Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Liên Âu nên thu hồi các lợi ích của Việt Nam hưởng lợi từ EVFTA vì vi phạm nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi Liên minh Châu Âu không cho Việt Nam hưởng các lợi ích từ Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) do sự vi phạm nhân quyền trầm trọng của Hà Nội trong nhiều năm gần đây.

evfta1

Lễ ký EVFTA giữa EU và Việt Nam tại Hà Nội hôm 30/6/2019 - AFP

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của HRW, có phát biểu như vừa nêu sau tuyên bố của riêng Nhóm tư vấn trong khối Liên Âu (viết tắt là EU DAG) về EVFTA về sự lo ngại của họ cho tình hình nhân quyền Việt Nam.

Nhóm này tự đưa ra tuyên bố hôm 14/12 sau cuộc họp lần thứ ba với Nhóm tư vấn trong nước (DAG) Việt Nam tại Bỉ cuối tháng 11 năm ngoái mà không đưa ra được tuyên bố chung.

DAG của mỗi bên bao gồm các tổ chức xã hội dân sự được thành lập theo hiệp định trên với mục tiêu tư vấn về việc thực hiện chương Thương mại và Phát triển bền vững bằng cách đưa ra quan điểm hoặc khuyến nghị cho các bên tham gia.

Trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 04/1, ông Phil Robertson bình luận về thông cáo của EU DAG :

"EU DAG đã quá lịch sự, xét đến mức độ nghiêm trọng của việc vi phạm nhân quyền của Việt Nam và việc vi phạm trắng trợn những lời hứa cho phép xã hội dân sự giám sát và tham gia thực hiện Chương Thương mại và Phát triển bền vững (TSD).

Chính phủ Việt Nam đang tiến hành một cuộc đàn áp toàn diện đối với các nhà bảo vệ môi trường, các nhà hoạt động về biến đổi khí hậu và bất kỳ nhà lãnh đạo xã hội dân sự nào dám nêu lên việc Việt Nam không tôn trọng nhân quyền và quyền lao động."

Ông cho rằng việc Chính phủ Việt Nam không đưa ra thời gian biểu phê chuẩn các Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) như đã hứa, cho thấy mức độ dối trá mà họ đang làm.

Ông kêu gọi khối 27 quốc gia nên có các hành động cụ thể đối với sự vi phạm nhân quyền của Việt Nam :

"Thay vì tiếp tục bị đùa giỡn, EU nên bắt đầu vạch ra các biện pháp để bắt đầu thu hồi các lợi ích theo EVFTA cho đến khi Hà Nội thực sự duy trì các cam kết bảo vệ quyền lợi, cho phép thành lập các công đoàn độc lập và thực hiện các cải cách môi trường thực sự, song hành với xã hội dân sự."

Trong tuyên bố của mình, Nhóm tư vấn trong khối EU nêu ra các vụ việc bỏ tù lãnh đạo một số tổ chức xã hội dân sự có đăng ký và có ý định tham gia DAG Việt Nam như nhà báo Mai Phan Lợi và luật sư Đặng Đình Bách về tội danh trốn thuế.

Về vi phạm nhân quyền của Việt Nam, tuyên bố viết :

"EU DAG quan ngại sâu sắc về các báo cáo từ các tổ chức phi chính phủ, như FIDH (Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế) và Theo dõi Nhân quyền (HRW), nêu chi tiết các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.

Chúng bao gồm các hạn chế về quyền tự do hội họp cũng như quấy rối và bắt giữ tùy tiện những người bảo vệ nhân quyền, nhiều nhà lãnh đạo xã hội dân sự và nhiều nhà báo, dựa trên việc áp dụng tùy tiện Bộ luật Hình sự và Luật Thuế, đã bị lên án bởi EU, cũng như Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc và Nhóm công tác về bắt giữ tùy tiện.

Công đoàn, phương tiện truyền thông, tổ chức xã hội dân sự và cơ quan tư pháp cần được tự do giám sát, vạch trần và thực thi việc tôn trọng tất cả các quyền, bao gồm cả quyền lao động. Những lo ngại đáng kể đã được nêu lên trong cuộc họp về việc thu hẹp không gian dành cho xã hội dân sự và việc bắt giữ, bỏ tù và kết án một số nhà bảo vệ môi trường nổi tiếng ở Việt Nam."

EU DAG nói quyền của các tổ chức xã hội dân sự trong việc xem xét, giám sát việc thực hiện các cam kết Thương mại và Phát triển bền vững (TSD) của EVFTA, bao gồm cả các cam kết trong TSD, phải được tôn trọng. Các cơ chế TSD chỉ có thể thực hiện đúng lời hứa nếu xã hội dân sự có thể giám sát và xem xét kỹ lưỡng việc thực hiện chúng một cách minh bạch.

Nhóm này cũng thúc giục EU quyết liệt hơn với Việt Nam :

"Chúng tôi nhắc nhở Việt Nam rằng nhân quyền là một yếu tố thiết yếu của Hiệp định Đối tác và Hợp tác EU-VN và do đó bao trùm toàn bộ EVFTA. Việc đe dọa và quấy rối các chủ thể xã hội dân sự đang giám sát các cam kết mà các bên cam kết phải được EU đề cập một cách quyết đoán."

Giữa tháng 8/2021, Bộ Công thương Việt Nam công bố quyết định thành lập DAG Việt Nam với ba thành viên chính thức là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)- đại diện giới sử dụng lao động, Viện Công nhân và Công đoàn (IWTU) trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, và Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD).

Năm sau, bộ này bổ sung thêm bốn thành viên nữa, nâng tổng số thành viên của DAG Việt Nam lên thành bảy. Bốn thành viên mới là Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hội nghề cá Việt Nam (VINAFIS), Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), và Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA).

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam cùng với ba tổ chức gồm Viện Công nhân và Công đoàn, Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững, và Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên với đề nghị bình luận về tuyên bố của EU DAG nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam, cho rằng nhiều tổ chức trong DAG Việt Nam thân thiết với chính quyền và ông nghi ngờ sự độc lập trong việc giám sát thực thi EVFTA.

Từ Đức, bà Thục Quyên, một người hoạt động nhân quyền và theo dõi sát việc thực thi EVFTA, cho biết Chương "Thương mại và Phát triển bền vững" của EVFTA là một phần không thể thiếu của hiệp định này. Sự tham gia của xã hội dân sự và giám sát EVFTA không phải là một yếu tố tùy chọn của hiệp định, nhưng cần được bảo đảm và áp dụng như một vấn đề cấp bách.

Bà nói trong tin nhắn gửi RFA :

"Để Hiệp định thành công và mang lại lợi ích cho đất nước và người dân, về phía Việt Nam cần nghiêm chỉnh tạo một khung chính sách để xã hội dân sự tham gia một cách tự do và an toàn vào việc thiết kế, ra quyết định, giám sát và thực hiện.

Việt Nam có bổn phận thúc đẩy các điều kiện thuận lợi cho xã hội dân sự đã được quy định trong Hiệp ước, nhằm tạo ra và duy trì, về mặt luật pháp và trên thực tế, một môi trường thuận lợi an toàn cho xã hội dân sự tự do hoạt động, cần nhất hiện nay là luật pháp và chính sách liên quan đến đăng ký, và các đòi hỏi về thuế má phải minh bạch và phù hợp với các quyền cơ bản, bao gồm quyền tự do hội họp, lập hội và biểu đạt."

Bà cho rằng việc bắt bớ, kết án và giam giữ vô cớ các nhà hoạt động nhân quyền và môi trường bất chấp luật pháp quốc gia và quốc tế phải cần phải chấm dứt.

Trong Tuyên bố của mình, EU DAG kêu gọi Việt Nam thực hiện đúng cam kết đưa ra trước khi thực thi EVFTA và ngay lập tức phê chuẩn Công ước C87 (Công ước của ILO về tự do lập hội và bảo vệ quyền lập hội).

Nhóm này cũng nhắc nhở Việt Nam về cam kết tuân thủ các yêu cầu của TSD, đó là tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện hiệu quả các công ước cơ bản của ILO – đặc biệt là về lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, thương lượng tập thể, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.

EU DAG hoan nghênh cam kết của Chính phủ Việt Nam trong Diễn đàn chung EU-Việt Nam 2023 nhằm mở rộng sự tham gia trong DAG để cân bằng với sự tham gia rộng rãi hơn trong EU DAG.

Hai nhóm sẽ có cuộc họp chung ở Hà Nội vào năm 2024.

Nguồn : RFA, 04/01/2024

Published in Việt Nam

Việt Nam cần làm gì để kinh tế vượt qua dịch Covid-19 ?

Thanh Trúc, RFA, 06/08/2020

Việt Nam cần chuyển hướng mới để thúc đẩy tăng trưởng hầu vượt qua dịch bệnh Covid-19, phải cân bằng việc phòng chống dịch với việc đẩy mạnh tăng trưởng là nội dung bài viết của chuyên gia Ngân Hàng Thế Giới, ông Jacques Morisset, đăng trên trang mạng của World Bank hôm 4/8 vừa qua.

kinhte1

Việt Nam đang là quốc gia có sức khỏe tốt hơn trong hoạt động vừa chống dịch vừa tìm cách phục hồi kinh tế.

Theo ông Morisset, thực tế đã chứng minh không chỉ Việt Nam mà ngay cả nhiều nước khác, thành quả y tế không phải là cái được của kinh tế, và nền kinh tế Việt Nam đã bị tổn thương vì đại dịch từ đầu 2020 đến giờ.

Ông nói Việt Nam vẫn giữ được mức GDP 0,4% bước sang Quí 2 năm 2020, được coi là dấu hiệu tốt trong bối cảnh phòng chống dịch, thế nhưng vẫn là mức thấp nhất trong 35 năm qua.

Dưới con mắt quan sát của Ngân Hàng Thế Giới, mức độ chậm lại của nền kinh tế Việt Nam phần nào giống mức độ sụt giảm tại nhiều nước bị tác động bởi Covid-19 thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn theo ông Jacques Morisset, Việt Nam đang là quốc gia có sức khỏe tốt hơn trong hoạt động vừa chống dịch vừa tìm cách phục hồi kinh tế.

Đây không hẳn là những đề xuất mới là nhận xét của tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, chuyên gia về Việt Nam và Đông Nam Á :

"Chuyện kinh tế Việt Nam thì ông ấy nhìn đúng. Hơn 30 triệu người bị ảnh hưởng là có vẻ đáng tin cậy, còn con số thất nghiệp gần 3 triệu là chính phủ Việt Nam nói ngày hôm qua. Dựa trên những con số đấy thì ông nói rằng Việt Nam có 2 khả năng để thoát khỏi sự nặng nề của kinh tế do Covid-19 gây ra".

"Thứ nhất là nên tiếp tục chính sách tài khóa hiện hành, giữ mức nợ công thấp và chi tiêu công tăng, đấy là cái mà Việt Nam vẫn làm".

Điểm thứ hai mà chuyên gia Ngân Hàng Thế Giới cho rằng Việt Nam nên nhân tình hình dịch bệnh để phát triển những lãnh vực đa dạng như e-learning học trực tuyến, e-commerce thương mại trực tuyến, e-government chính phủ điện tử, e-payment thanh toán điện tử, telemedicine dịch vụ y tế online vân vân. Theo tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thì đây là những chương trình số hóa mà Việt Nam đã và đang thực hiện lâu nay :

"Thứ hai là khuyên Việt Nam nên chuyển đổi, đưa lên mạng một số những hoạt động căn bản như mua bán hàng hóa online, thanh toán trên mạng, cung cấp các dịch vụ xã hội trên mạng… Vừa cách ly xã hội để chống Covid-19 vừa làm kinh tế được. Lời khuyên đó là hoàn toàn xác đáng. Bài báo của ông này chỉ nói đến thế thôi, thì chính phủ Việt Nam cũng nói như thế".

Những số liệu do báo chí trong nước loan tải từ tháng Một, tháng Hai, tháng Ba đến những ngày đầu tháng Tám 2020 cho thấy kinh tế Việt Nam bị tổn hại vì dịch bệnh, ngành du lịch thất thu 97%, sản xuất dưới mức 50%, GDP đình đốn với 0,4% trong lúc số lượng thất nghiệp tăng dần lên.

kinhte2

Lắp ráp hoàn thiện bộ dây điện ô tô tại nhà máy Yazaki Việt Nam tại Quảng Ninh - Ảnh VietnamBiz

Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Học Viện Tài Chính Việt Nam, cho biết chính phủ đã đề nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính nhằm kìm hãm mức độ thất nghiệp cũng như giúp doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất :

"Nếu tình hình dịch bệnh căng thẳng thì con số thất nghiệp từ nay đến cuối năm có thể tăng từ 3,5 đến 5 triệu. Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ trong thời gian đại dịch này.

Đầu tiên là cho phép các Ngân Hàng Thương Mại kéo dài thời gian trả nợ của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, không chuyển sang nhóm nợ xấu. Với những biện pháp như vậy thì việc tái cơ cấu nợ của các doanh nghiệp thuận lợi hơn và tạo điều kiện về vốn. Chúng tôi đề nghị chính phủ nên tiếp tục kéo dài thời hạn cũng như biện pháp để giúp doanh nghiệp có vốn sản xuất kinh doanh.

Thứ hai là chính phủ đang hỗ trợ cho những thành phần yếu thế trong xã hội. Với những người tàn tật, nghèo, cận nghèo, lao động mất việc thì tìm cách đẩy mạnh giải ngân gói 62.000 tỷ này.

Thứ ba là xem xét, sửa đổi, cho phép doanh nghiệp có thể vay một cách đơn giản hơn và cụ thể hơn đối với lãi suất 0% để trả lương nhằm giữ chân người lao động, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn dịch bệnh chưa ổn định hiện nay.

Những biện pháp mà chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh trình bày cũng chính là những điều mà chuyên gia Morisset gọi là "mặt trận đối nội" vừa chống dịch vừa vực dậy nền kinh tế của Việt Nam.

Đối với kinh tế gia, nhà nghiên cứu độc lập Lê Đăng Doanh, nói thì dễ nhưng :

"Kinh tế số hóa, thương mại điện tử, chính phủ điện tử… là phương hướng cần thiết và thích hợp, có điều phải giúp các doanh nghiệp thiết lập lại mối quan hệ, thiết lập lại chuỗi giá trị của họ. Hiện nay các nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc thì hiện rất khó nhập lại được, còn thị trường tiêu thụ ở Châu Âu cũng như bên Mỹ thì đang giảm sút rất nhiều. Đấy là những điều phải khắc phục và khó có thể thực hiện bằng chỉ chính phủ điện tử hoặc là kinh tế số hóa.

Phải giảm thuế, giảm nợ và các khoản tín dụng, giúp doanh nghiệp chuyển sang thị trường mới. Tôi nghĩ Nhà Nước và doanh nghiệp phải liên kết với nhau, phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các doanh nghiệp nước ngoài. Đấy là những điều không phải ngày một ngày hai có thể làm được".

Được biết hôm 1/8 vừa qua, Việt Nam thông báo miễn giảm 30% thuế cho những doanh nghiệp nhỏ có doanh thu dưới 200 tỷ VNĐ. Ông Đinh Trọng Thịnh của Học Viện Tài Chính cho biết đây là gói hỗ trợ thứ tư, được đề nghị nới rộng mức độ miễn giảm cao hơn.

Việt Nam đã khống chế dịch bệnh Covid-19 đợt 1 với 99 ngày liên tiếp không có ca tử vong và lây nhiễm trong cộng đồng cho đến khi bùng phát trở lại từ ngày 25 tháng 7 vừa qua.

Theo ông Morisset, khắc phục được Covid-19 là cơ hội cho Việt Nam trở thành điểm đến của các doanh nghiệp nước ngoài muốn rời bỏ Trung Quốc như 11 công ty Nhật Bản mà báo chí Việt Nam đưa tin lâu nay. Việc này cần được phân tích rõ hơn, là ý kiến của chuyên gia Đông Nam Á Hà Hoàng Hợp :

"Mười một doanh nghiệp đó không phải những doanh nghiệp thật lớn của Nhật Bản ở Trung Quốc đâu. Hàn quốc thì vẫn quyết định chuyển nốt cái sản xuất màn hình TV vào Việt Nam và một số phân xưởng sản xuất các phụ kiện, thiết bị điện tử của Samsung và LG. Doanh nghiệp vào Việt Nam sẽ tăng lên không nhiều, trong 3 tháng vừa rồi hơn 800 doanh nhân Hàn Quốc vào Việt Nam chỉ để tiếp tục những gì họ đã và đang làm. Một nghìn doanh nhân Nhật mới vào mà chưa biết họ tìm ra những cơ hội làm ăn gì.

Bỏ Trung Quốc vào Việt Nam không có nhiều, mà bỏ Trung Quốc vào các nước khác như Indonesia hay Thái Lan cũng không nhiều, cho nên Việt Nam cũng đừng trông mong vào đấy. Căn bản trong hơn 60% người lao động Việt Nam thì con số người có tay nghề công việc của người nước ngoài rất nhỏ. Nếu người ta vào thì mình phải để cho người ta tự tuyển lao động rồi người ta huấn luyện.

Việt Nam phải đi đến chỗ, tức là làm sao để các nước khác người ta đến Việt Nam không phải vì người ta bỏ Trung Quốc, mà người ta đến vì cần thị trường Việt Nam như một thành phần quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa chọ họ. Trước hết phải là như thế".

Những đánh giá và nhận định của Ngân Hàng Thế Giới, theo ông, có cái đúng mà cũng có những cái không sát với thực tế của Việt Nam. Chuyên gia Hà Hoàng Hợp cho rằng tốt nhất nên dùng để tham khảo, còn làm được hay không tùy thuộc phần lớn vào Việt Nam chứ không phải vào World Bank.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 06/08/2020

*********************

Cỗ xe Việt Nam có thẳng tiến trên cao tốc EVFTA ?

RFA, 06/08/2020

Việt Nam sẵn sàng cho EVFTA

Tại Hội nghị trực tuyến vào sáng ngày 6/8, Bộ trưởng Bộ Công thương ví von rằng nếu Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-Châu Âu (EVFTA) là con đường cao tốc cho việc thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế thì "ngày hôm nay chúng ta đã tự tin sẵn sàng thông xe cho con đường đó".

kinhte3

Đoàn tàu Việt Nam có thẳng tiến vào hải ảng EVFTA ? Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong Hội nghị, cũng khẳng định rằng "cao tốc" EVFTA sẽ nối gần Việt Nam với Châu Âu (EU).

Vào tối ngày 6/8, tiến sĩ Ngô Trí Long lên tiếng với RFA về sự kiện Hội nghị trực tuyến "Triển khai kế hoạch thực thi EVFTA", diễn ra trong sáng cùng ngày :

"Tất nhiên đây là cơ hội rất lớn. Đồng thời bên cạnh cơ hội đấy cũng đặt ra nhiều thách thức. Và, thách thức lớn nhất là đối với năng lực cạnh tranh của Việt Nam rất yếu. Trình độ thì còn thấp hơn họ. Chính vì vậy, hôm nay trong cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành để triển khai vấn đề này. Theo quan điểm của tôi, theo quá trình ký kết thì người ta đã xem xét lộ trình rất cụ thể. Tất nhiên để mở ra một cơ hội lớn thì cũng không phải là đơn giản. Tại vì tận dụng được cơ hội thì phải vượt qua được thách thức, mà như thế cũng đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam cũng còn rất nhiều hạn chế".

Hạn chế của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam

Khi trao đổi với RFA liên quan về EVFTA có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/8, chuyên gia kinh tế-tài chính độc lập, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh rằng :

"Thật sư với Hiệp định EVFTA thì Hiệp định chỉ là bước khởi đầu để Việt Nam có thể xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu, và ngược lại. Thế nhưng, Hiệp định này không phải là cây đũa thần để có thể xoay chuyển được tình thế, đặc biệt là trong lúc này. Điều mà các doanh nghiệp phải làm khi xuất khẩu hàng hóa sang EU thì chất lượng phải tốt, giá cả phải rẻ và tất cả quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…Tất cả những doanh nghiệp đó, các doanh nghiệp Việt phải hội đủ".

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước khi Việt Nam thực hiện EVFTA thuộc một trong 6 vấn đề quan trọng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên trong Hội nghị trực tuyến hôm nay. Ông Thủ tướng nói đến sản phẩm của Việt Nam còn phải cạnh tranh trên thị trường nội địa với các sản phẩm của EU. Ông Thủ tướng còn khẳng định rằng không thể đóng cửa, dựng hàng rào bảo hộ, mà phải thực hiện đúng cam kết, quản lý tốt thị trường, tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh.

Năm vấn đề còn lại được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra bao gồm hoạt động tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế và hiệp định thương mại (FTA) chưa đạt hiệu quả ; chính sách cơ chế còn chưa thông thoáng, tạo ra rào cản vô hình cho doanh nghiệp và doanh nghiệp còn thụ động, chưa thay đổi tư duy kinh doanh ; vẫn còn thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao ; phát triển kết cấu hạ tầng như thế nào mới đạt hiệu quả ; và yêu cầu phát triển bền vững là ràng buộc trọng tâm của EVFTA.

Qua 6 vấn đề như thế, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đặt câu hỏi rằng "Chính phủ và doanh nghiệp cần phải làm gì ?"

Đài RFA qua trao đổi với một số doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu, chia sẻ rằng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, họ gặp khó khăn rất nhiều về xoay vòng đồng vốn, khả năng thanh khoản, đầu vào nguyên vật liệu sản xuất cũng như đầu ra của thành phẩm. Và trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại, doanh nghiệp tự thân cầm cự, tuy nhiên họ cho rằng đang rất đuối sức.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định về thủ tục hành chính và hành lang pháp lý tại Việt Nam vẫn đang gây ra rất nhiều trở ngại.

"Một doanh nghiệp muốn xuất khẩu thì xin hết giấy phép này rồi xin tới giấy phép khác. Rất là rườm rà. Những thủ tục đó thừa kế từ thời kỳ bao cấp trước kia, có rất nhiều những quy định. Ở Việt Nam nhiều luật lệ lắm. So với Mỹ thì nhiều hơn lắm. Một nước nhỏ mà có rất nhiều luật lệ, thành ra làm trói chân trói tay các doanh nghiệp để họ hoạt động một cách hiệu quả".

Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Vũ Quang Việt, từng làm việc tại Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, nhận định thị trường xuất khẩu của Việt Nam lệ thuộc rất lớn vào EU và Mỹ. Và, không loại trừ trường hợp có thể xảy ra là doanh nghiệp Việt tiếp tục gia công hàng hóa Trung Quốc và gắn mác Việt Nam. Nói một cách khác, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trở thành "phương tiện" cho các doanh nghiệp Trung Quốc xâm nhập gián tiếp vào thị trường Mỹ và EU. Do đó, tình trạng này sẽ khiến cho doanh nghiệp Việt càng gặp khó khăn nhiều hơn một khi bị phát hiện.

Không những bị trở ngại trong khâu xuất khẩu hàng hóa theo EVFTA, mà tiến sĩ Ngô Trí Long còn lập luận rằng :

"Các doanh nghiệp Việt mà không cẩn thận thì thua ngay trên sân nhà. Nói thẳng là như vậy !"

Bởi vì theo tiến sĩ Ngô Trí Long, trước mắt khi hàng hóa của EU vào Việt Nam thì đó là một thách thức không nhỏ về sức cạnh tranh đối với doanh nghiệp Việt.

kinhte4

Một tàu container hàng hóa cập cảng EU. Ảnh minh họa

Giải pháp khẩn cấp

Tiến sĩ Vũ Quang cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay đối với sự sống còn của doanh nghiệp Việt để họ có thể còn cơ hội hoạt động kinh doanh và cạnh tranh trên thương trường là thanh toán những món nợ.

Báo mạng Kinh tế Sài Gòn Online, vào ngày 6/8, đăng tải một bài ghi nhận của tiến sĩ Vũ Quang Việt, có nhan đề "Nợ của doanh nghiệp Việt Nam trước tình trạng suy thoái trầm trọng vì Covid-19".

Trong bài viết này, tiến sĩ Vũ Quang Việt dẫn số liệu hồi năm 2017, nợ của doanh nghiệp Việt Nam lên đến 392% GDP. Tỷ lệ xuất khẩu trên GDP của Việt Nam là thuộc loại cao nhất thế giới, như năm 2018 chiếm 106% GDP. Cho nên, giảm xuất khẩu sẽ có ảnh hưởng trầm trọng đến kinh tế Việt Nam.

Tiến sĩ Vũ Quang Việt giải thích thêm với RFA liên quan bài ghi nhận của ông :

"Bây giờ tình trạng doanh nghiệp nợ rất nhiều. Khả năng sống còn trong thời gian này là rất khó. Cho tới vừa rồi đây thì Nhà nước cũng bơm tiền cho các doanh nghiệp sống, nhất là các doanh nghiệp Nhà nước. Còn doanh nghiệp tư nhân thì khốn khổ hơn, như trong bài viết của tôi đã phân tích rằng tỷ lệ lợi nhuận của họ rất thấp, mà bây giờ lãi suất rất cao. Do đó, các doanh nghiệp nếu bán hàng không được và phải trả lãi với mức lãi suất 12% thì rất khó khăn cho họ".

Giải pháp cấp thiết nhất mà Chính phủ Việt Nam phải tiến hành là giảm lãi suất cho doanh nghiệp, theo đề xuất của tiến sĩ Vũ Quang Việt :

"Làm sao phải giảm lãi suất cho họ, chứ lãi suất cao quá là một vấn đề. Tôi không muốn nói thẳng ra nhưng có thể nhiều nước khi cần thiết là phải đòi hỏi các ngân hàng giảm lãi suất xuống. Như Mỹ muốn giảm lãi suất thì bản thân ngân hàng trung ương đẩy tiền ra cho ngân hàng thương mại vay và ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất thấp hơn".

Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu từng lập đi lập lại đề nghị của ông với Chính phủ Việt Nam là Chính phủ cần tăng cường quỹ bảo lãnh tín dụng. Quỹ này phải được bổ sung bằng nguồn ngân sách địa phương và Chính phủ phải mạnh dạn bảo lãnh các ngân hàng để cho các ngân hàng cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thì bấy giờ các doanh nghiệp đó mới có tính thanh khoản.

Mặc dù vậy, tiến sĩ Vũ Quang Việt lưu ý :

"Vấn đề chính ở Việt Nam khó ở chỗ là khi đẩy tiền ra và doanh nghiệp vay tiền của Nhà nước rồi không trả được thì lại nợ thêm. Đặc biệt nợ của khối doanh nghiệp nhà nước là nhiều nhất. Thành ra, nếu doanh nghiệp nhà nước không sống được thì lại tiếp tục vòi tiền Nhà nước và tiếp tục… Đấy là vấn đề lớn".

Chủ một doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt may từng lên tiếng với RFA rằng :

"Người Việt Nam thông minh lắm và sáng tạo lắm luôn. Nhưng Chính phủ Việt Nam không biết tận dụng. Nói thật là phải đi từ Chính phủ đi xuống, phải nhìn thấy mình yếu ở đâu, phải xử lý chỗ nào, phải đi trước và phải mạnh mẽ lên".

Cựu chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, tiến sĩ Vũ Quang Việt cho rằng Chính phủ Việt Nam phải cổ phần hóa nhanh chóng khối doanh nghiệp nhà nước không hoạt động hiệu quả hoặc cho phá sản ; đồng thời hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân nhiều hơn với các giải pháp cụ thể. Bằng không thì "Nếu tình trạng này còn tiếp tục thì nền kinh tế nói chung sẽ khủng hoảng và phá sản. Đó là lẽ đương nhiên".

Nguồn : RFA, 06/08/2020

**************************

Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ghép bị áp thuế 'bức tử' 25%

RFA, 07/08/2020

Sự việc bắt đầu được dư luận chú ý khi những ngày cuối tháng 7, nhiều container hàng ván ghép thanh bị ùn ứ tại nhiều cảng xuất khẩu ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) bị đối tác thương mại nước ngoài phạt do chậm giao hàng. Muốn tránh phạt, doanh nghiệp phải chấp nhận mức áp thuế hàng ván ép thanh theo mã hoàn toàn mới, với thuế suất 25%.

kinhte5

Công ty cổ phần Chế biến Gỗ mộc Cát Tường ở tỉnh Đồng Nai, là công ty đang tồn đọng nhiều mặt hàng này tại cảng. Courtesy of Cát Tường

Nguyên nhân được đại diện các doanh nghiệp cho biết là từ ngày 24/6/2020 khi ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký văn bản số 4250/TB-TCHQ. Văn bản này đã quy định, ván ghép thanh chủ yếu sử dụng nguyên liệu gỗ keo rừng trồng và gỗ cao su, bị áp mã HS 4407 là "gỗ đã cưa và xẻ theo chiều dọc, lạng hoặc bóc, đã hoặc chưa bào, chà nhám hoặc ghép nối đầu, có độ dày trên 6 mm"... và bị áp thuế 25%.

Thay vì từ trước đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này vẫn được áp mã HS 4418, với thuế suất 0%. Điều này không khác gì, đột nhiên Tổng cục Hải quan tự ý thay đổi thuế suất của mã HS 4418 từ 0% thành 25% (!?).

Trước việc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và các doanh nghiệp nói có... nhưng Tổng cục Hải quan vẫn cho rằng không đúng như vậy. Vào ngày 4/8/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo các ban ngành và đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cùng tham gia đoàn công tác kiểm tra thực tế tại Công ty cổ phần Chế biến Gỗ mộc Cát Tường ở tỉnh Đồng Nai, là công ty đang tồn đọng nhiều mặt hàng này tại cảng.

Đại diện Công ty cổ phần Chế biến Gỗ mộc Cát Tường, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 7/8/2020, nói :

"Việc này thì phải xem thế nào, chứ một bên có thuế, một bên không có thuế thì chắc chắn ảnh hưởng rồi, làm sao mà không ảnh hưởng được. Mà thuế đâu có ít, thuế suất 25% đâu phải là chuyện đơn giản".

Vị đại diện Công ty cổ phần Chế biến Gỗ mộc Cát Tường cho biết, thông tư 65 định nghĩa rõ ràng đồ mộc dùng trong xây dựng, kể cả những tấm gỗ, tấm lát sàn lắp ráp. Ngoài ra, có quyết định của Bộ nông nghiệp số 2515, vào năm 2015 quy định rõ ràng hơn mã 4418 là ván ghép và là đồ dùng trong xây dựng. Theo đại diện Công ty cổ phần Chế biến Gỗ mộc Cát Tường hai văn bản này là bằng chứng rõ ràng không thể áp thuế 25% cho mã 4418. Ông nói tiếp :

"Trong cuộc họp bên Hiệp hội cũng đã phân tích hai mã hàng này khác nhau như thế nào ? Trong thởi gian chờ quyết định chính thức, bản thân tôi thấy cũng khả quan, cho nên hiện tại tôi cũng không muốn nói gì thêm về vấn đề này. Nhưng về cơ bản, vấn đề này phải theo quốc tế và theo pháp luật, trước hết là phải xem những cái mã HS như thế nào trong biểu thuế xuất nhập khẩu, hoặc trên biểu thuế của quốc tế, của EU... như thế nào là 4407, như thế nào là 4418..".

Trong khi đó, Cục hải quan lại quyết định gỗ ghép thanh bị coi là sản phẩm sơ chế, như gỗ xẻ thanh, bị áp thuế xuất khẩu 25% để hạn chế... thậm chí ngăn chặn xuất khẩu vì không tạo nhiều giá trị gia tăng tại Việt Nam và vì phải dành nguyên liệu cho công nghiệp chế biến trong nước.

Đại diện Công ty cổ phần Chế biến Gỗ mộc Cát Tường cho biết thêm :

"Tôi là doanh nghiệp nhỏ, cái gì cũng phải qua Hiệp hội, doanh nghiệp tôi chỉ chiếm 1% của ngành này, số lượng rất là nhỏ. Muốn thêm chi tiết thì qua Hiệp hội, họ có phân tích. Thật sự bên đó bây giờ cũng cử lung tung, cái này tôi cũng không dám nói nữa".

kinhte6

Gỗ ghép cao su, ảnh minh họa. Courtesy of LD

Đài Á Châu Tự Do hôm 7/8/2020, nhiều lần liên lạc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cũng như Tổng cục Hải quan, nhưng mọi cố gắng đều không thành công.

Khi trả lời báo chí trong nước hôm 6/8/2020, Ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng Thư ký Viforest cho biết, lâu nay gỗ ghép thanh vẫn xuất khẩu với thuế suất bằng 0%. Tuy nhiên từ ngày 24/6/2020, Tổng cục Hải quan đã bất ngờ có thông báo về việc áp dụng mức thuế xuất khẩu đối với sản phẩm gỗ ghép thanh lên mức 25%.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trao đổi với RFA hôm 7/8 liên quan vấn đề này, nhận định :

"Tôi nghĩ việc này nên rút kinh nghiệm, trước khi các cơ quan hải quan có quyết định, nên có trao đổi với Hiệp hội, doanh nghiệp... vì đó là những đối tượng phải thực hiện quyết định của hải quan. Nếu có sự trao đổi, thảo luận... sẽ bớt được việc có những quyết định mà sau đó lại phải sửa ngay như thế này".

Cũng theo Tổng Thư ký Viforest, ngành chế biến gỗ những năm qua đã có bước phát triển nhảy vọt, đó là nhờ yếu tố rất lớn từ chính sách, đặc biệt là chính sách về thuế đóng vai trò hàng đầu. Theo đó, hầu hết các sản phẩm gỗ khi xuất khẩu (ngoại trừ gỗ tròn, gỗ xẻ) đều được áp mức thuế suất 0%. Ông cho rằng bây giờ mà tăng thuế để tăng thu ngân sách, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành chế biến gỗ.

Một chủ doanh nghiệp sản xuất gỗ xuất khẩu ở Bình Dương khi trả lời Đài Á Châu Tự Do nói :

"Hồi trước nay thì không hề có chuyện đó. Toàn là lấy gỗ khai thác rừng vô tội vạ rồi làm giấy tờ hợp thức hóa. Hồi xưa chính quyền không có để ý đến ngành gỗ của mình gì hết. Nhưng mấy năm gần đây thì đột nhiên xuất khẩu gỗ của mình lớn từ 3, 4 tỷ đô la lên 9 tỷ nên nhà nước mới để ý và thấy là một nguồn thu ngon lành".

Cho đến ngày 7/8/2020, Tổng cục Hải quan đã cho báo chí trong nước biết, tạm thời đã chỉ đạo Cục Hải quan Đồng Nai trước mắt cho Công ty mộc Cát Tường xuất khẩu ván gỗ ghép với thuế suất 0%, để giải tỏa hàng ở cảng, nhưng doanh nghiệp này phải cam kết thực hiện quyết định cuối cùng của cấp có thẩm quyền (!?).

Đây là một quyết định linh hoạt, được nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cho là hợp tình hợp lý, giúp doanh nghiệp giải quyết vướng mắc hiện nay. Tuy nhiên việc bắt buộc doanh nghiệp chế biến gỗ phải chấp nhận quyết định cuối cùng của cấp có thẩm quyền, dù chưa biết sẽ như thế nào, thuế suất bao nhiêu, ảnh hưởng ngành chế biến gỗ ra sao, làm nhiều người quan ngại, cho dù với lý do bảo vệ môi trường luôn được mọi người ủng hộ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 7/8/2020, nói :

"Nói chung về xuất khẩu gỗ ở Việt Nam thì nhà nước cũng có lo lắng về việc xuất khẩu như thế nào mà không ảnh hưởng môi trường Việt Nam cũng như các nước mà Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu, cũng như những quy định của nước nhập khẩu. Trong việc xuất khẩu gỗ tăng lên những năm gần đây, nhà nước luôn quan tâm làm sao để Việt Nam vẫn xuất khẩu được mà không gây tai tiếng, ảnh hưởng lâu dài ngành gỗ Việt Nam. Tôi ủng hộ cách làm này của Việt Nam, vì đã từng có trường hợp các nước nghi ngại Việt Nam và tăng cường giám sát lãnh vực này".

Tuy nhiên, về cách điều hành thì theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, mỗi khi có thay đổi về chính sách, thì nhà nước Việt Nam cần hết sức tránh những thay đổi đột ngột, có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các hợp đồng của họ. Nhất là những hợp đồng đã được ký kết với nước ngoài, nếu đột ngột thay đổi thì doanh nghiệp không thể thực hiện được nữa, hoặc nếu tiếp tục thì doanh nghiệp phải chịu chi phí lớn hơn rất nhiều. Bà nói tiếp :

"Nói chung việc điều hành bao giờ cũng phải có sự chuẩn bị, dự báo trước, hoặc ít nhất làm cho doanh nghiệp dự liệu được chính sách của nhà nước. Ví dụ đưa ra những cảnh báo, có những việc sẽ ảnh hưởng đến ngành, nhà nước sẽ xem xét điều chỉnh...thuế hay công cụ. Những việc như vậy cần trao đổi với doanh nghiệp trong lĩnh vực để họ chuẩn bị, để tránh vi phạm pháp luật Việt Nam cũng như ở các nước liên quan".

Theo bà Phạm Chi Lan, cách làm phải như vậy, chứ nếu tăng thuế đột ngột mà không đưa ra dự báo, không trao đổi trước với doanh nghiệp, thì sẽ gây ra hệ quả xấu cho doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện hiện nay thị trường đang khó khăn, các doanh nghiệp đang phải bươn chải rất vất vả, thì mới có thể duy trì được thị trường, trong điều kiện nền kinh tế toàn cầu như hiện nay.

Published in Diễn đàn

Sân chơi EVFTA : cần tương thích pháp luật về kinh doanh (VNTB, 02/07/2020)

Thầy giáo Ngô Huy Cương, khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nói rằng Việt Nam rất cần xem lại nền tảng pháp lý, sao cho để phù hợp cả với ‘đại bàng’ lẫn ‘chim sẻ’ cùng chung sống tử tế khi ‘kiếm miếng ăn’.

evfta1

Trước hết, theo diễn giải của thầy giáo Ngô Huy Cương, các đạo luật về phá sản của Việt Nam thường được xem là bị phá sản ngay trong quá trình soạn thảo, và thông qua.

Luật Phá sản năm 2014 để tòa án xen nhiều lợi ích cục bộ vào đó. Chẳng hạn đạo luật này giúp quy định vai trò của quản tài viên như một cánh tay nối dài của thẩm phán, không đúng với vai trò thật của chế định này. Từ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của quản tài viên, quản lý quản tài viên đều có vấn đề do lợi ích cục bộ. Cơ quan thi hành án được giao những quyền hạn do vị nể nên thiếu chính xác, can thiệp quá sâu vào quy trình phá sản…

Giải quyết tranh chấp ngoài tòa án được xem là rất phù hợp với tâm lý "vô phúc đáo tụng đình" của người Việt. Nhưng trên thực tế thì đó là câu chuyện ‘xưa rồi Diễm’. Ở Việt Nam hiện nay giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại ngoài tòa án không được ưa chuộng. Hiện tượng này xảy ra có mấy lý do sau đây :

Thứ nhất, vấn đề giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại ngoài tòa án thiếu nền tảng pháp lý nghiêm trọng. Ví dụ : Bộ luật Dân sự năm 2015 không có quy định nào về hợp đồng điều đình, do đó nền tảng pháp lý quan trọng cho thương lượng thành và hòa giải thành bị thiếu. Các Bộ luật Dân sự nào của các nước, và dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa đều có quy định về hợp đồng điều đình, hay dàn xếp.

Thứ hai, các đạo luật như Luật Thương mại, Luật Đầu tư đều đi theo chiều hướng áp đặt các hình thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, không chú ý tới quyền tự do thỏa thuận, tự định đoạt của đương sự, trong khi lại quy định rất hạn hẹp về hình thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án.

Hiện nay các hình thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án chỉ có trọng tài thương mại, hòa giải, thương lượng. Các hình thức giải quyết tranh chấp khác ngoài tòa án như : thẩm phán tư, bồi thẩm đoàn giản lược… chưa được thừa nhận.

"Tóm lại, hầu hết các đạo luật trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại đều có vấn đề rất lớn, nhất là về kỹ thuật pháp lý và tính hệ thống. Do đó khó có thể có một môi trường pháp lý kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế tư nhân như một động lực của cả nền kinh tế" – thầy giáo Ngô Huy Cương, nhận xét.

Nguyễn Nam

********************

Khi lạm phát là cần thiết (VNTB, 02/04/2020)

Với những nhà hoạch định chính sách, trường hợp bước vào nhiệm kỳ mới của đảng chính trị vào năm 2021, với những con số phần trăm về lạm phát nếu phi mã của năm 2020, chắc chắn sẽ mang đến cảm giác bực bội chung cho đảng cầm quyền ở Đại hội lần thứ 13.

evfta2

Nền kinh tế Việt Nam lâu nay mang đặc điểm kinh doanh trên vay nợ, Nhà nước muốn đầu tư phải vay trái phiếu, doanh nghiệp muốn sản xuất kinh doanh chủ yếu vay vốn từ ngân hàng. Các kênh huy động vốn khác dù cũng ghi nhận sự phát triển nhưng thực sự chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của doanh nghiệp.

Một nhóm chuyên gia đã đề xuất có sự xem xét điều chỉnh vĩ mô, chấp nhận đánh đổi mục tiêu lạm phát để thực thi chính sách tiền tệ mở rộng hơn nữa nhằm kéo lãi vay xuống. Bởi hiện nay, dường như Ngân hàng Nhà nước vẫn đang hành động trong áp lực phải đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4% như nghị quyết được Quốc hội thông qua vào tháng 11-2019 (lúc chưa có dịch Covid-19). Kết quả, lãi suất cho vay chủ chốt của các ngân hàng dù được điều chỉnh giảm, nhưng chưa đạt được sự kỳ vọng của người đi vay.

Tại cuộc họp ngày 1/7/2020 của Ban Chỉ đạo điều hành giá, phía Bộ Tài chính đưa ra 2 kịch bản điều hành giá, theo đó, kịch bản 1 thì CPI bình quân cả năm 2020 so với năm 2019 tăng khoảng 3,64%, kịch bản 2 CPI tăng khoảng 3,95%.

Ngân hàng Nhà nước dự báo CPI cả năm 2020 trong khoảng 3,7±0,5%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI cả năm 2020 theo 2 kịch bản : Kịch bản 1 tăng từ 3,5 – 3,7% và kịch bản 2 tăng từ 3,8 – 4,1%.

Kết luận cuối cùng là vẫn có khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Trong một báo cáo nội bộ của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), lại cho thấy có lẽ phải chấp nhận tình hình lạm phát theo thực tế. Một trong những lý do bất chấp các duy ý chí từ những chiến lược thể hiện qua các nghị quyết, đó là nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 lần hai, kèm theo các rủi ro về phong tỏa tổng cầu, và đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn đang hiện hữu ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có những đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam.

Bên cạnh đó, nền tảng vĩ mô của Việt Nam còn yếu, chưa được cải thiện nhiều so với những năm trước, như môi trường thể chế, kinh doanh vẫn bộc lộ nhiều bất cập ; tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp vẫn còn. Đơn cử, theo kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019 (PCI 2019) được công bố mới đây cho thấy, vẫn có đến hơn 50% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức.

Mặt khác, các dự án đầu tư công được coi là một giải pháp bù đắp thiếu hụt động lực tăng trưởng năm 2020, tuy nhiên dù đã có cải thiện về tốc độ giải ngân vốn các dự án đầu tư công so với cùng kỳ năm 2019, song qua gần nửa năm, tình hình giải ngân vẫn còn chậm. Tính đến hết tháng 5/2020, giải ngân vốn các dự án đầu tư công mới đạt gần 26% kế hoạch, đặc biệt năm nay lượng vốn cần giải ngân cao gấp hơn 2 lần so với năm ngoái.

Giới ngân hàng tư nhân ở miền Nam đưa ra ý kiến, hiện nay tổng dư nợ tín dụng trên tổng vốn huy động (LDR, Loan to Deposit) ở mức 85%. Với quy mô huy động vốn hiện nay, nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại tăng tỷ lệ LDR lên thêm 5%, các ngân hàng sẽ có thêm 400.000 tỷ đồng vốn đã huy động dùng để cho vay. Theo đó, áp lực huy động để cho vay sẽ giảm xuống, lãi suất huy động của các ngân hàng sẽ giảm dần, lúc đó doanh nghiệp mới vay được lãi suất rẻ.

Liệu Việt Nam có thể đạt mục tiêu lạm phát trong năm nay là dưới 4% ? Câu trả lời khôn ngoan cho đánh giá để không dễ bị chụp chiếc mũ hình sự hóa : Tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp. Thế giới như vậy làm sao Việt Nam miễn nhiễm được khủng hoảng ? Do vậy, tình trạng phục hồi của Việt Nam như thế nào tùy thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới trong thời gian sắp tới…

Xuân Minh

Published in Việt Nam

EVFTA và thách thức của tư duy quản trị mới

Võ Hàn Lam, VNTB, 01/07/2020

Trước tiên phía Việt Nam cần có tư duy quản trị phù hợp với luật chơi chung của thị trường EU.

evfta01

Hội nghị về cải cách quy định hành chính EVFTA 30/06/2020

"Câu nói "Thị trường EU mở rộng,… cần tận dụng ngay cơ hội" nghe thì rất sướng lỗ tai, công nhân, nông dân hồ hởi nhưng để đi đến đích cần phải có một tầm nhìn chiến lược sâu rộng".

Tác giả Diễm Thi đã đặt vấn đề như vậy trong một bài viết mới đây trên trang Việt Nam Thời Báo.

Nói một cách hoa mỹ và có phần nhẹ nhàng, thì để EVFTA phát huy được những giá trị mà đôi bên mong muốn, thì trước tiên phía Việt Nam cần có tư duy quản trị phù hợp với luật chơi chung của thị trường EU.

Về mặt lý luận kinh tế học, pháp luật trong những nền kinh tế thị trường phát triển đúng là có vai trò quan trọng, nhưng nó không có ý nghĩa tạo lập nên nền kinh tế.

Còn ở Việt Nam, đã một thời gian rất dài về mặt tuyên truyền, ai cũng thấm thía hệ quả tất yếu của công hữu hóa toàn bộ tư liệu sản xuất, và kế hoạch hóa toàn bộ nền kinh tế quốc dân, là sự bài bác tư tưởng tư hữu và xóa bỏ tầng lớp thương nhân.

Để có được một chế độ công hữu về tư liệu sản xuất và kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân, những nhà làm chính trị ở Hà Nội tiếp tục tâm thế thời chiến, để kiên quyết việc mọi giá chỉ bằng ý chí biến thành các mệnh lệnh có chế tài đặc biệt áp đặt cho toàn bộ xã hội, và gọi đó chính là pháp luật.

Những nhà chính trị này hiểu đơn giản theo nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin, rằng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa không tự nhiên hình thành trong lòng các xã hội có giai cấp người bóc lột người.

Kết quả hiển hiện dù có che đậy bằng những mỹ từ của đi từ hết nghị quyết này sang nghị quyết khác, thì đói và tụt hậu về kinh tế, mà không thể không được thừa nhận, dù cố bao biện, khiến những nhà chính trị tiếp nối phải nhiều lần ‘tự cách mạng’ để phục hồi kinh tế tư nhân, mang về sự sung túc, dù đó có thể chỉ là bề mặt.

Và lần này, lại không gì khác hơn, bằng ý chí quyết liệt biến thành các mệnh lệnh có chế tài đặc biệt áp đặt cho toàn bộ xã hội – đó chính là pháp luật – vì nền tảng quan trọng của kinh tế tư nhân là quyền tư hữu tư liệu sản xuất và tự do kinh doanh đã bị ý chí trước đó thủ tiêu. Giờ pháp luật cho phép trở lại, tuy vẫn tiếp tục bảo thủ với cụm từ ‘xã hội chủ nghĩa’, ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’.

"Nếu hành động kiên quyết nhằm thu hẹp khoảng cách về năng lực triển khai và tính tương thích pháp lý, Việt Nam có thể tận dụng tối đa hiệp định thương mại này, với những lợi ích trực tiếp ước tính ở mức lớn chưa từng có trong lịch sử," theo lời ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. "Với COVID-19 là nút khởi động lại và EVFTA là nút tăng tốc, đây là thời điểm hoàn hảo để theo đuổi những cải cách trong nước sâu rộng hơn."

Nếu lần này những nhà hoạch định chính trị ở Hà Nội lại có tư duy quản trị mới, thì nói một cách văn chương bóng bẩy: cuộc đời vẫn thế, bên cạnh những thách thức hiện hữu vẫn có những cơ hội vàng đang mở ra. Tác động kép của Covid-19 và EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy những nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc không gian thị trường của nền kinh tế Việt Nam, theo hướng tăng cường tính tự chủ, giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, và nâng cấp Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Vẫn một nhắc nhở rất ‘muôn năm cũ’ cho giấc mơ kỳ vọng tư duy quản trị mới ở nhiệm kỳ cận kề của đảng chính trị: Ba mươi chưa phải là Tết!

Võ Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 01/07/2020

****************

EVFTA : có dễ tận dụng ngay cơ hội ?

Diễm Thi, VNTB, 29/06/2020

Câu nói "Thị trường EU mở rộng, … cần tận dụng ngay cơ hội" nghe thì rất sướng lỗ tai, công nhân, nông dân hồ hởi nhưng để đi đến đích cần phải có một tầm nhìn chiến lược sâu rộng.

evfta1

Sau hàng ngàn cuộc thương thảo trong vòng 8 năm, ngày 8/6/2020, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Hiệp định Thương Mại Việt Nam – Châu Âu (EVFTA) sau nhiều lần bị trì hoãn trong đó có lần vì lý do kỹ thuật.

Lợi ích kinh tế mang lại cho cả hai nền kinh tế là to lớn nhất là khi kinh tế toàn cầu đang chịu ảnh hưởng nặng từ dịch corona.

Đối với Việt Nam, đây là thị trường béo bở với dự kiến giúp tăng xuất khẩu lên 42,7% vào năm 2025 so với hiện nay. Châu Âu là thị trường truyền thống cho các mặt hàng dệt may, giày dép, và các sản phẩm nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của Việt Nam.

Thế nhưng để có thể cầm chắc được 42,7% tăng trưởng xuất khẩu này không phải là dễ.

Ngành dệt may treo trên sợi chỉ mành

Mặt hàng dệt may Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu 32,85 tỉ đô la Mỹ, nhưng xuất khẩu sang EU chỉ đạt 4,33 tỉ đô la. Hàng may mặc hiện đang được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập GSP với mức thuế 9%.

Tuy nhiên để có thể được nhận mức thuế quan 0% thì hàng dệt may Việt Nam cần phải đáp ứng quy tắc xuất xứ kể cả từ vải. Doanh nghiệp dệt may lâu nay vốn nhập khẩu vải từ Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không phải la một quốc gia có ký kết tự do thương mại với Châu Âu. Nếu sử dụng vải Trung Quốc thì mức thuế sẽ không được giảm xuống 0% mà thay vào đó có thể ở mức 14-18%.

Để đáp ứng yêu cầu này doanh nghiệp dệt may cần phải nhập vải từ Thái Lan hay Hàn Quốc, nhưng như vậy đồng nghĩa là giá nguyên liệu đầu vào sẽ cao hơn nguyên liệu nhập từ chuỗi cung ứng Trung Quốc.

Một khả năng khác là đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vải sợi tại Việt Nam. Tuy nhiên theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) thì nhiều địa phương không tiếp nhận dự án dệt nhuộm do sợ ô nhiễm môi trường. Một đại diện của Vitas cho biết có địa phương còn thẳng thừng từ chối dự án với vốn cam kết lên đến cả trăm triệu đô la Mỹ vì e ngại sẽ ảnh hưởng đến môi trường.

Đây là thách thức rất lớn cho doanh nghiệp dệt may khi vừa phải bảo đảm cam kết bảo vệ môi trường vừa phải thuyết phục các địa phương đón nhận đầu tư nhằm đạt mục tiêu nội địa hóa nguồn nguyên liệu dệt may.

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, ngành thương mại tiêu dùng sản phẩm dệt may Châu Âu chưa biết khi nào sẽ hồi phục. Hàng loạt các hãng bán lẻ quần áo đóng cửa vì dịch bệnh và giờ chỉ mở dần cửa bán cầm chừng. Tất cả các hãng lớn như Primark, Mango, Zara… đều cắt giảm hoặc ngưng hẳn đơn hàng.

Hãng quần áo giá rẻ H&M lớn hàng thứ hai thế giới có doanh số giảm đi 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái trong khi tỷ lệ hàng tồn kho còn rất nhiều. Qua đó cho thấy, hàng dệt may Việt nam chưa có thể thâm nhập ngay được vào EU với mức thuế như mong đợi ngay được.

Ngành thủy sản trầy trật thẻ vàng – thẻ đỏ

Tháng 10 năm 2017, Eu đã rút thẻ vàng cho hải sản Việt Nam vì nạn đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý (IUU).

Sau 2 năm nhận "thẻ vàng" cảnh cáo, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường EU năm 2018 giảm đi 6,5%, chỉ đạt 390 triệu USD và tiếp tục chững lại trong năm 2019. Thị trường Châu Âu từng là thị trường nhập khẩu hải sản lớn thứ hai của Việt Nam nay đã xuống vị trí thứ 5 sau khi EU rút "thẻ vàng". Tỷ trọng của thị trường hải sản vào EU sụt giảm từ 18% xuống 13%.

Tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn không giảm. Trong năm 2019 xảy ra 138 vụ/220 tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Trong số đó có có 93 vụ/144 tàu cá bị bắt giữ, xử lý do vi phạm vùng biển của các nước trong khu vực.

Phía Việt Nam vẫn đang nghi ngờ các tổ chức quốc tế liên quan và nước thứ ba cạnh tranh với Việt Nam xuất khẩu sản phẩm thủy sản vào thị trường EU tác động bất lợi đến nỗ lực của Việt Nam để gỡ "thẻ vàng", gây sức ép với phía Cộng đồng Châu Âu không gỡ cảnh báo "thẻ vàng" cho Việt Nam hoặc thậm chí đề nghị nâng lên cảnh báo "thẻ đỏ". Lý do đưa ra là Việt Nam chậm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các quy định quốc tế về chống khai thác IUU.

Ngày 24/6/2020, phía Malaysia cho biết họ đang giam giữ nhiều tàu và ngư dân Việt Nam do đánh bắt cá bất hợp phạm trong hải phận Malaysia sau khi đã nhiều lần xua đuổi các tàu cá vi phạm luật đánh bắt trái phép mà không áp dụng một hình thức trừng phạt nào.

Malaysia cho biết họ không thể làm ngơ thêm được nữa và bày tỏ ý định cùng với các quốc gia khác trừng phạt pháp lý đối với các tàu thuyền Việt Nam xâm nhập ngư trường Malaysia hay các quốc gia có liên quan.

Đầu năm nay, Indonesia đã phát hiện 5 tàu cá với 68 ngư dân đánh bắt cá trái phép ở gần quần đảo Natuna. Còn Malaysia từ ngày 19/3/2020 cho tới nay đã phát hiện 88 trường hợp tàu Việt Nam xâm phạm ngư trường. Tức chỉ mới trong vòng 3 tháng, số tàu xâm phạm vùng biển quốc gia khác gần bằng với tổng số tàu vi phạm trong cả năm 2019.

Việt Nam đã dự định vận động để được tháo thẻ vàng vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 năm 2020. Tuy nhiên cho đến nay đã gần hết tháng 6, vẫn chưa có thông báo từ phía hải quan hay các báo đài nhà nước đăng tin vui về việc "thẻ vàng" đã được gỡ. Và với thông tin như trên thì có lẽ thẻ đỏ đang lấp ló đâu đây.

Sản phẩm nông nghiệp : vướng mắc tiêu chuẩn an toàn thực phẩm

Giáo sư Võ Tòng Xuân đã nói " Nhưng tất cả các khách hàng của Châu Âu đều biết là sản phẩm của Việt Nam chứa rất nhiều hóa chất, nhất là những hóa chất cấm mới nhất của Châu Âu, thành ra Việt Nam đừng có tưởng muốn xuất cái gì là xuất".

Từ câu nói này đã phản ánh một thực tế nhức nhối ở Việt Nam là làm sao vừa tăng năng suất, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững.

Với tập quán sử dụng nhiều phân bón và thuốc trừ sâu hàng chục năm, cộng với lối canh tác liên tục không luân canh đã làm chai đất đai. Thêm vào đó hạn mặn, thiếu nước tưới tiêu đã làm cho chất lượng sản phẩm khó đạt được tiêu chuẩn theo yêu cầu của thị trường Châu Âu. Ngoài ra việc thu mua nguyên liệu không thể truy được nguồn gốc cũng sẽ không góp phần mở được cánh cửa vào Châu Âu cho dù là EVFTA đã có hiệu lực.

Nguyên nhân chủ yếu là do những lô hàng này không đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của EU, chứa các chất vượt mức cho phép hoặc bị cấm sử dụng trong thực phẩm. Vì vậy trong những năm qua, không ít lô hàng thực phẩm, rau quả và thủy sản của Việt Nam bị giám sát hoặc thậm chí bị trả về do không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hàng xuất khẩu sang EU còn phải đáp ứng quy tắc về xuất xứ. Nếu không đảm bảo được quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc chứ không phải là mức thuế suất 0% trong EVFTA.

Để đạt được điều này thì phải bắt đầu từ nguồn nguyên liệu cho các mặt hàng xuất khẩu vốn hiện chủ yếu được nhập từ Trung Quốc và ASEAN. Để thực hiện điều này cần phải tránh tiêu thụ các nguyên liệu, sản phẩm có nguồn gốc trôi nổi qua trung gian.

Hiện chỉ có duy nhất một chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được Châu Âu bảo hộ là nước mắm Phú Quốc. Nhưng mới việc nước mắm truyền thống liên tục bị nước mắm công nghiệp áp đảo, việc đô thị hóa và công nghiệp hóa đảo Phú Quốc, sớm muộn gì thì chỉ dẫn địa lý này sẽ gặp nguy cơ bị đe doạ.

Chỉ mới đây thôi, 6 mặt hàng nông sản của Việt Nam đã bị Campuchia từ chối cho nhập cảnh vì không đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đó là sáu loại nông sản gồm bắp cải, bông cải xanh, đậu bắp, chanh, bí ngô và hẹ do phát hiện tồn dư thuốc trừ sâu gây hại sức khỏe người tiêu dùng và đã cho tiêu hủy toàn bộ lô hàng.

Nhà chức trách có thể biện minh rằng đây là lượng rau nhập theo đường tiểu ngạch nên không khai báo kiểm dịch. "… những lô hàng rau củ quả của Việt Nam bị cơ quan chức năng Campuchia cảnh báo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và cấm nhập khẩu là do không làm thủ tục khai báo kiểm dịch thực vật với cơ quan kiểm dịch thực vật của phía Việt Nam là Cục Bảo vệ thực vật" – đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho hay.

Nhưng đây chỉ là nói lấy được, với thị trường lớn như Châu Âu thì chỉ buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của EU, đặc biệt là truy thu nguồn gốc đồng thời nâng cấp được chất lượng hàng xuất khẩu.

Những người làm chính sách Việt nam vẫn đang rất kỳ vọng vào EVFTA, những quan chức ngành cá, nông nghiệp và dệt may cũng thế. Con đường đã có, nhưng để có thể đi được trên lộ trình đó còn phải vượt qua rất nhiều rào chắn mà không thể có thể làm ngay một sớm một chiều được.

Diễm Thi

Nguồn : VNTB, 29/06/2020

Published in Diễn đàn

Học giả Trung Quốc nói Hà Nội chưa thể thay thế được Bắc Kinh kể cả khi thông qua EVFTA.

evfta1

Việt Nam được cho là đi 'tiên phong' thêm một bước và có lợi thế ở khu vực khi ký kết và có các hiệp định thế hệ mới EVFTA và EVIPA được thông qua tại EU

Bài đăng trên Hoàn cầu Thời báo ngày 11/06 đặt câu hỏi liệu Trung Quốc sẽ 'chịu thiệt' sau thỏa thuận mậu dịch tự do giữa EU và Việt Nam hay không.

Tác giả Hứa Lợi Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, mở đầu bài viết bàn về việc truyền thông quốc tế đưa tin rằng đại dịch Covid-19-19 đang tạo điều kiện cho xu hướng đầu tư nước ngoài rời khỏi Trung Quốc.

"Việt Nam, như truyền thông đưa tin, dường như đang đảm nhận vai trò thay Trung Quốc và EU cũng có thể nắm lấy cơ hội để giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc".

Giáo sư Hứa mô tả thực trạng rùm beng về hai kịch bản "qua mặt" [Việt Nam thay thế Trung Quốc] và "xa rời" [EU bớt phụ thuộc Trung Quốc] trong những năm gần đây chỉ là ý nghĩ viển vông.

"Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong số các thành viên ASEAN vào năm 2019. Việt Nam đang ở giai đoạn công nghiệp hóa khác với Trung Quốc và Việt Nam cần phải dựa vào thị trường Trung Quốc do chuỗi cung ứng và công nghiệp bị thiếu hụt.

"Việt Nam đạt mức xuất khẩu 260 tỉ đô la trong 2019 trong khi Trung Quốc có mức xuất khẩu 2,5 nghìn tỷ đô la cùng năm, khiến người ta khó tưởng tượng Việt Nam lĩnh hội vai trò của Trung Quốc", Giáo sư Hứa viết.

Tác giả ghi nhận về tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam sang EU khi có EVFTA nhưng lưu ý rằng xuất khẩu của Việt Nam vẫn có thể phải đối mặt với các rào cản phi thuế quan như quy tắc xuất xứ và nguyên tắc phát triển bền vững.

"Đó là những hạn chế mà Việt Nam không thể giải quyết về ngắn hạn để đáp ứng yêu cầu của EU", Giáo sư Hứa viết.

Vào ngày 08/6/2020 Quốc hội Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 9 đã biểu quyết thông qua với đa số tuyệt đối cho cả hai hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA) và hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA).

Theo Giáo sư Hứa, chính Khu vực Mậu dịch Tự do Trung Quốc - ASEAN đã đóng góp rất lớn cho Việt Nam và đà tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại Trung Quốc - ASEAN (tăng gấp 10 lần từ 54,8 tỷ đô la năm 2002 lên 587,9 tỷ đô la trong năm 2018), dẫn đến thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam đã đạt mức cao kỷ lục.

evfta2

Nông nghiệp Việt Nam hy vọng hưởng lợi nhờ hiệp định thương mại với EU

Trong khi Giáo sư Hứa thừa nhận theo đuổi đa phương hóa và đa dạng hóa thương mại nước ngoài luôn là mục tiêu của Việt Nam đối với hợp tác nước ngoài thì ông mô tả việc "tiếp quản" vai trò của Trung Quốc "không phải là điều mà Việt Nam muốn cũng như là việc không thể thực hiện được".

Bàn về kịch bản EU "xa rời" Trung Quốc, tác giả nói đây là quan niệm "không có cơ sở".

"Ngày càng có nhiều quốc gia Châu Âu tham gia vào các dự án của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Trung Quốc đề xuất, với một số nước đã ký bản ghi nhớ với Trung Quốc về việc cùng nhau thúc đẩy BRI.

"Ngoài ra, các chuyến tàu chở hàng Trung Quốc-Châu Âu đã tăng tần suất và khối lượng hàng hóa trong bối cảnh đại dịch. Bên cạnh hàng hóa có thể ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu, các đoàn tàu cũng đã chuyển các vật liệu phòng chống đại dịch quan trọng đến Châu Âu.

"Thay vì xa rời, Trung Quốc và EU sẽ phát triển thành một liên minh chặt chẽ hơn với các lợi ích chung", tác giả Hứa Lợi Bình nhận định.

Published in Việt Nam

Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định Tự do Thương mại với Liên Hiệp Châu Âu (RFI, 08/06/2020)

Quốc hội Việt Nam hôm 08/06/2020, với tỷ lệ biểu quyết tán thành trên 94%, đã chính thức phê Hiệp định Tự do Thương mại với Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam–EU (EVIPA).

evfta1

Ủy viên thương mại Châu Âu Cecilia Malmstrom, bộ trưởng Thương mại Romania Stefan Radu Oprea và bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong buổi lễ ký kết hiệp định EVFTA tại Hà Nội ngày 30/06/2019. Reuters

EVFTA sẽ có hiệu lực 30 ngày sau khi được phê chuẩn, trong khi đó, EVIPA còn phải chờ Quốc hội các thành viên Liên Hiệp Châu Âu phê chuẩn.

Theo thỏa thuận, trong vòng 7 năm tới Liên Hiệp Châu Âu sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với trên 99% hàng hóa của Việt Nam. Chiều ngược lại, Việt Nam có giai đoạn chuyển tiếp 10 năm để xóa dần các biểu thuế đối với một số hàng nhập khẩu từ Châu Âu, thí dụ như xe hơi. Thỏa thuận cũng mở cửa thị tường các dịch vụ như bưu điện, ngân hàng...

EVFTA là hiệp định thương mại tự do thứ 2 mà Liên Hiệp Châu Âu ký với một quốc gia Đông Nam Á, sau Singapore. Liên Âu hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ. Kim ngạch trao đổi thương mại hai bên trong năm 2019 đạt gần 56,4 tỷ đô la, trong đó Việt Nam xuất khẩu trên 41 tỷ đô la và nhập từ Châu Âu 15 tỷ, theo số liệu của Việt Nam.

Theo hãng tin Anh Reuters, Việt Nam và Liên Âu đã phải mất nhiều năm để thương lượng. Khởi động từ 2010 đến tháng 6/2019 EVFTA mới được ký, và đến tháng 02/2020 mới được được Nghị Viện Châu Âu thông qua, cho dù vẫn còn một số tiếng nói chỉ trích về tình trạng nhân quyền, cũng như về các chuẩn mực về môi trường tại Việt Nam.

Để ký được hiệp định tự do thương mại này, Liên Âu đặt ra các điều kiện, theo đó Hà Nội phải phê chuẩn tổng cộng 8 Công ước cơ bản của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) về quyền của người lao động. Việt Nam đã phê chuẩn 6 trong số 8 văn kiện trên. Còn 2 công ước quan trọng khác của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế - Công ước số 87 "về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức" và Công ước số 105 "về xóa bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc" - vẫn chưa được Việt Nam tham gia.

Sau đại dịch Covid-19, Hà Nội hy vọng EVFTA sẽ là cú hích cho kinh tế Việt Nam. Ngân Hàng Thế Giới hồi tháng 5 vừa qua đánh giá EVFTA sẽ có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 2,4% và 12% xuất khẩu từ nay đến năm 2030.

Anh Vũ

*****************

Hiệp định EVFTA : đòn bẩy cho quan hệ thương mại - đầu tư với Việt Nam (vnanet, 21/05/2020)

Sáng 20/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA); Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA.

evfta2

Quang cảnh Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV chiều 20/5. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu (EU) được chính thức khởi động đàm phán vào năm 2012. Sau khi kết thúc đàm phán và tiến hành rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định, nội bộ EU phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến phân định thẩm quyền phê chuẩn các FTA giữa EU và từng nước thành viên. Do đó EU đề xuất tách Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU thành 2 Hiệp định riêng biệt, bao gồm : Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).

Được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30/6/2019, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam cùng với Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Rumani (đại diện Chủ tịch EU) ; Cao ủy thương mại EU đã ký Hiệp định EVFTA.

Theo đó, Hiệp định EVFTA gồm 17 Chương, 8 Phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung điều chỉnh nhiều vấn đề. Với mức độ cam kết đạt được, Hiệp định EVFTA được coi là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích của Việt Nam và EU; phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Liên quan đến tác động của Hiệp định EVFTA đối với Việt Nam, Phó Chủ tịch nước cho biết, trên lĩnh vực chính trị, an ninh quốc gia và chiến lược đối ngoại, hiệp định thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cả hai bên trong việc thúc đẩy quan hệ song phương; góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU phát triển sâu rộng và thực chất hơn. Cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, việc phê chuẩn và thực thi Hiệp định EVFTA khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hệ thống thương mại tự do quốc tế, thúc đẩy đàm phán FTA với các đối tác quan trọng khác, đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam.

Ở góc độ đa phương, với việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Hiệp định EVFTA sẽ làm gia tăng vai trò, vị thế của Việt Nam trong quan hệ EU-ASEAN cũng như tạo hình mẫu cho một hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với EU trong tương lai.

Đối với lĩnh vực kinh tế, theo báo cáo của Chính phủ, thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực dự báo tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm ; cải thiện thu ngân sách nhà nước trung hạn và dài hạn...

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Hiệp định EVFTA có thể mang lại một số thách thức liên quan đến sức ép cạnh tranh thị trường và hàng hóa ; cải cách hệ thống pháp lý để thực hiện quy định, quy tắc chặt chẽ ; gia tăng sức ép về giám sát xã hội trong quá trình thực thi…

Liên quan đến vấn đề Anh rời khỏi EU và mối quan hệ với Hiệp định EVFTA, Phó Chủ tịch nước nêu rõ, theo Thỏa thuận Brexit, Anh sẽ có "giai đoạn chuyển tiếp" trước khi chính thức rời khỏi EU. Do đó, nếu Hiệp định EVFTA có hiệu lực và được thực thi trong giai đoạn chuyển tiếp, Anh vẫn được hưởng các cam kết Việt Nam dành cho EU trong khuôn khổ EVFTA và ngược lại. Ngoài ra, Anh có quyền đàm phán, ký kết và phê chuẩn các thỏa thuận thương mại tự do song phương mới trong giai đoạn chuyển tiếp nhưng không được phép có hiệu lực hay thực thi trong giai đoạn này, trừ khi được sự cho phép của EU. Được biết, Anh đã và đang thúc đẩy việc đàm phán hiệp định song phương giữa Việt Nam và Anh trên cơ sở kế thừa Hiệp định EVFTA để có thể chính thức áp dụng sau giai đoạn chuyển tiếp.

Về thẩm quyền và thời điểm Việt Nam phê chuẩn, Phó Chủ tịch nước kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ thống nhất với phía EU thời điểm đưa Hiệp định EVFTA vào thực thi, vào thời điểm sớm nhất, phù hợp với quy định của hiệp định cũng như quy định pháp luật của mỗi bên. Đối với Anh, Chính phủ kiến nghị Quốc hội khi phê chuẩn Hiệp định EVFTA cũng đồng ý áp dụng hiệp định này với Anh cho đến hết giai đoạn chuyển đổi ngày 31/12/2020 (có thể gia hạn đến 24 tháng).

Về sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; ngoài những cam kết về thương mại hàng hóa và dịch vụ với mức độ cắt giảm thuế cao còn phải cam kết các lĩnh vực "phi truyền thống" như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm Chính phủ, minh bạch hóa.

Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, Hiệp định sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó).

Trong khi đó, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Thông qua Hiệp định, Việt Nam có thể tiếp cận thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD (chiếm 22% GDP toàn cầu).

Về trao đổi thương mại, Việt Nam và EU chủ yếu mang tính bổ trợ thay vì cạnh tranh lẫn nhau. Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, Hiệp định EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030, tập trung vào một số ngành như nhóm hàng nông sản ; nhóm ngành chế biến, chế tạo ; nhóm ngành dịch vụ.

Về nhập khẩu, dự kiến nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Hiệp định EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường Việt Nam, không bị phụ thuộc vào sự giới hạn một số thị trường. Đồng thời, hiệp định có tác dụng như đòn bẩy kích thích đối tác khác tăng cường quan hệ thương mại-đầu tư với Việt Nam.

Về đầu tư, Hiệp định EVFTA là cơ hội Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ.

Ngoài ra, Hiệp định EVFTA dự kiến giúp tăng thêm việc làm, thu nhập cho người lao động mỗi năm. Dự kiến, tổng mức giảm thu từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trên 2.500 tỷ đồng ; tăng thu từ thu nội địa khoảng 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030…

Theo bản Báo cáo, một số ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá thêm tác động của hiệp định sau đại dịch Covid-19, đặc biệt khó khăn, thách thức do dịch ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa-xã hội...

Bên cạnh đó, Chính phủ cần dự báo xu hướng phát triển kinh tế quốc tế ; đề ra các giải pháp xử lý để đảm bảo an ninh chính trị, an ninh kinh tế và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ; đánh giá tác động tích cực và tiêu cực của hiệp định đến các ngành, lĩnh vực...

Việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA sẽ gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy và bảo hộ thương mại diễn biến phức tạp ; giúp đa dạng hóa thị trường của Việt Nam, không bị phụ thuộc vào cất cứ thị trường nào ; góp phần đảm bảo an ninh kinh tế.

Do đó, việc Việt Nam ký và phê chuẩn FTA với EU vào thời điểm này là phù hợp và đúng thời điểm, tiếp tục tạo đà cho hội nhập kinh tế quốc tế và hồi phục sự phát triển kinh tế trong nước sau đại dịch Covid-19 qua các thị trường CPTPP và EU. Về chính trị, trong lúc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN năm 2020, Chủ tịch AIPA năm 2020 góp phần khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trong các cam kết quốc tế qua đó nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trong khu vực và trên trường quốc tế.

Căn cứ Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và các ý kiến thẩm tra, Ủy ban Đối ngoại xin kiến nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn Hiệp định EVFTA tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV ; cho phép áp dụng hiệp định với Anh đến hết giai đoạn chuyển tiếp ngày 31/12/2020, có thể gia hạn đến 24 tháng theo thỏa thuận giữa Anh và Liên Hiệp Châu Âu về việc Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Đồng thời, Quốc hội giao Chính phủ thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại tự do song phương với Anh trên cơ sở Hiệp định EVFTA với những điều chỉnh phù hợp đảm bảo lợi ích cho cả hai bên để áp dụng thay thế cho Hiệp định EVFTA khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc, theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016.

Chính phủ có nhiệm vụ chỉ đạo bộ, ngành tiếp tục phân tích, đánh giá tác động của hiệp định theo phương pháp tính toán định lượng trên tất cả các lĩnh vực, cập nhật bổ sung đánh giá tác động của Hiệp định do đại dịch Covid-19 ; rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật; thống nhất với EU về thời điểm có hiệu lực của Hiệp định…/.

TTXVN/VNP

Published in Việt Nam

Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội phê chuẩn hiệp định thương mại với EU (VOA, 20/05/2020)

Chủ tch nước Vit Nam hôm 20/5 đ ngh Quc hi phê chun Hip đnh Thương mi t do vi khi Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA) mà Hà Ni coi là "toàn din, cht lượng cao" dù nó đã vp phi phn đi t các nhà lp pháp Châu Âu và gii ng h nhân quyn quc tế.

evfta1

Hiệp đnh thương mi t do gia Vit Nam và Liên HiệpChâu Âu d kiến s gim thuế đi vi 99% hàng hóa được giao dch vi EU, th trường xut khu ln th hai ca Vit Nam sau M. (nh chp màn hình trang EVFTA ca B Công thương)

Theo báo điện t Chính ph, t trình ca Ch tch nước v vic đ ngh Quc hi phê chun hip đnh EVFTA được Phó Ch tch nước Đng Th Ngc Thnh đưa ra ti Quc hi hôm 20/5.

Tờ trình ca Ch tch nước cho biết EVFTA là mt hip đnh "toàn din, cht lượng cao và đm bo cân bng v li ích cho Vit Nam và EU, đng thi phù hp vi các quy đnh ca T chc thương mi Thế gii (WTO) cũng như đã lưu ý đến chênh lch v trình đ phát trin gia hai bên".

EVFTA được kỳ vng s gim thuế đi vi 99% hàng hóa được giao dch vi Liên Hiệp Châu Âu, th trường xut khu ln th hai ca Vit Nam sau M, trong khi giúp thúc đy GDP và xut khu ca Vit Nam tăng ln lượt 2,4% và 12% trong thp k ti cũng như giúp hàng trăm nghìn người thoát khi cnh đói nghèo, theo nhận đnh ca Ngân hàng Thế gii hôm 19/5.

Tuy nhiên bên cạnh nhng thun li, t trình ca Ch tch nước trước Quc hi hôm 20/5 cho rng hip đnh thương mi vi EU s "mang li mt s thách thc nht đnh" đi vi Vit Nam bao gm sc ép cnh tranh, quy định và quy tc cht ch v th tc đu tư, cũng như cam kết v lao đng.

Theo Ngân hàng Thế gii, đây là thi đim hoàn ho đ Vit Nam khi xướng ci cách sâu hơn và khc phc các l hng pháp lý cũng như các vn đ thc thi đ thu được toàn b li ích của tha thun.

Việt Nam mt 9 năm đ đàm phán vi khi EU v hip đnh thương mi, trong đó B trưởng Công thương Trn Tun Anh gi th thách này là "vượt vũ môn" vì phi đi mt vi 28 quc gia thành viên Châu Âu "vi trình đ kinh tế, khung kh lut pháp rất phát trin".

Việc ký kết và phê chun hip đnh thương mi gia Vit Nam và EU đã vp phi nhiu phn đi t chính các thành viên ca ngh vin Châu Âu cũng như gii nhân quyn và xã hi dân s. H kêu gi EU thúc ép Vit Nam ci thin h sơ nhân quyền "yếu kém" trước khi đng ý ký kết và phê chun.

Tuy nhiên, bất chp nhng cnh báo này, Ngh vin Châu Âu thông qua EVFTA hôm 12/2 vi 401 phiếu thun và 190 phiếu chng. Gi đây ch cn Quc hi Vit Nam ph chun là hip đnh s được thc thi.

Theo người đng đu B Công thương, EVFTA d kiến s có hiu lc vào tháng 7 này.

Giám Đốc Ban Đông Á ca T chc Human Rights Watch John Sifton tng nói rng : "EU đã b l mt cơ hi quan trng khi phê chun hip đnh thương mi vi Vit Nam mà không kèm theo các biện pháp chế tài yêu cu các cam kết v ci cách nhân quyn".

Việt Nam là quc gia th hai Đông Nam Á, sau Singapore, được EU ký kết hip đnh thương mi t do, nhưng là quc gia đang phát trin đu tiên trong khu vc có FTA vi khi liên hiệp này.

****************

Quốc hội Việt Nam chuẩn bị phê chuẩn Công ước xóa bỏ lao động cưỡng bức, Hiệp định tự do thương mại với Châu Âu (RFA, 20/05/2020)

Tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội hôm 20/5, Quốc hội Việt Nam đã nghe Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đọc tờ trình của Chủ tịch nước đề nghị phê chuẩn Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và hai hiệp định với Liên Hiệp Châu Âu (EU) là Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).

evfta00

Cao ủy Liên Hiệp Châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmstrom và Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trao đổi văn kiện sau lễ ký EVFTA ở Hà Nội hôm 30/6/2019 - Reuters

Công ước 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức là 1 trong 3 công ước mà Việt Nam hứa phải thông qua để có được EVFTA với EU. 2 công ước kia là Công ước 98 về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Công ước 87 về Tự do Hiệp hội và Bảo vệ quyền được tổ chức. Hồi tháng 6 năm 2019, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Công ước 98.

Đọc tờ trình trước Quốc hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Ngọc Thịnh nói việc phê chuẩn Công ước 105 là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong hội nhập quốc tế ; khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO.

Liên quan đến hai hiệp định với Châu Âu là EVFTA, và EVIPA, hồi tháng 2 vừa qua, Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu thông qua hai hiệp định này.

Hiệp định EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành mà Việt Nam đã ký với các thành viên EU.

Đối với EVFTA, tờ trình của Chủ tịch nước kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ thống nhất với phía EU thời điểm đưa EVFTA vào thực thi vào thời điểm sớm nhất, phù hợp với quy định của Hiệp định cũng như quy định pháp luận của mỗi bên.

Theo quy định về hiệu lực EVFTA, Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà các bên thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý tương ứng để Hiệp định có hiệu lực.

****************

WB : Hiệp định thương mại EU giúp Việt Nam phục hồi sau đại dịch (VOA, 19/05/2020)

Một hip đnh thương mi t do vi Liên Hiệp Châu Âu sp được Vit Nam phê chun s thúc đy s phc hi kinh tế ca quc gia Đông Nam Á sau đi dch virus corona đng thi thúc đy ci cách nhanh hơn, theo nhn đnh ca Ngân hàng Thế gii (WB) hôm 19/5.

evfta2

Người dân đeo khẩu trang đi qua một cửa hàng ở khu mua sắm tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm 26/4 sau khi chính phù Việt Nam dỡ bỏ lệnh cách ly toàn xã hội. Kinh tế Việt Nam được kỷ vọng sẽ phục hồi nhờ hiệp định thươ ng m ại với Liên Hiệp Châu Âu.

Cuối tháng này, quc hi Vit Nam theo d kiến s thông qua tha thun thương mi vi EU, theo đó s gim thuế đi vi 99% hàng hóa được giao dch vi Liên Hiệp Châu Âu, th trường xut khu ln th hai ca Vit Nam, sau M.

Bộ trưởng Thương mi Vit Nam Trn Tun Anh cho biết ông hy vng tha thun s có hiu lc vào tháng 7.

Kinh tế Vit Nam tăng trưởng vi tc đ chm nht trong quý 1 năm nay, mc 3,8%, do s bùng phát ca virus corona. Nhưng ch vi 324 ca nhim và không có trường hp t vong nào, Vit Nam đã sn sàng m ca li nn kinh tế sm hơn so vi các quc gia khác trong khu vực.

Hiệp đnh thương mi t do vi Liên Hiệp Châu Âu-Vit Nam (EVFTA) có th thúc đy GDP và xut khu ca Vit Nam tăng ln lượt 2,4% và 12% trong thp k ti và giúp hàng trăm nghìn người thoát khi đói nghèo, Ngân hàng Thế gii cho biết trong một báo cáo.

"Những li ích như vy đc bit cp bách đ đem li các li ích kinh tế tích cc khi (Vit Nam) đi phó vi đi dch Covid-19", WB cho biết.

Ngân hàng Thế gii nhn đnh đây là thi đim hoàn ho đ Vit Nam khi xướng ci cách sâu hơn và khc phc các l hng pháp lý cũng như các vn đ thc thi đ thu được toàn b li ích ca tha thun.

Published in Việt Nam
mercredi, 01 avril 2020 19:43

EVFTA vướng dịch

Ngày 30/3, Hội đồng Châu Âu đã thông qua quyết định phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam (EVFTA). Tuy nhiên chưa biết kỳ họp Quốc hội tới đây của Việt Nam có thể diễn ra hay không vì chuyện dịch corona – đặc biệt là bối cảnh Việt Nam ‘cách ly toàn xã hội’ trong 2 tuần lễ đầu tháng tư.

evfta0
Phải chờ hết dịch và xong bầu bán nhiệm kỳ mới của Đảng ?

Sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua hiệp định, Chính phủ mới đưa ra nghị định hướng dẫn, sau đó các bộ mới ban hành thông tư hướng dẫn. Quá trình này có khi mất nhiều năm và đòi hỏi phải có sự đồng bộ về văn bản pháp luật giữa các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Đây là một thách thức cực lớn. Có lẽ lúc đó, đại dịch Covid-19 đã qua, doanh nghiệp Việt phải loay hoay "dọn dẹp" đống hoang tàn do dịch Covid-19 để lại.

Và vấn đề cam kết của Việt Nam đối với cơ chế đảm bảo thực thi quyền lao động, quyền con người… cũng như làm thế nào để EU có thể tối đa hóa ảnh hưởng của mình đối với vấn đề nhân quyền ở Việt Nam khi mà EVFTA thực thi, là điều chưa ai có thể hình dung được.

Tất cả còn chờ kết quả ‘chống dịch’ đang vào hồi quyết liệt nhất với lệnh ‘cách ly toàn xã hội’ từ ngày 1 đến 15/4. Bản lĩnh với những quyết đoán từ các vị trí người đứng đầu như những vị chủ tịch tỉnh, thành phố và người đứng đầu chính phủ sẽ thể hiện ở thời điểm dầu sôi lửa bỏng của sinh tồn này.

Ngoại trừ Thành phố Hồ Chí Minh, còn lại với nhiều địa phương – kể cả với thủ đô Hà Nội, diễn biến suốt mấy tháng qua về chống dịch corona, công chúng ít thấy sự đăng đàn của các vị bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy và cả tổng bí thư trong những phát biểu về quyết sách, qua đó cho thấy được tầm nhìn cần có trong vai trò chính khách ở một quốc gia độc đảng chính trị.

Trứng sẽ không còn chung một giỏ nữa…

Diễn biến về đại dịch đến từ con virus Vũ Hán lây lan nhanh chóng trên toàn cầu đã bộc lộ rõ các ‘điểm chết’ trong toàn bộ hệ thống logistics, khi mà rất nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, phần lớn được đặt công xưởng tại Trung Quốc. Một kiểu của bỏ các loại trứng trong cùng một giỏ.

Nền kinh tế công nghiệp và ngoại thương của Việt Nam cũng lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc ở cả hai nghĩa : Trung Quốc ở bên kia biên giới, và các doanh nghiệp Trung Quốc đang mở công xưởng hoạt động ngay trên đất nước Việt Nam – tức doanh nghiệp FDI. Điều đó cho thấy thị trường với nhiều hứa hẹn kỳ vọng ngoại thương từ EVFTA, đắc lợi ở đây rất có thể là những ông, bà chủ Trung Quốc đang chi phối trong đời sống kinh tế Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan vẫn hay khuyến cáo tại nhiều hội thảo trong năm 2019 về những vướng mắc trong thể chế, chủ yếu xuất phát từ sự thiếu rõ ràng trong yêu cầu "xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Điều này làm những nhà quản lý trở nên ngại ngần với những chuyển động của kinh tế thị trường, vì bản thân họ cũng không rõ thế nào là ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ ?

Bà Phạm Chi Lan, biện giải : "Từ những mập mờ trong quy định, dẫn đến hạn chế sự minh bạch, công bằng trong quản lý, tạo ra kẽ hở cho nạn tham nhũng vặt. Vì thế, khi lẽ ra phải vận hành trên ưu thế cạnh tranh, các doanh nghiệp lại phải tiêu tốn nguồn lực để củng cố vị thế của họ trong quan hệ với các cán bộ nhà nước, dễ dàng tìm thấy sự hợp thức hóa những khía cạnh mà luật không làm rõ.

Thêm nữa, bản thân nguồn lực đầu tư của Nhà nước cũng chưa được phân bổ hợp lý, đi ngược với quy luật phát triển của kinh tế thị trường. Áp lực "định hướng xã hội chủ nghĩa" khiến sự phân bổ nguồn lực tập trung chủ yếu vào doanh nghiệp nhà nước, bất chấp hiệu quả. Trong khi, quy luật của kinh tế thị trường chính là sự hiệu quả.

Với EVFTA, sự công khai, minh bạch, chống tham nhũng là những yếu tố quan trọng mà Việt Nam đã ký kết và phải thực hiện. Điều này dĩ nhiên mang lại những lợi ích chính đáng cho các nước tham gia hiệp định, nhưng cũng chính là mong đợi của nhân dân Việt Nam.

Nếu Việt Nam làm được như cam kết, người hưởng lợi nhiều nhất chính là nhân dân Việt Nam. Khi đó, mọi nguồn lực của nền kinh tế sẽ tập trung cho sự phát triển. Việt Nam sẽ có những chuyển động bám sát cơ chế thị trường, văn minh hiện đại, từ đó có nền tảng để lên cao hơn nữa. Bằng không, mọi hy vọng về việc nâng tầm quốc gia vẫn chỉ nằm trong những con số thống kê, về lượng hàng xuất khẩu mà tập trung phần lớn ở doanh nghiệp FDI. Còn Việt Nam vẫn quẩn quanh trong vai trò gia công, trong kịch bản được mùa rớt giá, trong việc theo đuổi những mục tiêu ngắn hạn, cho ra những sản phẩm kém chất lượng".

Bình mới rượu cũ ?

Các FTA song phương thường có nguyên tắc chung là thể chế chính trị phù hợp với đòi hỏi giá trị nhân quyền phổ quát toàn cầu. Nói như lo ngại ở trên của bà Phạm Chi Lan, nếu vẫn giữ nguyên chuyện duy ý chí về ‘thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’, xem ra nếu có thay cái bình mới dán đầy đủ các nhãn về nhân quyền, như quyền con người, quyền lập hội, quyền tự do báo chí, quyền tự do biểu tình…, song vẫn ‘men rượu’ có tên ‘thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’, thì đó vẫn là chuyện của hào nhoáng vẻ ngoài chiếc bình.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà Việt Nam là thành viên từ năm 2006, cho thấy là một bài học trong việc thể chế vẫn ì ạch so mong đợi trong hội nhập toàn cầu.

"Theo tôi, đứng trước mỗi hiệp định thương mại, ta phải nhìn đó như một cơ hội để hội nhập kinh tế quốc tế chứ không phải chỉ nhìn vào mấy đồng thuế. Cùng với những ký kết, ta phải thay đổi thể chế, cơ chế quản lý. Phải nhìn sự hợp tác là một hoạt động khơi thông dòng chảy của kinh tế thị trường. Trong đó, nếu còn điều gì làm tắc nghẽn sự lưu thông, ta phải tự phá bỏ nó" – ông Đặng Kim Sơn, cựu Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định.

Trước mắt, hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gặp khó không phải chỉ do dịch Covid-19 bùng phát, mà đã có từ hai năm trở lại đây. Nguyên nhân là nông sản Việt Nam chưa đạt các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc của phía Trung Quốc.

Thị trường EU còn khó gấp nhiều lần so với Trung Quốc, liệu nông sản Việt Nam có tiếp cận được thị trường EU như mong muốn trong thời gian ngắn từ kỳ vọng EVFTA ?

Võ Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 01/04/2020

Published in Diễn đàn

Liên Hiệp Quốc chất vấn chính phủ Việt Nam : "Phạm Chí Dũng bị bắt vì kêu gọi hoãn EVFTA ?"

Một nhóm các chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc đã gửi kháng thư chất vấn chính phủ Việt Nam về việc bắt giam nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, theo trang web lưu trữ Báo cáo truyền thông của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cập nhật vào hôm 22/3.

pcd0

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng (Ảnh : Chuacuuthe.com)

Kháng thư đề ngày 22/1/2020, được đăng tải công khai trên web của cơ quan này sau 60 ngày theo quy định, mô tả cáo buộc bắt giam ông Phạm Chí Dũng như là một hành động trả thù cho hoạt động tuyên truyền nhân quyền của ông.

Nội dung kháng thư cho biết, từ năm 2014, ông Phạm Chí Dũng, với tư cách là Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, đã xuất bản nhiều bài báo nhằm nâng cao mối quan tâm của công chúng Việt Nam về quyền con người, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, quyền lao động và công đoàn độc lập, phản ánh các vấn đề bắt giam những người bảo vệ nhân quyền, và sự quấy rối đối với xã hội dân sự độc lập.

Đáng lưu ý, kháng thư dẫn lại nguồn tin cáo buộc nói rằng, ông Phạm Chí Dũng bị bắt vì đã gửi thư kiến nghị kêu gọi Nghị viện Châu Âu hoãn phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Châu Âu (EVFTA).

"Vào ngày 10/11/2019, hai tuần sau khi Ủy ban Thương mại của Nghị viện Châu Âu đến Việt Nam, ông Phạm Chí Dũng gửi thư kiến nghị kêu gọi Nghị viện Châu Âu hoãn phê chuẩn EVFTA cho đến khi chính phủ Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn nhân quyền cụ thể. Tuần sau, ông Phạm Chí Dũng đã cho các đồng nghiệp biết, ông đã nghe thông tin từ những người trong Bộ Công an nói rằng ông ấy có nguy cơ bị bắt vì đơn kiến nghị", kháng thư viết.

Đến ngày 21/11/2019, ông Phạm Chí Dũng đã bị bắt và bị khởi tố về tội "làmtàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước" theo điều 117 Bộ luật Hình sự.

Một bản tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an khi đó nói rằng "Phạm Chí Dũng đã có nhiều hoạt động công khai vi phạm pháp luật nghiêm trọng và rất nguy hiểm ; tác động xấu đến sự ổn định xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự".

Vụ việc gây quan ngại cho chuyên gia

Qua kháng thư, các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc bày tỏ sự quan tâm về việc bắt giam ông Phạm Chí Dũng vì mối liên hệ trực tiếp đến các hoạt động thúc đẩy nhân quyền của ông, và khi bị giam giữ các quyền của ông đã không được đảm bảo.

"Thực tế là ông Dũng bị giam giữ mà không được tiếp cận với gia đình hoặc luật sư của mình. Chúng tôi quan ngại rằng trong khoảng thời gian dài trước khi được phép liên lạc ra bên ngoài khiến ông ta có nguy cơ bị tra tấn hoặc bị đối xử tàn nhẫn và vô nhân đạo", các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc bày tỏ.

Để làm rõ hơn về mối quan tâm này, các chuyên gia đã yêu cầu chính phủ Việt Nam phản hồi về các cáo buộc, cũng như cung cấp các căn cứ pháp lý dẫn đến việc bắt giam ông Phạm Chí Dũng và giải thích việc giam giữ ông ấy tương thích như thế nào với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Đồng thời, các chuyên gia cũng đề nghị chính phủ Việt Nam cung cấp những biện pháp đã được thực hiện nhằm đảm bảo cho các nhà nhà báo và những người bảo vệ nhân quyền thực hiện công việc hợp pháp của họ trong một môi trường an toàn mà không bị đe dọa, quấy rối hoặc trả thù dưới bất kỳ hình thức nào.

Kháng thư cũng nhắc lại tại kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về Nhân quyền (UPR) lần thứ 3 của Việt Nam, một số quốc gia đã khuyến nghị Việt Nam cần sửa đổi hoặc bãi bỏ điều 117 Bộ luật Hình sự về tội tuyên truyền chống nhà nước, và làm cho nó phù hợp hơn với luật nhân quyền quốc tế.

Trong khi chờ trả lời, các chuyên gia yêu cầu chính phủ Việt Nam cần thực hiện các biện pháp tạm thời cần thiết để tạm dừng các vi phạm bị cáo buộc và ngăn chặn sự tái diễn.

Kháng thư được đệ trình bởi 4 vị chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc là David Kaye, Báo cáo viên đặc biệt về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do biểu đạt ; Leigh Toomey, Phó Chủ tịch Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện ; Clement Nyaletsossi Voule, Báo cáo viên đặc biệt về quyền tự do hội họp và lập hội, và Michel Forst, Báo cáo viên đặc biệt về tình hình những người bảo vệ nhân quyền.

Kháng thư là một hình thức giải quyết khiếu nại vi phạm nhân quyền thuộc Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Các cá nhân hay bất kỳ tổ chức xã hội dân sự nào khi có được thông tin cậy về các hành vi vi phạm nhân quyền của quốc gia có thể gửi đơn khiếu nại đến các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Từ thông tin khiếu nại này, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc có thể can thiệp trực tiếp với chính phủ của quốc gia thông qua kháng thư chất vấn, làm rõ các cáo buộc vi phạm nhằm bảo vệ cho các nạn nhân.

Minh Luật

Nguồn : RFA, 24/03/2020

Published in Diễn đàn

Nhiều ý kiến hồ hỡi nói rằng để Việt Nam có thể hưởng lợi từ EVFTA, buộc phải thay đổi thể chế. Thế nhưng ít ai đề cập rõ là sức ép cải cách thể chế ở đây là đang muốn nói đến thể chế gì ?

eu1

Hội thảo Thương mại tự do VN-EU : ngụ ý chính sách và đôti mới thể chế

Phải chăng đó là thể chế chính trị ? Để làm được điều đó, cần thay đổi Hiến pháp ; hoặc chí ít là làm rõ về tính pháp lý ở Điều 4, Hiến pháp 2013 về cách hiểu pháp lý thế nào là "lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" ? Đó có phải là ‘lực lượng’ có quyền đứng trên cả Quốc hội và ‘lực lượng’ này không cần đến lá phiếu của cử tri ?

Theo quan niệm của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) : Thể chế có thể được hiểu là cái tạo thành khuôn khổ trật tự cho các quan hệ của con người, định vị cơ chế thực thi và giới hạn của các quan hệ giữa các bên tham gia tương tác ; là ý chí chung của cộng đồng xã hội trong việc xác lập trật tự, những quy tắc, những ràng buộc và các chuẩn mực, giá trị chung được mọi người chia sẻ (*)…

Như vậy, thể chế hiểu theo nghĩa trên là những nguyên tắc (không phân biệt hình thức của nguyên tắc) về cách cư xử trong xã hội, được hình thành từ thực tiễn trong các phạm vi quan hệ của con người, được xã hội chấp nhận và chỉ dẫn cho mối quan hệ qua lại của con người. Đây có thể coi là một khái niệm chung nhất về thể chế.

Cách hiểu trên có nghĩa thể chế là những nguyên tắc xác định mối quan hệ xã hội, định hình cách thức ứng xử của các thành viên trong những phạm vi, quy mô tổ chức xã hội và điều chỉnh sự vận hành của tổ chức xã hội đó.

Các chủ thể thực hiện và quản lý sự vận hành xã hội (bao gồm nhà nước, cộng đồng cư dân, các tổ chức xã hội dân sự) trên cơ sở của hệ thống pháp luật, các quy tắc xã hội điều chỉnh các mối quan hệ và các hành vi được thừa nhận của cộng đồng, quốc gia. Cùng với sự thay đổi và phát triển liên tục của các dạng quan hệ xã hội, các thế chế có thể thay đổi theo thời gian.

Tất cả lập luận ở trên cho thấy áp lực cải cách thể chế mang tính nguyên tắc trong các cam kết FTA của Việt Nam, là phải xác định rõ ở Việt Nam việc hoạt động của đảng phái chính trị được điều chỉnh cụ thể theo luật nào của quốc gia ? Bởi, thế chế chính trị là hình thức thể hiện các thành phần của hệ thống chính trị với vai trò và ảnh hưởng lẫn nhau của thành phần trong hệ thống đó. Điều này luôn cần đến hành lang pháp luật cần thiết.

Cũng có thể hiểu thể chế thiên về Nhà nước hơn là các tổ chức khác. Thể chế được hiểu như là hệ thống các quy định do Nhà nước xác lập trong hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước, và được Nhà nước sử dụng để điều chỉnh và tạo ra các hành vi và mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân, và các tổ chức nhằm thiết lập trật tự kỷ cương xã hội. Lâu nay trên truyền thông khi đề cập với sức ép cải cách thể chế từ các FTA, chủ yếu là nói về ‘cải cách thể chế Nhà nước’.

Điều này cho thấy sẽ thuyết phục hơn, minh bạch hơn và sòng phẳng hơn trong mọi quyết sách, là cần phải làm rõ ‘thể chế chính trị’ có cần được cải cách hay không ? Nếu trả lời ‘cần’, thì điều luật nào cho phép việc thực hiện các đòi hỏi cải cách đó ? Nếu trả lời ‘không’, thì có điều luật nào ràng buộc trách nhiệm trong cải cách Nhà nước với mối quan hệ với đảng phái chính trị được Hiến định là "lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" ?

Người dân có quyền đòi hỏi làm rõ những băn khoăn nói trên, vì đây cũng chính là vấn đề nhân quyền mà các FTA đã đề cập đến.

Hiền Vương

Nguồn : VNTB, 27/02/2020

Chú thích :

(*) Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF : Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2009, 2010.

Published in Diễn đàn
Trang 1 đến 8