăn vào ớn chết luôn". Bà Út, một nông dân ở Tân An, Thủ Dầu Một, kể.
"Tình hình này, riết rồi không biết sẽ như thế nào. Lúc còn nhỏ, chạy ra vườn chơi, rồi ra sông ngắm tàu, ghe. Giờ bà con, cả trong họ hàng cứ nhăm nhe bán đất, khu công nghiệp mọc lên. Rồi lại ô nhiễm, không biết sau này con cháu mình sẽ như thế nào ?". Một cư dân Bình Dương, nói.
"Đồng ý là công nghiệp hóa, hiện đại hóa là bắt kịp xu thế thời đại, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân. Nhưng chí ít cũng phải nghĩ, đất nước mình thế mạnh là nông nghiệp. tại sao không phát triển mà còn thu hẹp cái thế mạnh đó ?. Hàng loạt khu công nghiệp, xả khói vào không khí, xả thải ra sông, rồi chất thải rắn. Mấy anh thấy nhà máy Lee & Man ở Hậu Giang không ? Xuống đó mà hửi, thúi um luôn. Rồi cá nào sống nổi, nước nào xài được ? Làm gì thì làm, cũng phải nghĩ cho đời sống người dân địa phương nữa chứ". Nhóm phóng viên một kênh truyền hình ở Sài Gòn, bức xúc.
Bình Dương là địa phương nổi tiếng nhất nhì Việt Nam với những chính sách thu hút đầu tư cả trong lẫn ngoài nước. Tuy nhiên để phát triển nền kinh tế bền vững, không chỉ là chăm chăm tạo nguồn thu ngân sách bao nhiêu ngàn tỷ bạc, mà còn đòi hỏi tiên quyết môi trường sống, sức khỏe của người dân phải được nâng cao, chứ không thể mỗi năm lại thêm khốn khó vì bệnh tật, vì ung thư do ô nhiễm.
Trúc Mai
Nguồn : VNTB, 06/03/2019
Mạng xã hội, hay người ta đang gọi là quyền lực thứ 5, một thứ quyền lực mềm đang được thể hiện rõ nét, sống động và ai ai cũng dễ dàng cảm nhận được ở hôm nay.
Trung Quốc thúc đẩy sự mở rộng sức mạnh mềm thông qua xuất khẩu văn hóa - Một diễn viên múa Tứ Xuyên biểu diễn màn phun lửa trong một buổi trình diễn truyền thống
Những nhà báo - công dân thời kỹ thuật số
Nhiều công ty truyền thông được lập ra. Tin tức trên mạng xã hội được các doanh nghiệp này tổ chức bài bản như tòa soạn báo chí. Khác chăng là những phóng viên của các tổ chức truyền thông đó không được cấp thẻ nhà báo. Bù lại, họ không chịu áp lực từ những chỉ đạo gọi là ‘định hướng tuyên truyền’ của cơ quan Tuyên giáo.
Thông tin được đăng tải qua tài khoản mạng xã hội của Facebook, Youtube, hay xây dựng website trên nền wordpress…, không chịu sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông, không bị đe dọa đình bản. Tuy nhiên cũng như nhà báo ‘có thẻ’, những nhà báo - công dân ấy vẫn phải chịu sự đe dọa lớn nhất của các hăm he hình sự, kiểu chụp mũ ‘lợi dụng quyền tự do ngôn luận’, ‘diễn biến hòa bình’…
Với mạng xã hội như Facebook, thông tin như thác lũ, được đăng bởi bất kỳ ai. Chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh, hay một chiếc máy tính có kết nối với mạng internet, là đã trở thành một "người đưa tin" hữu hiệu.
Mặc dù vậy, dường như chuyện bưng bít thông tin vẫn tiếp tục là nguyên tắc của chính phủ Việt Nam, nhằm che giấu những gì mà nhà nước không muốn người dân biết đến. Có điều về hình thức thì khác trước đôi chút. Đôi khi Tuyên giáo ‘bật đèn xanh’ để tờ báo nào đó ‘thả’ ra một bài viết mang tính trấn an dư luận-kiểu như thảm họa Formosa Hà Tĩnh, rồi sau đó xiết lại, ‘cất’ bài đó đi.
Ông Út Mót, một nông dân ở Mỏ Cày Bắc, Bến Tre kể rằng xứ này toàn là dân của Mặt trận Dân tộc giải phóng. Vậy mà khi Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, thì mấy ông du kích cầm súng một thời đạn bom đó lại được chính quyền gọi lên để răn đe, là không được hưởng ứng những lời kêu gọi phản đối Trung Quốc xâm phạm biển đảo mà trên mạng đăng đầy...
"Ức lắm chứ, đọc trên Facebook, trên báo mạng thấy người Sài Gòn phản ứng rầm rầm, còn ở mình thì buộc phải làm thinh. Nếu mà không có mấy trang báo lề trái đó, dân tình xứ này tiếp tục tin Trung Quốc là đồng chí của mình…". Ông Út Mót tâm sự.
Những góc nhìn đa chiều thời công nghệ 4.0
Có thể nói, với các trang web, trang mạng xã hội thông tin đa chiều, với những phân tích và bình luận có đúng có sai, tất cả đã phần nào đem đến cho người dân những kiến thức về pháp luật, những vấn đề xã hội thiết thực.
Cựu quân nhân Tám Đức, hiện là bảo vệ một chợ ở quận vùng ven Sài Gòn kể với phóng viên Việt Nam Thời Báo, rằng ông nhiều lần mở điện thoại để xem hết cả tiếng đồng hồ về chương trình bàn tròn BBC Việt ngữ. Ông biết nhà báo Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, cũng từ các nội dung hội luận đó.
"Cũng có những cái mình không đồng tình với mấy ông trên mạng nói, nhưng cũng nhiều cái nghe có lý. Mình là con người mà, nhận thức được cái nào đúng thì nghe thôi. Đảng viên cũng là người bình thường. Ông Phạm Chí Dũng nghe đâu cũng từng là đảng viên, nên ổng hiểu rõ chuyện mấy đảng viên quan chức…". Ông Tám Đức giải thích lý do mà ông hay nghe hội luận trên BBC.
"Cũng có vài cái ‘livestream’ ưa bình luận tào lao, nghe cho vui chứ hoàn toàn không ủng hộ. Lấy thí dụ như phát động biểu tình này nọ. Cái gì cũng phải có lý do, chứ cứ tuần nào cũng kêu gọi xuống đường biểu tình mà không thấy những người kêu gọi đó tham gia, thì quả thực rất đáng ngờ !". Ông Tám Đức nhận xét.
Liên quan chuyện ‘livestream’ trong thời kỷ nguyên số, đây chính là công cụ mạng xã hội đem đến nhiều thông tin, kiến thức cho người dân bằng trực quan sinh động. Kết quả vừa được công bố từ một tổ chức khảo sát thị trường tại Việt Nam cho biết, tính về sức tăng trưởng lượt người xem ở năm 2018 so với năm 2017, kênh tin tức dưới dạng video của báo Thanh Niên đã đạt con số khá ấn tượng là 392% ; Báo Tiền Phong với kênh tin tức Tiền Phong TV cũng đạt sức tăng trưởng lên đến 120% ; Báo Phụ Nữ và Gia Đình là 2,975% ; Vietnam Plus TV là 183%.
"Những phóng sự video coi hay đấy chứ. Nếu không coi được thì mình cũng có thể nghe được. Vừa làm bếp vừa nghe. Ở cách Việt Nam nửa vòng trái đất, vì nhiều lý do không thể về, cũng nhờ có những phóng sự video mà mình có thể thấy được hình ảnh quê hương, rồi những tin tức về đất nước", bà Mười Cúc - một người Việt ở San Jose, California chia sẻ.
Nguồn nhân lực chưa đáp ứng
So với tốc độ phát triển nhanh về công nghệ, đặc biệt là các thiết bị đầu cuối như điện thoại di động, truyền hình internet ngày càng có giá rẻ hơn, phù hợp với túi tiền hầu hết gia đình, thì lực lượng tham gia sản xuất tin, bài, clip mang tính chuyên nghiệp đang thiếu hụt.
"Có nhiều nguyên nhân lắm. Với các báo, đài nhà nước, quả thật không khó để quay. Chỗ nào hẹn trước thì khỏi nói, có khi chính quyền địa phương dẫn đi luôn. Chỗ nào không hẹn, chỉ cần đưa giấy tờ ra là người ta tin. Còn mình thì có gì ? Đó là chưa kể, có vài trường hợp, mình xuống sau các báo đài khác. Mấy ông phóng viên đó làm cái gì không biết, mà dân người ta đâm ra ghét phóng viên. Xuống chưa nói câu gì đã bị đuổi. Cái này bọn tôi gặp hoài.
Đi làm phóng sự ảnh nhà vườn chuẩn bị Tết Kỷ Hợi vừa rồi, mới bước xuống vườn tính lại nói chuyện với bác nông dân, người ta thấy mình cầm máy chụp hình, chẳng nói chẳng rằng, người ta xịt nước mình luôn. Hên là chạy kịp, máy không bị ướt". Nhóm nhà báo đang cộng tác với trang báo của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, kể.
"Chưa hết đâu, còn chịu sức ép khó dễ về pháp luật nữa. Luật An ninh mạng, rồi mấy điều trong Bộ Luật hình sự là con dao luôn trong tư thế bổ xuống đầu bọn mình. Mấy hôm chộn rộn thượng đỉnh Mỹ - Triều đó, bọn mình chật vật lắm mới có thể tác nghiệp làm clip ghi nhận ý kiến người dân quanh chuyện Trump-Kim.
Nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự ở Sài Gòn như ông Phạm Chí Dũng, bà Dương Thị Tân, ông Trần Bang, bà Sương Quỳnh… đã bị lực lượng an ninh khẩu trang bủa vây, mà người Sài Gòn gọi là ‘bánh canh’. Mấy chuyện đó trên báo chí quốc doanh đâu có đăng. Người dân chỉ có thể tỏ tường khi đọc trên mạng xã hội, hay Việt Nam Thời Báo, VOA, BBC… Cũng có lúc bọn mình ngần ngại vì bị hăm he từ chính quyền.
Luật pháp không có điều nào cấm chuyện truyền thông bọn mình làm. Mình yêu nghề thì mình tiếp tục thôi". Nhóm bạn trẻ chuyên trách truyền hình, cho biết như vậy. Bởi theo họ thì minh bạch thông tin là một trong những biểu hiện quan trọng nhất của nền dân chủ. Thế nhưng đến nay, nhiều thông tin ở Việt Nam chưa được minh bạch và kịp thời. Ở các vụ án tham nhũng, người ta hay chắt lưỡi, lại là con voi lọt qua lỗ kim. Điều đó còn có nguyên do từ sự thiếu minh bạch trong thông tin.
Trúc Mai
Nguồn : VNTB, 03/03/2019
Phương châm hành động của đạo Phật là "tự mình thắp đuốc lên mà đi". Ngọn đuốc ấy bao giờ được người trẻ hôm nay mạnh dạn đốt lên và truyền lửa ?
Viết về tôn giáo luôn là chuyện nhạy cảm. Ở đây xin chia sẻ những cảm nghĩ về người trẻ hôm nay như chúng tôi, với các bậc trưởng thượng cũng từng là người trẻ...
Các hoạt động nhân đạo ở chùa Liên Trì ở khu Thủ Thiêm, quận 2, Sài Gòn lúc chưa bị chính quyền cưỡng chế đập bỏ. Ảnh : Trí – Thịnh
Nhân lễ giỗ lần thứ 54 của Huynh trưởng Gia đình Phật tử Nguyên Thường Đào Thị Yến Phi (1948 – 1965), xin được tri ân bà, và mong muốn tuổi trẻ hôm nay tiếp nối được tinh thần dấn thân như thế hệ của bà.
Đôi dòng hoài niệm : Đào Thị Yến Phi, Pháp danh Nguyên Thường, tự Diệu Mai, sinh ngày 16 tháng giêng năm 1948 tại tỉnh Hà Đông, Bắc Việt Nam. Đào Thị Yến Phi gia nhập Gia Đình Phật Tử Linh Thứu từ năm 1958 với tư cách một đoàn sinh Oanh Vũ, năm 1961 lên đoàn Thiếu Nữ. Chính thức Quy y Tam Bảo vào ngày lễ Phật Đản 1962. Trúng cách Trại huấn luyện Đội Chúng Trưởng "Thần Hội" năm 1962, trúng cách Trại huấn luyện Huynh Trưởng Lộc Uyển năm 1964. Sau đó về sinh hoạt với Gia đình Phật tử Chánh Quang với nhiệm vụ Đoàn Phó Đoàn Oanh Vũ.
14 giờ 30 ngày 26/01/1965, nhằm 24 tháng Chạp năm Giáp Thìn, trước Tòa Hành Chánh tỉnh Khánh Hòa, trong lúc chư Tăng Ni và Phật Giáo đồ đang tuyệt thực, Đào Thị Yến Phi đã tự tay tưới xăng vào mình và châm lửa tự thiêu. Trước khi lìa đời Yến Phi để lại 03 bức tâm thư :
Một thư gửi cho mẹ, có đoạn viết : "Con tin rằng việc làm của con ngày hôm nay giúp ít nhiều cho Đạo Pháp, Mẹ đừng vì con mà tiếc thương bi lụy. Con không mất và sẽ còn mãi mãi với nguyện vọng Dân tộc… Nợ đời, nợ Đạo con chọn một, chỉ có giáo lý của đức Phật mới tồn tại mãi… Mẹ tha tội cho con…".
Bức thư thứ hai gửi cho quí Thượng Toạ, Đại Đức và Phật giáo đồ, Phi viết : "Con, một Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử Chánh Quang xin âm thầm phát nguyện thiêu đốt nhục thân để cúng dường Tam Bảo, để cầu nguyện quốc thái dân an, cầu cho quí Thượng Toạ, Đại Đức, Tăng Ni pháp thể khương an, cầu nguyện cho Phật Giáo Đồ dư sức, thừa nghị lực để tranh đấu…".
Và một bức thư gửi Thủ tướng Trần Văn Hương nói lên lời tâm huyết : "Mong chính quyền sớm giác tỉnh và giải quyết các nguyện vọng của Phật Giáo…".
Gia đình Phật tử Việt Nam là một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên được thành lập từ những năm 1940, mang danh xưng chính thức là Gia đình Phật tử vào năm 1951 trên cơ sở các tổ chức giáo dục thanh thiếu niên theo tinh thần Phật giáo, do cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám sáng lập, có khẩu hiệu là "Bi - Trí – Dũng". Vào đầu thế kỷ 20, Gia đình Phật tử Việt Nam có hơn 150.000 Huynh Trưởng và Đoàn Sinh tham gia sinh hoạt thường xuyên.
Mục đích của Gia đình Phật tử là đào luyện thanh - thiếu - đồng niên thành Phật tử chân chính. Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo.
Câu hỏi đặt ra là vì sao kể từ tháng 4/1975 đến hôm nay, không có một Phật tử nào thể hiện tinh thần "Bi – Tri – Dũng" như thế hệ cha, anh ?
Các hoạt động nhân đạo ở chùa Liên Trì ở khu Thủ Thiêm, quận 2, Sài Gòn lúc chưa bị chính quyền cưỡng chế đập bỏ. Ảnh : Trí – Thịnh
Khi sinh hoạt Gia đình Phật tử, đoàn sinh nào cũng được dạy rằng với đại bi, người phật tử sẵn sàng chịu khổ trước mọi người, lấy cái đau thương của mọi người làm cái đau thương của chính mình. Cái bức xúc của mọi người cũng là cái bức xúc của chính mình, do đó người phật tử cần hành động. Như vậy thì trước hàng loạt tự viện bị chính quyền cưỡng chiếm phá dỡ, vì sao không hề có một phật tử nào lấy đó là niềm đau của mình để mà đấu tranh ?.
Các bạn đoàn sinh từng được giảng rằng với đại trí, người phật tử luôn luôn cảnh giác mọi cám dỗ của Ma Vương, biết gạt bỏ tất cả những cái hư, biết đoàn kết hành động và hoạt động đúng chánh nghĩa biết tiến tới, thối lui, dừng lại đúng thời đúng lúc. Rồi với đại dũng, người phật tử luôn luôn sẳn sàng hy sinh thân mình vì đại nghĩa, dũng cảm quên mình để bảo vệ chánh nghĩa và Đạo pháp, đem lại hòa bình, hạnh phúc an vui cho xứ sở.
Trong cuộc tranh đấu bất bạo động đòi tự do tín ngưỡng công bằng xã hội, người phật tử hôm nay đã thể hiện tinh thần Bi – Trí – Dũng ra sao ? Phải chăng nếu đem so sánh với thế hệ cha anh đã hy sinh cho đạo pháp, thì Gia đình Phật tử Việt Nam hôm nay đang sống mòn, chấp nhận những bất công như cuộc pháp nạn phải cam chịu ?
Phương châm hành động của đạo Phật là "hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi". Ngọn đuốc ấy bao giờ được người trẻ hôm nay mạnh dạn đốt lên và truyền lửa ?
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 30/01/2019