Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Covid-19 : Bắc Kinh gây áp lực để Châu Âu không tố cáo Trung Quốc loan tin thất thiệt (RFI, 25/04/2020)

Báo cáo của Liên Hiệp Châu Âu tố cáo Trung Quốc là thủ phạm của chiến dịch loan tin thất thiệt hiện nay vẫn bị Bắc Kinh tìm cách cản trở. Đó là lý do mà hồ sơ, theo dự kiến được công bố ngày 21/04/2020, đã bị chậm đến ba ngày và nội dung lên án Trung Quốc thì kém phần chính xác và mạnh mẽ. Reuters tố giác như trên trong bản tin ngày 25/04/2020.

lienau1

Trụ sở Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg, Pháp. Ảnh minh họa

Trích dẫn bốn nguồn tin ngoại giao và nhiều phóng viên chuyên ngành, Reuters cho biết là một quan chức Trung Quốc đã liên lạc với đại diện ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu hôm 21/04/2020, tức là ngày mà Bruxelles dự kiến công bố báo cáo với chủ đề Bắc Kinh bóp méo thông tin. Nhân vật này, tên là Dương Tiểu Quang (Yang Xiao Guang), đe dọa là nếu báo cáo được công bố với nội dung như thế thì có khả năng quan hệ song phương sẽ bị tác hại. Dương Tiểu Quang còn cáo buộc Liên Hiệp Châu Âu muốn làm hài lòng "ai đó", hàm ý nói đến Washington. Sở dĩ Trung Quốc biết được nội dung để can thiệp là vì mạng thông tin Mỹ Politico tiết lộ một số đoạn của báo cáo.

Trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc và thái độ thiếu minh bạch của Bắc Kinh gây căng thẳng trong quan hệ quốc tế, Liên Hiệp Châu Âu chọn thái độ dung hòa. Reuters nêu một số thay đổi trong hồ sơ.

Về nội dung, trong văn kiện ngày 20/04, ở trang đầu, các nhà ngoại giao Châu Âu tố cáo "Trung Quốc tiếp tục tổ chức một chiến dịch bóp méo thông tin trên toàn cầu, để chuyển hướng công luận vốn đang công kích Trung Quốc về việc làm lây lan đại dịch, và cũng để đánh bóng hình ảnh trên trường quốc tế qua các hành động công khai và thủ đoạn mờ ám". Thế nhưng, trong bản tóm tắt Liên Hiệp Châu Âu công bố trên mạng hôm 21/04, đoạn văn này đã được sửa lại, không còn gọi đích danh chính quyền Trung Quốc mà thay bằng cụm từ "các nguồn" do "một số chính quyền hỗ trợ, trong đó có Nga, và ít nghiêm trọng hơn là Trung Quốc". Còn đoạn nói về "chứng cớ quan trọng cho thấy Trung Quốc giật dây" bị đẩy xuống gần cuối cùng.

Tuy nhiên, cũng theo Reuters, một nhà ngoại giao Châu Âu khẳng định không có chuyện giảm nhẹ nội dung : Báo cáo về tình trạng bóp méo thông tin được công bố nguyên văn. Đại sứ Trung Quốc bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu cũng lý giải : "Bóp méo thông tin là kẻ thù chung".

Tú Anh

***********************

Hậu Covid-19 : Châu Âu chuẩn bị kế hoạch "đầy tham vọng" chấn hưng kinh tế (RFI, 24/04/2020)

Liên Hiệp Châu Âu vẫn chưa tìm ra được một giải pháp chung để chấn hưng nền kinh tế đang bị virus corona làm suy thoái, ít nhất là từ -5% đến -8% của GDP. Dự án "liên đới nợ nần" là điểm bất đồng không vượt qua được, do "thái độ ích kỷ"của các thành viên phương bắc, theo cáo buộc của thủ tướng Ý.

lienau2

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, trong cuộc họp báo sau phiên họp thượng đỉnh "trực tuyến" ở Bruxelles, thứ Năm ngày 23/04/2020. Olivier Hoslet/Pool via Reuters

Cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu ngày hôm qua 23/04/2020, giao cho Ủy Ban Châu Âu chuẩn bị dự án phục hưng kinh tế, từ nay cho đến trung tuần tháng 5, được mô tả là "đầy tham vọng" cho giai đoạn 2021-2027.

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet tường thuật :

"Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Ursula von der Leyen xem ngân sách chung của Liên Hiệp Châu Âu là ʺsoái hạmʺ trong kế hoạch vực dậy kinh tế, theo như tuyên bố của chính bà. Ursula von der Leyen đã thông báo ý định yêu cầu lãnh đạo các thành viên đóng góp gấp đôi vào ngân sách chung, để có thể đạt mức 2% GDP của 27 nước.

Thiết tưởng cũng nên nhắc lại là trong suốt hai năm qua, kể từ khi đàm phán về ngân sách chung bắt đầu, các chính phủ Châu Âu bị chỉ trích mạnh mẽ là chỉ muốn đóng góp có một phần mười số tiền mà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu muốn đề nghị.

Trong mọi trường hợp, Ủy Ban Châu Âu sẽ phải tìm nguồn tài chính trên thị trường, một phương cách để có thể tiếp tục đi tới cho dù cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến hôm thứ Năm 23/04/2020 có bị thất bại vì các thành viên giàu có vẫn từ chối không muốn chia sớt nợ nần với các thành viên nghèo.

Đề nghị lập Quỹ vực dậy kinh tế sau khủng hoảng do các nước Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đề xuất là giải pháp gần giống như tung ra công trái phiếu Châu Âu. Chính phủ Đức tỏ thái độ do dự. Hà Lan, Thụy Điển và Áo vẫn dứt khoát chống lại dự án liên đới nợ chung.

Điều mọi người biết rõ là để vực dậy nền kinh tế, Liên Hiệp Châu Âu cần ít nhất 1.000 tỷ euro".

Tú Anh

**********************

Phụ thuộc Trung Quốc về dược phẩm : Tây phương tỉnh thức trong đau đớn (RFI, 24/04/2020)

Trong những năm 1990, hoạt động của ngành công nghiệp dược phẩm Châu Âu và Mỹ đa phần chuyển sang Trung Quốc. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, phương Tây tỉnh thức trong đau đớn và phải đối mặt với thách thức làm thế nào để giành lại quyền chủ động về thuốc men, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.

lienau3

Hơn 80% hoạt chất chính được dùng trong ngành dược phẩm thế giới là do Trung Quốc sản xuất. CC0 Pixabay/stevepb

Mọi ngả đường đều dẫn đến Trung Quốc

Theo nhận định của báo Le Figaro trong bài viết "Khi Tây phương từ bỏ ngành sản xuất dược phẩm" đăng ngày 13/04/2020, sức khỏe của người dân phương Tây phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc và chính sự bùng phát toàn cầu của dịch bệnh Covid-19 đã giúp người Châu Âu và Mỹ "tỉnh ngộ". Có một điều các nhà khoa học, giới chuyên môn phần nào đã nắm rõ, nhưng đa phần công chúng thì chưa biết : trong vòng chưa đến 30 năm, tất cả mọi quốc gia trên thế giới, đi đầu là Châu Âu và Mỹ, đã "nhường" một phần lớn "chủ quyền" về thuốc men và trang thiết bị y tế cho Trung Quốc. Quốc gia rộng lớn này trở thành xưởng bào chế hơn 80% hoạt chất chính được dùng trong ngành sản xuất dược phẩm. Đáng nói hơn nữa là Trung Quốc nắm giữ 80-90% dược liệu để bào chế ra các hoạt chất chính và các loại thuốc thay thế các dược phẩm hiện giờ không còn được bào chế nữa.

Chẳng hạn, Trung Quốc sản xuất tới 97% dược liệu và hóa chất cần thiết để sản xuất kháng sinh đồng dạng (générique) tiêu thụ tại Mỹ - đối thủ địa chính trị của Trung Quốc. Ấn Độ cũng là một nhà sản xuất dược phẩm được hưởng lợi lớn từ chính sách di dời ngành công nghiệp dược phẩm của Tây phương, song suy cho cùng thì nền sản xuất Ấn Độ cũng không thoát được cảnh phụ thuộc đến 80% vào hoạt chất chính do Trung Quốc bào chế. Nói một cách hình ảnh như chuyên gia Rosemary Gibson của viện Hastings, Mỹ, thì "Tất cả mọi con đường đều dẫn đến Trung Quốc".

Bức màn bí mật thời "thị trường toàn cầu"

Cũng theo chuyên gia Gibson, điều đáng ngạc nhiên là số liệu thống kê về lĩnh vực dược phẩm thường được bao phủ bằng một bức màn bí mật cho dù chúng ta đang sống trong "một thị trường toàn cầu". Tuy nhiên, việc khan hiếm nói chung các loại thuốc quan trọng sống còn vào lúc nhiều nhà máy của Trung Quốc phải ngưng hoạt động, khiến chính phủ các nước yêu cầu phải có các số liệu chính xác. Từ tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nguyên thủ Nga Vladimir Putin cho đến lãnh đạo Mỹ Donald Trump dường như đều có chung yêu cầu khôi phục lại nền sản xuất dược phẩm và công nghiệp hóa học của quốc gia. Các nhà lãnh đạo cũng bắt đầu suy tính đến việc đa dạng hóa và "hồi hương" các dây chuyền sản xuất quan trọng.

Ông Bruno Bonnemain, chủ tịch một nhóm làm việc về việc gián đoạn chuỗi cung ứng, cho Le Figaro biết là tại Viện Dược Phẩm Quốc Gia Pháp, từ 10 năm nay, các nhà nghiên cứu đã gióng những hồi chuông báo động về việc Pháp mất quyền tự chủ về dược phẩm do phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và Ấn Độ. Chuyên gia Bonnemain giải thích là, ngay từ năm 2011, cơ quan này đã được huy động để tiến hành một nghiên cứu cho bộ Y Tế Pháp. Theo báo cáo của Viện Dược Phẩm Quốc Gia, "đối với 86% bệnh viện ở Châu Âu, việc khan hiếm thuốc đã trở thành một chủ đề gây lo ngại hàng ngày. Những loại thuốc có liên quan nhiều nhất là thuốc chống nhiễm trùng, chống ung thư, tiếp theo đó là các loại thuốc hồi sức cấp cứu, thuốc tim mạch và thuốc gây mê".

Chiến lược yếu kém

Nhu cầu cao của các nước mới mới trỗi dậy đã khiến nhu cầu thuốc trên toàn cầu khó được đáp ứng. Ngoài ra, còn phải kể đến việc nhiều nhà máy phải ngưng sản xuất vì các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, môi trường, kỹ thuật hay xã hội. Đó là chưa kể đến các vụ tai tiếng về chất lượng thuốc, chẳng hạn héparin, chất làm loãng máu được nhập khẩu từ Trung Quốc đã làm 81 người tại Mỹ thiệt mạng. Chuyên gia Bruno Bonnemain lấy làm tiếc là "Không một ai đáp lại lời kêu gọi của chúng tôi khi vẫn chưa quá muộn".

Trong những năm 1980, ngành công nghiệp dược phẩm của Châu Âu vẫn rất mạnh. Khoảng 80% các hoạt chất chính vẫn được sản xuất tại Châu Âu, chỉ có 20% được nhập từ nước ngoài. Ấy vậy mà sau 30 năm, hiện nay các con số này đã bị đảo ngược. Ông Bonnemain nhấn mạnh : "Sự thay đổi lớn bắt đầu diễn ra trong những năm 1990, sau đó tăng tốc dần vào đầu những năm 2000, khi các doanh nghiệp quyết định dịch chuyển ồ ạt vì chi phí nhân công và các quy định về môi trường".

Kế hoạch ban đầu là tất cả đều được sản xuất tại một nơi. Thế nhưng, với sự cạnh tranh của thuốc đồng dạng generique được sản xuất tại các nước đang phát triển, ngành dược phẩm đã thuê thầu phụ cả mảng sản xuất dược liệu thô, hoạt chất và kể cả thuốc. Đó là thời toàn cầu hóa theo kiểu đôi bên đều có lợi, cho phép một số doanh nghiệp cất cánh và những công ty khác sản xuất với giá thấp. Từng hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp dược phẩm, ông Bonnemain nói thẳng : "Sai lầm lớn nhất của các chính phủ của chúng ta là không coi các loại thuốc là sản phẩm chiến lược nữa. Khi ưu tiên giá thành, họ đã để các doanh nghiệp muốn làm gì thì làm. Quyền tự chủ đã bị từ bỏ".

Quá lơ là về hóa hữu cơ

Đã có thời nước Đức, chứ không phải Trung Quốc, được gọi là nhà máy dược phẩm và hóa chất của cả thế giới. Nói về chuyện nước Đức dịch chuyển các nhà máy dược phẩm, giáo sư Stefan Laufer, từng là chủ tịch hiệp hội Dược sĩ Quốc gia Đức cho đến tháng 12/2019, có cùng phân tích như chuyên gia Pháp Bruno Bonnemain. Sự thay đổi cũng bắt đầu từ đầu những năm 1990, và sự di chuyển lớn nền sản xuất sang Châu Á và đặc biệt là tới Trung Quốc cũng diễn ra từ 10 năm nay. Ông Laufet tóm lược : "Do áp lực từ các cơ quan bảo hiểm y tế Đức, thuốc trở thành một sản phẩm mà tiêu chí quan trọng nhất là giá thành chứ không phải chất lượng". Theo ông, yếu tố môi trường là một lý do lớn dẫn đến việc dịch chuyển ngành hóa học hữu cơ, vốn có lợi cho ngành công nghiệp hóa dược phẩm rất phát triển của Đức. Chuyên gia Laufer lấy làm tiếc là Đức đã quá lơ là, bỏ bê các nhà máy hóa hữu cơ".

Giáo sư Laufer nhấn mạnh : "Nước Đức đã quá đề cao giá trị thị trường toàn cầu khi cho rằng không cần nghĩ tới sự độc lập quốc gia bởi vì thị trường luôn được đáp ứng. Nhưng đó chỉ là một ảo tưởng. Bây giờ không có thị trường toàn cầu. Nước nào cũng đóng cửa biên giới và đấu đá nhau để giành giật khẩu trang và thuốc men !" Cũng giống như chuyên gia Pháp Bonnemain, giáo sư Đức Laufer đã gióng những hồi chuông báo động ngay từ năm 2012. Quân đội Đức cũng đã lên tiếng cảnh báo về sự yếu kém về chiến lược. Ông Laufer nhớ lại : "Chúng tôi đã đến Quốc Hội. Các bản báo cáo được gửi đến rất nhiều. Nhưng chẳng ai quan tâm …"

Còn dân biểu Đức Claudia Bernhard, thuộc đảng Die Linke, một người lưu tâm đến hồ sơ này, giải thích : "Sự thiếu phản ứng của các cơ quan công quyền là do sự tác động của các nhà vận động hành lang cho ngành dược phẩm", liên quan đến việc các Quỹ bảo hiểm chịu trách nhiệm ký hợp đồng trực tiếp với các nhà sản xuất thuốc. Dân biểu này lấy làm tiếc là "Sự thiếu vắng hành động của chính phủ trung ương đã duy trì sự phụ thuộc về dược phẩm. Nhà máy sản xuất thuốc kháng sinh cuối cùng tại Đức đã đóng cửa vào năm 2017. Nhà nước cần cho tái thiết nền công nghiệp dược phẩm, quay lại bào chế các hoạt chất chính. Nói thì dễ hơn làm, nhưng cuộc khủng hoảng không để cho chúng ta có sự lựa chọn, đây là câu hỏi sống còn". Dân biểu Claudia Bernhard lấy làm mừng vì lãnh đạo Y Tế ở các bang của Đức cũng đề xuất theo hướng nói trên. 

Sự thức tỉnh đầy đau đớn

Liên quan đến nước Nga, một nhà tư vấn của hãng tin RNC Pharma, Nikolai Bespalov, cho Le Figaro biết "một cuộc di dời, tương tự những gì đến với phương Tây, đã xảy ra sau khi Liên Xô sụp đổ, tạo ra sự phụ thuộc mạnh mẽ vào Trung Quốc và Ấn Độ (về các hoạt chất và dược liệu thô, 50-70%)" Mối lo là có thật cho dù Nga vẫn có kho dự trữ. Kể từ năm 2010, một nỗ lực dịch chuyển sản xuất về nước đã được khởi động và chính phủ Nga hồi cuối tháng Hai đã quyết định thúc đẩy sản xuất trong ngành hóa chất và dược phẩm.

Nhìn sang nước Mỹ, theo Le Figaro, có môt sự tỉnh thức đầy đau đớn. Với virus corona, người Mỹ mới nhận ra sức khỏe của họ phụ thuộc vào "đại địch thủ" Trung Quốc như thế nào. Mặc dù Mỹ vẫn duy trì sản xuất những hoạt chất chính và các nhà máy vẫn bào chế dược phẩm, nhưng Trung Quốc vẫn thống trị thị trường Mỹ về dược liệu và các hoạt chất chính để sản xuất thuốc đồng dạng và kháng sinh đồng dạng. Tình trạng này tạo ra sự suy yếu chiến lược nghiêm trọng cho nước Mỹ.

Trong một báo cáo của Hội đồng quan hệ đối ngoại, nhà nghiên cưu Yang Zong Yuhan nhắc tới một cuộc trao đổi ở Nhà Trắng mà nhà báo Mỹ Bob Woodward từng nới tới, theo đó kinh tế gia trưởng Gary Cohn của Nhà Trắng lưu ý là trong cuộc chiến thương mại, Trung Quốc có thể dùng thuốc kháng sinh để đáp trả Mỹ vì Trung Quốc cung cấp tới 97 % lượng kháng sinh tiêu thụ tại Mỹ : "Nếu quý vị là người Trung Quốc và quý vị muốn hủy hoại nước Mỹ, đơn giản quý vị chỉ cần ngưng gửi thuốc kháng sinh cho chúng tôi".

Nhà nghiên cứu Rosemary Gibson của viện Hastings nhấn mạnh virus corona càng khiến Mỹ có ý thức về sự phụ thuộc nói trên. Tân Hoa Xã hôm 04/03 nhận định kịch bản Trung Quốc ngưng xuất khẩu thuốc men sang Mỹ sẽ gây khó khăn cho Mỹ, "nhấn chìm nước Mỹ trong đại dương virus corona". Nhiều nhà chiến lược Mỹ có ý tưởng tách rời nền kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc. Tại Hạ Viện, một nhóm dân biểu Dân chủ và Cộng hòa đề xuất một dự luật nhằm khuyến khích việc "hồi hương" một số dây chuyền sản xuất thuốc.

Tuy nhiên, tất cả các chuyên gia về hồ sơ này đều lưu ý về những khó khăn liên quan đến thời hạn, chi phí, kiến thức hiểu biết để tái lập nền sản xuất. Chuyên gia Đức Laufer cũng tỏ ý hoài nghi về lâu dài : "Việc này sẽ phải mất nhiều năm, các quy trình sản xuất hóa học tinh khiết rất phức tạp, nhất là phải sáng chế ra các công nghệ riêng để đảm bảo tôn trọng tiêu chuẩn xanh (…) Việc này đương nhiên sẽ phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước Châu Âu, bởi vì các nước không thể sản xuất toàn bộ chỉ trong nước họ (…) Tất cả những điều trên đòi hỏi có sự thay đổi thực sự trong tư duy".

Thùy Dương

********************

Thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu tìm giải pháp thoát dịch Covid-19 (RFI, 24/04/2020)

Chiều 23/04/2020, Liên Hiệp Châu Âu họp thượng đỉnh lần thứ tư để bàn về kế hoạch thoát suy thoái do dịch Covid-19 gây ra, trong bối cảnh Châu Âu có hơn 110.000 người chết vì virus corona, chiếm gần 2/3 số ca tử vong trên toàn thế giới. Do còn nhiều bất đồng, có lẽ còn phải chờ thêm nhiều tuần nữa để các nước đạt được một thỏa thuận.

lienau4

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen phát biểu về khủng hoảng Covid-19, ngày 15/04/2020 tại Bruxelles. Pool/AFP

Dù không hy vọng có thể đưa ra những thông báo quan trọng, nhưng Hội Đồng Châu Âu muốn thể hiện tình đoàn kết của 27 thành viên. Nguyên thủ các nước sẽ bàn về hai chủ đề lớn : quyết định một chiến lược chung về dỡ bỏ phong tỏa và thảo luận vấn đề ngân sách (số lượng và cơ chế thực hiện), giao động từ vài trăm tỉ đến 1.500 tỉ euro.

Các điểm bất đồng tập trung vào vấn đề "gánh" nợ chung. Pháp và Tây Ban Nha ủng hộ biện pháp tương trợ nhau về nợ để được hưởng lãi suất ưu đãi (không nhắc đến công trái phiếu). Tây Ban Nha nêu ý tưởng vay vĩnh viễn và chỉ trả lãi, nhưng bị Đức và Hà Lan phản đối. Vì vậy, có lẽ phải chờ đến cuộc họp thượng đỉnh lần thứ 5 để có thể hình thành được bộ khung của thỏa thuận.

Theo thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, được AFP trích dẫn, Liên Hiệp Châu Âu sẽ mất 7,1% GDP trong năm 2020. Cuộc khủng hoảng dịch tễ đe dọa 19 nước thành viên của khối đồng euro. Hoạt động trong khu vực đồng euro gần như ngừng lại trong tháng Tư do lệnh phong tỏa chống dịch.

Để giúp các nước thành viên chống dịch, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (BCE) đã nới lỏng các quy định, khi thông báo ngày 22/04 là sẵn sàng chấp nhận các trái phiếu bị xếp là "không có giá trị" như là các bảo đảm đối với các khoản tín dụng cấp cho các ngân hàng. Biện pháp này giúp cho các ngân hàng có đủ vốn để có thể tham gia vào việc cung cấp tín dụng và tài chính cho các nền kinh tế của khối đồng euro.

Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới xác định "dịch còn kéo dài", vac-xin chống virus corona vẫn là giải pháp được trông đợi nhất. Ngày 22/04, Viện Paul Ehrlich (IPE) của Đức thông báo công ty BioNTechn, ở Mayence (Đức), hợp tác với phòng thí nghiệm Mỹ Pfizer, sẽ tiến hành đợt thử nghiệm lâm sàng đầu tiên tại Đức, trên 200 người tình nguyện từ 18 đến 55 tuổi. Đây là đợt thử nghiệm lâm sàng trên người lần thứ 5 trên thế giới.

Thu Hằng

Additional Info

  • Author RFI tổng hợp
Published in Quốc tế

Dùng hóa chất lau chùi nhà cửa và diệt vi khuẩn để trị coronavirus

Hai ngày nay báo chí tường thuật đầy đủ về cuộc họp báo của Tổng thống Trump vào ngày thứ Năm, 23/4. Tại buổi họp báo này Tổng thống Trump nêu lên ý kiến là dùng những hóa chất lau chùi nhà cửa và diệt vi khuẩn (disinfectant) để trị coronavirus như Lysol Disinfectant Spray, Clorox Cleaner & Bleach, 409 Multi-Murface Clearner.

Virus Outbreak Trump

Trong cuộc họp báo ngày 23/4, Tổng thống Trump nêu ra ý kiến dùng những hóa chất tẩy uế trong nhà để trị coronavirus

Ông nói : "Tôi thấy những hóa chất tẩy uế diệt virus trong một phút, một phút. Và có cách nào chúng ta có thể làm giống như thế bằng cách bơm vào trong người, hoặc như để tẩy uế ? Bởi vì như quý vị thấy, khi hóa chất tẩy uế vào bên trong phổi và tác động trên phổi, như vậy có ích lợi để xem xét điều này".

Khoảng 10% lời tuyên bố của Tổng thống Trump đặt dưới dạng một câu hỏi, nhưng 90% phần còn lại ở trong thể xác định. Các bác sĩ, các hãng chế tạo chất tẩy uế phải vội vàng lên tiếng cảnh cáo công chúng không nên dùng những hóa chất này để trị coronavirus. Một số công chúng nghe tổng thống nói có thể xem đó là một ý kiến tốt và sẽ thử dùng ngay. Một thực tế nguy hiểm là nhà nào cũng gần như có sẵn một vài thứ thuốc rất độc để tẩy uế phòng tắm, cầu tiêu, bếp, và các nơi khác trong nhà, chưa kể thuốc diệt kiến, ruồi và chuột.

trump1

Nhà nào cũng gần như có sẵn một vài thứ thuốc rất độc để tẩy uế phòng tắm, cầu tiêu, bếp, và các nơi khác trong nhà, chưa kể thuốc diệt kiến, ruồi và chuột.

Trước khi có buổi họp báo vào ngày hôm qua, 23/4, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention-CDC) đã nhận được 45.550 cú điện thoại trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 hỏi về những trường hợp tình cờ đụng chạm vào những thuốc tẩy uế. Bác sĩ Dara Kass, tại Trung tâm Y tế Đại học Columlbia (Columbia University Medical Center), cho biết rằng : "Những người uống những thứ thuốc này thường là chết. Người nào sống sót sẽ không ăn được nữa vì miệng và thực quản đã bị phá hủy và phải sống bằng cách nhồi thức ăn qua ống".

Ông Reckitt Benckiser, đại diện công ty Anh sản xuất Lysol tuyên bố : "Là một công ty sản xuất y dược phẩm hàng đầu về thuốc tẩy uế, chúng ta cần biết rõ rằng trong bất cứ trường hợp nào, thuốc tẩy uế của chúng tôi không thể đưa vào trong cơ thể của con người".

Dùng tia tử ngoại để trị bệnh nhiễm virus

Tổng thống Trump còn nêu lên khả năng dùng ánh sáng mạnh như tia tử ngoại (ultraviolet) để trị bệnh nhiễm virus. Tiến sĩ David Grimes, chuyên viên về phóng xạ tử ngoại y tế, nói : "Chúng ta không thể đưa tia tử ngoại vào trong người để chữa Covid-19. Cả sinh học lẫn vật lý đều không hoạt động theo lối này".

Vào cuối tháng 3, tại buổi tường thuật tại Nhà Trắng, Tổng thống lo ngại rằng việc đóng cửa lâu quá sẽ gây thiệt hại kinh tế không thể đảo ngược lại với độ co cụm 30% và tỉ lệ thất nghiệp có thể lên cao đến 13%. Ông tuyên bố rằng : "Chúng ta không thể để cách chữa trị lại tệ hại hơn cả căn bệnh". Câu nói này áp dụng rất đúng cho trường hợp dùng những hóa chất tẩy uế để chữa trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. 

Tổng thống Trump chịu áp lực bởi giới kinh doanh, những nhà lập pháp Cộng hòa và những lãnh tụ bảo thủ để mở cửa kinh tế sớm. Mặt khác, những chuyên viên y tế cảnh báo rằng nới rộng những luật lệ cách ly, mở cửa sớm quá, sẽ khiến số người chết vì coronavirus sẽ tăng vọt lên. Nhiều kinh tế gia nhận định rằng bình thường hoạt động kinh tế quá sớm sẽ gây thêm gánh nặng cho các bệnh viện, thêm nhiều người lây bệnh và chết, làm tình trạng kinh tế suy sụp nhiều hơn.

Nhà báo Howard Kurtz của Fox News cho rằng vấn đề là phải cân bằng giữa hai cuộc khủng hoảng về y tế và tài chánh để cuộc khủng hoảng này ít gây thiệt hại cho cuộc khủng hoảng kia. Thống đốc Cuomo của New York rất hợp lý khi ông nói rằng nếu có hai ưu tiên đối nghịch nhau, y tế công cộng cần phải tiến lên hàng đầu.  

Thuốc trị bệnh sốt rét là thuốc thánh để trị coronavirus

Trước đây không lâu, Tổng thống Trump còn gọi chloroquine và hydroxychloroquine, thuốc trừ bệnh sốt rét, là thuốc thánh (game changer) để trị coronavirus trước khi thuốc này được thử nghiệm. Ông nói "Hydroxychloroquine và Azithromycin dùng chung có nhiều cơ may trở thành một thứ thuốc thánh trong lịch sư y khoa".

Một cuộc nghiên cứu mới đây ở Hoa Kỳ cho thấy hai thứ thuốc trừ bệnh sốt rét làm cho bệnh nhân Covid-19 chết nhiều hơn.

Brazil đã chấm dứt sớm một cuộc nghiên cứu về chloroquine áp dụng cho 81 bệnh nhân coronavirus tại thành phố Manaus sau khi họ gập biến chứng tim đập bất bình thường một cách nguy hiểm, có rủi ro làm chết bệnh nhân. Chloroquine không phải là thứ thuốc tốt lành. Nó có thễ làm mù mắt và có thể gây ra những bệnh về tim.

Tổng thống Trump tung ra thuốc thánh chloroquine làm cho thuốc này khan hiếm trên thị trường khiến cho những bệnh nhân thật sự cần thuốc này không thể tìm ra. Khi được hỏi về chloroquine có thể dùng để trị Covid-19 hay không, Bác sĩ Anthony Fauci trả lời : "Không. Câu trả lời là không. Cho tới nay bằng chứng thu thập được chỉ có tính cách vụn vặt".

Coronavirus sẽ không bao giờ trở lại

Tổng thống Trump từng tuyên bố "Coronavirus sẽ không bao giờ trở lại". Khi được hỏi tại sao biết chắc chắn như vậy, ông phủ nhận ông không hề nói như thế. Tuy nhiên, Centers for Disease Control and Prevention đã cảnh báo rằng đợt tấn công thứ hai của coronavirus có thể sẽ trùng hợp với mùa bệnh cúm vào cuối năm nay. Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia (National Institute of Allergy and Infectious Diseases-NIAID) cũng xác nhận như vậy.

Tổng thống Trump thất bại trong việc đối phó với đại dịch Covid-19 vì thiếu hoạch định, thiếu tổ chức, và thiếu lãnh đạo. Hậu quả là tính đến hôm nay, 24/4/2020, đã có 50.111 người chết vì Covid-19 và ít nhất có 879.000 người xác nhận bị nhiễm bệnh ở Hoa Kỳ. Chỉ vài ngày nữa con số này sẽ lên trên một triệu.

Trong tình trạng này, Tổng thống Trump thỉnh thoảng đưa những thuốc thánh để tạo cho công chúng những hi vọng giả tạo và làm họ tạm quên đi những thực tế phú phàng là Hoa Kỳ thiếu nghiệm trọng những thiết bị y tế như bộ thử nghiệm coronavirus, máy thở, khẩu trang, găng tay y tế trong khi chưa tìm ra thuốc chủng.

Ý kiến về những lãnh vực khác...

Tổng thống Trump không ngừng đóng góp ý kiến của ông không những về đại dịch Covid-19 mà còn về những lãnh vực khác. Ông từng huênh hoang nói "Tôi biết nhiều về ISIS (Islamic State of Iraq and Syria) hơn các tướng. Hãy tin tôi". Dĩ nhiên chắc không ai tin ông cả.

Một người có học thức chút đỉnh cũng phải phì cười khi Tổng thống Trump nói những câu vô nghĩa lý như "Tiếng động của quạt máy (windmill) phát điện gây ra ung thư", hay "New York lạnh cứng và có tuyết. Chúng ta cần hâm nóng toàn cầu".

Là một nhà lãnh đạo một nước văn minh lớn, khi nói trước công chúng Tổng thống Trump cần đưa ra những thông tin đã kiểm chứng, có căn bản khoa học, chứ không phải tung ra những câu nói tầm phào như thể nói với bạn bè trong lúc trà dư tửu hậu.

Lời tuyên bố của Tổng thống Trump về việc dùng những chất tẩy uế để trị Covid-19 quả thực đã đi quá xa, ngoài sức tưởng tượng của mọi công dân bình thường.

Nguyễn Quốc Khải

(25/04/2020)

Additional Info

  • Author Nguyễn Quốc Khải
Published in Diễn đàn

Vai trò "nhân tố tiềm tàng làm thay đổi cuộc chơi trên toàn cầu" của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) có thể sẽ được bộc lộ một cách đầy đủ tại Biển Đông.

bd1

Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động tại tuyến hàng hải quốc tế trong bối cảnh Bộ Quốc phòngg Mỹ phải vật lộn với 1.500 ca được xác định là nhiễm virus SARS-CoV-2 trong lực lượng quân đội của họ.

Đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc và lên tới đỉnh điểm hồi tháng 2/2020 vừa qua, được coi là dịch bệnh nghiêm trọng nhất. Mặc dù đang phải nỗ lực để ngăn chặn làn sóng bùng phát Covid-19 lần thứ hai, song Trung Quốc cũng đang dần trở lại nhịp sống bình thường thông qua việc phô trương sức mạnh quân sự. Trong khi đó, Mỹ đang ở vào thời kỳ đỉnh dịch Covid-19 với số lượng người nhiễm và tử vong cao ngất. Có thể nói, SARS-CoV-2 đã gây cản trở cho bất kỳ hoạt động quân sự nào của Mỹ ở Biển Đông.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ, gần đây đã tới thăm Việt Nam, hiện neo đậu tại đảo Guam sau khi có báo cáo cho biết trên con tàu này có hơn 170 ca nhiễm Covid-19. Mọi việc trở nên xấu đi sau khi thuyền trưởng của con tàu này là ông Brett Crozier bị sa thải vì ông đã viết một bức thư thúc giục hải quân Mỹ tăng cường các biện pháp kiểm soát đợt bùng phát dịch Covid-19 trên tàu. Bức thư đã bị rò rỉ cho giới truyền thông.

Một tàu sân bay khác của Hải quân Mỹ đang neo đậu tại vùng biển Châu Á là tàu USS Ronald Reagan. Tuần trước, một quan chức quốc phòng Mỹ nói với hãng tin CNN rằng trên con tàu này có "rất nhiều" ca dương tính với SARS-CoV-2. Con tàu này hiện neo đậu tại Yokosuka (Nhật Bản) để bảo dưỡng. Các ca dương tính Covid-19 khác trong lực lượng quân đội Mỹ được cho là ở một căn cứ Hải quân tại Sasebo (Nhật Bản) và tại Hàn Quốc.

Một số nhà phân tích, chẳng hạn như Carl Schuster - một thuyền trưởng đã nghỉ hưu của lực lượng hải quân Mỹ và là cựu giám đốc phụ trách các chiến dịch tại Trung tâm Tình báo Liên quân của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ - cho rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể sẽ tận dụng lợi thế trong lúc Mỹ đang phải tập trung sự chú ý cho một vấn đề nghiêm trọng khác. Ông nói : "Tôi cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng việc hải quân Mỹ phải đối mặt với những thách thức từ SARS-CoV-2 để tăng cường vị thế ở Biển Đông bằng cách hiện diện và hoạt động tùy thích".

Vụ một tàu thuộc lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Trung Quốc mới đây đâm chìm một tàu cá của Việt Nam chỉ càng củng cố lập luận rằng mục tiêu của Trung Quốc là giành lợi thế ở Biển Đông. Siêu cường thứ 2 thế giới này tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông và tỏ ra coi thường những lời phản đối của quốc tế và khu vực. Sự phản kháng của các nước láng giềng cũng không phải là thách thức đối với lực lượng quân sự quy mô lớn của Trung Quốc, vì vậy, khu vực này phụ thuộc vào sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ với hy vọng sự hiện diện đó sẽ làm đối trọng với Trung Quốc. Tuy nhiên, do sự bùng phát của đại dịch Covid-19, hiện giờ Mỹ dường như bị "trói tay" phần nào, ngoài việc lên tiếng chỉ trích chính phủ Trung Quốc đang tăng cường đưa ra những "tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp" ở Biển Đông.

Nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết Mỹ "quan ngại sâu sắc" về việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam, khiến 8 ngư dân Việt Nam bị hất khỏi tàu khi con tàu này chìm. Bà nhấn mạnh : "Vụ việc này là sự kiện mới nhất trong một loạt hành động lâu nay của Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) nhằm khẳng định các tuyên bố hàng hải bất hợp pháp của họ và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông". Bà cho rằng Trung Quốc nên "tập trung vào việc tiếp tục hỗ trợ cộng đồng quốc tế trong nỗ lực chống đại dịch toàn cầu này và ngừng lợi dụng sự sao nhãng hay tình trạng dễ bị tổn thương của các quốc gia khác để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền phi pháp tại Biển Đông".

Tuyên bố của bà Ortagus cũng chỉ ra rằng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Bắc Kinh đã lợi dụng tình hình để công bố 2 trạm nghiên cứu mới mà nước này thiết lập tại các căn cứ quân sự ở Đá Chữ Thập và Đá Subi, đồng thời đưa một máy bay quân sự đặc biệt ra Đá Chữ Thập.

James Patterson

Nguyên tác : With US Sideswiped By Coronavirus, Beijing Steps Up Operations In South China Sea, International Business Times, 08/04/2020

Minh Anh giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 24/04/2020

James Patterson, nhà báo tại Thời báo kinh doanh quốc tế (IBTimes). Bài viết được đăng trên báo IBTimes

Additional Info

  • Author James Patterson, Minh Anh
Published in Diễn đàn

Cuộc khủng hoảng Covid-19 có lẽ không phải là thời điểm bước ngoặt cho các nền kinh tế và chính trị như những gì mà nhiều người lập luận. Thay vì đưa thế giới vào một hướng đi khác biệt, nhiều khả năng cuộc khủng hoảng này lại củng cố và bảo vệ những xu hướng vốn đã tồn tại.

dinhhinh1 - Copie

Các cuộc khủng hoảng thường xảy ra theo 2 biến thể : có những cuộc khủng hoảng chúng ta không thể chuẩn bị trước bởi không ai tiên đoán được chúng, và có những cuộc khủng hoảng mà lẽ ra chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng vì thực tế là chúng đã được dự báo. Đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (Covid-19) được xếp vào loại thứ 2, cho dù Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu như thế nào đi chăng nữa để trốn tránh trách nhiệm trước thảm họa lan rộng này. Mặc dù virus Corona vốn dĩ là loại virus mới và thời điểm bùng phát hiện nay không thể dự liệu trước, nhưng các chuyên gia đã nhận biết rõ ràng rằng một đại dịch theo dạng thức này có thể sẽ xảy ra.

Dịch SARS, MERS, H1N1 và các đợt bùng phát bệnh dịch khác đã đưa ra rất nhiều lời cảnh báo. Cách đây 15 năm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã sửa đổi và nâng cấp khuôn khổ ứng phó dịch bệnh toàn cầu, trong đó cố gắng khắc phục những thiếu sót đã được nhận ra trong cách thức ứng phó toàn cầu trước đợt bùng phát dịch SARS xảy ra hồi năm 2003.

Năm 2016, Ngân hàng Thế giới thành lập Chương trình Tài chính Khẩn cấp cho Đại dịch nhằm cung cấp viện trợ cho các nước thu nhập thấp trong việc đối phó với các cuộc khủng hoảng y tế xuyên biên giới. Chỉ vài tháng trước khi Covid-19 xuất hiện ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, một báo cáo của chính phủ Mỹ đã cảnh báo chính quyền Trump về khả năng xảy ra một đại dịch cúm với cấp độ như dịch cúm đã xảy ra 100 trước, từng khiến khoảng 50 triệu người tử vong trên thế giới.

Giống như biến đổi khí hậu, Covid-19 là một cuộc khủng hoảng chực chờ xảy ra. Cách ứng phó của Mỹ thì đặc biệt tệ hại. Trong nhiều tuần, Trump đã xem thường tính chất nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng. Đến khi số ca lây nhiễm và nhập viện bắt đầu tăng nhanh, nước này mới tự nhận thấy sự thiếu thốn nghiêm trọng các dụng cụ như bộ xét nghiệm, khẩu trang, máy thở và các nguồn cung y tế khác.

Mỹ đã không yêu cầu các bộ xét nghiệm sẵn có của WHO mà cũng không thể kịp thời sản xuất những bộ xét nghiệm đáng tin cậy. Trump đã từ chối sử dụng thẩm quyền của ông để trưng thu các nguồn cung y tế từ các nhà sản xuất tư nhân, do đó buộc các bệnh viện và các cơ quan nhà nước phải tranh giành và cạnh tranh với nhau để đảm bảo nguồn cung.

Châu Âu cũng đang trả giá đắt cho sự chậm trễ trong xét nghiệm và áp dụng phong tỏa, với việc Ý, Tây Ban Nha, Pháp và Anh đang chịu tổn thất lớn. Một số nước Đông Á đã ứng phó hiệu quả hơn. Hàn Quốc, Singapore và Hong Kong có vẻ đã kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh thông qua sự kết hợp các biện pháp xét nghiệm, truy vết và cách ly nghiêm ngặt.

Những tương phản đáng chú ý cũng nổi lên ngay bên trong các nước. Ở miền Bắc Ý vùng Veneto đã làm tốt hơn nhiều so với vùng Lombardy kế bên, phần lớn là nhờ vào việc xét nghiệm toàn diện hơn và sớm áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại. Tại Mỹ, các bang nằm liền kề nhau là Kentucky và Tennessee đã thông báo các trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 chỉ cách nhau một ngày. Đến cuối tháng 3, số ca nhiễm tại bang Kentucky chỉ bằng 1/4 số ca nhiễm tại bang Tennenesse, do bang này đã hành động nhanh chóng hơn để tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đóng cửa mọi dịch vụ tiện ích công cộng.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này phần lớn đã xảy ra theo những cách thức mà người ta có thể tiên đoán được dựa trên mô hình quản trị phổ biến ở các nước khác nhau. Cách tiếp cận kém cỏi, vụng về, tự cao tự đại của Trump trong việc kiểm soát cuộc khủng hoảng không hề gây ngạc nhiên, bởi nó vốn luôn gây tai hại. Tương tự, vị Tổng thống kiêu ngạo của Brazil, Jair Bolsonaro, đã tiếp tục hạ thấp những mối rủi ro này.

Mặt khác, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều chính phủ ứng phó nhanh nhạy và hiệu quả hơn chính trong lúc họ vẫn giữ được lòng tin của dân chúng, như ở Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan.

Cách ứng phó của Trung Quốc vốn mang đặc trưng điển hình của nước này : trấn áp thông tin liên quan sự lây lan của virus, thắt chặt kiểm soát xã hội, và huy động đại trà các nguồn lực một khi mối đe dọa trở nên rõ ràng. Trong khi đó, Turkmenistan cấm sử dụng cụm từ "virus Corona" cũng như cấm đeo khẩu trang nơi công cộng. Tại Hungary, Thủ tướng Viktor Orban đã lợi dụng cuộc khủng hoảng nhằm củng cố mạng lưới quyền lực của bản thân, thông qua việc giải tán Quốc hội sau khi đã tự trao cho mình quyền lực đặc biệt không giới hạn trong tình trạng khẩn cấp hiện nay.

Có vẻ như cuộc khủng hoảng này đã làm nổi rõ những đặc điểm chi phối chính trị mỗi nước. Trên thực tế, các nước đang cường điệu hóa mô hình của mình. Điều này cho thấy có lẽ cuộc khủng hoảng này không phải là thời điểm bước ngoặt cho các nền chính trị và kinh tế như những gì mà nhiều người lập luận. Thay vì đưa thế giới vào một hướng đi khác biệt, nhiều khả năng cuộc khủng hoảng này lại củng cố và bảo vệ những xu hướng vốn đã tồn tại.

Tóm lại, Covid-19 có lẽ không làm thay đổi - chưa nói tới là làm đảo ngược - các xu hướng tồn tại từ trước khủng hoảng. Chủ nghĩa tự do mới sẽ tiếp tục dần dần đi tới hồi kết. Xu hướng toàn cầu hóa thái quá sẽ vẫn ở thế "phòng thủ" trong khi các nhà nước độc lập giành lại không gian chính trị. Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục hục hặc, đấu đá nhau. Và cuộc chiến giữa các nhà đầu sỏ chính trị, những người theo chủ nghĩa dân túy độc đoán, và những người theo xu hướng quốc tế tự do tại các quốc gia sẽ mãnh liệt hơn, trong khi phái tả sẽ gắng hết sức để vạch ra được một chương trình có thể thu hút đa số cử tri.

Dani Rodrik

Nguyên tác : Will Covid-19 Remake the World ?, Project Syndicate, 06/04/2020

Minh Anh giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 23/04/2020

Dani Rodrik, Giáo sư Kinh tế Chính trị Quốc tế tại Trường Quản lý nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard. Bài viết được đăng trên Project Syndicate

Additional Info

  • Author Dani Rodrik
Published in Diễn đàn

Mỹ và Châu Âu cần nhanh chóng học hỏi cách đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) của khu vực Đông Á để ngăn chặn tình hình ngày càng trở nên tồi tệ.

dongtay1

Các nước Đông Á đang làm tốt hơn Mỹ và Châu Âu trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19, cho dù thực tế là đại dịch này bùng phát đầu tiên tại Trung Quốc, quốc gia mà phần còn lại của Đông Á có quan hệ gần gũi về thương mại và du lịch. Mỹ và Châu Âu cần nhanh chóng học tập các cách tiếp cận của khu vực Đông Á để có thể cứu vớt tính mạng của rất nhiều người ở phương Tây và phần còn lại của thế giới.

dongtay2

Điểm quan trọng đầu tiên để so sánh giữa hai khu vực là tỷ lệ số ca nhiễm Covid-19 được xác định và số ca tử vong trên 1 triệu dân, được thể hiện trong bảng biểu ngày 7/4 của trang mạng worldmeters.info. Nhìn vào những số liệu đó, cứ như thể hai khu vực này là hai thế giới khác biệt. Châu Âu và Mỹ đang chìm trong đại dịch : số ca nhiễm bệnh/1 triệu dân nằm trong khoảng 814 (Anh) tới 3.036 (Tây Ban Nha), và số ca tử vong/1 triệu dân nằm trong khoảng từ 24 đến 300 ca. Ở các nước Đông Á, cứ 1 triệu dân thì có từ 3 (Việt Nam) tới 253 (Singapore) ca nhiễm Covid-19 được xác định, còn số ca tử vong/1 triệu dân chỉ từ 0 tới 4 ca.

Các nước Đông Á thực hiện thống kê số ca mắc bệnh và số ca tử vong ở quy mô tương đương với các nước phương Tây. Tỷ lệ được xét nghiệm/1 triệu dân của cả hai khu vực đều tương đương nhau. Điều quan trọng là, sự khác biệt giữa hai khu vực này không tương ứng với tình trạng phong tỏa kinh tế cứng rắn hơn ở Đông Á. Google gần đây đã công bố số liệu rất thú vị về tỷ lệ suy giảm hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Số liệu của Google cho thấy cuộc sống thường nhật ở Đông Á (so với đến cuối tháng 3) ít bị gián đoạn hơn.

Sự chênh lệch về kết quả kinh tế và y tế công cộng của Đông Á và các nước phương Tây phản ánh 3 điều khác biệt then chốt giữa hai khu vực này. Đầu tiên, các nước Đông Á được chuẩn bị tốt hơn rất nhiều để đối phó với một dịch bệnh mới bùng phát. Dịch SARS năm 2003 là một tiếng chuông cảnh tỉnh, và dịch sốt xuất huyết thường xuyên xuất hiện ở nhiều nước Đông Á đã càng giúp củng cố thêm sự cảnh giác này. Ở Châu Âu và Mỹ, lo ngại về SARS, Ebola, Zika, và dịch sốt xuất huyết dường như rất xa vời, trừu tượng, và (ngoại trừ dịch SARS) đa phần các dịch bệnh này đều chỉ ở vùng "nhiệt đới". Việc thường xuyên phải đối phó với dịch bệnh khiến khu vực này có mức độ cảnh giác cao hơn nhiều khi Trung Quốc lần đầu tiên thông báo công khai về các ca mắc bệnh viêm phổi bất thường ở Vũ Hán vào ngày 31/12/2019.

Trong việc kiểm soát dịch bệnh, hành động sớm là điều rất quan trọng. Bắt đầu từ đầu tháng 1, phần lớn các nước láng giềng của Trung Quốc đã bắt đầu giảm bớt việc đi lại với Trung Quốc, và ngay lập tức tăng cường thực hiện xét nghiệm và giám sát. Trung Quốc và nhiều nước khác đã triển khai các công nghệ kỹ thuật số mới để giám sát sự lây lan của dịch bệnh.

Các nước phương Tây lại không hề quan tâm tới dịch Covid-19 khi dịch này lần đầu tiên xuất hiện. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh của Mỹ (CDC) đã liên lạc với CDC của Trung Quốc vào ngày 3/1. Trường hợp đầu tiên được xác nhận mắc Covid-19 ở Mỹ là vào ngày 20/1. Cho dù vậy, những biện pháp hạn chế cần thiết không được xem xét một cách nghiêm túc. Theo những ước tính gần đây, 430.000 người đã từ Trung Quốc tới Mỹ sau khi dịch bệnh được tiết lộ, trong đó có khoảng 40.000 người trở về Mỹ sau khi Tổng thống Trump ban hành lệnh cấm đi lại.

Người dân Đông Á cũng hiểu biết nhiều hơn về các biện pháp phòng ngừa thích hợp. Khẩu trang được sử dụng rộng rãi, ít nhất là từ sau dịch SARS. Ngược lại, các nhà chức trách phương Tây lại nói rằng người dân không cần phải đeo khẩu trang, một phần là bởi họ chỉ có nguồn cung cấp hạn chế khẩu trang bảo vệ cho các nhân viên y tế, và một phần cũng bởi các quan chức đánh giá thấp tác dụng của khẩu trang trong việc giúp giảm số các ca mắc mới. Tương tự như vậy, nước rửa tay khô, giữ khoảng cách với nhau xa hơn, và không thường xuyên bắt tay đều là một phần trong cuộc sống thường nhật của người Đông Á.

Cuối cùng, các nhà chức trách ở Đông Á đã tăng cường kiểm tra các triệu chứng bệnh của người dân ở các khu vực công cộng, công sở, và những nơi tập trung đông dân khác. Nhiều doanh nghiệp đã tiến hành kiểm tra thân nhiệt của tất cả người lao động khi họ đến nơi làm việc. Máy đo nhiệt độ cũng được sử dụng ở các trạm trung chuyển như sân bay và ga tàu. Điều này gần như vẫn chưa được áp dụng ở Mỹ và Châu Âu.

Trung Quốc là nơi xảy ra dịch Covid-19 tồi tệ nhất ở Đông Á, và có thể coi là bài học quan trọng nhất đối với Mỹ và Châu Âu. Không giống như các nước láng giềng, Trung Quốc đã phải hứng chịu dịch bệnh này trong nhiều tuần, từ khoảng giữa tháng 12/2019 tới giữa tháng 1/2020. Trung Quốc đã phong tỏa Vũ Hán vào ngày 23/1, khi đã có 375 ca mắc Covid-19 được xác nhận ở tỉnh Hồ Bắc, và có thể còn có rất nhiều các ca nhiễm khác chưa được xét nghiệm (có thể có triệu chứng hoặc không có triệu chứng bệnh). Virus này đã bắt đầu lây lan ra khắp Trung Quốc khi có thêm 196 ca được xác định dương tính.

Tại thời điểm đó, Trung Quốc đã hành động rất quyết liệt. Nước này dừng mọi hoạt động đi lại và di chuyển ở nơi công cộng ; nhanh chóng triển khai các hệ thống online để theo dõi các cá nhân và buộc phải thực thi các lệnh phong tỏa ; tích cực xét nghiệm và giám sát trên diện rộng các triệu chứng bệnh. Các biện pháp này rất mạnh mẽ và gặp nhiều chỉ trích. Tuy nhiên, chúng cũng rất hiệu quả. Trung Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh này chỉ trong vòng vài tuần - điều mà nhiều chuyên gia cho là không thể.

Nhiều người nghi ngờ rằng liệu các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt của Trung Quốc có hiệu quả hay không hay liệu chúng có được chấp nhận ở Mỹ hay không. Tuy nhiên, Mỹ phải học hỏi từ thành công của Trung Quốc, và từ thành công của khu vực Đông Á nói chung. Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, đã nói : "Cách tiếp cận chúng ta cần áp dụng hiện nay là cách mà phần lớn mọi người sẽ cho là quá quyết liệt, bởi vì những cách khác sẽ không đủ quyết liệt".

Châu Âu và Mỹ vẫn chưa thể kiểm soát được dịch bệnh, và tình trạng thiếu máy trợ thở, nhân viên y tế bị tử vong do thiếu các thiết bị bảo hộ càng khiến thảm kịch này tồi tệ hơn. Phản ứng của ngành y tế công sẽ đóng vai trò quyết định trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19, trước khi dịch bệnh này tàn phá phương Tây và nhiều nơi khác trên thế giới. Cách tiếp cận đúng đắn đòi hỏi Mỹ và Châu Âu học tập cách đối phó với dịch bệnh của khu vực Đông Á một cách nhanh nhất có thể.

Jeffrey D. Sachs

Nguyên tác : The East-West Divide in Covid-19 Control, Project Syndicate, 08/04/2020

Minh Anh giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 23/04/2020

Giáo sư Jeffrey D. Sachs - Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững của trường Đại học Columbia và cũng là giám đốc của Mạng lưới các Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc. Bài viết được đăng trên Project Syndicate

Additional Info

  • Author Jeffrey D. Sachs
Published in Diễn đàn

Chính quyền Hồng Kông cải tổ nội các (RFI, 23/04/2020)

Trưởng đặc khu Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, ngày 22/04/2020 xác nhận bổ nhiệm 5 bộ trưởng mới trong nội các. Đây là đợt cải tổ chính phủ đầu tiên kể từ khi bà lên nắm quyền lãnh đạo đặc khu hành chính vào ngày 01/07/2017.

hongkong1

Lãnh đạo chính quyền Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cùng 5 bộ trưởng vừa được bổ nhiệm ngày 22/04/2020. Reuters - Stringer

Tuy nhiên, theo nhận định của thông tín viên Florence de Changy từ Hồng Kông, động thái này cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh can dự ngày càng nhiều hơn vào chuyện nội bộ của đặc khu :

Lâm Trịnh Nguyệt Nga ra sức "bảo đảm" rằng đợt cải tổ nội các này chẳng có gì liên quan đến cuộc tranh cãi trong những ngày qua về vai trò của Văn phòng Liên lạc của Bắc Kinh trong chuyện nội bộ của Hồng Kông.

Thế nhưng, việc bộ trưởng phụ trách các vấn đề Hiến Pháp bị mất chức và được chỉ định ở một vị trí thấp hơn lại cho thấy điều ngược lại. Ông Patrick Nip trước đó đã phải lên tiếng xin lỗi về những lộn xộn gây ra sau một chuỗi các thông cáo nói một đằng và phát biểu của ông nói một nẻo liên quan đến quyền can thiệp vào chuyện nội bộ Hồng Kông của Bắc Kinh.

Theo Basic Law, một dạng Hiến Pháp Hồng Kông, không một cơ quan đại diện nào cho chính quyền trung ương có quyền can thiệp vào công việc nội bộ Hồng Kông. Nhưng kể từ hôm thứ Sáu, 17/4, Văn phòng Liên lạc của Bắc Kinh tại Hồng Kông, đã khẳng định không phải tuân theo quy định này nữa.

Cách diễn giải mới một chiều về Hiến Pháp Hồng Kông này làm dấy lên lo ngại về quyết tâm can thiệp của Bắc Kinh vào chuyện nội bộ tại đặc khu hành chính này.

Minh Anh

******************

Trung Quốc lợi dụng dịch Covid để "bóp nghẹt" phe dân chủ Hồng Kông (RFI, 22/04/2020)

Thứ Bảy 18/04/2020, cảnh sát Hồng Kông đã bất ngờ mở cuộc bố ráp, câu lưu cùng một lúc 14 lãnh đạo phong trào dân chủ, với lý do là họ đã hỗ trợ hoặc tham gia những đợt biểu tình năm ngoái. Đối với giới quan sát, Bắc Kinh rõ ràng đang lợi dụng thời cơ thuận lợi cho họ để triệt hạ phong trào dân chủ tại Hồng Kông. 

hongkong2

Cựu nghị sĩ, nhà tranh đấu dân chủ Lý Trụ Minh (Martin Lee) trả lời báo giới, sau khi rời khỏi trụ sở cảnh sát Hồng Kông, ngày 18/04/2020. AFP - ISAAC LAWRENCE

Chính quyền Trung Quốc bắt đầu các động thái hù dọa khi sắp đến những thời điểm nhạy cảm, như kỷ niệm phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh vào tháng Sáu và nhất là trước cuộc bầu cử Nghị Viện Hồng Kông vào tháng Chín.

Về mặt thời cơ, dịch Covid-19 bùng lên làm thế giới lao đao đối phó là cơ hội tốt để Bắc Kinh siết chặt gọng kềm, thẳng tay triệt hạ phong trào dân chủ Hông Kông mà ít bị các nước ngoài gây phiền toái. Con số 14 người bị câu lưu hôm 18/04, trong đó có 2 phụ nữ, đều là những cựu nghị sĩ, luật sư, nhà đấu tranh, những gương mặt tiêu biểu của phong trào dân chủ.

Nổi bật trong số này có luật sư Công Giáo Lý Trụ Minh (Martin Lee), 82 tuổi, được mệnh danh là "người cha của nền dân chủ" ở Hồng Kông, người đã góp phần soạn ra bản "Hiến Pháp" cho đặc khu, hay Lê Trí Anh (Jimmy Lai), cũng là một nhân vật Công Giáo, 72 tuổi, chủ nhân của nhật báo đối lập duy nhất tại Hồng Kông, tờ Apple Daily, từng bị bắt vào tháng Hai, hay nữ nghị sĩ Ngô Ái Nghi (Margaret Ng), 72 tuổi, gương mặt tiêu biểu của các nghị sĩ dân chủ Hồng Kông.

14 nhân vật bị bắt đều bị buộc tội tham gia hoặc tổ chức những cuộc biểu tình vào năm ngoái để phản đối Bắc Kinh và chính quyền đặc khu. Một số người đã được tự do sau khi đóng tiền bảo lãnh vào tối ngày 18/04, nhưng tất cả đều phải ra hầu tòa ngày 18/05/2020.

Giới bảo vệ nhân quyền cực lực lên án Bắc Kinh

Bà Sophie Richardson, giám đốc đặc trách Trung Quốc của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, đã phản ứng mạnh mẽ : Những vụ bắt bớ hàng loạt này là thêm một cái đinh đóng vào quan tài của khái niệm "Một đất nước hai chế độ".

Đối với ông Chris Patten, lãnh đạo người Anh cuối cùng ở Hồng Kông, "Bắc Kinh đã kiên quyết bóp nghẹt Hồng Kông", còn nữ nghị sĩ Hồng Kông Mao Mạnh Tĩnh (Claudia Mo) nhìn thấy một "chế độ khủng bố đang được thiết lập".

Trả lời đài phát thanh Thụy Sĩ RTS hôm 20/04, bà Mao Mạnh Tĩnh ghi nhận là Bắc Kinh "biết rõ là chúng tôi không thể xuống đường rầm rộ, và không có nguy cơ có cả triệu người biểu tình" phản đối vào lúc này.

Hù dọa trước những ngày lễ quan trọng

Dorian Malovic, thông tín viên tại Châu Á của báo La Croix, trong bài viết ngày 19/04, phân tích là vụ bắt người chọn lọc rất kỹ này không ngoài mục tiêu hù dọa và khóa miệng phe dân chủ vào lúc cuộc bầu cử Nghị Viện Hồng Kông sẽ diễn ra vào tháng 9 tới đây và phe thân Bắc Kinh lo ngại bị mất đa số. 

Vì dịch Covid-19, các vụ xuống đường đã phải dừng lại, nhưng những lời kêu gọi thúc đẩy trở lại phong trào phản kháng vẫn vang lên, vào lúc Bắc Kinh đứng trước một thời điểm nhạy cảm với một loạt ngày kỷ niệm, như kỷ niệm phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh 1989 ngày 04/06, kỷ niệm ngày bắt đầu phong trào biểu tình chống Bắc Kinh và chính quyền tại chỗ ngày 12/06, chưa kể đến ngày 01/07, ngày Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc năm 1997.

Tất cả những ngày này có nguy cơ làm dấy lên trở lại một đợt xuống đường mới mà chính quyền Bắc Kinh muốn tránh bằng mọi giá.

Hoa Kỳ và Anh Quốc lên án vụ bắt người ở Hồng Kông

Tuy đang bị dịch Covid-19 đe doa nghiêm trọng, nhưng Hoa Kỳ và Anh Quốc đã có ngay phản ứng trước cuộc bố ráp tại Hồng Kông.

Theo hãng Reuters, Washington ngay hôm 18/04, đã lên tiếng cho rằng hành động của Trung Quốc "không phù họp với những cam kết quốc tế" của Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã không vòng vo, giải thích : "Bắc Kinh và đại diện của họ ở Hồng Kông tiếp tục có những biện pháp không phù hợp với những cam kết đưa ra" trong khuôn khổ thỏa thuận trao Hồng Kông lại cho Trung Quốc. Ông nêu lên các lời hứa tôn trọng sự minh bạch, các quy tắc pháp lý và những bảo đảm cho khu đặc quyền hành chính được hưởng "mức độ tự trị cao".

Nền ngoại giao Anh cũng lên tiếng, cho biết là chính phủ Anh chờ đợi là các vụ bắt giữ và thủ tục pháp lý phải được tiến hành một cách "công minh, minh bạch".

Một đại diện ngoại giao Anh nói thêm rằng biểu tình là một "quyền cơ bản" ở Hồng Kông và "chính quyền nên tái lập sự tin tưởng qua đối thoại chính trị".

Bắc Kinh có thể đang đùa với lửa

Tuy nhiên cuộc tấn công mới của Trung Quốc có thể làm Hồng Kông bùng cháy lên trong những tháng tới đây theo nhận định của chuyên gia Pháp Jean-Pierre Cabestan : "Hành động của cảnh sát là nhằm tăng sức cho phe thân chính quyền và khóa miệng phe đối lập. Nhưng những nỗ lực nhằm hạn chế quyền tự trị của Hồng Kông có thể sẽ châm lại ngòi nổ làm xã hội Hồng Kông đứng lên chống lại chính quyền tại chỗ và Bắc Kinh".

Ông Cabestan còn nhìn thấy "Bắc Kinh cũng đang thử sức Mỹ và ở mức độ thấp hơn Anh Quốc. Đây là một cuộc đọ sức giữa Trung Quốc với phương Tây, giữa Trung Quốc và thế giới dân chủ. Đây là một bóng đen đáng lo ngại trong quan hệ hai bên trong thời gian tới".

Mai Vân

Additional Info

  • Author Mai Vân, Minh Anh
Published in Châu Á

"Cuộc tiến công mùa xuân" của Việt Nam trước virus corona (RFI, 22/04/2020)

Với chưa đầy 300 ca dương tính và không có trường hợp tử vong nào, hiện nay Việt Nam đang thành công trong việc chận đứng được nạn dịch virus corona chủng mới. Trang web của Le Monde ngày 20/04/2020 trong bài viết "Cuộc tổng tiến công mùa xuân thành công của Việt Nam chống lại Covid-19" đã nhận định như trên.

vn1

Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Tô Anh Dũng trao tặng khẩu trang chống dịch virus corona cho đại sứ Ý tại Việt Nam, ông Antonio Alessandro tại Hà Nội ngày 07/04/2020. © Khanh/VNA via Reuters

Có một "ngoại lệ Việt Nam" chăng ? Một số nhà quan sát và báo chí Châu Á tự hỏi. Quả thật là tỉ lệ người bị nhiễm rất thấp : theo số liệu của Bộ Y tế Việt Nam đến cuối tuần qua, chỉ có 268 ca bị nhiễm, 171 người đã khỏi bệnh, không có ai bị thiệt mạng vì con virus đến từ Vũ Hán (cập nhật theo báo chí trong nước : số người khỏi bệnh đến hôm nay 21/4 là 216 người).

Đất nước nằm sát Trung Quốc đã nhanh chóng tránh được hậu quả tai hại của nạn dịch qua việc đóng cửa biên giới với người láng giềng khổng lồ từ ngày 01/02, không mở cửa lại các trường học sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Việt Nam còn phong tỏa toàn quốc từ đầu tháng Tư, buộc cách ly hàng loạt một số địa phương bị coi là ổ dịch từ giữa tháng Hai.

Le Monde dẫn lời Kidong Park, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Hà Nội : "Việt Nam đã đánh giá nguy cơ từ đầu tháng Giêng, ít lâu sau loan báo của Trung Quốc về việc xuất hiện những ca bị lây nhiễm đầu tiên". Qua kết quả chống dịch tốt, phó thủ tướng Vũ Đức Đam tuần trước còn loan báo rằng con virus "đang nằm trong vòng kiểm soát".

Với mạng xã hội, khó thể giấu được một nạn dịch quy mô lớn

Ngoại lệ này không có gì là bí mật, đó là kết quả của một chính sách hiệu quả : nhận diện và theo dõi những người và những nhóm bị lây nhiễm, hoặc có nguy cơ lây nhiễm. Chiến lược này dựa trên hệ thống kiểm soát dân cư, một trong số những dấu ấn của chế độ toàn trị đang lãnh đạo cả nước kể từ khi đoàn quân cộng sản "giải phóng" Saigon năm 1975.

Một người Pháp gốc Việt mới từ Paris về thành phố Hồ Chí Minh (Saigon cũ) cách đây không lâu cho biết qua điện thoại : "Khi xét nghiệm thấy tôi bị dương tính với virus corona, lập tức tôi được yêu cầu trả lời một bảng câu hỏi, trong đó phải ghi ra tên của tất cả những người mà tôi đã gặp gỡ, tiếp xúc. Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn của chuyến bay mà tôi đi từ Pháp, đều được xét nghiệm và cách ly".

Người Việt kiều ẩn danh, thường xuyên qua lại giữa Paris và Việt Nam thổ lộ : "Tại Việt Nam, công an không ngần ngại đánh thức bạn vào lúc 1 giờ sáng để báo cho biết một trong những người mà bạn có quan hệ đã bị dương tính với virus. Đó là một hệ thống can thiệp sâu nhưng đa số người dân đều tuân theo".

Việc giám sát phong tỏa cũng rất nghiêm ngặt, những ai vi phạm quy định bị trừng phạt nghiêm khắc : gần đây một công dân không đeo khẩu trang và còn đánh lại cán bộ của chốt kiểm soát phòng chống dịch, đã bị lãnh 9 tháng tù.

Một cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Jean-Noël Poirier vừa nằm viện ở Hà Nội do bị dương tính với virus, trong một bài viết đăng trên trang mạng của tạp chí Causeur cho biết "chiến lược chống dịch của Việt Nam là đơn giản, có phần xâm phạm cuộc sống riêng tư".

Ghi nhận tính chất "Nho giáo" của một đất nước dựa trên sức mạnh của "một nhóm người gắn bó, kỷ luật - và nếu có thể, được lãnh đạo tốt - luôn chiến thắng một đám đông các cá nhân mạnh ai nấy làm", nhà ngoại giao hoan nghênh tính hiệu quả của một chiến lược đã giúp Việt Nam đạt được "các kết quả phi thường".

Sự trộn lẫn triết lý Nho giáo với độc đoán chính trị chừng như đã mang lại kết quả tốt : Việt Nam là một trong ba nước Đông Nam Á, cùng với Lào và Cam Bốt, không có trường hợp tử vong nào do con virus từ Vũ Hán. Nếu sự khả tín của số liệu Lào và Cam Bốt còn phải xem lại, thì chế độ Việt Nam bình thường vốn tiết kiệm thông tin, lần này đã tỏ ra minh bạch.

Ông Poirier ghi nhận : "Các bệnh viện không bị quá tải, lượng bệnh nhân nhập viện và ra viện nằm trong vòng kiểm soát". Còn người Việt kiều bị dương tính trên đây vừa được ra khỏi bệnh viện cũng nhận xét : "Tại Việt Nam, tất cả mọi người đều dán mắt vào mạng xã hội, nên rất khó giấu nổi một nạn dịch có quy mô lớn".

"Chơi xỏ" Trung Quốc

Trước thành công này, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phấn khởi so sánh với cuộc "tổng tiến công mùa xuân" năm 1968, đã gây ngạc nhiên cho người Mỹ và đồng minh Việt Nam Cộng Hòa trong chiến tranh trước đây. Hà Nội còn dám "chơi xỏ" Trung Quốc, láng giềng có quan hệ ngày càng phức tạp thậm chí rất ghét nhau. Trong lúc Bắc Kinh lao vào chiến dịch "ngoại giao virus corona" với việc xuất khẩu vật liệu thiết bị y tế, Việt Nam vừa tặng nửa triệu khẩu trang cho Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh…

Ngày 06/04, báo chí đã làm đậm chiến lược này khi đăng tải hình ảnh một nhóm đại sứ các nước Châu Âu nhận các hộp khẩu trang từ Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Hà Nội cũng không quên các nước láng giềng nhỏ bé của Đông Dương cũ ngay bên cạnh là Cam Bốt và Lào, nơi mà ảnh hưởng của Việt Nam trong thời gian gần đây đã bị xói mòn bởi Trung Quốc : gần 800.000 khẩu trang đã được chuyển giao cho Phnom Penh và Viêng Chăn.

Về mặt địa chính trị, quan hệ chiến lược ngày càng được củng cố với Hoa Kỳ. Washington vừa mua 450.000 bộ quần áo bảo hộ của DuPont Hazmat, được Việt Nam huy động nhân công sản xuất khẩn cấp để giúp chống dịch. Nhờ vậy tổng thống Donald Trump đã ngỏ lời cám ơn các "bạn bè" Việt Nam về thương vụ này.

Le Monde kết luận, tại Việt Nam, "cuộc tổng tiến công mùa xuân" đang tiếp diễn bằng các phương tiện khác.

Thụy My

*******************

Việt Nam : Một số cựu cán bộ lãnh đạo 'xin trả lại' nhà công vụ (BBC, 22/04/2020)

12 cựu quan chức các cơ quan nhà nước Việt Nam có vẻ đồng ý trả lại nhà công vụ sau "nhiều lần bị đòi".

vn2

Nhà công vụ loại 2 (100 - 115m2) thuộc diện được phân theo một quyết định về tiêu chuẩn nhà công vụ vào năm 2015

Báo Vietnamnet ngày 21/04 đưa tin 12 cựu lãnh đạo đã "liên hệ xin trả lại" nhà công vụ sau khi lãnh đạo Bộ Xây dựng ký loạt thông báo gửi họ "2-3 lần" và sau khi báo chí vào cuộc.

Những nhà được phân khi họ đang đương chức này là nhà công vụ tại chung cư thuộc khu đô thị Yên Hòa (quận Cầu Giấy), khu đô thị Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), khu nhà ở Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội).

Danh sách 12 cựu lãnh đạo này gồm nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động, nguyên phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ và nguyên thứ trưởng, phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp và nguyên tổng biên tập Báo điện tử Đảng cộng sản.

Luật Nhà ở năm 2014 nói việc trả lại nhà công vụ được thực hiện trong thời hạn không quá 90 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý nhà ở công vụ.

Được biết các nhà công vụ loại 2 (100 - 115m2) thuộc diện được phân và đang phải trả lại được Nhà nước trang bị nội thất và các loại đồ đạc, tủ lạnh, giường, đệm, máy giặt… theo một quyết định về tiêu chuẩn nhà công vụ vào năm 2015 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Quyết định này cũng nói đối tượng được phân nhà công vụ phải thuộc diện như chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội...

Báo Tuổi Trẻ ngày 21/04 dẫn lời một số cựu quan chức cho biết "họ không có ý chiếm dụng nhà công vụ, một số người đang làm thủ tục trả lại nhà, có người chờ hoàn thiện nhà mới và có người chờ nhà nước hóa giá nhà ở công vụ để mua với giá rẻ như một đặc quyền".

Một số người nói lý do chưa trả lại nhà công vụ là bị vướng vào dịp dịch bệnh Covid-19 bùng phát và sẽ bàn giao lại nhà công vụ sớm.

Bài báo cũng nói về một trường hợp đã chuyển vào phía Nam sinh sống và để lại căn nhà công vụ "cho các cháu họ" để ở.

Người này nói không cố tình "chây ì" giữ nhà công vụ và "chờ mua hóa giá". Và nếu cán bộ của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản không thông tin việc đang trình Thủ tướng đề án hóa giá nhà ở công vụ cho các cán bộ nghỉ hưu thì gia đình bà đã trả nhà công vụ cho nhà nước từ lâu rồi.

"Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, không phải 12 cựu quan chức "chây ì" không bàn giao nhà ở công vụ tại tòa CT1-CT2 Yên Hòa đều thiếu nhà ở.

"Ngoài một số ít trường hợp thực sự thiếu nhà ở, nhiều cựu quan chức có nhà ở rồi vẫn muốn giữ nhà công vụ để cho thuê và chờ để được mua hóa giá nhà ở công vụ với giá rẻ như một đặc quyền," báo này cho biết.

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Việt Nam

Covid-19 : Trung Quốc cần trả giá vì để dịch bệnh lan ra toàn cầu

Theo cây bút thời luận Edouard Tétreau của báo kinh tế Les Echos, Trung Quốc cần phải trả giá vì làm lây lan dịch bệnh Covid-19 ra toàn thế giới. Cũng giống như thảm họa Chernobyl hồi năm 1986, cuối cùng đã khiến chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ, việc để virus corona lây lan nghiêm trọng là do sự im lặng, dối trá và hoạt động tuyên truyền của chế độ Trung Quốc toàn trị.

tragia1

ình ảnh đồ họa virus corona được Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 27/02/2020. Centers for Disease Control and Prevention/AFP/Archivos

Đối với nhà báo Tétreau, chỉ có một cuộc điều tra quốc tế trên thực địa, từ Vũ Hán đến Bắc Kinh, với sự bảo trợ của một tổ chức quốc tế không chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, mới cho phép tìm ra đáp án và đánh giá trách nhiệm của Trung Quốc trong việc để đại dịch lan truyền. Nhưng trong khi chờ có kết luận điều tra, trách nhiệm của chính quyền các nước lớn trên thế giới trước hết là tự bảo vệ đất nước khỏi mối nguy hiểm từ chế độ Trung Quốc ; sau đó là bắt Bắc Kinh trả giá cho đại dịch mà họ đã để lây lan, thậm chí là đã gây ra.

Trước hết, cần vô hiệu hóa vai trò quá lớn của Trung Quốc trong ban lãnh đạo của một số tổ chức chiến lược toàn cầu, và trong khi chờ kết luận điều tra quốc tế thì việc đầu tiên là tạm đình chỉ công tác của các nhà lãnh đạo người Trung Quốc đứng đầu các tổ chức quốc tế này. Về kinh tế, mặc dù không thể cấm Trung Quốc đầu tư vào các doanh nghiệp nước ngoài và quyền nhận cổ tức, nhưng đã đến lúc phải xem xét lại quyền biểu quyết của họ, do "tính nguy hiểm" của chế độ Bắc Kinh, hiện đang kiểm soát mọi hoạt động đầu tư, dù là nhỏ nhất, bên ngoài Trung Quốc.

Cũng trên tinh thần bảo vệ lợi ích sống còn và chủ quyền của Châu Âu, việc để các cá nhân và doanh nghiệp sử dụng các công nghệ quan trọng của Trung Quốc không còn phù hợp. Cuộc khủng hoảng này buộc Châu Âu tái đầu tư ồ ạt vào các ngành và lĩnh vực quan trọng, di dời sản xuất về gần Châu Âu, xa Trung Quốc nhất có thể, việc này cũng là cần thiết, nhìn từ góc độ sinh thái.

Chi phí thế giới bỏ ra để đối phó với virus corona là vô cùng lớn, nên cần có sự đóng góp tài chính quan trọng và dài hạn. Vì thế, nhà báo Tétreau đề xuất nhóm G20 (trừ Trung Quốc) áp thuế 20% hàng năm và trong vòng 5 năm đối với tất cả hàng xuất khẩu từ Trung Quốc (2.500 tỷ đô la/năm). Số tiền này sẽ dành cho nỗ lực phục hồi và tái thiết của các nước, là nạn nhân "bất đắc dĩ" của virus corona. Việc tăng thuế 20% như trên cũng sẽ khuyến khích các nước "hồi hương" các ngành sản xuất chiến lược, mà họ đã từng tin tưởng giao phó cho Trung Quốc. Không muốn "nhiễm virus kép" (virus corona và "virus của chế độ độc tài Bắc Kinh"), các quốc gia trên thế giới phải tạo cán cân quyền lực mới với Trung Quốc và các chế độ chư hầu của Bắc Kinh.

Cũng liên quan đến dịch virus corona, báo Le Monde có bài "Cuộc tổng tiến công mùa xuân thành công của Việt Nam chống lại Covid-19", coi đây là trường hợp "ngoại lệ". Mặc dù ở sát Trung Quốc, nhưng Việt Nam có số người nhiễm virus rất thấp và cho tới nay, (20/04) không có ca tử vong nào. RFI dịch và đăng bài viết này với tiêu đề "Cuộc tiến công mùa xuân của Việt Nam trước virus corona".

Covid-19 : Giới trẻ là nạn nhân đầu tiên của suy thoái kinh tế

Cũng liên quan đến Covid-19, trong lĩnh vực xã hội, Le Monde quan tâm đến giới trẻ 18-25 tuổi mà họ gọi là "những nạn nhân đầu tiên của nạn suy thoái kinh tế" do biện pháp phong tỏa chống Covid-19, mặc dù thanh niên là nhóm đối tượng ít bị tác hại nhất về sức khỏe.

Giới trẻ là nhóm lao động đông đảo trong các lĩnh vực bị đóng cửa nhiều nhất trong đợt phong tỏa : nhà hàng, khu thương mại, trung tâm vui chơi giải trí… Chẳng hạn, tại Anh Quốc, theo khảo sát của Viện Nghiên Cứu Về Thuế (IFS), 30% lực lượng người làm công ăn lương trong các lĩnh vực nói trên là thanh niên dưới 25 tuổi. Tỉ lệ này là 13% đối với nhóm lao động trên 25 tuổi. Theo tác giả công trình nghiên cứu của IFS, nếu cuộc khủng hoảng 2008 tác động chủ yếu đến giới tài chính, thì lần này tác động của lệnh phong tỏa chủ yếu nhắm đến nhóm người có trình độ học vấn thấp nhất, lương thấp nhất và trẻ tuổi nhất.

Tác động tiêu cực thứ hai đối với những sinh viên sắp hoặc mới ra trường và đang trong giai đoạn tìm việc làm là họ tham gia vào thị trường lao động vào đúng thời điểm tồi tệ nhất. Theo bà Camille Landais, trường Kinh Tế Luân Đôn, khi các doanh nghiệp gặp cú sốc, họ sẽ giữ lại các nhân viên có trình độ cao, hạn chế tuyển dụng nhân lực mới. Các công ty cũng có xu hướng không gia hạn hợp đồng ngắn hạn, trong khi các loại hợp đồng ngắn hạn liên quan nhiều nhất đến giới trẻ. Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 18-25 đã tăng gấp đôi, đạt mức kỷ lục 26,2%.

Nhiều nghiên cứu dài hạn cũng chỉ ra rằng trong thời khủng hoảng, thời gian thất nghiệp của thanh niên sẽ kéo dài hơn và họ cũng mất nhiều thời gian hơn để tìm được việc làm có hợp đồng dài hạn, nhất là những người có bằng cấp thấp.

Cuộc khủng hoảng dầu lửa đáng kinh ngạc

Một đề tài được báo chí đặc biệt quan tâm là "Thị trường dầu lửa đang trải qua một cuộc khủng hoảng đáng kinh ngạc". Theo La Croix, đối với người bình thường, điều này không mấy dễ hiểu. Trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta đều nghe nói dầu hỏa là một nguồn tài nguyên đang cạn kiệt. Thế mà giờ đây dầu lửa dồi dào đến mức một số người sẵn sàng trả tiền để thoát khỏi nó. Hôm qua ở New York, giá niêm yết một thùng dầu chất lượng WTI là -37,63 đô la so với mức giá 18,27 đô la vào thứ Sáu tuần trước. Điều này tất nhiên có thể được giải thích qua nhiều yếu tố. Trước tiên là vào tháng 3, Nga và Saudi Arabia đã tăng sản lượng dầu để giảm giá, giành thị phần. Sau đó, lệnh phong tỏa quy mô lớn chống dịch Covid-19 khiến nhu cầu thế giới sụt giảm mạnh.

Cuộc khủng hoảng lần này làm nổi bật sự mong manh của thế giới đương đại, cả về địa chính trị và kinh tế. Khi có một yếu tố không lường trước như đại dịch Covid-19 xảy ra, sẽ có một cái kết bất ngờ. Hậu quả tiềm tàng sẽ rất thảm khốc cho các nước sản xuất dầu lửa dễ bị tổn thương xã hội nhất, chẳng như Algeria. Bài xã luận của La Croix kết luận : Hành tinh chúng ta đã có nhiều thập kỷ để mặc cho cạnh tranh kinh tế thoát khỏi mọi điều tiết, vốn được cho là động lực tạo ra sự giàu có, và giờ đây chúng ta đang phải trả giá !

Thời kỳ đen tối của các nước sản xuất dầu lửa

Libération cũng dành nhiều bài viết phân tích cuộc khủng hoảng dầu lửa, nhất là về tác hại đối với các nước khai thác và xuất khẩu dầu. Trong bài "Thời kỳ đen tối của các nước sản xuất dầu lửa", Libération lo ngại là nếu "các nền quân chủ dầu lửa" ở Trung Đông phải xem xét lại các mục tiêu kinh tế thì nhiều nước khác như Algeria, Nigeria có nguy cơ "bùng nổ xã hội".

Quả thực, từ các nước quân chủ sản xuất dầu lửa giàu có nhất vùng Vịnh cho đến các nước Châu Phi, Ả Rập hay Nam Mỹ vốn ít giàu có và đông dân hơn, tất cả đều dựa chủ yếu vào thu nhập từ nguồn dầu lửa và giờ đang bị dồn vào chân tường. Trang tin Algérie-Eco ngay từ hôm Chủ Nhật đã lo ngại về "Một thời kỳ phá sản đang mở ra cho ngành công nghiệp dầu lửa thế giới".

Libération đặc biệt lo ngại cho các nước Algeria, Iraq, nơi khủng hoảng xã hội sẽ còn lan rộng hơn nữa nếu thu nhập giảm sút. Các mối đe dọa cũng đè nặng lên Venezuela và Iran, những nước đang chịu lệnh trừng phạt của quốc tế. Còn đối với các nước giàu có vùng Vịnh, cho dù có tránh được tình trạng bất ổn xã hội nhờ có dự trữ tài chính đáng kể, thì các chế độ quân chủ sẽ khó lòng thực hiện các tham vọng kinh tế và chính trị, đặc biệt là các chiến lược đa dạng hóa để chuẩn bị cho thời kỳ hậu dầu lửa. Cuối cùng, sự sụt giảm doanh thu của các quốc gia dầu lửa giàu có thể sẽ đè nặng lên nền kinh tế thế giới.

Hồng Kông : Áp lực của Bắc Kinh

Nhìn sang Châu Á, Le Monde hướng về Hồng Kông qua bài xã luận mang tựa đề "Hồng Kông : Những áp lực của Bắc Kinh". Bắt giữ 15 nhân vật nổi bật của phong trào đấu tranh dân chủ hôm 18/04 và tuyên bố các đặc quyền mới trong việc can thiệp vào các vấn đề của khu tự trị, Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng.

Le Monde nhận định trong khi áp lực y tế về dịch bệnh Covid-19 giảm bớt ở Hồng Kông, thì đặc khu hành chính lại đối mặt với sự gia tăng căng thẳng về chính trị. Cảnh sát Hồng Kông đã thực hiện các vụ bắt giữ theo lệnh của các công tố viên, nhưng rõ ràng là phải có sự khích lệ từ chính quyền Bắc Kinh, cho dù Hồng Kông được hưởng quy chế "một quốc gia, hai chế độ", vốn đảm bảo cho đặc khu có quyền tự chủ lớn, nhất là về tư pháp. Hiến pháp Hồng Kông còn ghi rõ "không có cơ quan nào của chính quyền trung ương, không một tỉnh, khu tự trị, đô thị nào dưới quyền trực tiếp của chính quyền trung ương (có thể) can thiệp vào các vấn đề của đặc khu hành chính Hồng Kông, vốn chịu trách nhiệm quản lý các vấn đề theo luật lệ riêng".

Trong số những người Hồng Kông bị bắt, có hai cựu dân biểu Martin Lee và Albert Ho. Họ bị tố cáo đã tham gia các cuộc biểu tình trái phép làm rung chuyển lãnh thổ giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 11/2019. Vào ngày 19/05/2020, họ sẽ biết hình phạt dành cho họ là gì. Các thủ tục pháp lý này sẽ hạn chế sự tham gia của hai cựu dân biểu vào đời sống chính trị, trong bối cảnh cuộc bầu cử lập pháp sẽ được tổ chức vào tháng Chín.

Tuy nhiên, Le Monde không loại trừ khả năng phe đối lập sẽ chiếm đa số trong Nghị Viện, nhờ chiến thắng vang dội trong kỳ bầu cử địa phương hồi tháng 11/2019 và do người dân Hồng Kông ngày càng mất lòng tin vào Bắc Kinh.

Trang nhất các báo Pháp

Trên trang nhất, Le Monde lo ngại về tình trạng "Hành tinh chao đảo, mất thăng bằng trong cơn khủng hoảng xã hội". Hồ sơ 2 trang bài của Le Monde được tóm lược trên trang nhất qua 5 điểm quan trọng :

1. Việc phong tỏa vài tỉ người đã gây ra cú sốc xã hội vô cùng lớn cho những người không có nguồn tài chính dự phòng ;

2. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế ước tính GDP thế giới sẽ giảm 3% trong năm 2020, mức giảm cao gấp đôi so với trong cuộc khủng hoảng 2009 ;

3. Các kế hoạch hỗ trợ ồ ạt giới doanh nghiệp mà Liên Hiệp Châu Âu tung ra sẽ không giúp tránh khỏi tình trạng nhiều triệu người mất việc làm ;

4. Trong khi đó, theo một nghiên cứu của Anh Quốc, cứ 1% số công ăn việc làm mất đi thì kéo theo nguy cơ các bệnh kinh niên tăng 2% ;

5. Đại dịch có thể đẩy gần 500 triệu người ở những nước có thu nhập thấp nhất vào cảnh đói nghèo.

Le Figaro lại chú ý đến các em học sinh qua hàng tựa trang nhất : "Trường tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông : Các thách thức sau ngày 11/05". Hôm qua, bộ trưởng Giáo dục Pháp dự kiến trường học các cấp sẽ mở cửa trở lại dần dần theo 3 giai đoạn trong vòng 3 tuần. Tuy nhiên, thông báo của bộ trưởng Blanquer ngay lập tức đã gây nhiều thắc mắc và chia rẽ, nhất là đối với các giáo viên và phụ huynh học sinh. Giáo viên rất muốn các em trở lại trường nhưng cũng cần có sự đảm bảo về an toàn vệ sinh. Các bậc phụ huynh thì vừa thở phào nhẹ nhõm thấy con em được đi học lại, nhưng đồng thời rất lo ngại cho sự an toàn sức khỏe của các em. Còn báo công giáo La Croix đưa độc giả đến với "Wihr-au-Val, ngôi làng bị tổn thương đau đớn" do dịch Covid-19 tàn phá nặng nề.

Về kinh tế, trong khi Libération dự báo : "Sự sụt giảm giá dầu lửa sẽ còn mạnh hơn nữa", thì báo kinh tế Les Echos tìm hiểu "Những lý do khiến ngành dầu lửa rơi vào hỗn loạn chưa từng có".

Thùy Dương

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Châu Á

'Giảm sốc' kinh tế Việt Nam sau cú sốc đại dịch

Khánh An, VOA, 22/04/2020

Trong khi các lãnh đạo Vit Nam vn t ra dè dt trong quyết đnh tái m ca nn kinh tế, thì nhng người trc tiếp làm công tác cu tr xã hi lo ngi phn ln người nghèo, người thu nhp thp s không gượng ni nếu các sinh hot xã hi, nhà máy, doanh nghiệp… không sm quay li bình thường như trước.

ktvn1

Các doanh nghiệp va và nh gp nhiu khó khăn, thm chí đi din vi nguy cơ phá sn, do tác đng ca tình trng giãn cách xã hi nhm đi phó vi dch Covid-19.

Với s liu chính thc cho biết đã 6 ngày liên tiếp không có ca nhim Covid-19 mi, ti cuc hp Thường trc Chính ph hôm 22/4, Th tướng Nguyn Xuân Phúc và các lãnh đo Vit Nam công b kế hoch phân chia các tỉnh thành theo 3 nhóm nguy cơ nhm đưa ra các chính sách tái m ca kinh tế tương ng theo tng trường hp c th.

Theo đó, nhóm nguy cơ cao là Hà Ni được đ ngh tiếp tc áp dng giãn cách xã hi thêm 1 tun na, cho đến hết ngày 30/4, nhưng cho phép thành phố này được t quyết đnh v vic m ca li các ca hàng kinh doanh hàng hóa, dch v không thiết yếu và các loi hình kinh doanh đường ph tùy theo tình hình thc tin ti đa phương.

Nhóm có nguy cơ, gm Thành phố Hồ Chí Minh, Bc Ninh, Hà Giang, cũng được cho phép tự quyết đnh v vic tái tc các hot đng kinh tế tùy theo tình hình đa phương.

Riêng nhóm nguy cơ thp là các tnh thành còn li được phép khôi phc tr li các hot đng kinh tế không thiết yếu nhưng phi đm bo các bin pháp phòng chng dch.

"Khó trụ ni"

Kế hoch cho thy s dè dt và đn đo ca các lãnh đo Vit Nam trong vic đưa ra quyết sách v thi đim tái m ca nn kinh tế, gia bi cnh mà mt s nhà hot đng và nhng người làm công tác xã hi nói rng đi sng kinh tế ca người dân nhiu nơi đã mc "kit qu".

"Ở Vit Nam, dù người chết chưa có, ri s lượng dch bnh chưa phi là nhiu, nhưng thc ra v kinh tế, phi nói là kit qu. Nhân viên và tt c nhng người lao đng thp đang rt kh", bà Lê Hoài Anh, mt n doanh nhân đã đứng ra quyên góp và h tr trc tiếp cho người dân trong đi dch Covid-19, đưa ra nhn đnh vi VOA.

Bày tỏ s thông cm v "bài toán khó" trong quyết đnh tái m ca nn kinh tế, nhưng bà Lê Hoài Anh cho rng Vit Nam vn phi gii bài toán khó này vì nền kinh tế s "khó tr ni" nếu các hot đng kinh tế không sm khôi phc.

"Bây giờ các doanh nghip va và nh, các nhà hàng... đã phá sn hết ri. Tôi thc s rt lo s", bà Anh cho VOA biết.

"Mặc dù tôi hiu rng chính ph Vit Nam, cũng như M thôi, đang đứng trước bài toán rt khó là bao gi m ca tr li. Vit Nam li còn khó hơn trong nn kinh tế mà người dân thì có rt nhiu thành phn mà s lượng, t l chy ăn tng ba, tng tun, tng tháng khá là đông".

Theo nữ doanh nhân này, nếu các hot đng kinh tế không sm khôi phc, tình trng phá sn s lan rng, kéo theo nhng bt n xã hi.

Nhận đnh vi VOA v vn đ này, Tiến sĩ kinh tế Đinh Trường Hinh, nguyên chuyên gia kinh tế trưởng ca Ngân hàng thế gii Washington DC và hin là Ch tch Công ty EGAT, cho rằng quyết đnh có nên gia hn thi gian cách ly xã hi hay không phi tùy thuc vào tình trng của nn dch đang xy ra, ch không đơn thuần vì kinh tế có chu đng được hay không.

"Nếu kinh tế chu đng không được, phi b cách ly, mà bị Covid-19 hoành hành tr li thì hu qu còn nguy him hơn là đng b cách ly", Tiến sĩ Đinh Trường Hinh nói.

Vì vậy, theo ông, quyết đnh này "phi da theo tình hình virus đã được ngăn chn như thế nào, có nguy cơ quay tr li hay không, và phi căn c vào số liệu thực tiễn ở tại nơi (data on the ground).

Việt Nam cn làm gì ?

Với "cú sc đi dch", nn kinh tế Vit Nam được cho là va đng trước nguy cơ va đng cơ hi. Ngoài nhng nguy cơ tim n có th dn đến sp đ kinh tế, mt s cơ hi cũng đang được bàn đến trong thi gian gn đây là cơ hi "thoát Trung" và cơ hi đón làn sóng đu tư mi t nhng doanh nghiệp quc tế đang có kế hoch ri khi Trung Quc.

Nói về "cơ hi vàng" đ kinh tế Vit Nam thoát thoát khi nh hưởng quá ln t Trung Quc lâu nay, Tiến sĩ Đinh Trường Hinh cho rng dù có dch cúm hay không, Vit Nam cũng cn phi thoát khi nh hưởng ca Trung Quc để có "đc lp t do lâu dài".

Ông nói : "Dịp cúm Covid-19 là mt cơ hi bng vàng đ các kinh tế gia Vit Nam có cơ hi phân tích nh hưởng ca Trung Quc đi vi nn kinh tế Vit Nam như thế nào, để biết rõ s người lao đng tay ngh cao và thấp của Trung Quc xuất cảng qua Vit Nam hiện là bao nhiêu, ở trong ngành nghề nào, có thể thay được ngay hay không, cũng như nh hưởng Trung Quc v giao thông, du lch, vn ti, đu tư, thương mi và tác động đến các đu vào của các chuỗi cung ng liên quc gia".

"Từ đó, chính ph phi lp ra mt chương trình rõ ràng, thiết thc và có th giám sát đ trong mt thi gian có th gim thiu các nh hưởng t Trung Quc nêu trên, nht là các đu vào v cht xám cũng như v vt liu, và thay vào đó các nguồn t trong nước hoặc từ các nước khác".

Theo cựu chuyên gia kinh tế ca Ngân hàng Thế gii, vic đu tiên chính ph Vit Nam nên làm là lp ra mt nhóm nghiên cu đ thu thp các tài liu cn thiết, mt mt để tìm hiểu những nh hưởng ca dch cúm đến kinh tế Vit Nam, mt khác đ tìm hiu rõ thêm nh hưởng ca nn kinh tế Trung Quc đi vi Vit Nam, nht là các tnh biên gii.

Mặt khác, vi tình trng xut khu Vit Nam đang chu tác đng t "l hng" ngun cu t các th trường ln như M trong lĩnh vc dt may, giày dép, ph tùng, đin thoi... Tiến sĩ Đinh Trường Hinh cho rng đây là lúc mà Vit Nam cn phi "tht lưng buc bng", dù có phi bán r trước mt đ chiếm th trường thì cũng phi làm đ dành ly cơ hi xut khu cho tương lai, và cũng nên tn dng các th trường khác như Châu Âu thông qua EVFTA vào lúc này.

Ngoài ra, để chun b "ni lc" đ mnh đ có th đón ly làn sóng di cư công xưởng sp ti ca các doanh nghip quc tế t Trung Quc sang các quc gia láng giềng, theo Tiến sĩ Đinh Trường Hinh, Vit Nam cn rà soát li nhng đu tư nước ngoài, chú trng hơn v cht lượng và khuyến khích đu tư vào nhng lãnh vc mà Vit Nam đang cn đ thoát khi by thu nhp trung bình. "Nhng lãnh vc này là nhng nghành công kỹ nghệ cao có th đem li giá tr sn xut cao hơn và tn dng trí tu ca dân Việt Nam", ông nói.

"Cụ thể, Việt Nam phải khuyến khích đu tư nước ngoài vào các hot đng thượng ngun và h ngun của những lãnh vực này đ hoàn thin chui giá tr cung ứng ; khuyến khích FDI liên kết vi các công ty trong nước qua hình thái liên doanh và đy mnh liên kết hàng dc ; nâng tỵ̣̉i địa hóa, và ngăn chận đầu tư (hoặc đem các máy móc cũ) có hại hay có ảnh hưởng xấu cho môi trường. Mục đích chính là giúp các công ty tư nhân trong nước được ln mnh và cnh tranh thành công trên thế gii".

Theo Tiến sĩ Đinh Trường Hinh, đ làm được điu này, Vit Nam cn "ci tổ theo chiều sâu", như gim vai trò ca doanh nghip nhà nước, đi x bình đẳng các nhà xut khu trc tiếp và gián tiếp ; khuyến khích phát trin các cm sn xut (clusters) ; đu tư xây dng các khu công nghip đng b (plug-and-play) và các khu công ngh ; khuyến khích và tăng cường liên kết gia các doanh nghip thông qua hp đng thu ph.

Lặp li nhng khuyến ngh đã đưa ra trong cun sách "Light Manufacturing in Vietnam" (Phát Triển Công Kỹ Nghệ Nh ti Việt Nam) do Ngân hàng Thế giới xuất bản, Tiến sĩ Đinh Trường Hinh cho rng vn đ quan trng nht vn là cht xám ca người Vit Nam. Chính ph Vit Nam nên thc hin các chính sách nhm tăng s lượng và cht lượng công nhân có tay ngh đ giúp cho nn kinh tế "vươn lên mc cao hơn trên bc thang giá tr gia tăng", t đó có th đón ly nhng cơ hi sau đi dch Covid-19, theo cựu kinh tế gia ca Ngân hàng Thế gii.

Khánh An

Nguồn : VOA, 22/04/2020

***********************

Covid-19, Trung Quốc và những bài học bổ ích cho Việt Nam

Trân Văn, VOA, 22/04/2020

Covid-19 đang làm cục din thế gii thay đi. Chc chn vai trò, v trí ca Trung Quc s rt khác so vi trước. Ưu thế ca Trung Quc v tm vóc th trường, v giá nhân công r, v thu hút đu tư, v ngun nguyên liu, vt liu đa dng, di dào… tng giúp Trung Quc gia tăng kh năng chi phi sc cnh tranh, duy trì s n đnh t chính tr ti kinh tế, xã hi ca nhiu quc gia, k c các cường quc, nay rơi theo phương thng đứng !

ktvn2

Nhà báo Trung Quốc đeo khu trang xem mt thông cáo báo chí ca chính quyn trước mt cuc hp báo ti Bc Kinh.

Covid-19 giống như "cnh" còn li ca "con dao hai lưỡi" - phương thc qun tr, điu hành quc gia, cung cách hành x trâng tráo, trch thượng trong đi ngoi ca h thng chính tr, h thng công quyn Trung Quc - đã rch mt nhát rt sâu vào nhận thức ca cng đng quc tế. Chng riêng Châu Á, Châu M, Châu Âu, Châu Úc mà ngay c Châu Phi cũng đã tnh ra, đã hiu thế nào là "li bt cp hi" khi làm ngơ, nhn nhn, thm chí nương theo Trung Quc đ các bên cùng có li.

Hóa ra làm ngơ đ h thng chính trị, h thng công quyn Trung Quc hành x đc đoán, vô luân Trung Quc,… hóa ra "nhìn trước, ngó sau", bt k đo lý, luôn luôn cân phân li - hi trong gìn gi quan h vi Trung Quc li tai hi đến như thế ! Đã có nhiu triu người, đc bit là chính khách ở nhiu quc gia ng ra : Nếu cng đng quc tế không như thế, h thng chính tr, h thng công quyn Trung Quc b buc phi ng x minh bch, có trách nhim vi đng bào và rng hơn vi nhân loi thì Covid-19 đã b chn ngay Vũ Hán, không lan rộng trên phm vi toàn cu, gây ra đ loi thit hi kinh khng như đang thy.

Cho dù tình thế đã khác nhưng h thng chính tr, h thng công quyn Trung Quc không nhn ra điu đó. N lc hóa gii trách nhim v Covid-19, thm chí c gng biến Covid-19 thành son, phấn đ tô v din mo, nâng cao uy tín ca Trung Quc đã to ra đ loi "gy", giao vào tay thiên h cho h "vt" chính Trung Quc. Khng chế xut cng hay vin tr các loi trang b, thiết b y tế cho mt s quc gia ch khiến thiên h thêm khinh bỉ, căm gin.

Nỗ lc ca các viên chc ngoi giao Trung Quc, nhng cuc vn đng đ khen ngi, cám ơn Trung Quc nơi này, nơi khác hay nhng lá thư gi cho Daily Telegraph Úc, Bild Đc,… tng to ra nhiu "tác đng tích cc" đi vi vic bo v hình nh, gia tăng uy tín ca h thng chính tr, h thng công quyn Trung Quc, gi tr thành lý do thúc thiên h t thy phi làm gì đó mnh m hơn là ch ch trích. Chính h thng chính tr, h thng công quyn Trung Quc khiến thiên h nhn ra h phi t thay đi c nhn thc ln cách hành x đi vi Trung Quc. Thay đi đó không đơn thun là do nghĩa v bo v dân ch, nhân quyn mà vì li ích thiết thân ca chính h.

***

Không cần phi rành tiếng Anh mi có th biết tâm tư, tình cm ca thiên h với Trung Quốc và v Trung Quc đang như thế nào. C h thng truyn thông chính thc ca Vit Nam ln mng xã hi Vit ng đã cũng như đang liên tc cp nhp nhng din biến y (1). Covid-19 đã làm nhng người vn dng dưng v chính tr cũng có th cm nhn tường tn tác hi mà mt chính quyn cng sn có th gieo rc trên đu ca h, đe da c hin ti ln tương lai ca h.

Trong bối cnh như hin nay, có tiếp tc t hào vì bn cht chính th cũng bt nhân, bt trí, bt tín, bt nghĩa y ht Trung Quc hay không là một la chn ! Có nên bô bô phn ng mt cách trâng tráo trước nhng ch trích v xâm hi các tiêu chun dân ch, nhân quyn ca nhân loi như "người bn xã hi ch nghĩa rt ln ngay bên cnh" hay không là mt la chn khác, Covid-19 đã vô hiu hóa lối bin bch vc đim riêng, tiêu chí riêng" và xé toc tm khiên "chuyn ni b ca mt quc gia".

Cuối cùng, có nên tiếp tc xem "tuyên truyn" như "nhim v chính tr trng tâm" c trong đi ni ln đi ngoi như Trung Quc, hay "có sao, nói vy" như thiên h ? Vì sao đã chng kiến thiên h khinh b, căm gin Trung quc như thế nào khi li dng yếu t "nhân đo" đ "tuyên truyn" mà đến cui tun va qua, vn còn thn nhiên biến chuyến bay do ENI (tp đoàn du khí ca Ý) thuê đ đưa chuyên gia và hàng hóa từ Vit Nam v Ý thành… "Đi s quán Vit Nam ti Ý đã phi hp vi Vietnam Airlines ‘điu máy bay đưa người Ý b kt ti Vit Nam v nước’ và đưa mt s người Vit b kt ti Ý hi hương" (2) ?

***

1,3 tỉ người Trung Hoa không ch phi tr giá rt đắt cho kiu nhn thc, li hành x ca h thng chính tr, h thng công quyn Trung Quc mà còn b thiên h khinh mit lây. Không phi t nhiên mà người Trung Hoa sng Đài Loan mun chính quyn Đài Loan loi b China khi quc hiu ca lãnh th này (Republic of China) (3). Liệu h thng chính tr, h thng công quyn ti Vit Nam có nhìn thy giá tr ca nhng bài hc mà thiên h đang dy h thng chính tr, h thng công quyn Trung Quc ?

Trân Văn

Nguồn : VOA, 22/04/2020

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/to-bild-doi-trung-quoc-boi-thuong-cho-duc-160-ti-usd-vi-covid-19-20200420141740648.htm

(2) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10220422073795798&set=pcb.260154871827180

(3) https://www.voatiengviet.com/a/tức-gin-tq-người-đài-loan-đòi-b-ch-china-trên-h-chiếu/5362933.html

********************

Covid-19 : Trung Quốc bị tố cáo gây họa cho thế giới vì giảm nhẹ số liệu

Trọng Nghĩa, RFI, 21/04/2020

Ngày 20/04/2020, Pháp đã vượt mốc 20.000 ca tử vong vì dịch Covid-19, ghi tên mình vào danh sách các nước có số người chết vì dịch bệnh cao nhất hành tinh, sau Mỹ, Ý và Tây Ban Nha. Những số liệu cực cao tại các quốc gia phương Tây đã nêu bật tính chất khác thường của các số liệu tương đối thấp mà Bắc Kinh đã công bố về dịch bệnh, cho dù Trung Quốc là nơi virus corona xuất phát.

33333ktvn333333333333333

Quốc tế ngày càng đòi Trung Quốc phải nói thật về virus corona. China Daily via Reuters

Vấn đề tính xác thực của số liệu về Covid-19 tại Trung Quốc còn trong vòng bàn cãi, nhưng trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều tiếng nói vang lên, cho rằng việc Trung Quốc giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh là một trong những nguyên nhân dẫn đến đại họa mà toàn thế giới đang phải gánh chịu.

Điểm qua các thống kê về diễn biến của dịch Covid-19 từ lúc bùng lên tại Trung Quốc cho đến nay, có một thực tế không thể chối cãi : Số liệu chính thức của Trung Quốc thấp một cách lạ thường.

Căn cứ vào bảng cập nhật cho đến sáng ngày 21/04 của đại học Mỹ Johns Hopkins, Hoa Kỳ là nước có nhiều người nhiễm virus corona nhất trên thế giới, với gần 800.000 ca, theo sau là Tây Ban Nha, hơn 200.000 ca, rồi đến Ý, Pháp, Đức và Anh, đều đã vượt xa mốc 100.000 ca.

Còn Trung Quốc thì sao ? Số ca nhiễm tại nơi xuất phát của dịch bệnh ổn định ở mức hơn 80.000 ca, đứng hàng thứ 8 thế giới về số người bị lây nhiễm.

Số liệu về các ca tử vong cũng cho thấy cách biệt rất lớn giữa Trung Quốc với các nước bị nặng nhất, đa phần là ở phương Tây.

Kể cả sau khi đã điều chỉnh cao hơn gấp rưỡi số tử vong vì Covid-19 tại tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc vẫn chỉ ghi nhận 4.636 người chết, thua xa các nước đầu bảng như Mỹ đứng đầu thế giới với 42.364 người chết, theo sau là Ý với 24.114 người, Tây Ban Nha 20.852 người, Pháp với 20.265 người, Anh 16.509 người, Bỉ 5.828 người, Iran 5.209 người.

Mặt khác, số liệu bình quân các ca nhiễm hay tử vong theo tổng số dân của từng nước đã làm lộ rõ tính chất quá thấp của thống kê chính thức tại Trung Quốc.

Trường đại học Mỹ Johns Hopkins chẳng hạn, đã dựa trên số liệu tính đến ngày 16/04 để thử so sánh số ca tử vong vì Covid-19 so với dân số của mỗi nước.

Kết quả rất đáng ngạc nhiên vì theo cách tính này, nước Bỉ vốn ít dân (hơn 11 triệu người) lại đứng đầu thế giới về số trường hợp tử vong vì virus corona, với tỷ lệ 425,2 phần triệu, theo sau là Tây Ban Nha, Ý và Pháp. Còn Mỹ, nước có 330 triệu dân, xếp thứ chín với tỷ lệ 106 phần triệu.

Riêng Trung Quốc, với cả tỷ dân, thì đứng gần như là cuối bảng với một tỷ lệ 24 phần 1000.000.

Nhận xét về số liệu này, một nhà bình luận cho đài truyền hình Pháp LCI ngày 17/04 cho rằng nếu các số liệu của Trung Quốc xác thực, thì nước này "gần như là không hề hấn gì !".

Dịch bệnh càng tàn phá dữ dội trên thế giới càng làm tăng nghi vấn về tính xác thực của các số liệu thống kê về Covid-19 mà Trung Quốc đưa ra. Trước các yêu cầu minh bạch hóa càng lúc càng nhiều, Bắc Kinh chỉ có một câu trả lời duy nhất là họ không hề che giấu điều gì.

Đối với giới chuyên gia phân tích, chính việc Trung Quốc không nói thật về quy mô của dịch bệnh khi mới bùng lên đã làm cho hầu như cả thế giới thiếu cảnh giác đối phó, để xẩy ra thảm họa như ngày nay.

Trả lời phỏng vấn của nhật báo La Croix ngày 17/04 nhà nghiên cứu Philippe Ravaud, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Dịch Tễ Học và Thống Kê CRESS tại Pháp đã không ngần ngại cho rằng "Việc số người chết bị giảm thiểu tại Trung Quốc đã tác hại đến công cuộc chuẩn bị chống đại dịch"

Đối với ông Ravaud, cộng đồng khoa học hầu như đều nhất trí cho rằng số ca tử vong vì virus corona mà chính quyền Trung Quốc đưa ra là không chính xác. Bản thân ông cũng "không thể tưởng tượng ra được rằng ở Trung Quốc chỉ có vài ngàn ca tử vong, trong khi nhiều nước Châu Âu thì số người chết cao hơn gấp bội".

Theo chuyên gia Pháp, các thộng tin mà phía Trung Quốc cung cấp về vấn đề này rất thiếu sót, một cách vô tình hay cố ý thì chưa thể biết được, nhưng rõ ràng là hoàn toàn không đầy đủ.

Chuyên gia Ravaud công nhận rằng về mặt các thông tin khoa học, quả là phía Trung Quốc đã cung cấp rất nhiều dữ liệu cho cộng đồng khoa học quốc tế, dưới hình thức các công bố chính thức, hoặc dưới dạng các bài nghiên cứu ban đầu được thông báo ngay cho giới khoa học để tham khảo trước mà không cần chờ được các đồng nghiệp xét duyệt kỹ lưỡng hay được công bố chính thức.

Thế nhưng, vấn đề là không thể biết được là các dữ liệu đó có bao gồm tất cả các thông tin quan trọng hay không, hay là có một phần đã bị chặn lại. Với khối lượng dữ liệu khổng lồ được công khai hóa, người ta không thể thực sự ước tính xem mức độ thiếu sót là bao nhiêu, 20%, 30% hay 50%.

Mặt khác, nhà nghiên cứu Pháp nhắc lại rằng "trong thời kỳ xảy ra khủng hoảng lớn, như trường hợp ở Vũ Hán, ưu tiên của bác sĩ hoặc nhà khoa học không nhất thiết là phải thông tin hoặc công bố những gì họ phát hiện.

Đối với chuyên gia Ravaud, sai lầm của Trung Quốc là đã cảnh báo quá muộn về dịch bệnh và những nguy cơ đến từ con virus.

Trả lời báo La Croix, nhà nghiên cứu Pháp đã xác định : "Đối với tôi, đây là tội lỗi nguyên thủy của cách giao tiếp của Trung Quốc. Làm sao chúng ta có thể tưởng tượng rằng sẽ có hàng trăm ngàn người chết ở Châu Âu khi mà trên lý thuyết chỉ có vài nghìn ca tử vong ở Trung Quốc, một đất nước có hơn một tỷ dân ? Ngay từ đầu, nhiều chuyên gia đã tin vào số người chết được công bố tại Trung Quốc và căn cứ vào đó để giảm thiểu nguy cơ dự kiến ​​của dịch Covid-19 tại Châu Âu.

Việc ước tính ít đi số lượng người chết ghi nhận ở Trung Quốc đã tác động đến công cuộc chuẩn bị chống đại dịch tại tất cả các quốc gia khác. Trên bình diện đánh giá rủi ro, việc khuyến cáo chính phủ rằng sẽ phải đối phó với một đợt dịch đã khiến 100.000 người chết hoàn toàn khác biệt với khuyến cáo trong trường hợp chỉ có 3.000 người thiệt mạng".

Chuyên gia Ravaud kết luận : "Kinh nghiệm của quốc gia đã bị dịch rất quan trọng đối với các nước mới bị ảnh hưởng, do đó phải được báo cáo một cách hoàn toàn minh bạch. Việc chia sẻ các dữ liệu này trên phạm vi quốc tế rất quan trọng vì nó cho phép quan sát cách dịch bệnh phản ứng với từng chiến lược đối phó và hỗ trợ cho cách hoạch định các chiến lược giảm phong tỏa sau dịch bệnh".

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 21/04/2020

Additional Info

  • Author Khánh An, Trân Văn, Trọng Nghĩa
Published in Diễn đàn

Việt Nam ‘giám sát’ mạnh mẽ công dân trong ứng phó với Covid-19 (VOA, 21/04/2020)

Việt Nam được mt vin nghiên cu hàng đu ca M đánh giá là đã làm tt trong vic khng chế s lây lan ca đi dch virus corona nh vào "văn hoá giám sát" được thc hin mt cách mnh m và có s đng thun ca phn ln người dân.

phongchong1

Một người lái xe máy qua mt poster kêu gi người dân bo v sc kho trước virus corona trên mt đường ph Hà Ni hôm 14/4. CSIS nói người dân Vit Nam đng thun vi s giám sát ca chính ph nhm ngăn chn s lây lan của dch bnh.

Quốc gia Đông Nam Á này nm trong s nhng nước có t l lây nhim thp nht thế gii và, theo nhn đnh ca T chc Y tế Thế gii, là mt trong nhng quc gia đng đu trong n lc kim soát lây nhim nCoV.

Theo đánh giá của giám đc Chương trình Đông Nam Á ca Vin Nghiên cu Chiến lược và Quc tế (CSIS), Amy Searight, Vit Nam - cùng vi Singapore - đã sm hành đng đ ng phó vi s bùng phát dch ngay t đu. Mc dù Singapore đang phi chng đ vi mt làn sóng mới các ca lây nhim thì Vit Nam, vi dân s hơn 96 triu, đã không ghi nhn ca nhim mi nào trong gn 1 tun qua, vi 268 trường hp dương tính mà không có ca t vong nào tính đến ngày 21/4.

Thành viên tư vn cao cp ca vin nghiên cu có tr sở ở Washington DC cho rng, trong khi Singapore s dng các công c công ngh cao đ truy tìm virus thì Vit Nam da vào vic huy đng ngun lc nhân dân và đóng ca xã hi cũng như giám sát trên din rng công dân ca mình.

Ngay từ nhng ngày đu khi dch mới bùng phát, Vit Nam đã đóng tt c các doanh nghip không thiết yếu, trường hc và thc hin cách ly trên din rng. Mt làng tnh Vĩnh Phúc là khu vc đu tiên b cách ly toàn b trong 21 ngày và hàng chc nghìn người đã được đưa đi cách ly tp trung, phần ln ti các doanh tri quân đi.

Một yếu t quan trng trong vic giúp Vit Nam khng chế dch tt, được bà Searight nhc ti trong bài bình lun ca mình đăng ti trên trang web ca CSIS hôm 20/4, là s "theo dõi và giám sát cht ch công dân" ca mình. Theo nhà nghiên cứu ca CSIS, hot đng này được h tr bi mt mng lưới rng ln nhng người cung cp tin tc và vic này giúp xác đnh danh tính cũng như cách ly nhng người b nghi nhim virus và nhng người đã tiếp xúc vi h. Bà Searight cho rng "văn hoá giám sát" ca Vit Nam mang tính hiu qu cao trong vic giúp cơ quan chc năng theo dõi và giao tiếp vi người dân. Đng thi, theo bà, h thng này được phn ln công chúng Vit Nam chp nhn hoc ít nht là thích ng vi "mc đ xâm nhp" này của chính ph, mà các nước phương Tây có th vp phi s kháng c ca người dân.

Việt Nam bt buc khai báo y tế đi vi tt c người dân cũng như người nước ngoài Vit Nam, khi nhp cnh cũng như khi đi đến bnh vin hoc ti nhà hàng hay thm chí đến các cơ s làm đp hoc massage. Người dân Vit Nam đang thc hin cách ly xã hi toàn quc trong 3 tun liên tiếp theo ch th ca th tướng chính ph.

Để vic giám sát đt hiu qu hơn, mt ng dng di đng nhm truy du các trường hp F1, F2 khi xut hin các ca dương tính vi Covid-19 bng đnh v Bluetooth đã được B Thông tin - Truyn thông công b hôm 18/4. Thông qua ng dng, được cho là "bo mt, n danh và minh bch", cơ quan y tế có thm quyn s biết được nhng người nhim và người nghi nhim do tiếp xúc gn vi người nhim Covid-19.

Giám đốc khu vc Tây Thái Bình Dương ca T chc Y tế thế gii (WHO) Takeshi Kasai nói vi truyn thông trong nước hôm 21/4 rng người dân Vit Nam s hp tác cao vi chính ph và có ý thc k lut trong vic "tuân thủ các quy tc xã hi đ gim lây nhim".

Báo chí Nhà nước cần làm gì để có thể thực sự phục vụ nhân dân’ ? (RFA, 21/04/2020)

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, khi trả lời báo chí hôm 21/4/2020, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh mới, báo chí càng phải khẳng định vai trò quan trọng dẫn dắt, định hướng dư luận bằng thông tin chính xác, khách quan, trung thực...

phongchong2

Một sạp bán báo tại Việt Nam. RFA - Ảnh minh họa

Ông Hồ Quang Lợi còn nhấn mạnh, làm báo để phục vụ đất nước, nhân dân.

Vậy báo chí Nhà nước cần làm gì để có thể ‘phục vụ nhân dân’ trong thời kỳ mới như lời ông Hồ Quang Lợi ?

Chị Hằng, hiện sinh sống tại Việt Nam, nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 21/4/2020 :

"Tôi thấy báo chí Việt Nam làm gì có phục vụ nhân dân ? Tôi chẳng bao giờ muốn đọc. Báo chí cần phải nói thẳng và nói thật, không giấu diếm. Báo chí phải đứng về phía người dân để viết, chứ không viết theo sự chỉ đạo của đảng cộng sản. Ngoài ra, người viết bài cần có nghiệp vụ, người viết báo cần có cái tâm và chính nghĩa. Nếu báo chí Việt Nam thay đổi được, thì tôi nghĩ sẽ thu hút nhiều người dân đọc báo hơn".

Còn Chị Phan Thị Mỹ Xuyên, ở Hà Tĩnh, khi nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 21/4/2020, thì cho rằng, báo chí cần phải trong sáng, nói đúng sự thật bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người dân. Nhưng ở Việt Nam hiện nay báo chí còn hùa theo những người tham nhũng, hãm hại dân, đăng tin sai sự thật, dẫn đến việc nhiều gia đình có thể bị cảnh oan sai trong nhiều năm vẫn không được giải quyết.

Mặc dù quy hoạch phát triển và quản lý báo chí Việt Nam đến năm 2025, sẽ theo chiều hướng giảm số lượng. Nhưng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện Việt Nam vẫn còn hơn 800 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình với đội ngũ nhà báo lên tới khoảng 40 ngàn người. Tất cả các cơ quan báo chí này đều phải chịu sự kiểm soát thông tin của nhà nước mà cụ thể là theo đường hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Từ Nha Trang, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 21/4/2020, Nhà báo Võ Văn Tạo nói :

"Để báo chí phục vụ nhân dân, theo tôi nghĩ trước tiên phải phục vụ một cách thiết thực. Chứ hiện nay, hệ thống tuyên truyền của nhà nước Việt Nam cứ nói báo chí phục vụ nhân dân, nhưng quan điểm của tôi cũng như đa số người dân, báo chí ít phục vụ nhân dân lắm, phục vụ ‘các cụ’ thôi. Khi làm báo trước đây, chúng tôi thường nói lóng, tin bài đó thuộc dạng ‘kính cụ’, tức là tin bài đó được lòng lãnh đạo, dân chả cần xem... ví dụ như tin ‘hôm nay Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp đồng chí gì đó’ Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Lào…".

Theo Nhà báo Võ Văn Tạo, người dân đâu cần những tin bài lấy lòng lãnh đạo, cái họ cần là những gì thực tế như việc : ‘bao giờ hết giãn cách xã hội và những bước như thế nào để chuẩn bị’...

phongchong3

Một sạp bán báo ở Việt Nam RFA - Ảnh minh họa

Báo chí tại Việt Nam phục vụ nhiệm vụ chính trị, không có báo chí tư nhân, định hướng dư luận xã hội… thì không có gì mới, lâu nay vẫn là những cái cơ bản mà nhà nước Việt Nam áp dụng với báo chí. Nhưng nếu so với cách đây khoảng 3 hay 4 thập kỷ, thì việc kiểm soát báo chí có thay đổi. Không chỉ bị kiểm soát trực tiếp từ Ban Tuyên giáo Trung ương đến Ban Tuyên giáo địa phương và các Sở Thông tin - Truyền thông ở các tỉnh thành. Các tờ báo còn bị kiểm duyệt thông qua việc bố trí nhân sự trong các cơ quan báo chí như bí thư chi bộ, đảng bộ của các nơi này.

Để tìm thêm về vấn đề này, Đài Á Châu Tự Do hôm 21/4/2020, liên lạc Nhà nghiên cứu xã hội học, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, và được bà đưa ra nhận định :

"Nhìn chung thì tôi nghĩ những ai làm về báo chí đều biết phải đánh đúng nhu cầu của người dân, những cái người dân đang quan tâm thì mình đánh đúng nhu cầu đó. Thứ hai là cái mà bây giờ người ta hay dùng là ‘hot’, chạy theo những cái ‘hot’ trên thị trường... thì người ta sẽ quan tâm hơn. Còn nói về thông tin không đúng sự thật thì bây giờ nó là một vấn đền rất lớn, vì ngay cả báo lớn nhưng có khi cũng đưa những thông tin không đúng lắm, còn những tờ báo vừa hay người ta còn gọi là lá cải, thì đôi khi người ta còn lợi dụng cả những tin đấy để gây sự chú ý, hoặc là thậm chí tạo ra một scandal, và scandal đó lại càng tăng tranh cãi và tò mò của người đọc, thì có khi họ lại sử dụng nó như một công cụ để tăng người đọc".

Vậy báo chí Nhà nước cần làm gì để có thể thật sự ‘phục vụ nhân dân’ trong thời kỳ mới như lời ông Lợi ?

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, nguyên Phó trưởng ban Kế hoạch - Dự án và Phó trưởng ban Tư Liệu của Đài truyền hình HTV, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 21/4/2020 từ Sài Gòn, liên quan vấn đề này cho biết ý kiến của mình :

"Báo chí là một sản phẩm của thị trường thì không thể nói phục vụ nhân dân mà phải nói bán ra thị trường, như vậy phải căn cứ vào nền kinh tế thị trường. Người ta hay gọi báo chí là một món ăn tinh thần, như vậy để thị trường quyết định. Nếu đáp ứng đúng nhu cầu thị trường thì người ta sẽ chấp nhận và mua (xem) sản phẩm đó, và tờ báo sẽ sống được. Tóm lại, thứ nhất là phải quy về cái căn bản nhất là nền kinh tế thị trường, như vậy mới có thể vực nền báo chí đang rệu rã, dối trá hiện nay tại Việt Nam.

Thứ hai, theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, báo chí phải làm việc theo luật, phải bỏ hết những tin bài không liên quan luật báo chí, tức là những kiểu mà người cộng sản Việt Nam hay dùng, đó là những chỉ thị, nghị quyết... thậm chí mệnh lệnh miệng để điều khiển báo chí. Theo ông, việc đó là sai lầm. Ông nói tiếp :

"Thứ ba, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, là một cái thiếu hụt trầm trọng suốt hàng chục năm qua. Như vậy, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải trả lại quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, đồng thời phải gắn chặt tính trách nhiệm đi đôi với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí... mới giải quyết được tình trạng báo chí như hiện nay".

Cũng xoay quanh vấn đề quan trọng nhất là kinh tế thị trường trong lĩnh vực báo chí. Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, tất cả báo chí Việt Nam phải tự thu xếp, tự nuôi sống bản thân, chứ không thể nào còn nhận ngân sách từ nhà nước cấp. Ví như những trang báo lớn, quan trọng của nhà cầm quyền như báo Nhân dân, Sài gòn Giải phóng... thì hầu như không bán được, mà phải buộc các cơ quan, tổ chức mua những tờ báo của họ, để họ có kinh phí mà họ sống.

Đồng quan điểm, nhà báo Võ Văn Tạo cũng cho rằng, báo chí muốn phục vụ nhân dân thì phải có tự do báo chí, không bao cấp, thì báo chí mới có trách nhiệm, chứ còn nhà nước, đảng bao cấp thì báo chí cũng chỉ là công cụ tuyên truyền cho đảng, chứ không phải báo chí đúng nghĩa.

Vào ngày 21/4, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới công bố phúc trình về Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2020, theo đó Việt Nam bị xếp hạng 175 trên 180 quốc gia được đánh giá.

Published in Việt Nam