Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ukraine bắt đầu xây dựng phòng tuyến trong "cuộc chiến đạn pháo"

Le Figaro ngày 24/01/2024 cho biết giờ đây đến phiên Ukraine lập ra một số công sự kiên cố như kiểu "Surovikin". Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp Thierry Burkhard băn khoăn, Châu Âu đã sực tỉnh, lo sản xuất thêm đạn cho Kiev, nhưng đến cuối 2025 mới giao được. Liệu Ukraine có chịu đựng nổi đến lúc đó, trong khi Nga đã khởi động nền kinh tế chiến tranh ? Chỉ trong năm 2023, Bắc Triều Tiên đã cung cấp cho Putin 1 triệu quả đạn.

tranchée1

Một kỹ sư công binh Ukraine bên cạnh khu vực công sự gồm cả những dãy "răng rồng" và hàng rào kẽm gai ở tiền tuyến gần ngoại ô Kupiansk, Ukraine, ngày 28/12/2023. Reuters – Thomas Peter

Đến lượt Ukraine xây dựng công sự với "răng rồng"

Đặc phái viên Le Figaro nhận thấy "Đến lượt Ukraine củng cố phòng tuyến ở Zaporijia". Những chiếc máy xúc làm việc không ngơi nghỉ từ ba tuần qua, một pháo đài bê-tông cao 16 mét đã hình thành với lưới chống đạn bao quanh. Phía trước là những dãy "răng rồng" và bãi mìn để chận xe tăng và bộ binh địch. Hai phòng tuyến khác cũng được xây dựng ở Orikhiv, cách quân Nga từ 1 đến 6 kilomet.

Những công trình này giống như "phòng tuyến Surovikin" gồm ba lớp chiến hào, mìn, bẫy xe tăng mà quân Nga đã ra công dựng lên để chặn lại cuộc phản công của Ukraine. Nhưng theo trung tá Vitali, các công trình này không chạy theo suốt giới tuyến 1.000 kilomet như Nga, mà chỉ tập trung vào các điểm chiến lược, với chủ trương "phòng thủ tích cực".

Trung sĩ Ivan Rebiye cho biết mìn của Nga thực sự là vấn đề lớn cho chiến dịch phản công. "Họ gài mìn với số lượng khủng khiếp, lên đến 10 quả một mét vuông. Chúng tôi thu lượm để gài lại trên tuyến số 0, đó là ưu tiên. Phải đi vào ban đêm cho đến 3 giờ sáng để tránh drone Nga". Anh là người duy nhất trong đơn vị không bị thương. Họ vừa nhận được một xe chở hàng điều khiển từ xa nhờ người dân quyên góp, nhờ đó có thể đặt mìn chống tăng ở cách 3 kilomet trên tuyết và bùn lầy, tiết kiệm được sinh mạng. Bên phía Nga dường như có nguồn nhân lực vô tận, hết đợt tấn công này tới đợt khác không ngưng nghỉ. Những đợt xung phong này giúp nhận ra được các vị trí của Ukraine rồi sau đó pháo kích hoặc cho drone đánh vào.

Ngoài Zaporijia, các tuyến phòng thủ của Ukraine cũng được củng cố xung quanh các thành phố Donetsk, Lyman, Avdiivka, Kupiansk ; nhằm làm chậm lại quân địch nếu họ vượt qua được giới tuyến số 0. Người chỉ huy lữ đoàn 41 giải thích, phòng thủ tích cực nhằm tăng cường các vị trí phía sau vững chắc hơn trước khi tấn công. Trên mặt trận Kupiansk, cách Kharkiv khoảng 100 kilomet, những người lính từ ba tuần qua phải chuẩn bị đối phó với một cuộc tấn công lớn của Nga. Họ chỉ được phép bắn ba quả đạn một ngày để tiết kiệm số đạn dược ít ỏi.

Mùa đông không yên tĩnh cho thường dân

La Croix quan tâm đến thiệt hại của thường dân khi từ nhiều tuần qua Nga và Ukraine gia tăng oanh kích lẫn nhau. Hôm qua hỏa tiễn Nga đã tấn công vào thủ đô Kiev và thành phố Kharkiv làm mấy chục người dân thương vong. Moskva dùng đến các hỏa tiễn chống hạm X-22 và tên lửa từ hệ thống phòng không S300, những vũ khí có sức công phá khủng khiếp để tiêu diệt các mục tiêu trên không và trên biển, nhưng lại kém chính xác trên đất liền. Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine, trong đêm, Nga bắn đến 41 hỏa tiễn vào hai thành phố trên, trong đó có 21 bị bắn hạ.

Vụ oanh kích đẫm máu này nhằm trả đũa việc Ukraine gây thiệt hại cho một kho khí đốt quan trọng ở cảng Ust-Luga gần Saint-Petersburg một ngày trước đó. Tuần rồi lực lượng Kiev cho biết đã tiến hành hai vụ tấn công vào các kho dầu trên đất Nga, một cách để buộc Moskva phải trả giá cho các vụ oanh kích hàng ngày vào các thành phố Ukraine, hủy hoại cơ sở hạ tầng dân sự và nhà ở, làm mấy chục thường dân thiệt mạng trong vài tuần qua. Đồng thời khiến cho dân Nga cảm nhận được hậu quả từ "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Vladimir Putin.

Trong khi mùa hè và mùa thu khá yên tĩnh, đến mùa đông hầu như không có đêm nào Nga không oanh kích thủ đô Ukraine. Một chiến dịch oanh tạc được các nhà phân tích coi là nhằm đánh gục tinh thần của người dân, đồng thời làm cạn nguồn đạn phòng không dự trữ, vốn hoàn toàn dựa vào viện trợ của phương Tây. Mối đe dọa này khiến Kiev phải khẩn cấp kêu gọi các đồng minh Châu Âu và Mỹ chi viện những hệ thống phòng không mới và đạn dược kèm theo.

Nhưng Ukraine cũng bị chỉ trích về những vụ oanh kích mới đây làm chết vài chục thường dân ở Nga và vùng tạm chiếm. Chẳng hạn ở một ngôi chợ tại Donetsk cách tiền tuyến 20 kilomet, hay ở thành phố biên giới Belgorod. Vụ Belgorod được cho là nhằm trả đũa đợt tấn công quy mô của Nga trước đó một hôm làm 58 người dân Ukraine thiệt mạng chỉ trong một đêm.

Châu Âu đã thức tỉnh, nhưng còn kịp cứu Ukraine ?

Cũng liên quan đến Ukraine, tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp Thierry Burkhard đề cập đến những khó khăn của Châu Âu để thích ứng với môi trường chiến lược mới. Một sự thức tỉnh liệu có đủ để cứu vãn Ukraine khỏi tay đế quốc Nga, và duy trì mô hình dân chủ của phương Bắc ? Le Figaro ghi lại bài nói chuyện của vị tướng trong một cuộc hội thảo ở đại học Sorbonne. Ông cho rằng "Pháp phải có năng lực tiến hành một cuộc chiến tranh cường độ cao, nhưng mục tiêu là chiến thắng trước khi tham chiến".

Tổng thống Emmanuel Macron đã nhấn mạnh "Ukraine không thể thất bại" và hứa sẽ chi viện khoảng 40 hỏa tiễn Scalp và hàng trăm quả bom. Theo tướng Burkhard, cho dù lực lượng Nga có mạnh hơn trên chiến trường, nhưng "Moskva đã thất bại trong cuộc chiến tranh này". "Nếu cuộc chiến dừng lại lúc này, thì kết quả ra sao ? Ngược với mọi dự đoán, Ukraine đã kháng cự được. Thụy Điển và Phần Lan đứng về phía phương Tây và tham gia NATO. Lục quân Nga đang trong tình trạng vô cùng thảm hại, không còn là mối đe dọa trước mắt cho NATO. Nga bây giờ thành chư hầu của Trung Quốc, một sự thất bại chiến lược".

Pháp và Châu Âu dần ra khỏi tình trạng mê ngủ trong hòa bình, nhưng liệu có đủ nhanh để giúp Ukraine giành chiến thắng ? Viện trợ phương Tây giúp Kiev kháng chiến, nhưng không đủ để chiến dịch phản công thắng lợi. Elie Tenenbaum, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh của IFRI nhận xét, năm 2025 sẽ là năm quyết định. Nga đã bước vào nền kinh tế chiến tranh, đầu tư 5,6% GDP cho quân sự và đang chiếm ưu thế trên chiến trường. Ukraine hiện chỉ bắn được 2.000 phát đạn một ngày, còn Nga đến 10.000.

Cuộc chiến đạn pháo quá chênh lệch

Trong khi đó viện trợ Mỹ bị Quốc hội chận lại, Châu Âu chỉ chuyển giao được 1/3 trong số 1 triệu đạn pháo và hỏa tiễn hứa hẹn. Một triệu quả đạn : đó là số lượng đạn được Bắc Triều Tiên cung cấp cho Nga trong năm 2023. Khoảng cách cũng rất xa về nhân lực, tổng thống Volodymyr Zelensky khó thể huy động thêm 400.000 quân, còn Nga có lượng dự trữ lớn.

Ý thức được chiến tranh Ukraine là "cuộc chiến đạn pháo", tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg loan báo đã đặt hàng 1,1 tỉ euro đạn dược cho Kiev để giúp các nước như Pháp, Đức tăng sản lượng. Nhưng số đạn này không thể được giao trước cuối năm 2025. Câu hỏi mà tất cả mọi người đều đặt ra : Liệu Ukraine có chống chọi được lâu như vậy hay không ?

Chiến trường Ukraine và Cận Đông còn có tác động chiến lược đến các khu vực khác, khi những tác nhân nhận thấy khả năng phản ứng của phương Tây giảm sút bèn tỏ ra hung hăng hơn. Đó là trường hợp ở Sahel và Châu Phi, khi Pháp phải rút đi và được Nga nhảy vào thay thế. Các tập đoàn quân sự hài lòng khi không còn bị đặt điều kiện về nhân quyền hay chính sách đối nội.

Pháp cũng như các đồng minh Châu Âu đứng trước những thách thức mới. Các cường quốc tái vũ trang với những vũ khí ngày càng tân tiến, cùng với mối đe dọa nguyên tử. Bạo lực quay lại, cả trên mạng và trên không gian. Trật tự thế giới sụp đổ, "các nước phương Nam" muốn làm đối trọng với phương Tây, chiến tranh lại trở thành một giải pháp.

Vẫn bế tắc về Gaza hậu chiến, Israel chịu một ngày tang tóc

Về Trung Đông, La Croix chạy tựa trang nhất "Gaza, một thời hậu chiến mơ hồ". Quốc tế không ngừng tranh luận về tương lai của dải đất này, trong khi các trận đánh ác liệt tiếp diễn. Laure Foucher của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược nhận thấy nội bộ Israel bất đồng nhưng đều không muốn cơ quan quyền lực Palestine (PLO) quay lại Gaza. Washington thì đòi "tiếp thêm sinh lực" cho PLO để lãnh đạo Gaza và Cisjordanie. Nhà nghiên cứu Hugh Lovatt cho rằng ý định này không thực tế, vì chính quyền của ông Mahmoud Abbas đã đạt kỷ lục mất lòng dân do tham nhũng, độc tài.

Libération nhận xét "Israel tang tóc, Netanyahou sa lầy" : Israel vừa mất 24 người lính, trong đó có 21 quân nhân dự bị, chỉ trong một vụ tấn công. Một người lính bộ binh dự bị từng phục vụ ba tháng ở Gaza nay đã trở về với đời sống dân sự cho biết, vẫn giữ thói quen thức giấc vào năm giờ rưỡi sáng, khi quân đội chính thức thông báo số quân nhân tử trận. Đôi khi chẳng có ai, có ngày hai, ba người. Nhưng hôm qua, đến 24 cái tên được phát ngôn viên đọc lên, mất mát lớn nhất kể từ ngày 27/10. Nhóm quân dự bị này không tham gia chiến đấu mà chỉ làm công việc phá hủy những tòa nhà ở nam Gaza và bị tấn công bất ngờ - những chi tiết hiện đang được làm rõ. Thiệt hại lớn lao này đã tác động nặng nề lên chính phủ, trong lúc các gia đình con tin không ngừng gây sức ép.

Pháp : Lạm phát quy định

Nông dân Pháp gia tăng áp lực, nhiều xa lộ bị phong tỏa, chính phủ Gabriel Attal cố gắng tìm giải pháp, đó là vấn đề được chú ý nhiều hôm nay. Les Echos lý luận, không phải với những lý do chính đáng mà người ta có được những quyết định đúng đắn. Để cứu vãn hành tinh, giảm ô nhiễm, chống bất bình đẳng, tránh gian lận, bảo vệ người tiêu thụ, người lao động, người thuê nhà, người khuyết tật… nước Pháp đã trở thành vô địch về đủ loại tiêu chí, quy định và luật lệ.

Một sự lạm phát quy định làm phức tạp mọi vấn đề, đè nặng lên hoạt động kinh tế và tâm lý doanh nghiệp cũng như các gia đình. Mỗi tân bộ trưởng đều ra luật mới. Trong vòng 20 năm, Luật môi trường đã dày thêm 653%, Luật Thương mại 364%, Luật thông tin 311%...

Nông dân biểu tình là do vô số nguyên nhân, nhưng điều làm cho họ tức giận nhất là thói quan liêu hành chánh của Pháp và Châu Âu. Và phía sau cơn giận này, một nước Pháp trầm lặng đến lúc nào đó có thể nói không với việc chuyển sang dùng xe điện, tiết kiệm nước… từ chối điền vào những tờ khai quá dài và quá rắc rối. Tại sao lại làm phức tạp thêm cho cuộc sống ?

Thụy My

Published in Quốc tế

Bất chấp luật quốc tế, Nga dùng khí độc trên chiến trường Ukraine

Thụy My, RFI, 24/01/2024

Về cuộc chiến tranh ở Ukraine, các đặc phái viên của Le Monde tại nhiều điểm ngoài mặt trận trong bài phóng sự ngày 23/01/2024 báo động tình trạng Nga sử dụng khí độc vốn bị công ước quốc tế cấm đoán. Viện Kiểm sát Ukraine khẳng định trong 626 ca ghi nhận được, có 64 ca quân Nga dùng khí CS. Tuy vậy chính quyền Kiev lại ít đề cập đến.

gaz1

Một quân nhân Ukraine trong chiến hào trên tiền tuyến ở vùng Sumy, Ukraine, ngày 20/01/2024. Reuters – Gleb Garanich

Moskva muốn gieo rắc kinh hoàng

Trung tá Dmytro Klymenko, chỉ huy lữ đoàn đặc biệt số 1 Ivan Bohun, cho biết từ nhiều tháng qua tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Bắt đầu là lựu đạn hơi cay do drone ném xuống và nay là bằng đại bác, trước kia chỉ thả vào những địa điểm khép kín như chiến hào hay xe bọc thép, nay thì khắp nơi. Vị sĩ quan này khẳng định đã phải cấp cứu nhiều chiến sĩ bị thương, và một quân nhân do không đưa ra kịp đã tử vong vì khí độc trong chiến hào. Việc dùng khí độc có hai mục đích : buộc các chiến binh ra khỏi hầm trú ẩn để giết chết họ bằng drone tự sát, và loại ra khỏi vòng chiến càng nhiều người càng tốt. Bởi vì một người lính bị thương không đi nổi cần được bốn đồng đội dìu, như vậy dễ chiếm được một vị trí hơn.

Trung tâm phân tích NRBC chấp nhận tiết lộ thêm một số thông tin. Ngoài hơi cay CS, những vụ tấn công hóa học khác đang được điều tra. Đó là những loại khí gây nghẹt thở, nôn mửa, ngứa ngáy trên da và mắt và nếu đậm đặc sẽ gây phỏng. Một người lính Ukraine đã bị mù sau khi phỏng mắt vì khí. Đại úy Dmytro Serhiyenko khẳng định việc dùng khí độc gần đây đã trở thành "chiến thuật chung" của quân Nga, thậm chí cẩm nang sử dụng còn được phổ biến trên các mạng xã hội. Trưởng bộ phận điều tra của Viện Kiểm sát ở Kiev, Yuriy Belusov, cho biết hầu như tất cả khí CS đều từ lựu đạn K-51.

Nhiều chiến binh bực tức vì chính phủ không thẳng thừng tố cáo tội ác này của quân Nga. "Họ luôn nói về những tin tốt lành, còn chúng tôi hàng ngày sống trong địa ngục". Một sĩ quan cho rằng chính quyền muốn binh lính giữ vững tinh thần, nhất là sau một năm đầy khó khăn và chuẩn bị động viên. Bởi vì, như đại úy Dmytro Serhiyenko nhận xét, "mục tiêu của việc dùng khí độc là gieo rắc kinh hoàng".

Kim Jong-un quyết định gây xung đột…

Tại Châu Á, Le Figaro nói về "Mối đe dọa chiến tranh từ Kim Jong-un khiến phương Tây lo ngại". Nhà độc tài Bắc Triều Tiên liên tục có những hành động khiêu khích như sắp lao vào một cuộc xung đột.

Từ đầu năm Bắc Triều Tiên đã có những hành động thù địch : oanh kích đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, hăm he "chiếm đóng toàn bộ" nước anh em tư bản chủ nghĩa, dọa sử dụng vũ khí nguyên tử. Từ nay Hàn Quốc bị ghi vào Hiến pháp là "quốc gia thù địch số một", Bình Nhưỡng quay lưng lại với mục tiêu "thống nhất" xưa nay, làm sống lại bóng ma chiến tranh Triều Tiên. Thứ Sáu tuần trước, Bắc Triều Tiên loan báo thử nghiệm một hệ thống vũ khí nguyên tử dưới biển để trả đũa cuộc tập trận của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson với Hải quân Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tuy chế độ Bắc Triều Tiên vẫn thường có những hành động thị uy, lần này trong bối cảnh Mỹ bận bịu với cuộc chiến Gaza và Ukraine, "Kim Jong-un đã có quyết định chiến lược là gây xung đột" - theo hai nhà nghiên cứu Robert Carlin và Siegfried Hecker, từng phát hiện địa điểm nguyên tử ở Yongbyon năm 2010. Kim Jong-un có thể tiến hành những hành động "vượt khỏi mọi sự tính toán của chúng ta" và liên kết với Moskva.

…hay chỉ là "chiến tranh tâm lý" ?

Bình Nhưỡng sở hữu 50 đến 60 đầu đạn nguyên tử, đã thử nghiệm một hỏa tiễn ICBM mới là Hwasong 18, và hôm 14/01 đến lượt hỏa tiễn tầm trung (IRBM) trang bị đầu đạn siêu thanh khó phát hiện. Những tiến bộ này được tuyên truyền ầm ĩ nhưng khó thể xác định được. Nhiều người cho rằng Kim Jong-un muốn phục thù sau khi thất bại trong cuộc gặp Donald Trump ở Việt Nam. Nhà nghiên cứu Cheong Seong-chang của Sejong Institute cho rằng "Bắc Triều Tiên rất tự tin với những tiến bộ vũ khí, nhất là chiến tranh ở Ukraine bộc lộ sự hạn chế của viện trợ Mỹ cho các đồng minh". 

Theo ông Cheong, Kim Jong-un không còn muốn đàm phán với Hoa Kỳ, mà nay có thể dựa vào Nga và Trung Quốc. Còn theo Jean Lee, cựu giám đốc văn phòng Associated Press ở Bình Nhưỡng, Kim Jong-un vẫn hy vọng được đàm phán với Trump. Nhưng nhà nghiên cứu Go Myong-hyun ở Seoul cho rằng, đây chỉ là "chiến tranh tâm lý" của Bắc Triều Tiên, lợi dụng dịp bầu cử và có sự hỗ trợ của Nga. Hàn Quốc sẽ bầu Quốc hội vào tháng 4 và Mỹ bầu tổng thống tháng 11.

"Thống chế" có thể đi xa đến đâu ? Tuy việc xâm lăng một láng giềng - có hiệp ước hỗ tương quốc phòng với Washington và sở hữu kho vũ khí thuộc loại tiên tiến nhất - có thể coi là tự sát, nhưng Bắc Triều Tiên có thể oanh kích để thử phản ứng của Mỹ, tiếp tục đòi hỏi năm hòn đảo tranh chấp ở Hoàng Hải.

Putin, "người bạn thiết của nhân dân Bắc Triều Tiên" thăm Bình Nhưỡng

Trong khi đó Vladimir Putin sắp được tiếp đón trọng thể tại quảng trường Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) ở Bình Nhưỡng. Hôm Chủ nhật chế độ độc tài loan báo "Người bạn thân thiết nhất của nhân dân Triều Tiên" đã chấp nhận lời mời của Kim Jong-un – một cách vừa thách thức phương Tây vừa "đá xéo" Trung Quốc của Tập Cận Bình. Tuần trăng mật giữa "lãnh tụ tối cao" và ông chủ điện Kremlin bắt đầu từ cuộc gặp ở Siberia tháng 9 năm ngoái. Sự kiện này xác nhận việc Bắc Triều Tiên cung cấp đạn cho quân đội Nga trên chiến trường Ukraine, đổi lại được Moskva trợ giúp trong lãnh vực không gian.

Từ tháng 10/2023 Mỹ khẳng định Bắc Triều Tiên đã cung cấp cho Nga trên 1.000 container vũ khí, đạn dược. Đáng lo nhất là trong đó có nhiều hỏa tiễn. Loại KN-23 tương đương với hệ thống đạn đạo Iskander của Nga, có thể phóng đầu đạn 500 kg xa 450 kilomet, loại KN-24 tầm xa 410 kilomet, và các hỏa tiễn tương tự như MGM-140 Atacms của Mỹ. Kênh truyền hình dân tộc chủ nghĩa Nga Tsargrad đưa tin này từ tháng 11 năm ngoái, nói rằng Moskva còn nhận được "vũ khí bí mật" KN-25, là loại rốc-kết phóng loạt (MLRS) dùng loại đạn lên đến 600 ly, độc nhất trên thế giới...

Theo phía Mỹ, Nga đã dùng hỏa tiễn Bắc Triều Tiên trong đợt tấn công quy mô vào Ukraine vừa qua. Cụ thể hôm 30/12 một tên lửa của Bắc Triều Tiên đã rơi xuống Zaporijia và ngày 02/01 thêm nhiều hỏa tiễn khác bắn vào lãnh thổ Ukraine. Nhưng trang Grey Zone vốn thân cận với Wagner nói rằng trên thực tế vũ khí từ kho tồn trữ cũ của Bắc Triều Tiên "đúng là đồ hàng mã", không đánh trúng mục tiêu và lượng thuốc súng thì ít hơn so với thông tin.

Moskva hy vọng bớt lép vế trước Bắc Kinh

Chuyến thăm Bắc Triều Tiên lần đầu tiên từ 24 năm qua gây lo ngại một sự leo thang trên bán đảo và một mặt trận mới tại Đông Á, trong bối cảnh Nga đối đầu với Hoa Kỳ và đồng minh. Vấn đề là Vladimir Putin có tìm cách tăng cường quan hệ để làm đối trọng với phương Tây ở Châu Á-Thái Bình Dương hay không. Bắc Kinh và Washington đều theo dõi hồ sơ này, thêm một trắc nghiệm sau Đài Loan và Biển Đông. Đang gặp khó khăn kinh tế, Trung Quốc không mấy ưa việc hai láng giềng ở đông bắc xích lại gần nhau, tuy cùng chống Mỹ, nhưng lại đe dọa sự ổn định ở biên giới.

Chuyên gia Nga Dmitry Mosyakov nhấn mạnh, một khối không chính thức Nga-Trung Quốc-Bắc Triều Tiên sẽ đối đầu với nỗ lực của Mỹ liên kết với Philippines, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc về quân sự. Một liên minh như vậy đã có từ thời chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Trung Quốc cung cấp lính và vũ khí, Nga yểm trợ trên không và các phương tiện khác. Tất nhiên, tình hình bây giờ khác, Nga đang khốn đốn với Ukraine nên không ham mở thêm một cuộc xung đột mới. Nhưng tam giác Đông Á này, với Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí nguyên tử, là hòn sỏi khó chịu trong chiếc giày Bắc Kinh. Một lá bài mà Moskva đặt hy vọng, trong lúc quan hệ với Trung Quốc ngày càng bất lợi.

Bối cảnh bất ổn này nhắc lại mùa hè 1950, khi ông nội của Kim Jong-un gây chiến với miền nam, được Stalin bật đèn xanh nhưng Mao do dự. Thời đó Washington tỏ ra nhập nhằng trước bức màn sắt ở Châu Âu. Tính toán sai lầm của Kim Nhật Thành đã làm 3 triệu người chết, trong cuộc "xung đột nóng" đầu tiên của chiến tranh lạnh.

Nikki Haley, cơ hội cuối cùng của cánh hữu chống Trump

Nhìn sang Hoa Kỳ, các báo đều chú ý đến việc bà Nikki Haley đang "chơi ván bài cuối cùng" trước ông Donald Trump ở New Hampsphire, sau khi ông Ron DeSantis bỏ cuộc và tuyên bố ủng hộ ông Trump. La Croix coi New Hampsphire là "Cơ hội cuối cùng của cánh hữu chống Trump", Libération nói về "Nikki Haley, đối thủ cuối cùng của Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ". Les Echos tự hỏi, liệu chiến dịch tranh cử sơ bộ có dừng lại tối nay hay không, sau cuộc bỏ phiếu tại bang này ?

Sau Iowa, mà Trump đã chiến thắng tại 98/99 hạt, New Hampsphire chỉ mới là bang thứ hai, nhưng chừng như đã mang tính quyết định. Cử tri độc lập khá nhiều tại đây, nhưng khoảng cách trong thăm dò khá lớn : 50% cho Donald Trump và 39% cho cựu thống đốc Nam Carolina. Các nhà tài trợ đang dòm ngó để xem có thể đầu tư tiếp hay không. Một người nhận xét, người ta đi bầu khi hào hứng hoặc phẫn nộ, nhưng hiện nay nhiệt tình chỉ có ở phía ông Trump. The Wall Street Journal dự báo cựu tổng thống có thể được đảng Cộng Hòa đề cử chính thức từ ngày 19/03.

Libération nhận thấy trong thời điểm bình thường thì Nikki Haley là một ứng cử viên tuyệt vời : nghiêm túc, quyết tâm, tài năng, hai lần là thống đốc Nam Carolina, kiến thức đối ngoại hơn hẳn các ứng cử viên khác. Nhưng 2024 không phải là một năm bình thường, "cuộc cách mạng Trump" đã đạt đến mức kiểm soát được đảng Cộng Hòa, và chưa ai tìm được chiến lược đúng đắn để thắng ông Trump. Đối đầu như Chris Christie, bắt chước như Vivek Ramaswany, cạnh tranh như Ron DeSantis đều đã thất bại. Nikki Haley thành công hơn khi tránh tấn công trực diện Donald Trump, nhưng rốt cuộc bà đã "quên rằng vì sao lại ra ứng cử" chống lại Trump.

Thụy My

Published in Quốc tế

Vì nhu cầu bổ sung kho súng đạn của các nước thành viên và cũng để hỗ trợ cho Ukraine, Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), vừa đặt hàng thêm 1,2 tỷ USD đạn pháo.

uk1

Quân nhân Ukraine ở chiến trường chống Nga bê đạn pháo 155 ly, nặng 45kg

Phát biểu ngày 23/01/2024, Tổng thư ký NATO ông Jens Stoltenberg và lãnh đạo ngành hậu cần của khối (NSPA), bà Stacy Cummings thông báo về các hợp đồng mới nhất, trị giá 1,2 tỷ USD.

Ông Stoltenberg nói cuộc chiến của Nga ở Ukraine "là cuộc chiến về số đạn dược, nên điều rất quan trọng nay là để các nước trong NATO bổ sung kho của họ, khi mà chúng tôi tiếp tục ủng hộ Ukraine".

Các báo Châu Âu đưa tin về sự kiện này cho biết NATO ký thay cho một số quốc gia thành viên vì họ "sẽ chuyển số đạn pháo này cho Ukraine, hoặc bổ sung vào kho của nước họ".

Cùng nhau mua số lượng lớn sẽ rẻ hơn là mua đơn lẻ, trang RFERL cho hay.

Hiện nay, pháo cỡ 155mm, nặng chừng 45kg, theo ‘chuẩn vàng’ NATO đã được dùng ở chiến trường phía Đông và Nam của Ukraine.

Kể từ tháng 7/2023, khi NATO đồng ý về một kế hoạch hành động cho sản xuất vũ khí, NSPA đã ký các hợp đồng trị giá 10 tỷ USD để mua đạn dược.

Những thỏa thuận mới nhất gồm hợp đồng 5,5 tỷ USD để mua 1000 tên lửa Patriot, và 4 tỷ USD mua đạn pháo 155 ly, hỏa tiễn chống tăng và đạn cho xe tăng. NSPA cũng mua thêm sáu phi cơ E-7A Wedgetail với hợp đồng dự kiến ký trong năm nay, 2024.

Theo các thỏa thuận đã công bố từ mấy tháng trước, Hoa Kỳ sẽ sản xuất ít nhất 100 nghìn đạn pháo 155 mm mỗi tháng vào năm 2025, và Châu Âu sẽ phải tăng năng suất chế tạo đạn pháo cùng loại lên 150% trong năm 2024.

Cuộc chạy đua về đạn pháo lớn

Trong tháng 12/2023, tin tức từ chiến trường chống quân Nga của các lực lượng vũ trang Ukraine cho hay họ đã thiếu đạn dược, nhất là đạn pháo 155mm.

Chính quyền Ukraine một mặt tìm cách hợp tác sản xuất với Hoa Kỳ, một mặt kêu gọi các nước NATO ủng hộ họ về đạn pháo.

Nga cũng đã đẩy nhanh tiến độ sản xuất đạn pháo 155mm M2, loại cải tiến của đạn Krasnopol vốn có đường kính nhỏ hơn (152mm) và tầm bắn ngắn hơn (20km).

Pháo dùng đạn 155mm M2 của Nga nay có tầm bắn tới 26km và một số nguồn Phương Tây nói Nga đang trên đà tăng 25% số lượng đạn này trong năm nay, chủ yếu để dùng cho chiến trường Ukraine.

Trước đó có tin Nga nhận đạn pháo từ Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên vì thiếu đạn ở Ukraine.

NSPA tức NATO Support and Procurement Agency, là cơ quan chuyên lo về việc hỗ trợ và đặt hàng của NATO, tuyển chừng 1200 người và có cơ sở ở Pháp, Ý, Luxembourg và Hungary.

Nguồn : BBC, 23/01/2024

*****************************

Pháp tăng tốc sản xuất vũ khí để viện trợ cho Ukraine như thế nào ?

Thu Hằng, RFI, 22/01/2024

Pháp "tiếp tục hỗ trợ Ukraine", "không để cho Nga chiến thắng". Cam kết này được tổng thống Emmanuel Macron tái khẳng định khi chúc mừng Năm mới các lực lượng vũ trang tại căn cứ hải quân Cherbourg ngày 19/01/2024. Ông Macron khẳng định : "Một nền kinh tế chiến tranh không còn là khẩu hiệu, mà phải tăng khả năng sản xuất nhanh hơn và mạnh hơn". Mục đích là tăng số vũ khí viện trợ cho Ukraine và nhất là rút ngắn thời gian chuyển giao.

uk1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kiểm tra hệ thống pháo Caesar trong chuyến thăm căn cứ hải quân Cherbourg, Pháp, ngày 19/01/2024 via Reuters - Pool

Tổng thống Pháp khẳng định đích thân ông sẽ thông báo giao vũ khí trong chuyến công du Kiev dự kiến vào tháng 2. Cụ thể, Pháp sẽ giao 6 khẩu pháo Caesar, 40 tên lửa SCALP, khoảng 50 tên lửa không đối địa, vài trăm quả bom, tăng số lượng đạn pháo sẽ giao. Thực ra, tên lửa SCALP được dự kiến thay thế bằng chương trình tên lửa FMAN/FMC ngay cuối thập niên này.

Tăng tốc viện trợ vũ khí cho Ukraine

Để đáp ứng nhịp độ giao vũ khí mới, Pháp triển khai "nền kinh tế chiến tranh", các nhà máy sẽ phải tăng tốc và nâng cao năng suất. Trả lời RFI sáng 22/01, dân biểu đảng Renaissance (Phục Hưng) Thomas Gassillou, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và Các lực lượng Vũ trang của Hạ Viện, giải thích : "Nền kinh tế chiến tranh đã được triển khai và tiếp tục phát triển. Ví dụ về sản xuất pháo Caesar, chúng ta đã giảm bớt 2 lần thời gian sản xuất và hiện giờ chúng ta có khả năng hỗ trợ Ukraine nhiều hơn so với năm ngoái".

Trước đó, bộ trưởng Quân lực Pháp Sébastien Lecornu cho biết tập đoàn Nexter đã giảm một nửa thời gian sản xuất pháo, có thể sản xuất 6 khẩu mỗi tháng. Theo dự kiến, sẽ có 72 khẩu pháo Caesar được sản xuất trong năm 2024, chủ yếu được giao cho Ukraine. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cung cấp đủ đạn và đặt cơ sở của Nexter gần Kiev để bảo trì pháo, thậm chí là sản xuất đạn tại Ukraine.

Ngay trong năm 2024, Pháp sẽ giao khoảng 3.000 đạn pháo mỗi tháng, thay vì 2.000 như năm 2023 và 1.000 trong thời gian đầu khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine. Theo nhật báo kinh tế Les Echos, con số này còn khiêm tốn so với nhu cầu trên chiến trường, nhưng cả thế giới đang bị thiếu thuốc pháo. Chính phủ Pháp vừa cho khởi động lại nhà máy sản xuất thuốc pháo Eurenco ở Bergerac, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2025.

Hiện giờ, về tương quan lực lượng trên chiến trường, Ukraine bị yếu thế so với Nga. Quân đội Ukraine chỉ "bắn từ 5.000 đến 8.000 đạn pháo 155 ly mỗi ngày", bằng một nửa so với "10.000 đến 15.000 quả" từ phía Nga. Trong báo cáo được công bố ngày 17/01 sau chuyến công du Ba Lan và Ukraine tháng 12/2023, Ủy Ban đối Ngoại và Quốc Phòng Thượng Viện Pháp còn cảnh báo về "ưu thế của Nga về quân số, từ tháng 05-12/2023, số lính Nga trên mặt trận có lẽ đã tăng 20%, số xe tăng và pháo có lẽ tăng đến 60%".

Ngành công nghiệp quốc phòng tăng tốc

Báo cáo nhận thấy "hỗ trợ của Châu Âu bị hụt hơi và tình hình ngày càng phức tạp hơn", Liên Hiệp Châu Âu (EU) không giữ được lời hứa cung cấp 1 triệu đạn pháo cho Ukraine. Nhưng thực tế đằng sau là ngành công nghiệp Châu Âu trì trệ, trong đó có Pháp. Khi tuyên bố không để cho Nga chiến thắng tại Ukraine, tổng thống Macron còn trực tiếp hướng đến ngành công nghiệp quốc phòng Pháp.

Dân biểu Thomas Gassillou giải thích : "Nền công nghiệp quốc phòng của Pháp trong vòng 20-30 năm chỉ quen với tình trạng khá thoải mái. Ý tôi muốn nói nhà nước là khách hàng, nhà nước là nhà đầu tư. Nhà nước đồng hành với các doanh nghiệp này ở nước ngoài. Hiện giờ, những doanh nghiệp quốc phòng này nên có đầu óc phiêu lưu, tái cấu trúc để sản xuất nhiều hơn, để tăng tốc nỗ lực về sáng tạo. Tình hình ở Ukraine đã cho thấy tính ưu việt của công nghệ mới, trong đó có drone, trí thông minh nhân tạo… Cho nên, đây lại là một dấu hiệu thức tỉnh để cho nền kinh tế chiến tranh làm tốt hơn, nhiều hơn và tiếp tục sáng tạo".

Cuộc chiến tại Ukraine sắp bước sang năm thứ ba và chưa có triển vọng chấm dứt. Các nước đồng minh đang hỗ trợ Ukraine chuyển từ vũ khí thời Liên Xô sang vũ khí tương thích với NATO. Đây là lý do giải thích cho sự thành lập các nhóm "năng lực" theo loại vũ khí. Pháp đồng điều hành "liên minh pháo binh" với Hoa Kỳ và tham gia "liên minh phòng không" do Đức điều phối.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 22/01/2024

*****************************

Cuộc chiến trên sông ở Ukraine : Drone đồng nghĩa không còn nơi nào an toàn

James Waterhouse, BBC, 22/01/2024

Có rất ít nơi nào tại Ukraine mà từ đó bạn có thể phóng tầm mắt đến vùng lãnh thổ đang bị Nga chiếm đóng.

uk2

Kherson nằm trên sông Dnipro ở phía nam Ukraine, hiện là một phần quan trọng trên tiền tuyến giữa lực lượng Ukraine và Nga

Bờ tây con sông Dnipro ở thành phố Kherson là một trong số đó.

Bạn không thể nhìn thấy binh lính Nga ở bờ sông thấp và bùn lầy bên kia, nhưng bạn biết họ ở đó.

Tiếng pháo ập đến khi chúng tôi tới một khu chung cư bỏ hoang, như một lời gợi nhắc chói tai.

Trong chiến tranh, pháo kích là điều không có gì xa lạ. Nhưng đơn vị chúng tôi gặp đang phải đương đầu với một trong những vũ khí hiện đại quan trọng trong cuộc xâm lược này, đó là drone (thiết bị bay không người lái).

Đứng nép vào một bên tòa nhà và ẩn nấp dưới cầu thang, chúng tôi được dẫn vào bên trong, từ những cơn gió mùa đông buốt giá chuyển sang sự ấm cúng trong một phòng khách quân sự.

Mùi thuốc lá điện tử hương dâu tây trên người những binh lính Ukraine đang ngồi trên những chiếc ghế bành, với vẻ ngoài tập trung tĩnh tại bên cạnh lon nước tăng lực Monster.

Bạn thấy rằng tấm giấy dán tường hoa hòe phía sau không phải là sự lựa chọn của họ.

uk3

Những người lính đeo bộ điều khiển drone FPV từ một tòa nhà ở bờ tây Dnipro

Artem, một phi công 20 tuổi, đột nhiên đứng dậy. Họ được biết quân Nga đã phóng một thiết bị drone từ phía bờ bên kia.

Tymur, chỉ huy đội Samosud thuộc Lữ đoàn Vệ binh Quốc gia số 11 của Ukraine giải thích : "Chúng đến từ một địa điểm mà chúng tôi biết".

"Mục tiêu của chúng tôi là hạ các phi công. Chúng tôi nắm được tọa độ nên sẽ bay tới đó ngay bây giờ".

Có ít nhất hàng chục chiếc drone trên sàn nhà - tất cả đều chứa đầy lựu đạn.

Một con mèo, linh vật không chính thức của đơn vị, chui rúc vào một trong những cánh quạt.

uk4

Drone là vũ khí đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả trong cuộc chiến tranh này

Drone được mang ra ngoài khi Artem đeo bộ kính thực tế ảo (VR) của mình.

Chúng tôi xem màn hình hiển thị khi anh ấy cho chiếc drone di chuyển qua sông, tiến vào lãnh thổ bị chiếm đóng. Từ vị trí thuận lợi này, không có dấu hiệu rõ rệt nào của sự sống.

Sau vài km, chiếc drone của Artem bay đến một khu công nghiệp. Nó di chuyển qua một nhà kho trước khi bay sát một dãy nhà chung cư, giống như căn hộ chúng tôi đang ngồi.

Cuối cùng, anh ta phát hiện ra một ăng-ten bên cạnh cửa sổ ở cầu thang và bay thẳng vào đó. Màn hình chuyển sang màu xanh. Artem thở ra và gỡ bộ VR xuống.

Artem nói : "Khi lần đầu tiên làm điều này chúng tôi cảm thấy thật xúc động. "Bây giờ đây là công việc bình thường".

"Tôi không có đủ thời gian để chơi game trước [cuộc xâm lược toàn diện]. Giờ thì tôi đang tranh thủ !"

uk5

Drone có thể bay hàng km để tìm mục tiêu ở phía sông do Nga chiếm đóng

Họ phóng một chiếc drone khác nhưng màn hình chuyển sang màu xanh ngay khi nó băng qua sông.

Người Nga đã bật hệ thống phá sóng.

Chiếc drone thứ ba sau đó thực hiện cuộc hành trình tương tự. Lần này chiếc drone vượt qua được và Artem quay trở lại khu chung cư.

Anh ta có thể xác nhận ăng-ten đã bị phá hủy. Khi pin còn đủ cho 10 phút, anh ta cho nó bay đi để dò xem có phát hiện hay tiêu diệt được những gì khác không.

Đơn vị của Artem đang nhắm vào con đường chính mà người Nga sử dụng để vận chuyển vật tư. Dân thường bị cấm lái xe ở đó, vì vậy các phi công điều khiển drone của Ukraine đã dùng bánh xe tông vào bất cứ thứ gì.

Artem phát hiện một trạm kiểm soát của Nga và bay về phía đó. Thật không may cho anh, quân Nga sử dụng súng áp chế drone và màn hình chuyển sang màu xanh khi anh cho drone bay đến gần. Anh lại thở dài.

Tymur nói : "Cho dù chúng tôi có đánh trúng vào những nơi tương tự nhau bao nhiêu lần đi chăng nữa, [người Nga] vẫn liên tục tăng cường lực lượng". "Họ thuộc kiểu không biết sợ là gì".

Với mỗi chiếc drone có giá khoảng 500 USD, đó là một chu kỳ của việc phóng, tìm kiếm và tiêu diệt liên tục.

Tuy nhiên, lợi thế đạt được có thể rất đáng kể. Tymur cho biết nhóm của anh từng phá hủy hệ thống tên lửa phòng không S-350 trị giá 136 triệu USD.

Drone đồng nghĩa là người Nga không thể ẩn náu ở bất cứ đâu trong phạm vi 10 km tính từ tiền tuyến.

Nhưng điều quan trọng nhất là những kẻ xâm lược đang làm điều tương tự với người dân Ukraine.

Dưới sự giám sát liên tục của drone và sự bắn phá của kẻ thù, sự sống dần thoi thóp trên đường phố Kherson. Ngoài việc di chuyển hạn chế lên Dnipro gần thị trấn Krynky, các cuộc tấn công của Ukraine ở đây chỉ mang tính thăm dò và đòi hỏi sự kiên nhẫn.

Trong một công viên phủ đầy tuyết ở Kherson, chúng tôi gặp một đội phòng không cơ động dưới lối đi có mái vòm. Chúng tôi được yêu cầu di chuyển theo nhóm nhỏ để quan sát drone của Nga.

Khi chúng tôi sải bước về phía trước trong bộ giáp chống đạn, những người dắt chó đi dạo quay lưng lại với chúng tôi với vẻ có chút bối rối.

"Biệt hiệu của tôi là King", phó chỉ huy Lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ 124 nói khi đập tay để chào hỏi. Họ đang vây quanh một chiếc xe tải đăng ký ở Anh với một khẩu súng máy cỡ nòng 50 mm gắn ở phía sau.

"Chúng tôi làm việc 24/7", ông nói. "Chúng tôi tiêu diệt tất cả các loại drone, chủ yếu là Shahed do Iran sản xuất".

uk6

Các đơn vị phòng không cơ động ở Kherson liên tục di chuyển để tránh bị phát hiện

"Các nhà máy của Nga đang gia tăng sản xuất phục vụ quân đội. Họ không ngừng tăng cường sức mạnh. Tại thời điểm này, họ hoạt động không ngừng nghỉ".

Vậy King có nghĩ liệu lực lượng Ukraine có thể vượt sông với binh số đông đảo trong năm nay không ?

"Thật khó để nghĩ về chuyện đó", ông đáp. "Chúng tôi chỉ đang làm công việc của mình để đảm bảo điều đó xảy ra càng sớm càng tốt".

Với các gói viện trợ quân sự lớn đang bị rơi vào thế bế tắc liên quan đến những bất đồng chính trị ở Mỹ và Liên minh Châu Âu, Ukraine đang phải xoay sở và tự thân vận động.

Một gói viện trợ quân sự trị giá 2,5 tỷ bảng Anh mới từ London đã được Ukraine đón nhận, trong đó 200 triệu bảng được dành riêng cho drone. Nhưng Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng đã cam kết sẽ sản xuất một triệu chiếc như vậy ở biên giới Ukraine.

Ở vùng ngoại ô Kherson, trên một cánh đồng tuyết phủ giá băng, các phi công thực hành lái bằng drone với chai nhựa buộc bên dưới thay cho lựu đạn.

Chỉ mất 14 giờ đào tạo để đủ tiêu chuẩn trở thành phi công lái drone. Chính phủ Ukraine đang khuyến khích người dân tham gia huấn luyện miễn phí cũng như sản xuất drone trong nước để gửi đến tiền tuyến.

uk7

Những người lính nói rằng họ có thể hội đủ điều kiện trở thành phi công lái drone chỉ sau 14 giờ

Đội chiếc mũ trùm đầu, Stitch giải thích tầm quan trọng của drone trong cuộc chiến tranh hao mòn này.

Người chỉ huy drone nói : "Chúng tôi đang tham gia vào một cuộc đấu tranh về công nghệ, một cuộc chạy đua vũ trang : ai sẽ là người đầu tiên phát minh ra cái gì, ai sẽ lắp ráp thứ gì đó hay ho".

Người ta thừa nhận rộng rãi rằng một số cải tiến hiện nay cần phải diễn ra cùng lúc để tiền tuyến có những bước thay đổi đáng kể.

Tổng tư lệnh Ukraine, Tướng Valerii Zaluzhnyy nói với tạp chí Economist vào tháng 11 rằng Nga và Ukraine đã "đạt đến trình độ công nghệ khiến đôi bên rơi vào bế tắc".

Vấn đề đối với Ukraine chưa bao giờ là những gì được các đồng minh cung cấp mà là khi nào.

Stitch nói : "Trong Thế chiến thứ Nhất, ngành hàng không đã ra đời. Bây giờ chúng ta đang bắt đầu cuộc chiến tranh drone trong tương lai, có thể trong hai thập kỷ nữa sẽ lật ngược tình thế của bất kỳ cuộc chiến nào".

James Waterhouse

Nguồn : BBC, 22/01/2024

****************************

Tổng thống Zelenskyy ca ngợi kiều dân Ukraine giúp đỡ cuộc kháng chiến chống Nga

Reuters, VOA, 22/01/2024

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm 22/1 đã cảm ơn kiều dân Ukraine ở nước ngoài vì sự hỗ trợ của họ trong cuộc xâm lược của Nga và đề xuất thay đổi Hiến pháp để cho phép song tịch.

uk8

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy

Hiến pháp Ukraine không cho công dân Ukraine quyền có hai quốc tịch, vì vậy hàng triệu người gốc Ukraine sống ở nước ngoài không thể giữ hộ chiếu Ukraine.

Trong một cử chỉ mang tính biểu tượng vào Ngày Thống nhất Ukraine, vốn đánh dấu kỷ niệm ngày thống nhất miền đông và miền tây Ukraine vào năm 1919, Tổng thống Zelenskyy cho biết ông đang đệ trình dự thảo luật cho phép song tịch lên quốc hội.

"Hôm nay tôi đệ trình lên Quốc hội dự luật quan trọng cho phép thông qua các sửa đổi lập pháp toàn diện và đưa ra điều luật nhiều quốc tịch", ông Zelenskyy cho biết.

"Và nó sẽ cho phép tất cả người Ukraine và con cháu của họ từ khắp nơi trên thế giới có quyền công dân Ukraine. Tất nhiên, ngoại trừ công dân của đất nước xâm lược".

Các quan chức Ukraine thường gọi Nga là quốc gia xâm lược sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào ngày 24/2 năm 2022 và chiếm đóng nhiều vùng lãnh thổ Ukraine.

Ông Zelenskyy thường xuyên nhấn mạnh sự cần thiết phải đoàn kết trong khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine kéo dài và Kyiv phụ thuộc nhiều vào viện trợ quân sự và tài chính từ nước ngoài.

Cảm ơn cộng đồng kiều bào Ukraine vì sự hỗ trợ của họ, bao gồm cả những người đã về nước chiến đấu cho Ukraine, ông Zelenskyy cho biết dòng chữ ‘Tôi là người Ukraine’ mang ý nghĩa đặc biệt, đồng thời ca ngợi ‘sự bất khuất của dân tộc chúng ta’.

Thay đổi Hiến pháp cần sự phê chuẩn của Quốc hội, quá trình có thể mất khoảng một năm, và sự cho phép của Tòa án Hiến pháp.

Nguồn : VOA, 22/01/2024

****************************

Xảy ra vụ nổ tại cơ sở khí đốt ở St Petersburg, giới chức Nga nói

Oliver Slow, BBC, 21/01/2024

Một vụ nổ đã xảy ra tại cơ sở xuất khẩu khí đốt gần thành phố St Petersburg của Nga, giới chức cho hay.

uk9

Vụ nổ đã gây ra hỏa hoạn lớn, hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti nói. Hãng này cho biết đám cháy đã được khống chế và cho đến nay không có tin thương tích.

Hiện chưa rõ nguyên nhân vụ cháy nhưng truyền thông địa phương tường thuật rằng người ta đã nhìn thấy máy bay không người lái trong khu vực.

Cả Nga và Ukraine đều đã sử dụng máy bay không người lái trong cuộc xung đột hiện nay. Ukraine thường không thừa nhận những cuộc tấn công như vậy.

Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine gần hai năm trước nhưng đạt được không mấy tiến bộ trong những tháng gần đây.

Hôm Chủ Nhật, 13 người đã thiệt mạng và 10 người bị thương do pháo kích ở thành phố Donetsk do Nga kiểm soát ở miền đông Ukraine, ông Alexei Kulemzin, thị trưởng thành phố do Nga bổ nhiệm cho biết. Kiev cũng chưa bình luận về cuộc tấn công đó.

Liên quan đến vụ nổ hôm Chủ Nhật gần St Petersburg, thống đốc khu vực Alexander Drozdenko cho biết "chế độ cảnh báo cao" đã được áp dụng sau vụ việc tại cơ sở của hãng sản xuất khí đốt Novatek, ở Ust-Luga trên Vịnh Phần Lan. Ông đã chia sẻ một đoạn video về một đám cháy lớn.

Hãng tin Shot của Nga dẫn lời người dân địa phương cho biết họ nghe thấy tiếng máy bay không người lái, sau đó là một số vụ nổ ở Ust-Luga, gần biên giới Nga với Estonia.

Fontanka, một hãng tin có trụ sở tại St Petersburg, cho biết ít nhất hai máy bay không người lái đã được phát hiện bay về phía thành phố trước khi đám cháy bùng phát.

Cơ quan này cho biết có ba tàu chở dầu quốc tế lớn ở gần đám cháy, mặc dù không có báo cáo về thiệt hại đối với ba tàu này.

BBC chưa xác minh chi tiết những gì đã xảy ra và các quan chức Ukraine cũng không đưa ra bình luận nào.

Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết họ đã bắn hạ ba máy bay không người lái của Ukraine ở Vùng Smolensk, gần biên giới với Ukraine vào tối thứ Bảy. Trước đó, nước này cho biết họ đã bắn hạ các máy bay không người lái ở Tula và Oryo, đều thuộc miền tây nước Nga.

Không có báo cáo về thương vong.

Nga và Ukraine đang nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau, và hôm thứ Sáu, một đám cháy đã bùng phát tại một kho dầu ở Bryansk, phía tây nam nước Nga , mà Moscow đổ lỗi cho cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine.

Vụ việc xảy ra một ngày sau vụ tấn công nhằm vào một kho dầu lớn ở St Petersburg.

Hôm thứ Năm, Nga tuyên bố đã chiếm được một ngôi làng gần thành phố Bakhmut bị tàn phá, ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine. Kiev chưa xác nhận thông tin này.

Ukraine đã nhiều lần cảnh báo rằng quân đội nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược trầm trọng, nhưng đã đặt mục tiêu sản xuất trong nước một triệu máy bay không người lái trong năm nay.

Nga đã tiến hành cuộc xâm lược quốc gia láng giềng gần hai năm trước.

Oliver Slow

Nguồn : BBC, 21/01/2024

Published in Quốc tế

Liên Hiệp Châu Âu sẽ gia tăng sản xuất đạn pháo cho Ukraine

Thanh Phương, RFI, 20/01/2024

Tuyên bố trong chuyến viếng thăm thủ đô Tallinn của Estonia hôm qua, 19/01/2024, Ủy viên Châu Âu đặc trách thị trường nội địa và công nghiệp Thierry Breton cho biết Liên Hiệp Châu Âu sẽ đẩy mạnh sản xuất đạn pháo để vừa viện trợ cho Ukraine, vừa khôi phục các kho dự trữ của Liên Âu.

uk1

Binh lính Ukraine sử dụng pháo tự hành Caesar do Pháp chế tạo trong cuộc chiến chống Nga. AP - Libkos

Theo AFP, ông Breton khẳng định từ đây đến cuối năm Liên Hiệp Châu Âu sẽ có khả năng sản xuất ít nhất 1,3 triệu đạn pháo và sẽ tăng mạnh sản lượng vào năm tới. Theo Ủy viên Châu Âu đặc trách công nghiệp, phần lớn đạn pháo do các công ty Châu Âu sản xuất sẽ được ưu tiên dành cho Ukraine trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nga.

Về phần thủ tướng Estonia Kaja Kallas, bà lưu ý là theo nguồn tin của Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên đã cung cấp cho Nga hơn một triệu quả đạn pháo, để được Moskva giúp phát triển công nghệ vệ tinh quân sự. Cho nên, đối với ông Breton, viện trợ đạn pháo cho Ukraine là một nhu cầu vô cùng cấp thiết.

Hôm qua, tổng thống Emmanuel Macron cũng đã kêu gọi các công ty quốc phòng của Pháp đẩy mạnh tiến trình chuyển sang "nền kinh tế chiến tranh" để nhanh chóng đáp ứng các nhu cầu của Ukraine. Phát biểu tại căn cứ hải quân Cherbourg ở miền bắc khi chúc Tết Dương lịch các binh chủng quân đội Pháp, tổng thống Macron tuyên bố : " Chúng ta sẽ tiếp tục giúp đỡ Ukraine, bởi vì chúng ta không thể để cho Nga nghĩ rằng họ sẽ chiến thắng. Một chiến thắng của Nga đồng nghĩa với sự cáo chung của an ninh Châu Âu".

Trong tuần này, Paris đã thông báo viện trợ thêm cho Kiev 40 tên lửa tầm xa Scalp, cung cấp Ukraine khoảng 50 quả bom mỗi tháng trong vòng 1 năm, gia tăng sản xuất đạn pháo 155mm và tài trợ cho việc sản xuất thêm 12 súng đại bác Caesar.

Trong khi đó, hôm qua, Nga đã triệu đại sứ Pháp tại Moskva lên để chính thức phản đối về vai trò "ngày càng lớn" của Paris trong cuộc chiến Ukraine, vài ngày sau khi thông báo đã oanh kích vào "một nhóm lính đánh thuê Pháp".

Thanh Phương

**************************

AIEA : Mìn được gài lại xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia của Ukraine

Chi Phương, RFI, 20/01/2024

Trong lúc Nga và Ukraine vẫn tiếp tục giao tranh trên nhiều mặt trận, tối 19/02/2024, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) cho biết khu vực nhà máy điện Zaporijjia lại bị gài mìn", đe dọa đến an ninh của nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Châu Âu.

uk2

Nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia tại Ukraine, hiện nằm dưới quyền kiểm soát của Nga. © Anissa El Jabri / RFI

Thông cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, được AFP trích dẫn, nói rõ các quả mìn đã được "gỡ bỏ từ tháng 11 năm ngoái, nhưng sau đó đã được gài lại" và điều này "không phù hợp với các yêu cầu về an ninh" của nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Châu Âu. Các nhân viên vận hành nhà máy bị cấm vào các khu vực có mìn, giữa hàng rào bên trong và bên ngoài của nhà máy. 

AIEA cũng cho biết Nga đã ngăn cản tổ chức này tiếp cận một số lò phản ứng và nhiều khu vực khác, viện dẫn lý do an ninh.

Bị Nga chiếm đóng từ hồi tháng 03/2022, nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia đã nhiều lần bị cúp điện do các cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine. Quân đội Nga đã nhiều lần cáo buộc Ukraine đe dọa an ninh của cơ sở này. Nhà máy từng cung cấp một phần năm sản lượng điện cho Ukraine cũng nhiều lần bị cắt khỏi mạng lưới điện, làm dấy lên lo ngại về một thảm họa hạt nhân.

Ukraine và Nga tiếp tục giao tranh 

Về tình hình chiến sự tại Ukraine, sáng nay, chính quyền thành phố Koupiansk, gần Kharkiv, cho biết một tòa nhà đã bị hư hại sau khi trúng bom của Nga. Trong đêm hôm qua, theo quân đội Ukraine, Nga tiếp tục không kích vào các thành phố Avdïivka, Horlivka, Novomykhailivka và phía Ukraine đã bắn hạ được 4 trong số 7 drone Shahed của Nga. Kiev cũng nhận trách nhiệm về vụ tấn công vào một kho dự trữ dầu của Nga ở khu vực biên giới Bryansk, gây ra một vụ hỏa hoạn lớn vào trưa hôm qua. 

Chi Phương

Published in Quốc tế

Putin và chiến lược "làm kiệt quệ" đối phương

Trong những ngày cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Nga ồ ạt tấn công nhiều thành phố lớn của Ukraine bằng tên lửa và drone với quy mô lớn chưa từng có. Giới chuyên gia cho rằng Nga thay đổi chiến thuật nhằm "phá mật mã" phòng không và làm kiệt quệ nguồn dự trữ đạn dược của Ukraine.

tieudiem1

Thành phố Kiev của Ukraine bị Nga oanh kích dữ dội ngày 02/01/2024 © Reuters - Stringer

Ukraine đã có một khởi đầu khó khăn cho năm 2024. Đất nước kiệt quệ sau hai năm chiến đấu, nhiệt độ ngoài trời xuống -15°C , các cuộc phản công chiếm lại những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng gần như bị đóng băng, chỉ trong vòng hơn một tuần đầu năm mới, Ukraine liên tiếp hứng chịu những đợt oanh kích có quy mô lớn.

Chỉ riêng trong giai đoạn từ ngày 29/12/2023 đến 02/01/2024, Nga dùng hơn 500 drone và tên lửa bắn phá các thành phố lớn của Ukraine. Tuy nhiên, theo các quan chức và nhà phân tích quân sự, quy mô và mức độ phức tạp của các cuộc không kích vừa qua của Nga có trật tự hơn so với các cuộc tấn công vào mùa đông năm 2023.

Chiến lược tiêu hao

Thay vì nhắm vào thường dân và các cơ sở năng lượng, các mục tiêu chính lần này dường như là ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine như vụ Artem, nhà máy vũ khí ở Kiev bị bắn phá hư hại. Bộ quốc phòng Ukraine cho biết thêm, trong loạt tấn công ngày 13/01, Nga đã dùng đến 40 drone và tên lửa, bao gồm cả tên lửa đạn đạo nhằm vào khu "tổ hợp công nghiệp – quân sự của Ukraine".

Các cuộc tấn công đã được lên kế hoạch cẩn thận, với các đợt drone và tên lửa được thiết kế xen kẽ nhằm áp đảo hệ thống phòng không của Ukraine. Tướng Dominique Trinquand, cựu trưởng đoàn phái bộ quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc, trong một chương trình truyền hình của báo Le Figaro phân tích :

"Trên thực tế, đây là những cuộc tấn công làm bão hòa, tức là họ bắn đi nhiều drone và tên lửa nhắm vào các mục tiêu sao cho, một mặt, một số tên lửa có thể vượt qua, hệ thống phòng không của Ukraine đã không thể nào bắn chặn được, và mặt khác, làm tiêu hao một lượng lớn tên lửa bắn chặn của Ukraine đến mức làm cạn kiệt chúng. Mục tiêu chính ở đây là làm cạn nguồn đạn dược dự trữ của Ukraine".

Về điểm này, cựu đại tá thủy quân lục chiến Pháp Michel Goya, trên đài phát thanh France Culture, giải thích thêm rằng "nếu có 100 chiếc tên lửa đạn đạo hay hành trình bắn vào Ukraine, thì ta cần khoảng 2 tên lửa phòng không để đánh chặn mỗi tên lửa, như vậy tổng cộng phải có khoảng 200 tên lửa. Đây cũng chính là số tên lửa mà Anh Quốc thông báo chi viện. Nhưng 200 tên lửa này chỉ đủ cho một ngày chiến đấu. Đây thật sự là một thách thức lớn".

Patriot vs Tên lửa đạn đạo của Nga

Điểm đáng chú ý là đợt tấn công ngày 08/01, Ukraine chỉ bắn chặn được 18 trong số 51 tên lửa do Nga bắn đi so với tỷ lệ bắn chặn thành công thông thường là 80%. Theo nhận định từ nhiều nhà phân tích quân sự được Financial Times trích dẫn, dường như Nga đang tìm cách phá mã phòng không của Ukraine và đã vạch ra được những điểm yếu của hệ thống phòng không của nước này sau nhiều ngày oanh kích.

Chuyên gia Dara Massicot, thành viên cao cấp thuộc trung tâm cố vấn Carnegie Endowment tại Washington cảnh báo "nếu Nga thành công và Ukraine không thể bảo vệ không phận của mình, thì đó sẽ là một vấn đề lớn, mở ra cơ hội cho Nga điều máy bay ném bom hạng nặng đến Ukraine".

Để phá vỡ hàng phòng thủ Ukraine, quân Nga thường phóng drone bay chậm, sau đó là tên lửa hành trình cận âm bay thấp và cuối cùng là tên lửa đạn đạo được phóng thẳng đến mục tiêu với tốc độ nhanh gấp nhiều lần vận tốc âm thanh khiến chúng khó bị bắn hạ. Giới quan sát cho rằng, Nga dường như đã sử dụng 6 tên lửa đạn đạo Iskander và 8 tên lửa đạn đạo Kinjal, loại tên lửa nguy hiểm nhất mà tổng thống Nga Vladimir Putin không ngớt lời ca ngợi là "siêu vũ khí".

Theo phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW, một tổ chức tư vấn có trụ sở ở Washington, được trang mạng Al Jazeeara của Qatar trích dẫn, tên lửa đạn đạo tầm ngắn có vẻ có hiệu quả hơn trong việc xuyên thủng hoặc tránh hệ thống phòng không của Ukraine. "Lực lượng phòng không Ukraine đã đánh chặn 149 trong số 166 tên lửa hành trình của Nga trong các cuộc tấn công tăng cường kể từ ngày 29/12/2023, nhưng họ chỉ bắn chặn được một số tên lửa đạn đạo mà Nga đã bắn vào Ukraine trong cùng thời gian".

Quả thật, chiến lược "kết hợp vũ khí siêu thanh và cận âm" của Nga đã khiến cho hệ thống phòng thủ của Ukraine, được mệnh danh là "Franken SAM" và được thiết kế dựa trên sự kết hợp giữa các hệ thống phòng không và tên lửa địa đối không phải vật lộn đối phó. Phát ngôn viên lực lượng không quân Ukraine, đại tá Yuriy Ignat cho biết chỉ có hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất mới có thể bắn hạ được tên lửa đạn đạo.

Ukraine chỉ có vài khẩu đội, trong khi nguồn cung lại đắt đỏ và tương đối ít do phải chia sẻ nhu cầu với Israel. Đây thật sự là một thách thức lớn cho Ukraine và cả phương Tây, theo như lưu ý từ ông Ian Lesser, thuộc Quỹ Marshall của Đức, trên kênh truyền hình Euronews :

"Người ta e sợ là Ukraine thiếu nguồn đạn dược thiết yếu, nhưng cần phải có thời gian để tích trữ lượng nguồn vũ khí này. Thậm chí còn có một vấn đề khác nghiêm trọng hơn đối với loại vũ khí này, nhất là trên phương diện phòng không. Chúng được sử dụng với một tốc độ đến mức làm cạn kiệt cả nguồn dự trữ của phương Tây. Trong khi các tên lửa Patriot có giá rất đắt, từ hai đến bốn triệu đô la mỗi chiếc".

Sự việc cũng làm lộ ra những khó khăn của phương Tây hiện tại. Châu Âu không thể sản xuất một triệu đạn pháo như họ đã cam kết với quân đội Ukraine. Từ đây đến năm 2024, Châu Âu chỉ sẽ giao được tổng cộng 300 ngàn đạn dược. Trong khi đó tại Mỹ, phe Cộng Hòa ngăn chặn khoản viện trợ bổ sung hơn 61 tỷ đô la mà tổng thống Joe Biden đề xuất.

Đổi lại ở phía Nga, các nhà máy sản xuất drone và tên lửa đã hoạt động hết công suất và sản xuất nhiều hơn bất chấp các lệnh cấm vận của phương Tây. Theo chuyên gia về Nga Tatiana Kastouéva-Jean, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, trên đài France Culture, cỗ máy chiến tranh Nga vận hành tốt còn nhờ vào việc "họ không bị thiếu hụt công nhân tay nghề như các đối thủ. Người dân Nga tình nguyện tham gia vì mức lương trong lĩnh vực này đã được tăng lên và bởi vì phần lớn các doanh nghiệp này cũng đề nghị tạm hoãn đi quân dịch, không phải ra thẳng chiến trường".

Iran, Bắc Triều Tiên : Nguồn chi viện dồi dào cho Nga

Với một nền kinh tế chiến tranh và ngân sách quốc phòng tăng thêm 70% cho năm 2024, Nga hiện sản xuất hơn 100 tên lửa tầm xa mỗi tháng, so với khoảng 40 tên lửa khi bắt đầu cuộc xâm lược và khoảng 300 chiếc drone. Tuy nhiên, theo ước tính của ISW, Nga chỉ có thể sản xuất khoảng 42 tên lửa Iskander và 4 tên lửa Kinjal mỗi tháng. Lượng sản xuất đạn pháo của Nga cũng không đủ bù đắp cho nhu cầu chiến trường. Nga muốn sản xuất ba triệu đạn pháo mỗi năm, nhưng lại tiêu thụ đến khoảng một triệu đạn pháo mỗi tháng.

Sự thiếu hụt này dường như Nga đã tìm được nguồn cung để bù đắp. John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 04/01 cảnh báo khả năng Nga sử dụng tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Theo ước tính, lượng dự trữ tên lửa KN-23 của Bình Nhưỡng có thể lên tới 100 chiếc, và phần lớn trong số này có thể được chuyển giao cho Nga với mức giá phù hợp.

"Chúng tôi dự đoán Nga sẽ sử dụng thêm tên lửa của Bắc Triều Tiên để bắn vào các cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine và giết hại thường dân Ukraine vô tội. Tên lửa đạn đạo của Triều Tiên có tầm bắn xấp xỉ 900 km, tức là khoảng 550 dặm. Đây là bước leo thang đáng kể và đáng lo ngại về sự hỗ trợ của Bắc Triều Tiên dành cho Nga".

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ còn bày tỏ lo ngại về việc Nga đang "tích cực" đàm phán mua tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ Iran. "Tại thời điểm này, chúng tôi nghĩ rằng Iran vẫn chưa chuyển giao tên lửa đạn đạo tầm ngắn cho Nga. Tuy nhiên, Hoa Kỳ e ngại rằng các cuộc đàm phán của Nga về việc mua tên lửa đạn đạo tầm ngắn đang có những tiến triển tích cực".

Tóm lại, Nga đang sử dụng "bất cứ điều gì có thể để làm hao mòn Ukraine". Nhưng nhiều nhà phân tích quân sự cho rằng tình hình của Ukraine không đến nỗi vô vọng. Nhật Bản gần đây cho biết sẽ nới lỏng các hạn chế xuất khẩu vũ khí để tên lửa Patriot do Nhật sản xuất có thể được vận chuyển sang Mỹ, như vậy Washington gởi thêm kho vũ khí của mình đến Ukraine.

Nhưng có lẽ mục tiêu sau cùng của những cuộc tấn công này là nhằm buộc Ukraine ngồi vào bàn đàm phán theo những điều kiện có lợi cho Nga, theo đó Ukraine có lẽ sẽ phải nhượng bộ khoảng 20% lãnh thổ đã bị chiếm đóng cho Nga.

Đương nhiên, với kết quả này, Nga đã thất bại trong việc lôi kéo Ukraine trở về vùng ảnh hưởng của mình, ngược lại, Kiev sẽ còn bám chặt hơn vào phe dân chủ phương Tây. Nhưng đổi lại, Hoa Kỳ và Châu Âu sẽ bị mất uy tín, vì không có khả năng bảo vệ nền dân chủ.

Một bên thua là Nga chống lại hai kẻ đại bại là Ukraine và Phương Tây. Đối với tổng thống Nga, đây mới thực sự là một thắng lợi lớn. Một cuộc cá cược lớn "được ăn cả, ngã về không" của ông Putin, Le Point kết luận !

Minh Anh

Published in Quốc tế

Chiến tranh Ukraine : Kiev cầm cự ra sao nếu không được phương Tây hậu thuẫn ?

Quân đội Ukraine thiếu đạn dược trong cuộc chiến chống Nga, những hệ lụy của xung đột giữa Israel và tổ chức Palestine Hamas ở dải Gaza, nạn quấy rối tình dục trong giới điện ảnh là những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất hôm nay 19/01/2024.

kiev1

Một quân nhân Ukraine tại chiến trường Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraine, ngày 16/01/2024. Reuters - Stringer

Nhật báo kinh tế Les Echos dành trang nhất cho tình trạng "thiếu đạn dược trầm trọng" của quân đội Ukraine. Bộ trưởng quốc phòng Roustem Umerov đã than thở như trên nhân dịp ra mắt "liên minh pháo binh" gồm 23 nước viện trợ quân sự cho Ukraine do Pháp và Mỹ dẫn đầu.

Ngày 17/01, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và Đối ngoại của Thượng Viện, Cédric Perrin, nhấn mạnh Pháp và các nước Châu Âu "không đáp ứng được" kỳ vọng của Ukraine, đồng thời thông báo sẽ tổ chức một loạt các phiên điều trần để hiểu thêm về sự "thiếu linh hoạt" của ngành công nghiệp vũ khí Pháp.

Ông Perrin nói thêm rằng quân đội Ukraine bắn từ 5.000 đến 8.000 quả đạn pháo mỗi ngày so với 10.000 đến 15.000 quả từ phía Nga, trong khi Pháp chỉ sản xuất khoảng 25.000 quả đạn pháo 155mm vào năm ngoái. Ủy Ban Châu Âu đặt mục tiêu sản xuất một triệu quả đạn vào mùa xuân năm 2024, nhưng tính đến cuối tháng 12/2023, khả năng này khó thành hiện thực, theo Les Echos.

Sau khi cuộc phản công do quân đội Ukraine tiến hành vào mùa hè năm ngoái không mang lại kết quả như mong đợi, giờ đây mọi người đều nhận thức rằng quân đội hai nước đang hướng tới một cuộc chiến tranh tiêu hao. Nga đã gia tăng sản xuất vũ khí và còn nhận được sự hỗ trợ của Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine hiện đang vấp phải nhiều trở ngại khi các dân biểu Hạ Viện không còn thực sự "mặn mà" hỗ trợ Kiev như vào thời điểm chiến tranh mới nổ ra. Tại Châu Âu, các nhà lãnh đạo sẽ họp thượng đỉnh vào ngày 01/02 để thảo luận về hồ sơ "mang tính quyết định" này.

Les Echos kết luận rằng Châu Âu giờ đây không còn có thể dựa vào nguồn lực vốn có, mà phải tăng cường sản xuất vũ khí hỗ trợ Ukraine, vào thời điểm Mỹ còn đang bị cuộc xung đột ở Trung Đông làm "rối trí". Kiev sẽ cần có thêm drone, hệ thống phòng không, tên lửa tầm xa, các thiết bị tác chiến điện tử, đạn pháo và rất nhiều đạn dược.

Biden ngày càng "khó xử" về xung đột Gaza

Nhìn sang Trung Đông, trang nhất của tờ Le Figaro nhận định sự hỗ trợ mạnh mẽ về mặt quân sự và ngoại giao của Joe Biden dành cho Israel trong cuộc chiến chống Hamas đã đặt tổng thống Mỹ vào thế ngày càng "khó xử" trên trường quốc tế cũng như trong nước. Vào thời điểm cuộc chiến Israel chống Hamas ở dải Gaza đã bước sang tháng thứ tư, với số nạn nhân tăng chóng mặt lên đến 24.000 người chết (theo Hamas), cái giá mà Biden phải trả về mặt chính trị cho sự hỗ trợ vô điều kiện này rất đắt.

Về mặt ngoại giao, Hoa Kỳ ngày càng bị cô lập khi các mối đe dọa quốc tế gia tăng và xung đột có nguy cơ lan rộng ra khắp khu vực Trung Đông. Về mặt chính trị, chủ nhân Nhà Trắng phải đối mặt với chỉ trích từ chính phe Dân Chủ đúng vào lúc ông bước vào chiến dịch tái tranh cử đầy khó khăn.

Nhật báo thiên hữu nhận thấy Joe Biden và chính quyền Hoa Kỳ ngày càng khó che giấu sự thất vọng với nội các của thủ tướng Benyamin Netanyahou. Lo lắng về hậu quả của cuộc chiến, Washington hiểu rằng tiếng nói của họ dường như không còn trọng lượng trong hồ sơ này. Tổng thống Biden và ngoại trưởng Antony Blinken đã liên tục kêu gọi chính quyền Israel xem xét những lo ngại của Mỹ, nhưng bất thành. Chính quyền Biden đã không thành công trong việc thuyết phục Israel "thay đổi chiến thuật" nhằm giảm số thường dân thiệt mạng trong những cuộc tấn công dồn dập ở Gaza, hay tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.

Mối quan hệ của Biden với Netanyahou đã thực sự nguội lạnh. Theo truyền thông Mỹ, hai người đã không nói chuyện trong 3 tuần qua, mặc dù hai nhà lãnh đạo từng hội đàm nhiều lần trong tuần trong hai tháng đầu của cuộc chiến. Trong chuyến thăm Israel vào tuần trước, ngoại trưởng Blinken đã chỉ trích trực tiếp chính phủ Israel : "Israel phải ngưng thực hiện các biện pháp hủy hoại năng lực điều hành đất nước của người Palestine. Tổng thống Biden từng nói với người dân Israel sau vụ tấn công ngày 07/10 rằng sẽ luôn ủng hộ Israel. Mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, cho phép hay thậm chí buộc chúng tôi bày tỏ lập trường một cách thẳng thắn nhất có thể trong những thời điểm có nhiều rủi ro nhất, vào lúc phải đưa ra những quyết định quan trọng nhất".

Le Figaro nhắc lại trong chuyến công du Trung Đông gần đây của Blinken, Saudi Arabia đã từng đề xuất rằng Riyadh sẽ bình thường hóa quan hệ với Israel nếu nước này cam kết tìm kiếm giải pháp hai Nhà nước. Tuy nhiên, ngoại trưởng Mỹ đã không nhận được phản hồi nào từ nội các Netanyahou. Thủ tướng Israel hôm qua tuyên bố đã "thông báo với Hoa Kỳ rằng ông phản đối việc thành lập một Nhà nước Palestine trong bất kỳ hoàn cảnh nào sau khi chiến tranh kết thúc và Israel phải duy trì quyền kiểm soát về mặt an ninh đối với toàn bộ khu vực phía tây sông Jordan", trước khi kết luận : "Một thủ tướng phải có khả năng nói không, ngay cả với bạn của mình".

Số phận "bi thảm" của người dân Gaza phải bỏ nhà ra đi

Vẫn tại Trung Đông, tờ Libération dành trang nhất cho số phận của người dân Gaza sau 3 tháng xung đột. Đối mặt với những trận oanh kích của Israel, gần như toàn bộ 2 triệu người dân ở dải đất này đã phải bỏ nhà ra đi. Bạo lực leo thang đi kèm với tình trạng thiếu lương thực, vệ sinh không bảo đảm.

Trong những tuần gần đây, Salwa đã nhiều lần thức dậy vì gặp ác mộng : "Khi tôi mở mắt, tôi thấy hàng trăm tấm nệm xếp xung quanh, cảm thấy đứa con trai 4 tuổi đang rúc vào người tôi, và tôi nghe thấy những tiếng động, tiếng vo ve của drone Israel ở trên trời, và nhận ra đây là thực tế mà chúng tôi đang trải qua". Salwa đang ở tại một cơ sở của UNRWA, cơ quan Liên Hiệp Quốc phụ trách người tị nạn Palestine, ở Khan Yunis, phía nam dải Gaza. Người phụ nữ này chuyển đến sống ở đây vào giữa tháng 10/2023 cùng với chồng và ba đứa con từ một khu dân cư thuộc tầng lớp lao động ở thành phố Gaza, nơi họ từng sống trước khi nhà bị phá hủy trong một cuộc không kích của Israel. Salwa không phải là người duy nhất "trằn trọc" về hoàn cảnh mà cô đã rơi vào từ 3 tháng qua : "Có nhiều người ở đây vẫn cứ ngỡ là đang xem một bộ phim kinh dị".

Nhật báo thiên tả thuật rằng có hàng trăm ngàn gia đình sống chen chúc trong các cơ sở của UNRWA. Trường học, văn phòng y tế hay nhà kho của cơ quan này hiện là nơi tạm trú của 1,4 triệu người trong tổng số khoảng 2 triệu người phải di dời, tức là gần như toàn bộ dân số Gaza. Những người đầu tiên đến đây như Salwa và gia đình thì được ở trong tòa nhà kiên cố có tường và trần nhà, và đây có thể coi là một đặc quyền. Bởi những người đến sau phải ở trong những căn lều khiêm tốn ngoài trời. Tại một số trung tâm tiếp nhận, người tị nạn thống nhất để cho phụ nữ và trẻ em được ở trong các tòa nhà kín, đàn ông ở trong các trại bên ngoài.

Nhưng tất cả đều sống trong những điều kiện tồi tệ và ngày càng xấu đi trong vòng 3 tháng qua. Họ thiếu mọi thứ và nhiều người đang bị đói, thực phẩm trở nên khan hiếm. Theo một nghiên cứu vào tháng 12 của tổ chức nhân quyền Euro-Med Human Rights Monitor, trụ sở tại Genève, Thụy Sỹ, khoảng 64% người dân Gaza thừa nhận phải ăn cỏ và các sản phẩm đã hết hạn sử dụng để "tồn tại" kể từ khi nổ ra xung đột. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres thường xuyên lên án tình trạng nhân đạo "thảm khốc" ở dải Gaza và cảnh báo về "nạn đói tiềm tàng" và dịch bệnh gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Lạm dụng tình dục trong giới điện ảnh

Về lĩnh vực xã hội, trang nhất của nhật báo công giáo La Croix chú ý đến chủ đề bạo lực tình dục trong giới điện ảnh. Kể từ khi phong trào #MeToo bùng lên, Hollywood đã áp dụng các biện pháp mới để chống lại hiện tượng này. Tuy nhiên, 7 năm sau vụ bê bối Harvey Weinstein làm rúng động Hollywood, các chuyên gia điện ảnh vẫn nhận thấy nhiều "kẽ hở".

Sarah Ann Mass cho biết cô là "nạn nhân của Harvey Weinstein". 6 năm sau khi làn sóng #MeToo bùng nổ, nữ diễn viên này, một trong những người đầu tiên tố cáo "ông trùm Hollywood", đã nhận thấy những thay đổi rõ rệt của ngành điện ảnh Mỹ : "An ninh trong lúc quay phim đã được cải thiện rõ rệt, mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm".

Malia Arrington, giám đốc Ủy ban Hollywood, cơ quan phòng chống những vi phạm trong ngành giải trí, cho biết : "Việc gia tăng số lượng chuyên viên phụ trách dàn dựng cảnh nóng trong phim là một bước tiến lớn". Những chuyên viên này nhận được rất nhiều lời đề nghị làm việc kể từ khi xảy ra vụ Weinstein, bảo đảm các diễn viên cảm thấy thoải mái khi quay những cảnh quan hệ tình dục hay khỏa thân.

Mia Schachter, một chuyên viên cảnh nóng từng làm việc cho các phim bộ như Perry Mason (HBO) hay Grey's Anatomy (ABC), cho biết : "Trước khi quay những cảnh âu yếm thân mật, chúng tôi làm việc trước với các diễn viên để mọi người nhất trí với nhau trước khi bấm máy quay".

Để ngăn chặn bạo lực tình dục, các khuyến nghị đã được các công đoàn đưa ra cách đây 5 năm : SAG-Aftra, đại diện cho các diễn viên, công bố quy tắc ứng xử kêu gọi các hãng phim tránh tổ chức các cuộc họp ở những nơi "có nguy cơ cao" như phòng khách sạn. Các công cụ mới (nền tảng báo cáo, đường dây nóng) cũng đã được các hiệp hội hoặc đoàn thể tạo ra để nạn nhân bị lạm dụng nhận được sự trợ giúp pháp lý hoặc trợ giúp tâm lý miễn phí.

Tuy nhiên, bất chấp các biện pháp hiện hành, một số chuyên gia nhận thấy nhiều kẻ quấy rối tình dục vẫn không bị trừng phạt. Mặc dù một số diễn viên nổi tiếng như Johnny Depp hay Kevin Spacey đã ngay lập tức bị đưa vào danh sách đen sau khi bị cáo buộc có những hành vi lạm dụng tình dục, nhiều nhân vật khác chỉ bị cấm hành nghề trong thời gian ngắn.

Pháp : Tỷ lệ sinh đẻ sụt giảm

Bài xã luận của nhật báo Le Monde báo động về việc tỷ lệ sinh đẻ của Pháp đang có dấu hiệu sụt giảm. Trong số các nước phát triển, cho tới nay Pháp là một ngoại lệ vì không nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ sinh đẻ giảm. Tuy nhiên, báo cáo nhân khẩu học năm 2023, do Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (INSEE) công bố hôm 16/01, có xu hướng cho thấy xứ lục lăng đang dần có hiện tượng này. Lần đầu tiên kể từ khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, số ca sinh được ghi nhận trong vòng 12 tháng tại Pháp đạt mức dưới 700.000 ca, giảm 20% so với năm 2010. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này : vấn đề về kinh tế, y tế, dịch vụ chăm sóc trẻ em khan hiếm, khủng hoảng nhà ở…

Phan Minh

Published in Quốc tế

Hạ được phi cơ "mắt thần" Nga : Chiến công lớn của Ukraine

Le Monde ngày 17/01/2024 chú ý đến sự kiện "Kiev tuyên bố đã giáng một đòn mạnh vào không quân Nga". Quân đội Ukraine hôm thứ Hai loan báo đã phá hủy một chiếc Beriev A-50 chuyên phát hiện radar, trong khi Nga có rất ít loại này ; cùng với một phi cơ chỉ huy Yuchin II-22. Không quân Nga chưa từng bị thiệt hại to lớn như vậy kể từ đầu cuộc chiến, một phần lớn phi đội của Moskva có thể bị "mù".

phico1

Một phi cơ cảnh báo sớm Beriev A-50 của Nga bay trên Quảng trường Đỏ trong buổi tập dượt chuẩn bị biểu diễn mừng Ngày Chiến thắng ở Moskva, 07/05/2019 AP - Alexander Zemlianichenko

Công lao của Patriot ?

Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, tướng Valerii Zaluzhnyi trên Telegram đã hoan nghênh không quân Ukraine về chiến dịch hoàn hảo này, kèm theo là một video. Theo Kiev, hai phi cơ trên đây đã bị bắn hạ hôm Chủ nhật khi bay trên biển Azov đang do Nga kiểm soát toàn bộ, có thể là do một hay nhiều hệ thống Patriot PAC-2 do phương Tây cung cấp có tầm bắn 160 kilomet.

Giả thuyết về hỏa tiễn phòng không của Ukraine khiến các nhà phân tích chú ý, họ không loại trừ khả năng quân Nga bắn lầm nhau như đã từng xảy ra nhiều lần. Nhà nghiên cứu Jean-Christophe Noël của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp cho rằng để bắn tới biển Azov, Ukraine phải đặt một giàn Patriot gần tiền tuyến, mà làm như vậy thì rất nguy hiểm.

Moskva từ chối xác nhận, và nếu là sự thực, đây là một đòn rất nặng. Những chiếc Beriev A-50, tương đương với Boeing E-3 Awacs của phương Tây, là loại phi cơ cảnh báo sớm được sử dụng để phát hiện các phi cơ, trực thăng, hỏa tiễn hay drone của địch trong khoảng cách đến 600 kilomet. Nhờ đó có thể lập được bản đồ chiến thuật chi tiết, một vai trò thiết yếu để bay an toàn. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Moskva chỉ có 10 chiếc A-50, và không phải tất cả đều hoạt động được.

Nhiều phi cơ Nga sẽ bị "mù"

Nga thường xuyên điều hai chiếc loại này xung quanh Ukraine, phía trên biển Azov và Belarus, như vậy ít nhất phải có gấp đôi để hiện diện thường xuyên trên không phận. Chỉ mất đi một chiếc là cả một loạt phi cơ Nga trở nên "mù". Phương Tây cũng thường cho những chiếc Awacs bay gần biên giới Ukraine để thu thập thông tin cho Kiev.

Loại Yuchin Il-22 thì Nga có khoảng 22 chiếc, dùng làm phi cơ chỉ huy, trung chuyển liên lạc hay tình báo điện tử. Một chiếc đã bị lính đánh thuê Wagner bắn hạ trong vụ nổi dậy hồi tháng 6/2023. Các blogger quân sự Nga cho biết chiếc Il-22 bị nhắm đến trên biển Azov đã hạ cánh khẩn cấp tại phi trường Anapa ở phía bắc Novorossiysk, nhưng không thể sửa chữa được.

Kể từ đầu cuộc chiến, chuyên trang Oryx đếm được khoảng 100 phi cơ và 130 trực thăng Nga đã bị bắn hạ hay bị hư hại vì trúng pháo : 24 oanh tạc cơ Su-34, 31 chiến đấu cơ Su-25, 2 oanh tạc cơ chiến lược Tupolev Tu-22... Đặc biệt, riêng trong ngày 23/12/2023, Ukraine đã hạ được đến 3 chiếc Su-34. Nhưng theo IISS, trước chiến tranh Moskva có đến 1.300 chiến đấu cơ.

Ngoài phương diện quân sự, việc tiêu diệt được hai chiếc phi cơ quan trọng trên đây còn mang tính biểu tượng, cho thấy Ukraine vẫn luôn có thể gây thiệt hại lớn cho Nga. Một nguồn tin quân sự Pháp nhận xét : "Trong một cuộc chiến, chứng tỏ đang ở vào thế tiến công là điều quan trọng cho đội ngũ, cho dân chúng và những người ủng hộ".

Một xa lộ mới nối Ukraine với Romania do EU tài trợ

Le Monde cũng nhận thấy "Nga và Ukraine đều tăng cường hậu cần để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lâu dài". Một xa lộ do Liên Hiệp Châu Âu (EU) tài trợ ở Romania sẽ giúp phá thế phong tỏa cho Ukraine. Trong khi đó Nga đang xây dựng những đường xe lửa và đường bộ mới để dự phòng trường hợp cầu Crimea bị phá hủy.

Báo chí Romania cho biết ngay từ đầu năm, chính quyền Romania đã huy động toàn lực để hoàn thành một xa lộ mới nối Bucarest với biên giới Ukraine, theo dự án "A7" được quỹ Châu Âu tài trợ. Mặc cho mùa đông khắc nghiệt, công việc xây dựng được tiến hành 24/24 với 3.000 công nhân và hàng trăm máy móc, để có thể lưu thông trên xa lộ này từ mùa hè 2024.

Trên nguyên tắc, cần đến 1.000 xe tải để thay thế một tàu chở ngũ cốc. Một xa lộ nhiều làn sẽ giúp tăng năng lực vận tải lên gấp sáu lần, tạo điều kiện cho lưu thông xuyên biên giới và đa dạng hóa việc vận chuyển hàng viện trợ quân sự, có lợi cho cả hai nước.

Hiện những tuyến đường bộ chính nối EU với Ukraine chạy qua Ba Lan, Hắc Hải và không phận Ukraine gần như đóng cửa vì rủi ro quân sự. Hungary và Slovakia, hai nước NATO khác có biên giới trên bộ với Ukraine, đều thân Nga và nếu làm đường phải đi xuyên qua dãy núi Carpates.

Nga ra sức mở đường xe lửa xuyên qua những vùng đã chiếm

Chuyên gia Stéphane Audrand nhận định, muốn thắng được một cuộc chiến tiêu hao thì các đơn vị phải nhận được nhiều vũ khí, đạn dược. Có thêm những tuyến đường mới, Ukraine sẽ giảm được thiệt hại do Nga tấn công hay những vụ đình công của nghiệp đoàn xe tải Ba Lan chẳng hạn.

Nga còn nỗ lực lớn hơn để nối các vùng đất của Ukraine đang bị chiếm đóng với mạng lưới giao thông của quốc gia xâm lăng. Theo truyền thống, hậu cần quân sự Nga chủ yếu dựa vào đường xe lửa. Từ đầu tháng 11/2023, hãng tin RIA Novosti đã loan báo xây dựng tuyến đường sắt mới từ thành phố Nga Rostov trên sông Don đến Crimea, chạy qua Zaporijia tới những thành phố Mariupol, Berdiansk và Melitopol đã chiếm được.

Stéphane Audrand nhấn mạnh, xe lửa vận chuyển đường dài tốt hơn, nhưng các cầu đường sắt phải thật vững chắc và việc đặt đường ray mất nhiều thời gian hơn. Phương Tây nhắm vào đường bộ vì linh hoạt hơn, còn Nga thì rất thiếu xe tải, dù đã mua được khá nhiều từ Trung Quốc và Châu Âu qua ngã Trung Á.

Không bắt tay được với Trump, Kim Jong-un quay sang Putin và Tập

Liên quan đến Châu Á, Libération nhận định năm năm sau cuộc thảo luận bất thành với ông Trump ở Việt Nam, Kim Jong-un xích gần lại với Tập Cận Bình và Vladimir Putin ; đồng thời hoàn chỉnh kho vũ khí đạn đạo và nguyên tử. Hai nước Triều Tiên đang trên bờ vực xung đột.

Hôm 28/02/2019, một chiếc bàn dài đã được chuẩn bị trong một phòng khánh tiết của khách sạn Métropole Hà Nội, với hai chiếc ghế bành, hai lá cờ Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên để Kim Jong-un và Donald Trump ký bản tuyên bố chung. Nhưng hội nghị thượng đỉnh đã bất thành, bữa tiệc trưa bị hủy và cả hai ra về tay không. Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong-ho nói rằng "Những cơ hội như thế này có thể không bao giờ đến nữa", và thời gian cho thấy ông ta đã đúng.

Quá nhiều ngờ vực, tự kiêu và thiếu hiểu biết lẫn nhau. Mỹ khẳng định Bắc Triều Tiên đòi dỡ bỏ tất cả trừng phạt, trong khi Bình Nhưỡng nói rằng chỉ yêu cầu bỏ năm biện pháp mà thôi. Bắc Triều Tiên chấp nhận phá hủy Yongbyon, một trong những trung tâm nguyên tử chính. Nhưng Hoa Kỳ đòi hỏi hủy bỏ toàn bộ cơ sở hạ tầng nguyên tử, chương trình vũ khí hóa học và sinh học, các hỏa tiễn đạn đạo, giàn phóng và các thiết trí liên quan. Cuộc thảo luận kết thúc với cảm giác 25 năm trao đổi giữa đôi bên trở thành con số không. Stephen Biegun, đại diện Mỹ phụ trách đàm phán từ 2018 đến 2021 tỏ ý tiếc rằng Bắc Triều Tiên đã bỏ lỡ cơ hội.

Kim Jong-un đề nghị một hội nghị thượng đỉnh thứ ba, nhưng cuộc gặp này đã không diễn ra. Có thể vì tự ái khi trở về từ Việt Nam không có kết quả nào, Kim quay lưng với Mỹ. Tháng 4 năm ngoái ông ta đến Vladivostok để trưng ra sự thân thiết với Vladimir Putin, tháng 6 trải thảm đỏ đón Tập Cận Bình. Khi đại dịch lui dần, Bình Nhưỡng bắt đầu cho bắn đủ loại hỏa tiễn và có những tiến bộ đáng kể về vũ khí nguyên tử và đạn đạo. Dường như Kim Jong-un đã đổi hàng triệu quả đạn mà Putin rất cần để lấy công nghệ không gian và tàu ngầm. Rồi ông ta đóng cửa 8 đại sứ quán ở Châu Phi và Châu Âu - quá tốn kém và không phải là ưu tiên trong thời chiến.

Chiến thắng của Trump tại Iowa chỉ có ý nghĩa tương đối

Về cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa, các báo đều tỏ ý lo ngại trước chiến thắng áp đảo của ông Donald Trump tại bang Iowa. Le Monde cho rằng lần này nếu quay lại được Nhà Trắng, ông Trump chuẩn bị một ê-kíp mà lòng trung thành được đặt lên trên năng lực, sẽ làm chính quyền liên bang yếu đi, làm lợi cho những kẻ thù của nước Mỹ. La Croix nhận thấy với 51% số phiếu, Donald Trump dẫn trước 30 điểm so với ông Ron DeSantis và 32 điểm với bà Nikki Haley.

Nhưng theo Denis Lacorne, giám đốc nghiên cứu của Sciences Po, thắng lợi này chỉ tương đối vì Trump đã kêu gọi sự giúp đỡ của địa phương, những người ủng hộ đã miệt mài làm việc từ một năm qua. Chuyên gia Marie-Cécile Naves nói thêm, cử tri bang Iowa đa số là da trắng, ngoan đạo và ủng hộ ông Trump.

Bà Nikki Haley tuy về sau ông Ron DeSantis nhưng chỉ thua có 2 điểm, trong khi thống đốc Florida đã đi vận động tại 99 hạt của bang này. Ngày 23/01 tới đến lượt New Hampshire bầu, cử tri Cộng Hòa ở bang này ít bảo thủ hơn. Đây sẽ là một cuộc đua tay đôi giữa bà Haley, ứng cử viên ôn hòa nhất và ông Trump. DeSantis chỉ nhắm vào các bang bảo thủ, không đến New Hampshire vận động. Về các rắc rối tư pháp cho Donald Trump, đáng ngại nhất là hai phiên tòa ở Washington và Georgia vì liên quan đến cáo buộc "phản quốc". Càng đóng vai nạn nhân, Trump càng được ủng hộ. Cuộc đua hứa hẹn không ít bất ngờ.

Pháp mất thế mạnh là nước Châu Âu có tỉ lệ sinh cao

Cuộc họp báo quan trọng của tổng thống Emmanuel Macron để tái thúc đẩy nhiệm kỳ hai, tranh cãi về tân bộ trưởng giáo dục, sinh suất của nước Pháp giảm sút nghiêm trọng, là những vấn đề được bàn luận nhiều nhất trên báo Pháp hôm nay. Tất cả các báo đều lo âu trước việc Pháp đang mất một trong những ưu thế lớn nhất : sự trẻ trung.

Xưa nay vẫn có tỉ lệ sinh đẻ cao nhất Châu Âu, nước Pháp nay đang già đi, sắp tới người về hưu sẽ nhiều hơn trẻ em. Đến cuối thập niên này, số người trên 65 nhiều hơn người dưới 20 tuổi. Một biểu hiện đáng buồn cho một đất nước từ chối chuẩn bị cho tương lai và luôn chi nhiều hơn cho người già, gây thiệt hại cho thế hệ mới. Tổng thống Emmanuel Macron hứa tạo thêm 30.000 chỗ trong nhà trẻ, và trợ cấp cho các phụ huynh nào không tìm được chỗ gởi con.

Tuy nhiên, theo Les Echos, một nhà nước hiệu quả phải tạo điều kiện dễ dàng cho cuộc sống các bậc cha mẹ, chứ không phải là chìa ra những tấm séc. Mức sinh thấp nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến có thể còn do tính chất cá nhân cao độ và ít tin tưởng vào tương lai – một hiện tượng cũng thấy được nơi nhiều nước khác. Quyền lực của chính phủ không tác động được bao nhiêu : không phải vì đất nước mà người ta sinh con, cũng không phải vì môi trường mà người ta không muốn có con. Tờ báo nhắc lại hai thực tế : nhập cư là động cơ của sức mạnh dân số, và nạn nghèo khổ bùng nổ nơi người trẻ chứ không phải người già.

Thụy My

Published in Quốc tế

Gợi ý về một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến tại Ukraine

Lời người viết : Bài viết tiếng Anh "A Vision and Path for a Peaceful Solution to the Ukraine Crisis" và bản dịch tiếng Pháp "Une vision et un chemin pour une solution pacifique à la crise ukrainienne" không phải ngẫu nhiên được phổ biến trên Thông Luận vào thời điểm này. Bởi vì bài tiếng Anh là tóm lược các ý chính của bài cuối cùng trong loạt 3 bài viết của đề tài "Chiến tranh Nga-Ukraine sẽ kết thúc thế nào ?" (*) đã được đăng liên tiếp trên Thông Luận trong tháng 4/2023 trong mục Quan điểm theo đúng tinh thần Dân Chủ Đa Nguyên - "không có ý kiến cấm nêu ra, không có đề tài cấm bàn đến". Còn bài tiếng Pháp là bản dịch chính thức của bản tiếng Anh. Người viết tin tưởng đây là lúc thích hợp - không sớm, chưa muộn - để phổ biến một giải pháp hòa bình bằng ngoại ngữ.

ukraine1

Người viết tin tưởng đây là thời điểm thích hợp để phổ biến một giải pháp hòa bình tương đối thỏa đáng cho cuộc chiến tranh tại Ukraine và cho cả các phần tranh chấp đang nóng bỏng khác trên thế giới..

Trong khi chịu trách nhiệm hoàn toàn về nội dung, người viết cảm kích cách làm việc rất nghiêm chỉnh của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và cơ quan ngôn luận của tổ chức là báo Thông Luận. Cảm kích vì những ý tưởng nêu ra trong các bài viết tại thời điểm tháng 4/2023 là quá sớm, "ngược dòng", "không giống ai" và có thể tạo những hệ lụy không đáng có. (Tuy nhiên , thực tế của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine tiếp diễn trong 9 tháng vừa qua - từ tháng 4/2023 đến nay - cho thấy những điểm phân tích, nhận xét trong các bài viết nếu không hoàn toàn chính xác thì vẫn đúng trong trong các nét cơ bản).

Người viết nhân dịp này cũng xin đặc biệt cảm tạ chủ nhiệm báo Thông Luận, tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nguyên giáo sư đại học ở Paris, đã không những tạo mọi điều kiện để người viết được tự do trình bầy sự suy nghĩ của mình mà còn tận tình chuyển ngữ bài viết trên từ tiếng Anh qua tiếng Pháp một cách hoàn toàn trung thực.

Người viết hy vọng cả 2 bản tiếng Anh và tiếng Pháp, phổ biến lúc này sẽ giúp Thông Luận có thêm sự quan tâm của độc giả người Việt, nhất là độc giả trẻ tuổi, quen dùng ngoại ngữ và không quản ngại tiếp thu các ý kiến mới.

Tài sơ, trí thiểu nhưng "việc nghĩa, lòng thành", người viết cũng hy vọng những ý tưởng đã trình bầy sẽ giúp ích phần nào cho các chính trị gia/chiến lược gia của các cường quốc liên quan như nước Mỹ, nước Anh, nước Pháp, nước Đức… đang tìm kiếm (mà chưa tìm thấy) một giải pháp hòa bình tương đối thỏa đáng cho cuộc chiến tranh tại Ukraine và cho cả các phần tranh chấp đang nóng bỏng khác trên thế giới.

Cao Tuấn

**********************

(*) Tìm đọc thêm :

1. Chiến tranh Nga-Ukraine sẽ kết thúc thế nào ?

2. Chiến tranh Nga-Ukraine sẽ kết thúc thế nào ?

3. Chiến tranh Nga-Ukraine sẽ kết thúc thế nào ?

****************************

Bản tiếng Anh

A Vision and Path for a Peaceful Solution to the Ukraine Crisis

 

ukraine2

Ceasefire alone does not necessarily lead to a comprehensive, lasting peace solution to the conflict in Ukraine. Such an outcome will only ever become a reality if all three countries - the US, Russia, and Ukraine - are willing to resolve their differences through negotiation and compromise. The most important players are the US and Russia, but the US, being in a stronger position, must take the first step. Only then can there be peaceful coexistence in Europe.

"Peaceful Coexistence in Europe" is vital if the United States is going to fend off Xi Jinping's "China Dream" of a new world order.

At present, the West is focused on fending off Russia. However, it is necessary to understand the following :

1. Exhausting Russia to the point it has to withdraw all troops from Ukraine will cost the US dearly in terms of time, money, and internal problems and in the end achieve little. 

Even if Putin is overthrown, there is no guarantee that Russia will not have another Putin - still a nationalistic extremist and potentially a revanchist obsessed with regaining lost territory through renewed aggression. 

A shattered Russia will also struggle to retain control of its nuclear arsenal. But it would be disastrous if some or all of it should fall into the hands of China, Iran, North Korea or any one of the international terrorist groups that are mortal enemies of the United States.

2. With nothing left to lose, Russia could resort to using its nuclear weapons. Its other alternative is to sell itself to China. Both scenarios would be disastrous for the US, not to mention the free world.

3. The US should make peace with Russia in Europe so that it can concentrate its strength, will and mind on the larger existential threat, which is Chinese aggression in Asia. Conflict with Russia in Europe, while devastating for Ukraine, is a problem that can be resolved one way or another. Confronting China in Asia is a huge problem with no way out if the US wants to preserve its position as the world's leading superpower.

4. The process of reconciliation between the US and Russia should begin as soon as possible. The bloodier the Ukraine conflict, the harder for them to reconcile. If it escalates to the use of tactical nuclear weapons, reconciliation may become a near impossibility. Moreover, as the US presidential election looms, President Biden will find himself increasingly distracted and under pressure, with less room to maneuver. 

5. The US will have to make some concessions to Russia to achieve a quick and peaceful resolution, but they should only be principled concessions. That means : they must not weaken NATO, make the US's allies dissatisfied or demoralized, violate ethics or international laws or sell out or betray Ukraine (as the US actually did to the Republic of Vietnam in 1975, and Afghanistan in 2021 !).

6. The new chessboard move does not need to be justified as necessary to tie China’s hands. Instead, the US needs only to emphasize that this strategic initiative is necessary for the peace, stability and prosperity of Ukraine, Europe and the whole wide world.

7. There should be at least 3 peace agreements : one between Russia and Ukraine ; one between Russia and NATO; and one between NATO + EU and Ukraine. However, the conference agenda should be discussed and agreed upon beforehand and privately between Biden's envoy and Putin - similar to what Henry Kissinger, Nixon's envoy, did in a secret mission in Beijing in 1971. Biden could then fly to Moscow for a face-to-face meeting with Putin, at Putin's invitation, as in the case of Nixon meeting Mao in 1972. Or Biden could meet Putin in a neutral country -- like India, for example. The ostensible goal of the summit would be to avoid a nuclear war that would destroy the earth, which is a very real threat. 

8. Next are the "private" meetings of the US with Ukraine, the US with the most important European NATO countries such as the UK, France, Germany, and the countries that have been wholeheartedly helping Ukraine against Russia’s invasion, such as Poland, the Czech Republic and the Baltic countries. The aim of these meetings is to clear up misunderstandings, seek agreement if possible, and at the same time show that the US respects its allies.

9. The US in attempting to reconcile with Russia has the right to take a stance that is not entirely wanted or welcomed by its European allies. Those countries, if too concerned about Russia’s future power or advantages vis a vis Europe, must strengthen their own defence in lieu of relying too much on the military protection provided by the US. If the US has a duty to stand with its European allies to deter Russia, then European allies have a reciprocal obligation to stand with the US to deal with China in Asia to protect the Western values of democracy, freedom, free enterprise and other legitimate interests of the West. 

10. Peace agreements for Ukraine in particular and for Europe in general only make sense and will be respected if all of Russia, Ukraine, and the US feel they gain more than they lose in the long run from a peace deal than continuing the war.

11. After signing the peace agreement, the US should adopt a policy of promoting Russian and Ukrainian reconciliation and normalization of bilateral relations. In this way, Ukraine could become a bridge of friendship between European countries and Russia, a symbol of peaceful coexistence rather than a hotbed of war or an endless conflict zone. Reconciliation between Ukraine and Russia will also foster harmony and stability within Ukrainian society, especially in the eastern part of Ukraine, which is somewhat influenced by Russia due to geographical, historical, ethnic, linguistic, economic and political factors, and also in western Ukraine, which leans towards democratic European countries for similar reasons. 

12. The US should not expect Russia to immediately and diametrically change its policy from "pro-China" to "pro-US". US-Russia reconciliation only means that Russia and the US no longer see each other as enemies. It also means Russia will remain neutral towards the US-China conflicts. That alone is a great victory for the US.

Instead of ONE against TWO, there is only ONE against ONE. The US no longer has to fight on both European and Asian fronts. The $80 billion a year the US has been expending in the Ukraine war can be put to good use in helping Taiwan increase its defense capability as well as strengthening the US position throughout East Asia.

13. If Russia feels that the US and its European allies not only have ceased hostilities, but also treated Russia "well" -- for example, by generously supporting Russia to develop the Siberian region adjacent to China - Russia is likely to begin to lean towards the US. The immense oceans separating Russia and the US will make it easier for Russia to look beyond past animosities, especially in the face of the immediate threat from China next door, along a 4,300-kilometre-long border. As China grows increasingly powerful, it will also be emboldened to demand "justice" for "the 100 years of national humiliation". Without a redirection of China’s current trajectory to achieve world supremacy, not only will Russia have to return a couple of millions of square kilometers of Chinese territory it took in previous centuries, from Outer Mongolia to northern Manchuria it may also demand a handover of Russia’s huge Siberian territory. In brief, if Xi Jinping’s China Dream comes true, the US would lose its world superpower status but the Russian people would lose much of their country.

14. If Russia leans decisively towards the US or the two countries officially form a military alliance, the "ONE against TWO" equation will change to a "TWO against ONE" equation. This would be a game-changer in favour of the US. 

Russia's nuclear weapons can threaten China without the need for intercontinental missiles. Russia's medium-range nuclear missiles are sufficiently capable of reaching many of China’s major cities -- Changchun, Shenyang, Dalian, Beijing, Taiyuan, Tianjin, Shanghai, Wuhan, Chengdu, and Chongking to name a few –pretty easily. Million of Russian soldiers are not very far from the Russian-Chinese border either…

China will have to split its focus and divide its forces to face Russian military strength in the North. Moreover, American forces in the East - with bases in Japan, South Korea, the Philippines - can easily be reinforced after the US and NATO are no longer embroiled in the exhaustingly attritional conflict with Russia in Europe.

Taiwan, the East Sea (South China Sea), Northeast Asia and Southeast Asia, therefore, will be better protected and more secure. 

A new strategic equilibrium that benefits the US will be established, putting Xi Jinping’s China in a situation where it has to change from offensive posture to defensive posture. This will set the stage for a long period of peace and stability in Asia. 

Prescriptions for the peace agreements to end Russia-Ukraine and Russia-NATO conflicts

To return to the main question : "How will the Russia-Ukraine war end ?"

No one knows the future for sure, so the reasonable answer is there should be a lasting peace solution to Russia-NATO and Russia-Ukraine conflicts as well - It must be a comprehensive and sufficiently "good" solution that even China has no reason to object, at least not publicly.

As mentioned above, the proposed peace solution includes the provisions of at least three agreements : one agreement between NATO and Russia, one agreement between Ukraine and Russia, and one agreement between NATO+EU and Ukraine. All three agreements must be signed at the same time to be meaningful. (Of course, nothing will prevent the US and its European allies from signing separate bilateral agreements with Russia or with each other as long as they do not contradict the provisions of the three above mentioned agreements).

Based on the presented analysis, the peace agreement between NATO and Russia should include the following provisions :

1. Both sides express their willingness to have "peaceful coexistence", to resolve differences through dialogue and compromise, and to avoid war or provocation at all costs from now on. Both sides also commit to respecting the principle of non-interference in each other's internal affairs.

2. NATO confirms that after Finland and Sweden complete the NATO accession process, no new members will be accepted.

3. Both sides commit to ending all hostile or unfriendly measures such as sanctions and embargoes, avoiding new measures and normalizing international relations in all aspects of life. The two powers will replace the era of confrontation with an era of cooperation for the cause of peace, prosperity, friendship, and openness for all European countries and the world.

The peace agreement between Russia and Ukraine should have the following provisions :

1. Ceasefire before the start of negotiations. Russia promptly withdraws troops immediately after the agreement is signed. Both sides also promptly proceed to exchange war prisoners.

2. Ukraine commits to pursuing a truly neutral policy. This means not joining any military alliance, including NATO. Switzerland and Austria are two examples of neutrality that Ukraine can follow. Russia commits to respecting Ukraine's sovereignty, independence and neutrality. Both sides also commit to non-interference in each other's internal affairs.

3. Russia and Ukraine agree to a joint referendum in Crimea under the supervision of the United Nations so that Crimeans can decide whether Crimea will be part of Russia, part of Ukraine or an independent country in its own right. Both Russia and Ukraine commit to respecting the results of this free and fair referendum.

4. The Donbas region, including the Luhansk and Donetsk provinces and the surrounding areas, where the Ukrainian and Russian populations are about equally numerous, is always Ukraine’s territory, but Ukraine will guarantee that the Donbas region will enjoy a wide range of autonomy similar to the legal status of province Quebec in Canada. This means the rule of law, democracy, freedom and equality for all residents and no discrimination regardless of political tendencies, ethnicity, languages or religions. Ukraine will commit to implementing a policy of national solidarity, promoting harmony and reconciliation in Donbas and throughout Ukraine.

5. Ukraine and Russia will agree to restore diplomatic relations, to normalize all other relations and to cooperate wherever possible for mutual benefit on the basis of "leaving the past behind, looking towards the future". Ukraine will welcome Russia to voluntarily participate in the reconstruction and development in Donbas region in particular and in other parts of Ukraine in general.

A NATO, EU, and Ukraine Agreement on Reconstruction and Development, as its name suggests, aims to encourage Ukraine to make peace with Russia, to compensate for the damage and losses suffered by Ukraine for bravely fighting against Russian invasion and to help strengthen Ukraine as a "frontline" country that will be capable of self-defense against any future challenges. The agreement should include the following provisions :

1. Ukraine is invited to join the EU as a member, unconditionally.

2. The EU and NATO member states commit to contributing 100 billion euros to the Ukraine Reconstruction Fund. The US, as a key NATO member, commits to contributing 50% of this amount. The aid fund will be disbursed to Ukraine over a period of 5 years, at a rate of 20 billion euros per year. Additionally, each member country commits to providing Ukraine with any future benefits, when possible.

3. Despite Ukraine's policy of neutrality and always desiring peace, Ukraine will build a strong national defense industry to protect itself. Ukraine will also to reserve the right to accept assistance from anyone, including NATO.

The least bad solution is also the best solution ?

In general, peace is better than war -- better for Europe, Asia and the world. It is also better for the people of China on both sides of the Taiwan Strait. However, it is unlikely to be appreciated by the Chinese Communist Party, which embraces Chairman Mao’s advocacy and his famous theory of chaos : "the world in turmoil is good for China !"

Regarding the ongoing Russia-Ukraine war, this essay already analyzed the politics of competition among the 3 great world powers - the US, China and Russia – and already concluded that "peaceful coexistence in Europe" is the best solution for both the US and Russia because their gains outweigh their losses or their potential losses.

For Ukraine, the victim of a brutal invasion war, a peaceful solution like the one outlined above may not seem fair and worthy of the heroic fight of its people against invaders. Moreover, it will likely entail the sad prospect of Ukraine losing Crimea permanently, since the vast majority of Crimean people are of Russian origin and are likely to vote in favour of Russia, even in a free and fair referendum under UN supervision.

However, Ukrainians must assess the current situation realistically and ask themselves: What would it take for Ukraine to defeat Russia without US help if the US decides "not to fight Russia, fight China" or just because the political wind in America changes direction – which can and almost inevitably does happen ? Is victory even achievable ? And what is the cost of fighting alone against that powerful and brutal enemy ? Is Crimea really an asset or more of a liability if its people truly want to be part of Russia for reasons of history, geography, language, economics, finances and emotions ? And lastly, in this very difficult situation, isn’t the least bad solution the best solution available ?

Cao Tuấn

(29/08/2023)

********************************

Bản tiếng Pháp

Une vision et un chemin pour une solution pacifique à la crise ukrainienne

 

ukraine3

Un cessez-le-feu seul ne mène pas nécessairement à une solution de paix complète et durable au conflit en Ukraine. Un tel résultat ne deviendra une réalité que si les trois pays - les États-Unis, la Russie et l'Ukraine - sont prêts à résoudre leurs différences par la négociation et le compromis. Les acteurs les plus importants sont les États-Unis et la Russie, mais les États-Unis, étant dans une position plus forte, doivent faire le premier pas. Ce n'est qu'alors qu'il ne pourra y avoir une coexistence pacifique en Europe.

La "coexistence pacifique en Europe" est vitale si les États-Unis veulent repousser le "rêve chinois" de Xi Jinping d'un nouvel ordre mondial.

À l'heure actuelle, l'Occident est concentré sur la défense contre la Russie.

Cependant, il est nécessaire de comprendre les points suivants :

1. Épuiser la Russie au point qu'elle doive retirer toutes ses troupes d'Ukraine coûtera cher aux États-Unis en termes de temps, d'argent et de problèmes internes, et finalement, cela aboutira à peu de choses.

Même si Poutine est renversé, il n'y a aucune garantie que la Russie n'aura pas un autre Poutine - toujours un extrémiste nationaliste et potentiellement un revanchard obsédé par la récupération de territoires perdus par le biais d'une nouvelle agression.

Une Russie brisée aurait également du mal à conserver le contrôle de son arsenal nucléaire. Mais il serait désastreux que certains ou la totalité de cet arsenal tombent entre les mains de la Chine, de l'Iran, de la Corée du Nord ou de l'un des groupes terroristes internationaux qui sont les ennemis mortels des États-Unis.

2. N'ayant plus rien à perdre, la Russie pourrait recourir à l'utilisation de ses armes nucléaires. Son autre alternative est de se vendre à la Chine. Les deux scénarii seraient désastreux pour les États-Unis, sans parler du monde libre.

3. Les États-Unis devraient faire la paix avec la Russie en Europe afin de pouvoir concentrer leur force, leur volonté et leur esprit sur la plus grande menace existentielle, qui est l'agression chinoise en Asie. Le conflit avec la Russie en Europe, bien que dévastateur pour l'Ukraine, est un problème qui peut être résolu d'une manière ou d'une autre. Affronter la Chine en Asie est un énorme problème sans issue si les États-Unis veulent préserver leur position de première superpuissance mondiale.

4. Le processus de réconciliation entre les États-Unis et la Russie devrait commencer dès que possible. Plus le conflit en Ukraine sera sanglant, plus il sera difficile pour eux de se réconcilier. Si cela dégénère jusqu'à l'utilisation d'armes nucléaires tactiques, la réconciliation pourrait devenir presque impossible. De surcroît, à l'approche de l'élection présidentielle américaine, le président Biden se retrouvera de plus en plus distrait et sous pression, avec moins de marge de manœuvre.

5. Les États-Unis devront faire quelques concessions à la Russie pour parvenir à une résolution rapide et pacifique, mais elles ne doivent être que des concessions de principe. Cela signifie : elles ne doivent pas affaiblir l'OTAN, rendre les alliés des États-Unis mécontents ou démoralisés, violer l'éthique ou les lois internationales, ou vendre ou trahir l'Ukraine (comme les États-Unis l'ont effectivement fait à la République du Viêt Nam en 1975, et à l'Afghanistan en 2021 !).

6. Le nouveau mouvement sur l'échiquier n'a pas besoin d'être justifié comme nécessaire pour contraindre la Chine. Au contraire, les États-Unis devraient simplement expliquer que cette nouvelle initiative est importante pour assurer la paix, la stabilité et la prospérité de l'Ukraine, de l'Europe et du monde entier.

7. Il devrait y avoir au moins 3 accords de paix : un entre la Russie et l'Ukraine ; un entre la Russie et l'OTAN ; et un entre l'OTAN + UE et l'Ukraine. Cependant, l'ordre du jour de la conférence devrait être discuté et convenu à l'avance et en privé entre l'émissaire de Biden et Poutine - à l'instar de ce qu'a fait Henry Kissinger, l'émissaire de Nixon, lors d'une mission secrète à Pékin en 1971. Biden pourrait ensuite voler à Moscou pour une rencontre en face à face avec Poutine, à l'invitation de ce dernier, comme dans le cas de la rencontre entre Nixon et Mao en 1972. Ou Biden pourrait rencontrer Poutine dans un pays neutre, comme l'Inde par exemple. Le but apparent du sommet serait d'éviter une guerre nucléaire qui détruirait la Terre, ce qui est une menace très réelle.

8. Viennent ensuite les réunions "privées" des États-Unis avec l'Ukraine, les États-Unis avec les pays européens de l'OTAN les plus importants comme le Royaume-Uni, la France, l'Allemagne, et les pays qui ont soutenu sans réserve l'Ukraine contre l'invasion russe, tels que la Pologne, la République tchèque et les pays baltes. Le but de ces réunions est de dissiper les malentendus, de rechercher un accord si possible, et en même temps de montrer que les États-Unis respectent leurs alliés.

9. Les États-Unis, en tentant de se réconcilier avec la Russie, ont le droit de prendre une position qui n'est pas entièrement voulue ou bienvenue par ses alliés européens.

Ces pays, s'ils sont trop préoccupés par le futur pouvoir ou les avantages de la Russie vis-à-vis de l'Europe, doivent renforcer leur propre défense au lieu de trop compter sur la protection militaire fournie par les États-Unis. Si les États-Unis ont le devoir de se tenir aux côtés de leurs alliés européens pour dissuader la Russie, alors les alliés européens ont une obligation réciproque de se tenir aux côtés des États-Unis pour faire face à la Chine en Asie afin de protéger les valeurs occidentales de la démocratie, de la liberté, de la libre entreprise et d'autres intérêts légitimes de l'Occident.

10. Les accords de paix pour l'Ukraine en particulier et pour l'Europe en général n'ont de sens et ne seront respectés que si la Russie, l'Ukraine et les États-Unis ont le sentiment qu'ils gagnent plus à long terme d'un accord de paix que de continuer la guerre.

11. Après la signature de l'accord de paix, les États-Unis devraient adopter une politique visant à promouvoir la réconciliation et la normalisation des relations bilatérales entre la Russie et l'Ukraine. De cette manière, l'Ukraine pourrait devenir un pont de l'amitié entre les pays européens et la Russie, un symbole de coexistence pacifique plutôt qu'un foyer de guerre ou une zone de conflit sans fin. La réconciliation entre l'Ukraine et la Russie favorisera également l'harmonie et la stabilité au sein de la société ukrainienne, notamment dans la partie est de l'Ukraine, influencée dans une certaine mesure par la Russie en raison de facteurs géographiques, historiques, ethniques, linguistiques, économiques et politiques, ainsi que dans l'ouest de l'Ukraine, qui penche vers les pays européens démocratiques pour des raisons similaires.

12. Les États-Unis ne devraient pas s'attendre à ce que la Russie change immédiatement et radicalement sa politique de "pro-Chine" à "pro-États-Unis". La réconciliation entre les États-Unis et la Russie signifie seulement que la Russie et les États-Unis ne se considèrent plus comme des ennemis. Cela signifie aussi que la Russie restera neutre envers les conflits États-Unis-Chine. Cela seul est une grande victoire pour les États-Unis. Au lieu d'être UN contre DEUX, il y a seulement UN contre UN. Les États-Unis n'ont plus à combattre sur les fronts européen et asiatique. Les 80 milliards de dollars par an que les États-Unis ont dépensés dans la guerre en Ukraine peuvent être mieux utilisés pour aider Taïwan à accroître ses capacités de défense ainsi que pour renforcer la position des États-Unis dans toute l'Asie de l'Est.

13. Si la Russie a le sentiment que les États-Unis et ses alliés européens ont non seulement cessé les hostilités, mais aussi bien traité la Russie - par exemple, en soutenant généreusement le développement de la région sibérienne adjacente à la Chine - la Russie est susceptible de commencer à pencher vers les États-Unis. Les immenses océans séparant la Russie et les États-Unis rendront plus facile pour la Russie de dépasser les animosités passées, surtout face à la menace immédiate de la Chine voisine, le long d'une frontière de 4 300 kilomètres. À mesure que la Chine devient de plus en plus puissante, elle sera également encouragée à exiger "justice" pour "les 100 ans d'humiliation nationale". Sans un changement de trajectoire de la Chine pour atteindre la suprématie mondiale, non seulement la Russie devra rendre quelques millions de kilomètres carrés de territoire chinois pris dans les siècles précédents, mais la Chine pourrait également exiger un transfert du vaste territoire sibérien de la Russie. En bref, si le "Rêve Chinois" de Xi Jinping se réalise, les États-Unis perdront leur statut de superpuissance mondiale, mais le peuple russe perdra une grande partie de son pays.

14. Si la Russie penche résolument vers les États-Unis ou si les deux pays forment officiellement une alliance militaire, l'équation "UN contre DEUX" passera à une équation "DEUX contre UN". Ce serait un changement de jeu en faveur des États-Unis.

Les armes nucléaires de la Russie peuvent menacer la Chine sans avoir besoin de missiles intercontinentaux. Les missiles nucléaires à moyenne portée de la Russie sont suffisamment capables d'atteindre de nombreuses grandes villes chinoises - Changchun, Shenyang, Dalian, Pékin, Taiyuan, Tianjin, Shanghai, Wuhan, Chengdu, et Chongqing pour n'en nommer que quelques-unes - assez facilement. Des millions de soldats russes ne sont pas très loin de la frontière russo-chinoise non plus…

La Chine devra diviser son attention et ses forces pour faire face à la puissance militaire russe au Nord. De plus, les forces américaines à l'Est - avec des bases au Japon, en Corée du Sud, aux Philippines - peuvent facilement être renforcées une fois que les États-Unis et l'OTAN ne sont plus empêtrés dans le conflit attritionnel épuisant avec la Russie en Europe.

Taïwan, la mer de l'Est (mer de Chine méridionale), l'Asie du Nord-Est et l'Asie du Sud-Est seront donc mieux protégées et plus sûres.

Un nouvel équilibre stratégique bénéfique pour les États-Unis sera établi, mettant la Chine de Xi Jinping dans une situation où elle doit passer d'une posture offensive à une posture défensive. Cela préparera le terrain pour une longue période de paix et de stabilité en Asie.

Ordonnances pour les accords de paix visant à mettre fin aux conflits Russie-Ukraine et Russie-OTAN

Pour revenir à la question principale : "Comment la guerre entre la Russie et l'Ukraine prendra-t-elle fin ?"

Personne ne connaît l'avenir avec certitude, la réponse raisonnable est donc qu'il devrait y avoir une solution de paix durable aux conflits Russie-OTAN et Russie-Ukraine également - Cela doit être une solution globale et suffisamment "bonne" pour que même la Chine n'ait pas de raison de s'y opposer, du moins pas publiquement.

Comme mentionnée ci-dessus, la solution de paix proposée comprend les dispositions d'au moins trois accords : un accord entre l'OTAN et la Russie, un accord entre l'Ukraine et la Russie, et un accord entre l'OTAN+UE et l'Ukraine. Les trois accords doivent être signés en même temps pour avoir un sens. (Bien sûr, rien n'empêchera les États-Unis et leurs alliés européens de signer des accords bilatéraux séparés avec la Russie ou entre eux, tant qu'ils ne contredisent pas les dispositions des trois accords mentionnés ci-dessus).

Sur la base de l'analyse présentée, l'accord de paix entre l'OTAN et la Russie devrait inclure les dispositions suivantes :

1. Les deux parties expriment leur volonté de coexister "pacifiquement", de résoudre les différends par le dialogue et le compromis, et d'éviter la guerre ou la provocation à tout prix à partir de maintenant. Les deux parties s'engagent également à respecter le principe de non-ingérence dans les affaires internes de l'autre.

2. L'OTAN confirme qu'après que la Finlande et la Suède auront achevé le processus d'adhésion à l'OTAN, aucun nouveau membre ne sera accepté.

3. Les deux parties s'engagent à mettre fin à toutes les mesures hostiles ou inamicales telles que les sanctions et les embargos, à éviter de nouvelles mesures et à normaliser les relations internationales dans tous les aspects de la vie. Les deux puissances remplaceront l'ère de la confrontation par une ère de coopération pour la cause de la paix, de la prospérité, de l'amitié et de l'ouverture pour tous les pays européens et le monde.

L'accord de paix entre la Russie et l'Ukraine devrait comporter les dispositions suivantes :

1. Cessez-le-feu avant le début des négociations. La Russie retire immédiatement ses troupes après la signature de l'accord. Les deux parties procèdent également rapidement à l'échange de prisonniers de guerre.

2. L'Ukraine s'engage à poursuivre une politique véritablement neutre. Cela signifie ne pas rejoindre d'alliance militaire, y compris l'OTAN. La Suisse et l'Autriche sont deux exemples de neutralité que l'Ukraine peut suivre. La Russie s'engage à respecter la souveraineté, l'indépendance et la neutralité de l'Ukraine. Les deux parties s'engagent également à la non-ingérence dans les affaires internes de l'autre.

3. La Russie et l'Ukraine conviennent d'un référendum conjoint en Crimée sous la supervision des Nations Unies afin que les habitants de Crimée puissent décider si la Crimée fera partie de la Russie, de l'Ukraine ou sera un pays indépendant à part entière. La Russie et l'Ukraine s'engagent à respecter les résultats de ce référendum libre et équitable.

4. La région du Donbass, y compris les provinces de Louhansk et de Donetsk et les zones environnantes, où les populations ukrainienne et russe sont à peu près également nombreuses, est toujours le territoire de l'Ukraine, mais l'Ukraine garantira que la région du Donbass jouira d'une large autonomie similaire au statut juridique de la province du Québec au Canada. Cela signifie l'état de droit, la démocratie, la liberté et l'égalité pour tous les résidents et aucune discrimination en fonction des tendances politiques, de l'ethnie, des langues ou des religions. L'Ukraine s'engage à mettre en œuvre une politique de solidarité nationale, favorisant l'harmonie et la réconciliation dans le Donbass et dans toute l'Ukraine.

5. L'Ukraine et la Russie conviennent de rétablir les relations diplomatiques, de normaliser toutes les autres relations et de coopérer chaque fois que possible pour un bénéfice mutuel sur la base de "laisser le passé derrière, regarder vers l'avenir".

L'Ukraine accueillera la Russie pour participer volontairement à la reconstruction et au développement dans la région du Donbass en particulier et dans d'autres régions de l'Ukraine en général.

Un accord OTAN, UE et Ukraine sur la Reconstruction et le Développement, comme son nom l'indique, vise à encourager l'Ukraine à faire la paix avec la Russie, à compenser les dommages et pertes subis par l'Ukraine pour avoir courageusement combattu contre l'invasion russe et à aider à renforcer l'Ukraine en tant que pays "de première ligne" capable de se défendre contre tout défi futur. L'accord devrait inclure les dispositions suivantes :

1. L'Ukraine est invitée à rejoindre l'UE en tant que membre, sans condition.

2. Les États membres de l'UE et de l'OTAN s'engagent à contribuer à hauteur de 100 milliards d'euros au Fonds de reconstruction de l'Ukraine. Les États-Unis, en tant que membre clé de l'OTAN, s'engagent à contribuer à 50% de ce montant. Le fonds d'aide sera versé à l'Ukraine sur une période de 5 ans, à raison de 20 milliards d'euros par an. De plus, chaque pays membre s'engage à fournir à l'Ukraine tout avantage futur, si possible.

3. Malgré la politique de neutralité de l'Ukraine et son désir constant de paix, l'Ukraine construira une solide industrie de la défense nationale pour se protéger.

L'Ukraine se réserve également le droit d'accepter l'aide de quiconque, y compris de l'OTAN.

La moins mauvaise solution est-elle aussi la meilleure solution ?

En général, la paix est meilleure que la guerre -- mieux pour l'Europe, l'Asie et le monde. C'est également mieux pour le peuple chinois des deux côtés du détroit de Taïwan. Cependant, il est peu probable que cela soit apprécié par le Parti communiste chinois, qui adopte la théorie du chaos de Mao Zedong : "le monde en désordre est bon pour la Chine !"

Concernant la guerre en cours entre la Russie et l'Ukraine, cet essai a déjà analysé la politique de compétition entre les 3 grandes puissances mondiales - les États-Unis, la Chine et la Russie - et a déjà conclu que "la coexistence pacifique en Europe" est la meilleure solution pour les États-Unis et la Russie car leurs gains l'emportent sur leurs pertes ou leurs pertes potentielles.

Pour l'Ukraine, victime d'une guerre d'invasion brutale, une solution pacifique comme celle décrite ci-dessus peut ne pas sembler juste et digne du combat héroïque de son peuple contre les envahisseurs. De plus, cela entraînera probablement la triste perspective pour l'Ukraine de perdre définitivement la Crimée, puisque la grande majorité des habitants de la Crimée sont d'origine russe et sont susceptibles de voter en faveur de la Russie, même dans un référendum libre et équitable sous supervision de l'ONU.

Cependant, les Ukrainiens doivent évaluer la situation actuelle de manière réaliste et se demander : Que faudrait-il pour que l'Ukraine puisse vaincre la Russie sans l'aide des États-Unis si les États-Unis décident "de ne pas combattre la Russie, de combattre la Chine" ou simplement parce que le vent politique en Amérique change de direction – ce qui peut et arrive presque inévitablement ? La victoire est-elle-même réalisable ? Et quel est le coût de combattre seul contre cet ennemi puissant et brutal ? La Crimée est-elle vraiment un atout ou plutôt un passif si ses habitants veulent vraiment faire partie de la Russie pour des raisons d'histoire, de géographie, de langue, d'économie, de finances et d'émotions ? Et enfin, dans cette situation très difficile, la moins mauvaise solution n'est-elle pas la meilleure solution disponible ?

Cao Tuấn

Nguyên tác : A Vision and Path for a Peaceful Solution to the Ukraine Crisis, 29/08/2023

Nguyễn Văn Huy chuyển ngữ (01/09/2023)

Published in Quan điểm

Ukraine tuyên bố đã bắn hạ một máy bay do thám A-50 quan trọng của Nga

Oliver Slow, BBC, 15/0/2024

Quân đội Ukraine nói đã bắn hạ một máy bay do thám của quân đội Nga trên Biển Azov, điều mà các nhà phân tích cho rằng sẽ là một đòn giáng mạnh vào không quân của Moscow.

uk1

Một chiếc A-50 trong một cuộc trình diễn quân sự (ảnh lưu trữ)

Tư lệnh quân đội, Tướng Valerii Zaluzhnyi cho biết lực lượng không quân đã "phá hủy" một máy bay phát hiện radar tầm xa A-50 và một trung tâm điều khiển trên không Il-22.

Phi cơ A-50 đảm nhận nhiệm vụ phát hiện hệ thống phòng không và điều phối mục tiêu cho các máy bay phản lực Nga.

Ukraine đã phải nỗ lực rất nhiều để đạt được những bước tiến đáng kể trong thời gian gần đây các lực lượng của Nga ở miền đông nam.

Một cuộc họp ngắn của Bộ Quốc phòng Anh hôm 23/2 cho biết Nga "nhiều khả năng" là có 6 chiếc A-50 đang hoạt động. Việc làm ra những chiếc máy bay này có thể tiêu tốn hàng trăm triệu USD.

BBC không thể xác minh vụ tấn công.

Các quan chức Nga cho biết họ "không có thông tin" về các cuộc tấn công, nhưng các nhà bình luận ủng hộ chiến tranh nổi tiếng của Nga thì nói việc mất đi một chiếc A-50 sẽ có tác động lớn.

Một kênh quân sự nổi tiếng, Rybar, nói rằng nếu thông tin của Ukraine về tổn thất của Nga được xác nhận thì đó sẽ là "một ngày đen tối nữa đối với lực lượng không quân Nga".

Một kênh khác cho biết trung tâm chỉ huy Il-22 bị bắn trúng bởi chính "hỏa lực thân thiện" của Nga. Tin cho hay trung tâm điều khiển này đã quay về hạ cánh trên đất Nga.

uk2

Máy bay Il-22, trung tâm chỉ huy chiến thuật trên không của Nga, trên vùng biển Azov

Tướng Zaluzhnyi nói trên Telegram rằng lực lượng không quân Ukraine đã "lên kế hoạch và tiến hành một cách xuất sắc" một chiến dịch ở vùng Azov, miền đông nam Ukraine.

Chỉ huy Lực lượng Không quân Ukraine Mykola Oleshchuk bình luận về vụ bắn rơi máy bay trong một bài đăng trên Telegram, nhưng không cho biết thông tin chi tiết.

Hồi tháng Hai năm ngoái, nhóm đối lập BYPOL của Belarus tuyên bố đã làm hỏng một máy bay quân sự A-50 trong một cuộc tấn công bằng thiết bị bay tự động (drone) gần Minsk.

Justin Bronk, chuyên gia chiến tranh trên không của tổ chức tư vấn quốc phòng Rusi, nói với BBC rằng nếu vụ việc được xác nhận thì việc mất đi chiếc máy bay A-50 sẽ là một "tổn thất đáng xấu hổ và có ý nghĩa lớn về mặt hoạt động" đối với lực lượng không quân Nga.

Ông mô tả chiếc A-50 là "nền tảng chỉ huy, kiểm soát và giám sát then chốt" cung cấp cho các máy bay và hệ thống tên lửa đất đối không của Nga "cảnh báo sớm tầm xa và thông tin về máy bay bay thấp của Ukraine".

Ông nói thêm rằng trong lực lượng không quân Nga "chỉ có một số lượng nhỏ" những chiếc máy bay này và "thậm chí số phi hành đoàn được đào tạo để thực hiện nhiệm vụ còn ít hơn nữa, có nghĩa là việc mất một chiếc sẽ là một tổn thất to lớn".

Nếu được xác nhận, ông cho biết đây sẽ là "một cuộc tấn công tầm rất xa" của tên lửa phòng không Patriot của Ukraine, là điều sẽ nâng "năng lực trên lý thuyết của loại vũ khí này đến giới hạn cao nhất của chúng".

Frank Gardner, phóng viên an ninh của BBC, cho biết diễn biến rõ ràng này là một "tin tốt lành nho nhỏ cho Ukraine trong bối cảnh có rất nhiều tin xấu".

Ông nói tình hình nhìn chung "có vẻ không tốt cho Ukraine" vì nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược, tinh thần quân đội xuống thấp trong lúc Nga vẫn đan tấn công liên tục vào cơ sở hạ tầng của Ukraine.

Oliver Slow

Nguồn : BBC, 15/01/2024

**************************

Ukraine đã tăng cường khả năng tác chiến điện tử đối phó với tên lửa của Nga

Thùy Dương, RFI, 14/01/2024

Kiev đã vô hiệu hóa những tên lửa của Nga bằng cách sử dụng "các biện pháp đối phó tích cực với các phương

tiện chiến tranh điện tử". Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ, được báo Pháp Le Monde hôm 14/01/2024 trích dẫn, nhận định điều này có thể báo hiệu một sự cải thiện khả năng tác chiến điện tử của Ukraine, vốn trước đây mới được công nhận là có khả năng vô hiệu hóa drone của Nga, chứ chưa vô hiệu hóa được tên lửa của đối phương.

ukraine1

Một tòa nhà ở Kharkiv, Ukraine, bị trúng tên lửa của Nga ngày 10/01/2024. AP

Không quân Ukraine hôm qua thông báo trong đêm thứ Sáu rạng sáng thứ Bảy Nga đã oanh kích Ukraine với tổng cộng 40 tên lửa và drone. Tám tên lửa của Nga đã bị tiêu diệt, 20 tên lửa và drone khác không bay được đến các mục tiêu và đã bị chuyển hướng do các "biện pháp đối phó điện tử" của Ukraine.

Theo phát ngôn viên lực lượng không quân Ukraine, Yury Ihnat, lực lượng Ukraine dường như có khả năng xác định các loại tên lửa mà Nga sử dụng, sáng chế và thích ứng.

Trong khi đó, vẫn theo Le Monde, sau thỏa thuận an ninh với Anh, Ukraine muốn ký các thỏa thuận với các nước khác, đặc biệt là với Mỹ. Thủ tướng Ukraine Denys Chmygal cho biết đang đàm phán với các đối tác, nhất là với Hoa Kỳ. Xin nhắc lại thỏa thuận an ninh Anh - Ukraine được ký kết dựa trên các lời hứa song phương từ các nước G7 tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius hồi năm 2023. Anh Quốc là nước đầu tiên đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Về vũ khí, theo tình báo Estonia khẳng định việc các nước chuyển chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine hiện giờ là nỗi sợ chính của Nga. Đại tá Ants Kiviselg, chỉ huy trung tâm tình báo của lực lượng phòng vệ Estonia, nhận định số vụ oanh kích bằng tên lửa ngày càng tăng của Nga cho thấy Moskva coi sự xuất hiện của máy bay chiến đấu F-16 tại Ukraine là một mối đe dọa nguy hiểm cho quân Nga.

Thùy Dương

****************************

Hội nghị vì hòa bình cho Ukraine : Tổng thống Zelensky tiếp tục trông chờ nguồn viện trợ

Minh Phương, RFI, 14/01/2024

Hội nghị vì hòa bình cho Ukraine diễn ra hôm nay 14/1/2024 tại Davos, Thụy Sĩ, một ngày trước phiên khai mạc hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới. Đây là cuộc họp thứ tư nhằm thảo luận về kế hoạch hòa bình cho Kiev, một vấn đề dường như đã bị bỏ quên từ khi cuộc chiến tại Gaza nổ ra hôm 7/10/2023.

ukraine2

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một lần phát biểu tại diễn đàn Kinh tế Davos lần thứ 51, ngày 23/05/2022. AP - Laurent Gillieron

Từ Geneve, thông tín viên đài RFI, Jeremie Lanche cho biết cụ thể :

Ba cuộc họp trước đó ở Copenhagen, Jeddah và Malta đã không mang lại nhiều kết quả, nhưng lần này Kiev có thể hài lòng khi nhìn thấy số các nước tham gia mỗi lúc một tăng lên. Tất nhiên, có những nước ủng hộ truyền thống Kiev như Châu Âu và đi đầu là Hoa Kỳ. Cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Joe Biden, ông Jake Sullivan sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ.

Nhưng trên hết, nhiều quốc gia vốn không tham gia áp đặt các lệnh trừng phạt Nga như Ấn Độ, Brazil và Nam Phi cũng đến tham dự. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có thông tin về việc Trung Quốc có đến tham dự hay không. Còn Nga thì chưa bao giờ được mời tới. Theo quan điểm của Moskva, kế hoạch hòa bình của Ukraine là điều không thể chấp nhận được vì kế hoạch này không kêu gọi gì hơn ngoài việc rút quân Nga ra khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước.

Nhưng điều quan trọng đối với Kiev là ở điểm khác. Trên hết, Ukraine trông cậy nhiều vào các đồng minh vào thời điểm quân đội Ukraine đang gặp khó khăn lớn trên mặt trận, còn Quốc hội Mỹ vẫn đang chần chừ trong việc gia hạn viện trợ quân sự cho Ukraine.

Minh Phương

Published in Quốc tế

Moskva dùng tù binh gây sức ép lên xã hội Ukraine

Le Monde ngày 09/01/2024 cho biết việc trao đổi tù binh giữa Ukraine và Nga vừa được nối lại. Bị thương tật vì tra tấn, thiếu đói, những chiến binh Ukraine được thả chỉ còn là những cái bóng vật vờ. Kiev đang chờ đợi các F-16 để có thể ngăn chặn Moskva uy hiếp bộ binh Ukraine trên chiến địa.

tubinh1

Tù binh Ukraine được trao trả gần Sumy ngày 03/01/2024. Ảnh do văn phòng báo chí phủ tổng thống Ukraine cung cấp. AP

Tù binh Ukraine được trao trả chỉ còn là những "cái bóng"

Le Monde có bài phóng sự nói về "Sự trở về đầy đau lòng của các tù nhân". Sau năm tháng bị ngưng trệ, việc trao đổi tù binh với Nga đã được nối lại. Nhưng chỉ có rất ít trong số hàng ngàn thường dân Ukraine được thoát khỏi cảnh ngục tù của Nga.

Các gia đình đã được báo trước, như mỗi lần trao đổi với Nga : "Bạn sẽ không nhận ra chồng con mình. Hãy che giấu sự ngạc nhiên, hay ít nhất nên cố gắng làm như vậy". Thường thì họ đều bị thương do bị tra tấn, sụt mất phân nửa trọng lượng, đó là những cái bóng trở về với thân nhân sau nhiều tháng bị bắt giữ. Hôm 03/01, có 230 người Ukraine đã được trả về, đổi lấy 248 người Nga, vụ trao đổi quan trọng nhất về số lượng kể từ đầu cuộc xâm lăng. Trong khi mỗi tháng đều có trao đổi, tiến trình này đã bị bế tắc từ ngày 07/08/2023, khiến Kiev phải xây thêm một trại giam quân sự mới trong khi chờ đợi.

Thất bại của cuộc phản công khiến việc thương lượng càng khó khăn. Theo Kiev, Moskva lần khân để làm chia rẽ xã hội Ukraine. Từ nhiều tháng qua, thân nhân các tù binh mỗi lần nhận được cuộc gọi đều chỉ nghe một câu duy nhất giống y nhau, rõ ràng dưới sự cưỡng bức : "Hãy đi biểu tình khắp nơi để chống lại chính quyền, họ đã từ chối giúp đỡ chúng ta". Ngược lại Moskva chẳng có gì phải vội vã. Đại đa số lính bị bắt là những người bị gởi ra tiền tuyến để làm bia đỡ đạn : những tù hình sự, hay người bị nợ nần quá nhiều được tiền lương cao thu hút. Kremlin không hề quan tâm đến số phận của họ.

Thường dân bị quân Nga bắt giữ bừa bãi

Petro Yatsenko, phát ngôn viên cơ quan điều phối của Ukraine về vấn đề tù binh mơ về "trường hợp Viktor Medvedtchouk", tài phiệt Ukraine thân Nga bị bắt về tội phản quốc đã được trao đổi lấy 151 quân nhân Ukraine ngày 22/09/2023. Tóm được lính Chechnya cũng coi như trúng số vì Grozny "mua lại" tù nhân Ukraine từ Nga để nhanh chóng đổi lấy người của mình. Ngược lại, một sĩ quan Nga bị bắt cùng 10 người lính hồi giải phóng Kherson đã bị Moskva từ chối nhận : y như thời Liên Xô, một sĩ quan khi bị địch bắt bị coi như kẻ phản bội.

Đến nay, đã có 2.828 người Ukraine được trao trả, trong đó có 147 thường dân. Vào đầu cuộc xâm lược, Nga có ít tù binh hơn nên bắt dân thường để bù vào cho đạt "doanh số", tuy Công ước Genève cấm trao đổi thường dân lấy tù binh. Quân Nga bắt bớ đủ loại người thuộc mọi giới trong vùng chiếm đóng : nhân viên hiệp hội, nhà báo, linh mục, dân biểu... hoặc chỉ đơn giản như ông Roman Vuïko, một người tàn tật 52 tuổi chỉ vì từ chối không cho lính Nga mượn nhà.

Tình trạng này vẫn chưa kết thúc. Mới hôm 03/01, 30 người Ukraine mới bị bắt vì tham gia một kênh thân Ukraine trên mạng xã hội ở Melitopol đang bị Nga chiếm. Tại các nhà tù của Moskva, hiện có 4.000 dân thường Ukraine, và 95% bị bắt một cách vô tội vạ, phải chịu cảnh giam cầm không biết đến bao giờ. Một cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc tháng 6/2023 ước tính 91% tù nhân Ukraine, dân sự cũng như nhà binh, đều bị tra tấn. Họ bị đánh đập bằng dùi cui, gậy gộc, súng điện Taser…

Nóng lòng chờ "cứu tinh" F-16

Liên quan đến việc cung cấp F-16 cho Ukraine, Le Monde cho biết việc huấn luyện phi công đang được đẩy nhanh. Kiev hy vọng các tiêm kích được nhiều nước phương Tây hứa hẹn sẽ giúp giải tỏa gọng kềm Nga nơi tiền tuyến, nhờ bán kính hoạt động của radar và chất lượng hỏa tiễn không đối không của loại chiến đấu cơ này.

"F-16 đã đến !". Hôm 22/12/2023 tin đồn này dậy lên trên mạng xã hội, sau khi Không quân Ukraine chỉ trong vòng một ngày đã hạ được ba oanh tạc cơ Su-34 của Nga tại vùng Kherson ở miền nam. Một chiến thắng oanh liệt chưa từng thấy kể từ đầu cuộc xâm lăng. Nhưng không có bằng cớ nào để chứng minh F-16 đã lâm trận, và nay giả thiết đây là chiến công của một giàn phòng không Patriot có vẻ khả tín hơn. Nhưng điều này cho thấy người Ukraine đang hết sức nóng ruột chờ đợi những chiếc F-16 đầu tiên.

Loại chiến đấu cơ thế hệ thứ tư của Mỹ hoạt động xa hơn nhiều so với những chiếc Mig-29, Su-25 hay Su-27 mà Kiev đang có, và những hỏa tiễn chúng mang theo sẽ đẩy lùi các trực thăng và phi cơ địch, không còn có thể trút bom xuống bộ binh Ukraine như hiện nay. Cho tới nay có bốn nước Bỉ, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan cam kết sẽ gởi những chiếc F-16 tuy cũ nhưng chưa đạt số giờ bay tối đa. Phương Tây mập mờ về số lượng chuyển giao, nhưng giới quân sự cho rằng khoảng 60 chiếc.

Sukhoi sẽ khó làm mưa làm gió

Việc huấn luyện phi công và ê-kíp bảo trì trên mặt đất đang được tăng tốc - cần khoảng 12 kỹ thuật viên cho mỗi chiến đấu cơ. Ngày 02/01, Na Uy loan báo gởi hai chiếc F-16 sang căn cứ không quân Skrydstrup ở Đan Mạch để giúp đào tạo phi công Ukraine, cùng với 10 huấn luyện viên đi kèm. Ngày 04/01, Bỉ khẳng định sẽ đưa hai chiến đấu cơ hạng nhẹ Mỹ cùng với khoảng 50 nhân sự sang Đan Mạch để tiếp tục việc huấn luyện. Về phía Anh quốc loan báo một nhóm đầu tiên gồm 6 phi công Ukraine đã kết thúc việc huấn luyện căn bản. Đó là một chương trình cấp tốc và hiệu quả, theo bộ trưởng quốc phòng Ukraine Rustem Umerov. Còn Pháp từ nhiều tháng qua cũng đã huấn luyện lý thuyết. Nhưng chính tại Hoa Kỳ có nhiều tiến bộ nhất, một nhóm phi công Ukraine từ tháng 10/2023 đã tập luyện tại một căn cứ ở Tucson (Arizona).

Tướng Mỹ Pat Ryder từ chối cho biết bao giờ họ sẽ hoàn tất, nói rằng việc đào tạo mất "từ 5 đến 8 tháng". Nhưng một nguồn tin quân sự Châu Âu cho biết một số phi công Ukraine học hỏi rất nhanh, có thể thi hành nhiệm vụ sau ba tháng. Phải chăng F-16 có thể hoạt động trên bầu trời Ukraine trước khi mùa đông kết thúc ? Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng việc chuyển giao chiến đấu cơ sớm nhất chỉ có thể vào mùa xuân tới. Một nguồn tin quân sự Pháp nhận xét : "Dù sao đi nữa sẽ không có loan báo chính thức. Người ta chỉ biết F-16 được giao khi nào nhìn thấy chúng bay trên Ukraine".

Israel ít thiệt hại trong trận chiến đô thị ở Gaza

Về Trung Đông, Le Monde bắt đầu loạt bài năm kỳ với bài viết "Palestine, vùng đất được hứa hai lần". Le Figaro cho rằng "Dưới áp lực, Israel đành phải hứa sẽ giảm cường độ oanh tạc ở Dải Gaza". Bên cạnh đó, tờ báo cũng nhận thấy tại vùng đất này diễn ra một trận chiến tranh đô thị độc nhất vô nhị. Stalingrad, Berlin, Mosul, Raqqa, Mariupol, Bakhmut… Trận đánh để kiểm soát thành phố Gaza nối dài thêm danh sách những cuộc cận chiến trong thành phố.

Ba tháng sau vụ khủng bố ngày 07/10, quân đội Israel loan báo đã hoàn thành việc phá hủy các cấu trúc quân sự của Hamas ở phía bắc. Chuyên gia Michel Goya ghi nhận diễn tiến cuộc chinh phục của Tsahal hoàn toàn phù hợp với những gì được chờ đợi, đó là điều khá hiếm hoi. Chiến tranh đô thị vốn được coi là nguy hiểm và phức tạp nhất, nhưng các nhà quan sát đã bắt đầu rút ra những bài học từ Gaza.

Các nhà nghiên cứu Mỹ dựa trên hình ảnh vệ tinh cho rằng trên 100.000 tòa nhà đã bị phá hủy tại Dải Gaza, còn theo Hamas 23.000 người đã bị thiệt mạng, lời kêu gọi kềm chế của phương Tây đã không được lắng nghe. Trước chiến dịch, tướng Mỹ Glynn đã đến Israel, ông là người từng giám sát trận đánh Mosul ở Iraq chống lại Daesh. Tại thành phố này, 40.000 tòa nhà đã bị liên quân phá hủy, 10.000 lính Iraq tử trận cùng với 10.000 thường dân. Tại Gaza cho đến nay trên 170 quân nhân Israel đã hy sinh.

Ở Gaza, mạng lưới địa đạo tinh tế và phức tạp hơn Mosul nhiều, và ngược với Daesh, Hamas không phải là một lực lượng nước ngoài mà xuất phát từ người Palestine. Đặc điểm này khiến Israel phải tiến từ từ với sự yểm trợ của Không quân. Cựu tướng Mỹ cho biết nhiều tòa nhà sụp đổ là do phá hủy địa đạo, và nhiều khi việc này là cần thiết để cứu vãn mạng người. Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ từng oanh tạc đến 85% thành phố Bến Tre. Nhờ ưu thế Không quân và trí thông minh nhân tạo, Tsahal có thể oanh kích gần 400 vụ/ngày, trong khi ở Mosul liên minh chỉ có thể tiến hành 1.500 vụ trong 12 tháng.

Trung Quốc hạn chế cho Châu Phi vay

Liên quan đến Trung Quốc, Le Monde vẽ ra "Khuôn mặt mới của chính sách Châu Phi". Quan hệ đã chuyển sang một bước ngoặt, số tiền mà Bắc Kinh cho các nước lục địa đen vay sụt giảm mạnh. Trong năm 2022, lần đầu tiên kể từ 18 năm qua tín dụng dành cho Châu Phi không đạt đến 1 tỉ đô la, trong khi thời kỳ cao điểm năm 2016 lên đến trên 28 tỉ. Đó là do tình hình kinh tế Trung Quốc u ám hơn, và một số nước Châu Phi không trả được nợ như Zambia, Ethiopia, Kenya.

Từ năm 1991, mỗi đầu năm ngoại trưởng Trung Quốc lại bắt đầu vòng công du Châu Phi, truyền thống này đã kéo dài từ 33 năm qua. Giờ đây Châu Phi chỉ chiếm 1,1% tổng đầu tư của Bắc Kinh trong năm 2022, và tập trung vào hầm mỏ. Có những dự án đầu tư kém hiệu quả như đường xe lửa nối Addis-Abeba và Djibouti, phải mất nửa thế kỷ mới sinh lợi, hơn nữa tuyến đường cũ thời thuộc địa mà dự án này định thay thế vẫn hoạt động tốt.

Tuy vậy các công ty Trung Quốc vẫn làm ăn khấm khá tại châu lục, giành được nhiều gói thầu vì những lao động Trung Quốc đến làm việc chấp nhận điều kiện ăn ở tệ hại so với công nhân phương Tây. Chuyên gia Thierry Vircoulon của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp nhận định, đứng chân ở Châu Phi giúp Bắc Kinh "bảo đảm được nguồn nguyên vật liệu và mua các chính phủ". Chiến lược này cho tới nay vẫn hiệu nghiệm. Ngoài Eswatini (tên mới của Swaziland), không còn quốc gia Châu Phi nào có quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Cũng chính nhờ những lá phiếu của Châu Phi mà một người Trung Quốc là Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) trở thành giám đốc Tổ chức Lương Nông Quốc tế của Liên Hiệp Quốc năm 2019, qua mặt các ứng cử viên của Pháp và Georgia (Gruzia).

Pháp thay đổi thủ tướng : Tựa chính các báo

Pháp cải tổ nội các là sự kiện được các báo tập trung chú ý hôm nay. Chân dung nữ thủ tướng Élisabeth Borne xuất hiện trên trang nhất các nhật báo lớn, ngoại trừ Le Monde ra từ chiều hôm trước. La Croix chú thích bà đã rời chức vụ, sau 20 tháng cầm quyền được đánh dấu bằng cải cách chế độ hưu trí và luật nhập cư. Nhật báo thiên tả Libération thẳng thừng với tít lớn ngắn gọn "Borne Out" : thủ tướng bị ông Emmanuel Macron cách chức hôm qua. Les Echos đăng ảnh bà và Macron đang xoay mặt, chạy tựa "Macron lật sang trang Borne". Le Figaro đưa tít "Borne ra đi, một trang mới mở ra cho Macron". Ảnh được chọn là bà Borne đang bước ra khỏi cửa, theo sau là ông Gabriel Attal - bộ trưởng giáo dục trẻ tuổi là người có nhiều triển vọng thay thế nữ thủ tướng, và thông tin này đã được chính thức loan báo vào buổi trưa.

Thụy My

Published in Quốc tế