Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần đã có hơn 800 người Rohingya đã đến tỉnh Aceh của Indonesia, trong đó có hơn 500 người trên ba con tầu cập bờ ngày 19/11/2023.
Tàu của người Rohingya cập vào bãi biển Ulee Madon, bắc tỉnh Aceh, Indonesia, ngày 16/11/năm 2023. Reuters - Stringer
Chiếc thuyền đầu tiên chở khoảng 256 người, trong đó có 110 phụ nữ và 60 trẻ em, đã cập bờ ở Bireuen, tỉnh Aceh, phía bắc đảo Sumatra. Con tầu này từng bị người dân địa phương xua đuổi hôm 16/11 và "được xác định có mặt ở một số địa điểm khác nhau", theo Faisal Rahmah, cộng tác viên của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR).
Hai con tầu khác chở 239 và 36 người tị nạn được cập bờ ở tỉnh Pidie và phía đông tỉnh Aceh. Theo phóng viên của AFP, sức khỏe của những người này ổn định, họ được đưa đến một trung tâm tạm giữ trong lúc chờ quyết định của chính quyền.
Vào đầu tuần, đã có 196 người Rohingya đến Indonesia trong ngày 14/11 và 147 người vào hôm sau. Hàng năm, hàng nghìn người Rohingya vẫn mạo hiểm mạng sống vượt biển trên những con tầu thô sơ để đến Malaysia hoặc Indonesia, ví dụ trong năm 2022 có hơn 2.000 người, theo thống kê của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tị Nạn.
Tại Bangladesh, hiện giờ có hơn một triệu người Rohingya vô tổ quốc tị nạn, trong đó khoảng 750.000 người trốn khỏi nước láng giềng Miến Điện năm 2017.
Thùy Dương
Việt Nam cứu 154 người Rohingya trên biển và trao trả cho Myanmar : Quan ngại nhân quyền ?
Bùi Thư, BBC, 09/12/2022
Sáng 7/12, tàu Hai Duong 29 và Hai Duong 38 của HADUCO đã cứu 154 người Rohingya gặp nạn và trao trả cho Hải quân Myanmar, dấy lên quan ngại về số phận của những người tị nạn này.
Trong số 154 người Myanmar được tàu Hải Dương 38 của Việt Nam cứu vớ, có 83 đàn ông, 40 phụ nữ, 8 bé gái và 23 bé trai
Sự việc diễn ra tại khu vực biển Andaman Sea, ngoài khơi Myanmar, cách Yangon khoảng 285 hải lý về phía nam.
Đại diện của công ty HADUCO nói với BBC News Tiếng Việt hôm 9/12 rằng tàu HD 29 và HD 38 đang kéo giàn khoan dầu khí từ Singapore đến Myanmar thì gặp một tàu tiếp cận, chở theo 154 người trong tình trạng tàu chết máy, nước tràn vào khoang.
"Chúng tôi có báo vấn đề an ninh với bên phía Việt Nam. Sau đó, hai tàu của HADUCO nhanh chóng tiếp cận, đưa hết 154 người lên tàu an toàn và khoảng một tiếng đồng hồ sau thì chiếc tàu kia chìm."
"Vì lúc đó tàu đang thuộc vùng nước của Myanmar nên chúng tôi báo cáo cho chính quyền Myanmar. Bên Myanmar cũng hỗ trợ đưa tàu hải quân 771 của họ ra nhận người ngay trong ngày hôm sau, tức 8/12."
"Chúng tôi đã nhấn nút cứu hộ cứu nạn. Về vấn đề an ninh thì sẽ do trung tâm SAR (search and rescue, tìm kiếm cứu nạn) tại vùng biển Myanmar hướng dẫn. Sau đó chúng tôi cung cấp thức ăn, nước uống cho những người này."
"Tàu hành trình trên biển hạn chế, hầu như là không cho tàu khác cập mạn tàu. Nhưng trong trường hợp này thì mình hỗ trợ, dù bị trễ lịch trình", người đại diện trả lời sự việc.
Theo tường thuật của VTC, trong số 154 người Myanmar được giải cứu, có 83 đàn ông, 40 phụ nữ, 8 bé gái và 23 bé trai.
Những người này đã được đưa lên tàu hải quân 771 của Myanmar, bàn giao cho cơ quan chức năng sở tại an toàn.
Hình ảnh và video mà BBC News tiếng Việt nhận được cho thấy nhóm người Rohingya được cứu này được cấp cho đồ ăn, thức uống trên tàu HD 38.
Đại diện của HADOCU cũng xác nhận với BBC rằng sau khi thống nhất phương án, tàu HD 38 đã tháo giàn khoan dầu và di chuyển đến gặp tàu hải quân Myanmar để trao trả người vì nằm trong vùng biển Myanmar.
Theo thông cáo báo chí do Hội đồng Quân sự Myanmar đưa ra, 154 người Rohingya đang lênh đênh gần vùng biển Thái Lan nằm về phía tây nam thành phố Myeik đã được Hải quân Myanmar vớt vào đêm 7/12 và hiện họ vẫn đang ở trên tàu.
Thông cáo cũng cho biết Hải quân Myanmar đã nhận được thông báo từ hai tàu chở dầu và hai tàu này đã giúp cứu nhóm người Rohingya nói trên. Tuy nhiên, thông cáo không nêu rõ là tàu Việt Nam.
"Theo thông tin ban đầu, được biết nhóm người này đang trên đường đến Indonesia từ trại tị nạn Bangladesh. Họ có thẻ UNHCR (Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn)", Thiếu tướng Zaw Min Tun, người phát ngôn của Hội đồng Quân sự, trả lời câu hỏi của BBC Miến Điện.
Vị trí hai tàu Việt Nam tiếp cứu thuyền của người tị nạn
Tướng Zaw Min Tun cho biết sẽ tiếp tục công bố thông tin chi tiết về vụ việc.
U Aung Kyaw Moe, một thành viên của nhóm cố vấn nhân quyền của Chính phủ Thống nhất Quốc gia NUG, nói với BBC Miến Điện hôm 8/12 rằng một chiếc thuyền chở khoảng 160 người Rohingya, bao gồm cả trẻ em, đã lênh đênh trên biển gần Thái Lan trong gần một tuần, trước khi được cứu vớt.
Số phận những người Rohingya được cứu ?
Trên mạng xã hội, nhiều người tán dương hành động của hai tàu chở dầu Việt Nam và cho rằng, trong khuôn khổ là tàu dân sự, họ đã làm đúng quy định và có lòng tốt giúp đỡ nhóm người tị nạn.
Tuy nhiên, có một số quan ngại về số phận của những người Rohingya này sau đó.
Nhận xét vụ việc với BBC News tiếng Việt, nhà báo chuyên về Myanmar, Bertil Lintner, nói :
"Cái chính là những người Rohingya này chạy trốn khỏi sự truy bức của chính quyền ở Myanmar và rồi phải đến ở các trại tị nạn ở Bangladesh. Sau đó, họ cố gắng trốn sang Malaysia hoặc Indonesia, để rồi bị giao lại cho quân đội, hải quân Myanmar, điều này nghĩa là họ không được giải cứu mà còn bị đặt vào nguy hiểm.
"Hầu hết người Rohingya đã trốn sang Bangladesh vào năm 2017 sau khi quân đội Myanmar đốt nhà và giết chết hàng ngàn người. Họ là một nhóm thiểu số Hồi giáo bị đàn áp sống ở bang Rakhine phía tây Myanmar, gần biên giới Bangladesh.
"Chính quyền Myanmar tuyên bố họ là ‘những người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh và họ bị từ chối quyền công dân Myanmar’. Nhưng họ tự gọi mình là người Rohingya và chỉ ra rằng họ đã sống ở bang Rakhine qua nhiều thế hệ, thậm chí hàng thế kỷ. Vì vậy, sẽ không có chuyện họ được đối xử công bằng khi được giao cho chính quyền quân sự Myanmar", ông Lintner nhận định.
Một chiếc thuyền khác, chở 180 người tị nạn Rohingya bị hỏng động cơ khi đang rời Malaysia vào ngày 25/11 và hiện đang lênh đênh trên biển, U Aung Kyaw Moe viết trên mạng xã hội sáng 8/12.
Hôm 7/2, BBC Thái cũng tường thuật một chiếc thuyền chở 200 người Ronhingya trôi nổi trên vùng biển gần vùng đặc quyền kinh tế gần tỉnh Phuket, phía tây nam Thái Lan.
Những người này đang trong tình trạng nguy kịch và chiếc thuyền có thể chìm trong hai ngày. Hiện đã có 30 người chết trên thuyền nhưng chính quyền Thái Lan đã từ chối trợ giúp trước khi thuyền đi vào lãnh hải Thái Lan.
Ngày càng có thêm cáo buộc về vi phạm nhân quyền nhắm vào người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar
Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế, ông Phil Robertson, nói với BBC hôm 9/12:
"Những người tị nạn Rohingya này có thể sẽ phải đối mặt với sự đánh đập và các hành vi truy bức khác dưới bàn tay của Hải quân Myanmar, bao gồm cả quấy rối tình dục và cưỡng hiếp. Bất kỳ vật có giá trị nào mà những người tị nạn này sở hữu đều có khả năng bị tước đoạt.
"Vì chính quyền quân sự Myanmar không coi người Rohingya là công dân của nước họ, nên các thủy thủ Hải quân sẽ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn với những người Rohingya này, và có thể sẽ đối xử khá tệ với họ khi đưa họ trở lại đất liền.
"Một khi người Rohingya cập bến, họ sẽ bị giam giữ và đưa ra xét xử vì tội rời khỏi bang Rakhine bất hợp pháp và đối mặt với bất kỳ các cáo buộc nào khác mà chính quyền quân sự muốn đưa ra. Vì tòa án Myanmar hoàn toàn không độc lập nên họ sẽ đưa ra bất kỳ phán quyết nào mà quân đội yêu cầu. Và những người tị nạn này sẽ bị bỏ tù nhiều tháng hoặc nhiều năm do việc đã cố gắng trốn khỏi đất nước.
"Sau khi mãn hạn tù trong điều kiện nhà tù khủng khiếp ở Myanmar, những người tị nạn sẽ bị buộc quay trở lại bang Rakhine và bị giam giữ trong các trại dành cho người di tản trong nước giống như các nhà tù ngoài trời. Lý do khiến những người tị nạn khóc trong đoạn video được đăng trên Twitter là họ nhận ra rằng cuộc sống của họ sắp chuyển sang một bước ngoặt rất tồi tệ và tồi tệ hơn dưới bàn tay của chính quyền quân sự Myanmar.
"Vai trò của chính phủ Việt Nam trong tình huống này là không rõ ràng nhưng điều chắc chắn là Hà Nội đã ủng hộ mạnh mẽ nhất cuộc đảo chính của quân đội Myanmar, và việc họ ngược đãi nhân quyền đối với người dân Miến Điện – một lần nữa cho thấy chính phủ Việt Nam ít quan tâm đến nhân quyền như thế nào", ông Phil Robertson nêu ý kiến.
Thuyền nhân Việt Nam
Gia đình cô Lê Thị Thụy Linh nằm trong số 1.003 'thuyền nhân' được tàu SS Sibonga vớt lên vào ngày 21/5/1979
Câu chuyện về người Rohingya trên biển gợi nhớ về thuyền nhân Việt Nam ra đi sau năm 1975, như một câu chuyện đã được BBC News đã ghi lại. Vào ngày 21/5/1979, khi thủy thủ Anh phát hiện ra một chiếc thuyền chở nhiều người đang trong tình trạng kiệt sức họ cũng lập tức tiếp cứu.
Dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng Martin, tàu hàng SS Sibonga mang quốc tịch Anh đã vớt lên tổng cộng 1.003 người. Họ là những thuyền nhân ra đi từ Việt Nam.
Vào tới cảng Hong Kong nhưng Sibonga không được cập cảng, và người tị nạn không được phép lên bờ, khiến hành trình của tàu Sibonga bị cản trở.
Chiếc tàu Anh đã phải neo lại hơn hai tuần ở vùng biển quốc tế, cho tới khi London và Hong Kong đạt thỏa thuận tạm thời để thuyền nhân lên bờ trước khi được đưa tới Anh. Nhưng những khó khăn tàu Sibonga gặp phải không làm vị thuyền trưởng đổi ý.
Gia đình Lê Thị Thụy Linh, khi đó mới 7 tuổi, gồm cha mẹ và bốn chị em cô, nằm trong số 1.003 thuyền nhân trên hai tàu cá ọp ẹp được tàu SS Sibonga của Anh cứu khẩn cấp trên Biển Đông năm ấy.
Giờ đây, Linh có một cuộc sống riêng yên bình ở Anh, bên cha mẹ, em trai và gia đình nhỏ. Gia đình bà Linh sau 40 năm, đã hội ngộ ân nhân của mình vì năm ấy đã cứu sống họ đến được Anh.
Bùi Thư
Nguồn : BBC, 09/12/2022
****************************
Tàu Việt Nam cứu 154 người Rohingya, nhưng lại bàn giao cho quân đội Myanmar
Reuters, VOA, 09/12/2022
Một tàu của Việt Nam vừa cứu 154 người đi trên một tàu cá sắp bị chìm ở biển Andaman và đã chuyển nhóm người này cho hải quân Myanmar, Reuters dẫn truyền thông nhà nước đưa tin hôm 9/12. Tin cho hay nhóm này là người Hồi giáo thiểu số Rohingya đã lánh nạn khỏi Myanmar. Photo VTC.
Một tàu dịch vụ dầu khí của Việt Nam vừa cứu 154 người đi trên một tàu cá sắp bị chìm ở biển Andaman và đã chuyển nhóm người này cho hải quân Myanmar, Reuters dẫn truyền thông nhà nước đưa tin hôm 9/12. Các nhà hoạt động xác nhận nhóm người này là người Hồi giáo thiểu số Rohingya đã lánh nạn khỏi Myanmar.
Tàu Hai Duong 29 đang trên đường từ Singapore đến Myanmar thì phát hiện chiếc tàu cá gặp nạn cách bờ biển Myanmar 458,7 km về phía nam hôm 7/12, đài truyền hình VTC News cho biết trong một bản tin được phát sóng vào tối ngày 8/12.
Tàu Hai Duong 29 và tàu hỗ trợ lai dắt Hai Duong 38 của Công ty cổ phần Hàng hải Dầu khí Hải Dương (HADUCO) kịp thời cứu 154 người gặp nạn ngoài khơi biển Myanmar, theo VTC.
Người Rohingya là một nhóm thiểu số bị đàn áp trong nhiều năm ở Myanmar và nhiều người đã đánh đổi sinh mạng của mình để cố gắng vượt biên đến Malaysia và Indonesia, nơi đa số là người Hồi giáo, trên những chiếc thuyền cá ọp ẹp.
Cuộc di cư của họ khỏi Myanmar và từ các trại tị nạn tồi tàn ở nước láng giềng Bangladesh gia tăng sau cuộc đàn áp chết người năm 2017 của quân đội Myanmar.
VTCNews đưa tin, động cơ của thuyền không hoạt động và nước rò rỉ vào thân tàu, đồng thời cho biết thêm rằng tàu chìm một giờ sau khi những người trên tàu được cứu. Trong số 154 người được giải cứu, có 40 phụ nữ và 31 trẻ em.
Bản tin của VTC cho biết những người này đã được bàn giao cho hải quân Myanmar hôm 8/12. Hiện chưa rõ điều gì sẽ xảy ra với họ và Reuters không thể liên lạc ngay với người phát ngôn của chính quyền Myanmar.
Bộ Ngoại giao Việt Nam và HADUCO không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận của Reuters.
Cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc (UNHCR) tuần trước cho biết đã có "sự gia tăng đáng kể" về số người cố gắng vượt biển Andaman giữa Myanmar và Bangladesh trong năm nay.
Từ đầu năm đến nay, ít nhất 1.900 người đã vượt biên, tăng gấp sáu lần so với năm 2020, với ít nhất 119 người chết trong năm nay trong số những người cố gắng lánh nạn.
Nguồn : VOA, 09/12/2022
Liên Hiệp Quốc : Thêm 600 triệu đô la để giúp người tị nạn Rohingya
Thanh Phương, RFI, 23/10/2020
Hôm 22/10/2020, các nhà tài trợ quốc tế cam kết đóng góp thêm khoảng 600 triệu đô la để giúp người tị nạn Ronhingya ở Bangladesh nhân một hội nghị quốc tế tại Genève, được tổ chức dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.
Từ Genève, thông tín viên Jérémy Lanche gởi về bài tường trình :
"Kể từ cuộc di tản năm 2017, khoảng 860 ngàn người Rohingya đã chạy sang sống ở trại tị nạn chật kín người ở Cox’s Bazar, vùng biên giới bên phía Bangladesh. Điều kiện y tế và an ninh ở đây rất tồi tệ. Tình hình lại còn tồi tệ hơn do có đại dịch Covid-19 và do các vụ đụng độ giữa những băng đảng buôn bán ma túy. Hậu quả là ngày càng có nhiều người muốn rời khỏi đất nước bằng ngõ khác.
Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc Filippo Grandi nói : Có nguy cơ là người Rohingya mất hết hy vọng, thể hiện qua việc ngày càng có nhiều người muốn rời khỏi Miến Điện. Chỉ trong năm nay đã có 2.400 người tị nạn, họ vượt biên bằng đường biển trong điều kiện rất nguy hiểm và nhiều người đã trôi dạt trên biển có khi mấy tháng trời. Ít nhất 200 người tị nạn Rohingya đã chết trên biển trong năm nay ;
Mỹ sẽ đóng góp 200 triệu đô la, Liên Hiệp Châu Âu là 113 triệu đô la, Anh Quốc 60 triệu đô la. Theo quan điểm của ông Filippo Grandi, những số tiền nói trên phản ánh sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với người Rohingya. Vấn đề là hiện giờ đó chỉ mới là cam kết tài trợ để bù cho với hàng tỷ đô la mà Phủ Cao ủy Tị nạn kêu gọi quốc tế đóng góp để giúp người Rohingya chỉ trong năm 2020."
Thanh Phương
*******************
Trung Quốc, Vatican triển hạn thỏa thuận lịch sử về bổ nhiệm giám mục
Thanh Phương, RFI, 23/10/2020
Hôm 22/10/2020, Bắc Kinh và Tòa Thánh Vatican đã triển hạn thỏa thuận lịch sử với việc bổ nhiệm các giám mục, bất chấp những lời cảnh báo của Hoa Kỳ về tình trạng đàn áp giáo dân tại Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), thông báo là hai bên đã quyết định triển hạn hai năm thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục. Vào tháng 9/2018, Bắc Kinh và Vatican ký thỏa thuận chấm dứt một bất đồng đã kéo dài gần 70 năm về việc bổ nhiệm các giám mục. Chiếu theo thỏa thuận này, giáo hoàng Francis đã công nhận 8 giám mục do Bắc Kinh bổ nhiệm trước đó mà không thông qua giáo hoàng. Đổi lại, ít nhất hai cựu giám mục của Giáo hội "thầm lặng" đã được chính quyền Trung Quốc công nhận. Thỏa thuận này có thời hạn tạm thời hai năm và đã dự trù sẽ được triển hạn vào tháng 10/2020.
Theo hãng tin AFP, như vậy là Vatican tiếp tục tiến trình xích lại gần Trung Quốc, bất chấp lời kêu gọi của Hoa Kỳ không triển hạn thỏa thuận song phương này. Vào tháng trước, ngoại trưởng Mike Pompeo tố cáo là thỏa thuận giữa Bắc Kinh với Tòa Thánh đã không bảo vệ được giáo dân thoát được sự đàn áp của đảng cộng sản Trung Quốc.
Trong nhiều năm qua, cộng đồng khoảng 12 triệu tín đồ Công Giáo ở Trung Quốc vẫn bị chia rẽ giữa một bên là Giáo hội "thầm lặng", trung thành với giáo hoàng, nhưng bị chính quyền Bắc Kinh xem là "bất hợp pháp", và bên kia là Giáo hội "yêu nước", nghe theo lệnh của chế độ.
Những nhân nhượng của Tòa Thánh về việc bổ nhiệm giám mục đã không giúp cải thiện tình hình của giáo dân thuôc Giáo hội "thầm lặng". Một linh mục tại tỉnh Giang Tây, được hãng tin AFP trích dẫn hôm qua, tố cáo là càng đến gần ngày hết hạn hai năm của thỏa thuận tạm thời, sự truy bức càng gia tăng. Chính quyền đã gia tăng áp lực với vị linh mục này vì ông đã từ chối gia nhập Giáo hội "yêu nước". Cho nên, theo ông, việc Bắc Kinh và Vatican triển hạn thỏa thuận về bổ nhiệm giám mục khiến giáo dân càng "hoang mang và tuyệt vọng". Về phía Giáo hội chính thức, không linh mục nào nhận trả lời phỏng vấn của AFP.
Thanh Phương
Hai nguồn tin báo chí quốc tế và tổ chức nhân quyền Fortify Rights ngày 08/09/2020 cho biết hai người lính đào ngũ Miến Điện xác nhận qua video là họ đã được lệnh của cấp trên sát hại người Rohingya. Cả hai cùng thú nhận đã giết chết hàng chục dân làng ở bang Rakhine, tây bắc Miến Điện trong cuộc nổi dậy hồi tháng 08/2017.
Theo các nguồn tin trên, hai người lính đào ngũ được trích dẫn từng phục vụ trong hai tiểu đoàn bộ binh khác nhau. Cả hai đã được lệnh giết chết và chôn xác nạn nhân trong những ngôi mộ tập thể. Các lời chứng trên đây được ghi âm qua video từ Miến Điện và đoạn băng được thực hiện trong năm 2020. Hãng tin Anh Reuters lưu ý, báo New York Times thận trọng cho biết "chưa kiểm chứng được một cách độc lập" về lời kể của hai quân nhân Miến Điện đào ngũ. Phía chính phủ Miến Điện và phát ngôn viên của quân đội nước này từ chối bình luận về tin trên.
Theo Reuters, hai nhân chứng này đã được đưa tới La Haye, trụ sở của Tòa án Hình sự Quốc tế. Tuy nhiên phát ngôn viên của tòa án La Haye bác bỏ tin cơ quan tư pháp này đang tạm giữ hai quân nhân được các phương tiện truyền thông nhắc tới.
Tháng 11/2019 đại diện cho Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, Gambia đã đâm đơn kiện Miến Điện ra trước Tòa án Công lý Quốc tế vì vi phạm Công ước Chống diệt chủng, "hủy hoại nhân tính" nhắm vào cộng đồng thiểu số Rohingya theo đạo Hồi. Tới nay Miến Điện vẫn bác bỏ mọi cáo buộc của Liên Hiệp Quốc cho rằng chính quyền nước này đã tiến hành một cuộc "thanh lọc chủng tộc" nhắm vào người Rohingya, gần 700.000 người Rohingya đã chạy trốn khỏi bang Rakhine sang lánh nạn tại nước láng giềng Bangladesh.
Thanh Hà
Tòa án Công lý Quốc tế ban hành lệnh tạm thời yêu cầu Myanmar ngăn chặn diệt chủng người Rohingya (RFA, 30/01/2020)
Hôm 23/1/2020, Tòa án Công lý Quốc tế đã ban hành một Lệnh tạm thời , đưa ra các biện pháp khẩn cấp theo đề nghị của nhà nước Gambia, yêu cầu nhà nước Myanmar phải thực hiện các hành động ngăn chặn hành vi diệt chủng đối với người sắc tộc thiểu số Rohingya.
Lệnh này đã yêu cầu nhà nước Myanmar "thực hiện mọi biện pháp trong quyền hạn của mình" để ngăn chặn mọi hành vi vi phạm Công ước về Ngăn chặn và Trừng phạt Tội ác Diệt chủng.
Ngày 23/1/2020, Tòa án Công lý Quốc tế đã yêu cầu nhà nước Myanmar phải ngăn chặn hành vi diệt chủng đối với người sắc tộc thiểu số Rohingya.
Các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà nhà nước Myanmar phải thực hiện bao gồm : ngăn chặn giết người, tấn công nghiêm trọng lên thể xác và tinh thần, căn trở sinh đẻ, và cưỡng ép di cư đối với người Rohingya.
Lệnh này cũng yêu cầu nhà nước Myanmar đảm bảo rằng quân đội cũng như bất kỳ đơn vị vũ trang nào của quốc gia này không được thực hiện bất kỳ hành vi nào liên quan tới tội ác diệt chủng hoặc âm mưu thực hiện tội ác diệt chủng. Đồng thời yêu cầu nhà nước Myanmar ngăn chặn việc tiêu hủy chứng cứ, và đảm bảo việc lưu giữ các bằng chứng liên quan đến cáo buộc diệt chủng.
Tòa án cũng yêu cầu Myanmar đệ trình báo cáo lên Tòa án về tất cả các biện pháp được thực hiện theo Lệnh này trong vòng bốn tháng, và sau đó cứ sáu tháng một lần, cho đến khi có quyết định cuối cùng được đưa ra bởi Tòa án.
Một ngày sau khi lệnh tạm thời được ban hành, hôm 24/1, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã hoan nghênh Lệnh của Tòa án Công lý Quốc tế, và kêu gọi Myanmar thực hiện ngay lập tức, vô điều kiện, đầy đủ và nhất quán với các nghĩa vụ của mình theo Hiến chương LHQ và theo Điều lệ của Tòa án.
Trước đó, hôm 11/11/2019, nhà nước Gambia đã nộp đơn khởi kiện nhà nước Myanmar lên Tòa án Công lý Quốc tế, cáo buộc Myanmar đã vi phạm Công ước về Ngăn chặn và Trừng phạt Tội ác Diệt chủng, khi chính quyền và quân đội nước này thực hiện các hành vi diệt chủng người sắc tộc thiểu số Hồi giáo Rohingya.
Phiên tòa điều trần được mở từ ngày 10 đến ngày 12/12 năm 2019. Bà Aung San Suu Kyi, một "biểu tượng dân chủ", cố vấn nhà nước, đại diện cho Myanmar tham gia phiên tòa chống lại các cáo buộc đến từ Gambia.
Tòa án Công lý Quốc tế là cơ quan tư pháp chính của Liên Hợp Quốc, được thành lập theo Hiến Chương Liên Hợp Quốc, bắt đầu hoạt động vào năm 1946, có trụ sở đóng tại The Hague (Hà Lan). Tòa án gồm 15 thẩm phán được bầu bởi nhiệm kỳ 9 năm. Tòa án có vai trò giải quyết tranh chấp pháp lý được đệ trình giữa các quốc gia. Phán quyết của tòa có hiệu lực ràng buộc và không có kháng cáo cho các bên liên quan.
Minh Luật
******************
Tây Tạng : Hạ Viện Mỹ thông qua dự luật bảo vệ Đạt Lai Lạt Ma (RFI, 29/01/2020)
Hạ Viện Hoa Kỳ hôm 28/01/2020 đã thông qua dự luật trừng phạt những quan chức Trung Quốc can thiệp vào việc chọn lựa người thay thế Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng 85 tuổi được cho là sẽ luân hồi sang kiếp khác.
Lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma (G) trong một buổi thuyết giảng ở Bodhgaya, Ấn Độ, ngày 04/01/2020 STR / AFP
Chính quyền Mỹ có thể phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh tất cả các quan chức Trung Quốc nào tìm cách nhận diện và đưa lên ngôi một Đạt Lai Lạt Ma mới do chính quyền Bắc Kinh duyệt xét, sau khi thủ lãnh tinh thần Tây Tạng qua đời.
Dự luật này còn phải được Thượng Viện chấp thuận, và thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio - vốn nhiều ảnh hưởng ở Thượng Viện, đã từng vận động thành công luật nhân quyền Hồng Kông - hứa sẽ ủng hộ. Sau đó sẽ được trình lên tổng thống Donald Trump để phê chuẩn.
Dự luật cũng cấm Trung Quốc mở thêm lãnh sự quán mới, một khi Hoa Kỳ chưa được mở phái bộ ngoại giao ở Lhassa, thủ phủ Tây Tạng.
Theo truyền thống, người Phật giáo Tây Tạng chọn Đạt Lai Lạt Ma theo nghi thức riêng, có thể kéo dài nhiều năm, thông qua một ủy ban có nhiệm vụ tìm kiếm một trẻ em có các dấu hiệu là Đạt Lai Lạt Ma đầu thai.
Tenzin Gyatso, tức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 hiện nay, đã giảm hẳn các cuộc di chuyển và phải vào bệnh viện hồi tháng 4/2019 vì viêm phổi, nhưng ngài cho rằng sức khỏe vẫn tốt. Giải Nobel Hòa Bình 1989 sống lưu vong ở Ấn Độ sau cuộc nổi dậy bị đàn áp năm 1959, đã quyết định không theo tập tục truyền thống để ngăn trở bàn tay của Trung Quốc : ngài có thể tự chọn người kế nhiệm.
Các nhà đấu tranh Tây Tạng và Bắc Kinh đều biết rằng một khi Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, vị sư nổi tiếng nhất thế giới qua đời, niềm hy vọng Tây Tạng được tự trị cũng có thể mất theo. Chính quyền Trung Quốc có thể chỉ định một người chấp nhận tuân phục Bắc Kinh lên kế vị. Hồi năm 1995, Trung Quốc đã chọn một cậu bé 6 tuổi làm Ban Thiền Lạt Ma, và các tổ chức nhân quyền coi đây là tù nhân chính trị trẻ tuổi nhất hành tinh.
Thụy My
Bất chấp yêu cầu của CIJ, Miến Điện khẳng định không có nạn diệt chủng người Rohingya (RFI, 24/01/2020)
"Không có nạn diệt chủng". Đây là lời đáp của Miến Điện đối với Tòa án Công lý Quốc tế. Trước khả năng xẩy ra nạn diệt chủng, định chế tài phán cao nhất của Liên Hiệp Quốc hôm qua 23/01/2020 đã yêu cầu chính phủ Miến Điện bảo vệ người Hồi giáo thiểu số Rohingya.
Chánh án Tòa án Công lý Quốc tế, Abdulqawi Ahmed Yusuf (giữa), thông báo quyết định của Tòa, La Haye, ngày 23/01/2020 Robin VAN LONKHUIJSEN / ANP / AFP
Từ Rangun, thông tín viên RFI Sarah Bakaloglou giải thích :
"Miến Điện ghi nhận quyết định của Tòa án Công lý Quốc tế nhưng tái khẳng định là không có nạn diệt chủng. Đây là tiêu đề thông cáo được Bộ Ngoại giao Miến Điện phát đi. Trong tài liệu này, Miến Điện nhắc lại những kết luận của Ủy ban điều tra riêng của nước này, một ủy ban bị chỉ trích là thiếu tính độc lập. Ủy ban điều tra của Miến Điện kết luận có thể xẩy ra các tội ác chiến tranh, nhưng không có nạn diệt chủng, và các tội ác này sẽ do tư pháp Miến Điện xử.
Như vậy là quan điểm của chính phủ Miến Điện vẫn không thay đổi. Họ không nói có tuân theo các yêu cầu của Tòa án Công lý Quốc tế hay không, chẳng hạn về việc trong vòng 4 tháng nữa phải đưa ra một báo cáo liên quan tới các biện pháp cụ thể để bảo vệ người Rohingya. Thế nhưng, trong một bài viết đăng trên báo Financial Times vài giờ trước đó, đích thân lãnh đạo Aung San Suu Kyi đã chỉ trích định chế tư pháp quốc tế và nói thêm là nhiều người Rohingya tị nạn có thể đã nói quá lên.
Mặc dù quyết định của Tòa tạo thêm sức ép quốc tế đối với chính phủ Miến Điện, nhưng nước này vẫn có những sự ủng hộ quan trọng, chẳng hạn của Trung Quốc. Và ngay trong nước, chỉ có ít người lên tiếng bảo vệ cộng đồng Hồi giáo thiểu số Rohingya, bất chấp thực tế hiếm thấy là khoảng một trăm tổ chức xã hội dân sự của Miến Điện đã ủng hộ quyết định của Tòa án Công lý Quốc tế".
Thùy Dương
******************
CIJ yêu cầu Miến Điện ngăn ngừa diệt chủng người Rohingya (RFI, 23/01/2020)
Tòa án Công lý Quốc tế (CIJ) ngày 23/01/2020 yêu cầu chính quyền Naypiydaw phải đưa ra "mọi biện pháp" nhằm ngăn ngừa một "vụ thảm sát mới" nhắm vào cộng đồng thiểu số Hồi giáo Rohingya.
Lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi trước Tòa án Công lý Quốc tế (CIJ) ngày 10/12/2019 vì vụ kiện diệt chủng người Rohingya. Reuters/Yves Herman
Chánh án Abdulqawi Admed Yusuf phát biểu : "Miến Điện phải dùng hết mọi biện pháp có thể nhằm ngăn ngừa mọi hành động vi phạm công ước".
CIJ, trụ sở tại La Haye, đã chấp thuận một loạt các biện pháp khẩn cấp do Gambia yêu cầu. Nước này cáo buộc Miến Điện vi phạm Công ước 1948 của Liên Hiệp Quốc về việc ngăn ngừa và trừng phạt tội ác diệt chủng. CIJ còn hối thúc chính quyền Naypiydaw cung cấp một kế hoạch thực thi các yêu cầu của tòa án trong vòng 4 tháng, rồi 6 tháng.
AFP nhắc lại, Gambia, quốc gia có đa số là người Hồi giáo, đã đề nghị Tòa án ra lệnh cho Miến Điện thi hành những biện pháp khẩn cấp trong khi chờ đợi quyết định cuối cùng về vụ này, vốn có thể kéo dài tới nhiều năm.
Minh Anh
Tại tòa Liên Hiệp Quốc, bà Suu Kyi bác bỏ cáo buộc về diệt chủng người Rohingya (VOA, 11/12/2019)
Nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi hôm thứ Tư 11/12 bác bỏ các cáo buộc về tội diệt chủng xảy ra ở nước bà, nhằm vào người Hồi giáo Rohingya thiểu số. Bà nói những cáo buộc đó chứa thông tin "không đầy đủ và gây hiểu nhầm", và cho rằng lẽ ra không nên có phiên xét xử này ở tòa án tối cao của Liên Hiệp Quốc.
Lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi phát biểu tại tòa Liên Hiệp Quốc ở La Haye hôm 11/12
Bà Suu Kyi, khôi nguyên giải Nobel Hòa bình, phản bác các cáo buộc nêu ra trong đơn kiện do Gambia trình lên ra hồi tháng trước. Gambia cáo buộc Myanmar vi phạm Công ước 1948 về tội diệt chủng.
Bà Suu Kyi phát biểu khoảng 30 phút tại phòng xử án ở La Haye để bào chữa cho hành động của quân đội Myanmar.
Bà nói chiến dịch tiễu trừ do quân đội thực hiện tại bang Rakhine ở miền nam vào tháng 8/2017 là hoạt động chống khủng bố và đáp trả các cuộc tấn công của phiến quân Rohingya đánh vào hàng chục đồn cảnh sát.
Tuy bà Suu Kyi thừa nhận rằng lực lượng quân sự có lẽ không cân xứng và có thường dân bị thiệt mạng, song bà nói rằng các hành vi này không cấu thành tội diệt chủng.
Hơn 730.000 người Rohingya đã bỏ chạy khỏi Myanmar đến Bangladesh sau khi quân đội tiến hành đàn áp.
Hôm thứ Ba 10/12, các luật sư đại diện cho Gambia đã trình bày với hình ảnh chi tiết cho thấy nỗi thống khổ mà người Rohingya phải chịu do lực lượng an ninh Myanmar gây ra.
Trong ba ngày điều trần tuần này, các thẩm phán nghe tranh tụng về giai đoạn 1 của vụ kiện : Gambia đề nghị có biện pháp tạm thời nhằm ngăn chặn hành động của Myanmar để bảo vệ người Rohingya cho đến khi vụ kiện được xét xử đầy đủ.
Gambia lập luận rằng mọi quốc gia đều có nghĩa vụ thực hiện công ước về ngăn chặn nạn diệt chủng diễn ra. Gambia nhận được sự ủng hộ chính trị từ Tổ chức Hợp tác Hồi giáo gồm 57 thành viên, Canada và Hà Lan.
****************
Bà Suu Kyi ra tòa Liên Hiệp Quốc bảo vệ Myanmar về tội diệt chủng (VOA, 10/12/2019)
Bà Aung San Suu Kyi hôm 10/12 đã ra Tòa án Công lý Quốc tế Liên Hiệp Quốc ở La Haye, Hà Lan, để bảo vệ cho đất nước Myanmar của bà bị cáo buộc phạm tội diệt chủng đối với người thiểu số Hồi giáo Rohingya, theo Reuters.
Bà Aung San Suu Kyi hôm 10/12 đã ra Tòa án Công lý Quốc tế Liên Hiệp Quốc ở La Haye, Hà Lan.
Gambia, một quốc gia nhỏ có đông dân theo đạo Hồi ở Châu Phi, đã khởi động các thủ tục tố tụng đưa vụ việc ra tòa quốc tế từ tháng 11, cáo buộc Myanmar vi phạm nghĩa vụ theo Công ước Diệt chủng năm 1948 mà Myanmar là thành viên.
Trong phiên tòa dài ba ngày, bà Suu Kyi, người được giải Nobel Hòa bình, dự kiến sẽ lập lại bác bỏ tội diệt chủng và cho rằng các hoạt động quân sự được đề cập là một phản ứng chống khủng bố hợp pháp đối với các cuộc tấn công của phiến quân Rohingya.
Bên ngoài tòa án La Haye, hàng chục người Rohingya đã biểu tình đòi công lý cho các nạn nhân. Trong khi đó tại Yangon, thủ đô thương mại của Myanmar, hàng ngàn người biểu tình ủng hộ bà Suu Kyi, vẫy cờ quốc gia khi họ hô vang : "Bảo vệ phẩm giá của đất nước, hãy đồng hành cùng Mẹ Suu", cũng theo Reuters.
Gambia lập luận rằng các lực lượng an ninh của Myanmar đã hành động tàn bạo trên quy mô lớn và có hệ thống trong suốt thời gian mà họ gọi là hoạt động "giải phóng mặt bằng", cấu thành tội diệt chủng từ tháng 8/2017.
Hơn 730.000 người Rohingya đã trốn chạy khỏi Myanmar sau cuộc đàn áp của quân đội. Họ đang ở trong các trại tị nạn bên Bangladesh giáp với Myanmar.
Các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc cho biết chiến dịch quân sự của Myanmar đã được thực hiện với ý định diệt chủng người Hồi giáo.
Myanmar trước đây đã bác bỏ gần như tất cả các cáo buộc của những người tị nạn chống lại quân đội của họ, bao gồm cưỡng hiếp tập thể, giết người và đốt phá, và hứa sẽ trừng phạt bất kỳ binh sĩ nào liên quan đến những gì họ nói là những trường hợp sai trái.
Trung Quốc bị tố thu hoạch nội tạng các thành viên Pháp Luân Công (VOA, 18/06/2019)
Trung Quốc giết các thành viên Pháp Luân Công và thu hoạch nội tạng của họ để dùng trong việc ghép các bộ phận của cơ thể, một ủy ban các luật sư và chuyên gia cho biết hôm thứ Hai 17/6 giữa lúc họ kêu gọi điều tra thêm nữa về việc diệt chủng.
Thành viên Pháp Luân Công diễn lại cảnh thu hoạch nội tạng tại một trại lao động khổ sai ở Trung Quốc, trước Dinh Tổng Thống Đài Loan ở Đài Bắc ngày 23/4/2006.
Các thành viên ủy ban nói họ nghe được những bằng chứng rõ ràng về việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng ít nhất trong vòng 20 năm qua trong phán quyết cuối cùng của China Tribunal, một ủy ban độc lập được thành lập bởi một tổ chức vận động để cứu xét vấn đề này.
Bắc Kinh liên tiếp phủ nhận cáo buộc của những nhà nghiên cứu nhân quyền và các học giả nói rằng Trung Quốc cưỡng bức thu hoạch nội tạng của các tù nhân lương tâm bị xử tử trong năm 2015.
Tuy nhiên uỷ ban cho biết tập tục này vẫn còn diễn ra, với các tù nhân Pháp Luân Công có lẽ "có lẽ là nguồn chính" của nội tạng bị cưỡng bức thu hoạch.
Pháp Luân Công là một tổ chức tinh thần căn cứ trên việc tịnh tâm mà Trung Quốc cấm cách đây 20 năm sau khi 10.000 thành viên xuất hiện tại một khu vực của các nhà lãnh đạo trung ương tại Bắc Kinh để biểu tình im lặng. Kể từ đó hàng chục ngàn thành viên của tổ chức này đã bị giam giữ.
Theo ủy ban này, chưa rõ người sắc tộc thiểu số Hồi Giáo Uighur có phải là nạn nhân hay không mặc dù, vẫn theo China Tribunal, người Uighur có nguy cơ "đang bị sử dụng như là một ngân hàng nội tạng".
Các qui định của chính phủ Trung Quốc nói rằng việc hiến tặng nội tạng phải tự nguyện và không có mua bán đổi chác gì cả, một phát ngôn viên của tòa đại sứ Trung Quốc ở London nói.
"Chúng tôi hy vọng là người dân Anh sẽ không bị tin đồn hướng dẫn sai lạc", phát ngôn viên này nói trong một email.
China Tribunal được lập ra bởi Liên minh Quốc tế Chấm dứt việc Lạm dụng Ghép Nội tạng tại Trung Quốc, một tổ chức vận động có trách nhiệm xem xét liệu có hành vi tội phạm trong việc ghép nội tạng của Trung Quốc hay không.
Uỷ ban gồm 7 thành viên phát hiện là "không có gì nghi ngờ" là việc thu hoạch cưỡng bức nội tạng của các tù nhân đã được thực hiện" ở một mức độ toàn diện được sự hỗ trợ của nhà nước hay các tổ chức hay cá nhân được cho phép", trong một phán quyết lâm thời được công bố vào tháng 12 năm ngoái.
Ủy ban nói phát hiện của họ cho thấy chỉ dấu của tội diệt chủng nhưng không đủ rõ ràng để có một phán quyết tích cực vì một số tù nhân Pháp Luân Công đã được trả tự do và lợi nhuận cũng có thể là một động cơ.
Họ kêu gọi các chính phủ và tổ chức quốc tế điều tra thêm nữa vấn đề này.
Ủy ban này cũng phát hiện là tội phạm chống nhân loại và tra tấn đã được thực hiện chống lại Pháp Luân Công và người Uighur.
(Theo tường trình của Thomson Reuters Foundation)
*******************
Khủng hoảng Rohingya : "Sự bất lực mang tính hệ thống" của Liên Hiệp Quốc (RFI, 18/06/2019)
Theo một báo cáo hôm 17/06/2019, Liên Hiệp Quốc đã thể hiện "sự bất lực mang tính hệ thống" ở giai đoạn 2010 - 2018 trong vụ hàng trăm ngàn người sắc tộc Hồi Giáo thiểu số Rohingya phải chạy khỏi Miến Điện sang nước láng giềng Bangladesh lánh nạn kể từ tháng 08/2017.
Hàng trăm người Rohingya Miến Điện tị nạn tại Bangladesh phản đối hồi hương tại trại Unchiprang, Teknaf, Bangladesh, ngày 15/11/2018. Reuters/Mohammad Ponir Hossain
Trên đây là kết luận trong báo cáo mà nhà ngoại giao người Guatemala, Gert Rosenthal, thực hiện theo yêu cầu của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guteress. Báo cáo 36 trang được trình lên tổng thư ký Guteress vào ngày hôm qua 17/06/2019, trước khi được công bố cho toàn thể thành viên Liên Hiệp Quốc.
Theo hãng tin Pháp AFP, quan chức ngoại giao Gert Rosenthal chỉ trích Liên Hiệp Quốc hoạt động "thiếu sự phối hợp chặt chẽ mang tính hệ thống, thiếu một chiến lược rõ ràng và thống nhất, thiếu những phân tích hệ thống và thống nhất từ thực địa".
Ông Rosenthal nhấn mạnh Liên Hiệp Quốc cần có "các kênh liên lạc rõ ràng, minh bạch theo cả chiều dọc và chiều ngang", để bảo đảm các quyết định được đưa ra từ cấp cao nhất được tất cả các thành viên có liên quan hiểu rõ và thực hiện. Liên Hiệp Quốc cũng cần cải tiến việc "tiếp nhận và chia sẻ thông tin, dữ liệu và các phân tích".
Theo ông Gert Rosenthal, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bất lực của Liên Hiệp Quốc trong hồ sơ Rohingya là cộng đồng quốc tế ban đầu chỉ mải mê quan tâm đến tiến trình chuyển tiếp chính trị tại Miến Điện, với biểu tượng là bà Aung San Suu Kyi. Hồi cuối năm 2017, đại diện của Liên Hiệp Quốc tại Miến Điện, khi đó là bà Renata Lok-Dessallien, đã bị tố cáo là ưu tiên cho các hoạt động trợ giúp phát triển kinh tế cho Miến Điện hơn là bảo vệ nhân quyền. Liên Hiệp Quốc đã bác bỏ cáo buộc nói trên.
Trong một thông cáo, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch (HRW) chỉ trích việc thiếu biện pháp xử lý nhắm vào các quan chức Liên Hiệp Quốc, đã gây ra sự bất lực của định chế quốc tế này trong hồ sơ người Rohingya ở Miến Điện.
Từ tháng 08/2017, khoảng 740.000 người Hồi Giáo thiểu số Rohingya đã phải trốn chạy khỏi các chiến dịch đàn áp của quân đội Miến Điện. Các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc đã kết luận quân đội Miến Điện phạm "tội diệt chủng". Tuy nhiên, Hội Đồng Bảo An vẫn bị chia rẽ và không thể ngăn cản chiến dịch đàn áp người Rohingya.
Thùy Dương
Miến Điện : Có kế hoạch cụ thể hồi hương người Rohingya (RFI, 31/10/2018)
Chính quyền Miến Điện và Bangladesh hôm qua 30/10/2018 khẳng định người Rohingya sẽ được hồi hương, kể từ tháng 11. Từ cuối tháng 8 năm ngoái đến nay, đã có trên 700.000 người Rohingya chạy trốn nạn bạo động ở Miến Điện, mà Liên Hiệp Quốc gọi là "diệt chủng".
Người tị nạn rohingyas vượt sông Naf chạy sang Banladesh, ngày 12/11/2017. Ảnh tư liệu : Reuters/Mohammad Ponir Hossain
Từ Rangun, thông tín viên RFI Eliza Hunt cho biết thêm chi tiết :
Trong năm nay đã nhiều lần việc hồi hương người Rohingya được loan báo rồi lại bị hoãn. Miến Điện và Bangladesh đều đổ cho nhau trách nhiệm về sự chậm trễ ấy.
Tuy nhiên lần này Bộ Ngoại giao Miến Điện khẳng định "một kế hoạch rất cụ thể" đã được thông qua để có thể bắt đầu tiến trình hồi hương, tuy nhiên không cho biết chi tiết về những điều kiện để quay về nước cũng như số lượng người Rohingya liên quan. Cách đây hai tuần, Bangladesh, vốn không muốn người tị nạn lưu lại trên lãnh thổ nước mình, tuyên bố rằng một danh sách 8.000 người đã được duyệt.
Nhưng người Rohingya trong các trại tị nạn luôn nói rằng họ không muốn hồi hương nếu không được bảo đảm về an ninh, về tư pháp hay việc cho nhập quốc tịch Miến Điện. Theo Liên Hiệp Quốc, những điều kiện căn bản này đều chưa được hội đủ.
Hãng tin Reuters dẫn lời Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc tối qua khẳng định việc hồi hương không thể diễn ra vội vã, thiếu chuẩn bị. Tuần trước, phái bộ Liên Hiệp Quốc, tác giả bản báo cáo về vi phạm nhân quyền tại Miến Điện thậm chí còn nói rằng "nạn diệt chủng vẫn đang diễn ra".
Thụy My
*****************
Ấn Độ : Dân phẫn nộ vì chính quyền bỏ cả trăm triệu đô la xây tượng đài (RFI, 31/10/2018)
Tượng Nữ thần Tự do ở New York chỉ thấp bằng một nửa bức tượng cao 182 mét được khánh thành ngày 31/10/2018 tại bang Gujara, phía tây Ấn Độ. Đích thân thủ tướng Modi đến khánh thành bức tượng Vallabhai Patel, bộ trưởng Nội Vụ đầu tiên của nước Ấn Độ độc lập và là một nhân vật chủ chốt trong quá trình thống nhất đất nước. Tuy nhiên, dự án khổng lồ này lại bị người dân địa phương chỉ trích.
Thủ tướng Narenda Modi bên bức tượng khổng lồ Sardar Vallabhbhai Patel. Ảnh do bộ phận thông tin chính phủ Ấn Độ phát hành ngày 31/10/2018.PIB / AFP
Thông tín viên RFI Sébastien Farcis tại Ấn Độ :
180 nghìn mét khối xi măng, 1.700 tấn đồng, 2.500 công nhân làm việc trong gần 4 năm, tổng chi phí là 350 triệu euro, tượng Sardar Vallabhbhai Patel là một công trình khổng lồ. Chính quyền bang Gujarat muốn vinh danh nhà lãnh đạo sinh ra ở vùng đất này và là người đã củng cố sự thống nhất của Ấn Độ.
Thực vậy, vị cựu bộ trưởng Nội Vụ này đã thuyết phục được rất nhiều hoàng thân các vùng gia nhập nước Ấn Độ ngay khi quốc gia giành được độc lập năm 1947. Phe dân tộc chủ nghĩa Hindu đang cầm quyền muốn biến ông thành biểu tượng cho phong trào của họ.
Tuy nhiên, công trình này lại bị người dân địa phương, có nguồn gốc bộ tộc, chỉ trích. Họ lên án chi phí khổng lồ để xây công trình, trong khi thậm chí họ không có trường học hoặc bệnh viện cơ sở. Họ phải bán đất trồng trọt để lấy chỗ dựng tượng và rất nhiều người vẫn chưa được tái định cư.
Cuối cùng, khu du lịch này có thể làm tổn hại hệ sinh thái nơi người dân địa phương sinh sống, đặc biệt là dòng sông Narmada, một trong những con sông lớn nhất Ấn Độ, nằm ngay bên cạnh khu du lịch này.
Thu Hằng
Quân đội Miến Điện : Liên Hiệp Quốc "không được can thiệp" vào hồ sơ Rohingya
Tổng tư lệnh quân đội Miến Điện hôm 23/09/2018, đã cảnh báo Liên Hiệp Quốc là "không có quyền can thiệp" vào chủ quyền đất nước của ông. Đây là phản ứng công khai đầu tiên của tướng Min Aung Hlaing, một tuần sau khi một phái đoàn điều tra của Liên Hiệp Quốc chính thức yêu cầu truy tố ông cùng một số tướng lãnh Miến Điện khác ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế về tội "diệt chủng" trong cuộc khủng hoảng Rohingya.
Tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh quân đội Miến Điện, họp Hội đồng An ninh Quốc gia tại Naypyidaw ngày 30/04/2018. Reuters/Kevin Fogarty
Hãng tin Pháp AFP, trích dẫn tờ báo quân đội Miến Điện Myawady, cho biết là trong một phát biểu trước quân đội vào hôm qua, tướng Min Aung Hlaing đã phản ứng gay gắt về các đề nghị của đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc
Ông nhấn mạnh là không một quốc gia, tổ chức hay nhóm nào, "có quyền can thiệp và đưa ra quyết định trên chủ quyền của một đất nước". Theo tư lệnh Quân Đội Miến Điện, việc "lạm bàn vào công việc nội bộ một nước sẽ (gây ra) hiểu lầm".
Trong bản báo cáo điều tra dầy hơn 440 trang được công bố chính thức vào tuần trước, Liên Hiệp Quốc nêu bật những "tội ác" của quân đội Miến Điện, đã có những hành vi tra tấn, giết người, hãm hiếp, bạo hành ở mức khó tưởng tượng ở bang Rakhine, khiến hơn 700.000 người Rohingya phải chạy sang Bangladesh lánh nạn.
Các nhà điều tra đã thúc giục Hội Đồng Bảo An đưa lãnh đạo quân đội Miến Điện ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế La Haye. Họ cũng chỉ trích sự im lặng của chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi.
Quân đội Miến Điện hoàn toàn bác bỏ những lời cáo buộc kể trên, trong lúc Tòa án Hình sự Quốc tế thì cho biết sẵn sàng thụ lý hồ sơ.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, con đường truy tố giới tướng lãnh Miến Điện hoàn toàn không dễ dàng.
Mai Vân
Quân đội Miến Điện : Liên Hiệp Quốc "không được can thiệp" vào hồ sơ Rohingya