Đương kim ủy viên trung ương đảng Đinh La Thăng đang bị treo số phận của ông ta trên mành chỉ.
Tết nguyên đán năm 2018 vừa trôi qua, tòa án đã thông báo về việc nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam Đinh La Thăng cùng các đồng phạm chuẩn bị hầu tòa trong vụ án gây thiệt hại 800 tỷ đồng, xét xử ngày 19/3/2018 và kéo dài 10 ngày. Ông Đinh La Thăng và 6 đồng phạm sẽ bị xét xử trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản".
Ông Đinh La Thăng bị tuyên 13 năm tù trong phiên xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại PVN và Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam đầu năm 2018. Ảnh : Dân Trí
Mối nguy hiểm chết người đang chờ Đinh La Thăng là trong phiên tòa "800 tỷ", ông Thăng bị quy thêm tội danh "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản". Còn trong phiên tòa xử vụ PVC vào tháng Giêng năm 2018, Đinh La Thăng bị quy một tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", nhưng chỉ tội danh này cũng đã khiến ông Thăng phải nhận bản án đến 13 năm tù giam.
Theo điều 280 Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009 thì tội "lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" có khung án như sau :
– Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng… thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm ;
– Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm ;
– Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm ;
– Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Ông Đinh La Thăng có thể rơi vào cái nào trong 4 gạch đầu dòng trên ?
Một đánh giá của cơ quan kiểm sát mà rất có thể nguy hiểm với Đinh La Thăng là "Hậu quả, hành vi mà bị cáo Đinh La Thăng cùng đồng phạm thực hiện dẫn tới việc toàn bộ số tiền 800 tỷ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước buộc phải mua lại Ngân hàng TMCP Đại Dương với giá 0 đồng".
Nếu số tiền 800 tỷ đồng không thể được chứng minh chỉ là "cố ý làm trái" mà còn bị xem là "chiếm đoạt tài sản", Đinh La Thăng chắc chắn sẽ rơi vào gạch đầu dòng cuối cùng "bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân".
Nhiều dư luận cho rằng trong vụ 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gửi vào Ngân hàng Đại Dương của Hà Văn Thắm nhưng đã hoàn toàn biến mất, Đinh La Thăng có vẻ dính dáng khá sâu khi có ít nhất vài ba lần ra văn bản chỉ đạo các đơn vị thành viên gửi tiền vào Ngân hàng Đại Dương, và cũng có nhiều dư luận cho rằng Thăng đã chấm mút không nhỏ đối với số tiền 800 tỷ không cánh mà bay đó.
Vụ "800 tỷ" đã không xử trước Tết nguyên đán 2018, để ngay sau đó hé lộ nguyên nhân vì sao "để sau Tết".
Vào buổi sáng ngày 7/2/2018, có một cuộc gặp mặt "chúc Tết đại biểu trí thức, văn nghệ sĩ nhân dịp đón Xuân Mậu Tuất 2018 do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì". Trong cuộc gặp này, khi đề cập cuộc chiến chống tham nhũng, ông Trọng nói : "Chúng ta đã làm rất quyết liệt. Áp Tết rồi, tòa vẫn vừa tuyên thêm một án tù chung thân với Trịnh Xuân Thanh. Ở Thành phố Hồ Chí Minh thì đại án Phạm Công Danh cũng làm tiếp. Còn vụ 800 tỷ đồng tại Oceanbank thì để sau Tết, không để không khí nặng nề dịp vui Xuân. Sự nhân văn trong cuộc đấu tranh cũng là thế".
Hiểu theo khẩu ngữ chân phương của ông Trọng thì nếu xử Đinh La Thăng trước Tết sẽ khiến "không khí nặng nề", tức mức án phải nặng thì mới gọi là "nặng nề". Theo đó, nhiều khả năng Đinh La Thăng sẽ phải nhận mức án nặng tại phiên tòa xử sau Tết. Tại phiên tòa đó, nếu chứng cứ vụ "800 tỷ đồng" được cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trưng ra không yếu ớt như vụ "PVC" xử trước Tết, Đinh La Thăng sẽ phải nhận thêm tội danh danh "chiếm đoạt tài sản…" cùng mức án có thể còn nặng nề hơn mức 13 năm vừa phải nhận. Để sau vụ "800 tỷ đồng", Đinh La Thăng có thể phải nhận tổng mức án lên đến 30 năm, nếu không nói là ngang bằng với mức án hiện tại của Trịnh Xuân Thanh – chung thân.
"Đường đi" của Nguyễn Phú Trọng ngày càng rõ : ông Trọng đã dứt khoát làm theo "bài" của Tập Cận Bình, với "con hổ" đầu tiên là Đinh La Thăng.
Nếu bị án chung thân, Đinh La Thăng sẽ chính thức mang số phận "Bạc Hy Lai Việt Nam".
Bạc Hy Lai từng là ủy viên bộ chính trị, bí thư tỉnh Trùng Khánh ở Trung Quốc. Vào năm 2012, nhân vật này đã bị Tập Cận Bình "đả hổ", bị cách chức, sau đó bị khởi tố và bắt giam, cuối cùng đã phải nhận án chung thân cho tội danh tham nhũng.
Khởi nguồn từ "đả hổ" Bạc Hy Lai, Tập Cận Bình đã vươn được đến thành công lớn cùng uy quyền gần như tuyệt đối của ông ta trong chiến dịch vừa "đả hổ diệt ruồi" vừa tập quyền tối cao.
Và người ta cũng tự hỏi là nếu không có "Bạc Hy Lai Việt Nam" như Đinh La Thăng thì làm sao ông Trọng được ca ngợi như "Tập Cận Bình Việt Nam" ?
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 25/02/2018
Theo tờ tạp chí cộng sản Việt Nam đánh giá tổng kết sai phạm của Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh trong dự án nhiệt điện Thái Bình 2, nguyên nhân chủ yếu là do chủ quan đánh giá không đúng năng lực nhà thầu, cố ý giao thầu cho đơn vị không đủ năng lực, dẫn đến chậm tiến độ và thiệt hại do chậm tiến độ.
Đinh La Thăng lúc còn quyền lực - Ảnh minh họa
Trả lời phóng viên của Tạp Chí cộng sản, thẩm phán Trương Việt Toàn nói.
- Dự án này vốn Nhà nước chỉ chiếm tỷ lệ 30% tổng số tiền đầu tư, 70% còn lại là vốn vay của nước ngoài. Kể từ khi các tổ chức nước ngoài giải ngân là hàng ngày Nhà nước phải trả lãi, mà tiền lãi đấy chính là tiền thuế của nhân dân. Hệ lụy này đã kéo dài đến 5 năm mà cho đến nay, Dự án vẫn chưa đi vào khai thác, chưa đem lại hiệu quả gì.
Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng là hai nhân vật chính trong dự án bị đem ra xét xử này. Nhưng tâm điểm trong dự nhiệt điện Thái Bình lại là Đinh La Thăng, người đã chọn giao dự án cho Trịnh Xuân Thanh.
Như tất cả đều biết vụ việc Trịnh Xuân Thanh nổi sóng dư luận từ tháng 6 năm 2016, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo báo chí, công an và toàn bộ các ban ngành vào cuộc để điều tra bắt lỗi bằng được Trịnh Xuân Thanh để đem ra xét xử. Điểm lại tất cả những tội danh mà báo chí, công an, ủy ban kiểm tra nêu ra không hề thấy động đến vụ án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Đến khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt có về do đơn vị đặc nhiệm chống khủng bố dưới sự chỉ đạo của trung tướng Đường Minh Hưng, ủy viên ủy ban chống khủng bố quốc gia thực hiện vụ bắt cóc này. Bỗng nhiên dự án nhiệt điện Thái Bình 2 được khẩn trương đưa ra làm cáo buộc để đưa cả Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng vào cùng một vụ.
Cũng như Trịnh Xuân Thanh, trước đó Đinh La Thăng bị báo chí nhắc nhở nhiều đến những sai phạm khác như vụ thất thoát 5 tỷ USD đầu tư ở Venezuela và vụ 800 tỷ đầu tư ở ngần hàng Ocean Bank của đại gia Hà Văn Thắm. Nhưng rồi những cáo buộc tày đình ấy với Đinh La Thăng cũng như cáo buộc thất thoát 3200 tỷ ở PVC của Trịnh Xuân Thanh không phải là phiên tòa kết tội họ, mọi việc lại từ một vụ khác chẳng mấy được nhắc tới là vụ nhiệt điện Thái Bình 2. Chính vì vội vã như thế, nên khi đem ra xét xử mọi thứ đều không được chuẩn bị , chứng cứ và lý luận đều yếu, nhưng phiên tòa vẫn diễn ra và mức án vẫn được tuyên.
Lý do gì mà ầm ĩ một đằng, đưa ra xét xử một nẻo thiếu thuyết phục như vậy ?
Lý do đơn giản là mục tiêu chính trị, nhằm hạ bệ Đinh La Thăng mà thôi.
Vì lý do như thế, nên lôi vụ Nhiệt Điện Thái Bình 2 đạt được yêu cầu đó. Nếu như lôi vụ 5 tỷ đầu tư ở Venezuela bị mất, chắc hẳn phải lôi nhiều ủy viên Bộ Chính Trị khác vào cuộc. Tương tự như thế, vụ án Ocenbank được Nguyễn Phú Trọng gác lại sau Tết với lý do ăn Tết đỡ bị nặng nề. Thực chất là trì hoãn để tìm cách bóc tách những kẻ mà Trọng không thể xét xử ra khỏi vụ án, người ta còn nhớ đoạn ghi âm của Hà Văn Thắm có nhắc đến tứ trụ. Tứ trụ mà Hà Văn Thắm nhắc đó, chắc chắc có Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang. Trò gác lại để ăn Tết là trò hề của Nguyễn Phú Trọng để có thời gian ém nhẹm một số chứng cứ liên quan đến các ủy viên Bộ chính trị khác và chính bản thân Nguyễn Phú Trọng mà thôi.
Trở lại với lý do mà ông thẩm phán Trương Việt Toàn trả lời tạp chí cộng sản về sai phạm của Đinh La Thăng đã làm chậm tiến độ , dẫn đến vốn vay bị trả lãi ở dự án nhiệt điện Thái Bình 2.
Tuy nhiên Đinh La Thăng còn liên quan đến một dự án chậm tiến độ khác nữa, đó là dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội. Trong dự án này Đinh La Thăng lại ở vị thế ngược lại, tức là người đốc thúc và xử lý những ai làm chậm tiến độ. Đinh La Thăng đã làm một hành động hết sức bất ngờ đó là chỉ thẳng mặt nhà thầu Trung Quốc doạ đuổi để thay thế nhà thầu khác. Dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội này chậm tiến độ nhiều năm, nguồn vốn vay của Trung Quốc và chính Trung Quốc thi công. Lãi suất trung bình 3,5 % một năm. Từ 500 triệu USD đội lên thành 800 triệu (con số làm tròn).
Những quan chức bị Đinh La Thăng sa thải trong dự án đường sắt trên cao Hà Nội nay đã được phục hồi chức vụ, những kẻ bênh vực cho nhà thầu Trung Quốc như Trương Quang Nghĩa được bổ nhiệm lên chức béo bở hơn là bí thư Đà Nẵng.
Giá như Đinh La Thăng giao nhiệt điện Thái Bình cho nhà thầu Trung Quốc, ông ta không làm lớn chuyện nhà thầu Trung Quốc làm chậm tiến độ dự án đường sắt trên cao Hà Nội. Ông ta không tỏ vẻ vui mừng chào dón thượng nghị sĩ Mỹ với trường đại học Fulbright và ngỏ ý hòa hợp với Hòa Kỳ.
Có lẽ ông ta không có kết cục bi thảm như bây giờ.
Lập luận rằng Đinh La Thăng bị xử vì sai phạm, không phải bị xử vì có quan điểm chống Tàu và thân Mỹ là đang nguỵ biện cho hành vi mượn gió bẻ măng của bè lũ thân Tầu. Thử hỏi nếu bị xử vì sự công bằng của pháp luật, tất phải đưa Đinh La Thăng ra xét xử vì tội làm thất thoát 5 tỷ USD tức khoảng 112 ngàn tỷ đầu tư ở Venezuela trước tiên, chứ không phải 112 tỷ VND bị thiệt hại ở nhiệt điện Thái Bình 2 tính theo kiểu cua trong lỗ. Nếu vì pháp luật mà Đinh La Thăng bị xử như lời thâm phán Trương Việt Toàn do chậm tiến độ ở Nhiệt điện Thái Bình 2, khiến nhân dân đất nước phải trả lãi vay, thì cũng cần xử những kẻ liên quan đến dự án đường sắt Hà Nội trên cao còn làm chậm tiến độ và trả lãi vay lớn hơn thế rất nhiều.
Một số người cáo buộc Đinh La Thăng đàn áp biểu tình và phá chùa Liên Trì, đây là những cáo buộc để tăng thêm cho dư luận ác cảm với Đinh La Thăng, dẫn dắt đến sự tán đồng bản án dành cho Đinh La Thăng thêm phần thuyết phục. Sự thực chỉ mấy tháng làm bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Đinh La Thăng chưa dễ gì chỉ đạo những việc như thế. Trong khi tính đến nay Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc đã làm sang năm thứ ba, số người đấu tranh bị đàn áp , bị bắt tù đến con số kỷ lục. Nhưng rất lạ những người cáo buộc Đinh La Thăng phá chùa, đàn áp biêủ tình khi nhậm chức bí thư Thành phố Hồ Chí Minh được vài tháng, họ lại không cáo buộc đích danh Phúc, Trọng trong những đàn áp dã man nhất với những người bất đồng chính kiến hiện nay. Đã thế phần lớn số những người này còn khen ngợi Trọng , Phúc trong việc xử lý Đinh La Thăng. Điêù này cho thấy đảng cộng sản Việt Nam cũng rất khéo sử dụng mạng xã hội, một số thành phần đấu tranh để phục vụ việc định hướng và dẫn dắt dư luận cho những âm mưu chính trị của đảng.
Đinh La Thăng là một tên quan chức cấp cao của cộng sản Việt Nam, một tên tội phạm với đất nước như lời của đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng Đinh La Thăng là tên tội phạm cấp cao kỳ lạ, mặc dù đảng cộng sản Việt Nam tìm mọi cách để dư luận thù ghét y, qua đó tán dương việc xử lý y. Nhưng Thăng lại là tên cán bộ lãnh đạo không có biệt thự, không có tài sản, y ở nhà công vụ và làm việc triền miên. Ngoài những điểm trên y cũng ăn nhậu triền miên, gái mú bồ bịch, bao che cho đàn em. Lúc đương chức quyền, y cũng tận dụng quyền lực để ban phát vật chất cho báo chí để họ ca ngợi y như bao quan chức khác. Đinh La Thăng từng đổ hàng tỷ cho Lê Bình phụ trách VTV24 qua cái gọi là hợp tác giữa Bộ Giao thông vận tải với truyền thông.
Đinh La Thăng có tội, có lỗi như những tên quan chức cộng sản Việt Nam đang trong bộ chính trị hiện nay. Nhưng nếu nói đảng xử y vì lấy niềm tin trong nhân dân, vì chống tham nhũng tiêu cực, vì sự công bằng này nọ đều là những lời tuyên truyền láo toét của Đảng cộng sản Việt Nam và bọn tay sai giả dạng của đảng cài trong dư luận. Những gì Đinh La Thăng phạm phải còn thua xa rất nhiều kẻ khác, mục đích của Đảng xử lý Thăng hoàn toàn chỉ vì thanh toán phe phái không cùng quan điểm, đường lối với nhau mà thôi.
Điều rút ra trong việc xét xử Đinh La Thăng, sẽ không phải là quan chức tham nhũng bớt đi. Điều rút ra chắc chắn nhất từ bài học Đinh La Thăng là đừng có thái độ không tốt với những gì liên quan đến Trung Quốc.
Thực tế đang diễn ra đúng như vậy, những kẻ tham nhũng, quan chức tội phạm cấp cao không hề giảm, những nhóm lợi ích mới đang hình thành... nhưng những kẻ phát ngôn động chạm đến Trung Quốc dần dần mất đi.
Người Buôn Gió
Nguồn : nguoibuongio, 19/02/2018
Thấm thoắt lại một cái tết nữa…
Cũng thấm thoắt đã hai năm trôi qua kể từ lúc tân Ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng nghênh ngang "tiến về Sài Gòn" với khẩu hiệu không kém kênh kiệu : "Vì dân và hành động".
Năm 2016, tân Ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng nghênh ngang "tiến về Sài Gòn" với khẩu hiệu không kém kênh kiệu : "Vì dân và hành động".
Mị dân rẻ tiền nhưng vẫn hiệu quả
Thời thế mới cần những triết lý và những khẩu hiệu mới - cho đảng, nhưng trên hết là cho những cá nhân trong đảng. "Vì dân và hành động" dù chẳng có gì mới nhưng vẫn khác với thứ bẻm mép "của dân, do dân và vì dân" đã ôi thiu đến rữa khuẩn mà vẫn chẳng thấy hành động đâu.
Xây đường cho "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", dàn xếp để Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) mua sữa của người nuôi bò ở Củ Chi, đứng ven kênh Nhiêu Lộc để vớt rác… là những hành động mới, theo khẩu hiệu mới của Đinh La Thăng. Dù chỉ là số ít, vụn vặt và một số hành động đã chẳng mang lại kết quả thực tế nào ngoài lời hô hào và hứa hẹn, Đinh La Thăng vẫn được nhiều người dân, nhất là tầng lớp bình dân hoan nghênh, bởi một chân lý đơn giản là biểu hiện của Đinh La Thăng khác hẳn với quá nhiều quan chức chỉ nói mà không làm, nhiều khi còn không dám nói. Kết quả của chuỗi "hành động Đinh La Thăng" thậm chí còn khiến cho một số người dân Sài Gòn giữ được thiện cảm với ông Thăng ngay cả về sau này khi Thăng bị Nguyễn Phú Trọng tống vào tù.
Trong giới chính trị gia hỗn độn vào thời chủ nghĩa tư bản dã man ở Việt Nam, Đinh La Thăng xứng đáng là một trong những chóp bu khoa trương nhất, ồn ào nhất mị dân nhất và mị báo nhất. Đinh La Thăng hẳn có một sự am hiểu và độ nhạy cảm mạnh mẽ về tình trạng đại đa số người dân và cả công chức viên chức phụ thuộc báo chí nhà nước về mặt định hướng và tuyên truyền. Theo đó, bất cứ một hành động quan chức nào, dù chỉ rất nhỏ hoặc chưa mang lại kết quả nào hay biết chắc là sẽ chẳng mang lại kết quả nào, nhưng một khi được vài chục tờ báo đảng và nhà nước đồng loạt cho "lên đồng" thì đó vẫn là hành động có ý nghĩa, để lại dấu ấn sâu đậm cho một bộ phận xã hội đang lang thang cháy cổ ngoài sa mạc chế độ xã hội chủ nghĩa, để chỉ cần một làn mưa nhỏ là vội ngẩng mặt nhìn trời ơn vái.
So với chủ nghĩa tư bản dã man cách đây gần 300 năm, Đinh La Thăng rõ là đã đáp ứng tiêu chí của hình thái mị dân rẻ tiền nhưng lại đạt hiệu ứng khá cao.
Nhưng Đinh La Thăng cũng là một tiêu biểu về tính quả báo nhất trên nền bức tranh chế độ độc đảng đang ngả sang màu tối đùng đục.
Cứ buông đao là thành Phật ?
Hai năm sau "vì dân và hành động", Đinh La Thăng đã đi thẳng vào nhà lao bởi nhát "cẩu đầu trảm" của những người đồng chí không đồng lòng của ông.
Cuộc đời đã chứng minh rằng triết lý "buông đao thành Phật" không phải đúng với tất cả.
Đinh La Thăng xuất thân từ một nhóm lợi ích và móc xích với một nhóm quyền lực. Vào mùa xuân năm 2016, nhân vật này đã đạt đến đỉnh cao sự nghiệp chính trị bằng một vị trí trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Có thể vào lúc ấy, Thăng đã cảm thấy tiền bạc đã quá dư dả mà không còn là một nhu cầu quá bức thiết đối với mình, trong khi phần đời còn lại là quyền lực và danh vọng - những điều mà một người dân thường thì chẳng mấy quan tâm, nhưng loại chính trị gia nửa mùa như Thăng và các đồng chí của ông thì sẵn sàng tự chết đuối trong nó.
Không khác gì Trịnh Xuân Thanh sau chuỗi năm ăn chơi trác táng ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam rồi tìm cách "hạ cánh" ở một tỉnh trú phú miền Tây Nam Bộ với cương vị phó chủ tịch phụ trách về an sinh xã hội, Đinh La Thăng có thể đã muốn "rửa tay gác kiếm" bằng tâm nguyện "từ nay tôi sẽ dành toàn tâm toàn ý cho Thành phố Hồ Chí Minh", muốn tìm một "bãi đáp" an dưỡng sau thời quẫy vùng các dự án béo bở ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia và các gói thầu béo bở không kém thời làm bộ trưởng giao thông vận tải sau đó.
Có thể, sự nghiệp danh vọng chính trị của Đinh La Thăng sẽ không đến nỗi nào, thậm chí còn "lưu vào sử xanh", nếu không có cú "hồi tố" của Nguyễn Phú Trọng dành cho Nguyễn Tấn Dũng.
Hai mùa xuân sau khi bất ngờ lọt vào Bộ Chính trị - mà theo nhiều đồn đoán thì đó là một thỏa thuận ngầm giữa các quan chức cao cấp với nhau tại đại hội 12 - Đinh La Thăng chỉ còn "xin được ăn cái tết cuối cùng với gia đình trước khi thụ án".
Trong một trạng thái hoang tưởng cùng cực và dù đã gần như sụp xuống khóc lóc thảm thiết, Đinh La Thăng đã bị chính những đồng chí của mình "giết sống".
Cái án 13 năm tù giam dành cho Đinh La Thăng chỉ riêng trong vụ án đầu tiên còn nặng hơn cả mức án tù bình quân mà chế độ độc đảng đối xử với giới đấu tranh dân chủ nhân quyền.
Nhưng dù gì, những người hoạt động nhân quyền vẫn ngẩng cao đầu vì họ đều không nhỏ một giọt nước mắt nào, đều tỏ một tinh thần bất khuất không nhận tội và luôn tin vào lý tưởng cùng con đường của mình. Cái giá mà họ phải trả là khác hẳn với số phận của những quan chức như Đinh La Thăng.
Vận đen phá chùa
Chỉ trước nỗi cám cảnh của Đinh La Thăng có một năm, một quan chức đầy ắp tham nhũng khác là Trịnh Xuân Thanh cũng đã nếm mùi mất nhân quyền cá nhân khi người này phải la làng về chuyện đảng mất dân chủ và độc tài quy chụp. Nhưng chỉ đến khi bị đảng cho công an truy nã ráo riết, Trịnh Xuân Thanh mới đủ can đảm viết đơn "ly dị" đảng.
Ông Đinh La Thăng tại tòa án ở Hà Nội.
B14 - nơi Đinh La Thăng đang "tạm trú" - cũng như nhiều trại tạm giam khác của Bộ Công an, lại là những nơi giam giữ chính trị phạm, hoặc tù nhân lương tâm - những người đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.
Có thể lần đầu tiên Đinh La Thăng mới thực sự trải nghiệm để ý thức một cách chua chát rằng ông đã bị bắt và bị xử bởi chính những người mà chỉ mới ngày hôm qua còn gọi ông là "đồng chí", cùng nhậu nhẹt và chơi bời với nhau như thể cái tình bạn cảm động và vĩ đại ấy không bao giờ chia lìa.
Vào giờ này, nằm trong trại tạm giam B14 của Bộ Công an, có lẽ, lần đầu tiên trong cuộc đời quan chức lên như diều gặp gió và tiền nhiều như nước sông Đà của mình, Đinh La Thăng nhớ về… nhân quyền.
Trong lúc không hề sượng sùng tuyên ngôn "vì dân và hành động" và tìm cách lấy lòng giới cán bộ lão thành, có công cách mạng, trí thức và cả những người dân thường, Đinh La Thăng lại tuyệt đối không nhân nhượng với giới hoạt động nhân quyền ở Sài Gòn trong suốt thời gian ông ta nhậm chức bí thư thành ủy.
Thậm chí thời Đinh La Thăng còn qua mặt và vượt hẳn cả bí thư thành ủy cũ là Lê Thanh Hải cùng đương kim bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải về "thành tích" ném mắm tôm, đánh đấm và bắt bớ nhân quyền vào các lễ tưởng niệm 74 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh để bảo vệ Trường Sa năm 1974, ngày 17/2/2016 tưởng niệm 6 vạn quân nhân và người dân Việt Nam đã hy sinh trong Chiến tranh vệ quốc 1979 chống Trung Quốc xâm lược. Hàng trăm người bị đàn áp, bị đánh đập, bị cấm ra khỏi nhà ở Sài Gòn. Công an Thành phố Hồ Chí Minh lao vào đám đông và giật phá tan nát vòng hoa tưởng niệm ở Sài Gòn.
Nhưng trong bảng vàng thành tích của Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Bí thư Đinh La Thăng, trận đàn áp cuộc biểu tình vì môi trường vào ngày 8/5/2016 mới cần được gạch dưới như một "đỉnh cao chói lọi" : lực lượng ăn thuế của dân đã bắt đến 500 công dân biểu tình nhốt tại sân vận động Hoa Lư. Ngày hè đỏ nắng và đỏ máu ở Sài Gòn. Khắp trung tâm thành phố này là cảnh "các lực lượng bảo vệ trật tự" nhe nanh lao vào hành hung không thương tiếc người biểu tình. Xịt hơi cay, đánh đập đến đổ máu rất nhiều người, đấm đá đến ngất xỉu hai mẹ con tuần hành như một cách kỷ niệm "Ngày của Mẹ"… Một số hình ảnh đã được xác minh : chính những nhân viên công an đã hóa trang làm thanh niên xung phong để tấn công dã man người biểu tình.
Còn "thành tích tâm linh" lớn nhất của Đinh La Thăng là vào năm 2016, quan chức này đã hạ lệnh cho công an ủi sập chùa Liên Trì - một cơ sở thờ tự lâu năm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và cũng là địa điểm hiếm hoi dành cho sinh hoạt của các tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền. Về sau này, nhiều người nói rằng vận đen của Đinh La Thăng, đã khởi sự từ vụ phá chùa chiền ấy.
Ai cứu vớt Thăng ?
Vụ phá chùa Liên Trì không chỉ "đen" cho Đinh La Thăng, cả một số quan chức cấp dưới của Thăng ở Sài Gòn, cùng những bàn tay đen đúa bí mật của giới quan chức cao cấp và nhóm lợi ích đã đẩy đuổi dã man người dân khỏi khu đất vàng Thủ Thiêm và "ăn đất" tàn mạt đến thế nào, cũng đang dần bị "báo ứng".
Giờ đây, Đinh La Thăng biết dựa vào ai để cứu vớt "quyền làm người" cho bản thân mình khỏi bàn tay dữ tợn của các đồng chí của ông ?
Các tổ chức nhân quyền quốc tế chăng ?
2018, năm đầu tiên Đinh La Thăng ăn tết trong tù. Đã xa lắm rồi "vì dân và hành động".
Cuối 2017, đầu 2018. Cái tết trong tù đầu của Đinh La Thăng là sự khởi đầu cho một năm "bắt quan chức", thay vì chỉ "bắt nhân quyền" trong năm 2017.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 13/02/2018
Trong não trạng và thói quen lâu năm hầu như chưa có gì thay đổi, không một quan chức cao cấp và cả trung cấp nào muốn đến thăm hỏi hoặc chào xã giao một "đối tượng" sắp bị giải tỏa, nhất là đối tượng đó thuộc loại "nhạy cảm".
Hiện tượng lạ : ông Nguyễn Thiện Nhân chúc các sơ Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm "giữ vững đức tin"
Ảnh : Tuổi Trẻ
Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đã từ nhiều năm qua nằm trong danh sách "đối tượng giải tỏa", cho dù cơ sở Công giáo này đã có lịch sử tồn tại đến 170 năm và được khá nhiều tổ chức quốc tế về tôn giáo lẫn chính trị và môi trường quan tâm chia sẻ.
Vì thế, cuộc đến thăm ngày 10/2/2018 của Nguyễn Thiện Nhân – một ủy viên bộ chính trị và là Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tại Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm – có thể xem là hiện tượng "lạ".
Nguyễn Thiện Nhân lại là người thuộc trường phái "chính trị gia co thủ", vốn hết sức thận trọng với các giao tiếp "nhạy cảm chính trị" và càng tránh xa những hoạt động bề nổi chẳng có lợi gì cho mình.
"Tiếp quản" di sản của cựu bí thư thành ủy Đinh La Thăng từ tháng 5/2017, nhưng Nguyễn Thiện Nhân đã có vẻ rút được "bài học kinh nghiệm sâu sắc" từ ông Thăng. So với thói ồn ào khoa trương lẫn chơi nổi của Đinh La Thăng, Nguyễn Thiện Nhân tỏ ra lặng lẽ và kín đáo hơn nhiều. Một trong những tiêu chí so sánh giữa hai nhân vật cao cấp này là tần suất xuất hiện trên mặt báo nhà nước của Nguyễn Thiện Nhân là ít hơn hẳn Đinh La Thăng.
Chí ít, việc một nhân vật thận trọng và thủ thế cao độ như Nguyễn Thiện Nhân đến thăm Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm vào những này cận tết nguyên đán 2018 cho thấy cơ sở Công giáo này đã tạm thoát khỏi "danh sách tử thần" và do đó tạm an toàn. Kết luận sơ bộ này phù hợp với tình hình êm ắng tại Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm từ giữa năm 2017 đến nay, sau những can thiệp nhất định của Tổng lãnh sự quán Canada và trước đó là một chuyến viếng thăm chia sẻ của Hồng y Reinhard Marx, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, đến Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm hồi đầu năm 2016.
Trong chiến dịch giải tỏa Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đặc biệt mang tính "lấy thịt đè người" vào năm 2015, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và quận 2 đã chỉ cử những quan chức cấp thấp đến Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm để vừa chiêu dụ vừa đe dọa các sơ. Sau đó là một lực lượng đông đảo lên đến vài trăm người vừa công an vừa dân phòng cùng các hội đoàn nhà nước đã bao vây cơ sở Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm như một thủ đoạn tạo áp lực nặng nề về tâm lý để khiến các sơ hoặc phải tự nguyện rời bỏ mảnh đất rộng nhiều hecta có giá thị trường đến hàng trăm triệu đồng mỗi mét vuông này, hoặc phải chấp nhận một đơn giá bồi thường đất đai rẻ mạt của chính quyền.
Cũng vào năm 2015, nghe nói chính quyền ở Sài Gòn đã "cân lên đặt xuống" giữa chùa Liên Trì và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm xem "cái nào giải tỏa trắng dễ hơn."
Cuối cùng, Đinh La Thăng đã hạ lệnh cho "phá chùa". Chùa Liên Trì đã bị quân của ông Thăng ủi sạch chỉ trong một buổi sáng.
Ông Lê Thanh Hải trao tặng Huy hiệu biểu dương của thành phố cho bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vạn Thịnh Phát - Ảnh minh họa
Rõ là tiền vẫn trên hết. Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm tọa lạc tại một vị trí sát sông Sài Gòn, nhìn thẳng sang khu trung tâm quận 1, quá đủ để khêu gợi con mắt thèm thuồng của những đại gia và quan chức "2 Đ" (đất và đô la), và hứa hẹn không biết bao nhiêu lợi lộc nếu ai đó "chiếm" được. Diện tích này lại lọt thỏm trong quy hoạch của dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm mà chính quyền luôn lấy cớ quy hoạch để giải tỏa đất tôn giáo.
Khi còn là bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Thanh Hải là nhân vật bị đồn đoán có mối liên đới không hề trừu tượng với dự án khu đô thị Thủ Thiêm. Theo kế hoạch, khu vực này sau khi giải tỏa và xây dựng sẽ được bán đất cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước với giá cao hơn nhiều lần so với mức bồi thường đối với người dân bản địa.
Nhiều thông tin cho biết chính quyền quận 2 (đứng đằng sau là chính quyền thành phố mà người "đại diện" chính là Phó bí thư thường trực thành ủy Tất Thành Cang) cùng những tổ hợp nhóm lợi ích sẽ hưởng một nguồn lợi trực tiếp và khổng lồ từ việc giải tỏa Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.
Trước hành động đập phá cơ sở giáo dục của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm vào tháng Mười, 2015, có dư luận cho rằng một động cơ có thể là trước khi chính thức rời cương vị lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh và sau đó không loại trừ khả năng sẽ "về vườn," cựu Bí thư Lê Thanh Hải muốn tỏ rõ một "trách nhiệm cuối cùng" để lấy về "đất sạch" cho các đối tác đầu tư của ông ta.
Nhưng do số phận chính trị của cựu Bí thư Hải đã trở nên chơi vơi sau đại hội 12, số phận của các dự án tại khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng chơi vơi không kém.
Gần đây, xuất hiện những đồn đoán về việc "Trung ương đánh Lê Thanh Hải và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát". Nếu đúng với đồn đoán có vẻ có cơ sở này, "thế và lực" của ông Lê Thanh Hải đã gần như "chìm" hẳn, và số phận của ông ta lẫn Vạn Thịnh Phát sẽ được chung quyết nội trong năm 2018 này.
Trong khi đó, không phải tất cả nhưng phần lớn dàn lãnh đạo mới của thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, là những người chưa bị dư luận dị nghị nhiều về việc "dính" với các dự án Thủ Thiêm của giới quan chức. Không một ai muốn bị biến thành kẻ đổ vỏ cho người khác ăn ốc.
Ít nhất, chuyến thăm của Nguyễn Thiện Nhân tại Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm vào những ngày cận tết nguyên đán 2018 đã cho thấy cơ sở tôn giáo này tạm an toàn, tương lai của Lê Thanh Hải là rất bấp bênh, còn chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh dường như muốn chứng tỏ với Vatican rằng họ không còn quá "sắc máu" trong cơ chế áp chế Công giáo.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : CaliToday, 13/02/2018
Phiên tòa đầu tiên xử cựu ủy viên bộ chính trị nhưng vẫn còn là ủy viên trung ương Đinh La Thăng vừa khép lại trong tháng Giêng, 2018 với bản án 13 năm tù dành cho ông Thăng, nhưng những gì đã, đang và sẽ xảy ra xung quanh vụ án của nhân vật này có lẽ còn khá lâu nữa mới thật sự chấm dứt.
Công an áp tải ông Đinh La Thăng đến tòa - Ảnh minh họa
Có hay không một ý đồ, một kế hoạch hoặc thách thức hơn nữa đối với quyền lực của Nguyễn Phú Trọng – một chiến dịch "giải cứu Đinh La Thăng" ở Việt Nam vào những ngày cuối năm 2017, đầu năm 2018 ?
Có !
Vở kịch mang tên "Đinh La Thăng" vẫn chưa hề kết thúc bởi ông Thăng còn phải đối mặt với một phiên tòa khác có thể còn nặng nề hơn – vụ "800 tỷ đồng", và bởi trước và trong phiên tòa "Thăng – Thanh" đã thực sự có cả một chiến dịch nhằm "giải cứu Đinh La Thăng" – điều chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam.
Chỉ một ngày sau phiên tòa "Thăng – Thanh" kết thúc vào ngày 21 tháng Giêng, 2018, báo Công An Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của của Bộ Công An – đăng bài "Nhận diện chiêu trò thổi bão, kéo lệch bản chất vụ án ở Tập Đoàn Dầu khí", trong đó có đoạn :
"Dư luận lại đang nhìn nhận vụ án với hình ảnh ông bộ trưởng, ông bí thư Thành ủy năng động, xông xáo, nhiệt huyết mà quên đi những cáo buộc VKS luận tội. Sự nhầm lẫn này rất tai hại, khiến người ta có cách nhìn không đúng về phiên tòa. Đó là từ việc bày tỏ lòng ngưỡng mộ ông Đinh La Thăng rồi quay sang đặt nghi vấn về việc xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng, biến việc chống tham nhũng của đảng, nhà nước thành vấn đề chính trị, nội bộ. Từ chỗ lẽ ra phải lên án hành vi tham nhũng, làm trái, gây thất thoát tiền, tài sản của nhà nước của các bị cáo trong vụ án lại đẩy sang việc tung hô, xin ‘cứu xét’.
Vì trào lưu đó mà trên mạng có những người đặt câu hỏi, ông Thăng xông xáo, tốt với dân như thế sao lại bị buộc tội ? Thổi bão cho trào lưu này là những trang facebook kêu gọi ủng hộ 10 triệu chữ ký để xóa tội, giảm tội cho bị cáo".
Bài viết "chống diễn biến hòa bình" trên của báo Công An Nhân Dân đã gần như chính thức xác nhận những đồn đoán trước đó của dư luận về một kế hoạch "giải cứu Đinh La Thăng", được tổ chức và thực hiện ít ra trên phương diện truyền thông mạng xã hội, nếu không muốn nói là có cả hơi hướng trên một số tờ báo nhà nước cùng những hành động trong hậu trường chính trị.
880.000 USD ?
Vào thời gian diễn ra phiên tòa "Thăng – Thanh", có thông tin trên mạng xã hội cho biết đã có một nhóm người nào đó đã và đang tung ra một số tiền lên đến 800.000 USD, tương đương chẵn 20 tỷ đồng, để tạo chiến dịch truyền thông nhằm gỡ tội cho Đinh La Thăng. Một số dư luận cho rằng nguồn thông tin mạng xã hội này là đáng tin cậy.
Cho tới nay, chưa biết nhóm người định "giải cứu Đinh La Thăng" là ai hay thuộc một thế lực chính trị nào, nhưng hẳn nhiên nếu tồn tại nhóm người này thì rất có thể là "phe Thăng", hoặc những người "cùng cảnh ngộ" mà nếu không tìm cách cứu Đinh La Thăng, hoặc chí ít không làm loãng và giảm hiệu lực đối với phiên tòa "Thăng – Thanh", thì chính số phận của họ cũng có thể bị ông Trọng đóng đinh vào cột.
Trong thực tế "đời sống" báo chí nhà nước ở Việt Nam, chuyện mua bán và kéo bè kéo cánh đánh nhau giành ăn, giành lãnh địa và xung đột nội bộ đảng đã trở thành "truyền thống". Trước đây, nhiều tờ báo đã "nhúng tràm" vì ăn bẩn và tống tiền doanh nghiệp. Những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2012 đến nay, cùng với đà xung đột nội bộ trong đảng tăng dần đến mức khốc liệt, một số tờ báo nhà nước cũng vươn đến khuynh hướng "phe cánh chính trị" – một cụm từ đặc thù được thể hiện trong các báo cáo nội bộ, và dùng mặt báo để công kích giới "chính khách". Vào thời gian trước đại hội 12, đã từng nổi lên một số bài viết vừa đánh bóng vừa bênh vực cho Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và gia đình ông, khiến dư luận xã hội lại càng có cơ sở để cho rằng "anh Ba X" và gia đình luôn "mạnh vì gạo, bạo vì tiền".
"Chỉ cần 1 triệu đô la là đóng cửa bất cứ tòa soạn nào" – gần đây một đại gia Việt Nam đã tuyên bố một câu xanh rờn như thế, trong bối cảnh một bữa nhậu.
1 triệu đô la lại tương đương hơn hai chục tỷ đồng, khá vừa vặn với số tiền được cho rằng dùng để mua truyền thông nhằm "giải cứu Đinh La Thăng".
Ai ?
Ở một góc nhìn khác, có những dấu hiệu cho thấy Tổng bí thư Trọng đã phải chịu một áp lực lớn đối với vụ Đinh La Thăng. Ngay sau khi Đinh La Thăng bị bắt và bị điều tra, đã có những đồn đoán về khả năng một "thái thượng hoàng" đã can thiệp vào hệ thống pháp đình nhằm "giải cứu Đinh La Thăng". Dù tới nay vẫn còn mù mờ về tên thật của "thái thượng hoàng", nếu thật sự có tồn tại tác động của nhân vật này vào "chuyên án Đinh La Thăng", nhưng ai cũng hiểu là "tập quán" chính trường và hậu trường chính trị Việt Nam rất thường chịu ảnh hưởng, thậm chí ảnh hưởng mang tính quyết định của đội ngũ "thái thượng hoàng", nhất là vào thời "ban cố vấn".
Hẳn đó là lý do để ông Trọng phải chỉ đạo các cơ quan tư pháp gấp rút hoàn tất những thủ tục tố tụng hình sự đối với Đinh La Thăng, hoàn tất trong một thời gian kỷ lục, thần tốc đến mức khó tưởng tượng, thậm chí kết cho Thăng một cái án đến 13 năm tù giam vì tội "cố ý làm trái…" cho dù hồ sơ chứng cứ kết tội thiếu tính thuyết phục…, để đặt mọi chuyện vào "sự đã rồi", để không còn một cấp nào hay nhân vật nào có thể can thiệp vào vụ án này, để Đinh La Thăng bắt buộc phải trở thành Bạc Hy Lai của Trung Quốc – một tiền đề cực kỳ quan trọng với đảng của ông Trọng và với cả sự tồn tại "hậu đại hội 12" của ông ta.
Hẳn là trong thời gian diễn ra phiên tòa "Thăng – Thanh", Nguyễn Phú Trọng với tư cách là "tổng chỉ huy" chiến dịch "bắt và xử tù Đinh La Thăng", không thể thiếu thông tin về chiến dịch "giải cứu Đinh La Thăng" do các cơ quan tình báo quân đội và an ninh công an cung cấp, về một phe phái nào đó đang nổi lên chống lại sự nghiệp được xem là "chống tham nhũng" nhưng mới chỉ đang "chống tham nhũng thời kỳ trước" hay "chống tham nhũng một bên" của ông.
Một khả năng có thể sẽ xảy đến là sau phiên tòa "Thăng – Thanh", ông Trọng sẽ tức khí chỉ đạo các cơ quan đặc biệt cùng khối tuyên giáo đảng lùng sục nhằm tìm bằng được và có bằng chứng về thế lực nào và những nhân vật nào đã tổ chức chiến dịch "giải cứu Đinh La Thăng", ít ra trên phương diện truyền thông, và ít ra liên đới với số tiền 800.000 USD được dư luận đồn đoán.
Năm cùng tháng tận. Chính trường Việt Nam vẫn tiếp tục kịch hay. Thậm chí vẫn có thể rú lên một cơn bão ngay trong những ngày Tết Nguyên Đán 2018.
Phạm Chí Dũng
Ông Đinh La Thăng lại ra tòa 'sau Tết' (BBC, 08/02/2018)
Một luật sư nói với BBC rằng phát ngôn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về phiên tòa xử ông Đinh La Thăng vụ OceanBank "sau Tết" là "hoàn toàn phù hợp với bối cảnh và đặc điểm chính trị tại Việt Nam, mặc dù điều này là không nên".
Ông Đinh La Thăng bị tuyên 13 năm tù trong phiên xử kết thúc hôm 22/1/2018
Tin cho hay, trong buổi gặp mặt chúc Tết đại biểu trí thức, văn nghệ sĩ nhân dịp đón xuân Mậu Tuất 2018, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói :
"Chúng ta đã làm rất quyết liệt. Áp Tết rồi, tòa vẫn vừa tuyên thêm một án tù chung thân với Trịnh Xuân Thanh. Ở Thành phố Hồ Chí Minh thì đại án Phạm Công Danh cũng làm tiếp.
"Còn vụ 800 tỷ đồng tại OceanBank thì để sau Tết, không để không khí nặng nề dịp vui xuân".
"Sự nhân văn trong cuộc đấu tranh cũng là thế. Cuộc chiến rất cam go, phức tạp, như Bác Hồ nói là 'chống giặc nội xâm', thứ 'giặc' còn khó chống hơn 'giặc ngoại xâm' vì nó phạm đến anh em, đồng chí của chúng ta".
Hôm 22/1, ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã bị Tòa án Nhân dân Hà Nội tuyên phạt 13 năm tù vì tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại PVN và PVC.
Tháng trước, báo Người Đưa Tin viết :
"Liên quan đến hành vi gây thiệt hại 800 tỷ đồng cho PVN và các cổ đông trong giai đoạn từ năm 2008 - 2011, ông Đinh La Thăng sẽ còn phải ra hầu tòa trong một vụ án khác cũng về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165 Bộ luật Hình sự".
"Cáo trạng kết luận ông Thăng chính là người quyết định chủ trương, chỉ đạo việc thực hiện nên phải chịu trách nhiệm chính về số tiền thiệt hại 800 tỷ đồng PVN góp vốn vào Oceanbank", báo này viết.
'Chủ trương, đường lối'
Hôm 8/2, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, bình luận với BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh : "Người Việt vốn kiêng kỵ đầu năm mà nói chuyện chết chóc, tù tội. Một khi đưa ra xét xử thì báo chí không thể không đưa tin".
"Do đó, việc không đưa các đại án còn thời hạn chuẩn bị xét xử ra xét xử trong dịp Tết cổ truyền là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, nếu vì lý do này mà trì hoãn những vụ đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo".
"Chúng ta không thể vì để không ảnh hưởng đến không khí Tết mà buộc bị cáo phải "hy sinh" quyền và lợi ích hợp pháp của mình".
"Trên mạng xã hội cũng có ý kiến cho rằng, việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu như thế là can thiệp vào công tác xét xử, vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án".
"Tuy nhiên, cần phải hiểu đúng nội hàm độc lập xét xử của tòa án Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện hệ thống chính trị, trong đó có hệ thống tòa án nên sẽ không có chuyện độc lập tuyệt đối mà chỉ là độc lập tương đối".
"Nghĩa là về lý thuyết, sẽ không có chỉ đạo cụ thể phải xử người này hoặc người kia tội gì, bao nhiêu năm tù mà chỉ có đưa ra chủ trương, đường lối". "Do đó, phát biểu của ông Trọng hoàn toàn phù hợp với bối cảnh và đặc điểm chính trị tại Việt Nam, mặc dù điều này là không nên".
Luật sư Sơn nói thêm : "Dưới góc độ cá nhân, tôi không ủng hộ kiểu độc lập tương đối như hiện nay. Tòa án phải là nơi nhân danh công lý, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chính nghĩa chứ không phải là công cụ để bảo vệ bất kỳ đảng phái hay nhà nước nào".
"Khi tuyên án, tòa án phải nhân danh công lý chứ không phải nhân danh Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
"Theo những gì báo chí Việt Nam nêu thì hai vụ án liên quan đến ông Đinh La Thăng kết thúc điều tra chỉ cách nhau có một ngày nên quyết định tách vụ án của cơ quan điều tra (nếu có) là vi phạm Bộ luật Tố tụng hình sự". "Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Đinh La Thăng. Khi đó, một hành vi phạm tội có thể bị xử lý hai lần và bị tổng hợp hình phạt thay vì bị xử một lần với tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần".
"Điều này đồng nghĩa với việc sau khi tổng hợp hình phạt thì ông Thăng phải đối diện với mức án tù cao hơn trường hợp xử một lần với tình tiết tăng nặng".
'Quyết tâm chính trị'
"Theo Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (có hiệu lực áp dụng tại thời điểm điều tra, truy tố), thì Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong những trường hợp thật cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án".
Trong trường hợp này thì phải đặt vấn đề nhập vụ án chứ không phải là tách vụ án.
Theo Điều 242 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018, Viện Kiểm sát có nghĩa vụ phải nhập vụ án (chứ không phải là có thể) khi bị can phạm nhiều tội, bị can phạm tội nhiều lần. Do đó, giả sử cơ quan điều tra tách vụ án là "đúng" quy định thì để có lợi cho ông Đinh La Thăng, Viện Kiểm sát có thể chờ thêm vài này nữa khi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực sẽ nhập các vụ án lại".
"Rất tiếc là trên thực tế chúng ta thấy điều ngược lại. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã gấp rút hoàn thành thủ tục điều tra, truy tố trong một thời gian ngắn kỷ lục nên đã gói gọi thủ tục điều tra, truy tố theo Bộ luật Hình sự 2003 và đương nhiên không thể buộc Viện Kiểm sát phải nhập vụ án".
"Xử lý hình sự ông Đinh La Thăng còn là một quyết tâm chính trị của Đảng. Ở Việt Nam, đôi khi quyết tâm chính trị nó còn có sức mạnh hơn cả luật pháp. Mà cái gì liên quan đến chính trị thì cũng rất khó lường nên cũng rất khó đoán kết quả của các phiên tòa sắp tới. Mà theo kinh nghiệm của tôi thì một khi đã bị khởi tố, bắt tạm giam thì việc tuyên ông Thăng vô tội là chuyện hy hữu".
Hồi cuối tháng 12/2017, Luật sư Phan Trung Hoài, một trong các luật sư của ông Thăng, "kiến nghị nhập hai vụ án của ông Đinh La Thăng để xét xử trong cùng một phiên tòa" nhưng yêu cầu này không được chấp nhận.
Trong phiên tòa xử vụ "Cố ý làm trái…" tại PVN, ông Thăng được ghi nhận nói lời sau cùng trước tòa "xin được tại ngoại để thăm người cha bệnh tật và ăn cái Tết cuối cùng với gia đình và người thân trước khi thi hành án".
Sau đó có tin ông Đinh Văn Nhu, cha của ông Thăng, đã qua đời tại Hà Nội hôm 26/1.
Trong một diễn biến khác, hôm 5/2, em trai của ông Thăng là ông Đinh Mạnh Thắng, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại dầu khí Sông Đà bị tuyên phạt 9 năm tù trong phiên tòa xử vụ tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land).
***********************
Ông Trọng ‘lo’ vì vụ Nguyễn Xuân Anh (VOA, 07/02/2018)
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 7/2 tiết lộ rằng lãnh đạo đảng đã "lo" vì vụ xử lý bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh tháng 11 năm ngoái.
Ông Nguyễn Phú Trọng đang học hỏi từ chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ?
Phát biểu trước các trí thức và các văn nghệ sĩ trước Tết, theo báo chí trong nước, ông Trọng đề cập tới nỗi lo vì vụ đó trước khi Việt Nam đăng cai hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Đà Nẵng.
"Khi đó chúng tôi cũng lo lắm, khi sự kiện 12.000 người tham dự, toàn nguyên thủ quốc gia các nước hàng đầu thế giới tới dự mà bão thì rập rình, mà chúng ta thì vừa xử lý đến cả ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy đương nhiệm của thành phố", ông Trọng nói, theo trang Dân Trí.
Một tháng trước khi diễn ra sự kiện với sự tham dự của nhiều nguyên thủ các nước như Mỹ, Trung Quốc và Nga, ông Anh bị kỷ luật đảng và mất chức Bí thư thành ủy Đà Nẵng và Ủy viên Trung ương Đảng vì các vi phạm cá nhân bị coi là "nghiêm trọng" cũng như những khuyết điểm của thành ủy Đà Nẵng.
Khi nói về vụ này, một số cơ quan báo chí nước ngoài gọi ông Anh là "bí thư thành phố tổ chức APEC".
Ngoài vụ ông Nguyễn Xuân Anh, Tổng bí thư Trọng còn nhắc tới cuộc chiến chống tham nhũng, chống điều ông gọi là "giặc nội xâm", mà ông nói là Việt Nam đã làm "rất quyết liệt", theo VietnamNet.
Người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam cũng không quên nói tới án tù chung thân thứ hai đối với ông Trịnh Xuân Thanh, nhân vật từng gọi ông Trọng là "bác" và xưng "cháu" khi nói lời "xin lỗi" trước tòa.
Về phiên xử các quan chức Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong đó có ông Đinh La Thăng, vì vụ góp vốn vào OceanBank "gây thiệt hại" 800 tỷ đồng, ông Trọng nói "để sau Tết, để không khí không nặng nề dịp vui xuân".
"Sự nhân văn trong cuộc đấu tranh cũng là thế", Tổng bí thư Trọng, người còn nắm cơ quan chống tham nhũng của Việt Nam, được trích lời nói.
Việt Nam đã liên tiếp đưa nhiều cựu quan chức ra xét xử trong chiến dịch rầm rộ, khiến nhiều người có ý kiến cho rằng Hà Nội đang áp dụng các bài học từ chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của Trung Quốc.
Một số nhà phân tích chính trường Việt Nam từng nói với VOA Việt Ngữ rằng họ sẽ "ngạc nhiên" nếu các lãnh đạo Việt Nam "không học hỏi chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình".
Đinh La Thăng là người tính tình xởi lởi, hay bông đùa và hay cười. Thăng lại là người từng hoạt động và phụ trách một mảng của đoàn thanh niên cộng sản ở công trình thủy điện Sông Đà, có máu văn nghệ và thích thể hiện bằng cây đàn ghi ta, nên càng hay cười. Do vậy, khá dễ để đối sánh nụ cười trong quá khứ của Đinh La Thăng với nụ cười cùng những giọt nước mắt thăng trầm của ông vào lúc sa cơ lỡ vận.
Nụ cười của Đinh La Thăng trong xe công an - không thật sự tươi tắn và rạng rỡ, nhưng cả khóe miệng lẫn khóe mắt đều lóe lên ánh hy vọng. (Hình : Soha)
Hiện tại, Thăng không còn ngồi rung đùi ôm cây đàn ghi ta cùng cái cười hết ga, cái cười xả láng và rất anh chị của một thời uy quyền tung hoành, mà phải rên rỉ trong phòng xử của tòa án để sau đó đi thẳng về buồng tạm giam của công an.
Trong buổi chiều ngày xử án thứ tư của phiên tòa "Thăng – Thanh" vào Tháng Giêng, 2018, có một hình ảnh đáng ngạc nhiên và gây nhiều thắc mắc cho dư luận là, ngay sau khi bị Viện Kiểm Sát tối cao đề nghị mức án 14 – 15 năm, cựu ủy viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng – con người hay cười ấy – vẫn nở một nụ cười khi ngồi trong chiếc xe công an đưa trở lại trại tạm giam.
Nụ cười ấy lại không cho thấy vẻ gượng gạo cố cười, mà thực chất là cười khá tươi.
Kẻ biết sợ
Làm thế nào mà Đinh La Thăng lại cười được như thế, khi mức án 14 – 15 năm tù giam là quá nặng cho tội danh "cố ý làm trái…" của ông, trong một phiên xử không chứng minh được Thăng tham nhũng và cũng chẳng làm rõ được việc Thăng, dù cố ý làm trái, nhưng không hẳn gây ra "hậu quả nghiêm trọng", cho dù người đời thừa hiểu những quan chức làm kinh tế như Đinh La Thăng có quá nhiều cơ hội chấm mút và rất có thể đã chấm mút quá nhiều, quá đủ các loại tiền ?
Nếu không phải là cố gượng cười để tỏ mặt yêng hùng, phải chăng Đinh La Thăng vẫn chưa thấm, chưa hình dung được tương lai hàng chục năm đằng đẵng trong phòng giam tối lạnh cô đơn chỉ biết "chăn kiến", chưa biết sợ cái viễn cảnh "một ngày tù ngàn thu ở ngoài ?"
Nhưng chỉ một ngày sau nụ cười trong xe công an, trong phần tự bào chữa của mình tại tòa, Đinh La Thăng đã sụt sùi xin tòa : "Việc xử lý để tạo cơ hội cho cán bộ sửa chữa, bản thân gia đình bị cáo, bố mắc bệnh hiểm nghèo, có 2 con gái, 1 cháu phát triển không bình thường, rất cần sự chăm sóc của bố mẹ… Khả năng, khi bố bị cáo mất, bị cáo khó có điều kiện gặp bố, cũng như chăm sóc gia đình và chăm sóc con gái…" Bản thân bị cáo bị rất nhiều bệnh. Bị cáo chỉ mong muốn làm sao chấp hành án, trước khi chết thì được ra tù để được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân. Bị cáo cũng mong muốn, nếu có chết thì là ma tự do, chứ không phải ma tù…"
Biểu cảm trong lời tự bào chữa lâm ly trên được dư luận đánh giá là thật, bởi ở Đinh La Thăng đã biến mất vẻ ngông nghênh tự mãn và coi trời bằng vung trước đó. Cũng khác hẳn với với thái độ vẫn còn giữ cung cách quan quyền khi tiếp xúc với luật sư trong trại tạm giam, khẩu khí của Đinh La Thăng đã "cừu" hẳn.
Chỉ còn một cách giải thích : như một con sói rừng đã được thuần hóa, hoặc ít ra cũng có vẻ bớt hoang dã và hung dữ, Đinh La Thăng đã thực sự phải nhận một trận đòn đau và đã thực sự biết sợ.
Chí ít, việc Đinh La Thăng dùng từ lóng "ma trong tù" rất đặc thù của nhà tù đã cho thấy cựu ủy viên bộ chính trị này bắt đầu thấm cảnh tù đày và cũng bắt đầu run sợ trước tương lai.
Tương lai ấy, phía trước Đinh La Thăng lại là một vụ án khác : vụ 800 tỷ đồng của Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam mà chính Đinh La Thăng đã quá nhiệt tình chỉ đạo gửi vào Ngân Hàng Đại Dương của Hà Văn Thắm, để số tiền này sau đó đã hoàn toàn biến mất.
Biến mất hay biến vào túi ai ?
Nhiều dư luận và cả những nguồn tin khá tin cậy cho biết chính Đinh La Thăng đã chấm mút một phần không nhỏ số tiền 800 tỷ đồng đó.
Nếu vụ "800 tỷ" bị phanh phui làm rõ và chứng minh được Đinh La Thăng tham gia tham nhũng số tiền này, tội danh dành cho Thăng sẽ không chỉ là "cố ý làm trái…" mà sẽ là "chiếm đoạt tài sản…" – với một mức án có thể lên tới vài ba chục năm hoặc chung thân.Đó chính là tương lai mà Đinh La Thăng sợ hãi khi trần tình trước tòa, xin tòa không nên từ một tội danh để tách thành hai vụ mà "bất lợi cho bị cáo".
Và một khi đã biết sợ, đã đủ sợ, con người ta sẽ tự biết tìm đường sống cho mình.
Vẫn nụ cười hy vọng hay tắt hẳn ?
Giờ đây, Đinh La Thăng đã trở về buồng giam công an với cái án tù giam nhiều năm trời. Hy vọng ở phiên tòa đầu tiên về một kết thúc không đến nỗi nào đã biến thành nước mắt nuốt vào trong.
Nhưng có lẽ Đinh La Thăng vẫn còn hy vọng, dù là một niềm hy vọng có phần vô vọng.
Hẳn Đinh La Thăng, qua luật sư, đã biết việc không phải ngẫu nhiên, mà rất có chủ ý rằng trước khi phiên tòa "Thăng- Thanh" được mở, cả Cơ Quan Điều Tra lẫn Viện Kiểm Sát Tối Cao đều chủ ý thông tin cho báo chí là "Đinh La Thăng đã thành khẩn khai báo".
Cũng không thể ngẫu nhiên khi trong lời khai của mình trước tòa, Đinh La Thăng đã trực chỉ trách nhiệm chỉ định thầu (một cách thức rất dễ sinh tiêu cực) xây dựng Nhà Máy Nhiệt Điện Thái Bình 2 là thuộc trách nhiệm của "chính phủ", tức được hiểu là trách nhiệm của thủ tướng thời đó là Nguyễn Tấn Dũng.
Nguyễn Tấn Dũng lại là "đối thủ truyền kiếp" của Nguyễn Phú Trọng. Cho tới giờ, không còn hồ nghi gì nữa, ông Trọng hẳn rất muốn đưa ông Dũng ra tòa. Một phiên tòa còn "lịch sử" hơn nhiều so với vụ xử "Thăng – Thanh".
Kịch bản Đinh La Thăng đã "khai sạch" về Nguyễn Tấn Dũng ngay từ trong trại tạm giam ngày càng hiện rõ. Thậm chí trong tương lai không quá xa, Đinh La Thăng còn có thể trở thành nhân chứng để chống lại Nguyễn Tấn Dũng, nếu ông Dũng bị đưa ra tòa.
Đó là lối thoát duy nhất của Đinh La Thăng. Và điều đó cũng như một cách giải thích hầu như duy nhất về nụ cười của Đinh La Thăng trong xe công an. Một nụ cười không thật sự tươi tắn và rạng rỡ, nhưng cả khóe miệng lẫn khóe mắt đều lóe lên ánh hy vọng. Có thể khi đó Thăng đã đã đạt được một kết quả khả quan nào đó trong "đàm phán" với cơ quan chức năng, đã nhận được một lời hứa hẹn nào đó để hy vọng sớm thoát tù của ông lại bay bổng.
Một nụ cười khấp khởi hy vọng. Hoặc ít nhất cũng là hy vọng thoát chết và thoát án chung thân để không phải làm "ma trong tù" mà sẽ được là "ma tự do".
Nhưng liệu Đinh La Thăng có biết tận dụng cơ hội cuối cùng cho mình ? Hay là không ?
Những người thương cảm cho số phận của Đinh La Thăng thật ái ngại khi kết thúc phiên tòa "119 tỷ đồng" vẫn chưa có ánh sáng nào rạng lên. Thay cho nụ cười hy vọng trước đó, ánh mắt Đinh La Thăng âm u hẳn.
Dù biết Thăng là kẻ xài tiền như nước, các đồng chí của ông vẫn chẳng tìm ra chứng cứ nào đủ thuyết phục. Một trong những lần hiếm hoi người ta chứng kiến hiện tượng "quan oan".
Phía trước ông vẫn còn một phiên tòa nữa, ít nhất một phiên tòa nữa. Nụ cười trong Thăng sẽ tắt hẳn chăng ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 21/01/2018
Chính trị học chưa có tiền lệ
Đinh La Thăng là ủy viên bộ chính trị đầu tiên bị khởi tố.
Đinh La Thăng là ủy viên bộ chính trị đầu tiên bị khởi tố nhưng không được tại ngoại hầu tra mà bị tạm giam luôn.
Ông Đinh La Thăng mắng các nhà thầu Trung Quốc khi còn tại chức.
Đinh La Thăng là ủy viên bộ chính trị đầu tiên bị khởi tố, bị tạm giam và bị truy tố trong một thời gian ngắn kỷ lục.
Đinh La Thăng là ủy viên bộ chính trị đầu tiên bị khởi tố, bị tạm giam, bị truy tố và bị còng tay khi đưa ra tòa.
Đinh La Thăng là ủy viên bộ chính trị đầu tiên bị khởi tố, bị tạm giam, bị truy tố, bị còng tay khi đưa ra tòa và bị án "bóc lịch" đằng đẵng.
Còng số 8
Hình ảnh còng tay Đinh La Thăng hiện ra lồ lộ trong phiên tòa xử vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào đầu tháng 1/2018.
Cựu ủy viên bộ chính trị này thậm chí còn không được đạo diễn cho cầm một tờ báo trên tay hay khoác hờ một cái áo - như một số trường hợp phạm nhân quan chức khác đã được hưởng ân huệ đó như một cách để khỏa lấp khoảng trống khiến lộ ra cái còng số 8.
Chẳng lẽ Tổng bí thư Trọng không còn nghĩ đến "tình đồng chí đồng đội" khi hạ nhục Đinh La Thăng đến thế ?
Nhưng hình như tình cảnh đảo lộn nhân tình thế thái giờ đây lại có nguồn cơn từ "vấn đề lịch sử" - một cụm từ mà các văn bản quy định về chính trị nội bộ của đảng cầm quyền rất ưa dùng và tạo thành lý cớ hợp pháp để thanh trừ nội bộ.
Bộ phim chiếu ngược - tái hiện Hội nghị trung ương 6 tại Hà Nội vào tháng Mười năm 2012…
Nụ cười 2012
Đinh La Thăng khi ấy đã là ủy viên trung ương và được thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng ưu ái xếp làm bộ trưởng giao thông vận tải - một "cửa khẩu" rất quan trọng đối với các dòng tiền ra - vào của ngân sách quốc gia nhưng lại gần như thoát khỏi nguyện vọng "kiểm soát quyền lực" của khối đảng.
Vào lúc người xem truyền hình có cảm giác như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mếu máo trong bài diễn văn kết thúc Hội nghị trung ương 6 vì không thể kỷ luật được "đồng chí X", còn Thủ tướng Dũng ưỡn ngực theo một cách ngạo mạn thường có và rất riêng, người ta cũng nhìn thấy Đinh La Thăng nở một nụ cười đượm vẻ nhạo báng trước những giọt lệ của ông Trọng.
Hẳn một nhà thâm nho như Nguyễn Phú Trọng chẳng bao giờ quên được điệu cười không thèm che giấu trên. Nếu về sau này có cận thần của ông Trọng đã chữa thẹn cho ông bằng một ví von "nước mắt của tổng bí thư rơi vào lịch sử", thì số phận của Đinh La Thăng cũng đã chính thức chảy ngược vào lịch sử từ nụ cười tưởng như thắng thế của nhân vật mà 4 năm sau có mật độ xuất hiện dày đặc nhất trên báo chí trong Bộ Chính trị.
Năm mùa đông sau cái năm 2012 đầy trớ trêu cay nghiệt thủ đoạn chính trị đó, sự đời đảo lộn. 2017 là năm của Nguyễn Phú Trọng, là năm mà ông Trọng bắt đầu nở một nụ cười có vẻ thỏa mãn và thực chất hơn trong chiến dịch "chống tham nhũng", như khi ông ta được đón tiếp bằng nghi lễ dành cho nguyên thủ quốc gia tại Washington vào tháng Bảy năm 2015.
Nhưng Đinh La Thăng thì không thể cười được nữa. Về Sài Gòn với ý đồ "trấn" thành phố này, với não trạng bị xem là "chủ quan khinh địch", có lẽ ông Thăng đã không thể hình dung ra thân phận của mình xuống vực thẳm chỉ sau bảy tháng rưỡi kể từ ngày 27/4/2017 khi Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố kết luận về trách nhiệm của "đồng chí Đinh La Thăng" tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - vào thời ông Thăng còn là Chủ tịch Hội đồng thành viên của tập đoàn này.
Sau mọi nụ cười vừa hồn nhiên xả láng, vừa ngạo nghễ ngạo mạn đến mức chẳng còn biết trời cao đất dày là gì, Đinh La Thăng đã "rơi nước mắt vào lịch sử" tại phiên tòa mà ông trở thành bị cáo vào tháng đầu năm 2018.
"Ma trong tù" 2018
Chính trị là chính trị, bên kia đỉnh núi cười cợt là vực sâu nước mắt, và cứ thế luân hoán vị trí cho nhau trong quy luật hoán chuyển không ngừng của tạo hóa và quy luật hưng - diệt của số phận con người. Ngay cả lời sám hối muộn màng "cám ơn người đã kỷ luật tôi" của Đinh La Thăng sau khi ông ta bị loại khỏi Bộ Chính trị và bị đưa về Ban Kinh tế trung ương để "nhốt quyền lực vào chung một lồng" cùng với một "người của anh Ba Dũng" khác là trưởng ban này - Nguyễn Văn Bình, cả sau gương mặt méo xệch để chỉ "xin về nhà ăn tết lần cuối trước khi chấp hành án" của Đinh La Thăng tại phiên tòa mở đầu sự kết liễu số phận ông vào tháng Giêng năm 2018, Thăng vẫn không được ông Trọng cho thoát kiếp lầm than trả giá.
Đã biến mất vẻ ngông nghênh tự mãn và coi trời bằng vung trước đó ở Đinh La Thăng. Đã thực sự phải nhận một trận đòn đau, khẩu khí của Đinh La Thăng trở nên "cừu" hẳn.
Trong phiên tòa ấy, chí ít việc Đinh La Thăng dùng từ lóng "ma trong tù" rất đặc thù của nhà tù đã cho thấy cựu ủy viên bộ chính trị này bắt đầu thấm cảnh tù đày và cũng bắt đầu run sợ trước tương lai.
Một cách chính thức, chiến dịch được coi là "chống tham nhũng" của Tổng bí thư Trọng đã khởi động sau Trung Quốc đúng 5 năm.
Cũng một cách chính thức, Đinh La Thăng đã trở thành Bạc Hy Lai của Việt Nam.
Ai mới là "thần tượng chính trị" ?
Vào năm 2012, Tập Cận Bình đã lần đầu tiên ra oai bằng chiến dịch hạ bệ Bạc Hy Lai - ủy viên bộ chính trị kiêm bí thư Trùng Khánh. Sau đó, Bạc bị tống giam và phải nhận án chung thân.
Là một người vạm vỡ với chiều cao gần 1,8 mét, Bạc Hy Lai đã từng là một hình tượng chính trị. Với một số ý tưởng cùng động tác có hơi hướng "cải cách", Bạc còn trở thành thần tượng trong con mắt nhiều người dân, đặc biệt trong lớp trẻ.
Nhưng trong buổi xét xử Bạc Hy Lai, hai nhân viên cảnh sát đứng bên cạnh Bạc lại cao gần 2 mét - một sự sắp xếp rất Trung Hoa và đầy thâm ý của Tập Cận Bình. Hình tượng chính trị sụp đổ bởi không ai có thể cao hơn tất cả mọi người.
Đinh La Thăng cũng không thể cao hơn và khác hơn tất cả mọi người trong cái bộ chính trị "tỏ ra khôn quá cũng chết". Cái còng số 8 tra thẳng vào tay nhân vật từng một thời khuếch trương vài ba ý tứ "cải cách thể chế", từng được một số người xem là "thần tượng chính trị" và để lộ diện ban ngày ban mặt cho cả thiên hạ thấy rõ đã phát đi một thông điệp không chỉ về "không có vùng cấm trong chống tham nhũng", mà còn "không còn tồn tại thần tượng Đinh La Thăng".
Vào những ngày này, khi chính trường và kéo theo một phần xã hội Việt Nam bùng lên cơn sóng thần của chiến dịch "đốt lò", người ta bất chợt nghe vang vọng tiếng tung hô reo hò của một số văn nhân cận thần về hình ảnh và hình tượng Nguyễn Phú Trọng : ban đầu là "Sỹ phu Bắc Hà", sau đó đến "Hào kiệt của dân tộc’, rồi "Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo", và cả "Minh quân"…
Nhanh đến mức không tưởng tượng nổi, trào lưu đại ngôn, lộng ngôn hoặc hơn thế nữa đang biến Nguyễn Phú Trọng thành một hình tượng khác với tất cả và cao hơn tất cả, không biết còn có gì có thể cao hơn thế nữa, thay thế cho "thần tượng Đinh La Thăng", như một quy luật đời đổi não chẳng đổi của lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam…
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 22/01/2018
Làm người không muốn được tự do mà lại muốn làm ma tự do. Đó là điều khác biệt giữa một sản phẩm của thể chế đã dung chứa nó và những người tự do sống để đấu tranh cho những quyền làm người chính đáng đã và đang bị thể chế ấy tước mất.
Báo chí lề đảng : những con dao 2 lưỡi
Mấy ngày nay, dư luận trong và ngoài nước đang "dậy sóng" khi truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin "Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đưa bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 bị cáo khác ra xét xử tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản".
Ông Đinh La Thăng bị khởi tố bị can theo quyết định số 522/C46 ngày 8/12/2017 vì có những sai phạm nghiêm trọng ở quá khứ trong việc lãnh đạo, điều hành Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỉ đồng vào Ngân hàng cổ phần Đại Dương (OceanBank) và mất trắng số tiền này. Ông Thăng đã bị bắt tạm giam theo lệnh số 134/C46 ngày 8/12/2017 của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an".
Báo chí Việt Nam đưa tin về sai phạm ông Đinh La Thăng
Báo chí nhà nước, cơ quan truyền thông của đảng cộng sản, những tổ chức và con người chỉ mới thời gian ngắn trước đây, khi ông Thăng về làm Bí thư thành Hồ, với những phát ngôn và hành động nổi bật, thì họ đã đua nhau như một đàn ruồi xanh, theo "nâng" Tân bí thư, với những lời tung hô có cánh, đưa ông Thăng lên tận mây xanh, coi ông như một "thần tượng".
Hôm nay, cũng chính những tờ báo ấy, với những cây bút ấy, lại ra sức ném đá ào ào vào ông Thăng. Họ thay mặt tòa án, quy kết rất nhiều tội cho ông trước khi tòa tuyên án.
Đau đớn thay ! Nghiệt ngã lắm cho cái gọi là báo chí Cách mạng !
Nhìn lại công và tội của ông Đinh
Về công, nhìn lại thực tế, Đinh La Thăng là Bộ trưởng đầu tiên của Chính Phủ Việt Nam dám thi tuyển công khai chức Tổng cục trưởng, Vụ trưởng. Ông là người đầu tiên dám chỉ mặt tổng thầu Trung Quốc mắng sa sả. Ông là Lãnh đạo cấp cao đầu tiên cấm cán bộ trong cơ quan chơi gôn, trong khi dân tình còn khổ. Ông là lãnh đạo đầu tiên dám cách chức quan lại Bộ "đường sắt" và hàng loạt cán bộ dưới quyền kém tài, nhũng nhiễu. Ông là lãnh đạo đầu tiên dám xóa bỏ những quy định bất hợp lý (biển báo giới hạn, thủ tục phiền hà, tiến độ thi công con rùa...).
Ông Đinh La Thăng, khi còn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đã xóa bỏ quy định tốc độ tối đa 40km/h đối với các loại xe cơ giới khi lưu thông trong khu đô thị hoặc vùng dân cư nông thôn, vì đường sá nay đã rộng rãi hơn trước.
Cũng chính ông Đinh La Thăng đã "cấm" giới Cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ, không được núp lùm núp lòi, không được chui rúc trong các nhà cầu, hầm xí, hố phân ven đường như những tên trộm cắp đê hèn, để lẻn lút rình mò ghi hình người tham gia giao thông.
Một số người thân cận từng làm việc chung với Đinh La Thăng nhìn nhận ông ấy là người có tính hài hước.
Sự hài hước của Thăng khi nói về người này người kia, việc này việc khác, là một trong những đầu mối đem đến tai họa cho ông mà có thể không ông nhận ra. Trong một nền chính trị khép kín, mọi người luôn giả vờ làm ra nghiêm trang, giấu biệt ý nghĩ thật của mình, thì Thăng lại cứ nói tuột mọi thứ thành lời bằng lối hài hước là sự tàng ẩn đem lại nguy hiểm cho bản thân.
Ông Đinh La Thăng và Tổng công ty Dầu khí Việt Nam
Xưa nay mgười biết hài hước thường là người tốt. Ngay cả giờ đây, dù ông Thăng đang bị đưa ra Tòa xét xử, vẫn có nhiều người dân Việt Nam tin ở ông, ủng hộ ông. Nếu so với đám quan chức Việt Nam đang tại vị còn lại, ông Thăng vẫn là người tốt nhất.
Về tội, đầu tiên là việc ông ấy đã cho lính đập nát chùa Liên Trì đã có hàng trăm năm tuổi, để thực hiện dự án cướp đất tại Khu Đô Thị Thủ Thiêm. Điều mà trước đó, vị Bí thư tiền nhiệm Lê Thanh Hải còn chưa dám làm.
Nhiều người đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến hình ảnh vị Hòa thượng trụ trì già nua Thích Không Tánh, khi trở về, thấy ngôi chùa thân yêu gắn bó với mình bao năm nay, nay bị đập phá không thương tiếc. Ông đứng trên đống gạch đá ngổn ngang, run lẩy bẩy, vẻ mặt thẫn thờ.
Tiếp đấy, khi Công ty vỏ Đài ruột Tàu Formosa Hà Tĩnh, gây ra thảm họa môi trường khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử nước nhà, xả hàng ngàn tấn chất thải cực độc ra vùng biển miền Trung, làm chết hàng trăm ngàn tấn hải sản các loại, nổi lên trắng bờ bãi 4 tỉnh miền Trung, đã đẩy mấy triệu người dân nghèo nơi đây vào bước đường cùng vì hết kế sinh nhai, gây phẫn nộ tột cùng trong nhân dân. Trong cơn phẫn uất ấy, nhân dân nhiều nơi, từ Bắc chí Nam đã xuống đường biểu tình phản đối, đòi kẻ gây ra tội ác phải bị xét xử và bồi thường thỏa đáng cho dân.
Thì ông Đinh La Thăng đã cho các lực lượng chính quy lẫn không chính quy, đàn áp các cuộc biểu tình ở Sài Gòn rất khốc liệt. Nhiều người bị đánh thâm tím mặt mày, bị câu lưu nhiều giờ trong đồn công an, chỉ vì cái tội bày tỏ ôn hòa thái độ của mình trước kẻ đã gây ra tội ác.
Họa đến từ sự hồn nhiên chính trị của họ Đinh
Một dạo, những người Cách mạng lão thành khi xem cái Clip cắt ra từ chương trình của Đài truyền hình Việt Nam, thấy ông Thăng chỉ tay mắng xa xả mấy gã người Tầu liên quan đến dự án Đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, đã có người buột miệng bảo : "thằng Thăng sẽ phải đi, không lúc này thì lúc khác". Vâng ! Nỗi nhục lớn thế kia, bọn Tàu đời nào chịu. Ông Nguyễn Cơ Thạch cũng mất chức chỉ vì khinh Tầu, mà mới chỉ khinh thầm thôi, còn ôngThăng thì... !
Đến khi ông Thăng công khai ủng hộ ông Bob Kerrey người đã chỉ huy và trực tiếp tham gia vào cuộc thảm sát thường dân vô tội tại thôn Thạnh Phong (Bến Tre) vào tháng 2/1969, làm chủ tịch quỹ tín thác đại học Fulbright, thì mọi người thấy gươm đao, giáo mác đã vây quanh cửa phòng ông Thăng chờ cơ hội vồ lấy ông.
Liệu Trung Nam Hải và chính quyền cộng sản miền Bắc Việt Nam có yên tâm trước một lãnh đạo Sài Gòn thân thiện với Hoa Kỳ ? Lúc đó ông Thăng chỉ mới là Bí thư thành ủy, biết đâu sẽ đến lúc ông ấy làm Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam ? Ông Thăng đã quá hồn nhiên về mặt chính trị ! Người Tàu với "Giấc Mộng Trung Hoa" luôn biết lo xa cả trăm năm, họ sẵn sàng ủ mối thù hàng chục năm, đợi cơ hội ra tay đáp trả, tất nhiên sẽ không để yên ổn cho ông Thăng tại vị khi ông mang tư tưởng hồn nhiên ấy. Khi làm những điều đó, có lẽ ông Thăng đã quên mất vị trí của mình đang là Bí thư của Thành Hồ sẽ tạo ra nhiều ảnh hưởng chính trị bởi quyết định ấy.
Kết
Trong xã hội cộng sản, cai trị thì công thoáng chốc bỗng thành tội và ngược lại tội biến thành công, là điều rất khó lường trước được.
Chúng ta chắc hẳn còn nhớ câu chuyện ngày xưa của bà Cát Hanh Long (Nguyễn Thị Năm), từ chỗ là ân nhân, đã hiến hàng ngàn lạng vàng cho đảng lúc đảng gặp khó khăn, sau chuyển sang tội đồ chỉ trong chốc lát lãnh án tử hình, đến nay con cháu bà Năm vẫn còn mang nỗi nhục, chưa được đảng và nhà nước Việt Nam minh oan.
Giờ thì ông Thăng đã phải đi thật ! Viễn cảnh này nhiều người đã nhìn thấy trước, chỉ duy bản thân ông ấy là không thấy. Ông Thăng đang phải trả giá cho thói quen làm việc quyết đoán, quá tin vào bản thân mình đến mức chủ quan và sự cả tin vào cấp dưới.
Tội "cố ý làm trái", phải chăng chỉ một quân bài để nhóm lãnh đạo cao cấp của Việt Nam thân với Trung Nam Hải loại trừ ông Thăng ra khỏi bàn cờ Chính trị ? Bắc Kinh chắc hẳn đang rất hả dạ.
Khi mà nạn tham nhũng đã thành thứ ung nhọt vô phương cứu chữa của chế độ và người dân thì chán ghét, căm tức quan chức đến tận xương tủy thì tội tham nhũng là quân bài hiệu quả của nhà cầm quyền cộng sản mượn lòng dân trừ đối thủ.
Hãy xem hôm nay báo chí và khá nhiều người từng là đồng chí của ông Thăng đang ra sức bôi tro trát trấu lên mặt ông, vu cho ông ấy biết bao là thói xấu, lại cũng là chính là những kẻ ngày trước đã tâng ông lên tận mây xanh khi ông còn tại vị.
Biết là mọi việc trên đời đều là luật nhân quả, cái gì cũng có lý do của nó nhưng sao vẫn thấy xót xa cho con người một thời từng là Tư lệnh ngành Giao thông vận tải, Bí thư Thành ủy thét ra lửa mà giờ đang phải đối diện với án tù.
Buồn vì một người lãnh đạo đã từng một thời được kỳ vọng là "Chiến tướng" đánh Đông dẹp Bắc, một người từng được nhân dân kỳ vọng là sẽ tạo ra hình ảnh mới của quan chức Việt Nam, giờ đã tiêu tan sự nghiệp Chính trị, đang phải vướn vào vòng lao lý.
Đào Đức Thông
Nguồn : VNTB, 21/01/2018
Trước phiên tòa "Thăng - Thanh", trong dư luận xã hội và trên mạng xã hội đã râm ran những đồn đoán về một "âm mưu ám sát". Tuy nhiên, đồn đoán này chỉ là một trong nhiều giả thiết và cách nào đó có thể bị giễu cợt và phản bác rằng đó chỉ là… "thuyết âm mưu".
Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa ở Hà Nội. (Ảnh : VNA/Doan Tan via REUTERS)
Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh - hai nhân vật cực kỳ quan trọng không chỉ đối với phiên tòa xử vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào đầu tháng 1/2018, mà còn được dư luận cho là đóng vai trò "xe - mã" trên bàn cờ chính trị Việt Nam, có thể dẫn thẳng đến cửa nhà cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và những nhóm lợi ích của "thời kỳ trước".
Cái ô !
Khi phiên tòa "Thăng - Thanh" bắt đầu khai diễn, công luận được thấy những bức hình về hai bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh được hàng chục cảnh sát vây bọc như một cách "lấy thân mình lấp lỗ châu mai", không khác gì nghiệp vụ bảo vệ nguyên thủ quốc gia ở các nước phương Tây. Công luận cũng nhìn thấy những cái ô được giương lên để che phủ hai bị cáo này ; người ta không thể nghĩ khác rằng Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh đã được "cơ quan bảo vệ pháp luật" tổ chức bảo vệ rất ngặt nghèo, khác hẳn với chế độ bảo vệ bình thường đối với tuyệt đại đa số bị cáo có nguồn gốc quan chức phạm tội "cố ý làm trái" hay "tham ô tham nhũng" bị đưa ra tòa trước đây.
Cũng khác hẳn với rất nhiều phiên tòa trước đây xử quan chức tham nhũng, phiên tòa "Thăng - Thanh" được báo chí và giới luật sư mô tả là "vượt trên mức cẩn mật", khi cảnh sát được bố trí vòng trong vòng ngoài, các thiết bị điện tử của luật sư và báo giới bị khám xét rất kỹ, và nói chung bầu không khí của phiên tòa này tràn ngập tính "khủng bố".
Cũng có thể so sánh bầu không khí của phiên tòa "Thăng - Thanh" với sự căng thẳng đã trở thành bản chất khi "tòa án nhân dân" xử các nhà hoạt động nhân quyền : nội bất xuất ngoại bất nhập, cảnh sát đằng đằng sát khí và sẵn sàng "tác chiến".
Vượt trên tất cả trong bầu không khí đầy đe dọa và bất an trong phiên tòa "Thăng - Thanh", cái ô chính là hình ảnh có sức thuyết phục rất lớn về nỗi lo sợ và sự phòng bị không che giấu của các cơ quan tư pháp về những rủi ro có thể xảy đến đối với các "VIP" của họ.
Điều gì hay rủi ro nào có thể xảy đến với các bị cáo ?
Rất nhiều dư luận đã khẳng định rằng "nghệ thuật giương ô" của công an Việt Nam là rất giống với nghiệp vụ dùng ô hay một tấm vải lớn của cảnh sát nước ngoài để bảo vệ những bị cáo hay nhân chứng quan trọng, nhằm tránh hoặc hạn chế rủi ro bị ám sát bằng thủ đoạn bắn tỉa.
Nếu quả thật đã từng có, đang có và sẽ có một âm mưu ám sát, bắn tỉa Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, âm mưu đó đến từ thế lực nào ?
"Thế lực thù địch" chăng ?
Ai ?
Quá khó để tưởng tượng ra việc những đảng phái chính trị hải ngoại lại có động cơ "trả thù tham nhũng" bằng việc dấn thân ám sát Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh.
Cũng quá khó để có thể hình dung ra việc người dân trong nước do quá công phẫn với quốc nạn tham nhũng mà sẽ tụ tập đám đông để lao vào "xé xác" Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh.
Một giả thiết gần với thực tế hơn hẳn, cũng dễ hình dung hơn hẳn, là "phe phái nội bộ". Nếu có một âm mưu bắn tỉa Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, hẳn âm mưu đó phải xuất phát từ những người muốn diệt khẩu hai ông Thăng và Thanh.
Trong thực tế cuộc chiến quyền lực ở Việt Nam, đã có những phác họa về cấp độ "tìm và diệt" được đẩy lên cao trào và khiến chủ đề an toàn - an ninh cá nhân quan chức trở nên cấp thiết sống còn hơn bao giờ hết.
Năm 2014 được mở màn bằng một loại bi kịch "ung thư gan" của Thứ trưởng bộ công an - tướng Phạm Quý Ngọ. Cái chết bất đắc kỳ tử của quan chức bị đồn đoán là "nhúng chàm" quá nhiều vụ việc khuất tất này đã dấy lên mối nghi ngờ rất nặng nề trong dư luận và công luận vào thời điểm đó. Người ta tin rằng cho dù vào năm 2014 không thể hoặc không được phép có một cuộc điều tra nào nhằm làm rõ nguyên nhân cái chết của Phạm Quý Ngọ, nhưng nếu sắp tới Bộ Chính trị đảng "hồi tố" vụ này, rất có thể nhiều người sẽ được vén bức màn về chuyện ông Ngọ đã muốn khai ra ai và vì sao ông Ngọ "phải chết".
Đến nửa cuối năm 2016, vụ "cả ba bị bắn" ở Yên Bái là một minh chứng hết sức sống động, kinh hoàng và cấp bách.
Chỉ vài ngày trước vụ "cả ba bị bắn" ở Yên Bái, Quốc hội đã họp bàn về Luật cảnh vệ. Trong cuộc họp bàn này, đã hiện rõ nhu cầu "tha thiết được bảo vệ" - không phải như một thời trang quyền lực, mà là một thực tế cần thiết. Thậm chí một số chủ tịch, bí thư tỉnh/thành cũng đề xuất có cơ chế bảo vệ riêng.
Mọi việc đều có nguồn cơn của nó. Ở Việt Nam, không một địa phương nào là không có mâu thuẫn, thậm chí nhiều chính quyền địa phương nổ ra xung đột nội bộ rất nặng nề, đặc biệt về quyền lực và lợi ích nhóm. Sau vụ quan chức bắn nhau ở Yên Bái, điều chắc chắn sẽ xảy ra là nhiều quan chức ở nhiều tỉnh thành khác sẽ đòi có cơ chế cảnh vệ bảo vệ cá nhân họ, đồng thời sẽ ban hành cơ chế kiểm tra vũ khí, chất nổ… tại những cuộc họp quan trọng của thành/tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh/thành, thậm chí xuống cả cấp quận/huyện… Không khí họp hành sẽ bước vào thời chiến. Đã rõ như ban ngày là vào thời buổi này, không một quan chức nào còn an toàn.
Sau vụ "cả ba bị bắn" ở Yên Bái, dư luận xã hội còn đồn đoán rằng với một số "đồng chí uỷ viên Bộ Chính trị", phương án chuyển đổi chỗ ngủ đêm có thể trở thành một nhu cầu chính trị - tương đương với nhu cầu ăn uống.
Cánh lái xe của giới quan chức cao cấp còn thì thầm với nhau về chuyện những ủy viên trung ương đảng như ông A, bà B khi đi họp hành đã phải mang cả đồ ăn thức uống của nhà theo mà không dám đụng vào bàn ăn "tài sản xã hội chủ nghĩa" của hội nghị trương ương.
Nhân chứng vàng ?
"Cả ba bị bắn" ở Yên Bái đã báo trước một cái điềm quá xấu : cuộc khủng hoảng nội bộ đảng từ bán công khai trước đó chuyển sang một giai đoạn mới - thế công nhiên và mãnh liệt theo cách "không cho chúng nó thoát".
Nhưng với một cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng mang quá nhiều dấu hiệu ăn uống thâm lạm vào cái bàn ăn xã hội chủ nghĩa đó, từ lóng "ói ra" mà dân gian truyền khẩu lại luôn là một lối thoát minh bạch nhất trong bất cứ cơn quẫn cực nào.
Chỉ mới vào ngày thứ hai của phiên tòa "xét xử vụ án tham ô, cố ý làm trái gây thiệt hại 119 tỉ đồng cho Tập đoàn dầu khí PVN" - 9/1/2018, Đinh La Thăng đã khai "chỉ định thầu theo chủ trương Bộ Chính trị", rằng "đã xin ý kiến chính phủ" và "đã xin phép thủ tướng".
"Chính phủ" và "thủ tướng" vào thời ông Đinh La Thăng còn là chủ tịch hội đồng thành viên PVN lại nằm dưới quyền điều hành của một ủy viên bộ chính trị là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Giả thiết về việc Đinh La Thăng do "khai hết", "khai sạch", khai từ khi bị điều tra cho đến trước tòa và khai tới tận địa chỉ nhà của Nguyễn Tấn Dũng nên đã được cả Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an lẫn Viện Kiểm sát tối cao xếp vào loại "thành khẩn khai báo" ngày càng có cơ sở.
Và nếu khả năng "Thăng khai báo Dũng" là có cơ sở thực sự, đây là lần đầu tiên trách nhiệm của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị lôi ra trước tòa án và trước Hội đồng xét xử. Đây có thể sẽ là một tiền đề để dẫn dắt vụ án PVN và Đinh La Thăng sang "giai đoạn 2"cùng với "người có liên quan" là Nguyễn Tấn Dũng.
Sinh mạng của Đinh La Thăng giờ đây còn quý hơn vàng. Nếu Đinh La Thăng được "quy hoạch" để trở thành một nhân chứng cho một phiên tòa lịch sử nào đó trong tương lai không quá xa - chẳng hạn vào năm 2019, Thăng sẽ không thể bị chết bất đắc kỳ tử như tướng Phạm Quý Ngọ. Những cái ô nào đó đang và sẽ che chắn cho sinh mạng và có thể cả số phận của Đinh La Thăng.
Vào lúc này, có lẽ gần hết các ủy viên bộ chính trị và đa số ủy viên trung ương đều cần đến cái ô như đã che đỡ cho Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh - theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Nhưng trước mắt là cần cái ô như đã che cho Vũ "Nhôm" - thượng tá tình báo Phan Văn Anh Vũ khi "cái lưỡi" này bị công an Việt Nam kéo từ Singapore về sân bay Nội Bài…
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 19/01/2018