Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Dịch virus corona đã vượt quá SARS, Bắc Kinh như thành phố chết (RFI, 29/01/2020)

Đến hôm nay 29/01/2020 đã có 132 người chết và 5.974 người bị lây nhiễm virus corona tại Trung Quốc, cao hơn cả dịch SARS trước đây (5.327 người bị nhiễm).

bk1 - Copie

Một khu phố ở Bắc Kinh, Trung Quốc vắng lặng. Ảnh chụp ngày 28/01/2020 Reuters/Carlos Garcia Rawlins

Các chuyên gia ước tính nạn dịch sẽ lên đến đỉnh điểm trong khoảng 10 ngày nữa. Hiện virus corona mới đã lây sang 15 nước, trong đó đáng ngại nhất là trường hợp lây từ người sang người ở Đức và Nhật.

Trung Quốc khuyến cáo công dân không ra nước ngoài trừ trường hợp cần thiết, sau khi đã cho tạm ngưng việc đi du lịch theo đoàn. Khoảng 2.000 chuyến tàu liên tỉnh đã bị hủy kể từ thứ Sáu 24/1.

Thủ đô Bắc Kinh 20 triệu dân trở thành một thành phố ma ngay trong dịp Tết, chính quyền khuyến khích người dân ở nhà và nếu phải ra đường nên mang khẩu trang. Tại các trạm xe điện ngầm, hành khách được các nhân viên mặc quần áo bảo hộ kiểm tra thân nhiệt, và cả các nhà ga, khách sạn. Thậm chí tại lối vào các khu nhà ở, khách đến bị bắt buộc cặp nhiệt.

Theo AFP, các trung tâm thương mại vốn đông đảo ở Bắc Kinh trở nên vắng vẻ, chỉ có vài chiếc xe chạy trên các đại lộ lặng như tờ. Những nhà hàng còn mở cửa dán áp-phích cho biết làm vệ sinh rất kỹ và thường xuyên, nhưng khách vẫn không vào.

Ngược lại, những cửa hàng bán khẩu trang và nước khử trùng hết sạch hàng. Các mặt hàng này vẫn được bán trên mạng nhưng giá cả tăng vọt. Không còn lễ hội, tụ họp, người dân giết thời gian bằng cách lên mạng, xem phim… Một video phổ biến trên WeChat cho thấy một bàn mạt chược với người chơi trùm đầu bằng bao nilon.

Tại Hồng Kông, trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đeo khẩu trang che kín mặt, vào ngày mùng ba Tết loan báo các biện pháp bổ sung. Kể từ đêm mai, Hồng Kông đóng 6/14 cửa khẩu, ngưng các chuyến xe lửa và tàu biển với Hoa lục, giảm phân nửa số chuyến bay và liên lạc đường bộ cũng bị hạn chế.

Sau khi cho ngưng các đoàn khách du lịch từ Trung Quốc, bà Lâm cho biết chính quyền trung ương cũng ngưng cấp giấy cho các cá nhân từ 49 thành phố Trung Quốc sang Hồng Kông. Loan báo này được đưa ra trong bối cảnh có những lời kêu gọi từ nhiều chính khách và chuyên gia, bên cạnh đó 15.000 nhân viên y tế đe dọa sẽ đình công nếu không đóng cửa biên giới với Hoa lục. Hôm thứ Hai 27/1, các chuyên gia đại học Hồng Kông ước tính số người bị nhiễm virus corona mới chỉ riêng ở Vũ Hán là 44.000 người chứ không phải 3.000 như con số chính thức, và trong số đó có phân nửa đang ủ bệnh.

Thụy My

******************

Virus Corona : Ngoại kiều bắt đầu di tản khỏi Trung Quốc (RFI, 29/01/2020)

Trong bối cảnh quy mô dịch viêm phổi siêu vi Trung Quốc tăng nhanh, Mỹ, Nhật đã đưa hàng trăm kiều dân rời Vũ Hán về nước. Hàng chục quốc gia Châu Á, Châu Âu, Bắc Phi đang chuẩn bị các chuyến bay đặc biệt di tản công dân của họ.

bk2 - Copie

Nhân viên tẩy trùng trên một máy bay, hãng Thai Airways, tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi, Bangkok, 28/01/2020. Reuters/Athit Perawongmet

Cho dù Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố là không cần thiết, Hoa Kỳ và Nhật Bản là hai nước đầu tiên di tản kiều dân từ Vũ Hán, ổ dịch viêm phổi mới, về nước. Khoảng 200 kiều dân Nhật đã về đến phi trường Tokyo trên một chuyến nay đặc biệt vào sáng thứ Tư 29/01/2019. Trong số này, có hai người được phát hiện đã nhiễm siêu vi. Cùng ngày, một chuyến bay đặc biệt của Mỹ chở 200 người gồm nhân viên lãnh sự quán ở Vũ Hán và công dân Mỹ cất cánh từ phi trường Vũ Hán.

Cộng đồng người Pháp, khoảng 1000 người ở Vũ Hán, phải chờ thêm 24 giờ nữa mới được di tản. Paris cho biết tất cả sẽ bị cách ly 14 ngày một khi về đến Pháp.

Một chuyến thứ hai, do Ủy Ban Châu Âu đảm trách, sẽ cất cánh trong nay mai sang Vũ Hán, đem 350 kiều dân Pháp và các nước Châu Âu khác hồi hương.

Theo AFP, có hơn một chục nước chọn giải pháp thận trọng này tính đến ngày hôm nay : Úc, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ, Sri Lanka, Algeri, Maroc…

Hơn 400 công dân Úc ghi tên xin hồi hương. Canberra dự tính biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt : đưa hết ra đảo Christmas để theo dõi diễn biến sức khỏe trong nhiều tuần.

Tú Anh

***************

Virus corona : Hàng không quốc tế ngưng bay sang Trung Quốc (RFI, 29/01/2020)

Vào lúc số người nhiễm virus viêm phổi Trung Quốc tăng vượt số nạn nhân bệnh nhân dịch SARS năm 2003, nhiều công ty hàng không quốc tế thông báo tạm ngưng hoặc giảm các chuyến bay đến Trung Quốc. Một mặt vì không có khách hàng, mặt khác để chận dịch lan ra thế giới.

corona1

Chặn cửa phân luồng dẫn hành khách vào khu cách ly tại sân bay Ted Stevens Anchorage International, Alaska, Hoa Kỳ, ngày 28/01/2020 Reuters/Kerry Tasker

Một trong những biện pháp hiệu quả nhất để chận dịch lan rộng từ người qua người như trường hợp virus corona Trung Quốc có lẽ là hạn chế du khách. Theo AFP, dấu hiệu phòng chống cứng rắn được thể hiện qua quyết định của nhiều hãng hàng không ngưng phục vụ hoặc giảm tối đa các chuyến bay đến các thành phố Hoa lục.

Trong khi Air France duy trì 23 chuyến bay hàng tuần trên hai tuyến Paris-Bắc Kinh và Paris-Thượng Hải, công ty British Airways của Anh và Lion Air của Indonesia quyết định đình chỉ 100% cho đến khi tình hình được cải thiện.

Cathay Pacific của Hồng Kông sẽ giảm 50% chuyến bay sang đại lục. United Airlines của Mỹ cho biết sẽ giảm tối đa các chuyến bay sang Thượng Hải và Hồng Kông .

Công ty tư nhân của Nga Urals Airlines cũng vừa loan báo ngưng các chuyến bay qua Tây Âu cho đến hết mùa đông. Urals Airlines chuyên đưa du khách Trung Quốc sang Châu Âu nhất là Roma và Paris.

Tại Nam Thái Bình Dương, đảo quốc Papouasia-New-Guinea áp dụng biện pháp triệt để : cấm hẳn du khách từ các nước Châu Á.

Mozambique, Châu Phi, từ nay tạm ngưng cấp visa cho dân Trung Quốc

Thêm ca mới tại Đức, Pháp, Trung Đông

Trong khi đó, các trường hợp lây nhiễm ngoài Trung Quốc cũng tăng thêm.

Đức thông báo có thêm ba ca mới : tất cả đều là nhân viên của một hãng ở Starberg, bang Bayern, nơi có một nhân viên đầu tiên bị lây từ một nữ tập sự viên người Trung Quốc. Pháp xác nhận có một ca thứ tư : một du khách Trung Quốc 80 tuổi.

Tiểu Vương Quốc Ả Rập thông báo trường hợp lây nhiễm đầu tiên ở Trung Đông.

Tú Anh

****************

Trung Quốc mở lại bệnh viện Sars để điều trị bệnh nhân lây nhiễm nCoV (RFA, 28/01/2020)

Trung Quốc đang sửa lại bệnh viên ở Bắc Kinh được xây dựng trong đợt bùng phát dịch Sars năm 2002-2003 để phục vụ đợt dịch viêm phổi lạ do chủng virus corona mới nCoV gây nên.

corona2

Các nhân viên khách sạn tại Trung Quốc đều đeo khẩu trang bảo vệ khi tiếp xúc với khách khi dịch bệnh do virus corona đã khiến 106 người Trung Quốc thiệt mạng từ thang 12/2019 đến nay AFP

Truyền thông Hoa Lục loan tin vào ngày 28/1/2020. Theo đó Bệnh viện Tiểu Sương Sơn nằm ở ngoại ô Bắc Kinh từng được đưa vào sử dụng hồi năm 2003 để cách ly và điều trị các bệnh nhân mắc hội chứng hô hấp cấp tính (Sars) nay đang được tân trang lại để phục vụ điều trị các trường hợp lây nhiễm coronavirus mới. Năm 2012, bệnh viện này đã được chuyển đổi thành nhà an dưỡng.

Chính quyền Trung Quốc đang gấp rút đưa bệnh viện vào hoạt động theo yêu cầu mới khi hôm 27/1, giới chức nước này cho biết con số người chết vì dịch coronavirus mới tăng nhanh.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết ngoài lây lan trong không khí, viruscorona có thể lây lan qua tiếp xúc vật lý.

Giai đoạn ủ bệnh của loại virus mới này trung bình từ 3 đến 7 ngày và dài nhất không quá14 ngày.

Trong một diễn biến khác liên quan đến viruscorona, ngày 28/1, Trưởng đặc khu Hong Kong bà Carrie Lam thông báo đóng cửa tạm thời nhiều cửa khẩu biên giới với Trung Quốc.

Theo đó, các biện pháp đóng cửa ở Hong Kong có hiệu lực vào nửa đêm 29/1 cho đến khi có thông báo mới.

Cũng trong ngày 28/1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết chưa thấy tiếp trường hợp chủng coronavirus nCoV lây truyền từ người sang người do số đi du lịch từ Trung Quốc ; ngoài trường hợp hai cha con trong gia đình nhiễm bệnh ở Việt Nam. WHO cho rằng đây là tin vui nhưng thực tế có thể biến chuyển thay đổi.

Theo báo cáo được truyền thông quốc tế dẫn vào ngày 28 tháng 1, số người nhiễm virus Corona trên toàn cầu là hơn 4.520 người, trong đó Trung Quốc có 4.515 người. Số người tử vong là 106 người đều ở Trung Quốc.

******************

Nhân viên y tế Vũ Hán thiếu dụng cụ y khoa (VOA, 29/01/2020)

Các bệnh viện ở trong và xung quanh ổ dịch coronavirus bùng phát tại Vũ Hán nói họ đang cạn kiệt thiết bị y khoa đến nỗi bác sĩ và y tá được yêu cầu mang mặt nạ kém tiêu chuẩn hay tã để họ không phải thay quần áo bảo hộ thường xuyên.

corona3

Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán (ảnh được bệnh viện đưa lên mạng ngày 25/1/2020).

Việc này đã làm cho nhiều nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân gặp nhiều rủi ro.

"Do thiếu quần áo bản hộ, nhiều bác sĩ của chúng tôi phải chia sẻ một bộ quần áo bảo hộ. Một số bác sĩ phải mặc tã để không phải thay quần áo bảo hộ thường xuyên vì sợ không còn nữa", một nhân viên họ Xiao tại bệnh viện Puren Vũ Hán nói với Đài VOA ngày 27/1.

Bà nói thêm "Chúng tôi thiếu quần áp bảo hộ khủng khiếp".

Bệnh viện cần khẩn cấp 5.000 kính bảo hộ, 25.000 khẩu trang N95 và nhiều quần áo bảo hộ vì chúng tôi thải 1.000 kính bảo hộ và 3.000 khẩu trang mỗi ngày, theo bà Xiao.

Đây là một trong số 24 bệnh viện thường yêu cầu công chúng hiến tặng trang bị y tế trong đó có khẩu trang N95 và khẩu trang giải phẫu, quần áo bảo hộ và thuốc sát trùng tay.

Tuy nhiên kết quả trong vài ngày qua chưa đủ để thỏa mãn nhu cầu vì hầu hết các hiến tặng của tư nhân ít sử dụng được vì không đủ tiêu chuẩn y tế, nhiều bệnh viện cho biết.

"Chúng tôi thiếu nhiều vật phẩm y tế. Nếu bạn có thể hiến tặng… nhưng vấn đề là hầu hết vật phẩm công chúng hiến tặng không giúp ích gì được cả vì không đáp ứng được tiêu chuẩn y tế cao của chúng tôi", một nhân viên họ Xiao thuộc Bệnh viện 1 Vũ Hán nói với Đài VOA.

Bà nói tiếp "Chúng tôi cố gắng tìm đủ mọi cách để tiếp tế".

Trong khi phải giải quyết vấn đề thiếu vật phẩm y tế, nhà cầm quyền Vũ Hán, nơi trung tâm dịch bệnh bùng phát, cũng đang gấp rút xây hai bệnh viện khẩn cấp, một bệnh viện dự trù có 1.000 giường và sẽ hoạt động vào ngày 3/2.

Theo như tin tức của truyền thông nhà nước, bệnh viện thứ hai sẽ có thêm 1.300 giường trong vòng 2 tuần để chữa trị cho các bệnh nhân bị nghi nhiễm virus gây sưng phổi làm nhiều người chết.

Động thái này dường như ra chỉ dấu cho một cuộc chiến leo thang của Trung Quốc để chế ngự virus lây lan đã làm khoảng 24 bệnh viện quá tải tại tỉnh Hồ Bắc.

Một giới chức y tế thành phố hứa có thêm bệnh viện khi con số bệnh nhân ngày càng tăng, truyền thông nhà nước cho biết.

Con số tử vong do cuộc khủng hoảng y tế công trầm trọng nhất tại Trung Quốc kể từ khi có dịch bệnh SARS vào năm 2003 nay đã lên đến 106 người trong đó có một em bé 9 tháng với hơn 4.500 ca lây nhiễm được xác định.

Dưới áp lực nặng nề, một số nhà cung cấp dịch vụ y tế làm việc tại tuyến đầu không nén được xúc động.

Một video được lan truyền trên mạng cho thấy một bác sĩ Trung Quốc khóc vì thiếu các phương tiện chữa trị cho bệnh nhân. Trong một video khác, một y tá nói bà không gọi cho người thân trong những ngày Tết vị sợ bật khóc.

Bà nói thêm quan trọng hơn cả là bà không muốn gia đình lo âu về sự an toàn của bà.

Các nhân viên y tế, tiếp xúc với các bệnh nhân nhưng không được bảo vệ đầy đủ, nói họ càng này càng lo sau khi có tin một bác sĩ chết hôm 25/1 vì phơi nhiễm với bệnh nhân.

Một nhân viên tại Bệnh viện Jinyintang ở Vũ Hán nói với Đài VOA ngày 27/1 là bệnh viện không còn khẩu trang giải phẫu nên một số y tá chỉ còn cách mang nhiều lớp khẩu trang phi giải phẫu với hy vọng có thể giúp bảo vệ họ trong khi chăm sóc cho các bệnh nhân có thể lây nhiễm cao độ.

Nhưng may mắn là nhờ những chiến dịch qua GoFundme, Weibo và Wechat, các trang thiết bị y tế đã được gởi đến tỉnh Hồ Bắc dù hầu hết được gởi trực tiếp đến Vũ Hán.

Một bệnh viện tại thành phố Hoàng Cương kế cận nói hy vọng là những áp lực thiếu vật phẩm y tế sẽ được giải tỏa khi các vật phẩm được hiến tặng sẽ đến.

"Vì những khẩu trang này và những quần áo bảo hộ chỉ dùng một lần, chúng tôi vừa mới bắt đầu yêu cầu hiến tặng vật phẩm. Chúng tôi chỉ nhận được một số ít, hầu hết số còn lại có lẽ đang trên đường đến. Chúng tôi không chắc chắn chúng tôi sẽ có bao nhiêu vật phẩm nữa", một nhân viên y tế họ Yang thuộc Bệnh viện Trung tâm Hoàng Cương cho biết

Joyce Huang

Additional Info

  • Author Tổng hợp
Published in Châu Á

Virus corona lây nhiễm sang kinh tế Trung Quốc

Antoine Bondaz, RFI, 28/01/2020

Bắc Kinh phải đối mặt với một loại virus có nguy cơ lây lan nhanh trên một đất nước rộng lớn. Kèm theo đó là mối đe dọa siêu vi corona tấn công vào cả lĩnh vực tiêu thụ lẫn khu vực sản xuất của nền kinh tế thứ hai toàn cầu. Với cộng đồng quốc tế, dịch viêm phổi 2020 đang chứng minh : "Trung Quốc mới ho cũng đủ để cả thế giới phải xanh mặt".

tq1

Một chiếc ô tô chạy trên một con phố vắng bóng người ở tỉnh Hồ Nam, gần biên giới với tỉnh Hồ Bắc, vốn đang bị cách ly vì virus corona mới, ngày 28/01/2020. Reuters/Thomas Peter

Kinh tế Trung Quốc chưa hết vận hạn từ năm Tân Hợi cho dù đã bước vào năm Canh Tý. Tưởng chừng tạm yên tâm về mặt thương mại sau khi đã ký kết một hiệp đình "ngừng bắn" với Washington, nhưng lại phải đối mặt với một đối thủ đáng sợ không kém là siêu vi gây viêm phổi corona.

Trả lời trên đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia về Đông Bắc Á Antoine Bondaz, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược của Pháp, giảng dậy tại trường Khoa Học Chính Trị Paris, Sciences Po. trước hết nhắc lại, khi dịch viêm phổi cấp tính SARS bùng phát hồi năm 2002-2003, phải mất nhiều tháng Bắc Kinh mới lên tiếng, lần này từ đầu tuần trước, chính chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng minh đang làm chủ tình hình và nhìn nhận "tình hình nghiêm trọng" :

"Bắc Kinh rút kinh nghiệm từ dịch SARS. Khi đó Trung Quốc đã không cung cấp thông tin kịp thời, chính quyền Trung Quốc bị cả công luận trong nước lẫn quốc tế cáo buộc che giấu thông tin. Lần này thì ngược lại, ngay từ Thứ Hai tuần trước, chính ông Tập Cận Bình đã yêu cầu các cán bộ Nhà nước ở mọi cấp minh bạch thông tin và xử lý các ca lây nhiễm. Cũng có thể nói là Bắc Kinh phô trương nỗ lực đang làm tất cả để ngăn chận dịch bệnh lây lan. Dù vậy, một bộ phận trong công luận ở Trung Quốc vẫn hoài nghi về thực tâm của chính quyền. Số nạn nhân có thể còn lên cao hơn nhiều trong những ngày tới".

Trung Quốc đang chạy đua với thời gian để trấn an công luận trong nước và quốc tế. Ngoài vấn đề y tế thì kinh tế mới là mối quan tâm của ban lãnh đạo trong tay ông Tập Cận Bình. Từ một tuần qua, Vũ Hán một lá phổi công nghiệp của Trung Quốc, trong tình trạng "nội bất xuất, ngoại bất nhập", đường phố vắng bóng người. Các nhà máy đóng cửa chưa biết đến khi nào, nhân viên bất đắc dĩ phải nghỉ phép "vô hạn định".

Gần một tháng kể từ khi những ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, giới quan sát lo ngại, virus corona cướp đi từ 1 đến 1,5 điểm tăng trưởng của Trung Quốc, trong bối cảnh GDP của nước này chỉ còn 6 % thay vì 11/12 % như vào cuối những năm 1990, đầu những năm 2000. Chuyên gia Antoine Bondaz phân tích thêm :

"Về mặt kinh tế, sẽ có nhiều tác động cả về ngắn lẫn trung hạn đối với Vũ Hán và ngay cả với kinh tế của Trung Quốc nói chung. Vũ Hán có 11 triệu dân, là thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Tỉnh này tương đối giàu có. Phải đợi thêm vài ngày nữa mới có thể biết thêm về tác động kinh tế do virus gây nên, nhưng chắc chắn một điều là các sinh hoạt đang bị chựng lại. Trung Quốc là nơi các hoạt động mua bán trực tiếp rất quan trọng.

Với dịch viêm phổi lần này, người ta hạn chế ra đường, hay đi xem phim, đi mua sắm... Chỉ số tiêu thụ sẽ giảm mạnh. Nhiều chương trình du lịch vào dịp Tết tại Hoa Lục hay các kế hoạch đi ra nước ngoài đã bị hủy.

Nhìn đến khu vực sản xuất, tất cả đã bị ngưng lại từ nhiều ngày qua. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc bị ảnh hưởng đã đành, mà hơn thế nữa cả cỗ máy sản xuất của Trung Quốc cũng bị tác động dây chuyền, bởi vì Hồ Bắc vừa là nguồn cung cấp nguyên liệu cho cả nước, đồng thời cũng là nơi có nhiều nhà máy sản xuất. Trước mắt, Vũ Hán bị nặng nhất và những tác động về kinh tế được nhận thấy rõ nhất tại thành phố này".

Lá phổi công nghiệp Trung Quốc

Vũ Hán là một trong những thành phố năng động nhất của Trung Quốc, với sông Dương Tử bao quanh, là chiếc nôi của nền công nghiệp xe hơi Trung Quốc và từng được mệnh danh là một "Detroit" của ông khổng lồ Châu Á này. Một trong bốn tứ trụ của nền công nghiệp xe hơi Trung Quốc là Đông Phong (Dongfeng) đặt trụ sở tại Vũ Hán từ thời Mao Trạch Đông. Thành phố với 11 triệu dân cũng là nơi có khoảng một chục nhà máy lắp ráp xe hơi, mỗi năm sản xuất trên 2 triệu chiếc ô tô để phục vụ thị trường nội địa, là địa bàn mà hai tập đoàn xe hơi Pháp là Peugeot Citroen và Renault chọn làm cổng vào để thâm nhập thị trường Trung Quốc.

Vũ Hán không chỉ là tủ kính trưng bày của nền công nghiệp xe hơi Trung Quốc mà còn là một lò công nghệ luyện kim, nơi sản xuất đến 66 % đường ray xe lửa cho toàn quốc. Gần đây, nhiều công ty khởi nghiệp của Trung Quốc và nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao cũng đã dồn về Vũ Hán.

Hơn 300 tập đoàn nước ngoài đã đổ vốn đầu tư vào thành phố này. Trong số đó, phải kể đến Microsoft của Mỹ, công ty sản xuất phần mềm của Đức SAP, hơn 160 hãng lớn nhỏ của Nhật Bản. Theo báo South China Morning Post, năm ngoái, vào lúc tỷ lệ tăng trưởng trung bình của Trung Quốc là 6,5 % thì tại riêng thành phố này, tăng trưởng đạt 7,8 %. Báo The Guardian của Anh lưu ý GDP của riêng thành phố Vũ Hán lên tới 224 tỷ đô la năm 2018, tương tương với tổng sản phẩm nội địa của một quốc gia như Việt Nam hay Bồ Đào Nha.

Không chỉ là một thành phố năng động, một cơ sở sản xuất của Trung Quốc, Vũ Hán còn là một mắt xích quan trọng trong dây chuyền cung ứng, là một chặng trung chuyển không thể thiếu trong quan hệ thương mại : với một cảng lớn trên sông Dương Tử, với phi trường và các sân ga cỡ "XXL", Vũ Hán được xem là cánh cổng giao thương giữa Trung Quốc với Châu Âu, với Trung Đông và cả Hoa Kỳ. Từ ba năm nay, một chuyến đường sắt đã nối liền thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc với thành phố Lyon, miền trung nước Pháp.

Về mặt ngoại giao và văn hóa, nhiều nước phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ mở tòa lãnh sự tại Vũ Hán. Thành phố này cũng là một điểm đến được nhiều sinh viên quốc tế ưa chuộng.

Tất cả những lợi thế vừa nêu đủ cho thấy quyết định "cách ly" Vũ Hán trong những ngày qua sẽ đem lại những hậu quả tai hại tới mức độ nào. Nhà báo Pierre Haski, từng là thông tín viên thường trực của báo Pháp Libération khi dịch SARS hoành hành hồi năm 2002-2003, trả lời trên đài France Inter và cho biết Trung Quốc đang bị một đòn đau và kèm theo đó là nguy cơ công phẫn trong xã hội gia tăng :

"Chắc chắn là sẽ có những hậu quả nghiêm trọng đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc. Trong vụ SARS, dịch viêm phổi cấp tính đã cướp đi từ 1 cho tới 1,5 điểm tăng trưởng của Trung Quốc. Khi đó, tỷ lệ tăng trưởng là hơn 10 %. Ngày nay, các dự báo đều cho thấy tăng trưởng của Trung Quốc dự trù cho năm 2020 chỉ bằng một nửa so với gần 20 năm trước và vào khoảng hơn 6 % một chút. Với tình trạng các hoạt động mua bán và sản xuất bị đình trệ kéo dài, xóa đi từ 1 đến 1,5 % tăng trưởng nữa, tức là dự báo GDP của nước này còn có 5 %, những điều này lại càng đẩy Trung Quốc vào "vùng nguy hiểm". Nguy cơ bất ổn trong xã hội và những nỗi phẫn nộ chồng chất trong xã hội lại càng dễ dâng trào".

Trung Quốc ho, thế giới cảm lạnh

Trước mắt, lãnh đạo nhiều công ty đang hoạt động tại Vũ Hán đều muốn tin rằng, dây chuyền sản xuất không bị gián đoạn, nhưng đó là trước khi có lệnh "kéo dài thời gian nghỉ phép" vào dịp Tết Canh Tý đề phòng dịch bệnh lây lan. Nhìn rộng ra ngoài phạm vi Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc, thế giới đang lo cỗ máy tiêu thụ của nước đông dân nhất địa cầu bị đóng băng vì siêu vi corona.

Ngành du lịch của Châu Á nói riêng và của thế giới nói chung lo ngại dịch bệnh kéo dài, du khách Trung Quốc hủy các chương trình tham quan ra hải ngoại. Thế giới điện ảnh Hollywood đang lo khi thấy số vé vào cửa tại Trung Quốc trong những ngày Tết vừa qua giảm mạnh. Vào ngày 30 Tết năm nay, các rạp chiếu phim trên toàn quốc thu vào được 1,8 triệu nhân dân tệ (tương đương với 260 ngàn đô la). Con số này giảm gần 1.000 lần so với đúng một năm trước.

17 năm trước, khi dịch SARS khi được phát hiện và đã kéo dài trong hơn 5 tháng (từ 15/03/2003 đến 05/07/2003) gây thiệt hại cho kinh tế thế giới chừng 40 tỷ đôla, gần 0,1 % GDP toàn cầu.

Vấn đề đặt ra là khi đó GDP Trung Quốc tương đương với 8,3 % của thế giới ngày nay, còn nay tỷ lệ này được nâng lên tới hơn 20 %. Virus corona do vậy sẽ "ảnh hưởng" tới kinh tế toàn cầu nhiều hơn. Hồi năm 2003, sức mua của 1,4 tỷ dân Trung Quốc không sánh được với bây giờ. Một số nhà quan sát lo rằng, thuần túy về kinh tế mà nói, có nguy cơ virus corona "độc hại" hơn SARS xưa kia.

Nguồn : RFI, 28/01/2020

***********************

Virus corona : Trung Quốc chỉ thuộc một nửa bài học SARS

Minh Anh, RFI, 28/01/2020

Mười bảy năm sau dịch viêm phổi cấp SARS, bùng phát giữa năm 2002-2003, làm gần 800 người chết trong số 8.000 người bị lây nhiễm, dịch virus corona lần này lại đặt chính quyền Bắc Kinh trước một thử thách mới.

tq2

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đeo mặt nạ và bộ đồ bảo hộ nói chuyện với các nhân viên y tế tại một bệnh viện có bệnh nhân nhiễm virus ở Vũ Hán, ngày 27/01/2020. cnsphoto via Reuters

Cùng chủng loại với virus SARS nhưng ít gây chết người hơn, lãnh đạo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, ông Ma Xiaowei, cảnh báo coronavirus 2019-nCov "dễ lây truyền", đồng thời ông thừa nhận "những khó khăn kiểm soát dịch bệnh ngày càng lớn" và "nguy cơ biến hóa" của chủng virus. Trước đó, lãnh đạo thành phố Vũ Hán xác nhận, hơn 5 triệu người đã ra khỏi thành phố trước khi khu vực này bị cách ly.

Những tuyên bố thẳng thắn này được đưa ra sau khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hùng hồn thông báo một loạt các biện pháp : Ban hành tình trạng khẩn cấp ngày 25/01/2020, ngày đầu năm Tết Nguyên Đán ; mời ông Chung Nam San (Zhong Nanshan) - một giáo sư 83 tuổi và cũng là gương mặt tiêu biểu trong cuộc chiến chống dịch SARS đứng ra chỉ đạo việc nghiên cứu coronavirus ; loan báo xác định được bộ gien của chủng virus corona hay như thông báo ca nhiễm đầu tiên cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO)….

Những động thái cho thấy phản ứng nhanh chóng của Bắc Kinh trước dịch bệnh. Phải chăng Trung Quốc đã thật sự rút kinh nghiệm từ bài học SARS 2002-2003 ? Xã luận của báo Le Monde tin rằng Trung Quốc mới chỉ làm được "một nửa". Bắc Kinh vẫn lặp lại những sai lầm của năm xưa : Chính quyền địa phương chậm chạp đề ra các biện pháp, thiếu minh bạch, và những bệnh viện quá tải gặp khó khăn trong việc xin hỗ trợ từ cấp trên. Bởi một lẽ đơn giản, tất cả bộ máy chính quyền được huy động chỉ để kiểm duyệt thông tin nhằm bảo vệ hai chữ "bình ổn" thiêng liêng thay vì là để hành động.

Nhật báo Pháp nhắc lại, trong quá khứ, Bắc Kinh phải mất đến 5 tháng để xác định con virus corona gây dịch hội chứng hô hấp cấp tính nặng sau ca nhiễm đầu tiên. Và chính quyền Trung Quốc che giấu sự thật trong vòng ba tháng.

Cuộc khủng hoảng y tế tại Vũ Hán cũng giống dịch hội chứng hô hấp cấp tính SARS, một lần nữa làm dấy lên một câu hỏi cơ bản tại Trung Quốc : Liệu người dân có nên tin tưởng vào các nhà lãnh đạo của mình hay không ? Cuộc khủng hoảng dịch SARS năm 2003, từng là cơ hội để giới lãnh đạo Trung Quốc thời đó thúc đẩy những tiến bộ chưa từng có trong lĩnh vực luật, xã hội dân sự và cố gắng nâng cao năng lực khoa học.

Ngược lại, cuộc khủng hoảng y tế ở Vũ Hán lần này đã ảnh hưởng trực tiếp đến một vị lãnh đạo duy nhất đang cầm quyền từ bảy năm qua. Chỉ vì muốn củng cố quyền lực, Tập Cận Bình đã làm tê liệt cả hệ thống điều hành và bóp nghẹt mọi không gian chỉ trích và phản đối, vốn dĩ là những nơi phản biện hữu ích giúp quản lý dịch bệnh hiệu quả hơn.

Le Monde kết luận : Cách xử lý cuộc khủng hoảng y tế lần này chính là một thách thức chính trị lớn đối với Tập Cận Bình.

Minh Anh

*******************

Virus corona Vũ Hán : Nở rộ các đồn đoán và thuyết âm mưu trên internet

Đức Tâm, RFI, 28/01/2020

Virus corona do CIA tung ra để gây bất ổn tại Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh chủ ý cho virus lan truyền để làm xẹp phong trào phản kháng tại Hồng Kông, "xóa sổ" người Duy Ngô Nhĩ, các tập đoàn dược phẩm cho phát tán virus để bán được vac-xin… Mỗi khi có một sự kiện lớn trên thế giới, thì lại có nhiều đồn đoán vô căn cứ, thậm chí cả thuyết âm mưu nở rộ trên mạng xã hội, trái ngược với những thông tin chính thống. Và virus corona Vũ Hán Trung Quốc không phải là một ngoại lệ. Sau đây là một số tin đồn.

tq3

Một nhân viên mặc bảo hộ phòng chống lây nhiễm virus tại một bến tàu điện ngầm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 27/01/2020 Reuters/Carlos Garcia Rawlins

1. Các phòng thí nghiệm dường như muốn bán vac-xin

Một cư dân mạng viết cho nhật báo Pháp Le Parisien nói rằng có những tài liệu bí hiểm đang được "lưu hành" đề cập đến "một loại virus do Hoa Kỳ tạo ra". Đồng thời, người này khẳng định – mà không cần chứng minh – đang có một loại vac-xin kháng được virus nói trên, thậm chí, vac-xin này "hết hạn sử dụng vào ngày 23/01/2020".

Một người khác trên mạng xã hội Twitter tin chắc rằng các tập đoàn dược phẩm lớn sẽ hái ra tiền với loại virus corona. Thế rồi, một người thứ ba đặt câu hỏi : Tập đoàn dược phẩm nào tung ra virus này ? Thông tin và tranh luận giữa các cư dân mạng này đều hướng tới việc dường như có một phòng thí nghiệm chủ ý tung ra và cho lây truyền virus nhằm kiếm tiền qua việc bán vac-xin.

Thực ra, theo giới chuyên gia, cho đến lúc này, chưa có một loại vac-xin nào chống được virus corona. Các nhà khoa học và chuyên gia cần có thời gian để bào chế được loại vac-xin hiệu quả. Khó mà có thể tưởng tượng được là vào lúc này, một tập đoàn dược phẩm nào đó lại có thể đưa ra thị trường vac-xin chống virus corona.

Theo giáo sư Yazdan Yazdapanah, trưởng khoa nhiễm khuẩn, bệnh viện Bichat, Paris, được báo Le Parisien trích dẫn, "thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng sẽ có một vac-xin chống được dịch bệnh này, nhưng dịch bệnh hiện nay có thể là cơ hội để tạo ra được những bước tiến quan trọng".

2. Virus có thể thoát ra từ một phòng thí nghiệm

Tuần trước, một cư dân mạng tự giới thiệu là một nhà phân tich "không chuyên" về các loại bệnh lây nhiễm, cho rằng súc vật bán ở chợ Vũ Hán bị nghi gây ra dịch bệnh này. Vậy phải chăng là do phòng thí nghiệm virus học ở Vũ Hán chủ ý gây "sự cố" vào tháng trước, phát tán các tác nhân gây bệnh ?

Tin đồn này xuất phát từ một thực tế : Tạp chí khoa học Nature năm2017 thông báo là Vũ Hán – hiện là trung tâm ổ dịch "2019-nCoV" lập một trung tâm nghiên cứu virus. Vì thế, nhiều cư dân mạng cứ "khơi khơi" khẳng định là virus corona thoát ra cơ sở nghiên cứu này, chứ không phải từ khu chợ buôn bán súc vật của Vũ Hán. Mặt khác, người ta không rõ là phòng thí nghiệm Vũ Hán có nghiên cứu về virus SARS, chủng loại gần gũi với virus "2019-nCoV" hay không.

3. Chính quyền Trung Quốc có thể dùng virus corona để xử lý hồ sơ Hồng Kông hoặc giết hại người Duy Ngô Nhĩ

Trên Twitter, có người viết : "Hồng Kông sẽ sớm trở thành Vũ Hán" với lập luận : cảnh sát Hồng Kông "khuyến khích những người mắc bệnh cho lây truyền virus tại Hồng Kông", nơi xẩy ra phong trào phản kháng chống Bắc Kinh từ nhiều tháng qua. Một người khác thì tỏ lo ngại là "phải chăng Trung Quốc cố tình để cho virus lây lan ở Hồng Kông với ý đồ làm xẹp tinh thần những người đấu tranh ?".

Cho đến hôm nay, ở Hồng Kông mới có 6 trường hợp bị nhiễm bệnh. Theo báo Le Parisien, người ta nghi ngờ là một bộ phận những người đấu tranh cho dân chủ tại Hồng Kông và có tinh thần chống Trung Quốc, dùng virus như một luận điểm chính trị.

Cũng theo hướng này, trên mạng internet lưu truyền thuyết âm mưu : phải chăng chính phủ Trung Quốc đưa virus corona vào thủ phủ Urumqi, vùng tự trị Tân Cương, để giết hại cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, hiện đang bị Bắc Kinh giam giữ trong các trại tập trung, dưới danh nghĩa "trung tâm huấn nghệ". Cơ sở của thuyết này là các chuyến bay tới Urumqi vẫn hoạt động bình thường. Thực ra, các tuyến đường hàng không tại Trung Quốc vẫn hoạt động bình thường, trừ các chuyến bay tới và đi từ Vũ Hán.

Một biến thể của thuyết âm mưu này là Cục Tình báo Trung ương Mỹ - CIA có kế hoạch gây mất ổn định chế độ Trung Quốc. Qua việc virus lây lan, các cơ quan tình báo Mỹ có thể hy vọng là các chuyến bay quốc tế tới Trung Quốc sẽ bị hủy bỏ và điều này làm cho chế độ Bắc Kinh bị cô lập.

4. Số liệu bệnh nhân nhiễm virus corona

Ngày 26/01/2020, chính quyền Trung Quốc thừa nhận là virus corona lây nhiễm nhanh và mạnh hơn SARS. Ngay lập tức, trên Facebook lan truyền một đoạn băng ghi âm, không ghi nguồn, của một người phụ nữ tự giới thiệu là đang sống tại Trung Quốc. Người này nói đến con số có "200 ngàn bệnh nhân". Tuy nhiên, thông tin này có nhiều sai lệnh và nhầm lẫn, ví dụ khi người này nói rằng có nhiều trường hợp bị nhiễm bệnh tại Lyon, miền nam nước Pháp.

Trên Twitter, một người khác tỏ ra thông thạo hơn khi nói rằng dựa theo một số nguồn tin – nhưng không nêu ra rõ ràng là những nguồn nào – thì tại Trung Quốc, có 200 ngàn người nhiễm bệnh. Sau khi đưa ra một số phép tính, người này thẩm định, mỗi ngày có 14.285 người bị nhiễm virus, tức là cao gấp 7 lần tổng số bệnh nhân được tính cho đến nay.

Bản tổng kết số bệnh nhân mà chính quyền Trung Quốc đưa ra hàng ngày chắc chắn sẽ tăng do virus lây lan nhanh và không ai rõ còn có bao nhiều người bị nhiễm bệnh nhưng ở nhà, không đến bệnh viện. Theo các nhà nghiên cứu tại Hồng Kông, dựa trên các mô hình toán học, tính cho đến nay, có thể số bệnh nhân tại Trung Quốc lên tới hơn 40 000. Nhưng không một nghiên cứu nghiêm túc nào nêu ra con số 200 ngàn.

Đức Tâm

Nguồn : RFI, 28/01/2020

*********************

Virus corona : 106 người chết, Trung Quốc trấn an "kiểm soát được tình hình"

Thu Hằng, RFI, 28/01/2020

Đã có thêm ít nhất 26 người chết vì virus corona mới tại Trung Quốc chỉ trong vòng một ngày. Tính đến ngày 28/01/2020, tổng cộng có 106 người chết, hơn 4.500 người bị nhiễm virus corona tại Trung Quốc, theo số liệu chính thức. Trong số những ca tử vong mới, Trung Quốc ghi nhận trường hợp đầu tiên tại Bắc Kinh, buộc chính quyền đưa ra nhiều biện pháp phòng ngừa.

tq4

Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vắng vẻ trong đại dịch corona, ngày 27/01/2020. Reuters/Carlos Garcia Rawlins

Thông tín viên Liu Zhifan tường trình từ Bắc Kinh :

"Nạn nhân đầu tiên của virus corona mới ở Bắc Kinh là một người đàn ông 50 tuổi, từng đến Vũ Hán trong tháng này, trong khi Vũ Hán là ổ dịch của loại virus mới.

Cho đến nay, tại thủ đô có đến 20 triệu dân, đã có 80 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới. Và để hạn chế virus lây lan, chính quyền đã quyết định kéo dài thời gian nghỉ đến ngày 02/02, các trường học tạm thời sẽ đóng cửa vô thời hạn. Việc đeo khẩu trang sẽ bị bắt buộc trong các trường học ở thành phố, từ trường mẫu giáo đến đại học. Và các trạm kiểm tra thân nhiệt sẽ được lắp đặt trước khi học sinh, sinh viên đi học trở lại.

Chính quyền cũng khuyến cáo người dân hoãn đi du lịch nước ngoài. Các trạm tầu điện ngầm ở Bắc Kinh, một trong những mạng lưới lớn nhất thế giới, tiến hành kiểm tra thân nhiệt hành khách.

Thách thức hiện nay của Trung Quốc là quản lý làn sóng đông đảo người dân muốn trở lại các thành phố sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán với gia đình".

Bắc Kinh trấn an Liên Hiệp Quốc là "kiểm soát" tình hình

Theo giới chuyên gia, số trường hợp có nguy cơ nhiễm virus corona mới cao hơn nhiều so với thực tế, có thể là hơn 40.000 người trên toàn thế giới. Dịch virus corona mới có thể kéo dài nhiều tháng trong trường hợp khả quan nhất. Cụ thể, trả lời AFP, giáo sư David Fisman, trường đại học Toronto, nhận định : "Kịch bản được cho là khả quan nhất là dịch virus corona tiếp tục vào mùa xuân, mùa hè và sau đó sẽ lắng xuống".

Trong khi đó, trong buổi họp ngày 27/01 tại trụ sở ở New York, ông Trương Quân (Zhang Jun), đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, khẳng định với tổng thư ký Antonio Guterres rằng Trung Quốc "hoàn toàn có khả năng và niềm tin để chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch" viêm phổi cấp tính. Theo AFP, ngoài việc công nhận rằng Trung Quốc đang trải qua "một giai đoạn khó khăn", ông Trương Quân nêu những biện pháp được Bắc Kinh triển khai nhằm khống chế dịch, đồng thời khẳng định "Trung Quốc làm việc với cộng đồng quốc tế trong tinh thần cởi mở, minh bạch và phối hợp khoa học".

Theo thông cáo của phái đoàn Trung Quốc bên cạnh Liên Hiệp Quốc, tổng thư ký Antonio Guterres trả lời rằng Liên Hiệp Quốc "hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của Trung Quốc trong việc kiểm soát dịnh bệnh và sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ và giúp đỡ cần thiết cho Trung Quốc". Bộ phận truyền thông của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc không bình luận thêm khi được AFP đặt câu hỏi.

Thu Hằng

******************

Virus corona: Ăn thịt thú rừng, coi chừng rước dịch bệnh

Thụy My, RFI, 28/01/2020

Cách đây 17 năm, virus SARS do thú hoang truyền đi đã cho thấy rõ sự nguy hiểm của việc ăn thịt các loại động vật hoang dã. Việc xuất hiện loại virus corona mới tại Trung Quốc chứng tỏ thói quen ăn thịt rừng vẫn phổ biến, và là nguy cơ ngày càng tăng đe dọa sức khỏe con người.

tq5

Giải phẫu dơi tại Trung tâm nghiên cứu y khoa Franceville (Gabon). Động vật hoang dã này là vật chủ của nhiều loại virus, nhưng là món ăn ưa thích tại Trung Quốc. IRD

Cũng giống như SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng), virus corona mới - cho đến ngày 27/01/2020 đã làm 81 người chết và 2.835 người bị nhiễm bệnh - có nguyên nhân từ các loại thú hoang được bán làm thức ăn cho người.

1,7 triệu loài virus chưa được nhận diện trong thú hoang

Cho dù xuất xứ dịch bệnh chưa được kết luận, nhưng cơ quan y tế Trung Quốc khẳng định đó là từ các động vật hoang dã được buôn bán bất hợp pháp tại chợ Hoa Nam ở Vũ Hán. Chợ này bán đủ loại thú rừng còn sống, từ chuột, chó sói cho đến kỳ nhông khổng lồ. Mãi đến Chủ Nhật 26/01/2020, Bắc Kinh mới loan báo tạm cấm bán mọi loại thú hoang.

Việc buôn bán thịt rừng đi kèm với việc phá hủy không gian sinh tồn của thú rừng, khiến con người ngày càng tiếp cận nhiều hơn với các loại virus có trong thú hoang. Chúng có thể lan tràn nhanh chóng trong môi trường siêu kết nối của chúng ta – theo giải thích của Peter Daszak, chủ tịch EcoHealth Alliance, một tổ chức phi chính phủ chuyên về phòng chống các loại bệnh dễ lây nhiễm.

Theo dự án Global Virome có mục đích cải thiện cung cách đối phó với dịch bệnh, hiện nay trong động vật hoang dã có đến 1,7 triệu loài virus chưa được nhận diện, trong đó gần phân nửa có hại cho sức khỏe con người.

Ông Daszak khẳng định với AFP : "Các loại dịch bệnh sẽ xảy ra thường xuyên hơn, chúng ta ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với các loại thú là vật chủ của virus". May thay, không phải kịch bản thảm họa lúc nào cũng diễn ra, tuy nhiên số lượng virus từ thú vật lây sang người khiến người ta phải cân nhắc.

Thú rừng là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh truyền nhiễm được ghi nhận từ những năm 80. Cầy hương đã truyền đi đại dịch SARS làm 916 người tử vong trên thế giới, chủ yếu ở Trung Quốc và Hồng Kông vào năm 2002-2003, loài dơi gây ra dịch Ebola và loài khỉ là tác nhân của SIDA.

Ngay cả gà, vịt và trâu bò cũng có thể là nguyên nhân của các loại bệnh như cúm gà và bệnh bò dại (Creutzfeldt-Jacob).

Ăn thịt rừng : Thói quen từ 5.000 năm tại Trung Quốc

Diana Bell, chuyên gia sinh học dịch tễ và bảo tồn thực vật, động vật hoang dã thuộc trường đại học Eat Anglia (Anh) kêu gọi : "Vì tương lai các loài thú hoang và vì sức khỏe loài người, chúng ta cần giảm tiêu thụ thịt rừng".

Thật ra bản thân việc ăn thịt thú rừng không thực sự nguy hiểm, vì đa số virus cũng chết một khi con thú bị giết. Nhưng các nhân tố gây bệnh có thể truyền sang con người khi bắt giữ, vận chuyển hay giết thịt thú hoang, đặc biệt nếu trong điều kiện vệ sinh tồi tệ, hoặc không có trang thiết bị bảo hộ.

Chính quyền Trung Quốc cố gắng giải quyết vấn đề khi khuyến khích nuôi các loại thú hoang này. Kể cả các loài đang bị nguy hiểm như cọp, vốn được ưa thích tại Trung Quốc và Châu Á vì được cho là giúp cường dương.

Theo các nhóm bảo vệ môi trường, nhu cầu ở Trung Quốc tăng lên cùng với sức mua của người tiêu thụ, là động cơ chính của việc buôn bán cọp trên thế giới. Dương Chiêm Thu (Yang Zhanqiu), chuyên gia sinh học thuộc đại học Vũ Hán cho rằng đó còn do kỹ nghệ thực phẩm Trung Quốc, vốn gây ra nhiều bê bối.

Chuyên gia Daszak nhìn nhận : "Rất khó ngăn chặn, chấm dứt một hoạt động đã thành truyền thống từ 5.000 năm". Ông hy vọng thế hệ mới sẽ quay lưng với thói quen ăn thịt động vật hoang dã, đặc biệt nhờ các chiến dịch được các nhân vật nổi tiếng Trung Quốc ủng hộ. "Tôi nghĩ rằng chừng 50 năm nữa, việc ăn thịt rừng sẽ trở thành quá khứ".

Thụy My

Additional Info

  • Author Antoine Bondaz, Minh Anh, Đức Tâm, Thu Hằng, Thụy My
Published in Diễn đàn

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm – Biển Đông tiếp tục dậy sóng

Phạm Hoàng Sơn, RFA, 22/01/2020

Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn đặt nặng mục tiêu tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao. Bởi vì với một đất nước đông dân, có nhiều vấn đề nội bộ nghiêm trọng như Trung Quốc thì chỉ khi giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao mới có thể đảm bảo cho việc cầm quyền của Đảng Cộng sản, không dẫn đến sự rối loạn đất nước.

tq1

Hình minh họa. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 25/10/2017 - AFP

Tuy nhiên, tình hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc gần đây đã xuất hiện những trở ngại mới và điều đó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình chính trị Trung Quốc và thế giới. Các con số thống kê chỉ tính đến tháng 9/2019 đã cho thấy sự sụt giảm đáng kể của nền kinh tế Trung Quốc. Tại cuộc họp Lưỡng hội tháng 3/2019, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đặt ra mục tiệu trong Báo cáo công tác Chính phủ, dự kiến kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng từ 6 - 6,5%/năm. Tuy nhiên, theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (National Bureau of Statistics of China) thì GDP quý I đạt 6,4%, quý II đạt 6,2% và quý III chỉ đạt 6%.  Các số liệu như trên cho thấy mức tăng trưởng về GDP năm nay của Trung Quốc thấp nhất trong thời gian gần 30 năm trở lại đây.[1]  Hãng Reuters dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2020 chỉ có khả năng đạt được 5,9%.[2]

Nền kinh tế Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nên ít nhiều gặp khó khăn do quy mô kinh tế lớn và phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài. Thời gian qua, Trung Quốc cũng đã nỗ lực chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế thiên về xuất khẩu thay bằng kích thích nhu cầu trong nước, xong để nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này chuyển hướng cần thời gian và các chính sách đồng bộ. Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia đánh giá thì một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại là do tác động của cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ trong suốt thời gian qua. Cuộc chiến tranh thương mại này cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, đang ở mức không ngừng leo thang căng thẳng thậm chí còn mở rộng ra cả lĩnh vực tài chính tiền tệ. Điều đó đã tác động trực diện đến nền kinh tế Trung Quốc, gây ra tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp trong nước. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đã rời khỏi Trung Quốc để tránh tác động của thương chiến, dẫn đến việc thất nghiệp lan rộng.[3]  Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) - cơ quan hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu Trung Quốc cho biết, nước này đang phải chịu rất nhiều áp lực trong việc duy trì môi trường việc làm ổn định), v.v... Ngoài ra, tình hình chính trị căng thẳng như biểu tình ở Hồng Kông kéo dài cũng là nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc.

Trong nhiều năm trở lại đây, mức tăng trưởng kinh tế ổn định đã trở thành một trong những nền tảng duy trì tính hợp pháp trong sự cầm quyền của Đảng cộng sản Trung Quốc. Bởi vậy, việc thừa nhận những khó khăn nổi cộm trong phát triển kinh tế, một mặt cho thấy, những áp lực về kinh tế mà Trung Quốc đang phải đối mặt là rất lớn, mặt khác cho thấy chính phủ Trung Quốc đã nhận thức rõ được cục diện khó khăn về mặt kinh tế mà nước này đang phải đối mặt.

tq2

Hình minh họa. Hình chụp hôm 1/6/2014 từ tàu cảnh sát biển Việt Nam cho thấy tàu hải cảnh Trung Quốc đang đuổi theo tàu Việt Nam gần giàn khoan dầu Trung Quốc triển trai ra Biển Đông AFP

Tuy nhiên, cho dù nền kinh tế có những biến động như vậy, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh tế ở khu vực đảo Hải Nam nhằm mục tiêu xây dựng khu vực đảo Hải Nam thành Khu mậu dịch tự do và cảng thương mại tự do với hàng loạt các chính sách ưu đãi về mặt kinh tế. Kế hoạch thúc đẩy phát triển kinh tế ở Hải Nam trên các lĩnh vực mũi nhọn như: Cảng biển, nuôi trồng thuỷ hải sản, nông nghiệp nhiệt đới, du lịch nghỉ dưỡng, hàng không vũ trụ...đã cho thấy mục tiêu lâu dài của Đảng và Chính phủ Trung Quốc trong việc phát triển kinh tế Hải Nam làm bàn đạp tiến ra khống chế Biển Đông. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang từng bước xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở Hải Nam để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào khu vực này, tạo điểm kết nối với các quốc gia trong khu vực trên cơ sở thúc đẩy chiến lược con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21.

Chúng ta đã chứng kiến trong năm 2019, những dấu hiệu bất ổn của tình hình kinh tế, chính trị, đối ngoại của Trung Quốc đã có những tác động, ảnh hưởng nhất định tới tình hình Biển Đông. Bởi vì một trong các cách thức căn bản mà Trung Quốc từ trước đến nay vẫn hay áp dụng đó là khi có những dấu hiệu bất ổn trong nước, Trung Quốc thường thông qua những động thái gây căng thẳng ngoài biển để đẩy mâu thuẫn ra bên ngoài, kích động chủ nghĩa dân tộc nhằm làm giảm sự chú ý của dư luận đối với các vấn đề nội bộ. Chính vì vậy, với việc tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, cộng với các vấn đề chính trị nội bộ, Trung Quốc đang có những xung đột sâu sắc, khả năng Trung Quốc "mượn" vấn đề biển Đông để lấp đi những bất ổn nội bộ là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra.

Phạm Hoàng Sơn

Nguồn : RFA, 22/01/2020

[1] National Bureau of Statistics of China, 2019, Preliminary Accounting Results of GDP for the Third Quarter of 2019

[2] https://www.reuters.com/article/us-china-economy/chinas-economic-growth-set-to-slow-to-30-year-low-this-year-more-government-support-seen-reuters-poll-idUSKBN1ZD0O9

[3] "Công ty nước ngoài chạy khỏi Trung Quốc, hàng loạt nhà máy tê liệt". 

****************

Cảnh giác ý đồ của Trung Quốc trên Biển Đông

Phạm Ngọc Thảo, RFA, 22/01/2020

Ngày 20/1/1974 là một sự kiện lịch sử bi tráng đối với dân tộc Việt Nam. Đó là ngày Hải quân Trung Quốc đã bất ngờ tấn công, chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa từ tay của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Trong trận chiến thư hùng đó, 74 chiến sĩ của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã tử vong.

tq3

Hình minh họa. Ảnh chụp từ vệ tinh thành phố Nam Sa trên một đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc kiểm soát hôm 27/6/2012  AFP

Tình cảnh của Việt Nam Cộng Hòa lúc đó khá bi đát khi đang đứng trước nguy cơ thất trận trước người anh em cùng một mẹ - Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Chưa kể sự rút lui của Hoa Kỳ sau Hiệp định Paris 1973 đã khiến phía Việt Nam Cộng Hòa bị mất tinh thần. Nhân cơ hội đó, "thế" và "thời" đều thuận lợi, nên Trung Quốc đã chọn lựa thời điểm tốt nhất để tấn công, sau khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước đó rất lâu.

Hoàng Sa là bước đầu tiên để Trung Quốc thể hiện sức mạnh của mình trên biển trước Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Và cũng là bước thể hiện đầu tiên trong ý đồ "vươn ra biển khơi" mà Trung Quốc đã "nung nấu" trước đó.

Hoàng Sa cũng chưa phải là sự kiện duy nhất Trung Quốc gây hấn trên biển Đông. Năm 1988, Trung Quốc tiếp tục tấn công người anh em sinh đôi của Việt Nam Cộng Hòa (lúc đó đã đổi tên là Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) tại khu vực Trường Sa. Phía Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với tiềm lực vô cùng hạn chế, cộng với ý đồ quân sự bị lộ, khi tính đưa công binh ra nhằm khẳng định chủ quyền, đã bị Hải quân Trung Quốc với tiềm lực mạnh hơn tấn công. Sau sự kiện 1988 đó, Gạc ma đã mất tiếp vào tay Trung Quốc.

tq4

Hình minh họa. Những người biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội hôm 14/3/2016 nhân kỷ niệm trận chiến Gạc Ma năm 1988 AFP

Năm 1995, Trung Quốc tiếp tục chiếm Bãi Vành khăn từ tay quân đội Philippines. Philippines uất ức nhưng với tiềm lực quân sự quá yếu đành nhìn Trung Quốc chiếm trọn Vành khăn.

Trung Quốc từ chỗ không kiểm soát bất cứ thực thể nào ở Trường Sa, sau khi ra tay chớp nhoáng, biến mọi sự thành chuyện đã rồi thì nay Trung Quốc đang chiếm giữ 7 thực thể tại Trường Sa. 7 thực thể này đã được Trung Quốc bồi lấp thành các đảo nhân tạo và trang bị vũ khí quân sự trên đó.

Tuy vậy, luật pháp quốc tế đã không thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc tại tất cả các khu vực này, cho dù Trung Quốc đang kiểm soát toàn bộ Hoàng Sa và 7 thực thể ở Trường Sa. Bởi vì luật pháp quốc tế từ sau khi Liên Hợp Quốc được thành lập, đã không chấp nhận việc dùng vũ lực để xâm chiếm một lãnh thổ thuộc một quốc gia khác.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại là một quốc gia gần như không biết đến sự tôn trọng luật pháp quốc tế. Chính vì vậy, một lo ngại đặt ra là liệu Trung Quốc có thể lặp lại các hành động xâm chiếm như đã từng làm trong quá khứ hay không?

Năm 2012, Trung Quốc chưa cần dùng biện pháp quân sự nhưng đã sử dụng chiến thuật "bắp cải" để ngang nhiên giành quyền kiểm soát bãi Scaborough từ tay của Philippines. Chính vì vậy, Philippines đã khởi kiện Trung Quốc ra một Hội đồng trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước luật biển 1982 (UNCLOS). Và Toà trọng tài năm 2016 đã có phán quyết lịch sử khi tuyên bố Philippines thắng cuộc.

Hiện nay, Trung Quốc một mặt đang "mua chuộc" các nước ASEAN thông qua Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) của họ. Với những dự án hàng tỉ USD, Trung Quốc đang "chia rẽ" các quốc gia ASEAN. Đồng tiền của họ đang khiến các quốc gia ASEAN cách biệt nhau về quan điểm. Một cuộc thăm dò gần đây của Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore đã cho thấy 7 trong 10 nước ASEAN thích Trung Quốc hơn" [1]. Trung Quốc còn tuyên truyền mập mờ về tình hình "ổn định" ở Biển Đông và mốc thời gian sẽ hoàn thành đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) trong 3 năm tới. Đây chính là một trong các "thủ pháp" ngoại giao của Trung Quốc, nhằm gây sức ép lên các quốc gia trong khu vực, đồng thời ngăn cản các quốc gia bên ngoài can dự vào Biển Đông.

Ông Antonio Carpio, Cựu thẩm phán Toà án tối cao Philippines, một trong những tác giả quan trọng của Phiên toà thế kỷ - Philippines kiện Trung Quốc đã cảnh báo rằng: "Trung Quốc sẽ không ngưng việc bồi lấp các đảo nhân tạo, và sẽ tiếp tục bồi lấp Scarborough, trước khi các bên ký kết COC" [2].

Cảnh báo của ông Carpio không phải là không có cơ sở. Trong quá khứ, Trung Quốc luôn tìm mọi cách để tạo lợi thế kể cả bằng biện pháp quân sự, khiến "gạo đã thành cơm". Thậm chí với các hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, ta có thể nhận thấy mục tiêu xuyên suốt của Trung Quốc là nhằm biến các vùng biển không có tranh chấp thành vùng biển có tranh chấp với các nước khác, nhằm ép buộc các quốc gia trong khu vực từ bỏ hợp tác khai thác với các quốc gia khác để hợp tác khai thác chung theo "cách thức" của Trung Quốc đó chính là "chủ quyền thuộc về chúng ta (Trung Quốc), gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác".

Chính vì vậy, các quốc gia ASEAN cần tỉnh táo trước một Trung Quốc đầy gian manh và xảo trá. Sự đoàn kết của ASEAN bảo vệ được chính ASEAN trước một Trung Quốc hung hăng và đầy tham lam. Còn nếu không, các quốc gia ASEAN sẽ phải trả giá ngay trong tương lai gần.

Phạm Ngọc Thảo

Nguồn : RFA, 22/01/2020


[1] https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/7-of-10-ASEAN-members-favor-China-over-US-survey?utm_campaign=RN%20Free%20newsletter&utm_medium=one%20time%20newsletter%20free&utm_source=NAR%20Newsletter&utm_content=article%20link&del_type=3&pub_date=20200119093000&seq_num=4&si=%%user_id%%

[2] https://www.philstar.com/headlines/2019/10/28/1964050/china-will-sign-south-china-sea-code-after-reclamation-scarborough-carpio

Additional Info

  • Author Phạm Hoàng Sơn; Phạm Ngọc Thảo
Published in Diễn đàn

Năm 2019 là một năm tồi tệ đối với Trung Nam Hải, một khu phức hợp ở Bắc Kinh – nơi các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản sống và công tác. Cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ vẫn tiếp diễn, đó là vấn đề trách nhiệm của Chủ tịch Tập Cận Bình, người đứng đầu chính sách đối ngoại. Mặc dù ông thường được coi là một nhà độc đoán quyền lực, và một quan chức chuyên tâm tỉ mỉ, nhưng Tập Cận Bình đã không thể dễ dàng khiến nội bộ ký một thỏa thuận thương mại Trung-Mỹ. Văn bản đề xuất đã bị xé nát trong bối cảnh tranh luận gay gắt dựa trên dân tộc chủ nghĩa.

tcb1

Năm 2019 cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ vẫn tiếp diễn, đó là vấn đề trách nhiệm của Chủ tịch Tập Cận Bình, người đứng đầu chính sách đối ngoại.

Chiến lược vừa đánh vừa đàm trong nội bộ đã thất bại. Trong nhiều tháng, nhà đàm phán thương mại chính của Trung Quốc là thứ trưởng Bộ Thương mại. Đồng thời, khi trở lại Bắc Kinh, quả bóng trách nhiệm được đá đi liên tục khi đề cập đến những thăng trầm trong cách ứng phó với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Mặc dù điều này cho thấy Bắc Kinh không độc đoán như người ngoài nghĩ, nhưng nó cũng phản ánh hoàn cảnh năm 2020 của Tập Cận Bình. Tập muốn một thỏa thuận, nhưng Tập không thể được coi là thế yếu. Ông hy vọng sẽ làm cho Trung Quốc không phụ thuộc hơn, nhưng cần hỗ trợ kỹ thuật nước ngoài để đạt được mục tiêu này. Các sự kiện bất thường trong vài năm qua đã khiến Trung Quốc trở thành người ủng hộ chính cho trật tự quốc tế chưa được thiết lập, và có khả năng sẽ tiếp tục cho đến năm 2020.

Tập Cận Bình là một người theo chủ nghĩa thực dụng. Trong đánh giá hàng năm của mình, ông và các nhà lãnh đạo của mình đã tuyên bố rằng họ đang phải đối mặt với một môi trường quốc tế khó khăn, do kết quả của các phản ứng nước ngoài đối với các sự kiện chính trị trong nước của Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế đang phẫn nộ trước các chính sách của Trung Quốc tại Tân Cương và ước tính có hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đang bị giam giữ. "Các quan chức có liên quan" tài liệu Tân Cương rò rỉ đến tận tòa soạn New York Times. Áp lực từ các cơ quan quốc tế đối với Tập Cận Bình có thể gia tăng, mặc dù phần lớn sự phẫn nộ thông qua các phương tiện truyền thông xã hội đã được lọc ra bởi tường lửa của Trung Quốc.

Những câu chuyện về ảnh hưởng của Trung Quốc ở ngoại quốc đang tràn ngập, đặc biệt là liên quan đến các hoạt động của Mặt trận Thống nhất (là mặt trận tập hợp các đảng chính trị hợp pháp trong nước do Đảng cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, chấp nhận vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc như một điều kiện để tồn tại, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại toàn Trung quốc cũng nằm dưới sự lãnh đạo của Mặt trận). Điều này dự kiến sẽ gia tăng vào năm 2020. Trường hợp của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei đã khiến các cộng đồng doanh nghiệp ở nước ngoài rùng mình. Theo lệnh bắt giữ của Hoa Kỳ, Giám đốc điều hành Huawei đã bị bắt ở Canada và sau đó Bắc Kinh trả đũa lại bằng cách bắt giữ hai công dân Canada ở Trung Quốc.

Các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Hồng Kông vẫn còn rỉ máu và Bắc Kinh khó có thể cứu vãn. Hồng Kông vừa là một trung tâm trọng tài quốc tế vừa là một sàn giao dịch chứng khoán khu vực, thế nên khu vực này vẫn còn quan trọng đối với các kế hoạch tương lai của Bắc Kinh.

"Môi trường quốc tế khó khăn" khiến dễ dàng bỏ lỡ những thay đổi đang diễn ra trong chính trị nội địa của Trung Quốc.

Chiến dịch chống tham nhũng mang tính biểu tượng của Tập Cận Bình tiếp tục càn quét, bổ sung các quy tắc giúp dễ dàng sa thải các quan chức bất tài và thiếu các chuẩn mực tư tưởng, không chỉ vì tham nhũng. Tập Cận Bình đã làm điều đó, Tập đã thay đổi các quy tắc của Đảng cộng sản Trung Quốc, và sau đó sử dụng hệ thống pháp luật của Trung Quốc để đảm bảo rằng công vụ (trong đó hàm chứa 80% là đảng viên) cũng bị ràng buộc bởi các quy tắc của đảng.

Tập Cận Bình lo ngại nhất là các quan chức địa phương sẽ không tuân thủ các mệnh lệnh Trung ương. Vì vậy, Tập Cận Bình tập trung quyền lực, thay đổi tên xưng (nhà lãnh đạo nhân dân) và đối mặt với cải cách. Ông đã thay đổi cách mà nhà lãnh đạo chịu trách nhiệm, thêm trách nhiệm cá nhân vào các quy tắc ra quyết định tập thể. Tập Cận Bình khiến các cá nhân chịu trách nhiệm cho việc ra quyết định, thay vì để công chúng không biết ai là người đưa ra quyết định và đổ lỗi cho trách nhiệm trong ủy ban chấp hành.

Ông cũng mở rộng ảnh hưởng của đảng trong chính trị địa phương cơ sở – thu hẹp phạm vi cách các nhà lãnh đạo địa phương để quản lý công việc của họ. Tại cuộc họp lần IV, Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 đã không đề xuất bất kỳ cải cách mới nào, bởi vì hầu hết đã được thực hiện thông qua những thay đổi trong quy tắc của Tập Cận Bình.

Kinh tế Trung Quốc vẫn đáng lo ngại. Các cuộc tranh luận trong nước tiếp tục về việc, liệu Trung Quốc có nên chấp nhận tốc độ tăng trưởng thấp hơn và bền vững hơn hay thúc đẩy tăng trưởng mục tiêu 6% GDP hay không. Năm ngoái đã có một cuộc khủng hoảng thịt lợn và công chúng lo lắng rằng giá thực phẩm sẽ tăng nhanh. Định hướng của chính sách tài khóa là khó hiểu, vì chính quyền địa phương đang xử lý thông tin mâu thuẫn về việc nên bật hay tắt công tắc tín dụng.

Để phản ánh sự ưu tiên vào thương chiến, các cải cách tập trung vào vốn và bí quyết [kỹ thuật/chuyên môn] nước ngoài. Luật đầu tư nước ngoài có hiệu lực vào tháng 1/2020, nhằm mục đích thúc đẩy niềm tin của khối FDI, trong khi môi trường kinh doanh của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.

Tiếp theo sẽ là gì ?

Tập Cận Bình tin rằng, năm 2020 sẽ là một năm bớt khó khăn. Bắc Kinh đang cố gắng giảm thiệt hại do thương chiến gây ra. Tập Cận Bình cũng theo dõi chặt chẽ Đài loan, vùng đảo vừa tiếp tục duy trì vị trí Tổng Thống cho bà Thái Anh Văn, người phụ nữ có cách tiếp cận cứng rắn với đại lục. Hoa Kỳ sẽ khó có thể ngừng thúc đẩy trao đổi công nghệ, học thuật, văn hóa, thậm chí là quan hệ kinh doanh, thương mại và đầu tư với Trung Quốc.

Vị thế của Tập Cận Bình trong bộ máy chính trị Trung Quốc vẫn vững chắc. Bằng quyền lực của mình, Tập đang cố gắng thu hẹp lực lượng vũ trang Trung Quốc về mặt quy mô, trong khi ở bên ngoài, Tập thúc đẩy chính sách hỗ trợ các tổ chức khu vực và toàn cầu, tìm kiếm các mối quan hệ tốt hơn với Hàn, Ấn, thậm chí là Nhật Bổn.

Ryan Manuel

Nguyên tác : Difficult times for China’s political elite, EastasiaForum, 13/01/2020

Diễm My dịch

Nguồn : VNTB, 15/01/2020

Tiến sĩ Ryan Manuel là Giám đốc điều hành của Official China Ltd., một cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Hồng Kông.

Additional Info

  • Author Ryan Manuel
Published in Diễn đàn

"Hãy để Trung Quốc ngủ yên, khi nó thức giấc nó sẽ làm rung chuyển cả thế giới" - Napoleon.

dna1

Hình minh họa. Các xe quân sự mang theo tên lửa đất đối không của Trung Quốc trong lễ diễu binh ở Thiên An Môn hôm 1/10/2019 nhân kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc - AFP

Con sư tử Trung Quốc tỉnh giấc sau một giấc ngủ dài với những chứng nội thương như "Đại cách mạng văn hoá", "Đại nhảy vọt… và đặc biệt sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989 và đã bị các nước phương Tây cô lập.

Trước đó, Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông đã "thể hiện sức mạnh" thông qua các chiến trường Triều Tiên, Kim Môn, Mã Tổ để "đọ sức" với Hoa Kỳ. Và Mao Trạch Đông đã dặn lại với hậu nhân "tránh đối đầu trực tiếp với Hoa Kỳ, đặc biệt là trên biển".

Tiếp nối chính sách của Mao, Đặng Tiểu Bình hiểu những điểm yếu trong sức mạnh Trung Quốc, nên đã đưa ra chính sách "giấu mình chờ thời". Với chính sách này, "mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột", Đặng đã đưa kinh tế Trung Quốc đạt được những thành tựu lớn.

Sau Đặng, tới thời Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc đã nhân sự "lơi lỏng" từ Hoa Kỳ và các đồng minh, cảm thấy rằng mình đã đủ sức mạnh, nên cần "lấy số" với thế giới, và vì thế, Trung Quốc đã "nhe nanh múa vuốt" tại khu vực Châu Á, vốn là "sân nhà" của Trung Quốc xưa nay.

Từ năm 2007 trở đi, Biển Đông đã trở nên một khu vực chất chứa đầy nguy hiểm rình rập, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố một lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, vào tháng 5 hàng năm. Lệnh cấm đơn phương này được Trung Quốc tuyên bố từ 1999 nhưng bắt đầu được Trung Quốc "ra tay" thực hiện từ 2007 trở đi. Trung Quốc đã dựa vào một bản đồ "vu vơ" của một cá nhân, biến nó thành "một yêu sách trên biển chính thức" của chính quyền Trung Quốc với cái tên gọi "đường lưỡi bò". Gọi là "yêu sách" nhưng nó chưa bao giờ được Trung Quốc tuyên bố chính thức và công khai, mãi cho tới năm 2009, khi Trung Quốc phản đối Báo cáo mở rộng thềm lục địa mở rộng của Việt Nam, và Báo cáo chung về thềm lục địa mở rộng giữa Việt Nam với Malaysia, thì Trung Quốc mới chính thức "trình làng" lên Liên Hợp Quốc bản đồ có "đường lưỡi bò" đó, nhưng cũng chẳng giải thích nó là cái gì, bản chất pháp lý của nó như thế nào.

dna2

Hình trên Đặng Tiểu Bình duyệt quân ở Bắc Kinh hôm 16/9/1981. Hình dưới : Chủ tịch Tập Cận Bình duyệt quân tại lễ diễu bình ở Quảng trường Thiên An Môn hôm 1/10/2019 - AFP

Lần lượt các quốc gia đã lên tiếng phản đối "cái gọi là yêu sách đường lưỡi bò" này, Việt Nam phản đối ngay sau khi Trung Quốc gửi bản đồ có "đường lưỡi bò" lên Liên Hợp Quốc. Indonesia gửi công hàm chính thức phản đối đường lưỡi bò năm 2010, Philippines gửi công hàm phản đối năm 2011. Còn Hoa Kỳ năm 2014 đã công bố nguyên một báo cáo nghiên cứu về "đường lưỡi bò" này, và đương nhiên, Hoa Kỳ không thể chấp nhận một thứ yêu sách vô lý như vậy.

Tuy nhiên, Trung Quốc biết cách làm thế nào để có thể hiện thực hoá tham vọng trên Biển Đông của họ. Trung Quốc cũng rất giỏi để tìm cách xoa dịu và chia rẽ các nước ASEAN. Với các lợi ích khổng lồ từ kinh tế, Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình tiếp tục tiến hành chính sách "chia để trị" đối với ASEAN thông qua "Sáng kiến Một vành đai, Một con đường". Và lần lượt, một số quốc gia ASEAN đã "ngã vào vòng tay Trung Quốc".

ASEAN dường như đã phân rã thành hai nhóm, một nhóm có lợi ích trực tiếp hoặc liên quan đến Biển Đông. Nhóm còn lại không có lợi ích trực tiếp hoặc lợi ích liên quan nào. Nhóm thứ nhất bao gồm Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia, Brunei và Singapore. Nhóm thứ hai bao gồm Lào, Campuchia, Myanmar.

Các nước láng giềng Đông Dương truyền thống của Việt Nam dần dần đã tiến lại gần Trung Quốc, lánh xa ảnh hưởng của Việt Nam. Campuchia là trường hợp rõ nhất, khi luôn luôn bảo vệ cho các quan điểm và lợi ích của Trung Quốc, thậm chí năm 2012, khi Campuchia là Chủ tịch điều phối ASEAN, nước này đã ngăn cản các Ngoại trưởng ASEAN ra một tuyên bố chung có những nội dung liên quan đến Biển Đông.

Indonesia vẫn luôn có vai trò tích cực trong ASEAN và vấn đề Biển Đông, nhưng cũng có những lợi ích riêng và bị nhiều quốc gia phản ứng với chính sách "đánh chìm tàu". Indonesia và Việt Nam có những vùng chồng lấn tại vùng đặc quyền kinh tế của cả hai bên, và hai bên cũng vẫn chưa sẵn sàng cho việc phân định. Hậu quả là nhiều tàu cá Việt Nam bị cảnh sát biển Indonesia bắt giữ và đánh chìm cho dù nhiều ngư dân Việt Nam khẳng định là họ không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Malaysia thì dưới thời Rajib Narak đã duy trì chính sách ngoại giao được Trung Quốc ca ngợi là "chính sách ngoại giao im lặng".

Philippines thì dưới thời Duterte áp dụng chính sách "Hướng về Trung Quốc" hòng thu lượm những lợi ích kinh tế to lớn từ quốc gia này.

Tuy nhiên, có vẻ gần đây, các quốc gia ASEAN đang "thức tỉnh" trước các tham vọng "sỗ sàng" từ Trung Quốc.

Ngày 12/10/2019, Malaysia đã chủ động gửi bản yêu sách về thềm lục địa mở rộng của mình lên Liên Hợp Quốc. Với bản yêu sách này, Malaysia đã trực diện bác bỏ "cái gọi là yêu sách đường lưỡi bò" của Trung Quốc. Ngoài ra, Malaysia cũng thông qua đó, gián tiếp thừa nhận Phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Theo phân tích của Nguyễn Hồng Thao trên tờ The Diplomats, thì hành động này của Malaysia bao hàm rất nhiều tính toán, trong đó có việc phản ứng lại các hành động quấy phá, sách nhiễu các tàu thăm dò của Malaysia tại khu vực bãi Luconia, vốn thuộc EEZ của Malaysia, đồng thời cũng đặt bước phòng ngừa cho lợi ích của Malaysia trước khi COC được ký kết dưới áp lực của Trung Quốc.

Mới đây nhất thì Indonesia đã tăng cường tàu hải quân và phi cơ chiến đấu tại khu vực Natuna, nơi nhiều tàu Trung Quốc đang xâm phạm EEZ của Indonesia. Tổng thống Widodo đã ra tín hiệu rằng Indonesia sẽ không lùi bước trước các hành động ngang ngược này của Trung Quốc.

Các tàu hải cảnh của Trung Quốc đã tiếp tục xuất hiện tại khu vực gần Bãi Tư chính của Việt Nam, nơi các tàu Trung Quốc quấy phá liên tục hồi năm 2019. Việt Nam vẫn luôn là quốc gia trực tiếp đối đầu với các hành động hung hăng, thù nghịch của Trung Quốc trên khu vực Biển Đông.

Báo chí hôm nay cũng cho biết, nhiều tàu Trung Quốc đang xuất hiện gần khu vực Thị Tứ (thực thể mà Philippines đang chiếm giữ, thuộc Trường Sa).

Những dự đoán cho thấy, trước các áp lực kinh tế suy giảm, ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ - Trung, Tập Cận Bình đang tìm cách hướng các vấn đề nội bộ ra bên ngoài, trong đó, Biển Đông là vấn đề thu hút rất lớn dư luận trong nước. Thêm nữa, tình hình thế giới đang phức tạp và bất ổn. Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Iran khiến thế giới nín thở từng ngày. Đồng thời cũng sẽ là cuộc tranh cử Tổng thống ở Hoa Kỳ, nên sẽ khiến Hoa Kỳ lơi lỏng chú ý ở Biển Đông, và đó sẽ là cơ hội cho Trung Quốc tiếp tục "gặm nhấm" các khu vực trên Biển Đông, biến thành sự đã rồi.

Các quốc gia Đông Nam Á cũng đang "bừng tỉnh" trước "giấc mộng Trung Hoa" thông qua các khoản đầu tư. Mới đây, Indonesia lên tiếng cảnh báo về các khoản đầu tư từ Trung Quốc [1]. Việt Nam thì đang "khóc hận" bởi các chiêu "lẩn tránh thương mại" và có nguy cơ trở thành "bãi rác công nghệ" từ Trung Quốc. Người dân Campuchia thì "khóc ròng" khi các bãi biển Sihanoukville, Koh Kong tràn ngập các băng đảng tội phạm từ Trung Quốc tràn sang.

dna3

Máy đào và công nhân Trung Quốc đang làm việc trên một công trường xây dựng của một khu dân cư mới ở Thiên Tân, Trung Quốc. (Ảnh của Zhang Peng / LightRocket qua Getty Images, 27/05/2019)

Cũng đã đến lúc các quốc gia Châu Á, trong đó có ASEAN cần phải thức tỉnh trước các "hấp lực" từ Trung Quốc. Các quốc gia này cần đoàn kết để bảo vệ lợi ích lâu dài của chính họ, chính điều ấy mới có thể bảo vệ được họ trước một con sư tử "sống trong rừng rậm, đói khát lâu ngày, hành xử hoang dã" như Trung Quốc.

Hoàng Gia Phúc

Nguồn : RFA, 10/01/2020

[1] Panos Mourdoukoutas, "Indonesia Warns About Bad Side Of Chinese Investments - And Isn’t Alone", Forbes, 13/12/2019

Additional Info

  • Author Hoàng Gia Phúc
Published in Diễn đàn

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ chậm lại chỉ còn hơn 6% trong năm nay và không có khả năng tăng tốc trong tương lai gần. Trên thực tế, các nhà bình luận kinh tế thường đồng ý rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2019 – vốn ở mức tồi tệ nhất trong gần 30 năm qua – có thể vẫn là tốt nhất nếu so với cả thập niên tới. Điều mà các nhà quan sát không thể đồng ý là việc Trung Quốc nên lo lắng đến mức nào, hoặc các nhà hoạch định chính sách có thể làm gì để cải thiện triển vọng tăng trưởng.

baochua1

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ chậm lại chỉ còn hơn 6% trong năm nay và không có khả năng tăng tốc trong tương lai gần.

Những người lạc quan chỉ ra rằng nếu xét quy mô của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay, thì mức tăng trưởng GDP hàng năm chỉ 6% thôi cũng đã lớn hơn cả mức tăng trưởng hai con số 25 năm trước. Những người bi quan lưu ý rằng điều đó có thể đúng, nhưng tăng trưởng GDP chậm lại đang cản trở tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người – đây là một tin xấu cho một quốc gia có nguy cơ bị sa lầy trong bẫy thu nhập trung bình – đồng thời làm trầm trọng thêm các rủi ro tài chính xuất phát từ mức nợ cao của các công ty và chính quyền địa phương.

Bất kể quan điểm của bạn là thế nào, thì một điều không thể chối cãi được là sự không nhất quán về chính sách và lỗi quản trị đã góp phần đáng kể vào suy thoái kinh tế của Trung Quốc. Vấn đề nằm ở tốc độ cải cách cơ cấu chậm chạp. Tăng trưởng dài hạn phụ thuộc vào sự phân cấp quyền lực nhà nước, gia tăng thị trường hóa, tự do hóa kinh tế lớn hơn, cho phép khu vực tư nhân tiếp cận nhiều hơn với tài chính và các yếu tố sản xuất khác.

Việc chính phủ Trung Quốc thiếu nhất quán trong chính sách có thể gây tác động bất lợi ngay lập tức – và thường là như vậy. Hãy xem xét trường hợp gia tăng chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc, một phần do giá thịt lợn tăng mạnh, bắt nguồn từ việc các chính quyền địa phương quyết định đóng cửa các trang trại lợn nhỏ vi phạm quy tắc bảo vệ môi trường trong vài năm qua, theo báo cáo của cựu phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, các quy định về bảo vệ môi trường và chất lượng không khí đã gây thiệt hại lớn cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các công ty sản xuất vừa và nhỏ rất quan trọng đối với sự năng động kinh tế trong tương lai của Trung Quốc. Tất nhiên, bảo vệ môi trường là quan trọng, nhất là vì sức khỏe cộng đồng, và những thay đổi về thể chế do chính phủ đưa ra đã cải thiện chất lượng không khí. Nhưng cách tiếp cận từ trên xuống của chính phủ trung ương, trong đó áp đặt một bộ chỉ số cứng nhắc lên chính quyền địa phương, là một công cụ thiếu tinh tế có thể làm suy yếu sáng kiến của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ tăng trưởng thực.

Trung Quốc có được phần lớn thành công trong quá khứ là nhờ cho thử nghiệm và cạnh tranh ở cấp địa phương, được thúc đẩy bởi lời hứa thăng chức cho các quan chức phụ trách những khu vực thành công nhất. Ngày nay, các quan chức địa phương được tưởng thưởng lớn hơn nếu đáp ứng các mục tiêu môi trường thay vì các mục tiêu tăng trưởng – và kết quả như thế nào chúng ta đều thấy.

Những hậu quả ngắn hạn của việc chính phủ Trung Quốc thiếu nhất quán cũng có thể được nhìn thấy trong lĩnh vực tài chính. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chính phủ kêu gọi các ngân hàng tăng cường cho vay, và các công ty tích lũy một núi nợ lớn, để bù đắp cho các cú sốc bên ngoài. Trong khi điều này giúp cho kinh tế tăng trưởng, nó cũng khiến rủi ro tài chính tăng mạnh.

Tuy nhiên, tới năm 2016, chính phủ đã đảo ngược quan điểm. Ngay cả khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc giữ chính sách ở mức trung tính, các ngân hàng vẫn được lệnh phải giảm dư nợ và tín dụng, và khu vực ngân hàng ngầm (shadow banking) quy mô lớn của Trung Quốc đã suy giảm đáng kể. Cách tiếp cận mạnh tay này đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính, làm tăng nguy cơ khủng hoảng nợ. Nó cũng thúc đẩy vốn chảy ra ngoài đáng kể và làm suy yếu đầu tư tư nhân, bao gồm cả trong ngành bất động sản, qua đó giảm tăng trưởng GDP danh nghĩa. Vì vậy, tỉ lệ cung tiền trên GDP nói chung của Trung Quốc vẫn không hề giảm.

Ngoài những rào cản tăng trưởng xuất phát từ cách chính phủ theo đuổi các mục tiêu của mình, còn có vấn đề là các mục tiêu này thay đổi thất thường. Điều này phá vỡ kỳ vọng của nhà đầu tư và làm xói mòn niềm tin của thị trường. Các công ty không chỉ ngần ngại đầu tư ; mà nhiều trong số đó còn đang giảm quy mô lực lượng lao động của họ. Trong những năm gần đây, việc sa thải ngày càng trở nên khó tránh khỏi ngay cả đối với những gã khổng lồ Internet của Trung Quốc.

Thay vì mở đường cho tiến trình cải cách cơ cấu, những can thiệp từ trên xuống quá mức của chính phủ Trung Quốc đang tăng cường sự mất cân bằng cấu trúc. Các mệnh lệnh từ trên xuống bừa bãi và không thể đoán trước làm tổn thương tất cả các doanh nghiệp, nhưng các công ty tư nhân phải chịu đựng nhiều nhất. Rốt cuộc, các doanh nghiệp nhà nước được hưởng các biện pháp bảo vệ chính thức mạnh mẽ, khiến họ có nhiều khả năng sống sót hơn dù thiếu hiệu quả.

Giống như một phụ huynh bảo vệ con mình quá mức, chính phủ Trung Quốc cần phải học cách buông tay. Vâng, một cách tiếp cận truyền thống về quản lý kinh tế vĩ mô có thể chứa đựng một số rủi ro. Các công ty có thể quyết định tích lũy nợ quá mức và các ngân hàng có thể cung cấp tín dụng quá nhiều hoặc quá ít. Nhưng các biến động phát sinh phần lớn chỉ là tạm thời.

Về lâu dài, một cách tiếp cận như vậy sẽ củng cố niềm tin của nhà đầu tư và thị trường, cho phép các công ty năng động nhất phát triển và hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng ổn định, điều cần thiết để Trung Quốc trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ. Để đạt được mục tiêu này, chính quyền trung ương cuối cùng có thể phải giảm can thiệp để tránh ngáng đường họ.

Zhang Jun

Nguyên tác :"China’s Damaging Policy Disruptions", Project Syndicate, 30/12/2019.

Phan Nguyên biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 03/01/2020

Zhang Jun là Trưởng khoa Kinh tế tại Đại học Phục Đán, và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc, một viện nghiên cứu tư vấn chính sách tại Thượng Hải.

Additional Info

  • Author Zhang Jun
Published in Diễn đàn

Đài Loan-Hoa Lục : Lá chắn luật pháp ngăn chiến lược xâm nhập

Thị trường tài chính thế giới tăng kỷ lục trong năm 2019 bất chấp thương chiến Mỹ-Trung, Đài Loan đối đầu chiến lược tuyên truyền nội gián của Bắc Kinh, Kim Jong-un nhìn nhận kinh tế suy sụp, Washington xung đột với Tehran trên chiến địa Iraq, Tây phương thất bại tại Lybia là những chủ đề quốc tế trên báo Pháp trong ngày cuối năm dương lịch.

dailoan1

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trong cuộc vận động tranh cử, ngày 21/12/2019 tại Đài Bắc. Reuters/Tyrone Siu/File Photo

Đài Loan khẩn cấp chống Trung Quốc xâm nhập

Từ hơn nửa thế kỷ qua, Trung Quốc tìm cách chinh phục người dân Đài Loan bằng mọi thủ đoạn. Mối đe dọa này không phải là mới nhưng vì sao Nghị viện Trung Hoa Dân Quốc phải khẩn cấp thông qua đạo luật "chống xâm nhập" vào ngày cuối năm 2019, trước ngày bầu cử tổng thống 11/01/2020 ? Đâu là thế mạnh, thế yếu của Đài Bắc trước áp lực của Bắc Kinh ?

Theo thông tín viên của nhật báo thiên tả Libération tại Đài Bắc, tổng thống Thái Anh Văn và đảng Dân Tiến của bà tại Nghị Viện, nhân cơ hội kiểm sóat hành pháp lẫn lập pháp trước khi phải bầu lại vào ngày 11/01 tới, thông qua đạo luật "bảo vệ chủ quyền quốc gia, chống các thế lực thù địch sẵn sàng dùng vũ lực đe dọa lãnh thổ".

Tuy không gọi đích danh Trung Quốc, nhưng rõ ràng chỉ có chế độ Bắc Kinh là đe dọa dùng quân sự "thống nhất" Đài Loan. Theo Libération, khi phải sử dụng đến nền tảng luật pháp bảo vệ chủ quyền, chính quyền Đài Loan nhìn nhận họ bất lực trước chiến lược mới của Trung Quốc được gọi là "nhuệ thực lực" (Sharp Power), hiểm độc hơn "quyền lực mềm" (Soft Power) .

Facebook : chiến trường khốc liệt

Song song với chiến lược gây sức ép bằng quân sự và cô lập ngoại giao, và "quyền lực mềm" tuyên truyền khuynh đảo, vũ khí mới của Bắc Kinh là tung tin giả và mua chuộc giới chính trị Đài Loan hầu gây chia rẽ trên đất nước của họ : nào bà Thái Anh Văn làm tiến sĩ giả , nào là CIA trả tiền cho dân Hồng Kông biểu tình… Các tin giả càng ngày càng nhiều và được các mạng xã hội, các dư luận viên của Bắc Kinh và các cơ quan báo chí do các tư bản đỏ kiểm soát quảng bá lên.

Theo một bản báo cáo của Đại học Goteborg, Thụy Điển, thì Đài Loan là lãnh thổ bị chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc tấn công mạnh nhất. Facebook là một trong những chiến trường khốc liệt. Chưa hết, ngoài thủ đoạn tấn công, Trung Quốc còn sử dụng chiến thuật xâm nhập, tài trợ ứng cử viên có chủ trương thân Bắc Kinh. Trường hợp ông Hàn Quốc Du bị tố cáo nhận 2,8 triệu đôla để tranh cử đang được tư pháp điều tra, kiểm chứng. Mặc khác, hàng trăm tổ chức tôn giáo, bổng dưng nhận được tiền cúng dường hậu hỉ xây chùa nguy nga, được tặng tượng Phật để rồi tham gia vào vận động bầu cử cho các chính khách của Quốc Dân Đảng.

Theo dân biểu Freddy Lim, Đài Loan cần một đạo luật như Úc để có cơ sở pháp lý để ngăn chặn hình thức xâm nhập nội gián này. Ai đứng sau lưng ? Nga hay Trung Quốc ? Một đạo luật chưa đủ nhưng là một bước đầu.

Giới chuyên gia tỏ ra đồng cảm với Đài Loan. Michael Cole, chủ nhiệm nhật báo Taiwan Sentinel, trong cuộc hội thảo về "tuyên truyền đầu độc" do hiệp hội Phóng Viên Không Biên Giới tổ chức tại Đài Bắc hôm thứ Sáu tuần trước cho biết "Đài Loan, cũng như nhiều nước dân chủ khác, phải tổ chức tự vệ. Đảng cộng sản Trung Quốc tìm cách khuynh đảo xã hội Đài Loan là chuyện có thật. Chính quyền Đài Loan đang đề nghị những biện pháp bảo vệ nền dân chủ. Khi đối lập lên án đạo luật này sẽ biến Đài Loan thành Bắc Triều Tiên thì đó là một thí dụ điển hình chứng minh là tình trạng tung tin đầu độc đã tràn ngập hải đảo".

Cũng cùng quan điểm, Les Echos nhấn mạnh đến khẩu hiệu tranh cử của tổng thống mãn nhiệm mà theo thăm dò sẽ tái đắc cử : "Kháng cự Trung Quốc, bảo vệ Đài Loan".

Tâm lý bài Trung Quốc tăng theo tỷ lệ ủng hộ bà Thái Anh Văn.

Tuy bị các định chế quốc tế theo lệnh Trung Quốc tẩy chay, cho dù ngày càng bị cô lập ngoại giao nhưng Đài Loan có nhiều lợi thế mà Hoa Lục rất thèm thuồng.

Ngoài trữ lượng ngoại tệ, ngoài các trung tâm nghiên cứu khoa học và các đại tập đoàn như Trường SaMC, Hon Hai và các nhãn hiệu điện toán tầm cỡ quốc tế như Acer, Asus, Đài Loan còn có một kho tàng trí tuệ, nhân tài và vốn đầu tư của nhà nước cũng như tư nhân.

Kim Jong-un và chỉ tiêu 2 triệu du khách cứu kinh tế

Chủ đề Châu Á thứ hai là Bắc Triều Tiên. Kim Jong-un nhìn nhận kinh tế đang bị khủng hoảng nghiêm trọng. Nhưng ngoài những khẩu hiệu quen thuộc như là "khắc phục phấn đấu làm thay đổi cục diện" lãnh đạo tối cao không đưa ra được một chiến lược cụ thể trong bối cảnh tiến trình đàm phán với Washington bị bế tắc.

Theo nhận định của Les Echos, Kim Jong-un không đưa ra được một đề nghị gì mới, không nói rõ là sẽ làm gì nếu Hoa Kỳ không nhượng bộ gì cả trong ngày 31/12/2019, ngày mà Bình Nhưỡng gọi là kỳ hạn của tối hậu thư.

Cũng theo nhật báo kinh tế, trong bối cảnh không được Mỹ, Hàn, Châu Âu trợ giúp, Bắc Triều Tiên chỉ còn kỳ vọng vào ngành du lịch. Nhưng liệu có đạt được chỉ tiêu 2 triệu du khách vào năm 2020 hay không ? Hiện nay, trung bình mỗi ngày có 2.000 du khách đến Bắc Triều Tiên mà đa số là dân Hoa Lục. Bình Nhưỡng hy vọng thu hút được một phần nhỏ trong số 150 triệu người Trung Quốc mỗi năm đi du lịch nước ngoài là cũng đủ. Thế nhưng Bắc Triều Tiên thiếu cơ sở đón tiếp và thiếu nhân viên thạo tiếng quan thoại.

Xung khắc Mỹ- Iran có nguy cơ leo thang

Sau vụ Hoa Kỳ oanh kích vị trí của Hezbollah-Iraq để trả đũa một vụ tấn công làm một người Mỹ thiệt mạng, Le Figaro Libération dự báo Mỹ và Iran sẽ xung đột trên lãnh thổ Iraq.

Với tựa "Đằng sau các vụ oanh kích của Mỹ là chiếc bóng xung đột với Iran", Libération dành một bài dài để phân tích vì sao căng thẳng leo thang. Iran làm mọi cách để "tống 5.200 quân Mỹ" ra khỏi Iraq. Trong khi đó, Hoa Kỳ muốn triệt tổ chức Hezbollah-Iraq, cánh tay nối dài của lực lượng vệ binh cách mạng Iran, với hơn 100.000 chiến binh Shia tại Iraq, đông hơn Hezbollah-Lebanon ủng hộ Damascus.

Le Figaro nói đến lý do chính trị : Phong trào công dân chống tham nhũng ở Lebanon và tại Iraq, ngay trong cộng đồng Shia, lên án thế lực ngày càng mạnh của Hezbollah. Phong trào này đòi hỏi cải cách sâu rộng chế độ chính trị tham ô và bất công, vô tình đi đúng và thuận lợi cho chính sách của Washington tại Iraq. Theo một chuyên gia của Atlantic Council, Iran đoán biết Donald Trump không muốn chiến tranh nhưng sai lầm của Iran là không ngờ các nhà quân sự Mỹ biết thích ứng với tình thế.

Tây Phương mất thế lãnh đạo thế giới

Tổng kết tình hình 2019 , bài xã luận cuối năm của La Croix trở lại một thập niên "đen tối ở Trung Đông". Le Figaro Le Monde tỏ ra nghiêm khắc khi bình luận về trách nhiệm của Tây phương .

Đối với Le Monde, sự kiện tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị đưa quân vào Lybia là một thất bại lớn của Liên Hiệp Châu Âu. Ankara dựa vào lý do là chính phủ Tripoli, được cộng đồng quốc tế công nhận nhưng cũng bị chính quốc tế bỏ rơi, phải chao đảo trước nguy cơ tấn công của một lực lượng phản loạn, nên Thổ Nhĩ Kỳ phải can thiệp để ổn định tình hình.

Trang Ý kiến của Le Figaro bi quan hơn khi khẳng định "Tây Phương đã mất thế thượng phong". Thời kỳ nước Mỹ một mình ngang dọc tung hoành đã qua rồi. Sự kiện hải quân Nga, Trung Quốc và Iran tập trận ngay trong biển Oman chứng tỏ vùng Vịnh không còn là ao nhà của Mỹ. Trong khí đó thì ở Thái Bình Dương, Biển Đông đã biến thành ao nhà của Trung Quốc.

Lỗi này là do ai ?

Từ sau vụ khủng hoảng Ukraine, Nga bỏ Châu Âu sang thuyền khác. Nếu không có Trung Quốc, liệu Moskva có bỏ chính sách kết nối với Châu Âu của tổng thống Yeltsin hay không ? Vì thiển cận, Tây Phương mất thế lãnh đạo thế giới trong khi Bắc Kinh có chiến lược dài hạn, với mục tiêu là trở thành siêu cường số một. Theo tác giả, Tây Phương nên tự xét mình. Cứ chia rẽ mãi, có ngày khối Châu Âu cũng không còn.

Trong bầu không khí căng thẳng này cũng có một thông tin phấn khởi trên các báo Pháp : 2019, năm kỷ lục của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, một sự kiện khác kéo độc giả Pháp trở về thực tại : Giao thông công cộng tiếp tục bị xáo trộn đến ngày thứ 26 . Cuộc đọ sức giữa công đoàn và chính phủ kéo dài trong khi chờ đợi phản ứng của tổng thống Macron qua thông điệp đầu năm vào chiều 31.

Tú Anh

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Châu Á

Trung Quốc - Môi trường : Liên Âu phản công

Báo Pháp số ra ngày thứ Sáu cuối cùng của năm 2019 có nhiều bài tổng kết, đồng thời mở ra những viễn cảnh của Năm Mới. Nhật báo kinh tế Les Echos có chùm bài đáng chú ý về Trung Quốc và môi trường, hai mặt trận chính của Liên Hiệp Châu Âu trong năm tới.

lienau1

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu phát biểu tại Nghị Viện Châu Âu, Strasbourg, ngày 18/12/2019. Reuters/Vincent Kessler

Bài "Trung Quốc lo ngại về chính sách thương mại của Châu Âu, đang trở nên cứng rắn hơn", của Les Echos dẫn lời đại sứ Trung Quốc tại Bruxelles, cảnh báo chính sách của Liên Âu hiện nay khiến các nhà đầu tư muốn rời bỏ Châu Âu. Lý do là vì, từ nhiều tháng nay, trước tham vọng của nhiều tập đoàn lớn Trung Quốc thôn tính các doanh nghiệp chiến lược của Liên Âu, giới lãnh đạo Châu Âu bắt đầu xây dựng một chiến lược thống nhất hơn để đối phó với Bắc Kinh, được coi là "đối thủ chiến lược" của Liên Âu.

Hiện tại, nhiều biện pháp đang được các nước Châu Âu thảo luận, trong đó có đề xuất của Hà Lan nhằm hạn chế các hoạt động tại Châu Âu của các doanh nghiệp được một quốc gia tài trợ (ngầm chỉ Trung Quốc), cũng như gia tăng kiểm soát các đầu tư nước ngoài tại Châu Âu.

Vấn đề hệ trọng nhất là quyết định của các quốc gia thành viên Châu Âu, sắp phải đưa ra, trong việc chọn hay không các thiết bị của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi (Huawei), cho các mạng điện thoại 5G. Đầu năm nay, Ủy Ban Châu Âu sẽ đề xuất một số biện pháp nhằm giới hạn các nguy cơ do việc sử dụng các thiết bị của tập đoàn Trung Quốc, vốn đã có chỗ đứng vững chắc tại Châu Âu, do lo ngại Hoa Vi bị chính quyền Bắc Kinh chi phối. Hoa Vi đã bị Mỹ gạt ra khỏi thị trường, tổng thống Donald Trump nói thẳng đến "đe dọa" với an ninh quốc gia.

Một điểm lo ngại khác của Bắc Kinh, qua lời của đại sứ Trung Quốc tại Bruxelles, là thuế các-bon đối với các hàng hóa nhập từ Trung Quốc vào Châu Âu, mà Châu Âu dự định áp dụng. Biện pháp này bị coi là có thể đi ngược lại các quy tắc của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ và làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ thương mại.

"Châu Âu phải dẫn đầu cuộc đua"

Về chủ đề này, Les Echos đặt câu hỏi với tân chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen. Trong bài phỏng vấn mang tựa đề "Châu Âu phải dẫn đầu cuộc đua", nữ chủ tịch Ủy Ban Châu Âu giải thích rõ. Chiến lược của Liên Âu trong thời gian tới là đẩy nhanh tiến trình chuyển sang Kinh tế Xanh, với trụ cột là các cách tân công nghệ.

Theo tân chủ tịch Ursula von der Leyen, Liên Âu sở hữu "nhiều công nghệ phù hợp với nền Kinh tế Xanh nhất". Một ví dụ bà đưa ra là Thụy Điển trong những năm tới có thể đưa ra thị trường các sản phẩm thép, mà trong quá trình sản xuất không tạo ra khí thải. Sản phẩm này có thể đắt hơn giá cả trung bình trên thị trường. Châu Âu phải có nghĩa vụ bảo vệ các sản phẩm với công nghệ Xanh như vậy, hàng rào thuế các-bon là cần thiết để ngăn chặn các sản phẩm nhập khẩu vừa gây ô nhiễm, vừa được chính quyền trợ giá.

Lãnh đạo Liên Âu nhấn mạnh là, trong vấn đề này, Liên Âu không nhất thiết phải đối đầu với Trung Quốc, mà tốt hơn là hợp tác với Bắc Kinh trong việc thiết lập một sắc thuế như vậy, với mục tiêu chung là bảo vệ môi trường, hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Bởi Trung Quốc cũng đang phát triển "thị trường tín chỉ các-bon" trong nước. Lãnh đạo Liên Âu tin tưởng là sáng kiến trên của Liên Âu sẽ kích thích nỗ lực cạnh tranh lành mạnh, vì sinh thái, tại Trung Quốc.

Tân chủ tịch Ủy Ban Châu Âu nhậm chức đúng vào thời điểm cuộc chiến hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang trong giai đoạn cam go. Trong lúc đa số các quốc gia trên thế giới không tỏ ra có thêm nỗ lực nhằm thực thi mục tiêu đã đề ra trong Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015, Liên Âu đứng ở vị trí buộc phải trở thành đầu tầu của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến Khí hậu. Trong bài trả lời phỏng vấn Les Echos, lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu nhấn mạnh đến tính khẩn cấp của việc đặt lợi ích chung của nhân loại vào trọng tâm trong dự án hành động của Liên Hiệp, nguyên tắc kinh tế "xoay vòng", hạn chế tối đa việc sử dụng các nguồn nguyên liệu không tái tạo được trong thiên nhiên phải trở thành thế mạnh của Liên Âu.

Để huy động vốn cho các dự án chuyển đổi sang kinh tế Xanh, bên cạnh khoản đầu tư hàng năm 100 tỉ euro ; hàng loạt nguồn vốn khác, trong đó có thị trường các-bon, thuế các-bon biên giới, hay thuế đánh vào các sản phẩm nhựa dùng một lần… đang được xem xét.

Châu Âu đứng trước nhiều thách thức vô cùng lớn, nhưng tân lãnh đạo Ủy Ban tin tưởng là Liên Âu sẽ khẳng định được con đường của mình. Bởi những gì đã diễn ra, đặc biệt với tiến trình ly dị với nước Anh, cho thấy trong hơn ba năm đàm phán căng thẳng, kéo dài, các thành viên Châu Âu đã tỏ ra hết sức bình tĩnh, tìm được quyết định chung cuối cùng, khẳng định một Liên Âu "đoàn kết, mạnh mẽ và chính xác trong các lựa chọn của mình".

Cái giá kinh hoàng của Biến đổi Khí hậu

Hành động quyết liệt cho một nền kinh tế Xanh đã trở thành lựa chọn của giới lãnh đạo Châu Âu, của đông đảo người Châu Âu, bởi các thiệt hại, nếu không kịp thay đổi mô hình kinh tế, sẽ là khủng khiếp. Vẫn trên Les Echos hôm nay có bài điểm lại 15 hiện tượng thời tiết cực đoan, trong năm 2019 đang đi qua, gây thiệt hại vật chất tổng cộng 140 tỉ đô la. Từ những trận cháy rừng khổng lồ tại Úc (tháng Giêng), tại California (tháng 12), lũ lớn tại Trung Quốc (từ tháng 6 đến tháng 8), siêu bão tại Midwest và miền nam nước Mỹ (từ tháng 3 đến tháng 6)…

Con số do tổ chức phi chính phủ Christian Aid cung cấp hôm nay, được chính các tác giả đánh giá là chỉ phản ánh một phần các thiệt hại. Và cũng không phải là toàn bộ các thiệt hại trên thế giới. Đặc biệt các tổn thất với các quốc gia nghèo là rất khó tính, do ngành bảo hiểm ít phát triển. Tổ chức Christian Aid cũng nhấn mạnh là tuyệt đại đa số thiệt hại nhân mạng do các hiện tượng thời tiết cực đoan là tại các quốc gia đang phát triển.

Nỗi lo biến đổi khí hậu ám ảnh. Cháy rừng tại Sydney là hình ảnh trang nhất của Le Monde. Nhật báo Pháp có hồ sơ : "Cháy rừng, khô hạn kỷ lục : Mùa hè địa ngục tại nước Úc".

Môi trường : Vận tải biển thế giới buộc phải loại bỏ dầu gây ô nhiễm

Thượng đỉnh Khí hậu COP 25 tại Madrid, đầu tháng 12/2019, bị coi là một thất bại thảm hại, bởi các quốc gia tỏ ra trơ lì trước áp lực của giới bảo vệ môi trường, gần như không nâng cao mức cam kết cắt giảm khí thải. Tuy nhiên, đã bắt đầu có các chuyển động mạnh trong từng lĩnh vực. Theo Les Echos, từ ngày mùng một tháng Giêng năm 2020, toàn bộ ngành vận tải đường biển sẽ buộc phải chuyển sang sử dụng các loại dầu mới, với mức lưu huỳnh thấp hơn hiện nay đến 7 lần.

Theo Les Echos, các chuẩn mực mới về môi trường của cơ quan hàng hải quốc tế sẽ làm đảo lộn thị trường xăng dầu toàn cầu. Trước mắt, ngành vận tải đường biển sẽ phải trả thêm khoảng gấp rưỡi số tiền mua dầu máy hiện có để đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt nói trên.

Afghanistan lo bị Trump bỏ rơi vào tay Taliban

Về thời sự quốc tế, Le Figaro đặc biệt chú ý đến nguy cơ Afghanistan bị chính quyền Mỹ bỏ rơi vào tay Taliban. Trong bài "Hoa Kỳ đối mặt với bóng ma thất bại tại Afghanistan", nhân 40 năm quân đội Liên Xô can thiệp vào quốc gia Nam Á này, Le Figaro cảnh báo : Tổng thống Mỹ muốn kết thúc cuộc chiến mà ông cho là vô lý này tuy nhiên, việc rút quân Mỹ có nguy cơ khiến thủ đô Kabul rơi vào tay phiến quân. Le Figaro dự báo từ nay đến cuối năm 2020, nếu một phần lực lượng của chính quyền Afghanistan sụp đổ, ông Trump rất có thể sẽ buộc phải ra quyết định lui quân.

"Một Việt Nam khác" là tựa đề bài xã luận Le Figaro. Tờ báo đánh giá là chiến lược thương lượng của Trump với Taliban hiện nay rất nguy hiểm, bởi không gì bảo đảm là các lực lượng thánh chiến sẽ không sử dụng vùng đất do Taliban kiểm soát để tấn công quân đội Mỹ.

Sự phân cực cao độ trong xã hội Mỹ khiến các định chế không thể vận hành bình thường. Đó là phân tích của Le Monde, trong bối cảnh tổng thống Mỹ sắp bị đưa ra luận tội trước Thượng Viện vào đầu tháng tới, và phía đảng Dân Chủ đối lập đang chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu tranh cử sơ bộ chọn ứng viên tổng thống vào đầu tháng Hai tới.

Pháp : Việc làm khởi sắc

Về nước Pháp, Le Monde Les Echos đồng loạt loan báo tin vui, tỉ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất kể từ 10 năm nay. Theo Le Monde, với hơn 260.000 chỗ làm mới được tạo ra trong năm nay, so với chỉ 180.000 năm 2018, tình hình lao động tại Pháp đang có xu hướng trở nên sáng sủa hơn. Những người được hưởng lợi nhiều nhất là giới trẻ dưới 24 tuổi.

Bãi công chống cải cách hưu trí

Về phong trào chổng cải cách hưu trí tại Pháp, La Croix cho biết bãi công đã đến ngày thứ 23, dài hơn cuộc bãi công chống cải cách thời thủ tướng Alain Juppé năm 1995. La Croix có bài phóng sự mô tả tình cảnh của những người bãi công. Bị thiệt hại về tài chính, do không có lương, người bãi công hy vọng được sự hỗ trợ của công chúng, thông qua các quỹ "đoàn kết tài chính". Nhật báo công giáo dự báo với đà này, cuộc bãi công sẽ còn kéo dài.

Trên Les Echos, học giả Jacques Attali có bài phân tích đáng chú ý, "Hưu trí, cuộc cải cách có nguy cơ bị bác bỏ". Bài viết nhấn mạnh đến tính chất vô cùng nan giải của cuộc cải cách, được ông ví với "một cơ quan nhân tạo", với rất nhiều điểm ưu việt, đang được chính phủ nỗ lực "dùng mọi biện pháp dân chủ" để ghép vào "cơ thể sống xã hội". Cuộc cấy ghép có thể thành công, nhưng cũng có rất nhiều nguy cơ bị cơ thể đào thải.

Trọng Thành

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Đan Mạch nói nghiên cứu của Trung Quốc ở Bắc Cực có mục đích quân sự (VOA, 30/11/2019)

Quân đội Trung Quc đang ngày càng s dng nghiên cu khoa hc Bc Cc như mt cách đ đi vào khu vc này, mt cơ quan tình báo của Đan Mch cho biết hôm thứ Sáu, trong khi h cnh báo v cnh tranh đa chính tr gia tăng vùng này.

bac1

liu - Nhng tng băng gn th trn Kulusuk, phía đông đo Greenland, ngày 15 tháng 8, 2019.

Trung Quốc, t nhn mình là mt "nước gn Bc Cc", có tham vng m rng s tiếp cn đi vi tài nguyên chưa và vn chuyn hàng hóa nhanh hơn thông qua Tuyến đường Bin phía Bc.

Năm 2017, Bắc Kinh đưa các tuyến đường bin Bc Cc vào kế hoch được gi là Sáng kiến Vành đai và Con đường, nhm tìm cách cng c mi quan h Trung Quc vi phn còn li ca thế gii thông qua các d án cơ s h tng và nghiên cứu.

Trung Quốc trong nhng năm gn đây đã đu tư rt nhiu vào nghiên cu Bc Cc. Nhưng người đng đu Cơ quan Tình báo Quc phòng Đan Mch Lars Findsen cho biết hôm thứ Sáu rng các cuc thám him nghiên cu ca Trung Quc Bc Cc không ch là vn đ khoa hc mà còn phc v "mc đích kép".

"Chúng tôi đã xem xét các hoạt đng nghiên cu ca Trung Quc Bc Cc, và thy rng quân đi Trung Quc cho thy h ngày càng quan tâm ti vic d phn đó", ông nói.

Ông Findsen từ chi nêu c th các cuc thám hiểm nghiên cu có dính dáng ti quân đi Trung Quc, nhưng cho biết các ví d trong nhng năm gn đây báo hiu mt din biến mi.

Đan Mạch đã đt ưu tiên là gi gìn Bc Cc như mt khu vc hp tác quc tế và gii quyết mi vn đ tim năng thông qua các cuộc đàm phán chính tr gia các quc gia có lãnh th Bc Cc. Greenland, mt hòn đo rng ln nm gia Bc Đi Tây Dương và Bc Băng Dương, là mt lãnh th t tr ca Đan Mch.

Nhưng mc tiêu ca Đan Mch đã tr nên khó đt được hơn khi Nga nói riêng đang tăng cường kh năng quân s đó, báo cáo tình báo cho biết.

"Đây là một đng lc thiết yếu cho mt s quc gia ven bin Bc Cc khác bt đu tăng cường kh năng quân s trong khu vc (ca riêng h)", báo cáo nói.

Báo cáo cũng cho biết mt chiến lược Bắc Cc mi ca M được công b vào tháng 6 năm nay cng thêm các phát biu công khai t các quan chc chính ph và quc phòng cao cp, cũng góp phn làm gia tăng căng thng trong khu vc.

Sự quan tâm ca M đi vi Bc Cc đã tr nên rõ ràng vào tháng 8 khi Tổng thống Donald Trump đ ngh mua Greenland t Đan Mch, mt ý tưởng nhanh chóng b chính ph Đan Mch và chính ph khu vc Greenland bác bỏ.

*****************

Đan Mạch : Trung Quốc lợi dụng khoa học vì mục đích quân sự tại Bắc Cực (RFI, 11/2019)

Tình báo Quốc phòng Đan Mạch hôm qua 29/11/2019 tiết lộ quân đội Trung Quốc ngày càng tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học để tiếp cận Bắc Cực và cảnh báo nguy cơ cuộc ganh đua địa chính trị ở khu vực này ngày càng được đẩy mạnh, gây bất ổn trong khu vực.

bac2

Quân đội Trung Quốc đang muốn tham gia các cuộc thám hiểm Bắc Cực. © Svebor Janjc

Trong một báo cáo thường niên đánh giá rủi ro, Tình báo Quốc phòng Đan Mạch cho biết "một trò chơi quyền lực mới" giữa Nga, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang được hình thành, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Đặc biệt, Trung Quốc trong những năm gần đây đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu Bắc Cực.

Tuy nhiên, lãnh đạo cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch Lars Findsen lưu ý là các cuộc thám hiểm nghiên cứu của Trung Quốc tại Bắc Cực không chỉ phục vụ khoa học mà nhắm tới "mục tiêu kép". Quân Trung Quốc ngày càng muốn tham gia vào các cuộc thám hiểm Bắc Cực. Báo cáo nhấn mạnh rất có thể các cơ quan dân sự và quân sự của Trung Quốc sẽ hợp tác để khám phá Bắc Cực và hướng đến khả năng hoạt động tại khu vực này.

Trung Quốc, vốn tự cho là một nước "gần như thuộc Bắc Cực", có tham vọng giành được nhiều quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên chưa được khai thác tại vùng này và có thể tiến hành các giao dịch nhanh hơn thông qua tuyến đường biển phía Bắc. Reuters nhắc lại là hồi năm 2017, Bắc Kinh đã đưa các tuyến đường biển ở Bắc Cực vào dự án gọi là Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, nhằm củng mối quan hệ của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới thông qua các dự án và nghiên cứu cơ sở hạ tầng.

Tranh cãi ở Bắc Cực liên quan đến hiện tượng Trái đất bị hâm nóng và khả năng tiếp cận các nguồn khoáng sản đã nổ ra vào tháng 05/2019 khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Nga có hành vi hung hăng tại khu vực này và nhấn mạnh cần theo dõi các hành động của Trung Quốc ở Bắc Cực.

Do Nga tăng cường khả năng quân sự ở Bắc Cực, một số quốc gia khác ven biển Bắc Cực cũng đã đẩy mạnh khả năng quân sự của riêng họ trong khu vực. Báo cáo của Tình báo Quốc phòng Đan Mạch còn cho biết chiến lược mới về Bắc Cực của Hoa Kỳ được công bố vào tháng 06/2019 cùng với ý kiến ​​từ các quan chức chính phủ và quốc phòng cấp cao của Mỹ cũng đã góp phần làm gia tăng căng thẳng tại Bắc Cực.

Mối quan tâm ngày càng tăng của Hoa Kỳ đối với Bắc Cực đã được thể hiện rõ hơn vào tháng 08 khi Tổng thống Donald Trump đề nghị mua Greenland của Đan Mạch. Ý tưởng của chủ nhân Nhà Trắng sau đó đã nhanh chóng bị chính phủ Đan Mạch và nhà chức trách Greenland bác bỏ.

Thùy Dương

Additional Info

  • Author Tổng hợp
Published in Quốc tế

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có chung đường biên giới dài 1.281 km với Việt Nam. Quan hệ thương mại giữa hai nước như một sự tất yếu và nếu có chính sách đúng thì có lợi cho sự phát triển của cả hai nước.

Tuy nhiên, trong quan hệ này phía Việt Nam luôn bị thâm hụt thương mại và tình trạng ngày càng trầm trọng, do Việt Nam hầu như không chịu thay đổi gì trong nhiều năm qua, sản xuất luôn phụ thuộc vào nhập khẩu đầu vào.

kt1

Đến thời điểm này ý niệm "thoát Trung" về mặt kinh tế của Việt Nam dường như là không hiện thực. Nguồn : Petsourcing.com

So sánh một số chỉ số kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc dựa trên bảng cân đối liên ngành input - output (I/O) của hai nước (bảng 1) cho thấy trong 100 đồng giá trị sản xuất thì Trung Quốc tạo ra được 32 đồng giá trị tăng thêm, trong khi Việt Nam chỉ tạo ra 29 đồng. Tỷ lệ này cho thấy nền sản xuất của Việt Nam không hiệu quả bằng Trung Quốc hoặc là một nền kinh tế gia công "sâu" hơn Trung Quốc.

Tỷ lệ sản phẩm đầu vào là nhập khẩu trong chi phí trung gian của Việt Nam lớn hơn hẳn tỷ lệ này của Trung Quốc (0,29 so với 0,08), nghĩa là Trung Quốc sản xuất ra nhiều sản phẩm hỗ trợ tham gia vào chi phí trung gian trong quá trình sản xuất.

kt2

Trong khi Việt Nam, ngoài những sản phẩm đầu vào là dịch vụ, điện nước, hầu như không có bao nhiêu sản phẩm hỗ trợ tham gia vào chi phí trung gian trong quá trình sản xuất của mình. Điều này cho thấy lan tỏa từ cầu cuối cùng đến phía cung của Việt Nam thấp hơn so với lan tỏa đến nhập khẩu.

Bảng 1 còn chỉ ra trong quan hệ thương mại giữa hai nước, ở khía cạnh sản xuất, cũng có sự khác biệt rất rõ và khá lớn. Trong chi phí trung gian của Việt Nam có 8% đầu vào được nhập khẩu từ Trung Quốc, thì Trung Quốc chỉ sử dụng 0,1 % đầu vào là sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.

Điều này phần nào cho thấy mức độ quan trọng tương đối của các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc đối với nền sản xuất của Việt Nam là lớn hơn hẳn chiều ngược lại. Sự lệ thuộc này rất đáng được lưu tâm.

Xem xét về hệ số co giãn giữa lao động và vốn của hai quốc gia thông qua bảng cân đối liên ngành của hai nước cho thấy Việt Nam cần một lượng vốn cao hơn Trung Quốc khá nhiều mới tạo ra được tăng trưởng.

Có một nghịch lý là tỷ lệ đầu tư so với tổng giá trị tăng thêm (GVA) của Việt Nam thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (22% so với 44%), nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn cao, không kém Trung Quốc bao nhiêu.

Mức tăng trưởng bình quân của Việt Nam giai đoạn 2010-2015 khoảng 6,1% trong khi của Trung Quốc trong giai đoạn này ước tính khoảng 7%. Điều này chỉ có thể lý giải là do năng suất nhân tố tổng hợp (total factor productivity - TFP) của Việt Nam cao hơn Trung Quốc, nhưng đó dường như lại là một nghịch lý. Những nhân tố nào ảnh hưởng tới năng suất nhân tố tổng hợp ? Điều này cho thấy phải chăng tăng trưởng của Việt Nam dựa khá nhiều vào khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) ?

Xét về các yếu tố của cầu cuối cùng (Final demand), có thể thấy chi tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình ở Việt Nam chiếm tỷ trọng trong GVA(1) cao hơn Trung Quốc đến 20 điểm phần trăm (56% so với 36%), bù lại chi tiêu dùng cuối cùng chính phủ của Trung Quốc cao hơn Việt Nam 8 điểm phần trăm (14% và 6%).

Tuy nhiên tổng tiêu dùng cuối cùng của Trung Quốc trong GVA vẫn khá thấp so với Việt Nam (50% so với 62%) ; tỷ trọng xuất khẩu thuần trong GVA của Việt Nam thậm chí còn cao hơn Trung Quốc.

Như vậy, để đạt được tăng trưởng Trung Quốc phần lớn dựa vào vốn. Tỷ trọng đầu tư trong GVA của Trung Quốc là rất cao, khoảng 44% GVA, trong khi tỷ lệ này của Việt Nam chỉ là 22% GVA. Tình hình này nếu diễn ra trong thời gian dài có thể khiến cho nền kinh tế dễ bị tổn thương một khi thu từ sở hữu gặp trục trặc và tiết kiệm (saving) luôn nhỏ hơn đầu tư.

kt3

Tính toán các kịch bản khi có sự tổn thương về thương mại giữa hai quốc gia (bảng 2) cho thấy phía Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề hơn Trung Quốc rất nhiều. Bảng 2 đưa ra các giả định khi giảm sút thương mại với Trung Quốc xảy đến, trong điều kiện hiện nay, sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế như thế nào. Trường hợp xấu nhất, GVA/GDP của Việt Nam có thể giảm đến 5,9%.

Điều này cho thấy Việt Nam đã lún rất sâu vào sự phụ thuộc trong quan hệ thương mại với Trung Quốc từ rất nhiều năm nay. Đến thời điểm này ý niệm "thoát Trung" về mặt kinh tế dường như là không hiện thực. Như vậy, thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc cơ bản do Việt Nam hầu như không chịu thay đổi gì trong nhiều năm qua, sản xuất luôn phụ thuộc vào nhập khẩu làm đầu vào, đầu vào là sản phẩm của Việt Nam cơ bản là điện, nước, bao bì và các chi phí dịch vụ mà thôi.

Nguyễn Quang Thái - Bùi Trinh

Nguồn : TBKTSG, 27/11/2019

(1) GDP = GVA + thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản xuất

Additional Info

  • Author Nguyễn Quang Thái, Bùi Trinh
Published in Diễn đàn