Hàng loạt những vấn đề tồn tại xung quanh các dự án BOT có trách nhiệm của ông Đinh La Thăng khi còn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Thời kỳ ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải xảy ra một loạt các vấn đề về BOT và công tác cán bộ. ảnh: vov.
Đầu tư triển khai BOT được đánh giá là một chủ trương đúng, nhưng khi triển khai thực tế thì đã bị làm cho "méo mó", nhiều dự án bị phát hiện chi vượt định mức, thậm chí chỉ tráng nhựa cũng thu tiền cao như làm đường mới.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố ngày 6/9/2017 : Qua kiểm tra một số nội dung về tổng mức đầu tư đối với 6 dự án, xác định giá trị phê duyệt sai tăng 451,5 tỷ đồng, trong đó dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ là 18,7 tỷ đồng.
Kiểm tra một số nội dung về dự toán và thanh toán đối với 7 dự án xác định các nhà đầu tư phê duyệt sai tăng về đơn giá định mức, chế độ tiền lương, phụ cấp, hoặc thiếu hồ sơ và căn cứ phê duyệt một số yếu tố phát sinh thực tế không hợp lý… với tổng giá trị 316,2 tỷ đồng, trong đó dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ là 55,6 tỷ đồng.
Đặc biệt, theo Thanh tra Chính phủ, cơ chế thu phí hoàn vốn còn bất cập ; giá thu phí cao, điều chỉnh không hợp lý.
Riêng dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, dự án chưa hoàn thành, giá trị đầu tư mới thực hiện 30% nhưng giá thu phí tương đương dự án đầu tư mới.
Có thể thấy, kết luận thanh tra Chính phủ về BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ là minh chứng rõ nhất về chủ trương xã hội hóa trong giao thông là đúng nhưng khi đi vào thực tiễn lại sai.
Thanh tra Chính phủ cho biết qua kiểm tra 6 dự án BOT xác định giá trị phê duyệt sai tăng 451,5 tỷ đồng, trong đó có dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ. ảnh : Tiền phong.
Trước thực trạng này, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã nói rất thẳng thắn : "Trong nền kinh tế thị trường, người mua có quyền lựa chọn, người mua là thượng đế. Tuy nhiên, tại các dự án BOT, khách hàng, người mua đã bị biến thành nô lệ.
Trước đó, trả lời báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết : "Những méo mó trong đầu tư BOT giao thông xuất phát từ vấn đề mời thầu, phê duyệt dự án đến giám sát dự án. Mỗi giai đoạn dự án BOT giao thông đều cho thấy trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải".
Theo quy định, cứ 70 km đặt một trạm thu phí, nhưng thực tế theo số liệu từ Bộ Giao thông vận tải, cả nước có 86 trạm thu phí thì 9 trạm có khoảng cách từ 60-70 km ; 24 trạm có khoảng cách nhỏ hơn 60 km ; cá biệt tại một số tuyến đường, trạm thu phí dày đặc.
Qua thực tế khảo sát, ông Liên dẫn chứng, đi từ Hà Nội - Thái Bình chỉ khoảng 110 km nhưng có tới 4 trạm thu phí.
Hay như trạm thu phí cầu Bến Thủy 1, Bến Thủy 2 từng xảy ra chuyện người dân đi bên này cầu sang bên kia cầu phải "cõng phí" 25 km đường tránh Thành phố Vinh và hoàn phí cho 50 km đường Bến Thủy - Hà Tĩnh.
Vừa qua, trạm thu phí Cai Lậy cũng đã được đưa ra mổ xẻ đánh giá về số tiền đầu tư cũng như vị trí đặt trạm, sau khi nhiều lái xe bức xúc trả tiền lẻ khi đi qua trạm.
Mới đây là trạm thu phí trên đường 5 cũ từ Hà Nội đi Hải Phòng cũng bị nhiều tài xế phản ứng bằng cách trả tiền lẻ.
Họ bức xúc vì dù con đường này đã cũ và xuống cấp nhưng phí lại tăng lên, được lý giải là để trả lãi cho đường cao tốc 5b.
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã vào cuộc và phát hiện hàng loạt sai phạm ở nhiều dự án BOT, rút ngắn được thời gian thu phí tới 100 năm.
Trước những vấn đề bất cập được chỉ ra tại nhiều dự án BOT giao thông, ông Bùi Danh Liên khẳng định, ngoài trách nhiệm chung của Bộ Giao thông Vận tải thì có trách nhiệm riêng của ông Đinh La Thăng ở cương vị Bộ trưởng thời gian này.
Cùng chung quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải nói thẳng : "Thời kỳ ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thì dự án BOT giao thông được làm cách xô bồ, làm một cách đại trà vô nguyên tắc".
Tiến sĩ Thủy nêu thí dụ cụ thể là Quốc lộ 1A bị "băm" ra làm nhiều khúc để thực hiện các dự án BOT và hậu quả là sau khi không còn chịu đựng nổi nữa thì thời gian vừa qua người dân đã phản ứng rất mạnh mẽ khi qua các trạm BOT bằng cách trả tiền lẻ.
Ông Thủy cũng chỉ ra những bất cập của các dự án BOT giao thông như : Suất đầu tư dự án BOT quá cao, mật độ trạm thu phí BOT quá dày và cuối cùng việc thu phí thủ công gây thất thoát trong quá trình thu phí.
"Khi Kiểm toán Nhà nước vào kiểm tra phát hiện sai xót trong đó quan trọng nhất là định giá quá cao, thời hạn thu phí sai, thiếu kiểm tra giám sát dẫn đến tự tung tự tác", ông Thủy đánh giá.
Công tác cán bộ cũng nhiều dấu hiệu bất thường
Ngoài những bất cập ở các dự án BOT, ông Đinh La Thăng cũng không thể thoái thác trách nhiệm đối với một loạt vụ bổ nhiệm ở các cơ quan thuộc Bộ Giao thông vận tải, cho đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Trong đó phải kể tới vụ việc bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sang giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải vào năm 2015, mặc dù ông này đã thi trượt Chuyên viên Chính vào năm 2014 do Bộ Nội vụ tổ chức.
Điều đáng nói là khi ban hành Quyết định số 3688 ngày 15/11/2013 có kèm theo quy định khi xét bổ nhiệm Vụ trưởng và tương đương phải có trình độ "Đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên".
Thế nhưng cũng chính Bộ Giao thông Vận tải cho phép ông Sang "nợ" tiêu chuẩn (thực chất đã thi trượt), tức là vi phạm chính Quyết định số 3688.
Khi vụ việc này được phơi bày thì Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải – ông Nguyễn Ngọc Đông vẫn cố lý giải rằng : "Đồng chí có tham gia thi nâng ngạch chuyên viên chính vào năm 2014, theo kết quả của Bộ Nội vụ công bố là đạt, nhưng số lượng chỉ tiêu năm đó có hạn chế".
Cách giải thích ngô nghê của ông Đông khiến dư luận phản ứng ngay sau đó với câu hỏi : Ông Sang thi trượt chuyên viên chính, tại sao vẫn nói thi đạt ? Đã thi đạt thì tại sao năm 2016 ông Sang phải thi lại ?
Liệu có ai được coi là Cử nhân khi không được cấp bằng tốt nghiệp Đại học ? Liệu có ai được gọi là Tiến sĩ khi chưa có bằng Tiến sĩ ?
Nói về vấn đề này, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói rằng : "Không thể tùy tiện trong công tác cán bộ. Lựa chọn, đào tạo và sử dụng cán bộ là để làm việc cho dân, cho nước cho nên phải đánh giá công tâm chứ không thể có chuyện thích ai thì đưa người ấy".
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đề nghị : "Phải có công bố chính thức, công khai, minh bạch, nếu cán bộ đủ tiêu chuẩn thì khẳng định rõ ràng còn nếu không đủ tiêu chuẩn phải thì phải xử lý".
Cho đến nay, vụ việc ông Nguyễn Xuân Sang thi trượt Chuyên viên chính nhưng vẫn được bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam vẫn chưa có kết luận cuối cùng. ảnh : vinamarine.gov.vn
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Thị An cũng đã lên tiếng trước sự việc này : Căn cứ vào quy định pháp luật nào mà Bộ Giao thông vận tải lại tự ý cho "nợ" tiêu chuẩn khi bổ nhiệm, mà lại cho "nợ" với người đã thi trượt ?
Theo bà An, Bộ Giao thông vận tải hay bộ, ngành nào khác cũng không được phép ban hành quy định riêng, lách luật khi bổ nhiệm cán bộ. Ai đã làm sai thì bây giờ các cơ quan quản lý phải xem xét, xử lý trách nhiệm. Không thể để tồn tại mãi cái khẩu hiệu ‘đúng quy trình’.
Bà An đề nghị : "Bộ Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần phải vào cuộc kiểm tra, kịp thời làm rõ tất cả những băn khoăn của dư luận xã hội ; vừa để giữ gìn thanh danh cho cán bộ, đồng thời cũng nghiêm khắc xử lý sai phạm của cán bộ.
Như Tổng Bí thư đã nói thì chẳng thích thú gì khi phải kỷ luật cán bộ mà trái lại còn khổ tâm, xót xa, nhưng phải kiên quyết thực hiện vì lợi ích chung của toàn dân tộc. Nếu không làm cho thật minh bạch thì sau này còn nhiều trường hợp khác bổ nhiệm cũng gây ra điều tiếng xấu, đấy là vấn đề Đảng ta phải kiên quyết đấu tranh".
Không chỉ việc bổ nhiệm Cục trưởng Hàng hải gây bức xúc dư luận, mà tại đơn vị này còn có chuyện bổ nhiệm Cục phó Nguyễn Đình Việt cũng gây lùm xùm một thời gian dài và chưa có hồi kết.
Theo phản ánh từ Báo Thanh niên ngày 17/12/2016, bài "Tốt nghiệp "đại học ngắn hạn" vẫn được bổ nhiệm Cục phó" thì ông Nguyễn Đình Việt khi được bổ nhiệm chưa có bằng đại học.
Quyết định tốt nghiệp của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam ghi rõ ông Nguyễn Đình Việt tốt nghiệp ngành điều khiển tàu biển hệ cao đẳng khóa 1988 – 1991 ; tại Công văn số 2480/ĐH hướng dẫn cấp phát văn bằng tốt nghiệp cho hệ "đại học ngắn hạn" của Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi rõ bằng "đại học ngắn hạn" và bằng tốt nghiệp cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành từ năm 1991 trở đi có giá trị hoàn toàn như nhau.
Trong khi đó tại Điều 5 Quyết định 3688/QĐ-BGTVT ngày 15/11/2013, Bộ Giao thông vận tải quy định : Phó Vụ trưởng và tương đương phải có bằng đại học phù hợp với lĩnh vực công tác.
Như vậy, ông Nguyễn Đình Việt đã được bổ nhiệm Cục phó khi chưa có bằng đại học như quy định của chính Bộ Giao thông vận tải.
Một trường hợp khác là ông Hoàng Hồng Giang được tham gia thi tuyển cùng 4 Cục phó và một Hiệu trưởng khác vào chức vụ Cục trưởng đường thủy.
Kết quả là ông Hoàng Hồng Giang đã trúng tuyển với số điểm cao hơn người đứng thứ 2 chỉ 0,17 điểm (thang điểm tối đa là 100 điểm), để sau đó "nhảy cóc" từ vị trí Phó trưởng khoa của Đại học Hàng hải lên thẳng Cục trưởng.
Ông Giang chưa phải là Chuyên viên, mà chỉ là Giảng viên, vì vậy việc bổ nhiệm này cũng là trái với tiêu chuẩn lãnh đạo đơn vị hành chính theo chính Quy định mà Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Dù Bộ Giao thông vận tải cho nợ tiêu chuẩn khi bổ nhiệm, nhưng Bộ Nội vụ vẫn không cho ông Giang thi tuyển Chuyên viên chính trong kỳ thi năm 2016 vừa qua do chưa phải là chuyên viên.
Vào lúc này, khi mà Chính phủ đang phải rất vất vả để giải quyết sai phạm ở các dự án BOT và công tác cán bộ, không biết ông Đinh La Thăng có mảy may nghĩ đến trách nhiệm của mình ?
Kiến Văn
Nguồn : GDVN, 14/09/2017
Thông tin tham khảo :
http://chinhsachonline.chinhphu.vn/Chi-tiet-cau-hoi/Bang-dai-hoc-ngan-han-tuong-duong-trinh-do-nao/2450.vgp
http://thanhnien.vn/thoi-su/tot-nghiep-dai-hoc-ngan-han-van-duoc-bo-nhiem-cuc-pho-774911.html
http://congluan.vn/ong-hoang-hong-giang-dang-ngoi-nham-ghe/
Không lâu sau vụ đầu tháng Chín năm 2017 Bộ Công an bắt hàng loạt quan chức lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - nơi mà Đinh La Thăng đã làm chủ tịch hội đồng thành viên trong giai đoạn 2006 - 2010, vừa xuất hiện thêm một dấu hiệu mang tính trực tiếp cho thấy ông Thăng đang "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc" vào "quy trình 5 bước" trong tinh thần "lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy" của Nguyễn Phú Trọng.
Đinh La Thăng trong lần gặp ông John Kerry tại Sài Gòn, tháng Năm, 2016.
Chứng cứ bất ngờ
Trong phiên tòa sáng 14/9/2017 xét xử đại án OceanBank, luật sư Nguyễn Minh Tâm - người bào chữa cho nhân vật Nguyễn Xuân Sơn đang bị Viện Kiểm sát đề nghị án tử hình - đã bất ngờ tung ra văn bản do ông Đinh La Thăng ký khi đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, với nội dung yêu cầu các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí phải mở tài khoản và thực hiện các giao dịch tại OceanBank.
Tức trách nhiệm "cố ý làm trái" và "lợi dụng chức vụ quyền hạn…" đang trực chỉ ông Đinh La Thăng, với liều lượng ít nhất liên quan mật thiết đến vụ 800 tỷ đồng góp vốn của PVN vào OceanBank đã không cánh mà bay, chưa kể dòng tiền lên đến 500 ngàn tỷ đồng của các thành viên PVN "chạy" vào OceanBank.
Chi tiết đáng chú ý là vào tháng 2/2017, tại phiên tòa sơ thẩm xử "Hà Văn Thắm và đồng bọn…" đã không hề hiện ra văn bản trên. Tuy nhiên vụ án này đã bất ngờ được "trên" chỉ đạo cho điều tra bổ sung, đặc biệt liên quan đến vụ 800 tỷ đồng vốn góp của PVN vào OceanBank. Quả nhiên sau đó, vụ Hà Văn Thắm đã được Bộ Công an "mở rộng giai đoạn 2" và lôi Đinh La Thăng vào cuộc.
Không loại trừ một khả năng : ở thế đường cùng và bị đề nghị án tử hình, Nguyễn Xuân Sơn buộc phải khai báo về trách nhiệm của Đinh La Thăng. Cũng không loại trừ khả năng luật sư của Nguyễn Xuân Sơn đã được "ai đó" chuyển cho văn bản trên do ông Thăng ký để trưng ra trước tòa nhằm chứng minh Sơn chỉ là "thừa hành", còn Thăng mới là "vua".
Cùng với phát ngôn của một quan chức về "không có vùng cấm trong vụ Hà văn Thắm", báo chí nhà nước đã nhanh nhẹn công bố văn bản trên với chữ ký của Đinh La Thăng - một hiện tượng rất đồng điệu việc nhiều tờ báo nhà nước đã công bố các văn bản của Bộ Công thương, Ban Tổ chức trung ương, Tỉnh ủy Hậu Giang nhằm "thu xếp" cho Trịnh Xuân Thanh từ Công ty PVC lỗ 3.300 tỷ đồng về "an dưỡng" tại Bộ Công thương và sau đó trở thành Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
Sắp tới "bước 2"
Công luận đã được "xới lên", theo một cung cách rất truyền thống của đảng : đã là báo nói thì phải kiểm tra.
Vài tháng trước trong một cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội, Tổng bí thư Trọng cũng đã nhắc đến việc "đã kiểm tra vụ việc Trịnh Xuân Thanh sau khi báo Thanh Niên nêu"…
Nhưng vào lần này, vụ Đinh La Thăng hẳn không còn là "kiểm tra" nữa. Vì kết quả kiểm tra vụ PVN và trách nhiệm ông Thăng đã được Ủy ban Kiểm tra trung ương âm thầm làm trong vài năm trước và bất thần công bố vào cuối tháng Tư năm 2017, để ngay lập tức hất bật Đinh La Thăng khỏi cái ghế ủy viên bộ chính trị cùng chức vụ bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó ông Thăng được đưa về Ban Kinh tế trung ương để "nhốt chung quyền lực vào lồng" cùng cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình. Có thể xem đó là "bước 1".
Vấn đề của Đinh La Thăng hiện thời đang là… Hội nghị trung ương 6, sẽ diễn ra vào giữa tháng 10/2017. Nếu Hội nghị trung ương 5 vào tháng 5/2017 mang ẩn ý chính thức bỏ phiếu bất tín nhiệm với Đinh La Thăng trong Bộ Chính trị, thì Hội nghị trung ương 6 rất có thể sẽ là việc Ban chấp hành trung ương bỏ phiếu thêm một lần nữa để loại ông Thăng khỏi "trung ủy", sau đó Thăng đương nhiên bị bãi miễn tư cách đại biểu quốc hội. Đây có thể được xem là "bước 2".
Nhìn lại, Đinh La Thăng, gương mặt đã mất hẳn vẻ tự tin cùng những câu "sấm" bán trời không văn tự, đã bị 90% ủy viên trung ương nhất trí "cách" khỏi Bộ Chính trị tại Hội nghị trung ương 5.
Cũng cần nhắc lại, vụ Bạc Hy Lai - Bí thư Trùng Khánh ở Trung Quốc - khi bị Tập Cận Bình "xử" vào năm 2012, cũng đã tuần tự trải qua các bước bị khai trừ khỏi Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương, sau đó bị khai trừ đảng rồi bị bắt giam, cuối cùng bị xử án bóc lịch chung thân.
Với cường độ bắt bớ dồn dập giới quan chức PVN và ngân hàng từ đầu tháng Chín đến nay, một khả năng có thể là Tổng bí thư Trọng đang sốt ruột đôn đốc thúc đẩy nhanh hơn chiến dịch được xem là "chống tham nhũng" của ông, trong đó ngay trước mắt là "tất toán hồ sơ Đinh La Thăng". Nếu giả thiết này là đúng, cơ chế xử lý ông Thăng có thể được "đốt cháy giai đoạn", tức không cần tuần tự như trường hợp Bạc Hy Lai mà có thể xảy ra gần như đồng thời hai công đoạn bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Ban chấp hành trung ương ở Hội nghị trung ương 6, đồng thời tiến hành khai trừ đảng.
Trong hệ thống đảng cộng sản, rất thường là một khi quan chức đã bị khai trừ khỏi đảng thì đương nhiên mất quyền "bất khả xâm phạm". Khi đó, quan chức cũng đương nhiên bị luật pháp hình sự "sờ gáy".
Còn "trai Kim Cự, gái Kim Tiến" ?
Từ cuối tháng Bảy năm 2017 khi bắt đầu có tin Trịnh Xuân Thanh "đã về" cho đến nay, không một lần nào người ta nhìn thấy ông Đinh La Thăng xuất hiện trên truyền thông, thậm chí có nhiều đồn đoán về việc ông Thăng đã bị quản thúc hoặc bị "canh theo" rất rát - một hình thức mà công an rất thường áp dụng đối với giới hoạt động nhân quyền ở Việt Nam.
Nhưng Đinh La Thăng không phải là "người đấu tranh dân chủ". Cho tới lúc này, đã có thể hình dung vào tháng Mười tới, Đinh La Thăng sẽ hoàn tất thêm hai bước : mất "trung ủy" và bị khai trừ đảng.
Dấu hỏi còn lại là sau hai bước trên, liệu Đinh La Thăng có tiến thêm hai bước còn lại như Bạc Hy Lai đã từng hay không…
Lại nhớ Nguyễn Phú Trọng - người còn có ý khen Đinh La Thăng vào nửa đầu năm 2016 nhưng lại đổi ý kỷ luật ông Thăng vào nửa đầu năm 2017 - vào giữa năm nay đã bóng gió với cử tri Hà Nội rằng việc kỷ luật Đinh La Thăng mới chỉ là xử lý về mặt đảng, còn "hình sự ta đang làm".
Xem ra Đinh La Thăng khó thoát "bước 4" - hình sự hóa.
Nhưng trái ngược với "hoàn cảnh" của Đinh La Thăng, hai nhân vật của đảng bị dân gian làm vè "Trai Kim Cự, gái Kim Tiến ; kẻ thì giết biển đứa chuyên giết người" cho tới nay vẫn nhơn nhơn ung dung "ăn chơi nhảy múa" ngoài xã hội,
Nghe nói "lũ người quỷ sứ" trên - phỏng theo tựa đề một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nga Dostoievsky - đã được chiến dịch "chống tham nhũng thời kỳ trước" của "cụ Tổng" cho "hạ cánh an toàn", bất chấp vô số nạn nhân biển Miền Trung và nạn nhân ung thư cứ chết dần mòn theo ngày tháng.
Đinh La Thăng là củi tươi hay củi khô ?
Ngô Đồng, VOA, 15/09/2017
Ông Đinh La Thăng, ủy viên Bộ Chính Trị cộng sản Việt Nam bị thất sủng sau nhiều tai tiếng bị bới móc từ khi cầm đầu Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) đến thời làm Bộ trưởng Giao thông vận tải, hiện có thể đang sống trong những ngày phập phồng bất an.
Ông Đinh La Thăng.
Liệu ông sẽ có thể bị lôi ra tòa hành tội hay không dù ông tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từng ví von "Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy" khi ông họp "Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng" ngày 31/7/2017.
Hôm Thứ Năm 14-9, người ta thấy trên tờ Giáo Dục Việt Nam (GDVN) có bài điều tra nêu hai chuyện ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm trong thời gian làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải. Thứ nhất, hàng loạt các dự án cầu đường BOT đầy tai tiếng, dân chúng kêu than dậy đất. Thứ hai, bổ nhiệm một số chức sắc cấp cao không đủ tiêu chuẩn, tức trái với quy định luật lệ.
Bài viết trên tờ GDVN dẫn lại kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố ngày 6/9/2017 nói 7 dự án BOT có rất nhiều sai phạm từ xây dựng đến thu phí. Đường lộ có sẵn chỉ cào lên, tráng lớp nhựa mỏng rồi thu "phí" như đường xây dựng mới hoàn toàn, đặc biệt là BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Một số trục lộ khác cũng như vậy, chẳng hạn như Quốc lộ 1A qua Cai Lậy đã bị dân chúng phản ứng đến phải "xả trạm" nhiều ngày và phải theo nhau "giảm phí".
BOT là nhóm từ viết tắt "Build-Operate-Transfer" (Xây dựng – Vận hành - Chuyển giao) ở Việt Nam bây giờ dùng khá quen thuộc thường để chỉ các dự án công ích mà chính quyền giao cho tư nhân xây dựng, thu cả vốn lẫn lãi qua "phí" sử dụng, sau đó chuyển giao lại cho nhà nước.
Theo quy định, cứ 70Km đặt một trạm thu "phí", nhưng thực tế theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, cả nước Việt Nam có 86 trạm thu "phí" thì 9 trạm có khoảng cách từ 60-70km ; 24 trạm có khoảng cách nhỏ hơn 60km ; lại còn một số tuyến đường, trạm thu phí "dày đặc". Con đường đi từ Hà Nội đến Thái Bình chỉ khoảng 110 km nhưng có tới 4 trạm thu "phí".
Tờ GDVN thuật lời ông Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải : "Thời kỳ ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thì dự án BOT giao thông được làm cách xô bồ, làm một cách đại trà vô nguyên tắc". Vậy có gì gần giống với tội danh "cố ý làm trái hay không ?"
Tờ GDVN cho rằng, ngoài những "bất cập" ở các dự án BOT, ông Đinh La Thăng cũng "không thể thoái thác trách nhiệm" đối với một loạt vụ bổ nhiệm ở các cơ quan thuộc Bộ Giao thông Vận tải, "cho đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm".
Tờ GDVN kể vụ bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sang giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải vào năm 2015 dù ông này đã "thi trượt Chuyên viên Chính vào năm 2014 do Bộ Nội vụ tổ chức". Bổ nhiệm ông Nguyễn Đình Việt làm Cục phó Cục Hàng Hải khi "chưa có bằng đại học. Ông Hoàng Hồng Giang "nhảy cóc" từ vị trí Phó trưởng khoa của Đại học Hàng hải lên thẳng Cục trưởng dù "chưa phải là Chuyên viên, mà chỉ là Giảng viên, vì vậy việc bổ nhiệm này cũng là trái với tiêu chuẩn lãnh đạo đơn vị hành chính theo chính Quy định mà Bộ Giao thông Vận tải ban hành".
Cùng ngày với bản tin của tờ GDVN, người ta thấy tờ báo infonet của Bộ Thông Tin và Truyền Thông đưa tin, nhằm cứu mạng cho thân chủ, trong phiên tòa ở Hà Nội hôm Thứ Năm 14 tháng 9, luật sư của ông Nguyễn Xuân Sơn cáo buộc Hội đồng Xét xử đã lờ một chứng cứ quan trọng để chứng minh ông Sơn chỉ là người thi hành lệnh của cấp trên. Đồng thời những món "lại quả" từ ngân hàng Ocean Bank qua tay ông thì lại được chuyển đến các xếp của PVN.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm đã trưng ra văn bản ngày 7/9/2010 do Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng ký ra lệnh cho tất cả các công ty lớn nhỏ của tập đoàn phải mở trương mục tại OceanBank, giao dịch tài chính qua trương mục tại OceanBank bao gồm : cấp phát vốn, thanh toán, gửi tiền, và các dịch vụ tài chính khác, trong đó có các quan hệ tài chính giữa các đơn vị với nhau.
Luật sư Tâm dẫn lệnh trên văn bản do ông Đinh La Thăng ký : "Các đơn vị khẩn trương phối hợp với OeanBank thực hiện và phải báo cáo kết quả về Tập đoàn trước ngày 15/10/2010".
Theo luật sư Tâm được báo chí tại Việt Nam theo dõi phiên tòa thuật lại, về mặt pháp lý, quan hệ giữa hai pháp nhân PVN và OceanBank đã được xác lập bằng văn bản thỏa thuận cam kết tháng 9/2008 do chính ông Đinh La Thăng ký với Hà Văn Thắm với các cam kết rõ ràng về nghĩa vụ của PVN trong việc hỗ trợ OceanBank thực hiện các dịch vụ ngân hàng. Ông Đinh La Thăng còn đích thân quán triệt đến từng đơn vị thuộc Tập đoàn bằng văn bản đã nêu trên.
Như vậy, ông Nguyễn Xuân Sơn không thể làm trái lệnh cấp trên là ông Đinh La Thăng nên không thể kết tội ông "tử hình" vì đã lợi dụng uy tín, vị thế và sự phụ thuộc của OceanBank vào nguồn tiền của PVN để gây áp lực và chi phối lãnh đạo OceanBank phải "chi tiền lãi ngoài, nhằm thực hiện mục đích cá nhân".
Cuối tháng Tư 2017, ông Đinh La Thăng bị Ủy ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng hài tội ra các quyết định để các công ty con của tập đoàn PVN chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật ; góp vốn trái quy định vào Ocean Bank gây thiệt hại cho PVN (mất trắng 800 tỉ đồng), nhiều công ty con của tập đoàn này thất bại vì đám cầm đầu chỉ lo đục khoét hơn là kinh doanh.
Trong 12 đại dự án kỹ nghệ gây thất thoát hàng chục ngàn tỉ đồng đang "đắp chiếu" vì tham nhũng và nhiều lý do khác, có 5 dự án là của PVN mà ông Đinh La Thăng cầm đầu tập đoàn. Những người cầm đầu trực tiếp các dự án này, ít kẻ trốn ra nước ngoài, nhiều người đang nằm trong các nhà tù.
Ngày 13/9/2017, Bộ Công an loan báo "ra Quyết định khởi tố 03 vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP) ; Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) ; Tổng Công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) và khởi tố bổ sung đối với bị can Ninh Văn Quỳnh".
Đây là cuộc điều tra được mở rộng thêm ra (tức giai đoạn II) của vụ án Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank và đồng phạm với các kết quả của cuộc điều tra giai đoạn hoạt động kéo dài từ 2010 đến 2014. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến số tiền Ocean Bank hối lộ cho viên chức quốc doanh và liên doanh lên hơn 1,576 tỉ đồng, gọi là chi "lãi ngoài".
Dù rất nhiều tội nợ được nêu ra đều nằm gọn trong điều 165 của Luật hình sự cộng sản Việt Nam "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng" và có thể vi phạm một số tội hình sự khác nếu bị moi móc thêm, nhưng ông Đinh La Thăng chỉ bị gạt ra khỏi Bộ Chính Trị, mất ghế bí thư thành ủy Sài Gòn và về "ngồi chơi xơi nước" ở Ban Kinh Tế Trung Ương với cái chức hàm "phó ban".
Thấy dư luận xã hội ngạc nhiên về cách trị tội nặng nhẹ khác nhau của chế độ, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 13/5/2017, khi tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình, Tây Hồ đã giải thích rằng việc "kỷ luật" ông Đinh La Thăng "mới chỉ về mặt đảng". Ông hàm ý vụ "kỷ luật" ông Đinh La Thăng sẽ không dừng ở đó.
Nhưng đếm các bài viết liên quan đến trách nhiệm và những việc làm sai trái của ông Đinh La Thăng từ khi còn cầm đầu tập đoàn PVN đến khi làm bộ trưởng cũng phải hàng chục bài viết trên nhiều tờ báo khác nhau của hệ thống báo chí chính thống của chế độ.
Vài chục thuộc cấp của ông đối diện với các bản án nặng kề, kể cả tử hình, nhưng ông thì không biết được xếp vào loại củi tươi hay củi khô. Còn có bị ném vào lò hay không, không có một tiêu chuẩn nào cố định trong một chế độ mà luật lệ được giải thích hay áp dụng co giãn không chừng tùy người đứng canh lò.
Ngô Đồng
Nguồn : VOA, 15/09/2017
*******************
Đinh La Thăng liên quan gì đến án tử Nguyễn Xuân Sơn phải đối mặt ?
VOA, 14/09/2017
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Hà Nội hôm 14/9 đề nghị với tòa án mức án tử hình đối với ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, cũng từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN).
Có bằng chứng ông Đinh La Thăng từng yêu cầu các thành viên PVN gửi tiền vào OceanBank năm 2010
Ông Sơn, 55 tuổi, là nhân vật chủ chốt trong số 51 người đang bị xét xử trong vụ một ngân hàng cổ phần thất thoát gần 2.000 tỷ đồng, gây chấn động cả nước, thường được gọi là "đại án kinh tế OceanBank".
Các tội dẫn đến việc ông Sơn đối mặt với án tử hình là "tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, và cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Một bị cáo quan trọng khác trong vụ này, ông Hà Văn Thắm, 44 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị của ngân hàng OceanBank, bị Viện kiểm sát đề nghị mức án chung thân.
Ông Thắm bị buộc tội giống ông Sơn, ngoài ra còn thêm tội danh "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Bản luận tội của Viện Kiểm sát, được báo chí Việt Nam dẫn lại, nói ông Nguyễn Xuân Sơn trong thời gian được PVN cử sang giữ chức Tổng giám đốc OceanBank, đã lạm dụng chức vụ quyền hạn. Cụ thể, ông Sơn đã yêu cầu ông Hà Văn Thắm chi thêm tiền "chăm sóc khách hàng" ngoài lãi suất theo hợp đồng đối với tiền gửi của PVN, và giao cho ông Sơn toàn bộ số tiền đó.
Sở dĩ ông Sơn có thể làm như vậy vì ông lợi dụng vị thế của PVN là đối tác chiến lược có lượng gửi tiền lớn tại ngân hàng. Khi đó ông cũng giữ tư cách là người đại diện phần góp vốn của PVN tại OceanBank. Từ năm 2009, PVN nắm lượng cố phần trong OceanBank trị giá 800 tỷ đồng.
Trong khi đó, về lý thuyết là cấp trên của ông Sơn, ông Hà Văn Thắm ở cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị đã không phản đối yêu cầu của ông Sơn, mà còn triển khai tích cực việc chi tiền lãi ngoài hợp đồng. Bản luận tội xác định rằng vì việc đó, ông Thắm giữ vai trò đồng phạm với ông Xuân Sơn.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng Giám đốc OceanBank, đối mặt án tử vì tội tham ô
Trong diễn biến mới nhất được báo chí trong nước tường thuật, sau khi Viện Kiểm sát đề nghị mức án tử hình đối với ông Sơn, chiều 14/9, luật sư của ông đã đưa ra chứng cứ quan trọng nhằm gỡ tội cho thân chủ.
Tin cho hay luật sư Nguyễn Minh Tâm đã trưng ra văn bản ngày 7/9/2010 do Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN khi đó là ông Đinh La Thăng ký.
Văn bản này yêu cầu các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí "phải thực hiện mở tài khoản tại OceanBank, thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại OceanBank".
Một đoạn trích trong văn bản cho thấy ông Đinh La Thăng chỉ đạo rằng "Các đơn vị khẩn trương phối hợp với OceanBank thực hiện và phải báo cáo kết quả về Tập đoàn trước ngày 15/10/2010".
Luật sư Tâm lập luận rằng do có chỉ đạo bằng văn bản ở cấp lãnh đạo cao nhất của PVN là ông Thăng, nên ông Sơn không thể làm trái. Nói cách khác, theo luật sư Tâm, ông Sơn không thể "dùng tư cách cá nhân" yêu cầu các đơn vị phải gửi tiền.
"Vì thế không thể quy buộc Nguyễn Xuân Sơn đã lợi dụng uy tín, vị thế và sự phụ thuộc của OceanBank vào nguồn tiền của PVN để gây áp lực và chi phối lãnh đạo OceanBank phải chi tiền lãi ngoài", Luật sư Tâm phát biểu tại tòa, được báo chí trích đăng lại.
Tình tiết mới này đang làm nóng lên những phỏng đoán rằng cuộc chiến chống tham ô, tham nhũng do Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo đang ngày càng quyết liệt hơn.
Một số luật sư và nhà quan sát đề nghị không nêu tên nói với VOA rằng họ không loại trừ khả năng nhà chức trách Việt Nam sẽ có hành động pháp lý đối với ông Đinh La Thăng.
Ông Thăng đã bị kỷ luật phải ra khỏi Bộ Chính trị đầy quyền lực hồi tháng 5 năm nay, đồng thời cũng thôi chức Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Quyết định kỷ luật của đảng cộng sản nói khi còn nắm các chức vụ lãnh đạo cao nhất ở PVN, ông đã mắc những khuyết điểm, vi phạm "rất nghiêm trọng". Ông Thăng cũng từng là Bộ trưởng Giao thông-Vận tải.
Theo thông tin từ phiên tòa xét xử vụ OceanBank, đến cuối 2014, ngân hàng này chi hơn 1.500 tỷ đồng ngoài hợp đồng cho hơn 50.000 cá nhân và gần 400 tổ chức gửi tiền tại ngân hàng.
Chi tiết gây chấn động là trong 1.500 tỷ đó, tới hơn 246 tỷ chi riêng cho ông Nguyễn Xuân Sơn, khi đó là phó tổng giám đốc PVN, và bị ông này chiếm đoạt.
Ông Hà Văn Thắm, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank, đối mặt án trung thân vì các sai phạm nghiêm trọng
Viện Kiểm sát nói các lãnh đạo của OceanBank đã mắc nhiều sai phạm trong công tác điều hành dẫn đến việc ngân hàng bị mắc những khoản nợ xấu rất lớn. Tính đến cuối tháng 3/2014, nợ xấu đạt gần 15.000 tỷ đồng, ngoài ra là khoản lỗ hơn 10.000 tỷ đồng.
Dường như để tránh nguy cơ ngân hàng phá sản, gây tác động dây chuyền không lường trước được, nên đầu tháng 5/2015, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại Oceanbank với giá 0 đồng.
Ngoài ông Sơn và ông Thắm, 49 bị cáo khác đang đối mặt với các mức án từ 18 tháng tù treo cho đến 27 năm tù. Bà Nguyễn Minh Thu, một cựu chủ tịch Hội đồng quản trị khác của OceanBank, có thể chịu hình phạt từ 24-27 năm tù về hai tội "cố ý làm trái" và "lạm dụng chức vụ quyền hạn".
Từ những gì thu thập được qua vụ OceanBank, công an Việt Nam hôm 13/9 tuyên bố họ mở rộng điều tra sang những sai phạm liên quan đến các quan chức của PVN.
Báo chí Việt Nam dẫn thông tin của Bộ Công an cho hay bộ đã quyết định khởi tố 3 vụ án hình sự xảy ra tại Liên doanh Dầu khí Việt-Nga Vietsovpetro (VSP), Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), và Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP). Công an nói tội danh chính trong các vụ này là "lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản".
Thông tin sơ bộ từ công an cho hay OceanBank đã chi trả lãi ngoài tổng cộng là 120 tỷ đồng cho 3 doanh nghiệp kể trên. Các nhà điều tra cho rằng việc nhận hoặc sử dụng các khoản tiền ngoài lãi suất đó là "hành vi vi phạm pháp luật".
Tình trạng tham ô, tham nhũng ở Việt Nam bị một số tổ chức quốc tế đánh giá là nghiêm trọng. Chỉ số tham nhũng năm 2016 của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) xếp Việt Nam ở vị trí 113 trong số 176 nước. tháng 3 năm nay, một khảo sát của Minh bạch Quốc tế cho thấy Việt Nam đứng thứ 2 về mức độ tham nhũng trong số 16 nước Châu Á-Thái Bình Dương.
Nguyễn Văn Bình - cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam và được tạp chí Global Finance có uy tín quốc tế về phân tích tài chính liệt vào "một trong 20 thống đốc có thành tích điều hành tệ nhất trên thế giới" vào năm 2012 - có phải chịu "một số phận vinh quang và cay đắng" như Đinh La Thăng hay không, đây vẫn là một dấu hỏi rất lớn cho tới thời điểm này.
Nguyễn Văn Bình, hình chụp năm 2016.
Cửa thoát mong manh
Trong khi số phận của Đinh La Thăng đã trở nên rất chông chênh từ tháng Chín năm 2016 khi Bộ Công an bắt Vũ Đức Thuận là trợ lý của Thăng, và số phận này đã chính thức an bài vào cuối tháng Tư năm 2017 khi Tổng bí thư Trọng bật đèn xanh cho Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố kết luận kiểm tra vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với trách nhiệm chính thuộc về ông Thăng, thì đương kim Trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình lại được báo giới nhà nước ưu ái không đả động gì, cho dù vào thời gian đó đã xảy ra hàng loạt vụ ra tòa của hai đại án Phạm Công Danh - Ngân hàng Xây Dựng - và Hà Văn Thắm - Ngân hàng Đại Dương.
Cũng vào thời gian trên, có dư luận cho rằng Nguyễn Văn Bình đã "thoát".
Khách quan mà nói, có một cửa thoát cho ông Bình. Tại đại hội 12 vào đầu năm 2016 của đảng cầm quyền, cả Nguyễn Văn Bình và Đinh La Thăng đều bất ngờ lọt vào Bộ Chính trị, cho dù hai nhân vật này được nhiều dư luận khẳng định là người của "anh Ba Dũng". Tuy nhiên sau đó, đường công danh của hai nhân vật này lệch hẳn nhau : Đinh La Thăng về "trấn" ở TP.HCM - một cứ điểm kinh tế - chính trị quan trọng hàng đầu ở miền Nam và ảnh hưởng cả một phần Trung Nam Bộ, nhanh chóng trở thành "sao" với tần suất xuất hiện trên báo chí dày đặc hơn hẳn các ủy viên bộ chính trị khác. Còn Nguyễn Văn Bình lại về Ban Kinh tế trung ương - một cơ quan đảng mà trong nhiều năm đã năm lần bảy lượt bị đảng đe dọa đóng cửa vì thực ra chẳng có tác dụng gì ngoài chuyện "định hướng" và trà lá nhậu nhẹt, về thực chất chẳng có thực quyền gì. Về đây, xem ra Nguyễn Văn Bình đã được "đá lên" và vĩnh viễn xa rời cái ghế thống đốc quyền lực của Ngân hàng nhà nước - địa chỉ có thể chi phối toàn bộ huyết mạch tín dụng và tài chính của nền kinh tế, kể cả thế giới ngầm. Về thực chất, Bình bị xem là "đã cháy".
Hẳn đó là nguồn cơn mà Đinh La Thăng được Nguyễn Phú Trọng soi xét hơn nhiều trong chiến dịch "chống tham nhũng - thanh lọc nhân sự" của đảng. Vậy là Thăng "đi" trước.
Chỉ có cách "đi" là còn có vẻ gây khó hiểu. Hóa ra Tổng bí thư Trọng đã quyết định tạo ra một màn bi hài kịch : Đinh La Thăng được "luân chuyển" từ ghế bí thư thành ủy TP.HCM về làm phó ban kinh tế trung ương, hay nói cách khác là ông Trọng đã "nhốt quyền lực vào lồng" cả Bình chung với Thăng.
"Đi" như thế nào ?
Ngay sau khi xảy ra kết quả "Trịnh XuânThanh đầu thú" ở Hà Nội vào cuối tháng Bảy cho dù Bộ Ngoại giao Đức tố cáo mật vụ Việt Nam đã ra tay bắt cóc Thanh, số phận Đinh La Thăng một lần nữa nổi sóng. Khi đó đã rộ lên tin đồn về việc ông Thăng không còn đi làm ở Ban Kinh tế trung ương mà bị quản thúc. Cùng lúc đó, một số tờ báo nhà nước bắt đầu làm "nhiệm vụ" : lần đầu tiên sau nhiều năm cấm khẩu, đặc biệt dưới thời Nguyễn Tấn Dũng còn là thủ tướng, giờ đây báo chí trở nên "dũng cảm" hơn nhiều để bắt đầu hé miệng về trách nhiệm của Ngân hàng nhà nước khi để xảy ra quá nhiều sai phạm và tham nhũng tại một số ngân hàng thương mại cổ phần. Dù chưa thấy nêu tên Thống đốc Nguyễn Văn Bình…
Nhưng căng thẳng và nguy hiểm là thấy rõ. Chỉ ít ngày sau khi Trịnh Xuân Thanh "về", một đại gia mà trước đó ít ai nghĩ là có thể bị hề hấn gì - Trầm Bê - đã bị Bộ Công an bắt. Trầm Bê lại được xem là người thân, thậm chí là "tay hòm chìa khóa" của "nhà anh Ba Dũng" và có mối quan hệ thân thiết không kém với Nguyễn Văn Bình.
Mạch truyện lướt nhanh và hấp dẫn hơn hẳn. Lần đầu tiên từ sau đại hội 12, Nguyễn Văn Bình dường như bị hất khỏi thế "an phận", để cho dù có thực tâm an phận cũng đã muộn. Vấn đề đang trở thành ý đồ tái sắp xếp cả bàn cờ chính trị chứ không còn thuần túy là những vụ án lẻ tẻ và những cá nhân quan chức đơn lẻ, do vậy bất kỳ con cờ nào cũng có thể được những ý đồ tính toán nào đó móc xích lại với nhau, cho một vụ án chung. Thậm chí có thể dẫn đến một "phiên tòa lịch sử".
Trầm Bê - nhân vật có thời được xem là "bất khả xâm phạm" và nghe nói đã từng thoát bắt bớ ít ra vài lần, khi đã bị bắt thật thì Nguyễn Văn Bình - nhân vật bị xem là phải chịu trách nhiệm về rất nhiều hậu quả trong các chiến dịch sáp nhập thâu tóm ngân hàng, mua lại ngân hàng với giá 0 đồng, điều hành thị trường vàng và đô la, gắn với nhiều dư luận về "trùm tài phiệt Bình Ruồi"… đương nhiên khó mà thoát.
Chỉ còn là chuyện Bình có "đi" như Thăng, hay sẽ khác Thăng.
"Dê tế thần" ?
Vào đầu tháng 9/2017, một loạt quan chức cấp cao của PVN bị bắt, càng xác nhận khả năng Đinh La Thăng khó mà giữ được ghế ủy viên trung ương, ngay cả khả năng được "tại ngoại hậu tra" cũng khó.
Một tuần sau biến động "bắt PVN", đến lượt một cựu quan chức Ngân hàng nhà nước - phó thống đốc Đặng Thanh Bình và là cấp phó trước đây của Nguyễn Văn Bình - bị khởi tố.
Chưa bao giờ Nguyễn Văn Bình lại "gần" với vòng tố tụng hình sự như lúc này. Dù cả hai đều là Bình, nhưng một khi Nguyễn Phú Trọng đã không còn muốn "giữ bình nguyên vẹn" nữa thì sẽ có những con chuột bị đập, thậm chí bị đập chết tươi.
Vào tháng 9/2017, tướng Lê Quý Vương - thứ trưởng bộ công an - bất chợt toát ra một phán ngôn hiếm có "đang giải quyết lợi ích nhóm, sân sau của thời kỳ trước".
"Thời kỳ trước" là thời kỳ nào ? Những gì mà tướng Vương đề cập về các vụ án tham nhũng đều rơi vào thời gian mà Nguyễn Tấn Dũng còn tại vị thủ tướng. Bộ sậu khi đó của Thủ tướng Dũng lại là những cái tên quá quen thuộc như Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Văn Bình, Đinh La Thăng, Trầm Bê…
Vào năm 2016, cũng tướng Lê Quý Vương đã chỉ như ấp úng về vụ Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, và như thể "năn nỉ" Thanh về để được hưởng lượng khoan hồng của đảng và chính phủ.
Còn giờ đây, sau khi Thanh về thật, có vẻ vai trò ủy viên thường vụ trong Đảng ủy công an trung ương của Nguyễn Phú Trọng đã bắt đầu phát huy tác dụng. Những vụ bắt giam giới đại gia ngân hàng và quan chức dầu khí theo lệnh ông Trọng được thi hành nhanh hơn và rốt ráo hơn hẳn năm ngoái. Cũng có vẻ ông Trọng, sau một thời gian chật vật, đã bắt đầu "nắm" được ngành công an.
Giờ đây, số phận Nguyễn Văn Bình như đang gắn chặt với cảm xúc và những tính toán riêng của ông Trọng.
Nếu Đinh La Thăng đã từng trở thành mối đe dọa đối với Tổng bí thư Trọng trong trường hợp Thăng nắm được địa bàn TP.HCM - không chỉ là một trung tâm kinh tài mà còn như một "thể chế chính trị riêng", Nguyễn Văn Bình có thể phần nào an toàn, được cho "rửa tội" ngay tại Ban Kinh tế trung ương nếu Bình vẫn chấp nhận vai trò trưởng ban ở đây mà không còn dám đoái hoài gì đến cái ghế ủy viên bộ chính trị.
Đã có bài học nhãn tiền đẹp như mơ. Ngay cả "Trai Kim Cự, gái Kim Tiêm ; kẻ thì giết biển, ả chuyên giết người" mà còn được "cụ tổng" bỏ qua êm ái, dù bị dân chửi không còn thiếu từ nào…
Tuy nhiên như đã đề cập, không chỉ Đinh La Thăng đóng vai trò một "trục" mà cả Nguyễn Văn Bình cũng đặc trưng cho một "trục" khác - hai con đường này đều dẫn đến cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng mà Nguyễn Phú Trọng sẽ khó lòng bỏ qua. Bàn cờ chính trị cũng vì thế sẽ tùy thuộc phần lớn vào quyết định cuối cùng của ông Trọng.
Nếu đưa được Đinh La Thăng ra tòa và do đó có thể "rửa mặt’ trước Nguyễn Tấn Dũng, xóa được hình ảnh tổng bí thư phải rơi lệ tại Hội nghị trung ương 6 vào cuối năm 2012, không chừng Nguyễn Phú Trọng sẽ cảm thấy thỏa mãn mà "buông" Nguyễn Văn Bình.
Nhưng nếu Đinh La Thăng vẫn là chưa đủ, sẽ cần thêm ít nhất một "con dê" nữa phải chịu "tế thần". Khi đó, không chỉ bị loại khỏi Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương, mà cách "đi" sắp tới của Nguyễn Văn Bình có khi cũng sẽ giống hệt Đinh La Thăng vào thời điểm hiện nay : "một đi không trở lại".
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 13/09/2017
Cựu Thủ tướng Dũng bỏ qua, không kỷ luật Trịnh Xuân Thanh (VOA, 13/09/2017)
Ông Trịnh Xuân Thanh, người mà chính phủ Đức nói đã bị Hà Nội bắt cóc tại thủ đô Berlin và đưa về nước xử lý, đã được chính phủ tiền nhiệm bỏ qua, không kỷ luật về cáo buộc gây thiệt hại tài chính tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam PetroVietnam (PVC).
Cựu Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hãng tin Reuters hôm 13/9 tường thuật rằng mở lại vụ án Trịnh Xuân Thanh và quyết tâm xử lý vụ việc này cho bằng được cho thấy thái độ cứng rắn hơn của Đảng Cộng sản đương quyền kể từ khi cơ quan an ninh Việt Nam thâu tóm thêm quyền lực từ cuộc đấu đá nội bộ hồi năm ngoái, mà kết quả là cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị hất cẳng.
Bản tin của Reuters nói Đảng Cộng sản Việt Nam bày tỏ quyết tâm muốn giải quyết nạn tham nhũng, nhưng một số nhà phê bình cáo buộc giói lãnh đạo là đã khởi sự một cuộc "săn lùng phù thủy" sau khi phát động chiến dịch điều tra nhiều nhân vật từng nắm giữ các chức vụ cao hơn.
Theo Reuters, cuộc đấu đá nội bộ ở Việt Nam đã thu hút sự chú ý của thế giới hồi tháng trước khi Đức cáo buộc Hà Nội bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin.
Ông Thanh bị buộc tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại 150 triệu đôla cho công ty PVC trong thời gian ông làm chủ tịch hội đồng quản trị từ năm 2009 đến năm 2013.
Tuy nhiên, theo một lá thư ngày 18/5/2015 của cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng gửi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Thanh đã nhận trách nhiệm nhưng chính phủ của Thủ Tướng Dũng lúc bấy giờ "không tìm thấy dấu hiệu tiêu cực" nào liên quan đến hành động của ông Thanh.
Bức thư viết : "Do đó, các cơ quan, đơn vị đồng ý không tiến hành kỷ luật đối với ông Thanh".
Thư còn cho biết ông Thanh đã chuyển sang làm việc tại Bộ Công thương, và tại đây ông tích cực làm việc để giải quyết các vấn đề tại PVC.
Bức thư có đoạn : "Công việc phục hồi và hậu thanh tra sau khi xử lý PVC đã được thực hiện có hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của thủ tướng".
Trả lời câu hỏi của Reuters về bức thư này và liệu có còn những vụ truy tố liên quan tới vụ án hay không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói Đảng và nhà nước kiên quyết xử lý các hành động tham nhũng hoặc bất cứ vi phạm luật pháp nào do bất kỳ tổ chức, hay cá nhân nào thực hiện.
Bà Thu Hằng nói : "Dựa trên kết quả điều tra, các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm những người vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật Việt Nam".
Sau khi trở về Việt Nam, ông Thanh xuất hiện trên truyền hình nhà nước và xác nhận ông đã quyết định ra đầu thú. Bản tin của Reuters nói chính phủ Việt Nam không cho biết làm thế nào mà ông Thanh đã có thể trở về nước.
Theo Reuters, ông Thanh là một quan chức tương đối thấp trong số những người đang bị điều tra liên quan đến hoạt động của PetroVietnam cũng như trong ngành ngân hàng.
(theo Reuters)
***************
Ông Trịnh Xuân Thanh 'không mắc sai phạm gì' ? (BBC, 13/09/2017)
Ông Trịnh Xuân Thanh đã từng được chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác nhận không mắc sai phạm gì, hãng tin Reuters viết trong bài tường thuật độc quyền ra hôm 13/9.
Ông Trịnh Xuân Thanh "xin lỗi" trong đoạn phim chiếu trong chương trình thời sự của VTV tối 3/8
Đức nói ông Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc tại Berlin hồi cuối tháng Bảy nhưng Việt Nam nói ông 'tự nguyện ra đầu thú' tại Hà Nội sau một thời gian trốn tránh.
Ông Thanh hiện đang đối diện các cáo buộc có sai phạm trong quản lý kinh tế liên quan tới hoạt động của Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Trưởng văn phòng phụ trách hoạt động của Reuters tại Việt Nam, ông Matthew Tostevin nói rằng theo nội dung các tài liệu mà Reuters được xem thì chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận "không thấy có dấu hiệu tiêu cực nào" liên quan tới các hành động của ông Trịnh Xuân Thanh trong việc PVC thua lỗ 150 triệu đô la.
Nội dung lá thư đề ngày 18/5/2015 do Bộ trưởng Công Thương khi đó, ông Vũ Huy Hoàng kí trình Thủ tướng Dũng viết rằng "do vậy, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đã đồng y không tiến hành kỷ luật" ông Thanh.
Lá thư cũng viết rằng ông Thanh đã được thuyên chuyển sang vị trí khác trong Bộ và đã rất nỗ lực để xử ly các vấn đề tại PVC.
"Việc khắc phục hậu quả và thanh tra PVC sau đó đã được thực hiện hiệu quả, tuân thủ theo các yêu cầu của thủ tướng", lá thư viết.
BBC chưa có điều kiện tiếp cận tài liệu mà Reuters nhắc đến.
Tháng 9/2016 ông Trịnh Xuân Thanh đã bị khởi tố với tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự.
Ông Trịnh Xuân Thành được cho là đang làm thủ tục xin tỵ nạn ở Đức trước lúc "bị bắt cóc"
Điều này cho thấy Đảng Cộng sản đang có quan điểm cứng rắn hơn kể từ sau cuộc tranh giành quyền lực với kết quả là sự thất bại của cựu thủ tướng Dũng hồi năm ngoái, Reuters bình luận.
Đảng nói muốn xử lý tình trạng tham nhũng, nhưng một số người chỉ trích cho rằng giới cầm quyền hiện nay đang muốn triệt hạ đối phương bằng việc tiến hành các cuộc điều tra đối với các quan chức cao cấp.
Trả lời câu hỏi của Reuters về lá thư của ông Vũ Huy Hoàng, và về việc liệu có còn ai nữa bị truy tố liên quan tới vụ việc không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói Đảng và nhà nước cương quyết xử ly tình trạng tham nhũng và vi phạm pháp luật, cho dù đối tượng là bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào.
Trịnh Xuân Thanh chỉ là quan chức cấp thấp trong số những người đang bị điều tra về hồ sơ PetroVietnam và trong ngành ngân hàng.
Ông Đinh La Thăng bị cảnh cáo và mất ghế Ủy viên Bộ Chính trị tại Hội nghị 5, Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam 5/2017
Nhân vật chính trị cao cấp nhất cho đến nay bị ảnh hưởng là ông Đinh La Thăng, cựu chủ tịch PetroVietnam. Ông Thăng bị mất chức trong Bộ Chính trị trong dịp Hội nghị Trung ương 5, hồi 5/2017.
Hồi tháng Giêng, Ủy ban thường vụ Quốc hội Việt Nam ban hành đã Nghị quyết xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng.
Có những đồn đoán rằng sẽ có thêm các thành viên trong chính phủ của ông Dũng sẽ bị truy tố, Reuters nói.
*******************
Trịnh Xuân Thanh từng được chính phủ trước xóa sai phạm (RFA, 13/09/2017)
Ông Trịnh Xuân Thanh, người bị chính phủ Đức cho là phía Việt Nam sang Berlin bắt cóc đưa về nước để xử phạt về những thất thoát tài chính, từng được chính phủ Hà Nội trước đây xóa bỏ mọi sai phạm.
Màn hình TV chiếu hình ông Trịnh Xuân Thanh trên VTV ở Hà Nội hôm 4/8/2017 - AFP
Bản tin độc quyền của Reuters vào ngày 13 tháng 9 cho biết như vừa nêu. Theo đó căn cứ vào lá thư đề ngày 18 tháng 5 năm 2015 do ông Vũ Huy Hoàng, bộ trưởng Công Thương lúc bấy giờ, gửi cho ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng cũng vào thời đó, thì dù bản thân ông Trịnh Xuân Thanh nhận trách nhiệm nhưng chính phủ không phát hiện ra những dấu hiệu tiêu cực liên quan đến hành vi của ông Trịnh Xuân Thanh.
Bức thư nêu rõ do vậy cơ quan chức năng đồng ý không thi hành biện pháp kỷ luật đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Nội dung bức thư còn cho biết ông Trịnh Xuân Thanh được chuyển về làm việc tại Bộ Công Thương. Ở đó ông này được đánh giá làm việc tích cực nhằm giải quyết những vấn đề ở Công ty Cổ Phần Xây Dựng Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVC).
Một kết luận được nêu ra trong bức thư là công tác sửa sai và hậu kiểm tra PVC được tiến hành hiệu quả theo yêu cầu của thủ tưởng.
Hãng tin Reuters nêu câu hỏi về lá thư vừa nêu và liệu có thêm những truy tố đối với vụ việc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trả lời là Đảng Cộng Sản và Nhà Nước Việt Nam mạnh tay trong việc giải quyết tình trạng tham nhũng hoặc vi phạm pháp luật của bất cứ tổ chức hay cá nhân nào.
Reuters cho biết không thể liên lạc với bản thân ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Bộ Trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng hay nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một các trực tiếp hay thông qua văn phòng chính phủ để hỏi thêm về thông tin liên quan.
Theo Reuters, vụ Trịnh Xuân Thanh được mở lại và truy tố cho thấy biện pháp cứng rắn của Đảng Cộng Sản Việt Nam kể từ khi phe an ninh trở nên mạnh hơn sau khi nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị mất quyền lực trong cuộc đấu đá vào năm ngoái.
Ông Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc làm thất thoát 3300 tỷ đồng, tương đương 150 triệu đô la, khi giữ chức chủ tịch Hội Đồng Quản Trị PVC từ năm 2009 đến năm 2013.
Biến cố chính trị kỷ luật ông Đinh La Thăng trong Hội nghị trung ương đảng lần thứ năm, được rất nhiều blogger và cư dân mạng xã hội quan tâm trong tuần qua.
Các thành viên Bộ Chính trị mới được bầu : Vương Đình Huệ (thứ hai từ trái) và Đinh La Thăng (thứ hai từ phải) tại lễ bế mạc Đại hội đảng cộng sản toàn quốc lần thứ 12 tại Hà Nội ngày 28 tháng 1 năm 2016. AFP photo
Trước Hội nghị trung ương, khai mạc vào ngày 5 tháng 5 năm 2017, ông Thăng là Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi hội nghị khai mạc khoảng một tuần Ủy ban kiểm tra trung ương đảng đã công bố một đề nghị lên Bộ chính trị kỷ luật ông Thăng. Nhưng trước đó trên mạng xã hội và blog người ta đã bàn tán rất nhiều đến sai phạm của ông Thăng khi còn làm Chủ tịch hội đồng thành viên của Tập đoàn dầu khí Việt Nam.
Đến ngày thứ ba của Hội nghị trung ương, ông Thăng chính thức bị mất chức Ủy viên Bộ chính trị, sau đó ông mất chức Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, và ông bị điều về Ban kinh tế trung ương. Sau khi Hội nghị trung ương kết thúc, ông Thăng lại được chuyển từ đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh về đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.
Ban kinh tế trung ương
Trên trang blog Bình luận án, Luật sư Trần Hồng Phong viết lại tin kỷ luật ông Thăng với tựa đề : Sai phạm nghiêm trọng về kinh tế, ông Đinh La Thăng được điều động làm Phó ban kinh tế trung ương.
Đó cũng là một điều nhiều người thắc mắc. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà quan sát chính trị Việt Nam, viết trên Facebook rằng đó là một chuyện như đùa, một hình thức kỷ luật không thuyết phục, tại sao sai phạm về kinh tế, mà bây giờ lại làm việc nghiên cứu kinh tế ?
Trang Bauxite Việt Nam bình luận về chuyện này :
Người ta tự hỏi : Sao một người phá nát kinh tế của đất nước như ông Đinh mà nay lại đưa về Ban Kinh tế tối cao của đảng ? Vậy thực chất Ban Kinh tế của đảng đóng vai trò gì ngoài vai trò "ga chờ" của những tội phạm sắp hạ cánh ? Nhưng nếu là ga chờ thì đối với đảng, đó là chỗ ưu ái dành cho người đồng hội đồng thuyền đang thất cơ lỡ vận, tất nhiên là nơi ẩn náu an toàn. Còn đối với dân, liệu người dân có cùng một cách nhìn với đảng hay không ?
Nhiều người trong đó có blogger Huỳnh Ngọc Chênh, đặt vụ kỷ luật ông Đinh La Thăng vào công cuộc chống tham nhũng của Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng phát động mấy năm nay, và so sánh nó với cái gọi là đả hổ diệt ruồi của ông Tập Cận Bình bên Trung Quốc.
Đả hổ diệt ruồi là chiến dịch chống tham nhũng của chủ tịch họ Tập, tên gọi có ý muốn nói rằng việc chống tham nhũng sẽ không chừa bất kỳ ai dù người đó có là cán bộ cao cấp.
Ông Huỳnh Ngọc Chênh viết :
Ông Đinh La Thăng thời còn làm Bộ trưởng Giao thông, năm 2014. AFP photo
Cuối cùng thì trận chiến "đả hổ diệt ruồi" phiên bản Việt Nam cũng đã kết thúc tốt đẹp như một vở kịch có hậu.
Phải có một con ruồi thật bự nào đó đứng ra chịu chém để lưỡi gươm chống tham nhũng dừng lại đúng chỗ.
Chủ trương "diệt chuột nhưng không để vỡ bình" của ông Trọng đã bộc lộ rõ ra qua chuyện dàn xếp cho Đinh La Thăng chức phó ban kinh tế ngay sau khi bị lấy lại hai chức được cho trước đây để y vui vẻ nhận tội, để chuyện chống tham nhũng chỉ dừng ở ruồi mà không dẫn lên đến hổ, để chuôt bị diệt mà không ảnh hưởng đến bình.
Câu nói diệt chuột sợ vỡ bình là của ông Nguyễn Phú Trọng trước đây, ý muốn nói sự khó khăn của công tác chống tham nhũng, khi các tội phạm tham nhũng cũng là những người đảng viên cộng sản như ông.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa
Về chuyện chuyển ông Thăng từ chổ làm đại biểu Quốc hội ở thành phố Hồ Chí Minh, sang làm đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, luật sư Lê Công Định viết trên mạng xã hội :
Đảng thích chuyển đại biểu quốc hội từ địa phương này sang địa phương khác chỉ cần vài tờ giấy gửi qua gửi lại là xong. Dân lỡ "bầu" ông bà nào cho địa phương mình có gì quan trọng đâu !
Bởi vậy mỗi lần "bầu cử quốc hội" nghe câu sáo ngữ "toàn dân nô nức đi bầu", tôi lại thấy buồn cười. "Nô nức" cho đã, khi cần họ vẫy tay một phát, chuyển người đi như chuyển ngân, không bận tâm ai là đại biểu của dân nào, ở đâu. Giấu đầu, lòi đuôi là thế !
Thôi thì các ngài thích cho ai ngồi vào cái gọi là "quốc hội" cứ ung dung tự tiện làm đi, chẳng ai cười đâu, chứ giả vờ "ứng cử, bầu cử" dân mới cười cho.
Nhà báo Huy Đức cho rằng Ban bí thư đã biến ông Thăng từ việc làm đại biểu của nơi này sang làm đại biểu của một nơi khác bằng một quyết định điều chuyển. Việc này cộng với những quyết định tước bỏ các chức danh cũ của hai ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương, và ông Võ Kim Cự, cựu bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh, đại biểu Quốc hội, chứng tỏ đảng đang công khai thể hiện vai trò cầm quyền của mình. Và điều đó, theo Huy Đức, cho dân chúng thấy rõ ràng gốc gác của quyền lực là từ đâu.
Hai ông Vũ Huy Hoàng, và Võ Kim Cự đều được cho rằng có những sai phạm liên quan đến việc bổ nhiệm cán bộ và kinh tế, mà trong đó ông Võ Kim Cự là vụ nhà máy Formosa xả chất độc làm biển ô nhiễm hồi năm ngoái.
Một nhân vật cấp dưới của ông Thăng và rất nổi tiếng trong suốt một năm qua là ông Trịnh Xuân Thanh, đã bỏ trốn ra nước ngoài và bị nhà nước Việt Nam phát lệnh truy nã vì tội tham nhũng liên quan đến những sai phạm trong quả lý kinh tế. Ông Thanh cũng là đại biểu Quốc hội.
Huy Đức viết rằng Võ Kim Cự cũng chính đảng đưa vào Quốc hội ; Trịnh Xuân Thanh cũng đảng đưa vào Quốc hội. Dân đã mất một buổi cày đi bỏ phiếu rồi bây giờ ngơ ngác nhìn đảng đưa họ ra.
Kỷ luật nhẹ của một thể chế chưa muốn cải cách
Bình luận về vụ kỷ luật ông Đinh La Thăng, blogger Nguyễn Văn Thọ viết trên blog Kim Dung :
Kỷ luật ấy vẫn là sự nương nhẹ. Một đứa trẻ ăn cắp 1 cái bánh mỳ bị xử, một cán bộ cấp thấp tham ô vớ vẩn, nhận quà chỉ 1 cái đài bị tù cả bao năm cách tất cả chức vụ như Trần Mai Hạnh còn Đinh La Thăng tổn thất cả tỉ đô làm cho hàng triệu kẻ đói nghèo, không có đức lớn, tài cao sao lại chỉ cảnh cáo ?
Ông Võ Kim Cự (phải) và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại kỳ họp Quốc hội. AFP photo
Ông Trần Mai Hạnh vốn là một nhà báo, được cho là có nhận hối lộ trong vụ án băng nhóm xã hội đen Năm Cam tại Sài Gòn cách đây hơn 10 năm. Trong vụ án đó, số tiền ông Hạnh nhận là khoản vài ngàn đô la Mỹ.
Một tác giả khác ký tên là Mường Thanh viết trên trang Dân Luận về bản án kỷ luật của ông Đinh La Thăng :
Thăng văng ra khỏi top 18 nhưng vẫn là top 200 nhân vật quyền lực nhất trên 90 triệu dân VN, còn khối người mơ ! Nhưng lần nhớ sau tế nhị hơn chút nha cha nội, làm quá không khéo người đời chép miệng, buông một câu : "Đúng là cái anh ấy làm nghề nghệ sĩ" !
Top 18 là 18 Ủy viên Bộ chính trị quyền lực nhất nước, top 200 là 200 Ủy viên Trung ương đảng, còn câu chuyện nghệ sĩ mà Mường Thanh đề cập là thói quen của ông Thăng hay cầm đàn ca hát trong các buổi văn nghệ phong trào.
Cũng trong thời gian diễn ra Hội nghị trung ương năm của đảng cộng sản, ông Mai Tiến Dũng, chủ nhiệm văn phòng chính phủ có nói trong một buổi họp báo rằng : "Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật" ?
Nay nhìn lại bản án kỷ luật dành cho ông Đinh La Thăng, tác giả Nguyễn Phương Đông trích lại lời ông Mai Tiến Dũng mà hỏi rằng phải chăng trong thời đại rực rỡ này pháp luật chỉ dành cho dân ?
Trong lại vụ kỷ luật ông Đinh La Thăng, nhà báo Huy Đức viết rằng đảng dùng kỷ luật nội bộ của mình để xử các ủy viên trung ương, ủy viên Bộ chính trị, là điều hợp lý, nhưng hành vi của họ còn làm tổn hại tới lợi ích quốc gia và tiền bạc của dân. Nếu dân không có thực quyền. Nếu không có nhà nước pháp quyền. Nếu các cơ quan tố tụng luôn phải chờ đợi quy trình chính trị này để túm cổ bọn sâu mọt thì những thành tích chống tham nhũng sẽ rất tạm thời và đất nước rất dễ rơi trở lại cái vòng luẩn quẩn.
Tương tự như vậy nhà báo, blogger Huỳnh Ngọc Chênh đặt câu hỏi là những khoản tiền vô cùng lớn mà ông Đinh La Thăng có trách nhiệm trong việc làm thất thoát sẽ có được thu hồi hay không ? Ông Chênh nói tiếp nếu những câu hỏi đó tiếp tục kéo dài dằng dặc thì chỉ có nhân dân là thất bại thảm hại trong những cuộc chiến gọi là chống tham nhũng.
Kính Hòa, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 15/05/2017
Tại Hội nghị trung ương 5 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5 đến 10 tháng 5, Ban chấp hành trung ương Đảng quyết định kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị. Ông Thăng sau đó phải thôi chức Bí Thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và được điều động về làm Phó Ban Kinh tế trung ương.
Ông Đinh La Thăng thời còn làm Bộ trưởng Giao thông, năm 2014. AFP photo
Cách xử lý kỷ luật này được dư luận đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến sai phạm trong quá khứ của ông Đinh La Thăng khi còn là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN. Bên cạnh đó, cũng không thiếu những bàn luận xung quanh hình thức xử lý một lãnh đạo bị "thất sủng" như nhà nước Việt Nam thường áp dụng.
Thất sủng
Quyết định kỷ luật của Ban chấp hành trung ương đối với ông Đinh La Thăng đã dẫn đến rất nhiều những tranh luận, bàn cãi trên mạng xã hội những ngày gần đây. Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra, liên quan đến cá nhân ông Đinh La Thăng và hình thức xử lý kỷ luật.
Nhà báo độc lập, blogger Trương Duy Nhất cho biết trong dư luận có những ý kiến về việc thuyên chuyển ông Đinh La Thăng về làm phó ban Kinh tế trung ương.
"Cái sai phạm của ông Đinh La Thăng đến mức phải tước cái Ủy viên Bộ chính trị là sai phạm về mặt kinh tế, điều hành kinh tế khi là chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Thế mà bây giờ lại điều ổng về làm Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, thì không biết ổng điều hành kinh tế cái gì ? Không lẽ sai phạm về mặt kinh tế lại đưa ra làm tham mưu về mặt chính sách của kinh tế trung ương ? Đó là điều khó hiểu"
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Giám đốc Viện Nghiên Cứu Phát triển (IDS) đã giải thể, có ý kiến hoàn toàn khác. Trước tiên, ông đưa ra nhận xét ở một khía cạnh được cho là "bên ngoài", tính đến tính hiệu quả, nếu có, của việc thuyên chuyển Đinh La Thăng.
"Những người mà được gọi là bị thất sủng thì được nhồi vào các ban, bệ thực sự là vô thưởng vô phạt, có tính chất nghiên cứu. Còn tôi nghĩ rằng nếu ông Thăng là một người thông minh, có kinh nghiệm về kinh tế, thì tôi nghĩ làm phó ban kinh tế trung ương, ông ấy có thể có nhiều ý tưởng hay ho ?".
Vấn đề này được blogger Trương Duy Nhất gọi là cách bố trí nhân sự lâu nay trong Đảng.
"Cứ ông nào nếu thất sủng, mà hàm ở cấp cao, không biết đẩy vào đâu thì cứ nhét vào cái hàm phó ban của các bang đảng nào đó, vô thưởng vô phạt, như ban Dân vận, ban Kinh tế trung ương.
Khi ông Đinh La Thăng về đó, về quyền lực thì thật sự chẳng có quyền lực nào cả. Ngồi chơi xơi nước".
Ban Kinh tế trung ương được thành lập với vai trò là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành trung ương Đảng, mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Hiện nay, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị làm Trưởng ban Kinh tế trung ương. Nhưng theo ý kiến của blogger Trương Duy Nhất, vai trò và tiếng nói của ông Bình vốn đã không được mạnh, thì hiện tại với vị trí ‘Phó ban’ của ông Đinh La Thăng càng "nhạt nhoà’ hơn.
Blogger Trương Duy Nhất cũng nói đến trường hợp thuyên chuyển ông Nguyễn Bá Thanh từ Bí thư thành ủy Đà Nẵng ra làm Trưởng Ban Nội chính trung ương năm 2012 khi Bộ Chính trị quyết định lập Ban Nội chính trung ương và Ban Kinh tế trung ương. Blogger Trương Duy Nhất cho rằng hai sự thuyên chuyển của ông Thăng và ông Thanh là hoàn toàn khác nhau
"Trường hợp Đinh La Thăng là trường hợp bị kỷ luật và thất sủng và đưa về cái ban kinh tế, vai trò của ban kinh tế đã yếu, lại làm phó ban thì vai trò ông Thăng gần như số o.
Ông Nguyễn Bá Thanh lúc đó khác. Ông được đưa ra làm Trưởng ban nội chính, kiêm phó ban thường trực của Ủy ban phòng chống tham nhũng trung ương Đảng. Quyền lực ông Thanh lúc đó rất to".
Đường lối kinh tế của Đảng
Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng (giữa) trên chiếc Airbus A350XWB bay thử tại sân bay Nội Bài Hà Nội vào ngày 22 tháng 11 năm 2014. AFP photo
Sau khi cho rằng "đây là kết quả tất yếu của một cuộc đấu đá nội bộ vốn dĩ đã có từ rất lâu" thì Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Quang A bày tỏ việc buộc tội Đinh La Thăng là những "vấn đề nằm ở trên ngọn".
"Tất cả những cái sai lầm hoặc những thất thoát mà ông ấy đã gây ra là do ông ấy đã thực hiện đường lối kinh tế của Đảng cộng sản Việt Nam. Hay nói cách khác là cái nguyên nhân sâu xa để gây ra những lỗi lầm của ông Thăng, không phải là bản thân ông Thăng mà là đường lối của Đảng cộng sản, mà những người to hơn ông Thăng rất nhiều đã xác định từ lâu rồi, mà ông Nguyễn Phú Trọng là một trong những nhân vật chính".
Phát triển các tập đoàn kinh tế, lấy đó làm "quả đấm thép" và cho rất nhiều ưu ái để phát triển, là đường lối kinh tế của Đảng cộng sản tiến sĩ Nguyễn Quang A đã đề cập.
"Ông Thăng chỉ là 1 người thừa hành, thực hành đường lối ấy mà thôi".
"Khi rơi vào một bộ máy, một hệ thống như thế này thì có thể bản thân hệ thống nó làm tha hoá những người rất tử tế, rất thông minh, rất giỏi giang".
Đối với quan điểm của ông, đấy là cái chính dẫn đến thất bại không phải chỉ riêng Đinh La Thăng mà ở tất cả tập đoàn khác. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì với đường lối chính sách hiện tại của Đảng cộng sản thì không có ông Thăng này cũng có ông Thăng khác vì ông Thăng không phải là nguyên nhân chính dẫn đến những thất bại ở một tổng công ty nhà nước.
Theo như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong buổi bế mạc Hội nghị trung ương 5, "ông Đinh La Thăng có khuyết điểm và vi phạm rất nghiêm trọng công tác lãnh đạo, quản lý và công tác cán bộ" trong thời kỳ là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam".
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng có đề cập đến việc ông Thăng lấy tiền của PVN góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương rồi mất vốn vì ngân hàng này làm ăn thua lỗ. Số tiền bị tổn thất trong vụ rót vốn này lên đến 800 tỷ đồng.
Blogger Trương Duy Nhất cho rằng việc kỷ luật và hình thức kỷ luật đối với Đinh La Thăng là "thể hiện một quyết tâm sắt đá của ông Nguyễn Phú Trọng" đối với sai phạm của cá nhân ông Đinh La Thăng nói riêng và tập đoàn PVN nói chung. Tuy nhiên, ông cũng đặt ra một dấu hỏi :
"Nếu hồi tố trách nhiệm của ông Đinh La Thăng trong giai đoạn làm chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam thì cũng trong thời điểm đó, trách nhiệm của những cá nhân khác đối với nền kinh tài của quốc gia, rồi đối với những đổ bể của các tập đoàn kinh tế lớn khác cũng không thua kém như đổ bể của Vinashin, Vinaline ?"
Vụ án Vinashin là một trong các vụ án kinh tế lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam, làm thất thoát khoảng 107.000 tỷ đồng. Một loạt các quan chức của Vinashin bị đưa ra xét xử với tội danh "cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Trong khi đó, vụ án Vinalines với, thông qua thương vụ mua ụ nổi 83M đã hư hỏng nặng. Ông Dương Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Mai Văn Phúc, Tổng giám đốc và các đồng phạm đã cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại hơn 336 tỷ đồng.
Con đường quan lộ của ông Đinh La Thăng, người có những phát ngôn táo bạo như : "giành lại ngôi vị Hòn Ngọc Viễn đông" cho Sài Gòn, hoặc lập đường dây nóng để nghe bức xúc của người dân… khi là Bí thư Thành Ủy Thành phố Hồ Chí Minh chính thức kết thúc sau 1 năm rưỡi, vào chiều ngày thứ Hai, 10 tháng 5.
Tuy nhiên, với quan sát của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ông cho rằng cái chính của hình thức thuyên chuyển Đinh La Thăng là kết quả của "cuộc đấu đá không triệt để lắm" và nó sẽ khó có kết thúc thoả đáng vì theo ông, "triệt để lắm thì nó vỡ mất cái bình" theo đúng lời mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói trước kia về chiến dịch chống tham nhũng của đảng cộng sản là ‘đánh chuột chánh vỡ bình’.
Cát Linh, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 11/05/2017
Hiện nay có hai cuộc thanh toán nội bộ lớn đang xảy ra tại Trung Quốc và Việt Nam dưới danh nghĩa là "chiến dịch chống tham nhũng".
Đập ruồi - Ảnh minh họa
Tại Trung Quốc, nhóm Tập Cận Bình đang mở chiến dịch thanh toán nhóm Giang Trạch Dân. Theo Wall Street Journal, thuật ngữ được Tập Cận Bình sử dụng là "pāi yíng dă hŭ" được dịch ra tiếng Anh là "hunt tigers and swat flies" (săn hổ và đập ruồi), nhưng lại được các cơ quan truyền thông Việt ngữ dịch là "đả hổ diệt ruồi", khiến nhiều người lầm tưởng rằng đây chỉ là một chiến dịch giả, miệng hô to săn bắt các con hổ lớn, nhưng trong thực tế chỉ đập chết mấy con ruồi. Thực tế không phải như vậy.
Tại Việt Nam, nhóm Nguyễn Phú Trọng cũng đang tìm cách thanh toán nhóm Nguyễn Tấn Dũng, một nhóm được coi là có quyền lực và tham nhũng lớn nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam từ trước đến nay. Chiến dịch này cũng được các cơ quan truyền thông Việt ngữ gọi là "đả hổ diệt ruồi".
Thanh toán nội bộ để tranh giành quyền lực và quyền lợi là chuyện bình thường trong các đảng và chế độ cộng sản, đưa tới những biến động hay hậu quả rất phức tạp.
Chiến dịch của Tập Cận Bình
Sau khi lên cầm quyền vào cuối năm 2012, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng, đụng chạm tới cả những nhân vật cấp cao trong đảng, trong quân đội và trong giới doanh nghiệp đầy quyền thế ở Trung Quốc. Đây là những nhân vật trước đây được coi là "không thể đụng chạm". Cuộc thanh trừng ưu tiên nhắm vào phe nhóm của Giang Trạch Dân trong Quân Ủy trung ương.
Giang Trạch Dân và Tập Cận Bình
Giang Trạch Dân sinh năm 1926, là "hạt nhân của thế hệ lãnh đạo thứ 3" của đảng Cộng sản Trung Quốc. "Lãnh đạo hạt nhân" là thuật ngữ của đảng Cộng sản Trung Quốc dùng để ám chỉ quyền lực tối cao của nhà lãnh đạo duy nhất, theo khuôn mẫu của Mao Trạch Đông.
Giang Trạch Dân giữ chức Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc từ 1989 tới 2002, Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc từ 1993 tới 2003 và là Chủ tịch Quân ủy trung ương từ 1989 tới 2004. Đây là một cơ quan đầy quyền lực gồm đa số các thành viên là các sĩ quan quân đội chuyên nghiệp. Ngày 19.9.2004 do nhiều áp lực, ông đã từ chức nhưng vẫn hoạt động rất tích cực sau hậu trường. Tập Cận Bình đã kết hợp với tay chân của Hồ Cẩm Đào là Lý Khắc Cường tìm cách kiềm chế sự can thiệp quá mức của Giang Trạch Dân.
Sau khi nhận chức được vài tháng, Tập Cận Bình đã đưa ra một danh sách những "con báo" được coi là nổi bật mà ông săn được trong quân đội, đa số là tay chân bộ hạ của Giang Trạch Dân, đứng đầu là hai tướng Cốc Tuấn San (nguyên Tổng cục phó Hậu cần), và Từ Tài Hậu (cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương). Khám xét nhà hai tướng này, các nhà điều tra phát hiện cả một kho báu Alibaba chứa hàng trăm ký lô vàng ròng, nhiều bức tượng Phật hay tượng Mao Trạch Đông được đúc bằng vàng khối hay bằng ngọc thạch, hàng chục chiếc ngà voi hay tấm da hổ quý vùng đông bắc Trung Quốc, đồ cổ, bức họa, bức thư pháp cổ thời Tần, Tống, Minh, hàng ngàn két rượu Mao đài và một tấn tiền mặt bằng USD, euro hay nhân dân tệ… Một cuộc điều tra khác cho thấy quân đội đã chiếm "một cách phi pháp" hơn 8100 căn nhà và 25000 phương tiện giao thông.
"Con hổ" lớn nhất bị vồ là Chu Vĩnh Khang, Giám đốc Cơ quan An ninh Nội bộ Trung Quốc, Ủy viên Thường trực Bộ chính trị. Vài năm trước, Khang là người được coi là một trong số những quan chức quyền lực và đáng sợ nhất Trung Quốc. Khang có khả năng thao túng một nguồn tiền còn lớn hơn cả ngân sách dành cho quân đội.
Qua 4 năm, chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của Tập Cận Bình đã khiến cho hàng loạt quan chức cấp cao trong ngành An ninh và Quân đội liên tiếp bị "ngã ngựa". Ngày 10/6/2016 báo Đại Kỷ Nguyên của Trung Quốc đưa tin : "Giang Trạch Dân đã bị một nhóm quân đội bán vũ trang đưa ra khỏi nhà riêng vào sáng ngày 10/6/2016. Giang được nhìn thấy lần cuối khi một sĩ quan quân đội cao cấp và những người mặc thường phục giải đi tại một khu phức hợp quân đội ở Bắc Kinh. Lệnh bắt giữ Giang Trạch Dân được ban hành từ Quân ủy trung ương và được thực hiện vô cùng bí mật".
Một nguồn tin cho biết hiện nay Giang Trạch Dân đã bị tê bại bán thân vì tai biến mạch máu não.
Về kết quả của chiến dịch thành trừng, bản báo cáo tổng kết trình Quốc hội Trung Quốc hôm 13/3/2016 của Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao Tào Kiến Minh cho biết đã có 22 cựu quan chức từ cấp Bộ trở lên cho đến Ủy viên Bộ chính trị đã bị truy tố trong năm 2015. Có 15 người đã bị kết án, trong đó có nhân vật nổi tiếng nhất là Chu Vĩnh Khang. Đã có hơn 50.000 cán bộ là đối tượng điều tra và 41.000 trường hợp tham nhũng được phát hiện.
Chiến dịch của Nguyễn Phú Trọng
Muốn nắm vững quyền hành, nếu Tập Cận Bình phải thanh toán nhóm Giang Trạch Dân thì Nguyễn Phú Trọng cũng phải thanh toán nhóm Nguyễn Tấn Dũng.
Nguyễn Phú Trọng cũng phải thanh toán nhóm Nguyễn Tấn Dũng
1. Nguyễn Tấn Dũng lên như diều gặp gió
Sau Đại Hội đảng khóa X, ngày 27/6/2006 Nguyễn Tấn Dũng được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, từ tháng 9/1997 đến tháng 6-2006, Dũng đã được cử làm Phó Thủ tướng, từng giữ các chức vụ liên quan đến kinh doanh và tài chánh như Chủ tịch Hội đồng Tài chính Tiền tệ Quốc gia ; Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Đổi mới doanh nghiệp nhà nước ; Trưởng ban Chỉ đạo nhà nước về Đầu tư xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau, Dự án Liên hợp hóa dầu Nghi Sơn…
Từ năm 1998-1999, Dũng lại được giao kiêm nhiệm vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Bí thư Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước. Do đó Dũng đã làm quen với các ngân hàng và các công ty quốc doanh cũng như các mánh lới làm ăn. Nguyễn Tấn Dũng lại lợi dụng vị thế và cơ hội có trong tay để mua chuộc các đảng viên cao cấp và hình thành một nhóm quyền lực lớn trong đảng.
Nguyễn Tấn Dũng được tái đắc cử Thủ tướng nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 25/7/2011. Lúc đó Ban Chấp hành trung ương đảng khóa XI (2011–2015) có 175 ghế Ủy viên trung ương đảng chính thức thì phe Dũng chiếm đến 70%, còn 30% thuộc về các phe khác, nên Dũng làm mưa làm gió.
2. Nguyễn Tấn Dũng tung hoành ngang dọc
Trong thời gian cầm quyền, Nguyễn Tấn Dũng thực hiện kế hoạch tóm thâu tất cả các công ty quốc doanh, thu về một mối và đặt dưới quyền kiểm soát của Thủ tướng để dễ lộng hành và tham nhũng.
Trong chế độ cộng sản, lộng hành và tham nhũng ở chỗ nào cũng có và lúc nào cũng có. Nhưng những sự tham nhũng và lộng hành của Nguyễn Tấn Dũng đã đi đến múc nghiêm trọng. Vấn đề này đã được các cơ quan truyền thông viết quá nhiều, chúng tôi chỉ ghi lại những nét chính.
Vụ án điển hình nhất là vụ Vinashin. Vinashin đã hình thành công ty mẹ là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam với 24 công ty con, 6 công ty liên kết và 10 liên doanh, nhưng thất bại thê thảm vì quản lý kém và lấy quyền lợi cá nhân và phe nhóm làm mục tiêu chính. Vụ án này là một trong các vụ án kinh tế lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam, liên quan tới số tiền thất thoát hơn 4 tỷ USD. Có 9 bị cáo đã bị đưa ra xét xử với tội danh "cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" trong phiên xử vào ngày 27/3/2014 tại Hải Phòng.
Trong bức thư đề ngày ngày 17/4/2011, ông Nguyễn Thứ Lữ, bí danh Hồng-Hà, nguyên chính trị viên Trung Đoàn Tây-Bắc, đã tố cáo công khai "Tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng" đang nắm giữ kinh tài của cả nước và điều khiển 20 doanh nghiệp quốc doanh quan trọng cốt lõi như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than, v.v. Công nợ của quốc gia mà "Tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng" đã gây ra trả đến đời cháu của chúng ta cũng chưa chắc hết…
Chuyện con gái của Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Thanh Phượng năm 2008 đã lấy Việt kiều Henry Nguyễn, con của Nguyễn Bang, một viên chức của Việt Nam Cộng Hòa, về Việt Nam làm ăn với tư cách Tổng giám đốc IDG Venture VietNam, cũng được coi như là một "kiểu cách" làm ăn của Dũng.
Còn đảng viên Phan Văn Trung tố cáo Nguyễn Tấn Dũng tham nhũng, giàu nhất Châu Á. Nhưng có lẽ kiến nghị của ông Trịnh Văn Lâu (Tư Cẩn), từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh và Vĩnh Long, Ủy viên trung ương đảng hai khóa liên tiếp, là có đầy đủ chi tiết nhất.
Mới đây, ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí hiện đang tại đào, đã cho phổ biến trên Facebook một thư tố cáo các cán bộ bán dầu gồm Công an, Hải Quan, Dầu khí… đã ăn trộm dầu ở các mỏ dầu ngoài khơi Vũng Tàu và bán cho nước ngoài. Ví dụ xuất bán 100.000 tấn dầu thì tàu mua chỉ trả 70.000 tấn qua ngân hàng có hóa đơn, còn 30.000 tấn thì họ trả bằng tiền mặt ngay trên tàu với giá chỉ bằng 50% giá thị trường và khoản tiền này không được đưa vào sổ sách. Thư tố cáo nói rõ từ ngày Nguyễn Tấn Dũng lên làm Thủ tướng và Đinh La Thăng làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí, thì khách hàng mua dầu khoảng 70% là Trung Quốc…
Chỉ tính trong 10 năm Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, mỗi năm Việt Nam xuất bán 20 triệu tấn dầu thô với lượng dầu thô ăn cắp khoảng 30% tức là khoảng 6 triệu tấn/năm. Mỗi tấn tính rẻ 600 đô, như vậy là băng đảng Nguyễn Tấn Dũng và Đinh La Thăng đã ăn gọn là 10 x 6 x 600 = 36 tỷ đô. Đó là chưa kể đến hàng trăm khoản tham nhũng khác từ ngành Dầu khí như mua sắm thiết bị, vật tư, chi phí khai thác, mua sắm tàu bè…
Chiến thuật của Nguyễn Phú Trọng
Nguyễn Phú Trọng không có phe cánh và quyền lực mạnh như Tập Cận Bình nên không thể thanh toán nhóm Nguyễn Tấn Dũng mạnh tay như Tập Cận Bình thanh toán nhóm Giang Trạch Dân. Do đó, nhóm Nguyễn Phủ Trọng phải tìm các chiêu khác.
1. Ngăn chặn Dũng ra tranh chức Tổng bí thư
Với khoảng 70% Ủy viên trung ương đảng đứng về phe Dũng vì những quyền lợi được chia chác với nhau, nếu để Dũng ra tranh cử Tổng bí thư trong Đại Hội XII, chắc chắn Dũng sẽ thắng, nên nhóm Nguyễn Phú Trọng phải hạ độc chiêu.
Ngày 3/12/2015, Ủy ban Kiểm soát trung ương đã gửi đến các Ủy viên trung ương một Báo cáo mang số 9387, trong đó có "Thư phản ánh, kiến nghị về đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng chính phủ". Đó là một thông điệp gởi cho Nguyễn Tấn Dũng : "Phải liệu hồn mà đi đi !". Bị điểm trúng huyệt, ngày 10/12/2015 Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra một bản giải trình với kết luận "Tôi xin không tái cử".
2. Bẻ đũa từng chiếc
Mặc dầu đã hạ được Nguyễn Tấn Dũng rồi, còn rất nhiều đảng viên trong Ban chấp hành trung ương đảng đang dính líu với các quyền lợi do Dũng ban cho, nên không thể thanh toán hết một lúc được, nhóm Nguyễn Phú Trọng đã thuyết phục một số đảng viên liên hệ tách dần ra, một số còn lại sẽ thanh toán. Trịnh Xuân Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy kiêm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, được coi là vật hy sinh đầu tiên. Thanh là Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu Khí bị tố cáo làm ăn thua lỗ, làm thất thoát hơn 3.300 tỷ đồng. Thanh hiện đang trốn tại ngoại quốc.
Tiếp đến, hôm 23/1/2016 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết về việc xử lý kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng Khóa 10, 11, Đại biểu quốc hội Khóa 13, Bộ trưởng Bộ công thương 2007-2016. Ông Hoàng bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng công thương do đã có những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức vụ Bộ trưởng và Ban bí thư (nhiệm kỳ 2011-2016).
Nay đến lượt Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh : Hôm 7/5/2017, Ban chấp hành trung ương đảng đã ra quyết định thi hành kỷ luật Đinh La Thăng bằng hình thức "cảnh cáo" và "cho thôi giữ chức" Uỷ viên Bộ chính trị khóa 12.
Ủy ban Kiểm tra khẳng định Đinh La Thăng Thăng có những sai phạm gồm ký một nghị quyết của đảng ủy Tập đoàn hồi năm 2009 "không phù hợp với quy định pháp luật", để tập đoàn và các đơn vị thành viên chỉ định thực hiện nhiều gói thầu "trái pháp luật" ; hành động quá quyền hạn khi ký thỏa thuận góp vốn với Oceanbank vào năm 2008...
Báo Nhân Dân của Đảng Cộng sản Việt Nam đã dẫn lời của ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên thường vụ Trường trực Bộ chính trị, nói vể vụ Đinh La Thăng như sau :
"Suy cho cùng, đó là vấn đề đạo dức, lối sống người đảng viên đã không giữ được ; biết sai mà không lên tiếng, là tránh né, nể nang, sợ đụng chạm, sợ mất lòng nhau, tệ hơn là bỏ qua để nâng nhau lên".
Đây là những tội hình sự, phải bị truy tố theo hình luật, không thể nói lang mang như thế này được.
Thật ra, những thành phần tội phạm như Đinh La Thăng hiện đang tràn ngập trong đảng, từ Bộ chính trị xuống đến các cấp xã ấp, nhưng Đinh La Thăng là cánh tay mặt của Nguyễn Tấn Dũng nên Nguyễn Phú Trọng định dùng Đinh La Thăng để mở đường hạ Nguyễn Tấn Dũng ?
Nguyễn Phú Trọng nói : "Tham nhũng là ăn cắp của công của Nhà nước, còn lợi ích nhóm là câu kết, móc ngoặc với nhau để làm hại Nhà nước…". Nhiều người tiên đoán rằng trong vụ án này, số phận của Nguyễn Tấn Dũng rồi cũng sẽ giống số phận của Giang Trạch Dân.
Tin vào chuyện nhảm nhí
Điều đáng buồn cười là nhiều người tự xưng là "đi guốc trong bụng cộng sản" lại "tôn sùng" Nguyễn Tấn Dũng. Họ cho rằng "Nguyễn Tấn Dũng là người cấp tiến và thân Mỹ", còn Nguyễn Phú Trọng thân Trung Quốc !
Nhưng như chúng tôi đã nói nhiều lần, đảng cộng sản đề cao nguyên tắc "Đảng lãnh đạo, Cá nhân phụ trách", và người Pháp có câu : "Un communiste vaut l’autre", tức tên cộng sản nào cũng giống nhau. Người cộng sản có thể tranh chấp nhau về địa vị hay quyền lợi, còn đường lối luôn phải thống nhất, do Ban chấp hành trung ương đảng ấn định. Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng hay bất cứ đảng viên nào cũng đều phải theo đường lối chung, ai làm khác là bị loại ngay. Võ Nguyên Giáp là một trường hợp điển hình.
Chỉ có những người chẳng hiểu gì về cộng sản mới tin một cách nhảm nhí rằng Nguyễn Tấn Dũng thân Mỹ còn Nguyễn Phú Trọng thân Trung Quốc.
Ngày 11/5/2017
Lữ Giang
Đương kim ủy viên Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam Đinh La Thăng bị kỷ luật, phải ra khỏi Bộ chính trị, chỉ sau vài ngày đầu của hội nghị ban chấp hành trung ương đảng lần thứ năm, khóa 12, diễn ra từ ngày 5 tháng 5 năm 2017.
Ủy viên Bộ Chính Trị đảng cộng sản Việt Nam Đinh La Thăng (trái) đến tham dự lễ khai mạc kỳ họp Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 20 tháng 10 năm 2016. AFP photo
Ông Thăng được cho là có nhiều sai phạm khi ông phụ trách Tổng công ty dầu khí Việt Nam, làm thất thoát rất nhiều tiền của. Nhiều nhân vật dưới quyền ông Thăng đã bị truy tố tội tham nhũng trước đó.
Đây được cho là kết quả của chiến dịch chống tham nhũng được đương kim Tổng bí thư đảng, ông Nguyễn Phú Trọng hô hào từ khi ông lên nắm chức vụ này.
Công cuộc chống tham nhũng của đảng cộng sản và ông Tổng bí thư có hiệu quả ra sao ?
Chậm chạp trong quản lý và chống tham nhũng
Ngay trước khi hội nghị trung ương đảng lần thứ năm nhóm họp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công cố cho báo chí quyết định kỷ luật ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả của phiên họp đầu tiên, theo báo chí Việt Nam, ông Thăng bị 90% các ủy viên trung ương đồng ý không cho ông giữ vị trí ủy viên Bộ chính trị.
Báo mạng Vietnamnet ngày 8 tháng 5 trích lời một nguyên ủy viên trung ương đảng là trung tướng Nguyễn Quốc Thước ca ngợi ông Nguyễn Phú Trọng là đã qui tụ được ý chí toàn đảng toàn dân trong công cuộc chống tham nhũng, và theo ông thì với tỉ lệ 90% sự nhất trí trong đảng về chống tham nhũng rất cao.
Tuy nhiên, cũng theo VietnamNet, ông Thước có nói rằng vụ việc ở Tổng công ty Dầu khí đã được đưa ra hơn nửa năm, điều đó chứng tỏ có sự yếu kém của các cơ quan đảng và chính phủ.
Một nhà quan sát chính trị Việt Nam là giáo sư Vũ Tường, dạy khoa chính trị tại đại học Oregon Hoa Kỳ nói rằng vụ bê bối ở Tổng công ty Dầu khí Việt Nam còn có nguồn gốc lâu hơn nữa, từ năm 2011, thế nhưng người phụ trách nó là ông Đinh La Thăng lại được thăng tiến vào Bộ chính trị, và sau đại hội lần thứ 12 của đảng lại còn được giữ trọng trách Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Giáo sư Tường nói rằng :
"Điều đó là điều cho thấy đảng Cộng sản mất rất lâu và rất là không có hiệu quả trong việc điều hành nền kinh tế và chống lại tham nhũng".
Thắng lợi nhỏ bé
Ngay sau khi được bầu làm Tổng Bí thư vào năm 2011, một năm sau ông Nguyễn Phú Trọng đã tái lập Ban Nội chính Trung ương với nhiệm vụ chống tham nhũng, chỉnh đốn đảng cộng sản Việt Nam, đảng duy nhất cầm quyền của đất nước. Người đầu tiên đứng đầu ban này là ông Nguyễn Bá Thanh, lúc đó đứng đầu thành phố Đà Nẵng, nổi tiếng như là một người dám nghĩ dám làm.
Các thành viên Bộ Chính trị mới được bầu : ông Vương Đình Huệ (thứ hai từ trái) và ông Đinh La Thăng (thứ hai từ phải) tại lễ bế mạc Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 28 tháng một năm 2016. AFP photo
Tuy nhiên ông Nguyễn Bá Thanh lại là người bị tai tiếng về tham nhũng đất đai tại thành phố Đà Nẵng trong các dự án mở rộng và xây dựng cơ sở hạ tầng cho thành phố này, theo tố cáo của ông Đỗ Xuân Hiền, nguyên Trưởng Ban Kinh tế thành phố Đà Nẵng với đài RFA hồi năm 2009.
Ông Nguyễn Bá Thanh đột ngột qua đời vào năm 2015.
Trước đó vào năm 2012, trong một hội nghị trung ương đảng, người ta nói rằng bộ chính trị dưới quyền chỉ đạo của ông Nguyễn Phú Trọng, đề nghị kỷ luật ông Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó là Thủ tướng chính phủ. Lý do là ông Dũng phải chịu trách nhiệm về những vụ tham nhũng lớn của các tổng công ty nhà nước, hoạt động yếu kém của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên các ủy viên trung ương đảng đã bác bỏ.
Thông tin này chưa bao giờ được chính thức công bố, nhưng sau đó, ông Trương Tấn Sang nói với báo chí rằng Trung ương đảng đã không kỷ luật được một đồng chí ủy viên Bộ chính trị. Và người ta đoán rằng đó là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Nguyễn Tấn Dũng là người chủ trương thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước, trong đó có Tập đoàn dầu khí.
Vào năm 2016, sau đại hội đảng lần thứ 12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về hưu. Nhưng trong Bộ chính trị và chính phủ còn nhiều nhân vật quan trọng do ông Dũng bổ nhiệm và cất nhắc như các ông Đinh La Thăng, Hoàng Trung Hải.
Ngay sau đại hội 12 đầu năm 2016, đảng cộng sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Phú Trọng đã tiến hành một việc chưa có tiền lệ là cách chức một người đã về hưu là ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương, được bổ nhiệm dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và là cấp trên trực tiếp của Tập đoàn Dầu khí.
Trong cùng thời gian, đảng Cộng sản cũng bắt đầu điều tra ông Trịnh Xuân Thanh, cấp dưới của ông Đinh La Thăng ở Tập đoàn Dầu khí. Ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài, và bị chính phủ Việt Nam truy nã về tội tham nhũng.
Điểm lại những gì đã làm cho tới nay trong chiến dịch chống tham nhũng của tổng bí thư đảng cộng sản, giáo sư Vũ Tường cho rằng :
"Tôi nghĩ đó là một thành công rất là bé nhỏ, vì vụ này có từ năm 2011 rồi, mà cho đến bây giờ mới được một mình ông Thăng và một vài người nữa như ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng công thương, tôi thấy chưa có cái gì là nghiêm trọng cả. Tất cả đều trốn thoát pháp luật và hạ cánh an toàn. Thành ra là tôi còn chờ xem họ có đưa ông Thăng và tay chân ông ấy ra pháp luật hay không. Nếu làm được điều đó thì mới có tiến bộ".
Trong diễn văn khai mạc hội nghị Trung ương đảng lần thứ năm, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến bốn vấn đề cần phải phân tích : chủ trương kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tư nhân và chỉnh đốn đảng. Trong đó hai lần ông đề cập đến tham nhũng ở mục doanh nghiệp nhà nước và chỉnh đốn đảng.
Trong tất cả các văn bản liên quan đến việc kỷ luật ông Đinh La Thăng, không thấy đề cập đến chuyện tham nhũng, và người ta cũng chưa nói đến vị trí đương kim ủy viên Trung ương đảng của ông, cơ quan thực sự có cấu trúc như một quốc hội, có quyền quyết định nhiều chính sách của quốc gia.
Kính Hòa, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 08/05/2017
Ngay trước thềm Hội nghị trung ương 5 nhiều thông tin cho rằng Đinh La Thăng đã chủ động xin rút khỏi Bộ Chính trị cũng như chức vụ Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh.
Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Đinh La Thăng, ảnh minh họa chụp trước đây tại Hà Nội. AFP PHOTO
Những người từng hi vọng rằng Đinh La Thăng sẽ có một pha lách cửa hẹp để thoát nạn như cựu Thủ tướng Dũng cách đây 5 năm hẳn sẽ thất vọng, nhưng có lẽ không nên quá bất ngờ.
Đơn giản là vì sau lần kỷ luật hụt ông Dũng, ông Trọng đã tìm cách khép lại khe cửa đó.
Khe cửa đó là gì ?
Một chi tiết kĩ thuật trong quy định về kỷ luật đảng.
Thời điểm Bộ Chính trị trình ra Ban chấp hành Trung ương đề nghị kỷ luật ông Dũng năm 2012, quy định về vấn đề này như sau :
"Ban Chấp hành Trung ương là cấp quyết định kỷ luật cuối cùng, sau khi xem xét, kết luận phải biểu quyết bằng phiếu kín việc CÓ kỷ luật hay KHÔNG kỷ luật. Nếu có quá nửa số phiếu đến mức phải kỷ luật thì bỏ phiếu quyết định hình thức kỷ luật cụ thể. Trường hợp biểu quyết các hình thức cụ thể mà không có hình thức kỷ luật nào đủ đa số phiếu theo quy định, thì cộng dồn số phiếu từ hình thức kỷ luật cao nhất xuống đến hình thức kỷ luật thấp hơn, đến hình thức nào mà kết quả có đủ đa số phiếu theo quy định thì lấy hình thức đó để quyết định" (Quyết định số 46-QĐ/trung ương năm 2011 của Ban chấp hành trung ương).
Ông Dũng đã tận dụng điều khoản này để đánh cú liều thuyết phục Ban chấp hành trung ương lần đầu tiên lật ngược lại quyết định của Bộ Chính trị, khiến ông Trọng đã phải rơi lệ ấm ức khi đọc diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương khi đó vì không thể kỷ luật được 'đồng chí X'.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2016, ngày 24 tháng 2 năm 2017. Courtesy sav.gov.vn
Sau Đại hội 12 tiếp tục vững vàng trên ghế Tổng bí thư, ông Trọng đã nhanh chóng sửa đổi quy định trên bằng Quy định số 30-QĐ/trung ương năm 2016, trong đó quyền quyết định CÓ kỷ luật hay KHÔNG kỷ luật của Ban chấp hành trung ương đã bị loại bỏ :
"Ban Chấp hành Trung ương là cấp quyết định kỷ luật cuối cùng, sau khi xem xét, kết luận phải biểu quyết bằng phiếu kín việc quyết định hình thức kỷ luật cụ thể. Trường hợp kết quả biểu quyết các hình thức cụ thể mà không có hình thức kỷ luật nào đủ đa số phiếu theo quy định, thì cộng dồn số phiếu từ hình thức kỷ luật cao nhất xuống đến hình thức kỷ luật liền kề thấp hơn, đến hình thức nào mà kết quả có đủ đa số phiếu theo quy định thì lấy hình thức đó để quyết định" (trích Quy định số 30-QĐ/TƯ năm 2016).
Nghĩa là Bộ Chính trị nắm quyền quyết định CÓ kỷ luật hay KHÔNG kỷ luật, còn Ban chấp hành trung ương sau đó chỉ có quyền quyết định hình thức kỷ luật cụ thể.
Khe cửa hẹp đã đóng chặt lại, lại không thể so sánh được về thế lực so với ông Dũng 5 năm trước đây, ông Thăng không còn lựa chọn nào khác là phải thúc thủ, giương cờ trắng đầu hàng và mong chờ sự tha thứ của ông Trọng.
Tóm lại, nói về vận dụng các nguyên tắc tổ chức đảng để tấn công đối thủ chính trị thì ông Thăng chỉ được coi là hạng thiếu niên nhi đồng so với ông Trọng. Mà cũng thật dễ hiểu, một người ở đỉnh cao quyền lực, không bị cuốn đi bởi các vấn đề quản trị quốc gia, mà chỉ tập trung vào những chiêu thức về tổ chức đảng để khống chế đồng chí của mình thì không giỏi mới lạ.
Nhưng cái giỏi đó chỉ là giỏi mưu mẹo, chẳng thấy ích lợi gì cho quốc kế dân sinh.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 05/05/2017 (nguyenanhtuan's blog)