Các đồng minh NATO đang phản bác chỉ trích của Mỹ nói rằng họ chi tiêu chưa đủ cho quốc phòng, trong khi Tổng thống Donald Trump gia tăng sức ép trước một hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự này vào tuần sau.
Một bản của lá thư mà Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi cho Thủ tướng Na Uy Erna Solberg đòi Na Uy tăng chi tiêu quốc phòng cho NATO, chụp ở Washington, ngày 3 tháng 7, 2018.
Trong những tuần gần đây trước hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày 11 và 12 tháng 7 của NATO tại Brussels, ông Trump đã gửi thư đến Na Uy, các đồng minh Châu Âu khác và Canada yêu cầu họ gia tăng chi tiêu quốc phòng.
Sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014, các đồng minh NATO đã nhất trí vào năm đó là sẽ chấm dứt cắt giảm ngân sách quốc phòng, bắt đầu chi tiêu nhiều hơn trong khi nền kinh tế của họ tăng trưởng và tiến tới mục tiêu 2 phần trăm GDP cho chi tiêu quốc phòng trong vòng một thập niên.
Trong một email gửi hôm thứ Ba cho hãng tin AP, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen nói "Na Uy vẫn tán thành quyết định của Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2014 và đang có hành động theo sau quyết định này".
Na Uy đã chi "nhiều hơn nhiều" so với mục tiêu của NATO về thiết bị quân sự mới, ông nói thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen hôm thứ Ba nói "chúng tôi vẫn tán thành mục tiêu 2 phần trăm mà chúng tôi đã ấn định". Bà nói thêm "chúng tôi đang trên đường đạt được mục tiêu đó. Và chúng tôi đã sẵn sàng… gánh vác trách nhiệm đáng kể trong liên minh".
Khi nghe ý kiến nói rằng những lời giải thích của Đức về việc không chi tiêu 2 phần trăm GDP có thể vẫn không gây ấn tượng với ông Trump, bà vặn lại : "Chúng tôi không muốn gây ấn tượng với bất cứ ai".
Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới là cuộc họp quan trọng đầu tiên kể từ các cuộc họp G7 đầy những bất đồng ở Canada vào tháng trước. Các quan chức NATO lo ngại những chia rẽ xuyên Đại Tây Dương về vấn đề thuế quan thương mại và việc Mỹ rút khỏi hiệp định khí hậu toàn cầu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran có thể làm suy yếu sự thống nhất liên minh.
Trong thư gửi Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, đề ngày 19 tháng 6, ông Trump viết rằng dù đất nước của bà đóng vai trò quan trọng trong liên minh, song Na Uy "vẫn là đồng minh NATO duy nhất có chung đường biên giới với Nga mà vẫn không có một kế hoạch khả tín để chi tiêu 2 phần trăm tổng thu nhập quốc nội cho quốc phòng".
Lập trường này được nhắc lại trong một lá thư tương tự gửi cho Bỉ, trong đó ông Trump nói rằng "sẽ ngày càng khó biện minh với người dân Mỹ là tại sao một số nước tiếp tục không đáp ứng các cam kết an ninh tập thể của chúng ta".
Năm ngoái, ông Trump đã phê phán gay gắt các đối tác NATO của Mỹ, công khai chỉ trích họ vì chi tiêu chưa đủ và tuyên bố họ nợ tiền của Mỹ. Khi ông mới nhận nhiệm sở, ông thậm chí còn gợi ý rằng Mỹ - tới giờ là đồng minh hùng mạnh nhất của NATO - có thể không phòng vệ cho các quốc gia không làm tròn nghĩa vụ của họ.
Bất chấp những luận điệu chính trị từ chính quyền Trump, con số 2 phần trăm không liên quan đến chi tiêu cho NATO và không nước nào nợ liên minh hay bất kì đồng minh nào bất kì khoản tiền nào.
Mỹ chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn so với tất cả các nước khác cộng lại — 3,61 phần trăm GDP trong năm 2016, hoặc khoảng 664 tỉ đôla.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 21/6 cảnh báo công dân của mình về sự an toàn của họ khi tới các quốc gia có biểu tình sau khi sinh viên Mỹ William Anh Nguyễn bị bắt và đang bị giam giữ ở Việt Nam vì tham gia tuần hành ở đó cách đây hơn hai tuần.
Hình ảnh Will Nguyễn tham gia vào buổi biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 10/6 trên Youtube. Bộ Ngoại giao Mỹ vừa đưa ca cảnh báo đối với các công dân Mỹ khi đến một nước khác nơi có biểu tình thì phải lưu ý về sự khác biệt của luật pháp nước đó với luật pháp của Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Heather Nauert nói với các phóng viên tại một buổi họp báo ở Washington DC rằng vụ việc sinh viên 32 tuổi, còn được gọi là Will Nguyễn, bị bắt giữ vì tham gia biểu tình hôm 10/6 ở Thành phố Hồ Chí Minh là "một lời nhắc nhở lớn với những công dân Mỹ, hay bất kỳ ai có liên quan, đi tới một đất nước khác và ở đó có biểu tình hay tuần hành đang diễn ra – các diễn tiến đó có thể chuyển rất nhanh từ ôn hòa, và có vẻ ôn hòa" thành cái khác.
Nữ phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Mỹ nói : "Vì vậy chúng tôi chỉ muốn cảnh báo, nhân vụ việc này, cảnh báo những người Mỹ khi du hành về điều đó".
Will Nguyễn, một sinh viên vừa tốt nghiệp thạc sĩ trường đại học Lý Quang Diệu, tới Việt Nam để du lịch trước khi đến Singapore để tham dự lễ tốt nghiệp vào tháng 7.
Công dân Mỹ này bị cáo buộc về tội "gây rối trật tự công cộng" khi tìm cách phá một rào chắn và lật nhiều xe cảnh sát trên con đường chính dẫn tới sân bay Tân Sơn Nhất. Công an Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định khởi tố anh về hành vi này hôm 15/6.
Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sinh viên này "vẫn chưa bị chính phủ Việt Nam buộc tội". Người phát ngôn Nauert hôm 21/6 nói rằng "theo như chúng tôi hiểu về luật pháp (Việt Nam) thì họ sẽ tiến hành điều tra trước khi thực sự buộc tội một ai đó".
Theo người phát ngôn, điều này cho thấy rằng luật pháp của Mỹ khác với luật pháp của Việt Nam và bà Nauert nhắc nhở những công dân Mỹ khi đi tới nước khác phải lưu ý điều đó.
"Những thứ dường như là bình thường ở (Mỹ) thì có thể không bình thường ở một nước khác và bạn phải tuân theo những luật lệ của đất nước mà bạn đang tới thăm", theo người phát ngôn Bộ ngoại giao.
Ở Mỹ, người dân được quyền tụ tập và biểu tình phản đối chính phủ một cách ôn hòa. Trong khi đó Việt Nam không có luật biểu tình và người biểu tình nếu bị nhà chức trách cáo buộc "gây rối trật tự công cộng" sẽ bị bắt do họ không có luật pháp bảo vệ.
Bộ ngoại giao Mỹ cho biết đại sứ Mỹ ở Hà Nội đã tới tiếp xúc với phía Việt Nam về trường hợp của Will Nguyễn và đại diện lãnh sự Mỹ đã gặp sinh viên này trong trại giam hôm 15/6.
"Sự an toàn của (Will Nguyễn) và sự an toàn của tất cả công dân Mỹ, đều là mối quan tâm cao nhất và chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc này", người phát ngôn Bộ ngoại giao nói khi trả lời một phóng viên hôm 21/6.
Tuy nhiên gia đình của Will Nguyễn ở Mỹ cho rằng Bộ Ngoại giao chậm chễ trong việc hành động để giúp sinh viên này được tự do. Victoria Nguyễn, em gái của Will Nguyễn, nói với Washington Post rằng các quan chức (của Bộ ngoại giao) không cung cấp chỉ dẫn cụ thể về những gì cần phải làm để đưa anh trai cô trở về.
Hôm 19/6, ba dân biểu của California đã gửi một bức thư tới Tổng thống Donald Trump và trước đó tới Đại sứ Mỹ ở Việt Nam để yêu cầu họ hành động. Nhiều thành viên của quốc hội cũng đã ký vào một bức thư đề ngày 15/6 gửi tới Ngoại trưởng Mike Pompeo yêu cầu ông tiến hành "điều tra về sự vi phạm nhân quyền và làm tất cả những gì có thể để giúp (Will) Nguyễn được trả tự do".
Hôm 18/6, Will Nguyễn xuất hiện trên truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và thừa nhận rằng anh đã "vi phạm luật pháp Việt Nam" đồng thời bày tỏ hối hận là các hành động của anh đã "gây rắc rối cho gia đình, bạn bè…".
Victoria Nguyễn cho rằng anh trai mình "không phải là anh ấy một tí nào" trong video nhận tội mà Việt Nam công bố. Viết trên trang Twitter #FreeWilly, được bạn bè lập ra để kêu gọi thả tự do cho sinh viên này, cô nói : "Không có vẻ là anh ấy. Anh ấy có vẻ kiệt sức, dường như là anh ấy đã bị huấn luyện và bị ép buộc".
Hãng tin AFP nhận định rằng hiện tượng những người bị nhà nước Việt Nam khép là tội phạm, lên truyền hình "công khai nhận tội theo kịch bản" khá là phổ biến, đôi khi để đánh đổi một bản án nhẹ hơn, mặc dù các tổ chức nhân quyền có lúc tố cáo nhà nước độc đảng đã "ép cung" để buộc những người này nhận tội.
Video một con tôm hùm đỏ tự "cắt" càng ở Trung Quốc để thoát thân khỏi nồi lẩu cay lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.
Đoạn video ghi lại cảnh con crawfish hay crayfish mà người Việt còn gọi là tôm hùm đất tìm cách bò ra khỏi nồi lẩu trong khi một cái càng vẫn còn chìm trong nước đang sôi.
Sau đó, nó dùng cái càng còn lại để "cắt" đứt cái càng dường như đã bị nấu chín trong nồi lẩu cay.
Đoạn video được một người sử dụng mạng xã hội tên là Jiuke ghi lại và đăng trên mạng Weibo, một trang giống như Twitter, vốn rất được ưa thích ở Trung Quốc.
Cảnh quay với thời lượng 11 giây đã được xem hơn một triệu lượt trên Facebook.
Tờ Strait Times của Singapore hôm 2/6 dẫn lời Jiuke cho biết rằng anh đã quyết định không ăn và nuôi con tôm hùm đỏ "can đảm" làm cảnh.
Ăn crawfish mà người Hoa còn gọi là "tôm hùm tí hon" vài năm qua đã trở thành mốt ở Trung Quốc, khiến các nhà hàng hay trang trại nuôi loại tôm này mọc lên như nấm.
Năm ngoái, theo báo chí Việt Nam, tỉnh Đồng Tháp đã phát hiện một nơi thuê lao động Trung Quốc "lén lút" nuôi loại tôm này và đã "cho tiêu hủy ngay".
Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, được báo Tuổi Trẻ dẫn lời nói rằng đây là "động vật ngoại lai nguy hại không được phép nuôi".
Crayfish hoặc crawfish được nuôi phổ biến ở Mỹ, Úc và một số quốc gia khác, nhưng tại Việt Nam loài sinh vật này nằm trong danh sách cấm nhập khẩu của Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Các nhà hoạt động tôn giáo lý giải khác nhau vì sao gần đây chính quyền Việt Nam ‘đánh mạnh’ các tín đồ của Hội Thánh của Đức Chúa Trời, nhưng nhìn chung họ xem đây là một cái cớ để nhà cầm quyền tăng cường sự quản lý đối với người dân, tôn giáo, và lái dư luận sang một vấn đề khác nhằm thực hiện ý đồ của chính quyền.
Các tín đồ Hội thánh của Đức Chúa Trời ở Việt Nam.
Từ Huế, linh mục Phan Văn Lợi nói với VOA rằng dường như có sự liên hệ giữa việc chính quyền lên án những người theo Hội Thánh của Đức Chúa Trời với việc Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu chủ thuê bao điện thoại di động phải khai báo hình chân dung và thông tin chứng minh nhân dân -- qua đó cho thấy mục đích của Việt Nam là kiểm soát chặt chẽ hoạt động của người dân và tôn giáo.
Linh mục Phan Văn Lợi nói thêm rằng không loại trừ việc chính quyền "dựng ra" câu chuyện như thế để quản lý các nhóm tôn giáo khác, vì nhóm này đã có mặt ở Việt Nam hơn 10 năm qua nhưng chưa từng bị lên án mạnh như hiện nay :
"Có thể họ xem Hội Thánh này là một cơ hội, hay biết đâu rằng nhà cầm quyền dựng ra để có cái cớ ép người dân phải ghi tên tuổi và chụp hình khi dùng điện thoại di động. Đây là một biện pháp độc tài mà chúng ta chỉ thấy ở Trung Quốc và Việt Nam. Việc này làm cho người dân Việt Nam lúc này hết sức hoang mang, thậm chí là phẫn nộ. Đây là một ý định thắt chặt sự kiểm soát người".
Báo VietnamNet nói kẻ xấu sử dụng SIM điện thoại không rõ chủ thuê bao để truyền tà đạo Đức Chúa Trời, khiến cơ quan quản lý khó tìm ra nguồn gốc phát tán.
Truyền thông nhà nước mô tả Hội thánh Đức Chúa Trời là một "tà đạo kinh hoàng như thôi miên", từ Hải Phòng lan ra khắp nơi như "vòi bạch tuộc". Ngoài ra, tại nhiều địa phương đang diễn ra nhiều hoạt động khám xét, tịch thu, bắt bớ tín đồ của tổ chức tôn giáo này.
Hôm 3/5, trang Zing.vn cho biết công an quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng, đã bắt một cựu sinh viên và thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến Hội Thánh của Đức Chúa Trời, vì cho rằng người này trồng cần sa tại nhà riêng.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, linh mục Lê Ngọc Thanh, người phụ trách về lĩnh vực truyền thông của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, nói với VOA rằng việc báo chí Việt Nam dồn dập đưa tin lên án Hội Thánh của Đức Chúa Trời nhằm chia rẻ giữa các nhóm tôn giáo với nhau và giữa các nhóm tôn giáo với lương dân :
"Khoảng hai tuần vừa rồi họ làm rộ lên chuyện mà họ gọi là tà đạo, Hội Thánh của Đức Chúa Trời, Hội Thánh của Đức Chúa Trời Mẹ, mà tên đúng của họ là Hiệp hội Truyền giáo Tin Lành Thế giới. Họ cố tình gieo cho tất cả những người Việt không có tôn giáo sự nhập nhằng giữa đạo Công giáo và Tin Lành và với nhóm mà họ cho là tà đạo. Thực ra họ cũng chẳng đưa ra giáo lý chính thống gì để kết án người ta là tà đạo cả. Việc này tạo ra một dư luận khiến cho nội bộ các tôn giáo cùng với những người lương dân căng thẳng với nhau, kinh biệt, chê bai nhau".
Theo Linh mục Lê Ngọc Thanh, việc truyền thông trong nước "đánh mạnh" vào Hội Thánh của Đức Chúa Trời gần đây đã khiến không ít người dân hoang mang, thậm chí "gây căng thẳng" trong nội bộ các tôn giáo, và giữa người theo tôn giáo và không có tôn giáo. Vị linh mục của Dòng Chúa Cứu Thế Sài gòn còn cho rằng đây có thể là một bước "dọn đường dư luận" để tiến tới việc giải tỏa các cơ sở tôn giáo ở khu "đất vàng" Thủ Thiêm, trong đó có Nhà thờ và Nhà dòng Thủ Thiêm ở Quận 2.
Nhà thờ Thủ Thiêm, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, ông Vũ Chiến Thắng, được VOV dẫn lời nói cơ quan này đã nắm được "những biểu hiện tiêu cực mà báo chí phản ánh" về Hội thánh Đức Chúa Trời và cần thời gian để kiểm chứng xem có sự chỉ đạo, điều hành của tổ chức nào không, hay chỉ là hành vi của một số cá nhân trục lợi.
Cơ quan truyền thông nhà nước nói Hội thánh Đức Chúa Trời chỉ núp dưới dạng tuyên truyền giáo lý và kỹ năng mềm nhằm thực hiện mục đích "khiến cho đối tượng không còn lo làm ăn, kinh tế sa sút và ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình", "lợi dụng giáo lý để trục lợi" khi buộc các tín đồ phải đóng góp 1/10 thu nhập, có dấu hiệu của mê tín dị đoan, tà đạo.
Một quan chức thuộc phòng Phòng chống phản động và Chống khủng bố, thuộc Công an tỉnh Bắc Giang, được VTC News dẫn lời cho biết đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, ngăn chặn các hoạt động tôn giáo được cho là "trái pháp luật" và "tăng cường công tác nắm tình hình" ở các địa phương.
Trên mạng xã hội cũng xuất hiện phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Linh, một người được gọi là thánh đồ của Hội Thánh của Đức Chúa Trời tại Hà Nội, thuộc Hiệp hội Truyền giáo Tin Lành Thế giới, mong muốn xã hội và truyền thông Việt Nam có "cái nhìn thiện cảm" đối với các thành viên và Hội Thánh của Đức Chúa Trời.
Trả lời phỏng vấn báo chí trong nước, ông Nguyễn Văn Hòa, truyền đạo sư của Hội thánh của Đức Chúa Trời tại thành phố Hồ Chí Minh lên tiếng phản đối các hoạt động tôn giáo cực đoàn như tin đồn và ông nói rằng "người trong hội thánh không hành động như vậy".
ProPublica, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên về báo chí điều tra phục vụ công chúng, tuần này đăng một bài báo (bản tiếng Việt ởđây) mô tả những mối quan hệ và sự dàn xếp đằng sau cuộc gọi điện thoại đầu tiên của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 12 năm 2016.
Bài báo tiết lộ người đứng sau cuộc gọi này là luật sư riêng của ông Trump, Marc Kasowitz, mà không có sự tham gia của Bộ Ngoại giao Mỹ, và ông Kasowitz cũng đại diện một thân chủ có lợi ích kinh doanh ở Việt Nam.
Nhà báo Justin Elliott của ProPublica
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA Tiếng Việt, tác giả bài báo Justin Elliott cho biết thêm chi tiết về tường trình của anh đằng sau câu chuyện gây sửng sốt này.
VOA : Có phản ứng hay phản hồi mới nào không kể từ khi câu chuyện của anh được đăng lên ?
Justin Elliott : Tôi chưa nghe thấy điều gì mới từ bất kỳ người nào trong chuyện này. Tôi biết là độc giả rất quan tâm tới chuyện này nhưng tôi chưa nghe thấy bất kỳ điều gì mới từ những nhân vật chính trong câu chuyện.
VOA : Sao anh biết về liên lạc này ? Đầu mối đầu tiên của anh cho câu chuyện này là gì ?
Justin Elliott : Chúng tôi là ProPublica và WNYC, một đài phát thanh công cộng địa phương ở thành phố New York. Chúng tôi hiện đang hợp tác làm một podcast [chương trình phát thanh trên mạng] và nó được gọi là "Trump, Inc." Podcast này tập trung vào những hoạt động kinh doanh của Tổng thống Trump và những mâu thuẫn lợi ích tiềm năng và đại loại như vậy. Và một phần của podcast này là chúng tôi nhờ thính giả báo tin cho chúng tôi nếu họ biết hoặc nghe thấy bất cứ điều gì về bất cứ chuyện gì mà chúng tôi có thể quan tâm. Chúng tôi nhận được rất nhiều tin báo và câu chuyện về Việt Nam và sòng bạc khởi nguồn từ một người nghe podcast và người này đã nghe một tin đồn về chuyện đó. Tôi đi tìm hiểu tin đồn rồi viết bài báo này.
VOA : Một trong những điểm chính trong bài báo của anh là Bộ Ngoại giao Mỹ không tham gia thu xếp cuộc gọi này. Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam nghe tin về cuộc gọi này từ Hồ Tràm và họ biết được những gì đã được bàn bạc từ các quan chức Việt Nam. Việc này dường như phá vỡ nghi thức. Anh có thể giải thích chuyện này bất thường tới mức nào không ?
Marc Kasowitz, luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump
Justin Elliott : Tôi đã nói chuyện với nhiều người từng tham gia quá trình chuyển tiếp quyền hành của ông Obama, lần chuyển tiếp gần đây nhất trước ông Trump vào năm 2008 và 2009. Tôi dẫn lời Susan Rice [cố vấn an ninh quốc gia từ 2013-2017] trong bài báo, bà ấy là một trong những nhân vật cao cấp trong quá trình chuyển tiếp của ông Obama. Bà ấy và những người khác nói với tôi rằng nói chung, ngay sau cuộc bầu cử sẽ có những cú điện thoại đầu tiên với các nhà lãnh đạo nước ngoài, nhưng bạn muốn làm điều đó một cách rất cẩn thận, thường là theo thứ tự chính xác ai được gọi trước tiên hoặc ai được gọi lại trước tiên.
Từ trước đến giờ việc này được suy tính cẩn thận, xem nước nào quan trọng hơn để gọi vì lý do này kia. Thường là Bộ Ngoại giao tham gia vào việc thu xếp các cuộc gọi này, báo cáo thông tin tổng quát cho tổng thống đắc cử và ghi chú. Bài báo của tôi tường trình rằng không có bất cứ việc nào trong số những việc nói trên diễn ra, trong trường hợp này là giữa ông Trump với thủ tướng Việt Nam. Và đây không phải là ví dụ duy nhất về một cuộc gọi bất thường.
Cũng đã có một cuộc gọi bất thường khác giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Đài Loan. Vào thời điểm đó hoặc không lâu sau đó thì lộtin cho hay cuộc gọi đó đã được thu xếp bởi một trong những người vận động hành lang cho Đài Loan, cựu thượng nghị sĩ Bob Dole. Cuộc gọi đó phá vỡ rất nhiều tiền lệ. Trung Quốc đã rất bực tức. Tất cả tường trình của tôi và tường trình của những người khác cho thấy giai đoạn chuyển tiếp hết sức hỗn loạn. Các nhà lãnh đạo nước ngoài và đại sứ quán nước ngoài khi đó đang hối hả tìm cách tiếp cận ông Trump bằng mọi cách có thể.
VOA : Anh dẫn lời phát biểu chính thức của bà Susan Rice trong bài báo. Anh có hỏi bà ấy là Nhà Trắng dưới quyền ông Obama biết về vụ việc này vào lúc nào không ?
Justin Elliott : Tôi không thể bình luận gì thêm ngoài phát biểu của bà ấy mà tôi dẫn ra trong bài báo.
VOA : Một số người có thể lập luận rằng đội ngũ của ông Trump không được chuẩn bị kỹ vì ít ai ngờ tới chiến thắng bầu cử của ông ấy. Họ không nắm hết các nghi thức, tất cả mọi chuyện diễn ra cùng lúc và quá trình chuyển tiếp, như anh nói, hết sức hỗn loạn. Anh có nghĩ chuyện phá vỡ nghi thức một phần là vì như vậy không ?
Justin Elliott : Ngay cả một số người tham gia trong chiến dịch tranh cử của ông Trump đã nói rằng họ ngạc nhiên về kết quả bầu cử. Tin tức loan tải vào thời điểm đó cho biết có rất nhiều sự hỗn loạn trong quá trình chuyển tiếp. Có một thời gian Chris Christie [thống đốc bang New Jersey, một trong những ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa bỏ cuộc và quay sang ủng hộ ông Trump] điều hành quá trình chuyển tiếp và rồi ông ta bị sa thải. Họ trải qua một loạt những thay đổi lãnh đạo chỉ trong khoảng thời gian sau cuộc bầu cử vào tháng 11 và lễ nhậm chức vào tháng 1. Tôi nghĩ đó là một bối cảnh quan trọng cho những gì mà chúng ta thấy đã xảy ra với một số cuộc gọi điện thoại này. Tôi nghĩ bối cảnh đó phần nào lý giải vì sao có các cuộc gọi điện thoại này. Và tôi nghĩ nhìn chung chính quyền Trump và đội ngũ của ông Trump, ngay cả trước khi họ nhận nhiệm sở, họ đã nói rằng họ sẽ gạt bỏ hết cách làm việc thông thường. Đây không phải là lĩnh vực duy nhất mà trong đó họ phá vỡ những quy chuẩn có từ lâu nay.
VOA : Tường trình của anh nhất quán với những gì chúng ta biết về việc chính quyền Trump kết hợp những lợi ích kinh doanh riêng tư với lợi ích của đất nước. Câu chuyện của anh gợi nhớ câu chuyện về Jared Kushner [con rể của ông Trump và cố vấn Nhà Trắng cao cấp] tìm cách thiết lập một kênh liên lạc ngầm với Nga thông qua đại sứ quán Nga và bỏ qua Bộ Ngoại giao. Anh có thấy nét tương đồng giữa tường trình của anh và tường trình đó không ?
Justin Elliott : Tôi không chắc. Tôi thực sự không thể bình luận vì tôi không viết về chuyện đó. Tôi biết về chuyện đó từ tin tức trên báo chí. Tôi nghĩ rằng chúng ta biết từ nhiều tường trình là có hàng loạt những liên lạc bất thường giữa đội ngũ của ông Trump và nhiều loại thực thể nước ngoài trong giai đoạn chuyển tiếp. Rõ ràng đã có rất nhiều bài báo viết về những tương tác với Israel và nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đang được biểu quyết vào thời điểm đó. Rõ ràng là đã có một số những tương tác bất thường nhưng tôi không thể so sánh chúng vì tôi chỉ tường trình về chuyện này thôi.
Hoàng Long
Tổng thống Donald Trump không phải lúc nào cũng trích dẫn số liệu thống kê chính xác để củng cố lập luận của mình khi ông chỉ trích Trung Quốc về thương mại.
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại bữa ăn tối tháng Ba hàng năm của Ủy ban Đảng Cộng hòa Toàn quốc ở Washington, ngày 20 tháng 3, 2018.
Ông Trump đưa ra những phát biểu khó tin về nhiều chủ đề trong tuần qua, trong đó có thương mại. Ông bóp méo những phát biểu của ứng cử viên tổng thống đối thủ từ năm 2016 Hillary Clinton, thổi phồng kỳ vọng về một cuộc cải tổ trong dịch vụ y tế dành cho các cựu chiến binh và giành quá nhiều công trạng cho chính quyền của ông trong việc đánh bại Nhà nước Hồi giáo. Dưới đây là một số phát biểu của ông trong tuần này và kiểm chứng.
Donald Trump : "Năm ngoái chúng ta mất 500 tỉ đôla thương mại với Trung Quốc. Chúng ta không thể để chuyện đó xảy ra" - phát biểu tại Nhà Trắng ngày thứ Sáu.
Sự thật : Chuyện đó không xảy ra. Năm ngoái, người Mỹ mua khoảng 506 tỉ đôla hàng hóa từ Trung Quốc. Đó không phải là tiền bị "mất đi" mà là những thứ mà người Mỹ muốn mua. Và đó chỉ là một phần của con tính. Trung Quốc mua hơn 130 tỉ đôla hàng hóa từ Mỹ. Vì vậy thâm hụt thương mại thực tế về hàng hóa là 375 tỉ đôla.
Nếu tính thêm thương mại về dịch vụ nữa thì thâm hụt thương mại thực tế của Mỹ với Trung Quốc là 337 tỉ đôla.
***
Donald Trump : "Về khủng bố, ở Iraq và Syria, chúng ta đã chiếm lại gần 100 phần trăm, trong một khoảng thời gian rất ngắn, lãnh địa mà chúng đã chiếm. Và tất cả chuyện này đều xảy ra kể từ cuộc bầu cử của chúng ta. Chúng ta đã chiếm lại gần 100 phần trăm". - bữa tối của Ủy ban Đảng Cộng hòa Toàn quốc tối ngày thứ Ba. Phát biểu ngày thứ Sáu : "Chúng ta đã giành lại gần khoảng 100 phần trăm lãnh địa từ ISIS".
Sự thật : Tiến bộ chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) không phải "tất cả đều xảy ra" kể từ cuộc bầu cử. Chính quyền Obama đã nói IS đã mất hơn 40 phần trăm lãnh địa của mình vào thời điểm ông rời nhiệm sở.
IS bị đẩy tới chỗ lụn bại ở Mosul, thành trì chính của họ ở Iraq, trước khi ông Trump nhậm chức. Năm 2016, lực lượng quân đội Iraq, được hậu thuẫn bởi liên minh do Mỹ dẫn đầu, đã phát động các trận chiến thành công để đánh bật IS khỏi Fallujah, Ramadi, đông Mosul và một số thị trấn nhỏ dọc theo Sông Tigris. Họ cũng thành lập các trung tâm hậu cần cho chiến dịch này bắt đầu vào tháng 2 năm 2017 để chiếm lại tây Mosul.
Đúng là những tiến bộ kể từ khi đó đã triệt hạ IS như một lực lượng chiếm đóng lãnh địa. Những tiến bộ này xuất hiện trên nhiều mặt trận từ nhiều kẻ thù của IS, bao gồm các lực lượng Iraq được Mỹ hậu thuẫn và binh lính của Tổng thống Syria Bashar Assad được Nga hậu thuẫn. Tuyên bố nói rằng "chúng ta đã chiếm lại gần 100 phần trăm" chỉ có thể vững chắc về mặt lập luận nếu "chúng ta" có nghĩa là nhiều nhóm khác nhau, thường là thù địch với nhau, đang chiến đấu chống lại IS.
***
Donald Trump (nói về bà Clinton) : "Tôi sẽ nói rằng phát biểu gần đây của bà ta về phụ nữ - rằng họ phải được chồng, con trai, và những sếp nam của họ ưng thuận thì mới bỏ phiếu cho Trump. Đó không phải là một phát biểu hay. Không hay" - bữa tối của Ủy ban Đảng Cộng hòa Toàn quốc tối ngày thứ Ba.
Sự thật : Bà Clinton không nói như vậy. Trong bài phát biểu vào tháng này tại Ấn Độ, bà nêu lên giả thuyết rằng một đại bộ phận không quá lớn những phụ nữ da trắng bỏ phiếu cho ông Trump vì "áp lực liên tục phải bỏ phiếu như chồng, ông sếp, con trai của họ, bất cứ ai, tin rằng họ nên làm như vậy". Bà không nói phụ nữ cảm thấy họ cần phải có sự chấp thuận của đàn ông để bỏ phiếu cho ông Trump - mà đúng hơn là họ đối mặt với áp lực từ những người này để ngả về ông Trump thay vì bà.
***
Donald Trump : "Phe Cộng hòa cũng đã bãi bỏ một trong những khoản thuế tàn nhẫn và bất công nhất của đất nước từ trước tới giờ : quy định bảo hiểm cá nhân Obamacare [ai không có bảo hiểm y tế phải đóng tiền phạt]. Và quy định này đã biến mất mãi mãi. Thế mới tuyệt chứ. Bạn phải trả rất nhiều tiền để không phải trả và không được chăm sóc y tế. Vì vậy, bạn trả tiền để không được chăm sóc y tế. Ý tôi là, chuyện này không tốt lắm. Nhưng chúng ta đã bãi bỏ nó". - bữa tối của Ủy ban Đảng Cộng hòa Toàn quốc tối ngày thứ Ba.
Sự thật : Quy định này chưa biến mất. Các khoản tiền phạt đối với những người không mua bảo hiểm y tế vẫn có hiệu lực trong năm nay. Chúng biến mất vào năm sau theo luật bãi bỏ mà ông Trump đã ký.
***
Donald Trump (nói về chiến dịch quảng cáo chống lạm dụng chất gây nghiện opioid) : "Đó là điều ít tốn kém nhất mà chúng ta có thể làm, bạn hù cho họ sợ để không tàn đời như những người xuất hiện trong quảng cáo. Và chúng tôi sẽ làm cho những quảng cáo này nhìn rất ghê". - phát biểu tại bang New Hampshire ngày thứ Hai.
Sự thật : Hình thức quảng cáo "hù cho sợ" này không những tốn kém mà còn đặc biệt không hữu hiệu khi nó được thử nghiệm và nghiên cứu lần gần đây nhất. Song có một số bằng chứng cho thấy các thông điệp chống ma túy tập trung vào nhu cầu độc lập của thanh thiếu niên có thể khiến họ ngại sử dụng ma túy.
Từ năm 1998 đến năm 2004, chính phủ Mỹ chi gần 1 tỉ đôla vào một chiến dịch toàn quốc nhằm thuyết phục những người trẻ tuổi tránh các loại ma túy bất hợp pháp, đặc biệt là cần sa. Một nghiên cứu nối tiếp vào năm 2008 do Viện Y tế Quốc gia tài trợ nhận thấy chiến dịch này "không có tác động tích cực đối với hành vi của thanh thiếu niên" và thật ra có thể đã khiến một số người dùng thử ma túy - một hiệu ứng "boomerang" không mong đợi.
***
Donald Trump : "Sự lựa chọn đang tới. Các cựu chiến binh có thể, thay vì chờ đợi hàng tuần, hàng tuần và hàng tuần, họ thực sự có thể đi khám bác sĩ và được chăm sóc, và chúng tôi chi trả. Và đó sẽ là một sự cải thiện to lớn" - bữa tối của Ủy ban Đảng Cộng hòa Toàn quốc tối ngày thứ Ba.
Sự thật : Một kế hoạch dài hạn tương tự như mô tả của ông Trump dường như sẽ không sớm xuất hiện. Nó đang bị đình trệ trong Quốc hội và những sự chậm trễ trong chương trình này tới giờ có nghĩa là nó sẽ không được thi hành đầy đủ cho đến năm 2019 hoặc trễ hơn.
Một chương trình lựa chọn đã được áp dụng sau khi một vụ bê bối về thời gian chờ đợi hồi năm 2014 được phát giác tại một bệnh viện ở thành phố Phoenix của Bộ Sự vụ Cựu chiến binh (VA) và các nơi khác trong cả nước. Chương trình này cho phép các cựu chiến binh đến khám với các bác sĩ tư nếu họ phải chờ đợi lâu cho cuộc hẹn tại bệnh viện VA. Theo Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ, cánh điều tra của Quốc hội Mỹ, những người sử dụng chương trình này phải chờ đợi có thể lâu đến 81 ngày. Mùa hè năm ngoái, một sự thiếu hụt ngân sách bất ngờ trong chương trình này đã buộc VA phải hạn chế giới thiệu bệnh nhân cho bác sĩ bên ngoài, càng khiến việc chăm sóc y tế cho các cựu chiến binh thêm chậm trễ.
Bộ trưởng VA David Shulkin tháng trước nói rằng thời gian đợi hẹn khám bệnh tại các bệnh viện VA "thường ít hơn 40 phần trăm" so với các bệnh viện tư.
Ông hy vọng một cuộc cải tổ lâu dài sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua trong tháng 12, nhưng các đề xuất đã bị đình trệ do những bất đồng về chi phí và mức độ tiếp cận bác sĩ tư của các cựu chiến binh.
Nhà văn, nhà thơ Bùi Minh Quốc, thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, hôm 21/3 viết thư cho Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Công an Tô Lâm, phản đối việc ông bị "xâm phạm quyền tự do đi lại", sau khi ông bị chặn, không cho xuất cảnh sang Mỹ để dự lễ tốt nghiệp và đính hôn của con trai ông, một nghiên cứu sinh tại Đại học Maryland. Nói chuyện với VOA-Việt ngữ, ông cho biết những gì xảy ra tại phi trường Tân Sơn Nhất vào đêm hôm 20/3 :
Nhà thơ Bùi Minh Quốc (Ảnh : Hợp Âm Việt)
"Cân hành lý xong các thứ rồi lấy vé xuất cảnh, đến cửa xuất cảnh thì kiểm tra hộ chiếu thì nhà tôi kiểm tra trước thì không có vấn đề gì, đến tôi thì sĩ quan ngồi ở quầy xem hộ chiếu nói là "hộ chiếu của chú có vấn đề", sau đó cậu ấy dẫn tôi tới một sĩ quan khác trong cái phòng chắc là công an cửa khẩu đấy làm việc thì anh sĩ quan tên là Nguyễn Hải Nam nói với tôi "Chú ở trong cái diện chưa được phép xuất cảnh". Anh sĩ quan nói chỉ biết trên thông báo là chú chưa được phép xuất cảnh vì lý do an ninh".
Vợ chồng ông Bùi Minh Quốc từng sang Hoa Kỳ trước đây mà không hề gặp rắc rối nào. Năm 2015, nhà văn và vợ ông, bà Nguyễn Thị Thục đã sang Hoa Kỳ thăm con trai là nghiên cứu sinh tại đại học Maryland.
Ông Quốc nói rà soát lại những việc mình làm, ông tự thấy không hề làm gì để có thể bị xếp vào diện cấm xuất cảnh vì lý do an ninh.
"Tôi chả làm cái gì mà để người ta có thể đưa vào danh sách chưa được xuất cảnh vì lý do an ninh. Tôi rà lại các bài báo từ năm đó (2015) tới nay thì tôi viết ít hơn những năm trước".
Từ Hà nội, nhà văn Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội IJAVN, nhận định về trường hợp ông Bùi Minh Quốc :
"Trong cái bối cảnh nhà cầm quyền gia tăng đàn áp chứ không phải do hoạt động của Hội Nhà báo Độc lập nó khác trước hay hoạt động của anh Bùi Minh Quốc nó khác trước, mà nằm trong bối cảnh siết chặt đàn áp dân chủ của nhà cầm quyền Việt Nam từ năm ngoái tới năm nay".
Ông Bùi Minh Quốc nói ngay từ đầu, quan điểm của ông luôn luôn ôn hòa và có tính cách xây dựng và ông vẫn duy trì quan điểm đó :
"Tôi tập trung việt về chủ đề là xây dựng người công dân mới. Vậy thôi, chứ ngoài ra không có một bài nào mà họ có thể trích ra để gọi là làm hại đến an ninh quốc gia".
Ông cho biết hộ chiếu của ông không bị thu hồi như trong một số trường hợp khác. Ông nói ông không đôi co với những nhân viên thừa hành đã chặn ông lại ở phi trường Tân Sơn Nhất nhưng phản đối quyết định tùy tiện cố ý gây khó của người có trách nhiệm đã xếp ông vào diện chưa được phép xuất cảnh vì lý do an ninh.
Ông Nguyễn Tường Thụy nói bị cấm xuất cảnh "xảy ra như cơm bữa ở Việt Nam" trong tình hình đàn áp gia tăng từ năm ngoái tới năm nay.
"Đàn áp gia tăng ở Việt Nam đối với phong trào dân chủ có liên quan tới vấn đề bầu Tổng thống mới ở Hoa Kỳ. Chúng tôi đánh giá rằng hiện nay đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ không quan tâm đến nhân quyền như trước, thế nên nhà cầm quyền cho đấy là một tín hiệu, một điều kiện thuận lợi cho họ để họ gia tăng đàn áp phong trào dân chủ Việt Nam từ đầu năm 2017 cho tới bây giờ".
Ông Bùi Minh Quốc nói hoạt động của ông sẽ không thay đổi và ông Nguyễn Tường Thụy khẳng định Hội Nhà Báo độc lập "lẽ đương nhiên" sẽ tiếp tục con đường mình đang đi, là phản ánh những vấn đề thực tế của xã hội và nêu lên quan điểm độc lập của mình, chỉ trích những chính sách không hợp lý của nhà nước, duy trì đối thoại về tự do báo chí, chứ không vì đàn áp mà thay đổi mục đích hay tôn chỉ của Hội.
Chính quyền Việt Nam lần đầu tiên mở trưng bày sử liệu về biến cố cuộc đời ông Ngô Đình Diệm, Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa, tại khuôn viên dinh Thống Nhất vào ngày 9/3.
Cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm
Dù cuộc triển lãm có nhan đề là "Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập 1868-1966," ban tổ chức đã dành một gian riêng ở tầng hai ở một tòa nhà trong khuôn viên dinh Thống Nhất, dùng để giới thiệu diễn biến của cuộc đời Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm, từ ngày ông làm quan nhà Nguyễn thời vua Bảo Đại rồi trở thành tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa.
Nhận định về sự kiện chưa từng xảy ra tại Việt Nam kể từ ngày chính quyền Việt Nam Cộng hòa bị sụp đổ vào năm 1975, tiến sĩ sử gia Nguyễn Nhã ở thành phố Hồ Chí Minh nói cuộc triển lãm này phản ánh một phần của lịch sử Việt Nam và có một ý nghĩa nhất định.
"Dinh Norodom dưới thời ông Ngô Đình Diệm được xây lại và đặt tên là Dinh Độc Lập, ngay từ khi ông Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền. Đó là một kiến trúc, nhưng cũng là một phần lịch sử của Việt Nam".
Sau khi cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1955, ông Diệm được bầu làm tổng thống và ông đã đổi tên Dinh Norodom thành Dinh Độc Lập.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói rằng "Độc lập" là điều mà cựu tổng thống họ Ngô đã đề cập ngay từ khi lên nắm quyền :
"Tôi là một trong những nhân chứng sống trong thời của ông Ngô Đình Diệm, tôi thấy ông đã đề cập đến vấn đề độc lập dân tộc. Ông luôn sử dụng quốc phục – áo dài – trong các buổi lễ. Tôi nghĩ ông là một trong những người đứng đầu của một chính phủ đã thể hiện tinh thần bản sắc Việt".
Trong phòng trưng bày có bức ảnh gia đình ông Ngô Đình Diệm, kế bên là gia phả dòng họ Ngô Đình. Ngoài ra, còn có nhiều hình ảnh, tư liệu cuộc đời người thân của ông Ngô Đình Diệm như : Ngô Đình Khả, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, bà Trần Lệ Xuân... được sắp xếp theo diễn tiến lịch sử.
Báo Thanh Niên mô tả rằng phòng trưng bày có hình ảnh ông Ngô Đình Diệm cùng binh sĩ sau chiến thắng quân Bình Xuyên tháng 5/1955. Ngoài ra còn có bức ảnh hai tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Thành Phương và Trịnh Minh Thế đem quân về hợp tác và được ông Ngô Đình Diệm đón tiếp long trọng, trong khi tướng tư lệnh Lê Quang Vinh thì bị xét xử tại tòa án.
Báo VNexpress nói cuộc triển lãm là kết quả ba năm nghiên cứu và thực hiện do Hội trường Thống Nhất với sự cố vấn từ các chuyên gia sử học, bảo tàng như Tiến Sĩ Nguyễn Văn Huy, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, và Giáo sư sử học người Mỹ Edward Miller.
Theo tờ báo này, giáo sư sử học Edward Miller - tác giả cuốn sách "Liên minh sai lầm, Mỹ, Ngô Đình Diệm và số phận Nam Việt Nam" – là người đóng góp nhiều hình ảnh và tư liệu quý cho trưng bày gia đình Ngô Đình Diệm. Nguồn sử liệu của ông được thu thập ở nhiều trung tâm lưu trữ tại Việt Nam, Mỹ và Pháp.
Giáo sư Miller nói : "Chúng tôi muốn mang đến sự diễn giải lịch sử cho người xem chứ không phải chỉ đơn thuần là tái hiện sự kiện. Bởi bạn phải hiểu lịch sử trong một bối cảnh cụ thể, không phải là những khoảng thời gian đơn lẻ".
Sau khi cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1955, ông Diệm lên làm Tổng thống và đổi tên Dinh Norodom, được chính quyền Pháp xây vào năm 1868, thành Dinh Độc Lập. Sau biến cố năm 1975 khi chế độ Việt Nam Cộng hòa bị giải thể, Dinh Độc Lập có tên mới là Dinh Thống Nhất hay Hội trường Thống Nhất cho đến ngày nay.
Truyền thông Việt Nam trích lời bà Trần Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Hội trường Thống Nhất nói : "Cuộc trưng bày lần này được tập hợp từ hàng trăm tài liệu, hình ảnh, được xem là quy mô nhất từ trước đến nay về lịch sử Dinh Độc Lập, đặc biệt trong giai đoạn 1868 đến 1966 vốn ít người biết đến".
Trong thời gian làm chủ Dinh Độc lập, ông Ngô Đình Diệm và em trai Ngô Đình Nhu bị ám sát vào ngày 2/11/1963, sau một cuộc đảo chánh do các tướng lĩnh miền Nam Việt Nam thực hiện.
Một tài liệu giải mật của CIA vào tháng 10 năm ngoái cho biết cựu Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson tin rằng người tiền nhiệm John F. Kennedy đứng đằng sau vụ ám sát ông Ngô Đình Diệm vài tuần trước khi ông qua đời và cho rằng vụ ám sát ông Kennedy là một ‘quả báo’.
Con trai cả của Thủ tướng Campuchia Hun Sen vừa đảm nhận vị trí tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Campuchia. Đây là vụ thăng chức mới nhất cho một trong những thành viên gia đình của ông Hun Sen lên một vị trí cao cấp với mục tiêu dường như là củng cố quyền hành của ông.
Trung tướng Hun Manet kiêm phó tư lệnh của Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia Hun Manet phát biểu trong một cuộc thi thể thao hàng năm ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 11/01/2018.
Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Campuchia Chhum Socheat hôm thứ Sáu cho biết Trung tướng Hun Manet kiêm phó tư lệnh của Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF) vừa nhận chức tham mưu trưởng, thay thế Tướng Kun Kim đang nghỉ bệnh.
Tháng 1, ông Hun Sen bổ nhiệm con rể làm phó cảnh sát trưởng quốc gia và hồi tháng 12, con trai út của ông được thăng cấp đại tá trong đơn vị vệ sĩ của ông Hun Sen.
Những vụ thăng chức này diễn ra trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7 mà nhiều người cho rằng ông Hun Sen sẽ giành chiến thắng dễ dàng sau khi phe đối lập chính là Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP) bị Tòa án Tối cao giải thể vào tháng 10 theo yêu cầu của chính phủ Hun Sen.
Lệnh cấm phe đối lập đã khiến Mỹ, Liên minh Châu Âu và những tổ chức khác lên án cuộc trấn áp do Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đương quyền của ông Hun Sen tiến hành nhắm vào những người chỉ trích, bao gồm các nhà lập pháp đối lập và một số cơ quan truyền thông độc lập.
Mỹ trong tuần này loan báo đang đình chỉ hoặc cắt giảm một số chương trình viện trợ của bộ tài chính, của USAID và của quân đội hỗ trợ quân đội, bộ thuế vụ và chính quyền địa phương của Campuchia. Mỹ nói tất cả họ đều chịu trách nhiệm về bất ổn hồi gần đây.
Ông Hun Sen kỉ niệm 33 năm cầm quyền vào tháng 1, và thường nhắc tới định nắm quyền thêm ít nhất một thập kỷ nữa.
Hơn 70% cô dâu ngoại ở Hàn Quốc là người Việt (VOA, 28/02/2018)
Gần 73% phụ nữ nước ngoài kết hôn với nam giới Hàn Quốc là người Việt Nam và có độ tuổi trẻ hơn nhiều năm so với tuổi trung bình kết hôn của các cô gái Hàn Quốc, Korea Times trích thống kê từ năm 2014-2016 của nước này cho biết hôm 28/4.
Các cô dâu Việt tham dự một lớp học tiếng Hàn ở Seoul.
Theo số liệu của Bộ Bình đẳng giới và Gia Đình của Hàn Quốc, độ tuổi trung bình của các chú rể Hàn Quốc tại thời điểm kết hôn với các cô dâu ngoại là 43,6, cao hơn gần hơn 11 năm so với độ tuổi trung bình kết hôn lần đầu của đàn ông nước này năm 2017 (32,8 tuổi).
Ngược lại, tuổi trung bình của các cô dâu ngoại là 25,2, trẻ hơn 5 tuổi so với độ tuổi kết hôn trung bình của các cô gái Hàn Quốc (30,1).
Về trình độ học vấn, chỉ có 6,1% các ông chồng Hàn Quốc lấy vợ ngoại có bằng đại học, 54,8% tốt nghiệp trung học, và 6,1% chỉ mới phổ thông cơ sở.
Trong khi đó, 17,8% các cô dâu ngoại có bằng đại học, 52,4% tốt nghiệp trung học và 29,8% hoàn tất chương trình phổ thông cơ sở.
Ngoài ra, thống kê của Hàn Quốc cũng cho biết thu nhập trung bình của 41,1% chú rể Hàn Quốc là từ 2 triệu – 3 triệu won (khoảng 1.850 – 2.760 USD)/tháng. Khoảng 15,8% có thu nhập dưới mức 2 triệu won. Con số này cho thấy đa phần các ông chồng Hàn Quốc lấy vợ ngoại thuộc vào nhóm thu nhập thấp, vì mức thu nhập trung bình của nước này là 3,29 triệu won.
Thống kê cho biết thêm "khó khăn về giao tiếp" là nguyên nhân số một dẫn đến xung đột trong các gia đình đa quốc này.
Hàn Quốc là điểm đến hàng đầu của các cô gái Việt có giấc mơ đổi đời bằng cách lấy chồng ngoại. Đa số các cô gái lấy chồng Hàn đến từ các khu vực thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Thống kê cho biết có khoảng 40.000 cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc. Rất nhiều trong số này đã trở về Việt Nam sau khi ly dị với chồng vì những khác biệt và bất đồng về văn hóa, tuổi tác và các lý do khác. Thậm chí, một số trường hợp dẫn đến bạo lực gia đình và tử vong.
Theo thống kê mới của Hàn Quốc, Campuchia là nước có số lượng cô dâu ở Hàn Quốc đứng thứ 2 với 8,8%, tiếp theo là cô dâu Trung Quốc với 7,6% và cô dâu Philippines với 3,7%.
******************
Bộ Nội vụ Campuchia vừa thông báo có kế hoạch thừa nhận người gốc Việt không quốc tịch sinh sống tại Campuchia và sẽ cấp chứng nhận thường trú cho khoảng 70.000 người.
Theo báo Phnom Penh Post hôm 28/2, phát biểu trong cuộc họp ngày 27/2 của Bộ Nội vụ Campuchia, ông Nouv Leakhena - người đứng đầu Cục di trú Campuchia, nói kế hoạch này là sự thừa nhận của chính phủ Campuchia đối với những người không có quốc tịch đang sinh sống trên đất Campuchia, bao gồm cả người Việt.
Ông Sim Vichet, Tổng thư ký Ủy ban Thường vụ Hội Ái hữu Khmer Kampuchia Krom nói ông rất vui mừng trước kế hoạch cấp thẻ thường trú nhân cho người gốc Việt sinh sống tại Campuchia.
"Chúng tôi rất mừng. Như vậy người Việt ở đây sẽ có giấy tờ hợp pháp. Trước đây khi kiểm tra người nhập cư người ta cũng đã cấp giấy quyền cư trú hợp pháp, và người Việt cảm thấy an tâm sinh sống ở đây".
Báo Phnom Penh Post nói có thể hiểu kế hoạch mới của chính phủ Campuchia đối với những cư dân không quốc tịch, không giấy tờ ở nước này giống như chương trình thẻ xanh của Mỹ.
Ông Leakhena nói : "Nhiều người sống 20, 30 năm ở Campuchia, thậm chí trước cả thời Khmer Đỏ. Họ đâu còn nhà cửa hay dòng họ gì ở Việt Nam. Việc này không nên ghép vào chuyện dân tộc. Chúng ta phải tôn trọng luật quốc tế".
Theo các quan chức Campuchia, những người chứng minh được đã tới Campuchia trước năm 2012 có thể được cấp một loại giấy tờ có thời hạn 2 năm, cho phép họ trở thành "thường trú nhân" tương tự như chương trình thẻ xanh của Mỹ.
Tuy nhiên, "Không phải tất cả đều sẽ được công nhận là thường trú nhân. Khi những người này đến đăng ký, chúng tôi vẫn phải kiểm tra lý lịch các thứ. Nhưng tôi tin là gần như tất cả đều sẽ được", ông Leakhena nói trong một cuộc họp báo.
Nữ tu Lê Thị Thu Hồng thuộc giáo xứ Thánh An Tôn, giáo phận Battambang, khu vực Biển Hồ, nơi có đông người Việt sinh sống, cho VOA biết rằng vào tháng trước chính quyền tỉnh đã tập hợp nhiều người Việt và xét cấp giấy tạm trú mới cho họ, nhưng cũng không biết khi nào những người này được cấp thẻ thường trú nhân :
"Có những người làm thẻ tạm trú, giống như KT3 của Việt Nam, đến đây cách nay một tháng. Họ mượn nhà thờ làm trung tâm cấp thẻ, họ kêu hết những người trong khu vực đến đó để làm. Người Việt từ mọi ngóc ngách đều bị moi ra làm hết. Mấy ông xã trưởng yêu cầu người Việt ra làm hết, giống như ra đầu thú vậy".
Tuy nhiên, tuyên bố của chính quyền Campuchia về việc cấp ‘thẻ xanh’ cho người Việt nhận được sự hoan nghênh của một số nhóm hoạt động nhân quyền. Thế nhưng họ cũng lo ngại rằng không rõ liệu những người này trong tương lai có được nhập quốc tịch Campuchia hay không.
Bà Lyma Nguyen, một luật sư đại diện cho các nạn nhân Việt nam trong phiên tòa xét xử Khmer Đỏ, Phnom Penh nói với tờ Phnom Pênh Post rằng chính quyền Campuchia nên linh hoạt trong cách xử lý vấn đề người Việt.
Theo bà Lyma, nhiều người Việt sở hữu giấy tờ hợp pháp và đã là công dân Campuchia hẳn hoi nhưng vẫn bị tước mất giấy tờ, mất thân phận hợp pháp. Và cho dù đáng lẽ họ đã là công dân Campuchia, họ vẫn sẽ mất ít nhất 7 năm để trở về thân phận cũ.
Trong một tuyên bố mang tính trấn an các tiếng nói phản đối của dư luận, ông Leakhena nói trọng tâm của chương trình "thẻ xanh Campuchia" không phải là bước đi nhằm hợp thức hóa thân phận của người Việt không quốc tịch ở Campuchia.
Ngoài ra, báo Phnom Penh Post trích lời ông Leakhena nói, trong vòng 1 tháng kể từ ngày 1/3, những người sử dụng lao động nước ngoài ở Campuchia phải đến trình báo và xin cấp giấy phép lao động cho lao động mà họ đang thuê. Quá thời hạn trên những lao động không đăng ký sẽ bị trục xuất về nước.
Trước đó, từ tháng 10 năm 2017, chính quyền Campuchia đã bắt đầu thu hồi giấy tờ bị cho là "bất bình thường" của 70.000 người, phần lớn là người gốc Việt và nhiều người lo sợ bị trục xuất về nước.
Có người còn cho rằng có thể việc tịch thu giấy tờ là một "chiêu bài chính trị" của đảng cầm quyền, tức Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), nhằm lấy lòng cử tri trước cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào tháng 5/2018.
Nhưng ông Sim Vichet bác bỏ nhận định này. Ông cho rằng việc tịch thu giấy tờ đã cấp sai quy định và sắp cấp thẻ thường trú nhân của Bộ Nội vụ Campuchia là một bước tiến mới trong cải cách thủ tục hành chánh ở Campuchia :
"Bây giờ chính phủ Campuchia chuẩn hóa các giấy tờ như vậy là một điều tốt, chứ không có liên quan đến cuộc bầu cử sắp tới".
Vào tháng 12 năm ngoái, trong vòng 8 ngày, Campuchia đã tước giấy tờ của 1.733 gia đình người Việt tại tỉnh Kampong Chhnang, hoàn thành một nửa mục tiêu đề ra trong chiến dịch thu hồi giấy tờ nhắm vào cộng đồng người Việt.
Kampong Chhnang là tỉnh đầu tiên thí điểm thực hiện chiến dịch vì là nơi có nhiều người Việt sinh sống trên các làng bè ở Biển Hồ, khu vực có hàng trăm trẻ em người Việt không được học ở hệ thống trường công lập Campuchia vì ‘không có giấy tờ hợp lệ’.
Trên thực tế, nhiều người Việt bị cho là có giấy tờ giả, thực ra đã được chính quyền sở tại cấp trước đây vì họ có nhà cửa hợp pháp. Nhiều gia đình đã sống tại đây qua nhiều thế hệ.