Facebook lại bị răn đe
Sự kiện đại diện Facebook vừa xác nhận "làm con dâu Việt Nam" khiến cho giới người dùng Facebook thêm bất mãn và cảnh giác. Vô số nghi hoặc. Lẽ nào chỉ vì ham "ngoạm miếng bánh thị trường" mà siêu doanh nghiệp quyền lực tầm cỡ thế giới, nơi tập hợp vô số trí thức tài ba về khoa học công nghệ và quản trị này lại chấp nhận "thọc tay sâu vào bùn bẩn", ngoan ngoãn kết hợp với nhà độc tài toàn trị khét tiếng hiện đang bị quốc tế xếp vào hạng đội sổ về tự do ngôn luận và nhân quyền trên toàn thế giới ?!
Cuộc gặp giữa ông Simon Milner, Phó Chủ tịch Facebook (trái) với quyền Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ở Hà Nội hôm 14/9. Courtesy Bộ Thông tin và truyền thông
Theo Vietnamnet, ngày 14/9/2018, ông Simon Milner, Phó chủ tịch về Chính sách công tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Facebook đã cam kết cùng quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng là sẽ hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam, hình thành nhóm làm việc chung giữa Facebook và cơ quan quản lý Việt Nam - (đương nhiên là cơ quan công an và quân đội - những đặc nhiệm có quân số và tiền bạc khổng lồ thực thi Luật an ninh mạng).
Nếu đúng như tin Vietnamnet.vn đã đưa thì đại diện Facebook còn "ngoan" tới mức chấp nhận làm "con dâu" của Việt Nam, theo gợi ý của ông Hùng. Lý do đưa ra để ràng buộc là : "sự thịnh vượng của Facebook tại thị trường Việt Nam sẽ phải song hành với sự thịnh vượng chung của đất nước Việt Nam".
Vấn đề nằm ở chỗ "sự thịnh vượng chung của đất nước Việt Nam" là một khái niệm hoàn toàn khác với với khái niệm thông thường mà một người nước ngoài sống trong nền dân chủ như ông Simon Milner có thể hình dung thấu đáo. Trong khi đó người Việt Nam ai cũng hiểu rằng, "sự thịnh vượng chung của đất nước" chỉ có nghĩa là sự thịnh vượng của tập đoàn cầm quyền tham nhũng. Đã có quá nhiều minh chứng là tập đoàn này càng thịnh vượng thì đất nước càng kiệt quệ và dân càng nghèo đói, bóc lột và bất công.
Khi đã hiểu rõ điều đó, lẽ nào Facebook vẫn muốn hỗ trợ nhà cầm quyền đàn áp tự do ngôn luận và quyền con người Việt Nam dưới danh nghĩa "hợp tác chặt chẽ" và làm trọn bổn phận "con dâu" ?!
Lấy cớ rằng "có nhiều doanh nghiệp trong nước phàn nàn về "bảo hộ ngược", ông Hùng răn đe thêm : "Sự xuất hiện của fake news (tin tức giả mạo) và việc lợi dụng mạng xã hội của các tổ chức khủng bố đã ảnh hưởng rất nhiều đến xã hội. Giống với Google hay YouTube, hiện Facebook và Việt Nam đã hình thành nên một cơ chế phối hợp riêng. Tuy nhiên thực tế thời gian qua cho thấy, kết quả của hình thức hợp tác này vẫn còn hạn chế".
Đã có kinh nghiệm hoạt động tại Việt Nam, Facebook không thể không biết ông quyền Bộ trưởng muốn áp đặt và mặc cả điều gì : Facebook muốn giữ được miếng ăn với trên 60 triệu khách hàng tại Việt Nam thì phải làm theo yêu cầu cấm cản tự do ngôn luận. Ngoan như thời gian qua cũng là tốt nhưng chưa đủ, phải ngoan ngoãn hơn nữa, "giống tâm thế người con dâu về nhà chồng, cần phải tiếp nhận và thích nghi với văn hóa, nếp sống hàng ngày của gia đình nhà chồng" (theo Vietnamnet).
Facebook "làm dâu trưởng" ?
Theo tin đã đưa thì ông Simon Milner "cam kết hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để giải quyết triệt để các vấn đề còn tồn tại thông qua việc hình thành nhóm làm việc chung với Việt Nam". Ông được cho là "rất thích hình ảnh nàng dâu về nhà chồng mà Quyền Bộ trưởng Thông tin và truyền thông lấy ví dụ. "Ở một số nước chúng tôi chỉ là một trong các nàng dâu, nhưng ở đây chúng tôi là nàng dâu trưởng", vị Phó chủ tịch Facebook cho biết
Được đà, ông Nguyễn Mạnh Hùng còn dạy dỗ : "Khi về làm dâu, cô gái đó sẽ phải tôn trọng các yếu tố văn hoá, truyền thống của gia đình nhà chồng. Điều này lại càng khắt khe hơn với một nàng dâu trưởng, khi sẽ phải làm gương cho những nàng dâu đến sau".
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trên cơ sở quản lý kiểu "gia đình trị" như vậy, đề nghị Facebook "thực hiện xử lý các yêu cầu này sớm để thể hiện thiện chí với Chính phủ Việt Nam bằng những động thái ban đầu cụ thể".
Trước khi gặp ông quyền Bộ trưởng Thông tin, đại diện Facebook đã bị răn đe ở cấp Thủ tướng chính phủ. Ngày 13/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra một số yêu cầu đối với Facebook về "chặn lọc các thông tin xấu độc".
Một mặt vâng dạ để giữ thị trường, mặt khác, Facebook vẫn phải giữ nguyên tắc và tuân thủ những cam kết quốc tế về quyền con người và tự do ngôn luận. Facebook bị đặt vào tình thế khó khăn khi hoạt động ở những nước là "kẻ thù của tự do ngôn luận" như VN. Nếu hoàn toàn cứng nhắc thì họ sẽ phải ra đi, để chỗ trống cho nhà mạng Trung Quốc tung hoành.
Thế giới sẽ theo dõi chặt chẽ xem "nàng dâu Facebook" khôn khéo ngoan ngoãn đến đâu là đủ để không bị trục xuất khỏi Việt Nam mà vẫn không bị coi là "kẻ thù của tự do ngôn luận".
Sống sót tại Việt Nam
Càng gần đến ngày Luật An ninh mạng có hiệu lực, nhà cầm quyền Việt Nam càng siết chặt "nắm đấm sắt", kề cả việc xử tù thật nặng những người vô tội đã lên tiếng vì tự do ngôn luận và cả gan trục xuất những lãnh đạo của tổ chức nhân quyền thế giới. Họ đã nhiều lần gây sức ép với Google, Youtube và Facebook, buộc các doanh nghiệp này vì "miếng bánh" thị trường hơn 60 triệu khách hàng ở Việt Nam mà phải thỏa hiệp, chấp nhận bỏ qua một số cam kết quốc tế để "đi đêm" với công an và quân đội , phải mặc nhiên theo lệnh nhà cầm quyền và Ban tuyên giáo trung ương.
Đối thoại giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các tập đoàn toàn cầu ở Hà Nội hôm 12/9/2018 Photo : RFA
Trước đây, Facebook đã vô hiệu hóa nhiều tài khoản Facebook của những trí thức bất đồng chính kiến và dân oan. Điều này đã vượt quá sức chịu đựng của các nạn nhân. Đến 9/4/2018, 50 tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và các tổ chức truyền thông độc lập ở Việt Nam đã gửi thư ngỏ tới ông Mark Zuckerberg khiếu nại và cảnh báo về tình trạng nội dung thông tin trên Facebook của họ bị xóa và nhiều tài khoản bị khóa.
Đặc biệt, khi có những sự kiện quan trọng : kêu gọi biểu tình, ngày quốc khánh , những ngày tù nhân lương tâm tuyệt thực, dân oan tự thiêu, khi những phiên tòa đưa ra các bản án vô đạo vô pháp... thì Facebook của nhiều người đã bị vô hiệu hóa và có nhiều thông tin trên mạng liên quan tới việc tố cáo sự đàn áp, những thảm cảnh của người dân do lũ lụt hoặc thảm họa môi trường... đã bị nhà quản lý Facebook xóa bỏ với tần số ngày càng lớn.
Kể từ tháng 4 năm 2017, sau cuộc gặp gỡ giữa một lãnh đạo Facebook với nguyên Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn, tình trạng bóp nghẹt tự do trên mạng đã gia tăng và không có được lời giải thích hợp lý từ Facebook.
Hành vi này là không thể chấp nhận được vì nhà quản lý Facebook chỉ dựa vào chế độ báo cáo vi phạm" của đội ngũ đông đảo dư luận viên công an và "lực lượng 47" của Bộ Quốc phòng mà không kiểm tra xem nội dung đó có gì sai phạm theo công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam hay không. Dẫu là kinh doanh, Facebook đương nhiên phải tôn trọng Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của công dân mà Việt Nam đã ký kết trước đây.
Cuộc gặp, răn đe và hứa hẹn "làm dâu trưởng " của ông Simon Milner lần này đã khiến cho Facebook phải đứng trước sức ép và sự lựa chọn quyết liệt. Họ sẽ mất thêm uy tín và khách hàng tại Việt Nam và trên thế giới, nếu dấn sâu "đi đêm" với nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp tự do ngôn luận.
Một đế chế kinh doanh dẫu lớn mạnh đến đâu nhưng khi mất uy tín thì cũng có thể sụp đổ nhanh chóng, chưa kể với sự phát triển của khoa học công nghệ, sẽ có những phát minh vượt trội Facebook và vô hiệu hóa những kiềm tỏa của mọi luật an ninh mạng độc tài trên thế giới để khách hàng lựa chọn.
Đương nhiên, những người dùng Facebook vẫn mong mạng thông tin này "sống sót" tại Việt Nam mà vẫn đảm bảo những chuẩn mực về tự do ngôn luận bất kể thủ đoạn đe dọa của nhà cầm quyền.
Trách nhiệm này nằm trong tay những nhà quản trị Facebook.
Võ Thị Hảo
Nguồn : RFA, 15/09/2018
Việt Nam yêu cầu Facebook ‘hợp tác chặt chẽ’ với chính quyền (VOA, 14/09/2018)
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Facebook hợp tác chặt chẽ với Bộ Thông tin và truyền thông, gỡ bỏ các thông tin "xấu độc", ảnh hưởng đến quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phải "có trách nhiệm" với hơn 60 triệu tài khoản tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) trong buổi họp với ông Simon Milner-Phó Chủ tịch về Chính sách công tại Châu Á-Thái Bình Dương của Facebook.
Đề nghị của Thủ tướng Việt Nam được đưa ra trong cuộc họp với ông Simon Milner, Phó Chủ tịch về Chính sách công tại Châu Á-Thái Bình Dương của Facebook, bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN vào chiều 13/9.
Ngoài yêu cầu kiểm soát tài khoản người dùng, các lãnh đạo của Việt Nam còn đốc thúc công ty công nghệ toàn cầu này mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, gia tăng áp lực buộc Facebook phải tuân theo Luật An ninh mạng đầy tranh cãi mà Việt Nam mới thông qua hồi tháng 6, theo Reuters.
"Quyền Bộ trưởng (Bộ Thông tin và truyền thông) Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị Facebook trên cơ sở kinh doanh thành công tai Việt Nam, thì cũng nên dành một tỷ lệ doanh thu để tái đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, và sớm mở văn phòng đại diện tại Việt Nam", truyền thông Việt Nam đồng loạt cho hay.
Một phát ngôn nhân của Facebook nói với Reuters rằng cô không bình luận gì về thông tin này.
Theo nhận định của hãng thông tấn có trụ sở ở Anh, mặc dù Việt Nam có những cải cách kinh tế sâu rộng và mở cửa cho những thay đổi xã hội, nhưng Đảng Cộng sản cầm quyền vẫn không chấp nhận sự bất đồng và kiểm soát chặt chẽ truyền thông trong nước.
Các công ty công nghệ hàng đầu như Google, Facebook, YouTube… mặc dù chống lại các điều khoản của Luật An ninh mạng yêu cầu phải lưu trữ dữ liệu người dùng tại địa phương, nhưng vẫn chưa đưa ra quan điểm cứng rắn đối với các điều khoản nhằm gia tăng đàn áp các hoạt động chính trị trên mạng.
Tuy vậy, cá nhân các quan chức của công ty lại bày tỏ quan ngại rằng các trung tâm dữ liệu và văn phòng tại địa phương có thể giúp cho chính quyền dễ dàng nắm bắt dữ liệu người dùng hơn và đặt nhân viên địa phương trước nguy cơ bị bắt giữ.
Hồi tháng 7, 17 nhà lập pháp Mỹ đã kêu gọi các các lãnh đạo công ty Facebook và Google chống lại Luật an ninh mạng, vốn bị các nhà phê bình cho rằng đã trao thêm quyền lực cho nhà nước để đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến.
Luật an ninh mạng, bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm tới, quy định rằng Facebook, Google và các công ty công nghệ toàn cầu phải lưu trữ dữ liệu cá nhân người dùng tại Việt Nam và mở văn phòng ở trên lãnh thổ Việt Nam.
Một số tổ chức quốc tế cũng đã lên tiếng yêu cầu Việt Nam thu hồi luật này và cho rằng đây là bản sao của Luật An ninh mạng của Trung Quốc.
Đáp lại yêu cầu của lãnh đạo Việt Nam, đại diện Facebook nói "sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam về những vấn đề mà nhiều quốc gia đang gặp phải, nhất là an ninh mạng để hai bên cùng thảo luận, định hình những biện pháp khắc phục, xử lý sao cho phù hợp với mỗi quốc gia", theo Zing.
Tuần trước, quyền Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng lên tiếng trên truyền thông trong nước, nói rằng Việt Nam cần xây dựng mạng xã hội "made in Vietnam" thay vì để thị phần rơi vào tay Facebook, Google, đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2022 sẽ đạt bằng hoặc hơn số tài khoản Facebook tại Việt Nam, chiếm 60 - 70% thị phần.
**************
Việt Nam là một trong những nước buôn bán ngà voi lớn nhất thế giới (RFA, 14/09//2018)
Tổ chức Điều tra Môi trường EIA trụ sở tại Anh Quốc hôm 13/9 ra báo cáo về vai trò ngày càng tăng của các băng nhóm Việt Nam trong hoạt động buôn bán ngà voi. Báo cáo được công bố sau hai năm tiến hành điều tra một cách bí mật.
Ngà voi bị bắt tại hải quan Hongkong. AFP
Các chuyên gia điều tra đã thâm nhập thành công vào một số đường dây buôn bán ngà voi ở Mozambique, Nam Phi, Malaysia, Lào, Campuchia và Việt Nam. Qua đó họ nắm được chi tiết cách thức hoạt động của các băng nhóm tội phạm, từ việc bọn gian hợp tác buôn bán với nhau ra sao, cho đến cách thức vận chuyển một số động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng khác như tê giác, tê tê.
Khác hẳn với Trung Quốc, nơi đã chấm dứt việc buôn bán ngà voi hợp pháp vào tháng 1 và đẩy mạnh việc chống buôn bán ngà voi, Chính phủ Việt Nam đã không thực hiện nghiêm túc cam kết giải quyết loại tội phạm buôn bán động vật hoang dã ; và trong thập kỷ vừa qua lại trở thành một trong những nước buôn bán và vận chuyển ngà voi bất hợp pháp lớn nhất thế giới.
Báo cáo của EIA nêu rõ kể từ năm 2009 có 56 tấn ngà voi đã bị tịch thu tại Việt Nam và thêm 20 tấn có liên quan đến Việt Nam bị tịch thu ở các nước khác. Số ngà voi này tương đương khoảng 11.414 con voi bị lấy ngà.
Vào tháng 8 năm 2015, Hải quan Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng đã bắt được ba vụ vận chuyển ngà voi. Vụ thứ nhất gồm 700 kg ngà voi và sừng tê giác trong hai container được vận chuyển từ Mozambique.
Vụ thứ hai là 2,2 tấn ngà voi giấu bên trong các thùng gỗ được gửi từ Nigeria đến Việt Nam. Vụ còn lại là một tấn ngà voi và bốn tấn vảy tê tê được giấu trong một lô đậu được xếp tại cảng Klang, Malaysia.
*****************
Cựu tù chính trị Trương Văn Kim lại bị hành hung đến thương tích (RFA, 13/09/2018)
Cựu tù chính trị Trương Văn Kim ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng được cho biết vào ngày 9 tháng 9 vừa qua đã bị hành hung đến thương tích gãy tay phải đưa đến bệnh viện chữa trị ; nhưng vẫn gặp trở ngại với chỉ đạo mà y tá nói từ phía công an.
Ảnh chụp màn hình. Ông Trương Văn Kim bị băng bó vì thương tích do bị đánh - Courtesy FB Khải Thành
Vào ngày 13 tháng 9, một thân hữu của cựu tù chính trị Trương Văn Kim là Mục sư Khải Thành cho Đài Á Châu Tự Do biết tình hình của ông này như sau :
"Vào ngày 9 tháng 9 khi ông Kim đi rẫy về một mình, có người xin ông sầu riêng thì ông xuống xe lấy sầu riêng để cho. Thế nhưng có hai người nấp sau đống cát ném vào mặt ông rồi lấy gậy đánh ông đến gãy xương tay.
Ông được đưa xuống Bệnh Viện Chấn Thương Chỉnh Hình ở Sài Gòn. Ban đầu có chỉ thị không chữa cho ông ; nhưng rồi lại có chỉ thị chữa và nay lại buộc trả ông về mà ông đang trong tình trạng nguy hiểm".
Cựu tù chính trị Trương Văn Kim, 70 tuổi, bị tuyên án tù 3 năm và 3 năm quản chế vào ngày 26 tháng 8 năm 2009, với cáo buộc ‘trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân’. Tuy nhiên, ông Kim cho biết bản thân là một võ sư và đất đai bị cưỡng chế nên ông trở thành một người phải khiếu kiện vì oan ức.
Đến ngày 26 tháng 8 năm 2015 ông hết hạn quản chế và chỉ lo làm ăn tại quê nhà. Thế nhưng nhiều lần công an địa phương đến nhà khiêu khích, gây khó khăn cho bản thân ông.
Vào tháng sáu vừa qua, hai trường hợp bị lực lượng an ninh, công an địa phương tại tỉnh Lâm Đồng tấn công bằng gạch đá, hành hung, xúc phạm đáng chú ý là đối với Chánh trị sự Hứa Phi thuộc Đạo Cao Đài không theo phái Nhà nước dựng lên ; và nhà hoạt động công đoàn độc lập Đỗ Thị Minh Hạnh.
********************
Mở thêm cửa khẩu với Trung Quốc : lợi bất cập hại (RFA, 13/09/2018)
Một cửa khẩu mới giữa Trung Quốc và Việt Nam vừa được khai trương. Chuyện mở cửa khẩu thông thương giữa hai nước láng giềng là một thông lệ quốc tế lâu nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh khi mà Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi trong mậu dịch với Trung Quốc, cũng như tranh chấp chủ quyền giữa đôi bên, thì việc mở thêm cửa khẩu gây băn khoăn cho nhiều người Việt Nam ?
Cửa khẩu Chi Ma ở Lạng Sơn mới được khai trương hôm 10/9/2018. Ảnh chụp màn hình báo Thanhnien
Chiều 10/9, UBND tỉnh Lạng Sơn và chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã tổ chức Lễ công bố chính thức mở cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (thuộc huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) - Ái Điểm (thuộc huyện Ninh Minh, Quảng Tây). Như vậy tỉnh Lạng Sơn đã có 12 cửa khẩu chính thức thông thương với Trung Quốc.
Phó bí thư Khu uỷ Quảng Tây Tôn Đại Vĩ cho biết Việt Nam là đối tác lớn nhất của tỉnh Quảng Tây khi kim ngạch thương mại hai chiều chiếm tới trên 30% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho biết quan điểm về việc Việt Nam mở thêm cửa khẩu mới sang Trung Quốc :
Vấn đề thương mại giữa Việt Nam là Trung Quốc trong thời gian vừa qua có câu chuyện buôn bán qua đường tiểu ngạch nhiều, không chính ngạch. Do đó hàng kém chất lượng, hàng có nguy cơ gây ô nhiễm, đã tuồn vào qua đường tiểu ngạch. Đường biên giới nhiều con đường mòn, chứ không đi qua cửa khẩu. Cho nên việc mở thêm cửa khẩu quốc tế đó chính là biện pháp nhằm quản lý được việc xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước một cách chính quy, chặt chẽ và đảm bảo tính an toàn trong thương mại.
Việt Nam hiện có xuất nhập khẩu tiểu ngạch với 3 nước Lào, Campuchia và Trung Quốc, trong đó giao thương với Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn nhất, được đánh giá một phần là do Việt Nam có đường biên giới tiếp giáp 7 tỉnh của Việt Nam với Hoa Lục.
Tuy nhiên, việc buôn bán qua đường tiểu ngạch với Trung Quốc từ lâu đã bị các cơ quan chức năng cảnh báo vì những hệ lụy không lường trước được chẳng hạn như thương lái Việt bị lật kèo, ép giá do không có hợp đồng chính thức với đối tác Trung Quốc. Trong khi phía Trung Quốc lại chỉ muốn mua hàng của Việt Nam qua đường tiểu ngạch do được phía họ giảm 50% thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với phương thức này.
Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam chỉ sau Hoa Kỳ, tuy nhiên phần lớn qua đường tiểu ngạch. Việt Nam bấy lâu nay vẫn loay hoay tìm những biện pháp để hạn chế hình thức thương mại này với quốc gia kế bên.
Đối với Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển đã giải thể, thì việc mở thêm cửa khẩu mới với Trung Quốc cũng có một số lợi điểm :
Tôi nghĩ rằng giữa các nước láng giềng với nhau nếu mối quan hệ thông thương được thông thoáng, tạo thuận lợi cho người dân thì là điều tốt. Chứ không phải lo chuyện hàng Trung Quốc họ tràn sang và gây khó cho các doanh nghiệp Việt Nam. Điều đó chỉ có thể xảy ra chừng nào chúng ta không tuân thủ những quy tắc thương mại ở biên giới để cho hàng lậu qua thì lúc đó mới có vấn đề.
Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích này, ông cũng đưa ra lời cảnh báo cho cơ quan chức năng của Việt Nam :
Còn việc nền kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào nền kinh tế của Trung Quốc thì lúc đó mình phải tự hỏi mình, và các chính sách của Chính phủ Việt Nam để làm sao các doanh nghiệp trong nước phát triển lên để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc hoặc là bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tự thay đổi mình. Chứ bế quan tỏa cảng, sợ mà không mở mang thương mại ra thì tôi nghĩ còn dở hơn nữa.
Các chuyên gia trong và ngoài nước bây lâu nay đã nêu ra thực tế là nền kinh tế của Việt Nam ngày càng phụ thuộc sâu vào Trung Quốc, từ việc xuất nhập khẩu nông sản cho đến các dự án cơ sở hạ tầng triệu đô. Trong khi phía Việt Nam luôn chịu nhiều thiệt thòi, rủi ro trong quan hệ đối tác kinh tế với Bắc Kinh, thì hai nước còn đang vướng vào tranh chấp chủ quyền biển đảo, tiềm ẩn khả năng tác động đến quan hệ kinh tế.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, hiện đang sống ở Na-Uy nói với chúng tôi :
Tôi nghĩ Việt Nam nên có một chính sách kinh tế độc lập với chính mình. Để có sự độc lập, tự do và phồn thịnh đó thì mình không thể phụ thuộc quá lớn vào nền kinh tế của Trung Quốc. Khi mình phụ thuộc vào họ thì mình không độc lập được, và sự thiếu độc lập này sẽ là đòn bẩy để Trung Quốc áp lực với đất nước mình. Họ sẽ gây ảnh hưởng về an ninh, quốc phòng và sự phát triển của đất nước nói chung.
Người dân buôn bán tại một cửa khẩu với Trung Quốc ở Lào Cai. AFP
Trong 6 năm qua, kể từ năm 2013 đến hết quý I/2018 Việt Nam đã thâm hụt nặng nề, hơn 150 tỷ đô la, khi làm ăn với Trung Quốc, theo số liệu của Bộ Tài chính. Theo đó, Việt Nam đã chi hơn 250 tỷ USD để nhập khẩu hàng từ Trung Quốc nhưng ở chiều ngược lại Việt Nam chỉ xuất khẩu được trị giá hơn 100 tỷ USD. Một trong những lý do được Bộ Tài chính đưa ra đó là Trung Quốc bán cho Việt Nam những mặt hàng đắt tiền như máy móc, điện, phân bón, than, nguyên liệu thuốc lá, trái cây tươi... Trong khi đó, Việt Nam xuất chủ yếu sang Trung Quốc các sản phẩm giá trị thấp như cao su, nông sản, sắn lát, gạo, trái cây và gỗ...
Vì vậy các chuyên gia cho rằng việc mở thêm cửa khẩu sẽ thúc đẩy thương mại Việt – Trung nhưng nếu thiếu những chính sách hợp lý thì sẽ làm gia tăng tình trạng thâm hụt mậu dịch, hay nói cách khác thâm hụt thương mại sẽ tỷ lệ thuận với số lượng cửa khẩu với Trung Quốc.
Ngoài ra, Tiến sĩ Trần Công Trục còn nêu ra thêm một tiêu cực xảy ra ở các cửa khẩu :
Từ trước đến nay, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác, ở các cửa khẩu có câu chuyện tích cực nhưng cũng có những câu chuyện tiêu cực ở phía cơ quan quản lý chức năng. Hai bên cần có sự quản lý chặt chẽ để tránh những tiêu cực cho thông quan những hàng hóa không đạt tiêu chuẩn xuất nhập khẩu đã được quy định.
Việt Nam hiện có khoảng 24 cửa khẩu quốc tế 25 cửa khẩu song phương, 68 cửa khẩu phụ, 57 lối mở biên giới và 295 chợ biên giới, chợ cửa khẩu, phục vụ cho hoạt động thương mại biên giới.
RFI tiếng Việt
Người dùng Việt Nam đề nghị Facebook trả lời về Luật An ninh mạng (RFA, 07/08/2018)
Sáng ngày 7/7/2018, Tạp chí Luật Khoa, một ấn phẩm chuyên về pháp luật không được chính phủ Việt Nam công nhận, "khởi động một chiến dịch ký thư đề nghị Facebook bày tỏ rõ quan điểm của họ về Luật An ninh mạng Việt Nam".
Thư ngỏ gứi Facebook do Luật Khoa Tạp Chí khởi xướng - Courtesy Luật Khoa Tạp Chí
Theo Luật khoa, chiến dịch có tên #DearMark kéo dài từ nay đến hết ngày 12/9 để Chủ tịch Facebook Mark Zuckerberg trả lời 5 câu hỏi của người dùng Việt Nam.
Thỉnh nguyện thư được đưa lên trang change.org để thu thập chữ ký của người dùng bày tỏ sự lo ngại về Luật An ninh mạng mới ra đời và sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tháng 1/2019.
"Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại nêu trên, cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa thấy Facebook đưa ra bất kỳ phản ứng nào về đạo luật này. Trong khi đó, nhiều bài viết phê phán chính quyền gần đây đã bị xóa không rõ lý do. Chúng tôi cũng được biết Facebook đã và đang tiếp xúc với nhiều quan chức chính phủ Việt Nam. Tất cả những diễn biến này khiến chúng tôi đặc biệt lo ngại rằng Facebook sẽ hợp tác với chính phủ và phản bội người dùng Việt Nam", thỉnh nguyện thư có hơn 1700 chữ ký tính đến chiều 7/7 nêu rõ.
Một trong những câu hỏi đề nghị người đứng đầu mạng xã hội có trên 50 triệu người dùng phải trả lời đó là :
"Facebook có tuân thủ quy định của Luật An ninh mạng và kiểm duyệt nội dung của người dùng theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam, đặc biệt là thông tin bất lợi cho chính phủ và các công ty thân chính phủ không ?".
Luật An ninh mạng mới được Quốc hội Việt Nam thông qua trong tháng trước yêu cầu các công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu khách hàng người dùng Việt Nam ở Việt Nam và chia sẻ các thông tin này cho cơ quan chức năng khi được yêu cầu.
Bloomberg mới đây có bài viết với tựa đề Facebook và Google bị chính phủ Việt Nam bắt buộc phải lựa chọn giữa tăng trưởng hay bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng. Theo hãng tin này cả Facebook và Google đều từ chối trả lời họ có tuân thủ luật An ninh mạng của Việt Nam hay không. Tuy nhiên Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng cục An ninh mạng - Bộ Công an, nói với báo giới rằng cả Facebook lẫn Google đều không phản đối luật An ninh mạng của Việt Nam.
Một số nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam trước đây sử dụng Facebook như một công cụ lan tỏa thông tin, truyền bá tin tức dạo gần đây đã lên tiếng đòi "tẩy chay" mạng xã hội này vì những vụ chặn, xóa, khóa các tài khoản lên tiếng chỉ trích chính phủ Việt Nam.
Blogger Người Buôn Gió - Bùi Thanh Hiếu, một người chuyên phân tích thời sự Việt Nam cho biết, fanpage của ông bị nhắm mục tiêu của sự tấn công, đến nỗi tấm ảnh chụp ông và con trai cũng bị "báo cáo bản quyền".
Hôm 5/7, đại diện truyền thông của Facebook đã phải lên tiếng xin lỗi liên quan đến sai sót trong bản đồ Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
"Cuối tuần qua, chúng tôi đã nhận được phản hồi từ người dùng ở Việt Nam về một số điểm không chính xác trong bản đồ vị trí được sử dụng trong Trình quản lý quảng cáo của Facebook. Chúng tôi đã điều tra và phát hiện đây là lỗi kỹ thuật. Chúng tôi đã sửa lỗi và đang triển khai bản cập nhật trên toàn cầu. Chúng tôi xin lỗi vì gây ra sự nhầm lẫn này cho người dùng".
Hiện có khoảng 53 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam và Việt Nam là quốc gia đứng thứ 7 trong số các nước có nhiều người dùng Facebook nhất trên thé giới.
*******************
Blogger Việt yêu cầu Facebook trả lời vì bài viết bị xóa vô cớ (Người Việt, 08/07/2018)
Giới blogger Việt Nam đang tổ chức một chiến dịch công khai, yêu cầu ông chủ Facebook Mark Zuckerberg trả lời các câu hỏi về việc nhiều post Facebook phê phán chính quyền gần đây "đã bị xóa không rõ lý do".
Nhiều Facebooker Việt Nam đặt nghi vấn rằng Facebook "hợp tác" với chính quyền cộng sản Việt Nam. (Hình : Thanh Niên)
Các Facebooker quan ngại rằng mạng xã hội hàng đầu thế giới này đã "hợp tác với chính phủ cộng sản Việt Nam, phản bội người dùng Việt Nam".
Tính đến đêm 7 tháng Bảy, đã có 2.500 chữ ký vào thỉnh nguyện thư "Đề nghị Facebook trả lời về Luật An ninh mạng Việt Nam" do Luật Khoa Tạp Chí khởi xướng trên website change.org.
Chính mối lo ngại này đã khiến hàng vạn Facebooker Việt Nam, nhất là giới hoạt động, đấu tranh dân chủ, làm cuộc "di tản" sang mạng xã hội Minds. Cho dù rằng những người "chuyển nhà" chỉ có niềm tin ban đầu rằng Minds "không khuất phục chính phủ cộng sản Việt Nam về Luật An ninh mạng" chứ không biết được tương lai khi mạng xã hội này lớn mạnh thì sẽ thế nào.
Trong thỉnh nguyện thư, Luật Khoa Tạp Chí đề nghị Facebook trả lời một số câu hỏi "muộn nhất là ngày 12 tháng Chín" – thời điểm đánh dấu ba tháng Luật An ninh mạng được Quốc hội cộng sản Việt Nam thông qua. Đồng thời, việc Facebook có trả lời những câu hỏi hay không "là một trong những yếu tố quan trọng để giới blogger Việt Nam cân nhắc có tiếp tục sử dụng Facebook nữa hay không".
Một số câu hỏi đáng quan tâm trong văn bản nêu trên : "Facebook có cung cấp bất kỳ thông tin nào của người dùng Việt Nam cho chính phủ Việt Nam không ? Facebook đã bao giờ chia sẻ dữ liệu người dùng cho bất kỳ công ty Việt Nam nào chưa ?".
"Facebook có tuân thủ quy định của Luật An ninh mạng và kiểm duyệt nội dung của người dùng theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam, đặc biệt là thông tin bất lợi cho chính phủ và các công ty thân chính phủ không ?", theo thỉnh nguyện thư.
Người dân xem blog, Facebook, tin tức ngoài quán cà phê (Hình : Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)
"Nếu Facebook có ý định tuân thủ Luật An ninh mạng, liệu Facebook có sẵn sàng công khai nội dung các yêu cầu của chính phủ Việt Nam và các phản hồi của Facebook đối với các yêu cầu đó như một phần của chính sách minh bạch của mình hay không ?" thỉnh nguyện thư của Luật Khoa Tạp Chí viết.
Đến nay, Facebook vẫn giữ im lặng trước yêu cầu trả lời phỏng vấn từ các báo đài tiếng Việt về phản hồi trước Luật An ninh mạng. Gần như mọi câu hỏi về cáo buộc xóa post có nội dung "bất đồng chính kiến" đều được Facebook trả lời rằng họ "chỉ xóa các nội dung vi phạm "Tiêu chuẩn cộng đồng".
Hôm 15 tháng Sáu, báo VnEconomy dẫn lời ông Nguyễn Thanh Hồng, ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng -An ninh của Quốc hội : "Google và Facebook chưa có ý kiến về Luật An ninh mạng. Nhưng qua thông tin trên cộng đồng mạng, đại diện của Facebook nói sẽ nghiên cứu, triển khai quy định của Luật An ninh mạng".
Sau đó, người ta không thấy Facebook lên tiếng khẳng định hay phủ nhận phát ngôn của ông Hồng.
Blogger, nhà báo tự do Phạm Đoan Trang đặt vấn đề trên trang Facebook cá nhân : "Nhiều người trách cư dân mạng Việt Nam sao không đặt vấn đề thẳng với Facebook, đấu tranh với Facebook hoặc đàm phán với họ để bảo vệ quyền lợi của chính mình. Suy cho cùng, Facebook chỉ là một công ty tư nhân, và xin khẳng định là gặp Facebook dễ hơn nhiều so với gặp gỡ quan chức (kể cả Đại biểu quốc hội cộng sản Việt Nam). Tuy nhiên, tôi tự hỏi tại sao chúng ta cứ phải ‘xin gặp’ và ‘cầu cạnh’ những kẻ mà chúng ta biết rõ là đã và đang hợp tác với các chính thể độc tài ? Tại sao lại để các thế lực ác cấu kết với nhau để làm hại chúng ta ?".
"Có lẽ nào người Việt Nam, ngoài việc run sợ trước nhà nước độc tài công an trị và mở miệng ra là ‘xin’ nó, lại còn phải sợ, xin xỏ, và cầu cạnh thêm các ông lớn trong nước như VinCom, Sun Group, Mường Thanh… và rồi cả ông lớn ở nước ngoài như Facebook, tương lai rất gần là Hoa Vi cũng nên ? Kẻ nào hợp tác với độc tài, chúng ta hãy bất hợp tác với chúng", bà Đoan Trang viết. (T.K.)
*******************
Người Việt nổi giận, Facebook xin lỗi về bản đồ không có Hoàng Sa, Trường Sa (VOA, 07/07/2018)
Facebook hôm 5/7 đưa ra lời xin lỗi đối với những người dùng mạng xã hội của Việt Nam về bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc sau nhiều áp lực từ cộng đồng mạng, theo truyền thông trong nước.
Hình ảnh bản đồ của Facebook đưa Hoàng Sa và Trường Sa vào lãnh thổ của Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình TinTuc1h)
Trước đó 2 ngày, Facebook đưa ra lời giải thích rằng "đây là lỗi kỹ thuật và chúng tôi đã sửa lỗi này" sau khi cộng đồng marketing tại Việt Nam phát hiện ra phần bản đồ hiển thị quảng cáo theo quốc gia của Facebook đưa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền vào lãnh thổ Trung Quốc.
Ngày 1/7, các trang mạng trong nước đăng tải phát hiện của họ về bản đồ hiển thị livestream của Facebook để tên Sansha (Tam Sa) tại hai vị trí quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuy nhiên Facebook không đưa ra bất kỳ lời xin lỗi nào và điều này đã làm cho "sự giận dữ của người dùng tại Việt Nam tiếp tục tăng cao chứ không có dấu hiệu lắng xuống", theo ZingNews.
Nhiều người đã kêu gọi tẩy chay mạng xã hội lớn nhất thế giới này.
Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất ở Việt Nam với hơn 58 triệu tài khoản đang được sử dụng ở quốc gia Đông Nam Á có dân số hơn 90 triệu người.
Ngay sau khi được biết về bản đồ có thông tin ‘sai’ về Biển Đông, Bộ Thông tin và truyền thông của Việt Nam đã yêu cầu Facebook giải quyết vụ việc.
Cùng lúc đó, cộng đồng mạng xã hội Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu Facebook xin lỗi người dân và chính phủ Việt Nam vì "vấn đề này liên quan đến chủ quyền quốc gia".
"Cuối tuần qua, chúng tôi đã nhận được phản hồi từ người dùng ở Việt Nam về một số điểm không chính xác trong bản đồ vị trí được sử dụng trong Trình quản lý quảng cáo của Facebook", đại diện truyền thông của Facebook dẫn lời người phát ngôn của công ty này hôm 5/7.
Truyền thông trong nước trích lời người phát ngôn của Facebook nói : "Chúng tôi xin lỗi vì gây ra sự nhầm lẫn này cho người dùng".
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng hôm 5/7 cho biết Facebook đã "sửa thông tin sai lệch" về bản đồ.
"Như nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý, chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và phù hợp với luật pháp quốc tế", ông Thắng nói.
Mặc dù Facebook bị cấm ở Trung Quốc nhưng theo dữ liệu của Statista, vẫn có khoảng trên 55,6 triệu người dùng mạng xã hội này của nước láng giềng phương Bắc của Việt Nam.
Nhận định về "lỗi kỹ thuật" vừa qua của Facebook, một chuyên gia về an ninh mạng ở Đại học New South Wales của Úc, tiến sỹ Sarah Logan, được ZingNews trích lời nói rằng "dẫu cho đó thật sự là lỗi kỹ thuật, mô thức chung về việc công nhận tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc theo hướng có lợi cho Bắc Kinh là việc có tiền lệ".
Theo truyền thông trong nước, Hoàng Sa trước đây do chính quyền miền Nam Việt Nam kiểm soát và bị Trung Quốc đưa quân vào chiếm năm 1974. Biển Đông là khu vực luôn có nhiều tranh chấp khi Việt Nam, Trung Quốc, và các nước khác gồm Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei, đều cùng tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn phần trên đó.
Câu chuyện của nữ sinh Trương Thị Hà có lẽ là một trong những cột mốc đáng nhớ nhất về những ngày tháng mà Facebook trở nên bất thường với những người bất đồng chính kiến hay với những người chỉ muốn chân thành bày tỏ quan điểm của mình.
Hà là sinh viên Luật. Cô tham gia cuộc biểu tình ngày 17/6/2018 với một tấm biểu ngữ và niềm tin trong trắng rằng chính quyền là những người biết lắng nghe. Thế nhưng cô bị bắt lôi vào khu tập trung thẩm vấn và tra tấn ở Tao Đàn, quận 1. Nơi đó cô liên tục bị đánh đập dã man, sỉ nhục và ép nhận một tội trạng mơ hồ bởi những nhân viên khoác áo nhà nước lẫn thường phục nhưng côn đồ. Sau đó, khi ông Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hồ Chí Minh xuất hiện, Hà khóc và lên tiếng cầu cứu, thế nhưng nhân vật này đã từ chối.
Câu chuyện bất nhẫn và chứa đựng nhiều khía cạnh về giá trị của tính người và bộ dạng chung của giới trí thức xã hội chủ nghĩa, đã được Hà kể lại trên Facebook của mình với một nỗi buồn về ý nghĩa thầy trò, nhận được rất nhiều sự chia sẻ. Nhưng bất ngờ sau một thời gian ngắn, bài viết này đã bị ban quản trị Facebook xóa bỏ mà không có một lời giải thích rõ ràng nào.
Đây không phải là lần đầu tiên. Kể từ sau cuộc gặp của bà Monika Bickert, Giám đốc chính sách quản lý toàn cầu của Facebook và Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn vào ngày 26/4/2017 tại Hà Nội, các trường hợp xóa bài, khóa trang, không hiển thị... trên hệ thống Facebook ở Việt Nam dựa trên "vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng" ngày càng nhiều và càng đậm màu sắc chính trị theo kiểu con buôn thỏa hiệp với Đảng cộng sản Việt Nam.
Nhiều nhà hoạt động hay giới ủng hộ tự do ngôn luận nói rằng dù họ phát biểu ôn hòa, và thường chỉ là khuấy động về việc đòi sự minh bạch trong chính sách xã hội, nhưng họ luôn là nạn nhân của các cuộc trừng phạt không lời từ Facebook. Có ý kiến cho rằng sai lầm đó là do các lực lượng cực đoan được nhà nước nuôi dưỡng trên không gian mạng như Hội cờ đỏ, Lực lượng 47, Hội chống phản động... đã tổ chức report đánh phá. Nhưng có vẻ cách giải thích này cũng là một loại bình phong khá thuận tiện cho phía quản trị Facebook, bất chấp bà Monika Bickert hay chính Mark Zuckerberg từng khẳng định công ty Facebook đủ sức hiểu biết và kiểm soát được mọi thứ từ các thuật toán thông minh thể hiện khả năng trí tuệ nhân tạo.
Thế nhưng, ở cột mốc của câu chuyện nữ sinh Trương Thị Hà lại có những tình tiết rất thú vị. Chỉ vài mươi phút sau khi bài viết của cô sinh viên bị hệ thống Facebook im lặng xóa đi, người ta thấy trên các blog của mạng xã hội Minds, bài viết này nhanh chóng được nhân ra và dẫn ngược về các trang Facebook. Lần đầu tiên, sự cấm đoán nội tại của Facebook đã vấp phải một phản ứng mới mẻ của người dùng : Họ không gửi thư xin xỏ việc có lại bài hay thôi khóa trang, mà tức thì lên tiếng đáp trả thái độ độc tài bằng công cụ mới.
Trong vài ngày qua, những người quản lý Minds chắc cũng bất ngờ khi thấy một lượng lớn người dùng từ Việt Nam tràn sang, khiến nơi này trở nên rộn rịp với nhiều câu hỏi. Nhiều nhất là những câu hỏi và đề nghị phiên bản tiếng Việt cho đoàn người exodus từ Facebook. Có một người nước ngoài khi thấy sự bất thường này đã hỏi rằng có chuyện gì ở Việt Nam, một cư dân mới đến đã giải thích rằng Facebook ở Việt Nam trở nên không còn an toàn nữa, và mọi người muốn tìm một nơi cư trú hay diễn đàn mới.
Lúc này, một làn sóng khác thì đang kêu gọi mọi người đừng rời bỏ và hãy tiếp tục dùng Facebook như một công cụ để thể hiện hoạt động bất tuân dân sự với luật an ninh mạng, vốn được coi là thủ thuật vươn xa bộ máy kiểm duyệt hà khắc và độc đoán của những người cộng sản.
Với 50 triệu tài khoản, Facebook đang là một hiện tượng phục sinh của quyền lực thứ tư tại Việt Nam từ khoảng năm 2010. Nó là cuộc cách mạng nhận thức của hàng triệu người Việt từ thành thị đến nông thôn, nhưng đồng thời cũng là nỗi hãi hùng của nhà cầm quyền trong thói quen bịt mắt hay bóp méo những vấn đề mà họ cần thao túng.
Những người rời bỏ Facebook nói rằng họ muốn bày tỏ một thái độ bất mãn với mạng xã hội này, đang mỗi lúc càng chuyên chính tư sản hơn. Có người nói trên trang nhà mới tại Minds rằng họ không muốn bị bán đứng hay bị động trước những âm mưu ập vào mình. Chưa có con số thống kê cụ thể nào về lượng người từ bỏ Facebook sang Minds, nhưng dự đoán rằng sang tháng 1/2019, tức vào thời điểm an ninh mạng được thi hành, sẽ còn nhiều nguời nữa nhập vào dòng exodus thời @ này.
Minds có chủ trương ủng hộ tự do ngôn luận, chống kiểm duyệt, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Minds mở cửa cho tất cả mọi nội dung, miễn là những nội dung đó hợp pháp theo luật Hoa Kỳ
Nhưng bên cạnh đó, nhiều người vẫn khẳng định rằng mình quyết chọn Facebook để làm mặt trận thông tin với nhà cầm quyền, bất chấp những hiểm nguy từ luật an ninh mạng. Thậm chí với những người đã có thêm tài khoản mới ở Minds, vẫn tuyên bố rằng họ mượn công cụ yểm trợ, để tiếp tục thể hiện sự bất mãn của mình với chính quyền, thậm chí với cả sự thỏa hiệp của Facebook ngay trên không gian quen thuộc mà họ đang mỗi lúc có nhiều chứng cứ hơn về sự bất tín.
Nhà cầm quyền Việt Nam có thể chưa tính đến điều này : Luật an ninh mạng nhằm để đe dọa người dùng mạng xã hội Việt Nam, nay đã không làm cho quá nhiều người lo sợ - thậm chí luật này đang được nhiều người gọi nhại đi là luật thú vật - mà ngược lại còn làm khiến làn sóng bất mãn cao hơn cùng với quyết tâm đối đầu với các sai lầm từnhà cầm quyền bằng tự do ngôn luận.
Cũng giống như cách mà nữ sinh Trương Thị Hà bị công an tra tấn và đe dọa, rồi bị từ chối cứu giúp từ người đại diện giới trí thức nhân văn xã hội chủ nghĩa, cô rất buồn nhưng không tuyệt vọng. Bị Facebook khóa bài nhưng Hà nhanh chóng phát lại quan điểm của mình trên Minds một cách mạnh mẽ và cả quyết. Làn sóng bất mãn chỉ khiến người ta mạnh hơn và khơi sức thách thức mọi sự man rợ mà họ đã chứng kiến từ nhà cầm quyền, kể cả sự man rợ đó được gọi bằng cái tên mỹ miều là "luật".
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 30/06/2018 (tuankhanh's blog)
"Facebook không nên ủng hộ thể chế độc tài" (RFA, 10/04/2018)
50 tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và các tổ chức truyền thông độc lập ở Việt Nam vào ngày 9 tháng 4 đã gửi một bức thư ngỏ tới nhà sáng lập Facebook ông Mark Zuckerberg về tình trạng nội dung thông tin trên Facebook của họ bị lấy xuống và tài khoản bị khóa tại Việt Nam.
Ảnh minh họa mạng xã hội Facebook. AFP
Bức thư nêu rõ tình trạng bóp nghẹt tự do biểu đạt trên mạng và bỏ tù các nhà hoạt động, cũng như vấn đề khóa tài khoản và lấy nội dung xuống, đã gia tăng nghiêm trọng kể từ sau buổi gặp gỡ giữa Việt Nam và đại diện Facebook năm ngoái. Các nhà hoạt động cho biết họ không nhận được lời giải thích thỏa đáng từ Facebook ngoài lý do mơ hồ là "vi phạm tiêu chuẩn".
Trước tình hình trên, họ đã thúc giục ông Mark Zuckerberg xem xét lại cách làm việc của Facebook vì có thể dập tắt tiếng nói của giới bảo vệ quyền con người và nhà báo độc lập ở Việt Nam, đồng thời trở thành đồng lão với kiểm duyệt của một nhà nước độc tài cai trị như Việt Nam.
Trao đổi với đài RFA, nhà hoạt động Lã Việt Dũng, một trong những cá nhân ký tên vào bức thư ngỏ cho biết :
Tôi có những bằng chứng rất rõ ràng về việc một số nhà hoạt động và một số người bạn của tôi bị khóa tài khoản facebook như blogger Bùi Thanh Hiếu hay cụ Lê Hiền Đức là công dân chống tham nhũng. Bản thân cụ Lê Hiền Đức rất cần Facebook để đăng những bài về việc tham nhũng của quan chức chính quyền Cộng sản Việt Nam nhưng cụ cứ mở được tài khoản Facebook nào là một thời gian sau bị report và bị khóa tài khoản.
Buổi gặp gỡ giữa chính phủ Việt Nam và đại diện Facebook mà bức thư ngỏ nhắc tới diễn ra vào tháng 4 năm ngoái. Lúc bấy giờ đại diện cho phía Việt Nam là ông Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn đã yêu cầu Facebook can thiệp vào việc gỡ bỏ những tài khoản mạo danh các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, kích động bạo lực và tấn công thù địch.
Trước đề nghị này, phía Facebook cũng đã cam kết rằng tất cả các tất cả các tài khoản đăng tải nội dung xấu mang tính chất bôi nhọ người khác sẽ không còn chỗ "dung thân" trên Facebook. Đại diện phía Facebook cũng nhấn mạnh rằng sẽ tuân thủ pháp luật Việt Nam để tạo một môi trường Facebook lành mạnh.
Anh Lã Việt Dũng cho biết khi tìm cách khôi phục tài khoản, Facebook chỉ đưa ra một lý do rất khó hiểu đó là "vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng" chứ không hề nêu rõ là tiêu chuẩn nào. Anh nghi ngờ có sự can thiệp của lực lượng dư luận viên trong sự việc này :
Phần lớn những người bị khóa thường bị cộng đồng dư luận viên của Việt Nam hay còn gọi là Lực Lượng 47 họ báo cáo và tiếp xúc không biết có phải là nhân viên Facebook người Việt không mà họ khóa rất nhanh.
Tôi thấy cơ chế đóng tài khoản của Facebook dường như họ thiên về hoạt động của chính phủ Việt Nam nhiều hơn mà không tính tới việc hỗ trợ những người cất lên tiếng nói độc lập.
Cuối năm ngoái, Việt Nam xác nhận đã thiết lập một đơn vị không gian mạng mới của quân đội bao gồm 10.000 người mang tên "Lực lượng 47" được nói là nhằm chủ động đấu tranh chống các quan điểm sai trái. Lực lượng này được mô tả là "vừa hồng vừa chuyên", vừa kiên định về ý thức hệ, vừa có trình độ và kỹ năng sử dụng công nghệ cao để thực hiện nhiệm vụ. Một số tổ chức tự do ngôn luận đã bày tỏ lo ngại về đội quân này, cho rằng đây giống như một cuộc tấn công nhắm vào quyền tự do thông tin của người dân Việt.
Trong bức thư ngỏ gửi người sáng lập Facebook, các nhà hoạt động cũng tố cáo chính quyền Việt Nam thiết lập đội quân này với mục tiêu duy nhất là tung tin giả và đàn áp tiếng nói đối lập.
Trang Thời Báo Châu Á ngày 2/5/2017 đã đăng tải một bài viết đặt ra câu hỏi liệu Facebook có đang đặt lợi nhuận lên trên tự do dân chủ ở Đông Nam Á ? Bài viết đưa ra các dẫn chứng cho thấy Facebook đang hỗ trợ các chính phủ ở Đông Nam Á dập tắt tiếng nói đối lập bằng cách ngăn chặn tài khoản Facebook của họ - một phương tiện chính được giới bất đồng chính kiến sử dụng để bày tỏ quan điểm.
Luật sư Võ An Đôn, ở Phú Yên, người đồng ký tên vào bức thư ngỏ gửi nhà sáng lập Facebook, cũng là người đã bị tước vai trò của một luật sư chỉ vì những bài viết thể hiện quan điểm cá nhân trên mạng xã hội, nói với RFA :
Bản thân em cũng như nhiều người khi viết những bài phản biện xã hội, không biết vì lý do nào đó mà bên Facebook gỡ bài viết hoặc xóa tài khoản một thời gian sau đó mới trả lại. Nhiều thông tin và hình ảnh cũng không đăng được. Vì quyền tự do ngôn luận cũng như những chính kiến trên những bài viết trên mạng xã hội nên em quyết định ký vào thư đó gửi cho Facebook để không làm phiền người sử dụng nữa.
Hãng AFP liên lạc với cơ quan chức năng Việt Nam về bức thư này nhưng không nhận được câu trả lời. Trong khi đó, trao đổi với đài RFA chúng tôi vào chiều tối ngày 10 tháng 4, đại diện truyền thông của Facebook bà Sophie Vogel thừa nhận mặc dù Facebook có đề ra Tiêu chuẩn Cộng đồng nhưng đôi khi vẫn phải gỡ bỏ những nội dung dù không vi phạm tiêu chuẩn này nhưng vi phạm luật pháp của một quốc gia. Bà Sophie cũng cho biết Facebook không nhất thiết xóa bỏ nội dung đó hoàn toàn mà có thể chỉ giới hạn quyền truy cập trong phạm vi quốc gia nơi nội dung này bị cho là phạm luật mà thôi.
Đại diện truyền thông Facebook còn nói với RFA rằng Facebook sẽ tiếp tục làm việc với các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam và trên toàn thế giới để bảo vệ cộng đồng người dùng khỏi sự can thiệp một cách quá mức và không cần thiết của chính phủ.
Nhà hoạt động Lã Việt Dũng chia sẻ về những mong muốn khi gửi bức thư tới ông Mark Zuckerberg :
Facebook cần phải hiểu rằng việc tôn trọng và tạo thuận lợi cho những người có tiếng nói độc lập sẽ quan trọng hơn việc ủng hộ chính thể độc tài. Bởi vì khi Facebook giúp những người có tiếng nói độc lập lên tiếng thì xã hội sẽ thay đổi tốt hơn. Và khi xã hội thay đổi tốt hơn thì người dùng Facebook sẽ mở rộng hơn.
Khác với Trung Quốc, Việt Nam không chặn truy cập vào Facebook nhưng ra sức kiểm soát và kiểm duyệt nội dung. Ngoài Facebook, chính phủ Hà Nội còn thúc ép Google, Youtube gỡ hàng ngàn bài viết, video họ cho là "độc hại". Giới lãnh đạo cấp cao, trong đó có ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thường xuyên lên tiếng phải xử lý nghiêm những cá nhân đưa tin "thù địch, phản động". Tuy nhiên, nhiều nhà bất đồng chính kiến nói rằng đối với chính quyền Hà Nội, biên giới giữa phanh phui tiêu cực và phản động quá mong manh, đôi khi họ vì muốn xây dựng một đất nước tốt đẹp hơn nhưng lại bị quy kết tội chống phá chế độ.
********************
Giới hoạt động Việt Nam cáo buộc Facebook kiểm duyệt nội dung (RFA, 10/04/2018)
50 tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và các tổ chức truyền thông độc lập ở Việt Nam vào ngày 9 tháng 4 đã gửi một bức thư ngỏ tới nhà sáng lập Facebook ông Mark Zuckerberg về tình trạng nội dung thông tin trên Facebook của họ bị tháo gỡ và tài khoản bị khóa tại Việt Nam.
Bức thư ngỏ của 50 nhà hoạt động,tổ chức nhân quyền và nhà báo độc lập của Việt Nam gửi ông Mark Zuckerberg ngày 9/4/2018. Photo : RFA
Bức thư nêu rõ vào tháng Tư năm ngoái, người đứng đầu Quản Trị Chính Sách Toàn Cầu của Facebook là bà Monika Bickert đã có cuộc gặp gỡ với Bộ Trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn và đôi bên đã đồng ý hợp tác trong việc theo dõi và tháo gỡ nội dung. Tuy nhiên, kể từ sau buổi gặp mặt giữa hai bên, tình trạng bóp nghẹt tự do biểu đạt trên mạng và bỏ tù các nhà hoạt động, cũng như vấn đề khóa tài khoản và tháo gỡ nội dung đã gia tăng nghiêm trọng mà không nhận được lời giải thích thỏa đáng từ Facebook ngoài lý do mơ hồ là "vi phạm tiêu chuẩn".
Bức thư cũng cho biết tình trạng nhiều nhà hoạt động không thể đăng tin trên Facebook của họ sau phiên tòa xét xử 5 thành viên của Hội Anh em dân chủ vài ngày trước đó.
Ngoài ra, bức thư còn tố cáo chính quyền Việt Nam thiết lập một đội quân hơn 10 nghìn người, với mục tiêu duy nhất là tung tin giả và đàn áp tiếng nói đối lập. Họ cho rằng Lực Lượng 47 đang lợi dụng chính sách cộng đồng của Facebook và tung tin giả dối về các nhà hoạt động và tổ chức truyền thông độc lập.
Các nhà hoạt động và tổ chức bảo vệ nhân quyền Việt Nam đã thúc giục ông Mark Zuckerberg xem xét lại cách làm việc của Facebook vì có thể dập tắt tiếng nói của giới bảo vệ quyền con người và nhà báo độc lập ở Việt Nam, đồng thời trở thành đồng lão với kiểm duyệt của một nhà nước độc tài cai trị như Việt Nam. Bên cạnh đó họ còn yêu cầu Facebook mở cuộc đối thoại trực tiếp và thẳng thắn với các thành phần bị ảnh hưởng tại Việt Nam.
Hãng tin AFP cho biết họ đã liên lạc với cơ quan chức năng Việt Nam về thông tin trên nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Biểu tượng của mạng xã hội Facebook
Về phía Facebook, chiều tối ngày 10 tháng 4, đại diện truyền thông của Facebook bà Sophie Vogel nới với đài RFA rằng Facebook có các tiêu chuẩn Cộng đồng riêng về những thông tin được phép hay không được phép đăng, nhằm đảm bảo một cộng đồng an toàn. Tuy nhiên bà Sophie khẳng định rằng đôi khi Facebook phải tháo gỡ hoặc hạn chế quyền truy cập tới một nội dung nào đó vì vi phạm pháp luật của một quốc gia nhất định, mặc dù nội dung đó có thể không vi phạm tiêu chuẩn Cộng đồng của Facebook.
Facebook có quy trình rõ ràng và nhất quán nếu một chính phủ muốn đề nghị điều gì, và quy trình này không có gì khác ở Việt Nam so với thế giới. Trong Báo cáo Minh bạch của Facebook có ghi rõ ràng tất cả những nội dung bị hạn chế vì vi phạm luật của một quốc gia.
Đại diện truyền thông Facebook còn cho biết thêm, nếu một quốc gia yêu cầu gỡ bỏ những nội dung bị cho là phạm luật, Facebook không nhất thiết sẽ xóa bỏ nội dung đó hoàn toàn mà có thể chỉ giới hạn quyền truy cập nội dung đó trong phạm vi quốc gia nơi nội dung này bị cho là phạm luật mà thôi.
Facebook cũng cho biết sẽ tiếp tục làm việc với các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam và trên toàn thế giới để bảo vệ cộng đồng người dùng khỏi sự can thiệp một cách quá mức và không cần thiết của chính phủ.
**********************
Việt Nam : Facebook bị tố cáo giúp Hà Nội đàn áp đối kháng (RFI, 10/04/2018)
Trong một bức thư ngỏ gửi chủ nhân Facebook Mark Zuckerberg, công bố chiều thứ Hai 09/04/2018, khoảng năm chục tổ chức nhân quyền, nhà báo độc lập, đối lập, blogger, luật sư tại Việt Nam tố cáo Facebook hợp tác với chính quyền chuyên chế Việt Nam truy bắt, ngăn chặn những tiếng nói khác biệt, theo Reuters và AFP.
Lã Việt Dũng, có tài khoản Facebook, đã gửi lãnh đạo Facebook Mark Zuckerberg. Reuters/Kham
Bức thư ngỏ than phiền là từ năm 2017, tình trạng tháo gỡ tài khoản và nội dung thông tin trên Facebook ngày càng gia tăng.
Lê Văn Sơn, một trong những cựu tù nhân bất đồng chính kiến cho biết trang Facebook của anh thường xuyên bị kiểm duyệt và bị khóa trong suốt tuần qua, sau khi anh biểu lộ tình đoàn kết với 6 nhà tranh đấu trong Hội Anh em dân chủ bị kết án tù.
AFP tìm cách liên lạc với Facebook nhưng chưa tiếp xúc được để xem công ty của Mark Zuckerberg trả lời như thế nào về những cáo buộc này. Vào năm 2017, chính quyền Việt Nam thông báo được Facebook chấp thuận tháo gỡ những bài có nội dung "vi phạm luật Việt Nam" nhưng không nói rõ là "những nội dung chống chếđộ".
Còn theo Reuters, cho dù cải cách kinh tế và cởi mở về xã hội, nhìn nhận quyền của giới đồng tính, chuyển giới nhưng đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn kiểm duyệt tự do báo chí và không dung thứ bất cứ một tiếng nóii phê phán nào. Trong năm 2047, chính quyền Việt Nam thành lập "lực lượng 47" - một đội quân "10.000 dư luận viên" - khai thác sơ hở của Facebook để loan tin thất thiệt, nói xấu những nhà hoạt động nhân quyền.
Tình trạng tài khoản bị phong tỏa, nội dung bị xóa bắt đầu xảy ra sau khi Monika Bickert, một trong những người điều hành Facebook, gặp bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông Trương Minh Tuấn hồi năm 2017.
Việt Nam là một trong 10 nước bị dính tới vụ tai tiếng Cambridge Analytica chiếm đoạt dữ liệu. Theo Facebook, hơn 420.000 dữ liệu của khách hàng Việt Nam đã lọt vào tay công ty này.
Tiếp tục trấn áp
Thêm một thành viên của Hội Anh em dân chủ bị lãnh án tù. Cựu tù nhân Nguyễn Văn Túc, một nông dân 53 tuổi, đã bị toà án tỉnh Thái Bình, trong phiên xử chớp nhoáng sáng hôm nay 10/04, tuyên án 13 năm tù, 5 năm quản chế với tội danh "âm mưu lật đổ chính quyền". Theo luật sư Ngô Anh Tuấn, thân chủ của ông khẳng định là một nhà tranh đấu vì dân chủ.
Tú Anh
********************
Giới đấu tranh Việt Nam lo ngại Facebook ‘thỏa hiệp’ (BBC, 10/04/2018)
Giới hoạt động nhân quyền và các nhóm truyền thông người Việt ở Việt Nam và hải ngoại công bố thư ngỏ gửi ông Mark Zuckerberg bày tỏ lo ngại Facebook có thể giúp chính phủ Việt Nam "bóp nghẹt tiếng nói" về nhân quyền.
Ông Mark Zuckerberg chuẩn bị điều trần trước Quốc hội Mỹ
Lá thư nói họ lo ngại Facebook "đồng lõa với kiểm duyệt của nhà nước" ở Việt Nam.
Tường thuật sự việc này, hãng tin Reuters cho hay lá thư ngỏ do tổ chức Việt Tân đặt trụ sở tại Hoa Kỳ công bố, có chữ ký của gần 50 nhóm và cá nhân.
Reuters nói : "Mặc dù Việt Nam đã có những cải cách kinh tế sâu rộng, và ngày càng mở rộng cửa với nhiều thay đổi xã hội, bao gồm quyền của người đồng tính, và người chuyển giới, nhà cầm quyền vẫn kiểm soát chặt chẽ phương tiện truyền thông và không dung thứ những lời chỉ trích".
Lá thư than phiền : "Chúng tôi là các tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và các tổ chức truyền thông độc lập Việt Nam bị ảnh hưởng thường xuyên bởi việc Facebook khóa tài khoản và tháo gỡ nội dung".
'Không còn hỗ trợ'
Theo họ, trước 2017, khi liên lạc với Facebook, họ "được sự trợ giúp đắc lực" của công ty.
Nhưng từ năm ngoái, thư nói, mức độ tháo gỡ nội dung "ngày càng gia tăng và Facebook đã không còn hỗ trợ việc phục hồi tài khoản và nội dung".
"Đến độ, trước và sau một phiên tòa lớn xử các nhà hoạt động nhân quyền vào ngày 5 tháng Tư, 2018, Một số tài khoản và trang Facebook không đăng tin được".
Lá thư nhắc lại cuộc gặp của người đứng đầu Quản trị Chính sách toàn cầu của Facebook là bà Monica Bickert với Bộ Trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn tháng Tư 2017.
Họ nghi ngờ "dường như sau cuộc hội kiến nói trên để hợp tác với một chính quyền nổi tiếng là bóp nghẹt tự do biểu đạt trên mạng và bỏ tù các nhà hoạt động, vấn đề khóa tài khoản và tháo gỡ nội dung đã gia tăng nghiêm trọng".
Facebook đang gặp chỉ trích sau khi một công ty Anh Cambridge Analytica bị tố cáo lạm dụng dữ liệu người dùng Facebook
Đầu tháng này, luật sư nhân quyền và nhà hoạt động Nguyễn Văn Đài đã bị kết án tù 15 năm vì tội "nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Năm nhà hoạt động khác bị bắt giam từ bảy đến 12 năm.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết "không có người bị bắt vì tự do bày tỏ ý kiến" tại Việt Nam.
Trả lời của Facebook
Facebook đã có phản ứng về lá thư, theo bản tin của Reuters.
"Các tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi, cho biết những gì được phép và bị cấm trên Facebook, nhằm khuyến khích biểu đạt, tạo ra cộng đồng an toàn trên diễn đàn".
Email trả lời của một người phát ngôn Facebook nói : "Cũng có những khi chúng tôi có thể phải gỡ bỏ hay hạn chế việc tiếp cận nội dung vì nó vi phạm luật pháp ở một nước nào đó, mặc dù nó không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi".
Bản tin của hãng AFP cũng dẫn lại thông cáo của Facebook, cho hay Facebook nói họ có chính sách "gỡ bỏ hay hạn chế việc tiếp cận nội dung" vi phạm luật địa phương.
Lá thư của các nhà hoạt động người Việt công bố vào tuần lễ khi lãnh đạo cao nhất của Facebook Mark Zuckerberg sẽ điều trần tại Quốc hội Mỹ.
Ông Zuckerberg sẽ xuất hiện trước Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ.
Ông đối diện chỉ trích là Nga dùng Facebook để tuyên truyền can thiệp bầu cử Mỹ 2016.
Mới nhất là tranh cãi quanh trách nhiệm của Facebook về cáo buộc một công ty tư vấn Anh Cambridge Analytica đã thu thập dữ liệu cá nhân của 87 triệu người dùng Facebook.
*******************
Gần 50 nhóm xã hội dân sự và các nhà hoạt động Việt Nam hôm 9/4 gửi thư cho Chủ tịch Điều hành Facebook Mark Zuckerberg phản đối việc trang mạng này gỡ bài và khóa tài khoản, đồng thời kêu gọi Facebook không thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam trong việc dập tắt những tiếng nói bất đồng.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà hoạt động Nguyễn Thiện Nhân, một người ký tên trong thư ngỏ gửi nhà lãnh đạo Facebook, nói với VOA hôm 10/4 :
"Chính tôi cũng là một nạn nhân bị Facebook gỡ bài và có những lần bị phạt treo Facebook 1 tuần, rồi sau đó là 1 tháng. Một ví dụ là tôi đưa clip cảnh sát lái một chiếc xe đặc chủng cán lên xe máy của hai người công nhân thì bị ‘report,’ rồi bị gỡ bài, phạt treo Facebook của tôi. Chính sách phạt của Facebook khi bị ‘report’ như vậy là không thỏa đáng, cho nên tôi ký tên vào thư phản đối để Facebook xem xét lại".
Tương tự như trường hợp của blogger Nguyễn Thiện Nhân, trang Facebook của nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy ở Hà Nội cũng bị gỡ bài.
Ông Tường Thụy dự định sẽ ký tên vào thư phản ánh này và cho VOA biết thêm dường như có sự thỏa hiệp giữa Facebook và chính quyền Việt Nam trong việc ngăn chặn và kiểm duyệt thông tin trên Facebook.
"Họ thỏa hiệp với nhà cầm quyền Việt Nam để ngăn chặn Facebook. Việc này làm mất uy tín đối với người sử dụng. Tôi không hiểu tại sao họ lại bị sức ép như thế. Họ đã ngăn chặn và xóa bài hết sức tùy tiện. Rất nhiều bạn bè của tôi đã kêu ca và bản thân tôi cũng bị như thế. Điều này thật khó hiểu".
Hãng tin Reuters hôm 10/4 cho biết các nhà hoạt động Việt Nam đặt nghi vấn với ông rằng liệu Facebook có tiếp tay với chính quyền cộng sản trong việc đàn áp tiếng nói bất đồng.
Bức thư kêu gọi Facebook xem lại cách hành xử "mạnh tay của Facebook" như vừa qua vì có thể đang bóp nghẹt tiếng nói của giới hoạt động nhân quyền và các phóng viên độc lập tại Việt Nam.
Mức độ tháo gỡ nội dung ngày càng gia tăng và Facebook đã không còn hỗ trợ việc phục hồi tài khoản và nội dung. Trước và sau một phiên tòa lớn xử các nhà hoạt động nhân quyền vào ngày 5 tháng 4/ 2018, một số tài khoản và trang Facebook không đăng tin được.
Bức thư viết : "Chính quyền Việt Nam đã xác nhận là họ có một đội quân hơn 10 nghìn người, với mục tiêu duy nhất là tung tin giả và bóp nghẹt đối kháng…. Có những nhóm dư luận viên nhà nước phối hợp để gửi báo cáo hàng loạt về tài khoản của các nhà hoạt động và reo hò chiến thắng mỗi khi có trang Facebook bị gỡ xuống". Một thí dụ điển hình là trang "Thông tin chống phản động".
Hãng tin Anh trích bức thư của các nhà hoạt động gửi cho ông chủ Facebook nói rằng "Lực Lượng 47 đang lợi dụng chính sách cộng đồng của Facebook và tung tin giả dối về các nhà hoạt động và tổ chức truyền thông độc lập".
Việc chính quyền Việt Nam hạn chế thông tin xưa nay đã có, nhưng nhà báo Nguyễn Tường Thụy lại rất ngạc nhiên trước các hoạt động ngăn chặn bài viết gần đây của Facebook.
Ông nói :
"Ở Việt Nam hạn chế thông tin, bưng bít thông tin thì đã xảy ra từ xưa đến nay. Chính vì vậy họ mới thỏa hiệp và gây sức ép lên Facebook để gỡ bỏ bài viết theo ý của họ. Tại sao Facebook lại làm như thế. Tôi thấy rất là ngạc nhiên".
VOA đã liên hệ với bà Lê Diệp Kiều Trang, tân Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Facebook Việt Nam, nhưng chưa được hồi đáp.
Trong bức thư gửi cho nhà lãnh đạo cao nhất của Facebook, các nhà hoạt động Việt Nam viết : "Chúng tôi ngạc nhiên khi biết được người đứng đầu Quản Trị Chính Sách Toàn Cầu của Facebook là bà Monica Bickert đã có cuộc gặp gỡ với Bộ Trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn vào tháng 4/2017, và được biết là đôi bên đã đồng ý hợp tác trong việc theo dõi và tháo gỡ nội dung".
Các nhà hoạt động nhận định rằng dường như sau cuộc hội kiến nói trên để hợp tác với một chính quyền nổi tiếng là bóp nghẹt tự do biểu đạt trên mạng và bỏ tù các nhà hoạt động, vấn đề khóa tài khoản và tháo gỡ nội dung đã gia tăng nghiêm trọng.
Nhà hoạt động Đinh Quang Tuyến ở thành phố Hồ Chí Minh nhận định rằng thật là một điều ‘đáng tiếc’ nếu như Facebook thật sự có thỏa hiệp với chính quyền Hà Nội.
"Bất luận là từ phía nào, việc ngăn chặn thông tin là xem như đã vi phạm nhân quyền, quyền biểu đạt, tự do thông tin và tư tưởng. Việc Việt Nam vi phạm nhân quyền là thấy rõ rồi. Còn Facebook có thật sự đã thỏa hiệp đến mức độ nào thì tôi chưa rõ nhưng các hoạt động có biểu hiện bị ngăn chặn. Rõ ràng là Facebook đã mất thiện cảm với người dùng. Nếu đúng là Facebook đã thỏa hiệp với Cộng sản thì đó là điều rất đáng tiếc cho chính Facebook".
Theo các nhà hoạt động, chính quyền Việt Nam không chấp nhận đối kháng và phủ nhận thẳng thừng là không có tù nhân chính trị tại Việt Nam. Nhưng sự thật là chính quyền Việt Nam đã bỏ tù hơn 100 bloggers và nhà bảo vệ nhân quyền, theo hồ sơ báo cáo của các tổ chức nhân quyền.
Vào tháng 4 năm ngoái, Việt Nam khiếu nại về những thông tin "xấu độc" chống chính phủ hay có nội dung khích động, bạo động xuất hiện trên Facebook và Youtube của Google. Việt Nam cũng tăng sức ép với các công ty ở trong nước để ngưng quảng cáo các trang mạng xã hội này cho tới khi nào họ tìm được một giải pháp.
Truyền thông trong nước nói rằng Facebook đã đồng ý gỡ bỏ các trang mạng giả danh, đồng thời xóa các "tin giả" nói về các quan chức cao cấp trong chính phủ.
Liệu Facebook có bắt tay với Việt Nam ? (Người Buôn Gió, 14/02/2018)
Hàng loạt trang Facebook của những người đối kháng với chế độ cộng sản Việt Nam bị vô hiệu hóa, bị khóa mất hẳn hoặc liên tục bị cáo vi phạm khiến họ bị khóa dài ngày liên tiếp. Trong vòng từ giữa năm 2017 trở lại đây, hiện tượng này càng gia tăng gây khó khăn cho những người bất đồng chính kiến muốn chuyển tải thông tin của mình.
Biểu đồ sử dụng internet ở Việt Nam năm 2012 - Nguồn : slideshare.net
Câu hỏi liệu Facebook có bắt tay với chế độ cộng sản Việt Nam hay không, có thực hiện đề nghị của cộng sản Việt Nam đề xóa những Facebook mà chính quyền cộng sản Việt Nam đề nghị hay không ? Là những câu hỏi đang dấy lên trong giới đấu tranh dân chủ ở Việt Nam.
Nhiều người cho rằng Facebook không bắt tay với chế độ cộng sản Việt Nam, không bao giờ họ thực hiện yêu cầu của cộng sản Việt Nam để xóa bỏ một tài khoản Facebook nào như yêu cầu của bộ trưởng truyền thông cộng sản Việt Nam Trương Minh Tuấn. Tất cả những gì thông tin Facebook hợp tác với cộng sản Việt Nam đều chỉ từ phía cộng sản Việt Nam đưa ra để hù doạ những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam.
Thế nhưng thực tế có rất nhiều người bất đồng chính kiến ở Việt Nam gặp khó khăn khi sử dụng Facebook. Hãy xem một bài báo đưa tin về vấn đề này mới đây vào ngày 11 tháng 1 năm 2018 (1).
Thông tin được ông Damian Yeo, Giám đốc chính sách và nhóm pháp lý khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Facebook, cho biết tại buổi tiếp của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, chiều ngày 11/1, tại Hà Nội.
Tại buổi tiếp trên, ông Damian Yeo cho biết, Facebook cam kết hợp tác với các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam cùng xây dựng môi trường Internet phát triển lành mạnh, tập trung rà soát, xử lý thông tin xấu, độc trên phạm vi toàn cầu, trong đó có đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Năm 2018 Facebook sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Chính phủ Việt Nam để cùng Việt Nam tháo gỡ những vấn đề Chính phủ Việt Nam quan ngại, đồng thời sẽ có các buổi làm việc với các đồng nghiệp Việt Nam để tìm hiểu nguyên nhân, chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra các giải pháp hiệu quả để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn cho Việt Nam.
Đặc biệt, Giám đốc chính sách và nhóm pháp lý khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Facebook còn cho biết, Facebook sẽ xây dựng một kênh riêng để giải quyết vấn đề đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội một cách hiệu quả hơn, tốt hơn.
(Hết trích).
Trước đó vào tháng 4 năm 2014, tại Hà Nội trong buổi làm việc với đại diện Facebook, bộ trưởng truyền thông cộng sản Việt Nam Trương Minh Tuấn đã có đặt vấn đề với bà Monika là giám đốc chính sách toàn cầu của Facebook. Buổi gặp tiếp theo của Trương Minh Tuấn với Damiean Yeo của Facebook là giám đốc pháp lý và nhóm pháp lý châu Á Thái Bình Dương của facebok đã đi vào những chi tiết cụ thể. Facebook đã thực sự bắt tay với chế độ cộng sản Việt Nam để ngăn chặn những người bất đồng chính kiến. Nhưng việc bắt tay này diễn ra thế nào mới là câu hỏi đáng quan tân, chỉ vì không rõ sự bắt tay này thế nào, nên nhiều người vẫn cho rằng Facebook không bắt tay với cộng sản Việt Nam.
Thống kê sử dụng internet ở Việt Nam năm 2012 - Nguồn : slideshare.net
Phía cộng sản Việt Nam đã thỏa thuận được với Facebook những điều khoản tinh vi, để tránh cho Faecbook mang tiếng trực tiếp loại bỏ những Facebook mà Việt Nam đề nghị. Đó là Việt Nam đề nghị Faecbook Việt Ngữ đưa ra nhiều điều khoản cấm đoán rất chung chung, trên cơ sở đó phía Việt Nam sẽ tạo ra nhiều tài khoản Facebook để báo cáo bất cứ Facebook nào họ muốn ngăn chặn. Phía Facebook chỉ việc đặt máy theo chế độ tự động, cứ có nhiều báo cáo Facebook nào sẽ tự động khóa hay vô hiệu hóa Facebook đó.
Việc tinh vi này sẽ tránh cho Facebook bị mang tiếng là xử lý các tài khoản, nó cũng giúp cho cộng sản Việt Nam chủ động chọn đối tượng nào mà chúng muốn ngăn chặn. Nhưng để làm được việc này phải có nhiều tài khoản Facebook để báo cáo cùng một lúc, chính vì thế người ta thấy gần đây cộng sản Việt Nam lập ra nhiều nhóm Facebook để làm việc này, như bộ tư lệnh thông tin mạng, lực lượng 47. Chỉ cần một lệnh ban ra ấn định ngày giờ để báo cáo Facebook nào là Facebook đó sẽ bị khóa ngay lập tức theo chế độ tự động của Facebook. Việc khiếu nại là không tưởng, vì Facebook sẽ làm ngơ không trả lời vì lý do có quá nhiều khiếu nại, không có nhân lực giải quyết hết.
Với cách thế này, nghiễm nhiên Facebook Việt Nam đã trao quyền quyết định các tài khoản dùng Việt Ngữ cho chế độ cộng sản Việt Nam. Những người ở nước ngoài guy địa chỉ Ip khác, quốc tịch khác vẫn phải chịu chung số phận nếu nội dung viết trên Facebook bằng Việt Ngữ.
Tại sao Faebook ngầm thỏa thuận theo yêu cầu của cộng sản Việt Nam, chả có gì khó hiểu, họ không muốn bị cấm ở Việt Nam và số lượng người dùng Facebook đấu tranh không đáng kể so với số người dùng khác, bằng chứng là bộ trưởng truyền thông cộng sản Việt Nam Trương Minh Tuấn chỉ đề nghị xóa 5000 tài khoản Facebook trong hàng triệu người dùng Faecbook Việt Ngữ.
Việc báo cáo của lực lượng an ninh mạng Việt Nam tập trung vào hình ảnh, clip, các đường link. Như vậy cộng sản Việt Nam hạn chế được tuyệt đối các tài liệu mật bị phát tán trên mạng, hoặc những hình ảnh, clip tố cáo tội ác của chế độ. Người dùng Faebook muốn tài khoản của mình không bị báo cáo, chỉ còn cách viết bài và không kèm những bằng chứng về tài liệu, hình ảnh. Với cách đó thì rất khó trong việc thuyết phục người đọc. Nhưng dù có viết không kèm bằng chứng thuyết phục người đọc đi nữa còn phải gặp trường hợp báo cáo là tài khoản giả mạo, mặc dù chính mình dùng giấy tờ tuỳ thân chứng minh, bởi cộng sản Việt Nam dễ dàng làm giấy tờ khác.
Các tổ chức, đảng phái đấu tranh ở hải ngoại hay trong nước dường như bất lực trước chiêu trò của cộng sản Việt Nam thỏa thuận được với Facebook như trên. Không có một tổ chức nào có khả năng, uy tín để nghiên cứu vấn đề này, tổng hợp lấy chữ ký và đề xuất với Faecbook hay với chính quyền Hoa Kỳ can thiệp. Có thể các tổ chức, đảng phái cảm thấy việc đấu tranh giành quyền tự do trên Facebook không quan trọng chỉ vì nó là mạng xã hội, có nhiều phương tiện khác để họ sử dụng hơn là việc mất công đấu tranh với Facebook.
Song song với những tổn thất về nhân lực, bởi sự bắt bớ điên cuồng và những án phạt tù quá nặng nề và sự khống chế của cộng sản Việt Nam với Facebook gần đây. Cơ hội đấu tranh trên mặt trận tuyên truyền ngày càng ít khoảng trống để thể hiện cho những người đấu tranh dân chủ Việt Nam. cộng sản Việt Nam đã gần như hoàn toàn kiểm soát được thông tin trên mạng bằng những thủ đoạn khác nhau, điều đó cần thẳng thắn thin nhận để những người đấu tranh sớm tìm ra cách khác cho mình.
Người Buôn Gió
Nguồn : fb.nguoibuongio, 11/02/2018
*******************
Bày tỏ chính kiến trên mạng và đường đến lao tù (RFA, 13/02/2018)
Với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội Facebook trong những năm gần đây, nhiều nhà hoạt động tại Việt Nam sử dụng công cụ mạng xã hội để công khai bày tỏ quan điểm, chính kiến, hay tố cáo những viên chức sai trái. Những trình bày như thế thu hút được sự quan tâm theo dõi của nhiều cư dân mạng. Tuy nhiên, việc bày tỏ tự do ngôn luận này đang bị nhà cầm quyền đàn áp bằng biện pháp bắt bớ và tuyên án nhiều năm tù.
Cơ quan An ninh điều tra ghi lời khai ông Nguyễn Văn Trường. Ảnh Báo công an nhân dân
Vào ngày 9 tháng 2 năm 2018, ông Nguyễn Văn Trường, một người dùng mạng xã hội Facebook phát hình trực tiếp để nói về các vấn đề nóng của xã hội vừa bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 – Bộ luật Hình sự 2015’
Bản tin báo Công an Nhân dân ngày 9 tháng 2 năm 2018 cho rằng ông Nguyễn Văn Trường đã ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ trong việc khiếu nại tố cáo, quay các video clip, viết bài phát tán trên mạng xã hội Facebook với nội dung bôi nhọ, hạ uy tín, vu khống, công kích, xúc phạm một số cá nhân, cơ quan Nhà nước làm công tác tố tụng ở Trung ương và trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.’ Vụ bắt giữ ông Trường có thể xem là vụ bắt giữ đầu tiên trong năm 2018 vì điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2018.
Ngoài ông Nguyễn Văn Trường, hiện còn có các nhà hoạt động khác tại nhiều nơi vẫn sử dụng công cụ phát hình trực tiếp trên mạng xã hội để trình bày chính kiến của mình. Một người trong số đó là ông Ngô Văn Dũng ngụ tại thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ông Dũng hiện là chủ tài khoản Facebook Dung Van Ngo, được sử dụng để phát video trực tiếp bàn luận về những vấn đề nóng trong xã hội.
Ông Dũng cho biết lý do vì sao ông muốn thể hiện quan điểm của mình thông qua công cụ phát hình trực tiếp trên mạng xã hội.
Ngô Văn Dũng : Là một người công dân Việt Nam và tư cách là một nhà báo tự do sống trên quốc gia này thì tôi mong muốn rằng tất cả người dân Việt Nam kể cả cơ quan công quyền của nhà nước thực hiện theo Hiến pháp và luật pháp một cách đúng và chuẩn mực, để góp phần xây dựng một đất nước cường thịnh và giàu có, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Đó là mong muốn của nhân dân cả nước cũng như của bản thân tôi.
Hiện tại, tài khoản Facebook có tên Nguyễn Văn Trường, được cho là của ông Nguyễn Văn Trường, người vừa bị bắt có tổng cộng 165 video phát trực tiếp được đánh số. Các video này có số lượng người xem, tương tác và chia sẻ rất cao, lên đến hàng ngàn lượt.
Cũng giống như tài khoản của ông Nguyễn Văn Trường, kênh truyền hình có tên CHTV phát trên tài khoản Facebook của Ông Ngô Văn Dũng cũng đã có hơn 120 video. Các video này được đánh số và chiếu cảnh chính ông bàn luận hoặc phỏng vấn người khác về các vấn đề thời sự. Ông Dũng cho biết thêm bản thân ông cũng từng bị công an mời lên trao đổi về các sản phẩm trên mạng xã hội của mình.
Ngô Văn Dũng : Bản thân tôi cũng bị mời hai lần. Lần đầu tôi không đi, nhưng lần sau tôi đi thì họ đối xử với tôi một cách chuẩn mực. Phía công an cũng rất tôn trọng, và thực sự họ đã tôn trọng Hiến pháp.
Ngày 31 tháng 1 năm 2018, tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử ba nhà hoạt động Nguyễn Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển, và Trần Hoàng Phúc với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Phiên tòa kết thúc với các mức án 8 năm tù và 5 năm quản chế đối với ông Nguyễn Quang Thuận, 6 năm tù và 4 năm quản chế đối với anh Nguyễn Văn Điển, và 6 năm tù cùng 4 năm quản thúc tại gia cho anh Trần Hoàng Phúc. Cả ba người bị Hội Đồng Xét Xử buộc tội ‘tàng trữ tài liệu, làm, đăng tải các video có nội dung tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trên mạng Internet.’
Tại phiên tòa, các luật sư của các bị cáo đã yêu cầu thẩm phán chủ tọa phiên tòa cho phép trình chiếu các video được cho là chứng cứ buộc tội họ. Tuy nhiên, Hội Đồng Xét Xử từ chối với lý do không đủ cơ sở vật chất.
Chúng tôi liên lạc với luật sư Hà Huy Sơn, người trực tiếp tham gia bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa để hỏi về các quy định về hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến các video phát trực tiếp trên mạng xã hội. Luật sư Hà Huy Sơn cho biết như sau.
Hà Huy Sơn : Pháp luật Việt Nam có điều 25 của Hiến pháp là có quyền tự do ngôn luận, nhưng điều này lại được thực hiện theo luật pháp quy định, nên ranh giới thế nào là vi phạm pháp luật đối với quyền tự do ngôn luận thì theo tôi chưa biết chưa có văn bản luật hóa nào của Hiến pháp quy định.
Mặc dù đối mặt với sự không rõ ràng về mặt luật pháp trong những quy định về việc tự do ngôn luận cũng như tình trạng bắt bớ và các bản án nhiều năm tù dành cho những Facebooker bất đồng chính kiến, ông Ngô Văn Dũng chia sẻ quan điểm của mình.
Ngô Văn Dũng : Bản thân tôi không phải là một dân oan, cũng không phải bất kỳ trường hợp nào oan sai nhưng tôi nhận xét xã hội này cần phải lên tiếng để xây dựng. Chính vì vậy tôi có một tinh thần rất lạc quan và sẵn sàng đón chờ mọi hậu quả hay một tình huống nào đó đến với mình.
Luật sư Hà Huy Sơn nhận xét về thực tế ở Việt Nam khi thực hiện việc tự do ngôn luận.
Hà Huy Sơn : Theo tôi thì trong khi pháp luật chưa rõ ràng, mọi người bày tỏ quan điểm nên đưa ra các chứng cứ dựa trên quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam để bày tỏ quan điểm.
Bản thân ông Ngô Văn Dũng quả quyết rằng ông luôn tôn trọng Hiến pháp và luật pháp của nhà nước, và đó cũng là cơ sở mỗi khi ông lên tiếng.
Ngô Văn Dũng : Tất nhiên lúc nào tôi cũng tôn trọng hiến pháp và luật pháp và những gì tôi nói lên cũng dựa trên cơ sở hiến pháp và luật pháp, vì tôi không thể thoát khỏi những gì mà luật pháp cấm.
Ngoài trường hợp của ông Ngô Văn Dũng, vẫn còn nhiều những người dân, những nhà đấu tranh, nhà bất đồng chính kiến khác hiện đang thể hiện chính kiến của họ bằng công cụ phát hình trực tiếp trên mạng xã hội Facebook cũng như thực hiện các video clip tải lên Youtube. Liệu trong thời gian tới những người này có thể tiếp tục được phép bày tỏ quan điểm cá nhân như hiện nay hay không ? Hay chăng họ sẽ bị buộc phải dừng lại qua biện pháp bắt giam và khởi tố của nhà cầm quyền ?
Nguồn : RFA, 13/02/2018
Công ty khổng lồ về truyền thông xã hội khổng lồ giải quyết bài toán làm thế nào để đối phó với kiểm duyệt nhà nước trong khu vực với thị trường quảng cáo phát triển nhanh nhất của nó.
Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook, tại trụ sở công ty ở Menlo Park, California ngày 27/09/2015. Ảnh : Reuters/Stephen Lam/File Photo
Đó là những thời điểm có lợi nhuận nhưng thử thách đối với Facebook ở Đông Nam Á, một thị trường quảng cáo đang phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới của người khổng lồ đến từ Mỹ.
Vào ngày 25 tháng 4, công dân Thái Lan Wuttisan Wongtalay đã đưa hai đoạn video lên mạng chiếu trực tiếp việc ông giết đứa con gái 11 tháng tuổi của mình trước khi tự tử. Hai đoạn video được lưu hành trên Facebook trong gần 24 giờ và đã được theo dõi bởi một nửa triệu người trước khi bị Facebook xóa.
Ngày hôm sau, Giám đốc quản lý chính sách toàn cầu của Facebook Monika Bickert đã gặp quan chức của Bộ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam để thảo luận cách gỡ bỏ nội dung vi phạm luật pháp của nước này.
Theo luật pháp Việt Nam, tội danh "tuyên truyền" chống lại nhà nước", kể cả bằng các phương tiện truyền thông xã hội, là một tội phạm hình sự có thể bị phạt tù 20 năm.
Nhà chức trách Việt Nam đã bắt và kết án với mức án tù lâu năm cho nhiều nhà hoạt động và blogger khác theo Điều 258 của Bộ luật Hình sự, theo đó tội danh "lạm dụng quyền tự do dân chủ" để xâm phạm lợi ích của nhà nước. Hầu hết các blogger độc lập ở Việt Nam, thường được gọi là 'Facebookers', lựa chọn Facebook làm nền tảng của họ.
Tháng 2, Hà Nội phàn nàn về những gì được gọi là bài viết "độc hại" chống chính phủ đăng trên Facebook và kêu gọi các công ty trong và ngoài nước rút quảng cáo từ trang web này cho đến khi chúng bị xóa bỏ. (Các công ty đa quốc gia như Ford, Unilever và Yamaha Motor đã đồng ý xóa quảng cáo của họ từ trang chia sẻ video YouTube, theo các báo cáo).
Việt Nam cho biết sau cuộc họp ngày 26 tháng 4 rằng Facebook đã đồng ý hợp tác với các yêu cầu kiểm duyệt và sẽ "ưu tiên các yêu cầu từ Bộ Thông tin và truyền thong và các cơ quan có thẩm quyền khác trong nước" để loại bỏ nội dung phản cảm.
Theo Thông tấn xã Việt Nam thì "Facebook cũng đã sẵn sàng để giúp các cơ quan nhà nước biết cách sử dụng Facebook để phổ biến rộng rãi các chính sách của Đảng và Nhà nước tới công chúng". Không thể tiếp cận Facebook để đưa ra lời bình luận về tuyên bố này.
Tuy nhiên, khi Facebook nắm bắt cách đối phó toàn cầu với nội dung như video của Wuttisan, các nhà hoạt động về tự do ngôn luận cảnh báo rằng các chính quyền độc tài trong khu vực đang tìm cách mở rộng định nghĩa các tài liệu "không phù hợp" và "phản cảm" bao gồm những chỉ trích chính phủ.
Năm ngoái, Facebook đã đưa ra cái được gọi là một sáng kiến cho "sự dũng cảm dân sự trực tuyến" trong nỗ lực ngăn chặn tiếng nói thù hận trực tuyến. Tuy nhiên, công ty đã bị chỉ trích vì sự kiểm duyệt có chọn lọc để xóa bỏ các bài viết, một sự vi phạm quyền chính trị, ví dụ như các cuộc tranh luận về di dân, trong khi làm ngơ những vấn đề khác.
Facebook không phải là công ty truyền thông đa quốc gia duy nhất có nguy cơ vi phạm các điều mà một số chính phủ ở Đông Nam Á coi là không phù hợp. Nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất của Indonesia là Telekom Indonesia, một công ty thuộc sở hữu nhà nước, đã chặn việc truy cập Netflix vì lo ngại rằng nội dung bạo lực và tình dục có thể vi phạm các luật nghiêm ngặt về đạo đức của quốc gia Hồi giáo.
Khi tỷ lệ sử dụng Internet tăng lên theo cấp số nhân ở khắp Đông Nam Á, thì đó cũng là cơ hội thị trường. Năm 2016, số người sử dụng Internet đã tăng hơn 30% trong khu vực. Gần một nửa dân số khu vực hiện nay được cho là hoạt động trực tuyến. Ở hầu hết các quốc gia ở Đông Nam Á, Facebook chiếm ưu thế trên thị trường truyền thông xã hội.
Theo các cơ quan công nghệ quốc tế WeAreSocial và Hootsuite, tính đến tháng 1 năm nay, số người sử dụng Facebook hoạt động hàng tháng đã tăng lên hơn 300 triệu. Con số này chiếm dưới một nửa tổng dân số khu vực và gần 1/6 trong tổng số người dùng Facebook trên toàn thế giới.
Trong khi là một công cụ giải trí trò chuyện giao tiếp cho nhiều người dùng, tại các quốc gia bị kiểm duyệt nặng nề hơn, các phương tiện truyền thông xã hội đã trở thành hình thức liên lạc, giao tiếp và truyền bá thông tin cho phép công dân vượt qua kiểm duyệt và đàn áp tự do ngôn luận của nhà nước.
Điều này đặc biệt đúng ở các nước như Thái Lan và Việt Nam, cả hai đều được cai quản bởi chế độ độc tài. Những ngày sau khi xe tăng tràn vào Bangkok vào tháng 5 năm 2014 để thực hiện cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ dân sự, Bộ Công nghệ Thông tin do quân đội của nước này nắm giữ, đã tạm thời chặn Facebook để ngăn cản các cuộc mít tinh chống lại chính quyền quân sự.
Kể từ đó Facebook bị buộc phải tuân theo các yêu cẩu của chính phủ quân sự trong việc xóa các nội dung bị coi là xúc phạm gia đình hoàng gia Thái Lan, một hành vi phạm tội nghiêm trọng và có thể bị xử tù 15 năm. Ngày càng có nhiều người Thái Lan bị cầm tù vì các hoạt động truyền thông xã hội chống lại hoàng gia.
Vào tháng 6 năm 2014, khi các cuộc bạo loạn cộng đồng xảy ra tại thành phố Mandalay ở miền trung Myanmar, chính phủ Myanmar đã chặn Facebook trong nhiều ngày. Chính phủ Malaysia tuyên bố vào năm 2014 rằng họ đang tìm ra các phương thức để chặn các trang trên Facebook, mặc dù bộ trưởng truyền thông và đa phương tiện bình luận vào thời điểm đó rằng bước đi này sẽ là "cực đoan và bất khả thi".
Chỉ có Trung Quốc, Iran và Bắc Triều Tiên thành công trong việc chặn hoàn toàn Facebook. Trong khi đó, hầu hết các quốc gia thiếu công nghệ để thực thi việc ngăn chặn triệt để như vậy mà không cần phải ngắt kết nối Internet. Các quốc gia Đông Nam Á thường truy tố cư dân mạng theo cáo buộc tội phạm mạng hoặc luật chống lại nhà nước về nội dung truyền thông xã hội mà cơ quan có thẩm quyền coi là có tính phản đối.
Tuy nhiên, Facebook vẫn là một công cụ dân chủ hóa mạnh mẽ. Khi Việt Nam tạm thời chặn Facebook vào tháng 5 năm 2016 sau khi các cuộc biểu tình lan rộng khắp đất nước về một vụ xả chất độc công nghiệp gây ô nhiễm khu vực ven biển miền Trung, nhiều cư dân mạng Việt Nam đã sử dụng các dịch vụ proxy và các mạng riêng ảo (VPN) để vượt qua sự ngăn chặn của nhà nước.
Biểu tình chống công ty Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường tại Hà Nội, 01/05/2016. Ảnh : AFP/Hoang Dinh Nam
Facebook vẫn được sử dụng để huy động các cuộc phản đối chưa từng có trước thảm hoạ môi trường và Hà Nội bị coil à không có các phản ứng hợp lý và tức thời.
Các nhà hoạt động vì tự do ngôn luận và dân chủ lo ngại rằng khi Đông Nam Á trở nên quan trọng về mặt tài chính đối với Facebook, thì người khổng lồ này trong lĩnh phương tiện truyền thông xã hội, vì lợi nhuận của mình, đang bắt đầu uốn nắn theo ý muốn của các chính phủ độc tài để duy trì và phát triển thị trường.
Facebook đã nhanh chóng mở rộng sự hiện diện và các hoạt động trong khu vực. Singapore độc tài là trụ sở chính cho các hoạt động của Facebook tại Châu Á - Thái Bình Dương. Công ty mở văn phòng ở Indonesia vào năm 2014, tại Thái Lan vào năm 2015, và tại Malaysia và Philippines vào năm ngoái.
Đông Nam Á cũng là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới về quảng cáo doanh nghiệp trên các phương tiện truyền thông xã hội nói chung, một phần quan trọng trong chiến lược lợi nhuận của Facebook. Trong quý thứ ba năm 2016, doanh thu quảng cáo của Facebook đã tăng 59% so với năm ngoái, với thu nhập ròng tăng từ 896 triệu đô la Mỹ lên 2,38 tỷ đô la Mỹ trong giai đoạn này.
Năm ngoái, có tin rằng Facebook đã lặng lẽ phát triển phần mềm cho phép các bên thứ ba kiểm duyệt các bài đăng trước khi chúng xuất hiện ở một số khu vực địa lý cụ thể, một bước đi mà những nhà phê bình cho rằng Facebook muốn vừa lòng chính phủ Trung Quốc. Trung Quốc, thị trường truyền thông xã hội lớn nhất thế giới, đã chặn Facebook kể từ năm 2009.
Mark Zuckerberg, đồng sáng lập viên và giám đốc điều hành của công ty truyền thông xã hội Facebook, được cho là đã ve vãn các quan chức cao cấp của Trung Quốc trong những năm gần đây, bao gồm một cuộc họp với Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 9 năm 2015. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ ràng về giai đoạn phát triển của phần mềm nói trên và liệu nó sẽ được cung cấp cho Bắc Kinh để đổi lấy việc tiếp cận thị trường béo bở với hơn 1,3 tỷ dân.
Nếu nó được phát triển thành công và cấp cho Trung Quốc, những người ủng hộ tự do ngôn luận lo ngại các chính phủ khác ở châu Á cũng sẽ yêu cầu tiếp cận công cụ kiểm duyệt này. Điều đó có thể cho phép Facebook tránh xa quá trình kiểm duyệt trong khi cung cấp cho các chính phủ các công cụ có khả năng ngăn chặn các nội dung trên Facebook mà bị coi là không phù hợp với công chúng.
David Hutt
Nguyên tác : Is Facebook putting profit before freedom in Southeast Asia ?, AsiaTimes, 02/05/2017
Vũ Quốc Ngữ dịch
Nguồn : VNTB, 11/02/2018
Nhưng đó là khi Facebook ra đời tháng 2/2004.
Còn nay, Facebook phải xử lý mỗi ngày hàng tỷ lần nhấn 'likes' và hàng nghìn tỷ tin nhắn, nên họ đã có những trung tâm dữ liệu khổng lồ.
Theo BusinessInsider (tháng 4/2017) trung tâm dữ liệu chính của Facebook là ở Prineville, bang Oregon, Hoa Kỳ.
Tại đây, các máy chủ hiện đại nhất do Facebook tự thiết kế và xây dựng dùng số dây điện và dây cáp chuyên dụng dài tổng cộng 950 dặm.
Theo trang Cnet, Facebook nói nhờ thiết kế máy chủ riêng thay cho máy đi mua, từ 2010 hiệu năng của công tác truyền dữ liệu tăng 38%, cùng lúc chi phí giảm 25%.
Nhưng Facebook không đặt máy chủ ở quá nhiều nơi.
Cho đến nay, ngoài việc tăng diện tích và công suất của trung tâm Prineville, họ đã xây thêm các trạm xử lý dữ liệu tại Forest City (North Carolina), Fort Worth (Texas), Altoona (Iowa) và Los Lunas (New Mexico).
Như thế, các trung tâm máy chủ và kho dữ liệu chính của Facebook vẫn là ở Hoa Kỳ.
Châu Âu có hai trung tâm : Clonee (CH Ireland), và Lulea (Thụy Điển).
Ở Châu Á, cho đến nay, theo chính các thông tin do Facebook đưa ra, Singapore là nơi công ty này đặt trung tâm dữ liệu và máy chủ lớn nhất.
Lý do là họ muốn "phục vụ thị trường Châu Á, và vì Singapore là một trong hai cổng Internet nối với Trung Quốc".
Bên cạnh Singapore còn có Hong Kong.
Như thế, Facebook cũng không đi ra ngoài truyền thống của các công ty dùng tiếng Anh trong kinh doanh là chọn Singapore và Hong Kong để bước vào Châu Á.
Tin rằng Facebook sẽ đặt máy chủ ở Ấn Độ đã bị bác bỏ một cách lịch sự năm ngoái.
Nhưng với số người dùng Facebook ở Châu Á lên trên 500 triệu, có tin Facebook đang nói chuyện với Đài Loan để đặt thêm một trung tâm máy chủ tại đây.
Với các nơi còn lại, Facebook cũng như các đại công ty mạng thực ra không cần phải đặt máy chủ mà luôn có thể thuê POP (Points of Presence).
Tháng 4/2016, trang TheHindu.com đăng tin chính phủ Ấn Độ yêu cầu ba 'nhà khổng lồ', Facebook, Twitter và Google đặt máy chủ ở nước này.
Tuy nhiên, theo phóng viên Vijaita Singh, lý do chống khủng bố mà chính phủ Ấn Độ nêu ra để buộc các công ty trên đặt máy chủ ở Ấn Độ đã không được đáp ứng.
Đơn giản là để đặt máy chủ ở Ấn Độ, các công ty kia phải đăng ký tư cách pháp nhân địa phương như một công ty Ấn Độ, điều họ không làm.
Còn về yêu cầu "chống khủng bố", mạng Twitter xác nhận họ đã xóa một số tài khoản mà chính phủ Ấn Độ nói là có liên hệ với các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Nhưng Twitter từ chối bình luận vì sao họ không đặt máy chủ tại Ấn Độ.
Không phải cứ đòi là được
Có vẻ như là việc xây trung tâm dữ liệu là quyết định kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia mà một chính phủ không thể ép buộc được.
Để mời gọi các công ty đặt máy chủ thì quốc gia chủ nhà cần có cơ sở pháp lý tốt về bảo mật, nền tảng công nghệ cao, chính sách ưu đãi đầu tư.
Nước nhỏ như Ireland (4,7 triệu dân) không chỉ dùng tiếng Anh và luật theo hệ thống Anh Mỹ mà còn là cửa ngõ vào EU, đồng thời có chính sách thuế hấp dẫn.
Năm 2015, khi Facebook bỏ ra 200 triệu euro để xây thêm trung tâm dữ liệu tại Clonee, cách thủ đô Dublin có 30 phút chạy xe thì Microsoft cũng xin giấy phép xây thêm trung tâm dữ liệu thứ năm ở West Dublin.
Cùng lúc, Apple tuyên bố chi ra con số khổng lồ 850 triệu euro để xây một trung tâm dữ liệu tại Galloway, tỉnh Connacht, phía tây Ireland.
Từ lâu trước đó, Ireland đã được IBM chọn (năm 1996) làm nơi đặt trụ sở Châu Âu của họ, cũng nhờ môi trường chính sách ưu tiên đầu tư công nghệ rất thoáng.
Còn tại Thụy Điển, việc Facebook chọn Lulea có ba lý do : khí hậu, nguồn điện và nhân công, mà cộng lại cũng là để giảm chi phí.
Theo báo The Guardian (09/2015), vùng Norrland trong nửa năm có nhiệt độ thấp, nhiều khi xuống tới âm 25 độ C, giúp giảm đi nhiều chi phí làm lạnh máy móc.
Vùng này còn có thủy điện dư thừa vì các cơ sở làm giấy và gang thép đã đóng cửa, khiến Facebook tha hồ dùng nguồn điện "bằng một nhà máy luyện kim lớn".
Ngoài ra, Facebook xác nhận Thụy Điển là "nước đi đầu trong công nghệ thông tin Châu Âu" nên việc tuyển các chuyên gia ở Lulea thật dễ dàng.
***********************
Theo bản tiếng Anh của báo VnExpress hôm 18/11, có dẫn lời Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói : "Google và Youtube hợp tác với Bộ Thông tin và truyền thông hơn Facebook".
Hôm 17/11 tại phiên họp chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông cho biết Google đã "tuân thủ" trong việc gỡ bỏ hơn 5000 video "nội dung xấu, độc hại, bôi nhọ và làm xấu danh tính của nhiều lãnh đạo Việt Nam" trên Youtube.
Còn "Facebook tỏ ra kém hợp tác hơn", VnExpress English dẫn lời ông Tuấn.
Quan trọng nhất là phải có mối liên hệ giữa trách nhiệm của người tố cáo với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân bị tố cáo và cơ quan hữu quan.
Quyền chính đáng
Khi bàn về dự thảo Luật Tố cáo (Sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh đề nghị bổ sung quy định không được đưa nội dung tố cáo lên mạng xã hội, với mục đích hạ thấp uy tín danh dự của tổ chức, cá nhân.
Ông Chiến cũng đề nghị trên trang mạng cá nhân chỉ có thể nói chung chung, được quyền nêu quan điểm cá nhân, bày tỏ bức xúc, nhưng không được nêu rõ tên cơ quan, đơn vị.
Trước đề xuất này, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã bày tỏ quan điểm của mình.
Ảnh minh họa : NLĐ
Theo đó, ông cho rằng, không thể phủ nhận những lợi ích của mạng xã hội. Nhờ có mạng xã hội mà rất nhiều sự việc sai phạm được phát hiện và cũng nhờ mạng xã hội mà người dân theo dõi được sự việc sát sao.
Ngay như báo chí hàng ngày cũng coi mạng xã hội là một nguồn tin khổng lồ, một kênh tương tác tuyệt vời, dĩ nhiên phải có kiểm chứng trước khi sử dụng. Vụ nổ thiết bị lọc bụi của lò vôi Formosa Hà Tĩnh là một ví dụ. Khi đó, mạng xã hội lan truyền thông tin rất nhanh và đa dạng, sự kiện được đặc biệt quan tâm khi người đứng đầu Chính phủ từng tuyên bố sẽ đóng cửa Formosa nếu lặp lại ô nhiễm môi trường.
Mặt khác, tố cáo là một quyền chính đáng của người dân và phải có nơi để người dân tố cáo. Khi người dân gửi đơn tố cáo đến đúng đơn vị, tổ chức, cá nhân nhưng trong trường hợp đơn vị, cá nhân đó không chịu trả lời thì người dân có quyền đưa lên mạng.
"Như vậy, trên trang mạng cá nhân, người dân muốn viết gì thì viết, còn đối với đơn thư tố cáo cũng không thể cấm người dân đưa lên mạng nhưng cần có điều kiện để làm hàng rào.
Chẳng hạn, khi người dân đưa đơn, có một cơ quan chức năng nhận rồi hồi âm ngay, ví dụ chúng tôi đã nhận được đơn của ông/bà và đang điều tra, trong vòng bao nhiêu ngày thì sẽ trả lời kết quả. Nói cách khác, thư trả lời phải cụ thể, chứ không thể là một cái thư chung chung.
Trong một thời hạn nhất định, nếu cơ quan chức năng không trả lời thì người dân có quyền đưa đơn lên mạng", Luật sư Trần Quốc Thuận nói.
Ông cũng lưu ý, không phải bất cứ cái gì từ nhỏ tới lớn người dân cũng đưa lên mạng xã hội để tố cáo mà sự việc phải có trọng tâm, trọng điểm.
"Trọng tâm, trọng điểm ở đây là sự việc đó có quan trọng không, không phải là ông lớn, bà lớn nào đó đụng chuyện. Khi lựa chọn sự việc có trọng tâm, trọng điểm, đưa lên mạng là cách truyền đạt nhanh nhất, hay nhất. Tất nhiên trong trường hợp này người đưa lên mạng phải chịu trách nhiệm với nội dung thông tin mình đưa ra, cái nào có chứng cứ đến đâu thì nói đến đấy, đừng suy diễn", nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh.
Ai kiểm tra, giám sát ?
Một vấn đề đặt ra khi xuất hiện đơn tố cáo lên mạng xã hội, đó là ai sẽ là người kiểm tra, giám sát thông tin ? Bàn về vấn đề này, Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng đây là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, đại biểu Hội đồng nhân dân, Đại biểu quốc hội...
"Nếu các vị nói trên đọc trên mạng và thấy có vấn đề thì đó cũng là nguồn cung cấp thông tin cho họ. Họ có quyền trích ra và chất vấn. Theo luật, những người này hỏi thì người ta sẽ trả lời ngay, còn người dân hỏi thì lúc trả lời lúc không.
Câu chuyện đặt ra ở đây là phải có mối liên hệ, sự phối hợp giữa trách nhiệm của người tố cáo với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị tố cáo và trách nhiệm của cơ quan giải quyết đơn thư tố cáo. Nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết tố cáo mà "bịt miệng" là không được", ông lưu ý.
Luật sư Trần Quốc Thuận đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của người tố cáo. Theo đó, dù việc tố cáo được thực hiện dưới hình thức nào thì người tố cáo cũng phải chịu trách nhiệm với thông tin mình đưa ra.
"Không có luật nào hạn chế việc tố cáo, nhưng người tố cáo phải xác định mình vì lợi ích chung của cộng đồng, của cá nhân, cơ quan, tổ chức hay lòng tự trọng của bản thân, "ra đường gặp chuyện bất bình chẳng tha" mà gửi đơn tố cáo. Còn nếu theo kiểu khi có đụng chạm thì nhào vô khuấy cho lên bùn, bôi nhọ thì không nên.
Khi ấy cơ quan tổ chức, cá nhân bị tố cáo và cơ quan hữu quan có trách nhiệm tiếp nhận đơn thư và hồi âm nếu có địa chỉ", ông Thuận chỉ rõ.
Ông cũng lưu ý, nên mở ra nhiều hình thức tố cáo và Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm quản lý.
"Chẳng hạn, hầu hết các cá nhân, cơ quan đơn vị làm việc đều có email, tại sao không cho họ gửi qua đường đó ? Đó là phương tiện nhanh nhất, hay nhất, rẻ tiền nhất, chỉ cần có địa chỉ, số điện thoại, tôi cho rằng người tố cáo cũng sẽ sẵn sàng gặp nếu cần...
Đừng e ngại người ta có thể lợi dụng các hình thức tố cáo bởi luật đã có quy định về tội làm nhục. Thậm chí, nếu cho rằng thông tin bôi xấu hình ảnh, uy tín của mình thì người bị tố cáo có thể chứng minh, làm đơn phản kháng.
Đừng để người dân có cảm giác khi ông lớn/bà lớn nào đó bị tố cáo, khơi ra những chuyện không hay thì run lẩy bẩy rồi đòi cấm ngay. Không phải ai muốn bôi nhọ ai cũng được", Luật sư Thuận nói.
Thành Luân
Nguồn : Đất Việt, 02/06/2017