Campuchia dường như đạt được mục tiêu kép khi vừa đảm bảo ổn định chính trị vừa có thể tìm được lựa chọn thay thế cho Tam giác Phát triển với Việt Nam và Lào (CLV-DTA / Campuchia, Laos, Vietnam - Development Triangle Area), theo nhận định của các chuyên gia với BBC News tiếng Việt.
Đảng đối lập Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) do ông Sam Rainsy lãnh đạo từng tố ông Hun Sen nhượng đất cho Việt Nam và gọi ông là "con rối" của Hà Nội. Ông Sam Rainsy thường xuyên lặp lại các khẩu hiệu kêu gọi Campuchia rút khỏi Tam giác Phát triển.
Tuyên bố rút khỏi Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam được công bố trên trang Facebook chính thức của cựu Thủ tướng Hun Sen, hiện là Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) và Chủ tịch Thượng viện, vào ngày 20/9 và sau đó được đăng tải trên báo Khmer Times, một tờ báo thân chính phủ.
Theo giải thích, ông Hun Sen và Thủ tướng Hun Manet đã quyết định rút Campuchia khỏi khuôn khổ hợp tác này giữa lúc làn sóng bài Việt Nam dâng cao ở trong nước và nước ngoài, bằng cách ấy có thể "tước đi vũ khí chính trị" của phe đối lập.
Vào hôm 18/9, lãnh đạo đối lập Campuchia, ông Sam Rainsy, đã lặp lại các khẩu hiệu bài Việt Nam trên Facebook chính thức, khi nói cựu Thủ tướng Hun Sen đã nhượng đảo Koh Tral (tức đảo Phú Quốc) vào tay Việt Nam.
"Trong tương lai, chúng ta có thể mất bốn tỉnh này [tức bốn tỉnh của Campuchia trong khu vực Tam giác Phát triển]. Hãy tưởng tượng một bản đồ Campuchia mà không có bốn tỉnh này. Chúng ta phải đoàn kết để bảo vệ quốc gia và lãnh thổ của mình. Hãy chấm dứt Tam giác Phát triển ngay lập tức", ông viết trên Facebook.
Những ngày gần đây, sau khi ông Hun Sen tuyên bố rút Campuchia khỏi Tam giác Phát triển, ông Sam Rainsy vẫn tiếp tục giương cao các khẩu hiệu phản đối khuôn khổ hợp tác này.
Rủi ro chính trị lớn hơn lợi ích kinh tế ?
Nhận định với BBC News tiếng Việt về bước đi này của Campuchia, ông David Hutt, nhà nghiên cứu từ Viện Trung Âu về Nghiên cứu Châu Á (CEIAS), cho rằng đây là một bước đi "khôn ngoan và dễ dàng" của Phnom Penh.
"Tam giác Phát triển không quá quan trọng về mặt kinh tế và việc rút lui sẽ dập tắt sự chỉ trích của phe dân tộc chủ nghĩa nhằm vào chính phủ do Đảng Nhân dân cầm quyền. Điều này cho thấy ông Hun Manet và ông Hun Sen, người thực sự điều hành đất nước, đặt chính trị trong nước cao hơn việc tham gia các hoạt động kinh tế quốc tế", ông cho biết.
Ngày 27/9, nhà nghiên cứu Chhengpor Aun từ viện nghiên cứu Future Forum ở Campuchia đánh giá với BBC News Tiếng Việt rằng lý do Campuchia rút khỏi CLV-DTA là vì việc tiếp tục tham gia "sẽ mang rủi ro chính trị lớn hơn so với những lợi ích về kinh tế".
Cho đến nay, những thành tựu về kinh tế xã hội từ Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV-DTA) sau gần 25 năm vẫn chưa được đánh giá đầy đủ.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đánh giá với BBC News tiếng Việt rằng sáng kiến này chưa đạt được những bước tiến đáng kể.
Người dân tại tỉnh Ratanakiri của Campuchia, một trong 13 tỉnh thuộc Tam giác Phát triển - Giovanni Mereghetti / UCG / Universal Images Group / Getty Images
Hầu hết 13 tỉnh thuộc khu vực tam giác phát triển đều là vùng núi, cao nguyên và rất cần những đòn bẩy về cơ sở hạ tầng, giao thương để phát triển.
Tam giác Phát triển hình thành cũng giúp ổn định an ninh, chính trị không chỉ tại các tỉnh biên giới mà còn đối với cả ba quốc gia nói chung.
Bốn tỉnh của Campuchia tham gia vào Tam giác Phát triển bao gồm Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri và Kratié.
Ông Kimkong Heng, nhà nghiên cứu cấp cao từ Trung tâm Phát triển Campuchia, vào ngày 29/9 nhận định với BBC News tiếng Việt :
"Tôi nghĩ chính phủ mới cần làm điều gì đó để đạt được sự ủng hộ của công chúng, vì vậy việc rút khỏi Tam giác Phát triển có thể giúp đạt mục tiêu này, vì nhiều người dân Campuchia vẫn hoài nghi về hiệu quả lâu dài của khuôn khổ hợp tác này. Việc phát triển các tỉnh ở vùng đông bắc vẫn tiếp tục như bình thường dù có hoặc không có sự trợ giúp của các quốc gia láng giềng", ông cho biết.
Kêu gọi Tổng hội Hoa kiều ở Campuchia đầu tư
Ông Hun Sen lúc đương chức thủ tướng Campuchia và Chủ tịch OCIC, nhà tài phiệt Pung Kheav Se, trong lễ động thổ dự án xây cầu bắc ngang sông Bassac ở thủ đô Phnom Penh vào ngày 26/10/2020 – Tang Chhin Sothy/AFP/Getty Images
Theo Khmer Times ngày 28/9, Thủ tướng Hun Manet đã lên tiếng kêu gọi Tổng hội Hoa kiều tại Campuchia nghiên cứu đầu tư vào các tỉnh biên giới, đặc biệt là ở các tỉnh vùng đông bắc Campuchia.
Ông Hun Manet đưa ra lời kêu gọi này trong cuộc đón tiếp đoàn do Chủ tịch Tổng hội Hoa kiều tại Campuchia, nhà tài phiệt Lok Neak Oknha Pung Kheav Se, dẫn đầu, theo Khmer Times.
Lời kêu gọi của ông Hun Manet được đưa ra ngay sau khi Campuchia tuyên bố rút khỏi Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.
Các tỉnh đông bắc Campuchia mà ông Hun Manet kêu gọi Hội Hoa kiều tại Campuchia tìm hiểu đầu tư chính là các tỉnh vừa rút khỏi Tam giác Phát triển.
Trước đó, vào ngày 5/8, tại lễ động thổ dự án lịch sử kênh đào Phù Nam Techo, ông Hun Manet cũng lần đầu tiên đề cập đến tên các công ty tham gia dự án Phù Nam Techo.
Đóng vai trò quan trọng là tập đoàn đầu tư OCIC, bên cạnh đó là các doanh nghiệp nhà nước và một số công ty nước ngoài.
OCIC là một tập đoàn lớn tại Campuchia, hoạt động đa lĩnh vực, đầu tư vào các dự án có quy mô hàng đầu như đảo Kim Cương, sân bay quốc tế Techo, cầu Russey Keo…
Chủ tịch OCIC chính là ông Lok Neak Oknha Pung Kheav Se, Chủ tịch Tổng hội Hoa kiều tại Campuchia.
Về danh nghĩa, OCIC là công ty Campuchia, nhưng các nguồn tin của BBC nhận định rằng có thể đứng đằng sau công ty này là Trung Quốc.
Song song với việc kêu gọi các doanh nhân đầu tư phát triển vùng biên giới, chính phủ của Thủ tướng Hun Manet còn có các sáng kiến khác.
Ngày 23/9, Thủ tướng Hun Manet cho biết đã huy động được 21 triệu USD từ tiền đóng góp từ thiện từ khoảng 700.000 người cho phát triển biên giới, tập trung cho tuyến đường vành đai ở biên giới.
Theo Khmer Times hôm 24/9, ông Hun Manet đã gửi lời cảm ơn đến "những người yêu nước bên trong và bên ngoài đất nước".
Hôm 26/8, ông Hun Manet đã khởi xướng Quỹ phát triển Cơ sở hạ tầng Biên giới và việc huy động tiền sẽ kéo dài đến cuối tháng 10.
Ông Hun Manet cho biết kể từ năm 1994, Campuchia đã xây một đường vành đai dài 1.300km dọc biên giới.
Ông nói rằng kế hoạch hiện nay là hoàn tất phần còn lại của con đường này trong 10 năm với kinh phí hơn 200 triệu USD.
Thời gian gần đây, quan hệ láng giềng giữa Việt Nam và Campuchia đã xuất hiện thêm các mâu thuẫn mới liên quan đến các dự án có vai trò nổi bật của Trung Quốc, như kênh đào Phù Nam Techo và quân cảng Ream.
Hồi đầu tháng 8, sau lễ động thổ dự án lịch sử Phù Nam Techo, ông Hun Sen đã lên tiếng bác bỏ chuyện rời xa Việt Nam và xích lại gần Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi nhắc đến "người bạn" Trung Quốc, ông Hun Sen viết trên Facebook :
"Campuchia không từ bỏ bất kỳ người bạn nào ! Quan hệ với các quốc gia bạn bè cũng phong phú như những bông hoa đầy sắc màu".
"Chúng tôi có mối quan hệ kinh doanh với nhiều nước trên thế giới và nhiều quốc gia đã giúp Campuchia. Tuy nhiên, những người bạn Trung Quốc đã đáp ứng nhu cầu của Campuchia mà không ai khác làm được".
Trong một diễn biến khác liên quan đến mối quan hệ ngày càng sắt son giữa Phnom Penh và Bắc Kinh, vào đầu tháng 9, Bộ Quốc phòng Campuchia nói Trung Quốc sẽ tặng Campuchia hai tàu hộ vệ mới Type 056, sớm nhất là vào năm sau.
Ông Hun Sen, khi còn làm thủ tướng Campuchia, và ông Vương Văn Thiên khi đương chức đại sứ Trung Quốc tại Campuchia, trong lễ khánh thành một cây cầu bắc qua sông Mekong vào ngày 2/1/2023 tại tỉnh Kratié của Campuchia - Ouyang Kaiyu/China News Service/VCG/Getty Images
Về khả năng Trung Quốc có thể đầu tư vào các tỉnh đông bắc của Campuchia sau khi Phnom Penh rút khỏi khuôn khổ hợp tác với Việt Nam và Lào, Phó Giáo sư kinh tế chính trị Sophal Ear từ Đại học Arizona (Mỹ) nói với BBC News Tiếng Việt vào ngày 29/9 :
"Trung Quốc có lịch sử đầu tư chiến lược trên khắp Đông Nam Á và các lợi ích ở những tỉnh đông bắc thuộc khuôn khổ Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam không là ngoại lệ".
"Thậm chí khi Campuchia rút khỏi khuôn khổ này, Trung Quốc có thể tiếp tục xem khu vực này là một phần quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), xét về khoảng cách gần Trung Quốc và tiềm năng để phát triển hạ tầng cho các tuyến giao thương rộng hơn trong khu vực".
Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào Lào và Campuchia, đặc biệt trong các lĩnh vực như nhà máy thủy điện, hệ thống đường sá và các dự án hạ tầng khác.
Đặc biệt Lào phụ thuộc rất nhiều vào các khoản đầu tư của Trung Quốc để phát triển kinh tế.
Bên cạnh quân sự, Lào đã và đang tiếp tục tăng cường quan hệ với Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng.
Xét về tầm ảnh hưởng của Sáng kiến Vành đai và Con đường, kể từ khi ra đời từ năm 2013 đến nay, có thể thấy Lào và Campuchia là hai nước trong khu vực hạ lưu sông Mekong "nhiệt tình đón nhận" các dự án BRI nhất.
Hồi tháng 12/2021, Lào đã gây chú ý khi khai trương tuyến đường sắt kết nối thủ đô Vientiane và thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với kinh phí 6 tỷ USD, với chiều dài hơn 1.000 km và được xây dựng trong 5 năm.
Việt Nam, mặc dù thận trọng về sức ảnh hưởng của Trung Quốc, vẫn tham gia vào các hợp tác chung.
"Việc Campuchia rút khỏi Tam giác Phát triển có thể tạm thời tạo sự bất ổn, Trung Quốc có thể vẫn đóng vai trò chính trong sự phát triển của khu vực, đặc biệt là các dự án có nguồn vốn tài trợ và chất xám của quốc gia này. Cơ chế hợp tác trong khu vực có thể thay đổi, nhưng chiến lược lâu dài của Trung Quốc ở Đông Nam Á không thể nào thay đổi đáng kể từ việc Campuchia rút khỏi Tam giác Phát triển", Phó Giáo sư Sophal Ear đánh giá.
Phó Giáo sư kinh tế chính trị Sophal Ear từ Đại học Arizona (Hoa Kỳ) và Tiến sĩ David Koh, nhà nghiên cứu từ Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia và Trung tâm Nghiên cứu Khu vực Campuchia – David Koh/Sophal Ear
Tiến sĩ David Koh, nhà nghiên cứu từ Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia (Cambodian Institute for Cooperation & Peace) và Trung tâm Nghiên cứu Khu vực Campuchia (Cambodian Center for Regional Studies), vào ngày 26/9 bình luận với BBC News tiếng Việt rằng nếu Trung Quốc đầu tư thì còn vì mục tiêu chính trị.
"Trung Quốc không thường đầu tư dựa trên tính toán đơn thuần về kinh tế, mà còn có thể vì lý do chính trị. Đối với Campuchia thì bài toán là ai có thể cho họ một giao dịch tốt hơn".
Tiến sĩ David Koh cũng nhắc đến sự chuyển giao thế hệ, cụ thể là từ ông Hun Sen chuyển giao cho người con trai cả Hun Manet.
"Đang có sự chuyển tiếp. Một khi thế hệ lớn tuổi của Campuchia không còn, thì tôi nghĩ chính sách ngoại giao của Campuchia có thể sẽ khác trước".
"Thế hệ trẻ hơn có thể khá cởi mở trước các cường quốc phương Tây. Họ không ngần ngại tiếp xúc tất cả các bên", ông đánh giá về viễn cảnh quan hệ ngoại giao dưới thời ông Hun Manet.
Hợp tác khu vực sẽ trở nên 'phức tạp hơn'
Việt Nam hiện còn tham gia các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương khác trong khu vực, có thể kể đến như Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) ra đời vào năm 2003, Hợp tác Campuchia-Lào - Myanmar-Việt Nam (CLMV) với mục tiêu tăng cường thương mại, đầu tư, nông nghiệp và công nghiệp.
Phó Giáo sư kinh tế chính trị Sophal Ear cho rằng quyết định của Campuchia sẽ làm nảy sinh những vấn đề phức tạp khác trong hợp tác khu vực.
"Động thái này có thể giảm những căng thẳng trong nước, nhưng cũng làm nảy sinh những vấn đề phức tạp mới cho hợp tác khu vực. Tam giác Phát triển được thành lập để thúc đẩy phát triển, ổn định và hội nhập kinh tế giữa ba quốc gia. Việc Campuchia rút khỏi khuôn khổ hợp tác này có thể gây tác động đến các dự án đa phương hiện tại, làm gia tăng quan ngại cho cả Việt Nam và Lào về cam kết dài hạn của Campuchia trong hợp tác khu vực".
Phó Giáo sư Sophal Ear đánh giá quyết định của Campuchia "đã làm xấu đi" mối quan hệ song phương với Việt Nam, quốc gia có sức mạnh vượt trội trong thỏa thuận hợp tác này, nhất là khi lý do được đưa ra để giải thích cho việc rút lui là để đối phó tâm lý bài Việt Nam tại Campuchia.
"Tương tự, Lào có thể xem việc rút lui là một bước đi gây bất ổn, mặc dù phản ứng của họ có thể thận trọng hơn, do vị thế địa chính trị khá thấp của họ. Các hàm ý rộng hơn trong khu vực sẽ phụ thuộc vào cách Campuchia xử lý sự thay đổi này về mặt ngoại giao như thế nào và liệu các thỏa thuận hợp tác vẫn còn được duy trì hay không", ông nhận định về viễn cảnh sắp tới.
Nguồn : BBC, 29/09/2024
Đường cao tốc đâm xuyên qua khu rừng như một dải ruy băng đen, hướng ra biển và đến nơi chắc hẳn là một trong những dự án du lịch lớn nhất thế giới.
Đường cao tốc cắt qua công viên quốc gia Botum Sakor của Campuchia về phía bờ biển - và dự án Dara Sakor
15 năm sau khi bắt đầu, vẫn chưa có nhiều điều để ngắm nhìn Khu nghỉ dưỡng Bờ biển Dara Sakor ở miền nam Campuchia.
Đây là một kế hoạch quy mô lớn của một công ty Trung Quốc, nhằm xây dựng một thành phố du lịch khép kín. Một thuộc địa của Trung Quốc, một số người gọi đây là địa điểm tổ chức "tiệc tùng và ăn chơi", với đầy đủ mọi thứ, từ sân bay quốc tế, cảng nước sâu, nhà máy điện, bệnh viện, sòng bài và biệt thự sang trọng.
Sân bay vẫn chưa được hoàn thiện. Một sòng bạc duy nhất, với một khách sạn năm sao và các căn hộ liền kề, nằm trơ trọi gần biển, phía trước là một con đường dở dang chưa làm xong, và bao quanh là một công trường xây dựng.
Xét về du lịch thì dự án chưa đi vào hoạt động. Nhưng dự án đã gây tác động xấu đến với một trong những môi trường tự nhiên phong phú, đa dạng nhất Châu Á và đối với hàng nghìn người dân đang sinh sống ở đó.
Dấu ấn kinh tế của Trung Quốc ở Campuchia hiện vượt xa bất kỳ quốc gia nào khác. Trung Quốc chiếm một nửa tổng vốn đầu tư trực tiếp và phần lớn vốn viện trợ nước ngoài.
Campuchia là một đối tác 'nhiệt thành' trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), chiến lược của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm mở rộng cơ sở hạ tầng do Trung Quốc xây dựng và tài trợ trên khắp thế giới.
Rất nhiều trong sáng kiến rõ ràng là mang lại lợi ích. Nhưng phần lớn đầu tư của Trung Quốc mang tính đầu cơ, đổ xô và được lên kế hoạch mang tính chấp vá.
Đơn cử, thị trấn ven biển yên tĩnh một thời ở Sihanoukville, đối diện Dara Sakor, chỉ trong vài năm đã được chuyển đổi thành một công trường xây dựng khổng lồ để đáp ứng nhu cầu đánh bạc của người Trung Quốc.
Điều này đã thúc đẩy một làn sóng tội phạm và kéo theo đó là sự sụp đổ của nền kinh tế sòng bài trong thời kỳ Covid, bao trùm các ngôi làng hàng loạt tòa nhà xây dở, trống trơ.
Có nhiều lý do chính đáng để lo ngại Dara Sakor có thể gặp phải vấn đề tương tự.
Sophal Ear, một học giả người Campuchia tại Đại học bang Arizona, cho biết : "Dự án giống như nướng bánh mà không có bột mì".
"Bạn không thể dựa vào những phương thức không bền vững để đạt được sự phát triển bền vững. Còn bong bóng bất động sản Trung Quốc thì sao ? Khi Trung Quốc hắt hơi, Campuchia sẽ bị cảm lạnh".
Phát triển theo kiểu Hun Sen
Dara Sakor là kiểu phát triển theo lối ưa thích của cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Dự án có quy mô lớn nhưng được hình thành gần như hoàn toàn bí mật. BBC nhận thấy rằng có rất ít sự tư vấn hoặc đánh giá về chi phí con người và môi trường.
Vườn quốc gia Botum Sakor đã mất 1/5 diện tích rừng nguyên sinh kể từ năm 2008
Các công ty Trung Quốc có liên quan đã cung cấp rất ít thông tin về họ và một số có hồ sơ không minh bạch. Dự án cũng làm dấy lên sự hoài nghi của quốc tế về những mục tiêu khác mà Trung Quốc có thể có ở khu vực này của Campuchia.
Cách tiếp cận viện trợ và đầu tư "không chất vấn gì" của Trung Quốc đã thu hút Hun Sen, một lãnh đạo độc tài, người sau khi chấm dứt ba thập kỷ chiến tranh và cách mạng tàn khốc vào những năm 1990, đã thúc đẩy tăng trưởng chóng mặt để giúp đất nước ông đuổi kịp những nước láng giềng.
Nhưng phần lớn sự tăng trưởng này đạt được nhờ những phi vụ nhượng đất hào phóng, đặc biệt là những lô đất lớn, cho những thân hữu và các công ty nước ngoài.
Sebastian Strangio, người viết cuốn sách có lẽ là cuốn cuối cùng về Campuchia của Hun Sen, nói : "Không có thể chế nào cả". "Hệ thống này phụ thuộc vào việc làm đẹp lòng những người có quyền lực".
Dự án Dara Sakor bắt đầu từ đầu năm 2008, khi UDG, một công ty xây dựng tư nhân của Trung Quốc có trụ sở tại thành phố Thiên Tân ở miền bắc, được đảm bảo hợp đồng thuê 99 năm - thời hạn tối đa cho phép theo luật Campuchia - với khoản đặt cọc duy nhất là 1 triệu USD. Đây là quyền phát triển 36.000 ha ban đầu, sau đó thêm 9.000 ha nữa.
UDG không bị yêu cầu phải trả thêm gì trong 10 năm, sau đó chỉ phải bỏ ra một khoản rất nhỏ là 1 triệu USD mỗi năm - một thỏa thuận hào phóng đến mức nghẹt thở để kiểm soát 1/5 toàn bộ bờ biển Campuchia.
Vì khu đất nằm trong công viên quốc gia Botum Sakor và vượt quá giới hạn pháp lý là 10.000 ha cho bất kỳ dự án nào, nên điều này sẽ bùng lên rất nhiều tranh cãi - nếu có ai đó khác biết về nó.
Nhưng vì không có thông tin nào được công bố về thương vụ này vào thời điểm đó, nên không có cuộc thảo luận nào nổ ra trên các phương tiện truyền thông Campuchia.
Som Thy, một ngư dân địa phương, chở phóng viên BBC trên chiếc xe máy, dọc theo những con đường cát xuyên cánh rừng, để đến xem nơi anh từng sống, bên trong khu UDG. Phần lớn diện tích được cây che phủ hiện đã biến mất. Ở một số nơi, một công trình đồ sộ đơn độc vẫn sừng sững, được bao bọc bởi các vùng đất hoang vắng.
Theo tổ chức phi chính phủ Global Forest Watch, kể từ năm 2008, vườn quốc gia đã mất gần 20% diện tích rừng nguyên sinh. Hơn 1.000 hộ gia đình đã phải rời bỏ quê hương và làng mạc của mình. Một trong số đó là gia đình Som Thy.
"Tôi rơi nước mắt khi nhìn thấy nó trở nên như thế này, cỏ mọc đầy rẫy", anh nói, nhìn ra nơi từng là nhà và cánh đồng lúa của mình. Một vài cây điều vẫn còn sót lại từ vườn cây ăn quả mà gia đình anh từng dựa vào để có thêm thu nhập ngoài trồng trọt và đánh bắt cá.
Giống như những cư dân khác của 12 ngôi làng bị di dời vì Dara Sakor, Som Thy được chuyển đến một ngôi nhà gỗ nhỏ do công ty này xây dựng vào năm 2009, cách bờ biển vài cây số.
Trong những năm đầu tiên đó đã có rất nhiều cuộc biểu tình. Hiện Som Thy là một trong số ít người vẫn từ chối nhận khoản bồi thường của công ty.
Anh nói rằng họ không thể kiếm sống từ những mảnh đất nhỏ mà họ được giao và số tiền họ được bồi thường chỉ bằng một phần nhỏ giá trị thực của mảnh đất ban đầu.
Thỉnh thoảng anh lẻn về Dara Sakor để chèo thuyền đi câu cá. Anh cũng đã tới Thái Lan để tìm việc làm. Việc anh tiếp tục phản đối dự án đồng nghĩa là anh không thể kiếm được việc, như anh trai anh đã làm, tại các công trường xây dựng xung quanh sòng bạc.
Som Thy nằm trong số những gia đình phải rời bỏ nhà cửa để nhường chỗ cho dự án phát triển
UDG đã phân phát một số tờ rơi hấp dẫn cho những nhà đầu tư triển vọng, với hình ảnh những sân golf được tỉa tót cẩn thận, những dãy villa đều tăm tắp, và các gia đình hạnh phúc tận hưởng cuộc sống bên bãi biển.
Cũng có những bản đồ phức tạp vẽ những phần khác nhau trong thành phố nghỉ dưỡng kiểu mẫu này - Vùng thị trấn mới Khoa học và Giáo dục, Trung tâm Thành phố Thương mại Thế giới và Vùng Rừng và Thanh tao.
Tất cả điều này rất khác với những khu rừng bị phá, người dân bị mất nhà cửa và những con đường hoặc tòa nhà bị dừng xây cất nửa chừng mà bạn vẫn chứng kiến vào ngày nay.
Theo tổ chức môi trường GEI của Trung Quốc, đã đăng tải một nghiên cứu chi tiết về Dara Sakor năm 2016, thì không có bằng chứng cho thấy công ty này đã tiến hành bất kỳ các đánh giá tác động môi trường nào, như theo yêu cầu của luật pháp Campuchia.
GEI cũng không thể tìm được bất kỳ thông tin nào về những khu rừng, được cho sẽ được bảo vệ, đã được chuyển đổi công năng để thích hợp cho sự phát triển. GEI nói đã trình bày các quan ngại lên UDG.
"Họ đã không phản hồi trước những điểm này", Giám đốc chương trình Ling Ji nói với BBC. "Họ chỉ tiếp tục khẳng định đã tuân theo tất cả luật pháp và quy định liên quan. Họ không thấy có vấn đề gì. Điều này có một tác động rất xấu đối với hình ảnh của Trung Quốc. Nhiều nước sẽ nghĩ các công ty Trung Quốc ở đây chỉ để vơ vét tài nguyên. Các công ty Trung Quốc không có nhận thức hoặc khả năng để giải quyết những lời ca thán địa phương ở những nước khác, bởi vì tại Trung Quốc, chuyện này luôn phải do chính quyền địa phương giải quyết. Ở nước ngoài, thì tình hình rất khác. Vẫn còn một quá trình học hỏi dành cho họ".
Chạy theo sức ảnh hưởng của Trung Quốc
Quy mô khổng lồ của dự án đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tại Mỹ.
Năm 2020, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các lênh trừng phạt nhằm vào UDG, viện dẫn các vi phạm nhân quyền đối với những người bị lấy đất ở làng của họ, cũng như khả năng sử dụng quân sự tiềm tàng của Trung Quốc đối với sân bay mới.
Sân bay này có một đường băng dài hơn nhiều mức cần thiết cho các máy bay nhỏ, để phục vụ cho một nơi du lịch tương đối xa xôi.
Mỹ cũng đã quan ngại về một căn cứ hải quân gần Sihanoukville đang được cải tạo với nguồn tiền từ nhà nước Trung Quốc, và Washington tin rằng trong tương lai có thể do Hải quân Trung Quốc sử dụng.
Mỹ ngày càng càng cảm thấy không thoải mái với những cơ sở hạ tầng do Trung Quốc xây dựng bởi vì sự nhấn mạnh của ông Tập Cận Bình trong mục đích sử dụng kép dân dụng-quân sự - điều mà Trung Quốc gọi là "hỗn hợp quân sự-dân dụng" - trong quy hoạch kinh tế, và yêu cầu chính thức cho các dự án ở nước ngoài của Trung Quốc là đáp ứng các tiêu chuẩn quân sự.
"Trung Quốc đã sử dụng các dự án của UDG ở Campuchia để thúc đẩy những tham vọng cho thấy sức mạnh trên toàn cầu", theo tuyên bố theo sau các lệnh trừng phạt.
UDG đã gọi các lệnh trừng phạt là phi lý. Công ty này nói Mỹ đã hành động dựa trên "các sự thật và lời đồn thổi bị ngụy tạo", và nói "luôn luôn về mặt tôn giáo tuân theo các quy trình theo luật pháp yêu cầu", và những người sống trong khu đất nhượng đó đều là cư dân bất hợp pháp.
UDG nói sân bay đang được xây dựng với quy mô này và gọi Dara Sakor là "một trung tâm giao thông toàn cầu". Công ty này đã hậu thuẫn ý tưởng trên với những mục tiêu rất tham vọng. Trước năm 2030, trang web của công ty nêu, có mục tiêu có 1,3 triệu cư dân cư trú dài hạn, gần bảy triệu du khách đến mỗi năm, và cung cấp việc làm cho một triệu người.
Đây là những con số ngỡ ngàng nếu xét đến lượng khách du lịch đến toàn Campuchia, hiện rất thấp hơn lúc đỉnh cao là sáu triệu người vào năm 2019. UDG cũng phản đối việc Mỹ mô tả công ty này là một thực thể thuộc nhà nước - chúng tôi là một công ty sở hữu tư nhân, công ty này tuyên bố.
Điều này có thể đúng, thế nhưng đã có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các cơ quan nhà nước của Trung Quốc ngay từ các giai đoạn đầu của dự án.
Tình hữu nghị 'sắt son' : Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2019
Cơ quan quy hoạch kinh tế hàng đầu Trung Quốc, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, đã đồng ý ngay trước khi thỏa thuận được ký kết và đã tiếp tục giám sát. Cựu thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ, ở thành phố Thiên Tân, cũng tham dự ngay từ những ngày đầu, đi đến Campuchia vào cuối năm 2008 để dự lễ ký kết hợp đồng.
Ông Trương sau đó trở thành một trong những lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc, và từ năm 2015, ông điều hành dự án Vành đai và Con đường (BRI). Mặc dù Dara Sakor đã có trước BRI 5 năm, dự án này được mô tả là một điển hình của BRI.
UDF cũng đã thiết lập mối quan hệ thân cận với các quan chức cấp cao trong đảng cầm quyền ở Campuchia. Công ty này đã đóng góp nhiều trong Hội Chữ Thập đỏ Campuchia, do vợ của ông Hun Sen, bà Bun Rany điều này, và đã trao một 1 USD để tài trợ việc xây dựng một tượng đài vinh danh những thành tựu của ông Hun Sen.
Công ty này đặc biệt có mối quan hệ thân cận với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Campuchina Tea Banh, người đứng đầu một trong những thành phần chính trị quyền lực nhất ở Campuchia.
Mặc dù vậy, công ty này cung cấp rất ít thông tin về nguồn tài chính, khiến rất khó để thẩm định khả năng vận hành một dự án lớn như vậy.
Một trong số ít khoản đầu tư ít được biết đến ở Dara Sakor là phát hành trái phiếu vào năm 2017, do Ngân hàng Phát triển Trung Quốc bảo lãnh. Nhưng chỉ là cho khoản tiền 15 triệu USD, một phần trong gần 4 tỷ USD mà UDG hứa hẹn đầu tư.
Và vai trò dẫn đầu của UDG hiện nay dường như đã bị một công ty khác vượt qua, Công ty Xây dựng Thành phố Trung Quốc (China City Construction Company - CCCC). Công ty này hầu như không được biết đến ngoài Trung Quốc, khi vào năm 2014, không rõ vì lý do gì, đã tự mình 'chen chân' được vào dự án Dara Sakor.
Giới điều hành từ CCCC hiện giữ một vai trò dẫn đầu trong UDG, và CCCC tuyên bố chính công ty này, không phải là UDG, có trách nhiệm trong "thiết kế của quá trình quy hoạch và phát triển khu du lịch đặc biệt này".
Vỡ bong bóng
CCCC là một doanh nghiệp do nhà nước sở hữu. Nhưng cũng là một công ty gặp vấn đề.
Vào năm 2016, khi đó do Bộ Nhà ở quản lý, công ty này đã gây sốc trên thị trường tài chính Hong Kong khi đột nhiên tuyên bố đang được tư nhân hóa theo yêu cầu từ chính phủ Trung Quốc. Công ty này tuyên bố đã được một quỹ tài sản ít tên tuổi thâu tóm, có tên gọi là Huinong.
Giới đầu tư hoảng loạn, những người đã bỏ ra hàng trăm triệu USD tiền cổ phiếu gọi là "dim sum" (điểm tâm) của CCCC - các cổ phiếu được phát hành ở Hong Kong để luồn lách được những kiểm soát về vốn của Trung Quốc. Họ đã cố gắng chuộc lại phần tiền bỏ ra mua trái phiếu, nhưng CCCC không thể huy động đủ lượng tiền mặt để chi trả.
CCCC tiếp tục chống chọi về mặt tài chính. Công ty này hiện có mức xếp hạng nợ bị xấu đi và đã bị buộc phải bán tháo một số doanh nghiệp triển vọng nhất của mình.
Có thông tin Huinong, một quỹ bí mật đã thâu tóm CCCC vào năm 2016, trực tiếp do Bộ Tài chính Trung Quốc sở hữu, khiến cho CCCC về mặt kỹ thuật trở thành thực thể do nhà nước sở hữu một lần nữa. Tính chất mờ ảo này khiến rất khó để thẩm định tình trạng tài chính thật sự của CCCC, có thể đã bị ảnh hưởng do sự sụp đổ thị trường bất động sản gần đây của Trung Quốc.
"Có một thời điểm ồ ạt đầu tư ra nước ngoài trong thời kỳ đầu của dự án Vành đai và Con đường, từ năm 2014 đến 2016", Victor Shih, Giám đốc Trung tâm 21st Century China Center từ Đại học California San Diego nói. "Trước năm 2016, mặc dù vậy, chính phủ Trung Quốc rất cẩn trọng. Họ không còn ném tiền và chấp thuận các dự án một cách ẩu tả nữa".
Một nhà đầu tư khác ở Dara Sakor là một doanh nhân người Trung Quốc gọi là She Zhijiang, người có tai tiếng điều hành các casino dọc theo biên giới giữa Thái Lan và Myanmar, nơi đã phát hiện các hoạt động buôn người và lừa đảo quy mô lớn. Ông ấy hiện đang bị giam ở Thái Lan, chờ bị trục xuất về Trung Quốc.
Một vài người, từ Thái Lan, Đài Loan, và Philippines, đã được giải cứu sau khi bị bắt giữ trong các trung tâm lừa đảo hoạt động bên trong khu phức hợp Dara Sakor.
Hình ảnh các trung tâm lừa đảo hoạt động trong các khu vực đầu tư của Trung Quốc ở Campuchia đã ngăn cản du khách Trung Quốc đi đến đây. Kết quả là sự phục hồi được kỳ vọng trong lĩnh vực du lịch, một trong những nguồn thu nhập quan trọng nhất ở Campuchia đã chậm hơn kỳ vọng.
Nhưng việc tân Thủ tướng Campuchia Hun Manet, con trai của ông Hun Sen, người đã được thừa hưởng nền giáo dục từ phương Tây, có một cách tiếp cận khác biệt là chuyện không thể xảy ra, theo Sebastian Strangio.
"Ông ấy sẽ là một tù nhân của hệ thống này. Ông ấy có quyền lực hạn chế để thống trị việc vượt giới hạn, thậm chí nếu ông ta muốn làm như thế", ông Sebastian nhân định.
Hồi tuần rồi, chỉ một tuần sau khi kế nhiệm cha mình, ông Hun Manet đã có chuyến đi đến Bắc Kinh để gặp ông Tập và đảm bảo với ông ta về mối quan hệ 'sắt son' giữa hai nước.
Dara Sakor thật sự là một trong số vài dự án nhượng đất lớn trong khu vực, hầu hết đều có liên quan đến các doanh nghiệp Campuchia thân cận với đảng cầm quyền.
Tỷ trọng đáng kể của các khoản lợi nhuận này trong một mô hình phát triển chỉ vì lợi ích riêng đã bám theo Campuchia cho đến nay, khiến chuyện thay đổi rất khó khăn.
80% số công viên quốc gia hiện đang bị khai thác thương mại, và rất ít để ý đến những lời cảnh báo liên tục từ các nhà hoạt động môi trường về việc quốc gia này đang trên bờ vực đánh mất những khu sinh thái tự nhiên quan trọng nhất của mình.
Một trong các nhà hoạt động, một phụ nữ trẻ ở tuổi 20, đã đi với chúng tôi đến Dara Sakor. Cô ấy đang được thả sau khi trả tiền bảo lãnh, năm 2021 đã bị tuyên phạt mức 18 tù giam vì tội cố gắng tổ chức một cuộc biểu tình chống việc cướp đất.
Cô ấy đã chịu rủi ro lớn khi đi với chúng tôi đến các khu lấy đất của UDG. "Chúng tôi không có sự lựa chọn", ông nói, khi chúng tôi nhìn vào những cánh rừng trơ trọi xa xôi khác.
"Chúng tôi phải chịu rủi ro đi tù, hoặc tệ hơn, là cố gắng bảo vệ những gì còn sót lại cho thế hệ mai sau".
Lulu Luo & Jonathan Head
Nguồn : BBC, 25/09/2023
Hunsen trao quyền lực lại cho con trai cả
VNTB, 27/07/2023
Hun Sen cho biết hôm thứ Tư, ông sẽ từ chức thủ tướng sau ba tuần nữa và trao lại vị trí này cho con trai cả, người đã giành được chiếc ghế đầu tiên trong Quốc hội trong cuộc bầu cử hôm Chủ nhật.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết ông sẽ nhường chức thủ tướng cho con trai ông, Hun Manet.
Thông báo này được đưa ra sau khi Đảng Nhân dân Campuchia giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử cuối tuần mà các nước phương Tây và các tổ chức nhân quyền chỉ trích là không tự do cũng như không công bằng, và trong đó phe đối lập chính của đất nước bị đàn áp.
Hun Sen đã là lãnh đạo chuyên quyền của Campuchia trong 38 năm cho biết trước cuộc bầu cử rằng ông sẽ trao lại vị trí này cho con trai cả Hun Manet, vào một thời điểm nào đó trong nhiệm kỳ 5 năm tới.
Hun Manet, 45 tuổi, hiện là người đứng đầu quân đội Campuchia.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Hun Sen, nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất ở Châu Á, cho biết ông đã thông báo cho Quốc vương Norodom Sihamoni về quyết định của mình và nhà vua đã đồng ý về mặt hình thức.
Hun Sen cho biết con trai ông sẽ được bổ nhiệm làm thủ tướng sau khi Ủy ban bầu cử quốc gia báo cáo kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử hôm Chủ nhật, trong đó đảng CPP giành được 120 trên 125 ghế. Ông cũng nói rằng một thế hệ mới sẽ đảm nhận nhiều vị trí bộ trưởng hàng đầu trong chính phủ mới được thành lập vào ngày 22 tháng 8.
Mặc dù sắp từ chức thủ tướng, Hun Sen được nhiều người kỳ vọng sẽ tiếp tục tham gia chặt chẽ vào việc điều hành Campuchia và cũng sẽ trở thành chủ tịch Thượng viện.
Sau một thách thức từ Đảng Cứu nguy Quốc gia Campuchia đối lập vào năm 2013 rằng đảng CPP hầu như không vượt qua được tại các cuộc thăm dò, Hun Sen đã đáp trả bằng cách truy lùng các nhà lãnh đạo của phe đối lập, và giải thể đảng này.
Trước cuộc bầu cử vào Chủ nhật, người kế nhiệm không chính thức của Đảng Cứu nguy Quốc gia Campuchia, được gọi là Đảng Ánh nến, đã bị Ủy ban Bầu cử Quốc gia cấm tranh cử vì lý do kỹ thuật.
Sau cuộc bầu cử, Liên minh Châu Âu chỉ trích cuộc bỏ phiếu là "được tiến hành trong một không gian chính trị và dân sự hạn chế ; phe đối lập, xã hội dân sự và giới truyền thông không thể hoạt động hiệu quả mà không gặp trở ngại".
Hoa Kỳ đã đi một bước xa hơn, nói rằng họ đã thực hiện các bước áp đặt hạn chế về thị thực "đối với những cá nhân phá hoại nền dân chủ và thực hiện việc tạm dừng các chương trình hỗ trợ nước ngoài" sau khi xác định các cuộc bầu cử là "không tự do cũng như không công bằng".
Hun Sen từng là một chỉ huy cấp trung trong lực lượng cực đoan Khmer Đỏ chịu trách nhiệm về tội ác diệt chủng vào những năm 1970 trước khi trốn sang Việt Nam. Khi Việt Nam lật đổ Khmer Đỏ khỏi năm 1979, Hunsen nhanh chóng trở thành thành viên cấp cao của chính phủ Campuchia mới do Hà Nội cài đặt.
Là một chính trị gia quỷ quyệt và đôi khi tàn nhẫn, Hun Sen đã duy trì quyền lực độc tài trong một khuôn khổ dân chủ danh nghĩa.
Hun Manet tốt nghiệp Học viện quân sự Hoa Kỳ West Point với bằng thạc sĩ của Đại học New York và bằng tiến sĩ của Đại học Bristol ở Anh.
Tuy nhiên, bất chấp nền giáo dục phương Tây của Manet, các nhà quan sát không mong đợi bất kỳ sự thay đổi ngay nào trong chính sách sau khi cha ông liên tục đưa Campuchia xích lại gần Trung Quốc trong những năm gần đây.
(AP News)
VNTB, 27/07/2023
Hun Sen, 70 tuổi, tuyên bố từ chức trong một cuộc họp báo ở Phnom Penh, đánh dấu sự kết thúc của nhiệm kỳ thủ tướng kéo dài gần 38 năm và là lãnh đạo cầm quyền lâu nhất Châu Á. Hun Sen tuyên bố sẽ vẫn là người đứng đầu Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền. Hunsen đã từng là một chỉ huy cấp trung trong chế độ Khmer Đỏ toàn trị, nhưng đã đào tẩu sang Việt Nam giữa chừng trong 4 năm cầm quyền của chế độ này. Ông được bổ nhiệm làm bộ trưởng ngoại giao sau cuộc xâm lược Campuchia của quân đội Việt Nam vào tháng 12 năm 1978, trở thành thủ tướng vào năm 1985.
Sau gần 4 thập niên tại nhiệm, Thủ tướng Hun Sen hôm thứ Tư tuyên bố rằng ông sẽ từ chức trong vài tuần nữa để nhường chỗ cho người kế nhiệm và con trai ông, Hun Manet (phải).
Vào tháng 12 năm 2021, Hun Sen thông báo rằng Hun Manet sẽ kế nhiệm ông và CPP đã tán thành. Thông tin chính thức về việc từ chức này được đưa ra vài ngày sau khi CPP báo cáo chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử giả tạo vốn bị Mỹ chỉ trích là "không tự do cũng như không công bằng" sau khi đảng đối lập chính bị ngăn cản tham gia.
Một số nhà quan sát đã gợi ý rằng sự lãnh đạo của Hun Manet được đào tạo ở phương Tây có thể mở ra một sự thay đổi dần dần hướng tới tự do hóa và dân chủ hóa ở Campuchia. Nhưng các chuyên gia nói rằng họ vẫn hoài nghi rằng bất kỳ cải cách lớn nào sẽ diễn ra do sự bảo trợ chính trị.
Lee Morgenbesser, một chuyên gia chính trị Đông Nam Á tại Đại học Griffith của Úc, nói : "Việc Hun Sen đã chuẩn bị cho [con trai mình] trong suốt vài thập niên để nắm quyền cho thấy mức độ tin tưởng và tín nhiệm cao. "Điều này có thể được nhìn thấy không chỉ ở những vị trí quyền lực mà ông ấy đã trao cho ông ấy, mà còn ở tốc độ giao nhiều trách nhiệm cho ông ấy hơn".
Hun Manet là ai ?
Hun Manet là con cả trong số 5 người con của Hun Sen. Ông lớn lên ở Phnom Penh và gia nhập quân đội Campuchia năm 1995. Hun Manet tốt nghiệp Học viện Quân sự Hoa Kỳ West Point năm 1999, lấy bằng thạc sĩ kinh tế tại Đại học New York năm 2002 và bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Vương quốc Anh. Đại học Bristol năm 2008.
Hun Manet kết hôn với Pich Chanmony, con gái của Pich Sophoan—cựu ngoại trưởng tại Bộ Lao động—và có ba người con, một người con là công dân Hoa Kỳ vì được sinh ra khi Hun Manet còn là sinh viên ở Mỹ.
"Có thể nói rằng sự thăng tiến của Hun Manet trong giới cầm quyền của Campuchia diễn ra nhanh chóng. Rõ ràng Hun Sen đóng một vai trò lớn trong đó, nhưng quá trình huấn luyện quân sự của ông ấy tại West Point và bằng tiến sĩ từ Bristol đã củng cố thêm uy tín của ông ấy", Morgenbesser nói.
Nhà lãnh đạo quân sự này cũng là Người đứng đầu Lực lượng Đặc biệt Chống Khủng bố Quốc gia và Chỉ huy Đơn vị Vệ sĩ của Thủ tướng, mà Morgenbesser cho rằng khiến ông đồng lõa với "những đàn áp nghiêm trọng" được ghi nhận trong lịch sử gần đây của Campuchia.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, quốc gia này đã gia tăng giám sát và kiểm duyệt internet cũng như đàn áp ngày càng nhiều đối với các nhà hoạt động nhân quyền, phe đối lập chính trị và truyền thông tự do. Báo cáo thường niên về Tự do trên Thế giới của Freedom House gần đây nhất xếp loại Campuchia là "Không Tự do", với số điểm 24 trên 100.
Các chuyên gia không lạc quan dù là có thể thấy có điều khác biệt. "Bất cứ khi nào sự kế vị cha truyền con nối xảy ra trong một chế độ độc tài, đều có xu hướng nghi ngờ lãnh đạo mới. Giả định sai lầm là ông ta sẽ không tệ như cha mình ; mà ông ta sẽ thuận lợi hơn, ôn hòa, tiến bộ, khoan dung hơn", Morgenbesser nói.
Ông nói thêm rằng các nhà ngoại giao phương Tây có thể muốn đánh giá tầm quan trọng của việc Hun Manet mới được bổ nhiệm, nhưng "không có bằng chứng lịch sử nào cho thấy con trai của các nhà độc tài tốt hơn".
Vào tháng 6, Hun Sen nói về việc từ chức Thủ tướng nhưng nói rằng ông sẽ không rút lui khỏi chính trường. Hun Sen nói hôm thứ Tư : "Ngay cả khi tôi không còn là thủ tướng, tôi vẫn sẽ kiểm soát chính trị với tư cách là người đứng đầu đảng cầm quyền".
Morgenbesser nói rằng quyết định tiếp tục làm người đứng đầu đảng CPP của Hun Sen sẽ cho phép con trai ông củng cố cơ sở quyền lực trong khi duy trì ảnh hưởng của chính mình. Ông nói thêm : "Cho đến khi Hun Manet củng cố quyền lực để không thể bị đe dọa cách chức, Hun Sen sẽ có tiếng nói quan trọng trong các quyết định chính sách lớn, việc phân bổ phần thưởng và lựa chọn nhân sự".
Nguồn : VNTB, 27/07/2023
Phan Minh, RFI, 15/02/2022
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ngày 15/02/2022 kêu gọi các nhà chức trách Cam Bốt phải ngừng ngay việc lạm dụng các biện pháp y tế chống dịch Covid-19 để đàn áp quyền đình công và các quyền cơ bản khác của công nhân.
Y tá chích ngừa vac-xin Covid-19 tại trung tâm y tế ở Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 14/01/2022. AP - Heng Sinith
Kể từ khi Liên đoàn Hỗ trợ Quyền Lao động của người Khmer của NagaWorld (LRSU) đình công vào tháng 12 năm 2021 nhằm ủng hộ các công nhân bị sa thải hồi đầu năm được phục chức, chính quyền Cam Bốt đã tùy tiện bắt giữ và truy tố các nhà hoạt động công đoàn. Gần đây, các nhà chức trách đã tìm cách biện minh cho những cáo buộc hình sự rằng những nhà hoạt động công đoàn nói trên bị bắt do đã vi phạm những luật lệ liên quan đến việc phòng chống dịch Covid-19.
NagaWord là một tổ hợp khách sạn-sòng bạc lớn tại thủ đô Pnom Penh.
Ngày 5 tháng 2 năm 2022, cảnh sát đã bắt giữ sáu thành viên công đoàn của NagaWorld, khi họ rời một trung tâm xét nghiệm Covid-19 và buộc tội ba người trong số họ cản trở những nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 của chính phủ.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của HRW cho biết : "Chính quyền Cam Bốt đang thực sự thụt lùi khi đưa ra các cáo buộc hình sự dưới danh nghĩa các biện pháp y tế phòng chống dịch để chấm dứt đình công". "Cuộc đàn áp của chính phủ đối với các nhà hoạt động công đoàn dường như nhằm mục đích làm giảm sự đoàn kết và sức mạnh ngày càng tăng của phong trào công đoàn Cam Bốt và sự ủng hộ của họ đối với những người lao động đình công ở NagaWorld".
**********************
Trọng Thành, RFI, 14/02/2022
Bắt đầu từ ngày 16/02/2022, mạng internet ở Cam Bốt sẽ phải kết nối với các mạng toàn cầu thông qua cổng thông tin của chính phủ. Giới truyền thông lo ngại mức độ kiểm soát thông tin "chưa từng có tại Cam Bốt kể từ thời Khmer Đỏ".
Sinh viên Cam Bốt sử dụng điện thoại di động kết nối Internet, Phnom Penh, ngày 04/02/2022. Tang Chhin Sothy AFP
Theo AFP, "Cổng Internet quốc gia" này sẽ cho phép chính quyền Cam Bốt giám sát nội dung và ngăn chặn các trang web hoặc thông tin được cho là trái với "an ninh, trật tự xã hội, đạo đức, văn hóa .".., theo quy định mới của chính quyền. Các phóng viên, chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc lo ngại việc kiểm soát thông tin của chính quyền kể từ nay sẽ tác động "ghê gớm đến đời sống riêng tư".
Người phát ngôn của chính phủ Phay Siphan giải thích với AFP : "Tự do ngôn luận phải đi kèm với trách nhiệm", "việc thao túng thông tin có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia". Các nhà cung cấp dịch vụ sẽ có một năm để kết nối với cổng internet quốc gia, hoặc bị mất giấy phép hoạt động, hoặc tài khoản ngân hàng bị phong tỏa.
Theo Trung tâm Nhân quyền Cam Bốt (CCDH), năm ngoái 2021, ít nhất 39 người Cam Bốt đã bị bắt, bỏ tù, vì những bình luận hoặc hình ảnh được đăng tải trên internet. CCDH nhận định : "Cổng internet quốc gia" được thiết lập để bịt miệng những người bất đồng chính kiến, trong cuộc bầu cử năm 2023.
Trả lời AFP, nghệ sĩ rap Kea Sokun nhận định : "Sẽ khó khăn hơn nhiều so với hiện nay để bày tỏ ý kiến của bạn một cách tự do". Rapper nổi tiếng Kea Sokun từng phải ngồi tù nhiều tháng vì các clip được cho là có tính chất lật đổ chế độ.
Trọng Thành
Thùy Dương, RFI, 11/11/2021
Hôm 10/11/2021, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Hoa Kỳ ra văn bản tư vấn cho các doanh nghiệp Mỹ kinh doanh tại Cam Bốt và thông báo trừng phạt hai quan chức cấp cao của bộ Quốc Phòng Cam Bốt với cáo buộc những người này có các hành vi tham nhũng liên quan đến Ream, căn cứ hải quân lớn nhất Cam Bốt và có vị trí chiến lược quan trọng.
Căn cứ hải quân Ream tại Sihanoukville, Cam Bốt. Ảnh chụp ngày 26/07/2019. AP - Heng Sinith
AFP cho biết, theo văn bản tư vấn do Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Hoa Kỳ cùng soạn thảo, các công ty Mỹ cần tránh những hành vi tham nhũng, phạm tội ác và vi phạm nhân quyền khi kinh doanh, đầu tư và giao dịch với các thực thể Cam Bốt.
Trước đó, cũng trong ngày hôm qua 10/11/2021, Bộ Tài chính Mỹ đã áp dụng các trừng phạt nhắm vào Tư lệnh hải quân Cam Bốt, Tea Vinh và Chau Phirun, tổng cục trưởng Tổng cục vật tư của Bộ Quốc phòng Cam Bốt. Cả hai quan chức cấp cao này đều bi cáo buộc biển thủ công quỹ từ dự án phát triển căn cứ Hải quân Ream, gần thành phố Sihanoukville.
Tài sản của hai nhân vật này tại Mỹ sẽ bị phong tỏa, bản thân họ và thân nhân bị cấm sang Mỹ du lịch. Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Cam Bốt chưa trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Các tuyên bố của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua không đề cập đến sự can dự của Trung Quốc tại căn cứ Hải quân lớn nhất nước này, nhưng căn cứ hải quân Ream mà Mỹ tài trợ cho Cam Bốt xây dựng từ lâu nay đã trở thành tâm điểm các mối căng thẳng giữa đôi bên. Washington phản đối sự hiện diện quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc tại đây, cho rằng điều này ảnh hưởng tới chủ quyền, an ninh quốc gia của Cam Bốt và quan hệ Washington - Phnom Penh.
Hồi tháng 10/2021, Washington cáo buộc Phnom Penh thiếu minh bạch về các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại căn cứ Ream và kêu gọi chính phủ nước này công bố toàn bộ phạm vi can dự quân sự của Bắc Kinh.
Trong bối cảnh Washington đang tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực, Phnom Penh đã xích lại gần Bắc Kinh và trở thành một trong những đồng minh quan trọng nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Thùy Dương
**********************
Thu Hằng, RFI, 09/11/2021
Trung Quốc sẽ có lực lượng hải quân hùng hậu nhất thế giới từ nay đến năm 2030, với 460 tầu chiến các loại, theo báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ. Trong khi đó, người phát ngôn bộ Quốc Phòng John Kirby, khi trả lời trang USNI News ngày 08/11/2021, nhận định Hoa Kỳ là đích nhắm của Trung Quốc khi Bắc Kinh "đầu tư rất nhiều", nâng cao năng lực không quân và hải quân.
Mô hình chiến đấu cơ phản lực của Trung Quốc được trưng bày tại Triển lãm Hàng không và Không gian Quốc tế Trung Quốc 2021, ngày 29/09/2021, Chu Hải, Trung Quốc. AP - Ng Han Guan
Theo ông John Kirby, dù Trung Quốc tìm cách ngăn cản Hoa Kỳ thâm nhập một số vùng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, quân đội Mỹ tiếp tục "duy trì năng lực và các chiến lược hoạt động thích hợp để thực hiện cam kết bảo vệ an ninh hàng hải ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương".
Người phát ngôn bộ Quốc Phòng Mỹ đưa ra những nhận định trên khi được hỏi về việc Trung Quốc lập mô hình hàng không mẫu hạm Mỹ để diễn tập tấn công hôm 07/11 tại sa mạc Taklamakan ở vùng Nhạc Khương (Ruoqiang).
Vào tuần trước, Lầu Năm Góc cũng công bố báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Theo báo cáo này, Trung Quốc hiện có 355 tầu chiến các loại, so với 296 tầu của Mỹ (trong đó có 11 tầu sân bay), nhưng hướng đến mục tiêu 460 tầu các loại từ giờ đến năm 2030. Các nhà phân tích Mỹ, được Washington Post trích dẫn, khẳng định, nhờ tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào quân đội, khẩn trương đóng nhiều tầu chiến mới, chủ yếu là tầu tuần duyên, tầu khu trục, đặc biệt là tầu hộ tống được trang bị tên lửa dẫn đường sẽ được sản xuất ở quy mô lớn, thêm 70 tầu trong thời gian tới, nhằm phục vụ kế hoạch kiểm soát Biển Đông.
Ngoài ra, các tầu chiến đời mới nhất của Trung Quốc đều được trang bị tên lửa chống hạm YJ-62 (tầm bắn 215 hải lý), YJ-18A (250 hải lý) hoặc YJ-12A (290 hải lý). Vẫn theo Washington Post, những loại tên lửa tầm xa này mang tính răn đe đối với chiến hạm Mỹ, kể cả ở khoảng cách xa, nhưng đồng thời được phát triển để đề phòng khả năng xảy ra xung đột Mỹ-Trung về vấn đề Đài Loan.
Thu Hằng
Campuchia bác tin cho Trung Quốc đặc quyền dùng căn cứ hải quân (VOA, 02/06/2020)
Lãnh đạo Campuchia tuyên bố là Trung Quốc không được cho sử dụng độc quyền căn cứ hải quân ở bờ biển phía nam nước này và tàu chiến từ các nước, trong đó có Mỹ, đều được hoan nghênh cập cảng.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Thủ tướng Hun Sen đáp lại các tin tức và quan ngại của Washington rằng Bắc Kinh được trao các quyền ưu tiên sử dụng tại căn cứ Hải quân Ream ở vịnh Thái Lan.
Phát biểu tại một buổi lễ xây một con đường tại thành phố biển Sihanoukville, ông Hun Sen nói ông vừa mới nhận được thông điệp của các đại diện nước ngoài tại Campuchia về vấn đề này.
Ông nhắc lại phủ nhận của ông hồi năm ngoái sau khi tờ Wall Street Journal loan tin một dự thảo của một thỏa thuận được các giới chức Mỹ trông thấy sẽ cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân Ream trong 30 năm, có thể cho quân đội đồn trú, chứa vũ khí và cho tàu chiến đậu.
Ông Hun Sen nói rằng Hiến pháp Campuchia không cho phép căn cứ quân sự nước ngoài được thiết lập trên đất nước ông nhưng tàu chiến của các nước đến viếng thăm đều được hoan nghênh.
"Nếu tàu chiến của một nước được phép neo đậu tại căn cứ hải quân của chúng tôi, thì tàu chiến của nước khác cũng có thể neo đậu dược. Chúng tôi không đóng cửa đối với bất cứ ai", ông nói.
Ông Hun Sen nêu câu hỏi về lợi ích Bắc Kinh có được khi có một căn cứ tại Campuchia trong khi Trung Quốc đã có những căn cứ tại Biển Đông.
Nhiều nhà phân tích tin rằng quyền đặt căn cứ tại Campuchia sẽ nới rộng tầm chiến lược quân sự của Trung Quốc một cách đáng kể, và nghiêng cán cân quyền lực ở khu vực theo cách sẽ làm áp lực lên các nước liền kề trong ASEAN vốn có các mối quan ngại an ninh đứng về phía Mỹ nhiều hơn.
Ông Hun Sen cũng nói Campuchia mở rộng vòng tay để tham dự các cuộc tập trận chung với tất cả các nước, nhưng sẽ chỉ được thực hiện sau khi đe dọa của virus corona đã qua. Camphchia chỉ bị virus ảnh hưởng nhẹ, theo các con số chính thức.
Vào năm 2017, Campuchia thông báo với Mỹ là hủy bỏ cuộc tập trận chung thường niên năm đó và năm kế tiếp. Cuộc tập trận này chưa được tái tục. Campuchia tổ chức tập trận chung với Trung Quốc vào tháng 3 năm nay giữa lúc cuộc khủng hoảng virus corona đang gia tăng.
Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất và là đối tác chính trị thân thiết nhất của Campuchia. Sự hậu thuẫn của Trung Quốc tạo điều kiện cho Campuchia bất chấp những quan ngại của các nước phương Tây về thành tích nhân quyền và những quyền chính trị tồi tệ của nước này. Đổi lại, Phnom Penh thường ủng hộ lập trường địa chính trị của Bắc Kinh tại các diễn đàn quốc tế về những vấn đề như tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo AP
*********************
Malaysia chuẩn bị trục xuất ồ ạt di dân bất hợp pháp (RFI, 01/06/2020)
Do dịch bệnh, Malaysia áp dụng lệnh phong tỏa từ ngày 18/3/2020. Hình ảnh những lao động di dân sống trong cảnh chung đụng lộn xộn đang khơi dậy sự oán thù.
Một khu nhà của người ti nạn Rohingya Miến Điện tại thủ độ Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh chụp ngày 18/05/2020. Reuters - Lim Huey Teng
Sau một loạt các vụ bắt giữ ồ ạt, các trại tập trung ngày càng trở nên quá tải và ba trong số này đã trở thành ổ dịch. Chính quyền Malaysia bắt đầu lập kế hoạch trục xuất những lao động di dân này về nguyên quán và yêu cầu sự trợ giúp của các nước có liên quan.
Từ Kuala Lumpur, thông tín viên Gabrielle Maréchaux giải thích :
"Hãy giúp chúng tôi trả những lao động không giấy tờ về nước các bạn". Lời nhắn này đã được Malaysia gởi đến nhiều nước Nam Á. Vào lúc biên giới còn bị đóng cửa, dịch bệnh vẫn chưa kiểm soát được, và có ba trại tập trung đã trở thành những ổ dịch, Malaysia nhất mực duy trì chính sách trấn áp.
Từ một tháng nay, gần 2.000 lao động di dân đã bị bắt, và gần 400 người bị phát hiện dương tính với virus corona chủng mới. Nhưng ngay từ tuần này, một số người đã bị trục xuất về nước. Khoảng 4.800 người Indonesia sẽ bắt đầu ra về, với điều kiện là số người này có xét nghiệm âm tính với Covid-19, như tuyên bố của Jakarta. Tiếp theo là di dân xứ Nepal và Bangladesh, với sự hợp tác của các nước sở tại.
Những quốc gia khác hiện vẫn chưa cho biết lập trường. Nhất là tình hình ở Miến Điện có nguy cơ gây ra vấn đề do một tiền lệ. Theo khẳng định của một nhà ngoại giao Miến Điện, để giải phóng chỗ cho các trung tâm ở Malaysia, vào trung tuần tháng Năm, 400 di dân bị trả về Rangoon, năm người trong số này phát hiện dương tính virus corona ngay khi về đến nước.
Minh Anh
******************
Covid-19 : Thái Lan thông qua gói kích cầu gần 60 tỷ đô la (RFI, 01/06/2020)
Quốc hội Thái Lan hôm Chủ Nhật 31/05/2020 cho phép chính phủ ban hành kế hoạch gần 60 tỷ đô la hỗ trợ kinh tế, khắc phục hậu quả khủng hoảng Covid-19. Tổng sản phẩm nội địa tại quốc gia có trọng lượng lớn thứ nhì Đông Nam Á này dự trù sụt giảm từ 6 đến 7 % trong năm 2020. Nguyên nhân chính là virus corona làm tê liệt toàn bộ ngành du lịch Thái Lan.
Đại hoàng cung Bangkok, Thái Lan, vắng bóng du khách do dịch Covid-19. Ảnh chụp ngày 30/03/2020 Reuters - Athit Perawongmetha
Thông tín viên đài RFI Carol Isoux từ Bangkok cho biết thêm về gói kích cầu lớn nhất mà chính phủ Thái Lan chưa từng ban hành từ trước tới nay :
"Đây là một chương trình cho phép chính phủ Thái Lan đi vay đã được gần như toàn thể các đại biểu Quốc hội thông qua. Khoản hỗ trợ này ưu tiên rót vào những lĩnh vực bị thiệt hại nghiêm trọng nhất, giúp đỡ những người đi làm không hợp đồng, những người buôn gánh bán bưng, giới phục vụ trong các phòng mát-xa, quán bar mà tất cả đến nay vẫn phải đóng cửa. Chính phủ cũng dành ưu tiên cho giới nông gia, khuyến khích họ hiện đại hóa và đa dạng hóa khâu sản xuất. Tuy nhiên kế hoạch quy mô hỗ trợ kinh tế nói trên chủ yếu nhằm giúp đỡ ngành du lịch, nhất là du lịch nội địa. Giá thuê phòng khách sạn tại Thái Lan trong tháng 7 tới đây sẽ được giảm 50 % để khuyến khích dân Thái đi tham quan đất nước.
Đối với ông Top Jurayub, chủ nhân trẻ đứng đầu một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn, các biện pháp hỗ trợ của chính phủ chỉ là một giọt nước, không thấm vào đâu so với những khoản đầu tư về cơ cấu và kỹ thuật cần thiết đối với một lĩnh vực cần phải sáng tạo, đổi mới hoàn toàn. Top Jurayub nêu bật những thay đổi cần thiết : "chủ khách sạn sẽ phải thích nghi, cần đầu tư vào những dịch vụ không cần tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, nhận phòng qua điện thoại hay qua mạng cloud … tránh số lượng khách quá đông ở quầy lễ tân của khách sạn".
Theo dự báo, GDP Thái Lan trong năm nay sụt giảm 6 %. Giới quan sát lo ngại một làn sóng thất nghiệp và nghèo khó dâng cao với những hậu quả nặng nề đối với người dân.
Thanh Hà
Sự bành trướng của Trung Quốc tại Campuchia khiến người dân nước này bắt đầu chuyển dần từ thái độ 'phân biệt đối xử' với người Việt sang ác cảm với người Trung Quốc.
Người Campuchia biểu tình phản đối Việt Nam trước đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia năm 2014, yêu cầu Việt Nam trả lại vùng đất lịch sử Kampuchea Krom
"Người Campuchia hiện đang lo lắng về người Trung Quốc hơn là người Việt. Trung Quốc đã biến một thành phố biển yên bình và có vị trí đặc biệt trong lòng dân Campuchia thành nơi có nhiều sòng bài, băng đảng, và là nơi rửa tiền", Vũ Minh Hoàng, nghiên cứu sinh Tiến sỹ ngành lịch sử Đông Dương tại Mỹ, nói với BBC News Tiếng Việt từ Phnom Penh.
Có mặt tại Phnom Penh hồi tháng 7/2019 để tham dự Hội thảo quốc tế về Nạn diệt chủng, nhà nghiên cứu Vũ Minh Hoàng cho hay, anh có thêm cơ hội chứng kiến tận mắt ảnh hưởng của Trung Quốc tại đây. Trước đó, anh từng tham dự hội thảo chủ đề "Đầu tư và cạnh tranh giữa Trung Quốc, Việt Nam tại Campuchia qua các thập kỷ" tổ chức tại Mỹ.
'Sự hoài nghi giữa hai dân tộc'
Trong chuyến công tác đến Phnom Penh, chúng tôi muốn tìm hiểu lý do vì sao cộng đồng gốc Việt luôn không được chào đón ở Campuchia, dẫn đến tình trạng hơn 180.000 người không chính phủ, không tương lai tại chính nơi gia đình họ đã sinh sống nhiều đời.
Một người biểu tình Campuchia cầm biểu ngữ kêu gọi Việt Nam rời khỏi Campuchia năm 1979
Khi được hỏi về tình trạng người Việt ở đây không được cấp hộ tịch, nhiều trẻ gốc Việt không có giấy khai sinh, dẫn đến việc không được đi học trường chính phủ, không có bằng cấp, không hộ chiếu, không thẻ ngân hàng, không thể làm việc cho nhà nước, và vòng luẩn quẩn này đã lặp đi lặp lại nhiều đời, nhà nghiên cứu Vũ Minh Hoàng đồng ý rằng, qua các tài liệu lịch sử, "có sự hoài nghi từ rất lâu đời giữa dân tộc Campuchia với người Việt Nam".
Theo nhận định của nhà sử học trẻ, nguồn gốc mối hiềm khích này có lẽ bắt đầu từ thời vua Minh Mạng mang quân can thiệp vào Campuchia. Sang thời Pháp thuộc, người Pháp tiếp tục đưa nhiều người Việt sang làm quan chức cho thể chế thực dân tại Campuchia. Tiếp đến, thời chiến tranh Việt Nam, quân đội Việt Nam đã dùng Campuchia làm nơi vận chuyển vũ khí, lương thực, quân lương dọc theo tuyến đường mòn Hồ Chí Minh.
Một số tài liệu lịch sử cho rằng các việc làm đó của quân Việt Nam dẫn đến việc Mỹ thả bom ở Campuchia.
Các tài liệu và báo chí khác cũng nhắc đến sự kiện lịch sử xảy ra cách đây 40 năm, khi quân đội Việt Nam sang giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ và giúp quốc gia này xây dựng lại đất nước.
Đã có rất nhiều ý kiến khác nhau về sự hiện diện của Việt Nam tại Campuchia khi đó. Trong lòng dân Campuchia từng có ý kiến rằng Việt Nam sau khi 'giải phóng xong' thì không về ngay mà ở lại, muốn 'xâm lược' và 'đô hộ' Campuchia.
"Khi đó, Campuchia đã mất hơn 2 triệu người trong nạn diệt chủng. Chỉ còn lại dân số vỏn vẹn bằng một nửa dân số Hà Nội bây giờ và người dân luôn bị ám ảnh, lo sợ rằng đất nước họ sẽ biến mất. Việt Nam thời đó đã cố gắng rất nhiều để giúp bạn xây dựng lại đất nước, làm nguôi đi những ám ảnh này. Nhưng rất khó, trong công tác với nước bạn thì sẽ luôn có những sai sót, dễ làm họ mặc cảm", Vũ Minh Hoàng nói.
"Đó là do Campuchia từng có một quá khứ huy hoàng khiến hậu duệ sau này khó lòng có thể vượt qua. Họ từng có một đế chế rất lớn trong đó có mảnh đất bây giờ là miền Nam Việt Nam... Những gì đã xảy ra với đế chế này khiến người Campuchia luôn thấy mặc cảm. Cho đến nay, vẫn có sự hoài nghi giữa hai dân tộc".
Biểu tình phản đối Việt Nam tại Campuchia năm 2014
Trung Quốc bành trướng mạnh ở Campuchia
Trong khi các nghiên cứu ít ỏi về cộng đồng gốc Việt vô chính phủ tại đây chỉ ra rằng có rất ít "ánh sáng lạc quan" để họ có thể vươn lên được tại Campuchia, căn cứ vào "lịch sử quan hệ giữa hai cộng đồng người" (như nhận định của Tiến sỹ Christoph Sperfeldt trong "A Boat Without Anchors" (Con thuyền không neo), thì theo nhà nghiên cứu Vũ Minh Hoàng, dường như mới đây đã có chút thay đổi trong cách người Campuchia nhìn nhận về người Việt.
Vũ Minh Hoàng cho rằng đã có những dấu hiệu tốt trong mối quan hệ giữa hai cộng đồng người Việt và Campuchia, đặc biệt trong hai năm qua. Một trong những lý do chính dẫn đến sự thay đổi này là sự xuất hiện của Trung Quốc tại nước này.
"Người Campuchia hiện lo lắng về người Trung Quốc hơn là người Việt. Trung Quốc mua đất, xây sòng bạc ở Campuchia. Một số thế lực ở Trung Quốc chọn Campuchia để đầu tư cho các hoạt động không minh bạch. Điều này khiến người Campuchia mặc cảm. Tinh thần bài Trung đang ngày càng mạnh mẽ tại đây, phủ bóng lên tâm thức 'ghét' người Việt. Không thể nói người Campuchia không còn ghét người Việt, nhưng mức độ đã thay đổi", Vũ Minh Hoàng phân tích.
Bóng dáng của Trung Quốc quả thực rõ mồn một khi chúng tôi ngồi trên xe tuk tuk chạy qua đường phố Phnom Penh, anh lái xe liên tục chỉ ra những tòa nhà "của Trung Quốc" đồ sộ, nguy nga, màu vàng hoặc đỏ lấp lánh.
"Những con đường này cách đây hai năm khi tôi trở về Việt Nam vẫn còn trống không. Thế mà khi quay trở lại đã mọc lên nhiều nhà cửa, công trình của Trung Quốc", anh nói.
Từ nơi chúng tôi ngồi thực hiện cuộc phỏng vấn ven sông Mekong ở Phnom Penh, cũng có thể thấy thấp thoáng các tòa nhà nguy nga của Trung Quốc.
Một casino của công ty Trung Quốc tại Sihanoukville, Campuchia
Trung Quốc đã cho 'khai hoang' Diamond City - một hòn đảo phù sa, nối với thủ đô Phnom Penh bằng 4 cây cầu và đầu tư vào công trình xây dựng các chung cư cao cấp và các tòa nhà thương mại tại đây.
Sự hiện diện của Trung Quốc được thấy rõ với các biển hiệu ký tự tiếng Trung ở khắp nơi.
Thế nhưng, tốc độ xây dựng của Trung Quốc ở Phnom Penh không thấm tháp gì so với ở thành phố biển Sihanoukville - nơi gần đây được báo chí quốc tế mô tả là "thay đổi không thể nhận ra".
Một số người ước tính rằng người Trung Quốc chiếm gần 20% dân số Sihanoukville. Trong tổng số khách nước ngoài trong năm 2017, gần 120.000 là người Trung Quốc - tăng 126% mỗi năm. Trong số 1,3 tỷ đô la Mỹ đầu tư vào Sihanoukville trong năm qua, 1,1 tỷ đô la Mỹ đến từ Trung Quốc.
Theo SCMP, có khoảng 16.000 người Trung Quốc có giấy phép lao động tại Campuchia năm ngoái. Nhiều người hoạt động trong lĩnh vực du lịch và dự án xây dựng ở tỉnh Sihanoukville và tỉnh Koh Kong lân cận.
Tốc độ phát triển đã khiến nhiều người dân địa phương lo lắng. Nỗi sợ hãi này đã thúc đẩy sự thù địch gia tăng giữa những người dân địa phương đối với dòng người Trung Quốc mới. Hai cộng đồng sống cạnh nhau ở Sihanoukville nhưng hiếm khi tương tác.
Sự dịch chuyển của tình cảm yêu ghét
Một nạn nhân sống sót đang được đưa ra từ đồng đổ nát từ vụ sập tòa nhà 7 tầng ở Sihanoukville
Trên một diễn dàn trên mạng xã hội, một người tên Madonith viết :
"Tôi là người Campuchia, tôi biết rằng Trung Quốc đã lấy hai thành phố của Campuchia và biến thành thành phố của họ. Sihanoukville để làm căn cứ thủy quân và Kaoh Kong cho căn cứ không quân".
Còn ông Richard Mackay viết :
"Tôi đã tới Đông Nam Á đầu năm nay. Nơi tệ hại nhất mà tôi viếng thăm là Sihanoukville. Nó là một nơi xấu xí, hỗn loạn nhất mà tôi từng tới. Người ta đã biến một thiên đường mơ màng nơi đây thành một thành phố nghỉ dưỡng kiểu Macau. Tôi nghe nói mafia Trung Quốc và ma túy đã tràn ngập nơi này. Bữa sáng duy nhất mà tôi có thể tìm thấy ở đó là món quẩy Trung Quốc !".
Nhà nghiên cứu Vũ Minh Hoàng cho rằng Trung Quốc đã có vai trò ở Campuchia từ lâu. Nhưng hai năm qua, một phần do công tác đả hổ trong nước của Tập Cận Bình, những quan chức có nguồn tiền không minh bạch, không dùng được tiền đó trên đất Trung Quốc nữa nếu không muốn chịu rủi ro cao, đã tích cực tìm nơi để rửa tiền. Và Campuchia trở thành địa điểm lý tưởng của họ.
"Việc này khiến người Campuchia rất mặc cảm. Tệ hơn, người Trung Quốc không hiểu rõ tầm quan trọng và tình cảm của người Campuchia với Sihanoukville. Khi người Trung Quốc đến Sihanoukville xây dựng, họ đưa nhiều lao động Trung Quốc sang, kể cả thợ xây lẫn kiến trúc sư. Tôi và một số nhà nghiên cứu vừa xem một video âm nhạc của Trung Quốc có hình ảnh các công nhân Trung Quốc đang hát, phía sau là Sihanoukville. Họ hát rằng : Ôi cuộc sống ở Trung Quốc rất khó, ở Sihanoukville còn khó hơn, nhưng chúng tôi sang đây để xây dựng một tương lai đẹp hơn.''
"Đây là mong muốn, ước mơ của người Trung Quốc, nhưng cái mà họ không hiểu được là Sihanoukville đối với người Campuchia có một tầm quan trọng và những ký ức vô cùng mạnh mẽ. Nếu nói chuyện với bất cứ ai ở Phnom Penh, thì họ đều nói về ký ức với bãi biển Sihanoukville đẹp, thanh bình, giá rẻ. Đây cũng là thành phố mang tên Vua Sihanouk được dân Campuchia rất yêu quý. Nên khi họ nhìn thấy thành phố hoàn toàn biến mất thì họ rất đau lòng.
"Sihanoukville hiện còn là nơi chứa chấp các băng đảng tội phạm của Trung Quốc. Năm ngoái, một băng đảng phát tán video nói "họ hoàn toàn thống trị Sihanoukville", khiến mọi người đều lo sợ và giới chức Campuchia đã phải vào cuộc".
"Bản thân chính phủ Trung Quốc cũng nhận thấy rằng những hoạt động bất hợp pháp của một số công ty và các băng đảng Trung Quốc ở Sihanoukville là mối đe dọa cho quan hệ song phương cũng như dẫn đến thâm hụt ngân sách, mất vốn cho nền kinh tế Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc đã tuyên bố sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan thẩm quyền Campuchia để giải quyết các vấn đề ở Sihanoukville".
Nhà nghiên cứu Vũ Minh Hoàng nói các vấn đề Trung Quốc - Campuchia hiện nóng bỏng đến nỗi bạn bè anh đang chuyển dần sang nghiên cứu về đề tài này.
Lo ngại về tâm lý bài ngoại ở Campuchia
Tờ SCMP trong một bài báo năm 2018 đã viết rằng với nhiều người Campuchia, sự biến đổi của Sihanoukville là sự chia rẽ. Trong khi một số người Campuchia hưởng lợi từ nguồn tiền mà trước đây họ chưa từng có thì một số khác bị đẩy ra bên lề, khoảng cách giàu nghèo tại Campuchia ngày càng sâu sắc.
Sự bất mãn của người Campuchia với người Trung Quốc càng trầm trọng thêm khi đầu năm 2019, một công trình 7 tầng tại Sihanoukville có chủ đầu tư Trung Quốc bị sập, khiến ít nhất 25 người chết. Mới đây, lại có tin Campuchia cho Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân ở Ream, Sihanoukville - điều mà chính phủ của ông Hun Sen luôn phủ nhận.
Huỳnh Thanh Hiền, một người Campuchia gốc Việt làm móng tại Phnom Penh, nói với chúng tôi rằng một số người Campuchia bề ngoài rất thích người Trung Quốc vì 'lắm tiền' nhưng bên trong thì không ưa.
"Hàng nào có khách Trung Quốc vào sẽ đon đả lắm. Chủ nhà có khách Trung Quốc cũng thích cho thuê hơn là cho khách Việt Nam thuê vì được nhiều tiền hơn. Nhưng trong sâu thẳm thì người Campuchia sợ người Trung Quốc sẽ lấy mất đất đai của mình".
Căn cứ hải quân Ream ở tỉnh Preah Sihanouk của Campuchia đang là tâm điểm chú ý, nơi được nhiều người cho là sẽ trở thành địa điểm cho Trung Quốc sử dụng. Tuy nhiên, Phnom Penh bác bỏ và gọi đó là tin giả
Nhận định về tâm lý bài Trung Quốc thay vì bài Việt Nam ở Campuchia hiện nay, Vũ Minh Hoàng bày tỏ lo ngại rằng "có thể chỉ là nhất thời và không thể coi là một chiều hướng tích cực, nếu nó chỉ thêm dầu vào ngọn lửa bài ngoại, phân biệt chủng tộc ở Campuchia".
"Về lâu dài, những thế lực bài ngoại có thể sẽ gia tăng lực lượng và gây khó khăn cho cả những người gốc Trung Quốc lẫn Việt Nam sinh sống và làm việc hợp pháp tại Campuchia", nhà sử học trẻ nói với BBC News Tiếng Việt từ Phnom Penh.
Hoàng Anh Gia Lai phản hồi cáo buộc bị thu hồi đất ở Campuchia (RFA, 29/03/2019)
Đại diện Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của Việt Nam cho biết doanh nghiệp này chưa nhận được bất kỳ quyết định nào của Chính phủ Campuchia về việc thu hồi đất mà Tập đoàn này đã đầu tư tại Campuchia ; đồng thời khẳng định mọi hoạt động nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai tại Campuchia vẫn diễn ra bình thường.
Những cánh rừng ở Campuchia bị san bằng bởi đại công ty của Việt Nam là Hoàng Anh Gia Lai (tháng 3, 2013) - AFP
Truyền thông trong nước loan tin hôm 28/3, một ngày sau khi hãng tin Reuters phát đi thông tin cho rằng hơn 740 hecta đất được Chính phủ Campuchia cấp cho tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của Việt Nam từ 10 năm trước để đầu tư trồng cao su sẽ bị thu hồi để trả cho cộng đồng người bản địa địa phương.
Theo Reuters, 12 cộng đồng bản địa người Campuchia vào năm 2014 đã khởi kiện Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới vì đã đầu tư vào quỹ tài trợ cho các liên doanh của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ở Campuchia gây ra các tác động xã hội và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Tin cho biết Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã phải đồng ý ngưng giải phóng mặt bằng và mất đi khoảng 60% diện tích được cấp phép đầu tư tại Campuchia vào năm 2015.
Ngay sau khi có thông tin Hoàng Anh Gia Lai bị thu hồi đất tại Campuchia, cổ phiếu thị trường chứng khoán của Tập đoàn này nhanh chóng bị sụt giảm vào sáng 28/3.
Cũng tin liên quan, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia là ông Vũ Quang Minh từ ngày 26 – 28/3 đã có chuyến công tác đến tỉnh Kampong Thom của Campuchia để hỗ trợ các công ty Cao su Việt Nam thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đang đầu tư tại địa phương.
Báo trong nước cho biết trong buổi làm việc với tỉnh trưởng tỉnh Kampong Thom, Đại sứ Vũ Quang Minh nhấn mạnh địa phương này là tỉnh có tiềm năng nông nghiệp, đặc biệt là cây cao su.
Tin cho hay trong 10 năm qua, 8 công ty cao su Việt Nam thuộc VRG tại tỉnh Kampong Thom đã trồng gần 53 ngàn cây cao su, đưa vào khai thác hơn 22 ngàn hecta trồng trọt vào năm 2018, và giải quyết việc làm cho hơn 5000 người Campuchia.
Tỉnh trưởng tỉnh Kampong Thom được nói chính quyền Campuchia sẽ tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư của các công ty cao su trên địa bàn tỉnh.
Số liệu của truyền thông trong nước cho hay Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sau 12 năm đầu tư tại Campuchia đang canh tác khoảng 90 ngàn hecta đất và tạo việc làm cho hơn 15 ngàn lao động người Campuchia.
Tuy nhiên, nhiều tiếng nói chỉ trích cho rằng quyết định của chính quyền Campuchia đồng ý nhượng đất để các công ty nước ngoài đầu tư nông nghiệp đã dẫn đến các cuộc tranh chấp với người bản xứ. Các cộng đồng người bản xứ cáo buộc các công ty nước ngoài đã vi phạm môi trường, nhân quyền, cũng như khiến họ mất đất canh tác.
******************
Hoàng Anh Gia Lai bị thu hồi 742 hecta đất đầu tư tại Campuchia (RFA, 28/03/2019)
Hơn 740 hecta đất được Chính phủ Campuchia cấp cho tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của Việt Nam từ 10 năm trước để đầu tư trồng cao su sẽ bị thu hồi để trả cho cộng đồng người bản địa địa phương.
Một nhà sư đi ngang qua panô quảng cáo một dự án bất động sản được tài trợ bởi tập đoàn người Việt Hoàng Anh Gia Lai ở thủ đô Viêng Chăn của Lào hôm 16/3/2011. AFP
Theo Reuters, tỉnh trưởng tỉnh Ratanakiri phía Đông Bắc Campuchia hôm 27/3 đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp nước này lấy lại 64 khu vực đất nằm trong diện tích trên bao gồm rừng, đất sình lầy và bãi chôn lấp vốn là đất những cộng đồng người bản địa.
Theo Reuters, 12 cộng động bản địa người Campuchia vào năm 2014 đã đệ đơn khiếu nại Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới vì đã đầu tư vào quỹ tài trợ cho các liên doanh của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ở Campuchia và Lào, gây ra các tác động xã hội và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Hoàng Anh Gia Lai sau đó đã phải đồng ý ngừng giải phóng mặt bằng ; và chỉ một năm sau, tập đoàn này của Việt Nam đã mất khoảng 60% diện tích đất được cấp phép đầu tư tại Campuchia trước đó.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của Việt Nam có nhiều dự án trị giá hàng triệu USD đầu tư vào ngành nông nghiệp trồng cao su, cọ dầu, chuối, cây ăn quả và chăn nuôi bò tại Lào và Campuchia.
Truyền thông trong nước hôm 28/3 loan tin cho biết quyết định thu hồi đất nói trên đã khiến giá cổ phiếu HAG và HNG của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sụt giảm vào sáng cùng ngày. Giá cổ phiếu HAG giảm 0,18% và HNG giảm tới 1,92%.
******************
Campuchia thu hồi đất từ Hoàng Anh Gia Lai để trả dân (BBC, 27/03/2019)
Mười hai cộng đồng bản địa tại tỉnh Ratanakiri ở miền đông bắc Campuchia vừa giành được thắng lợi quan trọng khi chính phủ tuyên bố trả lại phần đất rừng bị tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của Việt Nam thâu tóm để làm đồn điền cao su quy mô lớn.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai có các dự án trồng cao su ở Campuchia và Lào
Đây là tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang phải đối diện với việc bị rà soát chặt chẽ hơn, Reuters tường thuật.
Người dân địa phương đã có cuộc xung đột kéo dài cả thập niên với Hoàng Anh Gia Lai nhằm phản đối việc tước đoạt đất đai tổ tiên của họ để lại, tổ chức Inclusive Development International (IDI) chuyên hỗ trợ các cuộc đấu tranh phản đối việc cướp đất nói.
Hôm thứ Ba, tỉnh trưởng tỉnh Ratanakari đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp trả lại 64 khu vực đất đai khỏi tổng diện tích đất đã lấy, bao gồm các phần rừng, đầm lầy và các nghĩa trang của những cộng đồng dân cư này.
Việc trả lại đất mới chỉ là bước đầu, giám đốc điều hành của Highlanders Association, một tổ chức hoạt động vì quyền của dân bản địa tại Ratanakari, nói.
Bà Dam Chanty trong tuyên bố của mình nói rằng người dân còn cần được bồi thường và cần được trợ giúp để có thể trở lại với phần đất, nước đó.
Cái giá của phát triển
Kể từ đầu thập niên 2000, Campuchia đã trao nhiều khu đất cho các công ty nước ngoài để đổi lấy việc họ đầu tư vào việc khai mỏ, xây nhà máy điện và các nông trường nhằm thúc đẩy kinh tế và xóa đói giảm nghèo.
Ratanakiri thu hút du khách đến các vùng hồ và rừng xanh tươi
Tuy nhiên, các thỏa thuận đó đã 'ăn' hết hơn 10% tổng diện tích đất của cả nước, tính đến 2012, và đẩy hơn 770 ngàn người vào cảnh mất nhà mất đất, các luật sư nhân quyền nói.
Khiếu nại kéo dài
Mười năm trước, Hoàng Anh Gia Lai được giao 19 ngàn hectare đất thuộc 12 cộng đồng dân bản địa nêu trên.
Tới 2014, người dân địa phương đệ đơn khiếu nại lên Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới, tổ chức tài trợ cho các dự án của Hoàng Anh Gia Lai tại Campuchia và Lào, về các tác động môi trường và xã hội "nghiêm trọng".
Nhiều diện tích rừng ở Campuchia được giải tỏa để biến thành đồn điền cao su
Trong tiến trình giải quyết tranh chấp, Hoàng Anh Gia Lai đồng ý dừng việc giải phóng mặt bằng thêm đối với các phần đất chưa giải tỏa.
Một năm sau, Hoàng Anh Gia Lai đồng ý trả lại phần đất chưa biến thành đồn điền hoặc chưa giải tỏa. Điều này khiến diện tích đất mà Hoàng Anh Gia Lai được giao tại Campuchia giảm đi hơn 60%, còn lại gần 8.400 hectare.
Quá trình thương lượng chưa kết thúc. Đến đầu năm nay, Hoàng Anh Gia Lai đơn phương rút khỏi các cuộc đàm phán và nói rằng người dân địa phương cần tìm giải pháp từ phía chính quyền Campuchia, IDI nói.
Làng của người bản địa tại Ratanakiri, Campuchia - hình minh họa
Quyết định hôm thứ Ba, 26/3/2019 khiến tập đoàn của Việt Nam giảm tiếp 742 hectare đất nữa tại Campuchia, Reuters dẫn nguồn đại diện các cộng đồng dân địa phương nói.
Quyết định mới đây được đưa ra chỉ ít hôm sau khi thủ tướng Campuchia tái khẳng định chính quyền nước này hoan nghênh mọi công ty vào đầu tư mà không có bất kỳ phân biệt đối xử nào về chủng tộc hay chính trị.
Ông Hun Sen được báo Reaksmei Kampuchea của Campuchia hôm 22/3 dẫn lời phát biểu tại lễ động thổ xây dựng đường cao tốc dài 190km nối Phnom Penh với Sihanoukville :
"Campuchia mở cửa với tất cả các nhà đầu tư, nhưng họ cần tôn trọng chủ quyền và độc lập của Campuchia".
Ngay từ hồi 2012, người bản địa tại Ratanakiri đã có cuộc đấu tranh chống nạn đốn gỗ trong vùng này, sau khi nhà vận động Chut Wutty bị giết chết, theo phóng viên BBC News Guy Delauney từ Phnom Penh trong một tường thuật năm đó.
Ông thủ tướng cũng nói rằng hiện nước này đang có nhiều nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Mỹ và các nước Châu Âu, Reuters tường thuật.
Cuộc đấu tranh chống nạn đốn gỗ ở Ratanakiri được báo chí quốc tế chú ý đến từ 2012, sau khi nhà vận động Chut Wutty bị giết chết, theo phóng viên BBC News Guy Delauney từ Phnom Penh trong một tường thuật năm đó.
Sau hai năm "xoay trục" sang Bắc Kinh, Duterte vẫn chưa được đền đáp (RFI, 20/11/2018)
Ngay sau khi lên nắm quyền vào năm 2016, tổng thống Rodrigo Duterte đã tuyên bố "chia tay" với Hoa Kỳ, đồng minh truyền thống của Manila, vì theo ông, Philippines đã không hưởng được gì nhiều từ liên minh với cường quốc kinh tế và quân sự hàng đầu thế giới.
Philippines-Trung Quốc : Rodrigo Duterte tiếp Tập Cận Bình tại Manila ngày 20/11/2018. Reuters/Erik De Castro
Duterte đã "xoay trục", quay sang tìm cách cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, với hy vọng sẽ được trợ giúp để phát triển quốc gia 105 triệu dân của ông. Ngược lại với người tiền nhiệm Benino Aquino, tổng thống Duterte đã không hề đề cập với Bắc Kinh phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực bác bỏ cái gọi là chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trên 90% diện tích Biển Đông trong phạm vi đường "lưỡi bò" do Bắc Kinh tự vạch ra. Trong khi đó, tổng thống Philippines lại cố đạt một thỏa thuận với Trung Quốc về việc cùng khai thác khí đốt ở Biển Đông.
Sau khi lên cầm quyền, tổng thống Duterte đã đề ra một kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế, dự trù tổng cộng 75 dự án lớn, trong đó phân nữa là với vốn đầu tư và tín dụng của Trung Quốc. Khi ông sang thăm Bắc Kinh cách đây 2 năm, Trung Quốc đã hứa sẽ bơm tổng cộng 24 tỷ đôla vốn đầu tư và tín dụng vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn, nhưng cho tới nay, chỉ một phần rất nhỏ, tức là tổng cộng khoảng 167 triệu đôla là đến Philippines.
Theo nhà phân tích Philippines Richard Heydarian, những lời hứa của Bắc Kinh đã thuyết phục được Manila dịu giọng trên vấn đề Biển Đông, nhưng Trung Quốc đã không vội thực hiện những lời hứa đó. Ông nói với hãng tin AFP : " Chúng ta biết là Bắc Kinh vẫn có những tính toán địa chính trị. Việc gì mà Trung Quốc phải vội khi mà Duterte đã trao cho họ tất cả những gì mà họ yêu cầu".
Theo AFP, bộ trưởng Ngân Sách Philippines Benjamin Diokno giải thích rằng những chậm trễ trong việc triển khai các dự án một phần là do phía Trung Quốc không nắm rành những thủ tục gọi thầu của Philippines, nhưng ông hy vọng là mọi việc sẽ tiến nhanh hơn.
Vào tháng trước, tại Manila, Ngoại trưởng Vương Nghị thông báo là đầu tư ngoại quốc trực tiếp của Trung Quốc ở Philippines đã tăng hơn gấp năm lần trong sáu tháng đầu năm nay, sau khi đã tăng 67% năm 2017. Nhưng theo một nhà phân tích của công ty PSA Philippines Consultancy, Gregory Wyatt, những đầu tư đó thường là tập trung vào các lĩnh vực địa ốc, cờ bạc trên mạng và vào các công ty hiện có, trong khi tín dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng lại chưa đến.
Nhưng đối với một bộ phận công luận Philippines, Bắc Kinh trên thực tế đang giương ra một "bẫy nợ" với Manila, giống như họ đang làm với nhiều nước khác. Nhiều người cũng chỉ trích tổng thống Duterte đồng lõa trong việc để Trung Quốc đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ của Philippines.
Theo dự đoán của nhà phân tích Heydarian, nếu sau chuyến viếng thăm của Tập Cận Bình mà đầu tư của Trung Quốc vẫn chưa ồ ạt đổ đến, nếu Bắc Kinh tiếp tục quân sự hóa và bồi đắp các đảo tranh chấp ở Biển Đông, áp lực lên tổng thống Duterte sẽ còn gia tăng. Phe đối lập Philippines sẽ càng có cớ để gọi Duterte và các đồng minh của ông là "đầy tớ" của Bắc Kinh. Vị thế của Duterte sẽ bị suy yếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2019, được xem là một cuộc trắc nghiệm về nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Thanh Phương
*******************
Bỏ đồng minh Mỹ xoay sang TQ, 2 năm sau Duterte được gì ? (VOA, 20/11/2018)
Hai năm sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ruồng bỏ đồng minh Mỹ và xoay sang Trung Quốc để đổi lấy các lợi lộc kinh tế, ông Duterte vẫn chưa mang về cho nước ông những lợi lộc đáng kể, theo Reuters.
Tư liệu- Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phải, bắt tay Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trước cuộc gặp song phương tại Diễn đàn Vành đai Con Đường ở Bắc Kinh, ngày 15/5/2017.
Sau chuyến đi Bắc Kinh năm 2016, ông Duterte về nước với những cam kết của Bắc Kinh sẽ cho vay cũng như đầu tư khoảng 24 tỷ USD, kể cả cho các dự án quy mô đầy tham vọng của ông Duterte để canh tân cơ sở hạ tầng Philippines. Lúc đó, ông Duterte không tiếc lời chỉ trích Mỹ, thậm chí nói Washington đối xử tệ với Philippines ‘như một con chó’, và vì vậy xoay sang Trung Quốc sẽ tốt hơn cho nước ông.
Nhưng cho tới giờ, chỉ có một phần nhỏ các cam kết của Trung Quốc cho Philippines trở thành hiện thực, khiến ông Duterte bị chỉ trích là đã đồng lõa để cho phép Trung Quốc trở thành mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia, và rằng ông đã bị Bắc Kinh ‘sỏ mũi’.
Richard Heydarian, một nhà phân tích quốc phòng và an ninh ở Manila, nói khi Chủ tịch TQ đi thăm Philippines tuần này, ông Duterte sẽ cần ông Tập chi tiền ra thực hiện những cam kết để ông có thể biện minh cho những nhượng bộ có tính cách địa chính trị của ông.
Ông Heydarian nói :
"Nếu không, chắc chắn chúng ta có thể kết luận rằng những hứa hẹn và cam kết đó chỉ là những lời nói rỗng, và Philippines đã bị Bắc Kinh lừa đảo. Sự ngây ngô của ông Duterte với Trung Quốc là một vố chiến lược cho Bắc Kinh, không còn nghi ngờ gì nữa. "
Bộ trưởng Tài chính Philippines Benjamin Diokno nói kỳ vọng rằng tất cả các cam kết của Trung Quốc sẽ trở thành hiện thực chỉ sau hai năm, là không hợp lý, nhưng các giới chức ở Manila hy vọng sự can thiệp của ông Tập sau chuyến công du Philippines có thể giúp đẩy mạnh các dự án đó.
Kế hoạch quy mô của ông Duterte để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng "Build, Build, Build", là trọng tâm của chiến lược kinh tế của Tổng thống Philippines, bao gồm 75 dự án ưu tiên, trong đó khoảng phân nửa dành riêng cho các khoản vay, trợ cấp hoặc đầu tư của Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo các tài liệu của chính phủ Philippines có thể được truy cập mà Reuters đã xem qua, chỉ có 3 dự án, hai chiếc cầu và một cơ sở thủy lợi, trị giá chung là 167 triệu đồng, là đã bắt đầu được xúc tiến.
Phần còn lại, gồm ba dự án đường sắt, ba đường cao tốc và chín cây cầu, vẫn nằm trong giai đoạn quy hoạch và phân bố ngân sách, hoặc đang chờ Bắc Kinh phê duyệt tài chính, hoặc là đang trong giai đoạn chọn nhà thầu Trung Quốc.
Cam kết đầu tư vào Philippines của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay chỉ lên tới 33 triệu USD, khoảng 40% của Hoa Kỳ và khoảng 1/7 các cam kết của Nhật Bản, theo Sở Thống kê Philippines, theo xu hướng tương tự như năm trước đó.
Giao thương giữa Trung Quốc và Philippines đã tăng đáng kể, nhưng dữ liệu cho thấy phần lớn chỉ có lợi cho Trung Quốc.
Áp lực tăng
Ông Duterte không tiếc lời ca tụng Trung Quốc, ngay cả nói ông "yêu" ông Tập, thậm chí có lúc còn đùa rằng Philippines là "một tỉnh của Trung Quốc".
Nhiều người dân thường Philippines cũng như các luật sư quốc tế và các nhà ngoại giao đều bày tỏ phẫn nộ về việc ông Duterte từ khước ngay cả nêu lên với Trung Quốc việc Philippines đã thắng trong vụ kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Trọng tài quốc tế (PCA) năm 2016, khi tòa án quốc tế tại La Haye ra phán quyết trao phần thắng cho Philippines, và khẳng định các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu hết Biển Đông là "vô căn cứ".
Ngoài ra, ông Duterte còn chống lại việc các nước Đông Nam Á đưa ra một lập trường thống nhất chống hành động quân sự hóa của Bắc Kinh tại một hội nghị thượng đỉnh khu vực tuần trước, ông Duterte cảnh báo chớ nên gây hiềm khích, bởi vì, theo lời ông, Biển Đông "bây giờ đã nằm trong tay của Trung Quốc".
Nhà phân tích Heydarian nói nếu ông Duterte không chứng minh được là chiến lược xoay sang Trung Quốc của ông đã mang về lợi ích kinh tế cho Philippines, thì vị thế của ông sẽ bị suy yếu trước các cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2019, mà kết quả có thể định đoạt sự thành công hay thất bại của nhiệm kỳ tổng thống của ông.
***************
Trung Quốc và Brunei tuyên bố thúc đẩy việc đồng khai thác Biển Đông (RFI, 20/11/2018)
Thăm Brunei ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Papua New Guinea, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah ngày 19/11/2018 cho biết là hai nước đồng ý đẩy mạnh việc đồng khai thác dầu khí tại vùng Biển Đông đang có tranh chấp giữa Bắc Kinh và 4 nước Đông Nam Á trong đó có Brunei.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah tại cung điện Nurul Iman. Ảnh ngày 19/11/2018. Reuters
Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã tăng cường hợp tác với Brunei, nước nhỏ nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, để thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng, nhấn mạnh rằng công cuộc hợp tác đó "không ảnh hưởng gì trên các tuyên bố chủ quyền của mỗi bên".
Sau cuộc gặp thượng đỉnh hôm qua giữa lãnh đạo hai bên, cả Trung Quốc lẫn Brunei đều cho biết họ hài lòng với tiến trình hợp tác về năng lượng và sẽ tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực trong lãnh vực đó.
Vào năm 2013, nhân dịp quốc vương Brunei thăm Trung Quốc, hai bên đã nhất trí thành lập một liên doanh giữa tổng công ty dầu khí hải ngoại Trung Quốc CNOOC và tập đoàn dầu hỏa quốc gia Brunei BNPC.
Một năm sau, liên doanh mang tên PBS-COSL đã được đăng ký tại Bandar Seri Begawan, thủ đô Brunei, và bắt đầu xây dựng sáu cơ sở khai thác bao gồm giàn khoan và nhà máy nén khí. Tuy nhiên, công cuộc hợp tác Brunei Trung Quốc rất chậm chạp.
Gần đây, sau khi ASEAN và Trung Quốc quyết định thúc đẩy việc hình thành bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông, hy vọng đẩy mạnh được việc đồng khai thác đã gia tăng.
Theo hãng tin Pháp AFP, là một nước mà nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu hỏa, trong những năm gần đây, Brunei đã quay sang tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung Quốc để đối phó với các khó khăn xuất phát từ việc giá dầu thế giới sụt giảm, còn mỏ dầu Brunei bắt đầu cạn đi. Dù là một trong 4 nước Đông Nam Á (cùng với Việt Nam, Philippines, Malaysia) mà tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông bị Trung Quốc tranh chấp, Brunei hầu như tránh lên tiếng trên vấn đề này.
***************************
Thủ tướng Hun Sen : Cam Bốt không cho lập căn cứ quân sự nước ngoài (RFI, 19/11/2018)
Phản ứng về một bức thư của phó tổng thống Mỹ Mike Pence tỏ ý lo ngại khả năng Trung Quốc được phép lập căn cứ hải quân tại Cam Bốt, thủ tướng Hun Sen hôm nay, 19/11/2018, tuyên bố Phnom Penh sẽ không cho lập căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình.
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến công du Cam Bốt 2016. Reuters/Samrang Pring/File Photo
Trong một cuộc họp nội các, mà nội dung được phổ biến trên facebook, ông Hun Sen nói rằng : "Hiến Pháp Cam Bốt cấm sự hiện diện của quân đội nước ngoài hay căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình" và "Cam Bốt không cần bất kỳ nước nào gây chiến tranh trên đất của mình như trong quá khứ".
Theo các nguồn tin báo chí, Bắc Kinh đã gây áp lực với Phnom Penh để được lập một cảng tại Koh Kong ở phía tây nam đất nước. Cảng này được sử dụng như một căn cứ hải quân nằm bên bờ vịnh Thái Lan, cho phép tàu bè dễ dàng vào khu vực Biển Đông. Trước các thông tin như vậy, phó tổng thống Mỹ đã gửi thư cho thủ tướng Hun Sen đề cập đến chủ đề trên.
Thủ tướng Cam Bốt khẳng định đó là những thông tin không đúng sự thật. Ông tố cáo có nhiều người đang "sử dụng sự có mặt đông đảo của các nhà đầu tư và du khách Trung Quốc như là một cái cớ nhằm vu khống Cam Bốt".
Vài năm gần đây, Trung Quốc đã bơm vào Vương Quốc Cam Bốt hàng tỷ đô la đầu tư, cũng như tín dụng và nhanh chóng trở thành một đồng minh của chính quyền Hun Sen.
Anh Vũ
Thủ tướng Hun Sen tố cáo Mỹ "nói dối" về việc cắt viện trợ (RFI, 03/03/2018)
Phát biểu ngày 03/03/2018 tại tỉnh Preah Sihanouk, thủ tướng Hun Sen khẳng định Mỹ đã ngưng viện trợ cho Cam Bốt từ năm 2016. Do vậy việc đại sứ Mỹ tại Cam Bốt trong tuần này vừa mới thông báo là Washington sẽ ngưng trợ cấp cho Xứ Chùa Tháp là thái độ "kém thật thà".
Ảnh minh họa : Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen. Ảnh ngày 25/02/2018. Reuters/Samrang Pring
Trước hàng ngàn công nhân ngành dệt may tại tỉnh Preah Sihanouk ở miền nam Cam Bốt, thủ tướng Hun Sen không ngần ngại cho rằng đại sứ Mỹ William Heidt đã "nói dối", bởi vì từ năm 2016, "16 triệu dân Cam Bốt đã không còn nhận được bất kỳ một khoản viện trợ nào của Mỹ cho ngành thuế".
Ông Hun Sen đặt câu hỏi : "Tại sao đại sứ Hoa Kỳ lại thông báo cắt viện trợ cho chính quyền Phnom Penh vào thời điểm này, phải chăng đó là một đòn nhằm làm xấu đi hình ảnh của Cam Bốt ?"
Hãng tin Reuters cho biết đại sứ Hoa Kỳ tại Phnom Penh hiện chưa có phản ứng về cáo buộc nói trên của thủ tướng Hun Sen.
Hôm 27/02/2018 ông William Heidt thông báo đình chỉ một số chương trình viện trợ cho Cam Bốt do những "bất ổn trong thời gian gần đây" tại quốc gia này. Một nguồn tin khác từ Washington cho hay Cam Bốt có thể sẽ mất tới 8,3 triệu đô la tiền viện trợ của Mỹ. Quyết định nói trên không liên quan đến các chương trình viện trợ trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp hay tìm kiếm bom mìn.
Reuters lưu ý : Mỹ trừng phạt chính quyền Cam Bốt đàn áp các tổ chức phi chính phủ và đối lập trong bối cảnh nước này bầu lại Quốc Hội vào tháng 7/2018.
Thanh Hà
**********************
Lao động nước ngoài không phép tại Campuchia đối mặt với án tù hoặc trục xuất (RFA, 02/03/2018)
Hôm 01/03, Bộ Nội vụ và Bộ Lao động Campuchia cho biết, khoảng 100.000 người nước ngoài làm việc không giấy phép sẽ bị phạt sau Tết Khmer và có thể sẽ phải đối mặt với án phạt tù và trục xuất nếu họ không nhận được giấy phép lao động hay nộp phạt. Mạng Thời báo Phnom penh loan tin hôm 02/03.
Một cậu bé người Việt ở Campuchia đang đẩy chiếc xe đựng rác trên đường phố Phnom Penh hôm 12/6/2011. AFP
Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp với Tổng giám đốc Cục xuất nhập cảnh Campuchia Sok Phal, viên chức Bộ Lao động Seng Sakda cho biết trước đây, những lao động làm việc trái phép tại quốc gia này sẽ phải trả 400.000 riel, hoặc khoảng 100 đô la/năm nếu bị phát hiện. Mức phạt cũng sẽ được áp dụng với bất cứ lao động nào làm việc trái phép kể từ sau Tết Khmer vào giữa tháng 4 tới đây.
Ông Seng Sakda cũng cho biết, hiện tại những lao động trái phép chưa bị phạt tiền ngay mà có khoảng 1 tháng để đến đăng ký làm thẻ và giấy phép lao động. Sau thời điểm Tết Khmer, nếu vẫn không có giấy phép, họ sẽ bị phạt từ 600 đến 900 đô la Mỹ theo Luật Lao động của Campuchia.
Ngoài ra, lao động nước ngoài từ chối trả tiền phạt có thể bị phạt tù đến 3 tháng và bị trục xuất hoặc bị trục xuất luôn mà không phải nộp phạt.
Thông báo này được đưa ra vài ngày sau khi Kem Sarin, người đứng đầu cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, thông báo khoảng 57.000 công nhân- trong đó 30.000 người Trung Quốc đã nhận được giấy phép làm việc nhưng khoảng 100.000 người vẫn không có. Ông nói thêm rằng nhiều công ty đã không hợp tác.
Theo một báo cáo hàng năm của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, trong năm qua, có 1.389 công nhân nước ngoài bị phạt vì không có giấy phép làm việc tại Campuchia.
*********************
Campuchia "sốc" vì Mỹ "khinh thường", cắt viện trợ (VOA, 28/02/2018)
Campuchia hôm 28/2 nói nước này buồn và sốc vì quyết định "khinh thường" của Hoa Kỳ về hạn chế các chương trình viện trợ do cảm nhận có những bước lùi về dân chủ ở Campuchia. Cùng lúc, Phnopenh cũng bênh vực hồ sơ dân chủ của mình.
Tình hình CPC bị xem là bất ổn sau khi đảng đối lập bị giải thể cuối năm 2017
Tòa Bạch Ốc hôm 27/2 cho biết họ đình chỉ hoặc cắt giảm một số chương trình viện trợ của Bộ Tài chính, USAID và quân đội dành cho các cơ quan thuế, quân đội và chính quyền địa phương của Campuchia - mà Tòa Bạch Ốc quy là do sự bất ổn gần đây.
Phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phay Siphan nói với Reuters hôm 28/2 rằng "Dù buồn và sốc vì quyết định của nước bạn về trợ giúp phát triển, Campuchia kiêu hãnh duy trì và tiếp tục phát triển dân chủ một cách nhiệt tình".
Ông Phay Siphan gọi việc cắt giảm viện trợ là "khinh thường" và "gian trá" trong lúc nước ông xây dựng dân chủ.
"Dân chủ thuộc về nhân dân chứ không thuộc về đảng phái đã bị giải thể", ông nói.
Đảng Cứu nguy Dân tộc đối lập đã bị giải thể hồi tháng 11 năm ngoái.
Phát ngôn viên Phay Siphan nói thêm : "Campuchia đã có kinh nghiệm cay đắng về can thiệp của Hoa Kỳ và các nước phương Tây, họ đã cố thiết lập dân chủ trong giai đoạn 1970-1975, và đã thất bại".
Thủ tướng Hun Sen chưa bao giờ tha thứ cho Hoa Kỳ vì đã ném bom vào Campuchia trong chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến kết thúc vào năm 1975.
Tòa Bạch Ốc cho biết Washington đã chi hơn 1 tỉ đôla để trợ giúp Campuchia ; trong thời gian tới, trợ giúp trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp và rà phá bom mìn sẽ vẫn tiếp tục.
**************
Cam Bốt : Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ (RFI, 28/02/2018)
Nhà Trắng ngày hôm qua, 27/02/2018, đã loan báo quyết định cắt giảm chương trình viện trợ cho Cam Bốt, nhất là trong lãnh vực quân sự, để phản đối những hành vi không tôn trọng dân chủ tại quốc gia này. Trong một thông cáo, Nhà Trắng nhấn mạnh rằng cuộc bầu cử Thượng Viện ngày 25/02 đã không "thể hiện ý muốn của người dân".
Um Sam An, luật sư của Đảng Cứu Nguy Dân Tộc CNRP, bị cảnh sát đưa tới Tòa án Tối cao Phnom Penh, Campuchia vào 09/02/2018. Reuters/Samrang Pring
Các khoản trợ giúp của Mỹ cho Phnom Penh lên đến hơn một tỷ đô la, nhưng theo Nhà Trắng, "những diễn biến gần đây ở Cam Bốt, với nền dân chủ bị thụt lùi, đã buộc Hoa Kỳ phải xem xét lại các khoản trợ giúp, để tiền thuế của người dân Mỹ không bị sử dụng vào việc hỗ trợ cho những hành vi chống phá dân chủ".
Như vậy, Mỹ sẽ chấm dứt hay đình chỉ một số chương trình hỗ trợ cho các chính quyền địa phương và quân đội Cam Bốt. Tuy nhiên, những khoản viện trợ trực tiếp phục vụ cho người dân trong lãnh vực sức khỏe, nông nghiệp, rà phá bom mìn trong những khu vực chiến tranh trước đây… vẫn được duy trì.
Hôm thứ Hai, 26/02, Châu Âu cũng từng đe dọa trừng phạt Cam Bốt sau cuộc bầu cử Thượng Viện thiếu dân chủ.
Trụ sở đảng đối lập bị tịch thu
Tại Cam Bốt, hôm qua, 27/02, trụ sở của đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt, đã bị ngành Tư Pháp tịch thu để trả tiền bồi thường 1 triệu đô la mà cựu chủ tịch đảng Sam Rainsy phải chịu do tội "phỉ báng" thủ tướng Hun Sen và chủ tịch Quốc Hội Cam Bốt.
Hãng tin Pháp AFP đã nhắc lại sự kiện theo đó ông Sam Rainsy bị cho là đã tố cáo thủ tướng Cam Bốt trả tiền một người để chỉ trích phe đối lập, và đã bị ông Hun Sen kiện ra tòa.
Trước phán quyết của tòa án, ông Hun Sen từng thông báo sẽ tịch thu tài sản của đảng đối lập, và bán đi trụ sở của đảng này.
Mai Vân
******************
Campuchia nói nền dân chủ không hề suy giảm và bị sốc khi Mỹ cắt viện trợ (RFA, 28/02/2018)
Campuchia vào ngày 28 tháng 2 cho biết họ lấy làm buồn và sốc bởi quyết định cắt giảm chương trình viện trợ mà Hoa Kỳ dành cho xứ này.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen bỏ phiếu tại một điểm bỏ phiếu ở tỉnh Kandal vào ngày 25 tháng 2 năm 2018. AFP
Phát ngôn nhân Phay Siphan của chính phủ Phnom Penh nói với hãng tin Reuters như vừa nêu ; đồng thời cho biết thêm là Campuhcia tự hòa duy trì và tiếp tục nền dân chủ với đầy sức sống.
Người phát ngôn của chính phủ Campuchia cho rằng biện pháp cắt giảm viện trợ từ phía Hoa Kỳ đối với chính quyền Phnom Penh là thiếu tôn trọng và không trung thực.
Vào ngày thứ ba 27 tháng 2, Nhà Trắng cho ngưng hoặc cắt giảm một số chương trình hỗ trợ giúp cho quân đội, ngành thuế và chính quyền địa phương tại Xứ Chùa Tháp.
Cũng vào ngày 27 tháng 2, một tòa án tại Campuchia ban hành lệnh tịch biên trụ sở của đảng đối lập chính Cứu Nguy Dân Tộc.
Trước đó thủ tướng Hun Sen, người cai trị Xứ Chùa Tháp hơn 30 năm nay, cũng có lệnh buộc đóng cửa một tờ báo tiếng Anh, cho bỏ tù những tiếng nói chỉ trích chính phủ, trong đó có lãnh tụ đối lập Kem Sokha với cáo buộc âm mưu cùng phía Hoa Kỳ nhằm lật đổ chính quyền của ông Hun Sen.
Các quốc gia Phương Tây và nhiều tổ chức theo dõi nhân quyền tố cáo chiến dịch trấn áp mà chính phủ của thủ tướng Hun Sen tiến hành trước kỳ tổng tuyển cử tại Xứ Chùa Tháp dự kiến diễn ra vào ngày 29 tháng 7 tới đây.
*****************
Campuchia tịch biên trụ sở đảng đối lập (VOA, 28/02/2018)
Một tòa án ở Campuchia đã ra lệnh tịch biên trụ sở của đảng đối lập vốn bị giải tán tháng 11 năm ngoái sau khi có phán quyết rằng họ dính líu tới âm mưu lật đổ chính phủ của Thủ tướng Hun Sen.
Trụ sở của Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia đối lập bị giải tán tháng 11 năm 2017
Một luật sư của ông Hun Sen hôm Thứ Ba cho biết Tòa án thành phố Phnom Penh phán quyết rằng trụ sở của Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia sẽ bị tịch biên vì cựu lãnh đạo của đảng, Sam Rainsy, đã không trả 1 triệu đô la theo phán quyết của tòa án vì đã bôi nhọ ông Hun Sen và bồi thường cho một lãnh đạo khác. Ông Sam Rainsy là chủ nhân của trụ sở bị tịch biên.
Vụ án được xem là một phần trong cú đẩy mạnh tay của chính phủ Hun Sen và Đảng Nhân dân Campuchia nhằm vô hiệu hóa các đối thủ chính trị và bóp nghẹt tiếng nói của những người chỉ trích trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7 tới đây. Hệ thống tòa án tại Campuchia được xem là bị chính trị hóa và thường đưa ra những phán quyết có lợi cho chính phủ đương nhiệm.
Hoa Kỳ cho biết sẽ đình chỉ hoặc cắt bớt một số chương trình viện trợ cho Campuchia, viện dẫn những trở ngại cho nền dân chủ tại Campuchia. Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders cho biết sau cuộc điều tra được tiến hành tiếp theo cuộc bầu cử thượng viện ở Campuchia, Hoa Kỳ sẽ đình chỉ hoặc cắt giảm một số chương trình hỗ trợ tài chính, phát triển quốc tế và hỗ trợ quân sự.
Bà Sanders nói cuộc kiểm tra được thực hiện để đảm bảo rằng các khoản tiền của dân thọ thuế ở Mỹ không ủng hộ các hành vi phản dân chủ.
Ông Sam Rainsy đã sống lưu vong từ cuối năm 2015 để tránh bị tống giam sau cáo buộc về tội phỉ báng. tháng 12 năm ngoái, ông bị kết án liên quan tới một bài đăng trên Facebook, trong đó ông cáo buộc ông Hun Sen đã trả 1 triệu đôla cho một đặc vụ chính trị để tấn công phe đối lập.
Ky Tech, một luật sư cho ông Hun Sen và Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin, cho biết tài sản tịch biên sẽ được trả lại cho Sam Rainsy nếu ông ta bồi thường 1 triệu USD cho ông Hun Sen và 62,500 USD cho ông Heng Samrin, theo án lệnh của tòa. Ông Sam Rainsy, người đang đứng trước một số vụ án hình sự hoặc đang chờ giải quyết hoặc đang được tiến hành, cũng bị buộc phải trả khoản tiền phạt 2.500 đô la cho chính phủ.