Cam Bốt ngưng tìm kiếm thi hài lính Mỹ (RFI, 15/09/2017)
Phnom Penh thông báo ngưng hợp tác tìm kiếm xác quân nhân Mỹ mất tích tại Cam Bốt trong chiến tranh Việt Nam để trả đũa việc Washington không cấp visa cho công chức cao cấp trong chính quyền Hun Sen.
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen khiêu khích Mỹ ?Reuters
Đích thân thủ tướng Hun Sen ngày 15/09/2017 thông báo Cam Bốt "tạm ngưng chương trình tìm kiếm lính Mỹ mất tích" thời chiến tranh Việt Nam, gồm khoảng 90 người.
Tuy nhiên, theo AFP, sau lời tuyên bố "bài Mỹ" có tính biểu tượng này, ông Hun Sen cam kết với Washington là sẽ "có hành động thiện chí" trong hồ sơ nhận lại công dân Cam Bốt bị Mỹ trục xuất.
Khủng hoảng trong quan hệ Washington - Phnom Penh phát sinh từ tuần trước, khi Hoa Kỳ quyết định không cấp một số loại visa nhập cảnh cho công chức cao cấp Cam Bốt để trả đũa chính quyền này từ chối nhận lại công dân phạm pháp bị trục xuất về nước.
Khoảng 500 người Cam Bốt phạm tội hình sự đã bị trục xuất. Đây là con cái của những người tị nạn thời Khmer Đỏ định cư tại Hoa Kỳ nhưng không có quốc tịch Mỹ.
Cũng theo phân tích của AFP, gần đến bầu cử 2018, quan hệ Mỹ-Cam Bốt càng căng thẳng. Lo ngại bị một cuộc cách mạng "màu sắc" do Mỹ hậu thuẫn, thủ tướng Hun Sen đã bỏ tù lãnh đạo đối lập Kem Sokha với tội danh "làm gián điệp" cho Mỹ.
Tú Anh
***********************
Tiền Trung Quốc thổi bay ảnh hưởng của Mỹ tại Cam Bốt (RFI, 13/09/2017)
Vào lúc chính quyền Cam Bốt và thủ tướng Hun Sen càng lúc càng không ngần ngại lên tiếng đả kích Hoa Kỳ một cách dữ dội hơn, giới quan sát ghi nhận sự trùng hợp của việc tiền bạc của Trung Quốc ngày càng đổ vào xứ Chùa Tháp nhiều hơn, trong những công trình được dễ dàng trông thấy, trong lúc viện trợ của Mỹ dù quan trọng nhưng lại không thấy đâu.
Sứ quán Mỹ tại Cam Bốt đăng trên trang web hình một con cá trích đỏ "red herring", ngụ ý phản đối cáo buộc ủng hộ tạo phản chính quyền Hun Sen. Ảnh chụp ngày 11/09/2017. Reuters/Samrang Pring
Trong một bài phân tích ngày 13/09/2017, hãng tin Anh Reuters ghi nhận sự cố mới nhất trong quan hệ Mỹ-Cam Bốt, với việc Phnom Penh tố cáo sứ quán Mỹ tại Cam Bốt là đã âm mưu tạo phản cùng với một lãnh đạo đối lập bị chính quyền Hun Sen bắt giam.
Bị cáo buộc, đại sứ quán Mỹ đã cho công bố trên trang web của mình hình một con cá trích đỏ, tiếng Anh là "red herring", một từ ngữ hàm nghĩa hành động đánh lạc hướng dư luận.
Tiếp theo đó, từ thứ Hai 11/09, đã xuất hiện một số bài viết cụ thể, cho thấy rõ là viện trợ của Hoa Kỳ dành cho Cam Bốt đã giúp nước này bảo vệ được đền đài và rừng cây của mình.
Các bài viết cũng cố nhấn mạnh sự khác biệt to lớn giữa viện trợ từ Hoa Kỳ và viện trợ từ Trung Quốc, một khoản hỗ trợ mạnh mẽ đã góp phần giúp cho thủ tướng Hun Sen dễ dàng bác bỏ những lời chỉ trích ông về vụ bắt giữ đối thủ chính trị của ông là Kem Sokha.
Theo hãng Reuters, Trung Quốc không chỉ đã vượt xa Mỹ về số tiền đổ vào quốc gia này, mà tiền bạc của Bắc Kinh còn đổ vào các dự án cơ sở hạ tầng có thể nhìn thấy được, và nhất là không kèm theo bất kỳ đòi hỏi nào về cải cách chính trị.
Các số liệu mới nhất về viện trợ cho phát triển tại Cam Bốt cho thấy rõ tầm quan trọng của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á này. Trung Quốc chiếm gần 36% trong số 732 tỷ đô la viện trợ song phương cho Cam Bốt cho năm 2016 - gần gấp bốn lần so với Hoa Kỳ.
Sự chênh lệch thậm chí còn cao hơn trong lãnh vực đầu tư. Trung Quốc đã cung cấp gần 30% vốn đầu tư tại Cam Bốt vào năm 2016, trong lúc đầu tư Mỹ chỉ khoảng hơn 3%.
Trái với Trung Quốc, viện trợ của Mỹ hướng nhiều hơn vào các dự án xã hội và cố gắng xây dựng một nền dân chủ - điều mà Hun Sen, nắm quyền tại Cam Bốt từ hơn 30 năm nay không hề mong muốn chút nào.
Một chi tiết cụ thể phản ánh thái độ coi thường Mỹ của chính quyền Phnom Penh : Phát ngôn viên chính phủ Cam Bốt ông Phay Siphan đã xác định với Reuters rằng "Nhận viện trợ Mỹ không có nghĩa là người Mỹ có thể yêu cầu chúng tôi làm những gì họ muốn. Chúng tôi không phải là đồng minh của họ. Chúng tôi không phải là nô lệ của họ". Cùng lúc nhân vật này đã khen ngợi Bắc Kinh : "Trung Quốc luôn ủng hộ chúng tôi trong tăng trưởng kinh tế và họ không bao giờ can thiệp vào các quyết định của chúng tôi".
Nhân một chuyến viếng thăm Cam Bốt gần đây, Vương Gia Thụy, phó chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc, một lãnh đạo có vai vế tại Bắc Kinh, đã khẳng định rằng : "Để đảm bảo an ninh cho Cam Bốt, Trung Quốc sẽ hợp tác với Cam Bốt trong mọi tình huống".
Theo Reuters, trợ giúp của Bắc Kinh cho Phnom Penh không phải là hoàn toàn vô vị lợi. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã dựa vào Cam Bốt trong các cuộc họp của khu vực Đông Nam Á để đáp lại các chỉ trích về hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.
Còn ngay tại Cam Bốt, quân đội Trung Quốc cũng đã giành được được một chỗ đứng chiến lược.
Tóm lại, ảnh hưởng Trung Quốc đối với Cam Bốt gia tăng nhờ chi viện to lớn, đẩy lui ảnh hưởng của Mỹ. Tương lai được cho là còn tệ hại hơn đối với Mỹ trong bối cảnh chính quyền Trump lại muốn cắt giảm 70% hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Cam Bốt kể từ năm 2018.
Trọng Nghĩa
Ấn Độ - Nhật Bản liên kết để "đối chọi" với Trung Quốc
Quan hệ hợp tác Ấn Độ - Nhật Bản không ngừng phát triển từ khi ông Narendra Modi đắc cử thủ tướng Ấn Độ cách đây 3 năm với một mục tiêu : chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, không chỉ ở Châu Á, mà cả ở Châu Phi.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) và đồng nhiệm Ấn Độ Narendra Modi, trong lễ khởi công xây dựng tuyến tàu cao tốc đầu tiên của Ấn Độ, ngày 14/09/2017 tại Ahmedabad. Reuters/Amit Dave
Le Figaro nhắc lại : dự án đường sắt cao tốc Ấn Độ được xây dựng với 81% nguồn vốn vay Nhật Bản với lãi suất 0,1% trong vòng 50 năm là một biểu tượng cho sự đối chọi của liên minh Ấn Độ - Nhật Bản trước dự án "Một vành đai, một con đường" mà Trung Quốc triển khai từ năm 2013 nhằm thiết lập con đường tơ lụa mới nối miền Đông Trung Quốc, lục địa Á-Âu và Châu Phi qua ngả Pakistan, với số tiền đầu tư của Bắc Kinh lên tới 900 tỉ đô la.
Hiện Tokyo và New Delhi đang hợp tác xây dựng dự án Hành lang tăng trưởng Á-Phi/Asia Africa Growth Corridor (AAGC). Báo Le Figaro cho biết, tất nhiên dự án "Hành lang tăng trưởng Á-Phi" chưa được triển khai như dự án "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc, nhưng 3 trung tâm nghiên cứu của Ấn Độ và Nhật Bản cũng đã ra được bản báo cáo đầu tiên hồi tháng 05/2017 để kêu gọi "thiết lập một hành lang về thể chế và công nghiệp giữa Châu Á và Châu Phi". Một trong những mục tiêu đề ra là hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ở các cảng biển để khuyến khích giao thương hàng hải giữa hai Châu lục. Nhưng thực ra, đây là điều mà Trung Quốc đã làm được.
Báo Le Figaro dẫn lời một chuyên gia kinh tế Châu Á cho biết hiện nay, Ấn Độ và Nhật Bản đang tìm cách kết nối các dự án mà hai nước đã triển khai ở Châu Phi trong những năm gần đây. Tính tới năm 2016, New Delhi đã cho 44 nước Châu Phi vay 8 tỉ đô la. Tại thượng đỉnh Ấn Độ - Châu Phi năm 2015, New Delhi đề xuất đầu tư thêm 10 tỉ đô la vào các dự án từ nay tới năm 2020. Còn Nhật Bản đã hứa 30 tỉ đô la để phát triển Châu Phi giai đoạn 2013-2017.
Đối với New Delhi, hợp tác với Tokyo đặc biệt cần thiết, nhất là khi Ấn Độ không thể một mình đối chọi với chính sách "ngoại giao tờ séc" mà Trung Quốc đang áp dụng, chẳng hạn ngày 25/07, Trung Quốc đã đầu tư 960 triệu euro vào Sri Lanka để mua cảng biển Hambantota. Eo hẹp về tài chính, chính phủ Modi đã mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản để phục hồi kinh tế và tạo thêm việc làm. Chỉ trong vòng ba năm, đầu tư của Nhật vào Ấn Độ đã tăng hơn gấp đôi, từ 2 tỉ lên 4,7 tỉ đô la.
Thủ tướng Ấn Độ Modi và đồng nhiệm Nhật Bản Abe cũng đã thỏa thuận tăng cường hợp tác trên lĩnh vực quân sự, đặc biệt là hải quân, trong bối cảnh hải quân Trung Quốc đang lớn mạnh nhanh chóng. Hai bên cũng ký một nghị định thư về phát triển hạ tầng giao thông ở miền Đông Bắc Ấn Độ, nơi có bang Arunachal Pradesh mà Trung Quốc đòi chủ quyền, một vùng đất có diện tích rộng bằng cả nước Áo.
Dưới sức ép quốc tế, Bắc Triều Tiên sẽ càng nguy hiểm
Trong những ngày này, một trong những hồ sơ nóng bỏng trên các báo Pháp là cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên. Báo Le Monde giới thiệu bài phân tích của chuyên gia Théo Clément, cho rằng "dưới sức ép quốc tế, Bắc Triều Tiên trở nên nguy hiểm" và các biện pháp trừng phạt kinh tế Bình Nhưỡng mà Hội Đồng Bảo An mới thông qua hôm 11/09 sẽ chỉ tạo ra "một vòng luẩn quẩn khiêu khích - trừng phạt".
Chuyên gia Théo Clément nhận định, giống như 7 nghị quyết trừng phạt trước đây, nghị quyết lần này nhằm hạn chế thu nhập của Bình Nhưỡng để ngăn cản Bắc Triều Tiên cung cấp tài chính cho chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo và cũng giống như các nghị quyết trước, chắc chắn nghị quyết lần thứ tám của Liên Hiệp Quốc sẽ không đạt được hiệu quả như quốc tế mong muốn.
Chúng ta từng nghĩ rằng hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ dồn Bắc Triều Tiên tới chân tường, buộc Bình Nhưỡng phải quay lại bàn đàm phán để lập lại hòa bình, nhưng cũng rất có thể nghị quyết ngày 11/09 sẽ gây phản ứng ngược : chế độ Kim Jong-un sẽ coi các đòn trừng phạt trên của quốc tế là sự can thiệp và âm mưu nhằm bóp nghẹt kinh tế Bắc Triều Tiên, và Bình Nhưỡng sẽ tôn vinh, ngợi ca chương trình phát triển hạt nhân là một phương tiện để đối phó với các thế lực thù địch từ bên ngoài.
Các biện pháp trừng phạt mới đặc biệt sẽ không hiệu quả, bởi vì từ tháng 04/2017, Bắc Triều Tiên dường như đã lường trước mọi chuyện và tích trữ sẵn nhiên liệu. Hơn nữa, các sản phẩm dệt may xuất khẩu của Bắc Triều Tiên đa phần lại dán nhãn "made in China". Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, cho dù không hiệu quả, nhưng các đòn trừng phạt của Hội Đồng Bảo An vẫn là một thông điệp cho Bắc Triều Tiên, cũng như một lời cảnh báo cho các quốc gia khác.
Chuyên gia Théo Clément đánh giá là rất khó để công chúng hiểu rằng nếu tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Bình Nhưỡng, tình hình trong khu vực cũng sẽ không được cải thiện mấy. Trong khi đó, Bắc Kinh và Moskva đều ý thức được rằng trước các biện pháp trừng phạt kinh tế, Bình Nhưỡng sẽ bất ổn và có thể sẽ gây nguy hiểm cho khu vực và cả cho chính đất nước Bắc Triều Tiên. Và như vậy, mặc dù các thành viên Hội Đồng Bảo An đều đồng lòng, nhưng rất có thể nghị quyết trừng phạt mà Liên Hiệp Quốc đưa ra lần này cũng chỉ tác động rất ít tới hoạt động giao thương ở biên giới Bắc Triều Tiên.
Vậy là, trong một chừng mực nhất định, có thể nói Bắc Triều tiên đã thành công : kinh tế Bắc Triều Tiên phát triển, các kỹ sư quân đội Bắc Triều Tiên đã khiến giới quan sát ngạc nhiên về khả năng làm chủ công nghệ tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Việc lựa chọn giải pháp quân sự nhắm vào Bắc Triều Tiên chưa bao giờ có nhiều nguy cơ và bất trắc như hiện nay.
Kim Jong-un sẽ không bao giờ "cúi đầu" trước thế lực thù địch Mỹ. Lãnh đạo Kim sẽ tăng sức ép an ninh lên toàn khu vực. Vậy là, chẳng những không hiệu quả, nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng còn có nguy cơ phản tác dụng, thậm chí là nguy hiểm. Tình trạng này có nguy cơ sẽ gây xung đột quân sự, cuối cùng sẽ buộc giới lãnh đạo phải hiểu rằng giải pháp tốt nhất để giảm căng thẳng trước hết phải là để cho Bình Nhưỡng được yên ổn với hệ thống chính trị hiện có, đảm bảo an ninh, kinh tế và ngoại giao cho Bắc Triều Tiên, trước khi yêu cầu chế độ Kim Jong-un giải trừ vũ hạt nhân khi có điều kiện thuận lợi hơn.
Miến Điện : Hận thù lan rộng khắp đất nước
Một chủ đề thời sự nóng khác trên báo Pháp là cuộc khủng hoảng Rohingya tại Miến Điện. Trong mục Thế Giới, báo Libération giới thiệu một bài phóng sự có tiêu đề "Miến Điện, hận thù trên khắp cả nước".
Qua điện thoại, anh Fisel, một giáo viên trẻ người Hồi Giáo thiểu số Rohingya, bang Rakhine, kể cho báo Libération nghe câu chuyện ở làng Myo Thu Gyi. Làng của anh đã bị quân đội Miến Điện đốt phá. Câu chuyện anh kể khớp với những thông tin mà báo chí và các nhà hoạt động nhân quyền được nghe từ người tị nạn Rohingya tại Bangladesh.
Theo Fisel, ngày 27/08, khoảng 100 binh lính quân đội đã đến làng mang theo súng ống, xăng và bật lửa. Họ nã súng khắp nơi. Sau khi dân chúng bỏ chạy, quân đội đã châm lửa đốt từng ngôi nhà. Kể từ đó, lần lượt từng ngôi làng bị đốt phá. Trong số 100 làng, chỉ còn lại vài ngôi làng chưa bị thiêu rụi. Cư dân các làng đều tìm cách chạy sang Bangladesh.
Anh Fisel cho biết trước đây, người Hồi Giáo Rohingya cùng học tập và lao động với người theo đạo Phật. Nhưng đến năm 2012, chính chính phủ đã chia rẽ hai cộng đồng. Chính quyền tuyên truyền, kêu gọi người theo đạo Phật không nói chuyện với người Rohingya, không mua sắm trong cửa hàng của người Rohingya, coi người Rohingya là khủng bố. Thậm chí, người theo đạo Phật không được tới nơi người Rohingya sống, và người Rohingya không được đi tới các nơi khác.
Các con đường bị chặn, đồn bốt, quân đội, cảnh sát xuất hiện khắp nơi. Rakhine trở thành "nhà tù ngoài trời" cho người Rohingya. Đối với họ, sang nước láng giềng Bangladesh còn dễ hơn đi sang các thành phố lân cận của Miến Điện. Nhưng muốn vượt sông sang Bangladesh, mỗi người Rohingya phải trả cho lái thuyền số tiền tương đương 60 euro, một khoản tiền rất lớn đối với người Rohingya.
Anh Fisel nghĩ rằng thông điệp của chính phủ dành cho người Rohingya là : "Các người hãy đi đi, ở đây không có chỗ cho các người, đây không phải đất nước của các người !"
Thời đại "chiến tranh mạng"
Trong lĩnh vực công nghệ, Le Monde đề cập tới "thời đại chiến tranh mạng". Chỉ bằng các thao tác trên bàn phím máy tính, một đơn vị nước ngoài có thể vô hiệu hệ thống y tế công của Paris và vùng phụ cận, ngắt điện của Paris, gây nhiễu hoạt động của các cơ quan dự báo thời tiết, làm thay đổi nội dung thư điện tử của tổng thống, tấn công hệ thống thông tin liên lạc của quân đội và cảnh sát… Không ai bị thiệt mạng ngay lập tức, không có cảnh "đầu rơi, máu chảy", không có tòa nhà nào bị phá hủy, nhưng đó chính là chiến tranh, một cuộc chiến tranh mạng.
Không gian mạng là nơi diễn ra nhiều hoạt động trong cuộc sống con người, nhưng lại là nơi tiềm ẩn nhiều xung đột. Các loại "vũ khí mạng" ngày càng tinh vi. Nhiều chuyên gia dự báo một vụ tấn công mạng vào một nhà nước có thể sẽ khiến chính quyền nước đó đáp trả bằng một cuộc chiến tranh thông thường.
Vụ đánh cắp thư điện tử của đảng Dân Chủ Mỹ hồi năm 2016 đã làm quan hệ Washington-Moskva thêm căng thẳng. Trong cuộc khủng hoảng Trung Đông, để tẩy chay Qatar, tin tặc thâm nhập vào hệ thống máy tính của hãng tin Qatar và cắt xén, xuyên tạc nội dung các phát biểu của quốc vương Tamin ben Hamad Al-Thani.
Vẫn để phục vụ mục đích địa chính trị, các bức ảnh giả mạo về các vụ tàn sát người Ấn Độ theo đạo Hồi (trên thực tế là ảnh của các nạn nhân trong vụ động đất ở Tibet) lan tràn trên mạng internet đã khiến quan hệ Ấn Độ - Pakistan thêm nặng nề.
Một mặt trận khác còn khốc liệt hơn, đó là các cuộc tấn công nhắm vào hạ tầng cơ sở, các doanh nghiệp, nhà máy điện mà Estonia, Georgia, Ukraine đã từng là nạn nhân. Đó là chưa kể một số nước cũng bị tấn công tin tặc nhưng không cho biết thông tin.
Năm 2015, nhóm chyên gia chính phủ của Liên Hiệp Quốc về an ninh mạng cho biết số các vụ tấn công tin tặc nhắm vào các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu của các quốc giá đã tăng mạnh. Và các chuyên gia bình luận là các tổn thất mà một vụ tấn công mạng gây ra nặng nề không kém gì một cuộc chiến tranh thông thường. Chính vì thế, theo Le Monde, quân đội các nước lớn trên thế giới đều có các đơn vị "chiến tranh mạng".
Quốc tế đã nỗ lực để có các công ước về vũ khí thông thường, vũ khí hóa học, sinh học và vũ khí nguyên tử nhưng lại chưa xây dựng được các quy định, luật lệ về không gian mạng, vũ khí mạng. Và đó là vấn đề cần sớm khắc phục.
Trang nhất các báo Pháp
Trang nhất các báo Pháp hôm nay dàn trải trên nhiều chủ đề, từ an toàn thực phẩm tới đầu tư, quân sự ….
Nhật báo Libération chạy tựa "Glyphosate, kẻ thù của bữa ăn sáng" : dấu vết thuốc diệt cỏ, có nguy cơ gây ung thư cho con người, được tìm thấy trong các loại ngũ cốc, trong khi đó Liên Hiệp Châu Âu đang chuẩn bị ra quyết định liệu có cho phép sử dụng thuốc diệt cỏ glyphosate nữa hay không.
Libération dành ba trang bài cho hồ sơ về thuốc diệt cỏ glyphosate và cuộc chiến giữa Châu Âu và tập đoàn xuyên quốc gia Monsanto.
Nhật báo công giáo La Croix chạy tít "Afghanistan, cuộc chiến không hồi kết", còn Le Figaro quan tâm với cuộc chiến chống khủng bố tại nước Pháp : "Khủng bố, chính phủ bố trí lại lực lượng quân sự". Trong khi đó, nhật báo kinh tế Les Echos khẳng định "Liên Hiệp Châu Âu sẽ giám sát đầu tư Trung Quốc".
Thùy Dương
Miến Điện : Cội rễ của thảm kịch Rohingya
Dự án cải cách Liên Hiệp Châu Âu, vừa được chủ tịch Ủy Ban Châu Âu công bố hôm qua, 13/09/2017, là chủ đề được hầu hết các báo Pháp bàn luận. La Croix chạy tựa trang nhất : "Sự trở lại của Châu Âu". Trước hết xin giới thiệu một phân tích của Le Monde về những cội rễ của thảm kịch Rohingya, Miến Điện, vừa buộc Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc phải vào cuộc.
Người Rohingya vượt biên sang Bangladesh qua vịnh Bengal. Ảnh chụp ngày 11/09/2017. Reuters/Danish Siddiqui
Bài "Một lịch sử căng thẳng lâu dài và bạo lực" nhấn mạnh "cuộc thanh lọc sắc tộc" mà chính quyền Miến Điện đang tiến hành là đợt xung đột mới nhất của hơn một thế kỷ căng thẳng giữa hai cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo tại vùng đất biên giới Miến Điện. Le Monde đưa độc giả trở lại trước hết với "nguyên nhân đầu tiên", đó là vào năm 1826, khi chính quyền Anh (kiểm soát Ấn Độ), sau khi xâm chiếm vùng Arakan (tức bang Rakhine hiện nay), đã khuyến khích dân Hồi giáo miền đông Bangladesh định cư tại khu vực này.
Trong khoảng thời gian từ năm 1890 đến 1911, số lượng dân cư Bangladesh theo đạo Hồi sang định cư tại các địa điểm như Maungdaw, Buthidaung và Rathedaung – các trung tâm của những biến loạn hiện nay – tăng vọt tới 77%.
Cuộc chiến Anh-Nhật
Theo nhà nghiên cứu Moshe Yegar, trong Thế Chiến Hai, sau khi Nhật chiếm Miến Điện năm 1942, căng thẳng giữa hai cộng đồng lại có cơ hội bùng phát. Nhiều phần tử Phật giáo không chấp nhận trở thành thiểu số tại một số địa điểm nơi người "Rohingya" sống quần tụ, đã xảy ra nhiều cuộc tấn công nhắm vào các "làng Hồi giáo", và người "Rohingya" trả đũa, chống lại tín đồ Phật giáo ở Maungdaw và Buthidaung.
Xung đột giữa hai cộng đồng đặc biệt quyết liệt, khi các tín đồ Phật giáo bị lực lượng chiếm đóng Nhật Bản sử dụng để đẩy lùi quân Anh, trong khi đó, bên thực dân Anh – rút về Ấn Độ - tổ chức nhiều nhóm dân quân chống Nhật, bao gồm người Hồi giáo Rohingya hay Bangladesh. Các chiến binh tình nguyện theo đạo Hồi nhiều khi, thay vì tấn công quân Nhật, lại nhắm vào các làng Phật giáo.
Kể từ khi Miến Điện độc lập năm 1948, căng thẳng tiếp tục gia tăng. Năm 1951, một "tổ chức của người theo đạo Hồi ở Arakan (Rakhine)" kêu gọi thành lập một "Nhà nước Hồi giáo tự do, bình đẳng với các quốc gia khác của Liên Hiệp Miến Điện".
Chính vào thời điểm này mà từ "Rohingya" được lực lượng ly khai và các thành phần Hồi giáo sử dụng để nói về cộng đồng này. Trong khi đó, chính quyền Miến Điện và đông đảo cư dân nước này không thừa nhận sự tồn tại của người "Rohingya", mà coi họ chỉ là những người Bangladesh tha hương. Trong khi đó, những người tranh đấu cho cộng đồng Rohingya coi đây là một sắc tộc riêng, một phần có nguồn gốc Bangladesh, nhưng có cả các gốc gác khác, như Ả Rập, Ba Tư hay Thổ Nhĩ Kỳ…
Kể từ những năm 1960, nhiều nhóm nổi dậy Rohingya được thành lập. Một số nhóm tuyên bố chiến đấu để bảo vệ quyền tôn giáo, một số nhóm khác nghiêng về Hồi giáo chính trị. Nhìn chung, xung đột với chính quyền tại vùng biên giới diễn ra "với cường độ thấp". Bản thân giữa các nhóm cũng có những cạnh tranh, và số lượng mỗi nhóm thường không vượt quá 100 người. Hiệp hội Đoàn Kết Rohingya, có cơ sở tại Bangladesh, từng là một trong những nhóm tích cực nhất.
Lực lượng nổi dậy Quân Đội Giải Phóng Rohingya hiện nay chắc chắn là một hóa thân của các nhóm chiến đấu trước đây, vốn hoạt động trong tình trạng phân tán. Một số người cho rằng lực lượng này do các thế lực lưu vong ở Saudi Arabia và Pakistan giật dây, nhưng theo những người phát ngôn của tổ chức này, thì cuộc chiến của họ không liên quan gì đến Thánh chiến Hồi giáo.
Aung San Suu Kyi chuẩn bị lên tiếng
Về tình hình tại chỗ, báo Le Figaro cho biết đã có hơn 379.000 người Rohingya tị nạn sang Bangladesh. Dòng sông biên giới Naf đầy tử thi. Hôm qua, phát hiện thêm bảy người bị bắn chết, sau khi thi thể của họ được vớt lên. Hôm qua, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính quyền Miến Điện chấm dứt mọi hoạt động chống lại người Rohingya.
Người được coi là đứng đầu chính phủ Miến Điện trên thực tế, bà Aung San Suu Kyi, trở thành đối tượng bị chỉ trích mãnh liệt, vì thái độ "thụ động, trước số phận bi thảm của cộng đồng thiểu số Hồi giáo này". Đối với Le Figaro, sự im lặng của ngoại trưởng Miến Điện cho thấy rõ "những giới hạn" của bà trước giới quân sự đầy quyền lực. Quan điểm coi người Rohingya là người nước ngoài của lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing, được rất nhiều người trong số 90% cư dân Phật giáo của Miến Điện hưởng ứng. Quan điểm này lại càng có cớ để truyền bá, khi tổ chức al-Qaeda đe dọa tấn công chính quyền Miến Điện để báo thù. Cuộc khủng hoảng bang Rakhine (Arakan) đang ngày càng trở nên một vấn đề quốc tế.
Theo Les Echos, lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi sẽ có phát biểu chính thức về vấn đề này vào ngày 19/09. Theo một người phát ngôn chính phủ, một trong các nội dung phát biểu của bà liên quan đến "hòa giải dân tộc và hòa bình".
Liên Hiệp Châu Âu tìm những chân trời mới
Phát biểu của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, về tương lai của khối 27 nước, tại Strasbourg hôm qua, được báo chí Pháp đặc biệt chú ý. Xã luận của La Croix "Sự trở lại của Châu Âu" nhận xét đây là một dự án "đầy tham vọng".
La Croix đặt dự án Châu Âu của chủ tịch Juncker bên cạnh dự án "tái lập" Châu Âu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, được thủ tướng Đức chia sẻ, với nhận định trong bối cảnh bao thách thức hiện nay, Liên Âu rất cần đến những "sáng tạo táo bạo". "Thuyền trưởng Juncker dẫn dắt Liên Âu đến những chân trời mới" là tựa một bài khác của La Croix.
"Đừng bỏ lỡ cơ hội của Châu Âu" là tựa xã luận Les Echos. Tờ báo kinh tế bình luận, "nhiều vận động lớn" rõ ràng đang được khởi sự cho tương lai của Liên Hiệp. Thời điểm hiện nay là hết sức thuận lợi cho những thay đổi, khác hẳn với cách nay một năm, khi tình hình đen tối thể hiện ngay trong diễn văn "u ám và không có sức sống" của chủ tịch Juncker vào thời điểm đó.
Còn hiện nay, bối cảnh kinh tế thuận lợi, tình hình chính trị ổn định (nhất là sau cuộc bầu cử Quốc hội Đức ngày 24/09), chủ nghĩa dân túy bị đẩy lùi, cộng đồng Châu Âu đã tìm lại được ý chí tập thể sau khi kế hoạch Brexit được xác định rõ. Theo Les Echos, dự án của chủ tịch Juncker giống với kế hoạch của tổng thống Pháp ở một điểm chính là xây dựng một Châu Âu "bảo vệ" người dân nhiều hơn nữa, đồng thời vẫn mở rộng cánh cửa với thế giới.
Dự án Juncker và dự án Pháp : Tương đồng và khác biệt
Về mặt thương mại, cụ thể là kiểm soát đầu tư nước ngoài tại Châu Âu và tiếp tục thương lượng các hiệp định mới nhiều tham vọng. Ông Juncker cũng dự kiến đưa vào các định chế Châu Âu quy chế quyết định theo đa số, chứ không cần đồng thuận 100%, trong nhiều lĩnh vực. Một điểm khá tương đồng với dự án của tổng thống Pháp, đó là thành lập ra một chức bộ trưởng kinh tế của Châu Âu, cũng như một chủ tịch Châu Âu, hợp nhất hai chức vụ hiện nay là chủ tịch Ủy Ban và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu.
Dự án cải cách Châu Âu của chủ tịch Juncker dự kiến sẽ khởi sự đúng vào ngày 30/03/2019, ngày Anh Quốc chính thức rời khỏi Liên Hiệp, một thời điểm mang tính biểu tượng cao. Vấn đề khó nhất, theo Les Echos, hiện nay là tìm được sự phối hợp giữa các quốc gia thành viên và tăng cường "các lĩnh vực yếu nhất", như củng cố nền dân chủ trong khối. Vấn đề thuế đánh vào các tập đoàn tin học được coi sẽ là một dấu hiệu thử thách quyết tâm của khối.
Về dự án cải cách của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Le Figaro nhấn mạnh đến sự khác biệt rõ rệt với dự án của tổng thống Pháp. Cụ thể là, ông Juncker không muốn tách biệt khối sử dụng đồng euro thành một nhóm hạt nhân, với nghị viện riêng, ngân sách riêng. Chống lại Châu Âu co cụm vào khối euro và một Châu Âu phân hóa theo nhiều nhóm nước là quan điểm của chủ tịch Juncker.
Ngày 28/09 tới, một hội nghị của Liên Âu sẽ được tổ chức tại Talinn, Estonia, để cụ thể hóa lộ trình của dự án nói trên.
Về dự án cải cách Châu Âu, báo Libération lưu ý là sắp tới khối 27 nước sẽ trở thành khối 32 nước, với sự gia nhập của năm nước vùng Balkan.
Paris đăng cai Olympic : Một "thách thức kinh tế"
Le Figaro hôm nay chào mừng việc Pháp chính thức được đăng cai Thế Vận Hội, với hàng tựa : "JO 2024 tại Paris : Một thách thức thể thao và kinh tế". Điều đáng mừng là một thế kỷ sau Thế Vận Hội Paris 1924, nước Pháp lại có cơ hội giương cao ngọn đuốc thể thao thế giới. Tuy nhiên, xã luận Le Figaro "Món cược khác của Thế Vận Hội" chú ý đến những tấm gương thâm hụt tài chính nặng nề của các lần Thế Vận Hội mới đây, cụ thể như Thế Vận Hội Luân Đôn, đội chi đến 76% (với tổng chi 15 tỉ).
Nước Pháp – theo ban tổ chức - có lợi thế là 95% cơ sở hạ tầng đã được xây dựng, và đầu tư cho Olympic lần này chỉ là 6,6 tỉ euro, trong đó chính quyền trung ương và địa phương chỉ đóng góp 1,5 tỉ. Le Figaro nhắc nhở là tổng chi phí của Thế Vận Hội thường vượt xa dự kiến ban đầu. Paris và nước Pháp có thể ăn mừng thành công nói trên, nhưng chỉ nên thực sự coi đây là chiến thắng, khi nào toàn bộ chi phí được kết toán.
Mỹ : Thượng viện chống dự án ngân sách của tổng thống
Libération chú ý đến cuộc phản kháng của Thượng Viện Mỹ hồi tuần trước, chống lại dự án ngân sách của tổng thống Donald Trump. Một ủy ban của Thượng Viện, bao gồm cả hai phe, Cộng Hòa và Dân Chủ, đã đồng thuận tuyệt đối với dự án ngân sách, dành hơn 51 tỉ đô la cho ngành ngoại giao, nhiều hơn 11 tỉ so với khoản chi cho ngoại giao theo dự án của tổng thống Trump. Dự luật ngân sách sẽ còn phải được toàn thể Thượng Viện thông qua, và sau đó phải hợp nhất với dự luật của Hạ Viện, trước khi trình lên tổng thống.
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược : Bài học cho nước Mỹ từ siêu bão
Vẫn về thời sự nước Mỹ, Les Echos chú ý đến bài học mà nước Mỹ cần rút ra từ các siêu bão nhiệt đới. Nhà kinh tế học Joseph Stiglitz tố cáo "học thuyết chống Nhà nước" đang ngự trị tại Washington, hay nói cách khác, quan điểm giảm thiểu vai trò của Nhà nước trong việc dự báo thiên tai và khắc phục thảm họa. Một điều trớ trêu là bang Texas, nơi vừa chịu siêu bão Harvey, với thiệt hại ít nhất 150 tỉ đô la, lại chính là một căn cứ địa của những người hoài nghi Biến đổi khí hậu.
Theo Joseph Stiglitz, nếu không đóng góp được gì nhiều cho cuộc chiến chống khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thì chính quyền tiểu bang này cũng cần phải chuẩn bị tốt hơn để đối phó với các thiên tai, với mức độ nghiêm trọng gia tăng, do Biến đổi khí hậu. Giải Nobel kinh tế lưu là "chỉ có thị trường không thôi sẽ không thể mang lại những bảo trợ cần thiết cho xã hội".
Điều mà chính giới Mỹ cần làm ngay là có một chính sách nhất quán. Không thể vừa một mặt chống lại việc xây dựng các quy định pháp lý, chống lại các đầu tư cho việc phòng ngừa hạn chế thiệt hại do thiên tai, mặt khác, khi thiệt hại xảy ra lại đòi được bồi hoàn lớn, nhiều khoản thiệt hại hàng tỉ đô la "nhẽ ra có thể dễ dàng tránh được".
Châu Âu hỗ trợ Nga xử lý "nghĩa địa hạt nhân" trên biển
Về nước Nga, La Croix có phóng sự giới thiệu về chương trình xử lý "nhà máy Tchernobyl nổi", một trong các "nghĩa địa hạt nhân" tồi tệ nhất hành tinh, căn cứ hải quân cũ của Liên Xô ở Mourmansk, vùng Bắc Cực, cách biên giới Na Uy khoảng 50 km.
Khoảng 22.000 cấu kiện, tương đương với 100 lò phản ứng hạt nhân, phải được chuyển đến một nhà máy xử lý, nằm trong dãy núi Ural, cách địa điểm nói trên 3.000 cây số. Chi phí của chương trình ước tính 260 triệu euro, hơn một nửa là do quốc tế đài thọ. Quốc tế cụ thể ở đây là Ngân Hàng Tái Thiết và Phát Triển Châu Âu (BERD), đóng góp 165 triệu euro, trong đó Pháp 40 triệu. Châu Âu hỗ trợ Nga không chỉ về hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, mà cả việc "nâng cấp các tiêu chuẩn an toàn".
Bỏ xe hơi chạy xăng, Trung Quốc muốn đứng đầu xe điện
Trong lĩnh vực kinh tế, môi trường, tiếp theo Pháp và Anh – tuyên bố từ giã xe hơi xăng kể từ năm 2040 – đến lượt Trung Quốc cũng ngỏ ý muốn chia tay với các động cơ xăng và diesel. Tuyên bố bất ngờ được đưa ra vào kỳ nghỉ cuối tuần trước, không kèm theo chi tiết cụ thể.
Hiện tại Trung Quốc là thị trường xe hơi đứng đầu thế giới, với 28 triệu xe sản xuất một năm, chiếm 30% tổng sản lượng toàn cầu. Xe chạy điện hay động cơ kết hợp điện xăng chỉ chiếm một tỉ trọng nhỏ, với khoảng 320.000 chiếc trong 8 tháng đầu năm.
Thông tin gây bất ngờ nói trên từ phía chính phủ Trung Quốc đặt các nhà sản xuất Trung Quốc và nước ngoài trước một cuộc chơi hoàn toàn mới. Cổ phiếu của công ty BYD chuyên về xe điện, tại thị trường Hồng Kông, tăng 7,2% chỉ hai ngày sau đó. Trong cuộc chơi mới này, Bắc Kinh hy vọng đưa các nhà sản xuất Trung Quốc lên tốp đầu thế giới, cạnh tranh lại với các hãng phương Tây như Tesla. Hiện tại, công ty khởi nghiệp NIO của Trung Quốc, chuyên về xe điện, mới ra đời ba năm nay tại Thượng Hải, tuyên bố sở hữu "chiếc xe chạy điện nhanh nhất thế giới", với tốc độ tối đa 420 km/giờ.
Cuộc đua chuyển sang nền kinh tế không năng lượng hóa thạch dường như đang bước sang một khúc quanh mới.
Trọng Thành
Việc Hoa Kỳ không thể buộc các thành viên trong Hội Đồng Bảo An chấp nhận một dự thảo nghị quyết cứng rắn trừng phạt Bắc Triều Tiên sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa, đánh dấu sự thoái trào ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Viễn Đông.
Bộ 3 quyền lực của nước Mỹ : Tổng thống Donald Trump (giữa), chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan (trái) và Mitch McConnell lãnh đạo đa số tại Thượng Viện, ngày 05/09/2017. Reuters/Joshua Roberts
Sau khi bức tường Berlin và chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô sụp đổ, Hoa Kỳ trở thành một siêu cường – cả về đạo lý, văn hóa, ngoại giao, tài chính và quân sự - một mình định ra luật chơi cho toàn thế giới và chính cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine đã gọi Hoa Kỳ là một siêu cường.
Sức mạnh siêu cường của Mỹ thể hiện rõ qua cuộc xung đột Kosovo năm 1999. Trong vai trò lãnh đạo Liên Minh Bắc Đại Tây Dương tấn công quân sự Serbia, không cần đến sự chấp thuận của Hội Đồng Bảo An, Hoa Kỳ đã tách một tỉnh của Serbia – Kosovo – để tạo dựng thành một Nhà nước riêng biệt mà không một quốc gia nào trên thế giới dám ho he phản đối.
Cái thời đó đã qua, "Vai trò siêu cường của Hoa Kỳ đã chấm hết", nhà báo Renaud Girard khẳng định trên báo Le Figaro. Hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên là một bằng chứng rõ ràng nhất. Hoa Kỳ không còn đủ khả năng định đoạt mọi việc và buộc các nước khác phải đi theo.
Ngay khi vào Nhà Trắng, tổng thống Donald Trump đã tuyên bố là Mỹ không cho phép Bắc Triều Tiên có tên lửa đạn đạo liên lục địa, có thể mang đầu đạn hạt nhân, đe dọa lãnh thổ Hoa Kỳ. Bất chấp các tuyên bố hăm dọa từ phía Washington, chính quyền Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục thử tên lửa và hạt nhân. Ngày 03/09/2017, Bắc Triều Tiên thử một quả bom có sức công phá lớn gấp 5 năm lần quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima Nhật Bản.
Ngày 11/09, Mỹ đưa ra dự thảo nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng với nội dung rất cứng rắn, như cấm vận dầu lửa, ngừng nhập khẩu đồ may vải sợi của Bắc Triều Tiên, ngừng trả lương cho khoảng 60 ngàn người Bắc Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài, phong tỏa tài sản hãng hàng không Bắc Triều Tiên, phong tỏa tài sản và hạn chế xuất cảnh của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Thế nhưng, trước sự đe dọa phủ quyết của Trung Quốc và Nga, Hoa Kỳ đã phải lùi bước
Tác giả cho rằng, thực ra, sự bất lực của Mỹ trong việc buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân không phải là một ngoại lệ mà chỉ là một sự tiếp theo hàng chuỗi thất bại địa chính trị của Hoa Kỳ.
Trước khi phải nhượng bộ trong vấn đề Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ đã phải lùi bước trong hồ sơ khác : Trước hết là Afghanistan. Khi tấn công Afghanistan để lật đổ chế độ Taliban năm 2001, chính quyền Washington đã cảnh báo là ai không ủng hộ Mỹ thì là kẻ thù của Mỹ.
Thế nhưng, Pakistan làm ra vẻ ủng hộ chống khủng bố nhưng trên thực tế lại trở thành cứ địa bí mật của Taliban. Giờ đây, Taliban phát triển mạnh ở các vùng nông thôn Afghanistan và hầu như không thể đánh đuổi được nữa.
Bước lùi thứ hai là tại các vùng mà Nga vốn có ảnh hưởng truyền thống như Gruzia và Ukraine, Hoa Kỳ đã ủng hộ các cuộc cách mạng mầu nhưng lại không dự ứng được sự phản ứng rất mạnh của Nga.
Bước lùi thứ ba là trong hồ sơ Syria. Washington đã đề ra lằn ranh đỏ và đòi Bachar al-Assad phải ra đi, thế nhưng, tổng thống Syria, vẫn tiếp tục tại vị.
Renaud Girard kết luận, quan hệ quốc tế dựa trên tương quan lực lượng. Thế nhưng, tương quan lực lượng là một khái niệm được cảm nhận chứ hiếm khi được chứng minh. Trong trò chơi này, yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng nhất và không có gì tồi tệ hơn là thái độ "giả vờ cứng rắn" của quốc gia sen đầm quốc tế, liên tục đưa ra những lời đe dọa, nhưng không bao giờ tiến hành trừng phạt.
Về mặt địa chính trị, tốt hơn hết là giữ kín ý đồ, không nói nhiều, hứa hẹn ít, nhưng hành động nhanh chóng để đặt đối phương vào tình thế việc đã rồi.
RFI tiếng Việt
Buôn bán biên giới Trung-Triều vẫn nhộn nhịp dù cấm vận
Le Monde hôm nay 13/09/2017 có bài phóng sự từ thành phố Đan Đông của Trung Quốc đối diện với Bắc Triều Tiên, với tựa đề "Những mánh khóe, gian lận và tham nhũng ở biên giới Trung-Triều". Sau lệnh cấm vận mới nhất của Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai 11/9, những thương nhân ở đây vẫn không ngần ngại tìm cách tránh né.
Hàng hóa trao đổi giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc chất dọc theo bờ sông Áp Lục tại thành phố biên giới Sinuiju, đối diện với thành phố Đan Đông, Trung Quốc. Reuters/Jacky Chen
Gần 80% trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên là qua ngõ Đan Đông. Một đường ống dẫn dầu vượt qua con sông Áp Lục, đưa dầu lửa từ Trung Quốc sang, mà nay nghị quyết mới của Hội Đồng Bảo An đã hạn chế số lượng. Tại khu vực kho hàng ở đầu cầu Hữu Nghị, rất nhiều xe tải chờ đợi hải quan Trung Quốc kiểm tra trước khi chạy qua thành phố Sinuiju ở bên kia sông.
Tối thứ Hai, các tài xế Bắc Triều Tiên đã cho xe vào bãi, chờ chỉ thị của lính biên phòng Trung Quốc. Một số ngồi hút thuốc trên vỉa hè, ngực đeo huy hiệu có hình Kim Jong-un. Một nhà xuất khẩu Trung Quốc lo lắng đếm những chiếc xe hơi không mang bảng số lần lượt chạy vào. Tất cả đều là xe mới, chuẩn bị bán sang Bắc Triều Tiên. Nhà buôn này nguyền rủa nước Mỹ của ông Trump, phàn nàn rằng chỉ bán được một phần ba so với trước đây, còn xe tải thì không có chiếc nào. Khi được hỏi về việc thanh toán, ông ta lảng đi, chỉ nói rằng ngày càng khó khăn.
Gần đó, người chủ một đại lý bán xe tải nhãn hiệu Trung Quốc than thở, tất cả những xe có trên hai trục đều bị cấm xuất khẩu, để tránh việc dùng vận chuyển hỏa tiễn. Ông này cho biết : "Những người khách Bắc Triều Tiên đến xem hàng, nhưng họ không biết có thể mua được loại nào nên phải chờ xem". Tuy nhiên nhà báo Pháp ghi nhận ông ta vẫn đang tuyển mộ một nhân viên bán hàng nói tiếng Triều Tiên.
Tầm mức cấm vận lệ thuộc vào sự áp dụng của chính quyền trung ương Trung Quốc và địa phương, nhưng tại Đan Đông, người ta vẫn luôn tìm cách tránh né, gây bực tức cho các nhà buôn làm ăn nghiêm túc. Một nữ thương gia ẩn danh phẫn nộ nói : "Kết quả duy nhất của việc trừng phạt là khiến cho thủ tục ở hải quan Trung Quốc nhập nhằng hơn, tạo cớ cho họ trấn lột chúng tôi".
Bà cho biết những công ty nhỏ tôn trọng luật lệ thì bị thua thiệt, một số đã bị phá sản. Ngược lại các đại gia có quan hệ với chính quyền lại thủ lợi nhiều hơn. Cụ thể như tập đoàn Hồng Tường (Hongxiang), bị tư pháp Mỹ trừng phạt năm 2016 vì cung cấp khoáng alumin cho các máy ly tâm của Bình Nhưỡng để làm giàu uranium. Trung Quốc đã bắt bà chủ Mã Hiểu Hồng (Ma Xiaohong) vì tội tham nhũng, cùng với khoảng ba chục quan chức địa phương. Vào lúc phát đạt nhất, Hồng Tường chiếm đến 20% trao đổi thương mại Trung-Triều.
Một người dân Đan Đông ở gần đảo Nguyệt, một khu dân cư sang trọng nói : "Rất nhiều người đã giàu to nhờ làm ăn với Bắc Triều Tiên". Một cây cầu dây văng lớn nối "quận mới của Đan Đông" này với vùng quê nghèo khổ của Triều Tiên bên kia bờ sông. Bắc Kinh đã cho xây chiếc cầu này vào thời điểm đang hy vọng Bình Nhưỡng sẽ cải cách theo kiểu Trung Quốc, nhưng do phía Bắc Triều Tiên không có đường sá, cây cầu đành đứng trơ đó. Phía Trung Quốc, vài chục tòa nhà ở và văn phòng phải bỏ trống.
Ở thượng nguồn con sông, trong khu công nghiệp, là các nhà máy dệt may của Bắc Triều Tiên như Sunwoo, với tấm bảng cấm chụp hình. Hàng ngàn công nhân Bắc Triều Tiên làm việc tại đây cũng như trong các xưởng máy, nhà hàng Trung Quốc ở Đan Đông khi hết hợp đồng sẽ không được gia hạn – theo nghị quyết trừng phạt mới.
Cách đó 20 km, tại chợ bán sỉ cảng Đông (Donggang), nổi tiếng với công nghiệp chế biến hải sản, người ta tiếp tục bán cua và tôm tít mua trực tiếp từ các ngư dân Bắc Triều Tiên. Các thùng hàng được giao vào ban đêm trên biển. Một thương gia trẻ cho biết ngư dân Bắc Triều Tiên chỉ muốn được trả bằng đô la, hoặc đổi lấy các mặt hàng như điện thoại di động, vỏ xe, gạo. Nếu bị biên phòng Trung Quốc bắt, họ phải đóng tiền phạt lên đến khoảng 8.000 euro, hay ở tù 15 ngày.
Người này nói rằng việc buôn lậu đã diễn ra từ nhiều năm qua, và việc cấm nhập hải sản Bắc Triều Tiên đã làm giá cả tăng lên. Anh kết luận : "Nếu không thể mua hàng từ Bắc Triều Tiên, thì sẽ là dấu chấm hết. Người dân ở đây sống bằng gì ? Tất cả sẽ phải nhảy lầu tự tử thôi".
Rohingya : Mỹ và Châu Âu vẫn nhẹ tay với Miến Điện để chận Trung Quốc
Cũng về Châu Á, La Croix nói đến "Vấn đề di tản ồ ạt của người Rohingya, nay đã lên đến Liên Hiệp Quốc". Chỉ trong 15 ngày qua, trước sự đàn áp của quân đội Miến Điện, có đến 370.000 người Rohingya đã phải chạy sang Bangladesh. Liên Hiệp Quốc cho rằng đây là một cuộc "thanh lọc chủng tộc". L’Humanité chỉ trích "Trong lúc người Rohingya đang bị thảm sát, Washington lại đề nghị hợp tác" : Thượng Viện Mỹ đang xem xét bình thường hóa quan hệ quân sự với Miến Điện để chận đứng Trung Quốc.
Hội Đồng Bảo An sẽ thảo luận về vấn đề người Rohingya, trong khi đó Cao ủy Tị nạn (HCR) Liên Hiệp Quốc chuẩn bị nhiều phi cơ vận tải chở hàng cứu trợ cho 120.000 người đang tị nạn tại Bangladesh. Một nhân viên HCR cho La Croix biết : "Những người này đã vượt qua nhiều rừng rậm, sông suối, đến nơi trong tình trạng khốn khổ, trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em và người già. Họ khẳng định làng mạc bị đốt cháy, và bị đuổi khỏi làng". Tổ chức Tương trợ Quốc tế thì nhận định, đây là cuộc di cư vĩ đại nhất của người Rohingya từ 30 năm qua.
Về phía Hoa Kỳ, nhật báo L’Humanité cho rằng trên thực tế, Mỹ vẫn tiếp tục chiến lược xoay trục sang Châu Á nhằm ngăn chận Trung Quốc, với sự giúp sức của Ấn Độ. Vùng đất hứa Miến Điện vốn giàu tài nguyên, và quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc từ năm 1988 cũng không làm cho những nước khác hài lòng.
Miến Điện còn là điểm kết nối chính trong dự án Con đường tơ lụa mới, từ khi khánh thành hai đường ống dẫn dầu lửa và khí đốt tại bang Arakan (nơi người Rohingya sinh sống) năm 2013. Ý đồ của Bắc Kinh là bảo đảm được ngõ ra Ấn Độ Dương, bớt lệ thuộc vào eo biển Malacca, nơi có sự hiện diện quan trọng của Mỹ. L’Humanité kết luận, Hoa Kỳ và Châu Âu vốn đang thương lượng hiệp định bảo vệ đầu tư với Miến Điện, coi việc chuyển đổi chính trị là phương tiện để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, dù với cái giá như thế nào đi nữa.
Pháp : "Những kẻ lười biếng" đã xuống đường chống Luật lao động sửa đổi
Tại Pháp, cuộc biểu tình và đình công trên toàn quốc hôm qua phản đối việc sửa đổi Luật lao động được các báo bàn tán sôi nổi. Tờ báo thiên tả Libération dành trang nhất và bốn trang trong cho vấn đề thời sự này, nhận định đây là một thành công. Nhật báo cộng sản L’Humanité dành đến sáu trang báo, chạy tựa trang nhất "400.000 người xuống đường, sức bật cho những bước tiếp theo". Ngược lại, nhật báo cánh hữu Le Figaro và tờ báo kinh tế Les Echos cho rằng phong trào phản kháng đang dậm chân tại chỗ, thậm chí thất bại, không huy động được đông đảo người biểu tình như mong muốn.
Trong bài "Những kẻ lười biếng đã xuống đường", Libération cho biết hôm qua là ngày lễ hội của từ ngữ này trong phát biểu của tổng thống Emmanuelle Macron tại Hy Lạp, về quyết tâm không nhường bước trước "những kẻ lười biếng, trơ trẽn và cực đoan", theo ông. Từ "Những kẻ lười biếng" xuất hiện trên các băng-rôn, khẩu hiệu của tất cả 200 cuộc biểu tình trên toàn quốc, và có thể đây là một trong những động cơ giúp nghiệp đoàn CGT, đơn vị khởi xướng ngày phản kháng này, huy động được 223.000 người xuống đường, theo con số của Bộ nội vVụ.
Tờ báo cho rằng thử thách này đã được vượt qua, tuy nhiên hãy còn nhiều yếu tố bất định. Tiếp đến, các nghiệp đoàn khác như CFDT, FO sẽ kêu gọi tranh đấu hay không ? Điều đáng phấn khởi là sự hiện diện của giới trẻ, là sinh viên hoặc công nhân viên chức. Một sinh viên năm thứ nhất nói, với việc định mức trần – một năm làm việc chỉ được một tháng lương nếu bị sa thải – thì làm sao những nhân viên mới vào nghề dám đi thưa kiện các ông chủ.
Paris, nước chủ nhà Thế vận hội 2024
Cũng liên quan đến nước Pháp, La Croix hồ hởi dành trang nhất cho "Thế vận hội, sức bật mới", nhận định rằng sự kiện này được đa số người Pháp ủng hộ và đặt câu hỏi "Làm thế nào khuấy động lại niềm vui cho giấc mơ Olympic". Libération quan tâm đến sự vất vả của các đơn vị nhỏ, khi Nhà nước giảm bớt hỗ trợ, còn Les Echos nói về "Năm cột trụ của Paris 2024" - năm khuôn mặt đã làm việc cật lực để thuyết phục Ủy ban Thế vận Quốc tế đặt niềm tin vào Paris.
Theo La Croix, việc để cho Ủy ban Thế vận chọn lựa Paris là nước chủ nhà 2024 và Los Angeles năm 2028 thay cho việc bầu chọn, là cả một cuộc cách mạng. Bên cạnh đó, một số môn thi đấu truyền thống có xu hướng bị thay thế bằng những môn mới được giới trẻ ưa chuộng, như môn lướt ván, leo dây hoặc sau này có thể cả trò chơi video.
L’Humanité tỏ ra nghi hoặc "Thế vận hội ở Paris, nhưng với cái giá như thế nào ?". Ban tổ chức dự trù chi phí 6,6 tỉ euro, thấp nhất kể từ Olympic Sydney 2000 cho đến nay. Nhưng chỉ nhìn vào dự chi cho việc giữ an ninh chỉ có 182 triệu euro, người ta có thể nghi ngờ. Đặc biệt là dự định huy động chỉ có 68.500 người cho công tác này, trong khi giải bóng đá Châu Âu đã cần đến 90.000 người tham gia.
iPhone X mở ra một kỷ nguyên mới
Trên lãnh vực công nghệ, sự kiện tập đoàn Apple trình làng ba model mới, đặc biệt là iPhone X, nhân kỷ niệm 10 năm iPhone ra đời, được hầu hết các báo chú ý. Le Figaro cho rằng "Với iPhone X, điện thoại thông minh đã tiến thêm một bước về phía trí khôn nhân tạo". Les Echos giải thích "Việc tái thúc đẩy iPhone rất quan trọng đối với Apple".
Le Figaro nhận định, iPhone X đánh dấu một kỷ nguyên mới trong ngành điện thoại di động, khi mở ra một con đường thênh thang cho các ứng dụng mới. Khi tung ra iPhone cách đây 10 năm, Apple đã sáng tạo ra một loại máy tính bỏ túi có kết nối internet thường xuyên, màn hình cảm ứng và một camera. Được Google và Android nhanh chóng theo chân, iPhone đã giúp cho ra đời cả một thế hệ các ứng dụng điện thoại di động ; đã làm thay đổi cách thức liên lạc, chụp ảnh, tìm kiếm thông tin, giải trí, tìm đường…của chúng ta, thậm chí giúp tìm được cả người yêu.
Nay iPhone X đầy các cảm thụ 3D, còn tự nhận ra được hình dạng, khoảng cách, đặc tính của người và vật xung quanh. Một ngày nào đó, nó còn có thể giúp ta nhớ lại tên một người quen, tìm ra nơi người này mua quần áo và đặt hàng đúng kích cỡ, chỉ trong vài giây. Hoặc tư vấn theo trạng thái vui buồn của chủ nhân, nhận dạng các tác phẩm nghệ thuật trong viện bảo tàng…
Theo Les Echos, Apple buộc phải liên tục đổi mới mặt hàng bán chạy hàng đầu của mình do bị cạnh tranh ngày càng dữ dội, đặc biệt là Trung Quốc. Doanh số bán tại Hoa lục trong 9 tháng đầu năm nay đã giảm đến 12%, và "Quả táo" phải vất vả chống đỡ trước quyền lực chính trị thường xuyên thọc gậy bánh xe, cũng như từ các công ty Trung Quốc.
Thụy My
Tập Cận Bình : Lên đỉnh cao quyền lực, nỗi lo vẫn còn đó
Chỉ còn đúng sáu tuần nữa, ngày 18/10/2017, Trung Quốc khai mạc Đại hội đảng Cộng sản lần thứ XIX. Sự kiện trọng đại này sẽ đánh dấu quyền lực của chủ tịch Tập Cận Bình càng được củng cố thêm. Cánh cửa nhiệm kỳ hai cho chủ tịch Trung Quốc gần như chắc chắn, nhưng theo phân tích của Les Echos ngày 12/09/2017, lãnh đạo cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới sẽ phải đối đầu với nhiều thách thức kinh tế quan trọng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và vợ, bà Bành Lệ Viên, tại thượng đỉnh BRICS, Hạ Môn, Trung Quốc, ngày 04/09/2017. Reuters/Tyrone Siu
Thâu tóm quyền lực
"Tập Cận Bình đăng quang trong hoài nghi" là tựa bài phân tích của nhật báo kinh tế Pháp. Theo nguyên tắc, đại hội đảng sẽ phải thay mới 5 trong số 7 thành viên ban lãnh đạo chóp bu – Thường trực Bộ chính trị Đảng cộng sản- nhằm hỗ trợ cho chủ tịch Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ năm năm sắp tới.
Nhiều câu hỏi đang được đặt ra : Ban lãnh đạo mới sẽ gồm những ai ? Đâu là những thế cân bằng giữa các nhóm lợi ích chính trị khác nhau ? Liệu rằng nhân kỳ đại hội, ông Tập Cận Bình có đưa ra một gương mặt thay thế cho năm 2022 theo như thỏa thuận ngầm về giới hạn tuổi tác hay không ? Hay là ông sẽ đoạn tuyệt với thông lệ này và làm theo cách của Putin, như nhiều tin đồn đang lan truyền ?
Từ mấy tháng qua, cỗ máy vận động trong hậu trường đã chạy hết công suất. Để củng cố cho vị thế của mình, ngoài việc sắp đặt các đồng minh vào những vị trí chủ chốt từ cấp trung ương cho đến địa phương, Tập Cận Bình còn thâu tóm các đặc quyền lấn lướt quyền hạn của thủ tướng như kiểm soát anh ninh hay kinh tế.
Thẳng tay thanh trừng các đối thủ chính trị thông qua các chiến dịch chống tham nhũng lớn chưa từng có từ thời Mao Trạch Đông đến giờ. Sự củng cố quyền lực còn thể hiện rõ qua hiện tượng sùng bái cá nhân, tăng cường kiểm soát đảng và trấn áp xã hội dân sự nhắm vào những người bảo vệ nhân quyền như giới luật gia.
Les Echos đặt câu hỏi : Phải chăng thái độ cứng rắn đó phản ảnh phần nào một hình thức cuống sợ trên thượng tầng lãnh đạo ? Vì cố bám lấy quyền lực mà Tập Cận Bình đã đoạn tuyệt với nguyên tắc điều hành tập thể và "gây thù chuốc oán".
Kinh tế : Quả bom nổ chậm
Song song đó, tình hình kinh tế phức tạp còn làm cho bối cảnh chính trị Trung Quốc thêm rối rắm. Quả thật kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu hồi phục. Tăng trưởng ở mức 6,9% cao hơn mức dự kiến ban đầu là 6,5%. Các nhà đầu tư cảm thấy được trấn an. Kinh tế Trung Quốc không giống như vào thời điểm xảy ra cơn bão chứng khoán 8/2015 hay như đầu năm 2016. Bắc Kinh đã cố gắng khoanh vùng các rủi ro tài chính và duy trì mức độ hoạt động cần thiết để bảo đảm việc làm và bình ổn xã hội.
Nhưng Les Echos cho rằng mô hình quản lý này không bền và tăng trưởng kinh tế chỉ ổn định do vòi cấp tín dụng vẫn còn rộng mở. Tổng nợ quốc gia bao gồm doanh nghiệp, hộ gia đình, chính phủ và địa phương tăng vọt gần gấp đôi ở mức 260% tổng sản phẩm nội địa (năm 2008 là 140%). Tháng 5/2017, lần đầu tiên kể từ năm 1989, cơ quan thẩm định tài chính Moody hạ điểm nợ quốc gia Trung Quốc.
Trong khi đó Bắc Kinh vật vã đối phó với nạn thất thoát dòng vốn. Các doanh nghiệp lớn và người giầu ồ ạt đầu tư ra nước ngoài với mục đích chuyển tiền ra ngoài lãnh thổ bất chấp những biện pháp kiểm soát tài chính nghiêm ngặt kể từ năm 2016.
Từ những quan sát trên, Les Echos cho rằng một phương trình khó giải đang dành cho Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ sắp tới. Làm thế nào vừa phải giảm nợ, tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước mà không kềm hãm quá thô bạo đà tăng trưởng, dẫn đến thất nghiệp ồ ạt và bất ổn xã hội ?
Trung Quốc sợ dân biểu tình vì bụi phóng xạ
Hồ sơ Bắc Triều Tiên vẫn là tâm điểm thời sự quốc tế trên các nhật báo Pháp hôm nay. Les Echos cho hay "Bắc Kinh lo ngại tác động của vụ thử tên lửa lên chính trường nước này".
Địa điểm thử tên lửa Punggye-Ri nằm cách biên giới với Trung Quốc chưa đầy 100km. Vụ thử tên lửa mới nhất có dư chấn mạnh tương đương với một trận động đất 6,3 độ Richter. Hơn 100 triệu dân Trung Quốc sống tại những tỉnh nằm dọc theo vùng biên giới Đông Bắc đất nước.
Ngay sau vụ Bình Nhưỡng thử bom nhiệt hạch, chính quyền Bắc Kinh đã nhanh chóng khởi động hệ thống giám sát chất phóng xạ. Thứ Tư 06/09, Bắc Kinh đã trấn an dân chúng là không tìm thấy một dấu hiệu nhiễm phóng xạ bất thường nào trong không khí. "Chắc đó có lẽ là một quả bom sạch", như lời bình chế giễu của một cư dân mạng.
Theo Les Echos, sở dĩ chính quyền Trung Quốc tỏ ra lo lắng về bụi rơi phóng xạ đó là vì Bắc Kinh e sợ một thảm kịch môi trường có thể biến thành một làn sóng phản đối xã hội, vào lúc Đại hội đảng lần thứ XIX đang đến gần.
Moon Jae-in giữa hai gọng kềm Kim Jong-un và Donald Trump
Tại Hàn Quốc, Le Monde nhận thấy là "Chính sách mở rộng vòng tay của tổng thống Moon với Bình Nhưỡng đang bị cản trở". Lãnh đạo Hàn Quốc giờ trong thế lưỡng nan. Làm thế nào duy trì chính sách "dang tay" với Bình Nhưỡng, nhưng vẫn không tỏ ra nhún nhường ?
Một loạt vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên cùng với lời qua tiếng lại dữ dội giữa Washington và Bình Nhưỡng đang làm cho hướng hành động của Seoul ngày càng hẹp dần. Vụ thử mới nhất buộc Seoul phải có phản ứng cho xúc tiến chương trình lắp đặt lá chắn tên lửa THAAD, và phải liên kết với các đồng minh gây áp lực mạnh mẽ lên Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, chính quyền Seoul vẫn chưa muốn từ bỏ giải pháp cùng tồn tại hòa bình, do đó, tổng thống Moon không ngần ngại chỉ trích các tuyên bố của tổng thống Mỹ Donald Trump vốn dĩ cho rằng "lời lẽ hòa dịu không còn tác dụng". Một lời chỉ trích khiến Washington phật lòng.
Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Mỗi tác nhân một phần bánh
Trong khi Hoa Kỳ vật vã tìm hậu thuẫn của Trung Quốc và Nga để áp đặt lệnh trừng phạt mới lên Bắc Triều Tiên, La Croix trên trang nhất đặt câu hỏi lớn : "Ai sẽ chặn được Kim Jong-un ?". Câu trả lời có lẽ là không ai hết. Bởi vì theo tóm tắt của nhật báo Công giáo, cả 6 quốc gia can dự chính đều mong muốn tận dụng hồ sơ Bắc Triều Tiên để phục vụ cho những lợi ích riêng của mình.
Đầu tiên hết là Bắc Triều Tiên. Bán đảo Triều Tiên từ lâu được xem như là một bàn cờ tranh giành ảnh hưởng giữa hai cường quốc Mỹ - Trung. Vũ khí hạt nhân là một sự bảo đảm cho sự sống còn của chế độ họ Kim trước sự hiện diện của 30 000 binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc và nguy cơ thống nhất đất nước dưới sự kiểm soát của Seoul.
Bị phớt lờ và đánh giá thấp, các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng giờ đi đến một điều hiển nhiên : Bắc Triều Tiên đã trở thành một cường quốc hạt nhân, khả tín, có khả năng tự vệ trong trường hợp bị Hoa Kỳ tấn công. Sự "bảo đảm sống còn" này giờ đang làm cả thế giới run rẩy.
Về phần Hàn Quốc, thống nhất hai miền chỉ là một chuyện hão huyền. Anh em một nhà nhưng chẳng khác nào hai kẻ xa lạ. Cả hai phía thật ra chưa sẵn lòng hợp nhất, bởi vì miền Nam giầu có không có ý định chia sẻ tài sản với người anh em nghèo khổ. Một sự tái hợp có thể tốn của Seoul đến 2 000 tỷ đô la. Duy trì hiện trạng hiện nay lại rất thích hợp với Seoul. Ngoài việc đề nghị đàm phán, mọi cánh cửa khác hầu như vẫn khép chặt.
Với Hoa Kỳ, một mặt cuộc khủng hoảng bán đảo Triều Tiên cho thấy rõ thất bại cay đắng của "chính sách kiên nhẫn" có từ thời Obama, tạo thuận lợi cho Bình Nhưỡng cải tiến công nghệ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Mặt khác, đó lại là cơ hội để Washington bán vũ khí cho các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời biện minh cho việc tăng cường sự hiện diện của lính Mỹ trong vùng Thái Bình Dương, trước đà gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại Châu Á. Trên thực tế, mối họa Bắc Triều Tiên chỉ là cái cớ để Hoa Kỳ "kềm giữ" mối nguy hiểm thật sự là Trung Quốc.
Thế còn Nhật Bản thì sao ? Trước hết, mối nguy Bắc Triều Tiên cho phép chính quyền Shinzo Abe có thể lách điều khoản cấm Nhật Bẩn có một đội quân "tấn công" theo quy định trong hiệp ước quân sự giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ năm 1951. Viện dẫn mối nguy Bắc Triều Tiên đe dọa an ninh quốc gia, thủ tướng Nhật Bản có thể mua hàng tỷ trang thiết bị quân sự của Hoa Kỳ. Ông Shinzo Abe còn lợi dụng hồ sơ này để biện minh cho chương trình cải cách Hiến Pháp hiếu hòa muốn đất nước có một quân đội "bình thường".
Liên quan đến Trung Quốc, La Croix nhắc lại không nên trông đợi nhiều vào cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. Bắc Kinh không bao giờ bỏ rơi Bình Nhưỡng trên phương diện kinh tế lẫn ngoại giao. Bắc Triều Tiên dưới sự bảo hộ của Trung Quốc được xem như là một quốc gia đệm đối phó với sự hiện diện của lính Mỹ đóng tại Hàn Quốc. Do đó, đối với Bắc Kinh, giải pháp cho hồ sơ Bắc Triều Tiên là qua bàn đàm phán, và mọi ý định dùng vũ lực là điều không thể chấp nhận.
Cuối cùng, nước Nga muốn gì trong cuộc khủng hoảng này ? Theo La Croix, Moskva cũng như Seoul chỉ muốn duy trì hiện trạng. Vốn cũng đang chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt phương Tây do sự can dự của Nga vào Ukraine, Bắc Triều Tiên là quốc gia trung chuyển để Nga xuất khẩu nguyên nhiên liệu sang Hàn Quốc.
Trừng phạt không có hiệu quả với chế độ Kim Jong-un
Như vậy với những lợi ích riêng của từng quốc gia, phải chăng các biện pháp trừng phạt mới sẽ chẳng có hiệu quả ? Trả lời phỏng vấn La Croix, bà Sylvie Matelly, phó giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp khẳng định là "không".
Đối với những quốc gia đưa ra sáng kiến, lệnh trừng phạt được cho là có hiệu quả vì chúng cho phép tránh được một cuộc can thiệp quân sự đắt đỏ (...). Do đó theo quan điểm của bà Matelly, những biện pháp trừng phạt kinh tế hầu như chẳng có tác động nào lên tầng lớp lãnh đạo Bắc Triều Tiên, cũng như lên thủ đô Bình Nhưỡng, do điều kiện sống đã được cải thiện rõ rệt. Ngược lại, lãnh đạo Bắc Triều Tiên còn có thể đả kích cộng đồng quốc tế, mà đứng đầu là Hoa Kỳ.
Trừng phạt Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ đơn độc ?
Trong bối cảnh khủng hoảng Bắc Triều Tiên rơi vào bế tắc, báo Le Monde có đăng bài nhận định của cựu bộ trưởng Pháp Pierre Lellouche cho rằng, "Hoa Kỳ đơn độc đối mặt với Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc".
Từ 25 năm nay, Bắc Triều Tiên đã liên tục phát triển chương trình hạt nhân. Có ý kiến cho rằng, vũ khí nguyên tử là lá bùa hộ mệnh của chế độ Kim Jong-un. Trường hợp Sadam Hussein năm 2003, Kadhafi năm 2012, càng củng cố luận điểm này.
Tác giả đặt câu hỏi : Nếu giả thuyết này sai thì sao ? Ví dụ Bình Nhưỡng không coi vũ khí nguyên tử là phương tiện phòng vệ, răn đe mà là để tấn công, thay đổi nguyên trạng, đánh chiếm Hàn Quốc để thống nhất bán đảo Triều tiên, chấm dứt sự hiện diện của Mỹ không chỉ trên bán đảo Triều Tiên, tại Nhật Bản, mà cả trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thì sao ?
Bởi vì cho đến lúc này, không một ai ở phương Tây, cũng như tại Trung Quốc và Nga, có thể biết được ý định của Kim Jong-un. Không ai biết ông ta nghĩ gì, muốn gì. Giải pháp bảo đảm sự tồn tại của chế độ, đi kèm với việc trợ kinh tế, đánh đổi lấy việc từ bỏ hạt nhân, cũng thất bại. Vậy phải chăng nên coi Bắc Triều Tiên là siêu cường hạt nhân ? Nếu vậy thì nguy cơ chạy đua vũ trang, phát triển vũ khí hạt nhân trên thế giới sẽ rất lớn.
Chính vì thế cựu bộ trưởng Pháp cho rằng giảm căng thẳng là giải pháp duy nhất và đây là vai trò của Liên Hiệp Quốc và ngoại giao. Nếu Hoa Kỳ vẫn nghĩ là vẫn còn có khả năng buộc các nước ở Liên Hiệp Quốc nghe theo thì họ sẽ đơn độc tại tại Hội Đồng Bảo An trong hồ sơ Bắc Triều Tiên và các trừng phạt mà Washington đưa ra sẽ thất bại.
Trung Quốc không có lợi ích gì nghe theo Hoa Kỳ và nếu phải lựa chọn thì Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận một Bắc Triều Tiên cộng sản hơn là một Hàn Quốc đồng minh của Mỹ tiến sát gần biên giới Trung Quốc. Còn Nga hiện đang "cay đắng" vì bị Mỹ và phương Tây trừng phạt thì không hề muốn giúp đỡ Hoa Kỳ.
Nếu nghị quyết trừng phạt Bắc Triều Tiên vừa được thông qua tại Hội Đồng Bảo An lại vẫn không hiệu quả thì điều này càng khuyến khích Kim Jong-un đi xa hơn trong chương trình hạt nhân, và nguy cơ xẩy ra một cuộc xung đột ngày càng lớn. Do vậy, Mỹ và Trung Quốc cần khẩn trương ký một thỏa thuận chung để giải quyết cuộc khủng hoảng, trong đó bao gồm cả việc "đền bù" cho Bắc Triều Tiên.
Trang nhất các báo Pháp : Biểu tình chống cải cách luật lao động
Chương trình cải cách luật lao động thông qua bằng sắc lệnh sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 9 này. Nghiệp đoàn CGT hôm nay xuống đường phản đối dự thảo luật.
Trên trang nhất, Le Monde nhận định : "Luật lao động, phép thử xã hội đầu tiên cho chính phủ". Le Figaro chạy tít : "Luật Lao động : Cuộc thử lửa". Đây là lần đầu tiên tổng thống Pháp Emmanuel Macron đối đầu với một cuộc biểu tình của giới công đoàn.
Về phần mình, Libération nhận thấy, để "đối phó với đường phố", bộ máy điều hành liên tiếp thông báo nhiều chương trình cải cách khác, nhằm làm nản lòng phe đối lập. Libération đặt câu hỏi liệu chiến lược này của chính phủ có là một cuộc đánh cược mạo hiểm hay không ?
Minh Anh
Trung Quốc - Bắc Triều Tiên : Oán thù ẩn sau "tình hữu nghị"
Chủ đề Bắc Triều Tiên vẫn chưa hạ nhiệt trên các báo Pháp. Le Monde quan tâm đến mối quan hệ của đảng cộng sản Trung Quốc và đảng cộng sản Bắc Triều Tiên. Trong bài viết "Giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, một mối quan hệ mang tính ngờ vực", đăng trên chuyên mục địa chính trị, thông tín viên báo Le Monde tại Tokyo Philippe Pons, chuyên gia về Bắc Triều Tiên, nhận định theo thời gian, những mối oán giận và thù ghét giữa hai đảng ngày càng tích tụ.
Tình hữu nghị Trung Quốc - Bắc Triều Tiên. Ảnh chụp trên tường một nhà hàng Bắc Triều Tiên ở Chiết Giang, nay đóng cửa, ngày 12/04/2016. Reuters/Joseph Campbell
Hai quốc gia có đường biên giới chung dài 1.400km và gắn bó với nhau bằng nền văn hóa và lịch sử. Trong suốt nhiều thế kỷ, Triều Tiên phải cống nộp cho đất nước láng giềng rộng lớn và Triều Tiên cũng học theo hình mẫu văn hóa và chính trị của Trung Quốc. Sau này, Bắc Triều Tiên và Trung Quốc còn có thêm một sợi dây ràng buộc là đảng cộng sản.
Nhưng từ cuộc chiến chống Nhật hồi những năm 1930, những nỗi thất vọng, thù oán giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng ngày càng nhiều. Và Bắc Kinh hiểu rằng Bắc Triều Tiên đang nuôi dưỡng mối thù hằn nhắm vào Trung Quốc, cũng như chính sách cực đoan của nước này, vì chính Trung Quốc cũng đã như vậy trong rất nhiều thập kỷ.
Tình bạn bề ngoài
Khi đội "chí nguyện quân" Trung Quốc can thiệp quân sự vào Triều Tiên hồi tháng 10/1950 nhằm đẩy lui đội quân Hoa Kỳ, sau khi Mỹ đẩy lui quân của Kim Nhật Thành tới tận sông Áp Lục, Mao Trạch Đông tuyên bố Trung Quốc và Bắc Triều Tiên gắn bó, đoàn kết như "răng với môi". Nhưng theo chuyên gia Philippe Pons, điều mà hai bên ca tụng là "tình bạn không thể phai nhạt" đã không phản ánh đúng thực tế.
Theo chủ trương "một đất nước, một đảng", các đảng viên Bắc Triều Tiên ở Mãn Châu giải gia nhập đảng cộng sản Trung Quốc. Vào những năm 1930, Bắc Kinh thanh trừng 500 người Triều Tiên bị nghi là làm tay sai cho Nhật Bản. Các vụ thanh trừng này đã khiến lãnh đạo Kim Nhật Thành, người đã từng thoát chết trong gang tấc, luôn bị ám ảnh là phải độc lập.
Nhưng việc Trung Quốc can thiệp cứu Bắc Triều Tiên khỏi "bàn thua trông thấy" vào năm 1950 lại khiến Kim Nhật Thành thêm oán giận, vì tướng Bành Đức Hoài, tư lệnh chí nguyện quân Trung Quốc đã "ngó lơ" Kim Nhật Thành. Hình ảnh ông Kim cũng không xuất hiện ở tượng đài "Kháng chiến chống Mỹ xâm lược và trợ giúp Triều Tiên" tại thành phố Đan Đông. Với lãnh đạo Kim Nhật Thành, đó là một sự sỉ nhục.
Rồi đến năm 1956, vẫn tướng Bành Đức Hoài, khi đó là bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, cùng với phó thủ tướng Liên Xô Anastase Mikoyan, sang Bắc Triều Tiên, cho dù không được mời, để yêu cầu Bình Nhưỡng phục chức cho các đảng viên Bắc Triều Tiên thân Trung Quốc và Liên Xô đã bị chế độ Bắc Triều Tiên thanh trừng. Kim Nhật Thành đành nghe theo, nhưng một vài tháng sau, chiến dịch thanh trừng lại tiếp diễn. Chính sự can thiệp của Liên Xô và Trung Quốc vào công việc nội của đảng cộng sản Bắc Triều Tiên đã khiến Kim Nhật Thành giữ khoảng cách với hai nước láng giềng lớn.
Rồi tới Cách Mạng Văn Hóa Trung Quốc, các vụ tấn công của Hồng Vệ Binh nhắm cả vào Kim Nhật Thành và các vụ sát hại người thiểu số Triều Tiên ở khu vực biên giới hai nước đã khiến giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên bất bình, đẩy lòng hận thù của họ dâng cao. Sau đó, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng cố duy trì một "tình hữu nghị bề ngoài". Đối với nhà sử học người Trầm Chi Hoa, tác giả nhiều cuốn sách về chiến tranh Triều Tiên, Trung Quốc đã luôn coi Bắc Triều Tiên là một nước chư hầu và đối xử với "người bạn" Bình Nhưỡng với một thái độ ban ơn. Nhưng đồng thời, Mao Trạch Đông cũng dành cho Bắc Triều Tiên nhiều ưu đãi để tránh việc Bình Nhưỡng ngả sang Liên Xô.
Tuy nhiên, việc Bắc Kinh thừa nhận Hàn Quốc vào năm 1992 bị Bình Nhưỡng coi là một sự phản bội, đặt dấu chấm hết cho tầm quan trọng chính trị của mối quan hệ giữa hai nước, cho dù hai nước vẫn còn ràng buộc bởi hiệp ước hữu nghị, hỗ trợ song phương, ký năm 1961 và có hiệu lực đến năm 2021.
Thái độ bài Trung Quốc
Mặc dù Bắc Kinh đã trợ giúp Kim Jong-un lên nắm quyền và hợp tác kinh tế giữa hai nước được tăng cường, nhưng tình hữu nghị đôi bên không còn được nhắc tới trong các đối thoại song phương. Theo thông tín viên báo Le Monde, Bắc Triều Tiên không còn tin tưởng vào Trung Quốc. Âm mưu thông đồng với Trung Quốc của ông Jang Song-taek, chú của Kim Jong-un đồng thời là mưu sĩ của chế độ, là một trong những lý do khiến ông này bị Kim Jong-un ra lệnh hành quyết 2 năm sau đó. Và mới đây, chế độ Bình Nhưỡng, trong tờ báo chính thức Rodong Sinmun, đã chỉ trích Trung Quốc vì nước này hồi tháng 08/2017 đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đề xuất.
Khi Nga phô diễn sức mạnh quân sự …
Báo kinh tế Les Echos quan tâm tới nước Nga và giới thiệu bài viết có tiêu đề "Khi Nga phô diễn sức mạnh quân sự" của nhà xã luận Dominique Moisi, cố vấn đặc biệt của tổ chức tư vấn Institut Montaigne, Paris. Ngày 14/09/2017, Nga sẽ bắt đầu triển khai cuộc cuộc tập trận lớn ở Belarus, mà theo các chuyên gia Châu Âu, sẽ huy động tới 75.000-100.000 quân, con số lớn hơn rất nhiều so với số 12.700 quân mà Moskva thông báo. Năm 2008, sau đợt tập trận ở Kavkaz, Nga đã xâm lược Gruzia và vào năm 2014, Nga cũng sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraine sau các đợt tập trận quy mô.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Dominique Moisi, Châu Âu không nên quá lo sợ về một kịch bản tương tự, vì trong bối cảnh quốc tế nóng bỏng ở Châu Á và Trung Đông, tổng thống Nga Putin chắc chắn sẽ không có hành động khiến thế giới thêm hỗn loạn. Thêm vào đó, tính cách khó dự đoán của tổng thống Mỹ Donald Trump cũng sẽ khiến ông Putin phải dè chừng.
Giới trẻ Nga và phong trào đối lập với tổng thống Putin
Vẫn liên quan tới nước Nga, trong chuyên mục thế giới, báo công giáo La Croix có bài viết về phong trào đấu tranh chống tổng thống Putin trong giới trẻ Nga : "Đối mặt với điện Kremlin, nhiều thanh niên gia nhập phe đối lập của Alexei Navalny".
Thông tín viên Benjamin Quénelle cho biết, nhiều thanh niên trên khắp nước Nga tích cực tham gia phong trào phản đối Putin, họ tự hào đứng về phe đối lập với tổng thống. Đa phần họ sinh vào thời điểm trước năm 2000, năm đầu tiên Putin được bầu vào điện Kremlin. Từ đó tới nay, thế hệ này chỉ biết có tổng thống Putin. Đối với họ, nước Nga không có dân chủ. Và giới trẻ không muốn một hệ thống như vậy, họ muốn thay đổi, phá vỡ "hệ thống phi chính trị" của nước Nga. Họ quyết tâm trước mọi sức ép của chính quyền để ủng hộ lãnh đạo đối lập Alexei Navalny trong kỳ tranh cử tổng thống Nga vào tháng 03/2018.
Từ đầu năm nay, Navalny đã tổ chức hai cuộc tuần hành lớn tại 70 thành phố. Ông Alexei Navalny cũng mở văn phòng thường trực ở nhiều vùng trên khắp cả nước, bất chấp chính quyền tìm đủ cách gây khó dễ, thậm chí có cả văn phòng ở Vladivostock, thủ phủ vùng Viễn Đông của Nga. Thông tín viên báo La Croix đánh giá đó là điều chưa từng có ở phe đối lập. Nhờ có tiền quyền góp thu được trên internet, Alexei Navalny có nguồn tài chính để trả tiền thuê văn phòng và trả lương cho các điều phối viên.
Hồng Kông : bãi rác thải công nghiệp mới của thế giới
Trong lĩnh vực môi trường, báo Libération nói về Hồng Kông, một bãi rác thải công nghiệp mới của thế giới. Các lò tái chế rác thải công nghiệp trái phép, gây ô nhiễm môi trường mọc lên ngày càng nhiều. Hồng Kông đang phải trả giá đắt cho sự hiện đại. Năm 2015, Hồng Kông là nơi thải ra nhiều rác thải điện tử, điện lạnh, nhất : 21,7kg/người. Không chỉ vậy, Hồng Kông còn là "trung tâm nhập khẩu rác thải điện lạnh, điện tử của cả thế giới".
Theo số liệu của tổ chức phi chính phủ Basel Action Network, Mỹ, mỗi tháng, có tới 830 conteneur thiết bị điện tử, điện lạnh cũ, hỏng cập cảng Hồng Kông, chủ yếu được xuất trái phép từ Hoa Kỳ. Trước đây, Hồng Kông chỉ là nơi trung chuyển rác thải công nghiệp sang Trung Quốc. Nhưng từ khi Bắc Kinh chính thức cấm nhập các loại rác thải điện tử nguy hiểm, Hồng Kông trở thành "thiên đường mới cho các loại rác thải gây ô nhiễm môi trường".
Pháp : Tại sao hành khách phải chờ đợi quá lâu ở sân bay ?
Trong lĩnh vực xã hội tại nước Pháp, báo kinh tế Les Echos cho biết, trong những tháng hè 2017, nhiều chuyến bay khởi hành muộn, hành khách phải chờ đợi quá lâu tại các sân bay, thậm chí thời gian chờ đợi lên tới 2 giờ. Hành khách đôi khi được đề nghị đến sân bay làm thủ tục 4 tiếng trước giờ bay.
Trước tình trạng đó, chính phủ Pháp đã quyết định hành động để tránh mọi chuyện tái diễn. Ngày 27/07, thủ tướng Edouard Phillipe đã quyết định tăng cường 100 cảnh sát cho các sân bay tại Paris. Biện pháp mang tính khẩn cấp trên đã cho phép hành khách giảm 40-50% thời gian chờ đợi kiểm tra an ninh. Ngoài ra, để đạt được mục tiêu thời gian chờ hải quan kiểm tra tối đa là 30 phút cho du khách Châu Âu và 45 phút cho du khách từ các nơi khác, từ mùa xuân 2018, hai sân bay Roissy và Orly sẽ có các cửa kiểm soát với phần mềm nhận diện khuôn mặt.
Thùy Dương
Huấn luyện viên dở, thiếu hăng hái, tiền đầu tư không đúng chỗ… Đối với Trung Quốc, đã bị loại khỏi cuộc chạy đua World Cup 2018, con đường còn rất dài để có thể thực hiện được giấc mơ tổ chức Cúp Bóng Đá Thế Giới.
Cổ động viên Trung Quốc trong trận đấu vòng loại World Cup 2018 với Uzbekistan trên sân Vũ Hán, ngày 31/08/2017. Reuters/Stringer
Đội tuyển quốc gia do huấn luyện viên Ý Marcello Lippi lãnh đạo từ cuối năm 2016, đã đánh bại Qatar 2-1 trong trận đấu cuối cùng vòng loại Châu Á, nhưng kết quả này không đủ để giành được chiếc vé đi tiếp.
Trên mạng xã hội, nhiều cổ động viên viết : "Lẽ ra ông Lippi phải đến sớm hơn". Từ khi ông nhận nhiệm vụ, đội tuyển Trung Quốc đã thắng được 3 trận, hòa 2 và thua 1 - ba trận thua và một trận hòa khác là dưới thời người tiền nhiệm Cao Hồng Ba (Gao Hongbo). Những tiến bộ khác trong những tháng gần đây rốt cuộc vẫn chưa đủ.
Ông Mads Davidsen, giám đốc kỹ thuật Shanghai SIPG, câu lạc bộ "thượng lưu" tập hợp các ngôi sao bóng đá Brazil như Oscar và Hulk, nhận định : "Vấn đề số một tại Trung Quốc là huấn luyện. Những gì các huấn luyện viên Trung Quốc dạy cho học viên là không thể cạnh tranh được với thế giới. Họ cần được đào tạo lại. Tôi không chê bai họ, nhưng một cầu thủ không được huấn luyện đúng đắn chỉ có 0% cơ hội đạt đến trình độ cao".
Chủ tịch Tập Cận Bình vốn yêu thích bóng đá, tuy vậy vẫn hy vọng một ngày nào đó Trung Quốc có thể tổ chức và giành được chiếc Cúp vô địch bóng đá thế giới. Hồi tháng Sáu, bộ Ngoại Giao nước này đã bình luận : "Đó là giấc mơ của nhiều người Trung Quốc, và chúng tôi hy vọng có thể trở thành hiện thực càng nhanh càng tốt".
Trung Quốc không còn giấu diếm tham vọng được trở thành nước chủ nhà World Cup 2030, mà Achentina, Uruguay và Paraguay vừa liên kết để ứng cử. Tham vọng này được nuôi dưỡng từ nhiều năm qua, với việc đổ tiền ồ ạt vào các giải vô địch quốc gia. Các câu lạc bộ bóng đá Trung Quốc chi ra nhiều triệu đô la để mua các tiền đạo nước ngoài (Carlos Tevez, Pato, Gervinho, Anthony Modeste…)
Tuy vậy đội tuyển quốc gia Trung Quốc chỉ đứng thứ 77 trong bảng xếp hạng của FIFA (thứ 8 Châu Á), sau cả một nước nghèo Châu Phi là Sierra Leone. Nhưng Bắc Kinh mơ sẽ xoay ngược được chiều hướng, muốn có được 40.000 trường dạy đá banh từ nay đến năm 2020, thay vì con số 13.000 hiện nay.
Angela Smith, chịu trách nhiệm về các dự án quốc tế ở Stoke City, câu lạc bộ tranh giải ngoại hạng Anh đã mở trường đá banh tại Trung Quốc phân tích : "Điều mà chính quyền Bắc Kinh muốn tránh né bằng mọi giá, là bị chế giễu khi trở thành nước chủ nhà World Cup".
Bà nhấn mạnh, vấn đề của các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp Trung Quốc, là "họ chỉ mua về các cây làm bàn". Angela Smith nói : "Họ không hề nghĩ đến việc phát triển toàn ê-kíp. Trong khi đó, nếu không đào tạo tất cả các loại cầu thủ ở cơ sở, trong các câu lạc bộ và trường học, thì bóng đá Trung Quốc không thể tiến triển được".
Ông Luiz Ferreira, giám đốc huấn luyện lớp trẻ ở Tianjin Teda (thuộc các câu lạc bộ hạng nhất Trung Quốc), chỉ ra một vấn đề khác, đó là thiếu đam mê. Chuyên gia kỹ thuật người Bồ Đào Nha nói : "Tôi nhớ lại một cuộc tập huấn, khi đó tôi hỏi các cầu thủ xem họ có coi trận chung kết Cúp C1 hay không. Chỉ một phần ba trả lời là có ! Họ chẳng quan tâm đến".
Ông Ferreira tự hỏi : "Năm tôi lên bảy, tôi đã xem một trận đá banh ở sân vận động Maracana ở Rio, Brazil, với 180.000 khán giả. Niềm đam mê theo tôi từ đó đến giờ. Và ở Bồ Đào Nha, chúng tôi có những huyền thoại như Cristiano Ronaldo, Figo…Nhưng ở Trung Quốc thì có gì để mộng mơ ?"
Đối với ông, "bóng đá hãy còn quá mới", và người Trung Quốc "cần có thời gian" để nuôi dưỡng đam mê.
Môn bóng đá được chế độ Cộng Sản Bắc Kinh quản lý từ thập niên 50, và chỉ mới bắt đầu khởi sắc vào giữa thập niên 60, với việc thành lập một giải vô địch quốc gia và các câu lạc bộ chuyên nghiệp.
Mads Davidsen kể : "Có lần tôi đến xem các trẻ em 8 tuổi tập luyện tại một trường học Trung Quốc, trình độ các em ngang với Châu Âu, thậm chí nhỉnh hơn. Như vậy việc đào tạo đã được bắt đầu từ cơ sở. Nhưng một cầu thủ đạt được mức độ tối đa ở tuổi 28, có nghĩa là để có được một đội tuyển có thể cạnh tranh, thì Trung Quốc còn phải chờ đợi 15 hoặc 20 năm nữa".
Thụy My
Một yếu tố trong chiến lược Mỹ tại Biển Đông được cho là đã trở thành rõ ràng : Đó là sẽ tiến hành những chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải – thuật ngữ tiếng Anh là FONOPS - một cách đều đặn thường xuyên. Chuyển biến mới này đã lập tức được nhiều nhà quan sát hoan nghênh, và đã có ý kiến cho rằng Washington nên áp dụng chiến lược cả cho vùng eo biển Đài Loan, nơi mà quyền tự do hàng hải cũng đang bị Bắc Kinh khống chế.
Khu trục hạm Mỹ USS Stethem đã tiến vào tuần tra bên trong vùng 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa (Biển Đông) đầu tháng 07/2017. Wikipédia
Quyết định sẽ tiến hành các chiến dịch FONOPS tại Biển Đông trên cơ sở thường xuyên, đều đặn vừa được Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ PACOM chính thức loan báo. Đối với đô đốc Harry Harris, việc tiến hành tuần tra thường xuyên, theo một lịch trình cụ thể, sẽ có tác dụng biến mỗi chiến dịch thành một điều thường lệ, tránh được tình trạng là mỗi lần có một chuyến tuần tra là mỗi lần bị Trung Quốc xem là một hành vi khiêu khích.
Ngay trước khi được PACOM xác nhận, trên hiện trường, Hải Quân Mỹ đã bắt đầu áp dụng chiến lược mới này, với ba chiến dịch cho chiến hạm đi vào hoạt động bên trong vùng 12 hải lý quanh một số đảo nhân tạo của Trung Quốc, hai lần tại vùng Đá Vành Khăn (Mischief Reef) ở Trường Sa, và một lần sát đảo Tri Tôn (Triton Island) ở Hoàng Sa. Nhịp độ thường xuyên và đồn dập này là điểm mới so với thời chính quyền Clinton, chỉ tiến hành vỏn vẹn 4 chiến dịch FONOPS trong vòng 2 năm 2015-2016.
Yếu tố mới thứ hai là nội dung của các chuyến tuần tra, có thể gọi là chiến dịch thực sự, với đầy đủ các hoạt động bình thường trên một tàu chiến, chứ không phải là những chuyến hải hành theo thủ tục qua lại vô hại (innocent passage), được áp dụng khi một chiến hạm đi vào vùng lãnh hải của nước khác.
Đối với giới phân tích, thời Obama, khi áp dụng thủ tục qua lại vô hại trong các chuyến đi vào bên trong vùng 12 hải lý của các đảo Trung Quốc tại Biển Đông, Hoa Kỳ đã vô hình chung thừa nhận thay vì thách thức, các yêu sách chủ quyền quá lố của Trung Quốc
Trên trang mạng tạp chí The Diplomat của Nhật Bản ngày 07/09/2017, chuyên gia phân tích Joseph Bosco, nguyên giám đốc phụ trách Trung Quốc tại bộ Quốc Phòng Mỹ trong hai năm 2005/2006, đã cho rằng với chuyển biến mới nói trên, Hải Quân Mỹ kể như đã tái lập lại luật biển quốc tế ở Biển Đông, và cũng nên áp dụng cùng một cách tiếp cận để đi qua eo biển Đài Loan, một trường hợp điển hình khác về việc quyền tự do hàng hải bị Trung Quốc giới hạn, nhưng Mỹ trong quá khứ lại ngần ngại, không dám thách thức.
Theo chuyên gia Bosco, trước năm 1972, Hạm Đội 7 vẫn hoạt động tại vùng eo biển Đài Loan mà không gặp bất kỳ cản trở nào. Thế nhưng từ năm 1972, sau khi tổng thống Mỹ Nixon quyết định tỏ thiện chí với Mao Trạch Đông bằng cách cho triệt thoái tàu Mỹ khỏi khu vực eo biển Đài Loan, Hải Quân Mỹ hầu như vắng bóng ở nơi này cho đến tận năm 1995.
Vào năm ấy, Trung Quốc hai lần bắn tên lửa về phía Đài Loan để thị uy, và tổng thống Mỹ thời đó là Bill Clinton đã hai lần loan báo phái tàu sân bay đến eo biển Đài Loan. Nhưng trong cả hai lần, sau khi bị Bắc Kinh phản đối dữ dội, thậm chí đe dọa "biển lửa bùng lên" nếu tàu Mỹ đi vào eo biển, Washington đã lùi bước, qua đó thừa nhận trong thực tế là cần được Trung Quốc cho phép khi sử dụng eo biển. Trong cả thập kỷ tiếp theo, tàu hải quân Mỹ hầu như tránh khu vực này.
Theo Joseph Bosco, chính quyền Obama đã ngần ngại không dám thách thức yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, do đó rất có thể là cũng đã hạn chế hoạt động của Hải Quân Mỹ tại eo biển Đài Loan, dù đó là một vùng biển quốc tế.
Chuyên gia này kết luận : Với chính sách tuần tra của Hải Quân Mỹ tại Biển Đông đã rõ ràng với chính quyền Trump, đã đến lúc Mỹ cần khẳng định các lợi ích của Hoa Kỳ ở eo biển Đài Loan, bảo đảm an ninh và hậu thuẫn cho nền dân chủ Đài Loan.
Trọng Nghĩa
Sắc dân thiểu số Rohingya vẫn ồ ạt chạy khỏi Miến Điện để tránh bị quân đội nước này truy sát. Theo Liên Hiệp Quốc, từ hơn một chục ngày qua, hơn 165.000 người đã vượt biên giới để sang Bangladesh, cho dù tại đây, họ phải sống trong những điều kiện tồi tệ. Tuy bị quá tải, nhưng các tổ chức phi chính phủ vẫn cố gắng cứu giúp những người tị nạn.
Người tị nạn Rohingya vượt qua sông Naf, phân ranh Miến Điện và Bangladesh. Ảnh ngày 07/09/2017 - Reuters/Mohammad Ponir Hossain
Từ Bangladesh, đặc phái viên RFI Sebastien Farcis gửi về bài tường trình :
"Từ những năm 1990, Bangladesh đã đón nhận hàng chục ngàn người Rohingya và từ đó, tình hình tương đối lắng dịu. Thế nhưng vào tháng 10 năm ngoái, sau đợt đàn áp đầu tiên của quân đội Miến Điện, khoảng 80 ngàn người Rohingya đã vượt qua con sông ngăn cách hai nước để chạy sang Bangladesh. Giờ đây, Bangladesh đang phải đối mặt với làn sóng tị nạn chưa từng thấy, khoảng 165 ngàn người trong vòng 10 ngày. Và tình trạng nhân đạo này rất khó kiểm soát.
Do vậy, tổ chức phi chính phủ Bác Sĩ Không Biên Giới đã phải mở thêm một phòng mổ thứ hai và huy động thêm hai trạm y tế di động để giúp đỡ người tị nạn. Ông Pavlo Kolovos, phụ trách tổ chức này tại Bangladesh cho biết :
Theo tôi nhớ thì chưa bao giờ có nhiều người đến và rất nhanh như vậy. Như cầu của họ rất lớn. Rõ ràng là họ đã tuyệt vọng và rất hoảng sợ khi chạy lánh nạn. Trước đó, khả năng đón tiếp của chúng tôi đã rất căng thẳng và giờ đây thì tình hình còn tồi tệ hơn. Đây là một cuộc khủng hoảng và chúng tôi phải hành động : ít ra là phải giúp đỡ, đáp ứng các nhu cầu cơ bản cho người tị nạn, cho dù họ đáng phải được giúp đỡ nhiều hơn thế.
Tổng cộng có tới 300 ngàn người Rohingya sống chen chúc trên một dải đất ở Bangladesh và trong số này chỉ có gần 10% được hưởng quy chế tị nạn. Trong khi đó, để tránh bị quân đội Miến Điện đàn áp, dòng người chạy lánh nạn dường như không giảm".
Tổ chức Lưỡi Liềm Đỏ của Iran hôm qua cho biết đã sẵn sàng để chuyển bằng máy bay hàng cứu trợ sang cho người Rohingya. Lượng hàng cứu trợ gồm thực thẩm, đồ dùng thiết yếu lên tới 40 tấn, với tổng trị giá khoảng 4 tỉ đô la.
Còn lãnh đạo lực lượng tuần duyên Malaysia hôm nay tuyên bố sẵn sàng cung cấp nhu yếu phẩm cho người Rohingya trên đường họ đi tị nạn, hoặc cấp chỗ ở tạm thời cho họ trước khi họ tiếp tục lộ trình đã định. Hiện Malaysia vẫn chưa ký vào Công ước Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, nên vẫn coi người tị nạn là người nhập cư bất hợp pháp.
Trong bối cảnh bị quốc tế chỉ trích, lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi hôm qua tuyên bố chính phủ nước này đã cố gắng hết sức để bảo vệ "tất cả mọi người" kể từ khi vụ bạo lực bùng phát vào ngày 25/08 làm rung chuyển bang Rakhine.
RFI tiếng Việt
*************************
Liên Hiệp Quốc : Sẽ phải cứu trợ cho 300.000 người tị nạn Rohingya (RFI, 07/09/2017)
Người Rohingya Miến Điện tiếp tục ồ ạt chạy sang Bangladesh tị nạn kể từ khi bạo lực bùng phát tại bang Rakhine cách nay hai tuần. Theo một chuyên gia Liên Hiệp Quốc, cần sẵn sàng các biện pháp cứu trợ cho 300.000 người tị nạn, theo kịch bản tồi tệ nhất.
Một người tị nạn Rohingya sau khi vượt biên sang Bangladesh ngày 05/09/2017. Reuters/Mohammad Ponir Hossain
Reuters dẫn lời người phát ngôn của Chương Trình Lương Thực Thế Giới (WFP) tại Bangladesh, ông Dipayn Bhattacharyya, theo đó tại Bangladesh, tổng số dân tị nạn ước tính từ 120.000 đến 300.000. Theo đại diện Chương Trình Lương Thực Thế Giới, "những người tị nạn đến nơi trong tình trạng suy kiệt,… họ không những hết sức đói mà còn rất hoảng sợ". Làn sóng người tị nạn, trong đó có nhiều người bị thương, bị bệnh, đòi hỏi rất nhiều hỗ trợ, trước hết về nơi ở, thực phẩm, nước sạch và các phương tiện vệ sinh, đặc biệt cần thiết bởi khu vực này đang giữa mùa mưa.
Đại diện của WFP kêu gọi các nhà tài trợ khẩn cấp đóng góp phương tiện. Chương Trình Lương Thực Thế Giới ước tính, để bảo đảm đời sống tối thiểu cho 300.000 người tị nạn, tổ chức này cần huy động thêm ít nhất 13,3 triệu đô la, để lương thực đủ dùng cho bốn tháng. Ông cảnh báo, nếu thiếu lương thực thì việc tranh giành sẽ xẩy ra, bạo lực, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em, chắc chắn sẽ gia tăng.
Về phía các trại tị nạn ở bang Rakhine, kể từ cuộc tấn công của quân nổi dậy Rohingya (lực lượng ARSA) vào các trạm biên phòng Miến Điện, các tổ chức quốc tế, như Chương Trình Lương Thực Thế Giới, không còn phân phát được thực phẩm cho dân cư trong các trại tị nạn, đa số là người Rohingya, nơi có khoảng 80.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng.
Quân đội Miến Điện tiếp tục chiến dịch truy quét rộng lớn tại khu vực này. Theo con số do quân đội nước này đưa ra hôm nay, trong hơn 430 người chết kể từ đầu khủng hoảng, chủ yếu đó là "quân khủng bố" Rohingya. Hiện tại, khu vực bang Rakhine hoàn toàn bị phong tỏa, không có phóng viên độc lập nào được phép tác nghiệp.
Phong trào đòi tước giải Nobel của Aung San Suu Kyi
Thảm cảnh của người Hồi giáo Rohingya Miến Điện khiến nhiều người nổi giận chống lại bà Aung San Suu Kyi, được coi là người đứng đầu chính phủ Miến Điện "trên thực tế". Ngày hôm qua, trên đường phố Karachi, thủ đô Pakistan, người biểu tình đốt hàng loạt tấm hình nhà lãnh đạo Miến Điện.
Theo AFP, một kiến nghị trên mạng đòi tước giải Nobel Hòa Bình của Aung San Suu Kyi đã huy động được hơn 364.000 chữ ký, tính đến sáng nay. Theo người chủ xướng bản kiến nghị, một công dân Indonesia, cho đến nay, nhà lãnh đạo Miến Điện đã "không làm gì để ngăn chặn tội ác chống nhân loại này, xảy ra trên đất nước mình". Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, Yanghee Lee, bày tỏ hy vọng bà Aung San Suu Kyi thể hiện "nhiều tình thương hơn… trong thời điểm hệ trọng này của lịch sử Miến Điện", như những gì bà từng tuyên bố.
Về khả năng tước giải Nobel, thư ký của Ủy Ban cho AFP hay, vấn đề này sẽ hoàn toàn không được đặt ra, bởi không có trong di chúc của người sáng lập, cũng như quy chế của Quỹ. Giải thưởng chỉ căn cứ trên nỗ lực của người được trao giải, cho đến thời điểm đó.
Về vai trò thực sự của bà Aung San Suu Kyi trong cuộc khủng hoảng hiện nay, nhiều nhà quan sát cho rằng nhìn chung, giải Nobel Hòa Bình bất lực trước làn sóng Phật giáo cực đoan và trước một tập đoàn quân đội còn rất mạnh, kể cả về mặt chính trị, sau gần nửa thế kỷ độc tài quân phiệt. Hiện giới quân sự nắm ba bộ lớn trong chính quyền, kiểm soát quân đội, cảnh sát và biên phòng, cùng với một phần tư ghế trong Quốc hội, đủ thẩm quyền để ngăn chặn mọi cải cách Hiến pháp.
Miến Điện là một quốc gia hơn 130 sắc tộc, với hơn 90% theo Phật giáo, người theo đạo Hồi ít hơn 5%. Các thành phần Phật giáo cực đoan, có quan điểm chống Hồi giáo, rất có ảnh hưởng. Đa số dân chúng lại tin rằng dân Rohingya là người nước ngoài, đến từ nước láng giềng Bangladesh, nhiều người cho rằng đây là một "vấn đề an ninh quốc gia".
Trọng Thành
********************
Myanmar : người Rohingya chạy sang Bangladesh tránh bạo lực (VOA, 09/09/2017)
Các cơ quan của Liên Hiệp Quốc cho hay trong hai tuần qua, khoảng 270.000 người Hồi giáo Rohingya đã chạy sang Bangladesh để tìm nơi nương thân, trốn bạo lực và đàn áp ở Myanmar. Các bản tin chưa được kiểm chứng nói hơn 1.000 người đã bị quân đội Miến Điện giết chết từ ngày 25/8 khi xảy ra bạo lực ở bang Rakhine, miền bắc Myanmar.
Người tị nạn Rohingya chờ tàu đưa qua kênh sau khi vượt biên giới qua sông Naf ở Teknaf, Bangladesh, ngày 7/9/2017. Ảnh Reuters/Mohammad Ponir Hossain.
Các cơ quan cứu trợ đang tăng cường công tác cứu trợ khẩn cấp cho người Hồi giáo Rohingya ở Bangladesh để đáp ứng nhu cầu của số người tị nạn đang gia tăng. Họ nói khả năng cung cấp nơi tạm trú vốn đã eo hẹp, giờ đã được tận dụng hết mức, và người tị nạn đang được đưa tới các địa điểm dung thân tạm thời đã nở rộ dọc theo con đường. người phát ngôn của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, ông Duniya Aslam Khan, nói rằng các trại tị nạn đang quá tải và không thể tiếp nhận thêm bất kỳ người nào khác. Ông nói :
"Hai trại tị nạn ở Bangladesh, Kutupalong và Nayapara, trước làn sóng tị nạn này là nơi chứa chấp 34.000 người tị nạn Rohingya, giờ đây đã chật cứng. Trong vòng hai tuần số người tị nạn trong trại đã tăng hơn gấp đôi, tổng cộng hơn 70.000 người. Đang có nhu cầu khẩn cấp phải có thêm đất đai và nơi tạm trú".
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đang dành riêng 1 triệu đô la trích ra từ quỹ khẩn cấp để cung cấp nơi trú ẩn, nước uống, thực phẩm và các dịch vụ y tế cho người tị nạn. Người phát ngôn của IOM, ông Leonard Doyle, nói với VOA rằng những người tị nạn không có nguồn lực và đang cấp thiết cần các dịch vụ hỗ trợ để cứu mạng.
Ông nói thêm :
"Họ đang ở trong tình cảnh tuyệt vọng, một tình huống nhân đạo hoàn toàn tuyệt vọng, không có đủ lương thực mà ăn... Họ nói họ đang sống ngoài trời, không có nơi trú ẩn để tránh cái nóng của mặt trời ở vùng nhiệt đới, không có nơi để trú mưa, trong khi con cái của họ không gì để ăn".
Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc cho biết họ đang giải ngân 7 triệu đô-la từ Quỹ Ứng phó Khẩn cấp Trung ương LHQ để giúp hàng ngàn người trong cảnh cùng quẫn, đang tiếp tục tràn vào Bangladesh.
Lisa Schlein