Thảm kịch Essex : phần nổi của kỹ nghệ buôn người tỉ đô (VOA, 31/10/2019)
Cảnh sát Anh và Bỉ đang điều tra một đường dây buôn người đa quốc chuyên đưa lậu người sang các nước phương Tây, báo Brussels Times dẫn lời các giới chức Bỉ cho biết.
Cảnh sát tại hiện trường nơi 39 xác chết được phát hiện trên một xe tải ở Grays, Essex, Anh hôm 23/10/2019. Reuters/Peter Nicholls
Tin này được tung ra giữa lúc nhà chức trách của hai nước đang tiến hành điều tra vụ 39 xác chết được phát hiện trong thùng lạnh của một xe tải ở hạt Essex bên Anh, và ra dấu hiệu sẽ dồn nỗ lực nhằm phá vỡ các hoạt động buôn người của các băng đảng tội phạm có tổ chức tại các bến cảng ở Anh và ở Bỉ.
Theo một bản tin của đài ABC- Úc Châu hôm 29/10 thì có phần chắc đường dây buôn người này có căn cứ tại Bắc Ireland.
Hôm 23/10, thi thể của 38 người lớn và 1 thiếu niên đã đuợc tìm thấy trong thùng lạnh của một xe tải tại Grays, hạt Essex. Tin tức cho hay những nạn nhân xuất phát từ thị trấn ven biển Zeebrugge bên Bỉ tới cảng Purfleet ở Essex bên Anh. Thảm kịch này đã phơi bày mặt trái của nạn buôn người, trong đó các nạn nhân phải chi ra hơn 30.000 bảng Anh để lẻn vào vương quốc Anh.
Theo the Sun của Anh thì cho tới nay, có 28 gia đình Việt Nam tin là họ có thân nhân đã chết trong chiếc xe tải ở Essex. Nạn nhân nhỏ tuổi nhất được cho là Nguyễn Huy Hùng, 15 tuổi.
Tờ báo tường thuật rằng một số thân nhân có biết về những kẻ buôn người đàng sau vụ này, nhưng nhiều gia đình không dám lên tiếng vì bị các băng đảng địa phương hăm dọa.
Báo The Sun nói công an Việt Nam đang điều tra một trùm băng đảng được cho là có dính líu trong các hoạt động buôn người, từng làm giàu qua các hoạt động buôn người Việt sang các nước như Anh và Mỹ.
Báo The Sun hôm 30/10 tiết lộ ông trùm này họ Trương, tuy cầm đầu băng đảng ở Việt Nam, nhưng hợp tác với tổ chức tội phạm Đầu Rắn của Trung Quốc. Tổ chức tội phạm này do một phụ nữ thành lập. Bà này là Jing Ping Chen, còn gọi là Sister Ping, được coi là 'mẹ đỡ đầu' của tổ chức Đầu Rắn. Đầu Rắn được cho là có dính líu trong cái chết của 58 công dân Trung Quốc bị đưa lậu sang Anh vào năm 2000, và chết trong các điều kiện tương tự như 39 nạn nhân trong vụ buôn người tuần trước.
Trong vụ buôn người năm 2000, 60 người Trung Quốc tham gia một cuộc hành trình tương tự trên một xe tải đông lạnh, cũng xuất phát từ Bỉ, mỗi người phải trả 20.000 bảng Anh- tương đương với 37.691 USD để mua một vé trên chuyến đi tới cõi chết.
Những nạn nhân trước hết bay tới Belgrade, thủ đô Serbia, sau đó được đưa bằng phà sang Hungary, Áo, Pháp và Hà Lan. Tại Rotterdam, họ bị đẩy vào thùng lạnh của xe tải, và chết ngạt trong vòng vài giờ đồng hồ. Chỉ có 2 người sống sót.
Cảnh sát hạt Essex đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng khác như Bộ Nội vụ, Cơ quan Phòng chống tội phạm, Bộ Ngoại giao, Cơ quan Nhập cư và biên phòng để mở rộng điều tra về vai trò của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia trong vụ 39 người chết trong xe container ở Essex.
Nhà chức trách đang truy lùng 2 anh em được cho là có liên lụy trong vụ 39 cái chết trong xe tải. Hai anh em Ronan Hughes và Christopher Hughes điều hành một dịch vụ vận tải hàng hóa ở biên giới Bắc Ireland. Ronan bị cáo buộc là người đã cho mướn chiếc xe tải đông lạnh được dùng để chuyên chở các nạn nhân đã chết thảm ở Anh, nhưng không có bằng chứng cho thấy họ biết hoặc tham gia âm mưu buôn người.
Đài ABC- Úc Châu dẫn lời dân biểu Anh Vernon Coaker thuộc Ủy ban Quốc hội đặc trách nạn buôn người nói rằng đây là một kỹ nghệ quy mô, mang về lợi lộc lớn cho các tổ chức tội phạm. "Nhiều người cho rằng buôn người mang về nhiều lợi lộc cho những kẻ tội phạm đó hơn cả các hoạt động buôn bán ma túy", ông nói.
Trong khi các số liệu chính thức đưa ra con số nạn nhân của nạn buôn người ở nước Anh là trên dưới 7000 người, Dân biểu Coaker cho rằng quy mô của vấn nạn buôn người nghiêm trọng hơn nhiều.
Ông Coaker nói : "Con số ấy chỉ đại diện cho phần nổi của cả một tảng băng chìm".
Trước thảm kịch ở Essex tuần trước, một thảm kịch tương tự đã xảy ra vào năm 2000, khi 60 người Trung Quốc thực hiện một cuộc hành trình tương tự trên một xe tải đông lạnh, cũng xuất phát từ Bỉ. Chỉ có 2 người sống sót. Lần đó, mỗi người phải trả 20.000 bảng Anh- tươngđương với 37.691 USD để mua một vé trên chuyến đi tới cõi chết.
Những nạn nhân trước hết bay tới Belgrade, thủ đô Serbia, sau đó họ được đưa bằng phà sang Hungary, Áo, Pháp và Hà Lan. Tại Rotterdam, họ bị đẩy vào thùng lạnh của xe tải, và chết ngạt vài giờ đồng hồ sau đó.
Sau vụ này, nhà chức trách các nước liên quan đã tìm cách ngăn chận di dân bất hợp pháp tại các địa điểm trung chuyển như cảng Dover ở Anh và Calais ở Pháp. Cảnh sát đã phá hủy các trại tị nạn trong các khu rừng ở Calais, nơi nhiều người tị nạn ẩn náu trong khi chờ cơ hội lẻn vào nước Anh.Từ đó những kẻ buôn người đã tìm những tuyến đường khác.
Một giới chức Anh giải thích :
"Zeebrugge là một cảng vận chuyển hàng hóa bằng container, do đó cơ quan chức năng không tập trung tìm di dân lậu, mà chỉ kiểm tra xem hàng hóa có được trả thuế và có hợp lệ hay không. Do đó tuyến đường này trở thành một tuyến đường hấp dẫn đối với các tổ chức tội phạm".
Dân biểu Coaker nói các chính phủ cần hợp tác với nhau và phải linh động hơn.
"Đương nhiên chúng tôi sẽ tăng cường an ninh tại Zeebrugge và Rotterdam và ngay tại Hull hoặc ở Purfleet… nhưng những kẻ buôn người sẽ tìm ra những tuyến đường khác".
Ông kêu gọi một chiến dịch đa quốc gia, chống các đường dây buôn người của các nhóm tội phạm có tổ chức quốc tế.
********************
Lao động xuất khẩu Việt Nam vỡ mộng ở xứ người (BBC, 30/10/2019)
Nhiều người bỏ ra số tiền lớn để đi lao động ở nước ngoài với mộng đổi đời. Nhưng thực tế khắc nghiệt ở xứ người khiến họ vỡ mộng.
Vụ 39 người chết tại Anh : Làng quê Việt Nam chuẩn bị cho tình huống xấu nhất
Vỡ mộng
Cách đây ba năm, tôi tình cờ gặp Quỳnh (tên nhân vật đã được thay đổi), chủ một hiệu làm móng ở một thị trấn nhỏ phía Bắc Anh Quốc.
Một lần khi tôi ghé thăm, Quỳnh nói muốn nhờ giúp đỡ cho một người bạn của mình là An (tên nhân vật đã được thay đổi) mới sang. Người này bỏ một khoản tiền để sang Anh theo diện du lịch nhưng muốn trốn ở lại để đi làm. Quỳnh nghĩ rằng tôi có thể giúp 'môi giới', tìm cho An một khóa học nào đó và nhân đó may ra được ở lại lâu hơn.
"Nhưng nó không có tiền đâu. Có bao nhiêu tiền đã chi hết cho chuyến bay và mấy tuần đầu ăn ở đây", Quỳnh nói.
Theo Quỳnh, nếu giúp được An ở lại lâu hơn thì Quỳnh có thể tạo điều kiện cho An làm ở tiệm móng. Nhưng vấn đề là An không biết tiếng, và tiền cũng đã hết sạch thì không hiểu sẽ học được khóa học nào.
Tôi còn chưa kịp hiểu ai có thể giúp được An trong những điều kiện như vậy thì mấy ngày sau, Quỳnh thông báo rằng An đã bỏ trốn 'biệt tung tích' khỏi nơi ở trọ.
Những trường hợp như An không phải hiếm. Họ tìm mọi đường sang Anh, như thăm người thân, đi du lịch, hoặc đi học ngắn hạn, nhưng sau đó không về. Chưa biết có kiếm được việc làm không nhưng tương lai bấp bênh và họ luôn sống trong sợ hãi bị cảnh sát bắt. Nhiều trường hợp sau một thời gian trốn chui lủi đã bị bắt, bị giam, rồi trục xuất về nước. Tiền mất tật mạng.
Một trường hợp khác là Mai (tên nhân vật đã được thay đổi), đang thất nghiệp ở Việt Nam thì có người giới thiệu sang Hàn Quốc hái nho kiếm khá tiền, lại không vất vả gì. Mỗi tháng ít nhất kiếm được 30 triệu, theo lời tư vấn. Thêm nữa, người tư vấn nói cảnh ở Hàn Quốc đẹp, đồ ăn ngon, như thế vừa đi làm vừa kết hợp du lịch luôn… Mai liền mua vé máy bay rồi đi luôn, nhưng sang đó thì vỡ mộng.
Nói chuyện với BBC News Tiếng Việt hôm 29/10, Mai cho hay tưởng sang đó 'sướng lắm', hóa ra phải làm hùng hục từ sang sớm tới chiều. Làm luôn tay, chỉ nghỉ vài phút giữa các ca rồi lại làm. Mỗi ngày lương tính ra khoảng một triệu đồng tiền Việt. Nhưng tháng đầu phải nộp cho người môi giới bảy ngày lương. Nhà thuê không rẻ, nên để tiết kiệm phải thuê ở chung với nhiều người rất bất tiện. Làm không có ngày nghỉ thì mới mong kiếm được chút tiền tiết kiệm.
Nếu ốm hay muốn nghỉ thứ Bảy Chủ nhật thì sẽ không có lương những ngày nghỉ. Mang tiếng ở Hàn Quốc nhưng Mai chỉ biết mỗi ruộng nho chứ không có thời gian và cũng không đủ tiền để đi chơi ở đâu. Ngày mùa hè phơi nắng ngoài ruộng cả ngày rát mặt. Nếu làm mùa đông thì mưa tuyết lạnh thấu xương. Đó là chưa kể cứ ba tháng lại phải ra khỏi Hàn Quốc để gia hạn visa rất tốn kém. Tính ra số tiền để dành được chẳng là bao. Mai thấy quá cô đơn và chán nản nên bỏ về Việt Nam.
'Nhiều hệ lụy ở quê nhà'
Đi làm ở xứ người đã vất vả, lại để lại 'nhiều hệ lụy ở quê nhà', như lời ông Trần Trung Thực, 47 tuổi, quê Bắc Giang, hiện đang lao động ở Đài Loan.
Trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 29/10 về cuộc sống ở xứ người, ông Thực nói :
"Tôi tham gia vào đội quân được gọi mỹ miều là xuất khẩu lao động, thực chất là đi làm 'cu li' (lao động chân tay) ở Đài Loan,.. từ năm 2016. Trước đó, tôi là nông dân. Nhưng ruộng ít quá, cấy cầy hay nuôi gà vịt thu nhập ít, lại bấp bênh, nên tôi cùng nhiều người trong xóm đã ra đi".
Trước khi đi, ông Thực phải vay ngân hàng 160 triệu đồng trả tiền môi giới. Sau khi sang Đài Loan, ông nhận mức lương 23.100 Đài tệ, trừ mọi khoản chi phí chỉ còn 12.000 Đài tệ, tương đương 8 triệu đồng một tháng.
Ông Trần Trung Thực đang làm việc tại Đài Loan
"Như vậy, sau ba năm đi làm, tiết kiệm lắm tôi để dành được gần 300 triệu VNĐ. Nhưng lại phải trừ tiền gốc 160 triệu vay mượn lúc đi (chưa tính lãi suất), nên còn vỏn vẹn 128 triệu VNĐ".
Để có hơn 100 triệu đồng ấy gửi về nuôi vợ con ở quê, hơn hai năm trời ông Thực phải làm công việc mạ kim loại rất độc hại. Ngày làm tám tiếng liên tục không nghỉ, chỉ thay phiên nhau nhau ăn cơm rồi lại làm tiếp. Ông Thực sau hai năm đã mắc bệnh đau bao tử, đã có lần phải nhập viện. Mãi gần đây ông Thực mới được chuyển sang làm ở xưởng làm trống, đỡ độc hại hơn.
Để dành dụm được số tiền ấy trong ba năm không phải dễ, theo lời ông Thực. Vì đó là chưa nói tới lúc ốm đau, bệnh tật, "anh em bạn bè cũng có lúc phải chén rượu, chén trà... Ngoài ra, còn những khó khăn khác như bị chủ soi xét, ghét bỏ, bị trù dập và những va vấp khác trong cuộc sống...", ông Thực tâm sự.
Ông Thực cho hay ông không mơ mộng gì làm giàu, và trước khi đi, ông cũng tiên liệu được những khó khăn để chuẩn bị tâm thế đón nhận, nhưng nhiều lúc vẫn cảm thấy vô cùng mệt mỏi.
"Tôi gặp vô vàn những anh em lao động di công như tôi. Họ đều nói, phải đi 'ba cuốc' (tức là đi ba lần, tổng cộng là chín năm) mới mong tiết kiệm để cất được gian nhà, gian cửa".
"Với những người chấp nhật bỏ quê hương ra đi lâu như vậy để kiếm tiền cho tương lai, thì cũng có vô số hệ lụy như vợ chồng xa cách, không chung thủy, con vắng tình yêu thương của cha mẹ. Có gia đình đã tan nát vì thế".
"Chưa kể, nhiều đêm, đi qua các nhà ga ở Đài Loan, tôi thấy các thanh niên Việt Nam ôm hộp giấy xin tiền bố thí, hảo tâm để giúp đỡ đồng hương bị tai nạn chết. Những cái chết của công nhân di công Việt Nam ở Đài Loan nhiều lắm, nào là tai nạn giao thông, tai nạn lao động, chết do kiệt sức, do cảm... không thể kể hết được".
Riêng trong xóm của ông Thực đã có khoảng 30 người đi xuất khẩu lao động, còn riêng trong toàn xã thì rất nhiều, ông Thực nói ông không thể thống kê.
"Với tư cách là người trong cuộc, tôi mong các bạn trẻ trước khi ký vào hợp đồng xuất khẩu lao động sang Đài Loan hay bất cứ nước nào hãy cân nhắc để không vỡ mộng", ông Thực cảnh báo.
Gần đến hạn hết hợp đồng lao động, ông Thực nói ông quyết định sẽ về, dù chưa biết sẽ làm gì ra tiền ở quê nhà. "Con cái tôi đã đến tuổi dậy thì, thiếu sự chăm sóc của cha mẹ. Vợ chồng lâu ngày xa cách cũng thiếu gắn kết. Tôi rất lo lắng. Tôi sẽ về".
Tuy vậy, ông Thực nhận định rằng trong tình cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng khó khăn như hiện nay, "dòng chảy lao động xứ người sẽ không ngừng tại đây", ông Thực nói với BBC từ Đài Loan.
Mỹ Hằng
*********************
Làng quê miền Trung sau vụ 39 người chết ở Anh, có còn yên ả ? (RFA, 29/10/2019)
Chuyến xe định mệnh
Vào ngày 23 tháng 10 năm 2019, cảnh sát Anh đã phát hiện 39 người thiệt mạng trong thùng một xe tải tại khu công nghiệp Waterglade, thuộc hạt Essex, phía Đông Bắc London, Anh. Cho đến ngày 26/10, cảnh sát hạt Essex, Anh, nơi phát hiện container, vẫn rất thận trọng trong việc đưa ra các suy đoán về quốc tịch của các nạn nhân.
Ông Nguyễn Đình Gia ở huyện Cần Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, có con trai là Nguyễn Đình Lượng 20 tuổi, hiện mất tích ở Anh. Ảnh chụp hôm 29/10/2019. - AFP
Reuters hôm 26/10 trích lời linh mục Đặng Hữu Nam ở Yên Thành, Nghệ An, cho rằng có nhiều khả năng phần đông những người được tìm thấy trên chiếc container là người Việt Nam khi một vài gia đình khi hay tin vụ việc đã báo họ mất liên lạc với người thân đang từ Pháp sang Anh. 2 ngày sau đó, càng nhiều gia đình có người thân mất tích ở Anh trình báo tin nhắn, cuộc gọi sau cùng của người thân, nghe có vẻ trùng khớp với chuyến xe chở 39 người.
Theo thông tin từ Công an tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 29/10 (6 ngày sau đó), có tổng cộng 18 gia đình trong tỉnh báo có người thân tại Anh không thể liên lạc được. Hà Tĩnh có 10 gia đình trình báo ; Quảng Bình có một trường hợp trình báo con mất tích ở Anh Quốc và Sở Ngoại Vụ Huế cũng đưa thông tin về một người Huế nghi là nạn nhân trong vụ 39 người chết cóng trong xe tải đông lạnh ở Anh.
Như vậy, tính đến ngày 29/10/2019, tổng cộng có 30 trường hợp trình báo có người thân mất tích tại Anh.
Kể từ khi các gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình trình báo có người thân mất liên lạc và họ tin rằng con, cháu họ nằm trong 39 người chết trong chuyến xe đến Anh, nhiều phóng viên trong và ngoài nước đã đến tận nơi để hỏi thăm và tìm hiểu thêm thông tin, trong đó có phóng viên Reuters, AFP, BBC và nhiều cơ quan truyền thông quốc nội.
Làng quê ảm đảm
Theo mô tả của phóng viên Reuters, nhiều vùng quê nơi có con em mất tích ở Anh, không khí trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết. Nhiều người dân địa phương tỏ ra lo lắng lẫn tiếc thương cho người thân.
Ông Nguyễn Đình Gia ở huyện Cần Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, có con trai là Nguyễn Đình Lượng 20 tuổi, hiện mất tích ở Anh, nói với AFP hôm 29/10 :
"Con tôi chưa gọi lại, tôi đã lập bàn thờ để cầu nguyện cho linh hồn con, bởi vì chúng tôi là người Công giáo. Tôi sẽ hạnh phúc hơn bất cứ điều gì khác nếu tôi có thể gặp lại con, không có gì quý giá hơn, không cần tiền. Tôi chỉ ước con sống lại, đó là điều tốt nhất. Tôi đã nói với con rằng nó không phải đi đâu (ngoài Pháp), ở lại (ở Pháp) và làm bồi bàn, thế là đủ. Nếu nó làm việc ngoài trời, nó sẽ phải đối mặt với thời tiết nắng và mưa, làm việc cho nhà hàng đáng lẽ không sao. Tôi nói với con rằng nó không nên đi".
Anh Nguyễn Đình Lượng là một trong 8 người con của ông Nguyễn Đình Gia, anh Lượng đã sang Pháp từ năm 2018, và làm bồi bàn tại đó. Vài tuần trước, anh Lượng đã gọi về nhà để nói rằng anh sẽ tới nước Anh tìm công việc khác để làm.
Ông Bùi Phan Chính ở huyện Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, có con mất tích ở Anh là Bùi Phan Thắng. Ảnh chụp hôm 29/10/2019. AFP
Một địa phương khác là xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nơi được biết xưa nay thuần nông, nhưng theo mô tả của người dân địa phương hiện nay nhà cửa khang trang như phố thị. Nhưng những ngày này cũng mang không khí ảm đạm không kém, khi người dân nơi đây lo lắng, tiếc thương cho hai bạn trẻ đã mất liên lạc nhiều ngày nay. Họ cũng gọi điện với gia đình vào ngày 23/10 báo tin họ sang Anh để tìm việc làm. Hai bạn trẻ đó là Nguyễn Đình Tứ sinh năm 1993 và Bùi Thị Nhung sinh năm 2000.
Hôm 29/10, Ông Nguyễn Đình Sát là Cha của Anh Nguyễn Đinh Tứ, nói với Reuters :
"Tôi biết con trai tôi (anh ta) ở trong chiếc xe tải đó vì tôi có người thân đang làm việc ở đó, đã gọi cho tôi và nói với tôi. Họ định đến đón anh ta tại điểm thả nhưng sau đó họ gọi và nói với tôi rằng anh ta đang ở trong chiếc xe tải đó. Họ biết lộ trình, thời gian và điểm thả của xe tải, vì vậy nếu họ nói như vậy, thì đó phải là sự thật. Và tôi nghĩ đó là sự thật vì tôi chưa nghe thấy gì từ con trai mình".
"Chúng tôi đói và nghèo. Con trai tôi đi lính. Sau đó, khi được giải ngũ, anh đã vay vài trăm triệu đồng tiền Việt Nam để bắt đầu kiếm sống, lập gia đình và xây nhà. Anh mắc nợ nên ra nước ngoài tìm việc. Xung quanh đây ở vùng nông thôn, chúng ta không thể làm gì để kiếm tiền".
Cùng nỗi buồn và lo lắng như những gia đình trình báo có người nhà mất liên lạc, nhưng có những gia đình ngoài lo lắng, ngóng đợi tin con, họ còn đứng ngồi không yên vì nợ nần vay mượn cho con làm chi phí đi nước ngoài kiếm việc làm.
Bà Hoàng Thị Ái ở huyện Điện Châu, tỉnh Nghệ An, có con mất tích ở Anh tên Hoàng Văn Tiệp, cay đắng cho Reuters biết :
"Tôi thấy rằng con trai tôi đã bị lừa đảo. Nó tin rằng họ sẽ đưa đi theo lựa chọn 'VIP', chúng tôi không biết họ đưa nó đến Anh bằng cách đưa nó vào một chiếc xe tải. Nếu tôi biết nó sẽ ở trong một chiếc xe tải, tôi sẽ không cho phép nó đi, tôi sẽ giữ con ở đây, và nói với anh em của nó không cho nó mượn số tiền mà nó cần cho chuyến đi".
"Nếu con trai tôi sống sót trở về, tôi và chồng tôi sẽ làm việc chăm chỉ để trả nợ, với sự hỗ trợ của anh em. Chúng tôi giờ già và yếu đi nên không thể trả được khoản nợ lớn. Bây giờ ngay cả khi chúng tôi đang cố gắng rất nhiều, nhưng chúng tôi chỉ có thể trả tiền lời hàng ngày thôi".
Theo AFP, sau khi Tiệp bỏ học từ lớp chín, anh nói với gia đình rằng anh muốn làm việc ở nước ngoài thay vì trở thành ngư dân ở tỉnh quê nhà ven biển. Một năm trước, anh đã tới Pháp, nơi Tiệp làm công việc rửa chén cho nhà hàng. Vào ngày 21 tháng 10 năm 2019, anh ta đã viết thư cho gia đình, yêu cầu lấy 13.000 đô la để trả cho những những người "hứa lo lót" cho chuyến đi của anh đến Vương quốc Anh, đó là lần cuối gia đình nghe được tin tức từ Tiệp.
Theo gia đình, anh Hoàng Văn Tiệp không mang theo gì ngoài 500 euro trong ví và quần áo, rồi lên xe tải với người anh họ, là người cũng đang mất tích.
Mưu cầu hạnh phúc
Theo thống kê sơ bộ được truyền thông trong nước ghi nhận từ Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Yên Thành, Nghệ An, toàn huyện hiện có khoảng 500 người đang làm ăn, sinh sống ở nước Anh. Riêng ở xã Đô Thành có khoảng 1.500 người đang làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là Châu Âu. Trong số đó, có khoảng 1.000 người thuộc địa phương này đang sinh sống ở Anh và Đức.
Khi trả lời báo chí trong nước về việc, vì sao nhiều con em địa phương rời quê, sang Anh làm việc, ông Lê Thanh Ngọc, Xóm trưởng xóm Phú Xuân, xã Đô Thành giải thích, thu nhập tính theo đầu người ở địa phương khoảng 32 triệu đồng/năm. Trong khi theo thông tin từ những người đi trước, thông thường khi sang Anh làm việc tại các nhà hàng, tiệm nail, thì thu nhập hơn 30 triệu đồng mỗi tháng, đã bao ăn ở, còn tại các nước Châu Âu thì khoảng 1.000 USD mỗi tháng.
Ông Ngọc cũng cho biết, để đi sang được nước Anh, mỗi lao động người Việt phải bỏ gần 1 tỷ đồng cho đường giây môi giới.
Liệu sau vụ việc này, có thức tỉnh ước mơ xuất ngoại của người dân thôn quê, liệu khi hiểu rõ sự nguy hiểm, họ có đánh đổi để hy vọng đổi đời ?
Anh Nguyễn Đình Tài, em trai của anh Nguyễn Đình Lượng, hiện đang mất tích ở Anh nói với Reuters :
"Tôi cảm thấy rất buồn sau sự cố này. Trước đây, tôi muốn đến Vương quốc Anh với tư cách là một du học sinh, vì anh tôi sẽ ở đó để chăm sóc tôi. Nhưng bây giờ tôi rất buồn và tôi không muốn đi nữa. Trong tương lai tôi muốn có thể kiếm tiền ở đây và ở nhà để hỗ trợ bố mẹ tôi với những gì tôi có thể".
Cho đến chiều ngày 29 tháng 10 năm 2019, trước thông tin nhiều gia đình trình báo người thân mất tích ở Anh, Bộ trưởng Công an Việt Nam, ông Tô Lâm cho rằng việc mất tích hay chết trong vụ ở Anh chưa xác định được nên mọi thông tin đều là dự đoán. Ông cho rằng những tin tức đưa lên nếu không chính xác sẽ gây hoang mang.
Cũng trong ngày 29/10, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh cũng cho báo giới biết rằng Bộ Ngoại giao Hà Nội đã tiếp nhận và trao đổi thông tin 14 gia đình trình báo để phía Anh kiểm tra xem có trùng khớp với hồ sơ 39 nạn nhân trong chiếc container đông lạnh hay không.
Ông Phạm Bình Minh cho rằng hiện vẫn chưa thể khẳng định điều gì mà phải gửi cho phía Anh Quốc các mẫu vật cần thiết để đối chiếu. Sau khi các thông tin hai phía đưa ra trùng khớp với nhau thì mới xác định được danh tính các nạn nhân. Theo lời ông Phạm Bình Minh thì công tác này cần rất nhiều nhiều thời gian. Cũng theo ông Phạm Bình Minh thì các thông tin đối chiếu bao gồm cả yếu tố sinh trắc học, kiểm tra bằng ADN.
*****************
Hơn 111.000 người Nghệ An, Hà Tĩnh làm việc ở nước ngoài (RFA, 30/10/2019)
Có hơn 111.000 lao động Nghệ An, Hà Tĩnh ra nước ngoài làm việc trong năm 2010-2017. Trong đó, nhiều người không được tư vấn nên bị lừa gạt, phải qua "cò" gây tốn kém, thậm chí doanh nghiệp ký hợp đồng không đúng với thực tế khiến người lao động phải về nước sớm.
Một công nhân xây dựng tại công trường xây dựng Trung tâm Thể dục dụng cụ Ariake trước Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 diễn ra tại Tokyo vào ngày 7 tháng 11 năm 2018. AFP
Báo trong nước loan tin ngày 30/10, trích báo cáo giám sát gần nhất của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2010-2017.
Theo đó, việc công khai minh bạch thông tin các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi nước ngoài làm việc chưa đầy đủ, cụ thể. Việc này gây khó khăn cho người lao động trong việc lựa chọn.
Ngoài ra, việc các doanh nghiệp đào tạo nghề, ngoại ngữ vào đào tạo định hướng còn hạn chế, nên chất lượng lao động thấp, khó tham gia thị trường các nước, khiến người lao động phải về nước sớm.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2010-2017, Hà Tĩnh có 50.270 người đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Những người này chủ yếu tập trung ở các huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc. Trung bình mỗi năm tổng số tiền những lao động này gửi về cho gia đình lên đến hơn 4.000 tỉ đồng/năm.
Trong 10 năm liên tiếp, Hà Tĩnh đứng thứ 3 cả nước về số lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Còn tại Nghệ An, trong 7 năm từ 2010-2017, gần 61.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Nguồn thu ngoại tệ gửi về qua ngân hàng đạt hơn 250 triệu/năm. Tuy nhiên, hiện nay có gần 12.5000 người lao động của tỉnh đang làm việc ở vùng biên giới không có hợp đồng lao động.
**********************
17 người Việt nhập lậu vào Đức bị bắt (RFA, 30/10/2019)
Chiều ngày 28/10 cảnh sát Đức đã bắt giữ tổng cộng 17 người Việt bị nhét trong 3 chiếc xe ô tô đưa lậu vào nước Đức.
Chiếc xe minivan đưa lậu 7 người Việt Nam (4 nam, 3 nữ) vào nước Đức. Nguồn : thoibao.de
Cụ thể, một chiếc xe Minivan biển số Séc do người đàn ông Ukraine lái chở 7 người Việt gồm 4 nam, 3 nữ đã bị bắt vào khoảng 4 :50 chiều ở bãi đậu xe Am Heidenholz gần biên giới Đức – Séc.
Khoảng 1 tiếng sau, một chiếc xe Ford Focus do tài xế Hungary cầm lái chở 5 người đàn ông Việt không có giấy tờ cư trú cũng bị bắt tại chỗ.
Đến khoảng 11 :45 tối, cũng tại bãi đậu xe Am Heidenholz, nam tài xế người Ukraine lái chở 5 người Việt gồm 2 nam, 3 nữ không có giấy tờ tùy thân cũng bị cảnh sát bắt.
Hiện cảnh sát Liên bang Đức đang điều tra đường dây các vụ đưa người lậu này. Tuy nhiên không rõ 3 vụ này có liên quan nhau không.