Nhà báo, nhà biên khảo Đỗ Thông Minh từ Tokyo Nhật Bản đề cập, phân tích tình hình chính trị nội bộ của Đảng cộng sản Việt Nam vào thời điểm Chủ tịch Quốc hội nước này, ông Vương Đình Huệ bị Quốc hội, do Đảng cộng sản lãnh đạo, bãi nhiệm.
Nguồn : VOA, 05/05/2024
Vì sao Tổng Trọng sẽ được Tô Đại tiễn về chung lối với Thưởng và Huệ ?
Trà My, Thoibao.de, 29/04/2024
Chỉ trong vòng vẻn vẹn có 35 ngày, 2 nhân vật "hạt giống" được Tổng Trọng dày công nâng đỡ và dìu dắt, để kế nhiệm ông sau khi ông rút lui, đã đã bị đánh gục.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp (Ảnh : Phạm Thắng).
Việc Võ Văn Thưởng và sau đó là Vương Đình Huệ bị buộc phải làm đơn từ chức, cho thấy uy quyền của Tổng Trọng đã suy giảm nghiêm trọng.
Một nguồn thạo tin từ Hà Nội, mới đây đã cho thoibao.de biết, ông Vương Đình Huệ đã bị cấm xuất cảnh, và ngày 27/4 đã bắt đầu bàn giao tất cả hồ sơ, giấy tờ liên quan đến các hoạt động của Quốc hội.
Đồng thời, kể từ ngày 1/5 trở đi, ông Huệ buộc phải thực hiện các yêu cầu cụ thể như sau :
"Không được tham dự trả lời phỏng vấn báo chí trong nước và quốc tế ; cấm tham gia các hoạt động có tổ chức, gây ảnh hưởng đến Đảng và nhà nước ; không được phép đi nước ngoài, trừ trường hợp đi chữa bệnh ở nước ngoài, thì phải báo cáo để bố trí người đi theo giám sát".
Những yêu cầu này khá đặc biệt và nhạy cảm, chưa từng áp dụng cho các lãnh đạo "Tứ trụ" bị mất chức trước đây, hoặc có áp dụng nhưng bảo mật tốt, không bị lộ ra công luận. Dấu hiệu bất thường này đã cho thấy, có thể, ông Huệ đã phạm vào một trọng tội nào đó, và sẽ bị xử lý nghiêm khắc hơn.
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, khả năng cao, ông Trọng sẽ chủ động đệ đơn xin về hưu, vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến khác lại cho rằng, rất có thể, ông Trọng sẽ bị ép về hưu theo đề nghị của Bộ Công an.
Theo thông lệ, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13, dự kiến sẽ khai mạc vào trung tuần tháng 5/2024. Đây là một Hội nghị thường niên 2 kỳ trong một năm, theo quy định.
Trên một số diễn đàn chính trị, đã có thông tin từ các nguồn thạo tin cho hay, Bộ trưởng Tô Lâm đang vận động các lãnh đạo chủ chốt trong Đảng, thống nhất để có thể ra một Nghị quyết của tập thể Bộ Chính trị, về việc "xem xét trách nhiệm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác cán bộ, với tư cách người đứng đầu".
Trong bối cảnh chính trường Việt Nam hết sức rối ren như hiện nay, ông Tô Lâm không cần dấu diếm, đã và đang nỗ lực, gấp rút bằng mọi giá, quyết tâm "soán ngôi, đoạt vị", ép Tổng Trọng phải rút lui khỏi chính trường, và nhường quyền lãnh đạo tối cao cho ông.
Khi phát động cuộc chiến "đốt lò", với mục đích làm trong sạch Đảng, nhưng kết quả cho thấy, Tổng Trọng càng đánh thì tham nhũng càng tăng, và nội bộ Đảng be bét chưa từng thấy. Các quan chức lãnh đạo cấp cao lại là những kẻ phạm tội lớn nhất, như 2 nhân vật thân tín của ông Tổng là Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ.
Theo giới quan sát, lý do buộc Tổng Trọng phải chủ động rời chức vụ, liên quan đến "trách nhiệm chính trị", trong tư cách là người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam, như những lãnh đạo đã từ chức, là Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ.
Với sức mạnh vô đối của ông Tô Lâm hiện nay, theo giới quan sát, tất cả các lãnh đạo trong Bộ Chính trị, cũng như ở mọi cấp, mọi ngành, đều đang run sợ, lo lắng. Bởi không ai biết, khi nào sẽ tới phiên họ bị Bộ Công an gọi tên, như các nhân vật lãnh đạo đã bị khởi tố và bắt giam gần đây.
Theo giới quan sát, việc ông Thưởng và ông Huệ bất ngờ "ngã ngựa" đã cho thấy, tất cả các lãnh đạo cấp cao của Đảng không ai thực sự trong sạch. Và việc hồi tố để lật lại hồ sơ "nhúng chàm" trong quá khứ, thì động đến ai chết người ấy, kể cả Tổng Trọng.
Bộ Công an hạ bệ liên tiếp 2 nhân vật "Tứ trụ", là Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ, vốn là những nhân vật thân cận của ông Trọng, mà Tổng Trọng phải bất lực khoang tay đứng nhìn. Điều đó cho thấy, phe của Tổng Trọng cũng như phe Nghệ Tĩnh, đã không còn đủ uy lực và sức mạnh để đối phó với Bộ Công an.
Có ý kiến cho rằng, Tổng Trọng – người đứng đầu Đảng, đồng thời là Bí thư Quân ủy Trung ương, là nhân vật bất khả xâm phạm, và Tô Lâm sẽ không dám đụng tới. Tuy nhiên, khi Điều lệ Đảng còn không được chính người đứng đầu Đảng tôn trọng, thì ông Tô Lâm có gì phải ngại ? Thực tế, Tổng Trọng đã ngồi lên Điều lệ Đảng để giữ ghế Tổng bí thư đến 3 nhiệm kỳ, thì chức Bí thư Quân ủy Trung ương cũng chẳng còn có ý gì. Nghĩa là, quyền lực luôn thuộc về kẻ mạnh.
Giới quan sát quốc tế mới đây đã đánh giá, quyền lực tối thượng trên chính trường Việt Nam đã và đang rơi vào bộ máy an ninh – cảnh sát của ông Tô Lâm, người đứng đầu Bộ Công an. Vì thế, việc ông Trọng phải ra đi là điều hoàn toàn có thể.
Trà My
Nguồn : Thoibao.de, 29/04/2024
*****************************
Đảng như "quái vật", biến cựu Chủ tịch Quốc hội thành "tù nhân", vì sao ?
Hoàng Phúc, 29/04/2024
Sau khi ông Vương Đình Huệ "ngã ngựa", một nguồn tin nội bộ cho biết, từ ngày 1/5 trở đi, ông Huệ sẽ phải tuân thủ chặt chẽ một số quy định do Đảng đặt ra : Thứ nhất, không được trả lời phỏng vấn báo chí trong nước và quốc tế ; thứ nhì, không được tham gia các hoạt động có tổ chức, gây ảnh hưởng đến Đảng và Nhà nước ; thứ ba, không được đi ra nước ngoài. Nếu đi chữa bệnh ở nước ngoài, phải báo cáo để bố trí người theo giám sát.
Đây là thông tin mới lạ, chỉ có những người trong nội bộ mới biết, bởi nó là quy định bí mật do Đảng đặt ra. Với quy định này, chẳng khác nào, Đảng đã biến cựu quan chức trở thành "tù nhân", bởi đây là cách mà Đảng hạn chế quyền tự do của công dân Vương Đình Huệ.
Điều lệ Đảng được xem là một hệ thống luật, do Đảng cộng sản đặt ra để quản lý người của Đảng. Ban đầu, Điều lệ Đảng mang đến một số đặc quyền đặc lợi cho đảng viên, cũng như bảo đảm sự trung thành của đảng viên đối với Đảng. Tuy nhiên, vì các quan chức của Đảng đã làm quá nhiều chuyện xấu xa, nên Đảng phải đặt ra những điều luật bí mật để che đậy.
Tương tự, 3 điều cấm với ông Vương Đình Huệ cũng chính là cách mà Đảng che giấu những điều thối tha bên trong nội bộ, mà Đảng không muốn để người dân và quốc tế biết.
Một người ở vị trí càng cao, thì sẽ biết được càng nhiều bí mật động trời bên trong Đảng. Ở vị trí Tứ trụ, ắt hẳn, ông Huệ biết rất nhiều. Khi ông bị bức phải buông bỏ quyền lực, tất nhiên sẽ sinh ra mất mãn, để trả đũa, có thể ông sẽ tung hê hết ra trước bàn dân thiên hạ. Đây là điều mà Đảng lo sợ, dẫn đến việc áp cho ông những điều cấm trên.
Cũng nguồn tin nội bộ này cho biết, nhiều ngày trước khi Ban Chấp hành Trung ương quyết định loại bỏ ông Huệ vào ngày 26/4 vừa qua, bà Nguyễn Vân Chi – vợ ông Huệ đã rời khỏi Việt Nam. Khả năng cao là bà Chi đã sang Mỹ – nơi con gái của bà là Vương Hà My đang cư ngụ.
Việc ông Huệ cho con đi du học Mỹ, là điều mà dư luận đã biết từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, khi ông Huệ đánh hơi "điều chẳng lành" sắp xảy ra với mình, và để cho vợ khăn gói chạy thoát thân trước, thì rất có thể, việc đầu tư cho con gái đi du học nước ngoài, cũng là cách đề phòng bất trắc cho gia đình của ông.
Qua cách làm của ông Huệ, cho thấy, ngay cả những người đứng ở hàng cao nhất trong Đảng cũng không tin Đảng, dù trước truyền thông, họ luôn rao giảng về thứ lý tưởng Cộng sản "cao đẹp".
Để trói buộc người đảng viên vào với Đảng và mua sự trung thành của họ, Đảng dùng luật riêng để ban phát quyền lực, lợi ích. Khi người đảng viên bị loại khỏi mâm quyền lực, Đảng lập tức tròng lên đầu họ những điều cấm đoán, nhằm biến họ thành "tù nhân". Như vậy, Đảng chẳng khác nào con quái vật biến hình, vừa là thiên thần vừa là ác quỷ đối với người phục vụ cho nó.
Rất có thể, những quan chức đã "ngã ngựa" khác, như các ông Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Trần Tuấn Anh vv… cũng không ngoại lệ. Bởi nếu không cấm, thì có thể, đã có người ra nước ngoài rồi tung ra bí mật của Đảng.
Trong quá khứ, từng có nhiều lãnh đạo đi chữa bệnh nước ngoài, như ông Nguyễn Bá Thanh, ông Trần Đại Quang, ông Lê Văn Thành vv… Tuy nhiên, không một ai, không một hãng tin nào có thể khai thác được gì từ họ. Có lẽ, họ bị Đảng cử người đi theo dõi và giám sát. Làm quan chức cấp cao trong Đảng cộng sản Việt Nam, có thể, đến khi gần chết cũng không được yên thân.
Chỉ có những kẻ làm nhiều điều xấu xa thì mới muốn che giấu. Nếu Đảng không làm gì xấu xa, sao lại quản lý người đã từ bỏ quyền lực chặt chẽ đến như thế ?
Hoàng Phúc
Nguồn : Thoibao.de, 29/04/2024
Thêm một ông phải về : Vương Đình Huệ !
Zachary Abuza, RFA, 27/04/2024
Sự ra đi của Huệ để lại chiếc ghế trống thứ hai trong bộ "tứ trụ" của chế độ lãnh đạo tập thể ở Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Tô Lâm trước cuộc họp tại Hà Nội ngày 30/10/2020. Nguồn ảnh : Thống Nhất/TTXVN via AP
Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam đã bỏ phiếu miễn nhiệm Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ trong một phiên họp khẩn bất thường vào ngày 25/4 và Ủy ban Trung ương đã bỏ phiếu chấp thuận đơn từ chức của ông này vào ngày sau đó.
Ông Huệ là ủy viên Bộ Chính trị thứ 5 bị phế truất trong nhiệm kỳ này, ngã ngựa trong Chiến dịch chống tham nhũng có tên "Đốt lò", sau Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Bộ Chính trị hiện chỉ còn 13 thành viên trong một cuộc chiến tiêu hao ác hiểm khi chỉ còn 19 tháng nữa là đến Đại hội Toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 14.
Việc phế truất ông Huệ rõ ràng là làm đảo lộn mọi thứ trong cuộc đua cho chiếc ghế Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam sắp tới. Theo quy định hiện hành của Đảng, ông Huệ là một trong bốn ứng cử viên đủ điều kiện có thể kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng- người đã làm Tổng bí thư tới 3 nhiệm kỳ.
Điều gì đã khiến ông Huệ ngã ngựa ?
Câu trả lời đơn giản là chính trị và tham vọng quyền lực đã hạ bệ ông Huệ.
Ông Huệ là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí Tổng bí thư. Ông đã được chuẩn bị cho vị trí này, đã giữ các vị trí lãnh đạo tại Tổng kiểm toán Nhà nước, Quốc hội, Thành ủy Hà Nội và Bộ Tài chính.
Nhưng Bộ trưởng Công an Tô Lâm lại muốn vị trí đó và nắm trong tay quyền to lớn để tiến hành các cuộc điều tra sâu rộng đối với các vụ làm ăn lan trải cũng như đời tư của các đối thủ của mình.
Trong những tuần qua, Tô Lâm đã đưa ra những bằng chứng về các vi phạm của ông Huệ. Ông cũng đã làm việc này với Võ Văn Thưởng khi mà ông đưa ra những chi tiết về vụ hối lộ 16 tỉ đồng (630 ngàn đô la). Ông Tô Lâm đã trông đợi ông Huệ sẽ ứng xử như ông Thưởng, người đã thú nhận những việc làm sai và lặng lẽ rút lui và đổi lại, cái ông được nhận là sự hạ cánh an toàn.
Theo nhiều nguồn tin thì ông Huệ đã không nhưng không chấp nhận hạ cánh an toàn mà còn bác bỏ tất cả các cáo buộc trước khi đe dọa sẽ lật tẩy các vụ làm ăn của chính các đồng nghiệp trong Bộ Chính trị.
Ông Tô Lâm đã nhanh tay hành động và như thường lệ, bắt đầu từ người trợ lý của ông Huệ.
Công an đã bắt giữ ông Phạm Thái Hà, 48 tuổi, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ngay khi ông này trở về từ chuyến thăm 5 ngày tới Trung Quốc.
Ông Hà, có bằng Tiến sĩ về tài chính, đã làm trợ lý cho ông Huệ được 20 năm. Ở mọi cương vị trong sự nghiệp của ông Huệ, bắt đầu từ Kiểm toán Nhà nước, rồi tới Bộ Tài chính, Ban Kinh tế Trung ương và cuối cùng là Quốc hội, ông Hà luôn làm cấp phó cho ông Huệ.
Ông Hà đã bị bắt ngay tại sân bay, rõ ràng là ngay trước mắt sếp của ông để gia tăng hiệu ứng tâm lý.
Việc bắt giữ ông Hà là một phần của quá trình điều tra Công ty cổ phần Thuận An, một công ty phát triển bất động sản tương đối nhỏ mà đã có một hành trình ngoạn mục khi đã trúng 38 trong 47 gói thầu của chính phủ cho những dự án cơ sở hạ tầng lớn.
Lãnh đạo công ty đã bị bắt giữ hôm 15/4. Tổng giám đốc đã bị cáo buộc tội hối lộ trong khi phó tổng giám đốc đang bị giam giữ và điều tra về tội hối lộ và gian lận trong đấu thầu. Tổng cộng đã có 6 người bị bắt, trong đó có 3 quan chức tỉnh Bắc Giang.
Hôm 19/4, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, một cơ quan của Trung ương Đảng chuyên điều tra về tham nhũng đối với các quan chức cao cấp, đã chính thức bắt đầu điều tra về ông Huệ. Vị Trưởng ban, Trần Cẩm Tú - Ủy viên Bộ Chính trị đã thành lập một ban gồm 9 thành viên để dẫn đầu cuộc điều tra.
Ngày 21/4, Bộ Công an tuyên bố ông Hà sẽ bị khởi tố với tội danh "Lợi dụng chức vụ và quyền hạn, gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", vi phạm Khoản 4, Điều 358 Bộ luật Hình sự. Ngày hôm sau, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã cho phép khám nhà và văn phòng của ông Hà.
Đời tư của ông Huệ, với nhiều cáo buộc về chuyện tình ái mà đã trở thành "món ăn" quen thuộc trên mạng xã hội, đã làm tiêu tan mọi hy vọng ông có thể sống sót.
Ngày 26/4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chấp thuận đơn từ chức của ông Huệ - người từng được coi là có nhiều khả năng nhất để lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam trong nhiệm kỳ 2026-2031.
Vậy thì sao ?
Việc ông Huệ mất chức đã buộc phải có sự đảo lộn lớn đối với các vị trí cao cấp tại cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương vào ngày 26/4.
Việt Nam đã không có Chủ tịch nước từ tháng 2 năm nay. Sự ra đi của Huệ để lại chiếc ghế trống thứ hai trong bộ "tứ trụ" của chế độ lãnh đạo tập thể ở Việt Nam.
Quốc hội Việt Nam là một ngoại lệ trong các cơ quan lập pháp của các chế độ cộng sản ở chỗ nó không phải là một con dấu bằng củ khoai. Cơ quan này là một trong những định chế được tin cậy nhất của quốc gia này, tương đối minh bạch đồng thời có nỗ lực buộc các vị lãnh đạo [ban ngành] phải có trách nhiệm giải trình.
Quan trọng hơn, hàng loạt các bộ luật và văn bản hướng dẫn thi hành cần phải được thông qua.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng được cho là đã bổ nhiệm bà Trương Thị Mai, hiện là Thường trực Ban Bí thư, làm tân Chủ tịch quốc hội. Quyết định này, cùng với việc ông Huệ chính thức từ nhiệm, sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp vào tháng 5 tới.
Ủy viên Bộ Chính trị Trương Thị Mai, áo đỏ, đứng trên bục phát biểu tại lễ bế mạc Đại hội đại toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam tại Hà Nội, ngày 28/1/2016. Nguồn ảnh : Hoàng Đình Nam/ AP
Bà Mai có kinh nghiệm dày dạn trong cơ quan lập pháp. Từ 2016-2021, bà là thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội – cơ quan lãnh đạo và đại diện cho Quốc hội khi Quốc hội không trong kỳ họp.
Nhưng Trung ương cũng còn phải xem xét một số vị trí cao cấp khác mà vẫn còn trống.
Bà Mai sẽ phải có người thay thế vị trí tại Ban Bí thư, cơ quan phụ trách công việc hàng ngày của Đảng.
Một cái tên đang nổi lên là Đại tướng Lương Cường – Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam – vị chính ủy cao nhất của quân đội. Giống như ở Trung Quốc, Quân đội Nhân dân là cánh vũ trang của Đảng cộng sản và có trách nhiệm pháp lý trong việc bảo vệ đảng và hệ thống xã hội chủ nghĩa trước nhà nước. Việc kiểm soát quân đội của Đảng là tối quan trọng.
Không rõ lần này ông Cường sẽ nghỉ hưu khỏi quân đội hoặc tiếp tục trong quân đội. Việt Nam có các chuẩn mực khác biệt về quan hệ quân sự - dân sự.
Vị trí Trưởng ban Tổ chức Trung ương (cơ quan nhân sự của Đảng cộng sản Việt Nam) đã trống ghế từ tháng 3/2023. Điều này là rất khó hiểu trong bối cảnh công tác kế hoạch cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 hiện đang diễn ra.
Chức chủ tịch nước đã khuyết từ tháng 2 năm nay. Có hai ứng cử viên có thể kế nhiệm ông Võ Văn Thưởng là ông Trần Thanh Mẫn và Nguyễn Văn Nên. Việc này sẽ được quyết định tại Kỳ họp diễn ra vào tháng 5 tới của Quốc hội.
Dường như ông Huệ sẽ được hạ cánh an toàn giống như tất cả các vị lãnh đạo cấp cao đã bị phế truất trong 17 tháng qua. Ông có mặt trong ảnh chụp tại lễ viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các lãnh đạo cấp cao khác trước cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương. Mặc dù ông Tô Lâm có thể muốn ra đòn cuối cùng với đối thủ chính trị của mình nhưng dường như ông Nguyễn Phú Trọng đã bảo vệ đệ tử cũ của mình khỏi bất cứ tấn công tiếp theo nào.
Ông Nguyễn Văn Nên, ứng cử viên chức Chủ tịch nước Việt Nam (bên trái) rời một cuộc họp tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội, ngày 6/4/2015. Nguồn ảnh Khâm/Reuters
Việc ông Huệ bị phế truất khiến cho con đường trở thành Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam của ông Tô Lâm có nhiều cơ hội hơn. Giờ đây chỉ còn hai ứng cử viên khác đủ điều kiện cho chức vụ này, đó là bà Trương Thị Mai và Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Nhưng chắc chắn là chính trị Việt Nam chưa bao giờ tồi tệ như hiện nay cũng như chưa bao giờ mang tính tàn phá thể chế đến vậy. Những gì đã được làm nhằm chính danh hóa/hợp pháp hóa Đảng cộng sản lấm bẩn bởi tham nhũng, giờ đây, đã khiến đảng này trở nên mất uy tín hơn trong mắt người dân – những người nhìn thấy vấn nạn tham nhũng đã xảy ra trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao như thế nào.
Zachary Abuza
Nguồn : RFA, 27/04/2024
Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.
***************************
VOA, 27/04/2024
Giới quan sát nhận định rằng việc Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ từ chức càng làm tăng thêm tình trạng bất ổn trong nước, giữa lúc chiến dịch bài trừ tham nhũng đang diễn ra làm rung chuyển giới chính trị thượng tầng và giới doanh nghiệp tại đất nước do Đảng cộng sản cai trị.
Ông Huệ, 67 tuổi, trở thành Chủ tịch quốc hội vào tháng 3/2021. Trong suốt thời gian qua ông được giới quan sát đánh giá là "người kín tiếng", "ít va chạm", từng được xem là nhân vật có khả năng trở thành người kế nhiệm chức tổng bí thư đầy quyền lực.
Nhưng những tin đồn về số phận của chủ tịch Vương Đình Huệ đã lan truyền trên mạng xã hội trong thời gian qua, và sự sụp đổ của ông gần như không thể tránh khỏi vào đầu tuần này khi trợ lý của ông bị bắt giam với cáo buộc "lợi dụng chức vụ và quyền hạn để trục lợi" do dính líu đến công ty Thuận An, ông Dương Quốc Chính, một nhà quan sát tình hình chính trị ở Hà Nội, nêu nhận định với VOA.
"Việc ông Huệ từ chức cũng không quá bất ngờ vì người ta cũng đồn đoán mấy hôm nay rồi. Hơn một tuần rồi có rất nhiều tin đồn, nên tôi cũng không quá bất ngờ", ông Chính bày tỏ.
Tuy nhiên, ông Chính nhận định rằng ông Huệ là người khá kín tiếng trong công việc, nên khá nhiều người cũng bất ngờ về những "mối quan hệ làm ăn" của ông ấy sau vụ trợ lý Phạm Thái Hà của ông bị bắt.
"Nhưng khi Bộ Công an tiến hành việc bắt giam này, khiến cho nhiều người bất ngờ, do công ty Thuận An chỉ là công ty nhỏ, dường như chỉ là sân sau", vẫn lời ông Chính.
Một cư dân sống ở đồng bằng sông Cửu Long, yêu cầu không nêu tên vì lý do an ninh, chia sẻ với VOA rằng ông không bất ngờ về việc Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ từ chức, nhấn mạnh rằng đây chỉ là việc đấu đá nội bộ để loại trừ đối thủ trong bộ máy cầm quyền.
"Việc này cũng không có gì ngạc nhiên. Tôi nghĩ mấy ổng không thống nhất nhau nên loại nhau là chuyện bình thường". Người này nói thêm rằng lãnh đạo ở cấp địa phương cũng đấu đá như vậy nhưng không nêu rõ bằng chứng.
Bất ổn thượng tầng chính trị
Hôm 26/4, Trung ương Đảng đã họp hội nghị bất thường để xem xét cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác của ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch quốc hội.
Ông Huệ trở thành nhân vật thứ hai trong nhóm lãnh đạo "tứ trụ" từ chức trong vòng chưa đầy hai tháng qua, sau khi cựu Chủ tịch Võ Văn Thưởng bị mất chức vào giữa tháng 3.
Hai vụ từ chức này diễn ra sau khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, cũng bị mất chức vào tháng 1/2023.
Giới quan sát cho rằng việc từ chức này, không ảnh hưởng lắm đối với các vấn đề chính sách trước mắt, nhưng đó là một tình trạng hỗn loạn chính trị thượng tầng gây sốc cho người dân trong nước và cộng đồng quốc tế vì Việt Nam vốn là một quốc gia luôn tự hào về sự ổn định chính trị.
"Khi người nước ngoài nhìn vào chắc họ sẽ lo lắng và bất ngờ, vì có lẽ cũng chưa có nước nào như Việt Nam đã xử lý đến ngần đấy vụ trong một khoảng thời gian ngắn. Chắc chắn họ có những lo ngại về chính trị thượng tầng", ông Chính nói.
Hãng tin AP hôm 26/4 dẫn lời nhà quan sát Nguyễn Khắc Giang thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore nhận định rằng việc từ chức của ông Huệ "cho thấy sự bất ổn cực độ trong một môi trường chính trị thường được ca ngợi về sự ổn định, khi ba nhà lãnh đạo hàng đầu đã bị mất chức chỉ trong một năm qua".
Một cuộc khảo sát với hơn 650 lãnh đạo doanh nghiệp do phòng thương mại nước ngoài tại Việt Nam thực hiện và công bố vào tháng 3 cho thấy các công ty nước ngoài quyết định đến làm ăn ở đất nước này chủ yếu vì sự ổn định chính trị.
Nhà phân tích Giang nhận xét rằng ông Huệ từng được coi là người có khả năng kế nhiệm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông nói : "Sự sụp đổ của ông ấy sẽ chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tìm nhân vật kế nhiệm ở Việt Nam".
Báo chí nhà nước bị bịt kín ?
Tương tự như những vụ từ chức trước, các trang báo Việt Nam hôm 26/4 không nói rằng ông Huệ có dính líu đến tham nhũng, nhưng đồng loạt dẫn tuyên bố của Ủy ban Kiểm tra Trung ương phán xét rằng ông Huệ đã ‘vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và chịu trách nhiệm người đứng đầu’.
"Những vi phạm, khuyết điểm của ông Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông", thông cáo của ủy ban này viết.
Giới quan sát nhận định rằng qua các vụ từ chức ở Hà Nội và những lý do đằng sau đó cho thấy nền báo chí Việt Nam chưa làm tròn nhiệm vụ cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác cho người dân, khiến người dân phải trông chờ vào các thông tin rò rỉ từ mạng xã hội.
"Khi nói về những sân sau này, báo chí chính thống Việt Nam rất nhạy cảm, họ chỉ dám đăng những tin mà Bộ Công an cung cấp, chứ không như phương tây – họ có kênh điều tra hoàn toàn độc lập với công an và pháp lý", ông Chính nêu nhận định. "Báo chí Việt Nam gần như 100% phải bắt buộc đăng tin do Bộ Công an cung cấp".
Ông Chính chia sẻ rằng ông biết nhiều nhà báo có một số thông tin khá nhạy cảm nhưng họ không được phép đăng. "Như vậy, hầu như người Việt Nam phải dựa vào những thông tin phi chính thống" trên mạng xã hội, ông Chính nói.
Luật sư Lê Quốc Quân ở Mỹ viết trên trang Facebook cá nhân hôm 26/4 nhận định về việc ông Huệ từ chức : "Chưa bao giờ chính trường Việt Nam mâu thuẫn căng thẳng và xung đột gay gắt như bây giờ. Cũng chưa bao giờ báo chí bị bịt kín thông tin, nhân dân chỉ biết đứng ngoài xem vị chủ tịch của ‘Cơ quan quyền lực cao nhất’ bị hạ bệ một cách bí mật, như bây giờ".
"Đảng cộng sản Việt Nam sẽ đi vào lịch sử như một lực lượng chiếm đóng trong một giai đoạn trên đất nước Việt Nam, nơi người dân và cả các đảng viên cấp dưới hoàn toàn không biết và không được tham gia vào công cuộc quản trị đất nước", ông Quân viết.
Nguồn : VOA, 27/04/2024
***********************
Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ từ chức : thêm một cơn địa chấn chính trị
BBC, 27/04/2024
Trong vòng 17 tháng qua, Việt Nam đã có hai phó thủ tướng, hai chủ tịch nước, một trưởng ban Kinh tế Trung ương và một chủ tịch quốc hội bị mất chức.
Bộ Chính trị khóa 13 đầu khóa có 18 người, nay thêm sự ra đi của ông Vương Đình Huệ, con số này chỉ còn 13
Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ đã trở thành ủy viên thứ 5 trong Bộ Chính trị bị mất chức kể từ tháng 12/2022.
Hôm 26/4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý cho Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch quốc hội khóa 15, nhiệm kỳ 2021-2026.
Cũng như ông Võ Văn Thưởng, thông báo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng sau cuộc họp ngày 26/4 không cho biết ông Huệ "chịu trách nhiệm người đứng đầu" do sai phạm nào và của ai.
Cả ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ trước đó đều được một số nhà quan sát chính trị nói với BBC là hai ứng viên sáng giá cho vị trí tổng bí thư kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội Đảng lần thứ 14.
Như vậy, "Tứ Trụ" đã trở thành "Nhị Trụ" với hai vị trí trống là chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội.
Bộ Chính trị khóa 13 đầu khóa có 18 người, nay thêm sự ra đi của ông Huệ, con số này chỉ còn 13, hao hụt mất năm người.
'Chưa từng có tiền lệ'
Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College, Đại học National Defense (Mỹ), đánh giá với BBC News Tiếng Việt vào ngày 26/4 rằng chính trường Việt Nam chứng kiến một thời kỳ xáo trộn chính trị "chưa từng có tiền lệ".
"Trong 30 năm theo dõi chính trị Việt Nam, tôi chưa từng thấy thời kỳ nào mà đấu đá nội bộ lại mạnh và quy mô rộng khắp như thế này. Tôi chưa từng thấy nhiều người bị xử lý đến như vậy".
Trước đó, những đồn đoán về việc ông Huệ từ chức đã râm ran trên mạng xã hội trong những tuần qua từ khi Tập đoàn Thuận An bị điều tra và bùng phát mạnh nhất khi trợ lý thân tín của ông Huệ là ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bị bắt giữ hôm 22/4.
BBC News Tiếng Việt đã có bài viết phân tích Quy định 41 năm 2021 của Bộ Chính trị, trong đó nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu của ông Huệ khi có thuộc cấp bị khởi tố.
Bình luận với BBC vào ngày 26/4, Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội đánh giá có thể những tin đồn thời gian qua là "chủ ý của một bên nào đó" và cũng phần nào xuất phát từ "tính không minh bạch của Đảng cộng sản Việt Nam".
Ông nói :
"Trước kia cũng có những cuộc cạnh tranh, đấu đá nội bộ như thế, nhưng vì mọi thứ được giấu kín và không được lan truyền nhanh như khi có mạng xã hội như bây giờ. Khi đó người dân chỉ có nguồn duy nhất là Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam. Đảng nói như thế nào thì họ chỉ biết như vậy. Nay tin đồn nảy sinh ra không biết từ đâu, có thể là chủ ý của một bên nào đó. Tin đồn không có lửa làm sao có khói".
"Vì quy trình người kế nhiệm của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam không minh bạch, nên ai cũng muốn leo lên vị trí đó. Việc cạnh tranh là tốt, lành mạnh, không có gì đáng chê, nhưng nếu cạnh tranh theo quy trình lành mạnh, chứng minh được tôi thỏa mãn các tiêu chí đó, thì đó là một quy trình làm cho việc kế vị rõ ràng, minh bạch, và người dân thấy rõ lúc đó không có chuyện đồn đoán. Tiếc là vài năm trở lại đây chuyện này nở rộ. Vì bây giờ công nghệ cho phép sự đồn đoán này lan ra nhanh chóng", Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định.
Bầu chủ tịch quốc hội hay chủ tịch nước trước ?
Quy định 214-QĐ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị nêu tiêu chuẩn làm chủ tịch quốc hội : "Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương ; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên ; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định".
Giáo sư Zachary Abuza và Tiến sĩ Nguyễn Quang A đều nhận định Thường trực Ban Bí thư, bà Trương Thị Mai, rất có thể trở thành tân chủ tịch quốc hội.
"Đủ tiêu chuẩn nhất để vào ghế chủ tịch quốc hội là bà Trương Thị Mai. Theo tôi nên loại trừ những ông bên quốc phòng và công an vì vào Quốc hội thì danh nghĩa là được lên 'Tứ Trụ' nhưng quyền lực thì không bằng bên ngoài", Tiến sĩ Nguyễn Quang A đánh giá.
Từ năm 2007 đến 2016, bà Trương Thị Mai là ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa 12, 13.
"Bà Trương Thị Mai hầu như chắc chắn sẽ trở thành tân chủ tịch quốc hội. Vị trí chủ tịch quốc hội quan trọng và cần có người thay thế, trong khi vị trí chủ tịch nước thì ít quan trọng hơn", Giáo sư Zachary Abuza đánh giá.
Trước câu hỏi về việc sẽ bầu chủ tịch nước trước hay chủ tịch quốc hội trước, Giáo sư Zachary Abuza nhận định Việt Nam sẽ cần bầu Chủ tịch quốc hội trước.
"Vị trí chủ tịch quốc hội rất quan trọng đối với tính chính danh của Đảng cộng sản Việt Nam, quan trọng đối với cộng đồng kinh doanh và nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi chủ tịch nước đóng vai trò nghi thức, trên giấy tờ, không phải vị trí rất quyền lực".
Kỳ họp thường kỳ sắp tới của Quốc hội khóa 15 là kỳ họp thứ 7, được ấn định vào ngày 20/5.
Nhiều nhà quan sát đã nhận định với BBC rằng chức danh chủ tịch nước có thể chính thức được đưa ra để Quốc hội Việt Nam xem xét trong kỳ họp này nếu không có cuộc họp bất thường nào khác diễn ra trước thời điểm 20/5.
Sau khi ông Huệ từ chức thì các ứng cử viên hàng đầu cho vị trí chủ tịch nước được cho là Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang.
Cũng có ý kiến cho rằng ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, là một ứng viên cho chức chủ tịch nước. Tuy nhiên, ông Nên không phải là đại biểu quốc hội, mà theo quy định thì Quốc hội sẽ bầu một đại biểu quốc hội làm chủ tịch nước. Cũng cần lưu ý rằng, tất cả các sắp xếp này đều do Đảng cộng sản Việt Nam quyết định.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng Bộ trưởng Công an Tô Lâm là một ứng viên cho ghế chủ tịch nước, nhưng có thể ông Lâm không muốn ngồi vào chiếc ghế có "dớp" này.
"Có thể ông Tô Lâm không muốn vị trí chủ tịch nước. Bà Mai hoặc những người khác có thể có khả năng hơn. Các vị ấy có thể ngại ngồi vào vị trí chủ tịch nước vì thấy có ‘dớp’", ông đánh giá.
Bộ trưởng Tô Lâm 'không có đối thủ' để trở thành tổng bí thư ?
Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm đang là một trong những ứng viên sáng giá cho cả chức vụ chủ tịch nước và tổng bí thư
Giáo sư Zachary Abuza cho rằng ông Vương Đình Huệ đã được đo ni đóng giày cho vị trí tổng bí thư, sau khi đã nắm giữ các chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Tài chính, Phó Thủ tướng, Bí thư Thành ủy Hà Nội và Chủ tịch quốc hội.
"Việc ông Huệ bị mất chức đã khiến chuyện Bộ trưởng Công an Tô Lâm trở thành tổng bí thư càng thêm có khả năng hơn", Giáo sư Zachary đánh giá.
Ngoài ông Tô Lâm thì theo Giáo sư Zachary Abuza, còn hai ứng viên có khả năng khác trở thành tổng bí thư là bà Trương Thị Mai, người cũng có thể trở thành tân Chủ tịch quốc hội, và Thủ tướng Phạm Minh Chính.
"Cả bà Mai và ông Chính đều có những lợi thế nhất định, nhưng cả hai cũng có điểm yếu và ông Tô Lâm đã nhanh chóng sử dụng sức mạnh của Bộ Công an để nhắm vào các đối thủ chính trị của mình", Giáo sư Zachary Abuza nói.
Nếu tính ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính, thì trong số 13 ủy viên Bộ Chính trị hiện nay thì có đến 4 người đã hoặc đang là quan chức Bộ Công an.
Cụ thể, ngoài ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính, còn có ông Phan Đình Trạc, cựu Giám đốc Công an Nghệ An và ông Nguyễn Hòa Bình, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, Bộ Công an.
Với viễn cảnh ông Tô Lâm làm chủ tịch nước hoặc tổng bí thư, ấn tượng về nhà nước "công an trị" càng nổi bật hơn, theo một số nhà quan sát.
David Hutt, nhà nghiên cứu từ Viện Trung Âu về Nghiên cứu Châu Á (CEIAS) và cây bút cho trang The Diplomat, hôm 26/4 nhận định với BBC như sau :
"Giới công an đang thâu tóm quyền lực. Đây không phải là một điều gì tốt đẹp cho người dân Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp và cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực trong nội bộ Đảng cộng sản. Quan ngại của tôi là về chuyện xảy ra sau Đại hội Đảng năm 2026 nếu cuộc thanh trừng cứ tiếp diễn. Chính những người như ông Tô Lâm, những người sẽ lên đỉnh cao quyền lực, bản thân cũng không phải trong sạch. Liệu cuộc thanh trừng này có khiến Đảng cộng sản Việt Nam tự diệt chính mình - liệu chiếc bình sẽ bị vỡ khi ném chuột - hay chiến dịch chống tham nhũng sẽ bị khựng lại, đồng nghĩa nhiều quan chức tham nhũng có thể thoát tội".
Trong khi đó, ngày 27/4, bình luận với BBC News Tiếng Việt, Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Daniel K. Inouye Asia-Pacific Center for Security Studies) thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đánh giá :
"Sự xáo trộn lớn ở thượng tầng chính trị Việt Nam hẳn sẽ không gây một tác động lớn nào đến chính sách đối ngoại và kinh tế của Việt Nam. Không thấy có điểm thay đổi lớn nào trong chương trình nghị sự của các ứng viên cho vị trí lãnh đạo cao nhất. Sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại và kinh tế của Việt Nam sẽ hầu như có thể xuất phát từ mối quan hệ với các quốc gia láng giềng. Một bước ngoặt như vậy có thể được kích hoạt khi Trung Quốc vượt qua lằn ranh đỏ ở Biển Đông, hoặc mối quan hệ Việt Nam và Campuchia bị xấu đi nhanh chóng".
Cuộc chiến giành ghế tổng bí thư tiếp tục 'nóng'
Việt Nam đang ra sức trấn an các nước và làm nhẹ sự nghi ngại của các nhà đầu tư nước ngoài về sự bất ổn chính trị khi chỉ trong hơn một năm đã có hai chủ tịch nước, một chủ tịch quốc hội bị mất chức. Ảnh ông Nguyễn Phú Trọng trong phiên họp khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15 vào ngày 23/10/2023.
Trả lời BBC, Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội cho rằng quy trình chọn người kế nhiệm trong quốc gia độc đảng như Việt Nam luôn gay cấn vì tính chất "không minh bạch".
"Có thể nói chính sách kế thừa của người đứng đầu Đảng cộng sản đã hoàn toàn thất bại. Đáng tiếc là Đảng cộng sản đã không tạo ra một quy trình minh bạch, chí ít là trong nội bộ đảng. Nói là đảng cầm quyền, của dân, do dân, vì dân, thì phải minh bạch cho bàn dân thiên hạ rõ. Rất tiếc là không có quy trình này".
Giáo sư Zachary Abuza cho rằng "cuộc đấu đá nội bộ" từ nay đến Đại hội Đảng lần thứ 14 vào tháng 1/2026 sẽ ngày càng tăng nhiệt
"Công tác quy hoạch cán bộ chính thức cho đại hội đảng đã bắt đầu, với hai cuộc họp về nhân sự và văn kiện đã được tổ chức.
"Nhưng Ban Chấp hành Trung ương Đảng hầu như gặp thế bế tắc liên quan đến vấn đề nhân sự. Chỉ còn 19 tháng nữa và cuộc nội đấu này dường như ngày càng dữ dội hơn".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nêu các kịch bản trong thời gian sắp tới :
"Trong kịch bản thứ nhất, đấu đá tiếp diễn, nền chính trị càng mất sự ổn định, người dân càng ngày càng mất niềm tin vào Đảng cộng sản Việt Nam. Hoặc tệ hơn là hậu quả vượt khỏi tầm kiểm soát, tiềm ẩn mối nguy hại rất lớn trong nền kinh tế vốn phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn FDI như Việt Nam".
Kịch bản thứ hai, mà ông gọi là "nửa vời", là nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam sẽ có sự tự thỏa hiệp, chỉ "giật gấu vá vai", để đợi đến năm 2026 có được sự thay đổi nào đó. Ông đánh giá kịch bản này không tốt cho đất nước và nhân dân Việt Nam.
Kịch bản tốt nhất cho dân và đất nước, theo ông, là Đảng sẽ thay đổi, tuy nhiên xác suất không cao.
'Đốt lò' thất bại ?
Năm 2014, ông Nguyễn Phú Trọng từng nói về chiến dịch chống tham nhũng : "Phải bình tĩnh tĩnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định".
Trong 13 năm làm tổng bí thư tính đến nay, ông Nguyễn Phú Trọng đã đặt cuộc dịch chống tham nhũng ở trung tâm chương trình hành động của mình.
Giáo sư Zachary Abuza nhận xét chiến dịch "đốt lò" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho đến nay "là một thất bại".
"Đại dịch tham nhũng vẫn hoành hành. Không có báo chí tự do và cơ chế giám sát thì sẽ luôn xảy ra tham nhũng trong một hệ thống mà phần lớn nền kinh tế nằm dưới sự kiểm soát không bị giám sát của nhà nước. Đất đai, nguồn vốn và trợ cấp của nhà nước đều chủ yếu do đảng và nhà nước kiểm soát. Chiến dịch khiến hàng ngàn quan chức bị xử lý nhưng không chấm dứt được nạn tham nhũng".
"Quan trọng hơn, những gì đã thực hiện rõ ràng là để củng cố tính chính danh của Đảng cộng sản vốn đang ngập trong tham nhũng. Tuy nhiên, điều này chỉ càng khiến đảng mất tính chính danh trong mắt người dân, khi họ chứng kiến tham nhũng ở cấp lãnh đạo cao nhất".
"Cuối cùng, đấu đá chính trị nội bộ có thể dẫn đến sự tê liệt về chính sách", chuyên gia khoa học chính trị từ Hoa Kỳ đưa ra cảnh báo.
Việt Nam đang ra sức trấn an các nước và làm nhẹ sự nghi ngại của các nhà đầu tư nước ngoài về sự bất ổn chính trị khi chỉ trong hơn một năm đã có hai chủ tịch nước, một chủ tịch quốc hội bị mất chức. Gần đây, sức hấp dẫn của Việt Nam còn bị lung lay thêm khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bơm 24 tỷ USD trong nỗ lực cứu Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) sau đại án Vạn Thịnh Phát.
Trong năm 2023, đóng góp của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào GDP Việt Nam chiếm khoảng 22%, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.
Vài ngày sau khi ông Võ Văn Thưởng từ chức thì Việt Nam đã ra sức trấn an Mỹ về việc những biến động nhận sự sẽ không gây ảnh hưởng tới chính sách kinh tế và đối ngoại của Việt Nam và đề cập tới hệ thống lãnh đạo và hoạch định chính sách mang tính tập thể.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng có quan điểm khá tương tự về công cuộc mà ông gọi là "đốt lò quá tay" của ông Nguyễn Phú Trọng
"Nhà đầu tư nước ngoài không quan tâm lắm đến chính trị nội bộ, miễn là ổn định, và họ đầu tư có lời. Trong khi đó, những diễn biến cấp tập trong hơn một năm trở lại đây, với chiến dịch đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng, động đến đâu ta thấy bê bối đến đó. Từ chuyến bay giải cứu đến test kit Việt Á, vụ Vạn Thịnh Phát, Hậu Pháo, Tập đoàn Phúc Sơn".
"Tôi nghĩ để khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư thì Đảng cộng sản Việt Nam phải có các chính sách dứt khoát và tốt nhất là có những chính sách cởi mở hơn, minh bạch hơn".
"Đốt lò quá tay, quá xa. Tôi cho rằng "đốt lò" thất bại hoàn toàn. Ý định chống tham nhũng là rất tốt nhưng cách làm là hoàn toàn sai. Phải là bắt trúng vào bệnh gốc của nó, chứ không phải bắt 1, 2 hay 100 người, bỏ tù 1 ông ủy viên trung ương, 10 ông tướng quân đội, 7 hay 8 ông tướng công an, hạ bệ hết ông nọ đến ông kia…".
"Vì sao hệ thống này sinh ra tham nhũng ? Vì không có hệ thống pháp quyền. Nhiều người, nhiều tổ chức ngồi xổm trên pháp luật. Cần phải có một nền báo chí độc lập, nhất là báo chí điều tra. Nhân dân phải có các tổ chức hoạt động động lập, các tổ chức do nhà nước lập ra, ăn ngân sách nhà nước, nhưng không phụ thuộc vào chính phủ, chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật".
Nguồn : BBC, 27/04/2024
Vụ trợ lý ông Vương Đình Huệ : Tin đồn đi trước, tin thật đi sau
Trân Văn, 24/04/2024
Cuối cùng, Bộ Công an Việt Nam cũng xác nhận tin đồn ông Phạm Thái Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm trợ lý ông Vương Đình Huệ (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội) là chính xác !
Ông Phạm Thái Hà lúc còn là Phó Chủ Nhiệm Văn Phòng Quốc hội. Hình chụp ngày 21/2/2024 (Quochoi.vn)
Theo Bộ Công an, trong quá trình điều tra sai phạm xảy ra tại Công ty Thuận An, họ phát giác ông Hà có dấu hiệu phạm tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" [1].
Thuận An là doanh nghiệp tư nhân được thành lập vào năm 2004. Trong mười năm đầu tiên, Thuận An chỉ là một doanh nghiệp bình thường, đến 2014 mới xin tăng vốn điều lệ lên 300 tỉ (hơn 75 lần so với ban đầu) và bắt đầu lột xác vì liên tục thắng các gói thầu liên quan đến phát triển hạ tầng giao thông (cầu, đường) trên toàn quốc (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Bắc Giang, Quảng Nam, Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Hà Giang, Tuyên Quang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Lạng Sơn...) với giá trị càng ngày càng lớn (từ vài trăm tỉ đến hàng ngàn tỉ). Trong năm năm vừa qua, Thuận An tranh 51 gói thầu, thắng 39/51, trong đó có bốn gói thầu đang chờ kết quả. Tổng giá trị các gói thầu đã thắng được ước đoán hơn 22.000 tỉ[2].
Song song với quá trình lột xác, Thuận An liên tục xin điều chỉnh vốn điều lệ, tăng từ 300 tỉ đồng lên 500 tỉ đồng, rồi 800 tỉ đồng nhưng không công bố cơ cấu cổ đông và bắt đầu vói tay sang nhiều lĩnh vực khác (du lịch, bất động sản...).
Đầu tuần trước, Bộ Công an Việt Nam công bố quyết định khởi tố ba nhân vật chủ chốt của Thuận An là ông Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch Hội đồng quản trị), ông Trần Anh Quang (Tổng giám đốc), ông Nguyễn Khắc Mẫn (Phó Tổng giám đốc) và loan báo đã tạm giam cả ba để điều tra vì có dấu hiệu "vi phạmquy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "đưa hối lộ". Ngoài ba ông này còn có ba viên chức làm việc trong Ban Quản lý các dự án của tỉnh Bắc Giang bị tống giam để điều tra vì "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "nhận hối lộ". Ông Phạm Thái Hà là viên chức thứ tư bị bắt trong vụ án này. Căn cứ vào tội danh mà Bộ Công an Việt Nam áp vào ông Hà, dường như ông Hà là nhân vật sắp đặt việc tổ chức thầu, dự thầu và chọn thầu !
***
Thuận An chỉ là một tập trong bộ phim nhiều tập do Đảng cộng sản Việt Nam viết kịch bản, tổ chức sản xuất và dàn dựng để thực hiện kinh tế thị trường theo "định hướng xã hội chủ nghĩa". Trước Thuận An là Phúc Sơn.
Giống như Thuận An, Phúc Sơn cũng được thành lập vào năm 2004 và trong mười năm đầu cũng chỉ là một doanh nghiệp tư nhân bình thường. Sau đó Phúc Sơn xin tăng vốn điều lệ từ 100 tỉ lên 2000 tỉ, thậm chí 4000 tỉ và kể từ đó, cơ cấu cổ đông trở thành ẩn số !
Phúc Sơn liên tục giành được các gói thầu có giá trị cực lớn tại Vĩnh Phúc (nơi đặt trụ sở), ở Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nội, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Khánh Hòa... Ngoài việc được chọn để phát triển hạ tầng giao thông, Phúc Sơn còn được chọn để thực hiện các dự án phát triển đô thị từ Bắc vào Nam. Đa số công trình, dự án đã giao cho Phúc Sơn đều dở dang bởi nếu không phải Phúc Sơn thì cũng là chính quyền các địa phương vi phạm qui định pháp luật trong chỉ định thầu, giao đất. Tại Vĩnh Phúc là Khu đô thị mới Tứ Trưng – Vĩnh Tường, Khu Trung tâm thương mại và nhà ở Phúc Sơn. Ở Quảng Ngãi là Khu đô thị công nghiệp Dung Quất, Khu đô thị Bàu Giang. Ở Khánh Hòa là việc nhận đất để thực hiện ba dự án về đường sá, nút giao thông.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Phúc Sơn nhận được 21 dự án đủ loại, trị giá khoảng 41.000 tỉ đồng, kèm theo quỹ đất có diện tích cả trăm héc ta[3]. Tuy chưa có số liệu chính thức nhưng thiệt hại do Phúc Sơn gây ra được ước đoán phải hàng chục ngàn tỉ !
Ngoài năm nhân vật chủ chốt của Phúc Sơn (ông Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Phạm Ngọc Cương – Phó Tổng giám đốc, bà Nguyễn Thị Hằng – Phó Tổng giám đốc, Đỗ Thị Mai – Kế toán trưởng) đã bị tạm giam để điều tra vì "vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", còn có hàng chục viên chức bị bắt vì "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", vì "lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi" và vì "nhận hối lộ", trong đó có cả những cá nhân đang là hoặc đã từng là Bí thư tỉnh (bà Hoàng Thị Thúy Lan – Vĩnh Phúc, ông Lê Viết Chữ - Quảng Ngãi), Phó Bí thư kiêm Chủ tịch tỉnh (ông Lê Duy Thành – Vĩnh Phúc, ông Đặng Văn Minh – Quảng Ngãi).
***
Một viên tướng công an phụ trách điều tra vụ án xảy ra tại Phúc Sơn bảo với công chúng, đại ý :Công an vừa khám phá một loại tội phạm mới. Theo đó Chủ tịch Hội đồng quản trị Phúc Sơn đã dựa vàocác mối quan hệ với người có quyền lực nhằm chi phối, lũng đoạn, "gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống chính trị ở cơ sở" và "làm xấu hình ảnh của đảngcũng như chính quyền nhân dân" [4]. Tuyên bố như thế là nói lấy được ! Phúc Sơn chẳng có gì mới, Thuận An cũng vậy. Trong thực tế, khó mà đếm xuể những đại án do một số cá nhân tuy chỉ điều hành một số doanh nghiệp nhưng có thể "chi phối, lũng đoạn" toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương, chứ chẳng phải chỉ cấp "cơ sở".
Mọi vấn đề đều là vì cái đuôi ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’
Thuận An và Phúc Sơn chỉ là hai trong những doanh nghiệp "lớn như thổi" tại Việt Nam. Trong vài năm gần đây, sau khi một số trong số những doanh nghiệp "lớn như thổi" này (Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế - AIC, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á...) trở thành bọt xà phòng, thiên hạ có cơ hội hiểu tại sao những doanh nghiệp tự dán vào thương hiệu hai chữ "tập đoàn" lại "bạo phát, bạo tàn".
Cứ ngẫm ắt sẽ thấy, nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không được tổ chức, vận hành nhằm hỗ trợ Đảng cộng sản Việt Nam nắm giữ, duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam bằng mọi giá thì sẽ không có những đại án như đã biết (Vạn Thịnh Phát – SCB, FLC, AIC, Việt Á) và đang thấy (Thuận An, Phúc Sơn).
Sau khi đẩy xứ sở rơi xuống đáy của lạc hậu, khiến cả dân tộc càng ngày càng lầm than, giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam quyết định tự cứu chính họ bằng cách từ bỏ "kinh tế kếhoạchhóa tập trung" kiểu cộng sản để thực thi kinh tế thị trường. Từ bỏ thứ từng được xiển dương và quay lại đi theo con đường từng bị lên án được tung hô là "đổi mới". Tuy nhiên toàn trị không thể song hành với kinh tế thị trường nên họ lai ghép "định hướng xã hội chủ nghĩa" với "kinh tế thị trường", tạo ra "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa".
Lúc đầu, "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" vừa là bà đỡ cho các tổng công ty nhà nước, tập đoàn nhà nước, vừa rút toàn bộ nội lực quốc gia trút vào những doanh nghiệp chỉ phá chứ không xây này. Không thể tính chính xác các tổng công ty nhà nước, tập đoàn nhà nước đã biến bao nhiêu ngàn tỉ thành rác, tạo ra thêm bao nhiêu nợ nần và đã khiến quốc gia để lỡ bao nhiêu cơ hội mà chỉ có thể khẳng định là rất lớn. Khi những đại án liên quan đến các tổng công ty nhà nước, tập đoàn nhà nước khiến diện mạo của "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" trở thành nhem nhuốc tới mức vô phương tẩy rửa, những viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam chuyển sang hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân mà những đại án vừa qua và gần đây cho thấy, "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" chỉ có khả năng tạo ra những hệ quả không thể tìm thấy ở bất cứ đâu trên thế giới !
***
Bởi "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" vừa cho các viên chức hữu trách quyền lực vô hạn, vừa vô hiệu hóa thiết chế kiểm tra, giám sát, điều chỉnh những lệch lạc, bất cập nên hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam trở thành công sai, phục vụ những cá nhân lãnh đạo các hệ thống này. Đó cũng là lý do những cá nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương mặc sức sử dụng công quyền trợ giúp một số doanh nghiệp để được chia chác.
Thuận An và Phúc Sơn không phải cá biệt. Việt Á cũng thế. Tuy đại án "Việt Á" đã được xét xử sơ thẩm nhưng hệ thống tư pháp vẫn gạt bỏ, không thèm làm rõ tại sao Việt Á liên tục được chọn làm nhà thầu cho các gói thầu lớn của nhiều cơ sở y tế qui mô cực lớn như Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Quân y viện 175 (Thành phố Hồ Chí Minh) và chỉ trong vòng chưa đầy bốn năm đã có tới 3.000 khách hàng, trở thành nhà thầu được chọn thực hiện 1.500 dự án ? Đến giờ thiên hạ vẫn không biết những ai đã góp 800 tỉ vào Việt Á.
Mới đây, khi loan báo về kết quả điều tra sơ bộ vụ án xảy ra tại Phúc Sơn, viên tướng phụ trách bộ phận điều tra khoe - đại ý :Công an vừa khám phá một loại tội phạm mới. Kẻ phạm tội dựa vàocác mối quan hệ với người có quyền lực nhằm chi phối, lũng đoạn, ’gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống chính trị ở cơ sở" và "làm xấu hình ảnh của đảngcũng như chính quyền nhân dân" [5]. Khoe như thế không chi trâng tráo mà còn gián tiếp xác nhận, công an Việt Nam cũng chỉ là một loại công sai, thay vì bảo vệ và thực thi pháp luật theo đúng tiêu chí "sống, làm việc theo hiến pháp, pháp luật" thì chỉ nhắm mắt làm theo thượng cấp theo kiểu "chỉ đâu đánh đó", do vậy có đụng tới "kẻ phạm tội" thì cũng là vì đã được cho phép !
Xin nhắc lại một tình tiết trong vụ án liên quan tới việc AIC được chính quyền tỉnh Đồng Nai chọn làm doanh nghiệp cung cấp 16 gói thầu cho Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai từ 2010 đến 2015 gây thiệt hại cho công quỹ 148 tỉ mà Tòa án thành phố Hà Nội đưa ra xét xử hồi đầu năm ngoái [6] để minh họa.
Dù xin tiền xây dựng bệnh viện cho dân chúng Đồng Nai nhưng ngay cả Bí thư Đồng Nai cũng phải dựa vào vài người như bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc AIC) để "xin vốn Trung ương". Năm 2016, Trung ương chỉ đồng ý cấp cho Đồng Nai 889 tỉ làm "vỏ" bệnh viện. Sau khi lãnh đạo Đồng Nai nhờ bà Nhàn, Trung ương mới cấp thêm 754 tỉ để nhồi "ruột" (mua sắm các thiết bị y tế). Cũng vì vậy, các viên chức lãnh đạo Đồng Nai mới chỉ đạo lãnh đạo bệnh viện sắp đặt để bà Nhàn thắng hết các gói thầu với giá cao hơn nhiều so với giá trị thật và cùng nhau nhận tiền "tạ ơn" từ bà Nhàn. Ông Trần Đình Thành – cựu Bí thư Đồng Nai – khai trước tòa, chính ông điện thoại cho bà Nhàn để nhờ bà "góp cho tỉnh Đồng Nai một tiếng nói", bởi "Nhàn có thể thuyết phục bộ, ngành Trung ương ủng hộ vốn cho các địa phương" [7].
Dẫu hệ thống tư pháp (công an, kiểm sát, tòa án) ghi nhận - đúng là hồi đầu (2006), Trung ương chỉ cho Đồng Nai 899 tỉ để xây bệnh viện đa khoa chứ không cấp tiền sắm thiết bị y tế, mãi đến năm 2010, Trung ương mới phê duyệt, cho thêm 754 tỉ để mua thiết bị - nhưng hệ thống tư pháp chỉ ghi nhận như thế rồi thôi chứ... không làm gì thêm ! Điều này cho thấy "dựa vàocác mối quan hệ với người có quyền lực nhằm chi phối, lũng đoạn, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống chính trị ở cơ sở và làm xấu hình ảnh của đảngcũng như chính quyền nhân dân" không những không "mới" mà còn là "đương nhiên" khi xây dựng... "kinh tế thị trường theo dịnh hướng xã hội chủ nghĩa". Nếu ai đó "có quyền lực" bị truy cứu trách nhiệm thì vì cần phải triệt hạ, có thể triệt hạ, dứt khoát không phải do nghiêm minh !
***
Đem "sự nghiệp" của nhữngCông ty cổ phần Tập đoàn Thuận An, Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế - AIC, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á... ra so với thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam. Lấy các số liệu liên quan đến "thành tựu" của những "tập đoàn" này đặt bên cạnh các số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, ví dụ, "trong năm 2023 có 172.600 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 20,5% so với năm 2022, trung bình, một tháng có khoảng14.4000 doanh nghiệp rút rútkhỏi thị trường" [8], hoặc "trong hai tháng đầu năm 2024 có 63.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước" [9], ắt sẽ thấy tội của những kẻ lai ghép "kinh tế thị trường" với "định hướng xã hội chủ nghĩa" để duy trì việc "ăn trên ngồi trốc" lớn thế nào !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 24/04/2024
Chú thích
[1] https://vnexpress.net/tro-ly-chu-tich-quoc-hoi-pham-thai-ha-bi-bat-4735613.html
[2] https://plo.vn/tap-doan-thuan-an-trung-thau-nhieu-du-an-giao-thong-lon-post785815.html
[4] https://hanoionline.vn/hau-phao-va-loat-can-bo-bi-khoi-to-230875.htm
[5] https://hanoionline.vn/hau-phao-va-loat-can-bo-bi-khoi-to-230875.htm
[8] https://vov.vn/kinh-te/172000-doanh-nghiep-rut-lui-khoi-thi-truong-trong-nam-2023-post1068531.vov
******************************
Vì sao truyền thông Nhà nước chọn im lặng trước tin đồn ?
Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 23/04/2024
Các tin đồn về chính trị ở Việt Nam trên mạng xã hội lại thường trở thành sự thật
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà và Tổng Thư ký Ủy ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Lưu Kỳ đã ký Bản ghi nhớ hợp tác tại khác ngày 8/4/2024. Ảnh : Nhan Sáng - TTXVN
Sự phát triển của mạng xã hội mang đến mặt tích cực về kết nối con người, chia sẻ thông tin, nhưng mặt trái của nó là khuếch đại tin đồn, tin giả, tin "một nửa sự thật". Ở Việt Nam thì việc đồn đoán lắm khi lại là một lực hấp dẫn của canh bạc thông tin không thể nào thiếu được trong món ăn tinh thần của công chúng.
Mạng xã hội tạo ra một môi trường vô cùng phức tạp, song cũng rất hấp dẫn người dùng vì những câu chuyện ly kỳ, "thêm mắm, dặm muối" trên đó. Nó khiến các kênh truyền thông chính thống mất dần tính hấp dẫn với người dân và mở ra một môi trường mà người ta sẵn sàng ra quyết định dựa trên tin đồn thay vì tin thật.
Thế nhưng lắm bận đồn đoán là sự thật 100% riết rồi người ta không còn cảm giác quá đỗi bất ngờ nữa. Như vụ từ nhiệm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hơn một năm về trước, và gần đây là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hay sự lung lay của ghế quyền lực Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm Vương Đình Huệ.
Trong thực tế, hầu hết các lý thuyết nghiên cứu về nó đều khẳng định, tin đồn xuất phát từ (hoặc liên quan đến) một số công bố có tính xác thực, song ít được xác nhận cụ thể. Nếu nhìn từ giác độ truyền thông, thì tin đồn là một sản phẩm thông tin mang đặc tính tâm lý xã hội, nó phụ thuộc khá nhiều vào trạng thái tâm lý tiếp nhận của công chúng và chủ thể truyền thông. Và khi con người bị rơi vào trạng thái hoảng loạn, hoài nghi, thậm chí thiếu thông tin, xã hội sẽ nảy sinh tin đồn.
Phía nhà chức trách thì mang tâm lý định kiến "tin đồn" là cách của đưa tin giả để chống phá Nhà nước : nguồn tin này thường có tổ chức, có mục đích rõ ràng và được sản xuất mang tính hệ thống để tác động vào dư luận xã hội hình thành tư tưởng chống đối lại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nguồn tin có thể ở nước ngoài hoặc một tài khoản trong nước phát tán qua mạng xã hội hoặc hệ thống công nghệ lan truyền tin tức nhanh.
Ngoài ra đây còn là hệ quả của phía cơ quan quản lý Nhà nước trong ràng buộc báo chí phải tuân thủ nội dung gọi là "tôn chỉ – mục đích" cụ thể về nội dung tờ giấy phép báo chí. Không chỉ vậy, báo chí còn bị vòng kim cô của cái gọi là "quy hoạch báo chí" để củng cố tinh độc tài, chuyên chế của Đảng Cộng sản. Điều đó tạo ra những lỗ hổng trong quản lý Nhà nước mang tính cố tình trong bối cảnh báo chí đều phải phục vụ yêu cầu trước tiên là tiếng nói của Đảng.
So với đồng nghiệp phương Tây như những New York Times, Economist hay Wall Street Journal…, họ có thể giữ người đọc là vì họ có những bài bình luận sắc sảo, có chiều sâu và đáng tin cậy để đối trọng lại với những tin đồn. Họ không đưa tin bác bỏ một tin đồn, để rồi chỉ một hôm sau, tin đồn đó trở thành tin thật.
Nói một cách khác, cho dù chịu ảnh hưởng của "quy hoạch báo chí", thế nhưng thực tế hiện nay thách thức còn lớn cho báo chí truyền thống là phải làm sao đưa được những phân tích thời sự, đúng lúc, chuyên sâu và tạo uy tín với người đọc.
Như chẳng hạn hiện tại, tin đồn về những nhân vật là lãnh đạo chủ chốt của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam chẳng khác gì phi pháo dọn đường cho trận chiến tranh giành quyền lực giữa các đồng chí trong độc đảng cầm quyền…
Quyết định của Ủy ban Kiểm tra trung ương liên quan đến Vương Đình Huệ 1
Quyết định của Ủy ban Kiểm tra trung ương liên quan đến Vương Đình Huệ 2
Trần Dzạ Dzũng
Nguồn : VNTB, 23/04/2024
*****************************
Sắp tới có thể trống thêm ghế thứ 5 của Vương Đình Huệ
Ngọc Linh Lan, VNTB, 23/04/2024
Tính đến hiện tại 4 ghế trống trong Bộ Chính trị là Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Trần Tuấn Anh, Võ Văn Thưởng.
Bộ trưởng Tô Lâm tặng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chiếc áo của Đội bóng đá Câu lạc bộ bóng đá Công an Hà Nội.
Trong danh sách 8 ủy viên Bộ Chính trị khóa XII tái cử trong cuộc bỏ phiếu bầu Bộ Chính trị ngày 31-1-2021 ở khóa XIII, được cho là gồm các nhân vật đầu lĩnh như sau : Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính ; Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ ; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng ; Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm ; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ; Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai.
Có 7 ủy viên thuộc danh sách 7 ủy viên Ban Bí thư khóa XII trúng cử : Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên ; Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Lương Cường ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình ; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc ; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng ; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn ; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú.
Ba ủy viên Trung ương lần đầu trúng cử vào Bộ Chính trị : Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ; Thượng tướng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Phan Văn Giang.
Ban Bí thư Trung ương khóa XIII, gồm : Lê Minh Hưng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng ; Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ; Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ; Bùi Thị Minh Hoài, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương ; Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ
Ba người cuối cùng trong danh sách ứng viên, là : Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung ; Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ; Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân.
Kết quả danh sách 18 vị trong Bộ Chính trị khóa XIII, gồm : Nguyễn Phú Trọng ; Nguyễn Xuân Phúc ; Phạm Minh Chính ; Vương Đình Huệ ; Trương Thị Mai ; Võ Văn Thưởng ; Phạm Bình Minh ; Nguyễn Văn Nên ; Tô Lâm ; Phan Đình Trạc ; Trần Cẩm Tú ; Phan Văn Giang ; Nguyễn Hòa Bình ; Trần Thanh Mẫn ; Nguyễn Xuân Thắng ; Lương Cường ; Trần Tuấn Anh ; Đinh Tiến Dũng.
Tính đến hiện tại thì trống 4 ghế trong Bộ Chính trị là Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Trần Tuấn Anh, Võ Văn Thưởng. Sắp tới khả năng trống ghế thứ 5 với Vương Đình Huệ.
Nếu dừng lại chuyện "mất người" này thì liệu ứng viên nào cho ghế quyền lực nhất Bộ Chính trị vào khóa XIV tới đây ?
Phạm Minh Chính, thì trong mắt dân chúng, từ hồi nhận chức Thủ tướng, ông trở nên làng nhàng của chiếc bóng chính mình nếu so với thời gian hồi ông là Bi thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (8-2011 đến 4-2015). Chưa kể ông còn bị đồn đoán có mối quan hệ tình cảm trai gái với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).
Bà Nhàn, cùng 15 bị cáo khác, bị đưa ra xét xử trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh năm 2012. Theo cáo trạng thì bà Nhàn là "người trực tiếp chỉ đạo cấp dưới móc ngoặc" với các cá nhân tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình y tế do Sở Y tế Quảng Ninh làm chủ đầu tư, và tại Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh, cũng như tổ chức cho các "quân xanh", "quân đỏ" đấu thầu để trúng 6 dự án.
Thời gian đó, về mặt quản lý nhà nước thì người giữ quyền lực cao nhất tỉnh Quảng Ninh là Phạm Minh Chính.
Tô Lâm là ứng viên Tổng bí thư khóa XIV được đồn đoán rộ lên thời gian gần đây sau hàng loạt vụ án được cho là hối lộ liên quan đến quan chức cấp cao trong Bộ Chính trị, mà gần đây là việc phải từ nhiệm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Thế nhưng việc biểu hiện của tham vọng quyền lực ở Tô Lâm lại thách thức huấn thị của Nguyễn Phú Trọng là "không chọn người tham vọng quyền lực".
Liệu hàng ngũ chính khách hiện nay còn ai là đối trọng với Tô Lâm trên con đường đi đến ghế Tổng bí thư khóa XIV ? Bởi dưới bề mặt phẳng lặng của cái ao tù chính trị, luôn có những cơn sóng ngầm, lật đổ phía sau hậu trường, thanh trừng đấu đá không kém phần tàn khốc vẫn luôn diễn ra…
Ngọc Linh Lan
Nguồn : VNTB, 23/04/2024
…trước làn sóng tin đồn
Đương kim chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ đang trở thành tâm điểm trong những tuần qua, khi các tin đồn tiêu cực nhắm đến ông được đưa ra một cách dồn dập. Thực- hư về các tin đồn chưa ai biết nhưng chắc chắn nó có ảnh hưởng đến sự nghiệp chính trị của ông Huệ, nhất là trong thời điểm Đảng cộng sản Việt Nam đang khủng hoảng nhân sự.
Đài RFA tổ chức cuộc hội luận với hai vị khách mời gồm : nhà báo Nguyễn Hà Hùng và luật sư Nguyễn Văn Đài, để cùng phân tích.
Nguồn : RFA, 20/04/2024
Huệ Vương nhập Viện 108 để câu giờ, chờ Bắc Kinh can thiệp - Sự thật hay tin đồn ?
Trà My, Thoibao.de, 19/04/2024
Vụ C03 của Bộ Công an khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, có khả năng tương tự như vụ Tập đoàn Phúc Sơn của "Hậu Pháo", với sự ra đi của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Trong những ngày này, trên mạng xã hội rộ tin đồn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng sắp ngã ngựa.
Trên mạng xã hội rộ tin đồn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng sắp ngã ngựa.
Ngày 17/4, nhiều nguồn tin khả tín khẳng định, "hôm nay, anh Huệ đã phải đến làm việc với Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Trần Cẩm Tú, và suýt ngất vì chứng cứ quá đầy đủ, và anh Huệ vừa mới viết đơn từ chức xong. Mọi việc diễn biến theo đúng kịch bản của Võ Văn Thưởng".
Trước đó, có những đồn đoán cho rằng, sau Nguyễn Duy Hưng, đến lượt Phạm Thái Hà – Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sẽ lên thớt. Ông Phạm Thái Hà liên quan đến việc nhận hối lộ 2 nghìn tỷ, cho các dự án tuyến cao tốc và làm công trình ven biển, phải thông qua Quốc hội.
Mới nhất, nguồn tin của thoibao.de từ Hà Nội tiết lộ, "đêm 17/4, ông Vương Đình Huệ đã được đưa vào Bệnh viện Quân đội Trung ương 108 vì lý do sức khỏe. Và được các bác sĩ Trung Quốc túc trực chăm sóc".
Nguồn tin cũng cho biết, có khả năng, ông Huệ muốn câu giờ để chờ Bắc Kinh can thiệp theo kênh Đảng. Thoibao.de không có điều kiện kiểm chứng tin này.
Chưa bao giờ, ở Việt Nam, tình trạng người dân tin vào tin đồn hơn tin chính thống của báo chí nhà nước lại cao như hiện nay. Vì đến bây giờ, ai cũng biết, phần lớn tin đồn là sự thật, do các thế lực "kình địch" trong nội bộ Đảng chủ động tuồn ra bên ngoài, để triệt hạ đối thủ hoặc thăm dò phản ứng của dư luận.
Nguồn cơn của cuộc chiến nội bộ trên thượng tầng cung đình cộng sản Việt Nam hiện nay, là vì câu hỏi "Ai sẽ thay thế ông Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Tổng bí thư ?" chưa có câu trả lời. Nhưng Vương Đình Huệ là cái tên được đích thân Tổng Trọng dày công vun đắp. Ông Trọng là người giới thiệu và quy hoạch chức danh Tổng bí thư cho Vương Đình Huệ, khi đưa ông Huệ từ vị trí Phó Thủ tướng Chính phủ, sang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, thay cho ông Hoàng Trung Hải bị kỷ luật. Đây được coi là việc "tráng men" vào đầu năm 2020, để một năm sau đó, tại Đại hội 13, ông Huệ nhảy vào ghế Chủ tịch Quốc hội, chiếm một chân trong "Tứ trụ".
Công luận cho rằng, trong "Tứ trụ" khóa 13, ông nào cũng có "tì vết". Hai ông Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng đều đã bị bay ghế Chủ tịch nước, đã cho thấy điều đó.
Ngoài tham nhũng, nhận hối lộ, và lợi ích nhóm, ông Huệ còn bị cáo buộc "say mê ca hát và gái gú". Đó là sự thiếu chuẩn mực của một chính khách hàng đầu. Năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vướng tin đồn tình ái với ca sĩ Hương Tràm. Mạng xã hội đồn rằng, Hương Tràm đã mang thai và sang Mỹ sinh con cho Huệ Vương, mấy năm liền không về Việt Nam.
Theo giới phân tích, hiện nay, "Tứ trụ" của Đảng "mất 2, còn 2". Vì thế, 2 ứng viên sáng giá nhất cho chiếc ghế Tổng bí thư, là các Vương Đình Huệ và Tô Lâm.
Bộ trưởng Tô Lâm chơi chiêu "tiên thủ hạ vi cường" – ra tay trước, thì việc ông Huệ không bị bay ghế mới là chuyện lạ.
Công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam dưới sự chỉ huy của Tổng Trọng, đã bị biến tướng, trở thành mục tiêu loại bỏ mầm mống đối trọng chính trị trong nội bộ Đảng. Thậm chí, Tổng Trọng còn coi đó là mục tiêu hàng đầu trong việc trừng phạt những lãnh đạo có biểu hiện không phục tùng, bất tuân ý chỉ của ông, như Đinh La Thăng hay Nguyễn Xuân Phúc… là những ví dụ.
Ngược lại, đối với các "đồng chí" cùng phe cánh, đồng thời là bệ đỡ cho Tổng Trọng, như phe Nghệ Tĩnh và Vương Đình Huệ, thì ông Trọng ban cho đặc quyền, dẫu rằng ông vẫn luôn khẳng định, "chống tham nhũng không có vùng cấm".
Những yếu tố chính góp phần gây ra tình trạng khó khăn trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội… ở Việt Nam hiện nay có nhiều nguyên nhân. Trong đó, sự cai trị kéo dài đến hơn 12 năm cầm quyền của Tổng Trọng, là nguyên nhân chính.
Trong quãng thời gian đó, ông Trọng đã liên tục xây dựng vây cánh, để tập trung quyền lực cao nhất cho ông trong Đảng, đó chính là lý do khiến ông dứt khoát không rời ghế.
Đó cũng là lý do, vì sao, công cuộc chống tham nhũng của Tổng Trọng lại càng chống càng tăng. Khởi tố, bắt giam mãi vẫn không hết quan tham. Bắt đến gần hết lãnh đạo các cấp, nhưng các "đồng chí chưa bị lộ" vẫn không sợ. Với thảm trạng này, thì "công tác nhân sự" chắc chắn là một phần của câu trả lời.
Theo giới thạo tin, cuối năm 2022, lúc ông Nguyễn Xuân Phúc chưa bị truất phế, trong 2 lần lấy phiếu thăm dò tại Bộ Chính trị, ông Huệ đều không đạt 70% số phiếu theo yêu cầu. Vì thế, việc Vương Đình Huệ mất chức không có gì lạ.
Trà My
Nguồn : Thoibao.de, 19/04/2024
************************
Đốn trụ Huệ, Tô sẽ là nhà vô địch "đốn trụ" ?
Hoàng Phúc, Thoibao.de, 19/04/2024
Nguồn tin nội bộ đang đợi kiểm chứng cho biết, ngày 17/4, Vương Đình Huệ bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương triệu tập lên làm việc. Kết quả sau 2 buổi làm việc, Vương Đình Huệ viết đơn xin từ chức như kịch bản đã diễn ra với Võ Văn Thưởng. Nếu đây là thông tin chính xác, thì sẽ có cuộc họp bất thường của Trung ương Đảng, và sau đó là họp Quốc hội.
Nếu Vương Đình Huệ "ngã ngựa" thì Tô Lâm sẽ rộng đường tiến thẳng đến chiếc ghế quyền lực cao nhất.
Hiện nay, thông tin ông Vương Đình Huệ viết đơn từ chức bị nhà cầm quyền cộng sản ngăn chặn. Giả sử đây là tin thất thiệt thì cần gì phải chặn, còn nếu là tin đúng sự thật, thì trước sau gì cũng phải công khai trên báo chí nhà nước. Cho nên, việc nhà cầm quyền ngăn chặn tin đồn là động tác thừa, chỉ càng làm cho dân thêm tò mò, rồi rủ nhau vượt tường lửa để đọc tin tức từ báo chí tự do.
Nếu ông Huệ từ chức, thì Tứ trụ chỉ còn 2, đó là Tổng bí thư và Thủ tướng. Nếu Tô Lâm thực sự có thể làm cho Vương Đình Huệ "ngã ngựa", thì người được ông Tổng chọn kế vị, đã không còn cửa tranh chức Tổng bí thư nữa, Tô Lâm sẽ rộng đường tiến thẳng đến chiếc ghế quyền lực cao nhất.
Ông Tô Lâm đã "xỏ mũi" Trần Cẩm Tú dắt đi, trong vụ triệt hạ Võ Văn Thưởng. Bởi ông Tú mới là người lên danh sách kỷ luật, trình Bộ Chính trị phê duyệt, theo quy trình mà Tổng Trọng ban ra. Giờ đây, sau khi thành công hạ ông Thưởng, Tô Lâm quyết moi cho ra tội của Vương Đình Huệ theo những điều cấm của Đảng luật. Đến lúc đó, Trần Cẩm Tú cũng chỉ biết theo đuôi và ông Tổng thì cũng đành bất lực. Tô Lâm đánh Vương Đình Huệ bằng chính vũ khí của ông Nguyễn Phú Trọng.
Khi nhắm vào Vương Đình Huệ, Tô Lâm đã thể hiện sự nguy hiểm của bản thân. Nếu ông Phạm Minh Chính cũng có tham vọng tranh đoạt ghế Tổng với Tô Lâm, thì nên cẩn thận. Thà thỏa hiệp để Tô Lâm ngồi ghế Tổng bí thư, ông Chính tiếp tục ngồi ghế Thủ tướng, thì cũng không thiệt thòi gì cho ông. Còn như quyết sống mái với Tô Lâm, có khi, Phạm Minh Chính lại là nạn nhân tiếp theo ?
Nếu đốn được Vương Đình Huệ, thì đấy là thắng lợi lớn của Tô Lâm, nhưng vẫn chưa đủ. Tô Lâm cần phải dọn sạch nhóm Nghệ An ra khỏi Bộ Công an, đặc biệt là đối với Phan Đình Trạc. Ông Trạc cũng rất muốn nắm Bộ Công an, để sau đó tranh hùng tranh bá với các tứ trụ, cho bản thân ông và cho phe Nghệ An của ông.
Đứng ngoài Tứ trụ mà đốn ngã Tứ trụ, thì chỉ có Tô Lâm mới làm được. Cũng bởi Tô Lâm nắm binh quyền trong tay nên mới có khả năng này. Cho nên, ghế Bộ trưởng Bộ Công an cũng là chiếc ghế mà các phe nhóm đều muốn chiếm lấy, để mưu cầu sự nghiệp chính trị cho riêng mình.
Tin nội bộ cho biết, ông Trọng vẫn thường phải kiểm tra máu tại Bệnh viện Quân Y 108. Ở tuổi này, cộng thêm di chứng sau những lần ngã bệnh trước đó, có thể nói việc kéo dài tuổi thọ đến hết nhiệm kỳ cũng là một vấn đề lớn đối với ông Nguyễn Phú Trọng.
Tuy tuổi cao sức yếu, nhưng ông Trọng khó lòng nhả ghế, đặc biệt là phải nhả cho một kẻ "phản trắc" như Tô Lâm thì ông lại càng không muốn. Tuy nhiên, một khi Tô Lâm đã dùng đến "binh đao" để tranh đoạt, ắt Tô Lâm cũng sẽ có biện pháp mà không cần ông Tổng bí thư "tự nguyện" trao ghế. Mà đã có ý đồ đoạt ghế, thì không cần phải đợi đến hết nhiệm kỳ. Đặc biệt, khi vây cánh làm nên sức mạnh cho ông Tổng trước đây, đã bị Tô Lâm "xỏ mũi", thì khả năng Tô Lâm đoạt ghế trước Đại hội 14 là rất cao.
Cách tranh đoạt ghế Tổng bí thư của Tô Lâm sẽ gây thù chuốc oán không ít với nhóm lợi ích bị Tô Lâm tấn công. Nếu Tô Lâm đoạt được ngôi Tổng, thì vây quanh ông vẫn có rất nhiều kẻ thù chực chờ. Rất có thể, dù Tô Lâm ngồi ghế cao nhưng phải vất vả để chống lại vô số kẻ thù ẩn hiện.
Hoàng Phúc
Nguồn : Thoibao.de, 19/04/2024
****************************
Vụ Thiên Minh Đức : Vương Đình Quán là ai ?
Trà My, Thoibao.de, 19/04/2024
Ngày 18/4, tức ngày 10/3 âm lịch, truyền thông nhà nước đưa tin, tại Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo cấp cao của Nhà nước Việt Nam đã đến dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương.
Đáng chú ý, trong danh sách lãnh đạo cùng dự lễ dâng hương, có ông Trần Thanh Mẫn – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội ; Đại tướng Tô Lâm, Đại tướng Lương Cường… nhưng lại vắng mặt Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Trong bối cảnh có nhiều đồn đoán liên quan đến số phận chính trị của ông Huệ, thì việc ông vắng mặt trong lễ giỗ Tổ được đánh giá là bằng chứng, củng cố thêm cho những đồn đoán rằng, ông Huệ sẽ mất chức còn nhanh hơn ông Võ Văn Thưởng.
Trước đó, xuất hiện những đồn đoán cho rằng, sau khi xử lý xong ông Võ Văn Thưởng, thì Tô Lâm sẽ diệt tiếp ông Vương Đình Huệ, để rảnh chân trong cuộc đua vào ghế Tổng bí thư tại Đại hội 14.
Theo giới thạo tin, Bộ Công an khởi tố bắt giam Chủ tịch Tập đoàn Thuận An Nguyễn Duy Hưng, để làm rõ về những cáo buộc cho rằng, Thuận An là Tập đoàn sân sau của phe Nghệ Tĩnh, do Vương Đình Huệ làm "ông trùm". Tiếp theo, sẽ đến lượt Phạm Thái Hà – Trợ lý của Huệ Vương, vì nhận hối lộ 2 nghìn tỷ đồng, cho các dự án liên quan đến các gói thầu hàng ngàn tỷ của Tập đoàn Thuận An.
Thêm vào đó, báo Thanh Tra ngày 11/3 loan tin dữ "Nghệ An : Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm nghiêm trọng của Tập đoàn Thiên Minh Đức".
Bản tin cho hay, sau khi Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chuyển kết luận thanh tra sang C03 của Bộ Công an, Công ty Thiên Minh Đức đã khắc phục hậu quả, nộp hơn 466 tỷ đồng vào tài khoản của "Quỹ bình ổn giá xăng dầu".
Công ty Thiên Minh Đức đã vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, liên quan đến việc trích lập, quản lý và sử dụng "Quỹ bình ổn giá xăng dầu", do Bộ Công thương, Bộ Tài chính quản lý. Cụ thể, Công ty Thiên Minh Đức đã trích lập và chi sử dụng Quỹ này "vượt" so với khối lượng trên sổ sách, dẫn đến trích lập Quỹ sai khoảng gần 5 tỷ đồng, và chi sử dụng Quỹ sai khoảng hơn 22 tỷ đồng.
Qua tìm hiểu, được biết, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức có địa chỉ trú tại số 2A, đường Lê Mao, phường Lê Mao, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, do bà Chu Thị Thành làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ngày 20/9/2022, doanh nghiệp này điều chỉnh vốn điều lệ từ 1.455 tỷ đồng, tăng lên 2.022 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông góp vốn là 3 thể nhân, gồm : ông Vương Đình Quán, bà Chu Thị Thành và ông Chu Đăng Khoa. Được biết, ông Chu Đăng Khoa là con trai của bà Chu Thị Thành. Ông Khoa sinh năm 1982, có thời gian sống tại Nam Phi và kinh doanh kim cương, thường được gọi là "đại gia kim cương". Còn ông Vương Đình Quán chỉ có số vốn góp tượng trưng là 1,5 tỷ đồng, được cho là người đại diện cho một lãnh đạo cấp cao ở Quốc hội.
Trong thông báo của "Quỹ bình ổn giá xăng dầu" quý III/2023 của Bộ Tài chính, tổng số dư Quỹ trên cả nước, tính đến ngày 30/9/2023, của 35 thương nhân đầu mối, ở mức hơn 7.000 tỷ đồng. Trong đó, số dư của Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức là gần 500 tỷ đồng.
Vẫn theo Thanh tra Chính phủ xác định, Công ty Thiên Minh Đức còn thường xuyên kê khai thuế bảo vệ môi trường không trung thực, dẫn đến việc, từ năm 2018 đến năm 2021, tổng số tiền thuế bảo vệ môi trường có dấu hiệu gian lận lên đến 3.287 tỷ đồng.
Theo giới chuyên gia, những sai phạm mang tính hệ thống của Công ty Thiên Minh Đức trong việc trích lập và chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu, cũng như nợ thuế triền miên. Điều đáng nói là, dù đang nợ ngân sách nhà nước với số tiền hàng nghìn tỷ đồng, nhưng Công ty Thiên Minh Đức vẫn cho một số cá nhân vay, để sử dụng vào mục đích cá nhân hàng nghìn tỷ đồng.
Tính đến thời điểm thanh tra, cả bà Chu Thị Thành và ông Chu Đăng Khoa nợ Công ty Thiên Minh Đức tổng số tiền trên 1.396 tỷ đồng. Trước đó, Công ty Thiên Minh Đức liên tiếp nợ nhiều kỳ thuế, bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn. Tiếp đến, người đại diện theo pháp luật của Công ty là bà Chu Thị Thành đã bị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 20/12/2023.
Xin nhắc lại, theo giới thạo tin, Bộ trưởng Tô Lâm vốn là Thư ký riêng của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng – cố vấn An ninh và Tôn giáo của cựu Thủ tướng Ba Dũng. Sự góp mặt của Thủ tướng Phạm Minh Chính – một nhân vật thân cận với ông Ba Dũng, trong liên minh chính trị này, sẽ hỗ trợ cho Tô Lâm tăng thêm sức để công phá "thành trì" của phe Nghệ An, cũng như bệ đỡ của Tổng Trọng.
Kết quả ra sao, chúng ta hãy chờ xem.
Trà My
Nguồn : Thoibao.de, 19/04/2024
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã "lọt vào mắt xanh" Trung Quốc để giữ chức Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu.
Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7-12/04/2024.
Đặc biệt, theo Tân Hoa Xã (Xinhua, thông tấn Trung Quốc), ông Huệ đã được Chủ tịch, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình tiếp xúc ngay sau khi đến Bắc Kinh.
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã "lọt vào mắt xanh" Trung Quốc để giữ chức Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam
Xinhua viết : "Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế cũng nhấn mạnh việc Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đầu tiên ngay sau khi đoàn tới Bắc Kinh thể hiện sự coi trọng cao độ quan hệ hai nước và chuyến thăm của đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam" (TTXVN, ngày 10/04/2024).
Theo Tân Hoa xã : "Tại các cuộc hội kiến và hội đàm, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều nhắc đến chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam (tháng 12/2023) khi lãnh đạo cao nhất hai đảng, hai nước nhất trí xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược mở ra giai đoạn hợp tác mới cho quan hệ hai nước. Các phát biểu đều khẳng định Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam thực hiện hiệu quả nhận thức chung cấp cao quan trọng mà Tổng bí thư Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã đạt được ; thúc đẩy giao lưu hợp tác trên tất cả các kênh, các cấp và các lĩnh vực".
Những cam kết này, một lần nữa xác nhận sự "lệ thuộc" vào Trung Quốc của Việt Nam ngày càng sâu rộng.
Cũng đáng chú ý là chuyến thăm Trung Quốc của ông Huệ đã xẩy ra chưa đầy một tháng, sau khi Đảng cộng sản Việt Nam cách chức Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ngày 20/03/2024.
Ông Thưởng, 54 tuổi từng được coi là ngôi sao sáng trong 4 lãnh đạo hàng đầu, và là người có nhiều triển vọng thay ông Nguyễn Phú Trọng. Ông bị cách chức vì "đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm". Tham nhũng cũng có vai trò trong vụ mất chức của ông Thưởng.
Vì vậy, chuyến đi Bắc Kinh của ông Vương Đình Huệ càng được củng cố cho vị trí chính trị của ông trong tương lai, vì chính ông đã bảo đảm với Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc về sự đoàn kết và thống nhất quan hệ giữa hai nước.
Điều kiện làm Tổng bí thư
Theo Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 2/1/2020 thì tiêu chuẩn chọn Tổng bí thư gồm :
"Đối với Tổng bí thư, phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực khác". Hai tiêu chuẩn chung cho mọi người là phải tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và trung thành với Đảng.
Riêng chức Tổng bí thư thì :
"Cụ thể là có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và Nhân dân ; là trung tâm đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng.
Ngoài ra, Tổng bí thư phải có trình độ cao về lý luận chính trị ; có kiến thức sâu, rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước...
Đồng thời, có bản lĩnh chính trị, tư duy nhạy bén, năng lực nghiên cứu, phát hiện, đề xuất, và quyết đoán ; bình tĩnh, sáng suốt trước những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc.
Có năng lực lãnh đạo, điều hành Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ; có năng lực lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm, cán bộ chủ chốt.
Tổng bí thư phải là người đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành trung ương ; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên ; trường hợp đặc biệt do Ban chấp hành trung ương quyết định".
Ông Vương Đình Huệ, sinh ngày 15/3/1957, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông là Giáo sư, Tiến sĩ chuyên về Tài chính và Ngân hàng.
Những khuôn mặt khác
Như vậy, nếu ông Huệ làm Tổng bí thư thì ai sẽ làm Chủ tịch nước ?
Có hai người nổi nhất là bà Trương Thị Mai, sinh ngày 23/01/1958 tại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Bà hiện là Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Kế đến là ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng sinh ngày 10/12/1958 tại Hoa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa.
Người thư ba là Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, sinh ngày 10/7/1957) tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Tiêu chuẩn làm Chủ tịch nước : "Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực : Có uy tín cao, là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân. Có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng ; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp…".
- Thủ tướng Chính phủ : "Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực : Có uy tín cao, là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân. Có năng lực nổi trội toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…".
- Chủ tịch Quốc hội : "Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực : Có uy tín cao, là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng, trong Quốc hội và nhân dân. Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công".
Người khuôn mặt trong Ban lãnh đạo Đại hội 14 sắp tới (trừ Nguyễn Phú Trọng và Võ Văn Thưởng)
Từ trái : Nguyễn Xuân Thắng, Phạm Minh Chính, Nguyễn Văn Nên, Nguyễn Phú Trọng (về hưu), Trương Thị Mai, Võ Văn Thưởng (từ chức), Vương Đình Huệ, Phan Bá Trạc, Phan Văn Giang
Vai trò của Nguyễn Phú Trọng
Với sự sắp xếp như thế thì ông Nguyễn Phú Trọng có vai trò gì trong việc lựa chọn 4 lãnh tụ hàng đầu tại Đại hội đảng năm 2026 ? Ông Trọng được bầu giữ hai chức quan trọng" : Trưởng Tiểu ban Văn kiện đảng và Trưởng Tiểu ban Nhân sự đảng. Ông Trọng sẽ có tiếng nói quyết định tại hai Tiểu ban này. Vì vậy, việc chọn người và đường lối cho khóa đảng XIV sẽ "mang đậm nét" Nguyễn Phú Trọng, một việc chưa bao giờ xẩy ra trong các khóa đảng trước đây.
Nên biết Ủy ban Trung ương đảng có khoảng 180 Ủy viên Chính thức và 20 Ủy viên Dự khuyết. Tuy nhiên, Bộ Chính trị và Ban Bí thư trung ương chỉ có khoảng từ 20 đến 25 người. Nhưng chính nhóm nhỏ này lại nắm quyền lãnh đạo trong đảng khóa XIV.
Vì vậy, ai lọt vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư đều có nhiều quyền hành trong Ban Chấp hành Trung ương.
Phạm Trần
(14/04/2024)
Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ ra sức lấy lòng Trung Quốc
Nguyễn Huỳnh, VNTB, 12/04/2024
Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ đang dọn đường vào ghế Tổng bí thư trong chuyến công du Trung Quốc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm với Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế.
Diễn biến chuyến công du Bắc triều của Chủ tịch Vương Đình Huệ đang cho thấy dường như ông đang tranh thủ lấy lòng Trung Quốc ở chuyến công du Trung Quốc tháng 4/2024.
Bắt đầu từ chiều 7/4, Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thủ đô Bắc Kinh, thăm chính thức nước Trung Quốc từ ngày 7 đến 12/4. Chuyến công du này được cho là theo lời mời của Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế.
Đây là chuyến thăm cấp cao đầu tiên sau khi hai nước nâng tầm quan hệ, là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Vương Đình Huệ trên cương vị Chủ tịch quốc hội, cũng là chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch quốc hội Việt Nam sau 5 năm.
Sau Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ đã có 2 cuộc hội đàm trực tuyến với Ủy viên trưởng Nhân đại Trung Quốc khóa XIII Lật Chiến Thư (17/6/2021), và Ủy viên trưởng Nhân đại Trung Quốc khóa XIV Triệu Lạc Tế (27/3/2023). Đáng chú ý, hội đàm trực tuyến với Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ là hoạt động đối ngoại đầu tiên của ông Triệu Lạc Tế ngay sau khi được bầu giữ chức vụ Ủy viên trưởng Nhân đại.
Ngày đầu tiên làm việc với phía Trung Quốc là sáng 8/4 tại Đại lễ đường Nhân dân, Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ đã hội kiến Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh ở hội kiến này rằng việc phát triển quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam ; khẳng định Việt Nam nhất quán thực hiện chính sách "một Trung Quốc".
Đáp lời, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam, luôn mong muốn và sẵn sàng thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, thực chất.
Tiếp sau đó, chiều 8/4, tại Đại lễ đường Nhân dân, thủ đô Bắc Kinh, Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế đã chủ trì lễ đón và hội đàm với Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.
Thông tin ngoại giao cho biết, Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn ; đẩy mạnh kết nối chiến lược phát triển, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực. Chủ tịch quốc hội cũng đề nghị Trung Quốc tạo điều kiện sớm thành lập Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Thành Đô, Hải Khẩu và Nam Kinh, tiếp tục mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông thủy sản của Việt Nam, sớm đàm phán ký kết Thỏa thuận khung về thương mại gạo ; triển khai hiệu quả xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh, nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam qua đường sắt Trung Quốc đi nước thứ ba qua tuyến đường sắt Á – Âu.
Phản hồi, ông Triệu Lạc Tế bày tỏ đồng tình với những đề xuất của Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ, khẳng định Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam đi sâu hợp tác thực chất, mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư, tăng cường kết nối chiến lược phát triển, thực hiện phát triển chất lượng cao ; tăng cường kết nối chiến lược giữa sáng kiến Vành đai và Con đường và Hai hành lang, một vành đai, trọng tâm là xây dựng hạ tầng cơ sở, giao thông đường bộ, đường sắt, cửa khẩu thông minh, góp phần nâng cao hiệu suất thông quan ; thúc đẩy hợp tác bảo đảm chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, kinh tế số, kinh tế xanh, năng lượng mới, khoáng sản then chốt, 5G.
Ủy viên trưởng Triệu Lạc Tế cũng nhấn mạnh hai bên cần đẩy mạnh tuyên truyền về quan hệ "vừa là đồng chí, vừa là anh em Việt Nam – Trung Quốc", kể những câu chuyện hữu nghị về nhau.
Tuy nhiên trong chuỗi tiếp xúc cấp cao kể trên người ta không thấy Chủ tịch Vương Đình Huệ đi sâu vào bàn luận vấn đề Biển Đông, cũng như chuyện những đập thủy điện của Trung Quốc đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc dòng Mekong gây cạn kiệt ở mùa khô hiện tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Trên cương vị là người đứng đầu cơ quan lập pháp, việc tránh né có chủ đích về vấn đề thời sự nhân sinh liên quan yếu tố Trung Quốc của Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ, càng thêm củng cố cho thuyết âm mưu rằng chuyến công du Bắc triều tháng 4-2024 là nhằm đến tranh thủ sự ủng hộ của Bắc Kinh về chức vụ Tổng bí thư mà ông Huệ đang hướng đến ở nhiệm kỳ mới thứ XIV của Đảng cộng sản Việt Nam.
Nguyễn Huỳnh
Nguồn : VNTB, 12/04/2024
*********************
VOA, 11/04/2024
Chủ tịch quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ mời tập đoàn Huawei của Trung Quốc "nghiên cứu cơ hội đầu tư" tại Việt Nam.
"Huawei có thể tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong các ngành công nghiệp, trong đó nghiên cứu phát triển các sản phẩm công nghệ cao", truyền thông Việt Nam dẫn lời ông Huệ nói với Chủ tịch Tập đoàn Huawei Lương Hoa khi phái đoàn của nhà lãnh đạo Việt Nam thăm Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc hôm 8/4.
Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ ấn tượng khi tham quan triển lãm về quá trình hình thành và phát triển của Tập đoàn Huewei. Ông nói rằng Việt Nam đang thu hút các tập đoàn lớn, trong đó có Huawei, tham gia đóng góp vào quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tường thuật.
Ông Huệ khen ngợi Huawei đạt doanh thu gần 100 tỷ USD, trở thành một trong các tập đoàn công nghệ lớn nhất toàn cầu, với nhiều phát minh và bằng sáng chế vượt trội, đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao.
Các trang báo của Việt Nam dẫn lời ông Lương Hoa nói rằng Huawei "sẵn sàng cống hiến nhiều hơn nữa cho các lĩnh vực hợp tác với Việt Nam như xây dựng mạng 5G, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin".
Hồi tháng trước, tại Hà Nội, ông Lâm Bách Phong, Phó Chủ tịch cao cấp Tập đoàn Huawei, Chủ tịch Huawei khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng và bày tỏ mong muốn hỗ trợ Việt Nam thương mại hóa mạng 5G.
Ngoài ra, ông Phong còn đề xuất xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo 5G tại Việt Nam để giới thiệu tiêu chuẩn kiểm thử 5G và phòng lab, hỗ trợ đào tạo nhân lực số.
Tập đoàn Huawei của Trung Quốc và giới chức Việt Nam trao đổi về các cơ hội hợp tác này giữa lúc Hoa Kỳ và một số quốc gia phương Tây cấm các công ty của họ mua bán hoặc trao đổi thiết bị viễn thông với Huawei, cho rằng Huawei đe dọa an ninh quốc gia, điều mà Huawei phủ nhận.
"Lúc đầu nhiều nước thương tây chọn Huawei vì giá rẻ hơn hẳn so với các nhà cung cấp dịch vụ khác, nhưng chung cuộc họ cuối cùng cảnh giác với Huawei và loại Huawei vì lý do an ninh", ông Nguyễn Hoàng Hải, một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ ở Brussels, Bỉ, nêu ý kiến cá nhân với VOA.
Ông Hải nhận định thêm rằng việc chính phủ Việt Nam mời gọi Huawei vào đầu tư "nhìn vậy nhưng chưa chắc đã là như vậy, có thể chỉ là để xoa dịu Trung Quốc", vì ông cho rằng "chưa chắc Huawei đã được đấu thầu các dự án mạng quan trọng tại Việt Nam", đề cập đến mạng 5G đang được Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel thực hiện.
Huawei được xem là một trong những thương hiệu công nghệ toàn cầu đầu tiên của Trung Quốc và là đại diện cho "giấc mơ công nghệ" của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Hoạt động tại Việt Nam hơn 25 năm, Huawei đã có những đóng góp trong việc thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số ở nước này và bắt đầu tham gia đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao, theo truyền thông trong nước.
Nguồn : VOA, 11/04/2024
Trí thức trước thách thức nội trị, bang giao của Việt Nam
Các khách mời Bàn tròn Chuyên đề thảo luận, phân tích một diễn biến đáng chú ý trong quan hệ Việt – Trung, cùng vai trò, kỳ vọng đối với trí thức, văn nghệ sĩ ở Việt Nam trước những thách thức mà đất nước này đang đối diện.
Nguồn : VOA, 09/04/2024
Vương Đình Huệ đi sứ Trung Quốc để làm gì ?
Chánh Thành, VNTB, 06/04/2024
Thuộc địa kiểu mới và thái thú thời nay
Ngày 7/4 này, chủ tịch quốc hội Việt Nam sẽ có chuyến thăm Trung Quốc 5 ngày. Theo lời đại sứ Phạm Sao Mai thì nội dung của chuyến thăm là để cụ thể hóa 6 phương hướng hợp tác lớn giữa hai nước, đặc biệt là thúc đẩy "lòng tin chính trị cao hơn" và củng cố "nền tảng xã hội vững chắc hơn", từ đó góp phần nâng tầm "quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" Việt Nam – Trung Quốc.
Không loại trừ trường hợp Vương Đình Huệ đi sứ lần này là để xin được sắc phong vào ngôi Chủ tịch nước.
Thế nhưng thật trùng hợp là chuyến đi này diễn ra ngay sau khi quốc hội Việt Nam vừa phế truất chức Chủ tịch nước của ông Võ Văn Thưởng. Và cũng thật ngẫu nhiên khi chuyến đi này lại diễn ra trước khi quốc hội Việt Nam bầu ra chủ tịch nước mới. Nếu căn cứ theo lời đại sứ Phạm Sao Mai, chuyến đi nhằm thúc đẩy "lòng tin chính trị cao hơn", thì liệu có phải là động thái của Vương Đình Huệ là nhằm báo cáo, giải trình với phía Trung Quốc về việc phế chủ tịch cũ, và xin ý kiến trong việc lập ra chủ tịch mới hay không ?
Thời phong kiến, để bảo vệ sự ổn định của ngai vàng, vua chúa Việt Nam thường xuyên phải cử sứ thần sang Trung Hoa để bẩm tấu về tình hình nội bộ quốc gia. Đây là nghi lễ thể hiện sự thần phục của Đại Việt với các hoàng đế Trung Hoa, nhằm tránh bị nước láng giềng tấn công. Ngoài ra trong những lần thay đổi triều đại, các vị vua mới đều cho sứ thầy sang Trung Quốc để xin được phong vương ; ngoại giao thương lượng, nhượng bộ với thiên triều để được yên ổn giải quyết các vấn đề trong nước.
Ngày nay, hai đảng cầm quyền Việt Nam và Trung Quốc coi nhau như là anh em, thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược lên cấp cao nhất. Đặc biệt là đã ký nhiều hiệp ước để đặt hai nước vào "Cộng đồng cùng chung vận mệnh chia sẻ tương lai". Có thể thấy việc thúc đẩy "lòng tin chính trị cao hơn" và củng cố "nền tảng xã hội vững chắc hơn", trong chuyến đi của ông Huệ lần này thật ra không khác gì các sứ thần Việt Nam đi chầu thiên triều ngày xưa là mấy.
Ông Huệ muốn được phong vương ?
Cần nhớ là mới nửa năm trước, hồi tháng 10/2023, ông Võ Văn Thưởng cũng từng đi thăm Trung Quốc và gặp chủ tịch Tập Cận Bình. Sau đó chỉ hơn 50 ngày, Chủ tịch Trung Quốc lại bay sang Việt Nam gặp ông Thưởng. Chứng tỏ mối quan hệ hai bên rất tốt và Tập Cận Bình rất tin tưởng vào tương lai chính trị bền vững của Võ Văn Thưởng. Vì quá tin nên việc ông Thưởng đột ngột bị đồng đảng phế truất có thể khiến ông Tập bị sốc, phía Việt Nam buộc phải cử người đi sứ để "ổn định tâm lý" cho nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các chức vị trong tứ trụ Việt Nam không phải do dân bầu ra. Mà đều được sắp xếp sẵn, chỉ chờ tới ngày tới giờ thì các đại biểu quốc hội Việt Nam đóng vở kịch bầu cử để công bố với người dân. Chính vì không được bầu cử bằng lá phiếu minh bạch của người dân, nên chức chủ tịch nước hoàn toàn không có tính chính danh. Vì vậy sự ủng hộ của người anh lớn láng giềng là yếu tố tối quan trọng để có thể hợp thức hóa quyền lực.
Ngoài ra, cũng không loại trừ trường hợp Vương Đình Huệ đi sứ lần này là để xin được Tập Cận Bình sắc phong vào ngôi chủ tịch nước Việt Nam. Hiện nay sức khoẻ của ông Trọng đang rất yếu, không thể ngồi hai ghế như giai đoạn 2018-2021. Ghế chủ tịch nước chỉ có thể giao vào tay 4 ủy viên bộ chính trị (có trên 1 nhiệm kỳ) còn lại là : Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ, Tô Lâm, Trương Thị Mai. Với những tin đồn về bê bối trong đời tư, ông Huệ có vẻ yếu thế hơn so với các đối thủ còn lại, nên rất cần được Tập Cận Bình chống lưng.
Dù thế nào thì người dân vẫn phải đợi tới ngày Quốc hội Việt Nam đưa ra thông báo cuối cùng thì mới biết chính xác kết quả. Tuy nhiên, chuyện thần phục và đi sứ thiên triều lần này cho thấy Việt Nam đang vẫn là một thuộc địa kiểu mới của Trung Quốc. Dù ai lên làm lãnh đạo thì kẻ khổ nhất cũng là người dân.
Chánh Thành
Nguồn : VNTB, 06/04/2024
*************************
Ông Vương Đình Huệ thăm Trung Quốc làm gì và trong bối cảnh nào ?
BBC, 06/03/2024
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ sắp thăm Trung Quốc trong bối cảnh hai nước đã nhất trí xây dựng 'cộng đồng chia sẻ tương lai’. Chuyến thăm này có ý nghĩa như thế nào ?
Chuyến thăm của ông Vương Đình Huệ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc có những dấu hiệu bất an về đường lối ngoại giao của Việt Nam
Ông Vương Đình Huệ sẽ có chuyến thăm chính thức tới Bắc Kinh từ ngày 7 đến 12/4.
Trong một bài viết với hình thức trả lời phỏng vấn nằm trong chiến dịch truyền thông của chính quyền và được một loạt cơ quan báo chí nhà nước đăng tải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lê Thu Hà khẳng định chuyến thăm sẽ làm sâu đậm thêm mối quan hệ hai nước và ký kết một vài văn kiện liên quan tới hợp tác nghị viện, nâng cao vai trò quốc hội trong quan hệ song phương.
Chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế, tức chủ tịch quốc hội.
Diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vừa miễn nhiệm chủ tịch nước và bị đánh giá là "bất ổn chính trị", chuyến đi của ông Huệ đang trở thành tâm điểm chú ý.
Chuyến thăm có mục đích gì ?
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Vương Đình Huệ tới Trung Quốc trên cương vị chủ tịch quốc hội.
Đây cũng sẽ là cuộc gặp mặt đầu tiên của hai vị lãnh đạo đứng đầu cơ quan lập pháp Việt Nam và Trung Quốc sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam vào tháng 12/2023.
Chuyến thăm hồi tháng 12/2023 đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ hai nước khi Việt Nam và Trung Quốc nhất trí xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc".
Vietnamnet vừa rồi đã có cuộc phỏng vấn với Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba về chuyến thăm của ông Huệ.
Ông Hùng Ba cho biết rằng dự kiến lãnh đạo hai nước sẽ "đi sâu trao đổi kinh nghiệm trong lập pháp và quản lý đất nước".
Trả lời phỏng vấn VOV, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết nội dung chuyến thăm là để "cụ thể hóa nhận thức chung giữa lãnh đạo cao nhất hai Đảng" và đặc biệt là để thúc đẩy "tin cậy chính trị cao hơn" và củng cố "nền tảng xã hội vững chắc hơn".
Ngoài việc trao đổi cấp cao, những vấn đề về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, du lịch... cũng là những nội dung sẽ được thúc đẩy, theo ông Mai.
Năm 2023, lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc và Hong Kong vào Việt Nam tăng mạnh . So với năm 2022, FDI từ Trung Quốc tăng hơn 77%, từ Hong Kong tăng hơn 110%, theo số liệu công bố trên trang web của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.
Có thể thấy, chuyến thăm này nhằm thúc đẩy lòng tin giữa đôi bên, thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng muốn khẳng định sự ổn định chính trị với láng giềng khổng lồ này.
Bối cảnh chuyến thăm
Ông Vương Đình Huệ sang thăm Trung Quốc chỉ khoảng nửa tháng sau khi ông Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm chức vụ chủ tịch nước vào ngày 21/3.
Trong bối cảnh Việt Nam đang cần tìm người kế nhiệm chức vụ chủ tịch nước, ông Huệ là một trong số ít những người đạt tiêu chuẩn theo Quy định 214-QĐ/TW.
Nếu ông Vương Đình Huệ làm chủ tịch nước, ông sẽ được miễn nhiệm chức vụ chủ tịch Quốc hội, gây ra thêm những chuyển biến trong giới lãnh đạo "Tứ trụ". Do đó, giới quan sát nhận định khả năng ông Huệ làm chủ tịch nước là có nhưng không cao.
Ba ngày trước khi ông Thưởng bị miễn nhiệm, vào ngày 18/3, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Lê Hoài Trung đã lên đường đến thăm Trung Quốc.
Ngày 22/3, ông Trung đã có cuộc gặp với cả lãnh đạo cấp cao của Đảng cộng sản Trung Quốc và của Chính phủ Trung Quốc.
Trong các cuộc hội kiến, ông Trung đã đề nghị hai bên cùng nỗ lực thực hiện tốt nhận thức chung cấp cao và tăng cường tin cậy chính trị, theo báo Nhân dân.
Có thể hiểu là trong chuyến thăm này, đoàn của Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã cập nhật cho phía Trung Quốc về những diễn biến chính trị gần đây ở trong nước.
Vừa rồi vào thứ Năm (4/4), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng đã đi thăm Trung Quốc và có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Vương Nghị.
Về mặt kinh tế, trong ba ngày cuối tháng 3/2024, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng dẫn đầu đoàn công tác đến làm việc tại Bắc Kinh và Thượng Hải.
Trong khuôn khổ chuyến đi, phía Việt Nam đã "tìm hiểu, nghiên cứu một số kinh nghiệm trong việc triển khai xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao, xây dựng và phát triển mô hình khu thương mại tự do, trung tâm tài chính khu vực và quốc tế".
Có thể thấy rằng, những chuyến đi con thoi, của cả đảng, chính phủ lẫn quốc hội, nằm trong chuỗi nỗ lực thúc đẩy quan hệ, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và hiện thực hóa các cam kết và nhận thức chung mà lãnh đạo hai bên đã đạt được.
Điều này trở nên cực kỳ quan trọng hơn khi mà, trong thời gian gần đây, Việt Nam liên tục nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức đối tác chiến lược toàn diện với một số nước phương Tây hoặc các quốc gia có cạnh tranh lợi ích với Trung Quốc, mới đây nhất là Mỹ, Nhật Bản (năm 2023) và Úc (2024).
Những bước đi ấy của Việt Nam có thể khiến Bắc Kinh cảm thấy bất an. Thế nên, việc Việt Nam chấp nhận tham gia "cộng đồng chia sẻ tương lai" cũng như thực hiện các hoạt động ngoại giao liên tục vừa qua được đánh giá là các nỗ lực để trấn an, xoa dịu nỗi lo và nghi hoặc của giới lãnh đạo Trung Quốc.
Đây chính là biểu hiện của đường lối "ngoại giao cây tre" mà phía Việt Nam luôn nhấn mạnh.
Nhiều khác biệt khó hóa giải
Ngày 28/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng bày tỏ quan ngại đối với các vụ va chạm giữa Trung Quốc và Philippines tại Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Đức Thắng nói : "Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)".
Đây là lần mới nhất chính phủ Việt Nam lên tiếng về vấn đề Biển Đông, cho thấy bên cạnh mối quan hệ "phát triển rất tích cực" và "những thành tựu quan trọng", giữa hai quốc gia Trung Quốc và Việt Nam vẫn còn những mâu thuẫn không thể hóa giải.
Trước đó, hồi đầu tháng 3, Trung Quốc chính thức công bố đường cơ sở ở ven Vịnh Bắc Bộ.
Trung Quốc tuyên bố việc làm của họ là phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam sau đó đã lên tiếng.
"Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong vịnh Bắc Bộ ký năm 2000 giữa Việt Nam và Trung Quốc và UNCLOS 1982", bà Phạm Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói.
Xung đột chủ quyền trên Biển Đông là vấn đề đã tồn tại từ lâu và cho đến nay, ở nhiều khu vực tranh chấp, hai bên chỉ mới tiến đến các giải pháp tạm thời, có tính chất câu giờ như "tạm gác tranh chấp", "kiểm soát xung đột".
Vốn là nước yếu hơn, Việt Nam luôn muốn sử dụng các cơ chế đa phương, luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp. Trong bối cảnh đó, sự tham gia của các cường quốc khác vào vấn đề Biển Đông được coi là quan trọng để kiềm chế Trung Quốc.
Trong buổi điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 2/4, ông Biden đã đề cập tới tầm quan trọng của "luật pháp và tự do hàng hải ở Biển Đông".
Trong bối cảnh xung khắc gay gắt giữa các cường quốc, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam đang áp dụng đường lối "ngoại giao cây tre", được quảng bá là linh hoạt, mềm dẻo nhưng kiên định, để bảo vệ lợi ích của mình.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, đường lối này của Việt Nam khó phát huy trong bối cảnh địa chính trị hiện nay.
Khi xem xét mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, có một yếu tố không thể bỏ qua, đó là tình cảm của người dân. Tinh thần chống Trung Quốc trong người dân Việt Nam nhìn chung vẫn khá cao và dễ nhận thấy.
Một khảo sát của Viện nghiên cứu ISEAS ở Singapore mới đây cho thấy 79% người Việt Nam ủng hộ việc ngả về phía Mỹ thay vì Trung Quốc nếu phải lựa chọn giữa hai cường quốc.
Nguồn : BBC, 06/04/2024
*************************
Chủ tịch Quốc hội Việt thăm Trung Quốc 5 ngày
RFA, 05/04/2024
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ sẽ có chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 7-12/4.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ sẽ có chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 7-12/4. VOV
Ủy Ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam vào ngày 4 tháng tư ra thông báo về chuyến thăm Trung Quốc của ông Vương Đình Huệ. Cụ thể chuyến công du do ông Vương Đình Huệ dẫn đầu phái đoàn là theo lời mời của Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế.
Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Vương Đình Huệ trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam ; và cũng là lần đầu tiên diễn ra cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa người đứng đầu cơ quan lập pháp hai nước sau Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam và Đại hội XX của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh năm 2023, hai nước đã kỷ niệm 73 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950-18/1/2023) và 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện (2008-2023).
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, ông Phạm Sao Mai, được Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời rằng chuyến thăm lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao, định hướng chiến lược cho quan hệ song phương, cụ thể hóa nhận thức chung giữa lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước ; khẳng định Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại.
Nguồn : RFA, 05/04/2024
****************************
Ông Vương Đình Huệ sắp thăm Trung Quốc trong chuyến đi có ý nghĩa ‘chiến lược quan hệ’
VOA, 04/04/2024
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sắp dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 7 đến 12/4, theo lời mời của Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế, Ủy ban Đối ngoại Việt Nam cho biết hôm 4/4.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ (phải) chụp ảnh chung với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông Tập đến thăm Việt Nam, ngày 13/12/2023.
Chuyến thăm đầu tiên của ông Vương Đình Huệ tới Trung Quốc trên cương vị Chủ tịch Quốc hội được cho là có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao, định hướng chiến lược cho quan hệ song phương, TTXVN dẫn lời Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết.
Đây cũng là cuộc gặp trực tiếp lần đầu tiên giữa người đứng đầu cơ quan lập pháp hai nước sau Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam và Đại hội XX của Đảng cộng sản Trung Quốc, và sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam vào tháng 12/2023, khi hai quốc gia láng giềng đưa ra tuyên bố chung về việc nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc".
Theo lời Đại sứ Phạm Sao Mai, chuyến đi cũng nhằm khẳng định về việc Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại.
Nội dung của chuyến thăm nhằm cụ thể hóa 6 phương hướng hợp tác lớn giữa hai nước, đặc biệt là thúc đẩy "lòng tin chính trị cao hơn" và củng cố "nền tảng xã hội vững chắc hơn", góp phần nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, vẫn theo lời Đại sứ Phạm Sao Mai.
Ngoài việc trao đổi cấp cao, những vấn đề về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, du lịch... cũng là những nội dung sẽ được thúc đẩy.
Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn thứ 4 tại Việt Nam tính về vốn và lớn nhất Việt Nam về số lượng dự án.
Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 171,9 tỷ USD vào năm ngoái, theo số liệu của hải quan Việt Nam.
Chuyến đi Trung Quốc của ông Vương Đình Huệ diễn ra chưa đầy một tháng sau khi Việt Nam hôm 14/3 lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật biển sau khi Bắc Kinh công bố đường cơ sở Vịnh Bắc Bộ.
Trước đó, vào ngày 1/3, Trung Quốc công bố đường cơ sở mới ở Vịnh Bắc Bộ, tiếng Trung gọi là Vịnh Beibu, một động thái mà họ cho là phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong tuyên bố, Trung Quốc đưa ra 7 "điểm cơ sở" khi nối với nhau tạo thành một đường cơ sở mới nhằm tuyên bố lãnh hải ở Vịnh Bắc Bộ. Các điểm cơ sở này không tồn tại trước đây.
Sự việc đã khiến "Việt Nam lên tiếng đề nghị Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ ký năm 2000 giữa Việt Nam và Trung Quốc", theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng hôm 14/3.
Nguồn : VOA, 05/04/2024