Tuần báo Pháp : Có nên tin Macron, MBS và Tập Cận Bình ?
Tổng thống Pháp, thái tử nối ngôi của Saudi Arabia và chủ tịch Trung Quốc là ba nhân vật nổi bật của thời sự trong tuần qua và báo chí quốc tế.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 09/01/2018 tại Bắc Kinh - Ảnh © Ludovic Marin / AFP
Các tạp chí Pháp cuối tuần gửi đến độc giả một góc nhìn công kích không khoan nhượng đối với các nhà lãnh đạo này cho dù vì những lý do khác nhau. Kế hoạch của Nga chiếm Belarus, dân Brazil mê cực hữu, hư thực ra sao ?
Interpol, Tân Cương, Vatican : nghi vấn và căng thẳng
Sự kiện Mạnh Hoành Vĩ, cán bộ Trung Quốc làm giám đốc Interpol bị Bắc Kinh buộc phải từ chức và giam giữ là dấu hỏi lớn về khả năng của Trung Quốc điều hành các tổ chức quốc tế nếu được trao trách nhiệm.
Đó là nhận định của báo Hồng Kông South China Morning Post, một trong ba bài báo về Trung Quốc được Le Courrier International tuyển chọn. Tất cả các chuyên gia Tây phương, kể cả người cộng tác với đại học Bắc Kinh đều cho là "thái độ trên đây của Bắc Kinh đã gây ra một cơn địa chấn trong cộng đồng quốc tế, củng cố lập trường từ trước đến nay vẫn cho rằng chế độ Trung Quốc chưa sẵn sàng điều hành một cơ quan quốc tế. Thế mà, hiện nay, một số quan chức Trung Quốc đang nắm các chức vụ quan trọng trong Ngân Hàng Thế Giới và một số cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc.
Theo bà Abigail Grace, chuyên gia của Trung Tâm An Ninh Châu Á Thái Bình Dương (Mỹ), vụ Mạnh Hoành Vĩ gây ra mối lo ngại về tính độc lập của các viên chức người Trung Quốc. Không một cán bộ Trung Quốc nào trong các định chế quốc tế có thể thoát khỏi kỷ luật của đảng cộng sản Trung Quốc.
Trước khi chỉ huy cảnh sát quốc tế Interpol, Mạnh Hoành Vĩ là thứ trưởng công an đặc trách chống khủng bố, buôn lậu, kiểm soát biên giới… Giới bảo vệ nhân quyền đã báo động ngay từ đầu là Bắc Kinh có thể lợi dụng vai trò của Mạnh Hoành Vĩ để truy bắt các nhà ly khai hay công dân trốn ra nước ngoài. Đây mới là mục đích "thật" của chế độ Tập Cận Bình. Trích lời một nhà nghiên cứu người Trung Quốc, đại học Hồng Kông, South China Morning Post tiên đóan : Chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy trong những ngày tới có thêm nhiều người bị bắt về tội tham ô.
Kiểm soát tín ngưỡng là chủ đề thứ hai với ba bài báo : Quan hệ Trung Quốc-Tòa Thánh Vatican trên báo Đài Loan Taiwan Apple Daily ; Tập Cận Bình muốn kiểm soát tất cả, trên Apple Daily của Hồng Kông ; và Phản đối chính sách cải tạo người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, tóm lược phản ứng của báo chí thế giới từ Mỹ, Pakistan, Bangladesh cho đến Indonesia.
Trong hồ sơ Tân Cương, thông tin người Duy Ngô Nhĩ bị cải tạo tập thể gây chấn động công luận các nước Hồi Giáo. Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia phải thuê một trang của Jakarta Post để đăng bức thư với tựa : Tân Cương, vùng đất tuyệt vời.
Về đạo Thiên Chúa, theo báo Đài Loan, thỏa thuận Bắc Kinh- Vatican về bổ nhiệm giám mục là mô hình trong quan hệ Vatican với Việt Nam, nơi cũng do một đảng cộng sản nắm quyền. Do vậy, có ba lý do theo đó Đài Loan không nên lo sợ bị Vatican bỏ rơi. Thứ nhất, 20 năm sau khi Tòa Thánh và Hà Nội đạt được thỏa thuận, hai bên vẫn chưa thiết lập bang giao. Mặc khác, Đức Giáo Hoàng rất quan tâm đến vấn đề đàn áp tôn giáo.
Cho dù đồng thuận trong việc phong giám mục nhưng liệu giáo hội thầm lặng, trung thành với Vatican, có cơ hội để hoạt động công khai ? Giáo hội nhà nước có nhìn nhận sự hy sinh của những linh mục chết trong tù đày, tra tấn ? Thứ ba là chế độ gia tăng trấn áp các tổ chức tôn giáo mà nhiều linh mục của Giáo hội thầm lặng biệt tích trong các nhà giam bí mật.
Cùng quan điểm với đồng nghiệp Đài Loan, Apple Daily của Hồng Kông khẳng định : chủ tịch Tập Cận Bình dứt khoát đặt các sinh hoạt tôn giáo trong bàn tay kiểm soát của ông ta. Do vậy, ngày 01 tháng 02 năm 2018, đạo luật về "tôn giáo vụ" nhằm đàn áp Giáo hội thầm lặng bắt đầu được áp dụng, đòi hỏi giáo dân phải tôn vinh "giá trị xã hội chủ nghĩa".
Chuyên gia Nga đề xuất phương án "thâu tóm" Belarus từ nay đến 2050
Một quyển sách gồm các bài viết của các chuyên gia Nga do Điện Kremlin tài trợ gây chấn động các nhà đối lập tại Belarus. Đồng minh Nga dường như muốn chấm dứt tình trạng độc lập của xứ sở của tổng thống Lukachenko. Báo chí Ba Lan báo động.
Theo Polityka, với tựa "Thế giới thế kỷ 21", tác giả là các chuyên gia của trường ngoại giao Nga MGIMO đề xuất : Moskva phải chiếm Belarus vào năm 2050 theo mô hình sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.
MGIMO cũng dự kiến phương án B : nếu tổng thống Lukachenko tỏ thái độ bất trung với Nga, hay trường hợp quân đội các nước phương tây xuất hiện tại Belarus thì Nga phải lập tức can thiệp quân sự.
Bị giới đối lập Belarus phát hiện, MGIMO lập tức rút bản in "Thế giới thế kỷ 21" trên mạng và biện minh đây chỉ là ý kiến của các tác giả. Tuy nhiên, theo báo Polityka, từ nhiều tháng nay, tổng thống Belarus nhiều lần cảnh báo "nền độc lập bị đe dọa". Kinh tế suy yếu là mối lo lớn nhất.
Trong một chỉ thị gửi công chức hồi mùa Hè, Lukachenko kêu gọi không được buông tay đầu hàng : "nếu chúng ta không thực hiện được các kế hoạch đề ra thì chúng ta sẽ thua. Belarus sẽ bị sáp nhập vào một nước khác, hoặc bị gót giày kẻ khác dẫm nát". Tháng 9 vừa qua, lần đầu tiên quân đội Belarus tập trận với quy mô chưa từng thấy, theo kịch bản chống một lực lượng ngoại nhập có xe tăng và máy bay, từ "phía đông", tiến vào thủ đô chiếm các cơ quan nhà nước. Giới đối lập đặt câu hỏi "binh sĩ nước nào có máy bay" ?
MBS : Bạo chúa Riyadh
"Saudi Arabia : Nhà độc tài Riyadh, kẻ bán ảo tưởng" là chủ đề đánh động công luận của tuần báo Le Courrier International, phổ biến một loạt bài xã luận của báo chí Mỹ, Anh cho đến Trung Đông nhận định về trách nhiệm của thái tử Mohamed Ben Salman, hay MBS, trong vụ "mất tích" bí ẩn của nhà báo Jamal Khashoggi ngay trong tòa lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul.
Trong nhiều tháng, thái tử MBS, 37 tuổi, tạo cho mình hình ảnh một nhà lãnh đạo "cởi mở" qua một chiến dịch quảng cáo tốn kém ở Tây phương : nào là xây rạp ciné, phụ nữ được quyền lái xe, xem đá bóng. Thế rồi một sớm một chiều, ảo ảnh này tan biến. Nghi án ám sát nhà báo đối lập Jamal Khashoggi ngay trong lãnh sự quán tại Istanbul ngày 02/10/2018 đã làm mặt nạ của thái tử MBS rụng rơi.
Vài tháng trước khi mất tích, nạn nhân đã báo động công luận Tây phương đang "say mê" thái tử MBS bằng nhận định có giá trị tiên tri : không một tiếng nói độc lập, một ý kiến khác biệt nào được cho phép". Trong một bài dài, Newsweek "lật mặt nạ" của kẻ được gọi là mặt ngoài "đi quyến rũ" Tây phương, còn bên trong thì đàn áp đối lập nhưng lại dung thứ al-Qaida. Báo The Atlantic nói rõ hơn : MBS đang theo con đường của Saddam Hussein.
Trong khi đó, báo chuyên đề tình hình Trung Đông Middle East Eye ở Luân Đôn dành cho nhà báo độc lập Jamal Khashoggi "một người Saudi Arabia đặc biệt". Tuy mới sang Mỹ lưu vong từ năm 2017, năm đầu nhiệm kỳ của Donald Trump nhưng ông nói thẳng : Donald Trump mới là mối đe dọa chính của Saudi Arabia, đe dọa các giếng dầu hỏa của chúng tôi.
David Hearst, tác giả bài báo phê phán tổng thống Donald Trump là một kẻ tồi. Nếu Donald Trump không đắc cử thì Jamal Khashoggi không chết. Bởi vì, Donald Trump ba lần cố ý sỉ nhục thái tử Saudi Arabia để chứng tỏ mình có uy thế "muốn nói gì thì nói". Ba lần MBS đều thản nhiên. Nhà độc tài Riyadh biết rõ được Donald Trump hậu thuẫn nên "muốn làm gì thì làm".
The Washington Post tỏ ra thông cảm với thái tử MBS. Đợt thanh trừng hơn một chục hoàng tử hồi đầu năm là một tín hiệu tốt. Lần đầu tiên hoàng phải được đối xử như một thường dân. Vương triều cần được cải cách, phải ngăn chận lòng tham không đáy của dòng họ nội ngoại nhà vua tóm thu kinh tế và… sẵn sàng gây khuynh đảo.
Thế nhưng, hơn một chục nhà trí thức cũng bị bắt giam để làm gì ? Tháng hai năm nay, nhà báo Jamal Khashoggi khuyên thái tử MBS nên học tính khiêm tốn, lắng nghe thần dân của nữ hoàng Anh Elizabeth II. The Washington Post nhắc lại giai thoại này và nhấn mạnh : khiêm cung là phương pháp hay nhất để được kính trọng. Được kính trọng thì sẽ thành công.
Dân Pháp chán tổng thống 40 tuổi
Không hẹn mà nên, cả ba tạp chí Pháp đều đăng chân dung chủ nhân Điện Elysée. Thật ra, không phải vì ngẫu nhiên bởi vì đã 10 ngày qua, chính phủ Pháp không có bộ trưởng Nội Vụ, cũng không tìm đủ nhân sự hội đủ các điều kiện phức tạp để cải tổ nội các, bị xem là cần một "luồng gió mới". Vì sao nên nỗi ?
Người Pháp nghĩ gì về tổng thống của mình ? Trẻ, ngạo mạn, xa rời thực tế… theo thăm dò của L’Express. Tuần báo cánh tả L’Obs, Người quan sát, tham khảo ý kiến của 6 nhà phân tâm học về lý do khiến hào quang tổng thống mờ nhạt.
Xin trích ba nhận xét : ông ấy đắc cử do cử trị bị "tiếng sét ái tình", mà bởi định nghĩa, tiếng sét thì mau tàn. Ý kiến thứ hai : Macron quyến rũ nhờ có sức thu hút mãnh liệt. Nhưng quyến rũ có đặc tính là khi nhìn lại thì chỉ thấy xảo thuật. Nhà phân tâm học thứ ba không trả lời thẳng mà đặt câu hỏi : Dân Pháp bầu ai ? Bầu một người chăm lo tạo công ăn việc làm cho dân hay bầu người "lên giọng dạy khôn" người thất nghiệp ?
Le Point, khác với các đồng nghiệp, không phê phán tổng thống nhưng tìm hiểu vì sao các chính khách hàng đầu quốc gia bám chặt ghế lãnh đạo chính quyền địa phương thay vì về Paris làm bộ trưởng.
Syria : Cuộc truy nã thủ lĩnh Daesh
Cũng Le Point, tuần này đưa độc giả sang Syria theo chân một đơn vị Kurdistan do Tây phương hậu thuẫn truy nã thủ lĩnh Daesh, Abou Bakr al-Baghdadi.
Năm nay 47 tuổi, kẻ tự xưng là lãnh đạo vương triều Hồi giáo đang cùng tàn quân tử thủ ở Hadjin, gần biên giới Syria và Iraq. Vòng vây của quân đội Iraq, Syria, lực lượng quốc tế đang siết chặt căn cứ và lực lượng trung thành cuối cùng, khoảng 3.000 tay súng.
Hàng trăm thiếu nữ, phụ nữ sắc tộc Yazidi bị bắt theo làm nô lệ tình dục, giam giữ đâu đó trong thành phố 35.000 ngàn dân với nhiều ngõ ngách hiểm trở dễ phòng thủ.
Khát vọng thay đổi của dân Brazil
Brazil, quốc gia lớn và đông dân nhất Nam Mỹ có xác suất trở lại thời chế độ quân sự. Câu hỏi then chốt là vì sao cực hữu thu hút được cử tri Brazil ?
Theo báo Folha de Sao Paulo, trước hết, ứng cử viên Bolsonaro và đối thủ cánh tả Haddad chủ trương hai dự án hoàn toàn đối chọi nhau.
Nếu Haddad đắc cử, Brazil sẽ được cai trị theo một mô hình Lula không có Lula. Tức là Nhà Nước phục vụ đảng Người Lao Động và còn quy mô hơn 12 năm của tổng thống Lula và tổng thống bị truất phế Dilma Rousseft. Tất cả các định chế quốc gia, từ Quốc hội, Tư pháp, cho đến các tổ chức phi chính phủ, đều nằm trong tay tổng thống qua trung gia các cơ quan bình phong sẽ được khẩn cấp lập ra.
Về phần Bolsonaro, ứng cử viên bảo thủ đề nghị một cương lĩnh kinh tế, chính trị cánh hữu mà cử tri chưa từng thấy trong suốt ba nhiệm kỳ của phe tả. Cụ thể là nhận trách nhiệm lãnh đạo, nhưng không xóa chế độ tam quyền phân lập, cam kết không sử dụng guồng máy nhà nước kềm chế xã hội như cách cái trị của đảng Người Lao Động. Đây cũng là hoài bảo chính trị, kinh tế và giá trị truyền thống của một tầng lớp dân chúng. Do vậy, họ sẵn sàng bỏ phiếu cho Jair Bolssonaro ở vòng hai.
Côn trùng và vũ khí sinh học
Trong lãnh vực khoa học, một khám phá mới về côn trùng có thể sẽ bị Lầu Năm góc khai thác thành vũ khí. Thoạt đầu, chương trình nghiên cứu với ngân sách 27 triệu đô la của Bộ Quốc phòng Mỹ có mục đích gắn "siêu vi đổi gen" có khả năng giúp rau quả "đổi gen chống các bệnh truyền nhiễm và biến đổi khí hậu".
Nhưng theo L’Express, một nhóm khoa học gia Pháp Đức, trong một bức thư công bố trên tạp chí Science ngày 04/10 báo động "khả năng siêu vi vượt tầm kiểm soát", và nguy cơ bị sử dụng như vũ khí sinh học.
Tú Anh
Vụ nhà báo Saudi Arabia mất tích có thể thành "khủng hoảng quốc tế"
Vụ nhà báo Saudi Arabia biến mất sau khi vào lãnh sự quán nước này ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 02/10/2018, có thể trở thành "khủng hoảng quốc tế" là ghi nhận của Le Monde.
Biểu tình trước lãnh sự quán Saudi Arabia đòi thông tin về nhà báo Jamal Khashoggi, ở Istanbul, ngày 09/10/2018. Reuters/Osman Orsal
Le Monde dành nhiều trang mô tả các giả thiết về nghi án nhà báo chống chế độ Riyad mất tích, cũng như thái độ lừng chừng của chính quyền nhiều quốc gia đồng minh với Saudi Arabia, trước hết là Hoa Kỳ.
Bài xã luận của Le Monde, mang tựa đề "Jamal Khashoggi : Mệnh lệnh của sự thật", lưu ý là vụ việc thoạt tiên có vẻ chỉ là một vụ án hình sự đơn thuần, đang trên đường trở thành một cuộc khủng hoảng quốc tế. Lãnh đạo các nước phương Tây theo sát vụ này.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu nói đến một vụ tạm giữ, rồi một vụ bắt cóc, giờ đây là một chiến dịch thủ tiêu quy mô được chính quyền Saudi Arabia đạo diễn. Các cáo buộc nói trên thoạt tiên bị cho là phóng đại, thế nhưng với các phát hiện mới lần lượt được các nhà điều tra tung lên truyền thông, người ta ngày càng có xu hướng tin rằng có khả năng chính quyền Riyad đứng đằng sau vụ này, cho dù vẫn còn thiếu nhiều thông tin.
Le Monde ghi nhận thái độ dè dặt của chính quyền Pháp, sau 6 ngày im lặng. Mãi đến ngày 08/10, Bộ Ngoại giao Pháp mới yêu cầu "làm sáng tỏ nhanh chóng nhất có thể" về tình trạng của nhà báo mất tích. Không một lời nào đả động đến Riyad.
Lý do : Saudi Arabia vốn là quốc gia mua vũ khí chủ yếu của Paris. Tháng 08 vừa qua, Pháp cũng không chỉ đích danh Riyad khi chỉ trích một cuộc thảm sát mới tại Yemen, do không quân Saudi Arabia tiến hành. Tháng 07 trước đó, Canada đã bị mất các hợp đồng với Saudi Arabia, với lý do dám chỉ trích việc một nhà tranh đấu cho quyền phụ nữ bị chính quyền Riyad bắt giam.
Chỉ đến hôm 10/10, sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng đòi "cấp cao nhất" trong chính quyền đồng minh Riyad giải thích về vụ này, thì Bộ Ngoại giao Pháp mới cho biết "đang tiếp xúc với phía Saudi Arabia" (hôm 12/10/2018, trả lời France 24 và RFI, tổng thống Pháp nhận định vụ nhà báo mất tích là "rất nghiêm trọng", ông khẳng định : "sự thật cần được xác lập" - người viết).
Theo Le Monde, Paris và các đối tác Châu Âu cần gây áp lực với Saudi Arabia, để nước này chấp nhận cho Thổ Nhĩ Kỳ thanh tra lãnh sự quán tại Istanbul và nơi ở của lãnh sự. Châu Âu cũng phải yêu cầu Saudi Arabia cung cấp các hình ảnh camera chứng minh nhà báo Khashoggi, được cho là đã rời khỏi lãnh sự quán, theo quan điểm của Riyad. Việc lãnh sự quán thanh minh hệ thống video bị mất điện là không thể chấp nhận được.
Cộng đồng quốc tế cần hậu thuẫn để Thổ Nhĩ Kỳ đi đến cùng trong "cam kết minh bạch", dù cái giá phải trả là khủng hoảng với Saudi Arabia và thái tử kế vị Mohammed Ben Salman.
Le Monde nhắc lại là, tự do báo chí đang trong xu hướng tồi tệ đi. Riêng tại Châu Âu, kể từ đầu năm đến nay, đã có ba nhà báo bị sát hại, nhà báo Slovakia Jan Kuciak, nữ phóng viên Malta Daphne Caruana Galizia và mới đây là nữ phóng viên Blugari Viktoria Marinova. Từ chối làm sáng tỏ nguyên nhân chằng khác nào "bật đèn xanh" cho những kẻ thù của tự do báo chí mặc sức hoành hành.
Giả thiết nhà báo bị giết
Về vụ mất tích của nhà báo đối lập Saudi Arabia, Le Monde có bài tổng hợp nhiều thông tin cho thấy, rất có thể ông Jamal Khashoggi đã bị sát hại một cách dã man. Nhóm đặc nhiệm Saudi Arabia phân thành hai tổ, một tổ 9 người và một tổ khác 6 người tới Istabul bằng đường hàng không trong đêm trước ngày họ ra tay. Một nhóm đi theo máy bay tư, nhóm kia bằng hàng không thương mại. Mỗi nhóm tạm trú tại một khách sạn riêng, và hình ảnh của họ đều được camera khách sạn thu lại.
Chưa đầy hai giờ đồng hồ sau khi nhà báo Jamal Khashoggi vào lãnh sự quán, một đoàn nhiều chiếc xe rời lãnh sự quán. Theo báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, dựa trên nguồn tin từ an ninh nước này, nhà báo đối lập đã bị giết, một viên bác sĩ pháp y đi cùng nhóm đặc nhiệm Saudi Arabia đã cắt rời thi thể của ông bằng một chiếc cưa. Vẫn theo báo Thổ Nhĩ Kỳ, toàn bộ nhân viên của lãnh sự quán được cho nghỉ phép vào đúng ngày xảy ra vụ mất tích.
Việc chính quyền Riyad có sát hại nhà báo đối lập hay không, chắc chắn còn cần nhiều thông tin mới có thể kết luận. Báo Thổ Nhĩ Kỳ cũng để ngỏ cho chính quyền Riyad "một cánh cửa". Theo tờ Sabah, thân cận với chính quyền Ankara, thì ông Khashoggi có thể chỉ bị gián điệp nước ngoài bắt cóc.
Quốc hội Mỹ gia tăng sức ép lên tổng thống Trump
Vẫn theo Le Monde (trong bài "Nhà Trắng phản ứng tối thiểu, Quốc hội Mỹ đòi hỏi mạnh hơn"), Quốc hội Hoa Kỳ đã không hài lòng với các phản ứng từ phía chính quyền, cho dù tổng thống đã lên tiếng, cũng như các cộng sự thân cận như cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, ngoại trưởng Mike Pompeo, cho biết đã trực tiếp nói chuyện với thái tử kế vị Saudi Arabia về vụ này.
Hơn 20 thượng nghị sĩ, gồm cả hai phe Cộng hòa và Dân chủ, đã yêu cầu Nhà Trắng mở điều tra, căn cứ theo đạo luật Manigtsky, trừng phạt các vụ xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng. Áp lực của các nghị sĩ đặt tổng thống Donald Trump vào thế khó khăn. Cho đến nay, ông Trump không ngừng ca ngợi quan hệ với Saudi Arabia, quốc gia được coi là một đồng minh hàng đầu của Mỹ trong cuộc chiến chống Iran tại Trung Đông.
Cho đến nay, nhiều nghị sĩ lưỡng đảng đã hết sức bất bình về việc Hoa Kỳ hậu thuẫn cho sự can thiệp quân sự của Saudi Arabia tại Yemen. Vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích mang lại cho họ một cơ hội mới để gây áp lực lên tổng thống.
Le Figaro nhấn mạnh đến thái độ hết sức khó hiểu của tổng thống Mỹ, ông đã không làm gì để báo trước cho nhà báo đối lập về nguy hiểm rình rập, cho dù các cơ quan tình báo Mỹ chắc chắn có được các thông tin. Đối với tổng thống Mỹ, quan hệ với đồng minh Saudi Arabia là bằng mọi cách phải được duy trì, trước hết bởi vì Riyad đang có các hợp đồng mua bán vũ khí với Washington, với tổng trị giá 110 tỉ đô la.
Vì sao Bắc Kinh "dám" bắt cóc lãnh đạo một tổ chức quốc tế lớn ?
Vụ nhà báo Saudi Arabia mất tích dường như đang có xu hướng làm lu mờ một vụ "mất tích" khác. Đó là vụ chính quyền Trung Quốc "bắt cóc" chủ tịch Cảnh sát Quốc tế Interpol. Le Figaro ghi nhận đây là lần đầu tiên Bắc Kinh dám "bắt cóc" một công dân Trung Quốc lãnh đạo một tổ chức quốc tế lớn.
Theo Le Figaro, trước vụ việc này, đã có nhiều nhân vật nổi tiếng, người Trung Quốc, thuộc các giới chính trị, kinh tế, hay văn hóa, đã bị chính quyền tạm giữ, rồi lại xuất hiện, nhưng chưa bao giờ Bắc Kinh dám nhắm vào một nhân vật tầm cỡ như vậy, bởi không muốn hình ảnh Trung Quốc xấu đi đáng kể trong con mắt cộng đồng quốc tế, và như vậy tham vọng gây ảnh hưởng của Bắc Kinh có thể bị chặn đứng.
Le Figaro cho rằng chủ tịch Trung Quốc có thể "đang tìm cách loại bỏ hoàn toàn một phe cánh bị coi là nguy hiểm". Cựu lãnh đạo Interpol Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei) trở thành thứ trưởng Bộ Công an vào năm 2004, đúng vào thời bộ này nằm dưới sự lãnh đạo của cựu lãnh đạo bị hạ bệ Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), bị kết án tù chung thân năm 2015, vì tham nhũng và để lộ bí mật quốc gia. Cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị này còn bị buộc tội âm mưu lật đổ.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là các thanh toán trong nội bộ. Vụ bắt giữ cựu lãnh đạo Interpol diễn ra đúng vào lúc Bắc Kinh đang có xu hướng vươn dài tay ra bên ngoài. Đầu năm 2017, tỉ phú Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jiahua) bất ngờ mất tích tại Hồng Kông, một khu vực thuộc Trung Quốc, nhưng có quyền tự trị về hành chính và an ninh. Cũng năm ngoái, lần đầu tiên Bắc Kinh bắt cóc một người đào tẩu Trung Quốc tại Pháp, mà không thông báo cho chính quyền sở tại.
Ông Tập "chọn sai người" hay coi thường "lợi ích quốc tế" ?
Trong vụ bắt cóc này, điều có vẻ khó hiểu và kỳ cục là ông Mạnh Hoành Vĩ - một người hoàn toàn không biết tiếng Anh - đã được lãnh đạo Trung Quốc chọn để ứng cử vào chức vụ đứng đầu Interpol.
Hồi năm ngoái, Bắc Kinh đã rất tự hào đăng cai lần đầu tiên trong lịch sử một Đại hội của Interpol, do chính một người Trung Quốc làm chủ tịch. Vào dịp này, chính Mạnh Hoành Vĩ "đã có vinh dự" ngồi cạnh lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình. Trong bài diễn văn, ông Tập đã ca ngợi Trung Quốc là "một trong các quốc gia an toàn nhất thế giới", đồng thời khẳng định Bắc Kinh đang tham gia tích cực vào hợp tác quốc tế về an ninh, cũng như "tôn trọng luật pháp quốc tế".
Về vụ "bắt cóc" ông Mạnh Hoành Vĩ, nhà Trung Quốc học người Mỹ, bà Bonnie Glaser nhận xét : "Nếu Mạnh Hoành Vĩ có tội, thì Bắc Kinh đã chọn sai người… Nếu không phải như vậy, và nếu tất cả đều là chuyện chính trị, thì ông Tập Cận Bình đã đặt quyền lợi của cá nhân mình lên trên các lợi ích của cộng đồng quốc tế".
Gián điệp công nghệ và mối đe dọa lớn nhất của Mỹ
Cũng về Trung Quốc, Le Monde có bài giới thiệu về vụ một gián điệp Trung Quốc được Bỉ cho dẫn độ sang Mỹ. Điệp viên Trung Quốc Từ Diên Quân (Yanjun Xu) bị bắt tại Bỉ hồi tháng 4, khi tiếp xúc với một nhân viên FBI, giả danh người của tập đoàn hàng không General Electric, đến trao tài liệu mật. Điệp viên Trung Quốc bị bắt, đóng vai làm phó tổng thư ký Viện Khoa học Công Nghệ tỉnh Giang Tô (Jiangsu).
Vụ bắt giữ điệp viên Trung Quốc xảy ra chỉ vài giờ sau tuyên bố của lãnh đạo FBI, ông Christopher Waray, trước một ủy ban của Thượng Viện Mỹ, khẳng định Bắc Kinh "là mối đe dọa lớn nhất, phức tạp nhất, lâu dài nhất" của Hoa Kỳ. Theo giám đốc FBI, nếu như Nga quyết đấu để bảo vệ thứ hạng từng có trong quá khứ, sau khi Liên Xô sụp đổ, thì tham vọng của Trung Quốc là hướng đến tương lai.
Le Monde cũng chú ý đến các căng thẳng khác của Hoa Kỳ với Trung Quốc, về thương mại hay tại Biển Đông.
Đàm phán mậu dịch Liên Âu - Việt Nam : Nhân quyền là yếu tố nhạy cảm
Về Việt Nam, Les Echos có bài mô tả tình trạng các đàm phán đi đến phê chuẩn một hiệp định tự do thương mại giữa Hà Nội và Liên Hiệp Châu Âu đang bị đình trệ. Theo nhật báo kinh tế Pháp, Bruxelles đang ở trong hoàn cảnh thuận lợi để ký kết một hiệp định với Việt Nam, trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang co cụm với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.
Một thỏa thuận sơ bộ giữa chính quyền Hà Nội và Ủy Ban Châu Âu đã được ký kết hồi 2015, đang còn đợi đèn xanh của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu. Nếu hiệp định được ký kết, các doanh nghiệp Châu Âu sẽ có thêm một thị trường mới đầy hứa hẹn. Hiệp định Âu - Việt dự kiến sẽ đặt ra những tiêu chuẩn rất cao về môi trường, và điều này có ý nghĩa chiến lược, tạo lợi thế cạnh tranh cho Châu Âu. Tuy nhiên, theo Les Echos, đàm phán hiện nay đặc biệt nhạy cảm về chính trị, đặc biệt về lĩnh vực nhân quyền, "cho dù các điều khoản liên quan đến chủ đề này" đã được đưa vào dự thảo. Một nguồn tin từ Nghị viện Châu Âu lo ngại là thời điểm thuận lợi để ký kết thảo thuận sẽ trôi qua, bởi cử tri Châu Âu sắp bầu lại một nghị viện mới vào tháng 5 tới.
Trang nhất các báo
Về trang nhất các báo Pháp, La Croix hôm nay, với tựa đề chú ý đến "cuộc bỏ phiếu mang tính trắc nghiệm" tại bang Bayern, Đức, Chủ Nhật tới, được coi là một thử thách quan trọng đối với liên minh cầm quyền của thủ tướng Merkel. Tại bang được coi thuộc loại lớn nhất và giàu nhất nước Đức, đảng CSU (đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo ở Bayern) trong liên đảng cầm quyền có nguy cơ bị mất đa số tuyệt đối. Đối thủ của đảng của bà Merkel là các thế lực dân túy, sử dụng chiêu bài mối đe dọa nhập cư, cho dù trên thực tế tình hình của người nhập cư ở Bayern được coi rất ổn định. Theo La Croix, đây là một nghịch lý. Sở dĩ điều này xảy ra, theo tờ báo công giáo, là do dưới áp lực của cực hữu, đảng CSU đã đánh mất sự đoàn kết trong liên minh cầm quyền, quay sang phê phán thủ tướng Merkel.
Về phần mình, Le Figaro chú ý đến "vụ giải cứu không thể tin nổi" hai nhà du hành vũ trụ Mỹ và Nga. Hôm qua, hai phút sau khi tên lửa đẩy Soyouz cất cảnh từ sân bay vũ trụ Bakonur, ở Kazakhstan, hệ thống gặp trục trặc. Phi thuyền mang hai nhà du hành Mỹ Nick Hague và Nga, Aleksey Ovchinin, đã kịp thời quay đầu trở lại khẩn cấp.
Le Monde với tựa đề "Hưu trí : Chính phủ hạ những lá bài đầu tiên", cho biết hôm thứ Tư, "lần đầu tiên" đại diện của chính phủ, ông Jean-Paul Delevoye, người phụ trách hồ sơ này, có cuộc gặp "cùng lúc" với đại diện giới chủ và các nghiệp đoàn người lao động. Cải tổ chế độ hưu bổng - liên quan đến khu vực tư nhân, công chức, các ngành nghề độc lập - là một hồ sơ nóng. Về nguyên tắc, một chế độ hưu bổng mới duy nhất sẽ phải thay thế cho 40 chế độ khác biệt hiện hành. Hiện tại nghiệp đoàn chính của giới chủ (Medef) hưởng ứng các cải cách của chính phủ, một số nghiệp đoàn lao động lo ngại. Chính phủ hy vọng sẽ thông qua luật cải cách hưu trí trong năm tới.
Libération cũng quan tâm trước hết đến thời sự trong nước, với chủ đề các giảng viên một trường trung học tỉnh Val de Marne, lên tiếng báo động về tình trạng hóa chất amiăng gây nguy hiểm cho sức khỏe. Amiăng được chính quyền Pháp coi là chất độc rất nguy hiểm, kể từ năm 1997. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, nhiều lobby công nghiệp vẫn tiếp tục can thiệp, để giảm nhẹ tầm mức nghiêm trọng của vấn đề. Các nạn nhân, trong đó rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, rất khó nhận được bồi thường. Hôm nay, dự kiến có một cuộc biểu tình toàn quốc tố cáo sự độc hại của chất amiăng.
Báo kinh tế Les Echos dành một phần bài vở số ra hôm nay cho chủ đề sinh nhật 110 năm của tờ báo. Nhìn lại quá khứ, hướng đến tương lai, Les Echos mời 30 nhân vật có tên tuổi chia sẻ hình dung về tương lai thế giới vào năm 2038.
Trọng Thành
#MeToo, câu chuyện chỉ mới bắt đầu
Hôm 11/10, Libération ra một số đặc biệt với thành phần ban biên tập gồm toàn các nữ sử gia. Trong bài xã luận mang tựa đề "#MeToo, câu chuyện chỉ mới bắt đầu", giáo sư Michelle Perrot, đại học Paris 7, viết : "Hiện còn quá sớm để nói là vụ Weinstein đã thật sự thay đổi điều gì trong quan hệ giữa hai giới, vốn đã cố định như vậy từ bao thiên niên kỷ qua".
Ảnh chụp trong cuộc xuống đường ở Paris, ngày 29/10/2017. AFP
Theo giáo sư Perrot, sự xuất hiện đột ngột của #MeToo cần phải được tương đối hóa và được đặt lại trong dài hạn. Phong trào này là sự tiếp nối của cuộc đấu tranh của nữ giới đòi được quyền sử dụng cơ thể của họ một cách tự do, khởi đầu từ những năm 1970. Cơ thể của phụ nữ không phải là một món quà, để sẳn đó, ai muốn xài thì xài. Khi họ nói không, là không. Đi quá giới hạn đó thì sẽ bị coi là sách nhiễu tình dục, thậm chí cưỡng hiếp, trong những vụ mà bao lâu nay người ta vẫn cho là có sự đồng tình của phụ nữ.
Đối với giáo sư Perrot, #MeToo chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu, là một đợt sóng ngầm tràn tới toàn bộ các lĩnh vực, các thành phần, không biên giới, không phân biệt. Ngay cả các nữ tu ở Vatican nay cũng phản đối thái độ xem thường của các chức sắc nam giới đối với họ. Giải Nobel Hòa bình được trao cho nhà hoạt động Nadia Murad và bác sĩ Denis Mukwege vừa nhắc cho chúng ta về bạo lực tàn khốc mà phụ nữ là nạn nhân trong các cuộc xung đột hiện nay ở Trung Đông và Châu Phi.
Phong trào #MeToo nay cũng đã lan đến Ấn Độ
Tờ Le Monde chú ý đến việc ngày càng có nhiều cáo buộc cưỡng hiếp và sách nhiễu tình dục trong các tòa soạn báo ở nước này.
Hôm 09/10/2018, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ Mobashar Jawed Akbar đã bị 6 nữ phóng viên tố cáo từng bị ông sách nhiễu tình dục, khi ông còn làm nhà báo cho những tờ báo hàng đầu như India Today hay The Sunday Guardian. Tờ Le Monde cho biết đợt tố cáo này đã khởi đầu ngày 05/10, khi một nữ văn sĩ, Sandhya Menon, khẳng định từng là nạn nhân sách nhiễu tình dục của trưởng phòng Times of India tại Hyderabad, K R Sreenivas, và của Gautam Adhikari, tổng biên tập nhật báo DNA, ở Bombay.
Phong trào không chỉ giới hạn trong giới truyền thông, mà đã lan sang giới nghệ sĩ, với việc nữ diễn viên Bollywood Tanushree Dutta vừa đệ đơn kiện nam diễn viên Nana Patekar về một vụ sách nhiễu tình dục cách đây 10 năm. Tiếp đến, một nhà sản xuất chương trình truyền hình,Vinta Nanda, đã mở họp báo để tố cáo đã bị một ngôi sao màn bạc, Alok Nath, cưỡng hiếp cách đây 20 năm.
Giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính
Le Monde hôm 11/10 dành xã luận với hàng tựa "Khí hậu :
Không quá trễ để phản ứng" nói về việc Nhóm các chuyên gia Liên Hiệp Quốc về khí hậu (GIEC) vừa công bố một báo cáo báo động về tốc độ hâm nóng khí hậu Trái đất và khẩn thiết kêu gọi quốc tế giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Tờ báo viết : "Những dấu hiệu của sự gia tăng tốc độ hâm nóng khí quyển vẫn ngày càng đáng báo động". Le Monde nhắc lại rằng năm 2017 vừa được xem là một trong ba năm nóng nhất trong lịch sử hiện đại. Băng ở hai cực tan nhanh thấy rõ, khiến mực nước các đại dương tăng lên, các cơn bão và trận hạn hán dữ dội xảy ra ngày càng nhiều, với những tác động ngày càng đáng lo ngại lên tính đa dạng sinh thái của hành tinh chúng ta.
Theo Le Monde, trong báo cáo nói trên, các chuyên gia của nhóm GIEC nhắn gởi hai thông điệp chính đến các lãnh đạo thế giới. Thông điệp thứ nhất : Các khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính có liên quan đến những hoạt động của con người đúng là nguyên nhân chính khiến cho khí hậu Trái đất nóng lên và tình trạng hâm nóng này đang tăng nhanh. Với tốc độ hiện nay, thế giới sẽ vượt quá mức tăng 1,5°C trong khoảng từ 2030 đến 2052.
Thông điệp thứ hai : Bằng mọi giá phải tránh cho mức tăng nhiệt độ lên tới 2°C và hiện vẫn còn có thể kềm chế mức tăng này ở 1,5°C và như vậy chặn đứng được một phần những tác hại nặng nề của biến đổi khí hậu. Nhưng muốn như thế thì thế giới phải chuyển đổi nhanh chóng và chưa từng có trong mọi lĩnh vực (công nghiệp, nhà ở, giao thông, nông nghiệp…). Nói cách khác là phải có một sự thay đổi sâu rộng về mô hình phát triển.
Vấn đề chính là ở chổ đó. Mặc dù đã ký kết hiệp định Paris 2015, có hiệu lực từ năm 2016, nhưng chưa một quốc gia nào, kể cả nước Pháp, chứ chưa nói đến Mỹ và Trung Quốc, thi hành các biện pháp cần thiết để giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng lồng kính.
Khu công nghiệp hóa dầu để sản xuất nhựa xuất khẩu
Cũng liên quan đến môi trường, tờ Le Monde có bài phóng sự từ Saudi Arabia nói về dự án của nước này xây một khu công nghiệp hóa dầu khổng lồ để sản xuất nhựa xuất khẩu sang Châu Á.
Là một trong những quốc gia sản xuất dầu hỏa hàng đầu thế giới, với sản lượng 11 triệu thùng mỗi ngày, Saudi Arabia nhất quyết muốn duy trì vị thế này, đồng thời đầu tư vào nhiều dự án để nâng cao giá trị của nguồn dầu hỏa này. Cùng với tập đoàn Pháp Total, Công ty Dầu khí quốc gia Saudi Arabia Saudi Aramco sẽ xây một khu công nghiệp hóa dầu mang tên Amiral, mà theo dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2024, với số vốn đầu tư lên tới 9 tỷ euro.
Theo Le Monde, Mục tiêu của dự án này là gia tăng sản lượng nhựa ở Saudi Arabia. Như lời chủ tịch tổng giám đốc Total, nhờ sản phẩm nhựa mà tương lai của ngành công nghiệp dầu khí vẫn còn sáng lạng. Ông cho biết nhu cầu về nhựa đang tăng mạnh ở Châu Á và Trung Đông và họ muốn đáp ứng những nhu cầu đó.
Le Monde cho biết ngành hóa dầu hiện đã qua mặt xe hơi, xe cam nhông và máy bay, để trở thành nhân tố chính làm tăng nhu cầu tiêu thu dầu, được dự báo là sẽ chiếm đến 50% từ đây đến năm 2050. Vấn đề là đối với Cơ quan Năng lượng Quốc tế, cho dù ngành công nghiệp hóa dầu thải ra ít khí CO2 hơn là nhiều ngành khác, nhưng sự tăng trưởng quá nhanh của ngành này sẽ góp phần đáng kể vào hiện tượng hâm nóng khí hậu Trái đất.
Lo ngại một cuộc khủng hoảng tài chính mới
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF lo ngại một cuộc khủng hoảng tài chính mới, đó là sự kiện thu hút sự chú ý của nhật báo kinh tế Les Echos. Tờ báo so sánh hệ thống tài chính hiện nay giống như là một con tàu, một lỗ thủng vừa được vá, thì lỗ thủng khác lại xuất hiện.
Theo Les Echos, trong báo cáo về ổn định tài chính, công bố ngày 10/10 tại Bali, IMF đưa ra một tổng kết phần nào khả quan về những cải tổ đã được thực hiện để củng cố hệ thống tài chính trong 10 năm qua. Các ngân hàng nay đã vững mạnh, số lượng và chất lượng vốn đã tăng mạnh. Nhưng theo IMF, hệ thống tài chính mới chưa được thử thách, cần phải thi hành thêm các biện pháp để tăng cường sức kháng cự của hệ thống này. Định chế tài chính quốc tế lo ngại về tình trạng nợ đang tăng lên trên toàn cầu, đặc biệt là nợ của khu vực phi tài chính đã tăng với nhịp độ nhanh hơn mức tăng trưởng kinh tế, nay đã lên đến 167 ngàn tỷ đôla, tức hơn 250% GDP, so với mức 113 ngàn tỷ đôla (210% GDP) năm 2008.
Theo ghi nhận của IMF, hiện giờ, các áp lực vẫn được kềm chế và chỉ giới hạn tại một số quốc gia như Achentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Nam Phi. Nhưng không thể loại trừ khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng với quy mô lớn hơn, với nguy cơ là lần này, toàn bộ con tàu sẽ bị chìm.
Những tác phẩm của nhà văn Ukraine Andrei Kourkov
Về văn hóa, nhật báo La Croix hôm nay giới thiệu nhà văn Ukraine Andrei Kourkov, nhân dịp ông đến Paris vào lúc tác phẩm mới của ông được xuất bản tại Pháp.
Là con của một bác sĩ, lớn lên tại Kiev, trong những năm 1980, Kourkov đã chọn học tiếng Nhật, vì lúc đó, do Liên Xô kiểm duyệt rất gắt gao văn hóa Mỹ, nhưng đối với văn hóa Nhật thì lỏng lẻo hơn, nên trí thức Ukraine có thể tiếp cận được các tác giả nổi tiếng của Nhật.
Nhờ biết tiếng Nhật mà trong thời gian đi nghĩa vụ quân sự, suýt nữa Kourkov đã vào làm cho cơ quan mật vụ KGB với nhiệm vụ nghe lén các cuộc đàm thoại của các sĩ quan xứ Mặt trời mọc. Vì không muốn chôn chân trong KGB, Kourkov phải tìm mọi cách để được thuyên chuyển đến làm cai tù trong một nhà tù ở Odessa và chính tại đây, tối đến, ông lại viết chuyện thiếu nhi.
Hết hạn nghĩa vụ quân sự, Kourkov chuyển sang viết kịch bản phim, rồi viết tiểu thuyết, trong bối cảnh Ukraine vừa giành độc lập, mở đầu một thời kỳ hỗn loạn kinh tế. Là người có tài châm biếm cái vô lý của mọi chuyện, Kourkov lấy cảm hứng từ tình hình của nước Ukraine mới để viết cuốn "Chim cánh cụt" và đã nhanh chóng nổi tiếng toàn thế giới. Cuốn "Chim cánh cụt" đã được dịch ra 37 thứ tiếng, kể cả tiếng Hoa. Dần dần Kourkov trở thành người tường thuật về những ngày đầu của nước Ukraine độc lập. Nay nhà văn Ukraine này đã viết tổng cộng 26 cuốn sách, trong đó có 23 tiểu thuyết. Tiểu thuyết mới nhất vừa được xuất bản ở Pháp là "Vilnius, Paris, London" nói về thế hệ trẻ Litva nhờ mở cửa biên giới nên đã có dịp khám phá các quốc gia Liên Hiệp Châu Âu.
Nhưng kể từ khi vùng Crimea bị sát nhập vào Nga, và chiến tranh ở đông Ukraine bùng nổ, Kourkov không còn thích cười như trước đây nữa, nội dung truyện của ông trở nên nghiêm chỉnh hơn một chút.
Trang nhất các nhật báo Pháp
Cải tổ hệ thống hưu bổng, đó là đề tài chiếm trang nhất các nhật báo Pháp hôm nay, 11/10/2018. Sau 6 tháng hội ý, hôm qua, chính phủ Pháp đã công bố những nét chính của kế hoạch cải tổ, được các công đoàn hài lòng đón nhận. Kế hoạch nhằm thiết lập một hệ thống hưu trí phổ quát, sát nhập toàn bộ các hệ thống với nhau và mỗi ngày làm việc sẽ được tính vào lương hưu, chứ không phải như hiện nay là tính trên 25 năm làm việc cuối cùng, đối với những người làm trong khu vực tư.
"Cải tổ hưu bổng : một sự đảo lộn lớn", đó là ghi nhận của tờ nhật báo kinh tế Les Echos. Nhật báo công giáo La Croix thì cho đây là "Một sự đơn giản hóa triệt để".. Tờ Le Figaro, thiên hữu thì đánh giá : "Hưu bổng : chính phủ chọn phương pháp êm ái".
Tờ Le Monde cũng dành tựa trên trang nhất cho tình hình chính trị nội bộ nước Pháp, giải thích vì sao việc cải tổ nội các lại khó khăn như vậy. Phải đến thứ bảy tuần này, tức là 8 ngày sau khi bộ trưởng Nội vụ Gérard Collomb từ chức, thành phần tân nội các mới có thể được công bố. Điều này phản ánh những khó khăn của tổng thống Emmanuel Macron trong việc thành lập chính phủ mới.
Riêng tờ Libération thì chú trọng đến phong trào #MeToo vừa bước sang năm thứ hai, với khởi đầu là vụ nhà sản xuất phim người Mỹ Harvey Weinstein ngày 05/10/2017 bị nhiều phụ nữ tố cáo trước đây đã bị ông cưỡng hiếp và lợi dụng tình dục.
Thanh Phương
Hôm 09/10/2018, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley đã gây bất ngờ cho mọi người khi tuyên bố sẽ từ chức vào đầu năm tới. Vụ từ chức này gây khó khăn cho Liên Hiệp Quốc, bởi vì nữ đại sứ gốc Ấn Độ nổi tiếng với những tuyên bố bốc lửa dầu sao cũng đã giúp duy trì một kênh đối thoại giữa Liên Hiệp Quốc với Hoa Kỳ, trong bối cảnh tổng thống Donald Trump luôn bài bác tổ chức quốc tế này.
Đại sứ Mỹ Nikki Haley tại Hội Đồng Bảo An, New York, ngày 28/08/2018. Reuters/Carlo Allegri
Khi nhậm chức đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc vào tháng 01/2017, cựu thống đốc bang South Carolina, đã gây sốc cho các đồng nghiệp, khi dọa sẽ là ghi vào sổ bìa đen những quốc gia nào không làm theo đúng các chỉ thị của Washington và sẽ ra các biện pháp trả đũa, nhất là về tài chính, đối với những nước này.
Trong thời gian qua, bà Haley cũng đã thể hiện lập trường rất cứng rắn, nhất là đối với Bắc Triều Tiên và Iran, hai ưu tiên ngoại giao của tổng thống Trump. Vị nữ đại sứ này cũng thường xuyên phụ họa những lời chỉ trích của tổng thống Trump đối với Liên Hiệp Quốc, một tổ chức mà theo chủ nhân Nhà Trắng chỉ là một guồng máy quan liêu, thiếu hiệu quả, mà Hoa Kỳ đổ vào quá nhiều tiền.
Hiện giờ chưa ai biết lý do vì sao bà Nikki Haley lại thông báo từ chức đột ngột như vậy, nhưng một điều chắc chắn là ngôi sao đang lên trên sân khấu quốc tế gần đây đã bị lu mờ với việc hai nhân vật nặng ký tham gia chính phủ Mỹ : Ngoại trưởng Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. Có lẽ vì không còn nhiều đất để dụng võ cho nên bà Haley đành phải chia tay với chiếc ghế đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc.
Người ta cũng nghi ngờ bà Haley đã sử dụng chiếc ghế đại sứ tại Liên Hiệp Quốc như là một nấc thang để vươn tới những vị trí cao hơn trên chính trường Mỹ, thành ra trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, bà chỉ tập trung vào những vấn đề quan trọng nhất dưới con mắt cử tri Mỹ : Iran, Bắc Triều Tiên, Venezuela, tài chính tốn kém của Liên Hiệp Quốc….Nikki Haley thậm chí được cho là có tham vọng bước vào Nhà Trắng, tuy hôm qua bà tuyên bố sẽ không ứng cử tổng thống Mỹ năm 2020 và sẽ ủng hộ ông Donald Trump.
Cho dù là với lý do nào, việc bà Haley rời khỏi chiếc ghế đại sứ tại Liên Hiệp Quốc rõ ràng sẽ gây khó khăn cho tổ chức quốc tế này. Theo thông tín viên RFI Marie Bourreau, bà Nikki Haley có mối quan hệ rất tốt với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, và chính nhờ vậy mà bà duy trì được một kênh đối thoại giữa Washington với Liên Hiệp Quốc. Theo lời phát ngôn viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, hôm qua, sau khi nghe tin Nikki Haley từ chức, ông Guterres đã hoan nghênh "sự hợp tác rất tốt đẹp" của đại sứ Mỹ.
Các đối tác của Nikki Haley trong Hội Đồng Bảo An thì đánh giá cao thái độ thực dụng của bà trước những hồ sơ phức tạp. Một nhà ngoại giao tại New York, cho rằng, dẫu sao bà Haley vẫn là "một đồng minh của Liên Hiệp Quốc" vào lúc mà chủ nghĩa đa phương đang bị đe dọa. Nhà ngoại giao này lo ngại là việc nữ đại sứ Mỹ từ chức sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng mới về tính chính đáng của tổ chức Liên Hiệp Quốc.
Hôm qua, tổng thống Trump cho biết ông đã chọn ra 5 nhân vật có thể thay thế bà Nikki Haley làm đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, và ông xác nhận trong số này có bà Dina Powell, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia. Theo lời ông Ashish, chuyên gia của tổ chức International Crisis Group, vị tân đại sứ Mỹ có thể sẽ là một nhân vật có lập trường cứng rắn hơn cả bà Haley. Nếu đúng như thế, điều này sẽ làm phức tạp hơn vị thế của tổng thư ký Guterrres đối với Hoa Kỳ, quốc gia đóng góp tài chính nhiều nhất cho Liên Hiệp Quốc.
Thanh Phương
Cải tổ nội các Pháp : Chính phủ loay hoay với dư luận phấp phỏng
Thời sự được các báo Pháp hôm nay quan tâm nhiều nhất là cuộc cải tổ nội các chính phủ Pháp đang rất được mong đợi cuối cùng vẫn không xảy ra. Hình ảnh của thủ tướng Pháp Edouard Philippe trong những sắc mặt căng thẳng khác nhau xuất hiện trên hầu khắp các mặt báo.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe sau cuộc họp nội các hàng tuần tại Điện Élysée (Paris, France), ngày 03/10/2018. Reuters/Philippe Wojazer
Le Figaro chạy tựa : "Cải tổ nội các : cỗ máy mắc kẹt". Libération nhận xét, "tìm người thay thế bộ trưởng Nội Vụ Gerard Collomd đang là vấn đề đau đầu làm tê liệt cả chính phủ trong lúc các hồ sơ nóng đang chồng đống".
Các báo đều có chung một ghi nhận là suốt cả ngày hôm qua, các bộ trưởng trong chính phủ, báo chí cũng như phe đối lập phấp phỏng chờ đợi thông báo cải tổ thành phần nội các từ phủ tổng thống, dự kiến vào tối qua. Nhưng tất cả đều thất vọng. Thủ tướng Edouard Philippe vẫn không từ chức để thành lập nội các mới. Tổng thống Macron vẫn tỏ ra không vội vã, tham gia các hoạt động trong nước như bình thường.
Nhận định chung của các báo là cuộc "cải tổ chính phủ phức tạp hơn dự kiến" nhiều, bởi vì trong hậu trường, nội bộ đa số cầm quyền cũng đang bị chia rẽ thành các nhánh tả-hữu khiến cả tổng thống Macron và thủ tướng Philippe chật vật không lập được ê-kíp mới của chính phủ. Đây cũng là dịp để dư luận báo chí và các đảng đối lập rộ lên chỉ trích sự yếu kém, thiếu năng lực và những rối ren của chính phủ gần đây.
Trong khi đó La Croix cho rằng : Lần cải tổ chính phủ này được cho là rất cần thiết giúp chính quyền của ông Macron thoát ra khỏi nhưng khó khăn kể từ khi bê bối liên quan đến vụ Benalla, nhân viên bảo vệ tổng thống lạm quyền. Đồng thời cải tổ chính phủ cũng là cần thiết lúc này để chính phủ đương đầu với những thách thức trước mắt trong những hồ sơ cải cách gai góc và cuối cùng là để lấy lại uy tín trong dân đang bị giảm sút nghiêm trọng.
Pháp : Thiếu hụt chăm sóc y tế ban đầu
Nhật báo Le Figaro chú ý tới một tình trạng thiếu hụt hệ thống chăm sóc y tế đáng lo ngại. Tờ báo ghi nhận nước Pháp đang rơi vào tình trạng "hoang vắng y tế".
Theo thống kê của Bộ Y tế Pháp, "không dưới 11.329 thành phố (tức 1/3) rơi vào tình trạng thiếu bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Cả các thành phố ở ngay cửa ngõ Paris cũng rơi vào tình trạng trên. Người dân phải mất cả tháng trời mới lấy được một cái hẹn khám đa khoa hay chuyên khoa chưa nói đến việc chữa trị.
Liên quan đến tình hình này, Le Monde nêu lên tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng trong việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe của người Pháp. Tùy theo các địa phương các dịch vụ y tế đến với người dân cũng khác nhau. Một thí dụ : ở thành phố lớn trung bình, để có một cái hẹn khám mắt thì phải mất 30 ngày, thì ở những vùng thôn quê hay thành phố nhỏ thời gian này ít nhất phải 3 tháng.
Chiến tranh thương mại, bảo hộ mậu dịch : tăng trưởng toàn cầu chững lại
Nhật báo Le Figaro lưu ý đến đánh giá của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế FMI về tình hình phát triển kinh tế thế giới trong cuộc họp hôm qua (09/10) của định chế tài chính quốc tế tại Bali, Indonesia.
FMI đã phải xem lại các dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2018-2019. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế từng dự báo trong tháng 4 năm nay tăng trưởng của Pháp năm 2018 là 2,1%, nhưng giờ chỉ còn 1,6%. Cả khu vực đồng euro, Trung Quốc tăng trưởng sẽ chậm lại ngay trong năm nay và năm tới sẽ đến lượt Hoa Kỳ. Nguyên nhân chủ yếu khiến các nền kinh tế thế giới bị chững lại như vậy là cuộc chiến tranh thương mại do nước Mỹ của tổng thống Donald Trump phát động. Tuy nhiên cũng còn khả quan là 10 năm sau khủng hoảng kinh tế thế nhìn chung vẫn giữ được tăng trưởng tuy vẫn còn nhiều bất trắc khó lường.
Nga – Ukraine : Đến lượt tôn giáo tuyệt giao
Nhìn qua Châu Âu, nhật báo Libération quan tâm đến sự kiện tôn giáo diễn ra trong Chính Thống giáo Nga và Ukraine nhưng mang màu sắc chính trị với hàng tựa nhiều ẩn ý : "Vụ ly dị giữa Moskva và Kiev hoàn tất ở nhà thờ Chính Thống giáo".
Theo Libération, giáo chủ Chính Thống giáo Constantinople sắp chuẩn y thành lập giáo hội Chính Thống giáo Ukraine độc lập. Từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine, một bộ phận các tín đồ Chính Thống giáo Ukraine ngày càng cảm thấy không chịu đựng được sự lệ thuộc vào thượng phụ Nga, người bị cho là quá thân cận với Kremlin.
Libération nhận xét : "Kiev hoàn thiện việc thoát Moskva. Sau vụ ly dị chính trị năm 2014, Ukraine đang chuẩn bị có được độc lập về tôn giáo. Sau cuộc họp thượng hội đồng giáo hội Chính Thống giáo tại Istanbul từ ngày 9 đến 11/10, giáo chủ Chính Thống giáo Bartholomé đệ nhất sẽ chính thức trao quyền độc lập cho giáo hội Chính Thống giáo Ukraine.
Libération điểm lại : "Giáo hội Chính Thống giáo Ukraine bị lệ thuộc vào Moskva từ thế kỷ thứ 16, vấn đề độc lập đã được đặt ra từ hơn một thế kỷ nay. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Chính Thống giáo Ukraine lại nổi dậy đòi ly khai với sức sống mới, nhưng luôn vấp phải sự từ chối của giáo hội Nga. Cuộc xung đột giữa hai nước, việc sáp nhập Crimea và cuộc nội chiến trong vùng Donbass là những xúc tác thúc đẩy tiến trình đòi độc lập của giáo hội Ukraine".
Vị thượng phụ Nga lại là người thân cận với điện Kremlin trong khi mà Nga giờ đây là kẻ thù của Ukraine. Theo Libération, ở một số làng Ukraine, các linh mục lệ thuộc vào Moskva còn từ chối không làm lễ tang cho những người Ukraine chết trong cuộc chiến chống phe ly khai do Nga hậu thuẫn.
Việc chia tay giữa giáo hội Chính Thống giáo Nga và Ukraine sẽ đánh dấu sự đoạn tuyệt toàn bộ giữa hai láng giềng nay đang là kẻ thù không đội trời chung. Đây là một sự kiện lịch sử của giáo hội Ukraine, nhưng cũng được các nhà chính trị Ukraine tận dụng phục vụ mục đích chính trị của họ. Chính tổng thống Petro Porochenko là người đã coi việc độc lập của giáo hội Chính Thống giáo Ukraine là một ưu tiên. Hồi tháng 4 năm nay, ông đích thân đến Istanbul để gặp giáo chủ Bartholomé đệ nhất để vận động, theo Libération.
Brazil ngả sang cực hữu
Chuyển qua Nam Mỹ, nhật báo Le Monde đến với cuộc bầu cử tổng thống tại Baizil bằng những quan sát đầy lo ngại trước viễn ảnh phe cực hữu dân túy có cơ lên cầm quyền. Xã luận của Le Monde dưới tựa đề Brazil, nền dân chủ bị đe dọa sau khi ở vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Brazil hôm 7/11, ứng viên Jair Bolsonaro, 63 tuổi thuộc đảng cực hữu suýt giành chiến thắng ngay vòng đầu khi được 46% phiếu.
Tại vòng 2 cuộc bầu cử vào ngày 28/10 tới, nhiều khả năng ứng cử viên dân túy cực hữu này thắng cử. Và nếu điều này xảy ra thì sẽ là một tai họa lớn cho nền dân chủ non trẻ được xây dựng từ nhiều thập kỷ qua ở đất nước lớn nhất Nam Mỹ này.
Pháp : Nouvelle Calédonie độc lập để rồi rơi vào tay Trung Quốc ?
Trở lại với chuyện thời sự của nước Pháp, vẫn trên nhật báo Libération có bài phóng sự mang tựa đề khá thú vị : "Nouvelle Calédonie : "Nếu đồng ý, ta sẽ thành thuộc địa của Trung Quốc".
Bài báo đề cập đến sự kiện trong vòng chưa đầy một tháng nữa sẽ diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của quần đảo thuộc lãnh thổ của Pháp ở hải ngoại chỉ có 300 nghìn dân.
Phóng viên của Libération đã có một ngày chứng kiến các chiến dịch vận động ở nhiều nơi trên hòn đảo thuộc các phe ủng hộ và chống Nouvelle Calédonie đòi quy chế độc lập Pháp. Libération ghi nhận đây là cuộc bỏ phiếu mang cả những lo sợ và hy vọng của người dân ở đây.
Các cuộc tranh cãi về việc độc lập hay ở lại trong lòng nước Pháp đang diễn ra rất gay gắt trong người dân cũng như trong chính quyền địa phương. Những người phản đối tách Nouvelle Caledonie ra khỏi Pháp thì lấy ví dụ quần đảo Vanuatu láng giềng, đã tách ra độc lập từ năm 1980 để khẳng định : nếu độc lập thì chỉ 10 năm nữa Nouvelle Caledonie sẽ lại trở thành thuộc địa của Trung Quốc như họ đã nhanh chân nhảy vào quần đảo Vanuatu.
Các nước Châu Âu có nên sợ Trung Quốc ?
Cũng liên quan đến Trung Quốc, trong một bài báo ngắn Les Echos trích dịch của tuần báo The Economist với câu hỏi : Các nước Châu Âu có nên dè chừng Trung Quốc ? Câu trả lời của The Economist là không đến nỗi phải sợ nhưng phải thận trọng. Một số dự án của Trung Quốc ít nhiều cũng có lý. Khác với Nga, Bắc Kinh không định phá vỡ nền tảng của Liên Hiệp Châu Âu. Một số nước còn thậm chí nhìn thấy ở Trung Quốc như một "đối trọng hữu ích" trước một nước Mỹ không lường. Tuy nhiên các nước Châu Âu có nhiều điểm chung với Mỹ hơn là với Trung Quốc. Hơn nữa Bắc Kinh sử dụng quy định thống nhất toàn thể của Liên Âu cho mục đích chia rẽ các nước Châu Âu để ngăn chặn các nghị quyết bất lợi cho họ trên hồ sơ nhân quyền.
Anh Vũ
Vụ Trung Quốc cho bắt giữ Mạnh Hoành Vĩ, đang là lãnh đạo một tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol được nhiều báo Pháp ngày 09/10/2018 bàn luận nhiều. Giới chuyên gia Pháp nhận định cựu lãnh đạo Interpol họ Mạnh đang trả giá cho việc từng là người thân của Chu Vĩnh Khang.
Vụ lãnh đạo Interpol Mạnh Hoành Vĩ qua góc nhìn của họa sĩ châm biếm Plantu. capture d'ecran Le Monde.
Le Monde thông báo "Trung Quốc cáo buộc chủ tịch Interpol tham nhũng". Đây quả là một chuyện hiếm có chưa từng thấy trong lịch sử Interpol. Lần đầu tiên, một lãnh đạo cơ quan cảnh sát quốc tế bị chính quyền một nước bắt giữ khi còn đang tại nhiệm.
Mọi việc bắt đầu từ ngày 25/09. Mạnh Hoành Vĩ, người Trung Quốc đầu tiên được bổ nhiệm làm lãnh đạo Interpol năm 2016, đã mất tích ngay khi về đến Trung Quốc. Chính vợ ông, bà Grace, hiện đang sống cùng với 2 con ở thành phố Lyon, nơi đặt trụ sở Interpol đã đến trình báo cảnh sát về vụ việc, và cho rằng chồng bà đang gặp nguy hiểm. Bà đã không nhận được tin tức gì kể từ khi nhận được tin nhắn cuối cùng mang biểu tượng hình con dao qua điện thoại ngày 27/09.
Sau 10 ngày im lặng, trước những đòi hỏi từ phía Pháp và Interpol, đề nghị Bắc Kinh làm sáng tỏ số phận của Mạnh Hoành Vĩ, chính quyền Trung Quốc, chiều tối Chủ Nhật 07/10, mới chính thức xác nhận ông Mạnh bị điều tra về các tội "tham ô và vi phạm luật lệ". Theo thông cáo của Bộ Công an, cuộc điều tra này là "đúng lúc, thích đáng và rất thận trọng". Interpol cũng nhận được thư xin từ nhiệm của ông Mạnh Hoành Vĩ, với "hiệu lực tức thì" mà báo Pháp nghi ngờ tính xác thực.
Theo giới chuyên gia Pháp được các báo trích dẫn, tham nhũng chỉ là một cái cớ. Trên thực tế, Mạnh Hoành Vĩ là nạn nhân mới của cuộc chiến đấu đá nội bộ, "thanh lý tàn dư của phe Chu Vĩnh Khang".
Ông Mathieu Duchâtel, phụ trách chương trình Châu Á, ở Hội Đồng Quan Hệ Đối Tác Châu Âu ECFR, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, trên nhật báo La Croix, phân tích : "Những sai lầm trong quá khứ trước đây có thể bỏ qua giờ thì không thể. Mạnh Hoành Vĩ phải trả giá cho việc đã gần gũi với Chu Vĩnh Khang", kẻ thù số một của Tập Cận Bình, đã bị bắt và bị kết án tù nặng vì tội tham nhũng và phát tán "bí mật quốc gia".
Quả thật, Mạnh Hoành Vĩ đã từng bước leo lên các nấc thang quyền lực trong bộ máy an ninh khi ông Chu Vĩnh Khang còn tại vị, cho đến khi bị bắt và xử án tù chung thân vào năm 2015.
Vẫn theo ông Duchatel, điều gây ngạc nhiên nhất chính là trong câu chuyện tưởng chừng huyễn hoặc này, Trung Quốc lại liều lĩnh tính toán và chấp nhận để "bị mất uy tín trên trường quốc tế". Bởi vì kể từ giờ, các tổ chức quốc tế sẽ phải nghĩ kỹ trước khi bổ nhiệm một quan chức Trung Quốc vào các vị trí lãnh đạo.
Câu hỏi đặt ra : Tại sao lại tiến hành bắt giữ Mạnh Hoành Vĩ vào lúc này ? Phải chăng ông này đã thật sự trở nên nguy hiểm cho Đảng cộng sản ? Liệu ông ấy có ý định ở lại nước ngoài ? Tất cả những điều đó hiện không ai có thể trả lời.
Nhưng có một điều chắc chắn là quyết định ngông cuồng này chứng tỏ cho thấy việc đặt một đại diện của Trung Quốc lên làm lãnh đạo một tổ chức quốc tế là một sai lầm.
Về điểm này, ông Nicholas Bequelin, giám đốc văn phòng đại diện Đông Á tổ chức Amnesty International, đã thẳng thừng chỉ trích : "Việc đề cử một lãnh đạo công an, vốn có những phương pháp khác xa với các chuẩn mực quốc tế trên phương diện các quyền, và nhiệm vụ đầu tiên của người đó là vĩnh cửu hóa quyền lực của Đảng cộng sản Trung Quốc, cho thấy sự ngây ngô và một sự bất tài nào đó của Interpol".
Tóm lại trong vụ việc này, La Croix nhận xét "Quyết định của Đảng cộng sản trên cả Interpol". Libération không ngần ngại mỉa mai là "Đảng cộng sản Trung Quốc chẳng có nể nang gì Interpol".
Trung Quốc : Lĩnh vực công nghệ chới với
Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng trong lĩnh vực công nghệ. Phụ trang kinh tế báo Le Figaro có bài viết "Những nghi ngờ gián điệp gây tổn hại cho lĩnh vực công nghệ Trung Quốc".
Hôm thứ Sáu tuần trước, cổ phiếu của công ty Hoa Kỳ Supermicro bị giảm giá 45% trên thị trường Mỹ. Tại Hồng Kông, cổ phiếu của tập đoàn Trung Quốc Lenovo, nhà sản xuất máy tính hàng đầu thế giới, đã tụt giá 16%... Đây là hệ quả trực tiếp của một bài báo nói về hoạt động gián điệp công nghệ Trung Quốc.
Theo báo Le Figaro, cuộc điều tra được công bố tuần trước, làm sáng tỏ một vấn đề tế nhị : đó là các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc và Hoa Kỳ rất phụ thuộc vào nhau. Các nhà báo của Bloomberg Businessweek đã nêu rất chi tiết cách thức mà các điệp viên làm việc cho Bắc Kinh thâm nhập vào hệ thống sản xuất dây chuyền ở Trung Quốc của công ty Mỹ Super Micro Computer, một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới, chuyên sản xuất máy chủ.
Dường như các điệp viên này đã cài chip điện tử gián điệp vào các linh kiện điện tử dùng để chế tạo máy tính của Mỹ, qua đó, cho phép tin tặc Trung Quốc tiếp cận được các dữ liệu trung chuyển qua những máy chủ bị dính virus. Điều đáng lo ngại là các tập đoàn tin học lớn nhất thế giới như Apple và Amazon, cũng như các cơ quan chính quyền Hoa Kỳ sử dụng chủ yếu máy chủ của Supermicro.
Vẫn theo báo Le Figaro, rất nhiều doanh nghiệp Mỹ xây dựng mô hình kinh tế của mình qua việc đặt các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc hoặc dựa vào các nhà thầu Trung Quốc, để lắp ráp sản phẩm, giảm chi phí giá thành.
Vụ việc trở nên rắc rối vào lúc "chiến tranh thương mại" giữa Mỹ và Trung Quốc tăng tốc. Hậu quả là từ nhiều tháng nay, căng thẳng trong quan hệ thương mại song phương có thể gây ra những khó khăn trong việc cung ứng hoặc đẩy giá phụ kiện lên cao, tác động tiêu cực đến ngành công nghệ Hoa Kỳ.
Tình hình lại càng phức tạp hơn trong bối cảnh, Bộ Quốc phòng Mỹ, vào tuần trước nhấn mạnh đến những rủi ro ngày càng gia tăng do việc ngành công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ lại phụ thuộc nặng nề đến mức đáng ngạc nhiên vào các nhà thầu Trung Quốc trong lĩnh vực vật tư và công nghệ.
Thứ Sáu tuần trước, quỹ đầu tư Mỹ Greenlight Capital đã bán tất cả các cổ phiếu của Apple vì lo ngại Trung Quốc trả đũa Hoa Kỳ. Từ thứ Năm tuần trước đến nay, cổ phiếu của Apple và Amazon đã giảm 4%.
Bầu cử tổng thống : Brazil rẽ ngoặt ?
Một chủ đề khác cũng được các báo Pháp bàn luận sôi nổi là kết quả bầu cử tổng thống vòng một tại Brazil. Ứng viên cực hữu Jair Bolsonaro đã về đầu với số phiếu ủng hộ áp đảo 46%, chỉ để cho đối phương cánh tả 29% số phiếu cử tri.
Le Monde trên trang nhất chạy tựa : "Brazil, phe cực hữu chiến thắng". Le Figaro có cùng nhận xét có bài viết "Tại Brazil, cực hữu tiến đến cầm quyền". La Croix gần như chắc chắn cho rằng "tại Brazil, cực hữu ngay trước cửa quyền lực".
"Thủy triều cực hữu đang dâng cao tại Brazil", Le Monde nhận xét. Nổi tiếng với những phát biểu miệt thị phụ nữ, bài người đồng tính, phân biệt chủng tộc, cộng thêm với một phong cách có chút gì pha lẫn giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Philippines, ứng viên phe cực hữu Jair Bolsonaro vẫn mê hoặc được đông đảo cử tri Brazil.
Sự việc cho thấy những thất bại của mô hình cánh tả Brazil, đảng Những Người Lao Động PT, bị quy kết trách nhiệm là đã làm lụn bại đất nước. Do vậy, đối với nhiều cử tri, những thành phần trung lưu và giới doanh nhân, "Phải ngăn chặn đảng PT trở lại", tựa một bài phóng sự của Libération.
Với tỷ lệ phiếu ủng hộ cao ngất ngưỡng, "một con lộ lớn đang rộng mở cho Bolsonaro". Chính sự xâu xé tả - hữu trong chính trường Brazil từ nhiều năm qua đã tạo lợi thế cho sự trỗi dậy của phe dân túy.
Trận động đất bầu cử còn kéo theo cả cơn sóng thần dân túy. Bởi vì trong cùng một lúc, các cuộc bầu cử khác (thống đốc bang, Thượng viện), ba người con trai của Bolsonaro cùng với nhiều thành viên Đảng Xã hội – Tự do của ông Bolsonaro đã giành được thắng lợi tại nhiều bang lớn, nâng số nghị sĩ của đảng từ ba lên hơn 50 người tại Nghị Viện.
Tin chắc thắng lợi trong tầm tay, "Bolsonaro cam kết một trị liệu sốc cho nền kinh tế đất nước" như loan báo trên tờ Les Echos. Nếu thắng cử, ông sẽ dự tính tiến hành một loạt các biện pháp tư hữu hóa và cải cách chế độ hưu bổng.
SOS ! Khí hậu
Trang nhất các báo Pháp đồng loạt đăng cảnh báo của GIEC, nhóm chuyên gia quốc tế về khí hậu về những tác động của hiện tượng trái đất ấm dần thêm 1,5°C.
Le Monde thông báo "Khí hậu : Cơ hội cuối cùng cho hành tinh". Les Echos cũng hòa nhịp "Cảnh báo cuối cùng của GIEC để tránh được điều tệ hại". Le Figaro và La Croix lần lượt đặt câu hỏi "Khí hậu ấm dần : Câu trả lời nào cho khi báo động ?" và "Khí hậu, bây giờ thì sao ?".
Báo cáo của GIEC về tiến triển của hiện tượng khí hậu ấm dần, được công bố ngày 08/10/2018 cho rằng nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ ở 1,5°C đòi hỏi nhiều sự biến đổi xã hội "nhanh chóng" với tầm mức lớn "chưa từng có". Nghĩa là cần có một sự thay đổi toàn diện mô hình phát triển của nhân loại để sao cho có thể giảm được hiện tượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Minh Anh
Công nghiệp quốc phòng : Mỹ muốn giảm lệ thuộc vào Trung Quốc
Trên trang nhất, báo kinh tế Les Echos có bài đáng chú ý nói về "Ngành công nghệ Mỹ đương đầu với gián điệp mạng Trung Quốc". Theo một điều tra của Bloomberg, chíp điện tử của Trung Quốc đã bí mật được cấy vào máy chủ của nhiều doanh nghiệp Mỹ. Tiết lộ trên cho thấy sự lệ thuộc của ngành công nghiệp, công nghệ của Hoa Kỳ vào các nhà sản xuất Trung Quốc, khiến công nghệ Mỹ dễ bị tổn thương.
Một vi mạch điện tử. Ảnh minh họa
Trong bài viết này, Les Echos cho biết các nhà báo của Bloomberg đã dựa trên 17 nguồn tin xin ẩn danh bên trong các cơ quan tình báo Mỹ và các tập đoàn khổng lồ về công nghệ. Theo đó, các con chíp điện tử nhỏ chỉ bằng hạt gạo đã bí mật được Trung Quốc cấy vào bên trong máy chủ của khoảng 30 doanh nghiệp Mỹ, trong đó có Apple và Amazon.
Bảo vệ toàn bộ các sản phẩm của Mỹ có nghĩa là không được dùng sản phẩm từ các nhà máy của Trung Quốc, điều này cũng có nghĩa là phải xem xét lại sự phân bố địa lý trong ngành công nghiệp. Sự xáo trộn lớn đó sẽ gây ra nhiều khó khăn, chi phí sản xuất cao kinh khủng khiến sự thay đổi đó rất khó có khả năng thực hiện được.
Còn trong bài viết trên trang Doanh nghiệp và Thị trường "Công nghiệp quốc phòng Mỹ muốn giảm lệ thuộc vào Trung Quốc", Les Echos cho biết theo một báo cáo của Lầu Năm Góc, ngành chế tạo vũ khí của Mỹ lệ thuộc ở "mức cao đáng ngạc nhiên" vào các nhà thầu của Trung Quốc. Đây là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Báo cáo của Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh "Trung Quốc là nhà cung cấp duy nhất một số hóa chất đặc biệt trong ngành sản xuất đạn dược và tên lửa". Nếu Trung Quốc ngưng cung cấp hàng, toàn bộ chương trình của Bộ Quốc phòng Mỹ - từ chế tạo tên lửa đến vệ tinh và bệ phóng vệ tinh, tên lửa - đều bị đe dọa. Trong một số trường hợp, Lầu Năm Góc có thể sử dụng các nguyên vật liệu thay thế, nhưng chi phí phát triển các chương trình sẽ bị đội lên rất cao.
Một vấn đề đáng lo ngại khác là một số hệ thống vũ khí của Mỹ, có linh kiện điện tử được sản xuất ở nước ngoài, có thể dễ bị tấn công. Vấn đề là nhiều doanh nghiệp Mỹ đặt nhà máy tại Trung Quốc để giảm chi phí sản xuất. Đổi lại, theo Lầu Năm Góc, Bắc Kinh yêu cầu các doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ. Điều này cũng có thể đe dọa nước Mỹ.
Vì thế, Bộ Quốc phòng Mỹ kêu gọi các doanh nghiệp phương Tây cân nhắc, xem xét lại các hoạt động tại Trung Quốc. Lầu Năm Góc cũng quyết định sẽ kiểm tra lại, với sự hỗ trợ của các cơ quan tình báo, mạng lưới cung cấp hàng hóa của các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nhạy cảm như hàng không vũ trụ và quốc phòng, để tìm ra các điểm yếu kém trong ngành sản xuất vũ khí của Mỹ.
Biến đổi khí hậu : Báo cáo của GIEC và ý thức của con người
Biến đổi khí hậu là đề tài được báo Libération quan tâm đưa lên trang nhất : "Khí hậu : bây giờ hoặc là không bao giờ". Hôm nay 08/10/2018 là ngày Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (GIEC-Groupe d'experts intergouvernemental sur l'évolution du climat hay IPCC-Intergovernmental Panel on Climate Change) công bố báo cáo đầu tiên về các hậu quả nghiêm trọng đối với hành tinh, nếu nhiệt độ Trái Đất tăng thêm quá 1,5 độ C.
Trong bài viết "Bản báo cáo lạnh người của GIEC", Libération cho biết báo cáo dài 250 trang của 80 tác giả tới từ 39 nước. Theo mục tiêu COP 21 đề ra, từ nay tới năm 2100, nhiệt độ Trái Đất chỉ tăng từ 1,5 đến 2 độ C. Tuy nhiên, các nhà khoa học ước tính nhiệt độ sẽ tăng 3 độ C chứ không phải 1,5 độ C, kéo theo những thảm họa không thể đảo ngược cho cả con người và nhiều loài sinh vật sống.
Nếu nhiệt độ Trái Đất tăng quá 1,5 độ C, mực nước biển sẽ tăng trong nhiều thế kỷ, nhiều vùng đất, nhất là các đảo nhỏ sẽ không kịp thích nghi, hệ sinh thái sẽ bị xáo trộn nhiều, các loài động vật không có khả năng di chuyển nhanh sẽ có tỉ lệ chết cao, đại dương sẽ bị axit hóa. Sự thay đổi khí hậu sẽ diễn ra ở mọi vùng đất, không phân biệt mức độ phát triển của xã hội, nhưng bị tác động mạnh nhất vẫn là các quốc gia nghèo nhất.
Một phần tư nhân loại sẽ sống ở những khu vực có nhiệt độ tăng quá 1,5 độ C so với mức trung bình, ít nhất trong một mùa trong năm. Ở Bắc bán cầu, các đợt nắng nóng sẽ ngày càng nhiều và với mức độ ngày càng cao. Khu vực Nam Âu có nguy cơ sa mạc hóa. Nguy cơ lũ lụt và hạn hán cũng ngày càng tăng, nhất là ở Nam Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Các cơn bão nhiệt đới cũng ngày càng mạnh.
Libération cũng dành bài xã luận "Có ý thức" cho đề tài biến đổi khí hậu. Trong nhiều năm, các báo cáo của GIEC đều rơi vào "hố đen", nói cách khác là chúng trở nên vô hình. Thế giới vẫn tiếp tục không chút do dự trong cuộc chạy đua điên rồ về tăng trưởng và tiêu dùng vô độ.
Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi, nhận thức về cuộc khủng hoảng khí hậu trở nên sâu sắc hơn. Lý do ? Các hiệu ứng do biến đổi khí hậu là có thật. Phải điếc, mù hay vô cảm thì mới có thể không nhận ra điều đó. Các thông tin đáng lo ngại về sự biến đổi ở cả đại dương và đất liền được báo về từ mọi nơi trên Trái đất.
Báo cáo của GIEC cho thấy mọi chuyện đang rất nghiêm trọng, bởi vì lộ trình - để đạt mục tiêu cho tới cuối thế kỷ này nhiệt độ Trái Đất chỉ tăng thêm 1,5 độ C - đã chệch hướng. Tuy nhiên, mọi chuyện không phải đã hết hy vọng.
Theo Libération, đa phần công dân ý thức được rằng có một thảm kịch đang diễn ra, nhiều người cố tìm cách để cải thiện tình hình ở địa phương. Giới chính trị gia, trừ một số trường hợp như tổng thống Mỹ Donald Trump, đã hiểu nên tiếp tục cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Các nhà công nghiệp cũng bắt đầu ý thức được rằng chống biến đổi khí hậu cũng là một yêu cầu của người tiêu dùng. Giờ đây, điều quan trọng trong cuộc chiến của nhân loại là thuyết phục các nhà quản lý ngân sách, tài chính "tránh những việc không thể quản lý nổi" và "quản lý những điều không thể tránh khỏi".
Hãm hiếp phụ nữ : Vũ khí chiến tranh
Ra sạp sớm từ chiều thứ Bảy 06/10, báo Le Monde có bài xã luận đề tựa "Một giải thưởng Nobel chống vũ khí hãm hiếp". Le Monde nhận định không ai xứng đáng đoạt giải Nobel Hòa Bình 2018 hơn cô gái trẻ Nadia Murad và bác sĩ Denis Mukwege.
Khi quyết định trao giải Nobel Hòa Bình 2018 cho cô gái trẻ Nadia Murad, từng là nô lệ tình dục của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo và sau này là nhà đấu tranh chống bạo lực tình dục, và cho bác sĩ phụ khoa người Congo Denis Mukwege, người đã dành cả cuộc đời cứu chữa cho những phụ nữ từng bị hiếp dâm, Ủy ban Nobel cuối cùng đã tấn công nhắm vào một thảm họa, vốn chỉ bị coi là một tổn thất phụ đáng tiếc và đáng xấu hổ trong suốt một thời gian rất dài.
Mỗi người một cách, nhưng cả cô gái trẻ Nadia Murad và bác sĩ sản phụ khoa Denis Mukwege đều có chung một trận chiến, đều có chung lòng can đảm : đó là đấu tranh để các vụ hiếp dâm không còn bị xem là một hệ quả phụ không thể tránh khỏi trong các cuộc xung đột vũ trang mà là thực sự là một loại vũ khí chiến tranh. Và Ủy ban Nobel muốn nhấn mạnh đến cái gọi là vũ khí chiến tranh, khi quyết định trao giải Nobel Hòa Bình cho hai nhà tranh đấu.
Việc dùng bạo lực tình dục làm vũ khí chiến tranh cũng đã có từ lâu, không kém gì chính bản thân các cuộc xung đột : loại vũ khí răn đe, vô nhân đạo này đã được sử dụng trong Đệ Nhị Thế Chiến, ở Yougoslavia, Rwanda, hay mới đây là ở Syria và Miến Điện. Nhưng sự im lặng trong một thời gian quá dài khiến các thủ phạm không bị trừng phạt và cản trở công tác phòng ngừa nạn hiếp dâm trong các lực lượng vũ trang. Theo Le Monde, giải Nobel Hòa Bình năm nay sẽ góp phần phá vỡ sự im lặng đó.
Việc thông báo quyết định trao giải Nobel Hòa Bình năm nay trùng vào dịp tròn một năm phong trào chống bạo lực tình dục #Metoo ở phương Tây. So với mức độ tàn bạo mà phụ nữ ở các nước có chiến tranh phải hứng chịu, phong trào #Metoo có vẻ không đáng kể. Nhưng Le Monde kết luận, trong lĩnh vực đấu tranh chống bạo lực tình dục, không có gì là không đáng kể. Nền văn minh của chúng ta không thể hòa hợp với bạo lực tình dục, dù chỉ là với một cá nhân hay trên diện rộng.
Pháp : Đấu tranh chống bạo lực tình dục và các trở ngại
Nhân dịp một năm xảy ra vụ bê bối tình dục Weinstein, báo Le Monde chạy tựa trang nhất "#Metoo : Tư pháp và cảnh sát không có đủ phương tiện đối phó với bạo lực tình dục". Trong bài viết về cuộc đấu tranh chống bạo lực tình dục trên trang Nước Pháp, Le Monde cho biết số đơn kiện về các vụ hãm hiếp tại Pháp tăng mạnh.
Trung bình, mỗi năm ở Paris có 600 - 800 đơn kiện về các vụ hiếp dâm, nhưng trong vòng 8 tháng đầu năm 2018, con số này đã tăng 25%. Phong trào #MeToo được khởi xướng trên các mạng xã hội vào tháng 10/2017, sau khi nhiều ngôi sao Mỹ tố cáo nhà sản xuất phim Hollywood, Harvey Weinstein, hiếp dâm họ. Phong trào này đã có những hiệu ứng không thể phủ nhận ở Pháp. Hiệp hội nữ quyền chống hãm hiếp (CFCV) tồn tại từ 30 năm nay và trong những tháng sau vụ bê bối tình dục Harvey Weinstein, số cuộc gọi đến cho hiệp hội này đã tăng 30%.
Thế nhưng, Le Monde đặt câu hỏi tại sao trong 10 năm qua, số vụ xét xử về tội hiếp dâm lại giảm 40% và số vụ xét xử về bạo lực tình dục giảm 20% ? Các thẩm phán cũng rất ngạc nhiên về số liệu nói trên. Sự trái ngược, giữa hiện tượng số vụ đệ đơn kiện trong vòng một năm qua tăng (dấu hiệu cho thấy có sự biến chuyển sâu sắc trong xã hội) và việc số vụ xét xử trong 10 năm qua giảm, đặt ra nghi vấn về khả năng đấu tranh có hiệu quả của hệ thống tư pháp Pháp chống lại nạn bạo lực tình dục.
Các nhà điều tra, thẩm phán, nhà nghiên cứu đại học và cả các hiệp hội bảo vệ nạn nhân bị xâm hại tình dục đều khẳng định đó không phải là một vấn đề liên quan tới việc làm ra luật. Bộ luật hình sự của Pháp hiện khá hoàn chỉnh, đủ để xử lý mọi vụ việc hoặc hầu như mọi vụ việc.
Tuy nhiên, một cuộc điều tra và xét xử chỉ có thể được tiến hành, nếu cảnh sát nhận được đơn tố cáo. Vấn đề là theo Bộ Nội vụ Pháp, cứ 10 nạn nhân bị tấn công tình dục thì có đến 9 người không trình báo vì nhiều lý do : sợ gia đình tan nát, cuộc sống của họ bị thủ phạm kiểm soát… Ngoài ra, nhiều nạn nhân cảm thấy không được lắng nghe khi trình báo ở sở Cảnh sát.
Tuy nhiên, ông Philippe Conte, giám đốc Viện Tội phạm học và luật hình sự Paris cho rằng trong những năm qua đã có nhiều nỗ lực cải cách trong đào tạo cảnh sát để họ có kỹ năng đón tiếp và lắng nghe tốt hơn khi các nạn nhân đến trình báo.
Le Monde cũng nêu lên nhiều lý do khiến các vụ xét xử gặp trở ngại, không đi đến cùng, chẳng hạn theo quy định tại nhiều nơi, băng ghi hình vidéo theo dõi chỉ được lưu trong vòng 15 ngày, sau đó sẽ bị xóa hoặc theo quy định, nếu nạn nhân không hồi đáp thư triệu tập của Tư pháp thì vụ xét xử sẽ phải ngưng lại …
Le Monde kết luận, trung bình hàng năm có 100.000 vụ cưỡng hiếp, nhưng chỉ có 14.000 đơn tố cáo và chỉ có 1.000 vụ được xét xử, và trước quy mô của hiện tượng này, một mình tư pháp không thể làm xuể.
Thùy Dương
Giáo hoàng Francis trước nguy cơ "đảo chính"
Trước tai tiếng ấu dâm mà Giáo hội đang trải qua, với đỉnh điểm là quyết định ngày 28/09/2018 huyền chức linh mục Fernando Karadima, người Chile, giáo hoàng Francis triệu tập toàn bộ chủ tịch các hội đồng giám mục đến họp thượng hội đồng giám mục tại Roma từ ngày 21-24/02/2019. Mục tiêu là "phòng ngừa lạm dụng đối với trẻ em và người lớn yếu đuối".
Giáo hoàng Francis tại quảng trường Thánh Phêrô, Vatican, ngày 26/06/2018. Reuters/Tony Gentile
Với chủ đề "Hiểm họa lơ lửng trên Vatican", Courrier international trở lại tai tiếng ấu dâm đeo bám Tòa Thánh với một số bài nhận định của báo chí nước ngoài. Tai tiếng này càng làm gia tăng sự sứt mẻ trong nội bộ Vatican, dù những người ủng hộ vẫn đoàn kết bảo vệ giáo hoàng Francis.
Liệu giáo hoàng Francis phải ra đi sau 5 năm đứng đầu Giáo hội ?
Ít ra đây là một toan tính của cánh bảo thủ trong Vatican do lo sợ Giáo hội bị thay đổi chưa từng có. Đây là nhận định của báo Financial Times (Luân Đôn), được Courrier international trích dịch. Tờ báo Anh cho rằng "trước khuynh hướng cởi mở và các chính sách cải cách của giáo hoàng, cánh truyền thống trong Giáo hội tìm cách khai thác sự phản đối kịch liệt về các vụ lạm dụng tình dục để lật đổ giáo hoàng".
Âm mưu này bắt đầu từ cuối tháng 08/2018. Giáo hoàng Francis tông du Ireland, nơi Vatican bị lên án nhắm mắt làm ngơ trước những lời tố cáo ấu dâm xảy ra tại quốc gia này trong suốt nhiều năm. Giáo hoàng đã gặp gỡ nạn nhân, không ngừng xin lỗi, thể hiện hổ thẹn và cầu nguyện cho các nạn nhân. Mọi nỗ lực của giáo hoàng Francis bị dội gáo nước lạnh ngay khi trở về. Trong bức thư ngỏ, sứ thần Vatican ở Mỹ, tổng giám mục Carlo Maria Viganò, cáo buộc giáo hoàng bao che các vụ ấu dâm của cựu giám mục Washington Theodor McCarrick. Không vòng vo, tác giả bức thư yêu cầu giáo hoàng từ chức.
Chỉ trích thì nhiều nhưng bằng chứng thì ít, bức thư dài 11 trang còn nhắm đến 12 quan chức Vatican, phần lớn là những người thân cận của giáo hoàng Francis và có những quan điểm tiến bộ. Theo ông Brendan Walsh, tổng biên tập tuần báo Công giáo Anh The Tablet, "kẻ thù của giáo hoàng Francis và những cải cách của ngài sử dụng "bằng chứng" của Viganò để yêu cầu giáo hoàng từ chức. Họ sử dụng tai tiếng ấu dâm phục vụ cho mục đích chính trị riêng".
Tư tưởng cởi mở của giáo hoàng Francis bị phản đối trong Vatican
Thực vậy, phe bảo thủ rộng quyền hành động trong suốt 50 năm qua, ngay cả dưới thời giáo hoàng John Paul II và Benedict XVI. Vì vậy, họ tìm cách hạ uy tín giáo hoàng Francis, người chủ trương cải cách và quan trọng hơn là phải làm được trước khi giáo hoàng lập được một đa số tiên tiến trong hội đồng bầu giáo hoàng. Đây chính là điểm mấu chốt của cuộc chiến hiện nay. Họ không muốn giáo hoàng tương lai sẽ tiếp tục những cải cách của người tiền nhiệm Francis.
Ngoài ra, phe bảo thủ còn chống giáo hoàng Francis vì những lời kêu gọi độ lượng, thái độ từ bi đối với người đồng tính, người li hôn hoặc tái hôn. Với Vatican, đây là cách thích ứng với thực tế xã hội, nhưng với phe bảo thủ, đây là "một cách lách giáo lý" và điều này không chấp nhận được.
Phe chống giáo hoàng Francis không ngần ngại gắn những vụ ấu dâm với việc giáo hoàng không lên án người đồng tính. Theo ông Chris Patten, chủ tịch danh dự đại học Oxford, kiêm cố vấn truyền thông của giáo hoàng, "gắn vấn đề đồng tính với các vụ ấu dâm là cách đê hèn mà phe cực hữu trong Giáo hội không ngần ngại sử dụng" để hạ uy tín giáo hoàng Francis.
Bài báo kết luận cuộc chiến tranh giành quyền lực không những gây ảnh hưởng đến danh tiếng của Vatican, mà còn kéo dài nỗi đau, sự chịu đựng của các nạn nhân lạm dụng tình dục trong Giáo hội. Nhiều tiếng nói bắt đầu chỉ trích giáo hoàng Francis còn lưỡng lự để đưa thủ phạm ra pháp luật.
Với báo La Repubblica (Roma), khi tung tin đồn Vatican bị chia rẽ sâu sắc, những người tung tin có một mục đích chính trị rất rõ ràng : thu phục lại số giáo dân bảo thủ nhất, thất vọng vì giáo hoàng Francis.
Nhìn từ nước Mỹ, nhật báo Washington Post, được Courrier international trích dịch, nhận định những con chiên mộ đạo nhất cũng bắt đầu nghi ngờ sau những phát giác ấu dâm gần đây trong Giáo hội. Điều trớ trêu, theo nhận định của giáo sư thần học Mỹ Joseph Capizzi, "chúng ta không tin vào hội đồng giám mục để giải quyết các vấn đề này. Rất nhiều người muốn một cơ quan thế tục điều tra. Họ quen hơn và cảm thấy thoải mái hơn với ý tưởng này".
Đây chính là trường hợp tại Pháp. Mới đây, nhiều nhân vật quan trọng đã yêu cầu thành lập một ủy ban điều tra nghị viện về tình trạng ấu dâm trong Giáo hội Pháp, hiện còn rất chậm trễ so với những gì đã được tiến hành ở một số nước như Chile, Úc, Mỹ, Đức...
Iran : Tại sao tổng thống Trump sẽ thắng ?
Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký năm 2015. Dù các nước còn lại muốn duy trì thỏa thuận và tiếp tục quan hệ kinh tế với Tehran, thì việc này vẫn khó có thể thực hiện trước quyết tâm của tổng thống Mỹ và những bất đồng nội bộ Iran. Courrier international trích bài phân tích của Foreign Policy (Washington) để trả lời câu hỏi : "Tại sao Trump sẽ thắng trong hồ sơ Iran ?"
Thứ nhất, tổng thống Trump tuyên bố rõ ràng sẽ trừng phạt bất kỳ ai làm ăn với Iran. Mục đích chính là bóp nghẹt nền kinh tế và chặn mọi nguồn thu nhập của Iran, chủ yếu là từ dầu lửa. Ý đồ phản đối của Châu Âu sẽ còn được thử thách trong thời gian tới, khi Mỹ áp dụng loạt trừng phạt thứ hai từ đầu tháng 11.
Thứ hai, các tập đoàn lớn nước ngoài đã rời khỏi Iran, nhiều doanh nghiệp khác từ chối vận chuyển dầu của nước này do lo sợ bị cấm tham gia vào hệ thống tài chính Mỹ. Đối với phần lớn các đại tập đoàn này, bị cắt đứt khỏi thị trường Mỹ, nhất là hệ thống tài chính thế giới mà Mỹ thống trị, sẽ cầm chắc cái chết trong tay.
Theo đánh giá của chuyên gia Matthew Kroenig, đại học Georgetown, "thỏa thuận hạt nhân đã bị chôn vùi ngay khi Mỹ thông báo sẽ rút. Châu Âu tự gây ảo tưởng nếu họ nghĩ có thể cứu vãn thỏa thuận này". Nhưng dù sao Liên Hiệp Châu Âu vẫn có thể kéo dài thỏa thuận thêm một thời gian thông qua "trao đổi" nhờ hệ thống ngân hàng quốc tế Swift mà Iran vẫn là thành viên từ năm 2015. Chừng nào còn là thành viên của hệ thống có 11.000 thành viên trên khắp thế giới, Iran vẫn có thể chuyển tiền ra nước ngoài. Tuy nhiên, trong quá khứ, Swift đã phải lùi bước trước sức ép của Hoa Kỳ, loại Iran ra khỏi hệ thống tài chính Mỹ trong khuôn khổ loạt trừng phạt do chính quyền Obama ban hành năm 2012.
Để ngăn cản hệ thống này, chính quyền Trump sẽ phải trừng phạt Châu Âu, nhưng chưa chắc tổng thống Mỹ sẵn sàng đi xa đến như vậy. Hiện tại, ngoại trưởng Mỹ Pompeo mới chỉ lên án "hệ thống đặc biệt" trên chỉ giúp cho Iran tài trợ khủng bố.
Ngoài sức ép từ Mỹ, tổng thống Iran Rohani còn phải đối mặt với nhiều vấn đề chính trị nghiêm trọng trong nước. Chương trình mở cửa của ông bị phe bảo thủ chỉ trích, ngay cả người dân, với hy vọng cải thiện cuộc sống từ 3 năm qua, cũng tỏ ra thất vọng.
Số nước thách thức các biện pháp trừng phạt Iran của Mỹ cũng bắt đầu giảm dần. Ví dụ như Ấn Độ, sau thời gian đầu kiên quyết tiếp tục mua dầu của Iran, dường như New Delhi đã ngừng nhập khẩu.
Dựa vào những yếu tố trên, có thể nói tổng thống Mỹ sẽ thắng. Nhưng thỏa thuận hạt nhân Iran khi trở nên vô hiệu lực, thì càng đẩy Tehran vào con đường phát triển hạt nhân, trong khi Iran hiện đang hùng mạnh hơn so với thời điểm năm 2013 khi các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân được bắt đầu.
Pháp : Hành trình tìm nguồn gốc của những trẻ sinh từ hỗ trợ sinh sản
Dự luật về hỗ trợ sinh sản (procréation médicalement assistée, PMA) sẽ được Nghị Viện Pháp nghiên cứu vào đầu năm 2019. Theo L’Obs, tại Pháp có khoảng 50.000 đến 70.000 đứa trẻ được sinh từ người cha hiến tinh trùng vô danh.
Theo luật năm 1994 về hỗ trợ sinh sản, người hiến tinh trùng hoàn toàn vô danh và phụ nữ nhận tinh trùng hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, theo bài phóng sự : "Sinh từ tinh trùng hiến tặng", ngày càng có nhiều người đòi quyền được biết nguồn gốc của mình. Họ "không tìm một người cha, vì đã có, mà muốn tìm hiểu về chính bản thân mình", theo phát biểu với L’Obs của một nha sĩ, sinh ra nhờ PMA. Nhiều hiệp hội được thành lập vì mục đích này và lời kêu gọi của họ đã được lắng nghe. Cuối tháng 09/2018, Ủy ban Tư vấn Đạo đức Quốc gia (CCNE) tuyên bố ủng hộ quyền được biết nguồn cội.
Theo thẩm định của giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo quản Trứng và Tinh trùng (Cecos), "chỉ có khoảng 20% cha mẹ cho con cái biết chúng được sinh ra trong điều kiện như nào". Hiện nay, các bác sĩ khuyến khích nói sự thật cho người được sinh ra nhờ PMA. Thậm chí, năm 2007, một cơ sở tư vấn tâm lý được thành lập trong bệnh viện Cochin ở Paris để hỗ trợ cha mẹ trong quá trình tiết lộ bí mật với con cái.
Phóng sự của L’Obs cho biết những người sinh từ tinh trùng hiến tặng không đòi hỏi gì hết, mà chỉ muốn có thêm một vài chi tiết sinh học trong cơ thể họ, và biết đâu có thể gặp được người đã giúp họ trào đời. Với tiến bộ khoa học ngày nay, họ còn cần những thông tin để theo dõi tình trạng sức khỏe và điều trị trong trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo.
Kẻ giết giải Nobel Văn Học
Mùa giải Nobel 2018 sẽ không có Nobel Văn Học mà thay vào đó là một phiên tòa được theo dõi sát sao. Jean-Claude Arnault, một người Pháp và là tâm điểm của vụ tai tiếng tiền-tình theo phong trào MeToo, vừa bị kết án hai năm tù vì tội hiếp dâm. Tuần báo Le Point điều tra về "Kẻ huênh hoang đã giết giải Nobel".
Vụ tai tiếng bắt đầu được phanh phui vào tháng 11/2017, 18 phụ nữ, đúng với số phụ nữ tại Viện Hàn Lâm Thụy Điển, tố cáo ông Arnault, 72 tuổi, cưỡng bức và quấy rối tình dục từ năm 2006 đến 2017.
Về các cáo buộc tình dục, ông Jean-Claude Arnault, giám đốc Forum, một trung tâm văn hóa có ảnh hưởng tại Stockholm, bị cáo buộc lợi dụng vị thế và quyền lực của mình để buộc phụ nữ phục tùng. Về tài chính, trung tâm Forum sống được một phần lớn là nhờ trợ cấp của Viện Hàn Lâm Thụy Điển và do chính vợ của ông, bà Katarina Frostenson, thành viên Viện Hàn Lâm, cấp cho. Bà cũng là người sở hữu một nửa trung tâm Forum, nơi mọi người dồn dập đổ về vì Forum là "nơi kích thích trí tuệ nhất ở Stockholm về nghệ thuật như âm nhạc, đọc và thảo luận về các nhà tư tưởng Pháp".
Tại Thụy Điển, hình ảnh Arnault giờ như một con quỷ bất trị. Một cuộc đời được thêu dệt từ những chiến tích, tiệc tùng náo nhiệt, thật giả lẫn lộn trong câu chuyện về "người Pháp". Theo bà Aline Bohman Gauguin (cháu gái họa sĩ Gauguin), một cộng tác viên khi mới thành lập Forum, Arnault là người dễ nổi nóng, "có thể mất kiên nhẫn đến mức thành hung hăng" và tuôn ra hàng tràng bực tức bằng tiếng Pháp. Từ vài chục năm qua, ông luôn có những hàng động, cử chỉ khêu gợi như vuốt tóc phụ nữ, thì thầm vào tai một lời khen hoặc tay quàng qua eo.
Nữ nhà văn kiêm luật gia Malin Persson Giolito nhận xét với Le Point : "Đây là một chấn thương ở Thụy Điển. Giới hoạt động văn hóa nghĩ rằng Arnault là một gương mặt quan trọng của văn hóa Pháp… Chúng tôi bị sốc… khi thấy Viện Hàn Lâm Thụy Điển bị một kẻ lừa đảo gây ấn tượng mạnh như vậy, vì ông ta nói tiếng Pháp. Viện Hàn Lâm bị lừa. Tôi nghĩ là hiện giờ mọi người đều cảm thấy bị lừa và rất ngốc".
Charles Aznavour : 94 tuổi mới rời đỉnh cao sự nghiệp
Sự ra đi của Charles Aznavour, ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên nổi tiếng người Pháp là chủ đề trên trang nhất của L’Obs và L’Express. L’Obs lấy câu mở đầu bài hát La Bohème nổi tiếng, "Tôi kể cho bạn nghe về một thời…" để thuật lại sự nghiệp của Aznavour.
Không được giới phê bình đánh giá cao khi mới vào nghề, nhưng Charles Aznavour đã từng bước nỗ lực vươn lên để đạt đến đỉnh cao danh vọng mà ông chỉ rời khi từ giã cõi đời ở tuổi 94. "Charles nhỏ bé" hát về cuộc sống, tình yêu, khiến cả thế giới rung động trước lời ca làm say đắm lòng người.
Tuần báo Courrier international trích dịch những lời chia buồn và ca ngợi sự nghiệp và tính cách của "Aznavour, cây đại thụ cuối cùng của làng nhạc Pháp" thông qua báo chí nước ngoài.
New York Times nhắc lại, "Mỹ là ngôi nhà thứ hai đối với Aznavour", nơi "Bob Dylan coi ông là một trong những nghệ sĩ lớn nhất trên sân khấu", theo Variety. Với báo Nhật Asahi Shimbum, ông là "hiện thân của làng nhạc Pháp". Bất chấp những phê bình ban đầu, "không có giọng hát hay. Không đẹp trai, thậm chí không cao lớn. Ông chẳng có tiêu chí gì để thành công. Nhưng ông đã bỏ ngoài tai và ông đã làm đúng", nhật báo Tây Ban Nha El País kết luận.
Thu Hằng
Trung Quốc : Bắt học "Karl Marx" nhưng cấm thực hành
Mục Quốc tế báo Le Figaro (05/10/2018) có bài viết nói đến một nghịch lý đang diễn ra tại Trung Quốc. Bài viết đề tựa "Bắc Kinh nghiêm trị sinh viên ngành học Mác-xít". Chế độ cộng sản không chấp nhận các sinh viên tố cáo tình trạng bất bình đẳng xã hội đang hoành hành tại Trung Quốc.
Nhiều sinh viên trường đại học Bắc Kinh đến ủng hộ cuộc biểu tình của công nhân nhà máy Jasic đòi lập công đoàn riêng ngày 15/08/2018. Le Figaro.
Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Karl Marx, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không ngớt lời ca ngợi triết gia người Đức, "kim chỉ nam phong trào cách mạng giai cấp vô sản và công nhân". Cũng nhân dịp này, "hoàng đế đỏ" khuyến khích trường đại học Bắc Kinh uy tín này phải phát huy hơn nữa tư tưởng Mác-xít.
Thế nhưng, giữa lý thuyết và thực hành là rào cản lớn không dễ gì vượt qua. Bởi vì chính quyền Bắc Kinh không chấp nhận những cô cậu sinh viên dấn thân có bằng cấp này tìm cách đi từ lý thuyết sang thực hành, sau nhiều năm bắt buộc học tư tưởng của Karl Marx.
Quả thật, mùa hè này, hàng chục thanh niên mang đầy tư tưởng Mác-xít và Mao Trạch Đông, mặc áo thun in đậm dòng chữ "Đoàn kết tạo nên sức mạnh" đã xuống đường cùng với các công nhân nhà máy Jasic Technology (chuyên cung cấp các trang thiết bị công nghiệp) ở Thâm Quyến, đòi lập một công đoàn riêng cho chính họ với khẩu hiệu "Thành lập công đoàn không phải là tội ác".
Chính quyền Bắc Kinh ngay lập tức tìm cách vô hiệu hóa phong trào. Khoảng 40 sinh viên và hàng chục công nhân đã bị bắt. Theo một tổ chức phi chính phủ, hiện còn nhiều sinh viên vẫn đang bị giam giữ.
Không như phong trào sinh viên ủng hộ dân chủ Thiên An Môn năm 1989, những thanh niên này không hề có ý định lật đổ chế độ mà chỉ muốn tấn công những bất công xã hội đáng lên án trong nước. Họ chỉ muốn chắc rằng các công nhân nhà máy Jasic sẽ được đối xử công bằng.
Sự việc đã khiến nhiều nhà trí thức Trung Quốc quan ngại. Một người từng tốt nghiệp đại học Bắc Kinh tự hỏi "Chẳng lẽ những cô cậu sinh viên ưu tú này chỉ việc phải ăn, uống" và tổ chức hội hè thôi hay sao ?
Về phía những người công nhân, phàn nàn bị đối xử như là những "nô lệ" cũng muốn phản đối nghiệp đoàn chính thức duy nhất : Liên Đoàn Quốc Gia, vốn trung thành với đảng Cộng sản. Tổ chức này bị chỉ trích không đủ khả năng bảo vệ quyền của người lao động. Nhưng chế độ lại không muốn từ bỏ thế độc quyền.
Theo nhận định của Jean-Pierre Cabestan, nhà nghiên cứu Trung Quốc học trường đại học Hồng Kông, "Mối hiểm nguy thật sự đối với chế độ là việc sử dụng chủ nghĩa Mác để ủng hộ việc thành lập công đoàn tự do, giống như là Solidarnosc chẳng hạn, kẻ thù đáng gờm kể từ khi được hình thành từ đầu những năm 1980", tổ chức đã đóng một vai trò quyết định dẫn đến sự sụp đổ chế độ cộng sản Ba Lan.
Le Figaro cho biết thêm trong số các sinh viên bị bắt, nhiều người trong số này là thành viên hiệp hội Mác-xít trường đại học Bắc Kinh. Chính tổ chức này đã thực hiện các cuộc điều tra về điều kiện làm việc của tầng lớp lao động giá rẻ. Những thành viên của tổ chức này cho biết, hiệp hội đã gặp khó khăn trong việc đăng ký hoạt động với trường cho năm học mới và đang trở thành đối tượng bị "trấn áp".
Thế mới biết, giữa lý thuyết và thực hành là một khoảng cách xa vời vợi !
Tư tưởng Tập Cận Bình : Một trò chơi truyền hình
Cũng theo Le Figaro, một kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc phát sóng "Một trò chơi truyền hình tôn vinh vinh quang của ông ʺHoàng Đỏʺ để tập hợp giới trẻ".
Tờ báo mô tả : Trên nền nhạc tưng bừng, ánh sáng quét khán phòng, tiếng vỗ tay rào rào, người dẫn chương trình mở đầu tiết mục bằng lời kêu gọi "Hãy lắng nghe các lời phát biểu của chủ tịch Tập và hãy thấm nhuần tư tưởng của ông".
Trò chơi truyền hình mang tên "Nghiên cứu tư tưởng Tập trong Kỷ nguyên mới" kéo dài một giờ được phát vào giờ vàng trên kênh truyền hình tỉnh Hồ Nam, kênh truyền hình phổ biến nhất. Nội dung chương trình gồm : nhắc lại lý thuyết và hai phần câu hỏi trắc nghiệm, chủ yếu tập trung vào cuộc đời và sự nghiệp, nhất là những giai đoạn làm nên "huyền thoại" Tập Cận Bình.
Le Figaro cho rằng mục tiêu của chương trình này là nhằm đánh bóng uy tín của ông chủ Bắc Kinh bên cạnh giới trẻ Trung Quốc, vốn dĩ không màng đến chính trị. Và nhất là để kiểm soát họ.
Nếu như giới chuyên gia không mấy tin chắc gì chế độ Trung Quốc có đạt được điều mình muốn hay không, nhưng có điều chắc chắn trên mạng xã hội không thiếu lời châm biếm : "Tất cả những ai trả lời sai chắc là sẽ phải bị giáo dục lại để đáp ứng đúng những đòi hỏi của Kỷ nguyên mới", như một lời bình phẩm trên mạng Vi Bác, một dạng Twitter của Trung Quốc.
Tin tặc : Cuộc chiến công luận
Nga bị tố cáo tấn công tin học nhắm vào nhiều định chế quốc tế là chủ đề quốc tế được một số báo Pháp quan tâm đến. Le Figaro chạy tựa "NATO phản ứng trước các vụ tấn công tin tặc từ Nga". Les Echos nhận định "Tấn công mạng : Những lời cáo buộc tuôn trào nhắm vào Nga".
Luân Đôn, La Haye, Bruxelles, Canberra, Ottawa và Washington hôm qua đồng loạt đưa ra nhiều bằng chứng, tố cáo quân báo Nga từ nhiều năm nay thực hiện nhiều vụ tấn công tin học.
Hôm 04/10, bộ trưởng quốc phòng Hà Lan, Anke Bijleveld, cho biết đã kịp thời phá vỡ một chiến dịch dọ thám của Nga nhằm vào Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OIAC) đóng trụ sở tại La Haye. Bốn nhân viên quân báo Nga bị bắt tại hiện trường với đầy đủ tang vật là những thiết bị nghe lén. Những người này đã bị trục xuất ngay trong ngày.
Theo các nhà điều tra Hà Lan, những người này tìm cách thâm nhập vào các hồ sơ điều tra của OIAC như vụ chuyến bay MH-17 của Malaysia bị tên lửa có nguồn gốc từ Nga bắn hạ trên không phận Ukraina, cuộc điều tra sử dụng vũ khí hóa học tại Syria hay như vụ đầu độc cựu điệp viên người Nga Serguei Skripal tại Anh, người mà tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Tư 03/10 xem như là một "kẻ đểu giả và phản bội".
Với xã luận nhật báo La Croix, đây thật sự là một "cuộc chiến dư luận". Căng thẳng trỗi dậy bất thình lình mang hơi hướm chiến tranh lạnh một lần nữa cho thấy một dạng đối đầu chiến lược mới giữa Nga và các nước láng giềng phương Tây.
Tờ báo viết : "Sự thay hình đổi dạng của cuộc đối đầu này chủ yếu nhắm vào một thách thức có tính chất quyết định cho sự ổn định của xã hội phương Tây : niềm tin của công luận vào hệ thống dân chủ và tự do, vốn dĩ đang ngự trị trong lòng các xã hội đó.
Thế giới số hóa mang đến cho nhiều quốc gia và nhiều nhóm có những ý đồ xấu xa nhân đôi khả năng làm đảo lộn các nguyên tắc cơ bản hình thành nên các nền dân chủ : khai mở, tự do ngôn luận và thông tin."
Do đó, theo nhật báo công giáo này, bên cạnh các nỗ lực từ chính phủ, "cuộc chiến dư luận này còn lệ thuộc vào khả năng khuyến khích người dân tham gia của các nước dân chủ. Chính các nền xã hội dân sự và truyền thông phải phát triển sức đề kháng của mình để có được một sự kháng cự tập thể".
Nam Mỹ bên bờ hỗn loạn
Nhìn sang Nam Mỹ, Les Echos có bài phân tích đề tựa "Năm của mọi sự nguy hiểm tại Châu Mỹ Latinh". Từ Venezuela, Nicaragua, Argentina cho đến Brazil, mỗi nước một kiểu khủng hoảng. Nhật báo kinh tế lần lượt điểm lại từng thành viên một.
Đầu tiên hết là Venezuela. Khủng hoảng kinh tế, chính trị Venezuela đã đẩy hàng triệu con người bỏ xứ chạy sang các nước láng, gây ra một cuộc bầu không khí căng thẳng với Colombia, Brazil và Peru. Đến mức, tổng thư ký Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ, Luis Almagro, cũng như là tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc đến khả năng can thiệp quân sự lật đổ chế độ Maduro.
Nicaragua cũng như Venezuela, một chế độ cánh tả, cũng đang trải qua những giai đoạn khủng hoảng tàn khốc. Tham quyền cố vị, tổng thống Daniel Ortega thẳng tay đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình làm khoảng từ 300-500 người chết, dẫn đến làn sóng di dân tràn sang Costa Rica. Điều trớ trêu là chính ông Ortega năm 1979 đã đứng lên lật đổ chế độ độc tài khát máu Somoza.
Argentina tiếp tục xoay vần với khủng hoảng tài chính tưởng chừng đã qua, xảy ra cách nay 17 năm. Đương nhiên Quỹ Tiền Tệ IMF lại phải giang tay trợ giúp, nhưng gần đến kỳ tổng tuyển cử dự kiến tháng 10/2019, tổng thống Mauricio Macri có nguy cơ đối mặt với nhiều làn sóng phản đối.
Tiếp đến là Brazil. Sau khi nữ tổng thống Dilma Rousseff bị phế truất năm 2016, quốc gia Nam Mỹ lớn nhất này giờ đang bị suy yếu chính trị. Gần đến ngày bầu cử tổng thống Chủ Nhật 07/10, phe cực hữu trỗi dậy mạnh mẽ sau quyết định của tư pháp bác bỏ tư cách ứng viên tổng thống của ông Lula, đang thọ án tù vì những cáo buộc tham nhũng.
Còn tại Colombia, bóng mây "khủng hoảng" cũng đang rình rập với việc ông Ivan Duque thắng cử. Hòa bình có được tại đất nước này sau nửa thế kỷ giao tranh với quân du kích FARC mong manh hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, tân tổng thống đòi xem xét lại thỏa thuận lịch sử có được giữa chính phủ tiền nhiệm với FARC.
Vì đâu nên nỗi ? Les Echos cho rằng chính tình trạng bạo lực triền miên và nạn tham nhũng hoành hành là hai nguyên nhân chính dẫn đến những bất ổn ngày nay.
Nước Pháp lo quá tải khách du lịch
Về thời sự nước Pháp, xã luận của báo Le Monde quan tâm đến những mặt trái của việc quá đông khách du lịch. Bài viết đề tựa "Du lịch bên bờ quá tải".
Le Monde cảnh báo : Nâng cao tính hấp dẫn nhưng cũng đừng bỏ qua những hệ quả tiêu cực của hiện tượng du lịch ồ ạt. Nhật báo nhìn nhận du lịch giá rẻ đã cho phép hàng tỷ người dân thuộc tầng lớp trung lưu có thể đến tham quan những điểm du lịch nổi tiếng ở Châu Âu. Và dịch vụ du lịch cũng đã tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Vấn đề là những đám đông du khách lại tập trung quá đông vào một số ít điểm tham quan, đến mức các cơ sở hạ tầng về giao thông và tiếp đón đã trở nên quá tải, tạo ra sự mất cân đối lớn ở cấp độ địa phương.
Giá bất động sản tăng vọt, việc làm chỉ tập trung vào những công việc có tính chất thời vụ và lương thấp, môi trường bị xuống cấp, thành phố bị biến đổi thành các bảo tàng, các khu vui chơi giải trí hay các địa điểm ăn uống thường trực.
Cuối cùng, Le Monde cho rằng đã đến lúc chính phủ nên có những biện pháp điều chỉnh dòng du khách sao cho kỳ nghỉ của người này không là địa ngục cho người khác.
Trang nhất các báo Pháp
Tình hình kinh tế, chính trị và xã hội là đề tài chính trên một số nhật báo. Le Monde đặt câu hỏi lớn : "Macron : Cuộc cải tổ nào để thoát khủng hoảng ?". Les Echos hoan hỉ thông báo : "Kinh tế Pháp lại khởi sắc". La Croix chú ý đến vấn đề đạo đức y sinh học với câu hỏi lớn "Ẩn danh cho tinh trùng sớm được dỡ bỏ ?".
Libération quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống Brazil. Trên nền ảnh chân dung ứng viên Jair Bolsonaro mờ ảo, nhật báo thiên tả khẳng định : "Phân biệt chủng tộc, bài người đồng tính, ghét phụ nữ, thích độc tài nhưng ông ấy đang mê hoặc Brazil".
Riêng Le Figaro nhìn lại một năm phong trào Metoo với những nghi vấn : "Một năm sau vụ Weinstein, những gì đã làm thay đổi giữa cánh đàn ông và chị em phụ nữ". Le Figaro còn dành một góc nhỏ trên trang nhất để nói đến hiện tượng "Tại Trung Quốc, khi đảng cộng sản truy lùng những sinh viên Mác-xít".
Minh Anh