Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

vendredi, 30 novembre 2018 23:00

Chuyện một con ốc

Mấy hôm nay mình đang sửa nhà cửa. Lâu rồi không động chân tay đến mấy việc lặt vặt sửa chữa nên khá là bận rộn. Một ngày chỉ quáng quàng vào facebook độ nửa tiếng cho đỡ lạc hậu thông tin rồi lại cắm mặt vào đống dây điện, ống nước, gạch lát. Có vài chi tiết mình phải dùng mấy con bu lông inox nên bắt đầu lọ mọ lên internet đi tìm hiểu về nó. Phải nói rằng là thị trường vật liệu xây dựng và kim khí bây giờ rất phát triển nên cái gì cũng có. Tuy nhiên nếu tìm hiểu sâu về bu lông ốc vít mới thấy đúng là đồ sản xuất ở Việt Nam so với nước ngoài khác nhau một trời một vực.

oc0

Đây là mấy con bu lông M5 đầu bịt tròn, inox 304, mình đi lùng mua ở mấy hàng đầu phố Thuốc Bắc. Nhìn thoáng qua thì khá là đẹp, nhưng đến khi mua về mình mới thấy nó có vấn đề. Một sản phẩm kim khí đơn giản, thế giới đã làm ra cả trăm năm trước, vậy mà đến khi siết vào mình mới thấy nó rất tệ. Vặn hết cả mấy vòng ren vào độ rơ của nó rất lớn, cái cao cái thấp. Lâu nay mình vẫn nghe người ta nói Việt Nam còn chưa sản xuất nổi con ốc vít cho tử tế mà cứ đòi hội nhập quốc tế, đúng là sờ vào mới biết, nói không sai một ly nào.

Tại sao người Việt Nam nổi tiếng thông minh, cần cù, vậy mà không thể sản xuất ra một con ốc cho tử tế ? Cũng chừng đó nguyên vật liệu, cũng một máy móc công nghệ như nhau, cũng mất công mất sức làm việc, tại sao nước ngoài họ làm ra cái gì là chuẩn cái đó ? Nếu chỉ xét theo thuần tuý về mặt kỹ thuật thì không thể lý giải được. Rõ ràng ở đây chỉ còn có một vấn đề, đó là do yếu tố con người. Trong một bài giảng của tiến sỹ Lê Thẩm Dương, ông đã đúc kết đặc điểm lao động Việt Nam như thế này :

Rất cần cù, nhưng lại dễ thỏa mãn.

Rất thông minh, nhưng lại dùng thông minh để đối phó.

Rất khéo léo, nhưng lại chỉ nửa vời, đại khái.

Rất thích tụ tập mà không liên kết.

Rất xởi lởi, nhưng lại hời hợt.

Rất đoàn kết, nhưng lại chỉ đoàn kết trong khó khăn. Lúc thuận lợi là thay sự đoàn kết bằng đố kị. Người ta nói rằng một thằng Việt Nam thì hơn hẳn một thằng Tây. Nhưng ba thằng Việt Nam chập vào là hỏng chuyện.

Tất cả những đặc điểm đó không dưng mà có. Nếu một người Việt Nam đi ra nước ngoài sống, anh ta dễ dàng loại bỏ những thứ xấu kể trên và phát huy rất tốt các mặt tích cực của mình. Nhưng một thằng Tây đến Việt Nam làm việc một thời gian, lâu dần rồi nó cũng mất đi tính chỉn chu kỷ luật của phương Tây, và rồi nó sẽ tệ không khác gì thằng Việt Nam.

Từ chuyện một con đinh ốc thôi, nhưng tôi muốn nói với các bạn rằng, nếu chúng ta không thay đổi điều nhỏ nhất như thế thì đừng nói đến chuyện thay đổi được thứ lớn hơn. Ai cũng mong muốn Việt Nam rồi sẽ có tự do dân chủ, có thịnh vượng. Nhưng đó chỉ là mơ ước. Muốn mơ ước trở thành hiện thực thì chúng ta phải thay đổi từ những điều nhỏ nhất. Giữ chữ tín. Làm việc của mình một cách chỉn chu. Biết tiết chế bản thân để làm việc theo nhóm. Từng ngày một chúng ta sẽ thay đổi tất cả để vươn tới một tương lai tươi sáng, nơi ở đó mỗi con người sẽ được sống một cuộc đời đầy sự sung túc bình an.

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 30/11/2018 (nguyenlanthang's blog)

Published in Diễn đàn
lundi, 19 novembre 2018 23:32

Đừng đổ tại thiên nhiên

Mấy tháng trước tôi đã từng có bài viết "Nha Trang rồi sẽ ra sao ?" để cảnh báo về vấn đề quy hoạch và phát triển đô thị ở đây. Hôm qua chúng ta phải chứng kiến thảm hoạ kinh hoàng do lụt lội và lở đất tại Nha Trang - Khánh Hòa. 13 người chết do lở đất và lụt lội. Quốc lộ 1 và đường sắt quốc gia bị chia cắt bởi lũ lớn. Đoàn giáo viên cùng cán bộ nhân viên một trường mẫu giáo tại Đắk Lắk nhân ngày 20/11 đi du lịch Nha Trang gặp lở đất, 5 người thương vong...

VIETNAM-FLOOD-DISASTER

Hư hại do lũ quét ở phường Phước Đồng, Nha Trang hôm 18/11/2018 AFP

Phát biểu với báo Zing, Phó chủ tịch TP Nha Trang, nói : "Đến bây giờ chúng tôi vẫn bất ngờ trước thiệt hại về người sau các vụ lở đất, vì những nơi sạt lở hôm nay không nằm trong dự báo của thành phố"... Xin thưa với ông rằng, có bất ngờ gì đâu ạ ? Trước bài viết của tôi, còn có nhiều bài viết của các chuyên gia về quy hoạch, san nền, giao thông, thuỷ lợi... đã cảnh báo về vấn nạn trong việc xây dựng và phát triển đô thị tràn lan ở Việt Nam hiện nay. Không chỉ là lời cảnh báo, có rất nhiều nơi như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên... đã phải chịu thảm hoạ do việc san nền bừa bãi để xây dựng nhà cửa. Nha Trang chỉ là nơi tiếp theo xảy ra sự việc thương tâm này bởi những gì con người đã tác động thiên nhiên trong quá khứ mà thôi.

Nói đến đây, tôi chợt nhớ đến câu nói rất nổi tiếng : "Nếu bạn bắn súng ngắn vào quá khứ thì tương lai sẽ bắn súng thần công vào bạn" ("If you fire at the past from a pistol, The future will shoot back from a cannon"). Mưa thì có thể lúc to lúc nhỏ, nhưng cả ngàn đời nay mưa vẫn rơi. Xin hỏi một trăm năm trước, một ngàn năm trước, có bao giờ Nha Trang phải chịu cảnh lụt lội và lở đất kinh hoàng như thế này không ? Tất cả những thảm hoạ hiện nay mà Nha Trang cũng như nhiều nơi khác phải gánh chịu mỗi khi mưa lớn, là do sự yếu kém trong công tác quy hoạch và quản lý phát triển xây dựng đô thị mà thôi.

Để lập một đồ án quy hoạch xây dựng đô thị, người ta trước hết phải khảo sát các số liệu về địa chất, thuỷ văn, môi trường, kinh tế, dân cư, v.v... Sau đó kiến trúc sư sẽ phải phối hợp với các kỹ sư chuyên ngành về san nền, giao thông, thuỷ lợi, môi trường, kinh tế... để tính toán phác thảo nên những nét chính của đồ án. Không chỉ một, mà phải có nhiều phương án thiết kế được đưa ra bàn thảo. Đường làm ở đâu ? Cống làm ở đâu ? Nhà xây chỗ nào ? Cấp nước và thoát nước ra sao ? Xử lý rác thải, nước thải như thế nào ? Thế rồi khi các phương án đưa ra, người ta phải cân nhắc để lựa chọn ra phương án tối ưu, cân bằng giữa các yếu tố nhất.

Nhưng có một yếu tố không thể đánh đổi, đấy là con người. Một đồ án quy hoạch xây dựng tử tế thì dù có phải mang sứ mệnh chính trị to tát đến đâu, cũng không thể hi sinh con người vào các mục tiêu khác. Con người, với vai trò vừa là chủ thể kiến tạo, vừa là đối tượng thụ hưởng các thành quả của quy hoạch xây dựng phải được tôn trọng. Rất tiếc là nhiều khi các ý kiến phản biện của người có chuyên môn dù rất tốt, nhưng không được tôn trọng, bị các vị quan chức có quyền quyết định phủ quyết, và những đồ án xây dựng được thông qua chỉ vì những mong muốn chính trị chứ không phải vì nhân dân.

Ngay khi tôi đề cập lại vấn đề này trên Facebook nhân chuyện mưa lũ ở Nha Trang, có bạn đọc vào bình luận như thế này :

Hoàng Văn Trương : "Dân đi khỏi nơi sinh sống do phải nhường đất vàng cho tụi đại gia với giá rẻ , họ làm nghề biển là chính nên mới tái định cư khu vực cảng Bình Tân . Chính quyền phá núi lấy đất tái định cư vô tội vạ nên mới thành ra như dậy khổ lắm anh ơi !"

do2 - Copie

Tin nhắn của một người đọc viết cho blogger Blog Nguyễn Lân Thắng

Lưu Xuyên Phong : "Tôi ở Nha Trang mà hằng ngày còn phải kinh ngạc trước sự tàn phá thiên để lấy đất làm dự án của thành phố. Lấp đầm san đìa, phá núi, lấp biển, tàn phá môi sinh không biết bao nhiêu mà kể. Cuối cùng cũng chỉ để thỏa mãn lòng tham của quan chức. Người dân sống ở thành phố ngày càng phải chấp nhận sống chung với kẹt xẹ khói bụi từ công trình xây dựng và phương tiện giao thông. Mưa lũ thì càng ngày càng nặng, thành phố thì trước mặt là biển, sau lưng là sông mà mưa chút là ngập. Nói Nha Trang chán sống như ngày nay thì một phần là do thiên tai, còn 9 phần là do sự tham lam cộng với ngu dốt của những kẻ quy hoạch nên thành phố".

do3 - Copie

Tin nhắn của một người đọc viết cho blogger Blog Nguyễn Lân Thắng

Đó, ý kiến của người dân đó. Không phải dân không biết đâu. Chẳng qua họ chưa thể làm gì một lũ ngu dốt khốn nạn ngồi lên đầu dân bao lâu nay ! Vậy nên, tôi tha thiết kêu gọi các nhà báo, các nhà khoa học, đặc biệt là giới kiến trúc sư quy hoạch, xin các vị hãy lên tiếng, hãy vạch trần sự việc này. Đừng để những kẻ ngu dốt tiếp tục tàn phá đất nước rồi đổ tại mẹ thiên nhiên của chúng ta.

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 19/11/2018

Published in Diễn đàn

Khi đánh giá một con người, người ta vẫn hay nói : sông có khúc, người có lúc. Nghe thì có vẻ hợp lý, nhưng điều này thực ra chỉ đúng trong một khoảng thời gian đủ dài, và người nào đó chúng ta đang nói đến gặp một biến cố đủ lớn để thay đổi hẳn tâm tính.

Một ông thầy từng dạy tôi điều này : "Bạn chơi như thế nào, thì bạn sẽ làm việc đúng như thế".

Tất cả những gì mà người dân được thấy qua khoảng khắc ngắn ngủi trong video clip đó đã đủ để thấy bản chất của công an Bình Định.

Đây là một câu nói rất ngắn gọn, nhưng hàm chứa một ý tưởng rất tuyệt vời, để giúp chúng ta nhanh chóng đánh giá chính xác một ai đó. Bạn hãy thử quan sát một người xung quanh ngay bây giờ mà xem. Dù là bạn đang trong quán cafe, trong quán ăn, hay đang đi ngoài phố. Cách thức một người đi đứng, uống cafe, hay nói chuyện với bạn bè xung quanh bộc lộ khá nhiều về tính cách của họ. Tính cách, phong thái, tâm trạng của con người ảnh hưởng rất nhiều đến hành động của họ, dù họ có chuyển sang môi trường khác. Một người trông cáu kỉnh, làu nhàu với cô phục vụ trong quán cafe thì đừng mong họ có thái độ vui vẻ, hòa nhã với đồng nghiệp nơi làm việc. Một cô gái hấp tấp đi trên đường phố thì không thể điềm tĩnh, cẩn trọng trong công việc. Hãy thử một lần quan sát kỹ đi, không phải tự dưng xưa nay các cụ vẫn có câu : Trông mặt mà bắt hình dong, hay Con lợn có béo thì lòng mới ngon...

Tự dưng tôi nhớ đến điều này bởi mấy hôm trước, tại thành phố Quy Nhơn - Bình Định có một video quay lại cảnh một thanh niên đang cự cãi với cảnh sát giao thông thì đột nhiên một cảnh sát bám vào tay người đó rồi lăn quay ra đường. Tất nhiên là sau đó, như mọi khi, đám cảnh sát xung quanh lao vào khống chế bắt người thanh niên, khống chế anh này như tội phạm. Tôi nói "như mọi khi" bởi tôi đã từng xem ít nhất 3 video trên mạng xã hội về hành vi ăn vạ của cảnh sát giao thông, nhằm quy chụp những người tham gia giao thông vào tội chống người thi hành công vụ, để có cớ trấn áp họ khi cảnh sát đuối lý. 

Trong vụ việc kể trên, dù có video rõ ràng, có đến cả triệu người được xem, Thượng tá Huỳnh Dư Phi Long, Trưởng Công an Thành phố Quy Nhơn ngang nhiên phát biểu với báo chí :

"Trong lúc hai bên giằng co, Phạm Thanh Qua đã thúc cùi chỏ vào người Thiếu úy Hoàng Linh, khiến anh này né tránh và té ngã ra sau. Đối tượng này sau đó bị Công an phường Ngô Mây khống chế, đưa về cơ quan xử lý theo pháp luật. Làm việc với công an, Qua và Tuyển đã nhận sai trái của mình. Bây giờ, hướng xử lý tiếp theo của chúng tôi ở mức độ giáo dục để 2 thanh niên này nhận ra hành vi sai trái của mình cũng như để dư luận hiểu rõ được bản chất của vấn đề".

Về người đã quay và tung clip sự việc trên lên mạng, theo Thượng tá Long còn đe dọa : "Clip đăng lên theo kiểu thông tin một phía, khiến dư luận suy nghĩ trái chiều. Chúng tôi sẽ mời người này lên làm việc để có cơ sở xử lý. Việc này cơ bản đã rõ rồi".

Cho đến giờ này clip gốc mà tôi từng được xem trên Facebook đã bị gỡ. Tôi biết với quyền lực của mình, công an Bình Định hoàn toàn có thể gây sức ép với các thanh niên trong vụ việc trên để họ phủ nhận toàn bộ sự việc. Tuy nhiên tất cả những gì mà người dân được thấy qua khoảng khắc ngắn ngủi trong video clip đó đã đủ để thấy bản chất của công an Bình Định.

Ngành công an hàng năm cũng bỏ ra khá nhiều chi phí để quay phim chụp ảnh nhằm đề cao hình ảnh người chiến sỹ công an vì nhân dân. Nào thì nhặt cam giúp bà già ngã xe, nào thì dắt người già qua đường, nào thì mặc nguyên trang phục với đầy đủ quân hàm lội xuống ruộng gặt lúa cho dân. Nhưng tất cả công sức đó lại đổ sông đổ bể, chỉ vì vài ba cái clip rất phản cảm như vừa nêu. Đồng ý là người công an đi làm nhiệm vụ có thể có những nóng nảy, va chạm, thậm chí sai phạm chỗ này chỗ kia. Nhưng thái độ bênh vực trắng trợn của ông trưởng công an thành phố Quy Nhơn về hành vi của cấp dưới mới là điều đáng bàn. Là người đứng đầu ngành công an địa phương, đáng lẽ ra ông Long phải có sự nhạy cảm chính trị, phải biết cảm ơn và tuyên dương người dân đã quay lại clip này. Trong khi toàn lực lượng công an đang ra sức cố gắng bảo vệ hình ảnh của ngành, ông lại đi bênh vực một hành động hết sức phản cảm, nhân dân đều thấy rõ rành rành ra đó trong video. Một chuyện nhỏ như thế ông Long còn cố sức bao biện, vậy còn bao nhiêu chuyện nữa chưa có bằng chứng, ông Long cũng đang giấu cấp uỷ và bộ máy lãnh đạo công an cấp trên ?

mot1

Lễ công bố quyết định bổ nhiệm chức vụ Trưởng công an Thành phố Quy Nhơn - Ảnh minh họa

Những chuyện oan sai liên quan đến ngành công an gần đây xảy ra rất nhiều. Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng trong phiên chất vấn gần đây đã phải nói "vi phạm của cơ quan điều tra là rất khủng khiếp"... Đó là trên nghị trường, còn trong dân chúng, không dưng người ta có câu truyện thế này : Một chú công an đi tuần thì gặp một thằng chọi con đang ngồi nặn tượng ven đường rất say sưa. Chú công an mới nổi tính tò mò lại gần hỏi : 

- Ê cu ! Mày làm gì đấy ?

- Dạ em nặn anh công an ạ !

- Ừ, tốt ! Nhưng mày nặn bằng gì thế ?

- Dạ em nặn bằng cứt ạ !

- Á, thằng này láo ! Tao cấm mày nặn chú công an bằng cứt nhá ! Tao đi một vòng quay lại mà mày còn tiếp tục là tao bắt mày lên đồn đấy.

Lát sau, chú công an quay lại vẫn thấy thằng chọi kia miệt mài nặn nặn.

- Ê thằng kia ! Lúc nãy tao bảo thế nào ? Sao mày vẫn ngồi đây nặn ?

- Dạ, em có nặn anh công an nữa đâu ? Em nặn chú bộ đội rồi.

- Ừ, tốt ! Thế mày nặn chú bộ đội bằng gì ?

- Dạ, em nặn chú bộ đội bằng đất sét ạ !

- Ừ, nhưng sao mày không nặn chú bộ đội bằng cứt ?

- Dạ không được đâu anh ! Nếu nặn bằng cứt thì lại ra anh công an ạ !

Một lần bất tín, vạn sự bất tin. Ông Huỳnh Dư Phi Long nên động não một chút, để có cách thức xử lý chuyện rất nhỏ này, kẻo xấu mặt ngành công an cả nước, rồi đến lúc bộ trưởng công an Tô Lâm phải có ý kiến chỉ đạo là rắc rối to ông ạ !

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 10/11/2018 (nguyenlanthang's blog)

Published in Diễn đàn
mercredi, 31 octobre 2018 00:06

Sự cam kết

Hôm nay là tròn 5 năm ngày tôi bị câu lưu tại sân bay Nội Bài khi trở về đất nước sau chuyến "quốc tế vận" kinh thiên động địa đòi hủy bỏ điều luật 258 tại Liên hợp quốc năm 2013.

camket1

Cam kết sẽ dùng hết sức lực của mình để cùng với những người tiến bộ khác loại bỏ chủ nghĩa cộng sản, loại bỏ quyền lực cộng sản ra khỏi Việt Nam.

Tôi vẫn còn nhớ như in ngày đó, có hàng chục bạn bè lên tận sân bay để biểu tình đòi người. Nhưng còn có hàng trăm người khác đã viết status, viết bài về sự kiện này để gây áp lực truyền thông. Khi chia sẻ lại sự kiện này trên Facebook, một bạn nhảy vào bình luận : "Em chỉ là thằng cào phím" và dán bức ảnh ngày đó bạn ấy chia sẻ tin tức về tôi trên trang cá nhân của mình.

Đành rằng một trang cá nhân của người bình thường có sức lan toả rất hạn chế, không gây được áp lực gì nhiều. Nhưng hãy thử tưởng tượng trên mạng xã hội có 1 triệu người nói về vấn đề gì đó, đó sẽ là một áp lực kinh hoàng mà nhà cầm quyền không dễ gì bỏ lơ, mà phải tìm cách điều chỉnh hành động của mình. Đó là chuyện tác động ngoài xã hội, nhưng còn về phía cá nhân người bạn kia, khi bạn đã nói ra, viết ra một điều gì đó... bạn đã tự phá bỏ nỗi sợ của mình, để tuyên bố, để cam kết với người khác một điều mình mong muốn. Trước đây tôi đã từng có một bài viết nhan đề là "Vượt qua nỗi sợ" được rất nhiều bạn đọc đồng tình và đánh giá cao. Tuy nhiên đọc lại bài viết đó tôi thấy còn thiếu một ý rất quan trọng, là sự cam kết với người khác, và đây là điều tôi muốn tập trung vào nói trong bài viết này.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường không thành công bởi sự trì hoãn. Bạn biết rõ mình cần phải làm những gì để thành công, bạn tự nhủ rằng mình sẽ làm, rồi đến lúc phải làm, bạn bỏ lơ đi và phản bội chính mình. Cứ như vậy, có thể bạn sẽ dằn vặt một chút trong lòng, rồi thôi. Có ai biết bạn định làm gì đâu ? Ngoài bản thân ra thì có ai sẽ soi vào hành động của bạn đâu ? Đó là lý do rất quan trọng làm bạn cứ hết lần này đến lần khác phản bội chính mình. Và như thế bạn sẽ không thể hoàn thành một công việc bình thường nào đó, chứ chưa nói đến chuyện vượt qua nỗi sợ, vượt qua chính mình để chung tay thay đổi xã hội này.

Nói ra với người khác một điều gì đó là một cách để tự gây áp lực với chính mình. Một khi người khác đã biết bạn cam kết điều gì, bạn sẽ có kỷ luật hơn rất nhiều với bản thân. Càng nhiều người biết thì áp lực càng lớn, và chính áp lực đó sẽ là nhân tố cực kỳ quan trọng để bạn vượt qua nỗi sợ, vượt qua những rào cản bản thân nhằm hoàn thành những gì bạn mong muốn.

Trong mấy ngày gần đây Việt Nam đang có chuyện hôm 25/10/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra quyết định đề nghị kỷ luật Giáo sư Chu Hảo vì lý do "suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa ; có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước". Không những thế, kết luận của ủy ban còn cho rằng Nhà xuất bản Tri thức của Giáo sư Chu Hảo đã "xuất bản một số cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của đảng, nhà nước, vi phạm luật Xuất bản, bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy".

Sự kiện này gây ra một làn sóng bất bình ghê gớm trong giới trí thức và cán bộ đảng viên. Ngày 26/10/2018, ông Chu Hảo đã có một bức thư gửi cơ quan đảng trực thuộc, nhờ chuyển cơ quan đảng cấp trên, trong đó tuyên bố từ bỏ đảng cộng sản. Sau khi bức thư được công bố, theo thống kê sơ bộ cho đến ngày 31/10/2018 đã có hơn một chục đảng viên cộng sản, trong đó có nhà văn Nguyên Ngọc cũng tuyên bố công khai ra khỏi đảng để phản đối quyết định của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và để biểu thị sự ủng hộ ông Chu Hảo.

Khi tôi đang gõ những dòng chữ trong bài viết này thì trên tivi, trên hệ thống báo chí chính thống đang có dày đặc các phóng sự, các bài viết nhằm biện minh cho quyết định của đảng, đồng thời tiếp tục bôi nhọ và đấu tố giáo sư Chu Hảo, một trí thức lớn của đất nước. Trong sự việc này, tôi biết ông Chu Hảo rất mạnh mẽ với quyết định của mình. Nhưng điều đáng mừng hơn chính là những tuyên bố của các đảng viên cộng sản khác.

Ai cũng biết có cả triệu đảng viên cộng sản từ lâu bất mãn trong lòng, bỏ sinh hoạt đảng, thầm thì trao đổi với nhau nhiều chuyện về đảng. Tuy nhiên khi họ nói ra, tuyên bố ra suy nghĩ của mình với người khác, và đặc biệt là tuyên bố từ bỏ cộng sản, đây sẽ là nhân tố cực kỳ quan trọng thúc đẩy hàng triệu đảng viên khác làm theo, đồng thời là áp lực khiến những đảng viên này vượt qua nỗi sợ hãi để lên tiếng, để không còn im mồm thoả hiệp với cộng sản.

Đảng cộng sản trong 88 năm thành lập đến nay là vết nhơ của đất nước. Muốn thay đổi đất nước, chúng ta trước hết phải cùng cam kết với nhau loại bỏ tư tưởng và quyền lực của nó ra khỏi đời sống xã hội. Nếu bạn không phải là đảng viên thì hãy lên tiếng ủng hộ những người dám tuyên bố bỏ đảng.

Tôi không phải là đảng viên cộng sản. Nhưng tôi tuyên bố và cam kết, dù có phải chịu khủng bố, tù đày, thậm chí cả cái chết, nhưng tôi sẽ dùng hết sức lực của mình đến cuối đời để cùng với những người tiến bộ khác loại bỏ chủ nghĩa cộng sản, loại bỏ quyền lực cộng sản ra khỏi Việt Nam.

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 31/10/2018 (nguyenlanthang's blog)

Published in Diễn đàn
samedi, 27 octobre 2018 20:16

Khi nỗi đau đủ lớn

Xem tin tức trên facebook, các bạn có bao giờ cảm thấy khó chịu, bực bội, chán nản, thậm chí chả còn thiết làm gì nữa khi quan tâm đến các chủ đề chính trị - xã hội không ? Nay thì chết trong đồn công an, mai thì cướp vàng của dân, kia thì lại ô nhiễm môi trường, giáo dục xuống cấp, y tế quá tải, tham nhũng tràn lan... nói chung là bạn sẽ gặp đủ cả những thông tin rất nhức nhối trong xã hội ngày nay. Tôi biết và hiểu tình trạng này không hay ho gì cho sức khoẻ tinh thần của mỗi chúng ta.

bieudo1

Biểu đồ Trì hoãn - Hành động (The Procrastination-Action Line)

Theo thống kê của Bộ Y tế vào năm 2017, tại Việt Nam, có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Còn thông báo tại Viện Sức khỏe Tâm thần cho thấy có 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Và không chỉ về mặt tinh thần, các trạng thái stress, rối loạn tâm lý được các bác sĩ chỉ ra là nguyên nhân rất lớn gây ra các bệnh về tim mạch, mất ngủ, mất trí nhớ, béo phì... thậm chí cả những bệnh như ung thư, tiểu đường.

Vậy làm thế nào để thoát khỏi tình trạng sống như thế này ? Thờ ơ bỏ qua ư ? Tìm vui trong các hoạt động khác ư ? Chạy ra nước ngoài sinh sống ư ? Tôi nghĩ có lẽ chúng ta cần phải nói thẳng với nhau rằng, đó là những giải pháp ngu ngốc, tệ hại nhất nếu bạn chọn nó. Những gì bạn đang phải chứng kiến, đang phải chịu đựng là hệ quả tất yếu khi đất nước được dẫn dắt bởi một chủ thuyết sai lầm gần một thế kỷ qua.

Dù bạn có cố sống theo kiểu mũ ni che tai, bỏ mặc sự đời, hay vào chùa đi tu... thì những vấn nạn xã hội vẫn tác động đến tất cả chúng ta bằng giá xăng dầu, bằng thực phẩm bẩn, bằng ô nhiễm môi trường, bằng khói bụi chúng ta phải hít vào hàng ngày. Giả sử bạn có may mắn, có tiền bạc để thoát ra được nước ngoài để sống, hãy nhìn đời sống của người Việt hải ngoại mà xem. Cho dù đã được hưởng những điều kiện sống tốt đẹp nhất, nhưng họ vẫn đau đớn vật vã khi nhìn về quê hương, vì dù đi đâu đến đâu ta cũng chỉ như là công dân hạng hai. Không có cách nào khác, chỉ có một con đường duy nhất, đấy là Việt Nam phải thay đổi, người Việt chúng ta phải thay đổi, thay đổi tất cả ngay chính trên mảnh đất này. 

Nói về việc thay đổi, tôi biết là rất khó. Ngay trong đời sống hàng ngày, những thói quen xấu bình thường đã rất khó bỏ, chưa nói gì đến việc thay đổi thái độ chính trị hay làm một việc gì khác ngoài xã hội để thúc đẩy sự tiến bộ. Chúng ta không thay đổi được vì chúng ta trì hoãn. Trong các môn nghiên cứu về tâm lý và tư duy con người có một biểu đồ gọi là biểu đồ Trì hoãn - Hành động (The Procrastination-Action Line).

Nhìn vào biểu đồ, chúng ta có thể thấy con người chỉ có thể hành động (action) khi nỗi đau (pain) đủ lớn. Chưa đủ nỗi đau, chúng ta chưa hành động. Điều đó có thể lý giải rất rõ hiện tượng những người đã từng bị oan sai, bị cướp đất trong xã hội Việt Nam lại dễ dàng trở thành những nhà hoạt động xã hội, những người đấu tranh nhiệt thành cho tiến bộ xã hội. Càng nhiều bất công thì sẽ có càng nhiều người đấu tranh. Và khi số lượng đủ lớn, xã hội này ắt sẽ phải thay đổi.

Chính vì thế, cho dù tình trạng Việt Nam đang ở một thời khắc vô cùng tăm tối, nhưng tôi luôn lạc quan tin tưởng một điều rằng, con đường tôi đang đi sẽ dẫn tới một tương lai rạng rỡ cho đất nước này. Trước mặt tôi đã có một ít người đi trước mở đường, sau lưng tôi đã nhiều người nối gót, và sau nữa sẽ có hàng triệu triệu người khao khát tự do. Xin hãy nén nỗi đau lại, chờ những người đi sau, vì không chỉ có mỗi mình bạn cảm thấy đau đâu.

Xin được chép lại ở đây một lời bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang mà tôi vô cùng yêu thích để kết thúc bài viết này :

...Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang 

Trên bàn chông hát cười đùa vang vang 

Còn Việt Nam, triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng...

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 26/10/2018 (nguyenlanthang's blog)

Published in Diễn đàn
mercredi, 17 octobre 2018 17:18

Đám cháy ở Sóc Sơn

Cổ nhân từ xa xưa có câu dạy rằng : "Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra". Nhỡ mồm nhỡ miệng nói điều gì đó để rồi gây họa cho bản thân là chuyện ai cũng đã từng gặp phải trong đời. Tuy nhiên mức độ thảm họa là khác nhau, tùy thuộc vào vị thế và độ nổi tiếng của người phát ra câu nói dại dột nào đó. Trong thời đại 4.0, họa từ miệng có một danh từ chuyên môn gọi là khủng hoảng truyền thông, nó có thể gây ảnh hưởng đến rất nhiều người, nhiều tổ chức. Ai cũng có thể có sai lầm, nhưng người ta khác nhau ở chỗ đối diện và giải quyết sai lầm của mình như thế nào.

chay1

Cháy cực lớn tại khu vực rừng phòng hộ Sóc Sơn

Khủng hoảng truyền thông luôn là điều xảy ra bất ngờ như một đám cháy. Đám cháy lớn luôn bắt nguồn từ một đốm lửa nhỏ. Chữa cháy sai cách thì càng cháy lớn. Bí quyết ở đây là phải phòng bị, phải tập luyện từ trước, kể cả khi chưa có đám cháy nào xảy ra. Và khi đám cháy xảy ra rồi thì phải huy động mọi nguồn lực, mọi nhân lực, mọi phương tiện, hành động thật mau lẹ, quyết liệt và có phương pháp.

Khi đám cháy xảy ra, khói bắt đầu mù mịt, có thể bạn không nhìn thấy gì, nhưng bạn phải biết ngọn lửa bắt nguồn từ đâu, vật liệu gì đang nuôi ngọn lửa, khu vực nào xung quanh có nguy cơ bắt lửa gây cháy lan. Hiểu và biết chính xác những điều này bạn mới có thể có cơ may từng bước khống chế, kiểm soát rồi dập tắt ngọn lửa. Cháy nhà gỗ, bạn có thể dùng nước dập lửa. Nhưng cháy xăng dầu thì chớ có dại dùng nước, vì xăng dầu sẽ nổi lên và tiếp tục cháy lan theo dòng nước ra chỗ khác nữa. Khi đó phải dùng cát, chăn chiên tẩm nước, bọt khí foam... mới là phương pháp đúng để cách ly và dập tắt ngọn lửa.

Khủng hoảng truyền thông cũng y như vậy. Điều đầu tiên, khi khủng hoảng truyền thông xảy ra, người lâm nạn trước hết phải nhận lỗi về mình. Mình không nói ra thì đâu có vạ miệng. Đừng đổ tại công chúng. Công chúng thì như ngọn gió. Gió thì có ở khắp mọi nơi, lửa càng cháy to và bốc cao thì càng hút gió lùa vào cấp oxi thêm cho đám cháy.

Điều thứ hai, ngọn lửa khi cháy cần đủ 3 yếu tố : vật liệu cháy, oxi, nguồn nhiệt. Thiếu bất cứ một trong ba yếu tố trên thì đám cháy mới được khống chế. Khủng hoảng truyền thông thì cũng có 3 yếu tố : sai phạm của chủ thể, công chúng, phát ngôn của chủ thể. Tuy nhiên khác với đám cháy, sai phạm của chủ thể và công chúng là hai yếu tố tĩnh, đã tồn tại lâu dài trước khi sự việc xảy ra. Ở đây, chính yếu tố phát ngôn của chủ thể mới là điều cần phải xem xét cẩn trọng nếu muốn dập lửa. Càng hung hăng thách thức công chúng càng chết. Nhưng im lặng cũng chết. Người ta thường hay khuyên : nếu không nói được điều gì tử tế thì hãy im lặng... sai ! Trong trường hợp này là sai ! Đã cháy rồi thì không thể im lặng. Càng im lặng thì sự đồn đoán, tranh cãi trong công chúng càng lớn, đám cháy càng to. Đối mặt với khủng hoảng truyền thông mà im lặng thì không khác gì con đà điểu cắm đầu xuống cát, mối nguy hiểm đâu có mất đi ? Vì vậy, khôn ngoan nhất là phải tìm cách nhanh chóng đưa ra những phát ngôn hạ nhiệt công chúng. Đời hơn thua nhau ở cái thái độ đó đấy các bạn ạ.

chay2

Nhà cao cửa rộng do tham nhũng mang lại - Chấp nhận sống chung với điều xấu, thỏa hiệp với cái xấu thì nhất định có ngày điều xấu sẽ vận vào mình, gây thiệt hại cho mình, đừng trách ai.

Điều cuối cùng, về phương tiện và nhân lực chữa cháy. Con người ta ở đời dù nổi tiếng cũng đều có những quan hệ họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp. Khi thấy người thân bị nạn thì phản ứng xông vào bênh vực giúp đỡ là lẽ đương nhiên. Tuy vậy đám cháy hay khủng hoảng truyền thông là một điều bất thường và hoàn toàn khác những gì vốn diễn ra trong đời sống bình thường. Vì vậy muốn dập đám cháy hay khủng hoảng truyền thông thì phải có đội ngũ chuyên nghiệp, có đào tạo. Để những người thân nhúng vào thì đôi khi lợi bất cập hại, như cháy rồi mà có người cứ đứng quạt lửa cho to thêm. Có rất nhiều người chuyên nghiệp trong việc xử lý khủng hoảng truyền thông, đừng tiếc tiền thuê họ. Không thì thiệt hại về mặt danh tiếng sẽ chuyển thành thiệt hại về mặt vật chất thực sự.

Khi tôi viết những dòng này, cơn bão ở Sóc Sơn đang ầm ầm nổ ra. Đám cháy là quá to và có thể cháy lan sang nhiều nhà hàng xóm. Vì vậy tôi muốn nói những điều đó với một thành ý là để những người trong cuộc tự nhận thức và tự cứu mình theo một cách thức phù hợp nhất. Ai cũng có thể có những sai lầm, nhất là khi sống trong một xã hội được dựng lên bằng những điều dối trá. Chấp nhận sống chung với điều xấu, thỏa hiệp với cái xấu thì nhất định có ngày điều xấu sẽ vận vào mình, gây thiệt hại cho mình, đừng trách ai. Cháy thì đã cháy rồi, hãy xác định đối mặt với nó một cách dũng cảm và khôn ngoan nhất.

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 17/10/2018 (nguyenlanthang's blog)

Published in Diễn đàn

Phần 3

Phân tích, so sánh và bình luận

Trong câu chuyện ông Hồ Ngọc Đại và Công nghệ giáo dục, giữa một mớ hỗn độn thông tin phê phán cũng như bênh vực, tôi biết tất cả những ai quan tâm đều phải suy tư và đặt ra những câu hỏi thế này : Cái gì là điều đúng ? Đâu là lẽ phải ? Ta có thể làm gì ? Đó là những câu hỏi rất đơn giản, nhưng mang tính triết học ở trong đó mà từ xa xưa các nhà triết học đã đặt ra. Trong một bộ phim tài liệu, Nỗi buồn sông Gianh năm 2016 kể về thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra, tôi đã từng một lần đề cập đến ý này.

Nỗi buồn sông Gianh năm 2016 kể về thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra

Immanuel Kant, nhà triết học Đức thời kỳ khai sáng từng đặt ra những câu hỏi để khơi gợi ý tưởng cho con người suy nghĩ trước một vấn đề :

Tôi có thể biết được gì ?

Tôi nên làm gì ?

Tôi có thể hi vọng được gì ?

Trong 3 câu hỏi trên, riêng ngay chữ "biết" đã hàm chứa rất nhiều khía cạnh ở bên trong cần được làm rõ. Chúng ta biết điều gì ? Chúng ta đã nhìn nhận vấn đề từ đủ các mặt chưa, hay lại như đám thầy bói mù xem voi ? Những ai theo dõi nội dung và phần bình luận trong bài viết 1 và 2 về chủ đề Công nghệ giáo dục của tôi, chắc các bạn sẽ thấy rất nhiều bình luận trái chiều, và tôi nghĩ có rất nhiều người phân vân, có nhiều người chưa đồng tình với tôi, và không phải ai cũng thể hiện quan điểm của mình vào đó. 

Trong các phản hồi, có những phê phán bài viết của tôi rất đúng. Ví dụ như chuyện hình vuông, hình tròn, hình tam giác có xuất hiện trong sách Công nghệ giáo dục, tôi đã phải nhận lỗi và sửa lại ngay trong bài thứ nhất về điều đó. Nhưng có những phản hồi làm rất nhiều người khó nghĩ, không biết chuyện tôi đang nói đúng sai thế nào, có đáng nói hay không.

Ví dụ như :

- Anh ơi, anh Thức đang tuyệt thực, có cần thiết nói chuyện này không ?

- Anh ơi, Trung Quốc đang thôn tính sáp nhập Việt Nam, có cần nói chuyện này không ?

- Anh ơi, ông Hồ Ngọc Đại ăn cắp phương pháp của ông A bà B đó.

- Anh ơi, đây là nhóm lợi ích muốn độc quyền sách giáo khoa...

Thậm chí, có những người như Thuy Le, một tiến sỹ đang nghiên cứu gì đó ở nước ngoài chẳng hạn, liên tục spam hàng chục những nội dung đả phá ông Hồ Ngọc Đại và Công nghệ giáo dục vào bài, mà chẳng liên quan gì đến nội dung, đến lý lẽ mà tôi đang trình bày trong bài viết. Dù không muốn, nhưng tôi đã phải mạnh tay block những người bình luận thiếu thiện chí như vậy. Vì sao ? Vì tôi đang làm cái việc giống như là vẽ nên một bức tranh.

Bức tranh là hình dung, là quan sát trong đầu của tôi về một điều gì đó. Tôi không muốn ai đem màu nước vẩy lên bức tranh, để rồi công chúng khi quan sát tác phẩm sẽ không được nhìn thấy những đường nét, màu sắc thật sự của nó. Hãy kiên nhẫn, tôi chưa nói hết đâu. Dù có thể không đồng tình với tôi, muốn chửi bới tôi cũng được, nhưng không thể làm mất trật tự khi phim đang chiếu trong rạp. Và quý vị vẫn có thể dùng cái quyền tự do ngôn luận mà phán xét tôi trên tường facebook nhà quý vị.

Chính vì những rắc rối như vậy, tôi quyết định thay đổi một chút cấu trúc bài viết này, để cùng bạn đọc trước hết đi vào làm rõ các khái niệm cũng như phương pháp để phân định đúng sai, có như vậy chúng ta mới tiếp tục đi sâu vào phân tích chuyện Công nghệ giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại một cách khách quan nhất.

cngd1

Con người chúng ta nhận biết thế giới bằng 5 giác quan. Những hiện tượng và sự vật bên ngoài thế giới được chúng ta thông qua 5 giác quan, ghi nhận lại vào não bằng những hình ảnh, âm thanh, mùi vị, cảm giác. Nhưng thế giới rất rộng lớn. Có quá nhiều thứ mà ta không thể biết, không thể trải nghiệm trực tiếp bằng giác quan của mình, nhưng vẫn có nhu cầu phải biết, để có thể đưa ra quyết định cho mình trong cuộc sống. Chính vì thế, con người chúng ta giao tiếp với nhau, kể cho nhau những điều mình trải nghiệm, và đó chính là hình thức sơ khai của giáo dục. Nhưng vì không trải nghiệm trực tiếp, nên những thông tin, kiến thức đến với chúng ta lại phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người đưa thông tin, rắc rối bắt đầu từ chỗ đó.

Một sự vật hiện tượng luôn có nhiều mặt, chưa cần nói sai, nói trái, thổi phồng về nó, chỉ cần nói thiếu thôi thì sự vật hiện tượng đã bị phản ánh méo mó, không trung thực vào trong não ta. Từ đó ta có thể có những quyết định sai lầm vì sự thiếu hiểu biết của mình. Giáo dục con người tự thân nó, trước hết là một công việc cao quý. Nó bắt đầu từ quan hệ huyết thống, gia đình, làng xóm. Bố mẹ dạy con, ông bà dạy cháu, già làng dạy thanh niên, người từng trải dạy người chưa biết. Khi xã hội loài người càng phát triển lên cao, việc truyền thụ kiến thức từ người này sang người khác càng phức tạp, đòi hỏi những người chuyên làm việc này, đó chính là thầy giáo. Và khi sự hợp tác của con người trong đời sống chuyển từ hình thức sơ khởi là thị tộc, bộ lạc lên đến hình thức đế chế, nhà nước, có một nhu cầu ngày càng cấp thiết của người cầm quyền là phải thống nhất được ý chí của mọi người để cùng hợp tác làm một điều gì đó. Lúc này việc truyền thụ kiến thức và kinh nghiệm không còn đơn thuần mang ý nghĩa trao cho người khác nhận thức đúng về mọi việc, mà bắt đầu lồng ghép vào đó ý chí chủ quan của một số người có lợi ích nào đó, hoặc một giai cấp cầm quyền. 

Hãy thử tìm hiểu một số khái niệm như : quảng cáo, tuyên truyền, nhồi sọ, tẩy não.v.v... Có thể thấy, để bán hàng người ta phải giới thiệu, chào hàng, thậm chí thổi phồng một số đặc tính của sản phẩm. Để thôn tính một nước lân bang, nhà vua phải hô hào dân chúng rằng, ngoài kia là đám người mọi rợ, đang đe dọa đến sự bình yên của chúng ta... đại loại như vậy. Trong Binh pháp Tôn Tử, người ta có thể thấy những mưu mẹo như : Thanh Đông kích Tây (聲東擊西-Dương Đông kích Tây, vờ đánh một hướng nhưng thực chất là đánh hướng ngược lại), Vô trung sinh hữu (無中生有-Không có mà làm thành có)... Trong thời kỳ hiện đại, người ta nghe nhiều đến thuyết Chủng tộc Aryan thượng đẳng của Hitler, đến lý thuyết tuyên truyền "Một lời nói dối lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ thành chân lý". của Goebbels - Bộ trưởng Bộ Giác ngộ quần chúng và Tuyên truyền của Đức Quốc xã... Đó là một số ví dụ tiêu biểu để thấy việc truyền thụ thông tin, kiến thức theo thời gian đã bị dùng vào việc định hướng suy nghĩ, tình cảm và hành động của con người như thế nào.

Với vị thế lâu đời, với danh nghĩa cao quý, giáo dục là một việc bị lợi dụng nhiều nhất trong việc áp đặt ý chí chủ quan của một nhóm thiểu số lên số đông trong xã hội. Giáo dục vì thế là cái dễ nhìn thấy nhất để phân biệt một xã hội tự do hay độc tài chuyên chế. Nhìn sâu vào giáo dục ở nơi thiếu tự do tư tưởng, người ta mới hiểu được chuyện tại sao "chim trên cây cũng phải khóc thương" Kim Jong il - lãnh tụ Bắc Hàn, tại sao lực lượng cờ đỏ chửi bới, tấn công người cười cợt với hình ảnh lãnh tụ ở Việt Nam... Giáo dục khi không còn chỉ mang mỗi chức năng truyền thụ kiến thức, nó sẽ trở thành công cụ tẩy não, nhồi sọ của nhà cầm quyền với người dân.

Giờ là lúc tôi quay lại với chuyện ông Hồ Ngọc Đại. Để tìm hiểu và so sánh sách Công nghệ giáo dục và sách theo chương trình của bộ Giáo Dục, tôi đã tìm và nắm được trong tay một đống các sách giáo khoa gồm :

- Sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1 âm-chữ, tập 2 vần, tập 3 tự học, tái bản lần thứ 9, do Hồ Ngọc Đại chủ biên, theo Công nghệ giáo dục

- Giáo án bộ môn Tiếng Việt lớp 1, theo Công nghệ giáo dục.

- Sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1,2 tái bản lần thứ 16, do Đặng Thị Lanh chủ biên, theo chương trình đại trà.

- Sách Tiếng Việt lớp 4, tập 1, 2 tái bản lần thứ nhất, do Hồ Ngọc Đại chủ biên, theo Công nghệ giáo dục.

- Sách Tiếng Việt lớp 4, tập 1, 2 tái bản lần thứ 13, do Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, theo chương trình đại trà.

- Sách Đạo Đức lớp 4, tái bản lần thứ 13, do Lưu Thu Thuỷ chủ biên, theo chương trình đại trà.

- Sách Toán lớp 4, tập 1, 2 tái bản lần thứ nhất, do Hồ Ngọc Đại chủ biên, theo Công nghệ giáo dục.

Đây chưa phải là toàn bộ những sách giáo khoa trong cả 2 loại chương trình, nhưng có thể giúp tôi nhận ra một số vấn đề.

Thứ nhất, đi tìm những hình ảnh, lời thơ, bài viết có nội dung liên quan đến nhân vật chính trị Hồ Chí Minh tôi thấy :

- Trong sách Tiếng Việt lớp 1 theo Công nghệ giáo dục xuất hiện 2 lần trong tập 1 (trang 7,10) 2 lần trong tập 3 - Sách tự học (trang 84,88).

- Trong sách Tiếng Việt lớp 4 theo Công nghệ giáo dục xuất hiện 1 lần trong tập 1 (trang 6) 1 lần trong tập 2 (trang 85).

- Trong sách Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình đại trà xuất hiện 5 lần trong tập 2 (trang 12,49,50,99,160).

- Trong sách Tiếng Việt lớp 4 theo chương trình đại trà xuất hiện 3 lần trong tập 1 (trang 22,82,116) 3 lần trong tập 2 (trang 21,137,138).

Như vậy, nếu quý vị không ưa sách theo Công nghệ giáo dục chỉ vì có hình tượng Hồ Chí Minh trong đó, con cái quý vị sẽ phải học một bộ sách khác với tần xuất lãnh tụ dày đặc hơn. 

Chưa hết, thứ hai là... hãy xem kỹ cách thức học tiếng Việt trong hai loại sách. Hồ Chí Minh xuất hiện trong sách Công nghệ giáo dục cùng với nhiều nhân vật lịch sử khác chỉ như là một ví dụ về câu, từ để học sinh học sâu về cấu trúc ngữ âm, ngữ pháp. Còn bên mảng sách đại trà, Hồ Chí Minh xuất hiện trong đó như là một tấm gương đạo đức sáng ngời, và đặc biệt hãy để ý các câu hỏi gợi ý sau mỗi nội dung có Hồ Chí Minh. Hãy xem các hình ảnh sau trong sách lớp 1 đại trà :

cngd2

cngd3

cngd4

cngd5

Và xem các hình ảnh sau trong sách lớp 4 đại trà :

cngd6

FA15D5AE-29C4-4A2B-8579-61FC3F3F041C

cngd8

cngd9

cngd10

Sách Công nghệ giáo dục từ lớp 1 đến lớp 4 rèn cho học sinh quy tắc ngữ pháp, hình tượng Hồ Chí Minh có xuất hiện hay không chỉ là một nhân vật, một tình huống, một ví dụ về câu văn hay từ ngữ để học tiếng Việt. Sách đại trà từ lớp 1 đến lớp 4 người ta rèn cho học sinh biết thế nào là đạo đức cách mạng, thế nào là lãnh tụ vì nước vì dân, lại còn cho trẻ con phát biểu cảm nghĩ một cách rất sâu sắc như người lớn. Ông Đại để học sinh đọc ra rả về Hồ Chí Minh xong rồi bắt phân tích từ ghép, từ láy, ngữ âm, chủ vị... chả có phần phân tích, nhận định và phát biểu cảm nghĩ về nhân vật gì cả, làm học sinh coi lãnh tụ cũng bình thường chỉ như con gà, con chó, con ếch xuất hiện quanh ta. Theo tôi đây là một thất bại nặng nề của ông Hồ Ngọc Đại trong việc giáo dục con người mới xã hội chủ nghĩa, nếu ông có ý định như vậy. 

Hãy đọc trang đầu tiên của sách Công nghệ giáo dục lớp 4

cngd11

cngd12

Ông Đại dạy thật là rắc rối. Từ lớp 1 lên đến lớp 4, tại sao ông lại cung cấp tỉ mỉ cho học sinh toàn bộ những kiến thức để học sinh có thể tự tư duy và suy luận. Tại sao không dạy theo lối để cô giáo chỉ bảo cho học sinh đâu là trắng thì phải là trắng, đâu là đen thì nhất định phải là đen, cho dễ quản lý. Để học sinh nắm chắc cặn kẽ lý thuyết, rồi để nó tự do phát triển lung tung, đến lúc nó nói ra cái gì đụng chạm thì ông có cãi lại được chúng nó không ? Lệnh lạc về tư tưởng bắt đầu từ đây, phai nhạt lý tưởng bắt đầu từ đây, ông cãi đi !

Trước đây tôi định viết tiếp ở phần này về những gì ghi nhận được qua ý kiến của cha mẹ học sinh đã học theo chương trình Công nghệ giáo dục, nhưng quyết định dừng lại. Ai muốn tìm hiểu tự đi mà tìm. Trường nào cũng có thông tin đầy trên internet. Nhỡ mà con quý vị sau này thành phản động lại trách tôi.

Phần sau, phần cuối cùng có thể tôi sẽ viết tiếp về giáo dục Việt Nam nói chung cũng như thái độ cần có của chúng ta. Nếu ai không sợ bị phai nhạt lý tưởng cộng sản, không sợ mất lập trường cách mạng thì mời đón đọc. Đừng quên chia sẻ bài viết này của tôi. 

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 17/09/2018

Published in Văn hóa

Phần 2

Tìm hiểu triết lý giáo dục của Hồ Ngọc Đại

Chào mừng các bạn quay trở lại đọc bài viết thứ hai trong loạt 4 bài viết của tôi về chủ đề công nghệ giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại.

cngd011

Lý thuyết tháp nhu cầu của Maslow

Như các bạn đã theo dõi trong bài viết trước, trong các bình luận ngay bên dưới đó, cuộc tranh cãi về Công nghệ giáo dục trong xã hội chúng ta chưa thể kết thúc. Ngay khi tôi đang gõ những dòng chữ mở đầu bài viết này thì điện thoại của tôi vẫn đang nảy tưng tưng thông báo có các bình luận trong bài viết đó. Người khen cũng nhiều, mà người chửi cũng lắm, nên thú thực là tôi cũng bị sức ép vô cùng lớn.

Theo như dự định từ trước thì bài viết này tôi sẽ tập trung vào mổ xẻ và phân tích triết lý giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại. Nhưng có lẽ các bạn hãy cho phép tôi trước hết bàn luận xa hơn một chút, đó là bàn về việc tại sao mình cãi nhau.

Từ xa xưa khi con người sinh ra, tổ tiên chúng ta đã vượt trội mọi giống loài khác trên hành tinh này bởi khả năng tư duy, học hỏi, phát kiến, để rồi dần làm chủ cuộc sống. Trong 1 triệu năm tiến hóa, dù hình thể, dáng đứng, bàn tay hay những thứ khác trên cơ thể con người chúng ta có thay đổi để phù hợp với tập tính cũng như việc cầm nắm công cụ lao động, nhưng thay đổi quan trọng nhất chính là tư duy trong não chúng ta.

Tư duy là một hệ thống quan niệm, tri thức, bài học mà con người nhận được từ cuộc sống, từ người khác, ghi vào trong não bộ, và rồi chính nó quay trở lại chi phối mọi hành động, thái độ, tình cảm của con người. Nhưng thế giới rất rộng lớn. Mỗi người đều có những trải nghiệm và bài học không hoàn toàn giống nhau, và đó chính là nguyên nhân dẫn đến tư duy của chúng ta là khác nhau.

Những tranh cãi về Công nghệ giáo dục mà chúng ta đang chứng kiến ở đây không có gì mới trong 1 triệu năm hình thành và phát triển loài người. Con người chúng ta có lịch sử cãi nhau 1 triệu năm, từ chuyện cách hạ con voi Ma mút như thế nào, dựng lều trại, giữ lửa ra làm sao... cho đến những chuyện có Chúa hay Phật không, trái đất tròn hay vuông, mặt trời có phải là trung tâm của vũ trụ hay không. Cãi nhau về mọi chủ đề trong cả triệu năm, nhưng đến giờ chúng ta vẫn rất hăng hái làm việc đó, bởi vì suy cho cùng, nhu cầu nhận thức đúng đắn những điều quanh ta là để con người có khả năng hành động nhằm thoả mãn những điều mong ước của mình.

Bạn mong ước điều gì ? Người khác mong ước điều gì ? Dù có khác nhau về dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa, lứa tuổi, nghề nghiệp, xuất thân, quan điểm xã hội thì con người vẫn có điểm chung là mong mình được thoải mái, được an toàn, được hạnh phúc.

Maslow là người đã đưa ra lý thuyết nổi tiếng về tháp nhu cầu, trong đó thể hiện rõ theo từng thứ bậc những mong muốn của con người. Thiếu bất cứ một nhu cầu gì từ thấp đến cao, con người còn đấu tranh, và đó chính là nguyên nhân gây ra xung đột cũng như sự hợp tác phát triển trong thế giới loài người. Trong quá trình lao động và nhận thức thế giới, từ thời cổ đại các nhà triết học đã đưa ra những khái niệm, những lý lẽ khác nhau về vai trò cũng như sự tồn tại của con người với thế giới xung quanh, và đó là tiền đề dẫn hướng cho nhiều trường phái, tôn giáo, văn hóa khác nhau. Mang theo những quan điểm khác nhau đó, loài người vừa hợp tác, vừa đấu tranh trong hàng ngàn năm, để rồi có một thế giới hiện đại như ngày nay chúng ta đang sống. Lý thuyết "con người là trung tâm", đây là điều căn bản mà tôi đã phải trình bày rất dài ở trên, cuối cùng chỉ để dẫn các bạn đến điều này.

************

"...Năm 1968, ông Hồ Ngọc Đại là một trong 2 người được cử sang Liên Xô để học tập kiến thức và tiếp thu các phương pháp học tập mới.

Khi đang là nghiên cứu sinh năm thứ 2, ông Đại đã bắt đầu tích lũy được kiến thức về tâm lý học, làm quen với lý thuyết trong lĩnh vực giáo dục của Galperin và có thời gian theo dõi thực nghiệm của các nhà khoa học trong lĩnh vực này là Elkonin – Đavưđov..." (1)

Ông Hồ Ngọc Đại đã rất nhiều lần bày tỏ với truyền thông và báo chí về quan điểm lấy "học sinh làm trung tâm". Ngay trong mấy trang đầu tiên sách Tiếng Việt theo Công nghệ giáo dục cũng in một bức tranh học sinh tới trường, với hai khẩu hiệu nổi bật là "Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui" và "Đi học là hạnh phúc". Tôi cho rằng triết lý lấy "học sinh làm trung tâm" chính là bắt nguồn từ triết lý lấy "con người làm trung tâm" của phương Tây khi ông học tập tại Liên Xô mà tôi sẽ đề cập dưới đây.

"Con người là trung tâm" là một câu nói rất cô đọng của một chủ thuyết có lịch sử rất lâu đời, có nhiều phái hệ, có sự thăng trầm theo thời đại. Mỗi người chúng ta có thể nghe thấy điều này từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng tôi đồng ý với ý kiến của Phó Giáo sư Tiến sĩ Hồ Sỹ Quý rằng, khái niệm con người là trung tâm được thừa nhận và bàn luận ở Việt Nam vào khoảng từ những năm 1990, khi Tổ chức phát triển Liên hợp quốc UNDP bắt đầu lấy đó làm tiêu chí cho hoạt động của mình. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, các bạn có thể tham khảo thêm bài "Con người là trung tâm : sự khác biệt giữa hai quan điểm tiêu biểu" (2). 

Khi lấy "con người làm trung tâm", UNDP đã đưa ra một quan niệm mà mọi chế độ chính trị xã hội hiện nay đều phải thừa nhận. Cộng sản hay tư bản, quân chủ hay hay lập hiến, độc tài hay dân chủ... dù thực chất bên trong có coi trọng con người hay không, tất cả các chế độ chính trị khác nhau đều phải thừa nhận giá trị này.

Ý niệm coi "con người là trung tâm" không phải do UNDP phát minh ra, mà nó là cả hệ thống lý luận được nghiên cứu từ thời cổ đại phương Tây với nhiều nhánh hệ khác nhau. Tư tưởng đó lúc mạnh lúc yếu, nhưng đã tác động rất sâu rộng đến mọi ngành nghề, trong đó có việc giáo dục con người, đặc biệt là ở phương Tây, nơi sản sinh ra nó. Tuy nhiên, song hành với nó trên toàn thế giới còn nhiều hệ tư tưởng khác, có ảnh hưởng trực tiếp đến quan niệm giáo dục. Trên thế giới có tám nền văn minh chính, bao gồm : văn minh phương Tây, văn minh Nho giáo, văn minh Nhật Bản, văn minh Hồi giáo, văn minh Ấn giáo, văn minh của người Slav – Chính thống giáo, văn minh Mỹ Latinh và văn minh Châu Phi. Liên quan đến Việt Nam, có thể kể đến ngay Khổng Tử (551-479 trước công nguyên) ở nước Lỗ, là triết gia cổ đại với tác phẩm Luận Ngữ, là có ảnh hưởng nhất. Cách nhìn về giáo dục của Khổng Tử từ hàng ngàn năm đã ảnh hưởng lên xã hội Trung Quốc và các nước láng giềng như Triều Tiên, Việt Nam, và Nhật Bản. Khổng Tử đặt vị thế của người thầy rất cao về tri thức và đạo đức, phải làm gương cho học trò, phải am hiểu để truyền đạt kiến thức cho học trò. Ngay trong ca dao tục ngữ từ bé chúng ta đã được nghe những câu như : "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", "Không thầy đố mày làm nên", "Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy".

Nhắc sơ qua như vậy, các bạn đã dần hình dung ra sự mâu thuẫn giữa hai luồng tư tưởng lấy "học trò làm trung tâm" và lấy "thầy giáo làm trung tâm" chưa nhỉ ?

Việt Nam với đặc điểm là một nước có một ngàn năm Bắc thuộc, lại ảnh hưởng văn minh phương Tây từ thế kỷ 18 với sự đô hộ của thực dân Pháp, nên thực chất mỗi con người chúng ta sinh ra và lớn lên ở Việt Nam đều chịu sự ảnh hưởng của cả hai nền văn hóa Nho Giáo và Phương Tây. Cho nên, tôi cho rằng cuộc tranh cãi về công nghệ giáo dục thực chất là cuộc xung đột giữa các nền văn minh, ngay trong lòng mỗi người Việt Nam. Đây không phải chuyện thiên hạ chửi nhau với ông Đại, không phải chuyện các bạn chửi nhau với tôi, mà là chính chúng ta đang xung đột với chính mình trong tư tưởng, nhưng không nhận ra. Sự phức tạp này được thể hiện rất rõ trong tác phẩm "Sự va chạm giữa các nền văn minh" của Samuel P. Huntington (1993) (3).

Quay trở lại chuyện Công nghệ giáo dục, năm 1978 ông Hồ Ngọc Đại lập trường Thực Nghiệm ở Giảng Võ, Hà Nội. Đây là cái nôi đầu tiên thí nghiệm phương pháp giáo dục mà ông Hồ Ngọc Đại đưa ra. Nhà giáo Phạm Toàn là người cộng sự của ông Hồ Ngọc Đại kể từ lúc đó, cho đến khi tách ra lập nhóm giáo dục Cánh Buồm. Lúc ban đầu tôi có tham vọng viết sâu về triết lý của Công nghệ giáo dục, nhưng sau khi tìm tòi tài liệu, tôi thấy mình không thể lý giải hay hơn về vấn đề này bằng ông Phạm Toàn trong tác phẩm "Hợp Lưu Các Dòng Tâm Lý Học Giáo Dục" Nhà xuất bản : Tri thức, Hà Nội, 2008. Các bạn có thể tìm hiểu sơ qua trong trích đoạn sau, là bài viết giới thiệu cuốn sách đó của ông Vũ Quang Việt :

"...Triết lý Công nghệ Giáo dục nếu hiểu một cách đại thể, dựa vào chính kinh nghiệm của người đọc này, là một triết lý giáo dục dựa vào các kết quả của nghiên cứu tâm lý giáo dục trên thế giới, đặc biệt là Piaget và sự vận dụng ở Nga vào thực tiễn theo từng giai đoạn phát triển của trẻ em trên trục định hướng không khác mấy với Piaget, và nhất là vào kết quả thực chứng từ công việc các tác giả này thực hiện ở Việt Nam : Công nghệ Giáo dục Việt Nam đã mở rộng và thoát ra khỏi hoàn cảnh chỉ có một trường thực nghiệm như trường Jean-Jacques Rousseau của Piaget và trường số 91 của Viện Tâm lý học ở Moskva. Nó muốn thay thế nền giáo dục nhồi nhét, thày đọc trò chép, về nhà thì học thêm và gò lưng luyện giải bài mẫu. Dựa vào kinh nghiệm ở Mỹ, theo người đọc sách này hình dung, Công nghệ Giáo dục của Hồ Ngọc Đại có thể cũng khá sát phương pháp giáo dục thực hiện ở các trường theo phương pháp Montessori, bắt nguồn ở Geneva, quê hương của Piaget, hay phương pháp mà các trường tiểu học và trung học do Tổ chức Liên Hợp Quốc hiện đang quản lý gián tiếp (tiếp nhận ảnh hưởng của Piaget). 

Đơn giản là các trường loại này phát triển các hoạt động dựa vào hợp tác nhóm, nhưng theo dõi, dạy và để học sinh phát triển theo nhịp điệu của từng em, không tạo cạnh tranh làm trẻ em mất tự tin, do đó trong giai đoạn tiểu học, các trường này không cho điểm, không xếp hạng học sinh, nhưng theo dõi kỹ, đánh giá mặt yếu, mặt mạnh và làm việc thường xuyên với phụ huynh để hướng dẫn học sinh tiến bộ thêm. Không phải hầu hết các trường Mỹ theo phương pháp này, nhưng phải nói là các trường và cha mẹ muốn phát triển trẻ em hài hòa tự tin thì thường đi học các trường này. Các trường áp dụng phương phát này chỉ dễ thực hiện với lớp ít học sinh. Ở lớp theo phương pháp Montessori ở Mỹ, và ở cả trường Liên Hợp Quốc, một lớp học thường không quá 25 em, với một giáo viên chính và một trợ lý giáo viên (đó là chưa kể các giáo viên dạy nhạc, vẽ, thể dục)..." (4).

Bài viết tôi vừa dẫn link rất dài, khá phức tạp. Nhưng nói cho đơn giản, bạn có thể nhảy lên một chiếc xe hơi điều khiển rất ngon lành mà chưa chắc bạn đã hiểu hết những công nghệ tinh vi bên trong nó. Công nghệ giáo dục cũng y như vậy. Những phát kiến trong mọi lĩnh vực khoa học ngày càng lớn và một con người bây giờ không thể hiểu đủ kiến thức do chính con người phát minh ra. Bây giờ đâu phải như thời tiền sử, cha có thể dạy con mọi điều ngoài kia, như việc đi săn thú hay nhóm lửa nấu ăn. Nhưng nếu bạn vẫn muốn tìm hiểu thực chất bên trong Công nghệ giáo dục, ít nhất bạn hãy đọc thật kỹ bài viết tôi vừa dẫn link bên trên. Có rất nhiều điều trong bài viết đó làm bạn vừa hiểu được bản chất của Công nghệ giáo dục, vừa hiểu được lý do tại sao Công nghệ giáo dục 40 năm qua trầy trật ở Việt Nam. Càng tìm hiểu sâu về bản chất của Công nghệ giáo dục, tôi càng thấy kiến thức của mình quá hạn hẹp. Chính vì thế như tôi nói ở bài 1, có rất nhiều phụ huynh hay thầy cô giáo khi mới tiếp xúc với Công nghệ giáo dục đã phản ứng dữ đội. Điều này theo tôi bắt nguồn từ việc chưa hiểu rõ triết lý, chưa tin tưởng vào Công nghệ giáo dục. Tôi đố ông thợ sửa xe nào đang quen sửa Huyndai chẳng hạn nhảy sang sửa xe đua Ferrari đó, biết gì về nó mà sửa. Đó, những phát ngôn có phần nóng nảy làm phật lòng nhiều người của ông Hồ Ngọc Đại có lẽ cũng bắt nguồn từ đây. 

Hồ Ngọc Đại là một nhà giáo chỉ quan tâm đến học sinh. Chấm hết ! Khi bạn đi sửa xe, bạn sẽ chọn nơi có người thợ quan tâm đến từng con ốc trên cái xe của bạn, hay chọn nơi ngon ngọt dỗ dành bạn bằng những lời bùi tai ? Và xe hơi nói chung thì cũng có đủ loại từ Mỹ, Đức, Nhật, Hàn Quốc hay Tàu... cái nào cũng chạy được, nhưng sự lựa chọn là ở bạn.

Tôi chưa có điều kiện khảo sát hết những nơi đang áp dụng Công nghệ giáo dục trên cả nước, nhưng đã gặp vài cha mẹ có con theo học tại Trường tiểu học công nghệ giáo dục Hà Nội - viết tắt là CGD. Trường tư thục này mua bản quyền Công nghệ giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại, mỗi lớp chỉ 25 cháu. Các cháu đọc thông viết thạo, bản lĩnh và tự tin, không chửi bậy, rất đoàn kết và có tình thân ái với bạn bè. Giáo viên buổi sáng giảng bài, buổi trưa cùng ăn, buổi chiều xắn quần đá bóng với học sinh. Từ lớp 4 trở lên mới bắt đầu cho điểm học sinh. Cuối tháng có nhận xét từng môn qua email, cuối kỳ có giấy nhận xét từng bạn, của ai nhà đó giữ, ko biết bạn bên cạnh thế nào. Trước đây học sinh về nhà không phải làm bài tập, nhưng do sức ép của một số phụ huynh nên ở đây bắt đầu giao một chút bài tập về nhà. Tuy nhiên khối lượng bài tập là rất nhẹ so với trường công, và không có chuyện phải đi học thêm bất cứ môn nào.

Ngoài trường CGD còn có trường Victory ở Hà Đông cũng đang mua lại chương trình dạy theo Công nghệ giáo dục. Trường Thực nghiệm Giảng Võ thì hiện nay là trường công, học phí rẻ, nhưng lớp lên đến 40-45 cháu (5).

Xin nhắc lại một ý tôi đã nói trong bài viết trước : "tôi quyết định sẽ viết về vấn đề này, để tự minh định cho mình một thái độ đối với chương trình Công nghệ giáo dục, đồng thời chia sẻ ý kiến cá nhân tôi với những ai quan tâm". Tôi không có lợi ích hay bất kỳ liên quan nào trước đây với Công nghệ giáo dục. Đậu chủ tịch con tôi năm nay chưa đi học. Tôi vẫn đang tìm hiểu và cân nhắc việc sẽ cho nó đi học ở đâu. Nhưng dù học ở đâu, theo phương pháp nào, tôi vẫn tin rằng nó sẽ hài lòng và vượt qua. Giống như bố nó, khi cuộc đời bắt ta phải đi một con đường xấu đầy ổ gà, ta vẫn phải chấp nhận đi qua, và nuôi ước vọng rồi một ngày sẽ có đủ sức lực để quay lại sửa con đường đó cho tốt hơn.

Cảm ơn tất cả các bạn đã theo dõi bài viết rất dài này của tôi. Xin hẹn gặp lại các bạn trong phần 3, nơi tôi sẽ tìm hiểu về vấn đề nhồi sọ chính trị mà rất nhiều người quan tâm, đồng thời so sánh sách theo Công nghệ giáo dục và sách theo chương trình của bộ Giáo dục hiện nay.

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 17/09/2018 (nguyenlanthang's blog)

(1) https://m.viettimes.vn/cong-nghe-giao-duc-va-nhung-dieu-la-lung-cua-gs-ho-ngoc-dai-302997.html

(2) http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/con_nguoi_la_trung_tam_hai_quan_diem_tieu_bieu-e.html

(3) http://nghiencuuquocte.org/2013/09/08/54-clash-of-civilizations/

(4) http://zung.zetamu.net/2012/07/một-bai-của-vu-quang-việt-về-cai-gọi-la-cong-nghệ-giao-dục/

(5) https://m.facebook.com/congnghegiaoduc.cgd/ 

Published in Văn hóa

Phần 1

Hồ Ngọc Đại - Ông đang dạy cái gì ?

 

Những phản ánh về nội dung cuốn sách trên mạng xã hội có đúng không ?

Vừa đúng vừa không !

Đúng là có trang sách in hình ông Hồ Chí Minh với câu thơ "Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ" ngay bài đầu tiên trang số 7.

Đúng là có trang sách với các nội dung về "quả bứa", về "cá gỗ", về "phép lịch sự", về "dỗ bé", về "bé xách đỡ mẹ", về "cháo rìu", về "vẽ gì khó".

dai2

Không đúng là, hoàn toàn không có bài toán chặt ngón tay trong sách công nghệ giáo dục. Nội dung đó cùng với một số nội dung phản cảm khác được đưa lên mạng xã hội để gán ghép cho sách công nghệ giáo dục, qúy vị và các bạn có thể tìm hiểu thêm qua nội dung bài báo từ năm 2013 này (1).

Không đúng là, các hình tròn và tam giác được chế thêm để phản đối nội dung sách công nghệ giáo dục. Nội dung sách công nghệ giáo dục hoàn toàn không có hình tròn hay hình tam giác. Chỉ có mỗi hình vuông được chọn và thể hiện trong sách nhằm giúp trẻ tập đọc và phân biệt từng chữ, từng từ, từng tiếng trong cả câu văn.

Đặc biệt, sách của chương trình công nghệ giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại không liên quan gì hết đến việc đề xuất cải cách chữ quốc ngữ của ông Bùi Hiền. Cái này rất nhiều người nhầm lẫn.

Những người lên tiếng về sách công nghệ giáo dục là những ai ?

Theo quan sát cá nhân của tôi thì những người lên tiếng và phản ứng về sách công nghệ giáo dục gồm có :

- Theo trình độ, nghề nghiệp : Từ giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, luật gia, thầy giáo... cho đến những người thuộc giới bình dân như bán quần áo, bán hoa quả, lái xe taxi, nông dân... đều lên tiếng. Điều này chứng tỏ sự quan tâm đến công nghệ giáo dục nói riêng cũng như việc giáo dục nói chung của mọi tầng lớp xã hội là rất lớn. Theo tôi đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên các ý kiến phản đối bắt đầu xuất hiện từ một số người trong giới tinh hoa của xã hội, sau đó lan rộng đến các giới khác, và hầu hết giới bình dân đều phản đối.

- Theo vùng miền và lãnh thổ : Từ Bắc, Trung, Nam cho đến người Việt hải ngoại đều lên tiếng về vấn đề này, trong đó phản ứng phản đối mạnh nhất là từ miền Trung và Nam cùng với người Việt hải ngoại. Điều này theo lý giải cá nhân của tôi là do những vùng miền có tiếng địa phương hay những người đã được học theo chương trình giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa sẽ có cảm nhận tiêu cực khi sách Tiếng Việt theo công nghệ giáo dục dạy đánh vần hay phát âm theo tiếng Bắc, đồng thời có những ác cảm nhất định với công cuộc cải cách giáo dục dài lê thê chẳng đi đến đâu nói riêng và tình hình chính trị xã hội Việt Nam nói chung suốt mấy chục năm qua.

- Theo đối tượng trực tiếp hay gián tiếp tiếp xúc với công nghệ giáo dục : Cả hai đối tượng đều có sự phản đối hay bênh vực đan xen lẫn nhau. Có những thầy cô giáo giảng dạy lâu năm theo cách đánh vần cũ đã rất phản đối cách đánh vần theo công nghệ giáo dục. Nhưng cũng có những thầy cô giáo đánh giá cao chương trình theo công nghệ giáo dục. Có nhiều cha mẹ khi tiếp xúc lần đầu với sách công nghệ giáo dục phản đối rất dữ, nhưng không thấy mấy ai là cha mẹ hay học sinh từng học hết chương trình công nghệ giáo dục bậc tiểu học lại phản đối việc học đánh vần theo sách này.

Sách công nghệ giáo dục qua các thời kỳ bộ trưởng Bộ Giáo dục

Sách Tiếng Việt chỉ là một trong cả bộ sách giáo khoa tiểu học của chương trình công nghệ giáo dục do ông Hồ Ngọc Đại khởi xướng. Những mốc chính của công nghệ giáo dục từ khi hình thành cho đến bây giờ có thể điểm lại như sau (2) :

(Trích)

- Năm 1978 Giáo sư Hồ Ngọc Đại mở trường Thực nghiệm Công nghệ giáo dục ở Hà Nội.

- Năm 1986, chương trình Công nghệ giáo dục vượt ra khỏi phạm vi thực nghiệm. 

- Năm 2006, Giáo sư Hồ Ngọc Đại mở đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ : Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số.

Ông cho biết, mình đã nhận được sự ủng hộ của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy Lào Cai, đạt được kết quả khả quan.

- Mấy năm sau, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thêm 5 tỉnh tiếp tục thí điểm là : Tây Ninh, Kon Tum, Kiên Giang, Đắk Lắk, An Giang. Từ đó mỗi năm mở dần thêm mấy tỉnh.

- Năm học 2014 - 2015 có 37 tỉnh, thành. Người quyết định mở rộng phạm vi áp dụng Công nghệ giáo dục chính là (nguyên) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận.

Còn theo bà Trần Thị Thắm, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học thời điểm năm 2013, khi trả lời báo Giáo dục và Thời đại bà Thắm cho biết :

- "Trước năm 1995, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục đã được triển khai tại 43 tỉnh thành nên các địa phương đã biết đến Công nghệ giáo dục.

- Năm 2007, tài liệu được hoàn thiện và đã được Bộ Giáo dục và đào tạo nghiệm thu. 

- Năm học 2008 - 2009, Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ đạo đây là một trong 5 giải pháp tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

- Năm học 2011 - 2012, chủ trương của Bộ dạy Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục để nâng cao chất lượng môn Tiếng Việt. 

- Trong quá trình triển khai dạy Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục, các địa phương tự nguyện đăng ký tham gia, số lượng tăng dần, chỉ riêng năm học 2013 - 2014 tăng thêm 19 tỉnh. 

- Các tỉnh đã tích cực, sát sao trong quản lý, chỉ đạo, giáo viên nhiệt tình, hào hứng khi tiếp thu và thực hiện dạy tài liệu.

- Đến năm học 2013 - 2014 đã có 37 tỉnh đăng ký tham gia triển khai dạy Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục.

...

Theo lời kể của Giáo sư Hồ Ngọc Đại với báo Giáo dục và Thời đại cùng một số tờ báo khác, người giúp ông đưa bộ sách nào vào chương trình giáo dục phổ thông ở các địa phương có Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Lê Tiến Thành, đặc biệt là nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.

"Đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận cũng hết sức ủng hộ. Song Bộ trưởng cũng rất thận trọng khi tìm hiểu để đi đến quyết định cho nhân rộng việc triển khai bộ sách tại các tỉnh thành. 

Chính Bộ trưởng đã đích thân vào tận các trường có học sinh dân tộc để kiểm tra thực tế việc dạy học Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục. 

Sau khi tự mình đi kiểm tra tại 5 trường học sinh dân tộc, Bộ trưởng đã thấy hiệu quả về cách dạy học này nên đã mời luật sư tư vấn về luật và quyết định cho các địa phương triển khai đại trà trên tinh thần tự nguyện".

"Lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo đã nhìn thấy lợi ích của dân tộc nên đã ủng hộ rất nhiệt tình trong quá trình triển khai nhân rộng tại các địa phương.

Khi nhận được sự ủng hộ của Bộ Giáo dục và đào tạo thì bộ sách Tiếng Việt đã được đưa vào dạy trong các nhà trường một cách thuận lợi".

Còn trên báo Vietnamnet, Giáo sư Hồ Ngọc Đại kể rằng :

"Để mục sở thị hiệu quả dạy học tiếng Việt bằng Công nghệ giáo dục, anh Luận âm thầm mua vé tàu đi Lào Cai, thuê xe ôm đi đến 5 trường trong vòng hai ngày. 

(Hết trích)

Nhưng mọi chuyện với chương trình công nghệ giáo dục bắt đầu có khó khăn kể từ khi bộ trưởng giáo dục mới Phùng Xuân Nhạ nhậm chức tháng 6/2016. Đó chính là việc xuất hiện bài báo vừa trích ở trên với tựa đề "Ai đã thẩm định sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại ?" cùng với một loại bài khác có link đính kèm trong đó. Sau đó còn một loạt bài báo khác lác đác xuất hiện trong năm 2017, 2018 nhưng dư luận chưa thực sự chú ý lắm.

Chỉ đến khi dư luận phẫn nộ với "sáng kiến" cải tiến chữ quốc ngữ của ông Bùi Hiền một thời gian thì bắt đầu một loạt các fanpage không biết do ai quản lý, có số lượng theo dõi lớn trên facebook bắt đầu đưa vấn đề sách Tiếng Việt theo công nghệ giáo dục ra, cắt chụp một hai trang sách trong đó để suy diễn, gán ghép chuyện công nghệ giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại với việc "cải tiến" chữ quốc ngữ của ông Bùi Hiền. Rồi nhiều hot facebooker bắt đầu chia sẻ và bình luận theo hướng tiêu cực mà các fanpage kia đưa ra, rồi dẫn tới sự chia sẻ ồ ạt của những người khác nữa.

Cho đến hiện nay sự tranh cãi vẫn chưa chấm dứt, nhưng có thể quan sát thấy mấy việc sau :

- Không có giáo viên nào gắn bó lâu dài với chương trình công nghệ giáo dục phản đối.

- Không có học sinh nào đã qua bậc tiểu học theo công nghệ giáo dục phản đối.

- Không có cha mẹ nào có con em đã trải nghiệm qua công nghệ giáo dục phản đối.

Chính vì việc này, tôi ngờ rằng công nghệ giáo dục đã bị dư luận hiểu sai, và quyết phải đi tìm sự thật. Để tìm hiểu cặn kẽ sách Tiếng Việt theo công nghệ giáo dục, tôi nghĩ phải đặt nó vào tổng thể bộ sách tiểu học theo công nghệ giáo dục, phải tìm hiểu triết lý đằng sau phương pháp của ông Hồ Ngọc Đại, so sánh nó với cái trước đây đã có ở Việt Nam, đồng thời so sánh với giáo dục ở nước ngoài. Đó sẽ là phần tiếp theo, tôi sẽ trình bày trong phần sau.

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 12/09/2018 (nguyenlanthang's blog)

(1) https://vtc.vn/truy-tim-bai-toan-chat-ngon-tay-d135945.html

(2) http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Ai-da-tham-dinh-sach-giao-khoa-Cong-nghe-giao-duc-cua-Giao-su-Ho-Ngoc-Dai-post171486.gd

Published in Văn hóa

Tôi biết đến ông Hồ Ngọc Đại từ rất lâu, từ khi còn bé, vì chính ông Hồ Ngọc Đại ngoài quan hệ với các chú bác trong gia đình tôi còn là người đã dạy ông anh họ tôi, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu từ lớp 1 cách đây 40 năm.

dai1

Giáo sư Hồ Ngọc Đại : "Sau một năm học chương trình của tôi sẽ đọc thông viết thạo, không tái mù". (Ảnh : Đ.T).

Mấy tuần nay chủ đề Công nghệ giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại trở thành một đề tài gây tranh cãi cực lớn trên mạng xã hội. Tôi cũng biết qua qua và nghe qua qua chuyện của ông Đại rồi chia sẻ lại một số bài viết của người trong cuộc họ nói về công nghệ giáo dục, vậy mà cũng bị chửi mắng tơi bời trên mạng xã hội. Tại sao lại có chuyện này ? Ông Đại dạy cái gì ? Công nghệ giáo dục có ảnh hưởng thế nào với xã hội ? Đấy là một vài câu hỏi lớn mà một người hoạt động xã hội như tôi không thể bỏ qua.

Gạt hết những hiểu biết và quan hệ cá nhân trước đây để cho khách quan, tự tìm tòi theo con đường riêng, tôi có bộ sách 3 tập Tiếng Việt theo công nghệ giáo dục trên tay. Nói phải có sách mách phải có chứng, tôi không ưa cách nói đổng, nói theo, nói với lý lẽ ngược ngạo trong một chủ đề rất quan trọng và nghiêm túc như thế này.

Sau quá trình trực tiếp đọc sách Tiếng Việt theo công nghệ giáo dục và tham khảo ý kiến chung của bà con trên mạng xã hội, của các chuyên gia giáo dục trên báo chí, tôi quyết định sẽ viết về vấn đề này, để tự minh định cho mình một thái độ đối với chương trình công nghệ giáo dục, đồng thời chia sẻ ý kiến cá nhân tôi với những ai quan tâm. Tất cả sẽ chia thành 4 bài với nội dung chính như sau :

Phần 1 - Hồ Ngọc Đại - Ông đang dạy cái gì ?

- Những phản ánh về nội dung cuốn sách trên mạng xã hội có đúng không ?

- Những người lên tiếng về sách công nghệ giáo dục là những ai ?

- Sách công nghệ giáo dục qua các thời kỳ bộ trưởng bộ Giáo Dục

Phần 2 - Tìm hiểu triết lý giáo dục của Hồ Ngọc Đại

- Quá trình học tập, nghiên cứu và phát triển của ông Hồ Ngọc Đại

- Triết lý căn bản về giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại

- Phạm vi áp dụng của chương trình công nghệ giáo dục

- Tìm hiểu thực tế trong trường áp dụng công nghệ giáo dục

- Tại sao chương trình bị phản đối ?

Phần 3 - So sánh sách công nghệ giáo dục và sách theo chương trình chính thống của Bộ Giáo dục

- Nhận xét chung về bố cục 2 loại sách

- Những điểm khác biệt của sách công nghệ giáo dục

- Liệu có bị nhồi sọ không ?

- Nhận xét của cha mẹ học sinh có con theo học sách công nghệ giáo dục

Phần 4 - Giáo dục Việt Nam và thái độ của chúng ta

- Quyền lên tiếng

- Đánh giá công bằng

- Hệ thống giáo dục trong công giáo

- Nên làm gì tiếp

Và sau đây là nội dung phần 1, các phần tiếp theo bài sau tôi có thể thay đổi chút ít bố cục tuỳ theo những quan sát và phát hiện của tôi trong thời gian tới đây.

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 12/09/2018

Published in Văn hóa