Bức Tường Đá Đen tọa lạc ngay giữa trung tâm thủ đô Washington là đài tưởng niệm các quân nhân Mỹ đã nằm xuống trên chiến trường Việt Nam cách đây nhiều thập niên, tuy nhiên đài tưởng niệm này dần dà đã được các cựu quân nhân Mỹ tham chiến tại Việt Nam và may mắn sống sót trở về, coi như một "thánh địa", nơi họ tụ tập về hàng năm để gặp lại anh em đồng đội cũ, nhắc lại những kỷ niệm xưa và trải nghiệm lại những cảm xúc khi đứng trước bức tường ghi tên gần 58.000 đồng đội của họ đã bỏ mình ở Việt Nam.
Một hoa hồng đỏ và một máy bay trực thăng đồ chơi để lại tại Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam trong Ngày Cựu Chiến Binh tại Washington 11/11/2015. Reuters/Carlos Barria
Nhiều cựu quân nhân Mỹ cảm thấy gắn bó với Bức Tường tới mức họ mong muốn được an giấc ngàn thu tại nơi này. Không được toại ý, giải pháp gần nhất là muốn tro của mình được mang tới rải, hoặc đặt dưới chân Bức Tường.
Theo tờ Washington Post, đó là lời trăn trối mà Gordon Castro đã để lại cho người anh, Leon Castro, trước khi Gordon qua đời cách đây 6 năm. Leon đã làm theo ý em, ông làm lễ hỏa táng và giữ tro trong một chiếc hộp inox có khắc tên em, ông dán huân chương Chiến Binh Bội Tinh, huy hiệu cuả đơn vị bộ binh của Gordon và Sư đoàn 1 Thiết Kỵ lên hộp, đặt tro của em trên ghế xe bên cạnh, rồi lái chiếc pickup từ Corpus Christi, bang Texas, tới thẳng Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam ở Washington. Ông tâm sự :
Trong mấy thập niên qua, nhiều cựu quân nhân Mỹ cũng có chung ý nghĩ đó. Gần đây hơn, hiện tượng này xảy ra quá thường xuyên, gây khó khăn cho Cơ quan quản lý các công viên quốc gia Hoa Kỳ, National Park Service- Sở Công viên quốc gia- viết tắt là NPS.
NPS mới đây lên tiếng yêu cầu khách đến thăm tượng đài đừng để lại tro cốt của thân nhân. Đây là chính sách của NPS được áp dụng từ lâu, tuy nhiên gia đình của các quân nhân vẫn mang tro cốt người thân đựng trong hộp hay bình, ngay cả hộp nhựa Tupperware, đến đặt trịnh trọng tại Bức Tường Đá Đen.
Khoảng 70 bộ tro cốt, một số đựng trong các hộp hoặc bình chứa, đã được để lại tại Bức Tường Đá Đen, bộ đầu tiên được tìm thấy vào năm 1990, và bộ gần đây nhất, chỉ cách đây vài tuần. Trong 5 năm qua, có 31 bộ tro cốt đã được để lại tại Đài Tưởng niệm này, kể cả 5 trường hợp trong năm 2017.
Báo Washington Post dẫn lời người phát ngôn của Sở Công viên Quốc gia và các Đài tưởng niệm, Mike Litterst, nói rằng trong mấy tháng gần đây vấn đề trở nên phức tạp, và vì thế Sở Công viên quốc gia đang tìm cách khuyến khích mọi người hãy tuân thủ quy định này.
Có một số yếu tố khả dĩ có thể giải thích vì sao số người mang tro cốt của thân nhân tới để lại ở đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam lại tăng vọt.
Lý do thứ nhất là, nhiều cựu quân nhân từng tham chiến tại Việt Nam giờ đã luống tuổi, có nhiều người trước khi qua đời, mong muốn được "nằm xuống bên cạnh các chiến hữu" của mình. Lý do thứ hai là vì năm nay, 2018, đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày xảy ra những biến cố có tính bước ngoặt trong chiến tranh Việt Nam, như biến cố Tết Mậu Thân 1968, buổi ra mắt bộ phim tài liệu về Chiến tranh Việt Nam của hai đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick vào mùa Thu vừa rồi, là những biến cố có thể gợi nhớ nhiều kỷ niệm liên quan tới cuộc chiến.
Một cựu quân nhân Mỹ tại Bức Tường Đá Đen vào Ngày Cựu Chiến Binh 25/5/2014
Sở Công viên quốc gia cho biết đã thu thập được hơn 400.000 kỷ vật để lại tại Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam, các kỷ vật này đang lưu trữ trong kho để sau này mang ra triển lãm.
Tuy nhiên Đài Tưởng niệm lưu ý rằng Sở Công viên quốc gia "không được trang bị để có thể lưu trữ tro cốt" của những người đã khuất. Ông Litterst nói :
"Đây là một vấn đề vô cùng tế nhị. Người dân đã tin tưởng chúng tôi và mang tro cốt của người thân tới đây. Chúng tôi cần tìm ra một cách để giải quyết vấn đề với sự tôn trọng tối đa".
Điều dứt khoát là tro cốt của người quá cố sẽ không được lưu trữ trong kho tàng các kỷ vật một khi cơ sở trưng bày kỷ vật thành hình trong tương lai.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis tới Việt Nam và tiếp theo là kế hoạch điều các tàu hải quân Mỹ có thể báo trước một chính sách cứng rắn hơn của Washington đối với Trung Quốc liên quan tới vụ tranh chấp chủ quyền Biển Đông, được coi là vụ tranh chấp biển phức tạp nhất ở Châu Á.
Hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Việt xem triển lãm ảnh về hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt, 25/1/2018
Khi đến Việt Nam hồi tuần trước, ông Mattis đã gặp Chủ tịch Trần Đại Quang, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, và người đồng nhiệm, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.
Trang web của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết họ chia sẻ những quan ngại về tự do hàng hải và "tôn trọng luật pháp quốc tế", hàm ý nói đến vụ tranh chấp 6 bên đòi chủ quyền ở Biển Đông, trong đó Bắc Kinh chiếm thế áp đảo. Một tàu sân bay Mỹ sẽ ghé thăm Việt Nam vào tháng 3 sắp tới. Việt Nam là nước có tiếng nói mạnh mẽ nhất chống lại Trung Quốc trong cuộc tranh chấp này.
Ông Murray Hiebert, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nhận định : "Chuyến thăm của ông Mattis và chuyến thăm của tàu sân bay vào tháng 3 là nhằm đánh đi một tín hiệu tới Trung Quốc về hành vi quyết đoán của họ ở Biển Đông".
Ông nói thêm : "Các chuyến thăm này là một phần trong một loạt các bước của Việt Nam và Hoa Kỳ trong những năm gần đây nhằm tăng cường các quan hệ chính trị và an ninh giữa lúc Trung Quốc đang trỗi dậy và đẩy mạnh các hoạt động trên Biển Đông".
Việc mở rộng quan hệ quân sự với Việt Nam có thể cho thấy lập trường mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của Tổng thống Donald Trump về cuộc tranh chấp Biển Đông sau một năm có những nghi ngờ về liệu ông có sẽ thách thức thế áp đảo của Bắc Kinh, và ngả về 5 chính phủ khác đang cưỡng chống các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.
Ông Sean King, phó chủ tịch tổ chức tư vấn Park Strategies ở New York, cho biết chuyến thăm Việt Nam của ông Mattis trong tháng này cho thấy một "đường lối cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh nói chung" ở Washington. Tuy nhiên nhà phân tích này nói thêm rằng sự thay đổi có thể đã quá muộn.
Ông đưa ra ý kiến : "Quan hệ với Việt Nam giờ đây có tính quan trọng sống còn hơn bao giờ hết vì chúng ta dường như đã để mất Philippines trên Biển Đông".
Ông nói tiếp : "Có thể mọi chuyện đã quá muộn khi việc Bắc Kinh khư khư nắm lấy Biển Đông hình như đã trở thành chuyện đã rồi".
Quan hệ được cải thiện có thể dẫn tới việc Việt Nam mua vũ khí từ Hoa Kỳ, ông Hiebert nói. Năm 2016, Tổng thống Obama đã dỡ bỏ lệnh cấm buôn bán vũ khí sát thương đã áp dụng trong nhiều thập kỷ đối với Việt Nam.
Tuy nhiên, dự kiến giới lãnh đạo tại Hà Nội không quá vội vã xích lại gần Hoa Kỳ để quan hệ song phương trở nên nồng ấm hơn. Họ vẫn coi trọng quan hệ với Trung Quốc trong tư cách là nước láng giềng và đối tác thương mại lớn của Việt Nam.
Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM, nhận định : "Tôi tin chắc rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam biết rằng họ sẽ không đi quá nhanh tiến tới cải thiện mối quan hệ với Hoa Kỳ".
Ralph Jennings
Bộ trưởng Mỹ vẫn đi Việt Nam, dù chính phủ đóng cửa (VOA, 22/01/2018)
Lầu Năm Góc mới ra tuyên bố cho biết rằng chuyến thăm của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis tới Châu Á vẫn diễn ra, dù chính phủ đóng cửa vì không có ngân sách.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis đón Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch tại Pentagone ngày 7/8/2017.
Reuters đưa tin rằng ông Mattis vẫn tới Indonesia và Việt Nam vào tuần tới như dự kiến "vì nó cần thiết cho an ninh quốc gia và quan hệ với nước ngoài".
Theo Bộ Quốc phòng Việt Nam, người đứng đầu Lầu Năm Góc sẽ tới thăm từ ngày 24 tới 26/1.
Năm ngoái, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã tới Hoa Kỳ theo lời mời của ông Mattis.
Tin cho hay, trong chuyến đi đó, đôi bên đã "trao đổi các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có an ninh biển", và "thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong thời gian tới", theo VnExpress.
Ông James Mattis đón Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch tại Pentagone ngày 7/8/2017.
Trả lời báo chí hôm 19/1, ít giờ trước khi chính phủ Mỹ chính thức đóng cửa, ông Mattis nói rằng việc đó ảnh hưởng tới các hoạt động của quân đội Hoa Kỳ, trong đó có huấn luyện, bảo trì và hoạt động tình báo.
Tuy nhiên, theo Reuters, Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng việc đóng cửa chính phủ không ảnh hưởng tới sự tham gia của Mỹ trong chiến dịch ở Afghanistan cũng như các hoạt động chống các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.
Khoản ngân sách dành cho các cơ quan liên bang đã hết hôm 20/1 trong khi các nhà lập pháp Cộng hòa tại Thượng viện ở thế đối đầu với phe Dân chủ về vấn đề di dân bất hợp pháp được đưa tới Mỹ khi còn nhỏ.
*******************
Vì sao ông Trump thăm hai thành phố Việt Nam ? (VOA, 21/01/2018)
Một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ mới lên tiếng tiết lộ lý do vì sao Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lại thăm Hà Nội và Đà Nẵng trong chuyến công du Việt Nam năm ngoái.
Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội tháng 11 năm ngoái.
Trao đổi với các phóng viên báo chí ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương qua điện thoại, ông Brian Hook, cố vấn cấp cao về chính sách của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, nói : "Tôi hy vọng rằng mọi người hiểu rằng thời gian của tổng thống rất hạn hẹp, và khi tổng thống thăm hai thành phố cùng một nước thì đó là một biểu tượng của tầm quan trọng của mối quan hệ song phương đối với chúng tôi".
Ông Hook hôm 8/1 cũng nói thêm rằng chuyến đi của ông Trump tới Đà Nẵng để dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và sau đó là thăm chính thức Hà Nội đã "làm sâu đậm mối quan hệ rất quan trọng đối với Mỹ".
Đây được coi là lần đầu tiên trong đầu năm nay một cố vấn đối ngoại của Mỹ lên tiếng tiết lộ về chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.
Cựu Tổng thống Barack Obama tại Hà Nội hồi giữa năm 2016.
Ông Barack Obama, người tiền nhiệm của Tổng thống Trump, cũng tới hai thành phố là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong chuyến công du Việt Nam giữa năm 2016.
Trả lời câu hỏi về việc Mỹ sẽ thúc đẩy quan hệ với Việt Nam như thế nào trong năm 2018, quan chức ngoại giao này nhắc tới việc Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ chuyển giao cho Việt Nam một tàu tuần tra, và coi đó là "một cột mốc sẽ chỉ làm sâu đậm thêm mối quan hệ của chúng tôi với Việt Nam".
"Và chúng tôi muốn giúp Việt Nam tăng cường và gia tăng năng lực hàng hải", ông Hook nói.
"Trong Chiến lược An ninh Quốc gia, Việt Nam được xác định cụ thể là nước mà chúng tôi muốn tăng cường thêm nữa mối liên minh. Việt Nam đã được đề cập một số lần về cả an ninh lẫn gia tăng hợp tác kinh tế. Và chúng tôi rất hài lòng rằng sự chuyển dịch chính sách của chúng tôi về Việt Nam sẽ giúp nước này được chú ý hơn".
Liên quan tới vấn đề tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam với nhiều nước trong đó có Trung Quốc, ông Hook nói rằng "hành động quân sự hóa đầy khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông đi ngược lại luật pháp quốc tế".
"Họ [Trung Quốc] đang thúc ép các nước nhỏ hơn, gây căng thẳng hệ thống toàn cầu và các hành động của họ cũng làm suy yếu các nguyên tắc cơ bản về chủ quyền mà chúng tôi rất chú trọng", ông nói.
Một góc Biển Đông.
Nhắc lại các tuyên bố trước đây của các quan chức Mỹ, ông Hook nói rằng Hoa Kỳ sẽ "cho máy bay và tàu bè hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép", dù Trung Quốc từng nhiều lần chỉ trích các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông.
Ông nói thêm : "Chúng tôi đã bày tỏ rõ ràng với Trung Quốc rằng chúng tôi không chấp nhận các hành động đơn phương của các nước tuyên bố chủ quyền nhằm thay đổi hiện trạng trong khi các vấn đề về chủ quyền vẫn chưa được giải quyết".
Cố vấn chính sách của ngoại trưởng Mỹ nói rằng "quyền lợi quốc gia của chúng tôi là hợp tác với tất cả các đồng minh và đối tác nhằm bảo đảm rằng khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là một nơi hòa bình, ổn định và thịnh vượng" và rằng "nó không thể trở thành một khu vực bất ổn và xung đột".
Viễn Đông
Vướng Nghị định 116, Toyota và Honda dừng xuất xe sang Việt Nam (VOA, 17/01/2018)
Hai hãng xe hàng đầu của Nhật vừa tạm ngừng xuất khẩu xe sang Việt Nam vì những vướng mắc của Nghị định 116, bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2018.
Toyota và Honda ngừng xuất khẩu xe sang thị trường Việt Nam từ ngày 1/1/2018.
Theo bản tin của nhật báo Nikkei của Nhật, hãng xe Toyota Motor và Honda Motor đã ngừng xuất xe sang thị trường Việt Nam kể từ đầu năm nay, sau khi Nghị định 116 được áp dụng, vì không đáp ứng được những đòi hỏi kiểm định nghiêm ngặt đối với các loại xe nhập khẩu.
Nghị định mới được áp dụng ngay khi Việt Nam bãi bỏ khoản thuế nhập khẩu 30% đối với ô tô nhập từ Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) kể từ ngày 1/ 1. Đây được xem là một động thái nhằm bảo hộ ngành công nghiệp ô tô trong nước trước sự cạnh tranh của xe nhập khẩu khi Hiệp định thương mại tự do AFTA có hiệu lực tối đa với mức thuế 5% cho các sản phẩm nhập khẩu trong khối ASEAN.
Hãng Toyota hôm 16/1 xác nhận đã ngừng xuất khẩu tất cả các sản phẩm sang thị trường Việt Nam.
Hãng xe Nhật Bản có nhà máy lắp ráp tại Việt Nam, nhưng lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia và Nhật Bản chiếm khoảng 20% lượng xe bán ra trên thị trường, tương đương với 1.000 chiếc mỗi tháng. Các mẫu xe nhập khẩu của Toyota bao gồm Hilux, Yaris, Fortuner và dòng xe sang Lexus.
Chủ tịch Toyota Motor ở Thái Lan, Michinobu Sugata, cho biết trên thực tế, doanh số bán xe tại Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 11 năm ngoái giảm 10%, xuống chỉ còn 245.000 chiếc, do người tiêu dùng chờ cho giá xe giảm xuống vào năm 2018 sau khi thuế nhập khẩu xe được gỡ bỏ.
"Chúng tôi dự đoán sẽ có bước nhảy vọt lớn vào năm 2018, nhưng do những rào cản phi thuế quan do chính phủ Việt Nam đưa ra nên chúng tôi không thể xuất khẩu ra thị trường này", ông Sugata nói với báo chí ở Bangkok.
Nghị định 116 được đưa ra vào tháng 10/2017. Nghị định này đòi hỏi mỗi lô xe nhập cảng Việt Nam phải được kiểm tra khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật, trong khi theo quy định trước đó, mỗi dòng xe nhập khẩu chỉ cần kiểm định một chiếc đầu tiên.
Việc chờ đợi kiểm định, chạy kiểm tra khí thải, có thể mất đến 2 tháng và chi phí lên tới 10.000 đôla.
"Điều này gây lãng phí lớn về thời gian và tiền bạc", Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nói trong một tuyên bố gửi cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 12.
Nghị định 116 còn đòi hỏi tất cả các mẫu xe phải có giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại xe nhập khẩu do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia xuất khẩu cấp (VTA).
Tuy nhiên theo Nikkei, VTA là loại giấy tờ chứng minh xe đạt tiêu chuẩn của quốc gia mà xe được tiêu thụ, và thường là do các cơ quan của quốc gia nhập khẩu cấp.
Kể từ khi Nghị định 116 được đưa ra, các chính phủ Nhật Bản, Thái Lan và Mỹ đều bày tỏ mối quan ngại không thể bán được xe tại Việt Nam. Thậm chí, các quốc gia này còn cho rằng Nghị định 116 có thể vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
******************
Việt Nam khen ngợi Google gỡ ứng dụng ‘Lấy lại quê hương’ (VOA, 17/01/2018)
Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền Thông Việt Nam Trương Minh Tuấn hôm 17/1 lại đề nghị Google mở văn phòng đại diện để quản lý thông tin có nội dụng phản động, chống phá nhà nước.
Bộ thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn và bà Ann Lavin, Giám đốc Chính sách công và quan hệ chính phủ, Google khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong một cuộc gặp tại Hà Nội hôm 17/1/2018. (Ảnh : VietnamNet)
Ông Trương Minh Tuấn nêu lên đề nghị này với bà Ann Lavin, Giám đốc Chính sách công và Quan hệ chính phủ của tập đoàn Google tại Châu Á – Thái Bình Dương, trong một cuộc gặp ở Hà Nội hôm 17/1.
Báo VietnamNet nói ông Tuấn khen ngợi thiện chí của Google trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên YouTube trong thời gian qua, đặc biệt gỡ ứng dụng trò chơi "Lấy lại quê hương", được cho là có nội dung "phản động, chống phá nhà nước" ra khỏi ứng dụng Google Play, đồng thời gỡ bỏ 6 video giới thiệu trò chơi này trên YouTube.
Trò chơi "Lấy lại quê hương" nói về cuộc đối đầu bằng vũ lực trong đó có những nhân vật được cho là mô phỏng theo các nhà lãnh đạo ở Hà Nội.
Ứng dụng Trò chơi 'Lấy lại Quê hương' đã bị Google gỡ bỏ.
Báo trong nước cho biết tính đến ngày 31/12/2017, Google đã ngăn chặn và gỡ bỏ 6423/7410 video clip khỏi YouTube, cùng với 6 trò chơi khỏi Google Play.
Ông Tuấn một lần nữa đề nghị Google mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và bày tỏ mong muốn Google tìm hiểu kỹ pháp luật Việt Nam, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để xử lý vi phạm trên YouTube. Ngoài ra, phía Việt Nam còn đề nghị thiết lập một kênh riêng giữa Bộ thông tin và Google để thúc đẩy hợp tác nhiều hơn nữa.
Đài truyền hình VTC trích lời bà Ann Lavin nói Google cam kết tuân thủ pháp luật các nước sở tại, trong đó có Việt Nam : "Chúng tôi hiểu sâu sắc đó là nghĩa vụ tôn trọng và tuân thủ pháp luật nước sở tại Việt Nam nên việc tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam là rất quan trọng và cần thiết để tuân thủ".
Ngoài ra, theo báo Hà Nội Mới, Google sẽ phối hợp với Bộ thông tin Việt Nam nhằm xây dựng, thực hiện ‘danh sách đen’ (black list), tức là danh sách cấm, và ‘danh sách trắng’ (white list), - tức là được phép. Google còn cử một chuyên gia tới Việt Nam để tư vấn về an toàn thông tin, chia sẻ thông tin với Chính phủ Việt Nam.
Ông Eric Schmidt, Chủ tịch Điều hành tập đoàn Alphabet, công ty mẹ của Google
Vào tháng 5 năm ngoái, hãng tin Reuters cho biết ông Eric Schmidt, Chủ tịch Điều hành tập đoàn Alphabet, công ty mẹ của Google, trong một cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định Google sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Việt Nam để gỡ bỏ các thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam.
Lúc đó, người đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng đề nghị tập đoàn này "sớm mở văn phòng đại diện chính thức ở Việt Nam". Tuy nhiên, hãng tin Reuters tường thuật rằng Google cho biết rằng công ty này hiện chưa có kế hoạch mở cửa văn phòng đại diện ở Việt Nam.
Việt Nam từ đầu năm ngoái đã "bắt đầu gây áp lực đối với các công ty quảng cáo trong nước" yêu cầu công ty Google phải gỡ các video của các nhà bất đồng chính kiến hoạt động ở hải ngoại đăng trên trang YouTube.
Việt Nam thời gian qua đã bị nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền như Human Rights Watch chỉ trích về vấn đề "kiểm soát Internet", nhưng Hà Nội luôn bác bỏ các cáo buộc này.
Theo một báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới, tai nạn giao thông chết người là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển.
Cảnh sát dọn đường cho giao thông thuận lợi ở tỉnh Pathum Thani province, bắc Bangkok, Thailand (ảnh tư liệu 2016)
Nghiên cứu này là một trong những nghiên cứu đầu tiên cho thấy đầu tư vào an toàn giao thông đường bộ ở các nước có thu nhập thấp và trung bình sẽ làm tăng thu nhập quốc dân.
90% trong số 1,25 triệu người tử vong vì giao thông hàng năm trên thế giới là ở các nước đang phát triển.
Theo chuyên gia giao thông vận tải của Ngân hàng Thế giới, Dipan Bose, vấn đề này không được quan tâm đúng mức về mặt chính thức.
Ông Bose là đồng tác giả của một nghiên cứu tập trung vào năm quốc gia : Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines và Tanzania. Các tác giả sử dụng các mô hình kinh tế để ước tính nền kinh tế của mỗi quốc gia sẽ tăng được bao nhiêu trong khoảng thời gian 24 năm khi giảm số ca tử vong vì giao thông xuống một nửa.
"Kết quả thật đáng ngạc nhiên", ông nói.
Thái Lan có thể tăng 22% thu nhập quốc dân. Tốc độ tăng trưởng kinh tế và lẫn tăng tai nạn giao thông đều cao của nước này đồng nghĩa là họ có thể thu hái được nhiều nhất nếu có thay đổi.
Tanzania có thể tăng 7%. Các nước còn lại ở khoảng giữa.
Những lợi ích kinh tế này là "những gì mà không một chính phủ quốc gia nào có thể bỏ qua", ông Bose nói. Báo cáo này "nêu ra câu chuyện kinh tế nói lên vì sao lại thật quan trọng khi cần phải hành động mạnh mẽ về an toàn đường bộ".
Các lái xe chỉ chịu trách nhiệm một phần về các ca tử vong do giao thông, theo một báo cáo khác của Ngân hàng Thế giới và Viện Nguồn lực Thế giới.
Các nhà quy hoạch đô thị và các quan chức chính phủ có trách nhiệm bảo đảm hệ thống giao thông đủ an toàn.
Bà Anna Bray Sharpin, đồng tác giả của báo cáo, thuộc Viện Nguồn lực Thế giới, nói : "Nếu hệ thống không an toàn - nếu người ta không có cơ hội sang đường một cách an toàn, hoặc lái trong một chiếc xe an toàn - thì một lỗi nhỏ cũng có thể gây tử vong. Và lẽ ra không nên như thế".
Bà Bray Sharpin lưu ý rằng nhiều nước đang phát triển hiện đang lên kế hoạch làm các dự án cơ sở hạ tầng đường bộ lớn.
Nếu họ không xây dựng chúng bảo đảm an toàn ngay bây giờ, bà nói thêm, họ sẽ "bị mắc kẹt với cơ sở hạ tầng nguy hiểm đó trong một thời gian rất dài".
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) bày tỏ lo ngại về loan báo của Việt Nam triển khai 10.000 "chiến binh mạng" để chống lại quan điểm bất đồng chính kiến trên Internet và gọi đó là một "cuộc tấn công nhắm vào quyền tự do thông tin".
Một đơn vị không gian mạng mới bao gồm 10.000 người mang tên "Lực lượng 47" đã bắt đầu hoạt động "để chủ động đấu tranh chống các quan điểm sai trái", theo lời một tướng quân đội Việt Nam.
Cuối tháng 12 vừa qua, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, cho biết một đơn vị không gian mạng mới của quân đội bao gồm 10.000 người mang tên "Lực lượng 47" đã bắt đầu hoạt động "để chủ động đấu tranh chống các quan điểm sai trái".
Những người này được mô tả là "vừa hồng vừa chuyên", vừa kiên định về ý thức hệ, vừa có trình độ và kỹ năng sử dụng công nghệ cao để thực hiện nhiệm vụ, báo Tuổi Trẻdẫn lời ông cho biết.
RSF nói bước đi này của Việt Nam càng củng cố thêm lo ngại của họ về xu hướng các chính phủ tổ chức các đạo quân dư luận viên trên Internet để tấn công và làm im tiếng các nhà báo độc lập và các cơ quan truyền thông.
"Đây là một cuộc tấn công mới nhắm vào quyền tự do thông tin ở một quốc gia vẫn tiếp tục áp dụng mô hình kiểm duyệt chặt chẽ của họ trên mạng xã hội", Daniel Bastard, trưởng phụ trách bộ phận Châu Á-Thái Bình Dương của RSF, nói. "Vào thời điểm mà 25 blogger Việt Nam đang ngồi tù, thông báo này xác định một cách thẳng thừng rằng Việt Nam quyết truy lùng và làm im tiếng các nhà báo công dân mà không hề cảm thấy tội lỗi".
Việt Nam là một trong những nước có số lượng người sử dụng Facebook đông nhất thế giới. Không như Trung Quốc, chính phủ Việt Nam không chặn truy cập vào Facebook. Thay vào đó, họ sử dụng tuyên truyền trực tuyến để kiểm soát và kiểm duyệt mạng xã hội.
Ít nhất 30 quốc gia đã thành lập những đạo quân dư luận viên tương tự được chính phủ trả tiền để phản bác những người bất đồng chính kiến trên mạng, theo báo cáo Tự do Net năm 2017 của tổ chức phi chính phủ Freedom House. Một trong những phương thức được sử dụng là tạo ra những bình luận gây nên ảo tưởng về sự ủng hộ tự phát dành cho chính phủ và các chính sách của họ.
Việt Nam đứng gần cuối bảng xếp hạng Thế giới về Tự do Báo chí năm 2017 của RSF - ở vị trí thứ 175 trong số 180 quốc gia.