Hậu quả của chính sách kìm kẹp là các luật sư thực ra là thành phần bị chèn ép nhất trong các chế độ toàn trị. Họ không giầu có và cũng không có tự do. Đã thế còn gần như bị quản chế trong sinh hoạt nghề nghiệp và bị bắt buộc phải phản bội hàng ngày ngay chính đạo đức nghề nghiệp của mình. Tình trạng này không thể kéo dài khi Việt Nam đã mở cửa ra thế giới. Các luật sư đang khám phá ra rằng chính họ là những người cần dân chủ pháp trị nhất. Lý do khiến họ thụ động –vì bị trói buộc- sẽ dần dần trở thành lý do thôi thúc họ tham gia cuộc vận động dân chủ.
Thẻ Luật sư Việt Nam - Ảnh minh họa
Vài ngày nữa sẽ có phiên tòa phúc thẩm xử bốn anh em trong Hội Anh Em Dân Chủ : Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển và Phạm Văn Trội. Chúng ta có thể dự đoán rằng các bản án sẽ rất nặng, không khác phiên tòa sơ thẩm bao nhiêu. Các bạn này cũng biết như thế. Họ kháng án để phản đối sự tùy tiện dã man chứ không phải để hy vọng được giảm án. Chúng ta có nhiều điều để nói với nhau vào lúc này, khi mà chính quyền cộng sản đã từ bỏ mọi cố gắng nhắm tranh thủ cảm tình của nhân dân để chỉ còn đàn áp thật thô bạo.
Nói gì giữa những người dân chủ ?
Dĩ nhiên mọi người dân chủ đều cùng chia sẻ một sự quý mến chân thành, sâu đậm và trọn vẹn với các anh em mắc nạn. Chúng ta nói với họ và với nhau rằng cuộc đấu tranh cho dân chủ là đúng và nhất định sẽ thắng. Việc một chính quyền từ bỏ mọi tham vọng tranh thủ cảm tình của nhân dân tố giác một tâm lý tuyệt vọng. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã nhìn nhận rằng giữa họ và nhân dân Việt Nam không còn gì để nói. Họ đã mang thất bại ở trong lòng. Chính vì thế, khi chúng ta có lý do để tin thắng lợi là chắc chắn, chúng ta càng cần thảo luận về một phương thức hành động và ứng xử.
Điều cần được thảo luận ngay trong lúc này là thái độ phải có khi gặp nạn và phải đối diện với bạo quyền trước trò hề pháp lý của họ. Chúng ta đều biết đây không phải là những phiên tòa. Những gì mà các anh em dân chủ và luật sư của họ nói trong phiên tòa không có ảnh hưởng gì tới kết quả. Chúng ta đã thấy Phan Kim Khánh nhận tội và xin khoan hồng cũng bị xử 6 năm tù như Trần Hoàng Phúc hiên ngang thách thức.
Bị bịt miệng không cho nói, Linh mục Nguyễn Văn Lý đã trở thành biểu tượng của sự bất khuất trước bạo quyền
Linh mục Nguyễn Văn Lý trước đây nếu không gào thét chống đối ngay tại phiên tòa để bị bịt miệng và trở thành một biểu tượng của sự bất khuất thì cũng vẫn bị 8 năm tù.
Các bản án đều đã được quyết định trước. Nhưng như thế không có nghĩa là các phiên tòa không quan trọng. Đó chính là khoảng khắc tự hào để xác nhận -trước công luận, trước đất nước, trước những người thân và trước lịch sử- con người và lý tưởng của chúng ta. Không thể có chuyện nhận tội và xin giảm án. Như vậy vừa sai và phủ nhận chính mình một cách vừa vô duyên vừa vô ích. Cũng phải bảo đảm trước rằng luật sư của mình sẽ biện hộ một cách đúng đắn, nghĩa là quả quyết với lập luận chính xác và thuyết phục rằng thân chủ của mình hoàn toàn không có tội và không thể bị kết án.
Nếu có những luật sư khuyên hay gợi ý nên nhận tội và xin giảm án thì phải chia tay không nể nang. Cũng không cần làm anh hùng. Những người dân chủ đối diện với bạo quyền còn hơn cả những anh hùng. Họ đại diện cho lẽ phải, cho lòng yêu nước và cho danh dự của dân tộc và phải có thái độ xứng đáng, nghĩa là thái độ trang nhã, an nhiên và nhân hậu. Như Mahatma Gandhi trước tòa án Anh. Họ càng nên có thái độ đó vì trước mặt họ là một hội đồng xét xử không có quyền xét xử, gồm những con người đã cam tâm bán rẻ danh dự và lương tâm để làm những dụng cụ ngoan ngoãn cho một chính quyền gian ác.
Họ chỉ cần nói với các thẩm phán một cách thật nhẹ nhàng đúng như sự thực. Thí dụ như :
"Chúng tôi không có tội gì và các vị cũng biết chúng tôi không có tội gì. Chúng tôi không phủ nhận những gì mình đã làm bởi vì chúng tôi đã chỉ làm những điều mà mọi người Việt Nam đều làm nếu có cơ hội và trên thực tế rất nhiều đã làm, có khi còn mạnh mẽ hơn chúng tôi. Đó là những điều đúng và cần cho đất nước và cũng không trái với pháp luật của chính chế độ này. Sở dĩ chúng tôi bị bắt giam, bị hành hạ và hôm nay bị đưa ra tòa chỉ vì chính quyền này cho rằng chúng tôi có tổ chức, nhưng quyền kết hợp cũng như quyền tự do ngôn luận là những quyền tự nhiên đã được xác nhận trong hiến chương của Liên Hiệp Quốc mà nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã cam kết tôn trọng và cũng được ghi ngay trong hiến pháp của chế độ này.
Các vị kết tội chúng tôi dựa vào kết luận của một ban giám định cho rằng chúng tôi đã vi phạm điều này, điều nọ. Nhưng ban giám định đó là những ai ? Họ có khả năng nào và đã lý luận như thế nào để kết luận rằng chúng tôi có tội ? Trong cáo trạng họ chỉ liệt kê những điều mà ai cũng có thể làm và rất nhiều người đã làm để rồi kết luận chúng tôi có tội. Sao họ không có mặt ở đây hôm nay để đối chất với chúng tôi và để nhân dân thấy mặt ?
Các vị sắp đọc những bản án rất nghiệt ngã đối với những người mà các vị thừa biết là vô tội. Các vị có xét xử theo luật pháp và lương tâm không ? Hay một cách giản dị hơn, các vị có thực sự xét xử không hay chỉ đọc những bản án đã được quyết định trước ? Xin để các vị tự trả lời. Tôi chỉ nói với các vị rằng dân tộc Việt Nam sẽ có tự do và công lý trong một tương lai không xa. Chúc các vị bình an".
Chuẩn bị tinh thần cho khả năng bị bắt và bị ra tòa là điều mà mọi anh em dân chủ trong nước phải làm vì trong tình thế hiện nay ai cũng có thể mắc nạn và chính quyền hung bạo này không thiếu những biện pháp để gây áp lực trên các nạn nhân cũng như gia đình họ. Họ hành hạ và đe dọa cũng như dụ dỗ và hứa hẹn, trong khi sức chịu đựng của mỗi người chỉ có giới hạn.
Trường hợp Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà chắc chắn đã phải khiến mọi người đau lòng. Họ không kháng án vì, sau hai năm rưỡi, họ không còn chịu đựng nổi tình trạng tạm giam nữa và muốn được chuyển sang một nhà tù bình thường.
Còn các luật sư ?
Trong phiên tòa sơ thẩm xử sáu anh em trong Hội Anh Em Dân Chủ vừa qua một luật sư đã nói trước tòa rằng họ đã bị xét xử vì thành lập Hội Anh Em Dân Chủ nhưng quyền lập hội (đáng lẽ phải gọi là quyền tự do kết hợp mới đúng vì đó là quyền kết hợp với nhau để thành lập các tổ chức dưới mọi dạng không nhất thiết phải là hội) đã được nhìn nhận trong hiến pháp. Đại diện Viện Kiểm Sát đã phản bác rằng quyền này tuy có trong hiến pháp nhưng vì chưa có quy định của luật pháp nên coi như chưa có. Và luật sư đã im lặng.
Thật là đáng ngạc nhiên vì ít nhất hai lý do. Thứ nhất là cho tới nay phần lớn những người bị đem xét xử trong các vụ án chính trị cũng chỉ làm những điều mà rất nhiều người đã làm, họ bị bắt và bị đưa ra tòa chỉ vì dưới mắt chính quyền cộng sản họ đã hoạt động có tổ chức, dù chỉ là những tổ chức xã hội dân sự lỏng lẻo. Đấu tranh có tổ chức là điều chế độ này sợ nhất. Như vậy tranh luận về quyền kết hợp phải là chủ đề cốt lõi trong các vụ án chính trị và trong phong trào dân chủ nói chung. Tại sao cho đến nay chưa có luật sư nào nêu ra trong các phiên tòa ?
Lý do thứ hai là tại sao vị luật sư nêu ra quyền kết hợp trong phiên tòa vừa rồi –xin hoan hô và cảm ơn- lại im lặng sau khi nhận được câu trả lời ngu xuẩn của đại diện Viện Kiểm Sát ? Câu trả lời này chứng tỏ anh "công tố viên" này chẳng hiểu gì về luật. Anh ta chỉ là một công an làm phận sự đàn áp những người phản kháng.
Các bạn tôi, những người hiểu rõ tình hình trong nước, giải thích rằng đó là vì đa số khối hơn 15.000 luật sư Việt Nam không hiểu gì nhiều về luật mà chỉ là những người chạy án, một số nhỏ hiểu những không dám nói ra. Thiếu kiến thức hoặc thiếu can đảm hoặc cả hai. Họ có thể có lý. Sự kiện nhiều luật sư Việt Nam không hiểu luật là điều đáng buồn nhưng có thực. Bằng chứng là một luật sư khá nổi tiếng đã từng viết trên Facebook của mình rằng luật ở dưới chính trị vì, theo ông này, luật do chính trị làm ra và quyền tự do biểu đạt, hay tự do ngôn luận, phải ở dưới lợi ích quốc gia. Những sai lầm cơ bản này -mà một sinh viên năm thứ nhất trường luật, thậm chí một học sinh trung học, cũng không thể phạm- lại có thể do một luật sư nói ra và còn được một số đồng nghiệp ủng hộ thì quả thực là không tưởng tượng nổi. Như vậy thì phải nhắc lại những điều có thể coi là hiển nhiên.
Không có gì cao hơn luật. Điều này chính Đảng cộng sản Việt Nam, mà văn hóa nền tảng là coi thường sự thật và luật pháp, cũng phải nhìn nhận. Trong điều 4, điều thô lỗ nhất của bản hiến pháp thô lỗ 2013, họ cũng phải viết : "Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật". Tại sao ? Đó là vì luật là cố gắng thể hiện lẽ phải trong xã hội và không có gì cao hơn lẽ phải. Ngay cả thượng đế mà sai cũng không cần tuân theo. Và vì quyền là nền tảng của luật nên quyền cũng ở trên tất cả và không thể thỏa hiệp.
Trong nhiều ngôn ngữ "quyền" cũng có nghĩa là "luật". Thí dụ như trong tiếng Pháp chữ "droit" vừa có nghĩa là "quyền" vừa có nghĩa là "luật". Những quy định của luật pháp chỉ có mục đích duy nhất là để việc sử dụng một quyền của người này không gây thiệt hại cho một quyền nào đó của người khác. Khi không có một quy định cho một quyền đặc biệt nào đó, như trong trường hợp quyền kết hợp tại Việt Nam, thì điều này chỉ có nghĩa là không có một giới hạn nào trong việc hành xử quyền này cả, trừ khi trong khi hành xử quyền này người ta vi phạm những quy định đã có sẵn trong hơn 200 bộ luật hiện có, như luật hình sự, luật thương mại, luật lao động v.v. Một tổ chức và những người điều hành nó chỉ có thể bị chế tài nếu vi phạm một điều khoản nào trong các luật này nhưng việc thành lập một tổ chức tự nó không vi phạm một quy định nào cả.
Vả lại nếu cần một quy định hướng dẫn việc thành lập các hội đoàn mà sau mấy chục năm vẫn chưa có thì đó là lỗi của chính quyền. Một quyền không bao giờ có thể bị coi là chưa có. Quyền kết hợp là một trong những quyền tự nhiên không cần một sự nhìn nhận chính thức nào cả nhưng đã được nhìn nhận hai lần một cách chính thức và long trọng đối với Việt Nam ; một lần trong hiến chương Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam phải tôn trọng trong tư cách thành viên và một lần ngay trong hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nguyên tắc của luật là những gì luật không cấm người dân có quyền làm ; việc thành lập các tổ chức tại Việt Nam không những không bị cấm mà còn được chính thức và long trọng nhìn nhận, do đó không thể là lý do để buộc tội bất cứ ai. Điều này phải được nói ra thật minh bạch, trước hết bởi các luật sư.
Một điểm quan trọng khác cần được đặc biệt chú ý là ai có quyền quyết định một người hay một nhóm người đã vi phạm điều khoản nào trong các luật hiện có ? Cho tới nay trong tất cả các vụ án chính trị kết luận các bị cáo đã vi phạm điều 79, 88, 258 đều được nói là do một "ban giám định" mà không ai biết có thực hay không.
Đọc các bản cáo trạng thì thấy ban giám định này chỉ dựa trên những sự kiện mà ai cũng có quyền làm và nhiều người đã làm như viết bài trên Facebook, trả lời phỏng vấn v.v để kết luận rằng các bị cáo đã phạm pháp mà không hề dẫn chứng điều gì trong các bài viết và phỏng vấn này đã vi phạm cái gì và tại sao. Cũng vớ vẩn như nếu thấy một người đưa con đi học rồi kết luận rằng như thế là có đủ bằng chứng rằng người đó đã lên mặt trăng. Ban giám định này không hề gửi báo cáo giám định và đối chất với các bị cáo và luật sư của họ. Họ cũng không có mặt trong các phiên tòa để trả lời những chất vấn. Như vậy những kết luận của ban giám định này hoàn toàn vô giá trị. Dầu vậy chúng đã được dùng để tuyên những bản án 10 hay 15 năm tù. Tại sao chưa thấy luật sư nào nêu lên điểm này ?
Đã thế một số luật sư còn khuyên, hoặc gợi ý, các nạn nhận tội và xin khoan hồng. Họ đứng về phía tội ác thay vì lẽ phải, tiếp tay cho kẻ đàn áp thay vì bảo vệ người vô tội đồng thời cũng là thân chủ của họ.
Phải nói dứt khoát : trong các vụ án thô bạo này trách nhiệm của các luật sư là phải nói thân chủ của mình hoàn toàn vô tội, phải được trả tự do ngay tức khắc và phải được bồi thường thiệt hại. Lẽ phải bao giờ cũng cần được nói ra, ngay cả trong thế yếu. Và thực ra các luật sư vẫn có thể nói những gì cần nói mà không thể bị cáo buộc là khiêu khích hay thách thức. Vấn đề là họ không nghĩ đến việc nói ra những điều phải được nói ra và do đó cũng không tìm cách nói thích hợp.
Nghề luật sư không phải chỉ là một nghề để sinh sống bởi vì nó có quan hệ mật thiết và trực tiếp với giá trị cao nhất trong mọi giá trị : lẽ phải. Nó là một nghề trong đó đạo đức nghề nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng, tương tự như nghề y sĩ. Một luật sư thấy thân chủ mình vô tội mà không dám biện luận cũng không khác một thầy thuốc biết bệnh nhân của mình cần một thứ thuốc để sống mà không cho. Đó là một vi phạm đạo đức nghề nghiệp rất lớn, càng lớn vì không ai bị bắt buộc phải chọn nghề luật sư.
Nghề luật sư có hai sứ mệnh nghề nghiệp chính. Một là bảo vệ lẽ phải thông qua việc bảo vệ thân chủ. Hai là, cũng như các nghề luật nói chung, đóng góp để luật pháp ngày càng thể hiện lẽ phải một cách trung thực hơn. Cho tới nay đã có luật sư nào lên tiếng về điều 4 xấc xược của hiến pháp ? Đã có luật sư nào lên tiếng về các điều 79, 88, 258 vớ vẩn, tùy tiện và ác độc của bộ luật hình sự ? Phải nói là rất đáng buồn, vì đó là một bắt buộc nghề nghiệp của họ.
Một liên minh cần thiết và tự nhiên
Từ nhiều năm qua những người dân chủ đã đấu tranh và bị bách hại. Họ đã được sự tăng viện của nhiều thành phần dân tộc, văn nghệ sĩ, nhà báo, tôn giáo, dân oan, ngư dân và cả một sồ đảng viên cộng sản kỳ cựu trong đó có những người đã giữ những chức vụ quan trọng. Trừ các luật sư. Liên minh giữa những người dân chủ và các luật sư đáng lẽ phải tự nhiên và tự động bởi vì nếu nhìn kỹ thì các luật sư là thành phần bị ức hiếp nhất trong chế độ toàn trị này. Nhưng đó có lẽ cũng chính là lý do khiến họ thụ động và bất động.
Không phải đã không có những luật sư tham gia tranh đấu cho dân chủ. Trần Lâm, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định và dĩ nhiên Nguyễn Văn Đài là những thí dụ. Còn có những người khác. Tuy nhiên tất cả những người này không tranh đấu trong cương vị luật gia mà như những người Việt Nam bình thường. Điều này chứng tỏ giới luật sư đã thụ động đến độ mà ngay cả những đồng nghiệp cũng thất vọng.
Sự thụ động của giới luật sư một đặc tính của các chế độ cộng sản còn lại. Chủ nghĩa cộng sản chỉ coi luật pháp như một dụng cụ thống trị. Nghề luật sư trong các nước cộng sản chỉ mới xuất hiện gần đây, khi phong trào cộng sản thế giới bắt đầu sụp đổ và các chế độ cộng sản còn lại bắt buộc phải thỏa hiệp với thế giới dân chủ. Các luật sư Việt Nam vì vậy còn mới trong nghề và không được hưởng di sản của các đàn anh. Đã thế, chế độ còn coi giới luật sư như là một mối nguy và kiểm soát rất gắt gao, chỉ chấp nhận cho hành nghề luật sư những người mà họ đánh giá là không nguy hiểm, những người vừa không có ý định vừa không có khả năng phản kháng. Nếu có những luật sư "không tốt", nghĩa là không đáp ứng tiêu chuẩn này thì họ tìm mọi lý cớ để loại ra, như trường hợp luật sư Võ An Đôn.
Hậu quả của chính sách kìm kẹp này là giới luật sư thực ra là thành phần bị chèn ép nhất. Họ không giầu có và cũng không có tự do. Đã thế còn gần như bị quản chế trong sinh hoạt nghề nghiệp và bị bắt buộc phải phản bội hàng ngày ngay chính đạo đức nghề nghiệp của mình. Tình trạng này không thể kéo dài khi Việt Nam đã mở cửa ra thế giới. Các luật sư đang khám phá ra rằng chính họ là những người cần dân chủ pháp trị nhất. Lý do khiến họ thụ động –vì bị trói buộc- sẽ dần dần trở thành lý do thôi thúc họ tham gia cuộc vận động dân chủ. Lúc đó tình hình sẽ thay đổi nhanh chóng.
Kinh nghiệm các cuộc đấu tranh cho dân chủ trên thế giới cho thấy chúng thường diễn ra theo một kịch bản quen thuộc. Mới đầu là một số trí thức lãng mạn đấu tranh vì một lý tưởng mà họ thấy là đúng và đẹp. Những con người ít ỏi này gần như cô đơn và chịu rất nhiều cay đắng trong nhiều năm. Hy vọng bắt đầu ló dạng khi họ lôi kéo được một thành phần xã hội khác, các văn nghệ sĩ và các nhà báo. Đây là những người cũng ít nhiều lãng mạn, có nhu cầu phát biểu và cũng có nhiều tài năng phát biểu nhất trong xã hội, do đó cần tự do để phát biểu và sáng tạo. Sự nhập cuộc của họ khiến cuộc vận động dân chủ trở thành sôi nổi hơn và kéo theo thành phần kế tiếp : các luật sư, những người mà nghề nghiệp là bảo vệ công lý nhưng lại bị bắt buộc phải tiếp tay chà đạp công lý, nghĩa là phản bội lương tâm và nghề nghiệp của chính mình, với kết quả là họ vừa bị chính quyền ức hiếp vừa bị xã hội coi thường, lại cũng không giầu vì nghề của mình không lớn lên được. Mặt khác họ lại có khả năng đóng góp lớn cho cuộc đấu tranh dân chủ vì hiểu biết cơ chế vận hành của xã hội và có thể phản bác một cách chính xác và thuyết phục.
Khối luật sư là một trái bom nổ chậm trong lòng các chế độ chà đạp nhân quyền. Sự nhập cuộc của họ sẽ là một bước đột phá lớn cho cuộc vận động dân chủ. Sau đó sẽ đến lượt các ngành nghề khác. Rồi khi thanh niên, sinh viên và học sinh đứng dậy thì giờ cáo chung của chế độ độc tài đã đến.
Hiện nay giới nhà báo và văn nghệ sĩ đã nhập cuộc khá đông đảo, ít nhất đủ để khiến thành phần "trung với Đảng" trở thành vớ vẩn. Bao giờ đến lượt các luật sư ?
Những con én đầu tiên báo hiệu mùa xuân đã xuất hiện. Người ta đã có thể nhận diện được hơn mười người. Còn rất ít so với con số trên 15.000 luật sư nhưng chắc chắn sẽ còn nhiều người khác. Một đốm lửa nhỏ trong một đám củi khô có thể bùng lên rất nhanh chóng.
Một lời sau cùng. Tôi không biết gì nhiều về luật sư Võ An Đôn, về khả năng cũng như về thân thế và cuộc sống riêng tư của anh. Điều tôi nhận xét là anh đã là người luật sư đầu tiên đứng lên phản kháng với tư cách một luật sư. Xin cảm ơn anh và xin tặng anh một bông hồng.
Nguyễn Gia Kiểng
(02/06/2018)
Xã luận
Bốn mươi ba năm đã qua kể từ ngày 30/4/1975. Đã có vô số bài và sách về biến cố lịch sử diễn ra ngày hôm đó nhưng chúng ta vẫn chưa có được một cái nhìn chung để cùng rút ra những bài học cần thiết cho tương lai.
Trí thức Việt Nam hoặc không quan tâm tới đất nước, hoặc không có bản lĩnh chính trị để quan tâm một cách đúng đắn - Ảnh minh họa Giáo sư Phạm Biểu Tâm nói chuyện với sinh viên Y khoa trong một giảng đường trong những năm 1970s - Life
Sự độc hại của chủ nghĩa cộng sản cũng như sự ngu muội của các lãnh tụ cộng sản đã quá rõ ràng và đã làm đất nước ta tan nát về cả vật chất lẫn tinh thần. Chúng ta là một trong những dân tộc nghèo khổ và tụt hậu bi đát nhất, với thu nhập bình quân trên mỗi đầu người chỉ bằng 1/7 mức trung bình thế giới và vẫn còn bị từ chối những quyền con người cơ bản nhất. Đã thế còn bị mất đất, mất biển, mất đảo, mất cả một phần chủ quyền, sau một cuộc nội chiến làm sáu triệu người thiệt mạng. Thành tích của Đảng cộng sản thật kinh khủng.
Câu hỏi cần được đặt ra là tại sao những con người tồi tệ như vậy và tôn sùng một chủ nghĩa tồi tệ như vậy đã có thể cướp được chính quyền và vẫn còn duy trì được ách độc tài toàn trị ? Kẻ thắng càng tồi dở bao nhiêu thì kẻ thất bại càng hổ nhục bấy nhiêu.
Đừng trách Hoa Kỳ đã bỏ rơi đồng minh. Chúng ta đã nghe lặp đi lặp lại nhiều lần rằng Việt Nam Cộng Hòa đã thua vì Hoa Kỳ tháo chạy và không những thế còn cố tình bóp nghẹt miền Nam cho chết sớm hơn. Sự trách móc này chỉ chứng tỏ chúng ta chưa hiểu thảm kịch của chính mình. Hoa Kỳ chưa bao giờ kiên nhẫn như họ đã kiên nhẫn tại Việt Nam. Đã dựa vào Mỹ thì phải biết Mỹ không kiên nhẫn và phải có chiến lược để hoặc giành thắng lợi nhanh chóng hoặc cho họ lý do đế tiếp tục hỗ trợ. Các chính quyền Việt Nam Cộng Hòa kế tiếp nhau, trái lại, đã làm tất cả để gây chán nản cho cả chính quyền lẫn dư luận Mỹ. Và một khi đã quyết định bỏ cuộc thì dĩ nhiên Mỹ muốn và làm những gì có thể làm để cuộc chiến tuyệt vọng kết thúc thật nhanh. Trách nhiệm hoàn toàn thuộc về những người đã lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa, và trí thức Việt Nam nói chung.
Chúng ta đã thiếu những cấp lãnh đạo có bản lĩnh chính trị vì chúng ta không có những trí thức chính trị. Đó là lý do khiến Đảng cộng sản đã thắng ngày 30/4/1975 và cũng là lý do khiến chế độ cộng sản vẫn còn tiếp tục. Không phải là vì dân tộc Việt Nam hèn kém. Các dân tộc không khác nhau bao nhiêu, sự khác biệt là ở giới trí thức của mỗi dân tộc. Trí thức Việt Nam hoặc không quan tâm tới đất nước, hoặc không có bản lĩnh chính trị để quan tâm một cách đúng đắn. Đó là thảm kịch của dân tộc ta. Đó là bài học lớn nhất khi chúng ta nghĩ đến ngày 30/4.
Đảng cộng sản đã thắng ngày 30/4/1975 vì họ có logic của họ trong khi các chính quyền quốc gia – Quốc Gia Việt Nam rồi Việt Nam Cộng Hòa - không có. Đảng cộng sản là một lực lượng khủng bố theo đuổi một lý tưởng đạo tặc coi cướp chính quyền là một cứu cánh có thể biện minh cho mọi phương tiện và họ đã hành động đúng như thế, trong khi các chính quyền quốc gia tuy tự xưng là theo lý tưởng tự do dân chủ nhưng lại không thích dân chủ ; họ hành xử theo một logic phản dân chủ và vì thế không khai thác được sức mạnh của dân chủ.
Đặc tính chung của những người kế tiếp nhau cầm quyền phe quốc gia là họ không có một huấn luyện chính trị nào, chưa nói là huấn luyện dân chủ, do đó họ không biết phải đấu tranh chính trị như thế nào. Tệ hơn nữa họ không ý thức được điều này.
Một thí dụ khó tưởng tượng là tất cả các chính quyền Quốc Gia Việt Nam cũng như Việt Nam Cộng Hòa đều không có một cơ quan nào nghiên cứu về chủ nghĩa cộng sản và kỹ thuật đấu tranh của các đảng cộng sản để biết phải đương đầu như thế nào. Một thí dụ cũng kinh khủng không kém là dù sự sống còn của chế độ Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn tùy thuộc vào Hoa Kỳ nhưng cũng không có một cơ quan nào để nghiên cứu chính trị Hoa Kỳ và tranh thủ sự ủng hộ của Hoa Kỳ.
Sau cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân 1968 – mà đang lẽ đã phải là một hành động tự sát của chính quyền cộng sản Hà Nội nhưng do sự tồi dở của chính quyền Sài Gòn đã biến thành một thắng lợi chính trị quyết định cho họ - Hoa Kỳ gần như đã dứt khoát quyết định rút lui khỏi Việt Nam. Muốn đảo ngược tình thế để được họ tiếp tục yểm trợ phải cần một cố gắng vận động và thuyết phục cực kỳ xuất sắc. Nhưng ông Thiệu đã làm gì ? Ông tổ chức bầu cử độc diễn và sau đó mua chuộc để biến đa số dân biểu thành gia nô một cách lộ liễu làm dư luận Hoa Kỳ vừa ngao ngán vừa phẫn nộ. Thật khó tưởng tượng.
Chính trị đòi hỏi những đức tính không có trong những môn khác : sự lương thiện, sự dũng cảm và lòng yêu nước.
Chúng ta thường mỉa mai các lãnh tụ cộng sản là vô học. Điều này đúng nhưng về kiến thức chính trị họ hơn hẳn những người lãnh đạo phe quốc gia. Họ có huấn luyện về đấu tranh chính trị, dù là chính trị đạo tặc. Trong khi đó phe quốc gia chỉ có một niềm tin nhảm nhí nhưng chắc nịch là không cần học tập về chính trị, hễ cứ tốt nghiệp đại học, dù là bác sĩ, nha sĩ hay kỹ sư v.v., hay có lon tướng là đương nhiên có thể là một cấp lãnh đạo chính trị. Điều này sai một cách lỗ mãng, chính trị vừa là một môn với những vấn đề phức tạp riêng của nó lại vừa là tổng hợp của nhiều môn khác, hơn thế nữa lại còn đòi hỏi được ứng dụng vào thực tế xã hội, nghĩa là đòi hỏi một sự hiểu biết thấu đáo về bối cảnh quốc gia và quốc tế, những vấn đề đang đặt ra hay sắp đặt ra, những thử thách cũng như những hy vọng. Nó khó khăn hơn hẳn mọi môn khác, không những thế nó còn đòi hỏi những đức tính không có trong những môn khác : sự lương thiện, sự dũng cảm và lòng yêu nước. Cho nên một người dù rất thông minh và có bằng cấp đại học rất cao mà không học hỏi rất công phu về chính trị thì cũng vẫn là vô học về mặt chính trị. Chính sự vô học này của các chính quyền quốc gia đã khiến thắng lợi của Đảng cộng sản là điều khó tránh khỏi dù nó chẳng hay ho gì. Cũng chính vì chúng ta thiếu văn hóa chính trị mà chế độ cộng sản vẫn còn tiếp tục tồn tại dù đã thất bại thê thảm trên tất cả mọi phương diện, trong tất cả mọi địa hạt và theo tất cả mọi tiêu chuẩn.
Thảm kịch của dân tộc buộc chúng ta từ nay phải có một thái độ nghiêm chỉnh, nghĩa là phải ý thức rằng nếu không có một trình độ lý luận cao và nhiều năm miệt mài tìm hiểu về khoa học chính trị cũng như về thế giới và đất nước Việt Nam thì phải rất khiêm tốn vì những gì mình nghĩ có mọi triển vọng là sai. Rất tiếc là chúng ta vẫn chưa có sự thận trọng này và cuộc thảo luận chính trị vẫn còn xô bồ, nhốn nháo. Di sản Khổng Giáo trong đó chính trị được coi như một trò chơi giành giật công danh vẫn còn rất nặng. Thế hệ trẻ ngày nay tuy ý thức chính trị đã đổi mới nhiều so với thế hệ cha anh vẫn còn mang khá nặng tâm lý nhân sĩ và vẫn chưa ý thức được một cách rõ rệt rằng đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân cả mà luôn luôn phải là đấu tranh có tổ chức. Hay nếu có thấy được sự cần thiết của tổ chức thì loay hoay thành lập tổ chức để làm lãnh tụ dù chẳng có kinh nghiệm và kiến thức chính trị nào. Một số đông vẫn còn cho rằng kiến thức chính trị chỉ là kinh nghiệm hành động. Đó là lý do chính khiến chúng ta vẫn chưa có được một lực lượng chính trị có tầm vóc, điều kiện bắt buộc để giành thắng lợi cho dân chủ.
Xin kết luận một cách thật vắn tắt : chúng ta đã quá vô lễ với kiến thức chính trị và đất nước, và đã bị trừng phạt vì sự vô lễ này. Hãy biết tôn trọng chính trị và chúng ta sẽ thắng vì bạo quyền này đã kiệt quệ lắm rồi.
Nguyễn Gia Kiểng
(30/4/2018)
Xã luận
Ngày mai, 5/4/2018, sáu anh em trong Hội Anh Em Dân Chủ sẽ bị chính quyền cộng sản đem ra tòa xử. Một tuần sau sẽ đến lượt hai người khác. Không có gì đáng ngạc nhiên nếu họ bị xử những bản án rất nặng, những người dân chủ Việt Nam đang sống một giai đoạn rất khó khăn trước một chính quyền cộng sản đang điên, đã mất cả lý trí lẫn tâm hồn.
Bốn thành viên Hội Anh Em Dân Chủ bị chính quyền cộng sản đem ra tòa xử : Ký giả Trương Minh Đức, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, ông Phạm Văn Trội, ông Nguyễn Bắc Truyển.
Tại sao cùng một tổ chức -Hội Anh Em Dân Chủ- và bị bắt vì cùng một lý do -Đảng cộng sản hốt hoảng trước sự phẫn nộ ngày càng lên cao trong nhân dân- mà Lê Thu Hà, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội, Trương Minh Đức và Nguyễn Bắc Truyển bị xử chung ngày 5/-4, trong khi Vũ Hùng và Nguyễn Văn Túc lại bị xử riêng 5 ngày và 7 ngày sau đó, còn Trần Thị Xuân, Nguyễn Trung Trực và các anh em khác vẫn chưa biết ngày ra tòa ?
Có thể là chính quyền cộng sản không muốn một phiên tòa quá lớn để tránh gây một xúc động mạnh trong dư luận Việt Nam và thế giới. Nếu như thế thì họ lầm to. Sự phẫn nộ vẫn mạnh dù họ hành động thế nào. Đảng và chế độ cộng sản Việt Nam đã bị cả nhân dân Việt Nam và thế giới nhận diện và lên án một cách dứt khoát rồi.
Luật sư Nguyễn Văn Đài (phải) và cô Lê Thu Hà.
Các anh chị em này –Thu Hà, Đài, Trội, Tôn, Đức, Truyển, Hùng và Túc, cũng như các anh chị em khác đã bị xử hoặc đang bị giam chờ xử và những anh chị em sắp bị bắt- đã phạm tội gì ?
Chúng ta sẽ không bao giờ nhắc lại đủ rằng họ hoàn toàn vô tội. Họ không hề vi phạm một giá trị đạo đức nào, cũng không vi phạm ngay cả luật pháp của chế độ cộng sản, một luật pháp vô đạo chỉ nhắm trước hết duy trì sự thống trị của Đảng cộng sản trên dân tộc Việt Nam và do đó đáng lẽ không đáng và không cần được tôn trọng. Họ không hề kêu gọi bạo lực, cũng không kêu gọi biểu tình, đình công dù đó là những điều họ hoàn toàn có quyền làm. Họ đã chỉ nói lên, như rất nhiều người Việt Nam, lẽ phải và những nguyện vọng chính đáng. Hơn nữa họ còn phát biểu một cách ôn hòa hơn rất nhiều người khác. Không chỉ vô tội họ có công và đáng được tuyên dương như là những người đại diện cho ý chí và lương tâm của dân tộc.
Những bà vợ của các thành viên Hội Anh em dân chủ đang ngồi chờ được cấp giấp phép tham dự phiên tòa
Điều mà mọi người ngày càng thấy rõ qua các vụ án chính trị trong những năm gần đây là các bản cáo trạng ngày càng tùy tiện một cách nhảm nhí. Công an có thể gán cho các bị cáo những sự kiện không biết có hay không nhưng hoàn toàn hợp pháp như đã viết bài, trả lời phỏng vấn, họp mặt với bạn bè, liên lạc với người nước ngoài v.v., rồi kết luận là đã có đầy đủ bằng cớ chứng tỏ các bị cáo đã tuyên truyền chống nhà nước, đã âm mưu lật đổ chính quyền v.v. Cách buộc tội này cho phép chính quyền kết án bất cứ ai. Mỗi người Việt Nam như vậy đều là một tù nhân đang mang án treo.
Những bà vợ của các thành viên Hội Anh em dân chủ chờ được Tòa án nhân dân Hà Nội cấp giấp phép tham dự phiên tòa
Nhưng sự ngược ngạo không chỉ dừng lại ở các bản cáo trạng. Chính quyền cộng sản cũng có thể đổi trắng thay đen, đánh tráo nạn nhân và thủ phạm. Vũ Văn Hùng đã bị hai tên côn đồ đả thương nhưng lại sắp phải ra tòa về tội "cố ý đả thương" trong khi hai tên hung thủ không được nhắc đến vì chúng là người của công an. Hoàng Đức Bình bị xử 7 năm tù chỉ vì không chịu mở cửa xe cho côn đồ hành hung. Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội đều đã bị hành hung như hàng trăm người tham gia các hoạt động dân chủ ôn hòa khác nhưng chưa một tên côn đồ nào bị xét xử cả, ngay cả khi chúng công khai khoe khoang trên mạng xã hội cảnh chúng xông vào tận nhà để hành hung ba phụ nữ. Đảng cộng sản không cần giấu giếm bản chất đạo tặc nữa, nó không còn một thể diện nào để giữ.
Những phiên tòa này vì vậy chỉ là một trò hề và một sự xúc phạm đối với luật pháp. Những người bị bắt giam và xử án chỉ nói lên lẽ phải và những nguyện vọng chính đáng như tuyệt đại đa số những người Việt Nam khác, họ chỉ đã bị chọn làm nạn nhân, vì một lý do chủ quan nào đó của Đảng cộng sản, trong mục đích hăm dọa nhân dân Việt Nam. Vì vậy ngay trước khi các phiên tòa diễn ra các bản án đã được quyết định sẵn rồi, mọi biện hộ của các luật sư đều không có tác dụng gì. Các thẩm phán xử những vụ án chính trị chỉ là những người đã chấp nhận chà đạp lên lên danh dự, lương tâm và đạo đức nghề nghiệp của mình để đọc những bản án đã được công an quyết định, để tiếp tay bách hại những người mà họ thừa biết là vô tội. Họ phải bị khinh bỉ và lên án. Các luật sư chân chính phải hiểu rằng vai trò của họ chỉ là làm sợi dây liên lạc giữa các nạn nhân và gia đình họ trước phiên tòa và sau đó nói lên lẽ phải của họ trong phiên tòa.
Cảnh thân nhân các thành viên Hội Anh em dân chủ chờ được vào Tòa án nhân dân Hà Nội xin được cấp giấp phép tham dự phiên tòa
Có nhiều triển vọng những phiên tòa thô bỉ này sẽ còn diễn ra khá thường xuyên trong những ngày sắp tới nên những người dân chủ cần nhìn rõ bản chất của chúng để có thái độ đúng.
Thái độ đúng đầu tiên là một sự liên đới mạnh hơn đối với các nạn nhân. Tất cả chúng ta, những người dân chủ, đều là anh em. Các anh chị em này đang chịu nạn vì đất nước. Nhân dân Việt Nam phải dành cho họ sự chú ý lớn hơn so với những vấn đề thời sự khác. Không quan tâm đầy đủ tới họ không chỉ sai về mặt đạo đức mà còn khuyến khích sự hung bạo tùy tiện với kết quả là không ai có thể yên thân. Trí thức Việt Nam, trước hết là những người dân chủ, phải nhận phần trach nhiệm của mình trong sự thiếu quan tâm của dư luận hiện nay đối với các vụ án chính trị. Chúng ta chưa làm đủ vai trò động viên quần chúng và dư luận.
Vợ các thành viên Hội Anh em dân chủ đứng trước cửa Tòa án nhân dân Hà Nội ngày 03/04/2018
Chúng ta cũng chưa lên án đủ nghiêm khắc các thẩm phán vô liêm sỉ của những phiên tòa chính trị. Hay những luật sư bất xứng không dám khẳng định trước tòa sự vô tội tuyệt đối của các nạn nhân và sự thô bạo của việc bách hại họ, thậm chí đôi khi còn đồng lõa với bạo quyền bằng cách khuyên nạn nhân nhận tội và van xin.
Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là phải lên án quyết liệt hơn nữa chính sách đàn áp. Đừng nghĩ rằng sự gian ác của chế độ này đã quá rõ ràng và không còn gì cần nói thêm nữa. Sự nhắc lại có tác dụng riêng của nó, một sự thật dù hiển nhiên tới đâu cũng sẽ càng hiển nhiên hơn, và mạnh hơn, nếu được nhắc lại không ngừng và một cách quả quyết. Sự thô bỉ của chế độ cộng sản phải được phơi bày rõ rệt đến độ tất cả những ân huệ mà nó ban phát, dù là chức danh hay bổng lộc, đều trở thành đáng khinh và ngay cả đám dư luận viên cũng phải xấu hổ.
Những người lãnh đạo cộng sản sẽ rất mù quáng nếu cứ tiếp tục bịt tai nhắm mắt. Họ phải biết rằng chủ nghĩa Mác–Lênin đã bị vất bỏ vĩnh viễn và chế độ của họ không thể kéo dài lâu hơn nữa. Họ đã thất bại trên tất cả mọi phương diện và trong tất cả mọi địa hạt. Lối thoát duy nhất của họ là tham gia vào tiến trình dân chủ hóa đất nước đàng nào cũng phải đến và hơn nữa sắp đến, thay vì ngoan cố đàn áp. Tội ác càng đáng ghét khi nó vô tác dụng.
Còn nếu họ không hiểu được như vậy thì khối đảng viên cộng sản cũng phải hiểu để đứng về phía lẽ phải và dân tộc.
Nguyễn Gia Kiểng
(04/04/2018)
Xã luận
Hôm chủ nhật 25/03/2018, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng thư ký Đảng cộng sản Việt Nam đã đến Paris cùng với một phái đoàn cao cấp của Đảng và Nhà Nước cộng sản Việt Nam trong một chuyến thăm chính thức ở mức độ quốc gia. Tối hôm 26/03, vẫn chưa thấy thông báo một cuộc tiếp xúc quan trọng nào. Ngày mai ông sẽ rời Pháp để sang thăm Cuba. Điều đầu tiên đáng nói và đáng chú ý là cuộc thăm viếng này đã không gây được sự chú ý nào. Nó âm thầm và lặng lẽ một cách lạ thường.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến sân bay quân sự Orly ở thủ đô Paris
Không phải vì chính quyền Việt Nam có lý do gì để coi cuộc thăm viếng này là không quan trọng và muốn nó diễn ra một cách kín đáo. Ông Nguyễn Phú Trọng đã đem theo một phái đoàn rất hùng hậu, với ông Phạm Bình Minh, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao, bà Tòng Thị Phóng, phó chủ tịch thường trực quốc hội, ông Nguyễn Văn Nên, chánh văn phòng Trung Ương Đảng, ông Hoàng Bình Quân, trưởng ban đối ngoại trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và ba bộ trưởng.
Báo chí của Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng đã thông báo, đánh giá cuộc thăm viếng này là quan trọng, quan hệ Việt Pháp là tốt đẹp. Tuy vậy đã không có một cơ quan truyền thông Pháp nào -một đài truyền thanh, truyền hình hay một tờ báo, báo giấy hay báo mạng- nói tới cuộc thăm viếng này dù là một cách qua loa. Ngay trong ngày phái đoàn ông Trọng tới Paris tin duy nhất mà Thông Tấn Xã Pháp (AFP) thông báo liên quan tới Việt Nam là một đám cháy tại Sài Gòn làm 13 người thiệt mạng.
Một ngoại lệ là tờ báo L'Humanité của Đảng cộng sản Pháp. Tờ báo này có loan tin, nhưng chỉ có tác dụng làm cho chuyến thăm buồn hơn. L'Humanité là một tờ báo đang hấp hối của một Đảng cộng sản Pháp đang chết. Tờ báo chỉ còn sống thoi thóp nhờ tài trợ của chính quyền Pháp, còn Đảng cộng sản Pháp đã không dám có ứng cử viên tổng thống trong cuộc bầu cử gần đây nhất, sau khi chỉ được 1,2% trong cuộc bầu cử trước đó.
Ông Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn tới Paris vào ngày chủ nhật. Chắc chắn đây là một sự dàn xếp để khỏi phải giải thích tại sao không có nhân vật cao cấp nào của chính phủ Pháp ra đón tiếp cả. Phải nói sự rẻ rúng mà chính quyền, báo chí và dư luận Pháp dành cho ông Trọng đã vượt mọi giới hạn, nhất là khi chính quyền cộng sản Việt Nam nhấn mạnh rằng chuyến công du chính thức này cũng là để long trọng kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Không biết ông Trọng và các cộng sự viên đi cùng có ý thức được sự thực đáng buồn này và rút ra những suy nghĩ đúng đắn cho tương lai hay không.
Lý do đầu tiên của sự lạnh nhạt này là chính quyền Pháp không cần và cũng không muốn có cuộc thăm viếng này. Trái với điều nhiều người có thể nghĩ, quan hệ Việt Pháp không quan trọng. Trao đổi thương mại giữa hai nước chỉ là 5 tỷ USD, sấp sỉ bằng 10% trao đổi của Việt Nam với Liên Hiệp Châu Âu, hay 1,2% ngoại thương của Việt Nam, và không có hy vọng cải tiến vì Việt Nam đang thiếu hụt ngân sách và nợ nần một cách báo động. Ngân sách hợp tác văn hóa của Pháp dành cho Việt Nam cũng chỉ là con số khiêm tốn 6 triệu USD. Pháp lại càng không có lý do để hân hoan tiếp đón ông Trọng vì thành tích quá tồi tệ về nhân quyền ngay trong lúc này của chế độ cộng sản Việt Nam.
Mặc dù sự lạnh nhạt khinh bỉ này ông Trọng vẫn đến Paris vì chính quyền cộng sản Việt Nam cần Pháp. Họ rất cần hoàn tất thỏa ước thương mại tự do giữa Việt Nam và Châu Âu (EVFTA) được dự trù trong năm nay và mong được Pháp yểm trợ. Liên Hiệp Châu Âu là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay -hơi trội hơn cả Hoa Kỳ về tổng số xuất nhập khẩu- và còn nhiều tiềm năng. Không có gì là quá đáng nếu nói Châu Âu đang là phao cứu của kinh tế Việt Nam vào lúc Donald Trump đang đòi giảm bớt khối thâm thủng mậu dịch. Nhưng ông Trọng và ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam sẽ thất vọng lớn. Pháp không muốn và cũng không thể giúp họ.
Dĩ nhiên là Châu Âu muốn tăng cường sự hiện diện và trọng lượng kinh tế trong vùng Thái Bình Dương và Việt Nam, với dân số và vị trí chiến lược, có thể là một đầu cầu tốt, nhưng đây chưa phải là quan tâm lớn của Châu Âu trong lúc này. Quan tâm chính của Châu Âu trong lúc này là củng cố nội bộ để tồn tại sau khi nước Anh ly khai, kế đến là đương đầu với chế độ mafia của Putin tại Nga, rồi những bất ngờ từ Donald Trump.
Vả lại, điều mà Đảng cộng sản Việt Nam không ý thức được là Việt Nam không thể hợp tác một cách lành mạnh với Châu Âu, chưa nói tới khả năng làm đầu cầu cho Châu Âu tại khu vực Thái Bình Dương. Đức là nước có ảnh hưởng áp đảo trong Liên Hiệp Châu Âu -vừa do trọng lượng kinh tế vượt trội của chính mình vừa do sự hỗ trợ của nhiều nước khác- cũng chính là nước đang muốn trừng trị chế độ cộng sản Việt Nam. Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, rồi lại dùng ngôn ngữ lưỡi gỗ để nói rằng ông này đã tự nguyện về nước đầu thú, đã biến chế độ cộng sản Việt Nam thành một chế độ côn đồ trước mắt Liên Hiệp Châu Âu.
Trong cơn mê muội ông Trọng và những người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã không ý thức được rằng họ vừa gây ra một đổ vỡ không thể hàn gắn. Nền tảng của Liên Hiệp Châu Âu là nhân quyền và nhà nước pháp trị, nếu coi thường những giá trị này thì Liên Hiệp Châu Âu không còn lý do tồn tại. Với vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và những vụ bắt giam và xử án thô bạo những người dân chủ gần đây chính quyền cộng sản Việt Nam đã khiến Châu Âu không thể hợp tác hữu nghị với Việt Nam ngay cả nếu muốn. Dưới mắt người Châu Âu -và mọi người văn minh- việc xử án 9 và 10 năm tù hai phụ nữ trẻ có con thơ chỉ vì đã nói lên quan điểm của mình không chỉ thô bạo mà còn hèn hạ, dơ bẩn.
Tổng thống Macron không có lý do gì để giúp chính quyền cộng sản Việt Nam nhưng dù muốn ông cũng không thể làm gì khác ngoài hỏi ông Trọng có những cam kết nào về nhân quyền để ông thuật lại với Đức và Liên Hiệp Châu Âu. Ông Trọng sẽ cần rất nhiều khả năng thuyết phục, một khả năng mà người ta có quyền ngờ vực nơi ông, nhất là khi ông lại đi thăm Cuba ngay khi rời Pháp, như để khẳng định với Pháp và Châu Âu sự ràng buộc thắm thiết của ông với những chế độ hung bạo. Có mọi triển vọng chuyến công du này sẽ không chỉ bẽ bàng mà còn vô ích.
Điều mà ông Trọng và ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam cần ý thức và quan tâm hơn cả thái độ lạnh nhạt của chính quyền Pháp là sự lãnh đạm rẻ rúng của báo chí và dư luận Pháp và Châu Âu. Không một người lãnh đạo quốc gia nào, dù chỉ công du với một đoàn tháp tùng nhỏ, bị coi thường như thế. Lý do là vì người ta không còn quan tâm tới nước ta nữa, và đây là điều đáng buồn cho mọi người Việt Nam.
Chúng ta không còn gì đáng để ý. Không một thành tựu khoa học kỹ thuật, không một công ty tầm vóc quốc tế, không một tác phẩm văn học nghệ thuật, cũng không có ngay cả một thành tích thể thao được thế giới biết đến ; đã thế còn nghèo khổ, thiếu ngay cả những quyền làm người cơ bản, và vẫn còn phải chịu đựng một chính quyền hung bạo cố bám vào một chủ nghĩa đã bị thế giới văn minh đánh giá là ác độc để tiếp tục thống trị như một lực lượng chiếm đóng.
Chúng ta đã trở thành một dân tộc không đáng kể. Đó là thành tích chính của Đảng cộng sản Việt Nam, thành tích mà các thế hệ mai sau sẽ nhớ mãi.
Nguyễn Gia Kiểng
(26/03/2018)
Nếu những người cầm đầu chế độ Việt Nam Cộng Hòa vào thời điểm Mậu Thân 1968 không quá tồi, nếu Westmoreland không kém như vậy, nếu Lyndon Johnson không hoảng hốt. Chỉ cần một trong ba lý do đó vắng mặt thì hậu quả của cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân đã khác hẳn và lịch sử Việt Nam cũng sẽ khác hẳn.
50 năm sau cuộc tổng tấn công đẫm máu của quân đội công sản vào các thành phố và thị xã miền Nam Việt Nam một câu hỏi dần dần lấn át tất cả những câu hỏi khác :
Tại sao một thảm bại quân sự cho Đảng cộng sản Việt Nam đã có thể biến thành một thắng lợi chính trị quyết định cho họ ?
Câu hỏi này chứng tỏ rằng ngày nay người ta đã biết khá rõ nhiều sự thực về biến cố lịch sử này và càng biết nhiều hơn càng thấy nó khó hiểu.
Tại sao một thảm bại quân sự cho Đảng cộng sản Việt Nam đã có thể biến thành một thắng lợi chính trị quyết định cho họ ?
Một thảm bại quân sự
Cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân 1968 nhiều khi được mô tả là gồm ba đợt : đợt 1 vào dịp Tết Mậu Thân, đợt 2 vào tháng 5 và đợt 3 vào tháng 8. Tuy vậy người dân miền Nam vẫn gọi chung biến cố này là "cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân" bởi vì nó đã chủ yếu diễn ra trong dịp Tết. Đợt 2 yếu hơn hẳn và đợt 3 không đáng kể.
Ngày nay ít ai còn ngờ vực rằng nó đã là một thất bại quân sự thê thảm cho phe cộng sản. Các số liệu mà chính quyền cộng sản đưa ra chẳng có gì đáng tin khi có hại cho họ.
Thí dụ như cuộc Cải Cách Ruộng Đất năm 1955 tại miền Bắc. Chính quyền cộng sản, khi nhìn nhận sai lầm, đã đưa ra những con số nạn nhân 10.000 hay 15.000 để rồi hơn một nửa thế kỷ sau cố giáo sư Đặng Phong sau một khảo cứu công phu đã tìm ra con số nạn nhân chính xác 172.008 người.
Trong trận Mậu Thân 1968, Đảng cộng sản, một năm sau, đưa ra con số "43.000 chiến sĩ hy sinh", một con số vớ vẩn vì quân đội Việt Nam Cộng Hòa cho biết đã thu lượm được 75.000 xác chết cộng quân bị bỏ lại trên chiến trường, còn quân đội Mỹ cũng cho biết đã đếm được 58.000 xác.
Vào khoảng năm 1970 (hay 1971 ?) tôi có gặp ông Mai Văn Sổ, một cán bộ hậu cần của quân đội cộng sản trong trận chiến này. Ông là em song thai của ông Mai Văn Bộ, đại sứ của chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Pháp vào lúc đó. Hình như ông mang quân hàm thượng tá lúc ra đầu thú và được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đưa sang Paris trong mục đích giải độc tuyên truyền của phe cộng sản. Ông Mai Văn Sổ đã gây tiếng vang lớn trong làng báo Pháp giữa lúc hội nghị Paris đang diễn ra và người anh song thai của ông đang vừa là đại sứ vừa là thành viên phái đoàn Hà Nội. Trong trao đổi riêng tư với anh em chúng tôi, ông Sổ nói một cách vắn tắt : "quân đội cộng sản đã tan tành". Ông cho biết hầu hết các tiểu đoàn hay trung đoàn chỉ còn lại vài người. Ông cũng nói thêm rằng số người thiệt mạng trên chiến trường chỉ là thiểu số, đa số đã chết vì thương tích sau đó.
Cũng lớn không kém là số người ra đầu thú mà chính quyền miền Nam, gọi là "hồi chính" (trở về với chính nghĩa), nhiều đến nỗi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa phải lập một bộ mang tên Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi. Năm 1995 chính quyền cộng sản đã điều chỉnh lại con số thương vong của họ trong dịp Tết Mâu Thân : 111.306 người. Con số này coi có vẻ chính xác như là kết quả của một nghiên cứu nghiêm chỉnh nhưng nó cũng vẫn rất xa sự thực.
Các tài liệu của Đảng cộng sản cũng như của Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ cho thấy là Hà Nội đã gửi vào miền Nam cho chiến dịch này hơn 200.000 quân chính quy và gần 300.000 tấn vũ khí và dạn dược, chủ yếu bằng đường biển, qua cảng Sihanoukville của Campuchia. Phối hợp với quân có sẵn tại miền Nam, lực lượng cộng sản vào thời điểm Tết Mậu Thân là trên 500.000 người. Một tài liệu của cơ quan tình báo CIA Mỹ ước lượng tổng số quân cộng sản lúc đó là khoảng 600.000 người. Cuối năm 1968 lực lượng này sau những thương vong và hồi chính chỉ còn lại khoảng 200.000 với hàng ngũ rã rượi và tinh thần suy sụp.
Sau này, từ năm 1979 đến cuối năm 1982, sau khi đi tù về và trước khi đi Pháp, tôi đã có dịp trao đổi với nhiều người cộng sản có vai trò chỉ huy trong chiến dịch này, tất cả đều nói là thiệt hại rất nặng, một số còn nói thẳng rằng lực lượng cộng sản "không còn gì".
Thiệt hại về phía Việt Nam Cộng Hòa trong trận đánh vào vào dịp Tết là gần 5.000 người (con số chính xác là 4.954) và gần 16.000 người bị thương. Phía quân đội Mỹ có 3.895 người thiệt mạng và khoảng 19.000 người bị thương. Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa hình như chỉ coi trận Tết Mậu Thân là vào dịp Tết nên không có những con số cho đợt 2 và đợt 3, chỉ có thống kê thiệt hại cho cả năm 1968 theo đó quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã có 28.800 người thiệt mạng, quân đội Mỹ và đồng minh 16.000 người.
So sánh những thiệt hại của đôi bên và nhìn vào tình trạng kiệt quệ của quân cộng sản sau năm 1968 thỉ phải nói trận Tết Mâu Thân đã là một thảm bại cho phe cộng sản. Mặc dù phía Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh hoàn toàn bị bất ngờ, nhưng lực lượng hai bên quá chênh lệch. 500.000 quân cộng sản phải đương đầu với gần 800.000 quân Việt Nam Cộng Hòa, 500.000 quân Mỹ và 50.000 quân Hàn Quốc. Hơn nữa các đội quân cộng sản đến từ miền Bắc lại không biết địa hình, nhiều khi đi lạc rồi bị tiêu diệt.
Quân cộng sản bị bắt giữ cùng những vũ khí mới : pháo cầm tay B40, trung liên cá nhân AK47 và đạn dược trong trận Tết Mậu Thân Sài Gòn tháng Giêng 1968
Bộ chỉ huy cộng sản hy vọng rất nhiều ở hai vũ khí mới : khẩu pháo cầm tay B40 và nhất là khẩu trung liên cá nhân AK47. Quả nhiên hai vũ khí này đã gây bất ngờ rất lớn nhưng sau phút bỡ ngỡ ban đầu chúng đã bất lực trước các trực thăng và xe bọc thép. Hy vọng nhân dân sẽ nổi dậy ủng hộ lực lượng cộng sản lại càng não nề. Nhân dân miền Nam đã không hưởng ứng mà còn thù ghét, nhất là khi họ được biết những vụ tàn sát dã man người dân vô tội, đặc biệt và vụ thảm sát tại Huế trong đó khoảng 6.000 người, kể cả phụ nữ và trẻ em, đã bị giết, nhiều khi bằng cách chôn sống. Ngày nay khi nhìn lại biến cố Tết Mâu Thân không ai có thể chối cãi rằng đó đã là một thảm bại cho phe cộng sản cả về quân sự lẫn nhân tâm. Khách quan mà nói đây là một hành động tự sát.
Lý do của một liều lĩnh tự sát
Tại sao ban lãnh đạo cộng sản lại lấy quyết định tự sát này ?
Từ sau hội nghị Genève chia cắt đất nước, Đảng cộng sản vì nhiều lý do vẫn cho rằng họ đương nhiên phải thôn tính miền Nam. Họ hy vọng ở cuộc tổng tuyển cử được lập lờ dự trù năm 1956 trong bản tuyên bố chung cùng với hiệp định Genève. Nhưng khi chính quyền Ngô Đình Diệm đưa ra sáu điều kiện để đảm bảo cuộc tuyển cử sẽ được thực hiện một cách lương thiện và được đa số các quốc gia trên thế giới ủng hộ thì họ thất vọng. Thất vọng trở thành tuyệt vọng khi, năm 1957, chính Liên Xô đề nghị hoãn vô hạn định cuộc tổng tuyển cử này và cho cả hai nhà nước Nam và Bắc Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc. Hy vọng ở cuộc tổng tuyển cử tiêu tan, chỉ còn lại giải pháp chiến tranh. Không phải cấp lãnh đạo cộng sản nào cũng nhiệt tình với giải pháp này nhưng không ai dám công khai chống lại bởi vì đồng thuận chính thức trong Đảng cộng sản lúc đó là phải thống nhất đất nước bằng mọi giá.
Hậu quả của chọn lựa chiến tranh là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ nắm được thế áp đảo vì là hai người hiểu biết nhất về miền Nam và từng chỉ huy lực lượng cộng sản tại đây trong cuộc chiến 1945 – 1954. Cặp bài trùng này kết nạp được Nguyễn Chí Thanh và dần dần gạt ra ngoài lề Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Hoan và một phần nào đó cả Hồ Chí Minh. Chiến tranh càng khốc liệt thì thế lực của họ càng mạnh và sau cuộc thanh trừng nhóm bị gọi là "bọn xét lại chống đảng" thì quyền lực của họ trở thành tuyệt đối. Lê Duẩn trở thành bí thư thứ nhất và cùng với Lê Đức Thọ, trưởng ban tổ chức và xây dựng đảng, kiểm soát quyền lực trung ương trong khi Nguyễn Chí Thanh chỉ huy cuộc chiến trong Nam.
Tuy nhiên sau khi Mỹ ào ạt đổ quân vào miền Nam, oanh tạc miền Bắc và gây thiệt hại nặng nề cho quân cộng sản trong nhiều trận đánh lớn thì hy vọng chiến thắng tiêu tan và quyền lực của bộ ba Duẩn, Thọ, Thanh bị đe dọa. Xuống thang trong chiến tranh đồng nghĩa với sự đào thải của họ. Bộ ba này vì vậy phải tìm một giải pháp để tự cứu. Giải pháp đó chính là cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân. Mục đích của chiến dịch này là đổ toàn lực để đánh một trận liều lĩnh, chấp nhận những thiệt hại lớn hầu gây một chấn động thật lớn buộc Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa phải chấp nhận thương thuyết rồi từ đó chuyển sang chiến lược "vừa đánh vừa đàm" dựa vào dư luận thế giới đang khá thuận lợi lúc đó để hy vọng một lối thoát ít nhất không quá bẽ bàng. Nói chung chiến dịch này trước hết nhắm cứu nguy quyền lực đang bị đe dọa của bộ ba Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Nguyễn Chí Thanh.
Tháng 6/1967 Nguyễn Chí Thanh ra Bắc họp để bàn kế hoạch nhưng đến nơi không bao lâu thì bất ngờ bị đột quỵ và chết. Cuộc họp vẫn tiếp tục, kế hoạch tổng tấn công trong dịp Tết Mậu Thân vẫn được duy trì với Khe Sanh, một huyện lỵ thuộc Quảng Trị nằm sát biên giới Lào, được chọn làm điểm tấn công đầu tiên với mục đích đánh lạc sự chú ý, làm cho phía Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa tưởng rằng Hà Nội chỉ tập trung đánh Khe Sanh và muốn biến Khe Sanh thành một trận Điện Biên Phủ mới. Về điểm này thì Hà Nội đã thành công, Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa quả nhiên đã tin là Hà Nội đã tập trung toàn lực vào Khe Sanh và vì thế càng tin tưởng phần còn lại của miền Nam, nhất là các tỉnh phía Nam có thể yên tâm đón Tết Mậu Thân, vả lại hai bên lại đã có thỏa thuận hưu chiến trong dịp Tết.
Đối với Việt Nam Cộng Hòa bất ngờ đã hoàn toàn. Cũng bất ngờ không kém là số quân cộng sản được tung vào trận đánh, gần như toàn bộ lực lượng hơn 500.000 người với hai vũ khí lần đầu tiên xuất hiện B40 và AK47. Tuy vậy Lê Duẩn và Lê Đức Thọ cũng phải biết trước rằng cuộc tổng tấn công này sẽ thất bại bởi vì muốn tấn công, dù là tấn công bất ngờ, phải có lực lượng mạnh hơn hẳn đối phương, trong khi lực lượng hai bên quá chênh lệch theo thế bất lợi cho họ. Điều cũng làm họ hoàn toàn thất vọng là nhân dân miền Nam đã không hề hưởng ứng lời kêu gọi nổi dậy của họ. Sau một tháng, lực lượng cộng sản không chỉ bị đẩy lui mà còn bị đánh tan tành, với những tổn thất kinh khủng. Sau khi thu thập tàn quân họ đã cố gắng mở một đợt tấn công thứ hai vào tháng 5 nhưng chỉ chịu thêm những thiệt hại vì lần này yếu tố bất ngờ không còn nữa.
Tóm lại, vụ tổng tấn công Tết Mậu Thân chỉ là một hành động tuyệt vọng của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ trong thế nguy ngập. Họ chấp nhận để quân cộng sản trả giá rất đắt với hy vọng là nhờ đó có thể giữ được quyền lực. Chính họ cũng không ngờ tình hình lại diễn biến một cách khác hẳn.
Giữa lúc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đang tan nát
Cuộc tổng tấn công Tết Mâu Thân đã là một khúc quanh lịch sử đưa đến sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa và thắng lợi của Đảng cộng sản Việt Nam. Câu hỏi vẫn còn nhức nhối cho nhiều người là :
"Tại sao đối với Đảng cộng sản một thảm bại về quân sự lại có thể biến thành một thắng lợi quyết định về chính trị ?".
Hay
"Tại sao chế độ Việt Nam Cộng Hòa lại có thể để một thảm bại của đối phương biến thành một đòn chí mạng cho chính mình ?".
Phải nói rằng chế độ Việt Nam Cộng Hòa vào lúc đó đang ở trong một tình trạng cực kỳ tồi tệ. Sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm, tháng 11/1963, đã mở ra một giai đoạn hỗn loạn trong đó các tướng tá bất tài, vô học và vô trách nhiệm thi nhau tranh giành quyền lực trong lúc các sư sãi, mà thành phần chủ động là những cán bộ cộng sản trá hình, xuống đường hàng ngày gây rối loạn.
Một nhân vật nói lên tình trạng của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lúc đó : Nguyễn Khánh. Ông này là một sĩ quan của quân đội Pháp để lại –như tất cả các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa- đã đảo chính lật đổ Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng của nhóm Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính ba tháng sau khi họ lật đổ Ngô Đình Diệm. Ông Khánh hành động như một kịch sĩ, liên tục đưa ra những lời tuyên bố và sáng kiến nhảm nhí chỉ có tác dụng là làm cho tình hình rối loạn thêm. Sau này vào tuổi gần 80, tại Mỹ, ông còn nhận lời làm "quốc trưởng" cho trò hề chính phủ lưu vong của Nguyễn Hữu Chánh. Sự kiện một con người như vậy mà đã có thể thao túng chính trường miền Nam trong hơn một năm chứng tỏ chính quyền miền Nam lúc đó tan nát đến mức nào.
Từ tháng 6/1965 tình hình tương đối ổn định hơn với Hội Đồng Quân Lực cầm quyền trong đó tướng Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia (quốc trưởng) và Nguyễn Cao Kỳ làm chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (thủ tướng), nhưng vì cả hai người này đều không có uy tín nên bộ máy chính quyền vẫn chao đảo, miền Trung gần như bất phục tùng trung ương trong gần nửa năm trời. Ngay sau đó lại xẩy ra sự đấu đá ngay giữa Thiệu và Kỳ để tranh nhau ứng cử tổng thống cuối năm 1967. Kết quả là Nguyễn Cao Kỳ, mầu mè và phô trương, dù nhiều quyền hơn và phe đảng đông hơn phải nhượng bộ, nhận ứng cử phó tổng thống cho Nguyễn Văn Thiệu, mờ nhạt và thiển cận nhưng ít tai tiếng và được lòng Mỹ hơn. Tuy vậy, vào thời điểm Tết Mậu Thân quyền hành của Kỳ vẫn còn mạnh hơn Thiệu, hai người chia đôi Dinh Độc Lập với mỗi người một bộ tham mưu riêng.
Một hậu quả của sự tan nát của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là bộ máy an ninh tình báo bị tê liệt. Sự kiện chính quyền Việt Nam Cộng Hòa không hề biết tới cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân chỉ giản dị là không tưởng tượng nổi. Nó đã được chuẩn bị từ hơn nửa năm trước, Hà Nội đã gửi vào Nam hơn 200.000 quân chính quy và hơn 300.000 tấn vũ khí, hơn nữa còn dàn quân chung quanh, thậm chí xâm nhập, gần như tất cả các thành phố và thị xã trên khắp lãnh thổ. Vào lúc súng bắt đầu nổ, Nguyễn Văn Thiệu đang về quê ăn Tết, còn Nguyễn Cao Kỳ đang đánh bài. Tất cả những điều này đều khó tưởng tượng, nhưng điều còn khó tưởng tượng hơn là những gì xẩy ra sau đó.
Nha Trang và sau đó Đà Nẵng bị tấn công đầu tiên. Sài Gòn chỉ bị tấn công một ngày sau nhưng vẫn không chuẩn bị gì cả. Huế còn chỉ bị tấn công sau Sài Gòn 4 giờ nhưng cũng không đề phòng và quân cộng sản đã chiếm được thành phố mà không găp một chống cự nào.
Trong lịch sử cận đại không có trận chiến nào diễn ra một cách kỳ cục như vậy. Càng khó tưởng tượng khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lúc đó là một chính quyền quân đội đặt an ninh lên trên hết và có đầy đủ phương tiện truyền thông hiện đại. Nếu có một chút danh dự của một người làm tướng thì cả Thiệu lẫn Kỳ đều phải tự xử sau sự kiện ô nhục này, nhưng họ chỉ biết tự mãn chứ không có danh dự. Các cấp lãnh đạo và tướng lãnh của Việt Nam Cộng Hòa cũng không khác họ bao nhiêu, không thấy ai tỏ ra xấu hổ. Không phải là phe cộng sản đã hành quân khéo và giữ bí mật giỏi, họ hành quân rất luộm thuộm, sai cả giờ phát động vì lẫn lộn lịch tầu và lịch ta. Vấn đề chỉ là chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lúc đó quá tồi dở. Bộ máy hành chính cũng như quân sự có nhiều người rất tốt, rất dũng cảm và rất giỏi nhưng lãnh đạo quá tồi nên cũng giống như cơ thể cường tráng nhưng cái đầu không hoạt động.
Điều cũng tai hại không kém sự kiện để bị đánh bất ngờ là không khai thác được sự thảm bại về mặt quân sự cũng như dân vận, và nhất là những tội ác của quân cộng sản như cuộc thảm sát tại Huế. Lúc đó mọi đèn chiếu và mọi con mắt của thế giới hướng về Sài Gòn, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa được một dịp ngàn năm một thuở để chinh phục cảm tình và hậu thuẫn của thế giới nhưng lại không có gì để nói, không những thế còn nói ngu, như Nguyễn Cao Kỳ tuyên bố coi Hitler là thần tượng.
Lý do chính là Lyndon Johnson
Sự tồi dở của chính quyền Thiệu Kỳ quả là đã vượt mọi tưởng, nhưng nếu chỉ có thế thì biến cố Tết Mậu Thân cũng sẽ chỉ là một tai họa cho cặp Lê Duẩn - Lê Đức Thọ và chính quyền Hà Nội.
Người đã góp phần quyết định chuyển bại thành thắng cho Đảng cộng sản Việt Nam là Lyndon Johnson. Ông này là một tay hoạt đầu chính trị địa phương với kiến thức hạn hẹp, hoàn toàn không có một tư tưởng chính trị và một tầm vóc chính trị nào. Ông thăng tiến nhờ tính thực thà tận tụy và nhờ may mắn, sau cùng trở thành tổng thống vì một sự tình cờ : tổng thống Kennedy bị ám sát. Do bản chất của chế độ tổng thống trong đó các chính đảng không đủ mạnh để đảm nhiệm vai trò của một lò sản xuất ý kiến và đào tạo nhân tài, sau những tổng thống kiệt xuất đầu tiên, các tổng thống Mỹ thường không phải là những người có bản lãnh chính trị, nhưng Lyndon Johnson là một trong những tổng thống kém nhất.
Sau vụ Tết Mậu Thân, thái độ của Lyndon Johnson là thái độ của một người hoảng hốt bỏ chạy. Ngày 31/3, ngay khi cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân của quân cộng sản còn đang gây sôi nổi trên khắp thế giới, ông tuyên bố chấp nhận thương tuyết song phương với Hà Nội và chỉ cho Việt Nam Cộng Hòa tham dự với tư cách quan sát viên đúng như đòi hỏi của Hà Nội. Ông cũng tuyên bố sẽ không ra ứng cử tổng thống nữa. Quyết định này tương đương với một lời thú nhận đã sai lầm và thất bại bởi vì mới một năm trước tại Hội Nghị Quân Sự Tối Cao tại Guam với hai tướng Thiệu và Kỳ, ông đã dõng dạc tuyên bố cương quyết giúp Việt Nam Cộng Hòa đánh bại cuộc xâm lược của cộng sản và ông không ngừng nhắc lại cam kết này cho đến ngay trước Tết Mậu Thân. Chính Hà Nội cũng không thể ngờ tổng thống Mỹ có thể hốt hoảng như thế ngay cả nếu cuộc tổng tấn công không thất bại thê thảm như nó đã thực sự diễn ra.
Thái độ hoảng hốt bỏ chạy của Johnson đã có ảnh hưởng tức khắc trên quần chúng Mỹ. Ngay sau đó, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy 80% người Mỹ muốn rút khỏi Việt Nam. Các nghị sĩ và dân biểu Mỹ trong tuyệt đại đa số là những người chạy theo chứ không thách thức dư luận. Họ còn một lý do khác để không thách thức dư luận. Quan tâm hàng đầu của Mỹ khi can thiệp vào Việt Nam là bảo vệ lưu thông qua eo biển Malacca giữa Malaysia, Singapore và Indonésia nơi quá phân nửa hàng hóa của thương mại quốc tế được chuyển qua, nhưng từ năm 1965 Indonesia đã tiêu diệt hết lực lượng cộng sản trong khi an ninh của Malaysia và Singapore cũng không còn bị đe dọa nữa. Như thế số phận của Việt Nam Cộng Hòa đã được quyết định.
Westmoreland đã làm Johnson hoảng hốt
Nhưng tại sao Johnson lại hốt hoảng đến như thế ?
Lý do đầu tiên là cách ứng xử của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Johnson không phải là một chính trị gia có bản lãnh và hiểu biết rất ít về thế giới nói chung và Châu Á nói riêng, ông chỉ phán đoán như một người Mỹ bình thường qua những sự kiện khách quan, và sự kiện khách quan không thể tưởng tượng được là chính quyền Thiệu Kỳ lại có thể không biết gì về một cuộc tổng tấn công lớn như vậy. Trong thâm tâm ông phải nghĩ rằng chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là một bọn vô dụng không đáng giúp đỡ và có giúp cũng vô ích. Cũng đừng nên quên rằng từ sau khi lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm, các tướng tá Việt Nam Cộng Hòa đã làm tất cả để dư luận thế giới khinh thường. Tuy vậy, Việt Nam Cộng Hòa không phải là lý do chính.
Lý do chính là Westmoreland, tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam. Westmoreland đã tỏ ra rất dở trong biến cố Tết Mậu Thân. Trước hết ông mắc lừa trận đánh hỏa mù Khe Sanh. Westmoreland thực sự tin là Hà Nội chỉ muốn đánh lớn ở Khe Sanh. Sau khi cuộc tổng tấn công nổ ra, ông vẫn tuyên bố rằng đó chỉ là một cố gắng để lôi kéo sự chú ý của Mỹ và Đồng Minh khỏi Khe Sanh. Đây là một sai lầm rất nghiêm trọng nơi một vị tướng chỉ huy 500.000 quân. Nhưng sai lầm lớn hơn nhiều của Westmoreland là đã xin tổng thống Johnson viện trợ thêm 206.000 quân sau đó. Ông không thấy rằng quân cộng sản đã thảm bại. Đối với Johnson, việc Westmoreland xin viện binh là bằng cớ rằng Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa đã thất bại. Và Johnson hốt hoảng bỏ chạy.
Thử tưởng tượng điều gì sẽ xẩy ra nếu thay vì xin thêm tiếp viện 206.000 quân Westmoreland báo cáo với tổng thống Mỹ rằng quân cộng sản vừa làm hành động tự sát, lực lượng của họ đã tan tành và Mỹ có thể rút bớt 200.000 quân, lực lượng còn lại cũng thừa sức giúp Việt Nam Cộng Hòa đánh bại cộng sản. Đây không phải là chính trị giả tưởng mà là sự thực bởi vì ngay sau đó Nixon liên tục rút quân, nhưng vào tháng 01/1973 khi hiệp định Paris được ký kết quân cộng sản chỉ giữ được một huyện Sa Huỳnh trên tổng số 245 quận huyện của miền Nam, dù lúc đó quân Mỹ đã rút gần hết. Nhưng lúc đó quyết định bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa không đảo ngược được nữa, như cựu ngoại trưởng John Kerry sau này từng tuyên bố.
Cũng thử tưởng tượng nếu, thay vì về quê ăn Tết như ông Thiệu hay đánh bài như ông Kỳ, các cấp lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa lập tức có mặt chỉ huy cuộc phản công và đến hiện trường thăm hỏi dân chúng và khích lệ quân lính. Hay ngay cả có lỡ để bị bất ngờ -điều cần nhắc lại là không thể tha thứ được- sau có thái độ xứng đáng, có lập luận thuyết phục để khẳng định lòng tin và lên án những tội ác của quân cộng sản tại Huế và nhiều nơi khác. Nếu như thế thì Lyndon Johnson đã không quá hốt hoảng.
Nhưng Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ và những người cầm đầu chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã chỉ là chính họ. Đã chỉ có Nguyễn Ngọc Loan làm cử chỉ côn đồ tự tay bắn chết một du kích vừa bị bắt ngay trước ống kính của một ký giả nước ngoài. Hình này được trưng ra trước cả thế giới và làm xấu thêm hình ảnh vốn đã xấu của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Cũng cần nói thêm là Nguyễn Văn Thiệu chắc chắn không ý thức được sự nguy ngập của chế độ sau biến cố Mậu Thân, vì sau đó ông còn giở trò độc diễn trong cuộc bầu cử tổng thống 1971 làm danh nghĩa dân chủ của Việt Nam Cộng Hòa mất hết nội dung. Không những thế, năm 1973, hai năm trước khi bỏ chạy, ông còn sửa đổi hiến pháp để có thể ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa.
Hậu quả đã có thể rất khác
Nếu những người cầm đầu chế độ Việt Nam Cộng Hòa vào thời điểm Mậu Thân không quá tồi, nếu Westmoreland không kém như vậy, nếu Lyndon Johnson không hoảng hốt. Chỉ cần một trong ba lý do đó vắng mặt thì hậu quả của cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân đã khác hẳn và lịch sử Việt Nam cũng sẽ khác hẳn.
Thực tế là, về phía Hà Nội, một chọn lựa liều lĩnh ngu xuẩn đã đưa đến một thảm bại quân sự làm hàng trăm ngàn người chết nhưng rồi lại biến thành một thắng lợi chính trị và sau cùng một thắng lợi toàn diện. Ngược lại, về phía Sài Gòn, một thắng lợi quân sự lớn đã biến thành một thảm bại chính trị và sau cùng một thất bại hoàn toàn. Kẻ thắng không xứng đáng để thắng nhưng kẻ thua lại rất xứng đáng để thua. Và Việt Nam đã là Việt Nam hiện nay. Số phận nước ta thật hẩm hiu.
Bài học nào ?
Người Việt Nam không chọn được Johnson và Westmoreland, nhưng còn hai chế độ cộng sản và Việt Nam Cộng Hòa ? Những người miền Bắc đã để cho Đảng cộng sản thống trị và Đảng cộng sản đã để cho một nhóm người thiển cận và độc hại chung quanh Lê Duẩn và Lê Đức Thọ thống trị, trong khi những người miền Nam đã để cho những người chẳng ra gì như Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ dẫn vào vực thẳm. Khi một dân tộc không có một lớp trí thức chính trị thì tất cả đều có thể xẩy ra. Đó là bài học lớn nhất của biến cố Mậu Thân 1968 và của giai đoạn lịch sử gần đây.
Một lời sau cùng cho bên thắng cuộc.
Chiến thắng 30/4/1975, hậu quả của biến cố Mậu Thân 1968, đã làm cho nhóm Lê Duẩn – Lê Đức Thọ say sưa đến mất trí. Họ tưởng họ là thiên tài và anh hùng dân tộc. Họ nghĩ họ đã rất may mắn. Nhưng lịch sử có logic của nó. Họ đã chỉ được một cơ hội để chứng tỏ sự tồi dở và sẽ mãi mãi được các thế hệ mai sau nhớ đến như những tai họa. Sau cùng chính họ mới là những người không may nhất.
Nguyễn Gia Kiểng
(15/02/2018, Giao thừa Mậu Tuất)
(*) stt https://www.facebook.com/giakieng.nguyen
LÀM THẾ NÀO ĐỂ VỰC DẬY PHONG TRÀO DÂN CHỦ ?
Phong trào dân chủ Việt Nam chưa bao giờ mạnh và đã rã rượi ngay trước khi bị đàn áp. Lý do là vì chúng ta đã cố tình tránh né những câu hỏi nền tảng đàng nào cũng đặt ra và đàng nào cũng phải trả lời. Không trả lời chỉ đồng nghĩa với trả lời sai.
Trái với một thành kiến sai và dai dẳng, thẳng thắn đặt ra và thảo luận để trả lời những câu hỏi nền tảng này không gây chia rẽ mà còn nâng chúng ta lên và đem chúng ta lại gần nhau. Đó là điều kiện bắt buộc để phong trào dân chủ ra khỏi bế tắc và vươn lên.
https ://www.thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/5891-c-u-nguy-phong-trao-dan-ch
Sự kéo dài của chế độ cộng sản là một thách đố lớn đối với mọi logic và đối với danh dự của dân tộc Việt Nam. Các thế hệ Việt Nam mai sau sẽ không thể hiểu nổi giai đoạn lịch sử này và sẽ không biết phải đánh giá thế nào những con người hôm nay.
(Ch. VII, tr. 144)
Các bạn tôi cả trong lẫn ngoài nước đều đồng ý là phong trào dân chủ đang ở trong một tình trạng rất bi đát và cần được cứu nguy. Cũng như họ tôi rất đau lòng và phẫn nộ khi nghĩ tới các anh em trong Hội Anh Em Dân Chủ, Mẹ Nấm, Trần Thị Nga, Phan Kim Khánh, Trần Anh Kim, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Bắc Truyển, Trần Hồng Phúc và nhiều anh em khác đang mắc nạn. Tuy vậy tôi chỉ chia sẻ một phần quan điểm của đa số các bạn này. Khi không hiểu rõ nguyên nhân thì cũng chúng ta cũng khó nhìn thấy giải pháp đúng.
Trong hơn một năm qua, Đảng cộng sản đã gia tăng đàn áp như chưa từng thấy trong hơn ba mươi năm qua kể từ ngày họ mở cửa về kinh tế thị trường
Ngay từ trước khi bị đàn áp
Nguyên nhân mà chúng tôi hoàn toàn đồng ý là trong hơn một năm qua Đảng cộng sản đã gia tăng đàn áp như chưa từng thấy trong hơn ba mươi năm qua kể từ ngày họ mở cửa về kinh tế thị trường. Đã có hàng trăm người bị bắt và các bản án cũng đặc biệt tàn nhẫn. Hai phụ nữ trẻ, mỗi người với hai con thơ, đã bị xử 10 năm và 9 năm tù không phải vì đã khởi xướng hay tham gia một kế hoạch chống chính quyền nào mà chỉ vì đã nói những điều họ thấy là đúng nhưng không thuận với Đảng và Nhà nước cộng sản. Hai thanh niên rải truyền đơn bị kết án 14 năm tù, bằng bản án của hai can phạm giết người bị xử trong cùng một thời điểm. Sự hung bạo trắng trợn này sẽ còn mãi trong ký ức dân tộc. Trong nhất thời nó đã khiến mọi người dân chủ trong nước đều bị đe dọa và một số đáng kể đã phải tạm thời chọn thái độ dè dặt.
Tuy vậy nếu quan sát kỹ thì đây không phải là nguyên nhân chính. Sự suy nhược của phong trào dân chủ thực ra đã bắt đầu từ trước đợt đàn áp này. Trước hết hãy bỏ qua sự kiện nhiều "ngôi sao" xuất hiện trên Facebook và Youtube mờ nhạt dần, có khi trở thành lố lăng, vì không còn gì mới ; những người này không đóng góp gì cho cuộc vận động dân chủ. Các nhóm chính trị và các tổ chức xã hội dân sự hình thành hàng loạt trong những năm 2012 - 2015 nhờ sự phát triển của các mạng xã hội phần lớn đã rã hàng hoặc mất gần hết thực lực vì chia rẽ nội bộ ngay khi chưa bị đe dọa.
Đợt đàn áp này chỉ có tác dụng làm trầm trọng thêm một tình trạng đã có sẵn. Một bạn trong nước mới đây khẳng định tất cả các nhóm và tổ chức -dù là chính trị hay xã hội dân sự- được coi là thành phần của phong trào dân chủ đều đã tan rã. Nhận xét này có thể hơi quá đáng nhưng cũng không xa sự thực bao nhiêu.
Tại sao ?
Các lý do chính đưa đến tan rã đều giống nhau : không đồng ý về cách làm việc và phân công trách nhiệm, thất vọng với người lãnh đạo hoặc nhóm chủ trương, nản chí vì không đạt kết quả nhanh chóng như mong muốn. Tất cả các lý do này có thể xuất hiện cùng một lúc trong cùng một tổ chức. Trong một số trường hợp chính những người chủ xướng xung đột với nhau, rồi tách ra và đả kích nhau.
Các lý do chia rẽ này đều có cùng một nguyên nhân : các nhóm và tổ chức –sau đây gọi chung là các nhóm- đều chỉ là những kết hợp đột xuất của những người đến với nhau vì đồng ý trên một mục tiêu giai đoạn chứ không phải vì có đồng thuận trên một dự án dài hạn và những niềm tin nền tảng. Các kết hợp này vì vậy không thể kéo dài và phát triển. Người ta có thể có cùng một quyết định vì những lý do khác nhau nhưng đó chỉ là một đồng thuận chốc lát, không khác những người đi cùng một chuyến tàu, những động cơ khác nhau đã khiến họ tập trung rồi cũng khiến họ rã hàng.
Các nhóm đã cố tình làm như không biết một điều mà mọi người đều phải biết, đó là người ta chỉ có thể hợp tác lâu dài và phân chia các vai trò và trách nhiệm một cách đúng đắn nếu đồng ý trên hai điều nền tảng : một là bản chất và cứu cánh của hành động chung là gì, hai là trong hành động chung đó những khả năng và đức tính nào cần thiết và đáng trân trọng. Như vậy những người dân chủ Việt Nam, nghĩa là những người tham gia cuộc vận động dân chủ hoá đất nước, nếu muốn kết hợp lâu dài để có sức mạnh phải cố gắng trước hết trả lời hai câu hỏi :
1. Cứu cánh và bản chất của cuộc đấu tranh dân chủ là gì ?
2. Trong cuộc đấu tranh này những khả năng và đức tính nào là cần thiết, cần được nhận diện, tìm kiếm và trân trọng ?
Không thể tránh né
Để có một ý kiến cụ thể xin nêu một vài thí dụ.
Thí dụ thứ nhất là một phát biểu gần đây của chính tôi trên Facebook về việc tổng thống Mỹ Donald Trump nhìn nhận Jerusalem là thủ đô của Do Thái. Phát biểu này đã nhận được trên 200 bình luận, đa số là những bình luận xây dựng giúp nhau hiểu biết rõ hơn về tình hình, địa lý và lịch sử của vùng Cận Đông. Nhưng cũng đã có những bình luận dữ tợn. Có những người đã kết bạn với tôi từ lâu bỗng nhiên nổi giận như là tôi đã xúc phạm đến một một người thân của họ và dùng những lời lẽ rất nặng đối với tôi và những người phê phán quyết định của Donald Trump dù chúng tôi chỉ lý luận một cách khách quan.
Tại sao những người bạn, có lúc đã tỏ ra cùng đứng trong hàng ngũ phong trào dân chủ, lại có thể bỗng dưng hằn học với nhau như thế ? Chắc chắn những người này ái mộ Donald Trump bởi vì ông là một mẫu mực thành công mà họ mơ ước và bênh Trump bằng mọi lập luận (có người biện luận rằng Donald Trump có đạo đức bởi vì ông không hút thuốc lá) nhưng họ cũng phải coi chính trị là sự tìm kiếm thành công cá nhân chứ không phải là một hành động vị tha để phục vụ và tôn vinh con người. Chắc chắn họ cũng không coi những người khốn khổ cùng cực tại Trung Đông và Châu Phi là đáng được tôn trọng và giúp đỡ.
Thâm tín của họ là đấu tranh cho dân chủ đồng nghĩa với chống cộng và ủng hộ cánh hữu, những đức tính đáng tôn vinh nơi một lãnh tụ chính trị là giầu sang và tự mãn. Những người này có thể đóng góp gì cho cuộc vận động dân chủ ? Nếu gia nhập một tổ chức dân chủ họ làm được gì và trong bao lâu ?
Thí dụ thứ hai, cũng trên Facebook, là một cuộc thảo luận về làn sóng dân chủ thứ tư trong đó tôi nhận định, dựa trên hiện tình thế giới, là làn sóng dân chủ không hề khựng lại, trái lại các chế độ độc tài còn lại đang rất khốn đốn, dù là Trung Quốc, Nga, Venezuela, hay Việt Nam. Cuộc thảo luận phần nào đã bị lệch hướng vì những phát biểu không liên quan gì tới chủ đề.
Một luật sư đã gây tranh cãi gay go khi phát biểu rằng người Việt hải ngoại cùng lắm chỉ có vai trò phụ thuộc bởi vì họ đã "thua chạy vãi cứt" (nguyên văn) mà không biết xấu hổ. Ông này còn nói rằng người ở nước ngoài mà can thiệp vào chính trị Việt Nam là "xâm lăng". Phát biểu này không chỉ thô lỗ mà còn rất sai vì hiện nay đa số những người dân chủ tích cực nhất tại hải ngoại không phải là những cựu quân nhân và công chức của chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây mà là những người trưởng thành sau ngày 30/4/1975, một số đông -với tỷ lệ ngày càng tăng- vừa từ trong nước ra. Chắc chắn luật sư này cho rằng cuộc đấu tranh cho dân chủ, và đấu tranh chính trị nói chung, là để tranh giành địa vị và điều kiện quan trọng nhất để tham gia cuộc đấu tranh này là phải ở trong nước.
Trong những phát biểu khác ông này cũng đã từng nói những điều khó tưởng tượng nơi một luật sư bởi vì một học sinh trung học cũng phải biết là sai, thí dụ như tự do ngôn luận phải ở dưới lợi ích dân tộc và luật pháp phải ở dưới chính trị vì luật do chính quyền quyết định. Điều nghịch lý là ông luật sư này lại thường được nhờ biện hộ cho những người bị bắt vì bất đồng chính kiến và thường khuyên các nạn nhân nhận tội và xin khoan hồng. Sau này qua chính những phát biểu của ông trên Facebook người ta mới hiểu là ông đã được công an giới thiệu cho các gia đình nạn nhân. Rõ ràng trong phong trào dân chủ còn có rất nhiều điều cần được nhìn rõ hơn. Trước biết phải biết ai là ai.
Thí dụ thứ ba là gần đây một thân hữu khuyên chúng tôi nên ủng hộ một nhân sĩ tại Mỹ. Theo thân hữu này vị này là một người kiệt xuất vì có bằng tiến sĩ khoa học, từng dạy đại học tại Mỹ và cũng là một triệu phú, đã bỏ ra 5 triệu USD để xây một giảng đường cho một trường đại học Mỹ, giảng đường này mang tên ông. Chúng tôi chưa bao giờ biết đến ông này. Thân hữu này gửi cho chúng tôi một số tài liệu theo đó chúng tôi hiểu là ông chỉ mới quan tâm tới Việt Nam rất gần đây thôi, khi đã ngoài 80 tuổi, và có đưa ra một lời kêu gọi thành lập một tổ chức dân chủ. Tôi không có bình luận gì về ông này, mọi tình cảm đối với quê hương đều đáng được ghi nhận dù là muộn.
Nhận xét của tôi là về chính người bạn của chúng tôi, một người rất có thiện chí. Thân hữu này coi cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền là đúng nhưng theo ông điều kiện thành công không phải là một tổ chức mạnh và một dự án chính trị đúng đắn mà là một lãnh tụ có danh tiếng. Những người như ông bạn này khá nhiều bởi vì tôi từng được đọc một số bài báo nói rằng những người dân chủ nên đoàn kết sau lưng ông Lương Xuân Việt vì ông đã lên tới chức thiếu tướng trong quân đội Mỹ, hay bà Dương Nguyệt Ánh vì bà đã nổi tiếng sau khi phát minh ra một vũ khí có khả năng xuyên thủng những bức tường rất dầy.
Tất cả các bài báo này đều không nói các nhân vật này có kiến thức và khả năng chính trị nào và có những hiểu biết và quan tâm nào đối với Việt Nam. Hình như đối với nhiều người chỉ cần có danh vọng và tiếng tăm là đủ. Tôi rất có cảm tình với hai nhân vật này, đặc biệt là với bà Dương Nguyệt Ánh vì là em một người bạn học thuở bé của tôi, nhưng muốn lãnh đạo cuộc đấu tranh cho dân chủ thì phải có tổ chức, có đội ngũ và nhiều kiến thức và khả năng khác mà không biết họ có hay không. Cũng không có gì bảo đảm là họ muốn vai trò lãnh tụ này.
Phải nói là người Việt Nam, kể cả những người tự coi hay được coi là dân chủ, coi danh vọng là tất cả. Ngay trong số những người đấu tranh cũng không thiếu những người coi sự tranh giành địa vị là quan trọng nhất và sẵn sàng liên kết với những người không có cả khả năng lẫn đạo đức nhưng ủng hộ mình và xa lánh những người có khả năng và đạo đức nhưng có thể khiến mình mờ nhạt. Rất nhiều người dân chủ vẫn không chịu tìm hiểu một cách nghiêm chỉnh cứu cánh của cuộc vận động dân chủ là gì và nó đòi hỏi những khả năng và đức tính nào.
Để tạm dừng với những thí dụ về những lý do, than ôi quá nhiều, khiến phong trào dân chủ Việt Nam bế tắc, xin nói tới một khuynh hướng khá dai dẳng. Vẫn còn nhiều người hô hào đấu tranh cho dân chủ nhưng lại tôn vinh hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu, hai người đã từng thiết lập một chế độ độc tài gia đình trị, bách hại thẳng tay những người đối lập và làm lỡ một cơ hội lớn của đất nước để rồi sau cùng bị sát hại một cách thương tâm. Những người này và nhiều người khác cũng cho rằng cuộc đấu tranh cho dân chủ phải lấy cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa trước đây làm biểu tượng. Phải chăng đối với họ cứu cánh của cuộc đấu tranh cho dân chủ là để lập lại chế độ Việt Nam Cộng Hòa, một chế độ tuy không gian ác như chế độ cộng sản nhưng tham nhũng, thiếu ý thức, thiếu quyết tâm và đã thảm bại ?
Tất cả những thí dụ trên đây đều góp phần giải thích tại sao phong trào dân chủ Việt Nam bế tắc ngay cả nếu không bị đàn áp. Đó là vì chúng ta không chịu đối đầu thẳng thắn và giải đáp dứt khoát những câu hỏi nền tảng không thể tránh né vì đàng nào chúng cũng luôn luôn đặt ra và chúng ta hành động theo cách mà chúng ta trả lời, dù có ý thức được hay không.
Quá vô lễ với chính trị
Trở lại với hai câu hỏi đặt ra ở phần trên.
Cứu cánh và bản chất của cuộc đấu tranh dân chủ là gì ?
Những thí dụ vừa kể trên cho thấy trong môi trường được gọi chung là dân chủ có những câu trả lời khác nhau.
Có những người cho rằng dân chủ đồng nghĩa với cánh hữu, chính trị chủ yếu là kinh tế và tiêu chuẩn để đánh giá một người đấu tranh chính trị là sự thành công cá nhân thể hiện qua tài sản và bằng cấp.
Có những người, như ông luật sư trong thí dụ thứ hai, cho rằng nó phải được tiến hành trong khuôn khổ mà nhà nước cộng sản cho phép và đàng nào cũng chỉ dành cho người trong nước.
Những người khác cho rằng nó chủ yếu nhắm gây tiếng vang để được hậu thuẫn quốc tế và theo họ muốn gây tiếng vang thì phải dựa trên những người đã có tiếng như nhà khoa học Dương Nguyệt Ánh, thiếu tướng Lương Xuân Việt hay vị giáo sư tiến sĩ triệu phú mà anh bạn tôi giới thiệu.
Cũng có những người cho rằng mục tiêu trước mắt là để khôi phục lại chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước khi cải tiến nó, động cơ của cuộc đấu tranh này là sự thù ghét cộng sản.
Nhưng cũng có những người nghĩ khác. Đối với họ "đấu tranh cho dân chủ" chỉ là một cách gọi tắt rất thiếu sót.
Đây là cuộc đấu tranh để người Việt Nam được thực sự tôn trọng, được có những quyền đã được thế giới văn minh nhìn nhận, để đất nước được quản trị một cách lương thiện và hợp lý, từ đó vươn lên bắt kịp sự chậm trễ và chinh phục tương lai.
Đây là cuộc đấu tranh để đưa con người Việt Nam và đất nước Việt Nam từ bóng đêm của nô lệ và nghèo khổ sang ánh sáng của tự do và phồn vinh (…) Nó không nhắm tiêu diệt hay hạ nhục một ai, nó là cuộc đấu tranh để tôn vinh mọi người,tôn vinh quyền làm người và quyền được hưởng hạnh phúc như một dân tộc lớn mà dân tộc Việt Nam rất xứng đáng để có (1).
Động cơ của nó như vậy là lòng yêu nước và yêu đồng bào, là tình yêu chứ không phải lòng thù hận. Đây cũng là cuộc đấu tranh vì bổn phận và danh dự bởi vì sự kéo dài của chế độ cộng sản là một thách đố lớn đối với mọi logic và đối với danh dự của dân tộc Việt Nam. Các thế hệ Việt Nam mai sau sẽ không thể hiểu nổi giai đoạn lịch sử này và sẽ không biết phải đánh giá thế nào những con người hôm nay.
Trong cuộc đấu tranh này những khả năng và đức tính nào là cần thiết, cần được nhận diện, tìm kiếm và trân trọng ?
Câu trả tùy thuộc vào cách chúng ta quan niệm cuộc đấu tranh cho dân chủ và có thể rất khác nhau. Một số khá đông cho rằng cho rằng điều kiện cần thiết nhất là phải nổi tiếng vì đã có thành tích, dù thành tích đó không liên quan gì tới chính trị như kinh doanh, khoa học, bằng cấp, giáo sư đại học, chức vụ trong quân đội Mỹ v.v.
Một số khác cho rằng thành tích đó phải là sự can trường trước mặt chế độ cộng sản ; phải dám có những hành động thách thức và nếu bị bắt phải dám tiếp tục thách thức trước tòa. Hình ảnh hình như là điều quan trọng nhất đối với nhiều người cho nên đã có rất nhiều cố gắng trên mạng xã hội để tự đánh bóng mình và bôi nhọ người khác. Phải nói là người Việt Nam chúng ta quá vô lễ đối với chính trị và có lẽ vì thế mà chính trị đã trừng phạt chúng ta.
Nhưng cũng có những người nghĩ khác. Đối với họ mong đợi hoặc cầu cạnh một thế lực ngoại bang giúp đỡ để giành thắng lợi cho dân chủ là điều vừa rất không xứng đáng vừa rất sai. Dù bối cảnh quốc tế có thuận lợi đến đâu cố gắng và hy sinh vẫn do người Việt Nam. Cuộc đấu tranh sẽ rất cam go và điều kiện bắt buộc để đánh bại chế độ lì lợm và hung bạo này là phải đấu tranh có tổ chức. Như thế, đối với những người này, đức tính đầu tiên và bắt buộc của một người đấu tranh cho dân chủ là phải có văn hóa tổ chức, nghĩa là phải biết xây dựng tổ chức và đấu tranh trong khuôn khổ của tổ chức, biết chấp nhận hy sinh tham vọng cá nhân, tư kiến và lòng tự ái để đóng góp cho sức mạnh của tổ chức.
Tiếp theo là những khả năng và đức tính mà mọi người đấu tranh chính trị phải có : lương thiện, quyết tâm, kiên trì và bản lãnh chính trị -nghĩa là hiểu biết những vấn đề đặt ra cho đất nước và những giải pháp. Dĩ nhiên cuộc chiến đấu nào cũng đòi hỏi sự dũng cảm, nhưng sự dũng cảm chính của những người đấu tranh dân chủ hóa đất nước trong lúc này là dám tin tưởng vào thắng lợi dù biết cuộc đấu tranh sẽ rất dài và khó khăn, dám quên mình để xây dựng sức mạnh của tổ chức, dám gạt bỏ sự cám dỗ của danh tiếng, dám chấp nhận để người khác nghĩ rằng mình thiếu dũng cảm. Cuối cùng thời gian sẽ trả lại công lý cho mỗi người.
Đừng ngại
Sự dũng cảm chính của những người đấu tranh dân chủ hóa đất nước trong lúc này là dám tin tưởng vào thắng lợi dù biết cuộc đấu tranh sẽ rất dài và khó khăn
Hai câu hỏi này cần được bổ túc bằng nhiều câu hỏi khác -thí dụ như chế độ cộng sản này có thể cải tổ được không hay chỉ có một giải pháp là phải thay thế nó, cuộc đấu tranh cho dân chủ phải được thực hiện như thế nào, qua các giai đoạn nào v.v.- nhưng là hai câu hỏi đầu tiên và khẩn cấp phải đặt ra để cứu nguy và vực dậy phong trào dân chủ.
Chúng ta sẽ còn tiếp tục bế tắc nếu cứ tiếp tục tránh né những câu hỏi nền tảng. Lý do là vì những câu hỏi này đàng nào cũng đặt ra cho mỗi người ít nhiều tham gia hay can thiệp vào phong trào dân chủ. Như những thí dụ trong bài này đã phần nào chứng tỏ, chúng ta sống, phát biểu và hành động theo cách mà chúng ta trả lời hai câu hỏi này, dù là một cách vô tình.
Một thái độ thường gặp là cho rằng thảo luận những câu hỏi có vẻ triết lý và đạo đức như vậy sẽ chẳng bao giờ đi đến kết luận chung mà chỉ gây chia rẽ vào giữa lúc chúng ta cần đoàn kết để hành động. Thái độ này rất sai vì ít nhất hai lý do. Thứ nhất là vì những câu hỏi này không né tránh được và không trả lời chỉ đồng nghĩa với trả lời sai. Thứ hai là vì những câu hỏi nền tảng này thực ra không khó trả lời bởi vì chúng là những câu hỏi khách quan trong đó cái tôi và những toan tính nhỏ nhặt của nó vắng mặt. Chúng cũng không gây chia rẽ bởi vì dù có đồng ý với nhau hay không chúng ta cũng sẽ quý trọng nhau hơn sau đó. Trả lời chúng đòi hỏi một số kiến thức mà chúng ta có thể cùng học hỏi một cách dễ dàng với nhau. Cố gắng trả lời thẳng thắn những câu hỏi này vì vậy vừa nâng cao chúng ta vừa đem chúng ta lại gần nhau.
Một lời sau cùng.
Đừng ngại nếu có những người mỉa mai chúng ta là chính khách sa lông, anh hùng bàn phím. Hãy thẳng thắn đảm nhận vai trò của những người khai thông ý thức. Thảo luận là hành động quan trọng nhất. Những người hô hào hành động mà không cần thảo luận chỉ là những người không có khả năng suy nghĩ để biết phải hành động như thế nào. Họ chỉ đem tới thất bại và thất vọng.
Nguyễn Gia Kiểng
(05/02/2018)
(1) Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, dự án chính trị của THDCĐN - 2015
Làn sóng dân chủ thứ tư sẽ còn tiếp tục mạnh lên và chỉ hoàn tất sau khi đã dứt điểm các chế độ độc đảng cuối cùng và đưa tới sự phân biệt tôn giáo và chính trị tại các nước Hồi Giáo.
Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (Ch. II, tr. 24)
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Erdogan đang bắt giam hàng loạt những người bất đồng chính kiến.
2017 hình như đã là năm mà các chế độ độc tài lộng hành vô tội vạ. Từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Việt Nam qua Venezuela, Myanmar, Nga và Trung Quốc các hành động chà đạp nhân quyền liên tục gia tăng về số lượng cũng như mức độ hung bạo trước sự bất lực của Châu Âu và Nhật và sự dửng dưng của Donald Trump.
Tình trạng này khiến nhiều người tự hỏi làn sóng dân chủ thứ tư mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nói tới như một trào lưu lớn của thế giới còn lại gì ? Câu trả lời dứt khoát là nó vẫn đang tràn tới và không những thế còn mạnh hơn.
Thoạt nhìn thì quả nhiên dân chủ và nhân quyền đang gặp thử thách lớn.
Hai chính quyền thuộc khối ASEAN được tạm coi là dân chủ, Philippines và Myanmar, đang hành xử không khác những băng đảng tội ác. Campuchia giải tán đảng đối lập.
gay sát cạnh Châu Âu, tại Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Erdogan đang bắt giam hàng loạt những người bất đồng chính kiến.
Tại Venezuela, Maduro bất chấp dư luận quốc tế cho côn đồ tấn công những người đối lập dân chủ, giết chết gần 150 người và đả thương trên 5.000 người, buộc thị trưởng thủ đô Caracas phải trốn ra nước ngoài tỵ nạn.
Tại Nga, Putin cấm các ứng cử viên có trọng lượng ra tranh cử với mình trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, sau những vụ hành hung và ám sát mà cả thế giới đều đã biết.
Trung Quốc giam Lưu Hiểu Ba, giải Nobel về hòa bình, tới chết bất chấp mọi phản đối và đang gia tăng những vụ bắt người và xử án tùy tiện ; thành phần được đặc biệt chiếu cố trong chính sách đàn áp này là các luật sư đã dám biện hộ cho các tù nhân chính trị. Vào cuối năm 2015 đã có hơn 200 luật sư bị bắt giam, con số hiện nay có thể lớn hơn rất nhiều. Ngày 26/12 vừa qua, hai luật sư đã bị đem xét xử ; ông Xie Yang nhận tội và được khoan hồng, ông Wu Gan không nhận tội và bị xử 8 năm tù. Chính quyền Tập Cận Bình còn đang tiến hành thực hiện một loại sổ hạnh kiểm chính trị với những quyền lợi vật chất cho những người được coi là có "hạnh kiểm tốt".
Các chế độ bạo ngược tự do đàn áp bởi vì từ đầu năm 2017 tại Hoa Kỳ, siêu cường số một và cho tới nay vẫn là thành trì của nhân quyền, Donald Trump đã lên làm tổng thống và chỉ có những quan tâm kinh tế ngắn hạn. Dân chủ, nhân quyền và nhân đạo không phải là ưu tư của Donald Trump.
Riêng chế độ cộng sản Việt Nam đã tỏ ra đặc biệt thô bạo. Hàng trăm người đã bị bắt nhưng còn nhiều người khác cũng bị bắt mà chỉ đến khi bị đem xét xử báo chí nhà nước mới loan tin. Các cáo trạng đều rất mơ hồ, như cáo buộc các nạn nhân là đã tuyên truyền xuyên tạc chống nhà nước, vi phạm điều 88 Bộ luật hình sự, nhưng lại chỉ kể số bài đã viết hoặc số video clip đã làm mà không hề nói cụ thể đương sự đã nói hoặc viết điều gì có thể coi là xuyên tạc hoặc tuyên truyền chống nhà nước. Các phiên tòa đều chớp nhoáng không có tranh luận và các bản án đều dã man. Hai phụ nữ trẻ, Trần Thị Nga và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, mỗi người có hai con thơ, bị xử 9 và 10 năm tù. Hai thanh niên bị cáo buộc là rải tuyền đơn bị xử 14 năm tù ; trong cùng một tuần hai can phạm giết người, một người giết vợ và một người giết bạn, cũng bị xử 14 năm tù. Đây là đợt đàn áp hung bạo nhất từ 30 năm nay, từ ngày chế độ bắt đầu chính sách gọi là "đổi mới" theo mô hình Trung Quốc.
Trong một bối cảnh quốc tế và quốc gia như vậy không có gì lạ nếu nhiều nghĩ là dân chủ đang thoái bộ và làn sóng dân chủ thứ tư, nếu có, cũng đã khựng lại. Một lần nữa chúng ta được nhắc nhở là lý luận chính trị không giản dị, bởi vì nếu nhìn kỹ hơn thì sự thực không phải như thế. Các chế độ độc tài còn lại đang giãy chết.
Xin nhắc lại là làn sóng dân chủ thứ tư, như đã được trình bày trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, nhắm hai mục tiêu : đánh đổ các chế độ độc tài còn lại, đặc biệt là các chế độ cộng sản còn lại, và đưa Hồi Giáo ra khỏi chính trị để trở về địa vị của một tôn giáo, nghĩa là trở về địa vị của một chọn lựa cá nhân.
Và chúng ta đã thấy gì ?
Năm 2017 đã là năm tiêu vong của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (Daesh/IS). Hiện nay Daesh đã bị quét sạch khỏi Iraq và các ổ kháng chiến nhỏ còn lại tại Syria cũng đang bị tiêu diệt. Điều quan trọng cần được nhìn rõ là Daesh là cố gắng cuối cùng để thiết lập một nhà nước thần quyền Hồi giáo. Cùng với sự diệt vong của Daesh vấn đề đưa Hồi giáo ra khỏi chính trị coi như đã xong trên nguyên tắc. Các đám tàn quân tại Afghanistan và Châu Phi sẽ tàn lụi nhanh chóng, các cuộc tấn công khủng bố tại Châu Âu và Hoa Kỳ cũng sẽ giảm dần vì một lý do giản dị là chúng không còn lý do để tiếp tục khi hy vọng thành lập được một chế độ thần quyền Hồi giáo đã tiêu tan. Những hành động khủng bố có thể sẽ còn tiếp tục tại Nga và Trung Quốc, nhưng sẽ không còn là những cuộc chiến tranh tôn giáo nữa mà chỉ là những hành động nội chiến chống áp bức.
2018 sẽ là năm mà quan tâm chính của thế giới không còn là ngăn ngừa khủng bố nữa để tập trung vào các chế độ độc tài còn lại.
Các chế độ này đang ra sao ?
Hãy nhìn trước hết vào Trung Quốc, thành trì kiên cố nhất của chủ nghĩa toàn trị. Các nhà quan sát, nói chung, nhận diện bốn mối lo ngại chính của thế giới trong năm 2018 :
- Nguy cơ đầu tiên là Bắc Cao Ly do thái độ ngày càng khiêu khích của chính quyền Kim Jong-un. Hoa Kỳ có thể đi đến quyết định tấn công trước và tạo ra một tình trạng khủng hoảng mới. Tuy vậy phần đông tin rằng khả năng này chỉ có một xác xuất thấp vì Hoa Kỳ và Nam Cao Ly vẫn còn nhiều phương tiện khác.
- Kế đến là tình trạng căng thẳng sẽ tăng lên tại Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng do thái độ ngang ngược của Trung Quốc.
- Nguy cơ thứ ba là một cuộc chiến thương mại sẽ xẩy ra giữa Mỹ và thế giới do thái độ của Donald Trump ; không chỉ giữa Mỹ và Trung Quốc mà cả với hai đồng minh lâu đời là Nhật và Hàn Quốc.
- Nguy cơ thứ tư là khối nợ công đáng sợ của Trung Quốc.
Trong cả bốn nguy cơ này, Trung Quốc đều vướng mắc trong thế yếu. Trung Quốc đang khốn đốn. Lý do cơ bản là vì đã sai lầm trong mô hình phát triển.
Chính sách "bốn hiện đại hóa" mà Trung Quốc theo đuổi từ thời Đặng Tiểu Bình, chủ yếu nhắm sản xuất thật nhiều với giá thành thật thấp để xuất khẩu tối đa, bất chấp con người và môi trường. Nói cách khác chế độ cộng sản Trung Quốc xuất khẩu sự nghèo khổ mà chính họ là nguyên nhân.
Về mặt kỹ nghệ, Trung Quốc chủ yếu dựa trên than và thép. Kết quả là họ đã đạt được mức tăng trưởng trên 10% trong nhiều năm nhưng đất nước Trung Quốc, nhất là miền Bắc, hầu như đã bị hủy diệt vì ô nhiễm, bất công xã hội gia tăng trong khi tuổi thọ trung bình của người Trung Quốc giảm một cách đáng sợ, những người giầu có tẩu thoát ra nước ngoài mang theo tài sản.
Sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xẩy ra năm 2008, Trung Quốc đã phạm một sai lầm chiến lược khác là thay vì trực diện với các khó khăn họ đã chọn chính sách tháo chạy về phía trước, nghĩa là bơm tiền thật nhiều vào công nghiệp, nhất là ngành xây dựng, với kết quả các thành phố ma liên tục mọc lên, các kho hàng ứ đọng và số nợ phình ra.
Từ gần mười năm nay, khi nhận ra là thời đại của than đang chấm dứt, Trung Quốc còn làm thêm một sai lầm lớn khác là ào ạt sản xuất những panô điện nắng với hy vọng sẽ đi trước thế giới trong cuộc chạy đua sản xuất năng lượng sạch, sau khi đã là nhà vô địch về năng lượng bẩn. Trung Quốc đã đầu tư 400 tỷ USD, tương đương với hai lần GDP của Việt Nam, vào kỹ thuật điện nắng để rồi nhìn các panô này chồng chất vì không bán được, lý do là vì kỹ thuật điện nắng đang cải tiến từng ngày và các panô vừa sản xuất ra đã lỗi thời.
Số nợ của Trung Quốc, được uớc lượng ở mức 300% GDP, không có giải đáp. Trung Quốc liên tục tăng lãi xuất cơ bản trong mấy năm qua, quá thấp để có thể giải quyết số nợ và ngăn cản sự đào thoát ồ ạt của tư bản nhưng lại đủ để dần dần làm tê liệt cả sản xuất lẫn tiêu thụ.
Khủng hoảng kinh tế không tránh khỏi và có thể làm tan vỡ Trung Quốc vì các tỉnh của Trung Quốc quá khác nhau, nhiều khi còn đối địch với nhau. Trong suốt dòng lịch sử dài của Trung Quốc sự thống nhất đã chỉ được duy trì bằng bạo lực, ngày nay sợi dây ràng buộc, đúng ra là trói buộc, các tỉnh Trung Quốc với nhau là Đảng Cộng Sản. Nhưng tình trạng Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang ra sao ?
Đại hội 19 vừa qua đã dành cho Tập Cận Bình mọi quyền hành và một vị thế tương đương với Mao Trạch Đông. Lý do không phải là vì Tập Cận Bình có tài năng xuất chúng hay có nhân cách phi thường, mà chỉ là vì Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã quá phân hóa và cần một người để có thể lấy những quyết định khi bắt buộc phải có quyết định. Những cuộc thanh toán nhau dưới chiêu bài chống tham nhũng sẽ chỉ tiếp tục làm cho Đảng tan nát hơn.
Tóm lại Trung Quốc không hề mạnh, sự sụp đổ của chế độ cộng sản là không tránh khỏi và ngay cả sự tan vỡ của chính Trung Quốc như một quốc gia cũng khó tránh.
Còn Liên Bang Nga ? GDP trên mỗi đầu người của Nga hiện nay chỉ là 8.000 USD (GDP xấp xỉ 1.200 tỷ USD cho một dân số 150 triệu người), nghĩa là thấp hơn 30% so với mức trung bình thế giới. Ngoài kỹ nghệ vũ khí, Nga là một nước nghèo và chậm tiến. Mà cũng không phải chỉ có thế. Tài nguyên chính và cũng là nguồn thu nhập chính của Nga là dầu khí, nhưng thời đại của dầu khí đang chấm dứt. Nga không chỉ nghèo và chậm tiến mà còn không có tương lai. Vừa qua, Putin đã đơn phương tuyên bố chiến thắng để rút quân khỏi Syria. Thực tế chỉ là Nga đã quá kiệt quệ để có thể tiếp tục can thiệp. Hậu quả có thể nhìn thấy được là chính quyền Bashar al-Assad mà Nga đỡ đầu sẽ bị đào thải và sự hiện diện của Nga tại Địa Trung Hải sẽ bị xóa bỏ.
Tại Venezuela, chế độ Maduro đã phá sản và khó sống sót hết năm 2018. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Erdogan ngày càng lúng túng. Các chính quyền côn đồ địa phương tại Philippines, Myanmar, Campuchia không có trọng lượng nào trên thế giới và cũng sẽ bắt buộc phải thay đổi theo khuynh hướng chung.
Cũng đừng quên là trong tháng qua, cộng đồng các nước dân chủ vừa tiếp nhận thêm hai thành viên tập sự mới, Zimbabwe và Liberia.
Trở lại với nước ta.
Sự hung bạo đã quá đáng và khó tưởng tượng bởi vì chính quyền cộng sản cũng đang quá khốn đốn. Ngân quỹ đã cạn hết, nợ công -của chính phủ cũng như của các công ty quốc doanh- đã vượt mức 200% và khả năng vay mượn hầu như không còn, trong khi quan hệ thương mại với Hoa Kỳ và Châu Âu đều sẽ khó khăn hơn. Chính quyền đang bán các công ty quốc doanh mà tình trạng chưa đến nỗi quá bi đát để sống qua ngày. Chẳng bao lâu nữa sẽ không còn đủ tiền để trả lương quân đội, công an và công chức. Sư phẫn nộ chính đáng của dân chúng đã quá cao và Đảng Cộng Sản đang phân hóa như chưa bao giờ thấy. Cũng như tại Trung Quốc những vụ thanh toán nhau dưới chiêu bài chống tham nhũng sẽ không làm giảm tham nhũng mà chỉ là Đảng tan nát thêm. Và cũng như tại Trung Quốc, sự hung bạo chỉ thú nhận một tình trạng hốt hoảng. Điều đáng ngạc nhiên là tại sao Đảng Cộng Sản Việt Nam lại cứ lẽo đẽo đi theo một quan thày sắp tắt thở và một mô hình đang phá sản.
Sự khựng lại của phong trào dân chủ Việt Nam là một sự thực nhưng đồng thời cũng là điều cần thiết, và bắt buộc, để chúng ta cùng nghĩ lại và đấu tranh cho dân chủ một cách có bài bản.
Tóm lại, làn sóng dân chủ thứ tư vẫn tiếp tục tràn tới, không những thế còn đang mạnh lên. Mặc dù Donald Trump. Đó là vì là làn sóng dân chủ này không phải do một quốc gia nào chủ xướng cả, mà là khuynh hướng tự nhiên của cả thế giới. Đó là thâm tín mới của loài người cho nên không một nước nào, dù là siêu cường số 1, có thể làm nó khựng lại. Vả lại cũng không phải là Hoa Kỳ đã từ nhiệm mà chỉ là Donald Trump muốn Hoa Kỳ từ nhiệm, nhưng uy tín của Trump ngày càng xuống thấp và sau cùng chính ông cũng sẽ phải thay đổi.
Ông bà ta có câu "thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ khốn cùng liều thân". Hai cái sợ đó khác nhau. Các chế độ độc tài bạo ngược, dù là Trung Quốc hay Việt Nam, đang là những kẻ khốn cùng liều thân. Điều mà chúng ta phải sợ không phải là chế độ này không lay chuyển được mà là nó sẽ sụp đổ vào lúc chúng ta chưa đủ chuẩn bị để cống hiến cho đất nước một giải pháp thay thế tốt.
Trước mắt, sự khựng lại của phong trào dân chủ Việt Nam là một sự thực nhưng đồng thời cũng là điều cần thiết, và bắt buộc, để chúng ta cùng nghĩ lại và đấu tranh cho dân chủ một cách có bài bản.
Nguyễn Gia Kiểng
(02/01/2018)
Sự hung bạo hiện nay tố giác sự hoảng loạn chứ không chứng tỏ sự tự tin của chính quyền cộng sản. Một chính quyền không cảm thấy lâm nguy không có nhu cầu tuyên án hai phụ nữ trẻ, mỗi người với hai con thơ, mười năm và chín năm tù chỉ vì đã phát biểu những điều đúng.
Mọi người dân chủ đều là anh em và những người anh em cần được ưu ái, nhất là những người đang mắc nạn
Hôm nay, 22/12, như dự đoán Trần Thị Nga đã bị xử y án 9 năm tù và 5 năm quản chế trong phiên tòa phúc thẩm. Những người ngồi ghế thẩm phán đã chỉ có phận sự đọc một bản án được quyết định trước mà trong thâm tâm chính họ cũng phải thấy là vô lý và dã man. Trong những ngày sắp tới sẽ còn nhiều phiên tòa chính trị tương tự. Đây là thời điểm đòi hỏi mọi người và mỗi người nhìn rõ thực trạng đất nước và trách nhiệm của mình.
Trước hết là đừng quên những sự thực nền tảng.
Một là, kể từ năm 1976 Công Ước Quốc Tế Về Nhân Quyền (The International Bill of Human Rights) -gồm Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập, Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị và Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa- đã có giá trị của một bộ luật quốc tế mà mọi quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đều phải tôn trọng. Trong luật quốc tế này các quyền tự do cá nhân đã được định nghĩa rất rõ ràng. Chúng có giá trị cao nhất và không thể chuyển nhượng. Các anh em dân chủ đang mắc nạn -Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phan Kim Khánh và Nguyễn Văn Hóa vừa qua, Trần Thị Nga hôm nay, các anh em thuộc Hội Anh Em Dân Chủ và nhiều anh em khác sắp tới- đều đã chỉ sử dụng một phần nhỏ và một cách khiêm tốn các quyền căn bản này. Họ hoàn toàn vô tội. Trái lại chính Đảng và Nhà Nước cộng sản Việt Nam đã phạm pháp. Điều này cần được nói ra và nhấn mạnh trong các phiên tòa chính trị sắp tới. Đáng tiếc là cho tới nay chưa ai làm việc này.
Hai là, ngay cả nếu áp dụng bộ luật hình sự gian trá hiện nay của chế độ cộng sản Việt Nam thì những người bị xét xử cũng vô tội vì các bản cáo trạng đều vu vơ, không hề chứng minh một vi phạm nào mà chỉ có những cáo buộc một chiều. Đặc tính của các chế độ cộng sản là sự tùy tiện, bất chấp ngay cả luật pháp của chính họ.
Ba là, những phiên tòa chính trị của chế độ này chỉ là những trò hề lố bịch. Những gì mà các bị cáo và các luật sư nói tại phiên tòa đều không có tác dụng nào bởi vì các bản án đều đã được quyết định trước. Các thẩm phán chỉ là những người đã hy sinh danh dự và liêm sỉ của mình để đóng vai thẩm phán và đọc những bản án có sẵn.
Bốn là, mặc dầu vậy chính quyền cộng sản vẫn cố gắng lừa bịp các nạn nhân và dư luận trước mỗi phiên xử bằng cách hứa hẹn giảm án nếu các bị cáo nhận tội và xin khoan hồng. Sự mặc cả này đặc biệt bỉ ổi. Nó nhắm làm nhục nạn nhân và xóa bỏ niềm tự hào mà đáng lẽ họ phải có, niềm tự hào chính đáng của một người đã dám nói lên lẽ phải cũng như danh dự và quyền lợi của dân tộc trong sự im lặng sợ sệt của đa số. Nó nhắm che đậy bớt bộ mặt nhơ nhớp của chính quyền đồng thời khiến người dân có cảm tưởng chế độ bạo ngược này chưa thể lay chuyển và mất lòng tin ở cuộc vận động dân chủ. Nhưng điều cần được nhấn mạnh là nó không làm giảm bao nhiêu sự tàn bạo của các bản án, bởi vì chính quyền này đang rất cần những bản án thật nặng để hăm dọa những người có ý định phản kháng.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga tranh đấu quyết liệt và chọn thái độ thách thức trước tòa án đã bị xử 10 năm và 9 năm tù, nhưng Nguyễn Văn Hóa và Phan Kim Khánh, với thành tích đấu tranh mỏng hơn nhiều, đã nhận tội và xin khoan hồng cũng bị xử 7 năm và 6 năm. Nếu Hóa và Khánh thách thức chế độ tới cùng thì bản án của họ cũng không khác bao nhiêu.
Nhận tội và xin khoan hồng là một thái độ rất sai, làm mất phong cách của người đấu tranh, gây thiệt hại cho cuộc vận động dân chủ và cũng không có ích lợi cụ thể nào cho các đương sự. Nếu các nạn nhân và gia đình họ trong lúc lo âu và bối rối vì những áp lực đủ loại có thể yếu lòng và bị mắc lừa thì các luật sư phải giải thích cho họ, trấn an họ và thay mặt cộng đồng quốc gia bày tỏ sự kính trọng và lòng biết ơn đối với họ, chứ không thể để họ sa vào cái bẫy dơ bẩn này. Đó không phải là làm chính trị mà chỉ là trách nhiệm của một luật sư.
Một câu hỏi lớn phải được đặt ra là tại sao dù đã có hàng trăm vụ án chính trị để rút kinh nghiệm, đa số các luật sư vẫn chưa làm việc này ? Thiếu bản lĩnh hay đồng lõa với bạo quyền ?
Giai đoạn hiện nay đang đầy thử thách. Trong thế bế tắc không lối thoát về mọi mặt chính quyền cộng sản đang lên cơn điên. Sẽ còn nhiều vụ án chính trị khác trong những ngày sắp tới. Đây là lúc mà mọi người cần nhìn rõ vai trò trách nhiệm của mình.
Những người dân chủ cần hiểu rằng sự hung bạo hiện nay tố giác sự hoảng loạn chứ không chứng tỏ sự tự tin của chính quyền cộng sản. Một chính quyền không cảm thấy lâm nguy không có nhu cầu tuyên án hai phụ nữ trẻ, mỗi người với hai con thơ, mười năm và chín năm tù chỉ vì đã phát biểu những điều đúng. Đây thực ra là một cơ hội cho cuộc vận động dân chủ.
Rất tiếc, thực tế là tuy nguyện vọng dân chủ của nhân dân đã tràn ngập nhưng do sự non kém của tầng lớp trí thức đội ngũ dân chủ chưa mạnh, mỗi người dân chủ chân chính vì vậy là một tài nguyên của đất nước cần được bảo trọng. Sự thận trọng phải là ưu tiên hàng đầu trong khi chúng ta nỗ lực vận dụng thời cơ để đẩy mạnh hơn nữa cố gắng dân chủ hóa đất nước. Điều mà những người dân chủ phải tâm niệm và nhất trí trước với nhau là nếu không may mắc nạn sẽ không nhượng bộ.
Bổn phận của các luật sư là bảo vệ lẽ phải và bảo vệ thân chủ. Trong những vụ án chính trị thân chủ của họ thực sự có lẽ phải nhưng các bản án lại được quyết định trước. Như vậy các luật sư phải hiểu rằng lời bào chữa của họ trước tòa không có tác dụng gì lên bản án, vai trò của họ vì vậy, một mặt, là nói lên tiếng nói của lẽ phải trước công luận và, mặt khác, là làm gạch nối giữa người dân chủ mắc nạn với gia đình họ và công luận. Trong vai trò gạch nối này họ có trách nhiệm giúp nạn nhân và gia đình giữ vững tinh thần trước những thủ đoạn hăm dọa và dụ dỗ của một chính quyền bất lương, để đừng bị cướp đoạt cái đẹp và cái đúng của hành động. Và để được tôn vinh như họ xứng đáng được tôn vinh.
Vai trò của luật sư dứt khoát không phải là khuyên hay gợi ý thân chủ đầu hàng. Thiên chức của một luật sư là bảo vệ công lý chứ không phải là để khuyên người ngay nên cúi đầu trước kẻ gian. Một luật sư không cần phải tham gia đấu tranh cho dân chủ nếu không muốn nhưng trong mọi trường hợp phải tôn trọng thiên chức của nghề luật sư.
Đã đến lúc, song song với việc lên án sự gian ác và tùy tiện của chính quyền cộng sản, những người dân chủ cũng cần tận dụng các phương tiện truyền thông để vạch mặt chỉ tên những thẩm phán tay sai của bạo quyền và những luật sư đồng lõa với bạo quyền. Những người này chắc chắn là không biết xấu hổ, nhưng đó lại càng là lý do để họ phải bị tố giác. Dư luận dĩ nhiên cũng cần nhận diện những luật sư chân chính.
Mọi người dân chủ đều là anh em và những người anh em cần được ưu ái nhất là những người đang mắc nạn -Như Quỳnh, Nga, Xuân, Đài, Tôn, Trực, Trội, Túc và nhiều anh chị em khác. Tuy vậy nghĩ đến họ không phải là để mong họ chỉ bị tuyên án 6 năm thay vì 10 năm mà là quyết tâm đấu tranh có hiệu quả hơn để chế độ này sớm chấm dứt và họ sớm tìm lại được tự do trong vinh quang.
Chúng ta có quyền lạc quan. Dân chủ và nhân quyền đã trở thành nền tảng của một trật tự thế giới mới. Chế độ này, cũng như quan thày Trung Quốc của nó, đã tích lũy đủ mâu thuẫn để sụp đổ và có mọi triển vọng sẽ cáo chung trong một tương lai gần. Lịch sử có thể sang trang rất nhanh chóng và đất nước này sẽ biết đánh giá đóng góp của mỗi người.
Nguyễn Gia Kiểng
(22/12/2017)
Cứu cánh của nghề luật sư là bảo vệ công lý, nghĩa là góp phần để luật pháp ngày càng thể hiện lẽ phải một cách đúng hơn và được thi hành một cách trung thực hơn, nhưng cho đến một ngày gần đây tập thể luật sư đã làm gì ? Đã có bao nhiêu luật sư lên tiếng về sự mơ hồ và tùy tiện của các điều 79, 88, 258 của bộ luật hình sự ? Đã có bao nhiêu luật sư lên tiếng phản bác những phiên tòa bịp bợm được dàn dựng lên để bách hại những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ?
Những người sống bằng nghề luật được đề cập đến trong bài này trước hết là các luật sư can thiệp trong các vụ án chính trị. Tôi cũng nghĩ tới các thẩm phán dù họ chỉ là một số nhỏ và thực ra không phải là những luật gia mà chỉ làm công việc đọc những bản án đã được công an quyết định trước bởi vì hành vi của họ quá nghiêm trọng.
Đất nước ta đang trải qua một giai đoạn đáng buồn và đáng phẫn nộ. Rất nhiều người yêu nước và vô tội đã bị bắt trong năm nay. Một số đã bị xử những án tù cực kỳ dã man. Những người khác đang chờ đợi những bản án có lẽ còn độc ác hơn.
Từ hai vụ án…
Xin bắt đầu bằng hai vụ án chính trị đang gây chú ý.
1. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm, là một phụ nữ 38 tuổi sinh sống tại Nha Trang, mẹ của hai con nhỏ 11 và 5 tuổi, bị buộc tội "tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa" chiếu theo điều 88 bộ hình sự, nhưng bản cáo trạng lại kể cả những tội danh như đi biểu tình, từng đi thăm những người bị bắt, tham dự những buổi họp v.v., những việc làm không phạm pháp cũng không liên quan đến điều 88 nhưng có lẽ đã là nguyên nhân quan trọng khiến Như Quỳnh bị chế độ cộng sản coi là một phần tử nguy hiểm phải triệt hạ.
Bản cáo trạng nói tới hơn 400 bài viết trên Facebook và Blog "có nội dung xuyên tạc sự thật, xuyên tạc lịch sử, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, bôi xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tổ chức bộ máy công quyền" nhưng hoàn toàn không chứng minh Như Quỳnh đã xuyên tạc những gì và thế nào. Trên một điểm, việc Như Quỳnh tố giác 31 vụ công an đã đánh chết người trong lúc thẩm vấn, cáo trạng không hề nêu ra một trường hợp bịa đặt nào. Trái lại báo chí nhà nước còn gián tiếp xác nhận Như Quỳnh đã nói đúng sự thực khi biện luận rằng "một phần không nhỏ các vụ này đã được xác nhận là không do trách nhiệm của công an". Như vậy vụ Như Quỳnh cùng lắm là một cuộc tranh luận trong đó, theo chính những gì mà nhà nước cộng sản nói, phần thắng nghiêng hẳn về phía Như Quỳnh.
Dầu vậy Như Quỳnh đã bị xử 10 năm tù. Đây chỉ là lý của kẻ mạnh. Và cũng là lý của kẻ ác bởi vì nếu chế độ này còn kéo dài thêm mười năm nữa thì khi ra khỏi nhà tù Như Quỳnh, nếu vẫn còn sống, sẽ là một người đàn bà 48 tuổi với sức khỏe và trí tuệ bị tàn phá. Một cuộc đời bị hủy hoại. Hai đứa con 5 tuổi và 11 tuổi sẽ ra sao ? Chúng bị mất mẹ vào quãng đời mà chúng cần nhất.
Giữa hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, luật sư Võ An Đôn, một trong những luật sư bào chữa, vào thăm Như Quỳnh và thuật lại rằng khi gặp ông, Như Quỳnh đã kể lại rằng luật sư Hà Huy Sơn cũng đã vào thăm và khuyên Như Quỳnh nên nhận tội để được khoan hồng. Ông Hà Huy Sơn không cải chính điều này. Ông Võ An Đôn cũng tố giác những áp lực bỉ ổi để ép cung như không cho Như Quỳnh được dùng băng vệ sinh phụ nữ. Một vài ngày trước phiên tòa phúc thẩm, ông Võ An Đôn bị Đoàn Luật Sư Phú Yên xóa tên khỏi danh sách luật sư và rút thẻ hành nghề.
2. Vụ Phan Kim Khánh dù không quan trọng bằng nhưng còn mờ ám hơn và cũng liên quan tới luật sư Hà Huy Sơn.
Khánh là con của một gia đình nông dân nghèo đã phải cố gắng lắm mới có thể cho Khánh học đại học Thái Nguyên. Khánh đang học năm cuối ngành bang giao quốc tế. Khánh không tham gia một tổ chức nào ngoài Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh và sắp ứng cử bí thư đoàn. Nhưng bất ngờ tháng 3/2017 vừa qua Khánh bị bắt và bị buộc tội "tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa" chiếu theo điều 88 bộ hình sự cũng như Như Quỳnh. Tội của Khánh là đã lập những trang FaceBook và Blog chống tham nhũng và bảo vệ môi trường. Hoàn toàn không có một lời kêu gọi chống chính quyền hay biểu tình nào cả.
Vụ án Phan Kim Khánh mờ ám ngay từ đầu. Luật sư Hà Huy Sơn không công bố bản cáo trạng dù luật pháp không cấm việc này. Chỉ có báo chí nhà nước loan tin Khánh đã viết và đăng những bài xuyên tạc bôi nhọ nhà nước, điều mà người ta không thấy trên những trang FaceBook và Blog của Khánh, và có liên hệ với "những phần tử phản động ở nước ngoài" như Điếu Cày và đảng Việt Tân. Người ta cũng không biết vụ xét xử đã diễn ra như thế nào vì ông Hà Huy Sơn cũng không tường thuật lại, dù luật pháp cũng không cấm. Cũng chỉ có báo chí nhà nước nước thuật lại rằng trước tòa Khánh đã nhận tội và xin khoan hồng. Không ai biết điều này có đúng không vì chỉ có luật sư Hà Huy Sơn và cha của Khánh được vào phòng xử nhưng cả hai người này đều không cải chính.
Khánh bị xử 6 năm tù và 4 năm quản chế. Như thế nếu phải thi hành hết bản án này thì Khánh sẽ bị cướp đi sáu năm đẹp nhất và quan trọng nhất của đời, sẽ lỡ học, trí tuệ và sức khỏe cũng suy giảm nặng, nếu không suy sụp hẳn.
Sự tàn nhẫn của bản án này còn đáng phẫn nộ ở chỗ nó cực kỳ tùy tiện và dấm dúi. Người ta có thể đoán lý do khiến Khánh bị xử án nặng như vậy : Khánh là một thanh niên gương mẫu theo tiêu chuẩn của chế độ và do đó giống như một tế bào ung thư trong phần cốt lõi của tuổi trẻ mà Đảng Cộng Sản đang cố giữ : Đoàn Thanh Niên Cộng Sản. Bản án có mục đích răn đe và làm gương. Tuy vậy gia đình Phan Kim Khánh sau lần thăm nuôi vừa qua cho biết Khánh có vẻ lạc quan, nói rằng được công an đối xử thân thiện và không trả lời câu hỏi có kháng án hay không. Như vậy phải hiểu rằng công an đang dụ dỗ Khánh hãy ngoan ngoãn rồi sẽ được đối xử tử tế và trả tự do sớm. Chính quyền vừa dọa dẫm vừa dụ dỗ và có nhiều triển vọng thành công.
Hai vụ án này vừa xảy ra và đang được chú ý nhưng chúng không khác mọi vụ án chính trị gần đây. Cách ứng xử của chính quyền cộng sản, nhưng quan trọng hơn là của các luật gia, có nhiều điều cần được thảo luận thẳng thắn trong tinh thần tương kính, đặc biệt là vào thời điểm này.
Chính quyền cộng sản đã gia tăng sự trắng trợn và độc ác với những người không cùng chính kiến. Họ vẫn là những môn đồ trung kiên của Lênin, con người đã để lại câu nói gớm ghiếc là "chính quyền vô sản không bị trói buộc bởi bất cứ luật pháp nào". Nhưng việc họ gia tăng mức độ thô bạo, cũng như việc họ đã là chính quyền duy nhất trên thế giới long trọng kỷ niệm 100 năm Cách Mạng Tháng 10 Nga, không biểu lộ sự tự tin như họ muốn dư luận hiểu. Họ không có bất cứ lý do nào để tự tin cả. Họ đang khốn đốn về mọi mặt và phân hóa trong nội bộ. Thái độ lì lợm và thách đố của họ chỉ tố giác một tâm lý tuyệt vọng của kẻ tự thấy không còn gì để mất vì không còn lối thoát nào và chọn lựa duy nhất là cố gắng kéo dài thêm được ngày nào hay ngày đó. Tuy vậy ngay cả trong sự tuyệt vọng này họ cũng đã lúng túng. Họ đã phải điều đình với các nạn nhân như người ta có thể thấy rõ ràng trong vụ Phan Kim Khánh. Họ còn tuyệt vọng hơn họ tưởng. Ông bà ta có câu "thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ khốn cùng liều thân". Nhưng hai cái "sợ" đó khác nhau. Chúng ta phải thận trọng nhưng không có lý do để bỏ chạy.
…đến nhận thức của các luật sư
Điều cần được nhìn rõ hơn, để nghĩ lại, là cách suy nghĩ và ứng xử của các luật sư.
Cả hai luật sư Võ An Đôn và Nguyễn Khả Thành, mà thiện chí và sự chân chính không thể bị ngờ vực, đều nói rằng bản án mười năm tù với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là quá nặng. Như vậy nếu tòa chỉ xử Như Quỳnh một hay hai năm tù là được ? Dứt khoát là không. Như Quỳnh hoàn toàn vô tội. Chính quyền cộng sản phải trả tự do tức khắc và còn phải bồi thường thiệt hại cho Như Quỳnh. Không ai phải chứng minh là mình vô tội cả, chính người buộc tội phải chứng minh sự sai phạm. Nhưng chính quyền cộng sản đã không chứng minh được gì cả mà chỉ nói một cách hàm hồ là Như Quỳnh có tội. Như thế thái độ đúng của các luật sư là phải khẳng định Như Quỳnh hoàn toàn vô tội và phải được bồi thường chứ không phải là mong Như Quỳnh được xử án nhẹ. Dĩ nhiên dưới một bạo quyền thì sự mong muốn khiêm tốn này có thể hiểu được nhưng nói ra là một chuyện khác. Lẽ phải bao giờ cũng cần được khẳng định, trước hết bởi những người có chức năng bảo vệ nó.
Những phát biểu của luật sư Hà Huy Sơn đáng quan tâm hơn nhiều. Ông can thiệp trong cả hai vụ án này và trong cùng thời điểm, nhân vụ ca sĩ Mai Khôi trưng biểu ngữ chống Donald Trump, ông cũng đã lên tiếng. Dù không chất vấn thiện chí ông, cũng phải nói là luật sư Hà Huy Sơn đã có những ngộ nhận rất lớn.
Về việc khuyên Như Quỳnh nhận tội và xin khoan hồng -và có mọi triển vọng là ông cũng đã khuyên Phan Kim Khánh như thế- luật sư Hà Huy Sơn nói rằng ông đã làm như vậy vì lo cho các thân chủ nhưng quyết định là của họ. Ngay cả nếu xuất phát từ lòng tốt thì đây cũng vẫn là một điều mà một luật sư không được quyền làm.
Bổn phận của luật sư là chứng minh rằng một người bị buộc tội oan là vô tội chứ không phải là khuyên người bị oan nên nhận tội. Có thể trên thực tế trước một bạo lực quá đồ sộ thái độ thông cảm được là van xin để thoát hiểm, nhưng ngay cả trong trường hợp này khuyên nạn nhân van xin cũng chỉ có thể là công việc của gia đình và bè bạn chứ không thể là của luật sư. Luật sư Hà Huy Sơn đã hiểu lầm vai trò của mình. Các luật sư có lòng tốt và sự dũng cảm bảo vệ các nạn nhân của bạo quyền rất đáng quý trọng, nhưng họ sẽ còn đáng quý trọng hơn và phục vụ lẽ phải hiệu quả hơn nếu hiểu việc mình làm. Họ có lẽ phải và luật pháp quốc tế với mình, họ không cần quá khiêm tốn. Những người mà họ bảo vệ tranh đấu cho thắng lợi của các giá trị cao cả chứ không tranh đấu để rồi nhận tội và xin khoan hồng, để được ở tù 5 năm thay vì 10 năm.
Luật sư Hà Huy Sơn cũng nói, nhân vụ Mai Khôi, rằng "Lợi ích của dân tộc cao hơn mọi quyền biểu đạt cá nhân. Quan trọng hơn là nội dung biểu đạt lại đi ngược với lợi ích đất nước". Đây cũng là một ngộ nhận lớn. Quyền phát biểu là một quyền cụ thể có định nghĩa rõ ràng mà người ta có thể hành xử chỉ trừ khi xâm hại tới một hay nhiều quyền cụ thể của một hay nhiều người khác, trong khi "lợi ích dân tộc" là một khái niệm tuy có thật nhưng có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau và do đó không thể so sánh với quyền.
Một thí dụ cụ thể là một quan điểm về lợi ích dân tộc của chính luật sư Hà Huy Sơn trong một phát biểu trên Facebook. Ông Sơn cho rằng việc xóa bỏ khối thặng dư thương mại hơn 30 tỷ USD của Việt Nam đối với Hoa Kỳ sẽ có lợi cho Việt Nam vì như thế Việt Nam sẽ không còn khả năng nhập siêu đối với Trung Quốc, nhưng một người theo dõi hoạt động kinh tế có thể nghĩ khác. Người này lý luận rằng Việt Nam sở dĩ xuất siêu sang Mỹ là nhờ gia công hàng hóa Trung Quốc, thậm chí bán hàng Trung Quốc mang nhãn made in Vietnam. Chính nhờ vậy mà Việt Nam có được một chút lời và Trung Quốc cũng cần Việt Nam hơn, nếu không Việt Nam sẽ mất tiền và Trung Quốc cũng sẽ không còn lý do để nương tay đối với Việt Nam.
Thí dụ này cho thấy lợi ích dân tộc là một khái niệm có thể tranh cãi. Như vậy ai có "quyền" quyết định thế nào là lợi ích dân tộc và đặt nó lên trên tự do cá nhân ? Nếu bảo rằng đó là chính quyền thì chẳng còn gì để nói. Vả lại đối với một luật gia thì không thể có bất cứ gì cao hơn quyền cả. Bổn phận của một chính quyền là làm thế nào để quyền lợi quốc gia không mâu thuẫn với các quyền con người chứ không thể giới hạn các quyền nhân danh một nhận định chủ quan về lợi ích dân độc.
Cũng phải nói đến một hiểu lầm khác của luật sư Hà Huy Sơn. Trong một phát biểu khác cũng trên FaceBook ông viết : "Chính trị bao giờ cũng nằm trên và quyết định pháp luật. Ở xã hội văn minh thì pháp luật tiệm cận chính trị. Ở Việt Nam khoảng cách đó còn xa". Sai lầm hoàn toàn và nguy hiểm. Không có có gì cao hơn luật pháp cả vì một lý do hiển nhiên là luật pháp là sự thể hiện của cái đúng, của lẽ phải trong sinh hoạt xã hội và không thể có bất cứ gì cao hơn lẽ phải cả. Đây là một đề tài triết lý chính trị đã có đồng thuận.
Cách đây 24 thế kỷ Plato đã từng nói không có gì cao hơn lẽ phải, thượng đế mà không đúng cũng không cần nghe theo. Và vì luật là sự thể hiện của lẽ phải trong đời sống xã hội nên luật phải đúng. Cũng chính Plato đã nói một câu mà chưa ai có thể phản bác : "luật không đúng không phải là luật". Không có gì có thể cao hơn luật pháp cả. Chính trị là công tác quản lý các việc chung trong xã hội và phải ở dưới pháp luật như tất cả mọi hoạt động khác. Không những thế nó còn phải dừng lại ở biên giới của không gian cá nhân. Có lẽ vì sinh ra và trưởng thành trong sự lộng hành của chế độ độc tài cộng sản, trong đó luật được soạn thảo và thi hành một cách tùy tiện mà một số anh em lầm tưởng rằng chính trị cao hơn luật pháp nhưng đây là một ngộ nhận lớn. Cuộc đấu tranh cho dân chủ chính là để đánh tan ngộ nhận này. Để luật thể hiện đúng lẽ phải và được tôn trọng.
Trong nhận thức của một số luật sư có nhiều điều cần được xét lại. Mong rằng những dòng trên đây không được coi là những phê phán đối với các luật sư Võ An Đôn, Nguyễn Khả Thành và nhất là Hà Huy Sơn. Tôi tin họ đều có thiện chí và đều có ước vọng dân chủ cho đất nước. Mong các bạn coi đây là những đóng góp trong tình anh em để chúng ta cùng nhìn rõ hơn và cùng đóng góp hiệu quả hơn cho đất nước và cuộc vận động dân chủ. Và những gì tôi nói cũng có thể sai hay cần được bổ túc.
Hai điều cơ bản
Kể từ năm 1976 Công Ước Quốc Tế Về Nhân Quyền (The International Bill of Human Rights) -gồm Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập, Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị và Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa- đã có giá trị của một bộ luật quốc tế mà mọi quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc đều phải tôn trọng. Trong luật quốc tế này các quyền tự do cá nhân đã được định nghĩa rất rõ ràng. Chúng có giá trị cao nhất và không thể chuyển nhượng. Các anh em dân chủ đang mắc nạn -Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phan Kim Khánh, Nguyễn Văn Hóa, Trần Thị Nga, các anh em thuộc Hội Anh Em Dân Chủ và nhiều anh em khác- đều đã chỉ sử dụng một phần và một cách khiêm tốn các quyền này. Họ hoàn toàn vô tội. Điều này cần được nói ra và nhấn mạnh trong các phiên tòa chính trị sắp tới.
Để chúng ta vững tin bảo vệ các anh em dân chủ mắc nạn đã hoặc sắp có thể bị xử những bản án rất nặng có lẽ cũng nên nhắc lại ba đặc tính nền tảng của khái niệm Quyền.
Một là, Quyền thuộc về luật và vì thế nó ở trên tất cả. Nó phải thẳng thắn, nó không thể chấp nhận thỏa hiệp trên những điểm cơ bản, nếu không nó không còn là quyền.
Hai là, Quyền luôn luôn đối nghịch với thực tại vì người ta chỉ viện dẫn quyền trước một thực tại không vừa ý. Như vậy nhân danh thực tại để nhân nhượng và hy sinh quyền là một thái độ đầu hàng hèn nhát ; quyền đòi hỏi nhìn thực tại với con mắt của con người chứ không chấp nhận để nhìn con người từ thực tại, sự phản kháng là cốt lõi của quyền.
Ba là, Quyền không thể chấp nhận sự vô lý, nó là thành quả của trí tuệ và nó không thể tách ra khỏi sự hợp lý vì trí tuệ là nền tảng chính đáng của nó.
Những gì đúng với khái niệm quyền lại càng đúng với quyền con người bởi vì đó là những quyền bắt buộc nhất. Trong cuộc tranh đấu cho nhân quyền, nhất là trong cương vị của một luật sư bảo vệ những anh em dân chủ, lập trường đúng nhất là không nhân nhượng, đòi hỏi thực hiện tức khắc và trọn vẹn các quyền tự do cơ bản. Chúng ta có lý và có quyền. Chính quyền cộng sản vô lý và phạm pháp. Chính họ phải khiêm tốn.
Đừng nên bi quan nghĩ rằng viện dẫn luật pháp quốc tế chẳng có tác dụng gì với chính quyền lì lợm này bởi vì luật quốc tế về nhân quyền chưa có chế tài. Lẽ phải tự nó có sức mạnh, nhất là khi được nói ra ngay trước mặt những kẻ vi phạm. Các luật sư Việt Nam có khả năng làm điều đó và tạo ra một biến cố lịch sử làm lung lay chế độ độc tài. Sự dũng cảm trước một bạo quyền dĩ nhiên có rủi ro. Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Võ An Đôn đã là những nạn nhân. Tuy vậy không có thiệt hại nào có thể so sánh được với hạnh phúc và niềm tự hào là sống một cách xứng đáng, bổn phận lớn nhất của một đời người.
Các luật sư dụng cụ và các thẩm phán tay sai
Nói về nghề luật tại Việt Nam hiện nay cũng sẽ thiếu sót nếu bỏ qua hai loại người : các luật sư dụng cụ của chế độ và các thẩm phán xét xử những vụ án chính trị.
Phải nghĩ thế nào về những luật sư được cài cắm để quản lý và kiểm soát các đoàn luật sư ? Trường hợp cụ thể là những người đã nhân danh Đoàn Luật Sư Phú Yên xóa tên luật sư Võ An Đôn khỏi danh sách đoàn luật sư và tước bỏ quyền hành nghề của ông Đôn. Những người này biết Võ An Đôn không có lỗi gì nhưng vẫn khai trừ ông theo chỉ thị của công an. Trước Võ An Đôn, nhiều luật sư khác cũng đã mất quyền hành nghề vì cùng lý do. Đây là một vi phạm luật pháp bởi vì trên mặt chính thức liên đoàn luật sư và các đoàn luật sư địa phương là những tổ chức độc lập. Sự vi phạm luật pháp nào cũng nghiêm trọng, nhưng càng nghiêm trọng hơn khi những người vi phạm là những luật sư, nghĩa là những người có chức năng bảo vệ công lý, và hơn nữa khi nạn nhân lại là một đồng nghiệp.
Các thẩm phán xử những vụ án chính trị không quan trọng lắm. Họ không phải là luật gia mà chỉ là những công cụ của công an. Họ thuộc bộ máy đàn áp chứ không thuộc bộ máy tư pháp và sự hiện diện của họ trong ngành tư pháp sẽ chấm dứt cùng với chế độ. Chúng ta không mong đợi gì ở họ nhưng cũng cần nhắc họ về sự nghiêm trọng của việc họ làm khi họ tuyên những bản án tù nặng nề cho những người không chỉ vô tội mà còn là những người, nói chung, dũng cảm, yêu nước và yêu lẽ phải. Họ không thể tự bào chữa là đã chỉ thi hành nhiệm vụ như những giám thị các trại giam. Những người này thực hiện một trách nhiệm chính thức được giao, trong khi họ, thẩm phán, có nhiệm vụ chính thức là xét xử theo luật pháp và lương tâm.
Ngày đó sắp đến
Bổn phận của luật sư là chứng minh rằng một người bị buộc tội oan là vô tội chứ không phải là khuyên người bị oan nên nhận tội.
Cho đến nay đã có bao nhiêu nạn nhân của chế độ này, những dân oan, những người đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền và môi trường, những người bị tù đày, những người bị công an giả làm côn đồ hành hung và bị cô lập trong sinh hoạt kinh tế xã hội ? Rất nhiều. Nhưng phải nhìn nhận là họ đã rất cô đơn. Sau khi Võ An Đôn bị tước quyền hành nghề luật sư đã chỉ có vài đồng nghiệp lên tiếng bênh vực, nhưng cũng có những người mỉa mai.
Xã hội Việt Nam đã không chứng tỏ sự liên đới đáng lẽ phải có. Hình như chúng ta đã trở thành một dân tộc thực tiễn. Từ chỗ bị đàn áp, người Việt Nam, kể cả trí thức, hình như đã định cư trong thân phận bị đàn áp. Đất nước Việt Nam trở thành một vùng đất buồn trong đó không phải cái đúng và cái hay mà cái gian và cái dở ngự trị. Chúng ta tự hào có bốn nghìn năm văn hiến nhưng là một trong những dân tộc cuối cùng trên trái đất vẫn còn bị từ chối những quyền căn bản nhất của con người. Cách đây một tháng chế độ cộng sản Việt Nam đã là chế độ duy nhất mà những người lãnh đạo long trong kỷ niệm cuộc Cách Mạng Tháng 10 Nga và xếp hàng kính cẩn đặt hoa trước tượng đài Lenin. Tất cả chúng ta, dù thuộc thành phần nào và ở trong hay ngoài nước, cũng đều có trách nhiệm và đều phải xấu hổ vì những con người tầm thường như vậy về cả khả năng, trí tuệ, lẫn nhân cách vẫn còn duy trì được một ách thống trị nghiệt ngã trên đất nước ta mà không gặp một sức kháng cự đáng kể nào.
Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm, nhưng nếu có những thành phần phải chịu trách nhiệm hơn cả thì tập thể luật sư là một. Cứu cánh của nghề luật sư là bảo vệ công lý, nghĩa là góp phần để luật pháp ngày càng thể hiện lẽ phải một cách đúng hơn và được thi hành một cách trung thực hơn, nhưng cho đến một ngày gần đây tập thể luật sư đã làm gì ? Đã có bao nhiêu luật sư lên tiếng về sự mơ hồ và tùy tiện của các điều 79, 88, 258 của bộ luật hình sự ? Đã có bao nhiêu luật sư lên tiếng trước những phiên tòa bịp bợm được dàn dựng lên để bách hại những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ? Cụ thể hơn đã có bao nhiêu luật sư dám nhận bào chữa cho họ, dù đó là trách nhiệm và đạo lý nghề nghiệp của các luật sư ? Câu trả lời là rất ít cho tới một ngày khá gần đây và lý do không phải chỉ thuần túy là sự nhát sợ. Những ngộ nhận về luật pháp mà tôi vừa nêu trên qua phát biểu của các luật sư Võ An Đôn, Nguyễn Khả Thành và Hà Huy Sơn cũng đã có vai trò quan trọng.
Nhiều người đặt câu hỏi đến bao giờ thì chế độ bạo ngược này mới cáo chung và đất nước mới có dân chủ ? Một trong những cách trả lời là : "ánh sáng sẽ ló dạng cuối đường hầm khi các luật sư nhập cuộc". Kinh nghiệm của các dân tộc đã cho thấy rằng tập thể luật sư trong một chế độ độc tài chỉ có hai vai trò, hoặc là dụng cụ của chế độ hoặc là lực lượng chống đối nòng cốt, chứ không thể khác. Kinh nghiệm các cuộc đấu tranh cho dân chủ cũng chứng tỏ tập thể luật sư là một trong những thành phần nghề nghiệp nhập cuộc vận động dân chủ sớm nhất bởi vì họ chính là một trong những thành phần có lương tâm đau nhức nhất trong một chế độ chà đạp nhân quyền. Kinh nghiệm cũng cho thấy là khi đã có khoảng 10% số luật sư nhập cuộc thì cả tập thể luật sư sẽ bị lôi kéo theo. Việt Nam hiện có khoảng 10.000 luật sư, chúng ta cần khoảng một ngàn người thức tỉnh và quyết sống như những luật sư xứng đáng.
Có khó quá không ? Tôi nghĩ là không. Tâm lý xã hội Việt Nam đang thay đổi. Cách đây mười năm rất khó tìm một luật sư nhận bào chữa cho một người bị buộc tội chống nhà nước. Ngày nay phải chọn lựa giữa những luật sư sẵn sàng bào chữa, thậm chí bào chữa miễn phí. Tập thể luật sư Việt Nam đã chuyển động. Và cũng đã có một luật sư, Võ An Đôn, dám thách thức chế độ với cái giá phải trả là bị cấm hành nghề.
Ngày đó sẽ đến và sắp đến.
Nguyễn Gia Kiểng
(08/12/2017)