Bí thư Nguyễn Thiện Nhân : Bài học từ Thủ Thiêm là phải làm đúng pháp luật (RFA, 09/01/2020)
Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Thiện Nhân cho rằng một trong những bài học sâu sắc rút ra từ vụ Thủ Thiêm là phải làm đúng pháp luật.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. AFP
Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu như vừa nêu tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí đầu năm 2020, và được báo chí trong nước trích dẫn hôm 8/1/2020.
Một loạt các quan chức và cựu quan chức của thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua đã bị kỷ luật hoặc đề nghị kỷ luật vì liên quan đến những sai phạm trong quản lý đất đai, đặc biệt là việc giải tỏa Thủ Thiêm để xây Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Liên quan đến xử lý tiếp theo của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về vi phạm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015 và một số cựu lãnh đạo thành phố, ông Nhân cho biết sắp tới Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức kiểm điểm các cá nhân và tổ chức vi phạm có liên quan.
Về việc có hình thức kỷ luật hay không kỷ luật, ông Nhân cho biết, hình thức thì Bộ Chính trị quyết định nhưng Ban chấp hành Trung ương sẽ bỏ phiếu.
Về mặt chính quyền theo ông Nhân, những cá nhân sai phạm có thể sẽ bị Thành phố Hồ Chí Minh xử lý kỷ luật.
Về bài học rút ra sau vụ việc này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần khắc phục ba điều : Thứ nhất là phải làm đúng quy chế cấp ủy các cấp, thứ hai là phải làm đúng pháp luật và thứ ba là tự giám sát và để nhân dân giám sát.
Hôm 8/1/2020, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Thanh Hải bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét đề nghị kỷ luật vì những sai phạm trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cùng bị đề nghị kỷ luật với ông Hải trong vụ này còn có 5 lãnh đạo khác của thành phố, trong đó có ông Lê Hoàng Quân – nguyên Chủ tịch UBND thành phố ; ông Nguyễn Văn Đua – nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố ; ông Vũ Hùng Việt – nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố.
Thủ Thiêm được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh giải tỏa từ năm 2002 để xây khu đô thị mới, khiến khoảng 15.000 hộ dân phải di dời. Tuy nhiên hàng trăm hộ dân tại đây đến giờ vẫn đi khiếu kiện ra trung ương vì cho rằng việc giải tỏa, đền phù không hợp lý, không đúng chủ trương của Chính phủ.
*********************
Liệu ông Lê Thanh Hải có bị xử lý hình sự ? (RFA, 09/01/2020)
Hôm 8/1/2020, ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh), bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét đề nghị kỷ luật vì những sai phạm trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ông Lê Thanh Hải nguyên bí thư và cựu chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh và khu đô thị mới Thủ Thiêm. RFA Edited
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương sau kỳ họp 42 từ ngày 3 đến 8 tháng 1 cho rằng Ban Thường vụ Thành Ủy và Ban cán sự Đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh mà đứng đầu là ông Lê Thanh Hải đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước. Kết luận cho rằng những sai phạm này đã ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống một bộ phận nhân dân thành phố, gây bức xúc trong xã hội.
Thủ Thiêm được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh giải tỏa từ năm 2002 để xây khu đô thị mới, khiến khoảng 15.000 hộ dân phải di dời, đến nay hàng trăm hộ dân tại đây vẫn phải đi khiếu kiện để đòi công bằng vì việc giải tỏa và giá đền bù không hợp lý.
Ông Lê Thanh Hải sai phạm như thế nào trong vụ Thủ Thiêm ?
Sai phạm tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm trải qua 5 nhiệm kỳ lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng người dân vẫn nhắc nhiều nhất đến ông Lê Thanh Hải, cho rằng chính các quyết định của ông Hải, trong đó có việc làm biến mất, chia nhỏ 160 ha tái định cư, đã làm hàng ngàn người dân sống trong khổ cực.
Ông Lê Thanh Hải, cựu chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2001- 2006, được xem là người bắt đầu cho những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình triển khai thực hiện dự án Thủ Thiêm.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2006 – 2016, phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy.
Theo truyền thông trong nước, vào ngày 22/2/2002, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã ký công văn hỏa tốc số 190 cho phép Thành phố Hồ Chí Minh thu hồi 160 ha tái định... nhằm ngăn chặn việc lấn chiếm, mua bán đất trái pháp luật. Nhưng việc triển khai phải phù hợp với Quyết định 367 của Thủ tướng.
Vào năm 1996, Thủ tướng chính phủ khi đó là ông Võ Văn Kiệt, đã ban hành quyết định 367, với các nội dung chính : Quy mô lập diện tích quy hoạch là 930 ha, trong đó khu đô thị mới 770 ha và quy mô tái định cư là 160 ha.
Thay vì phải thực hiện theo tinh thần của công văn 190 thì ngày 6/3/2002, Thành phố Hồ Chí Minh có Công văn số 718… xác định rõ địa điểm, diện tích và ranh giao đất, nhưng lại gợi ý : "Nếu thiếu, cho phép điều chỉnh diện tích đất các dự án trên địa bàn quận 2 để đảm bảo đủ diện tích theo phê duyệt của Chính phủ".
Sau đó, vào ngày 22/3/2002, UBND Thành phố Hồ Chí Minh lại có văn bản số 78, thông báo kết luận của Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải, nêu rõ : "Diện tích đất dành cho khu tái định cư (160 ha) … không nhất thiết nằm tại một địa điểm, có thể bố trí từ 3, 4 địa điểm trên địa bàn quận 2", chỉ dành một khu vực khoảng 10-20 ha tái định cư gần Khu đô thị Thủ Thiêm.
Với quyết định này, từ một khu tái định cư 160 ha tập trung ở cạnh khu trung tâm Thủ Thiêm mà Thủ tướng đã phê duyệt, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã "hô biến" thành 6 địa điểm, đẩy người dân bị giải tỏa đi xa, trong đó có những nơi cách trung tâm Thủ Thiêm gần 15 km như phường Thạnh Mỹ Lợi, phường Cát Lái…
Xử lý sai phạm của ông Hải như thế nào ?
Trả lời RFA hôm 9/1 liên quan vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, nói :
"Về mặt hành chính thì vừa rồi, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã có kết luận, những người lãnh đạo của thành phố trong nhiệm kỳ trước phải chịu trách nhiệm trước những quy định của pháp luật, phải xử lý về mặt cán bộ. Cái này cũng đã có kết luận của thanh tra chính phủ, thì bây giờ căn cứ vào các quy định pháp luật phải xử lý những người làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, đối với các hành vi gây thất thoát tài sản, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, thì luật đất đai, luật hình sự quy định rất là rõ, có những điều quy định để xử lý những người gây thất thoát tài sản nhà nước, nhẹ thì sẽ xử lý về mặt hành chính, nặng thì phải xử lý về mặt hình sự.
Luật sư Đặng Đình Mạnh thì cho rằng, thông thường tội danh như ông Lê Thanh Hải sẽ bị truy tố theo tội ‘cố ý làm trái quy định của nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng’. Ông nói :
"Tội danh này khi qua Bộ luật hình sự mới nó đã bị hủy bỏ, tuy nhiên, hành vi của ông Hải được lập khi điều luật này đang có giá trị, cho nên nếu giải quyết theo pháp luật và truy tố theo luật hình sự thì ông Hải phải chịu tội danh ‘Cố ý làm trái quy định của nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng’. Tội danh này có hình phạt rất là nặng và có thể lên đến án phạt chung thân".
Có tham nhũng hay không ?
Ông Cao Thăng Ca, một dân oan Thủ Thiêm, nhận định với RFA hôm 9/1 :
"Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 367, trong đó có 160 hecta tái định cư của dân, nằm trong 5 phường, việc này đã rất rõ ràng, nhưng ông Lê Thanh Hải đã ký hai thông báo 77 và 78, là không cần thiết phải bố trí tái định cư tại một địa điểm, mà có thể lấy thêm nhiều địa điểm ở quận 2. Chính vì vậy, đã làm biến mất 160 hecta, ông Hải lấy 160 hecta này chia cho 57 doanh nghiệp sân sau của ổng. Chuyện này rất rõ ràng, dân chúng tôi đều thấy, chuyện lấy đất của dân chia cho doanh nghiệp là hoàn toàn sai phạm, việc này là tham nhũng rõ ràng".
Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ trên cao. RFA
Ông Ca cho biết, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đền cho dân chỉ từ 1 đến 3 triệu một mét vuông, hỗ trợ thêm 16 triệu nữa, tức là khoảng 17 hay 18 triệu một mét vuông. Ngoài ra ông Lê Thanh Hải còn chỉ đạo xếp nhiều nhà vào dạng lấn chiếm lộ giới, sông rạch, đất công… do đó rất nhiều diện tích bị xếp vào dạng đó, vì vậy nếu tính trung bình, chính quyền chỉ đền bù khoảng 5 triệu một mét vuông. Ông Ca nói tiếp :
"Mà ông Hải đưa cho các doanh nghiệp bán lại khu 160 hecta tùy theo vị trí. Thí dụ mặt tiền đường Lương Định Của khoảng 200 triệu một mét vuông, nhưng nếu ở mặt tiền cầu Thủ Thiêm đối diện Đại Quang Minh thì chỗ đó khoảng 700 - 800 triệu một mét vuông. Khoảng chênh lệch này rất lớn, đã vô túi ai ? Cái đó thì chỉ có công an điều tra thì mới làm rõ được vấn đề này thôi".
Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, nếu có tham ô thì hình phạt sẽ rất nặng, cao nhất có thể tử hình. Tuy nhiên để chứng minh hành vi tham ô tham nhũng thì thường rất là khó, vì người tham nhũng thường kín đáo, ít ai có thể biết. Việc xác định tội danh tham nhũng, theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, phải tùy thuộc vào điều tra của cơ quan Công an.
Sẽ xử lý hình sự ?
Hôm 9/1, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khi phát biểu tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí đầu năm 2020, cho rằng một trong những bài học sâu sắc rút ra từ vụ Thủ Thiêm là phải làm đúng pháp luật.
Vậy liệu chính quyền sẽ xử lý hình sự ông Lê Thanh Hải ? Liên quan vấn đề này, Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định :
"Đánh giá về phương diện pháp lý thì ông Hải cần thiết phải đưa ra để khỏi tố thành một vụ án hình sự, để chứng tỏ nguyên tắc rằng mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, từ người dân thường cho đến quan chức cao cấp nhất thì đều nằm trong phạm vi nguyên tắc đó. Còn về khả năng sẽ xử lý như thế nào, thì theo tôi nghĩ rất có khả năng ông Hải sẽ bị xử lý hình sự, và việc họ đưa ra những thông tin về việc kỷ luật ổng là những bước ban đầu, dọn đường cho những bước tố tụng về sau, có thể là như vậy".
Còn theo ông Cao Thăng Ca, nếu không xử lý hình sự ông Hải, người dân sẽ không phục, vì theo ông, nhóm lợi ích này đã không còn là nhóm lợn ích mà đã trở thành tập đoàn lợi ích. Theo ông số tiền thất thoát mấy chục ngàn tỷ là quá lớn, phải xử lý hình sự.
Bà Lung, một dân oan Thủ Thiêm, bức xúc cho rằng, cái sai của ông Hải rất là lớn, và bỏ tù ông Hải cũng chưa thể hả dạ người dân. Sở dĩ bà nói vậy vì theo bà người dân Thủ Thiêm đã phải chịu khổ quá nhiều và quá lâu.
******************
Việt Nam : Hai ông Hoàng Trung Hải và Lê Thanh Hải bị đề nghị kỷ luật (RFI, 08/01/2020)
Chiều nay 08/02/2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng cộng sản Việt Nam thông báo đã trình lên Bộ Chính trị để xem xét kỷ luật hai quan chức cao cấp là Hoàng Trung Hải, bí thư thành ủy Hà Nội, nguyên phó thủ tướng ; và ông Lê Thanh Hải, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Lê Thanh Hải (hàng thứ 2, bên trái) trong Đại hội Đảng 12, ngày 21/01/2016 tại Hà Nội. REUTERS/Hoang Dinh Nam/Pool
Báo chí trong nước cho biết ông Hoàng Trung Hải "có vi phạm, khuyết điểm" về dự án mở rộng giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO II). Còn ông Lê Thanh Hải "có vi phạm, khuyết điểm" liên quan đến dự án đầu tư khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trả lời RFI Việt ngữ, nhà báo Lưu Trọng Văn từ Saigon nhận xét về nỗi oan 20 năm qua của bà con Thủ Thiêm bị giải tỏa lấy đất làm dự án.
"Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra ý kiến kỷ luật những người dính vào vụ Thủ Thiêm, thật ra đây là nỗi đau rất lớn của người dân Thủ Thiêm hai mươi năm nay rồi. Nỗi oan ức, uất nghẹn mà bây giờ mới gọi là thấu đến cung đình.
Tin tức hôm nay đã làm cho bà con Thủ Thiêm lấy lại được phần nào niềm tin – tôi nói chỉ phần nào thôi – bởi vì họ đã chịu đựng nỗi bất hạnh bị cướp đất, cướp nhà, những nỗi đau khổ hai mươi năm nay rồi. Còn khi nào được đền bù xứng đáng lại là câu chuyện sau.
Nhưng trước mắt người ta lấy được một chút niềm tin, rằng những kẻ thực sự đứng đằng sau – gọi là những ông trùm – thì lần đầu tiên mới được cơ quan của đảng nêu đích danh. Đó là ông Lê Thanh Hải, ông Lê Hoàng Quân, ông Nguyễn Văn Đua… và đằng sau đó nữa. Tôi tin chắc rằng không chỉ mình ông Lê Thanh Hải đâu, mà còn những nhân vật còn cao hơn nữa.
Bởi vì họ là những người đồng ý với chủ trương này và không giám sát, gây ra rất nhiều tổn hại, những nỗi đau khổ. Và qua vụ Thủ Thiêm, có thể là một vụ lật đổ domino, về vấn đề phải đặt lại câu hỏi sở hữu đất đai là như thế nào, sở hữu toàn dân là như thế nào, các giới hạn của nó, các định chế… Bởi vì đấy mới là nguyên nhân chính.
Nếu chúng ta có được bộ luật về sở hữu đất đai công bằng như những nước văn minh đang sử dụng, thì sẽ không có được nỗi đau này, không có những sơ hở, kẽ hở cho những kẻ đục khoét tài sản nhân dân, tài sản của quốc gia.
Tôi vừa đi ra ngoài đường, thì thấy trên bảng đề "Mừng Xuân, mừng Đảng". Cũng phải mất bao nhiêu năm mới thay được từ "Mừng Đảng, mừng Xuân" thành "Mừng Xuân, mừng Đảng" như bây giờ, đặt mùa Xuân, đặt Đất nước lên trên đảng phái.
Có một tin như vậy, tôi nghĩ đêm nay là đêm rất vui của bà con Thủ Thiêm, và tôi xin chia vui cùng với bà con. Tất nhiên cuộc đấu tranh sẽ còn tiếp tục. Để đạt được công bằng, để trừng trị thực sự những kẻ này, cũng còn cả một quá trình nữa".
Thụy My
**************
Ông Hoàng Trung Hải và Lê Thanh Hải ‘chờ mức kỷ luật Đảng’ (BBC, 08/01/2020)
Ông Lê Thanh Hải, từng là một trong những chính khách nổi tiếng và quyền lực nhất Việt Nam, bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói "phải xem xét kỷ luật".
Ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh 2006-2016
Ông Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy, đã nghỉ hưu sau Đại hội Đảng 12 năm 2016.
Thông cáo ngày 8/1 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói một loạt lãnh đạo cao cấp của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010-2016 đã có vi phạm trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo thông cáo : "Ban Thường vụ Thành ủy và Ban cán sự Đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của một bộ phận nhân dân Thành phố, gây bức xúc trong xã hội".
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu tên cụ thể những người sau đây đã có vi phạm :
Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy
Lê Hoàng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy và chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND Thành phố
Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố và Nguyễn Thị Hồng, Lê Văn Khoa, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố ; Vũ Hùng Việt, nguyên Thành ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy, của Ban cán sự đảng UBND Thành phố và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói vi phạm của những người này "đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền Thành phố, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét kỷ luật".
Các nguồn tin riêng của BBC nhận định mức kỷ luật tối thiểu mà ông Lê Thanh Hải đang đối diện có thể là mức "cảnh cáo".
Từ sau khi được bầu lại tại Đại hội Đảng 12 năm 2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đẩy mạnh công cuộc kiểm tra, thi hành kỷ luật Đảng.
Trong hai năm 2017 và 2018, có 56 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật của Đảng, trong đó có 11 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, khai trừ 01 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng.
Thanh tra Chính phủ nói về Thủ Thiêm
Vào tháng Sáu 2019, Thanh tra Chính phủ đã chuyển kết luận thanh tra Thủ Thiêm đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý kỷ luật Đảng.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ nói về các nguyên nhân, trách nhiệm chủ yếu dẫn đến khuyết điểm, vi phạm ở dự án Thủ Thiêm.
Họ cho rằng Nguyên nhân khách quan là :
Những khó khăn, biến động khó lường về kinh tế, xã hội trong và ngoài nước ; nhất là thị trường bất động sản có nhiều diễn biến xấu bất thường, thay đổi liên tục, có lúc có chiều hướng đi xuống, khó thu hút các nhà đầu tư ;
Cơ chế thực hiện quản lý đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng như cơ chế thanh toán bằng quỹ đất sạch cho các dự án BT không rõ ràng, có nhiều hạn chế, khó thực hiện.
Thanh tra Chính phủ nói Nguyên nhân chủ quan là :
Việc nhận thức, chấp hành các chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành cũng như các quy định của pháp luật chưa đúng, chưa đầy đủ, có lúc chưa nghiêm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của UBND Thành phố và các sở, ngành tham mưu ; sự phối hợp giữa các sở, ngành của Thành phố còn chậm trễ, chưa xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ ;
Một số nơi còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong quản lý đầu tư và xây dựng, nhiều vi phạm chưa được kiểm tra, xử lý kịp thời.
Hậu quả là đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm, gây lãng phí, nguy cơ gây thất thoát tiền của nhà nước với giá trị lớn ; xét tổng thể đến thời điểm thanh tra, việc đầu tư KĐTM Thủ Thiêm là chưa có hiệu quả, mất cân đối về tài chính.
Bộ Chính trị sẽ xem xét kỷ luật ông Hoàng Trung Hải
Cũng trong thông cáo ngày 8/1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.
Sai phạm của ông Hoàng Trung Hải được nhắc tới lần đầu vào ngày 9/12/2019, khi Ủy ban kỷ luật của Đảng nói ông Hải, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với Dự án TISCO II.
Đây là Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II - Công ty Gang thép Thái Nguyên của Tổng Công ty Thép Việt Nam.
Ông Hoàng Trung Hải từng là phó thủ tướng từ 2007 tới 2016
Thông cáo ngày 8/1 tuyên bố mức kỷ luật liên quan dự án :
Khai trừ ra khỏi Đảng đối với Mai Văn Tinh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị ; Đậu Văn Hùng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam ; Trần Văn Khâm, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Ông Lê Thanh Hải, từng là một trong những chính khách nổi tiếng và quyền lực nhất Việt Nam, bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói "phải xem xét kỷ luật".
; Trần Trọng Mừng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc ; Ngô Sỹ Hán, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Cảnh cáo đối với Văn Trọng Lý, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ; Nguyễn Văn Tài, nguyên Hàm Vụ trưởng Văn phòng Chính phủ ; Đỗ Cảnh Dương, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ.
Khiển trách đối với Nguyễn Hữu Vũ, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ; Đặng Thúc Kháng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị ; Lê Phú Hưng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam.
****************
Bí thư Thành ủy Hà nội và cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bị đề nghị xem xét kỷ luật (VOA, 08/01/2020)
Hai nhân vật nổi tiếng từng nắm những chức vụ quan trọng, đầy quyền lực ở Việt Nam, đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đề nghị xem xét kỷ luật.
Ông Hoàng Trung Hải (trái), Bí thư Thành ủy Hà Nội, và ông Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét kỷ luật.
Bí thư Thành ủy Hà nội Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, và ông Lê Thanh Hải, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bị đề nghị xem xét kỷ luật hôm 8/1/20.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (UBKT) đề nghị Bộ Chính trị xem xét thi hành kỷ luật ông Hoàng Trung Hải tại kỳ họp thứ 42 của Ủy ban từ ngày 3-8/1/20. Trong kỳ họp trước đó từ 4-6/12 ở Hà nội, Ủy ban Kiểm tra kiểm tra các dấu hiệu vi phạm đối với ban thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Thép Việt Nam.
Kết luận của ủy ban là ban thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Thép đã thiếu trách nhiệm, không kiểm tra, giám sát đúng mức để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng khi thực hiện dự án mở rộng sản xuất giai đoạn hai của Công ty Gang Thép Thái Nguyên -TISCO II.
Từ tháng 12 năm ngoái, Ủy ban Kiểm tra đã đề nghị xem xét kỷ luật ông Hoàng Trung Hải vì những "vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với Dự án TISCO II.
Ủy ban Kiểm tra cho rằng những vi phạm của ban thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Thép Việt Nam, Ban cán sự Đảng bộ Công thương, và nhiều lãnh đạo, trong đó có ông Hoàng Trung Hải, đã "ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, đến mức phải xem xét kỷ luật".
Ông Hoàng Trung Hải sinh ngày 27/9/1959, quê ở tỉnh Thái Bình, là đại biểu quốc hội Việt Nam khóa XIV. Ông từng giữ chức Phó Thủ Tướng chính phủ, và Bộ trưởng Công nghiệp.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bị nêu đích danh là người phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới ở Thủ Thiêm.
Ông Lê Thanh Hải, sinh năm 1950, đã về hưu từ năm 2016. Ông nắm chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trong gần 10 năm, và trước đó là Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Thông cáo ngày 8/1 của Ủy ban Kiểm tra nêu tên nhiều lãnh đạo cấp cao của Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2010-2016, đứng đầu là ông Lê Thanh Hải, đã "vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của một bộ phận nhân dân thành phố, gây bức xúc trong xã hội" đến mức phải xem xét kỷ luật.
Cùng với hai ông Hoàng Trung Hải và Lê Thanh Hải, nhiều lãnh đạo cấp cao của thành phố, ban thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các công ty liên quan cũng bị kỷ luật hoặc xem xét kỷ luật.
Từ năm 2016, sau khi được bầu lại tại Đại hội đảng, Tổng Bí Thư/Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đã đẩy mạnh cái gọi là ‘chiến dịch đốt lò’, tăng cường kiểm tra và thi hành kỷ luật đảng đối với nhiều quan chức cấp cao.
Cách đây hai ngày, tại một hội nghị trực tuyến toàn quốc hôm 6/1/20, ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư, kêu gọi Ban Nội chính phải ‘xử lý dứt điểm các vụ tham nhũng nghiêm trọng’, và đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Theo hội nghị này thì trong năm 2019, Ban Nội chính đã tham gia chỉ đạo xử lý 55 vụ việc, 67 vụ án tham nhũng, kinh tế được dư luận quan tâm đã được xử lý, trong đó đã kết thúc chỉ đạo xử lý 17 vụ án, 32 vụ việc.
(VNN, Tuổi Trẻ, VTC News)
*******************
Ông Lê Thanh Hải bị xem xét kỷ luật liên quan vụ Thủ Thiêm (RFA, 08/01/2020)
Nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Thanh Hải bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét đề nghị kỷ luật vì những sai phạm trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Hình minh họa. Ông Lê Thanh Hải và hỉnh ảnh Thủ Thiêm nhìn từ trên cao - Photo : RFA
Thủ Thiêm được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh giải tỏa từ năm 2002 để xây khu đô thị mới, khiến khoảng 15.000 hộ dân phải di dời. Tuy nhiên hàng trăm hộ dân tại đây đến giờ vẫn đi khiếu kiện ra trung ương vì cho rằng việc giải tỏa, đền phù không hợp lý, không đúng chủ trương của Chính phủ.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương sau kỳ họp 42 từ ngày 3 đến 8 tháng 1 cho rằng Ban Thường vụ Thành Ủy và Ban cán sự Đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh mà đứng đầu là ông Lê Thanh Hải đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước. Kết luận cho rằng những sai phạm này đã ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống một bộ phận nhân dân thành phố, gây bức xúc trong xã hội.
Ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy được xác định phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy.
Ngoài ông Lê Thanh Hải, còn có 5 lãnh đạo cấp cao khác của thành phố bị xác định có sai phạm.
Trong số này có ông Lê Hoàng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND thành phố ; ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố ; ông Vũ Hùng Việt, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng vi phạm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2010 – 2015, và Ban cán sự Đảng UBND thành phố nhiệm kỳ 2011 – 2016 và các cá nhân được nêu tên đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền thành phố, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét kỷ luật.
****************
Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải bị đề nghị thi hành kỷ luật (RFA, 08/01/2020)
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa có đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó thủ tướng vì những vi phạm trong dự án mở rộng sản xuất ở Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO II).
Hình minh họa. Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải và hình ảnh dự án TISCO II ở Công ty Gang thép Thái Nguyên Photo : RFA
Đề nghị này được đưa ra sau kỳ họp 42 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương từ ngày 3 đến 8 tháng 1.
Trước đó, tại kỳ họp 41 vào đầu tháng 12/2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị xem xét kỷ luật ông Hoàng Trung Hải vì trong thời gian làm Phó thủ tướng đã "có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với dự án TISCO II".
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra hồi tháng 12 cho biết những sai phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Thép Việt Nam trong dự án TISCO II đã "gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của nhà nước, nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị xử lý hình sự, gây bức xúc trong xã hội".
Liên quan đến dự án TISCO II, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật khai trừ Đảng đối với các ông : Mai Văn Tình, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị ; Đậu Văn Hùng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam.
Ngoài ra, còn có 4 cựu lãnh đạo khác của Công ty gang thép Thái Nguyên bị khai trừ đảng.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đồng thời cũng cảnh cáo các ông Văn Trọng lý, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ; Nguyễn Văn Tài, nguyên Hàm vụ trưởng Văn phòng Chính phủ ; Đỗ Cảnh Dương, Tổng cực trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ.
4 cá nhân khác bị khiển trách gồm ông Nguyễn Hữu Vũ, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ; Đặng Thúc Kháng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị ; Lê Phú Hưng, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam.
*******************
Kỷ luật ông Lê Thanh Hải có phải là 'đánh trống bỏ dùi' ? (RFA, 08/01/2020)
Sau kỳ họp thứ 42 từ ngày 3 đến 8 tháng 1 năm 2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo xem xét đề nghị kỷ luật ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, vì những sai phạm trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Hình minh họa. Ông Lê Thanh Hải - Photo : RFA
Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một dự án phát triển đô thị mới tại bán đảo Thủ Thiêm, thuộc Quận 2 đối diện Quận 1 qua sông Sài Gòn. Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã giải tỏa Thủ Thiêm từ năm 2002 để phục vụ dự án này, khiến khoảng 15.000 hộ dân phải di dời. Tuy nhiên hàng trăm hộ dân tại đây đến giờ vẫn đi khiếu kiện ra trung ương vì cho rằng việc giải tỏa, đền bù không hợp lý, không đúng chủ trương của Chính phủ.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Thường vụ Thành Ủy mà đứng đầu là ông Lê Thanh Hải đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, để xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét kỷ luật.
Ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy được xác định phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy.
Trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 8/1/2020, nhà báo Sương Quỳnh – một người dân ở thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra nhận định liên quan việc này :
"Thực tế với những sai phạm của ông Hải, và thời đó ông Lê Hoàng Quân là Ủy viên Trung ương đảng cũng bị dính dáng, rồi ông Nguyễn Văn Đua, Vũ Hồng Việt… đều phải có trách nhiệm đối với những sai phạm ở thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ có Thủ Thiêm, mà cả những quận lân cận khi mở rộng. Do đó về mặt đảng, họ kỷ luật là đương nhiên, là cách của họ, và cách đó cũng như cách rung cây dọa khỉ".
Theo nhà báo Sương Quỳnh, ‘rung cây dọa khỉ’ là nhằm để những người sai phạm phải ‘chạy lên chạy xuống lo lót’, hay những người có thể liên quan cũng phải lo như vậy.
Ngoài ông Lê Thanh Hải, còn có một số lãnh đạo cấp cao khác của thành phố, bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định có sai phạm là : ông Lê Hoàng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND thành phố ; ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố ; ông Vũ Hùng Việt, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố…
Một dân oan Thủ Thiêm, mục sư Nguyễn Hồng Quang, khi trả lời RFA hôm 8/1, nói :
"Cái sai phạm của ông Lê Thanh Hải là khi làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, là Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, là người chỉ đạo cho anh Nguyễn Văn Đua, ký bác quyết định 367 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt liên quan Thủ Thiêm. Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, đứng đầu là Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, đã vi phạm nghiêm trọng, hỗn quan, hỗn quân, đảo lộn trật tự pháp lý quốc gia, khi bác các văn bản quy phạm pháp luật của cấp thẩm quyền trực thuộc trung ương, như vậy không kỷ luật mới là lạ".
Ông Nguyễn Đình Đệ, cũng là một dân oan Thủ Thiêm, giải thích thêm với RFA hôm 8/1, về việc ông Lê Thanh Hải đã tự ý thay đổi nhiều nội dung trong quyết định 367 của chính phủ :
"Quyết định này tồn tại hai điểm quan trọng là 160 hecta dành cho tái định cư và 5 khu phố ngoài ranh. Đằng này ông Hải lấy hết và tuyên bố không cần tập trung 160 hecta để tái định cư, mà tái định cư ở những khu nhỏ, rồi lấy 160 hecta chia cho 52 công ty để bán. Rồi lấy thêm một trăm bốn mươi mấy hecta từ các phường như Cát Lái, An Lợi Đông… để bù vô khoảng thiếu hụt 160 hecta. Việc làm của Lê Thanh Hải là cực kỳ sai trái".
Vào năm 1996, Thủ tướng Chính phủ khi đó là ông Võ Văn Kiệt, đã ban hành quyết định 367, với các nội dung chính : Quy mô lập diện tích quy hoạch là 930 ha, trong đó khu đô thị mới 770 ha và quy mô tái định cư là 160 ha. Thời điểm này, Thủ Thiêm vẫn thuộc Huyện Thủ Đức, chưa thuộc Quận 2 như hiện nay.
Khu Đô Thị Thủ Thiêm hiện thuộc Quận 2, chỉ cách trung tâm Sài Gòn chỉ một con sông, nơi mỗi mét vuông đất có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên theo báo chí trong nước, mức đền bù 18.380.000 VND/ một mét vuông vào năm 2009, được cho là không hợp lý, vì chủ đầu tư có đất đã bán lại với giá 350 triệu đồng.
Đánh trống bỏ dùi ?
Theo ông Nguyễn Đình Đệ, nếu chỉ kỷ luật ông Lê Thanh Hải thì người dân không đồng tình. Theo ông, trong điều 16 Hiến pháp, mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật, sai là phải xử lý, chứ không thể đánh trống bỏ dùi, như vậy cán bộ sẽ tiếp tục sai phạm. Ông nói tiếp :
"Tôi là người phát biểu đầu tiên ở khu Thủ Thiêm, yêu cầu xử lý Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang… bắt những người đó chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cách đây hơn một năm, khi họp trước Đại biểu Quốc hội, trước mặt Bí thư Thành ủy Nguyễn Thành Nhân. Mọi người rất ngạc nhiên khi tôi mạnh miệng nói vậy".
Trước khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét đề nghị kỷ luật ông Lê Thanh Hải, vào ngày 26 tháng 12 năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương đảng cộng sản Việt Nam, đã quyết định kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức tước bỏ các chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy… vì đã vượt thẩm quyền trong phê duyệt và ký hợp đồng xây dựng 4 tuyến đường đắt đỏ dài 12 km, tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng số vốn lên đến hơn 12.200 tỷ đồng.
Trong mắt người dân Thủ Thiêm, ông Tất Thành Cang là một nhân vật được gọi tên là "sát thủ", khi được đưa về Thủ Thiêm để thực hiện những sai phạm do thành phố chủ trương.
Trước khi ông Lê Thanh Hải bị đề nghị xem xét kỷ luật, hàng loạt quan chức thân cận dưới thời của ông Lê Thanh Hải như cựu phó Bí thư Thành ủy Tất Thành Cang, các cựu phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thành Tài và Nguyễn Hữu Tín cũng lần lượt đều bị kỷ luật và cách chức vì các sai phạm liên quan đến quản lý đất đai. Tuy nhiên, câu hỏi mà nhiều người thắc mắc là liệu mức độ kỷ luật mà ông Hải sẽ phải chịu sẽ như thế nào ?
Liên quan vấn đề này, Nhà báo Sương Quỳnh, nhận định :
"Theo tôi biết, trước tiên nếu như thật sự sẽ có chuyện xử lý ông Lê Thanh Hải đến mức vào tù như ông Son, ông Tuấn, thì việc đầu tiên họ sẽ kỷ luật. Trong giai đoạn kỷ luật, họ sẽ xem xét, cân nhắc… Tất nhiên sẽ có ông thoát, nhưng có ông cũng sẽ vào lò như cách nói của ông Trọng. Theo tôi đoán là có khả năng (ông Hải vào lò …"
Theo Nhà báo Sương Quỳnh, nếu ông Nguyễn Phú Trọng đưa được ông Lê Thanh Hải và những người được cho là thuộc "phe" của ông vào tù, thì bà rất ủng hộ.
Ông Cao Thăng Ca, một dân oan Thủ Thiêm chia sẻ suy nghĩ của ông liên quan việc kỷ luật ông Hải :
"Việc kỷ luật ông Lê Thanh Hải thì người dân đã yêu cầu cả chục năm qua rồi, tới giờ phút này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới đề xuất kỷ luật, phần nào cũng làm người dân Thủ Thiêm nguôi ngoai phần nào nỗi uất hận. Chúng tôi hy vọng rằng Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ nói thật, làm thật, chứ không ‘giơ cao đánh khẽ’".
Còn Bà Lung, cũng là một dân oan Thủ Thiêm thì bày tỏ hy vọng, qua việc kỷ luật ông Lê Thanh Hải thì những khiếu kiện của bà con dân oan Thủ Thiêm sẽ được giải quyết.
****************
Tết Canh Tý này ông Tất Thành Cang vui xuân ở đâu ? (VNTB, 06/01/2020)
Các ‘đệ tử’ của ông Tất Thành Cang lần lượt xộ khám. Liệu Tết Canh Tý cận kề, ông Cang sẽ hú hí du xuân ở đâu ?
Tất Thành Cang và Đinh La Thăng - Ảnh minh họa
Ngày 6/1, báo chí đưa tin Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Trần Công Thiện, nguyên tổng giám đốc và ông Nguyễn Văn Minh, nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận).
Hai năm trước, theo kết luận của Ban thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, thì Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang đã chấp thuận chủ trương chuyển nhượng hơn 32ha đất đã đền bù của Công ty Tân Thuận tại dự án khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè, và chấp thuận chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai là không đúng thẩm quyền và chưa đúng quy định của pháp luật, không báo cáo thường trực Thành ủy và Ban thường vụ Thành ủy trước khi quyết định.
Đồng thời, ông Cang thiếu kiểm tra việc thực hiện các kết luận chỉ đạo của mình, việc chuyển nhượng có nguy cơ gây thất thoát lớn cho Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc chuyển nhượng đất đã đền bù không qua đấu giá được cho là trái với nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13-10-2015 của Chính phủ ; không đúng với nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định về giá đất.
Ban thường vụ Thành ủy xác định Công ty Tân Thuận là doanh nghiệp kinh tế của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng trong việc chuyển nhượng đất đã đền bù, công ty không đặt lợi ích của Đảng bộ lên hàng đầu, vi phạm các quy định của Ban thường vụ Thành ủy về quản lý các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Thành ủy và các quy định pháp luật của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 26/12/2018, Hội nghị Trung ương 9, khóa XII thông qua việc kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức : Cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.
Ông Tất Thành Cang được xác định vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, quy trình xử lý công việc ; vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Đảng bộ Thành phố. Phó bí thư Thường trực Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh cũng vi phạm "các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy, chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp".
Ngoài ra, ông Cang còn thiếu trách nhiệm, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ Thành phố.
Trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND Thành phố, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, ông Cang đã vi phạm pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng khi phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm…
Khi ấy có nhiều đồn đoán dịp chuẩn bị Tết Kỷ Hợi 2019, ông Tất Thành Cang sẽ gia nhập màu áo sọc juventus giống như cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng. Tuy nhiên không có chuyện gì xảy ra. Cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải cũng… ung dung, tự tại bất chấp mọi đồn đoán đây mới là vai chính trong vụ lùm xùm đất đai ở Tân Thuận, và là ‘tổng đạo diễn’ vụ quy hoạch Thủ Thiêm, quận 2.
Nói thêm, vào cuối năm ngoái 2019, theo một văn bản của cơ quan Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang được cho là liên quan vụ 69 ha đất công trong dự án đầu tư xây dựng cảng khu công nghiệp Cát Lái.
Đến nay những kết quả được công bố từ cơ quan Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh và điều tra sơ bộ của Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, sai phạm tại công ty Tân Thuận, công ty Sadeco… có vai trò của cấp quản lý cao hơn, trong đó về mặt giấy tờ hành chính liên quan trực tiếp đến ông Tất Thành Cang, khi đó giữ cương vị Phó bí thư Thường trực Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh.
Lâm Viên