USA - Covid-19 : Donald Trump cảnh báo "hai tuần địa ngục" (RFI, 01/04/2020)
Hoa kỳ chuẩn bị tinh thần đối phó với đợt tử vong chưa từng xảy ra trong thời bình. Trong khi đại dịch Covid-19 chưa lên đến đỉnh, nhưng theo Reuters, trong ngày 30/03/2020 có ít nhất 850 người tử vong vì siêu vi Corona, đưa tổng số ca tử vong lên đến 3.900 người chết. Bên cạnh đó, có 187.000 ca lây nhiễm. Không giấu tâm trạng bất lực, tổng thống Donald trump cảnh báo : hai tuần lễ tới sẽ vô cùng khủng khiếp.
Xe cứu thương bên ngoài bệnh viện Langon Hospital New York, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 31/03/2020. Reuters - BRENDAN MCDERMID
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường thuật :
"Tôi muốn rằng người dân Mỹ chuẩn bị cho những ngày khó khăn sắp đến. Chúng ta sẽ có hai tuần lễ cực kỳ căng thẳng". Giọng nói của tổng thống rất nghiêm trọng và cho dù có nói đến tia sáng cuối đường hầm, Donald Trump nhấn mạnh : Đó là hai tuần rất là, rất là đen tối.
Tiếp lời tổng thống, bác sĩ Deborah Brix trình bày sơ đồ dự báo của Nhà Trắng : chúng tôi nghĩ rằng sẽ có từ 100.000 đến 200.000 người chết.
Đường biểu đồ cho thấy nếu biện pháp hạn chế đi lại, tụ tập không được người Mỹ tôn trọng thì số tử vong có thể lên đến 2 triệu. Tình hình dịch lây lan ở nhiều thành phố như New York, Los Angeles, Chicago, Detroit, Dallas, Houston sẽ vượt tầm kiểm soát.
Donald Trump tự khen là đã làm tất cả để nước Mỹ không rơi vào tình thế xấu nhất theo nghĩa lẽ ra số nạn nhân tại Mỹ đã lên đến 2 triệu nếu không có công lao đóng góp của ông. Tuy nhiên, giọng điệu của chủ nhân Nhà Trắng cũng đã thay đổi triệt để khi báo động : hai hay ba tuần tới sẽ chẳng khác gì địa ngục".
Kinh tế chao đảo
Theo thống kê Mỹ, trong ba tuần cuối tháng ba được đánh dấu bằng một làn sóng thất nghiệp : 3,3 triệu người ghi tên trợ cấp thất nghiệp, một con số kỷ lục. Xu hướng này sẽ còn tăng thêm nếu dịch vẫn còn.
Hàng không mẫu hạm bị lây nhiễm
Trong khi đó, hàng không mẫu hạm USS Theodor Roosevelt, sau những ngày thăm Đà Nẵng , Việt Nam, bị lây nhiễm siêu vi Corona. Tàu về thả neo ở đảo Guam. Trong bức thư bốn trang, Hạm trưởng Brett Crozierxin bộ tư lệnh hải quân cho phép di tản một số thủy thủ để cách ly. Tuy nhiên, lời yêu cầu này đã bị bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ chối với lý do chiến hạm phải "túc trực đề phòng xung đột quân sự" cho dù đang có đại dịch.
Quân y được phái đến tận nơi chăm sóc, theo lời bộ trưởng Esper.
Tú Anh
******************
Quân đội Mỹ sẽ dựng hàng trăm bệnh viện dã chiến chống Covid-19 (VOA, 01/04/2020)
Các giới chức Hoa Kỳ đang muốn xây dựng hàng trăm bệnh viện dã chiến trên cả nước để đối phó với hàng ngàn trường hợp nhiễm virus corona mới mỗi ngày sau khi Mỹ trải qua "ngày chết chóc" hôm 30/3 với 575 trường hợp tử vong.
Bệnh viện dã chiến tại Central Park ở New York vào ngày 30/3/2020.
Công binh lục quân Hoa Kỳ, đơn vị đã chuyển đổi một trung tâm hội nghị ở New York thành một bệnh viện với 1.000 giường trong vòng một tuần, hiện đang tìm các khách sạn, ký túc xá, trung tâm hội nghị và những nơi có không gian rộng để xây dựng 341 bệnh viện dã chiến, chỉ huy công binh lục quân cho biết hôm 31/3.
Nói với chương trình "Good Morning America" của kênh ABC News, Trung tướng Todd Semonite cho biết "phạm vi là rất lớn".
Ông nói : "Hiện tại chúng tôi đang tìm kiếm khoảng 341 cơ sở khác nhau trên khắp nước Mỹ".
Các ca nhiễm virus ở Hoa Kỳ đã tăng hơn 20.000 trường hợp được xác nhận vào ngày 30/3, gây quá tải các bệnh viện vốn đang cạn kiệt bác sĩ, y tá, thiết bị y tế và thiết bị bảo hộ.
Số người chết ở Hoa Kỳ đã vượt qua con số 3.000, nhiều hơn số người chết trong các cuộc tấn công vào ngày 11/9 năm 2001, trong khi các ca nhiễm tăng lên hơn 163.000, theo thống kê chính thức của Reuters.
Các quan chức Hoa Kỳ ước tính số người chết có thể lên tới 100.000 đến 200.000 người.
Công binh lục quân Hoa Kỳ đã cùng với các giới chức New York chuyển đổi Trung tâm Hội nghị Jacob Javits thành một cơ sở để điều trị cho bệnh nhân không nhiễm virus corona.
Việc chuyển đổi sẽ giúp giảm áp lực lên các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.
Ngoài ra, một bệnh viện dã chiến 68 giường cũng đã được khởi sự vào Chủ nhật tại Central Park của Manhattan.
Được hỗ trợ bởi Hệ thống Y tế Mount Sinai và tổ chức phi lợi nhuận Samaritan’s Purse, bệnh viện dã chiến dự kiến sẽ bắt đầu nhận bệnh nhân vào thứ Ba, Reuters dẫn lời Thị trưởng Bill de Blasio cho biết.
Trung tâm hội nghị được chuyển đổi chỉ nằm cách bến tàu một con đường, nơi tàu bệnh viện Hải quân Hoa Kỳ Comfort vừa cập cảng vào ngày 30/3.
Bệnh viện nổi sẽ tiếp nhận 1.000 bệnh nhân không nhiễm virus corona vào thứ Ba.
Một bệnh viện dã chiến khác ở New York cũng đã được lên kế hoạch xây dựng tại Sân vận động Arthur Ashe, nơi diễn ra giải vô địch quần vợt Mỹ Mở rộng hàng năm.
Thị trưởng de Blasio cho biết các bệnh viện dã chiến được xây dựng nhằm giải phóng tất cả 20.000 giường bệnh trong các bệnh viện của thành phố để dành cho bệnh nhân nhiễm virus corona.
New York hiện vẫn thiếu bác sĩ, y tá, và ông de Blasio đã yêu cầu quân đội Mỹ trợ giúp.
Tại Los Angeles, tàu bệnh viện Mercy, tương tự như tàu Comfort, đã bắt đầu điều trị cho bệnh nhân.
Thống đốc Gavin Newsom cho biết số ca nhập viện vì Covid-19 đã tăng gần gấp đôi trong bốn ngày qua và số bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt đã tăng gấp ba lần ở California.
Nhà chức trách ở New Orleans đang thiết lập một bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Hội nghị Ernest N. Morial, địa điểm đã chứa hàng ngàn người tị nạn bão Katrina vào năm 2005, để xử lý một lượng bệnh nhân dự kiến.
Các giới chức y tế Hoa Kỳ đang kêu gọi người dân Mỹ tuân thủ lệnh "ở trong nhà" cho đến cuối tháng 4 để ngăn chặn sự lây lan của virus corona, có nguồn gốc từ Trung Quốc và đã lây nhiễm cho khoảng 3/4 triệu người trên thế giới.
*******************
Tổng thống Trump thấy nhiều ‘túi đựng xác’ nạn nhân Covid-19 ở New York (VOA, 30/03/2020)
Tổng thống Donald Trump mô tả cảnh tượng Bệnh viện Elmhurst ở Queens, khu vực nơi ông sinh ra và lớn lên, ở New York thông qua những hình ảnh được ghi nhận trên truyền thông về những "túi đựng tử thi" trong các xe tải và ông nói rằng ông "chưa bao giờ nhìn thấy bất cứ thứ gì như vậy".
Các y tá phòng cấp cứu của Bệnh viện Elmhurst ở New York chuyển các thùng hoa được gửi tới bệnh viện hôm 28/3. Ông Trump nói đã nhình thấy các "túi đựng tử thi" người chết vì virus corona tại bệnh viện này trong khi CNN nói không thấy bằng chứng về điều này.
Những hình ảnh ám ảnh đó dường như đã làm tổng thống lo lắng, theo kênh ABC.
"Tôi đã thấy nó trong tuần qua trên truyền hình", ông Trump nói hôm 29/3. "Những túi đựng tử thi ở khắp nơi, trên cả các hành lang. Tôi thấy họ mang chúng lên các xe tải – xe tải đông lạnh, đó là những xe tải đông lạnh vì họ không thể xử lý tất cả các tử thi bởi có quá nhiều. Đó là những cảnh tượng ngay chính tại khu nhà tôi ở Queens, New York". Ông Trump nói : "Tôi đã thấy những điều mà tôi chưa từng bao giờ thấy trước đây".
Dù ông Trump đề cập tới "túi đựng xác chết" ở hành lang Bệnh viện Elmhurst, kênh CNN nói không thấy bằng chứng về điều này.
Đã có 13 bệnh nhân tử vong vì virus corona tại bệnh viện này chỉ trong một ngày vào tuần trước, theo kênh ABC.
Tổng thống Trump nói thêm : "Khi tôi thấy những chiếc xe tải đến để đưa các xác chết đi – Ý tôi là những chiếc xe tải xếp hàng dài như vườn hồng (trong Nhà Trắng) và chúng đến để đưa xác đi và bạn nhìn vào bên trong và thấy những chiếc túi đựng xác màu đen ? (Bạn thắc mắc) có gì trong đó ? Đó là ở bệnh viện Elmhurst. Chắc phải là đồ tiếp viện. (Nhưng) đó không phải là đồ tiếp viện. Đó là những con người (bên trong các túi đó)".
Tổng thống Trump cũng chia sẻ câu chuyện về một người bạn của ông đã được nhập viện vì nhiễm virus corona và một ngày sau đó rơi vào hôn mê.
"Tôi có một người bạn đã nhập viện. Ông ấy hơn tuổi tôi và ông ấy hơi nặng nề, nhưng ông ấy là một người cứng rắn. Ông ấy nhập viện này. Một ngày sau đó ông ấy hôn mê. Tôi hỏi tình hình ông ấy thế nào ? Thưa ông, ông ấy đang hôn mê, ông ấy bất tỉnh. Tình hình ông ấy không được tốt. Tốc độ phá hủy của virus rất khủng khiếp, đặc biệt nếu vào đúng người. Thật kinh khủng ", ông Trump nói.
Các sự kiện như đại dịch Covid-19, vụ sụp đổ thị trường nhà ở tại Mỹ năm 2007-2009 và các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/092001 thường được gọi là sự kiện "thiên nga đen". Thuật ngữ này có nghĩa là không ai có thể đoán trước chúng sẽ xảy ra. Nhưng, trên thực tế, những sự kiện này đều liên quan đến những ẩn số đã biết (known unknowns), hơn là những gì cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Donald Rumsfeld từng gọi là "ẩn số chưa biết" (unknown unknowns).
Tổng thống Donald Trump phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng - Ảnh minh họa
Rốt cuộc, trong mỗi trường hợp, các nhà phân tích am hiểu đều biết được không chỉ điều đó có thể xảy ra, mà còn cả khả năng nó sẽ xảy ra trên thực tế nữa. Mặc dù tính chất và thời điểm chính xác của những sự kiện này không thể dự đoán được với độ chính xác cao, nhưng mức độ nghiêm trọng của hậu quả là có thể đoán được. Nếu các nhà hoạch định chính sách đã xem xét các rủi ro và thực hiện các bước phòng ngừa trước, họ có thể đã ngăn chặn hoặc giảm nhẹ được thiệt hại do thảm họa.
Trong trường hợp Covid-19, các nhà dịch tễ học và các chuyên gia y tế khác đã cảnh báo về sự nguy hiểm của một đại dịch virus trong nhiều thập kỷ qua, bao gồm gần đây nhất là năm ngoái. Nhưng điều đó đã không ngăn được Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng là "không lường trước được", rằng đó là "một vấn đề mà không ai từng nghĩ sẽ là vấn đề". Tương tự như vậy, sau các cuộc tấn công ngày 11/09/2001, Tổng thống George W. Bush đã khẳng định sai rằng, "ít nhất, không có ai trong chính phủ của chúng tôi, và tôi không nghĩ rằng cả chính phủ tiền nhiệm, có thể hình dung được việc máy bay đâm vào các tòa nhà với một quy mô lớn như vậy".
Trước những tuyên bố như vậy, người ta thường dễ quy kết những thảm họa này chỉ là do sự bất tài của chính phủ điều hành. Nhưng lỗi của các lãnh đạo phía trên khó có thể là một lời giải thích đẩy đủ, nếu ta thấy rằng thị trường tài chính và công chúng nói chung cũng thường bị bất ngờ. Thị trường chứng khoán đã đạt mức đỉnh lịch sử ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008, và một lần nữa trước vụ sụp đổ mới nhất bắt đầu vào cuối tháng Hai năm nay. Trong cả hai trường hợp, có rất nhiều rủi ro có thể thấy trước mà đáng lẽ ra đã phải làm giảm sự hưng phấn vô lý đó.
Trong cả hai lần, các nhà đầu tư không chỉ theo dõi các dự báo cơ bản quá lạc quan. Họ còn gần như không nhìn thấy rủi ro nào. VIX – thước đo mức độ biến động của thị trường tài chính (đôi khi được gọi là chỉ số sợ hãi) – ở gần mức thấp kỷ lục trước cả hai năm 2007-2009 và 2020.
Một số yếu tố giúp giải thích tại sao các sự kiện cực đoan thường khiến chúng ta bất ngờ. Thứ nhất, ngay cả các chuyên gia kỹ thuật cũng có thể không nhìn thấy bức tranh lớn nếu họ không phân tích đủ dữ liệu. Đôi khi họ chỉ nhìn vào các tập dữ liệu gần đây, cho rằng trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, các sự kiện từ 100 năm trước là không liên quan. Người Mỹ thường có một yếu tố gây hạn chế tầm nhìn khác: tập trung quá mức vào Hoa Kỳ. Không quan tâm đến phần còn lại của thế giới là một trong những rủi ro của chủ nghĩa biệt lệ Mỹ.
Ví dụ, vào năm 2006, các chuyên gia tài chính đã định giá chứng khoán có thế chấp bảo đảm ở Mỹ chủ yếu dựa vào lịch sử giá nhà ở gần đây của Mỹ, về cơ bản cho rằng giá nhà đất không bao giờ giảm theo giá trị danh nghĩa. Nhưng quy tắc đó chỉ đơn thuần phản ánh thực tế rằng chính các nhà phân tích chưa bao giờ chứng kiến giá nhà đất danh nghĩa giảm trong đời họ. Giá nhà đất thực sự đã giảm ở Mỹ vào những năm 1930 và ở Nhật Bản lần gần đây là vào những năm 1990. Nhưng những giai đoạn đó không trùng khớp với kinh nghiệm sống của các nhà phân tích tài chính ở Hoa Kỳ.
Nếu các nhà phân tích đó tham khảo một bộ dữ liệu lớn hơn, các ước tính thống kê của họ sẽ cho phép xác suất giá nhà đất cuối cùng sẽ giảm và do đó các chứng khoán có thế chấp bảo đảm cũng sẽ sụp đổ theo. Các nhà phân tích tài chính chỉ phân tích dữ liệu nước họ và trong một khoảng thời gian hạn chế thì cũng giống như các nhà triết học người Anh ở thế kỷ 19 đã kết luận từ quan sát cá nhân rằng tất cả thiên nga đều màu trắng. Họ chưa bao giờ đến Úc, nơi người ta phát hiện ra những con thiên nga đen từ một thế kỷ trước, và họ cũng không tham khảo ý kiến các nhà điểu học.
Hơn nữa, ngay cả khi các chuyên gia đúng, thì các lãnh đạo chính trị vẫn thường không nghe lời họ. Ở đây, vấn đề là các hệ thống chính trị có xu hướng không phản ứng trước các cảnh báo mà ước tính khả năng xảy ra thảm họa ở mức thấp chỉ khoảng 5% mỗi năm, ngay cả khi thiệt hại nếu bỏ qua xác suất như vậy là rất lớn. Các chuyên gia cảnh báo về một đại dịch nghiêm trọng đã đánh giá đúng rủi ro. Tương tự là Bill Gates cũng như nhiều nhà quan sát sắc sảo khác làm việc trong các lĩnh vực từ sức khỏe cộng đồng tới kinh doanh điện ảnh. Nhưng chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã không chuẩn bị cho điều đó.
Tồi tệ hơn, năm 2018, chính quyền Trump đã giải tán bộ phận thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia do Tổng thống Barack Obama thành lập để đối phó với nguy cơ dịch bệnh; và chính quyền này cũng thường xuyên cố gắng cắt giảm ngân sách dành cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh và các cơ quan y tế công cộng khác. Không có gì đáng ngạc nhiên khi khả năng xử lý đại dịch của Mỹ – như tỉ lệ xét nghiệm thấp và thiếu hụt trầm trọng các trang thiết bị y tế quan trọng – đã thua xa các nền kinh tế tiên tiến khác, không chỉ Singapore và Hàn Quốc.
Nhưng, ngoài việc làm giảm khả năng ứng phó đại dịch của Mỹ, Nhà Trắng đơn giản là không có kế hoạch nào, cũng như không nhận ra rằng họ cần một kế hoạch ngay cả sau khi rõ ràng là sự bùng phát virus ở Trung Quốc sẽ lan rộng ra toàn cầu. Thay vào đó, chính quyền đã thiếu quyết đoán và đổ lỗi cho người khác, không chịu tăng cường năng lực xét nghiệm, và do đó khiến cho số lượng các trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận thấp một cách giả tạo, có lẽ là nhằm hỗ trợ giá cổ phiếu.
Còn đối với tuyên bố của Trump rằng "Không ai từng nhìn thấy bất cứ điều gì như thế trước đây", người ta chỉ cần nhìn lại bốn năm trước khi dịch Ebola giết chết 11.000 người. Nhưng họ ở rất xa, tận Tây Phi. Đại dịch cúm 1918-19 đã giết chết 675.000 người Mỹ (cùng với khoảng 50 triệu người trên toàn thế giới), nhưng đó là 100 năm trước.
Rõ ràng, các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta chỉ bị ấn tượng khi một thảm họa giết chết một số lượng lớn công dân trong chính đất nước họ và trong ký ức gần đây mà họ còn nhớ. Nếu bạn chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy một con thiên nga đen, chúng chắc chắn không tồn tại.
Thế giới hiện đang phải trả một mức học phí quá đắt cho các bài học về đại dịch. Chúng ta chỉ biết hy vọng rằng thiệt hại nhân mạng không quá cao – và người ta sẽ học được những bài học phù hợp.
Jeffrey Frankel
Nguyên tác : "Foreseeable Unforeseeables", Project Syndicate, 27/03/2020.
Trần Hùng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 30/03/2020
Jeffrey Frankel, giáo sư Trường Quản lý Nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard, nguyên là thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Bill Clinton. Ông điều hành Chương trình Tài chính Quốc tế và Kinh tế Vĩ mô tại Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ, nơi ông là thành viên của Ủy ban Xác định Chu kỳ Kinh tế, cơ quan chính thức của Hoa Kỳ chuyên xác định thời điểm suy thoái và phục hồi của nền kinh tế.
Lá thư từ Mỹ
Hai tuần qua ở nhà suốt, vì trường tôi đóng cửa sớm nhất trong vùng, từ ngày 11/3. Những ngày qua chỉ ra sân khi trời nắng và một lần đi chợ mua thực phẩm.
Xếp hàng trước siêu thị Berkeley Bowl (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Hôm đó trước cửa siêu thị có người xếp hàng dài ra đến bãi đậu xe, đúng tiêu chuẩn Cô Vi, mỗi người cách nhau 2 mét. Rồi loa phát thanh thông báo ai trên 60 tuổi không phải xếp hàng, được vào chợ ngay. Tôi không còn ở tuổi U60, nên mau lẹ vào mua bánh mì, patê, phô-ma, ít cây trái và rau.
Hôm qua 26/3, sau mấy hôm trời âm u và mưa, có nắng lên nên tôi quyết định lái xe một vòng qua San Francisco xem tình hình thế nào với lệnh cấm ra khỏi nhà.
Trên xa lộ xe chạy với vận tốc tối đa vì lưu lượng rất thưa. Nhiều bảng điện tử trước đây ghi số phút từ nơi này đến nơi kia, hôm nay chạy hàng chữ nhắc nhở rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách để tránh lây nhiễm Covid-19.
Trên cầu Bay Brigde dẫn vào thành phố San Francisco (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Trạm thu phí qua cầu không còn người làm việc. Lệ phí thanh toán bằng máy có trong xe, còn không giấy tính tiền sẽ được gửi về nhà. Cơ quan thu phí muốn tránh giao tiếp với người lái xe, tránh chạm vào những đồng tiền có thể làm lây lan bệnh dịch.
Lưu thông vắng hơn cả chiều Chủ nhật hôm đầu tháng trước, khi có trận Super Bowl. Chạy trên xa lộ đoạn đường 20 dặm mà không phải dừng chỗ nào, cho đến khi vào thành phố có đèn xanh đỏ.
Chưa bao giờ San Francisco vắng vẻ như hôm nay, kể cả sau trận động đất tháng 10/1989 hay trong thời gian khủng hoảng tài chánh năm 2008.
Một người trên đường phố San Francisco hôm 26/3/2020 (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Trưa thứ Năm, trước tòa thị chính có vài người tản bộ như đang tập thể dục, dăm bảy người không nhà nằm phơi nắng trên thảm cỏ xanh.
Khu phố thương mại Little Saigon, San Francisco (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Đường Larkin nơi khu Little Saigon vắng lặng. Hầu hết cửa hàng dịch vụ và thức ăn Việt đóng cửa. Chỉ có bánh mì Lee’s bán cho khách mang về. Trong tiệm quầy hàng cũng hết chỉ còn ít thức ăn nhanh. Giá cả, như ruốc cũng tăng lên.
Tiệm bánh mì Lee’s mở cửa bán thức ăn cho khách đem về (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Con đường Embarcadero dọc theo bờ vịnh từ bến phà tới Pier 39 lác đác vài khách bộ hành và xe chạy. Có cặp tình nhân vẫn nắm tay nhau dung dăng dưới bầu trời nắng đẹp.
Bến cảng San Francisco là trung tâm du lịch nay vắng vẻ (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Phố Tầu vắng lặng, không một bóng người. Như Vũ Hán hôm tết vừa qua. Lồng đèn đong đưa cùng cờ Trung Quốc phất phơ theo gió.
Phố Tầu San Francisco không một bóng người (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Khu tài chính thương mại yên lặng như chưa bao giờ thấy, dù thị trường chứng khoán vẫn mở cửa giao dịch.
Trung tâm mua sắm Union Square lác đác vài người đứng ngồi nơi quảng trường. Mấy cửa hàng bị trộm đập cửa kính đãcó ván ép bao bọc.
San Francisco yên lặng. Cùng nước Mỹ và cả thế giới âm thầm chiến đấu với một kẻ thù vô hình.
Từ khi bệnh dịch Covid-19 bùng lên tại thành phố Vũ Hánbên Trung Quốc vào cuối tháng 11 năm ngoái, đến nay nó đã làm cho thế giới đảo điên vì chưa biết cách ngăn ngừa hay chữa trị.
Cô Vi đã lan đến gần như mọi quốc gia. Vào nước Mỹ từ đầu năm nay, nhưng trong ba tuần qua cô mới bùng phát khiến cả trăm nghìn người Mỹ bị nhiễm, gần hai nghìn tử vong.Mà con số vẫn chưa dừng ở đó, ngày càng tăng lên.
Nhiều nơi có lệnh cấm ra đường khi không cần thiết. Các đại học đóng cửa, sinh viên chuyển qua học trực tuyến. Hơn 30 triệu học sinh phổ thông hiện nghỉ học dài hạn trong những ngày qua, nhiều nơi như California sẽ kéo dài cho đến đầu tháng 5 và có thể đến hết niên học.
Tình hình diễn biến liên tục từ ngày 13/3, khi Tổng thống Donald Trump thừa nhận đó là đại dịch. Từ đó, ông và ban tham mưu lo phòng chống bệnh dịch đã có họp báo mỗi ngày, kể cả cuối tuần, để trình bày hiện tình với quốc dân.
Tổng thống Trump lúc nào cũng tỏ vẻ lạc quan. Ông nói sẽ vượt qua khó khăn này và kinh tế Mỹ sẽ hồi phục mau chóng. Có thể đến Lễ Phục Sinh 12/4 nhiều nơi sẽ sinh hoạt bình thường trở lại.
Giới chức y tế không tin thế. Các cơ quan truyền thông như CNN, MSNBC thường chỉ trích tổng thống trong ba năm qua thì dự đoán tình hình sẽ nghiêm trọng hơn, nếu chính quyền không cấm đi lại trên toàn quốc để tránh lây lan.
Nhiều hãng xưởng, dịch vụ đóng cửa. Mọi thứ đình trệ. Chứng khoán đã rớt vài nghìn điểm trong hai tuần qua.
Quốc hội gấp rút soạn thảo ba luật phòng chống Cô Vi, giúp dân và cứu nguy kinh tế Mỹ.
Chiều 27/3 Tổng thống Trump ký ban hành luật trợ giúp dân và các ngành nghề bị ảnh hưởng bởi nạn dịch, tổng chi 2 nghìn 200 tỉ đôla.
Giới tiểu thương, các hãng hàng không, chủ khách sạn và người thất nghiệp sẽ được trợ giúp tài chánh.
Dân cũng được giúp. Một gia đình với vợ chồng và hai con nhỏ, nếu tổng số lương năm ngoái hay năm trước nữa là dưới 150 nghìn đô, sẽ nhận được 3.400 đô trợ cấp. Những gia đình có thu nhập cao hơn 198 nghìn đô không được nhận trợ cấp.
Với ba luật vừa ban hành, phục hồi kinh tế lâu hay mau thời gian sẽ trả lời. Về y tế thì khẩn cấp nhất là tìm ra thuốc chữa bệnh. Cùng lúc đi tìm thuốc chủng ngừa cho tương lai.
Tổng thống Trump đã nhắc đến liều thuốc Chloroquine chung với thuốc kháng sinh Azithromycin có thể chữa được bệnh là "một món quà Trời cho" sẽ làm thay đổi cuộc chơi – game changer. Ông Trump lạc quan tin tưởng nếu dùng chung hai loại thuốc này sẽ chữa khỏi bệnh, nên không mất gì nếu thử dùng nó lúc này.
Nhiều người phản đối, chỉ trích ông đóng vai thày thuốc kiểu sơn đông mãi võ.
Chloroquine là thuốc trị bệnh sốt rét đã được dùng từ nhiều năm qua, nhưng phải theo toa bác sĩ.
Bác sĩ Anthony Fauci, tiếng nói có thẩm quyền nhất về phòng chống bệnh dịch tại Hoa Kỳ và thường xuất hiện bên cạnh tổng thống và phó tổng thống trong những ngày qua thì lại cẩn trọng hơn. Ông nói là chưa có đủ số liệu để đưa tới kết luận là thuốc trị sốt rét có hiệu quả trong việc trị cúm Cô Vi.
Cho đến nay nhiều nơi trên thế giới đang thử nghiệm có đến trên 50 loại thuốc khác nhau. Phương pháp trị liệu mà ông Trump đề cập tới và đang được thử nghiệm cho nhiều bệnh nhân ở New York chỉ là một trong số đó.
Phát biểu của Tổng thống Trump đã làm sôi nổi lên những chỉ trích cho rằng ông ăn nói cẩu thả trong lĩnh vực không phải chuyên môn của mình. Những chỉ trích đó hoàn toàn đúng, ông nên để giới chức chuyên môn trả lời những câu hỏi liên quan đến phương pháp trị liệu.
Nhưng Trump vẫn là Trump từ khi tranh cử cho đến nay, với những phát biểu bạt mạng trong nhiều vấn đề chứ không riêng gì y tế, sức khỏe của toàn dân.
Ngay cả việc ông gọi tên "Chinese Virus" cũng là điều không nên vì sẽ gây ra những sự kì thị với người Châu Á.
Tôi không đồng ý với Tổng thống Trump trong cách gọi đó, vì ra đường mấy ai phân biệt được người Hoa hay Việt, Hàn, Phi, Thái, Miên, Lào, Nhật.
Bạn nào ủng hộ Tổng thống Trump trong cách gọi tên như thế, hãy tìm xem phim "Who killed Vincent Chen ?" về một kỹ sư người Hoa bị giết chết hồi thập niên 1980, vì kẻ giết người lầm tưởng nạn nhân là người Nhật, trong thời điểm có khuynh hướng bài chống Nhật, khi xe Nhật được nhập cảng ào ạt vào Mỹ làm cho nhiều công nhân hãng xưởng ôtô Mỹ mất việc.
Trở lại với việc tìm thuốc trị, bên Pháp có bác sĩ Didier Raoult, một nhà chuyên môn danh tiếng về các bệnh nhiễm trùng, đã thử dùng chloroquine với kháng sinh và có kết quả khả quan cho bệnh nhân. Nhưng vì số liệu chỉ dựa trên một mẫu tập hợp nhỏ, với 36 bệnh nhân nên chưa thể đưa đến kết luận đúng với chuẩn mực khoa học.
Tiểu bang Florida có bệnh nhân Giardinieri, 52 tuổi, được chữa khỏi nhờ thuốc sốt rét, tuy nhiên ông cảnh giác mọi người không nên dùng thuốc đó một cách bừa bãi mà phải tham khảo với bác sĩ.
Một y tá gốc Việt làm việc tại bệnh viện ở thành phố Dallas tiểu bang Texas cho phóng viên Nửa Vòng Trái Đất TV (Nhật báo Người Việt 25/3/2020) biết nhiều trường hợp bác sĩ cho dùng thuốc sốt rét cùng với thuốc kháng sinh để chữa trị và có nhiều người hồi phục hơn.
Bên Trung Quốc cũng đã cho dùng thuốc chống sốt rét để chữa bệnh Cô Vi, nhưng số liệu và kết quả chưa được công bố.
Nhắc đến thuốc Chloroquine, khi bà Đồ U U của Trung Quốc đạt giải Nobel Y học năm 2015 do những nghiên cứu chiết xuất để sản xuất thuốc này thì đã có tranh cãi với Việt Nam.
Trung Quốc nói đã dùng thuốc để chữa bệnh sốt rét cho nhiều bộ đội cộng sản miền Bắc Việt Nam trong cuộc chiến chống Mỹ qua Dự án 523 do Mao đề xướng.
Việt Nam phản bác lại. Đạo diễn Đặng Nhật Minh nói rằng chính bố ông là bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã khởi động nghiên cứu tìm thuốc chữa sốt rét cho bộ đội, không phải từ những cố vấn Trung Quốc.
Bệnh dịch Cô Vi đang lây lan ngày một nhiều với số người chết ngày một tăng, hiện tại là hơn nửa triệu ca nhiễm và 22 nghìn tử vong. Mỹ có số người bị nhiễm cao nhất, hơn 100 nghìn với 1.600 tử vong và New York hiện là tâm điểm bùng phát.
Vùng Vịnh San Francisco là khu vực đầu tiên tại Mỹ áp dụng các biện pháp giới hạn ra đường và giao tiếp xã hội sau khi có một ca tử vong ở San Jose trong ngày 9/3, là một phụ nữ 68 tuổi, khỏe mạnh, vui vẻ, không du lịch nhưng vẫn bị lây và qua đời một tuần sau khi có triệu chứng bệnh.
Hai ngày sau, 11/3 nhiều trường học trong khu vực đóng cửa. Ngày 16/3 có lệnh cấm cư dân vùng vịnh ra đường và đến ngày 19/3 Thống đốc ra lệnh cho toàn tiểu bang California cấm túc.
Các biện pháp mạnh mẽ và cấp thời của California giúp cho số ca nhiễm và tử vong không tăng nhanh như New York.
Cô Vi xuất hiện và đã làm đảo lộn cuộc sống từ Á sang Âu, từ rừng Amazon Nam Mỹ lên đến thành phố hoa lệ New York.
Như tiếng sét tử thần nên mọi người lo sợ khi cô đến. Giới nghiên cứu lúc đầu cho rằng cô thích các bạn già, nhưng không hẳn như thế. Già hay trẻ, nam hay nữ, dân thường hay người quyền cao chức trọng, giòng dõi vua chúa đều đã có cơ hội gặp cô.
Phó đại sứ Anh tại Hungary mới 37 tuổi bị cô cướp đi mạng sống. Một nữ sinh Pháp 17 tuổi đã qua đời vì cô.
Cô Vi đã lây lan từ Thái tử Charles, Thủ tướng Boris Johnson của nước Anh đến Thượng nghị sĩ Rand Paul, Tổng Giám mục Gregory Aymond thuộc Giáo phận New Orleans của Hoa Kỳ.
Chính phủ các cấp đang làm nhiều việc để giúp dân Mỹ bớt lo, giúp kinh tế khỏi suy sụp. Chính sách của Tổng thống Trump đưa ra có người đồng ý, có người mạnh mẽ lên tiếng phản bác.
Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh phát biểu ý kiến chê lãnh đạo Mỹ, chê nước Mỹ cũng là quyền tự do biểu đạt của cô. Đó là điều rất bình thường trong một đất nước tự do dân chủ. Vậy mà nhiều người Việt vẫn nhất định chỉ có quan điểm, tầm nhìn của mình là đúng, là chân lý. Ai không đồng ý là ném đá, qui chụp, còn đòi đuổi Mẹ Nấm về nước. Như thế có khác gì những phát biểu của Tổng thống Trump trước đây với những người bất đồng quan điểm với ông.
Chỉ trích lãnh đạo Mỹ không có nghĩa là không yêu nước Mỹ. Có yêu nước, quan tâm tới hưng thịnh của quốc gia người dân mới lên tiếng phê bình những việc làm của chính phủ.
Bùi Văn Phú
(30/03/2020)
'Hàng triệu người Mỹ' có thể nhiễm virus Corona, tử vong 'lên tới 200 nghìn' (VOA, 30/03/2020)
Một chuyên gia hàng đầu của chính phủ Mỹ về bệnh truyền nhiễm hôm 29/3 cảnh báo rằng con số tử vong vì virus Corona ở Hoa Kỳ có thể tăng lên tới 200 nghìn người và hàng triệu ca lây nhiễm, theo Reuters.
Lời cảnh báo của bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm và dị ứng, được đưa ra trong bối cảnh New York, New Orleans và các thành phố lớn khác kêu gọi thêm các thiết bị y tế.
Ông Fauci nói với kênh CNN rằng dịch Covid-19 có thể khiến từ 100 tới 200 nghìn người tử vong ở Mỹ và hàng triệu ca nhiễm.
Theo Reuters, kể từ năm 2010, dịch cúm ở Mỹ làm 12 nghìn tới 61 nghìn người tử vong mỗi năm. Đại dịch cúm năm 1918-19 đã làm 675 nghìn người chết.
Tính tới ngày 29/3, con số người tử vong vì Covid-19 ở Mỹ là 2.300 người, tăng hơn gấp đôi so với hai ngày trước đó.
Con số người nhiễm virus ở Hoa Kỳ là hơn 130 nghìn người.
Theo Reuters, thành phố New York sẽ cần thêm hàng trăm máy thở trong những ngày tới, cũng như cần thêm khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế và các vật dụng y tế khác.
Trong khi đó, tới ngày 4/4, New Orleans sẽ thiếu máy thở và các quan chức ở New Orleans hiện chưa biết là họ có nhận được các máy thở từ kho dự trữ quốc gia hay không.
*******************
ố ca Covid-19 ở Mỹ vượt quá 100.000, bác sĩ kêu cứu vì quá tải (VOA, 28/03/2020)
Tổng số ca nhiễm virus corona được biết đến ở Mỹ đã vượt quá 100.000 người, với hơn 1.600 người chết, trong khi các bác sĩ và y tá gồng mình đối phó với tình trạng thiếu thốn vật tư y tế.
Người dân đứng xếp hàng chờ xét nghiệm virus corona (Covid-19) tại Trung tâm Bệnh viện Elmhurst ở Quận Queens của Thành phố New York, ngày 26/3, 2020.
Các nhân viên y tế ở Mỹ trực chiến với đại dịch ngày thứ Sáu khẩn cầu cung cấp thêm thiết bị và đồ bảo hộ để điều trị số lượng bệnh nhân tăng vọt mà đang đẩy các bệnh viện đến chỗ quá tải tại các điểm nóng virus như Thành phố New York, New Orleans và Detroit.
"Chúng tôi đang sợ", Bác sĩ Arabia Mollete của Bệnh viện và Trung tâm Y tế Đại học Brookdale ở Quận Brooklyn của Thành phố New York nói với Reuters. "Chúng tôi đang cố gắng chiến đấu vì tính mạng của những người khác, nhưng chúng tôi cũng chiến đấu vì tính mạng của chúng tôi nữa, vì chúng tôi cũng có nguy cơ phơi nhiễm cao nhất".
Các bác sĩ đặc biệt lo ngại về tình trạng thiếu máy thở, vốn rất cần cho những người mắc bệnh Covid-19., một bệnh đường hô hấp giống như viêm phổi gây ra bởi chủng virus corona mới lây lan mạnh.
Các bệnh viện cũng báo động về tình trạng khan hiếm thuốc, bình oxy và nhân viên được đào tạo.
Số ca nhiễm virus được xác nhận ở Mỹ đã tăng khoảng 18.000 ca vào ngày thứ Sáu, mức tăng cao nhất trong một ngày, lên hơn 103.000 ca. Mỹ hiện đang dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm virus corona kể từ khi số ca được biết đến ở Mỹ vượt qua Trung Quốc và Ý vào ngày thứ Năm.
Với ít nhất 1.634 người thiệt mạng kể từ tối ngày thứ Sáu - cũng là mức tăng kỉ lục hàng ngày - Mỹ đứng thứ sáu thế giới về số người chết vì đại dịch, theo những số liệu chính thức mà Reuters kiểm đếm.
Trong khi tình trạng thiếu thốn nguồn vật tư y tế xảy ra trên khắp cả nước, các bác sĩ và y tá tuyệt vọng buộc phải tái sử dụng một số đồ bảo hộ hoặc phải giấu khẩu trang N-95 để không bị lấy cắp.
Bác sĩ Alexander Salerno của Hiệp hội Y khoa Salerno ở phía bắc bang New Jersey nói với Reuters ông phải thông qua một "người môi giới" trực tuyến để trả 17.000 đôla mua khẩu trang và các thiết bị bảo hộ khác có giá khoảng 2.500 đôla và nhận hàng tại một nhà kho bỏ hoang.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày thứ Sáu đã viện dẫn quyền lực khẩn cấp bắt buộc hãng General Motors bắt đầu chế tạo máy thở sau khi ông cáo buộc nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Mỹ lãng phí thời gian trong các cuộc đàm phán.
Trước đây, ông đã kháng cự những lời kêu gọi ông viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, một đạo luật thời Chiến tranh Triều Tiên cho tổng thống quyền lực mua thiết bị ồ ạt trong các trường hợp khẩn cấp quốc gia.
*******************
Dịch corona : Hơn 80% dân Mỹ sẽ nhận được tiền trợ cấp của chính phủ (VOA, 28/03/2020)
Đại đa số dân Mỹ sắp được chính phủ gửi ngân phiếu hay chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản ngân hàng, với gói cứu nguy kinh tế trị giá 2,2 ngàn tỷ đô la vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành chiều ngày 27/3 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở y tế, và giúp dân chúng vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19.
Tổng thống Donald Trump ký ban hành gói cứu nguy kinh tế trị giá 2,2 ngàn tỷ đô la chiều ngày 27/3/2020.
Gói tài trợ sẽ cấp 1.200 đô la cho những người có thu nhập hằng năm dưới 75.000 đô, cộng thêm 500 đô la cho mỗi đứa con. Những người có lợi tức trên 75.000 đô la/năm cũng sẽ nhận được tiền hỗ trợ nếu hội đủ một số điều kiện. Phần đông sẽ nhận được tiền vào tháng Tư qua hình thức chuyển khoản trực tiếp vào ngân hàng. Những người nhận ngân phiếu gửi qua đường bưu điện có thể sẽ chờ lâu hơn.
Người nào đủ điều kiện nhận tiền ?
Các cá nhân có thu nhập dưới 75.000 đô la/năm sẽ đủ điều kiện nhận được ngân phiếu tài trợ 1.200 đô la. Người có thu nhập lên tới 99.000 đô/năm thì nhận được số tiền ít hơn (trên mức thu nhập 75.000 đô, cứ 100 đô thu nhập thì bị giảm đi 5 đô tài trợ).
Vợ chồng khai thuế chung được lãnh 2.400 đô la nếu tổng thu nhập được điều chỉnh theo các khoản chiết khấu cho phép của họ dưới 150.000 đô la một năm. Những cặp vợ chồng thu nhập tới 198.000 đô la một năm thì số tiền tài trợ sẽ giảm bớt theo tỷ lệ. Các cặp vợ chồng cũng nhận được 500 đô la cho những đứa con dưới 17 tuổi.
Những người khai thuế dưới dạng "chủ hộ gia đình" (thường là cha hay mẹ sống một mình với con) đủ điều kiện nhận 1.200 đô la nếu lợi tức dưới 112.500 đô la một năm. Nếu thu nhập lên tới 136.500 đô la một năm thì số tiền tài trợ nhận được sẽ giảm xuống theo tỷ lệ. Diện này cũng được nhận thêm 500 đô la cho mỗi đứa con dưới 17 tuổi.
Làm sao tiền đến được tận tay ?
Những người ở Mỹ đã khai thuế năm 2019 thì Sở thuế Liên bang IRS sẽ dùng những tin tức ngân hàng trực tiếp trên tờ khai thuế năm 2019 để gởi tiền vào tài khoản ngân hàng của họ. Nếu ai không cung cấp cho IRS những chi tiết về tài khoản ngân hàng hoặc đã đóng tài khoản thì IRS sẽ gởi ngân phiếu cho họ.
Những người chưa khai thuế năm 2019, IRS sẽ dựa vào thông tin khai thuế năm 2018 để quyết định và tiến hành việc gửi tiền.
Khi nào tiền sẽ đến ?
Bộ trưởng Tài chánh Steven Mnuchin đặt mục tiêu gửi ra những tấm ngân phiếu đầu tiên trong tuần lễ đầu tháng Tư. Nhiều chuyên gia nói đây là thời khóa biểu nhiều tham vọng và có thể bị đẩy lùi vào cuối tháng 4. Lần cuối cùng chính phủ Mỹ thực hiện điều tương tự là vào năm 2008, tiền được gởi cho dân hàng loạt và phải mất khoảng 8 tuần để những người cuối cùng nhận được ngân phiếu.
Những người đang nhận tiền an sinh xã hội thì sao ?
Những người đang nhận tiền an sinh xã hội đủ điều kiện nhận trợ cấp virus corona với điều kiện tổng lợi tức của họ không vượt quá giới hạn. Những người Mỹ lợi tức thấp được hưởng tiền an sinh xã hội không cần phải khai thuế. Chừng nào họ còn nhận mẫu đơn SSA-1099 (tuyên bố lợi tức An sinh Xã hội) thì chính phủ Liên bang sẽ có thể gởi tiền cho họ theo cách thức mà họ thường nhận trợ cấp An sinh Xã hội. Những người về hưu và những người khuyết tật đều đủ điều kiện nhận được tiền trợ cấp đặc biệt vì dịch bệnh corona lần này.
Bao nhiêu người Mỹ sẽ nhận được các khoản tiền này ?
Có khoảng 125 triệu người sẽ nhận được ngân phiếu, hay khoảng 83% những người khai thuế, theo Kyle Pomerlo, một chuyên gia về thuế tại Viện Doanh nghiệp Mỹ.
Ai sẽ không nhận được tiền ?
Những người không nhận được tiền là những người giàu, những người không phải thường trú nhân (tức là người nước ngoài không có thẻ xanh) và những ai được khai là người phụ thuộc trong hồ sơ khai thuế của người khác.
Sẽ có khoản hỗ trợ nào khác ?
Có thể có. Tổng thống Trump nói ông sẵn sàng cho một đợt chi trả mới, nhưng chỉ khi nào nền kinh tế vẫn còn yếu sau mùa xuân và phải cần một lần thúc đẩy kinh tế nữa.
Tiền này có bị đóng thuế hay không ?
Không, không bị đóng thuế. Tuy nhiên có một điều cần để ý là về phương diện kỹ thuật, lợi tức năm 2020 của một cá nhân là điều để biết họ có đủ điều kiện để nhận tiền hay không. Nhưng vì chưa ai biết được lợi tức năm 2020 của mình ra sao nên chính phủ sử dụng tờ khai thuế năm 2019 và 2018 để biết được ai đủ điều kiện. Có thể có người phải trả lại toàn phần hoặc một phần tiền hỗ trợ nhận được nếu lợi tức trong tờ khai thuế năm 2020 lớn hơn nhiều so với năm 2019 hay 2018. Khả năng này không lớn, và số tiền phải hoàn lại trước ngày 15/4/2021.
Điều gì xảy ra cho những người kiếm được nhiều tiền trong năm 2018 và 2019 nhưng hiện thất nghiệp ?
Đó là tình huống khó khăn. Tiếc thay những người này không đủ điều kiện nhận ngay 1.200 đô la. Họ sẽ nhận được tiền khi khai thuế 2020 vào năm tới. Bộ Tài chánh có thể lập một chương trình để những người này có thể nhận được tiền hỗ trợ sớm hơn, nhưng chưa có chi tiết cụ thể được loan báo.
(Nguồn : The Washington Post)
*****************
Tổng thống Trump ký ban hành gói cứu nguy kinh tế trên 2 ngàn tỷ đô (VOA, 28/03/2020)
Tổng thống Mỹ Donald Trump chiều ngày 27/3 ký ban hành gói cứu nguy kinh tế trị giá 2,2 ngàn tỷ đô la, số lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ từ trước tới nay, sau khi lưỡng viện Quốc hội nhanh chóng chấp thuận biện pháp này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở y tế, và giúp dân chúng vượt qua khó khăn tài chính trong đại dịch Covid-19.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành gói cứu nguy kinh tế 2,2 ngàn tỷ đô la, chiều ngày 27/3/20.
Tổng thống Trump, khi ký phê duyệt tại Phòng Bầu Dục, đã ngỏ lời cảm ơn cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà đã đặt nước Mỹ lên trên hết.
Trước đó vài giờ, gói hỗ trợ kinh tế này đã được thông qua tại Hạ viện sau khi Thượng viện biểu quyết tán đồng tối 25/3.
Luật chi tiêu 2,2 ngàn tỷ đô la sẽ giúp chính phủ xúc tiến việc gửi cho dân ngân phiếu 1.200 đô la, tăng cường phúc lợi thất nghiệp cho hàng triệu người bị mất việc làm vì dịch virus corona. Các doanh nghiệp lớn, nhỏ sẽ nhận được các khoản vay, hỗ trợ, miễn giảm thuế. Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ gửi hàng tỷ đô la chưa từng có trước nay tới các tiểu bang, các chính quyền địa phương cũng như hệ thống y tế trên toàn quốc.
"Luật này không chỉ là một gói cứu nguy kinh tế, đó là một sự cam kết rằng chính phủ của quý vị và những người quý vị chọn để phục vụ sẽ làm mọi cách có thể để hạn chế những thiệt hại và khó khăn mà quý vị đang đương đầu, cả bây giờ và trong tương lai", lãnh đạo phe thiểu số Cộng hoà ở Hạ viện, dân biểu Kevin McCarthy, nói.
Luật cũng lập ra một chương trình trị giá 454 tỷ đô la dành cho các khoản vay trợ cấp bảo đảm cho các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề vì virus corona.
Gói hỗ trợ kinh tế này cũng dành 150 tỷ đô la cho các bệnh viện và hệ thống y tế liên hệ cùng 290 tỷ đô la cấp phát cho hàng triệu gia đình.
Luật chi tiêu vừa thông qua còn cung cấp 350 tỷ đô la các khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ, 250 tỷ đô la mở rộng hỗ trợ thất nghiệp.
Sự hậu thuẫn đồng lòng hiếm có giữa cả hai đảng ở Quốc hội đối với gói cứu nguy kinh tế này cho thấy các nghị sĩ Mỹ xem đại dịch Covid-19 nghiêm trọng tới mức nào trong lúc dân Mỹ đang chống chọi với những khó khăn và hệ thống y tế đang chật vật đối phó với những thách thức do dịch bệnh gây ra.
Hôm 26/3, Mỹ trở thành quốc gia có nhiều ca nhiễm virus corona nhất, vượt qua Trung Quốc và Ý.
Số người bị nhiễm virus corona tại Mỹ đã quá 87 ngàn, số tử vong vượt trên 1.300 ca.
Bộ Lao động báo cáo số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp hiện là 3,28 triệu, số cao kỷ lục từ trước tới nay.
Lá thư từ Mỹ
Trong bốn ngày qua tình hình đối phó với dịch Covid-19 ở Mỹ ngày một khẩn trương lên khiến Tổng thống Donald Trump, cùng ban tham mưu phòng chống, đã có họp báo mỗi ngày để dân biết các chính sách liên quan.
Siêu thị Costco vùng Vịnh San Francisco thường thưa khách ngày đầu tuần nhưng sáng thứ Hai 16/3 đông người mua hàng sau khi có lệnh không ra đường trong ba tuần (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Chiều thứ Sáu 13/3, Tổng thống công bố tình trạng "khẩn cấp quốc gia". Quyết định của lãnh đạo Hoa Kỳ được đưa ra sau khi cơ quan y tế thế giới chính thức gọi vi-rút Covid-19, bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc từ tháng 12 năm 2019 là một đại dịch toàn cầu.
Sau tuyên bố của lãnh đạo Mỹ, chỉ số Dow Jones tăng gần 2 nghìn điểm, lên 23.186 - với hơn nửa trong vòng 30 phút giao dịch cuối ngày.
Qua ngày thứ Bảy 14/3, Tổng thống và ủy ban đặc nhiệm, dưới sự lãnh đạo của Phó Tổng thống Mike Pence, lại họp báo. Lần này mọi người tham dự kể cả ông Trump và quan chức chính phủ phải đo nhiệt độ trước khi vào phòng. Một nhà báo không được vào vì có thân nhiệt trên 99 độ F.
Tổng thống Trump bị chỉ trích là hôm trước ông đã bắt tay nhiều người, đã điều chỉnh mi-crô, là những động tác có thể gây truyền nhiễm. Ông trả lời rằng bắt tay đã trở thành thói quen và tự nhắc nhở ông và mọi người nên bỏ trong lúc này.
Ông Trump cũng xác nhận là đã cho bác sĩ thử vi-rút, vì trong thời gian gần đây có tiếp xúc với vài người có thể bị dương tính Cô Vi. Vài giờ sau kết quả cho thấy Tổng thống Trump không nhiễm vi-rút.
Rạng sáng thứ Bảy, Hạ viện thông qua, với tỉ số 363/40, một dự luật khẩn chi 50 tỉ đôla. Tuần này Thượng viện chắc cũng sẽ đồng thuận và tổng thống ký ban hành.
Báo Việt ngữ ở California với tin về Covid-19 tại Hoa Kỳ và Việt Nam trên trang nhất (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Trong họp báo chiều Chủ nhật 15/3, Tổng thống Trump tỏ ra lạc quan với các biện pháp kiểm soát lây lan bệnh dịch. Những phát biểu của ông cho thấy tình hình lạc quan, đang được triển khai đúng. Dân đừng lo lắng quá. Ông vừa gặp gỡ những chủ tịch tập đoàn bán lẻ và họ hứa sẽ cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm và các thứ cần cho vệ sinh, vì thế ông nhắc dân không nên hoảng loạn mua đồ tích trữ.
Quan trọng hơn là tương lai kinh tế Hoa Kỳ trong những ngày trước mặt. Tổng thống loan báo là Quỹ Dự trữ Liên bang vừa cắt giảm phân lời cho vay từ 1 đến 1,25% xuống còn từ 0 đến 0,25% để kích thích kinh tế.
Sang ngày thứ Hai 16/3, trong buổi họp báo Tổng thống Trump khuyến cáo không nên tụ họp quá 10 người, tình hình hiện xấu và sẽ kéo dài đến tháng Bảy hay tháng Tám, kinh tế có thể rơi vào suy thoái.
Với thông tin đó, Dow Jones rớt 3 nghìn điểm, còn 20.186, đã mất 30% từ thời điểm cao nhất cuối năm ngoái.
Điều mà giới chức y tế quan ngại hiện nay là Hoa Kỳ thiếu thuốc thử để xét nghiệm ai bị vi-rút. Trong dân có những trường hợp đã bị nhiễm mà không có dấu hiệu nên có thể lây lan rộng trong cộng đồng. Giới chức chính phủ cho biết các trạm xét bệnh sẽ bắt đầu hoạt động ngay và người dân sẽ không phải trả tiền phí cho xét nghiệm hay chữa trị.
Theo Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu về Bệnh dị ứng Truyền nhiễm và hiện là tiếng nói chính trong việc phòng chống dịch, lúc này cần ngăn chặn sao cho đồ biểu lây bệnh không bùng lên quá cao. Ông đề nghị không nên đi máy bay hay ăn nhà hàng khi không cần. Vì nếu số người bị lây nhiễm quá nhiều, bệnh viện sẽ quá tải, khi đó sẽ rất nguy hiểm cho sức khoẻ toàn dân.
Hai tuần trước chỉ những tiểu bang có nhiều ca nhiễm và người chết là Washington, California và New York công bố tình trạng khẩn cấp y tế. Đến nay hầu hết mọi nơi đã công bố tình trạng khẩn cấp y tế, khi người bị lây nhiễm đã có tại 49 tiểu bang và vùng Thủ đô Washington.
Các tiểu bang, quận hạt cũng như những thành phố lớn đều tùy tình hình mà ban hành chính sách phòng chống. California cấm tụ họp trên 250 người, trong khi ở Texas con số này là 500.
Sau khi Tổng thống đưa ra khuyến cáo không nên tụ họp trên 10 người, vùng Vịnh San Francisco với 6 quận hạt cùng nhau công bố kế hoạch cấm dân ra đường nếu không có việc cần thiết, bắt đầu từ đêm thứ Hai 16/3 cho đến ngày 7/4 để giảm lây bệnh. Cảnh sát, cứu hỏa, y tá, bác sĩ vẫn tiếp tục làm việc. Quán rượu, những nơi tập thể dục, trung tâm giải trí đóng cửa. Siêu thị, trạm xăng, nhà băng tiếp tục bán hàng. Nhà hàng không được mở cửa, chỉ nhận đặt món ăn cho khách đến lấy đem về.
Các nhà thờ Thiên Chúa giáo trong vùng Vịnh San Francisco không còn buộc giáo dân đến thánh đường ngày Chủ nhật. Nhiều nhà thờ đóng cửa trong nhiều tuần.
Rất nhiều trường học, từ mẫu giáo đến lớp 12 và đại học các cấp ở California đã đóng cửa cho đến đầu tháng Tư hay chuyển qua giảng dạy trực tuyến cho đến hết niên học.
Nước Mỹ có hơn 35 triệu học sinh phổ thông không đến trường từ ngày thứ Hai 16/3. Vì nhiều học sinh thuộc diện có trợ cấp ăn sáng và ăn trưa tại trường nên các nơi đang có kế hoạch để các em tiếp tục nhận bữa ăn qua các trung tâm phân phối.
Trên toàn quốc các trận đấu thể thao đã hoãn hay hủy. Disney World ở Florida, Disneyland ở California và nhiều trung tâm giải trí ở New York, New Jersey, Connecticut đóng cửa.
Để phòng chống hữu hiệu lây lan của Cô Vi, mọi người được nhắc nhở những điều quan trọng cần làm sau đây :
1/ Thường xuyên rửa tay với xà-phòng trong ít nhất 20 giây
2/ Không đưa tay dụi mắt mũi miệng
3/ Khi tiếp xúc với người khác, đứng cách nhau chừng 2 mét
4/ Nếu cảm thấy có bệnh đường hô hấp thì không đi làm, cần gặp bác sĩ
Nhiều công ti, cơ quan đã cho nhân viên làm việc tại nhà. Với chính sách khẩn trương quốc gia, người ốm mà trước đây không được hưởng lương nếu nghỉ làm, nay sẽ được nhận hai tuần. Hiện có khoảng 25% công nhân Mỹ khôngđược trả lương nếu nghỉ bệnh. Trợ cấp thất nghiệp sẽ được kéo dài nếu tình hình bịnh dịch không khá hơn.
Chính sách phòng chống toàn quốc cũng cấm thăm viếng nhà dưỡng lão vì người cao tuổi nếu nhiễm vi-rút thì tỉ lệ tử vong cao hơn gấp nhiều lần, lên đến 15% so với bình thường khoảng 2,5%.
Những số liệu từ tiểu bang Washington cũng như toàn quốc đã cho thấy điều đó. Từ Seattle, nơi có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện vào ngày 21/1 và là nơi có số người bị nhiễm và tử vong cao nhất, với 675 ca và 40 tử vong, hầu hết là người cao tuổi trong nhà dưỡng lão.
Tiểu bang New York có số người nhiễm cao thứ nhì, với 613 ca và 2 tử vong. Riêng thành phố New York có 269 ca nhiễm. Vùng Westchester với 178 ca, đa số tại thành phố New Rochelle, mà giới hữu trách đã giới hạn đi lại hơn một tuần nay.
Thống đốc California Gavin Newsom họp báo chiều Chủ nhật 15/3 cho biết tiểu bang có 336 ca nhiễm, 6 tử vong. Ông yêu cầu các quán rượu đóng cửa, giới hạn số khách được vào một nhà hàng xuống còn một nửa số ghế đang có và người trên 65 tuổi không nên ra ngoài đường.
Vùng San Jose trong quận hạt Santa Clara có 114 ca, 2 tử vong. Trong số người bệnh, 15 đã du hành nước ngoài, 28 có tiếp xúc với người bệnh. Đáng quan ngại là 52 người bị nhiễm do lây lan trong cộng đồng vì họ không du lịch nước ngoài hay không gần người bệnh.
Hai tuần qua, khi dịch Covid-19 lan tràn qua Châu Âu đến độ mất kiểm soát ở Ý, Pháp và Tây Ban Nha ; chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã bị những áp lực với chỉ trích vì không đưa ra biện pháp phòng chống sớm hơn, nước Mỹ đã không chuẩn bị đối phó vì đến lúc này mà vẫn thiếu bộ thử xét nghiệm đại trà, như Hàn Quốc đã có thể làm được để giảm lây lan và tử vong.
Quyết định mới nhất của Hoa Kỳ là cấm khách du hành đến từ Châu Âu khiến kiều dân Mỹ từ đó đổ dồn về nước. Vì thiếu chuẩn bị với những thủ tục phải khai báo tại sân bay nên phi cảng O’Hare ở Chicago sáng Chủ nhật với hàng nghìn người đến, xếp hàng san sát bên nhau trong nhiều giờ đồng hồ tạo cơ hội lây nhiễm cao hơn.
Các cuộc vận động tranh cử tổng thống trước đám đông bị hủy. Tối Chủ nhật 15/3 tranh luận giữa hai ứng viên Dân chủ Joe Biden và Bernie Sanders tại thành phố Phoenix không có dân tham dự. Hai ứng viên không bắt tay mà chạm khuỷu tay nhau lúc khai mạc và đứng xa nhau chừng 3 mét.
Vì dịch Covid-19 các buổi vận động tranh cử tổng thống Mỹ với dân tham dự như trước sẽ không còn nữa (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Năm mươi hai ngày sau khi Cô Vi từ Vũ Hán, Trung Quốc ghé Hoa Kỳ qua trạm dừng đầu tiên ở thành phố Seattle, tiểu bang Washington, nay cô đã lây lan gần 4.300 ca nhiễm và tử vong cho 81 người khiến nước Mỹ đang rơi vào khủng hoảng y tế cũng như kinh tế.
Giới quan sát nhận định việc phòng chống Cô Vi đang là đề tài để hai đảng Dân chủ và Cộng hòa lấy điểm với cử tri trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới đây.
Theo thăm dò của Yahoo News/YouGov thực hiện vào đầu tháng này, kết quả :
Tin dịch sẽ lan tràn : Cộng hòa 28%, Dân chủ 58%, Tất cả 43%
Lo lắng về nạn dịch : Cộng hòa 45%, Dân chủ 74%, Tất cả 57%
Tin là có thổi phồng thông tin về nguy cơ nạn dịch : Cộng hòa 58%, Dân chủ 29%, Tất cả44%
Dự đoán số tử vong sẽ lên trên 1000 : Cộng hòa 34%, Dân chủ 55%, Tất cả 44%
Mới nhất là thăm dò của NBC News và Wall Street Journal thực hiện từ ngày 11-13/3 :
Cách Trump xử lí phòng chống : 81% cử tri Cộng hòa tán đồng, 84% cử tri Dân chủ không tán đồng.
Lo có người trong gia đình nhiễm vi-rút : Dân chủ 68%, Cộng hòa 40%.
Tránh tụ họp đông người : Dân chủ 61%, Cộng hòa 30%.
Cô Vi tấn công vào ai thì nào có kể mầu da, sắc tộc, tôn giáo hay quan điểm chính trị.
Đề phòng Cô Vi, bạn đang sống ở đâu thì nhớ rửa tay thường xuyên với xà-phòng, vừa rửa vừa hát xong bài "Happy Birthday" là đúng cách.
Nếu được ở nhà là tốt. Phải ra đường thì không cần mang khẩu trang, tránh nơi đông người. Gặp ai quen thân, đứng xa xa vẫy tay, hay cúi đầu chào nhau kiểu Nhật là đẹp rồi.
Bùi Văn Phú
(17/03/2020)
Virus corona : Mỹ bị hơn 1.000 ca nhiễm, New York huy động Vệ binh Quốc gia chống dịch (RFI, 11/03/2020)
Tính đến hôm 10/03/2020, tổng số ca nhiễm trên đất Mỹ đã vượt ngưỡng 1.000 người. Trong bối cảnh bang New York đã trở thành một ổ dịch quan trọng, với 173 ca nhiễm, thống đốc bang này đã quyết định áp dụng kể từ ngày 12/03 một biện pháp chống dịch chưa từng thấy : huy động lực lượng Vệ binh Quốc gia để hỗ trợ lệnh cách ly đối với một vùng ngoại ô thành phố New York.
Hành khách đeo khẩu trang tại nhà ga Penn Station, New York, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 09/03/2020 Reuters/Eduardo Munoz
Đó là vùng New Rochelle, thuộc hạt Westchester nằm ở phía bắc New York. Tại vùng ngoại ô khá giả này, sau khi xét nghiệm được 108 ca nhiễm virus corona, chính quyền đã lập tức ban hành lệnh cách ly trên một khu vực có bán kính khoảng 1,6 km quanh một nhà thờ Do Thái Giáo ở New Rochelle, bị coi là nơi phát tán dịch bệnh. Ba trường học và nhiều cơ sở tôn giáo bị đóng cửa, và thống đốc bang New York đã cho triển khai lực lượng Vệ binh Quốc gia đến nơi để tham gia chống dịch.
Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten phân tích :
Tình huống đặc biệt đòi hỏi cách đối phó quyết liệt. Đây chính là thông điệp mà ông Cuomo, thống đốc bang New York muốn đưa ra vào hôm qua cho thấy thái độ quan ngại trước sự kiện New Rochelle, một thị trấn chỉ 80.000 cư dân, lại có số ca nhiễm virus corona cao hơn gấp đôi so với thành phố New York cực kỳ đông dân.
Ông đã cho triển khai Lực lượng Vệ binh Quốc gia đến nơi để phân phát thực phẩm cho những người bị bệnh, cũng như khử trùng các trường học. Việc điều động Vệ binh Quốc gia đã gây ấn tượng mạnh trong trí tưởng tượng của mọi người, nhưng theo anh Tanguy Hubert, đang sống cùng vợ và ba đứa con ở New Rochelle, thì trong thực tế, người ta vẫn có thể tự do di chuyển và các biện pháp giới hạn đi lại rất kín đáo.
Đối với anh Hubert, khi gắn liền hai khái niệm Vệ binh Quốc gia với Vùng cách ly, người ta thường có cảm tưởng rằng ngày tận thế đã đến nơi, với xe tăng, trực thăng, với việc cấm rời khỏi nhà. Thế nhưng lúc này, mọi người vẫn có thể ra ngoài, cho dù đôi khi cũng gặp vài người đeo khẩu trang. Người ta vẫn vào các cửa hàng, và không nhất thiết là ai cũng có xe đẩy đầy gạo.
Đối với dân sống trong vùng bị cách ly, vấn đề nan giải nhất là làm sao giữ con cái khi trường học bị đóng cửa, và khi toàn bộ các gia đình trong thành phố đều lâm vào hoàn cảnh này.
Trên phạm vi toàn nước Mỹ, tính đến hết ngày hôm qua, 10/03, đã có 1001 người nhiễm bệnh Covid-19, một con số đã tăng gấp đôi so với 550 ca nhiễm một hôm trước. Những bang có số ca nhiễm cao nhất là Washington (271 trường hợp), kế đến là New York (173 ca), California (159 ca ) và Massachusetts (92 ca). Số trường hợp tử vong cũng tiếp tục gia tăng, đã lên đến 30 người chết.
Theo giới chuyên gia y tế, số ca nhiễm sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trước khi chính phủ Mỹ có thể khống chế được dịch bệnh. Nhiều chuyên gia đã phê phán chính quyền Liên bang là đã cố tình giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, cũng như là đã chậm trễ trong việc hoàn thiện các xét nghiệm nhằm phát hiện dịch bệnh.
Trọng Nghĩa
*******************
Chế độ bảo hiểm y tế và xã hội Mỹ có giúp kháng được virus corona không ? (RFI, 11/03/2020)
Sau cuộc khủng hoảng máy bay Boeing 737 MAX, dịch virus corona có nguy cơ tác động đến thành tích nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống Donald Trump. Hơn 1.000 người bị nhiễm virus corona và dịch tiếp tục lan rộng trên khắp nước Mỹ.
Một bệnh nhân được xe cấp cứu đưa đến trung tâm y tế ở Seattle, hiện đang là tâm dịch tại tiểu bang Washington, Hoa Kỳ ngày10/03/2020. Reuters/Jason Redmond
Cuộc khủng hoảng dịch tễ bắt đầu cho thấy một số bất cập trong hệ thống an sinh xã hội Mỹ, có thể khiến một bộ phận cử tri của tổng thống Trump lung lay, nếu các vấn đề này không được giải quyết hợp lý.
Mỹ có hệ thống y tế vững chắc, với mạng lưới trung tâm y tế rộng khắp, trang thiết bị hiện đại và đội ngũ nhân viên đông đảo, gần 15.000 người. Mạng lưới theo dõi nguy cơ dịch bệnh phối hợp chặt chẽ với nhau, cũng như với chính quyền liên bang. Khi có dịch bệnh, toàn bộ hệ thống sẵn sàng ứng chiến.
Tuy nhiên, một hệ thống hoàn hảo như vậy liệu có đủ để ngăn được đà lây lan của virus corona hay không, trong khi quyền lợi của bệnh nhân và người lao động tại Mỹ vẫn còn nhiều thiếu sót, theo phân tích của Sarah Rozenblum, nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và khoa học chính trị tại đại học Michigan, được Le Monde trích đăng ngày 06/03/2020.
Chế độ nghỉ ốm không phổ biến
Chế độ nghỉ ốm không được quy định trong luật liên bang Mỹ. Tuy nhiên, tại một số bang (New York, Washington), người lao động vẫn có quyền nghỉ ốm hưởng lương trong vòng 9 ngày. Tuy nhiên, tỉ lệ rất chênh lệch giữa người lao động phổ thông (chỉ khoảng 63%) và viên chức quản lý – cán bộ (90%), theo Phòng Thống kê Lao động (Bureau of Labor Statistics).
Người lao động có thu nhập thấp tại Mỹ thường được trả lương theo giờ hoặc theo ngày, trong đó có vài triệu người không được hưởng bảo hiểm y tế. Trong trường hợp bị nhiễm virus corona và được yêu cầu cách ly 14 ngày, họ buộc phải nghỉ làm và như vậy sẽ không có thu nhập. Vì không có nguồn tài chính dồi dào để "cầm cự", và vẫn phải thanh toán các khoản chi cố định hàng tháng như tiền thuê nhà, điện, nước… nhiều người sẽ vi phạm quy định cách ly, giấu bệnh để tiếp tục đi làm. Như vậy, nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng hoàn toàn có thể xảy ra. Ngoài ra, nghỉ việc dài ngày cũng có thể là một lý do để giới chủ sa thải.
Người nhập cư "ngại" đi xét nghiệm virus corona
Đối tượng thứ hai được nhà nghiên cứu Mỹ nêu lên là người nhập cư bất hợp pháp, thậm chí kể cả hợp pháp (thẻ xanh). Từ khi lên nắm quyền, tổng thống Trump đã siết chặt chính sách nhập cư. Từ tháng 02/2020, Tòa Án Tối Cao Mỹ đã ra lệnh cho chính phủ liên bang từ chối cấp thẻ di trú và đơn xin nhập quốc tịch cho người nước ngoài hưởng trợ cấp xã hội, vì cho rằng họ trở thành "gánh nặng" của cộng đồng. Trong trường hợp bị nhiễm virus corona, có rất nhiều người sẽ "ngại" đến các trung tâm y tế vì sợ ảnh hưởng tới hồ sơ di dân. Riêng đối với người nhập cư bất hợp pháp, họ sẽ không đi xét nghiệm, dù chắc chắn có triệu chứng nhiễm virus corona.
Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Sarah Rozenblum, việc xử lý khủng hoảng dịch virus corona bước đầu vẫn thiếu tình liên đới. Ví dụ, các công dân Mỹ được hồi hương từ Vũ Hán, Trung Quốc, đã phải thanh toán toàn bộ viện phí lên đến 3.000 đô la, một số tiền rất lớn đối với người có thu nhập thấp.
Mỹ khẩn cấp tháo khoán 8,3 tỷ đô la để chống dịch
Để đối phó với dịch Covid-19 đang lan rộng trên khắp lãnh thổ, Quốc Hội Mỹ đã khẩn cấp thông qua khoản ngân sách 8,3 tỷ đô la để "phòng ngừa, chuẩn bị và đối phó với dịch bệnh".
Người lao động không có thu nhập cao là một bộ phận cử tri được tổng thống Donald Trump luôn tìm cách thuyết phục và được nhắc đến trong các cuộc vận động tranh cử của ông. Ngày 09/03, phó tổng thống Mike Pence trấn an "những người lao động được trả theo giờ, những công nhân Mỹ làm việc nặng nhọc và những doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ" rằng chính phủ "sẽ tìm ra được những nguồn tài chính để họ có thể nghỉ phép mà vẫn được hưởng lương, để không một ai bị bắt đi làm khi họ bị nhiễm hoặc có nguy cơ nhiễm virus corona".
Hiện người dân Mỹ vẫn chờ những biện pháp được tổng thống Trump ca ngợi là "quan trọng" và có "quy mô lớn" để giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ gia đình. Một số hãng bảo hiểm đã chấp nhận hoàn trả chi phí xét nghiệm và điều trị virus corona.
Hãng tin AFP nhận định thời gian không còn nhiều để chính quyền liên bang tái lập niềm tin với người dân. Ngoài ra, hai đảng đối lập cũng nên gác bất đồng để thông qua những biện pháp của Nhà Trắng trong thời điểm khủng hoảng này.
Thu Hằng
Nước Mỹ đã "kịch trần" cường quốc thế giới
Báo Les Echos, trong mục Ý kiến và bình luận, có bài đáng chú ý của cây bút chính luận quốc tế Jacques Hubert Rodier : "Nước Mỹ đã chạm đến giới hạn cường quốc thế giới".
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Lake Charles, Louisiana, ngày 11/10/2019. Reuters/Leah Millis
Hoa Kỳ rút quân khỏi Syria, mở đường cho Nga đưa quân đến và mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurdistan. Điều trớ trêu là chính nhờ sự giúp đỡ của lực lượng Kurdistan mà quân đội Mỹ tiêu diệt được thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daesh Abu Bakr al- Baghdadi. Khi rút quân khỏi Syria, cũng như muốn rút quân khỏi Afghanistan, tổng thống Donald Trump đang làm những việc không khác mấy người tiền nhiệm Barack Obama. Ẩn chứa trong đó, theo cây bút xã luận Jacques Hubert Rodier, là chính quyền Washington thừa nhận sức mạnh quân sự của Mỹ đã "kịch trần", không thể hơn được nữa.
Thực ra, việc chính quyền Trump rút khỏi khu vực đang có xung đột không phải là điều gây ngạc nhiên. Vài tháng trước khi triển khai kế hoạch tái tranh cử tổng thống, ông Trump khẳng định lại : "Nước Mỹ sẽ không tiếp tục đóng vai sen đầm quốc tế". Dân biểu Duma Nga, Viatcheslav Molotov, nhấn mạnh "Donald Trump làm đúng điều ông đã hứa. Ông làm điều mà ông cho là tốt cho nước Mỹ". Molotov cũng nhận định "Donald Trump là triệu chứng, chứ không phải nguyên nhân" các vấn đề trên thế giới.
Quả thực, Donald Trump không phải tổng thống Mỹ đầu tiên tạo ra "khoảng trống địa chính trị". Ngay từ thời người tiền nhiệm Barack Obama, Washington đã không muốn để Mỹ can thiệp khắp nơi trên thế giới, từ Iraq, Bắc Triều Tiên, đến Iran, Afghanistan như các cố vấn quanh tổng thống Georges W.Bush từng muốn. Georges W.Bush, cho dù có "cái nhìn quá khích" về sức mạnh Hoa Kỳ, cũng đã từ bỏ ý định mở rộng NATO sang tận Ukraine và Gruzia. Chính quyết định này đã tạo cơ hội cho Nga sau này xâm chiếm lãnh thổ Gruzia và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.
Còn Barack Obama là người đã để Pháp và Anh lên tuyến đầu tại Lybia để lật đổ Kadhafi. Cũng chính Obama hồi năm 2013 đã hủy lệnh không kích nhắm vào các căn cứ quân sự của chế độ Bachar al-Assad do nghi ngờ tổng thống Syria dùng vũ khí hóa học tấn công dân thường.
Nhưng người đi xa nhất chính là tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" được áp dụng vào mọi chính sách đối ngoại của Mỹ. Yêu cầu Châu Âu chia sẻ gánh nặng chi tiêu quân sự, Donald Trump đã làm giảm vai trò của Washington ngay trong NATO.
Dân biểu Nga, Viatcheslav Molotov, hài lòng phát biểu, sự rút lui của Mỹ phản ánh một thực tế là sức mạnh của phương Tây suy giảm. Năm 1989, khi bức tường Berlin sụp đổ, kinh tế Tây phương chiếm tỉ trọng 80% kinh tế thế giới. Tỉ lệ này hiện chỉ còn 40%. Tuy nhiên, đó còn là do sự trỗi dậy của hai nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ.
Donald Trump không phải là người đầu tiên rút Mỹ khỏi các xung đột của thế giới, nhưng ông đã đẩy nhanh tiến trình này. Chỉ có điều Donald Trump làm ngược lại lời khuyên của tổng thống Theodore Roosevelt : "Ăn nói nhỏ nhẹ và cầm một cây gậy lớn" để tiến xa hơn. Les Echos kết luận, thời nước Mỹ với "cây gậy lớn" không còn nữa. Cho dù Mỹ vẫn là siêu cường quân sự hàng đầu thế giới, nhưng Hoa Kỳ đã để mất ưu thế địa chính trị.
Dịch tả heo tại Trung Quốc : Cuộc khủng hoảng mới chỉ bắt đầu
Báo Les Echos đặc biệt quan tâm và dành bài điều tra nói về "Dịch tả heo tàn phá Trung Quốc". Không gây bệnh cho người, nhưng dịch lây lan rất nhanh và làm heo nhiễm bệnh chết chỉ sau vài ngày. Xuất hiện từ tháng 08/2018 ở miền đông bắc Trung Quốc, dịch bệnh tả heo đã lan ra khắp cả nước.
Theo một chuyên gia, trong vòng 6 tháng, dịch bệnh lây lan tại Trung Quốc nhanh bằng 5 năm tại Châu Âu. Bắc Kinh công bố có 160 ổ bệnh và 1,2 triệu con heo bị tiêu hủy, nhưng các chuyên gia Châu Âu tại Trung Quốc cho biết con số trên thực tế lớn hơn rất nhiều. Rabobank, ngân hàng đầu tư trong lĩnh vực chế biến thực phẩm dự báo đàn heo nuôi tại Trung Quốc giảm 55% trong cả năm 2019 (200 triệu).
Ernan Cui, chuyên gia phân tích của Văn phòng nghiên cứu Gavekal Dragonomics tại Bắc Kinh giải thích Trung Quốc có 26 triệu trang trại nuôi heo, nên việc quản lý dịch bệnh sẽ rất phức tạp, nhất là vì ba phần tư số heo được nuôi tại các trang trại nhỏ, quy mô gia đình, vốn không bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh chăn nuôi. Người Trung Quốc chỉ thích ăn thịt tươi nên heo thường được vận chuyển xa đến tận nơi tiêu dùng mới đưa vào lò mổ, các xe chở heo hầu như không bao giờ được cọ rửa, tẩy uế.
Chỉ cần một con heo trên xe nhiễm bệnh, virus sẽ dính vào xe. Toàn bộ số heo được chở trên xe trong suốt nhiều tháng sau đó sẽ nhiễm virus. Thêm vào đó, do số tiền bồi thường khi tiêu hủy heo nhiễm bệnh quá ít nên người chăn nuôi thường "bán tống bán tháo" qua địa phương khác, khiến dịch bệnh lây lan càng nhanh.
Trong khi đó, tại các địa phương, nếu chính quyền công nhận tỉnh có dịch tức là thừa nhận thất bại và sẽ bị chính quyền trung ương khiển trách, trừng phạt. Nhà chức trách địa phương vì thế thường che giấu thông tin về dịch bệnh để "che mắt" trung ương. Điều này khiến dịch tả heo vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Bắc Kinh.
Để khắc phục tình trạng khan hiếm thịt lợn, nguồn đạm động vật chính trong bữa ăn của người Trung Quốc, chính quyền tăng nhập khẩu 43% trong 9 tháng đầu năm nay, chủ yếu từ Tây Ban Nha, Đức và Canada. Tuy nhiên, 55 triệu tấn thịt heo tiêu thụ tại Trung Quốc mỗi năm lớn gấp 5 lần tổng số thịt tiêu thụ trên phần còn lại của toàn thế giới. Vì thế, kể cả nếu Trung Quốc tăng gấp đôi số thịt heo nhập khẩu thì cũng không đủ đáp ứng nhu cầu người dân.
Điều đáng lo ngại là kể cả khi chính quyền Bắc Kinh thực sự dốc sức xử lý dịch tả heo Châu Phi, thì cũng sẽ phải mất nhiều năm Trung Quốc mới có thể xóa sổ dịch bệnh này. Các chuyên gia của văn phòng nghiên cứu Gavekal Dragonomics tại Bắc Kinh cho biết trong số 50 quốc gia từng bị dịch tả heo trong quá khứ, chỉ có 13 nước tiêu diệt được hoàn toàn dịch bệnh này và sau ít nhất là 5 năm. Nhưng chưa có nước nào phải đối mặt với một thách thức lớn và phức tạp như Trung Quốc.
Báo Les Echos kết luận cuộc khủng hoảng thịt heo tại Trung Quốc mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Và điều này cũng có nghĩa là hệ quả cho cả thế giới cũng chỉ mới bắt đầu !
Argentina : Thách thức chờ đón tân tổng thống Fernandez
Những ngày này, thời sự Nam Mỹ được nhắc tới nhiều : kỳ bầu cử tổng thống ở Argentina và Bolivia, cuộc phản kháng xã hội tại Chile. Báo Le Monde số ra hôm nay đặc biệt quan tâm đến những thách thức đang chờ đón tân tổng thống Argentina Alberto Fernandez : Giảm nhẹ gánh nặng nợ nần mà không phải kéo dài chính sách thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt khiến dân chúng khổ sở.
Chính tân thổng thống phe trung tả, ngay sau khi tuyên bố thắng cử từ vòng 1 bầu cử, cũng thừa nhận mọi chuyện tới đây sẽ không dễ dàng, và điều duy nhất mà ông quan tâm là làm thế nào để người dân không phải chịu đựng thêm nữa. Trên thực tế, tình trạng nghèo đói đã tăng đáng kể dưới thời tổng thống Mauricio Macri thuộc phe trung hữu, lên nắm quyền từ năm 2015. Hiện nay, hơn 35% dân Argentina sống dưới ngưỡng nghèo, ngày càng nhiều doanh nghiệp phá sản, tỉ lệ thất nghiệp đạt mức cao nhất từ 13 năm trở lại đây.
Martin Karlos, kinh tế gia trưởng văn phòng tư vấn Elypsis, đánh giá ưu tiên hàng đầu của chính phủ hiện nay là ổn định tiền tệ. Kể từ đầu năm, đồng peso đã mất giá 50% so với đồng đô la. Lạm phát lên đến 55% trong vòng 12 tháng qua. Vào năm 2018, do nợ công quá cao, chính quyền Argentina đề nghị Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) trợ giúp tài chính. Khi đó, IMF cho Argentina vay 57 tỉ đô la, con số cao chưa từng có trong lịch sử định chế tài chính này. Hiện giờ, nợ công của Argentina đã tăng gấp đôi sau 10 năm, chiếm 80% tổng sản phẩm nội địa.
Năm 2050 : 300 triệu người sống trong ngập lụt ít nhất 1 lần
Trong lĩnh vực môi trường, khí hậu, trong bài viết "Số người bị đe dọa do mực nước biển dâng sẽ tăng gấp 3 lần", báo Le Figaro trích dẫn kết quả nghiên cứu của tổ chức Climate Central tại Princeton, Hoa Kỳ, đăng trên tạp chí Nature Communications hôm qua 29/10/2019.
Theo các tác giả bài báo, từ nay tới năm 2050, sẽ có 1 tỉ người sống ở các vùng đất thấp dưới mực nước biển 10m và con số trên sẽ còn tăng mạnh cho đến cuối thế kỷ XXI. 300 triệu người sẽ chịu cảnh ngập lụt ít nhất 1 lần/năm. Đến năm 2100, mực nước biển tăng khoảng 6 cm, sẽ có 400 triệu người thường xuyên sống trong ngập lụt, trong đó 237 triệu người tập trung tại 6 nước Châu Á, nhiều nhất là tại Trung Quốc, Bangladesh và Ấn Độ.
Các chuyên gia dự báo đê điều sẽ không đủ để ngăn nước lũ. Điều thiết yếu vẫn là giảm thải khí CO2 ra môi trường để hạn chế Trái đất nóng dần lên, tránh để băng tan quá nhanh.
Khi bảo tàng có quá đông du khách tham quan
Trong lĩnh vực văn hóa, báo Le Monde quan tâm đến "các bảo tàng trước thách thức có quá đông du khách". Khách phải đặt vé trước trên internet, chọn vé theo giờ, bị giới hạn khoảng thời gian đứng trước một kiệt tác, bảo tàng mở thêm lối vào, lắp đặt băng chuyền trước các tác phẩm để du khách không thể đứng tại chỗ quá lâu, mời khách chụp ảnh selfie trước tranh chép để giảm lượng khách muốn tận mắt ngắm bức tranh thật … là những biện pháp mới của nhiều bảo tàng. Thậm chí, có bảo tàng đã phải mời các chuyên gia ở sân bay, nhà ga đến tư vấn cho ban quản lý về cách phân luồng khách.
Thu hút được đông du khách tới thăm bảo tàng là một thành công của ban quản lý. Tuy nhiên, khi có quá đông du khách thì các bảo tàng đang phải "vắt óc" nghĩ ra cách để bảo đảm khách không phải chờ quá lâu khi mua vé, khách không đến quá đông vào cùng một thời điểm, không phải đợi chờ quá lâu để đến lượt chiêm ngưỡng một kiệt tác, nhất là trong bối cảnh du lịch đang trở thành một hiện tượng xã hội của thế kỷ XXI, khi mà chưa đi thăm bảo tàng, chưa chụp ảnh selfie trước kiệt tác được trưng bày trong bảo tàng đó thì chưa được coi là đi du lịch.
Tại Pháp, kỷ lục về số lượt khách thuộc về bảo tàng Louvre : 10,2 triệu khách trong năm 2018, tăng 25% so với năm 2017. Tính trung bình, mỗi ngày có 30.000 du khách đến chiêm ngưỡng dung nhan nàng Mona Lisa.
Thùy Dương
Lần đầu tiên, kể từ năm 2011, một bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đích thân đến dự Diễn đàn An ninh Shangri-La tại Singapore, diễn ra từ ngày 31/05 đến 02/06/2019. Sự kiện này cho thấy Bắc Kinh đang "điều chỉnh lại"chiến lược đối ngoại quân sự và an ninh vào đúng thời điểm Mỹ tiếp tục điều chỉnh chiến lược tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Tầu sân bay USS Ronald Reagan của Hải Quân Mỹ phối hợp diễn tập với tầu chở trực thăng JS Izumo của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tại Biển Đông, ngày 11/06/2019.Courtesy JMSDF/U.S. Navy/Handout via REUTERS
Ngay tại Diễn đàn Shangri-La, quyền bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Patrick Shanahan chỉ đích danh Trung Quốc "gặm nhấm chủ quyền" của các nước láng giềng, quân sự hóa nhiều đảo đá mà nước này kiểm soát ở vùng Biển Đông. Hoa Kỳ chỉ trích chủ tịch Tập Cận Bình đã nuốt lời hứa năm 2015 với tổng thống Mỹ lúc đó là Barack Obama.
Trước Diễn đàn Shangri-La, Hoa Kỳ công bố chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mới, với Trung Quốc trong tầm ngắm. Trước đó vài ngày, một ủy ban hỗn hợp thượng nghị sĩ Dân Chủ và Cộng Hòa đã trình dự thảo luật trừng phạt Trung Quốc do các hành động ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trong khi đó, chính quyền tổng thống Donald Trump tiếp tục dồn dập gây sức ép đối với Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại và công nghệ.
Trên quy mô quốc tế, Mỹ đã vận động được nhiều đối tác, đồng minh, có lợi ích trong khu vực, gia nhập chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải và bảo đảm an ninh ở Biển Đông, biển Hoa Đông thuộc vùng Thái Bình Dương.
Phải chăng Mỹ đang dồn lực trên mọi mặt để đối phó và cô lập Trung Quốc ?
RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với chuyên gia Mathieu Duchâtel, giám đốc Chương trình Châu Á, Viện Montaigne, Paris.
RFI : Đầu tháng 06/2019, Hoa Kỳ thông báo chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mới, dường như trực tiếp nhắm vào Trung Quốc. Đâu là những điểm chính của chiến lược này ?
Mathieu Duchâtel : Trước hết, đó là cách định dạng lại điều mà mọi người hiện giờ đều biết, đó là cụm từ "Ấn Độ-Thái Bình Dương" và được chính quyền tổng thống Donald Trump sử dụng theo đúng nghĩa. Điều này đánh dấu sự khác biệt với chính quyền tiền nhiệm Obama. Theo quan điểm của tôi, có rất ít điểm thực sự mới trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương lần này, nhưng cũng có một số điểm nổi bật.
Trước hết, đó là tầm quan trọng của việc ủng hộ tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông. Tiếp theo, đó là vai trò quan trọng của các đối tác lớn của Mỹ ở trong vùng, trong đó có vai trò của Ấn Độ trong tầm nhìn chiến lược xoay trục sang Châu Á so với những chiến lược trước đây.
Điểm thứ ba, đó là một chiến lược, không chỉ liên quan đến vấn đề sức mạnh hải quân và an ninh hàng hải theo đúng nghĩa quân sự, mà còn là lời đáp trả của Mỹ trước những sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng vận tải của Trung Quốc ở những nước láng giềng dọc vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương thông qua con đường tơ lụa trên biển. Tại đây, Hoa Kỳ, cùng với các nước đối tác, đang tìm cách cưỡng lại sự cạnh tranh với Trung Quốc về mặt xây dựng cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng chính trị.
RFI : Vài ngày trước khi thông báo chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mới, một ủy ban hỗn hợp thượng nghị sĩ Mỹ, Dân Chủ và Cộng Hòa, đã trình bày một dự thảo luật trừng phạt Trung Quốc vì những hành động ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Hai sự kiện này có mối quan hệ như thế nào ?
Mathieu Duchâtel : Phía Quốc Hội Mỹ khởi xướng nhiều dự án liên quan đến Trung Quốc và vấn đề ở Tân Cương. Mỹ hiện có một chính sách rất cứng rắn đối với Trung Quốc mà người ta vẫn nhắc đến sự "cạnh tranh chiến lược", theo cụm từ mới đang được dùng. Có rất nhiều yếu tố cho chính sách này, trong đó yếu tố dễ nhận thấy nhất, dĩ nhiên là thuế quan, sau đó là những gì liên quan đến cạnh tranh công nghệ.
Tiến tới trừng phạt Trung Quốc về những hành động ở Biển Đông, với tôi, điều này có vẻ khó. Nhưng trái lại, chúng ta thấy rõ là dưới chính quyền tổng thống Trump, điều mà được tổ chức chặt chẽ hơn so với thời Obama, đó chính là những chuyến tuần tra vì tự do hàng hải, hiện trở thành hoạt động thường kỳ trong chiến lược đáp trả của Washington đối với việc Bắc Kinh cho xây dựng và bồi đắp đảo nhân tạo, đặc biệt là ở quần đảo Trường Sa. Cần phải nhắc lại là những chuyến tuần tra này không chỉ giới hạn ở quần đảo Trường Sa, mà cũng thường xuyên được tiến hành ở quần đảo Hoàng Sa, quanh đảo Phú Lâm (Woody).
Phải nói là Hoa Kỳ hiện diện mạnh mẽ ở trong vùng. Tôi nghĩ rằng còn có một điểm mới phù hợp với lợi ích của Washington, đó là một số đối tác của Mỹ đã điều động đến hiện diện ở Biển Đông, như một số nước Châu Âu, Úc hay Nhật Bản.
Theo tôi, trừng phạt Bắc Kinh do các hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo trong vùng biển xung quanh nước này, không phải là điểm nổi bật, quan trọng nhất. Điều thực sự quan trọng, trước hết đó là sự hiện diện hải quân, tiếp theo là sự huy động để hình thành được một kiểu liên minh quốc tế quanh sáng kiến cần có một lực lượng hải quân thường trực trong vùng biển này để ngăn cản xảy ra thêm một vụ "thay đổi nguyên trạng".
Chúng ta không thể buộc Trung Quốc lùi bước ở quần đảo Trường Sa hoặc Hoàng Sa vì đó là chủ đích "chuyện đã rồi" từ phía Trung Quốc. Ngược lại, việc hải quân hiện diện thường xuyên nhắm đến hai mục đích : Thứ nhất, bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế ; thứ hai, điều mà tôi cho là còn quan trọng hơn, đó là tạo điều kiện để không xảy ra thêm một kiểu "việc đã rồi" như trên.
RFI : Song song với hành động quân sự, Washington không ngừng gia tăng sức ép tối đa đối với Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại. Khi tung ra cả hai kiểu đòn tấn công như vậy, Mỹ nhắm đến mục đích gì ?
Mathieu Duchâtel : Có một câu hỏi thực sự về tham vọng chiến lược lâu dài của chính quyền Donald Trump. Theo tôi, có thể diễn giải theo hai khả năng nhưng không biết đâu là chiến lược thực sự.
Khả năng thứ nhất : Buộc Trung Quốc chấp nhận một thỏa thuận lớn. Thỏa thuận này làm thay đổi bản chất mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc, với những điều khoản đáng tin cậy, đặc biệt liên quan đến vấn đề đánh cắp sở hữu trí tuệ. Đây liệu có phải là điều mà chính quyền Trump tìm kiếm không ? Và Hoa Vi là một bài trắc nghiệm. Tôi cho rằng khả năng này ít xảy ra.
Khả năng thứ hai : Đó chỉ đơn thuần là logic cạnh tranh chiến lược với mục tiêu, theo quan niệm của Mỹ, là thay đổi mạnh nhất cán cân lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc với một cuộc chiến đang diễn ra liên quan đến nền kinh tế kỹ thuật số tương lai và cuộc chạy đua về công nghệ. Vì thế, các doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc bị nhắm đến. Và nếu trường hợp này là đúng, chúng ta sẽ kiểm chứng được điều này qua số phận được dành cho tập đoàn Hoa Vi.
Hẳn mọi người còn nhớ rằng công ty ZTE của Trung Quốc cũng từng là nạn nhân của các biện pháp trừng phạt của Mỹ khiến ZTE bị điêu đứng trước khi được chính quyền Trump rút khỏi danh sách cấm các doanh nghiệp Mỹ làm ăn với các doanh nghiệp nước ngoài.
Liệu Hoa Vi có thể được loại khỏi danh sách này trong vòng vài tháng nữa không ? Với tôi, đó là kịch bản ít có khả năng xảy ra nhất. Nhưng chính quyền Trump vẫn có thói quen gây bất ngờ. Có lẽ Hoa Vi phải tiếp tục nằm trên danh sách này vì đây sẽ là một dấu hiệu cho thấy mục tiêu thực sự của chính quyền Mỹ là không cần đạt được thỏa thuận, mà thực ra là gây thiệt hại nhiều nhất cho các doanh nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc và giành chiến thắng trong cuộc đua này. Dù sao, phải nói rằng Hoa Kỳ có lợi thế hơn Trung Quốc.
RFI : Vậy Trung Quốc có thể phản công như thế nào ?
Mathieu Duchâtel : Trung Quốc cũng có những giải pháp gây hại cho đối thủ. Nhưng tôi cho rằng nếu nói đến "leo thang" thì Hoa Kỳ vẫn có nhiều lựa chọn hơn để gây phương hại bởi vì vẫn còn hơn 100 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc vẫn chưa được liệt thêm vào danh sách thuế ở mức 20%.
Vấn đề hiện nay xoay quanh các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Giả sử nếu Trung Quốc muốn tiến xa hơn bằng cách sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối, đô la của nước này hoặc thao túng đồng nhân dân tệ hoặc thậm chí sử dụng những biện pháp phi thương mại, phi kinh tế, đơn cử một số trường hợp được nêu trong các báo cáo, theo đó các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc trở thành nạn nhân của các đợt tăng cường thanh tra thuế, khó tiếp cận với các nhà cung cấp… Tóm lại, Trung Quốc có rất nhiều thủ thuật khiến các doanh nghiệp Mỹ phải suy nghĩ. Nhưng để nói đến "leo thang" và ai làm chủ tình hình leo thang, tôi nghĩ rằng hiện vẫn là Mỹ.
RFI : Trước sự cạnh tranh Mỹ-Trung, các quốc gia Đông Nam Á phải đối mặt với những thách thức gì, vì có nhiều ý kiến cho rằng những nước này có nguy cơ phải chọn một trong hai ?
Mathieu Duchâtel : Đúng thế, rất khó để duy trì được một sự trung lập thực sự. Ở đây nảy sinh một câu hỏi theo nghĩa mở cửa và cơ hội. Người ta vẫn nhắc đến chiến lược của tổng thống Trump là nhằm thay đổi dây chuyền cung ứng trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Cần phải nhớ rằng Hoa Kỳ có một đòn bẩy quan trọng, đó là thị trường nội địa khổng lồ của nước này. Nếu các doanh nghiệp rời Trung Quốc, họ có thể chuyển sang nơi khác, như vùng Đông Nam Á và Ấn Độ, vẫn thường được nhắc đến. Câu hỏi thực sự được đặt ra hiện nay : Liệu tình hình có đi xa hơn, theo kiểu logic đối đầu không ? Ai là người sẽ được hưởng lợi từ cuộc đối đầu này và từ thị trường nội địa Mỹ to lớn ? Tôi cho rằng các nước Đông Nam Á có cơ hội.
Tiếp theo, những nước này duy trì cân bằng thương mại với Mỹ và với Trung Quốc như thế nào ? Theo tôi, họ sẽ làm được. Vấn đề được đặt ra hiện nay thiên về chính trị, ví dụ về quốc phòng và an ninh, hoặc về xây dựng cơ sở hạ tầng 5G, như trường hợp ở Châu Âu hiện nay. Liệu có thể vừa chọn sử dụng thiết bị của Hoa Vi, vừa duy trì được mối quan hệ đồng minh. Tóm lại, có rất nhiều câu hỏi như vậy được nêu lên. Nhưng tôi nghĩ rằng, nếu nhìn vào tầm quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc đối với các nước Đông Nam Á, họ sẽ tìm cách để không hoàn toàn thiên về bên nào.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn ông Mathieu Duchâtel, giám đốc Chương trình Châu Á, Viện Montaigne, Paris.
Thu Hằng thực hiện
Nguồn : RFI, 04/07/2019
Tổng thống Donald Trump và các nhà lập pháp hàng đầu của Đảng Dân chủ đã đổ lỗi cho nhau về vụ đóng cửa một phần chính phủ.
Ông Powell đang hứng búa rìu chỉ trích từ ông Trump
Thị trường chứng khoán Mỹ đã tiếp tục giảm hôm 24/12 giữa những lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm, chính phủ đóng cửa và tin đồn rằng ông Trump muốn sa thải Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Jerome Powell.
Chỉ số S&P 500 đang giảm liên tục để hướng tới đà giảm lớn nhất tính theo phần trăm kể từ cuộc Đại suy thoái cách nay gần 90 năm.
Trong một dòng tweet không hề có tác dụng gì để trấn an thị trường về tính độc lập của Fed vốn lâu nay vẫn được đề cao, Tổng thống Trump đổ lỗi cho Fed về những diễn biến kinh tế bất lợi của nước Mỹ.
"Vấn đề duy nhất mà nền kinh tế chúng ta đối mặt là Fed. Họ không hề có cảm nhận gì về thị trường", ông Trump viết trên Twitter. "Fed giống như một tay golf mạnh mẽ nhưng không thể ghi điểm bởi vì ông ấy không có cảm giác – ông ấy không thể đánh bóng vào lỗ".
Cho đến nay ông Trump đã chỉ trích ông Powell một vài lần. Hồi tháng Tám, ông nói với Reuters rằng ông ‘không hào hứng lắm’ với chủ tịch Fed, người mà ông đề cử, và rằng Fed nên làm nhiều hơn nữa để giúp ông tạo cú hích cho nền kinh tế.
Toàn bộ 11 khu vực kinh tế chính của chỉ số S&P 500 đều đi xuống, trong khi toàn bộ (chỉ trừ có một) mã chứng khoán của chỉ số công nghiệp Dow đều ngập trong sắc đỏ.
Trong ngày thứ ba liên tiếp, trên 2.500 cổ phiếu được niêm yết trên Thị trường Chứng khoán New York và Nasdaq đã chạm đáy trong 52 tuần. Điều này phản ánh mức độ bán tháo mà thị trường chưa từng thấy kể từ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính một thập niên trước.
Phố Wall đang theo dõi chặt chẽ những thông tin về việc ông Trump đã kín đáo bàn đến khả năng sa thải ông Powell khỏi vị trí chủ tịch Fed. Hôm 22/12, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết ông Trump nói với ông rằng ông ấy ‘chưa bao giờ đề cập sa thải Powell’.
Tuy nhiên, chỉ tin đồn thôi là ông Trump có thể can thiệp rất sâu vào công việc của Fed đã khiến cho các thị trường tài chính vốn từ lâu hoạt động dựa trên mặc định rằng Ngân hàng trung ương Mỹ hoạt động độc lập và không bị chi phối về chính trị lao đao.
Đạo luật về Cục Dự trữ Liên bang cho phép tổng thống sa thải các thành viên hội đồng quản trị Fed với lý do chính đáng.
Lý do ở đây được hiểu là vi phạm đạo đức nghiêm trọng, phạm tội, không qua được kiểm tra bia rượu và chất kích thích… trong khi ông Powell không phạm bất cứ điều gì trong số này.
Phải chăng Hoa Kỳ lạm dụng sự bá quyền ?
Thương mại, khí hậu, hạt nhân Iran… tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ thích làm theo ý mình. Ưu thế quân sự của Mỹ cho phép ông áp đặt các nguyên tắc của mình với các doanh nghiệp nước ngoài và các quốc gia khác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp tại Nhà Trắng, ngày 09/05/2018. Reuters/Jonathan Ernst
Le Figaro ngày 15/05/2018 đặt câu hỏi lớn : "Phải chăng Hoa Kỳ đang lạm dụng bá quyền ?".
Nhưng Donald Trump chưa phải là tổng thống Mỹ duy nhất làm điều đó. Barack Obama và George W. Bush đã từng làm như vậy, nhưng chưa đi đến việc xé bỏ các hiệp ước. Vậy phải chăng đó là một phản ứng hoảng loạn trước việc Trung Quốc đang trỗi dậy thành một cường quốc ?
Đầu tiên hết, tác giả bài báo nhìn nhận sức mạnh của một quốc gia không nằm ở chỗ diện tích lớn hay nhỏ. "Thế độc tôn không đòi hỏi phải là quốc gia lớn nhất hành tinh. Chả phải nước Anh đã từng thống trị một phần thế giới trong suốt hơn một thế kỷ trong quá khứ hay sao ?", ông Kenneth Rogoff, chuyên gia kinh tế tại Harvard nhận định.
Do vậy, theo quan điểm của ông Raymond Aron, một triết gia Pháp, được tác giả dẫn lại, sức mạnh cường quốc thể hiện ở "khả năng áp đặt ý chí của một đơn vị chính trị lên những đơn vị khác". Về điểm này, Hoa Kỳ sở hữu nhiều "dây cung" để thể hiện thế độc tôn của mình.
Thứ nhất, sức mạnh kinh tế. Khả năng sản xuất và tổng sản phẩm nội địa chiếm tỷ trọng cao xếp nước Mỹ đứng đầu bảng. Tương tự, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu hàng đầu (17,3% thị phần thế giới theo WTO). Và thị trường này vận hành như một máy hút khiến các nước khác không thể nào bỏ qua.
Thứ hai, sức mạnh quân sự. Thế mạnh này thể hiện một ưu thế đáng ngợp hơn. Ngân sách quân sự của Mỹ là 610 tỷ đôla, bằng ít nhất 7 nước gộp lại, trong đó có Trung Quốc. Chưa có một nước nào có đội hàng không mẫu hạm hùng hậu như Hoa Kỳ gồm 11 chiếc đang hoạt động. Hải quân Mỹ thống lĩnh các đại dương, điều đó đã tạo lợi thế cho Mỹ bá quyền đồng đô la. Lịch sử nhắc lại rằng vào thế kỷ XIX, thế thượng phong của đồng sterling cũng liên quan đến tính ưu thế hàng hải của đế chế Anh quốc.
Thứ ba, làm chủ được không gian mạng. Lĩnh vực tư nhân như nhóm Gafam (Google, Amazon, Facebook, Microsoft) chỉ là một phần nổi của tảng băng kinh tế kỹ thuật số. Chính Icann (Internet Corporation for Assigned Names and Numbers), tập đoàn cung cấp tên miền và địa chỉ Internet, hiện nằm dưới sự bảo hộ của chính phủ từ năm 2016, mới là cơ quan thống trị lĩnh vực công nghệ.
Cuối cùng, thế mạnh đào tạo. Các trường đại học của Hoa Kỳ, với Harvard đứng đầu, chiếm 17 trong số 20 vị trí đầu tiên theo bảng xếp hạng thế giới các trường đại học ARWU của Thượng Hải.
Sức mạnh quân sự trị giá ngàn vàng
Nhưng có một điều chắc chắn là sức mạnh quân sự đã mang lại cho Hoa Kỳ một lợi thế kinh tế lớn lao. Tờ tiền xanh đã trở thành "tiếng nói" của giới tài chính. 42% trao đổi tài sản và dịch vụ được niêm yết bằng đô la và 59% các khoản vay mượn ngân hàng là cũng bằng đô la.
Vậy Hoa Kỳ phải cảm ơn ai đây ? Thần thương mại La Mã Mercure hay là thần chiến tranh Mars ? Câu trả lời là "cả hai", theo như quan điểm của ông Barry Eichengreen, một trong số các kinh tế gia nổi tiếng hiếm hoi của Mỹ nói đến "đặc quyền quá đáng của đồng đô la".
Theo giải thích của giáo sư Barry Eichengreen, Trung Quốc đang nắm giữ đến 60% dự trữ ngoại tệ bằng đô la, bởi vì nước này xuất nhiều hàng sang Mỹ hơn ai hết. Hai nước Châu Á khác là Nhật Bản và Hàn Quốc, nắm giữ đến 80% ngoại tệ xanh dưới dạng trái phiếu nhà nước, do những thỏa thuận an ninh ký kết với Washington. Tệ hơn nữa là Đức và Saudi Arabia. Gần như 100% nguồn dự trữ ngoại tệ của hai nước này là bằng đô la, để đổi lấy ô hạt nhân của Hoa Kỳ.
Lợi thế tài chính mà Washington có được là rất lớn, đến mức "chỉ cần những nước lệ thuộc vào Hoa Kỳ về an ninh giảm 30% nguồn dự trữ bằng đô la, sao cho lãi suất dài hạn của Hoa Kỳ tăng lên 80 điểm cơ bản, là đủ để làm chi phí của bộ Tài Chính Mỹ tăng thêm 115 tỷ đô la mỗi năm".
Những đặc quyền hoàn toàn quá đáng
Tác giả bài viết, ông Jean-Pierre Robin, cũng lưu ý là nền kinh tế Mỹ còn lợi dụng được các điều kiện tài chính đặc biệt từ những nước khác. Trong những năm 1950-1960, khi mà các tập đoàn đa quốc gia phát triển mạnh mẽ, Hoa Kỳ đã mở rộng đế chế công nghiệp của mình ra ngoài lãnh thổ. Lợi nhuận kiếm được còn cao hơn cả sản xuất trong nước, do 90% các khoản đầu tư ở nước ngoài là từ chính những nước tiếp nhận tài trợ, theo như phân tích của Jacques de Larosiere, từng lãnh đạo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF.
Do đó, theo quan điểm của tác giả, thâm thủng mậu dịch của Mỹ mà Donald Trump đang ầm ĩ phàn nàn chỉ là một mẹo lừa. Những khoản thâm hụt này đều được bù đắp bằng tiền tiết kiệm của nước ngoài và những dòng vốn này cho phép các tập đoàn đa quốc gia chinh phục thế giới và tích lũy lợi nhuận. Theo số liệu của bộ Tài Chính Mỹ, lợi nhuận mà các doanh nghiệp Mỹ ở nước ngoài tích lũy được lên đến 3.000 tỷ đô la.
Nhưng cay đắng thay, trong nguồn vốn liên lục địa này, những đồng minh chính trị của Mỹ chỉ là những khán giả không có tiếng nói. Theo quan sát của ông Patrick Artus, kinh tế gia tại Natixis, "Kể từ cuối những năm 1990, các cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế và suy thoái kinh tế đi kèm theo luôn xuất phát từ chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ" : từ cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán 1987, khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, cho đến vỡ bong bóng dot-com (bong bóng thị trường cổ phiếu) năm 2000, và gần đây nhất là khủng hoảng ngân hàng và tài chính năm 2008.
Và Hoa Kỳ xử lý các cuộc khủng hoảng này theo một nguyên tắc duy nhất là bất cân xứng, nghĩa là không có chuyện "có qua có lại". Lấy danh nghĩa "không một cá nhân nào, chủ thể nào gây tổn hại đến nền kinh tế chúng ta có thể nằm ngoài pháp luật" như tuyên bố của cựu bộ trưởng Tư Pháp Eric Holder, nên Hoa Kỳ thẳng tay trừng phạt các ngân hàng Châu Âu.
Mỉa mai thay, không ai tư vấn cho Châu Âu biết là lẽ ra khối này có thể trừng phạt ngân hàng Goldman Sachs vì đã giúp Hy Lạp giả mạo chứng từ công !
Trump : Người nhấn chìm trật tự tự do
Để kết luận, tác giả nhắc lại câu chuyện ngụ ngôn của Phedre nhắc nhở rằng "chẳng bao giờ có được một sự an toàn khi chơi với kẻ mạnh". Các đồng minh Châu Âu và Châu Á bị đánh mà không dám hó hé.
Châu Âu thì quá chia rẽ về mặt thương mại (Đức thặng dư mậu dịch với Hoa Kỳ) và chiến lược (Ba Lan thích trực thăng của Lockheed Martin hơn là của Airbus). Còn Châu Á đang bị Trung Quốc làm cho hoảng sợ.
Về phần mình, giới chuyên gia Trung Quốc không ngần ngại chỉ trích Donald Trump đang phá hỏng trật tự tự do được hình thành từ năm 1945 đến nay. Tướng về hưu Kiều Lương (Qiao Liang) thẳng thừng cáo buộc "Hoa Kỳ gây chiến trong khoảng từ 20-30 năm qua là nhằm mục đích bảo vệ ưu thế đồng đô la".
Tác giả đặt câu hỏi : Liệu Hoa Kỳ có dám nhường vị trí "bá quyền thế giới" cho Trung Quốc hay không ?
Bán đảo Triều Tiên : Phi hạt nhân hóa, nói dễ làm khó
Ngày thứ Bảy 12/05, Bắc Triều Tiên thông báo tiến hành tháo dỡ điểm thử hạt nhân Punggye-Ri, đông bắc đất nước từ ngày 23-25/05. Cử chỉ hòa dịu này được tổng thống Mỹ hoan nghênh là "rất thông minh và tử tế". Thế nhưng, theo Le Monde, tiến trình "phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên vẫn mù mờ".
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc dỡ bỏ điểm thử này chưa phải là một nhượng bộ thật sự từ phía Bình Nhưỡng. Họ cho rằng, sau 6 đợt thử, cơ sở này không ổn định và không thể sử dụng được nữa. Phía Bắc Triều Tiên phản đối, khẳng định còn hai đường hầm vẫn hoạt động được.
Các phân tích hình ảnh vệ tinh từ các chuyên gia 38 vĩ tuyến bắc cũng xác nhận tuyên bố của Bình Nhưỡng cho rằng kể từ giờ quốc gia khép kín nhất hành tinh này đã làm chủ được công nghệ hạt nhân, không cần tiến hành thử trong lòng đất, đồng thời có khả năng thử nghiệm giả định trên máy tính như các cường quốc hạt nhân khác như Mỹ, Nga và Trung Quốc. Nói cách khác, Bình Nhưỡng có thể giao nộp vũ khí họ có, nhưng không dễ dàng từ bỏ công nghệ hạt nhân.
Điểm mù mờ hiện nay chính là mức độ thỏa thuận đạt được mà mỗi bên sẵn sàng chấp nhận. Theo nhật báo, lập trường của đôi bên khá xa. Hoa Kỳ và các đồng minh đòi hỏi một tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược được. Washington muốn thực hiện nhanh đòi hỏi Bình Nhưỡng di dời các vũ khí hạt nhân và các linh kiện sang một quốc gia thứ ba những tháng sau thượng đỉnh tại Singapore.
Bắc Triều Tiên muốn tiến trình được thực hiện dần dần theo kiểu đôi bên cùng có lợi. Mỗi một sự nhượng bộ phải có phần bù lại. Nếu như trong cuộc gặp Kim – Moon, cả hai miền tuyên bố "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên", thì không một lời nào nhắc đến phi hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Điều đó hàm ý đến chiếc ô hạt nhân của Mỹ tại Hàn Quốc và rộng ra nữa là hệ thống liên minh quân sự Mỹ tại Đông Bắc Á. Đổi lấy các nhân nhượng về kho vũ khí hạt nhân, Bắc Triều Tiên đòi hỏi các bảo đảm an ninh, bao gồm ký kết một hiệp ước hòa bình thay thế cho hiệp định đình chiến 1953.
Đang trong quá trình tìm kiếm một thành công ngoại giao, Donald Trump dường như sẵn sàng chấp nhận. Nhưng câu hỏi đặt ra, ngoài hiệp ước hòa bình, có thể dẫn đến việc bình thường hóa quan hệ hai nước thù nghịch, thì Bình Nhưỡng sẽ nhận được những bảo đảm gì từ phía Mỹ ?
"Tập Cận Bình, hãy trả tự do cho Lưu Hà !"
Lời kêu gọi này của một nhóm tập thể phụ nữ Pháp được báo Le Monde dành một góc nhỏ trên trang Phân tích. Họ bao gồm các nghệ sĩ, nhà văn, những người phụ nữ tầm thường như bao người khác. Họ khẳng định không can dự vào "chuyện nội bộ Trung Quốc", cũng không có ý định biến Lưu Hà như là một biểu tượng đấu tranh.
Nhân danh là bằng hữu, đồng nghiệp của Lưu Hà và chỉ nhìn vợ góa của giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba như là một nhà thơ, họa sĩ, nhiếp ảnh, chứ không phải là một phụ nữ đấu tranh chính trị, tập thể phụ nữ Pháp mong muốn chính quyền Bắc Kinh hãy để cho bà được hưởng thụ tự do mà Hiến Pháp quy định cho mọi công dân Trung Quốc, tìm lại niềm vui cuộc sống. Những người phụ nữ Pháp muốn đem lại cho bà khi chia sẻ niềm vui sáng tạo văn chương và nghệ thuật.
Gaza đẫm máu, trang nhất các báo Pháp
Hoa Kỳ khai trương tòa đại sứ mới tại Jerusalem đã làm bùng lên căng thẳng tại dải Gaza. Le Figaro, trên nền ảnh người dân Palestine chạy náo loạn trong lớp khói đen dày đặc, đưa tít lớn "Đại sứ Mỹ ở Jerusalem : Gaza bùng cháy".
Libération chụp cận cảnh một người đàn ông gương mặt nhăn nhúm đau đớn vì bị trúng đạn, chạy tựa "Jerusalem – Gaza : Một tòa đại sứ và một cuộc thảm sát".
Bùng cháy và thảm sát là vì trong khi tại Jerusalem là một lễ khai trương tưng bừng hoành tráng với sự hiện diện của Ivanka Trump, con gái tổng thống Mỹ, thì ngay tại biên giới, hơn 50 người Palestine đã bị bắn chết, trong đó có 8 trẻ em và hàng nghìn người khác bị thương trong một cuộc biểu tình phản đối Hoa Kỳ di dời tòa đại sứ về Jerusalem.
"Ngày phẫn nộ và đẫm máu trên dải Gaza" Le Figaro ghi nhận. Một người dân uất ức nói với phóng viên nhật báo : "Chúng tôi ở đây để nói rằng chúng tôi không bao giờ chấp nhận quyết định của Hoa Kỳ di dời đại sứ về Jerusalem". Bất chấp máu và lửa, Le Figaro cho biết thêm "Guatemala và Paraguay đang nối gót theo Mỹ".
Minh Anh