Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa : Kurdistan sẽ phải trả giá vì đòi độc lập (RFI, 01/10/2017)

Sau cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập, được tổ chức vào ngày 25/09 vừa qua, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan tiếp tục đe dọa người Kurdistan Iraq là sẽ trả đũa và chỉ trích mạnh mẽ lãnh đạo Kurdistan Iraq, ông Massoud Barzani. Hôm qua, 30/09/2017, nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa là người Kurdistan sẽ phải trả giá vì đòi độc lập.

kurd1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, ngày 30/09/2017, dọa bóp nghẹt kinh tế Kurdistan - Reuters/Murad Sezer

Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer cho biết thêm thông tin :

"Thay vì cho thực hiện các đe dọa trừng phạt được nêu ra trong suốt cả tuần qua, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan tiếp tục lớn tiếng chỉ trích người Kurdistan Iraq. Ông cam kết sẽ đánh vào túi tiền của vùng tự trị này, bằng cách đóng cửa biên giới, khóa van ống dẫn dầu, không cho xuất khẩu dầu lửa của vùng này được trung chuyển qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Erdogan cho rằng đã bị ông Massoud Barzani, chủ tịch vùng Kurdistan Iraq đánh lừa, vì trước đó, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ chủ tịch Kurdistan Iraq khi phải đối mặt với Bagdad, bằng cách cấp cho vùng này các khoản tín dụng trị giá hơn một tỷ đô la và đã từng đón tiếp lãnh đạo Kurdistan một cách trọng thị tại phủ tổng thống ở Ankara. Do vậy, hôm qua, nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ có một bài diễn văn rất cứng rắn. Ông nói : Chúng ta không ân hận về những gì chúng ta đã làm cho họ trong quá khứ. Giờ đây, do các các điều kiện đã thay đổi, do chính phủ vùng phía bắc Iraq mà chúng ta đã liên tục ủng hộ, đã cho tổ chức trưng cầu dân ý bất chấp ý kiến của chúng ta, vậy thì họ sẽ phải trả giá.

Vẫn theo tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức hôm thứ Hai vừa qua chỉ mở lại một vết thương trong khu vực. Trước đó, nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ đã từng nêu ra nguy cơ một cuộc chiến tranh sắc tộc và tín ngưỡng.

Ông Erdogan cũng gợi ý là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ngần ngại can thiệp vào Iraq, nhất là để bảo vệ người Iraq gốc Thổ ở Kirkouk. Tỉnh nàycó trong phạm vi cuộc trưng cầu dân ý vừa qua, cho dù nằm ở ngoài vùng Kurdistan và để cho người Kurdistan kiểm soát từ năm 2014 khi tổ chức Nhà Nước Hồi giáo tấn công".

**********************

Mỹ không thừa nhận trưng cầu dân ý Kurdistan (RFI, 30/09/2017)

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Washington "không công nhận" cuộc trưng cầu dân ý "đơn phương" về nền độc lập của vùng Kurdistan Iraq, đồng thời kêu gọi các bên kềm chế và đối thoại để tìm ra giải pháp.

kurd2

Cờ Kurdistan tại thành phố Erbil, thủ phủ vùng tự trị Kurdistan tại Iraq. Reuters/Alaa Al-Marjani

Trong một thông cáo đề ngày 29/09/2017, ngoại trưởng Mỹ đánh giá cuộc trưng cầu dân ý về của người Kurdistan tại Iraq đòi độc lập với Bagdad là một "cuộc bỏ phiếu và kết quả thiếu tính chính đáng. Hoa Kỳ ủng hộ một nước Iraq thống nhất, dân chủ và phồn thịnh (...) Washington đề nghị các bên, kể cả các nước láng giềng của Iraq, hãy từ bỏ mọi biện pháp đơn phương, tránh dùng vũ lực".

Lãnh đạo ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi chính quyền của người Kurdistan tại Iraq tôn trọng vai trò hợp hiến của chính phủ trung ương, và đề nghị Bagdad từ bỏ đe dọa dùng vũ lực.

Về phần Paris, trong thông cáo ngày 29/09/2017, phủ tổng thống Pháp nhấn mạnh tầm quan trọng phải duy trì thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq, đồng thời tôn trọng các quyền của nhân dân Kurdistan.

Phản ứng về cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của người Kurdistan tại Iraq, Iran ngày 30/09/2017 đã ra lệnh cấm tất cả các hãng vận tải chuyên chở các sản phẩm dầu mỏ ra vào vùng của người Kurdistan tại Iraq, cho đến khi có lệnh mới.

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Bị cáo buộc "biển thủ công quỹ", tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte ngày 30/09/2017 thông báo không hợp tác với các cơ quan điều tra, đồng thời khẳng định không chịu trách nhiệm trước cơ quan này.

duterte1

Người biểu tình đốt hình nộm tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Manille, 21/09/2017Reuters

Trong một phát biểu nặng lời, xỉ vả, tổng thống Rodrigo Duterte giận dữ chỉ trích cơ quan điều tra chống tham nhũng là "vô tích sự", những lời cáo buộc là những lời "dối trá", các bằng chứng đưa ra là "tạo dựng", và các nhà điều tra là những kẻ "nói dối như Cuội"…

Tổng thống Philippines đã có thái độ như trên là do hồi tuần trước cơ quan chống tham nhũng thông báo điều tra về những cáo buộc cho rằng ông Duterte cất giấu nhiều tài khoản ngân hàng trị giá ước tính hàng triệu đô la.

Tuy nhiên, phản ứng trên của tổng thống Philippines đã trái ngược hoàn toàn với thông cáo trước đó. Phát ngôn viên phủ tổng thống khẳng định ông Duterte sẽ tuân thủ và tin tưởng vào sự công minh của cơ quan điều tra.

Cuộc điều tra được mở ra theo đơn kiện của nghị sĩ đối lập, Antonio Trillanes, cáo buộc tổng thống Philippines đã biển thủ công quỹ trong suốt hai thập niên làm thị trưởng thành phố Davao, một thành phố lớn ở phía nam Philippines.

AFP nhắc lại ông Rodrigo Duterte, 72 tuổi, được bầu làm tổng thống vào năm 2016 dựa trên một chương trình chống buôn ma túy và tham nhũng triệt để.

RFI tiếng Việt 

Published in Châu Á

Tình hình khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên không làm Mỹ lơi là Biển Đông. Hôm 30/09/2017, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan tiến hành một cuộc tập trận thường lệ trong vùng biển mà Bắc Kinh tranh giành với các láng giềng Đông Nam Á, dưới sự theo dõi của tàu chiến Trung Quốc.

hq1

Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan tại Biển Nhật Bản ngày 01/06/2017. Reuters

Ngày thứ Bảy vừa qua, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan thuộc hải đội tác chiến chủ chốt của hạm đội 7 cùng với các chiến đấu cơ F-18 tiến hành một cuộc thao dượt thường lệ ở Biển Đông. Và cũng như thường lệ, các động thái của hải đội luôn luôn bị Trung Quốc theo dõi khi từ xa, lúc tiến gần. Theo phó đô đốc Marc Dalton, chỉ huy trưởng hải đội, vào lúc máy bay Mỹ thao dượt, hai chiến hạm Trung Quốc xuất hiện trong tầm nhìn. Trong quá khứ, đôi khi chiến hạm Trung Quốc ở trong tầm ra-đa của USS Ronald Reagan trong nhiều ngày liên tiếp.

Cũng theo nguồn tin này, có lần hàng không mẫu hạm Mỹ yêu cầu chiến hạm Trung Quốc "hộ tống" một đoạn đường khi có "thay đổi quan trọng trong lộ trình".

Tình hình Biển Đông bất ổn định do Bắc Kinh tự cho có chủ quyền trên phần lớn diện tích. Hoa Kỳ và hai đồng minh Châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản phản đối điều mà các nước này gọi là thái độ của Trung Quốc "khi dễ" hải quân các nước láng giềng. Mỹ đã nhiều lần yêu cầu hải quân Trung Quốc rút khỏi những vùng biển đảo không thuộc chủ quyền.

Cuộc thao dượt của hải đội tác chiến Mỹ tại Biển Đông diễn ra vào lúc Washington và Bình Nhưỡng đang lao vào một cuộc chiến tranh cân não, đe dọa hủy diệt lẫn nhau.

Hãng tin Iran , PressTV.ir, trích dẫn một nguồn tin quân sự Mỹ từ Washington, cho biết là trong hai tuần lễ tới, USS Ronald Reagan có thể sẽ được điều động lên phía bắc để cùng tập dợt ở "mức độ cao" với hải quân Hàn Quốc.

Tú Anh

Published in Châu Á

Miến Điện : Người Rohingya tiếp tục bỏ làng đi vượt biên (RFI, 01/10/2017)

Hơn 2000 dân làng Rohingya đang tập hợp dọc theo một vùng duyên hải Miến Điện, tìm cách vượt biển sang Bangladesh. Báo chí chính thức Miến Điện, sau một thời gian im lặng, bắt đầu đưa tin về số phận sắc dân thiểu số bị ngược đãi.

myanmar1

Thuyền nhân Rohingya trong đêm ngày 29/09/2017 vào được đất liền gần Cox's Bazar, Bangladesh. Reuters

Theo nhật báo Nhà nước Global New Light of Myamar được AFP trích dẫn hôm thứ Bảy 30/09/2017, trong tuần đã có hơn 2000 người Rohingya kéo về bờ biển làng Lay Yin Kwin, chờ cơ hội vượt biển. Các bức ảnh cho thấy từng nhóm phụ nữ, trẻ em ngồi trên bãi cát dưới sự canh chừng của cảnh sát. Cảnh sát Miến Điện cho biết họ đã ngăn chận khoảng 20.000 dân Rohingya vượt qua biên giới sang Bangladesh.

Cũng theo nhật báo này, các viên chức chính phủ thuyết phục dân Rohingya ở lại với lời trấn an là cuộc sống của họ được an ninh và bảo đảm. Tuy nhiên, các dân làng trả lời là họ "dứt khoát đi Bangladesh".

Tình trạng người Rohingya tiếp tục bị truy bức đã gây tổn hại cho uy tín của bà Aung San Suu Kyi, Nobel Hoà Bình 1991, nay là người nắm thực quyền dân sự tại Miến Điện nhưng bị quân đội chi phối. Liên Hiệp Quốc lên án chính quyền Miến Điện "thanh lọc sắc tộc".

Theo AFP, đại học Anh Quốc danh tiếng Oxford thông báo quyết định gỡ bức chân dung của người sinh viên cũ "Aung San Suu Kyi" cất đi , thay thế bằng một bức tranh của một danh họa người Nhật, Yoshihiro Takada.

Từ năm 1964 đến 1967, sinh viên Aung San Suu Kyi, theo học các môn chính trị, kinh tế và triết học tại Oxford.

Tú Anh

*************************

Gần 90 NGO lên án quân đội Miến Điện phạm "tội ác chống nhân loại" (RFI, 30/09/2017)

Miến Điện tiếp tục lún sâu trong khủng hoảng người Rohingya. AFP ngày 29/09/2017 cho biết gần 90 tổ chức phi chính phủ, NGO, lên án các "tội ác chống nhân loại" nhằm vào sắc tộc thiểu số Hồi giáo Rohingya, và yêu cầu Liên Hiệp Quốc xem xét khả năng cấm vận vũ khí đối với Miến Điện.

myanmar2

Thuyền nhân Rohingya trong đêm 29/09/2017 vào được đất liền gần Cox's Bazar, Bangladesh.Reuters

Trong một thông cáo chung, 88 tổ chức phi chính phủ, trong đó có những tổ chức bảo vệ nhân quyền uy tín trên thế giới như Human Rights Watch, Ân Xá Quốc Tế. khẳng định "Những bằng chứng mới đang xuất hiện cho thấy rõ ràng các hành động tàn bạo của lực lượng an ninh Miến Điện là những tội ác chống nhân loại".

Các tổ chức phi chính phủ nói trên đề nghị Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết về Miến Điện, đồng thời yêu cầu Hội Đồng Bảo An xem xét một cách nghiêm túc việc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với quân đội Miến Điện và có các biện pháp trừng phạt những cá nhân chịu trách nhiệm trong các vụ phạm tội ác đối với thường dân.

Thông cáo của các tổ chức phi chính phủ cũng kêu gọi các nước "ngừng ngay lập tức viện trợ và hợp tác quân sự với Miến Điện".

Trong khi đó Liên Hiệp Quốc cho biết, ít nhất có 60 người Rohingya, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em từ Miến Điện vượt biên giới qua Bangladesh đã bị chết hoặc mất tích trong vụ đắm phà trong vịnh Bengal.

Hôm 28/09/2017, Hội Đồng Bảo An đã mở phiên họp đầu tiên về tình hình Miến Điện kể từ khi cuộc khủng hoảng người Rohingya nổ ra cuối tháng 8. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng đã lên tiếng yêu cầu Miến Điện ngừng các chiến dịch quân sự, tạo điều kiện cho cứu trợ nhân đạo người Rohingya và tổ chức hồi hương người tị nạn. Hội Đồng Bảo An tới đây sẽ xem xét hồ sơ Miến Điện theo đề nghị của Pháp, chủ tịch luân phiên của Hội đồng trong tháng 10.

Anh Vũ

******************

LHQ yêu cầu Miến Điện cho tiếp cận nhân đạo giúp người Rohingya (RFI, 29/09/2017)

Lần đầu tiên kể từ 8 năm qua, thảm họa người Rohingya được thảo luận tại Hội Đồng Bảo An. Theo Liên Hiệp Quốc, từ tháng 08/2017 đến nay, khoảng nửa triệu người đã phải chạy sang Bangladesh để tránh bạo lực của quân đội Miến Điện. Giới ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc công khai nói đến khả năng trừng phạt các quan chức Miến Điện có liên quan trong hồ sơ này.

myanmar3

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres trong phiên họp Hội Đồng Bảo An về khủng hoảng Rohingya, New York 28/09/2017. TIMOTHY A. CLARY / AFP

Từ New York, thông tín viên Marie Bourreau gửi về bài tường trình :

"Đó là một ác mộng nhân đạo và một ác mộng đối với các quyền của con người. Tổng thư ký Antonio Guterres đã tóm tắt tình hình như vậy. Vào lúc Rangoon lấy cớ thời tiết xấu để hủy chuyến thị sát của phái đoàn Liên Hiệp Quốc tại bang Rakhine, được dự kiến vào ngày hôm qua, lãnh đạo Liên Hiệp Quốc lại một lần nữa yêu cầu Miến Điện phải cho phép tiếp cận nhân đạo, không được ngăn cản.

Ông nói : Trong những ngày vừa qua, chính quyền Miến Điện đã nhiều lần tuyên bố là chưa đến lúc để có thể cho tiếp cận nhân đạo và không bị cản trở. Thật sự là rất đáng tiếc vì tình hình tại đây có những nhu cầu lớn. Liên Hiệp Quốc cần phải được phép đến ngay lập tức những vùng bị tác động.

Phiên họp công khai này cũng là dịp để gia tăng áp lực đối với Rangoon. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley tuyên bố : "Không nên lo sợ khi gọi đúng tên các hành động của chính quyền Miến Điện. Đó là một chiến dịch quân sự tàn bạo và liên tục ở nước này nhằm thanh lọc một sắc tộc thiểu số. Và chính quyền lãnh đạo cấp cao tại Miến Điện lẽ ra phải hổ thẹn về những hành động này".

Rangoon đã điều cố vấn an ninh quốc gia đến dự phiên họp. Quan chức này bác bỏ danh từ thanh lọc chủng tộc và bảo đảm rằng đó chỉ là một chiến dịch chống khủng bố. Ông ta cũng hứa hẹn sẽ cho các tổ chức nhân đạo của Liên Hiệp Quốc được tiếp cận nhân đạo ngay từ thứ Hai tuần tới, đồng thời mời tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tới đánh giá tình hình tại chỗ".

RFI tiếng Việt

***********************

Hồ sơ Rohingya : Trung Quốc ủng hộ Miến Điện vì lợi ích kinh tế (RFI, 29/09/2017)

Trong khi quốc tế phản đối việc chính quyền Miến Điện trấn áp người Hồi giáo thiểu số Rohingya ở bang Rakhine, thậm chí Liên Hiệp Quốc còn coi đó là chiến dịch "thanh lọc sắc tộc", chính phủ nước này lại có được sự ủng hộ quý giá của Trung Quốc. Hồi giữa tháng 09/2017, ngoại trưởng Trung Quốc phát biểu là Bắc Kinh "ủng hộ các nỗ lực của Miến Điện để gìn giữ sự ổn định và phát triển của đất nước". Đó là vì Bắc Kinh muốn duy trì các dự án kinh tế khổng lồ tại bang Rakhine, thêm vào đó vùng này lại nằm trên trục "con đường tơ lụa mới".

myanmar4

Cố vấn Nhà nước, ngoại trưởng Miến Điện Aung San Suu Kyi và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqianging) tại lễ ký các hiệp định hợp tác song phương, Bắc Kinh, Trung Quốc, 18/08/2016 Reuters

Hồi tháng 04/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho trải thảm đỏ đón tiếp đồng nhiệm Miến Điện Htin Kyaw và nhấn mạnh phải triển khai ngay lập tức các dự án hợp tác then chốt, trong đó có dự án "đặc khu kinh tế Kyaukpya". Kyaukpya là một thành phố thuộc bang Rakhine, miền tây Miến Điện, nằm cách khu vực xảy ra xung đột dữ dội nhất khoảng 200km về phía nam.

Là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Miến Điện, trong những năm qua, Trung Quốc đã củng cố vị thế tại miền tây nước này, nơi sinh sống chủ yếu của người Hồi giáo thiểu số Rohingya. Bang Rakhine có tầm quan trọng sống còn đối với Bắc Kinh vì Trung Quốc muốn đảm bảo an toàn cho đường ống dẫn dầu và khí ga tự nhiên từ Trung Đông tới tỉnh Vân Nam, miền tây nam Trung Quốc, để tránh phải đi qua eo biển Malacca, nằm giữa Malaisia và Indonésia.

Vào tháng 04/2017, sau bảy năm lắp đặt, đường ống dẫn dầu khồng lồ nối từ bang Rakhine - Miến Điện tới tỉnh Vân Nam - Trung Quốc đã được hoàn thành. Theo cơ quan chủ quản, tập đoàn Nhà nước Trung Quốc CNPC, Miến Điện đã đầu tư 1,2 tỉ đô vào công trình trên, còn Bắc Kinh đầu tư 1,24 tỉ đô la.

AFP cho biết, theo số liệu của tập đoàn nhà nước CITIC của Trung Quốc, trong khuôn khổ dự án "Con đường tơ lụa mới", từ nay tới năm 2038, Bắc Kinh phải đầu tư hơn 9 tỉ đô la vào một cảng nước sâu ở Kyaukpya và vào một khu kinh tế 1000ha.

Bà Sophie Boiseau du Rocher, chuyên gia về Đông Nam Á, thuộc Viện Quan Hệ Quốc tế của Pháp (IFRI) nhận định là các "dự án kinh tế quy mô lớn" nói trên của Bắc Kinh chính là chìa khóa để chính quyền Miến Điện có được sự ủng hộ của Trung Quốc.

Đối với lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi, phát triển kinh tế là vấn đề then chốt tại bang Rakhine, một trong những bang nghèo nhất của Miến Điện, với tỉ lệ đói nghèo lên tới 78%, cao hơn gấp 2 lần tỉ lệ đói nghèo bình quân của cả nước.

Hồi tháng 01/2016, phó chủ tịch tập đoàn CITIC của Trung Quốc đã từng nới tới việc "chia lãi dự án cho Miến Điện và người dân địa phương", xây dựng 50 bệnh viện tư và 50 trường học tại vùng này. Tuy nhiên, cho tới nay, các lời hứa của phó chủ tịch tập đoàn CITIC vẫn chưa được thực hiện.

Còn bà Alexandra de Mersan, nhà nghiên cứu của Viện Quốc Gia Về Ngôn Ngữ và Văn Minh Phương Đông (INALCO), một chuyên gia về Miến Điện cho AFP biết : "Các dự án khổng lồ của Trung Quốc tại bang Rakhine khiến người dân địa phương vô cùng bất mãn vì họ không thấy bất cứ một hệ quả tích cực nào". Theo một báo cáo hồi tháng 08/2017 của Ủy ban quốc tế về Miến Điện, do cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lãnh đạo, lợi nhuận của các dự án kinh tế thường rơi vào tay chính quyền Naypyidaw và các doanh nghiệp nước ngoài, và hậu quả là chính phủ Miến Điện bị dân chúng coi là lợi dụng, bóc lột người dân.

Cũng như nhiều vùng khác ở Miến Điện, dưới lòng đất tại bang Rakhine rất giàu khoáng sản, nhiên liệu, đặc biệt là khí đốt. Đối với nhiều chuyên gia, xung đột hiện nay có liên quan tới các lợi09/2017) ích kinh tế, chứ không chỉ đơn thuần liên quan tới tôn giáo.

So với các khu vực khác, cho tới khi cuộc xung đột sắc tộc xảy ra, đất đai ở bang Rakhine vẫn không bị những người thân cận với chính quyền dân sự chiếm đoạt nhiều. Nhưng nay thì mọi chuyện đã thay đổi, bởi vì theo nhà xã hội học Saskia Sassen, đất đai ở bang Rakhine đã trở nên quý giá do có các dự án đầu tư của Trung Quốc. Và chính quyền quân sự Miến Điện rất quan tâm tới mảnh đất mà người Rohingya buộc phải bỏ lại để chạy trốn khỏi cuộc trấn áp của chính quyền.

Thùy Dương

**********************

Rohingya : Miến Điện cho các tổ chức nhân đạo LHQ vào vùng Rakhine (RFI, 28/09/2017)

Vào lúc Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mở cuộc họp về hồ sơ người Rohingya, ngày 28/09/2017, Miến Điện trên nguyên tắc cho phép một số các tổ chức nhân đạo đến bang Rakhine, nơi xảy ra xung đột từ cuối tháng 8/2017, gần một nửa triệu người Rohingya phải di tản sang Bangladesh. Nhưng theo tin giờ chót, họ đã hoãn chuyến đi này do thời tiết xấu.

myanmar5

Cố vấn an ninh quốc gia của Miến Điện Thaung Tun sau cuộc họp về tình hình người Rohingya tại Đại Hội Đồng LHQ ngày 18/09/2017. Reuters/Stephanie Keith

Trong cuộc họp báo ngày 27/09/2017 từ New York, đại diện Liên Hiệp Quốc, Stéphane Dujarric hy vọng đây là "bước đầu" thể hiện thiện chí của chính quyền Miến Điện, cho dù nhân viên Liên Hiệp Quốc sẽ được "hộ tống" đến bang Rakhine.

Nhiều tổ chức nhân đạo trực thuộc Liên Hiệp Quốc hoạt động tại Rangun đã được lệnh rời khỏi bang Rakhine vào tháng 08/2017 khi quân đội Miến Điện mở chiến dịch tấn công phe nổi dậy người Rohingya, với hậu quả là hàng trăm ngàn người thuộc sắc tộc thiểu số Hồi giáo này phải chạy sang biên giới Bangladesh lánh nạn. Trong suốt một tháng qua, các nhà hoạt động nhân đạo quốc tế liên tục yêu cầu được quay trở lại vùng đang có xung đột.

Có nhiều nguồn tin tố cáo quân đội Miến Điện đốt phá làng mạc của người Rohingya và gài mìn dọc theo đường biên giới với Bangladesh để ngăn cản gần 500.000 triệu người tị nạn quay trở về.

Phía quân đội từ đầu tuần thông báo tìm thấy nhiều hố chôn tập thể tại những ngôi làng của người Ấn Độ giáo trong khu vực và tố cáo các phần tử nổi dậy người Rohingya là thủ phạm sát hại hơn 50 dân làng. Lực lượng vũ trang ARSA của người Rohinga "cực lực" bác bỏ những cáo buộc trên.

Thể theo yêu cầu của 7 quốc gia, trong đó có Anh, Pháp và Mỹ, chiều nay, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, Hội Đồng Bảo An họp bàn về hồ sơ người Rohingya dưới sự chủ tọa của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres.

Thanh Hà

Published in Châu Á

Venezuela : Dân đói khổ, lãnh đạo kiên định "xã hội chủ nghĩa"

vene1

Người dân Venezuela xếp hàng mua giấy vệ sinh và tã trẻ em tại Caracas. Reuters/Carlos Garcia Rawlins

Thiếu đói, ba phần tư dân số sụt mất 9 kí lô

L’Obstuần này nhìn sang Venezuela tại Châu Mỹ La-tinh, viết về "Maduro, nhà độc tài vùng Caribê". Lũng đoạn tư pháp, vô hiệu hóa Quốc hội, tra tấn những người đối lập trong lúc dân tình đói khổ… Trong ba năm qua, người kế nhiệm Hugo Chavez đã dập tắt những ngọn lửa leo lét cuối cùng của cuộc cách mạng Bolivar.

Tờ báo cho biết, theo nghiên cứu của một trường đại học, chỉ trong một năm qua, gần ba phần tư người dân Venenezuela đã bị sụt mất trung bình 9 kí lô. Sữa, mì, dầu ăn, trứng… tất cả đều thiếu thốn. giáo viên bỏ lớp, bác sĩ rời bệnh viện để đi xếp hàng mua thực phẩm, xà bông… Họ phải chọn lựa, hoặc xếp hàng 5 đến 10 tiếng đồng hồ một ngày, hoặc phải trả cái giá gấp năm lần khi mua ngoài chợ đen. Có thể làm gì khác hơn, khi một giảng viên đại học đầy kinh nghiệm lương chỉ có 40 đô la mỗi tháng ?

Tại các khu lao động cũng như những khu phố sang trọng của thủ đô Caracas, người dân phải đi lục thùng rác. Mùa hè vừa qua, có những con thú biến mất khỏi sở thú, cảnh sát cho rằng những người bắt cóc chúng là để ăn thịt. Có đến 9/10 hộ gia đình khẳng định không có đủ thức ăn, và 10 triệu người mỗi ngày chỉ ăn một bữa, hầu hết là để nhường phần cho con. Ông Pedro José Garcia Sanchez, nhà xã hội học Venezuela nay sống ở Paris thổ lộ với tuần báo L’Obs : "Tôi nhận được những email đầy tuyệt vọng của bạn bè cũ, các giảng viên, cán bộ, van nài tôi giúp đỡ. Trước đây khi về Caracas, tôi mang theo gan béo, rượu vang ngon làm quà, thì bây giờ các va li của tôi nhét đầy những mặt hàng thiết yếu".

Ngày lại ngày, đất nước chìm dần vào khủng hoảng, còn tổng thống Nicolas Maduro lại chối bỏ thực tế, từ chối viện trợ lương thực. Từ năm 2014, khi các siêu thị bắt đầu trống rỗng, ông kêu gọi "Đừng tiêu thụ quá trớn". Maduro tố cáo "những kẻ tư bản lợi dụng" đã đầu cơ, tạo ra nạn khan hiếm giả tạo ; và các "đế quốc", đứng đầu là Mỹ, đã "bức hại Venezuela về tài chính". Ông mặc kệ hai triệu người dân Venezuela phải tị nạn ở Brazil, Ecuador hay Colombia – những nước láng giềng nghèo mà trước đây Venezuela nhìn bằng nửa con mắt. "Ai không yêu nước mình thì cứ việc ra đi, chúng ta không cần họ".

Cực tả Châu Âu vẫn bênh vực đất nước của "chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21"

Bạo lực của lực lượng an ninh đã làm ít nhất 115 người chết từ tháng Tư đến tháng Bảy ? Đó là do lỗi của người biểu tình. Bắt bớ các lãnh đạo đối lập ? Đó là những kẻ muốn đảo chính. Giựt dây tư pháp, gây áp lực lên báo chí, hủy trưng cầu dân ý vì biết sẽ thua, vô hiệu hóa Quốc hội từ khi đối lập chiếm đa số năm 2016… Trong ba năm, ông Maduro đã phá sập từng thành lũy một của dân chủ, và mới nhất là việc dựng lên Quốc hội lập hiến, thâu tóm mọi quyền lực.

Nhà xã hội học Garcia Sanchez khẳng định : "Rõ ràng đó là một chế độ kiểu Stalin áp đặt một cách tuần tự, khiến nó trở nên hết sức hiệu quả". Cũng như nhiều nhà ly khai khác, ông ngạc nhiên trước sự im lặng của cộng đồng quốc tế.

Theo L’Obs, đó là vì phe cực tả khắp Châu Âu vẫn dành cảm tình cho "chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21" mà Hugo Chavez hứa hẹn. Ngay tại Pháp, thủ lãnh đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất là ông Jean-Luc Mélenchon chưa bao giờ có một lời nào phê phán. Khi gọi Nicolas Maduro là "nhà độc tài", tổng thống Emmanuel Macron đã bị phe này chỉ trích dữ dội. Nhưng liệu có cách gọi nào khác cho một chế độ đang giam giữ ít nhất 600 tù nhân chính trị, trong những điều kiện tồi tệ ? Những bằng chứng do Human Rights Watch thu thập được cho thấy những người tù bị bỏ đói, không cho ngủ, tra tấn, bị buộc phải ăn phân…

Chiếc bóng của Cuba

Ông Hector Navarro, cựu bộ trưởng thời Chavez cho biết, Hugo Chavez trước đây biết lắng nghe, còn Nicolas Maduro chỉ thích bao quanh mình là những kẻ phỉnh nịnh. Xuất thân là tài xế xe buýt, Maduro là nhà hoạt động nghiệp đoàn đầy tham vọng, quen điều hành những cuộc biểu tình, "một kẻ quấy rối chuyên nghiệp". Maduro nhanh chóng leo lên những bậc thang của Liên đoàn Xã hội, một phong trào nhỏ có liên hệ chặt chẽ với Cuba, sau đó trở thành đệ tử trung thành của Chavez. Vài năm sau khi được bổ nhiệm làm ngoại trưởng, Maduro theo hẳn chính sách của La Habana.

Nhà xã hội học Margarita Lopez Maya nhấn mạnh : "Ông ta toàn sang đảo quốc nhờ cố vấn. Nhiều nhà ngoại giao Venezuela đã từ chức, Maduro bèn thay thế bằng người của mình, những quân nhân chẳng biết gì về đối ngoại. Ông ta hoàn toàn bị Cuba khống chế". Năm 2012 khi Chavez lâm bệnh nặng, việc chọn người kế vị rất đơn giản, tuy Nicolas Maduro không hề có được sự thu hút của Hugo Chavez lần tầm nhìn của Fidel Castro. Bà Maya nói : "Maduro chỉ là một người thừa hành, luốn thực hiện chính xác những gì Chavez yêu cầu".

Castro đã áp đặt sự chọn lựa này chăng ? Cha Luis Ugalde, giảng viên đại học Dòng Tên vốn hiểu rất rõ chế độ cho biết : "Đây là chủ đề thảo luận giữa Chavez đang hấp hối và lãnh đạo Cuba". Điều duy nhất có thể khẳng định là La Havana đã vớ bở. Hiện nay G2, cơ quan tình báo đầy quyền lực của Cuba, vẫn đang chiếm trọn một tầng lầu trong tòa nhà của cơ quan tình báo Venezuela !

Thuyền trưởng bất lực trước giông bão

Nhưng Nicolas Maduro không có được tầm vóc của một vị thuyền trưởng, đặc biệt là trong phong ba bão tố. Chiếc tàu mà ông được thừa kế có nguy cơ bị chìm đắm. Trước đây, nhờ nguồn lợi trời cho là dầu lửa, người hùng Chavez đã vung tiền không cần đếm, như một người trúng số độc đắc. Chavez chiếm được cảm tình của các nước láng giềng, các đảng anh em, và của nhân dân, với những chương trình xã hội hào phóng. Nhưng ông không hề chuẩn bị cho tương lai : không đầu tư vào sản xuất, không dự trữ ngoại hối, không có quỹ đầu tư. Khi Chavez qua đời, ngân sách quốc gia trống rỗng.

Không may cho Maduro : giá dầu thô thời Chavez từ 8 đô la tăng vọt lên 120 đô la một thùng, nhưng đến khi Maduro lên kế vị lại rơi xuống chỉ còn 20 đô la. Làm thế nào bây giờ ? "Con trai của Chavez" - như người ta mệnh danh – chỉ còn giải pháp tình thế. Quân đội tha hồ buôn lậu, tham nhũng. Dù có trữ lượng vàng đen thuộc loại lớn nhất thế giới, từ hai năm qua, Venezuela bắt đầu phải nhập dầu lửa.

Tình hình y tế rất thê thảm : không còn insuline hay vắc-xin, không có thuốc cho người bị SIDA lẫn bệnh nhân ung thư cần hóa chất để trị liệu… Cũng như Liên Xô trong cuộc khủng hoảng thập niên 80, người bệnh phải cung cấp găng y tế và gạc cho bác sĩ nếu muốn được giải phẫu. Chính phủ không còn công bố những con số thống kê về tỉ lệ tử vong trẻ em, sự tái xuất hiện của một số bệnh như bại liệt…

Tổng sản phẩm nội địa sụt 30% trong ba năm liên tiếp – một kỷ lục thế giới – lạm phát trên 50% hàng tháng đối với thực phẩm, và trong nửa đầu năm 2017, giá cả đã tăng 366%. Hậu quả là trên 3/4 người dân sống dưới ngưỡng nghèo khó. Nếu năm 2001, Venezuela là nước giàu nhất Châu Mỹ la-tinh, thì nay vừa nằm trong số nước nghèo nhất, lại vừa nguy hiểm nhất : tỉ lệ các vụ giết người lên đến 91,8 trên 100.000 dân, cao gấp 20 lần so với Bắc Mỹ. Bị nghẹt thở vì món nợ khổng lồ, Venezuela nay đành phải bán mình cho Trung Quốc.

Ông Maduro sẽ còn đi đến đâu ? Nhà phân tích Mauricio Hernandez cho rằng : "Sẽ đi càng xa càng tốt nếu có thể, để duy trì quyền lực. Những người thân cận đều biết họ đang lao thẳng vào băng sơn, nhưng cũng hiểu rằng nếu mất quyền, họ có nguy cơ vào tù".

Cuba mở hé cửa thị trường, nhưng vẫn chống tư bản !

Cũng về Châu Mỹ La-tinh, Le Monde Diplomatique nhận định "Cuba thích kinh tế thị trường nhưng lại không muốn tư bản chủ nghĩa". Chủ tịch Raul Castro loan báo sẽ rời chức vụ vào năm 2018, người kế vị có thể là Miguel Diaz-Canel, sinh sau khi Fidel lên ngôi ở La Habana. Đây là một cuộc cách mạng nho nhỏ, sau khi ông Raul cố gắng đưa mô hình kinh tế Cuba thích ứng với thời thế.

Các nhà quan sát ghi nhận, chủ tịch 86 tuổi Raul Castro đã bỏ qua nhiều dịp kỷ niệm : 55 năm cách mạng chiến thắng, 161 năm ngày sinh người hùng José Marti… Từ khi lên thay người anh Fidel, ông Raul đã mở cửa cho những người làm ăn cá thể, với 201 nghề nghiệp được cho phép, chủ yếu là nghề thủ công. Các tiểu chủ còn được mời tham dự cuộc diễu hành trang trọng nhân ngày lễ Lao Động 1/5. Năm ngoái, đảo quốc đã tiếp đón đến 4 triệu khách du lịch.

Nhưng năm 2016, lần đầu tiên Cuba bị suy thoái (-0,9%), dầu thô được Venezuela bán với giá hữu nghị đã giảm 40%. Người dân phải tự xoay sở bằng mọi cách để sinh tồn, nhưng phe cứng rắn trong chính quyền vẫn coi lãnh vực tư nhân là kẻ thù của cách mạng. Nhà kinh tế Pedro Monreal nhận xét, trong khi hầu hết các nước cố gắng xóa đói giảm nghèo, thì Cuba lại đấu tranh chống giàu có !

Aung San Suu Kyi, thần tượng sụp đổ

Thảm trạng của người Rohingya tại Miến Điện, tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, chiến thắng mang dư vị đắng của thủ tướng Đức Angela Merkel, Catalunya đấu tranh đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha… là những vấn đề thời sự quốc tế được các tuần báo Pháp kỳ này quan tâm.

Về Châu Á, Le Courrier International có hồ sơ "Miến Điện : Tất cả đều chống lại người Rohingya". Điều trớ trêu là quân đội vốn bị ghét bỏ sau 50 năm độc tài quyền lực, nay lại giành được tính chính danh khi tấn công lực lượng ARSA mới thành lập của người Rohingya mới thành lập, khiến trên 400.000 thường dân phải di tản. Nhưng chính sự im lặng của giải Nobel hòa bình Aung San Suu Kyi mới gây sốc cho phương Tây.

Trong bài "Aung San Suu Kyi, thần tượng sụp đổ", tờ Mekong Review ở Sydney tỏ ý tiếc là Lady của Yangon đã rơi xuống khỏi chiếc bục mà phương Tây đã dựng lên. Từ khi lên nắm quyền, bà luôn từ chối đề cập cụ thể đến vấn đề người Rohingya. Năm 2015, bà cấm các thành viên theo đạo Hồi của đảng LND ra ứng cử Quốc hội, và đến 2016 còn yêu cầu các viên chức và ngoại giao đoàn không dùng từ "Rohingya", thay vào đó là "những người Hồi giáo bang Arakan".

Bán nguyệt san Mỹ The New Republic nêu lên thắc mắc của nhiều người : "Liệu đó có phải là bà Aung San Suu Kyi thực sự hay không ?". Lá thư ngỏ của hơn một chục giải Nobel hòa bình gởi lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tháng 12/2016 về nạn đàn áp người Rohingya đã khiến tên tuổi bà bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều chuyên gia về Miến Điện gọi bà Suu Kyi là "nhà dân chủ độc tài". Sử sách sẽ ghi lại cái tên Aung San Suu Kyi như một ngôi sao rơi rụng, một thần tượng có đôi chân bằng đất sét.

Hồng Kông : Cuộc chiến biểu ngữ của sinh viên đòi độc lập

Cũng về Châu Á, Le Monde cuối tuần cho biết "Tại Hồng Kông, những người đòi độc lập đấu tranh bằng biểu ngữ". Nếu mùa tựu trường 2016 được đánh dấu bằng việc phát các tờ rơi vận động cho độc lập trước các trường trung học và đại học ở Hồng Kông, thì mùa khai trường năm nay ý tưởng này lại xuất hiện tại giảng đường, các diễn đàn đại học.

Tại sáu trường đại học Hồng Kông uy tín nhất, những bức tường để dán những mẩu rao vặt bỗng đầy những áp-phích kêu gọi độc lập cho Hồng Kông. Phe thân Bắc Kinh bèn thức suốt đêm để gỡ bỏ, dán chồng lên những áp-phích tuyên truyền cho chế độ, và trong nhiều trường hợp, bảo vệ nhà trường phải can thiệp để tránh xô xát giữa hai bên.

Nhưng cuộc đấu khẩu bộc phát dữ dội vào giữa tháng Chín, do trong một cuộc tập hợp những người thân Bắc Kinh, dân biểu Hà Quân Nghiêu (Junius Ho) và cán bộ quận Tăng Thụ Hòa (Tsang Shu Wo), tuyên bố rằng các lãnh đạo phong trào dân chủ xứng đáng "bị giết chết không thương tiếc". Báo chí Hồng Kông so sánh với thời Cách mạng Văn hóa, 22 dân biểu đối lập ra thông cáo chung lên án. Còn về các biểu ngữ, nghiệp đoàn trường đại học danh giá Hong Kong U đòi hỏi phải có quy định rõ ràng về những gì được và không được dán, nếu không thì phải để sinh viên tự do biểu đạt.

Tổng thống Pháp biếu không 4,5 tỉ euro cho những người giàu nhất ?

Về thời sự nước Pháp, tuần san L’Obs đăng ảnh tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên trang nhất và đặt câu hỏi "Canh bạc 4,5 tỉ euro : Tại sao ông đem cho người giàu ?". Kể từ năm 2018, tổng thống Pháp giảm đến 4,5 tỉ euro tiền thuế cho những người giàu có nhất, với hy vọng số tiền này sẽ được tái đầu tư vào nền kinh tế. Nhưng theo tờ báo, đây là một canh bạc đầy rủi ro.

Những người được lợi nhiều nhất trong việc cải cách sắc thuế đánh vào tài sản (ISF) chỉ chiếm 1% dân số Pháp. Đó là khoảng 280.000 gia đình rất giàu : có thu nhập trên 30.000 euro/tháng, hoặc có tài sản trị giá trên 2 triệu euro. Một đại biểu hội đồng quận 15 Paris than thở : "Làm thế nào giải thích cho những người tuổi 60 sở hữu một căn hộ cũ là họ sẽ bị đánh thuế nhiều hơn các nhân viên giao dịch chứng khoán trẻ tuổi đi xe Ferrari ?".

Ngủ đủ giấc tránh được béo phì, đau tim, tiểu đường…

Trên lãnh vực xã hội, Le Point dành hồ sơ cho giấc ngủ. Theo những phát hiện mới nhất của khoa học, thì giấc ngủ ngon vô cùng quan trọng cho sức khỏe, khả năng tập trung tư tưởng, trí nhớ và cả sự thành công.

Không phải là ngẫu nhiên khi con người phải dành đến một phần ba cuộc đời để ngủ. Theo Viện nghiên cứu về giấc ngủ (INSV), những phụ nữ ngủ dưới 6 giờ/ngày, có 34% nguy cơ bị béo phì, còn đối với nam giới thì lên đến 50%. Nguy cơ bị đau tim và cao huyết áp tăng 48%, đột quỵ 15%, bên cạnh đó là tiểu đường, ung thư.

Đối với các nhà lãnh đạo, ngủ ít không có nghĩa là làm việc được hiệu quả hơn. Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton từng thú nhận : "Tất cả những sai lầm lớn mà tôi phạm phải trong cuộc đời đều là do mệt mỏi". Đức giáo hoàng Francis mỗi ngày đều dành ra 40 phút cho giấc ngủ trưa.

Tất nhiên là luôn có những người không thích theo quy luật tự nhiên, mà người nổi tiếng nhất đang ngự trong Nhà Trắng. Ông Donald Trump khoe rằng chỉ ngủ bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày, nên có nhiều thì giờ hơn các đối thủ. Trong thời gian tranh cử, đôi khi ông chỉ ngủ có 90 phút mà thôi. Thế nên mới có chuyện ông viết Twitter mắng cô hoa hậu hoàn vũ Alicia Machado vào lúc ba giờ rưỡi sáng.

Thụy My

Published in Quốc tế

Bắc Triều Tiên không thiếu cách kiếm tiền

Báo chí Pháp ngày 29/09/2017 tập trung nhiều vào thời sự nội tình nước Pháp với các đề tài liên quan đến các cải cách kinh tế xã hội của chính phủ hay ngân sách chi tiêu của Pháp cho năm 2018 vừa được công bố. Riêng nhật báo công giáo La Croix đặt Bắc Triều Tiên vào trọng tâm sự kiện của tờ báo. Trang nhất của La Croix đặt câu hỏi lớn thể hiện thắc mắc chung của dư luận quốc tế : "Bắc Triều Tiên kiếm tiền từ đâu ?" để chi phí cho chương trình hạt nhân.

btt1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (P) tại nhà máy dệt may Kim Jong Suk ở Bình Nhưỡng 20/12/2014. KCNA via Reuters/File Photo

Theo La Croix, Bắc Triều Tiên có thể cầm cự được với các trừng phạt của quốc tế, bởi từ lâu nay đất nước này đã dựng được một mạng lưới công ty bình phong để che giấu phần lớn nguồn thu từ buôn bán. Ngoài ra, Bắc Triều Tiên còn một nguồn thu khác đó là bán sức lao động của hàng nghìn kiều dân của họ ở nước ngoài.

Vì phát triển chương trình hạt nhân, Bắc Triều Tiên bị quốc tế liên tiếp trừng phạt, mỗi ngày thêm nặng hơn. Câu hỏi mà La Croix đặt ra là : Liệu các trừng phạt đó có làm cho Bình Nhưỡng phải chùn bước ? Câu trả lời là ít có khả năng. Theo tờ báo, "Bắc Triều Tiên sẽ phải gặp khó khăn, nhưng sẽ không nhanh chóng chịu khuất phục do nền kinh tế của nước này vững chãi hơn nhiều như người ta tưởng" .

Từ nhiều năm qua, chế độ Bình Nhưỡng đã khuyến khích phát triển các doanh nghiệp tư nhân loại nhỏ nằm trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp nhỏ đóng góp từ 30 đến 50% tổng thu nhập của Bắc Triều Tiên và trong năm 2016 có mức tăng trưởng 4%. Theo số liệu của Ngân hàng Quốc gia Hàn Quốc.

La Croix trích dẫn chuyên gia Bắc Triều Tiên, bà Juliette Morillot, cho biết : "Các doanh nhân đó tạo thành một tầng lớp xã hội mới. Đó là những chủ nhà hàng, tài xế taxi hay các nhà xuất nhập khẩu. Họ hoạt động trong khắp vùng Đông Nam Á và kiếm được cũng khá. Cần phải thoát khỏi suy nghĩ về một Bắc Triều Tiên đói khổ…"

La Croix hệ thống lại những nguồn thu nhập chủ yếu của đất nước vẫn bị đánh giá là khép kín, cô lập nhất thế giới này :

Về thương mại :

Năm 2016, xuất khẩu của Bắc Triều Tiên đạt doanh số khoảng 5,5 tỷ euro. Trong đó đa số xuất sang Trung Quốc với các mặt hàng như than đá, sản phẩm dệt may, các thiết bị gia dụng nhỏ, hải sản… Theo tờ báo, trong số các đối tác thương mại của Bình Nhưỡng, người ta còn thấy có Ấn Độ, Pakistan hay thậm chí cả Pháp.

Số liệu của hải quan năm 2016 cho thấy nhiều mặt hàng như tôm cá, xe nâng hàng với giá trị 10 triệu euro đã được nhập vào Pháp. Các nước như Ấn Độ, Sri Lanka hay Pakistan, bất chấp lệnh cấm vận quốc tế, vẫn nhập các kim loại quý hiếm từ Bắc Triều Tiên trong thời gian từ 2016-2017. Ngoài hàng tiêu dùng, báo cáo của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho biết Bắc Triều Tiên còn xuất khẩu vũ khí, khí tài sang hàng chục nước Châu Phi.

Về xuất khẩu lao động :

Đây là nguồn thu không hề nhỏ của chế độ Bình Nhưỡng. Theo các báo cáo điều tra về các hoạt động xuất khẩu lao động của Bắc Triều Tiên, nhân công xuất khẩu Bắc Triều Tiên phải làm việc 16 giờ mỗi ngày, hơn 6 ngày mỗi tuần, 80% thu nhập của họ phải nộp cho Nhà nước.

Chủ yếu lao động Bắc Triều Tiên làm việc trong các ngành xây dựng, nông nghiệp, công nghiệp… Họ được thuê qua các công ty trung gian. Hiện có khoảng từ 50 đến 200 nghìn người Bắc Triều Tiên đang lao động ở nước ngoài. Trong đó khoảng 20 nghìn người đang làm việc tại các công trình xây dựng ở Nga hay trong ngành khai thác gỗ tại Siberia.

Ngoài ra người ta có thể thấy lao động xuất khẩu Bắc Triều Tiên ở Trung Quốc, Trung Đông hay cả ngay trong Liên Hiệp Châu Âu, như Ba Lan hoặc Malta. Mỗi năm nguồn lao động này mang về cho ngân sách Nhà nước khoảng 200 triệu euro.

Đường dây ngầm và hoạt động tội phạm mạng

Không chỉ có làm ăn buôn bán, nhật báo công giáo cho rằng chế độ Bắc Triều Tiên còn tìm kiếm nguồn thu từ các mạng lưới ngầm được xây dựng từ lâu nay. Bình Nhưỡng đã tập trung đào tạo các chuyên gia tin học hàng đầu thế giới. Đội quân này đang bị nghi ngờ đã tham gia tấn các hệ thống mạng đánh cắp tiền của nhiều ngân hàng trong vùng Đông Nam Á.

La Croix kết luận : Những hoạt động kiếm tiền như vậy đã "phác họa hình ảnh một đất nước đã tổ chức một nền kinh tế riêng để không bị lệ thuộc vào ai, đồng thời tận dụng đầy đủ lợi thế quá trình toàn cầu hóa bằng các phương pháp che đậy tinh vi".

Những lao động bán hợp pháp Bắc Triều Tiên ở Ba Lan

Để minh họa thêm cho chủ đề nguồn thu của chế độ Bình Nhưỡng. Thông tín viên của La Croix tại Warsawa có bài viết "Tại Ba Lan, những người bị bóc lột vô hình một các hoàn toàn hợp pháp".

Bài báo cho biết "Hiện ở Ba Lan có khoảng 500 lao động Bắc Triều Tiên. Được trả lương rẻ mạt, tuy nhiên họ có giấy phép lao động và Công Đoàn Đoàn Kết công nhận sự có mặt của họ". Những người Bắc Triều Tiên đó làm việc trên các công trường xây dựng hoặc khai thác nông nghiệp, nhưng không mấy ai thấy họ.

Những lao động này được tổ chức ăn ở theo nhóm, được vận chuyển đến nơi làm việc dưới sự giám sát chặt chẽ của bảo vệ và phiên dịch. Họ không dám ăn tiêu gì, bởi Nhà nước Bắc Triều Tiên, qua các công ty trung gian, đã chiết khấu phần lớn mức lương khoảng 500 đô la mỗi tháng của họ.

Nhật Bản : Shinzo Abe phá bài chơi lại

Vẫn liên quan đến Châu Á, nhật báo Le Figaro trở lại sự kiện thủ tướng Nhật Shinzo Abe, hôm 28/09 tuyên bố giải tán Quốc hội để bầu lại vào ngày 22/10 tới.

Bài viết nhận định : Ông Shinzo Abe "toan tính lợi dụng sự suy yếu của đối lập, mối đe dọa Bắc Triều Tiên để khẳng định lại quyền lực của mình với đa số". Trong khi đó, Nghị Viện Nhật đang bị tê liệt vì những cuộc tranh luận không ngớt về những vụ bê bối trong chính phủ.

Le Figaro trích dẫn các chuyên gia về Nhật cho rằng "người Nhật không đánh giá cao Shinzo Abe nhưng họ thấy bằng lòng với ông, bởi ông hiện thân cho sự ổn định".

Tuy nhiên theo bài báo, ông Shinzo Abe cũng đang đứng trước không ít thách thức chính trị do sự chống đối nhân dịp này sẽ bùng lên. Điển hình là thống đốc vùng Tokyo, Yuriko Koike đã đứng ra thành lập đảng mới lấy tên Đảng Hy Vọng và ngay lập tức đã thu hút đông đảo lực lượng từ Đảng Dân Chủ, đang là đối lập chính với đảng cầm quyền Đảng Dân Chủ Tự Do.

Bàn cờ chính trị của Nhật Bản đang được phá đi, chơi lại và cuộc chơi sẽ rất căng thẳng, nhất là từ sau ngày bầu lại Quốc hội 22/10 tới đây.

Ukraine : Cuộc chiến ngôn ngữ

Le Monde có bài viết mang hàng tựa đáng chú ý : "Kiev chọc giận các láng giềng về các ngôn ngữ thiểu số". Lý do là vì bộ luật gây nhiều tranh cãi, theo đó bắt buộc sử dụng tiếng Ukraine trong trường học từ nay đến năm 2020.

Le Monde ghi nhận : "Vấn đề ngôn ngữ ở Ukraine là nguồn cội của một cuộc khủng hoảng chưa từng có giữa Kiev với nhiều láng giềng của họ", vượt ra khỏi khuôn khổ cuộc chiến chống tuyên truyền Nga. Khởi nguồn của vấn đề đó là hôm 5 tháng 9, Quốc hội Ukraine đã thông qua một bộ luật giáo dục và đã được tổng thống Petro Porochenko ký ban hành ngày 26/9. Trong bộ luật này, phần nhậy cảm nằm ở chương về ngôn ngữ.

Theo văn kiện luật mới, các trường học ở Ukraine từ nay đến năm 2020 sẽ chỉ được sử dụng ngôn ngữ chính thức quốc gia là tiếng Ukraine. Trong khi đó pháp luật hiện hành vẫn cho phép trẻ em của các cộng đồng thiểu số được theo học bằng tiếng mẹ đẻ.

Theo Le Monde, chính quyền hiện nay ở Kiev cam kết thực thi chính sách "Ukraine hóa" để củng cố bản sắc dân tộc nhằm xóa bỏ những dấu tích của nước Nga cũng như của chế độ Xô Viết do lịch sử để lại.

Ngay từ khi được bỏ phiếu ở Quốc hội, bộ luật cải cách giáo dục này đã làm dấy lên những chỉ trích mạnh mẽ, không chỉ từ phía Nga mà cả từ nhiều quốc gia Châu Âu khác, trong đó có cộng đồng thiểu số dân của mình sống tại Ukraine như Bulgaria, Hy lạp, Romania, Hungary hay Moldavia.

Nhiều nước đã lên tiếng chính thức bằng con đường ngoại giao để tỏ bất bình với Kiev. Quan hệ giữa Ukraine với các nước láng giềng có nguy cơ sứt mẻ với bộ luật giáo dục mang nặng tư tưởng dân tộc.

Tây Ban Nha : Khủng hoảng Catalunya, nguy hiểm khó lường

Cũng liên quan đến Châu Âu, các báo Pháp theo dõi với sự quan tâm đặc biệt cuộc đọ sức giữa những người chủ trương ly khai vùng Catalunya với chính quyền Tây Ban Nha, trước ngày 1/10, ngày chính quyền vùng tổ chức trưng cầu dân ý về nền độc lập của Catalunya, vốn dĩ bị Madrid quyết tâm chống.

Với hàng tựa : "Tại Catalunya, "mọi kịch bản đều có thể", La Croix ghi nhận không khí căng thẳng tại Catalunya, khi chỉ còn hơn 2 ngày nữa đến thời điểm tổ chức cuộc trưng cầu dân ý. Chưa biết điều gì sẽ xảy ra trong ngày Chủ Nhật 01/10 tới ?

Giới quan sát dự đoán mọi chuyện có thể xảy ra, kể cả bạo lực, hay chuyện bắt giữ lãnh đạo phe chủ trương độc lập Puigdemont. Các báo ở Tây Ban Nha thì dự đoán, dân Catalunya sẽ ồ ạt xuống đường, nhưng sẽ không có trưng cầu dân ý. Nhưng dù vậy câu hỏi chính vẫn là quan hệ giữa chính quyền vùng, giữa người Catalunya với trung ương sẽ ra sao ?

Anh Vũ

Published in Châu Á

Trung Quốc cố chiêu dụ các nước ASEAN (RFI, 28/09/2017)

Theo trang mạng The Diplomat, ngày 25/09/2017, một hạm đội của Trung Quốc đã đến cảng lớn nhất của Brunei trong khuôn khổ một chuyến "viếng thăm hữu nghị", kéo dài 3 ngày. Đây là một trong những biểu hiện của việc Bắc Kinh đang thúc đẩy quan hệ quốc phòng không chỉ với Brunei, mà còn với nhiều quốc gia khác của ASEAN, một hình thức chiêu dụ các quốc gia này nhằm đối lại với thế lực của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương.

tqaasean1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah tại Bắc Kinh ngày 13/09/2017. Reuters/Jason Lee

Đối với Brunei, Trung Quốc là một đối tác hết sức quan trọng cho việc củng cố và đa dạng hóa một nền kinh tế mà cho tới nay chủ yếu vẫn dựa vào dầu hỏa. Còn Bắc Kinh thì xem Brunei là một nguồn cung cấp năng lượng cần thiết và cũng là một tiếng nói hữu dụng đối với Trung Quốc trong khối ASEAN.

Quan hệ song phương Brunei-Trung Quốc đã tiếp tục được thắt chặt trong năm nay. Trong tháng này, chủ tịch Tập Cận Bình đã hội đàm với quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah tại Bắc Kinh, khi ông này đến dự Triển lãm Trung Quốc-ASEAN lần thứ 14. Hai nhà lãnh đạo nhân dịp đó đã bàn đến việc tăng cường quan hệ quốc phòng.

Theo The Diplomat, thật ra Brunei cũng đang mở rộng quan hệ với các quốc gia khác ở Châu Á như Nhật Bản hay Singapore, nhưng việc Trung Quốc tăng cường quan hệ quốc phòng với các nước ASEAN, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền Biển Đông vẫn nóng bỏng (mà trong đó Brunei cũng là một bên tranh chấp nhưng rất kín tiếng) chuyến "viếng thăm hữu nghị"của hạm đội Trung Quốc đến Brunei là một diễn biến đáng chú ý.

Nhưng đáng chú ý hơn nữa, đó là việc Trung Quốc đang nỗ lực thiết lập một mối quan hệ mới với Singapore, đồng minh của Mỹ. Tờ South China Morning Post ngày 27/09/2017 đã có một bài viết nhân chuyến viếng thăm vào tuần trước của thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đến Trung Quốc, trong bối cảnh sắp diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19.

Để chứng tỏ tầm quan trọng của mối quan hệ song phương này, cả 4 lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình, thủ tướng Lý Khắc Cường, chủ tịch Quốc Hội Trương Đức Giang và người lãnh đạo uỷ ban chống tham nhũng Vương Kỳ Sơn đều đã tiếp thủ tướng Lý Hiển Long.

Ông Tập Cận Bình đã ca ngợi "một chương sử mới" trong quan hệ Trung Quốc - Singapore, còn thủ tướng Lý Hiển Long thì cam kết sẽ làm việc chặt chẽ với Bắc Kinh để đưa mối quan hệ này lên một "cấp độ mới".

Tuy vậy, theo South China Morning Post, tình hình địa chính trị sẽ không thay đổi nhanh chóng. Những vấn đề căn bản còn tồn tại trong quan hệ Trung Quốc- Singapore sẽ không dễ gì mà giải quyết. Singapore sẽ không từ bỏ mối quan hệ truyền thống với Hoa Kỳ và Đài Loan để làm vừa lòng Trung Quốc.

Thế nhưng, Bắc Kinh đang thay đổi cách tiếp cận với Singapore, theo đúng chủ trương hiện nay của ông Tập Cận Bình là tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực và theo đúng tinh thần của "Sáng kiến Con đường và Vành đai" do chính ông tung ra. Dẫu sao, thế lực ngày càng mạnh của Trung Quốc buộc Singapore phải cân bằng lại quan hệ với hai cường quốc Mỹ-Trung.

Đối với Bắc Kinh, Singapore có vai trò ngày càng quan trọng, vì nước này không chỉ là cầu nối Trung Quốc với phương Tây, mà hiện đang là điều phối viên trong quan hệ Trung Quốc-ASEAN. Ấy là chưa kể, năm tới Singapore sẽ nắm chức chủ tịch luân phiên của ASEAN.

Cũng trong nỗ lực nhằm đối lại với ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực, Trung Quốc đang tăng cường quan hệ quân sự với Malaysia và các nước ASEAN khác, theo ghi nhận của trang mạng FMT (Free Malaysia Today) ngày 26/09/2017.

Trích tờ South China Morning Post, trang mạng này cho biết quan hệ giữa Kuala Lumpur với Bắc Kinh đã được thắt chặt, kể từ chính phủ Malaysia quay sang tìm nguồn cung cấp vũ khí từ Trung Quốc. Malaysia đã mua máy bay giá rẻ, chiến hạm, rocket từ Trung Quốc. Năm ngoái, hai nước đã ký một hiệp định trị giá 1,17 tỷ nhân dân tệ, hợp đồng quốc phòng lớn đầu tiên, về việc cùng sản xuất 4 tàu tuần duyên. Tháng tư vừa qua, Malaysia và Trung Quốc cũng vừa thành lập một ủy ban hợp tác quốc phòng.

Ngay cả quốc gia đồng minh lâu đời của Mỹ là Philippines nay cũng quay sang Trung Quốc kể từ khi tổng thống Rodriguez Duterte lên cầm quyền. Trong bối cảnh quan hệ Manila-Bắc Kinh nồng ấm lên, tháng 4 vừa qua, các chiến hạm của Trung Quốc lần đầu tiên từ năm 2010 đã đến thăm Philippines. Tháng 5 vừa qua, tổng thống Duterte đã ký một ý định thư mua 500 triệu đôla vũ khí và thiết bị quân sự từ một công ty Trung Quốc.

Tờ South China Morning Post cũng cho biết là Lào và Trung Quốc cũng đã tái khẳng định mối quan hệ quân sự trong chuyến viếng thăm 4 ngày của các quan chức Trung Quốc tại Lào trong tháng này. Nhân dịp đó, Bắc Kinh cũng đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ quân đội Lào. Tờ báo này cũng ghi nhận Trung Quốc là một trong những nước cung cấp vũ khí nhiều nhất cho Cam Bốt kể từ năm 2012 và Bắc Kinh cũng đang cấp nguồn tài chính cho quân đội Cam Bốt.

Trong khi đó, hợp tác quân sự giữa Thái Lan với Trung Quốc cũng đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, nhất là sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014. South China Morning Post nhắc lại rằng tháng 6 vừa qua, chính phủ Bangkok đã thông qua yêu cầu của Quân đội Hoàng gia Thái mua 34 thiết vận xa của Trung Quốc trị giá tổng cộng gần 70 triệu đôla. Cũng trong năm nay, Quốc Hội Thái Lan đã phê chuẩn kế hoạch mua 3 tàu ngầm của Trung Quốc. Hai nước cũng đã mở các cuộc tập trận chung, cả trên biển và trên bộ, trong tháng 5 và tháng 6.

Hiện đang khá căng thẳng với Indonesia trên vấn đề chủ quyền Biển Đông, Trung Quốc cũng đang cố chiêu dụ Jakarta, qua việc cho Indonesia mượn hai con gấu trúc (panda). Hai con gấu này vừa được đưa bằng máy bay từ Thành Đô đến Jakarta, theo tin của tờ Nikkei Asian Review ngày 28/09/2017.

Theo tờ báo Nhật, hiệp định "thuê" gấu trúc Trung Quốc đã được ký vào năm 2010, dưới thời tổng thống Susilo Bambang Yodhoyono. Khi loan báo thông tin hai gấu trúc này sắp đến Indonesia, đại biện của sứ quán Trung Quốc tại Jakarta xem đây là "một biểu tượng cho quan hệ song phương vững chắc hơn". Các lãnh đạo Indonesia cũng hy vọng là việc này sẽ giúp khôi phục quan hệ giữa hai nước.

Quan hệ Jakarta-Bắc Kinh đã xấu đi từ năm trước, do vụ các tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna, nam Biển Đông. Đối với Bắc Kinh, vùng này là vùng đánh cá truyền thống của ngư dân Trung Quốc.

Tranh chấp này đã ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế giữa hai nước. Kế hoạch cùng xây dựng đường xe lửa cao tốc Jakarta-Bandung hiện không tiến triển chút nào, dù hai bên đã ký hợp đồng về tài trợ.

Nhưng theo ghi nhận của Nikkei Asian Review, chính sách ngoại giao "panda" của Trung Quốc có vẻ không gây tác động như mong muốn của Bắc Kinh. Tâm lý chống Trung Quốc đang gia tăng ở nước này, một phần là do tin đồn hiện có đến khoảng… 20 triệu lao động Trung Quốc đang làm việc ở Indonesia, tin đồn mà chính quyền Jakarta đã bác bỏ. Thành ra báo chí Indonesia đã không loan tin nhiều về sự kiện hai con gấu trúc sắp đến nước này, khác với thái độ hồ hởi ở những nước khác đã từng được Trung Quốc cho mượn loài thú rất dễ thương này.

Thanh Phương

**************

Trung Quốc cố chiêu dụ các nước ASEAN (BBC, 28/09/20147)

Theo trang mạng The Diplomat, ngày 25/09/2017, một hạm đội của Trung Quốc đã đến cảng lớn nhất của Brunei trong khuôn khổ một chuyến "viếng thăm hữu nghị", kéo dài 3 ngày. Đây là một trong những biểu hiện của việc Bắc Kinh đang thúc đẩy quan hệ quốc phòng không chỉ với Brunei, mà còn với nhiều quốc gia khác của ASEAN, một hình thức chiêu dụ các quốc gia này nhằm đối lại với thế lực của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương. Đối với Brunei, Trung Quốc là một đối tác hết sức quan trọng cho việc củng cố và đa dạng hóa một nền kinh tế mà cho tới nay chủ yếu vẫn dựa vào dầu hỏa. Còn Bắc Kinh thì xem Brunei là một nguồn cung cấp năng lượng cần thiết và cũng là một tiếng nói hữu dụng đối với Trung Quốc trong khối ASEAN. Quan hệ song phương Brunei-Trung Quốc đã tiếp tục được thắt chặt trong năm nay.

Trong tháng này, chủ tịch Tập Cận Bình đã hội đàm với quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah tại Bắc Kinh, khi ông này đến dự Triển lãm Trung Quốc-ASEAN lần thứ 14. Hai nhà lãnh đạo nhân dịp đó đã bàn đến việc tăng cường quan hệ quốc phòng. Theo The Diplomat, thật ra Brunei cũng đang mở rộng quan hệ với các quốc gia khác ở Châu Á như Nhật Bản hay Singapore, nhưng việc Trung Quốc tăng cường quan hệ quốc phòng với các nước ASEAN, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền Biển Đông vẫn nóng bỏng (mà trong đó Brunei cũng là một bên tranh chấp nhưng rất kín tiếng) chuyến "viếng thăm hữu nghị" của hạm đội Trung Quốc đến Brunei là một diễn biến đáng chú ý. Nhưng đáng chú ý hơn nữa, đó là việc Trung Quốc đang nỗ lực thiết lập một mối quan hệ mới với Singapore, đồng minh của Mỹ.

Tờ South China Morning Post ngày 27/09/2017 đã có một bài viết nhân chuyến viếng thăm vào tuần trước của thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đến Trung Quốc, trong bối cảnh sắp diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19. Để chứng tỏ tầm quan trọng của mối quan hệ song phương này, cả 4 lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình, thủ tướng Lý Khắc Cường, chủ tịch Quốc Hội Trương Đức Giang và người lãnh đạo uỷ ban chống tham nhũng Vương Kỳ Sơn đều đã tiếp thủ tướng Lý Hiển Long. Ông Tập Cận Bình đã ca ngợi "một chương sử mới" trong quan hệ Trung Quốc - Singapore, còn thủ tướng Lý Hiển Long thì cam kết sẽ làm việc chặt chẽ với Bắc Kinh để đưa mối quan hệ này lên một "cấp độ mới".

Tuy vậy, theo South China Morning Post, tình hình địa chính trị sẽ không thay đổi nhanh chóng. Những vấn đề căn bản còn tồn tại trong quan hệ Trung Quốc- Singapore sẽ không dễ gì mà giải quyết. Singapore sẽ không từ bỏ mối quan hệ truyền thống với Hoa Kỳ và Đài Loan để làm vừa lòng Trung Quốc. Thế nhưng, Bắc Kinh đang thay đổi cách tiếp cận với Singapore, theo đúng chủ trương hiện nay của ông Tập Cận Bình là tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực và theo đúng tinh thần của "Sáng kiến Con đường và Vành đai" do chính ông tung ra. Dẫu sao, thế lực ngày càng mạnh của Trung Quốc buộc Singapore phải cân bằng lại quan hệ với hai cường quốc Mỹ-Trung. Đối với Bắc Kinh, Singapore có vai trò ngày càng quan trọng, vì nước này không chỉ là cầu nối Trung Quốc với phương Tây, mà hiện đang là điều phối viên trong quan hệ Trung Quốc-ASEAN. Ấy là chưa kể, năm tới Singapore sẽ nắm chức chủ tịch luân phiên của ASEAN.

Cũng trong nỗ lực nhằm đối lại với ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực, Trung Quốc đang tăng cường quan hệ quân sự với Malaysia và các nước ASEAN khác, theo ghi nhận của trang mạng FMT (Free Malaysia Today) ngày 26/09/2017. Trích tờ South China Morning Post, trang mạng này cho biết quan hệ giữa Kuala Lumpur với Bắc Kinh đã được thắt chặt, kể từ chính phủ Malaysia quay sang tìm nguồn cung cấp vũ khí từ Trung Quốc. Malaysia đã mua máy bay giá rẻ, chiến hạm, rocket từ Trung Quốc. Năm ngoái, hai nước đã ký một hiệp định trị giá 1,17 tỷ nhân dân tệ, hợp đồng quốc phòng lớn đầu tiên, về việc cùng sản xuất 4 tàu tuần duyên. Tháng tư vừa qua, Malaysia và Trung Quốc cũng vừa thành lập một ủy ban hợp tác quốc phòng.

Tờ South China Morning Post cũng cho biết là Lào và Trung Quốc cũng đã tái khẳng định mối quan hệ quân sự trong chuyến viếng thăm 4 ngày của các quan chức Trung Quốc tại Lào trong tháng này. Nhân dịp đó, Bắc Kinh cũng đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ quân đội Lào.

Tờ báo này cũng ghi nhận Trung Quốc là một trong những nước cung cấp vũ khí nhiều nhất cho Cam Bốt kể từ năm 2012 và Bắc Kinh cũng đang cấp nguồn tài chính cho quân đội Cam Bốt. Hiện đang khá căng thẳng với Indonesia trên vấn đề chủ quyền Biển Đông, Trung Quốc cũng đang cố chiêu dụ Jakarta, qua việc cho Indonesia mượn hai con gấu trúc (panda). Hai con gấu này vừa được đưa bằng máy bay từ Thành Đô đến Jakarta, theo tin của tờ Nikkei Asian Review ngày 28/09/2017.

Published in Châu Á

Châu Âu có thể tái lập kiểm soát biên giới trong khối Schengen

Hôm 27/09/2017, Ủy Ban Châu Âu đã đề xuất thay đổi các quy định của khối Schengen, thông báo khả năng tái lập việc kiểm soát biên giới các nước thành viên tối đa 3 năm trong một số trường hợp đặc biệt, để phòng chống các mối đe dọa, chẳng hạn nguy cơ tấn công khủng bố. Đồng thời Bruxelles ấn định mục tiêu tiếp đón 50.000 di dân trong vòng 2 năm, trực tiếp từ một nước thứ ba, ví dụ Lybia hoặc Niger, nhằm đảm bảo các di dân tới Châu Âu một cách an toàn và hợp pháp, tránh nguy cơ di dân thiệt mạng khi vượt Địa Trung Hải bất hợp pháp như tình trạng hiện nay.

schengen1

Một người di dân trên chiếc tàu cứu hộ MV Aquarius sau khi được tổ chức SOS Mediterranee vớt lên ở Địa Trung Hải ngày 15/09/2017. Reuters/Tony Gentile

Trong bài viết "Biên giới : Bruxelles sẵn sàng xem xét lại vấn đề tự do đi lại", báo Le Figaro nhận định các đề xuất trên của Ủy Ban Châu Âu vừa cứng rắn, vừa rất nhân đạo.

Theo quy định hiện hành của Liên Hiệp Châu Âu, việc kiểm soát biên giới một nước khối Schengen chỉ được phép thực hiện trong trường hợp an ninh quốc gia đó bị "đe dọa mạnh", với thời hạn 6 tháng. Thời hạn trên được đặc biệt kéo dài tối đa 2 năm nếu xảy ra tình trạng hỗn loạn tại biên giới giữa Liên Hiệp Châu Âu với bên ngoài, chẳng hạn khi xảy ra khủng hoảng di dân trầm trọng.

Nhiều nước, đứng đầu là Pháp và Đức, đã khẩn thiết đề nghị Ủy Ban Châu Âu sửa đổi các quy định hiện hành về kiểm soát biên giới để thích ứng với các nguy cơ mới về tấn công khủng bố.

Hôm qua, ủy viên Châu Âu Frans Timmermans cho biết : "Các nước thành viên phải có quyền hành động trong các trường hợp đặc biệt, khi họ phải đối mặt với các mối nguy nghiêm trọng". Nhưng quan chức Châu Âu trên cũng nhấn mạnh "các nước này phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt". Ông Frans Timmermans cũng cho biết các thủ tục cần thiết sẽ được xác định rõ ràng để tránh việc các quốc gia thành viên lạm dụng việc kiểm soát biên giới.

Mặc dù hoan nghênh đề xuất của Ủy Ban Châu Âu, ủy viên Châu Âu Dimitris Avramopoulos, phụ trách các vấn đề nội vụ và di dân, lại muốn Bruxelles sửa đổi hẳn luật biên giới trong khối Schengen, chứ không đơn thuần là kéo dài thời hạn kiểm soát biên giới hiện hành tại một số nước thành viên.

Châu Âu "trong mơ" của Tổng thống Pháp Macron

Vẫn liên quan tới Liên hiệp Châu Âu, ngày 26/09/2017, tại giảng đường lớn của Đại học Sorbonne, Paris, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trình bày trước giới sinh viên một kế hoạch đầy tham vọng nhằm tái thiết Liên Hiệp Châu Âu.

Trong bài xã luận "Châu Âu mà Emmanuel Macron ước mong", Le Monde nhận định cho dù công luận thấy việc tổng thống Pháp lại nói về Châu Âu một cách hào hứng, lạc quan và muốn hướng tới một Châu Âu đoàn kết hơn, dân chủ hơn là một điều khác thường, nhưng có lẽ vị tổng thống trẻ tuổi của Pháp đã không nhầm.

Trong những năm đầu thế kỷ XXI, giai đoạn mà những hoài nghi về Châu Âu ngày càng lớn, nước Anh ra khỏi Liên Hiệp và chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy, tổng thống Pháp Macron là lãnh đạo duy nhất trong số 27 lãnh đạo các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu thúc đẩy mạnh cải cách sâu rộng Liên Hiệp. Tại Pháp, trước tổng thống Macron chỉ có tổng thống François Mitterrand (1981-1994) là đặt nhiều niềm tin vào Châu Âu đến như vậy.

Theo báo Le Monde, trong bối cảnh Hoa Kỳ rút lui khỏi chính trường quốc tế, Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi không ngừng lớn mạnh, Châu Âu không còn sự lựa chọn. Nếu muốn tồn tại, nếu không muốn bị gạt ra bên lề sân chơi quốc tế, các thành viên Liên Hiệp phải đoàn kết.

Chủ quyền, giá trị, lợi ích của Châu Âu chỉ được đảm bảo nếu các nước thành viên gắn kết chặt chẽ, ít nhất là trong các lĩnh vực mà tổng thống Pháp đề xuất : an ninh, bảo vệ đường biên giới của Liên Hiệp, cơ cấu lại việc tiếp đón di dân, kiểm soát các đại tập đoàn công nghệ số, bảo vệ môi trường, cảnh quan và văn hóa, bảo vệ thị trường Châu Âu trước các hình thức cạnh tranh không lành mạnh. Tổng thống Pháp cũng đề xuất hàng loạt dự án cụ thể đi kèm.

Tổng thống trẻ tuổi Macron sẽ theo đuổi một cuộc chiến chính trị dài hơi : chống lại sự hoài nghi, chán ghét Liên Hiệp Châu Âu, chống lại sự bi quan ở Châu Âu. Và bi quan, vốn lại là một đặc trưng của người Pháp. Châu Âu trong mơ ước của tổng thống Pháp tươi đẹp tới mức ông Macron nghĩ tới khả năng nước Anh sẽ trở lại Liên Hiệp trong 10 năm nữa. Kết luận của Le Monde là "Tại sao lại không nhỉ ?".

Thụy Điển tập trận với NATO để đối phó với Nga

Trong lĩnh vực quân sự, trước mối đe dọa từ Nga, Thụy Điển đã phối hợp tổ chức và tiến hành tập trận với nhiều quốc gia, trong đó có nhiều nước thành viên Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong bài viết "Đối phó với Nga : Thụy Điển phối hợp tập trận với các nước", báo Le Monde cho biết từ ngày 11 đến ngày 29/09/2017, gần một nửa số quân nhân Thụy Điển - 19.500 người - tập trận chung với 1.800 binh lính Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Estonia, Mỹ, Pháp… Chiến dịch Aurora hiện đã bước vào giai đoạn cuối, với các bài tập bắn đạn thật, ở thị trấn Trosa, phía nam Stockholm.

Mặc dù mục tiêu là thử nghiệm khả năng phòng vệ của Thụy Điển, nhưng các cuộc tập trận cũng nhằm phô trương lực lượng của Thụy Điển. Bộ trưởng quốc phòng Peter Hutlqvist giải thích là Quốc Hội Thụy Điển vào năm 2015 đã ra quyết định phát triển quốc phòng và tổ chức tập trận quy mô lớn để gửi tới thế giới thông điệp là Thụy Điển sẵn sàng chiến đấu để phòng vệ, tăng cường sức mạnh quân sự và đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia khác.

Tại Thụy Điển, nơi đa phần dân chúng phản đối việc gia nhập NATO, kịch bản đợt tập trận theo đó Thụy Điển bị tấn công bất ngờ từ phía Đông, hàm ý nói tới nước Nga, đã chịu nhiều chỉ trích. Dân biểu cánh tả Stig Henriksson, phụ trách các vấn đề quốc phòng cho rằng, kịch bản tập trận giả định là có các đơn vị quân đội nước ngoài đóng tại Thụy Điển, kể cả trong thời bình, điều này là một dấu hiệu nguy hiểm, có nguy cơ gây bất ổn trong khu vực.

Bộ trưởng quốc phòng Peter Hutlqvist trấn an công luận là Thụy Điển vẫn độc lập với mọi liên minh quân sự, nhưng có thỏa thuận với một số nước, trong đó có vài thành viên NATO và phải tập trận chung để đảm bảo Thụy Điển sẵn sàng tiếp cận được sự trợ giúp từ bên ngoài hoặc phối hợp với nước ngoài để tiến hành các chiến dịch tại Thụy Điển.

Phát biểu của Bộ trưởng quốc phòng đã bị một tập hợp gồm 20 tổ chức vì mục đích "ngưng chiến dịch Aurora" phản đối. Chủ tịch tổ chức "Nói không với NATO" đánh giá : Khi tiến về phía NATO, Thụy Điển sẽ không thể thực hiện chính sách độc lập trong bối cảnh các căng thẳng đang gia tăng, trong khi đây lại là thời kỳ quan trọng nhất để đảm bảo sự trung lập giữa Nga và NATO.

Nhưng quan điểm trên lại khiến bộ trưởng quốc phòng Thụy Điển bực tức. Ông Peter Hutlqvist đáp trả rằng Thụy Điển không phải là một quốc gia hiếu chiến, nhưng nước này có quyền tập trận trong bối cảnh quốc phòng và chủ quyền có nguy cơ bị đe dọa. Mặc dù xác suất bị Nga tấn công rất thấp, nhưng Stockholm cũng phải lưu ý tới tình hình trong khu vực : Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea và có xung đột với Ukraine, Nga hiện cũng đang gây sức ép tới các nước vùng Baltic.

Úc chi tiền để người Rohingya "trở về cõi chết"

Trại tị nạn của Úc trên đảo Manus, thuộc Papua New Guinea, mà báo Le Figaro gọi là "biểu tượng đáng hổ thẹn cho chính sách nhẫn tâm của chính quyền Canberra đối với người di cư, tị nạn trái phép" sẽ phải đóng cửa vào ngày 31/10/2017.

Hiện chính phủ của thủ tướng MalcolmTurnbull đang tìm mọi cách để giải quyết số người đang bị giam giữ trên đảo Manus. Một trong những biện pháp là "Úc trả tiền cho người Rohingya để họ trở về nhà", như tiêu đề một bài viết trên báo Le Figaro.

Số tiền mà Canberra đề xuất trả cho mỗi người Rohingya hiện đang bị giam giữ trên đảo Manus là 25.000 đô Úc để họ trở về Miến Điện, nơi mà theo Liên Hiệp Quốc, đang diễn ra nạn "thanh lọc sắc tộc" nhắm vào cộng đồng Hồi giáo thiểu số Rohingya.

Le Figaro dẫn lời báo Anh The Guardian gọi đó là "tấm vé một chiều đi tìm cái chết, với những đồng đô la trong túi". Dù đề xuất này của Úc bị coi là sỗ sàng, nhưng một số người tị nạn Rohingya lại cho The Guardian biết là họ thà trở về và chết ở Miến Điện còn hơn phải sống cảnh tù đày ở đảo Manus, mà một số tổ chức nhân quyền gọi là "địa ngục", nơi họ bị lạm dụng tình dục, hành hạ cả về thể xác và tinh thần.

Biến đối khí hậu : người nghèo bị ảnh hưởng trước tiên

Chuyển sang lĩnh vực môi trường, khí hậu, báo Le Figaro trích kết luận của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế trong một nghiên cứu về hậu quả của biến đổi khí hậu tới nền kinh tế, theo đó "Biến đổi khí hậu tác động trước tiên tới người nghèo".

So với 15 năm đầu thế kỷ XX, nhiệt độ trong vòng 15 năm đầu thế kỷ XXI đã tăng trung bình 1,4 độ ở các nước phát triển (thường ở khu vực khí hậu ôn đới), 1,3 độ ở các nước có nền kinh tế mới nổi và 0,7 độ ở các nước đang phát triển (tập trung chủ yếu ở khu vực có khí hậu nóng hơn). Nhưng điều đó không có nghĩa là kinh tế của các nước đang phát triển ít chịu tác động của biến đổi khí hậu hơn so với các nước giàu.

Theo nghiên cứu của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, vào năm 2100, trái đất nóng dần sẽ làm giảm 9% thu nhập tính theo đầu người tại các nước kém phát triển nhất. Mực nước biển dâng cao sẽ đe dọa vài trăm triệu cư dân, nhất là người nghèo, và chỉ khoảng 4 triệu người Mỹ bị ảnh hưởng. Còn hạn hán và ngập lụt cũng đe dọa các quốc gia kém phát triển, mà Bangladesh là một ví dụ điển hình.

Trang nhất các báo Pháp

Hồ sơ được các báo Pháp quan tâm đưa lên trang nhất và dành nhiều trang bài phân tích, bình luận là dự toán ngân sách quốc gia 2018 mà chính phủ Pháp công bố ngày hôm qua 27/09.

Nhật báo Le Monde nói về "Người được, kẻ mất trong kế hoạch ngân sách đầu tiên dưới thời tổng thống Macron". Báo Le Figaro khái quát "Ngân sách 2018 : Thuế thu nhập giảm, chi tiêu vẫn tăng". Trong khi đó, báo công giáo La Croix chạy tít "Ngân sách 2018, những điều đang chờ quý vị". Còn "Ngân sách : Các mức thuế mới năm 2018" là tít trang nhất của báo kinh tế Les Echos.

Nhật báo Libération quan tâm tới cuộc đối đầu giữa vùng Catalunya và chính quyền Tây Ban Nha về việc tổ chức trưng cầu dân ý về quyền tự trị. Libération chơi chữ : "Catalunya, vết đứt gãy".

Thùy Dương

Published in Quốc tế

Ngày 15/09/2017, một vụ đánh bom trên tàu điện ngầm ở Luân Đôn đã xảy ra. Cảnh sát đã nhanh chóng truy lùng và bắt giữ hai nghi can được cho là thủ phạm. Tiến triển điều tra nhanh chóng giúp trấn an phần nào công luận. Mức độ báo động ngay lập tức đã được giảm xuống một bậc. Thế nhưng, chi tiết lai lịch về các nghi phạm này một lần nữa khiến xã hội Anh cảm thấy bất an về một khía cạnh khác của vấn đề an ninh : Đó là trẻ em nhập cư.

tre1

Người tị nạn chờ dịp sang Anh đang xếp hàng nhận đồ cứu trợ tại trại tập trung Calais (bắc Pháp).RFI

Theo tường thuật của thông tín viên Lê Hải tại Luân Đôn, câu chuyện có thể bắt đầu từ những khu lán trại di dân ở quanh cảng Calais của Pháp.

"Một người di dân ngồi trên đất Pháp, trong khu trại tạm cư có đầy đủ tiện nghi tối thiểu mà chính quyền và các nhóm thiện nguyện đã xây dựng để dành riêng cho di dân dưới 18 tuổi, chê nước Pháp và bày tỏ nguyện vọng muốn vượt biên tiếp vào Anh. Theo Công ước Quốc tế thì người đủ tuổi được đối xử bằng luật di dân tị nạn, còn trẻ em thì được bảo vệ bằng những điều luật có từ năm 1989, cần phải có chỗ ăn ngủ an toàn, điều kiện vui chơi học hành và tôn giáo hay quan điểm chính trị xã hội riêng.

Có không ít người lớn tuổi khai thành trẻ con, và giải thích khuôn mặt cùng dáng vẻ già dặn là do trải qua chiến tranh, lao động cực khổ nơi quê nhà, hay gian khổ trên đường vượt biên. Tất nhiên là có những gia đình cắn răng gửi con còn bé ra nước ngoài nhưng cũng có không ít người trưởng thành khai man để tận dụng kẽ hở của luật pháp.

Trên nguyên tắc người ta có thể kiểm tra răng hay xương để định tuổi một cách chính xác, nhưng làm như vậy lại phạm vào nhân quyền nếu đối tượng thực sự là trẻ con, và do vậy mà vấn đề tuổi tác của người tị nạn vẫn luôn là một điều tế nhị ngay cả trên truyền thông.

Chính phủ Anh gần đây chính thức không áp dụng việc kiểm tra răng xương để xác định tuổi. Mùa đông năm 2016, khi nước Anh bất ngờ mở cửa nhận ồ ạt một nhóm trẻ em từ Calais để đóng cửa lán trại ở đây, thì những đoạn phim trên truyền hình đã khiến người xem phản đối mạnh. Bởi vì, những người tự nhận là trẻ em lại trông không giống trẻ em, mà thậm chí có người có thể là đã 29 tuổi. Bộ trưởng Nội Vụ lúc đó đã phải lên truyền hình trấn an dân chúng nước Anh"

Người nghèo tại Anh và dân tị nạn : Bài toán xã hội nan giải

Bà Amber Rudd khi trả lời phỏng vấn giới truyền thông có nói đến khó khăn của chính quyền trong việc phân loại giữa những em bé mà bố mẹ phải cắn răng cho đi lánh nạn, và những người lợi dụng luật pháp để hưởng lợi.

Điều này cũng là câu chuyện gây tranh cãi trong các cộng đồng người Việt ở Châu Âu, vì trước kia đúng là có những người được cha mẹ cho đi vượt biên khi còn rất bé, phải tự tồn tại và vươn lên nơi đất khách quê người.

Ngày nay có nhiều người Việt sang đây khai là trẻ em, và sau đó thì bỏ trốn khiến cảnh sát Anh phải đưa vào danh sách tìm kiếm trên toàn quốc, và không phải ai cũng bị phát hiện là người lớn trong cuộc phỏng vấn xác định tuổi.

Vừa rồi là một khán giả bày tỏ sự tức giận trên truyền hình về việc nhiều người tị nạn trông rất già mà vẫn được coi là trẻ em. Câu hỏi đặt ra phải chăng là người dân Anh không có tinh thần tương thân tương ái ? Anh Lê Hải cho biết tiếp :

"Thật ra cũng cần phải nhìn từ phía người dân Anh. Nhiều người trong số họ muốn đề cao tinh thần nhân đạo và sẵn sàng đón nhận tất cả người tị nạn. Đó chính là điều khiến cho nước Anh là điểm đến lý tưởng cho các làn sóng di cư từ đủ mọi nơi đổ về, so sánh với nước Pháp hầu như là không nhận người tị nạn và nước Đức thì chế độ đãi ngộ sau khi nhận không dễ dàng lỏng lẻo như ở đây.

Chính vấn đề này đang tạo ra một sự chia rẽ rất lớn trong lòng dân chúng mà hầu như báo chí chỉ dè dặt nhắc đến. Ví dụ có người Anh nghèo vô gia cư ngủ ngoài đường chờ rất lâu vẫn không có nhà xã hội, thì người tị nạn chỉ cần đến đăng ký là có ngay xe chở về nhà ở tạm.

Một bên là lòng trắc ẩn được luật hóa bằng các công ước quốc tế và tòa án Anh quốc, còn một bên là cảnh nghèo khổ của chính bản thân mình, khi đặt vào tình huống so sánh sẽ khiến người ta tức giận".

Lòng trắc ẩn đặt sai chỗ ?

Quay trở lại với hai nghi phạm của vụ đánh bom trên tàu điện ngầm ở Luân Đôn hồi trung tuần tháng 9 này, người thứ nhất là dân tị nạn từ Iraq, năm nay 18 tuổi, và người thứ hai cũng là dân tị nạn, từ Syria, năm nay 21 tuổi. Cả hai đều vào Anh trong tư cách trẻ em, và được cùng một gia đình người Anh nuôi.

Hai vợ chồng người nhận nuôi năm nay đã 71 và 88 tuổi, và đã nhiều năm nuôi trẻ tị nạn. Cả hai ông bà từng được chính phủ Anh tặng huân chương MBE cho các hoạt động giúp đỡ trẻ em. Cơ quan điều tra đang nghi rằng hai nghi phạm này đã từng gặp nhau từ trước đó, lúc chờ vượt biên ở Calais hay trên đường đi, hoặc thậm chí từng tham gia trại huấn luyện của các nhóm cực đoan ở vùng Trung Đông.

Nếu kịch bản này là đúng, thì rõ ràng là khủng bố đã lợi dụng cả lòng trắc ẩn của người Anh lẫn sự lỏng lẻo của luật pháp để đột nhập vào hòn đảo này và khi được lệnh thì phối hợp tấn công khủng bố. Vì sao sự chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục cũng như cuộc sống an bình ở Anh không đủ để làm thay đổi ý chí cực đoan của họ ?

"Chắc chắn đó sẽ là những câu hỏi lớn dành cho tất cả mọi giới, từ chính phủ cho đến hệ thống an sinh xã hội, các nhóm thiện nguyện và từng người dân trên đất nước Anh. Đây không phải là lần đầu những kẻ khủng bố tương lai lọt lưới an ninh khi đổ bộ vào Anh bằng đường tị nạn.

Trong những vụ việc trước đây người ta từng chỉ ra những hiện tượng tương tự, mà lẽ hiển nhiên, người Hồi giáo cực đoan là từ bên ngoài di dân vào nước Anh, nơi có truyền thống Anh giáo nhưng sẵn sàng đón nhận người tị nạn từ các tôn giáo khác.

Tuy nhiên, nếu nói quá theo hướng phản đối thì lại trở thành nội dung tuyên truyền của các đảng phái cực hữu, muốn đuổi hết di dân nước ngoài ra khỏi nước Anh bằng những biện pháp cực đoan, và như vậy lại tạo ra một cuộc xung đột ý thức hệ còn lớn hơn nữa trên hòn đảo này.

Ngay khi tổng thống Mỹ Donald Trump gửi lên mạng twitter một vài câu có hơi hướng mạnh tay thì thủ tướng Anh Theresa May đã phải lên tiếng phản đối, và hướng dư luận tập trung vào công tác điều tra của cảnh sát, nhìn vào vụ việc một cách cụ thể cá nhân hay hội nhóm, chứ không thể nói chung chung về tôn giáo hay sắc tộc nào cả.

Góc nhìn đó hoàn toàn trái ngược với quan điểm của các nước Trung Âu như Hungary, Cộng hòa Séc, và Ba Lan, hoàn toàn không muốn bị ép phải nhận người tị nạn đến từ các nước Hồi giáo, phần nào do mối lo bị tấn công khủng bố".

Di dân : Nỗi lo của cả Châu Âu

Một cô gái Ba Lan trong cuộc biểu tình quy tụ cả trăm ngàn người nhằm phản đối áp lực của EU về việc phải nhận người tị nạn, cho biết không chấp nhận bất cứ luật lệ nào khác, đặc biệt là luật lệ Hồi giáo, trên đất Ba Lan. Tương tự vậy, thủ tướng Hungary cũng tạt một gáo nước lạnh vào mặt thủ tướng Đức Angela Merkel khi tuyên bố chống lệnh Châu Âu và muốn được diễn giải riêng về luật quốc tế năm 1997 về tị nạn.

"Theo ông, cuộc khủng hoảng này không đơn thuần là người tị nạn mà còn bao gồm cả di dân kinh tế và chiến binh ngoại quốc, mà diễn biến của nó vượt khỏi khả năng kiểm soát của các chính phủ. Bản thân Hungary là một quốc gia được lập nên từ những bộ tộc di cư, nhưng bức tranh mà thủ tướng Orban mô tả về cuộc di dân hiện nay trên thế giới là ở vào cấp độ thế giới với vô số người từ Trung Đông và Châu Phi đổ dồn vào Châu Âu.

Một lần nữa, ông cũng nói đến sự đối lập giữa đạo đức trách nhiệm của con người, và đòi hỏi một cuộc sống Châu Âu của những người tị nạn. Châu Âu không thể cho hết tất cả mọi người một cuộc sống tốt hơn được, và không được để mất Châu Âu vào con đường tan rã và mất đi các giá trị truyền thống".

Khi Châu Âu mở cửa biên giới để người dân tự do đi lại thì có nhiều bức tường biên giới khác đang được dựng lên để ngăn chặn làn sóng di dân. Bức tranh xã hội của nước Anh qua vụ đánh bom khủng bố ở Luân Đôn hồi trung tuần tháng 9 này trở thành câu chuyện không chỉ được nhiều người Châu Âu quan tâm, mà còn là cả vấn đề mà thế giới cần phải suy nghĩ. 

Bởi vì, bên kia trời Đông, nhất là tại Đông Nam Á, hàng trăm ngàn người dân Rohingya theo Hồi giáo phải ồ ạt bỏ chạy khỏi Miến Điện sang Bangladesh. Một bên là lòng trắc ẩn trước thảm cảnh của trẻ em chạy loạn và bên kia là sự an toàn của bản thân và gia đình. Đây sẽ còn là câu chuyện dài chưa có hồi kết cho nước Anh, Châu Âu và thế giới.

RFI, Lê Hải

Published in Quốc tế

Đánh Bắc Triều Tiên : "Chậm lắm là trong sáu tháng ?"

Báo chí Pháp hôm nay tập trung vào hai chủ đề quốc tế : Tổng thống Macron và đề án cải cách sâu rộng Châu Âu, giải pháp quân sự của Mỹ trừng phạt Kim Jong-un trước khi Bắc Triều Tiên xua quân nam tiến.

btt1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un đáp trả phát biểu hiếu chiến của tổng thống Mỹ nhằm vào Bắc Triều Tiên, ngày 22/09/2017. KCNA via Reuters

Nguy cơ chiến tranh Mỹ-Bắc Triều Tiên được Le Figaro trình bày dưới hai góc cạnh : Nhìn từ Washington, xu hướng dùng vũ lực đang được củng cố tại Nhà Trắng. Nhìn từ bán đảo Triều Tiên, Kim Jong-un đùa với lửa.

Thái độ cường điệu của tổng thống Mỹ là phản hồi của xu hướng đồng điệu ủng hộ giải pháp tấn công phòng ngừa. Cho dù phát ngôn viên Nhà Trắng bác bỏ quy buộc của Bình Nhưỡng "Mỹ tuyên chiến với Bắc Triều Tiên", cho dù khẳng định "ưu tiên cho biện pháp áp lực tối đa về kinh tế và ngoại giao" nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy Washington ngày càng nghiêng về "quân sự".

Trước hết là cố vấn an ninh quốc gia, tướng H.R McMaster nói : "Chúng tôi hy vọng tránh chiến tranh với Bắc Triều Tiên nhưng không thể loại trừ khả năng này". Một tướng lĩnh khác, bộ trưởng quốc phòng James Mattis tiết lộ, trong số các kế hoạch quân sự, có phương án "đánh Bắc Bắc Triều Tiên mà không đặt Seoul vào tình trạng hiểm nguy".

Giới doanh nghiệp như Christopher Ruddy, lãnh đạo tập đoàn truyền thông bảo thủ Newsmax, nhận định "Trump rất bình tĩnh vì nghĩ rằng Kim Jong-un là một thằng điên. Tuy tổng thống Mỹ phản ứng chiến thuật nhiều hơn là chiến lược, nhưng tại Nhà Trắng, xu hướng chung là tấn công phòng ngừa".

Chủ nhân tập đoàn truyền thông Newsmax dự báo là "Donald Trump sẽ đánh trong vòng sáu tháng tới để giải quyết cuộc khủng hoảng này". Lý do thứ hai buộc Trump phải hành động. Đó là để khuyến cáo Iran, và bất kỳ một nước nào khác, không nên thách thức Mỹ.

Kim Jong-un đùa với lửa

Trong bài "Kim Jong-un đùa với lửa", từ Seoul, đặc phái viên Sebastien Falletti của Le Figaro cho biết một nguyên nhân khác có thể làm Donald Trump không thể nhượng bộ như người tiền nhiệm Richard Nixon vào năm 1969. Vào thời điểm đó, một máy bay trinh sát của Mỹ bị bắn hạ làm 31 quân nhân Mỹ tử vong khi áp sát lãnh thổ Bắc Triều Tiên, như trường hợp chiếc oanh tạc cơ B-1 hồi tuần trước.

Lần này, tình thế đã đổi khác. Ra-đa của Bắc Triều Tiên không phát hiện được máy bay tàng hình của Mỹ. Theo phân tích của chuyên gia Hàn Quốc Cheong Seong-chang, bên cạnh thực lực quân sự quá yếu kém so với Mỹ, Kim Jong-un còn tính toán sai lầm khi đùa với lửa.

Biết rõ không thể chiến thắng, Kim Jong-un chạy đua trang bị tên lửa và hạt nhân để "đẩy Mỹ ra xa" bán đảo Triều Tiên. Để làm gì ? Để thực hiện mục tiêu sau cùng là xua quân tấn công Hàn Quốc, thống nhất bán đảo. Lo ngại Mỹ đặt Hàn Quốc trước chuyện đã rồi với hệ quả tái diễn chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, cho dù đắc cử với cương lĩnh đối thoại, cũng phải tăng cường hệ thống tên lửa và lá chắn chống tên lửa. Thái độ bốc đồng của Trump và Kim đều nguy hiểm như nhau, đối với Seoul.

Cùng nhận định, nhật báo kinh tế Les Echos "bắt mạch" khủng hoảng Washington-Bình Nhưỡng qua phản ứng thị trường chứng khoán Châu Á. Giới đầu tư trong khu vực "tương đối hóa" những tuyên bố bốc lửa của Bình Nhưỡng, bởi vì chế độ họ Kim từ mấy chục năm nay vẫn lớn lối như thế và lần nào tổng thống Mỹ cũng nhượng bộ, kể cả khi bị bắn hạ máy bay trinh sát vào năm 1969.

Tuy nhiên, Les Echos cảnh báo : Tổng thống Mỹ hiện nay dường như "nghe sao hiểu vậy". Bình Nhưỡng coi chừng. Donald Trump đã hăm dọa : Kim Jong-un sẽ không còn quanh quẩn trong xóm được bao lâu nữa đâu.

Điều thay đổi làm giới chuyên gia lo ngại nhất không phải là lời đe dọa quá trớn của ngoại trưởng Bắc Triều Tiên "giành quyền bắn hạ máy bay Mỹ", mà là cách tiếp cận của Nhà Trắng như thế nào. Trong vòng mấy thập kỷ, nhà họ Kim liên tục lên gân rồi xoa dịu và được Mỹ nhượng bộ. Nhưng lần này, đụng một tổng thống thích trò leo thang. Nếu cảm thấy bị đe dọa, Trump có thể ra tay trước với hệ quả tai hại cho Bắc Triều Tiên lẫn toàn khu vực.

Cứu rỗi Châu Âu theo… Macron

Về thời sự Châu Âu, an ninh và chính trị vẫn là hai vấn đề nổi bật nhất. Le Figaro dành hai trang để báo động : Trước mối đe dọa của khủng bố, các thành phố lớn kêu gọi Châu Âu trợ giúp tài chính. Berlin, Luân Đôn, Barcelona, Nice, Liège… vào thứ sáu tới, hơn 30 thị trưởng kéo về Nice để ký một dự án hợp tác chống khủng bố Hồi giáo. 57 % dân Pháp còn tỏ ra ủng hộ những biện pháp an ninh tăng cường, tức là giới hạn bớt tự do, hiện đang được quốc hội bàn thảo.

Trái lại, dự án cải cách Châu Âu của tổng thống Pháp long trọng thông báo hôm qua tại đại học Sorbonne gây tranh luận mạnh mẽ. Tỏ ý đồng thuận, nhật báo Le Figaro chạy tựa lớn : Kế hoạch đầy cao vọng của Emmanuel Macron để cải cách Châu Âu, trong đó Pháp và Đức tiếp tục đóng vai trò trung tâm. Tổng thống Pháp không quên "dành một chổ đứng quan trọng cho Anh Quốc và các nước Balkan".

Trong bài xã luận "cuộc tranh luận về tương lai Châu Âu đã được Pháp khởi động", nhật báo cánh hữu nhắc lại lập trường thiếu dứt khoát của một loạt tổng thống Pháp từ J.Chirac cho đến F.Hollande trên các hồ sơ nhiều tham vọng từ quốc phòng cho đến di dân nhập cư, nông nghiệp. Các đề nghị không đủ mạnh để thu hút công luận ủng hộ. Từ nay, Macron "đảo ngược" tình thế này, đưa ra một mô hình phát triển nhiều vận tốc, trong đó ai cũng có chổ đứng.

Trong khi đó, Le Monde thận trọng hơn, nhấn mạnh đến những khác biệt quan điểm và ưu tiên của Pháp và Đức. Tổng thống Pháp muốn củng cố đồng tiền chung, lập ngân sách chung với một bộ trưởng tài chính và một nghị viện. Trái lại Berlin đang ưu tư về vấn đề di dân nhập cư, vừa làm cho bà Angela Merkel mất đi một số cử tri, và chuyện Anh Quốc ra đi.

Nhật báo Libération, đưa lên trang bìa chân dung tổng thống Macron và chơi chữ : "Người hùng của nhà giàu, sứ thần của Châu Âu". Tuy nhiên, trung thành với vai trò của nhật báo độc lập, Libération dành hai cột báo để phân tích "5 hướng để kích thích Châu Âu đang hụt hơi".

Nhật báo La Croix, mượn ý kinh thánh, chạy tựa dí dỏm : "Châu Âu theo thánh Macron". Vấn đề nghiêm trọng nhất, đáng chăm lo nhất, theo La Croix, là số phận di dân và thuyền nhân : Vì sao Đức Giáo hoàng khăng khăng ủng hộ và kêu gọi ủng hộ đón tiếp di dân tị nạn một cách nhân đạo ?

Bài xã luận "Những khuôn mặt" giải thích : Tín đồ Thiên Chúa Giáo biết rõ, một mình họ đóng góp thì không thể nào đủ sức đối phó với thảm nạn quy mô này. Chiến dịch toàn cầu của tổ chức thiện nguyện Công giáo Caritas đang được phát động, đi đúng hướng đánh thức lương tâm nhân loại, giúp đỡ cho di dân hai lần bất hạnh, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, người già, phụ nữ , trẻ em, vừa thoát thảm cảnh chiến tranh, áp bức lại rơi vào nghịch cảnh phân biệt đối xử.

Trong lĩnh vực kinh tế, hai thông tin được báo chí Pháp tường thuật và bình luận nhiều là chuyện hai tập đoàn công nghệ cao cấp Alstom của Pháp và Siemens của Đức sáp nhập và do Đức lãnh đạo. Nguyên nhân chính là để đối phó với cạnh tranh của Trung Quốc nhưng thêm một ngôi sao kỹ nghệ Pháp lọt vào tay nước ngoài. Tin thứ hai phấn khởi hơn : Chủ tịch nghiệp đoàn chủ nhân Pháp, hướng dẫn một phái đoàn doanh nhân hùng hậu, sang Ấn Độ chinh phục thị trường.

Con người có thể thoát khỏi tình trạng hôn mê sâu ?

Một thông tin phấn khởi khác là một nhóm nghiên cứu Y khoa Pháp, đại học Lyon, thành công vực dậy một bệnh nhân từ trạng thái hôn mê thực vật suốt 15 năm nay trở về trạng thái ý thức tối thiểu. Phương pháp này là dùng điện kích thích thần kinh phế vị từ một máy phát tín hiệu gắn trong thân thể.

Tú Anh

Published in Quốc tế