Một thứ tư duy cần đục bỏ
Viết từ Sài Gòn, RFA, 28/09/2020
Đất nước tiến bộ là nhờ vào nền giáo dục dẫn đường chứ không bao giờ có qui trình ngược lại. Mà nhắc tới giáo dục, yếu tố nhân cách, đạo đức và phẩm hạnh phải đặt làm nền tảng. Trên nền tảng nhân cách, đạo đức và phẩm hạnh, mọi cây trái tri thức sẽ đâm chồi nảy lộc. Một khi cái nền nhân cách, đạo đức và phẩm hạnh không vững, độc hại và xám xịt thì khó mà có cây xanh trái ngọt của tri thức. Điều này như một qui luật bất di bất dịch trong phát triển loài người. Rất tiếc, hiện tại, nhìn theo góc nào cũng thấy Việt Nam có nền giáo dục quá tuột hậu so với chính Việt Nam.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng lọt top của bảng xếp hạng danh giá ARWU
Nói Việt Nam có nền giáo dục tuột hậu so với phương Tây, Mỹ hoặc các quốc gia tiên tiến là chuyện đương nhiên và khó bàn khó nói hơn bởi khác nhau về hệ qui chiếu. Nhưng nói giáo dục Việt Nam tuột hậu so với chính Việt Nam là chuyện cần phải nói ngay bây giờ vì nó có quá nhiều vấn đề để bàn, từ khía cạnh lịch sử đến đạo đức, xã hội học và đặc biệt là chính trị và văn hóa.
Bởi, điều đáng sợ nhất đang xảy ra, nhu cầu tri thức của người dân đã phát triển rất nhanh nhưng nền giáo dục đang đi rất chậm, thậm chí giáo dục đang đóng vai trò hòn đá tảng trì kéo con tàu Việt Nam chạy chậm lại.
Ở khía cạnh lịch sử, vấn đề giấu nhẹm những diễn biến lịch sử và biến bộ môn khoa học lịch sử trở thành một thứ tuyên truyền giáo điều đã vô hình trung đẩy nhiều thế hệ học sinh rơi vào tình trạng mù lịch sử. Một dân tộc mù lịch sử thì tương lai của nó sẽ ra sao, khi mà thế giới phẵng đang chi phối mọi thứ, mọi mối quan hệ không còn bị giới hạn trong cương vực quốc gia mà nó lan tỏa trên khắp mặt địa cầu, thậm chí tầm nhìn con người có thể phóng vào cả vũ trụ ? Trong khi đó, có một dân tộc, quốc gia mà ở đó, con người biết về quá khứ, biết về tổ tông và biết về sử lịch của chính bản thân mình một cách què quặt, phiến diện, thậm chí biết ít hơn một người bên ngoài quốc gia ?
Ở khía cạnh đạo đức, dường như câu cửa miệng "học tập noi gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã ăn lặm vào nền giáo dục, đến bây giờ thì không riêng gì nền giáo dục mà mọi lĩnh vực đều trưng câu này ra làm bình phong, làm bùa hộ mệnh. Kết quả của mấy mươi năm học tập đạo đức Hồ Chí Minh, các con cháu của ông, cụ thể là các đảng viên cộng sản ra sao ? Đạo đức của họ dừng ở tầm mức nào ? Và cho đến hôm nay, luận điệu thù hận Mỹ - Ngụy vẫn còn đầy rẫy trong các trường học, trong các sách sử của bộ giáo dục, trong khi đó, kẻ xâm lược Việt Nam một cách tàn bạo và gian ác, ranh ma thì chưa bao giờ được nhắc tới. Hơn nữa, nếu nói đến đạo đức giáo dục, thì phải nhắc tới đạo đức của người đứng đầu ngành, Bộ trưởng giáo dục Việt Nam hiện nay có đủ tư cách đạo đức của một con người bình thường hay chưa ? Đủ để làm tấm gương cho ngành giáo dục chưa ?
Về khía cạnh xã hội học, một khi nhu cầu tri thức của xã hội không được khảo sát, các phản ứng từ cha mẹ học sinh không được tôn trọng, từ việc nâng giá sách quá cao, không sát thực tế và trái với đạo đức. Cung cách phát hành sách không mang dáng dấp của nền giáo dục mà lại mang không khí của chợ đen, của kẻ chợ. Đây là vấn đề gây hiệu ứng cực kỳ xấu về mặt xã hội. Bên cạnh đó, nhu cầu tri thức của xã hội cũng đa chiều, không còn lệ thuộc như trước đây, hầu hết cha mẹ học sinh bây giờ là thế hệ có chữ, chí ít cũng được xóa mù chữ, và tú tài, cử nhân, thậm chí trên đại học không phải là ít. Hơn nữa, họ là thế hệ của các cư dân mạng, tầm nhìn, tầm nhận thức của họ về xã hội không còn bị giới hạn trong cái vũng của đài tuyền hình và đài tiếng nói Việt Nam như trước đây. Họ cũng không phải là thế hệ phụ thuộc, thụ động và không coi trọng tương lai con cái. Chính vì coi trọng tương lai con cái, xem con cái là lẽ sống nên việc đầu tư giáo dục cho con cái được đặt lên hàng đầu. Tìm tòi, nghiên cứu, phân tích về giáo dục đối với các bậc cha mẹ bây giờ đóng phần chính yếu của cuộc sống.
Thế nhưng tiếng nói của cha mẹ học sinh về vấn đề giáo dục lại bị giới chức, chuyên gia giáo dục nhà nước bỏ qua, thậm chí có "chuyên gia giáo dục" cho rằng cha mẹ học sinh là lực cản của giáo dục. Đương nhiên vẫn có những luồng ý kiến của phụ huynh không liên quan đến vấn đề dạy và học, thậm chí không liên quan đến câu chuyện giáo dục nhưng gây ảnh hưởng không nhỏ cho vấn đề giáo dục. Nhưng đây chỉ là thiểu số, còn lại, các luồng ý kiến đóng góp có lợi cho tương lai giáo dục không nhỏ, thậm chí bao quát nhưng đều bị bỏ qua và mọi chuyện vẫn đâu vào đó. Nhu cầu xã hội như thế nào thì mặc, bộ giáo dục cứ làm chuyện họ thích, họ muốn và có lợi cho họ. Và kết quả như thế nào, chắc cũng không cần bàn thêm !
Lại nói đến vấn đề chính trị, đương nhiên nền giáo dục nào cũng có yếu tố chính trị lồng ghép, nhưng mức độ lồng ghép sâu chừng nào, mật độ dày thưa thì tùy thuộc vào phẩm cách chính trị của từng quốc gia và thể chế. Với Việt Nam, không còn dừng ở mức độ lồng ghép chính trị với giáo dục mà giáo dục là chính trị và chính trị là giáo dục. Nền giáo dục sẽ bị chính trị làm cho dập nát nếu không cõng trên lưng nó nền chính trị. Bởi ngay từ đầu, nền giáo dục được sắm ra để phục vụ chính trị. Và hệ quả của chuyện này là mọi ngóc ngách giáo dục đều có tính giáo điều và không được phép vượt thoát khuôn khổ xã hội chủ nghĩa cũng như không được phép bước ra khỏi vòng giới hạn của tuyên truyền cộng sản.
Cái giá của việc này là các nhà lãnh đạo giáo dục sẽ được lựa chọn, "đề cử" trên chất lượng đảng chứ không dựa trên chất lượng tri thức, bệ phóng của giáo dục đứng trên nền đất cộng sản chứ không phải đứng trên nền đất khoa học, mọi tiêu chí, tiêu chuẩn giáo dục, từ lãnh đạo cho đến nhân viên, giáo viên, từ hình thức cho đến nội dung đều phải dựa trên tính đảng, căn cứ vào tính đảng để quyết định nó được hoạt động thông suốt hay phải chấm dứt, được tạo lực đẩy mạnh hay yếu, được nâng cánh tới đâu…
Và với kiểu tư duy về giáo dục như thế này, người ta cũng sẵn sàng mạnh miệng nói rằng giáo dục Việt Nam hiện tại là một nền giáo dục có triết lý giáo dục (manh nha của vấn đề này, dễ thấy nhất là người ta đang chuẩn bị hình thành nền triết học xã hội chủ nghĩa !), một loại triết lý cộng sản xã hội chủ nghĩa. Không có gì đáng sợ và khủng khiếp hơn nếu điều này xảy ra. Nhưng chắc chắn nó sẽ xảy ra, vì vấn đề được quyết định bởi hệ thống chính trị có tính sinh sát đối với giáo dục.
Nhưng, điều thật sự cần thiết cho một nền giáo dục Việt Nam trong tương lai là là một bệ phóng tri thức, ở đó các nhà khoa học sẽ ký thác ước mơ vào giáo dục và các nhà chính trị sẽ học hỏi, tìm ra một mô hình chính trị tốt cho dân tộc, thậm chí cho thế giới một khi thế giới đang dần rơi vào khủng hoảng. Rất tiếc, muốn làm được điều này, phải đục bỏ đi thứ tư duy lạc hậu đã ăn thành nếp trong não trạng các nhà lãnh đạo giáo dục và nó trở thành bóng ma phủ lên tương lai dân tộc. Phải đục bỏ nó đi, một khối u quá khủng khiếp có tên giáo dục xã hội chủ nghĩa !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 28/09/2020 (VietTuSaiGon's blog)
*****************
Luật đảng là "bố tướng" – Luật nước để "lót nồi"
Hoàng Trung, Thoibao.de, 28/09/2020
Vụ cách chức ông Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng đang đặt ra cho dư luận nhiều dấu hỏi về những lý do thật sự ẩn dấu đằng sau quyết định kỷ luật Đảng rồi tạm đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng đối với Tiến sĩ Lê Vinh Danh.
Đại học Tôn Đức Thắng được nhiều tổ chức Quốc tế đánh giá là Đại học số 1 Việt Nam và nằm trong top 1000 trường Đại học có chất lượng tốt nhất thế giới
Dư luận cho rằng Luật Đảng đang khống chế các định chế Pháp luật khác, họ dùng lý do rất mơ hồ để tước quyền Hiệu trưởng của một trường Đại học đang có những hoạt động phát triển rất tích cực trong hệ thống giáo dục Đại học Việt Nam.
Ngày 25/8, cùng với Quyết định tạm đình chỉ chức vụ bí thư Đảng ủy, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã công bố quyết định đình chỉ chức vụ hiệu trưởng 90 ngày đối với ông Lê Vinh Danh hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Có lẽ ít người biết rằng hầu hết 99% Hiệu trưởng các trường đại học đều là Đảng viên kiêm bí thư Đảng ủy mặc dù không có qui định Pháp luật nào thể hiện điều này. Chính vì thế mà một khi bị cách chức bí thư Đảng cũng xem như là mất chức hiệu trưởng.
Tiến sĩ Lê Vinh Danh được xem là người có công rất lớn đem đến cho Đại học Tôn Đức Thắng những thành tựu đáng tự hào, có thời điểm trường lọt vào Top 2 Đại học tốt nhất Việt Nam và Top 250 Đại học phát triển bền vững nhất thế giới. Năm 2017 thủ tướng Canada Justin Trudeau từng đến thăm và tọa đàm với giảng viên, sinh viên của trường.
Đại học Tôn Đức Thắng hiện có gần 24 ngàn sinh viên theo học với 1400 giảng viên và viên chức phục vụ, khởi đầu là một trường Đại học dân lập từ năm 1997, chuyển sang Đại học bán công từ năm 2003 và trở thành Đại học công lập từ năm 2008.
Đại học Tôn Đức Thắng hiện được xếp vị trí số 1 Việt Nam và thuộc Top 800 đại học tốt nhất thế giới, theo Bảng xếp hạng đại học thế giới (ARWU).
Mạng xã hội tuần qua bức xúc phản đối cách hành xử ngang ngược của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đối với Đại học Tôn Đức Thắng.
"Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam muốn phá nát trường Đại học Tôn Đức Thắng hay sao ?" - Nhà báo Bạch Hoàn đưa ra nhận định trên Facebook cá nhân với hơn 200 ngàn người theo dõi.
Ý đồ xấu xa cúa Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhằm đòn tấn công vào Tiến sĩ Lê Vinh Danh cũng được nhà báo Bạch Hoàn tiết lộ.
"Đây là trường đại học hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất trong hệ thống giáo dục công có thể bắt nhịp theo xu hướng giáo dục quốc tế.
Tổng Liên đoàn Lao động từng đòi hỏi chia chác tiền bạc, không ăn được nên muốn đạp đổ ? Họ biết cái gì về giáo dục và đã làm được cái gì cho trường mà thò bàn tay lông lá của mình vào, khua khoắng, đảo lộn một trường đại học tốt như Tôn Đức Thắng ?
Hãy buông tha cho một ngôi trường dù thuộc hệ thống công lập nhưng chưa bao giờ xài một xu tiền ngân sách. Đừng giành giật, kiếm ăn để rồi làm tan nát một hy vọng cho tương lai.
"Khi trường học phát triển, mọi thứ khác sẽ phát triển theo". Mục sư người Mỹ Martin Luther King đã nói điều đó và website của trường Đại học Tôn Đức Thắng trích dẫn lại. Khi đọc điều này, tôi nhìn thấy ước mơ và khát vọng thay đổi từ giáo dục của những người làm giáo dục ở trường Tôn Đức Thắng.
Đây là ngôi trường được xếp hạng tốt nhất Việt Nam, đứng trong top 800 trường đại học tốt nhất thế giới. Chiến lược phát triển của trường Tôn Đức Thắng có thể coi là hướng đi, là hy vọng về tương lai giáo dục đại học Việt Nam.
Thế nhưng, nó đang có nguy cơ bị bóp chết bởi quyền lực chủ quản và truyền thông bẩn.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trong buổi họp báo ngày 22/9, nói ông Lê Vinh Danh không chấp hành các chỉ đạo của Đảng, đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Trường và hiệu quả công tác xây dựng Đảng, làm giảm sút sức chiến đấu của cấp ủy, v.v.
Nói vắn tắt lại là, trường Tôn Đức Thắng ban đầu là trường dân lập, sau chuyển sang bán công, rồi lại bị đưa về công lập, giao cho Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đứng tên cơ quan chủ quản. Dù là cơ quan chủ quản nhưng Tổng liên đoàn không có đóng góp nào cho sự phát triển của trường Tôn Đức Thắng. Bởi trường hoạt động tự chủ hoàn toàn, không xài dù chỉ là một xu ngân sách, tự quản trị, vận hành, tự đầu tư phát triển, tự chăm lo đời sống cán bộ công nhân viên…
Chủ quản hờ nhưng lợi ích lại muốn thật. Tổng liên đoàn nhiều lần đòi hỏi trường Tôn Đức Thắng phải nộp về Tổng liên đoàn 30% thặng dư tài chính. Hiểu nôm na là trường tự thu tự chi, tự tuyển sinh, giảng dạy, mua sắm đầu tư, nộp thuế… còn dư 10 đồng thì phải dâng lên Tổng liên đoàn 3 đồng.
Thầy hiệu trưởng trường – ông Lê Vinh Danh là kẻ sĩ. Ông không quỳ gối và thực hiện những việc mất tự trọng, vô liêm sỉ như thỏa hiệp để yên thân, giữ ghế, hòng duy trì quyền và tiền, mà trái lại, ông chống đòi hỏi "thu tô" của Tổng liên đoàn.
Lập tức, hàng loạt cuộc thanh tra, kiểm tra ập đến, thọc vào hoạt động của trường, làm rối tung một môi trường giáo dục đang trên đà bơi khỏi ao làng và bước ra thế giới.
Hậu quả là, dù là trường không tiêu xài ngân sách, lại được Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm hoạt động theo hình thức tự chủ tài chính, đầu tư, quản trị… nhưng trường và thầy hiệu trưởng vẫn bị xử lý về mặt Đảng, với những lý do mơ hồ, ép vào những quy định của trường đại học tiêu xài cả núi ngân sách.
Một Đại hội Công đoàn hàng năm do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức. Giới quan sát cho rằng Tổng liên đoàn lao động Việt Nam bấy lâu nay không giúp ích gì được cho công nhân và người lao động Việt Nam trong những bất công và nỗi khốn khó của họ ngoại trừ việc nắm giữ toàn bộ quỹ công đoàn tích lũy đến 29 ngàn tỷ đem gửi ngân hàng lấy lãi, mới đây đang bị báo chí chất vấn rằng tại sao không sử dụng gì giúp ích cho giới công nhân
Kỉ luật, cách chức về mặt Đảng, đình chỉ chức vụ về mặt chính quyền, tức đình chỉ chức hiệu trưởng đối với ông Lê Vinh Danh – người dẫn đường và là linh hồn của sự thành công ở Tôn Đức Thắng – được thực hiện gấp rút đến mức bất chấp cả quy định pháp luật.
Không có thẩm quyền đình chỉ hiệu trưởng nhưng Tổng liên đoàn vẫn ra tay đình chỉ 90 ngày, khiến trường rơi vào cảnh khốn đốn, hình ảnh đẹp đẽ của trường bị bôi bẩn.
Và đó là lý do dư luận đã bỏ rơi Tôn Đức Thắng như thể đây là chuyện cá biệt, là sự tranh giành quyền lực, lợi ích của phe này nhóm kia.
"Ý thức mở mang đầu óc là khởi nguồn của khoa học. Tuy nhiên, khoa học cần tinh thần lẫn thói quen tự do trong suy nghĩ và phản biện để hình thành, vì không có 2 điểu này, sẽ không có sự thật. Sự thật không những là mục tiêu mà còn là cảm hứng của khoa học. Không có thói quen tự do trong suy nghĩ và phản biện, không tồn tại sự hoài nghi và khai sáng ; mà không có sự khai sáng, không thể có môi trường Đại Học. Biểu tượng tự do, do đó, thể hiện ước mơ và bản chất vốn có mà môi trường Đại học phải xây dựng". Đó là phát biểu của Tiến sĩ Lê Vinh Danh về giá trị của sự thật tự do trong khoa học.
"Tư duy như ông Danh, nền giáo dục này được mấy người ?
Đúng là xã hội này, giỏi là một cái tội, không tham nhũng, lãng phí, tư lợi cũng là một cái tội. Nhưng, tội lớn hơn chính là dám cả gan làm người, dám có lý tưởng, có ước mơ và khát vọng" - Nhà báo Bạch Hoàn nêu nhận định.
Lý giải về Quyết định ký luật về mặt đảng đối với ông Lê Vinh Danh, nhà báo Bạch Hoàn cho biết :
"Ai là người kỉ luật ông Lê Vinh Danh, người có công lớn nhất trong việc xây dựng được một trường giáo dục đứng thứ 701 trong top 800 trường đại học tốt nhất thế giới – trường Đại học Tôn Đức Thắng ?
Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng, Tiến sĩ Lê Vinh Danh, sinh năm 1963, từng học Đại học Chulalongkorn, Bangkok, Thailand và Tu nghiệp sau tiến sĩ trong Chương trình học giả Fulbright, tại Hoa kỳ
Đó là lãnh đạo các trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm kĩ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sài Gòn…
Lãnh đạo các trường này ngồi trong Ủy ban kiểm tra đảng ủy khối đại học, cao đẳng Thành phố Hồ Chí Minh.
Ủy ban này là cơ quan ra quyết định kỉ luật cách hết chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Vinh Danh, dẫn đến nguy cơ ông Danh có thể bị đá văng ra khỏi trường Tôn Đức Thắng, nơi ông đang làm rất tốt công việc của một trí thức theo đuổi mục tiêu phát triển giáo dục, chứ không phải cán bộ giảng dạy trong cái nền giáo dục mục ruỗng này.
Nghịch lý là, các trường đại học vẫn đang bú mút bầu sữa ngân sách, đang ăn bám quốc dân nhưng vẫn èo uột, bệ rạc, lại tham gia vào tổ chức đảng kỉ luật người đứng đầu một trường đại học đã tự chủ hoàn toàn, không cần xài đến 1 xu tiền thuế mà vẫn phát triển tốt, được công nhận ở tầm quốc tế.
Đây đúng nghĩa là những kẻ ăn bám kỉ luật người góp cơm, những kẻ khom lưng kỉ luật người đứng thẳng, những kẻ yếu kém kỉ luật người giỏi giang, những kẻ thất bại kỉ luật người thành công…
Đâu là xấu xa và hủ bại ? Đâu là công lý và chính nghĩa ? Câu hỏi này dành cho những ai còn đang khao khát về một nền giáo dục mang lại thành tựu để kiến tạo quốc gia, phụng sự nhân loại.
Và tất nhiên không dành cho bầy nô lệ và những thợ dạy ở cái xứ này".
Tiến sĩ Lê Vinh Danh tiếp Thủ tướng Canada, Justin Trudeau đến thăm trường và tọa đàm với giảng viên, sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng tháng 11 năm 2017
Nhà báo Bạch Hoàn đưa ra kết luận.
Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng, ông Lê Vinh Danh ngày 27/8 vừa gửi đơn khiếu nại quyết định đình chỉ công tác mà Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đưa ra với bản thân ông.
Ông Lê Vinh Danh khẳng định quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông là một quyết định thiếu cơ sở pháp lý, không đúng với thẩm quyền, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông cũng như tác động tiêu cực đến tinh thần các giảng viên, công nhân viên, sinh viên học sinh và hoạt động chung của trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Trước đó hôm 25/8, tổng Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vừa công bố quyết định tạm đình chỉ công tác 90 ngày đối với ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng để xem xét xử lý trách nhiệm vì những vi phạm theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Các giảng viên và sinh viên trong một buổi lễ công nhận học vị tiến sĩ tại trường Đại học Tôn Đức Thắng
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Đảng ủy trường Đại học Tôn Đức Thắng đã không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ về việc đã không bàn bạc, trao đổi và không có nghị quyết lãnh đạo đối với một số chủ trương lớn liên quan đến hoạt động của trường để xảy ra vi phạm về công tác cán bộ, quản lý tài chính, tài sản và một số những sai phạm khác.
Ngoài ra, Đảng ủy Trường còn buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra giám sát để Lãnh đạo trường vi phạm nguyên tắc về tập trung dân chủ trong việc không chấp hành các chỉ đạo của tổng Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Ủy ban Kiểm tra thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định Đảng ủy Trường đã phủ nhận sự đóng góp, hỗ trợ của Tổng Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trong quá trình thành lập và phát triển của Trường. Do đó, thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh kết luận những vi phạm có trách nhiệm của ông Lê Vinh Danh với vai trò người chịu trách nhiệm cao nhất về hoạt động của Trường.
Hoàng Trung (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 28/09/2020
************************
Đến lúc nào "Cơ quan chủ quản" trong giáo dục đại học chịu "hoàn thành sứ mệnh lịch sử"
Mai Lan, VNTB, 28/09/2020
Có nghi vấn là dường như vì không chấp nhận chuyện trích 30% lợi nhuận để "cúng" cho cơ quan chủ quản, nên Hiệu trường Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã bị "tạm dừng chức 90 ngày", kèm theo đó là loạt xử lý kỷ luật Đảng.
Hiện nay, trên thế giới chỉ còn Cuba, Iran, Mông Cổ, Nga và Việt Nam là còn khái niệm bộ chủ quản các đại học.
Ở thời Thủ tướng Phan Văn Khải, đã có ý kiến cần xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, giao quyền tự chủ tối đa cho các trường đại học. Tuy nhiên sự việc dằng dai suốt 20 năm qua vẫn chưa có tiến triển nào đáng kể.
Ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa 13), chia sẻ câu chuyện sau đây liên quan đến yêu cầu "cơ quan chủ quản" đã có thể "hoàn thành sứ mệnh lịch sử" của mình trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII ; hoặc nếu ở đây không có sự tự nguyện từ các chủ quản, thì văn kiện soạn thảo cho Đại hội Đảng XIII cần đưa ra "mệnh lệnh Đảng" cho yêu cầu đó.
Ông Lê Như Tiến, kể :
"Thời kỳ còn công tác tại Quốc hội, tôi cũng đã có một số dịp làm việc tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, giám sát thực hiện Luật Giáo dục, tôi rất ấn tượng về tốc độ phát triển nhanh, bền vững của nhà trường.
Từ thời kỳ đầu thành lập vào năm 1997 trường không có nhà cửa, đất đai, tất cả đều phải đi thuê. Tài chính thì chỉ có một ít ban đầu để làm thủ tục thành lập, chứ không có ngân sách cho đào tạo và xây dựng cơ bản.
Thời kỳ đó trường chỉ 9 người và hầu như không có giảng viên. Không chương trình-giáo trình-tài liệu, tất cả đều mượn của các trường đại học khác ; Không có phòng thí nghiệm và trang thiết bị. Với một loạt những cái "Không" ấy thì lẽ đương nhiên là trường không có thương hiệu, chìm nghỉm, vô danh. Nhưng điều đáng mừng là khi phải đối diện với hàng loạt khó khăn như vậy, tập thể lãnh đạo và viên chức của trường đã hết sức nỗ lực để có những bước tiến mới rất mạnh mẽ.
Sau 22 năm phát triển, trường đã có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà, đào tạo được nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước. Cụ thể hơn thì nhân sự, lực lượng chuyên môn từ 9 người ban đầu mà đến nay đã có gần 1.400 người, trong đó có tới 50% tiến sĩ (trong số đó có 203 tiến sĩ và giáo sư là người nước ngoài).
Như vậy là Đại học Tôn Đức Thắng đã có những kế hoạch vượt ra khỏi biên giới, đưa về nước nhân lực trình độ cao, chuyên gia Việt kiều theo chính sách của Đảng ; nguồn chất xám rất lớn từ nhiều quốc gia. Trường cũng đã xây dựng thành công hệ thống quản trị đại học hiệu quả, tiên tiến và văn minh trường học, văn hóa đại học rất đặc thù.
Vì lẽ đó mà các trường đại học lấy Tôn Đức Thắng là mô hình để phấn đấu – đó là mô hình văn minh và hiệu quả. Cho đến giờ thì Tôn Đức Thắng không chỉ được đánh giá cao ở trong nước mà tên tuổi đã được ghi nhận trên thế giới.
Đó là điều rất đáng tự hào với đất nước Việt Nam của chúng ta, vì nhiều năm nay hầu như không có trường đại học nào làm được điều đó. Về giáo dục, trường đã có chương trình, giáo trình… hội nhập theo TOP 100 đại học tốt nhất thế giới ; cách dạy-học như các đại học tiên tiến. Với cách làm hiện đại và hiệu quả như vậy nên 100% sinh viên ra trường có việc làm. Sinh viên nổi tiếng về đạo đức nghề nghiệp và rất được doanh nghiệp ưa thích.
Cùng với quá trình ấy, trường đã đẩy mạnh các hoạt động về khoa học-công nghệ, đến 2018, 2019 đã đứng đầu cả nước ; vào TOP 25 cơ sở khoa học-công nghệ xuất sắc nhất Khu vực Đông Nam Á. Trường là đại học đầu tiên và duy nhất của Việt Nam có 7 bằng sáng chế công nghệ được USPTO (Hoa Kỳ) cấp".
Trước mắt, ông Lê Như Tiến đề nghị Chính phủ khi ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật giáo dục đại học 34/2018/QH14 phải loại bỏ việc cơ quan chủ quản can thiệp vào vấn đề nhân sự – tài chính – học thuật, vì điều đó sẽ gây ảnh hưởng rất lớn thậm chí có thể dẫn tới đổ bể lộ trình tự chủ của các trường đại học. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng lớn tới người học, ảnh hưởng tới đào tạo nhân lực và ảnh hưởng tới tiến trình đổi mới giáo dục của Việt Nam.
Vụ việc đang diễn ra về mối quan hệ đối kháng giữa cơ quan chủ quản Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong quyền tự chủ đại học – bao gồm tự chủ về nhân sự ; Tự chủ về tài chính ; Tự chủ về học thuật – là ‘giọt nước tràn ly’ cho đòi hỏi đã đến lúc "hoàn thành sứ mệnh lịch sử" của "cơ quan chủ quản" trong giáo dục đại học.
Nguồn : VNTB, 28/09/2020
***********************
Nguyễn Phú Trọng và Đảng cộng sản Việt Nam "thất bại" – Nhân tài bỏ nước ra đi
Thu Thủy, Thoibao.de, 28/09/2020
Cuộc thi nổi tiếng Đường lên đỉnh Olympia có 19 quán quân, đều du học ở Australia, 17 người ở lại làm việc và nhập tịch, 2 người trở về được vài năm thì 1 người quay trở lại định cư người còn lại thì đi qua canada định cư. Hiện tại không có ai đang ở Việt Nam. Chúc mừng nước Úc có thêm một tài năng của Việt Nam".
Báo chí Việt Nam mấy năm nay đặt câu hỏi những quán quân đường lên đỉnh Olympia đang ở đâu và câu trả lời là tất cả đều đi nước ngoài, không ai ở lại Việt Nam sau khi học xong
Đó là lời chúc mừng rất lạ của Facebook Hoàng Khánh sau khi nghe tin quán quân Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 20 về tay cô gái Nguyễn Thị Thu Hằng hôm 20/9.
Nhiều người mỉa mai chương trình Đường lên đỉnh Olympia là "tìm nhân tài cho Australia", trong khi nhiều ý kiến khác cho rằng lo ‘chảy máu chất xám’ trong bối cảnh toàn cầu hóa là ‘lỗi thời’.
Mỗi năm, khi chương trình Đường lên đỉnh Olympia công bố nhà vô địch mới, mạng xã hội lại xôn xao : "Thêm một nhân tài nữa cho Úc" ; "Chúc mừng Australia"… Nhiều người thậm chí đặt tên chương trình là "Đường lên đỉnh Australia".
Điều này xuất phát từ thực tế hầu hết các nhà vô địch Olympia, sau khi nhận học bổng du học, đều chọn ở lại Australia.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 23/9, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn từ Đại học New South Wales (Úc) nói "Quan điểm cho rằng Úc thu hút nhân tài qua chương trình Đường lên đỉnh Olympia thì có hơi quá và không công bằng cho nước Úc".
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh cũng chia sẻ với BBC : "Nếu so với số du học sinh hằng năm lên đến cả trăm nghìn người thì 20 người sau 20 năm mà bảo lựa chọn nhân tài cho Úc là quá phóng đại".
Theo thống kê của Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và đào tạo, hiện có khoảng 190.000 du học sinh Việt Nam tại nước ngoài.
Cả nước ‘phát sốt’
Hôm 20/9, sau khi chương trình Đường lên đỉnh Olympia công bố người thắng cuộc, Facebook ngập tràn bình luận.
Khen có, chê có, thán phục có, mỉa mai có, nhưng các bình luận dày đặc cho thấy sau 21 năm kể từ chương trình đầu tiên, game show này vẫn được rất nhiều người chú ý.
Năm nay, thí sinh Nguyễn Thị Thu Hằng (Ninh Bình) giành giải quán quân, nhận học bổng toàn phần của Đại học Kỹ thuật Swinburne, một đại học nghiên cứu tại Melbourne (Úc).
Trường này có thứ hạng khá trên thế giới, xếp thứ 63/250 Bảng xếp hạng Đại học trẻ (dưới 50 năm tuổi) 2020 của THE ; xếp 351/1.527 trong Bảng xếp hạng Đại học Thế giới 2021 của QS và top 400 năm 2020 của ARWU.
Người thắng cuộc năm nay còn nhận 40.000 USD tiền thưởng, tăng 5.000 USD so với năm trước.
Với hình thức thi thố sôi nổi, gay cấn trong một đất nước có truyền thống coi trọng khoa cử, tranh đua, Đường lên đỉnh Olympia luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt.
Các trường, các tỉnh thành có thí sinh vào chung kết năm thường tập trung học sinh xem trực tiếp để cổ vũ, chẳng khác gì khi đội tuyển bóng đá vào chung kết SEA Games. Thí sinh vô địch được ca ngợi là người mang vinh quang về cho tỉnh nhà, là niềm tự hào của nhà trường, gia đình, thầy cô và bè bạn.
Nhà quán quân bỗng chốc trở thành người của công chúng, nhất cử nhất động của họ trên sóng truyền hình được đưa ra phân tích, mổ xẻ, đôi khi rất gay gắt.
‘Nên nghĩ đến bức tranh lớn hơn’
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn người gốc Việt đầu tiên trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Úc
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, người gốc Việt đầu tiên trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Úc, cũng là nhà nghiên cứu loãng xương nổi tiếng trên thế giới với hơn 300 công trình nghiên cứu khoa học được đăng tải trên các tạp chí y khoa và khoa học quốc tế, chia sẻ :
"Úc có chương trình thu hút nhân tài Global Talent Independent mà tôi từng giúp một số em nghiên cứu sinh gốc Việt tham gia. Nhưng chương trình này không dành cho các thí sinh Đường lên đỉnh Olympia vì các em vẫn là học sinh trung học".
"Theo tôi, giải thưởng của chương trình có thể xem là một trong những tín hiệu về sự thành công tương lai của một cá nhân. Nhưng nhân tài là người có chuyên môn cao, đã thành danh, và khái niệm nhân tài rộng lớn hơn so với giải thưởng trong một game show. Nhân tài thường được đánh giá bởi chuyên gia, đồng nghiệp trong chuyên ngành chứ không phải thông qua một game show đại chúng".
"Việc dành tiền để thu hút nhân tài từ Việt Nam không phải thứ mà Úc ưu tiên. Như trường đại học New South Wale nơi tôi làm việc, mỗi năm có 16.000 du học sinh từ nước ngoài, đa số là Trung Quốc và họ rất tài năng. Chỉ có khoảng 20 người Việt Nam từ chương trình là con số nhỏ, Úc không quá quan tâm", Giáo sư Tuấn đánh giá.
Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Ánh nhận định : "Tôi nghĩ đây không hẳn là chương trình lựa chọn nhân tài. Quán quân Đường lên đỉnh Olympia không phải người giỏi nhất Việt Nam, mà là người có thành tích tốt nhất trong số những người tham gia thôi".
Ông Tuấn nói thêm : "Tính chất của game show tập trung vào một số em nhanh trí và thông minh. Nhưng các em này không đại diện cho đa số học sinh Việt Nam. Chúng ta nên quan tâm làm sao đem những kĩ năng cần thiết đến với đa số học sinh, thay vì chỉ tập trung bàn luận về game show. Thắng một cuộc thi mới chỉ là bước đầu".
"Chúng ta cần nghĩ đến bức tranh lớn hơn. Đó là cải cách giáo dục, không chỉ ở bậc đại học mà từ tiểu học, trung học. Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến từng nói nền giáo dục Việt Nam vẫn đang 1.0 trong khi thế giới là 4.0.
Tôi nghĩ đây là vấn đề chúng ta cần chú trọng hơn là những tranh cãi việc gameshow vì nó không đóng góp vào việc nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam trên bản đồ thế giới", Giáo sư Tuấn nhấn mạnh.
Tư tưởng ‘chảy máu chất xám’ là lạc hậu
Quán quân mùa thứ 6 Lê Vũ Hoàng giải thích anh quyết định tu nghiệp ở Úc một thời gian sau khi tốt nghiệp vì đây là cơ hội để mở rộng kết nối với các nhà khoa học và doanh nghiệp quốc tế, học hỏi thêm công nghệ mới. Úc cũng có đủ cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu tốt hơn trong ngành của anh.
Anh Hoàng chia sẻ với BBC News tiếng Việt : "Hiện tại tôi đang có một số dự án liên kết với Việt Nam để đưa công nghệ IoT (internet vạn vật) và AI (trí tuệ nhân tạo), đưa các sản phẩm mà tôi đã làm ra ở đây về phục vụ Việt Nam".
Những trường hợp như anh Hoàng khiến nỗi ưu tư ‘chảy máu chất xám’ ở Việt Nam thêm nặng trĩu. Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng khái niệm này không hẳn thích hợp trong thời toàn cầu hóa.
"Những du học sinh Việt Nam học ở Úc và được chấp nhận ở lại thì có tác động dĩ nhiên là tích cực lên nước Úc trước tiên. Nhưng họ thành danh ở nước ngoài thì cũng giúp ích cho quê hương Việt Nam không chỉ về chuyên môn khoa học mà còn về kinh tế.
Nói là chảy máu chất xám nhưng thực tế thì đôi bên cùng có lợi", ông nói.
Một trường học ở Lai Châu mà báo Nông Nghiệp gọi là "chuồng học" vì sự nghèo nàn xập xệ của tất cả các cơ sở vật chất hiện vẫn đang sử dụng để dạy và học. Hầu hết người xem đều liên tưởng đến hàng trăm tượng đài trăm tỷ nghìn tỷ vung vãi khắp nơi trên đất nước Việt Nam
Theo Giáo sư Tuấn, trong thế giới phẳng, một người ngồi ở Châu Âu có thể làm việc cho Úc, một người ngồi ở Úc nhưng làm việc cho Malaysia.
"Tôi nghĩ câu hỏi đáng quan tâm hơn là chủ quyền tri thức thuộc về ai. Nếu một người ở Châu Âu mà làm việc cho Úc và có những khám phá mang đến bằng sáng chế thì chủ quyền đó thuộc về Úc. Nói về chảy máu chất xám là nói về mất bản quyền tri thức, chứ con người vẫn ở đó, chẳng mất đi đâu cả", ông lý giải.
Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Ánh nhận xét : "Ở thế kỷ thứ 21 được 20 năm rồi, chắc chỉ có mỗi Việt Nam vẫn trăn trở chuyện người đi du học có trở về hay không. Tư tưởng này quá lạc hậu, nghe như vấn đề của thế kỷ 19".
Bà Ánh phân tích thêm : "Du học sinh ở lại mà thành công thì góp phần quảng bá cho Việt Nam. Nếu các bạn ấy ra thế giới thể hiện Việt Nam cũng không kém gì ai thì đó chính là quan điểm của Bác Hồ về sánh vai với các cường quốc năm Châu, nên khuyến khích mới đúng".
Xã hội Việt Nam quá khắc nghiệt ?
Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Ánh kể : "Về trải nghiệm cá nhân, tôi sau khi du học về cũng không được chào đón. Ngoài thì nói hoan nghênh nhưng hành xử thì rất nghi kị. Đồng nghiệp lo ngại bọn này có cướp mất công việc hay không. Lãnh đạo thì sợ mình gây cản trở".
Bà bình luận : "Bây giờ xã hội cởi mở hơn, nhưng chúng ta vẫn thấy dư luận ồn ào chuyện du học sinh không trở về, xét nét một cái vung tay ăn mừng của em học sinh 17 tuổi. Khi nhà nước không còn xét nét mà sống với những người đầu óc hẹp hòi như vậy thì quá mệt".
Học sinh tiểu học phải gánh theo mình những cặp đựng sách quá nặng là cảnh thường thấy ở Việt Nam. Dư luận mới đây hết sức ngao ngán khi báo chí đăng tin học sinh lớp một phải mua 23 đầu sách với giá tăng cao gấp 4 lần năm ngoái
Giáo sư Tuấn nói thêm : "Khi về Việt Nam, các bạn gặp những rào cản mang tính văn hóa nhiều hơn là chuyên môn. Họ thường nói với tôi điều kiện làm việc ở Việt Nam không tốt, không được giao công việc đúng chuyên môn.
Có người nói bị lúng túng những chuyện ‘chính trị văn phòng’. Có người than phiền không được chào đón mà còn bị đố kị. Tôi biết một vài em về Việt Nam sau đó lại quay trở về Úc vì chịu không nổi môi trường trong nước".
"Sinh viên Việt Nam ở lại Úc, cũng như những sinh viên các nước khác, chủ yếu xuất phát từ điều kiện làm việc và nghiên cứu. Ngoài ra, hệ thống đề bạt và tưởng thưởng minh bạch nên các em rất thích. Ở Việt Nam, dân gian có câu : ‘nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ’. Điều này làm nản lòng nhiều bạn trẻ, ngay cả tôi cũng sẽ nản lòng", ông Tuấn nói.
Là người có nhiều hoạt động khoa học, giáo dục, y tế tại Việt Nam, Giáo sư Tuấn bày tỏ : "Những người làm khoa học chân chính như tụi tôi ở nước ngoài, khi về Việt Nam gặp phải một khó khăn : nói thật. Bởi mình không nói thật được, nói thật thì có khi đồng nghiệp tự ái không hợp tác nữa. Nên phải nói kiểu ngoại giao".
Bà Ánh đề xuất : "Tôi nghĩ Việt Nam có thể học mô hình Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình cho rằng đến ngoài 40, nhiều người sẽ quay về nước. Thực tế cho thấy ông đã đúng. Đến năm 2000, Trung Quốc có nhiều chính sách đãi ngộ với người học nước ngoài về".
"Tôi có trao đổi với một anh phó giáo sư của trường đại học nổi tiếng ở Mỹ về lý do về nước. Anh trả lời ở Thượng Hải, anh có những điều kiện tốt hơn, được điều hành một khoa và nguồn quỹ. Với lại, người ngoài 40 hầu như đều mong quay về quê hương, mong có cơ hội đóng góp. Nếu mình cho cơ hội, họ sẽ quay về. Hy vọng Việt Nam cũng nhìn xa như Đặng Tiểu Bình", bà Ánh bày tỏ.
Suốt 20 năm nay, Giáo sư Tuấn có cả mấy chục công trình nghiên cứu và xuất bản sách tại Việt Nam dù ông sống ở Úc. Giáo sư Tuấn bộc bạch : "Là người Việt Nam thì đi đâu cũng đau đáu nhìn về quê, muốn làm cái gì đó để quê nhà tốt hơn. Nói đến chuyện đóng góp cho quê hương thì tôi nghĩ 100% người Việt đều muốn, dù họ có thể có quan điểm chính trị khác với các bạn trong nước".
Thu Thủy (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 28/09/2020
Tuần trước, cả mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức cùng xôn xao khi có người phát giác, sách Bài tập Toán cho trẻ con lớp một dạy trẻ tập đếm "cơ, rô, chuồn, bích". Giáo dục, sách giáo khoa… lại tiếp tục gặp sóng gió !
‘Cơ, rô, chuồn, bích’ xuất hiện trong vở bài tập Toán lớp 1
Đến cuối tuần. một số chuyên gia giáo dục lên tiếng. Chẳng hạn cô Nguyễn Thị Thu Huyền (Tiến sĩ Giáo dục, Hiệu phó trường Quốc tế Việt Nam – Phần Lan ở Thành phố Hồ Chí Minh). Cô Huyền nhận định :Từ hình ảnh "cơ, rô, chuồn, bích", suy diễn thành tập cho trẻ con làm quen với bài bạc, phản giáo dục, vừa là… quá xa, vừa là sự áp đặt thô bạo quan niệm của một số người lớn lên trẻ em. Cô Huyền đưa ra một số dẫn chứng, chứng minh,cách tiếp nhận tri thức của trẻ con khác với cách cảm nhận của người lớn. Cô giáo này kể thêm một số ví dụ cho thấy,phụ huynh lo lắng thiếu chính xác và thái quá về những nội dung đang được ngành giáo dục dạy cho trẻ con (1)...
Liên quan đến sự kiện vừa kể, có chuyên gia giáo dục như cô Nguyễn Hoàng Ánh (một Phó Giáo sư, Tiến sĩ về giáo dục), không giấu sự bất bình khi bảo rằng :Lực cản lớn nhất đối với giáo dục tại Việt Nam là… phụ huynh (2) !
***
Giữa trận bão dư luận về "cơ, rô, chuồn, bích" trong sách Bài tập Toán của trẻ con lớp một tại Việt Nam, tuần rồi, trên mạng xã hội có một số phụ huynh Việt Nam sống ở Mỹ, chia sẻ thông tin, hình ảnh về gói sách giáo khoa, học cụ mà họ nhận được từ trường để hỗ trợ cho lũ trẻ là con, cháu họ dùng để học tại nhà bởi dịch do Covid-19 gây ra vẫn chưa lắng xuống. Tuy mớ sách giáo khoa, học cụ gửi cho lũ trẻ con đang học lớp một, lớp hai ở Mỹ ấy, có cả những… hột xí ngầu, một… bộ bài 52 lá (3) khiến chính phụ huynh ở Mỹ và những thân hữu của họ tại Việt Nam ngạc nhiên nhưng không có bất kỳ ai nghi ngờ, chỉ trích cả hệ thống giáo dục lẫn chương trình giáo dục ở Mỹ !
Vì sao hình ảnh "cơ, rô, chuồn, bích" in trong sách giáo khoa chỉ có thể gây bão dư luận ở Việt Nam, chứ không bị phản đối ở Mỹ, dù hệ thống giáo dục Mỹ, chương trình giáo dục Mỹ không chỉ in mà còn gửi cả… công cụvà trẻ con có thể sử dụng để rèn luyện… kỹ năng bài bạc ? Không cần mất nhiều thời gian để đọc – đối chiếu – ngẫm nghĩ vẫn có thể tìm ra câu trả lời một cách dễ dàng : Phụ huynh người Việt sống tại Mỹ và phụ huynh người Việt sống tại Việt Nam, không nghi ngờ hệ thống giáo dục, chương trình giáo dục trẻ con tại Mỹ, cho dù hệ thống giáo dục và chương trình giáo dục này cung cấp cả… xí ngầu, cũng như một… bộ bài đủ 52 lá cho trẻ con !
Vì sao phụ huynh người Việt nói riêng và người Việt nói chunglo lắng thiếu chính xác và thái quá về những nội dung đang được ngành giáo dục dạy cho trẻ con ? Thậm chí có những biểu hiện và phản ứng đến mức một số chuyên gia giáo dục phải lên tiếng than phiền như cô Nguyễn Hoàng Ánh :Lực cản lớn nhất đối với giáo dục tại Việt Nam là… phụ huynh ?
***
Khoan bàn đến chuyện đúng – sai đối với những ý kiến, nhận định như đã dẫn từ các chuyên gia giáo dục ở phần đầu của bài viết này. Thêm một lần nữa, thực tế chỉ ra, vấn đề cốt lõi của giáo dục nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung là công chúng… bất tín cả về thành tâm, thiện ý của những viên chức đứng đầu các hệ thống, lẫn khả năng quản trị, điều hành của các hệ thống này ! Làm sao có thể trấn an phụ huynh nói riêng và công chúng nói chung khi thực thi "miễn học phí" cho giáo dục công lập nhưng những khoản "phụ phí" khiến "tiền trường" càng ngày càng nặng, phụ huynh phải đóng cả tiền… ghế (4), giáo dục không còn là phúc lợi công cộng và nghèo khó đồng nghĩa với thất học ?
Làm sao có thể tạo ra sự tin cậy đối với nỗ lực "đổi mới giáo dục", gầy dựng được thiện cảm và sự tín nhiệm đối với "chương trình mới" khi giá bán sách giáo khoa năm sau luôn luôn cao hơn năm trước với rất nhiều lỗi về… kiến thức căn bản (5) ?
Giáo dục chỉ là một trong nhiều lĩnh vực cho thấy sự bất tín của công chúng đã đến mức độ có thể hủy diệt cả cái đúng và cản trở nỗ lực cải sửa. Nếu không có tình trạngvàng, thau lẫn lộn,ắt không có lo lắng thiếu chính xác và thái quá. Vì sao ?
Có phải vì những lời vàng, ý ngọc vềsự ưu việt của chủ nghĩa xã hội, về việc phải xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa… luôn luôn song hành với việc liên tục cắt bỏ thẳng tay các khoản đầu tư lẽ ra phải hết sức thỏa đáng cho phúc lợi xã hội để hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tiếp tục phung phí công qũy ? Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đừng dùng phần lớn công quỹ cho việc nuôi… công bộc, cho những dự án nhằm tô vẽđịnh hướng, hoặc những hoạt động như… đại hội đảng các cấp, Ban Giám hiệu nhiều trường học trên khắp Việt Nam sẽ không phải, không có lý do để mạnh dạn đặt ra những khoản phí như… "tiền ghế" !
Cứ nhìn và ngẫm nghĩ ắt sẽ thấy, bất tín không chỉ hủy diệt giáo dục mà đang hủy diệt cả phần hồn lẫn phần xác của một dân tộc ! Một dân tộc bị lừa gạt đến mức luôn phải đề cao cảnh giác, phân hóa do nghi ngại mọi thứ thì tương lai dân tộc đó ra sao ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 21/09/2020
Chú thích
(3) https://www.facebook.com/dongle.huynh/posts/3890808154266869
Education is a liberating force, and in our age it is also a democratizing force, cutting across the barriers of caste and class, smoothing out inequalities imposed by birth and other circumstances.
(Giáo dục giải phóng con người, nhưng trong thời đại chúng ta giáo dục còn dân chủ hóa xã hội, nó làm sụp mọi hàng rào giai tầng, đẳng cấp và san bằng các bất bình đẳng do nguồn gốc hay định kiến gây ra).
Indira Gandhi
Giáo sư Hidematsu Hiyoshi liệt kê những "thủ đoạn" mà Mao Trạch Đông dùng để khống chế Trung Hoa Lục Địa : hộ khẩu, tem phiếu, lí lịch… Theo ông :
"Chế độ hồ sơ lí lịch không xa lạ đối với mỗi người dân Trung Quốc. Cho dù anh học ở trường, công tác ở các đơn vị cơ quan hay về hưu ở nhà (về hưu hồ sơ lí lịch được chuyển về khối phố hoặc công xã nơi đương sự sinh sống). Hồ sơ lí lịch theo liền với từng người cho đến hết đời…" (1).
Hóa ra "chế độ hồ sơ lý lịch" là sáng tác của bác Mao, và có nguồn gốc ở tận bên Tầu cơ đấy. Thật là quí hóa. Khi qua đến nước ta, bác Hồ vận dụng sáng tạo thêm chút xíu cho hợp với văn hóa ("đậm đà bản sắc") Việt Nam nên hồ sơ lý lịch không chỉ tính "cho đến hết đời" mà còn kéo dài cho đến đời con và đời cháu luôn.
"Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tiến hành ‘cải tạo xã hội chủ nghĩa’ trên toàn miền Bắc, các nhà tư sản Việt Nam buộc phải giao nhà máy, cơ sở kinh doanh cho Nhà nước. Bà Trịnh Văn Bô lại được kêu gọi ‘làm gương’, đưa xưởng dệt của bà vào ‘công tư hợp doanh’. Bà Bô cùng các nhà tư sản được cho học tập để nhận rõ, tài sản mà họ có được là do bóc lột …
Cho dù được ghi nhận công lao, trong lý lịch các con của ông Trịnh Văn Bô vẫn phải ghi thành phần giai cấp là ‘tư sản dân tộc’, và rất ít khi hai chữ ‘dân tộc’ được nhắc tới. Con trai ông Trịnh Văn Bô, ông Trịnh Kiến Quốc kể : ‘Ở trường, các thầy giáo, nhất là giáo viên chính trị, nhìn chị em tôi như những công dân hạng ba. Vào đại học, càng bị kỳ thị vì lượng sinh viên người Hà Nội không còn nhiều. Trong trường chủ yếu là sinh viên con em cán bộ thuộc thành phần cơ bản từ Nghệ An, Thanh Hóa… những người xếp sinh viên Hải Phòng, Hà Nội vào thứ hạng chót (2).
Thế vẫn chưa thôi !
Mười bẩy năm sau, sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, tiêu chuẩn phân loại lý lịch của Chính quyền cách mạng mới được hoàn thiện và hoàn hảo. Ông Nguyễn Đình Nguyên, người từng học đại học tại Việt Nam vào những năm 1980, hồi tưởng :
"Trước khi bước vào kỳ thi đại học thì chúng tôi phải bước qua một kỳ khai lý lịch. Nếu tôi nhớ không lầm thì lý lịch của chúng tôi được xếp từ 1 cho đến 13. Chúng tôi cũng có nghe tới 14 nhưng tôi chưa thấy bạn nào bị như vậy. Tôi được xếp hạng thứ thứ 11 tức là gia đình (mà họ gọi là) ngụy quân, ngụy quyền ở cấp bậc nhỏ. Loại 12 thì họ gọi là có nợ máu với nhân dân, tức là đi quân đội và dường như là xếp từ thiếu úy trở lên. Loại 13 là những sĩ quan cao cấp, hay là sĩ quan công giáo, tôi cũng không biết tại sao" (3).
Nỗi ám ảnh này chỉ nhạt phai dần khi Đảng và Nhà nước dũng cảm và quyết tâm (đổi mới) bẻ lái con tầu đất nước theo hướng… kinh tế thị trường. Từ đây, lý lịch không còn là yếu tố quyết định trong sinh hoạt học đường. Thủ tục "đầu tiên" mà phụ huynh học sinh cần phải quan tâm khi cho con em đến trường chỉ còn giới hạn vào một vướng mắc duy nhất là "tiền đâu" thôi ?
Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế thì Việt Nam đứng hạng nhì trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương về giá hối lộ cho một năm học vào trường công lập. Phải trả ba ngàn đô để mua một chỗ ngồi học trong những trường công lập uy tín là một khoảng tiền rất lớn trong một đất nước mà lợi tức trung bình hằng năm chỉ nhỉnh hơn hai ngàn hai trăm đô chút xíu (4).
Với những người dân "vùng xa, vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng" thì lợi túc trung bình (có lẽ) chỉ được chừng một phần năm hay phần bẩy con số kể trên. Ở những nơi này – nhờ thế – việc học hoàn toàn miễn phí, không phải lo lót hay chạy chọt đồng nào ráo trọi.
Tuy thế, con đường đến trường cho những đứa bé ở xa đô thị cũng chả dễ dàng chi. Chúng bị ngăn trở bằng nhiều cách nên phải vượt sông, vượt suối, hoặc lội bùn (với đôi chân trần cùng cái bụng trống không) mới đến được những mái tranh trống hốc/trống hác được gọi là trường học.
Ảnh : internet
Năm trước, báo Lao Động (số ra ngày 17/7/2019) buồn bã và ái ngại loan tin : "Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi) có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 0%... ‘Các em thi rớt, giáo viên chủ nhiệm như tụi tôi thấy buồn lắm. Bao nhiêu công sức gắn bó với các em bấy lâu nay không có kết quả. Nhưng thật sự mà nói, với một đề thi chung như thế, quá tầm với các em học sinh miền núi còn nhiều khó khăn như ở đây’, thầy Tải nói".
Năm nay, học sinh miền núi sẽ phải đối diện với một nỗi khó khăn "quá tầm" khác nữa là sách giáo tăng giá (cao) tới mức mà ngay cả giới phụ huynh ở thành thị cũng phải kêu Trời ! Về sự kiện này, ông Ngô Trần Ái (Công ty cổ phần Đầu tư xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam) khẳng định :
"Sách giáo khoa là văn hóa đặc biệt, cũng là hàng hóa, cần tuân theo luật kinh tế thị trường. Sách giáo khoa mới đẹp, bắt mắt, khổ sách lớn và in nhiều màu hơn sách cũ. Vì vậy nếu để sách theo giá cũ sẽ bị lỗ, không thể làm được".
Kiểu tính toán "lời/lỗ" của Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái khiến tôi nhớ đến cách nói tuy hơi riễu cợt nhưng vô cùng chính xác của Tiến sĩ Hoàng Kim Phúc : "Với thực tế chục triệu học sinh phổ thông Việt Nam đang bị vắt kiệt tuổi thơ với hy vọng sau 12 năm sẽ trèo được lên chiếc ‘xe đò’ mang tên Đại học, trong khi mẹ cha vật lộn, thậm chí bán cả ruộng nương trả ‘vé xe’ vậy mà ‘đến bến’ thì trăm ngàn cử nhân lại đứng đường".
Ở Việt Nam mà thiếu tiền tệ và không quan hệ thì phải "đứng đường" là chuyện tất nhiên ! Một trong những vị cử nhân "đứng đường" này, rất có thể, chính là tác giả của câu thơ nổi tiếng (đang) được lưu truyền khắp xứ sở này : "Chuyến tôi đi xe đò đứt thắng, đ… mẹ đời, đ… má tương lai".
Tương lai, theo cách nhìn của quí vị lãnh đạo quốc gia lại hoàn toàn khác, tươi sáng và rực rỡ hơn thấy rõ
- T.B.T Nông Đức Mạnh : "Việt Nam trở thành nước công nghiệp năm 2020".
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc : "Đến năm 2045 - mốc lịch sử 100 năm nước nhà được độc lập (1945–2045), quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD".
- T.B.T Nguyễn Phú Trọng : "Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước : Trở thành nước phát triển, thu nhập cao".
Với đường lối, chính sách ngu xuẩn về mọi mặt của Đảng cộng sản Việt Nam (nhất là chủ trương kỳ thị giáo dục) thì e là ngay đến năm 2145, đất nước "vẫn chưa chịu phát triển" đâu – các đồng chí ạ !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 17/09/2020 (tuongnangtien's blog)
(1) "Cách mạng văn hóa" rốt cuộc là tội của ai : Thảo luận với Mao Vu Thức tiên sinh ("文革"究竟誰之罪 : 與茅于軾先生商榷"), bản dịch của Lê Thời Tân, tạp chí Thế Giới Mới, số 14-2013 (1031), ngày 22/4/2013.
(2) Huy Đức, Bên Thắng Cuộc , tập II, OsinBook, Westminster, CA : 2013.
(3) Kính Hòa, "Nỗi Ám Ảnh Lý Lịch", RFA , 29/04/2015.
(4) "A Transparency International report has found Vietnam to have the second highest bribery rates for public schools in the Asia Pacific region. It costs up to $3,000 to buy a place at the most sought after public schools, a huge expense in a country where annual average incomes barely top $2,200.
Sau ba tháng chống dịch đạt hiệu quả, gần như cả hệ thống chính trị Việt Nam rơi vào tình trạng tự sướng và ốp đồng tập thể. Tự sướng đến độ ông Thủ tướng mạnh miệng tuyên bố "…nếu cây cột điện của Mỹ nó chạy được, nó sẽ chạy vào Việt Nam".
Con biết ơn thầy cô, nhà trường, con hứa sẽ học hành tốt để không phụ công lao thầy cô, không phụ công lao của đảng và nhà nước đã chăm sóc chúng con… (như con vẹt)
Chưa dừng ở việc nói bằng miệng mà đảng, chính phủ còn biến niềm tự sướng thành hành động cụ thể, đó là một lần nữa nêu cao công trạng của nhà nước, chính quyền và gieo vào các thế hệ tâm lý "mang ơn đảng, mang ơn chính phủ". Đương nhiên, chuyện này đã diễn ra từ lâu, nhưng vấn đề là cường độ của nó tăng một cách đột ngột trong mùa hè này.
Năm học 2019 - 2020 kết thúc một cách khác thường so với mọi năm bởi chương trình giảng dạy được rút ngắn và Việt Nam phải đối phó với dịch Covid-19 một thời gian dài, mọi cơ xưởng, trường học đều phải đóng cửa. Dù muốn hay không, thì năm học kết thúc một cách an toàn, đó là niềm vui. Nhưng niềm vui là để qua đó phấn đấu, tiếp tục học tập và nỗ lực để tiến bộ hơn, để có thể chia sẻ với tha nhân khi thế giới trở nên hoang mang, bất an, đó là đạo của giáo dục, chứ không phải là tự sướng, tự ca cẩm và gieo rắc thói hống hách, khệnh khạng, nói láo.
Trường hợp tại Việt Nam, giáo dục đang gieo rắc thói hống hách, khệnh khạng và nói láo một cách trắng trợn. Ở khía cạnh gieo rắc thói hống hách, ngay cả giáo viên cũng mang thứ tâm lý này, bởi do bệnh thành tích mà ra. Ngay từ vị trí mầm non, theo qui định của Bộ giáo dục thì độ tuổi này chỉ học các kĩ năng hát, múa, giao tiếp cộng đồng và tuyệt đối không được học viết hay học các con số. Và quan trọng hơn hết là các cháu được học cách làm người, học yêu thương, sống chan hòa và tôn trọng người khác… Thế nhưng, tâm lý ganh đua đã bị gieo rắc ngay từ độ tuổi này một khi các cháu được mặc định một thứ tiêu chuẩn thành tích. Nghĩa là cấp trên, cụ thể là Bộ, Sở và Phòng giáo dục đề xuất chỉ tiêu trong một trường phải có 70% xuất sắc trở lên, 30% còn lại phải tiên tiến thì trường mới dđạt chuẩn, mà đạt chuẩn thì mới được rót kinh phí xây dựng.
Chính vì thứ tiêu chuẩn vớ vẩn này mà hầu hết các trường đều bốc mùi thành tích, học sinh mầm non (biết gì mà phát biểu ?) phải học thuộc lòng bài phát biểu của cô Hiệu trưởng soạn ra và lên đọc vanh vách (không cần cầm giấy, vì chưa biết chữ) rằng "con xin cảm ơn đảng, cảm ơn chính quyền, cảm ơn nhà trường… Con biết ơn thầy cô, nhà trường, con hứa sẽ học hành tốt để không phụ công lao thầy cô, không phụ công lao của đảng và nhà nước đã chăm sóc chúng con…". Thú thực, người lớn nghe những đoạn thưa như thế này chỉ biết tê mặt và hỏi thầm vì sao cha mẹ của đứa bé lại nỡ để cho con mình phải chịu kiếp nạn "biết ơn" như thế ? ! Thêm nữa, những đứa được phát biểu và được giấy khen xuất sắc tỏ ra coi rẻ những đứa bị tiên tiến một cách ra mặt. Nghĩa là ngay từ độ tuổi mầm non, chúng đã bị gieo rắc thứ tâm lý tự cao tự đại và hống hách. Thử hỏi, với kiểu tâm lý này, mai mốt lớn lên, chúng sẽ làm gì, ra sao ?
Tính khệnh khạng, trong đợt này, tôi không nghĩ là không có chỉ đạo của phòng giáo dục, hầu hết các huyện, các tỉnh đều có trường hợp gọi là phong trào "lá lành đùm lá rách". Nhưng nếu như trước đây, nhà trường phát động các học sinh quyên góp tiền để dành lại mua quà cho các cháu có hoàn cảnh nghèo, khó khăn… Thì năm nay, trường kêu gọi các mạnh thường quân có con học trong trường. Vậy là các mạnh thường quân bỏ ra một ít tiền, mua vài gói quà và cho chính con của họ lên trao quà ngay trong buổi phát thưởng. Thử nghĩ, những đứa trẻ được nhận quà sẽ nghĩ gì sau khi chúng được một đứa bạn cùng tuổi trao quà rồi đứng chụp hình chung ? Và đứa trao quà với tâm lý mình là người ban cho, tỏ ra khệnh khạng, đứng làm dáng chụp hình cùng các bạn của nó với tư thế của bề trên. Rõ ràng, ở đây, vô hình trung đã gieo rắc cho đứa trao quà một thứ tâm lý khệnh khạng và đẩy những đứa được trao quà xuống chỗ cùng mạt một cách công khai. Chứ chuyện trao và nhận này, nếu xuất phát từ lòng lân mẫn thì phải biết tôn trọng người nhận, thậm chí phải kín tiếng. Kiểu trao quà này chẳng khác nào nhà nước xây một cái nhà tình nghĩa cho người dân rồi đóng cái bản "Nhà tình nghĩa" to tướng trước cửa nhà. Như vậy, chả khác nào đóng một con dấu mặc cảm to tướng lên tráng những đứa trẻ ! Và đây cũng là bệnh thành tích, một thứ thành tích bệnh hoạn về lòng yêu thương, chia sẻ của tập thể hoặc tập thể mượn tay cá nhân để đạt được.
Nhưng, đáng sợ nhất vẫn là bệnh nói láo. Làm gì các cháu ở độ tuổi mầm non, tiểu học, thậm chí trung học cơ sở và trung học lại nghĩ đến ơn đảng, ơn nhà nước, ơn thầy cô một cách sâu sắc và trầm trọng đến như vậy. Hầu hết các bài phát biểu mà tôi đã tham khảo của các cháu học sinh tiêu biểu khi lên đứng trên bục, đọc trước lễ bế giảng đều rất dài dòng, gần hai trang A4 mà không có lấy một dòng cảm ơn cha mẹ đã nuôi dạy, chỉ cảm ơn đảng, nhà nước, chính quyền các cấp và nhà trường, thầy cô đã dạy chúng em nên người… Và mong đảng, chính quyền giúp đỡ cô thầy trong năm học tới, chúc cô thầy đạt được nhiều thành tích hơn… Thử nghĩ, nếu không có bàn tay của người lớn nhúng vào để soạn những bài dài lê thê như vậy thì các em làm sao viết được hay nghĩ ra được những chuyện kì quái như vậy ?
Cái thói nói những gì không phải của mình suy nghĩ, diễn cảm những gì không phải tình cảm của mình đã bị cài đặt ngay từ nhỏ như vậy, lớn lên các em sẽ nói láo một cách không ngượng miệng. Và chắc chắn, để đạt được mục đích, các em sẽ không từ chuyện nói láo. Mà không chừng, nói láo lại thành cái bệ đỡ cho sự thành công của các em ấy chứ ! Lỗi này là lỗi tự sướng của người lớn, lỗi bất chấp của kẻ nắm quyền.
Và ngay bây giờ, trách nhiệm, bổn phận của các cơ quan nhà nước, chính quyền và đảng là phải trả lại sự trong trẻo cho học trò, chữa ngay căn bệnh thành tích và thôi ngay ba cái trò nói láo vớ vẩn để đạt mục đích đi là vừa rồi ! Đừng biến con em chúng ta trở thành quái vật !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 10/07/2020 (VietTuSaiGon's blog)
Câu chuyện ngành giáo dục Việt Nam gây chấn động năm qua về những vụ gian lận điểm thi lại nóng lên qua phiên tòa xét xử những can phạm trong vụ án được báo chí Việt Nam đưa tin mấy hôm nay.
Những nghi phạm khi ra tòa, mặt mày hớn hở và đua nhau làm dáng trước máy ảnh của báo chí
Nóng lên, không chỉ vì những chuyện nâng điểm trắng trợn cho con cái quan chức, con cái những kẻ lắm tiền, nhiều của ở một loạt tỉnh đã gây nên nỗi bức xúc trong xã hội vì luật pháp bị vi phạm nghiêm trọng. Công bằng xã hội bị phá hoại, hậu quả sẽ vô cùng lớn khi đưa những sản phẩm giáo dục ra cho xã hội là những sản phẩm kém chất lượng, lại được cơ cấu làm cha mẹ của dân và lại vào vòng luẩn quẩn chỉ biết khoét nặn, tiêu cực và gian dối.
Không bình thường
Những thông tin qua báo chí, còn làm cho dư luận xã hội nóng lên ở một điểm : Những nghi phạm khi ra tòa, mặt mày hớn hở và đua nhau làm dáng trước máy ảnh của báo chí, những nụ cười tươi tắn và những lời nói ráo hoảnh của đội ngũ những người làm công tác giáo dục đã cho xã hội những đòn choáng váng.
Cô giáo Diệp Thị Hồng Liên (cựu trưởng phòng khảo thí Sở giáo dục Tỉnh Hòa Bình) đã phát biểu rất "khảng khái" rằng : "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật".
Cô giáo Diệp Thị Hồng Liên phát biểu rằng : "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật".
Nghe câu nói này từ miệng một giáo viên, một trưởng phòng khảo thí của ngành giáo dục một tỉnh, người ta thấy điều gì ?
Trước hết, cần phải nói rằng, nghi phạm này đã thẳng thắn khi nói ra một điều mà cả xã hội đều biết và đều thừa nhận, nhưng chẳng mấy ai thấy lạ và càng ít người dám nói công khai, chưa nói là thẳng thắn trước tòa.
Sở dĩ nói rằng sự không bình thường này được cả xã hội thừa nhận, bởi thực tế cuộc sống đã cho thấy ở xã hội Việt Nam ngày nay, những điều tốt, những điều nên làm đã không còn là chuyện hiển nhiên, không còn là chuyện bình thường.
Ngược lại, những chuyện không nên có, chẳng nên làm, không bình thường và khó chấp nhận trong xã hội, ngày nay đã trở thành chuyện "cơm bữa" tại Việt Nam.
Người ta thấy rất rõ những cảnh nơi công cộng, trên xe bus, cảnh móc túi diễn ra ngang nhiên mà bao nhiêu hành khách đều ngoảnh mặt giả tảng như không biết, chỉ để cho nạn nhân kêu khóc. Điều này ngược hẳn với nét văn hóa Việt xưa nay là "Giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha" mà cha ông đã bao đời vun đắp.
Người ta thấy cả đám học sinh nữ đua nhau lột quần áo một nữ sinh khác bạn mình, nhưng đám nam sinh chỉ đứng nhìn và quay clip để đưa lên mạng mà không hề can thiệp. Người ta thấy cảnh học sinh ngang nhiên đánh, chửi cô, thầy giáo ngay trước lớp, thậm chí phụ huynh còn bắt cô giáo phải quỳ, xin lỗi học sinh ngay giữa lớp. Điều này ngược hẳn với truyền thống xưa nay là "Tiên học lễ, hậu học văn"
Người ta thấy Cảnh sát giao thông ngang nhiên trấn lột người tham gia giao thông trên mọi nẻo đường, nhưng vẫn coi như đó là chuyện bình thường và đi qua như không có chuyện gì xảy ra. Điều này ngược với những gì mà chế độ này luôn tuyên truyền tung hô rằng "Cán bộ là đầy tớ nhân dân".
Người ta thấy cảnh người dân đứng nhìn nhà cầm quyền ủy sập nhà, cưỡng chế nhà bên cạnh mà không nói một lời. Để rồi khi đến lượt mình bị cướp đất, cướp nhà thì kêu gào không ai quan tâm.
Người ta thấy, chuyện "nhặt được của rơi, tìm người trả lại" là chuyện lạ trong xã hội ngày nay. Bởi vì lập tức có người nói : "Điên,thiên hạ bây giờ không cướp được của người khác thì thôi chứ nhặt được ai lại đi tìm trả người mất" !
Người ta cũng thấy nhan nhản những cán bộ, công chức với lý lịch từ những con cái các gia đình "ba đời làm thuê, cuốc mướn, ăn củ chuối thay cơm" để rồi vào đảng "tiên phong của giai cấp vô sản" rồi chỉ một thời gian làm cán bộ thì giàu có đến mức kinh ngạc mà không cần biết tiền của từ đâu đổ vào nhà họ. Và cả xã hội coi đó là chuyện đương nhiên.
Lớn hơn, rộng hơn, trên tầm vóc của cả xã hội, cả đất nước, người ta thấy khi lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, non sông bị bán đứng cho giặc, bọn xâm lược ngang nhiên xâm chiếm lãnh thổ của đất nước, của cha ông để lại mà mọi người dân dửng dưng như không có chuyện gì liên quan đến mình. Tất cả chỉ lo cho nồi cơm nhà mình, lo cho cốc bia những buổi chiều bên vỉa hè thành phố.
Bởi tất cả "đã có đảng và nhà nước lo". Họ bỏ mặc cho đảng đàn áp, bắt bớ những người yêu nước, thương nòi dám cất lên tiếng nói đòi công bằng xã hội, đòi bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng, đòi cho người dân được sống trong môi trường trong sạch.
Khi cả xã hội vào trong vòng xoáy của sự vô cảm, sự ích kỷ và nhỏ nhen, chỉ biết cho bản thân, gia đình mình và cao hơn là phe nhóm thì lúc đó, những chuyện bình thường ngày càng hiếm hoi.
Và những người làm điều tốt đẹp, trở thành những kẻ điên khùng, những người không bình thường vì chỉ biết "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng".
Khi một xã hội mà từng cá nhân, gia đình cấu tạo nên nó đều nhiễm một thói quen, sự ích kỷ và sống chỉ biết đến mình, thì những cái tốt đẹp, cái chung, sự hy sinh là điều càng hiếm hoi và lạ lẫm.
Nguyên nhân của mọi nguyên nhân
Tất cả những điều đó được ươm mầm, vun trồng và chăm bẵm bởi một hệ thống tư tưởng mang tên Mác - Lenin và tư tưởng vọng ngoại, nô lệ và làm tay sai cho ngoại bang được gọi là "tư tưởng Hồ Chí Minh".
Kể từ khi chủ nghĩa cộng sản được du nhập vào Việt Nam với ý thức tôn thờ vật chất, lấy bạo lực làm cách hành xử, lấy dối trá làm phương tiện để thu phục lòng người đi theo mình vì cái bả vật chất, bỏ qua mọi yếu tố văn hóa, tinh thần truyền thống thì dần dần, những nét đẹp, những điều bình thường trong xã hội đã dần dần mất đi hoặc biến dạng.
Không phải ngẫu nhiên, mà người dân không tin vào những điều tốt đẹp có thể tồn tại được trong xã hội, để rồi chỉ lo cho quyền lợi cá nhân của mình. Bởi vì ngay từ khi có mặt ở Việt Nam, đảng Cộng sản đã dẫn đầu và tổ chức những cuộc "cướp" trên mọi lĩnh vực. Trước hết là cướp chính quyền năm 1945, sau đó là những "cuộc cách mạng" mà thực chất là những cuộc chém giết cướp bóc của những "giai cấp, tầng lớp" khác.
Rồi cuộc cưỡng bức, xâm lược và chiếm cướp Miền Nam Việt Nam. Kế theo đó, là những cuộc cướp của chính dân lành, của ông chủ mình từ ruộng đất, tài sản, thuế má, tài nguyên…
Và khi xã hội đã nhiễm thói cướp, thì mọi sự công bằng, sự tương thân tương ái, sự hy sinh cho người khác là điều hiếm hoi.
Đất nước Việt Nam, mặc dù trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, người dân Việt đã hun đúc được truyền thống quật cường, đoàn kết chống ngoại xâm, Thế nhưng, "từ ngày có đảng", người dân được dạy dỗ và chỉ được phép hành động theo mớ lý thuyết "Chiến đấu cho lý tưởng cộng sản" và "Vì phong trào cộng sản quốc tế", "Vì sự nghiệp của giai cấp vô sản toàn thế giới"… do vậy, những lợi ích dân tộc, đất nước được bỏ qua để phấn đấu xây dựng một thế giới đại đồng.
Không phải người dân Việt xưa nay không biết quý trọng những giá trị nhân cách con người, người xưa đã dạy rằng : "Chết vinh còn hơn sống nhục". Nay bỗng nhiên quan niệm xã hội thay đổi và người ta quan niệm ngược lại : "Thà sống nhục còn hơn là chết".
Bởi họ đã thấy, đã trải nghiệm, đã chứng kiến những kẻ rao giảng những lời đạo đức nhất, những lãnh tụ được tôn sùng nhất, những lãnh đạo được tung hô nhất thì nó tròn trịa, bóng bẩy và trở thành thần thánh.
Thế nhưng, khi sự thật bị bóc trần, khi sự hiểu biết của người dân ngày càng cao hơn, những bí mật của triều đình cộng sản bị phơi bày trước thiên hạ, thì khi đó người dân tự rút ra cho mình một kết luận : Tốt nhất là không nên thừa thãi lòng tin.
Chẳng nói đâu xa xôi, chỉ vài năm nay thôi, người dân Việt Nam chứng kiến rõ hơn những sự thật, những mặt sau, những bản chất của hệ thống quan chức cộng sản. Những cán bộ cao cấp hẳn hoi, là hạt giống đỏ, là nhân tố "Tổ chức và lãnh đạo mọi cuộc cách mạng Việt Nam", thế nhưng, khi bị đưa vào vòng ngắm, ra vành móng ngựa, người dân mới biết đó là những kẻ ăn tàn, phá hại, những kẻ "miệng nam mô, bụng bồ dao găm". Đó là những ủy viên Bộ Chính trị đã phá tiền dân như đốt lá rừng.
Đó là những tướng, tá công an đứng đầu ngành chống tội phạm công nghệ cao lại tổ chức đánh bạc công nghệ cao hàng chục ngàn tỷ.
Đó là những bộ trưởng, hôm qua còn viết sách rao giảng về đạo đức cách mạng, về chống diễn biến tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, hôm nay mới lộ mặt là những tên ăn hối lộ cả chục triệu đola một lần.
Đó là những Trưởng phòng an ninh, Giám đốc sở giáo dục, với những quan chức đứng đầu tỉnh như Bí thư Tỉnh ủy… đã câu kết với nhau nâng điểm thi kiếm lợi.
Có thể nói rằng, không thể kể hết những "tấm gương điển hình" của hệ thống quan chức cộng sản, đã từng là những "đảng viên trung kiên, xuất sắc" là những người rao giảng về đạo đức Hồ Chí Minh… khi lộ mặt là những tội đồ mà nhà tù chưa đủ để đền những tội do chúng gây ra.
Và vì thế, từ một cá nhân, đến một gia đình, một dòng họ, lớn hơn là đảng phái… trong xã hội "những thằng gù" ngày càng phát triển và oái oăm thay, họ lại "sống khỏe" và ăn trên, ngồi trốc để dạy dỗ thiên hạ.
Khi thượng bất chính, hạ tắc loạn là điều không có gì đáng ngạc nhiên. Chính vì thế, người ta thấy rất rõ những thực trạng xã hội ngày nay lấy cái ngược đời làm tiêu chuẩn, loại bỏ những chuẩn mực đã được xây dựng bằng một nền văn hóa tốt đẹp, lâu đời.
Thế nên, đội ngũ y tế, ngày xưa lấy y đức làm đầu, thì ngày nay bằng mọi cách moi tiền bệnh nhân bằng nhiều thủ đoạn man rợ.
Thế nên, đội ngũ giáo dục ngày xưa được dạy "tiên học lễ, hậu học văn" và thi cử nhằm chọn người tài, thì ngày nay, cả hệ thống từ Bộ trưởng trở xuống đều là đề tài để người dân ca thán, chán nản và thất vọng.
Và muôn mặt xã hội đã thể hiện triệt để tinh thần của chế độ cộng sản : Dối trá, lừa lọc, bạo lực và tàn bạo.
Thế nên, xã hội nảy sinh hàng loạt, để chiếm đa số trong xã hội những con người khuyết tật về nhân cách, về tư duy và hành vi. Và khi những kẻ khyết tật chiếm đa số, thì những người lương thiện, công chính, yêu nước, trong xã hội trở thành những con số nhỏ nhoi, lạc lõng và cô đơn.
Và khi xã hội chấp nhận điều không bình thường trở thành bình thường, thì hẳn nhiên những điều bình thường sẽ trở thành không bình thường.
Và khi đó, câu nói của cô giáo cô giáo Diệp Thị Hồng Liên rằng "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật" lại là điều hoàn toàn đúng.
Bởi chính xã hội này đã trở thành khuyết tật vì xã hội này đang được một đảng khuyết tật mang hệ tư tưởng khuyết tật cai trị.
Và vì thế, các phạm nhân là nhà giáo, là công an trở thành tội phạm là chuyện hết sức bình thường trong một xã hội khuyết tật này.
Ngày 16/5/2020
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 16/05/2020
Nguồn : nguyenhuuvinh's blog
Chẳng phải đến khi báo Tuổi trẻ ngày 24/2/2020 đăng bài "Người Việt kém văn minh trên mạng?", cùng chỉ số thật đáng xấu hổ, rằng "Việt Nam thuộc nhóm 5 quốc gia kém văn minh nhất trên Internet", nhu cầu cần bàn bạc thẳng thắn về những cái xấu của người Việt mình mới được đặt ra.
Ngắm thử súng trường bắn tỉa do Nga sản xuất trong một Hội chợ triển lãm quốc phòng và an ninh Việt Nam 2019 tại Hà Nội (Hình có tính chất minh họa)
Hiện tượng "kém văn minh" đó có phải chỉ trên mạng, có phải chỉ tới nay mới bộc lộ?
Theo tôi, không phải bây giờ mới có và ta thử tìm vài lý do.
Niềm tự hào "thắng mấy đế quốc to"
Chiến tranh, với thắng lợi luôn có những hậu quả tàn khốc dễ thấy rõ lẫn những thứ khó thấy, có khi ghê gớm, dài lâu hơn nhiều.
Say sưa thắng lợi, mãi tự ngợi ca để khích lệ tinh thần dân chúng không thể không có hậu quả là quá coi trọng sức mạnh bạo lực, coi thường những ai không có được "chiến thắng" như mình. Đến độ người ta "đá" thắng mình, mình cũng không chịu nổi, vì ngày xưa họ "đánh" kém mình cơ mà.
Chẳng khó để tìm ra được bằng chứng cho luận điểm trên, chỉ bằng cách so sánh ngay trong dân ta: giữa các vùng miền, giữa người "chiến thắng" và kẻ "bại trận".
Ví như người Bắc, rõ là "ghê gớm" hơn người Nam; đương nhiên có nhiều lý do, nhưng cái "thế mạnh" để có đặc tính đó là bởi một thời được giáo dục mạnh mẽ rằng phải chiến thắng trong cuộc chiến bằng mọi giá, coi ngày ra trận như ngày hội, giết "giặc" (cùng người Việt với mình) như trò tiêu khiển. Tâm lý đó ngấm vào máu mấy thế hệ, từ tấm bé…
Và đương nhiên, một khi đã tự vỗ ngực mình là nhất thiên hạ kiểu đó, thì những cái xấu của mình ắt phải cố mà che đậy, không chỉ xấu của chính quyền, mà cả cái tật xấu của dân cũng bị hạn chế bàn tới.
Giận nơi công quyền chém nhau ngoài phố
Cuộc sống ngày càng nhiều bức xúc không được giải quyết. Từ xung khắc hàng ngày với xóm giềng, nơi chợ búa, trên đường, tới công sở, doanh nghiệp…, quá khó để có tòa án nào phân xử, khách quan công minh cho.
Những "hội", "đoàn thanh niên", "Mặt trận" này nọ được lập ra từ phường xóm cho tới cả nước nhưng nào có thấy bóng dáng người của các tổ chức này hòa giải giúp, đỡ phải viện tới tòa.
Rồi báo chí, rặt những ngôn từ đẹp đẽ được ưu tiên hàng đầu, bảo vệ quyền lợi hàng ngày của dân không khéo bị treo bút, đình bản.
Tức quá, phải xả! "Con giun xéo lắm phải quằn", nó "quằn" với kẻ xéo nó không được, thì nó "quằn" với đồng loại.
Thế là nảy sinh nhiều vụ đánh nhau quá; giết nhau cũng ngày càng nhiều; đánh cả du khách ngoại quốc.
Chính báo của Đảng cũng không thể che đậy được, chỉ làm mềm câu chữ bằng tính từ như 'phẫn nộ', 'đau đớn' con chém mẹ, anh giết em… chẳng hạn, để khỏi bị cho là thiếu tính giáo dục, xây dựng và câu độc giả.
May quá, có cái Internet, "xả" lên đó cũng đỡ được phần nào, lại an toàn hơn, vì cũng ẩn danh được, cùng lắm chỉ vạ miệng.
Tùy tiện khen chê và tung hô
Ở Việt Nam hiện nay, trên mạng có hàng ngàn dư luận viên, nhiều loạt bài "chống thế lực thù địch", "chống diễn biến hòa bình", trên các báo quyền uy của Đảng, Công an, Quân đội, Đài truyền hình quốc gia.
Dư luận viên thì luôn ẩn danh tuyệt đối, xông vào các blog, FB nào nói xấu chế độ để chửi bới tục tĩu. Các bài chống "thế lực thù địch" thì bất chấp những nguyên tắc tối thiểu của nghề báo và luật pháp, sẵn sàng bôi nhọ cá nhân của ai không ưa chế độ mà dám lên tiếng nói thẳng.
Oai hơn, còn chỉ trích đích danh cả các đài báo nước ngoài, chẳng hề sợ bị kiện gì cả. Điển hình mới đây và vẫn còn tiếp tục là đợt tấn công các nghi can vụ Đồng Tâm, với lối viết như thể bản án của tòa để buộc tội họ, cả với cụ ông 85 tuổi Lê Đình Kình bị sát hại dã man...
Đến lúc phải tìm mà trị vài kẻ "đầu têu" cho cái tình trạng kém văn hóa trên mạng, tuy là số ít, nhưng được trao và tự cho mình quyền lực quá lớn, phương tiện quá đầy đủ, hiện đại.
Bên cạnh đó, Việt Nam là nơi có lối ngăn chặn kém văn minh trên mạng, như dựng "tường lửa", đe nẹt vô lối theo kiểu "hình sự hóa" từ với người sử dụng mạng cho tới các nhà mạng, và rủa xả kiểu như "mạng xã hội chửi từ trên xuống dưới, chửi tràn lan cơ quan công quyền như hát hay", mà không chịu thấy, đánh giá công bằng những đóng góp vô giá của các cư dân mạng.
Đến độ, mới đây thôi, đưa thông tin lên mạng, được báo quốc doanh 'bảo chứng' thế mà cũng bị tai vạ.
Cùng lúc, khi cần hâm nóng tinh thần, niềm tin tưởng vào chế độ thì báo chí đăng liên tiếp những tin vui từ các đội bóng đá nước nhà. Mọi phương tiện có trong tay được kích hoạt, quên luôn cả tỉnh táo, cả lẽ công bằng (giữa các bộ môn thể thao) và những bài vở về giáo dục ý thức "cộng sản chủ nghĩa" (coi thường tiền bạc vật chất, đề cao tinh thần phục vụ…).
Bao nhiêu hình ảnh hoành tránh về các cuộc đón rước, trao huân huy chương, tiền tỉ tỉ, rồi mua sắm siêu xe, đám cưới linh đình … được báo chí quốc doanh thả phanh tung hứng mà không sợ bị "thổi còi" gì.
Với cái không khí đó, cộng với tinh thần "bách chiến bách thắng" trong chiến tranh, đương nhiên khó tránh khỏi thái độ bực bội cao độ khi bị thua, nghi ngờ bị xử bất công, …, lại còn sẵn cả tâm lý "giận đảng chém nhau" nữa). Không chỉ với trọng tài như bài báo đề cập, mà với cả câu lạc bộ, cầu thủ đội bóng nước ngoài cũng bị "ném đá'.
Trị bệnh chỉ bằng môi trường dân chủ
Theo tôi chẳng có phương thuốc nào hiệu nghiệm bằng "tự do ngôn luận", "tự do báo chí" - thứ "thuốc" mà cha ông ta, trong đó có cả các bậc tiền bối cộng sản đã đòi thực dân Pháp từ trăm năm trước, và cũng đã được đáp ứng ít nhiều, để làm nền tảng cho báo chí cách mạng ngày nay.
Không có được thứ thuốc đó, thì vài bài viết kiểu như trên của báo quốc doanh chỉ như tiếng kêu rên vào thinh không, thậm chí chĩa mũi dùi vào dân chúng, mà không dám chỉ thẳng vào căn nguyên chính là bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức phải chịu trách nhiệm trên hết cho những thói hư tật xấu của xã hội.
Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm)
Nguồn : BBC, 29/02/2020
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, cựu Thiếu tá An ninh công an Việt Nam, từng làm việc tại Cục bảo vệ chính trị 1, cựu tù nhân chính trị, ông hiện đang sinh sống tại Hà Nội như một blogger và nhà báo tự do.
Những điều không mới
Những ngày đầu năm học mới 2019-2020, báo Tuổi Trẻ có thực hiện bài phỏng vấn ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo. Bài báo có tựa đề : "Bộ trưởng Bộ giáo dục – đào tạo : năm học mới ưu tiên "dạy người" [1].
Việt Nam vẫn đang dạy cái thế giới không còn dạy - Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Thế Bảo phát biểu trong tọa đàm - Ảnh minh họa
Trước hết, xin được nói ngay là tôi không có ý bắt bẽ câu chữ mà rất chia sẻ với vị "tổng tư lệnh" ngành giáo dục về "thông điệp" của ông bằng tinh thần và cái nhìn tích cực nhất. Nghĩa là, tôi hiểu ý của ông Bộ trưởng muốn nói rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất của toàn ngành giáo dục trong năm học này là phải ưu tiên việc "dạy cho học sinh làm người" hay chính xác hơn nữa là "dạy cho thế hệ trẻ Việt Nam Nên Người", thành những con người đàng hoàng, tử tế… (chứ không như những gì tôi biết thì ngay sau đó cộng đồng mạng cũng đang phân tích và diễn giải theo hướng hài hước và tếu táo : "ông Bộ trưởng nói năm nay"ưu tiên dạy người" vậy những năm trước đây ngành giáo dục ưu tiên dạy ai, chẳng lẽ không phải người").
Tuy vậy, như ông bà ta thường nói "danh có chính thì ngôn mới thuận", hay nói khác đi, ngôn ngữ là sự phóng chiếu, phản ánh tư duy và nhận thức của mỗi cá về một vấn đề nào đó. Thế nên, sau khi đọc đi đọc lại bài trả lời phỏng vấn của ông Bộ trưởng không hiểu sao tôi lại thấy hoang mang hơn cho cái sứ mệnh "trồng người" của ngành giáo dục hiện nay (và có lẽ sẽ còn kéo dài trong tương lai) ?
Tôi hoang mang vì những điều ông Bộ trưởng nói tuy không hẳn là sai nhưng với tôi đó vẫn là cách nói chung chung về một vấn đề hoàn toàn chẳng có gì mới mẽ. Nếu tôi nhớ không lầm thì vấn đề ưu tiên dạy làm người cho thế hệ trẻ đã được rất nhiều các nhà giáo, nhà văn hóa tâm huyết đã đau đáu và trăn trở cũng như nhiều lần lên tiếng cảnh báo cách nay cũng có hơn 30 năm. Trong tư cách của một Bộ trưởng – "tổng tư lệnh" của toàn ngành giáo dục, tôi nghĩ Giáo sư Tiến sĩ Phùng Xuân Nhạ hẳn cũng đã từng nghe phát biểu rất chân thành, thẳng thắn và nổi tiếng của cố Giáo sư Hoàng Tụy – một nhà giáo đáng kính vừa mới tạ thế cách đây không lâu – rằng : "Giáo dục Việt Nam đang đi lạc đường !" [2]. Cách nói "lạc đường"này của cố Giáo sư Hoàng Tụy theo tôi hiểu cũng bao hàm vấn đề "dạy làm người" mà ông Bộ trưởng đã nói ở trên. Nghĩa là, thời gian qua nền giáo dục nước nhà đã thay vì chú trọng đến việc dạy cho thế hệ trẻ những giá trị làm người cốt lõi và mang tính phổ quát nhất của nhân loại chỉ chăm chăm hướng đến việc nhồi nhét kiến thức một chiều ; hoặc không thì chỉ hướng đến việc thi cử và báo cáo thành tích về trên…Và tiếc thay sự cảnh báo này của cố Giáo sư Hoàng Tụy và rất nhiều người nữa từ đó đến nay dường như rất ít được "những người có trách nhiệm" chân thành lắng nghe để điều chỉnh, thay đổi dù rằng trong nhiều năm qua Nhà nước đã bỏ ra rất nhiều kinh phí cho các đề án, dự án nhằm "đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục…"
Ai sẽ là người tiên phong hành động ?
Trong bài trả lời phỏng vấn của mình, ông Bộ trưởng có nhắc lại và đặc biệt nhấn mạnh đến quan điểm giáo dục"toàn diện", "vừa giỏi vừa ngoan", "vừa hồng vừa chuyên" cho thế hệ trẻ… Những điều này, theo ông đang được những người tổ chức xây dựng và biên soạn chương và sách giáo khoa mới quán triệt, vận dụng và sẽ triển khai đại trà trong thời gian tới :
"Chương trình giáo dục phổ thông mới nhấn mạnh mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Mọi môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình mới, ở các mức độ khác nhau đều có nhiệm vụ phát triển năng lực, bồi đắp tâm hồn, giá trị sống cho học sinh thông qua nội dung và phương pháp giáo dục truyền cảm hứng, tạo động lực để học sinh "học qua làm" mà phát triển phẩm chất, năng lực".
Ngoài ra, ông Bộ trưởng cũng không quên đặt vấn đề "nêu gương của đội ngũ thầy cô giáo", đặc biệt là "vai trò của các hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tư vấn tâm lý, cán bộ Đoàn, Hội, Đội có vị trí then chốt" như một giải pháp nhằm hiện thực hóa nhiệm vụ dạy làm người của toàn ngành giáo dục trong năm học này.
Những điều ông Bộ trưởng nói quả rất hay nhưng rất tiếc tôi phải nói rằng tất cả vẫn chỉ là lý thuyết suông mà thôi. Hay nói khác đi, nghe ông Bộ trưởng nói, tôi chỉ thấy băn khoăn và tự hỏi trong điều kiện và bối cảnh của ngành giáo dục Việt Nam hiện nay ai sẽ là người tiên phong hành động nhằm cụ thể hóa vấn đề này ? Quan trọng hơn nữa là sẽ bắt đầu từ đâu và như thế nào để mang lại kết quả cao nhất ?
Bằng trải nghiệm và sự quan sát của cá nhân về những gì đã và đang xảy ra trong ngành giáo dục nhiều năm qua, tôi rất đồng cảm và chia sẻ quan điểm của nhiều nhà giáo, nhà văn hóa tâm huyết, rằng giáo dục Việt Nam để không còn "lạc đường" (như cách nói của cố Giáo sư Hoàng Tụy ở trên) nữa thì nhất định phải dũng cảm "dỡ ra" để "làm lại". Đặc biệt là phải xuất phát từ điểm mấu chốt nhất đó là thay đổi tư duy về các vấn đề liên quan đến BỘ MÁY LÃNH ĐẠO VÀ QUẢN LÝ các cấp trong toàn ngành giáo dục. Cụ thể hơn là cần có sự đột phá trong VẤN ĐỀ LỰA CHỌN CON NGƯỜI để giao trọng trách tổ chức và điều hành nhằm cụ thể hóa những chủ trương chính sách giáo dục của Nhà nước. Những con người được lựa chọn nhất định ngoài năng lực về chuyên môn thì SỰ TRUNG THỰC VÀ LÒNG TỰ TRỌNG – những phẩm chất hàng đầu có tính phổ quát trong đạo lý làm người – phải là tiêu chí quan trọng nhất.
Có một logic thông thường và cũng là một quy luật không thể chối cãi là chúng ta không thể "cho", không thể dạy người khác những gì mà mình không có.
Một nền giáo dục mà sinh viên sư phạm khi ra trường muốn được hành nghề phải lót tay, chung chi…
Một nền giáo dục bị chi phối bởi căn bệnh phong trào và thành tích năm này qua năm khác.
Một nền giáo dục mà các thầy cô giáo muốn đủ điều kiện để "thăng hạng" phải đi "mua chứng chỉ ngoại ngữ" trong sự dối trá vì những quy định trên trời của người làm chính sách từ phòng lạnh…
Một nền giáo dục mà những người đứng đầu và chịu trách nhiệm tổ chức thi cử nhưng đã vì tiền mà sẵn sàng thay đổi kết quả sao cho có lợi cho con em mình ;
Một nền giáo dục mà thầy đánh trò, trò đánh thầy, phụ huynh xông vào trường nhục mạ, xúc phạm thậm chí hành hung giáo viên…
Một nền giáo dục mà một vị Thứ trưởng một ngày nọ đến văn phòng làm việc rồi không hiểu sao lại "rơi tự do" từ tầng 8 xuống đất chết không một lời trăn trối nhưng tuyệt đại đa số dân chúng chẳng ai biết được nguyên nhân chính xác là gì…
Một nền giáo dục mà bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ… được ngã giá và mua bán theo "đúng quy trình"…
Một nền giáo dục mà những kẻ bán phá giá tri thức trên giảng đường cũng được gọi là Giáo sư ; hay một nền giáo dục mà nạn "đạo văn" hoành hành đến nỗi một ông Giáo sư Tiến sĩ bị phát hiện gian dối trong nghiên cứu khoa học trong suốt một thời gian dài (trở thành "vụ án thế kỷ") nhưng vẫn hoàn toàn bế tắc trong khâu xử lý… thì có phải nền giáo dục ấy đang cố tình chà đạp, coi thường, rẻ rúng sự trung thực và lòng tự trọng của con người hay không ?
Một nền giáo dục bầy hầy, tan hoang, nát bét như vậy thì có gì mà tự hào về "những thành tựu vượt bật". Và thay vì tự hào, tự sướng như thế sao không chân thành tự vấn xem còn có mấy ai trong bộ máy giáo dục hiện nay (từ những người lãnh đạo, quản lý cao nhất đến các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp…) đủ trong sạch để "nêu gương" trước những mầm xanh của đất nước ? Ai có thể dõng dạc, đường hoàng nói với thế hẹ trẻ hôm nay về những bài học làm người đặc biệt là về LÒNG TỰ TRỌNG VÀ SỰ TRUNG THỰC trong cuộc sống mà sau đó không phải xấu hổ khi đối diện với LƯƠNG TÂM mình ?
Thay lời kết
Người xưa nói, "nhân vô thập toàn", điều này có nghĩa là không ai "toàn diện" về mọi mặt vì đơn giản tất cả là con người chứ không phải "thần thánh". Và cho dù có hấp thu, thụ hưởng bất kỳ một chương trình giáo dục nào đi nữa thì sau đó vẫn cứ là con người không toàn diện.
Một nền giáo dục mà ở đó những người đang được giao trọng trách "trồng người" khác nhưng trên thực tế chính những con người ấy tự "trồng mình" còn chưa/không xong nhưng lại ôm đồm và tham vọng biến thế hệ trẻ Việt Nam trong tương lai thành "thần thánh" thì có ảo tưởng và trái khoái lắm không ?
Liệu chúng ta sẽ hi vọng gì về khả năng thành công với cái "dự án" "dạy làm người" nhất là với quan điểm và cách tiếp cận vấn đề này của ông Bộ trưởng hay cụ thể hơn là nguyên cái đề án "đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà" đã và đang được triển khai bởi những con người cũ ? Tại sao ông Bộ trưởng và những người có trách nhiệm trong bộ máy điều hành, chỉ đạo không tiếp cận vấn đề dựa trên thực tế những tồn tại và bất cập của ngành giáo dục hiện nay để có những bước đi phù hợp và hiệu quả nhất ? Hay nói khác đi, tại sao "thế giới người lớn" hôm nay không thể hiện sự trung thực của bản thân qua những việc làm cụ thể để thế hệ trẻ được tận mắt chứng kiến thay vì cứ hô hào, nói về những điều to tát, lớn lao trong khi bản thân lại thiếu hụt hay thậm chí là hoàn toàn không có ?
Các vị đã và đang phá nát nền giáo dục này, đã và đang làm cho nền văn hóa của dân tộc này suy đồi đến tận đáy rồi, tay đã nhúng chàm quá nhiều lần rồi mà vẫn chưa chịu tỉnh thức sao ? Bao giờ thì các vị mới chịu quay đầu và sám hối đây ?
Quách Hạo Nhiên
Nguồn : viet-studies, 12/11/2019
------
Nguồn tham khảo :
[1] Bộ trưởng Bộ giáo dục – đào tạo : năm học mới ưu tiên "dạy người".
Có một thời Việt Nam lưu truyền câu nói về các ngành học được chuộng trong giới sinh viên học sinh và các phụ huynh Việt Nam rằng, "nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa, bỏ qua Sư Phạm". Cái ngành Sư Phạm vất vả lại kiếm sống khó khăn, ra trường phải đi dạy xa nếu chẳng quen biết hay có tiền lo lót, nên chẳng ai khuyến khích con cái theo học Sư Phạm, cái nghề học để có tiếng làm "thầy" là vậy.
Mối quan hệ thầy-trò và phụ huynh trong giáo dục Việt Nam - Hình minh họa.
Một cô giáo trẻ từng cho biết rằng, lúc ra trường muốn ở lại ngay thành phố tỉnh lỵ của mình, gia đình cô phải lo lót đến ba trăm triệu để được nhận vào dạy với mức lương chỉ khoảng bốn triệu một tháng. Làm phép tính nhẩm cũng thấy xem như cô dạy không công hơn sáu năm trời mới lấy đủ lại số tiền đã bỏ ra, nhưng vì không muốn bỏ nghề đã vất vả học nên gia đình đành phải chạy vạy để lo liệu.
Ngành Sư Phạm vốn từng bị né tránh như vậy nhưng cho đến nay, trong khi vẫn chẳng khá hơn về mặt vật chất mà về mặt tinh thần thì ngày càng bị xem thường, thậm chí bị học trò thất lễ hay phụ huynh hành hung thường xuyên hơn. Mặt khác, những thước phim ghi lại dăm vụ hành hung, sỉ nhục học trò của một vài thầy cô giáo nào đó đã tạo thêm cho công luận cái nhìn thiếu thiện cảm và mất tin tưởng về chức nghiệp vốn xưa nay được kính trọng, một chữ cũng thầy. Muốn hay không và lý do gì, những tin tức tiêu cực từ thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh đó đây đã làm mối quan hệ tay ba giữa thầy-trò-phụ huynh ngày càng trở thành mối quan hệ đối đầu, có chiều hướng xấu đi.
Các số liệu cho thấy Việt Nam hiện có khoảng 1.3 triệu giáo viên và khoảng 22 triệu học sinh các cấp, tức có tỉ lệ khoảng 17 học sinh mỗi giáo viên, tương đương với tiêu chuẩn chung tại các quốc gia phát triển, như tại Mỹ trung bình là vào khoảng 16 học sinh mỗi giáo viên. Tuy nhiên đây chỉ là một số liệu mang tính tương đối để có khái niệm về hệ thống giáo dục tại Việt Nam vì tỉ lệ này thay đổi, dao động khá rộng theo từng địa phương, có nơi một giáo viên phải đứng lớp đến bốn, năm chục học sinh. Nó cho thấy số lượng giáo viên không thiếu dù việc đào tạo nghề nghiệp đặc biệt này còn nhiều điều để nói. Như theo một cuộc trả lời phỏng vấn của ông Hoàng Đức Minh thuộc Bộ Giáo Dục-Đào Tạo cho biết là có khoảng bốn đến năm trăm ngàn giáo viên cần được tái huấn luyện. Đó là một vấn đề khác của hệ thống đào tạo của Việt Nam, còn câu chuyện ở đây là về mối quan hệ giữa phụ huynh và thầy cô giáo tại Việt Nam hiện nay như thế nào ?
Trong thời gian vừa qua, dư luận đang tranh cãi việc có nên gắn camera thu hình ngay trong lớp học hay không và tại sao phải làm điều này ? Phụ huynh lấy những thước phim thầy cô giáo bạo hành thể xác, tinh thần cho đến xâm hại tình dục học sinh để ủng hộ đề nghị này. Thầy cô giáo tận tụy với nghề thì cảm thấy mình bị xúc phạm, bị xem như những "phạm nhân" đang bị theo dõi. Mỗi bên đều có lý lẽ, cũng như có dăm lý do và cách giải thích để ủng hộ hay phản đối đề nghị này. Nhưng việc gắn camera với lý do gì đã chứng tỏ mối quan hệ giáo viên-phụ huynh đã có sự thương tổn và xem như lòng tin về những người nghề giáo không còn. Mà rốt cuộc, ai là người thiệt thòi ? Tất nhiên là cả ba phía, mà hơn hết vẫn là học trò. Và xa hơn, là cả tương lai quốc gia khi giáo dục là nền tảng để phát triển một quốc gia.
Giới giáo dục vẫn luôn chỉ ra rằng, một mối quan hệ tích cực, tin tưởng giữa thầy cô và phụ huynh luôn đem lại nhiều ích lợi cho các em học sinh. Các em cảm thấy gắn bó với trường lớp, đến trường với tâm trạng phấn chấn hơn, thấy mình được quan tâm và yêu thương từ những người đóng vai trò quan trọng nhất trong cuộc đời mình, để rồi từ đó tạo ra sự thành công trong học đường. Để thiết lập mối quan hệ tích cực này cần có sự đối thoại thẳng thắn và thông hiểu dựa trên nền tảng tương kính lẫn nhau, phụ huynh không quá can dự vào mối quan hệ thầy-trò vì chính các em cũng cần học hỏi một kỹ năng thiết lập mối quan hệ với xã hội ngoài gia đình và biết cách lên tiếng trước những sai trái nào đó trong môi trường học đường. Và cuối cùng là, cả hai phía cùng tìm giải pháp cho các khác biệt thay vì bào chữa hay chỉ trích, tấn công nhau. Tất cả những điều này được làm chỉ trong mục đích chung là đem lại lợi ích tốt nhất cho các em. Bằng ngược lại, một mối quan hệ xấu giữa thầy cô và phụ huynh sẽ tạo ra nhiều ảnh hưởng tinh thần nguy hại cho các em trong việc phát triển thành một người trưởng thành tử tế, có nhân cách cho xã hội.
Tất nhiên mỗi nhân tố trong mối quan hệ thầy-trò và phụ huynh này cần hiểu và có trách nhiệm trong việc thiết lập và phát triển mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn. Không chỉ các em được dạy "tiên học lễ" mà chính các thầy cô giáo và phụ huynh cũng cần học và thực hành cái lễ với nhau trong mối quan hệ này. Ngành giáo dục không thể có chỗ cho những người thiếu lương tâm chức nghiệp và những phụ huynh quá khích phải chịu trách nhiệm pháp luật về hành xử của mình. Nhưng nói vẫn dễ hơn làm, bởi chừng nào hệ thống và cơ chế giáo dục tại Việt Nam còn chú trọng quá mức vào điểm số, thi cử, vào căn bịnh thành tích và thi đua hơn là vấn đề thực học của một nền giáo dục khai phóng, thì chừng đó những áp lực nặng nề mà mỗi cá nhân trong bộ ba thầy-trò và phụ huynh đang gánh nặng sẽ khó lòng giúp họ làm tốt trách nhiệm và vai trò của mình.
Đinh Yên Thảo
Nguồn : VOA, 23/10/2019
Nhà dột từ nóc
Ngôi trường giáo dục Việt Nam đang dột từ nóc khi hàng loạt các vị thầy đáng kính, từ thầy giáo đến thầy tu đang bị khinh miệt, tẩy chay vì những hành vi, phát ngôn phản giáo dục, xem thường lẽ phải, cổ xuý lối sống thực dụng, sa đoạ và cuồng vật chất.
Nếu như thầy trụ trì của chùa Địa Ngục chịu khó tu thân, sống khắc khổ, làm gương cho phật tử…chắc chắn phật giáo Việt Nam sẽ có thêm một vị chân tu đáng kính, hàng ngàn tín đồ ngoan đạo. Nhưng ngược lại, vị thầy này lại mải mê đầu tư công sức vào các dự án phá rừng, tàn phá hệ sinh thái quí hiếm, ít ỏi của một nước Việt tang thương.
Chưa dừng lại ở đó, vị trụ trì này còn thể hiện lối sống phản tu hành, ở mức cao độ, khi không ngần ngại dùng những lời lẽ thô tục, cử chỉ bệnh hoạn để gạ tình phụ nữ. Hành vi này sẽ còn tiếp diễn nếu như những bằng chứng không thể chối cãi (băng ghi âm) không được tung ra. Nó như một vết nhơ không thể tẩy rửa trên khuôn mặt đầy những bê bối bẩn thỉu của giáo hội Phật giáo quốc doanh.
"Thầy" Thích Thanh Toàn
Dư luận chưa hết bàng hoàng về sư thầy Thích Thanh Toàn thì đến lượt thầy giáo có cái tên rất hay, rất có tính giáo dục : Vũ Khắc Ngọc. Người viết hiểu từ "khắc" có nghĩa là nghiêm khắc rèn luyện, tu dưỡng và gọt giũa để sáng đẹp như "ngọc". Cái tên này trở nên cao quí khi thầy có hành động dũng cảm tố giác và vạch trần những gian dối trong công tác chấm thi ở Hà Giang.
Nhưng dư luận đã một phen ngã ngửa khi thầy giới thiệu với không chỉ Việt Nam, mà cả thế giới một "chân lý mới" : tranh đấu cho lẽ phải, tự do, dân chủ chỉ là trò cười, là gây rối, phá hoại, và không đáng gì so với điều quan trọng nhất là "nồi cơm", khi thầy quyết liệt chống lại cả thể giới dân chủ văn minh bằng cách kết án phong trào biểu tình ở Hồng Kông. Càng đáng trách hơn, khi thầy Ngọc cảnh báo giới trẻ Việt Nam đừng dại dột bắt chước Hồng Kông.
Nhưng "thần tượng" Vũ Khắc Ngọc cảm thấy như thế vẫn chưa tương xứng với "tình yêu" mãnh liệt mà ông dành cho nồi cơm, mà ông đánh tráo khái niệm thành quê hương. Nên ngay khi có thông tin Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, ông đã tổ chức một cuộc tấn công làm rung chuyển cả làng truyền thông quốc tế, khi trong nháy mắt đã hạ gục một trong những ứng dụng ăn khách nhất Việt Nam : Air Visual.
Chỉ bằng lời kêu gọi cộng đồng, những người chưa có nhận thức đúng về chính trị, xã hội, hiện thực đời sống, đồng loạt chấm điểm thấp nhất (1 sao), hòng tẩy chay công cụ đo ô nhiễm không khí đình đám này, dù thầy không trưng ra bất cứ một bằng chứng thuyết phục nào.
Kết quả như thế nào chúng ta đã biết, Air Visual phải rời khỏi Việt Nam không kèn, không trống. Vũ Khắc Ngọc đã tự bôi bẩn không chỉ cái tên rất đẹp, mà còn cả thanh danh và lương tâm của chính mình, khi thể hiện một bản chất rất đặc trưng của giáo dục Việt Nam : gian dối, chụp mũ, vu khống và xu nịnh.
Sám hối và lời xin lỗi muộn màng
Sau những tội lỗi và bằng chứng quá rõ ràng, thầy Thích Thanh Toàn phải sám hối đại tăng và xin hoàn tục. Nhưng thầy vẫn không chịu dừng việc bôi bẩn cửa phật, khi đòi chia tài sản nhà chùa một cách quyết liệt như lúc đòi tình nữ phóng viên.
Đến đây, chúng ta không thể tưởng tượng nổi sự băng hoại của một chốn từng là nơi con người tìm đến để buông bỏ buồn phiền, tìm kiếm sự tịnh tâm.
Thầy Vũ Khắc Ngọc cũng cho thấy mình không thua kém thầy Thích Thanh Toàn là bao, khi chỉ nỗ lực cứu vớt thanh danh của mình bằng cách xin lỗi nhà phát triển ứng dụng Air Visual một cách giả tạo và nguỵ biện. Còn hàng triệu người Việt bị ảnh hưởng, chịu thiệt thòi khi mất đi công cụ bảo vệ sức khoẻ đắc lực, thì thầy không thèm đếm xỉa.
Tại sao ? Hai người thầy trên là những "viên ngọc quí" của môi trường xã hội chủ nghĩa. Nơi đã biến từ "giáo dục" trở thành thô tục. Vì ở đâu có "giáo dục" theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì ở đó có những con người hành xử như kẻ vô học.
Ở đâu có khẩu hiệu "tiên học lễ" ở đó có những phát ngôn tục tĩu như thầy Ngọc đã minh chứng. Ở đâu có những ông thầy "được định hướng" ở đó có những kẻ tiểu nhân, biến thái. Ở đâu rêu rao "học theo tấm gương cần, kiệm, liêm, chính… ở đó có tham nhũng, lãng phí, gian trá, nịnh bợ…
Nền giáo dục của Việt Nam ta không phải tự nhiên trở nên đáng xấu hổ, mà nó có sự đóng góp hàng ngày, hàng giờ của thói quen luồn lách, tư duy khôn lỏi, nhồi sọ, xem thường lẽ phải.
Chúng ta chỉ gặt hái được "trái ngọt" nếu chúng ta chịu gieo mầm niềm tin, sự thật, công lý và hoà bình.
Việt Nghĩa
(9/10/2019)