Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sự phục thù của các viện thăm dò dư luận (RFI, 24/04/2017)

president1

Emmanuel Macron và Marine Le Pen (Studio Graphique FMM/AFP)

Sau chiến thắng của phe ủng hộ Brexit bên Anh và việc nhà tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, các viện thăm dò dư luận đã bị chỉ trích mạnh mẽ. Thế nhưng, liên quan đến vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp, ngày 23/04/2017, các cơ quan này đã thăm dò dư luận đúng : kết quả cuộc bỏ phiếu phản ánh đúng xu thế được ghi nhận trong những tuần qua.

Kết quả cuộc thăm dò dư luận cuối cùng được công bố hôm thứ Sáu, 21/04, cho thấy Emmanuel Macron có thể thu được từ 23 đến 24% số phiếu, Marine Le Pen 22-23%, François Fillon 19-21%, Jean-Luc Melenchon 18-19,5%. Điều này gần như đúng với các tỷ lệ phiếu được ước tính vào tối ngày 24/03.

Các viện thăm dò dư luận cũng đưa ra các thẩm định về tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu tăng chút đỉnh, trong 10 ngày, từ 65% lên tới 75% và cuối cùng được dự báo là 78%.

Theo nhận định của bà Anne Jadot, giảng viên khoa học chính trị thuộc đại học Lorraine, Pháp, được AFP trích dẫn, "trong những ngày qua, các viện thăm dò đã cảm nhận được sự gia tăng muộn màng về số người đi bầu và họ đã chỉ rõ là Emmanuel Macron về đầu, Marine Le Pen ở vị trí thứ hai".

Các cơ quan thăm dò đã làm được việc này trong bối cảnh tỷ lệ người chưa quyết định bỏ phiếu cho ai cao chưa từng thấy, bởi vì trong những ngày cuối cùng trước cuộc bỏ phiếu, có tới một phần ba dân Pháp còn chưa quyết định hoặc có thể thay đổi sự lựa chọn.

Tình trạng bấp bênh này làm cho công việc của các viện thăm dò trở nên phức tạp, khó khăn hơn. Bản thân các cơ quan này của Pháp cũng bị "giám sát" chặt chẽ sau những thất bại của các đồng nghiệp Anh, Mỹ không tính tới khả năng đắc cử của Donald Trump, cũng như thắng lợi của phe ủng hộ Brexit bên Anh.

Các viện thăm dò dư luận của Pháp cũng bị chỉ trích sau thắng lợi của ông François Fillon trong cuộc bầu cử sơ bộ trong đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa.

Ông Pierre Lefébure, thuộc Phòng thông tin chính trị Paris-Dauphine, cho rằng các viện thăm dò, đặc biệt là những cơ quan áp dụng kỹ thuật theo dõi xu hướng dư luận hàng ngày (rolling quotidien) đã nắm bắt được rất tốt các xu hướng và động lực thúc đẩy dư luận. Ông ghi nhận, kết quả các đợt thăm dò này đã tương ứng với những sự kiện trong cuộc vận động tranh cử, ví dụ như cuộc thảo luận trên truyền hình cho thấy xu thế đảo ngược giữa ứng viên Benoit Hamon và Jean-Luc Melenchon, hay việc chính trị gia cánh trung François Bayrou ủng hộ Emmanuel Macron đã cho thấy ứng viên Macron, vào khoảng ngày 20/02, có thêm được từ 3 đến 4 điểm vào lúc ông có tỷ lệ ủng hộ ngang ngửa với ứng viên cánh hữu François Fillon.

Vẫn theo chuyên gia Lefébure, các thăm dò cũng đã nhận thấy tỷ lệ ủng hộ ứng viên Marine Le Pen đã tụt giảm dần dần. Như vậy, có thể là những cử tri còn lưỡng lự không lựa chọn ứng viên này.

Về trường hợp ứng viên François Fillon, các thăm dò dư luận vừa qua tại Pháp cũng không vấp phải vấn đề người được thăm dò dấu ý định bỏ phiếu của mình. Có thể là do cách thức thăm dò dư luận qua internet, cho phép người được hỏi cảm thấy thoải mái hơn, vô danh, không chịu tác động, sức ép như khi hỏi trực tiếp hoặc qua điện thoại.

Nếu như các viện thăm dò dư luận, nhìn trong tổng thể, đã phản ánh đúng xu thế lựa chọn của cử tri, tỏ ra đáng tin cậy hơn, thì giới chuyên gia cũng chỉ trích các cơ quan này đã có ảnh hưởng thực sự đối với các diễn tiến các cuộc vận động tranh cử, đến sự lựa chọn của cử tri, như chủ đề "lá phiếu có ích" ở bên cánh tả.

Ông Lefébure đưa ra ví dụ : trong đợt vận động tranh cử vừa qua, các cử tri, đặc biệt là ở bên cánh tả, đã quá chú trọng đến việc ngăn cản ứng viên cực hữu của Mặt Trận Quốc Gia cũng như ứng viên cánh hữu của đảng Những Người Cộng Hòa, hơn là quan tâm đến nội dung các chương trình tranh cử. Cách tiếp cận này đã sớm có những tác động thuận lợi đối với ứng viên cánh trung Emmanuel Macron và mặt khác, các cử tri cho rằng việc bỏ phiếu cho Benoit Hamon, thuộc đảng cánh tả Xã Hội, không còn hữu ích nữa vì ứng viên này có tỷ lệ ủng hộ quá thấp theo kết quả các cuộc thăm dò.

******************

Bầu cử tổng thống Pháp : Macron về đầu, quốc tế thở phào nhẹ nhõm (RFI, 24/04/2017)

president2

Emmanuel Macron mừng thắng lợi vòng 1 bầu cử tổng thống Pháp, ngày 23/04/2017. REUTERS/Benoit Tessier TPX IMAGES OF THE DAY

Ngay khi kết quả ban đầu vừa được công bố, hầu hết các chính khách của Pháp, từ tả sang hữu đều kêu gọi cử tri ủng hộ ứng cử viên Emmanuel Macron ở vòng hai. Ông François Fillon - người về thứ ba, cũng như ứng viên đảng Xã Hội Benoît Hamon cùng kêu gọi "cản đường một đảng cực hữu bài ngoại" vào điện Elysée. Riêng lãnh đạo phong trào Nước Pháp Bất Khuất Jean-Luc Mélenchon, dù chủ trương chống bà Le Pen, nhưng trước mắt không kêu gọi các ủng hộ viên bỏ phiếu cho phe nào.

Đáng chú ý hơn cả là phản ứng của quốc tế : Việc ứng viên Emmanuel Macron có lập trường ủng hộ Châu Âu về đầu và có nhiều triển vọng đắc cử ở vòng hai đã trấn an các đối tác chính của Pháp trong Liên Hiệp Châu Âu.

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Jean-Claude Juncker, là người đầu tiên lên tiếng, gửi điện mừng và chúc ông Emmanuel Macron "nhiều may mắn" cho vòng hai bầu cử tổng thống ngày 07/05/2017. Berlin tuyên bố ủng hộ ứng cử viên Macron. Bộ trưởng ngoại giao Đức bày tỏ "vui mừng" trước thắng lợi hôm qua của ông Macron và tin chắc ứng viên trẻ tuổi này sẽ đắc cử trong vòng 2 sắp tới.

Các thị trường chứng khoán trên thế giới đón nhận tin vui khi xua tan được kịch bản hai ứng cử viên chủ trương từ bỏ đồng euro,Jean-Luc Mélenchon và Marine Le Pen, cùng vào vòng hai. Chỉ số chứng khoán CAC 40 tại Paris vào giờ mở cửa sáng nay tăng hơn 4 %. Thị trường Đức và Anh cùng tăng điểm.

Viễn cảnh nước Pháp ra khỏi eurozone không còn tính thời sự, khiến đồng euro tăng giá so với đô la và đồng yen Nhật Bản. Theo lời một chuyên gia tài chính được AFP trích dẫn, thắng lợi của ông Macron hôm qua là "kịch bản lý tưởng sau Brexit và thắng lợi của nhà tỷ phủ Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ" hồi tháng 11/2016.

Tại Châu Á, các sàn chứng khoán từ Tokyo đến Sydney đều khởi sắc so với phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước - thứ Sáu 21/04/2017, trước bầu cử tổng thống Pháp vòng 1. Dù vậy, một số các nhà quan sát tại Châu Á vẫn thận trọng, vì từ nay đến ngày 07/05/2017 "nhiều chuyện vẫn có thể xảy ra". Nguy cơ khủng bố, tai tiếng chính trị … có thể làm đảo lộn các dự báo về kết quả bầu cử.

Báo chí quốc tế : Sự hiện diện của Marine Le Pen vẫn là một "mối đe dọa"

Báo chí quốc tế cũng đã nhanh chóng bình luận về kết quả bầu cử Pháp. The Guardian xem thắng lợi ở vòng 1 của ứng cử viên Macron là "hy vọng tốt nhất" đối với Pháp, nhưng đồng thời sự hiện diện của đảng cực hữu ở vòng nhì là "một mối đe dọa vẫn chưa được dập tắt".

Tờ Daily Mail nói đến "một cuộc cách mạng mới của nước Pháp" và xem bầu cử tổng thống 2017 trên quê hương của thi hào Voltaire có ý nghĩa quan trọng như một cuộc trưng cầu dân ý về câu hỏi Pháp nên ra đi hay ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu. Báo Times đăng ảnh Marine Le Pen tươi cười say men chiến thắng. Tờ báo nhận định thắng lợi của bà Marine Le Pen là một vố đau đối với các tầng lớp lãnh đạo ưu tú của Paris.

Tạp chí Der Spiegel của Đức cũng nói tới một "cú bạt tai" đối với chính giới Pháp.

Nhật báo The Wall Street Journal của Mỹ đánh giá cử tri Pháp vừa "vẽ lại bản đồ chính trị" mà ở đó Liên Hiệp Châu Âu là trung tâm. Vòng 2 mở ra giữa ông Macron và bà Le Pen, "một người chủ trương đẩy mạnh tiến trình hội nhập Châu Âu, người kia thì xem Liên Hiệp Châu Âu và đồng euro là kẻ thủ của nước Pháp".

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc, trong phần xã luận, lưu ý độc giả trên mạng : "Nếu ông Macron đắc cử tổng thống Pháp, thì đây sẽ là một thất bại chính trị với bà Le Pen, nhưng phải nhìn nhận là đảng cực hữu đã vươn lên mạnh mẽ trong cuộc vận động tranh cử vừa qua. Còn nếu như trái với tất cả các dự báo, bà Le Pen đánh bại được Emmanuel Macron, thì đây sẽ là hồi chuông báo tử dành cho Liên Hiệp Châu Âu".

Thanh Hà

**********************

Bầu tổng thống Pháp : trận chung kết Macron và Le Pen bắt đầu (RFI, 24/04/2017)

president3

Hai ứng cử viên Emmanuel Macron (T) và Marine Le Pen lọt vào vòng hai bầu cử tổng thống Pháp 2017. Eric Feferberg, Joël SAGET / AFP

Ứng cử viên Emmanuel Macron, trung tả, ở vị trí thượng phong, và Marine Le Pen, cực hữu, sẽ đụng nhau trong vòng hai của cuộc đua vào điện Elysée sau cơn địa chấn của vòng một ngày Chủ Nhật. Lần đầu tiên trong lịch sử Đệ Ngũ Cộng hoà Pháp, đại diện hai đảng tả - hữu truyền thống bị loại ở vòng một.

Về nhất với 23,75%, Emmanuel Macron, 39 tuổi, là một gương mặt mới trên chính trường Pháp, không có tiếng tăm cho đến khi được tổng thống François Hollande bổ nhiệm vào chiếc ghế bộ trưởng Kinh Tế vào năm 2014. Với chủ trương độc đáo "xóa bỏ biên cương tả - hữu" để có thể cải cách hệ thống chính trị lỗi thời, giải quyết nạn thất nghiệp trầm kha, Emmanuel Macron thành lập phong trào "Tiến bước !" đúng một năm trước đây và từ chức bộ trưởng để tranh ghế tổng thống, một hoài bão bị xem là "ảo vọng".

Bị các đối thủ gọi là "người kế tục" của tổng thống mãn nhiệm François Hollande, nhưng được cảm tình của truyền thông Pháp cũng như thành phần cử tri đang thất vọng về cả hai phe tả - hữu truyền thống, Emmanuel Macron có rất nhiều cơ may trở thành vị tổng thống thứ 8 của Đệ Ngũ Cộng Hoà và là tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Cộng Hoà Pháp, kể cả thời Louis-Napoléon Bonaparte.

Trong bài diễn văn đêm Chủ Nhật, sau khi có những kết quả đầu tiên, sáng lập viên phong trào "Tiến bước !" kêu gọi tất cả công dân Pháp - tả cũng như hữu - đồng hành "đánh bại" phe dân tộc chủ nghĩa, ám chỉ ứng cử viên bài ngoại Marine Le Pen.

Với 21,50% phiếu, nữ luật sư Marine Le Pen về nhì, bước vào vòng hai như thân phụ của bà, ông Jean-Marie Le Pen, cách nay 15 năm. Với lập luận "tương lai dân tộc bị đe dọa", đại diện của xu hướng bài ngoại chủ trương bỏ đồng tiền chung, rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Mượn một lời tuyên bố của tướng De Gaulle, Marine Le Pen cổ vũ cử tri "yêu nước" giúp bà chiến thắng để "cứu nước Pháp".

Xem tổ chức bài ngoại là nguy cơ đe dọa đất nước, hầu hết lãnh đạo hai phe tả - hữu, kể cả hai ứng cử viên thất bại François Fillon của liên minh trung hữu và Benoit Hamon của đảng Xã hội, đều kêu gọi cử tri dồn phiếu cho Emmanuel Macron. Trong cuộc bầu cử năm 2002, với "Mặt Trận Cộng Hoà", huy động những người có cùng quan điểm về tự do dân chủ, ứng cử viên Jacques Chirac đã đánh bại thân phụ của Marine Le Pen với tỷ lệ 82,21%-17,79%.

Theo các kết quả thăm dò, Emmanuel Macron sẽ đắc cử với tỷ lệ từ 62% đến 64% vào Chủ nhật 07/05/2017.

Tú Anh

************************

Bầu cử tổng thống Pháp : Thất bại lịch sử của cánh hữu (RFI, 24/04/2017)

"Thất bại ê chề", "Thảm bại về mặt đạo đức" : đó là những cụm từ mà các thành viên trong đảng Những Người Cộng Hòa – LR đã dùng để chỉ sự kiện lần đầu tiên từ năm 1958, cánh hữu bị loại ngay từ vòng đầu trong một cuộc bầu cử tổng thống.

president4

Ứng viên cánh hữu François Fillon phát biểu sau vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2017, Paris, ngày 23/04/2017 - REUTERS

Từ gần nửa thế kỷ qua, hai đảng tả -hữu, đảng Xã Hội - PS và LR thay nhau chi phối chính trường Pháp, thế mà cả hai cùng bị loại khỏi cuộc đua vào điện Elysée. Đây là sự kiện chưa từng thấy.

Thất bại thảm hại chưa đầy 7 % của đảng Xã Hội cánh tả không gây ngạc nhiên vì đã được dự báo từ trước, trong khi đối với đảng Những Người Cộng Hòa thì đây là "thất bại lịch sử".

Về thứ ba, sau phong trào tập hợp tả-hữu Tiến Bước - En Marche ! của Emmanuel Macron và đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia – FN là một "sỉ nhục" đối với cựu thủ tướng François Fillon.

Cho đến khi vụ tai tiếng việc làm giả liên quan trực tiếp đến vợ và 2 con ông bị báo chí phanh phui, đảng LR và François Fillon tưởng như cầm chắc phần thắng trong tay, sau 5 năm cầm quyền của tổng thống cánh tả - đảng Xã Hội, François Hollande. Là một chính trị gia giàu kinh nghiệm, François Fillon, 63 tuổi, ra tranh cử đại biểu Quốc Hội lần đầu tiên năm 1981và liên tục tái đắc cử cho đến hiện nay. Ông đã 5 lần giữ chức bộ trưởng và đáng chú ý hơn cả, ông là thủ tướng duy nhất trong nhiệm kỳ 5 năm dưới thời tổng thống Sarkozy (2007-2012). Đây là một thành tích hiếm có trong lịch sử nền đệ Ngũ Cộng Hòa.

Tháng 11/2016 trái với mọi dự báo, François Fillon dễ dàng được bầu làm đại diện cho cánh hữu ra tranh cử tổng thống Pháp 2017. Ông đã loại những đối thủ nặng ký nhất là cựu tổng thống Nicolas Sarkozy, cựu thủ tướng Alain Juppé khỏi cuộc tuyển chọn sơ bộ, nhờ hình ảnh một nhà làm chính trị chín chắn, cương trực và liêm khiết.

Mọi kỳ vọng vực dậy nước Pháp đều được đặt lên đôi vai ứng cử viên Fillon. Cương lĩnh tranh cử của ông được các đối tác chính trong Liên Hiệp Châu Âu đánh giá cao. Kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách Nhà nước do ông đề xướng được xem là "có trách nhiệm" và cần thiết cho nước Pháp.

Trong bối cảnh mà Pháp nói riêng, Liên Hiệp Châu Âu nói chung đang lao vào một cuộc đọ sức với Nga trên hai hồ sơ lớn là Ukraina và Syria, thì nhìn từ Moskva, tổng thống Vladimir Putin xem François Fillon như là một chính khách "có tính chuyên nghiệp lớn". Châu Âu, sau khi nước Anh đòi ra khỏi ngôi nhà chung, đã xem ứng cử viên của đảng Những Người Cộng Hòa là một đối tác quan trọng để củng cố thêm Liên Hiệp Châu Âu.

François Fillon là ứng cử viên tổng thống Pháp đầu tiên được thủ tướng Đức tiếp tại Berlin. Trong bối cảnh cánh tả của Pháp bị chia năm sẻ bảy, hai đảng cực tả và cực hữu có chủ trương bài Châu Âu, chống chính sách khắc khổ của eurozone ngày càng thuyết phục được cử tri Pháp, thủ tướng Angela Merkel kỳ vọng François Fillon sẽ là một "đối tác đáng tin cậy" để cùng với Berlin tiếp tục tiến trình hội nhập Châu Âu.

Con đường vào điện Elysée của ông Fillon tưởng chừng không gặp trở ngại. Cánh hữu tin chắc trở lại nắm quyền. Cuối tháng Giêng 2017, toàn cảnh chính trị Pháp hoàn toàn bị đảo lộn với tiết lộ của tờ báo trào phúng Le Canard Enchainé về vụ việc làm giả, liên quan tới vợ và hai con ứng viên tổng thống Fillon.

Tiếp theo đó là những tuyên bố khi thì vụng về, khi thì trống đánh xuôi, kèn thổi ngược của bản thân François Fillon. Ứng cử viên tổng thống của đảng LR và vợ ông là bà Penelope Fillon bị điều tra, rồi bị khởi tố vì những cáo buộc "biển thủ công quỹ", "lạm dụng tài sản của xã hội".

Từ khi tai tiếng được phơi bày ra ánh sáng, hình ảnh xấu đó gắn liền với tên tuổi của François Fillon. Ông không thể thuyết phục được cử tri về tính cần thiết của các chương trình cắt giảm chi tiêu, giảm bớt nợ công, lành mạnh hóa các hoạt động kinh tế… Tại mỗi chặng vận động của ứng viên đảng Những Người Cộng Hòa, đều có đám đông, gõ nồi niêu xoong chảo với những khẩu hiệu như "trả lại tiền cho công chúng", hay tệ hơn nữa, phe chống đối gán cho ông hình ảnh "kẻ cắp", bòn rút tiền của Nhà nước cho vợ, con.

Một làn sóng phản kháng dấy lên ngay trong nội bộ đảng, kêu gọi ông rút lui, chỉ định một người khác thay thế ông làm đại diện cho cánh hữu ra tranh cử tổng thống. François Fillon, phớt lờ và quyết tâm "đi đến cùng". Bởi ông tin chắc, chiêu bài "an ninh, trật tự, những giá trị bảo vệ gia đình, đạo đức"… sẽ giúp ông vượt qua được tất cả.

Kết quả ngày hôm qua cho thấy, François Fillon đã đi sai một nước cờ, đảng Những Người Cộng Hòa đánh mất cơ hội trở lại cầm quyền.

Không đợi kết quả chính thức, nhiều thành viên đảng này ngay từ tối hôm qua đã đòi tính sổ với François Fillon. Cánh hữu "choáng váng" với chưa đầy 20 % phiếu ủng hộ. Thua "xiểng niểng, thất bại này lại càng cay đắng khi mà đảng LR tưởng chừng nắm chắc phần thắng trong tay" : là những lời bình của chính Những Người Cộng Hòa.

Theo giới phân tích, cuộc bầu cử tổng thống 2017 là trận đấu chính trị cuối cùng của ông Fillon. Đảng LR cũng đang muốn nhanh chóng sang trang cuộc bầu cử tổng thống lần này để còn chinh phục Quốc Hội trong cuộc bầu cử sắp mở ra vào đầu tháng 6 này. Đây sẽ là bài toán trắc nghiệm cho uy tín của cánh hữu, cho sự tồn tại của đảng Những Người Cộng Hòa.

Thanh Hà

***********************

Bầu cử tổng thống : Chuyện bên lề "hài hước kiểu Pháp" (RFI, 24/04/2017)

president5

Cử tri lựa chọn ứng viên tại một phòng bỏ phiếu ở Paris, ngày 23/04/2017 - Benjamin Cremel / AFP

Bên lề vòng 1 bầu cử tổng thống Pháp, "tờ bạc 50 euro cho Pénélope" là chủ đề được nhắc đến rất nhiều. Tại một phòng phiếu ở quận 15 - Paris, trong quá trình kiểm phiếu, người ta phát hiện một phong bì, bên trong không phải là một lá phiếu hợp lệ với tên của 1/11 ứng cử viên tổng thống mà là một tờ bạc mệnh giá 50 euro có ghi hai từ "Pour Pénélope" / "Dành cho Pénélope ". Lá phiếu gợi nhắc lại tai tiếng "Pénélope Gate" liên quan tới vụ ứng cử viên đảng Những Người Cộng Hòa François Fillon tạo việc làm ảo cho vợ và hai con trai để "kiếm bộn tiền ".

Bức ảnh "lá phiếu đặc biệt" này được đăng tải trên nhiều tờ báo và mạng xã hội. Kênh radio Europe 1 hài hước bình luận : "Không biết lá phiếu này sẽ đi về đâu, nhưng có một điều chắc chắn, đây là lá phiếu có giá trị nhất của vòng một bầu cử. Và đương nhiên, tờ phiếu này đã không được tính cho François Fillon ". Còn trang The Huffington Post thì mỉa mai "sự quan tâm, chú ý" của cử tri quận 15 nói trên có thể giúp François Fillon "lên tinh thần" sau thất bại cay đắng trước Emmanuel Macron và Marine Le Pen.

Một cử tri khác chọn lá phiếu có tên ứng cử viên cánh hữu François Fillon nhưng thêm nhiều nhận xét tiêu cực như "Đồ ăn cắp ! ", "Kẻ lừa đảo ! ", "Đồ dối trá ! ". Cá biệt, có những lá phiếu với những lời chửi rửa tục tĩu dành cho hai ứng viên François Fillon và Marine Le Pen.

Một số cử tri thì chẳng chọn ai trong số 11 ứng cử viên tổng thống mà tự tạo một lá phiếu trên đó có ghi tên của một nhân vật nổi tiếng như ca sĩ Céline Dion, và hay gặp nhất là tên các cầu thủ đá bóng nổi tiếng. Có cử tri thì dùng ảnh một chú hề thay cho tờ phiếu bầu, một cử tri khác thì cắt lấy nắp hộp phô mai Camembert Président (Tổng thống Camembert) cho vào phong bì đựng phiếu. Camembert Président là một nhãn hiệu phô mai nổi tiếng tại Pháp.

Trò chơi chữ vốn được người Pháp yêu thích cũng được nhiều cử tri khác áp dụng. Một cử tri có lẽ yêu thích bóng đá thì viết thêm chữ vào sau tên của ứng viên Le Pen để thành "Penalty pour Lyon" (Một quả phạt đền cho đội Lyon).

Bên cạnh các lá phiếu "không hợp lệ một cách hài hước ", các báo Pháp hôm nay còn nhắc đến một sự cố "đáng ngạc nhiên " tại Marseille khiến thành phố miền nam nước Pháp này không thể công bố đúng giờ kết quả bỏ phiếu chính thức vòng 1. Tờ báo La Provence hôm qua đưa tin chủ tịch một phòng phiếu quận 13, thành phố Marseille đã "biến mất " cùng với toàn bộ phiếu bầu của cử tri vào cuối ngày.

Sáng hôm nay tờ báo Le Parisien/Người Paris cho biết sau khi tìm kiếm khắp nơi, cảnh sát đã tới nhà ông chủ tịch phòng phiếu nói trên và tìm thấy người này cùng với toàn bộ số phiếu mà họ "tưởng đã mất ". Sự thật là do hiểu nhầm quy định, thay vì tổ chức kiểm phiếu, ông chủ tịch điểm bỏ phiếu đã "ung dung" ra về cùng với túi đựng tất cả phiếu bầu. Một sự cố hiếm có !

Thùy Dương

************************

Marine Le Pen : Hậu sinh khả úy (RFI, 23/04/2017)

president6

Marine Le Pen, ứng viên của đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia, phát biểu sau khi có kết quả vòng 1 ngày 23/04/2017. REUTERS/Charles Platiau

Người con thừa kế của đầy tham vọng với tính khí dữ dội, Marine Le Pen đã mang lại hy vọng chiến thắng cho đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia ở lần thứ 2 ra ứng cử tổng thống Pháp.

Trong bối cảnh nước Pháp bị đe doạ khủng bố thường trực, tỷ lệ thất nghiệp cao kéo dài do nền kinh tế ì ạch dẫn đến nỗi chán trường giới chính trị trong dân chúng tích tụ đến cao độ và sự trỗi dậy mạnh mẽ của trào lưu dân túy ở Châu Âu. Những yếu tố đó đã đem lại cho đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia nói chung và cá nhân Marine Le Pen nói riêng, hy vọng có thể lần đầu tiếp cận quyền lãnh đạo đất nước, sau hơn 4 thập kỷ đóng vai trò đối lập trên chính trường Pháp.

Marine Le Pen sinh năm 1968, con út trong gia đình có 3 con gái của Jean Mari Le Pen, người sáng lập đảng Mặt Trận Quốc Gia (1972) và cũng là người có nhiều tai tiếng chính trị. Ban đầu theo nghề luật sư, Marine Le Pen bước vào con đường chính trị lần đầu dưới màu cờ của Mặt Trận Quốc Gia với việc ứng cử Quốc Hội vào năm 1993 nhưng không thành công. Từ năm 1998, bà mới bắt đầu có được vị trí trong các hội đồng địa phương.

Đến năm 2004, Marine Le Pen giành được chiếc ghế ở Nghị Viện Châu Âu. Cũng từ thời điểm này, với sự hỗ trợ của người cha, cô con gái út trong gia đình Le Pen bắt đầu thăng tiến trong đảng cho đến năm 2011, Marine Le Pen được bầu làm chủ tịch đảng và nhanh chóng làm một cuộc thay máu trong Mặt Trận Quốc Gia vốn vẫn bị nhìn nhận một đảng cực hữu, mang nặng tư tưởng phân biệt chủng tộc, bài ngoại hay thậm chí còn mang tiếng là phát xít.

Hàng loạt nhân vật gạo cội trong đảng, trong đó kể cả người cha Jean-Mari Le Pen sáng lập ra FN lần lượt bị loại ra khỏi đảng để thay vào đó bằng những gương mặt mới với ý đồ thay đổi định kiến của người dân Pháp với Mặt Trận Quốc Gia.

Với bề dày nhiều thập kỷ đứng ở vị trí đối lập với chính quyền, Marine Le Pen đã tạo được biệt tài chỉ trích chế độ, dù đó là thuộc cánh tả hay cánh hữu. Thời điểm nước Pháp gặp khó khăn trong các vấn về kinh tế, chính trị hay an ninh thì đó cũng là cơ hội để Marine Le Pen tận dụng tối đa để nâng tầm cho Mặt Trận Quốc Gia.

Năm 2012, Marine Le Pen ra ứng cử tổng thống lần đầu và về thứ 3 với tỷ lệ 17,90% phiếu bầu. Đó cũng là kết quả cao nhất ở vòng 1 so với tất cả các lần ra tranh cử tổng thống của cha bà trước đó. Kỳ bầu cử lần này, Marine Le Pen đã làm được cái việc mà cha bà và đảng Mặt Trận Quốc Gia chưa bao giờ với tới, đó là đạt được gần 22% số phiếu bầu.

Cương lĩnh tranh cử : Quyền lợi của người Pháp là trên hết

- Đối ngoại : Ra khỏi khu vực đồng tiền chung Châu Âu để lấy lại chủ quyền quốc gia ; từ bỏ đồng euro, quay trở lại đồng franc ; đóng cửa biên giới với người nhập cư ; ra khỏi khu vực tự do đi lại Shengen giữa các nước Châu Âu ; ra khỏi NATO ; chính sách thân thiện với Nga.

- Lao động : Ưu tiên công việc làm cho người Pháp ; 60 tuổi được quyền về hưu ;

- Kinh Tế : Giảm thuế 20 triệu euro và bơm thêm 20 tỷ euro cho các hộ gia đình để tăng mãi lực của người Pháp.

- Đánh thuế hàng nhập khẩu 3 % để bảo vệ công việc làm trên đất Pháp.

- An ninh : Lệnh trục xuất tự động với tội phạm người nước ngoài ; cắt trợ cấp xã hội dành cho người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ. 

 RFI tiếng Việt

*************************

Bầu tổng thống Pháp : Nhiều chính khách kêu gọi bỏ phiếu cho ứng viên Macron ở vòng hai (RFI, 23/04/2017)

president7

Ông Emmanuel Macron (T), bà Marine Le Pen - REUTERS

Ứng viên thuộc cánh trung, ủng hộ Châu Âu Emmanuel Macron, và ứng viên đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia Marine Le Pen, lọt vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp, được tổ chức vào ngày 07/05/2017.

Kịch bản này làm thay đổi cảnh quan chính trị Pháp : lần đầu tiên kể từ năm 1958, cánh hữu cộng hòa vắng mặt tại vòng hai và cũng là lần đầu tiên, cả hai đảng lớn truyền thống tả-hữu vốn ngự trị chính trường Pháp từ gần nửa thế kỷ qua, đảng Những Người Cộng Hòa và Đảng Xã Hội, không có ứng viên ở vòng hai.

Theo các thẩm định ban đầu của các viện thăm dò, ứng viên Emmanuel Macron, cựu bộ trưởng Kinh Tế, 39 tuổi, đã về đầu với hơn 23% số phiếu. Ông nói với AFP : "Giờ đây, chúng ta lật hẳn sang một trang mới trong đời sống chính trị Pháp".

Bà Marine Le Pen, về nhì với hơn 21% số phiếu. Nhóm cố vấn thân cận của ứng viên này coi đây là một thắng lợi lịch sử đối với "những người yêu nước và đề cao chủ quyền quốc gia". Theo tất cả các cuộc thăm dò dư luận trong nhiều tuần qua, tại vòng hai ngày 07/05, bà Le Pen đều bị thua.

Sau thất bại của ứng viên François Fillon, thuộc đảng Những Người Cộng Hòa, các chính trị gia cánh hữu "nặng ký" đã tuyên bố ủng hộ ứng viên cánh trung Macron. Thủ tướng chính phủ cánh tả thuộc Đảng Xã Hội Bernard Cazeneuve, cũng lên tiếng kêu gọi bỏ phiếu cho ông Macron.

Vẫn theo các thẩm định ban đầu, hai ứng viên, François Fillon, cánh hữu và Jean Luc Melenchon, cánh tả, có tỷ lệ phiếu sát sao ở vị trí thứ ba, khoảng từ 19 đến 20%. Ứng viên của Đảng Xã Hội, cánh tả, bị bỏ lại phía sau khá xa, với khoảng từ 6 đến 7% số phiếu.

Ông Emmanuel Macron, vào năm ngoái, đã lập ra phong trào chính trị "Tiến Bước" và tự coi mình không thuộc cánh tả, không thuộc cánh hữu. Sau vòng một, ông ở vị thế rất thuận lợi để giành thắng lợi trong vòng hai và trở thành tổng thống trẻ nhất của nền Cộng Hòa, trẻ hơn cả Louis-Napoléon Bonaparte (sinh năm 1808, làm tổng thống năm 1848 - 1851).

Đối thủ của ông Macron ở vòng hai là bà Marine Le Pen. Chính trị gia này đã lập lại được thành tích của người cha là ông Jean Marie Le Pen trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2002. Tuy nhiên, thắng lợi của bà Le Pen lần nay không gây ngạc nhiên vì nhiều cuộc thăm dò dư luận trước đây đều thẩm định là bà Le Pen sẽ về đầu tại vòng một, nhưng sẽ thua ở vòng hai.

RFI tiếng Việt 

Published in Quốc tế

Bầu cử Tổng thống Pháp : Những điều đáng chú ý (BBC, 21/04/2017)

Cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2017 thật khó đoán, với 11 ứng viên tranh đua trong vòng một ngày 23/4.

phap1

Có 11 ứng viên tham gia vòng một

Nếu không ai giành hơn 50% phiếu, hai người về đầu sẽ tiếp tục vào vòng hai ngày 7/5.

Tổng thống đảng Xã hội Francois Hollande không ra tranh cử nhiệm kỳ hai. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Pháp làm như vậy.

An ninh đang là vấn đề lớn, vì một cảnh sát vừa bị bắn chết tại Paris. Bầu cử vòng một cũng sẽ diễn ra chỉ năm ngày sau khi hai người bị giữ ở Marseille vì nghi định tấn công.

Bất thường ?

Việc Tổng thống Hollande không tranh cử lần hai là chưa từng có.

Ngoài ra, người được chọn của đảng Xã hội, Benoit Hamon, lại bị cho là không có hy vọng gì.

Đối thủ bên đảng Cộng hòa thì cũng đang vất vả vì ứng viên Francois Fillon đang bị điều tra vì "việc làm giả mạo".

Thế nên, có thể lần đầu tiên sau vài thập niên, tổng thống mới lại sẽ là một người không thuộc hai đảng chính.

Vậy ai có thể thắng ?

Theo các thăm dò dư luận, hai người dẫn đầu hiện nay là Marine Le Pen của phe cực hữu và Emmanuel Macron theo quan điểm trung dung.

Marine Le Pen lãnh đạo Mặt trận Dân tộc thay cha ruột từ năm 2011.

Ông Macron, 39 tuổi và từng làm ngân hàng đầu tư, là bộ trưởng kinh tế của Tổng thống Hollande nhưng từ nhiệm năm 2016 để tranh chức tổng thống của đảng riêng của ông tên là En Marche !.

Ông Macron chưa từng là nghị sĩ và cũng chưa từng ra tranh cử lần nào.

Ông Fillon của đảng Cộng hòa lúc đầu là ứng viên số một nhưng hy vọng bị mờ dần vì tố cáo ông trả tiền công cho vợ nhưng vợ chẳng làm việc gì. Ông đang bị điều tra chính thức.

Một nhân vật bất ngờ là Jean-Luc Mélenchon, theo lập trường cực tả, đang thu hút cử tri.

65 tuổi và từng là bộ trưởng đảng Xã hội, ông này ra khỏi đảng năm 2008 và dẫn dắt đảng tên là La France Insoumise. Ông lại nổi tiếng vì biết dùng công nghệ hologram, nhờ đó phát biểu cùng lúc trước nhiều đám đông.

phap2

Từ trái sang là năm ứng viên chính : Francois Fillon, Benoît Hamon, Marine Le Pen, Emmanuel Macron và Jean-Luc Mélenchon

phap3

Các ứng viên trước một buổi tranh luận trên truyền hình hôm 4/4

Các vấn đề quan tâm ?

Thất nghiệp đang gần 10%, cao thứ tám trong 28 nước thành viên EU.

An ninh cũng là vấn đề lớn. Hơn 230 người đã chết trong các vụ tấn công từ tháng Giêng 2015. Pháp vẫn ở trong tình trạng khẩn cấp.

Nhiều người dự đoán các vụ tấn công dính líu nhóm Hồi giáo sẽ tăng cơ hội cho cánh hữu, đặc biệt cho bà Le Pen. Bà tuyên bố sẽ ngừng việc nhập cư hợp pháp, ưu tiên việc làm, trợ cấp cho công dân Pháp.

Theo phóng viên BBC Hugh Schofield ở Paris, tình báo đã đặt giả thiết rằng những kẻ tấn công đang cố tình thúc đẩy cho chiến thắng của Le Pen vì nó có thể đưa Pháp tới hỗn loạn.

***********************

Bầu cử tổng thống Pháp : 5 yếu tố thu hút dư luận Mỹ (RFI, 21/04/2017)

phap4

11 ứng viên tổng thống Pháp tranh luận trên truyền hình ngày 20/04/2017. REUTERS/Martin Bureau/Pool

"Tại sao bầu cử tổng thống Pháp lại hấp dẫn kể cả khi bạn không phải là người Pháp ?" : Dưới tựa đề này, tuần báo Mỹ Newsweek ngày 18/04/2017 đã đề cập một cách dí dỏm đến cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra tại Pháp, và ghi nhận 5 điểm mà người Mỹ cần chú ý.

Tuần báo Mỹ đã nhìn thấy trước tiên mẫu số chung nơi 4 ứng cử viên nam giới trong số 5 ứng viên lớn : "Một lô ứng viên tổng thống, phần đông là đàn ông tóc đen, mà tên đều kết thúc bằng ‘-on’ (Macron, Fillon, Mélanchon, Hamon). Và cũng có hàng loạt chuyện về Châu Âu bị làm cho rối tung lên." Đối với Newsweek, có 5 lý do khiến người Mỹ nên chú ý đến cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2017 vì đây "có lẽ là cuộc bầu cử quan trọng và thú vị nhất của Châu Âu năm nay".

Một trận đấu giữa các thái cực

Không giống như cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ chẳng hạn, với một ứng viên theo khuôn mẫu chính trị thuộc đảng Dân Chủ đấu với một ứng viên Cộng Hòa không theo quy ước, ở Pháp phần đông các ứng viên lớn đều thuộc diện "không quy ước" và một số còn khá cực đoan là khác.

Ở cánh hữu thì có bà Marine Le Pen, dân túy, bài Hồi Giáo, đã hứa đình chỉ nhập cư và đảo ngược hàng thập kỷ tự do mậu dịch. Ông François Fillon, cánh trung hữu, đảng Những Người Cộng Hòa, là người gần với một "ứng viên bình thường" nhất, nhưng lại là một người ngưỡng mộ đường lối của thủ tướng Anh Margaret Thatcher trước đây, pha lẫn giá trị xã hội truyền thống với kinh tế thị trường tự do, một quan điểm khá bất thường tại Pháp nơi mà Nhà nước hay can thiệp.

Phía tả, thì cả ứng viên trong luồng chính thống thuộc đảng Xã Hội, Benoit Hamon lẫn ông Mélenchon, đều đề nghị những phương thức mạnh bạo nhằm chia lại thu nhập quốc gia, ông Hamon thì muốn quy định một thu nhập cơ bản toàn dân, trong lúc ông Mélenchon thì có kế hoạch thay đổi hoàn toàn hệ thống dân chủ Pháp theo hướng từ dưới lên trên.

Cuộc chiến giành trung tâm

Nếu quý vị quan tâm đến việc nền tảng cánh trung ôn hòa trong chính trị phải được bảo vệ bằng mọi giá, hay là quý vị hoan nghênh sự trở lại của một xu hướng đấu tranh mạnh bạo hơn trên mặt lý tưởng chính trị, thì hãy theo dõi Emmanuel Macron, ứng viên cánh trung đang dẫn đầu.

Chủ trương của Macron không có gì là trái với lẽ thường : ông đề nghị Nhà nước chi tiêu theo mục tiêu cụ thể và cắt giảm ngân sách ; ông chủ trương một đường lối quốc tế chủ nghĩa và thân Liên Hiệp Châu Âu. Hệ tư tưởng của ông là lý tưởng đã hun đúc Tây Âu trong mấy thập niên qua. Thế nhưng điểm lý thú là ông đã bảo vệ những quan điểm này một cách thẳng thắn, không một chút thẹn thùng, cho dù phần còn lại của nước Pháp đang càng lúc càng thiên về xu hướng bảo hộ mậu dịch hay dân tộc chủ nghĩa.

Và Macron cũng đang đấu tranh mà không hề có một đảng chính thống nào hỗ trợ. Phong trào En Marche ! (Tiến Bước !) của ông chỉ mới được một tuổi mà thôi. Nếu Macron giành được thắng lợi, thì điều đó có nghĩa là cho dù chủ nghĩa dân túy đang vươn lên, cử tri phương Tây vẫn còn lưu ý đến những thông điệp như những gì ông Macron nêu lên, nếu các thông điệp đó được "chào hàng" một cách đúng đắn. Nếu ông thảm bại, thì điều đó sẽ góp thêm củi lửa cho phe ủng hộ quan điểm ngược lại.

Nga đang nhòm ngó

Cũng như ở Mỹ, đang có lo ngại về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Pháp. Le Pen, Mélenchon và Fillon đều là những người có thiện cảm với Putin, ở mức độ khác nhau, và tổng thống Nga đều có lợi khi họ giành được thắng lợi. Ủy Ban Bầu Cử Pháp đã ra thông cáo cảnh báo về một bản tin ngụy tạo của Nga theo đó ứng cử viên François Fillon dẫn đầu cuộc đua vào điện Elysée.

Trong lúc đó thì ban vận động tranh cử của ông Macron cho biết là bị tin tặc tấn công. Trong một cuộc phỏng vấn tháng Hai, ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault đã tố cáo một hành vi can thiệp "không thể chấp nhận được". Đến giờ chưa có bằng chứng là Nga can thiệp, và có thể là điện Kremlin không có vai trò trực tiếp nào trong tiến trình chính trị Pháp. Nhưng cho dù thế, kết quả bầu cử có thể là một cú hích đáng kể đối với Putin, và do đó càng nên theo dõi.

Thời điểm khủng hoảng cho Châu Âu

Sau Brexit, khủng hoảng về người tỵ nạn, nợ Hy Lạp năm 2015, và một lô rắc rối nhỏ hơn, Liên Hiệp Châu Âu vào lúc này không phải đang ở vào thời điểm khỏe mạnh nhất. Nhưng đồng thời, Châu Âu có sức đề kháng cao hơn là nhiều người lầm tưởng, và không phải là trên đà sụp đổ.

Nhưng cuộc bầu cử Pháp có thể thay đổi phần nào ván bài. Ứng viên cực hữu Marine Le Pen đang ở vị trí thứ hai trong các cuộc thăm dò. Bà muốn tổ chức trưng cầu dân ý về quy chế thành viên vùng đồng Euro của Pháp, trong lúc Mélenchon, ứng viên độc lập bên cánh tả, đang vươn lên hàng thứ 3, lại muốn đàm phán lại một loạt hiệp định với Liên Hiệp Châu Âu. Chiến thắng của bất kỳ ai trong hai người này sẽ đẩy Châu Âu tiến thêm nhiều bước đến khủng hoảng.

Published in Quốc tế

Bầu cử tổng thống Pháp 2017 : Mối hoài nghi của cử tri với chính giới

Các chính khách "nói dối như Cuội", "trở mặt như bàn tay", không tôn trọng cử tri. Đi bầu cho họ để làm gì ? Đó là câu hỏi nhiều cử tri Pháp chưa thể giải đáp, nhưng phản ánh thất vọng của một phần công luận với chính giới.

baucu1

11 ứng cử viên tổng thống Pháp và thái độ dửng dưng của cử tri. Reuters

Nổ súng trên đại lộ đẹp nhất thế giới, Champs Elysées, ba ngày trước bầu cử tổng thống Pháp, liệu có ảnh hướng tới lá phiếu của cử tri vào ngày Chủ Nhật này ? Chương trình vận động của các ứng viên tổng thống trong ngày cuối cùng phần nào bị xáo lộn. Kết quả bầu cử "không biết đâu mà lường". Nguy cơ hai cánh cực tả và cực hữu đắc cử đe dọa sự tồn tại của Liên Hiệp Châu Âu, của đồng euro : điều khiến giới đầu tư, Đức và cả Bruxelles "lo sợ", khoảng cách quá lớn giữa cử tri với chính giới Pháp là những đề tài lớn trên các mặt báo Paris hai ngày trước bầu cử tổng thống vòng 1.

Tống cựu nghinh tân

"Có đến 4 người cùng có thể vào chung kết", kịch bản mới chỉ "thấy lần đầu", tựa trên trang nhất báo công giáo La Croix. "Không có gì là chắc chắn về kết quả", "thái độ do dự của cử tri" một phần do "thất vọng của người Pháp với chính giới".

Báo Le Monde giải thích những gì khiến cử tri mất niềm tin : những hứa hẹn cũ rích được đưa ra mỗi mùa tranh cử nhưng chẳng bao giờ được thực hiện, kiểu hứa một đàng, làm một nẻo, những vụ bê bối liên quan đến bản thân một số ứng cử viên hay những người có chức có quyền trong hàng ngũ lãnh đạo và dân biểu.

Việc cựu tổng thống Sarkozy không có cơ may để ra tranh cử lần này, sự kiện tổng thống Hollande phải từ bỏ tham vọng tái tranh cử cho thấy dân Pháp muốn có một sự thay đổi thực sự. Những gương mặt cũ, như hai cựu thủ tướng Manuel Valls và Alain Juppé của hai cánh tả hữu cũng bị loại ngay từ các vòng tuyển chọn sơ bộ.

Sự dối trá của cánh hữu và thái độ trở mặt bên cánh tả

Chỉ có cựu thủ tướng Fillon- đảng Những Người Cộng Hòa là còn trụ vững cho tới khi tờ báo trào phúng Le Canard Enchainé tiết lộ vụ tạo việc làm giả cho vợ và hai con ông. Bản thân ứng cử viên Fillon bị khởi tố về tội "biển thủ công quỹ", "lạm dụng tài sản của xã hội". Ra tranh cử với hình ảnh một chính trị gia liêm khiết, Fillon khiến không ít cử tri cánh hữu thất vọng. Trước những tuyên bố trái ngược nhau của chính ứng viên này, công luận nhận thấy François Fillon "nói dối như Cuội".

"Gáo nước lạnh", "tất cả đều thối nát", "tởm lợm" hay "phản bội" là từ ngữ nhiều người từng chọn François Fillon ngay từ vòng 1 cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Những Người Cộng Hòa dùng khi nói về ứng viên đại diện cho đảng này, về nỗi thất vọng của họ với chính giới. Fillon đang là một trong số 4 ứng cử viên có nhiều triển vọng trở thành tổng thống Pháp tương lai.

Bên cánh cực hữu, ứng cử viên của đảng Mặt Trận Quốc Gia cũng không khá hơn. Bà Le Pen đang trong tầm ngắm của Tư Pháp vì bị nghi ngờ lấy tiền của Nghị Viện Châu Âu để tài trợ cho các chương trình vận động tranh cử của mình.

Còn Jean-Luc Mélenchon, ứng cử viên cực tả có chủ trương bài Châu Âu thì cũng chẳng"trước sau như một". Bức hí họa trên Le Monde vẽ hai ông Mélenchon : một đang xé tan nát bản đồ Liên Hiệp Châu Âu, một thản nhiên khẳng định "chưa bao giờ nói chuyện ra khỏi khu vực đồng euro" và bình luận, "Hologramme, ảnh nổi ba chiều của tôi nói chứ không phải tôi".

Về những đòn trở mặt như bàn tay, cánh tả cũng chẳng thua bên cánh hữu bao nhiêu. Le Monde nhắc lại rằng, trước vòng tuyển chọn sơ bộ, 7 ứng cử viên muốn đại diện cho đảng Xã Hội mở rộng đều cam kết sẽ đứng về phía người thắng cuộc. Thế nhưng rồi lại bỏ rơi Benoît Hamon, đại diện chính thức của đảng này để ủng hộ lãnh đạo phong trào Tiến Bước - En Marche ! là Emmanuel Macron.

Kẻ "phản bội trắng trợn nhất", theo tờ báo là cựu thủ tướng Valls. Tới nay đã có khá nhiều thành viên trong chính phủ của đảng Xã Hội, dân biểu của đảng này quay lưng lại với ứng cử viên tổng thống đảng.

Một sinh viên 22 tuổi nói với phóng viên báo Le Monde : thái độ của cựu thủ tướng Valls còn "tệ hơn cả một sự phản bội. Đó là bằng chứng cho thấy chính giới quá xem thường nguyện vọng của cử tri (…) Vậy thì chúng tôi đi bầu làm gì ? Chúng tôi không còn tin tưởng vào đời sống chính trị ở Pháp nữa. Cuối cùng chỉ vẫn ngần ấy người được quyền định đoạt vận mệnh của đất nước".

Le Pen – Mélenchon, cơn ác mộng của Berlin và Bruxelles

Tương lai Liên Hiệp Châu Âu đi về đâu nếu đảng cực tả hay cực hữu của Pháp đắc cử ? Thăm dò về ý định bỏ phiếu cho thấy 4 ứng cử viên đang dẫn đầu cuộc đua đang "sát nút" với nhau. Chỉ số tín nhiệm của hai đảng này càng tăng, giới đầu tư và cả Đức lẫn Châu Âu càng run sợ. "Chủ Nhật này, các nhà đầu tư chăm chú nhìn về nước Pháp", tựa của báo Les Echos.

Các ngân hàng và thị trường tài chính trên thế giới đang chuẩn bị tinh thần chứng khoán trên thế giới chao đảo trong phiên giao dịch ngày Thứ Hai 24/04/2017 nếu như Marine Le Pen hay/và Jean-Luc Mélenchon lọt vào vòng hai. Một nhân viên tài chính than phiền là từ nhiều tuần qua, khách hàng ở mãi tận Châu Á, chỉ hỏi thăm về ông Mélenchon, một người "thiên cộng" có triển vọng gây bất ngờ trong cuộc bầu cử năm nay.

Bầu cử tổng thống Pháp ngày 23/04/2017 là một ẩn số với Đức và Liên Hiệp Châu Âu : lá phiếu của người Pháp mang tính quyết định với tương lai khu vực đồng euro. Berlin và Bruxelles hồi hộp hơn cả so với cuộc trưng cầu dân ý về Brexit ở Anh Quốc hồi tháng 6/2016.

Thông tín viên báo Le Figaro từ Berlin cho biết ở thượng tầng cơ quan quyền lực của Đức, chính giới xì xào về "Kịch bản tai hại", "tai họa toàn diện" nếu cặp bài trùng cực tả-cực hữu, Mélenchon và Le Pen vào vòng 2, bởi vì theo như ghi nhận của các nhà quan sát ở bên kia bờ sông Rhin, cả hai ứng cử viên tổng thống này cùng chủ trương bài Đức kịch liệt.

Còn tại Bruxelles, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean Claude Junker báo trước ông sẽ "mặc đồ tang" trong trường hợp bà Le Pen đắc cử.

Khủng bố và bầu cử tổng thống Pháp

Các tờ báo Paris lên khuôn muộn sau vụ khủng bố trên đại lộ Champs Elysées đêm ngày 20/4 làm 1 cảnh sát thiệt mạng, ba người bị thương. Hung thủ bị hạ sát tại chỗ. Tất cả các báo cùng đăng ảnh Champs-Elysées vắng lạnh dưới ánh đèn vàng, xa xa là Khải Hoàn Môn, chỉ có xe và nhân viên cảnh sát, đặc nhiệm chống khủng bố.

Les Echos đưa tin ngắn gọn ở phần cuối tờ báo : "Một vụ nổ súng chết người tại Champs Elysées", tác giả chọn đúng thời điểm bầu cử để ra tay. "Lại diễn ra khủng bố giữa lòng Paris", tựa lớn trên trang nhất của báo Le Figaro. Tờ báo nhắc lại : đe dọa khủng bố cao hơn bao giờ hết đang là một thách thức lớn của nước Pháp.

Trả lời báo Le Figaro, luật gia chuyên về khủng bố Thibault de Montbrial khẳng định : đây là một vụ tấn công mang tính biểu tượng cao. Champs-Elysées là hình ảnh của nước Pháp, nhân viên cảnh sát tượng trưng cho quyền lực của Pháp. Thủ phạm biết rằng, sự kiện này được toàn thế giới chú ý, ba ngày trước bầu cử tổng thống Pháp.

Libération nói tới bầu không khí "siêu thực" tối ngày 20/04/2017 : vào lúc 11 ứng cử viên tổng thống lần lượt trình bày trên đài truyền hình nhà nước France 2, lúc 9 giờ 30, ứng viên Hamon đang phát biểu thì các phương tiện truyền thông hay tin máu đổ trên con lộ tráng lệ nhất Paris. Thủ tướng Cazeneuve lập tức đến phủ tổng thống để thẩm định tầm mức nghiêm trọng của tình hình. Hay tin, các ứng viên tổng thống đều bị bất ngờ.

Thân phận khốn khổ của bảo tàng Victor Hugo

Để kết thúc mục điểm báo chỉ tập trung về Pháp xin điểm qua bài báo trên Le Figaro nói về ngôi nhà của văn hào Victor Hugo ở đảo Guernesey, thuộc chủ quyền của Anh Quốc. Đây là nơi ông sáng tác ra ra những Les Travailleurs de la Mer- Những người lao động của biển cả ; la Légende des siècles- Huyền thoại qua nhiều thế kỷ và nhất là Les Misérables- Những kẻ khốn cùng.

Khốn khổ thay là ngôi nhà ấy đang xuống cấp một cách nghiêm trọng, cần 2 triệu euro để trùng tu. Căn nhà số 38 Phố Thượng trên hòn đảo Guernesey là nơi Victor Hugo sống trong thời gian ông bị "đi đày" từ năm 1856 đến 1870. Nay là bảo tàng mang tên cha đẻ của tập thơ để đời Les Contemplations.

Hàng năm có chừng 20.000 du khách dừng chân tại nơi này. Căn phòng làm việc của Victor Hugo nhìn ra biển cả. Chiếc bàn gỗ nơi ông từng sáng tác ra câu chuyện về nàng Esmeralda gốc Bô-hêm xinh đẹp và Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà là những "kỳ quan trong làng văn học của thế giới".

Với thời gian, tủ sách của Hugo, những tấm thảm treo tường có khắc ghi tên tuổi những văn hào mà ông yêu thích nhất – như Molière, hay Shakespeare… cần được khoác lên mình những chiếc áo mới. Trong trường hợp sớm quyên góp được số tiền 2 triệu euro cần thiết, phải mất một năm để trùng tu ngôi nhà đầy ắp những kỷ niệm này.

Thanh Hà

Published in Quốc tế

Ít khi một cuộc bầu cử ở Pháp được dư luận quốc tế chú ý và theo dõi như cuộc bầu cử Tổng Thống Pháp trong ba tuần lễ tới. Cuộc bầu cử này không còn là một sinh hoạt chính trị nội bộ của nước Pháp, mà có thể sẽ làm đảo lộn khuôn mặt chính trị ở Âu Châu. Phe cực hữu đang đứng đầu trong những cuộc thăm dò dư luận. Nếu Cực Hữu thắng cử, Liên Hiệp Âu Châu có thể đi tới tan rã, đồng Euros lung lay, đưa tới khủng hoảng kinh tế Âu Châu, và từ đó đe dọa kinh tế thế giới, bởi vì Âu Châu, cùng với Hoa Kỳ và Trung Hoa, là một trong ba trọng tâm kinh tế thế giới. Người ta nhìn về Paris, hồi hộp, lo ngại.

phap2

5 ứng cử viên có nhiều hy vọng sẽ về đầu trong vòng 1 của cuộc đầu phiếu Tổng thống Pháp 2017 : François Fillon, Benoit Hamon,Marine Le Pen, Emmanuel Macron và Jean-Luc Mélenchon

Đảng cực hữu FN (Front National, Mặt Trận Quốc Gia) theo chủ nghĩa quốc gia quá khích, chống kinh tế thị trường, chống thế giới hóa, chủ trương bế quan tỏa cảng, đóng cửa biên giới, ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu, ra khỏi khối tiền tệ Euros. Sau Brexit (Nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu gần đây), nếu nước Pháp rút, Âu Châu sẽ tan rã, sớm hay muộn, vì nước Pháp, cùng với Đức, là hai nước chủ chốt của Âu Châu. Hai cái chân của Âu Châu. Một cái chân què, Âu Châu sẽ khập khiễng trước khi té. Nhất là hiện nay, luồng gió quốc gia chủ nghĩa đang thổi mạnh ở các nước Âu Châu, từ Anh, tới Áo, Hung, Hòa Lan, Pháp, sau khi đã gây bão tố ở Hoa Kỳ với hiện tương Donald Trump.

Với hiện tượng Trump, các nước dân chủ Tây Phương đang đi vào một cơn khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Người dân không còn tin tưởng các đảng phái, các hệ thống, các nhân vật đã thay nhau lãnh đạo từ mấy chục năm nay. Nếu thế giới hóa, nói chung, đã nâng cao đời sống của người dân ở nhiều nước, cũng đã đưa tới bất công, đã gạt ra lề đường những người không kịp thích ứng với thời đại mới, đã làm dân nhiều nước Tây Phương thấy tương lai của mình mù mịt. Nhất là thấy mình mất chỗ đứng, bơ vơ ngay trên đất nước mình. Thấy Tây Phương bị đe dọa tứ bề. Đe dọa bởi hàng hóa nhập cảng. Đe dọa bởi phong trào di dân. Đe dọa bởi khủng bố Hồi Giáo. Người Tây phương cảm thấy họ không còn làm chủ vận mệnh của mình. Người dân lại càng bất mãn hơn, muốn lật đổ tất cả hệ thống cũ, khi thấy các chính khách bất lực, vì quyền lực thực sự không còn nằm trong tay các nguyên thủ quốc gia, đã rơi vào tay các thế lực tài phiệt quốc tế, những Exxon, Google, Mosanto, Amazon, Goldman Sachs… Phong trào gọi là dân túy (populisme, populism), đúng hơn là mị dân, lợi dụng không khí bất mãn đó, trở thành những lực lượng chính trị chủ yếu.

Tả và Hữu

Nước Pháp không tránh khỏi hiện tượng đó. Đảng cực hữu FN, Front National, trước đây chỉ là một nhóm chính trị bên lề, ngày nay trở thành đảng số 1. Trước đây, người ta bầu cho FN một cách lén lút, để phản kháng, không dám công khai nhận mình là cử tri của FN, được coi là một nhóm kỳ thị chủng tộc, quá khích, cực đoan. Ngày nay, người ta hãnh diện vận động tranh cử cho FN, coi đó như một hành động ái quốc, kể cả giới trẻ, nạn nhân của nền kinh tế tụt hậu của Pháp. Kỳ bầu cử năm nay, khuôn mặt chính tri Pháp hoàn toàn đảo lộn, ra khỏi mọi dự đoán của những chuyên viên chính trị. Người ta theo dõi bầu cử như theo dõi một cuốn phim gay cấn, vì mỗi ngày có một hiện tương mới, một biến chuyển mới, không ai biết đâu mà mò. Sau cuôc bầu cử này, sinh hoạt chính trị, đảng phái ở Pháp chắc chắn sẽ lật sang một trang khác.

Trước đây, ít nhất từ thời De Gaulle (Tổng thống Pháp 1959-1969), chính trị Pháp tương đối đơn giản. Nước Pháp chia làm hai : gần một nửa nước theo phe tả, gần một nửa phe hữu, một thiểu số đứng giữa. Nhóm lừng khừng này đứng về phe nào thì phe đó thắng. Tả hữu thay nhau cầm quyền. Chán nhà cầm quyền phe hữu, người ta bầu cho phe tả. Hay ngược lại. Chính quyền trong tay một số chính khách chuyên nghiệp, làm chính trị suốt đời, những khuôn mặt trẻ, những luồng gió mới rất hiếm.

Định nghĩa khuynh hướng tả hữu rất phức tạp, vì thay đổi với thời đại. Đại khái, phe hữu, tin vào khả năng và sáng kiến cá nhân. Nếu mỗi cá nhân cố gắng thăng tiến, xã hội sẽ phát triển. Phe tả nghĩ nhà nước phải can thiệp để tránh lạm dụng, cá lớn nuốt cá bé, để xây dựng công bằng xã hội. Về mặt kinh tế, phe hữu theo khuynh hướng tự do, phe tả có khuynh hướng nhà nước điều khiển, hay ít nhất can thiệp. Về mặt xã hội, ngược lại, phe hữu có khuynh hướng bảo thủ, muốn giữ những giá trị cũ, phe tả cởi mở hơn, đi tiên phong trong những phong trào như kết hôn giữa người cùng phái, bảo vệ người đồng tính luyến ái, bãi bỏ án tử hình... Phe nào cũng có ưu và khuyết điểm. Nếu kinh tế hoàn toàn tự do, bất công xã hội sẽ chồng chất. Nếu can thiệp quá đáng, cá nhân bị bóp nghẹt, xã hội sẽ cằn cỗi. Nếu không có hệ thống an sinh xã hội, sẽ có nghèo đói, ngược lại, nếu giúp đỡ, trợ cấp quá đáng, sẽ đưa tới lười biếng, ỷ lại...

Phe hữu của Pháp ngày nay là Đảng Cộng Hòa, LR (Les Républicains) sau khi đã đổi tên nhiều lần. Khi có tai tiếng, hay không ăn khách nữa, người ta đổi tên, mở cửa hàng mới, nhưng hàng hóa và cô bán hàng vẫn như cũ. Nói "cô bán hàng" cho vui, thực sự chính trường Pháp rất thiếu bóng phụ nữ. Ở Bắc Âu, phụ nữ chiếm 50% trong quốc hội, trong nội các, trong ban lãnh đạo các xí nghiệp. Quốc hội Pháp không quá 10% phụ nữ, mặc dù luật Pháp phạt nặng những đảng chính trị không tôn trọng nguyên tắc lựa số đàn bà, đàn ông ngang nhau ra ứng cử quốc hội hay hội đồng tỉnh. Các chính đảng sẵn sàng nộp phạt để giữ chỗ cho đàn ông.

Phe tả là đảng Xã Hội (Parti Socialiste). Bên cạnh đảng Xã Hội có đảng Cộng Sản Pháp (PCF), nhưng đảng này, trước đây là một trong hai chính đảng lớn nhất, làm mưa làm gió, ngày nay chỉ là một bóng ma. De Gaulle nói : giữa chúng tôi và PCF, không có ai cả. Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, sau khi Liên Bang Xô Viết tan rã, Đảng Cộng Sản Pháp dần dần tàn rụi, trở thành một nhóm bỏ túi, ngày nay không tới 2% phiếu bầu. Người Việt nghe đảng Xã Hội hơi ớn, vì chữ Xã Hội khiến liên tưởng tới cái vụ Xếp Hàng Cả Ngày ; sự thực đảng Xã Hội Pháp là một đảng tôn trọng dân chủ như những chính đảng khác. Những tiến bộ xã hội từ đệ nhị thế chiến, như hạn chế giờ làm việc, trả lương ngày nghỉ hè, an sinh và bảo hiểm sức khoẻ cho mọi người, đều là những thành quả của đảng Xã hội. Vấn đề của đảng này là họ không thích ứng kịp thời với thời đại mới, với kinh tế mới, họ mơ tưởng một xã hội không có thực. Và chế độ cấp dưỡng trở thành khó khăn trong một quốc gia gần như phá sản, vì kỹ nghệ bị cạnh tranh, thất nghiệp cao (trên 10 %), nợ nần chồng chất. Một đứa trẻ vừa mở mắt chào đời ở Pháp đã mang nợ 30 ngàn euros. Thuế lợi tức chỉ đủ trả tiền lời của những món nợ khổng lồ, càng ngày càng chồng chất.

Từ Fillon tới Macron

Trong vài tuần nữa, nhiệm kỳ của tổng thống François Hollande, thuộc đảng Xã Hội sẽ chấm dứt. Sau 5 năm cầm quyền, ông Hollande đã gây bất mãn, thất vọng, đến độ ông không dám ra tái tranh cử, chuyện chưa hề xẩy ra trong chính trường Pháp. Ngân quỹ quốc gia kiệt quệ, khiến chính quyền không thể phân phát vung vít như thông lệ. Ông ta cũng không nắm nổi đa số ngay trong đảng của mình để có thể thực hiện những cải tổ cần thiết. Đảng Xã Hội coi như chính quyền sẽ vượt khỏi tay mình. Theo dự đoán, chính quyền từ tháng tới sẽ lọt vào tay đảng Cộng Hòa, đảng hữu phái quan trọng nhất.

Cách đây hai tháng, ứng cử viên của đảng này, François Fillon, cựu Thủ Tướng, coi như việc trở thành Tổng Thống là một chuyện đương nhiên. Chỉ việc ngồi chờ sung rụng. Nước Pháp bầu cử hai vòng, vòng đầu để lựa hai người vào chung kết, vòng hai, ứng cử viên nào có số phìếu cao nhất sẽ đắc cử. Đảng Xã Hội coi như bị loại, François Fillon sẽ vào vòng hai với lãnh tụ cực hữu FN, bà Marine Le Pen. Có thể bà Le Pen sẽ dẫn đầu vòng đầu, nhưng, như những cuộc bầu cử trước đây, vào vòng hai sẽ bị loại, vì tất cả các ứng cử viên khác (lần này có… 11 ứng cử viên) sẽ kêu gọi bỏ phiếu chống FN để tránh cho nước Pháp một cuộc phiêu lưu với hậu quả không lường được.

Đó là kịch bản đã diễn ra từ trước tới nay. Lần này, mọi chuyện xẩy ra khác hẳn mọi dự đoán. Sau khi Ông Fillon được chọn đại diện cho đảng Cộng Hòa, báo chí khám phá ra ông đã dính líu tới rất nhiều chuyện lem nhem về tiền bạc. Trong kỳ bầu cử sơ bộ để lựa ứng cử viên của phe hữu, Fillon thắng vẻ vang, vì ông ra tranh cử với danh nghĩa một chính khách trong sạch, liêm khiết, quyết tâm cải tổ nước Pháp, sẵn sàng đòi "mồ hôi, nước mắt" của dân để cứu nước, một chuyện chưa có chính khách nào dám làm, ở một nước người dân chỉ đòi quyền lợi hơn là bổn phận. Fillon, the right man in the right place

Đùng một cái, người ta khám phá ra một ông Fillon rất lem nhem. Mỗi ngày báo chí khui một vụ tai tiếng. Ông ta, khi là dân biểu, đã lấy tiền của Quốc Hội trả lương cho bà xã. Mỗi dân biểu, ngoài tiền lương, được cấp 9.500 euros (trên 10.000 dollars) mỗi tháng để trả lương cho thư ký, phụ tá. Thay vì tuyển mộ 2, hay 3, phụ tá, Fillon đem hết số tiền đó trả lương cho vợ, mặc dù bà này không làm gì, chỉ lãnh luơng ngồi chơi xơi nước. Ông ta còn làm cố vấn lãnh thù lao cho các sở tư, là chuyện cấm kỵ đối với một người làm dân biểu, bộ trưởng, thủ tướng. Ông ta nhận quà đắt tiền của các tay tài phiệt : đồng hồ hàng chục ngàn euros, quần áo 6, 7 ngàn euros một bộ, tổng cộng 38 ngàn euros tiền quần áo. Tòa án, cảnh sát mở cuộc điều tra khẩn cấp. Đó cũng là chuyện hoàn toàn mới ở nước Pháp, nơi những chuyện mờ ám của các chính khách tai to mặt lớn thường thường bị ỉm đi, dần dần rơi vào quên lãng. Nước Pháp không có một trình độ dân chủ kiểu mẫu như các nước Bắc Âu. Ở Thụy Điển, nhận một món quà trên 20 dollars, chính khách không được giữ làm của riêng, phải trao cho quốc hội, tòa thị chính hay chính phủ. Fillon không biết là ông ta đang sống trong một cơn bão chính trị, cử tri ngày nay không chấp nhận những chuyện lem nhem nữa. Ông ta tuyên bố nếu bị truy tố, sẽ rút lui. Vài tuần sau, cả Ông và Bà cùng bị truy tố, ông ta tuyên bố sẽ tiếp tục tranh cử, nói là nạn nhân của các quan tòa do Hollande giựt giây.

Uy tín của Fillon sút giảm, đa số những người ủng hộ bỏ đi, ngay cả những phần tử thân cận nhất. Tới giờ này, theo những cuộc thăm dò, từ số một, ông ta tụt xuống hàng thứ ba. Hai người đứng đầu là bà Marine Le Pen, cực hữu ; Emmanuel Macron, không đảng phái : mỗi người trên dưới 25% số phiếu ; François Fillon, đảng Cộng Hòa : 18% ; Jean Luc Mélenchon, cực tả : 15% ; Benoît HAMON, Đảng Xã hội : 10% ; những ứng cử viên khác không đạt tới 5% số phiếu (nếu đạt 5% số phiếu, tất cả chi phí tranh cử sẽ được nhà nước hoàn lại cho ứng cử viên).

Bàn cờ chính trị đảo lộn

phap1

2 trong 3 ứng cử viên này có thể được vào vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017 : Marine Le Pen, Emmanuel Macron và François Fillon

Kết quả thăm dò sẽ thay đổi mỗi ngày, nhưng những con số trên, cho thấy một cơn bão đã thay đổi hoàn toàn khuôn mặt chính trị cuả nước Pháp :

- Lần đầu tiên, hai đảng lớn, Đảng Cộng Hòa, phe hữu, và Đảng Xã Hội, phe tả, thi nhau cầm quyền từ mấy thập niên sẽ không có mặt trong vòng hai.

- Lần đầu tiên, Đảng Xã Hội thua nặng, vì chia rẽ trầm trọng. Sau ngày bầu cử, Đảng này sẽ hoặc tan rã, hoặc chia thành hai : một bên là những người tả phái suy nghĩ, hành động như ngày xưa ; một bên là những người muốn cải tổ, để thích ứng với xã hội mới. Đảng Xã Hội của Jean Jaurès, Léon Blum, đã tạo một khuôn mặt nhân bản cho xã hội Pháp, với chế độ an sinh gương mẫu, ngày nay bất lực trước nạn thất nghiệp, trước vấn đề di dân, trước những thử thách của một thế giới mới.

- Đảng Cộng Hòa cũng sẽ chia rẽ trầm trọng, một bên là những người chủ trương cứng rắn để tranh phiếu của FN, một bên là những người ôn hòa, muốn một cánh hữu với khuôn mặt nhân bản.

- Lần đầu tiên một người trẻ, không đảng phái, một Kennedy Tây, Emmanuel Macron, có thể sẽ thành Tổng Thống.

Tới giờ này, hai người được coi là sẽ vào vòng hai là bà Le Pen và ông Macron. Người ta nghĩ Le Pen có thể đứng đầu, nhưng vào vòng hai sẽ bị Macron đánh bại. Trong những cuộc bầu cử cấp vùng, cấp tỉnh trước đây, đảng cực hữu thắng lớn vòng đầu, nhưng vào vòng hai đều thua nặng, vì dân Pháp vẫn không tin một nhóm quá khích có thể cầm quyền.

Trong cuộc bầu cử tổng thống, Le Pen còn thêm một chướng ngại nữa : bà ta chủ trương rút khỏi Âu Châu, ra khỏi hệ thống tiền tệ Euros. Dân Pháp, mặc dù chỉ trích Âu Châu, nhưng đại đa số không muốn theo bà ta trong cuộc phiêu lưu đó. Ngửi thấy điều đó, Le Pen hứa nếu đắc cử, sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về chuyện Âu Châu, đi hay ở. Nhưng đề nghị trưng cầu dân ý chứng tỏ đương sự không có bản lãnh, không dám quyết định. Và trong tất cả những cuộc trưng cầu dân ý, trừ ở Thụy Sĩ là nước ổn định, giầu có, người dân bao giờ cũng dùng lá phiếu để chống chính quyền. Chính quyền vận động YES, dân bầu NO, hay ngưọc lại. Le Pen lên như diều nhờ chính sách chống di dân, chống Hồi Giáo, nhưng những biện pháp về kinh tế của bà ta tào lao, không khác gì nhóm cực tả, đại khái sẽ giảm thuế, tăng lương cho mọi người, về hưu năm 60 tuổi, ưu tiên mọi chuyện cho người Pháp, giống như trò "America first" của Trump

Cho tới ngày 05/04, người ta tiên đoán Le Pen và Macron sẽ vào vòng hai, và Macron sẽ là tổng thống của Pháp từ đầu tháng Năm. Dân Pháp bầu tổng thống vòng đầu ngày 23 tháng Tư, và hai tuần sau, ngày 07 tháng Năm, vòng chung kết. Nhưng đó là dự đoán, có thể chắc chắn trong "thời bình", khi đất nước chưa "nổi cơn gió bụi". Ngày nay, không ai dám quả quyết. Gần đây, không ai tiên đoán Trump đắc cử, không ai đánh cá phe Brexit về ngược. Cử tri ngày nay đổi ý mỗi ngày. Khoảng 30 % cử tri Pháp cho hay sẽ không đi bầu, 40% chưa biết sẽ bầu cho ai. Không như trước, ai phe hữu bầu cho phe hữu, ai phe tả bầu phe tả, ít anh nào loạng quạng chạy qua chạy lại.

Kết quả lần này sẽ thay đổi nếu số ngưới tham dự ít hay nhiều hơn dự đoán, những biến chuyển thời sự khiến ngày bỏ phiếu người ta ngả về ông này hay bà kia. Đảng Cộng Hòa vẫn hy vọng mặc dù gặp khó khăn vì những vụ lem nhem, tai tiếng, Fillon sẽ lọt vào vòng hai, vì cử tri đã chán phe tả, muốn thay đổi, cuối cùng sẽ bầu Fillon, vì Le Pen quá khích, Macron không có kinh nghiệm. Đó là chưa kể Mélenchon, cực tả, với chương trình đòi đạp đổ hết để làm cách mạng, đáng lẽ chỉ khiến người ta mỉm cười, nhưng càng ngày càng đông người theo, vì ông ta có tài ăn nói, nắm vững kỹ thuật truyền thông. Trước đây Mélenchon là một tay lỗ mãng, gây gổ với cả nước, ngày nay ông đóng vai một chính khách rất từ tốn, lễ độ.

Macron, một Kennedy Pháp

Nếu Macron đắc cử, ông ta sẽ là Tổng thống trẻ nhất (40 tuổi), tổng thống đầu tiên không thuộc đảng nào.

Cách đây 4 năm, không ai biết tên Macron. Ông ta còn là một nhân viên ngân hàng cao cấp, sản phẩm ưu tú của hệ thống giáo dục Pháp, tốt nghiệp Sciences Po và ENA, là những đại học có uy tín, nơi xuất thân của những người thay nhau lãnh đạo nước Pháp. Đệ tử của một triết gia nổi tiếng, Paul Ricœur, Macron là một trí thức, ngoài khả năng chuyên môn. Thông thạo Anh ngữ, rất am tường tin học, mê văn chương, thi phú, Macron là người của thời đại mới, cởi mở, thực tiễn, đặt sự hữu hiệu quan trọng hơn là ý thức hệ. Vấn đề của Macron là những người trẻ có trình độ văn hóa thấp, những người ở vùng quê, hay các khu lao động, cảm thấy xa lạ.

Năm 2012, Macron theo lời mời của Hollande, bỏ ngân hàng, nhận chức phó giám đốc văn phòng Phủ Tổng Thống. Được bổ nhiệm là Bộ trương Kinh tế sau đó, Macron từ chức năm ngoái (30/08/2016), vì thấy hệ thống chính trị, hành chánh của Pháp cứng nhắc, không thể hoạt động hữu hiệu, nếu không thay đổi toàn diện. Macron lập phong trào "En Marche" (Lên Đường), quy tụ những người có thiện chí, thuộc phe hữu hay phe tả, hay chưa từng hoạt động chính trị, muốn cải thiện xã hội Pháp. Giới chính trị coi thường, nghĩ đó cũng chỉ là một phong trào bỏ túi, ồn ào vài tháng rồi biến mất. Nhưng En Marche… lên đường thiệt, càng ngày càng đông người theo. Những buổi meetings của Macron không đủ chỗ cho người kéo tới tham dự, đa số là lớp trẻ. Macron trở thành một thứ pop star, biến các chính khách khác trở thành các cụ già mệt mỏi.

Trong đời tư, Macron chứng tỏ ông ta có cá tính mạnh, biết mình muốn gì. Ông ta kết hôn với bà giáo dạy văn chương trung học, lớn hơn ông… 20 tuổi, đã có 3 con, ngang tuổi với ông dượng. Bà Macron nói đùa : Emmanuel phải đắc cử kỳ này, vì năm năm nữa, mặt mũi tôi sẽ trở thành vấn đề cho anh.

Nếu Macron đắc cử, ông ta sẽ cải cách nước Pháp một cách ôn hòa. Ông ta chủ trương mở cửa, cải tiến để bắt kịp thế giới đang thay đổi, nhưng không dùng những biện pháp mạnh như Fillon, không đòi mồ hôi, nước mắt. Vấn đề của Macron là ông ta muốn là người không đảng phái, lấy phiếu của cả cánh tả, lẫn cánh hữu, những biện pháp ông ta đề nghị có vẻ nửa chừng xuân. Phe tả chỉ trích ông ta phản động như phe hữu, phe hữu kết án ông ta tiếp tục chính sách của phe tả đã làm lụn bại nước Pháp. Cả hai phe tả hữu quả quyết Macron là tay mơ, không có hệ thống đảng phái mạnh đứng hỗ trợ, không có kinh nghiệm, sẽ đưa nước Pháp vào tình trạng hỗn loạn.

Ủng hộ Macron mạnh nhất là… các nước láng giềng. Trong số 11 ứng cử viên, Macron là người ủng hộ Liên Hiệp Âu Châu tích cực nhất, vô điều kiện. Theo Macron, tương lai nước Pháp nằm trong khối Âu Châu. Nước Pháp quá nhỏ để có thể đứng một mình, đương đầu với Hoa Kỳ, với Á Châu. Ra khỏi Âu Châu, một thị trường lớn nhất thế giới, 500 triệu dân, là một cách tự sát đối với một quốc gia 66 triệu người đang gặp khó khăn về mọi phương diện.

Một vấn đề nữa, quan trọng hơn cả, mà ít người nêu ra : Tổng Thống mới sẽ có đa số ở Quốc Hội hay không ? Sau bầu cử Tổng thống, sẽ tới bầu cử quốc hội một tháng sau. Không ai tưởng tượng nổi khuôn mặt mới của quốc hội Pháp. Các đảng lớn tan rã, đảng cực hữu của Le Pen hiện chỉ có hai dân biểu và hai thương nghị sĩ, phong trào En Marche của Macron đưa người ra tranh cử lần đầu. Quốc Hội sẽ là những mảnh vụn. Đối với những nước khác, như Đức hay Hòa Lan, đó là chuyện thường. Các nhóm sẽ thương lượng, thỏa thuận với nhau để tạo một khối đa số. Người Pháp chưa có thói quen đó.

Ở Pháp, cho tới nay, phe nào thắng nắm hết, phe nào thua về đuổi gà cho vợ, chờ 5 năm, ra tay chiếm lại chính quyền.

Nước Pháp đi về đâu ?

Dù tổng thống tên là Le Pen, Fillon, hay Macron, tương lai nước Pháp trong những ngày tới không có gì rực rỡ.

Với Le Pen, một cuộc phiêu lưu không tiền khoáng hậu bắt đầu. Hoa Kỳ là một cường quốc, có thị trường nội địa lớn, có khả năng tự túc về nhiên liệu, dầu khí, có đồng dollars mạnh, có thể bầu Donald Trump giỡn chơi 4 năm. Pháp không đủ phương tiện để chơi trò chơi đó. Fillon là người có chính sách can đảm nhất để cải cách, nhưng với những vụ lem nhem bị khám phá mỗi ngày, liệu ông ta có đủ uy tín để đòi dân đổ mồ hội và nước mắt ? Macron là một khuôn mặt mới, trẻ trung, tích cực, nhưng không ai biết vai ông ta có đủ mạnh để gánh vác những gánh nặng lớn lao ?

Nước Pháp có dư khả năng, có tài nguyên, có chất xám để cải cách, đóng lại vai trò một cường quốc. Chỉ thiếu một, hai yếu tố, nhưng cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu : sự quyết tâm và trách nhiệm công dân. Người Pháp nào cũng nghĩ phải thay đổi, hy sinh để cải cách nước Pháp, nhưng người phải thay đổi là tất cả những người khác, trừ tôi. Cách đây 20 năm, Đức bị coi là phần tử bệnh hoạn của Âu Châu (the sick man of Europe), thua Pháp về mọi mặt. Cựu thủ tướng Gerhard Schröder, đảng Dân chủ Xã hội SPD, quyết định phải cải cách, đòi hỏi cả nước hy sinh, chấm dứt những biện pháp mị dân, chế độ bao cấp. Ông Schröder sau đó đã thất cử, nhưng chính sách can đảm của ông đã đặt nền móng cho một nước Đức mới. Ngày nay Đức trở thành cường quốc kinh tế số một ở Âu Châu, cán cân xuất nhập và ngân sách thặng dư, thất nghiệp 4%, Pháp trở thành phần tử bệnh hoạn, với 2.100 tỷ tiền nợ, thất nghiệp trên 10 phần trăm (24 % trong giới trẻ), ngân sách lạm chi quá giới hạn đã cam kết với Liên Hiệp Âu Châu. Người Pháp không có tinh thần trách nhiệm của người Đức. Nước Pháp không có chính trị gia can đảm như Schröder. Trò chơi phổ thông của dân Pháp là khi gặp khó khăn là đổ ra đường biểu tình, đình công, bãi thị, làm tê liệt cả nước. Và chính quyền, tả hay hữu, mỗi lần có đám đông phản đối, không có thái độ gì khác hơn là ký ngân biếu, tặng nhóm này vài chục triệu, giúp nhóm kia vài chục triệu. Người Pháp gọi là "Acheter la paix sociale", nghĩa là lấy tiền nhà nước mua an bình xã hội, để được yên thân. Chuyện cải cách xếp một xó, để hậu tính. Con bệnh nằm chờ từ năm này qua năm khác, người ta chỉ vực dậy trong những ngày bầu cử. Nhưng lần này, có nhiều dấu hiệu cho thấy là người Pháp đã nổi giận, muốn thay đổi thực sự.

Paris 05/04/2017

Từ Thức

Published in Diễn đàn

Theo các cuộc thăm dò, ông Emmanuel Macron được dự báo sẽ lọt vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp cùng với nữ ứng cử viên cực hữu, bà Marine Le Pen, sẽ được tiến hành vào ngày 07/05/2017, mặc dù danh sách cho vòng một ngày 23/03 vẫn chưa kết thúc.

phap1

Là ứng cử viên được xếp vào cánh trung, cựu Bộ trưởng kinh tế Macron hiện đang được sự ủng hộ của nhiều nhân vật cả cánh tả lẫn cánh hữu.

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017 là cuộc bầu cử đáng chú ý nhất trong lịch sử gần đây của nền Cộng hòa thứ 5. Theo những dự báo, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1965, không ứng cử viên nào của các đảng lớn sẽ lọt vào vòng bầu cử cuối cùng. Cả đảng Xã hội (PS-Parti Socialiste) lẫn đảng Những người cộng hòa (LR-Les Républicains) không còn được đa số cử tri ủng hộ. Nó phản ánh sự bắt đầu của cuộc khủng hoảng chính trị. Đó là sự cùng kiệt của tư duy chính trị cổ điển Pháp.

Sự cạn kiệt của tư duy kinh tế

Người dân Pháp đã không còn lòng tin vào các đảng chính trị lớn với những chính sách kinh tế từng thi thố nhiều năm nay, nhưng từ hơn 40 năm qua cả tả lẫn hữu thay nhau cầm quyền, thay nhau hò hét thay đổi khi vận động tranh cử, để rồi cả hai cánh chỉ làm những việc giống nhau và cùng đi đến một kết quả giống nhau là nền kinh tế bế tắc không lối thoát và từ đó, an toàn xã hội ngày càng bê bết.

Macron đang có vẻ và hình như cố tạo ra một cái vẻ bề ngoài như có cả hai con bài. Ông nguyên là cựu Bộ trưởng kinh tế của chính phủ cánh tả nhưng không thuộc phe nào trong hai trường phái chính trị lớn đang mất uy tín. Dân chúng Pháp không còn tin vào hai đảng chính trị cổ điển tả hữu và còn cho rằng cả hai đảng không hiểu biết gì về kinh tế. Cả hai cựu Thủ tướng Jean-Marc Ayrault và Mannuel Valls dẫu cố vùng vẫy cũng không vượt thoát được khỏi cái khung tả phái trong chính phủ của một Tổng thống bất tài như François Hollande.

Có lẽ người dân Pháp tin rằng, đảng Xã hội, thiên về bảo vệ người lao động và an sinh xã hội, tiêu diệt đầu tư ; còn đảng Những người cộng hòa, khi bảo vệ giới doanh nghiệp và tự do kinh doanh, gây tổn hại cho an sinh xã hội và sức mua của thị trường tiêu thụ. Vừa là chuyên gia kinh tế vừa trung dung, đó chính là nguồn gốc tạo ra sức hút của Macron. Tất nhiên, đó chỉ là những cảm nhận nếu chỉ nhìn từ xa. Còn đến thật gần, ứng cử viên Macron cũng không hơn gì, cũng chỉ là chuyện múa gậy trong bị.

Việc phải lựa chọn một ứng viên 39 tuổi vào ghế tổng thống của một quốc gia có truyền thống dân chủ lớn như nước Pháp đã bộc lộ một sự thật không thể chối cãi rằng, nước Pháp không còn chính trị gia. Nước Pháp đã cạn kiện nhân tài. Nước Pháp lâm vào khủng hoảng triển vọng. Nước Pháp đang đi đến điểm cuối cùng của tương lai.

Tăng trưởng kinh tế trên 5% suốt "30 năm huy hoàng" kết thúc vào 1976, rồi từ đó trượt dài và chìm đắm trong các cuộc suy thoái triền miên, không bao giờ gượng dậy được. Mọi cố gắng, mọi phương cách, mọi thủ đọan, mọi kỹ thuật của những kinh tế gia xuất sắc nhất của nước Pháp, từ cả hai phía tả-hữu luân phiên nhau thi thố, đều đã thất bại.

Nhưng người Pháp không biết tự đặt ra câu hỏi tại sao. Người Pháp đã trở nên mê muội ? Người Pháp chỉ tìm cách lẩn trốn thực tế. Người Pháp không biết tịnh tâm để xét lại mình trong ra ngoài và nhìn lại mình từ đầu đến chân. Có một cái gì không bình thường, người Pháp cố tình sửa sang, sắp xếp đồ đạc, sơn sửa vặt vảnh trong nhà, trong khi cái cần cho nước Pháp là củng cố nến móng của căn nhà để có thể đứng vững trước phong ba, bão táp đến từ bên ngoài. Hiện nay, bên trong của căn nhà Pháp có vẻ gọn gàng, nhưng khi gặp bão tố, nó sẽ rung lắc, đồ đạc sẽ đổ vỡ và tất cả sẽ đảo lộn.

Từ năm 1976 tới nay, sau hơn 41 năm vật lộn với suy thoái, không thể nói rằng người Pháp đã không nặn óc suy nghĩ hết mức, không truy tới tận cùng khoa học kinh tế. Như vậy, suy thoái có thể không thuần túy nằm trong bộ môn kinh tế. Như vậy nguồn gốc suy thoái ở đâu ? Có phải ở trong văn hóa không ? Có thể là như vậy. Người Pháp là một dân tộc văn hóa, là một dân tộc nhân đạo và có năng khiếu về văn học, một dân tộc có thiên bẩm lãng mạn hơn thực dụng. Người Pháp có khiếu tưởng tượng, mơ mộng nhiều hơn thực tại.

Trong tổng số 62 giải Nobel mà những nhân tài nước Pháp nhận được, đông nhất là của giải Nobel Văn học và Khoa học (15 giải văn chương, 13 giải vật lý, 13 giải y khoa và 9 giải hóa học), còn bộ môn Kinh tế chỉ có 3 người. Chính vì thế mà cuộc cách mạng nhân quyền đầu tiên của loài người đã xảy ra trên đất Pháp năm 1789, và bản Tuyên ngôn Nhân quyền, tài sản độc nhất vô nhị của nhân loại và là niềm kiêu hãnh của người Pháp, đã khai sinh tại Pháp.

Nhưng cũng chính bản Tuyên ngôn nhân quyền này đã trở thành một thứ Thánh Giá mà người Pháp phải mang vác suốt đời. Hơn hai trăm năm. Nó đã góp phần làm tính cách Pháp biến dạng. Khi tất cả khái niệm con người không có quốc gia, thì tính cách riêng Pháp mất dần biên giới, tính hơn hẳn không còn là một động lực thúc đẩy phát triển. Và cây Thánh Giá nhân quyền đã mặc nhiên âm thầm dẫn người dân Pháp tới một triết lý cào bằng để tạo ra công bằng.

Không phải ngẫu nhiên mà khái niệm không tưởng về "thu nhập phổ cập"của Thomas Moore, sau gần 500 năm đang quay lại thành chương trình tranh cử của cả cánh tả lẫn cánh hữu trong sinh hoạt chính trị Pháp : Benoit Hamon, cựu bộ trưởng giáo dục của đảng Xã hội trong chức vụ Tổng thống và của bà Nathalie Kosciusko-Morizet, chủ tịch nhóm Những người cộng hòa trong chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thành phố Paris. Có lẽ trí tưởng tượng và bẩm tính lãng mạn đã góp phần đưa các chính trị gia Pháp mất dần khả năng tiếp nhận và đánh giá thực tế.

Nguồn gốc của phúc lợi là của cải. Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của thị trường toàn cầu hóa, trước những đối thủ thực dụng tàn nhẫn như Trung Quốc, những chính trị gia có tư duy thực tế như Đức, Mỹ, Anh, Nhật đều đang vượt qua, còn những chính trị gia lửng lơ kiểu Pháp không thể có đất đứng.

Thomas Moore đã tưởng tưởng ra một xã hội hoàn hảo, nơi con người không lo âu về khả năng sinh tồn của mình. Những nhu cầu và sinh hoạt của con người khi đó chỉ là lòng tốt, sự cao thượng và sự hảo tâm độ lượng, vị tha. Trong xã hội ấy, mọi nhu cầu, dù quái đản nhất cũng có thể được thỏa mãn một cách miễn phí, là nguồn cảm hứng cho những sáng tạo kế tiếp, tạo ra một nền sản xuất hiện đại xuất chúng và gia tăng gấp bội của cải vật chất, và thỏa mãn các nhu cầu không giới hạn khác. Xã hội đó không biết tới hàng hóa, tức các vật dụng cần tiền để trao đổi vì vậy xã hội đó không có tiền. Xã hội đó không có giàu nghèo, vì người nghèo nhất, nếu cần, cũng có thể có được mọi thứ mà một người giàu có thể tưởng tượng được ra và có khả năng sở hữu riêng. Hãy nghĩ xem, nếu xã hội nhân loại hơn 7 tỷ người đều là những Bill Gates thì ai giàu hơn ai, sự giàu có còn ý nghĩa hay gây khác biệt gì nữa không ?

Nhưng Thomas Moore cũng biết rằng xã hội ấy nếu có, cũng hỉ có thể có trên một hòn đảo biệt lập và khép kín, nơi mà lợi ích tổng thể, lợi ích bao trùm là đồng nhất vả khả dĩ quản trị được. Nếu xã hội đó mở toang cửa, và xung quanh nhà nước đó là hàng ngàn những nhà nước khác, những dân tộc và công dân khác, có mức sống khác, nhu cần khác và những lợi ích khác, không đồng nhất và không thể khống chế, điều tiết và quản trị, thì lập tức xã hội đó sẽ tan vỡ. Đó là toàn cầu hóa và thu nhập phổ cập.

Trước không tưởng thu nhập phổ cập của ứng cử viên đảng Xã hội Benoit Hamon, cựu Thủ tướng Manuel Valls dù là đồng chí cùng đảng, thậm chí còn là bạn với Benoit Hamon, đã từ chối ủng hộ Hamon và còn tuyên bố sẽ "chiến đấu" để Hamon không thể qua vòng hai và sẽ làm tất cả để Hamon "kết thúc vòng một dưới 10% "...Còn những đồng chí khác của Hamon nói rằng Hamon "buôn giấc mơ, muốn đưa tất cả vào một cơn ác mộng".

Quả thật, ý tưởng "thu nhập phổ cập" chỉ có thể hiện thực khi thu nhập đầu người bình quân hiện nay phải trên 10.000 euros/năm, và quan trọng hơn là khoản thu nhập này phải là thu nhập chung toàn cầu và thế giới không còn biên giới. Thế giới đó là một quốc gia duy nhất. Nếu chưa xây dựng được thế giới này thì ý tưởng "thu nhập phổ cập" chỉ là một sự phá hoại, mọi nền tảng của xã hội sẽ bị phá vỡ tận gốc.

Cần một tư duy cách mạng

Nếu cứ tiếp tục như thế này, ứng cử viên Emmanuel Macron cũng sẽ không thể làm gì khác, cũng không thoát ra ngoài quỹ đạo của nền kinh tế và kết cấu xã hội Pháp hiện có. Và nước Pháp cứ sẽ tiếp tục như vậy.

Nhưng Macron không phải là con người đó. Macron còn trẻ tuổi. Macron có thể là một nhân vật mà nhiều người kỳ vọng có thể làm được thay đổi. Macron thuộc gien người không chịu bó buộc, không khuôn phép, không chấp nhận giới hạn, có máu nổi loạn.

Macron là một người có thể gạt bỏ mọi định kiến, mọi nếp nghĩ khuôn sáo của văn hóa truyền thống trong gia đình trong bạn bè và của cả xã hội để khẳng đị̣nh mình. Mười sáu tuổi có thể chiếm đoạt tâm hồn chính cô giáo dạy tiếng Pháp của mình, một người phụ nữ hơn mình 24 tuổi, mẹ của ba đứa con gần bằng tuổi mình.

Macron còn là một chuyên gia ngân hàng tài ba, một bộ trưởng ủng hộ tự do kinh tế. Macron chưa bị nếp sống và sinh hoạt chính trị Pháp tha hóa.

Macron còn trẻ. Con đường chinh phục tương lai còn dài, do đó không thể bị sa ngã hay bị lôi cuốn vào những quyền lợi, do cuộc sống và nghề nghiệp mang lại, như những bậc đàn anh chính trị đã và đang vấp phải.

Nước Pháp cần một cách làm khác, một lối tư duy khác, mạnh bạo và cách mạng, nhưng phải là một tư duy và hành động có kiến thức kinh tế. Nước Pháp cần một nhân vật chính trị trong sạch và cần một người có đời sống minh bạch. Đó là tất cả những gì nước Pháp mong muốn.

Nhân vật chính trị đó, con người đó, nhân vật chính trị đó chỉ có thể là Macron. Cái may của Macron là lúc này. Cho nên có nhiều hy vọng, hiển nhiên và dứt khoát, Macron bắt buộc phải trúng cử vào chức vụ tổng thống nước Cộng Hòa Pháp vào tháng  sắp tới.

Áp đặt hay áp dụng tư tưởng xã hội chủ nghĩa vào sinh hoạt chính trị nước Pháp ngày nay không còn hợp thời nữa, phải dứt khoát loại bỏ không thương tiếc. Không thể duy trì công bằng xã hội bằng cách cào bằng đói khổ, không thể tạo ra của cải xã hội bằng chỉ huy kinh tế, ép buộc sản xuất và kềm hãm đầu tư. Trong một thế giới toàn cầu hóa, công bằng, bác ái và nhân đạo phải được thể hiện qua cách thức phân phối của cải và cách điều hành quốc gia chứ không ở trong khâu sản xuất. Của cải tạo ra phúc lợi, muốn ban phát phúc lợi đồng đều phải có sản xuất, phải có đầu tư cho sản xuất tạo ra của cải.

Cái mà nước Pháp đang cần là một nền kinh tế tiên tiến, có năng suất vượt bậc. Nước Pháp cần có một cuộc cách mạng kỹ thuật thông số (digital) 100%, trong mọi lãnh vực và trong mọi ngành nghề. Nghĩa là phải khai triển tiến trình robot hóa, tự động hóa một cách nhanh nhất và toàn thể, trong sản xuất cũng như trong dịch vụ. Không có con đường nào khác. Thông số hóa, từ động hóa có thể thể gây ra thất nghiệp, nhưng với nguồn của cải do của cách mạng này tạo ra, ngân sách xã hội sẽ dồi dào hơn để có thể dồn vào việc đào tạo thành phần nhân sự mới cho nền sản xuất mới.

Nhìn chung mọi khủng hoảng xã hội trong các xã hội phát triển hiện nay đều bắt nguồn từ năng suất lao động. Năng suất lao động nếu không được cập nhật hóa thường xuyên sẽ không bắt kịp đà tiến hóa mới, sẽ bị lạc hậu và bị bỏ rơi. Từ chối trào lưu tất đến của các cuộc cách mạng kỹ thuật thứ ba và thứ tư không khác nào chọn cái chết, chết vì suy kiệt cố gắng trí tuệ. Cải tổ phương pháp giáo dục không những là một ưu tiên hàng đầu mà còn là một bắt buộc. Vấn đề là tìm nguồn kinh phí để tài trợ cho các cuộc cách mạng đó trở thành hiện thực.

Ngoài giáo dục còn phải làm gì thêm nữa ? Nước Pháp cần phải giảm thuế doanh nghiệp xuống dưới 20% để kích thích đầu tư và sản xuất. Phải tăng đầu tư công lên 20% ngân sách quốc gia để xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở và nhà ở cho người thu nhập thấp. Cùng với lãi suất ngân hàng dưới 1%, đơn giản tối đa dịch vụ trợ cấp và khoán của quỹ bảo hiểm xã hội cho của công ty tư để giảm số lượng nhân viên công chức. Chấm dứt chế độ đoàn tụ gia đình tự động với những công dân nhập cư. Giảm lượng nhập cư có chọn lọc xuống dưới mức 20.000người/năm, tương đương 1/5 thất nghiệp tự nhiên.

Trong những chỉ tiêu nền tảng vừa kể, giảm thuế doanh nghiệp xuống dưới 20%, tăng đầu tư công lên trên 20% và giảm lãi suất vay xuống dưới 1% là ba chỉ tiêu chính, bắt buộc. Tất cả những chỉ tiêu khác, xã hội và nhân đạo, sẽ tự động đến. Vấn đề là làm thế nào để hiện thực ba chỉ tiêu đó, trong khi vẫn phải duy trì chỉ tiêu thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP.

Tăng đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo sức mua của thị trường tiêu thụ, giữ lãi suất thấp cho nhà đầu tư, giảm thuế lợi tức và thuế doanh nghiệp để thu hút đầu tư… tất cả những cái đó phải được đảm bảo bằng ngân sách quốc gia, chứ không bằng con đường vay nợ. Đó là tất cả vấn đề cho bài toán Pháp.

Nhiều người nói chỉ cần bán một nửa số vàng dự trữ mà nước Pháp đang tồn trữ là có thể giải quyết một phần khó khăn về cân bằng ngân sách. Cũng nên biết nước Pháp có một nguồn dự trữ vàng bằng 2.435,4 tấn (75.500 tỷ euros), nằm chết dí không dùng vào việc gì, trong khi trên thực tế, dự trữ vàng không còn là một thế chấp đảm bảo trị giá đồng tiền từ khi Hiệp định Bretton Woods hết hiệu lực năm 1971. Từ sau ngày đó, đồng đôla Mỹ được thả nổi tự do, trị giá của nó không còn căn cứ vào lượng vàng tồn trữ trong của kho dự trữ liên bang. Mỹ được tự do in tiền, tự do hạ giá đồng đôla bất cần khối lượng vàng hay bất cứ tài sản thế chấp nào khác. Sức mạnh áp đảo của nền kinh tế Mỹ buộc các đồng tiền khác, muốn duy trì trao đổi thương mại với Mỹ, phải xếp chung vào giỏ đồng đôla Mỹ. Từ đó, chỉ cần một cú nhích về lãi suất của Quỹ dự trữ trung ương liên bang Hoa Kỳ, tất cả các đồng tiền khác đều bị ảnh hưởng theo. Cũng kể từ đó, tất cả các quốc gia lệ thuộc vào giỏ đồng đôla Mỹ đều có nhiệm vụ bảo vệ trị giá đồng đôla Mỹ, nghĩa là nền kinh tế Mỹ. Đó là quy luật kinh tế hiện nay. Đó là chủ nghĩa đế quốc Mỹ hiện đại, chủ nghĩa bóc lột quy mô toàn cầu.

Tình trạng này không thể tiếp tục. Nước Pháp không muốn tiếp tục là nô lệ của vàng và của đồng đôla. Nhiều người nghĩ rằng chỉ với một nửa số vàng trị giá 75.500 tỷ euros đang đắp chiếu đó, nước Pháp hoàn toàn đủ sức để tiến hành cuộc cách mạng kinh tế cho thế kỷ XXI, vừa dẫn đầu hai cuộc cách mạng kỹ thuật thứ ba và thứ tư, vừa đảm bảo an sinh và trật tự xã hội.

Nước Pháp cần một nhà lãnh đạo hiểu biết và can đảm. Phải giảm thuế lợi tức doanh nghiệp xuống càng thấp càng tốt. Cần phải bơm tiền, giảm tối đa lãi vay, cấp vốn vay giá thấp cho nhu cầu vay vốn đầu tư. Hãy dùng dự trữ vàng để bù đắp cho mọi thâm hụt xã hội. Thực hiện đồng bộ các biện pháp đó sẽ giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống hạn tiêu chuẩn là 5%. Đó là con số 5 tỷ euros tiết kiệm cho ngân sách một năm, và sẽ bổ sung 10 tỷ cho tiêu thụ.

Sử dụng số vàng dự trữ là giải pháp vừa cho Pháp vừa cả cho Châu Âu. Tổng số vàng dự trữ hiện nay của Châu Âu lớn nhất toàn cầu, trên 10.792 tấn, tương đương 334.500 tỷ EUR (356.700 tỷ USD), gấp ba lần tổng tài sản toàn cầu. Nếu sử dụng số vàng đang nằm nghỉ vô dụng này, đồng Euro hoàn toàn đủ sức tách khỏi toàn cầu hóa trong một thời gian ngắn. (Châu Âu sẽ chỉ đủ sức chịu đựng toàn cầu hóa khi thu nhập bình quân đầu người đạt tới mức từ 60-80.000 đôla/ /năm trên toàn Châu Âu. Khả năng này sẽ phải mất ít nhất 10 năm).

Giải pháp sử dụng nguồn vàng dự trữ là giải pháp hay nhất. Nhưng một Châu Âu khép kín trong một thế giới mở với thị trường tiến tới toàn cầu hóa sẽ cũng không kém ảo tưởng như "thu nhập phổ cập" như một ứng cử viên tổng thống Pháp đề nghị. Nước Pháp không thể vừa là của riêng nước Pháp, vừa là thành viên không thể tách rời của Châu Âu, giữa hai phải chọn một.

Khủng hoảng thể chế

Nhiều phân tích khẳng định rằng, sau cuộc bầu cử này, cho dù bất kỳ ai thắng cử, nước Pháp vẫn sẽ thất bại và sẽ còn tiếp tục thất bại. Lý do đơn giản là cho dù trẻ và khác người, Emmanuel Macron vẫn chưa đạt tới hình tượng tương xứng với đòi hỏi của lịch sử, bởi một nguyên nhân rất cơ bản khác còn nằm trong sự nửa vời của thể chế chính trị.

Câu hỏi đặt ra là sau ngày 07/05/2017, cái gì sẽ xảy ra ? Trong hệ thống chính trị Pháp, cuộc bầu cử tổng thống mới chỉ là một nửa đoạn đường phải đi. Chặng đường tiếp theo là cuộc bầu cử quốc hội, cơ quan lập pháp. Và từ sau cuộc quốc hội này, cơ quan hành pháp mới được hình thành, chính phủ và thủ tướng, để điều hành quốc gia.

Như vậy cuộc bầu cử quốc hội là bước tiếp theo để hoàn thành hai đầu chế hành pháp, tổng thống và thủ tướng chính phủ, chứ không phải hai cuộc bầu cử để tạo ra hai cơ chế hành pháp độc lập. Đây là lỗ hổng hay sự nửa vời của hiến pháp nền Cộng hòa thứ 5.

Điều 8 Hiến pháp 1958 của Pháp quy định, thủ tướng do tổng thống bổ nhiệm và bãi miễn, nhưng lại không quy định chi tiết mối liên hệ giữa tính đại diện chủ quyền quốc gia của Tổng thổng với các thiết chế dân cử khác. Điều này có nghĩa rằng, khi một ứng viên được bầu chọn bằng phổ thông đầu phiếu trực tiếp toàn dân, thì sau khi đắc cử tổng thống, người đó phải là biểu tượng đại diện chủ quyền quốc gia và đại diện bảo đảm các lợi ích tổng thể bao trùm của toàn thể quốc dân. Như vậy, chương trình kinh tế xã hội thuộc nội dung tranh cử của tổng thống phải có tính pháp quy tương đương với hiến pháp, phải có chức năng làm khuôn khổ cho các chính sách của chính phủ.

Điều này cũng có nghĩa rằng, cuộc bầu cử tiếp theo, bầu cơ quan lập pháp, về thực chất là lựa chọn đảng phái hay lực lượng chính trị có năng lực thực hành tốt nhất chương trình của tổng thống. Như vậy, việc cạnh tranh chính trị giữa các đảng ở vòng bầu cử lập pháp sẽ là cuộc cạnh tranh năng lực triển khai hiệu quả nhất chương trình đã được lựa chọn, không phải bằng những chương trình riêng biệt hay khác biệt với chương trình của tổng thống. Nếu lâm vào thế yếu, Tổng thống có quyền bãi miễn Quốc hội mới và tổ chức một cuộc bầu cử Quốc hội khác để bầu ra một thủ tướng mới thực hiện chương trình của mình.

Nội dung như vậy không được đề cập trong hiến pháp 1958, dẫn đến một thực tế là ở vòng bầu cử lập pháp, các đảng phái đưa ra chương trình của mình không căn cứ vào chương trình đã trúng cử của Tổng thống. Và tùy thuộc vào ảnh hưởng và hiệu quả của tuyên truyền vận động, đảng hoặc liên minh chiếm đa số trong quốc hội được quyền thành lập chính phủ với một chương trình thậm chí chống lại chương trình của ứng cử viên tổng thống đắc cử. Đây là tính không nhất quán của thể chế bán đại nghị lưỡng chế, áp dụng trong nền Cộng hòa thứ 5 của Pháp từ cuộc bầu cử tổng thống năm 1959.

Khác với thể chế tổng thống áp dụng tại Mỹ và thể chế đại nghị áp dụng tại Vvương quốc Anh, cả hai loại hình thể chế này chỉ bầu ra một đầu chế hành pháp duy nhất, hoặc Tổng thống, hoặc Thủ tướng gọi là đơn đầu chế, và tùy theo quan niệm hay truyền thống của từng quốc gia, mà quyền lực của hành pháp được kiểm soát và kiềm chế theo các hình thức khác nhau. Do nguyên nhân này hay nguyên nhân khác, tính đơn chế trong hành pháp không tránh được nguy cơ quá lạm quyền lực, hoặc của cá nhân Tổng thống, hoặc của cá nhân Thủ tướng khi có đa số hay của Quốc hội khi không có đa số.

Pháp là quốc gia thực hành chế độ đại nghị lưỡng chế, nghĩa là cùng một lúc tồn tại hai đầu chế hành pháp : Tổng thống và Thủ tướng. Hai đầu chế này hỗ trợ cho nhau khi thuận chiều, và quản chế lẫn nhau khi khác chiều.

Nhưng Hiến pháp hiện nay không khống chế điều kiện của các cuộc bầu cử lập pháp, nên hiện tượng không nhất quán trong hành pháp làm suy giảm hiệu lực điều hành và làm giảm hiệu năng quản trị đất nước. Đặc biệt trong trường hợp chính phủ được lập ra từ một đảng đối lập chiếm đa số trong Quốc hội, giành được quyền lập chính phủ bằng một chương trình khác biệt, thậm chí đối nghịch với chương trình của Tổng thống, gọi là "sống chung" (cohabitation). Việc vận hành một nhà nước như vậy tạo ra rối loạn chính sách điều hành quốc gia, gây trì trệ cho công tác quản trị hành chính và quản lý các chương trình kinh tế.

Như vậy, phải phân biệt rõ hai chức năng Tổng thống và Thủ tướng ngay trong hiến pháp. Hiện tượng "sống chung" khập khiễng giữa tổng thống và thủ tướng đã xảy ra dưới thời Mitterrand-Chirac (1986), Mitterrand-Balladur (1993) và giữa Chirac-Jospin (1997) đáng lẽ phải làm các nhà hiến pháp học phải suy nghĩ, nhưng trong suốt thời gian ấy đã chẳng có chuyện gì xảy ra.

Và sau ngày 18/06/2017 sắp tới, tình trạng "sống chung" chắc chắn sẽ xảy ra với hai ứng cử viên Tổng thống có nhiều khả năng đắc cử nhất là Emmanuel Macron với phong trào Tiến bước (En Marche) và Marine Le Pen với đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (Front National). Vì đảng Tiến Bước mới có 10 tháng tuổi, chắc chắn sẽ không thể đủ phiếu để lập chính phủ thân tổng thống. Mặt trận quốc gia từ trước đến nay chưa bao giờ có quá 2 Đại biểu trong Quốc hội Pháp, nếu bà Marine Le Pen đắc cử Tổng thống lần này, tổng số Đại biểu Quốc hội lạc quan lắm cũng không qua 60 trên tổng số 577 ghế. Với hai ứng cử viên có nhiều triển vọng đắc cử chưa có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo quốc gia, và với một chính phủ bất phục khác đường lối, sẽ chỉ là một Nhà nước bất lực.

Điều này cho thấy nếu không kịp sửa và bổ sung hiến pháp, nước Pháp sẽ thất bại.

Sự thiếu hụt trong các mô hình dân chủ

Trước hết, các cuộc khủng hoảng thể chế chính tri toàn cầu, thể chế tổng thống ở Mỹ với Trump, thể chế đại nghị ở Vương quốc Anh với Brexit, và khủng hoảng bán tổng thống tại Pháp với khả năng đắc cử của một ứng viên trung dung không có một đảng chính trị mạnh ủng hộ đến từ khủng hoảng kinh tế.

Đó là khủng hoảng đặc trưng tất yếu trước và trong các cuộc cách mạng kỹ thuật. Sự chênh lệch giữa năng suất tổng thể với thu nhập tổng thể. Tức là mâu thuẫn giữa khu vực năng suất tụt hậu dẫn đến thu nhập tụt hậu với khu vực thu nhập siêu tốc kết quả của năng suất siêu tốc.

Hiện tượng thắng thế của chủ nghĩa dân túy đang tạo ra một cảm giác nghi ngờ sự lỏng lẻo, bấp bênh của nền dân chủ thế giới. Đó là một cảm giác lầm lẫn. Không ai có thể nghi ngờ tính dân chủ kiểu mẫu của thể chế chính trị dựa căn bản trên nền tảng Tam quyền phân lập của nhà nước Hợp chủng quốc Hoa kỳ. Tòa án có thể ngăn chặn các sắc lệnh của tổng thống. Và tổng thống không bị loại trừ điều tra và khởi tố bởi cơ quan pháp luật. Đó là khác biệt không thể chối cãi so với chế độ chuyên chế độc đảng.

Nhưng tại sao hệ thống ấy để lọt một nhân vật như Donald Trump, một doanh nhân buôn bán bất động sản, không năng lực, không kinh nghịêm chính trị, phẩm chất cá nhân bất định, có thể trúng cử tổng thống một quốc gia có tầm ảnh hưởng toàn thế giới ?

Cùng với Brexit của Vương quốc Anh, những khuôn mẫu khổng lồ của nền dân chủ tiến bộ thế giới đang sụp đổ ?

Không, nền dân chủ không sụp đổ, cũng không thoái trào. Nhưng có những kẽ hở trong các quy chế vận hành của nó chưa hoàn thiện, không đủ sức kháng cự với hoàn cảnh đặc biệt. Có thể tóm lược trong ba quy chế như sau :

1. Các cuộc bầu sơ bộ không được đưa ra đại chúng. Ứng viên cho vòng bầu sơ bộ là đại biểu của các đảng và tổ chức chính trị, phải đủ uy tín trong đảng và phải đại diện cho đảng, vì vậy phải do nội bộ đảng bầu và giới thiệu ra ứng cử cho vòng bầu cử đại chúng. Không chấp nhận ứng viên chiếm được phiếu quần chúng nhưng không có uy tín trong đảng, không đại diện cho đảng. Ứng viên này nếu tiếp tục tranh cử phải xin rút khỏi đảng hoặc chịu khai trừ.

2. Cơ chế ứng cử nhiều hơn hai đảng cho vòng đầu phải là một quy tắc hiến định, nghĩa là được ghi trong hiến pháp. Bắt buộc số đảng phái tham gia ứng cử vòng đầu phải tối thiểu là bốn. Hội đồng Hiến pháp sẽ xem xét quy định này như một điều kiện hợp hiến của bầu cử.

3. Cơ chế bỏ phiếu đơn danh một vòng theo đa số chỉ dùng để bầu cho 1/3 đại biểu Quốc hội, 2/3 còn lại phải bầu theo quy tắc tỷ lệ. Để đơn giản hóa vì mục đích tiết kiệm, 1/3 số đại biểu sẽ được bầu bằng đơn danh một vòng lấy phiếu cao nhất. 2/3 số còn lại bầu theo tỷ lệ với tối thiểu 5%.

Nếu trước hết phải chiếm được uy tín trong đảng Cộng hòa thì Donald Trump không thể thắng ở vòng sơ bộ.
Nếu có nhiều hơn ba đảng tranh phiếu, thì điều chắc chắn là không một đảng nào có đủ quá bán tuyệt đối số phiếu. Khả năng dồn phiếu ngăn cản, không cho phép các đảng cực đoan hoặc mị dân thắng ở vòng cuối cùng. Nếu không phân tán số phiếu ở vòng đầu và dồn phiếu ở vòng sau thì Mặt trận quốc gia của gia đình Le Pen có lẽ đã nắm ghế tổng thống Pháp sau nhiều cuộc bầu cử.

Cơ chế bầu tỷ lệ đảm bảo tính đa đảng trong cơ quan đại diện, phản ánh tiếng nói đại chúng và khuyến khích các đảng nhỏ tham gia hoạt động cộng đồng như một đảm bảo của nền chính trị đa nguyên, chống lại xu thế hình thành hai đảng trong sinh hoạt chính trị.

Paris, 04/04/2017

Bùi Quang Vơm

Published in Quan điểm

Đế chế ngầm trên mạng, thế lực giúp Trump chiến thắng

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến vòng một bầu cử tổng thống Pháp. Hơi nóng bầu cử tràn ngập các tuần báo. L’Obs có hồ sơ chính cảnh báo : "Nếu Le Pen đắc cử, 100 ngày đen tối đầu tiên…". Tuần san Le Courrier International : "Macron, một bí ẩn của nước Pháp". L’Express nhìn sang nước Mỹ những tuần đầu dưới chính quyền Trum, để truyền đi một thông điệp có phần lạc quan : "Trump bị hâm. Nhưng nước Mỹ đang chữa trị cho ông ta…". Trước hết xin giới thiệu bài : "Robert Mercer, cỗ máy giúp Donald Trump chiến thắng" trên báo Anh The Observer, được Le Courrier International dịch lại.

theluc1

Steve Bannon (trái), người được coi đã đóng vai trò lớn giúp Donald Trump thắng cử tổng thống. Ảnh chụp ngày 17/03/2017 trong cuộc họp báo chung giữa tổng thống Trump và thủ tước Đức Merkel tại Nhà Trắng. REUTERS/Jim Bourg

Về những trợ thủ giúp Donald Trump đắc cử, có một nhân vật ít được nhắc tới. Tỉ phú Robert Mercer, thân cận với cố vấn chiến lược Steve Bannon, chính là người điều hành cả "một đế chế tuyên truyền thực thụ trên mạng internet".

Robert Mercer vốn là một nhà tin học xuất sắc, từng khởi nghiệp tại công ty IBM, và đã có nhiều đóng góp được đánh giá là "cách mạng" cho ngành trí tuệ nhân tạo, trước khi trở thành người sử dụng các thuật toán để đầu cơ trên các thị trường tài chính. Theo The Observer, chỉ riêng Medallion – quỹ đầu tư mạo hiểm được đánh giá là sinh lời nhiều nhất trong lịch sử - đã mang lại 55 tỉ đô la.

Robert Mercer không chỉ là người đóng góp tài chính lớn nhất trong chiến dịch tranh cử của Donald Trump. Điều chủ yếu mà nhà báo điều tra Carold Cadwalladr của The Oberver tìm cách làm sáng tỏ trong phóng sự này : Mercer là nhân vật đứng đằng sau một hệ thống mới được lập ra nhằm triệt hạ các phương tiện truyền thông dòng chính hiện có, với các thủ đoạn sẵn sàng đổi trắng, thay đen, ngấm ngầm tác động đến tình cảm của hàng chục triệu cử tri Mỹ, nhằm thay đổi lựa chọn chính trị của họ.

Ba trụ cột của đế chế Mercer

Đế chế truyền thông mạng của tỉ phú Robert Mercer và cố vấn Steve Bannon bao gồm ba cơ sở chính. Thứ nhất là trang mạng chính trị Breibart của nhà báo cực hữu Andrew Breibart (qua đời năm 2012). Breibart là trang mạng đứng thứ 29 trong số 30 trang được truy cập hàng đầu của nước Mỹ. Là trang mạng chính trị số một của Facebook và Twitter.

Địa chỉ số hai của đế chế này là một doanh nghiệp phân tích dữ liệu ít người để ý, mang tên Cambridge Analytica. Doanh nghiệp này tự hào khẳng định có đủ thông tin về 220 triệu dân Mỹ. Dựa trên 5.000 loại dữ liệu khác nhau, công ty phân tích dữ liệu tự tin nắm được tâm lý của các cá nhân, để tìm cách gây ảnh hưởng. Cambrige Analytica bị tố cáo từng hoạt động ráo riết nhằm tác động đến cuộc trưng cầu dân ý về quyết định Anh Quốc rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu.

Cơ sở thứ ba của đế chế tuyên truyền của Robert Mercer và Steve Banon là GAI/Government Accountability Institute. Mục tiêu của cơ sở này là xây dựng nền tảng cho các phương tiện truyền thông thay thế cho các phương tiện dòng chính hiện nay, với đầu tư ưu tiên cho loại hình "báo chí điều tra dài hơi". GAI tìm kiếm các nguồn thông tin hiếm có, để phục vụ cho việc ra đời những cuốn sách dày dặn về dữ liệu, tạo đòn sấm sét hạ gục các đối thủ chính trị. Một sản phẩm tiêu biểu của GAI là cuốn "Clinton Cash" (Tiền của Clinton), tấn công vào cựu ngoại trưởng Hillary Clinton. Khi được tung ra, sách đã làm đảo lộn sự chú ý của công chúng.

Trong số ba cơ sở của đế chế Mercer, báo The Observer đặc biệt chú ý đến Cambridge Analytica và liên hệ của nó với quỹ đầu tư Renaissance Technologies. Một chuyên gia tin học từng quen biết Robert Mercer trong những năm 1980, khi ông ta còn làm việc tại IBM, phỏng đoán là nhà tỉ phú tương lai đã có ý định ứng dụng "các khả năng tin học xuất sắc được ứng dụng trong ngành tài chính" (với các mô hình dự báo kinh tế) sang một lĩnh vực hoàn toàn khác : đó là ảnh hưởng đến các quyết định bầu cử của cử tri, trên cơ sở khai thác khối dữ liệu rất phong phú về các cá nhân trên mạng, như Twitter, Facebook, Google...

Tác giả bài báo đưa ra một kết luận lạnh gáy : với tốc độ tuyên truyền, tác động tâm lý công chúng như hiện nay, thời kỳ mà các thông tin nghiêm túc bị đông đảo công chúng coi là "các tin giả/fake news" chắc không còn xa !...

Le Pen trở thành tổng thống Pháp : 100 ngày giả tưởng

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến vòng một bầu cử tổng thống Pháp. Viễn cảnh lãnh đạo đảng Mặt Trận Quốc Gia – FN (Front National) giành chiến thắng, tuy không lớn, nhưng đây là điều mà giờ đây ít ai có thể "loại trừ hoàn toàn". Tuần báo Le Nouvel Observateur mường tượng : "Nếu bà Le Pen đắc cử, kịch bản 100 ngày đen tối đầu tiên ở điện Elysée".

L’Obs cho biết, kịch bản nói trên dựa chủ yếu vào các cam kết tranh cử của bà Marine Le Pen, cũng như quan điểm của những người thân cận, nhưng được thảo ra dưới dạng chuyện kể.

Sau vài ngày bàng hoàng, khắp nơi trên nước Pháp là không khí "Kháng chiến". Người ta chuẩn bị cho các cuộc tuần hành lớn tại Paris, Lyon, Marseille…, vào ngày chuyển giao quyền tổng thống 15/05. Nhiều người cánh tả và cánh hữu, vốn là đối thủ, nay sát cánh kề vai.

Tân tổng thống FN đoán trước sẽ không có được đa số tuyệt đối tại Quốc Hội trong cuộc bầu cử tháng 6, nên chuẩn bị cho việc điều hành đất nước bằng con đường trưng cầu dân ý. Mục tiêu của Le Pen là ngay từ phiên họp hội đồng bộ trưởng ngày 22/06, sẽ đưa các đề nghị sửa đổi Hiến pháp ra trưng cầu dân ý. Chính trị gia cánh hữu dân tộc chủ nghĩa Dupont-Aignan được cử làm thủ tướng. "Đảo chính bằng trưng cầu dân ý" là điều báo chí tố cáo.

Một trong những quyết định đầu tiên của tân chính quyền là tái lập kiểm soát biên giới. Trên khắp nước Pháp, lá cờ của Liên Hiệp Châu Âu bị phế bỏ. Hàng loạt cam kết về miễn giảm thuế được thực hiện, cho dù không biết lấy tiền ở đâu để bù đắp.

Áp lực Pháp rời Liên Hiệp Châu Âu buộc chính phủ Đức phải tìm giải pháp nhượng bộ. Trong khi đó, kết quả trưng cầu dân ý sửa đổi Hiến pháp đầu tháng 7 có lợi cho tổng thống Le Pen. Không khí chống Hồi Giáo trỗi dậy. Nước Pháp của Le Pen công nhận chủ quyền của nước Nga Putin đối với bán đảo Crimea…

Sự trỗi dậy của Macron : Bí ẩn Pháp

Cũng về tranh cử tổng thống Pháp, nhưng Le Courrier International chú ý đến hiện tượng "Macron, một bí ẩn của nước Pháp". Tuần san nhận xét : "Tình trạng suy tàn của giới chính trị Pháp đã mở ra cả một chân trời rộng lớn cho cựu bộ trưởng Kinh Tế". Le Courrier International dẫn lại hàng loạt bình luận từ báo chí Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Đức và Nga.

The New York Times nhận định : "người thanh niên Macron đã khéo léo len chân vào kẽ hở", mở ra sau khi hai đảng lớn tự hạ uy tín của mình, đảng cánh hữu với "nghi án tham nhũng" của Fillon, đảng cánh tả với "dự án không tưởng" của Hamon. Cựu bộ trưởng Kinh Tế Macron giờ đây trở thành người có khả năng lọt vào vòng hai, và giành chiến thắng trước Marine Le Pen. Tuy nhiên, tờ báo Mỹ tỏ ra hết sức nghi ngờ về đường lối không tả, không hữu của Macron.

Báo El Pais cũng cùng nhận định : "Con kỳ nhông đã tìm thấy kẽ hở", nhưng tờ báo Tây Ban Nha cũng thừa nhận Macron là "hiện thân cho một nền cộng hòa mới", "không cổ vũ cho một chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa yêu nước cuồng tín, mà một nhà nước thế tục và sự gắn bó với Châu Âu".

Các phương tiện truyền thông Ý và Nga được trích dẫn đều thiên về lên án Macron, chỉ riêng nhật báo thiên hữu Die Welt (Đức) hết lời ca ngợi : "Giữa tả và hữu : một định hướng đúng". Die Welt bảo vệ ứng cử viên 39 tuổi : "chương trình của Macron giống với một nỗ lực tổng hợp những sáng kiến tốt nhất của Châu Âu", "ông đã mang lại lòng yêu thích chính trị đối với nhiều người Pháp đã quá ghê tởm giới chính trị hiện nay".

Die Welt đặt câu hỏi : "Phải chăng, giống như (cựu thủ tướng Anh) Tony Blair, Macron sẽ là người tạo ra một "con đường thứ ba" cho nước Pháp ?". Macron hy vọng một "khế ước xã hội mới", xác định rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân, như tổng thống Mỹ Kennedy từng nói : đừng hỏi đất nước phải làm gì cho bạn…

Liệu nước Pháp, với phong trào Tiến bước/En Marche của Macron, sẽ trở thành một đầu tầu của Châu Âu và cùng với nước Đức thúc đẩy Liên Âu tiến lên ? Quá đẹp để có thể tin là sự thật ! Die Welt dự đoán, trừ khi mắc một "sai lầm nghiêm trọng", ứng cử viên Macron sẽ bình yên thẳng tiến đến điện Elysée.

Friedman : "Cảm ơn bạn đã đến trễ !"

Trong lúc các báo tập trung vào bầu cử và chính trường, Le Point nhìn sang hướng khác. Chủ đề chính của Le Point là "Trí tuệ nhân tạo. Làm thế nào để tranh thủ được thế giới mới này". Tuần báo có bài phỏng vấn nhà báo Mỹ Thomas Friedman, người ba lần đoạt giải Pulitzer, nhân dịp dịch phẩm cuốn "Thank you for being late/Cảm ơn bạn đã đến trễ" ra mắt tại Pháp. Friedman cũng là tác giả "Thế giới phẳng", cuốn sách được nhiều độc giả Việt Nam hâm mộ.

Cuốn "Cảm ơn bạn đã đến trễ" vạch ra ba động lực đang làm tăng tốc thế giới chúng ta hiện nay. Đó là toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và công nghệ. Theo tác giả, một trong những thách thức lớn của thế giới hiện nay là tốc độ biến đổi công nghệ nhanh chóng, vượt khả năng học tập, thích nghi của con người. Chu kỳ công nghệ đổi mới là từ 5 đến 7 năm, trong khi con người phải mất 10 đến 15 năm để thích ứng.

Về mặt địa chính trị, sau thời kỳ "ổn định" do Chiến tranh lạnh, bối cảnh thế giới hiện nay, với biến đổi khí hậu, bùng nổ dân số, cạnh tranh kinh tế… khiến hàng loạt quốc gia "yếu" đứng trước nguy cơ tan vỡ.

Nhà báo Friedman đặc biệt lưu ý đến một giải pháp có thể là lối thoát đối với nhiều xã hội. Đó là các cộng đồng lành mạnh, tự tổ chức, sẽ là mô hình quản trị của thế kỷ XXI, thay vì Nhà nước. Cụ thể như thành phố Minneapolis, quê hương ông, nơi chỉ có 2,9% dân thất nghiệp.

Bí quyết : Địa phương này đã tạo được một đời sống tập thể năng động, các doanh nghiệp có hợp đồng đối tác với hệ thống giáo dục, cho phép thích nghi nhanh chóng với các nhu cầu việc làm mới. Các tổ chức thiện nguyện và chính quyền thì có các biện pháp hỗ trợ phù hợp.

"Cảm ơn bạn đến trễ", như tên gọi của nó, là cuốn sách mời gọi sống chậm, sống cùng chiêm nghiệm, suy tư. Tâm sự cuối cùng của Friedman trong cuộc phỏng vấn là : trong kỷ nguyên tăng tốc mà chúng ta sống hiện nay, điều quan trọng là "trở về với những gì không thể tải được từ mạng xuống : đó là quan hệ con người, khả năng nối kết các quan hệ sâu sắc với người khác. Tóm lại, những gì làm chúng ta khác với máy".

Cũng trong số báo này của Le Point có bài "Người dạy máy suy nghĩ", giới thiệu về chuyên gia Pháp Yann Le Cun, người lãnh đạo phòng thực nghiệm trí tuệ nhân tạo của Facebook. Le Point lo lắng cho sự chậm trễ của nước Pháp trong lĩnh vực tin học.

"Pilgrim" : Thơ của những người vô gia cư

Trong lĩnh vực văn hóa, mục 360° của Le Courrier International tuần này dành nhiều trang giới thiệu về một tạp chí đặc biệt. "Pilgrim" (Người hành hương), do một nhà báo ở Boston, Hoa Kỳ, sáng lập, hướng tới những người vô gia cư.

Ra đời vào năm khủng hoảng 2011, Pilgrim là nơi những con người khốn cùng có cơ hội thả hồn thơ. Từ đó đến nay, Tạp chí Người hành hương đã ra được hơn 40 số.

Người siêu giàu bỏ mặc thế giới

Cũng về tương lai của nhân loại, L’Obs có bài "Những người siêu giàu bỏ rơi thế giới chúng ta". Nhà triết học Pháp Bruno Latour đưa ra "một giả thuyết triệt để". Đó là "các tầng lớp thống trị xã hội hiện nay ý thức được hiểm họa sinh thái, nhưng họ giữ yên lặng. Bởi họ muốn xây dựng một tương lai bên ngoài cộng đồng xã hội".

Trái ngược với việc dùng danh xưng "chủ nghĩa dân túy" để lên án một số thế lực, nhà triết học Pháp cho rằng nhiều người đã lợi dụng việc lên án này để "tránh phải đối diện với những lý do (thực sự) khiến con người ngờ vực lẫn nhau". Theo ông, "nhân danh toàn cầu hóa, người ta đã bị yêu cầu phải hy sinh nhiều thứ, phải từ bỏ nhiều bảo trợ, để đổi lấy những lợi ích không bao giờ có được".

Bênh vực người yếu thế, nhưng nhà triết học Pháp cũng đồng thời ủng hộ dự án Châu Âu. Vấn đề là một Châu Âu được xây dựng dựa trên chính tiềm năng sức mạnh của mình, như điều mà cộng đồng Châu Âu than và thép đã từng thành công nửa cuối thế kỷ XX. Hình ảnh về "một tổ quốc Châu Âu" vượt qua chủ nghĩa quốc gia là điều mà nhiều người Châu Âu đã từng trải qua. Và đây là điều cần được tiếp nối.

Nhà triết học và xã hội học Bruno Latour, nổi tiếng tại Hoa Kỳ hơn là tại Pháp, là tác giả về khoa học nhân văn được trích dẫn đứng hàng thứ 10 trên thế giới (trên ông tổ phân tâm học Freud và sau nhà xã hội học Max Weber), theo tạp chí "Times Higher Education".

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Cuộc bu c tng thng Pháp đang bước vào hip cui vô cùng căng thng, vi nhiu màn bi hài kch. Cui năm qua, qua cuộc bầu c sơ b, đng Xã hi đã c đi biu ca mình đ vào vòng cui vào tháng 4 và tháng 5/2017, là ông Benoit Hamon 50 tui, vn là th tướng dưới thời Tng thng François Hollande. Cánh hu và cánh trung qua bu c sơ b cũng c ra đi biu ca mình là ông François Fillon từng là th tướng dưới thi Tng thng Nicolas Sarkozy. Trong khi đó ông Emmanuel Macron, 38 tui, nguyên b trưởng kinh tế tuyên b lp Phong trào "En marche" (Hành quân), không t mà cũng không hu, ra ng c, trong khi các nhân vt rất đáng chú ý là Tng thng Hollande không ra ng c, còn nguyên Tng thng Sarkozy và nguyên Th tướng Alain Juppé ra ng c đu b loi ngay t vòng đu ca các đng hu và trung ngày 20/11/2016, do b ông Fillon vượt qua.

baucu1

ng c viên François Fillon ca đng Cng Hòa phát biu tại mt cuc mít tinh Paris, ngày 5/3/2017.

Cuộc bu c vòng cui s din ra ngày 23/4/2017, gồm có các ng c viên François Fillon ca đng Cng Hòa, Benoit Hamon ca đng Xã hi, Emmanuel Macron ca Phong trào Hành quân, bà Marie le Pen ca đng Quc gia, Jean-Luc Mélenchon ca đng cánh T... và mt vài ng c viên khác ít nh hưởng. Nếu cuc bu này không có ai đt trên 50% s phiếu bầu thì cuc bầu cui cùng s din ra ngày 7/5/2017 đ chn 1 trong 2 người có nhiu phiếu nht trong cuc b phiếu ngày 23/4. Người thng s là tng thng mi ca nước Pháp.

Trong tháng 11/2017, đa số dư lun và các cuc thăm dò dư lun đu cho rng cuc đ sc cui cùng s là cuộc đ sc gia bà le Pen và ông Fillon hoc là gia bà le Pen và ông Macron. Và bà le Pen s thua, có nhiu kh năng ông Fillon s thng.

Thế nhưng đu tháng 12/2017, báo le Canard enchainé đăng tin động tri v chuyn nguyên th tướng và nguyên đi biu quc hi Fillon đã tham ô mt s tin ln gn 1 triu Euro dưới danh nghĩa tr ph cp cho nhng tr lý ca mình gm có v và 2 con, mà nhng người này không h đến cơ quan để làm vic, thường gi là "làm vic ma trơi" (emploi fictif). Tòa án và ngành tư pháp đã vào cuc, m nhiu cuc điu tra, xem xét các h sơ cũ, cho biết s có th truy t ra trước tòa và x lý theo lut.

Thái độ ca ông Fillon trước các cáo buc trên là bác bỏ mi li lên án, nhưng không th t chy ti hoàn toàn. Ông nhn mt s thiếu sót là tr li chm tr và xin li nhưng cho rng ông là người trong sch trong sut 36 năm cm quyn, ông tuyên b ch b cuc tranh c khi b đưa ra trước tòa án, sau lại tuyên b ch b cuc khi b tòa án tuyên án do phm lut.

lun xã hi ngày càng nghi ng, t l tín nhim ca ông do các hãng thăm dò đưa ra gim t gn 50% xung dưới 20%. Chc chn ông s b loi ngay t ngày đu ca vòng cui ngày 23/4 ti. Công luận Pháp cho rng cái vng v ca ông Fillon là đã xúc phm ngành tư pháp, hô hoán lên rng ông ta là nn nhân ca mt cuc đo chính mang tính cht ni chiến, mt cuc chơi xu do cánh t ca ông Hollande dng lên, mà không đưa ra được bng chng nào. Trên Facebook, truyền đi kiến ngh mang hàng chc ngàn ch ký đòi ông Hollande phi hoàn li gn mt triu tin tham ô và đòi tòa án cn x lý đến cùng. Tt c công lun và thăm dò đu cho rng nếu ông Fillon hiu rõ tình hình, t nguyn rút lui và t nguyn nhường ch cho ông Juppé thì ông Juppé s thng ngay t cuc bu ngày 23/4, và chc chn s trúng c trong cuc bu cui ngày 7/5/2017. Ông Juppé và lãnh đo đng Cng hòa cũng ch mong ch điu y t ông Fillon, hy vng thái đ có công tâm, t nguyn của ông Fillon, nhưng điu này đã không xy ra, vì ông Fillon vn còn quá ư o tưởng t tin v cá nhân mình. Phn ln ban lãnh đo đng Cng hòa cũng c thuyết phc ông Fillon nên vì đi cuc, vì li ích ca đng Cng hòa mà nhường ch cho ông Juppé, hoc là nhường cho ông François Baroin, 52 tui, nguyên b trưởng kinh tế. Cái kt ca đng Cng hòa là đng không có quyn ép cá nhân đng viên phi phc tùng đa s trong đng, vì theo Hiến pháp và th l bầu c đây là quyn bt kh xâm phm ca tng công dân, không một t chc nào có quyn vượt qua. Hoàn toàn không như dưới chế đ đc đoán phn dân ch, đng quyết theo đa s là mi đng viên buc phi tuân theo.

Ngày 5/3, Ban vận đng bu c ca ông Fillon tổ chức một cuc mít tinh ln gia Paris qung trường Trocadéro đ ng h ông Fillon. Ông Fillon càng t tin tuyên b mnh m, dù thế nào cũng không b cuc. Mt cuc hp ca ban lãnh đo đng Cng hòa đành phi theo và trong cơn bế tc đành kêu gi s tp hp mi sau lưng ông Fillon, mt ngh quyết cực chẳng đã, đy đng cay và hu qu khôn lường. Báo Huffington Post nhận đnh đây là mt cuc t sát tp th ca đng Cng hòa, có th ví vi cuc đm tàu bi đát ln nht thế k ca tàu vin dương hin đi mang tên Titanic tháng 4/1912 gây nên cái chết tp thể rùng rn t t ca hơn 1.500 con người.

Chính vì vậy mà bi kch và ác mng ca ông Fillon và ca đng Cng hòa Pháp chưa chm dt mà còn trm trng hơn. S cng ci ra v vng vàng nhưng cng đu, cá nhân, bướng bnh ca ông Fillon không chc gì mang lại kết qu tt đp như mong mun.

Theo thăm dò mới nht đáng tin cy chiu 7/3, trong cuc b phiếu vòng cui, ngày 23/4 ti, bà Le Pen s dn đu vi t l 36%, ông Macron th nhì vi 25%, ông Fillon th 3 vi 19%, ông Hamon ch đt 13% và ông Mélenchon 12%. Hầu như chc chn ông Fillon sẽ b loi. Trong cuc b phiếu chót ngày 7/5 hu như chc chn ông Macron s trúng c. Phong trào "Hành quân" ca ông ch vài tháng đã có 97.000 người tham gia, phn ln là tui tr và trí thc. Mt nhân vt không thuc phe tả cũng chng thuc phe hu, ông t nhn phong trào này là ca chung người Pháp, t t sang hu.

hi cui cùng ca đng Cng hòa và ông Fillon là kêu gi s hu thun ca đng Liên minh Dân ch Đc lp ca Christine Lagarde và Jean-Louis Borloo, thuộc cánh trung, nhưng các v này đã làm ngơ khi thy con tàu Cng hòa đang đm. Cn ch rõ thêm là ông Fillon ch trương thân thin vi nước Nga ca ông Putin trong chính sách đi ngoi.

Chỉ còn hơn 40 ngày đến vòng b phiếu quyết đnh. Ông Fillon kiên trì tổ chc các cuc din thuyết khp nơi. Nhưng so sánh lc lượng hin nay là hu như c đnh, khó có th đi khác. Có nhiu kh năng là ông Macron, nhà nghiên cu 38 tui, ng c viên tr nht, ít người biết đến, người xóa b ranh gii t hu, trung, s trúng cử, đy lùi kh năng trúng c ca bà le Pen thuc phe cc hu, con người mà các nhà dân ch và nhân dân Pháp rt e ngi và đ phòng. Các hãng thăm dò cho biết t l người đi b phiếu vòng cui s thp, vì cht lượng tranh c thp, các chương trình ná ná như nhau, không có s la chn hay ho, lý thú, b vướng vào các nhược đim tư cách cá nhân, khiến các c tri chán ngán.

Xem ra đảng Cng hòa là đng ni tri nht t nn cng hòa th V sau Thế chiến II, vi các Tng thng Charles de Gaulle, George Pompidou, Giscard d'Estaing, Jacques Chirac và Sarkozy đang lâm vào thế yếu chưa tng có. Đng Xã hi là lc lượng th 2 vi 2 Tng thng Mitterrand (3 khóa) và Hollande cũng lâm vào khng hong sâu sc. Phong trào "Hành quân" ca ông Macron bao gm c t, hu và trung có thể m ra mt thi kỳ chính tr mi cho nước Pháp chăng ? Ta hãy ch kết qu cui cùng vào ti 7/5 ti.

Bùi Tín

Nguồn : VOA, 11/03/2017

Published in Diễn đàn

Pháp : Ứng viên tổng thống E.Macron : "Không tả, không hữu" hay "vừa hữu, vừa tả" ?

Các hồ sơ quốc tế hoàn toàn mờ nhạt trên các báo Pháp ra ngày 03/03/2017. Chủ đề chính được các tờ báo tập trung khai thác là chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp 2017.

macron1

Ứng viên Emmanuel Macron thuộc phong trào En Marche ! (Tiến Bước) công bố chương trình tranh cử tổng thống, Paris, ngày 02/03/2017. REUTERS/Christian Hartmann

Nhật báo Le Monde ra sạp sớm từ chiều hôm trước dành 7 trang cho hồ sơ tai tiếng chính trị của ứng viên tổng thống cánh hữu François Fillon, liên quan đến nghi án ứng viên đảng Những Người Cộng Hòa tạo việc làm khống với thu nhập rất cao cho vợ và hai con trai trong một thời gian dài.

Trong khi đó, các báo thiên hữu Le Figaro, báo Libération thiên tả, báo kinh tế Les Echos và nhật báo công giáo La Croix đều dành trang nhất và nhiều trang bài bên trong cho chương trình tranh cử của ứng viên độc lập Emmanuel Macron của phong trào En Marche - Tiến Bước.

Bị chỉ trích từ nhiều tháng nay là chỉ nói chung chung mà không đề xuất được một chương trình cụ thể, ứng viên Emmanuel Macron đã công bố vào ngày 02/03 chương trình tranh cử tổng thống. Le Figaro nhận định là Emmanuel Macron - người tự nhận là "không theo cánh hữu và cũng chẳng thuộc cánh tả" - đã đưa ra các ý tưởng mang tính tổng hợp của cánh hữu, cánh tả, cánh trung, và thậm chí là của đảng Cộng Sản Pháp nhằm "quyến rũ" tất cả mọi người và không làm phật ý bất cứ nhóm cử tri nào cả. Hậu quả là chương trình tranh cử của ứng viên Emmanuel Macron đã phải hứng chịu rất nhiều chỉ trích, từ tả sang hữu.

Còn tờ báo cánh tả Libération thì chạy tựa trang nhất "Macron, không phải cánh tả, không phải cánh hữu, mà ngược lại" hàm ý là Macron vừa theo cánh tả, vừa theo cánh hữu.

Ngoài việc chỉ ra những đề xuất nào của Macron là theo đường hướng của cánh hữu và những đề xuất nào là của cánh tả, Libération còn cho biết bên cạnh một số đề xuất mới mẻ mang tính "cách tân" như trợ cấp thất nghiệp phổ quát, miễn thuế nhà ở cho 80% dân số Pháp, mỗi thanh niên Pháp tới tuổi 18 thì được cấp 500 euro cho các hoạt động văn hóa, các khóa học hè nâng cao trình độ cho các học sinh yếu kém… thì nhiều đề xuất của Macron trên thực tế là những chính sách mà chính quyền của tổng thống François Hollande đang thực hiện, chẳng hạn như giảm chi tiêu công, tuyển thêm 7.500 cảnh sát và 2.500 hiến binh…

Châu Âu không hoàn thành chỉ tiêu tiếp nhận di dân và tị nạn

Về hồ sơ di dân ở Châu Âu, nhật báo kinh tế Les Echos cho biết Ủy Ban Châu Âu chỉ trích các nước thành viên vì không tuân thủ cam kết tiếp nhận di dân và người tị nạn tràn vào Châu Âu qua cửa ngõ nước Ý và Hy Lạp để giảm gánh nặng cho hai nước này.

Vào tháng 09/2015, để tỏ tình đoàn kết với Ý và Hy Lạp - hai nước phải đối mặt làn sóng di dân lớn từ Thổ Nhĩ Kỳ và Libya - bộ trưởng Nội Vụ của các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã cam kết đón nhận từ hai nước này gần 100.000 di dân và người tị nạn trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, cho tới nay, tính trung bình, các nước này mới chỉ hoàn thành 14% chỉ tiêu đề ra.

Cụ thể, hai nước tiếp nhận nhiều di dân nhất là Ireland và Phần Lan cũng mới chỉ hoàn thành được hơn 50% chỉ tiêu. Nước Pháp đứng ở vị trí thứ 5. Còn các nước Đông Âu như Ba Lan, Hungary, Cộng Hòa Séc thì từ chối hợp tác trên hồ sơ di dân.

Đối diện với tình trạng này, ông Dimitri Avramopoulos - ủy viên Châu Âu đặc trách về di dân ngày 02/03 cho biết là ông đã viết thư cho bộ trưởng Nội Vụ của tất cả các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu để thúc giục họ đẩy nhanh việc tiếp nhận di dân và người tị nạn. Ủy viên Dimitri Avramopoulos cảnh báo là nếu các nước không tuân thủ cam kết đúng thời hạn, Ủy Ban Châu Âu sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Ngoài ra, Châu Âu cũng thúc giục các nước đẩy nhanh thủ tục để rút ngắn thời gian trục xuất sau khi từ chối đơn xin cư trú hoặc hồ sơ xin tị nạn của di dân. Ủy Ban Châu Âu cũng nhấn mạnh đến việc phải nhanh chóng ký kết thỏa thuận với các nước Nigeria, Jordan và Tunisia để các nước này tiếp nhận lại những người bị Châu Âu trục xuất.

Daesh kêu gọi người Duy Ngô Nhĩ tấn công Trung Quốc

Chuyển sang Châu Á, Le Monde có bài viết "Daesh kêu gọi người Duy Ngô Nhĩ tấn công Trung Quốc". Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tranh thủ tình cảnh sắc dân Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, miền tây Trung Quốc thường xuyên bị chính quyền Bắc Kinh đàn áp để kích động các chiến binh người Duy Ngô Nhĩ tiến hành khủng bố ở Trung Quốc.

Le Monde nhắc đến "một cuộc chiến tranh hình ảnh" ở đất nước Châu Á này : Một bên là đoạn băng video của Daesh cho thấy các chiến binh người Duy Ngô Nhĩ, trong đó có cả trẻ em, đang tập luyện và sẵn sàng cho "máu chảy thành sông ở Trung Quốc". Và một bên là các hình ảnh chính quyền Trung Quốc phô trương sức mạnh trong những tuần vừa qua tại khu tự trị Tân Cương, sát biên giới Trung Á, với nhiều trung đoàn cảnh sát, các xe bọc thép và máy bay trực thăng sẵn sàng cho các chiến dịch chống khủng bố nhằm "nhấn chìm xác của những kẻ khủng bố (…) trong biển cả chiến tranh".

Xe hơi chạy bằng điện : Bắc Kinh khiến cả Mỹ và Châu Âu lo ngại

Vẫn tại Trung Quốc, nhưng trên lĩnh vực sản xuất xe hơi, Bắc Kinh muốn đặt chỉ tiêu xe hơi chạy bằng điện cho các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài kể từ năm 2018. Nhật báo kinh tế Les Echos nhận định là dự án này của Bắc Kinh khiến cả Mỹ và Châu Âu lo ngại.

Tham vọng của Bắc Kinh là kể từ năm 2025, sẽ có thêm ít nhất 3 triệu xe hơi chạy bằng điện được bán ra trên thị trường Trung Quốc mỗi năm, tức là nhiều gấp 6 lần bây giờ. Các công ty xe hơi của Hoa Kỳ và Châu Âu thì lo ngại đây là chiến thuật của Bắc Kinh để tạo thuận lợi cho các hãng xe hơi trong nước cạnh tranh với các nhà sản xuất nước ngoài.

Hiện nay, xe hơi chạy bằng điện chỉ chiếm 2% thị trường xe hơi Trung Quốc. Theo mục tiêu Bắc Kinh mới đề ra, ngay năm 2018, ít nhất 8% sản lượng xe hơi của các hãng xe nội địa hoặc các hãng xe hơi quốc tế xuất hơn 50.000 xe sang Trung Quốc phải là xe chạy bằng điện. Tỉ lệ này sẽ phải tăng lên thành 10% vào năm 2019 và 12% vào năm 2020.

Hiện nay, chỉ các xe hơi chạy bằng điện xản xuất ngay tại Trung Quốc mới được chính phủ nước này trợ giá. Vì thế, Châu Âu và Mỹ lo ngại dự án mà Trung Quốc mới đưa ra sẽ không có lợi cho các hãng xe hơi nước ngoài. Tuy nhiên, tờ báo Les Echos cũng cho biết là phương Tây không tin tưởng là Trung Quốc có thể thực hiện dự án này vì việc đưa vào sử dụng hàng loạt xe hơi chạy bằng điện phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện (chi phí sản xuất, trợ giá, cơ sở hạ tầng…). Thêm vào đó, theo một chuyên gia về thị trường này, chính các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc cũng chưa sẵn sàng.

Les Echos dẫn một tờ báo Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang điều chỉnh dự án này và có thể tuần tới sẽ công bố quyết định lùi thời hạn áp dụng chỉ tiêu xe hơi chạy điện lại một năm để các doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị. Đây cũng là dấu hiệu mở cửa của Bắc Kinh đối với các hãng xe hơi nước ngoài.

Quốc vương Salmane của Ả Rập Xê Út công du Châu Á

Quốc vương Salmane của Ả Rập Xê Út đang có chuyến công du Châu Á dự kiến kéo dài gần 1 tháng với đoàn tháp tùng gồm 600 thành viên.

Điểm dừng chân đầu tiên của quốc vương Salmane là thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Theo tờ báo kinh tế Les Echos, công ty Saudi Aramco của Ả Rập Xê Út đã ký một hợp đồng đầu tư trị giá 7 tỉ đô la vào công ty dầu lửa Petronas. Còn theo dự kiến, Ả Rập Xê Út sẽ đầu tư tổng cộng 25 tỉ đô la vào Indonesia, đất nước có người theo đạo Hồi nhiều nhất Châu Á. Đây cũng là lần đầu tiên quốc vương Salmane của Ả Rập Xê Út tới Indonesia trong vòng 47 năm qua.

Hai nước Hồi giáo hệ phái Shia Malaisisa và Indonesia cũng đã tranh thủ cơ hội này để thương lượng với Ả Rập Xê Út về việc tăng số người hành hương hàng năm tới thánh địa Mecca. Trước chuyến công du của quốc vương, đại sứ Ả Rập Xê Út tại Jakarta cũng đã đề xuất mở 3 trường đào tạo tiếng Ả Rập tại Indonesia và bảo đảm các cơ sơ này sẽ không bị ảnh hưởng của các tư tưởng Hồi giáo cực đoan.

Còn đối với Trung Quốc, Nhật Bản, hai nhà nhập khẩu năng lượng lớn, thì quốc vương Salmane của Ả Rập Xê Út lại tập trung tới ngoại giao kinh tế. Chủ tịch Trung Quốc và thủ tướng Nhật Bản đã bảo đảm với hoàng tử Mohamed Ben Salmane, đồng thời là bộ trưởng Quốc Phòng Ả Rập Xê Út, sẽ có chính sách khuyến khích mạnh mẽ đầu tư từ Vương Quốc Ả Rập Xê Út.

Syria : Thiết bị bay không người lái của CIA tiêu diệt nhân vật quan trọng thứ hai của al-Qaeda

Về thời sự Trung Đông, báo Le Figaro cho biết cơ quan tình báo CIA của Mỹ hôm Chủ Nhật 26/02/2017 đã dùng một thiết bị bay không người lái để tiêu diệt Abu al-Khayr al-Marsi, con rể của trùm khủng bố al-Qaeda Usama bin Laden. Ngày 02/03, al-Qaeda cũng đã khẳng định cái chết của Abu al-Khayr al-Marsi.

Abu al-Khayr al-Marsi, 59 tuổi, người Ai Cập, được coi là nhân vật quan trọng thứ hai trong hàng ngũ al-Qaeda, sau Ayman al-Zawahiri và là người đi tiên phong trong cuộc thánh chiến mà tổ chức khủng bố này nhắm vào phương Tây.

Abu al-Khayr al-Marsi bị CIA (Mỹ) phóng tên lửa tiêu diệt khi đang ngồi trong xe hơi với vệ sĩ, gần ngôi làng al-Mastoumeh ở tỉnh Idlib, miền tây bắc Syria. Le Figaro nhận định, cái chết của Abu al-Khayr al-Marsi là một thành công của chính quyền Donald Trump.

Thùy Dương

Published in Quốc tế

Bầu cử tổng thống Pháp : Fillon quyết tâm, cánh hữu hoang mang

Báo chí Pháp số ra ngày hôm nay dĩ nhiên dành phần lớn trang nhất cho cuộc vận động tranh cử tổng thống ngày càng gay cấn, sau khi ứng cử viên cánh hữu François Fillon hôm qua thông báo bị các thẩm phán triệu tập vào ngày 15/03 tới thẩm vấn nhằm có thể truy tố ông về cáo buộc tạo việc làm giả cho vợ là bà Penelope Fillon, vụ tai tiếng được mệnh danh "Penelopegate".

fillon1

Ông Francois Fillon, cựu thủ tướng, ứng viên tổng thống 2017 của đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa, trong cuộc mít tinh tại Nimes, Pháp, ngày 02/03/2017 - REUTERS/Jean-Paul Pelissier

Bài xã luận của tờ Le Figaro bênh vực cho ứng cử viên cánh hữu Fillon : "Dĩ nhiên, các chính khách không thể đứng bên trên pháp luật, nhưng các thẩm phán cũng không được đứng trên nền dân chủ". Tờ báo yêu cầu "hưu chiến tư pháp" (tạm ngưng các thủ tục pháp lý trong thời gian tranh cử). Như vậy, theo Le Figaro, nếu ông Fillon thất cử thì trong hai tháng nữa, tư pháp sẽ tiếp tục công việc của mình. Còn nếu ông đắc cử, thì như vậy là qua lá phiếu, người dân Pháp đã bày tỏ một điều, đó là lỗi lầm đạo đức mà ông đã thú nhận chẳng đáng là bao so với những gì mà ông muốn thực hiện vì lợi ích của đất nước".

Tờ Libération thiên tả thì ngược lại lên án cựu thủ tướng Pháp qua hàng tựa "Penelopegate : François Fillon ám sát tư pháp". Bài xã luận của tờ báo này viết : "Giống như một kẻ sắp chết đuối đang vẫy vùng hoảng loạn, ông Fillon kéo theo những người người khác xuống đáy nước (…) Có điều, trong cuộc tháo chạy tự sát đó, ông đang phá hủy nền móng của Nhà nước pháp quyền mà trên đó khế ước xã hội của chúng ta được xây dựng. Theo ông, những kẻ có lỗi không phải là những người có sai phạm, mà là những người chống những kẻ gây sai phạm ấy, đó là các vị thẩm phán của nền Cộng hòa. Trong khi các vị này chỉ làm đúng công việc của họ".

Bài xã luận của nhật báo công giáo La Croix thì nhận định : "Người ta có thể hiểu vì sao ông Fillon phản ứng dữ dội như thế vì ông không công nhận rằng mình đã biển thủ công quỹ (...) Nhưng không có lý do gì mà ông lại bài bác công việc của ngành tư pháp (...). Bài bác như vậy chỉ làm suy yếu nền Cộng hòa mà ông Fillon muốn lên lãnh đạo".

Les Echos thì nhấn mạnh trong bài xã luận rằng chính nỗi sợ về chiến thắng của Marine Le Pen (lãnh đạo cực hữu) và mối lo đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa bị tan rã đang làm suy yếu thêm vị thế ứng cử viên của ông Fillon. Theo tờ báo này, cánh hữu đang có nguy cơ gặp hỗn loạn và những người ủng hộ ông Fillon nay chỉ bám víu vào niềm tin rằng nếu ứng cử viên của họ bỏ cuộc, tình hình sẽ còn tệ hại hơn nữa.

Trump dịu giọng, nhưng giữ nguyên đường lối

Về chính trị nước Mỹ, tờ Le Monde đề cập đến bài diễn văn đầu tiên của tổng thống Donald Trump trước Quốc Hội Mỹ ngày 28/02. Theo tờ báo này, trong bài diễn văn nói trên, ông Trump đã dịu giọng hơn, nhưng vẫn không thay đổi đường lối.

Nhờ không còn ăn nói văng mạng như cho tới nay, ông đã tạo ra được hình ảnh một nhân vật mang dáng vẻ tổng thống hơn. Thay vì bài bác di sản của người tiền nhiệm Obama, ông Trump cố vạch ra một con đường lạc quan hơn đến tương lai.

Nhưng bên cạnh những lời kêu gọi đồng thuận, thỏa hiệp, tân tổng thống Mỹ vẫn nhắc lại lập trường của ông về một nền kinh tế bảo hộ mậu dịch chặt chẽ và về một chính sách nhập cư vô cùng cứng rắn. Khi nói về vị trí của Hoa Kỳ trên thế giới, ông Trump vẫn giữ nguyên chủ trương giảm bớt việc triển khai quân lính ở nước ngoài, ngoại trừ lực lượng chống khủng bố Hồi Giáo. Ông nhắc lại rằng : "Công việc của tôi không phải là đại diện cho thế giới. Công việc của tôi là đại diện cho nước Mỹ".

Cũng nhân diễn văn đầu tiên của tổng thống Trump trước Quốc Hội, tờ Le Monde đề cập đến tình trạng hiện nay của các nhà ngoại giao Mỹ, đang bị mất dần ảnh hưởng. Mở đầu bài viết, tờ báo đặt câu hỏi : "Phải chăng Ngoại trưởng Rex Tillerson đang bị vạ lây do khẩu hiệu tranh cử "Nước Mỹ trước hết", mà ông Trump vừa nhắc lại trước Quốc Hội ? Kể từ khi nhậm chức ngày 01/02 đến nay, tân lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ đã tỏ ra kín đáo một cách lạ thường. Trên nguyên tắc, ông Tillerson có đủ thẩm quyền để điều khiển một cơ quan có đến 70 ngàn người. Thế nhưng, ông vẫn chưa khởi động lại được cỗ máy ngoại giao dường như đã bị tê liệt kể từ khi người tiền nhiệm John Kerry rời nơi này.

Theo Le Monde, do chính quyền mới của Mỹ dành ưu tiên cho những hồ sơ nội bộ, đặc biệt là hồ sơ nhập cư, nên ông Tillerson bị bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly lấn lướt. Tân ngoại trưởng Mỹ còn bị Nhà Trắng giành hết quyền vạch ra những đường hướng chính của ngành ngoại giao. Những thay đổi lập trường như chong chóng của tổng thống Trump, chẳng hạn như trong hồ sơ Đài Loan, càng khiến nhiệm vụ của ngoại trưởng Tillerson thêm phức tạp. Ấy là chưa kể bộ Ngoại Giao Mỹ có nguy cơ bị cắt giảm ngân sách, để chuyển nguồn tài chính cho ngân sách quốc phòng.

Tranh chấp Nhật - Trung về Senkaku

Về thời sự Châu Á, tờ Le Figaro hôm nay có bài của đặc phái viên gởi từ đảo Ishigaki, Nhật Bản, nói về tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Nhật Bản trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Bài viết nhắc lại sự kiện vào tháng 8 năm ngoái, trong suốt một tuần lễ, các tàu của Trung Quốc đã di chuyển liên tục vòng quanh quần đảo này, và thường xuyên xâm nhập vùng biển Nhật Bản. Hành động sách nhiễu này đã khiến lực lượng tuần duyên Nhật Bản hoảng sợ. Họ đã phải điều khoảng 15 tàu tuần duyên đến để đẩy các tàu của Trung Quốc ra khỏi vùng biển Nhật Bản. Hiroaki Ohdachi, một chỉ huy lực lượng tuần duyên Nhật kể lại : "Khi chúng tôi yêu cầu họ ra khỏi khu vực này, thì họ trả lời : "Chúng tôi đang ở trong vùng biển Trung Quốc. Chúng tôi đang tuần tra trên hải phận chúng tôi".

Một nhà ngoại giao Nhật nói với đặc phái viên Le Figaro : "Chúng tôi không chấp nhận nguyên trạng như vậy. Nhưng nếu chúng tôi điều chiến hạm đến để buộc Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của chúng tôi, họ sẽ viện cớ để làm gia tăng căng thẳng". Một giáo sư đại học Tokyo phân tích chiến lược của Bắc Kinh : "Trung Quốc muốn xác lập quyền kiểm soát lên Senkaku/Điếu Ngư. Để đạt được mục tiêu đó, họ làm theo đúng Binh Thư Tôn Tử, tức là gia tăng sự hiện diện từng bước nhỏ. Họ hy vọng sẽ giành chiến thắng mà không cần chiến đấu".

Các ngư dân trên đảo Ishigaki, nằm ở cực tây nam Senkaku, nay không còn đánh cá ở vùng biển chung quanh quần đảo này nữa, vì ngoài mối nguy hiểm đụng phải tàu của Trung Quốc, họ còn bị các tàu tuần duyên của Nhật kiểm tra liên tục, làm mất quá nhiều thời giờ.

Trả lời đặc phái viên Le Figaro, ông Yoshiyuki Toita, tổng thư ký hiệp hội bảo vệ Yaeyama, quần đảo bao gồm cả Senkaku, chỉ trích chính phủ Tokyo là đã không kiên quyết bảo vệ chủ quyền Senkaku, vì họ đặt ưu tiên cho quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, mà không thấy rằng thiệt hại về an ninh quốc gia sẽ còn lớn hơn thiệt hại kinh tế.

Hàn Quốc : Quan hệ nhập nhằng chính quyền-chaebol

Hàn Quốc phụ thuộc quá mức vào các chaebol, đại tập đoàn. Đó là chủ đề bài phân tích của tờ Les Echos về tình hình tại miền nam Triều Tiên hiện nay.

Theo tờ báo này, việc truy tố lãnh đạo tập đoàn Samsung về tội tham nhũng là một diễn biến mới trong lịch sử mối quan hệ lâu năm giữa chính quyền Hàn Quốc với các chaebol. Vốn là tác nhân của mức tăng trưởng ngoạn mục của đất nước sau chiến tranh, các đại tập đoàn đã phát triển thành một thế lực quá lớn, và đã có nhiều hành vi rất mờ ám.

Chủ của các chaebol vẫn thường tài trợ cho các chiến dịch tranh cử ở Hàn Quốc hoặc tỏ ra rất hào phóng với thân nhân của các lãnh đạo chính trị. Bảy trên tám nhiệm kỳ tổng thống gần đây đều bị tai tiếng tham nhũng. Và nhiều chủ đại tập đoàn đã bị kết án, nhưng sau đó thường được chính quyền tha bổng.

Chiến tranh thương mại : Mỹ không thể thắng Trung Quốc ?

Donald Trump đã khai tử hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP và dọa chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Nhưng theo Les Echos, chính sách này, mở đường cho Trung Quốc thống trị toàn bộ vùng Châu Á-Thái Bình Dương, về lâu dài sẽ làm Mỹ suy yếu.

Theo Les Echos, nếu chính quyền Trump thi hành với Trung Quốc chính sách giống như với Mexico, họ sẽ bất ngờ với phản ứng của Trung Quốc. Bắc Kinh hiện nắm trong tay vũ khí tài chính đáng gờm, đó là hàng ngàn tỷ đôla nợ của Mỹ. Những rối loạn trong trao đổi thương mại với Trung Quốc sẽ khiến giá cả sẽ tăng vọt tại những cửa hàng hàng giá rẻ ở Mỹ như Walmart và Target.

Les Echos cho rằng Hoa Kỳ sẽ không thể thắng trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, mà Washington sẽ phải thương lượng kiên quyết với Bắc Kinh để bảo vệ các đồng minh của Mỹ và để giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên. Theo tờ báo này, để đạt những mục tiêu mà ông Trump tuyên bố muốn nhắm đến, Hoa Kỳ nên thi hành một chính sách thương mại cởi mở với Trung Quốc hơn là một cuộc chiến tranh thương mại tàn phá nặng nề. 

Giáo dục : Nhiều học sinh viết chữ xấu

Về giáo dục, tờ Le Figaro cho biết là theo các nghiên cứu ở nhiều nước, từ 10 đến 30% học sinh tiểu học gặp khó khăn về viết chữ. Lý do là các trường dùng quá nhiều photocopie và ít cho các em tập viết.

Nhưng vì sao các em viết chữ xấu như thế ? Le Figaro trích lời một giáo sư trung học cấp hai ở vùng ngoại ô Paris giải thích rằng : "Nhiều em cầm viết không đúng cách, không viết thẳng hàng, lẫn lộn cách viết một số chữ". Tại Pháp, ở cấp mẫu giáo và tiểu học, thầy cô không còn dạy cho các em cách cầm viết chì. Các trường cũng sử dụng quá nhiều photocopie, cho các em đỡ mất thời gian chép bài, nhằm giảng bài nhanh hơn, hậu quả là các em ít được tập viết.

Trang nhất các báo

"Fillon tố cáo "một vụ ám sát chính trị"", đó là hàng tựa trên trang nhất của tờ Le Monde, nhắc lại một câu trong cuộc họp báo ngày 01/03 của cựu thủ tướng Fillon lên án ngành tư pháp của Pháp. Libération đăng ảnh chụp gương mặt ông Fillon chiếm trọn trang nhất với hàng tựa "Kẻ điên cuồng của vùng Sarthe" (Sarthe là nơi ông Fillon từng là Dân biểu quốc hội). Nhật báo kinh tế Les Echos thì tóm tắt tình trạng hiện nay của cánh hữu qua hàng tựa : "Fillon quyết tâm, cánh hữu hoang mang". Ngay cả tờ báo công giáo La Croix cũng dành trang nhất cho vụ này với hàng tựa : "François Fillon cáo buộc ngành tư pháp". Tờ nhật báo thiên hữu Le Figaro thì đưa tít trên trang nhất : "Lời kêu gọi đến nhân dân", nói đến quyết tâm của ông Fillon bất chấp các thủ tục tư pháp, đưa vụ việc của ông ra trước toàn dân để họ xét xử qua lá phiếu.

Thanh Phương

*********************

Bầu cử tổng thống Pháp 2017 : Cử tri cảm thấy bị lừa dối (RFI, 02/03/2017)

fillon2

François Fillon và Marine Le Pen, hai ứng cử viên tổng thống Pháp đang phải đối mặt với tư pháp. REUTERS/Stephane Mahe/Christian Hartmann

50 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Pháp ở vòng một, hai ứng viên đang dẫn đầu cuộc chạy đua vào điện Elysée – Marine Le Pen (FN), đảng cực hữu và François Fillon (LR) cánh hữu, đang bị vướng mắc với pháp lý. Theo nhận định của nhà báo Nguyễn Văn Huy-Paris, chưa bao giờ trước một cuộc bầu cử tổng thống, cử tri lại cảm thấy hoang mang như lần này.

Dù chính thức thông báo về khả năng bị khởi tố trong vụ vợ và con ông bị tố cáo nhận lương thật nhưng làm việc giả, đại diện của đảng Những Người Cộng Hòa LR, François Fillon, vẫn không bỏ cuộc. Theo thăm dò dư luận chỉ còn có 25 % cử tri tin tưởng vào ứng cử viên từng được coi là một người trong sạch và có triển vọng vực dậy nước Pháp.

Nhà báo Nguyễn Văn Huy, một người sống và theo dõi sát tình hình chính trị Pháp từ nhiều năm qua, cho rằng, chưa bao giờ trước một cuộc bầu cử tổng thống, cử tri lại cảm thấy hoang mang như trong mùa vận động 2017 và đây là dấu hiệu cho thấy các hoạt động chính trị tại Pháp đang bị bế tắc.

Nhà báo Nguyễn Văn Huy - Paris, 02/03/2017

Nghe

Thanh Hà thực hiện

Published in Quốc tế

Tại Mỹ, ba tháng sau khi đắc cử, tổng thống Donald Trump vẫn phải tiếp tục cải chính cáo buộc nhờ "chiến tranh mạng" của Nga. Tại Pháp, ban vận động của ứng viên Emmanuel Macron, nạn nhân của hàng loạt vụ tấn công vi tính, tố cáo chiến dịch tuyên truyền của báo chí thân điện Kremlin ủng hộ hai ứng cử viên cánh hữu và cực hữu, François Fillon và Marine Le Pen, cả hai đều chủ trương hoà hợp với Nga. Tổng thống Pháp đòi được phúc trình chi tiết về mối đe dọa này trong khi điện Kremlin vội vàng phủ nhận trách nhiệm.

tintac1

Nỗi lo tin tặc phá hoại đang bao phủ chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp. Ảnh minh họa.Reuters

Sau Hoa kỳ, phải chăng đến lượt nước Pháp nói riêng và Châu Âu nói chung nằm trong tầm nhắm "khuynh đảo" của Moskva ? Ông Alix Desforges, chuyên gia chống tin tặc của Castex de Cyberstratégie, phân tích chiến thuật, mục tiêu của loại chiến tranh "khuynh đảo mới", thuộc loại khó chống đỡ, mà công chúng chỉ thấy phần nổi của tảng băng.

Tổng thống Pháp lo ngại

"Trong tháng 01/2017, chúng tôi bị 2000 vụ tấn công từ những tin tặc có phối hợp. Những cuộc tấn công này đến từ biên giới Nga". Trên đây là lời tố cáo của Richard Ferrand, giám đốc vận động tranh cử của ứng viên Emmanuel Macron, hôm 14/02/2017. Ông dẫn chứng hàng loạt vụ xâm nhập vào hệ thống máy vi tính của phong trào Tiến Bước (En Marche) của cựu bộ trưởng Kinh Tế Pháp.

Chính phủ Pháp phản ứng ngay lập tức. Hôm sau, tại Quốc Hội, ngoại trưởng Jean Marc Ayrault tuyên bố "nhìn những gì xảy ra trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nước Pháp phải bảo vệ tiến trình dân chủ và không chấp nhận mọi hành động can thiệp vào bầu cử tổng thống" vào tháng Tư và tháng Năm năm nay. Cùng ngày, tổng thống Pháp François Hollande yêu cầu giới hữu trách báo cáo "đầy đủ tình tiết" về nguy cơ bầu cử bị đánh phá cũng như các biện pháp cảnh giác và bảo vệ.

Khác với chính quyền Mỹ trước - giám đốc An Ninh Quốc Gia James Clapper và tổng thống Barack Obama, trước khi mãn nhiệm kỳ, gọi đích danh Nga là thủ phạm tin tặc và đã ban hành một số biện pháp trừng phạt và trục xuất hơn 30 nhân viên ngoại giao Nga - tổng thống Pháp không đề cập đến xuất xứ hay bản chất của mối đe dọa này. Cho dù Paris không chính thức lên án chính quyền Nga, nhưng mọi cặp mắt đều nhìn về Moskva.

Chuyên gia Alix Desforges lần lượt trả lời các câu hỏi của chương trình Décriptage của RFI :

RFI : Ban tham mưu của ứng cử viên Emmanuel Macron cho biết bị tin tặc tấn công. Cụ thể, những loại nguy cơ nào đe dọa tiến trình bầu cử tổng thống Pháp ?

Alix Desforges : Chính phủ Pháp lo ngại nhiều loại tấn công. Ít nhất là có hai loại : Trước hết như ban tham mưu của ứng cử viên Emmanuel Macron nói bên trên, tin tặc xâm nhập vào máy chủ để đánh cắp thông tin, dữ kiện và phát tán. Đó là trường hợp đảng Dân Chủ của Mỹ bị tấn công trong kỳ bầu cử vừa qua.

Tin tặc cũng có thể đánh cắp thông tin rồi để đó, chờ sau này sử dụng. Họ nắm bắt trước lập trường của một đảng nào đó về một hồ sơ nào đó để phòng hờ khi phải đàm phán với chính quyền do đảng này thành lập, sau khi đắc cử. Những thông tin đánh cắp bây giờ rất hữu ích trong tương lai.

Tin tặc cũng có thể đánh cắp tài liệu liên quan đến nguồn tài chính của một ứng cử viên, thư điện tử và lập luận trao đổi giữa các thành phần cốt cán để từ đó có thể bắt chẹt ứng cử viên.

RFI : Phong trào Tiến Bước của ứng viên Emmanuel Macron nói đến tin đồn từ các trang báo mạng của Nga như Russia Today và Spuknik. Là một chuyên gia an ninh mạng, bà có quan tâm đến hình thức tấn công này không ?

Alix Desforges : Tuy chuyên môn của chúng tôi là nghiên cứu về tin tặc nhưng hai hình thức tấn công này liên quan mật thiết với nhau và gây ra những hệ quả dây chuyền. Một vụ tấn công của tin tặc nếu thành công sẽ tác động đến kinh tế, chính trị và địa chính trị. Một thí dụ điển hình mà chúng ta đã biết, đó là vụ công ty điện ảnh Sony Pictures bị đánh cắp một kịch bản phim đã đưa đến một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên.

RFI : Tại sao người ta nói nhiều đến hiện tượng tin tặc trong thời gian gần đây. Quy mô của chiến tranh mạng như thế nào ?

Alix Desforges : Điều chắc chắn là trong nhiều năm qua số lượng vụ tin tặc gia tăng không ngừng nhưng công chúng không biết nhiều. Chúng ta chỉ thấy phần nổi của tảng băng sơn vì có rất nhiều vụ tấn công mà công chúng không biết. Ngay chính nạn nhân cũng không hay biết.

Song song với nhịp độ tấn công gia tăng là sự tham gia của truyền thông và mạng xã hội chụp lấy, khai thác và phổ biến những tin giựt gân làm cho dân chúng chú ý, quan tâm. Cuối cùng là do mức độ nguy hại khiến cho Nhà nước phải can thiệp, lên tiếng cảnh giác về những mối đe dọa mới nầy và mới được nhận dạng.

Lá chắn điện tử bảo đảm an toàn bầu cử

RFI : Ông Louis Gautier, trợ lý thủ tướng Pháp về quốc phòng và an ninh quốc gia, tuyên bố là cuộc bầu cử sắp tới đây sẽ an toàn, không thể nào bị tin tặc phá hoại. Có thật vậy không ?

Alix Desforges : Đúng như ông ấy nói, cuộc bầu cử tổng thống sắp tới được bảo vệ an toàn. Các máy móc điện tử cũng như kết quả bầu phiếu của cử tri ở hải ngoại được chuyển về Paris cũng được bảo vệ. An toàn vi tính 100%. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là tác hại của tin đồn, của tuyên truyền đánh phá một ứng cứ viên nào đó. Điều này gọi là "Cyber-khuynh đảo chính trị". Nguy cơ này thì không thể nói là ngăn chận được.

Vấn đề là giới chuyên môn không thể kết luận là tác hại này nguy hại đến mức độ nào. Chẳng hạn như chiến thắng của Donald Trump và thất bại của Hillary Clinton. Công cuộc nghiên cứu đang diễn ra và chờ kết luận mới rõ được bà Clinton thua là do những yếu tố nào kết hợp lại. Bao nhiêu phần trăm là lỗi của bà ấy và bao nhiêu phần trăm là do tài liệu mật của đảng Dân Chủ bị phát tán, bao nhiêu phần trăm là tin tặc tung tin đồn thất thiệt và những tin đồn này ảnh hưởng như thế nào vào lựa chọn của cử tri. Cho đến bây giờ chúng ta chưa có đủ dữ kiện để trả lời.

RFI : Không riêng gì Washington, tình báo Đức cũng nghi ngờ chính quyền Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Quốc Hội sắp tới, đánh phá uy tín và chính sách của thủ tướng Angela Merkel. Theo những dữ kiện mà trung tâm nghiên cứu chống tin tặc Castex de Cyberstratégie có được, liệu những nghi ngờ này có cơ sở hay không và vì sao tổng thống Pháp không gọi đích danh nước Nga ?

Alix Desforges : Những lời tố cáo này đáng tin cậy. Nhưng tại sao Pháp dè dặt không gọi đích danh chính quyền Nga ? Để có thể truy ra nguồn cội của một vụ tấn công tin tặc bằng giấy trắng mực đen thì dễ còn bằng công nghệ số thì khó lắm. Trong thế giới gián điệp lừa đảo mà bí mật là nguyên tắc thì gần như không thể nào chứng minh ai là thủ phạm bằng công nghệ số. Nước Pháp quyết định không tố cáo đích danh nước Nga nhưng ai cũng nghĩ chính Nga là thủ phạm.

Vì sao Pháp thận trọng ? Một mặt, Pháp biết không thể sử dụng bằng chứng mã số để buộc tội thủ phạm. Thứ hai vì lý do ngoại giao, Paris không muốn leo thang khẩu chiến và gây chiến tranh với Nga.

Một lý do khác nữa là Nga hiện còn chậm trễ so với Tây phương về khả năng gián điệp mạng. Nếu bây giờ Nga bị tố cáo là thủ phạm thành công đánh phá được hệ thống an ninh mạng của tây phương thì Nga được tiếng : nào là thừa khả năng can thiệp vào một cuộc bầu cử dân chủ ở Tây phương, nào là xứng đáng là một đại cường quốc tế…

Về phần nước Pháp, tổng thống Hollande tỏ ra mập mờ không chỉ tên Nga cũng không nói về những biện pháp phòng vệ là vì ông không muốn đối phương suy đoán hệ thống an ninh chống tin tặc của Pháp để rồi từ đó kiện toàn vũ khí tấn công của họ.

Chuyên gia Alix Desforges nhìn nhận là rất khó có thể kết tội Nga. Thứ nhất, không phải chỉ có chính quyền Nga sử dụng gián điệp mạng. Các nước phát triển mà đứng đầu là Hoa Kỳ, Trung Quốc và kể cả Pháp cũng thế. Cái khó thứ hai là cho dù biết rõ tin tặc phát xuất từ Nga thì cũng không thể kết luận chính xác thủ phạm là ai : là chính phủ Nga, là điện Kremlin hay qua trung gian mafia được tình báo Nga sử dụng. Biết đâu các băng đảng xã hội đen này cũng thừa cơ hội được đèn xanh để "làm ăn riêng".

Trả lời câu hỏi của một phóng viên về sự kiện Nga bị tố cáo khuynh đảo bầu cử Pháp để hậu thuẫn cho những ứng cử viên có lập trường thân Moskva, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã phủ nhận một cách tự tin : Nếu có chứng cớ thì hãy đưa ra !

Thanh Phương

Published in Quốc tế
Trang 2 đến 2