Người Việt dựng tượng tri ân vị tạo tác tại Bồ Đào Nha
Một tượng đài tri ân giáo sĩ Francisco de Pina, người có công đầu trong việc tạo tác chữ Việt theo ký tự La tinh, vừa được một nhóm trí thức Việt Nam mang sang lắp đặt và khánh thành tại quê hương ông ở Bồ Đào Nha hôm 26/11.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng (áo dài xanh, giữa) và những người tham dự khánh thành tượng đài tri ân giáo sĩ Francisco de Pina tại Guarda, Bồ Đào Nha, hôm 26/11/2023.
Mặc dù chữ viết theo ký tự Latinh của tiếng Việt đã được hình thành khoảng 400 năm trước và trở thành chữ quốc ngữ hơn cả trăm năm nay, nhưng không phải người Việt nào cũng biết đến những người tiên phong có công đầu trong việc tác tạo ra nó.
Ngoài giáo sĩ Alexandre de Rhodes là người được biết đến nhiều vì có công hệ thống hóa và định chế hóa chữ quốc ngữ, giáo sĩ Francisco de Pina là nhà truyền giáo đầu tiên thông thạo tiếng Việt và ông chính là người đã xây dựng phương pháp ghi âm tiếng Việt bằng chữ cái Latinh. Ông de Pina là thầy của ông de Rhodes.
"Ông Francisco de Pina bây giờ đã được xác định rõ là người tiên phong tác tạo ra chữ quốc ngữ bằng hình thức là ông đã nhận định và xác định được 6 âm vực của tiếng Việt bằng một bản nhạc. Ông đã tác tạo ra chữ quốc ngữ và chính ông đã mở một lớp học ở Thanh Chiêm vào thế kỷ XVII để dạy cho các giáo sĩ mới tới về tiếng Việt và cách dùng các ký tự chữ quốc ngữ. Ngài Alexandre de Rhodes là một trong những môn đệ đã tới học các lớp này", giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, nói với VOA khi ông đang có mặt tại Guarda, quê hương của vị giáo sĩ người Bồ Đào Nha.
Giáo sư Hưng là Chủ tịch "Quỹ Vinh danh tiếng Việt và chữ quốc ngữ" và đứng đầu dự án xây dựng và đặt tượng đài tri ân giáo sĩ Francisco de Pina.
Tượng đài tri ân giáo sĩ Francisco de Pina được khánh thành tại Guarda, Bồ Đào Nha, hôm 26/11/2023.
Biểu tượng tri ân có hình thuyền buồm, là phương tiện mà giáo sĩ Francisco de Pina đã dùng để đi sang Việt Nam, cao 3 mét, rộng 1,65 mét, được đúc thủ công bằng đồng tại Thanh Chiêm, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nơi giáo sĩ Francisco de Pina đã mở lớp dạy chữ quốc ngữ và một học trò của ông sau này trở nên nổi tiếng chính là cha Alexandre de Rhodes.
Tượng đài được vận chuyển đến thành phố Guarda, nơi sinh của giáo sĩ Francisco de Pina để lắp đặt và khánh thành vào ngày 26/11.
Trên thân tượng đài có in hình trống đồng Đông Sơn, biểu tượng của văn minh cổ Đại Việt. Phần buồm có 2 phần : phần thẳng đứng có ghi lời tri ân "Tấm bia này là biểu tượng tri ân cha Francisco de Pina, một trong những người đầu tiên đã tác tạo ra Chữ Quốc ngữ, chữ viết tiếng Việt dùng ký tự Latinh" được viết bằng 3 ngôn ngữ ; phần cong có in nguyên văn thủ bút của vị giáo sĩ, với 6 hàng nhạc ghi 6 thanh điệu của tiếng Việt và lời giải thích.
Mở cánh cửa hướngra văn minh
Mặc dù quá trình hoàn thiện chữ quốc ngữ có sự đóng góp công sức của rất nhiều người, chủ yếu là các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Pháp, Ý, các tín đồ Công giáo Việt Nam, nhưng hai người được ghi nhận công đầu là giáo sĩ Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes, trong đó, giáo sĩ Francisco de Pina được coi là người tiên phong đặt nền móng cho sự ra đời của chữ quốc ngữ.
Với tài năng về ngôn ngữ, cha Francisco de Pina trong 8 năm sống ở Việt Nam (1617 -1625) đã học rất nhanh tiếng Việt và là giáo sĩ duy nhất giảng đạo dùng tiếng bản xứ vào thời đó. "Ông có được khả năng ấy vì ngài không những là một vị giáo sĩ uyên thâm ngôn ngữ mà còn là một nhạc sĩ", Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho biết.
Nhờ vậy, ông đã phát hiện ra sự phong phú trong âm tiết tiếng Việt và đã dùng âm nhạc để ghi lại 6 thanh điệu của tiếng Việt qua một thủ bút gởi về cho các cha bề trên tại Lisboa (tức Lisbon), khởi nguồn cho dự án đồ sộ dùng ký tự Roman để viết tiếng Việt.
Những thanh điệu tiếng Việt do giáo sĩ Francisco de Pina tác tạo được khắc trên tượng đài tri ân.
Chữ viết theo ký tự Latinh được xem là một phương tiện giúp người Việt hội nhập nhanh hơn với văn minh nhân loại. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, trong bài phát biểu vào ngày khánh thành tượng đài, nói : "Chúng ta vẫn biết lúc ban đầu các giáo sĩ cơ đốc Dòng Tên chỉ muốn tạo dựng một phương tiện hữu hiệu để truyền đạo, nhưng tính cách nghiêm túc và khoa học của công trình của họ đã cho ra đời một sản phẩm văn hóa tuyệt vời giúp cho người Việt có cơ hội nhanh chóng hòa nhập với thế giới văn minh".
Theo ông, "Việc có mặt chữ quốc ngữ đã giúp cho dân tộc ta thoát khỏi việc sử dụng chữ Hán. Dù chúng ta đã sáng tạo ra chữ Nôm, nhưng chữ Nôm cũng phát xuất từ chữ Hán và cũng còn nhiều rắc rối. Còn chữ quốc ngữ là ký âm và được tác tạo một cách rất khoa học. tiếng Việt đọc làm sao thì viết như vậy. Đó là chữ quốc ngữ. Và chữ quốc ngữ đã biến thành chữ của người Việt. Chỉ có người Việt mới viết chữ quốc ngữ. Cho nên tuy nó là sự sáng tạo của người nước ngoài nhưng trong quá trình lịch sử đã được người Việt Nam chấp nhận".
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nói thêm với VOA : "Sau này thành lập chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chính phủ Hồ Chí Minh, thì Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký văn bản xác định chữ quốc ngữ là chữ viết chính thức của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Bây giờ là chữ viết của gần 100 triệu người Việt ở khắp ba miền đất nước cũng như ở hải ngoại".
Tâm bia khắc trên tượng đài, ghi nhận công ơn của giáo sĩ Francisco de Pina trong việc tác tạo chữ quốc ngữ.
Nhờ dùng chữ Quốc ngữ, Việt Nam đã nhanh chóng xây dựng được ngành xuất bản, bưu chính viễn thông. Mẫu tự Latinh thuận tiện cho việc chế tạo máy chữ, sắp chữ in, mã hóa thành tín hiệu điện tín… Nếu dùng chữ Hán hoặc Nôm thì các ngành trên không thể sớm ra đời và phát triển được như ngày nay, vẫn theo Giáo sư Hưng.
Tôn vinh và bảo vệ chữ quốc ngữ
Dự án xây dựng tượng đài tri ân giáo sĩ Francisco de Pina là một hoạt động nối tiếp việc đặt bia tri ân giáo sĩ Alexandre de Rhodes mà "Quỹ Vinh danh tiếng Việt và chữ quốc ngữ" đã thực hiện cách đây 5 năm (2018) tại ngôi mộ của ông ở Isfahan, Iran.
"Nó bắt đầu từ ý nghĩ của chính chúng tôi bởi vì chúng tôi muốn bảo vệ chữ quốc ngữ để phản bác lại mưu đồ của một số người muốn thay đổi chữ quốc ngữ. Chúng tôi cảm thấy chữ quốc ngữ bị tấn công nên đứng ra bảo vệ nó và nhận được sự ủng hộ đông đảo của đại bộ phận các thức giả, trí thức Việt Nam, công giáo cũng như lương", Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng chia sẻ với VOA.
Theo ông, chữ quốc ngữ là "thành quả giao lưu văn hóa Âu-Á trong sáng và trường tồn vào bậc nhất của nhân loại" khi công trình giao lưu văn hóa vào thế kỷ 17 này đã tập hợp được đông đảo người tham gia thuộc nhiều quốc tịch : Bồ Đào Nha, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Nhật, Trung Hoa, Pháp và Việt Nam... để sáng tạo, hình thành và đạt kết quả mỹ mãn là sự ra đời của chữ quốc ngữ.
"Nếu ví di sản tinh thần, tinh hoa văn hóa, khoa học, trí tuệ của nước Việt như một đại sơn mạch hùng vĩ, thì các đỉnh cao tinh hoa đất nước, như Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du…, như những đỉnh cao chất ngất. Các cha dòng Tên ở Nước Mặn, Thanh Chiêm đặt nền móng cho chữ Quốc ngữ bốn trăm năm trước, cũng nằm trong các đỉnh sơn mạch đó", nhà văn Hoàng Minh Tường nói trong bài phát biểu tại Guarda.
"Tiếc rằng đỉnh của các ngài Francisco de Pina, Alexandre de Rhodes… nằm trong đới băng phủ, sương mù, mà hậu thế hôm nay chưa thấy, mắt trần tục của hôm nay chưa nhìn thấy", ông nói.
"Tin rằng, những lớp hậu sinh con cháu chúng tôi, một ngày nào đó sẽ đón rước hương linh đức Linh mục Francisco de Pina, Alexandere De Rhodes và các đức cha dòng Tên Bồ Đào Nha, Ý, Pháp… từng ở Nước Mặn, Thanh Chiêm để học tiếng Việt, tìm cách kiến tạo ra chữ Quốc ngữ, sẽ được rước vào Văn Miếu Quốc Tử Giám tại cố đô Thăng Long để phối thờ với các đại sư biểu của người Việt, để hậu sinh mãi mãi ghi nhớ công ơn trời biển của những nhà khai sáng", vẫn lời nhà văn.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho hay việc đặt tượng tri ân đã nhận được sự ủng hộ và giúp sức nhiệt tình từ chính quyền thành phố Guarda của Bồ Đào Nha.
"Họ rất trân trọng tinh thần nghệ thuật của tượng đài tri ân mà chúng tôi mang qua đây, và họ đã bỏ công bỏ sức ra để giúp chúng tôi. Họ cũng giúp về kỹ thuật viên. Họ cung cấp cho chúng tôi đến 8 người thợ mới có thể khiêng và dựng nổi tượng đồng này", ông nói.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng (thứ hai, bên trái) và Giáo sư Antonio Morgado, nhà nghiên cứu về Francisco de Pina (thứ hai, bên phải) phát biểu trong ngày khánh thành tượng đài tri ân giáo sĩ Francisco de Pina tại Guarda, Bồ Đào Nha, hôm 26/11/2023.
Sở dĩ thành phố Guarda được chọn làm nơi đặt tượng tri ân giáo sĩ Francisco de Pina là vì cho đến nay, nấm mồ vị giáo sĩ người Bồ Đào Nha vẫn chưa được xác định sau khi ông bị chết đuối ở Hội An vào năm 1625.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng chia sẻ rằng chi phí làm tượng đồng và vận chuyện đến Bồ Đào Nha khá cao, lên đến 700 triệu đồng, phần lớn được lấy từ "Quỹ vinh danh tiếng Việt và chữ quốc ngữ".
"Về phần tôi, tôi bán được cuốn sách ‘Giấc mơ Việt Nam tôi’ có bao nhiêu tiền tôi đổ vào đó hết. Chúng tôi thanh toán được phần lớn nhưng còn 40% là 280 triệu đồng chúng tôi còn thiếu người đúc đồng và người thiết kế dự án này. Chúng tôi hy vọng sau khi hành động của chúng tôi thành công ở Bồ Đào Nha và được sự ủng hộ của người Bồ, thì các mạnh thường quân sắp tới sẽ giúp chúng tôi thanh toán phần còn lại, và biết đâu quỹ Văn hóa của chính quyền Việt Nam hiện nay sẽ trích cho chúng tôi một phần để thanh toán việc này".
Ngoài hoạt động đặt tượng đài tri ân, nhóm trí thức Việt Nam còn tổ chức đêm tôn vinh tiếng Việt và chữ quốc ngữ để cùng nói tiếng Việt, ngâm thơ, hát bài hát tiếng Việt ngay tại quê hương của giáo sĩ Francisco de Pina.
Khánh An
Nguồn : VOA, 29/11/2023
Với công chúng rộng rãi, lịch sử chữ Quốc ngữ tưởng không còn bí ẩn lớn. Đối với nhiều người, Quốc ngữ do các giáo sĩ Châu Âu chế tác để truyền đạo, nhân vật hoàn thành cơ bản sứ mạng này là giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes.
Nhà thờ cổ Phước Kiều, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (Dinh trấn Thanh Chiêm xưa), nơi có ngôi mộ được cho là của Francisco de Pina. @Copy d'ecran giaoxugiaohovietnam
Thế nhưng, lịch sử ít nhiều chính thống ấy đang bị xét lại. Quá trình chế tác chữ Quốc ngữ có thể đã diễn ra rất khác. Vai trò của Francisco de Pina - người thầy của de Rhodes - đang ngày càng được chú ý hơn.
Francisco de Pina sinh tại tỉnh Guarda, Bồ Đào Nha, khoảng năm 1585-1586. Sau khi theo học nhiều năm thần học, khoa học xã hội và nghệ thuật tại học viện Công Giáo ở Macao, thuộc Bồ Đào Nha, tu sĩ Dòng Tên này đến miền nam Việt Nam vào khoảng 1618. Francisco de Pina được coi là giáo sĩ Châu Âu đầu tiên thông thạo tiếng Việt. Ông làm việc chủ yếu tại khu vực Hội An và vùng Thanh Chiêm, thủ phủ chính trị Đàng Trong của các chúa Nguyễn thời bấy giờ (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam hiện nay), cho đến khi qua đời, trong một tai nạn trên biển năm 1625.
Để tìm hiểu về những đóng góp của Francisco de Pina, RFI tiếng Việt có cuộc phỏng vấn với giáo sư Roland Jacques (1), bên lề một hội thảo khoa học về chữ Quốc ngữ tại Lisboa, hồi tháng 10/2019 (2).
Trong dòng sông lịch sử có những giai đoạn bị quên lãng, nhưng nhiều khi chính những gì tưởng như bị lãng quên ấy lại là nguồn mạch của tương lai. Di sản bị chôn vùi của Francisco de Pina, của giai đoạn các giáo sĩ Bồ Đào Nha nói chung, nếu được khôi phục trở lại, rất có thể sẽ cho thấy quá trình chế tác chữ Quốc ngữ, ngay từ đầu đã là sản phẩm của các hợp tác Âu - Việt mật thiết, không chỉ đơn thuần trong lĩnh vực tôn giáo và vì mục tiêu tôn giáo.
Theo nhà nghiên cứu Roland Jacques, với Francisco de Pina, sự nghiệp chế tác chữ Quốc ngữ gắn liền với đối thoại văn hóa Âu - Việt. Chữ Quốc ngữ không đơn thuần là công cụ ghi âm, ghi lại lời nói, một phương tiện truyền giáo, mà còn là "cơ sở cho những đối thoại" giữa người Việt và người Châu Âu trong chiều sâu tâm hồn. Chính ở bình diện quan trọng này mà chữ Quốc ngữ đã trở thành một di sản văn hóa sống, được nhiều thế hệ người Việt trân trọng, gìn giữ và phát triển. Dễ hiểu, dễ sử dụng, gắn liền với lời nói, chữ Quốc ngữ chứa đựng tiềm năng dân chủ hóa lớn lao, đã trở thành phương tiện giúp cho tiếng Việt trở nên độc lập (với chữ Hán), cho nền giáo dục phổ cập toàn dân.
Theo Roland Jacques, để hiểu đúng lịch sử chế tác chữ Quốc ngữ, cần đối chiếu quá trình này với dự án mang tính trực giác của Francisco de Pina. Trong tiến trình lịch sử lâu dài ấy, thành công hay những "thất bại tạm thời" của việc chế tác chữ Quốc ngữ gắn liền việc chữ Quốc ngữ có được giới trí thức bản địa tham gia tích cực hay không, văn hóa bản địa tham gia đến đâu vào thứ chữ viết của tương lai này, để cho những con chữ từ trời Tây thấm đẫm hồn nước Việt.
***
RFI : Xin Giáo sư cho biết nhận định chung của ông về lịch sử chế tác chữ Quốc ngữ Việt Nam và vai trò của Francisco de Pina.
Roland Jacques : Về phần mình, tôi rất hạnh phúc được làm nghiên cứu, từ lâu nay, về nguồn gốc của chữ Quốc ngữ. Như tôi đã có lần viết, cần phải phản biện lại lịch sử đã được viết trước đó, về nguồn gốc Quốc ngữ, của một số tác giả mà tôi vốn tôn trọng. Tôi cũng rất hạnh phúc là sau các bài viết và sách của tôi, đã có thêm nhiều nhà nghiên cứu tiếp nối con đường này.
Francisco de Pina là người đầu tiên nắm vững tiếng Việt, theo lời ghi nhận của Alexandre de Rhodes. "Nắm vững tiếng Việt", đó là nhận định mà de Rhodes đã dùng để nói về Pina. Có nghĩa là ông có thể dùng tiếng Việt không chỉ cho mục tiêu tôn giáo, mà còn cả về mặt văn hóa nữa.
Chúng ta biết rằng cuốn từ điển Việt - Bồ - La, xuất bản năm 1651, không do Pina trực tiếp biên soạn, mà đây là một tác phẩm tập thể. Alexandre de Rhodes luôn thừa nhận tác phẩm được xuất bản tại Roma này là sản phẩm của nhiều đồng sự, nhiều cộng tác viên người Việt. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm một điều là cuốn từ điển này vừa là một thành công lớn, nhưng cũng là một thất bại.
RFI : Một thành công lớn. Nhưng vì sao là thất bại ?
Roland Jacques : Thất bại là bởi vì, Alexandre de Rhodes đã không có phương tiện để biến ý tưởng chủ đạo của Pina thành hiện thực. Cụ thể là, cuốn từ điển này đã không có chỗ cho những tinh hoa của văn học Việt Nam, của thế giới chữ tượng hình Hán-Việt. Tuy nhiên, đây là một thất bại tạm thời, vì ít nhất thì ta cũng có được một bộ từ điển. Và điều kiện làm việc tại Việt Nam vào thời điểm này không còn tốt nữa, điều đó làm chậm lại đáng kể các nghiên cứu, tìm hiểu. Phải đợi nhiều thế hệ nữa, các nghiên cứu sẽ mới được tiếp tục.
Hiện tại tôi biết có nhiều tư liệu của thế kỷ XVIII hiện chưa được khai thác. Có hàng trăm, hàng trăm trang tư liệu mà tôi mong muốn có thể giới thiệu một lúc nào đó.
Ý tưởng chủ đạo của Pina là soạn ra được một công trình mang tính toàn thể, hướng về một nền văn hóa có truyền thống lâu đời, nhưng đặc biệt là hướng đến xây dựng một nền văn hóa cho tương lai, nhờ ở tiếng Việt.
Tôi đã được thừa hưởng trực giác này từ giáo sư Hoàng Tuệ (cố viện trưởng Viện Ngôn ngữ học), trực giác về vai trò to lớn của những cộng tác viên người Việt của Pina, những cộng tác viên người Việt của Alexandre de Rhodes, của Pigneau de Béhaine (tức Bá Đa Lộc)… Pigneau de Béhaine đã nhấn mạnh đến vai trò của 8 thầy giảng (trong đó nhiều người Việt). Bộ từ điển Việt - Hán - Nôm - Latinh của Pigneau de Béhaine (hoàn thiện vào năm 1773) không phải là sản phẩm của riêng người Châu Âu mà là sản phẩm của sự hợp tác mật thiết giữa một số người Châu Âu, có kinh nghiệm về ngôn ngữ học, với nhiều người Việt sẵn sàng mở ra với cái mới.
Không có chữ Quốc ngữ, thì người Việt đã không thể tiến lên được, không thể phổ biến giáo dục cho toàn dân, không thể mang lại cho nhân dân những phương tiện cho các tiến bộ về mọi mặt, về chính trị, kinh tế, v.v. Trực giác của Pina là hướng đến một sự phát triển văn hóa chưa từng có, với chữ Quốc ngữ.
Năm 1651, với bộ từ điển Việt - Latinh đầu tiên, chỉ là một điểm dừng chân, một giai đoạn.
RFI : Cụ thể Francisco de Pina muốn gì xa hơn ?
Roland Jacques : Có thể nói là từ năm 1651 đến năm 1770, chúng ta đã không có sản phẩm đáng kể bằng Quốc ngữ, cả về mặt tôn giáo, hay các mặt khác. Pigneau de Béhaine chính là người đã hiểu được trực giác của Pina, tiếp nối trực giác của Pina. Rốt cục, hệ chữ viết tượng hình là một mấu chốt, cho phép thâm nhập vào chiều sâu của tiếng Việt. Pigneau de Béhaine và các cộng sự đã biên soạn được một tác phẩm tuyệt vời, bộ từ điển Việt - Hán - Nôm - Latinh nói trên. Và tiếp theo đó phải nói đến nhiều tác phẩm của thế kỷ XIX (trong đó đặc biệt phải kể đến Trương Vĩnh Ký) (3), và chúng ta có cuốn Đại Nam Quốc Âm tự vị của Paulus Của - Huỳnh Tịnh Của, đã kế thừa cuốn từ điển của Pigneau de Béhaine, với một số thay đổi.
Ta thấy đó chính là cái đích Pina muốn hướng tới. Quan niệm của Pina là phải thừa hưởng mọi thành quả của quá khứ, và hướng hẳn về tương lai. Nhìn theo hướng này thì bộ từ điển năm 1651 là một điều tuyệt vời, nhưng chỉ là một sản phẩm nhỏ, so với những gì mà ông kỳ vọng, mơ ước.
Mơ ước của Pina là gặp gỡ về văn hóa, khi đi đến chiều sâu của nền văn hóa Việt Nam, với quá khứ của Việt Nam, với những ảnh hưởng từ Trung Hoa. Nhưng điều đặc biệt quan trọng là hướng về tương lai. Pina đã thoáng nhìn ra triển vọng phát triển của tiếng Việt, nhờ ở việc phổ cập chữ Quốc ngữ.
Thư viện Biblioteca da Ajuda (thủ đô Lisboa), nơi lưu trữ bộ sưu tập Jesuitas na Asia, trong đó có bản sao một bức thư, được coi là của Francisco de Pina, gửi bề trên năm 1622-1623, báo cáo hoạt động của giáo đoàn. @Copy d'ecran : BibliotecaDaAjuda
RFI : Dựa trên những bằng chứng nào Giáo sư khẳng định đấy là tư tưởng của Pina ?
Roland Jacques : Tôi rút ra điều này bằng cách dựa sát vào bản thảo do Pina để lại. Trong một lá thư gửi bề trên, Pina đã giải thích là trong giai đoạn đầu, các giáo đoàn Dòng Tên đã đi sai hướng, bởi vì họ đã không có đủ tinh thần cởi mở.
Pina ghi nhận thoạt tiên, giữa các nhà truyền giáo, không biết chữ Nôm, và các thầy giảng người Việt, biết chữ Nôm, không có phương tiện đối thoại. Chính chữ Quốc ngữ đã mang lại cơ sở cho đối thoại, thông qua các chữ viết tiếng Việt theo kiểu mới. Tiếng Việt qua đó được thanh lọc, để trở nên độc lập.
Chính trên cơ sở đó mà có được đối thoại Đông - Tây, giữa các tâm thức khác nhau, với sản phẩm là những trái quả mới. Pina không mơ đến những trái quả về phương diện tôn giáo, mà là một điều rất khác.
Pina so sánh các tác giả cổ điển của nền văn minh Latinh với những gì tương đương mà ông muốn tìm thấy trong nền văn hóa Việt Nam. Tinh hoa văn hóa của quý vị là gì, đâu là các truyền thuyết và những thần thoại của quý vị ? Đấy chính là điều mà Pina muốn học và hiểu. Ngược lại, ông cũng hy vọng là người Việt đến với nền văn chương Châu Âu. Chính ở đó mà hai bên có thể gặp nhau trong chiều sâu tâm hồn, trong những tư tưởng mang tính xây dựng, những tư tưởng hướng đến làm thế giới trở nên tốt đẹp hơn, cải thiện chính xã hội của người Việt.
Trong bức thư dài, được viết vào năm 1622 - 1623, gửi đến bề trên, Pina đã trình bày kế hoạch làm việc to lớn này, cả về mặt tiếng Việt, về việc hoàn thiện hệ thống ghi âm, cũng như về mặt học hỏi những phần kinh điển trong văn chương, văn hóa Việt Nam.
Cá nhân tôi, tôi tin tưởng vào tiếng Việt, vào văn hóa Việt Nam. Cần phải cẩn trọng không để bị hấp thu quá mức các ảnh hưởng từ bên ngoài, bởi có nhiều ảnh hưởng độc hại. Cần phải trở lại với các cội rễ, những gì tinh túy ban đầu, song song với việc mở ra để đối thoại với tất cả các nền văn hóa khác. Nhưng điều quan trọng là phải bắt rễ trong chính mình.
"Uống nước nhớ nguồn" - Đừng quên những người tiên phong đã để lại cho quý vị một phương tiện tuyệt vời này, đó là Quốc ngữ, đã cho phép tiếng Việt trở thành chính mình !
RFI : Xin cảm ơn Giáo sư Roland Jacques.
Trọng Thành thực hiện
Nguồn : RFI, 22/01/2020
*******
Ghi chú :
1. Giáo sư Roland Jacques, người Pháp, là tác giả cuốn "Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học (cho đến năm 1651)" (dịch sang tiếng Việt năm 2007, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội). 1651 là năm ra đời bộ từ điển nổi tiếng Việt - Bồ - La.
2. Tham luận của Giáo sư Roland Jacques "Vài suy niệm về Francisco de Pina và những bước đầu tiên trong việc hình thành chữ quốc ngữ ", tại hội thảo Lisboa, tháng 10/2019 (theo Diendan.org).
3. "Trương Vĩnh Ký và những nỗ lực phổ biến chữ quốc ngữ cuối thế kỷ XIX ", RFI tiếng Việt, ngày 06/04/2015.
‘Chữ quốc ngữ - công cụ xâm lược’ và thời thế đã khác
Trân Văn, VOA, 02/12/2019
Chuyện 12 "nhà nghiên cứu" văn hóa – lịch sử soạn thư ngỏ gửi chính quyền thành phố Đà Nẵng, đề nghị không dùng tên hai vị Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes đặt cho bất kỳ con đường nào ở thành phố này vẫn còn rất… nóng vì càng ngày càng nhiều ý kiến, diễn biến mới !
Tem mang hình giáo sĩ Alexandre de Rhodes.
Không chỉ có người sử dụng mạng xã hội chỉ ra những sai sót trầm trọng cả về kiến thức lẫn sự ngô nghê trong nhận định của 12 "nhà nghiên cứu" (Alexandre de Rhodes không dính dáng tới thực dân Pháp, tuy không sáng tạo chữ quốc ngữ - đó là sản phẩm và nỗ lực của nhiều nhà truyền giáo – nhưng không thể phủ nhận công lao của ông. Các giáo sĩ Công giáo chỉ nỗ lực truyền giáo, không dọn đường cho thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam (1). Tài liệu lưu trữ tại nhiều văn khố trên thế giới đã chỉ ra, nếu không có chữ quốc ngữ, Pháp sẽ sử dụng tiếng Hoa để cai trị Việt Nam qua những viên chức Trung Quốc (2)...), giờ, giới nghiên cứu cũng đã lên tiếng trên hệ thống truyền thông chính thức.
Cũng là Phó Giáo sư Tiến sĩ như nhiều cá nhân trong nhóm 12 người phản đối việc lấy tên Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes đặt cho hai con đường ở Đà Nẵng nhưng ông Hoàng Dũng, Giảng viên Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng : Không thể tùy tiện lên án cổ nhân như 12 đồng nghiệp ! Tuy phân tích của ông Dũng rất ngắn gọn, chừng mực nhưng vẫn đủ để độc giả nhận ra, các lý do mà những… phó giáo sư tiến sĩ khác viện dẫn khi phản đối là do… ít đọc và… cạn nghĩ ! Tiếng là "nhà nghiên cứu" nhưng họ không biết đã có những tài liệu bằng tiếng… Việt, từng chỉ ra sai sót trong chuyển ngữ, dẫn tới ngộ nhận về thiện ý và vai trò của các giáo sĩ truyền giáo tại Việt Nam (3).
Chẳng riêng ông Hoàng Dũng, nhiều trí thức khác cũng quan tâm đến văn hóa và lịch sử đã soạn – gửi kiến nghị phản bác quan điểm của 12 "nhà nghiên cứu", đề nghị chính quyền thành phố Đà Nẵng dùng Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes đặt cho hai con đường ở thành phố này như một cách ghi công hai nhân vật để phát triển Việt ngữ - nâng cao dân trí (4). Đáng chú ý, đến giờ này, một trong 12 "nhà nghiên cứu" xem chữ quốc ngữ như "công cụ xâm lược" – Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Giảng viên Đại học Khoa học thuộc Đại học Huế - cáo giác, ông bị Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Cung "mượn" tên, đưa vào thư ngỏ, bất kể ông đã từ chối, không muốn tham gia "kiến nghị" (5) !
Cuối tuần vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Giảng viên Khoa Lý luận chính trị Đại học Khoa học thuộc Đại học Huế, than với báo giới rằng bà bị… "khủng bố" bằng điện thoại khi tham gia "kiến nghị" không dùng tên hai vị Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes đặt cho bất kỳ con đường nào ở Đà Nẵng vì họ "không có công, chỉ có tội". Theo bà Huyền, nhiều người trong nhóm "kiến nghị" cũng bị như vậy. Cuộc trao đổi giữa bà với phóng viên tờ Tuổi Trẻ cho thấy bà Huyền thực sự hoảng loạn vì bị "dư luận chửi bới dữ dội". Lúc thì bà phân biện, bà "kiến nghị" với tư cách một công dân. Khi thì bà bảo bà góp tên trong "kiến nghị" bằng tư cách một… "nhà khoa học" (6) !
Đối chiếu điều bà Huyền than : Chưa bao giờ thấy việc nghiên cứu khoa học lại mệt mỏi và nguy hiểm đến thế - với những tâm sự khác của bà trong cuộc trao đổi vừa dẫn, rất dễ cảm thấy… mệt mỏi và ái ngại cho "nghiên cứu khoa học" ở Việt Nam. Khoa học xã hội – nhân văn Việt Nam rõ ràng đang gặp nguy hiểm khi có những cá nhân "nghiên cứu khoa học", tham gia "kiến nghị" mà không rõ nội dung "kiến nghị", lúc được "đề nghị" tham gia "kiến nghị" là sẵn sàng "góp" tên "nếu nội dung bản kiến nghị đó phản ánh đúng lịch sử, khách quan, có dẫn chứng đúng đắn, khoa học và không vì mục đích tôn giáo hay chính trị, trên tinh thần xây dựng" và khi bị chỉ trích kịch liệt thì "sẵn sàng thay đổi quan điểm" !
Tại sao chỉ một nhóm nhỏ những cá nhân "nghiên cứu khoa học" với kiến văn hạn hẹp, nhận định ngô nghê, thiển cận, bấp chấp đúng sai, trước sau, bất cẩn trong hành xử tư cách một người làm công việc "nghiên cứu", thậm chí dám sử dụng cả những phương thức hết sức bá đạo trong việc tập hợp lực lượng, không ngần ngại bóp méo từ văn hóa, lịch sử đến chính trị để gây áp lực nhằm "đăng ký quan điểm, lập trường", nhân tiện giương danh như thế, lại có thể tác động đến hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của một thành phố như Đà Nẵng, khiến các hệ thống này thối chí, chùn chân trong việc vinh danh những nhân vật như Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes ?
***
Tham gia thảo luận về scandal "chữ quốc ngữ - công cụ xâm lược" trên mạng xã hội, Tâm Chánh xem "kiến nghị" mà các "nhà nghiên cứu" gửi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Đà Nẵng là "kiểu nhận thức phản động, sặc mùi Maoist (những người theo chủ nghĩa cộng sản kiểu Mao Trạch Đông)". Chánh nêu thắc mắc : Liệu nền khoa học Việt Nam có khả năng giải quyết dứt dạc về công lao của các giáo sĩ trong việc hình thành chữ viết hiện đại cho người Việt để hậu sinh không xem nền khoa học của cha ông được vận hành bằng đấu tố chính trị, để các lý luận kiểu Maoist không có cơ hội ngóc đầu trỗi dậy làm mất thời gian và làm phiền dân tộc (7) ?
Thật ra, tại Việt Nam, những "nghiên cứu khoa học", những "đánh giá, nhận định", những "kiến nghị" kiểu "chữ quốc ngữ - công cụ xâm lược" mà Tâm Chánh gọi là "trò ngáo phò chính thống" đã cũng như đang chi phối mọi mặt của xã hội. Chẳng phải hồi thượng tuần tháng này, một số thành viên của Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học, Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh như Mai Quốc Liên, Trần Long Ẩn… từng khuấy động dư luận khi vừa khẳng định về sự độc hại của văn học, nghệ thuật ở miền Nam Việt Nam giai đoạn trước tháng 4 năm 1975, vừa cảnh báo phải "tôn trọng lịch sử cách mạng Việt Nam, không thể nhân danh hòa hợp dân tộc để coi như ngang nhau được" đó sao (8) ?
Theo Tâm Chánh, những cá nhân như Mai Quốc Liên, Trần Long Ẩn, Lê Cung, Nguyễn Đắc Xuân... đã từng là một kiểu "nhân cách chính thống của hệ thống đào tạo con người mới". Ở một xã hội mà mỗi góc sống đều được tưởng tượng như mặt trận thì "những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ,…" làm sao có được hạnh phúc nếu không đấu đá ? Facebooker này khuyến cáo : Thời thế đã khác và người ta gọi đó là đổi mới. Hệ thống tuyên giáo của đảng nên vì… "an ninh tổ quốc", xem những phát biểu kích động hận thù dân tộc, chia rẽ tôn giáo, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc như thế là đủ để giúp những cá nhân đó khởi động… "chặng đường mọt gông" (9).
***
Rõ ràng phản ứng của công chúng trên mạng xã hội, thậm chí của hệ thống truyền thông chính thức đối với những Mai Quốc Liên, Trần Long Ẩn, Thích Nhật Từ, Lê Cung, Nguyễn Đắc Xuân… cho thấy, rõ ràng thời thế đã khác ! Lúc này, "đăng ký lập trường, quan điểm", lớn giọng "phò đảng, hộ đảng" không những không sinh lợi mà còn có thể tạo ra đại họa cho chính mình. Tuy nhiên, hi vọng hệ thống tuyên giáo của đảng nói riêng, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam nói chung, tỉnh ra và vì… "an ninh tổ quốc" mà xử lý thẳng tay, răn đe, ngăn chặn những phần tử vô liêm sỉ, tiếp tục nịnh đảng theo kiểu gây thêm nguy hại cho đảng dường như là quá lạc quan.
Đâu phải tự nhiên mà mới đây, ông Nguyễn Đắc Xuân nghiêm giọng nhắc nhở công chúng, dù sao, nhóm của ông - những "nhà nghiên cứu" đòi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Đà Nẵng không dùng tên hai vị Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes đặt cho bất kỳ con đường nào ở thành phố này - cũng đã… "thành công" !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 02/12/2019
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/pr.phong/posts/2524977687623144
(2) https://www.facebook.com/nhantuan.truong/posts/2795323760499408
(7) https://www.facebook.com/chanh.tam.33/posts/2272135089559412
(9) https://www.facebook.com/chanh.tam.33/posts/2276433022462952
********************
Công lao đã được khẳng định
Hoàng Dũng, Tuổi Trẻ, 30/11/2019
LTS TTO : Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng đã thể hiện quan điểm riêng của mình quanh bản kiến nghị loại bỏ tên hai giáo sĩ Francisco De Pina và Alexandre De Rhodes ra khỏi danh sách đặt tên đường, trường học ở Đà Nẵng.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng : Không thể tùy tiện lên án người xưa như thế !
Bản kiến nghị mà 11 người gửi có nêu ba lý do : Alexandre De Rhodes không phải là người chế tác chữ quốc ngữ ; Alexandre De Rhodes công kích Nho, Lão, Phật và Alexandre De Rhodes "âm mưu dẫn quân viễn chinh Pháp tới xâm lược nước ta". Tôi sẽ lần lượt bàn về cả ba lý do đó.
Với lý do thứ nhất, ngày nay giới nghiên cứu dễ dàng đồng ý với nhau rằng chữ quốc ngữ không phải là sản phẩm của Alexandre De Rhodes và Từ điển Việt Bồ La của ông đã thừa hưởng công lao của những giáo sĩ đi trước. Nhưng không có nhà nghiên cứu hiểu biết nào lại sổ toẹt công lao của Alexandre De Rhodes đối với chữ quốc ngữ. Từ điển Việt Bồ La đã ghi một cái mốc quan trọng trong lịch sử chữ quốc ngữ, nhất là trong điều kiện hai cuốn từ điển Việt Bồ của Gaspar De Amaral và Bồ Việt của Antonio Barbosa đã thất truyền. Đó là sự thực mà chỉ những ai cố tình nhắm mắt trước lịch sử mới có thể phủ nhận.
Còn về lý do thứ hai mà các vị trên viện dẫn, tôi đồng ý rằng quả nhiên Alexandre De Rhodes có chê bai nặng lời các tôn giáo khác. Nhưng đó là hạn chế khó tránh không phải chỉ riêng Alexandre De Rhodes. Cần nhớ ông sống cách đây 400 năm và đừng đứng trên quan điểm của thế kỷ 21 để gò người xưa vào khuôn khổ tư tưởng ngày nay. Có lẽ nào chúng ta không cần biết ơn một người do họ có hạn chế về tư tưởng ?
Dịch sai, hiểu sai !
Về lý do thứ ba, các tác giả bản kiến nghị dẫn một đoạn viết của Alexandre De Rhodes trong cuốn Divers voyages et missions (Các cuộc hành trình và truyền giáo), xuất bản tại Paris năm 1653 với lời dịch của giáo sư Hoàng Tuệ : "Tôi nghĩ nước Pháp, vương quốc mộ đạo nhất, có thể cấp cho tôi binh lính để chinh phục toàn phương Đông, đặt nó dưới quyền Jésus Christ", từ đó khẳng định : "Alexandre De Rhodes là người có ý định xin vua Louis XIV của Pháp cung cấp binh lính để chinh phục phương Đông" là sai.
Với câu trích đề cập trên, nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Ðầu từng dịch : "Tôi tin rằng nước Pháp là nước ngoan đạo nhất thế giới, sẽ cung cấp cho tôi nhiều chiến sĩ để chinh phục toàn phương Ðông và đặt dưới quyền trị vì của Ðức Giêsu Kitô, và đặc biệt tại Pháp, tôi sẽ tìm cách có được giám mục, các ngài sẽ là cha và là thầy chúng tôi tại các giáo hội này" (tức là Ðàng Ngoài và Ðàng Trong). Ông Nguyễn Ðình Ðầu nói thêm : "Nếu đọc nguyên đoạn trích trên đây, ta mới hiểu chữ chiến sĩ có nghĩa bóng là thừa sai (đối với giám mục là cha và thầy họ). Còn "chinh phục toàn phương Ðông" là để cho "nước Cha trị đến", chứ không phải để cho Pháp đến thống trị. "Chinh phục" hiểu theo nghĩa tôn giáo, chứ không phải chính trị.
Còn theo Hồng Nhuệ (trong cuốn Hành trình và truyền giáo do Ủy ban Ðoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 1994, ở trang 263, 289) thì đoạn trích phải được dịch : "Tôi tưởng nước Pháp là một nước đạo đức nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi mấy chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Ðông phương đưa về quy phục Chúa Kitô và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi và thầy chúng tôi trong các giáo đoàn". Và Hồng Nhuệ chú thích từ chiến sĩ ở đây : "Nói chiến sĩ Phúc Âm tức là các nhà truyền giáo, chứ không phải binh sĩ đi chiếm xứ xâm lăng".
Do đó, tôi cho rằng 11 người ký tên không thể tùy tiện dựa vào cách hiểu của mình lên án người xưa như thế.
Tóm lại, tất nhiên các vị giáo sĩ chế tác ra chữ quốc ngữ chỉ để truyền giáo, nhưng lẽ nào người Việt được hưởng ích lợi của chữ quốc ngữ lại tỏ ra vô ơn sao ?
Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng
(Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh)
Đặt tên đường Alexandre de Rhodes : Cần cái nhìn toàn diện
Minh Thái, Đất Việt, 01/12/2019
Từ khi vua Khải định chọn chữ quốc ngữ là chữ viết chính thức đã chứng minh giá trị của chữ quốc ngữ cũng như đóng góp của Alexandre de Rhodes.
Chân dung giáo sĩ Alexandre de Rhodes
Sau những ý kiến trái chiều xung quanh việc tên đường hai vị giáo sĩ Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes tại Đà Nẵng, nhà sử học Nguyễn Đình Tư, ủy viên thường trực Hội đồng đặt tên đường Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1995 đến 2005 chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, lịch sử đặt tên đường của Thành phố Hồ Chí Minh cũng từng xảy ra những tranh luận trái chiều liên quan đến công - tội của các nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa.
Ví dụ như tên đường Thoại Ngọc Hầu và đường Nguyễn Văn Thoại (tên khác của Thoại Ngọc Hầu) từng bị bỏ ra khỏi bản đồ tên đường Thành phố Hồ Chí Minh vì cho rằng ông là tướng của Nguyễn Ánh - Gia Long !
Tuy nhiên, sau đó hội đồng đã chứng minh được Thoại Ngọc Hầu là người có công xây dựng kênh Vĩnh Tế có vị trí quan trọng đối với giao thông, kinh tế, phòng thủ của khu vực Tây Nam Bộ, nên tên của ông đã được đặt lại cho một con đường khác của Thành phố. Vợ của Thoại Ngọc Hầu là bà Châu Vĩnh Tế cũng được vinh danh và đặt tên đường tại Thành phố Hồ Chí Minh vì có công đóng góp vào việc đào kênh.
Cũng theo ông Tư, một danh nhân khác khi được đặt tên đường cũng có những tranh luận trái chiều như trường hợp nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê. Các thành viên trong hội đồng đều thống nhất việc đặt tên đường Nguyễn Hiến Lê, đây là một nhà văn hóa, nhà văn, dịch giả ở miền Nam từ trước 1975, có nhiều đóng góp cho văn hóa nước nhà. Rất nhiều người trẻ hiện nay có sách của Nguyễn Hiến Lê gối đầu giường.
Tuy nhiên, khi đặt tên Nguyễn Hiến Lê cho một con đường ở Quận Tân Bình cũng có ý kiến cho rằng ông này không xứng đáng (?!) vì có những tuyên bố "không chuẩn" trong hồi ký của mình.
Có ý kiến thêm về việc đặt tên đường, nhà sử học Nguyễn Đình Tư cho rằng khi xem xét đưa tên của một nhân vật nào vào quỹ tên đường, các thành viên trong hội đồng thường nghiên cứu rất tỉ mỉ. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều dựa trên quan điểm nhân vô thập toàn, người có công trạng lớn thì nên ghi nhận và bỏ qua những lỗi hoặc những khuyết điểm nhỏ của họ.
Cùng chung ý kiến trên báo Tuổi trẻ, theo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu - tác giả sách Huế - tên đường phố xưa & nay, khi đặt tên đường liên quan đến vấn đề, nhân vật lịch sử cần có cái nhìn cởi mở hơn, thoáng hơn, nên nhìn vào những đóng góp của họ cho đời sống hôm nay.
Chẳng hạn với nhân vật Alexandre de Rhodes, thực tế 100 năm qua kể từ khi vua Khải Định chọn chữ quốc ngữ là chữ viết chính thức đã chứng minh giá trị của chữ quốc ngữ cũng như đóng góp của vị giáo sĩ ấy.
"Với cái nhìn như thế thì việc đặt tên đường sẽ ổn" - ông Thu nói.
Ông Thu cũng cho biết thêm đợt đặt tên năm 1996 tại Huế đã tạo một dấu ấn văn hóa khi hàng loạt văn nghệ sĩ tiền chiến đã được đặt tên đường, nhiều nhất là các nhà thơ thuộc phong trào Thơ mới như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Thế Lữ... cùng với các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Đỗ Cung, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn...
Nhà sử học Nguyễn Đình Tư cho biết quan điểm của Hội đồng đặt tên đường là khi đánh giá về tiền nhân thì phải có cái nhìn toàn diện. Không chỉ những người cầm súng bảo vệ đất nước mà còn thêm những người có công đóng góp về kinh tế, văn hóa, xã hội... đều cần được tôn vinh. Vì vậy, trong quỹ tên đường của Thành phố Hồ Chí Minh có đầy đủ thành phần đóng góp từ kinh tế, văn hóa, xã hội...
Kể cả những ca sĩ, nghệ sĩ cũng được đặt tên đường như Năm Châu, Thanh Nga, Trịnh Công Sơn... Bởi đây là những người nghệ sĩ được nhiều người dân yêu thích, đem đến niềm vui tinh thần cho người dân cũng cần thiết được tôn vinh.
Trước đó, chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng (Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, những người ký tên vào bản kiến nghị loại bỏ tên hai giáo sĩ Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes ra khỏi danh sách đặt tên đường, trường học ở Đà Nẵng không thể tùy tiện dựa vào cách hiểu của mình lên án người xưa như thế.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Viện trưởng Viện vinh danh chữ quốc ngữ và bảo tồn tiếng Việt, Đại học Duy Tân), cho rằng công lao to lớn của 2 vị giáo sĩ này là đã quốc tế hóa tiếng Việt.
Ông Hưng nói 2 vị giáo sĩ người có công tác tạo, người có công hoàn thiện đã hệ thống hóa và tạo ra cuốn từ điển Việt - Bồ - La. Làm từ điển 3 ngôn ngữ đã chính thức công bố với thế giới sự có mặt của tiếng Việt, còn trước đó tiếng Việt mới chỉ là những bảng chép tay, ghi chú cá nhân.
Ông Hưng cho rằng hệ thống chữ viết của tiếng Việt đã tạo sự thuận lợi vô cùng để nâng cao tri thức dân tộc.
Học chữ theo hệ thống chữ Hán - Nôm thông thường phải mất từ 2-3 năm mới thông thạo. Trong khi đó, chữ quốc ngữ đơn giản hơn nhiều, giúp nâng cao văn hóa dân tộc.
Cùng với nhiều yếu tố đã giúp tỉ lệ biết đọc - viết của dân tộc ta ở mức 3% từ trước thế kỷ 19 (chữ quốc ngữ lúc này là Hán - Nôm) tăng lên hơn 90% chỉ một thời gian ngắn sau năm 1945 (tiếng Việt).
Ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện này cũng có con đường Alexandre de Rhodes đối diện với đường Hàn Thuyên. Hai con đường này nằm hai bên công viên 30/4. Một bên đường Alexandre de Rhodes được xem là ông tổ chữ quốc ngữ, một bên là đường Hàn Thuyên - ông tổ chữ Nôm.
Minh Thái
Nguồn : Đất Việt, 01/12/2019
*******************
Không có chữ quốc ngữ thì không có Đảng cộng sản Việt Nam
Viết Từ Sài Gòn, RFA, 30/11/2019
Nền chính trị hậu phong kiến và tiền cộng sản hay cộng sản sơ khai Việt Nam, nếu nhìn trên khía cạnh lãnh tụ thì đương nhiên, Hồ Chí Minh là người khởi xướng, là cha già của Đảng. Nhưng nếu nhìn trên dòng chảy văn hóa và những run rủi lịch sử, huông đúc chính trị thì lại khác, và có vẻ như nó hoàn toàn nhờ vào chữ quốc ngữ. Hay nói cách khác, nói các giáo sĩ Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes là ông tổ của chế độ cộng sản Việt Nam cũng không ngoa !
Biển tên đường Alexandre de Rhodes ở Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh minh họa
Bởi Tư Bản Luận viết ra bằng tiếng Đức, hệ ngôn ngữ La Tinh, các văn kiện đại hội đảng cộng sản và các cuộc họp sơ khai của chủ nghĩa cộng sản đều dùng các thứ tiếng thuộc hệ La Tinh. Nếu cậu thanh niên Nguyễn Sinh Cung không biết chữ quốc ngữ thì không thể học trường Tây và càng không thể học được tiếng Pháp, chắc chắn lựa chọn tìm đường cứu nước phải là Trung Quốc hoặc một quốc gia phương Đông nào đó để hoạt động. Và trên khía cạnh này, ngay cả Trung Hoa, nếu không có các giáo sĩ phương Tây dạy chữ Tây thì Tôn Trung Sơn, Tưởng Giới Thạch hay Mao Trạch Đông cũng chẳng có hi vọng biết cộng sản là gì. Bởi chủ nghĩa cộng sản sinh ra ở phương Tây, trong lòng các quốc gia thuộc hệ ngôn ngữ La Tinh. Và không ai ngoài các giáo sĩ phương Tây, dù muốn hay không muốn thì họ vẫn một phần lớn gián tiếp tạo ra chế độ cộng sản ở phương Đông.
Việt Nam càng không ngoại lệ, nếu không muốn nói là chữ quốc ngữ đã khai sinh ra đảng cộng sản Việt Nam. Bởi nếu không có chữ quốc ngữ thì Nguyễn Tất Thành có biết viết chữ Việt ? Có nghĩ đến chuyện sang Pháp để tìm đường cứu nước ? Và khi gặp các nhà hoạt động tại Pháp, các vị trong nhóm Ái Quốc đã dùng chữ gì, hệ ngôn ngữ nào để viết luận cương, để đánh động quốc tế Cộng sản ? Hơn nữa, nếu chỉ biết chữ Tàu thì liệu các vị ái quốc trên có cơ hội nào để tiếp cận các tư tưởng phương Tây để nói đến chuyện Canh Tân, Tân Dân, Ái Quốc… và khi viết Đường Kách Mệnh, Hồ Chí Minh đã viết bằng chữ gì ? Tiếng gì nếu không phải là chữ quốc ngữ ? !
Đó là chưa muốn nói đến hàng triệu các văn bản sau này của người Cộng sản, cũng như hàng trăm văn kiện liên quan đến các hiệp ước, hiệp định, tạm ước, công hàm… Nếu các vị chỉ rành chữ Hán mà không biết gì đến tiếng Pháp và chữ quốc ngữ thì câu chuyện sẽ đi đến đâu ? Hay chỉ quanh quẩn trong ao nhà, rồi cuối cùng cũng lụi tàn như những cuộc nổi dậy của nông dân chân lấm tay bùn ? Chính khoa học và tầm nhìn lớn rộng đã mở ra chân trời tương lai của Việt Nam nói chung và của người cộng sản nói riêng. Mà để tiếp cân được khoa học, chữ quốc ngữ đóng vai trò tiên quyết và hết sức lớn lao, mang tính quyết định sống còn.
Đương nhiên, câu chuyện không thể dừng ở chỗ chữ quốc ngữ đã sản sinh ra chế độ cộng sản Việt Nam hoặc chữ quốc ngữ là cái nôi/đôi cánh của các nhà cách mạng Việt Nam buổi sơ khai. Mà vấn đề nằm ở chỗ dòng chảy văn hóa Việt đang chảy về đâu và những lựa chọn cực đoan bấy lâu nay đến bao giờ mới được đoạn tuyệt ?
Hiện tại, câu chuyện đặt tên hai con đường nho nhỏ ở thành phố Đà Nẵng là đường Alexandre de Rhodes và đường Francisco de Pina làm dậy sóng trong giới học thuật và giới nghiên cứu sử tại Việt Nam. Một câu chuyện hoàn toàn không đáng có và hết sức vô bổ đối với một nền văn hóa. Bởi nói một cách nghiêm túc, đây là chuyện đương nhiên, không có gì để bàn cãi thêm, nó là một bổ sung văn hóa và là bổ khuyết nhân tâm cho bất kì chế độ chính trị nào nắm được cơ hội từ nó. Bên cạnh đó, vấn đề công nhận các giá trị văn hóa chạm ngưỡng phổ quát là hết sức quan trọng đối với một nền chính trị. Trong khi đó, hai vị Cha khai sinh chữ quốc ngữ là những người có công tạo ra công cụ, phương tiện để dân tộc Việt có cơ hội tiếp cận văn hóa thế giới theo cách thế phổ quát. Hay nói cách khác, họ là cha đẻ của ông cụ văn hóa phổ quát.
Nền chính trị cộng sản từ chỗ sơ khai chuyển sang lộn xộn sau khi thống nhất đất nước và hiện nay là ổn định một cách phì đại trên toàn cõi Việt Nam, sự phì đại trên nhiều phương diện nhưng lại dựa trên nền tảng vô thần và độc đảng, độc tôn nên chắc chắn nó phải méo mó trong định dạng của nhân loai. Đặc biệt, về văn hóa, nền chính trị cộng sản bị mất gốc, đánh mất nguồn cội, đây là một khiếm khuyết khiến cho nó trở nên vong thân trong tiến trình phát triển nhân loại. Và chỉ có một cuộc bổ khuyết văn hóa có tầm vóc mới có thể cứu vớt điều này.
Nhưng để bổ khuyết, vấn đề con người, đội ngũ đóng vai trò tiên quyết. Điều này phát sinh mâu thuẫn bởi một nhóm cán bộ văn hóa cộng sản thủ cựu, vốn quen với sắc lệnh, chụp mũ, đòn thù, gắt máu và lộng quyền, tuy họ số ít hơn so với nhóm cởi mở hoặc được chăng hay chớ nhưng họ lại là những người đấu tranh gay gắt, cực đoan và không chấp nhận khoan nhượng cho dù điều mình đưa ra là sai, lá bùa trí thức công thần thời tranh đấu sinh viên cộng với sự trà trộn tôn giáo của một số thầy chùa từng là nhà hoạt động cộng sản, từng là điệp vụ, gián điệp những năm trước 1975 càng khiến cho nhóm này mang hơi hướm của các bóng đen chính trị, bàn tay vô hình… Và đương nhiên là họ bất chấp mọi thứ để đạt mục đích của nhóm. Sở dĩ có tình trạng này bởi thói quen đấu tố, giết tróc, trừng phạt, thậm chí sát phạt và thủ tiêu ngay cả đồng đội khi lý tưởng cộng sản của người anh em, đồng đội khác cái nhìn của họ, Mậu Thân đẫm máu 1968 là một bằng chứng.
Đây cũng là nhóm chính đã đấu tranh và chống đối bằng mọi giá việc đặt tên đường hai vị Thánh Cha. Và luận điệu cũ được lặp đi lặp lại nhằm qui chụp tội đô hộ, thực dân hóa Việt Nam lên các giá trị văn hóa hiếm hoi và quí giá của phương Tây trên dải đất Việt Nam. Phủ nhận việc đặt tên đường cũng là một cách nhằm thể hiện sự tuân phục đối với thiên triều Trung Cộng và bên cạnh đó, họ sợ tiến bộ. Bởi họ lo sợ trước khuynh hướng coi trọng giá trị văn hóa phương Tây còn lưu giữ trên đất Việt ngày càng trở nên cấp thiết rất có thể lật tẩy họ trở thành tội đồ lịch sử. Và ngăn chặn, chống đối không đóng vai trò phản biện văn hóa, phản biện khoa học mà là một sự lấp liếm, dấm dúi và cố gắng níu kéo mối quan hệ văn hóa Trung Hoa. Nhưng ngay trong sự phản đối của họ cũng có sự mâu thuẫn, chuyện này ai cũng thấy, họ dùng chữ quốc ngữ để viết bài chống đối việc tôn vinh cha đẻ chữ quốc ngữ. Đó là một sự khôi hài !
Và, nói cho cùng, Đà Nẵng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay Nha Trang hay bất cứ thành phố nào trên đất nước này, tầm văn hóa, sự thông minh của giới lãnh đạo thành phố, đầu tiên sẽ được đánh giá qua các con đường mang tên và cả những con đường chưa mang tên. Bởi đó là lộ trình để dẫn vào một chiều kích sâu xa hơn khi cố gắng khám phá văn hóa, bề dày lịch sử, khoa học và cả đầu tư kinh tế hay đi du ngoạn ! Hi vọng giới lãnh đạo Đà Nẵng đủ thông minh để không bị suy suyễn trước lời xàm tấu !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 30/11/2019
Chữ quốc ngữ và 12 ‘tông đồ’ của phi nhân, phản khoa học
Trân Văn, VOA, 29/11/2019
Bão lại nổi lên trên mạng xã hội sau khi thành phố Đà Nẵng thông báo, chưa lấy tên hai linh mục Công giáo là Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes đặt cho hai con đường ở thành phố này.
Giáo sĩ Alexandre de Rhodes
Đà Nẵng dự tính dùng tên hai linh mục vừa kể đặt cho một vài con đường vì trước nay, hai ông vẫn được xem như những người tiêu biểu trong việc giúp người Việt chuyển đổi chữ viết từ hệ thống ký tự tượng hình sang hệ thống ký tự La tinh (chữ quốc ngữ).
Tuy nhiên dự tính đó đã bị 12 cá nhân mang những học hàm như Phó Giáo sư, những học vị như Tiến sĩ hoặc vẫn được gọi là "nhà nghiên cứu" về lịch sử, văn hóa phản đối kịch liệt, tất cả lập luận bài bác đều có màu sắc chính trị. Ví dụ : Alexandre de Rhodes là tội phạm. Chữ quốc ngữ là công cụ xâm lăng. Chữ quốc ngữ là cách thực dân khiến người Việt phải ghi ơn mẫu quốc vì có công khai phá. Phải xem Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes có xứng tầm để hậu thế noi theo hay không ?...
Đó cũng là lý do chính quyền thành phố Đà Nẵng phải tạm dừng ý định dùng Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes làm tên cho hai con đường ở thành phố này. Cứ như tự sự của ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng thì quyết định tạm dừng không phải do lập luận của những người bài bác hữu lý. Ông Hùng nhắc nhở, không phải tự nhiên mà tiền nhân, giới sĩ phu yêu nước thúc giục truyền bá chữ quốc ngữ, xem đó là yêu nước (1)...
Dẫu nhận thức như thế song các viên chức hữu trách ở Đà Nẵng vẫn không vượt qua được sự ngán ngại về những rắc rối chính trị theo sau kiểu mà họ gọi là "bỏ bóng đá người" – đem "quan điểm, lập trường" cột vào cổ Pina và de Rhodes !
***
Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận, Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes đã giúp Việt Nam trở thành một trong số rất ít quốc gia ở Châu Á có hệ thống ký tự La tinh, nhờ vậy người Việt dễ học đọc, viết, tiếp cận các ngôn ngữ khác ở phương Tây hơn.
Tuy thù hận Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes và được xem như những nhân vật có thứ hạng trong nghiên cứu văn hóa và lịch sử nhưng 12 người tiên phong trong việc chống ghi công Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes lại chỉ rành… chữ quốc ngữ. Vốn liếng của họ về Hán Nôm – một trong những công cụ hữu dụng để nghiên cứu văn hóa, lịch sử Việt Nam, nâng cao tri thức và hiểu biết cả về tiền nhân lẫn tự hào dân tộc, có lẽ chỉ gói gọn trong phạm vi phân biệt "tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã,… tốt" !
Đó cũng là lý do có những facebooker như Hoàng Linh gọi 12 nhân vật này là "12 tông đồ". Dùng kiểu tư duy đó, Hoàng Linh đề nghị nghiên cứu xem "Kênh Nước Đen" - tên một con đường ở Thành phố Hồ Chí Minh có… làm gì cho chế độ cũ hay không ? Gia đình có ai… định cư ở nước ngoài không ? Vợ có phải là… "Kênh Tàu Hũ" không ? "Kênh Nhiêu Lộc" có phải con không, tại sao không khai trong lý lịch ?.. Chưa làm rõ thì không nên dùng để đặt tên đường và cần làm rõ ý đồ chính trị, tôn giáo của người đã chọn tên ông… "Kênh Nước Đen" (2) !
Cũng dùng kiểu tư duy đó – xem chữ quốc ngữ như một công cụ xâm lăng, Nguyễn Thiện đề nghị đập bỏ Phủ Chủ tịch ở Hà Nội vì nơi này vốn là Phủ Toàn quyền Đông Dương, trụ sở Tòa án nhân dân tối cao vì đó từng là nơi thực dân xét xử nhân dân ta, chính quyền các tỉnh, thành phố cần đập bỏ tất cả những công trình kiến trúc mà thực dân Pháp xây dựng vì tất cả các công trình này đều đã từng được sử dụng để thống trị nước ta, đàn áp nhân dân ta (3) !
Hoàng Mạnh Hà thì đề nghị xem lại tư cách "nghiên cứu" của 12 cá nhân phản đối dùng Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes đặt cho hai con đường ở thành phố này. Chuyện Alexandre de Rhodes không phải là "ông tổ" của "chữ quốc ngữ" đã được xác định cách nay năm, sáu thập niên. Sở dĩ giới nghiên cứu văn hóa, lịch sử đề cao vai trò của Alexandre de Rhodes vì ông có công xuất bản hai cuốn sách đầu tiên bằng chữ quốc ngữ (Tự điển Việt - Bồ - La và Phép giảng tám ngày), như "giấy khai sinh" cho chữ quốc ngữ.
Hà cho rằng, tới giờ mà còn viện dẫn "Alexandre de Rhodes không phải người tạo ra chữ quốc ngữ" như một "kết quả nghiên cứu" thì phải nghi ngờ về tư cách, khả năng "nghiên cứu". Tương tự, Alexandre de Rhodes tới Đà Nẵng từ tháng 12 năm 1624 và 234 năm sau (tháng 9 năm 1858), thực dân Pháp mới nổ súng xâm lược. Qui kết Alexandre de Rhodes "âm mưu dẫn quân viễn chinh Pháp xâm lược nước ta" là một suy diễn hàm hồ, phản khoa học. Không ai làm công việc "nghiên cứu" lại hồ đồ như thế (4)…
***
Ai cũng biết khoa học bao gồm nhiều lĩnh vực : tự nhiên, kỹ thuật, xã hội và nhân văn. Tại Việt Nam, nhiều ngành trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tuột từ từ xuống đáy và dù liên tục được cảnh báo nhưng vẫn đi xuống, không có điểm dừng.
Vì sao học – nghiên cứu về tương quan giữa con người với xã hội (triết học, tôn giáo, văn chương, ngôn ngữ, tâm lý, chính trị, xã hội, truyền thông, giáo dục, kinh tế, nghệ thuật, lịch sử, địa lý, lưu trữ…) tại Việt Nam lại trở thành lệch lạc và thảm hại đến như vậy ?
Vì sao chỉ có ngôn ngữ, kinh tế, truyền thông thu hút được nhân lực ? Vì sao giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn không đủ tầm để nhận diện các hiện tượng, lý giải, dự báo, khuyến cáo để bảo đảm Việt Nam có thể phát triển lành mạnh, tăng trưởng trong ổn định ?
Lập luận của 12 nhân vật ký tên vào thư ngỏ gửi chính quyền thành phố Đà Nẵng, kiến nghị không dùng Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes đặt tên cho hai con đường ở thành phố này chính là phác họa chân dung của rất nhiều cá nhân đã cũng như đang hoạt động trong giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam.
Những "tông đồ" của u mê, thiển cận ấy không chỉ làm tổn thương những người thật sự dành thời gian, trí lực, sức lực cho việc nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, 12 "tông đồ" còn cho thấy, kinh tế - văn hóa – xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục đối diện với vô số vấn nạn khó lường cả về tính chất lẫn mức độ và khó mà tìm ra lối thoát vì các "tông đồ" vẫn là những nhân vật có… "thế giá", vẫn chi phối toàn bộ hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam.
Thư ngỏ gửi chính quyền thành phố Đà Nẵng của 12 cá nhân là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử, kiến nghị không dùng Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes đặt tên cho hai con đường ở thành phố này, chính là bia tưởng niệm cho khoa học chân chính vốn đã bị khai tử từ lâu !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 29/11/2019
Chú thích
(2) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2474631789324003&set=a.582503771870157&type=3&theater
(3) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10216017028838624&set=a.2167503667223&type=3&theater
(4) https://www.facebook.com/hmh2904/posts/2884950981523311
*******************
Chữ Quốc ngữ, món nợ lớn với những ân nhân của nền văn hóa Việt
JB Nguyễn Hữu Vinh, 27/11/2019
Gần đây, câu chuyện một số người nhân danh "Nhà khoa học" đã gửi đơn phản đối Đà Nẵng đặt tên đường cho hai nhân vật được xác nhận là những người có công lớn đối với chữ quốc ngữ ở Việt Nam là linh mục Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina.
Câu chuyện này đã một lần nữa nói lên nhiều điều.
Alexandre de Rhodes và bìa cuốn Từ điển Annam, Bồ-đào-nha, La-tinh (Dictionarium annamiticum, lusitanium et latinum). Ảnh: TL
Ở đây, không chỉ là thói vô ơn của người Việt, mà còn là những hậu quả của việc chính trị hóa một số vấn đề trong quá khứ, xuyên tạc và bóp méo lịch sử theo cách nhìn của những công cụ đảng mang danh là "Nhà khoa học".
Chữ quốc ngữ đối với nền văn hóa Việt Nam
Có thể khẳng định rằng, trong lịch sử đất nước Việt Nam, sự khác biệt về văn hóa, sự văn minh, hội nhập quốc tế hết sức đơn giản và dễ dàng, không thể không kể đến sự đóng góp của Chữ Quốc ngữ.
Cũng từ chữ quốc ngữ, những tiếp cận, những giao lưu với các nền văn hóa khác đã đưa vào Việt Nam những khái niệm văn minh của phương Tây cũng như các dân tộc khác trên thế giới.
Ngày 3/10/2015, tại "Hội thảo khoa học : Chữ quốc ngữ - sự hình thành, phát triển và những đóng góp vào văn hóa Việt Nam" ở Núi Thơn - An Phú - Tp. Tuy Hòa - Phú Yên, nhiều bản tham luận đã nói lên những đóng góp to lớn của chữ Quốc ngữ đối với nền văn hóa Việt Nam.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Giáp đã nêu lên vai trò của chữ quốc ngữ như sau :
- Chữ quốc ngữ là cơ sở để mở rộng chức năng của tiếng Việt, nó vươn lên thành ngôn ngữ chính thức của quốc gia. Nó được dùng trong hành chính, ngoại giao, giáo dục. Nó là công cụ bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam.
- Chữ quốc ngữ là cơ sở để tiếng Việt phát triển. Về mặt từ vựng, chữ quốc ngữ đã giúp tạo ra những từ mới nhằm hỗ trợ việc diễn đạt tư duy trong chiều sâu và đỉnh cao của nó. Về ngữ pháp, dấu chấm câu mà chữ quốc ngữ du nhập vào Việt Nam đã góp phần tích cực vào việc sáng tạo các câu văn viết một cách sáng sủa, mạch lạc…, điều mà chữ Nôm trước đây không có. Chữ quốc ngữ đã giúp diễn đạt tư duy logic, thể hiện những tư tưởng khoa học cách trọn vẹn hoàn hảo. Về mặt âm, chữ quốc ngữ giúp xác định chính âm cho tiếng Việt, tạo sự thống nhất chữ viết trong toàn lãnh thổ Việt Nam, cho dẫu Việt Nam có nhiều phương ngữ và nhiều dân tộc thiểu số.
- Chữ quốc ngữ là cơ sở để phát triển nền quốc học lên một tầm cao mới. Căn cứ vào di sản Hán Nôm Việt Nam, chúng ta chỉ có vỏn vẹn 5038 quyển, trong đó có những quyển trùng nhau, nhiều quyển không mấy giá trị… Nếu làm một cuộc so sánh với nền quốc học được ghi bằng chữ quốc ngữ hiện nay, thì dù chỉ trong một thời gian ngắn, chữ quốc ngữ đã vượt hẳn và làm cho nền quốc học phong phú biết chừng nào.
Mặc dù chữ quốc ngữ đã tạo nền cho tiếng Việt phát triển đến đỉnh cao, nhưng tiếng Việt vẫn không được gọi là "ngôn ngữ quốc gia", mà các văn bản của nhà nước chỉ gọi tiếng Việt và chữ quốc ngữ là tiếng và chữ phổ thông. Mãi cho đến Hiến pháp năm 2013, trong điều 5 mới xác định :
"Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt", và điều này khiến chúng ta hiểu ngầm rằng "chữ quốc ngữ là chữ biểu thị ngôn ngữ tiếng Việt sẽ là chữ quốc ngữ với nghĩa đầy đủ và trọn vẹn của nó".
Nói về sự hình thành chữ Quốc ngữ, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Dõi, khoa ngôn ngữ học, Đại học Tổng hợp Hà Nội đã cho rằng :
"Sự hình thành chữ quốc ngữ là công của nhiều người : Francesco de Pina, Cristoforo Borri, Alexandre de Rhodes, Pigneau de Béhaine, Taberd…, và đặc biệt là của cộng đồng giáo dân Công giáo Việt Nam thời bấy giờ. Chính cộng đồng này là lực lượng duy nhất trong một thời gian khá dài sử dụng thành quả của các nhà xây dựng và hoàn thiện chữ quốc ngữ, do đó chính họ là những người "thẩm định" và bổ túc cho sự hoàn thiện như chúng ta có ngày nay. Mặc dù tên tuổi cụ thể của những giáo dân Việt Nam không được ghi chép một cách rõ ràng, nhưng họ đã có vai trò quan trọng trong sự kiện ngôn ngữ quan trọng này của dân tộc Việt Nam.
(Trần Trí Dõi, Giáo trình lịch sử tiếng Việt, Nhà xuất bản GDVN, 2011. Trang 254 – 255)
Ông nói : "Xét trên phương diện khoa học, việc vinh danh công lao của những con người này như dân tộc ta đã làm đối với các nhà khoa học vì sự phát triển của dân tộc Việt Nam, theo chúng tôi là một việc làm mang tính đạo lý và phù hợp với truyền thống nhân văn của người Việt"
Phán xét và cắt xén, xuyên tạc lịch sử theo quan điểm của đảng
Theo định nghĩa được ghi trên wikipedia : "Lịch sử là một bộ môn khoa học nghiên cứu về quá khứ, đặc biệt là những sự kiện liên quan đến con người. Đây là thuật ngữ chung có liên quan đến các sự kiện trong quá khứ cũng như những ghi nhớ, phát hiện, thu thập, tổ chức, trình bày, giải thích và thông tin về những sự kiện này".
Một trong những yêu cầu khắt khe của bộ môn Lịch sử là "điều tra khách quan" những sự kiện đã xảy ra và phản ánh đúng đắn, khách quan các sự kiện đó.
Thế nhưng, điều mà bộ môn này yêu cầu là sự "khách quan" dường như đã không được chú ý tại những gì mà chính quyền Việt Nam hiện đang sử dụng và ở những người hoạt động trong lĩnh vực gọi là "lịch sử" ở Việt Nam.
Những đánh giá, sử dụng, trích dẫn hoặc vận dụng các tư liệu, hình ảnh… của những thời kỳ đã qua trong quá trình hình thành, phát triển của Việt Nam, nhiều khi chỉ được sử dụng một phần, hoặc bị cắt xén, xuyên tạc… Điều này, chỉ nhằm mục đích uốn nắn cho phù hợp với quan điểm của Đảng cộng sản, của Chủ nghĩa Mác – Lenin mà đảng đang lấy làm nền tảng tư tưởng, hành động.
Mục đích là để phụ họa cho bộ máy tuyên truyền của nhà nước là chính, còn những yếu tố khách quan, sự thật… đều chỉ là thứ yếu.
Có thể dẫn ra nhiều ví dụ để chứng minh điều này, không chỉ trong các sự kiện đã xảy ra khó kiểm chứng, mà ngay cả trong các tác phẩm văn học, hội họa, lịch sử cũng như nhiều danh nhân khác nhau trong quá trình hình thành, khai phá và xây dựng đất nước.
Bản văn Bình Ngô Đại Cáo (1428) là bài cáo của Nguyễn Trãi viết thay lời Bình Định vương Lê Lợi để tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống Minh, giành lại độc lập cho Đại Việt. Một bản văn ra đời cách chế độ cộng sản Việt Nam hơn 500 năm, được lưu truyền trong sử sách, dân gian như một áng văn về tinh thần quật cường chống ngoại xâm của quân dân Đại Việt. Trong quá trình lưu truyền, bản văn được giữ nguyên từng câu, từng chữ.
Trong đó có đoạn :
Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
Muôn thuở nền thái bình vững chắc
Âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng đã lặng thầm phù trợ.
Thế nhưng, hơn 500 năm sau, xét trên quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam với Chủ nghĩa Mác – Lenin, bản văn đã bị cắt xén, lược bỏ khi đưa vào sách giáo khoa hoặc phổ biến trên các phương tiện truyền thông, sử học, văn học. Câu văn : "Âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng đã lặng thầm phù trợ" đã bị cắt xén loại bỏ ra khỏi tác phẩm này một thời gian dài. Chỉ vì nó không cùng quan điểm của Chủ nghĩa duy vật biện chứng, phủ nhận vấn đề tâm linh, linh thiêng, trời đất tổ tông phù hộ.
Câu bị kiểm duyệt, cắt bỏ ấy nằm trong cuốn Lịch sử Việt Nam tập 1 (năm 1971), và cuốn "Khởi nghĩa Lam Sơn" (năm 1977), cùng một nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành.
Chỉ bởi Đảng cộng sản cho rằng Nguyễn Trãi mấy trăm năm trước đã "mất lập trường nghiêm trọng".
Điều này đã được phản ánh rõ ràng trên tờ Tiền Phong Chủ nhật ngày 23/03/2003 và các bài viết sau đó về chủ đề này.
Cách đây khoảng 25-26 năm, (1993-1994, tôi không nhớ rõ), trên báo Lao Động có loạt bài viết về Alexandre de Rhodes, người bạn lớn của văn hóa Việt Nam.
Ở đó, tác giả đã công phu tìm hiểu và nghiên cứu về những nguyên nhân mà nhà nước Việt Nam đã vô ơn, đối đãi bạc bẽo với người có công lớn đối với nền văn hóa Việt Nam, là giáo sĩ Alexandre de Rhodes.
Nguyên nhân chính, là ở sự xuyên tạc lịch sử của tác giả cuốn Lịch sử Việt Nam tập 1 do nhà nước ban hành. Tác giả đã trình bày khá rõ ràng về một chi tiết như sau :
Trong cuốn sách Divers voyages et missions (Các cuộc hành trình và truyền giáo) của linh mục Alexandre de Rhodes do Cramoisy xuất bản tại Paris năm 1653 ở đoạn cuối chương 19 của phần thứ ba có một đoạn nguyên văn :
"J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume de monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l’Orient, pour l’assujetter à Jésus Christ, et particulièrement que j’y trouverais moyen d’avoir des Évêques, qui fussent nos Pères et nos Maitres en ces Églises. Je suis soirti de Rome à ce dessein le 11e Septembre de l’année 1652 après avois baisé les pieds du Pape".
Câu này dịch ra là : "Tôi tưởng nước Pháp là một nước đạo đức nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi mấy chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Ðông phương đưa về qui phục Chúa Kitô và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi và thầy chúng tôi trong các giáo đoàn. Với ý đó, tôi rời bỏ Rôma ngày 11 tháng 9 năm 1652 sau khi tới hôn chân Giáo hoàng".
Ở đây, linh mục Alexandre de Rhodes nói rõ : "mấy chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Ðông phương đưa về qui phục Chúa Kitô…" – nghĩa là chinh phục những người từ ngoài công giáo về với Đức Tin Kitô trong công việc truyền giáo của ngài, hoàn toàn không có nghĩa là việc đưa binh lính Pháp đi xâm lược thuộc địa. Từ "chiến sĩ" ở đây, chính là những "Chiến sĩ Đức Tin" – những người tiên phong bỏ gia đình, quê hương, đất nước cho việc chinh phục và truyền bá Đức tin và Đức Kitô của mình.
Cần phải nói rõ ràng rằng : Việc các nhà truyền giáo đến các miền đất mới để truyền bá Đức Tin của mình, là việc hoàn toàn khách quan do nhu cầu của Giáo hội Công giáo, không thể cho rằng đó là "công cụ" để thực dân Pháp xâm lược Việt Nam hoặc bất cứ nước nào.
Ngày nay, hàng loạt các linh mục Việt Nam trong các hội dòng như dòng Saledieng được phái đi truyền giáo cho những vùng đất mới như Châu Phi, như Mông Cổ và các nước khác… liệu có bị các nước đó đưa vào lịch sử như những "công cụ" cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam "truyền bá chủ nghĩa Mác – Lenin và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh" để mở đầu cho cuộc xâm lược các nước đó hay không ?
Hoàn cảnh, ngữ cảnh và lời nói đó của linh mục Alexandre de Rhodes đã thể hiện hết sức rõ ràng, nhất là thời gian cuộc đời của ngài đi truyền giáo tại Việt Nam, trước cuộc chiến Pháp – Đại Nam có… 250 năm.
Thế nhưng, khi đưa vào cuốn Lịch sử Việt Nam tập 1, tác giả đã dịch câu nói này như một lời kêu gọi Thực dân Pháp đến xâm lược Việt Nam. Đó là sự lừa đảo, bóp méo và xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc và vô ơn với ân nhân.
Thậm chí, trong cuốn sách đó còn bịa đặt thêm câu nói và gắn vào miệng của Alexandre de Rhodes như sau :
"Đây là một vị trí cần được chiếm lấy và chiếm được vị trí này thì thương gia Âu Châu sẽ tìm được một nguồn lợi nhuận và tài nguyên phong phú".
(trang 304, Lịch sử Việt Nam, tập 1, do Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam xuất bản tại Hà nội năm 1971)
Đặc biệt cuốn sách này ghi chú là trích từ quyển Divers voyages et missions en Chine et autres royaumes de l’Orient (Những cuộc hành trình và truyền giáo ở Trung Quốc và các vương quốc khác ở phương Đông) của Alexandre de Rhodes, Paris, 1653, tr. 109-110.
Câu trích dẫn và nhất là thông tin trong ghi chú trên đây đã khiến nhiều nhà nghiên cứu sử học cho rằng Alexandre de Rhodes có ý đồ thực dân.
Để làm sáng tỏ vấn đề, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã tìm đọc hai trang 109-110 của tài liệu trên và cả bản tiếng Việt Hành trình và truyền đạo do Hồng Nhuệ dịch, và đi đến kết luận là "không hề thấy câu nói sặc mùi đế quốc thực dân ấy, ngoại trừ những lời lẽ và thái độ quý mến dân tộc và trọng kính chính quyền cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài của xứ ta đương thời".
Từ đó đến nay chưa thấy bài viết nào làm sáng tỏ nguồn gốc câu trích dẫn trên đây. Gần đây, khi có được các bản tiếng Pháp in lần đầu năm 1653, lần thứ hai năm 1666 và cả bản in năm 1854 của quyển sách nói trên, chúng tôi cũng đã bỏ công tìm tòi đối chiếu, nhưng tuyệt nhiên không tìm ra một dòng nào có ý tương tự như câu trích dẫn bên trên. (Theo bài viết : "Alexandre de Rhodes có nói như thế không ?" - Tiến sĩ Trần Thanh Ái).
Thế nhưng, vẫn cố thủ với quan điểm và những "chứng cứ" đó, các nhà "khoa học công cụ" đã tiếp nối vấn đề là phủ nhận công lao, đóng góp của ông cho nền văn hóa Việt Nam.
Câu chuyện tưởng đến đó đã rõ ràng, những người gọi là "Nhà khoa học lịch sử" sẽ tỉnh ngộ và hiểu được cái gì là "sự thật khách quan" mà không thể phủ nhận hoặc cố tình gán ghép, bóp méo và xuyên tạc lịch sử chỉ vì quan điểm của cha ông, của tiền nhân đã không cùng với quan điểm của Đảng cộng sản sau này.
Tưởng nhớ, tri ân tiền nhân
Từ xa xưa, với truyền thống uống nước nhớ nguồn, tiền nhân nước Việt đã ghi công những người có công lớn với đất nước Việt Nam. Nhiều đường phố, tượng đài đã được dựng lên để tưởng nhớ đến công ơn của họ đối với đất nước, dân tộc này.
Nhiều danh nhân nước Việt thuộc các triều đình phong kiến xa xưa cũng đã được đặt tên đường, tên phố. Các thế hệ trước đây, đã đặt tên những đường phố để vinh danh, tưởng nhớ và tri ân những người đã làm nên, làm rạng danh dân tộc, đất nước này.
Với những người có công lao với nền văn hóa nước Việt như Alexandre de Rhodes cũng vậy.
Ở Hà Nội đã từng có một nơi để vinh danh, tưởng nhớ công ơn của Alexandre de Rhodes. Do ông Nguyễn Văn Tố (1889-1947) khởi xướng và tiến hành xây dựng. Năm 1938, ông cùng một số trí thức cụ lập ra Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ tạo nên một phong trào học chữ quốc ngữ rộng khắp trong cả nước. Năm 1945 ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Nhà bia Alexandre de Rhodes khánh thành vào 5h chiều ngày 29/5/1941.
Thế rồi khi "Cách mạng thành công" bằng cuộc cướp chính quyền nhân dân vào tay những người Cộng sản mùa thu năm 1945, mọi thứ đều đã thay đổi.
Riêng trong lĩnh vực đạo đức xã hội, cả xã hội đã bị thay đổi mọi quan niệm, cách hành xử… hầu hết ngược lại những giá trị, nền nếp truyền thống của cha ông đã đúc kết qua hàng ngàn năm để lại.
Ngay cả với những ân nhân của chính quyền cộng sản, những người đã nuôi giấu, che chở, đóng góp cho sự thành công của họ trước đó rất ngắn, cũng đã nhận được sự phản bội vô ơn đến trắng trợn, nói gì đến các tiền nhân xa xưa.
Các đền đài, miếu mạo, tượng đài từ hàng ngàn năm để lại đã bị đập phá không thương tiếc trong cuộc "Cách mạng văn hóa và tư tưởng" của chính quyền Cộng sản.
Nhà bia tưởng niệm Alexandre de Rhodes cũng không thoát khỏi chính sách đó của người Cộng sản.
Đêm ngày 9/10/1984, xe cẩu, công nhân kéo đến bia Alexandre de Rhodes rồi người ta dùng cần cẩu loại nhỏ cẩu tấm bia mang quẳng ra mép hồ xí nghiệp Cơ khí 204. Để rồi sau đó, cái nhóm hổ lốn gọi là Tượng đài Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, với mấy người đàn bà ôm bom ba càng được đặt vào đó.
Rồi năm tháng qua đi, cái gọi là "Cuộc cách mạng văn hóa tư tưởng" cũng như các cuộc cách mạng khác của người cộng sản đã thất bại thảm hại.
Từ kinh tế xã hội đến đạo đức, lối sống của người Việt cứ đi xuống như cỗ xe không phanh bởi một chính quyền ngày càng thể hiện sự thối nát và tham nhũng.
Cuộc chiến chống mê tín, dị đoan, xóa bỏ tàn tích phong kiến thực dân. Đặc biệt là việc xóa bỏ tôn giáo đã đem đến kết quả là những người dân Việt mất phương hướng sống và xã hội trở nên bạo tàn và con người trở nên bạo lực, hung hãn. Nhưng nhà cầm quyền không thể tiêu diệt được niềm tin trong dân chúng.
Và họ hướng cho người dân đến một trong những thứ tôn giáo do họ dẫn dắt và khuynh loát.
Với những danh nhân, với tiền nhân, khi xã hội có những phản ứng, chỉ rõ sự rồ dại của nhà cầm quyền trong việc đối xử tàn tệ với quá khứ, đã buộc nhà cầm quyền chấp nhận đặt lại tên, khôi phục lại những địa danh gắn liền với những người có công với đất nước này.
Việc nhà cầm quyền một số nơi như Sài Gòn đã chấp nhận đặt lại tên đường Alexandre de Rhodes là một thí dụ.
Điều đó chứng tỏ một thực tế là dù nhà cầm quyền có muốn, thì cũng không thể khuất phục người dân ghi công những ân nhân của đất nước, dân tộc này.
Những nhà khoa học công cụ
Khi Thành phố Đà Nẵng có chủ trương đặt tên đường phố cho hai nhà truyền giáo là Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina, đã có một nhóm những người nhân danh "Nhà khoa học" phản đối rầm rĩ.
Đặc biệt, Thích Nhật Từ - một người mang danh Thượng Tọa, là người tu hành của Phật Giáo Nhà nước, nhưng hầu như sự từ bỏ những sân si, hàm hồ của cá nhân, sự hằn học đối với tôn giáo khác, nhất là Công giáo đã là chuyện lạ trong ông ta. Ông ta phát ngôn và tuyên truyền như một công cụ của Ban Tuyên giáo không chính thức – đã tỏ ra vui mừng hết sức trơ tráo.
Luận điểm của những "nhà khoa học" này vẫn dựa vào việc xuyên tạc lịch sử và quy kết cho tiền nhân những tội lỗi mà họ nghĩ ra.
PGS, Ts Lê Cung, Đại học Huế cho rằng : "thời điểm Alexandre de Rhodes ở Việt Nam, vì thấy những ý định không tốt của ông nên cả chúa Nguyễn ở Đàng Trong lẫn chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đều đã trục xuất, không cho ông ta cư trú và hoạt động ở Việt Nam".
Thế nhưng, ông ta đã không nhớ rằng năm 1917, vua Khải Định ra lệnh bãi bỏ tất cả các trường học chữ Hán. Năm 1932, vua Bảo Đại ra quyết định dùng chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán.
Chẳng lẽ ông ta muốn cổ vũ cho người Việt Nam từ thời vua chúa phong kiến đến nay vẫn giữ thói "Người thì ghét, nhưng của thì ưa" ?
Trần Đắc Xuân, một người khá "nổi tiếng" với tội ác Mậu Thân (1968) ở Huế còn cho rằng : "quá trình ban đầu của việc tạo ra chữ quốc ngữ không nhằm mục đích phát triển văn minh của dân tộc ta, mà chỉ là một phương tiện để truyền giáo, một công cụ để thực dân Pháp xâm lăng nước ta".
Nếu theo quan điểm của ông ta, thế giới ngày nay sẽ chẳng bao giờ có giải Nobel cho bất cứ người nào trên thế giới. Chỉ bởi vì Alfred Nobel, "người đã trở nên giàu có sau khi phát minh ra cách thức giết con người nhanh chóng hơn bao giờ hết".
Ông ta cho rằng : "việc xác định đặt tên đường là vinh danh những người có công với đất nước, với dân tộc".
Thế nhưng, như thế nào là "có công với đất nước, với dân tộc" thì lại là vấn đề hoàn toàn chủ quan của ông ta theo quan điểm của đảng cộng sản. Những người gọi là có công với đất nước, với dân tộc hôm nay, rất có thể sẽ là tội đồ của dân tộc trong ngày mai, khi lịch sử đất nước phán xét lại cách khách quan nhất.
Ai cũng biết rằng, ngày nay cái tên Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng được đặt cho các thành phố, các địa danh khác nhau. Nhưng rất có thể sau này, những địa danh phải phải đổi tên thành Hoàng Sa – Trường Sa, để ghi nhớ tội ác của những kẻ này với Công hàm năm 1958 dâng Hoàng Sa, Trường Sa cho giặc.
Ai đi qua con đường Lê Đức Thọ, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh… hôm nay, chắc sẽ không nghĩ rằng rất có thể chỉ thời gian ngắn sau này, những con đường, những địa danh đó sẽ phải đổi tên bởi người ta không muốn nhớ đến những "thành tích" khủng khiếp của những nhân vật này trong một thời gian dài gây họa cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam.
Trên thế giới đã chẳng từng có những thành phố bị đổi tên thành tên của những người không chỉ "có công với dân tộc, với đất nước" mà còn với "cả thế giới" như Lenin, Các Mác, Friedrich Engels đó sao ? Để rồi sau đó, khi cả thế giới nhận chân được những nhân vật này là ai, thì các thành phố, địa danh đó trở lại thành Sankt-Peterburg hay những cái tên nguyên thủy của nó đó sao ?
Có thể nói rằng, là những người mang danh "nhà khoa học", nhưng tư duy của họ vẫn chỉ là tư duy của những người nông dân nhìn không qua lũy tre làng và chân ruộng lúa nhà mình. Cái bờ dậu ngăn cản tầm nhìn của họ, cái tư duy nô lệ và công cụ đã hạn chế chính họ.
Tạm kết
Cần phải nói rằng, dù có phản đối hoặc ủng hộ, thì những công lao đóng góp của các tiền nhân, những người đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ và truyền bá, phát triển nó là công lao to lớn của họ đối với nền văn hóa Việt Nam là không thể phủ nhận.
Năm 1961, nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày qua đời của linh mục Alexandre de Rhodes, nguyệt san MISSI, do các cha Dòng Tên người Pháp thực hiện, đã dành trọn số tháng 5 để tưởng niệm và ca tụng Cha Alexandre de Rhodes, đã nói về công trình khai sinh chữ Quốc ngữ với tựa đề : "Khi cho Việt Nam các mẫu tự La Tinh, Alexandre de Rhodes đã đưa Việt Nam đi trước đến 3 thế kỷ".
Thật vậy, cho đến nay đã qua 350 năm, Việt Nam là nước duy nhất đi trước vùng Viễn đông có được chữ viết thể hiện đúng giọng nói đa âm mà một số nước khác chưa làm được.
Chính những người phản đối, quy kết, gán ghép tội lỗi cho các tiền nhân, lại là những kẻ đang hưởng thụ nhiều nhất những thành quả của họ.
Còn những người đã làm nên những thành tựu to lớn, làm thay đổi và đóng góp hết sức quan trọng cho nền văn hóa Việt Nam họ đã qua đời từ lâu và có lẽ họ cũng không cần những vinh danh, những trao tặng hoăc đặt tên đường, tên địa danh.
Cuộc đời của những nhà truyền giáo ra đi khỏi gia đình, quê hương và đất nước mình là sự dấn thân cho nhân loại, họ không hề nghĩ đến những gì mình sẽ được, ngay cả khi họ còn sống.
Vậy thì việc vinh danh họ bằng cách này hay cách khác, chỉ có ý nghĩa với những người còn sống, với nền văn hóa Việt Nam, với các thế hệ con cháu người Việt từ xưa đến nay vốn có truyền thống đẹp đẽ "Uống nước, nhớ nguồn".
Đi ngược lại truyền thống đó, chỉ có thể là những kẻ mất gốc, táng tận lương tâm hoặc những kẻ không nghĩ đến hậu quả của việc mình làm có hại như thế nào cho đất nước, dân tộc sau này.
Và đó mới thực sự là những kẻ tàn phá nền văn hóa, nền văn hiến đất Việt được xây đắp từ hàng ngàn năm nay.
Ngày 27/11/2019
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 27/11/2019 (nguyenhuuvinh's blog)
******************
Khoảng trống văn bản học chữ Quốc ngữ
Lại Nguyên Ân, Phan Văn Thắng, Người Đô Thị, 18/12/2017
'Từ khi được phổ cập vào đời sống xã hội, chữ Quốc ngữ đã là bạn đồng hành với công cuộc hiện đại hóa xã hội Việt Nam, đã sát cánh cùng những hoạt động của các nền hành chính quốc gia, nền giáo dục quốc dân, nền kinh tế quốc dân, đã phiêu lưu cùng những phiêu lưu của những nhóm phái chính trị xã hội hoặc ít ỏi hoặc đông đảo người Việt trong những thời đoạn khác nhau, đã trở thành cơ sở cho sự xuất hiện và phát triển nền báo chí chữ Việt, nền xuất bản sách chữ Việt.' - nhà nghiên cứu văn học – văn bản học Lại Nguyên Ân.
Lời tòa soạn : Chữ Quốc ngữ đã có lịch sử hình thành hơn 400 năm và phổ biến rộng rãi, trở thành Quốc ngữ từ hơn 100 năm nay. Chữ Quốc ngữ đã có những đóng góp vô cùng lớn trong tiến trình văn hóa dân tộc. Có thể nói, nếu không có Quốc ngữ, dân tộc ta khó có thể có trình độ phát triển như ngày hôm nay. Di sản chữ Quốc ngữ mà chúng ta đã có là vô cùng lớn. Thế nhưng, công việc bảo quản, bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản này vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn. Nói cách khác, ngành văn bản học chữ Quốc ngữ vẫn đang còn bỏ ngõ… Để bạn đọc hiểu thêm về vấn đề này, Văn Hóa Nghệ An đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn học – văn bản học Lại Nguyên Ân.
----------------
Nhà nghiên cứu văn học – văn bản học Lại Nguyên Ân. Ảnh: cpd.vn
Phan Văn Thắng : Thưa ông, gần đây trong cộng đồng ồn ào với vô số trao đổi, bình luận về đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Hiền. Tôi sẽ không đề nghị ông bình luận về sự kiện này, mà nhân đây, tôi chợt nghĩ đến vấn đề chúng ta phải bảo quản, bảo tồn, khai thác và phát huy kho tàng di sản chữ quốc ngữ như thế nào, hiện tại và trong tương lai, để có kết quả tốt và hiệu quả cao. Ông có thấy quả thực đây là một vấn đề cần thiết phải được quan tâm không ?
Lại Nguyên Ân : Không thể không thấy đây là một trong những vấn đề cấp thiết cần được quan tâm và quan tâm nhiều hơn nữa!
Phan Văn Thắng : Trước tiên, tôi muốn được nghe đánh giá của ông về vai trò của chữ Quốc ngữ trong tiến trình văn hóa Việt Nam?
Lại Nguyên Ân : Theo tôi, chữ Quốc ngữ đã có vai trò cực kỳ cơ bản trong đời sống người Việt ở thời cận đại và hiện đại.
Ta biết một điều có ý nghĩa nguyên tắc trong đời sống con người hiện đại là cùng với tiếng nói thì ở mỗi dân tộc cần hình thành chữ viết (văn tự) ghi tiếng nói ấy. Người Việt có tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ và về căn bản đã giữ được tiếng Việt qua thăng trầm của hàng ngàn năm lịch sử. Hiện cũng còn một vài dấu tích mờ nhạt cho thấy có thể đã có một dạng văn tự nào đó hình thành ở cộng đồng Việt thời sơ sử. Song nếu đã có một văn tự nào đó xuất hiện ở đây thì nó cũng đã bị xóa sổ trong thời gian một ngàn năm bị xâm lược và đô hộ bởi ngoại bang.
Các quan chức cai trị từ phương Bắc đến đã đem chữ Hán cùng đạo Nho của người Hán dạy cho một số người Việt, đào tạo họ thành đội ngũ viên chức giúp việc quản trị; bằng cách này, chữ Hán và Nho giáo đã phổ cập vào nước ta; tất nhiên thứ văn tự này chỉ phổ cập trong một bộ phận nhỏ người Việt, là giới nhà nho và giới quan chức, thư lại bản địa.
Bước sang thời kỳ độc lập, từ thế kỷ X, các vương triều quân chủ bản địa cũng dùng chữ Hán làm văn tự chính thức. Tuy vậy, chữ Hán tồn tại ở người Việt như một thứ nửa sinh ngữ nửa tử ngữ, − người Việt không nói tiếng Hán, chỉ viết giống người Hán, nhưng lại đọc văn bản viết ấy bằng cách đọc riêng của mình, gọi là cách đọc Hán-Việt. Tuy vậy, bằng chữ Hán, người Việt đã tạo ra hàng ngàn văn bản bao gồm các tác phẩm thơ văn, ghi chép lịch sử, huyền sử, địa lý, văn hóa, v.v. để làm thành một nền văn học chữ Hán của người Việt.
Các nho sĩ người Việt cũng sớm thấy cần có chữ ghi tiếng Việt. Họ đã dựa vào chữ Hán để chế tác ra chữ Nôm (=Nam); dấu tích sớm nhất có thể từ thế kỷ VIII thời còn Bắc thuộc, nhưng trở nên thịnh hành vào thời Lý-Trần, khi xuất hiện các tác phẩm văn học bằng chữ Nôm. Từ thế kỷ XII đến thế kỷ XIX, bên cạnh nền văn học chữ Hán kể trên,người Việt đã có một nền văn học chữ Nôm. Đó chính là văn học bằng tiếng Việt, đạt tới trình độ cổ điển vào thế kỷ XVIII-XIX. Nhưng chữ Nôm rất khó phổ cập (vì người học phải thành thạo chữ Hán mới có thể biết đọc viết chữ Nôm), ít được chuẩn hóa, và chưa hề được vương triều quân chủ nào chính thống hóa.
Về nguồn gốc chữ Quốc ngữ, nó là tiếng Việt được ghi âm bằng hệ chữ chữ cái La-tinh (bảng chữ cái a,b,c…). Khoảng từ thế kỷ XV-XVI, các giáo sĩ đạo Thiên Chúa từ Âu Tây tìm đến các nước phương Đông. Tại đây, họ đã đem bảng chữ cái La-tinh của người châu Âu ghi phiên âm tiếng nói các dân tộc bản địa ; tiếng Hoa, tiếng Nhật còn được ghi la-tinh và làm từ điển trước tiếng Việt. Bộ chữ La-tinh ghi tiếng Việt được các giáo sĩ như Francisco de Pina, Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa… chế tác với sự cộng tác của nhiều người Việt, nhiều giáo sĩ khác.
Thành tựu có ý nghĩa nhất là việc in được cuốn "Từ điển Annam, Bồ-đào-nha, La-tinh" (Dictionarium annamiticum, lusitanium et latinum) năm 1651, do Alexandre de Rhodes soạn. Tồn tại trong phạm vi hẹp là đạo Thiên Chúa, bộ chữ Việt dạng la-tinh còn được cải tiến nhiều lần, quan trọng nhất là sửa đổi của Pierre Pigneaux de Béhaine (cố Bá Đa Lộc), người khởi soạn "Tự vị Annam-Latinh" (1772-73), rồi được hoàn chỉnh bởi Tabert, người soạn "Nam Việt dương hiệp tự vựng" (in 1838).
Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam (kể từ 1858), họ muốn lấy tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính thức tại xứ Đông Dương thuộc Pháp, nhưng sớm thấy khó thành công nên đã thực hiện tại Việt Nam một trạng thái đa ngữ: 3 (hoặc 4) thứ chữ Pháp, Việt (la-tinh hóa), Hán-Nôm cùng tồn tại ; bên cạnh trường Pháp có trường Pháp-Việt ; giao dịch chính thức thì dùng cả 3 thứ chữ (hoặc có thể xem là 4, khi dùng cả chữ Nôm). Người Việt, trước hết là giới nho sĩ, ban đầu phản đối việc sử dụng thứ chữ Việt ghi la-tinh mới lạ, nhưng ít lâu sau họ thấy thứ chữ mới này dễ học, dễ phổ biến, có thể thậm chí dùng để tuyên truyền tinh thần yêu nước chống thực dân, vì vậy họ quay sang ủng hộ việc phổ biến thứ chữ la-tinh ghi tiếng nói người Việt này. Từ đây thứ chữ la-tinh ghi tiếng Việt này được người Việt gọi là chữ Quốc ngữ ("ngôn ngữ quốc gia !").
Nhìn lại, có thể thấy, từ khi được phổ cập vào đời sống xã hội, chữ Quốc ngữ đã là bạn đồng hành với công cuộc hiện đại hóa xã hội Việt Nam, đã sát cánh cùng những hoạt động của các nền hành chính quốc gia, nền giáo dục quốc dân, nền kinh tế quốc dân, đã phiêu lưu cùng những phiêu lưu của những nhóm phái chính trị xã hội hoặc ít ỏi hoặc đông đảo người Việt trong những thời đoạn khác nhau, đã trở thành cơ sở cho sự xuất hiện và phát triển nền báo chí chữ Việt, nền xuất bản sách chữ Việt. Sau tháng Tám 1945, một phong trào xóa nạn mù chữ −nội dung là dạy chữ Quốc ngữ − diễn ra rầm rộ, kết quả khả quan.
Về kết cấu ngôn ngữ, tiếng Việt có hai văn tự tương ứng, là chữ Nôm và chữ Quốc ngữ ; chữ Nôm khó học, khó sử dụng ; chữ Quốc ngữ là văn tự ghi âm, dễ phổ cập vào số đông, vì thế chữ Quốc ngữ đã được chọn làm một trong những phương tiện sống của cộng đồng Việt thời hiện đại.
Phan Văn Thắng : Với lịch sử hơn 400 năm, trong đó có hơn 100 năm phổ biến và phổ cập, trở thành chữ viết chính thức của quốc gia-dân tộc, các thế hệ người Việt Nam đã để lại kho tàng di sản chữ Quốc ngữ vô cũng phong phú, đa dạng cả về nội dung cũng như hình thức thể hiện, từ kiểu/mẫu đến chất liệu… Về phương diện văn học sử, văn bản học, ông đánh giá như thế nào về giá trị của kho tàng di này trong sự phát triển của đất nước ?
Lại Nguyên Ân : Về di sản ngôn ngữ nói chung, người Việt Nam có nhiều nguồn di sản, vì trên đất Việt có 54 dân tộc, các dân tộc hầu hết đều có tiếng nói riêng, tuy chỉ một số ít dân tộc có chữ viết riêng.
Chữ Quốc ngữ từ khi được phổ cập, đã dần dần được dùng như ngôn ngữ quốc gia, chung cho tất cả các thành viên thuộc cộng đồng Việt Nam. Gắn với thứ chữ này, chúng ta đã cùng nhau tạo ra cả một kho tàng văn bản viết và in qua các thời kỳ lịch sử, từ 1865 đến nay, gồm kho tàng báo in, sách in, kho tàng sổ sách văn bản hành chính nhà nước, kho tàng sổ sáchvăn bản của các tổ chức chính trị, xã hội ; ngay trong dân gian cũng có những lưu trữ tập thể hoặc tư nhân những nguồn văn bản viết hoặc in như giấy tờ về nhân thân, về ruộng đất, về tài sản, phả ký của các dòng họ, sổ sách tài liệu của các hội đoàn, kinh sách của các tôn giáo, văn bản của các tổ chức dân sự…
Đó là những chứng tích về đời sống xã hội, đời sống tinh thần phong phú của xã hội ta qua thời gian lịch sử, có thể giúp các thế hệ sau này hiểu rõ đời sống xã hội những thời trước. Tôi biết, ví dụ, về sở hữu đất đai trước 1945, trước đây có cả một kho lưu trữ địa bạ, có lẽ hiện vẫn được giữ tại một trong các kho lưu trữ quốc gia…
Phan Văn Thắng : Là một nhà nghiên cứu văn bản học ông đánh giá như thế nào về tình hình lưu trữ, bảo quản kho tàng di sản chữ Quốc ngữ trong thời gian trước đây và hiện nay ?
Lại Nguyên Ân : Tôi nhận thấy hiện vẫn có sự thiếu công bằng trong chính sách quốc gia đối với hai nguồn di sản chữ viết của người Việt. Trong khi nguồn di sản Hán-Nôm được nhà nước lập riêng cho một viện nghiên cứu, nhân viên thuộc biên chế nhà nước, các văn bản được soi rọi tương đối kỹ lưỡng, v.v. thì các nguồn di sản chữ Quốc ngữ hiện mới chỉ ở mức được tập hợp bảo quản trong các kho lưu trữ.
Tất nhiên nguồn di sản Hán-Nôm đang có nguy cơ mất mát cao hơn, nên các chính sách cần chú trọng hơn. Song, trong các khâu sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, phát huy (như chữ dùng trong các diễn ngôn về chính sách), thì nguồn di sản Hán-Nôm đã được đầu tư để "nghiên cứu, phát huy", trong khi các nguồn di sản Quốc ngữ mới chỉ được đầu tư ở mức "sưu tầm, bảo quản", mà ở cả hai khâu này đều còn nhiều khiếm khuyết.
Chỉ mấy năm gần đây, ví dụ nhân 100 năm sinh Hàn Mặc Tử, ta mới thấy tập thơ "Gái quê" (in 1936) của tác gia này đã tuyệt bản, tức là khắp trong ngoài nước không còn thấy cuốn nào! Cũng dịp ấy, ta mới biết bản in 1938 tiểu thuyết "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng cũng đã tuyệt bản ! Đấy chỉ là vài ví dụ đơn lẻ, chứ trong thực tế, ta chưa biết trong toàn bộ những gì đã được viết ra in ra bằng chữ Quốc ngữ, ước lệ là từ 1865 đến nay, thì những ấn phẩm nào hiện còn văn bản, những ấn phẩm nào không ?!
Nhìn chung, nguồn sách báo chữ Quốc ngữ tuy đã được lưu trữ trong một số kho quốc gia, đồng thời cũng ít nhiều được sưu tầm lưu giữ trong dân gian, thậm chí vẫn đang tạo thành một thị trường nhỏ trong dân gian, nhưng công việc kiểm đếm, thống kê vẫn còn dở dang, chưa thể chuẩn xác.
Có thể nói, ngay các đơn vị chuyên trách như các Thư viện lớn, các cơ sở nghiên cứu, cũng chưa nắm được tổng số ấn phẩm sách và báo đã xuất hiện từ 1865 đến nay (một số cuốn từ điển thư mục báo chí đã có vẫn tỏ ra còn nhiều thiếu sót), càng chưa biết rõ cụ thể những cái nào còn cái nào mất. Trong khi đó, các thông tin về vốn liếng văn bản Hán-Nôm hiện còn có lẽ đã rõ ràng hơn hẳn, đồng thời một số khá lớn văn bản Hán-Nôm đã được khảo sát tương đối kỹ, làm rõ những thông tin chứa đựng bên trong, khiến chúng phát huy công dụng cho những nghiên cứu bề sâu hoặc liên ngành.
Vấn đề đặt ra đối với nguồn di sản sách báo tài liệu bằng chữ Quốc ngữ không chỉ là sưu tầm hệ thống hóa để ước lượng chính xác được tiềm năng thực tế của nó, mà còn phải tiến hành những nghiên cứu chiều sâu, nhằm làm bộc lộ những tiềm năng cung cấp dữ liệu căn bản. Hiện mới chỉ có rất ít những khảo sát thống kê thư mục các ấn phẩm báo chí (kiểu như "Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong", "Mục lục phân tích tạp chí Tri Tân", v.v.); lại càng ít những nghiên cứu khảo sát lịch sử các tờ báo cụ thể. (Tôi biết có một bản thảo phác họa lịch sử báo Cứu quốc hoàn thành từ 1986 mà nay vẫn chưa in thành sách !).
Vậy mà chỉ những khảo tả cụ thể vốn bài vở cụ thể của các tác giả cụ thể đăng tải trên toàn bộ các ấn phẩm mang một manchette chung, mới là sự mách bảo hữu ích để những nhà nghiên cứu khác nhau tìm đến những sưu tập báo chí khác nhau, tùy theo mục tiêu nghiên cứu chuyên sâu của mình.
Phan Văn Thắng : Ở nước ta, khó nhất trong công việc lưu trữ, bảo tồn di sản này là gì trong điều kiện hiện nay ?
Lại Nguyên Ân : Thật sự tôi cũng không được rõ, đối với những cơ quan trọng trách lưu trữ bảo tồn di sản văn bản chữ viết thì khó khăn lớn nhất đối với họ là gì ? Là kinh phí được cấp hạn hẹp ? Là năng lực kỹ thuật của cán bộ nhân viên ? v.v.
Riêng tôi thì tôi nghĩ đến khả năng liên kết, kết nối để có thể hình thành một bản đồ chung về các nguồn di sản chữ viết (dù chỉ nói đến chữ Quốc ngữ hay bao gồm tất cả các ngôn ngữ mà người Việt từng sử dụng). Có thể là kết nối giữa các cơ quan hoặc chủ thể trong nước hiện có sở hữu những sưu tập ấn phẩm sách báo tư liệu; có thể là sự kết nối giữa các thư viện trong nươc với các lưu trữ nhà nước hoặc tư nhân hiện có sở hữu những sưu tập ấn phẩm sách báo tư liệu Việt Nam.
Công trình "Di sản Hán-Nôm Việt Nam. Thư mục đề yếu" (3 tập, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1993, công trình hợp tác của Viện Hán-Nôm và Học viện Viễn Đông bác cổ Pháp) là một gợi ý tốt về phương cách hành động.
Phan Văn Thắng : Nhưng hẳn là cũng có nhiều thuận lợi hơn trước? Đó là những thuận gì ?
Thuận lợi lớn nhất là chúng ta đã ở một thời đại kỹ thuật khác so với trình độ kỹ thuật trước đây.
Thời đại mà chữ Quốc ngữ được chế tác, rồi được đưa vào sử dụng, cỗ máy in chữ rời trên các trang giấy là phương tiện tiên tiến. Từ những năm 1990s và nhất là bước vào thế kỷ XXI, dân Việt ta cũng đã đi vào thời đại kỹ thuật số (digital) và internet, chỉ muộn hơn các nước tiên tiến vài ba chục năm.
Từ đây, các tài liệu in giấy có thể được số hóa để truyền lên mạng thông tin điện tử. Vậy là bất cứ tài liệu chữ viết hoặc chữ in trên giấy nào, nếu còn tồn tại dù chỉ một bản duy nhất, cũng có thể số hóa để đưa tới tất cả những ai muốn biết.
Trong số các ấn phẩm từng có chỗ đứng đáng kể trong đời sống văn hóa dân tộc ta, đã bắt đầu có một số bộ sưu tập được số hóa để phục vụ giới nghiên cứu, chẳng hạn, bộ sưu tập tạp chí "Nam phong" (1917-34), bộ sưu tập tạp chí "Tri tân" (1941-45), bộ sưu tập tạp chí "Thanh nghị" (1941-45), bộ sưu tập các tuần báo "Phong hóa, Ngày nay" (1932-40), v.v.
Đây là một cách làm rất đáng khích lệ.
Phan Văn Thắng : Ông đánh giá như thế nào về công việc nghiên cứu của các nhà văn bản học cũng như các ngành khoa học liên quan khác trong thời gian vừa qua ?
Lại Nguyên Ân : Theo tôi, ở Việt Nam chúng ta mới chỉ có các chuyên gia văn bản học ở khu vực nghiên cứu văn bản Hán-Nôm. Các chuyên gia này thường cũng chỉ giải quyết các nhiệm vụ liên quan đến tác phẩm Hán-Nôm cụ thể chứ ít khi xử lý hoặc đề xuất các vấn đề văn bản học nói chung. Thành thử hầu như chưa giúp gì nhiều cho những vấn đề liên quan đến văn bản nảy sinh trong đời sống.
Tại các đại học có chuyên ngành xã hội-nhân văn ở ta hiện vẫn chưa có ngành văn bản học. Khi gặp những chuyện như thảo luận thế nào là "bản gốc" ? Một tác phẩm mà ngay bản viết tay ở tác giả đã có vài ba dị bản thì xử lý thế nào ? Làm sao xử lý chuyện "in sai" những câu chữ, đoạn văn nhất định của tác phẩm tái bản ? v.v. Chỉ một số nhà báo tìm tới người có kinh nghiệm về văn bản, nhưng lại thấy có khá nhiều điều hình như không có nguyên tắc, không có cơ sở gì để xử lý đúng sai cả! Thành ra ở ta thực ra vẫn chưa có ngành văn bản học chữ Việt (chữ quốc ngữ) !
Phan Văn Thắng : Tôi nghĩ ông là một trong nhưng nhà nghiên cứu văn học có nhiều thành tựu về phương diện văn bản học. Ông có những kinh nghiệm gì về công việc này ?
Lại Nguyên Ân : Chỗ này cho phép tôi nói rõ hơn. Năm 2010, tôi được Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh vinh danh ở giải nghiên cứu "vì những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực Văn bản học". Thật sự thì lời tuyên xưng này khiến tôi hơi ngỡ ngàng. Năm đó tôi mới chỉ có quyển "Nghiên cứu văn bản tiểu thuyết Giông Tố" (in 2007). Còn lại, số đông công trình của tôi là sưu tầm tái công bố một loạt sáng tác, trứ tác của một số tác giả xuất hiện đầu thế kỷ XX như Phan Khôi, Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng, Lê Thanh, v.v. Những công trình này nghiêng về phía khôi phục văn bản những tác phẩm đã từng được viết ra in ra, nhưng bị quên lãng rất nhiều năm; tất nhiên trong công việc tìm lại, biên soạn để tái xuất bản tôi cũng cần đến các hiểu biết cơ bản về văn bản học, các kỹ năng để xử lý văn bản.
Đến năm 2016 tôi mới đưa in được cuốn nghiên cứu văn bản thứ hai, dành cho tiểu thuyết "Số đỏ" (1936-38) của Vũ Trọng Phụng. Tức là số công trình thực sự văn bản học của tôi cũng còn ít.
Nhận xét của tôi là, nói chung, mảng tác phẩm chữ Quốc ngữ, hư cấu và phi hư cấu, hầu hết chưa được tiếp cận khảo sát về mặt văn bản. Tôi vốn là người nghiên cứu văn học, cho nên khi tiếp cận ở khía cạnh văn bản, tôi nhận thấy có một ngành của nghiên cứu văn học (và nghiên cứu xuất bản phẩm nói chung) lẽ ra nên có là tìm hiểu lịch sử tác phẩm. Mỗi tác phẩm ra đời như thế nào ? Trong dự kiến của tác giả nó từng trải qua những hình hài ra sao ? Có thể còn tìm thấy những "dấu tích" các giai đoạn sinh thành tác phẩm ở sổ ghi chép, các bản phác thảo, bản viết lần đầu, bản viết hoàn chỉnh, bản đưa in ; rồi từ bản in lần đầu đến những bản tái bản, − tại đó tác phẩm tiếp tục được/bị tác giả chỉnh sửa thế nào, được/bị nhà xuất bản biên tập lại với những thay đổi thế nào ? Nếu tồn tại dưới thể chế có kiểm duyệt thì bản đưa in bị kiểm duyệt những gì ?
Tất cả những điều này cần được làm rõ, mới thấy được "văn bản" (theo nghĩa nguyên gốc, tức là bản in tác phẩm trên giấy ; chứ không phải khái niệm của phê bình mới, xem "văn bản" như thực thể tinh thần nằm trong và thông qua tổng phổ ký hiệu ngôn ngữ văn tự). Tôi nghĩ một tiếp cận như vậy mới giúp ta thấy tác phẩm như một thực thể động chứ không tĩnh, bởi thật ra nó không thể tĩnh tại. Ý niệm về một sự ổn định, cố định của văn bản một tác phẩm qua chiều dài thời gian, thật ra là một ý niệm không tưởng !
Phan Văn Thắng : Để thúc đẩy hoạt động văn bản học cũng như lưu trữ, bảo quản và khai thác tốt kho tàng di sản chữ quốc ngữ, trong bối cảnh hiện tại, theo ông, cần có những điều kiện gì ? Cần làm những gì ? Như thế nào ?
Lại Nguyên Ân : Theo tôi, vẫn cần đẩy mạnh việc sưu tầm, bảo quản, hệ thống hóa, liên kết với hệ thống thư viện trong ngoài nước, ví dụ thư viện của Pháp, để tạo nên những bộ sưu tập hoàn chỉnh của những ấn phẩm lớn, hoặc những sê-ri sách theo những chuyên mục nào đó.
Song song với việc đó, cũng cần khuyến khích khai thác các nguồn tư liệu sách báo bằng những nghiên cứu về nhiều mặt.
Đối với các bằng cấp Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, các đại học nên ra đề tài luận văn về lịch sử báo chí, lịch sử xuất bản. Cần đề ra yêu cầu nghiên cứu sinh đọc tài liệu báo chí, tác phẩm gốc chứ không nên dừng lại ở việc đọc gián tiếp rồi trích dẫn qua giáo trình của mấy ông thầy. Cần đào tạo được thêm những chuyên gia thông thạo về lịch sử báo chí, lịch sử xuất bản ở Việt Nam trong những giai đoạn phát triển cụ thể của nó.
Các ngành xã hội nhân văn ở các trường đại học nên hình thành các bộ môn văn bản học, lịch sử tác phẩm; nên coi đây là những phân ngành mới trong nghiên cứu xã hội nhân văn, nhất là văn học và sử học. Hy vọng là sau mươi năm nữa, chúng ta sẽ có được một số chuyên gia thạo việc trên các lĩnh vực này.
Phan Văn Thắng : Xin cảm ơn nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân.
Phan Văn Thắng thực hiện
Vinh – Hà Nội, 18/12/2017
Nguồn : Người Đô Thị, 14/01/2018
Năm nay kỷ niệm 100 năm vua Khải Định chính thức bãi bỏ khoa cử Nho học và cho dùng chữ Quốc ngữ ở Việt Nam. BBC News Tiếng Việt nói chuyện với bà Phạm Thị Kiều Ly, tiến sĩ Đại học Sorbonne Nouvelle, Pháp, về sự hình thành chữ Quốc ngữ qua các giai đoạn khác nhau, với đóng góp của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha, Pháp và người Công giáo Việt Nam từ thế kỷ 17 đến 1919. Cuộc phỏng vấn do Nguyễn Giang thực hiện bên lề Hội thảo Viet-Studies tại Porto, Bồ Đào Nha tháng 7/2019. BBC News Tiếng Việt
Nguyễn Giang thực hiện
Nguồn : BBC, 30/09/2019
Trong tuần vừa qua, dễ dàng nhận ra một cuộc đấu tố không nhỏ đối với nghiên cứu 'cách tân Tiếng Việt' của Phó Giáo sư Bùi Hiền và 'công nghệ giáo dục' của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
'Đấu tố' người nghiên cứu, cải tiến Quốc ngữ bằng chủ nghĩa dân tộc thái quá vẫn đang diễn ra ?
Bằng những cụm từ miệt thị, sỉ nhục nhân cách, một nhóm đám đông đã sử dụng Facebook để tấn công cả hai cá nhân nêu trên bằng ngôn từ : Hán gian, Việt gian, tên phản quốc,...
Nhiều người quan ngại về lối phát âm được cho là 'nghiên cứu/ cách tân', thậm chí còn nhấn mạnh yếu tố 'giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt' để phản ứng lại với cách ký tự, phát âm mà họ cho là... lạ đời và có phần hao giống cách ký tự, phát âm tiếng Hán.
Bài viết này không dành để diễn giải kiến thức chuyên môn về công trình nghiên cứu của Phó Giáo sư Bùi Hiền hay công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Bài viết này muốn đặt vấn đề về thực tính 'bể dâu' trong sáng tạo và cách tân ngôn ngữ Việt nam, và cho thấy rằng, những phản ứng hiện tại (loại trừ yếu tố phản biện khoa học và ôn hòa ra) thiếu vắng tính văn hóa trong đó, thể hiện một mặt bằng nhận thức tính đa dạng rất thấp, từ những người có học vị luật sư, giáo viên cho đến những người lao động chân tay trong xã hội khi đối diện với sự... thay đổi tính truyền thống trong ngôn ngữ.
Trước hết, tiếng Việt (Quốc ngữ - La tinh) mà chúng ta sử dụng hoàn chỉnh hiện nay là kết quả của một quá trình 'bầm dập' về nhiều mặt, trong đó có cả sự phản kháng, cưỡng chế, ép buộc sử dụng. Nói cách khác, tiếng Việt có một quá trình 'bể dâu' từ khi khởi thảo đến nay.
Sau hơn 1.000 năm sử dụng chữ Hán trong thi cử, tiếng Hán trong giao tiếp ; với sự xuất hiện của những tín đồ truyền giáo phương Tây, đã buộc phải phát minh ra một loại chữ mới dành cho dân Annam, nhằm mục đích : truyền đạo.
Sự ra đời của chữ viết và tiếng nói mới được những người giáo sĩ đánh giá là tiện dụng, nhưng với những sĩ phu - nhà Nho, không ít trong số đó phản kháng vì ngôn ngữ mới gắn liền với nhóm người 'ngoại xâm'. Trong đó có cả những nhà Nho yêu nước như Đồ Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt,...
Vào năm 1885, những Nho sĩ đã gửi thư thỉnh nguyện đến Hội đồng quản hạt Nam kỳ để 'đề nghị bãi bỏ chữ quốc ngữ', và nhấn mạnh, họ chỉ muốn học tiếng Pháp và tiếng Annam (tiếng Nôm), những thứ tiếng mà 'chúng tôi đều biết viết'. Còn trong những khoa thi cuối cùng của thời phong kiến diễn ra tại Hà Nam và Nam Định, thì sự bãi bỏ chữ Hán và sự thay thế của chữ Quốc ngữ bị không ít những sĩ tử bây giờ xem là 'vọng ngoại, vô sỉ, đánh mất dân tộc', thậm chí là 'thổ ngữ mường mán'.
Và Pháp đã làm gì ? Pháp tiến hành một biện pháp gọi là cưỡng bức, theo đó bắt trẻ con đi học chữ quốc ngữ như bắt lính hay như một 'thứ thuế đánh thêm vào dân', lại tiến hành thành lập trường dạy tiếng quốc ngữ ; biết Quốc ngữ trở thành điều kiện cần và đủ để trở thành viên chức xứ thuộc địa ; chữ Nho bị bãi bỏ. Đó là chưa kể tác động của phong trào 'Đông Kinh nghĩa thục' của những chí sĩ yêu nước đầu thế kỷ XX nhằm mục đích chính là 'Canh Tân quốc gia', góp phần không nhỏ trong phổ biến chữ Quốc ngữ.
Nếu tính từ thời điểm từ điển Việt-Bồ-La được xuất bản tại Rome (1651) đến khi Ðông Kinh nghĩa thục được thành lập (1906) thì Quốc ngữ mất 255 năm để thực sự định hình trên mảnh đất hình chữ S này, với công đầu thuộc về những giáo sĩ dòng Tên và nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền thực dân Pháp.
Bản kinh Lạy Cha được viết năm 1632 được bởi các nhà truyền đạo (viền xanh) và bản được viết lại bởi Alexandre de Rhodes năm 1651 (viền đỏ) cho thấy sự cải tiến liên tục về ký âm lẫn phát âm.
Những lực cản từ lề lối cũ (truyền thống ngôn ngữ cũ), với cách viết và phát âm tiếng Hán (sau là tiếng Nôm) từng bước bị bẻ gãy bởi công cụ hành chính lẫn mục đích chính trị, tôn giáo (nhất là Nghị định 82 - ra đời ngày 06.04.1878 của Chính quyền Nam kỳ thuộc địa). Không hề có sự tự nguyện nào ở đây, mà chu trình phần lớn là sự cưỡng bức. Đúng hơn, theo Giáo sư Nguyễn Phú Phong trong một tranh luận về áp dụng chữ Quốc ngữ cũng đã nhấn mạnh rằng : sáng chế một thứ chữ viết đòi hỏi đến một tư duy khoa học. Nhưng khi đã có chữ viết rồi mà muốn đem ra áp dụng nó thì phải có một quyết định chính trị.
Sự duy trì chữ Hán, Nôm trong một thời gian dài, cho đến khi xuất hiện Quốc ngữ rõ ràng là một sự thể bất ngờ, gây hoang mang và phản kháng không ít người. Bởi ngay cả những người ở trời Âu như Linh mục Joseph Tissanier, người có mặt ở Đàng Ngoài (1658 – 1663), cũng phải thừa nhận, 'tiếng Việt làm tôi phát sợ, vì thấy nó khác với các ngôn ngữ Âu châu quá'. Người nước ngoài còn vậy, huống hồ gì những nhà Nho đắm mình trong ngôn ngữ tượng Hình từ thuở lọt lòng ?
Tiếp đến, hãy xem, Quốc ngữ ban đầu, vào thời kỳ đầu, Quốc ngữ còn tồn tại tổ hợp âm đầu như bl (blời - tức trời), tl (tlâu - trâu), ml (mlời - lời),... thậm chí, dấu ^ được ký khi sử dụng âm hơi tối (âm hẹp, trầm) ; còn dấu râu (') thì sử dụng ghi âm hơi sáng. Đầy những sự rắc rối trong ký âm lẫn phát âm, đến mức, nếu cho những người sống ở hiện tại nghe lại phát âm Quốc ngữ hay đọc ký âm Quốc ngữ thời kỳ đầu, thì mức thâu lượm cao nhất là 20-30% thông tin.
Bài viết buộc phải dẫn giải dài dòng như vậy để cho thấy rằng, dân tộc Việt nam không dễ dàng đón nhận cái mới. Và có một thực tế rằng, tư duy đám đông và tinh thần dân tộc thái quá đã trở thành một mũi giáo kích, đấu tố với bất kỳ cá nhân tổ chức nào có xu hướng cải tiến ngôn ngữ.
Bên cạnh đó, cũng cần nhấn mạnh rằng, sáng chế hay cải tiến tiếng Việt gặp sự phản đối là bình thường, nhưng nếu đó là một 'công trình khoa học' đáp ứng đầy đủ các tiêu chí liên quan thì thay vì bêu rếu, nhục mạ, xỉ vả,... theo tư duy 'đám đông', dựa trên tinh thần 'dân tộc thái quá', thìcó một điều làm tốt hơn là phản biện trên cơ sở khoa học và luận cứ. Vì sự cải tiến sẽ bị đào thải nếu nó không hợp quy luật, nhưng một ngôn ngữ sẽ bị thui chột nếu dựa trên sự bảo vệ cổ hủ và thiếu tính nhân văn. Và trong khi Facebook là một công cụ, nó rất dễ dàng truyền tải các giá trị phản biện, nhưng nếu dùng nó tấn công sự cải tiến hay thực nghiệm Quốc ngữ, thì vô hình chung, nó biểu hiện cho một nền dân trí thấp, một đám đông đầy bảo thủ.
Sẽ thật buồn cười, nếu đăng tải Bản kinh Lạy Cha được viết năm 1632 hoặc bản được viết lại bởi Alexandre de Rhodes năm 1651 mà không chú thích, thì sẽ lập tức gặp một đám đông tấn công bằng mũi giáo 'Hán gian ; Việt gian ; đánh mất truyền thống dân tộc ;...'. Nhưng đó lại là sự thật !
Rõ ràng, chúng ta có lẽ cần học cách tôn trọng giá trị cởi mở, và sự sáng tạo, đừng nhân danh cái gọi là 'tự do ngôn luận' để mạt sát và xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân hay tổ chức, dựa trên nền tảng thiếu hiểu biết của mình.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 31/08/2018
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một chuyên gia giáo dục Việt Nam, nguyên là giảng viên đại học Liège - Bỉ, đang thực hiện một số dự án vinh danh chữ quốc ngữ, như một cách để tỏ lòng tri ân với những người giúp sáng khai sinh ra tiếng Việt và bảo vệ văn hóa Việt nhất là trong thời buổi sự lấn lướt của Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam ngày càng gia tăng.
Alexandre De Rhodes đã có công lớn trong việc góp phần sửa sang và hoàn chỉnh bộ chữ Quốc ngữ. Đặc biệt là ông đã dùng bộ chữ ấy để biên soạn và tổ chức in ấn lần đầu tiên cuốn từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latin (trong đó có phần về ngữ pháp tiếng Việt) và cuốn Phép giảng tám ngày.
Theo một số thông tin Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng chia sẻ thì ông đang thực hiện hai dự án để vinh danh những người giúp tạo ra bảng chữ cái tiếng Việt. Một dự án là làm bia tưởng niệm ông Alexander de Rhodes (Bá Đa Lộc) một giáo sĩ người Pháp. Bia tưởng niệm sẽ được đặt tại một nghĩa trang ở Iran nơi ông yên nghỉ. Và dự án thứ hai là lập một không gian tri ân và tưởng niệm các giáo sĩ người nước ngoài đặc biệt các giáo sĩ Bồ Đào Nha, cùng tập thể các trí sĩ người Việt Nam đã có công trong việc phổ biến chữ quốc ngữ. Không gian này dự tính được xây dựng ở Hội An.
RFA trao đổi với Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng về các dự án này :
RFA : Xin chào Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng. Ông có thể cho quý khán thính giả biết lý do gì thôi thúc ông thực hiện các dự án này không ạ ?
Nguyễn Đăng Hưng : Cuối năm 2017, ở Việt Nam có một sự kiện xảy ra đó là ông Phó Giáo sư Bùi Hiền, nguyên hiệu trưởng trường ngôn ngữ ở Hà Nội, đã đưa ra đề nghị sửa đổi cách viết chữ quốc ngữ. Cách viết của ông ấy làm cho tiếng Việt giống tiếng Trung Quốc được phiên âm.
Tôi rất buồn, nhưng tôi có thói quen phản ứng tích cực chứ không phản ứng tiêu cực. Tôi không tìm cách mắng mỏ ai, mà tôi chỉ nói tại sao mình không đưa ra một đợt vinh danh chữ quốc ngữ. Bởi vì tôi cho rằng chữ quốc ngữ đã quyện vào tâm hồn dân tộc. Tất cả người Việt nói tiếng Việt đều viết chữ quốc ngữ. Bây giờ cứ nhìn thấy chữ quốc ngữ người ta đã tìm thấy tâm hồn, tìm ra thơ, nét nhạc. Cho nên mình phải bảo tồn và vinh danh nó. Mà muốn làm vậy thì trước hết phải tri ân những người tiền bối đã khai sinh ra chữ quốc ngữ.
RFA : Đây là dự án lập đền thờ vinh danh ông Francisco de Pina, và các trí sĩ người Việt ở Hội An, và làm bia tưởng niệm ông Alexander de Rhodes ở Iran phải không ? Ông có thể nói rõ hơn các dự án sẽ được thực hiện như thế nào ?
Nguyễn Đăng Hưng : Bây giờ có muốn tạc tượng vinh danh các vị này ta cũng không nên để ở Hà Nội vì ở Hà Nội người ta đã gỡ đi rồi. Mà cũng không nên để ở Sài Gòn, một thành phố lớn bởi vì ông Võ Văn Kiệt là bí thư thành ủy còn không làm được thì làm sao tôi làm được.
Nên tôi mới đề nghị làm một không gian vinh danh, một cái đền chẳng hạn tại Thanh Chiêm, chỗ các giáo sĩ tới để truyền đạo thì vừa có ý nghĩa mà không ai nói gì được.
Nhưng những người ở Hội An nói rằng sao thầy không làm ở Hội An đi vì Thanh Chiêm bây giờ không còn sinh hoạt gì, thành một làng hoang phế rồi. Mà Hội An cách đó có 10 cây số thôi. Các giáo sĩ đó trước khi tới Thanh Chiêm cũng đã tới Hội An. Và hiện Hội An có một nhà thờ Cơ đốc cũ nhất. Cũng có người nói với tôi họ có thể giúp tôi giữ mảnh đất đó, ở ngay trung tâm Hội An, để làm đền thờ.
Đây là đợt 2. Còn đợt 1 là đi sang cố đô của Iran, trước gọi là Ba Tư. Ở Isfahan có mộ của ông Alexander de Rhodes chơi vơi trong một nghĩa trang, không khói hương, không có hoa từ lâu rồi, khoảng 300 năm. Tôi quyết định sang đó đi tìm lại ngôi mộ để nghiên cứu lập một cái bia để tri ân ông ấy. Tôi đã thực hiện việc này hồi tháng 5 vừa rồi, và mọi việc rất thành công.
Đặt một bia đá ở ngôi mộ cổ không phải là việc dễ. Thứ nhất, phải được người quản lý nghĩa địa đồng ý. Thứ hai là phải được nhà thờ chấp thuận, vì đay là nghĩa địa Cơ đốc. Rồi phải có ý kiến của chính quyền địa phương. Khi tôi sang tôi phải đi hết 3 cửa. Cửa nghĩa địa thì rất là tốt. Đi tới nhà thờ thì họ cũng chịu, không vấn đề gì, nhưng họ nói với tôi vấn đề khó là phải đi qua chính quyền. Tôi cũng mầy mò đi tới gặp chính quyền và nói chuyện với ông Cục trưởng Cục quản lý Văn hóa- Tôn giáo của quận Isfahan. Tôi đã đưa cho ông cục trưởng những đề nghị về văn bia mà chúng tôi viết, trong đó chúng tôi dùng 4 thứ tiếng. Ý tưởng 4 thứ tiếng này làm ông cục trưởng rất mừng, nói rằng như vậy rất nhân văn nên không thể từ chối được.
Sau đó chúng tôi đi tìm thợ khắc bia. Tấm bia dài 1m6 và bề ngang 50 cm. Tôi lo người Iran mà khắc Tiếng Việt là có thể sai nên phải ngồi lại cả buổi để dạy họ khắc cho đúng.
Vây giờ khắc bia xong rồi, hợp đồng ký rồi, tôi đã trả tiền cọc rồi, chỉ còn phần còn lại là sang khánh thành. Chúng tôi có một nhóm rất đông nhà sử học của Việt Nam, nhà trí thức cao cấp của Việt Nam, có cả người trong Đảng Cộng sản Việt Nam, có người dân Việt, có dân hải ngoại, người ở Paris, người ở Bồ Đào Nha. Tôi đã đưa ra một tiêu đề là chữ quốc ngữ còn thì Tiếng Việt còn, mà Tiếng Việt còn thì nước Việt còn".
Ngày 5/11 tới đây chúng tôi sẽ có một phái đoàn khoảng 20 người sang Iran để khánh thành tấm bia tại mộ của ông Alexander de Rhodes, đây cũng là ngày giỗ của ông ấy.
Bia mộ này có một phần nhỏ tầm 50 cm thì chúng tôi lấy một hòn đá ở Thanh Chiêm hoặc Hội An để khắc lời tri ân, và in vào đó hình ông Alexander de Rhodes cùng hình cuốn từ điển. Như vậy để có một cái gì đó của dân tộc Việt Nam, làng Thanh Chiêm nơi ông đã qua, tựa lưng vào mộ để ông ấy thấy ấm áp lòng.
Đến tháng 7 này chúng tôi có một phái đoàn sang Bồ Đào Nha tham gia cùng Viện nghiên cứu lịch sử - địa lý của Bồ Đào Nha để tham gia một hội thảo về cống hiến của người Bồ Đào Nha đối với chữ quốc ngữ. Có một cô sử gia lấy chồng ở Bồ Đào Nha nói với tôi đã tìm được con cháu của ông F.de Pina rồi. Nếu lấy được mẫu AND và khai tìm các mộ cổ của đạo sĩ đã chôn, tìm ra mộ có ADN giống thì lúc đó sẽ xác nhận được mộ của ông De Pina. Từ đó chúng tôi sẽ làm một chuyện mới mẻ trong lịch sử là biết được ông ấy chôn ở đâu và vinh danh ông ấy bằng cách củng cố mộ của ông ấy cho tốt.
RFA : Ngày này sự lấn lướt của Trung Quốc với chủ quyền lãnh thổ của nước ta ngày càng rõ ràng. Đây có phải là một trong những lý do khiến Giáo sư thực hiện các dự án này không ?
Nguyễn Đăng Hưng : Không phải là mục đích chính nhưng cũng là muốn bảo vệ tiếng Việt, bảo vệ độc lập và lãnh thổ của Việt Nam. Muốn bảo vệ nước Việt Nam thì chuyện đầu tiên cần bảo vệ là tiếng Việt. Bảo vệ tiếng Việt tốt thì tất cả những xâm lấn, nhất là về văn hóa sẽ bị ngăn cản và có sức đề kháng cao. Như vậy cũng là một hình thức đối kháng lại dã tâm xâm lược văn hóa của bá quyền Trung Quốc.
RFA : Qua chương trình của RFA, Giáo sư muốn nhắn gửi điều gì đến quý khán thính giả ?
Nguyễn Đăng Hưng : Tôi mong rằng sau khi khánh thành bia mộ của ông Alexander de Rhodes và tìm được mộ của ông F.de Pina sẽ dấy lên một phong trào ủng hộ công việc của chúng tôi, một nhóm mười mấy người, để xây dựng được không gian đó. Tôi muốn lan truyền sự ủng hộ ở hải ngoại và trong nước. Trong nước giới doanh nhân cũng có người rất tốt đã ủng hộ rồi. Tôi mong rằng doanh nhân Việt Kiều Mỹ, Pháp, Úc,… những người vẫn nói tiếng Việt, viết tiếng Việt sẽ hiểu rằng mình cần có bổn phận tri ân những người đã khai sinh ra chữ quốc ngữ.
RFA : Xin cám ơn những chia sẽ của Giáo sư và xin chúc cho những dự án của ông sẽ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng người Việt trong nước và hải ngoại.
Nguồn : RFA, 22/06/2018