Một phúc trình của Tập đoàn nghiên cứu RAND nói rằng các lực lượng Mỹ có thể sẽ bại trận trong cuộc chiến kế tiếp, theo báo The Telegraph.
Tàu và máy bay của Hải quân Hoa Kỳ.
Phúc trình, có tựa đề "Năng lực Quân đội Hoa Kỳ đối đầu với một Thế giới Nguy hiểm," đánh giá các kịch bản xung đột trong tương lai, từ xung đột với Nhà nước Hồi giáo hay với Iran, cũng như một cuộc chiến giả định trên hai mặt trận trước cả Trung Quốc và Nga.
Cờ Hoa kỳ và Trung Quốc.
Các nỗ lực hiện đại hóa của Hoa Kỳ "không theo kịp tốc độ" khi so sánh với hai đối thủ lớn này, và các lực lượng Mỹ "không được đảm bảo để đối mặt với những thách thức chính ở Châu Âu và Đông Á", CNBC cho hay, dựa theo một phúc trình mới của Rand.
Trong khi căng thẳng với Triều Tiên gia tăng, phúc trình dài 190 trang của Rand cũng thảo luận các kịch bản chiến tranh với NATO-Nga liên quan đến các quốc gia vùng Baltic.
Phúc trình cũng đề cập một cuộc đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc đối với vấn đề Đài Loan và những khoảng trống trong các khả năng hiện tại của Hoa Kỳ.
Phúc trình của Tập đoàn RAND nói rằng sự tự mãn, và các ưu tiên bị lạc hậu, là trọng tâm của những rắc rối quân sự Mỹ.
Tàu ngầm Michigan của Hoa Kỳ.
Thay vì xây dựng các tàu sân bay khổng lồ, các tàu ngầm và máy bay tàng hình, Hoa Kỳ cần tập trung vào việc làm sao để quân đội vận hành tốt hơn.
Điều này bao gồm việc xây dựng các kho tên lửa hành trình tiên tiến, kỹ thuật liên lạc có khả năng chống lại tình trạng phá sóng tốt hơn và tăng cường khả năng phòng vệ của các căn cứ quân sự của Mỹ.
Lấy các thảm họa liên quan đến lực lượng hải quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương làm minh chứng, phúc trình nói thêm rằng các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ hiện "chưa được đào tạo đầy đủ và chưa sẵn sàng để các đơn vị cùng phối hợp hoạt động hiệu quả nhất.
Hơn 10.000 người dự Lễ '500 năm Tin Lành cải chính' ở Hà Nội (VOA, 12/12/2017)
Hơn 10.000 người Việt Nam đã đến dự buổi giảng của Mục sư Franklin Graham, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tổ chức Samaritan’s Purse, diễn ra tại một vận động trường ở Hà Nội trong buổi tối Thứ Sáu 8/12. Sự kiện kéo dài hai ngày cho tới hết Thứ Bảy 9/12, là sự kiện truyền bá phúc âm Cơ Đốc Giáo "hiếm hoi" ở nước cộng sản Việt Nam, theo hãng thông tấn AP.
Mục sư Franklin Graham phát biểu tại buổi giảng đạo ở Hà Nội, 8/12/2017.
Mục sư Graham nói rằng buổi cầu nguyện tại Hà nội hôm thứ Sáu là sự kiện "chưa từng diễn ra về mặt quy mô đối với Việt Nam. Ông cho biết chính quyền tại Hà nội không đặt ra bất cứ điều kiện nào’ cho sinh hoạt tôn giáo này. Mặc dù cần tới 1 năm để tổ chức sự kiện, giới hữu trách Việt Nam chỉ mới bật đèn xanh "hồi tuần trước", theo lời mục sư Graham nói với AP.
"Đây là một sự kiện chưa từng có tiền lệ đối với chúng tôi và đối với chính phủ Việt Nam", AP dẫn lời mục sự Graham, "Chúng tôi không muốn làm bất cứ điều gì có thể gây bối rối cho chính phủ Việt Nam, hay nhân dân Việt Nam. Thực tế là, chúng tôi chỉ là những người khách, chính phủ Việt Nam chưa hề bảo tôi phải nói điều gì hay không nói điều gì. Tôi sẽ chỉ nói về Thượng Đế, chúng tôi không có mặt ở đây để nói về các vấn đề chính trị".
Theo AP, Mục sư Franklin Graham nói ông hy vọng rằng qua sự kiện này, Hà nội sẽ có một cái nhìn khác hơn về Ki-tô giáo. Ông nói :
"Tôi hy vọng chính phủ sẽ nhận ra rằng các tín hữu Ki-tô không phải là những kẻ thù, mà nằm trong thành phần công dân tốt nhất của Việt Nam, và là những người mà họ có thể tin cậy và dựa vào".
Nhà truyền giáo nói ông hy vọng thay đổi đó sẽ tốt cho các giáo hội, và ông hy vọng cuộc gặp mặt kỳ này cũng sẽ có lợi cho chính phủ Việt Nam, và "họ sẽ nhìn chúng ta dưới một ‘ánh sáng khác’ sau tuần này".
Trang mạng christianpost.com trích lời Mục sư Franklin Graham ca ngợi chính phủ Việt Nam là đã bắt đầu có quan hệ ấm áp hơn với Ki-tô giáo.
Trước sự kiện đêm thứ Bảy 9/12, hãng tin AP nói chính quyền Hà nội không bình luận với AP về sinh hoạt tôn giáo đặc biệt này.
Vấn đề tôn giáo dường như vẫn là một vấn đề hết sức nhạy cảm ở Việt Nam không chỉ vì những lời ‘rào trước đón sau’ của nhà truyền giáo nổi tiếng nước Mỹ, mà một số người trong Hội Thánh Tin Lành ở Hà nội có đến tham dự buổi giảng của Mục sự Franklin Graham đã tỏ ra vô cùng ngần ngại, và một mực từ chối trả lời những câu hỏi của Ban Việt ngữ-VOA vào đêm 11/12, dù được trấn an rằng những câu hỏi ấy chỉ liên quan tới không khí buổi sinh hoạt, bao nhiêu người tham dự, và trải nghiệm của họ tại buổi sinh hoạt đó là như thế nào.
Dưới hàng tít "Mục sư Franklin Graham giảng đạo tại sự kiện hiếm hoi tại nước cộng sản Việt Nam", bản tin của AP hôm 8/12 nói bất chấp những cải cách kinh tế sâu rộng trong 30 năm qua đã giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có đà tăng trưởng nhanh nhất khu vực, đảng cộng sản đương quyền vẫn kiểm soát chặt chẽ mọi khía cạnh của xã hội, "từ truyền thông cho tới tôn giáo".
AP dẫn lời Tổ chức Human Rights Watch nói rằng hơn 100 người Việt Nam đang bị giam cầm vì những sinh hoạt tôn giáo hay chính trị ôn hòa.
Bản tin của AP nhắc lại trường hợp của Linh mục Công giáo Tadeo Nguyễn văn Lý, một trong những người sáng lập Khối 8406, tổ chức kêu gọi dân chủ đa nguyên ở Việt Nam về tội tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam, đã được phóng thích năm ngoái sau 8 năm bị giam cầm.
Truyền thông trong nước nói chung dường như không mấy chú ý tới sự kiện tôn giáo ‘hiếm hoi’ này, mặc dù báo mạng Hà Nội Mới và Kinh Tế Đô Thị có đưa tin Mục sư Graham được Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp đón trước các buổi giảng đạo diễn ra tại Sân Vận Động Quần Ngựa.
Bài viết đăng trên trang mạng kinhtedothi.vn chạy hàng tít "Hà Nội trân trọng những đóng góp của tổ chức Samaration's Purse" tường thuật rằng Chủ tịch UBND thành phố Hà nội đã tiếp đoàn đại biểu của tổ chức cứu trợ nhân đạo Samariton’s Purse, và chúc mối quan hệ giữa hai bên ngày càng phát triển tốt đẹp.
Theo hãng thông tấn AP, Mục sư Graham nói rằng ông muốn nhà cầm quyền cộng sản xem người Cơ Đốc Giáo là "những công dân tốt". Ông cho biết đã dành cả một năm để chuẩn bị cho các sự kiện này, và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã không đặt ra bất cứ điều kiện nào. Ông Graham nói với AP rằng, cuộc tập họp của tín hữu Cơ đốc giáo tại Hà Nội hôm Thứ Sáu là "chưa có tiền lệ về quy mô" tại Việt Nam. Ông không muốn làm bất cứ điều gì khiến cho nhà cầm quyền cộng sản bị mất mặt, và cũng không nói chuyện chính trị.
Ban Tôn giáo Chính phủ hôm 12/12 tải lên mạng một số hình ảnh nhân "Lễ 500 năm Tin Lành cải chính" của Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), với lời giới thiệu sau đây :
"Trong 500 năm qua, đạo Tin Lành trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã thể hiện được một lối sống đạo tích cực, tiến bộ, tuân thủ pháp luật và giàu lòng bác ái. Đông đảo tín hữu, chức sắc đạo Tin Lành tại Việt Nam đã tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước".
Mục sư Franklin Graham là Chủ tịch và Giám Đốc điều hành của Hiệp Hội Truyền giáo Billy Graham và tổ chức Cứu trợ và Truyền giáo Cơ Đốc quốc tế Samaritan's Purse, con trai của nhà truyền bá phúc âm Billy Graham, người sáng lập hội, và một trong những nhân vật có ảnh hưởng chính trị rất lớn tại Hoa Kỳ.
Chủ tịch Hội Truyền giáo Franklin Graham nói rằng trong 30 năm qua, Việt Nam đã chứng kiến rất nhiều thay đổi. Ông nói thái độ của chính phủ Việt Nam đối với Hội Truyền bá Phúc Âm đang thay đổi, và ông tin là những thay đổi ấy sẽ tiếp tục theo hướng tích cực.
"Tín đồ Ki-tô tại Việt Nam được tự do hơn về mặt tôn giáo, trong khi theo những dấu hiệu bề ngoài thì dường như chúng ta ở phương Tây, đang dần dà mất đi những cái quyền ấy".
Trong những năm gần đây, Hiệp Hội Billy Graham đã gia tăng hoạt động tại Đông Nam Á, ngay cả tại các nước có truyền thống theo Phật giáo. Vào tháng 11/2016, Hội Truyền giáo Billy Graham đã tổ chức sự kiện truyền giáo 3 ngày "Love Joy Peace" tại trung tâm hội nghị Myanmar. Sự kiện này được Hội Thánh Tin Lành Hà nội miêu tả là "một trong những sự kiện truyền giảng lớn nhất tại Myanmar kể từ khi nước này mở cửa", với sự tham dự của hơn 170,000 người.
Với dân số khoảng 95 triệu người Việt Nam, đại đa số người Việt theo đạo Phật như Myanmar, khoảng 6.5 triệu người là tín đồ Công Giáo, và hơn 1 triệu người theo đạo Tin Lành.
************************
Hơn 4 tỷ đôla kiều hối ‘đổ’ về Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 (VOA, 11/12/2017)
Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận lượng kiều hối gần 4,6 tỷ đôla trong 11 tháng đầu năm 2017, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, theo Tân Hoa Xã.
Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận lượng kiều hối gần 4,6 tỷ đôla trong 11 tháng đầu năm 2017.
Ngân hàng nhà nước, chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh hôm 11/12 cho biết rằng hơn 60% lượng kiều hối đến từ Hoa Kỳ và hơn 19% từ Châu Âu.
Dư báo thành phồ Hồ Chí Minh sẽ nhận được kiều hối gần 5,2 tỷ đôla Mỹ trong năm 2017, tăng 4,5% so với năm ngoái.
Kiều hối của Việt Nam năm 1993 chỉ có 141 triệu đôla, nhưng đến năm 2015 tăng lên 13,2 tỷ đôla, và giảm xuống còn hơn 9 tỷ đôla vào năm 2016. Một trong những lý do chính làm giảm lượng kiều hối là do lãi suất tiền gửi đôla Mỹ ở Việt Nam giảm xuống chỉ còn 0%.
Hiện có gần 5 triệu người Việt đang sinh sống tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đầu năm nay, theo AP, ngân hàng Credit Suisse có báo cáo cho rằng lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 sẽ tiếp tục giảm do tác động từ chính sách hạn chế nhập cư của Tổng thống Donald Trump.
Ngân hàng Credit Suisse cho biết kiều hối từ Mỹ chiếm khoảng 4% trong GDP của Việt Nam.
*********************
Di dân gốc Việt bị kết tội sát hại 5 người trong một gia đình ở San Francisco (VOA, 13/12/2017)
Một di dân bất hợp pháp người Việt đã bị tòa tuyên bố có tội và hiện đang đối mặt với án tù chung thân hôm 11/12 trong vụ án dùng búa giết chết một gia đình năm người hồi năm 2012 sau khi anh ta thua bạc ở một sòng bài vào buổi chiều cùng ngày, kênh FoxNews và Đài CBS loan tin.
Bị cáo Binh Thai Luc (Ảnh CBS San Francisco)
Bị cáo Binh Thai Luc, vốn có tiền sử phạm tội bạo lực và nằm trong diện bị trục xuất hồi năm 2006, bị xác định là có tội trong vụ sát hại một gia đình di dân gốc Trung Quốc. Ngoài ra, anh ta còn đối mặt với năm cáo buộc tìm cách cướp tài sản và hai cáo buộc trộm cắp.
Hôm 23/3 năm 2012, Luc, lúc đó đang mắc nợ nần, đã giết chết gia đình nạn nhân trong một vụ cướp sau khi anh ta thua bạc ở một sòng bài.
Các công tố viên cho rằng gia đình nạn nhân cất giữ hàng ngàn đô la tiền mặt trong nhà ở San Francisco. Vào lúc bị bắt, Luc đang có 6.500 đô la trong người. Bồi thẩm đoàn đã được thông báo rằng bị cáo đã thanh toán hết nợ nần sau khi vụ án xảy ra.
Luc, 41 tuổi, bị buộc tội đã dùng búa đập, đâm và bóp nghẹt ba người phụ nữ và hai người đàn ông trong một gia đình ở một căn nhà ở số 16 đường Howth gần City College of San Francisco.
Các nạn nhân trong gia đình bị giết bao gồm annh Vincent Lei, 32 tuổi, vợ anh ta là cô Chia Huei Chu, 30 tuổi, cha mẹ anh ta là ông Hua Shun Lei, 65 tuổi, và bà Wan Yi Xu, 62 tuổi, cùng chị gái là cô Ying Xue Lei, 37 tuổi, theo Đài CBS.
Luc, vốn là thợ sửa ống nước, là một người bạn lâu năm của nạn nhân Vincent Lei.
Tờ San Francisco Chronicle dẫn lời ông George Gascón, chưởng lý quận, nói : "Đây là một vụ giết người tàn bạo, dã man và chúng tôi thấy vui vì chúng tôi đã bắt thủ phạm chịu trách nhiệm trước gia đình nạn nhân và trước cộng đồng".
Mặc dù không có bản khai của nhân chứng chứng kiến hành vi của Luc, các nhà điều tra cho biết máu của một trong số các nạn nhân được tìm thấy vương vãi trên chiếc quần jeans của Luc. Máu của Luc cũng được tìm thấy trên một gói thuốc lá, một hóa đơn và một ngăn kéo tủ, cũng theo tờ báo này.
Trước đây, Luc đã ở tù cả chục năm với tội cướp của và dùng hung khí tấn công người khác trong vụ cướp có vũ trang một nhà hàng Trung Quốc hồi năm 1996. Chính quyền đã ra lệnh trục xuất anh ta về Việt Nam sau khi mãn hạn tù. Tuy nhiên Chính phủ Việt Nam đã không cung cấp giấy tờ tùy thân hợp lệ để hoàn thành việc trục xuất anh ta.
Cơ quan di trú liên bang Mỹ đã thả Luc trở lại cộng đồng vào năm 2006.
Luật sư biện hộ nói rằng có thể một người nào khác mới là thủ phạm sát hại cả gia đình, nhiều khả năng là do bọn côn đồ ở khu phố Tàu San Francisco thanh toán theo kiểu giang hồ hay một người bạn trai cũ của một trong số các nạn nhân. Luật sư biện hộ Mark Goldrosen nói rằng bên công tố không xác định được động cơ giết người.
Trong phiên tòa, Luật sư Goldrosen nói rằng các bằng chứng cho thấy Luc đã ở trong nhà của nạn nhân nhưng không chứng minh được anh ta đang cướp của hay giết người vào lúc đó.
Luc không nói lời gì sau khi bị kết tội. Luật sư Goldrosen nói rằng thân chủ của ông đã ‘rất thất vọng’ với bản án.
"Ông ấy hiểu rằng đây chỉ mới là khởi đầu của một quy trình và sẽ còn thủ tục chống án," Goldrosen nói.
Việt Nam giao Thánh Giá Long Tân cho Australia (VOA, 06/12/2017)
Việt Nam vừa giao Thánh Giá Long Tân cho Úc sau các cuộc mật đàm giữa chính quyền hai nước, truyền thông Úc cho biết ngày 6/12, dẫn lời cảm ơn của Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull về sự "rộng lượng" của Hà Nội.
Thánh Giá trong lễ tưởng niệm các tử sĩ trận Long Tân năm 1969. Ảnh : Christopher John Bellis/Australian War Memorial.
Theo ABC, Thánh Giá Long Tân đã được Việt Nam giao cho Úc từ đầu tháng trước như một động thái mở màn cho hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, sự kiện này đã được cả hai phía giữ bí mật cho tới ngày 5/12, khi Thánh Giá Long Tân được chính thức đặt tại phòng trưng bày Reg Saunders của Úc.
Trong lễ tưởng niệm ở Canberra hôm 6/12, Thủ tướng Turnbull nói ông cám ơn người đồng nhiệm Việt Nam về "hành động quảng đại tuyệt vời".
"Thật phi thường khi những người đàn ông lớn tuổi đã từng cầm súng đối đầu nhau trong chiến tranh bây giờ không hề giữ ác cảm với nhau", AP dẫn lời Thủ tướng Úc nói.
Các giới chức Úc cho biết việc di chuyển Thánh Giá Long Tân đã được giữ bí mật trong suốt những tuần qua vì tính "nhạy cảm" của vấn đề.
Thánh Giá Long Tân được Việt Nam xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1988. Thánh Giá sau đó được đưa về trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Đồng Nai vì lý do "bảo vệ an toàn" cho cây thập tự.
Sự kiện Việt Nam giao Thánh Giá Long Tân cho Úc diễn ra sau khi Hà Nội có quyết định không cho phép các cựu chiến binh Úc trở lại Long Tân để tưởng niệm các tử sĩ trong trận đánh này.
**********************
Việt Nam 'không cho phép' tưởng niệm Trận Long Tân (VOA, 18/03/2017)
Chính phủ liên bang Úc ngày 17/3 xác nhận năm nay sẽ không có lễ tưởng niệm chính thức tại Bia Thánh Giá Long Tân, sau khi chính quyền Việt Nam quyết định không dỡ bỏ lệnh cấm hạn chế đi vào khu vực đã diễn ra trận đánh Long Tân giữa binh sĩ Úc và lính Bắc Việt cách đây gần 51 năm.
Một cựu chiến binh Úc đến Bia Thánh Giá Long Tân ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong dịp kỷ niệm 40 năm trận chiến, ngày 18/8/2006.
Tuy nhiên, một nhóm nhỏ người Úc sẽ được phép đến thăm khu vực vào ngày 25/4, là ngày ANZAC ở Úc, với điều kiện không có truyền thông đi theo. Ngày ANZAC là ngày lễ kỷ niệm chiến dịch quân sự lớn đầu tiên của liên quân Úc và New Zealand. Đây được xem là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của Úc.
Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh Úc Dan Tehan khuyên các công dân Úc muốn đến Long Tân nên cân nhắc lại kế hoạch du hành cho phù hợp. Ông nói : "Chính phủ [Úc] tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng Việt Nam để có được một kết quả có lợi cho cả hai nước".
Ông nói thêm rằng : "Mặc dù thất vọng, nhưng chúng tôi tôn trọng quyền của Việt Nam trong tư cách một quốc gia có chủ quyền, được quyết định về các lễ kỷ niệm tổ chức trên đất nước mình".
Ông Dan Tehan ngỏ lời cám ơn Việt Nam đã cho phép một nhóm người Úc đến Long Tân và cho biết sẽ bàn thảo với các cựu chiến binh và công chúng Úc về những thay đổi này.
Năm ngoái, Việt Nam cũng ra quyết định hủy bỏ vào phút chót một chương trình kỷ niệm quy mô của Úc tại Long Tân nhân kỷ niệm 50 năm trận chiến, một động thái mà báo giới Úc miêu tả là một "thảm họa ngoại giao" đã khiến nhiều cựu chiến binh Úc thất vọng và nổi giận.
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull lúc đó nói Việt Nam đã "xem thường" các cựu chiến binh khi không cho phép họ đến làm lễ tưởng niệm.
Quyết định hủy bỏ được đưa ra sau 18 tháng thương thảo giữa hai chính phủ Việt Nam và Úc. Lý do mà phía Việt Nam đưa ra là tính nhạy cảm của khu vực Bia Thánh Giá Long Tân.
Trận chiến Long Tân diễn ra vào ngày 18 tháng 8 năm 1966. 108 binh sĩ Úc và 2.500 lính Bắc Việt đối đầu nhau tại đồn điền cao su Long Tân ở tỉnh Phước Tuy. 18 binh sĩ Úc và khoảng 245 lính Bắc Việt đã thiệt mạng trong trận chiến được xem là gây thương vong nặng nề nhất cho quân đội Úc trong thời chiến tranh Việt Nam.
Lễ tưởng niệm trận chiến Long Tân được Úc tổ chức vào ngày 18 tháng 8 hàng năm. Kể từ năm 1989, hoạt động này bắt đầu được người Úc thực hiện tại Long Tân, Việt Nam.
*********************
Australia bực bội vì Việt Nam hủy lễ tưởng niệm trận chiến Long Tân (VOA, 17/08/2016)
Chính phủ Australia mới đây cho hay họ "thất vọng sâu sắc" về việc nhà chức trách Việt Nam chỉ báo trước 11 giờ về quyết định hủy lễ tưởng niệm 50 năm trận chiến Long Tân.
Bia hình thánh giá, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh : halovietnam.vn
Chính phủ Australia mới đây cho hay họ "thất vọng sâu sắc" về việc nhà chức trách Việt Nam chỉ báo trước 11 giờ về quyết định hủy lễ tưởng niệm 50 năm trận chiến Long Tân.
Hơn 1000 cựu chiến binh và gia đình đã chuẩn bị cho buổi lễ hôm 18/8 ở Việt Nam. Chính phủ và các nhóm cựu chiến binh đã dành 18 tháng để chuẩn bị.
Tuy nhiên, giờ đây chính phủ Australia hiểu rằng chỉ có những nhóm nhỏ được đi vào khu tưởng niệm cùng với một ban đại diện chính thức trong đó có các đại sứ của Australia và New Zealand.
Lúc này, Thủ tướng Malcolm Turnbull đang cố tiếp xúc với người đồng cấp phía Việt Nam. Ngoại trưởng Julie Bishop cũng đã tìm cách liên lạc với bộ trưởng ngoại giao của Việt Nam để khiếu nại về vụ việc này.
Bộ trưởng đặc trách các vấn đề Cựu chiến binh Dan Tehan tức giận mô tả quyết định hủy buổi lễ và cách thông báo gấp gáp như vừa xảy ra là "một cú giáng làm đau lòng". Ông nói ở Canberra hôm 16/8 : "Tôi cho rằng đây không nên là cách đối xử với bạn bè".
Ông Tehan nói Việt Nam đưa ra lý do hủy lễ là vì "những sự nhạy cảm sâu sắc" về trận chiến.
Tuy nhiên, vị Bộ trưởng Dan Tehan cho rằng quan điểm của chính phủ Australia là quyết định của Việt Nam không liên quan đến vấn đề nào khác trong quan hệ song phương. Ông nói : "Việc này chỉ liên quan đến Long Tân, không liên quan đến khía cạnh nào khác trong mối quan hệ".
Báo chí Australia đưa tin cảnh sát địa phương ở Long Tân, gần thành phố Hồ Chí Minh, đã đóng cửa khu tưởng niệm có hình chữ thập. Một nhóm phóng viên của hệ thống truyền thông ABC đã bị chặn lại khi chỉ cách khu tưởng niệm 200 mét. Mặc dù vậy, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia nói họ được biết các nhóm nhỏ vẫn có thể được vào.
Australia đã dự định lấy buổi tưởng niệm ở Long Tân làm hoạt động chính trong số các buổi tưởng niệm để vinh danh các cựu chiến binh của nước này trong chiến tranh ở Việt Nam.
Trận Long Tân diễn ra ngày 18/8/1966 và được coi là một trong những trận đánh khốc liệt nhất của lính Australia trong chiến tranh Việt Nam. 105 lính Australia và New Zealand đã đối đầu với hơn 2.000 lính Bắc Việt và Việt Cộng ở một khu đồn điền cao su. Tổng cộng 18 lính Australia và ít nhất 245 lính Việt Nam đã thiệt mạng trong trận này.
Trong năm 2017, ông Bill Gates, nhà sáng lập và cựu chủ tịch tập đoàn Microsoft, đã chọn đọc 5 quyển sách, trong đó có hai tác phẩm của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ.
Ông Bill Gates và 5 quyển sách yêu thích của ông trong năm 2017. (Ảnh : GatesNotes.com)
Công bố trên trang web riêng hôm 4/12, tỷ phú Bill Gates nói The Best We Could Do (Điều tốt nhất Chúng tôi có thể làm), một tự truyện bằng tranh của nữ tác giả Thi Bùi và tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm tình viên) của tác giả Việt Thanh Nguyễn, là hai trong năm quyển sách được ông chọn đọc trong năm 2017.
Trong một phản hồi gửi cho VOA – Việt ngữ qua email hôm 5/12, bà Thi Bùi nói : "Tôi rất vui mừng và cảm kích khi những quyển sách bé nhỏ lại được những người có nhiều ảnh hưởng giới thiệu một cách rộng rãi cho độc giả qua diễn đàn của họ".
"Đối với người Mỹ gốc Việt, kém cõi về quyền lực khi đặt chân đến đất nước này như là người tị nạn hay di dân, nhưng tôi hy vọng rằng đây là một minh chứng, một dấu hiệu để chúng ta vươn lên", bà Thi Bùi cho biết thêm.
Khi lên ba, bà Thi cùng cha mẹ và anh chị em rời khỏi miền Nam Việt Nam bằng thuyền và tới định cư tại Hoa Kỳ tại thành phố San Diego, bang California. Bà cảm nhận cuộc chiến Việt Nam đã để lại một vết thương tâm lý sâu sắc nơi cha mẹ bà, nhưng ít khi nghe họ nói về trải nghiệm đó.
Sau khi học xong đại học, nỗi đau chiến tranh thôi thúc bà tìm hiểu về quá khứ, để hiểu những động lực đã khiến người tị nạn phải rời bỏ quê hương. Quyển tiểu thuyết bằng tranh này kể lại câu chuyện của gia đình tác giả với những địa danh quen thuộc như Dĩ An, Sài Gòn, con thuyền vượt biên và khoảng thời gian đến Mỹ.
Quyển tự truyện của Thi Bùi kể về con gái của một cặp vợ chồng người Việt Nam tị nạn tại Mỹ sau sự sụp đổ của Chính quyền Sài Gòn vào năm 1975.
Tự truyện Điều tốt nhất Chúng tôi có thể làm miêu tả sự thật đau lòng về những hy sinh của thân mẫu tác giả, cũng như nỗi đau do chiến tranh gây ra tại Việt Nam.
Bill Gates viết lời bình về tác phẩm của Thi Bùi :
"Tôi nghĩ cô ấy miêu tả rất chân thực cảm giác chán nản khi phải gánh trách nhiệm đối với gia đình mình. Đồng thời, trải nghiệm của gia đình cô ấy khác với phần lớn các gia đình khác (và chắc chắn là khác với gia đình tôi). Rõ ràng, nhiều điều rối ren trong tuổi thơ của cô là hệ quả trực tiếp của những gì đã xảy ra trong cuộc chiến tại Việt Nam".
Tác giả Thi Bùi nói với VOA rằng bà rất ngưỡng mộ khi thấy càng ngày càng có nhiều phụ nữ gốc Việt như bà Bee Nguyen, Mai Khanh Tran, Kathy Tran, và Stephanie Murphy ra ứng cử và thắng cử vào các chức vụ trong các cấp chính quyền trên đất Mỹ, và tất cả đã tạo nên nét độc đáo của người gốc Việt.
Bìa truyện tranh Điều Chúng ta có thể làm tốt hơn của tác giả Thi Bùi. (Ảnh Gatesnotes.com)
Cũng như bà Thi Bùi, tác giả Việt Thanh Nguyễn viết trên Twitter hôm 5/12, nói ông rất vui mừng khi tiểu thuyết của ông được ông Gates chọn đọc, và kinh ngạc khi thấy doanh số bán quyển Cảm tình viên trên trang Amazon tăng chóng mặt ngay sau khi xuất hiện lời bình của nhà tỷ phú Mỹ.
Cảm tình viên là tiểu thuyết lịch sử đoạt giải Pulitzer viết về một điệp viên hai mang người Việt làm nhiệm vụ gián điệp trong một cộng đồng người tị nạn theo phân công của Cộng sản Việt Nam. Cảm tình viên là tiếng nói đầy mâu thuẫn của một gián điệp thân Cộng.
Ông Bill Gates nhận định :
"Tác giả Việt Thanh Nguyễn không ngần ngại trong việc miêu tả nỗi đau thương mà Chiến tranh Việt Nam đã gây ra cho tất cả mọi người liên quan. Ông không đưa ra phán xét về lòng trung thành của nhân vật của mình nên được đặt ở đâu. Hầu hết những câu chuyện về chiến tranh đều phân định rõ ràng rằng quý vị nên đứng về phe nào, nhưng The Sympathizer không để người đọc lựa chọn một cách dễ dàng như vậy".
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA trước đây, tác giả Việt Thanh Nguyễn cho biết triết lý của cuốn tiểu thuyết là trạng thái ở giữa các bên nghĩa là như thế nào. Ông nói :
"Tôi lớn lên với tư cách là một người tị nạn do Chiến tranh Việt Nam, và tôi nhận thức rõ về thực tế là những người Mỹ mà tôi sống cùng nhìn vào cuộc chiến theo cách riêng, còn những người tị nạn Nam Việt Nam mà tôi sống cùng lại nhìn vào cuộc chiến theo một cách riêng khác..".
Tác giả - giáo sư Việt Thanh Nguyễn
Tiểu thuyết "Cảm tình viên" của ông Việt, xuất bản năm 2015, kể về một sỹ quan quân đội Việt Nam Cộng hoà là người Việt lai Pháp đồng thời là một gián điệp của Bắc Việt. Câu chuyện diễn ra trong những ngày Sài Gòn sắp thất thủ và giai đoạn đầu của cuộc nhập cư ồ ạt của người Việt vào Mỹ.
Trước đây ông Việt nói với VOA rằng ông đã ký hợp đồng với một nhà xuất bản ở Việt Nam để cho ra đời quyển tiểu thuyết này bằng tiếng Việt, nhưng nói thêm rằng "việc kiểm duyệt" của Hà Nội có thể biến cuốn tiểu thuyết này "thành vô dụng".
Sinh ra tại Buôn Mê Thuột, lớn lên tại California, tác giả Việt Thanh Nguyễn cùng gia đình đã trải qua những năm tháng đầy thách thức trong tư cách là những người tị nạn Việt Nam rời bỏ quê hương đến Hoa Kỳ định cư.
Ba tác phẩm còn lại được ông Bill Gates chọn đọc trong năm 2017 là Evicted : Poverty and Profit in the American City của tác giả Matthew Desmond, Believe Me : A Memoir of Love, Death, and Jazz Chickens của tác giả Eddie Izzard và Energy and Civilization : A History, của tác giả Vaclav Smil.
8 ngày, Campuchia tịch thu giấy tờ của hơn 1.700 gia đình Việt (VOA, 06/12/2017)
Trong vòng 8 ngày, Campuchia đã tước giấy tờ của 1.733 gia đình người Việt tại tỉnh Kampong Chhnang, hoàn thành một nửa mục tiêu đề ra trong chiến dịch thu hồi giấy tờ nhắm vào cộng đồng người Việt, Phnom Penh Post cho biết hôm 6/12.
Một chợ cá ở tỉnh Kampong Chhnang, Campuchia, nơi có nhiều người gốc Việt sinh sống.
Kampong Chhnang là tỉnh đầu tiên thí điểm thực hiện chiến dịch vì là nơi có nhiều người Việt sinh sống trên các làng bè ở Biển Hồ, theo lời người phát ngôn Bộ Nội vụ Campuchia được tờ nhật báo nước này dẫn lời vào tuần trước.
Trong khi đó, một người Việt sống ở khu vực này nói với VOA rằng chiến dịch thu hồi giấy tờ của chính quyền Campuchia có thể có động cơ chính trị.
Trên thực tế, nhiều người Việt bị cho là có giấy tờ giả, thực ra đã được chính quyền sở tại cấp trước đây vì họ có nhà cửa hợp pháp. Nhiều gia đình đã sống tại đây qua nhiều thế hệ.
Hiện tại có hàng trăm trẻ em người Việt trong khu vực không được học ở hệ thống trường công lập Campuchia vì ‘không có giấy tờ hợp lệ’.
Ông Pan Laikheang, Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh tỉnh Kampong Chhnang nói với Phnom Penh Post rằng ông không biết khi nào thì quá trình kiểm tra và thu giữ giấy tờ sẽ hoàn tất.
Tổng cộng có 2.393 gia đình ở tỉnh Kampong Chhnang bị nhắm mục tiêu trong chiến dịch thu hồi giấy tờ, gây ảnh hưởng đến hơn 10.000 người.
Trước đó, Bộ Nội vụ Campuchia xác định có 70.000 người sẽ bị thu hồi giấy tờ trên toàn quốc. Trong đó, hơn 90% là người gốc Việt.
"Sau khi tịch thu các giấy tờ không hợp lệ, chúng tôi sẽ làm hồ sơ để gửi đi [Bộ Nội vụ], nơi sẽ xác nhận họ là những người nhập cư hợp pháp", ông Pan Leikheang cho biết thêm.
Theo luật, di dân đến Campuchia có thể đăng ký quốc tịch sau 7 năm cư trú. Tuy nhiên với những người không rõ quê quán và lớn lên ở Campuchia, quá trình chờ 7 năm bây giờ mới bắt đầu, Phnom Penh Post dẫn lời giới chức phó của ông Laikheang, Pal Soth, cho biết.
"Trong thời gian đó, họ phải đóng thuế theo quy chế di dân", ông Soth nói thêm.
Tiếp theo động thái giải tán đảng đối lập chính, đuổi các hãng truyền thông quốc tế ra khỏi nước, chính quyền của Thủ tướng Hun Sen bị các tổ chức quốc tế chỉ trích là vi phạm nhân quyền khi tước giấy tờ của cư dân.
Luật sư Lyma Nguyễn, người từng hỗ trợ cộng đồng người Việt ở Campuchia, nói với VOA qua email rằng việc đây là điều rất "đáng lo ngại" và người Việt ở Campuchia nên được đối xử công bằng.
Bà Lyma cho biết các cư dân gốc Việt sống trên Biển Hồ, cũng là nạn nhân nạn diệt chủng Pol Pot, là những người mà bà đã đại diện trước Tòa án Khmer Đỏ.
Nữ luật sư người Úc gốc Việt nói nhiều người Việt Nam được coi là "sống không có quốc tịch ở Campuchia" và trên thực tế chính quyền đương nhiệm vẫn không công nhận họ.
Bà nói, sau khi bị Khmer Đỏ trục xuất vào những năm 1970, những người này sống như người tị nạn ở Việt Nam, nhưng phía Việt Nam không chấp nhận họ là công dân Việt Nam.
***************
‘Đáng lo ngại’ vụ Campuchia tước giấy tờ người Việt (VOA, 04/12/2017)
Luật sư Lyma Nguyễn, người từng hỗ trợ cộng đồng người Việt ở Campuchia, nói với VOA rằng việc chính quyền Phnom Penh tước đi giấy tờ của người Việt là rất "đáng lo ngại" và nói rằng họ nên được đối xử công bằng.
Một con đường ở tỉnh Kampong Chhnang, Campuchia.
Từ Darwin, Australia, Luật sư Lyma Nguyễn nói qua email rằng việc chính quyền Campuchia tuần qua bắt đầu tước giấy tờ của hơn 10.000 người gốc Việt tại tỉnh Kampong Chhnang mà họ cho là đã cấp không đúng quy định là "cực kỳ đáng quan ngại".
Bà Lyma cho biết các cư dân gốc Việt sống trên Biển Hồ, cũng chính là nạn nhân nạn diệt chủng Pol Pot là những người mà bà đã điện diện trước Tòa án Khmer Đỏ.
Nữ luật sư người Úc gốc Việt nói nhiều người Việt Nam được coi là "sống không có quốc tịch ở Campuchia" và trên thực tế chính quyền đương nhiệm vẫn không công nhận họ.
Bà nói, sau khi bị Khmer Đỏ trục xuất vào những năm 1970, những người này sống như người tị nạn ở Việt Nam, nhưng phía Việt Nam không chấp nhận họ là công dân Việt Nam.
Nữ luật sư nói tiếp :
"Vào những năm 1980, họ phải quay trở về Campuchia, nơi được gọi "quê hương" của họ, họ bị chính phủ coi là "những người nhập cư bất hợp pháp" vì không có bất kỳ cách nào chứng minh tình trạng dân sự trước đây của họ ở Campuchia, do mất hết giấy tờ dưới thời Khmer Đỏ, họ đang sống trong tình trạng lấp lửng, và bây giờ, cuộc đàn áp này buộc họ phải quay lại như ngay từ đầu".
Trường học từ thiện cho trẻ em Việt trên Biển Hồ, Campuchia. (Ảnh Báo Lao động)
Theo nhật báo Phnom Penh Post, Kampong Chhnang là tỉnh đầu tiên phát động chính sách này từ ngày 23/11. Báo này trích lời ông Keo Vanthorn, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Campuchia nói rằng bộ thực hiện thí điểm ở tỉnh Kampong Chhnang vì là nơi có nhiều người Việt sinh sống trên các làng bè trên Biển Hồ.
Tại tỉnh này, các viên chức địa phương xác nhận là có hơn 10.000 người đã sống ở đây mà không có giấy tờ hợp lệ. Những giấy tờ gồm giấy khai sinh, thẻ căn cước, sổ thông hành và hộ khẩu.
Nhiều người có thể đã lấy giấy tờ quốc tịch một cách hợp pháp nhưng nếu họ không thể chứng minh rằng họ đã tuân theo đúng thủ tục đăng ký, thì theo ngôn ngữ không rõ ràng của sắc lệnh mới này, họ vẫn có thể bị tước giấy tờ.
Về mặt pháp lý, bà Lyma đề xuất rằng nên có một thỉnh cầu (appeal) đề nghị đối xử công bằng với người gốc Việt tại Campuchia và các quyền hợp pháp của họ theo luật pháp Campuchia phải được tôn trọng.
Bà hoài nghi về cách làm thế nào để chính phủ Campuchia có thể quyết định giấy tờ nào là loại đã "được cấp một cách phi pháp, trái quy định".
Nữ luật sư nói rằng chính quyền Campuchia không nên "gộp" tất cả người gốc Việt vào một nhóm duy nhất. Những người gốc Việt sống ở tỉnh Kampong Chhnang qua nhiều thế hệ trước thời Khmer Đỏ hoàn toàn khác với những người di cư sang Campuchia vì lý do kinh tế sau này.