Lính Bắc Triều Tiên thương vong nhiều ở Ukraine, Kim Jong-un khó giấu dân
Le Figaro ngày 24/12/2024 nhận định "Chế độ Kim Jong-un đứng trước thách thức chiến tranh Ukraine" khi quân đội Bắc Triều Tiên bắt đầu gánh chịu thiệt hại được cho là khá nặng nề trên chiến trường.
Lính Bắc Triều Tiên nhận thiết bị quân sự từ sĩ quan Nga. Ảnh chụp từ màn hình TV tại một nhà ga xe lửa ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 21/10/2024. AP - Ahn Young-joon
Đến 3.000 lính Bắc Triều Tiên tử trận và bị thương ở Kursk ?
Tại các cánh đồng băng giá ở Kursk, gần hai tháng sau khi rời bán đảo, quân của Kim Jong-un đã biết được thực tế đẫm máu. Một viên chức cao cấp Mỹ hôm 17/12 cho biết "hàng trăm lính Bắc Triều Tiên đã bị chết và bị thương trong những ngày gần đây trong các cuộc chiến ác liệt nhằm tái chiếm vùng đất Nga bị Ukraine trấn giữ từ tháng 8". Trước đó, Lầu Năm Góc xác nhận khoảng 11.000 lính Bắc Triều Tiên đã được gởi sang yểm trợ cho Putin. Theo bộ tổng tham mưu Hàn Quốc, trên 1.100 lính Bắc Triều Tiên đã bị loại ra khỏi vòng chiến, còn Reuters cho biết con số thương vong lên đến 3.000. Bình Nhưỡng đang chuẩn bị triển khai thêm quân và vũ khí.
Tình báo Ukraine khẳng định trong số 200 lính tử trận mặc quân phục Nga hôm 15 và 16/12 gần các làng Plekhovo, Vorobzha và Martynovka, có ít nhất 30 người Bắc Triều Tiên. Được đưa vào các đơn vị thủy quân lục chiến và nhảy dù, những người lính này tử thương vì drone tác chiến hay pháo của Ukraine. Các hình ảnh video cho thấy xác các binh lính nằm đầy trên tuyết. Trong khi đó Moskva và Bình Nhưỡng vẫn chưa chính thức xác nhận việc có lính Bắc Triều Tiên tăng viện. Tổng thống Volodymyr Zelensky còn tố cáo Nga "đốt cháy khuôn mặt lính tử trận" để che giấu tung tích, có cả video nhưng chưa được kiểm chứng.
Từ lâu vẫn bị cho là tổng thống Ukraine phóng đại, nay sự hiện diện của quân đội Bắc Triều Tiên trên trận địa đánh dấu một "sự mở rộng nguy hiểm", theo Washington. Tuy không thể thay đổi chiều hướng cuộc chiến, sự tăng viện diễn ra đúng lúc Nga đang rất thiếu quân, và đặt Bắc Triều Tiên ở vị trí tiền phương trong cuộc chiến trên đất Châu Âu. Bị Hoa Kỳ cô lập, đang lấn cấn với láng giềng Trung Quốc, Kim Jong-un tỏ ra là người ủng hộ Vladimir Putin tích cực nhất, với hy vọng đổi lấy những lợi ích chiến lược, chẳng hạn như được chia sẻ công nghệ để hoàn chỉnh vũ khí nguyên tử, bảo đảm cho sự tồn tại của chế độ. Kremlin đã chuyển cho Bình Nhưỡng các hệ thống phòng không.
Xác lính đưa về hàng loạt sẽ khó che giấu
Nhưng theo một chuyên gia về an ninh Đông Bắc Á, cuộc phiêu lưu này đầy nguy hiểm đối với một quân đội chưa từng tham gia một cuộc chiến quy mô từ sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), được vũ trang thô sơ, chưa kể khả năng bị Ukraine trả đũa. Tình báo Ukraine cho biết rào cản ngôn ngữ đang là trở ngại cho việc phối hợp, đã có những vụ bắn lầm. Theo một viên chức Mỹ, lính Bắc Triều Tiên bị thiệt hại nặng do chưa từng chiến đấu trước đó.
Trên lý thuyết thì Bình Nhưỡng có đến 1 triệu lính, nhưng theo chuyên gia trên, "cứ 10.000 lính gởi sang Ukraine thì có nghĩa 150.000 quân khác tại Bắc Triều Tiên bị vét hết vũ khí chiến đấu". Trước đó Bình Nhưỡng đã chuyển giao cho Nga ít nhất 6 triệu quả đạn pháo, khoảng 100 hỏa tiễn đạn đạo. Nhà nghiên cứu Doo Jin-ho của Korea Institute of Defense Analyses (Kida) ở Seoul nhận xét trên Le Figaro "nếu Hàn Quốc khởi chiến thì Bắc Triều Tiên sẽ bị thiếu đạn dược". Nhưng nay Seoul đang trong khủng hoảng chính trị.
Những thiệt hại đầu tiên báo trước thương vong sẽ rất lớn trong mùa đông. Ông Chad O’Carrol, người sáng lập think tank Korea Risk Group ở Seoul, nói : "Nếu xác lính tử trận được đưa về hàng loạt, sẽ khó che giấu người dân". Theo trang chuyên Daily NK, gia đình binh sĩ Bắc Triều Tiên bị theo dõi và không biết con em mình bị đưa đi đâu.
Nhà nghiên cứu Kim Kwang-jin của Institute for National Security Strategy (INSS) cho rằng ảnh hưởng từ số thương vong chỉ hạn chế, vì việc sang Ukraine được binh sĩ Bắc Triều Tiên coi là cơ hội để vừa hưởng lương cao hơn vừa được tiếng, gia đình các "liệt sĩ" Ukraine còn có thể được tưởng thưởng và dùng làm công cụ tuyên truyền. Tuy nhiên, chuyên gia Chad O’Carrol nhấn mạnh, nạn đào ngũ hay sự trở về của những người lính - đã biết được chút ít về tự do qua Internet - sẽ là các nhân tố bất ổn trong bối cảnh kinh tế Bắc Triều Tiên hết sức khó khăn.
Ukraine : Nga oanh tạc, trẻ em Kharkiv phải học dưới lòng đất
Trong khi đó "Tại Kharkiv, việc học hành diễn ra dưới lòng đất". Đặc phái viên của Les Echos ở thành phố lớn thứ nhì của Ukraine cho biết do Nga oanh tạc ồ ạt cơ sở hạ tầng dân sự, các trường học và cơ sở y tế phải tiếp tục hoạt động dưới hầm.
Phóng viên đến thăm một ngôi trường tưởng chừng hoang vắng, nhưng thực ra dưới độ sâu 6 mét là nơi trẻ em học tập. Cô hiệu trưởng Svitlana Voltchkova cho biết trong vòng bán kính ba, bốn trăm mét có năm cơ sở giáo dục, và cả những vườn trẻ dưới lòng đất. Trường học ở Kharkiv còn là nơi phân phát viện trợ nhân đạo như thực phẩm, quần áo. Trường của bà Voltchkova hiện có 1.100 học sinh và 70 nhân sự gồm cả thầy cô giáo, người quản lý và nhân viên bảo vệ, quét dọn.
Hồi tháng 5, Les Echos đã đi thăm những phòng học được bố trí trong hành lang các trạm métro ở trung tâm thành phố. Lần này trong nhà trường nằm sâu dưới đất, người ta không nghe cả báo động phòng không lẫn tiếng nổ. Nhưng Ihor Terekhov, thị trưởng Kharkiv, cho biết sắp phải mở thêm nhiều trường học dưới hầm nữa vào năm 2025 vì bắt đầu quá tải. Phủ Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) thống kê được 1.306 trường học bị thiệt hại, 294 trường hoàn toàn bị phá hủy kể từ đầu cuộc xâm lăng Ukraine của Nga.
Syria và thách thức về công lý
Liên quan đến Trung Đông, xã luận của Le Monde nói về "thách thức công lý ở Syria". Chính quyền mới ở Syria sẽ được đánh giá theo quyết tâm tôn trọng các quyền căn bản của những cộng đồng thiểu số và cả khả năng thực thi công lý đối với tội ác giết người hàng loạt của chế độ Bachar al-Assad đã bị bỏ quên quá lâu.
Sau khi Bachar al-Assad bị lật đổ, tình hình vẫn chưa ổn định. Tại vùng đông bắc, các đồng minh Syria của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn muốn đánh đuổi người Kurdistan, lực lượng từng giúp phương Tây tiêu diệt tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Ý định của lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đã đánh đuổi Assad, mà lãnh đạo là Ahmed al-Charaa (bí danh Abu Mohammed al-Julani) đã nhanh chóng thay bộ quân phục bằng bộ đồ vét, cũng chưa rõ ràng.
Nhưng những ngày đầu tiên của Syria được giải phóng đã cho thấy sự man rợ của chế độ Assad. Những ngục tù, hố chôn người tập thể được phát hiện bắt đầu kể lại những câu chuyện khủng khiếp. Những gia đình không tin tức về người thân bị giam cầm có khi từ nhiều thập niên, lóe lên tia hy vọng sau khi bọn đao phủ bỏ chạy, nhận ra sự thật đau lòng : việc đàn áp phong trào phản kháng từ 2011 đã khiến mấy chục ngàn người Syria thiệt mạng. Hy vọng các tài liệu lưu trữ còn lại sẽ cho biết những gì đã xảy ra đối với các nạn nhân mất tích, để có thể quy trách nhiệm đối với những kẻ phục vụ chế độ độc tài đã tẩu thoát.
Nhiệm vụ lớn lao này là gia tài u ám mà gia tộc từng ngự trị hơn nửa thế kỷ để lại. Sự tìm kiếm công lý cần phải tránh được nạn tắm máu của thời Hafez và sau đó là Bachar al-Assad. Nhiều thành viên phe Assad và tay chân trong bộ máy đàn áp đã nhanh chân chạy trốn sau khi cố vơ vét lần cuối. Những người này phải bị truy lùng gay gắt, trước hết là kẻ đứng đầu hiện đang được Nga cho tị nạn. Các tiến trình tư pháp tại Đức, Bỉ, Hà Lan, Pháp nhắm vào các quan chức Syria là những đột phá đầu tiên vào bức tường tưởng chừng bất khả xâm phạm của chế độ Damascus. Bây giờ là lúc để người Syria, sau khi tự giải phóng, sẽ tự thực thi công lý.
Tân nội các Pháp với nhiều chính khách kỳ cựu
Chính phủ mới của thủ tướng François Bayrou trình diện với nhiều khuôn mặt kỳ cựu, đại diện ngoại giao các nước liên tục đến Syria, Giáo hoàng Francis lo lắng cho số phận người Công giáo phương Đông là một số chủ đề đáng chú ý trên báo hôm nay. Nhật báo công giáo La Croix dành chủ đề cho ngày Chúa giáng sinh, đã trở thành một ngày lễ mang tính toàn cầu. Tại Pháp hiện nay chỉ có 12% người đi lễ Giáng sinh, và cây thông Noel đã mất đi tính chất tôn giáo ban đầu, Ông già Noel hiện diện tại tất cả châu lục.
Về chính phủ Pháp, Le Figaro cho rằng ông Bayrou cố gắng dựa vào kinh nghiệm của các thành viên để có thể kéo dài. Libération điểm qua những khuôn mặt vừa quay trở lại: Retailleau, Darmanin, Valls… một chính phủ thiên về phía hữu, dưới sự giám sát của cực hữu - theo tờ báo thiên tả. Có đến hai cựu thủ tướng trong nội các mới là bà Elisabeth Borne và ông Manuel Valls, đặc biệt là sự tái xuất hiện bất ngờ của Manuel Valls. Ông sẽ phụ trách các hồ sơ gai góc ở lãnh thổ hải ngoại như việc tái thiết đảo Mayotte sau trận bão Chido.
La Croix coi đây là sự thay đổi nhưng mang tính kế tục. Tương tự, Les Echos cho rằng ông François Bayrou tiếp tục với một chính phủ chưa gì đã tỏ ra mong manh, và đã lỡ hẹn với cánh tả. Tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng François Bayrou rút ra bài học về sự tồn tại ngắn ngủi của chính phủ Michel Barnier : Phải ra khỏi móng vuốt của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN), nhưng mục tiêu này hiện không đạt được.
Thụy My
Đưa quân sang giúp Nga, Bắc Triều Tiên quốc tế hóa chiến tranh Ukraine
Le Monde ngày 21/10/2024 cho rằng "Việc triển khai lính Bắc Triều Tiên là sự leo thang chưa từng thấy trong chiến tranh ở Ukraine". Libération gọi là "những người áo xanh (petits hommes verts)", hàm ý đội quân không quân hiệu lúc đổ bộ vào chiếm Crimea mà mãi sau này Putin mới công nhận là lính Nga. La Croix nhận xét sự kiện này đánh dấu việc "quốc tế hóa" cuộc chiến.
Màn hình ti vi ở nhà ga Seoul, Hàn Quốc chiếu cảnh những người lính được cho là từ Bắc Triều Tiên xếp hàng nhận quân trang quân dụng của Nga, trong chương trình thời sự ngày 21/10/2024. AP - Ahn Young-joon
Những bằng chứng cho thấy lính Bình Nhưỡng đến Nga
Theo tình báo Ukraine và Hàn Quốc, khoảng 12.000 lính Bắc Triều Tiên đang được điều sang và huấn luyện tại Nga, sau đó sẽ tham gia trên chiến trường Ukraine. Libération nhận xét, những ngày qua liên tục có những dấu hiệu chứng tỏ Bắc Triều Tiên can dự trực tiếp vào chiến tranh ở Ukraine. Thứ Sáu 18/10, tình báo Hàn Quốc (NIS) công bố ba ảnh vệ tinh. Ảnh thứ nhất cho thấy một chiếc tàu chở lính của chế độ Bình Nhưỡng từ cảng Chongjin về vùng Viễn Đông Nga. Trong hai ảnh còn lại, các đội quân Bắc Triều Tiên tập hợp trong căn cứ quân sự Ussuriysk và Khabarovsk ở miền đông nước Nga.
NIS cho biết số lính đợt đầu đưa sang Vladivostok từ 08 đến 13/10 là 1.500 người, và tổng cộng sẽ lên đến 12.000. Ngày 18/10, video của một định chế liên quan đến Ukraine tuy chỉ dài 28 giây nhưng cho thấy những người lính xếp hàng nhận trang bị tại trại huấn luyện Sergievsky ở Nga, với một giọng Triều Tiên miền bắc ra lệnh. Một video khác trên Telegram quay cảnh lính Bắc Triều Tiên tập luyện tại căn cứ quân sự Nga. Tình báo Ukraine ước tính 3.000 lính của Bình Nhưỡng từ nay đến 01/11 sẽ được đưa sang Kursk, nơi quân đội của Kiev vẫn chiếm đóng một phần từ nhiều tháng qua.
Không thay đổi được chiều hướng cuộc chiến
Libération đánh giá đội quân Bắc Triều Tiên có thể làm thay đổi thăng bằng cục bộ, nhưng không đủ số lượng để thay đổi được cuộc chiến, khi quân Nga đã có trên 1 triệu. Giáo sư Michael Clarke của King’s College nói : "Nếu 10.000 đến 12.000 quân, đó là đội tinh nhuệ được huấn luyện chu đáo và có kỷ luật. Nhưng quân đội Bắc Triều Tiên không tham chiến từ 1953, họ quen đi diễn binh, hành động máy móc. Ngay cả khi mặc quân phục Nga và mang danh tính giả, những người này phải chiến đấu cùng nhau. Không thể bố trí họ chung với lính Nga, có quá nhiều khác biệt về huấn luyện và ngôn ngữ. Người Ukraine sẽ nhanh chóng nhận ra mình đang đối mặt với ai".
Theo Andriy Kovalenko, giám đốc Trung tâm chống bóp méo thông tin của Ukraine, trên chiến trường đã có một ít nhân viên quân sự Bắc Triều Tiên giám sát chất lượng và việc sử dụng vũ khí do Bình Nhưỡng cung cấp. La Croix và Le Monde cho biết đã có 6 sĩ quan Bắc Triều Tiên bỏ mạng tại Donetsk, miền đông Ukraine ngày 03/10 vì hỏa tiễn.
Hồi tháng 6, tình báo Hàn Quốc phỏng đoán láng giềng phía bắc đã giao đến 5 triệu quả đạn pháo cho Nga, và theo giáo sư Phillips O’Brien của đại học Saint Andrews, "chiếm phân nửa số pháo mà Nga đã bắn đi trong năm 2024, tương đương sản lượng trong hai năm của Nga". Tờ Daily NK của Hàn Quốc cho biết Bình Nhưỡng đang khẩn cấp tăng gấp đôi sản xuất đạn pháo để đáp ứng nhu cầu của Moskva, đồng thời cho phép xuất sang Nga số đạn sắp hết hạn sử dụng. Bình Nhưỡng cũng cung cấp hỏa tiễn cho Nga - một phân tích độc lập các mảnh vỡ ở Kharkiv xác nhận việc này. Khác với đạn pháo, các hỏa tiễn đều mới, là loại KN-23 hay KN-24, thử nghiệm năm 2019 và sử dụng lần đầu trên chiến trường Ukraine.
Dù quân đội nước thứ ba tham chiến, phương Tây vẫn trói tay Ukraine
Nhờ Kim Jong-un gởi quân sang, Vladimir Putin tránh được việc lệnh động viên rất mất lòng dân. Có đi phải có lại. Các nhà quan sát chắc chắn rằng Bắc Triều Tiên được chuyển giao công nghệ để cải thiện hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa, thậm chí có thể cả chương trình nguyên tử, đồng thời làm quen với thực chiến. Bình Nhưỡng có đến 1,2 triệu quân nhưng chưa bao giờ tham chiến từ sau chiến tranh Triều Tiên năm 1953, trừ một số ngoại lệ như gởi vài phi công sang yểm trợ Bắc Việt trước 1975 và giúp Ai Cập chống Israel trong chiến tranh Kippur năm 1973. Đưa lực lượng đặc biệt sang Ukraine còn giúp số lính này quen với vũ khí tân tiến hơn. La Croix nói thêm, tại Bắc Triều Tiên nam giới phải đi quân dịch 10 năm và nữ giới 6 năm, nước này còn có 7 triệu quân dự bị.
Tổng thống Zelensky cảnh báo, việc một nước thứ ba tham chiến có thể dẫn đến "chiến tranh thế giới". Ngược lại, các đồng minh cố trấn an. Tân tổng thư ký NATO Mark Rutte và Lầu Năm Góc đều nói rằng chưa thể khẳng định. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia ở Washington cho là "Nếu Nga buộc phải hướng sang Bắc Triều Tiên để mộ lính, thì đó là dấu hiệu tuyệt vọng của Kremlin", thủ tướng Anh Keir Starmer cũng có nhận xét tương tự. La Croix dẫn lời bộ ngoại giao Pháp, đánh giá đây là "sự kiện mới hết sức nghiêm trọng". Seoul có thái độ cứng rắn nhất, cảnh cáo sẽ đáp trả bằng "mọi cách". Theo một số nhà bình luận, Hàn Quốc có thể gởi vũ khí sang giúp Kiev.
Le Monde nhận định, lâu nay đã có những người nước ngoài chiến đấu cho Nga trên chiến trường Ukraine, nhưng đó là lính đánh thuê. Đây là lần đầu tiên một chính phủ ngoại quốc gởi quân đội chính quy đến yểm trợ Moskva. Trong khi đó Mỹ và Đức vẫn chưa cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga, Anh và Pháp cởi mở hơn. Tại Ukraine, người ta không thể hiểu nổi sự thận trọng quá mức của phương Tây, thậm chí giận dữ. Olena Halushka, thành viên của Trung tâm hành động chống tham nhũng Ukraine mỉa mai : "Việc tránh leo thang khéo léo đến nỗi giờ đây có cả lính Bắc Triều Tiên trên đất Châu Âu". Le Monde nói thêm, không chỉ Bình Nhưỡng, mà Tehran gần đây cũng cung cấp hỏa tiễn, và Bắc Kinh chuyển giao thiết bị lưỡng dụng cho Moskva.
Đang trên đà thắng, thủ tướng Israel không muốn dừng lại
La Croix dành trang nhất cho thủ tướng Israel Benyamin Netanyahou, mà uy tín đã tăng lên sau nhiều chiến thắng mang tính chiến thuật vừa qua. Trong khi đa số người Israel nói về "chiến tranh ngày 7 tháng Mười" và quân đội đặt tên là "Kiếm Sắt", Benyamin Netanyahou đề nghị gọi là "cuộc chiến Phục Sinh". Tờ báo cho rằng cái tên này nằm trong nỗ lực làm quên đi trách nhiệm trong thất bại an ninh, một năm sau "ngày thứ Bảy đen tối", của vị thủ tướng hôm nay 21/10 tròn 75 tuổi. Bước ngoặt cuộc chiến đã có được sau khi Netanyahou ngày 27/09 bật đèn xanh cho việc oanh tạc tòa nhà ở Beirut nơi Hassan Nasrallah đang họp, giết chết thủ lãnh Hezbollah.
Trên đà thắng lợi, Benyamin Netanyahou không chỉ hứa "chiến thắng hoàn toàn" Hamas, mà còn "đưa dân miền bắc hồi cư" sau thời gian di tản vì rốc-kết của Hezbollah, và "thay đổi tương quan lực lượng khu vực trong nhiều năm". Tỉ lệ tín nhiệm của thủ tướng đang ở mức thấp nhất đã tăng vọt kể từ các chiến dịch chống Hezbollah và Iran. Tuy vậy 47% người Israel vẫn cho rằng cần có bầu cử trước cuối năm 2024.
Trong 17 năm cầm quyền, Netanyahou vẫn tránh những cuộc đối đầu trực tiếp dài lâu, nhưng lần này, ông sử dụng những mục tiêu vừa tham vọng vừa mơ hồ để kéo dài chiến tranh. Chuyên gia Amjad Iraqi thuộc cơ quan tư vấn Al-Shabaka phân tích, với tuyên bố chỉ là "khởi đầu cho hồi kết" ở Gaza, Netanyahou coi cái chết của Yahya Sinwar không làm thay đổi một cuộc chiến mà ông tìm cách khắc họa lại môi trường địa chính trị của Israel.
Xung đột Trung Đông chưa thấy lối ra
Chiến dịch trên bộ ở Rafah vào tháng 5, loạt nổ máy nhắn tin tháng 9 và tấn công ồ ạt vào Lebanon từ 01/10, leo thang với Iran... Ông Netanyahou áp đặt lịch trình, lần lượt vượt những lằn ranh đỏ, mặc cho cộng đồng quốc tế phản ứng yếu ớt trước việc đã rồi. Benyamin Netanyahou hướng dần xung đột về phía Hezbollah và "con bạch tuộc Iran", biến vấn đề Gaza thời hậu chiến thành thứ yếu. Hiện Israel lo chuẩn bị trả đũa vụ oanh kích bằng hỏa tiễn đạn đạo của Tehran hôm 01/10.
Chinh chiến kéo dài khiến quân dự bị Israel mệt mỏi, kinh tế sa sút. Theo nhà báo Amit Segal được La Croix trích dẫn, Netanyahou muốn kéo lùi hồi kết của cuộc chiến vì không thấy được giải pháp : "Không thể trục xuất người Palestine, cũng không thể cấp quốc tịch Israel cho họ, và việc thành lập Nhà nước Palestine theo ông là nguy hiểm, thế nên ông cứ để mặc cho thời gian trôi".
Le Figaro ghi nhận nỗi lo của người dân Lebanon bị cắt đứt với miền nam. Tại Beirut cũng như nhiều vùng khác, những vụ oanh tạc của Israel khiến các cộng đồng phải sống chung trên một diện tích đã bị thu hẹp mất 1/4 và lo sợ đến lượt mình trở thành mục tiêu gây thêm căng thẳng xã hội, chính trị giữa các cộng đồng. Chẳng hạn Zghorta, vùng công giáo miền bắc đã tiếp đón 11.000 người sơ tán đã bị vạ lây : 24 người thiệt mạng trong vụ oanh kích hôm 14/10 vào một tòa nhà nơi khoảng 30 người từ Nam Lebanon đến trú ẩn.
Bầu cử tổng thống Mỹ : Tràn ngập tin giả từ Nga, Trung Quốc, Iran
Tại Hoa Kỳ, càng gần đến bầu cử tổng thống, những vụ can thiệp của nước ngoài càng tăng. Le Figaro cho biết Nga, Trung Quốc, Iran tung ra vô số "fake news" tràn ngập trên các mạng xã hội để cố làm ảnh hưởng đến kết quả.
Trong một video do một kênh truyền hình quay cho thấy một cô gái da đen ngồi xe lăn tên Alicia Brown kể lại, năm 2011 cô bị một chiếc xe hơi đụng phải ở San Francisco rồi bỏ chạy, người cầm vô-lăng là Kamala Harris, tổng chưởng lý California thời đó. Thực tế một báo cáo của Microsoft cho biết tất cả đều giả tạo : tai nạn, nạn nhân và ngay cả kênh truyền hình KBSF-TV đều không có thực. Video này do một nhóm tuyên truyền Nga tên Storm-1516 sản xuất, với mục đích giúp Donald Trump đắc cử, đã được xem đến 2,7 triệu lần trên mạng X.
Một video khác lấy bối cảnh một công viên quốc gia ở Zambia, khẳng định Kamala Harris đã sát hại một con tê giác còn non. Trong clip thứ ba, một thanh niên nói rằng các nhà lãnh đạo Ukraine dùng tiền quốc tế viện trợ để mua du thuyền sang trọng. Cũng đều là tin giả, nhưng J.D. Vance vẫn nêu ra. Nhà nghiên cứu Kyle Walter từng làm việc cho Logically AI nói, tin giả từ Nga và Trung Quốc làm cho người ta không còn tin vào điều gì, nghi hoặc chính phủ và những người xung quanh để làm rạn vỡ sự hòa hợp xã hội. "Đó là phương thức xưa nay của KGB, ngày nay được áp dụng bằng các công cụ hiệu quả hơn nhiều so với thời chiến tranh lạnh". Đặc biệt trí thông minh nhân tạo (AI) ít tốn kém và có thể lũng đoạn ở quy mô lớn.
Cho đến nay, hung hăng nhất là Nga. Đầu tháng 9, hai nhân viên của RT bị khởi tố vì chuyển bất hợp pháp 10 triệu đô la cho Tenet, một công ty truyền thông chuyên tuyển mộ những người bình luận bảo thủ Mỹ để đăng các video có lợi cho Donald Trump và Kremlin. Tư pháp cũng có trong tay hồ sơ về 32 trang web nhái theo những tờ báo uy tín, với những bài tuyền truyền thường do AI viết, cáo buộc Ukraine là quốc gia tham nhũng, phát-xít.
Trung Quốc dùng chiến thuật khác. Bắc Kinh tung tin giả bất lợi cho những dân biểu, thượng nghị sĩ Mỹ cứng rắn với Trung Quốc để làm họ thất cử. Còn Iran tấn công đủ mọi hướng : đánh cắp hồ sơ của ê-kíp Donald Trump gởi cho Joe Biden và báo chí tuy không được đăng, mưu toan ám sát… Tình báo đã cảnh báo việc can thiệp của nước ngoài không kết thúc vào ngày 05/11. Một đợt tấn công mới sẽ nhắm vào kết quả cuộc bầu cử, nhất là chỉ được định đoạt bằng một số ít phiếu nơi các bang chiến địa.
Thụy My
Quân đội Nga đang lập một đơn vị có khoảng 3.000 lính Triều Tiên, một nguồn tin tình báo quân đội của Ukraine nói với BBC, thông tin mới nhất cho thấy Bình Nhưỡng đang lập một mối quan hệ đồng minh quân sự gần gũi với Điện Kremlin.
Nga bác bỏ việc binh sĩ Triều Tiên chuẩn bị chiến đấu tại Ukraine. Ảnh binh lính Triều Tiên diễu hành tại quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng vào ngày 9/9/2018. Ed Jones/AFP
Đến nay, BBC chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy một đơn vị quân sự lớn như vậy được lập ở vùng Viễn Đông của Nga và người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ thông tin về sự tham gia của binh lính Triều Tiên.
"Đây không chỉ là thông tin tình báo của Anh mà còn của Mỹ nữa. Họ lúc nào cũng đăng tải thông tin như vậy mà không đưa ra bằng chứng", ông nói.
Rõ ràng mức độ hợp tác giữa Moscow và Bình Nhưỡng đã trở nên sâu sắc hơn trong những tháng gần đây.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gửi thông điệp chúc mừng sinh nhật Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tuần qua và gọi ông ta là "người đồng chí thân thiết nhất".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói về việc Triều Tiên tham chiến và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc trong tháng này đã nói rằng "có khả năng cao" binh lính Triều Tiên được triển khai tại Ukraine.
Câu hỏi lớn nhất là số lượng binh sĩ tham gia.
Một nguồn tin quân sự ở vùng Viễn Đông của Nga xác nhận với BBC tiếng Nga rằng "một số lượng binh lính Triều Tiên đã đến nơi" và đồn trú tại một trong những căn cứ quân sự gần thành phố Ussuriysk, nằm về phía bắc thành phố cảng Vladivostok.
Thế nhưng, nguồn tin này đã từ chối đưa ra con số chính xác, ngoài việc nói rằng "không thể nào gần con số 3.000 được".
Các chuyên gia quân sự nói với BBC rằng họ nghi ngờ về khả năng các đơn vị quân đội của Nga có thể huy động thành công hàng ngàn lính Triều Tiên.
"Lúc đầu họ đã không dễ dàng gì trong việc huy động hàng trăm tù nhân Nga - và tất cả những kẻ đó đều nói tiếng Nga", một nhà phân tích sống tại Nga không muốn nêu tên nói với BBC.
Thậm chí nếu có 3.000 quân thì đây cũng không phải là con số lớn trên chiến trường, nhưng Mỹ cũng quan ngại như Ukraine.
"Đây sẽ là một sự thăng tiến đáng kể trong quan hệ của họ (Nga và Triều Tiên)", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói, và theo ông đây là "một cấp độ tuyệt vọng mới của Nga" sau những tổn thất trên chiến trường.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một cuộc gặp tại thủ đô Bình Nhưỡng vào ngày 19/6/2024. Vladimir Smirnov/Pool/ AFP
Hồi tháng Sáu, ông Vladimir Putin đã nâng ly chúc mừng một thỏa thuận "hòa bình và phòng thủ" với ông Kim Jong-un.
Và cũng có nhiều bằng chứng cho thấy Triều Tiên đang cung cấp đạn dược cho Nga, điều này gần đây đã được thể hiện qua việc phát hiện một tên lửa ở vùng Poltava của Ukraine.
Trên thực tế, thông tin về mìn và đạn pháo do Bình Nhưỡng cung cấp đã xuất hiện từ tháng 12/2023 trong các nhóm trò chuyện trên ứng dựng Telegram liên quan đến các cộng đồng quân sự của Nga.
Các binh sĩ Nga, đồn trú tại Ukraine, đã thường lên tiếng chỉ trích về tiêu chuẩn đạn dược và về việc hàng chục binh sĩ bị thương.
Kyiv nghi ngờ một đơn vị binh lính Triều Tiên đang tiến hành thao dượt tại vùng Ulan-Ude của Nga gần biên giới giáp với Mông Cổ trước khi được huy động đến tỉnh Kursk của Nga, nơi quân Ukraine tiến hành cuộc xâm nhập hồi tháng Tám.
"Họ có thể canh gác một số khu vực ở biên giới giữa Nga và Ukraine, giúp các đơn vị của Nga được rảnh tay để chiến đấu ở nơi khác", Valeriy Ryabykh, biên tập trang Defence Express của Ukraine, nhận định.
"Tôi loại trừ khả năng các đơn vị này sẽ ngay lập tức được huy động đến tiền tuyến".
Không chỉ ông Ryabakh có suy nghĩ này.
Không rõ lực lượng quân sự của Kim Jong-un sẽ đáp ứng như thế nào trong cuộc chiến tranh Ukraine. Ảnh : Ông Kim Jong-un thị sát một căn cứ huấn luyện quân sự của Triều Tiên tại một địa điểm bí mật vào ngày 11/9/2024. KCNA/Reuters
Triều Tiên có thể có khoảng 1,28 triệu binh sĩ thường trực, nhưng khác với Nga, quân đội nước này không có kinh nghiệm tác chiến gần đây.
Bình Nhưỡng đã theo đuổi mô hình lực lượng vũ trang cũ của Liên Xô nhưng hiện không rõ lực lượng chính là bộ binh cơ giới có thể đáp ứng thế nào trong cuộc chiến tranh Ukraine.
Ngoài ra, rõ ràng còn có rào cản ngôn ngữ và việc binh sĩ Triều Tiên không quen với các hệ thống của Nga khiến bất kỳ vai trò chiến đấu nào cũng sẽ trở nên khó khăn.
Điều này không loại trừ khả năng quân đội Triều Tiên tham gia vào cuộc chiến tranh toàn diện của Nga tại Ukraine, nhưng hầu hết các chuyên gia cho rằng binh lính nước này có năng lực về kỹ thuật và xây dựng, chứ không phải chiến đấu.
Điều mà cả Triều Tiên và Nga đều có là động lực chung.
Bình Nhưỡng cần tiền bạc và công nghệ, trong khi Moscow cần binh sĩ và đạn dược.
"Bình Nhưỡng sẽ nhận được nhiều tiền và có lẽ tiếp cận được công nghệ của quân đội Nga, điều mà Moscow có thể đã chần chừ trong việc chuyển giao cho Triều Tiên", ông Andrei Lankov, giám đốc công ty tư vấn Korea Risk Group, nhận định.
"Điều này sẽ giúp binh lính của họ tích lũy kinh nghiệm chiến đấu thực sự, nhưng cũng có rủi ro, đó là việc binh lính Triều Tiên được tiếp xúc với phương Tây, được xem là một vùng đất thịnh vượng hơn".
Đối với ông Putin, việc bù đắp cho những tổn thất đáng kể trong hơn 2,5 năm chiến tranh đang trở nên cấp bách.
Ông Valeriy Akimenko từ trung tâm nghiên cứu xung đột của Anh cho rằng việc huy động binh lính Triều Tiên sẽ giúp nhà lãnh đạo Nga khắc phục được khó khăn do đợt động viên bắt buộc trước đây không diễn ra suôn sẻ.
"Vì vậy, giữa lúc quân Nga ngày càng bị Ukraine bào mòn, thì ông Putin có thể sẽ nghĩ đây là một ý tưởng hay ho - đó là tại sao không để người Triều Tiên tham chiến ?"
Ông Zelensky rõ ràng quan ngại về liên minh quân sự đối địch này.
Không có binh lính phương Tây xuất hiện trên chiến trường Ukraine do lo ngại cuộc chiến có thể leo thang.
Tuy nhiên, nếu thông tin hàng trăm lính Triều Tiên chuẩn bị được triển khai là thật, chuyện binh lính nước ngoài chiến đấu trên chiến trường Ukraine dường như sẽ không phải là mối bận tâm của Vladimir Putin.
James Waterhouse
Nguồn : BBC, 17/10/2024
Paul Kirby, Kelly Ng và Nick Marsh tường thuật bổ sung.
Trong một động thái khó hiểu, tuần này Triều Tiên đã đưa 13 trong số hàng chục tàu ngầm từng được biết tới của họ vào danh sách công khai do một cơ quan hàng hải quốc tế quản lý, nhưng chỉ một ngày sau lại rút tên ra.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại lễ hạ thủy tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật mới của Triều Tiên, ngày 6/9/2023. (Ảnh : Yonhap/TTXVN)
Triều Tiên hôm 27/8 đăng ký với Hệ thống thông tin vận tải biển tích hợp toàn cầu (GISIS) của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) 11 tàu ngầm lớp Sang-O II cùng hai tàu tinh vi hơn, mặc dù tàu quân sự thường không được liệt kê trong sổ đăng ký này.
Đến ngày 28/8, tất cả 13 tàu ngầm này đã bị xóa khỏi danh sách.
Khi được hỏi về việc xóa, một phát ngôn viên của IMO đã nói với VOA hôm 29/8 rằng "các quốc gia thành viên có thể yêu cầu cập nhật dữ liệu của riêng họ".
"GISIS là một trung tâm trực tuyến để chia sẻ dữ liệu liên quan đến vận tải biển, dựa trên thông tin do các quốc gia thành viên cung cấp", phát ngôn viên nói thêm.
Động thái hiếm hoi
Không rõ động cơ nào thúc đẩy Bình Nhưỡng đăng ký tàu ngầm ban đầu.
Bên cạnh 11 tàu ngầm lớp Sang-O II, Bình Nhưỡng đã đăng ký tàu Yongung, có khả năng phóng phi đạn đạn đạo, và tàu Hero Kim Kun Ok, được cho là có khả năng mang phi đạn đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân.
Tàu Hero Kim Kun Ok được Triều Tiên mô tả là "tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật" hoạt động đầu tiên của nước này tại một buổi lễ hạ thủy vào tháng 9 năm 2023, chỉ vài ngày trước khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tới Nga.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói với VOA hôm 29/8 rằng "chính phủ đang theo dõi chặt chẽ tình hình liên quan đến việc Triều Tiên có được số hiệu nhận dạng tàu IMO" sau khi báo cáo về việc đăng ký.
Cùng ngày các tàu ngầm được xóa khỏi danh sách, Triều Tiên khoe khoang rằng lực lượng hải quân của họ "đã phát triển thành lực lượng tinh nhuệ vô song" và gọi ngày 28 tháng 8 là "Ngày Hải quân của Quân đội Nhân dân Triều Tiên", theo hãng thông tấn nhà nước KCNA.
Ông Choi Won Il, hạm trưởng đã nghỉ hưu của tàu hải quân Cheonan bị chìm của Hàn Quốc, nói với VOA hôm 28/8 rằng ông thấy "bất thường" khi Triều Tiên đưa tàu ngầm của mình vào sổ đăng ký công khai, "bởi vì tàu ngầm được thiết kế để trở thành tàu chiến tàng hình". Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên đánh chìm tàu Cheonan vào năm 2010.
IMO là cơ quan của Liên hiệp quốc chịu trách nhiệm quản lý giao thông hàng hải, nhưng tàu chiến không bắt buộc phải được đưa vào sổ đăng ký của cơ quan này. 13 tàu ngầm được đăng ký không phải là tàu buôn do Lực lượng Hải quân Quân đội Nhân dân Triều Tiên điều hành.
Vũ khí ‘bất hợp pháp’
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói với VOA hôm 28/8 rằng Hoa Kỳ "biết về các báo cáo rằng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã đăng ký 13 tàu ngầm quân sự" với IMO và đang "tham vấn chặt chẽ" với Hàn Quốc, Nhật Bản và các đồng minh và đối tác khác.
Phát ngôn viên nói : "Chúng tôi lên án những nỗ lực liên tục của CHDCND Triều Tiên nhằm thúc đẩy các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt và phi đạn đạn đạo bất hợp pháp" và "kêu gọi CHDCND Triều Tiên kiềm chế các hành động gây bất ổn hơn nữa và quay trở lại đối thoại".
Triều Tiên đã thử nghiệm một bệ phóng rốc-két đa nòng 240 mm với hệ thống dẫn đường mới dưới sự giám sát của ông Kim, KCNA cho biết hôm 28/8.
Ngoài năng lực trên bộ, trong những năm gần đây, Triều Tiên đã nhấn mạnh đến việc tăng cường năng lực dưới nước của mình.
Vào tháng 1, Triều Tiên cho biết họ đã thử nghiệm Pulhwasal-3-31, một phi đạn hành trình chiến lược phóng từ tàu ngầm mới được phát triển, và Haeil-5-23, một tàu không người lái có thể phóng hạt nhân.
Vào tháng 4, việc đóng một tàu ngầm mới tương tự như Hero Kim Kun Ok tại Xưởng đóng tàu Sinpho South của Triều Tiên đã được phát hiện trên hình ảnh vệ tinh thương mại do 38 North, một chương trình của Trung tâm Stimson chuyên phân tích Triều Tiên.
Mối đe dọa ngày càng tăng
Theo Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân NTI, một tổ chức an ninh toàn cầu phi đảng phái, Triều Tiên có một trong những hạm đội tàu ngầm lớn nhất thế giới, với ước tính từ 64 đến 85 chiếc.
"Tàu ngầm được coi là một khả năng bất đối xứng, khả năng tàng hình cho phép chúng trở thành mối đe dọa an ninh nguy hiểm", ông Terence Roehrig, Giáo sư an ninh quốc gia và là chuyên gia về Hàn Quốc tại Học viện Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ nói.
"Mặc dù tàu ngầm của Triều Tiên ồn ào" và "có giới hạn về phạm vi hoạt động từ vùng biển ven bờ", nhưng quốc gia này có "một trong những lực lượng tàu ngầm lớn nhất thế giới và vẫn là mối quan tâm hàng hải nghiêm trọng", ông cho biết.
Theo Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân NTI, Triều Tiên lần đầu tiên mua tàu ngầm lớp Romeo thời Liên Xô từ Trung Quốc vào những năm 1970.
Tất cả các tàu ngầm đã được đăng ký trước đó với IMO đều được coi là tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel.
Theo NTI, Yongung là tàu ngầm lớp Gorae, còn được gọi là tàu ngầm lớp Sinpo, được hạ thủy vào năm 2014 và có khả năng hạn chế ở dưới nước trong một vài ngày mà không nổi lên.
Nguồn : VOA, 31/08/2024
Lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên giám sát chuyển giao bệ phóng tên lửa đạn đạo chiến thuật mới
Reuters, VOA, 05/08/2024
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã giám sát việc chuyển giao 250 bệ phóng tên lửa đạn đạo chiến thuật mới cho quân đội tiền tuyến, hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa tin hôm 5/8, mà theo Seoul Bình Nhưỡng có thể sử dụng chúng để đe dọa Hàn Quốc.
Bức ảnh, được chụp hôm 4/8 và được Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố thông qua KNS hôm 5/8, cho thấy toàn cảnh buổi lễ chuyển giao 250 bệ phóng tên lửa đạn đạo chiến thuật loại mới cho các đơn vị quân đội biên giới tại Bình Nhưỡng.
Các bệ phóng này được truyền thông nhà nước mô tả là vũ khí tấn công chiến thuật hiện đại do ông Kim đích thân thiết kế và sẵn sàng chuyển giao cho các đơn vị Quân đội Nhân dân Triều Tiên ở biên giới với Hàn Quốc.
Triều Tiên cho biết họ đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo chiến thuật mới vào tháng trước.
"Chúng tôi tin rằng (các bệ phóng tên lửa) được thiết kế để sử dụng theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như để tấn công hoặc đe dọa Hàn Quốc", Lee Sung-joon, người phát ngôn của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, phát biểu trong một cuộc họp báo, và lưu ý rằng việc triển khai gần biên giới sẽ có nghĩa là tầm bắn không xa.
Các bức ảnh do KCNA công bố cho thấy các loạt bệ phóng được xếp hàng bên cạnh những biểu ngữ màu đỏ kêu gọi chiến thắng, được đặt dưới ánh đèn pha tại sự kiện được tổ chức vào ban đêm và có sự tham dự của ông Kim.
Trong bài phát biểu, ông Kim đổ lỗi cho Mỹ đã tạo ra một "khối quân sự dựa trên hạt nhân" buộc đất nước ông phải tăng cường hơn nữa năng lực quân sự.
Một người phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc phụ trách các vấn đề liên Triều cho biết các chương trình tên lửa và hạt nhân bất hợp pháp của Triều Tiên là mối đe dọa chính đối với hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Cha Du Hyeogn, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, cho biết Bình Nhưỡng muốn chứng tỏ rằng họ có khả năng tấn công nước láng giềng.
"Hàn Quốc thảo luận về cam kết răn đe hạt nhân mở rộng của Mỹ hoặc hệ thống răn đe ba mũi nhọn của nước này và Triều Tiên đang cho thấy họ muốn có khả năng tấn công mà các hệ thống như vậy không thể quản lý được", ông Cha cho biết.
Theo ông Cha, lời lẽ ngày càng gay gắt của Triều Tiên cũng có khả năng nhắm vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, có thể để chuẩn bị cơ sở cho các cuộc đàm phán nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump giành chiến thắng.
Ông Kim và ông Trump đã tổ chức một số cuộc họp chưa từng có tiền lệ trước khi hội nghị thượng đỉnh tại Việt Nam năm 2019 đổ vỡ vì lệnh trừng phạt.
Koh Yu-hwan, giáo sư danh dự của khoa Nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Dongguk, cho biết trong khi Bình Nhưỡng tăng cường lời lẽ hùng biện thì họ vẫn chưa đạt đến mức khiêu khích chiến lược.
"Hàn Quốc và Hoa Kỳ chuẩn bị tổ chức một cuộc tập trận quân sự lớn vào tháng 8... (Triều Tiên) đưa ra những tuyên bố này như một phản ứng đối với các cuộc tập trận quân sự như vậy", ông Koh cho biết.
Seoul và Washington tổ chức cuộc tập trận quân sự chung thường niên vào tháng 8, được gọi là Lá chắn Tự do Ulchi.
Triều Tiên từ lâu đã lên án các cuộc tập trận chung giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc là cuộc diễn tập cho cuộc xâm lược.
Ông Kim, được trích dẫn trong bài phát biểu trước quân đội và các nhà khoa học quân sự, nói rằng Bình Nhưỡng sẽ tăng cường khả năng sẵn sàng hạt nhân trong tương lai gần để ngăn chặn các mối đe dọa hạt nhân và bảo vệ chính mình.
Các bức ảnh của KCNA cho thấy con gái của ông Kim, Kim Ju Ae, đã tham dự sự kiện này. Đây là lần đầu tiên cô bé xuất hiện trước công chúng sau gần ba tháng. Các nhà lập pháp Hàn Quốc cho biết vào tháng trước rằng cô đang được đào tạo để trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo.
Phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên đã đưa tin về các hoạt động công khai của cô bé này, nhưng không đưa tin về tương lai chính trị của cô.
Nguồn : VOA, 05/08/2024
****************************
Bắc Triều Tiên đưa 250 dàn phóng tên lửa áp sát giới tuyến với Hàn Quốc
Trọng Thành, RFI, 05/08/2024
Hôm 05/08/2024, 250 dàn phóng tên lửa chiến thuật của Bắc Triều Tiên đã được đưa đến khu vực giới tuyến liên Triều. Theo lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, quyết định này là nhằm đối phó với các đe dọa mới từ ‘’liên minh quân sự" do Hoa Kỳ đứng đầu.
Bức ảnh do chính phủ Bắc Triều Tiên công bố cho thấy buổi lễ chuyển giao 250 bệ phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân cho các đơn vị quân đội ở tiền tuyến. Ảnh chụp ở Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, ngày 04/08/2024. AP
AFP dẫn lại thông tin từ hãng tin nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA, theo đó, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã chủ trì "lễ chuyển giao 250 dàn phóng tên lửa chiến thuật thế hệ mới" cho các đơn vị đồn trú tại vùng giới tuyến. Trong bài diễn văn, Kim Jong-un thông báo Bắc Triều Tiên đối mặt với "một sự thay đổi quan trọng về chiến lược do việc các liên minh do Hoa Kỳ chỉ huy đang biến thành các khối quân sự, dựa trên vũ khí hạt nhân", thay đổi này đòi hỏi Bắc Triều Tiên cải thiện khả năng răn đe.
Theo Hiệp hội Hàn Quốc nghiên cứu về công nghiệp quốc phòng, đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng công bố các số liệu liên quan đến các vũ khí được triển khai tại vùng biên giới. Trả lời AFP, ông Han Kwon Hee, thuộc hiệp hội nói trên, cho biết cụ thể là mỗi dàn phóng tên lửa Bắc Triều Tiên có thể mang theo bốn hỏa tiễn.
Tham gia buổi lễ chuyển giao dàn phóng tên lửa, có sự hiện diện của Jue Ae, con gái Kim Jong-un, có thể được lãnh đạo Bắc Triều Tiên chọn làm người kế vị, theo bộ Thống Nhất Hàn Quốc. Tại buổi lễ, lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng bác bỏ cái gọi là "tin đồn" về việc lũ lụt tại miền bắc khiến 1.500 người chết, và khẳng định đã không có ai tử vong vì thiên tai.
Theo thông tín viên RFI Celio Fioretti, đợt lũ lớn từ ngày 27/07 khiến một số nhà máy sản xuất vũ khí, được xây dựng từ năm ngoái, bị phá hủy. Việc nhiều nhà máy sản xuất vũ khí cùng với một số tuyến đường sắt sang Trung Quốc và Nga bị hư hại có thể làm chậm lại hoạt động xuất khẩu vũ khí Bắc Triều Tiên sang Nga, để hỗ trợ Moskva trong cuộc xâm lăng Ukraine.
Trọng Thành
Bán đảo Triều Tiên : Kim Jong-un lại dọa "kết liễu" Hàn Quốc
Anh Vũ, RFI, 09/02/2024
AFP dẫn nguồn truyền thông chính thức Bắc Triều Tiên, hôm nay, 09/02/2024, cho biết lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ không ngần ngại "kết liễu" Hàn Quốc trong trường hợp miền bắc bị tấn công.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại phiên họp toàn thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, Bình Nhưỡng. Ảnh do KCNA cung cấp ngày 31/12/2023. via Reuters - KCNA
Bắc Triều Tiên từ đầu năm nay đã tuyên bố Hàn Quốc là "kẻ thù chính", đóng cửa các cơ quan chuyên trách thống nhất và liên tiếp đưa ra các lời đe dọa chiến tranh nếu có bất kỳ hành vi vi phạm lãnh thổ nào.
Hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA dẫn lời Kim Jong-un tuyên bố : "Nếu kẻ thù dám dùng vũ lực chống lại đất nước chúng ta, chúng ta sẽ có quyết định can đảm thay đổi lịch sử và sẽ không ngần ngại huy động mọi sức mạnh siêu việt để tiêu diệt chúng". Lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng nói thêm: "Hòa bình không phải cái mà chúng ta cầu xin hay đánh đổi bằng thương lượng".
Ông Kim Jong-un đã có những tuyên bố như trên trong một sự kiện kỷ niệm ngày thành lập quân đội Bắc Triều Tiên.
Vẫn theo KCNA, Kim Jong-un còn nhấn mạnh "quyết định coi những kẻ bù nhìn (Hàn Quốc) là kẻ thù là quyết định bất di bất dịch" và việc "chiếm đóng và phá hủy lãnh thổ của chúng trong hoàn cảnh khẩn cấp là vì lợi ích an ninh lâu dài của đất nước chúng ta".
Hôm thứ Tư vừa qua, Quốc hội Bắc Triều Tiên đã thông qua quyết định hủy bỏ các luật về hợp tác kinh tế với Hàn Quốc. Trong khi đó, Bình Nhưỡng liên tục tiến hành các vụ thử vũ khí, đặc biệt là các loại tên lửa hành trình.
Anh Vũ
******************************
Bắc Triều Tiên hủy bỏ mọi hợp tác kinh tế với Hàn Quốc
Phan Minh, RFI, 08/02/2024
Quốc hội Bắc Triều Tiên hôm qua, 07/02/2024, đã quyết định hủy bỏ mọi hợp tác kinh tế với Hàn Quốc, trong bối cảnh quan hệ liên Triều đang xấu đi trầm trọng.
Toàn cảnh phiên họp toàn thể lần thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tối cao Triều Tiên khóa 14, Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, ngày 08/02/2024. via Reuters - KCNA
Hãng thông tấn nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA đưa tin, được AFP trích dẫn, tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, các đại biểu đã nhất trí bỏ phiếu hủy bỏ tất cả thỏa thuận đã ký với Hàn Quốc về thúc đẩy hợp tác kinh tế.
Quốc hội Bắc Triều Tiên cũng nhất trí bãi bỏ luật đặc biệt về vận hành dự án khu du lịch núi Kumgang, nơi từng là biểu tượng quan trọng của hợp tác liên Triều. Khu nghỉ dưỡng do công ty Hyundai Asan của Hàn Quốc xây dựng trên một trong những ngọn núi đẹp nhất của Bắc Triều Tiên vốn thu hút hàng trăm nghìn du khách từ miền Nam, tuy nhiên, các chuyến du lịch tới đây đã chấm dứt đột ngột vào năm 2008, sau khi một binh sĩ Bắc Triều Tiên bắn chết một du khách Hàn Quốc đi chệch khỏi lộ trình tham quan.
AFP nhắc lại hành động hôm qua của phía Bắc Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh chính quyền Bình Nhưỡng vào tháng trước tuyên bố Seoul là kẻ thù số một, bãi bỏ các cơ quan chuyên trách thống nhất hai miền và đe dọa đánh chiếm miền Nam trong trường hợp nổ ra chiến tranh. Mối quan hệ liên Triều đã bị đóng băng kể từ khi Bình Nhưỡng đẩy mạnh các chương trình thử nghiệm tên lửa, trong khi Seoul tăng cường hợp tác quân sự với Washington và Tokyo.
Phan Minh
Dân Bắc Triều Tiên mất niềm tin vào chế độ cha truyền con nối nhà Kim
Theo Yonhap, chính quyền Hàn Quốc hôm nay, 06/02/2024, "lần đầu tiên" công bố "Báo cáo về tình trạng kinh tế và xã hội của Bắc Triều Tiên". Dựa trên thông tin từ những người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên, Báo cáo dài 280 trang của Bộ Thống nhất Hàn Quốc ghi nhận niềm tin của người dân vào chế độ cha truyền con nối của dòng họ nhà Kim sụt giảm mạnh, trong bối cảnh hệ thống phân phối nhu yếu phẩm của nhà nước Bắc Triều Tiên "gần như sụp đổ".
Tại một cuộc triển lãm nghệ thuật, nhân kỷ niệm 75 năm thành lập nước, tại Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, ngày 05/09/2023. AP - Jon Chol-jin
Ngày hôm qua, trước khi Bộ Thống nhất công bố báo cáo này, bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yung-ho đã nhấn mạnh là Seoul tiếp tục theo đuổi chính sách "thống nhất hòa bình" với Bắc Triều Tiên trên cơ sở "chế độ dân chủ tự do", thể theo các điều khoản được ghi trong Hiến pháp Hàn Quốc.
Seoul tố cáo Bình Nhưỡng "đổ lỗi cho bên ngoài"
Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng lên án việc lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un "đảo ngược chính sách mà những người tiền nhiệm đã thúc đẩy", khiến Bắc Triều Tiên có thể "rơi vào tình trạng trống rỗng về ý thức hệ". Bộ trưởng Bộ Thống nhất Kim Yung-ho cảnh báo nguy cơ Bình Nhưỡng tìm cách "đổ lỗi cho bên ngoài để tìm lối thoát cho tình trạng hỗn loạn trong nước", và kêu gọi tăng cường các biện pháp răn đe về quân sự để đề phòng các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng.
Chính lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, trong một cuộc họp của đảng cầm quyền cuối tháng trước, thừa nhận nhu yếu phẩm thiếu trầm trọng tại nhiều vùng của đất nước là một "vấn đề chính trị nghiêm trọng".
Về bản báo cáo của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, thông tín viên Trần Công từ Seoul cho biết cụ thể :
"Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã công bố "Báo cáo về tình trạng kinh tế và xã hội của Bắc Triều Tiên" sau khi phỏng vấn hơn 6300 người đào thoát từ Bắc Triều Tiên từ năm 2013 đến 2022. Các giáo sư từ các trường đại học lớn của Hàn Quốc, như các giáo sư Lee Woo-young, Ko Kwang-young, giáo sư Kim Seong-yeong, đã cùng nhau phân tích các thông tin từ những người đào thoát và đưa ra các kết luận về sự thay đổi của nền kinh tế Bắc Triều Tiên trong 10 năm qua.
Theo báo cáo từ Bộ Thống nhất, hệ thống phân phối của Bắc Triều Tiên gần như sụp đổ, tỷ lệ người dân không nhận được tiền lương hoặc khẩu phần ăn tại nơi làm việc chính thức ngày càng tăng. Nền kinh tế Bắc Triều Tiên đang suy thoái, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động do thiếu điện và nguyên liệu thô, người dân phải tự lo lương thực, quần áo, chỗ ở, sinh kế và chăm sóc y tế từ nguồn chợ đen.
Sự bất mãn của người dân đối với chế độ ngày càng tăng, ý thức của người dân Bắc Triều Tiên dường như đang dần thay đổi. Đặc biệt, người dân Bắc Triều Tiên ngày càng có nhận thức tiêu cực về "sự kế thừa ba thế hệ" lãnh đạo Bắc Triều Tiên và "sự kế thừa của dòng họ xuất thân từ ngọn núi thiêng Bạch Đầu (Baekdu)".
Bộ Thống nhất cho biết, trong thông cáo báo chí ngày hôm nay, "thông qua việc xuất bản báo cáo này, chúng tôi muốn thông báo chính xác cho công chúng về thực trạng tại Bắc Triều Tiên, từ đó đưa ra cái nhìn đúng đắn về Bắc Triều Tiên và chuẩn bị cho một bán đảo Triều Tiên thống nhất tự do và hòa bình". Bộ trưởng Bộ Thống nhất Kim Young-ho hy vọng báo cáo này "sẽ là cơ hội để người dân Hàn Quốc hiểu được vấn đề mà người dân Bắc Triều Tiên đang phải đối mặt".
Trần Công
Theo hãng tin chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA hôm nay, 08/09/2023, Bình Nhưỡng vừa hạ thủy tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật đầu tiên, mang tên "Anh hùng Kim Gun-ok", có khả năng tấn công hạt nhân dưới nước. Đây là một bước mới của Bắc Triều Tiên nhằm tăng cường lực lượng hải quân của nước này.
Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un dự buổi lễ hạ thủy tàu ngầm "Anh hùng Kim Gun Ok" tại một địa điểm không được tiết lộ ở Bắc Triều Tiên, ngày 06/09/2023. AFP - STR
Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình :
"Tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật đầu tiên, mang số 841 đã được hạ thủy vào ngày 06/09/2023, với sự hiện diện của chủ tịch Kim Jong-un và các quan chức quân sự của Bắc Triều Tiên. Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) viết : "Chúng tôi đã chế tạo một tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật và tặng nó như là một món quà cho mẹ và quê hương của chúng tôi, nhân kỷ niệm 75 năm thành lập".
Tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật mới mà Bắc Triều Tiên chế tạo được cho là phiên bản cải tiến của tàu ngầm lớp Romeo (3.000 tấn). Những hình ảnh được truyền thông Bắc Triều Tiên công bố cho thấy tàu được trang bị ống phóng có khả năng phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM).
Các nguồn tin cho rằng tàu ngầm này sẽ có khả năng phóng ngư lôi hạt nhân cùng với các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Trong buổi lễ hạ thủy tàu ngầm, chủ tịch Kim Jong-un cho biết Bình Nhưỡng sẽ chuyển đổi các tàu ngầm cỡ trung bình thành tàu ngầm tấn công có thể mang vũ khí hạt nhân chiến thuật, và đề xuất tăng cường lực lượng hải quân bằng cách bổ sung cho đầy đủ và cải thiện kho vũ khí của binh chủng này".
Về công nghệ trí thông minh nhân tạo, Microsoft, hôm qua 07/09/2023, cho biết Trung Quốc và Bắc Triều Tiên trong thời gian qua đã sử dụng những bức ảnh có sử dụng trí thông minh nhân tạo để lừa cử tri Mỹ, khiến họ chống đối lẫn nhau, nhất là về các vấn đề gây chia rẽ về chính trị, như bạo lực súng đạn, bôi nhọ các nhân vật và biểu tượng chính trị của Hoa Kỳ.
Trần Công
Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) hôm nay 31/08/2023 cho biết Bắc Triều Tiên trong đêm qua đã phóng hai tên lửa đạn đạo và mô phỏng một cuộc tấn công hạt nhân vào Hàn Quốc. Truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên đã nêu chi tiết kế hoạch phản công trước khả năng bị Mỹ tấn công, bao gồm cả việc chiếm đóng lãnh thổ Hàn Quốc. Đây là một tín hiệu mới cho thấy căng thẳng giữa hai miền nam bắc Triều Tiên không ngừng gia tăng.
Tên lửa siêu thanh mà Bắc Triều Tiên bắn thử ngày 05/01/2022. AP
Theo Yonhap, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết tên lửa của Bắc Triều Tiên đã bay được khoảng 360 km rồi rớt xuống biển. Tình báo Mỹ - Hàn đang tiến hành phân tích vụ bắn thử này. JSC lên án mạnh mẽ các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng là "hành vi khiêu khích nghiêm trọng", gây phương hại cho hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên và thế giới.
Từ Seoul, thông tín viên Nicolas Rocca cho biết thêm chi tiết :
"Hôm nay, các chiến đấu cơ nhiều lần bay qua thủ đô Hàn Quốc. Đây là cảnh tượng hiếm thấy và phản ánh cuộc chạy đua vũ trang ở cả hai miền nam bắc Triều Tiên. Đây là cuộc diễn tập chuẩn bị cho lễ duyệt binh ở Seoul vào cuối tháng 9 tới, nhưng lại diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt căng thẳng.
Sau khi phóng hai tên lửa đạn đạo vào khoảng nửa đêm qua, theo giờ địa phương, Bình Nhưỡng, trên các phương tiện truyền thông nhà nước, tuyên bố là phản ứng đáp trả "các băng đảng quân sự Hàn Quốc". Dưới sự giám sát của lãnh đạo Kim Jong-un, quân đội Bắc Triều Tiên đã thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật mô phỏng nhắm vào các mục tiêu quân sự và trình bày kế hoạch chiếm đóng miền nam trong trường hợp bị tấn công.
Cuộc phô diễn quân sự diễn ra chỉ vài giờ sau khi các máy bay ném bom B1-B của Mỹ được triển khai trong khuôn khổ cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, kết thúc hôm nay. Bình Nhưỡng cho rằng các đợt tập trận như vậy là để chuẩn bị xâm lược Bắc Triều Tiên.
Hố sâu ngăn cách hai miền nam bắc Triều Tiên ngày càng lớn. Hai bên đều xích lại gần hơn với các đồng minh của họ. Washington cho rằng Moskva và Bình Nhưỡng đang nỗ lực đàn phám về hợp đồng cung cấp vũ khí Bắc Triều Tiên cho Nga trong bối cảnh chiến tranh Ukraine".
Thùy Dương
Bán đảo Triều Tiên : Sau 70 năm đình chiến, tái diễn kịch bản Chiến tranh lạnh ?
Thanh Hà, RFI, 27/07/2023
Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc cùng rầm rộ kỷ niệm 70 năm hiệp định đình chiến : Hai cái nhìn về một cuộc xung đột, những vết thương chưa lành. Seoul và Bình Nhưỡng vẫn xem đối phương là một mối "đe dọa đối với sự tồn tại của chính mình". Mỹ-Nhật-Hàn tăng cường chiến lược răn đe hạt nhân. Chính quyền Kim Jong-un thắt chặt hợp tác với Nga và Trung Quốc.
Hình ảnh gần Bàn Môn Điếm nhân ngày kỷ niệm 70 năm hiệp định đình chiến. Ảnh chụp ngày 27/07/2023. AP - Ahn Young-joon
Ngày 27/07/1953 trong bầu không khí nặng trĩu tại Bàn Môn Điếm, hai phái đoàn đặt bút ký hiệp định đình chiến. Ba ngày sau binh sĩ hai bên đồng loạt rút lui, một vùng phi quân sự chính thức được thiết lập, tù nhân chiến tranh bắt đầu được trả tự do. Đâu là điểm khởi đầu chiến tranh Triều Tiên, nổ ra trong đêm 24 rạng sáng 25/06/1950 ?
Điểm khởi đầu của một cuộc chiến
Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910. Sau hai quả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, Nhật đầu hàng. Mỹ và Liên Xô giải phóng bán đảo Triều Tiên. Thể theo tinh thần hội nghị Yalta (1945), Staline và Roosevelt đồng ý chia đôi bán đảo Triều Tiên ở vĩ tuyến 38. Liên Hiệp Quốc, một định chế đa quốc gia cũng vừa được thành lập, năm 1948 chính thức công nhận Đại Hàn Dân Quốc với thủ đô là Seoul và Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, thủ đô đặt tại Bình Nhưỡng.
Nếu như chính quyền ở Seoul đi theo chủ nghĩa tư bản, "phò" Mỹ, thì ở phía Bắc, Moskva đưa Kim Il-sung (Kim Nhật Thành), 38 tuổi, lên lãnh đạo đất nước. Đã ba thế hệ gia đình họ Kim liên tục cầm quyền tại Bắc Triều Tiên cho đến nay.
Ở phía bắc vĩ tuyến 38, Kim Il Sung là một vị anh hùng dân tộc trẻ tuổi, điều hành một vùng đất với nhiều cơ sở hạ tầng công nghiệp có sẵn. Ông cũng đã nhanh chóng tiến hành công cuộc cải cách ruộng đất, "chia đất cho nông dân".
Ở miền nam, Syngman Rhee, 75 tuổi lên cầm quyền dưới sự bảo trợ của người Mỹ nhờ thông thạo Anh ngữ. Tổng thống đầu tiên ở Hàn Quốc chóng hiện nguyên hình là một "người bất tài và tham ô". Vào lúc mà người dân ở phía nam vĩ tuyến 38 còn sống trong cảnh "bần hàn", và theo một số chuyên gia tương lai của họ "còn đen tối hơn cả" so với ở châu Phi, công luận Hàn Quốc do vậy, "không có lý do gì để chọn đi theo phe tư bản hay cộng sản" nuôi dưỡng tham vọng của Kim Nhật Thành "thống nhất đất nước".
Ngày 25/06/1950 quân đội Bắc Triều Tiên tràn sang biên giới, dễ dàng chiếm được thủ đô Seoul sau ba ngày giao tranh. Liên Hiệp Quốc cho phép "can thiệp quân sự" hỗ trợ Hàn Quốc. Một lực lượng liên quân quốc tế dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc ra đời và đặt dưới sự chỉ huy của nước Mỹ. Chiến dịch phản công dễ dàng đạt mục tiêu : Liên quân quốc tế tiến vào tận Bình Nhưỡng ngày 19/10/1950 và thậm chí là còn tiến sát đến biên giới giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.
Bắc Kinh nhập cuộc, điều vài trăm ngàn lính sang hỗ trợ chính quyền Kim Nhật Thành. Seoul lại thất thủ vào tháng 01/1951. Phải mất hai tháng liên quân quốc tế mới giúp Hàn Quốc giành lại thủ đô. Chiến tranh sa lầy. Lực lượng của đôi bên dừng lại "gần khu vực phi quân sự" hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.
Sau hơn hai năm thương thuyết, cuối cùng hiệp định đình chiến được ký kết ngày 27/07/1953 ở Bàn Môn Điếm, nhưng Hàn Quốc đã vắng mặt trong lễ ký kết hiệp định. Tướng Mỹ William Kelly Harrison Jr. đại diện cho Liên Hiệp Quốc. Tướng Nam Il thay mặt chính quyền Bắc Triều Tiên đặt bút ký vào hiệp định, còn về phía Trung Quốc là tư lệnh Bành Đức Hoài (Peng Dehuai). Một bản hòa ước chính thức "kết thúc chiến tranh" chưa bao giờ được ra đời, khu vực phi quân sự ở vĩ tuyến 38 vẫn tồn tại, khoảng 27.000 lĩnh Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.
Vết thương chưa lành
1950-1953 : Mỹ đã không ngăn chận được "vết dầu loang cộng sản", Bình Nhưỡng bị tàn phá đến 80%, 65% bộ mặt của Seoul phải xây dựng lại từ đầu.
70 năm hiện hữu, Bàn Môn Điếm là hiệp định đình chiến lâu bền nhất thế giới. Tác động của chiến tranh Triều Tiên tồn tại cho đến tận ngày nay. Giới chuyên gia chưa biết một cách chính xác về thiệt hại nhân mạng. Một số tài liệu chính thức đưa ra con số "ít nhất là 3 triệu người tử vong" ở cả hai phía, chủ yếu là thường dân, một số khác thì nói đến 1 triệu người chết. Có một điều chắc chắn là từ năm 1988 đã có hơn 133 ngàn người Hàn Quốc thuộc diện gia đình bị ly tán, tức là có thân nhân sống ở Bắc Triều Tiên từ khi đất nước bị phân đôi năm 1945. Trong những giai đoạn tan băng hai nước Triều Tiên đã tổ chức một số các cuộc " họp mặt gia đình". Lần cuối diễn ra vào năm 2018.
Căng thẳng liên Triều thường xuyên "bùng lên" : Từ 2006 Bắc Triều Tiên là quốc gia thứ 9 trên thế giới có bom nguyên tử. Hàn Quốc thì vẫn được đặt dưới ô dù hạt nhân của Hoa Kỳ. Bình Nhưỡng liên tục bắn tên lửa đạn đạo, tên lửa tầm xa, thử vũ khí hạt nhân…. đe dọa an ninh khu vực. Tháng 01/2023 Mỹ-Hàn loan báo "phối hợp trong cách xử lý và một cách cụ thể để đối phó với mọi kịch bản, kể cả trong trường họp Bắc Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân". Tháng 7/2023, tàu ngầm hạt nhân của Mỹ lần đầu tiên từ 1980 quay trở lại Hàn Quốc.
Trong 7 thập niên Hàn Quốc " lột xác" trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhất, thịnh vượng nhất, hiện đại nhất trên thế giới. Tin tức thời sự về Bắc Triều Tiên chủ yếu tập trung vào các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, vào những phát biểu " nẩy lửa" của các quan chức Bình Nhưỡng hay vào nạn đói hoành hành ở quy mô rộng trên quê hương cố lãnh tụ Kim Nhật Thành. Tháng 2/2023 Chương Trình Lương Thực Thế Giới báo động về nạn đói tại Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng từ chối viện trợ lương thực của quốc tế và chỉ trông cậy vào một điểm tựa là Bắc Kinh.
Bóng ma "Chiến tranh lạnh"
Chương trình tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm hiệp định đình chiến khơi lại "bóng ma thời kỳ chiến tranh lạnh". Ở Bình Nhưỡng chế độ Kim Jong-un tiếp hai vị khách mời là bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Choigu và ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Lý Hồng Trung (Li Hongzhong).
Về phía Seoul, tổng thống Yoon Seok Yeol mời đại diện 22 nước đồng minh, trong đó có Hoa Kỳ, Pháp, Ấn Độ, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, New Zealand… và 62 cựu chiến binh ngoại quốc đến Busan, tây nam Hàn Quốc, nhân sự kiện này. Buổi lễ được tổ chức ngay tại Trung Tâm Điện Ảnh Busan, trụ sở của liên hoan phim quốc tế Busan hàng năm. Chính nơi này, năm 1950 là một sân bay, là nơi binh đoàn đầu tiên của liên quân quốc tế đã đáp xuống, giải cứu Hàn Quốc.
Chiến tranh Ukraine càng làm lộ rõ thêm căng thẳng ở hai bên đường vĩ tuyến 38. Bình Nhưỡng bị cáo buộc bán vũ khí cho tập đoàn bán quân sự Wagner của Nga, giúp Moskva trong cuộc chiến Ukraine. Đến dự lễ kỷ niệm 70 năm hiệp định đình chiến, bộ trưởng Quốc phòng Serguei Choigu tuyên bố Bắc Triều Tiên là một "đối tác quan trọng" của Nga. Bình Nhưỡng xem chiến tranh Ukraine mà Moskva đang tiến hành là nhằm mục đích "bảo vệ chủ quyền và lợi ích" của Liên Bang Nga và do vậy Bắc Triều Tiên "hoàn toàn ủng hộ quân đội và nhân dân Nga".
Bình Nhưỡng – Seoul, hai cái nhìn về cùng một cuộc chiến
Hai cái nhìn về cùng một cuộc chiến. Ở bên trong bảo tàng chiến tranh Bình Nhưỡng có một pho tượng khổng lồ của một người lính Bắc Triều Tiên tay cầm cờ và bên cạnh là tấm bia có khắc hàng chữ "Những thành tích vẻ vang lịch sử sẽ sáng mãi mười ngàn đời". Câu nói đó là của lãnh tụ Kim Nhật Thành. Tại Seoul, tượng đài Chiến tranh phủ kín những tấm bia với tên tuổi của khoảng 190.000 lính Hàn Quốc và trong liên quân quốc tế hy sinh.
Choe Un Jong, một hướng dẫn viên của viện bảo tàng Bình Nhưỡng được AP trích dẫn giải thích chiến tranh khai mào do lỗi từ Mỹ và những "con rối của họ ở miền Nam", "họ đã tiến sâu vào từ 1 đến 2 km trên lãnh thổ của chúng ta. Quân đội lập tức phản công trước một vụ tấn công bất ngờ". Giám đốc bảo tàng Seoul Go Hanbin chỉ nhắc lại : chiến tranh xuất phát từ "tham vọng của chính quyền Bắc Triều Tiên muốn thống nhất và đặt bán đảo Triều Tiên dưới chế độ cộng sản".
Báo Le Monde (ngày 22/07/1994) đưa tin sau khi chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành qua đời, bộ ngoại giao Hàn Quốc cho công bố nhiều tài liệu lưu trữ của Liên Xô. Trong số ấy có bức điện thư "Kim Il-sung/Kim Nhật Thành xin phép Stalin xâm chiếm miền nam. Một số khác đưa ra những chi tiết về công cuộc chuẩn bị cho chiến dịch" này.
Thanh Hà
****************************
Bắc Triều Tiên dàn dựng lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng để thể hiện được Nga và Trung Quốc ủng hộ
Trần Công, RFI, 28/07/2023
Bắc Triều Tiên đã tổ chức duyệt binh vào đêm ngày 27/07/2023 để kỷ niệm "Ngày Chiến thắng", tức ngày ký hiệp định đình chiến Nam-Bắc Triều Tiên. Theo hãng tin Yonhap, trong buổi duyệt binh, chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tham dự cùng với bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và phó chủ tịch thứ nhất Ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) Lý Hồng Trung (Li Hongzhong).
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un (giữa), bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (trái) và phó chủ tịch thứ nhất Ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc Lý Hồng Trung (phải) dự lễ duyệt binh kỷ niệm "Ngày chiến thắng", Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, ngày 27/07/2023. AP
Việc dàn cảnh này nhằm cho thấy Trung Quốc và Nga ủng hộ Bắc Triều Tiên, quốc gia ngày càng bị quốc tế cô lập do phát triển tên lửa và hạt nhân bất hợp pháp.
Trong buổi duyệt binh có một số mẫu drone chiến lược và drone tấn công đã được phát triển để trang bị cho lực lượng không quân Bắc Triều Tiên. Trong đó có mẫu drone hình dáng tương tự dòng RQ-4 Global và MQ-9 Reaper vừa được Mỹ trang bị cho không quân Hàn Quốc.
Trong lễ duyệt binh, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và bộ trưởng quốc phòng Nga Shoigu giơ tay chào sau sự xuất hiện của 2 dòng tên lửa liên lục địa mạnh nhất của Bắc Triều Tiên là Hỏa Tinh -18 (Hwasong-18) dùng nhiên liệu rắn, và Hỏa Tinh-17 (Hwasong-17) dùng nhiên liệu lỏng. Điều này được xem như là thông điệp gửi đến thế giới rằng Trung Quốc và Nga đang dung túng cho việc phát triển bất hợp pháp tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Thông tấn xã trung ương Bắc Triều Tiên (KCNA) cho biết bộ trưởng Quốc phòng Kang Sun-nam đã phát biểu tại lễ duyệt binh, bày tỏ niềm vinh dự của quân đội và cả nước khi có thể thực hiện một lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng.
Trần Công
*************************
Bắc Triều Tiên : Quân cờ mới giúp Nga chống phương Tây trong chiến tranh Ukraine
Thu Hằng, RFI, 27/07/2023
Ngày 27/07/2023 vào lúc tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp 49 phái đoàn các nước châu Phi tham dự thượng đỉnh tại Saint-Peterburg, bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu có mặt ở Bình Nhưỡng dự lễ kỉ niệm 70 năm đình chiến Triều Tiên. Moskva muốn khẳng định vẫn có nhiều bạn bè và đối tác để làm đối trọng với phương Tây trong bối cảnh bị cô lập vì xâm chiếm Ukraine.
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un (trái) tiếp bộ trưởng quốc phòng Nga Shoigu. Ảnh tại Bình Nhưỡng ngày 26/07/2023. AP
Cùng bị phương Tây trừng phạt, Nga và Bắc Triều Tiên tìm thấy sự đồng điệu. Đối với Nga, "Cộng hòa nhân dân Triều Tiên là một đối tác quan trọng, có chung biên giới và truyền thống hợp tác phong phú", theo thông cáo của Bộ quốc phòng Nga khi bộ trưởng Sergei Shoigu tới Bình Nhưỡng. Còn Bắc Triều Tiên bắt đầu sử dụng cụm từ mới "hợp tác chiến thuật và chiến lược" để nói về mối quan hệ với Moskva, theo nhận định với trang 38 North của giáo sư Artyom Lukin, Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok.
Nga biến Bắc Triều Tiên thành quân bài đe dọa phương Tây
Trên đài truyền hình France24, chuyến công du Bình Nhưỡng của bộ trưởng quốc phòng Nga được nhà nghiên cứu Pháp Antoine Bondaz nhận định là "mang ý nghĩa biểu tượng". Bắc Triều Tiên kỷ niệm 70 năm đình chiến giữa hai miền Triều Tiên, một cuộc chiến mà Hoa Kỳ tham gia, trong khi nước này cũng đang hỗ trợ Ukraine chống lại cuộc xâm lược Nga. Đây cũng là "đòn truyền thông của hai nước bị cô lập trên trường quốc tế" để "chứng minh với các nước phương Tây rằng họ có đối tác".
Nói một cách khác, theo Reuters, chuyến công du của ông Shoigu phần nào nhằm gây lo sợ, dùng Bắc Triều Tiên để hù dọa phương Tây. Đây cũng là lời cảnh cáo mà Moskva gửi đến Hàn Quốc, nước đã lên án, trừng phạt Nga và có thể sẽ giao đạn dược cho Ukraine.
Nga và Trung Quốc không ngừng bác bỏ mọi dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Để "đền đáp", Bình Nhưỡng công khai ủng hộ Moskva kể từ lúc đưa quân xâm chiếm Ukraine, công nhận nền độc lập của các vùng ly khai Ukraine, sau đó là ủng hộ Nga sáp nhập những vùng lãnh thổ này. Việc Nga cần có "bạn" vì bị cô lập cũng giúp quốc gia khép kín nhất thế giới được lợi.
Nói một cách khác, đôi bên cũng có lợi, theo nhận định với trang 38 North của giáo sư Artyom Lukin và được Reuters trích dẫn, "‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ của Moskva ở Ukraine đã mở ra một thực tế địa-chính trị mới, theo đó điện Kremlin và Bắc Triều Tiên có thể ngày càng thân thiết hơn, thậm chí có thể lên đến mức quan hệ gần như là đồng minh từng tồn tại trong thời Chiến Tranh Lạnh".
"Liên minh tình thế" vì cùng bị dồn vào chân tường
Trong nhiều thập niên, Bình Nhưỡng phụ thuộc chủ yếu vào viện trợ của Liên Xô. Điều này giải thích phần nào cho nạn đói ở Bắc Triều Tiên sau khi Liên Xô tan rã. Sau thời gian đầu "lạnh nhạt" với Nga và Trung Quốc khi mới lên cầm quyền, nhà lãnh đạo hiện nay của Bắc Triều Tiên từng bước sửa chữa mối quan hệ song phương kể từ năm 2017. Ông Kim Jong-un họp thượng đỉnh lần đầu tiên với tổng thống Nga vào năm 2019 tại Vladivostok, ca ngợi là "đã nghiền nát những thách thức và đe dọa của Hoa Kỳ" trong điện chúc mừng sinh nhật đồng nhiệm Putin cùng năm và hứa "nắm chặt tay" chủ nhân điện Kremlin, tăng cường hợp tác chiến lược trong thư chúc mừng Quốc Khánh Nga.
Moskva không dại gì khước từ nguyện vọng của Bắc Triều Tiên, nhất là khi Bình Nhưỡng, theo cáo buộc của Hoa Kỳ, "tình nguyện" cung cấp vũ khí, đạn dược cho Nga và quân đánh thuê Wagner. Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Pháp Antoine Bondaz nhắc lại là hiện vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng nào.
Ngoài lời hứa "thắt chặt hợp tác quốc phòng", Nga và Bắc Triều Tiên nối lại hoạt động giao thương bị trì hoãn vì đại dịch Covid-19. Dầu lửa của Nga lại được xuất sang Bắc Triều Tiên từ năm 2020, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc. Những đoàn tầu chở hàng đã được nối lại vào năm 2022. Các quan chức Nga đang "tìm các giải pháp chính trị", thực ra là lách trừng phạt của quốc tế, để nhận khoảng 20.000 đến 50.000 người lao động Bắc Triều Tiên.
Năm 2014, Bình Nhưỡng không lên án Moskva sáp nhập bán đảo Crimea và được Nga "trả ơn" bằng cách xóa nợ. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Pháp Antoine Bondaz, cả hai bên hiện có rất ít tiềm năng hợp tác về kinh tế vì đều chịu nhiều biện pháp trừng phạt.
Thu Hằng
************************
Bắc Triều Tiên phô trương vũ khí hiện đại nhất nhân kỷ niệm 70 năm đình chiến
RFI, 27/07/2023
Ngày 27/07/2023, hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên kỷ niệm 70 năm hiệp định đình chiến kết thúc chiến tranh Triều Tiên. Đây là dịp vinh danh 5 triệu người đã thiệt mạng, nhưng cũng là minh chứng cho những căng thẳng vẫn tồn tại giữa hai nước láng giềng. Chương trình kỷ niệm cho thấy khoảng cách lớn vẫn còn chia cắt hai miền Triều Tiên.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên khoe vũ khí mới với bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Ảnh tại Bình Nhưỡng ngày 26/07/2023. APTừ Seoul, thông tín viên Nicolas Rocca cho biết cụ thể :
Một bên là cuộc diễu hành trước các phái đoàn Nga và Trung Quốc và bên kia là buổi lễ với sự tham dự của hàng chục cựu binh nước ngoài thuộc lực lượng Liên Hiệp Quốc : các buổi lễ đình chiến đánh dấu khoảng cách dai dẳng giữa Seoul và Bình Nhưỡng.
Ở phía Bắc, các chuyên gia thấy "ngày chiến thắng" được tổ chức bằng một cuộc duyệt binh. Khách mời danh dự là ông Serguei Choigu. Bộ trưởng Quốc phòng Nga hôm thứ Tư 26/07/2027, đã được lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tiếp và ông đã nhìn thấy những cải tiến mới nhất của Triều Tiên về vũ khí. Chuyến thăm này, cùng với sự hiện diện của một ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc, minh chứng cho việc Bình Nhưỡng xích lại gần Bắc Kinh và Moskva. Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, hai nước Trung Quốc và Nga đã phản đối tất cả các biện pháp trừng phạt mới đối với Bắc Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Ở miền Nam, không khí có vẻ khác biệt. Hàng nghìn người tham dự lễ kỷ niệm đình chiến ở Busan. Chính tại thành phố cảng này, lần đầu tiên kể từ những năm 1980, một chiếc tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa Mỹ đã cập bến vào tuần trước. Buổi lễ hôm nay cũng là dịp để tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol kỷ niệm 70 năm liên minh với Hoa Kỳ và tái khẳng định đường lối cứng rắn đối với nước láng giềng Bắc Triều Tiên.
Nguồn : RFI, 27/07/2023