Luật sư Võ An Đôn, một luật sư nổi tiếng với những vụ bào chữa miễn phí giúp phơi bày tình trạng công an đánh chết dân, có thể bị Đoàn Luật sư Tỉnh Phú Yên kỷ luật vì những phát biểu chia sẻ trên Facebook cá nhân.
Luật sư Võ An Đôn
Theo thông báo từ Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tỉnh Phú Yên gửi ngày 17 tháng 8 cho luật sư Đôn được phổ biến trên mạng xã hội, luật sư Đôn đang bị xem xét kỷ luật vì trang Facebook Đôn An Võ của anh "có nhiều bài viết, clip nói xấu luật sư" cũng như những cuộc phỏng vấn giữa anh với "các đối tượng ở nước ngoài với các nội dung kích động, xuyên tạc không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước và luật sư Việt Nam".
Những phát biểu này "có dấu hiệu vi phạm các quy định của Luật luật sư, Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam và đạo đức nghề nghiệp luật sư", thông báo này nói tiếp.
Viết trong một thông điệp đăng trên Facebook với hình ảnh thông báo này đính kèm, luật sư Đôn khẳng định quyền tự do ngôn luận của mình và tố cáo Đoàn Luật sư chịu "sự chỉ đạo từ phía cơ quan nội chính và an ninh" để tìm cách làm anh im tiếng, "không cho nói sự thật".
"Luật sư có cái miệng để nói, nhưng không cho tôi nói sự thật về bản chất nghề nghiệp của mình để mọi người trong xã hội biết, thì làm sao nghề luật sư ở Việt Nam phát triển được" ? luật sư Đôn bức xúc.
Thông báo không nói rõ sẽ áp dụng hình thức kỷ luật nào đối với ông.
Trong một bài viết đăng ngày 6 tháng 7 trên Facebook, luật sư Đôn chỉ trích một quy định vừa ban hành của Liên đoàn luật sư Việt Nam cấm luật sư nói bậy trên mạng xã hội, điều mà anh nói là nhằm bịt miệng những cá nhân luật sư ít ỏi trong giới luật sư ở Việt Nam "dám lên mạng xã hội viết bài, bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề xã hội được dư luận quan tâm".
"Họ sợ vì luật sư là thành phần tri thức ưu tú của xã hội, uy tín xã hội của luật sư rất lớn, luật sư nói lên sự thật và chỉ trích những chính sách sai lầm của chính quyền, cũng như việc làm sai trái của quan chức nhà nước", luật sư Đôn bình luận.
Trước đây, luật sư Đôn từng bị đe dọa kỷ luật và thu hồi chứng chỉ hành nghề liên quan đến vụ án "Năm công an đánh chết dân" mà anh phơi bày và dấn thân theo đuổi công lý từ năm 2014.
Luật sư Đôn được Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam trao giải Nhân quyền năm 2016 vì các hoạt động bảo vệ cho quyền con người, bất chấp rủi ro và đe dọa.
Quân đội Philippines hôm 21/8 cho biết đã cứu một thuyền viên Việt Nam bị nhóm phiến quân Abu Sayyaf bắt làm con tin vào tháng 11 năm ngoái, theo tin Tân Hoa Xã.
Nhóm phiến quân Abu Sayyaf tại tỉnh Basilan, Philippines.
Ông Đỗ Trung Hiếu, thành viên của tàu MV Royal 16, đã được hải quân Philippines giải cứu hôm 20/8 trên đảo Mataja thuộc tỉnh Basilan, nơi nhóm trên đặt cứ địa.
Đô đốc Rene Medina, Tư lệnh Lực lượng Hải quân Tây Mindanao, tuyên bố : "Các cuộc tấn công quân sự ngày càng gia tăng khiến phiến quân Abu Sayyaf trốn chạy, và tạo cơ hội cho các hoạt động giải cứu".
Ông Đỗ Trung Hiếu là một trong sáu thuyền viên của tàu MV Royale 16 đã bị các phiến quân Abu Sayyaf bắt cóc gần Đảo Sibago, ở eo biển Basilan, nằm giữa đảo Mindanao và tỉnh Basilan, vào sáng ngày 11/11/2016.
Đô đốc Medina nói : "Ông Đỗ Trung Hiếu sẽ được đưa đến bệnh viện quân đội để khám sức khoẻ và phỏng vấn trước khi đưa ông được đưa đến các cơ quan chức năng và cuối cùng là được trao cho chính phủ Việt Nam".
Ngày 21/8, viên chức Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho báo Người Lao động biết phía Việt Nam vừa nhận được thông tin thuyền viên Đỗ Trung Hiếu được quân đội Philippines giải cứu.
Tháng 7/2017, quân đội Philippines nói rằng phiến quân Abu Sayyaf đã chặt đầu hai thủy thủ Việt Nam : Hoàng Trung Thông và Hoàng Văn Hải. Hai người này bị bắt cóc cùng với ông Đỗ Trung Hiếu vào năm ngoái. Quân đội cũng đã cứu một thuyền viên khác là Hoàng Võ vào tháng 6/2017.
Vào tháng 2/2017, phiến quân Abu Sayyaf cũng đã giết chết một thuyền viên tàu MV Giang Hải của Việt Nam ở ngoài khơi đảo khu vực Pearl Bank đảo Sulu và bắt cóc 7 người khác.
Trong một diễn biến liên quan, rạng sáng hôm 21/8, hãng tin AFP trích lời cảnh sát trưởng tỉnh Basilan cho biết 60 phiến quân Abu Sayyaf đã càn quét một thị trấn trong tỉnh, giết chết 9 người và làm bị thương 10 người ; chúng đốt nhà khi phụ nữ và trẻ đang ngủ.
Theo quân đội Philippines, nhóm Abu Sayyaf vẫn đang bắt giữ ít nhất 20 con tin.
Nhóm phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf được thành lập vào đầu những năm 1990 do nhóm al-Qaeda chu cấp tài chính. Đây là một trong những nhóm Hồi giáo cực đoan ở Philippines, cam kết trung thành với Nhà nước Hồi giáo, khét tiếng vì bắt cóc đòi tiền chuộc, đánh bom và cướp ở miền nam Philippines.
Mỹ một lần nữa lại nợ tiền Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ, số cổ phiếu của chính phủ Mỹ đã tăng 44 tỷ đôla, đạt mốc 1,15 nghìn tỷ đôla trong tháng 6, theo CNN.
Trung Quốc đã mua lại 21 tỷ đôla trái phiếu kho bạc kỳ hạn 6 năm vào tháng 6, trở thành quốc gia nước ngoài cho vay lớn nhất của chính phủ Hoa Kỳ.
Theo Reuters, Trung Quốc đã mua lại 21 tỷ đôla trái phiếu kho bạc kỳ hạn 6 năm vào tháng 6, trở thành quốc gia nước ngoài cho vay lớn nhất của chính phủ Hoa Kỳ.
Nhật Bản từng nắm giữ vị trí chủ nợ lớn nhất của chú Sam trong 8 tháng trước, nhưng Bắc Kinh lại muốn lấy lại danh hiệu là chủ nợ lớn nhất của Mỹ.
Năm 2016, Trung Quốc bán phá giá trái phiếu của Mỹ để có thể mua lại đồng nhân dân tệ, nhằm chống lại áp lực giảm giá nội tệ do một dòng tiền khổng lồ từ nền kinh tế Trung Quốc sinh ra.
Bộ Tài chính Mỹ xếp Trung Quốc như chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Hoa Kỳ trong phần lớn 9 năm qua.
Sự sẵn sàng của Trung Quốc cho Mỹ vay một khoản tiền khổng lồ làm dấy lên những lo ngại về khả năng đòn bẩy tiềm tàng của Bắc Kinh đối với Washington. Tổng thống Trump tuyên bố ngược lại trong chiến dịch tranh cử của ông, nói rằng cho thấy món nợ ấy mang lại cho Mỹ "rất nhiều quyền lực" đối với Trung Quốc.
Ông Trump tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc trong chiến dịch vận động tranh cử, hứa hẹn sẽ cắt giảm thâm hụt thương mại lên tới 310 tỷ đôla giữa hai nước và đe dọa tăng vọt thuế quan đánh trên hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Trump đã tỏ ra thận trọng hơn từ khi nhậm chức. Tuần này, ông yêu cầu quan chức thương mại hàng đầu của ông xem xét các hoạt động thương mại của Trung Quốc, nhưng không chỉ thị tiến hành một cuộc điều tra chính thức.
Gía trị trái phiếu kho bạc của Mỹ mà Trung Quốc mua đã tăng lên khoảng 95 tỷ đôla kể từ cuối tháng 1 năm nay, nhưng vẫn thấp hơn gần 100 tỷ đôla so với mùa hè năm ngoái.
Mỹ, Nhật, Úc kêu gọi COC có tính ràng buộc pháp lý (VOA, 07/08/2017)
Mỹ, Nhật và Úc hôm 7/8 thúc giục các nước Đông Nam Á và Trung Quốc bảo đảm rằng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông mà họ cam kết soạn ra sẽ có tính ràng buộc pháp lý, theo tin của Reuters phát đi từ Manila.
Ngoại trưởng các nước chụp ảnh trước Hội nghị Ngoại trưởng Đông Á ở Philippines, 7/8/2017
Tin cho hay ba cường quốc cũng nói họ mạnh mẽ phản đối những hành động cưỡng ép đơn phương.
Mỹ, Nhật và Úc không phải là những bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nơi có tranh chấp giữa 5 bên gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei.
Tuy nhiên, Mỹ, Nhật và Úc lâu nay vẫn có nhiều tuyên bố về vùng biển với lập luận rằng họ có lợi ích trong việc bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở đó.
Ngoại trưởng 3 nước kể trên đã ra tuyên bố sau một cuộc họp ở Manila nói rằng khối các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc cần thiết lập một bộ quy định "có tính ràng buộc pháp lý, có ý nghĩa, có hiệu lực, và nhất quán với luật quốc tế".
Hôm 6/8, các ngoại trưởng của ASEAN và Trung Quốc đã thông qua văn kiện khung liên quan đến việc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử (COC).
Văn kiện khung này nêu khái quát về cách thức Trung Quốc và ASEAN đàm phán về một thỏa thuận chính thức. Việc đàm phán có thể bắt đầu trong phần còn lại của năm nay.
Chuyên gia về Biển Đông Hoàng Việt nói với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh về ý nghĩa của việc 3 cường quốc đề nghị COC phải có tính pháp lý :
"Ba quốc gia mà họ lên tiếng thể hiện cái điều là muốn hay không muốn các cường quốc vẫn phải quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Việc phát biểu đó cho thấy, một là Hoa Kỳ cũng phải quan tâm bởi vì nó gắn liền lợi ích Hoa Kỳ ở đó. Thứ hai là kể cả Australia, mặc dù không phải là một bên tranh chấp Biển Đông, nhưng Australia cũng là một quốc gia quan tâm vì nó cũng ảnh hưởng rất nhiều lợi ích của Australia trong đó. Đối với Nhật Bản thì đương nhiên. Nhật Bản có những lo lắng đặc biệt, bởi vì căng thẳng trên Biển Đông sẽ tác động rất nhiều đến Biển Hoa Đông cũng như mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc".
Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định khi các cường quốc lên tiếng và nếu đi kèm theo đó là những hành động gây sức ép, điều đó sẽ giúp thúc đẩy tiến trình đàm phán COC nhanh hơn.
Mặc dù vậy, ông cũng lưu ý rằng việc chính quyền của Tổng thống Trump đang có những xáo trộn nội bộ, và việc chính quyền Mỹ chưa đưa ra chính sách đối ngoại rõ ràng làm cho khó dự báo về tiến trình đàm phán COC.
Trong khối ASEAN, một số nước trong đó có Việt Nam cũng muốn COC có tính ràng buộc pháp lý, khả dĩ thực thi và có một cơ chế giải quyết tranh chấp.
Một số chuyên gia nước ngoài nói Trung Quốc có thể không chấp nhận điều đó. Họ cũng nhận xét rằng việc Trung Quốc đồng ý đàm phán về COC có thể là một chiến thuật câu giờ để họ tiếp tục xây đảo và quân sự hóa ở Biển Đông.
Tuy nhiên, chuyên gia Hoàng Việt đưa ra ý kiến ngược lại :
"Tôi nghĩ Trung Quốc không câu giờ. Bởi vì Trung Quốc trước đây ở thế yếu, nhưng bây giờ Trung Quốc đã chuyển sang thế mạnh. Nghiên cứu về hành vi của Trung Quốc cho chúng ta thấy là sau khi Trung Quốc có một thế tương đối vững thì Trung Quốc sẽ xuống nước để Trung Quốc sẽ ký kết. Để làm gì ? Một mặt, Trung Quốc tỏ ra rằng Trung Quốc luôn luôn có thiện chí. Thứ hai, Trung Quốc muốn dựa vào đấy để ngăn cản các quốc gia khác bồi lấp, xây đảo nhân tạo như của mình".
Bản tin Reuters ngày 7/8 tường thuật rằng Jay Batongbacal, một chuyên gia về Biển Đông tại Đại học Tổng hợp Philippines, nói với kênh tin ANC rằng việc các bên thông qua văn kiện khung đã trao cho Trung Quốc lợi thế chiến lược vô cùng to lớn, đó là họ sẽ có thể quyết định khi nào tiến trình đàm phán có thể bắt đầu.
Lúc này, cùng với lời kêu gọi COC phải có tính ràng buộc pháp lý, ba nước Mỹ, Nhật và Úc cung thúc giục các bên kiềm chế, không bồi lấp, xây dựng các tiền đồn và quân sự hóa các thực thế có tranh chấp, ý nói đến việc Trung Quốc đã mở rộng khả năng phòng thủ ở Đá Vành Khăn, Chữ Thập và Su Bi thuộc quần đảo Trường Sa.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 6/8 nói điều đó phụ thuộc vào tình hình có ổn định hay không có sự can thiệp lớn từ bên ngoài vào hay không.
*****************
ASEAN, Trung Quốc thông qua khung quy tắc ứng xử trên Biển Đông (VOA, 06/08/2017)
Các ngoại trưởng Đông Nam Á và Trung Quốc hôm 6/8 thông qua văn kiện khung về đàm phán một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Họ ca ngợi động thái này là một tiến bộ, nhưng những người chỉ trích cho rằng đây là một chiến thuật câu giờ của Trung Quốc để nước này củng cố sức mạnh trên biển của mình.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp báo chí khi dự hội nghị với khối ASEAN, 6/8/2017
Văn kiện khung nhắm đến việc thúc đẩy Tuyên bố về quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông, gọi tắc là DOC, đã được đưa ra hồi năm 2002.
Hầu như các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đều lờ đi DOC, nhất là Trung Quốc. Nước này đã xây 7 đảo nhân tạo ở vùng biển có tranh chấp.
Các bên nói văn kiện khung chỉ là một bản khái quát về cách thức bộ quy tắc ứng xử sẽ được thiết lập. Nhưng những người chỉ trích nói việc không nêu khái quát về mục tiêu ban đầu, sự cần thiết phải làm cho bộ quy tắc có tính ràng buộc pháp lý và có thể cưỡng hành, hay có một cơ chế giải quyết tranh chấp là những điều gây nghi ngờ về mức độ hiệu lực của bộ quy tắc.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói việc thông qua văn kiện khung tạo ra cơ sở vững chắc để đàm phán có thể bắt đầu trong năm nay.
Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei đều có tuyên bố chủ quyền về toàn bộ hoặc từng phần Biển Đông.
Một số nhà ngoại giao và những người chỉ trích tin rằng việc Trung Quốc đột nhiên quan tâm đến bộ quy tắc sau 15 năm trì hoãn là có mục đích kéo dài quá trình đàm phán để câu giờ cho việc hoàn thành những mục tiêu chiến lược của họ ở Biển Đông.
Một số người cho rằng bộ quy tắc được thúc đẩy vào lúc Mỹ, nước lâu nay được coi là có vai trò quan trọng trong việc ngăn cản những đòi hỏi hàng hải của Trung Quốc, đang bị phân tán vì các vấn đề khác và không đưa ra quan điểm rõ ràng về chiến lược an ninh của Mỹ ở Châu Á, vì vậy làm suy yếu vị thế đàm phán của ASEAN.
Văn kiện khung chưa được công bố, nhưng một văn bản dài 2 trang mà Reuters tiếp cận được cho thấy nó khá khái quát và có nhiều điểm dẫn đến bất đồng.
Ví dụ, nó kêu gọi các bên cam kết với "các mục đích và nguyên tắc" của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, nhưng không quy định việc tuân thủ.
Một số nước ASEAN, kể cả Việt Nam và Philippines, lâu nay nói họ vẫn muốn làm cho bộ quy tắc có tính ràng buộc pháp lý, điều mà theo các chuyên gia sẽ ít có cơ hội được Trung Quốc chấp nhận.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói ông không cố tiên liệu về nội dung bộ quy tắc, nhưng ông cũng nói bất cứ điều gì được ký kết cũng phải được tuân theo.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao nước chủ nhà Philippines Robespierre Bolivar nói việc thông qua văn kiện khung là biểu tượng của cam kết tạo ra một bộ quy tắc "thực chất và có hiệu lực".
(theo Reuters)
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump không mấy quan tâm đến vấn đề Biển Đông là một lý do khiến Việt Nam nhượng bộ trước áp lực của Trung Quốc yêu cầu tàu thăm dò Deepsea Metro 1 ngừng khoan tìm khí đốt, nhà báo Bill Hayton của đài BBC viết trên tạp chí Foreign Policy.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump không mấy quan tâm đến vấn đề Biển Đông là một lý do khiến Việt Nam nhượng bộ trước áp lực của Trung Quốc yêu cầu tàu thăm dò Deepsea Metro 1 ngừng khoan tìm khí đốt, nhà báo Bill Hayton của đài BBC viết trên tạp chí Foreign Policy.
Trong bài báo có tiêu đề : “Tuần lễ Donald Trump để mất Biển Đông” đăng trên tạp chí Foreign Policy, một tạp chí hàng đầu của Hoa Kỳ về các vấn đề đối ngoại, Bill Hayton nhận định :
“Trong lúc Washington đang đắm chìm trong các tranh cãi về gián điệp Nga và dự luật chăm sóc y tế thì một trong những khu vực quan trọng nhất trên thế giới đang dần rơi vào tay của Bắc Kinh.”
Bài báo viết : “Hà Nội lâu nay vẫn trông chờ ở sự hậu thuẫn ngầm của Washington để chống lại những lời đe dọa từ Bắc Kinh. Trong khi đó, chính quyền ông Trump cho thấy hoặc là họ không hiểu hoặc là họ không quan tâm đúng mức đến những lợi ích của các nước bạn và các đối tác tiềm năng ở Đông nam Á để bảo vệ những nước đối tác trước sự hung hăng của Bắc Kinh,”
Sau hai năm rưỡi trì hoãn, hồi giữa tháng Sáu năm 2017, chính phủ Việt Nam cho phép công ty Talisman Việt Nam (một chi nhánh của tập đoàn năng lượng Repsol của Tây Ban Nha) khoan tìm khí đốt tại lô 136-03, mà Trung Quốc gọi là lô Vạn An Bắc ngay ngoài rìa vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam trên Biển Đông.
Chính sự bất đồng về vụ việc này đã khiến Tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, cắt ngắn một sứ mạng giao lưu quốc phòng giữa hai nước ở Việt Nam để về nước sớm hơn hồi gần đây.
Một số nguồn tin từ Hà Nội bên cạnh các nguồn tin khác được Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales, viện dẫn, nói Đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh đã bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc vời lên để nghe Bắc Kinh dọa, rằng nếu Việt Nam không chấm dứt khoan dầu khí và hứa sẽ không bao giờ thăm dò trên vùng biển đó, thì Trung Quốc sẽ ‘có hành động quân sự’ đối với Việt Nam.
Theo nhà báo Bill Hayton thì phần lớn trong số 28 thực thể mà Việt Nam đang chiếm giữ ở quần đảo Hoàng Sa chỉ nhằm đánh dấu chủ quyền, chứ không phải là cấu trúc quân sự, nên phía Việt Nam hoàn toàn không thể phòng vệ trước một cuộc tấn công từ phía Trung Quốc.
Trong lúc Bắc Kinh lớn tiếng đe dọa thì tàu Deepsea Metro 1 đã tìm thấy một trữ lượng tài nguyên đáng kể, đa phần là khí đốt, và dầu hỏa. Họ tiếp tục thăm dò và hy vọng sẽ khoan hết toàn bộ độ sâu của giếng này vào cuối tháng 7.
Theo nhà báo Bill Hayton, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp tại Hà Nội để bàn cách đối phó. Theo nguồn tin mà tập đoàn Repsol có được thì Bộ Chính trị bị chia rẽ giữa một bên là đa số các ủy viên Bộ Chính trị đều muốn đợi Trung Quốc “giở bài ngửa” (tức là không tin vào lời đe dọa của Trung Quốc và vẫn tiếp tục khoan thăm dò). Chỉ có hai phiếu chống, của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.
Nguồn tin mà VOA không thể được kiểm chứng độc lập cho biết sau hai cuộc họp căng thẳng của Bộ Chính trị hồi giữa tháng Bảy, quyết định cuối cùng được đưa ra : Việt Nam chấp nhận lùi bước trước Trung Quốc và chấm dứt khoan thăm dò. Nguồn tin này lý giải rằng quyết định này dựa trên lập luận là Hà Nội “không thể dựa vào sự giúp đỡ của chính quyền ông Trump trong trường hợp hai nước xảy ra xung đột trên Biển Đông”.
Vẫn theo nguồn tin này, thì một lập luận khác đặt giả thuyết nếu như bà Hillary Clinton, chứ không phải ông Donald Trump, là chủ nhân Nhà Trắng, thì mọi thứ có lẽ “sẽ rất khác bởi vì bà Clinton hiểu rõ Hoa Kỳ phải đối mặt với mối nguy gì trên Biển Đông”.
Niềm tin đặt nơi bà Clinton có lẽ cũng dễ hiểu. Có lẽ chưa ai quên bài phát biểu mạnh mẽ của bà Clinton về các lợi ích của nước Mỹ và tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Diễn đàn Khu vực ARF ở Hà Nội năm 2010. Chính sách của Tổng thống lúc bấy giờ Barack Obama là duy trì trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế được các nước trong khu vực hoan nghênh.
Theo nhà báo Hayton thì bàn thắng của Trung Quốc trong vụ đối đầu mới nhất với Hà nội có những hậu quả rõ rệt : Trung Quốc sẽ thiết lập luật lệ ở Biển Đông. Họ sẽ áp đặt chủ quyền gọi là ‘lịch sử’ hay ‘sở hữu chung’ lên Biển Đông. Bắc Kinh sẽ quyết định nước nào có quyền khai thác tài nguyên gì. Nếu Bắc Kinh có thể đe dọa Việt Nam, thì họ có thể đe dọa tất cả các nước còn lại trong vụ tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Trước đó, Manila từng loan báo ý định sẽ khoan tìm một giếng được cho là có tiềm năng khí đốt lớn ở Bãi Cỏ Rong. Tuy nhiên, hồi tháng Năm, Tổng thống Philippines Duterte cho biết lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh cáo ông rằng sẽ có chiến tranh nếu Manila tiếp tục khai thác khí đốt ở đó. Đây là khu vực mà tòa trọng tài quốc tế ở The Hagues đã phán quyết là thuộc chủ quyền của Philippines. Mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Manila để bàn về “hợp tác cùng khai thác” trên Biển Đông.
Nhà báo Bill Hayton nhận định : “Một khi Duterte và giới lãnh đạo Việt Nam hành động, lãnh đạo các nước khác sẽ theo sau. Các chính phủ Đông Nam Á đã rút ra được một kết luận quan trọng sau sáu tháng cầm quyền của Tổng thống Donald Trump : đó là Washington không sẵn sàng đánh cược trên Biển Đông,”.
Những quan điểm trong bài báo đăng trên tạp chí Foreign Policy là của nhà báo, nhà nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông Bill Hayton, do đó không phản ánh quan điểm của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ.
*****************
Kể từ khi có tin Việt Nam phải ngừng khoan thăm dò dầu khí trên biển Đông do bị Trung Quốc đe dọa, truyền thông Việt Nam vẫn im lặng và Bộ Ngoại giao cũng “im lặng một cách khác thường.”
Cho tới hết ngày 26/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng về vụ việc này và thông tin về việc Việt Nam yêu cầu một công ty con của tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol ngừng khoan thăm dò dầu khí ở lô 136-03 trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam không xuất hiện trên truyền thông chính thống.
Nguồn tin của các chuyên gia về biển Đông, giáo sư Carl Thayer của Học viện quốc phòng Úc và học giả Bill Hayton của viện nghiên cứu Chatham House, cho biết Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu này thông qua đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh. “Sau khi Bộ Chính trị (của Đảng Cộng Sản Việt Nam) xem xét yêu cầu này đã quyết định ngừng khoan dầu,” học giả và nhà báo chuyên viết về Việt Nam Hayton cho biết.
Các chuyên gia về biển Đông cho rằng lối đe dọa này của Trung Quốc là chưa từng có tiền lệ khi Bắc Kinh dọa dùng vũ lực, và trong bối cảnh đó Việt Nam phải nhượng bộ để có thời gian thay đổi chiến lược đối phó với Trung Quốc.
Sự giằng co giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề khoan dầu trên biển Đông, theo giáo sư Alexander Vuving của Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á-Thái Bình Dương, bắt đầu từ khi tướng Phạm Trường Long cắt ngắn chuyến thăm tới Hà Nội và chương trình giao lưu quốc phòng giữa 2 nước bị hủy bỏ.
Kể từ đó, Trung Quốc và Việt Nam đều huy động 1 lượng lớn các tàu tuần duyên và tàu kiểm ngư tới khu vực bãi Tư Chính (Vanguard Bank) nằm ở phía Tây Nam trong quần đảo Trường Sa và cách Vũng Tàu khoảng 200 hải lý về phía Đông Nam.
Hôm 23/7, một ngày trước khi bài báo của BCC và giáo sư Carl Thayer nói về quyết định của Việt Nam ngừng khoan dầu trên biển, giáo sư Vuving và Jonathan London đều đưa tin trên trang Twitter cá nhân về việc Trung Quốc đang triển khai dàn khoan HYSY-760 cùng 40 tàu hải giám tới khu vực gần bãi Tư Chính, quanh lô 163-03, là nơi Việt Nam lúc đó đang triển khai dự án khai thác dầu Cá Rồng Đỏ do PetroVietNam hợp tác với Repsol trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Dù Việt Nam và Trung Quốc đều chưa lên tiếng xác nhận hay phủ nhận về thông tin Trung Quốc yêu cầu Việt Nam ngừng khoan dầu, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 26/7 được Reuters dẫn lời nói “Trung Quốc thúc giục bên liên quan dừng các hoạt động vi phạm đơn phương và có hành động thiết thực bảo vệ cho khu vực biển mà không dễ có được.”
Trung Quốc ngày càng hung hăng
“Sự đe dọa này của Trung Quốc đối với Việt Nam cho thấy sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc,” theo giáo sư Thayer.
Cùng chung nhận định này, giáo sư Vuving nói “hành động của Trung Quốc cho thấy họ tiếp tục quyết liệt với các tuyên bố chủ quyền quá đáng của mình trên biển Đông và tự tin về khả năng bắt nạn những nước khác cũng có tuyên bố chủ quyền (trong vùng biển này).”
Kể từ cuối những năm 2000 và đặc biệt sau 1 năm tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc, nước này vẫn không thay đổi gì trong cách hành xử và thậm chí còn có thêm nhiều hành động hung hăng hơn.
Vào tháng 5 vừa qua, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nói trước công chúng rằng chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đe dọa “có chiến tranh” nếu Philippines trở lại khai thác dầu và khoan thăm dò ở bãi Recto. Vụ máy bay chiến đấu của Trung Quốc áp sát máy bay do thám của hải quân Mỹ trên biển Đông hôm 24/7 là ví dụ mới nhất cho thấy sự can thiệp của Trung Quốc vào các chuyến bay của Mỹ trên vùng trời phía đông và nam của biển Trung Hoa. Trung Quốc hiện cũng đang tiến hành các cuộc tập trận hải quân ở vùng biển Baltic với hải quân Nga, theo truyền thông quốc tế.
Việc tiếp tục quân sự hóa của Trung Quốc trên biển Đông cũng cho thấy nước này đang coi thường phản ứng của cộng đồng quốc tế.
Những hình ảnh vệ tinh mới nhất do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) của Mỹ ở Washington đưa ra hôm 19/6 cho thấy Trung Quốc xây thêm các cơ sở quân sự mới trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.
Washington luôn cáo buộc Bắc Kinh quân sự hóa tuyến hải lộ trọng yếu trong khu vực, nơi có lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD được giao thương hàng năm.
"Việt Nam phải ngưng khoan dầu ở lô 136 bởi vì các lực lượng của họ quá mỏng và không đủ khả năng để bảo vệ các hoạt động khoan thăm dò thêm lâu hơn trước số lượng quá đông của các tàu Trung Quốc."
Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á-Thái Bình Dương
Thượng nghị sỹ Mỹ Cory Gardner hôm 18/7 đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc gần đây có những hành động gây mất ổn định khu vực biển Đông và biển Hoa Đông, làm trái với luật lệ quốc tế và tạo ra hiểm họa xung đột trong tương lai.
Việt Nam phải làm gì ?
Nếu Trung Quốc thực sự đe dọa dùng vũ lực để tấn công các thực thể của Việt Nam trên biển Đông để buộc Việt Nam ngưng thăm dò dầu khí thì đây là một sự leo thang chưa từng có và đáng báo động, theo ông Thayer, cũng là giáo sư của Đại học New South Wales.
Việt Nam phải ngưng khoan dầu ở lô 136 bởi vì các lực lượng của họ quá mỏng và không đủ khả năng để bảo vệ các hoạt động khoan thăm dò thêm lâu hơn trước số lượng quá đông của các tàu Trung Quốc, theo nhận xét của giáo sư Vuving.
Các nguồn tin từ Việt Nam mà vị giáo sư của Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á-Thái Bình Dương có được cho biết có gần 200 tàu của Trung Quốc được điều tới khu vực bãi Tư Chính trong khi Việt Nam chỉ có hơn 50 tàu ở khu vực khoan dầu này. Tuy nhiên, cũng theo nguồn tin của giáo sư Vuving, việc khoan thăm dò này cũng đã gần hoàn tất nhiệm vụ và họ đã phát hiện ra một mỏ khí có trữ lượng lớn.
Mặc dù một số chuyên gia trong nước cho rằng việc Việt Nam hủy bỏ khoan thăm dò vì bị Trung Quốc đe dọa là “hành động bất lực, hèn nhát” nhưng các chuyên gia quốc tế lại cho rằng đây là một sự rút lui đúng lúc.
“Nếu Việt Nam tiếp tục khoan dầu với (đối tác) Repsol vào thời điểm này thì Trung Quốc sẽ đưa các tàu tới thách thức. Họ sẽ gửi tàu thăm dò và thậm chí tàu khoan tới khu vực mà Việt Nam đang khoan dầu. Những hàng động này sẽ làm mỏng lực lượng tuần duyên và tàu theo dõi các hoạt động đánh bắt cá của Việt Nam và lúc đó buộc Việt Nam phải dừng các hoạt động khoan dầu để tập trung vào việc ngăn cản các hoạt động thăm dò và khoan dầu của Trung Quốc,” theo tiến sỹ Vuving.
Giáo sư Carl Thayer cũng nhận định rằng nếu Việt Nam tiếp tục khoan dầu thì “không nghi ngờ gì Trung Quốc sẽ can thiệp” hoặc bằng việc cắt cáp tàu khoan dầu, hoặc gửi tàu đánh cá tới hoặc có các hành động quân sự chống lại một trong các thực thể của Việt Nam trong khu vực này.
“Việt Nam luôn dùng cả ngoại giao và hành động để đáp trả các hành động của Trung Quốc. Việt Nam không muốn hành động vội vàng trong một thế mà họ không có lợi,” theo giáo sư Thayer và ông cho rằng Việt Nam cần có thời gian để huy động những ý kiến từ quốc tế để đưa ra một chiến lược thích hợp.
Tiến sỹ Vuving cũng cho rằng hành động ngừng khoan dầu của Việt Nam là “một sự rút lui chiến thuật chứ không phải là một sự đầu hàng” và Việt Nam “chắc chắn sẽ không từ bỏ các tuyên bố chủ quyền của mình trong khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ.”
Để làm được việc này, bước tiếp theo, theo giáo sư Thayer, là “Việt Nam cần tìm kiếm sự ủng hộ của Nhật, Mỹ, Ấn Độ, Úc và Châu Âu đồng thời gặp gỡ các đại diện của các công ty dầu khí nước ngoài đang hoạt động trong EEZ của Việt Nam để tham khảo các đánh giá của họ.”
Một vở kịch cảm động về người tị nạn Việt Nam vừa ra mắt tại liên hoan sân khấu ở Avignon, miền Nam nước Pháp, đã gặt hái thành công một cách đáng kinh ngạc. Hãng tin AFP cho biết đêm diễn nào khán giả cũng đứng lên vỗ tay và xúc động đến chảy nước mắt.
Vở kịch Sai Gon đang trên sàn tập (Ảnh chụp màn hình từ Yahoo)
Đạo diễn của vở kịch “Saigon” là Caroline Guiela Nguyen, 35 tuổi, con của một gia đình đã từ Sài Gòn chạy sang Pháp vào năm 1956.
Vở kịch lấy bối cảnh là một nhà hàng Việt Nam, được khen ngợi là đã giúp khán giả hiểu được những đau thương mất mát của người di dân và tị nạn Việt Nam trong khi số phận của họ từ lâu chìm trong im lặng ở Hoa Kỳ và ở Pháp.
Nội dung vở kịch kể về những người Việt di tản bị giằng xé giữa nước Pháp và quê hương Việt Nam trong giai đoạn cuối của thời kỳ cai trị thực dân của Pháp ở Việt Nam. Đó là nỗi đau xé ruột gan và nỗi nhớ nhung mãnh liệt.
Phóng viên AFP nói vở kịch “Saigon” đã hoàn toàn chinh phục khán giả và các nhà phê bình, và khiến họ “phải rút khăn tay ra chậm nước mắt”.
AFP dẫn lời đạo diễn Nguyễn nói rằng vở kịch được đóng khung trong hai mốc thời gian : 1956 và 1996.
“1956 là năm mà người những người lính Pháp và những viên chức thuộc địa cuối cùng rời khỏi Việt Nam. Nhiều người Việt có quốc tịch Pháp cũng ra đi cùng với họ. những người này được gọi là “Việt kiều”, theo bà Nguyễn.
Phải đến năm 1996 – tức 40 năm sau, khi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam – thì những “Việt kiều” này mới trở về cố hương. Một vài năm sau đó, bà Nguyễn, khi đó còn trong tuổi teen, đã cùng mẹ trở về Việt Nam. Lúc đó bà mới cảm nhận được nỗi mất mát của mình sâu sắc đến dường nào.
Nguyễn kể bà không thể nhịn cười khi nghe mẹ trả giá với những người bán trái cây ở một ngôi chợ ở thành phố Hồ Chí Minh. Tiếng Việt của bà sau bốn mươi năm, hầu như không còn nữa, một vết tích của quá khứ.
Cũng giống như 17 người anh chị em họ lớn lên ở Pháp, Nguyễn không nói được Tiếng Việt, vì cha mẹ bà mong muốn con cái hoàn toàn hội nhập vào xã hội Pháp, nên đối với họ, nói tiếng Việt là đi thụt lùi. Caroline đề cập tới sự chia rẽ trong đại gia đình khi bàn đến việc có nên về lại Việt Nam hay không.
“Một số cô chú bác của tôi không bao giờ muốn quay lại trong khi những người khác thì đau đáu muốn được nhắm mắt trên quê hương”.
Để viết được vở kịch này, Caroline Nguyễn đã mất hai năm qua lại giữa Pháp và Việt Nam để thu thập tư liệu.
“Chúng tôi thu thập những lời kể, ghi lại những hình ảnh, âm thanh và cả bối cảnh và từ đó câu chuyện của chúng tôi ra đời», bà nói với AFP.
Vở kịch diễn ra ở một nhà hàng ở Paris vào năm 1996. Một số người trong dàn diễn viên 11 người nói tiếng Việt còn những người khác nói tiếng Pháp. Tất cả đều bị kẹt trong một thế giới không còn hiện hữu.
Caroline cho biết khi lớn lên bà đã cảm nhận được hố sâu ngăn cách giữa cha mẹ Việt và con cái của họ sinh ra và lớn lên ở Pháp. Khi thu thập tư liệu cho vở kịch, bà nghe một bà mẹ Việt Nam nói rằng : “Con trai tôi là người ngoại quốc số một trong lòng tôi”.
Cũng giống như nhân vật điệp viên nhị trùng trong tiểu thuyết “Sympathizer”-“Cảm tình viên” của nhà văn Nguyễn Thanh Việt đã đoạt giải Pulitzer năm 2016, các nhân vật trong vở kịch “Saigon” bị giằng xé giữa các nền văn hóa, giữa tình yêu và sự hoài nghi.
Tuy nhiên khác với tiểu thuyết “Cảm tình viên”, vở kịch “Saigon” né tránh chủ đề chính trị.
Caroline nói :
“Điều mà tôi quan tâm là nhìn vào những con người mà số phận được định đoạt bởi thời kỳ cai trị thực dân, để xem cái gì còn lại trong nội tâm và trong tim họ”.
“Đây là một vở kịch không giống bất cứ vở kịch nào», tờ Le Monde bình luận. Tờ nhật báo này so sánh vở kịch với nỗi nhung nhớ đầy phiền muộn, vừa ngọt ngào vừa xót xa trong tác phẩm điện ảnh kinh điển “In the Mood for Love”, tức “Tâm trạng khi yêu” của đạo diễn Hong Kong Vương Gia Vệ.
Vở kịch kết thúc với lời thoại : “Đây là cách chúng tôi kể chuyện ở Việt Nam – với rất nhiều nước mắt».
Theo tờ Le Monde thì kiểu kể chuyện lấy nước mắt khán giả như thế là điều lâu nay không còn thấy trên sân khấu của nước Pháp, và chính điều đó làm nên sức hút của vở kịch “Saigon”.
Nguồn : VOA, 24/07/2017