Văn Thái, VNTB, 15/08/2020
Theo tin Đan Viện Thiên An cho biết, sáng 13/08/2020, "một nhóm khoảng 50 người đã xông vào khuôn viên nội vi của đan viện ngang nhiên đóng cọc rào dây thép gai chiếm đất. Có nhiều thanh niên xăm trổ hung hăng đứng bảo vệ vòng trong vòng ngoài để những kẻ kia đóng cọc giăng dây. Những kẻ này luôn đội mũ bảo hiểm để sẵn sàng tư thế va chạm".
Trong lúc này, thì các đan sĩ của Đan viện Thiên An vẫn là hợp lòng sống Kinh Hòa Bình : "Lạy Chúa từ nhân ! Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa : Để con đem yêu thương vào nơi óa n thù ; Đem thứ tha vào nơi lăng nhục ; Đem an hòa vào nơi tranh chấp ; Đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nghi nan ; Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng ; Để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm ; Đem niềm vui đến chốn u sầu.
Lạy Chúa xin hãy dạy con : Tìm an ủi người hơn được người ủi an ; Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết ; Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời !".
Tranh chấp đất đai ở Việt Nam là một câu chuyện thuộc ‘bi kịch thời hậu chiến’, với việc đất đai đều được "quốc hữu hóa" kể từ sau tháng tư, 1975 – bao gồm cả đất đai tôn giáo.
Với Đan viện Thiên An ở thành phố Huế, có lẽ lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đang thiếu một tham mưu cho việc cùng ngồi lại với nhau, thay vì ‘đối đầu’ bằng những viện dẫn khô cứng của "đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý".
Thành phố Huế, từ đường Minh Mạng đi lên, đâm thẳng tiếp đường Khải Định đến khi nào ở bên phải đường xuất hiện một ngã rẽ với tấm biển "Đan viện Thiên An". Từ giây đầu tiên rẽ vào, du khách phương xa sẽ bắt gặp hình ảnh rừng thông quen thuộc ở Đà Lạt, vốn dĩ rất khó tin có thể xuất hiện ở cố đô. Sau cung đường hơn một cây số phủ hai bên bởi rừng thông được trồng ngay lối và đều mắt chính là khu đan viện.
Tên đầy đủ là Đan viện Biển Đức Thiên An. Linh mục người Pháp Dom Romain Guilauma cùng các đan sĩ người Pháp khác của Dòng Biển Đức (Bénedictine) đã quyết định cho xây dựng một Đan viện tại đồi Thiên An, Huế vào tháng 3 năm 1940.
Tôn chỉ của Hội Dòng Biển Đức, đó là : "Cầu nguyện và Lao động". Các đan sĩ có đời sống chiêm niệm, khổ hạnh trong cô tịch, trong cầu nguyện và một cuộc sống đơn giản, lao động chân tay ; Ân cần và chia sẻ những nỗi bất hạnh, khổ đau với tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ. Các đan sĩ sống hoàn toàn trong nội vi của đan viện, không có những hoạt động với bên ngoài.
Giáo trình quen thuộc của các hướng dẫn viên du lịch khi nói về điểm đến này : "Ở vị trí khá cao, bao quanh là rất nhiều cây xanh nên không khí tại đây thóa ng đãng, pha lẫn chút se lạnh càng khiến cho Đan viện Thiên An trở nên huyền ảo và thơ mộng hơn. Vẻ đẹp e ấp đó được ví như sự dịu dàng của người con gái xứ Huế.
Không chỉ được biết đến như một điểm văn hoátín ngưỡng, tâm linh của người dân trong vùng, với vẻ đẹp đầy lãng mạn như thế, du khách tới Đan viện Thiên An Huế đôi khi là để trải nghiệm cảm giác hòa mình vào khung cảnh hữu tình nơi đây.
Những khi tiếng chuông nhà thờ cất lên tạo thành những âm thanh vang vọng, hình ảnh đoàn người đứng lặng yên hướng về nhà thờ sẽ tạo cho du khách một cảm giác bình yên, sâu lắng như góp phần trút bỏ đi những âu lo, phiền muộn trong cuộc sống thường nhật…".
Trong quản lý hành chính của Thừa Thiên Huế, ông Phan Thiên Định – phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, được phân công phụ trách (trích) : Tài nguyên và môi trường ; giá đất ; đền bù, giải tỏa mặt bằng, tái định cư ; Xây dựng và quản lý đô thị ; quản lý nhà thuộc sở hữu nhà nước, trụ sở cơ quan nhà nước ; tài sản công ; Bưu chính, viễn thông ; công nghệ thông tin ; báo chí và xuất bản ; Văn hóa, thể thao, du lịch ; Tôn giáo ; Quy chế thực hiện dân chủ, dân vận chính quyền ; Theo dõi và chỉ đạo các hội, đoàn thuộc lĩnh vực phụ trách ; Theo dõi và chỉ đạo các tổ chức tư vấn phối hợp liên ngành thuộc lĩnh vực phụ trách (Theo Quyết định 612/QĐ-UBND ngày 05/3/2020 của UBND tỉnh).
Với quyền quản lý hành chính khá rộng như phần trích ở trên cho thấy ông Phan Thiên Định đã quên mất chuyện trong Luật Đất đai – đối với trường hợp như Đan viện Thiên An, ông có thể ‘vận dụng’ các điều luật số 158 "Đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh", điều 159 "Đất cơ sở tôn giáo". Đây là hai điều luật mà nếu ông vận dụng khéo léo, thì khu đồi Thiên An có thể là một khu du lịch tâm linh ‘tân tạo’ tương tự như khu Bái Đính (Bái Đính tân tự – Chủ trì thiết kế kiến trúc là giáo sư, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính) ở cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.
Cụ thể, Luật Đất đai, Điều 3.9 : "Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất là việc Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất ổn định mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đối với thửa đất xác định", được hướng dẫn thực hiện như sau tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP :
"Điều 21. Căn cứ xác định việc sử dụng đất ổn định
1. Sử dụng đất ổn định là việc sử dụng đất liên tục vào một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc đến thời điểm quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận).
2. Thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định căn cứ vào thời gian và nội dung có liên quan đến mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các giấy tờ sau đây : a) Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất ; b) Biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất, biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc xây dựng công trình gắn liền với đất ; c) Quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực thi hành, quyết định thi hành bản án của cơ quan Thi hành án đã được thi hành về tài sản gắn liền với đất ;
d) Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực thi hành ; biên bản hòa giải tranh chấp đất đai có chữ ký của các bên và xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất ; đ) Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có liên quan đến việc sử dụng đất ;
e) Giấy tờ về đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn tại nhà ở gắn với đất ở ; Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh, giấy tờ nộp tiền điện, nước và các khoản nộp khác có ghi địa chỉ nhà ở tại thửa đất đăng ký ; g) Giấy tờ về việc giao, phân, cấp nhà hoặc đất của cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất ; h) Giấy tờ về mua bán nhà, tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về mua bán đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan ;
i) Bản đồ, sổ mục kê, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ ; k) Bản kê khai đăng ký nhà, đất có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã tại thời điểm kê khai đăng ký.
3. Trường hợp thời điểm sử dụng đất thể hiện trên các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều này có sự không thống nhất thì thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định theo giấy tờ có ghi ngày tháng năm sử dụng đất sớm nhất.
4. Trường hợp không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều này hoặc trên giấy tờ đó không ghi rõ thời điểm xác lập giấy tờ và mục đích sử dụng đất thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu xác nhận trong khu dân cư (thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố) nơi có đất".
Giả dụ như đề xuất với ông Phan Thiên Định như nêu trên được chấp thuận, thì xem ra diện tích đất đai mà Đan viện Thiên An lâu nay vẫn phải ‘khiếu nại’, không bằng một phần mười so tỉnh Ninh Bình đã ‘cấp’ cho quần thể tâm linh chùa Bái Đính : 107 héc ta so với 1.700 héc ta.
"Nhỏ nhưng có võ", người Việt hay nói vậy.
Quần sơn này ở Huế gồm 140 ngọn đồi gối đầu lên nhau, điểm cao nhất chính là ngọn đồi có đan viện tọa lạc. Vừa vào khuôn viên đan viện Thiên An, bên phải có đồi Đức Mẹ, ẩn sâu một cách kín đáo trong rừng thông bên là đồi Thánh Giá.
Nếu xét về mặt ‘địa chính trị’ trong mối quan hệ với Tòa thánh Vatican, cho thấy khi lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế chọn bảo vệ gia sản cảnh quan cho Huế tại khu vực Đan viện Thiên An, thì đây sẽ là khu du lịch tâm linh của tu viện Công giáo tại Huế – nơi nổi tiếng là vùng đất có trên 300 ngôi chùa Phật giáo, trong đó trên 100 cổ tự.
Lá phiếu tín nhiệm cho ‘đại đoàn kết các tôn giáo’ ở Huế dành cho những chính khách trong kỳ Đại hội Đảng lần thứ 13 sắp tới, chắc chắn sẽ được ghi nhận.
Văn Thái
Nguồn : VNTB, 15/08/2020
************************
Vì sao Đan Viện Thiên An (Huế) lại bị khủng bố ?
Tuấn Khanh, RFA, 11/08/2020
Đan Viện Thiên An, Huế, đang đối diện với lực lượng "quần chúng" bao vây và khủng bố suốt nhiều ngày. Mục đích của đám đông bịt mặt hung hăng và khiêu khích này, nói rằng các tu sĩ của Đan Viện Thiên An đã xúc phạm người dân trong khu vực này khi dựng bia ghi lại lịch sử của Đan Viện bị sách nhiễu, cả tượng Chúa và Thánh Giá bị tấn công xúc phạm, mà sự việc vốn diễn ra suốt từ 2017 đến nay.
Theo dõi video, người ta tìm thấy hành động và phong cách của từng người trong nhóm bao vây, lực lượng Đan viện Thiên An Huế hiện nay, không khác biệt lượng cờ đỏ đã từng tấn công linh mục Đặng Hữu Nam tại Nghệ An, và linh mục Nguyễn Duy Tân tại Đồng Nai.
Hình ảnh bên dưới là những gì diễn ra trong ngày 11 tháng 8 năm 2020.
Trước đó, vào ngày 7 tháng 8, các tu sĩ tại Đan Viện bất ngờ phát hiện có một nhóm viên chức của nhà nước không xưng tên, bịt mặt và xông thẳng vào khuôn viên của Đan viện, để đọc, chụp hình lại những gì ghi trên tấm bia đá đen này, rồi ra về với thái độ không vui. Mặc dù được chào hỏi và mời vào nhà khách, nhưng những người này đã không đáp lại và quay lưng ra về.
Vài ngày sau, một lực lượng bịt mặt rất hung hăng kéo đến Đan Viện, bao vây cả sáng lẫn chiều, đòi phải hạ tấm bia đá đen này xuống, đồng thời đòi trừng phạt những người lãnh đạo của Đan Viện. Nhưng nhiều tu sĩ của Đan Viện quen mặt với những người dân địa phương, đã sớm nhận không ít người trong số đó, là nhân viên của chính quyền giả dạng, trà trộn trong đám đông đó với nhóm quay phim, chờ phản ứng của các tu sĩ để lấy cớ gây chuyện.
Nội dung bia đá đen viết gì khiến cho chính quyền địa phương tại Thủy Bằng, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế tức giận như vậy ?
Dẫn :
"Thánh giá (tượng Chúa chịu nạn) là biểu tượng cao cả nhất của người Ki tô giáo trên khắp hoàn cầu, nhưng nhà cầm quyền Huế đã ngang nhiên xúc phạm biểu tượng này ngay trên phần đất Đan Viện Thiên An.
Đêm 16-5-2015, tượng Thánh giá Chúa bị kẻ gian lấy cắp. Hơn 3 tháng sau, tượng Chúa được tìm thấy trong tình trạng bị đập vỡ thành 3 khúc (lần 1).
Tượng được ghép lại gắn vào Thánh giá kim loại và dựng lên cách nơi tìm thấy khoảng 300m, nhưng chỉ sau ít ngày, lực lượng an ninh và cán bộ công quyền xâm nhập khu đất Đan viện, ngang nhiên tháo dỡ tượng Thánh (lần 2).
Chiều ngày 26-6-2017, tượng Thánh được các Đan sĩ dựng lên. Đến ngày 28-6-2017, hàng trăm nhân viên an ninh mặc thường phục và sắc phục, cán bộ địa phương, côn đồ lại xông vào nội vi Đan viện, hành hung đánh đập các Đan sĩ đang bảo vệ Thánh giá, bẻ gãy và hạ tượng Thánh xuống đất (lần 3).
Hôm sau, ngày 29-6-2017, nhà cầm quyền Huế tiếp tục điều động người của mình, đến hành hung các Đan sĩ đang bảo vệ đất đai, nhà của của Đan viện. Làm nhiều Đan sĩ bị trọng thương".
Nhà cầm quyền âm mưu xóa bỏ những chứng tích hiển nhiên này. Tập thể Quí Đan sĩ Đan viện Thiên An sẽ lại phải cùng nhau bảo vệ tài sản, bảo vệ công lý và quyền tự do Tôn giáo".
Bia đá đen này không hề nói bất kỳ điều gì liên quan đến người dân, nhưng đám đông xuất hiện và gào thét xung quanh Đan Viện suốt nhiều ngày, nói cần phải hạ xuống vì đây là những nội dung xúc phạm người dân ở khu vực này.
Năm 2018, nhà cầm quyền tổ chức quay hình những người đứng ra tố cáo, nói rằng các tu sĩ của Đan Viện là những kẻ đã đào trộm mộ của người dân, đồng thời còn hủy diệt tất cả gia phả của những người trong khu vực này. Tuy là nội dung tố cáo và đòi sẽ đưa ra tòa, nhưng cho đến tận hôm nay thì phía Đan viện vẫn chưa bao giờ nhận được một trát toànào, để đối chứng về lời tố cáo này.
Sau đó, năm 2019, người ta còn tìm thấy một số lời tố cáo khác, nói rằng, những tu sĩ Đan viện Thiên An đã hủy hoại môi trường xung quanh nơi đây. Nhưng rồi chính các tu sĩ lại khám phá rằng những lực lượng bịt mặt, tương tự như đã biểu tình trong suốt những ngày nay, đã lén lút tìm cách đốt đồi thông hoặc dùng dao rựa chặt phá cây xanh quanh Đan Viện.
Sự mâu thuẫn giữa Đan viện Thiên An và nhà cầm quyền, liên quan đến những nguồn tin nói rằng chính quyền địa phương muốn chiếm dụng vùng đất vàng chung quanh Đan Viện để kinh doanh du lịch sinh thái, nhưng còn vướng chủ quyền sử dụng hợp pháp từ Đan Viện. Dĩ nhiên, các tu sĩ ở đây sẽ không bao giờ chấp nhận bán đi bất kỳ tấc đất nào cho việc kinh doanh, cũng như không bao giờ chấp nhận để cho bạo quyền cướp đi, dù phải hy sinh mạng sống của mình.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 11/08/2020 (tuankhanh's blog)
Út Sài Gòn, VNTB, 13/08/2020
Ngay từ khi Đà Nẵng xuất hiện những ca về bệnh Covid-19, rất nhanh chóng, chính quyền thành phố Huế đã có những hành động thiết thực để bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân, như lập chốt kiểm soát người từ Đà Nẵng vào Huế, tích cực rà soát những người từ Đà Nẵng vào Huế, đội phản ứng nhanh vào giúp đỡ Đà Nẵng, bắt những trường hợp đi đường làng vào Huế…
Song, có lẽ do quá nhiều việc, nên phải chăng, chính quyền thành phố Huế đã ‘quên mất’ trường hợp của những con người tụ tập ở gần Thiên An, vừa gây rối cho các tu sĩ đồng thời gây nguy hiểm cho công tác phòng, chống dịch Covid.
– Anh Út ơi, bữa tui có coi một cái clip trên trang nào đó ở facebook, họ đăng ở Thiên An, có một đám người đến giăng biểu ngữ rồi quay phim này nọ nữa.
– À, tui có biết vụ đó, nhưng mà không rành lắm nên cũng không dám bình luận gì nhiều.
– Thật ra sâu xa vụ việc thì tui cũng không rõ. Có điều tui thấy lạ thế này, Việt Nam mình đang chung tay chống dịch Covid-19, nhiều tỉnh thành ban hành quy định như đeo khẩu trang nơi công cộng ; tạm thời đóng cửa quán karaoke, vũ trường ; khai báo y tế ; không tụ tập đông người… có một số nơi còn thực hiện như thời điểm giãn cách xã hội. Vậy mà sao cái đám người tới biểu tình ở Thiên An có thể tụ tập được nhỉ ?
– Ừ hen, chị Bảy nói tui mới để ý. Sao mấy người có vẻ giống biểu tình đó có thể tụ tập được ? Như tui thấy, mấy đợt biểu tình ở thành phố mình, tí xíu thôi là dẹp rồi. Còn mấy người này, mùa dịch nữa, lại được tụ tập.
– Đó là chưa kể họ còn quay phim, thế chẳng khác nào "lạy ông tôi ở bụi này", tui nhớ bữa đọc một bài trên báo điện tử, họ viết công an thành phố Huế cùng các đơn vị chức năng trên địa bàn đã phạt nhiều trường hợp vi phạm rồi mà sao họ còn dám quay phim ? Hay là họ có gì đó mà ngay cả chính quyền cũng không phạt được ?
– Cái đó ai mà biết được. Nhưng tui nghĩ thế này, đang trong thời gian xảy ra dịch Covid, dù có gì đi chăng nữa, mọi người cũng phải tuân thủ quy định chứ. Chính phủ còn không cho phép tụ tập đông người nữa cơ mà.
– Theo tui thấy thì mấy người kéo cả đám tới cần phải bị cơ quan chức năng truy tố mới được. Họ bất chấp quy định của chính phủ, bất chấp quy định của địa phương đưa ra. Đó là chưa kể, mình đâu có biết trong tất cả họ có thật sự an toàn hay không ? Có ai đo nhiệt độ hay kiểm tra sức khỏe họ đâu ? Nguy cơ cho cộng đồng. Tui ủng hộ cho việc chính quyền vào cuộc kiểm tra mấy người "lạ mặt" này.
– Nói gì nói chứ đúng là chính quyền Huế phải làm mạnh để làm gương cho nhiều người. Chứ không người ta tụ tập, làm sao phạt được ? Thí dụ như họ thắc mắc ủa sao tui thấy trên mạng, ở Thiên An, có tụ tập đông người sao không phạt đi thì nói làm sao ? Nhìn chung phải công bằng chứ hen.
– Chứ sao nữa, muốn phạt cũng dễ mà. Có quay phim lại mà, cứ căng theo đó mà tìm thôi. Đó là chưa kể hành động đó tui còn cho rằng, mấy người đấy đang gây rối, làm phiền Quý Đan Sỹ tu nữa. Gây rối trật tự nơi công cộng.
– Chị nói có lý. Mà tui nghĩ với một chính quyền có hàng loạt những động thái tích cực trong việc phòng, chống dịch Covid-19, họ sẽ không bỏ qua trường hợp này đâu. Biết đâu vài ngày nữa, báo điện tử đăng tin Huế phạt mấy người tụ tập, gây rối ở Thiên An không chừng. Mình cứ việc ngồi "hóng" và nhiều chuyện thôi….
Cả nước đang đồng lòng, chung tay chống dịch. Nhiều địa phương cũng ban hành quy định không tụ tập đông người. Và ngay trong thời điểm dịch, Huế cũng đã từng xử phạt những hành vi tụ tập đông người. Vậy sao trường hợp những người – có vẻ hơi giống biểu tình đang gây rối ở Thiên An, chừ mần ri mà Huế lại làm ngơ ?
Câu hỏi đặt ra, trong công tác phòng dịch, chính quyền Huế không lẽ nói một đằng, lại… làm một nẻo ?
Út Sài Gòn
Nguồn : VNTB, 13/08/2020
***********************
Loan Thảo, VNTB, 13/08/2020
Đó là nghi vấn của các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế – Giáo xứ Thái Hà.
Linh mục Võ Văn Giáo, người phụ trách đào tạo ở Đan viện Thiên An, vào tối ngày 11 tháng 8 nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau (1) :
"Nhìn chung thì không phải mục đích của họ đòi đất nữa, mà tại vì trong thời điểm này này anh em có khắc một phiến đá ghi lại tóm tắt lịch sử của cây thánh giá bị người ta hạ bệ, gọi là cây thánh giá Khổ Nạn.
Ghi tóm tắt mấy dòng đã được hơn một tuần nay rồi thì cái đó có lẽ làm cho nhà cầm quyền thấy sao sao đó, rồi họ kích động dân hay làm áp lực để mình có một cái động thái gì đó, chứ còn vấn đề đất đai chúng con có đụng đến ai đâu.
Thực tế thì người dân được Đan viện chúng con chia sẻ đất đai trước đây rất là nhiều từ năm 68, 75 được Đan viện cho đất, rồi mượn đất cách này cách khác.
Ngay cả gia đình ở bên cạnh thì Đan Viện cũng hỗ trợ đất đai làm sao có thể lấy đất của người khác được, làm sao mà Đan viện Thiên An có thể lấy đất của xã Thủy bằng được ?
Nếu bà con có mất đất thật sự thì thì cứ viết đơn lên kiện chính quyền đi, có gì thì đối chất với nhau chứ làm sao có những động thái như thế".
Báo Thừa Thiên Huế lâu nay khi đưa tin về các sự kiện liên quan tranh chấp đất đai ở khu vực Đan viện Thiên An, đều nghiêng về phía các đan sĩ nơi này đã cố tình vi phạm pháp luật về đất đai (2).
Trong bài báo "Không thừa nhận việc Đan viện Thiên An đòi hơn 107 ha đất và rừng thông" đăng trên Thừa Thiên Huế Online, số phát hành ngày 06/07/2017, viết rằng : "Dù đã có quyết định của Tổng Thanh tra Nhà nước về xác định nguồn gốc hơn 107 ha đất và rừng thông đồi Thiên An ở xã Thủy Bằng (Hương Thủy) nhưng Đan viện Thiên An cho rằng đó là đất của mình. Từ đó, đan viện nhiều lần tự ý xây dựng, lấn chiếm trái phép, sử dụng sai mục đích nhiều diện tích đất ở đồi Thiên An do Nhà nước quản lý".
Bài báo có những đoạn trích lời dẫn trực tiếp : "Chúng tôi đã mua từng lô đất nhỏ bắt đầu từ năm 1940 đến năm 1959 với tổng thể hơn 107 ha và chúng tôi đã làm tờ trích lục đất. Đến năm 1995, Nhà nước đo vẽ lại rồi cho rằng đất của Nhà nước", Đan sĩ Cao Đức Lợi (người của Đan viện Thiên An) đưa ra lý do.
Đan sĩ Cao Đức Lợi và Đan sĩ Võ Văn Giáo cho rằng, Đan viện Thiên An căn cứ vào tờ sao bản đồ do Ty Điền địa Thừa Thiên cấp ngày 17/5/1969, với tổng diện tích hơn 107 ha. Các giấy tờ liên quan đến diện tích hơn 107 ha đất mà phía Đan viện Thiên An đưa ra để chứng minh là phần đất của mình hầu hết đều là bản photo.
Bài báo có đoạn xác định thực tế là sau năm 1975, chính quyền từ miền Bắc vào đây đã quốc hữu hóa nhiều tài sản bất động sản, và giờ thì không có chuyện ‘trả lại’ :
"Ngày 5/3/1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam có Nghị định số 01/NĐ-75 nêu rõ về chính sách ruộng đất ; Quyết định số 31/QĐ-76 về việc quản lý sử dụng ruộng đất, tiếp đến là Quyết định số 188/CP ngày 25/9/1976 quy định về chính sách xóa bỏ triệt để tàn tích chiếm hữu ruộng đất và các hình thức bóc lột thực dân phong kiến ở miền Nam Việt Nam. Sau ngày thống nhất đất nước có Hiến pháp năm 1980, 1992, 2013, Luật Đất đai năm 1988, 1993, 2003, 2013 và các văn bản pháp luật khác về đất đai của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tất cả các văn bản trên đều quy định : Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý" (3).
Giả dụ như tất cả các bài báo liên quan đến sự kiện tranh chấp đất đai ở Đan viện Thiên An là ‘đúng’, thì cái sai lớn nhất ở đây lại không phải từ các vị đan sĩ, mà là chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thứ nhất, Luật tổ chức chính quyền địa phương, ở Điều 5 "Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương", ghi :
"1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật ; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. 2. Hiện đại, minh bạch, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân. 3. Hội đồng nhân dân làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. 4. Ủy ban nhân dân hoạt động theo chế độ tập thể Ủy ban nhân dân kết hợp với trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân".
Như vậy, chủ tịch Ủy ban nhân dân là đại diện quyền lực chung của nhà nước tại địa phương.
Thứ hai, một khi chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế được trao quyền lực đại diện nhà nước tại địa phương, thì phải có bổn phận thực thi Luật tín ngưỡng, tôn giáo – cụ thể trong trường hợp Đan viện Thiên An, là :
"1. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người ; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân. 3. Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo" – Trích Điều 3. Trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Thứ ba, nếu tuân thủ theo Điều 3, Luật tín ngưỡng, tôn giáo, thì chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục phải thực thi phận sự cho đại diện quyền lực nhà nước tại địa phương trong vụ việc đất đai Đan viện Thiên An, theo các nội dung luật định nêu ở Luật tín ngưỡng, tôn giáo :
"Điều 56. Việc quản lý, sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo
1. Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên tổ chức ; quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
2. Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.
3. Cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo được hình thành theo tập quán, do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng là tài sản thuộc sở hữu chung của cộng đồng.
4. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn tài sản bằng quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
5. Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài ; việc quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.
Điều 57. Đất cơ sở tín ngưỡng, đất cơ sở tôn giáo
Đất cơ sở tín ngưỡng, đất cơ sở tôn giáo được quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.
Điều 58. Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo
1. Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.
2. Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo thực hiện như quy định của pháp luật về xây dựng đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ xây dựng trong đô thị, trung tâm cụm xã, trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa, cách mạng.
3. Việc tu bổ, phục hồi cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo là di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng ; việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc các cơ sở này thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật về xây dựng".
Các nội dung tại Điều 56, 57, 58 kể trên phải được chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế làm căn cứ pháp luật để xét giải quyết các yêu cầu mà những đan sĩ ở Đan viện Thiên An đề đạt. Nếu việc giải quyết này vẫn còn lấn cấn về các văn bản pháp lý liên quan, thì mọi chuyện cần đến các bước tố tụng dân sự ở cấp tòa án.
Thứ tư, theo tin tức đăng trên RFA và nhiều tài khoản cá nhân mạng xã hội facebook, thì chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế đang chọn giải pháp dùng áp lực số đông mang tên ‘quần chúng’ để nhằm ‘lấy thịt đè người’, đưa đến ngờ vực về quyền lực nhóm của chính quyền địa phương đã cố tình bất chấp pháp luật, hòng chiếm bằng được các tài sản bất động sản, vốn là tài sản hợp pháp trước tháng 4-1975 của Đan viện Thiên An.
Pháp luật hình sự có điều khoản liên quan đến hành vi nói trên của chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, đó là "Tội phá hoại chính sách đoàn kết" được quy định tại Điều 116 Bộ Luật hình sự 2015, có hiệu lực ngày 01/01/2018.
Loan Thảo
Nguồn : VNTB, 13/08/2020
Chú thích :
(1)https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/so-called-spontaneous-groups-have-come-to-thien-an-monastery-in-hue-for-land-claims-08112020073201.html
(2)https://baothuathienhue.vn/phai-tren-tinh-than-thuong-ton-phap-luat-a43984.html ;https://baothuathienhue.vn/dan-vien-thien-an-can-thien-chi-hop-tac-a44070.html ;https://baothuathienhue.vn/dan-vien-thien-an-xay-dung-cac-cong-trinh-khong-phep-mot-cach-he-thong-a44121.html ;https://baothuathienhue.vn/khong-thua-nhan-viec-dan-vien-thien-an-doi-hon-107-ha-dat-va-rung-thong-a44163.html ;https://baothuathienhue.vn/nguoi-dan-kim-son-buc-xuc-voi-viec-lam-cua-dan-vien-thien-an-a52858.html ;https://baothuathienhue.vn/dan-vien-thien-an-thieu-ton-trong-phap-luat-a63896.html ;https://baothuathienhue.vn/tu-si-dan-vien-thien-an-cua-ha-rung-thong-trai-phep-a77314.html
(3)https://baothuathienhue.vn/khong-thua-nhan-viec-dan-vien-thien-an-doi-hon-107-ha-dat-va-rung-thong-a44163.html
Các đan sĩ của Đan viện Thiên An, Huế, tiếp tục bị côn đồ tấn công vào ngày 29/6. Một người bị côn đồ dùng thanh sắt đánh đến bất tỉnh, co giật.
Nhóm người mang gậy gộc, tuýp sắt tấn công các đan sĩ của Đan viện Thiên An vào ngày 29/6/2017.
Sự việc xảy ra khi các đan sĩ quay phim cảnh chính quyền ngang nhiên cho xe ủi, xe xúc đất mở một con đường ngay trên khu đất thuộc quyền sở hữu của đan viện.
Thuật lại với VOA tối 30/6, đan sĩ Giuse Maria Chử Mạnh Cường, cho biết :
"Có 3 hồ ngăn nước để tưới tiêu cho vườn Thiên An, thì họ tận dụng con đập đó, san lấp nới thêm ra để họ đi ôtô qua được và nói đó là con đường dân sinh. Các thầy đã lặng lẽ đi lên để bảo vệ trong ôn hòa, chỉ khoanh tay nhìn họ làm thôi".
"Khi họ phát hiện ra một thầy quay phim, chụp ảnh thì họ bắt đầu đuổi đánh thấy quay phim chụp ảnh. Thầy đó chạy về rồi thì không ngờ lại sót 2 thầy còn ở lại trong căn nhà của mình. Căn nhà đó họ đang chiếm giữ để làm trụ sở nhằm bảo kê cho các máy [xúc, ủi] làm việc. Thầy John Baptist Trương Vĩnh Hậu là một trong số các thầy đang đứng đó xem họ làm. Thầy Hậu bị sót lại đó. Họ phát hiện ra thấy Hậu ở đó nên họ lên kéo, lôi thầy Hậu từ trên gác xép xuống. Họ đánh đập thầy Hậu choáng váng đến mức thầy cố gắng chạy ra đó được khoảng 5 mét thì ngã gục xuống và co giật".
Các đan sĩ nói đây chỉ là vụ tấn công mới nhất trong một loạt cuộc tấn công đã diễn ra để chiếm đất của đan viện. Một ngày trước đó, các giới chức chính quyền mặc thường phục đã chỉ đạo khoảng 150 người đến tấn công đan viện, đập nát thánh giá và gây thương tích cho nhiều người.
Linh mục Nguyễn Văn Đức, bề trên đan viện, cập nhật với VOA về tình trạng của thầy Hậu vào tối 30/6 :
"Hiện giờ thì không bị đe dọa đến tính mạng, nhưng thầy còn bị chấn thương não. Sáng nay, người ta đem truyền thông tới và đem dân ra nói là mình lấy đất của họ, để lái dư luận".
Đan sĩ Cường cho biết thêm về việc "dàn xếp truyền thông" này :
"Ba đài truyền hình, trên mic ghi là VTV, đài truyền hình của Huế và Zan TV gì đó, họ đưa ba đài đó lên và phỏng vấn, ghi hình và được bảo kê bởi các côn đồ xung quanh nên các thầy không dám xuất hiện. Họ dàn xếp để ghi lại lời của ông hàng xóm bên cạnh. Hai bố con ông cụ này đã chiếm đất của Thiên An rất nhiều, nên bây giờ họ lại vu khống rằng mình chiếm đất của họ".
Đan viện Thiên An thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên- Huế, được mệnh danh là "Đà Lạt trên đất Huế". Đan viện tọa lạc trên ngọn đồi lớn nhất trong số nhiều ngọn đồi thuộc quyền sở hữu của đan viện từ năm 1940.
Rừng thông trong khu đất này đã bị chính quyền "tiếp quản" từ năm 1976 đến nay vẫn chưa hoàn trả. Những năm gần đây, đan viện cho biết chính quyền địa phương, qua trung gian của Công ty TNHH MTV Lâm Trường Tiền Phong, tìm cách chuyển đổi đất-rừng thông thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An thành đất tư.
Cây thánh giá mà các đan sĩ dựng lên trên một ngọn đồi trong khu vực để khách hành hương đến thăm viếng liên tục bị đánh cắp và đập phá.
Các đan sĩ cho biết nhiều chốt cảnh sát đã được dựng lên xung quanh lối vào đan viện. Tất cả khách hành hương, thăm viếng đều bị chặn, không được lên đan viện.
Công an bảo kê côn đồ Đập tượng Chúa, gỡ Thánh giá, đánh tu sĩ bầm mặt ở Huế
Nguồn : Quan Làm Báo TV, 28/06/2017
Nguồn : RFA Tiếng Việt, 28/06/2017
Tổng Giáo phận Huế
Đan Viện Thiên An
Địa chỉ : thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế
Điện thoại : (+84) – 0234 – 3865.910
-----------------------------------------------------------------------------------------
Số : 26/ĐVTA
Ngày 29 tháng 6 năm 2017
Thông cáo báo chí
V/v : Nhà chức trách tỉnh Thừa Thiên Huế huy động công an, thuê côn đồ phá hủy Thánh giá, đánh đập, thóa mạ các đan sĩ Đan viện Thiên An Huế, thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đan viện Thiên An
1. Sự kiện :
Khoảng 08 giờ sáng ngày 28 tháng 6 năm 2017, nhà chức trách tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động khoảng 200 công an, an ninh mặc thường phục giả danh côn đồ tự tiện xông vào nội vi Đan viện Thiên An Huế cùng với nhiều hung khí nguy hiểm như dao, tuýp sắt, các công cụ hỗ trợ trong lực lượng công an, vô cớ tấn công một cách tàn bạo các đan sĩ Đan viện Thiên An. Đặc biệt, an ninh mặc thường phục còn chỉ đạo công an, côn đồ phá hủy, đập bể tượng và cố tình phá hoại Thánh giá được đặt trong khuôn viên – nội vi các đan sĩ Đan viện Thiên An tạo lập, xây dựng từ năm 1940.
Sự việc được các quan chức địa phương xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy chứng kiến an ninh, côn đồ (có độ tuổi từ 20 – 27) dùng vũ lực và các hung khí nguy hiểm như : cưa sắt, búa tạ lớn, xà beng, cuốc xẻng, tuýp sắt, cây gậy ba khúc… giật sập, bẻ cong và bật gốc cây Thánh giá. Nguồn gốc Thánh giá này vừa mới được các đan sĩ tái lập vào ngày 26/06/2017.
Trước đây, cây Thánh giá từng bị an ninh mặc thường phục và côn đồ lấy cắp, đập vỡ thành nhiều mảnh rồi vứt xuống suối ngày 17/05/2015 trong dịp Lễ Chúa Lên Trời. Sau khi, các đan sĩ dựng Thánh giá trở lại thì ngày 08/03/2016, nhiều an ninh, công an, cán bộ xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy và côn đồ lại đến đập phá, nghiêm trọng hơn một trong số các an ninh có hành vi dẫm đạp lên tượng Chúa Giêsu trước sự chứng kiến và tiếp sức của những người tự nhận là có chức quyền của tỉnh Thừa Thiên Huế. Sự kiện ngày 28/06/2017 này là lần thứ 03 (ba) trong thời gian ngắn, các kế hoạch phá hoại Đan viện Thiên An và Thánh tượng được chuẩn bị có bài bản, kết hợp giữa an ninh, công an và côn đồ nhằm phá hủy bằng chứng đức tin của người Công giáo (Thánh giá) tại Đan viện Thiên An. Trong hoàn cảnh tang thương, bị cô lập các đan sĩ vẫn không ngần ngại bảo vệ Thánh giá. Các nhân viên công quyền đã hung hãn túm tóc, bóp cổ, xô đẩy, đánh vào đầu, đạp vào mặt, ngực, bụng người tu hành. Nghiêm trọng hơn nhóm người này còn dùng các hung khí nguy hiểm như : tuýp sắt, gậy gộc, cây gậy ba khúc... tấn công những người tu hành tay không giữa thanh thiên bạch nhật, dưới sự chứng kiến của toàn bộ những người có chức quyền của xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, có sự trợ giúp và chỉ đạo đắc lực của an ninh mặc thường phục. Thậm chí, một nhân viên của Lâm trường Tiền Phong tên Nguyễn Viết Chính – thường xuyên canh gác Đan viện – đã dùng hung khí cây gậy ba khúc vụt liên tiếp lên đầu đan sĩ – linh mục Antôn Võ Văn Giáo.
Ngoài ra, một nhóm phụ nữ được huy động hỗ trợ nhóm người trên, họ thốt ra những lời thô tục, thóa mạ các đan sĩ. Đặc biệt, trước sự chứng kiến của các cán bộ xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều an ninh, công an và côn đồ còn đe dọa sẽ đánh các Cha, các Thầy của Đan viện hoặc bất kỳ ai ra vào Đan viện Thiên An.
Các hành vi trên chẳng những vi phạm pháp luật, còn thể hiện tính vô nhân đạo, hèn hạ của giới cầm quyền tỉnh Thừa Thiên Huế. Những hình ảnh nhục nhã, xấu xa, hèn hạ này đã được các đan sĩ ghi lại trong nhiều video, hình ảnh và hiện đang lan truyền nhanh rộng trên Internet. Đây là bằng chứng xác thực thể hiện bộ mặt côn đồ, dẫm đạp lên hệ thống pháp luật của nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên Huế.
Lưu ý rằng, chỉ trong vài ngày, nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động lập các chốt chặn trước cổng Đan viện Thiên An, ngang nhiên kiểm soát tất cả mọi người ra vào Đan viện. Trong ngày xảy ra cuộc trấn áp của an ninh, công an và côn đồ, các chốt cảnh sát giao thông đã tìm cách sách nhiễu, hạn chế đi lại và ngang nhiên tịch thu xe mô tô của Đan viện Thiên An.
Cũng vậy, tại khu vực sau sân bóng đá và hồ Thủy Tiên – thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện – nhà cầm quyền tỉnh lại huy động xe tải, xe múc chuyên dụng cỡ lớn, công nhân vào chặt phá rừng thông, cây keo (tràm), đào xới khu đất... ngang nhiên làm một con đường trên diện tích đất này với mưu đồ cách ly Đan viện Thiên An, nhằm mục đích cướp toàn bộ 107 hécta nhà-đất-rừng Thông của Đan viện Thiên An tạo lập trước năm 1940.
Trong tình yêu của Thiên Chúa, trước những lời nói mạ lỵ, hành vi bạo tàn của nhóm côn đồ và nhóm phụ nữ được công an bảo kê, các vị tu hành đã vẫn tay không tấc sắt, thái độ ôn hòa, bình tĩnh đón nhận những cú xô hung hãn, những nắm đấm hung tợn, những đòn gậy chết người, những bàn tay túm tóc, bóp cổ, khi các Đan sĩ đang dồn hết sức lực bảo vệ Thánh giá. Nhiều đan sĩ nhẫn nhịn với nhiều vết thương bên trong và bên ngoài cơ thể.
Sư việc chẳng những không được kiểm soát, vào lúc 09 giờ sáng ngày 29/06/2017, nhà chức trách tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục huy động an ninh, công an và côn đồ được thuê mướn (gồm những thanh niên có tuổi đời từ 20 – 27) tự tiện xông thẳng vào nội vi Đan viện Thiên An, dùng những thanh sắt nguy hiểm đánh thẳng vào người các đan sĩ, dùng chân giẫm đạp vào người các thầy... khiến nhiều thầy bị thương và đổ máu, một thầy bất tỉnh tại chỗ và sức khỏe suy sụp.
2. Nhận định :
Qua các thời kỳ, Đan viện Thiên An luôn khẳng định có đầy đủ chứng cứ hợp pháp chứng minh 107 hécta nhà – đất – rừng Thông mà nhà chức trách tỉnh Thừa Thiên Huế nhiều lần dùng những thủ đoạn dối trá, hèn hạ để cướp đoạt nhà-đất-rừng Thông thuộc quyền sở hữu và quản lý của Đan viện Thiên An, do các vị tiền khởi, khai mở Đan viện Thiên An tạo lập, xây dựng và bảo vệ từ những năm 1940 cho đến lúc này. Đan viện Thiên An chưa/không bao giờ chuyển giao quyền quản lý, quyền sở hữu nhà-đất-rừng Thông thuộc tài sản Đan viện Thiên An cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào.
Hành vi của nhóm công an, an ninh, côn đồ… có tổ chức, tập hợp bài bản theo chỉ đạo của nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên Huế khi dùng vũ lực tấn công các Đan sĩ và phá hủy Thánh giá tại Đan viện Thiên An vào ngày 28/06/2017 và 29/06/2017 vừa vi phạm pháp luật quốc gia và công ước quốc tế, vừa ngang nhiên thách thức tôn giáo, thách thức dư luận, thách thức những ai yêu chuộng công lý và hòa bình.
Chính vì vậy, Đan viện Thiên An lên án mạnh mẽ những hành vi thô bạo, xâm hại thân thể các đan sĩ, những lời nói tục tĩu chà đạp danh dự, nhân phẩm người tu hành… của các cán bộ, nhóm côn đồ, phụ nữ được công an bảo kê và kích động ; lên án mạnh mẽ hành vi xúc phạm các biểu tượng thiêng liêng của Tôn giáo qua việc phá hủy Thánh giá ngay trong khuôn viên Đan viện ; lên án mạnh mẽ hành vi ngăn chặn, đe dọa… các đan sĩ và khách hành hương của an ninh, công an và những nhóm côn đồ được nhà cầm quyền thuê, mướn.
Đan viện Thiên An một lần nữa khẳng định quyền sở hữu và quyền sử dụng hợp pháp đối với toàn bộ nhà-đất-rừng Thông tọa lạc tại đồi Thiên An lẫn hồ Thủy Tiên và kiên quyết bảo vệ công lý, mong muốn tìm kiếm lẽ công bằng một cách ôn hòa và thiện chí, nhằm bảo vệ các tài sản hợp pháp của Giáo hội cho đến hơi thở cuối cùng.
Đan viện Thiên An kính báo cáo vụ việc đến Tòa Thánh, đến các Hội đồng Giám mục, các linh mục, tu sĩ, giáo dân Công giáo khắp hoàn cầu, và kêu gọi các tổ chức, cá nhân yêu chuộng công lý, sự thật, nhân quyền trong nước và ngoài nước cùng hiệp thông, lên tiếng buộc nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên Huế chấm dứt ngay các hành động tội ác đối với dân lành, chiếm đoạt tài sản Giáo hội và phá hủy biểu tượng thánh thiêng nhất của Kitô giáo.
Làm tại Đan viện Thiên An, ngày 29 tháng 6 năm 2017,
Lễ Thánh Phêrô và Phaolô tông đồ
Linh mục Antoine Nguyễn Văn Đức
Bề trên Đan viện Thiên An
Đan viện Thiên An bị tấn công, dọa 'đánh chết' đan sĩ (VOA, 28/06/2017)
Sáng ngày 28/6, Đan viện Thiên An, Huế, bị một nhóm khoảng 150 người tự xưng là "nhân dân đi thực thi công lý" cùng với một số lãnh đạo chính quyền mặc thường phục tấn công, đập phá nát thánh giá và hành hung, gây thương tích cho rất nhiều đan sĩ.
Đan viện Thiên An bị một nhóm khoảng 150 người tấn công vào sáng ngày 28/6/2017.
Kể lại sự việc với VOA vào tối cùng ngày, Đan sĩ Giuse Maria Chữ Mạnh Cường cho biết :
"Vào lúc khoảng 7g45, chính quyền họ đi vào trong khu vực của Đan viện Thiên An, kéo theo rất đông, các thầy áng chừng khoảng trên dưới 150 người, trong đó có rất nhiều hội đoàn mà chính các thầy đã nhìn tận mặt được. Họ không mặc quân phục, không vào làm việc với nhà dòng, mà cứ dẫn người vào để phá cây Thánh Giá".
Các đan sĩ cho biết cây thánh giá trên Đồi Khổ Nạn trong khu đất thuộc quyền sở hữu của đan viện, hai năm trước đã bị đánh cắp và đập phá, đã được các đan sĩ tìm thấy gần một con suối gần đó và dựng lại để khách hàng hương đến viếng.
Thánh giá trên Đồi Khổ Nạn từng bị tấn công, đánh cắp năm 2015.
Đan sĩ Cường cho biết nhóm người tấn công tỏ ra rất hung hãn dưới sự chỉ đạo của các giới chức chính quyền mặc thường phục, trong đó có trưởng, phó công an xã Hương Thủy, các ban ngành, các quan chức phụ trách về vấn đề đất đai…
"Họ điều khiển một khối lượng các côn đồ tay mang hung khí, rồi có cả hội phụ nữ nữa. Một mặt các thanh niên xô lên đạp đổ thánh giá. Các thầy thì cứ lặng lẽ lên để ôm thánh giá thôi chứ không làm gì cả. Trong lúc lên như vậy thì họ đánh, đạp, xô đẩy… Cảnh tượng rất hỗn loạn và các thầy bị đánh đập rất nhiều".
"Có khoảng 40 đan sĩ hiện diện lúc đó. Nhưng số lượng họ đông hơn và họ lại được phép đánh mình. Họ dùng cả gậy gộc, tuýp nước, lưỡi cưa nhỏ để cưa vào tay các thầy nếu các thầy ôm cây thánh giá".
"Các đan sĩ cảm nhận được là hôm nay các anh công an, bên chính quyền Cộng sản, họ bộc lộ hết tất cả những gì tồi tệ nhất mà họ có thể làm được là họ làm với các đan sĩ. Chính lãnh đạo của nhóm đó tuyên bố to trước mặt mọi người rằng ‘Bắt đầu từ bây giờ, một đan sĩ nào ra khỏi tu viện Thiên An là đánh cho chết".
Các đan sĩ cho biết vài ngày trước khi xảy ra vụ tấn công, công an đã tụ tập xung quanh khu vực đan viện và ngăn cản, không cho bất cứ du khách hay bất cứ ai đi vào khu vực của đan viện.
Trong số những người tấn công, các đan sĩ Đan viện Thiên An nhận mặt được nhiều quan chức, lãnh đạo địa phương.
Đan sĩ Peter Monica Nguyễn Văn Chinh kể với VOA :
"Cùng một nhóm người đó chiều nay họ lại về uy hiếp Đan viện Thiên An để cho một xe múc mở thông một con đường [trong phần đất của đan viện], và bây giờ họ đã làm xong nửa con đường rồi. Họ phá trụi cây. Cây thông, cây tràm, cây keo của các thầy họ phá bỏ hết. Họ mở hẳn một con đường để khống chế Đan viện Thiên An".
"Bên này thì xe múc đào, còn phía bên kia đường thì họ cho xe vận tải cỡ lớn múc đất đổ ngay bờ ngăn nước của đan viện. Trên đó là hồ nước cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu của đan viện".
Đan viện Thiên An, được mệnh danh là "Đà Lạt trên đất Huế", tọa lạc trên ngọn đồi lớn nhất trong số nhiều ngọn đồi thuộc quyền sở hữu mà đan viện đã có từ năm 1940.
Rừng thông trong khu đất này đã bị chính quyền "tiếp quản" từ năm 1976 đến nay vẫn chưa hoàn trả. Những năm gần đây, đan viện cho biết chính quyền địa phương, qua trung gian của Công ty TNHH MTV Lâm Trường Tiền Phong, chuyển đổi đất-rừng thông thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An thành đất tư.
**********************
Đan sĩ Thiên An bị hành hung (RFA, 28/06/2017)
Vào sáng ngày 28/6/2017, có khoảng 100 an ninh, công an và côn đồ đến Đan viện Thiên An ở xã Thủy Bằng, Huế đập phá và hành hung các tu sĩ trong lúc họ dựng thập tự giá. Linh mục Phêrô Khoa Cao Đức Lợi kể lại vụ việc đã xảy ra với RFA như sau :
Chốt cảnh sát giao thông chặn lối vào Đan viện Thiên An. Ảnh chụp ngày 28/06/2017 Courtesy : Tin Mừng Cho Người Nghèo
"Khoảng 8 giờ sáng hơn, lúc đó Cha Bề trên dẫn một số soeur đến thăm ra về thì bên an ninh, công an xã, công an huyện, công an tỉnh, xã đội, phụ nữ và một số côn đồ được thuê đến đập thánh giá, hạ xuống, không cho dựng. Nhưng các thầy kiên quyết ôm thánh giá. Những người này nắm tóc, xé áo lôi các thầy ra. Các thầy chống cự thì bị đập luôn. Có hai thầy bị đánh bầm đen mắt. Chúng tôi thấy khủng khiếp quá !"
Sau khi vụ hành hung diễn ra, một số chốt cảnh sát giao thông đã được dựng lên ngay trên đoạn đường dẫn vào Đan viện Thiên An. Các tu sĩ bị tịch thu xe gắn máy khi họ muốn ra khỏi đan viện.
Linh mục Phêrô Khoa Cao Đức Lợi cho biết công an đã lập biên bản về những gì vừa xảy ra vào sáng ngày 28 tháng 6 với những người đến đập phá thánh giá, nhưng các tu sĩ của Đan viện Thiên An không được yêu cầu tham gia tường thuật vụ việc. Linh mục Phêrô Khoa Cao Đức Lợi khẳng định với Đài Á Châu Tự Do nhận diện được những công an cốt cán từ cấp xã đến cấp tỉnh tham gia vụ đập phá và hành hung :
"Tôi nhận diện cả tên và chức vụ : Trưởng Công an xã là Thượng úy Võ Trọng Nhơn. Phó Công an xã là Đại úy Dương Văn Hiếu. Công an bên tỉnh có ông Trần Công Quý. Công an huyện có ông Minh. Biết bao nhiêu công an mà kể nhưng họ mặc thường phục hết. Mình biết vì họ lên làm việc với mình nhiều rồi. Chỉ cần nhìn thì biết họ là công an".
Trả lời câu hỏi của chúng tôi liên quan đến đơn thư mà Đan viện Thiên An gửi đến Chính quyền Thừa Thiên-Huế cùng cơ quan báo đài để phản đối cũng như yêu cầu đính chính thông tin họ đã loan đi "một số đối tượng xấu trong trong Đan viện Thiên An tàn phá rừng thông đặc dụng để lấn chiếm trái phép", Linh mục Phêrô Khoa Cao Đức Lợi nói rằng các cơ quan truyền thông không hồi đáp và cũng không đính chính theo yêu cầu của Đan viện Thiên An. Chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế gửi thông báo xác nhận tỉnh đã nhận được những văn bản đơn thư và hẹn dàn xếp làm việc với Đan viện trong tháng 8 tới đây.
Trong thời gian chờ đợi làm việc với chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đan viện Thiên An tiếp tục công việc chỉnh trang vườn tược, san ủi làm đường trên phần diện tích tích của đan viện.
Đan viện Thiên An cho biết công việc họ đang làm không bị gây cản trở từ phía chính quyền. Tuy nhiên, 3 lần thánh giá của Đan viện Thiên An được dựng lên trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến 2017 thì cả 3 lần đề bị an ninh, công an và côn đồ đến đập phá.
Hòa Ái, Phóng viên RFA
*****************************
Cấm xuất cảnh linh mục công khai chỉ trích nhà cầm quyền (RFA, 28/06/2017)
Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong thuộc Dòng Chúa Cứu Thế ở Thái Hà, Hà Nội vào ngày 27 tháng 6 bị cấm xuất cảnh để đi du học tại Úc.
Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong - Courtesy Facebook Nguyễn Ngọc Nam Phong
Theo biên bản của Công an Cửa Khẩu Sân bay Quốc tế Nội Bài lập vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 27 tháng 6 thì lý do dừng xuất cảnh đối với linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong là vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong hiện là trưởng ban Công Lý - Hòa bình của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Ông luôn lên tiếng bảo vệ cho những thành phần là nạn nhân của tình trạng bất công xã hội hiện nay.
Trong lĩnh vực tôn giáo, ông tham gia đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo của nhiều người dân tại khu vực các tỉnh miền núi Tây Bắc Việt Nam. Đó là nơi mà nhiều người dân tộc thiểu số sống trong cảnh khó nghèo, lạc hậu và ông cũng tham gia giúp nâng cao đời sống vật chất cho họ.
Vào ngày 27 tháng 6, một trường hợp thân nhân của cựu tù chính trị cũng bị cấm xuất cảnh tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Đó là trường hợp của bà Đỗ Ngọc Xuân Trầm, chị của cựu tù nhân Đỗ thị Minh Hạnh.
Lý do cấm bà Đỗ Ngọc Xuân Trầm xuất cảnh được nêu trong biên bản là căn cứ Nghị định 136 của chính phủ Việt Nam ban hành ngày 17 tháng 8 năm 2007 để "chưa giải quyết xuất cảnh" đối với cá nhân bà này.
Bà Đỗ Ngọc Xuân Trầm lập gia đình từ năm 2011 và lâu nay sinh sống tại Ba Lan và Áo ; vừa qua về thăm gia đình ở Di Linh, Lâm Đồng nhưng khi ra phi trường để trở lại với gia đình tại Châu Âu thì bị cấm xuất cảnh.
*********************
Linh mục Giáo xứ Thái Hà bị cấm xuất cảnh (BBC, 28/06/2017)
Linh mục Giáo xứ Thái Hà, người bị dừng xuất cảnh tại sân bay Nội Bài vì "lý do bảo vệ an ninh quốc gia" nói với BBC rằng "chính quyền nên hành xử theo pháp luật chứ không thể tùy tiện xâm phạm quyền công dân".
Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong được nhiều người biết đến qua các bài giảng thánh lễ Công lý & Hòa bình tại giáo xứ Thái Hà
Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong được nhiều người biết đến qua các bài giảng thánh lễ Công lý & Hòa bình tại giáo xứ Thái Hà thường được tường thuật trực tiếp trên mạng xã hội vào Chủ nhật mỗi cuối tháng.
Trong thánh lễ cầu nguyện cho công lý - hòa bình hôm 25/6 tại Nhà thờ Thái Hà, bài giảng của linh mục Nam Phong có nội dung : "Cầu nguyện cho dân tộc Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn và thử thách trong việc xây dựng đất nước thành một xã hội thực sự công bằng, dân chủ và văn minh ; Cầu nguyện cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (người sẽ ra tòa hôm 29/6) được bình an, can đảm tuyên xưng đức tin và được xét xử đúng pháp luật".
Trả lời BBC hôm 28/6, ông cho hay : "Sự việc xảy ra vào chiều 27/6, tôi đang làm thủ tục xuất cảnh đi Úc tham dự một khóa học của nhà dòng thì công an cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài ngăn lại".
"Biên bản của họ ghi lý do "bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội".
"Tôi có nói lại với họ rằng việc ngăn tôi xuất cảnh là trái pháp luật và tôi cảm thấy mình bị xúc phạm, cũng như không được tôn trọng".
"Bản thân tôi chưa từng bị chế tài hay bị lập biên bản về việc vi phạm pháp luật".
"Phía an ninh sân bay cũng chỉ nói loanh quanh rằng có chuyện gì đó khiến Công an Hà Nội không cho tôi xuất cảnh và họ chỉ làm theo yêu cầu từ đơn vị khác chứ không có trách nhiệm giải thích cho tôi biết lý do".
"Tôi đang cân nhắc chuyện khiếu kiện vì bị dừng xuất cảnh".
Đề cập về những bài giảng thánh lễ Công lý & Hòa bình tại giáo xứ Thái Hà, Linh mục Phong nói : "Tôi rao giảng đúng với trách nhiệm của linh mục trước những vấn đề xã hội".
Biên bản dừng xuất cảnh đối với linh lục Nguyễn Ngọc Nam Phong
'Đấu tố'
"Lẽ ra với những trường hợp bị dừng xuất cảnh, cơ quan chức năng cần báo trước cho đương sự để họ khỏi lỡ dở công việc".
"Tôi đã phải sắp xếp công việc mục vụ cả năm cho chuyến đi này nhưng rồi không đi được".
Linh mục cũng cho hay ông là người thứ hai ở giáo xứ Thái Hà bị dừng xuất cảnh.
Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong nói ông đề nghị cấp hộ chiếu từ năm 1998 nhưng bị phòng Xuất nhập cảnh Công an Hà Nội từ chối vì "lý lịch không tốt".
"Mãi đến cuối năm 2014 tôi mới được cấp hộ chiếu và hôm qua là lần xuất cảnh đầu tiên của tôi nhưng không thành".
Ông cũng cáo buộc với BBC rằng thời gian qua, ông bị chính quyền Hà Nội dùng lực lượng cựu chiến binh để "đấu tố".
"Một nhà nước pháp quyền thì phải hành xử theo pháp luật chứ không thể tùy tiện xâm phạm quyền công dân, cũng như sử dụng những người thiếu hiểu biết pháp luật để tấn công nhắm vào các linh mục lên tiếng trước các vấn đề xã hội, môi trường như Formosa", linh mục Phong nói.
Trên mạng xã hội, một số trang ghi "Nhân dân cả nước hết sức phẫn nộ với nội dung Nguyễn Ngọc Nam Phong rao giảng trong ngày 30/4/2017. Đề nghị chính quyền Hà Nội xử lý tên phản động này, giữa thủ đô mà để những phần tử này làm loạn thế này sao ?".
Căng thẳng giữa chính quyền Hà Nội và Công giáo khởi phát từ vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà năm 2008.
Năm 2011, báo chí trong nước đồng loạt công kích Giáo xứ Thái Hà 'bạo động và gây rối trong quá trình đòi đất'.
Căng thẳng giữa chính quyền Hà Nội và Công giáo khởi phát từ vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà năm 2008.
Khoảng 30 linh mục và giáo dân bị chính quyền Hà Nội bắt và đưa đi sau buổi nộp đơn khiếu nại và tuần hành tháng 12/2011. Chính quyền đã thả họ sau khi kết tội 'Gây rối trật tự công cộng' và đe dọa sẽ trừng trị nếu tái diễn.
Hàng ngàn cây thông chết rũ tại Thiên An, một Formosa thứ hai ?
Nhiều vạt rừng thông lâu năm trong khu đất-nhà-rừng thông của Đan viện Thiên An (Huế) được các Đan sĩ vun trồng, chăm sóc đang chết dần chết mòn, chết khô vì mất nhựa sống với những vết cắt hình chữ V hằn sâu xâm phạm đến thân cây, nhằm mục đích vắt kiệt nhựa – nguồn nuôi sống cây thông. Nguy cơ môi trường sinh thái tại Thiên An đang bị hủy diệt trong nay mai. Phải chăng một "Formosa" thứ hai sẽ tàn phà môi trường ?
Nhiều cây thông bị chặt, đốn trong rừng thông thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An - Ảnh : CTV GNsP
Hàng ngàn cây thông bị vắt kiệt nhựa, chết khô
Cánh rừng thông màu xanh bạt ngàn cách xa khu dân cư, ẩn mình trong rừng sâu và phủ kín Đan viện Thiên An đang dần chuyển sang màu vàng úa của những cây thông chết rũ do bị tước đoạt sự sống bởi những con người "cố tình" cầm dụng cụ sắc nhọn, tạo nên những vết cứa hình chữ V hằn sâu trên thân các cây thông – kể cả các cây đang phát triển – vét cạn nhựa sống của cây. Mất nhựa sống, cây sẽ không phát triển, tự chết khô.
Trong quy trình khai thác lấy mủ thông, phương pháp đẽo hình chữ nhật hoặc hình xương cá bằng dụng cụ chuyên dụng – không xâm phạm vào mạch gỗ – thường được sử dụng với mục đích vừa khai thác lấy mủ vừa nuôi dưỡng cây. Tuy nhiên, phương pháp chích nhựa, hoặc vạt hình chữ V dài khoảng 25 cm2 phạm sâu vào mạch gỗ như tình trạng hàng ngàn cây thông ở Thiên An hiện nay là cách thức lấy cạn nguồn nhựa cây, hủy diệt sự sống của cây.
Những vết cứa hình chữ V hằn sâu trên thân các cây thông với mục đích lấy cạn nhựa sống, nguồn nuôi sống cây thông. Mất nhựa sống, cây sẽ không phát triển, tự chết khô. Ảnh : CTV GNsP
Hàng ngàn cây thông xung quanh đập Chatađê – cách Đan viện Thiên An khoảng 700m, thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An – không những bị vạt sâu vào mạch gỗ vắt kiệt mủ, mà còn bị đốn hạ thay vào đó trồng xen kẽ các cây keo (tràm) trên diện tích này.
Rừng thông Thiên An có nguy cơ "biến" thành đồi núi trọc !
Theo đánh giá của các chuyên gia cho biết, khu vực đồi núi ở Quảng Nam, Quảng Ngãi đang dần biến thành đồi trọc do tập trung trồng, sản xuất cây keo (tràm) gây ra xói mòn đất, biến dạng đồi núi trơ ra những đồi đá, phá vỡ hệ sinh thái… Mặc dù giá trị kinh tế cây keo (tràm) không cao, nhưng dễ trồng và mau thu hoạch với chu kỳ khai thác cây keo (tràm) ngắn từ 5-7 năm.
Ảnh : CTV GNsP
Rừng thông mang lại nhiều giá trị ích lợi cho đất rừng hơn so với cây keo (tràm). Giá trị của rừng thông góp phần tích cực trong việc cải tạo đất, tạo nguồn nước, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, ổn định hệ sinh thái… Đặc biệt rừng thông trên đồi Thiên An – do Đan viện Thiên An quản lý và sở hữu hơn 107 hécta từ những năm 1940 – đóng một vài trò quan trọng "như lá phổi của thành phố Huế, tạo nên một môi trường sinh thái tốt lành, một mảng thiên nhiên phong phú, gia tăng vẻ xinh đẹp cho cảnh quan đất Thần kinh".
"Ai" chặt, phá rừng thông của Đan viện Thiên An ?
Vấn đề đặt ra ở đây "ai" đã "tiếp tay, bảo kê" cho người dân vạt thân cây thông vắt kiệt nhựa, chặt- đốn-phá rừng thông thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An ?
Đan sĩ Đan viện Thiên Ân giương biểu ngữ phản đối nạn phsa rừng trong Đan viện - Ảnh : CTV GNsP
Các Đan sĩ Đan viện cho biết, giới chức cầm quyền luôn huy động người canh gác ngày lẫn đêm, kể cả ngày lễ tết cổ truyền của Việt Nam với mục đích theo dõi các sinh hoạt Tôn giáo của Đan viện, thậm chí họ không ngần ngại đưa phụ nữ xâm nhập vào nội vi Đan viện xúc phạm các thầy.
Đan sĩ Thiên An có quyền định đoạt các tài sản trên khu đất thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An. Tuy nhiên, nếu các Đan sĩ chỉ cần lợp mái tôn tại khu vực đồi Đức Mẹ, xây chuồng gà, chặt hoặc cưa một cây thông bị chết khô… ngay sau đó, rất nhanh, có rất đông công an, an ninh mặc thường phục, Bí thư xã, Chủ tịch xã, côn đồ, cán bộ Lâm trường Tiền Phong, … có mặt tại Đan viện, nơi xảy ra vụ việc. Họ đến lập biên bản, gây áp lực, khủng bố, sách nhiễu, ngăn cản không cho các Đan sĩ làm với lý do "không xin phép", "xây dựng trái phép"… !
Thậm chí, cán bộ của Lâm trường Tiền Phong lập chốt trên đồi Đức Mẹ kèm theo bảng hiệu "trạm quản lý bảo vệ rừng". Đây là hành vi vi phạm pháp luật, bởi lẽ đồi Đức Mẹ thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện, và họ không được sự cho phép của các Đan sĩ.
Giả sử rằng, Lâm trường Tiền Phong được giới chức cầm quyền giao nhiệm vụ "quản lý bảo vệ rừng" thông của Đan viện Thiên An. Vậy họ lý giải như thế nào về việc hàng ngàn cây thông bị cứa lấy mủ, nhiều vạt thông bị đốn hạ để trồng cây keo (tràm) chỉ cách Đan viện Thiên An chưa đầy 700m… nơi họ được giao quản lý và bảo vệ ? Nếu không có sự "đồng ý, tiếp tay, bảo kê" của giới chức cầm quyền địa phương, liệu có ai đó dám bén mảng vào khu vực rừng thông của Đan viện Thiên An để lấy mủ thông, trồng keo (tràm), chặt phá rừng với mục đích kinh tế ? Hay, đây là kế hoạch "hợp thức hóa" và "biến" rừng thông của Thiên An thành đất tư ?
Hành vi của những kẻ vạt thân cây thông vắt kiệt nhựa, chặt- đốn-phá rừng thông thuộc quyền sở hữu của Đan viện Thiên An được xem là hành vi có dã tâm, hủy diệt môi trường sinh thái thiên nhiên. Thêm một hành động tàn phá môi trường kiểu "Formosa" có bảo kê !
Giới chức cầm quyền thôn tính 107 hécta đất-nhà-rừng thông của Đan viện Thiên An
Như GNsP chúng tôi đã loan tin, sau năm 1975, giới chức cầm quyền địa phương luôn tìm mọi thủ đoạn tinh vi, vi phạm pháp luật "hợp thức hóa" 107 hécta nhà-đất-rừng thông thuộc quyền quản lý và sở hữu của ĐVTA từ những năm 1940, tại thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, Thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Được biết, trước đây, do các Đan sĩ không quản lý hết 107 hécta đất-rừng thông, nên nhà cầm quyền quản lý nhưng không giao đất. Các Đan sĩ khẳng định, hơn 107 hécta đất-rừng thông của Đan viện Thiên An sử dụng ổn định, không có tranh chấp với bất kỳ ai, tổ chức nào từ năm 1940 cho đến nay. Tuy nhiên, với lòng tham lam, giới chức cầm quyền "lật lọng", dùng mọi thủ đoạn "cướp" toàn bộ khu đất này, "tự ý" lấy đất của Đan viện "giao" cho các cá nhân, tổ chức có liên quan với nhà chức trách, sử dụng sai mục đích, điển hình như : hơn 63 hécta đất-nhà-rừng thông bị "cướp, chiếm" xây dựng khu du lịch hồ Thủy Tiên và hiện nay đang bỏ hoang, xuống cấp một cách trầm trọng ; Nhà hàng Bội Trân ; Nhà hàng Cát Tường Quân ; Cty TNHH MTV Lâm Trường Tiền Phong – trước đây là ngôi trường Thánh Mẫu…
Cán bộ của Lâm trường Tiền Phong lập chốt trên đồi Đức Mẹ kèm theo bảng hiệu "trạm quản lý bảo vệ rừng", là hành vi vi phạm pháp luật, bởi lẽ đồi Đức Mẹ thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện, và họ không được sự cho phép của các Đan sĩ. Ảnh : CTV GNsP
Trong suốt nhiều năm qua, quý Đan sĩ làm nhiều đơn thư gửi đến các cấp có thẩm quyền từ địa phương đến trung ương, yêu cầu nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên Huế trả lại các tài sản mà họ đã "chiếm dụng, tiếp quản" sau năm 1976. Nhưng, cánh cửa quan và các quan tham vẫn "im hơi lặng tiếng" ! Thậm chí, nhà cầm quyền còn cho côn đồ canh gác nhiều khu vực ở Đan viện và lộng ngôn với quý Đan sĩ rằng, "đi tu không lo đi tu mà còn đi cướp đất" !
Không những vậy, giới chức địa phương có nhiều hành vi mạ lị, xúc phạm đến biểu tượng của Giáo Hội Công Giáo là Thánh Giá. Họ "xông" vào nội vi Đan viện, "tự tiện" tháo dỡ cây Thánh Giá, đập nát tượng Chúa Giêsu chịu nạn và vứt bỏ trong rừng sâu. Sau một thời gian, các Đan sĩ tìm thấy Tượng thánh bị đập vỡ vụn và mang về lại.
Hiện nay, tại khu vực cây Thánh Giá có tượng Chúa Giêsu chịu nạn bị chính nhà cầm quyền cộng sản đập nát từng mảnh vụn, có nhiều bà con giáo dân khắp nơi đến hành hương kính viếng, cầu nguyện và nhang khói hàng tuần.
Tình trạng hàng ngàn cây thông bị vết cứa chữ V hằn sâu vào thân nhằm vắt kiệt nhựa sống, chặt-đốn-phá rừng thông của Đan viện Thiên An do nhà cầm quyền Thừa Thiên Huế tiếp tay, bao che đang trong tình trạng báo động. Khu vực Miền Trung sẽ dần mất đi một môi trường sinh thái đa dạng, phong phú, hữu ích mang lại nhiều ích lợi cho cộng đồng dân cư. Trong khi Miền Trung nói riêng và quê hương Việt Nam nói chung đang phải oằn mình gánh chịu thảm họa hủy diệt nòi giống từ độc tố do Formosa xả thải ra biển, vào những ngày tháng 4/2016. Chính nhà cầm quyền đã tiếp tay, bảo kê, bao che cho thủ phạm Formosa tồn tại và hoạt động ở Việt Nam. Và, cũng chính nhà cầm quyền đang trực tiếp ra tay phá hủy môi trường sinh thái tại Thiên An, nơi các Đan sĩ kiên quyết giữ và bảo vệ đất cho Giáo Hội đến cùng.
Huyền Trang
Nguồn : GNsP, 14/03/2017
***********************
Đan viện Thiên An Huế có nguy cơ mất hàng trăm hécta đất (CTM Media, 16/06/2016)
Đan viện Thiên An - Huế
Ngày 10 tháng Sáu 2016 giới chức Sở Tài Nguyên Môi Trường đã gửi thông báo tới các đan sĩ, cho biết sẽ tiến hành "khôi phục, tăng dày và cắm mốc ranh giới Đan viện Thiên An" với lý do "nhiều vị trí mốc đến nay đã bị hư hỏng". Theo đó trong hai ngày tới 15-16 tháng Sáu đoàn công tác thực hiện công tác cắm mốc trên khu đất khuôn viên Đan viện, khu vực canh tác nông nghiệp và rừng thông thuộc quyền sở hữu và quản lý của Đan viện Thiên An mà diện tích lên tới hơn 107 hécta.
Được biết, các đan sĩ từ trước tới nay là chủ sở hữu và không có tranh chấp với bất kỳ bên nào từ những năm 1940 với tổng diện tích trên 107 hécta. Khu đất này luôn là mục tiêu mà nhà cầm quyền lăm le cướp đoạt toàn bộ.
Cần nói thêm, trong biến cố Mậu Thân 1968, quân cộng sản đã tấn công vào Huế, bom đạn mặc sức bắn phá vào Đan viện gây thiệt hại nặng nề. Đan viện bị san thành bình địa và các đan sĩ phải di tản để lánh nạn thảm sát. Sau biến cố năm 1975, một lần nữa Đan viện lại bị nhà cầm quyền thôn tính Đan viện. Cụ thể là hơn 107 ha đất và rừng thông thuộc sở hữu của Đan viện Thiên An bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam "tiếp quản" từ năm 1976.
Trong thời gian vài năm gần đây, nhà cầm quyền đã cướp gần 50 ha đất khi cho xây dựng khu du lịch sinh thái mang tên "Hồ Thủy Tiên". Khu du lịch này hoạt động chưa được bao lâu đã nhanh chóng đi vào hoang phế.
Không bỏ tham vọng chiếm đoạt khu đất đắc địa này, nhà cầm quyền luôn sách nhiễu và phá hoại tu viện này.
Tổng cộng 8 thửa đất với tổng diện tích 99.201m2 của Đan viện Thiên An Huế đang có nguy cơ bị nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên Huế chiếm đoạt và sử dụng cho những mục đích khác.
Huế (CTM Media)