Việt Nam hôm 8/8 tổ chức hội thảo công bố Báo cáo Phân tích Giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
AFP
Chuyên gia và giới nghiên cứu cho rằng báo cáo tuy chưa đầy đủ nhưng có thể dựa vào đó để tham khảo và đối chiếu sâu hơn.
"Trước hết phải khen nhóm nghiên cứu đã rất là công phu, khách quan, trình bày trung thực, thẳng thắn và đưa ra những khuyến nghị cũng rất thiết thực".
Đó là nhận xét đầu tiên của Giáo sư Mạc Văn Trang, một nhà nghiên cứu về giáo dục thường có những khuyến nghị xây dựng gởi lên cấp lãnh đạo trong nước.
Đối với Giáo sư Mạc Văn Trang, báo cáo gần như một bản tóm tắt thôi vì còn nhiều vấn đề chưa đề cập đến :
"Đặc biệt không nói đến giáo dục phổ thông, mà chính giáo dục phổ thông hãy còn nhiều vấn đề bức xúc đối với nhân dân, với cha mẹ học sinh".
"Nhưng nói về giáo dục đại học thì có vài điểm như thế này. Trước hết về giáo dục Việt Nam, nói là được Đảng Cộng sản và Nhà nước nêu ra những định hướng, tuyên ngôn rất quan trọng… Thí dụ ‘Giáo dục là quốc sách hàng đầu’, ‘Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển bền vững’ vân vân… Tức là tuyên bố thì rất nhiều nhưng đầu tư, ngân sách cũng như các nguồn lực khác thì còn rất hạn chế. Đấy là cái nhìn chung trong báo cáo".
Nhà nghiên cứu độc lập, thạc sĩ Đinh Kim Phúc, bày tỏ cảm nghĩ sau khi đọc Báo cáo Phân tích Giáo dục Việt Nam 2011-2020 :
"Bảng tóm tắt giáo dục trong 10 năm qua không nói lên được bản chất của các số liệu lập ra để thuyết minh cho sự phát triển của giáo dục Việt Nam. Nhìn vào thì chúng ta thấy có những con số rất ấn tượng, ví dụ trên 3% sinh viên Việt Nam du học, ở nước ngoài, tức trên 100.000 học sinh, rồi sự phát triển của các trường đại học Việt Nam, của sinh viên Việt Nam".
"Nhưng mà báo cáo không có số liệu chi tiết về sự phát triển những ngành nghề khác như thế nào, có cân đối theo yêu cầu phát triển của đất nước hay không".
"Ví dụ Việt Nam hiện nay đề cao sự phát triển kinh tế, ‘đi tắt đón đầu’, thì nhìn chung các đại học Việt Nam có tập trung vào những ngành ‘hot’, ngành mũi nhọn, ngành cả phụ huynh và học sinh đều thích".
Báo cáo cũng không nói rõ trong 10 năm qua Việt Nam có đạt tới những chương trình đào tạo đi sâu vào nghiên cứu cơ bản hay không, là câu hỏi tiếp của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc :
"Phải bắt đầu bằng những nghiên cứu khoa học cơ bản thì mới có cơ sở vững chắc. Sự phát triển của giáo dục Việt Nam không đi vào những vấn đề thực chất làm cơ sở. Nói một cách khác là người ta thích ‘đi tắt đón đầu, thích số liệu hơn là thực chất đào tạo".
Tại buổi hội thảo ngày 8/8, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Lê Anh Vinh, trình bày số liệu cơ sở giáo dục đại học bao gồm cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ…tăng mạnh sau năm 2005.
Tiếp đó, từ sau 2010, quy mô đào tạo chỉ tăng nhẹ, và giảm ở giai đoạn 2014-2019.
Một cách cụ thể, vẫn lời Giáo sư Lê Anh Vinh, so với năm 2010, chỉ số phát triển quy mô đào tạo đại học là 105,3%. Tỉ lệ này ở năm 2015 là 53,7%, năm 2019 là 52,7%.
Giải thích lý do vì sao số liệu năm 2015 sụt mạnh so với năm 2014, Giáo sư Lê Anh Vinh cho rằng do các cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng về hệ thống giáo dục nghề nghiệp mà Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội quản lý.
Tương tự, so với năm 2010, quy mô sinh viên cũng tăng trưởng mạnh hơn vào năm 2014, bằng 109,3%. Chỉ số này giảm nhẹ vào năm 2018, khoảng 70,2%, nhưng tiếp tục nhích lên vào năm 2019 với 79%.
Báo cáo phân tích còn đưa ra một chỉ số khác, cho thấy năm 2018 có 108.527 du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, bằng 3,6% tổng số sinh viên Việt Nam. Nhóm nghiên cứu cho rằng chỉ số này chứng tỏ Việt Nam đã bắt kịp xu thế và đạt mức trung bình trong số các nước có tỉ lệ nhập học tương đương.
Sinh viên dự lễ tốt nghiệp đại học Văn Miếu, Hà Nội hôm 18/11/2014. AFP
Ngoài ra, vẫn theo báo cáo, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học tăng mạnh ở các năm 2015, 2016, rồi lại giảm nhẹ ở năm 2019. Nhà nghiên cứu giáo dục Mạc Văn Trang :
"Cụ thể, số lượng sinh viên, nghiên cứu sinh năm có năm tăng, năm giảm, thì cũng là bình thường thôi. Cái chưa nói đến là việc phát triển số lượng nghiên cứu sinh, học tiến sĩ và thạc sĩ thì nó quá nhiều. Dư luận xã hội rất bức xúc về chuyện đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ theo phong trào. Rất nhiều vị trí làm việc không cần thiết phải có đào tạo tiến sĩ , chẳng hạn như các quan chức, viên chức trong bộ máy Nhà nước, cần thành thạo công việc chứ cần gì bằng cấp tiến sĩ ?"
"Vì chạy theo cái danh đó cho nên hàng loạt tiến sĩ ra lò, thậm chí gian lận tại trường Đông Đô trong đào tạo tiến sĩ. Nhiều người còn nói học sinh Việt Nam đi du học là’ tị nạn giáo dục’, báo cáo lại nói con số du học sinh tăng cũng chỉ sấp sỉ các nước trong khu vực thôi( ?) Những nhược điểm này báo cáo không đề cập tới".
Trở lại bản Báo cáo Phân tích Giáo dục Việt Nam một thập kỷ qua, điểm đáng chú ý được chỉ ra là ở một số ngành nghề thì trình độ của sinh viên tốt nghiệp từ những nơi như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội… đã tiếp cận trình độ sinh viên tốt nghiệp của các trường đại học trong khu vực.
Số liệu trong báo cáo cho thấy năm 2018 tỉ lệ sinh viên của 181 cơ sở đại học và 40 trường cao đẳng, có việc làm sau khi tốt nghiệp là 65,5%. Thế nhưng tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng cao hơn so với trung cấp.
Báo cáo dẫn chỉ số từ bảng xếp hạng ‘Times Higher Education’ cho thấy gần đây Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lọt vào Top 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới.
Giáo sư Mạc Văn Trang lý giải cái thực tế Việt Nam vẫn ở vị trí cuối bảng xếp hạng Top 1.000 :
"Trong số 1.000 đại học được xếp loại có chất lượng trên thế giới thì Trung Quốc có 40 trường, Nhật 44 trường, Hàn quốc 34 trường, Malaysia 13 trường, nhưng Việt Nam chỉ có hai trường mà lại ở vị trí cuối của 1.000 đó nếu mà xét về chất lượng nghiên cứu. Một điều cũng đáng suy nghĩ".
"Một điểm nữa mà báo cáo có nói qua thôi, là kinh phí, nguồn lực cho nghiên cứu khoa học giáo dục nó quá hẹn hẹp. Tôi làm nghiên cứu tôi biết các đề tài bộ giao thường có tính cách thời vụ, thời sự và rất thiếu những nghiên cứu có tính cơ bản, chiến lược . Cho nên giáo dục của Việt Nam mình thường bị động, hay thay đổi, nay thế này mai thế khác, Những điều tra như thế này cũng mang tính cách thời vụ thôi".
Tiếp lời Giáo sư Mạc Văn Trang, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc góp thêm ý kiến :
"Tôi cũng đồng tình là ngân sách dành cho giáo dục Việt Nam không cao so với ngân sách dành cho quốc phòng và an ninh. Nhưng thực chất kinh phí GDP quốc gia mà chi cho giáo dục thì giáo dục đã dùng nguồn tiền này như thế nào là vấn đề đáng nói. Chi cho cơ sở giáo dục, chi cho cơ sở vật chất hay chi cho mục đích nào khác mà nó mang hai từ ‘giáo dục’ ? Việt Nam không phải một nước giàu, tỉ lệ 17.000 tỷ dành cho giáo dục so với khu vực cũng là tương đối nhưng so theo nhu cầu thì chưa đáp ứng được tầm vóc một quốc gia muốn phát triển về giáo dục".
"Bên cạnh đó, đặt vấn đề các trường đại học và tổ chức đào tạo có gắn liền với nghiên cứu hay không là một vấn đề nhức nhối trong hệ thống đào tạo của Việt Nam hiện nay".
Giáo dục Việt Nam có sự cải thiện đáng kể trong một thập kỷ qua nhưng chưa có sự chuyển biến căn bản, là khẳng định của Giáo sư Mạc Văn Trang.
Vẫn theo lời ông, cố gắng ra được một bản Báo cáo Phân tích Giáo dục như thế này cũng là sự tiến bộ rất tốt rồi, song đi hết 10 năm mà vẫn còn bị các lân bang khu vực bỏ xa thì quả là điều gây bức xúc.
Nhóm nghiên cứu kiến nghị cần phát triển giáo dục đại học theo hướng tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao có khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, có tư duy đổi mới sáng tạo và đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội và nghiên cứu khoa học kỹ thuật.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 10/08/2022
Có điều lạ, mà chỉ có ở giáo dục, các nhóm ngành khác ít so sánh. Ví dụ như ngành y tế, ngay cả trong vụ kit test Việt Á nổi cộm và nhức nhối, chẳng ai so sánh giá bộ kit test với giá rượu bia, và các ngành khác, cũng chẳng ai so sánh với giá rượu bia, thế mà ngành giáo dục, người ta so sánh với giá rượu bia như một phép tính phổ thông, gần đây là so sánh giá sách với giá rượu bia.
Cũng xin nói thêm, trước khi Thông Tư 55 của Bộ Giáo dục và đào tạo được thực thi triệt để (mà để được thực hiện triệt để, người ta tốn đến gần mười năm - tức ban hành và có hiệu lực từ ngày 22/11/2011 - nhưng đến năm 2020 người ta mới nhắc đến) vào năm 2020, hầu như tất cả các trường trên toàn quốc đều thu quĩ phụ huynh học sinh. Nói là quĩ phụ huynh nhưng kì thực là nhà trường giữ, giáo viên chủ nhiệm giữ. Tiếng là giáo viên chủ nhiệm giữ tiền quĩ lớp nhưng có một qui ước ngầm tùy vào từng trường ở quê hay thành phố, nếu thành phố thì tỉ lệ 40/60, tức giáo viên chủ nhiệm nộp về cho hiệu trưởng 40% tiền quĩ lớp, ở thôn quê thì 30% hoặc 40% quĩ lớp phải nộp về cho hiệu trưởng. Đương nhiên quĩ lớp ở thôn quê thấp hơn rất nhiều so với thành phố.
Và, đáng nói ở đây là trong những năm sau 2011, vấn đề thu quĩ lớp của ban phụ huynh học sinh dưới sự điều hợp của giáo viên chủ nhiệm và những đại diện cha mẹ học sinh đều thu rất gắt gao thậm chí gây áp lực nặng nề lên cha mẹ học sinh. Luận điệu của hầu hết những người có trách vụ vận động truy thu đều là "nói thì nhiều vậy chứ không bằng một bữa nhậu !". Và việc thu vẫn kéo dài cho đến khi báo chí trong nước lên tiếng (sau rất nhiều năm báo chí bên ngoài lên tiếng thì báo chí trong nước mới đề cập một cách nghiêm túc về Thông tư 55, Bộ Giáo dục và đào tạo) vào năm 2020 thì các hiệu trưởng của hầu hết trong trường mới chính thức dừng thu 30% - 40% quĩ lớp từ giáo viên chủ nhiệm. Và giáo viên chủ nhiệm cũng chính thức không giữ quĩ lớp, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp giữ thay. Rất tiếc sau ba năm trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh giữ quĩ, câu chuyện có vẻ càng tệ hại hơn trước. Nhưng đây lại là vấn đề bàn ở một thời điểm khác, điều tôi muốn nói là giữa lúc này, mọi thứ tăng giá vùn vụt, người dân ngột ngạt, khó thở, việc tăng giá sách giáo khoa cứ như giọt nước gây tràn ly.
Khó thở nhất là vài ngày trước, ông Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn phát biểu trên Truyền hình Quốc hội về vấn đề giá sách tăng với lý do "khổ lớn, giấy tốt, bìa đẹp" mà không nhắc gì đến nội dung của nó có gì mới, tiến bộ, khoa học hay không. Cũng ông Sơn trước đây đề cập vụ tăng thu học phí các trường ở thành phố lớn. Và hơn nữa, đây là thời gian hồi tỉnh của đất nước sau đại dịch, nhiều gia đình tang tóc, mất mát, nếu không tang tóc thì cũng tổn thất về kinh tế, thất nghiệp tràn lan, mọi thứ thời giá lại ảnh hưởng biến động chiến tranh và biến động sau dịch của khu vực, tăng vùn vụt (với Việt Nam thì có thêm biến động "vặt lông" VAT sau dịch), giá xăng, giá khí đốt tăng gần 30%, giá các mặt hàng thiết yếu cũng tăng tỉ lệ, trong khi đó giá gạo, sản phẩm chủ lực của nhà nông lại đứng im tại chỗ để chống chọi với giá dịch vụ nông nghiệp tăng và bão thời giá.
Dù muốn hay không muốn quan tâm thì túi tiền của cha mẹ học sinh cũng ảnh hưởng rất nặng từ thời giá cho đến giá sách giáo khoa, mỗi thứ tăng một chút mà tiền lương không tăng, có nơi giảm do ảnh hưởng dịch cúm Vũ Hán, vậy thì làm sao người dân không phàn nàn. Khi người dân phàn nàn thì nhiều người có trách vụ giáo dục lại mang phép so sánh "so với giá bia đi ! Bộ sách có bằng thùng bia không ?", luận điệu này nghe nhiều và quen lắm. Chỉ lạ ở chỗ tại sao chỉ có ngành giáo dục mới mang ra so sánh, phải chăng rượu bia, nhậu nhẹt có mốt quan hệ mật thiết nào đó với giáo dục ?
Có, hình như là có mối quan hệ ấy, cái mối quan hệ lằng nhằng tưởng như không bao giờ có, lại xảy ra giữa một ngành mà trách nhiệm và thiên lương phải xếp hàng đầu - ngành giáo dục. Chỉ có ngành giáo dục mới nổi cộm vụ Sầm Đức Xương Hiệu trưởng bắt các nữ sinh trong trường y quản lý đi hầu rượu, đi bán dâm cho cán bộ tỉnh, cán bộ huyện, chỉ có ngành giáo dục mới có chuyện giáo viên nữ bị điều lên hầu rượu, hầu bia cho các quan, chỉ có ngành giáo dục mới có chuyện thầy trò gặp nhau trong bàn rượu, thầy khúm núm chào trò (lúc này đã là Bộ trưởng Giáo dục) và trò ngồi, một tay bỏ túi, một tay chìa ra bắt với thầy, chỉ có ngành giáo dục mới so sánh giá sách giáo khoa với giá rượu bia !
Và, đáng buồn hơn nữa là hầu hết các thầy cô ngành giáo dục đều biết nhậu, thường nhậu và nhậu rất hăng. Điều này tôi mục kích sở thị, hễ không ra quán nhậu thì thôi, ra quán nhậu thì gặp các thầy cô, trẻ có, già có, sồn sồn có… Thậm chí ngày Hiến chương nhà giáo, trước đây học sinh mang hoa, mang quà đến thăm thầy cô, bây giờ cha mẹ học sinh tổ chức cả một Gala để "vinh danh" thầy cô, rượu thịt ê hề, bia bọt tá lả. Cái không khí giáo dục mang mùi hèm, cái không khí giáo dục có gì đó rất rượu bia và sa đọa trong men bia, men rượu. Thử nghĩ như vậy thì làm sao người ta không mang giá bia ra để so sánh ? !
Nhưng, xin thưa ngành giáo dục, xin thưa những con người còn chút lương tri, vì các vị nhậu miễn phí, nhậu bằng tiền dạy thêm - học thêm, nhậu bằng tiền không chảy mồ hôi, nước mắt, nên quí vị thấy nhậu nó bình thường, nhậu không ảnh hưởng gì đến đời sống, nhậu không những gây tổn thất mà nhậu còn mang lại cho quí vị những cơ hội, những cú áp phe, những cái nháy mắt, những cái bắt tay dưới gầm bàn, những cú lên đường và lên giường… Còn với người lao động, gồm người thất nghiệp và người đang có công việc, nhậu là uống chính mồ hôi, nước mắt và cả đau khổ của họ.
Giữa họ với nhau, nhậu có đôi khi là để vừa giải mỏi, vừa quên đi sự đời ; giữa họ với quí vị, họ mời quí vị nhậu là một sự gồng mình, rất khó nói, bởi họ biết họ phải làm gì khi quí vị thích nhậu, con của họ đang là học sinh của quí vị, và khi nhậu, quí vị nghĩ đến câu hỏi họ có cư xử lễ độ, chơi đẹp với quí vị hay không chứ có khi nào quí vị đặt câu hỏi rằng tại sao họ phải mời quí vị nhậu ? Đó là ở cấp độ nhẹ, cấp độ nặng hơn, nhiều người nhậu vì bế tắc, nhậu vì không nhìn thấy tương lai, thậm chí thất nghiệp, trộm tiền vợ, trộm cắp vặt để nhậu, có đó. Thử hỏi, ai đã tạo ra sinh quyển xã hội mà ở đó người ta chỉ biết vùi vào rượu bia, ma túy để giải sầu, để níu đời sống khi bế tắc ?
Và tại sao một đất nước có nền xuất bản đồ sộ với hàng trăm nhà xuất bản gồm nhà nước và tư nhân nhưng các tiệm sách, nhà sách vẫn không thu hút được người đọc ? Thử hỏi ngành xuất bản có thiên hình vạn trạng nguồn nhưng tại sao người ta vẫn chăm bẵm đến nguồn sách giáo khoa vì xem nó là cục xương dính nhiều nạc và thịt nhất ?
Và thử hỏi, bao giờ nền giáo dục này thôi lèm bèm như đứa say ? Bao giờ nền giáo dục Việt Nam trở nên lành mạnh, không dây dưa với rượu bia và không có những câu chuyện nổi cộm liên quan tới rượu bia, tiếp khách ? !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, (VietTuSaiGon's blog)
Sau một thời gian ngắn tạm ngưng việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên, năm học mới 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại yêu cầu tiếp tục đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên và cập nhật minh chứng "Đạo đức nhà giáo" lên phần mềm trực tuyếnTEMIS.
Một giáo viên trường phổ thông Marie Curie ở Hà Nội. AFP
TEMIS là hệ thống thông tin quản lý bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông thông qua thu thập thông tin và chiết xuất báo cáo về thực trạng bồi dưỡng thường xuyên, đánh giá theo chuẩn trong cả hệ thống giáo dục.
Theo hướng dẫn, gợi ý minh chứng "Đạo đức nhà giáo" bao gồm : "Phiếu đánh giá và phân loại viên chức ; Thư cảm ơn, khen ngợi của các bên về giáo viên có phẩm chất đạo đức mẫu mực ; Báo cáo chuyên đề/ý kiến trao đổi, thảo luận trong nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/nhà trường về những kinh nghiệm trong rèn luyện, nâng cao phầm chất đạo đức ; Hình ảnh, tấm gương giáo viên cùng nhà trường vượt qua những khó khăn (do thiên tai, bão lũ…) để thực hiện mục tiêu và kế hoạch dạy học".
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cho rằng, việc làm này là vô bổ, hình thức và có thể gây ra tiêu cực khi giáo viên phải cố tìm cho được các bằng chứng để chứng minh đạo đức của mình.
Thạc sĩ Hoàng Việt, Giảng viên trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm của ông :
"Cái này không dành cho giảng viên đại học mà nó chỉ dành cho giáo viện các cấp khác thôi. Nhưng tôi nghĩ, hầu hết các chỉ tiêu thi đua, khen thưởng ở Việt Nam thì không chỉ trong ngành giáo dục mà trong tất cả các ngành khác đều mang tính hình thức.
Và nói cho cùng thì ở Việt Nam, nếu khui ra thì thấy một đống sai phạm, còn bình thường thì tất cả đều tuyệt vời. Về mặt lý thuyết thì nếu chưa phát hiện ra vi phạm và chưa bị xử lý thì coi như là tốt.
Tất cả các kiểu thi đua, khen thưởng trong giáo viên các cấp ở Việt Nam là vô bổ, hình thức chứ không giải quyết được vấn đề gì hết. Trước đây bắt giáo viên phải có chứng chỉ tin học, chứng chỉ tiếng Anh mà có người chả bao giờ xài tới. Họ phải tìm mọi cách để mua. Nó tạo ra sự thừa thãi và lãng phí không cần thiết".
Nền giáo dục Việt Nam bị coi là "phi giáo dục, dối trá". Thế nên những đánh giá cũng chỉ mang tình hình thức, bởi chính những người đánh giá giáo viên là những người dối trá nhất, như nhận xét của thầy giáo Đỗ Việt Khoa :
"Chuyện đạo đức nhà giáo là một thứ dối trá kinh khủng nhất. Ở trường nào có lãnh đạo tham lam, dối trá thì cả tập thể giáo viên phải dối trá theo. Nhưng họ đánh giá nhau đều tốt, đều xuất sắc cả. Cho nên cái sự giả dối nó kéo dài. Do đó, việc bắt giáo viên minh chứng "Đạo đức nhà giáo" nó vô tác dụng.
Giáo viên tốt thì nhiều. Cái xấu, cái ác thì ở giới quản lý giáo dục, giới lãnh đạo. Người ta phản ánh đầy nhưng thường là bị trù dập, có bao giờ xử lý được họ đâu. Ai xử lý khi cấp trên của họ cũng dối trá, nhất là thanh tra các phòng, các sở giáo dục.
Tôi mong ông, bà nào đưa điều này ra thì dẹp nó đi. Tôi chỉ yêu cầu điều duy nhất là có sai tố cáo sai phạm thì các vị xử lý cho nghiêm chứ đừng bao che, và đừng bao giờ dung túng bệnh dối tra trong ngành giáo dục. thế là chúng tôi mừng lắm rồi".
Là một nhà giáo, thầy Đỗ Việt Khoa mong muốn ngành giáo dục ai cũng nói thật, làm thật, sống có đạo đức để làm gương cho học trò. Nhưng với thầy, điều này không thể làm nổi trong xã hội Việt Nam hiện nay, bởi không có ai đủ thẩm quyền xử lý khi quyền hành phân cấp phức tạp, chồng chéo lên nhau ; những người có quyền thực sự thì họ không cần đạo đức thật hay giả, nên chuyện đánh giá đạo đức giáo viên là không thể.
Vấn nạn dối trá, căn bệnh hình thức tồn tại trong giáo dục ở Việt Nam từ hàng chục năm qua dường như không có lối thoát.
Thầy giáo Trần Ngọc Sơn và đơn xin nghỉ việc tố cáo vấn nạn dối trá tại trường học nơi mình làm việc. Hình : FB Ngọc Sơn/RFA edit
Mới đây, thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn, dạy tiếng Anh tại trường Tiểu học An Lợi, Long Thành, Đồng Nai viết đơn nghỉ việc. Trong đơn, thầy Sơn viết : "Nay tôi làm đơn này đề nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết cho tôi thôi việc từ ngày 1/11/2021 theo chế độ thôi việc hiện hành. Lý do, công tác trong một cơ sở giáo dục nhưng có quá nhiều điều phi giáo dục, tởm nhất là vấn nạn dối trá, tôi cảm thấy mình không phù hợp nên nghỉ".
Tháng 5 năm 2020, tại phiên sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi Trung học phổ thông năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình, cựu Trưởng Phòng Khảo thí Diệp Thị Hồng Liên nói rằng có nhiều trường hợp gian lận, mình không làm theo sẽ khó vì : "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật". Người ta tin bà Liên nói thật và thấy cay đắng cho thực trạng giáo dục nước nhà.
Trong một xã hội tốt đẹp thì đa số người dân quay lưng với cái xấu, nhưng với xã hội Việt Nam, nếu nói ‘không’ với cái xấu thì lại bị coi là bất thường. Đó thật sự là điều đáng lo và giáo dục không là ngoại lệ.
Với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giáo viên minh chứng đạo đức, Giáo sư Đặng Hùng Võ đánh giá :
"Theo cái cách trưng ra bằng khen như chiến sĩ thi đua, anh hùng lao động hay tìm những minh chứng nó chẳng hiệu quả gì ở Việt Nam cả, bởi người ta có thể bỏ tiền ra mua. Những danh hiệu nó không còn chính xác nữa. Nó không liên quan gì đến việc lột tả được ý nghĩa về đạo đức.
Tôi cho rằng cần có các chỉ số để đánh giá. Cũng có thể đánh giá bằng định tính, tức là đánh giá của học sinh với giáo viên. Đấy là những tiêu chí mà các nước họ vẫn làm và họ làm rất hiệu quả. Việt Nam nên đi theo cách đó chứ đừng tạo ra riêng một cách mà chỉ Việt Nam mới áp dụng, thì sẽ thất bại trong việc đánh giá".
Trò chuyện với RFA, một số giáo viên cho rằng, minh chứng "Đạo đức nhà giáo" chẳng có tác dụng gì trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy ở các nhà trường hiện nay. Nó hết sức vô lý, vô ích và mất thời gian của giáo viên, trong khi Bộ Giáo dục có chủ trương giảm tải cho giáo viên.
Đầu năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức hướng dẫn các trường học trên cả nước thực hiện giảm tải chương trình do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều nội dung ở các bậc từ tiểu học đến Trung học phổ thông sẽ không dạy, hoặc chỉ khuyến khích tự học, tự đọc.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 20/10/2021
Ông Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo của nhiệm kỳ trước (2016-2021) vừa bị mất chức chỉ là giọt nước tràn ly của những bức xúc xã hội về tình hình giáo dục rối loạn trầm trọng và kéo dài. Nhiều chính sách giáo dục lạc hậu chậm sửa đổi hoặc bãi bỏ ; Ngân sách cho giáo dục luôn đòi hỏi phải tăng nhưng việc phân bổ theo cơ chế xin cho, chạy dự án và việc hạch toán thiếu công khai, minh bạch gây thất thoát lãng phí ; Gian lận có tổ chức trong thi cử ở nhiều địa phương ; Nạn buôn bán bằng giả và, thậm chí bằng thật nhưng "học giả" để trục lợi ; Nhóm lợi ích nghiêm trọng trong mua sắm trang thiết bị giáo dục ; Độc quyền xuất bản và phát hành sách giáo khoa ; Huy động nhiều ngàn tỷ đồng biên soạn hệ thống sách giáo khoa tốn kém, nhưng còn gây tranh cãi về chuyên môn, hạch toán kinh phí do thiếu cơ chế đánh giá, kiểm định độc lập ; Các hành vi trù dập giáo viên và khiếu kiện gia tăng… Tha hóa quyền lực khiến nhiều quan chức trong ngành giáo dục suy thoái biến chất, bị kỷ luật đảng hay bị trừng phạt bởi pháp luật.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đổ lỗi "học sinh sinh viên bán dâm bị đuổi" là do cấp dưới - Ảnh minh họa
Chuyển đổi giáo dục phải được đặt trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế sang thị trường, nhưng để có những giải pháp chính sách đột phá, cần có cách tiếp cận đặc thù đánh giá thực trạng, xác định các nguyên nhân sâu xa của tình trạng rối loạn, trong đó chủ yếu do: Phương thức quản lý giáo dục tập trung dựa vào hệ thống các tiêu chuẩn cứng nhắc và quá trình thị trường hóa giáo dục kiểu "dò đá qua sông" xuất phát từ chủ trương xã hội hóa có tính đối phó.
Trước hết, việc duy trì hệ thống các chuẩn mực thống nhất dưới hình thức các kiểu bằng cấp, chứng chỉ, giấy xác nhận, quy định… trong ngành giáo dục như các công cụ điều hành và kiểm soát hoạt động giáo dục phản ánh phương thức quản lý giáo dục theo cơ chế tập trung thời bao cấp. Các đối tượng quản lý đều có quy định tiêu chuẩn chung, thống nhất về chính trị, chuyên môn nghề nghiệp và thậm chí lý lịch gia đình. Chẳng hạn, giấy xác nhận hoàn thành chương trình giáo dục lý luận chính trị của Đảng đã từng là yêu cầu bắt buộc đối với các giáo viên làm việc trong các cơ sở đào tạo ngoài hệ thống trường chính trị. Đối với các giáo viên mầm non trường công lập, ngoài bằng cấp chuyên môn cần có thêm cả chứng chỉ tin học và ngoại ngữ. Đối với học sinh, các quy định thống nhất về đánh giá xếp loại điểm và đạo đức… Để có trình độ tiến sĩ bạn cần có các yêu cầu chung về bài báo khoa học đăng ở đâu hoặc trình độ ngoại ngữ như thế nào…
Một tiêu chuẩn chung về giáo dục thường mang tính trung bình xã hội có thể là công cụ lượng hóa trình độ kiến thức và kỹ năng nhằm ban hành những chính sách thích hợp để nâng cao hơn, nhưng đồng thời nó cũng có thể là ranh giới chia xã hội thành hai nửa, nửa trên có nhiều cơ hội hơn và nửa dưới thì ngược lại. Trong điều kiện cung cầu lao động mất cân đối, các chuẩn bằng, cấp, chứng chỉ có thể là hàng rào ngăn cản nhu cầu tìm kiếm việc làm. Đây có thể là một nguyên nhân nạn bằng giả hay các tiêu cực trong đào tạo, sử dụng lao động. Đặc biệt trong khu vực nhân lực công tiêu chuẩn bằng cấp không chỉ được coi như yêu cầu về chuyên môn, mà còn được coi như một ưu thế "cạnh tranh" vào biên chế nhà nước hay cho mục đích thăng tiến trong sự nghiệp. Nhiều quan chức sau một số năm công tác đã bị phát hiện sử dụng bằng giả. Cuối cùng, như một hiệu ứng, các hiện tượng tiêu cực lây lan sang khu vực phi kết cấu, thị trường lao động. Bằng cấp trở nên "có giá" và "sính" bằng cấp trở thành quốc nạn.
Để kiểm soát toàn diện các hoạt động giáo dục giới lãnh đạo Đảng đã "nghĩ" thay người dân, như thế này là tốt và như thế kia là không và xác định mức độ trung bình được gọi là tiêu chuẩn chung. Chúng được quy định dưới hình thức các văn bản pháp luật mang tính áp đặt kiểu như "muốn làm lãnh đạo hãy trở thành đảng viên", thể hiện công quyền và lợi thế cho các nhà quản lý, gây tổn hại nhân cách người lao động. Hơn thế, tư duy quản lý qua tiêu chuẩn hóa đã đẻ ra hệ thống các văn bản pháp quy phức tạp, chồng chéo và bộ máy quản lý và biên chế cồng kềnh, phình to và trì trệ.
Thực tế cho thấy việc sử dụng công cụ tiêu chuẩn hóa kiến thức và kỹ năng để nhà nước quản lý giáo dục tập trung đã không còn phù hợp với thời kỳ chuyển đổi sang thị trường. Sự phân hóa các cơ sở giáo dục là tất yếu và quá trình tiêu chuẩn hóa cần được tăng cường trong mỗi cơ sở để tạo ra phương pháp quản lý khoa học và hiệu quả. Đây là cách tiếp cận thị trường hóa để chuyển đổi giáo dục.
Cùng với việc cho phép thành lập có điều kiện mô hình giáo dục dân lập, tư thục thì chính sách học tập mất phí là bước chuyển đổi đột phá sang thị trường, đặc biệt đối với đào tạo chuyên môn và nghề nghiệp. Nhà nước kiểm soát nghiêm ngặt mức tăng học phí qua mỗi giai đoạn như khống chế mức trần, nhưng luôn là mức mà các cơ sở đào tạo công lập hướng đến, và đối với các trường tư thục được phép thu phí ở mức cao hơn. Mặc dù, mức học phí có kiểm soát như vậy không phản ánh cung cầu giáo dục, nhưng cũng đã dần tạo ra sự phân hóa các cơ sở giáo dục, đào tạo và làm thay đổi thái độ và hành vi của người dạy và người học, mối quan hệ giữa họ và giữa họ với các trường. Tuy nhiên, chuyển đổi giáo dục sang thị trường đòi hỏi thay đổi cơ bản về sở hữu, cơ sở vật chất và năng lực quản lý để tiến tới tự do hóa phí giáo dục đào tạo, học phí cũng như tiền lương giáo viên.
Tự chủ hóa các cơ sở đào tạo công lập là chính sách quan trọng khác chuyển đổi giáo dục sang thị trường. Các nhà hoạch định muốn duy trì mô hình các trường công lập, giảm dần cấp phát từ ngân sách nhà nước và đòi hỏi dần tự chủ tài chính. Trong quá trình thí điểm, nhiều trường đã cảm nhận khó khăn trước sức ép "tự kiếm sống", một số trường điểm có cơ sở vật chất và năng lực đã có khả năng thích ứng đang đòi hỏi quyền tự chủ lớn hơn, không chỉ tăng mức đóng học phí mà cả tổ chức và nhân sự. Ngoài ra, việc tổ chức mô hình "Hội đồng trường" như phương thức quản lý đã không thành công. Xung đột lợi ích ngày càng căng thẳng và những kẽ hở pháp luật ngày càng lớn để trục lợi, tham nhũng cũng như vi phạm dân chủ cơ sở.
Hai chính sách chuyển đổi giáo dục trên là điển hình cho chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực văn hoá, giáo dục và dịch vụ xã hội không mang tính chất kinh doanh. Chủ trương này ra đời vào cuối những năm 1980 và mang tính ứng phó. Giới lãnh đạo nói đó là sự lựa chọn khó khăn, nhưng cần thiết để tránh sụp đổ chế độ. Tuy nhiên, họ đã không lường được hậu quả bởi sự níu kéo. Trong những năm đầu Đổi mới, buộc phải từ bỏ kinh tế kế hoạch hóa tập trung để chuyển đổi sang thị trường, xóa bỏ bao cấp từ ngân sách nhà nước, thì chủ trương xã hội hóa được tiến hành như một sức ép đối với các cơ sở công lập tự kiếm sống. Tuy nhiên, thể chế chính trị đã không theo kịp, lạc hậu đã trở thành rào cản cho các chính sách chuyển đổi. Các nguồn lực công, tài sản công nhờ tăng trưởng nhanh đã không những không thúc đẩy tiếp tục cải cách mạnh mẽ theo hướng thị trường, mà trái lại để duy trì hệ thống chính trị phình to, kém hiệu quả và trở thành mảnh đất màu mỡ cho quan chức trục lợi, tham nhũng.
Giải pháp chính sách gỡ rối chuyển đổi giáo dục là cấp thiết nhưng thách thức. Đương kim Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo có thể phải rút kinh nghiệm từ người tiền nhiệm, trong đó là cần phải làm việc với hệ thống chính trị, với quyền lực tập trung như thế nào để tiếp tục tại vị. Tuy nhiên, thực tế cải cách quản lý giáo dục đang đòi hỏi phải thay đổi đột phá. Làm chính trị buộc các chính khách phải "khôn ngoan", nhưng sự lựa chọn còn phụ thuộc vào sự thông thái và bản lĩnh .
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 02/09/2021
Khi nhắc đến một Việt Nam tụt hậu về mọi mặt, lĩnh vực kinh tế thường được "đại diện" để đưa ra so sánh với các nước (một cách tự nhiên) bởi "bức tranh kinh tế" có những con số cụ thể và cũng là hình ảnh dễ hình dung thông qua đời sống xã hội. Trong khi đó các vấn đề quan trọng khác như môi trường, giáo dục, y tế... có một "gam màu" trừu tượng hơn. Ai cũng đồng ý rằng giáo dục rất quan trọng nhưng cần một cố gắng suy tư để nhận ra giáo dục là lĩnh vực quan trọng nhất, đặc thù nhất và quyết định vận mệnh của một dân tộc. Giáo dục như một dòng chảy mang theo tinh hoa tri thức làm gia tăng phẩm chất con người, gián tiếp tác động vào mọi mặt của đời sống xã hội.
Sống trong một đất nước bị cai trị bởi một chế độ tồi dở như chế độ cộng sản, người dân đã có những cuộc biểu tình lên án về các vấn đề quan trọng như : phản đối hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, hành động hủy hoại môi trường của các công ty hóa chất ; thậm chí bạo loạn chống đối trong các vụ chính quyền cho Trung Quốc thuê đất trọng yếu, luật đặc khu, cưỡng chế đất đai bất công… Tuy nhiên cho đến nay chưa có một sự phản đối mạnh mẽ nào dành cho những sai lầm, thất bại của chính quyền trong lĩnh vực giáo dục. Tiếng nói của các trí thức trong ngành giáo dục cũng chỉ dừng lại ở những góp ý hoặc hội thảo mà không đi đến được mục tiêu cuối cùng. Vai trò và tầm quan trọng thật sự của giáo dục đã không có được sự nhìn nhận đúng mức của toàn xã hội, từ chính quyền cho đến người dân và giới trí thức, trong đó có cả phần đông các nhà giáo.
Thực trạng của nền giáo dục hiện nay bi đát đến mức ai cũng thấy rõ, chính quyền thì bất lực và không thật tâm muốn tình hình tốt lên. Tình trạng còn trở nên tồi tệ hơn khi phần đông trí thức vẫn chưa dành một ưu tư đúng đắn và hiểu được tầm quan trọng của lĩnh vực giáo dục đối với quốc gia dân tộc. Những gì của nền giáo dục ngày nay, chỉ là kết quả của những thành tố tiêu cực từ di sản của lịch sử đến môi trường giáo dục độc hại dưới sự quản lý, kiểm soát của chính quyền độc đoán. Một thế hệ được đào tạo từ hệ thống giáo dục này sẽ là những công dân, là thế hệ nhà giáo nối tiếp, là những phụ huynh đã từng là sản phẩm của nó, tất cả tạo nên Một dòng chảy độc hại xuyên suốt, có tác động ít nhất thêm vài thế hệ.
Giáo dục Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Khổng Nho. Một mặt, ảnh hưởng này tạo được truyền thống hiếu học và xem trọng người thầy nhưng mặt khác, tạo nên môi trường giáo dục triệt tiêu sự sáng tạo và tự do.
Phiên bản của giáo dục Nho giáo
Ảnh hưởng lịch sử lâu dài của văn hóa Khổng Nho, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục có tác động sâu sắc. Một mặt, ảnh hưởng này tạo được truyền thống hiếu học và xem trọng người thầy nhưng mặt khác, tạo nên môi trường giáo dục triệt tiêu sự sáng tạo và tự do.
Phương pháp dạy học vẫn là truyền đạt một cách cứng nhắc và một chiều từ giáo viên xuống học sinh. Người học phải chấp nhận kiến thức được truyền thụ và không được quyền phản bác hay có suy nghĩ khách quan. Điều này tạo nên tâm lý cam chịu những gì được học, học sinh không có cơ hội để tư duy một cách độc lập về một vấn đề cụ thể trong chương trình học. Qua đó, triệt tiêu tính tò mò, khám phá và sáng tạo của học sinh.
Chương trình giáo dục với giáo trình, sách giáo khoa nặng lý thuyết, ít thời lượng cho các hoạt động thực hành khiến hiểu biết của học sinh chỉ giới hạn ở khả năng học vẹt, không có được trải nghiệm sâu sắc. Hạn chế này đưa đến hệ quả là học sinh dường như không có được những kỹ năng quan sát tìm tòi và giảm sự tự tin nhất định về những gì được học.
Bệnh thành tích trong hệ thống giáo dục không những làm giáo viên mệt mỏi mà còn gián tiếp ảnh hưởng và làm trầm trọng thêm tâm lý nặng thi cử cho người học. Thay vì tập trung vào chất lượng dạy và học, cả giáo viên lẫn người học tập trung vào điểm số ở các kỳ thi. Điều này đưa đến sự lệch lạc trong mục tiêu giáo dục, để rồi người học chỉ hướng đến thành tích hơn là thực học, hướng đến mưu cầu tiến thân thông qua bằng cấp hơn là phát triển toàn diện bản thân để phục vụ xã hội.
Những vấn đề ở trên cho thấy, hiện nay chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ trong văn hóa giáo dục, vẫn duy trì tâm lý độc hại về ý nghĩa, mục tiêu của nền giáo dục đối với mỗi cá nhân người học, người dạy học và toàn bộ hệ thống giáo dục.
Một nền giáo dục phản giáo dục
Thực trạng nền giáo dục hiện nay nguy hại và có tác động tiêu cực lên thế hệ trẻ hơn những gì chúng ta thấy. Môi trường giáo dục - nơi nuôi dưỡng và đào tạo trẻ từ tri thức đến tâm hồn – đã là nơi để xảy ra những vấn nạn có tác động tiêu cực đến tâm lý và nhân cách của thế hệ trẻ: bạo lực học đường giữa học trò với học trò, giữa thầy cô và học trò. Thầy giáo xâm hại tình dục học sinh, sinh viên; gian lận thi cử, gian lận thành tích.
Nền giáo dục cho đến nay vẫn chưa có triết lí giáo dục phù hợp, để rồi trải qua nhiều thay đổi và cải cách nhưng cho đến nay vẫn trong vòng luẩn quẩn. Không có triết lí giáo dục giống như con thuyền không có la bàn khi lênh đênh giữa biển khơi, một nền giáo dục không biết đào tạo ra con người sẽ như thế nào, phương pháp dạy học nào phù hợp và mục đích của giáo dục là gì?!
Cuộc cạnh tranh khốc liệt nhất để đảm bảo chỗ đứng của các dân tộc trên thế giới hiện nay chính là lĩnh vực giáo dục.
Chương trình dạy học nặng về lý thuyết và chú trọng kiến thức tổng quát cho thi cử, không chú trọng đến phát triển thể chất, sức khỏe tinh thần và nhân cách của người học. Không xét đến sự khác nhau về hoàn cảnh và tâm lý của mỗi cá nhân học sinh để có phương pháp và giáo trình phù hợp với khả năng tiếp thu, văn hóa giao tiếp thầy - trò mang tính áp đặt khiến người học thụ động, quan điểm đánh giá chung và cứng nhắc làm nhiều học sinh bị bỏ lại phía sau mà không có được sự giúp đỡ cần thiết. Điều kiện cơ sở hạ tầng phát triển không đồng đều giữa địa phương này với địa phương khác trong khi tiêu chuẩn đánh giá thì như nhau.
Không có được những kỹ năng cơ bản như bơi lội cùng với không gian cho vui chơi an toàn bên ngoài nhà trường đã là nguyên nhân chính gây ra hơn 2000 ca tử vong do đuối nước hàng năm ở trẻ em. Không có được sự kết nối hướng dẫn từ nhà trường đến gia đình đã để lại một khoảng trống lớn trong công tác giáo dục nhân cách, khiến cho những người trẻ dễ bị cuốn vào các suy nghĩ xấu, nguy cơ dẫn đến các hành động vi phạm pháp luật.
Tham nhũng trong ngành giáo dục thể hiện ở nhiều vấn nạn, trong đó có việc rút ruột từ đầu tư cơ sở hạ tầng làm giảm chất lượng công trình, không ít sự việc đau lòng từ sự xuống cấp của cơ sở vật chất làm thiệt mạng nhiều học sinh, sinh viên. Nhà trường đã không còn là nơi an toàn đối với các người học, thậm chí là tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, tệ nạn.
Những đợt cải cách liên miên, kéo dài cho đến nay chỉ làm hệ thống giáo dục thêm rối ren và sinh ra nhiều bất cập, tiêu cực. Ngân sách chi tiêu cho giáo dục hàng năm và cả những đợt cải cách rất tốn kém. Tham nhũng và lợi ích nhóm trong ngành đã gây ra sự lãng phí vô cùng lớn không những cho ngân sách, sự móc nối để toan tính trục lợi từ việc bán các dụng cụ dạy, học và sách giáo khoa cũng làm tiêu tốn tiền bạc của mỗi gia đình có con em đi học. Các khoản chi phí học tập như sách vở, dụng cụ học tập, đồng phục... nhiều gấp 2,5 lần học phí đã khiến việc đầu tư giáo dục trở thành một gánh nặng cho gia đình, dẫn đến tình trạng bỏ học ở trẻ.
Theo một nghiên cứu với sự tham gia của UNICEF có tên gọi "Nguyên nhân bỏ học của trẻ em Việt Nam" thì có đến 24% trẻ em bỏ học khi chưa đến tuổi 15 và chỉ hơn 46% trẻ em tiếp tục vào trung học phổ thông. Các chỉ số này lớn hơn ở các bé nữ do tâm lý trọng nam khinh nữ trong xã hội và càng trầm trọng hơn ở những vùng sâu vùng xa nghèo khó tập trung đồng bào dân tộc thiểu số, ở những nơi này hoàn cảnh mà cha mẹ các bé xem "miếng ăn" gia đình quan trọng hơn "cái chữ" của con.
Nghề giáo viên được xem là nghề cao quý nhất, nghề giáo đòi hỏi sự chuẩn mực về đạo đức, dành nhiều tâm trí và cả sự nhiệt huyết. Nghề giáo viên cũng là nghề tạo thu nhập chính cho nhà giáo nên với mức lương rất thấp như hiện nay, giáo viên không đủ để trang trải cuộc sống và chăm lo cho gia đình. Khó khăn về cuộc sống đã khiến nhiều giáo viên không còn tâm huyết với nghề, thậm chí bất mãn với hệ thống quản lý và từ đó sinh ra nhiều tiêu cực như dạy thêm, mua bán điểm.
Giáo viên phải thích nghi với giáo trình, thụ động với phương pháp giảng dạy. Điều kiện cơ sở vật chất không theo kịp đòi hỏi của giáo trình, ảnh hưởng của văn hoá địa phương là một rào cản. Giảng dạy với giáo trình theo khuôn mẫu cùng tiêu chuẩn đánh giá khiến người dạy dần hình thành tâm lý độc đoán và áp đặt, dễ sinh ra phản ứng tiêu cực khi có phát biểu trái ngược từ người học dù đó là một nhu cầu bản năng với một đòi hỏi tự nhiên từ tâm thức người học.
Chất lượng cuộc sống và hình ảnh suy giảm của nghề giáo cũng đưa đến một tâm lý nhức nhối trong xã hội, thế hệ trẻ cùng gia đình ngày càng không xem trọng nghề giáo khiến số lượng tuyển sinh ít và chất lượng thí sinh vào các ngành sư phạm ngày càng thấp. Điều kiện cơ sở đào tạo nghèo nàn và thiếu thốn cũng đưa đến một thế hệ sư phạm càng về sau càng suy giảm về phẩm chất và năng lực. Cơ cấu đào tạo sư phạm cũng chỉ tập trung vào kiến thức phổ thông mà chưa chú trọng đến nhân lực cho mảng phát triển phẩm chất người học, khiến hệ thống giáo dục thiếu trầm trọng các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, thể chất, tinh thần cho học sinh.
Nhà trường thay vì là nơi trẻ phát triển về mọi mặt và là nơi phụ huynh gởi gắm sự kỳ vọng, thì nay đã biến thành một nơi không những là nỗi ám ánh của học sinh mà còn là gánh nặng đối với phụ huynh. Những buổi họp lớp định kỳ trong năm thay vì chú trọng sự kết nối của nhà trường để gia đình nắm được tình hình học tập của con em, thì đã biến thành không gian để phía nhà trường gây áp lực về các khoản đóng góp vô lí, thiếu minh bạch. Một môi trường giáo dục không những học sinh chán ghét mà phụ huynh cũng cảm thấy bất mãn.
Một nền giáo dục khai phóng chỉ có thể tồn tại và phạt huy được hiệu quả dưới một chế độ chính trị dân chủ đa nguyên, là một chế độ tôn trọng con người ở mức cao nhất.
Không có lối thoát cho vòng luẩn quẩn
Di sản từ văn hóa Khổng Nho vốn đã nặng nề, ảnh hưởng không những trong lĩnh vực giáo dục mà còn là vấn đề của tâm lí xã hội. Dưới sự quản lý và điều hành của chế độ cộng sản, di sản và tâm lí độc hại đó như tìm thấy một môi trường không thể thuận lợi hơn để trở nên độc hại hơn.
Giáo dục chỉ có thể thay đổi tốt lên khi được cởi trói cùng với một nỗ lực cải cách triệt để toàn bộ hệ thống, để làm được điều này, điều tiên quyết là phải có sự thay đổi về thể chế chính trị.
Giáo dục đúng nghĩa là môi trường tạo ra con người tự do để làm điều tốt, theo lẽ phải và dạy cho con người có đủ kỹ năng, kiến thức và phẩm chất phù hợp với hoàn cảnh, nhu cầu phát triển xã hội. Điều này thật trớ trêu, lại là cấm kỵ đối với một chế độ độc tài như chính quyền cộng sản Việt Nam, chính quyền này không muốn một xã hội có những con người tự do, sâu xa hơn, chính quyền không có lẽ phải và không thể có điều đó. Một cách kiên quyết và không giấu giếm, đảng cộng sản thông qua Bộ Chính trị đã đưa ra Nghị quyết 142 đối với các cơ sở Đại học và Cao đẳng nhằm nhấn mạnh mục tiêu giáo dục : Phải tạo ra những con người "tuyệt đối trung thành với Đảng, với giai cấp công nhân, với dân tộc". Một mục tiêu giáo dục vừa khiên cưỡng vừa lố bịch.
Mâu thuẫn giữa nỗ lực cải cách giáo dục và rào cản không thể xóa bỏ của chính quyền đã tạo nên một vòng luẩn quẩn không hồi kết, điều mà chính quyền nhận thức được nhưng cũng như đa số người dân, họ không hiểu được vai trò tiên quyết của giáo dục đối với mỗi quốc gia. Để rồi, lĩnh vực quan trọng bậc nhất này chỉ nhận được sự thờ ơ đối với các vấn nạn nhức nhối, thảm trạng này chưa đánh thức được lương tri xã hội, thay vào đó chỉ có sự tháo chạy của một bộ phận nhỏ những người có điều kiện để đưa con cái đi du học.
Tương lai nào cho giáo dục Việt Nam ?
Đất nước dưới sự cai trị của chế độ độc tài là một nhà tù lớn, thì giáo dục dưới sự quản lý của chính quyền cộng sản trong một xã hội vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Khổng Nho là một nhà tù nhỏ. Không có tương lai nào cho giáo dục chừng nào đất nước chưa thoát được sự cai trị độc đoán của chính quyền cộng sản và do chúng ta chưa nhận thức được ý nghĩa to lớn của giáo dục.
Con người là thành tố quan trọng nhất, quyết định mọi vấn đề của xã hội trong đó có kinh tế. Một nền giáo dục tốt tạo ra những con người tốt, khai phóng nguồn nhân lực chất lượng, tham gia vào xây dựng các thành tố quan trọng để phát triển kinh tế.
Kinh tế phát triển sẽ tạo ra nguồn lực để tái đầu tư lại không những cho lĩnh vực giáo dục mà còn y tế, công nghệ và các lĩnh vực khác. Như vậy, giáo dục đóng vai trò tiên quyết và quan trọng trong tiến trình phát triển của một quốc gia.
Đất nước không thể phát triển và còn tụt hậu chừng nào giáo dục chưa được cởi trói, một logic cần thấy ngay rằng, tương lai của giáo dục cũng là tương lai của một Việt Nam dân chủ tự do.
Những chuyển biến và đổi thay của thế giới trong 100 năm qua, đặc biệt là sau các cuộc cách mạng công nghiệp đã giúp nhân loại nâng cao được năng lực sản xuất, cải thiện rõ rệt đời sống con người. Bên cạnh đó, cách mạng công nghiệp với các thành quả tích cực cũng mang đến những hệ lụy tiêu cực, tạo ra nhiều thách thức toàn cầu về ô nhiễm môi trường sống và biến đổi khí hậu. Đại dịch Covid-19 bắt đầu từ đầu năm 2020 kéo dài cho đến nay (những ngày cuối tháng 7 năm 2021) nhưng hiện tại vẫn là thảm họa toàn cầu và ngày càng tồi tệ cho dù đã có vaccine, đây một thách thức mới cho cả nhân loại. Xu hướng toàn cầu hóa đã mang con người đến gần nhau hơn, mối liên đới trong một vận mệnh chung của nhân loại càng trở nên rõ ràng và ràng buộc hơn, các dân tộc ở mỗi quốc gia khác nhau dù muốn hay không cũng phải chia sẻ một tương lai chung.
Dân tộc Việt Nam trong một nỗ lực lớn lao nhất từ trước đến nay, đang đấu tranh thay đổi chế độ độc tài để thiết lập một quốc gia dân chủ tự do trong tình cảnh tụt hậu về mọi mặt. Dù tình cảnh hiện nay thật sự bi đát nhưng với niềm tin vào con người Việt Nam hiếu học, nếu được đào tạo từ một nền giáo dục khai phóng sẽ mang đến cho dân tộc cơ hội lớn để phát triển mạnh mẽ. Trong nỗ lực vươn lên đó, nền giáo dục với vai trò tiên quyết, phải dứt khoát tôn vinh các giá trị tiến bộ, để tầng lớp công dân mới sau này có được chỗ đứng quan trọng cùng với các nước phát triển, góp phần xây dựng các hệ giá trị tiến bộ cũng như giải quyết các thách thức chung của nhân loại.
Có như vậy, chúng ta không những có được thế hệ công dân tốt để xây dựng một nền tảng xã hội tiến bộ, văn minh mà còn tranh thủ được sự ủng hộ và hợp tác của các nước phát triển hàng đầu - những nước cùng theo đuổi các giá trị tiến bộ - để nhanh chóng đưa đất nước ra khỏi tụt hậu và mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc.
Kỷ Nguyên
(1/8/2021)
Tăng học phí làm rảo cản học sinh vào đại học
Truyền thông Nhà nước Việt Nam đồng loạt đăng tải phát biểu của Đại biểu quốc hội - Giáo sư Lê Quân tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, diễn ra vào sáng ngày 25/7.
Giáo sư Lê Quân phát biểu tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, diễn ra vào sáng ngày 25/07/2021. Ảnh chụp màn hình Lao Động online 25/07/2021
Hiện là Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Lê Quân kiến nghị cần phải đảm bảo học phí cũng là rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào đại học và trở thành "học đại". Đồng thời, Đại biểu quốc hội Lê Quân cũng nhấn mạnh rằng cần có chính sách thật tốt để con em nhà nghèo, học giỏi có thể tiếp cận được học bổng, đảm bảo quyền học đại học.
Mặc dù vậy, đề nghị vừa nêu của Đại biểu quốc hội vấp phải nhiều lời phê phán và chỉ trích từ dư luận.
Đài RFA ghi nhận qua trang fanpage của báo giới chính thống trong nước, rất nhiều ý kiến cho rằng phát biểu của Đại biểu quốc hội Lê Quân không đại diện cho tiếng nói của người dân. Đề nghị lấy học phí làm rào cản kỹ thuật là không hợp lý.
Bạn trẻ Minh Nguyễn, vào ngày 26/7, chia sẻ với RFA suy nghĩ cá nhân sau khi đọc được thông tin về phát ngôn của Đại biểu quốc hội Lê Quân :
"Theo em thấy đề xuất tăng học phí đối với sinh viên thì không được hợp lý và cũng không được hợp tình. Tại vì nhiều gia đình có thu nhập dưới trung bình và ví dụ như có đông con nữa thì khi tăng học phí sẽ làm cho các gia đình đó lâm vào hoàn cảnh khó khăn hơn nữa. Với lại, tăng học phí sẽ làm cho các bạn trẻ nhà nghèo mà hiếu học bị mất cơ hội vào đại học".
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng cũng chia sẻ quan điểm của ông trên tài khoản Facebook về đề nghị gây tranh cãi của Đại biểu quốc hội Lê Quân.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, người từng có đóng góp cho ngành giáo dục Việt Nam trong hơn 20 năm qua, cho rằng Đại biểu quốc hội Lê Quân là một vị lãnh đạo của một trường đại học được xếp vào hàng lớn nhất tại Việt Nam mà có ý nghĩ với đề xuất như vậy thì gây nên sự kinh ngạc trong giới chuyên môn. Trao đổi với RFA vào tối ngày 26/7, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nhấn mạnh :
"Tôi nhìn thấy rất rõ ông Đại biểu quốc hội này có tư duy của thời đại tư bản hoang dã. Tôi không thể ngờ được trong thời đại bây giờ, ngay năm 2021, mà một vị Giám đốc của một trường đại học và là Đại biểu quốc hội lại có tư duy giáo dục kiểu như vậy ? Nói thật, tôi cũng thấy cộng đồng mạng chỉ trích gắt gao phát biểu này. Thật là ngoài sự tưởng tượng của chúng tôi".
Dư luận chỉ trích nặng nề
Facebooker Thái Hạo, đăng tải ý kiến liên quan đề xuất lấy học phí làm rào cản vào đại học của Đại biểu quốc hội Lê Quân. Bài viết của ông Thái Hạo được lan tỏa trên cộng đồng mạng tại Việt Nam với sự đồng thuận rằng vấn đề của giáo dục không phải là "cản" người ta đi học, mà là chọn lựa.
Facebooker Thái Hạo viết, chúng tôi xin được trích nguyên văn :
"Ngành giáo dục phải thiết kế ngành giáo dục sao cho chọn được người giỏi và đào tạo ra người giỏi chứ không phải chỉ là lấy đủ chỉ tiêu về số lượng. Dùng tiền để "cản", không cho họ "lao vào đại học" là một hạ sách cực kỳ nguy hiểm, vì nó hoàn toàn bỏ quên các yếu tố và mục đích khác – trong khi, đó lại là những mục đích quan trọng nhất của ngành này".
Facebooker Thái Hạo kết luận ý kiến của ông qua chia sẻ :
"Tình yêu với tri thức và những giấc mơ tinh thần cao đẹp của con người với "giáo đường của tri thức" sẽ bị hủy hoại bởi cái quan niệm này của một lãnh đạo đang nắm giữ linh hồn một đại học lớn nhất nước".
Một ngày sau khi phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, Đại biểu quốc hội Lê Quân, vào hôm 26/7, có cuộc trao đổi với báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Giáo sư Lê Quân giải thích rõ thêm cho đề nghị của ông trước Quốc hội rằng chính sách học phí đại học hiện nay có nhiều bất cập vì vậy chất lượng đào tạo giảm sút. Cho nên, để nâng cao chất lượng đại học thì cần phải điều chỉnh chính sách học phí và hoàn thiện chính sách hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học tốt.
Giáo sư Lê Quân còn khẳng định rằng những quy định về miễn giảm học phí, cấp học bổng cho các đối tượng hiện tại đã khá "lạc hậu" so với thị trường và mức thu nhập chung của xã hội. Do đó, Giáo sư Lê Quân cho rằng cần bàn thảo giải pháp để giải quyết các bất cập này hơn là tranh luận xem học phí phải ở mức cao hay thấp.
Trong khi đó, sinh viên Minh Nguyễn hiện đang du học tại Hoa Kỳ lên tiếng với RFA rằng bạn là một trong những người may mắn, có điều kiện về tài chính để theo đuổi giấc mơ học hành. Bạn trẻ Minh Nguyễn nói với RFA rằng Chính phủ Mỹ và nhiều trường đại học ở Hoa Kỳ hỗ trợ cho sinh viên bằng cách cắt giảm học phí và các khoản vay mượn đóng học phí của sinh viên để họ có thể phần nào giảm bớt khó khăn trong đại dịch Covid-19.
Bạn trẻ Minh Nguyễn cho là học sinh, sinh viên tại Việt Nam đang hằng mong đợi những Đại biểu quốc hội như Giáo sư Lê Quân đưa ra đề xuất giảm học phí, hay thậm chí miễn học phí trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành nghiêm trọng trên cả nước.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng bày tỏ với RFA rằng ông không mấy lạc quan về vấn đề học phí của học sinh, sinh viên :
"Tôi còn nghe về học phí ở Việt Nam càng ngày càng tăng. Tôi cũng còn nghe thông tin hình như có dự định tăng học phí ở các trường công. Cho nên là trường công là hệ thống trường được xây dựng và được điều hành từ tiền thuế của dân, thì bây giờ họ lại vơ vét thêm tiền của dân cho ngành giáo dục. Việc này đi ngược lại tất cả các tuyên bố chính thức là tận lực lấy ngân sách quốc gia cho giáo dục. Do đó mà Việt Nam ngày càng có chuyển biến trong ngành giáo dục càng tệ hại, biến thành một công cụ của một nhóm thiểu số trong khi chất lượng và nội dung đào tạo không có gì thay đổi. Lấy trường học, đặc biệt các trường đại học là cái chỗ để vơ vét thêm tiền. Cho nên nó trở thành công cụ lấy thêm tiền của dân, chứ không phải là chỗ để giáo dục dân".
Hồi trung tuần tháng 4/2021, báo giới quốc nội cho biết nhiều trường đại học tại Việt Nam ra thông báo áp dụng tăng mức thu học phí mới, thậm chí gấp đôi mức học phí hiện hành.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, kết thúc cuộc trò chuyện với RFA bằng câu nói ngậm ngùi "Ngành giáo dục ở Việt Nam không những đi lạc đường mà còn đi ngược đời hết".
Nguồn : RFA, 26/07/2021
Hô hào ‘học thật, thi thật, nhân tài thật’ khi không thể nói thật ?
RFA, 12/05/2021
Ngành giáo dục phải thực hiện các nhiệm vụ ‘học thật, thi thật và nhân tài thật’... Tân Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đưa ra yêu cầu vừa nêu khi làm việc với Bộ Giáo dục Đào tạo mới đây.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Bộ Giáo dục và đào tạo. Courtesy chinhphu.vn
Theo ông Chính, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực liên quan tới toàn dân, mọi gia đình, luôn nhận được sự quan tâm của cả nước do đó cần thiết phải ‘học thật, thi thật, nhân tài thật’.
Điều vị lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nêu lên không phải là mới khi bệnh thành tích vẫn đeo bám ngành giáo dục nhiều chục năm nay. Vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục nào khi lên đảm nhận chức vụ cũng kêu gọi ‘nói không với bệnh thành tích’ nhưng sau đó bệnh lại nặng thêm.
Liệu làm thế nào để 'học thật, thi thật, có nhân tài thật' như lời Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính khi những người dám nêu lên sự thật có thể bị trù dập, đuổi việc, thậm chí có người còn có thể phải vướng vòng lao lý ?
Trao đổi với RFA từ Nha Trang hôm 12/5, nhà báo Võ Văn Tạo cho biết :
"Khi thấy truyền thông đăng tin Thủ tướng Phạm Minh Chính khuyến cáo ngành giáo dục ‘học thật, thi thật, nhân tài thật’ thì không chỉ cá nhân tôi mà nhiều người trên cộng đồng mạng cũng rất ngạc nhiên. Làm tôi nhớ câu nói của một ông gộc nhất phong trào cộng sản quốc tế đó là Mikhail Gorbachev, Tổng bí thư cuối cùng Đảng cộng sản Liên Xô. Ổng nói cả đời phấn đấu cho cộng sản và cuối đời nhận ra cộng sản chỉ biết tuyên truyền, dối trá. Tôi gần 70 tuổi, sống rất lâu với cộng sản, tôi thấy thấm thía câu đó".
Tức là, theo nhà báo Võ Văn Tạo, các nước cộng sản hay tuyên truyền không đúng sự thật, chuyện đấy là có. Ông cho biết giáo dục cũng thế, bản thân ông cũng từng là nạn nhân của bệnh thành tích. Ông Tạo khi ở quê nhà Nam Hà, vì phong trào hai tốt ‘dạy tốt, học tốt’ mà ông lại giỏi văn, nên đã bị đi tập trung mấy tháng trời chỉ để học môn văn làm ‘gà nòi’ thi quốc gia, còn các môn khác thì bỏ. Ông nói tiếp :
"Bệnh thành tích trong giáo dục Việt Nam chắc phải nửa thế kỷ và ngày càng nặng, đến nỗi học sinh lớp 6 mà chưa đọc viết rành được, đó là học không thật. Còn thi cử thì ném bài, đề bài mẫu, đủ trò hết. Thậm chí Nhà giáo Đỗ Việt Khoa ở Thường Tín - Hà Nội đã khốn khổ vì chuyện này, thầy muốn phản ánh chuyện thi gian lận, muốn có kỳ thi thật. Ông Nguyễn Thiện Nhân hứa gỡ rắc rối cho Thầy Khoa nhưng có làm được đâu, trong khi ông Nhân hồi đó cũng nêu là ‘học thật’. Ngành giáo dục cũng đã từng cố làm, nhưng kết quả mà xuống thì lại sợ".
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng nếu làm như vậy thì không thể nào chống bệnh thành tích trong giáo dục. Và từ học không thật thì làm sao có nhân tài thật :
"Ở một chế độ mà người ta lấy nói dối thành tích làm cơ bản, thì tôi nghĩ không thể nào yêu cầu ngành giáo dục làm việc đó được. Tôi từng viết trên Facebook ‘Liệu có thể học thật, thi thật khi cứ thù ghét và bỏ tù người nói thật’. Đó là thực tế tại Việt Nam, bạn tôi rất nhiều trí thức lên tiếng nói thật thì bị ghép tội tuyên truyền cống nhà nước thế nọ thế kia. Cái đó là rất dở, làm như thế thì đất nước sẽ mãi bị kìm hãm".
Không chỉ Thầy Đỗ Việt Khoa gặp rắc rối khi tố cáo tiêu cực. Trong ngành giáo dục, nhiều giáo viên khi tố cáo sai phạm của hiệu trưởng cũng bị trù dập, cho nghỉ việc. Mới nhất là trường hợp Cô P. N. T., giáo viên trường Trung học Cơ sở Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, vào tháng 5 năm 2020 đã phải gởi thư kêu cứu khắp nơi về việc cô bị trù dập, kỷ luật bằng hình thức cho thôi việc. Nguyên nhân vì cô đã công khai tố cáo Ban Giám hiệu ra lệnh nâng điểm thi học kỳ môn Địa lý Khối 7 để chạy đua thành tích và trục lợi. Tuy nhiên cho đến nay, cô T vẫn chưa được giải quyết vụ việc.
Trước đó, cũng từng xảy ra vụ việc tương tự kéo dài nhiều năm ở tỉnh Phú Yên. Đó là trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Minh Đệ, giảng dạy môn hóa học tại Trường Trung học phổ thông chuyên Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên. Cô Đệ phát hiện nhiều sai phạm ở trường, đã viết đơn tố cáo chống tiêu cực gửi đến ông Nguyễn Văn Tá - Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Phú Yên, yêu cầu giải quyết và xử lý tiêu cực. Nhưng cô không được giải quyết, mà ngược lại, ông Tá còn chỉ đạo lãnh đạo trường xử lý kỷ luật cô Đệ với nhiều hình thức khác nhau và cuối cùng là đuổi cô Đệ ra khỏi trường không cho dạy học.
Thầy Đỗ Việt Khoa ở huyện Thường Tín, Hà Nội, nhận định với RFA hôm 12/5 :
"Theo tôi thì mong muốn học thật thi thật của Thủ tướng thì ai cũng muốn thế, chứng tỏ Thủ tướng cũng quan tâm đến giáo dục. Thế nhưng thật sự mà nói thì một mình Thủ tướng không thể làm được. Bời vì ngành giáo dục xưa nay vốn là một hệ thống quản lý phức tạp qua nhiều tầng, từ Trung học cơ sở trở xuống do huyện quản lý, Trung học phổ thông và Cao đẳng thì do tỉnh quản lý, Bộ giáo dục chỉ quản lý vài trường đại học, còn một loạt đại học khác thuộc các bộ khác. Nó rất phức tạp nên cái lề lối gian lận vẫn cứ còn, dù không ném bài nhưng họ vẫn có cách khác như nâng điểm, cứ đậu đại học thì sẽ tốt nghiệp không thanh lọc ở đại học như một số nước khác".
Vì vậy, theo Thầy Khoa, muốn làm được phải có sự đồng bộ từ trên xuống dưới, phải có người Bộ trưởng cứng rắn, lãnh đạo các tỉnh cũng phải nghiêm khắc, thầy cô trên cả nước cũng phải đồng lòng, phụ huynh phải chấp nhận... Thế thì theo thầy Khoa, nó phụ thuộc quá nhiều nguồn, cho nên nó phụ thuộc toàn xã hội có làm quyết liệt hay không ?
Không chỉ ngành giáo dục, những ngành khác cũng xảy ra tương tự. Như trường hợp ông Lương Xuân Bình từng là Phó ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hà Nội - MRB. Vào năm 2017, ông Bình khi còn đương chức đã tố cáo có nhiều sai phạm xảy ra tại dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - ga Hà Nội.
Vụ việc sau đó được đưa lên Thanh tra Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo để làm rõ. Đến cuối năm 2020, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra số 2234 cho biết nhiều tố cáo của ông Bình là có cơ sở. Thay vì được phục chức, bố trí lại vị trí công tác phù hợp theo đề nghị từ Thanh tra Chính phủ, ông Bình lại bị phân công làm viên chức văn phòng, không đúng chuyên môn của ông.
Từ Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, khi trả lời RFA hôm 12/5 nhận định :
"Những điều mà ông Chính nêu lên về học thật, bằng thật, nhân tài thật là có lý. Tôi ủng hộ ý đấy, nhưng phải làm gì với ý đấy chứ không phải nói suông. Để mà yêu cầu như vậy, ông Chính cũng phải đi tới những sự thật xung quanh ông ấy, để có một cái thoát xác... trên cơ sở đấy để mà có những chủ trương thích hợp với những gì mình nói. Chứ chỉ nói ra là không đủ. Trọng cũng nói nhiều, Phúc, Dũng cũng vậy. Nhưng nếu bây giờ muốn như ông Chính từng nói chính phủ này là chính phủ hành động, thì trước hết phải đổi mới mình. Có như vậy mới có hành động đúng và tốt".
Thầy Đỗ Việt Khoa cho biết, thầy chưa bao giờ thấy những vị lãnh đạo trả thù, vùi dập người tố cáo mà bị xử lý thích đáng. Theo Thầy Khoa các cấp chính quyền bao che bưng bít cho nhau, và ông cũng nhận thấy hiếm khi nào người đứng đầu quốc gia lên tiếng trừng phạt những người chuyên quyền đã vùi dập người đấu tranh tố cáo.
Nguồn : RFA, 12/05/2021
**********************
Mai Lan, VNTB, 13/05/2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Bộ Giáo dục và đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành.
Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực liên quan tới toàn dân, mọi gia đình, luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi của cả nước. Nhấn mạnh yêu cầu "học thật, thi thật, nhân tài thật", Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu đánh giá tổng thể, toàn diện, thẳng thắn về tình hình thực hiện, kết quả thành tựu, mặt chưa được để rút kinh nghiệm, chỉ ra nguyên nhân, giải pháp.
Theo tường thuật của báo chí, về giải pháp, Thủ tướng cho rằng cần có tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận, giải quyết các vấn đề, đổi mới tư duy quản lý, tư duy giáo dục, chủ động, tích cực, sáng tạo, bám sát các nghị quyết , Luật giáo dục. Tự lực, tự cường vươn lên từ nội lực, không trông chờ ai làm thay. Làm việc thực chất, chống bệnh hình thức, tránh phô trương, không chủ quan, thỏa mãn.
Cách đây 25 năm giáo sư Hoàng Tụy, giáo sư Phạm Việt Hưng đã có những bài báo phân tích lối dạy toán và học toán của thời đó là một sự nguy hại đánh mất tư duy của học sinh ; biến học sinh thành những thợ giải toán chứ không phải học toán để có óc suy luận, phân tích. Nhưng sau 25 năm cách dạy ấy có vẻ như chưa thay đổi nhiều.
Đó phải chăng là cách dạy ‘không thật’, bởi dạy không nhằm đến việc ‘học để biết ứng dụng’, mà là chỉ nhằm để giải toán cho điểm số thật cao ở các kỳ thi cử.
Người thầy khó thể ‘dạy thật’ cho học trò phổ thông, vì chính những người thầy này lúc còn ở giảng đường đại học, chính họ cũng không được tiếp nhận những kiến thức của sự tự do học thuật, nên với ‘kiến thức đóng khung’, đến lượt mình, họ cũng chỉ được quyền truyền đạt lại cho các thế hệ học trò những nội dung được ‘phê duyệt’ của chương trình hàng năm.
Một thầy giáo dạy văn cấp 3 xuất thân từ khoa Ngữ văn của Đại học Tổng hợp, chứ không phải từ trường sư phạm, nói rằng hồi ông được giáo sư Hoàng Như Mai bình giảng về thơ Quang Dũng, thơ Hữu Loan và cả thơ Tố Hữu, ông rất thấm thía việc giáo sư Hoàng Như Mai chia sẻ, rằng người lính cầm súng không mấy ai luôn có Đảng, có Bác Hồ trong trái tim như Tố Hữu – mà người lính chiến đấu với mong mỏi mau hết chiến tranh để họ có thể trở về nhà, nơi mà họ cứ "đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm" như Quang Dũng, hay Hữu Loan tức tưởi với "Màu tím hoa sim" để khóc người vợ hiền Lê Đỗ Thị Ninh bé bỏng chiều quê, Nhưng không chết người trai khói lửa/ Mà chết người gái nhỏ hậu phương…
"Tôi muốn chia sẻ những bi thương ấy của chiến tranh ở thơ Quang Dũng, thơ Hữu Loan trong tiết văn học sử cách mạng lắm chứ. Tôi muốn nói với học trò của mình, rằng "Màu tím hoa sim" mang một nỗi ám ảnh khôn nguôi của cả dân tộc Việt về chiến tranh, về những bi kịch trong ý thức hệ… Điều đó lý giải vì sao bài "Màu tím hoa sim" ngay từ khi đất nước còn bị chia cắt, đã được độc giả cả hai miền Bắc-Nam cùng yêu thích…
Tôi rất muốn nói với học trò mình rằng nếu mai này các em yêu thương ai đó, các em hãy yêu bằng trọn vẹn trái tim, đừng bắt chước Tố Hữu nịnh nọt trơ trẽn, Trái tim anh đó/ Rất chân thật, chia ba phần tươi đỏ :/ Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều/ Phần cho thơ, và phần để em yêu…
Thế nhưng tôi biết mình không được cái quyền ấy, vì thơ văn cách mạng luôn mặc định như Tố Hữu tụng ca kiểu "Chào Xuân 67", Cám ơn Đảng đã cho ta dòng sữa/ Bốn nghìn năm chan chứa ân tình…" – ông thầy giáo tự sự chuyện mấy mươi năm qua ông đã không được quyền ‘dạy thật’ về văn chương.
Mai Lan
Nguồn : VNTB, 13/05/2021
*********************
Thanh Bình, VNTB, 12/05/2021
Quan điểm nổi tiếng trong nhiều thập niên "Sách giáo khoa là pháp lệnh " đã biến giáo viên thành người tuyên truyền cho những cuốn sách giáo khoa do người khác viết, để bắt học sinh học thuộc lòng những trang sách vô hồn.
Những ai từng là giáo viên của những năm 80, 90 thế kỷ 20 chắc hẳn không quên được câu nói "Sách giáo khoa là pháp lệnh ".
Hồi đó, mấy lãnh đạo về thanh tra nhà trường, kiểm tra, dự giờ giáo viên hoặc chỉ đạo chuyên môn thường hay có mấy câu chỉ đạo cửa miệng luôn được nhắc đi nhắc lại : Sách giáo khoa là pháp lệnh ; Phải bám sát sách giáo khoa khi lên lớp (mỗi lần nghe câu này, ắt hẳn nhiều thầy cô giáo trẻ khi ấy lại liên tưởng đến hình ảnh con thằn lằn bám vào vách tường) ; Phải thực hiện đủ 5 bước lên lớp, không được thiếu bước nào (chắc là bước thiếu một bước hụt chân té lăn quay) ; Giáo án không có ngày soạn là không đảm bảo tính chuyên môn (Ủa… giáo án người ta soạn lúc nào chả được, miễn là trước khi lên lớp là ‘Ok’ rồi, không lẽ phải chọn ngày tốt mới được soạn hay sao ?)…
Một cô bạn là giáo viên môn sử kể rằng ‘anh xã’ của cô (cả hai đều là bạn cùng khóa đại học với người viết) dạy vật lý. Lần nọ đứa con của hai vợ chồng nhà giáo này thắc mắc, làm sao mà ‘anh Lê Văn Tám’ bị lửa đốt cháy mà anh không bị phỏng rát để có thể chạy một mạch từ ngoài cổng kho đạn Thị Nghè vào bên trong để đốt như… ‘má dạy’ ?
Lập tức, anh chồng là thầy giáo dạy vật lý, ‘méo mó’ nghề nghiệp giảng cho cậu con trai về nhiệt độ cháy của xăng dầu, những phản xạ tự nhiên của cơ thể người khi gặp nguồn nhiệt đột ngột, cả về khả năng chạy với tốc độ ra sao trong trường hợp này của một thiếu niên bán đậu phộng rang…, để rồi ông thầy giáo vật lý phán một câu xanh dờn : "Con đừng có tin, đó là chuyện trong cổ tích của những người cách mạng, một dã sử để tuyên truyền mà thôi !".
Dĩ nhiên là cô bạn của tôi ‘đứng hình’, vì quả tình đúng như vậy, nhưng "sách giáo khoa là pháp lệnh", làm sao cô dám giảng khác.
Trà dư tửu hậu quanh chuyện "dạy thật", cô giáo môn sử bạn của tôi nói rằng cô cũng xấu hổ lắm chứ, khi vẫn phải viết trong giáo án là "chủ nghĩa tư bản đang giãy chết", và đồng nghiệp vẫn thường đùa rằng "giãy hoài không chết".
"Hồi được cử đi thao giảng, trước cả ban bệ hội đồng với đầy đủ cấp ủy, tôi đành ‘đánh lận con đen’, kiểu chủ nghĩa tư bản cũng không nhất thiết bị triệt tiêu bằng bạo lực cách mạng, hoặc cũng không hẳn thực hiện bằng một sự công bố nào đó, mà đôi khi đó là sự chuyển biến lâu dài, từng chút một.
Một số quốc gia Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy với chính sách phúc lợi dồi dào, hệ thống an sinh xã hội cao, y tế, giáo dục đều miễn phí giống như hình thức chính sách của các quốc gia xã hội chủ nghĩa là bằng chứng cho thấy "thiên đường xã hội" là có thể đạt được dựa trên 2 yếu tố tích lũy của cải xã hội trong giai đoạn phát triển thịnh vượng và một nền văn hóa đạo đức cao…" – cô giáo kể.
Góp chuyện, một thầy giáo dạy môn giáo dục công dân, nói rằng cũng liên quan "chủ nghĩa tư bản giãy chết", ông đành giảng nước đôi cho học trò là từ thời đại của Marx cho đến nay, các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa vẫn xảy ra những cuộc khủng hoảng với quy mô lớn lan rộng trên toàn thế giới không theo một chu kỳ nào, đời sống xã hội thiếu ổn định từ đó nảy sinh ra sự đối kháng ngay trong lòng tư bản chủ nghĩa. Đó chính là những dấu hiệu về sự sụp đổ tất yếu của chủ nghĩa tư bản như nhận định của Marx.
"Tôi biết mình đang huyễn hoặc học trò và cả chính mình. Nhưng biết sao bây giờ, vì nếu dạy thật, không lẽ nói có em nào thử thắc mắc vì sao biết là ‘tư bản giãy chết’ nhưng mai này du học, các em toàn chọn xứ ‘giãy chết’ ?" – ông thầy giáo chua chát kể.
Thanh Bình
Nguồn : VNTB, 12/05/2021
"Năm năm tới là giai đoạn thời cơ cho giáo dục cất cánh...", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định như vậy bên lề Đại hội Đảng XIII, hôm 28/1.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu bên lề Đại hội Đảng XIII, hôm 28/1. Courtesy moet.gov.vn
Theo ông Nhạ giải thích, với đường hướng rõ ràng, với sự trợ giúp của công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đặc biệt là quyết tâm của toàn ngành… Giáo dục Việt Nam sẽ cất cánh.
Bộ trưởng Nhạ dẫn chứng việc đổi mới trong hoạt động dạy và học ở bậc đại học, đổi mới phương thức kết hợp giữa đại học và doanh nghiệp. Ông cũng nêu lên nhiều điểm mà ông cho là điểm sáng như việc một số trường đại học thực hiện tự chủ... Và việc lần đầu tiên, Việt Nam có 4 đại học được xếp vào nhóm 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới, 11 cơ sở giáo dục đại học xếp trong nhóm 500 trường tốt nhất Châu Á.
Tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ lại không hề nhắc vụ việc Đại học Đông Đô đã cấp 193 bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả cho các cá nhân, không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng, dù bê bối này chỉ mới bị phát hiện cách nay không bao lâu. Đáng chú ý, các trường hợp sử dụng văn bằng giả mạo này, theo truyền thông nhà nước, đều là những người đang giữ vị trí chủ chốt trong các cơ quan nhà nước ; phần lớn đang làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh. Thậm chí có người là cán bộ chủ chốt của một số cơ quan ở Hà Nội, có người là giảng viên một cơ sở đào tạo đại học ngành tư pháp.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, từng giảng dạy rất nhiều năm tại Đại học Xây dựng Hà Nội với vai trò Chủ nhiệm khoa, khi trả lời RFA hôm 1/2 từ Hà Nội, nói :
"Mong cho giáo dục cất cánh là ý tưởng tốt, nhưng để cất cánh được thì cần có nội lực mạnh mà đường hướng rõ ràng và quyết tâm của toàn ngành (nếu có) chỉ mới là một phần nhỏ của nội lực đó. Tôi ghi chú từ "nếu có" vì không dám tin vào đường hướng rõ ràng và quyết tâm như lời ông Nhạ. Công nghệ thông tin và chuyển đổi số mà ông Nhạ trông chờ chỉ là trợ giúp phụ từ bên ngoài".
Nội lực quan trọng để giáo dục cất cánh theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống nằm ở trí tuệ, ddạo đức và ý chí của những người trong ngành và của những lãnh đạo có liên quan ở các cấp, đặc biệt là ở cấp cao nhất :
"Những người như vậy hiện nay có lẻ tẻ ở nơi này nơi kia nhưng chưa trở thành số đông, chưa tạo được lực lượng. Hơn nữa giáo dục không thể nằm ngoài, không thể tách khỏi xã hội và hệ thống chính trị. Đó là môi trường. Với môi trường như hiện nay thì dù giáo dục có nội lực cũng không cất cảnh nổi, nói gì đến thực trạng nội lực yếu kém. Vì vậy trong thời gian tới có thể trông chờ giáo dục làm được vài cải cách nào đó chứ còn xa mới cất cánh được".
Trong kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông (THPT) năm 2018, ba tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Hà Giang đã phát hiện tình trạng cán bộ nhận tiền để nâng khống điểm cho thí sinh. Tòa án tại các tỉnh này cũng đưa vụ việc ra xét xử và tuyên nhiều án tù.
Đáng chú ý, hôm 14 tháng 5 năm 2020, tại phiên sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi THPT năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình, cựu trưởng phòng khảo thí Diệp Thị Hồng Liên, người trong đường dây nâng điểm còn nói rằng có nhiều trường hợp gian lận, mình không làm theo sẽ khó vì : ‘Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật’.
Một bạn sinh viên ở phía Bắc khi trả lời RFA hôm 19/8/2020 về vấn đề cải cách giáo dục từng nói :
"Nền giáo dục Việt Nam hiện tại rất khó để mà cải cách, bởi vì sau nhiều chục năm bị kìm chế và bị sửa đi sửa lại, thì không có một cách nào để mà sửa chữa hay cải tiến. Chúng ta đừng nên nói đến những vị bộ trưởng hiện tại, có những phát ngôn hết sức buồn cười trên cương vị là bộ trưởng. Không thể nào dựa vào một con người như vậy, bởi vì muốn thay đổi một nền giáo dục thì cần được sự đồng ý của một thể chế và bộ máy chính quyền chứ không thể dựa vào một bộ trưởng".
Theo bạn trẻ này, thực tế, bộ trưởng phải chịu sự chi phối của thủ tướng hoặc của những nhân vật khác, nhất là trong nền chính trị Việt Nam và vì vậy, ông bộ trưởng thực chất không có quyền hành gì nhiều.
Những vụ tai tiếng trong giáo dục Việt Nam năm 2020. RFA edit.
Trở lại với tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về việc "Năm năm tới là giai đoạn thời cơ cho giáo dục cất cánh.."., Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, từng giảng dạy nhiều năm tại đại học Liège, Vương quốc Bỉ, ông cũng từng hợp tác nhiều chương trình đào tạo với các trường đại học tại Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 1/2 từ Việt Nam, nhận định :
"Ông Nhạ thì ai cũng biết rồi đấy, trong năm năm qua ổng đã mang lại thứ gì cho giáo dục Việt Nam thì thì theo tôi người dân Việt Nam đã thấy rất rõ. Nếu theo dõi tin tức, sẽ thấy ông Nhạ có những hành động, lời nói không đem lại gì hay cho giáo dục Việt Nam. Bây giờ ông Nhạ không được vào Trung ương, có nghĩa là ổng không còn được tại chức trong chính phủ mới nữa, thì tất cả người Việt Nam thở phào nghĩ rằng trong tương lai giáo dục sẽ khác đi một tí. Còn nói cất cách như ông Nhạ thì tôi phải chờ đợi để xem xét, nhưng với tình trạng ông Nhạ để lại thì tôi không mấy lạc quan".
Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 13 cho nhiệm kỳ 5 năm tới kết thúc vào sáng ngày 1 tháng 2. Tuy nhiên, ông Phùng Xuân Nhạ đã không có tên trong danh sách Ban Chấp hành Trung ương khoá mới gồm 180 Uỷ viên chính thức và 20 Uỷ viên dự khuyết.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho biết thêm, ông sẽ lạc quan hơn nếu có tên một vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo mới, đó là một người liêm chính, có tinh thần giáo dục nhân văn, giáo dục vì sự tiến bộ của người dân và đặt quyền lợi của con em Việt Nam lên trên hết. Theo ông phải có một người như vậy thì mới có thể có điều kiện để giáo dục Việt Nam cất cánh. Ông nói tiếp :
"Muốn như thế thì người lãnh đạo mới phải có tư tưởng ra khỏi khu rừng mà giáo dục Việt Nam đang bị lạc, có nghĩa là phải trở về học hành nghiêm túc, nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Phải từ bỏ những hình thức sính bằng cấp, từ bỏ giáo dục nửa vời, từ bỏ giáo dục nhằm tìm kiếm cơ hội chiếm lấy vị trí cho bản thân mình, để lợi dụng chức quyền của mình".
Kiểu giáo dục như hiện nay, theo Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, nếu không có tư duy thay đổi triệt để, dứt khoát xóa bỏ, thì không thể nào phát triển được giáo dục Việt Nam.
Thầy Đỗ Việt Khoa, người được nhiều người biết đến về sự lên tiếng về những bê bối nơi trường ông giảng dạy, có ý kiến về phát biểu của ông Phùng Xuân Nhạ mới nhất :
"Tôi cũng không ngạc nhiên gì, lâu nay quan chức của mình hay có kiểu phát biểu gieo hy vọng cho người khác, chứ tất cả đều không có khả năng thành hiện thực. Nay có ông Bộ trưởng Giáo dục nói năm năm nữa cất cánh thì tôi cũng không biết là cất bằng cánh gì khi cơ chế vẫn như vậy. Lương giáo viên cũng không thay đổi gì, tình trạng quản lý xã hội vẫn y như thế. Các ông ngồi trên cao thừa biết, vì phải đi qua các cấp từ dưới lên, tệ nạn trong ngành giáo dục là cực lớn. Chưa dẹp được tệ nạn giáo dục nào thì xin đừng có bốc phét... Mọi tệ nạn giáo dục cũng sẽ thui chết tất cả các ý đồ cải cách giáo dục, khiến giáo dục cất cánh sẽ thành gãy cánh".
Dù lãnh đạo Việt Nam từ lâu đưa ra những khẩu hiệu như ‘Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích 100 năm trồng người’ ; thế nhưng qua nhiều thế hệ Việt Nam vẫn chưa có được điều mong ước ‘thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp’.
Nguồn : RFA, 01/02/2021
Báo Thanh Niên, ngày 04/12, đăng bài : Nữ sinh lớp 10 uống thuốc tự tử vì uất ức (1). Mẹ nạn nhân cho biết em bị uất ức do trường xử lý emvi phạm nội quy của trường. Nguyên nhân bắt đầu từ việc em không tham gia học phụ đạo có thu phí ở trường. Em nữ sinh này là học sinh giỏi mấy năm liền và hiện em là học sinh giỏi nhất lớp. Vì em không tham gia học thêm mà giáo viên dạy Toán đã kiếm cớ mắng nhiếc em, lấy lý do em mang áo dài mỏng khiến em ngượng ngùng.
Một lớp học tại trường Núi Thành, Đà Nẵng, 2020. Hình minh họa.
Sự việc chưa dừng lại ở đó khi chị Trần Thu Hà, một người xài mạng facebook (2), khám phá ra cô giáo chủ nhiệm của em nữ sinh tự tử này vẫn thản nhiên lên Zalo đăng những lời lẽ hết sức cay độc : "Có một loài chim đã tìm cái chết rất vinh… để vu oan… trong một môi trường rất cao quý, chim chọn một nơi rất thanh sạch à nghen... Xin hãy trả lại sự thanh sạch cho cái chết của con chim hay sự thanh tao trong ca dao của con cò. Mong các bạn giải bài toán đố này nhé !".
Cô còn comment : "Tự tử chết có coi là vinh quang không con ?", "Cò bảo có xáo thì xáo nước trong có nghĩa là cho đến chết cũng phải trong sạch con à ! Còn đằng này con chim chuyên nhả nước bọt kia mượn cái chết giả để vu oan giá họa cho người khác hèn uổng công xúc tép nuôi… chim".
Quả là một biến cố sát nhân học đường cách gián tiếp. Một đòn thù tâm lý ác độc sau khi đã dồn ép học sinh vào bước đường cùng đến mức uất ức tìm đến cái chết để phản kháng. Nếu cô giáo chủ nhiệm này không lên tiếng, cộng đồng xã hội còn có thể nghĩ sự việc chỉ là rủi ro nghề nghiệp. Đàng này, lời lẽ cô giáo chủ nhiệm đăng trên Zalo, trả lời comments của học sinh khiến ai đọc thấy cũng lạnh sống lưng.
Sau biến cố kinh động cả nước như thế, giáo viên chủ nhiệm vẫn thản nhiên viết những lời công khai "xáo nước trong, nước đục" ; vậy mà cô ta vẫn tự nhận môi trường đẩy học sinh vào đường chết là cao quý ; cô ta dám gọi học sinh mượn cái chết giả để vu oan giá họa cho nghề giáo "thanh tao" dưới thể chế cộng sản ?
Vâng, việc nữ sinh bị ép đến mức tự vẫn là đại diện cho hiện trạng một nền giáo dục vong quốc tại Việt Nam (VN). Mọi thứ giả dối đều có liên quan đến ngành giáo dục. Từ bằng cấp giả, rút ruột công trình trường học khiến sập tường, sập cổng chết học sinh đầy dẫy từ Bắc chí Nam ; sách giáo khoa đầy sạn, chạy điểm chạy trường, thực phẩm bẩn trong chén cơm thường ngày của các em học sinh tiểu học bán trú... cho đến học phí tăng vọt chóng mặt, mặc dù chất lượng môi trường giáo dục sụt giảm nghiêm trọng về mọi mặt.
Chúng ta hẳn còn nhớ phát biểu của Nelson Mandela, trong chuyến thăm một trường đại học Nam Phi như sau : "Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên.
- Bệnh nhân chết dưới bàn tay các bác sĩ của nền giáo dục ấy.
- Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay các kỹ sư của nền giáo dục ấy.
- Tiền bị mất trong tay các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục ấy.
- Nhân loại chết dưới bàn tay các học giả tôn giáo của nền giáo dục ấy.
- Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục ấy.
- Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia."
Lời Nelson Mandela đã nói là một tiên đoán tất yếu về nền giáo dục ở Việt Nam vậy. Giáo dục Việt Nam đã sản sinh ra biết bao sự cố trả giá bằng mạng người. Một khi không thể lấp liếm sự việc, chính quyền đành phải chọn những con dê tế thần, những con tốt thí để bao biện cho những sai phạm nghiêm trọng đến từ những đảng viên cầm quyền mà vô đức vô năng, sản phẩm của nền giáo dục thất bại toàn diện.
Xin đan cử một vài vụ việc chứng minh Nelson Mandela đã đúng :
- Bệnh nhân chết dưới bàn tay các bác sĩ của nền giáo dục ấy. Như vụ 18 người nhiễm độc vì máy chạy thận ở Hòa Bình, trong đó có 8 bệnh nhân thiệt mạng oan uổng (3) ; và rồi còn rất nhiều những trẻ em chết sau khi tiêm vắc xin định kỳ, những tắc trách y đức của một số y bác sĩ gây thiệt mạng cho bệnh nhân ở Việt Nam không hề thiếu (4).
- Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay các kỹ sư của nền giáo dục ấy. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2020 đã có 79 vụ tham nhũng bị phát hiện (5). Hậu quả là vụ sập mái hội trường 15 tỷ của UBND Hậu Giang do công trình này bị rút ruột (6) ; cầu treo xây hàng chục tỷ chưa kịp đưa vào sử dụng đã có nguy cơ sập đổ (7) ; tháp truyền hình ở Nam Định có giá 50 tỷ, thiết kế chịu gió 120km/giờ, bị gió 93km/giờ quật đổ (8).
- Tiền bị mất trong tay các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục ấy : Theo các con số báo chí quốc doanh Việt Nam báo cáo, thì nền kinh tế Việt Nam chỉ toàn nợ, lỗ và nợ : Nhà máy in tiền Quốc gia báo lỗ ròng 11 tỷ sau 6 tháng đầu năm ; Tập đoàn Điện lực lỗ hàng nghìn tỷ đồng ; Doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra nước ngoài : Lỗ dồn 1,1 tỉ USD, nguy cơ mất vốn nhà nước ; các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước : Nợ 1.454.668 tỷ đồng, chiếm 54% tổng nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty quốc doanh (9).
- Nhân loại chết dưới bàn tay các học giả tôn giáo của nền giáo dục ấy : có thể nói ở Việt Nam chưa đến mức các tín đồ tôn giáo phải chết vì cuồng tín, nhưng cái sự chết trong tâm hồn, sai lạc về niềm tin vì mê tín dị đoan thì chẳng hề thiếu. Trường hợp chùa Ba Vàng truyền bá vong báo oán, đã giúp chùa này mỗi năm thu cả trăm tỷ đồng (10) ; và rồi các kiểu loạn thánh loạn thần nở rộ khắp nơi, người nghèo vái cục đá, tán cây, con rắn nước. Người giàu đến những nơi thờ phượng ngày càng to lớn và xa hoa. Cái sau phải to lớn hơn, tốn nhiều tiền hơn cái trước. Hết chùa Bái Đính nghìn tỷ đến Văn Miếu thờ Khổng Tử xây hết trên 300 tỷ đồng ở tỉnh Vĩnh Phúc (11) chỉ hướng người dân đến hình thức lễ hội, xa lìa con đường chánh đạo.
- Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục ấy : Theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp, có 60 trường hợp bị oan liên quan đến trách nhiệm của viện kiểm sát ; 95 trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt (12). Vụ án Hồ Duy Hải có mối liên hệ mật thiết với ông Nguyễn Hòa Bình, chánh án tòa án tối cao Việt Nam, ông này đã từng kí quyết định không kháng nghị vụ án vào thời điểm tháng 10/2011 với thẩm quyền của Viện trưởng VKSND Tối cao.
Mới đây, ông này lại tiếp tục ngồi xử Giám đốc thẩm bản án mà mình từng ký quyết định bác kháng nghị. Như thế, khác nào ông chánh án tối cao pháp viện Nguyễn Hòa Bình đang tự vả vào mặt mình (13) ? Đặc biệt vụ thảm sát cụ Lê Đình Kình ngay trên giường ngủ trong phòng nhà cụ, rạng sáng ngày 09/01/2020, ở thôn Hoành. Quả thật công lý đã vắng bóng ở Việt Nam khi hàng loạt các nhà hoạt động đấu tranh dân chủ bị bắt giam, các tù nhân lương tâm đồng loạt tuyệt thực phản đối các hành vi tàn ác, đối xử bất công, ngược đãi trong nhà tù, cưỡng bức nhiều tù nhân vào các trại tâm thần v.v…
- Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia : Đây là một chân lý, người tài là tài sản quốc gia, là nguyên khí nước nhà. Vậy mà nền giáo dục Việt Nam hiện nay đã tan nát, đầy giả dối và thất bại toàn tập, nó giúp liên tưởng đến hình ảnh tiên báo cho sự vong quốc. Giáo dục như hiện tại tìm đâu ra người hiền tài gánh vác các trọng trách quốc gia ? Dẫu có tài mà không có đảng cũng bị đá văng ra khỏi hệ thống đảng trị này. Vậy mà hiện trạng giáo dục Việt Nam chỉ toàn sạn, lo bòn rút tiền của, mang học sinh làm vật thí nghiệm, dồn ép các em vào đường cùng, càng học càng chán nản… Thế thì sự sụp đổ quốc gia đã hiển hiện trước mắt ?
VN là một quốc gia độc tài toàn trị, hiển nhiên để giữ sự độc tài này, Đảng cộng sản Việt Nam ắt phải thực hiện chính sách ngu dân. Muốn ngu dân cần tẩy não dân, và nhồi nhét những luận điệu sai lạc giúp đảng cai trị gìn giữ chế độ chuyên chế. Nếu để dân thông minh, học hiểu những quyền lợi đang bị tước đoạt, những tài nguyên đất nước đang mất dần trong tay nhà cầm quyền, hẳn nhiên chế độ sẽ lâm nguy. Vì thế, Đảng cộng sản Việt Nam đã cố tạo ra những vũ khí kiềm chế dân tộc, không cho dân ngóc đầu chống lại thể chế độc tài : giáo dục ngu dân, kích động hận thù từ trong môi trường giáo dục.
Vũ khí các quốc gia cộng sản thường áp dụng để giữ thể chế độc tài chính là luôn tạo ra kẻ thù vô hình để đấu tranh, để gắn cho cái mác phản động hầu có cái cuồng nhiệt giết chóc và nguyên cớ để đàn áp. Và Việt Nam dường như đã thành công, hướng dẫn nhiều đảng viên đội lốt nhà giáo lan truyền thứ tư tưởng độc hại này. Họ thổi bùng ngọn lửa thù hận trong lòng những trẻ em ngây thơ… nhà giáo đảng viên dưới mái trường cộng sản chỉ là những kẻ rập khuôn đúc người. Thế là đa số các nhà giáo tâm huyết đành im lặng thả tay mặc sóng gió cộng sản giày đạp lên học sinh, sinh viên, đẩy họ vào con đường nô lệ kiểu mới.
Từ khi nắm chính quyền, chế độ độc tài Việt Nam đã chiến đấu với cơ man nào là các kẻ thù từ tư bản, thực dân, đế quốc cho đến cả anh em đồng hội đồng thuyền thoắt biến thành kẻ thù bành trướng, diệt chủng ; kể cả những kẻ thù giữa những người đồng chí cộng sản trong nước như đấu tranh giai cấp : trí – phú – địa – hào, văn nhân giai phẩm, xét đi xét lại, đấu tố cải cách ruộng đất long trời lở đất theo kiểu ta chặt tay ta.
Cứ thế, nền giáo dục của cộng sản Việt Nam được nuôi lớn từ nền tảng đấu tranh gay gắt vậy đấy ; nó tạo nên mối căm hờn tất cả, từ nhân phẩm cho đến các giá trị dân chủ, tự do, nhân quyền và đỉnh điểm là thù ghét luôn những tài nguyên cần được đào tạo : học sinh – sinh viên, vốn là trung tâm của giáo dục. Nay các em lại biến thành vật thí nghiệm cho nền giáo dục cải cách, đổi mới... Chính tâm lý cuồng bức hại đầy thù hận này mới dẫn đến sự phản kháng bằng chính mạng sống của em nữ sinh kể trên và thái độ thản nhiên rừng rú của người giáo viên chủ nhiệm.
Hiển nhiên, dân chủ, tự do, nhân quyền, giáo dục lành mạnh là kẻ thù truyền kiếp của chế độ độc tài toàn trị. Điều này đặc biệt đúng ở quốc gia độc tài toàn trị Việt Nam, tất cả các giá trị làm người chỉ là giả hiệu. Những chữ ký lên các bản tuyên ngôn nhân quyền Liên Hợp Quốc của Đảng cộng sản Việt Nam chỉ ký cho có mà không hề được tôn trọng trong thực tiễn. Giáo dục tẩy não và thù hận sẽ triệt tiêu tình thương và thế là học sinh thà tìm đến cái chết chứ không thể sống nổi trong một môi trường giáo dục đầy dẫy hận thù, tàn độc xé nát tâm hồn thơ ngây của các em.
Xảy ra chuyện lớn ảnh hưởng đến mạng sống con người, vậy mà vị giáo viên chủ nhiệm vẫn bình chân như vại, vẫn lên mạng ngang nhiên xem thường học sinh gây phản cảm. Nó không còn là lỗi cá nhân nữa. Cô chủ nhiệm là sản phẩm của một nền giáo dục dửng dưng, vô cảm. Thái độ bất chấp của cô chủ nhiệm là biểu hiện cho cả một hệ thống giáo dục đã nhiễm khuẩn, đã sai lỗi ở mọi ngóc ngách dù là nhỏ nhất của hệ thống đó.
Bộ Giáo Dục không kịp thời lên tiếng hoặc đưa ra một biện pháp xử lý nào đối với vị giáo viên chủ nhiệm này cũng như cả ban giám hiệu ngôi trường có em nữ sinh tự tử đó. Cả xã hội bất bình, bộ Giáo Dục chỉ mới xác minh thông tin, rồi đình chỉ công tác hiệu trưởng Hùm và 1 hiệu phó (14). Như thế, giáo viên chủ nhiệm cứ ngang nhiên comment dẫn dắt dư luận khiến lộ thêm những mặt yếu kém trong tư cách đạo đức giáo viên này, vốn được đào tạo thấm đẫm tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
Giáo dục toàn thi đua đạt thành tích này nọ, không có tình thương và sự cảm thông, lại càng không có giáo dục tinh thần ái quốc, tương thân tương ái. Lại cũng chẳng hề có bảo vệ tài nguyên môi trường hoặc lo nghĩ cho thế hệ tương lai ăn gì, mặc gì, sống dựa vào cái gì làm nội lực phát triển ?
Chả thế mà đảng cộng sản vẫn đưa ông Bùi Văn, chuyên gia kinh tế lên chương trình "người trẻ và sự học" tại tp Hồ Chí Minh, để ông này phát biểu ví von theo kiểu được "đặt hàng" như sau : "Tôi không dám đại diện cho cả thế hệ chúng tôi ; nhưng cá nhân tôi thấy : Thế hệ chúng tôi đã hút gần hết dầu, đã đào gần hết than, đã dùng lưới cào và thuốc nổ khai thác hết cá ở biển, từng đi chặt rừng để bán sang Nhật.
Như vậy, cái chúng tôi để lại cho thế hệ sau là gì ? Là hết than, hết dầu, hết cá, hết rừng nhưng tôi rất tự hào về cái đó. Bởi vì chúng tôi để lại cho thế hệ trẻ một con đường duy nhất là phải học là không còn dựa vào tài nguyên thiên nhiên nữa. Đó là điều mà tôi tự hào để lại cho thế hệ sau" (15).
Lối suy tư theo kiểu áp đặt và vô tư bào chữa cho sự tàn hại đất nước của đảng cộng sản như thế. Nhưng vẫn có kẻ tự hào ngụy biện thay cho những kẻ độc tài theo kiểu xây dựng từ đống tro tàn như nước Nhật chăng ? Toàn là những kẻ mơ giữa ban ngày. Hãy tập trung vào giải quyềt tận gốc rễ bài toán nan giải của Việt Nam hiện tại. Muốn giải được bài toán này, trước hết cần giải thể cái gọi là độc tài toàn trị ở Việt Nam.
Nếu không, các quốc gia vẫn mãi mê muội và tụt hậu. Như một cư dân mạng đã ngao ngán nhắn gởi cho những ai còn lương tri ở Việt Nam như sau : "Chính trị ái quốc không phải là mị dân, khoe khoang, tự ru ngủ mình. Chính trị ái quốc là khôn khéo giành quyền lợi về cho dân một cách tích cực và lương thiện nhất. Chính trị ái quốc là đưa đất nước lên tầm thế giới một cách quang minh chính trực".
Hoàng Hoành Sơn
Nguồn : VOA, 08/12/2020
Tư liệu tham khảo :
(1) https://thanhnien.vn/giao-duc/nu-sinh-lop-10-uong-thuoc-tu-tu-vi-uat-uc-1312987.html
(2) https://www.facebook.com/thuha.mexusim
https://vietnamnet.vn/vn/su-kien/toan-canh-vu-tai-bien-chay-than-8-nguoi-chet-o-hoa-binh-382319.html
https://vnexpress.net/dieu-tra-bac-si-thieu-trach-nhiem-khien-san-phu-tu-vong-2899965.html
https://laodong.vn/xa-hoi/dieu-tra-vu-nu-benh-nhan-tu-vong-sau-khi-gay-me-truoc-ca-mo-803771.ldo
(5) https://nhadautu.vn/toan-quoc-phat-hien-79-vu-tham-nhung-trong-4-thang-dau-nam-d37588.html
(7) https://baotainguyenmoitruong.vn/cau-treo-hang-chuc-ty-chua-su-dung-da-co-nguy-co-sap-270162.html
(8) https://tuoitre.vn/vu-do-thap-truyen-hinh-nam-dinh-thiet-ke-sai-thi-cong-au-563694.htm
(9) https://zingnews.vn/nha-may-in-tien-quoc-gia-viet-nam-lo-rong-11-ty-dong-post979548.html
https://www.tienphong.vn/kinh-te/tap-doan-dien-luc-lo-hang-nghin-ty-dong-1352672.tpo
(10) https://laodong.vn/xa-hoi/truyen-ba-chuyen-vong-bao-oan-chua-ba-vang-moi-nam-thu-tram-ti-663505.ldo
(11) https://www.bbc.com/vietnamese/forum/2015/06/150614_hoangxuan_loanthanhthan
Trong các phiên thảo luận Quốc hội Việt Nam gần đây, giáo dục luôn là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm bàn luận. Tại buổi họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV diễn ra chiều ngày 16/11 vừa qua, ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết theo các báo cáo được các tổ chức quốc tế thực hiện hàng năm, đa phần xếp hạng của Việt Nam đứng vào khoảng 60 đến 70, có nghĩa so với trình độ phát triển kinh tế - xã hội chung thì giáo dục của đất nước hình chữ S hơn các nước có trình độ tương đương.
Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam giải trình, làm rõ một số vấn đề về giáo dục - quochoi.vn
Trao đổi với RFA vào tối 23/11, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống, nguyên Trưởng khoa Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội bày tỏ quan điểm cá nhân về bảng xếp hạng mà ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói đến :
"Hiện nay như ông Vũ Đức Đam nói, cũng không riêng ông Vũ Đức Đam mà nhiều người nói là theo xếp hạng của thế giới thì giáo dục Việt Nam ở vào khoảng 60, nghĩa là rất cao. Người ta dựa vào gì để xếp hạng ? Tôi đoán rằng người ta dựa vào một là số người đi học trên toàn dân, hai là tỉ lệ xóa nạn mù chữ, ba là trường lớp, đặc biệt là trường đại học. Người ta cũng dựa vào một vài thành tích của học sinh như các đợt thi quốc tế học sinh Việt Nam cũng được giải này, giải nọ…"
Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng có lẽ người ta dựa vào những tiêu chí như ông vừa nêu để xếp hạng giáo dục Việt Nam tương đối cao. Tuy nhiên, theo ông, thực chất bản chất giáo dục Việt Nam lại không cao như vậy. Ông giải thích :
"Vì chất lượng học hành của Việt Nam thì khi học xong ôm một mớ kiến thức không đầu, không đuôi, không rõ ràng. Có những điều không thể đánh giá được, chỉ cảm nhận được sự xuống cấp của giáo dục Việt Nam. Cách dạy của người Việt Nam, đặc biệt là chất lượng đội ngũ thầy giáo ở Việt Nam tôi cho rằng không thể xếp hạng cao ở 60 được. Người ta chẳng qua vì một vài hình thức gì đấy để xếp hạng mà không phản ánh đúng nền giáo dục Việt Nam. Tại vì giáo dục Việt Nam mang tội rất nặng, không phải chỉ giáo dục mà cả dân Việt Nam chạy theo thành tích. Có thành tích mà thành tích dỏm chứ không phải thành tích thật, báo cáo láo. Nếu dựa vào báo cáo láo đó đánh giá thì khó mà chính xác".
Cũng tại buổi chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo diễn ra ngày 16/11, nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra ý kiến cho rằng phải chăng Việt Nam không có triết lý giáo dục ?
Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Đức Đam khẳng định Việt Nam có triết lý giáo dục, tuy nhiên chỉ là không có câu trích dẫn để thành kinh điển nói rằng đây là bất di, bất dịch, là triết lý.
Đây không phải lần đầu các đại biểu quốc hội nhắc đến triết lý giáo dục. Năm ngoái, trong phiên thảo luận của Quốc hội vào ngày 21/5, một số đại biểu cũng đã nhắc đến yêu cầu Việt Nam cần có triết lý giáo dục.
Nói rõ hơn về triết lý giáo dục tại Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục cho hay thực ra triết lý giáo dục lúc nào cũng có, và được nêu trong các văn bản trong luật giáo dục chẳng hạn. Tuy nhiên, triết lý giáo dục được thay đổi qua từng giai đoạn. Ông tiếp lời :
"Ở Việt Nam thì từ trước vẫn có các triết lý giáo dục như tiên học lễ, hậu học văn ; không thầy đố mày làm nên ; nhất tự vi sư, bán tự vi sư ; ấu bất học lão hà vi, nhân bất học bất tri lý… từ xưa các cụ vẫn dạy kính trên nhường dưới. Đến thời Việt Nam Cộng hòa thì đưa ra triết lý giáo dục rất hay là ‘dân tộc, nhân bản và khai phóng’. Tôi cho rằng triết lý giáo dục đấy khái quát cho phương pháp giáo dục. Còn dưới chế độ cộng sản thì triết lý giáo dục người ta không muốn theo triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng hòa mà người ta có những kiểu triết lý giáo dục, những đoạn, những câu nói về quan điểm giáo dục trong các nghị quyết như giáo dục là quốc sách hàng đầu cho thấy vai trò của giáo dục, đào tạo con người phát triển toàn diện, trung thành với chủ nghĩa xã hội… những mục tiêu đó cũng như định nghĩa của triết lý giáo dục, thế thì người ta cũng coi như là triết lý giáo dục. Nói chung những triết lý ấy không thể hiện nội dung khái quát và không phản ánh giá trị vai trò, vị trí, chức năng của giáo dục mang tính phân loại phổ biến".
Vẫn theo Phó Giáo sư Mạc Văn Trang, chính vì không có triết lý giáo dục, quan điểm giáo dục nhất quán nên mỗi ông Bộ trưởng Giáo dục nói một đằng làm một nẻo, rất lộn xộn.
Đồng quan điểm nêu trên, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cũng cho rằng quan trọng là triết lý giáo dục cần phải đúng, được thấm sâu vào nhận thức và tình cảm của giáo viên và lãnh đạo để hướng dẫn họ trong hành động. Nếu đề ra một câu rất hay, rất đúng mà thiếu mất điều kiện để thực thi thì câu ấy cũng chỉ thành khẩu hiệu suông.
Nhận xét về tình hình giáo dục hiện nay, Phó Giáo sư Mạc Văn Trang bày tỏ :
"Cái thứ nhất là quan điểm, triết lý, đường lối giáo dục không xác định rõ được, hiện nay chính trị hóa nền giáo dục. Nội dung giáo dục không phản ánh những tiến bộ hiện nay. Chẳng hạn như luật đề ra là phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc ở tiểu họ, trung học cơ sở nhưng chính ông Bộ trưởng (Giáo dục) lại đề xuất với Quốc hội là tăng học phí từ năm 2021 lên 12%, đại học tăng thêm nữa. Việc đó hoàn toàn đi ngược lại với Luật Giáo dục, đi ngược lại với tinh thần Hiến pháp. Thứ hai là quản lý giáo dục giữa trường công, trường tư không phân biệt rõ ràng. Rồi lương của giáo viên, quản lý giáo viên".
Trước đây, trong phiên trả lời chất chất vấn Đại biểu Quốc hội vào sáng ngày 1/11/2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nêu lên triết lý giáo dục của Việt Nam là "triết lý xây dựng đất nước dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là xây dựng con người Việt Nam toàn diện, đức trí, thể mỹ, có tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước và có trách nhiệm quốc tế".
Đến ngày 16/11 vừa qua, Phó Thủ tướng chính phủ Hà Nội cho hay triết lý giáo dục của Việt Nam trước hết là xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh ; xây dựng con người Việt Nam toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước và có trách nhiệm quốc tế.
Nguồn : RFA, 23/11/2020