Chiến đấu cơ trên hàng không mẫu hạm Mỹ gặp nạn (VOA, 12/11/2018)
Một chiếc máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ thuộc hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đã đâm xuống vùng biển ở đông bắc Philippines hôm 12/11, nhưng hai phi công thoát chết.
Một chiếc F/A-18 Hornet của Hải quân Mỹ.
AP dẫn lời Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho biết rằng chiếc F/A-18 Hornet gặp trục trặc kỹ thuật khi tham gia hoạt động thường lệ ở Biển Philippines.
Theo thông báo của Hải quân Mỹ, một chiếc máy bay cứu hộ đã nhanh chóng cứu hai phi công từ mặt biển và đưa họ trở lại tàu.
Sức khỏe của cả hai vẫn tốt và hàng không mẫu hạm đã trở lại hoạt động bình thường, theo AP.
Nguyên nhân của vụ rớt máy bay chiến đấu vẫn đang được làm rõ.
Đây là vụ tai nạn thứ hai liên quan tới máy bay thuộc biên chế của USS Ronald Reagan trong chưa đầy một tháng.
Hồi giữa tháng trước, một chiếc MH-60 Seahawk đã rớt sau khi cất cánh, gây thương tích cho hơn một chục thủy thủ, nhưng không đe dọa tới tính mạng họ.
Theo AP, hàng không mẫu hạm trên tham gia một cuộc tập trận chung với Nhật Bản và Canada từ ngày 29/10 tới 8/11 tại vùng biển gần Nhật Bản và gần đảo Guam ở Thái Bình Dương.
*******************
Trung Quốc đã lần đầu tiên trình làng tên lửa trên máy bay chiến đấu tàng hình J-20 tại triển lãm hàng không lớn nhất của nước này.
Reuters dẫn lại tin của Hoàn cầu Thời báo nói rằng hai chiến đấu cơ đã mở cửa buồng chứa, cho thấy mỗi chiếc có bốn tên lửa ở thân và mỗi một bên cánh có thêm một tên lửa.
Dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc, theo hãng tin Anh, tờ báo nói rằng cuộc trình làng diễn ra đúng dịp 69 năm ngày thành lập Không lực Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Global Times nói rằng nó cho thấy ưu thế của J-20 so với các máy bay chiến đấu hàng đầu của Mỹ là F-22 và F-35, cũng như chúng tỏ sự tự tin ngày càng tăng lên của PLA.
Hoàn cầu Thời báo, theo Reuters, dẫn lời một chuyên gia quân sự nói rằng bốn quả tên lửa trong thân chiếc J-20 là loại không đối không tầm xa, trong khi hai quả hai bên là loại tên lửa tầm ngắn dùng trong các cuộc không chiến.
Nhà hoạt động Đinh Nguyên Kha vừa mãn hạn 6 năm tù nói với VOA rằng anh kiên quyết tiếp tục ‘tranh đấu vì lợi ích của dân tộc và chủ quyền lãnh thổ’.
Sáng ngày 11/10, nhà hoạt động Đinh Nguyên Kha mãn hạn tù và được nhiều nhà hoạt động khác chào đón khi trở về nhà ở Long An.
Anh chia sẻ với VOA :
"Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Tôi sẽ chọn những công việc thích hợp nhất với hoàn cảnh hiện tại để tiếp tục ủng hộ tiến trình dân chủ hóa đất nước".
Đinh Nguyên Kha, 30 tuổi, là thành viên của nhóm Tuổ i trẻ Yêu nước, anh bị chính quyền bắt vào năm 2012 và xử phạt lần đầu với mức án đến 10 năm tù, 3 năm quản chế vì rải truyền đơn chống Trung Quốc xâm lược lãnh hải của Việt Nam.
Vào năm 2013, án giảm xuống còn 4 năm tù giam, 3 năm quản chế, nhưng anh phải chịu thêm 2 năm tù nữa vì cáo buộc "gây thương tích".
Đinh Nguyên Kha nhận định về bản án của mình :
"Trước khi bị bắt thì tôi không có hoạt động công khai. Khi đó xem tin tức trên mạng thì thấy xã hội có nhiều bất công, Trung Quốc lâm le muốn xâm lược, vì mình là người Việt Nam phải có nghĩa vụ lên tiếng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Sau đó tôi biết anh Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình và tôi đã tham gia vào nhóm Tuổi trẻ Yêu nước, rải truyền đơn chống cộng và chống Trung Quốc, vì vậy mà bị lực lượng an ninh bắt và cho là vi phạm pháp luật".
Truyền thông Việt Nam trích cáo trạng cho biết vào tháng 8/2012 và tháng 10/2012 Đinh Nguyên Kha và một người bạn là Nguyễn Phương Uyên đã có hành vi "tàng trữ, lưu hành các tài liệu chống Nhà nước : Dán các khẩu hiệu, cờ vàng ba sọc đỏ nơi công cộng… rải truyền đơn trên cầu vượt An Sương, thuộc xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh".
Cả hai thành viên của nhóm Tuổ i trẻ Yêu nước đều bị cáo buộc với tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" sau khi rải truyền đơn, dán khẩu hiệu với nội dung chống Đảng cộng sản Việt Nam "tham nhũng, bán nước" và phản đối Trung Quốc xâm lược Trường Sa-Hoàng Sa.
Đinh Nguyên Kha từng cùng các tù nhân lương tâm khác tuyệt thực để phản đối chính sách hà khắc về điều kiện nhà tù của Bộ Công an ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và sẽ tiếp tục tranh đấu bảo vệ quyền lợi của tù nhân :
"Đối với một tù nhân như tôi thì không có cách đấu tranh nào khác ngoài cách tuyệt thực, dù nó có ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của mình. Sau khi tôi ra tù cũng xác nhận rằng mình phải tiếp tục đấu tranh như thế nào để cho những anh em trong tù không cần thiết phải tuyệt thực nữa".
Được biết trong 6 năm qua, Kha đã ở cùng rất nhiều tù nhân chính trị khác như doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, nhạc sĩ Việt Khang, nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, ở cùng anh trai mình là Đinh Nhật Uy và gần đây là bác sỹ Hồ Hải.
Khi được các nhà hoạt động khác chào đón mãn hạn tù sáng ngày 11/10 tại Long An, Kha nói : "Sáu năm qua không bao giờ làm tôi nhụt chí. Chỉ thay đổi phương pháp thôi chứ không thay đổi mục tiêu", theo Facebook của Ca sĩ bất đồng chính kiến Nguyễn Tín.
Nhà hoạt động Trần Thu Nguyệt viết về Kha trên Facebook : "một tuổi trẻ dấn thân bảo vệ đất nước, bảo vệ dân tộc".
Linh mục Lê Ngọc Thanh viết trên Facebook : "Điều tuyệt vời là Kha bước đầu dấn thân trong cô đơn, không ai trong gia đình hiểu, nay sau 6 năm, Kha đã có mẹ, anh, chị, anh rể... là những chiến hữu sống chết với chọn lựa dấn thân của Kha".
Vào tháng 7 năm ngoái, bà Lê Thị Kim Liên, mẹ của Kha, đã sang Canberra gặp gỡ các dân biểu Úc, và vào tháng một năm 2014, sang thủ đô Washington gặp các giới chức và dân biểu tại Hoa Kỳ để vận động trả tự do cho con trai.
Đinh Nhật Uy, anh trai của Kha, cũng từng bị chính quyền tỉnh Long An bắt giam và xử phạt 15 tháng tù treo và 19 tháng quản chế về tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ" theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự.
"Không có. Không có". Kim Thúy cười lớn, khẳng định "không có" chuyện cô sẽ đoạt Giải Thưởng Mới Trong Văn Chương (the New Prize in Literature), được mệnh danh "giải thưởng thay thế Nobel Văn Chương 2018".
Nhà văn Canada gốc Việt Kim Thúy có tiểu thuyết đầu tay “Ru” gây tiếng vang ở các giải thưởng thế giới.
xGiải thưởng mới "tính theo số người bỏ phiếu". Kim Thúy nói với VOA, cô ngạc nhiên, và độc giả của cô cũng ngạc nhiên, về việc cô có tên trong số 47 tác giả được đưa ra cho công chúng bình chọn.
"Chẳng hạn, trong 47 người đó, có nhà văn Rowling. Chỉ cần 0.01% độc giả của Rowling bỏ phiếu, thì tôi đã không có tên trong số 4 người [vào vòng trong]". Rồi cô cười lớn, "chắc Rowling không để ý".
Hàn Lâm Viện Thụy Điển quyết định hoãn công bố giải Nobel Văn Chương 2018 do các điều tiếng về scandal liên quan đến giám khảo của giải thưởng danh giá này. Vì lý do ấy, các quản thủ thư viện Thụy Điển cùng thành viên trong cộng đồng văn hóa và nghệ thuật quyết định lập ra một giải thưởng khác, chỉ trong năm nay, để lấp vào khoảng trống của Nobel Văn Chương.
Văn bản nói về lý do ra đời của Giải Thưởng Mới Trong Văn Chương có đoạn : "Trong thời điểm mà giá trị nhân văn ngày càng bị thách thức, thì văn chương trở thành lực đối kháng với sự đàn áp và thái độ vô cảm. Bây giờ là thời điểm quan trọng hơn bao giờ hết giải thưởng văn chương cao qúy nhất thế giới phải được trao tặng".
Các thành viên trong ban tổ chức Giải Thưởng Mới Trong Văn Chương chọn ra danh sách 47 nhà văn trên toàn thế giới, rồi để công chúng bình chọn. Bốn người có số phiếu cao nhất sẽ được xét chọn bởi ban giám khảo, gồm giáo sư văn chương Lisbeth Larsson, nhà báo kiêm thủ thư Marianne Steinsaphir, nhà phê bình kiêm chủ bút Peter Stenson, và giám đốc thư viện, Gunilla Sandin.
Trả lời tờ báo National Post, Kim Thúy cũng nói xác suất để mình thắng giải thưởng này là "dưới zero phần trăm". Cô nói về 3 nhà văn trong danh sách được bình chọn (Maryse Condé - the Guadeloupe và Pháp, Haruki Murakami - Nhật Bản ; và Neil Gaiman - Anh) : "Họ là những biểu tượng văn hóa – những nhà văn dày dạn kinh nghiệm – trong khi tôi chỉ mới bắt đầu hành trình của mình".
Rồi cô nói đùa : "Có thể gia đình tôi hơi đông người !"
Kim Thúy thật lòng không tin mình sẽ thắng giải, và cô bông đùa thoải mái về giả thuyết sẽ trở thành "khôi nguyên giải thưởng thay thế Nobel Văn Chương".
Thế nhưng, con đường đi vào văn chương của tác giả các tác phẩm có tựa đề độc đáo, "Ru", "Vi", "Man", lại mang đậm sự ray rứt về thân phân con người di dân, tị nạn, và lòng yêu mến đến sâu thẳm giá trị văn hóa Việt Nam.
"Tôi hãnh diện về vẻ đẹp của Việt Nam mình. Có những cái nhỏ, nhỏ, nhỏ của Việt Nam mình mà mình không để ý tới. Chẳng hạn chữ "ru", không ngờ một chữ "ru" mà đẹp đến như vậy. Khi tôi tìm đến tiếng Pháp thì chữ "ru" trong tiếng Pháp rất dài. Ru con ngủ là một cái gì rất là dài, thế mà "ru" chỉ là một chữ thôi. Thành ra tôi thấy nó hay quá đi, và thấy mình phải chia sẻ". Kim Thúy nói với VOA.
Cách "chia sẻ" của Kim Thúy cũng rất lạ : Cô muốn, qua mỗi tác phẩm của mình, độc giả ngoại quốc lại được học thêm một vài chữ tiếng Việt. Và sự chia sẻ ấy bắt đầu ngay từ tựa đề của sách.
"Chỉ một "sound" đã có ý nghĩa rồi. Chữ "Man", tức là "Mãn", đẹp thế nào. Mãn, là mãn nguyện. Nhìn chữ là thấy thương. Hay "ru", tiếng Pháp cũng có ý nghĩa. "Man", tiếng Anh cũng có nghĩa. "Vi", cũng gần như "C’est la Vie" trong tiếng Pháp. Lúc nào cũng có ý nghĩa của 2, 3 ngôn ngữ. Nhưng lúc nào cũng muốn có tiếng Việt Nam. Tôi muốn độc giả thấy chữ viết của tiếng Việt mình. Tức là độc giả của tôi bây giờ biết ít nhất là một chữ tiếng Việt. Còn trong tác phẩm "Man", gần như mỗi trang đều có một chữ tiếng Việt, để người ta thấy tiếng Việt mình có dấu hỏi, dấu ngã, dấu nặng…"
"Ru", xuất bản cách đây gần 10 năm, là một trong những tác phẩm thành công nhất của Kim Thúy. Tác phẩm, được viết bằng tiếng Pháp, được dịch sang 27 ngôn ngữ, gần đây nhất là dịch sang tiếng Ukraine.
Nhưng Kim Thúy "thấy buồn" khi "Ru" đến nay vẫn còn "ăn khách".
"Có nhiều nước mua và dịch Ru ra tiếng của họ, bây giờ vẫn còn, thành ra tôi thấy Ru cứ còn mới như là một em bé. Nhưng rất buồn là còn phải dùng chữ di dân, tị nạn trong tác phẩm, chỉ mong là một ngày nào không cần dùng chữ này nữa thôi. Nhưng mà rồi chiến tranh hết ở đây rồi ở kia. Thành ra ở phương diện ấy, nếu cuốn sách này còn mới hoài, còn nói về vấn đề của hiện tại bây giờ… Tôi mong là một ngày nào đó, cuốn sách này chỉ nói về một chuyện rất xa xưa trong quá khứ, không ăn nhập gì với thời hiện tại".
Mặc dầu đã có mặt tại 27 quốc gia khác nhau, "Ru" vẫn chưa xuất hiện tại Việt Nam. Kim Thúy nói có lẽ vì Ru nói về chuyện vượt biển, là chuyện vẫn còn "khó nói" ở trong nước. Và cô cho rằng mình có thể "đợi một tý".
Kim Thúy vượt biên năm 1978, lúc mới 10 tuổi, rồi sang định cư tại Canada. Cô tốt nghiệp ngành Luật, đến năm 1998 thì về Việt Nam làm việc 4 năm. Đối với cô, 4 năm này là cơ hội để cô học lại văn hóa Việt Nam, là văn hóa mà cô tưởng mình "đã hiểu".
"Thật ra thì tôi thấy tôi nhầm cơ. Tưởng là hiểu Việt Nam, mà thật ra trở lại Việt Nam sau 20 năm thì Việt Nam trở thành một xứ khác rồi. Mà ở đâu cũng vậy, luôn luôn có sự thay đổi. Tôi sanh ở Sài Gòn mà khi trở về làm việc là làm ở Hà Nội, lại là một xứ mới (cười lớn). Và như vậy phải học trở lại, và nhờ học trở lại tôi tìm ra cái đẹp đặc sắc của Việt Nam mình. Nếu không trở lại Việt Nam trong 4 năm đó, tôi không nghĩ có thể viết được ; sẽ không thể biết làm sao để trân qúy vẻ đẹp riêng của Việt Nam. Thành ra nhờ 4 năm ấy, trở về một nơi mình nghĩ mình biết, mà mình không biết, đó là một sự học hỏi phải làm lại từ đầu".
Kim Thúy luôn khẳng định, rằng cô không chọn văn chương, mà văn chương chọn cô, từ một sự tình cờ nằm ở những đèn xanh, đèn đỏ ở các ngã tư đường tại Montreal.
"Tôi ngủ gục quá nhiều ở các đèn đỏ. Ngủ gục ở đèn đỏ thì rất nguy hiểm, nên lúc đầu tôi ăn hạt dưa. Nhưng ăn hạt dưa riết rồi hư răng. Thành ra đổi lại viết lúc dừng đèn đỏ. Thành ra cuốn sách này (Ru) là do những cái đèn đỏ. Mà tôi thích quá nên hay tìm những cái đèn đỏ lâu nhất, dài nhất ở Montreal để đi. Nhiều khi đi thành một vòng để tìm đèn đỏ dài thiệt dài để mình có thể viết tí xíu".
"Lúc đầu cũng định thử [viết] một tháng thôi, và vì mình xuất thân là di dân, tị nạn. Rồi một tháng thành hai tháng, rồi năm tháng, rồi một năm, rồi thành một cuốn sách. Và cũng không nghĩ cuốn sách được nhiều người đọc như thế. Bây giờ nếu có ai mời nói về vấn đề di dân thì em cám ơn, vì có cơ hội nói cho những người đó ; vì ít khi mình đưa microphone cho một người di dân, một người tị nạn nói. Thành ra, nếu tôi có cơ hội được đứng lên nói cho những người không có cơ hội, những người vượt biển mất tích hoặc chết ở biển, thì tôi nghĩ tôi có trách nhiệm nói giúp cho họ. Và hễ có cơ hội thì cứ nói, nhất là bây giờ có nhiều vấn đề về di dân".
The CBC, hãng tin Canada, 47 nhà văn được chọn có nhiều lối viết và thể loại khác nhau, từ nhà văn hư cấu nổi tiếng Haruki Murakami, Cormac McCarthy, Don DeLillo, Zadie Smith và Elena Ferrante, đến các nhà văn viết cho thiếu nhi, như J.K. Rowling và Meg Rosoff, hay nhạc sĩ Patti Smith và nhà văn châm biếm giả tưởng nổi tiếng Neil Gaiman.
Trong khi ấy, Kim Thúy, nhà văn Canada gốc Việt, thì cho rằng mình được chọn chỉ vì nói đúng chuyện vào "đúng lúc, đúng thời".
"Cuốn sách Ru là do một người bạn của Kim Thúy cầm mang đến một nhà xuất bản chứ bản thân tôi không có liếm tem, bỏ vào bao thơ để gởi. Thế rồi cuốn sách được chấp nhận rất nhanh. Thành ra cuốn sách này là ai chọn tôi chứ cá nhân chỉ là người gởi thông điệp".
Và vai trò "gởi thông điệp", theo Kim Thúy, chỉ có tính giai đoạn : "Rồi năm năm sau, vai trò đó lại trao cho người khác rồi tôi đi làm chuyện khác (cười lớn). Người Việt Nam mình hay nói "đúng lúc, đúng thời", thì tôi chỉ nói cuốn Ru là đúng lúc, đúng thời".
Lịch sử dân tộc là một cuốn sách dày, và Kim Thúy chỉ e rằng, một trang trong cuốn sách lịch sử ấy sẽ mất đi, hay bị bỏ trống, chỉ vì những chứng nhân của giai đoạn ấy không kịp viết lại những điều đã xảy ra. Viết, và viết đúng sự thật đã xảy ra, là thông điệp mà cô muốn gởi đến độc giả gốc Việt của mình : "Quan trọng là tất cả chúng ta đều viết, không chỉ văn sĩ mới viết. Những gì chúng ta viết là để lại cho thế hệ mới, giống như dây curoa, luôn tiếp tục vận hành. Mình là con cháu của ông bà mình, chứ không chỉ là mình, thành ra, tôi mong lúc nào cũng viết để để lại. Bởi vì "trang" ấy, không có sách lịch sử nào viết lại cả".
Và mọi câu chuyện của từng người Việt Nam đã sống qua một giai đoạn nào đó, được cho vào một chiếc hộp, để các thế hệ sau có thể trở vô để đọc, từng câu chuyện một.
VOA tiếng Việt
Giông bão bủa vây ông Tập tại Bắc Đới Hà (VOA, 15/08/2018)
Vào đầu tháng Tám, khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tề tựu ở khu nghỉ mát Bắc Đới Hà trên bờ biển Hoàng Hải để nhóm họp hội nghị không chính thức thường niên, bầu không khí chính trị trong nước đang trải qua nhiều giông bão.
Ông Tập được cho là lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc từ thời Mao Trạch Đông
Tổng bí thư Đảng kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình đang bị bủa vây bởi những thách thức kinh tế, đối ngoại và đối nội chỉ vài tháng sau khi ông dọn đường dỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước để ông có thể cầm quyền lâu đến khi nào ông muốn trong nỗ lực trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông.
Những chỉ trích ngày càng tăng nhằm vào những chính sách của ông Tập đã cho thấy nguy cơ mà ông phải đối mặt từ việc tập trung quá nhiều quyền lực : ông đã biến mình thành mục tiêu đương nhiên để mọi người đổ lỗi.
"Một khi đã tập trung quyền lực, ông Tập phải là người chịu trách nhiệm cho mọi thất bại hay vấp váp trong chính sách", ông Joseph Cheng, giáo sư về hưu ở Đại học Thành thị Hong Kong và là người quan sát chính trị Trung Quốc lâu năm, nhận định.
Điều đáng lưu ý là ông Tập, vốn từng ngự trị trên trang bìa của những tờ báo của Nhà nước cũng như trên bản tin thời sự của Đài truyền hình trung ương CCTV hàng ngày, trong những tuần gần đây đã thấy ít xuất hiện hơn trước công chúng. "Ông ấy không thể đổ lỗi cho ai hết, cho nên ông ấy đáp trả bằng cách ẩn mình nhiều hơn", Giáo sư Cheng nói.
Cho đến nay, những thách thức này không được xem là mối đe dọa đối với quyền lực của ông Tập, nhưng đối với nhiều người Trung Quốc, uy tín của chính phủ đang bị phủ bóng đen.
Lo lắng lớn nhất của nhiều người là cuộc chiến mậu dịch với Mỹ mà Tổng thống Donald Trump đã đe dọa áp thuế cao hơn lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị hàng trăm tỷ đô la. Những người chỉ trích cho rằng cho đến nay họ vẫn chưa thấy một chiến dịch mạch lạc của Chính phủ để làm kim chỉ nam cho các cuộc đàm phán với Washington và tránh cho nền kinh tế bị tổn thương. Thay vào đó, Bắc Kinh chọn cách thách thức và áp thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ.
Đồng thời, vụ bê bối vaccine giả đã làm bùng phát lo ngại lâu nay về tính liêm chính của ngành y tế Trung Quốc và khả năng của chính phủ giám sát những tập đoàn có tầm bao phủ rộng khắp vốn chi phối nền kinh tế Trung Quốc.
"Tín nhiệm là điều quan trọng nhất và sự đánh mất niềm tin của công chúng vào chính quyền sẽ rất tai hại", ông Trương Minh, giáo sư khoa học chính trị hiện đã nghỉ hưu ở Bắc Kinh, nhận định.
Hồi tuần trước, giới chức đã huy động một chiến dịch an ninh rộng lớn để trấn áp một cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch từ trước ở Bắc Kinh để bày tỏ sự phẫn nộ trước sự sụp đổ bất thình lình của hàng trăm chương trình cho vay trực tiếp giữa các công ty và tổ chức không thông qua ngân hàng. Sự sụp đổ này thể hiện rõ sự bất lực của chính quyền trong việc cải cách hệ thống tài chính để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nhỏ.
Trong khi đó, đại dự án mang dấu ấn cá nhân của ông Tập có giá trị cả ngàn tỷ đô la ‘Vành đai-Con đường’ để kết nối cơ sở hạ tầng và đầu tư với 65 quốc gia đã gặp phải sóng gió khi các quốc gia tham gia bị sốc về cái giá phải trả. Một số người dân Trung Quốc cũng đặt dấu hỏi về việc chính phủ có khôn ngoan hay không khi đổ tiền đổ của ra khắp nơi trong khi hàng triệu người dân Trung Quốc vẫn còn sống trong cảnh đói nghèo – một sự so sánh với ông Trump là đặt đất nước mình lên trên hết.
Điều này phần nào đã gây ra quan ngại về việc ông Tập từ bỏ phương châm đối ngoại thận trọng, thực tiễn ‘Giấu mình chờ thời’ được khởi xướng từ thời ông Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư của công cuộc cải cách kinh tế Trung Quốc vốn đặt nền móng cho sự thịnh vượng tương đối của Trung Quốc ngày nay.
Các lãnh đạo Trung Quốc nhiều khả năng ít nhất là sẽ thảo luận một số những thách thức này tại hội nghị không chính thức ở Bắc Đới Hà thuộc tỉnh Hà Bắc – một tập quán đã có từ thời Mao. Thường là vào thời điểm mùa hè, ông Tập cũng như các thành viên Thường vụ Bộ Chính trị khác sẽ biến mất khỏi truyền thông trong vòng hai tuần lễ để đến Bắc Đới Hà dự họp.
Giọng điệu tương đối khoa trương của ông Tập về sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc trên vũ đài quốc tế ‘không được nhiều người trong đảng đồng tình’, ông Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu các vấn đề Châu Phi và phương Đông ở London, nhận định.
Một số người thậm chí còn kêu gọi cho nghỉ việc đối với nhà kinh tế Hồ An Cương, giáo sư Đại học Thanh Hoa và là một trong những người nổi bật chủ xướng lý thuyết về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đã có 27 người tốt nghiệp từ ngôi trường danh giá này đã ký vào thư kiến nghị sa thải giáo sư Hồ.
Sự bất bình đối với việc ông Tập củng cố quyền lực, trong đó có việc Quốc hội hồi tháng Ba dỡ bỏ quy định hạn chế nhiệm kỳ chủ tịch nước trong Hiến pháp và xây dựng sự sùng bái cá nhân xung quanh ông Tập, vẫn còn dai dẳng.
Sự bất bình này được lên tiếng trong bài bình luận đầy than thở có tựa đề ‘Lo sợ hiển hiện, Hy vọng trước mắt’ do giáo sư luật Hứa Chương Nhuận của Đại học Thanh Hoa chấp bút. Ông Hứa cảnh báo rằng : "Một lần nữa người dân trên khắp Trung Quốc… đang có cảm giác bất an, một sự lo lắng ngày càng tăng về hướng đi của đất nước cũng như về an ninh của bản thân".
"Những lo lắng này đã gây ra một tình trạng như là hoảng loạn khắp nước", ông Hứa viết và liệt ra tám mối quan ngại của người dân trong đó có kiểm soát chặt chẽ hơn về tư tưởng, trấn áp giới trí thức, viện trợ nước ngoài quá nhiều và ‘Chấm dứt công cuộc cải cách và quay trở lại nền toàn trị’.
Thậm chí táo bạo hơn, ông Hứa kêu gọi khôi phục lại quy định hạn chế nhiệm kỳ chủ tịch nước và đánh giá lại phong trào đấu tranh ủng hộ dân chủ diễn ra ở Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào năm 1989. Mặc dù ông Hứa được cho là không có ở trong nước và không bị trừng phạt chính thức, một nhà chỉ trích chính phủ lâu năm khác, giáo sư về hưu Tôn Văn Quảng, đã bị công an bắt đưa lên xe kéo đang lúc ông trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ giữa chừng mà khi đó ông đả kích chính sách vung tiền của chính phủ ở nước ngoài.
Một dấu hiệu nữa cho thấy chính quyền ông Tập đang lo lắng là chiến dịch thúc đẩy lòng yêu nước trong giới trí thức – một phương pháp thường thấy khi ý kiến công luận được xem là cần phải được chấn chỉnh.
Phần lớn sự bất mãn đối với ông Tập có thể xuất phát từ sự quản lý được nhìn nhận là kém hiệu quả của chính quyền ông Tập, giáo sư Trương Minh nói.
"Nếu anh muốn làm hoàng đế, anh phải có thành tích vĩ đại", ông Trương nói. "Ông ấy (ông Tập) vẫn chưa có gì cả, do đó khó mà thuyết phục người dân".
********************
Trung Quốc tức giận về luật chính sách quốc phòng mới của Mỹ (VOA, 14/08/2018)
Hôm 14/8, Trung Quốc lên án các biện pháp nhắm vào Bắc Kinh trong Luật Chính sách Quốc phòng mới vừa được Tổng thống Donald Trump ký ban hành, cho rằng luật này phóng đại quá đáng và Bắc Kinh sẽ xem xét kỹ các khía cạnh đối với việc Hoa kỳ xét duyệt những đề nghị đầu tư từ nước ngoài.
Tổng thống Donald Trump ký Luật Chính sách Quốc phòng hôm 13/8/2018.
Trung Quốc lên tiếng về luật này giữa lúc hai cường quốc kinh tế thế giới đang đối đầu căng thẳng trong cuộc chiến thương mại bằng cách đánh thuế cao vào hàng hóa của nhau.
Tổng thống Donald Trump ngày 13/8 đã ký Luật Chính sách Quốc phòng (NDAA) trị giá 716 tỉ đôla cho phép chi tiêu của quân đội, nhưng giảm mức kiểm soát các hợp đồng của chính phủ đối với hai công ty Trung Quốc là ZTE Corp. và Huawei Technologies Co. Ltd.
Luật NDAA cũng củng cố ảnh hưởng của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), là uỷ ban duyệt xét những đề nghị đầu tư để cân nhắc xem các đầu tư đó có đe dọa an ninh quốc gia hay không. Biện pháp này được xem như là nhắm vào Trung Quốc.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ đã ghi nhận việc đưa điều khoản CFIUS vào luật này, và sẽ "đánh giá toàn diện các nội dung", lưu ý đến tác động ảnh hưởng đến các công ty Trung Quốc.
Bộ Trưởng Thương mại Trung Quốc Zhong Shan.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố : "Phía Mỹ cần đối xử công bằng và khách quan đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, và tránh để điều khoản CFIUS trở thành một trở ngại cho quan hệ hợp tác đầu tư giữa các công ty Trung Quốc và Mỹ".
Luật Chính sách Quốc phòng cũng kêu gọi "cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc" là ưu tiên hàng đầu đối với Hoa Kỳ, theo đó sẽ giúp cải thiện khả năng phòng thủ của Đài Loan, nơi là Trung Quốc tuyên bố là một tỉnh của đại lục.
Trong một tuyên bố riêng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Hoa Kỳ đã thông qua bộ Luật Chính sách Quốc phòng bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc, và rằng Bắc Kinh không hài lòng với các "nội dung tiêu cực liên quan đến Trung Quốc".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm rằng Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh và xem xét lại mối quan hệ Trung-Mỹ một cách đúng đắn và khách quan, và không thực hiện các điều khoản tiêu cực của bộ luật này nhằm vào Trung Quốc, tránh gây tổn hại cho hợp tác song phương.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối, nói rằng bộ luật không những mang tính "đối đầu Trung-Mỹ", gây tổn hại đến niềm tin giữa hai quân đội, mà còn liên quan đến một vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhất trong quan hệ song phương, đó là vấn đề Đài Loan.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói thêm : "Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ ai, bất cứ lúc nào hoặc dưới bất kỳ hình thức nào tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc".
Tại Đài Bắc, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã cảm ơn Hoa Kỳ về sự hỗ trợ nhất quán của Washington.
Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết Đài Loan sẽ "tiếp tục chủ động phối hợp với chính phủ Mỹ để tăng cường hợp tác an ninh chặt chẽ giữa Đài Loan và Hoa Kỳ trên cơ sở cùng có lợi".
Số phận dự luật đặc khu gây tranh cãi của Việt Nam có thể sẽ được định đoạt khi quốc hội họp trong 2 tháng rưỡi nữa. Một chuyên gia kinh tế nói với VOA rằng thay vì làm luật về 3 đặc khu, Việt Nam nên cải cách để cả nước thành đặc khu. Một chuyên gia khác cho rằng ‘tốt nhất là bỏ luật đặc khu’.
Đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, dự kiến là một trong 3 đặc khu của Việt Nam
Báo chí Việt Nam hôm 4/8 trích lời Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự luật "đang được cân nhắc lại". Ông Phúc nhấn mạnh rằng dự luật đang được "xem xét thận trọng, tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân".
Có tên đầy đủ là Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, dự luật nếu được thông qua sẽ mở đường cho chính phủ lập ra 3 đặc khu tại các tỉnh Quảng Ninh ở miền bắc, Khánh Hòa ở miền trung và Kiên Giang ở miền nam nhằm "thu hút đầu tư nước ngoài, tạo đột phá về phát triển kinh tế".
Giới hoạch định chính sách nói việc lập 3 đặc khu là một bước "thử nghiệm" các thể chế, chính sách mới ở Việt Nam, với kỳ vọng thu hút hàng tỉ đôla từ các nhà đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, du lịch, và kinh doanh sòng bạc (casino).
Họ bày tỏ hy vọng rằng các đặc khu sẽ có mức thịnh vượng vượt trội nhờ các ưu đãi, từ đó tạo "tác động lan tỏa, tích cực" tới sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam nói chung, theo báo chí trong nước.
Ban đầu quốc hội dự kiến bỏ phiếu về dự luật vào ngày 12/6 nhưng nó đã bị tạm gác lại sau khi nổ ra hàng loạt cuộc biểu tình lớn trên khắp Việt Nam.
Đông đảo người dân, các chuyên gia và một số đại biểu quốc hội nói họ lo lắng về thời hạn cho thuê đất 99 năm nêu trong dự luật. Có người thậm chí so sánh điều đó với hình thức nhượng địa mà chỉ đất nước nào nghèo đói lạc hậu mới cần đến. Mặt khác, họ cảnh báo nó có thể bị nước láng giềng Trung Quốc lợi dụng để di dân.
Trả lời báo chí chỉ ít ngày trước khi các cuộc biểu tình nổ ra, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói dự thảo luật "không có một từ, một chữ nào liên quan tới Trung Quốc". Ông cho rằng một số người "cố tình đẩy vấn đề lên để chia rẽ quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc".
Ông Dũng trấn an rằng "môi trường kinh doanh tại đặc khu là bình đẳng và cũng không ai có thể vào đây làm việc gì sai trái trong chủ quyền Việt Nam".
Vị bộ trưởng bình luận thêm rằng suy diễn "theo chiều hướng thế này, thế kia, sợ chuyện này chuyện khác thì là ‘mắc mưu’ của người ta rồi". Không nói cụ thể "người ta" là ai hay quốc gia hoặc tổ chức nào, Bộ trưởng Dũng nhận định : "Người ta đang không muốn mình phát triển, cải cách, đổi mới mà muốn mình loay hoay, không bứt lên được".
Từ góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói với VOA hôm 7/8 rằng không thể xem thường những e ngại mà nhiều người đã nói ra về dự luật :
"Đang có e ngại rất có căn cứ là một luật đặc khu mà không được xây dựng một cách chặt chẽ thì có thể tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích đầu cơ đất đai, xây dựng casino, có thể tạo điều kiện cho những doanh nghiệp mang danh Việt Nam nhưng được tài trợ bởi nước ngoài, về thực chất hành động theo mệnh lệnh của nước ngoài để có thể lợi dụng các quy định, các điều kiện của đặc khu đó như miễn thuế, cho thuê đất dài hạn, v.v…".
Trước sự phản đối mạnh mẽ từ công chúng và nhiều ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, hồi đầu tháng 6, Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc, phát biểu trước với báo giới trong nước rằng "chính phủ sẽ lắng nghe" các ý kiến đó.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh bình luận với VOA rằng việc có nên ban hành một luật về đặc khu hay không phải xét tới điều hết sức quan trọng là nó sẽ hoàn thành nhiệm vụ gì.
Đưa ra phân tích về bối cảnh rộng lớn hơn, trong đó Việt Nam đã hội nhập rất sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới, thuế quan đã giảm nhiều, tiến sĩ Doanh đề xuất một cách tiếp cận khác thay vì mở 3 đặc khu :
"Vấn đề chủ yếu là cải cách thể chế, tạo điều kiện thuận lợi, công khai minh bạch, bình đẳng để cho doanh nghiệp kinh doanh, thứ hai là xây dựng hạ tầng để doanh nghiệp có điều kiện nhất, thứ ba là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng để tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại. Với 3 yêu cầu ấy, Việt Nam nên cải cách để biến toàn thể Việt Nam thành đặc khu kinh tế, và như vậy nó có hiệu lực hơn".
Một chuyên gia kinh tế khác, bà Phạm Chi Lan nói trong một video được BBC Tiếng Việt đăng lên internet hôm 3/8 rằng cá nhân bà thấy "tốt nhất nên bỏ dự luật đặc khu".
Nữ chuyên gia nói cho dù dự luật được sửa theo hướng không còn cho nước ngoài thuê đất 99 năm và không nêu tên cụ thể 3 địa phương, sẽ vẫn có những bất cập. Bà phát biểu :
"Tôi lo ngại là nếu có một luật chung chung thì sẽ có thể dấy lên một trào lưu ở Việt Nam các tỉnh đều mong muốn có đặc khu, hoặc một số tỉnh cùng đề nghị với chính phủ, với quốc hội cho họ thành lập đặc khu … Một số chuyên gia mà ngần ngại về luật đặc khu này và cho rằng tốt nhất là không có luật đặc khu nữa".
Hiện chưa có thông tin chắc chắn cho biết khi nào dự luật sẽ được đem ra bàn thảo và bỏ phiếu tại quốc hội Việt Nam. Báo chí trong nước hôm 4/8 dẫn lời Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói : "Việc Quốc hội xem xét dự án luật vào thời điểm nào còn chờ vào kết quả quá trình tiếp thu ý kiến nhân dân thế nào, tiếp thu ý kiến cử tri thế nào, tóm lại, rất thận trọng".
Mặc dù vậy, trên mạng xã hội, dư luận tỏ ý nghi ngờ về khả năng quốc hội đưa ra quyết định hủy bỏ dự luật.
Có nhiều ý kiến cho rằng việc thảo luận và bỏ phiếu của quốc hội chỉ mang tính hình thức, là bước cuối cùng để hiện thực hóa các chỉ thỉ hoặc quyết định của Bộ Chính trị có thực quyền cao nhất trong đảng cộng sản cầm quyền.
Để chứng minh cho quan điểm này, nhiều người trích dẫn lại một phát biểu từ giữa tháng Tư của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã được báo chí đăng tải. Khi đó, trong một phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự luật đặc khu, bà Ngân nhấn mạnh rằng "Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật".
Nguồn : VOA, 07/08/2018
Lý do khiến máy bay Su-22 của Không quân Việt Nam gặp nạn "có thể là vì nâng cấp kém chất lượng bởi các doanh nghiệp Ukraine trong năm 2007", phiên bản tiếng Việt của Sputnik, hãng tin Nga, mới đưa tin, dẫn nguồn từ Việt Nam.
Chiếc máy bay chiến đấu Su-22 mang số hiệu 8551 hôm 26/7 rơi xuống địa phận tỉnh Nghệ An trong khi đang tập luyện, làm hai phi công tử vong.
Theo báo chí Việt Nam, cơ quan chức năng sau đó đã tìm thấy "hộp đen" của chiếc chiến đấu cơ này, nhưng cho tới nay nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn chưa được công bố.
Tuy nhiên, Sputnik tuần trước dẫn một nguồn tin ở Việt Nam nói rằng chiếc Su-22 gặp nạn "có thể là vì nó được nâng cấp ở Ukraine năm 2007 bởi các công ty Ukraine không được cấp phép".
Trong khi đó, trang Soha dẫn lại tin của Thời Đại cuối tháng trước nói rằng Việt Nam "mua lại" Su-22 "từ không quân Ba Lan và một số quốc gia Đông Âu khác" nên "khả năng cao" là chúng "được đưa tới Ukraine để đại tu, nâng cấp trước khi chính thức vào biên chế Không quân nhân dân Việt Nam".
Trang này trích một số nhận định nói rằng "số Su-22 trên của Việt Nam đã được Ukraine nâng cấp bổ sung khả năng đánh biển, do nguyên gốc thiết kế của Su-17/22 chỉ là cường kích tấn công mặt đất".
Tới tối ngày 6/8, VOA tiếng Việt chưa thấy Hà Nội có phản ứng gì trước thông tin này. Chúng tôi cũng không thể liên lạc ngay với Bộ Quốc phòng Việt Nam để phỏng vấn.
Trong hai năm qua, Việt Nam đã không công bố nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn liên quan tới máy bay chiến đấu.
Su-22 được Liên Xô sản xuất từ những năm 60, và ngoài Việt Nam, hiện không quân Angola, Iran, Ba Lan cũng đang sử dụng loại máy bay này.
*******************
Tự tử hay thêm một cái chết khả nghi sau khi làm việc với Công an ? (VOA, 06/08/2018)
Một nông dân tỉnh Kiên Giang đã tham gia các cuôc biểu tình chống các dự luật đặc khu và an ninh mạng ngày 10/6/2018, qua đời không lâu sau khi bị công an địa phương thẩm vấn. Cái chết có nhiều dấu hiệu khả nghi đã khiến Hội Ân Xá Quốc tế lên tiếng đòi mở một cuộc điều tra để xác minh nguyên nhân.
Logo của Tổ chức Ân xá Quốc Tế
Ông Hứa Hoàng Anh, 35 tuổi, được phát hiện đã tử vong sau khi cán bộ công an tỉnh Kiên Giang tới nhà ông làm việc hôm 2/8. Phía công an nói ông Hoàng Anh tự sát. Tuy nhiên, những vết tích trên thi thể như vết thương và những vết bầm tím ở đầu, cổ và bụng, đặt ra nhiều nghi vấn, và có dư luận cho rằng ông Hoàng Anh có thể bị tra tấn tới chết.
Giám đốc Điều phối Toàn cầu của Ân xá Quốc tế Clare Algar, cho biết : "Ân xá Quốc tế hối thúc chính quyền các cấp ở Việt Nam lập tức mở một cuộc điều tra sâu rộng và minh bạch về nghi vấn công an địa phương đã tra tấn và giết Hứa Hoàng Anh".
Giới hoạt động và những người theo dõi trường hợp ông Hoàng Anh cho rằng có nhiều dấu hỏi lớn về cái chết này. Anh Trịnh Bá Phương, một nhà hoạt động ở Hà Nội nói với VOA-Việt ngữ hôm 6/8 :
"Cái chết của bạn Hứa Hoàng Anh, một người đang khỏe mạnh và trước khi anh ấy chết thì anh vẫn vào Facebook và vẫn chia sẻ bài và không có biểu hiện gì là anh ấy chán nản hay là có vấn đề gì về tâm lý mà anh phải tự sát cả".
Gia đình ông Hứa Hoàng Anh hầu như vẫn hoàn toàn giữ im lặng nên VOA-Việt ngữ không xác nhận được với gia đình những chi tiết dẫn đến và xung quanh cái chết của người đàn ông 35 tuổi, được cho là vẫn khỏe mạnh về thể chất cũng như tâm lý ngay trước cái chết bất ngờ.
Nhiều nhà hoạt động đồng hành với ông Hứa Hoàng Anh trong các cuộc biểu tình chống luật đặc khu mới đây nói rằng rất nhiều người đã bị đối xử tàn bạo trong đồn công an.
Anh Trịnh Bá Phương, con của gia đình ‘dân oan’ Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Khiêm, người bị chính quyền cho là "cầm đầu dân oan Dương Nội" nói rất nhiều người bị đánh đập khi làm việc với công an, trong đó có cá nhân anh, ngay trước phiên tòa xét xử các nhà hoạt động trong Hội Anh Em Dân chủ mới đây :
"Khi mà họ bắt tôi vào đồn thì họ cũng đánh đập tôi rất là tàn bạo, đánh vào những điểm yếu không, hoàn toàn là có thể gây tử vong. Khi tôi làm việc với tổ chức quốc tế ở Ireland mới đây tôi cũng cho họ biết rằng là việc công an Việt Nam liên tục sử dụng bạo lực thô bạo đối với những người bất động ý kiến hay lên tiếng về những vấn nạn xã hội, thì họ thường sử dụng bạo lực rất là tàn bạo, họ có những đòn đánh hoàn toàn có thể gây tử vong".
Năm ngoái, nhiều trường hợp chết trong đồn công an đã gây chú ý của các bên quan tâm quốc tế, kể cả quốc hội Mỹ, như trường hợp của ông Nguyễn Hữu Tấn, chết trong đồn công an vào ngày 3/5/2017. Công an nói ông Tấn đã "tự cắt cổ".
Một trường hợp khác liên quan tới bà Huỳnh Thị Thúy Hằng, 39 tuổi. Bà bị tạm giữ tại đồn Công an tỉnh An Giang hôm 3/9 để điều tra về một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 3 ngày sau, Công an huyện thông báo cho gia đình biết bà đã tử vong trong bồn nước phòng tạm giam.
Một trường hợp nữa là trường hợp Võ Tấn Minh, 25 tuổi, được Công an Phan Rang-Tháp Chàm phát hiện ngất xỉu trong nhà tạm giữ chiều ngày 8/9, anh Minh được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong trong chiều cùng ngày.
Anh Trịnh Bá Phương nói sở dĩ bạo lực xảy ra là vì Việt Nam "là một xã hội công an trị, công an có quyền bắt bất cứ ai về đồn hoặc triệu tập bất cứ ai mà họ cho là có thể đe dọa sự tồn vong của Đảng Cộng sản Việt Nam".
"Họ sử dụng nắm đấm chứ không phải là dùng những điều luật để mà truy tố bắt giam theo trình tự pháp luật".
Trong khi cái chết của ông Hứa Hoàng Anh còn nhiều mâu thuẫn về cả địa điểm lẫn nguyên nhân, lễ an táng đã được cử hành tương đối lặng lẽ ngay trong chiếu ngày 3/8 và trong sự im lặng của gia đình. Theo các thông tin, hình ảnh video quay lén tải lên mạng thì không có bao nhiêu người có mặt tại đám tang, giới hoạt động cho rằng đó là vì áp lực của chính quyền và "vì an ninh địa phương kiểm soát". Một người đến viếng cho biết đã bị an ninh địa phương yêu cầu để điện thoại bên ngoài trước khi vào viếng. Đây cũng là điều xảy ra trong các trường hợp chết trong đồn công an trước đây.
Hội Ân xá Quốc tế đang hối thúc Việt Nam điều tra trường hợp tử vong khả nghi của ông Hứa Hoàng Anh. Tin cho biết ông Anh đã tham gia nhiều cuộc biểu tình về nhiều đề tài từ năm 2004, phần lớn là để phản đối Trung Quốc về những hành động vi phạm chủ quyền và quyền tự quyết của Việt Nam ở Biển Đông, gần đây nhất là các cuộc biểu tình chống các luật đặc khu và luật an ninh mạng.
Hội Ân xá Quốc tế lưu ý rằng quyền tự do hội họp ôn hòa được quy định trọng điều 21 của Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và Chính trị và Việt Nam "phải tôn trọng và bảo vệ quyền hợp pháp này được quy định tại điều 25 trong hiến pháp Việt Nam" cũng như "Công ước chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam là một thành viên từ năm 2013".
Một phúc trình của Tổ chức Human Rights Watch cũng chỉ trích bạo lực dưới tay công an được miêu tả là "có tính hệ thống ở Việt Nam". Việt Nam thừa nhận là có 226 nghi can và tù nhân chết tại đồn công an hoặc trong khi bị giam giữ trên khắp nước trong thời gian từ tháng 10/2010 tới tháng 9/2014.
Khối tài sản của Mark Zuckerberg, CEO của Facebook đã bị giáng một đòn mạnh hôm 26/7, làm chủ nhân Facebook mất đi 16 tỷ USD, một món tiền lớn kỷ lục trong cùng một ngày và là mức thiệt hại lịch sử trên thị trường chứng khoán Mỹ.
CEO của Facebook, Mark Zuckerberg, ra điều trần trước Quốc hội Mỹ ở Washington, DC, hồi tháng 4 năm nay. Cổ phiếu của Facebook xuống thấp kỷ lục hôm 26/7 làm Zuckerberg mất gần 16 tỷ USD.
Sự việc này diễn ra một ngày sau khi các giám đốc điều hành của Facebook dự báo tỷ suất lợi nhuận thấp hơn trong nhiều năm tới.
Ít nhất 16 nhà môi giới cổ phiếu đã cắt giảm mục tiêu giá của họ trên Facebook sau khi Giám đốc tài chính David Wehner bất ngờ tiết lộ với các nhà phân tích trong một cuộc gọi thường kỳ rằng công ty FB sẽ phải đối mặt với nguy cơ lợi nhuận bị siết lại trong nhiều năm tới.
“Quả bom tấn" đó, như một nhà phân tích đã gọi, làm Phố Wall lo ngại rằng mô hình của Facebook có thể đang bị lung lay sau một năm bị chi phối bởi những nỗ lực nhằm loại bỏ những lo ngại về quyền riêng tư và vai trò của họ trong luồng tin tức toàn cầu.
Cổ phiếu Facebook giảm 19,6% xuống mức 174,78 USD, một sự suy giảm mà nếu tiếp tục sẽ làm giá trị của công ty mất đi khoảng 124 tỷ USD –gần gấp bốn lần toàn bộ vốn hóa thị trường của Twitter Inc.
Sự thất thoát về doanh thu ban đầu đã kéo cổ phiếu xuống gần 9% vào ngày 26/7, và rõ ràng đây chỉ mới là bước đầu đối với các nhà đầu tư đã bị tác động.
Lợi nhuận của Facebook giảm xuống còn 44% trong quý 2 so với 47% cách đây một năm vì họ đã phải chi tiêu rất nhiều cho lĩnh vực an ninh và các sáng kiến để thuyết phục người dùng rằng FB sẽ bảo vệ quyền riêng tư của họ.
Công ty cũng cho biết tăng trưởng doanh thu từ các thị trường mới nổi và ứng dụng Instagram, vốn ít bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về quyền riêng tư, sẽ không đủ để bù đắp những thiệt hại.
Tác động đối với phần còn lại của nhóm cổ phiếu công nghệ cao của FAANG là không đáng kể.
Cổ phiếu của Alphabet không thay đổi trong khi cổ phiếu của Apple Inc và Netflix Inc chỉ giảm khoảng 0,3%.
Cổ phiếu của Amazon.com Inc giảm 2.8% trước khi báo cáo kết quả của chính họ được đưa ra vào cuối ngày 26/7.
Trong số 47 nhà phân tích chứng khoán Facebook, 43 người vẫn đánh giá là nên “mua” cổ phiếu này, hai nhà phân tích đánh giá là “tiếp tục giữ” và chỉ có hai người cho là nên “bán”. Giá mục tiêu trung vị của cổ phiếu Facebook là 219,30 đô la.
Các nhà phân tích của Moffett Nathanson gọi dự báo của Facebook “hoặc là thực tế kinh tế mới của mô hình kinh doanh hoặc là một hành động tự thiêu công khai để ngăn chặn áp lực điều tiết tiếp theo”.
Tổng trị giá 15,8 tỷ đô la mà Zuckerberg vừa mất tương đương với khối tài sản của người giàu thứ 81 trên thế giới, hiện là doanh nhân người Nhật Takemitsu Takizaki, theo dữ liệu thời gian thực của Forbes.