Báo chí Pháp ra ngày 23/08/2019 dĩ nhiên đã quan tâm nhiều đến Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở ra tại Biarritz, thành phố miền tây nam nước Pháp kể từ ngày 24/08. Về Châu Á, chỉ có tình hình Hồng Kông tiếp tục được chú ý.
Người biểu tình Hồng Kông lập "dây chuyền người" để đòi cải cách chính trị trên Đại lộ Những ngôi sao ở Hồng Kông, ngày 23/08/2019. Reuters/Thomas Peter
Trong một bài viết, Le Monde nói về nỗi lo ngại gia tăng của cư dân Hồng Kông trước cách hành xử độc đoán của Trung Quốc trong vụ nhân viên của lãnh sự quán Anh Trịnh Văn Kiệt (Simon Cheng).
Theo Le Monde, việc Trung Quốc hôm 21/08 xác nhận đã bắt giữ ông Trịnh Văn Kiệt (Simon Cheng), nhân viên của lãnh sự quán Anh tại Hồng Kông, mất tích từ hôm 08/08 khi đi qua Thẩm Quyến, đã làm cho người Hồng Kông thêm lo ngại. Họ đã thấy thêm bằng chứng về việc Trung Quốc ngày càng khống chế Hồng Kông của họ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh đây là chuyện nội bộ Trung Quốc, ông Trịnh không có quốc tịch Anh. Ông được sinh ra ở Hồng Kông, là công dân của vùng bán tự trị, nhưng có hộ chiếu "lãnh thổ hải ngoại Anh", cấp cho những người ở thuộc địa cũ khi có yêu cầu, lúc Hồng Kông - "Hương Cảng" - được trao trả lại cho Bắc Kinh năm 1997.
Tài liệu đó không cho phép cư trú tại Anh nhưng có quyền tự do đi lại, đến Anh và được sự bảo vệ của lãnh sự Anh ở nước ngoài. Trung Quốc không công nhận quốc tịch đôi, do đó khi qua biên giới, ông Trịnh dùng giấy thông hành Trung Quốc.
Người biểu tình ở Hồng Kông càng lo ngại về cách hành xử độc đoán của Trung Quốc khi nhớ lại rằng năm 2015, năm người của một hiệu sách chuyên xuất bản những tác phẩm công kích chính quyền Bắc Kinh, đã bị bắt đi mất tích trước khi xuất hiện trên đài truyền hình Nhà nước, tự kiểm điểm, ăn năn hối lỗi. Sau đó đến vụ hai người Canada, một doanh nhân và một cựu nhà ngoại giao, sau khi giám đốc tài chính của Hoa Vi bị bắt giữ ở Vancouver.
Bối cảnh này khiến người ta lo ngại đến Hoa Lục, doanh nhân hay nhà nghiên cứu, sợ bị bắt làm con tin trong tình hình chính trị căng thẳng. Nhiều nhà nghiên cứu Châu Âu về Trung Quốc hiện đang ở Hồng Kông đã thú nhận với Le Monde rằng họ rất thận trọng và tránh đi qua bên kia biên giới trong lúc này.
Macron đi dây tại Thượng đỉnh G7
Về Hội Nghị Thượng Đỉnh G7 mở ra tại Biarritz, nhật báo Les Echos đã dành tựa lớn trang nhất cho sự kiện này, và nhận thấy tổng thống Pháp "Macron trong vai trò người đi dây tại Thượng đỉnh G7 ở Biarritz".
Les Echos ghi nhận : Tổng thống Pháp vào cuối tuần này sẽ đón lãnh đạo 7 cường quốc thế giới, những nước "công nghiệp hóa nhất". Với các nội dung như thuế quan quốc tế, kinh tế chậm lại, khí hậu, đối tác với Châu Phi… nằm trong chương trình thảo luận, hội nghị được dự báo là rất gay go.
Theo tờ báo Pháp, ông Macron là một lãnh đạo thực tiễn và thực tế. Ông biết là sẽ không có đồng thuận, cho nên đã quyết định là sẽ không có thông cáo chung nào được công bố vào cuối hội nghị thượng đỉnh. Trước báo giới hôm 21/08, ông Macron giải thích không muốn những bất đồng bị nêu bật.
Trong tình hình này, Les Echos dự đoán có lẽ sẽ chỉ có những thông cáo cục bộ, tùy theo những điểm đồng thuận. Hội nghị G7 lần này do đó sẽ trở lại với những cuộc thảo luận không chính thức, những trao đổi song phương về những chủ đề quốc tế lớn và cố san bằng bất đồng quan điểm.
Và G7 cũng không tránh việc mời lãnh đạo khác tham gia. Donald Trump chủ trì G7 năm 2020 đã gợi ý mời Nga trở lại. Tại Biarritz, nhiều lãnh đạo Châu Phi cũng như Úc và Chile, Tây Ban Nha, Ấn Độ được mời tham gia vào các buổi làm việc.
G7 và các mục tiêu của Macron
Le Monde cũng đề cập đến Thượng đỉnh G7 ở trang nhất, nhưng lồng sự kiện này vào trong những mục tiêu hành động sắp tới của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tựa lớn trang nhất tờ báo Pháp nêu bật : "G7, Brexit, hưu bổng : Các mục tiêu của Macron".
Le Monde ghi nhận là hôm 21/08, tổng thống Pháp đã phát triển kỹ lưỡng quan điểm của ông về các thách thức lớn trên thế giới, điều sẽ được ông nêu lên nhân ba ngày thượng đỉnh G7 tại Biarritz từ 24-26/08.
Về hồ sơ nóng bỏng là Brexit, tổng thống Pháp cho hiểu là ông sẽ cứng rắn hơn nhiều với tân thủ tướng Anh, trái với thủ tướng Đức Angela Merkel.
Trong vai trò chủ nhà, tổng thống Pháp cũng sẽ phải dấn thân vào các vấn đề như căng thẳng Iran-Hoa Kỳ, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, và tính chất cấp bách của việc chống biến đổi khí hậu. Đối với Le Monde, đó là những chủ đề lớn sẽ chi phối Thượng đỉnh G7 ở Pháp, trong bối cảnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới này bị chia rẽ hơn bao giờ hết.
Le Monde cũng đề cập đến hoạt động của giới chống toàn cầu hóa, tức là chống G-7. Tờ báo ghi nhận một "Phản Thượng đỉnh G7" đã được tổ chức gần nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh chính thống, và những người tổ chức hội nghị này muốn liên kết phong trào đấu tranh xã hội với những người bảo vệ môi trường và sinh thái.
Hai chi tiết được Le Monde nêu bật : Lực lượng cảnh sát dày đặc được triển khai để bảo đảm an ninh cho hội nghị, và một cuộc biểu tình của phe chống G7 được dự trù vào thứ Bẩy 24/08.
Internet thành mỏ vàng mới của dân lừa đảo
Rời xa địa hạt chính trị quốc tế, các tờ báo lớn còn lại ở Pháp chú ý đến các đề tài xã hội. Nhật báo công giáo La Croix chẳng hạn, đã chú ý đến hiện tượng lừa đảo tràn lan trên mạng internet với hàng tựa lớn trang nhất đầy mỉa mai : "Mỏ vàng mới của giới lừa đảo trên Internet", nói về hiện tượng "tấn công giả mạo", tiếng Anh gọi là phishing, được đánh giá là một nguy cơ lớn, và biết cải tiến.
Phishing là một trong những mối đe dọa tin tặc lớn nhất trên internet. Loại lừa đảo này, ban đầu được nhận diện qua các mail, ngày càng trở nên tinh tế. Việc phòng ngừa trở thành phương tiện chính để chống lại chúng.
"Bưu điện hiện nay đang là nạn nhân của các hoạt động lừa đảo, mời gọi khách hàng trả tiền để nhận một gói hàng, hoặc tham gia các trò chơi có thưởng". Từ vài ngày qua, lời cảnh báo này được bưu điện đưa lên trang web của mình. Khi nhấp chuột vào để tìm hiểu thêm, khách hàng bị dính trò lừa phishing.
Bưu điện không phải là một trường hợp đơn lẻ. Không ngày nào mà không có những cá nhân, cơ quan hành chính hay doanh nghiệp trở thành nạn nhân. Hôm thứ Ba 20/8, cơ quan thuế vụ nhìn nhận tin tặc vào cuối tháng Sáu đã xâm nhập vào khoảng 2.000 tài khoản để sửa đổi lại nội dung khai báo của người chịu thuế. Hồi đầu năm, nhiều công viên giải trí, trong đó có Le Puy du Fou và Futuroscope, đã phải đối đầu với một chiến dịch phishing dưới dạng một thông báo giả mạo được đưa lên mạng xã hội, hứa hẹn vé vào cửa miễn phí.
Theo dữ liệu năm 2018 của trang web cybermalveillance.gouv.fr, đây là mối đe dọa tin tặc phổ biến nhất ở các cá nhân (25%), tập thể (20%), còn với các công ty thì đứng thứ nhì (14%).
Đình công lan rộng trong giới cấp cứu
Le Figaro cũng dành hồ sơ chính và tựa lớn trang nhất cho một đề tài xã hội : "Tại các bệnh viện, cuộc khủng hoảng trong giới cấp cứu bắt đầu bám rễ".
Tờ báo ghi nhận là khởi sự từ đầu tháng 3 tại các khoa cấp cứu thuộc các bệnh viện ở vùng Paris. Cuộc đình công của các nhân viên hoạt động trong ngành cấp cứu hiện đã lan ra 217 bệnh viện trên khắp nước Pháp. Phong trào đình công có nguy cơ lan rộng hơn nữa.
Đối với Le Figaro, căn bệnh mà các khoa cấp cứu mắc phải đã được chẩn đoán : Dịch vụ bị ùn tắc, nhân viên làm việc quá sức, tệ nạn bạo lực nhắm vào giới y tá…, thế nhưng thuốc chữa, vì chưa tìm ra, nên chưa được phân phát. Điều này khiến cho giới làm việc trong ngành cấp cứu nổi giận.
Le Figaro đã nêu bật đà lan rộng của làn sóng bất bình : Khởi sự vào đầu tháng 3 tại khoa cấp cứu bệnh viện Saint-Antoine ở Paris, phong trào đã lan ra 65 bệnh viện trong tháng Năm, và hiện tại, con số cơ sở bị ảnh hưởng đã lên đến hơn 200.
Thông báo vào tháng 7 của Bộ trưởng Bộ Y Tế về giải ngân 70 triệu euro tiền phụ cấp đã không xoa dịu được tình hình.
Lý do, theo Le Figaro, đó là vì những vấn đề mà các khoa cấp cứu gặp phải quá nghiêm trọng để có thể được giải quyết chỉ bằng một tấm ngân phiếu. Ngoài ra còn có tình trạng thiếu bác sĩ đa khoa để làm việc tại các khoa cấp cứu, cộng thêm với việc nghề này không có sức hấp dẫn. Hiện hàng trăm chỗ làm trong ngành này vẫn không có người nhận.
Đà vươn lên của giới triệt để bảo vệ loài vật
Sau cùng, nhật báo Libération cũng khai thác một vấn đề xã hội đang nhức nhối : cuộc đối đầu "khốc liệt" giữa phe bảo vệ loài vật một cách triệt để và những người bảo vệ thói quen ăn thịt, giới làm xiếc cần dùng đến thú vật, hay giới thợ săn.
Libération cho biết ngày mai, thứ Bảy 24/08 là Ngày Thế Giới vì sự chấm dứt phân biệt đối xử theo loài, trong bối cảnh những tháng gần đây, phản ứng lại một số hoạt động đấu tranh thô bạo, giới chuyên môn trong ngành và chính quyền đã trở nên cứng rắn hơn.
Lò sát sinh, trại chăn nuôi, cửa hàng thịt, rạp xiếc hay các khu vực săn bắn đã trở thành "chiến trường" của những người ủng hộ và phản đối.
Ngày 24/08, từ Nam Mỹ, Canada, Hoa Kỳ cho đến Ấn Độ, Đức và nhiều địa phương tại Pháp, sẽ có những cuộc tập họp và các hoạt động nhằm tố cáo mọi sự phân biệt đối xử đối với các loài, đòi hỏi phải quan tâm đến lợi ích của loài vật.
Những người đấu tranh phản đối mọi trật tự cao thấp giữa các giống loài, trong đó loài người ở hàng cao nhất. "Tầm nhìn" này phổ biến trong số những người bảo vệ súc vật hoặc chủ nghĩa thuần chay.
Nhưng giới nông gia, các nhân tố trong chuỗi sản xuất thịt, liên đoàn những người săn bắn, các tổ chức ủng hộ đấu bò… cũng đã tổ chức lại để đối phó. "Để cứu một nông dân, hãy xơi một người thuần chay" - khẩu hiệu này trên trang web của Cơ quan điều phối nông thôn như một lời tuyên chiến.
Sở dĩ nghiệp đoàn nông dân nổi giận là vì Aymeric Caron, nhân vật hàng đầu của phong trào đấu tranh chống phân biệt đối xử theo loài, được mời dự hội nghị mùa hè của đảng Sinh thái - xanh Châu Âu (EE-LV) tại Toulouse. Tệ hơn nữa là Brigitte Gothière, đồng sáng lập hiệp hội L214, "kẻ thù" của các nhà chăn nuôi, cũng được mời dự.
Nghiệp đoàn nông dân cho biết cũng sẽ có mặt để bảo vệ "các giá trị" của mình, còn người phụ trách ngành thịt cảnh báo : "Sẽ có một kết thúc tệ hại". Ông cho biết : "Ngày nào tôi cũng nhận được các cuộc gọi của những người chăn nuôi bực tức vì lại có những video mới của phe chống ‘đẳng cấp loài’, hoặc những vụ xâm nhập vào trại chăn nuôi. Quan hệ đang căng thẳng".
"Việc Đài Loan vũ trang gây căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ", đó là tựa đề bài viết trên Les Echos hôm nay. Washington đã bật đèn xanh cho việc bán 66 phi cơ tiêm kích F-16 hiện đại cho Đài Loan, tổng trị giá 8 tỉ đô la. Hợp đồng còn bao gồm 75 động cơ, radar và nhiều loại phụ tùng thay thế khác nhau.
Những đặc điểm của chiến đấu cơ F-16 do Không lực Đài Loan sở hữu. Ảnh minh họa
Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh thương vụ này "phù hợp với cam kết của Hoa Kỳ giúp Đài Loan duy trì khả năng tự vệ", còn ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố : "Chúng tôi chỉ làm tròn lời hứa". Tuy còn phải thông qua Quốc hội, nhưng thương vụ được sự ủng hộ của cả hai đảng.
Với phi đội tiêm kích tương đối cũ gồm hàng trăm chiếc F-5, khoảng 60 chiếc Mirage 2000 của Pháp và 150 chiếc F-16, từ lâu Đài Bắc vẫn mơ có được những chiến đấu cơ mới. Tất nhiên là Bắc Kinh kịch liệt phản đối, dọa sẽ trừng phạt các công ty Mỹ liên quan.
Hồi tháng Giêng, Tập Cận Bình đã tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực để chiếm Đài Loan. Tháng Tư, Đài Bắc tố cáo hai máy bay tiêm kích J-11 xâm phạm không phận Đài Loan, và đến tháng Bảy, Bắc Kinh loan báo triển khai một phi đội tàng hình J-20 gần bờ biển Đài Loan. Phải chăng sự kiện này đã mở ra một chương mới trong cuộc xung đột Mỹ-Trung ?
Từ khi mới bước chân vào Nhà Trắng, ông Donald Trump đã coi Đài Loan là một trong những công cụ để gây áp lực lên đối thủ Trung Quốc. Tháng 12/2016, vài tháng sau khi trở thành tổng thống, ông đã có cuộc điện đàm với bà Thái Anh Văn, đây là cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên từ khi kết thúc quan hệ ngoại giao với đảo quốc năm 1979. Thương vụ F-16 loan báo hôm thứ Ba, tiếp nối hợp đồng 2,2 tỉ đô la bán 108 xe tăng tác chiến và 250 hỏa tiễn địa-không.
Thật ra thương vụ này đã được thảo luận từ nhiều năm qua, thay đổi tùy theo quan hệ Mỹ-Trung và năng lực ngân sách của Đài Loan. Từ khi lên làm tổng thống, bà Thái Anh Văn đã chi ra nhiều tỉ đô la cho quốc phòng. Với phiên bản mới nhất F-16 Block 70/72 vừa mua được, Đài Loan có bước nhảy vọt. Tuy nhiên do không phải là đồng minh chính thức của Hoa Kỳ, Đài Bắc không thể sở hữu phi cơ tàng hình F-35 mới nhất. Với F-16, Washington khiến Bắc Kinh bực tức nhưng không làm thay đổi tương quan lực lượng hiện nay.
Mỹ sẽ không bảo vệ kịp đồng minh ở Thái Bình Dương ?
Cũng về quân sự, Les Echos cho biết "Washington bị Bắc Kinh qua mặt ở Thái Bình Dương". Báo cáo của một viện nghiên cứu Úc nhận định, lực lượng Mỹ đã bị mất đi ưu thế vượt trội trong khu vực trước Trung Quốc.
"Bị vượt qua một cách nguy hiểm và thiếu chuẩn bị", đó là kết luận đáng ngại đối với quân đội Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, theo báo cáo được công bố hôm thứ Hai. Theo đó, quân đội Mỹ khó thể yểm trợ các đồng minh trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công. Một kịch bản theo tờ báo là ít có khả năng xảy ra nhưng không thể không nghĩ đến, trước sự bành trướng trên biển của Trung Quốc, nhất là việc quân sự hóa những hòn đảo do các nước láng giềng đòi hỏi chủ quyền.
Đánh giá này cũng rất đáng lo đối với Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, vốn dựa vào sự bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ. Báo cáo cũng cho là Washington không đạt được mục tiêu chiến lược, nêu ra nhiều thập niên xung đột ở Cận Đông và Trung Đông, thiếu đầu tư vào Thái Bình Dương. Tổng thống Obama loan báo "xoay trục sang Châu Á"với mục tiêu đưa 2/3 lực lượng Hải quân sang khu vực này từ nay đến 2020, nhưng triển khai quá chậm.
Ngược lại Trung Quốc đang thách thức trật tự khu vực bằng vũ lực, đầu tư đại quy mô vào các loại vũ khí hiện đại. Dưới thời Tập Cận Bình, ngân sách quốc phòng Trung Quốc theo con số chính thức tăng đến 75%, ở mức 178 tỉ đô la. Đây là ngân sách quân sự lớn thứ nhì thế giới, tương đương 1/10 chi tiêu quốc phòng toàn thế giới.
Báo cáo khẳng định "hầu như toàn bộ các căn cứ của Mỹ và đồng minh, phi đạo, hải cảng… ở Tây Thái Bình Dương" đều bị hỏa tiễn đạn đạo của Trung Quốc đe dọa, và Bắc Kinh có thể chiếm được các lãnh thổ của Đài Loan, các đảo của Nhật Bản hay những đảo khác trên Biển Đông, trước khi lực lượng Mỹ có thì giờ can thiệp.
Tuy vậy, Bắc Kinh chỉ có mỗi một hàng không mẫu hạm là chiếc Liêu Ninh, với năng lực hoạt động thấp hơn rất nhiều so với Mỹ, hiện đang sở hữu 12 chiếc. Hơn nữa, năng lực chiến đấu của quân Trung Quốc vẫn còn là ẩn số, sau thất bại trong cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979.
Thương chiến Mỹ-Trung đè nặng lên các nước mới nổi
Về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, theo Les Echos, những hậu quả đang đè nặng lên các quốc gia mới nổi.
Trong khi Bắc Kinh cố gắng hạn chế thiệt hại, Ấn Độ, New Zealand, Thái Lan cũng cố bơm thêm oxy cho nền kinh tế. Nga điều chỉnh tỉ lệ tăng trưởng năm nay, giảm xuống 0,4%. Nhưng các nước Châu Mỹ la-tinh chịu thiệt nhiều nhất, từ Mêhicô cho tới Brazil GDB đều chỉ tăng dưới mức 1%.
Kinh tế thế giới phập phồng theo với mức độ xung đột Mỹ-Trung. Mỹ đánh thêm thuế vào hàng Trung Quốc hay một Brexit không thỏa thuận đều làm suy giảm lòng tin của các nhà đầu tư. Một tình hình đáng ngại nữa là nợ công : tổng nợ công của các nước mới nổi đã lên đến 69.100 tỉ đô la, tương đương 216% GDB.
Cuộc chạy đua Mỹ-Trung về trí tuệ nhân tạo
Trên một lãnh vực khác, trong bài viết ở trang Diễn đàn mang tựa đề "Trí tuệ nhân tạo : Tình trạng ganh đua giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc và hy vọng của Pháp", tác giả Arnaud Barthélemy, thuộc một quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên về trí tuệ nhân tạo (AI) trên Le Figaro nhận định giữa hai người khổng lồ đang tranh giành vị trí hàng đầu trong lãnh vực này, vị trí của Pháp không đến nỗi tệ.
Theo tác giả, AI vẫn là một chủ đề ít được biết đến vì khá phức tạp. Cụm từ "trí tuệ nhân tạo" thường được dùng cả cho những khái niệm rộng hơn trong kỹ thuật số, trong khi đây là khả năng của một thuật toán tự học hỏi được từ kết quả quyết định của mình. Máy móc học rất nhanh, nhưng lại dở, nhiều trách vụ của bộ óc con người vẫn còn xa tầm tay với.
Tuy vậy AI vẫn sẽ làm đảo lộn nhiều lãnh vực như y tế, tài chính thậm chí về quân sự, an ninh. Đây là trung tâm của sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Washington và Bắc Kinh đang thống trị lãnh vực AI, tiếp theo là Israel, Anh, Pháp, Đức. Có gần 3.000 công ty khởi nghiệp AI trên thế giới, trong đó 1.400 tại Mỹ, 400 ở Trung Quốc, 360 ở Israel, 250 ở Anh, còn Pháp và Đức mỗi nước có 110 công ty. Riêng Trung Quốc chiếm 3/10 trung tâm AI thế giới (Thâm Quyến, Bắc Kinh, Thượng Hải), còn Châu Âu chỉ có một ở Luân Đôn. Năm 2017, Bắc Kinh đã công bố kế hoạch tiến lên ngang hàng với Mỹ khoảng năm 2020, và trở thành trung tâm AI thế giới từ nay đến 2030.
Trung Quốc là nước duy nhất có những người khổng lồ công nghệ như Mỹ. Đó là Tencent, Alibaba, ByteDance, Baidu, và cả tập đoàn bảo hiểm Bình An hay nhà sản xuất thiết bị bay không người lái DJI, tất cả đều đầu tư ồ ạt vào AI. Số bằng phát minh trong AI của Trung Quốc từ 2013 đến 2017 tăng nhanh hơn Mỹ, việc dữ liệu cá nhân ít được bảo vệ giúp Trung Quốc thu thập được khối lượng dữ liệu khổng lồ, là nguồn nuôi dưỡng cho AI.
Cuộc chiến trí thông minh nhân tạo lệ thuộc vào trí thông minh con người
Tuy vậy Hoa Kỳ vẫn đang giữ vị trí thống trị. GAFA đầu tư rất lớn cho nghiên cứu AI (16 tỉ đô la đối với Amazon trong năm 2017, 14 tỉ với Google). Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, các công ty AI trên thế giới phải chọn phe. Đối với các doanh nghiệp ngoài Châu Á, dù là Israel, Châu Âu hay Canada, sự chọn lựa đứng về phía Mỹ là rất rõ.
Trong AI, Trung Quốc cũng có cùng những khiếm khuyết như trong các lãnh vực khác, trước hết là không thu hút được nhân tài. Trong một lãnh vực mà các tài năng rất hiếm hoi, cuộc chiến về trí thông minh nhân tạo có một nghịch lý là lệ thuộc vào trí thông minh của con người. Thế mà hiếm khi những sinh viên ngoại quốc trong các trường đại học Trung Quốc, các kỹ sư tầm cỡ chịu làm việc tại Trung Quốc. Ngay cả các tập đoàn công nghệ Trung Quốc cũng ít hoạt động ngoài Châu Á. Cuối cùng, với thị truờng nội địa to lớn, họ chỉ tập trung vào dịch vụ đối với người tiêu dùng chứ hiếm khi phục vụ doanh nghiệp.
Đối với Pháp, theo tác giả, cần thu hút các tài năng về AI, các nhân tố chính trong lãnh vực này. Pháp đang có những ưu thế như có nhiều chuyên gia tầm thế giới, chất lượng giảng dạy khoa học, các trường kỹ sư có nhiều ngành đào tạo AI, và sự năng động của các công ty đầu tư mạo hiểm. Bên cạnh đó là chế độ thuế khóa, và cải cách theo hướng đại học được tự trị nhiều hơn…
Syria dưới mưa bom, Putin đến Pháp làm gì ?
Nhìn sang Trung Đông, tác giả Catherine Coquio, đồng sáng lập Ủy ban Syria-Châu Âu bực tức đặt câu hỏi trên Le Monde : "Ông Putin đến Brégançon để làm gì ?"
Thay vì xuống thang như dự kiến ở Sotchi, các cuộc không kích tái diễn ồ ạt tại tỉnh Idlib của Syria, và thành phố Khan Cheikhun, bị tấn công bằng khí độc sarin tháng 4/2017, cũng oằn mình dưới mưa bom. Chỉ riêng từ tháng Năm đến tháng Sáu, đã có 33 bệnh viện, 77 trường học, 46 địa điểm thờ tự và 3 trại tị nạn đã bị không kích, làm ít nhất 518 người chết. Như vậy cuộc gặp ở Brégançon vừa qua, mà ông Vladimir Putin kiên quyết không nhượng bộ về Syria, theo tác giả, là thêm một sự lăng nhục đối với tổng thống Pháp.
Nạn mù tin học cản trở việc số hóa dịch vụ công tại Pháp
Cũng liên quan đến vi tính, Les Echos nhận định"Việc phi vật chất hóa dịch vụ công vấp phải ‘nạn mù tin học’". Các dịch vụ hành chính sẽ hoàn toàn thông qua internet từ năm 2022, nhưng 13 triệu người Pháp vẫn gặp nhiều khó khăn với các công cụ kỹ thuật số.
Đó có thể là một người thất nghiệp bị gạch tên khỏi danh sách vì chưa nhận được mail của người tư vấn, người tàn tật về hưu không có máy tính, hay người nước ngoài phải nộp đơn xin giấy phép cư trú…Trong quá trình phi vật chất hóa dịch vụ công, một số cư dân sẽ bị đứng ngoài.
Hiện nay 19% dân Pháp không có máy vi tính tại nhà, 27% không sở hữu điện thoại thông minh, và trên 500 cộng đồng chưa được kết nối mạng. Nhà nước Pháp dự định dành 10 triệu euro, lập ra 10 trung tâm đào tạo để đối phó với dạng mù chữ mới này, với một thuật ngữ cũng rất mới : "illectronisme".
Cánh tả Pháp, Brexit, khủng hoảng chính trị Ý : Tựa chính báo Pháp
Về thời sự nước Pháp, Les Echos chạy tựa "Chính phủ tung ra cuộc chiến hưu bổng",một cuộc cải cách hứa hẹn nhiều khó khăn. Libération dành trang nhất cho"Người gây rối cánh tả" : nhà lãnh đạo đảng Sinh thái đang muốn đảo lộn bối cảnh chính trị, bất chấp liên minh truyền thống với các đảng cánh tả.
Le Figaro quan tâm đến việc "Boris Johnson đưa Châu Âu đến một Brexit cứng". Được đón tiếp ở điện Elysée hôm nay, thủ tướng Anh muốn đàm phán lại thỏa thuận "ly dị", trong khi Liên Hiệp Châu Âu phản đối việc tái thương lượng.
Tại Ý, Le Monde cho biết"Các đảng tìm cách thành lập một mặt trận chống Salvini để ra khỏi khủng hoảng". Một chính phủ thân Châu Âu với sự tham gia của đảng M5S, đảng Dân Chủ (trung tả) và đảng cánh hữu Forza Italia là một trong những khả năng được cân nhắc. La Croix nhìn sang Bắc Phi, nhận định"Người Algérie vẫn còn hy vọng". Sáu tháng sau khi khởi đầu phong trào phản kháng, người dân Algérie luôn đòi hỏi một sự thay đổi sâu sắc về chính trị.
Thụy My
Thượng đỉnh G7 – nhóm bảy cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới – tại Pháp diễn ra những ngày cuối tuần. Điều tra của Ngân hàng Thế giới : Ô nhiễm nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng. Trên đây là các chủ đề quốc tế lớn của báo Pháp số ra hôm nay.
Thành phố biển Biarritz (Pháp), an ninh siết chặt, trước thượng đỉnh G7 lần thứ 45, 24 đến 26/08/2019@AFP Photos/Iroz Gaizka
Trong ba ngày 24, 25 và 26/08/2019, thành phố Biarritz, miền tây nam nước Pháp, trở thành trung tâm của thế giới, với thượng đỉnh 7 cường quốc công nghiệp. Nhật báo công giáo La Croix dành hồ sơ chính cho thượng đỉnh G7 với tựa lớn trang nhất : "Một thượng đỉnh G7 ở mức tối thiểu", nhấn mạnh đến việc hội nghị diễn ra trong bối cảnh nội bộ khối chia rẽ sâu sắc.
Xã luận La Croix với tựa đề "Một câu lạc bộ có ích, nhưng mong manh" lược lại lịch sử hơn 40 năm tồn tại của G7. G7 từng được coi là một phong vũ biểu phản ánh chuẩn xác "các cân bằng địa-chính trị" và "các vấn đề kinh tế khẩn cấp" của thế giới.
Phong vũ biểu của biến động chính trị thế giới
Giờ đây tình hình đã có nhiều thay đổi. Nổi lên của các đại cường, với nền chính trị độc đoán, trước hết là Nga và Trung Quốc. G7 đã cố hội nhập nước Nga (và trở thành khối G8), nhưng nỗ lực này đã thất bại (sau việc Nga can thiệp vào Ukraine năm 2014). Các nền dân chủ hàng đầu thế giới hiện đang bị tấn công cả từ trong lẫn ngoài. Bên ngoài, "mô hình quản trị đất nước" theo đường hướng dân chủ tự do bị các nền độc tài công khai chống lại. Bên trong, mô hình này "bị sói mòn bởi các thế lực dân túy và quốc gia chủ nghĩa". Các thế lực quốc gia chủ nghĩa coi trường quốc tế là nơi đối đầu giữa "các sức mạnh dân tộc chủ nghĩa vị kỉ".
Tiêu biểu cho xu thế này là tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, với lối hành xử bất thường, gây chia rẽ và thậm chí làm mất ổn định trầm trọng khối G7, trong lúc "mệnh lệnh khẩn cấp hiện nay là tăng cường và cải cách cơ chế đa phương quốc tế".
Duy trì "không gian đối thoại liên lục địa"
La Croix bày tỏ hy vọng trước hết là các nước G7 Châu Âu tìm được sự thống nhất để duy trì "không gian đối thoại liên lục địa này". Nhật báo công giáo khẩn thiết nhấn mạnh đến vai trò của G7, cho dù chỉ là một định chế quốc tế trong số các định chế khác, nhưng trong dòng lịch sử đã biết vượt qua việc chỉ nhất nhất bảo vệ lợi ích riêng của các quốc gia thành viên để hướng đến "các vấn đề mang tính toàn cầu – thương mại, tiền tệ, thuế khóa, phát triển, khí hậu, bình đẳng nam nữ". "Lợi ích chung giờ đây đòi hỏi các nền dân chủ phải vững mạnh và đoàn kết".
Vẫn theo La Croix, trong bài "Tại Biarritz, thượng đỉnh G7 đi tìm sự thống nhất". Trong bối cảnh G7 bị chia rẽ chưa từng thấy, vai trò của Pháp – quốc gia chủ nhà – đột ngột trở nên quan trọng. La Croix nhắc lại, tại thượng đỉnh G7 lần trước ở Québec, Canada, "thượng đỉnh kết thúc với một thỏa thuận mong manh", nhưng ngay khi lên máy bay về nước, tổng thống Mỹ - sau khi biết bị thủ tướng Canada chỉ trích tại họp báo bế mạc, đã lên án lãnh đạo Canada Justin Trudeau là một kẻ "bất lương và hèn nhát" và quyết định rút chữ ký khỏi tuyên bố chung. La Croix đặt câu hỏi : "Làm thế nào để tránh được một kịch bản kinh hoàng như vậy lặp lại ?".
Chấm dứt ảo tưởng G7 thống nhất
Một mong đợi chủ yếu của Pháp là các quốc gia thành viên G7 (trước hết là Mỹ) tại G7 lần này sẽ không phơi bày các bất đồng trầm trọng về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khủng hoảng hạt nhân Iran, vấn đề thương mại quốc tế hay việc đánh thuế các tập đoàn kỹ thuật số.
Một nguồn tin từ phủ tổng thống Pháp cho biết, thượng đỉnh G7 lần này sẽ không kết thúc với một tuyên bố chung, thường là rất dài và chi tiết, như thông lệ. Tại Biarritz, các lãnh đạo G7 sẽ chỉ ra một tuyên bố ngắn, và kèm theo là một loạt các văn bản theo từng chủ đề, để các quốc gia nào tình nguyện tham gia ký tên. Điều đó cũng có nghĩa là chấm dứt ảo tưởng về một G7 thống nhất, để nhường chỗ cho các nhóm liên minh có giãn, tùy theo các chủ đề cụ thể, mở cửa cho cả nhiều quốc gia ngoài G7 tham gia. Trong số đại diện của 24 quốc gia khách mời khác, có thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sissi và nhiều lãnh đạo Châu Phi.
Tại thượng đỉnh lần này, Paris muốn huy động nỗ lực quốc tế tập trung vào cuộc chiến chống bất bình đằng nam nữ và hỗ trợ khu vực Sahel, phía nam sa mạc Sahara, Phi Châu, nơi bị khủng bố và biến đổi khí hậu đe dọa. Trước ngày thượng đỉnh khai mạc, tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tiếp các thành viên "Hội đồng tư vấn của G7 về bình đẳng nam nữ", thành lập cách đây một năm. Một loạt biện pháp được để xuất trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, chống bạo lực với phụ nữ hay hỗ trợ phụ nữ Châu Phi có được tài khoản ngân hàng qua mạng (sáng kiến của Quỹ của hai vợ chống Bill Gates).
Thượng đỉnh những người phản đối G7
Thượng đỉnh G7 chưa khai mạc, nhưng tình hình tại chỗ đã nóng lên. La Croix giới thiệu về tâm điểm của phong trào chống G7 lần này nằm ở Hendaye, một cơ sở nghỉ hè bỏ hoang, cách Biarritz khoảng 30 km. Các nghiệp đoàn và hiệp hội dân sự đã đặt đại bản doanh của thượng đỉnh của những người phản đối G7 hay "phản thượng đỉnh" tại đây. Khoảng 10.000 người dự kiến sẽ có mặt, kể từ hôm nay 21/08. Thượng đỉnh của những người phản đối G7 sẽ "diễn ra trong bốn ngày, với nhiều hội thảo, nhóm làm việc, hòa nhạc". Ngày được coi là có nhiều nguy cơ bạo động nhất là Chủ Nhật 25/08, khi những người phản kháng dự kiến sẽ tiến sát đến một số quảng trường gần nơi diễn ra thượng đỉnh.
"G7 – Biarritz : Một thế giới khác là có thể"
Nhật báo Libération dành chủ đề chính cho thượng đỉnh G7, và đặc biệt là cuộc "Phản thượng đỉnh", với tựa lớn trang nhất mầu đỏ "G7 – Biarritz : Một thế giới khác là có thể" trên nền hình ảnh một viên cảnh sát trên bãi biển, với lá chắn trong tư thế sẵn sàng phòng vệ. Bài xã luận với tựa đề "Hầm trú ẩn mạ vàng" (tức thượng đỉnh G7) nhấn mạnh đến sự tương phản không khó nhận ra, giữa một bên là vấn đề chống bất bình đẳng sẽ được thảo luận và bên kia là hố sâu cách biệt giữa lãnh đạo các cường quốc với dân chúng. Nhật báo thiên tả chế giễu việc các lãnh đạo thế giới chui vào một "hầm trú ẩn mạ vàng" để thảo luận về sự cởi mở và đoàn kết thế giới (Libération dùng cụm từ "Hầm trú ẩn mạ vàng" để chỉ "khách sạn Hotel du Palais, vốn là một biệt thự sang trọng của hoàng đế Napoleon III xưa kia (1852-1870), biểu tượng cho sự hợp nhất quyền lực quý tộc và tư sản", nơi an ninh đang được siết chặt).
Libération cũng lên án việc thổi phồng nguy cơ bạo lực, trong lúc đại đa số những người chống G7 đều chủ trương ôn hòa, họ có mặt tại khu vực xung quanh Biarritz để thảo luận và tuần hành. Xã luận Libération khép lại với nhận định, trên thực tế về mặt lịch sử, các cuộc tập hợp phản đối G7, vốn luôn bị gạt sang lề, "đã mang lại nhiều đóng góp hơn là các thượng đỉnh chính thức". Cụ thể như "ngay từ những năm 1990, các bất bình đẳng trên Trái đất, biến đổi khí hậu, vấn đề cần giảm nợ (cho các nước nghèo)… cũng chính là những chủ đề mà nhìn chung nguyên thủ các nước phải 10 năm sau" mới đưa ra và tìm cách thực hiện, và đôi khi với các giải pháp có sẵn đã được những người phản kháng đề xuất.
Libération đưa ra một thách thức, nhưng cũng như một gợi ý : các lãnh đạo G7 lần này, "để xua tan hình ảnh xấu về một G7 co cụm, hãy đưa ra một vài sáng kiến cụ thể và hữu ích... để chứng minh là, bất chấp các hàng rào cảnh sát, lãnh đạo các nền dân chủ không nhắm mắt bịt tai trước những phản kháng của người dân".
"Ô nhiễm nước" đe dọa nghiêm trọng tăng trưởng
Ô nhiễm nước sạch đe dọa tăng trưởng là chủ đề được hàng loạt các báo hôm nay nhắc đến. Đây cũng là tựa chính trang nhất của Le Figaro. Ngân hàng Thế giới, hôm nay, lần đầu tiên công bố một điều tra công phu, cho thấy mối quan hệ giữa tình trạng các nguồn nước ngọt bị ô nhiễm và phát triển kinh tế, cũng như sức khỏe con người. Gần đây, có nhiều báo cáo, trong đó có báo cáo của GIEC hồi đầu tháng trước, báo động về tình trạng khan hiếm nước, một phần do hậu quả của Khí hậu nóng lên, nhưng cho đến nay, đây là báo cáo đầu tiên về vấn đề chất lượng nước và phát triển.
Trong số vô vàn các chất gây ô nhiễm nước, Ngân hàng Thế giới mới chỉ giữ lại trước hết ba nhân tố gây ô nhiễm tiêu biểu để nghiên cứu, là azote (có nhiều trong phân bón hóa học), tình trạng nước nhiễm mặn và nồng độ oxy trong nước.
Tình trạng nước ngọt ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế. Theo Ngân hàng Thế giới, ngay tại Châu Âu, chỉ có ba quốc gia là Na Uy, xứ Băng Đảo (Iceland) và đảo quốc Malta, là mức ô nhiễm azot ở dưới ngưỡng được phép. Thêm một kilo azote trong phân bón cho một hecta sẽ giúp năng suất tăng thêm vài phần trăm, nhưng tỉ lệ chậm phát triển ở trẻ em sẽ tăng thêm 19%, và thu nhập của chúng khi trưởng thành giảm 2%. Lợi nhuận thu về chắc chắn không đủ bù các thiệt hại.
Les Echos thì nhấn mạnh đến tình trạng bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em, thường gọi là "chứng xanh tím", do suy hệ tuần hoàn, thường thấy ở Việt Nam, Ấn Độ và 32 quốc gia Châu Phi khác, rất nhiều khả năng là do việc sử dụng thuốc trừ sâu ồ ạt.
Tình trạng nước bị nhiễm mặn làm mất đi nguồn lương thực thực phẩm đối với ít nhất 170 triệu người.
Ô nhiễm nylon hay nhựa là vấn đề chưa được Ngân hàng Thế giới kết luận vì thiếu số liệu. Nhưng phần tử nhựa siêu nhỏ tìm thấy trong ít nhất 80% nước nguồn, và cả đến 93% nước đóng chai. Nghĩa là cư dân các nước giàu cũng dễ dàng là nạn nhân.
Theo các chuyên gia, các quốc gia càng giàu có thì càng có nguy cơ là nơi tạo ra nhiều hơn các chất độc (tại Hoa Kỳ chẳng hạn, cứ mỗi ngày lại có thêm ba loại hóa chất mới được đăng ký, mà rất nhiều trong đó là độc hại). Ngay cả các nước giàu cũng khó xử lý các chất độc hại, chưa nói đối với các nước nghèo đây là chuyện gần như không thể. Nhìn chung, trên toàn hành tinh, "hơn 80% số lượng nước đã qua sử dụng không được xử lý lại. Tỉ lệ này là 95% đối với các nước đang phát triển".
Các tiểu bang Mỹ mở điều tra về GAFA
Hơn 20 chưởng lý các tiểu bang nước Mỹ sẽ tham gia vào cuộc điều tra của bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, nhắm vào các tập đoàn kỹ thuật số. Đây được coi là cuộc điều tra lớn nhất nhắm vào GAFA trong những năm gần đây. Không chỉ có Pháp và một số nước Châu Âu muốn đánh thuế nhóm GAFA.
Theo Les Echos, cuộc điều tra nhắm vào các đại gia Google, Apple, Facebook và Amazon, do các hoạt động bị cáo buộc là chống cạnh tranh, đã được khởi sự tại Mỹ. Cách nay 20 năm, các tiểu bang Hoa Kỳ đã đóng vai trò quyết định trong việc phạt Microsoft. Ủy ban Thương Mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) hy vọng điều tra tiến hành nhanh chóng, có thể khép lại trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm tới.
Pháp : Năm mới khó khăn với chính phủ
Về thời sự nước Pháp, báo chí đặc biệt chú ý đến cuộc họp đầu tiên của chính phủ hôm nay, phiên họp đầu tiên sau kỳ nghỉ hè. Theo Les Echos, nhiều cuộc cải cách đang đón đợi tổng thống Pháp trong thời gian thường được gọi là hồi 2 của nhiệm kỳ tổng thống, đặc biệt là các vấn đề nhạy cảm như môi trường, cải cách hưu trí.
Les Echos ghi nhận là chắc chắn về nguyên tắc, tổng thống Pháp sẽ không thay đổi đường hướng, nhưng về phương pháp thì ông Macron đang tìm cách thay đổi. Sau cuộc "khủng hoảng Áo Vàng", dường như người đứng đầu nước Pháp đã nghe được thông điệp của dân chúng, và ông có thể đưa quan hệ gần gũi với người dân trở thành "một thế mạnh chủ đạo" của hồi 2 nhiệm kỳ tổng thống.
Trọng Thành
Hồng Kông : Thất bại của mô hình một đất nước hai chế độ" và Tập Cận Bình
Cuộc đọ sức giữa đường phố và chính quyền Hồng Kông đã hai tháng vẫn chưa có hồi kết. Chính quyền đặc khu không nhượng bộ, phong trào đòi hỏi dân chủ quyết tâm đi đến cùng. Một điều mà ai cũng hiểu là căn nguyên và hệ quả của cuộc khủng khoảng liên quan trực tiếp đến Bắc Kinh.
Một người cầm cờ Anh đi biểu tình chống luật dẫn độ tại trung tâm Hồng Kông, ngày 21/06/2019. Reuters/Ann Wang
Trên nhật báo Le Monde hôm nay có bài viết mang tựa đề Hồng Kông : "Thất bại của Tập Cận Bình". Tác giả bài báo khẳng định : "Rõ ràng Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về những sự kiện trong vùng đất bán tự trị". Bài báo dẫn lại phát biểu của lãnh đạo số 1 Trung Quốc trong Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc tháng 10/2017 nói rằng : "Sau khi Hồng Kông, Macao trở về trong vòng tay tổ quốc, việc thực thi nguyên tắc "một đất nước hai chế độ" là thành công được thừa nhận toàn diện. Thực tế đã chứng minh nguyên tắc đó là giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề lịch sử để lại của Hồng Kông, Macao. Đó cũng là chế độ tốt nhất để duy trì ở đó sự phồn thịnh và ổn định lâu dài. Trong mục tiêu đó, phải áp dụng đồng bộ và chi tiết nguyên tắc "một đất nước hai chế độ", chính quyền Hồng Kông do người Hồng Kông cai quản, chính quyền Macao do người Macao".
Thế nhưng, chưa đầy hai năm sau, chính vì cảm thấy cái nguyên tắc trên không được tôn trọng nên người Hồng Kông đã nổi dậy chống lại Bắc Kinh.
Vì sao ?
Thực tế diễn ra ở Hồng Kông hoàn toàn ngược lại với phát biểu của ông Tập Cận Bình. Le Monde giải thích người Hồng Kông nổi dậy là vì: "Chính quyền Trung Quốc của Tập Cận Bình không chấp nhận để người Hồng Kông được bầu cử tự do theo phổ thông đầu phiếu. Lúc nào có thể là Bắc Kinh cắt xén quyền tự do của người Hồng Kông, Bắc Kinh không ngần ngại dùng mọi mánh lới để loại bỏ các nghị sĩ đối lập hay bắt cóc những người phản kháng, ly khai…".
Trước một chính quyền Trung Quốc luôn muốn triệt tiêu các quyền tự do và một chính quyền đặc khu không bảo vệ lợi ích của người Hồng Kông mà chỉ chăm chăm thực thi lệnh của Bắc Kinh. Vì thế chỉ cần một tia lửa nhỏ là nỗi phẫn nộ của người dân bùng nổ".
Trường hợp dự luật dẫn độ vừa rồi là một minh chứng rõ nét. Tất cả những gì Bắc Kinh làm để dập tắt khủng hoảng hiện nay chỉ càng củng cố thêm thái độ tức giận của người Hồng Kông với Trung Quốc. Tác giả bài viết kết luận : "Hố ngăn cách giữa Bắc Kinh và Hồng Kông đã rộng hơn bao giờ hết, nay lại được khoét sâu thêm trong những tuần qua. Trong khi Tập Cận Bình khẳng định mong muốn "xây dựng một cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh", thì trái lại, cuộc khủng hoảng Hồng Kông đã cho thấy ông ta là một nhà lãnh đạo không có khả năng xây dựng một cộng đồng cùng chung vận mệnh của người Trung Quốc".
Mỹ lùi trừng phạt, Hoa Vi chuẩn bị phản công
Chuyển qua với nhật báo Le Figaro, vẫn liên quan đến Trung Quốc với các tranh chấp thương mại dai dẳng với Mỹ.
Hôm 19/08, tới hạn áp đặt trừng phạt với tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi, tổng thống Mỹ Donald Trump lại gia hạn thêm 90 ngày.
Trang kinh tế Le Figaro ghi nhận bằng hàng tựa "Donald Trump cho Hoa Vi nghỉ giải lao". Quyết định trừng phạt người khổng lồ viễn thông Trung Quốc được tổng thống Mỹ ban hành từ hồi tháng 5 vừa qua, vì những nghi vấn Hoa Vi hỗ trợ Bắc Kinh làm gián điệp, gây nguy hại an ninh quốc gia Mỹ… Thời hiệu áp dụng lệnh cấm đã được lùi lại ba tháng và đây là lần thứ hai Washington lùi lại thời gian áp dụng.
Theo Le Figaro, chủ tịch Hoa Vi cho rằng thời hạn mới mà Hoa Kỳ lùi lại này không có tác động đáng kể gì đến công việc kinh doanh của tập đoàn trung Quốc, đồng thời Hoa Vi vẫn bác bỏ các cáo buộc hoạt động gián điệp.
Trước các đe dọa của tổng thống Mỹ, Hoa Vi đã phải xem xét lại chiến lược phát triển. Ưu tiên của hãng là cắt giảm lệ thuộc vào các nhà cung cấp vật tư Mỹ, vào công nghệ Mỹ. Liên quan đến chủ đề này, trang kinh tế của Le Figaro, còn có bài viết "Người khổng lồ Trung Quốc đang mài vũ khí" cho thấy mục tiêu của Hoa Vi giờ là tìm đường tự chủ về công nghệ và thiết bị để phát triển và dường như họ cũng không còn con đường nào khác.
Internet theo kiểu Cuba
Vẫn trên nhật báo Le Figaro có bài phóng sự có tựa đề khá thú vị : "Internet thời kỳ Cách mạng ở Cuba, có web nhờ người buôn thẻ" để cho thấy Cuba đang tiếp cận với thời đại thông tin thế nào.
Theo tờ báo, mặc dù việc truy cập vào Internet còn rất khó khăn, người Cuba đang biến internet thành công cụ tuyệt vời để cải thiện đời sống hàng ngày.
Tờ báo cho hay, năm 2015, đánh dấu thời kỳ mở cửa công nghệ của Cuba với việc dần dần từng bước đưa mạng Wi-Fi vào trong các công viên công cộng ở Cuba. Trong vòng nhiều năm, Fidel Castro Tư lệnh tối cao của đất nước đã nhắc lại nhiều lần với các công dân Cuba : "các vị chưa sẵn sàng để sử dụng internet".
Cho đến năm 2008, thuê bao di động vẫn chưa được phép ở Cuba. Từ khi xuất hiện mạng Wi-Fi, dù điện thoại di động vẫn còn hiếm và máy tính bảng đã xuất hiện ồ ạt trong các công viên. Để được truy cập được Internet người ta phải nhờ vào những người bán thẻ Internet.
Giờ đây buôn thẻ là một nghề mới ở Cuba. Người ta mua thẻ cho 1 giờ truy cập ở các đại lý với giá 1 đô la, rồi bán lại cho người tiêu dùng 1,5 đô la. Bởi thẻ truy cập Internet luôn luôn khan hiếm. Người tiêu dùng phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ ở các đại lý mà chưa chắc đã mua được thẻ để truy cập mạng.
Bài phóng sự của phóng viên Le Figaro cho thấy, internet ngày càng trở nên là công cụ thiết yếu của cuộc sống của người dân Cuba. Thế nhưng chế độ La Havana vẫn dè chừng. Như một nghịch lý, chính quyền vẫn tìm mọi cách để duy trì mạng intenet trong tình trạng kém phát triển. Các trang web dù không chỉ trích chế độ cũng bị chặn, kiểm duyệt. Để gửi một e-mail ở Cuba, có thể phải mất 30 phút. Kết nối internet có khi bị cắt vô hạn định và thường bị theo dõi khi truy cập. Các hacker ở đây chính là người của cơ quan an ninh. "Internet vẫn là nỗi sợ của các nhà lãnh đạo già của hòn đảo", tác giả nhận xét.
Le Figaro ghi nhận : La Havana sợ hơn cả là ảnh hưởng của các nhà mạng internet Mỹ đối với đời sống thường nhật của người dân Cuba. Đó chính là Internet theo kiểu Cuba.
Donald Trump đàm phán với Taliban : Dễ mất cả chì lẫn chài
Trở lại trang nhất báo Le Figaro, tựa lớn của từ báo là "Trump thương lượng với Taliban về việc rút quân khỏi Afghanistan".
Tổng thống Mỹ muốn rút 14 nghìn quân còn lại trên đất Afghanistan trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 11/2020.
Theo Le Figaro, sau 18 năm tiến hành cuộc chiến từ khi sau quyết định đáp trả các vụ khủng bố bố 11/09/2001, tổng thống Mỹ tin tưởng các cuộc thương lượng tiến hành nhiều tháng nay với Taliban có thể mang lại thành quả.
Đổi lại việc rút hết quân Mỹ, ông Trump đòi bảo đảm không một nhóm nước ngoài nào được dùng Afghanistan làm nơi ẩn náu để tổ chức các vụ tấn công nhằm vào nước Mỹ. Thỏa hiệp với Taliban để rút quân là một bước đi nhiều rủi ro, theo Le Figaro.
Tờ báo phân tích : Liệu sau khi quân Mỹ rút, Taliban có lật đổ chính phủ Afghanistan hiện nay hay không ? Daesh là kẻ thù của Taliban, nhưng al-Qaeda, tác giả của loạt khủng bố 11/09/2001 lại là đồng minh của Taliban. Một khi Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan thì điều gì sẽ xảy ra tiếp theo ? Một câu hỏi ông Donald Trump không cần biết câu trả lời mà chỉ muốn thực hiện lời hứa với cử tri trước khi kết thúc nhiệm kỳ này để hy vọng tái đắc cử.
Du lịch Pháp : Nạn nhân của chính thành công của mình
Về thời sự liên quan đến Pháp, đặc biệt nhân kỳ nghỉ hè này, Libération dành hồ sơ lớn cho chủ đề về du lịch ồ ạt, quá tải và những vấn đề nảy sinh cho nước Pháp. Toàn bộ trang bìa của tờ báo được minh họa bằng tấm ảnh lớn một bãi biển đầy kín người.
Tờ báo cho biết : Pháp là nước thu hút đông khách du lịch nước ngoài nhất thế giới : "Năm 2018 : 89,3 triệu khách đã đổ vào Pháp, theo số liệu của Bộ Kinh tế Tài chính. Đây là một kỷ lục lịch sử và khối lượng du khách tới Pháp gần như vẫn tăng đều đặn hàng năm. Libération báo viết tiếp : Những con số được người ta xướng lên với niềm tự hào, nhưng không tự hỏi về những tác động của nó đến người dân, về những tác động tiêu cực của nó đang làm thay đổi đất nước".
Theo tờ báo thì sau những thành công thu hút hàng triệu du khách không phải không có những hậu quả tiêu cực đối với đời sống hàng ngày của người dân, nhất là ở những vùng thu hút đông khách du lịch như Paris, Côtes d’Azur, hay xứ Basque.
Như giải thích của nhà xã hội học Rodolphe Christin : "Đời sống trở nên đắt đỏ, giá thuê nhà tăng, nhu cầu nhà ở được chạy theo phục vụ khách du lịch. Người dân địa phương ngày càng khó tìm được một nơi ở và cuộc sống đỡ đắt đỏ. Điều này kéo theo tâm lý họ bị du khách đuổi khỏi nơi sống của mình. Một khía cạnh khác, những người ở trung tâm tụ điểm du lịch phải chịu đựng ồn ào, tắc nghẽn giao thông, rác thải…".
Libération dành nhiều bài viết đưa ra các thí dụ khác nhau vì các tác động tiêu cực của du lịch ồ ạt làm đảo lộn cuộc sống của người dân ở những tụ điểm du lịch lớn như : Tắc đường kinh khủng ở Saint Tropez hay trong khu phố Marais ở Paris. Tại đó nhiều tòa nhà có tới 1/4 số căn hộ được dành để thuê trên mạng Airbnb và sinh hoạt của các du khách đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống thường nhật của người dân địa phương.
Libération cho biết đây không phải là vấn đề riêng của Pháp mà nhiều nước trên thế giới đã gặp phải. Các nước cũng đã bắt đầu tính đến các biện pháp điều tiết, quản lý giảm tác động của du lịch đối với xã hội địa phương.
Châu Âu đối phó với nạn suy giảm dân số
Một vấn đề xã hội khác được La Croix đề cập đến, đó là cuộc di dân ở nhiều nước Châu Âu. Nhật báo công giáo giải thích "một số nước Trung, Đông và Nam Âu đang gặp phải tình trạng giảm sút dân số rõ rệt. Hiện tượng này là do rất đông kiều dân của các nước đó bỏ đi tìm sự phồn thịnh ở phía tây lục địa… Đó là một sự lãng phí, La Croix nhận xét. Những người ra đi, trước tiên là những người được đào tạo tốt và năng động nhất… đó là những người có thể có ích nhất đem lại phồn thịnh cho mảnh đất quê hương".
Một số nước đã bắt đầu ý thức được vấn đề và có biện pháp để chống lại hiện tượng suy giảm dân số này. Chẳng hạn chính quyền Bồ Đào Nha đã đưa ra chương trình Regressar, tức "trở về" theo tiếng Bồ Đào Nha. Mỗi gia đình hồi hương được trợ cấp 6.500 euros, với điều kiện họ ra đi trước 2016 và về nước phải ký hợp đồng làm việc tại Bồ Đào Nha. Theo La Croix, chính phủ đặt mục tiêu năm nay sẽ kéo về 1.500 trường hợp và từ nay đến năm 2021, 1.500 người.
Anh Vũ
Putin, người xuất khẩu nỗi sợ
Phong trào dân chủ Hồng Kông chứng tỏ không hề yếu đi với 1,7 triệu người xuống đường hôm qua 18/08/2019, những vấn đề đặt ra xung quanh cuộc gặp giữa tổng thống Pháp và Nga tại Brégançon, đó là hai chủ đề chính của các báo Pháp hôm nay.
Tổng thống Vladimir Putin dự cuộc biểu dương lực lượng của hải quân Nga tại Saint Petersburg ngày 28/07/2019. Sputnik/Aleksey Nikolskyi/Kremlin via Reuters
Le Figarochạy tựa "Macron muốn hòa giải Putin với Châu Âu". Libération đăng ảnh hai tổng thống Pháp và Nga tươi cười bắt tay nhau trên trang bìa, với tít lớn "Song đấu hay song đôi ?". Xã luận của La Croix mang tựa đề "Cuộc hẹn ở Brégançon", và ở trang trong nhận xét "Pháp và Nga tăng cường đối thoại". Le Monde nhận định "Giữa Macron và Putin, khởi đầu sưởi ấm mối quan hệ".
Ông chủ điện Kremlin tận dụng những điểm yếu của Châu Âu
Trước cuộc gặp, một điểm bất đồng đã được tháo gỡ : tư pháp Nga trả tự do cho doanh nhân Pháp Philippe Delpal, bị bắt từ tháng Hai với cáo buộc gian lận, nay chỉ bị quản thúc tại gia. Việc Moskva bắt giữ người đồng sáng lập quỹ đầu tư Baring Vostok uy tín của Mỹ, ông Michael Calvey, và giám đốc tài chính là ông Delpal, đã gây chấn động lớn trong giới kinh doanh phương Tây tại Nga, vì hình sự hóa tranh chấp.
Trong bài "Ông chủ điện Kremlin lợi dụng những yếu kém của Châu Âu", Le Figaro đặt câu hỏi, Sa hoàng Putin - người mà theo nhà chính trị học Serguei Medvedev, đã coi "nỗi sợ" là mặt hàng xuất khẩu đứng trên cả dầu khí - thực ra muốn gì ?
Liệu có nên nhắm mắt làm ngơ trước việc Nga gặm nhấm dần biên giới của Gruzia ở Nam Ossetia, sáp nhập Crimea, cuộc chiến vùng Donbass, bắn rơi chiếc máy bay của Malaysian Airline trên không phận Ukraine, can thiệp vào các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và ở Châu Âu ? Chưa kể đến vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Serguei Skripal ở ngay trên đất Anh.
Chủ nghĩa dân tộc cộng với dân túy thay cho cộng sản
Cũng như trong thời Liên Xô cũ, Vladimir Putin cũng dựa vào một chủ nghĩa, nhưng ở đây là dân tộc và dân túy nhuốm màu bảo hộ, thay cho cộng sản.
Thăng bằng quyền lực đang thay đổi khi Châu Âu đang yếu đi với cuộc khủng hoảng bản sắc, Hồi giáo nhập cư. Kremlin tha hồ lũng đoạn bằng chiến dịch bóp méo thông tin, và Putin lại có quan hệ tốt với bộ trưởng Nội Vụ Ý Matteo Salvini, cựu thủ tướng Áo Sebastian Kurz, thủ tướng Victor Orban của Hungary. Tổng thống Pháp thì chưa hết đau đầu với phong trào Áo Vàng. Trong bối cảnh đó, Nga đang ở thế tiến công.
Theo nhà phân tích William Courtney của Rand Corporation, lời kêu gọi đối thoại của những người chủ trương thực dụng có thể không hiệu quả. Tốt nhất nên sử dụng phương pháp của tổng thống Mỹ Reagan, ngay từ đầu nhiệm kỳ đã gia tăng sức mạnh, phản công trên mặt trận thông tin, và chỉ bắt đầu đối thoại thực sự khi ông Gorbatchev lên nắm quyền.
Một nhà quan sát Nga cho rằng Châu Âu cần đến Moskva, nhưng cần tăng cường nội lực và giải quyểt những vấn đề căn bản nếu muốn có được sức nặng đối với Nga. Chuyên gia này nhắc nhở rằng phía sau một Putin có vẻ mạnh mẽ trên trường quốc tế, là một đất nước hỗn độn, tham nhũng lan tràn và phi đạo đức.
Mùa hè đen đủi của Vladimir Putin
Thông tín viên Le Figaro ở Moskva mô tả rõ hơn khía cạnh này trong bài "Mùa hè xui xẻo của Vladimir Putin".
Mùa hè năm nay bắt đầu với trận lụt ở Nam Siberia làm 25 người chết. Chính quyền bị tố cáo không cảnh báo cho người dân, cũng không tổ chức cứu hộ kịp thời. Ở phía bắc và phía đông, một loạt vụ hỏa hoạn khổng lồ đã làm tiêu tùng 15 triệu hecta rừng, khói đen từ Siberia bay đến tận Ural, ảnh hưởng đến lá phổi của hàng triệu người Nga. Chính quyền cũng phản ứng rất chậm chạp, mãi đến cuối tháng Bảy ông Putin mới cho gởi quân đội đến chữa lửa.
Quân đội Nga cũng gây nhiều ưu tư cho tổng thống. Hôm 1/7, một tàu ngầm nguyên tử chuyên hoạt động dưới đáy sâu biển cả đã bị hỏa hoạn, làm 14 sĩ quan thiệt mạng. Đầu tháng Tám, vụ nổ một kho đạn lớn đã làm 16.000 người ở Nam Siberia phải sơ tán.
Tai nạn nguyên tử được che giấu như Tchernobyl ?
Ở bên kia đầu đất nước, vùng Arkhanguelsk, một vụ nổ bí ẩn khác hôm 8/8 làm 7 người chết, trong đó có 5 chuyên gia nguyên tử, và bằng ấy người bị thương.
Tai nạn này gây nhiễm xạ trong vùng, được cho rằng đây là một vụ thử thất bại về một loại vũ khí mới mang đầu đạn hạt nhân. Các nhân viên y tế không được quân đội báo cho biết, khi chữa trị cho những người bị thương, cũng đã bị nhiễm phóng xạ.
Theo các thăm dò mới nhất, chỉ có 24% người Nga cho rằng ông Putin có thể giải quyết được những vấn đề của đất nước, và 38% không muốn ông tại vị sau 2024, năm cuối của nhiệm kỳ.
Chính trong bối cảnh u ám này, xuất hiện tin tức xấu nhất trong mùa hè cho Vladimir Putin. Một bộ phận người dân thủ đô, mà cách sống gần với phương Tây, không còn chấp nhận bị áp đặt người đại diện cho mình.
Khi ủy ban bầu cử gạt bỏ tất cả những ứng cử viên không cùng phe trong cuộc bầu cử Nghị viện Moskva, đám đông đã xuống đường. Chính quyền đáp trả bằng bạo lực, bắt bớ, nhưng chỉ làm phong trào phản kháng gia tăng mạnh mẽ. Tổng thống Putin giữ im lặng để cho chính quyền Moskva đối phó, ông chỉ xuất hiện ở rất xa : trên biển Baltic, Siberia hay Crimea, chờ đợi cho đến khi phong trào lắng lại.
Võ sĩ judo hay người khách không được chào đón
Trong bài xã luận mang tựa đề "Ngoại giao judo", Le Figaro nhận xét, với một thủ tướng Đức mà uy tín đang đi xuống, một nước Anh đang bận rộn với Brexit, Macron có vị thế của một nguyên thủ Châu Âu nhiều ảnh hưởng nhất trên trường quốc tế.
Tổng thống Pháp muốn thuyết phục ông Putin hòa hoãn hơn với Ukraine, hợp tác để ra khỏi ngõ cụt với Iran, gây áp lực lên Damascus. Về phía tổng thống Nga, với mục tiêu mở rộng ảnh hưởng của Moskva, thì không có gì để mất. Tập trung vào ván cờ này, Macron cần phải cảnh giác trước cựu sĩ quan KGB : võ sĩ judo Putin là bậc thầy trong nghệ thuật chờ đợi đối thủ mất thăng bằng, để quật ngã xuống tapis.
Tờ báo thiên tả Libération có vẻ khe khắt hơn với tựa bài xã luận "Kẻ thù". Người chủ nhà không thể mời một vị khách mà những người khác không ưa đến một bàn tiệc danh dự, nên phải tiếp vài ngày trước đó trong phòng khách.
Emmanuel Macron đón Vladimir Putin tại lâu đài Brégançon vài ngày trước hội nghị G7 ở Biarritz, thượng đỉnh mà ông khách cồng kềnh đã bị đuổi ra do xâm chiếm Crimea. Tại Ukraine, Putin tiếp tục nguyên tắc "cái gì của tôi là của tôi, cái gì của anh chúng ta chia đôi". Libération đặt câu hỏi, ngồi vào bàn cùng nhau chăng ? OK, nhưng với điều kiện đừng có "chui xuống gầm".
Hồng Kông : Biển người thách thức Bắc Kinh
Nhìn sang Châu Á, "Tại Hồng Kông, một biển người thách thức Bắc Kinh", Les Echos nhận xét. Tương tự đối với Le Figaro "Tại Hồng Kông, phong trào chống Bắc Kinh không hề giảm đi khí thế". Libération chơi chữ "Tại Hồng Kông, một biển người chống lại sóng gió và quân đội".
Tiếng giày đinh vang dội ở bên kia biên giới, nhưng ở bên này, người Hồng Kông vẫn ngẩng cao đầu đòi hỏi những quyền dân chủ của họ. Mặc cho cơn mưa tầm tã trút xuống, 1,7 triệu người già trẻ lớn bé đã xuống đường, bất chấp lời đe dọa can thiệp quân sự của Bắc Kinh. Sinh viên, công nhân viên, người về hưu, bác sĩ… cùng hô vang "Tự do cho Hồng Kông !"
Le Figaro hỏi chuyện Jack, một sinh viên 19 tuổi đi biểu tình cùng với cha mẹ và em gái. Anh đặc biệt bất bình trước bạo lực cảnh sát, nhất là vụ một cô gái bị đạn cao su làm mất một mắt. Còn Joseph, cha của anh, một thầy giáo 53 tuổi, cho rằng Bắc Kinh sẽ không dám đàn áp vì "tất cả các nhà đầu tư ngoại quốc sẽ xách va-li ra đi". Ông nháy mắt : "Nhưng nếu quân đội Trung Quốc tiến vào, chúng tôi sẽ ở yên trong nhà, đợi chừng nào họ ra đi thì lại tái xuất hiện".
Thông tín viên của Libération cho biết lần đầu tiên cảnh sát sẵn sàng sử dụng đến xe vòi rồng phun nước có màu để nhanh chóng nhận dạng hàng loạt người biểu tình. Cờ Hồng Kông và áo thun đen chống lại cờ đỏ Trung Quốc và áo trắng, chưa bao giờ xã hội Hồng Kông lại chia rẽ như thế. Bắc Kinh cáo buộc người biểu tình là "khủng bố", tung ra những đạo quân dư luận viên để "gieo tiếng xấu" cho phong trào phản kháng.
Vụ "xã hội đen" hôm 21/7 dùng gậy sắt đánh người biểu tình tàn nhẫn mà cảnh sát không can thiệp đã đổ dầu vào lửa. Tuần này, lời thú nhận của cảnh sát là một số nhân viên đã trà trộn giả làm người biểu tình được người dân coi là sự phản bội, họ tức giận khi biết công an Trung Quốc âm thầm triển khai tại đặc khu.
Hồi kết của một thời kỳ vàng son ?
Về khía cạnh kinh tế, Les Echos băn khoăn trước "Ngành tài chính ở Hồng Kông đang trong tình trạng báo động", còn Le Monde lo ngại cho "Hồi kết của một thời kỳ vàng son về kinh tế".
Sau khi phong tỏa sân bay, phong trào phản kháng lại kêu gọi đồng loạt rút tiền mặt, đổi sang đô la Mỹ. Các ngân hàng đã chuẩn bị việc này nên tác động chỉ hạn chế. Nhưng các ngân hàng tư nhân lớn lo sợ tín dụng giảm, các khách hàng giàu có ở Hoa lục bỏ đi nơi khác. Nhiều công ty Trung Quốc dự định lên sàn chứng khoán Hồng Kông, nay ngắm nghía thị trường New York.
Về địa ốc, CK Asset, một trong những tập đoàn lớn nhất Hồng Kông đã phải hoãn lại kế hoạch mở bán khoảng 100 căn hộ sang trọng, trị giá 14 triệu euro mỗi căn. Đồng nhân dân tệ sụt giá khiến đồng đô la Hồng Kông, vốn gắn với đô la Mỹ, tăng lên, ảnh hưởng đến du lịch : trong số 65 triệu du khách đến thăm Hồng Kông năm 2018, có đến 51 triệu là từ Hoa lục.
Trước mắt thì chưa có gì là bi kịch. GDP tính trên đầu người của Hồng Kông rất cao (48.000 đô la), vượt xa Trung Quốc (9.600 đô la) và hơn cả Anh (42.000 đô la). Hơn nữa, ngân sách vẫn đang rủng rỉnh : trên 120 tỉ euro, còn nợ công hầu như bằng 0. Nhưng nếu 1.500 tập đoàn đa quốc gia quyết định đặt trụ sở tại đây là vì Hồng Kông là cửa ngõ vào thị trường Trung Quốc mà không phải chịu những độc đoán ở Hoa lục. Tuy nhiên nguyên tắc "Một đất nước, hai chế độ" lẽ ra còn hiệu lực đến năm 2047, lại đang tan thành từng mảnh vụn.
Thụy My
Thế kỷ 21 vẫn thuộc về các nhà độc tài ?
"Tất cả các điều kiện đều hội đủ để thế kỷ 21 lại là thế kỷ của các nhà độc tài. Thứ nhất : các chế độ tự do dân chủ bị yếu đi, thứ hai : các phương tiện kiểm soát bằng kỹ thuật số, thứ ba là biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng. Các nhà độc tài đều có cùng những khuyết điểm như hoang tưởng và vô cảm".
Bìa tuần báo Le Point số ra ngày 15/08/2019. DR
Hồ sơ của Courrier International tuần này nói về "Những con đường ma túy mới", L’Obs dành 20 trang để quay lại với thời kỳ "Khi Pháp đô hộ Algérie". Trang nhất của L’Express dành cho tân thủ tướng Anh "Boris Johnson, người đàn ông tệ hại (bad boy) của Châu Âu". Trên trang bìa Le Point là lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đang tươi cười, tờ báo chạy tựa "Những bí mật của các nhà độc tài, họ trị vì và sống như thế nào".
Cuốn sách mang tựa đề "Thế kỷ của các nhà độc tài" do Olivier Guez chủ biên sẽ ra mắt vào tuần tới, đã vẽ nên chân dung của 26 nhà lãnh đạo độc đoán của thế kỷ 20, từ Hitler, Stalin, Pinochet, Mao Trạch Đông cho đến các nhân vật ít nổi tiếng hơn như Mobutu.
Sự thăng tiến ngoạn mục, những thành công nhất thời, bạo lực trộn lẫn những yếu kém về tinh thần, những sai lầm lớn nhất, và sự sụp đổ - thường là đầy kịch tính của họ, khiến bên cạnh tính chất lịch sử, đây còn là các nhân vật đầy chất tiểu thuyết.
Các chế độ độc tài của thế kỷ 21
Theo giáo sư Alain Chatriot ở Science Po, nếu so sánh tình hình hiện nay với giữa thập niên 70, thì các chế độ cộng sản và độc tài quân sự không còn nữa. Nhưng nếu so với đầu thập niên 90, mà một số nhà bình luận quá lạc quan cho rằng dân chủ đã chiến thắng vĩnh viễn, thì lại khác rất nhiều.
Bức tranh của năm 2019 khiến người ta phải phân vân : các chế độ độc tài thực sự (Bắc Triều Tiên, Syria…) đứng cạnh các chính thể toàn trị (Thổ Nhĩ Kỳ, Nga…) và những nước được điều hành bởi các lãnh đạo dân túy (Ý, Hungary, Mỹ…). Nhà cựu ngoại giao Bernard Bajolet định nghĩa : "Chế độ độc tài là quyền lực không có đối trọng, không giới hạn và không bị kiểm soát. Đó là một chế độ không có tự do cá nhân, có thể bị tống giam mà không qua xét xử".
Tuy nhiên theo giáo sư Chatriot, cần phân biệt Putin, Erdogan, Kim Jong-un với Orban vì tính chất khác nhau, còn nhà sử học Johann Chapoutot muốn dùng từ "dân chủ độc tài" : chính quyền bất chấp Nhà nước pháp quyền và các quyền tự do căn bản của cá nhân. Riêng Trung Quốc của Tập Cận Bình – hoàng đế đỏ còn quyền lực hơn cả Mao với việc sửa đổi Hiến pháp để cai trị trọn đời - là mô hình dùng tự do kinh tế thay cho tự do cá nhân, cộng với các công cụ mạng xã hội để tuyên truyền và công nghệ mới để kiểm soát người dân.
Chapoutot cho rằng : "Tất cả các điều kiện đều hội đủ để thế kỷ 21 lại là thế kỷ của các nhà độc tài. Thứ nhất : các chế độ tự do dân chủ bị yếu đi, thứ hai : các phương tiện kiểm soát bằng kỹ thuật số, thứ ba là biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng". Nhà văn Olivier Guez nhận xét, tất cả các nhà độc tài đều có cùng những khuyết điểm như hoang tưởng, thiếu vắng sự thương hại và cảm thông…
Từ Lênin đến tượng vàng của nhà độc tài thuộc Liên Xô cũ
Lướt qua một số chân dung các nhà độc tài, Lênin được xếp hàng đầu. Lãnh tụ cộng sản Liên Xô áp đặt các chính sách nhắm vào cả một tầng lớp xã hội. Từ việc dẹp bỏ các quyền - kể cả quyền được ăn, theo khẩu hiệu "Ai không lao động thì khỏi ăn" - cho đến tiêu diệt người dân, theo mệnh lệnh hồi tháng 3/1918 "Tử hình bọn kulak !", tức những nông dân không chịu để bị cướp bóc. Lênin cho tàn sát tập thể từ đối lập chính trị, quý tộc, địa chủ cho đến các sĩ quan, người Cô-dắc, các nhà tu hành… Mùa thu năm 1918, có trên 15.000 người bị xử bắn.
Đối với lãnh đạo các nước thuộc Liên Xô cũ, thì "sự ngông cuồng của họ không có giới hạn". Sau khi Liên bang Xô viết tan rã, nhân danh chủ quyền quốc gia, các nhà độc tài đỏ này tự giành cho mình tất cả : dinh thự lộng lẫy, những lời ca ngợi, tài nguyên dưới lòng đất và quyền quyết định sinh tử đối với thần dân.
Tại Belarus, Alexander Lukachenko trị vì đã một phần tư thế kỷ, duy trì hình ảnh một Liên Xô thu nhỏ. Cơ quan tình báo nước này vẫn giữ tên KGB, và tổng thống đóng vai như một giám đốc nông trang tập thể. Khi gặp ông Putin tháng 12/2018, ông Loukachenko mang tặng bốn bao khoai tây "quà quê", nhưng với hàm ý "Belarus chỉ là một nước nông nghiệp nhỏ bé nghèo tài nguyên, ông chẳng có lợi gì khi nuốt chửng chúng tôi".
Ở Turkmenistan, tổng thống quá cố Saparmurat Niazov cho đặt lại tên 12 tháng trong năm theo tên những người trong gia đình mình, và cho dựng một bức tượng của ông bằng vàng, xoay theo hướng mặt trời. Người kế nhiệm là Gurbanguly Berdymoukhamedov khi lên thay đã đổi tên các tháng lại như cũ, và bức tượng Niazov được lặng lẽ đưa về một địa điểm hẻo lánh. Nhưng thay vào đó là một tượng đài cao đến 20 mét, dát những lá vàng 24 cara, có đế bằng cẩm thạch trắng, với tân tổng thống cỡi ngựa, tay cầm chim bồ câu !
Sự ngông cuồng khó tưởng tượng của các nhà độc tài Trung Á
Tại Tajikistan, tổng thống Emomali Rakhmon mỗi khi tiệc tùng thường hào hứng cầm micro hát bài "Tajikistan thuộc về tôi", trước các tướng lãnh đang quỳ gối và cận vệ thì dùng khăn lau mồ hôi trán cho ông. Con trai ông, Rustam, được thăng cấp tướng ở tuổi 25 và nay là đô trưởng, có biệt danh là "Nacocha" vì nghiện ma túy. Du học tại moskva nhưng nhanh chóng bị gọi về sau khi đã đốt hàng triệu đô la trong sòng bạc, vị thái tử đỏ sở hữu bốn chiếc xe sang Bentley sau này sẽ lên nối ngôi tại quốc gia Hồi giáo có hơn phân nửa dân số sống dưới ngưỡng nghèo khó.
Còn vụ tổng thống nước láng giềng Kazakhstan, ông Nursultan Nazarbaiev từ chức ở tuổi 79 thì không lừa được ai. Với tư cách "Cha già dân tộc", cả ông và gia đình đều được bảo đảm bất khả xâm phạm vĩnh viễn. Tiếng là về hưu nhưng con gái lớn của ông làm chủ tịch Thượng viện và nắm truyền thông, hai con gái còn lại ngự trị trong ngành dầu khí và quy hoạch đô thị.
Chẳng có nước phương Tây nào lên tiếng khi ông bỏ tù hoặc xử bắn đối lập. Rất đơn giản : Nazarbaiev giao cho các nhà đầu tư ngoại quốc những hợp đồng hàng chục tỉ đô la, hoặc để khai thác trữ lượng uranium và dầu khí, hoặc xây dựng các công trình hoành tráng. Thủ đô Astana vừa đổi tên thành Noursoultan có nhiều kiến trúc hiện đại, trong đó có một tòa nhà chọc trời 105 tầng, có dấu tay bằng vàng và bạch kim của "Cha già dân tộc".
Tử tế nhất có lẽ là Chavkat Mirzioiev, vừa lên làm tổng thống Uzbekistan cách đây ba năm. Ông cho đóng cửa nhà tù lừng danh Jaslik, nơi chỉ có vào mà không có ra, trả tự do cho khoảng 40 nhà đấu tranh nhân quyền. Có điều hai con gái của ông Mirzioiev cũng vừa tham gia chính phủ.
Các loại vũ khí phi quân sự của Trung Quốc để đối phó với Hồng Kông
Ở trang trong các báo, Hồng Kông vẫn là chủ đề chính được quan tâm nhất.Trong bài "Bắc Kinh quyết định nắm lấy tình hình Hồng Kông" đăng trên South China Morning Post được Courrier International dịch lại, tác giả nhận định chính quyền Trung Quốc đã dùng đến một loạt biện pháp để cố thoát khỏi ngõ cụt hiện nay.
Quan chức Trung Quốc phụ trách Hồng Kông Trương Hiểu Minh (Zhang Xiaoming) đe dọa sử dụng vũ lực, nhưng theo tờ báo, Bắc Kinh còn nhiều "vũ khí" phi quân sự đầy uy lực. Hãng hàng không Cathay Pacific là mục tiêu đầu tiên của chiến thuật này. Các nhân viên có tham gia đình công, biểu tình bị cấm bay đến Hoa lục hoặc phục vụ trên các chuyến bay có đi ngang không phận Trung Quốc. Đây là đòn dằn mặt cho các công ty lớn tại đây.
Bắc Kinh buộc bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và chính quyền của bà phải giải quyết tình hình, để đổi lấy sự "ủng hộ" của trung ương. Thế nên bà đành phải xuất hiện lại trước truyền thông, ngưng ngang kỳ nghỉ, và tìm cách đền bù cho các công ty bị thiệt hại vì biểu tình. Không chỉ gây sức ép lên bà Lâm, Bắc Kinh còn huy động tổng lực, mở chiến dịch tố cáo bạo lực ở Hồng Kông, xúi báo chí Hoa lục tố cáo "sự im lặng tập thể" của một số gia tộc giàu có tại đặc khu.
Làm thế nào tránh được một kịch bản "các bên đều thiệt hại" cho Hồng Kông ? Hiện chưa ai có thể nói được điều gì.
"Thế lực thù địch" xúi giục người Hồng Kông ?
Cũng về Hồng Kông, The Economist lý giải vì sao Bắc Kinh cho rằng có "bàn tay đen đúa" của "thế lực thù địch" phía sau.
Thật buồn cười khi cho rằng có một "thế lực" nào đó trả tiền cho hai triệu người đi biểu tình, từ sinh viên cho đến doanh nhân, luật sư, bác sĩ… Trong khi người dân Hồng Kông bình thường tỏ tình tương trợ khi cung cấp khẩu trang, phiếu ăn McDonald các áo thun cho các thanh niên biểu tình, khi phải thay những chiếc áo dính đầy hơi cay.
Báo chí Hoa lục ban đầu bị kiểm duyệt tin tức về Hồng Kông, nhưng sau thì ngập đầy những hình ảnh "những kẻ ly khai" tấn công vào cảnh sát. Không ít cư dân mạng ở đại lục đã tin. Nhưng đáng ngại nhất là não trạng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, rằng kẻ lớn hơn đương nhiên phải thống trị kẻ nhỏ hơn. Không thể chấp nhận việc 7,3 triệu người Hồng Kông cho rằng quyền tự do – dù Hiến định - của họ đứng trên ý muốn của 1,4 tỉ người, nên nếu Hồng Kông nhỏ bé dám đương đầu với mẫu quốc, thì chắc rằng có ai đó đứng sau !
Thế giới Hồi giáo quỳ gối trước Bắc Kinh
Cũng liên quan đến Trung Quốc, tác giả Laurent Alexandre trên L’Express phẫn nộ trước việc"Thế giới Hồi giáo phủ phục dưới chân Bắc Kinh".
Hôm 17/7, Human Rights Watch đã lấy làm tiếc là mặc dù 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị đi cải tạo, bị tẩy não, Hán hóa, thì 14 nước Hồi giáo lại ký vào lá thư ủng hộ chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương.
Khi Pháp ra quy định về loại khăn choàng Hồi giáo trùm kín người ở nơi công cộng, thế giới Hồi giáo đã nhao nhao phản đối. Còn bây giờ, khi Trung Quốc tống giam hàng loạt những người thiểu số theo đạo Hồi, thì nhiều nước Hồi giáo lại ca ngợi sự khôn ngoan của Bắc Kinh.
Bóng ma một cuộc khủng hoảng tiền tệ thế giới
Trên lãnh vực kinh tế, L’Express lo ngại về "Bóng ma một cuộc khủng hoảng thế giới" trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hiện nay.
Mỹ đánh thuế lên hàng Trung Quốc, Bắc Kinh trả đũa bằng cách để cho đồng nhân dân tệ xuống dưới mức 7 đồng đổi 1 đô la lâu nay. Nếu hai bên cứ ra đòn qua lại, có nguy cơ xảy ra chiến tranh tiền tệ, mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều bất lực. Đô la và nhân dân tệ thi nhau sụt giá, liệu đồng euro của Châu Âu sẽ phải giơ đầu chịu báng ? Nhưng không chỉ có Châu Âu, mà cả Châu Á cũng sẽ bị ảnh hưởng, nhất là đồng tiền của các nước Đông Nam Á vốn dao động cùng lúc với đồng nhân dân tệ.
Vụ ám sát nhà báo điều tra Malta vì biết quá nhiều
Tại Châu Âu, L’Obs trong loạt bài về các tội ác chính trị vẫn chưa được làm rõ, đề cập đến "Nhà báo nữ biết quá nhiều". Cho đến nay người ta vẫn chưa biết được ai đứng đằng sau vụ ám sát bà Daphne Caruana Galizia, nhà báo điều tra nổi tiếng nhất Malta, bị giết chết tháng 10/2017. Và chính phủ Malta, quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu, luôn từ chối tưởng niệm bà.
Hôm 16/10/2017, một khối TNT đã khiến chiếc xe Peugeot mà bà Galizia cầm lái nổ tan tành ở ngay gần nhà. Con trai bà, cũng là một nhà báo, khi nghe tiếng nổ đã chạy chân trần ra khỏi nhà, trông thấy những mảnh vụn trên đường và trên cánh đồng, đó là mẹ anh !
Daphne Galizia là chủ blog Running Commentary, có những ngày đến 400.000 lượt truy cập trong khi dân số của Malta chỉ có 475.000 người. Bà là thành viên của liên minh các nhà báo điều tra quốc tế, có hồ sơ của tất cả. Ngòi bút của bà không chừa một nhân vật tham nhũng nào trong chính phủ, và giới chính khách, doanh nhân Malta cũng trả đòn với 47 vụ kiện vu khống.
Trong tầm ngắm của nhà báo này, có nhiều nhân vật thân cận với thủ tướng Joseph Muscat liên can đến một xì-căng-đan tham nhũng lớn, trong đó có chánh văn phòng Schembri và bộ trưởng du Lịch Mizzi, hai người có tên trong Panama Papers, và phu nhân thủ tướng. Bà Daphne cũng tiết lộ bộ trưởng kinh tế trong một chuyến công du Đức đã "vui vẻ" với gái mại dâm, có cả video chứng minh.
Ba kẻ thủ ác đều có tiền án, trong đó một tên có ADN tìm thấy trong một mẩu thuốc lá ở hiện trường, số điện thoại dùng để kích hoạt chất nổ, và trước và sau vụ nổ thấy xuất hiện cùng với bộ trưởng Kinh Tế. Thế mà đã hai năm trôi qua, không có ai bị đưa ra tòa, giám đốc Europol ngạc nhiên trước sự thiếu hợp tác của cảnh sát Malta. Những người ủng hộ bà Daphne thường mang hoa và nến đến đặt tại bia tưởng niệm bà, nhưng chính quyền cũng thường xuyên cho dọn sạch đi.
Thụy My
Hồng Kông : Cuộc đọ sức giữa Bắc Kinh và giới trẻ đi về đâu ?
Thái độ của Trung Quốc ngày càng hung tợn, đe dọa một Thiên An Môn thứ hai. Washington và Paris kêu gọi Bắc Kinh đối thoại với đối lập Hồng Kông, Tây phương lo âu nhưng giới trẻ không nao núng. Tại Nga, Putin đối đầu với thành phần đối lập trẻ và kiên quyết. Nước Đức và nguy cơ bạo lực cực hữu. Đó là một số chủ đề quốc tế trên báo Pháp 16/08/2019.
Người biểu tình tại sân bay Hồng Kông ngày 13/08/2019. Reuters/Thomas Peter
Đảng Cộng sản Trung Quốc bị thách thức
Sau hai tháng xuống đường, phong trào phản kháng tại Hồng Kông không giảm cường độ. Đứng trước thái độ đe dọa ngày càng thô bạo của Trung Quốc, đưa quân đến sát biên giới "chỉ cách có 10 phút" cộng đồng quốc tế bắt đầu phản ứng nhưng không có gì bảo đảm là Bắc Kinh sẽ lắng nghe. Thái độ hung hăng của Bắc Kinh mang ý nghĩa gì ?
Hành động thô bạo của Bắc Kinh trong vấn đề Hồng Kông trong thời gian gần đây cho thấy tính chất độc đoán của chính quyền cộng sản, La Croix nhận định trong bài xã luận "Hồng Kông và hơn thế nữa". Washington, Luân Đôn, Paris hay Berlin yêu cầu Bắc Kinh phải tôn trong nhà nước pháp quyền, nhân quyền và chế độ tự trị của Hồng Kông. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tiếp tục gây sức ép chính trị, gia tăng tuyên truyền một chiều thô bạo và đưa quân đến Thâm Quyến, sát biên giới của đặc khu tự trị này.
Theo La Croix, hy vọng là hai bên sẽ đối thoại nhưng giải pháp này rất khó xảy ra. Bởi vì Đảng cộng sản Trung Quốc và tổng bí thư Tập Cận Bình xem cuộc nổi dậy tại Hồng Kông là một hành động thách thức uy quyền và mô hình chế độ chính trị tại Hoa lục.
Đối với ban lãnh đạo Trung Quốc, chỉ có một chế độ độc tài, bá quyền mới có thể lãnh đạo một khối 1,3 tỉ dân. Do vậy, nhìn từ Châu Âu, người ta không khỏi lo ngại trước chính sách kềm kẹp dân chúng, chính sách thương mại gian trá, chiến dịch lấn chiếm biển đảo của các láng giềng. La Croix kêu gọi quốc tế phải hành động khẩn cấp.
Le Figaro trong bài báo "Trung Quốc ngày càng đe dọa" đặt câu hỏi, liệu hành động này là dấu hiệu sắp can thiệp quân sự hay chỉ là lời đe dọa ?
Dù việc điều quân tới Thâm Quyến được tuyên bố chính thức là để chuẩn bị diễu binh nhân dịp 70 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Bắc Kinh, cách Hồng Kông đến 2.000 km, thì trong bối cảnh hiện nay, Bắc Kinh gián tiếp đe dọa can thiệp trực tiếp để tái lập trật tự của đặc khu tự trị qua tuyên bố cuộc biểu tình hiện nay là hành động "khủng bố" và có "bàn tay nước ngoài".
Nhiều chuyên gia lại cho rằng, hành động của Trung Quốc thực chất chỉ là lời đe dọa. Bởi vì, điều kiện để can thiệp vào Hồng Kông thì trước hết, thành phố này phải chìm trong hỗn loạn, khi đó Bắc Kinh mới có thể nói chủ quyền và lợi ích đang bị đe dọa. Thứ hai là chính quyền và cảnh sát Hồng Kông không kiểm soát được tình hình, khi đó Bắc Kinh mới có khả năng can thiệp. Và "các điều kiện này chưa hội đủ" theo lời ông Alexander Neil thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc tế của Singapore. Bắc Kinh cũng không thể dùng quân sự như ở Tây Tạng và Tân Cương, nơi không có nhân chứng hay ở Thiên An Môn, chỉ là một quảng trường. Hồng Kông, trái lại là một quần đảo đô thị.
Theo chuyên gia Valérie Niquet, viện Nghiên Cứu Chiến Lược, (FRS), trên La Croix, hai tháng sau khi nổ ra cuộc đấu tranh chống luật dẫn độ, hai kịch bản bắt đầu hiện ra : Một là phong trào tranh đấu rơi vào bẫy bạo lực và yếu dần, tuyên truyền của Bắc Kinh thành công. Hai là biểu tình tiếp diễn và lan rộng, lúc đó Trung Quốc can thiệp quân sự. Nhưng muốn chiến thuật Thiên An Môn thành công ở Hồng Kông, thì quy mô phải đàn áp toàn diện và bắt nhiều ngàn người. Vấn đề là hình ảnh Trung Quốc đã rất tồi tệ từ nhiều năm nay, Bắc Kinh sẽ bị lên án nặng nề hơn. Tập Cận Bình đã nhận được nhiều lời khuyến cáo của Mỹ và Châu Âu. Tuy nhiên, chuyên gia Valérie Niquet thận trọng : Tập Cận Bình vẫn có thể trực tiếp ra lệnh can thiệp quân sự bất chấp nguy cơ giết chết con gà đẻ trứng vàng.
Tuổi trẻ Hồng Kông dấn thân
Theo Le Monde, lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Mỹ có thái độ thẳng thắn khi ra thông cáo "ủng hộ quyền tự do ngôn luận và hội họp ôn hòa" tại Hồng Kông. Le Figaro dành hai trang để tóm lược tình hình : Donald Trump tìm cách "dỗ ngọt" Tập Cận Bình. Thành phố sợ sóng thần suy thoái kinh tế nhưng giới trẻ Hồng Kông không sợ đoàn xe bọc thép của Hoa lục.
Bình luận về hình ảnh đoàn xe bọc thép của Trung Quốc đóng tại Thâm Quyến loan trên các mạng xã hội, một thanh niên Hồng Kông cho biết anh "không một chút lo âu, sẽ tiếp tục xuống đường và không tin Trung Quốc có can đảm tấn công". Giới tài phiệt, trái lại, bỏ tiền quảng bá trên hai trang báo South China Morning Post, kêu gọi giới trẻ "ngưng xuống đường". Một thanh niên họ Mã bác bỏ : "Những ông tỉ phú này cần Trung Quốc để làm giầu thêm nữa, nhưng chúng tôi không sống cùng một thế giới với họ, vì tương lai, giới trẻ chúng tôi không muốn dính dáng đến Hoa lục". Nếu lính Trung Quốc tràn qua thì sao ? : "Chúng tôi rút về nhà và chờ cơ hội. Khủng hoảng vẫn nằm đó".
Nhưng đâu phải chỉ có dự luật dẫn độ, bầu cử tự do và quan hệ độc lập với Hoa lục cũng nằm trong danh sách 5 yêu sách tranh đấu. Trên mạng xã hội, họ kêu gọi nhau xuống đường vào thứ Bảy tới, lần thứ 11.
Chống độc tài, sinh viên Nga là ngọn cờ đầu ?
Tại Nga, tổng thống Putin cũng đối đầu với giới trẻ dấn thân đấu tranh chính trị. Libération giới thiệu Egor Joukov, sinh viên cao đẳng chính trị. Sau khi bị bác đơn tranh cử, nhân vật trẻ được xem là ngọn cờ của phong trào phản kháng chống Putin đối mặt với bản án 8 năm tù.
Vào ngày 17 tới đây, Egor Joukov, người sinh viên 21 tuổi, sẽ không có mặt trong đoàn biểu tình ở thủ đô Moskva. Từ ngày 02/08, blogger có 110 ngàn "fan" theo dõi bị tạm giam chờ ra tòa với cáo buộc "tổ chức và chỉ huy gây bạo loạn".
Cuộc đấu tranh của Egor Joukov nay đã được hàng chục ngàn dân Nga, trong đó có ca sĩ nhạc "ráp" dấn thân Oxxxymiron, ủng hộ. Tội của sinh viên trường chính trị Moskva là sau khi đơn ứng cử bị bác vì "không đủ chữ ký", anh quay sang ủng hộ Dmitri Goudkov, một ứng cử viên đối lập có tiếng tăm. Dmitri Goudkov cuối cùng, cũng như khoảng 30 nhà đối lập khác, bị cấm tranh cử.
Từ nhiều tháng nay, anh không ngừng kêu gọi dân chúng xuống đường "phát biểu mạnh mẽ sự suy nghĩ của mình, không đầu hàng chế độ". Được đào tạo trong môi trường đại học chính trị, nơi mà thầy trò còn được khá nhiều tự do, Egor Joukov vừa tung lên mạng đoạn băng giải thích "Ba lý do để xỉ vả chế độ này".
Trong bối cảnh đàn áp trước bầu cử, Egor Joukov trở thành mục tiêu triệt hạ của chính quyền Nga nhưng họ không bịt miệng anh được. Trái lại, càng bắt nhốt Egor Joukov, thì biểu tình càng đông hơn.
Đức : Cực hữu lộng hành
Về tình hình Châu Âu, trang nhất và bài xã luận của Le Monde lo âu về nguy cơ khủng bố cực hữu tại Đức.
Với 8.605 vụ ám sát và bạo lực quy cho phe cực hữu được báo chí Đức tổng kết trong sáu tháng đầu năm nay, tăng 10% so với năm 2018, nước Đức của Angela Merkel đứng trước đe dọa của "khủng bố nâu", ám chỉ thời tiền quốc xã.
Sự kiện làm cả nước choáng váng là vào ngày 02/06/2019, thị trưởng Walter Lubcke, ở Kassel, bị bắn một viên đạn vào đầu.
Các thủ đoạn khủng bố này nước Đức từng trải qua trong thập niên 1930. Thế mà cơ quan tình báo Đức xem thường hiện tượng từng xảy ra trong lịch sử và đang tái diễn với nhịp độ đáng ngại. Tư pháp Đức cũng chậm chạp truy tìm thủ phạm. Từ khi Angela Merkel, khác với thái độ rụt rè của các đồng nhiệm Châu Âu, cho phép đón tiếp hơn một triệu di dân và người tị nạn, vì lý do nhân đạo và chuộc lỗi phần nào cho lịch sử đen tối của thời quốc xã, nhiều người dân Đức không được chuẩn bị tinh thần để chấp nhận sự nhân ái này.
Khai thác tâm lý tiêu cực này, các tổ chức cực hữu tại Đức và Châu Âu đang lên điểm trong các cuộc bầu cử. Tại Quốc hội Đức , đã có ít nhất 100 dân biểu cực hữu, và phe này có thể về đầu ở ít nhất hai bang thuộc Đông Đức cũ trong cuộc bầu cử tháng 9. Le Monde hy vọng nữ thủ tướng Đức sẽ thành công thực hiện chính sách hội nhập di dân trong hai năm cuối nhiệm kỳ. Nếu không, tình hình sẽ rất nguy hiểm cho nước Đức và Châu Âu.
Pháp : Thất nghiệp giảm kỷ lục
Vào lúc tăng trưởng kinh tế Đức bị khựng lại, tình trạng thất nghiệp tại Pháp được cải thiện với tỉ lệ 8,5%. Tin này đáng phấn khởi hay không ? Les Echos dự báo chỉ tiêu làm giảm thất nghiệp tại Pháp còn 7% vào cuối nhiệm kỳ tổng thống Macron có thể thực hiện được. Le Figaro không lạc quan lắm.
Lần đầu tiên sau 6 năm, tỉ lệ thất nghiệp của Pháp giảm xuống dưới 8,5%. Tuy nhiên, liệu đây có phải là một sự phát triển bền vững?
Tờ Le Figaro trong bài xã luận "Vẻ đẹp yếu đuối" đăng vào sáng 16/08/2019 xem xét trên ba góc độ.
Thứ nhất, các nước láng giềng như Anh và Đức có tỉ lệ thất nghiệp chỉ bằng một nửa của Pháp trong khi các nước trong khu vực đồng euro cũng chỉ loanh quanh ở mức 7,5%.
Thứ hai, dù Pháp đang dần giảm thuế và cải cách luật lao động, hiệu quả của các biện pháp này đều chưa cao. Tiền cần được đầu tư vào nghiên cứu, chứ không phải rơi vào cái túi không đáy của chính phủ, ví dụ như chi gần 10 tỉ euro để xoa dịu khủng hoảng "Áo Vàng".
Thêm vào đó, tuy giới doanh nghiệp phục hồi phần nào niềm tin, nhưng trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tăng cao, tác động đến kinh tế thế giới, niềm tin này rất mong manh. Nước Đức đã trả giá. Kinh tế thế giới có vấn đề không bao giờ là điều thuận lợi cho kinh tế Pháp.
Ang San Suu Kyu, ngôi sao thất sủng
Tiếp tục loạt bài chân dung phụ nữ, hôm nay Libération giới thiệu Aung San Suu Kyi, người mệnh phụ bị "thất sủng".
Là khôi nguyên Nobel hòa bình năm 1991, nhà lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi luôn nhận được sự ngưỡng mộ từ phương Tây. Nhưng tình thế nay đã khác do những chính sách thiếu cảm thông của bà đối với người Rohingya, nhật báo cánh tả Libération lấy làm tiếc trong bài "Aung San Suu Kyi, người đàn bà bị ghét bỏ".
Những năm 90 của thế kỷ trước, người phụ nữ Châu Á này nhận hàng loại giải thưởng như giải Sakharov, Nobel Hòa Bình, danh hiệu "đại sứ lương tâm" của tổ chức Ân xá Quốc tế, lên trang bìa của nhiều tạp chí quốc tế, tên tuổi được nhắc nhở đến trong nhiều quyển sách và cả những bài hát. Aung San Suu Kyi trở thành biểu tượng tự do và dân chủ. Tại Paris, bà từng được tổng thống François Hollande đón tiếp như một nguyên thủ quốc gia.
Tuy nhiên, gió đã đổi chiều. Giữa năm 2012, người dân theo đạo Hồi tại Miến Điện dường như phải đối mặt với nhiều đe dọa : tàn sát, hỏa hoạn, bình luận hằn học trên mạng xã hội. Mâu thuẫn tôn giáo bị đẩy lên cao tại quốc gia Đông Nam Á này. Cũng trong năm đó, người phụ nữ quyền lực Suu Kyi đã yêu cầu các nhà ngoại giao nước ngoài ngưng dùng từ "Rohingya".
"Độc đoán", "không khoan nhượng", "hoài nghi" là những từ người ta nói về bà trong thời gian gần đây, gồm cả những người thân cận hay những nhà ngoại giao của Miến Điện.
Năm 2015, bà nhậm chức Cố vấn Nhà nước. Tháng 4, 2016, bà trở thành thủ tướng. Chỉ 6 tháng sau đó, một cuộc đụng độ của người Rohingya với quân đội Miến Điện đã xảy ra. Tháng 8 năm 2017, một cuộc đụng độ nghiêm trọng hơn đã khiến 700.000 người phải chạy sang Bangladesh.
Vì sao bà Aung San Suu Kyi phủ nhận có "một cuộc thanh trừng sắc tộc" ? Dường như, bà đang chọn "sống chung hòa bình" với quân đội, định chế duy nhất có thể đảm bảo an ninh quốc gia.
Nhiều người lên tiếng kêu gọi rút lại giải thưởng Nobel của bà. Các thành phố, các tổ chức cũng tháo dỡ ảnh của bà, rút lại tước hiệu công dân danh dự hay đại sứ.
Hai năm trước, phát biểu với đài BBC, bà nói "Tôi không phải là Margaret Thatcher" (cựu thủ tướng Anh). Mặt khác, tôi cũng không phải Mẹ Teresa". Ở tuổi 74, bà vẫn "nổi tiếng ở Miến Điện nơi người ta vẫn nói về bà với sự tôn trọng và chờ đợi kết quả", một nhà ngoại giao kết luận. Người đàn bà thép không hề biến mất mà trở nên "thực tế" hơn bao giờ hết.
Tú Anh
Nhật – Hàn : Khi thâm thù lịch sử vẫn được nuôi dưỡng
Hôm 15/08/2019, ngày lễ Đức Mẹ lên trời, ngoại trừ tờ Le Monde ra từ chiều hôm trước, hầu hết cá tờ báo lớn của Pháp, báo giấy cũng như điện tử đều nghỉ. Về thời sự Châu Á, Le Monde quan tâm đến khủng hoảng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Châu Á, qua bài phân tích mang tiêu đề "Donald Trump bất lực trước khủng hoảng Nhật – Hàn".
Biểu tình chống chính sách của thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Seoul, ngày 15/08/2019. Reuters/Kim Hong-Ji
Thông tín viên tại Tokyo, Philippe Mesner, giúp độc giả hiểu thêm căn nguyên của cuộc khủng hoảng giữa hai láng giềng nhiều thâm thù của lịch sử để lại. Nhưng Hàn Quốc và Nhật là hai đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Châu Á. Lục đục giữa Tokyo–Seoul lên cao khiến Washington không thể không quan tâm.
Le Monde dẫn phát biểu đầy lo ngại của tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 9/8 vừa qua : "Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn đang không ngừng đấu nhau. Họ phải thông hiểu nhau bởi vì họ đặt chúng ta (Mỹ) vào tình huống tế nhị". Tổng thống Mỹ liệu có thuyết phục Tokyo và Seoul nói chuyện với nhau để ra khỏi cuộc khủng hoảng sâu sắc, đến mức mà cả ngoại trưởng Mike Pompeo cũng như bộ trưởng quốc phòng Mark Esper đều không làm sao giảm nhiệt căng thẳng hai nước.
Tác giả bài báo nhắc lại sự việc bùng phát từ hồi tháng 10/2018 khi Tòa Án Tối Cao Hàn Quốc ra phán quyết buộc một số công ty Nhật đã cưỡng bức lao động khổ sai với người Hàn Quốc trong thời kỳ Đại chiến Thế giới thứ 2 phải trả tiền đền bù cho nạn nhân. Bản án đã khiến Tokyo phẫn nộ, vì theo họ vấn đề này đã được giải quyết thỏa đáng trong hiệp định giữa hai nước ký năm 1965.
Thế nhưng, sự việc không chỉ dừng ở đó. Đến mùa hè vừa qua, Tokyo trả đũa bằng lệnh trừng phạt kinh tế đối với Seoul, nhằm trực tiếp vào lĩnh vực quan trọng của kinh tế Hàn Quốc là điện tử.
Tờ báo nhận xét : "Như trong quá khứ, tuy lần này ở tầm mức khác, cuộc khủng hoảng vẫn thường nảy sinh từ các tranh chấp lịch sử luôn sống động giữa hai nước. Lần này, khủng hoảng xuất hiện khi mà hai quốc gia được lãnh đạo bởi những nhân vật nhạy cảm, theo cách riêng của mỗi người".
Ở Nhật, thủ tướng Shinzo Abe, đại diện cho trào lưu dân tộc chủ nghĩa và xét lại. Từ khi trở lại cầm quyền 2008, chính phủ của ông đã cho xóa bỏ hay sửa đổi trong sách lịch sử các chi tiết liên quan đến thời kỳ u ám nhất của Nhật trong quá khứ. Thí dụ như vụ thảm sát Nam Kinh (Trung Quốc) hay thảm cảnh của các phụ nữ giải sầu người Hàn Quốc, Trung Quốc. Ông Abe chưa bao giờ tỏ thái độ hối hận gì về những trang sử đen tối của Nhật.
Còn ở Hàn Quốc, tổng thống thuộc trung tả, Moon Jae-in, thì lại là người nhìn lịch sử như là một trang vinh quang của cuộc kháng chiến chống quân chiếm đóng Nhật. Ông tận dụng triệt để sự kiện kỷ niệm 100 năm phong trào 1/3/1919 huy động người Triều Tiên đứng lên kháng Nhật, để phục vụ mục tiêu chính trị.
Những đốm lửa trong đống tro tàn lịch sử giữa hai nước không bao giờ dập tắt, mà trái lại còn được các nhà lãnh đạo hai bên duy trì để thổi bùng lên khi cần.
Cuộc khủng hoảng hiện nay bắt nguồn từ hiệp định 1965, tái lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Bản hiệp định là kết quả sau 14 năm đàm phán giữa hai nước cùng sức ép mạnh mẽ của Mỹ. Hiệp định ngay từ khi ký đã làm bùng lên các cuộc biểu tình ở hai nước. Ở Hàn Quốc, một phần nội dung hiệp định được giữ bí mật cho đến tận năm 2005. Khi được công bố, người ta mới biết về khoản tiền 300 triệu đô la mà Nhật đền cho các nạn nhân Hàn Quốc dưới thời thực dân và nhất là số tiền trên đã được chuyển thành khoản đầu tư cho hạ tầng cơ sở đất nước.
Le Monde nhận định : Trong bối cảnh, cân bằng an ninh ở khu vực bị đe dọa vì sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, vai trò trọng tài của Mỹ là cần thiết nhưng khó. Nhiều nhà phân tích cho rằng sự can thiệp của Donald Trump vào sự việc là rất phức tạp. Giải pháp nằm trong tay người Nhật vàn Hàn. Họ chỉ có thể giải quyết bằng thỏa hiệp. Theo các nhà phân tích của CSIS (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế), được Le Monde trích dẫn : "Hàn Quốc phải chấp nhận một điều là mọi thỏa thuận về cơ bản đều không hoàn hảo và không đầy đủ, trong khi đó Nhật sẽ phải hiểu rằng lần khần xin lỗi sẽ chỉ làm trở ngại cho một thỏa thuận thực sự mang lại cơ hội để cải thiện quan hệ".
Hồng Kông : Bạo lực tràn sang phe biểu tình
Vẫn Liên quan đến Châu Á, nhật báo Le Monde tiếp tục dành sự quan tâm đến thời sự nóng bỏng: khủng hoảng Hồng Kông. Tờ báo trở lại với các cuộc biểu tình liên tiếp những ngày qua ở đặc khu hành chính của Trung Quốc này với bài "Những cảnh tượng hỗn loạn ở sân bay Hồng Kông".
Đặc phái viên của Le Monde tại Hồng Kông ghi nhận : "Cho tới giờ vẫn được coi là niềm tự hào và biểu tượng cho thành công về tài chính của thành phố, sân bay Hồng Kông đến cuối ngày thứ Ba 13/8 chỉ còn là một con tàu chao đảo. Không có ai chết thì đã là điều kỳ diệu".
Le Monde điểm lại diễn biến các cuộc biểu tình phản kháng chính quyền Hồng Kông và cùng sự chi phối của chế độ Bắc Kinh từ hôm thứ Hai đến ngày thứ Tư tuần này, đặc biệt trong ngày thứ Ba căng thẳng và bạo lực lên cao độ. Bạo lực của cảnh sát giải tán người biểu tình và trong phong trào đấu tranh đa phần là giới trẻ có học hành giờ cũng bắt đầu xuất hiện những hành động bạo lực để đáp trả.
Le Monde cho biết, trong buổi chiều tối thứ Ba đầy căng thẳng ở sân bay quốc tế, người biểu tình đã tấn công hai người Trung Quốc đại lục. Đầu tiên họ giữ và đánh một người đàn ông Trung Quốc lục địa vì nghi là công an chìm trà trộn vào đoàn biểu tình. Khi xe cứu thương tới đưa người bị tấn công, người biểu tình thậm chí còn ngăn cản xe cứu thương. Cảnh sát phải dùng hơi cay để giải toả đám đông.
Một sự vụ khác tương tự xảy ra sau đó, một nhóm người biểu tình đã bắt giữ, trói rồi lột giấy tờ, áo của một người đàn ông, cũng lại là người Trung Hoa lục địa, bị nghi là cảnh sát được gài vào phá biểu tình. Chính những hành động bạo lực như vậy có thể gây hậu quả không tốt cho phong trào đấu tranh sắp tới. Văn phòng liên lạc của Bắc Kinh tại Hồng Kông không bỏ lỡ cơ hội lên án những hành động trên của người biểu tình "gần như là hành động khủng bố". Rất có thể đó sẽ là cái cớ để Bắc Kinh can thiệp sâu hơn vào cuộc khủng hoảng hiện nay.
Le Monde nhận định : "Không thể chối cãi, ngày 13/8 vừa qua đánh dấu bước ngoặt mới của phong trào" biểu tình. Trả lời phỏng vấn Le Monde, một trong những nhân vật đối lập tại Nghị Viện, Claudia Mo khẳng định giới trẻ sẵn sàng hy sinh cuộc sống vì lý tưởng của họ. Dự kiến sẽ có cuộc biểu tình lớn được tổ chức vào ngày Chủ nhật 18/8 tới đây.
Hồng Kông : Cộng đồng quốc tế im lặng ?
Trong khi đó những biến động ở Hồng Kông được một số tờ báo địa phương của Pháp nhìn dưới góc độ khác.
Tờ La Presse de La Manche, ghi nhận sự im lặng của cộng đồng quốc tế. Nhật báo của vùng Normandie cho rằng "Người Trung Quốc có đèn xanh của cộng đồng quốc tế chịu để Bắc Kinh "bình thường hóa" Hồng Kông. Hiếm khi nào, sự im lặng lại có ý nghĩa hơn thế này. Đó là một kiểu giấy báo tử được phát trước khi nạn nhân chết. Donald Trump, như mọi người đều biết, là một người rất nhạy cảm và là một nhà dân chủ có niềm tin, cũng chỉ nêu mong muốn sao cho đừng có quá nhiều đập phá. Ông hy vọng sẽ không có quá nhiều người bị thương, đó là dấu hiệu của một sự giữ ý tứ khi thiếu vắng cảm xúc mạnh. Khủng hoảng Hồng Kông thậm chí còn không tác động đến các quốc gia vốn nổi tiếng là hay quan tâm đến quyền của các dân tộc để họ có thể yêu cầu đưa ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc". Với giọng gay gắt, tờ La Presse de La Manche nhấn mạnh : "Đó là điều người ta vẫn thường làm để giữ thể diện trước khi buông trôi theo sự nhu nhược".
Anh Vũ
Hồng Kông : Đàn áp hay không đàn áp, câu hỏi khó cho Bắc Kinh
Một sự can thiệp theo kiểu Thiên An Môn 1989 sẽ là hồi kết cho nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ", với những hậu quả khó lường. Nhưng với sự thiếu vắng một "kế hoạch B", chính quyền Trung Quốc hiện nay dường như buộc lòng phải chờ đợi cho phong trào suy giảm dần đi.
Cảnh sát bắn hơi cay vào người biểu tình tại Thâm Thủy Bộ (Sham Shui Po), Hồng Kông ngày 14/08/2019. Reuters/Thomas Peter
Tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris, ngành sản xuất thịt thích ứng với xu hướng tiêu dùng, tranh luận về công nghệ nhận diện khuôn mặt, đó là những đề tài chiếm trang nhất các nhật báo Pháp hôm nay. Về thời sự quốc tế, tình hình Hồng Kông và Nga, cái chết của nhà tỉ phú Mỹ, giá dầu thế giới tiếp tục được quan tâm.
"Be water"
"Tại Hồng Kông, Bắc Kinh chừng như đành phải tạm thời chờ cho phong trào phản kháng lắng dần", đó là nhận xét của thông tín viên Le Monde. Kể từ cuộc tuần hành ôn hòa một triệu người hôm 9/6, rồi hai triệu người ngày 16/6, Hồng Kông lao vào một cuộc khủng hoảng chính trị vô tiền khoáng hậu, mà hiện nay chưa ai thấy ra được một lối thoát.
Người biểu tình nay chuyển sang phương pháp được Lý Tiểu Long (Bruce Lee) cổ vũ ở một trong những bộ phim của ngôi sao này : "Be water" (Hãy linh hoạt như nước). Những hành động bất tuân dân sự nhẹ nhàng lúc ban đầu (như chận cửa để làm trễ giờ các chuyến tàu điện ngầm), đã nhường chỗ cho các vụ tấn công có mục tiêu (như phong tỏa một đường hầm là giao điểm chính).
Những cuộc tập kích của các nhóm nhỏ tại nhiều địa điểm khác nhau có được sự ủng hộ của một phần lớn cư dân, liên quan đến điều kiện sống chật vật và các quyền tự do bị siết lại, cũng như Nhà nước pháp quyền mà người dân Hồng Kông vốn coi trọng.
Đấu tranh nhân dân : Người bị bắt từ 14 đến 76 tuổi !
Một đặc trưng khác của phong trào là sự chiết trung. Các cuộc biểu tình dần dần lan rộng, vượt qua khỏi đảo Hồng Kông đến tận các thành phố biên giới với Trung Quốc, và huy động được nhiều thành phần ngoài hạt nhân chính là giới trẻ. Tuổi của những người bị cảnh sát bắt là từ 14 đến 76, như vậy bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga có quá vội vã khi nói rằng phong trào phản kháng chỉ là "một nhóm người cực đoan bạo động" ?
Bắc Kinh rõ ràng là bối rối, ban đầu để cho bà Lâm giơ đầu chịu báng, và bà này giao lại việc xử lý khủng hoảng cho cảnh sát Hồng Kông, vốn không có kinh nghiệm gì về những sự kiện tương tự.
Kể từ khi đàn áp quá mức vụ biểu tình trước Nghị Viện hôm 12/6, cảnh sát đã trở thành mục tiêu mới của người biểu tình. Họ đòi hỏi điều tra độc lập về bạo lực cảnh sát, nhưng chính quyền cho rằng chỉ cần điều tra nội bộ.
"Mắt đối mắt"
Hoàn toàn vắng bóng trong cuộc biểu tình hai triệu người hôm 16/6, cảnh sát cũng không hành động gì lúc tổng hành dinh bị bao vây hôm 20/6, và vụ đột nhập Nghị Viện hôm 1/7. Nhưng từ đó đến nay cảnh sát lại thẳng tay đàn áp, vội vã bắn hơi cay và bắt giữ rất nhiều người. Phe "xã hội đen" Hồng Kông bắt đầu tham gia tấn công người biểu tình từ tối 21/7 tại trạm métro Nguyên Lãng (Yuen Long), chúng dùng gậy sắt quất tàn bạo vào bất kỳ ai. Các vụ đối đầu đã trở thành thường xuyên, nhưng, sẽ còn kéo dài bao nhiêu tuần, bao nhiêu tháng nữa ?
Le Figarotrong bài "Leo thang bạo lực tại Hồng Kông" cho biết cuối tuần qua có 40 người phải nhập viện, trong đó có một cô gái bị trúng đạn cao su, mất đi một mắt. "Mắt đối mắt", người biểu tình hôm qua hô vang trên đường đến sân bay. Cảnh sát bây giờ không ngần ngại bắn đạn cao su ở cự ly rất gần, dùng dùi cui đánh đến đổ máu dù người biểu tình đang bỏ chạy, chận bắt một cách thô bạo, và lần đầu tiên bắn hơi cay vào không gian khép kín là một trạm métro.
Le Monde nhận xét, phong trào phản kháng nay nhắm vào ba mục tiêu : cảnh sát, chính quyền Hồng Kông, chính quyền trung ương Bắc Kinh. Khẩu hiệu mới trong các cuộc biểu tình là "Trả lại tự do cho Hồng Kông, cuộc cách mạng của thời đại chúng ta", cùng với một số vụ đụng độ với phe thân Bắc Kinh và quăng cờ Trung Quốc xuống biển, bị coi là bằng chứng "ly khai".
Thiếu một kế hoạch B, Bắc Kinh lúng túng
Một cảnh sát bị phỏng nhẹ do bom xăng hôm Chủ nhật, khiến Dương Quang (Yang Guang), phát ngôn viên cơ quan phụ trách về Hồng Kông tuyên bố đó là "một tội phạm nghiêm trọng, cho thấy những dấu hiệu đầu tiên của khủng bố".
Nhưng theo Le Figaro, định nghĩa "khủng bố" của Bắc Kinh rộng một cách kỳ lạ. Tháng trước, nhà đấu tranh chống tham nhũng Trương Bảo Thành (Zhang Baocheng) bị bắt với cáo buộc "cổ vũ khủng bố", chỉ vì ông đòi hỏi minh bạch về thu nhập của các thành viên chính phủ. "Đấu tranh chống khủng bố" cũng là cái cớ để tống giam một triệu người Duy Ngô Nhĩ vào các trại cải tạo. Nhiều chuyên gia trong đó có nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan tố cáo, có khoảng 2.000 công an từ Hoa lục trà trộn vào 30.000 cảnh sát Hồng Kông.
Trần Hạo Thiên (Andy Chan Ho Tin), người sáng lập đảng HKNP đòi độc lập cho Hồng Kông tuyên bố : "Dù Trung Quốc phản ứng như thế nào đi nữa, Bắc Kinh đã mất Hồng Kông vĩnh viễn". Ông Trần hiện nay đã bị bắt, đảng của ông bị cấm hoạt động. Le Figaro cho rằng để che giấu sự bối rối, Trung Quốc khi thì tố cáo "bàn tay đen đúa" của một nhà ngoại giao Mỹ ở Hồng Kông, khi lại cáo buộc công ty Cathay Pacific "đổ dầu vào lửa" khi để cho các nhân viên được đình công.
Bắc Kinh ngày càng lớn tiếng đe dọa, nhất là khi công bố các video tập trận chống biểu tình. Le Monde kết luận, một sự can thiệp theo kiểu Thiên An Môn 1989 sẽ là hồi kết cho nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ", với những hậu quả khó lường. Nhưng với sự thiếu vắng một "kế hoạch B", chính quyền Trung Quốc hiện nay dường như buộc lòng phải chờ đợi cho phong trào suy giảm dần đi.
Nga : Chính quyền càng cứng rắn, đối lập càng cực đoan
Nhìn sang một phong trào phản kháng khác nhưng ở nước Nga, chuyên gia Andrei Kolesnikov của Trung tâm Carnegie ở Moskva nhận định trên Les Echos "Trước sự không khoan nhượng của chính quyền, đối lập có nguy cơ trở nên cực đoan hơn".
Với trên 50.000 người xuống đường vào Chủ nhật tuần rồi, đây là một ngạc nhiên cho chính quyền Nga. Có những khuôn mặt trẻ mới xuất hiện, nhưng đây cũng chính là xã hội dân sự trong phong trào phản kháng 2011-2012, gồm đủ mọi lứa tuổi và thành phần, từ doanh nhân cho đến nhân viên các công ty vừa và nhỏ.
Cho đến nay, càng bị siết thì phe phản kháng lại càng quyết tâm hơn. Chính quyền không thể hiểu được vì sao đã bắt hết các nhà lãnh đạo đối lập nhưng vẫn không thể ngăn được phong trào lan rộng. Các nhân vật ôn hòa trong chính quyền Moskva có vẻ kín tiếng, còn đô trưởng đương nhiệm Serguei Sobyanine, một người thân cận của tổng thống Putin thì có chủ trương cứng rắn.
Chính ông ta đã tổ chức các buổi trình diễn văn nghệ và lễ hội nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của người dân. Nhưng các cuộc biểu tình đông đảo người tham gia đã chứng minh chiến thuật của ông Sobyanine phần nào đã thất bại. Tòa đô chính Moskva được lãnh đạo bởi một giàn kỹ trị, tập trung cho việc hiện đại hóa thủ đô. Tuy nhiên những người biểu tình đã nhắc nhở họ rằng không có hiện đại hóa nếu không có dân chủ.
Công nghệ nhận diện : Bạn hay thù ?
Về một tiến bộ khoa học có nguy cơ bị lạm dụng cho việc đàn áp, La Croix chạy tựa "Công nghệ nhận diện, sự khẩn cấp của việc tranh luận". Các cuộc thử nghiệm công nghệ mới này đang diễn ra ngày càng nhiều tại Pháp, nhưng ở California, có những thành phố cẩm sử dụng ở nơi công cộng.
La Croix mô tả, trong đám đông, những tia sáng laser màu xanh lá cây chiếu về phía cảnh sát. Những người biểu tình mang khẩu trang che mặt, đầu đội nón bảo hộ lao động, và che dù. Đó là những trang bị không thể thiếu của người biểu tình Hồng Kông để chống lại công nghệ nhận diện của Bắc Kinh. Những hình ảnh đáng kinh ngạc, không phải trong truyện khoa học viễn tưởng, mà chính là những gì đang diễn ra từ hai tháng qua : ở cựu thuộc địa Anh cũng như những địa phương khác của Trung Quốc, nhà cầm quyền thường xuyên sử dụng công nghệ nhận diện để nhận ra những người biểu tình.
Cho đến nay, công nghệ mới này được ủng hộ với lý do đơn giản là đem lại nhiều lợi lộc, và con người thường thích thú với cái mới. Công nghệ nhận diện giúp nhanh chóng nhận ra các tên tội phạm trong đám đông, tuy nhiên lại xâm phạm nặng nề đến cuộc sống riêng tư, và mang lại cho các chế độ độc tài một công cụ hiệu quả để đàn áp. Theo tờ báo, bây giờ là lúc cần xem xét lại.
Phục dựng di sản quý giá Nhà thờ Đức Bà Paris
Trên lãnh vực văn hóa, Libération chơi chữ ở trang nhất "Những người làm việc cật lực ở Nhà thờ Đức Bà". Tờ báo dùng chữ "bosseur", có thể hiểu là "Bossu -Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà", nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng của Victor Hugo.
Trong bài xã luận mang tên "Kho tàng", tờ báo cánh tả nhấn mạnh giá trị của các di sản không chỉ trên khía cạnh tôn giáo. Không chỉ là một thánh đường bị bốc cháy hôm 15/4, mà còn là cả một quá khứ, đại diện cho nghệ thuật xây dựng và trang trí tuyệt hảo của người xưa. Việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris được phối hợp hài hòa giữa các nghệ nhân có tay nghề cao, và công nghệ hiện đại. Trong một thế giới mà cội rễ có nguy cơ đang dần bị quên lãng, hơn bao giờ hết, việc trùng tu di sản này là một thách thức.
Về việc dựng lại hình ảnh 3 chiều của Nhà thờ Đức Bà Paris, ba ngày sau vụ cháy, một ê-kíp của công ty Art Graphique & Patrimoine (AGP) chuyên dựng ma-két kỹ thuật số của các công trình lịch sử, đã đến nơi và gắng sức chạy đua với thời gian. AGP mua ngay sáu siêu máy tính trị giá nhiều trăm triệu euro để chuyển hàng tỉ điểm đo đạc thành hình ảnh. May mắn là một nhà nghiên cứu Mỹ, Andrew Tallon từ năm 2010 đã lưu được khoảng 1 tỉ điểm. Một bất ngờ nữa Nhà thờ Đức Bà đóng vai chính trong trò chơi Assassin’s Creed Unity của nhà sản xuất video game Ubisoft, ngay sau vụ hỏa hoạn công ty đã cho tải về miễn phí.
Người cao niên phạm pháp
Về mặt xã hội tại Pháp, Le Figaro có bài phóng sự "Khi người cao niên vi phạm pháp luật". Tuy hiếm khi được nêu ra và được đánh giá chưa đúng mức, nhưng tội phạm do những người 60 tuổi trở lên là một thực trạng. Trong năm 2018, có trên 17.000 người cao tuổi đã phạm pháp.
Tờ báo kể ra một thí dụ, tháng Năm vừa rồi, một bà cụ trên 100 tuổi được cho là đã sát hại người láng giềng 92 tuổi tại một nhà dưỡng lão, đã bị đưa vào bệnh viện tâm thần. Hồi năm 2014, Marcel Guillot, một ông cụ 93 tuổi đã bị kết án 10 năm tù vì giết chết một bà cụ trên 80 do từ chối những lời tán tỉnh của ông… Trên thực tế, các vụ giết người, cướp của, trộm cắp, lừa đảo… do người cao tuổi thực hiện không ít, nhưng các bản án dành cho họ thường nhẹ nhàng hơn, và các con số thống kê thường không nói lên hết tầm vóc của hiện tượng.
Thụy My
Hồng Kông : "Họ càng đánh, chúng tôi càng vùng dậy"
Tình hình căng thẳng ở Hồng Kông tiếp tục được các nhật báo Pháp đưa tin ngày 14/08/2019, dù không trên trang nhất. Hơn 300 chuyến bay bị hủy trong vòng 24 giờ. Giữa người biểu tình và cảnh sát đã xảy ra xô xát tại sân bay quốc tế Hồng Kông, sau buổi sáng tọa kháng ôn hòa hôm 13/08.
Người biểu tình đứng chật kín lối ra máy bay tại phi trường Hồng Kông ngày 13/08/2019. Reuters/Thomas Peter
Trên trang nhất, nhật báo kinh tế Les Echos đưa tin : "Hồng Kông : căng thẳng tăng cao với Bắc Kinh". Để răn đe những hành động mà Bắc Kinh coi là "khủng bố" nhiều toán quân được huy động đến Thâm Quyến và hình ảnh được truyền thông Nhà nước rầm rộ đăng tải. Bên phía người biểu tình cũng không có dấu hiệu giảm căng thẳng. "Phong trào phản kháng ở Hồng Kông trong ngõ cụt" là nhận định trong một bài viết khác của Les Echos.
Phong trào trở nên cực đoan
Libération cũng có cùng ý kiến với Les Echos khi đánh giá hành động phong tỏa sân bay là "dấu hiệu cực đoan hóa cuộc xung đột". Sân bay Hồng Kông, được khánh thành năm 1998, tượng trưng cho các tham vọng quốc tế của cựu thuộc địa Anh Quốc sau khi được trả lại cho Trung Quốc. Sân bay Hồng Kông cũng là cửa ngõ để cho du khách ngoại quốc, và xa hơn là cộng đồng quốc tế, hiểu được những gì đang diễn ra ở đặc khu hành chính.
Trên những tấm biển ở sảnh đến của sân bay, người ta có thể đọc : "Xin lỗi vì làm phiền, nhưng chúng tôi đấu tranh cho sự sống còn của mình". Agnès, một kiến trúc sư 30 tuổi, tham gia biểu tình, hiểu rõ "chiếc vòng luẩn quẩn mà họ bị mắc vào và lối thoát hẳn sẽ rất kinh khủng". Trả lời phóng viên của Libération, cô tỏ ra cương quyết : "Họ càng đánh, chúng tôi càng vùng dậy… Chúng tôi không thể dung thứ việc luật pháp bị cảnh sát nhạo báng".
Người dân Hồng Kông phẫn nộ trước tình trạng bạo lực của cảnh sát, cũng như từ phía một bộ phận người biểu tình quá khích và vũ lực. Trường hợp một cô gái bị hỏng một mắt vì trúng đạn cao su của cảnh sát, một người biểu tình khác bị đánh và còng tay khi đã ngã xuống đất hoặc cảnh sát ném lựu đạn hơi cay vào một nhà ga tầu điện ngầm… tất cả những sự kiện này càng là dấu hiệu "chính phủ đi quá đà", theo phát biểu của Kris, một kỹ sư trẻ.
Mông lung lối thoát
Vẫn theo Kris, lối thoát duy nhất cho cuộc khủng hoảng này là "để người dân Hồng Kông được tự do bầu ra lãnh đạo của họ". Libération nhắc lại, phổ thông đầu phiếu chưa bao giờ được phép dưới thời thực dân Anh, nhưng lại được hứa hẹn khi Luân Đôn và Bắc Kinh ký quyết định về tương lai Hồng Kông năm 1997.
Chính quyền trung ương gây sức ép để giới doanh nghiệp Hồng Kông chọn đứng về phe nào. Kết quả không có gì là ngạc nhiên, lần lượt hãng hàng không Cathay Pacific, Swire Pacific, tỉ phú địa ốc Peter Woo… lên án người biểu tình bạo động, "ủng hộ chính phủ Hồng Kông" và "có chung quan điểm với chính phủ trung ương".
Tình hình Hồng Kông trở thành cơn ác mộng cho chủ tịch Tập Cận Bình, trong khi trật tự và ổn định là những trọng điểm trong chính sách của ông. Đây là nhận định trong một bài báo của Le Monde : "Hồng Kông chống cự việc chấn chỉnh".
Tuy nhiên, việc can thiệp quân sự vào Hồng Kông như trường hợp xảy ra ở Thiên An Môn là điều khó có thể xảy ra, vì ông Tập có lẽ sẽ mất rất nhiều nếu sử dụng vũ lực. Đây là nhận định khi trả lời phỏng vấn nhật báo kinh tế Les Echos của chuyên gia về Trung Quốc Jean-Philippe Béjà, giám đốc nghiên cứu danh dự thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) và trường Sciences Po.
Lý do thứ nhất, theo giáo sư Béjà, là Hồng Kông không phải trung tâm của Trung Quốc, mà là một vùng khác, với hệ thống chính trị riêng. Tiếp theo, Bắc Kinh để cho chính quyền địa phương giải quyết khủng hoảng. Dường như chính quyền trung ương đợi phong trào tự tan rã, như từng xảy ra với phong trào Dù vàng năm 2014. Người dân chản nản trước những khó khăn thường nhật và cuối cùng công luận sẽ quay sang chống những người biểu tình. Cuối cùng, dù tồn tại lo lắng phong trào dân chủ Hồng Kông có nguy lây lan, nhưng điều này không ảnh hưởng đến quyền lực trung ương. Nhưng nếu can thiệp vũ lực vào Hồng Kông, hình ảnh của Bắc Kinh sẽ xấu đi trong mắt cộng đồng quốc tế và ngành thương mại của Trung Quốc sẽ bị tác động nặng nề.
Riêng nhật báo công giáo La Croix, trong bài "Ngày tê liệt thứ hai ở sân bay Hồng Kông", lại đặt câu hỏi về chiến lược phong tỏa sân bay của người biểu tình : Liệu chiến thuật "làm tê liệt" sân bay Hồng Kông có làm thất vọng công luận địa phương và quốc tế không ? Liệu Bắc Kinh sẽ viện cớ đó để biện bạch cho việc trấn áp bạo lực ?
Ý : Thành phố Genova chờ cây cầu mới
Tròn một năm cây cầu Morandi ở thành phố Genova bất ngờ sụp đổ khiến 43 người chết trong vụ tai nạn. Người dân thành phố Genova vẫn chưa quên được thảm kịch này. Tuy nhiên, theo Les Echos, "Genova sẽ có một cây cầu mới vào mùa xuân 2020".
Sau nhiều tháng tranh cãi về cáo buộc trách nhiệm, cuối cùng cuộc khủng hoảng đã có lối thoát từ mùa Hè 2018 : phần còn lại của cây cầu đã được tháo dỡ, người dân địa phương được đền bù và thất thoát doanh thu của các doanh nghiệp phần nào được bù lỗ, tình trạng khẩn cấp tại Genova được kéo dài đến ngày 15/08/2020…
Công trường xây cầu mới được tiến hành, theo dự kiến kéo dài 12 tháng, với chi phí khoảng 202 triệu euro và hơn 1.000 người tham gia. Cây cầu cạn dài 1.067 mét và có 19 trụ chính.
Chủ tịch Liên doanh PerGenova, đơn vị thi công cây cầu, đánh giá đây là "một thách thức chưa từng có" vì "phải chứng minh được rằng công ty có khả năng xây một công trình hạ tầng phức tạp và hiện đại trên một khu đô thị đông dân cư và trong một thời gian rất ngắn. Đây cũng là cơ hội canh tân và nâng cao chất lượng, thẩm mỹ và tiêu chuẩn an toàn có thể được làm mẫu trong những công trình sau này".
Ý và mùa hè khủng hoảng chính trị
Về chính trị, Ý đang trải qua giai đoạn hy hữu : khủng khoảng nội các ngay giữa kỳ nghỉ hè ; phó thủ tướng kiêm bộ trưởng nội vụ Matteo Salvini, thuộc đảng Liên Đoàn, thông báo chấm dứt liên minh với Phong trào 5 sao và kêu gọi bầu cử sớm. Ngày 13/08/2019, Thượng Viện Ý đã quyết định hoãn ngày thảo luận về bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ vào tuần tới.
Ông Matteo Salvini tìm hậu thuẫn từ cựu thủ tướng Berlusconi, trong khi đảng Dân chủ và Phong trào 5 sao đang tìm cách lập liên minh chống bộ trưởng Nội Vụ. Tình trạng hiện nay là "Cuộc chiến phe phái chính trị tại Ý", theo nhận định của Le Monde.
"Cuộc khủng hoảng hiện nay lại giúp đưa Matteo Renzi (cựu thủ tướng Ý, thuộc đảng Dân chủ) trở lại trung tâm chính trường" khi ông bắt tay với Phong trào 5 Sao, theo đánh giá của Massimiiano Panarari, giáo sư tại đại học Luiss ở Roma. Trong khi đó, Phong trào 5 Sao đang tìm mọi cách để kéo dài thời gian, vì nếu tổ chức bầu cử Quốc hội sớm, đảng này có thể bị mất đến một nửa số nghị sĩ hiện nay : 216 dân biểu và 107 thượng nghị sĩ được bầu vào tháng 03/2018.
Quyết định cuối cùng vẫn thuộc về tổng thống Sergio Mattarella và chỉ sau khi Thượng Viện bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ. Ông cũng sẽ phải nghiên cứu mọi khả năng liên minh để có thể lập một chính phủ mới trước khi quyết định tổ chức bầu cử.
Thổ Nhĩ Kỳ : Erdogan đối đầu với khó khăn chính trị, kinh tế
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ do tổng thống Erdogan đứng đầu đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, từ chính trị đến kinh tế. Tình hình này được nhật báo kinh tế Les Echos tóm lược trong bài viết : "Chế độ Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó khăn về kinh tế và chính trị".
Trên mặt tư tưởng, văn hóa, từ vài ngày nay, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho tiêu hủy gần 30.000 quyển sách được cho là có liên quan đến giáo sĩ Fethullah Gulen, hiện là kẻ thù không đội trời chung của tổng thống Erdogan. Từ ba năm nay, gần 1/4 số nhà xuất bản và gần 150 cơ quan truyền thông bị đóng cửa ; khoảng 5.800 giáo sư đại học bị sa thải. Việc cho hủy sách của Gulen thể hiện sự căng thẳng và co cụm của chế độ cầm quyền.
Trên phương diện chính trị, đảng AKP của tổng thống Erdogan bị khủng hoảng : bị mất hai thành phố quan trọng, Istanbul và Ankara, tiếp theo là hai nhân vật quan trọng (Abdullah Gul, Ali Babacan) tách AKP ra thành lập đảng riêng vào mùa Thu, trong khi đảng AKP cũng đang phải liên minh với đảng dân túy cực hữu, vì không giành được đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử Quốc hội.
Về đối ngoại, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gây căng thẳng với Mỹ khi quyết tâm mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga, trong khi đã ký với Washington mua chiến đấu cơ F-35. Trong khi đó, Liên Hiệp Châu Âu cũng trừng phạt Ankara vì khoan dầu trong vùng biển của Chrypre. Thổ Nhĩ Kỳ bất đồng với nhiều nước trong vùng như Saudi Arabia, Ai Cập, Israel, Syria, trong khi quan hệ với Nga và Trung Quốc cũng không còn tốt đẹp như trước.
Về kinh tế, tỉ lệ thất nghiệp lên đến 14% ở đất nước 80 triệu dân này, tăng trưởng năm 2019 được dư báo sẽ là con số âm, số lượng xe bán ra sụt đến 66% vào tháng 7, nhiều doanh nghiệp phải thương lượng với ngân hàng do chịu áp lực từ khối nợ ngoại tệ.
Viễn cảnh không mấy gì sáng sủa là một trong những nguyên nhân khiến đảng AKP bị mất thành phố Istanbul trong cuộc bầu cử được tổ chức lại dưới sức ép của tổng thống Erdogan.
Paris : Bốn tháng Thánh lễ vắng Nhà thờ Đức bà
Ngày 15/08 là lễ Đức Mẹ lên trời (Assomption). Tại Paris, buổi lễ sẽ không được tổ chức tại Nhà thờ Đức bà, vì công trình kiến trúc này vẫn đang được tu sửa sau vụ cháy ngày 15/04.
Từ bốn tháng nay, rất nhiều người đôn đáo để trùng tu lại Nhà thờ Đức bà Paris sau vụ cháy. La Croix giới thiệu 5 gương mặt tiêu biểu, từ chức sắc tôn giáo đến nghệ nhân, chính trị gia và nhà phụ trách quyên góp tài chính cho công trình kéo dài ít nhất 5 năm này.
Bốn tháng trôi qua, giai đoạn thẩm định tình trạng chung vẫn chưa hoàn tất, vì còn rất nhiều câu hỏi về độ vững chắc của mái vòm do áp lực của lửa và nước, cũng như của đá và vôi vữa kết dính… Một số công việc gia cố đã được hoàn thiện cho đến khi tạm ngừng công trường vì bị ô nhiễm chì, buộc phải xem xét lại quy tắc phòng ngừa y tế cho những người làm việc trên công trường.
Bị tạm hoãn từ cuối tháng 7, công trường sẽ dần được khởi công trở lại từ ngày 19/8 sau khi đã thiết lập các biện pháp bảo vệ mới. Một lần nữa, thời hạn 5 năm như tổng thống Pháp Macron mong muốn lại được xã luận của La Croix đưa ra bình luận. Như để phản đối, bài xã luận của La Croix cho rằng "vấn đề sức khỏe cộng đồng nhắc lại cho chúng ta rằng không một nhà lãnh đạo nào, không một chuyên gia, không một nhà hảo tâm nào có thể ấn định nhịp độ của một công trường quan trọng như vậy".
Thu Hằng